Tác Giả Hà Nguyên - Có tác phẩm do Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại bình chọn" Truyên ngắn hay được đọc nhiều nhất Năm 2015
Vừa qua, Hà Nguyên, một cây bút nữ hiện ngụ tại Phường 1, Thành phố Vĩnh Long, là cộng tác viên thường xuyên của báo Vĩnh Long và một số báo ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cộng đồng người Việt hải ngoại bình chọn tác phẩm “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” của chị là truyện ngắn viết bằng Việt ngữ được đọc nhiều nhất năm 2015.
Truyện ngắn “Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” được đăng lần đầu tiên trên báo Vĩnh Long. Sau đó, qua đường truyền của Vĩnh Long Online, truyện ngắn này được cộng đồng người Việt ở các nước Nga, Mỹ, Đức, Hungary, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Australia… truyền tải và phổ biến.
“Chuyện nhỏ ở xóm Cồn” kể về sinh hoạt của những người bần cùng, đa phần sống bằng nghề hạ bạc trên một cù lao nhỏ nằm trên dòng Tiền giang ở giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước. Một ngày nọ, có một gánh hát thuật sơn đông gồm một anh chàng cổ quái nhưng đa tài cùng với hai đồ đệ là con chó cò và con khỉ nhỏ đến diễn trò và bán thuốc sơn đông. Từ đó, cuộc sống êm đềm của những người bần cùng trên cù lao này dần dà trở nên thay đổi…
Ngoài truyện ngắn trên, Hà Nguyên còn sáng tác một số truyện ngắn, tạp văn, khảo cứu… và ở lĩnh vực nào, chị cũng thành công. Có được thành quả như thế, có lẽ nhờ vào vốn sống ngồn ngộn của chị! Từ một cuộc sống trưởng giả, cuộc đời chị đã từng trải qua nhiều thăng trầm, đắng cay, bất hạnh… Trong quá khứ, chị từng làm rất nhiều nghề: phóng viên, chủ cơ sở kinh doanh, dạy kèm ngoại ngữ, phân loại rác cầu tiêu cho một cơ sở tái chế giấy, bán vé số dạo, dọn dẹp nhà vệ sinh trong vũ trường… Thời gian bán vé số dạo và làm tạp vụ trong vũ trường, chị quen biết và kết thân với những người sống ở tận đáy xã hội, những người nghèo khổ buôn gánh bán bưng, thậm chí cả dân giang hồ tứ chiếng. Quãng thời gian này, đêm nào chị cũng lê la khắp cùng khu vực chợ Vĩnh Long, từng ăn “cơm ma”, “hủ tiếu ma”, uống cà phê “phố đêm”… những nơi mà có thể những người sống cả đời ở thành phố Vĩnh Long chưa chắc biết! Và thành quả thứ hai ngoài vốn sống của Hà Nguyên là chị có học qua một số ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hán, Pãli. Chị cũng đã từng học qua Đại học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, học khoa Thần học bên Thiên chúa giáo tại Fatima Vĩnh Long.
Hiện tại, chị đang là giáo viên dạy Năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên tỉnh Vĩnh Long.
Tín Đức
Chuyện Nhỏ Ở Xóm Cồn
Xóm là cù lao nhỏ nằm trên sông Tiền, xung quanh bao bọc toàn bần chen lẫn với ô rô, cóc kèn mọc lô nhô. Cả xóm gói gọn ước chừng vài mươi nóc gia, đa phần là dân tứ xứ nghèo khổ tụ về đây lập nghiệp. Họ sống chủ yếu nhờ vào ruộng rẫy, hạ bạc. Bần cùng hơn thì đi mò cua, bắt hến lây lất sống qua ngày.
Trên xóm cồn, mọi sinh hoạt mua bán, giao tiếp hàng ngày của mọi người đều tập trung vào cái chợ chồm hổm nằm ngay đầu cồn, trước trụ sở ấp. Mỗi ngày, chợ chỉ họp từ tờ mờ sáng cho đến giữa giờ tỵ. Kề sát bên trụ sở ấp là cái tiệm nước của gia đình ông trưởng ấp. Ông này gốc là thương binh nặng, được phục viên rồi trôi nổi về xứ này sinh sống. “Sống lâu lên lão làng”, cộng với bản tính ngay thẳng, cương trực nên ông được dân xóm cồn kính nể, tín nhiệm bầu làm trưởng ấp kiêm luôn an ninh ấp.
