Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Mấy Mùa Xuân Em Chờ - Thơ Duy Quang - Phổ NhạcThiên Lý


Thơ & Youtube: Duy Quang 
Phổ Nhạc:Thiện Lý 
Hoà âm: Võ Công Diên, 
Tiếng Hát: Thùy Dương

Bạn Phạm Ngọc Thiệp Từ Trần

Vô cùng thương tiếc báo tin: bạn Phạm Ngọc Thiệp, cựu học sinh Tống Phước Hiệp NK 62-69, đã vĩnh viễn ra đi tại quê nhà Bình Hoà Phước huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long, sau một ngày trở bệnh.



Hình ảnh: Lê Ngọc Điệp


Thơ Tranh:Hạnh Phúc Nơi Nơi

Mùa Xuân vắng anh! Nguyện cầu cho anh......

Hình Ảnh: Lê Kim Hiệp
Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Nhớ Blog Long Hồ


Lời chúc sắp đầu năm gởi Kim Oanh, cô làm thơ
Sang năm mới tới,
rộn ràng chăm sóc vườn thơ.

Xuân Nhớ,

Tôi đến Vĩnh Long tìm lối đến Long Hồ,
ở một tháng, ba sương,
rồi đi, đi mãi quên về.

Cứ tưởng là quên sao nhớ,
nhớ mãi nên chờ,
dù chỉ trong mơ,
người làm thơ.

Hoa ơi,
chim ơi.
Có nghe dáng Xuân về,
mà chờ,
đợi nhau.

Xuân mai, anh về.


Đỗ Đức Viên
Chiều tàn năm.

Long Hồ Vĩnh Long Blog Chúc Xuân Đinh Dậu



Trước thềm Năm Mới bước sang
Biên Tập mong ước Blog Trang vui vầy
Sức khoẻ kính chúc Cô Thầy
Dân an Quốc thái trải dài Quê hương
Thân bằng Quyến thuộc bốn phương
​Chung xây​ hạnh phúc yêu thương ​hiệp lòng
Đinh Dậu 2017 tươi hồng
Vui Xuân nâng chén rượu nồng chúc nhau!

Kim Oanh
Tết Đinh Dậu 2017

Chúc Mừng Năm Mới 2017



CHÚC mừng năm mới vui tươi
MỪNG ngày ấm áp tiếng cười long lanh
NĂM hân hoan gió an lành
MỚI như giọt nắng nghiêng cành trên cao
AN vui hạnh phúc ngọt ngào
KHANG an sức khỏe dồi dào an khang

LỘC nghiêng cành biếc rỡ ràng
NGHIÊNG lời chim hót mênh mang đất trời
CÀNH xanh ân sủng khắp nơi
PHƯỚC gieo mầm biếc đâm chồi nụ hoa
VAI quàng tình nghĩa thiết tha
QUÀNG thêm tiếng hát ngợi ca tuyệt vời
XUÂN qua lai láng yêu đời
VUI cùng bè bạn cùng người tri âm

Trầm Vân

Bài Hát Mừng Xuân - Nhạc Sĩ Nguyễn Tâm Hàn - Tâm Thư


Nhạc Sĩ  Nguyễn Tâm Hàn 
Hòa Âm: Đặng Vương Quân
Tiếng Hát:Tâm Thư

Chúc Mừng Xuân Mới Đinh Dậu



Đông chưa tàn xuân lại sang
Chào năm mới pháo hoa sáng vòm trời
Người vui đón Tết mọi nơi...
Trao nhau lời chúc tuyệt vời đầu năm
Người già sống khỏe trên trăm
Con ngoan hiếu thảo, trò chăm học hành
Việc làm tốt dư tiền dành
MỪNG cho đôi trẻ ngày lành cưới nhau
XUÂN toàn thực phẩm sạch nào
VẠN niềm hạnh phúc ngọt ngào bền lâu
SỰ nghiệp vững chẳng lo âu
NHƯ đào mai nở trúng vào tất niên
Ý tình thương mến vô biên
NGUYỆN cho thế giới bình yên đẹp giàu...

Phựợng Trắng
Canada, Xuân Đinh Dậu 2017

Lời chúc Đầu Năm



Đầu Năm gửi tới một lời
Toàn gia năm mới cuộc đời đẹp tươi
Quanh năm rộn rã tiếng cười
Sống trong gia cảnh niềm vui hiền hòa
Cháu con thành đạt thăng hoa
Vạn sự như ý chan hòa hanh thông

Nguyên Khang
01/01/2017

Năm Con Gà Nói Chuyện... Con Kê!



KÊ 鷄 là từ Hán Việt chỉ Con Gà, Gà là Kê, Kê là Gà, là ... Gà Kê Dê Ngỗng. Bà con ta thường nói thành " Cà Kê Dê Ngỗng ". Năm Gà nói chuyện...con Kê là nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, chuyện bao đồng về con gà để nghe chơi khi trà dư tửu hậu.
GÀ được xếp hàng thứ Mười, thuôc chi DẬU trong Thập Nhị Địa Chi. Năm nay Thiên Can nhằm chữ Đinh, nên năm 2017 là năm ĐINH DẬU. Nam phương Bính Đinh thuộc Hỏa là Lửa, hợp với chi Dậu là Con Gà. Nên ĐINH DẬU là Con Gà Lửa ... mà con gà bỏ vô lửa thì thành ... Con Gà Quay. Vậy là năm 2017 nầy bà con ta tha hồ mà hưởng lộc " Gà Quay " nhé ! Không sợ bị đói như năm ẤT DẬU 1945. Vì Đông Phương Giáp Ất thuộc Mộc, nên ẤT DẬU là con gà bằng ...Mộc, bằng Cây, mà gà bằng Cây thì làm sao ăn cho được, không đói mới là lạ !
GÀ là KÊ 鷄, KÊ là chữ Tượng Hình trong Lục Thư, là cách đầu tiên trong 6 cách tạo hình của Chữ Nho ... dễ học, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư

Ta thấy:
Giáp Cốt Văn là hình tượng của con gà trống hiên ngang với cái mỏ hướng về bên trái và cái vương miện vươn cao ở trên đầu, hai cánh bên dưới xòe ra như đang đập cánh chuẩn bị cất cao tiếng gáy vào buổi sáng. Nhưng qua Đại Triện và Tiểu Triện do sự biến thiên của chữ viết qua các thời đại, chữ KÊ 鷄 được hình thành bởi Hình Thanh ( Cách tạo chữ thứ 4 của Chữ NHO ... dễ học ) với chữ HỀ 奚 bên trái chỉ Âm và chữ ĐIỂU 鳥 bên phải chỉ Ý, nên chữ KÊ hiện tại được viết như thế nầy 鷄, chữ Điểu bên phải có thể thay bằng bộ CHUY 隹 là Loài chim đuôi ngắn, nên chữ KÊ cũng được viết như sau 雞. Ta có 4 hình thức của chữ KÊ:
Vì đến 2 hình thức chữ Phồn Thể, mà chữ phức tạp nhất có đến những 21 nét, nên KÊ thuộc dạng chữ khó nhớ ngày xưa khi học chữ Nho, cho nên mới có câu chuyện vui " Tam Đại của Con Gà " sau đây về ông Thầy Đồ...dốt. Truyện kể :
Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời " Xấu hay làm tốt, dốt hay ... xổ Nho ", đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. 
Một hôm, đang dạy sách Tam Thiên Tự 三千字, sau chữ " Tước 雀 " là chim sẻ, đến chữ " KÊ 鷄 " là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy quýnh qúa, nói đại nói càn : " Dủ dỉ là con dù dì ". Thầy cũng khôn, sợ lỡ sai người nào biết thì mắc cở, mới bảo học trò đọc nhỏ thôi, tuy vậy, trong lòng thầy vẫn lo âu thấp thỏm.
Nhân trong nhà có bàn thờ Thổ Địa Thần Tài, thầy mới đến khấn thầm xin ba keo âm dương để xem chữ đó có phải thật là " dù dì " không. Thổ công cho ba keo đều được cả ba.
Thấy vậy, thầy lấy làm đắc ý lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:
- Dủ dỉ là con dù dì ! Dủ dỉ là con dù dì...
Ông cha của sấp nhỏ đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng con học, ngạc nhiên mới bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, rồi hỏi thầy :
- Thầy ơi ! Chữ " KÊ 鷄 " là gà, sao thầy lại dạy thành " dủ dỉ " là con " dù dì " ?
Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm : " Mình đã dốt, Thổ Địa Thần Tài nhà nó còn dốt hơn mình nữa ", nhưng Thầy cũng lanh trí, nên vội nói đỡ là :
- Tôi cũng biết chữ đó là chữ " kê 鷄 ", mà " kê " nghĩa là " gà ", nhưng tôi dạy cháu như thế là dạy cho chúng nó biết tận Tam Đại 三代 của con gà kia !
Chủ nhà càng không hiểu ất giáp gì cả, hỏi :
- Tam Đại 三代 của con gà là nghĩa ra làm sao?
- Là ba đời của con gà đó ! Này nhé," Dủ dỉ là chị con Công, con Công là ông con Gà." Thế, chả phải Tam Đại của con gà là gì ?! 

