Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

Tình Bidong - Nhạc & Lời: Trần Thanh Đông - Hoà Âm: Anh Tú - Ca Sĩ Dzoãn Minh


Nhạc & Lời: Trần Thanh Đông
Hoà Âm: Anh Tú
Ca Sĩ: Dzoãn Minh

Bidong Hoài Niệm


(Thương gửi đến các thuyền nhân

Từng trú ngụ trên Đảo Bidong một thuở)

 

Trơ vơ nằm giữa biển xanh

Bidong đảo nhỏ vang danh khắp trời

Đêm ngày sóng dậy trùng khơi

Đem màu tươi thắm tô bồi đảo xinh

Cưu mang bao vạn sinh linh

Ôm người tị nạn thoát nghìn hiểm nguy

Tháng ngày kẻ đến người đi

Lệ buồn vương mắt, lệ rơi ngậm ngùi

Chia tay dạ lung bồi hồi

Mắt nhìn tận mặt bùi ngùi cách xa

Bao giờ ta được gặp ta?

Đường đời vạn lối bao la đất trời

Bidong chiều tím dần trôi

Chạnh lòng thổn thức vọng hồi cố hương

Việt Nam trăm nhớ ngàn thương

Nghìn trùng xa cách vấn vương não nề

Ngày đi không hẹn ngày về

Quê Cha Đất Tổ tái tê cõi lòng

Bidong ngày tháng chờ trông

Sớm chiều lặng bước lòng mong ước gì?

Hỏi người muôn nẻo đường đi?

Lắng lòng hoài niệm… nhớ gì Bidong???


Tiêu Nhơn Lạc

Viết tại Trại Tị Nạn Sungei Besi – Malaysia

Đêm 15.10.1990( Kỷ niệm 19 tháng ở đảo Bidong( thuyền nhân gọi là Bi Đát)



Thuyền Trên Sông

 

Thuyền xa rồi bến đổ
Trên dòng nước dâng cao
Lênh đênh thuyền xuôi ngược
Tiếng mái chèo lao xao

Có dòng sông che chở
Cho con thuyền ngược xuôi
Nghe lời reo của gió
Thuyền ưu phiền không nguôi

Khách đi thuyền chờ đợi
Người lái thuyền ngoài khơi
Đưa ai về xứ lạ
Thương cho người đi xa

Những lúc không còn khách
Thuyền một mình bơ vơ
Những ngày vui đã mất
Dòng sông cũng ngậm ngùi

Khi thuyền về bến đổ
Vui ngơi nghỉ bên bờ
Không thấy thuyền sang nữa
Sông lặng lẽ nhớ nhung

Thuyền với sông là bạn
Muôn thuở không rời xa
Thuyền vẫn đi xuôi ngược
Trên dòng sông thân yêu

Hồng Vân

Hạnh Phúc Nhọc Nhằn

 

Anh và em gặp nhau
Khi cả hai đều một lần dang dở
Vẫn còn trong trái tim những mảnh vỡ
Cuộc hôn nhân đầu, vết hằn chưa phai

Nỗi đau năm xưa, rồi cũng nguôi ngoai
Em đã hiểu những gì cần gìn giữ
Bạc tiền, danh vọng là phù du hư ảo
Khi cuộc đời chưa có phút bình yên

Anh cũng dặn lòng không bao giờ quên
Niềm đắng cay từng làm anh tê tái
Thời gian vô tình, chẳng quay trở lại
Cho anh nâng niu những ngày tháng đã qua

Nên chúng mình, như duyên nợ kết se
Nắm tay đi hết con đường định mệnh
Trân trọng từng ngày, yêu thương, rộng lượng
Quá khứ là bài học nhắc nhở nhau

Nên chúng mình, từ những vết thương đau
Một lần nữa, cùng làm lại tất cả
Dẫu buồn vui, gập ghềnh hay êm ả
Xin được mãi bên nhau, dù hạnh phúc nhọc nhằn

Kim Loan

Hương Xuân Mùa Cũ



Bài Xướng:

Hương Xuân Mùa Cũ

Như tách cà phê hơi tản bay
Xuyến xao chi lạ cái thân này
Đang chìm với mộng tìm hương cũ
Thể lướt cùng mây kiếm chén say
 
Cho thỏa niềm vui nơi đất khách
Để tan nỗi nhớ chốn lưu đày
Bao ngày khắc khoải chờ xuân đến,
Như tách cà phê hơi tản bay.


