Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Hình Như Đang Yêu - Lời Thanh Lan - Nhạc Phạm Anh Dũng


 Lời: Thanh Lan 
Nhạc: Phạm Anh Dũng 
Tiếng Hát: Hà Thanh

Mơ Thấy Anh



Em nằm mơ thấy anh
Một giấc mơ thật đẹp
Ta dạo chơi tung tăng
Chim nhẩy nhót lăng xăng

Đi dọc theo bờ biển
Nhìn sóng biển, ngắm thuyền
Gió nhẹ nhàng mơn mang
Sóng biển vỗ dịu dàng

Ngạc nhiên lắm anh à
Không nghĩ đến anh mà
Sao lại mơ thấy chứ?
Nên thật sự rất vui

Anh có thật ngoài đời
Không mơ hồ tan loãng
Không là người trong mộng
Mà mộng thấy mới hay

Tóc em gió tung bay
Anh tươi cười tự tại
Âu yếm nhìn em hoài
Chúng mình tay trong tay

Chàng áo tím của em
Ai bảo anh mặc áo?
Dù chỉ mặc một lần
Mầu mà em yêu nhất

Sáng nay thức dậy trễ
Giấc mơ ôi đẹp ghê!
Thơ lại đến vụng về
Thấy tràn trề hạnh phúc!

Như Nguyệt


Thương Tiếc Nhạc Sĩ Vũ Đức Sao Biển

 
Thu sang cho lá vàng rơi
Hát lời êm ngọt cho đời lên hương
Cho tình Thu mãi vấn vương
Người thương người nhớ bên đường thêu hoa
Vũ xoay theo điệu giao hòa
Đức tài rồi cũng hóa ra vô thường
Sao trời tỏa sáng muôn phương
Biển xanh bát ngát miên trường giấc êm

Toronto 12/5/2020
Nguyên Trần

Hai Lần Mồ Côi

 

Con chào đời không thấy mặt Cha
Mười lăm năm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mười lăm năm Con chẳng biết Cha mình
Bạn bè hỏi:Sao mầy buồn thế?
Mẹ ơi
Bạn con có Mẹ có Cha
Còn con có Mẹ không Cha
Hôm nay Mẹ lên xe hoa
Ngày vui của Mẹ - Con tan nát lòng
Ông Bà Ngoại đưa Mẹ về bên ấy
Con vào phòng - Khóa cửa - Khóc thương thân
Trong tiệc cưới, bà con đông đủ
Giới thiệu họ hàng - Sao chẳng có tên con?
Mẹ ơi Mẹ bỏ con rồi
Con uống nước ngọt mà môi con bầm
Mẹ ơi ,Trong đời ai khổ hơn con?
Còn Cha còn Mẹ - Hai Lần Mổ Côi!!!

Hoàng Long

Thái Liên Khúc Kỳ I 採蓮曲其一 - Lý Bạch (Thịnh Đường)


Lý Bạch 李白 (701-762), (kém Vương Xương Linh 3 tuổi), tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.

Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ Lý cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên, ...

Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác. (Trích trong Thi Viện).

Lời phi lộ

採蓮曲 Thái Liên Khúc là đầu đề của gần một chục bài thơ Đường nhưng chỉ có 3 bài của Vương Xương Linh (LTCD thế kỷ 21 bài 673b), Lý Bạch (LTCD thế kỷ 21 bài 55c) và Bạch Cư Dị (LTCD thế kỷ 21 bài 100) là có sức quyến rũ độc giả giống như loài yêu tinh. Bài của họ Vương và của họ Lý tả nhan sắc của cô gái hái sen; bài của họ Bạch tả nét quyến rũ của cảnh trai gái tự tình lúc hái sen. Cả 3 bài đều là 3 ngôi sao lấp lánh trên bầu trời thơ văn quốc tế.

Bồ Tùng Linh đã có lần mách Con Cò rằng khi một bài thơ Đường được một thêm độc già thưởng thức thì nó lại hấp thụ thêm sinh khí để sống lâu hơn và cứ như thế nó dần dần trở thành một loại yêu tinh trường thọ bất tận. Nhờ vậy mà diễn đàn LTCD thế kỷ 21 đã góp nhặt được gần 700 bài thơ Đường có khả năng tu luyện thành yêu tinh. Bài Thái Liên Khúc kỳ nhất của Lý Bạch là một con yêu tinh gốc hoa sen của thơ Đường:

Nguyên tác           Dịch âm

採蓮曲其一         Thái Liên Khúc Kỳ Nhất

若耶溪旁採蓮女 Nhược Da khê bạng thái liên nữ
笑隔荷花共人語 Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ
日照新粧水底明 Nhật chiếu tân trang thủy để minh
風飄香袂空中舉 Phong phiêu hương duệ không trung cử
李白                     Lý Bạch 
***
Chú giải:

若耶 Nhược Da: tên một khe suối thuộc tỉnh Triết Giang. Tương truyền là nơi ngày xưa Tây Thi giặt lụa, nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang.
溪旁 Bạng: cạnh, bờ (của con suối).
採蓮 thái liên: hái sen.
隔 cách: ngăn cách.
荷花 hà hoa: hoa sen.
共 cộng: cùng
水底 thủy để: đáy nước.
袂 duệ: tay áo.
舉 cử: bay lên.

Dịch nghĩa:

Ở suối Nhược Da có cô gái hái sen,
Nụ cười của hoa sen cùng tiếng người nói.
Mặt trời chiếu vào trang sức dưới đáy nước,
Gió thổi vào cánh tay áo khiến hương thơm bay lên không trung.
(Năm 747)

Dịch thơ:

Ca Khúc Hái Sen Kỳ 1

Nhược Da cô gái hái sen nhỏ,
Gái nói hoa cười nhận ra khó.
Đáy nước nữ trang nắng chiếu lên,
Hương trong tay áo vươn trong gió.

Lời bàn của Con Cò:

Về hình thức, bài thơ thất ngôn tứ tuyệt này có 2 đặc điểm: 1/ các câu 1, 2 & 4 gieo vần trắc; 2/ ý tưởng của 4 câu được xếp đặt tuần tự để tả nét thon nhỏ (câu 1), nét tươi tắn (câu 2), nét lộng lẫy (câu 3) và mùi thơm tho (câu 4) của cô gái hái sen. Bài dịch đáp ứng tương tự cả vần điệu lẫn ý.

- Câu 1:
  Giới thiệu cô gái hái sen ở suối Nhược Da dáng người thon nhỏ.
- Câu 2:
  Câu này là trọng tâm của bài thơ. So sánh nét tươi đẹp, duyên dáng của hoa sen và của cô gái hái sen một cách độc đáo. Con Cò xin thú thật rằng rất khó dịch hết nghĩa của câu này trong vòng 7 chữ. Câu nguyên bản nói rằng: Nét tươi tắn của hoa sen và miệng cười duyên dáng của cô gái hái sen đẹp ngang nhau, không thể nào phân biệt được. Kỹ thuật dùng từ ngữ để so sánh của Lý Bạch qúa siêu việt cho nên dịch rất khó; Con Cò chỉ có thể dịch đơn sơ là: Gái nói hoa cười nhận ra khó.
- Câu 3:
   Nhờ ánh nắng phản chiếu nữ trang lung linh dưới nước mới nhận được dung nhan lộng lẫy của cô gái hái sen.
- Câu 4:
   Nhờ trận gió đưa hương thơm từ trong tay áo tỏa ra mới ngửi được mùi thơm của da nàng!