DẬU đứng hàng thứ Mười trong Địa Chi, nhưng lại là Tháng Tám Âm lịch. Ngày Dậu là ngày được xếp sau ngày Thân và trước ngày Tuất. Giờ Dậu là từ 5 đến 7 giờ chiều tối, nên ông bà ta ngày xưa có để lại mấy câu nói sau đây:

Mạc ẩm Mão thời tửu, 莫飲卯時酒,
Hôn hôn túy đáo Dậu. 昏昏醉到酉.
Mạc mạ Dậu thời thê, 莫罵酉時妻,
Nhất dạ thụ cô thê.      一夜受孤凄.

Có nghĩa:
* Đừng uống rượu vào giờ Mão ( từ 5 đến 7 giờ sáng ). Vì sẽ bị...
Say sưa mơ màng cho đến giờ Dậu ( từ 5 đến 7 giờ tối ). Vậy là 
suốt ngày sẽ không làm ăn gì được cả!
* Đừng mắng vợ vào giờ Dậu, vì chiều tối mà vợ chồng giận nhau
thì suốt đêm sẽ chịu lạnh lẽo cô đơn có một mình, cũng sẽ 
không " làm ăn " gì được cả !
Tâm lý qúa cở " thợ mộc"! Ai bảo là ông bà ngày xưa không biết tâm lý tình cảm và bảo vệ hạnh phúc gia đình đâu!?

DẬU kết hợp với TỴ và SỬU thành Tam Hạp. Trâu Bò hợp với Gà thì còn được, chớ Trăn Rắn làm sao mà hợp với gà cho được, thấy gà là chúng quấn cho nát xương rồi nuốt trửng nguyên con như chơi. Không biết mấy thầy Tử Vi tướng số ngày xưa căn cứ vào cái gì mà xếp cho con Gà và con Rắn hợp nhau ? Rắn thì chắc OK rồi, nhưng gà mà gặp rắn là chạy " tét ghèn " luôn, làm sao mà hợp cho được !
DẬU lại cùng với TÝ, NGỌ và MÃO, ta gọi là Tý Ngọ Mẹo Dậu thành một bộ Tứ Hành Xung. Ba lần bốn mười hai, cho nên hễ vợ chồng cách nhau 3, 6 hoặc 9 tuổi là lọt vào Tứ Hành Xung ngay ! Nên ngày xưa đi cưới vợ phải coi tuổi là vì thế ! Tuyệt đối kỵ 3, 6, 9, nhất là cách nhau 6 tuổi sẽ lọt vào số Chánh Xung, như : Dần và Thân, Tỵ và Hợi, Tý và Ngọ, Mẹo và Dậu, Thìn và Tuất, Sửu và Mùi đều cách nhau 6 tuổi, bảo đãm không xung không lấy tiền!

Trong thần thoại, GÀ là MÃO NHẬT KÊ 昴日雞, là ngôi thứ tư trong Bạch Hổ Thất Tinh, thuộc 7 vì sao nằm ở phương Tây của Nhị Thập Bát Tú 二十八宿, hướng Tây thuộc mùa Thu, cũng là mùa thu hoạch nông phẩm xong, cửa nhà đã đóng. Nên Mão Nhật Tinh thuộc nhóm Hung Tinh ( Sao dữ ), thường mang đến tai ương bất lợi, hung đa kiết thiểu ( cho những người chưa thu hoạch hay bị mất mùa thất thu: Chắc chắn sẽ bị đói !). 
Mão Nhật Kê được tạo hình trong phim Tây Du Ký

GÀ là một trong lục súc sống cùng với con người qua mấy ngàn năm lịch sử. Dựa theo các giả định Cổ Khí Hậu Học, có làm một nghiên cứu vào năm 1988 cho rằng gà được thuần hóa ở vùng Hoa Nam vào năm 6000 trước Công nguyên. Nhưng, một nghiên cứu khác vào năm 2007 cho rằng Gà xuất xứ từ Văn minh lưu vực sông Ấn (2500-2100 trước Công nguyên), nơi mà ngày nay thuộc lãnh thổ của Pakistan, có thể là nguồn chính cho sự lan truyền của các giống gà trên toàn thế giới.
Trong Lục Súc Tranh Công, một tác phẩm văn học dân gian của ta, trước đây được xếp trong chương trình Cổ Văn của lớp Đệ Thất, đã cho con Gà nói về mình như sau:
................................
Này này! gà ngũ đức thẳm sâu:
Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.
Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
Đã ghe phen đến chốn chiến trường.
Lập công trận vang tai, lói óc,
Thủa Tây Lũng tam canh trống thúc;
Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya,
Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì;
Hai tiếng rằng: quốc tộ tác xương,
Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc,
Đã cứu nạn Mạnh Thường đặng thoát;
Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh.
Hễ ai toan cải dữ về lành,
Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp.
Coi giò gà xét biết thịnh suy.
Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y,
Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi đán,
...............................................
Ta thấy bài kể công trên, Gà có nhắc đến "...cứu nạn Mạnh Thường ...". Mạnh Thường đó là Mạnh Thường Quân của nước Tề, một trong Chiến Quốc TỨ CÔNG TỬ 戰國四公子, là bốn Vương Tôn hào hiệp, chiêu hiền đãi sĩ thời Chiến Quốc, đó là :

齐国孟尝君田文 Mạnh Thường Quân ĐIỀN VĂN của nước Tề.
赵国平原君赵胜 Bình Nguyên Quân TRIỆU THẮNG của nước Triệu. 魏国信陵君魏无忌 Tín Lăng Quân NGỤY VÔ KỴ của nước Ngụy.
楚国春申君黄歇 Xuân Thân Quân HOÀNG YẾT của nước Sở.

Không phải đương không mà Tứ Công Tử nầy bỏ tiền của ra để nuôi ba ngàn thực khách trong nhà, mục đích chiêu hiền đãi sĩ của những vị nầy là để chiêu mộ tất cả nhân tài trong thiên hạ để chống lại nước Tần lớn mạnh đang lăm le thôn tính Thất Hùng....
Trở lại với MẠNH THƯỜNG QUÂN, người nổi tiếng nhất trong Tứ Công Tử và ... con Gà đã cứu ông ta:
Tần Chiêu Tương Vương nghe nói Mạnh Thường Quân tài giỏi, nên mời đến nước Tần, định phong làm Tể Tướng, nhưng lại lo ông ta là người nước Tề chỉ lo cho quyền lợi của nước Tề. Không dùng, lại định giết đi. Mạnh Thường Quân biết tin lo sợ, mới tìm người sủng thiếp của Tần Vương mà cầu cứu. Người thiếp nầy thấy trước đây Mạnh Thường Quân có tặng cho Tần Vương một chiếc áo hồ cừu rất đẹp nên cũng muốn có một chiếc mới chịu giúp. Bí lối, vì chỉ có một chiếc duy nhất. Cũng may trong đám môn khách đi theo có một người chuyên đào tường khoét vách, đã lẻn vào cung vua Tần trộm chiếc áo hồ cừu đó ra để ông đem tặng cho người sủng thiếp. Nghe lời ỏn ẻn của người thiếp khi đầu gối tay ấp, Tần Vương thả Mạnh Thường Quân về nước. Không kịp đợi trời sáng, cả đoàn người ngựa kéo nhau lên đường. Tần Vương thả người xong thì hối hận, bèn cho binh lính đuổi theo bắt lại. Khi đoàn người của Mạnh Thường Quân chạy đến cửa thành thì trời chưa sáng, cửa thành chưa mở. Lại một
môn khách đi theo có người giỏi nhái tiếng gà gáy, khi ông ta cất tiếng gáy lên thì tất cả gà trong thành đều cất tiếng gáy theo. Lính canh thành tưởng trời đã sáng bèn mở toang cửa thành ra. Thế là cả đoàn người của Mạnh Thường Quân ra thành... chạy tuốt ! Khi quân Tần đuổi tới thì đoàn người đã đi xa lắc xa lơ rồi!

Con Gà cứu Mạnh Thường Quân là con Gà...trong ba ngàn thực khách của ông ta, còn bầy Gà chỉ hùa theo tiếng gáy mà thôi ! Con Gà trong Lục Súc Tranh Công không biết thấu đáo mà cho là công lao của mình. Nhưng xét cho cùng, không có bầy gà cùng gáy thì chưa chắc lính canh đã chịu mở cửa thành ! Và ... cũng vì tích nầy mà ta có được thành ngữ :
KÊ MINH CẨU ĐẠO 雞鳴狗盜 : là Gà gáy Chó trộm. Ý chỉ hai thực khách của Mạnh Thường Quân, một người chui lổ chó vào cung trộm áo; một người giả làm gà gáy sáng. Ý muốn nói những người tầm thường du thủ du thực nhiều khi cũng đắc dụng, cũng làm nên việc có ích hoặc cứu giúp lúc lâm nguy, chớ không phải hoàn toàn vô dụng. Nhưng thành ngữ nầy hiện nay thường dùng để chỉ hạng đầu trộm đuôi cướp, ba que xỏ lá, trộm gà bắt chó... mà đã mất đi ý nghĩa tốt đẹp của lúc ban đầu !
Con Gà của Lục Súc Tranh Công còn kể lể:
Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh.