Thái Huy 
12/29/24
***
Bài Họa:

Say Tình Mộng Cũ


Vườn hoa lan tỏa vẫn hương bay
Hiu hắt đèn khuya ở chốn này
Một bóng cô đơn chìm cõi mộng
Hai lòng lặng lẽ cạn nguồn say

Đôi phương khắc khoải xa biền biệt
Bốn góc âm u lắm đọa đày
Nửa thế kỷ trôi ngờ đã tận
Say tình mộng cũ vẫn hương bay.


Kim Oanh
30.12.2024
***
Tình Vẫn Nồng Say

Cà phê thơm ngát tỏa hương bay
Nơi chốn ngày xưa, góc quán này
Tâm trạng luyến lưu dào dạt mộng
Cõi lòng mê đắm vật vờ say

Thời gian xa cách dường vô tận
Năm tháng chia ly ngỡ đọa đày
Gặp lại nào hay tình vẫn đậm
Cà phê thơm ngát tỏa hương bay.


Phương Hà
(30/12/2024)
***
Hương Cũ Vườn Xưa

Vườn xưa hương cũ ngát cao bay
Trút hết tâm tư gửi chốn này
Tô chuốt thơ văn nguồn bất tận
Thả rong chữ nghĩa ý nồng say

Thăng trầm thế sự vui mùi thế
Cúc tửu thanh lương thấm vị đày
Bừng khắp lòng yêu dường có phải
Vườn xưa hương cũ ngát cao bay


Kim Phượng

31.12.24
***
Xuân Biên Phòng
Cuối trời nghe rõ tiếng tàu bay
Rộn rã ngang qua chỗ đợi này
Chạnh nhớ thời xưa vui pháo nổ
Thầm thương thủa trước ngó rừng say


Nửa trăm năm vẫn than đau xót
Mấy chục Xuân còn sống đoạ đày
Trấn thủ lưu đồn nơi chiến tuyến
Tân niên chim hót đón mây bay …

Hawthorne 30 - 12 - 2024
Cao Mỵ Nhân
***
Hương Xuân Mùa Cũ


Thời gian mau tựa áng mây bay,
Nhìn lại quanh ta cuộc sống này.
Già trẻ thoáng như bao giấc mộng...
Vui buồn qua tợ một cơn say!

Nhẹ nhàng phớt tỉnh luôn nhàn tản...
Sầu khổ ghét ghen vốn khổ đày!
Xuân đến xuân đi xuân lại đến...
Mở lòng theo với áng mây bay!...

Đỗ Chiêu Đức

01-01-2025


Chúc Nhau Sống Vui Sống Khỏe Năm Mới Nhé


Đây là bài số bảy trăm bốn mươi ba (743) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ ORTB.

Tôi vừa mới loay hoay dọn cây Giáng Sinh ra để trang hoàng đèn xanh đèn đỏ chớp chớp nhấp nha nhấp nhánh làm ấm áp vui nhà một tí. Rồi lại lo gửi thiệp chúc mừng Giáng Sinh cho vui bạn vui bè, nấu ăn cho tiệc mừng sum họp gia đình thành viên họ Nguyễn Hữu, viết bài chủ đề Mừng Giáng Sinh cho mục Một Cõi Thiền Nhàn v...v... Bận thật!

Cô hàng xóm tốt bụng Maria đem biếu thức ăn Christmas kiểu Romania để gia đình tôi ăn cơm tối mừng Lễ Christmas. Vui thật!
Mời bạn cùng vui với gia đình chúng tôi youtube ăn tối mừng Giáng Sinh năm 2024 cho vui nhé:

Youtube Merry Christmas From Maria to Minh Suong 2024
https://www.youtube.com/watch?v=Upwn-S1qeME

Rồi mùa Giáng Sinh cũng qua, bây giờ tôi lại loay hoay tiếp tới mục Mừng Năm Mới 2025. Lại sẽ bận nữa nhỉ?

Nhiều khi chúng ta cảm thấy vui khi được bận để kết nối tình cảm thân ái với thân nhân, bạn hữu, hàng xóm v..v.. chứ nhiều người muốn được "bận" mà không được đấy như bệnh hoạn, già yếu v..v.. Bạn đồng ý chứ?
Ở đời có những điều nghịch lý vì các cô cậu tí hon thích mình mau lớn để có thể được làm những gì mình thích, còn mấy ông bà lớn tuổi thì lại muốn sống lại thời son trẻ. Nhưng có được đâu vì chúng ta phải tuân thủ theo luật thời gian, cái gì cũng phải tuần tự vi tiến, cái gì đã qua rồi thì không thể trở lại được, phải không Bạn?

