Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ Thành Kính Phân Ưu Thi Sĩ Song Phương

 

Thay Mặt Ban Chấp Hành &Hội Viên: Hồng Thủy


Ban Biên Tập Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Thi Sĩ Song Phương & Tang Quyến

 
 

Vĩnh Biệt Nàng Thơ

Tôi bàng hoàng nghe tin buồn chợt đến
Một nàng thơ vừa khuất bóng giữa đời
Song Phương nữ sĩ hồn thơ lai láng
Bỗng chốc hóa thành mây khói chơi vơi.

Vạt nắng đầu ngày bước lên sỏi đá
Mộng trăm năm đang nở đóa yêu thương
Xin cạn chén vô ưu cùng hoa lá
Tạm biệt đời thanh thản cõi vô thường.

Trời thật xa, âm dương thì chia cách
Sớm họp tối tàn đời sống qua nhanh
Nước mắt rơi ướt trăm lần mảnh giấy
Vĩnh biệt Song Phương yên nghỉ an lành.

Tế Luân
Xin cầu cho Hương Linh
nữ sĩ Song Phương sớm yên nghỉ trên Niết Bàn.

Đời Người Ngắn Ngủi Và Vô Thường

(Thương tiếc gửi về Hương Linh : thi sĩ Song Phương )

Đời Người Ngắn Ngủi Và Vô Thường
Biết thế nhưng rồi vẫn nhớ thương 
Vĩnh Biệt SONG PHƯƠNG ta vẫn khóc 
Tiếc người còn trẻ lại tài năng 

Vần thơ ta gửi thay nhang khói 
Khấn Phật cùng trời ở tứ phương 
Giơ tay cứu độ người Thi Sĩ 
Bút hiệu của Nàng: chính SONG PHƯƠNG 

Thư Khanh
Seattle-8/11/2022 


Vĩnh Biệt Song Phương

 

Vĩnh Biệt Song Phương 

Vĩnh Biệt Song Phương ! Vĩnh biệt rồi!
Đời người như thể bóng mây! Ôi!
Mới vừa giao tiếp cùng bằng hữu
Bỗng chốc hoà tan với đất trời!
Kẻ đã ra đi ngăn ngấn lệ
Người đang ở lại nghẹn rưng lời
Nghìn thu chia cắt xin cầu nguyện
Cực Lạc em về sống thảnh thơi.

Phương Hoa 
AUG 10, 2022
***
Thắp Nén Hương Xa Về Song Phương

Ơi cõi phù sinh biệt giã rồi
Hỡi em thân quý Song Phương ôi
Nói chi, người cũng đang về đất
Buồn mãi, hồn dâng kịp tới trời
Thương tiếc vô cùng tình vạn lý
Sầu đau hữu hạn nhạc không lời
Phân ưu tang quyến đôi dòng lệ
Thắp nén hương lòng thả bóng thơi...

Los Angeles 10 - 8 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Nghìn Thu Vĩnh Biệt

Song Phương giã biệt cõi trần rồi
Để Diễn Đàn buồn tiếc nuối ôi
Tuổi trẻ đang vừa ươm cảnh mộng
Ngày xanh đã vội lặn mây trời
Trăng mờ cuối hạ ai sầu khóc
Nắng mỏng đầu thu bạn nghẹn lời
Nhắm mắt em nằm buông thế tục
Hương lòng gởi đến lệ tràn rơi

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 8/10/2022
***
Tháng Tám Tiễn Song Phương

Tháng tám đau thương vĩnh cách rồi
Ngậm ngùi tiễn biệt Song Phương ôi
Ngàn thu từ tạ vào lòng đất
Trăm ngã đoàn viên đến tận trời
Sanh tử thế gian không lý giải
Tồn vong thiên địa chẳng thành lời
Hương trầm một nén khôn ngăn lệ
Khói tỏa Song Phương đi thảnh thơi 

Nguyễn Thị Thêm
***
Khóc Thương Song Phương

Song Phương đã bỏ cuộc chơi rồi
Kiếp nạn thương em lệ tuôn ôi
Mới đó mà sao xa cách biệt
Bây giờ có lẽ ở trên trời
Trần gian vĩnh biệt lìa nhân thế
Hạ giới ly tan khóc cạn lời
Khép kín đôi mi rời thế tục
Hồn em Cực Lạc sống thảnh thơi ...

Belgique một ngày thật buồn...
11 tháng 08 -2022
Tuyết Phan

Minh, Sương Lam Thành Thật Chia Buồn Anh Từ Hữu Lý Và Tang Quyến


Thành Thật Chia Buồn

Minh, Sương Lam thành thật chia buồn với anh Từ Hữu Lý và tang quyến
Cầu nguyện Đức A Di Đà tiếp dẫn hương linh Nữ sĩ Kiều Cát Nhung - Song Phương về Miền Cực Lạc

Minh và Sương Lam

Hội Người Việt Cao Niên Oregon Thành Kính Chia Buồn Anh Từ Hữu Lý Và Tang Quyến


PHÂN ƯU

Hội Người Việt Cao Niên Oregon chúng tôi vừa nhận được tin buồn
Bà Kiều Cát Nhung - Nữ sĩ Song Phương
Từ trần Ngày Thứ tư, 10 tháng 8 Năm 2022 lúc: 3:20 AM
Hưởng thọ 67 tuổi.

Hội Người Việt Cao Niên Oregon chân thành chia buồn cùng anh Từ Hữu Lý và tang quyến trong sự mất mát lớn lao này.
Nguyện cầu hương linh Nữ sĩ Kiều Cát Nhung - Song Phương sớm siêu sinh tịnh độ về cõi vĩnh hằng.

Hội Người Việt Cao Niên Oregon
Vô cùng thương tiếc

Vô Cùng Thương Tiếc Thi Sĩ Song Phương


Song Phương ơi! bao người lòng se thắt
Nhận tin buồn em vĩnh biệt cõi trần
Vĩnh biệt Gia đình! Vĩnh biệt người thân!
Chị thật bàng hoàng! không sao tin nổi!

Chị chỉ biết gọi: "Trời ơi! Trời hỡi!..."
Sao Trời nỡ tâm cướp mất đời em
Sao Trời lấy đi cuộc sống êm đềm
Để căn nhà Văn Bút với nỗi buồn sâu đậm...

Vĩnh Biệt Em! Một nhà thơ duyên dáng
Một thi sĩ tươi trẻ, dễ mến, vị tha
Một cây bút đầy tình cảm, dung hòa
Luôn tận tâm phuc vu, sống cho lẽ phải

Cho sự thật...
Cho quê hương nước Việt
Cho Lá Cờ Vàng phất phới tung bay
Cho văn chương Việt toả sáng khắp trời mây
Cho Văn Bút Việt muôn đời trường cửu

Thôi em nhé, hãy ngủ yên an giấc
Giấc ngủ nghìn thu bên cạnh Tớ Tiên
Bên cạnh ngàn thông, phố thị Oregon
Và bên cạnh núi đồi em yêu mến.

Chúc Anh

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Mẹ Nuôi Con - Ngọc Phúc - Kim Trúc


Sáng Tác: Ngọc Phúc
Trình Bày: Kim Trúc


Hạnh Phúc Thay Ai Còn Mẹ Hiền

 
(Họa Sĩ Mai Trung Thứ)

Hạnh phúc thay ai còn mẹ hiền!
Nhà như có Bụt ngự triền miên
Y chang hoạt Phật Tây Thiên xuống  
Nào khác Linh Thần Địa Phủ lên
An ủi con yêu khi chẳng mạnh
Vỗ về cháu quý lúc không hên
Mẹ như Vương Mẫu ban đào quý
Có mẹ cũng như sống cõi tiên


LạcThủy Ðỗ Quý Bái


Thơ Tạ Lỗi Với Cha Già


Thời gian như bóng ngựa qua cửa sổ
Bảy mươi Năm Cha ra người thiên cổ
Ngày Từ Phụ, nhớ Cha quá Cha ơi!
Để tìm Cha, Con nhìn cuối chân trời.

Có nhiều đêm gặp Cha trong giấc mộng.
Nhớ thuở sanh tiền Cha đã dày công
Làm việc cực nhọc, nuôi con ăn học
Ngày con thành đạt, Cha về với đất.

Con, Lính đồn xa, ngày Cha sắp mất
Không vuốt mắt Cha lúc bỏ cõi trần
Suốt đời con, con vô cùng ân hận
Con là đứa con bất hiếu, vong ân.

Bức thơ nầy con viết bằng nước mắt
Kính dâng Cha đang ở cõi trời xa
Mong được Cha già mở lượng hải hà
Thương con trẻ mà rộng lòng tha thứ.

Hoa Đô, Ngày Từ Phụ
Trần Công/Lão Mã Sơn

Cành Hoa Trắng Vu Lan

 
 

Ba mốt năm Mẹ về cõi Phật
Mộ phần lạnh lẽo giữa hoang sơ
Những đêm cô tịch trăng huyền ảo
Con nhớ vô cùng thuở ấu thơ …

Ngày xưa mỗi độ chớm thu sang
Ngọn gió heo may rụng lá vàng
Tháng bảy ngày rằm mùa xá tội
Những linh hồn lạc giữa trần gian!

Mẹ dắt con, nghiêm trang áo trắng
Ðường lên chùa cũ dấu rêu mòn
Chấp tay trước Phật con cầu nguyện
Soi sáng tâm hồn kẻ sắt son …

Trên ngực áo con một nụ hồng
Mẹ cười mẹ hỏi có vui không?
Mỗi năm vào dịp Vu Lan hội
Mẹ sẽ tặng con một đóa hồng

Thế rồi …ba mốt mùa mưa nắng
Ðằng đẵng bao trăng chết cõi lòng
Bóng mẹ hiền trần gian khuất dạng
Hoa hồng đâu nữa … để mà mong !

Tháng bảy Vu Lan lại đến rồi
Áo cài hoa trắng đời mồ côi
Con buồn nhớ mẹ lòng ray rứt
Tủi phận bơ vơ giữa chợ đời !!!


