Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Một Cõi Tình Phai - Nhạc Ngô Thụy Miên Tiếng Hát Đình Lộc


Nhạc: Ngô Thụy Miên 
Tiếng Hát: Đình Lộc
Thực Hiện: Oanh Dang

Bài Học Thiên Nhiên


Hãy như
Những giọt MƯA sa
Gieo duyên chuyển hạt
thành hoa đúng mùa

Hãy như
Làn GIÓ nhẹ đùa
Thổi tan nóng bức
lại vừa đưa hương

Hãy như NƯỚC
từ trên nguồn
Sá chi rác rến
lách luồn tuôn theo

Hãy như ĐẤT
Mặc rong rêu
Thản nhiên đón nhận
lòng nhiều thứ tha

Hãy như MÂY
Bay la đà
Vốn “vô sở trú”
Cười khà lạc quan

Hãy như LỬA
Chứa củi than
mang bao ấm áp
Đâu màng bụi tro

Thiên nhiên
Bài học Tự Do
Khi Tâm “vô ngã”
quẳng lo ưu phiền...

Kiều Mộng Hà
Nov 14th2020

Tình Yêu Thiên Nhiên


Yêu thiên nhiên muôn loài hoa cỏ
Với tình yêu ta gởi thiên nhiên
Thiên nhiên hỡi ! Vì mi ta đã
Sống yêu đời , yêu mãi thiên nhiên...

Em , thiên nhiên không hề phân biệt
Kẻ giàu nghèo sang trọng đến thăm
Em ... quyến rũ tâm hồn tha thiết
Ta , vì yêu ...tình mãi thăng hoa...

Những khi buồn, tìm đến thiên nhiên
Một nguồn vui, không cần điều kiện
Nghe bình an , không chút trách hờn
Em và ta - Sống thực ... tự nhiên!

Ta đã yêu và ta mãi yêu...
Biển , hồ , sông , núi của thiên nhiên
Em giận hờn đôi khi không hiểu
Tạo cuồng phong , bão tố vô biên!

Em thủy chung, nắng trời gió ấm
Ta tha nhân gởi gấm niềm mơ
Em thủy chung, đời không sóng gió
Ta lãng tử... thả bước dừng chân....

Thu Hương
June 29 2020.

(Viết tiếp những dòng viết ngày thơ xa xưa về " Thiên Nhiên" .Bốn câu đầu tiên được viết ngày xưa thời học trung học Gia Long, đi Đà Lạt cùng cha mẹ thăm ông anh học VBDL, cảnh rừng núi ĐL làm em xúc động .. nhớ mãi)

Nhớ Sư Huynh Hồ Hữu Hậu - Đôi Mắt Bất Tử

Nhớ Sư Huynh Hồ Hữu Hậu
(1936 - 10/10/2020)
Thăm nhau lần cuối ngày 04/08/2020

Nửa đêm chợt nhớ Sư huynh
Họ Hồ hữu Hậu chúng mình mến nhau
Tánh thầy đủng đỉnh ngọt ngào
Nụ cười nửa miệng xiết bao nghĩa tình.
Đời người nghĩ lạị giật mình
Tối nay lại nhớ sư huynh vô cùng
Đúng tên hiền hậu quá chừng
Bổng đâu nước mắt rưng rưng lưng tròng.
Đêm nay tiểu đệ bâng khuâng
Thương người bạn cũ cố nhân mà buồn
Thú hoang mê núi nhớ rừng
Riêng tôi nhớ mãi tiếng cười của huynh.
Trăng mờ vằng vặc lung linh
Ngoài trời mưa rớt vô tình lạnh thêm
Chúc huynh ấm áp áo xiêm
Hồng ân thiên chúa từng đêm cậy nhờ.

Tiểu dệ Dương hồng Thủy
(đêm 13 âl/9 – Oct29/2020)

***

Hồ Nguyễn tiếc thương người chồng bạc phước (10/10/2020)

Nhớ thương đôi mắt của huynh
Nhìn tôi lần cuối khi mình rời nhau
Bao nhiêu tha thiết ngọt ngào
Anh đem trao hết với bao ân tình
Trời sao chia cắt chúng mình
Bắt em ở lại nhớ huynh tột cùng
Đêm nay mưa gió quá chừng
Mưa hay nước mắt rưng rưng lưng tròng
Thôi rồi đã hết bâng khuâng
Năm mươi năm chẵn cố nhân đừng buồn
Mắt nai ngơ ngác nhớ rừng
Nhớ về quá khứ đã từng cùng huynh
Thiên đàng vĩnh phúc lung linh
Đôi mắt bất tử vô tình sâu thêm
Cõi trời rực rỡ áo xiêm
Anh vui cùng Chúa ngày đêm kính nhờ./

Đêm 30.10.2020
Hồ Nguyễn

Dã Tràng


Xướng:

Kiếp Dã Tràng

Xe cát biển ơi kiếp dã tràng
Cả đời duyên nợ chốn trần gian
Giận hờn phút đó còn lưu luyến
Thương nhớ giờ đây đã xóa tan
Chân yếu sóng xô nào ngại khó
Lưng còng nước cuốn chẳng từ nan
Mãi hoài suốt tháng ngày như thế
Theo bóng thời gian cứ vội vàng


Phan Khâm
***

Các Bài Họa:

Chuỗi Ngọc Tràng

Cổ tự trăng treo chuỗi ngọc tràng
Sáng ngời đạo hạnh giữa không gian
U tình kiếp trước thôi bôi vẽ
Chân lý đời nay lại hợp, tan
Hỉ xã bởi hoài mong tĩnh lặng
Suy tư thành cứ phải gian nan
Mười phương Chư Phật an nhiên, hỏi
Sóng gió sao tâm vẫn vững vàng.

Cao Mỵ Nhân
***
Tiếng Quốc Não Lòng

Tiếng quốc bi thương khiến đoạn tràng
Duyên lành sống với cõi nhân gian
Vì chưng kẻ ác gây nhà hoại
Tại bởi loài hung phá nước tan
Xây tổ nghìn năm nghìn vất vả
Chăm người vạn kiếp vạn gian nan
Đâu rồi chốn cũ đêm gào khóc
Lòng mãi xót xa tủi đá vàng

Phương Hoa
Dec 8th 2020

Tiếng Hát "Nhỏ Ơi", Đã Ra Đi...

Nghệ sĩ Chí Tài (1958 - 2020)

Hôm nay vẫn đang làm việc tại nhà, tôi nhận được tin nhắn nghệ sĩ, danh hài Chí Tài đã đột ngột ra đi. Tôi vội lên mạng, quả thật như vậy, hằng loạt tin tức về cái chết bất ngờ của anh cùng khắp trên báo chí, truyền thông trong và ngoài nước. Cả bà xã và tôi đều mến mộ tài năng của nghệ sĩ Chí Tài. Anh là một tay guitar cừ khôi, một ca sĩ với giọng hát đầm ấm, truyền cảm, một diễn viên điện ảnh và là một danh hài duyên dáng, tài năng trong "làng cười" Việt Nam.

Dưới đây là một số thông tin về nghệ sĩ, danh hài Chí Tài và sự ra đi vĩnh viễn của anh trên báo chí, truyền thông mạng: 

Nghệ sĩ Chí Tài được phát hiện nằm bất động ở cầu thang bộ tầng 7, chung cư nơi ông ở tại quận Phú Nhuận. Ngay sau đó, xe cứu thương được điều đến chở nghệ sĩ Chí Tài đi bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu và qua đời tại đây ở tuổi 62.

Danh hài Chí Tài tên thật là Nguyễn Chí Tài, sinh năm 1958. Ông là nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực diễn hài, hoạt động ở cả hải ngoại và trong nước. Chí Tài và Hoài Linh tạo nên cặp bài trùng "khuynh đảo" sân khấu hài. Bên cạnh diễn hài, Chí Tài còn là nhạc công guitar, nhạc sĩ và người viết ca từ. 

Sinh ra ở quận Phú Nhuận, Chí Tài sang Mỹ từ năm 1981 và theo đuổi nghệ thuật. Ông từng mở studio thu âm cho nhiều nghệ sĩ Việt tại hải ngoại. Từ năm 1997, Chí Tài bắt đầu diễn hài cùng Hoài Linh và tạo nên bộ đôi ăn ý lâu năm. 

Những năm 1999-2000, Chí Tài chuyển sang vai trò diễn hài và nhanh chóng được khán giả yêu mến. Anh đặc biệt gắn bó với nhóm kịch Thúy Nga và thường xuyên xuất hiện với vai trò nghệ sĩ hài trong loạt chương trình Paris By Night cùng với nhiều nghệ sĩ hài khác.

Ông được đông đảo khán giả tại Việt Nam và hải ngoại yêu mến. Các vở diễn nổi tiếng của ông là Dân chơi hàng mướn, Kén rể, Đánh ghen, Đèo gió hú, Bầy vịt cái, Rượu, Ngao sò ốc hến...

Từ khi trở lại quê hương Việt Nam, Chí Tài vẫn hoạt động nghệ thuật sôi nổi ở nhiều lĩnh vực: điện ảnh, sân khấu, truyền hình. 

Chí Tài có vợ là ca sĩ Phương Loan, hiện sống và làm việc tại Mỹ. Hai người không có con. Danh hài Chí Tài là em ruột ông Nguyễn Chí Thiện, phu quân của MC Minh Phượng, đồng sáng lập đài phát thanh Radio Bolsa, Westminster, với cố nhạc sĩ Việt Dzũng. 

***
Chừng như trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ viết thư, chưa bao giờ gọi người con gái nào là "cô bé" hay "nhỏ". Có lẽ những người tôi yêu (và yêu tôi) đều, một là lớn tuổi hơn và hai là "to con lớn xác" nên không tiện, không thích gọi như vậy. Rồi dần dà tự thân, tôi cũng không có cảm tình với hai chữ "cô bé" hay "nhỏ" trong văn thơ sách vở. Cũng như có lần cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (tạp chí Văn) cho biết chẳng bao giờ dùng từ ngữ "chàng, nàng" trong các bài viết hay tiểu thuyết của ông. 