TẤN SĨ 晉士 : là Kẻ sĩ của nước Tấn; ở đây chỉ TỔ ĐỊCH 祖逖 ( 266-321 ) và LƯU CÔN 劉 琨 ( 271-318 ) của thời Đông Tấn và Tây Tấn theo tích sau đây :
Tổ Địch tự là Sĩ Nhã, người đất Yên Sơn. Ông là một Đại Tướng đầu đời Đông Tấn, có chí muốn khôi phục Trung Nguyên nên ra sức bắc phạt, từng lập được nhiều chiến công. Ông cùng với người bạn trẻ là Lưu Côn, tự là Việt Thạch, người đất Hà Bắc, là danh tướng đời Tây Tấn, là hậu duệ của Hán Trung Sơn Tịnh Vương. Lúc nhỏ cùng với Tổ Địch kết giao. Hai người thường bàn luận về chính sự, quốc sự đều tỏ ra rất tâm đắc, tuổi trẻ lòng đầy nhiệt huyết đều muốn cống hiến sức lực của mình cho Tổ quốc, nên mỗi đêm về sáng khi nghe được tiếng gà gáy là cùng nhau thức dậy để múa gươm luyện võ, trao dồi thể lực để mong có cơ hội ra giúp nước. Đêm đêm như thế, chẳng hề chểnh mảng đơn sai. 
Vì thế mà hình thành được thành ngữ VĂN KÊ KHỞI VŨ 聞雞起舞 : là Nghe tiếng Gà gáy thì dậy mà múa. Múa ở đây là Múa Gươm, vừa rèn luyện thân thể, vừa ôn tập võ nghệ. Thành ngữ nầy còn dùng để chỉ những người có chí muốn phục vụ cho quốc gia dân tộc, sẵn sàng cống hiến sức lực và tài năng của mình kịp thời và đúng lúc để đáp lời sông núi. VĂN KÊ sẽ KHỞI VŨ ngay !

Tiếng gà gáy sáng khi màn trời còn phủ sương đêm, làm ta chợt nhớ đến cô Kiều " Đêm khuya thân gái dặm trường, Phần e đường xá phần thương dãi dầu !" khi trốn khỏi Quan Âm Các của Hoạn Thư một thân một mình với cảnh:

Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.

" Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương " là lấy ý và thoát dịch một cách tuyệt vời 2 câu thơ trong bài THƯƠNG SƠN TẢO HÀNH 商山早行 của Ôn Đình Quân 溫庭筠 đời Đường là :

Kê thanh mao điếm nguyệt, 雞聲茅店月,
Nhân tích bản kiều sương.  人跡板橋霜.

Có nghĩa:
Tiếng gà xao xác gáy ở quán lá ven đường khi trăng còn chênh chếch bên trời, và...
Trên chiếc cầu ván nhỏ bắt ngang qua lạch nước còn đẫm sương đêm đã có một vài dấu chân người đi qua.
Cảnh vắng vẻ lạnh lùng của buổi sớm mai càng làm tăng thêm nỗi cô đơn thấp thỏm của người đang tìm đường tị nạn !...
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.

Con GÀ của Lục Súc Tranh Công còn tự hào về hình dáng của mình:

Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.

Qủa là Văn Võ Song Toàn với " văn quan một mũ " và " hai cựa thần thương ". Hình dáng của con gà trống thì qủa thật không chê vào đâu được. Mỏ vàng mồng đỏ, lông cánh lông đuôi màu sậm, lông mình sặc sở đỏ vàng xanh, bước đi bệ vệ, vỗ cánh phần phật làm cát bụi tung bay đầy trời trước khi cất cao tiếng gáy : " Ò Ó O Ò O ... " đó là Gà Việt Nam; còn Gà Tàu thì gáy : " wu wu ti 喔喔啼 ... ". Hồi xưa khi mới đậu Đệ Thất, tới giờ học Pháp Văn mới lần đầu tiên nghe tiếng gà Tây gáy : " Cocorici, co-co-ri-co ...". Bây giờ định cư ở Mỹ, nghe mấy đứa cháu nội cháu ngoại cho gà gáy bằng tiếng Anh : " Cock-a-doodle-doo, cock-a-doodle-doo ... !". Thật cảm khái vô cùng !!!
Gà oai phong là thế, đẹp rực rỡ là thế, nhưng khi có một con Hạc lạc vào thì lại trở nên tầm thường nhỏ bé, nên ta lại có thành ngữ : HẠC LẬP KÊ QUẦN 鶴立雞群 có nghĩa là " Hạc đứng giữa bầy gà ". Đương nhiên Hạc trông cao ráo thanh thoát hơn hẵn bầy gà thấp lè tè bên dưới. Tiếng Việt ta còn nâng lên một cấp nữa, ta nói là " PHỤNG LỘN VỚI GÀ " Phụng chẳng những cao lớn hơn mà còn đẹp rực rỡ hơn gà nhiều ! Câu " Hạc lập Kê Quần " có xuất xứ từ điển tích " Trúc Lâm Thất Hiền luận " của Đái Mục đời Tấn như sau:

KÊ THIỆU làm quan Thị Trung cho Tấn Huệ Đế, người khôi ngô cao lớn thông minh anh tuấn, văn võ song toàn. Lúc bấy giờ hoàng tộc nhà Tấn đang tranh quyền đoạt vị, giết hại lẫn nhau, mạnh ai nấy xưng vương, sử gọi là " Bát Vương Chi Loạn ". Kê Thiệu vẫn một mực trung thành với Tấn Huệ Đế. Lúc kinh thành có loạn Kê Thiệu đứng chặn trước cửa cung, loạn quân thấy vẻ hiên ngang hùng dũng của Kê Thiệu khiếp đãm đến không dám xạ tiễn. Khi Tấn Huệ Đế thua chạy ở Thang Dương, tướng sĩ chết vô số, Kê Thiệu vẫn theo sát để bảo vệ Huệ Đế đến nỗi thân mình trúng mấy mũi tên, máu nhỏ cả lên long bào của Huệ Đế và ông đã hy sinh trong trận chiến nầy. Sau đó, những người tùy tùng định tẩy giặt những vết máu trên long bào, Huệ Đế đã ngăn lại bảo đó là máu của Thị Trung Kê Thiệu không được giặt đi. Khi Kê Thiệu lần đầu đến Lạc Dương, đi trong đám đông người, thân hình cao lớn, khí vũ hiên ngang, như là con Hạc đứng giữa bầy Gà vậy, từ đó mà hình thành thành ngữ HẠC LẬP KÊ QUẦN 鶴立雞群 để chỉ những người vượt trội hơn người khác chẳng những về sức vóc mà cả về tài năng nữa!

KÊ THIỆU là con của KÊ KHANG, một trong TRÚC LÂM THẤT HIỀN:Gồm có Nguyễn Tịch 阮籍、Kê Khang 嵇康、Sơn Đào 山涛、刘伶 Lưu Linh、阮咸 Nguyễn Hàm、向秀 Hướng Tú、王戎 Vương Nhung; Họ sống và ở ẩn giữa đời Ngụy và đời Tấn. KÊ KHANG chẳng những là Nhà Tư Tưởng, nhà Văn Học mà còn là Nhà Âm Nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ với bản đàn Quảng Lăng Tán 廣陵散, mà cụ Nguyễn Du đã mượn NÓ để khen tài đờn của Thuý Kiều, khi cô đờn cho Kim Trọng nghe lần đầu tiên là:

Kê Khang nầy khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.

YAO MING 姚明 : là Diêu Minh (người mặc áo đỏ trong hình trên), cầu thủ bóng rổ của Trung Quốc được Hội Bóng Rổ nhà nghề Rocket của thành phố Houston ký hợp đồng từ năm 2003 đến 2008 để tranh Giải Bóng Rổ Toàn Quốc Hoa Kỳ NBA. Yao Ming có thân hình cao 7'6" ( 226cm )= 2 mét 26, nên khi đứng giữa các cầu thủ khác thì như là HẠC LẬP KÊ QUẦN 鶴立雞群 vậy ! 
Con GÀ trống oai vệ mạnh mẽ là thế, nên có những con người yếu đuối không thể khống chế nỗi con gà, ngay khi cả con gà đã bị kềm chế ... thúc thủ chịu trói rồi mà còn trói không chặc, để đến đỗi mang tiếng là THỦ VÔ PHƯỢC KÊ CHI LỰC 手無縛雞之力 là Tay không đủ sức để trói gà. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ những chàng thư sinh ngày xưa, tối ngày chỉ biết ôm lấy quyển sách, miệng luôn đọc câu THI VÂN 詩云 ...TỬ VIẾT 子曰 ... ( Kinh Thi nói rằng... Khổng Tử dạy rằng ...) mà không chịu rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh để đến nỗi không có sức trói nỗi con gà, ta nói là " Thứ cái đồ thư sinh trói gà không chặc !".
Nhưng dù " Trói gà không chặc " nhưng các bà các cô ngày xưa cũng vẫn cứ ... xáp vào ! Và còn biện bạch là:

Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ!