Tiệm nước của gia đình ông bán đủ thứ hầm bà lằng: nào là cà phê, hủ tíu, nào là chạp phô có luôn cả la ve, ba xị đế… Đối với dân xóm cồn này, căn nhà lá tuềnh toàng vừa là tiệm nước, vừa là nhà của ông trưởng ấp là cái hội trường tổng hợp. Nó vừa là nơi trao đổi, mua bán duy nhất của cả xóm, vưa là nơi tụ hội vui chơi của mọi người sau một ngày lao động. Mọi thông tin đầu làng, cuối xóm đều được xuất phát từ nơi này!
Thuở đó, xóm cồn nghèo nàn và hiu quạnh lắm. Nó giống như một ốc đảo bởi tứ bế toàn là sông nước. Nhịp sống lại buồn tênh, xa rời mọi tiện nghi của đời sống văn minh. Trên đất xóm cồn, phù sa đang còn trong quá trình bồi lắng nên nhiều nơi hãy còn sình sụp, hoang sơ. Phương tiện đi lại trong xóm phải nhờ vào cầu khỉ và xuồng ghe. Do tứ bề toàn sông nước như thế, nên dân xóm cồn hầu như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Một buổi sáng nọ, khi mặt trời mọc cao chưa quá ba sào, có một người đàn ông lạ mặt tuổi độ trung niên bơi chiếc xuồng ba lá bể mũi đến cắm sào nơi mé sông chợ. Trông bộ dạng anh ta thật cổ quái: tóc tai bờm xờm, mặt mày đen đúa nhọn hoắt như cái lưỡi cày, tướng tá cao lêu nghêu như chim sếu. Anh ta bước lên bờ, tiến về phía trụ sở ấp rồi đến trình giấy tờ gì đó với ông trưởng ấp. Sau khi mọi thứ thủ tục đã xong, anh ta chọn khoảnh đất trống ở cuối chợ và lần lượt dọn đồ ở dưới xuồng lên. Cuối cùng, anh ta dắt lên con chó cò và con khỉ nhỏ. Thì ra, anh ta là dân sơn đông mãi võ!
Khi một số người hiếu kỳ tụ tập khá đông tạo thành vòng tròn quanh gánh hát thụât sơn đông, anh chàng cổ quái nọ bắt đầu diễn trò. Lúc này, anh ta đã mặc phục trang để diễn trò là bộ đồ hiệp sĩ châu Au thời Trung cổ. Đầu tiên, anh ta hú lên một tràng dài lanh lảnh nghe muốn rởn tóc gáy, đoạn, rút từ trong người ra một cây thiết bảng sơn nhiều màu sắc rực rỡ rồi bắt đầu múa may quay cuồng. Hệt như một con vượn, anh ta vứa hú vừa vừa xoay vòng vòng như con bông vụ, người quặt quẹo ngã qua ngã lại mềm nhũn tợ như hình nộm bằng cao su rồi thoắt nhiên anh ta vụt đứng phắt dậy bằng một chân. Anh ta lại thọt hai tay xuống đất theo kiểu trồng chuối ngược làm những cú lộn ngược liên hoàn, rồi uốn cong người lại dịu quặt thật gọn gàng.
Bây giờ, hầu như tất thảy mọi người trong khu chợ đều tập trung hết về đây, chẳng còn thiết tha gì đến việc mua bán nữa! Trong khi đó, anh chàng sơn đông bắt đầu đi quanh vòng tròn, tự giới thiệu về mình một cách trịnh trọng:
Kính thưa bà con cô bác, gánh hát thuật của chúng tôi gồm ba diễn viên, hôm nay xin hân hạnh được phục vụ ra mắt cùng bà con - anh ta đã đánh đồng xem hai con thú như người ta -.Thay mặt cho gánh hát, tôi xin tự giới thiệu: tôi là nghệ sĩ Trương Chi, còn đây là hai đồ đệ yêu quý của tôi là tráng sĩ Bạch Cẩu và Mai Tiểu thư. Xin bà con cô bác vỗ một tràng pháo tay để cổ vũ tinh thần cho gánh hát của chúng tôi!