Đối với những ai "không còn trẻ nữa", sau nhiều lúc "dấn bước thăng trầm" trên bước đường danh lợi, nếm đủ vị nhục vinh trong cuộc sống, bây giờ nhận chân ra được đời chỉ là những giấc mộng lớn, mộng nhỏ, như một thoáng mây bay mà thôi.
Người viết là một trong nhóm "không còn xuân xanh" đó xin được lui bước ẩn thân nơi chốn thiền nhàn, tìm vui trong sự chia sẻ kiến thức qua những bài sưu tầm, tâm tình qua thơ văn để sưởi ấm lòng nhau.

Xin đa tạ những bạn bè đồng tâm cảm và cũng xin tạ lỗi với những ai không cùng chung một cảm quan về cuộc đời, miễn là đừng làm đau lòng nhau là được.

Người viết bây giờ cũng không thích tranh luận nhiều vì có tranh luận nhiều cũng chẳng đi tới đâu và cũng chẳng lợi ích gì, mà đôi khi lại còn làm mất hoà khí với nhau, làm mất tình cảm quý mến nhau nữa là khác. Ngày xưa còn trẻ, tính tình còn nóng nảy, thành công dễ dàng trên đường học vấn và sự nghiệp, tôi cũng thích tranh luận lắm đấy chứ. Sức mấy mà tôi chịu thua ai vì nghĩ rằng mình giỏi mình tài. Bây giờ trải qua bao cuộc bể dâu của cuộc đời và được dịp đi nhiều nơi trên thế giới, tôi mới thấy còn có nhiều người còn giỏi hơn mình gấp bội. Tôi nhận ra rằng sở học và kiến thức của mình chẳng đáng vào đâu vì “Núi này cao còn có núi khác cao hơn nữa”. Đối với giới trẻ ngày nay, chúng ta phải khen phục các bạn trẻ này vì nói theo phim kiếm hiệp Hồng Kông thì đúng là “trường giang sóng sau dồn sóng trước” rồi.

Người viết cũng rất tâm đắc với nhận xét của nhà văn Tràm Cà Mau, một người bạn có lối văn rất dí dỏm của tôi, qua bài viết Tuổi Già Nên Phiên Phiến Mọi Chuyện, xin được chia sẻ cùng bạn nhé.

“Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vã nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu. Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Đừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá "lừng". Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình "lừng" đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám "lừng" với thiên hạ, mà về nhà lại "lừng" nhau làm chi cho mất vui. Ông thường nói, cứ chịu thua đi là khoẻ nhất. Ông đã thua, thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Đúng hay sai, ông tự biết. Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận, thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được đối phương mà không gây mất mát. Mỗi lần phải tranh luận với ai, thì ông nhớ lại chuyện ông Pol Pot. Ông nầy đã giết chết hơn hai triệu dân vô tội, tức khoảng một phần ba dân số Kampuchia của ông thời đó. Thế mà cuối đời, khi sắp chết, ông Pol Pot nói với một phóng viên Tây phương rằng, những điều ông đã làm, là lợi ích cho dân tộc của ông. Nhớ chuyện đó, làm ông đỡ ngứa miệng xen vào những cuộc tranh luận.”
(Nguồn: Trích trong Tuổi Già Nên Phiên Phiến Mọi Chuyện của Tràm Cà Mau)

Người viết thiển nghĩ, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng cần làm đời sống chúng ta được thêm vui vì khi chúng ta vui thì hình như chúng ta thấy mình khỏe hơn một tí, yêu đời thêm một tí và ham sống thêm một tí tị nữa. Bạn nghĩ sao?

Xin được chia sẻ những việc cần làm cho đời sống vui mà người viết sưu tầm được trên internet. Người viết đem về đây làm món quà tặng quý bạn để mừng năm mới sắp đến nhé.


Việc cần làm cho đời sống vui

2 việc nên làm khi gặp phải điều không vui:
1. Hãy bình thường hóa nó một chút.
2. Hãy nhìn khía cạnh tích cực chứa ẩn trong đó.

3 thứ cần phải quên:

1. Quên đi tuổi tác.
2. Quên đi quá khứ không vui.
3. Quên đi điều làm mình bực mình và sự oán giận.

4 thứ cần có:

1. Cần có được người hiểu và yêu mình chân thành.
2. Cần có người tri kỷ.
3. Cần có tư tưởng hướng thiện, lạc quan và thăng tiến.
4. Cần có được mái ấm gia đình.