Cho đến một hôm, tôi tình cờ nghe được trên một chương trình ca nhạc ca khúc "Nhỏ Ơi" (Quang Nhật) do nghệ sĩ Chí Tài trình diễn với cây đàn guitar. Tôi đã lặng người, lòng dâng tràn cảm xúc với ca từ và tiếng hát của anh. Nghe đi nghe lại nhiều lần, mỗi lần với xúc cảm khác nhau và chừng như câu chuyện qua tiếng hát của Chí Tài dẫn dắt ta theo nhiều cung bậc tình yêu khác nhau. Có một thời mới lớn, có những phút ngây thơ thiên đường, có cuộc tình ưu tư tiếc nuối và có cả số phận đời người đang trôi trong dòng đời hư vô... Và tôi đã biết yêu "Nhỏ" thiết tha, qua tiếng hát của anh:

"Lần đầu ta gặp Nhỏ trong nắng chiều bay bay
Ngập ngừng ta hỏi nhỏ, Nhỏ bảo "Nhỏ không tên"
Ừ thì Nhỏ không tên, bây giờ vẫn nhớ Nhỏ 

Nhỏ ơi!
Lần này ta gặp Nhỏ trong nắng chiều bay bay
Ngập ngừng ta hỏi nhỏ, Nhỏ bảo "Nhỏ chưa yêu"
Ừ thì Nhỏ chưa yêu, bây giờ yêu nhé Nhỏ 

Nhỏ ơi!
Lần này Nhỏ quay đi, không thèm nhìn ta nữa
Giọt sầu rơi một mình, chỉ còn ta một mình 

Nhỏ ơi!
Còn gì đâu hỡi Nhỏ, trong nắng chiều phôi phai
Kỷ niệm ta cùng Nhỏ, giờ chỉ là hư vô
Ừ thì là hư vô, xa rồi vẫn nhớ hoài 

Nhỏ ơi!
Tình cờ ta gặp Nhỏ, trong nắng vàng ban mai
Thẹn thùng ta hỏi nhỏ, Nhỏ bảo "khờ ghê đi"
Ừ thì khờ ghê đi, thương rồi sao chẳng hiểu 

Nhỏ ơi..!" (Nhỏ Ơi - Quang Nhật)


(Xin bấm link dưới đây để nghe)

Bây giờ thật sự "chỉ là hư vô", như lời bài hát mà nghệ sĩ Chí Tài để lại:

"Còn gì đâu hỡi Nhỏ, trong nắng chiều phôi phai
Kỷ niệm ta cùng Nhỏ, giờ chỉ là hư vô... "

Thành kính phân ưu cùng gia đình người nghệ sĩ tài hoa, Danh Hài Chí Tài. 
Nguyện cầu Linh Hồn Giuse Nguyễn Chí Tài sớm hưởng Nhan Thánh Chúa và yên nghỉ nơi Cõi Thiên Đàng.

Durham, North Carolina,
Người Chợ Vãng

Cho Chí Tài,Cho Tôi


Nước mắt lăn trên má:
Tôi khóc cho Chí Tài
-- Nghệ sĩ dễ thương quá,
Không biết đi mãi mãi.

Nếu ngày mai tôi chết:
Đừng khóc lóc, thở than;
Mừng cho tôi đã hết
Nợ một kiếp trần gian.

Đời người như giấc mộng:
Hãy hưởng ngày đang sống!
Quá khứ là dĩ vãng,
Tương lai khó hy vọng.

Vương Đằng
Chiều tối 12/12/2020

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Người TìnhTrong Thơ - Thơ Hoa Văn - Nhạc Nguyễn Thiện Lý - Hoà Âm Quang...

 

 Thơ: Hoa Văn
Nhạc: Nguyễn Thiện Lý 
Hoà Âm: Quang Đạt
Ca Sĩ: Tuyết Mai 

Tuổi Thơ


Đường nhà em mưa bay
Má em màu hây hây
Tóc bay đùa trong gió
Bâng khuâng nhìn đắm say

Trời hôm nay âm u
Gió từng cơn vi vu
Lòng ta nghe man mác
Chợt như tiếng ai ru

Đường ta đi thênh thang
Gió chiều nay dịu dàng
Trong tim nghe rộn rã
Từng bước đi mơ màng

Kìa em hái cánh hồng
Nâng niu em ngắm nhìn
Mơ màng lim dim mắt
Len lén nhìn thật xinh

Từ đó lòng xôn xao
Bỗng dưng thích hoa Hồng
Thóang nhìn sao thấy nhớ
Nhớ em hay nụ Hồng?

Muôn tơ Trời mong manh
Mắt em màu trong xanh
Áo em bay trong gió
Thời gian sao trôi nhanh!

Mặc Khách


Về Đâu Em


Về đâu em, gió lạnh trời
Em đi mưa nắng bồi hồi nhớ thương
Hàng cây ngả bóng bên đường
Nhớ nhung khép mở một phương trời chờ

Về đâu em, nắng ngẩn ngơ
Giọt rơi cuối phố thẫn thờ ngóng trông
Buổi chiều chớp nhẹ mi cong
Ánh đèn hiu hắt phải lòng sương đêm

Về đâu em gió lạnh thềm
Lá vàng rơi rụng gieo mềm bóng thu
Bước chân xào xạc lá khô
Nghe hồ mắt biếc giam tù tình tôi

Về đâu em nắng ngậm ngùi
Nắng bay từ phía xa xôi tìm về?
Cõi lòng ngan ngát hương mê
Câu thơ thương nhớ ôm ghì tình xa

Về đâu em giọt mưa nhòa
Ai lau tóc ướt xít xoa nỗi lòng
Ai ngồi gọi nắng về hong
Tim thầm lặng nở đóa hồng thương yêu?

Về đâu em giọt mưa xiêu
Biết em còn nhớ bao chiều đón đưa?
Lòng ta mở cửa giao thừa
Xuân trong lòng ấm cũng vừa nghiêng qua

Vầng trăng lẻ bóng bên nhà
Trăng mơ màng vẫn chưa già em ơi
Tiếng chim thắc thỏm nghẹn lời
Con đường khắc khoải nhớ người xa xăm

Trầm Vân

Paris Đêm Buồn

Sấm chớp đùa nhau đời thoáng hiện,
Kiếp nghèo rách toạc phố thần tiên!
Gót khuya, vết gậy hằn lên tuyết
Bóng hạc gợi ta nhớ mẹ hiền.
Năm ngoái lũ tràn qua xóm vắng
Lạnh đầy con ngõ mấy mùa trăng?
Gió đông vi vút luồn khe vách,
Chắc buốt lưng còng nỗi giá băng!
Mưa đêm hay tiếng ho ngàn dặm?
Ta bỗng hình dung dáng mẹ nằm
Hiu hắt nét gìa thêm rũ rượi
Quặn lòng! muốn chấp cánh về thăm
Bến quê sóng đỏ dâng mù lối,
Thân phận con người tựa lá trôi!
Một thuở ngục tù nào sợ hãi
Mà ta sợ mẹ khóc trên đồi!
Cắn môi bật máu còn thơm sữa
Lạy mẹ con nào khác thuở xưa
Ngày tháng ngút sầu nên bạc tóc!
Bao xuân quên mất phút giao thừa!

Đỗ Bình

Chiều Thu Tàn


Chiều tàn thu đọc thơ Thôi Hộ
Lòng ta buồn như lá vàng khô
Thôi Hộ ngày xưa thương mỹ nữ
Ta đây,giờ nầy nhớ hiền thê
Sân trước sớm sớm ta chăm hoa
Vườn sau chiều chiều người hái quả
Gio đây sau trước một mình ta
Quạnh quẽ làm sao! Ôi tuổi già!

Cuối Thu 2006
Hoàng Long

Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan) - Một Bóng Bên Trời


Bài Xướng :

Qua Đèo Ngang

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại : trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan 
***
Kính Họa:

Một Bóng Bên Trời


Chiều xuống, đi trong vạt nắng tà
Nghe lòng trĩu nặng giữa phồn hoa
Một tuồng tang hải đau hồn nước
Muôn dặm quan san chạnh nỗi nhà
Xót cảnh tha hương, sầu biệt xứ
Thương đời viễn khách, hận ly gia
Mười nặm tị nạn còn xuôi ngược
Quạnh quẽ bên trời một bóng ta!

Nguyễn Kinh Bắc
Philadelphia 2004

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Mẹ Ru Con - Nhạc Phạm Anh Dũng - Tiếng Hát Hoàng Quân

 

Nhạc: Phạm Anh Dũng
Tiếng Hát: Hoàng Quân 


Hoài Niệm


Tiếng em hát ta nhớ trời quê cũ
Chiều hoàng hôn nắng vàng thắm sắc thu.
Những chiếc lá rơi bên thềm lặng lẽ
Lời ru buồn theo nhịp võng trưa hè.
Những buổi sương mù mưa phùn Hà Nội
Mưa Sài Gòn đường ngập bong bóng trôi.
Kỷ niệm êm đềm theo ta năm tháng
Bữa cơm chiều chuyện mẹ kể cười vang.
Ta luân lạc bước từ miền vô vọng
Chim trời bay màu phố cổ rêu phong.
Ta rất sợ những hương đời phù phiếm
Em hồn nhiên làm sao hiểu nỗi niềm!
Ngày tháng cũ nỗi buồn xưa âm ỉ
Nơi tha hương mùa xuân đến vội đi.
Nghe dạ khúc ta bỗng sầu biển cả
Sóng biển đông gió bão cuốn quê nhà!
Chiều ngả bóng sao em còn đứng đó,
Đèn đã lên đường về dốc quanh co
Mùa lá đổ gió cuối thu se lạnh
Dáng em gầy mặc chiếc áo phong phanh.
Gió vi vu nhớ lời ru năm cũ
Bữa cơm chiều vắng bóng mẹ ngàn thu!

Đỗ Bình 


Tiết Đông


Tiết đông lạnh lẽo gió se lòng
Cái rét luồn vào tuyết trổ bông
Lặng lẽ đồi mây treo bến đậu
Đìu hiu sương khói bóng mù không
Mưa phùn lất phất tình ngàn dặm
Băng giá gieo theo mộng chất chồng
Ngõ vắng bơ phờ thêm gợi nhớ
Hương xưa mờ nhạt bóng qua song 

Bằng Bùi Nguyên

Dã Điền Hoàng Tước Hành 野田黃雀行 Tào Thực 曹植


Dã điền hoàng tước hành là tên một điệu trong Nhạc phủ thi tập thuộc Tương hoạ ca - Sắt điệu khúc. Bài này được làm khoảng năm Hoàng Sơ đầu (năm 220). Tào Thực và Tào Phi khi tranh đoạt kế thừa quyền vị đã lâu, mỗi bên đều có những thân tín nhất định làm vây cánh. Về sau Tào Thực đối với Tào Tháo bị thất sủng, nên thân tín nhiều người bị sát hại. Trước có Dương Tu 楊修 bị Tào Tháo giết. Sau khi Tào Phi tức vị, còn mượn mồm giết Đinh Nghi 丁儀, Đinh Dị 丁廙. Bài này phản ánh sự cảm thông của Tào Thực đối với những bằng hữu bị hại, trong khi mình lại bất lực, đồng thời cũng cho thấy thực chất sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ tập đoàn thống trị Tào Nguỵ. Đoạn cuối bài nêu việc chim sẻ được giải thoát chỉ là sự ảo tưởng (thivien.net).

野田黃雀行     Dã Điền Hoàng Tước Hành

高樹多悲風     Cao thụ đa bi phong
海水揚其波     Hải thuỷ dương kỳ ba
利劍不在掌     Lợi kiếm bất tại chưởng
結交何須多     Kết giao hà tu đa
不見籬間雀     Bất kiến ly gian tước
見鷂自投羅     Kiến diêu tự đầu la
V家見雀喜      La gia kiến tước hỉ
少年見雀悲     Thiếu niên kiến tước bi
拔劍捎C網      Bạt kiếm sao la võng
黃雀得飛飛     Hoàng tước đắc phi phi
飛飛摩蒼天     Phi phi ma thương thiên
來下謝少年。 Lai hạ tạ thiếu niên.