Nguyễn Phan Ngọc An

Vu Lan Nhớ Bố Mẹ

 

 

Mẹ tôi, bà mẹ Việt Nam,
Chân quê chân chất, thương con thương chồng
Những ngày lễ hội trong làng 
Mẹ mặc váy nái yếm hồng đào tơ 
Áo tứ thân, tóc vấn đuôi gà,
Với đôi guốc mộc, mặn mà dễ thương 

Bố tôi: đẹp trai, cùng làng

Áo the, quần trắng, luôn cầm cái ô
Bố tôi rất thích làm thơ 
Làm nghề Thày Giáo
Không dám lẳng lơ gái làng 
Thơ tình chỉ tả đêm trăng 
Ngắm mẹ ngồi dệt tơ tằm bên hiên 
Bạn bè có ít người quen 
Đồng sàng đồng lứa, trong huyện Ý Yên quê nhà 

Nhớ về cái thuở lên ba 
Bao hình ảnh đẹp: Mẹ Cha êm đềm 
Rồi thì … bố mẹ sinh thêm 
Và chiến tranh đã bùng lên mất rồi 
Bố mẹ tôi cũng như bao người 
Cửa nhà tan nát bố tôi đi tù …
Nghĩ đến đây tôi không viết vào thơ 
Bởi muốn quên …
Quên chẳng được!
Bao giờ mới quên?!
Vu Lan báo hiếu mẹ hiền 
Báo Công Cha Nghĩa Mẹ gửi lên cõi nào?!

Thư Khanh 
Seattle- 8/ 2022
Mùa VU LAN BÁO HIẾU đang về!

Hương Tóc Mẹ



Có những buổi trưa Hè
Mẹ ngồi trước thềm nhà
Mẹ bảo con nhổ tóc ngứa
Con thưa:
Khó nhổ quá Mẹ ơi
Mẹ nói:
Lấy hột lúa kẹp vào cọng tóc mà nhổ
Suốt buổi trưa
Con nhổ được mười sợi
Mẹ thưởng con ba đồng
Đủ tiền cho con mướn chiếc xe đạp
Chạy chơi khắp xóm vài vòng
Có những buôi trưa hè
Mẹ đứng trước thềm nhà
Hong tóc
Hương bồ kết thoang thoảng bay bay
Thương thật dễ thương
Mẹ không dùng nước hoa
Cũng không dùng mỹ phẩm
Tóc Mẹ vẫn bóng bẩy mượt mà
Con gái Mẹ ngày nay
Có đứa nào gội đầu bằng bồ kết
Chải tóc bằng dầu dừa
Như Mẹ ngày xưa ???

Hoàng Long


Con Ru Mẹ - Nhạc Sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng - Ca Sĩ Duyên Quỳnh


Nhạc Sĩ: Hạ Đỏ Bích Phượng
Ca Sĩ: Duyên Quỳnh

Thương Nhớ Lắm Mẹ Ơi!

v

Lưng còng, xương yếu Mẹ tôi
Đứng đi chẳng vững, ngày trôi trôi… Già!
Lưng gù còm xuống quét nhà
Cháu, con lưng thẳng tung ra xả, bày!

Không sao! Ấy vậy mà hay!
Tuổi già vận động cho tay chân cười
Nằm hoài một chỗ với lười
Biết đâu Mẹ bệnh gấp mười đứng, đi?

Con thương nhớ Mẹ cách chi!
Gom cô đơn, gói vần thi, gửi Người!

Ý Nga
11-11-2014

Vu Lan Nhớ Mẹ

 

(Lục bát, điệp từ MẸ)

VU LAN nhớ MẸ khôn cùng
Đi chùa dâng MẸ lễ dùng tạng kinh
MẸ ơi, hoa trắng lung linh
Áo cài mất MẸ tâm tình xuyến xao

Sinh tiền MẸ sống thanh cao
Nuôi con mưa nắng MẸ nào quản chi
Từ BA vĩnh biệt MẸ đi
Trung trinh MẸ giữ một ly chẳng sờn

Bướm ong quanh MẸ lượn vờn
MẸ nghiêm ghi lại nét son cho đời
Tảo tần MẸ phận đơn côi
Gia đình nội ngoại vun bồi MẸ lo

Xóm làng MẸ vẫn giúp cho
Cứu nguy MẸ chẳng so đo ít nhiều
Đối nhân xử thế MẸ yêu
Dạy con giữ lấy những điều MẸ khuyên

Từ bi bác ái MẸ truyền
Nhớ câu: “Giấy rách, lề nguyên” MẸ mừng!
Noi gương MẸ sống mực chừng
Giàu sang con MẸ cũng đừng xa hoa

VU LAN nhớ MẸ thiết tha
Cúi đầu lễ MẸ, Phật Đà chứng minh
Hiếu nhi dâng MẸ bài kinh
MẸ ơi, trước điện tâm tình xuyến xao

Phương Hoa 
Vu Lan 2022


Rằm Tháng Bảy

Trung Nguyên Tiết
Tạp Ghi và Phiếm Luận

Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭祖節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中元節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là : Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天官上元賜福,地官中元赦罪,水官下元解厄. Có nghĩa: Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂蘭盆節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤魂野鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.

Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh : "Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã 反覆其道,七日來複,天行也。Có nghĩa : Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời". Nên số 7 là số DƯƠNG, khí dương của trời đất tiêu hao và mất đi thì trong 7 ngày sẽ tái sinh có lại. Đó là sự tuần hoàn của ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 陰陽消長. Số 7 còn có sắc thái thần bí riêng mình như : Trên trời thì có THẤT TINH 七星, con người thì có THẤT TÌNH 七情, Cơ thể thì có THẤT KHIẾU 七竅, đến âm nhạc cũng có THẤT ÂM 七音, màu sắc cũng có THẤT SẮC 七色 (7 màu)... Nên theo Đạo giáo thì Tiết Trung Nguyên là ngày 14 (7+7) tháng 7, còn Tiết Vu Lan Bồn là ngày 15 (rằm) tháng 7.

Tóm lại, tháng 7 là tháng bắt đầu thu hoạch nông phẩm; Người nông dân ngày xưa tin tưởng vào việc nông phẩm bội thu là do thần linh tổ tiên phù hộ, nên mới nhân dịp đầu Thu dùng những nông phẩm mới thu hoạch được hiến dâng lên để cúng tế ông bà tổ tiên cầu mong cho năm sau lại được mùa bội thu; Vì thế mà hình thành ngày Rằm Tháng Bảy là ngày LỄ TẾ TỔ. Đến đời Đông Hán theo thuyết "TAM NGUYÊN" của Đạo Giáo nên mới gọi TIẾT TRUNG NGUYÊN; Kịp đến khi Phật Giáo hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của dân gian, thì ngày Rằm tháng bảy mới được gọi là LỄ VU LAN BỒN. Ba cái tục lệ tín ngưỡng nầy truyền đến đời Đường thì hợp nhất lại vào ngày Rằm Tháng Bảy : Dân gian thì cúng tế ông bà tổ tiên; Đạo giáo thì cúng tế các Địa Quan, các thần linh dưới đất để cầu xá tội; Phật Giáo thì cúng cô hồn ngạ qủy, xá tội vong nhân. Nói chung, tất cả mục đích cuối cùng đều xoay quanh hiếu đạo và nhớ đến cha mẹ ông bà tiên tổ mà ăn ở cho phải đạo làm người.
Đến tháng bảy thì mọi người đều muốn trở thành hiếu tử, ai cũng tỏ ra hiếu kính đối với ông bà cha mẹ như bài thơ "Trung Nguyên Tiết 中元節" của Tống Học Nghĩa 宋學義 sau đây :

草木升溫金漫坡, Thảo mộc thăng ôn Kim Mạn Pha,
借籌祭祖賞山河。 Tá trù tế tổ thưởng sơn hà.
百思不解紅塵事, Bách tư bất giải hồng trần sự,
一到中元孝子多。 Nhất đáo Trung Nguyên hiếu tử đa!

Có nghĩa:

Kim Mạn lên gò ấm cỏ hoa,
Trên cao cúng Tổ ngắm sơn hà.
Nghĩ hoài không hiểu đời sao lạ...
Hễ đến Trung Nguyên hiếu tử đa!

Leo lên gò Kim Mạn nhiều hoa cỏ, mượn cớ để cúng mả cho Tổ Tiên mà nhìn ngắm cảnh núi sông; Nghĩ hoài cũng không sao hiểu được chuyện trên đời nầy, hễ cứ đến Tết Trung Nguyên thì ai cũng tỏ ra mình là người con có hiếu cả !
Thường các lễ hội cúng bái cầu đảo đều diễn ra ở bên ngoài các Đạo Quán 道觀 (là Chùa của các đạo sĩ tu luyện) với các tục lệ như thả đèn trời, thả đèn hoa đăng dưới nước... cùng với các nghi thức Tế Địa Quan của các Đạo Trưởng như trong bài thơ "Trung Nguyên Nhật tặng Trương Tôn Sư 中元日贈張尊師" của Lệnh Hồ Sở 令孤楚 như sau :

偶來人世值中元, Ngẫu lai nhân thế trực Trung Nguyên,
不獻玄都永日閒。 Bất hiến Huyền Đô vĩnh nhật nhàn.
寂寂焚香在仙觀, Tịch tịch phần hương tại tiên quán,
知師遙禮玉京山。 Tri sư dao lễ Ngọc Kinh san.

Có nghĩa:

Nhân gian nhằm lễ Trung Nguyên,
Huyền Đô tạm gác lặng yên cả ngày.
Khói hương đạo quán không ai,
Biết thầy đã lễ tận đài Ngọc Kinh.

Ngọc Kinh Sơn là tên của núi Huyền Đô nằm trong dãy núi Côn Luân. Theo Đạo Giáo tương truyền đây là nơi của những người đắc đạo thành tiên ở, là nơi giáp ranh với Thiên đình trên trời.

Việt Nam ta không có lệ thả đèn trời, nhưng trong dân gian lại có tục Thắp Đèn Trời, có nghĩa là khi thắp nhang cúng xong thì để yên các ngọn đèn và hương hoa ở ngoài trời cho đến sáng, như câu ca dao Nam Bộ sau đây:

Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con!