Khéo mà nói xạo ! Chẳng là vì " Cái bút cái nghiên " của anh đồ, một khi " ảnh " Kim Bảng Đề Danh thì sẽ có được " Ruộng cả Ao liền " như chơi mà thôi ! Nên khi còn hàn vi thì đành bóp bụng mà GIÁ KÊ TÙY KÊ, GIÁ CẨU TÙY CẨU 嫁雞隨雞,嫁狗隨狗 Là Gả cho Gà thì theo Gà, Gả cho Chó thì theo Chó, mười hai bến nước, trong thì nhờ, đục thì ... chịu khó " lóng phèn " mà thôi!

Con Gà rất gần gũi với người nông dân Việt Nam, là gia cầm quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của dân nước nông nghiệp, nó còn xuất hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ để khuyên nhủ, nhắc nhở hay chê trách một điều gì đó trong cuộc sống, đôi khi lại cảm thông tưởng thưởng, như những người góa vợ mà chịu khó " Gà trống nuôi con "; những người biết nhẫn nhịn, không như " Con gà tức nhau vì tiếng gáy ". Khi chê trách thì không thiên vị người nào, kể cả các bậc vua chúa như Lê Chiêu Thống cũng bị quở là " Cõng rắn cắn gà nhà "!. Anh em trong nhà thì luôn được nhắc nhở là " Anh em như thể tay chân ", nê:

Khôn ngoan đá đáp người ngoài, 
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!

Khuyên thì khuyên vậy, chớ đôi khi vì quyền lợi, tài sản, thậm chí chỉ vì miếng cơm manh áo vẫn có thể " Gà nhà bôi mặt đá nhau như thường !". Có được đứa " Con gái rượu " lấy chồng giàu sang quyền quý, thậm chí được làm Thiếp làm Phi của vua, như Dương Qúy Phi ngày xưa, hoặc như cô Giả Nghinh Xuân trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần thì cả nhà đều được vinh hoa phú qúy như có được " Con Gà đẻ trứng vàng " vậy ! Trước mắt, các cô lấy chồng ngoại quốc, hay Việt Kiều Mỹ, Úc, Canada ... thường xuyên gởi " đồ tiên " ( là Tiền Đô ) về cho gia đình chi dụng, cũng gọi được là có " Con Gà đẻ trứng vàng ", hay mĩa mai hơn thì nói là " Gia đình đó có được miếng đất xéo ở bên Mỹ đó!".

Con GÀ đi liền với con người từ bé đến lớn, từ nhỏ đến già. Hình ảnh đàn gà con tíu tít bên gà mẹ, hay hình ảnh gà mẹ dang rộng đôi cánh ra để che chở cho con mình, luôn là hình ảnh đẹp trong hội họa, trong nhiếp ảnh ... Không buồn như cảnh:
MẸ GÀ CON VỊT chít chiu,
Mấy đời mẹ ghẻ thương yêu con chồng!
Nhắc đến " Mẹ Gà Con Vịt " lại nhớ đến bốn chữ " Đầu Gà Đít Vịt " của dân miệt Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu ... để chỉ các cô gái người Hoa lai ... Miên. Các cô em nầy có nước da ngâm ngâm... bánh it, với đôi mắt to đen lay láy, đặc biệt là hai hàng lông nheo dài cong vút thường hay chớp chớp như để hớp hồn người đối diện. Nhất là các cô người Tiều Châu. Trong truyện ngắn " Đầu Gà Đít Vịt " của nhà văn Bình Nguyên Lộc, ông đã viết như thế nầy :....
... Người đàn bà cha Tàu mẹ Miên vừa có sắc đẹp, lại vừa ngây thơ, chân thật, dễ yêu lắm!
Trứng gà, thịt gà với đủ các món như Ốp la, Ốp lết, Xé phay, Luộc, Nướng, Quay, Chiên, nấu Cà-Ri ... luôn hiện diện hằng ngày trong các bửa ăn gia đình. Định cư ở Mỹ rồi thì lại càng " gần gũi " với thịt gà hơn, vì đây là món thịt rẻ nhất nước Mỹ, với 10 pounds ( khoảng 4 ký Rưởi ) Leg quarters ( Phần tư gà có luôn đùi ) lắm khi hạ gía chỉ còn có một đồng 99 xu mà thôi. Bửa ăn tiện lợi và nhanh nhất cho những ngày bận rộn là Fry chicken ( Gà lăn bột chiên ). Bảo đãm rất ngon miệng, rất no nê và sẽ ... rất mau lên cân, rất mau lên máu ! Và cũng sẽ rất mau ... " quáng gà ", " Trông gà hóa cuốc ", đưa đến cảnh " Ông nói gà bà nói vịt " : Đi chưa tới chợ mà mua tương cái nổi gì!
Bà con miền Bắc nói : " Con gà cục tác lá chanh ", tôi không biết là họ đang làm món gì, chắc họ đang ăn gà luộc ?! Tôi là dân Nam Kỳ lục Tỉnh chỉ biết " Rau răm nó hại con gà chết tươi !" Thịt gà " xé phay " thì không thể nào thiếu rau răm cho được. Thịt gà ngoài việc xào gừng, xào xã ớt, còn một món xào thật đặc sắc mà không dân nhậu nào không thích cả, đó chính là " Gà xào bún nấm củ hành !", nhậu cũng " bắt " mà ăn cơm cũng " hết xẩy " luôn ! Rất thực tế chân thật, không mĩa mai như miền ngoài:
Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi.

Nói đến đây, lại nhớ đến một câu chuyện dân gian về " ăn chia " thịt gà trong gia đình; để thay đổi không khí, xin được kể theo kiểu phóng tác của ông Ly Cu Tê ở CANADA, vừa có phong thái cổ điển lại vừa có hơi hám thời sự của hiện tình đất nước .... Trích:

Xưa bên nước Vệ có ông nọ làm quan đến chức Tể Tướng. Hơn thập niên nắm quyền sinh sát trong triều đình, của cải ngân lượng ở bá tánh thuộc về ông không biết cơ man nào mà kể. Ngày kia, biết mình đã sắp đến lúc bị cho về vườn giăng câu đặt trúm, chích thuốc dạo, Tể Tướng bèn sai gia nhân làm thịt một con gà mái dầu luộc chín bày lên dĩa, sau đó ông gọi các con lại mà rằng:
- Các con nghe đây, tuổi cha nay đã cao, sức nhai sắp hết mà sức bú cũng chẳng còn, thời khắc giã từ mũ mão áo gấm không còn xa nữa. Hôm nay ta có con gà luộc, các con hãy tới chọn một bộ phận trên mình gà, rồi làm câu thơ ứng với thứ mình chọn. Để ta biết chí hướng của từng đứa mà lo đường công danh sự nghiệp mai sau cho!

Bốn người con đồng thanh dạ ran. Chàng trưởng nam giơ tay xin ứng khẩu trước, anh bước tới đĩa ngắt lấy cái đầu gà bỏ vào chén mình, rồi dõng dạc ngâm: 
- Trai thời trung hiếu làm ĐẦU!

Ông quan nghe vậy khoái chí phán:
- Chọn đầu gà chứng tỏ con là người thao lược, lắm mưu nhiều kế. Để ta cho con làm quan ở bộ Xây, mỗi năm xây chừng mười cái tượng đài và tháp tàng hình thì mặc sức mà đếm ngân lượng !
Đến phiên người chị cả bước lại bàn bẻ cặp đùi, hai cánh và chiếc phao câu, rồi thong thả ứng khẩu:
- Gái thời tiết hạnh PHAO CÂU, CÁNH, ĐÙI!

Tể tướng nghe xong vuốt tóc con gái tấm tắc khen:
- Giỏi lắm con gái rượu của ta, chọn đùi cánh là số phải đi xa, chọn phao câu là người đảm đang có hậu. Được, ta cho con qua xứ Cờ Hoa du học, rồi kiếm thằng Vệ kiều liu vong nào bên ấy mà kết tình phu phụ đặng yên bề gia thất nghe chưa !
Người thứ ba là cô con dâu, nàng rón rén bước lại đĩa gà bê nguyên bộ lòng e thẹn ngâm nga:
- Phần con một DẠ một LÒNG!
Thấy con dâu xinh đẹp mặt hoa da phấn chọn bộ lòng gà, Tể tướng gật gù:
- Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, con đã chứng minh lòng hiếu thảo với gia đình ta, sau này con sẽ là đệ nhất phu nhân xứ Vệ !
Người cuối cùng là chàng út có dung mạo giống cha mình hồi trẻ như đúc, anh nhanh nhảu bước lại đĩa rinh hết cái mình gà, rồi hí hửng đọc:
- Công cha nghĩa mẹ hết MÌNH vì con !
Ông quan vỗ đùi đánh đét một phát, rồi đưa tay vuốt vuốt chiếc cằm nhẵn thín, mặt ngửa lên trời cười ha hả ý chừng vô cùng khoái lạc:
- Kha khá khá. Đúng là hổ phụ sanh hổ tử, chọn mình gà chứng tỏ biết bao quát nhìn xa trông rộng giống ta, nay ta cho con về cai quản vùng đất Trung phần, ở đấy rất thuận lợi cho việc thăng quan tiến chức của con sau này !
Bốn người con cúi đầu vâng mệnh ai về chỗ nấy. Bắt đầu từ hôm đó cô chị cả được ông cho qua xứ Cờ Hoa du học, rồi yên bề gia thất với một chàng Vệ kiều lưu vong. Người con trai thứ được ông cho về bộ Xây, nghe đâu mới được thăng lên quan đầu tỉnh thuộc miền Tây giang thuỷ. Chàng út cùng cô dâu xinh đẹp giờ đang cai quản miền Trung nắng gió đầy sản vật, chuyện đến đây không có gì đáng nói.
Nhiều năm sau, câu chuyện chia gà của ông quan Tể Tướng bị lũ dân đen bần nông vàng vẩu đất Vệ đồn đãi khắp hang cùng ngõ hẻm nên người trong thiên hạ mới có thơ rằng:

Con vua thì cứ làm vua,
Con sãi ở chùa vẫn quét lá đa,
Còn lâu dân mới dám... nổi can qua,
Nên con vua cứ thế mà... làm cha dài dài !

