Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Đà Nẵng Cảnh Dị Thường



Nhắc lại năm nào thêm vấn vương!
Ghé thăm thắng cảnh tợ Thiên Đường 
Đây chùa Non Nước ươm huyền diệu 
Kia Ngũ Hành Sơn phủ dị thường 
Núi Chúa uy nghi tăng vẻ đẹp 
Cầu Tình thắm đượm dậy yêu đương 
Núi Sơn Trà đó sao hùng vĩ!
Đà Nẵng tuyệt vời! Ôi! Nhớ thương 

Lâm Hoài Vũ

  



Mẹ Mãi Là Tổ Ấm




Minh lo nộp đơn xin job dù còn vài tháng nữa mới tốt nghiệp đại học. Hôm qua mẹ Minh đã góp ý:
- Con xin việc nơi nào gần nhà mình, không ngoài tiểu bang, không ngoài thành phố là được.
Minh bực mình kêu lên:
- Mẹ ơi, sao mẹ “khoanh vùng” hạn chế con vậy? Hồi con vào đại học mẹ bắt con không được chọn trường xa con đã chiều mẹ rồi. Nay con ra trường, mình cần job chứ job đâu cần mình, con phải nộp đơn xin nhiều nơi mới có cơ hội tìm được việc làm tốt. Nếu mẹ không thích đi xa thì cứ ở lại đây, con sẽ thỉnh thoảng về thăm mẹ.

Vừa nghe xong mẹ đã sụt sùi kể lể:
- Con nói thế là muốn bỏ mẹ hả. Nhà có hai mẹ con, con đi đâu mẹ theo đó như ngày xưa con từng nói mẹ con mình không thể xa nhau, mẹ luôn là tổ ấm của đời con. Mẹ đã quen đi lại trong thành phố này và quan trọng là mẹ đang có công việc tốt đẹp tại tiệm may Lily.
Minh cũng mủi lòng thương mẹ chẳng biết tính sao. Từ bé đến giờ Minh đã từng mong muốn thế. Đâu ngờ điều này cũng thật phiền phức. Hay là ông trời đang …quả báo chàng?

Mẹ Minh khéo tay may vá giỏi, qua Mỹ bà xin làm trong tiệm sửa quần áo của người Việt Nam, bà thay đổi vài tiệm, khi thì chủ khó tính khi thì tiệm khá xa nhà bà đi làm thấy oải, đúng lúc này thì một bà Mỹ, khách hàng sửa đồ quen thuộc của bà giới thiệu bà đến tiệm may sửa quần áo “Lily” của người Mỹ, địa chỉ tiệm rất gần nhà là mẹ thích rồi, qua ba tháng thử việc người chủ nhận thấy sự làm việc tận tụy và khả năng tay nghề của bà nên đã nhận bà vào làm chính thức, trả lương hậu, benefit đầy đủ, ngày làm 8 tiếng rõ ràng không như tiệm Việt Nam có khi hết giờ chủ cần bà vẫn phải ở lại làm cho xong việc để giao cho khách mà chẳng được trả thêm đồng nào. Chủ tiệm Lily cần người thợ như bà và qúy mến bà lắm, bà cũng mến chủ. Quen chỗ quen việc, bà muốn làm việc ở đây cho tới khi về hưu hay lúc mắt mờ tay run không cầm nổi cây kim sợi chỉ mới thôi.

Minh đang hào hứng với kế hoạch ra trường có công việc vừa ý rồi sẽ tính tới chuyện kết hôn với người yêu Scarlett. Đi bất cứ nơi đâu, mỗi tiểu bang hay thành phố lạ đều cho Minh những cảm giác tò mò thích thú. Minh sẽ làm quen nơi ấy, sẽ làm việc và xây dựng tương lai. Đối với chàng điều quan trọng là có job chứ không phải gần nhà hay bám mãi vào một thành phố như mẹ chàng. Bà không muốn thay đổi nơi chốn, không muốn phải học từng con đường con phố và xin việc làm lại từ đầu.