Chàng Trương Chi vừa dứt tiếng, lập tức khán giả xóm cồn vỗ tay đôm đốp vang dội. Đã lâu lắm rồi dân xóm cồn mới có được ngày vui như thế này! Chàng nghệ sĩ Trương Chi búng tay nghe cái tách, tráng sĩ Bạch Cẩu diện quần bò, áo da nãy giờ đứng sau lưng anh ta bắt đầu phóng ra giơ cao hai chân trước quơ qua quơ lại để chào khán giả, vừa chào vừa sủa gâu gâu. Tiếp theo, cô nàng Mai Tiểu thư trông thật điệu đàng với cái áo đầm màu đỏ, đầu đội chiéc nón rộng vành, tay lăm le cây súng lục bằng mủ trông hệt như cao bồi Mỹ chính hiệu phóng mình nhảy phóc ngồi chễm chệ trên lưng Bạch Cẩu. Chàng Trương Chi giơ hai tay làm loa, miệng liên tục hét những tiếng “bằng bằng, chéo chéo” giả tiếng súng nổ. Họ đang diễn trò cao bồi bắn súng. Càng lúc Trương Chi càng gào to, Mai Tiểu thư càng vung tay giả bộ như bắn càng nhiều hơn. Còn tráng sĩ Bạch Cẩu thì chạy vòng quanh vòng tròn đám đông, có lúc giả bộ lồng lên giống như một con ngựa bất kham.
Tiếp đến, con Mai Tiểu thư vụt nhảy xuống lưng con Bạch Cẩu. Nó rút từ bên hông ra một cây kiếm gỗ rồi nhảy đến khiêu chiến với chàng Trương Chi. Hai bên quần thảo hổn loạn đả đời một hồi, tiếng khua của kiếm cộng với tiếng lục lạc nơi cổ chó tạo ra một thứ âm thanh dị hụ kỳ đang.
Màn cao bồi bắn súng này quá` hấp dẫn, làm cho cả đám đông hiếu kỳ cười nghiêng ngửa, riêng thằng Út Chọt là con trai út ông trưởng ấp khoái chí quá nhảy tưng tưng làm tuột cả quần xà lỏn lòi hẳn cái “của quý” nhỏ xíu ra ngoài! Rồi xen kẻ giữa những màn xiếc là phần giới thiệu của Trương Chi với giọng điệu hết sức hóm hỉnh các bài thuốc gia truyền, nào là cao đơn hườn tán, dầu cù là hiệu Mác su, trật đả hoàn, bạc hà thuỷ, thuốc dán con rít…
Diễn xong phần xiếc, Trương Chi lại chuyển sang phần ảo thuật. Anh ta lôi từ trong cái rương bằng cây ra các thứ đạo cụ rồi lần lượt trình diễn. Tiết mục đầu tiên là màn nuốt gươm. Anh ta giơ cao cây gươm lên cho mọi người thấy rõ nó làm bằng kim loại, đoạn từ từ ấn sâu vô miệng một cách tài tình làm cho khán giả hồi hộp muốn thót tim. Rồi đến các tiết mục khác như nuốt lửa, thay đổi số của các lá bài, đập bể bong bóng lại hoá thành bông hồng…
Và cứ thế, hết màn xiếc nọ đến màn ảo thuật kia đã được thầy trò của anh chàng Trương Chi kia thi thố cho mãi đến khi mặt trời đứng bóng mới tan
Thế rồi, ngày lại ngày qua, cứ sáng sáng là cái gánh hát thuật sơn đông đã có mặt ở đầu chợ với vô số các tiết mục xiếc và ảo thuật. Rồi không biết tự bao giờ, mặc nhiên dân xóm cồn xem bọn người mới đến nhập cư này cũng là thành viên của xóm; và tất nhiên, cứ mỗi khi gia đình nào trong xóm cồn có đám tiệc hay lễ lộc gì thì cũng không thể không có mặt thầy trò Trương Chi đến góp phần chen lấn.