Đây cũng là cách đơn giản chân thành biểu hiện tấm lòng của người con hiếu thảo đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

Tết TRUNG NGUYÊN truyền sang đến Việt Nam ta thì không còn mang sắc thái của Đạo giáo nữa mà hoàn toàn thiên về các nghi thức cúng bái cầu an của Phật Giáo; đặc biệt là đối với cha mẹ thì đây là mùa "Vu Lan Báo Hiếu"; chữ Nho gọi là VU LAN BỒN 盂蘭盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂蘭盆會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂蘭勝會. Căn cứ theo ghi chép của "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛说盂蘭盆经",Vu Lan Bồn 盂蘭盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là "Treo Ngược", BỒN là "Cái Chậu", nên VU LAN BỒN 盂蘭盆 là: Cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị để cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.
VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地官大帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目犍連救母.

Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự : 目犍連; tên Latinh hóa : Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana) hay gọi tắt là Mục-Liên (目連) (Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍利弗, Mục-Kiền-Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.
Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
Phật dạy rằng:
“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂蘭盆法 ).
Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.

Trong khi Phật giáo thí thực cho các cô hồn ngạ qủy bằng ngũ cốc rau củ qua quả, thì Đạo giáo lại cúng bằng "tam sên", đọc trại của từ TAM SANH 三牲 là Heo, Gà, Cá. Nhớ hồi nhỏ khi thấy mấy ông thợ mộc động thổ cất nhà thường cúng "tam sên" bằng : Một miếng thịt ba rọi luộc, một qủa trứng gà và một con khô mực (hay một con tôm luộc) để tượng trưng cho TAM SANH; Còn ở các Đạo quán thì lại cúng rất linh đình với : Một con heo quay, một con gà luộc và một con cá rán; Các Đạo quán lớn cúng bằng NGŨ SANH 五牲 thì thêm một con bò và một con dê thui nữa ! Ta hãy nghe bài thơ "Trung Nguyên Tiết Hữu Cảm 中元節有感" của Vương Khải Thái 王凱泰 đời Thanh thì sẽ rõ :

道場普渡妥幽魂, Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
原有盂蘭古意存。 Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
卻怪紅箋貼門首, Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
肉山酒海慶中元。 Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên!

Có nghĩa:

Đạo tràng phổ độ u hồn,
Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên!


Lượm lặt trên mạng, kể lể cho vui lúc trà dư tửu hậu. Chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa Lễ VU LAN BÁO HIẾU có ý nghĩa, vui vẻ và... hiếu thuận với cha mẹ cũng như được con cháu hiếu thuận với mình!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức      


Lễ Vu Lan Mẹ Tôi Xuống Tóc


Không biết sao cứ mỗi mùa Vu Lan về là tôi lại rưng rưng. Tôi nhớ má tôi, nhớ vô cùng. Trái tim tôi rung lên những nhịp đập mãnh liệt và nước mắt muốn trào ra.

Má tôi sinh toàn con trai và tôi là đứa con gái rượu của ba tôi. Gần nhà tôi có bác Tư Hiếu. Bác trai làm việc văn phòng trong đồn điền cao su. Bác gái ở nhà, căn nhà cũng gần nhà tôi. Hai vợ chồng bác Tư Hiếu giàu có nhưng không con. Bác gái coi tôi như con gái cưng. Khi tôi còn nhỏ bác hay đem tôi về nhà để chăm sóc và chiều chuộng hết lòng. Bác cưng tôi lắm nên tôi thích ở nhà bác Tư hơn ở nhà mình. Bánh kẹo bác có nhiều, muốn ăn bác cho ăn thoải mái. Thức ăn nhà giàu đầy đủ và thật ngon. Tôi được bác sắm sửa nhiều bộ đồ đẹp. Bác cho tôi mặc đồ con gái, những bộ đầm đẹp màu sắc rực rỡ. Tôi như cô công chúa nhỏ xinh xắn trong nhà.

Nhà bác Tư rộng và đẹp, nhất là cái võng thật to được giăng ở dưới nhà sau gần bếp. Gió ngoài cửa lùa vào mát rượi. Tôi thích nằm võng để ngủ trưa. Đầu võng bác Tư Gái nằm trên ghế xích đu kế đong đưa cho tôi ngon giấc.

Những bài hát ru con bác Tư đưa tôi vào giấc mộng lành, in sâu vào trí nhớ con nít của tôi. Giọng hát ngọt ngào và dịu dàng làm sao.

- Ầu ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo ờ...ờ.....Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Ầu ơ...ơ...Khó đi mẹ dắt con đi.
Con đi trường học ờ....Ầu ơ! Con đi trường học ờ ...Mẹ đi ...trường đời.

Ở nhà má tôi nói tôi lớn có em rồi nên buổi trưa lên bộ ván mà nằm ngủ, má bận tay bận chân lắm. Má còn phải lo cho em, cho heo ca, cơm nước cho ba... Bác Tư chỉ nấu cơm trưa và cơm chiều với hai người ăn nên thời gian rảnh rất nhiều. Thỉnh thoảng bác còn đan áo đẹp cho tôi nữa nên ru tôi ngủ là niềm vui của người phụ nữ khao khát được làm mẹ.

Tôi cứ nghĩ mình xinh đẹp như con búp bê mắt nhắm, mắt mở mà bác đã mua cho tôi khi hai bác đi nghỉ mát Đà Lạt. Tôi ôm con búp bê và ngủ say sưa trong tiếng ru ngọt mềm ấy. Những bài hát ru bác Tư lập lại nhiều lần với âm điệu thật hay đi vào trí não non nớt của tôi. Tôi thuộc nó và ao ước hôm nào tôi sẽ hát lớn cho ba tôi nghe, cho má tôi nghe để biết con gái cưng của ba tôi giỏi như thế nào.

Và ngày đó đã đến, nhưng tôi không ngờ đó là ngày tai biến cho gia đình tôi nhất là cho má tôi.

Hôm ấy buổi trưa ba tôi về nhà ăn cơm như mọi ngày. Sau bữa cơm ba tôi thường ngủ một giấc ngắn để buổi chiều đi làm việc trở lại.

Hôm ấy Bác Tư Gái không ở nhà nên tôi không qua nhà bác. Tôi lấy một cái khăn tắm lớn, túm hai đầu lại và cột vào hai chân ghế để cách xa nhau để làm thành cái võng nhỏ. Tôi đặt con búp bê vào và bắt chước bác Tư Gái hát ru cho búp bê ngủ.

Tôi ngồi ở đầu võng và hát thật to cốt để ba tôi nghe và khen tôi giỏi.

- Ầu ơ!...Mấy đời bánh đúc có xương ờ...
Ầu ơ! Mấy đời mẹ ghẻ ờ ờ ...Ầu ơ! Mấy đời mẹ ghẻ ờ ...mà thương con chồng.

- Ầu ơ...Mồ côi cha ăn cơm với cá.
Ầu ơ! Mồ côi mẹ ờ.. Ầu ơ!...Mồ côi mẹ lót lá mà nằm ờ....

- Ầu Ơ..Mẹ gà con vịt chít chiu
Ầu ơ! Mấy đời mẹ ghẻ Ầu ơ... Mấy đời mẹ ghẻ nâng niu ờ...con chồng..

Ba tôi dừng đũa nhìn má tôi lom lom. Má đang chuẩn bị bình trà và dĩa trái cây ở bàn bên cho ba tôi ăn tráng miệng sau bữa cơm.

Tôi lấy hơi và hát lớn thêm một bài chí mạng mà tôi không biết nghĩa là gì

- Ầu ơ! Trèo lên cây khế chảng ba ờ...
Ầu ơ! Thấy ờ... mẹ ghẻ ờ...Ầu ơ! Thấy ờ... mẹ ghẻ ờ... có chà có chôm.

Ba tôi lấy tay hất mạnh một cái, cả mâm cơm rơi xuống đất. Tôi hoảng hồn khóc ré lên vì sợ. Ba tôi hùng hổ bước về phía má tôi:
- Dạy con như vậy hả? Dạy như vậy hay sao?

Má tôi mặt xanh dờn vì sợ. Ba tôi bản tính trầm tĩnh, ít khi nào ông lớn tiếng hay la to. Ông luôn dùng cái uy của bản thân để dạy con, ông không bao giờ dùng vũ lực hay nạt nộ. Lần đầu tôi thấy ông giận tóe lửa. Con gái cưng hát cho ba nghe mà ba giận dữ, lần đầu tôi mới thấy ba tôi đáng sợ như vậy. Má tôi ấp úng nói không ra tiếng
- Tui không có dạy. Tui không bao giờ dạy như vậy.
- Không dạy sao nó biết hát. Nói cho tui nghe coi

Má tôi lúc này đã khóc, bà ngồi ngồi đất chịu đựng cố nén cơn hờn tủi.
Tôi sợ quá chạy ra sau hè không muốn thấy má tôi khóc và ba tôi giận dữ. Một lúc sau tôi vô nhà thấy ba vẫn còn đứng mặt hầm hầm nhìn má tôi với đôi mắt giận dữ. Thức ăn vẫn còn la liệt dưới đất, má tôi khóc thật nhiều và tôi thấy má tôi cầm cái kéo
- Tui nói mình không tin, tui thề là tui không không dạy gì hết. Tui thề nè. Và má tôi sổ đầu tóc ra. Mái tóc dài buông xuống phủ hai vai. Má nắm mớ tóc đó cắt mạnh đầy tủi hờn. Ba tôi đứng lặng không nói được gì. Ông không ngờ má tôi quyết liệt như vậy.
Má nói với ba
- Tui đã nói tui không dạy con bậy bạ. Tui cắt tóc để thề. Mình muốn biết thì hỏi nó. Hỏi xem ai dạy nó.

Ba tôi ngoắc tôi lại gần. Tôi sợ quá không dám tới. Ba dữ quá mà, ba hất hết mâm cơm xuống đất. Tôi khóc rống lên đầy uất ức.
Má tôi biết tôi sợ nhưng nếu lại gần tôi ba tôi sẽ nghi bà tới để dạy tôi nói tránh tội. Má không lại gần mà chỉ hỏi tôi
- Ai dạy con hát ru em như vậy? Có phải má không?
Tôi lắc đầu và vẫn khóc trong ấm ức.
Ba tôi bước lại gần và nắm tay tôi hỏi:
- Nói cho ba nghe, ai dạy con hát?
Tôi vừa khóc tấm tức vừa trả lời:
- Không có ai dạy hết. Bác Tư Hiếu hát con bắt chước bác.
Ba tôi vẫn không nguôi giận, Ông nhìn má tôi lườm lườm.
- Không dạy nhưng chuyện nhà đi rêu rao hàng xóm.
- Tui không rêu rao, tui làm việc cả ngày có đi đâu mà rêu rao.
-Không rêu rao sao người ta châm chọc?