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết định xóa số 2 sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn là Kim Chung và Đại Thế Giới, thì đề 36 không còn nữa . Nhưng nhóm quân đội người Nùng giúp Tổng Thống dẹp loạn Bình Xuyên vẫn còn xổ đề ở vùng Cây Da Xà Phú Lâm Chợ Lớn, và họ đã thêm vào 4 con nữa cho đủ 40. Bốn con thêm vào là 37 Thiên Công ( Ông Trời ), 38 Địa Chủ ( Đất Đai ), 39 Thần Tài và 40 là Táo Quân ( Ông Táo ). Theo đề 36, thì CON GÀ tên chữ là NHỰT SƠN, đứng đầu trong nhóm TỨ HÒA THƯỢNG mang số 28, nếu đánh theo Xổ số Kiến Thiết từ 00 đến 99, thì phải thêm một con 68 nữa là Con Gà Lớn, theo như ...

Đêm qua mơ thấy con gà,
Sáng ra 28 cứ đà ghi ngay.
Số lớn 68 chẳng sai,
Ai dè nó xổ ...con Nai ... hết tiền!

Nạn đánh đề càng trầm trọng khi xã hội càng phân biệt giàu nghèo. Dân càng nghèo càng phải chạy theo cuộc sống và càng mê số đề hơn, và... càng thua nhiều hơn nữa, rồi càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn và cuối cùng là xã hội càng băng hoại hơn ! Đến nỗi phát sinh thêm một loại gà mới : " Gà Móng Đỏ " ! Nghe mà đau lòng, vì đây không phải là Gà thật, mà là tiếng lóng dùng để gọi các cô gái ăn sương, bán trôn nuôi miệng, sống lang thang vất vưởng mà người đời miệt thị là hạng " Mèo mả Gà đồng ", như Hoạn Bà, mẹ của Hoạn Thư đã hạ nhục Thúy Kiều:

Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng
Ra tuồng MÈO MẢ GÀ ĐỒNG,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào !

Buồn thay số đề ! Con Gà là NHỰT SƠN 日山, là Trời đã về chiều, Mặt trời sắp lặn xuống núi. Theo số đề hoài thì đời sẽ sớm ... về chiều và sẽ ... lặn xuống núi luôn ! Thua đề hết tiền thì đi vay nguội, vay nóng, vay " xã hội đen " ký giấy nợ với mức lời cắt cổ " Xanh xít đít đui ( cinq six dix douze : Mượn 500 thì cuối tháng trả 600; mượn 1000 thì cuối tháng phải trả 1200 )." Bút đã lỡ sa, thì Gà cũng chết ngắt !". Ông bà ta dạy :
Nhất tự nhập công môn, 一字入公門,
Cửu ngưu đà bất xuất. 九牛拖不出。
Có nghĩa :
Một chữ đã " lỡ " vào đến công đường rồi, thì ...
Sức mạnh của chín con trâu cũng kéo ra không nỗi !
" Bút đã lở sa, thì Gà phải chết " mà thôi ! Như nhắc đến câu " Cỏng rắn cắn gà nhà, Rước voi giày mả Tổ " là bàng dân thiên hạ sẽ nghĩ ngay đến ông vua cuối cùng của triều Hậu Lê: Lê Chiêu Thống!

Bút sa gà chết
Gà chết vì là món ăn khoái khẩu của người đời, nên hễ có dịp là mỗ gà, là giết gà, là làm thịt gà để đãi nhau khi gặp bạn, để ăn nhậu lúc hội hè. Thề thốt nghiêm trang thì vặn cổ gà, Tế thần tế thánh cũng cắt cổ gà, cúng quải ông bà cũng luộc con gà ... Hễ có dịp là sẽ mượn cớ để giết gà, giết gà để dọa khỉ, mất đồ mất đạc thì vái cúng con gà ... Con gà được dùng để trả lễ cho thần thánh, dùng để trả ơn, như ở Mỹ hiện nay, mỗi năm trong ngày Lễ TẠ ƠN ( Thanksgiving ) hơn 50 triệu con Gà Tây được đưa lên bàn ăn để làm lễ " Tạ Ơn "...

Lễ Tạ Ơn ở xứ Mỹ nầy được cho là bắt nguồn từ lễ kỷ niệm tại Plymouth, Massachusetts, nơi những người hành hương tị nạn tôn giáo Anh đã mời người da đỏ bản địa đến dự một bữa tiệc thu hoạch sau một vụ mùa bội thu để tỏ lòng biết ơn.
Vụ thu hoạch của năm trước bị thất bát là vào mùa đông năm 1620, một nửa số người hành hương bị chết đói. Những người sống sót may mắn được các thành viên của bộ lạc Wampanoag địa phương dạy cách trồng ngô, đậu, bí đỏ và đánh bắt cá hải sản, săn gà rừng....
Bữa tiệc được tổ chức kéo dài trong 3 ngày, gồm các món như gà Tây, ngỗng, tôm hùm, cá tuyết và nai.

Đặc biệt là mỗi năm, ít nhất có một con gà tây sẽ được Tổng thống Hoa Kỳ " ân xá ". Ân xá cho gà tây chính thức trở thành nghi lễ của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George H.W. Bush ( Bush cha ) vào năm 1989 khi ông “ miễn tội ” cho một con gà tây tại Vườn hoa hồng trong Nhà Trắng.
Năm rồi, Tổng thống Obama đã ân xá cho một trong hai con gà tây tại Nhà Trắng vào ngày 23/11.
Năm nay, Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ quyết định có tiếp tục nghi lễ này không, hoặc ông sẽ chọn một hình thức khác? Chúng ta hãy chống mắt chờ xem!

Tiệc Gà Tây Tổng Thống Mỹ ân xá Gà Tây

Sang qua Pháp thì con Gà Trống trở thành thần vật, là biểu tượng của nước Pháp với danh xưng " Con Gà Trống Gô-loa ". Thực ra đây chỉ là một cách chơi chữ, rồi lộng giả thành chơn. Vì Tổ Tiên của Pháp là người Gô-loa ( Gaulois ),tiếng La-tinh viết là Gallus, mà Gallus còn có nghĩa là " gà trống ". 
Nhận thấy con Gà Trống có nhiều ưu điểm hơn người, từ hình dáng cho đến đi đứng tính cách đều có điểm ưu việt, như " Nó " sở hữu một ngoại hình đẹp đẽ : oai vệ với mào đỏ rực, đuôi dài màu xám xanh cong lên như những đoản kiếm. Mỗi buổi sáng đều gáy vang báo thức đúng giờ, rồi hiên ngang đi vòng quanh trang trại để bảo vệ bầy đàn. Sự cảnh giác và lòng dũng cảm của những chú gà trống đã trở thành lý do khiến nó trở thành biểu tượng của người Pháp.
Thời trung cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh.
Vào thời kỳ Văn Hóa Phục Hưng, hình ảnh những con gà trống được gắn liền với sự hình thành của nước Pháp. Dưới các vương triều ở thời kỳ này, các bản chạm khắc và đồng tiền đều mang hình ảnh gà trống. Nó cũng xuất hiện trên lá cờ trong cuộc Cách mạng Pháp 1789 và tượng trưng cho sự kiên cường, lòng dũng cảm của người dân nước này trong Thế Chiến Thứ Hai. Ngoài ra, phần lớn người Pháp đến bây giờ vẫn coi gà trống Gô-loa là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng. 

Khi các đội tuyển Thể Thao của quốc gia Pháp đi giao đấu, mọi người trên thế giới đều gọi họ với biệt danh " Những chú gà trống Gô-loa " là vì thế ! 

Trở lại với phong trào THƠ MỚI của ta thời Tiền Chiến, ngoài những thơ tình ướt át làm rung động lòng người, như những bài thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Đông Hồ, Tương Phố, TTKH.... Ta còn nghe được tiếng Gà Gáy của miền quê thôn dã vang vang cả sáng trưa chiều tối vọng mãi trong tâm hồn người dân Việt, nhất là những người dân Việt sống lưu vong nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay. Nào hãy nghe ...

Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi! 
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời. 
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp, 
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi. 
..........................................
Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn, 
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn.

Đó là tiếng gà gáy trong buổi ban mai vang lên từ đầu bếp đến đầu thôn, giữa thôn của Huy Cận, Ông còn cho gà gáy hòa âm trên biển sóng:

Tiếng gà trên biển hạ cung trầm, 
Tiếng sóng hòa theo chẳng tạp âm. 
Tiếng sóng làm nền cho tiếng gáy, 
Trầm bao nhiêu, lại bấy xa xăm !..