Lời thơ của cả 4 câu không thể chê chỗ nào được. Nhưng sự so sánh vẻ đẹp của hoa sen với vẻ đẹp của cô gái hái sen vẫn còn thua Vương Xương Linh một bực (xin xem LTCD thế kỷ 21 số 673b). Con Cò không biết bài Thái Liên Khúc của họ Vương làm năm nảo; cũng không cần biết ai đã ảnh hưởng tới ai; Hắn chỉ dựa vào tiêu chuẩn liêu trai của Bồ Tùng Linh mà đoán rằng cả hai bài đều là yêu tinh, có khả năng mê hoặc khách yêu thơ. Con yêu tinh của họ Vương (dường như điêu luyện hơn) ẩn trong mây; con yêu tinh của họ Lý (điêu luyện xấp xỉ) bay theo gió. (Bạn nào nghĩ khác cũng đừng quan tâm; cứ coi như thơ của thi tiên Lý Bạch và của vua thơ Vương Xương Linh ngang ngửa với nhau).

Con Cò
***
Các Bài Dịch Khác:

Trong thơ của Vương Xương Linh, tác giả đứng xa người đẹp, mọi thứ đều thấy rất mơ hồ, chỉ có giọng ca là rõ ràng, truyền cảm.
Bài này thì Lý Bạch ở ngay bên cạnh cô hái sen, nghe cô cười, thấy đồ trang sức mới của cô in hình trên đáy nước (sao không nhìn thẳng mà lại nhìn bóng?) và ngửi được cả hương thơm ở tay áo của cô bay lên: đó là mùi hương sen, hay mùi thơm của da thịt nàng thiếu nữ? Thật là lãng mạn và hấp dẫn nữa. Không biết khi làm bài thơ này thì Lý bao nhiêu tuổi, đã có vợ con gì chưa?

Bài Ca Hái Sen Kỳ Nhất.

Bên suối Nhược Da, cô hái sen,
Trong hoa khúc khích, tiếng người chen,
Trang sức sáng trưng lồng đáy nước,
Gió lùa tay áo tỏa hương lên.

Bát Sách.
(Ngày 26 tháng 5 năm 2022)

***
Khúc Hát Hái Sen Kỳ 1

Suối Nhược bờ sen cô gái hái,
Hoa cười người nói cùng phong thái.
Nắng soi tô điểm sáng sông sâu,
Gió phất áo thơm đầy trời trải.

Mỹ Ngọc  
May 26/2022.
***
Khúc Hái Sen Kỳ 1

Hái sen gái Nhược bên khe suối
Cười rộn bên hoa, thanh giọng nói
Nắng chiếu tư trang đáy nước in
Gió lay hương áo trời cao nối!

Lộc Bắc
Mai22
***
Bài Cảm Tác

Ánh trăng nhả bạc trên hồ
Cùng sen mỹ nữ mơ hồ phơi sương
Ôm vào người cành hoa nương
Một mầu hồng thắm thêm hương thơm ngà

Đồ Cóc

Thái Liên Khúc 採蓮曲 - Lý Bạch


Nguyên tác:        Phiên âm:

採蓮曲                  Thái Liên Khúc
李白                       Lý Bạch

若耶溪旁採蓮女 Nhược Da khê bạng thái liên nữ
笑隔荷花共人語 Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ
日照新粧水底明 Nhật chiếu tân trang thủy để minh
風飄香袂空中舉* Phong phiêu hương duệ không trung cử
岸上誰家游冶郎 Ngạn thượng thùy gia du dã lang
三三五五映垂楊 Tam tam ngũ ngũ ánh thùy dương
紫騮嘶入落花去 Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ
見此踟躕空斷腸 Kiến thử trì trù không đoạn trường

* di bản: tụ袖 thay vì duệ袂 = cùng nghĩa (tay áo)

Văn bản Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 21 và 163.

Mộc bản Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 21 Tương Hòa Ca Từ 御定全唐詩卷二十一相和歌辭 và Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 163 Lý Bạch 御定全唐詩巻一百六十三李白 . Mộc bản trong các sách khác:

Lý Thái Bạch Văn Tập - Đường - Lý Bạch 李太白文集-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Phân Loại Bổ Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集分類補註-唐-李白
Hội Kê Xuyết Anh Tổng Tập - Tống - Khổng Duyên Chi 會稽掇英總集-宋-孔延之
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Tuyển Đường Tống Thi Thuần - Thanh - Cao Tông Hoằng Lịch 御選唐宋詩醇-清-高宗弘曆

Ghi chú:

Thái Liên Khúc là tựa một bài nhạc phủ tương hòa ca; bài thơ được cho là của Lý Bạch. Cả hai bài nhạc phủ và thơ là một bài thơ cổ phong 8 câu 7 chữ như trên. Tất cả các sách kể cả 3 sách của Lý Bạch và các trang web (Tàu, Pháp, Mỹ…) đều đăng bài thơ 8 câu 7 chữ.

Nhược Da Khê: suối ngày xưa Tây Thi giặt lụa ở đất Việt, ngày nay ở phía nam thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Lý Bạch có nhắc đến Nhược Da Khê trong bài Việt Nữ Từ Kỳ 5.

Tân trang: trang sức, quần áo đẹp, màu sắc, sang trọng của phụ nữ
Duệ: tay áo
Du dã lang: nam thanh niên đi chơi tìm thú vui
Tam tam ngũ ngũ: ba hoặc năm, năm ba người
Tử lưu: sắc tía, màu đỏ của giống ngựa quý, giống ngựa tốt quý, chỉ người quý tộc hay quan chức, ẩn dụ Phạm Lãi
Trì trù: chần chờ, chậm chạp

Dịch nghĩa:

Thái Liên Khúc
Khúc Hát Hái Sen

Nhược Da khê bạng thái liên nữ
Bên khe Nhược Da có cô gái hái sen,
Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ
Phía sau hoa sen nghe tiếng người cười nói.
Nhật chiếu tân trang thủy để minh
Mặt trời chiếu vào trang sức áo quần phản ánh vào đáy nước.
Phong phiêu hương duệ không trung cử
Gió thổi vào cánh tay áo phảng phất đưa hương thơm lên không trung
Ngạn thượng thùy gia du dã lang
Trên bờ có mấy chàng trai con nhà ai đang rong chơi
Tam tam ngũ ngũ ánh thùy dương
Năm ba người ẩn hiện dưới bóng rợp của dương liễu rũ.
Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ
Thúc ngựa Tử lưu vào đám hoa rụng rồi đi khuất mất,
Kiến thử trì trù không đoạn trường
Trước cảnh này (các cô gái hái sen), họ chần chờ nuối tiếc (đứt ruột) ra đi.

Bình luận:

Nếu bài Thái Liên Khúc của Bạch Cư Dị là một bài tả cảnh tình và ao sen là nơi hẹn hò của một cặp tình nhân, thì bài của Vương Xương Linh thể tỷ người đẹp như hoa, hoa đẹp như người nên lẫn lộn, phải nhờ tiếng nói mới biết có mặt người. Bài của Lý Bạch kể bằng ẩn dụ một cuộc tình đẹp nhưng dang dở của Tây Thi Phạm Lãi.

Dịch thơ:

Khúc Hát Hái Sen

Em hái sen hồng suối Nhược Da,
Tiếng cười tiếng nói lẫn trong hoa.
Bóng kiều lấp lánh trong lòng nước,
Gió nhẹ hương thơm thoảng thoảng qua.
Một số chàng trai trên ngựa quý,
Năm ba ẩn hiện dưới thùy dương.
Đạp hoa giục ngựa biến đi mất,
Ngơ ngẩn ai người dạ vấn vương.