曹植                 Tào Thực

Dịch nghĩa:
Bài Hát Chim Sẻ Vàng Ở Đồng Quê

Cây cao chịu nhiều phiền phức vì gió 
Nơi biển khơi nước thường hay tạo nên sóng 
Đã không có kiếm bén nhọn trong tay 
Mà kết bạn nhiều để làm gì 
Không thấy chim sẻ nơi hàng rào 
Vì trốn diều hâu nên tự chui vào lưới 
Người giăng bẩy lưới thấy chim sẻ mắc bẩy thì vui mừng 
Còn chàng trai trẻ thấy sẻ mắc bẩy thì buồn 
Nên dùng kiếm chém rách lưới để giải thoát cho chim sẻ 
Chim sẻ vàng được cứu thoát vội vàng bay lên
Bay vọt cao gần chạm bầu trời xanh 
Rồi lại bay đến cảm ơn chàng trai trẻ.

Dịch Thơ:

Dã Điền Hoàng Tước Hành

Cây cao buồn vì gió
Biển khơi lắm sóng to
Trong tay không kiếm bén
Kết chi lắm bạn bè
Chim chẳng đậu rào tre
Trốn diều sa phải lưới
Người giăng bẩy mỉm cười
Cậu trẻ buồn cho chim
Cắt lưới vung tay kiếm
Chim vàng mừng bay vội 
Hướng trời xanh thênh thang
Rồi đến cảm ơn chàng.

Quên Đi

Đêm Đông - Đông Buồn


 
Xướng:
 
Đêm Đông

Đêm đông giá lạnh ở bên trời
Thềm vắng ngập ngừng tuyết trắng rơi
Ngỏ trước hoa tàn...trôi quạnh quẽ
Vườn sau lá rụng cuốn tơi bời
Mây bay hờ hững... cơn phong vũ
Nước đổ lạnh lùng, lớp sóng khơi
Tí tách mưa buồn lòng... não nuột
Thâm trầm lắng đọng...dạ chơi vơi ..!


Bạc Liêu/5/11/2020
Hồng Vân
***
Họa:

Đông Buồn

Quạnh quẽ hàn đông một góc trời
Đêm dài tí tách giọt mưa rơi
Phòng đơn gối lạnh hồn thao thức
Nẻo vắng phương xa dạ rối bời
Hơi ấm đà tan theo bão tố
Tình nồng đã nguội với trùng khơi
Giờ đây tuyết ngập,giăng ngàn lối
Chồng chất buồn đau hốt chẳng vơi!

Thanh Hoà
 

Tâm Sự


 
Kính dâng Cậu, Mợ.

Quê ngoại tôi ở Ninh Bình,một tỉnh nhỏ phía nam Hà Nội.Ông ngoại tôi mất sớm lúc bà tôi trên dưới 30,cụ ở vậy,tần tảo nuôi ba người con.Người con gái lớn, chúng tôi gọi là bá,lập gia đình sớm,rồi theo chồng vào Nam.Bà mất trước đợt di cư 1954 nên tôi không biết mặt, chỉ thấy ảnh,bà đẹp và rất giống mẹ tôi.

Người con thứ hai là bác Sử, bạn học của cha tôi, do đó mới có mối nhân duyên 63 năm, đúng như người ta chúc”sắt cầm hoà hợp,đầu bạc răng long “.Mẹ tôi là con út.Nghe nói, ngày hai người gặp nhau lần đầu, mẹ tôi không dám nhìn cha tôi, chỉ bưng nước,bánh trái ra rồi lủi mất,mà cha tôi cũng không dám nhìn thẳng,chờ mẹ tôi quay vào rồi mới lén nhìn theo,c hỉ mê vì cái gáy trắng và mấy sợi tóc mai loà xoà...
Cha mẹ tôi thành hôn năm 1933. Sau khi sanh hai chị tôi, năm 1934 và 1936, mẹ tôi bị tắc ống dẫn trứng không mang thai được nữa. Cha tôi lo lắm, vì chưa có con trai nối dõi, tìm thầy chạy thuốc lung tung trong nhiều năm, may sao gặp được một bác sĩ già người Pháp là ông Paterson chữa khỏi nên mới có tôi.Khi ra đời, tôi bị “tràng hoa quấn cổ", tức là cuống rốn quấn quanh cổ một vòng, nên khi lọt lòng, kéo theo lá nhau, làm mẹ tôi bị băng huyết,gần chết. Tôi sinh ra trong mùa khói lửa, năm 1942, lúc đệ nhị thế chiến đang mãnh liệt, vì vậy cha tôi mới đặt tên là Thanh Bình và ra đền Quan Thánh cho làm nghĩa tử của Quan Vân Trường để nhờ ông bảo vệ...Lúc đó, người Pháp tuy vẫn giữ các cơ quan hành chánh nhưng bị Nhật cai quản, chỉ huy kinh tế suýt sụp dân chúng bắt đầu kiệt quệ.

Cha tôi, nhờ làm công chức, lại có ít ruộng ở quê cho thuê, nên còn phong lưu, có khả năng giúp đỡ họ hàng,người nghèo,nuôi nấng chúng tôi đầy đủ và thoát khỏi nạn đói năm Ất Dậu 1945. Qua năm 1946,hoà bình trở lại, mẹ tôi sanh thêm một em trai, nhưng tôi lại bị bệnh nặng, viêm màng óc. Theo lời cha mẹ tôi, trong vòng mấy ngày tôi sốt liên miên,rồi mê man tay bắt chuồn chuồn, cả nhà đều tuyệt vọng. Tôi nằm ở bệnh viện tư do bác sĩ Quát làm giám đốc, sau này ông làm đến Thủ Tướng VNCH.Y sĩ điều trị của tôi là bác sĩ Chất.Lúc đó Penicilline mới có trên thị trường,tôi nhờ thứ trụ sinh mới này mà thoát chết.
Khoảng cuối năm 1946, phong trào kháng chiến chống Pháp giành độc lập đang lên mạnh, cha tôi,cũng như bao người cùng lứa tuổi, vì lòng yêu nước,hăng hái tham gia: ông bỏ sở, vào chiến khu,theo đơn vị di chuyển lung tung, Nghĩa Lộ, Nho Quan, Hoà Bình...

Mẹ tôi dẫn chúng tôi về quê nội, một làng nhỏ,cách tỉnh lỵ Bắc Giang khoảng 2 cây số.(làng Phúc Tằng,bên cạnh là làng Phúc Long,huyện Việt Yên,mà dân cư đại đa số đều thuộc họ nội).Nhà tôi tọa lạc trên một khu đất rộng,có tường bao quanh.Từ cổng vào, bên trái là giếng nước, bên phải là nhà bếp. Căn nhà 3 gian 2 chái nằm ở phía trái, cuối sân là vườn mà mẹ tôi để một phần trồng dâu nuôi tằm, một phần,nuôi gà,vịt. Góc sân, xế cửa nhà là một cây soan cổ thụ.Cây soan ở trong Nam không có, miền Trung gọi là sầu đông. Khoảng tháng giêng,tháng hai, hoa soan nở đầy, những cánh hoa mầu tím nhạt theo gió bay tơi tả, rồi phủ kín cả một góc sân.Tôi chưa tới tuổi đi học, cả ngày chỉ lò mò đi bắt mấy con sâu dâu, hoặc mê mải ngồi cạnh mấy nong tằm,nhìn chúng ăn lá,nghe rào rào như tiếng mưa.
Lũ tằm mau lớn lắm,mới đầu nhỏ xíu,mầu xanh,chỉ ít lâu sau là lớn bằng đầu đũa, đổi mầu vàng rồi kéo kén.Khi kén đã chín,mẹ tôi kéo tơ đem bán,còn lại mấy con nhộng, bà biến chế thành những món ăn rất hấp dẫn.Những con nhộng vừa thơm vừa bùi này,đã gần 50 năm nay,tôi chưa có dịp thưởng thức lại.Trong thời gian này,cô Tổng ở chung với chúng tôi.Cô là chị ruột của cha tôi (ở ngoài Bắc, chị hay em gái của cha đều được gọi là cô), hoá chồng sớm, không có con, nên rất thân với gia đình chúng tôi cô chiều tôi còn hơn mẹ tôi nữa. Chúng tôi sống an lành được khoảng một năm thì tang tóc xẩy ra:em trai tôi bất hạnh bị đậu mùa và qua đời.(Nếu không tản cư, ở Hà Nội, được chủng ngừa, thì đâu ra cớ sự).Mẹ tôi buồn bã,mất ăn,mất ngủ,người gầy xọm. 
Tôi còn quá nhỏ để hiểu thấm thía nỗi buồn tử biệt, nhưng sau này,mỗi khi hồi tưởng lại chuyện xưa,l òng tôi lại dâng lên một niềm xót đau khó tả. 

 
Chiến tranh mỗi ngày một mãnh liệt,quân Pháp mở rộng phạm vi hoạt động, làng tôi đã nhiều lần trở thành bãi chiến trường.Khi giặc càn quét,mẹ và hai chị tôi chạy bộ,cô tôi quang gánh chạy theo,một bên tôi ngồi,một bên là bao gạo, phía sau, đạn bắn tơi bời. Mấy anh du kích,thấy bóng Tây thịt chạy có cờ, nhưng Tây rút đi là về hoạnh hoẹ dân làng: tuần lễ vàng,tuần lễ bạc, vét hết của thiên hạ, tiêu thổ kháng chiến diệt chó. Ai không tuân lệnh thì bị gán là Việt gian! Người nào giầu có nhà lớn là bị đốt,chó bị đập chết hết..con chó nhà tôi cũng không thoát, dù đã được giấu kỹ trong kho lúa. Thấy tình hình bất ổn, gia đình tôi dắt díu nhau lên Sơn Tây, gần chỗ cơ quan cha tôi làm việc. Sơn Tây đất cằn cỗi, toàn đá ong, có những giếng nông,nước trong, nhìn thấy đáy có những đồi sim hoa tím bạt ngàn. (Ngày đó tôi chưa biết Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng và Những Đồi Hoa Sim của Hữu Loan).