Và tiếng

Gà gáy trong mưa khi được mùa:
Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong, 
Giọng kim giọng thổ rộn vang đồng. 
Được mùa giống mới, gà no bữa, 
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông. 

.... Và không riêng gì Huy Cận, ta còn nghe thấy tiếng gà gáy trong ký ức tuổi thơ của Chế Lan Viên :

Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!

Nhắc đến gà gáy trưa thì không thể nào thiếu được tiếng gà gáy trong Nắng Mới của Lưu Trọng Lư :

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Bỏ văn sang võ: Võ Gà, đương nhiên phải là Võ Gà Trống, là HÙNG KÊ QUYỀN 雄雞拳 !...
Vào thời Tây Sơn, tương truyền Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn võ Hùng Kê Quyền (quyền gà chọi) hay Hồng Kê Quyền, là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi, một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc ( sau 1975 ). Đặc trưng của bài quyền là những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng Kê Quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu v.v. Bộ pháp của bài quyền hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương.

Còn ai mê đọc tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung thì không thể nào không biết đến chiêu thức KIM KÊ ĐỘC LẬP 金雞獨立, một chiêu thức võ công độc đáo, đứng thẳng một chân với nhiều tư thế, hai tay cung ra hai bên với nhiều điệu bộ khác nhau. Đây cũng là một chiêu thức của môn Thái Cực Quyền, đồng thời cũng là một phương pháp dưỡng sinh độc đáo có một không hai để phòng ngừa các bệnh như Tiểu đường, Cao huyết áp, Mất trí nhớ ...

Các tư thế của chiêu thức Kim Kê Độc Lập

Ta thấy, CON GÀ gần gũi thân thiết với con người là thế, NÓ hiện diện trong sinh hoạt, thực phẩm, giải trí và cả phương pháp dưỡng sinh nữa, lại mang những đức tính tốt đẹp như duy trì kỷ luật, đúng giờ, có tinh thần trách nhiệm, "ga-lăng" với phái yếu và bảo vệ bầy đàn ... Nên các Thầy Đồ Nho xưa thường hay khuyên học trò là :
" NINH VI KÊ THỦ, BẤT VI NGƯU HẬU "
寧 為 雞 首, 不 為 牛 後。 
Có nghĩa:
Thà làm đầu gà, ( chớ ) hổng thèm làm đít trâu !
Đầu gà tuy NHỎ nhưng mồng mỏ đẹp đẽ hiên ngang, còn đít trâu tuy LỚN mà là nơi thải ra những thứ ... thối không chịu được ! 

Trở lại với sấm Trạng Trình của 500 năm trước : " Mã đề Dương cước anh hùng tận, Thân Dậu niên lai kiến thái bình !" . Thêm một " anh hùng hay anh khùng " Fidel Castro vừa mới " tận " cuối năm 2016 đây, chú khỉ THÂN thì đã đi qua rồi, liệu con gà DẬU có mang đến Thái Bình được hay không ? Dân Chợ Lớn nói " DẬU 有 là CÓ " . Trong khi tổng thống đắc cử của nước Mỹ là tỉ phú ĐỖ NAM TRUNG ( Donald Trump : Báo chí trong nước dịch âm là Đỗ Nam Trung !) chỉ muốn rút vào cái vỏ sò MỸ xinh đẹp của mình mà không màng đến thế giới nữa. Điệu nầy chắc phải cầu cứu với CHỊ DẬU người mẫu mặc rất ít đồ là Melania Trump thúc vào hông của ông ta xem sao !?

Mong rằng trong năm ĐINH DẬU 2017 nầy, thế giới sẽ KIẾN THÁI BÌNH trong phép lạ !!!

Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Hương Xuân - Sáng Tác Ngô Thanh Nam - Diệu Hiền


Sáng Tác: Ngô Thanh Nam 
Tiếng Hát: Diệu Hiền 
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Câu Đối: Câu Kinh Nguyện - Kim Phượng


Câu Đối:Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh

Tết Đinh Dậu


Bính Thân chìm đắm nhân thiên ho 
Đinh Dậu nguyện cầu gia quốc an
Xuân về sắc thắm rộn ràng
Trăm hoa đua nở hương lan khắp miền
Tân niên đáo ngộ kỳ duyên
Quên đi bao cảnh truân chuyên nạn phần
Nghinh tân Dậu tống cựu Thân
Thầy Cô Anh Chị xa gần bốn phương
Luôn luôn mạnh khoẻ cát tường
Lộc tài phúc thọ mọi đường hanh thông
Bạn bè mãi mãi thành công
Và riêng trang Blog đượm hồng dài lâu
Cuối cùng xin được khấn cầu
Toàn dân tộc Việt năm châu một lòng
Noi gương hào khí Lạc Long
Giữ gìn toàn vẹn non sông đời đời.

Quên Đi


Lòng Hoa Đêm Ba Mươi Tết



Lòng hoa thổn thức từng giây
Mùa sang tô điểm má hây hây hồng
Hương đêm ngan ngát bên song
Trời ba mươi Tết chờ mong giao thừa
Vạn vật trổi dậy âm xưa
Trời đà hừng sáng người chưa kịp về?
Sắc hương rủ cánh hoa thề
Vườn xuân một đóa hôn mê lịm dần….

Kim Oanh
2017

Mừng Xuân Đinh Dậu



Bài Thơ Xướng:

Mừng Xuân Đinh Dậu

Chưng Tết cành mai với nhánh đào,
Hoa hồng pháo đỏ thấy vui sao.
Quê nhà bạn hữu luôn thương nhớ,
Đất khách anh em vẫn mến chào.
Chén rượu tân niên mừng họp mặt,
Chung trà xuân mới nghĩa đồng bào.
Nửa đêm trừ tịch giao thừa đón,
Gà gáy Khỉ đi, Kê nhảy vào...

Mai Xuân Thanh
 Ngày 18 tháng 01 năm 2017

Bài Thơ Họa:

Cùng Đón Giao Thừa
(Hoạ Hoán Vận)

Nụ xuân hé nở cánh mai đào
Trừ tịch đêm ngời vạn ánh sao
Háo hức giao thừa vang sóng nhạc
Mơn man năm mới gió đông chào
Bính Thân xớ rớ chờ đưa tiễn
Đinh Dậu nôn nao đợi đón vào
Mừng tết men nồng ta uống cạn
Đông tây tôi bạn vốn chung bào.

Quên Đi
***
 Xuân mới


Sáng nay người tặng một cành đào
Cảm xúc dạt dào biết nói sao
Rạng rỡ hoa hồng như má  ửng
Rung rinh cánh mỏng tựa môi chào
Bướm ong nhộn nhịp vui khiêu vũ
Nắng gió xôn xao nhẹ lướt bào
Xao xuyến lòng người say mở hội
Đón tia hạnh phúc nhẹ len vào.

Phương Hà
***
Thiền Viện Đầu Xuân 

Thiền viện ngày xuân ngõ trúc đào, 
Mỗi lần thăm lại ấm lòng sao! 
Sương mai từng giọt thì thào nhểu, 
Nắng sớm trăm hoa rung rẩy chào. 
Phơn phớt mây tan mềm áo lụa, 
Hiu hiu gió thoảng gợn tăng bào. 
Ngân nga chuông khánh hồn bay bổng, 
Chánh điện vương hương khẽ bước vào. 

Mailoc                     
Cali 01-22-17
***
 Tết Thợ Mộc

Người ta thưởng tết với mai đào
Rủi nở sai ngày cũng chả sao
Thật giả màu xuân hoa trộn lẫn
Trẻ già vẻ tết khách cung chào
Vô mồi cạn chén nơi bàn nhậu
Gác chuyện cong lưng với ghế bào
Quên hết cơ đời đang bức bối
Chưa say xin cứ rót thêm vào!

Cao Linh Tử
23/1/2017
***
 Tâm Sự Nàng Xuân

Xuân xanh hồng thắm cánh hoa đào
Lữ khách lưu tình vương vấn sao

Mơn mởn xinh tươi trao ước vọng
Héo hon tàn tạ vội câu chào
Tủi thân bèo bọt gan như xé
Tội kiếp mong manh ruột tợ bào
Quân tử đành sao trêu phận mỏng
Vườn xuân ong bướm mặc ra vào


Kim Phượng

***
Mừng Xuân Đinh Dậu

Nhìn phông ảnh Tết điểm thêm đào
Đứng cạnh mai vàng thú vị sao
Rộ sắc tươi cười duyên dáng biểu
Bày hương nhẹ thoảng lẳng lơ chào
Em khoe áo lụa xinh cành thắm
Nắng phớt da hồng đẹp dáng hao
Phật tự vang hồi chuông đọng lắng
Ngân nga tiếng gọi thả chân vào!