Sur les bords du Jo-Jeh by Li Bai

Sur les bords du Jo-yeh, les jeunes filles cueillant la fleur du nénuphar,
des touffes de fleurs et de feuilles les séparent;
elles rient et, sans se voir, échangent de gais propos.
Un brillant soleil reflète au fond de l'eau leurs coquettes parures;
Le vent, qui se parfume dans leurs manches, en soulève le tissu léger.
Mais quels sont ces beaux jeunes gens qui se promènent sur la rive?
Trois par trois, cinq par cinq, ils apparaissent entre les saules pleureurs.
Tout à coup le cheval de l'un d'eux hennit et s'éloigne,
en foulant aux pieds des fleurs tombées.
Ce que voyant, l'une des jeunes filles semble interdite,
se trouble, et laisse percer l'agitation de son cœur.

Authorship: by Marie Jean Léon, Marquis d'Hervey-Saint-Denys (1823 - 1892), "Sur les bords du Jo-Yeh"

Harvesting Lotus by Li Bai

Girls picking lotus on Ruye brook, Laughter and chatter ring amidst the blossoms.
Sun and water reflect their new make-up, Wind carries perfume from fluttering sleeves.
Just What lucky gents loiter by the shore, Resting in 3s and 5s in the willow shade.
Neighs of my scarlet steed scatter the flowers, my stomach is torn from this shattered scene.

Notes:

- Note 1. Lotus (荷花 or 莲花) has been harvested since ancient times, for food and medicine. "Rouye" Brook is in Shaoxing, Jiangnan. It was done by young farm girls from low boats. Of course the local boys like to watch from the bank.
- Note 2. The girls obliged. They dressed especially for this work. The idyllic scene and romantic tradition was the subject of many poems to this day. Lotus picking also became forms of entertainment, to gather the flowers and also for drinking parties.
- Note 3. This poem describes the happy and carefree scene. It ends when the horse shattered the moment. Li Bai was regretful and also envious. This is a classic poetic device, to suddenly turn the mood at the end in a contrary direction.

Phí Minh Tâm

Sau khi đọc bài góp ý cho bài số 55c, Thái Liên Khúc - Lý Bạch, của Anh Tâm, 
Mỹ Ngọc muốn góp thêm bài phỏng dịch cho bài số 55c với 8 câu 7 chữ.

Khúc Hái Sen

Cô hái sen bờ suối Nhược Da,
Hoa thì cười nở gái lời ca.
Nắng soi tô điểm lòng ao sáng,
Hương áo tầng không gió thổi phà.
Đãng tử nhà ai trên bãi thế!!!
Dưới hàng dương liễu tụm dăm ba.
Phóng ngang, ngựa tía làm hoa rụng,
Khiến vấn vương người dạ xót xa.

Mỹ Ngọc  
May 29/2022.
***
Nước Cuốn Hoa Trôi

Vài cô gái hái sen thấp thoáng
Mặt hồ gương nắng rọi má hồng
Gió thoảng đưa mùi hương xiêm áo
Thanh âm văng vẳng lượn từng không
Dăm ba lãng tử ngang qua đó
Dưới tàn cây rổn rảng nói cười
Ngơ ngẩn trông vời kìa ai đứng
Ngựa hí vang rền hoa rụng rơi

Yên Nhiên

Bổ Túc Và Hoàn Chỉnh Thuyết Về “Hấp Lực” Của Einstein

300px-GPB_circling_earth
(
Photo & picture - Wikipedia)

Thuyết về Hấp Lực là một khám phá tuyệt vời, thể hiện trí thông minh siêu đẳng cùng thiên năng về Vật Lý của Albert Einstein. Nó bổ túc thuyết của Newton và trả lời được câu hỏi hóc búa, trước Einstein không ai, kể cả Newton, trả lời được: Cái gì tạo ra Hấp Lực?

Đáng lẽ thuyết này đã hướng dẫn nhân loại tiến thật xa trên đường tìm hiểu vũ trụ, thấy rõ cấu trúc, sự vận hành của nó, đồng thời khám phá nhiều bí mật, phá bỏ các huyền thoại phi vật lý. Nhưng, ngược lại, nó không gặt hái nhiều kết quả tốt, mà còn tạo cảm hứng cho một mớ lý thuyết quái gở.

Chỉ vì thuyết thì hay mà định nghĩa lại tối tăm, gần như vô nghĩa.

Trước Einstein, các khoa học gia tin rằng có một năng lực huyền bí hút mọi thứ vào trung tâm trái đất cũng như các thiên thể. Einstein khám phá ra là không có cái gì hút cái gì cả, hiện tượng Hấp Lực xảy ra khi các khối vật chất chọc, đẩy, kéo, làm biến dạng KHÔNG GIAN.

Không gian có thể bị kéo, đẩy, vo tròn, bóp méo được sao?

Đang ngẩn ngơ không hiểu thì lại bị Einstein phang thêm cho một búa tối tăm mặt mũi bằng cái định nghĩa này:

“Hấp Lực là sự uốn cong của không gian thời gian tạo ra bởi những khối vật chất” (gravity is due to the curvature of space and time by masses).

Thế là, kẻ phàm phu tò mò mon men ngó vào thế giới Vật Lý của các cụ bị một phen chới với, hoảng hồn, chỉ chực co giò bỏ chạy cho khỏi… vỡ đầu.

“Sự uốn cong không gian - thời gian” là cái “sự” quái quỷ gì? 

Hãy tạm coi món “không gian, thời gian cong” có thực, thử xem nó ích lợi gì cho việc tạo sinh Hấp Lực.

Vùng “không-thời gian cong” nếu có thực chỉ là phần nhỏ trong một chuỗi những chuyển biến, sự việc. Nó là giai đoạn cuối, và cũng là hình ảnh mô tả phần kết quả của những chuyển biến xảy ra trước đó. Đứng một mình, nó mơ hồ, khó hiểu, gần như vô nghĩa. Nó không quan trọng. Những sự việc, chuyển biến trước đó mới quan trọng, mới giúp ta hiểu Hấp Lực từ đâu mà ra, do đâu mà có.

Tưởng tượng: một chàng cảnh sát có nhiệm vụ làm biên bản về một tai nạn, chỉ cung cấp bản tường trình ngắn ngủn thế này: “Tai nạn là cảnh tượng một nạn nhân nằm còng queo vì xe cộ”. Chàng sẽ mất việc.

Các diễn biến xảy ra trước khi nạn nhân nằm còng queo mới là những yếu tố tối cần thiết, phải nêu ra trong bản tường trình. Nạn nhân bị một chiếc xe vượt đèn đỏ? phóng quá tốc độ? hay leo lên lề v.v... cán? Hay chính nạn nhân vì đang say bí tỉ, đi đứng loạng quạng, tự mình đâm đầu vào chiếc xe đậu ở lề đường? Những chi tiết ấy không thể bỏ qua. Còn chuyện nạn nhân té nằm còng queo, hay nằm thẳng cẳng, chỉ là kết quả của tai nạn, là hình ảnh cuối cùng.

Chàng cảnh sát có nhiệm vụ tường trình những yếu tố, diễn biến dẫn tới tai nạn. 

Einstein, người lập thuyết, có trách nhiệm cung cấp một định nghĩa chứa đựng những yếu tố, diễn biến tạo thành Hấp Lực. Tiếc thay, cụ chỉ ban cho đời một tấm hình chụp không gian, thời gian bị vật thể uốn cong!

Cái định nghĩa ngắn ngủn, tối như hũ nút ấy, lại chứa đựng những dữ kiện, kết luận phi-vật-lý.