Điều Minh lo ngại nữa là Scarlett là người Mỹ mà mẹ chàng mấy lần đã tuyên bố để nhắn nhủ “cảnh báo” trước với chàng:
- Mẹ làm nghề sửa quần áo giao tiếp với hầu hết khách là người Mỹ, mẹ đã gặp nhiều người Mỹ tử tế rộng lượng cho tiền tip hậu hỉ còn hơn tiền công và nhất là chị chủ tiệm người Mỹ rất thân thiện dễ thương. Tóm lại mẹ quý mến người Mỹ lắm nhưng sau này mẹ …không muốn con dâu mẹ là người Mỹ, phải là người Việt Nam.
Bởi thế Minh chưa dám hé môi cho mẹ biết về Scarlett chứ đừng nói tới chuyện đưa nàng về ra mắt mẹ. Thế là cả hai việc trọng đại của cuộc đời Minh phải qua vòng duyệt xét vô lý của mẹ.

Cách đây vài năm mẹ con Minh ở trong khu chung cư rẻ tiền nhưng là tổ ấm của hai mẹ con kể từ khi cha Minh qua đời. Mẹ đi làm may sửa quần áo nuôi Minh ăn học. Thỉnh thoảng khi thì máy lạnh khi thì vòi nước khi bóng đèn hư thế là chú Hưng lại đến sửa. Chú Hưng làm việc fulltime chuyên sửa chữa điện lạnh, ngoài ra chú còn biết thêm về điện nước nên được chủ trọng dụng, chú được cấp một căn phòng trong chung cư nên bất kể ngày đêm chung cư luôn có sẵn thợ, mỗi lần đến chú Hưng chuyện trò vài câu với mẹ thành quen, chú Hưng hay cho Minh quà, đáp lại mẹ mời chú bữa cơm khi tình cờ chú có mặt.

Cứ như thế thì Minh quý mến chú Hưng biết bao. Nhưng một hôm Minh đi học về sớm bắt gặp chú Hưng đang nắm tay mẹ âu yếm tỏ tình thế là Minh nổi giận phản ứng dữ dội đuổi chú Hưng ra khỏi nhà mặc cho hai người đã thay phiên nhau giải thích họ yêu nhau và muốn chính thức thành vợ chồng cùng lo cho Minh tiếp tục học hành.
Minh đe dọa chú Hưng nếu không tránh xa mẹ, Minh sẽ “thanh toán” chú về tội dụ dỗ bà mẹ độc thân, chia rẽ tình mẹ con.
Minh đe dọa mẹ, sẽ bỏ học, bỏ nhà đi hoang cho mẹ được tự do thảnh thơi ở với người ta.
Bà sợ quá đã năn nỉ con và thề hứa với con sẽ dứt khoát quên chú Hưng. Để chứng minh điều đó bà đã chuyển nhà đi thuê ở chung cư khác và cắt đứt liên lạc với chú Hưng. Năm đó mẹ 45 tuổi và Minh 17 tuổi.

Bây giờ Minh mới biết mình đã ích kỷ, đã quá đáng, mẹ còn trẻ, mẹ cũng cần có cuộc đời riêng của mẹ. Chàng tiếc rẻ và ân hận, giá ngày ấy Minh đừng cấm cản, để mẹ tái giá với chú Hưng thì ngày nay mẹ có chú Hưng bên cạnh thương yêu và chăm sóc đỡ đần, cuộc đời đỡ cô đơn và mẹ sẽ tự tin hơn, bao dung hơn. Mẹ không cần bám theo Minh từng bước trong cuộc sống nữa và Minh cũng yên tâm sống cuộc đời riêng của mình.
Minh chợt lóe lên một ý tưởng sẽ đến tìm chú Hưng. Chàng cầu mong chú vẫn chưa lấy ai, còn kịp cho chàng giúp mẹ nối lại chuyện tình dang dở, hay ít ra chú cho mẹ chàng những lời khuyên vì mẹ từng quý mến chú Hưng, tin cậy và nghe lời chú lắm.