Nguyễn Đắc Thắng
170124

***
Mừng Xuân Đinh Dậu

Mỹ chứ ngày xuân cũng có đào

Nhìn khi hoa nở đẹp làm sao!
Tươi màu non nước thương trân quí
Đậm nét quê hương cảm vái chào
Càng nhớ quắt quay người một gốc
Thật yêu tha thiết kẻ chung bào
Nay vì nghịch cảnh chia muôn hướng
Khó gỡ niềm đau bị cuốn vào

Thái Huy
Jan-23-17
***
Đón Xuân Viễn Xứ  

Cũng không mai nở cũng không đào,
Xuân đến xứ người mới nhớ sao!
Thật cảnh còn mơ ngày tháng cũ,
Giả mai chẳng đợi gió đông chào.
Quê hương diệu vợi mờ sương khói,
Đất khách lạnh căm thấm áo bào.
Vẳng tiếng trống lân trong Hội Chợ,
Lòng quê thổn thức lại len vào!


Đỗ Chiêu Đức
***
Bài Cảm Tác: Mừng Xuân Đinh Dậu

Đây Tết không mai chả có đào
Thôi thì hình chụp cũng không sao
Lên Face, vô phone cho đở nhớ
Hello, you khỏe, cũng câu chào
Bên đó, bên đây, tuy cách mặt
Anh em, bạn hữu, nghĩa đồng bào
Mai kia gặp mặt Xuân cùng đón
Thấm thoát xuân qua, xuân mới vào

Biện Công Danh
30/1/17

Về Đi



Mây trắng trời xanh mặt nước xanh
Ta về dựng lại mái nhà tranh
Cuốc tơi đất xấu trồng rau củ
Đốn cả vườn hoang dọn lá cành
Đồ đạt đơn sơ không sợ mất
Không gian tĩnh lặng chẳng lo dành
Buồn vui bỏ tất nơi đô hội
Mặc kệ ngày giờ lướt chậm nhanh.

Cao Linh Tử
13/1/2017

Thơ Tranh: Xuân Tha Hương

Xuân sang hồn hướng vế quê cha đất tổ


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Mùa Xuân Đang Về



Tỉnh giấc xuân xanh
Vẫn em bên anh
Chia nhau gối mộng
Hoa nở tươi cành

Một đàn chim bay
Liền cánh trong mây
Tưởng là nốt nhạc
Rối tung hồn say

Mỉm cười vu vơ
Cứ tưởng nằm mơ
Cuộc tình son trẻ
Anh còn ...ngu ngơ

Úp mặt trên vai
Anh hay là...ai
Ươm hoa vàng nở
Rực rỡ hoàng mai

Mùa xuân đang về
Người tình si mê
Thơ như dừng lại
Trên một câu thề ...


Cao Mỵ Nhân

Xướng Họa: Ông Đồ(Vũ Đình Liên) - Nhớ Quê( Mailoc)


Ông Đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua 

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài 
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay“

Nhưng mỗi năm mỗi vắng 
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu!

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay 
Lá vàng rơi trên giấy 
Ngoài trời mưa bụi bay 

Năm nay đào lại nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Vũ Đình Liên
***

Nhớ Quê

Mỗi lần hoa đào nở
Bỗng nhớ cha mẹ già
Căn nhà xưa mái đỏ
Vận nước bao lần qua

Nỗi lòng bao lần viết
Lại xúc động không tài
Chữ mờ tay run nét
Tuổi đời gió cuốn bay

Quê hương giờ xa vắng
Vườn cũ nay còn đâu?
Mắt nhòa khăn lệ thắm
Sao ta mãi ôm sầu?

Hồn xưa vẫn còn đấy
Nào ai biết ai hay
Vần thơ vội trên giấy
Theo áng mây Tần bay

Năm nay đào rực nở
Ôi ! Nhớ qúa quê xưa
Bùi ngùi kỷ niệm cũ
Hồn ngẩn ngơ bao giờ?


Mailoc 
(Xuân 2014)

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Câu Đối: Xuân 2017 - Nguyễn Đắc Thắng



Câu Đối:Nguyễn Đắc Thắng
Trình Bày: Kim Oanh


Đâu Rồi Mùa Xuân Xưa



Ta tiếp tục bước lần qua lối cũ
Tìm góc trời trú ngụ những " Xuân xưa "
Cũng lắm khi khóe đẵm hạt mưa vừa
Lạnh hồn cô độc giao thừa đầu năm

Còn gì đâu những mùa Xuân đằm thắm
Cả căn phòng chìm đắm tuổi thơ ngây
Ngoài trời xa giá rét đến từng ngày
Mai đâu nở Xuân hoài sai ước hẹn

Thời gian trôi tuổi dần già thêm thẹn
Sức lực tàn sao vẹn nỗi can qua
Thời tiết nghịch thêm buồn đêm phố xá
Tìm được gì lòng dạ ngổn ngang rơi

Em bỏ ta đi biệt mấy khung trời
Không pháo nổ, sao rơi miền sơn cước
Đồng đội xưa rời xa ta lũ lượt
Cõi đời này toàn ngược cảnh " Xuân xưa "

Xuân lai sinh hóa kiếp lại là vừa!
Hãy hứa với anh! Em sẽ về qua phố nhỏ!

Vĩnh Long 20-1-2011
Lê Kim Hiệp

Tết Nghèo




Tết lại về tâm hồn thổn thức
Chạy gạo tiền bánh mứt thịt kho
Mong sao con cái được no
Mặc cho bẩn chật thập thò kém vui.

Ngày thường cũng rối mù nhớn nhác
Huống hồ chi tiền bạc ngày xuân
Ra vào lo bảy miệng ăn
Còng lưng giải tỏa khó khăn gia đình.

Người chức tước giàu sang khá giả
Ngoài bông hoa vàng mã cũng mua
Cuối năm vui Tết được mùa
Trẻ thơ thiếu thốn xót chua phận mình.

Bạn bè cũng ơn đền nghĩa trả
Tội vợ con vất vả đêm ngày
Hụt hơi từng bữa tiêu xài
Bia đâu đãi bạn uống say mới về !

Nay cuối năm âm thầm phận tủi
Chiều ba mươi thui thủi một mình
Người ta mừng Tết quang vinh
Riêng tôi đón Tết thất kinh trong lòng...


Dương hồng Thủy
(1980)

Thơ Tranh:Thiệp Chúc Xuân - Mai Xuân Thanh


Thơ: Mai Xuân Thanh
Trình Bày: Kim Oanh

Chiều Cuối Năm


Chiều Cuối Năm

Chỉ còn vài khắc một năm qua 
Bỗng thấy chơi vơi lệ nhạt nhoà 
Lòng khách thời gian đà khắc khoải
Tình quê năm tháng cũng phôi pha 
Vườn xưa hiu hắt buồn trăng úa
Đất mới sầu thương mỏi mắt già .
Lạnh lẽo chiều buông sương trắng xóa
Giao thừa man mác chiếm hồn ta!

Mailoc
Cali 12-31-2016
***
Các bài Họa:
Chiều Cuối Năm

Vài khắc nữa thôi năm lại qua,
Khuyên người bớt thảm lệ thôi nhòa.
Thời gian đằng đẵng tình quê nhạt,
Năm tháng lạnh lùng tóc muối pha.
Mấy kẻ dửng dưng lòng viễn xứ?
Nào ai hờ hững tấm thân già?
Thôi thì cuộc thế, nhân sinh thế,
Xin hãy vui cùng bạn với ta!

Đỗ Chiêu Đức

Chiều 12-31-2016

***
Cuối Năm Cảm Thán

Biết rằng năm tháng sẽ trôi qua
Sao vẫn khôn ngăn giọt lệ nhòa
Gương mặt nhăn nheo, quầng mắt lõm
Mái đầu thưa thớt, muối tiêu pha
Còn đâu rạng rỡ niềm vui sống
Chỉ thấy ưu tư nét cỗi già
Quyến thuộc, bạn bè dần tản mác
Đêm về trằn trọc ngẫm thương ta.

Phương Hà
***
Tôi Nhìn Lại Tôi

Riêng ngồi tinh sổ của năm qua
Lắm khoản xem ra khó xóa nhòa
Sức lực còn đâu mà đóng góp
Bạc tiền cũng thiếu để tiêu pha
Cái còn cái mất vì tài kém
Phần được phần thua bởi tuổi gìa
Vận nước chờ hoài chưa sáng tỏ
Nỗi đau dằn vặt mãi thân ta.

Thái Huy
***
 Có Chi Đáng Để Buồn

Năm cũ đi rồi, năm mới qua;
Bao nhiêu ký ức sắp phai nhòa.
Chuyện xưa vẫn đấy, nào quên dễ;
Cuộc diện còn đây, há dám pha!
Đất nước gặp hồi gieo vận bĩ,
Tang thương lắm lúc hận thân già!
Muốn xoay đại cuộc tâm cần vững,
Buồn chỉ làm thêm nhụt chí ta.

Danh Hữu
(Paris, 04.01.2017) 
***
Chiều Cuối Năm

Khỉ hầu từ giã, trống kê qua,
Chất chứa đau thương ký ức nhòa.
Bạn hữu đồng môn nay ốm yếu,
Anh em chiến hữu thuở an pha!
Nghe thời chinh chiến còn vang bóng,
Thấy buổi binh đao vọng lại già!
Ngậm đắng nuốt cay buồn lữ thứ,
Ly hương đất khách tủi thân ta!

Mai Xuân Thanh
***
Đời!