5 thứ cần phải biết:

1. Biết ca hát, dù hát không hay. Vì khi gặp điều buồn, nếu bạn cố gắng hát nho nhỏ được một bài nào đó, bạn sẽ thấy nỗi buồn của bạn vơi đi rất nhiều.
2. Biết nhảy múa, dù múa không giỏi.
3. Biết nhìn ra được cái đẹp và cái tích cực trong cuộc sống.
4. Biết mỉm cười với cuộc đời, để cuộc đời mỉm cười lại với bạn.
5. Biết tha thiết và ân cần, rộng lượng và hào hiệp.

6 thứ không được làm:

1. Không để quá đói rồi mới ăn.
2. Không để quá khát rồi mới uống.
3. Không để nhíp mắt lại rồi mới đi ngủ.
4. Không để quá mệt lã rồi mới chịu nghỉ.
5. Không để bệnh quá nặng rồi mới chạy chữa.
6. Không chờ đến lúc quá muộn, để rồi ngồi ân hận.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Lòng từ bi giúp đỡ những người nghèo khó không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Mời xem youtube buổi phát quà mừng NEW YEAR cho dân nghèo xứ Phật được thực hiện tại hai làng Kenari và Haripur Village, dưới chân núi Kê Túc Sơn, cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 40 cây số do Hội Từ Thiện Trái Tim Bồ Đề của Thầy Thích Tánh Tuệ thực hiện.

Thành phần quà tặng cho 282 hộ gia đình nghèo, mỗi hộ gồm có: 10 ký Gạo và bột Chapati, 1 tấm Chăn, 1 bộ áo Sari, muối, đường, bánh ngọt cho trẻ em, và phát thêm 100Rupees tiền mặt.

Youtube Phát Quà NewYear 2025 tại Núi Kê Túc INDIA- Thích Tánh Tuệ
https://www.youtube.com/watch?v=FCDBC4sA9u4

Cuối năm để cho tinh thần thư giãn một chút, người viết xin mời bạn đọc bài thơ hay hay, đầy thiền vị dưới đây nhé:

Những Ngón Tay Lao Xao

 

Những ngón tay lao xao
Tranh giành từng cấp bậc .
Ngón tay Giữa cao đầu
Bảo rằng: "Tôi lớn nhất!"
Thôi đi anh, trật lất! "
Ngón tay Trỏ cất lời
" Tôi mới là quan trọng
Sai xử mọi việc đời.
- Chẳng phải đâu ông ơi!
Tôi mới là chủ yếu
Ngón đeo Nhẫn đời người
Thiếu tôi, ai lo liệu?
Ngón tay Cái không chịu
"Tất cả nói sai rồi" .
Tôi mới là số một
Sức mạnh về tôi thôi !...
Từng ngón tay cứ thế
Chẳng ai chịu nhường ai
Chỉ ngón Út lặng lẽ
Nhìn các anh thở dài…
Khi bàn tay chắp lại
Trang nghiêm trước Phật Đài .
Ngón Út đứng trước cả
Đối diện cùng Như Lai.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Nơi chốn hồng trần lao xao này, các ngón tay cũng lao xao theo, chỉ có ngón Út tuy nhỏ bé, hiền lành, không thích tranh giành với ai, vẫn là được đứng trước Phật Đài để diện kiến Như Lai trước tiên. Con người cũng vậy, nếu Bạn không thích bon chen trên đường danh lợi, lắng tâm tĩnh lặng thì Bạn có thể dễ dàng tìm được cái Chân Như ngời sáng của mình trước tiên. Bạn nghĩ sao?

Một năm cũ đã qua và một Năm Mới sắp đến, người viết xin chúc quý bạn được dồi dào sức khỏe, thân an trí lạc để có thể sống vui sống khỏe giữa chốn bụi hồng lao xao này, Bạn nhé!

Happy New Year!

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 743-ORTB 1174 1-1-25)

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Kỷ Niệm - Nhạc & Lời: Nguyên Bích - Hòa Âm: Quang Đạt - Ca Sĩ: Ngọc Quy


Nhạc & Lời: Nguyên Bích
Ca Sĩ: Ngọc Quy

Trăng Sao!