Ba tôi giận dữ bỏ đi làm. Mâm cơm tan tành dưới đất. Bình trà, thức ăn tráng miệng nằm chơ vơ trên bàn cạnh cái ghế dựa ngủ trưa của ba tôi. Tôi còn nhỏ quá tôi không hiểu gì hết, tôi không hiểu hát hay như vậy sao ba không khen con gái, ba giận dữ. Sao má phải cắt tóc để thề thốt. Tôi ôm lấy má, tôi thương má tôi quá. Tôi đã làm gì sai. Có phải tại tôi không?

Má tôi vừa khóc vừa dọn dẹp những thức ăn chén bể và tóc vung vẩy khắp nhà. Nước mắt đã làm mặt má tôi thiểu não chưa từng có. Tôi ghét, tôi giận ba tôi.

Mấy tuần sau rằm tháng bảy má dẫn tôi đi chùa. Sư cô đã niệm Phật và cạo đầu cho má tôi. Má ăn chay lạy Phật nguyên tháng bảy và từ đó má tôi kiệm lời. Má nhìn ba tôi khác hơn ngày trước. Vẫn lo lắng, chăm sóc đúng bổn phận người vợ nhưng ít nói với ba hơn. Đôi mắt đượm buồn và chịu đựng làm sao. Má chăm sóc tôi nhiều hơn và mỗi buổi trưa không cho tôi qua nhà bác Tư Hiếu để ngủ. Má dặn tôi mấy bài hát của bác Tư đừng bao giờ hát nữa, ba sẽ không vui.

Sau này lớn hơn một chút tôi đã nghe các chị nuôi nói lại là lúc đó có một người con gái làm công nhân cạo mủ bỏ gia đình theo ba tôi. Ba tôi đã kiếm nhà cho cô ta ở và coi như vợ lẻ. Bà Bảy (em ruột của bà nội) đã tới tận nhà và cảnh cáo cô ta nhưng vẫn không dứt ra được. Má tôi biết nhưng không đánh ghen hay làm khó ba tôi, bà cam chịu như một việc hiển nhiên. Đàn ông năm thê bảy thiếp. Ba tôi có quyền làm như vậy và bà chỉ cần làm tròn bổn phận của mình. Những bà con ruột thịt, hàng xóm láng giềng nóng ruột và thương má tôi nhưng không biết làm sao. Các bài hát ru con của Bác Tư Hiếu cũng gián tiếp gửi đến ba tôi một thông điệp không mấy đẹp về sự chung thủy của đàn ông. Một hình thức chống đối ngầm dè xiểm của những người bàng quang về thực trạng mẹ ghẻ con chồng nếu một mai má tôi chết sớm.

Dường như từ ngày kinh hoàng đó, cái ngày mà mái tóc dài của má tôi đã thành cái đầu trọc lóc, má tôi đã giác ngộ và hiểu được lẽ vô thường. Bà chấp nhận số phận nhưng bà lại nghĩ ra một điều khác quan trọng hơn. Bà nghĩ đến tương lai và ngày mai cho cuộc đời bà và cho các con. "Đàn ông khi đã thay lòng sẽ quên tất cả tình nghĩa và thay đổi bất cứ lúc nào" Biết đâu một ngày nào đó ngôi nhà này sẽ có một người phụ nữ khác làm chủ. Má tôi sẽ bước ra với hai bàn tay trắng, sự cô độc và tủi nhục. Xã hội luôn chấp nhận những điều bất công đó một cách tự nhiên. Cái luân lý đạo đức Khổng Mạnh bất công ở tít bên Tàu đã ăn sâu vào nền văn hóa VN. Bắt buộc đàn bà phải trung trinh tuyệt đối với chồng, nhưng đàn ông có quyền có nhiều vợ, đánh đập vợ và bỏ vợ. Cho nên dù có bị bạc đãi thế nào, người đàn bà cũng phải nép mình trong cái luân lý, đạo đức đã được truyền dạy từ thời con gái.

Má tôi hiểu điều đó cho nên bà phải tìm một nơi nương thân cho cuộc đời bà. Phải tự mình đứng dậy để tự lập. "Bà đi khai hoang lập đất"

Má tôi rủ các người cậu họ phá rừng làm rẫy. Bà mướn người phóng nọc làm ranh và khai hoang lập đất. Mỗi sáng má tôi dậy sớm chuẩn bị cơm nước cho cả nhà rồi bà đi rẫy. Những ngày tôi không đi học tôi theo má lên rừng, em tôi chạy theo sau. Thỉnh thoảng má gánh em tôi ở một đầu gánh, đầu bên kia là cơm nước đem đi cho mấy mẹ con ăn trong ngày. Đến nơi, má đưa hai chị em tôi vào nghỉ ở một bụi tre gai mà cái tàng nó de ra như một mái nhà. Má trải tấm nylon cho hai chị em tôi ngồi xuống đó chơi. Má gom chà tre để đốt.

Tôi nhớ như in hình ảnh má tôi với cái áo bà ba, cái quần đen bạc màu, khăn rằn đội đầu theo kiểu miền nam, nón lá che khuất khuôn mặt rám nắng. Chà tre gai gom lại từng đống lớn, má lấy tre khô làm bổi từng đoạn , một cây tre khá dài được quấn mủ dây cao su khô ở một đầu, má đem đốt lên để làm mồi lửa đốt bổi. Từng nhóm lửa nhỏ cháy lên yếu ớt rồi lan mạnh ra bùng lên sáng rực một góc. Tiếng tre tươi bị đốt nổ lớn và văng ra ngoài. Má đứng vừa quạt mồ hôi vừa hô tô GIÓ... GIÓ...GIÓ LÊN.

Ngày qua ngày má tôi phơi nắng, dầm mưa trên mảnh đất vừa khai phá. Tiền bạc vòng vàng dành dụm má bỏ vào nơi này. Khi ba tôi biết thì miếng đất đã phát hoang gần xong. Những đống tre gai để đốt nằm rải rác đó đây chứ không từng từng lớp lớp như trước. Ba tôi hỏi tại sao bà lập rẫy. Má tôi nói:

- Sống có nhà, chết có mồ. Mình đã có một mái nhà riêng tư, một gia đình riêng tư bên ngoài. Tui phải tạo dựng nơi tui và con nương náu sau này. Mình giúp được thì giúp, còn không thì hãy cho tui làm theo ý mình.

Ba tôi nhìn má tôi kinh ngạc. Người đàn bà yếu đuối và coi ông như điểm tựa cuộc đời mình giờ tách ra khỏi ông để tìm một lối đi riêng. Ông biết má tôi hiền lương phúc hậu. Vết thương ông tạo cho má tôi quá lớn và trong thâm tâm ông chợt hối hận.

Từ đó sau giờ làm việc ba tôi đạp xe xuống rẫy để phụ má tôi dọn dẹp và chuẩn bị tới mùa mưa phóng nọc trồng cây. Ba tôi làm một cái chòi nhỏ để gia đình che mưa đụt nắng. Hai chị em tôi không còn ngồi núp dưới bóng mát của bụi mua già hay bụi tre gai. Chúng tôi có một cái chõng tre để nằm và những bữa cơm nóng má nấu tại chỗ với đọt nhãn lồng luộc hay cá kho má đặt lợp dưới suối. Những cây lù đù, nhãn lồng cho chị em tôi hái ăn thật ngon. Còn một khoảng rừng thưa phía trước đất không màu mỡ má chưa dọn hết, chị em tôi vào đó tha thẩn hái trái sim, bứt dây xuân sâm về cho má đâm ra làm nước uống. Chúng tôi đã có một tuổi thơ thật nhiều niềm vui và sống với thiên nhiên cây cỏ.

Mỗi sáng má đi rẫy một đầu gióng là con, đầu bên kia là thức ăn và vật dụng. Khi chiều về một đầu là con, một đầu là củi. Rồi theo thời gian hai đầu là những bầu, bí, rau trái trong vườn. Đất mới khai hoang nên rất phì nhiêu, trồng cây gì lên cũng đều cho kết quả ngoài dự liệu. Bầu bí bò đầy đất, rau xanh tươi ăn hoài không hết. Tôi nhớ có lần đào một củ khoai mỡ. Đất thịt bã hèm nên củ nó cứ thế mà phát triển luồn trong đất. Một củ khoai mà đào thật rộng mới lấy hết phần củ. Và cuối cùng cũng phải cắt ra mới có thể đem về nhà. Trái thơm thật to ngọt lịm ngon ơi là ngon.

Ba tôi dành nguyên một liếp vườn để trồng cau "Cho má con ăn trầu" Hai trụ trầu vàng trồng sau nhà cũng "Để dành má con ăn" Người đàn ông trong ba tôi không nói nhiều mà sâu sắc nghĩa tình.

Chôm chôm, sầu riêng, bưởi cam, mít tố nữ, dâu miền dưới, xoài thanh ca, xoài cát, mãng cầu, cà phê ...tất cả đều có mặt trên mảnh vườn này. Ba tôi cho phóng nọc trồng cây ngay hàng thẳng lối như cao su. Ông cho đào mương dẫn nước từ suối vào trong vườn để cây đủ nước phát triển. Đó không phải chỉ công trình của má tôi mà là sức lực, tài sản của ba má tôi đổ vào đó để chúng tôi có một nơi để về đoàn tụ như má tôi đã từng mong ước. Đó là căn nhà từ đường mà ba má tôi đã bỏ nhiều tâm huyết xây dựng. Là mái ấm yêu thương của ba dòng con tụ tập về mỗi khi Tết đến hay cúng giỗ ông bà.

Má tôi, một người phụ nữ đã gánh vác cả giang sơn nhà chồng và gánh cả một nỗi thương đau rạn nứt bởi những người đàn bà khác. Ngày tôi hát những câu ru con chết người đó má tôi đã cắt tóc, cạo đầu như dứt bỏ những thường tình mà một người phụ nữ phải có, để vượt lên thành một người phụ nữ tuyệt vời cao thượng nhất.