Sự phi lý của nhóm từ “uốn cong thời gian”

Nhóm từ ngữ này rất tai hại cho thuyết, có tác dụng phá hoại. Nó diễn dịch sai lầm tài quan sát, trí phán đoán và lập luận thật hay của Einstein về Hấp Lực, biến định nghĩa thành phi lý và vô nghĩa.

Khi vật thể gặp gỡ một món tuyệt đối vô thể chất như thời gian, không thể tạo ra một tác động vật lý nào, huống chi là Hấp Lực. 

Nhóm từ “uốn cong không gian” cũng phi vật lý và vô nghĩa không kém.

Không gian chứa đựng cả vũ trụ, muôn vật, muôn loài, nhưng tự nó, theo đúng định nghĩa, là một vùng trống rỗng tuyệt đối, để cho tất cả có chỗ cư ngụ. Tảng đá, đám mây đứng ở đâu thì chỗ đó không còn là không gian nữa, mà có tên mới là tảng đá, đám mây… Phần trong một cái thùng rỗng chưa xứng đáng mang danh không gian thuần túy, vì còn chứa không khí, và vô lượng thực thể nhỏ bé khác.

Vật thể di chuyển trong một vùng trống rỗng tuyệt đối, không “đè” lên (hay cứ tạm gọi là làm cong) một cái gì... sẽ không thể tạo ra Hấp Lực. Vì nó không gặp ĐỐI LỰC, một yếu tố tối cần thiết cho Hấp Lực.

Thành ra định nghĩa của Einstein còn huyền bí, khó hiểu hơn chính cái món Hấp Lực nhiều.

Nếu cụ phán xong như thế rồi… thôi thì con cháu tàn đời trong cõi tăm tối, mù sương!

May quá, Einstein dùng hình ảnh người nhảy trên trampoline để giảng rõ những điểm cốt lõi trong lý thuyết của cụ. Các khoa học gia, nhờ đó, có được những giải thích sáng sủa, nhiều chi tiết rõ ràng hơn như sau:

Bạn có thể hình dung đường cong Hấp Lực của Einstein bằng cách bước lên một cái trampoline. Ta thấy khối lượng thân thể ta đè xuống làm cong giãn mặt vải. Thẩy một quả bóng lên, quả bóng sẽ lăn xuống chỗ trũng quanh bàn chân ta. Ta càng nặng ký, mặt trampoline càng trũng sâu hơn. Vật thể càng nặng, không gian càng bị uốn cong nhiều, (nghĩa là Hấp Lực càng lớn). (American Museum of Natural History)

Thay “không gian, thời gian” bằng mặt vải căng của trampoline lập tức thuyết nghe hợp lý, có ý nghĩa ngay – ý nghĩa vật lý.

Bàn chân đè lên mặt vải trampoline, làm nó căng ra, trĩu xuống, lập tức tạo một đối lực đẩy ngược lên. (Đối lực đủ mạnh để giúp ta nhảy cao hơn thường lệ).

Hấp Lực xuất hiện ở vùng tiếp giáp giữa bàn chân ta và mặt vải trampoline.

Bùn đất, cát bụi dưới chân ta sẽ bị vải đẩy lên, bắt dính chặt vào bàn chân ta, như bị bàn chân ta “hút”. Thiếu mặt vải trampoline, bàn chân ta “đè” lên khoảng trống, không gặp đối lực, không tạo ra Hấp Lực.

Thế là mọi chuyện sáng tỏ. Các yếu tố tạo thành Hấp Lực hiện ra đầy đủ, rõ ràng. Nhân loại đã khám phá thêm một bí mật lớn của Tạo Hóa. Ta có quyền mở tiệc ăn mừng rồi chứ?

Chưa đâu! Các khoa học gia còn vô tình hành hạ trí óc bà con thêm cả trăm năm nữa bằng cách diễn giảng… trật lất về hiện tượng Hấp Lực trên mặt vải trampoline!

Đọc lại lời diễn giảng: Phần đầu nói rằng đạp chân lên trampoline, tạo Hấp Lực thì đúng. Nhưng sau đó giải thích thêm rằng chỗ trampoline cong nhiều có Hấp Lực mạnh, cong ít Hấp Lực yếu, bằng thí dụ: “Thẩy trái banh lên chỗ mặt vải trampoline cong trũng xuống thì banh sẽ lăn về phía bàn chân – vì chỗ đó có Hấp Lực mạnh” – thì sai hoàn toàn.

Trái banh lăn xuống chỗ trũng cạnh bàn chân vì Hấp Lực của trái đất, chẳng dính dáng gì tới cái Hấp Lực ta vừa tạo ra bằng cách giẫm lên trampoline.

Dựng trampoline thẳng đứng lên như bức tường là biết liền.

Ta đạp vào trampoline dựng đứng, dù thật mạnh, làm mặt vải thật cong, rồi thẩy trái banh lên chỗ cong ấy, nó rơi ngay xuống đất, chứ không “lăn vào chỗ trũng”. (Cần nói thêm: chỉ có mặt vải trampoline bị đạp thì cong thôi. Đạp vào không khí, nước, hay “không gian” cùng nhiều thể chất khác, chân ta sẽ bị không khí, nước, không gian v.v... bao kín quanh tức khắc.)

Chỉ những vật nằm dưới bàn chân ta, “kẹt” giữa hai đối lực của bàn chân và mặt vải trampoline, là dính chặt, không rơi, hưởng trọn vẹn Hấp Lực vừa được tạo ra. 

Trái banh nếu bị nằm “kẹp chả” như thế, cũng sẽ không rơi vì chân ta và mặt vải trampoline tạo Hấp Lực mạnh hơn Hấp Lực của trái đất.

Vậy thì hôm nay, ta cho “thời gian - không gian cong” về hưu, cũng mời những lời giải thích sai lầm về thí nghiệm trampoline đi chỗ khác chơi, để bạn cùng tôi, ta dựng đứng cái trampoline lên tìm sự thật.

Sự thật là chỉ cần hai khối thể chất ép lên nhau là có ngay Hấp Lực.

Bạn đạp chân hay đẩy một bàn tay lên mặt vải trampoline, vùng nằm giữa tay chân bạn và mặt trampoline là vùng của Hấp Lực. Trái banh lọt vào vùng ấy cũng sẽ “dính cứng”.

Bàn chân, bàn tay bạn không “hút” trái banh.

Mặt vải trampoline cũng không hút trái banh.

HẤP LỰC LOẠI 1

Trở lại với bầu trời.

Các thiên thể di chuyển liên tục đè lên không gian, một sự trống rỗng tuyệt đối, không thể tạo Hấp Lực. Nhưng Hấp Lực vẫn có. Vậy thì chúng phải “đè” lên một cái gì đó nằm trong không gian.

Một nhà bác học cùng thời với Einstein, Fritz Zwicky (1898 – 1974), khi nghe biết về thuyết của Einstein, đã nói ngay:

“Thuyết này chứng tỏ Chất Đen thực sự hiện hữu.”

Ông này không có thiên tài tìm ra thuyết, nhưng coi bộ tức khắc hiểu rõ và hiểu đúng cấu trúc và tiến trình tạo Hấp Lực hơn cả Einstein. “Cái gì đó” trong không gian, một thành tố quan trọng của Hấp Lực, ông đã thấy: Chất Đen.

Chất Đen giúp cho không gian hết trống rỗng tuyệt đối. Nó là mặt vải trampoline, liên tục làm đối lực trên mặt các tinh cầu, các vật thể... và do đó tạo thành Hấp Lực, xin tạm gọi là Hấp Lực loại 1.