Nhưng ở đây cũng không yên,vì Pháp tấn công liên miên,thả bom,hoặc nhảy dù càn quét,chúng tôi quay về Nhã Nam, tá túc ở nhà cụ Chánh Cán,thân phụ một người bạn của cha tôi.Lúc đó,tôi học gần nhà,hai chị tôi học trường Ngô Sĩ Liên,bên Luộc Hạ. Ngày ngày,hai chị đi bộ 8,9 cây số đến trường,chiều về lo cơm nước. Mẹ tôi buôn hàng sáo, nghĩa là đi chợ mua vải và đủ thứ đồ lặt vặt, rồi gánh đi bán rong ở các làng lân cận. Ngày nào bà cũng đi từ sớm,đến khuya mới về. Đôi khi,bà về trễ, chị em chúng tôi lo sợ cuống cuồng, ra tận cổng lành đứng ngóng, đến khi thấy bóng dáng gầy gò, quen thuộc của bà từ xa,chúng tôi ùa ra đón. Các chị gánh hàng,tôi níu tay mẹ đòi quà.! Lúc nào tôi cũng có vài cái kẹo lạc, kẹo vừng, hay bánh đa.Đến nhà, mẹ tôi lấy cơm nguội ra ăn, thường chỉ toàn là rau muống luộc ,cà chua xanh, chấm nước muối. Mẹ tôi vẫn tươi cười hỏi về sinh hoạt của các con trong ngày, hỏi về sự học hành, về giao tình với thầy, với bạn.Nhưng một đôi khi, bên ánh đèn dầu vàng vọt, tôi thoáng nghe tiếng mẹ thở dài, bóng bà cô đơn, chập chờn trên vách.
Nước mắt tôi trào ra, tôi thương mẹ, nhớ cha, chỉ mong cha tôi bỏ kháng chiến, bỏ cơ quan để về xum họp với gia đình.Ước vọng của tôi chỉ là ảo vọng: Mẹ tôi vẫn âm thầm tần tảo nuôi con,cha tôi vẫn miệt mài theo kháng chiến. Ông leo lên tới chức Chủ tịch huyện Quốc Oai! Đó là thời tiểu tư sản trí thức còn được cộng sản o bế để lợi dụng. Chúng theo đúng chiến thuật vắt chanh bỏ vỏ nên những người đầy công trạng này dần dần bị thanh trừng,khai trừ hoặc hạ tầng công tác.

Đến năm 1952, cha tôi hiểu được bộ mặt gian manh của cộng sản,viện cớ mẹ tôi bị bệnh nặng để xin nghỉ phép nhiều lần, rồi sau cùng,xin từ nhiệm.Khi cha tôi trở về với gia đình thì cũng là lúc tôi bị sốt rét nặng,phải nằm nhà thương, hai mông chích đầy quinine nên bị thọt, đi cà nhắc, phải chống gậy.
Phi cơ Pháp oanh tạc hàng ngày, chúng tôi phải học đêm .Con nít 9,10 tuổi,đi học xa 2,3 cây số, đêm chỉ có cây đèn ló đốt bằng dầu hỏa, ánh sáng leo lét, mà phải qua vùng cây cối rậm rạp hoặc bãi tha ma thì đứa nào chẳng sợ. Tôi có mấy đưa bạn đi cùng đường, nhưng chúng ác lắm, thấy tôi chân yếu không đi nhanh được, nên khi qua chỗ nguy hiểm là chúng hè nhau bỏ chạy, để tôi khóc sướt mướt vì sợ, nhưng vẫn cố gắng lết về tới nhà. Khi cha tôi biết chuyện do tụi bạn nói lộ, đêm nào ông cũng chống ba-toong đến đón tận trường. Đó là chưa kể những đêm phải đi đánh trống cà rùng, hô khẩu hiệu để cổ động quần chúng.

Đến cuối năm 1952,gia đình tôi dọn về Trị Cụ, xây một căn nhà nhỏ vách đất, mái rơm, để khỏi phải ở nhờ.Thời gian đó, tôi sống rất hạnh phúc vì có nhà riêng, được gần cả cha lẫn mẹ,lại có đứa em trai mới sinh đầu năm 1953 để bồng bế, nâng niu.Hai chị tôi vẫn học ở trường Ngô Sĩ Liên, tôi thì học gần nhà mới.
Sau khi chị cả tôi lập gia đình, em tôi được 6 tháng, đang bụ sữa thì mẹ,và em của tôi “dinh tê”tức là về vùng tề,d o Pháp kiểm soát. Mẹ tôi mở cửa hàng bán gạo và tạp hoá ở tỉnh lỵ Bắc Giang,hai chị tôi vẫn học ở Luộc Hạ, cha con tôi ở lại Trị Cụ,cha tôi dậy học làm kế sinh nhai, được trả lương bằng gạo. Ông cũng trồng rau đậu, nuôi gà vịt để có thức ăn.Thời gian khổ sở nhất trong tuổi ấu thơ của tôi bắt đầu, vì tôi xa cha đã nhiều lần, đây là lần đầu tiên tôi xa mẹ.Đối với cha, tôi vừa yêu vừa sợ, vì cha tôi vốn nghiêm khắc.Đối với mẹ, tôi chỉ yêu mà không sợ, bà là người che chở và bênh vực cho tôi mỗi khi cha tôi nổi trận lôi đình.Cha tôi vẫn đi dậy học, buổi tối lại phải họp hành,học tập,do đó lúc nào tôi
cũng lủi thủi một mình, cơm nước nhiều khi phải tự lực.Tôi thèm bàn tay dịu dàng,vuốt ve của mẹ, nhớ những món ăn hấp dẫn mẹ làm, áo ước những món quà nho nhỏ mỗi khi mẹ về chợ. Đêm đêm tôi thường gặp mẹ trong mơ.Một lần tôi mơ thấy mẹ bồng em đi trên con đường làng,tôi vừa chạy theo,vừa gọi, muốn hụt hơi mà mẹ không thưa,đến khi tôi mệt xỉu thì mẹ mới quay lại,ôm tôi và đưa tay vuốt má.Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy cha đương vuốt má tôi, đôi mắt ông long lạnh ngấn lệ. Ông dò tôi:”Thôi, nín đi con, ít lâu nữa, mình sẽ về với mợ và em.”

Có hôm nắng ráo, đẹp trời,cha tôi đem phơi quần áo cũ.Khi đi học về,tôi thấy chiếc áo bông của mẹ để lại.Lúc đó, trời đã hoàng hôn, chim chóc xào xạc về tổ, gà mái cục cục gọi con...lòng tôi buồn tê tái.Tôi ôm chiếc áo bông của mẹ vào mặt, nghe mùi hơi quen thuộc mà đầm đìa nước mắt....
Lúc đó tôi học lớp 4 theo chương trình cộng sản ,tương đương với lớp nhất của quốc gia. Sau khi thi đậu vào lớp 5 trường Ngô Sĩ Liên, tôi lên Luộc Hạ, ở cùng hai chị và anh rể để theo học, anh rể tôi là Vũ Văn Tiên,giáo sư của trường này. (Anh Tiên sau là giáo sư dạy vật lý tại trường Chu Văn An, các cựu học sinh chắc nhiều người biết).Được mấy tháng thì xẩy ra trận Điện Biên Phủ, rồi hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Phe cộng sản lúc đó say men chiến thắng, dương dương tự đắc, việc kiểm soát lơ là ,chúng tôi mới có cơ hội trốn thoát về quê.
Mới thấy thấp thoáng cây đa đầu làng là lòng tôi đã rộn lên một cảm giác xao xuyến khó tả.Làng cũ, nhà xưa không có gì thay đổi. Em tôi lớn hơn nhiều, đã bập bẹ biết nói, nó nhìn chúng tôi rồi khóc oà lên vì lạ.Mẹ tôi có vẻ gầy, tóc điểm vài sợi bạc.Bà ôm tôi vuốt ve, nước mắt rưng rưng..
Gia đình chúng tôi quyết định di cư vào Nam, dù các bác và cô tôi ngăn cản. Cha tôi và tôi đi trước để lo nơi ăn, chốn ở, mẹ,chị và em tôi sẽ đi sau.Thế là tô lại phải xa mẹ. Chúng tôi ra Hà Nội để chạy giấy tờ, ở nhờ một người bạn của cha tôi là bác Hưng, có căn nhà rất lớn, 2 từng,cạnh hồ Trúc Bạch.(Bác Hưng là anh em đồng hao với thầy Nguyễn Văn Ái, dậy vi trùng học, YKDH Sàigon, bác lấy người chị là cô Thi,thầy Ái lấy cô em út là Tuyết Lan)

Ngoài hậu phương không có gì đọc,ở Hà Nội,báo chí, sách, truyện tràn đầy..tôi đọc say mê, quên ăn,quên ngủ, đến nỗi trong mấy tuần lễ, tôi không bước ra khỏi cửa nên chẳng biết mặt mũi Hà Nội nó ra sao.Ngày lên đường,chiếc Dakota chở chúng tôi cất cánh từ phi trường Gia Lâm.Nhìn qua cửa kính, tôi thấy Hà Nội nhỏ dần và xa dần, dòng sông Hồng như một sợi chỉ đỏ, uốn khúc giữa những thửa ruộng xanh bát ngát...Tôi hớn hở, chạy lăng xăng, nào đã biết buồn viễn xứ, nhưng khi quay lại phía cha tôi,thấy ông ngồi bất động, mắt nhìn vào khoảng không,buồn vời vợi...tôi sợ hãi ngồi yên.Sau này,tôi mới hiểu tâm trạng của ông lúc đó, chắc cũng giống như tâm trạng của tôi, 21 năm sau, đêm 30/04/1975, khi tôi ngồi trên chiếc tầu há mồm, suôi dòng Tiền Giang di tản.
 Đến Sàigon, chúng tôi đi tìm nhà bác rể, chồng của bá.Vì mất liên lạc từ lâu, không có địa chỉ, chỉ nhớ mang máng là bác ở Tân Định.Tôi ngồi giữ hành lý ở cạnh nhà thờ, đường Hai Bà Trưng, khi đó còn có tên Tây là Paul Blanchi, cha tôi lò mò đi hỏi thăm khắp hang cùng, ngõ hẻm,vậy mà cũng tìm ra nhà bác.( Nhờ dân trong Nam dễ thương).Chúng tôi ở tạm đây ít lâu, thì thuê được nhà ở Gia Định, gần chợ Bà Chiểu. Đây là một xóm nghèo, nhưng dân cư thật hiền lành, khả ái, họ đối với chúng tôi bằng một tấm lòng bao dung, chân thành. Cha tôi làm đơn xin hồi ngạch, nhưng vì theo kháng chiến lâu năm, bị điều tra hơi kỹ, nên cả năm sau, ông mới được thu dụng.Trong khi chờ đợi, mẹ tôi may thuê, vá mướn kiếm ăn.
Đêm đêm, bà thức tới 2,3 giờ sáng, lịch kịch bên bàn máy may, dưới ánh điện câu vàng vọt. Cha tôi đi làm công nhân ở sở Ba Xoong, lúc đó còn Tây. Bọn họ ăn uống sang trọng lắm,thịt cá ê hề,cha tôi lúc nào cũng dở món trường kỳ là cơm nắm,muối vừng ra ăn, nhưng với nét mặt hãnh diện, ngạo nghễ.Tụi Tây thích cha tôi lắm, vì tiếng Pháp trường Bưởi của ông rất ngọt,nên họ thường mời cha tôi ăn cùng, nhưng bao giờ ông cũng từ chối, nói rằng muốn ăn những thứ do chính tay mẹ tôi làm..Có lần, họ mời ông một trái táo, ông nhận nhưng không ăn,gói ghém cẩn thận, mang về cho con. Ôi trái táo thủa hàn vi của cha, tôi vẫn nhớ suốt đời.. 