 

Con chữ thì thầm lời thật
Ngày vui thơ đêm ngây ngất dường bao
Sao treo như ánh đèn màu
Ngỡ đôi mắt đượm ngọt ngào sáng soi
Chạm vào tận trái tim tôi
Xôn xao nhịp đập trói đời cho nhau

Trăng thao thức quyện ngàn sao
Nghê thường vũ khúc bước vào vườn yêu
Thướt tha khoác áo lụa điều
Vòng tay xoay bước tim khêu lửa lòng
Trăng khuya khuất bóng ngoài song
Giấc mơ huyền ảo chìm trong canh tàn

Dòng xoay k​ý ức mơ màng
Bao mùa luân chuyển vẫn mang dáng hình
Suốt thời bóng mắt lung linh
Ấm êm nhè nhẹ qu​ấn quanh chỗ nằm
Như sợi tơ buộc trăm năm
Trăng sao ​kế​t chặt ​mố​i tằm se duyên!

Kim Oanh


Hôm Nay

 

Anh thấy em trong mơ

Hay đang ở ngoài đời…

Ô kìa…hồn anh là mộng mơ!

Còn cõi đời thì đầy ngang trái!


Anh nhớ em trong quá khứ…

Hay mơ tưởng ở tương lai…

Tình yêu nào…rồi cũng lạc phai!

Tương lai…thì đời nhiều lối rẽ!


Em ơi, thôi đừng để trễ…

Hãy dồn hết cho hôm nay!

Tim anh đang ngất ngây!

Hồn anh đang bay bổng!


Xin gió mây đừng lạc lõng

Hởi nắng vàng đừng phôi pha

Cho men tình say đắm mặn mà

Và xin đời ta… cứ như thế!


Nhưng thời gian chẳng ngừng trôi

Ôi…vừng hồng sắp khuất lưng đồi

Kim đồng hồ không chạy ngược

Mộng mơ…về chốn đời đời!


Tô Đình Đài

Quê TôI

 

Qua cầu Dinh cảnh đẹp như hoa
Cây trái xanh tươi, khí dịu hòa
Núi Vọng giăng mây chờ nắng ngã
Hòn Hèo đội mũ gọi mưa sa
Tối nghe trống sấm rền Thiên Bửu
Chiều thấy cò bay sáng Ổ Gà
Thương kẻ chân quê đời vất vả
Nên sông Dinh chở nặng phù sa

Vinh Hồ

Chớm Hạ Có Chi Vui


Sau hai ngày vui chơi đầy sức khỏe, bữa ni trước khi làm việc khác cũng muốn viết tường trình vài hàng, để các bạn Nữ Trung Học Thành Nội đọc cho vui hỉ.
Bởi ngày xưa rất mê hình ảnh người lính phóng viên tiền tuyến, nên giờ chừ hắn lạm vô máu ảnh hưởng hồi mô chăng? Ai dè bà già đã “thất thập cổ lai hy “ mà đi mô cũng cầm cái phone ưa chụp hình từ đám tang, họp mặt, lễ lượt vui chơi. Nhiều lúc bạn bè nói “ chụp một phone sẽ chuyển lại, nhưng tánh tui ưa ăn chắc sợ mấy bạn già có lúc nhớ nhớ quên quên giống mình, nên nhất định muốn có hình trong phone mình mới được, khi tường thuật có hình ảnh kèm mới hấp dẫn chớ bộ.

          5 giờ sáng thứ bảy, Đặng Nga nhắn “ Nga đang ở Mỹ, bằng mọi cách phải thăm Cô hiệu trưởng, làm răng chị em mình có thể gặp mặt”. Nhắn qua lại vài dòng, Nga gọi phone trực tiếp
_ chiều ni Nga lên San jose nè
Tôi mừng rỡ
_ Ồ như rứa trên tuyến đường về Sacramento, xe sẽ ngang qua nhà mình, ngày mai nếu có thể đón được từ 2 giờ trở xuống, vì buổi sáng mình bận đi dự lễ ngày “ QLVNCH “.
_ À , như rứa xe Nga sẽ ghé đón chị
_ ôi mừng quá, tụi mình đã đủ duyên rồi
           Ngày thứ bảy tui lật đật đi chợ, vui chơi vẫn không quên nhiệm vụ nấu vài món cho ông dôn, vì chương trình sẽ ngủ lại nhà Cô một đêm. Tối nớ gọi xe đò Hoàng đặt vé cho chuyến về ( vì gia đình Đặng Nga sẽ ra phi trường về lại Seattle ), nhưng thứ hai không có hành trình về San jose, thứ ba mới bán vé. Tui ham vui vẫn theo Nga, nghĩ “ tới mô thì tới, ở lại thêm đêm nữa cũng không răng mô, chẳng lý không có ai chở được mình ra bến xe sáng sớm thứ ba ?!!