Lắm chuyện vui buồn thế cũng qua
Có khi nhớ rõ có khi nhòa
Đầu xanh sớm trải ngày bom réo
Bữa thiếu từng trông nước mắt pha
Được mất quay cuồng năm tháng trẻ
Còn chăng rệu rã tấm thân già
Hưng vong thế sự đều tan biến
Hãy tự an bình ta biết ta!

Cao Linh Tử

2/1/2017

***
Cảm Khái Đầu Năm

Năm mới đến gần năm cũ qua
Vầng thơ hoan hỉ đã phai nhoà
Quê nhà cám cảnh đầy trang giấy
Hải ngoại mủi lòng tóc muối pha
Tuế nguyệt hững hờ thời vẫn thế
Phong sương chồng chất tuổi thêm già
Giờ đây lặng lẽ nhìn xuân đáo
Thi vận đôi dòng chỉ một ta.

Quên Đi
***
Chiều Cuối Năm

Đúng hẹn xuân về én lượn qua
Khép dòng hồi tưởng lệ mi nhòa
Tha hương đất khách đời phiêu bạt
Năm tháng xứ người tóc trắng pha
Ơi hỡi con tim thời tuổi trẻ
Chao ôi thân xác mảnh hồn già
Giao thừa quạnh quẽ trong mòn mỏi
Tình tự riêng mình ta với ta

Kim Phượng

Quà Tết



Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là tôi lại băn khoăn không biết nên mua cái gì để tặng các bác. Gọi“các bác” đây là bắt chước thằng con của tôi. Cứ cuối tuần nào nó thấy tôi lụi hụi trong bếp làm món này món nọ là nó cười nói chắc hôm nay má mời các bác rồi, nên mới có nhiều đồ ăn ngon như vậy. Tôi trả lời lửng lơ bộ thường ngày má không cho bố con ăn ngon à. Mà nó nói cũng đúng, đãi các bác thì tôi mới kỳ khu bày ra món nọ món kia.

Ở nơi xứ lạ này chúng tôi đâu có bà con ruột thịt nào, quanh đi quẩn lại chỉ có hai vợ chồng với hai đứa con. Thấy người ta họ hàng đông đúc, ngày lễ ngày Tết con cháu tựu về chật nhà mà ham. Cũng may chúng tôi còn có được mấy người bạn để liên lạc cho vui. Ban đầu chỉ là tình đồng hương nơi xứ người, ở cách nhà nhau không xa lắm nên thỉnh thoảng gặp nhau ngày cuối tuần cho để trẻ con có bạn chơi đùa, người lớn chuyện trò, ăn uống cùng nhau. Riết rồi thành bạn thiết, ngày tư ngày tết cũng tặng quà nhau như người trong gia đình. Việc mua quà lúc đầu dễ dàng, nhưng lần lần nhà ai cũng đầy đủ đồ dùng, muốn mua quà khó ơi là khó. Mua tầm bậy uổng tiền, người nhận không biết làm gì với món quà, chỉ biết cất vào kho. Rồi cái kho thành chật, lại phải dọn dẹp đem đồ đi cho các hội từ thiện. Tặng bông tặng hoa, có người bị dị ứng sổ mũi nhức đầu, nhiều khi nhà người ta cũng không còn chỗ để. Tính tới tính lui coi bộ mua đồ ăn tặng nhau là tiện nhất. Chỉ cần để ý đối tượng được tặng thích ăn món gì, cử món gì. Mà mua đồ ăn cũng đâu phải dễ. Mỗi năm phải tìm món gì ngon ngon, lạ lạ chớ không lẽ mua hoài một món cũng khó coi.

Nhớ lại hồi xưa ở quê nhà,việc mua quà tết sao mà dễ dàng, đơn giản hết sức. Chỉ cần ra chợ mua gói trà kèm theo hộp bánh, hộp mứt, hộp thèo lèo, hoặc cặp dưa hấu, ký lạp xưởng, ký khô cá thiều hay đến chợ hoa rinh một chậu cúc, chậu quấc, một cành mai là đã có quà để biếu. Hồi đó người lớn ăn bánh mứt mà không sợ mập, trẻ con không sợ hư răng. Bây giờ người ta sợ đủ thứ.

Ở nhà quê, việc tặng quà lại càng dễ dàng hơn nữa. Trong vườn có trái cây gì ngon thì đem tặng nhau. Vài chục quít đường, vài cặp bưởi, chục vú sữa, cặp thơm tây, chục mãn cầu....Trái gì cũng nhớ bẻ cả cuống kèm với lá cho đẹp. Vườn nhà ai cũng có cây có trái nhưng món quà là chút thơm thảo tặng nhau. Ngày mồng một tết, nhà nào trên bàn thờ cũng lư đồng bóng loáng, dĩa quả tử đầy vun trái cây, bánh mứt, rượu trà; còn thêm cành mai, chậu cúc nữa. Trong bếp, trong chạn thì ê hề chả gỏi nem bì. Nhà nghèo lắm ít nhất cũng phải có nồi thịt kho, nồi khổ qua hầm, hủ dưa giá, dưa cải. Cần nhất là phải nhớ xách nước đổ cho đầy lu đầy hủ.

Trong những món quà Tết thời thơ ấu mà gia đình tôi thường nhận được, tôi thích nhất là quà tặng từ bác Hai B. trên tỉnh. Bác là bạn cùng mua bán với ba má tôi trước kia ở chợ tỉnh, về sau ba má tôi về quê mua đất cất nhà nhưng hai bên vẫn liên lạc. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giáp Tết là bác gởi người quen đi chợ tỉnh đem về cho ba má tôi cái bông cải, xâu lạp xưỡng và hai đòn chả lụa. Hồi đó ở nhà quê chưa có điện, chưa có tủ lạnh. Món chả lụa không để lâu được nên chiều ba mươi má tôi chia chả lụa ra thành nhiều khoanh. Khoanh để cúng ông bà được cắt miếng bày ra dĩa. Phần còn lại để biếu bà ngoại tôi và các dì các cậu. Tôi lảnh phần mang đi biếu. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi mở hé tấm lá gói để nhìn những khoanh chả lụa trắng muốt nằm tròn vo trong lớp lá chuối sẫm màu, chưa chi đã thơm nhức nhối.
Còn cái bông cải và xâu lạp xưỡng, má tôi cột dây treo lên sà nhà, bên cạnh mấy chùm nem bì, mấy đòn bánh tét. Cái sà nhà, ngay trên bộ ngựa gõ, trở thành nơi cất giữ thức ăn đặc biệt ngày Tết của má tôi. Tôi thường nằm đu đưa trên cái vỏng mắc ngang trên bộ ngựa gỏ, náo nức ngắm nghía mấy món ăn Tết treo lủng lẳng trên sà nhà. Những chiếc nem, chiếc bì được gói vuông vức bằng lá chuối có cột dây chặt chịa. Màu lá chuối tươi xanh miết, có dính chút mỡ trở nên bóng mướt, hứa hẹn cái ruột thơm ngon dữ dằn.

Những đòn bánh tét mập mạp được cột từng nuộc dây đều đặn như đếm như đo. Bánh tét nhân đậu xanh có thỏi mỡ chưa kịp cắn đã tan quyện vào trong nếp vừa dẽo vừa thơm. Bánh nhân chuối với trái chuối ngả màu đỏ tía, tươm nhựa ngọt ngào. Bánh tét không cắt bằng dao mà bằng sợi dây cột bánh vừa tháo ra. Một đầu dây được giữ bằng răng, đầu kia giữ bằng tay; tay kia nâng chiếc bánh, xiết một vòng dây là một khoanh bánh nằm xuống dĩa, xếp vòng đều đặn.
Còn bông cải, nghe nói chỉ trồng được ở Đà lạt, trên cao nguyên xa lắc xa lơ. Bông cải đó phải chờ đến mồng ba, khi giết gà cúng tiễn ông bà hay cúng ra nghề, má tôi sẽ đem tẻ nó ra thành từng mảnh nhỏ, rữa sạch rồi xào lên với bộ đồ lòng, vừa dòn vừa ngọt vừa thơm. Xâu lạp xưỡng, hình như mua ở tiệm Tàu, má tôi sẽ đem hấp trong nồi cơm, khi chín nó căng mọng lên, phần mỡ trong vắt quyện vào phần thịt đỏ au.
Lạp xưỡng được đem xắt miếng mỏng mỏng, xếp vào dĩa sứ trắng, ăn với cơm nóng bốc khói thơm ngon hết biết. Những món nem bì, bánh tét của má tôi cũng ngon lắm nhưng trong ký ức tôi, món ăn đậm vị ngày Tết lại là món quà của bác Hai B.

Bây giờ vào những dịp Giáng sinh, Tết, người ta mua sắm kình kình. Món nhiều tiền, món ít tiền; món nào cũng được gói giấy hoa, buộc dây đẹp đẻ. Theo giòng người tấp nập mua sắm, tôi nhớ lại những cái Tết xa xưa ở quê nhà... 

Trong hằng hà sa số những món bày bán trong các cửa hàng, siêu thị ở đây, giữa một nơi gần như không có ai thiếu thốn thứ gì, thật khó mà tìm cho ra một món làm quà Tết có thể để lại được hương vị lâu dài trong lòng người nhận.

Khánh Hà