HẤP LỰC LOẠI 2

Trong những vùng không gian gần tuyệt đối trống rỗng có Hấp Lực không? Vẫn có đấy, nhờ Chất Đen. Ở đây, Hấp Lực, tạm xếp vào loại 2, sinh ra theo một tiến trình khác.

Một tinh cầu nổ tung cực mạnh, sức nổ thình lình tạo ra ở “chỗ đứng trước đó” của nó một khoảng trống gần tuyệt đối. Chất Đen sẽ tức khắc tràn vào để lấp đầy khoảng trống. Tâm điểm của loại Hấp Lực này nằm chính giữa tinh cầu vừa nổ. Nếu tinh cầu lớn, hoặc sức nổ mạnh đủ tạo một khoảng trống vĩ đại thì Chất Đen, như dòng nước, sẽ cuốn tất cả những tinh cầu, vật thể nhỏ quanh đó, đẩy hết vào vùng rỗng không. Những diễn biến này có thể tạo ra một Hố Đen nhỏ.

Đến đây ta có đủ dữ liệu cho một định nghĩa mới:

Trong không gian, Hấp Lực sinh ra do sự tương tác giữa các khối vật chất và Chất Đen. Khắp vũ trụ, Hấp Lực nảy sinh giữa vùng bị kẹp giữa hai khối thể chất đang ép lên nhau.

Như thế, tìm Hấp Lực, đâu cần phải nhìn lên trời tìm đường cong không gian - thời gian. Giống như chất đen ép lên các thiên thể, chân người ép lên vải trampoline… Hấp Lực thiên tạo, nhân tạo do các khối vật chất ép lên nhau hiện hữu khắp thế gian.

Hãy nhìn hai ngón tay bạn, ngón cái và ngón trỏ (hai khối thể chất nhỏ tí teo), cầm một hòn bi lên. Khi dùng sức để tiến về phía nhau, hai ngón tay tạo Hấp Lực giữ cho hòn bi không rơi. Giản dị thế thôi.

Đến đây, mới đi được nửa đường. Câu hỏi kế tiếp là:

Trong tiến trình tạo Hấp Lực, các thiên thể ép lên chất đen hay ngược lại?

Tinh cầu, hành tinh v.v… không có máy móc hay lực nội tại, bẩm sinh nào để giúp chúng tự di động. Chỉ có chất đen chuyển động vần vũ ép lên chúng, xô đẩy muôn vật trong vũ trụ, tạo Hấp Lực mọi nơi, mọi lúc.  

Địa cầu và các thiên thể bị dòng chất đen cuốn đi. Bị vây quanh và xô đẩy, chúng xoay tròn, tiến tới trong không gian, giống như loài cây cỏ lăn (tumbleweed) cuộn lăn theo gió.

Công việc bổ túc và hoàn chỉnh định nghĩa về Hấp Lực đã tạm ổn. Nhưng trọng trách tìm hiểu về Hấp Lực bắt ta phải đi xa hơn: 

Tại sao Chất Đen chuyển động khắp vũ trụ với sức mạnh kinh hồn?

Cần một bức tranh lớn, một cái nhìn toàn diện để trả lời câu hỏi này:

Bức tranh toàn diện

Vũ trụ đang nở lớn và cần một khối lượng chất đen khổng lồ trong mỗi sát na để duy trì sự lớn dậy ấy. Độ lớn càng lúc càng tăng. Với vận tốc di chuyển cực nhanh, chính khối chất đen này tạo nên sức đẩy mạnh nhất vũ trụ. Sức đẩy ấy, khi đụng – ép lên – quán tính (inertia) – hay sức ì, sức trì kéo, kháng lực – của bất cứ khối thể chất nào cũng tạo sinh Hấp Lực.

Đây là bức tranh toàn cảnh: Trong khi thi hành trọng trách làm nở vũ trụ, chất đen liên tục tạo áp lực, xô đẩy tất cả các khối thể chất trong không gian về mọi hướng, giống hệt những dòng sông, dòng suối cuốn đi tất cả những món nổi trôi trong nước. 

Khác với dòng nước chỉ đẩy lên bên ngoài, phần vỏ của mọi vật, chất đen với phần thể lỏng đặc biệt của nó luôn luôn thẩm thấu vào tận trung tâm mọi vật thể, đẩy lên tất cả những phân tử, nguyên tử của khối vật chất, khiến chúng di chuyển, xoay tròn và còn bay quanh quỹ đạo của nhau. Nó cung cấp áp lực đều khắp trên muôn vật lớn nhỏ, tạo hấp lực từ bên ngoài đến chỗ sâu thẳm bên trong – khắp mọi nơi. (Ông Thần trong Hố Đen).

Chất Đen từ đâu tới?

Câu trả lời đầy đủ chi tiết sẽ được trình bày trong bản tường trình kết quả cuộc nghiên cứu về sự hình thành, cấu trúc và vận hành của vũ trụ.

Lê Tất Điều
(6 tháng 2/2022)

Phim: THE BIG QUESTION
The Extremely Complicated Traffic System
that Reveals the Universe’s Structure _­ Part I
 

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Đường Xưa Vắng Bóng - Thơ Mặc Khách - Diễn Ngâm: Hồng Vân


Thơ: Mặc Khách
Diễn Ngâm: Hồng Vân
Thực Hiện Video: Lê Tri

Lục Bình Nở Hoa!

 

Lục lại trong tim cảnh Vĩnh Long
Bình minh nắng đẹp chiếu bên song
Nở chùm phớt tím cười sông nước
Hoa mãi lung linh lả lướt giòng!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 26/07/2022

Nguyệt Cầm

 

Đêm thu trăng sáng tiếng đàn tranh
Thổn thức sầu vương khúc độc hành
Thiên đường hạt lệ tình áo trắng
Trần thế cánh hồng sương long lanh

Tôn Thất Hùng

Xin Làm Người Giữ Lửa

 

" Tình yêu muôn thuở vẫn là hương ,
Biết mấy hồn thơm mở giữa đường ..."

( Xuân Diệu trong Gửi hương cho gió )

Đường thiên lý , tàu xe cùng rộn rịp
Đem cảm thông dệt thành khúc giao thoa
Như thiên nhiên trên đỉnh cây , núi lạ
Tạo tình cờ cho nở lắm loài hoa

Tôi mướn ngủ, em cũng là khách trọ
Chiếc chiếu manh là thế giới nổi trôi
Trời bão giông, số mệnh ưa run rủi
Như thử lòng người cô lữ đơn côi

Em là gió thổi căng buồm ham muốn
Con thuyền tình mải miết vọng bến xa
Cơn mưa lạnh dìu thêm phần lôi cuốn
Hương trinh nồng gợi thức bản tình ca

Lòng muốn tới mà trí kêu dừng lại
Chân muốn khua mà bước tiến khó dời
Giá ý hiện lên khung hình ảnh nhỏ
Tôi thấy mình sắp đỏ mặt đến nơi

Em có thấu cho lòng tôi không nhỉ?
Giữ thiên lương cho giấc mộng dương trần
Thương tuổi xanh, cố làm người giữ lửa
Cho than hồng khỏi đốt cháy bàn chân ...