Khi được hồi ngạch, cha tôi bị đổi đi làm mấy năm ở Long Xuyên,Long An ,rồi về làm Đầu phòng Biện lý toà án Sàigon. Mẹ tôi đỡ vất vả,để hết thì giờ lo cho con cái,và sanh thêm được một bé trai,là đứa em út của tôi bây giờ.Thời gian qua mau, chị em chúng tôi lần lượt trường thành.Các chị tôi xong Đại Học Sư Phạm, dậy học ít năm rồi chuyển qua Luật,làm Luật Sư,tôi học Y khoa,ra trường năm 1967. Trong 2 năm theo đơn vị tác chiến, cha mẹ tôi vô cùng lo lắng, chỉ sợ rủi ro xẩy đến cho tôi. Biết bao nhiêu đồng nghiệp đàn anh của tôi như Đỗ Vinh,Trần Ngọc Minh, Nghiêm Sĩ Tuấn, Nguyễn Văn Nhứt....đã gục ngã nơi chiến trường.
Khoảng đầu thập niên 70, phong trào du học lên đến cực điểm, nên cha mẹ tôi, dù nghèo, cũng giồng mình cho 2 đứa em của tôi xuất ngoại. 

Tôi vốn tính hoang đàng, ham chơi, nên tiền lương, tiền phòng mạch còm cứ theo nhau mà vào bàn bài, quán nhậu và xóm yên hoa, không giúp gia đình được một xu nhỏ. Mỗi khi về phép, tôi thường báo trước ,nên lúc nào đến nhà cũng thấy cơm gà, cá gỏi. Ăn cơm nhà được một, hai bữa là tôi lại biến đi du hí. Khi nào thấy tôi nằm nhà, là mẹ biết quý tử yếu địa ,lại dúi cho mấy trăm...Tôi ngây thơ, cứ tưởng cha mẹ tôi còn phong lưu! Một lần đi công tác, về bất chợt, gặp bữa cơm, tôi thấy trên mâm chỉ có cá khô và rau muống luộc. Tôi hối hận lắm, tự hứa với lòng là sẽ để dành tiền, giúp đỡ cha mẹ, nhưng rồi, chứng nào tật nấy,tiền giúp gia đình chẳng được bao nhiêu, khi có, khi không. Cha mẹ cũng muốn tôi lập gia để có người cột chân, để ông bà sớm có cháu bế ,nhưng tôi như còn ngựa chứng, đám nào cũng lắc nên cha mẹ tôi rất buồn lòng.

Rồi tháng Tư đen năm 1975 ập tới,tôi chạy thoát một mình từ Cần Thơ. Cha tôi xuống hỏi thăm, người thì nói tôi đã di tản, người thì nói tôi đã chết,vì chiếc xe Jeep tôi thường đi bị bắn cháy nát trên đường Trà Nóc- Cần Thơ. Lúc đó, cha tôi ngất xỉu. Khi tỉnh lại, ông thất thểu trở về, yên trí đã mất đứa con..Mãi 8 tháng sau, cha mẹ tôi mới biết là tôi còn sống.(Chuyện chạy loạn của tôi, đã được kể trong bài Phú San, cũng đăng trên Tập San Y Sĩ).Sau mấy lần vượt biên thất bại,vốn liếng đã cạn, cha mẹ tôi đành cam phận sống dưới gông cùm. Ở Canada, tôi cũng trần ai để trở lại nghề. Khi có bằng năm 1978, tôi lập gia đình và hai vợ chồng tôi làm giấy bảo lãnh nhưng vì biết tôi học thêm 4 năm chuyên môn, sợ tôi không đủ sức, nên mãi đến tháng 5 năm 1982, khi tôi học xong, cha mẹ và chị tôi mới qua đoàn tụ.

Nhờ ơn Trời,cha mẹ tôi còn khỏe mạnh và tôi đã sống với ông bà, tới giờ này, được 14 năm.(1982-1996). Bây giờ, tôi đã lớn tuổi, tình thương của ông bà dồn xuống các cháu .Nhìn ông bà săn sóc mấy đứa con tôi, dĩ vãng lại hiện về, những hình ảnh của hơn 40 năm xưa còn đậm nét. Nước mắt vốn chảy xuôi...và đứa con hư, cho đến bây giờ, có lẽ vẫn chưa làm được điều gì để báo đáp lại lòng cha mẹ.

Mùa hè,năm 1996.
Nguyễn Thanh Bình( Bút Hiệu Bát Sách)

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Thành Kính Phân Ưu GĐ Nhà Văn Hoàng Hải Thủy

 

Thơ: Cao Mỵ Nhân
Trình Bày: Kim Oanh

Kính Thắp Nén Tâm Hương Tiễn Biệt Văn Sĩ Hoàng Hải Thủy

 

Công Tử Rừng Phong…vĩnh biệt rồi!
Ta bà dứt bỏ cuộc rong chơi
Đời ông may có người tri kỷ
Xứng bậc hiền thê thật rạng ngời

Từng người mỗi cảnh khổ trên đời
Vẫn phước phần ông hạnh phúc vui
Phóng tác văn phong lưu dấu ấn
Kiều Giang, Đỉnh Gió Hú cao vời

Vụ Án Họ Trình, ông vẩy bút
Phiên Toà cứ ngỡ nhạt như vôi
Bao nhiêu tác phẩm, từng câu chuyện
Đọc đã nhiều lần vẫn thích thôi

Mấy bận tù đày phận nổi trôi
Cơ trời mệnh số đẹp duyên đôi
Văn chương ế ẩm nơi trần thế
Chỉ có ông thường được đón mời

Và rồi cũng đến lúc an ngơi
Bỏ lại sau lưng mọi khóc cười
Vợ đảm tào khang lòng quặn thắt
Hàng ngàn độc giả tiếc khôn nguôi

Tâm Hương kính thắp Lễ Tang Người
Một ánh sao băng phía cuối trời
Khấn Nguyện An Bình nơi Vĩnh Cửu
Tây Phương Cực Lạc Mãi Rong chơi


Thanh Song Kim Phú
KÍNH BÁI
Cali Dec/07/2020

Tiễn Biệt Hoàng Hải Thủy

 

Bây Giờ Tháng Mấy rồi em
Mà sao Lời Hứa qua thềm gió bay
Lưới Tình - Mang Xuống Tuyền Đài
Giữa Hai Dòng Nước tàn phai duyên mình
Kiều Giang - Vòng Tay Yêu Tinh
Dữ Hơn Rắn Độc một mình anh đau
Mùa Hạ Hai Mươi xanh xao
Tình Đầu anh hết ngọt ngào vấn vương
Anh nay Ngoài Cửa Thiên Đường
Nhớ Đêm Vĩnh Biệt đoạn trường đắng cay
Thôi! Định Mệnh Đã An Bài
Em đành Môi Thắm Nửa Đời sao em?
Anh ôm Tình Mộng bên thềm
Giang Hồ Nửa Kiếp ngàn đêm tiêu điều
Cả đời Đi Tìm Người Yêu
Ngùi trông Đỉnh Gió Hú chiều bâng khuâng.


Toronto 8/12/2020
Nguyên Trần
Viết trong niềm thương tiếc nhà văn Hoàng Hải Thủy
Những chữ in đậm là tên các tác phẩm của nhà văn Hoàng Hải Thủy

Một Vì Sao Rơi


Thưa quý bạn,
Nhà văn Hoàng Hải Thủy đã ra đi. Là độc giả không chuyên , nhưng mến mộ văn tài dí dỏm, lại cũng gây nên những se thắt lòng người, tôi viết bài thơ này để kính tiễn người đi được siêu thoát nơi Nước Nhược, Non Bồng và đoàn tụ với người bạn trăm năm Alice luôn yêu mến. 

Một Vì Sao Rơi

Những người tôi yêu mến
Họ đã bỏ đi xa
Nhà văn tôi thích đọc
Cũng về nơi nhạt nhòa

Sáu sáu năm rực rỡ
Lóng lánh Hội Phù hoa
Cõi văn đàn nay vắng
Trầm trầm khúc ly ca

Ôi, Hà Đông Công Tử
Con Bà Cả...một thời
Ngòi bút Hoàng Hải Thủy
Ai xứng đáng thay ngôi!

Ta buồn nhiều bữa trước
Lại buồn quá hôm nay
Nghe người đi thảng thốt
Như tiếng thét chua cay

Thôi người đi vui nhé
Rừng Phong khuất nơi này
Gặp bạn Alice cũ
Đang đợi chờ đâu đây!


Chung Văn


Tiễn Biệt Nhà Văn Hoàng Hải Thụy

 
“Mang Xuống Tuyền Đài” Hải Thuỷ đi
“Chiếc Hôn Từ Biệt” tắt còn gì!
“Tay Vàng Tay Sắc” rời sinh ký
“Định Mệnh An Bài” lãnh tử quy
Đàn gẫy cung sầu mây áo não
Dây chùng nốt lịm gió ai bi
Nén hương đưa tiển người rời bến
Cực Lạc an nhàn nạn khổ ly.

Phương Hoa
Dec 7th 2020
 

Tưởng Nhớ Nhà Văn Hoàng Hải Thủy


 

Hoàng Hải Thuỷ tài dịch Pháp , Anh
“Kiều Giang, Đỉnh gió Hú “nên thành
“ Thầy Nô “ phóng tác “ Tay vàng sắc “
Dịch thuật “ James Bond “ giỏi nổi danh

Hãnh diện nhà văn lớn Việt Nam
Là cây cổ thụ kể bao hàm
Khôi hài phiếm luận tràn duyên dáng
Trí nhớ đưa hồi ký vẻ vang

Sáu sáu năm liên tục miệt mài
Công lao sự nghiệp chuỗi ngày dài
Đam mê nghệ thuật hoà thi phú
Kỷ lục lưu truyền đẹp nắng mai

Vĩnh biệt... ông nằm xuống nghỉ ngơi
Màu thu quyến luyến phủ giăng trời
Người về đất lạnh vùng sương khói
Hậu thế ghi ơn tiếng để đời


Minh Thuý Thành Nội
Tháng 12/7/2020

 

Anh Chỉ Sống Để Chờ Em Đến - Thơ: Hoàng Hải Thủy - Nhạc: Nguyễn Tuấn


Thơ: Hoàng Hải Thủy 
Nhạc: Nguyễn Tuấn


Tiễn Đưa Nhà Văn Hoàng Hải Thủy

Mùa Thu vừa mới qua đây
Mang theo lá rụng rơi đầy rừng phong
Thắp lên một nén hương lòng
Tiễn người văn sĩ nổi danh một thời
Phiêu lưu bao cuộc đổi dời
Về đây cư ngụ tiếp đời viết văn
Tìm nơi ẩn kín rừng phong
Cất lên ngòi bút tấm lòng đầy vơi
Tình người tô mãi cho đời
Kiều Giang câu chuyện bao người luyến lưu
Mê say Vụ Án Họ Trình
Bao nhiêu tác phẩm chuyện tình vang danh
Còn lưu lại cõi gian trần
Người đi để lại muôn phần tiếc thương

Lê Mỹ Hoàn

Tiễn Đưa


Đưa người vạn dặm cũng đành thôi
Nước mắt chưa khô vĩnh biệt rồi
Cảnh giới Thiên Đường anh tận hưởng
Ta Bà cõi thật bạc như vôi ...