Nơi cắm sào để qua đêm của thầy trò Trương Chi ở chỗ cái doi đất nằm thoi loi ngoài đầu khe luông, cách nhà cô Út Thỉ chưa đầy trăm tầm đất. Giống y hệt như nhân vật Trương Chi trong cổ tích: tương phản với bộ dạng xấu xí bên ngoài, chàng Trương Chi hiện đại này cũgn có giọng hát mê hồn cộng với tài đàn tân lẫn cổ nhạc và thổi sáo. Những đêm khuya thanh vắng, hoà quỵên theo tiếng gió vi vu là tiếng sáo dìu dặt của những bài: Con thuyền không bến, Lòng mẹ, Giọt mưa thu, Đêm đông… hay có khi anh độc tấu tân nhạc hoặc nhạc cổ truyền. Có đêm, thính giả xóm cồn còn được thưởng thức cả giọng hát hết sức truyền cảm của anh ta nữa! Về sau này, trong xóm cồn có ông Mười Khoe là người hay đọc nhật trình, một hôm tình cờ khám phá ra thân thế của Trương Chi. Thì ra trước đây anh ta là một nghệ sĩ nổi tiếng tài danh ở thành phố, vì chán ngán nhân tình thế thái nên mới lưu lạc tới xóm cồn khỉ ho cò gáy này!
… Út Thỉ là cô gái vừa có nhan sắc rất mặn mà vừa lại rất giỏi giang. Năm nay, cô đã ngoài ba mươi mà vẫn còn phòng không chiếc bóng. Nghe đâu do ngày còn trẻ, vì phải phụng dưỡng báo hiếu cha mẹ già, cô đã từ chối nhiều đám nên nay phải chịu cảnh lỡ thời. Hôm gánh hát thuật sơn đông của thầy trò Trương Chi mới về xóm cồn, cô cũng có mặt ở đó. Do ngẫu nhiên, chiếc xuồng bễ mũi của bọn họ lại đậu ngay ranh đất của cô. Và vì thế, sinh hoạt thường nhật của thầy trò chàng Trương Chi kia cô đều nắm hết! Đêm đêm, một thân một mình thui thủi trong căn nhà lá nhỏ, cô nằm lắng nghe Trương Chi trổ tài đàn ca hát xướng mà có cảm tình rất nhiều với chàng nghệ sĩ tài hoa kia. Cô thuộc lòng từng lời ca, từng tiếng đàn, tiếng sáo của Trương Chi. Cô thương lắm mối tình trái ngang của nàng tiểu thư khuê các Chúc Anh Đài với chàng thư sinh nghèo Lương Sơn Bá, cũng như rất thích tấm lòng cao cả của sơn nữ Phà Ca:
“Đói lòng ăn nửa trái trâm,
Uống lưng bát nước đi tầm người thương
Người thương ở tận non xanh
Bậu về quê bậu biết mô mà tìm”
Đêm nay, khi con trăng thượng tuần vừa mới mọc, Trương Chi đã đem cây đàn lục huyền ra ngồi trước mũi xuồng. Hai đồ đệ thân yêu của anh ta là con chó cò đang nằm lim dim ở kề bên, còn con khỉ nhỏ nhảy nhót trên be xuồng. Bản vọng cổ anh ta cất giọng đầu tiên là lời vĩnh biệt của con trai phò mã Võ Tánh với vị hôn thê là con gái yêu của quan bố chánh Gia Định thành Bạch Xuân Nguyên:
“Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viển Bạch Thu Hà. Bạn tình ơi đừng hoài công mòn mõi đợi chờ. Hãy gọi tên anh trong những chiều thu lạnh, khi cánh nhạn bay về giữa chốn trời xa…”
Vừa dứt bản vọng cổ, Trương Chi lại so dây, khảy tiếp bản Phụng hoàng. Những tiếng “hò, líu, xê, xừ, xang, xê, hò, xê, xư, lịu…” là tiếng con chim phụng trống kiếm tìm con chim phượng mái, cũng chính tiếng lòng của chàng Tư Mã Tương Như thố lộ với gái goá Trác Văn Quân khiến cho lòng Út Thỉ xúc cảm bồi hồi khi cám cảnh đến thân phận mình! Cô nằm trăn trở hoài trên bộ vạt tre, cơ thể rạo rực, hai bầu vú như căng cứng lên và đôi má nóng bừng bừng. Bất chợt, cô vụt đứng lên khỏi chõng, đẩy tấm liếp cửa đi về hướng đầu đất, giống như nàng Mị Nương xưa đang đêm trốn khỏi lầu son gác tía để lần theo dấu chân người thổi sáo.