Cô gái theo ba tôi ngày tôi còn bé đã có đến 5 đứa con với ba tôi. Năm đứa con chồng mà mỗi khi chúng bệnh đau thường được ba tôi đem về giao cho má tôi chăm sóc. "Má lớn biết nuôi con" Má lớn nuôi con chồng bằng bàn tay mát rượi với trái tim bao la của một người mẹ.

Ba tôi không phải một người đàn ông bội bạc. Ông là một người chồng, người cha uy nghiêm với tất cả thành viên trong gia đình. Ngôi nhà má tôi từng ở cũng như ngôi nhà mà ông xây dựng sau này trên mảnh đất khai hoang của má tôi, không một người vợ nhỏ nào được bước vào ở dù chỉ một ngày. Các con riêng của ba tôi một lòng tôn kính má lớn. Má lớn che chở cả ba dòng con. Nhà má lớn là nơi các em tôi và chúng tôi về tụ họp mỗi lẫn giỗ quảy. Chúng tôi cũng không sợ và cũng không bao giờ bị mẹ ghẻ hành hạ hay bạc đãi vì các dì đều mất trước má tôi. Chính tay má tôi đã dựng vợ gả chồng cho cả 11 đứa con.

Má tôi là một người đàn bà thời xưa, thời của đàn ông có quyền nhiều vợ. Phụ nữ phải chấp nhận sự thiệt thòi đó một cách tự nhiên. Xã hội phong kiến đã dạy cho người phụ nữ phải phục tùng chồng một cách tuyệt đối. Má tôi sau cái ngày cạo tóc má không còn nghĩ đến ba tôi có ai bên ngoài nữa. Bởi vì bà biết có chống đối hay ghen tuông cũng không thay đổi được gì, chỉ làm gia đình tan vỡ, người ngoài cười chê. Bao dung và yêu thương là tôn chỉ của má tôi nên tấm lòng đó đã được ba tôi trân trọng và yêu thương.

Má tôi cắt đoạn lìa mái tóc dài và cạo đầu do tôi còn bé ngây ngơ dại dột. Mãi sau này về già tóc má tôi bạc trắng và thưa thớt tội nghiệp. Má phải dùng thêm một đầu tóc mượn mới có thể búi nó chắc chắn. Một ngày má kêu tôi cạo đầu cho má. Má nói cái đầu nó nhức và khó chịu, con cạo đi cho phiền não không còn. Và thế tôi là người thường xuyên cạo đầu má tôi, bà nội tôi và sau này mẹ chồng tôi.

Có phải tóc còn trên đầu là phiền não vẫn còn không? Phiền não từ tâm mà ra, dứt bỏ mọi sân si trong lòng tự nhiên đầu sẽ nhẹ nhàng, tâm không vướng mắc. Má tôi ít học, không đọc nhiều kinh sách, nhưng bà đã biết xuống tóc sám hối những vướng mắc nghiệp duyên và mở lòng ra chấp nhận những việc mình không muốn nhưng không thể cản trở.

Má thường khuyên tôi: Hãy tha thứ và rộng lượng con sẽ nhẹ nhàng trong đầu. Con càng chấp lòng con càng nặng nề khó dứt. Khi nào con buồn khổ hãy niệm Phật. Mình không làm sai hai bên vai vác sẽ chứng cho mình. Những câu đơn giản nhưng thực hành được cũng rất khó khăn, phải là người có tấm lòng nhân hậu.

Năm nay mùa Vu Lan đã về, cuối tuần này tôi sẽ đi chùa dự lễ. Tôi sẽ quỳ trước chánh điện mà tâm thành tưởng niệm công đức của cha mẹ. Nguyện cầu hai đấng sinh thành được vãng sanh, được hưởng nhiều phước báo và an lạc.

 

Đóa hoa hồng trắng cài lên áo
Tay chắp nguyện cầu mẹ trên cao
Mẹ già khuất núi từ lâu lắm.
Mỗi độ Vu Lan lại nghẹn ngào

Lại nhớ má ngồi ăn trầu ngoáy
Khay trầu có để những múi cau
Trầu xanh quẹt một đường vôi trắng.
Trắng xanh má ngoáy đỏ một màu

Vườn cau ba trồng cau trĩu trái
Nọc trầu vun quén lá vàng ong
Trầu cau sính lễ ba trồng lại
Mà sao nghèn nghẹn nghĩa vợ chồng.

Vu Lan báo hiếu con bất hiếu
Bỏ má một mình lấy chồng xa
Bến vắng xứ người đò ngược nước
Làm sao về lại để thăm nhà.

Má ơi! con gái ngồi nhớ má
Nhớ dáng má gầy, nhớ vườn cau
Cau nặng một quầy sai những trái
Má gánh bầy con lắm dãi dầu.

Con gái giờ đây cũng thành bà
Cuộc đời chìm nổi bởi phong ba
Làm vợ con đây tròn tình nghĩa
Đã noi gương má sống thuận hòa.

Nguyễn thị Thêm

Mặt Trăng Nằm Nghiêng

 
Tôi là trai út, nhỏ nhất trong nhà. Ba tôi mất vài tháng trước khi tôi được sinh ra. Măng tôi buộc phải dấn thân bên ngoài buôn bán kiếm tiền nuôi đàn con dại 6 đứa. Anh đầu tôi vừa qua 11 tuổi, được các cha Đan Viện Thiên An, Huế, nhận vào học nội trú. Chị lớn của tôi, bấy giờ mới 9 tuổi, đang học tiểu học ở trường Đồng Khánh, đã phải gánh vác trọng trách coi trong ngó ngoài. Mỗi xế chiều, trên đường đi học về thường ghé chợ Bến Ngự để mua thức ăn với giá rẻ trước khi chợ vãn, rồi phụ với o người làm nấu nướng. Ngoài chuyện theo dỏi học hành của 3 người em kế mình, Chị còn phải lo săn sóc tôi trong những năm đầu tiên. Tôi nghe kể lại, những khi tôi khóc vì đói mà Măng tôi không có nhà, Chị vội bồng tôi sang nhà Cô tôi ở gần đó, xin cho tôi được bú vú chung với con trai của Cô cùng lứa tuổi tôi. Chị bồng ẳm tôi, cho tôi ăn, ru tôi ngủ, tắm rửa cho tôi, may quần áo từ đồ cũ cho tôi mặc theo kiểu may cho búp bê tuy với cở lớn hơn.

Khi tôi bắt đầu có trí nhớ và đã biết loanh quanh chạy chơi một mình, Chị vẫn thường dẫn tôi đi tè ngoài sân cỏ bên hông nhà trước khi ngủ đêm, và đôi khi còn cầm đèn manchon dẫn tôi ra tận cầu xí ở vườn sau vì tính sợ rắn và sợ ma kinh niên của tôi. Trên bộ ván kê sát cửa sổ, tôi được nằm giữa Măng và Chị. Vào những đêm trăng, tôi nằm nghiêng hướng về cửa sổ, theo dỏi mặt trăng khi sáng trong, khi lu mờ vì mây. Bóng cây bên ngoài và của các song cửa từ từ xoay chuyễn theo hướng ánh trăng, tạo ra những hình ảnh di động nhảy múa, chập chùng trong đêm khuya, mãi cho đến khi trăng rời dần khung cửa sổ để bóng tối từ từ chiếm ngự cả căn phòng. Dưới ánh trăng nằm nghiêng ấy, tôi chơi trò giăng tay đưa chân lên múa trong lúc chờ ngủ.


Trăng luôn là hình ảnh tuyệt đẹp của tuổi thơ tôi ở bất cứ thời điểm nào, nơi nào. Vui trăng với anh chị em trong nhà, nghe kể bao câu chuyện thần tiên về trăng, thêu dệt mộng mơ với trăng. Chạy chơi, trốn núp rượt nhau dưới trăng với bạn bè trong xóm. Cầm lồng đèn rước Ông Trăng mỗi Trung Thu. Tranh dành trăng chạy theo mình. Nhìn trăng khi trăng vừa chớm lên, treo ngang đỉnh cây hoặc khi trăng ngã mình vào sáng. Trong tuổi thơ của tôi, từ tuổi đái dầm cho đến năm 7-8 tuổi, nhìn mặt trăng nằm nghiêng từ trên bộ ván khi tôi được nằm giữa Măng và Chị luôn là kỷ niệm sâu đậm. Tôi đã hỏi Chị không biết bao nhiêu câu về trăng, về Ông Trăng, chú Cuội, chị Hằng Nga, Cây Đa…Hỏi trăng chạy theo mây hay mây chạy theo trăng để được nghe Chị luôn trả lời mây nhẹ nên mây bị gió thổi phải chạy theo trăng.

Xong cuối năm lớp Nhất tiểu học, Măng tôi quyết định gởi Chị lên học trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt. Lý do duy nhất mãi sau này tôi mới rõ là Măng tôi nghĩ Chị sẽ chóng lớn và mập mạnh nhờ được dinh dưỡng tốt với bơ sữa nếu được học và ở nội trú tại trường nổi tiếng này... Mỗi lần về thăm nhà trong những dịp trường tạm đóng cửa nhiều ngày như Giáng Sinh, Tết hoặc hè, Chị luôn để dành tiền mua chút quà , khi thì dâu tây, mận, cà rốt, khi thì bắp su, khoai lang khô… Đó là những khi nhà tôi vang ngập tiếng cười. Chị kể không biết bao câu chuyện của đời nội trú, của mấy người bạn nhà giàu cùng lớp được người nhà đem xe đến rước đi chơi mỗi cuối tuần, hay câu chuyện của các nàng công chúa xứ Lào, xứ Cao Mên. Toàn những câu chuyện xa lạ tuyệt vời khiến thằng bé như tôi luôn hả miệng nghe một cách say sưa. Măng tôi thỉnh thoảng chen vào, nhắc nhở các bà chị tôi đều là công chúa hết đấy vì tên họ là Công Huyền Tôn Nữ, được láng giềng trong xóm Đường Đá của Phủ Cam kính cẩn kêu bằng Mụ.