Chung Văn
25/07/2022

Cảm thông

 

Vời trông vũ trụ khôn cùng
Ngàn sao lấp lánh soi cùng thế gian
Ta chợt thấy trong ngàn tinh tú
Một tao nhân vui thú thanh nhàn

Bút hoa người vẽ tơ vàng
Như trong huyền thoại chuyện nàng liêu trai
Ta lỡ kiếp trang đài phiền muộn
Lắm gian nan trong cuộc phong trần

Dòng thơ mộc mạc đôi vần
Xin tao nhân hãy một lần cảm thông
Ôi ngà ngọc má hồng đâu nữa
Ba mươi năm tựa cửa buồn trông

Thời gian chồng chất, chất chồng
Môi son đã nhạt, má hồng đã phai
Sao tâm vẫn ai hoài tiếc nuối
Mộng và đời trong buổi hoàng hôn

Ai mang son trẻ vào hồn
Dòng thơ huyền diệu cho lòng đơm hoa
Lời tha thiết chan hòa ý sống
Thơ tao nhân cảm động hồn ta

Mai này năm tháng trôi qua
Lời thơ không dễ … nhạt nhòa trong tim

Nguyễn phan Ngọc An

Lũng Tây Hành 隴西行 - Trần Đào

    

Người chinh phu đem thân ra chốn chiến trường sống chết chỉ cận kề trong gang tấc, không " túy ngọa sa trường " thì cũng " bạch đầu linh lạc " bâng khuâng thổi sáo chiều tàn biên khu, hay thảm hại hơn, lê lết tấm thân thương tật để tìm về quê hương ... Trong khi đó, ở nơi quê nhà người cô phụ luôn luôn mong mõi hằng đêm khoắc khoải mòn mõi đợi chàng về. Có biết đâu rằng lắm khi chàng đã da ngựa bọc thây hay đã xương phơi ngoài chiến địa ... Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tàn nhẫn như thế cả, mời tất cả cùng đọc bài thơ Lũng Tây Hành của Trần Đào dưới đây sẽ rõ ...

隴西行                    Lũng Tây Hành
陳陶                         Trần Đào

誓掃匈奴不顧身, Thệ tảo Hung Nô bất cố thân,
五千貂錦喪胡塵。 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần.
可憐無定河邊骨, Khả lân Vô Định Hà biên cốt,
猶是深閨夢裏人。 Do thị thâm khuê mộng lý nhân.

1. Chú thích:
TRẦN ĐÀO 陳陶(812—888)Thi nhân đời Đường, tự là Tung Bá 嵩伯, tự hiệu là Tam Giáo Bố Y 三教布衣. Ông người đất Lĩnh Nam, lúc nhỏ từng du học đất Trường An, giỏi thi thư, nhưng thi mãi vẫn không đậu tiến sĩ, nên ẩn cư trong rừng núi, tu tiên, về sau không biết ra sao. Ông để lại mười thi quyển "Trần Tung Bá Thi Tập 陳嵩伯詩集. Trong Toàn Đường Thi《全唐詩》có trích đăng 2 quyển thơ của ông.

Lũng Tây: là vùng đất thuộc núi Lũng Sơn của tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ hiện nay. Là vùng tranh chấp giữa Hung Nô và Hán.
Điêu Cẩm: Chỉ đoàn quân tinh nhuệ thiện chiến được trang bị quân trang quân dụng đầy đủ.
Vô Định Hà: Tên con sông thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà, nằm ở phía bắc của tỉnh Thiểm Tây, là một chiến địa ngày xưa.

2. Nghĩa bài thơ:
Khúc Hát Lũng Tây

Thề quét sạch giặc Hung Nô mà chẳng màng đến thân mình, nên năm ngàn quân thiện chiến phải chôn thây nơi đất Hồ. Khá thương thay, những nắm xương trắng bên bờ sông Vô Định vẫn còn là người trong mộng của các nàng chinh phụ ở chốn khuê phòng !
Chiến tranh là tàn nhẫn như thế đó. Ta hãy nghe những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn nữ sĩ sau đây:

Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?
và ...
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

Khi khuyên Từ Hải quy hàng triều đình, Thúy Kiều cũng đã nhắc đến sự tàn khốc của chiến tranh trong "Năm năm hùng cứ một phương hải tần" của Từ Hải đã giết chết biết bao nhiêu là tướng sĩ của cả hai bên:

Ngẫm từ gây việc binh đao,
Đống xương VÔ ĐỊNH đã cao bằng đầu.

3. Diễn Nôm:
Lũng Tây Hành

Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
Khá thương xương trắng bờ Vô Định,
Vẫn cũng là người chinh phụ mong!

Lục bát:
Hung Nô thề quét chẳng màng,
Bên bờ Vô Định năm ngàn bỏ thây.
Khá thương xương trắng phơi đầy,
Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Khúc Hát Lũng Tây

1/
Đã thề quét sạch lũ Hung Nô
Binh sĩ năm muôn ngã đất Hồ
Xương rũ bờ sông Vô Định trắng
Khuê phòng chinh phụ thảy hoài mơ

2/
Đã thề quét sạch Hung Nô
Năm ngàn binh sĩ đất Hồ rã thây
Trắng sông Vô Định xương bầy
Lòng chinh phụ vẫn lắp đầy hoài mơ

Mai Thắng
220725
***
Khúc Hát Lũng Tây

I/
Hẹn thề giết giặc giữ non sông
Dẫu phải hy sinh vẫn một lòng
Xương trắng chất chồng nơi cửa ải
Khuê phòng, chinh phụ mỏi mòn trông

2/
Quyết thề giết giặc xâm lăng
Hy sinh thân xác xương tràn ải xa
Hung tin chẳng đến quê nhà
Khuê phòng, chinh phụ lệ nhòa đợi mong

3/
Chốn biên cương chàng thề giết giặc
Dấu hy sinh thân xác không màng
Nắm xương vô định sa tràng
Mỏi mòn, chinh phụ hai hàng lệ mong

Phương Hà  
***
Bài Ca Lũng Tây

1/
Giặc Hung Nô, quét sạch, hy sinh
Tử trận năm ngàn lính chiến tranh
Thảm thiết lang quân xương trận mạc
Thương thay chinh phụ dạ chung tình...!

2/
Giặc Hung, tử trận không màng
Năm ngàn chiến sĩ sa tràng chất thây
Nắm xương vô định trắng đầy
Ai người chinh phụ đêm ngày nhớ thương...?

Mai Xuân Thanh
July 25, 2022
***
Khúc Hát Lũng Tây

1/
Quét sạch Hung Nô há ngại gì
Năm ngàn binh tướng chẳng còn chi
Bên sông Vô Định xương chồng chất
Đâu nữa phòng khuê giấc mộng thì.

2/
     Diệt Hung Nô chẳng tiếc thân
Năm ngàn chiến sĩ Hồ Trần phơi thây
     Trên bờ Vô Định xương đầy
Hết mong trở lại sum vầy người thương.

Quên Đi
***
Lũng Tây Hành

1/
Đánh đuổi Hung Nô quyết một lòng
Đất Hồ vùi lấp xác thương vong
Trắng bờ Vô Định xương chồng chất
Gối lẻ khuê phòng vẫn mỏi mong

2/
Hung Nô quét sạch liều thân
Năm ngàn binh lính thây phân đất Hồ
Trắng bờ Vô Định xương khô
Sắt son chinh phụ vẫn cô phòng chờ

Kim Phượng
***
Lũng Tây Hành

Quyết lòng diệt sạch hung Nô
Năm ngàn tướng sĩ đất Hồ phân thây
Nắm xương Vô Định phơi bày
Khuê phòng chinh phụ đêm ngày mỏi mong

Kim Oanh


Lá Diêu Bông, Một Tình Yêu Thánh Hóa


Lá Diêu Bông không hiện hữu trên trái đất này thì làm sao ai mà tìm thấy được và như thế thì chẳng khác nào người đẹp gieo cầu trong gió lớn, làm lỡ duyên người con gái thơ ngây! Tôi viết vài dòng về Lá Diêu Bông vì thấy lyric và nhạc của Trần Tiến mang tính mẫn cảm thật đẹp về tình yêu hơn lyrics và nhạc của Phạm Duy về cùng một bài thơ, Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm.