Thế rồi, bèo nước gặp nhau…
Một đêm nọ, có người tình cờ bắt gặp bóng một người đàn ông có vóc vạc giống y chang như chàng Trương Chi thời nay lặng lẽ đi vào nhà Út Thỉ…
… Thằng Mịch làm nghề chài lưới, là người có nhiều hành vi táo tợn nhất ở xóm cồn. Hình như xứ sở nó ở tận Kinh cùng, Ngang trâu gì đó, do nghèo khổ quá nên mới lạc loài tới xứ này. Nó không có đến một cục đất để chọi chim, nên nơi cắm dùi của nó là cái tum lá gác vắt vẻo trên nhánh chảng ba của mấy cây bần ngoài bãi bồi, cách nhà cô Út Thỉ cỡ chừng một giăng cây. Nó thầm yêu, trộm nhớ Út thỉ đã từ lâu, mặc dầu ít tuổi hơn cô. Chiều chiều từ trên cái tum lá, nó dõi mắt nhìn miết về hướng nhà của cô Út rồi thả hồn mộng mơ. Nó mơ nhiều lắm, mơ có ngày được sở hữu cho riêng nó cái hình bóng thon thả yêu kiều kia. Nhưng không biết do cô Út quá nghiêm trang hay vì lý do nào khác nữa nên mãi đến tận bây giờ nó vẫn chưa dám tỏ bày!
Biết Út Thỉ có tình cảm với Trương Chi, thằng Mịch rất căm ghét anh ta. Nó đi khắp đầu trên xóm dưới thậm thọt bêu rếu mối tình của anh ta với cô Út, làm bộ giả giọng rao hàng hay nhái lại những trò xiếc hoặc ảo thuật. Thế nhưng, cho dù thằng Mịch có giở trò trước mặt hay khuất mắt gì đi nữa, anh chàng Trương Chi này chẳng hề tỏ thái độ chi cả, một phần có lẽ do lành tính, phần do chửng chạc! Đối với Út Thỉ, nó cũng không từ. Có lần tình cờ gặp cô giữa đường, thằng Mịch buông lời lẽ trêu chọc hết sức khả ố:
“Kim sắt chích thịt thì đau
Kim thịt chích thịt mê nhau suốt đời”
Nhưng cô Út vẫn dửng dưng!
Tức tối, nó ghét lây đến cả hai con thú. Số là lâu nay, cứ chiều chiều là con chó cò cõng trên lưng con khỉ giống y chang như hình ảnh một kỵ mã ngồi trên lưng ngựa “đi tiệm” mua đồ cho sư phụ chúng. Xen giữa tiếng lục lạc trên cổ con chó khua leng keng là tiếng kêu “khẹc khẹc” của con khỉ. Tức cười nhất là cảnh qua cầu khỉ, trong khi con chó dò dẫm từng bước thì con khỉ nằm rạp xuống lưng con chó, hai tay ôm cứng ngắc vô cần cổ, mắt nhắm lại khít rịt vì sợ! Hình ảnh này cũng là một trong những niềm vui của xóm cồn. Riết rồi thành như thông lệ, chiều nào cũng vậy, hễ đến khi mặt trời vừa tắt nắng, người dân xóm cồn đã ra ngồi trước cửa nhà ngóng cổ chờ hai con thú khôn ngoan đó chạy ngang qua. Đến tiệm nước của ông trưởng ấp,con khỉ nhảy phóc xuống khỏi lưng con chó, phóng thẳng tới trước mặt rồi đứng yên chờ cho ông trưởng ấp mở cái túi nhỏ đeo trên cổ nó -chỉ riêng một mình ông ta mới mới mở được cái túi này mà thôi- xem miếng giấy Trương Chi ghi những món cần dùng; đồng thời, cũng lấy tiền và để trở lại các thứ cần dùng.