Một trong những câu chuyện thần tiên Chị kể đã để lại ấn tượng mãnh liệt vào trí tôi trong bao năm là mỗi khi Chị ngồi trên máy bay từ Đà Lạt về thăm nhà, Chị đưa tay ra bên ngoài cửa sổ với bốc những cụm mây trắng vào để ăn, thơm ngọt y như kẹo bông gòn nếu nhẹ, hoặc giống như kẹo kéo sợi nếu nặng hơn vì có mưa. Câu chuyện tôi sợ nhất là mấy con đười ươi vừa đưa tay đập thình thịch vào ngực chúng vừa hả miệng đỏ như máu cười từng tràng dài khi nhìn chăm hẳm vào mặt trời lặn. Qua trí tưởng tượng của tôi, tôi hỏi Chị có thấy Tôn Ngộ Không đằng vân giá vỏ trong mây không? Chị trả lời không thấy được vì ngồi phía cửa sồ bên này, chứ nếu ngồi ngả bên kia cũng sẽ thấy như con bạn của Chị đã thấy vậy. Mỗi khi trời nổi gió mang theo nhiều sợi tơ bay trong bầu trời, Chị giải thích đấy là những tơ trời do mây trên cao bị gió cuốn xuống đậu trên các cây vườn nhà tôi. Mãi sau này tôi mới biết đó chỉ là những sợi mạng nhện từ rừng thông bên cạnh nhà bay qua.

Chị từng hứa sẽ đem về cho tôi một ít mây trên trời lấy từ phi cơ trong lần tới, nhưng chuyện đó đã không xẩy ra được vì Măng tôi chỉ đủ tiền gởi Chị đi học xa 2 năm thôi, dù Chị học rất giỏi và có thư giới thiệu từ các cha ở Thiên An. Thời gian Chị trở lại Huế và vào học trường Lycée Francais cũng là thời gian tôi bắt đầu được cho học lớp Mẫu Giáo của cô Thỏa ở trường Đồng Khánh. Không như Thanh Tịnh viết “mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và đẹp…” của ngày đầu tiên đến trường, Chị là người dẫn tôi đến trường buổi đầu tiên. Tôi nhớ mình không hề khóc, vật vã hay gây khó khăn mà ngược lại tôi tung tăng vui vẻ đi bên cạnh Chị, vì tôi đã được Chị mớm cho nghe bao chuyện vui, bao trò chơi, bạn mới tại trường. Ngoài ra tôi cũng an tâm vì biết Măng tôi bấy giờ đang dạy học ở đó. Và từ đấy, sáng nào tôi cũng lẻo đẻo theo chân các chị, khi gần đến trường  Đồng Khánh Chị tách đi về hướng trường Lycée của Chị, để 2 chị sinh đôi và tôi tiếp tục đến thẳng trường  Đồng Khánh.


Một năm sau khi xong phần Rước Lễ Vở Lòng tại trường tư của các Sơ gần nhà, tôi trở về học tiếp lớp Tư trong niên khóa mới ở tiểu học Đồng Khánh, cùng lúc Chị được cho vào học lớp Đệ Tứ cũng ở ĐK vì trường Lycée không mở tiếp lớp Troisième. Nên tôi lại có dịp đi cùng về cùng với các chị. Đó cũng là thời gian Chị được Măng tôi giao thêm trọng trách giữ tiền chợ búa và chi tiêu lặt vặt cho gia đình. Song song với sự hãnh diện, Chị lo lắng toan tính để chắc bóp chi tiêu khi biết Măng tôi bắt đầu mang nợ vì nuôi cả bầy con 6 đứa.

Năm 1954, gia đình tôi được bà hiệu trưởng giúp đỡ cho vào ở khu vực dành riêng cho gia đình các giáo sư dạy trong trường Đồng Khánh. Lần tôi bị bệnh thương hàn thoi thóp nằm liệt giường, cứ sau mỗi giờ học từ lớp học ở lầu dưới Chị chạy lên tầng 3 của nhà để chăm sóc tôi, canh chừng người làm không cho tôi ăn đồ đặc vì sợ tôi bị lũng ruột, tôi chỉ được uống nước cháo, sữa…Đến khi tôi ăn trả bữa, Chị mua gà về để người làm hầm cho tôi ăn và mua luôn cả nho, loại trái cây tôi rất thích nhưng hiếm và rất mắc. Rồi tôi chuyễn qua trường Providence theo học chương trình Pháp ngay sau hè lớp Nhì ở tiểu học ĐK, Chị là người dạy tôi đọc, học tiếng Pháp từ căn bản, và đố chử ngay trên hình của đầu trang mỗi alphabet từ cuốn tự điển Larousse.

Khi Chị quyết định vào Saigon theo học trường Dược, Măng tôi lo lắng nhiều nhưng hoàn toàn tin tưởng vào lời giải thích của Chị rằng tuy học 1 năm nhiều hơn so với 4 năm ở ĐH Huế, nhưng khi tốt nghiệp Chị có thể làm nghề tư dễ sống hơn dạy học mà Chị cảm thấy không mấy thích hợp. Anh đầu tôi đang học trường Y Saigon, bây giờ thêm Chị đi học xa nữa, Măng tôi sẽ khó khăn nhiều về tài chánh. Nhưng rồi Chị cũng vào Saigon học, và ra trường đúng 5 năm sau. Chị xin vào ở trong cư xá của các Sơ Regina Pacis tại đường Tú Xương, tằn tiện từng đồng, dành tất cả số tiền nhỏ nhoi cho chuyện học và mua sách vở. Nếu có dư chút tiền nào, Chị cho người anh đầu vì “con trai bao giờ cũng có chuyện cần tiêu nhiều hơn con gái” Chị thường giải thích cho trong nhà như vậy.


Khi con gái đầu của Chị bị đau liên miên, Chị cầu nguyện Mẹ Maria giúp Chị thêm sức mạnh tinh thần. Hai năm sau khi khám phá căn bệnh tim làm cho cháu yếu đuối và chướng kinh niên, Chị kiên trì chầu chực ở Bộ Y Tế xin cho bằng được giấy phép đem con gái mình qua Thụy Sĩ để mổ tim qua chương trình Terre Des Hommes, dù đang bụng mang dạ chữa đứa con thứ ba.

Trong thời gian anh rể tôi bị trưng tập vào Quân Y và làm việc ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang, Chị mở dược phòng ngay trung tâm chợ Cầu Muối. Đó là thời gian Măng tôi vừa sung sướng vừa hãnh diện vì tháng tháng bà ra Bưu Điện Huế lãnh mandat mấy chục ngàn do Chị gởi về. Tôi cũng cảm thấy hãnh diện lây khi được Măng sai đem số tiền lớn đi trả cho từng chủ nợ mà đa số là những người quen biết trong đại gia đình hay trong giới bạn làm chung ở trường ĐK. Chưa đến 3 năm thì Măng tôi trả được hết nợ. Bao người quen thân khen Măng tôi thật có phước khi có con gái đầu không những học hành kiêm toàn, như lời phê của một cô giáo tiểu học của Chị, mà còn biết thương mẹ và gia đình, chịu khó tảo tần cho mẹ và giỏi từ khi còn nhỏ tuổi, hiếu thảo trả hết nợ cho mẹ dù có gia đình riêng.

Sau biến cố Mậu Thân 1968, tôi theo trường YK Huế di chuyễn vào Saigon tiếp tục học trong 2 niên khóa. Tôi thật xúc động khi được anh chị mua sẳn một xe Mini Lambretta mới nguyên để tôi có ngay phương tiện đi học dễ dàng. Bấy giờ Chị đã có 4 đứa con gái và chồng Chị được biệt phái về Saigon làm việc ở Nha Tiếp Liệu thuôc Bộ Y Tế. Vài năm sau, với tinh thần luôn học hỏi, anh theo học và đậu Cao Học Quản Trị Kinh Tế, được đưa về làm giám đốc trường Quản Lý Bệnh Viện. Đó cũng là thời điểm anh chị tôi mở hảng bào chế thuốc Alpha, nằm ngay trên lầu 2 và lầu 3 của dược phòng của Chị; anh lo về phần điều hành quản trị, Chị lo về phần chuyên môn nghiên cứu, sản xuất các món thuốc thông dụng và tiếp thị.

Hảng Alpha chuyên sản xuất những gói bột chửa trị những bệnh thông thường ở trẻ con như nóng sốt, ho, ban sưởi, thương hàn, tiêu chảy, ói mữa… Đồng thời hảng sản xuất luôn cả dầu gió xanh, dầu gió nóng. Những dược phẩm này rất được ưa chuộng và bán hầu như trong mọi chợ, các tiệm tạp hóa, các bến xe đò. Thương nghiệp tốt dần, cơ sở kinh doanh đang trên đà phát triển mạnh thì Miền Nam sụp đổ. Anh chị tôi chỉ kịp mang 4 đứa con chạy ra khỏi nước trong ngày 29 tháng 4, 75, bỏ lại tất cả sự nghiệp xây dựng trong hơn chục năm qua.

Tại Mỹ, anh rể tôi làm thợ cắt cỏ, chị tôi làm ở một hãng may kỹ nghệ mà tiền trả lương dựa trên số sản phẩm may được mỗi giờ. Chị siêng năng làm việc ngày đêm, lúc mới vào nghề được trả 50 cents mỗi giờ, năm sau lên đến cả $15.00 mỗi giờ và được chủ tin cậy giao chìa khóa hãng vào may ngày đêm lúc nào cũng được. Sau gần một năm cắt cỏ, anh rể tôi mới xin được vào làm việc ở hãng Allergan tại Irvine. Và chưa đến 2 năm sau khi rời trại Pendleton, anh chị mua căn nhà đầu tiên ở Mission Viejo, bắt đầu thực hiện giấc mơ an cư lạc nghiệp trên xứ người.