Thương người vẫy bút truyện "Kiều Giang "
"Định Mệnh An Bài" đến ngỡ ngàng
"Mang Xuống Tuyền Đài" ôm giữ mãi
Xin Người đón nhận nén tâm nhang ...

Tuyết Phan 
11-12-2020

Nhà Văn Điệp Mỹ Linh & Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975

(Điệp Mỹ Linh)

Hầu hết các tác phẩm viết về Quân Binh Chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH) xưa nay đều do những tác giả đã từng phục vụ trong đơn vị mới am tường để ghi vào trang Quân Sử… Tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 của nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh được coi là tài liệu lịch sử rất đáng quý.

Những tác phẩm khác của nhà văn Điệp Mỹ Linh đã ấn hành: Dáng Xưa, Chỉ Còn Là Kỷ Niệm, Trăng Lạnh, Tìm Vết Chân Xưa, Sau Cuộc Chiến, Một Đoạn Đường, Đưa Tiễn, Cuồng Lưu, Bước Chân Non, … Còn nhiều bài viết chưa in thành sách trong thời gian qua.

Nhà văn Điệp Mỹ Linh ở Nha Trang là phu nhân của cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, khóa 8 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Cựu Trung Tá Minh qua đời năm 2014 tại Texas.

Cuộc tình của nhà văn Điệp Mỹ Linh với HQ Trung Úy Hồ Quang Minh vào đầu thập niên 60 khi Trung Úy Minh phục vụ tại Duyên Đoàn 26, đóng tại Bình Ba, trong vịnh Cam Ranh. Thời điểm nầy, theo lời chia sẻ của Điệp Mỹ Linh: “Mỗi ngày, ngoại trừ Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi đi bộ xuống làng Bình Ba để dạy các em học sinh – miễn phí. Hè và những ngày Lễ, tôi theo đoàn ghe đi kích hoặc hành quân”. Và, từ đó bà theo chồng phục vụ Giang Đoàn 23 Xung Phong tại Vĩnh Long, Giang Đoàn 30 Xung Phong, hậu cứ trong Trại Cửu Long, Thị Nghè. Giang Đoàn 30XP trở thành một trong những đơn vị tác chiến Hải Quân tham gia những cuộc hành quân hỗn hợp, tham dự các cuộc hành quân Tam Giác Sắt tạo được nhiều chiến công hiển hách…

Khi theo chồng thuyên chuyển về Giang Đoàn 26 Xung Phong, hậu cứ tại Long Xuyên, theo lời ĐML: “Chính tại Vùng IV Sông Ngòi tôi mới thấy rõ lòng quý mến và tin tưởng của quân nhân Địa Phương Quân đồn trú trong các đồn rải rác dọc những bờ sông hoang vắng dành cho quân nhân thuộc các đơn vị tác chiến Hải Quân. Tình cảm của Địa Phương Quân cộng với tinh thần ‘huynh đệ chi binh’ và lòng quả cảm đã thúc đẩy Minh – đôi khi – bất chấp cả lệnh của Tỉnh Trưởng, tự động đưa đoàn giang đỉnh đến giải cứu các đồn Nghĩa Quân khi nghe lời kêu cứu của họ!...


(Hồ Quang Minh)

Thời gian Giang Đoàn 26 Xung Phong được lệnh chuyển vùng hành quân về quận Gò Quau, Chương Thiện, tôi phải trở về Sài Gòn lo việc gia đình. Minh điện thoại cho tôi hay rằng Minh đã gặp Thiếu Tá Phép, Quận Trưởng quận Gò Quau và Phó Quận Hành Chánh mà tôi không nhớ tên. Khi nói chuyện, ông Phó Quận Hành Chánh hỏi Minh rằng có phải tên thật của Điệp Mỹ Linh là Thanh Điệp hay không? Nếu đúng thì ngày trước ông Phó Quận Hành Chánh cùng học với tôi tại trường trung học Võ Tánh Nha Trang và ông Phó Quận Hành Chánh biết tôi chơi đàn Accordion. Vậy là hai ông yêu cầu Minh bảo tôi đem Accordion theo khi tôi trở lại vùng hành quân để chung vui với dân làng và mọi người trong dịp Tết… Khi dân làng tề tựu trong sân Quận thì Việt cộng pháo kích. Mọi người chạy tán loạn. Minh ra lệnh đoàn chiến đỉnh phân tán mỏng, tìm địa điểm của Việt cộng để phản pháo. Bị Hải Quân phản pháo, VC ngưng pháo kích. Trên giang hành trở lại Quận, Minh gọi các chiến đỉnh xem ‘Thủy Thủ không số quân” đang ở trên chiếc nào? Không ai thấy tôi cả! Thấy Minh có vẻ lo, anh truyền tin pha trò để Minh cười cho vui: ‘Chắc Thủy Thủ của Chỉ Huy Trưởng…đào ngũ rồi!’ Minh cười gượng: ‘Mẹ, Bả mà đào ngũ, ai nuôi con tao, mày!’ Rồi Minh liên lạc vô tuyến với Thiếu Tá Phép để hỏi về tổn thất nhân mạng và cũng để tìm tôi. Thiếu Tá Phép cho biết “tụi nó pháo trật lất” và “Thủy Thủ không số quân” bình yên, đang ngồi trên nền xi măng vì không nỡ bỏ cây đàn Accordion!...


… Những kỷ niệm về sự ‘trình diện’ của ‘Thủy Thủ không số quân’ tưởng đã chìm sâu trong quá khứ; vì tôi hoàn toàn không nhớ được. Nhưng, trong tang lễ của Minh, khi các cựu quân nhân thuộc Hội Hải Quân Houston, mặc quân phục đại lễ, đến chào tiễn biệt Minh và trao lá cờ VNCH cho tôi thì những kỷ niệm xưa cuồn cuộn dâng trào trong hồn tôi! Tôi khóc nhiều và nhận ra những kỷ niệm đó tươi đẹp, trắng xóa và sôi nổi không khác chi những lượn sóng do những chiếc fom hoặc PBR rẻ nước, lướt “vèo vèo” trên những dòng sông xưa, tạo nên…”

Trích dẫn những dòng trên với lời tâm tình, chia sẻ của nhà văn Điệp Mỹ Linh để cảm nhận bà đã hơn nửa thế kỷ gần gũi với chồng và “gắn bó” với Quân Chủng Hải Quân từ những tháng ngày chiến tranh cho đến thời gian ở hải ngoại.


Trở lại với tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975. Trong Lời Ngỏ, tác giả cho biết:

“Trong Hải Quân không hề thiếu những cây bút thừa khả năng để ghi lại những đoạn đường đầy chông gai mà tập thể ấy đã vượt qua. Nhưng sở dĩ tôi được hân hạnh làm công việc này là vì tấm lòng tha thiết của tôi đối với quân chủng này từ khi tôi trở thành ‘dâu’ của Đại Gia Đình Hải Quân.

Vì yêu thích thiên nhiên và cũng vì muốn thấy tận mắt những khía cạnh  gai góc nhất của quân chủng Hải Quân để viết bài, tôi xin tháp tùng những đơn vị chiến đấu Hải Quân.

… Nhờ thời gian dài sống cạnh những đơn vị tác chiến này tôi mới cảm nhận được tất cả nỗi đau thương của Người Lính VNCH. Và cũng nhờ thời gian này tôi mới ý thức được rằng Người Lính Hải Quân cũng chiến đấu can cường, liều lĩnh và dũng cảm không thua bất cứ một đại đơn vị tác chiến nào của Quân Lực VNCH.


… Tâm nguyện của tôi tưởng chỉ quẩn quanh trong những dòng sông nhuộm máu ở U Minh. Nhưng, đến đầu năm 1975, Người Lính Áo Trắng không những chỉ giải cứu đồn Nghĩa Quân mà Người Lính Áo Trắng còn đón cả mấy Sư Đoàn thiện chiến và cả vạn vạn đồng bào từ Vùng I và Vùng II Chiến Thuật đưa về Sài Gòn và Phú Quốc thì tâm nguyện của tôi trở nên to lớn hơn và khó khăn hơn.

Tôi muốn ghi lại những đóng góp vĩ đại của quân chủng Hải Quân như là một tài liệu lịch sử…

… Tôi nghĩ lịch sử là những sự kiện có thật, hãy để những sự việc đó tự nói lên từng trạng huống của mỗi giai đoạn. Muốn thực hiện được điều đó và cũng để giữ mức độ khách quan và vô tư của ngòi bút, tôi tránh xen vào cuốn tài liệu này những suy luận, những nhận định, những bình phẩm của bất cứ một cá nhân nào – và ngay cả của chính tôi.

… Cuốn tài liệu này là sự đóng góp tích cực và lớn lao của Đại Gia Đình Hải Quân. Tôi có ý nghĩ để tên tác giả là ‘Nhóm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa’. Nhưng nghĩ lại, tôi nhận thấy, dù sao đi nữa, cuốn tài liệu này cũng còn nhiều khiếm khuyết; nếu ‘Nhóm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa’ viết, có thể không có những khiếm khuyết đó. Vậy, tôi là người trực tiếp thực hiện những cuộc phỏng vấn, tham khảo tài liệu và đúc kết mọi chi tiết, xin để cá nhân tôi chịu trách nhiệm…”

Trong những bài viết của nhà văn ĐML ghi lại rất chân tình về gia đình, bạn bè ở Nha Trang và tấm lòng với những chiến sĩ QL/VNCH, nhất là Hải Quân. Một thời và một đời bên nhau với biển khơi, sông lạch… Hình ảnh đó nói lên Điệp Mỹ Linh, người con của quê hương, của Hải Quân VNCH từ lúc làm dâu của quân chủng nầy cho đến cuối đời.


 


Tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 dày 370 trang, gồm 12 Chương. Trình bày đẹp, trang nhã, nhiều hình ảnh đính kèm.

Chương I: Sơ Lược Lịch Sử Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (Trang (1-11)

Chương II: Các Vị Tư Lệnh Hải Quân (13-19)

Chương III: Sự Tổ Chức Của Hải Quân – Về Hành Quân (21-70)

Trong Chương nầy đề cập đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Những Đại Đơn Vị Chiến Đấu, các Vùng Sông Ngòi, các Vùng Duyên Hải… ghi lại tổng quát để độc giả biết tổng quát về Hải Quân VNCH. 

Chương IV: Cuộc Đàm Thoại Bất Ngờ (71-72). Tuy chỉ 2 trang nhưng “báo động” trang sử đau thương của dân tộc.

Chương V: Những Biến Chuyển Quân Sự Và Các Cuộc Rút Quân (73-143).

Trong Chương nầy tác giả ghi lại Những Cuộc Rút Quân từ Vùng I đến Vùng V Duyên Hải… Nói lên sự dũng cảm, hy sinh, tinh thần quân dân, bao nỗi uất hận, tang thương, ngậm ngùi của thời điểm ngày tàn cuộc chiến!