Thật vậy, câu chuyện tình Lá Diêu Bông là có thật cho dầu Lá Diêu Bông là một loại cỏ cây huyền thoại mang tính platonic. Năm 8 tuổi, cậu bé học trò Bùi Tằng Việt (sinh năm 1921) từ nơi trọ học trở về nhà ở Bắc Ninh thì tình cờ cậu gặp một thiếu nữ hàng xóm 16 tuổi tên Vinh, cậu fell in love immediately. Rung cảm trước tình cảm thiết tha thật dễ thương đó nơi một cậu em thật bé, tâm hồn người thiếu nữ đã khởi lên một tình yêu thăng hoa đầy thánh hóa. Nhưng rồi mùa Xuân có giới hạn thời gian, người thanh nữ phải xuất giá ở tuổi 20 khi nhà thơ tương lai Hoàng Cầm của chúng ta mới tròn 12 tuổi. Chôn chặt hình ảnh lãng mạn đầu đời đó mãi đến năm 1959 thì bài thơ "Lá Diêu Bông" mới ra đời. Cần phân biệt ở đây bài thơ của Hoàng Cầm với bản nhạc cùng tên do Phạm Duy sáng tác trong thập niên 1980s. Bài thơ nguyên tác như sau:


Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt, chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời … ới Diêu Bông!


Qua kinh nghiệm cuộc đời, chúng ta biết cả hai, cô Vinh và cậu bé Việt, đã tha thiết yêu nhau trong ý nghĩa thánh thiện nhất của tình yêu. Ở đây tình thơ và tình yêu đã quyện lẫn vào nhau nhưng vẫn ở ngoài tình ái. Biết tình cảm lãng mạn của mình không có lối thoát nên cô Vinh đã đưa ra một thách đố không thể thực hiện được cho cậu bé Việt. Cô Vinh biết rằng làm gì có Lá Diêu Bông trên thực tế nhưng cậu bé Việt thì quyết tâm đi tìm trong cả cuộc đời mình như là một sự đi tìm cái "bản lai diện mục" của Tình Yêu viết hoa vậy. Đấy là "the Soul of World" và "when you want something with all your heart, that's when you are closest to the Soul of World. It's always a positive force." [The Alchemist, p. 78]. Khi một người tha thiết yêu ai đó thì tình yêu đó là một nguồn cảm hứng dạt dào thúc đẩy người ấy sáng tác những vần thơ tuyệt diệu mà sức tuôn trào của lời thơ như một dòng thác chảy vô bờ.


Tôi rất ngưỡng mộ khả năng diễn đạt ngôn ngữ qua lời nhạc của Phạm Duy nhưng lyric Lá Diêu Bông của ông thì dường như ông chưa nhận ra được tình yêu chân thành của cô Vinh dành trọn vẹn cho cậu bé Việt khi ông đem chữ "tao" gắn vào ngôn ngữ trữ tình của cô Vinh thay cho chữ "ta" nguyên khởi của chính cô, "Đứa nào tìm được lá diêu bông / Từ nay tao sẽ gọi là chồng." "Ta / ngươi" là ngôn ngữ tình yêu được xử dụng bình đẳng giữa nam và nữ khi tình cảm của họ đã "tế ngộ" mà quan hệ xã hội chưa đủ chín mùi để chuyển sang "anh / em." Và cuộc hành trình đi tìm Lá Diêu Bông vẫn tiếp tục nơi Hoàng Cầm cho dầu đang tìm ở cõi vĩnh hằng chứ không phải nói như Phạm Duy, "Em đi trăm núi nghìn sông / Nào tìm thấy lá Diêu Bông bao giờ ...".

Nhạc của Phạm Duy hay hơn nhưng tương đối khó hát trong khi nhạc của Trần Tiến rất gần gũi dân ca và dễ hát hơn, và lyric của Trần Tiến thì trung thành với cảm quan của cô Vinh và cậu bé Việt hơn; ngoài ra Trần Tiến lại thêm vào vài lời thật dễ thương mà có người con gái đã trả lời tôi khi tôi hỏi về chồng con của nàng sau nhiều năm mới gặp lại, "Lấy chồng sớm làm gì /để lời ru thêm buồn !" Thật ra cô em này cũng "ăn gian" tôi khi cô chỉ trích ra một dòng để trả lời câu hỏi của tôi, trong khi lyric của Trần Tiến là lời than của Hoàng Cầm đối với cô Vinh khi cô Vinh đi lấy chồng:

Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa xôi
Còn đâu bao đêm trăng thanh
Tát gàu sòng, vui bên anh.



Để hiểu bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm thì không thể không nói phớt qua về ý nghĩa của các chữ “váy Đình Bảng” và “buông chùng cửa võng” được.
Váy: Từ trước khi quân nhà Minh chiếm đóng Việt Nam thì đàn bà người Việt mặc váy. Váy giống như skirt của Mỹ và jupe của Pháp:


Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.


Đến đầu thế kỷ thứ 15 khoảng sau năm 1415 thì nhà Minh bắt buộc đàn bà Việt phải mặc áo ngắn và quần dài như người Tàu. Hơn 250 năm sau thì Nhà Lê cấm đàn bà mặc quần áo như Tàu mà phải mặc váy theo truyền thống văn hóa dân tộc. Đến khoảng năm 1750 thì Chúa Nguyễn thấy người Chiêm ăn mặc kín đáo hơn nên bắt buộc đàn bà người Việt phải mặc quần như người Tàu. Đến đời Vua Minh Mạng thì nhà vua buộc đàn bà cả nước phải mặc quần như đàn bà Đàng Trong nhưng lệnh này không được thi hành triệt để ở Đàng Ngoài, nhất là vùng thôn quê.

Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.


Đình Bảng: Làng Đình Bảng nguyên là đất cố đô Hoa Lư, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đình Bảng là nơi nổi tiếng về con gái đẹp, vãi lĩnh và lụa tốt, và có nhiều thợ may khéo, nhất là may váy phụ nữ. Về con gái đẹp thì Đình Bảng cũng như Nha Mân của Miền Nam hay Kim Long của Huế.


Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân?


Kim Long con gái mỹ miều
Trẫm yêu trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi


Nhưng xin các cô gái Miền Nam và Miền Trung đừng giận tôi nhe vì tôi phải thành thật nói rằng cả Nha Mân và Kim Long đều không thể nào sánh được nét thướt tha duyên dáng của người con gái Đình Bảng trong chiếc váy lĩnh, váy lụa thật mượt mà và sang quý khi họ làm như vô tình "buông chùng" đến mắt cá chân với các nếp gấp phía trước (phụ nữ) hay hai bên (thiếu nữ) lượn hình lưỡi trai (con trai, con hến) như những gợn sóng nhấp nhô nho nhỏ để tha hồ cho các chàng trai giàu tưởng tượng mến yêu.


Cửa võng: hay còn gọi là “bao lam” là hình ảnh của “rèm vắn lên hai bên” như chúng ta cột màn cửa sổ sát hai bên thành đố cửa sổ. Vải rèm hay màn dồn lại và rũ xuống hai bên. Trên một bức hoành phi thì cửa võng là phần trang trí sơn son thếp vàng làm khung phía trên của bức hoành phi mà phía dưới thì “để trống” không trang trí.