Không thoả mãn vì tương lai bấp bênh của chính mình và nhất là các con kề cận tuổi vào đại học, cả anh chị tôi vừa làm việc ban ngày vừa thức đêm kèm nhau học lại chuyên môn. Năm 1978 cả hai đều đậu cùng một lúc chứng chỉ Clinical Lab. Scientist (tức là Medical Technologist sau này) và nhanh chóng xin được việc làm trong phòng thí nghiệm của bệnh viện, cùng là khi hãng may của Chị dời đi nơi xa hơn. Anh làm 2 full time jobs tại 2 bệnh viện khác nhau, Chị làm 2 ½ full time jobs, cũng ở 2 bệnh viện cách xa nhau cả 50 miles. Như một giàn máy hoạt động nhịp nhàng ăn khớp, anh chị tiếp tục làm việc không nghỉ, xây dựng và cũng cố tương lai gia đình, chu cấp cho các con vào các đại học công và tư, CSU Fullerton, UC Riverside, rồi UC San Francisco, Loma Linda, UOP... ròng rã trong suốt hơn 18 năm, riêng chị vượt thoát 3 tai nạn giao thông trầm trọng với xe hoàn toàn phá hủy nhưng lại không một chấn thương nặng.

Dù bận rộn bao nhiêu, từ công việc ở sở, cho đến việc nhà, nuôi dạy các con, Chị luôn tìm cách cầu nguyện giữa những khi rảnh rổi, trong ca trực đêm ở bệnh viện, xin Đức Mẹ giúp Chị vượt qua những lúc đuối sức hay trở ngại căng thẳng trong công việc, cho gia đình bình an và các con nên người – như Măng tôi từng đưa gia đình đi hành hương nhiều lần tại Nhà Thờ La Vang, và mỗi tối cùng nhau đọc kinh Đức Mẹ, cầu xin Mẹ ban ơn cho gia đình qua mọi sự dữ. Như một sắp đặt nhiệm mầu, cứ sau mỗi đứa con tốt nghiệp, anh hoặc chị mất đi một công việc vì các bệnh viện liên doanh và sát nhập với nhau. Vài năm sau, khi con gái út tốt nghiệp Nha Sĩ và thành hôn, chị nghĩ hẳn luôn ở nhà, chỉ anh còn đi làm thêm vài ba năm rồi cũng về hưu luôn.


Vì hoàn cảnh chồng mất sớm, Măng tôi phải đóng vai vừa của một người cha đi ra bên ngoài làm việc nuôi gia đình, nghiêm trang cứng rắn dạy dổ con cái bên trong nhà, vừa mang trọng trách của một người mẹ luôn lo lắng đến phúc lợi của con mình, cảm thông và nhạy cảm với những nhu cầu của con. Riêng phận tôi là con út, đôi khi tôi cảm thấy thiếu thốn tình thương. Chị là người san sẻ bù đắp bao thiếu thốn cho tôi, đem đến cho tôi bao dịu ngọt trong tình thương qua săn sóc lo lắng, kể cả dạy dổ khuyên răn. Từ thưở còn bé cho đến bây giờ. Khó kể cho hết tình thương Chị đổ xuống cho tôi, từ chuyện giúp đỡ tiền bạc cho Tôi ăn học trong những năm ĐH, tiền tiêu xài những khi tôi vào chơi Saigon 4-5 lần mỗi năm, tiền in luận án y khoa, gởi tiền nuôi vợ chồng chúng tôi sau 1975 khi tôi tù tội cho đến khi chúng tôi đến được bến bờ tự do… Thời gian gần đây, nhân dịp ghé thăm thân phụ của anh rể ở gần nhà tôi, anh chị thường tạt ngang nhà chúng tôi một hai lần mỗi tuần, lần nào cũng mang theo chút quà, ngồi chơi năm mười phút, nói đôi ba câu chuyện thân tình, như để khích lệ, năng đở tinh thần và sẳn sàng chia xẻ buồn vui. Anh chị nhẹ nhàng nhắc nhở đến việc cầu nguyện, gìn giữ linh hồn, thật sự quan tâm đến hạnh phúc gia đình của thằng em út.

Nơi Chị, tôi học đưọc cách ăn ở tử tế phúc hậu, cách cư xữ ngay thẳng công minh, sự cảm thông và tính rộng lượng. Nơi Chị, tôi biết được sự cao quý của hy sinh cho gia đình cha mẹ anh chị em song song với sự đảm đang chu toàn bổn phận làm vợ làm mẹ, vun xới tương lai cho con cái. Qua Chị tôi thấy được hình ảnh của một người mẹ nhân từ, kiên nhẫn, hiền hòa nhưng cứng rắn nếu cần. Chị đã từng lập lại câu nói của Măng tôi khi dạy con mình “Nghèo không phải là cái tội. Học dốt và nhất là không chịu học để thành người tốt mới là cái tội”.

Và qua Chị, tôi nhìn thấy được sự thiêng liêng của đức tin và sự tin tưởng vào cầu nguyện khi khổ cực cũng như trong sung sướng. Cũng bởi lẽ đó, Chị tôi mới có được người chồng đúng theo nghĩa “đằng sau sự thành công của người vợ là một người chồng vĩ đại”. Và cũng vì vậy, Ơn Trên mới ban phước cho 4 con gái của anh chị, gồm 3 nha sĩ và 1 bác sĩ, đều là những công dân ưu tú trên nước Mỹ.

Chị không ngừng khẳng định nước Mỹ là xứ sở của cơ hội, chỉ cần chịu khó và cầu tiến thì ai cũng sẽ thành công. Đồng thời Chị luôn nhắc nhở các em và con cái mình, những người di dân được nước Mỹ tiếp nhận cho làm lại cuộc đời và ân hưỡng sự an sinh xả hội tốt đẹp, nên biết ơn và trả ơn nước Mỹ. Tôi cũng từng được gặp những người bảo trợ anh chị trước tại nhiều buổi tiệc Cám Ơn do anh chị tổ chức trong những năm trước đây.

Trong những lúc nhớ đến Măng tôi, những thoáng nghĩ đến Chị cũng chợt kéo về. Tuyệt diệu, trìu mến và lung linh như ánh sáng mặt trăng nằm nghiêng của tôi một dạo nào. Bù lại cho sự thiếu vắng hình ảnh của người cha, tôi luôn nhận thức Thiên Chúa và Mẹ Maria đã cho tôi may mắn có 2 bà mẹ. Hai bà tiên thay phiên cưu mang tôi từ bé cho đến khi thành người. Để khi Măng tôi mất, chị tôi tiếp tục quan phòng cho tôi.

Ngày Lễ Mẹ 2022.
Vĩnh Chánh


Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Câu Đối: Vu Lan 2022 - Huỳnh Hữu Đức

 

Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Hoa Lòng Báo Ân

 

Đông xứ người căm căm buốt giá
Se sắt lòng nhớ quá ngày xưa
Bờ tre khóm trúc hàng dừa
Dư âm kẽo kẹt võng đưa gợi về

Ba men dọc bờ đê thăm lúa
Cả cánh đồng tua tủa trổ bông
Chẳng nề gian khổ nhọc công
Bón phân tưới nước những mong trúng mùa

Má chăm trẻ thêu thùa bếp núc
Tiếng lẫn lời dưỡng dục đàn con
Nêu gương dạ sắt lòng son
Vợ hiền dâu thảo chu toàn gia phong

Mùa báo ân hoa lòng trọn khấn
Nghĩa ơn sâu tạ đấng sinh thành
Trầm thơm nương gió lượn quanh
Hương linh ba má bên nhành vô ưu

Kim Phượng
Vu Lan Mùa 2022


Mùa Hiếu Hạnh

 

Vu Lan này thương nhớ về Ba Má
Cũng đúng vào ngày tưỏng nhớ anh trai
Nơi Thiên Đường cũng đoàn tụ vui say
Hoa trắng nén nhang thay lời khấn nguyện!

Hương trầm bay bóng quyện luyến lưu
Ngôi nhà tuổi thơ dường như ẩn hiện
Góc vườn xưa hoa xinh xinh én liệng
Tiếng cười dòn của con trẻ đùa vui

Giật mình thay! Chỉ là giấc ngậm ngùi
Ngày xưa xửa nay còn đâu …. giọt tủi
Mùa Hiếu Hạnh con thui thủi một mình
Cầu hạnh phúc dâng hồn linh Ba Má!

Kim Oanh
Vu Lan 2022
Giỗ anh Lê Kim Hiệp 11.8

Đông Xứ Lạ Nhớ Về Quê Mẹ

 

Hôm nay,
Trận tuyết đầu đổ khắp Hoa Đô
Hoa tuyết trắng bay bay theo gió
Phủ lên trên khắp cã núi đồi
Mái nhà ai quyện làng khói sưởi
Cảnh vật như tranh đẹp tuyệt vời!
Tôi thẫn thờ đứng bên song cửa
Bên cốc cà phê nóng bốc hơi
Ngắm cảnh mùa Động trên xứ lạ
Nhớ về quê Mẹ quá, Đông ơi! 

Trần Công/Lão Mã Sơn.

Là Mẹ Đấy - Thơ Nguyễn Thị Thanh Dương - Phổ Nhạc Phạm Trung - Tiếng Hát Kim Thư


Thơ: Nguyễn Thị Thanh Dương 
 Phổ Nhạc: Phạm Trung 
Tiếng Hát: Kim Thư 

L' Amour Maternel - Tình Mẹ



L' Amour Maternel

(À Maurice Chevrier)

Fait d’héroïsme et de clémence,
Présent toujours au moindre appel,
Qui de nous peut dire où commence,
Où finit l’amour maternel?
Il n’attend pas qu’on le mérite,
Il plane en deuil sur les ingrats;
Lorsque le père déshérite,
La mère laisse ouverts ses bras;

Son crédule dévouement reste
Quand les plus vrais nous ont menti,
Si téméraire et si modeste
Qu’il s’ignore et n’est pas senti.

Pour nous suivre il monte ou s’abîme,
À nos revers toujours égal,
Ou si profond ou si sublime
Que, sans maître, il est sans rival.

Est-il de retraite plus douce
Qu’un sein de mère, et quel abri
Recueille avec moins de secousse
Un cœur fragile endolori?

Quel est l’ami qui sans colère
Se voit pour d’autres négligé ?
Qu’on méconnaît sans lui déplaire,
Si bon qu’il n’en soit affligé?

Quel ami dans un précipice
Nous joint sans espoir de retour,
Et ne sent quelque sacrifice
Où la mère ne sent qu’amour?

Lequel n’espère un avantage
Des échanges de l’amitié?
Que de fois la mère partage
Et ne garde pas sa moitié!

Ô mère, unique Danaïde
Dont le zèle soit sans déclin,
Et qui, sans maudire le vide,
Y penche un grand cœur toujours plein!