Một hôm, chờ cho hai con thú trên đường đi tiệm về đến quãng vắng, thằng Mịch núp trước sẵn trong lùm đợi khi bọn chúng chạy ngang qua liền quất gậy túi bụi vào chúng. Con khỉ hoảng loạn quá, phóng tuốt lên cây bần, còn con chó sau trận đòn đau điếng, nó trả miếng lại thằng Mịch bằng mấy cái táp vô ống quyển. Thấy con chó chạy dông về chỗ xuồng cắm sào mà không có con khỉ, Trương Chi liền bổ đi tìm mới hay cớ sự. Phải dỗ dành thiệt lâu, con khỉ mới dám tuột xuống khỏi ngọn cây bần nằm run rẩy trong vòng tay của Trương Chi.
Sau khi chuỵên này xảy ra dân xóm cồn ai cũng căm giận thằng Mịch. Riêng ông trưởng ấp có nói riêng với nó:
-Mịch à, từ đây trở đi bây không được làm xằng như vầy nữa! Tao cấm tiệt đó nghe không? Nếu như bây còn tái phạm, tao sẽ tống khứ ra biệt khỏi xóm cồn này!
Thằng Mịch ngoài mặt làm thinh nhưng trong bụng chất chứa đầy thù hận. Nó rắp tâm đợi dịp trả thù…
Đêm khuya tĩnh lặng. Vạn vật xóm cồn đang chìm trong giấc ngủ, chỉ trừ có hai người. Ngoài doi đất, Trương Chi và Út Thỉ đang ngồi trước hai nắm mộ nhỏ vừa mới đắp nghi ngút khói nhang. Trong khi Út Thỉ khóc thút thít, Trương Chi ngồi chết lặng như cái xác không hồn. Tai họa xảy ra khi hồi chiều này, thừa lúc Trương Chi lên nhà Út Thỉ, thằng Mịch đã lén lặn tới xuồng bỏ thuốc độc vào đồ ăn của hai con thú.
Không biết đến bao lâu, Trương Chi mới bắt mở miệng. Anh ta bắt đầu nói, mỗi lời anh ta thốt ra, tựa như muối xát, kim châm:
- Trời ơi, sao người ta không giết tôi chết đi mà lại nỡ hãm hại hai con thú vô tội kia! Chúng nào có tội tình chi đâu mà phải chết một cách oan ức, tức tưởi như vầy. Tôi đã cùng đường rồi mà ông trời còn bắt tội tôi nữa hay sao!
Anh ta càng nói, Út Thỉ càng thút thít nhiều thêm. Từ khi chán cảnh thói đời đen bạc, anh ta bầu bạn với hai con vật có nghĩa đó, mặc dù chúng chỉ là thú vật. Bọn chúng còn là phương tiện để anh ta sinh sống bấy lâu nay!
Đã gần tàn canh ba, sương đêm làm ướt đẫm tóc của cà hai người. Út Thỉ năn nỉ hết mà không được nên cô đành phải vào nhà một mình.
… Sáng hôm ấy, xóm cồn buồn hiu hắt vì chàng nghệ sĩ tài hoa kia đã nhổ sào ra đi tự lúc nào không ai hay biết. Người ta cũng không hề thấy bóng dáng của thằng Mịch ở trên chảng ba mấy cây bần ngoài bãi bồi như từ trước tới giờ. Út Thỉ mặt mày chao vao ngồi ủ rũ trong góc tiệm nước. Ông trưởng ấp thì đi tới đi lui chắc lưỡi than vắn thở dài hoài:
- Người mang niềm vui, kẻ mang tai họa tới đều đi mất tiêu hết rồi! Ông trời ơi, sao ông sao nỡ đang tâm độc địa với dân xóm cồn này quá!
Một cơn gió bấc thoảng qua làm ai nấy rùng mình. Ngoài bãi bồi có mấy trái bần vừa lìa khỏi cành, rơi lõm tõm xuống con sông Tiền đục ngừ phù sa đang cuồn cuộn chảy.
Xóm cồn dần trở nên hiu quạnh thêm…
Hà Nguyên