Câu thơ này là câu thơ nói lên đại ý của cả bài thơ. Một cậu bé 8-9 tuổi lững thửng theo sau một cô gái 16-17 tuổi đang thẩn thơ (chứ không phải thẩn thờ) đi tìm trên đồng ruộng vừa gặt lúa xong chỉ còn trơ cuống rạ trong một buổi chiều để đi tìm cái chân nguyên thơ mộng mà trong tâm tư thầm kín nhất, sâu thẳm nhất của nàng là cái mộng mơ đầu đời không diễn đạt thành lời. Đấy là cái tinh hoa của tình yêu nam nữ mơ hồ được thăng hoa từ sự phát triển thể chất tròn đầy một cách tự nhiên và không gợn một tí gì về dục tính. Và đấy là cái mà nàng đi tìm suốt cuộc đời một khi nàng đã trưởng thành và biết tên gọi rõ ràng cái tinh hoa đó là Hạnh Phúc ! Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất về cô gái đối với cậu bé là chiếc váy của nàng (cậu bé thấp quá so với cô gái !). Cái váy của người phụ nữ lớn tuổi và vất vã thì rất đơn giản, chỉ là một cuộn vải may khép kín, tròng vào qua hai chân, và có giây thắt lưng ở phần trên, nhưng chiếc váy của các phụ nữ giàu sang hay các cô gái mới lớn thì ngoài “cái thúng mà thủng hai đầu” đó thì vạt vải còn rộng dung hơn sự cần thiết dùng để tạo dáng thướt tha bằng cách làm nên những nếp gấp cân đối ở hai bên như hình ảnh cửa võng hay bao lam vậy.


 


Điều bi thảm của con người là cô gái mãi đi tìm trong suốt cuộc đời nàng nhưng cái tinh hoa của tình yêu mang tên là Hạnh Phúc đó vẫn xa xôi biền biệt vì rằng,


Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày : Đâu phải Lá Diêu Bông.



Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.


rồi
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.


cuối cùng
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt, chị không nhìn.


Tâm trạng người con gái đi từ “chau mày, lắc đầu, cười” lơ đãng đến nỗi buồn vô vọng “xòe tay phủ mặt, chị không nhìn” vì không thể nào tìm được Hạnh Phúc của Tình Yêu.

Trần Việt Long


Yêu -773 Chữ - Constance Delance - TháiLan Dịch


Tất cả bọn họ đã bỏ về cả rồi. Phòng khách trống vắng, những điếu thuốc lạnh tanh, chén đĩa bẩn thỉu, những cái gạt tàn đầy ắp, tất cả khiến tôi buồn nôn...
Ủa, cái gì vậy, Marie đã bỏ quên chiếc khăn quàng đỏ thật đẹp của cô nàng kìa.

Một buổi tối thật vui! Mọi người đã đến đông đủ. Nhưng không thấy chàng đâu cả. Tôi đã mong mỏi, hy vọng biết bao rằng anh sẽ đến. Tôi đã phải hầu hạ mọi người, rồi nói , rồi cười,...
Nhưng tôi, tôi chỉ muốn có một điều, đó là nhìn thấy mái tóc đen rối bời và tia nhìn chế giễu của chàng. Tôi tưởng tượng hình ảnh của chàng đứng tựa vào khung cửa và nói:
- Hình như ta quen nhau phải không?
Không, tôi và chàng không quen biết nhau, không, tôi không hề biết chàng, tôi không bao giờ biết anh sẽ làm gì, sẽ nói những gì, tôi luôn hồi hộp, chờ đợi, mong muốn.

Những lúc anh ở bên tôi, tôi nhảy từ ngôi sao này đến ngôi sao khác, tôi lắc lư, đong đưa trên ông trăng, tôi lượn quanh dãi Ngân Hà, và từ nơi tận cùng của tâm hồn mình, cuối cùng tôi biết vì sao tôi được sinh ra. Chỉ vì như vậy thôi, để tôi mất hút trong mơ tóc của anh, để lấy ngón tay vẽ lên mi mắt của anh, để được hôn anh...

Khi chàng không có đây, trái tim tôi tan nát, tư tưởng của tôi phủ một màu đen tối, tôi hụt hẫng vì vắng đôi tay chàng, không có bất cứ điều gì làm cho tôi nguôi ngoai sự thiếu vắng đó, trái tim tôi thổn thức đau buồn, toàn thân tôi tan biến, tôi không còn niềm vui nào nữa. Tại sao chàng không đến? Chàng biết tôi trông đợi chàng mà; lần sau cùng gặp nhau, tôi không muốn năn nỉ, nên chỉ nói:
- Anh sẽ ghé chứ?

Ôi, tại sao tôi dùng cái động từ ngu xuẩn thế nhỉ- "ghé qua "- : tôi đã tổ chức buổi tiệc này là cho chàng, để giới thiệu chàng với tất cả bạn bè của tôi! Chúng tôi đã đi lại với nhau trong suốt sáu tháng trời mà chưa ai biết mặt chàng cả!

Tôi muốn anh lẫn vào thế giới của tôi, tôi muốn mọi người nhìn thấy anh và tôi tay trong tay, tôi muốn dùng chữ "Chúng Tôi", tôi muốn vặn cổ sự cô đơn của tôi, vào ngày trong đại ấy, vào buổi tối quan trọng ấy, để mình không còn là con số lẽ nữa.
Hỏng bét! Suốt buổi tối hôm đó tôi có cảm tưởng như mình là con số 1 To Tướng - Cô đơn, lẻ loi...
Ôi, tôi nghĩ mình là gì vậy?

Chàng chưa bao giờ nói tiếng yêu với tôi. Chưa bao giờ hứa hẹn tôi bất cứ điều gì. Không. Chàng nhận tôi vì tôi đã dâng cho chàng, bởi vì tôi muốn sở hữu lấy chàng trên tất cả mọi thứ, tôi cần phải biết từng hạt phân tử của làn da chàng, hơi thở của chàng, mùi hương của chàng, bởi vì với tôi, dâng cho chàng có nghĩa là chiếm lấy, chiếm lấy chàng, giữ lấy chàng trong hàng nghìn giây, một buổi yến tiếc thật sự, một sự tràn ngập về giác quan và tâm hồn, say mê, sở hữu.

Còn chàng thì chưa bao giờ nói điều gì, chàng chỉ thích lặng lẽ, chàng thể hiện lời nói bằng thân thể, đôi tay, đôi môi chàng. Rồi khi chàng ra đi tôi chỉ còn sự im lặng ở lại với tôi...
Không có một cuộc gọi, không có một dấu hiệu nào, - một sự lãnh đạm thật tệ hại, một bậc thầy về sự xa cách, ôi cả một nghệ thuật của sự thiếu vắng!

Tất cả những cảm xúc đó thật tôi không thể nào chịu đựng nổi, quá sức to lớn, chúng mang tôi đi xa quá, vì sau đó tôi không thể nào trở lại như trước được nữa, tôi không biết phải hiện hữu như thế nào, tôi không biết phải có cử chỉ động tác nào nữa, không biết chữ nào nữa, và tất cả mọi thứ khác đều như những hải đảo thật xa xôi.

Tiếng chuông ngoài cửa vang lên...A, đúng rồi, nhỏ Marie, và khăn quàng của cô ta.
Mái tóc đen rối bời, tia nhìn chế giễu, đứng tựa vào khung cửa...
Trên nền trời màu xanh sẫm như biển, chị Hằng tròn vo, sáng chói, đang nháy mắt nhìn tôi.

Constance Delance - TháiLan Dịch