René-François Sully Prudhomme, (1)
1875

***
Bài Dịch:
Tình Mẹ

(tặng Maurice Chevrier)

Lòng từ ái hợp cùng lòng can đảm
Vì yêu thương mà dám hy sinh,
Mẹ không thiết cả thân mình
Tình Mẹ cao cả mông mênh biển trời
Chỉ cần tha thiết một lời,
Một lời nhỏ nhẹ, tức thời: “Mẹ đây!”
Từ đâu Mẹ đã đến đây?
Nơi nào thiếu Mẹ, ai hay được nào?

Chẳng phải chờ khi cha không sao còn nữa
Hay khi Mẹ dang tay đón đứa con mình,
Tình Mẹ mới được tôn vinh ca ngợi,
Chỉ thấy Mẹ như cánh chim đeo tang rũ rượi bơ phờ
Lượn vòng trên những mái đầu thờ ơ bội bạc,

Cả khi mắc lừa những người đáng tin nhất,
Mẹ vẫn nhẹ dạ hết lòng rất cả tin,
Mẹ thật cả gan và quá dịu hiền đối xử,
Mẹ quên đến cả thân mình,
Dẫu không cảm nhận, thật tình vị tha.

Tình Mẹ lẽo đẽo theo ta,
Biển đời chướng ngại như là sóng xô,
Nhấp nhô chìm nổi dật dờ,
Nông sâu vùi dập bến bờ dội ra,
Một tay Mẹ dắt vượt qua,
Không người hỗ trợ, thật là vô song!

Con tim mỏng manh khi thấy lòng đau nhói,
Nép vào lòng Mẹ, còn gì êm ái nào hơn?
Mỗi khi thấy lòng xao xuyến, tâm hồn rối loạn,
Tựa nương lòng Mẹ, còn gì thanh thản nào hơn?

Khi thấy kẻ khác bị cô đơn bỏ mặc,
Người bạn nào là chẳng bất mãn giận dữ?
Khi thấy người ta xử sự vô ơn
Mẹ nào là chẳng tủi hờn xót xa
Nhưng tình Mẹ rất bao la
Mẹ không thấy vậy xót xa chút nào.

Khi trên vách núi lâm nguy sắp lộn nhào xuống vực
Có người bạn nào giữ ta mà chẳng mong được đền đáp?
Nhưng mẹ thì dám chìa tay
Cho ta nắm lấy vì đầy tình thương.

Trong giao lưu hỗ tương bè bạn,
Ai là chẳng muốn được chọn phần hơn
Mẹ từng chia sẻ bao lần,
Không giành dẫu lấy nửa phần mà thôi.

Mẹ ơi!
Như duy nhất hoa khôi Đa-nét, (2)
Quá nhiệt tình nàng rất yêu chồng
Luống công nguyền rủa khoảng không vô hình
Nhưng nàng nghiêng chiếc độc bình
Đổ đầy ăm ắp tràn tình yêu thương.


Đỗ Quang Vinh
------------
CHÚ THÍCH

1- René Armand François Prudhomme (16/3/1839 - 6/9/1907), thường gọi là Sully Prudhomme, Là nhà thơ Pháp sinh tại Paris, mồ côi cha lúc lên hai tuổi, giỏi toán, say mê ngôn ngữ và thơ Pháp. Năm 1881, ông được bầu vào ghế 24 của Viện hàn lâm Pháp . Ngày 10/12/1901, ông là người đầu tiên nhận giải Nobel văn học Ông đã dùng tiền giải thưởng Nobel lập ra một giải thưởng dành cho các nhà thơ trẻ nước Pháp.

2- Nàng Đa-nét: Thần thoại Hy lạp kể về các nàng Danaïde, còn gọi là Danaides hay Danaids, chuyện kể rất dài dòng, ở đây chỉ xin tóm tắt đại ý.

Egyptos và Danaos là hai anh em sinh đôi. Egyptos cai trị đất Ai Cập, sinh được 50 con trai. Danaos cai trị đất Lybie, sinh được 50 con gái. Hai anh em bất hoà. Egyptos muốn Danaos phải sáp nhập vào vương quốc Lybie và cưỡng bức Danaos phải gả con trai cho các con gái của mình. Danaos khước từ. Chiến tranh xảy ra, cha con các nàng Danaides chạy trốn, lênh đênh trên biển, được nữ thần Athena giúp đỡ chỉ lối dẫn đường. Sau đó ít lâu họ mang lễ vật, cầm cành olive, biểu hiệu của sự cầu xin che chở, đến xin nương náu tại đất Argolide ở Hy Lạp vốn là quê hương của họ. Nào ngờ, bị hùng binh của vua Pélasge cai quản đất Argolide xông đến. Vua Argolide cho đại quân ra trấn giữ, thấy ông vua già cùng các nàng thiếu nữ cầm cành olive tỏ vẻ hiếu hoà xin che chở. Lại nghe các nàng viện dẫn đến tổ phụ Zeus uy quyền hùng mạnh nhất để xin đừng xua đuổi cha con họ và đừng giao nộp các nàng cho những người con trai của Egyptos. Khó nghĩ, vua bèn đưa ra giải pháp: một mặt khuyên các nàng vào thành Argos lập bàn thờ xin thần linh che chở, một mặt vua triệu tập hội nghị thỉnh ý các thần dân có cả cáng nàng tham dự. Hội nghị chấp nhận lời cầu xin của cha con các nàng Danaide. Vừa hay, sứ giả của Egyptos tới, toan bắt các nàng và nói lời láo xược. Vua Pélasge nổi giận trục xuất tên sứ giả. Chiến tranh lại xảy ra . Vua Pélasge phải bỏ thành chạy lên phía Bắc. Dân Argos bầu Danaos làm vua thay thế Pélasge và chấp thuận gả 50 nàng Danaides cho 50 con trai của Egyptos. Tiệc tan, nghe trong phòng các nàng có tiếng rên quằn quại, thì ra, các nàng đã vâng lệnh vua cha Danaos giết chồng, vì họ đã làm cha con họ phải long đong. Nhưng chỉ có một nàng tên là Hypermnestre bất tuân lệnh cha đã không giết chàng Lyncée chồng mình, vì cảm thấy tàn nhẫn và vì thực sự nàng đã quá yêu chồng mình. Hai vợ chồng này bị vua cha tống giam vào ngục tối, bị kết án tử hình. Vừa hay, nữ thần Aphrodite xuất hiện, thấu hiểu trái tim yêu đương của họ, nên bênh vực cãi cho hai vợ chồng này được tha bổng, các thần trên thiên đình cũng tán thành cho họ con cháu đầy đàn, dòng dõi là những bậc anh hùng vĩ đại. Chính người anh hùng Héracles của Hy Lạp là con dòng cháu giống của cặp vợ chồng Lyncée và nàng Danaide tên Hermestre.

49 nàng kia đã giết chồng đáng lẽ bị trừng phạt, nhưng Nữ Thần tổ phụ Zeus lệnh cho các thần tẩy trừ ô uế của tội ác, còn việc lo gả chồng cho họ, thi mở hội thi đấu lấy thưởng. Còn tội ác vẫn không quên được, nên khi chết đi, các nàng này phải chịu hình phạt đội chiếc vò đi kín nước đổ vào thùng lớn đáy có hàng trăm lỗ, và phải đổ cho đầy. Dĩ nhiên đó là công dã tràng. Ngày nay trong văn học thế giới có tục ngữ “Le tonneau des Danaïdes” & “ Remplir le tonneau des Danaïdes” là để chỉ việc làm vô ích luống công.

3- Người dịch bình luận
Đem bao nhiêu so sánh, tác giả vẫn không thể cạn lời đề cao Tình Mẹ vô song (sans maître, sans rival):

“Tình Mẹ lẽo đẽo theo ta,
Biển đời chướng ngại như là sóng xô,
Nhấp nhô chìm nổi dật dờ,
Nông sâu vùi dập bến bờ dội ra,
Một tay Mẹ dắt vượt qua,
Không người hỗ trợ, thật là vô song!

(Pour nous suivre il monte ou s’abîme,
À nos revers toujours égal,
Ou si profond ou si sublime
Que, sans maître, il est sans rival.)

Cuối cùng, kết thúc bài thơ, tác giả phải đem tình yêu đôi lứa của một nàng hoa khôi Đanét còn lại, một người yêu chung thuỷ, vượt thắng mọi trở lực cản ngăn, biết rằng bất tuân lệnh vua cha là trọng tội, nàng đã không giết chồng, không hẳn vì từ tâm trước việc làm tàn nhẫn bất nhân, mà là vì tình yêu mãnh liệt, đến mức các thần đều phải khuất phục, một tình yêu ăm ắp đổ tràn đầy độc bình trong khi 49 nàng kia luống công đổ sao cho đầy thùng thủng đáy!!

“Nhưng nàng nghiêng chiếc độc bình
Đổ đầy ăm ắp tràn tình yêu thương.”

Vả chăng cũng chính từ tâm ấy đưa đẩy đến tình yêu này. Chính lòng Khoan Dung Từ Tâm ấy đã là cội rễ của chủ nghĩa Anh Hùng coi thường mọi Trở Lực áp đảo, từ hai đối cực tương khắc ấy đã phát sinh Tình Mẹ. Cho nên nói đến Mẹ là nói Mẹ Hiền, Từ Mẫu. Nước mắt vẫn chảy xuôi, văn hoá nào cũng một tư tưởng ấy, loài vật còn thế huống chi con người. Lòng Mẹ hy sinh, cao cả khôn lường là thế. Tình Mẹ mênh mông như trời biển là vậy. Cho nên ngay vào bài thơ tác giả đã nhận định:

“Lòng từ ái hợp cùng lòng can đảm
Vì yêu thương mà dám hy sinh
Mẹ không thiết cả thân mình
Tình Mẹ cao cả mông mênh biển trời
Chỉ cần tha thiết một lời,
Một lời nhỏ nhẹ, tức thời: “Mẹ đây!”
Từ đâu Mẹ đã đến đây?
Nơi nào thiếu Mẹ, ai hay được nào?”

(Fait d’héroïsme et de clémence,
Présent toujours au moindre appel,
Qui de nous peut dire où commence,
Où finit l’amour maternel?)

Đỗ Quang Vinh