            Chủ Nhật đúng 2 giờ tui về tới nhà sau buổi dự lễ thì xe gia đình Nga đến trước 5 phút. Chao ơi! gặp lại Nga sau 9 năm vẫn tươi trẻ duyên dáng, đặc biệt anh Phước (anh xã Nga) nét mặt hiền hoà lịch sự ...lễ phép lạ thường, một chút anh “dạ”, hai chút anh “thưa” răng mà nghe dễ mến, thấy bình dân gần gũi lắm. Đã rứa ra xe anh còn ngồi chui sau góc, dù tui mời gọi anh ra ngồi trước duỗi chân cho thoải mái, nhưng anh lắc đầu lia lịa và giọng nhỏ nhẹ “ dạ tui ngồi đây cũng thoải mái “.
Trên đường chạy xe con trai Nga lái, ngồi bên là dâu, hàng ghế giữa tui và Đặng Nga thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện, ghế sau anh Phước im lặng từ đầu tới cuối, làm tui liên tưởng mấy O con gái Huế“ một chiếc lá rơi cũng làm em hoảng sợ..”

      Vê tới gặp Cô, ui chao đứa học trò cưng từ Việt Nam xa xôi cách nửa quả địa cầu xuất hiện trước mặt Cô, mần răng Cô không cảm động cho được. Cô trò ôm nhau chặt, Đặng Nga ôm Cô mò ...bụng, không phải mò túi tiền của mạ mô nợ, mấy mạ xưa may túi áo lót rộng đựng tiền kè bên mình cho ăn chắc, chứ mạ ni tiền hưu được chuyển trực tiếp vô bank, nên không sợ ban đêm ngủ say bị ai mò tiền hết á.
Chiều dùng cơm có Kim Xuân đem mít tới, cô trò nói chuyện rộn ràng khiến thầy Fred nhìn bằng ánh mắt trìu mến, chắc thầy nghĩ “ răng mà vợ tui được học trò thương yêu dữ rứa, ngôi nhà luôn tiếp đón học trò từ mọi phương tới thăm, tổ chức những buổi đi chơi cùng Cô nữa …”. Nói chuyện cho đến khi ánh nắng ngoài song cửa đã tắt, và màu hoàng hôn đang phủ dần, Kim Xuân hoảng hốt đứng lên kiếu từ ra về, nhưng câu chuyện của Đặng Nga hấp dẫn quá, bao nhiêu lần Xuân đứng lên rồi lại ngồi xuống, bị thôi miên theo mấy bài thơ tếu, nhất là có bài kèm hình ảnh Nga đứng trên cao bên hàng rào chưởi..., có lẽ chưởi ông hàng xóm, chưởi bằng giọng Huế của mấy mạ xưa nghe mới thích chớ, mới nhớ quê hương đó nợ.


Cũng giới thiệu thêm ở vùng Sacramento có Kim Xuân, Huỳnh Thơ và Vinh Phạm là ba học trò, được xem như ba O con gái gần gũi lo cho mạ, khi đem thức ăn, khi chở mạ đi đây đó, khi tới chăm sóc việc này kia rất yêu thương. Có lúc trò …la vì cái tật mạ hay quên, nhưng mạ cười hì hì nói “ tụi bây la là thương, la chi tao cũng khoái cả, vì có thức ăn đem tới ngập mặt, nhất là mỗi khi có học trò khác tới thăm”.
         Đêm khuya bắt Cô đi ngủ đúng giờ, nhưng Cô cứ nấn ná hoài theo những câu chuyện về lịch sử mà Nga phân tách bình luận thiệt rõ ràng và hay. Nga đưa hình ảnh thuê xe trèo núi, trèo đèo lên tận mấy miền thật xa gặp người thượng du, đem thực phẩm, và tiền bạc lên phát. Khi người miền Thượng du nghe thông báo tin trước một ngày, họ đã thức dậy đi bộ từ 3 giờ sáng, tính cả 7, 8 tiếng mới đến nơi nhận quà, nghe thương chi lạ. Ngoài ra tại thành phố Nga có mở quán chè, chỗ cơm chay, cơm mặn chủ yếu phục vụ những người lao động ( đạp xích lô, lượm ve chai, già nua nghèo khổ ..v..v..) miễn phí không trả tiền. Tiếp tục là danh sách những bà cụ neo đơn trên 80 tuổi khổ cực được phát tiền cố định hàng tháng. Nga nói “tất cả những việc từ thiện trên đều nhờ những tấm lòng tốt từ mọi nơi gởi đến, đồng thời các thiện nguyện viên cũng góp một bàn tay mới được hoàn thành tốt đẹp như vậy”. Tui không ngạc nhiên với con người năng nổ về những chuyện giúp đời, đã hoạt động trên 10 năm nay, nhưng rất phục với sức khỏe của tuổi không còn trẻ mà dám liên tục đi những vùng xa xôi hẻo lánh đầy nguy hiểm.
Nga cười
- Mạ Nga thường nói “ ở tốt không lo lỗ vốn “, Nga nghiệm lại chắc là rứa, gặp mọi chuyện khó khăn rồi cũng qua, và ông trời bè thêm sức khỏe như..trâu vật mới đi được như vậy.
Cố níu kéo thời gian thì cũng phải đi ngủ thôi. Câu chuyện tạm chấm dứt, bàn tròn giải tán. Hai đứa vừa bước về phòng thì giật mình, ui chao ...Cô đã sửa soạn hai giường song song được trải nệm gối, mền ngay ngắn. Thiệt là ốt dột bởi mắc cái tội ham nói chuyện, vì trước đó có vào phòng thay quần áo chưa thấy gì. Hai đứa gọi Cô
- Cô làm hồi mô ri, xấu hổ hai đứa để Mạ già chăm sóc
Cô cười hề hề
-  Thì bây tới mạ phải lo chứ, thôi ngủ đi hai cô nương
Giấc ngủ thẳng dài thiệt ngon không mộng mị vì mộng đã gặp.