Chương VI: Những Đột Biến Tại Các Vùng Sông Ngòi (145-171)   

Chương VII: Kế Hoạch Phòng Thủ (173-176)

Chương VIII: Chuyến Ra Khơi Bi Hùng (177-199)

Chương IX: Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi (200-229)

Chương X: Những Vị Anh Hùng Hải Quân VNCH (231-242)

Chương XI: Lời Chân Tình của “Thủy Thủ Không Số Quân (243-300). Danh sách sĩ quan Hải Quân VNCH Lập Nhiều Chiến Công trong cuộc chiến 1954-1975 (243-300)

Chương XII: Những Dòng Ký Ức  (301-354) Bài viết của các vị Hải Quân. Phần Phụ Lục (355-359): Danh Sách Chiến Hạm & Chiến Đĩnh Hải Quân VNCH.


Năm 2003, anh Trần Trọng An Sơn tặng tôi quyển Hải Sử Tuyển Tập, khổ magazine, dày 592 trang được biên soạn rất công phu, đóng góp cho Bộ Quân Sử VNCH. Quân Chủng Hải Quân VNCH có nhiều văn tài đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam từ trong nước, trước năm 1975 và sau nầy ở hải ngoại. Anh cũng là nhà thơ, năm 2017 ra mắt tập thơ thứ hai Tâm Tư Người Lính Biển.  Tài liệu nầy hữu ích cho tôi để sưu tầm.

Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa trong 11 năm qua được vinh dự đăng tải các bài viết, tác phẩm, thi ca của quý vị.


Tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 của nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh tuy là Tài Liệu Lịch Sử nhưng qua ngòi bút linh động của tác giả lôi cuốn người đọc như “tự truyện” qua cuốn Một Cơn Gió Bụi của cụ Trần Trọng Kim, Bên Giòng Lịch Sử của Linh Mục Viện Trưởng Đại Học Huế Cao Văn Luận… Điều đặc biệt ở đây là nữ giới, “người không có số quân” đã viết lại trang sử.

Được biết cô nữ sinh Thanh Điệp là một trong những  thành viên của ban ca nhạc Bình Minh, được thành lập vào giữa thập niên 50, để phụ trách phần ca nhạc cho Đài Phát Thanh Nha Trang. Trưởng Ban Bình Minh – Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – là thân Phụ của Thanh Điệp. Thanh Điệp cũng được thân phụ dạy viết văn, dùng bút hiệu Điệp Mỹ Linh để tưởng nhớ công ơn của bậc sinh thành.


Kể từ khi khởi viết vào năm 1961, có bài đăng trên Đuốc Thiêng, Tin Sáng và Tia Sáng… cho đến nay tròn 6 thập niên. Thời chinh chiến, anh Hồ Quang Minh thích và đồng tình với tinh thần văn nghệ của chị. Nhưng, trong những lần trò chuyện qua email với chị, chị cho biết, anh không thích chị viết, hát và đàn… tôi cũng hơi ngạc nhiên nhưng tế nhị không hỏi vì sao? Qua tìm hiểu, tôi nghĩ anh cũng như nhiều vị tướng lãnh, sĩ quan khác, cho rằng mất nước là mất tất cả! Anh HQM là chiến sĩ can cường, lập được nhiều chiến công (Bảo Quốc Huân Chương) và (theo chị), anh “ba gai”, nhiều lần cãi với thượng cấp; nhưng anh rất thương và bảo vệ thuốc cấp… nên đường binh nghiệp của anh không may mắn.

Tôi gọi chị Điệp Mỹ Linh “Nhà văn không có số quân” nữ giới đã viết nhiều về người Lính VNCH.


Little Saigon, Dec 2020

Vương Trùng Dương

Vĩnh Biệt Anh Hoàng Hải Thủy


Nếu không lưu lạc qua xứ người, chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở thành cô em gái thân thiết của anh chị Hoàng Hải Thủy, để được biết một chuyện không thể nào ngờ. Một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã như anh Hoàng Hải Thủy lại là một người chồng ngoan và ‘cực kỳ’ yêu vợ. Ở tuổi ngoài 80, nỗi lo sợ lớn nhất của anh Hoàng Hải Thủy là chị bỏ đi trước anh và anh phải sống một mình. Có lẽ tại anh chị có một tình yêu đẹp quá. Tôi dám nói như vậy vì anh có tặng tôi một tập thơ của anh xuất bản năm 1995. Trong tập thơ đó tôi cảm nhận được tình yêu nồng thắm của anh chị. 

Mở đầu tập thơ là hình ảnh chị Hoàng Hải Thủy với nụ cười Mona Lisa. Hình này chị chụp có lẽ cũng vào lúc tóc đã điểm sương, nhưng trông vẫn còn đẹp lắm. Trên tấm ảnh là giòng chữ Tặng Alice (tên chị) Washington DC cuối thu 94. Dưới ký tên Hoàng Hải Thủy rất bay bướm. 

Trang tiếp theo là 4 câu thơ Alice 54 

Mùa thu mây trắng xây thành
Tình em mầu ấy có xanh da trời
Hoa lòng em có về tươi
Môi em có thắm nửa đời vì anh? 

Bài thơ thứ nhì là bài Yêu Hoài Ngàn Năm anh làm ngày 15 tháng 10 năm 1977 trong phòng biệt giam Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu 

Yêu Hoài Ngàn Năm 

Yêu nhau ngày tháng qua nhanh
Ba mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình Ta nước biển một mầu như xưa
Yêu bao giờ, đến bao giờ
Thời gian nào rộng cho vừa tình ta?
Lòng em hoa vẫn tươi hoa
Môi em thắm đến em già chưa phai
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em
Mặt trời có lặn về đêm
Sáng mai em dậy bên thềm lại soi
Cuộc đời có khóc, có cười
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay
Thu về trời lại xanh mây
Ðầy trời anh thấy những ngày ta yêu
Càng yêu, yêu lại càng nhiều
Nhớ em, anh nhắn một điều: yêu em. 

Đọc xong bài này, tôi chắc ai cũng cảm nhận được tình anh Hoàng Hải Thủy trao cho chị Alice tràn đầy và chung thủy đến thế nào. 

Những ngày ở tù tuy buồn khổ, cơ cực, tình yêu cũng vẫn tạo cho anh cảm hứng làm những vần thơ cho chị. Những câu thơ đọc lên nghe nát cả lòng 

Nằm trong khám tối âm u
Buồn nghe đêm lạnh sương mù sa mưa
Bồi hồi tưởng mái nhà xưa
Ngày đi đã nát, bây giờ ra sao?
Thương em nhạt phấn, phai đào
Ðêm đêm trở giấc chiêm bao một mình
Ngủ đi em, mộng bình minh
Mưa bao nhiêu giọt là tình bấy nhiêu 
Nằm trong khám tối nghe mưa
Ðêm nào cũng thấy đêm thừa trống canh
Thương nhau nên ngủ không đành
Nhớ nhau nhưng mộng không thành em ơi
Anh nghe từng tiếng lệ rơi
Biết em đang khóc nên trời đổ mưa… 

Mới 10 tuổi cậu bé Dương Trọng Hải (tên thật của anh Hoàng Hải Thủy) đã nuôi mộng trở thành văn sĩ. Ngay năm 10 tuổi anh đã mê đọc cuốn tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng và Trường Đời của Lê Văn Trương. Anh rất phục các ông văn sĩ, anh thấy các ông như những ông Trời con vì các ông có quyền tạo ra các nhân vật trong truyện, tạo ra cuộc sống đa dạng cũng như định mệnh của các nhân vật đó. Anh bắt đầu viết văn năm 18 tuổi. Một năm sau, 1952 anh tham dự cuộc thi truyện ngắn do Nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Chưa cần biết có được trúng giải hay không, chỉ cần truyện được chọn đăng là đã được trả 200$. Số tiền khá hấp dẫn với chàng trai 19 tuổi. Không ngờ truyện ngắn dự thi ‘Người Con Gái Áo Xanh’ của anh lại được giải nhất. Tiền thưởng là 3.000$. Ông Trần Tấn Quốc chủ nhiệm nhật báo Tiếng Dội đãi 3 người trúng giải Nhất, Nhì, Ba đi ăn tiệc cao lâu rồi đưa mỗi người một ngân phiếu. Đi lãnh tấm ngân phiếu thứ nhất quá lớn trong đời ở Ngân hàng về, anh biếu ngay bố mẹ 500$, chia cho các em một phần. Tiền còn lại anh đi may cho mình bộ complet đầu tiên với giá 700$. 

Từ đó sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu khởi sắc. Những truyện dài đăng trên các báo của anh rất hấp dẫn người đọc. Lần lượt các truyện dài đăng báo của anh như: Như truyện Thần Tiên, Tìm em nơi thiên đường, Định mệnh đã an bài, v.v. .. được các nhà xuất bản mua bản quyền xuất bản nhiều lần. 


Tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là cuốn tiểu thuyết phóng tác Kiều Giang. Anh đã lấy tên cô con gái cưng, bé Kiều Giang lúc đó mới được 6 tháng để đặt tên cho tác phẩm này. 

Nói tới nhà văn Hoàng Hải Thủy là ai cũng nghĩ ngay tới tác phẩm Kiều Giang. Điều này đã cho anh cảm hứng sáng tác bài thơ làm trong Sà lim Khu B, trại giam Phan Đăng Lưu năm 1978. Có những câu đọc muốn ứa nước mắt. 

Người bạn tù hỏi qua song cửa
Phải anh là Hoàng Hải Thủy
Anh viết truyện Kiều Giang?
Kiều Giang …!
Ôi tên con, tên ngọc, tên vàng
Làm bố vỡ tim và hồn nức nở
Khi đặt tên con đâu ngờ có thuở
Nghe tên con giữa chốn lao tù
Những đêm dài ngục tối âm u
Bố thấy mắt con sáng bừng rực rỡ
Bố yêu con trong từng hơi thở
Trong trái tim hồng, trong giòng máu đỏ
Kiều Giang ơi, tiếng kêu thương nhớ
Con có run da thịt đêm nay?
Bố cho con trọn máu xương này. 

Anh chị có 3 người con, 2 trai 1 gái. Hoài Nguyên và Kiều Giang ở Texas và Ohio. Hải Triều còn ở Việt Nam. Tôi hỏi tại sao anh chị lại chọn Virginia để định cư. Anh cho biết anh rất thân với anh Anh Ngọc (ca sĩ rất nổi tiếng của VN ngày xưa). Hồi anh còn ở VN, anh Anh Ngọc có gửi về cho anh một tấm ảnh anh chị Anh Ngọc ngồi trên một thảm cỏ xanh mướt, đằng sau là cả một rừng lá vàng. Anh Hoàng Hải Thủy mê ngay phong cảnh quá đẹp đó, nên khi có giấy tờ được sang Mỹ, anh chị quyết định chọn nơi có thảm cỏ xanh và rừng lá vàng tuyệt đẹp để định cư. Đó là tiểu bang Virginia, một tiểu bang có cái tên thật tình tứ “Virginia is for lovers”. 