***



Sáng Cô vô kéo mền
- Mấy O ơi, ngủ kiểu chi mà nắng đã lên cao rồi tề ...
- hì ..hì....
Thức dậy uống cà phê, tiếp tục nghe Đặng Nga kể chuyện tếu, sáng sớm lại chào nhau bằng cái ôm bụng vì cười nhiều. Tui cũng học hỏi rất nhiều điều từ cách điều chỉnh hệ thống Photoshop, đi chơi đâu muốn airdrop thì tắt WiFi, nghe ôn về lịch sử nước VN, cách nấu nhiều món ăn sáng chế kiểu Huế, và hiểu thêm những sự kiện trong nước. Nếu còn được gần lâu hơn thì sẽ  học thêm về cách xử dụng internet, phone, Facebook  thỏa thích biết mấy nữa hè!!!

           9 giờ sáng vợ chồng Huỳnh Thơ tới. Nhà hàng Tiểu Bích bắt đầu mở cửa, đầu bếp Huỳnh thơ ra tay sửa soạn nào gỏi xoài cà rốt, mì xào seafood , chả giò, chè Khúc Bạch, trái cây hái từ nhà lên, đặc biệt món chính là mì quảng với dĩa rau bắp chuối xắt thiệt mỏng nhìn đã chảy nước miếng rồi. Kế tiếp Vinh Phạm tới đem theo hộp trái cây Cherry với vẻ mặt bực dọc. Tui hỏi
- bị dôn la hay răng mà u sầu như rứa
Vinh thở dài
- Chị xem có tức tánh đãng trí của em không, nhà em bữa ni kỵ bà nội, em nghe bên ni có chị Đặng Nga tới cùng mấy chị, dậy 4 giờ sáng làm kem Flan bỏ tủ lạnh, và nấu vài món cúng, trưa cháu gái rảnh nhờ chở tới thăm chị Nga một tý, để chồng ở nhà lo cúng quẩy dùm tiếp. Em quýnh quáng quên mất kem Flan đem theo, giữa đường ghé chợ mua đỡ ít trái cây, thiệt là bực mình …
Tui nói
- Bực mình chi em, các chị đã nhận tấm lòng của em rồi, ăn chỉ là phụ, tình mới quý.
Rứa rồi buổi cơm trưa có chồng con của Đặng Nga tới ( ở khách sạn ), vợ chồng đầu bếp Huỳnh Thơ, Vinh và hai con trai Niệm, Đức của Cô tình cờ đến. Vui ơi là vui, thức ăn ngon, duyên gặp gỡ hiếm quý nên câu chuyện râm ran cả buổi. Sau cùng vợ chồng Mai Trang tới, để tui kể dài dòng chút nghe….

            Chủ nhật vợ chồng Mai Trang tình cờ về nhà bà con mừng cháu ra trường, lẹ làng đến thăm Cô, đi ăn trưa chung có Kim Xuân, chiều về nhà bà con dự tiệc. Xuân kể tụi tui nghe lúc ăn chiều tại nhà Cô, tui tức tốc gọi phone liên lạc, Mai Trang hứa sẽ ở lại thêm ngày nữa, ngày mai ( thứ hai ) sẽ  quay trở lại gặp Nga, luôn tiện chở tui về San jose.
Giới thiệu: Mai Trang, tui, Đặng Nga, chị Xuân Ba, Tuyết Hạnh năm 2013 lần đầu tiên họp mặt trường Nữ Thành Nội ( chi nhánh trường Đồng Khánh ). Bọn tui làm thơ cho vui về ngôi trường, chị XB và TH quen anh Bảo Trâm chuyên làm tranh thơ, chị nhờ làm trang Tranh Thơ cho trường, tụi tui được ké và duyên hội ngộ sáu anh em kết nhóm. Mỗi tối sau khi cơm nước xong xuôi, đúng 8 giờ là nhóm tụi tui có mặt trên Mail nói dốc, làm thơ đùa nghịch nối tiếp nhau tìm niềm vui. Sau này ai cũng bận rộn nên từ từ tắt tiếng, nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc hỏi thăm nhau.


            Tụi tui mừng rỡ khi Mai Trang xuất hiện, kéo Cô ra chụp hình dưới trưa, quên tuổi Cô đã gần 90. Cô vẫn hiền hoà ai chỉ răng làm rứa một cách vui vẻ. Vô ngồi bàn ăn chè Khúc Bạch và trái cây, Cô ra câu đố nghịch, học trò được dịp cười muốn vãi nước...mắt, và tấn công lại Cô, bị Cô la “ Mấy con yêu bánh nậm…” vui chi lạ hè.
Kể thêm chút về con dâu của Nga thiệt lễ phép lanh lợi. dành rửa chén bát, mấy Dì và Mẹ chen vô cháu không cho, bảo “ ra hết cho con làm”. Cháu còn chụp hình đủ cảnh đủ kiểu cho Bà, Mẹ và mấy Dì, nói tiếng Việt rành. Đi ngang chợ cháu dành phần ghé vào mua trái cây đặc biệt thăm bà dùm mẹ. Chời ơi!ở xứ Mỹ này tìm con gái như rứa cũng hiếm chớ hỉ ?!!!
           Cuộc vui nào rồi cũng phải chấm dứt. Chiều gia đình Nga ra phi trường trở lại Seattle. Tui theo xe Mai Trang, anh Quang về San jose. Đúng như tui thường nói trong tử vi “có cung nhờ bạn “. Đi liều về, nói ra là có Kim Xuân dong tay “ em chở chị ra bến xe “, Cô nói “ mi lo chi rứa, Xuân bận thì có Thầy đây chở đi mà. Thiệt tình nhìn Thầy tuổi đã hơn 90 , thấy Thầy đi bằng walker nên tui rất ái ngại. Nghe Cô, Kim Xuân nói mà tui cảm động và vui rứa thê. Phút cuối thì đúng là số luôn được hưởng ké bè bạn.

          Ngồi viết tường thuật mà trong lòng hắn vui dễ sợ, nhìn hình ảnh mà con tim ấm áp chi lạ luôn, như đoạn văn của Mai Trang trong bài viết mô đó, răng tui cứ nhớ hoài rứa tề “ Về với ký ức tuổi xanh, nơi có bạn bè hiền như thỏ, đêm đêm nằm gặm cỏ dưới ánh trăng thanh ...” . Nếu có cảnh ni hoài chắc tuổi thọ mình sẽ được tăng thêm phải không các bạn ơi !!!?
Cám ơn Đặng Nga trèo đèo lội suối từ Việt Nam qua đây đùm theo tui đi đến nhà Cô. Cám ơn anh Phước chịu khó ngồi co chân quãng đường dài, có hai bác sĩ trên xe làm tui yên tâm với bệnh cao áp huyết bất thường. Cám ơn O Xuân cho hưởng mít ngon ngọt, và luộc thêm hột mít theo cách Nga chỉ ăn bùi bùi. Cám ơn O Thơ làm đầu bếp cho nhà hàng Tiểu Bích thịnh soạn. Cám ơn O Vinh trái cây tươi mát. Cám ơn Mai Trang chở tui về đến chốn an toàn.


Cám ơn Cô luôn dang vòng tay ôm lũ học trò bằng tình thương bao la rộng lớn dưới mái trường xưa, nhớ thầy cô dạy điều trước nhất “ Tiên học lễ, hậu học văn” . Ngày ni dầu đã gần 50 năm, dầu đám học trò tung cánh lưu lạc khắp muôn phương, nhưng luôn áp dụng câu “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư “. Tụi tui đang quay về mái trường một thời có cô Tôn Nữ Tiểu Bích làm hiệu trưởng.

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 6/18/2024