Thêm nữa, anh chị chọn Virginia vì ở Virginia có mấy người bạn thân và có bà Khúc Minh Thơ người hết lòng giúp đỡ cho những cựu tù nhân chính trị ở VN qua Hoa Kỳ tị nạn. Thời gian đầu anh chị hay tham dự những buổi họp văn nghệ. Từ 10 năm nay, vì tuổi tác anh chị không tham dự những hội hè đình đám nữa. Những ngày gần đây sức khoẻ chị suy yếu, chị bị ngã mấy lần, anh luôn luôn lo lắng chị sẽ bỏ anh đi trước. Anh tâm sự anh không thể sống thiếu chị. Tôi trêu anh, tại chị nấu ăn ngon và cưng anh quá. Chị Hoàng Hải Thủy làm chả giò rất ngon. Nhắc đến chả giò tôi lại nhớ đến một kỷ niệm rất cảm động với anh chị. Một hôm tình cờ gặp anh chị ở chợ Việt Nam bên Virginia. Chị em tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau vì lâu quá hai chị em mới có dịp gặp gỡ. Chúng tôi ở cách xa nhau. Tôi ở Maryland, anh chị ở Virginia. Đang nói chuyện với tôi bỗng chị quay qua anh nói: “ Anh chịu khó lái xe về nhà lấy gói chả giò em để trên ngăn đá mang ra đây biếu cô Thủy. Em ở đây nói chuyện với cô ấy. Lâu quá chị em mới gặp nhau.” 

Tôi cản thế nào cũng không được, anh đi thật nhanh ra xe để về nhà lấy chả giò cho tôi. Anh chị thương tôi như vậy đó và tôi cũng rất quí mến anh chị. Chị rất dễ thương nên được lòng nhiều bà hàng xóm 

Một hôm tôi tới thăm anh chị nhằm lúc anh đi đón chị ở nhà thương vừa về tới. Tôi thấy một bình hoa hồng thật đẹp của bà ở gần đã để sẵn ở cửa để mừng đón chị về. Vào trong nhà lại thấy bao nhiêu là bánh trái. Anh nói của các bà hàng xóm thấy chị đau nên mang tặng. Có mấy ai được mọi người quí mến như anh chị đâu. 

Tôi rất mừng thấy anh còn khoẻ mạnh dù tuổi đã cao. Ngoài 80 mà anh vẫn còn phong độ, sáng suốt. Vẫn lái xe đưa chị đi chợ và viết bài cho các báo. Điều hạnh phúc nhất là tình yêu của anh chị sau 62 năm vẫn còn thắm thiết như những ngày đầu. 

Ngày đó gia đình chị đi Vũng Tầu nghĩ mát, thuê nguyên cả một cái Villa thật rộng. Anh họ của chị là bạn thân của anh, rủ anh cùng ra Vũng Tầu chơi. 

Biển xanh, nắng vàng và những đêm trăng thơ mộng của Vũng Tàu đã cho cặp trai tài gái sắc có cơ hội gần gũi và nẩy sinh tình cảm chan chứa với nhau. 

Kết quả anh tỏ tình và xin cưới chị. Anh kể: “Tối hôm trước vừa tỏ tình với chị thì ngay sáng hôm sau khi ra phố uống café, mua tờ báo đọc, thấy họ in trên trang nhất giòng chữ thật to Hiệp Định Genève vừa ký ngày hôm qua. Hết chiến tranh và chia đôi đất nước.Ngày anh chị quyết định kết hợp lại là ngày đất nước chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Ngày đó không chỉ là ngày đặc biệt khiến anh chị nhớ mãi, mà cũng là ngày mà mọi người dân Việt không thể nào quên.” 

Nếu bài viết kết thúc ở đây thì tuyệt quá, nhưng… ở đời có lúc chữ NHƯNG đến thật bất ngờ, mang tất cả niềm đau không ai chờ đợi. Cuộc sống của anh chị đang thật êm đềm, hạnh phúc,bỗng đứt đoạn chia lìa… Những lần tôi đến thăm, trong căn phòng khách nhỏ bé ấm cúng, anh chị ngồi tiếp tôi. Gương mặt anh lúc nào cũng rạng rỡ, ánh mắt reo vui nhìn chị nói chuyện thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng chị lại cười thật to, hai anh em tôi cũng cười góp vì chị nói chuyện rất có duyên. Chị kể đủ thứ chuyện, những ngày ở với cộng sản, anh đi tù, tụi cán bộ đến làm khó dễ chị, chị đã không sợ lại còn trả lời chúng những câu thật chua cay. Qua những mẩu chuyện chị kể, tôi rất phục chị, chị quả thật là người đàn bà can đảm, giỏi giang. Chị lo cho anh từng li từng tí, hèn gì anh cứ tâm sự với tôi anh không thể sống thiếu chị và cứ lo sợ chị sẽ ra đi trước anh. Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật, chị đã bỏ anh đi thật rồi.Chị mất ngày 27 tháng 12 năm 2018. 

Chị ra đi quá bất ngờ. Ngày Lễ Noel Kiều Giang về thăm bố mẹ, chị theo Kiều Giang đi mua sắm, đi chơi, chị rất khỏe và còn đòi đi uốn tóc, sửa soạn cho đẹp để ăn Tết. Đi cả ngày Kiều Giang sợ mẹ mệt, nói mẹ đi nằm nghỉ. Chị vào phòng nằm một lát rồi lại ra phòng khách ngồi nói chuyện. Đang nói chuyện chị than mệt, ngồi ngả đầu ra phía sau, nhịp tim hơi yếu. Đưa chị vào nhà thương, BS nói nhịp tim quá yếu, BS cố gắng cứu chữa nhưng không được. Chị đã trốn anh ra đi thật nhanh chóng, nhẹ nhàng. 

Hôm đến viếng chị ở nhà quàn, nhìn anh ngồi trên xe lăn, khuôn mặt thất thần tôi không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay anh chia buồn, hai anh em cùng khóc. Tôi biết anh đau buồn lắm, tôi rất lo, từ nay không có chị , không biết anh sẽ ra sao. 

Nhớ Tết năm ngoái đến thăm anh chị, trên đường lái xe về, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh thật hạnh phúc. Căn phòng khách nhỏ ấm cúng với những bông cúc đại đóa vàng tươi, chiếc bánh chưng dán chữ mầu đỏ thắm phía ngoài, chờ đợi được bóc cho bữa cơm ngày Tết. Hộp mứt sen Bảo Hiên Rồng vàng trông thật hấp dẫn. Hai mái đầu bạc kề cận ngồi nhâm nhi mứt sen bên tách trà thơm bốc khói. Tết năm nay anh một mình một bóng, ai pha trà ngồi đối ẩm với anh đây? 


Anh Hoàng Hải Thủy ơi, em nói vậy thôi chứ anh đừng nghĩ mình cô đơn và buồn nhé. Em biết lúc nào hồn chị cũng quanh quẩn bên anh. Chị chỉ tạm biệt anh đi trước thôi mà, chị sẽ chờ ngày tái ngộ với anh vì làm sao chị quên được lời anh dặn dò: “Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai. Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe em.” 

Từ ngày chị ra đi,anh sống âm thầm như một cái bóng.Lần nào tôi đến thăm, anh cũng chỉ nói một câu “anh chỉ muốn chết’.Tôi không ngờ tinh thần anh lại yếu như vậy, hình như chị đã mang tất cả sức sống của anh đi theo chị rồi. Hình ảnh một anh Hoàng Hải Thuỷ tươi cười, mắt sáng long lanh ngồi ngắm chị nói chuyện thao thao bất tuyệt với tôi một cách sung sướng, thỉnh thoảng anh mới chen vào một câu để phụ hoạ cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn của chị hoặc chọc phá chị để anh em tôi có cớ cười vui thoải mái. 

Nhớ lần tôi đến thăm anh chị năm 2017, mang giấy mời Ra mắt Tác phẩm HOA TƯƠNG TƯ của tôi, anh cầm tờ thiệp mời trong tay nhìn tôi nói ‘lâu rồi anh chị không đi tiệc tùng, họp mặt gì nữa.Chân chị yếu lắm không ngồi lâu được, mà anh không muốn đi một mình. Cô thông cảm nhé “ Tôi đang định trả lời:Dạ, em hiểu, thì chị đã cao giọng ra lệnh: Anh phải đi chứ, không đi cô Thuỷ buồn .Rồi chị quay sang tôi: “ lâu lắm rồi anh không đi đâu nữa hết, anh chị ở ẩn rồi cô ơi, nhưng ra mắt sách của cô thì chắc chắn anh sẽ đi, cô yên tâm nhé”. Anh ngồi im re, hình như chị là ‘phát ngôn viên ‘của anh.Thấy anh không nói gì, tôi cũng không hy vọng là anh sẽ có mặt trong buổi RMS của tôi, vì thường các ông không cãi lại lời của các bà vợ, vì nể hay vì biết cãi cũng thua. Các ông mặc kệ vợ nói gì tha hồ, nhưng rồi đường ta ta cứ đi, giống như ông chồng của tôi vậy. Nhưng anh Hoàng Hải Thuỷ thì khác, “ Vợ muốn là Trời muốn”.Ngày RMS của tôi, anh xuất hiện cùng anh Đào Trường Phúc, trông anh vẫn chải chuốt, hào hoa phong nhã như thuở nào. Không những chỉ anh đến tham dự, mà chị còn làm cho tôi bao nhiêu là chả dò thật ngon và một hũ đồ chua to tổ bố để đãi khách. 

Tình cảm anh chị dành cho tôi tràn đầy, ấm áp… như chiếc áo len tôi đang mặc do chính tay chị đan cho tôi. Chị rất khéo tay, cơm nước, may vá thêu thùa đều giỏi, lại là người rất tình cảm, chu đáo và yêu anh vô cùng. Chị đúng là người vợ toàn hảo, hỏi sao anh không thể nào nguôi nỗi nhớ, niềm đau? 

Tin anh ra đi thật bất ngờ với mọi người, riêng tôi đã linh cảm từ những ngày đầu có dịch cô vít. 

Anh sống rất khép kín, ít chịu giao tiếp với thế giới bên ngoài .Con cái ở xa hết.Người thân mà anh chấp nhận liên lạc đếm trên đầu ngón tay Cuộc sống anh từ ngày chị ra đi đã rất cô đơn. Bây giờ với nạn dịch bệnh, còn ai thăm viếng ? anh lại càng cô đơn và buồn hơn nữa. Ý nghĩ “chỉ muốn chết” vẫn nằm trong tâm khảm anh từ lâu, chắc lại còn mãnh liệt hơn nhiều. 

Anh ra đi, để lại đau buồn cho những người thân ở lại, nhưng với riêng anh, tôi biết là một ước muốn khôn nguôi. Anh đã đến được nơi anh hằng mong đợi, xum họp với nàng ALICE, người yêu muôn thuở của anh. 

Hồng Thuỷ