Trở về căn chung cư cũ với hi vọng mong manh Minh vừa mừng vừa cảm động nhớ lại bao kỷ niệm nơi đây. Chàng vào office hỏi thăm về chú Hưng thợ bảo trì của chung cư. May quá chú vẫn còn làm việc ở đây.
Chú giống mẹ có năng khiếu nghề nghiệp, tận tụy với nghề và làm việc nơi nào vừa ý thì ở lại dài lâu, có lẽ vì thế mà họ hợp nhau, yêu nhau. Biết đâu tình yêu của chú dành cho mẹ cũng chung thủy dài lâu như thế, chú vẫn yêu thương mẹ như mẹ vẫn yêu thương chú.
Minh hồi hộp ngồi đợi. Khi vừa thấy Minh với vẻ mặt căng thẳng chú Hưng lo ngại:
- Chú không còn liên lạc với mẹ cháu từ lâu rồi, cháu đừng tìm chú làm bậy à nhe.
Minh phải cười cười cho chú an tâm:
- Cháu ghé hỏi thăm chú giờ này sống ra sao thôi mà.
Chú Hưng vẫn dè dặt:
- Bình thường…
- Ý cháu muốn hỏi chú lập gia đình nữa chưa?

Bây giờ chú Hưng mới thực sự yên tâm, chú tâm sự:
- Chú chưa yêu được người phụ nữ nào như đã yêu mẹ cháu. Thà ở vậy còn hơn lấy đại cháu à, đời chú đã một lần gãy đổ nên chú sợ lắm.
Minh cũng tâm sự với chú Hưng, chàng xin lỗi chú Hưng và mong muốn hai người nên nối lại tình xưa.
***
Chiều thứ bảy Minh nhờ mẹ làm một bữa cơm để đãi hai người bạn. Bà tưởng là hai đứa bạn thân của Minh thỉnh thoảng có đến chơi nhà. Bà đã vui vẻ làm vài món ăn thật ngon.
Khi tiếng chuông cửa reo Minh biết ngay là người khách thứ nhất: chú Hưng, chàng đã rút lui vào trong phòng. Người ra mở cửa là mẹ chàng.
Vừa thấy người xưa bà ngạc nhiên và hoảng hốt kêu lên :
- Trời ơi…sao anh đến đây…Tôi đã thề với con và cấm anh không được tìm tôi mà.
- Hãy nghe anh nói….
Mẹ Minh vẫn hơ hãi khăng khăng gạt đi:
- Anh khỏi cần nói, ra khỏi nhà tôi ngay nếu không muốn đổ máu. Thằng Minh nó đang ở nhà đó. Tôi van anh, tôi xin anh…
- Anh nhớ em quá …hơn 5 năm trời anh mới gặp lại em..
Giọng bà nghẹn lại:
- Chính xác cho đến ngày hôm nay là 5 năm 2 tháng và 13 ngày. Nhưng tôi vẫn phải …mời anh ra khỏi nhà..
Minh xuất hiện, reo lên trêu chọc mẹ:
- Mẹ ơi…một là mẹ có trí nhớ tuyệt vời, hai là mẹ vẫn thương yêu chú, đếm từng ngày xa cách chú. Chính con tìm chú và mang chú trả về cho mẹ. Con xin lỗi đã làm mất đi mấy năm trời tươi đẹp của hai người.

Nói xong Minh đi vào trong phòng cho hai người cùng mừng vui tái ngộ. Lát sau lại có tiếng chuông cửa reo, mẹ Minh lại là người ra mở cửa, thấy một cô gái Mỹ bà hết sức ngỡ ngàng, hoang mang và lẩm bẩm:
- Không lẽ cô này là khách hàng sửa quần áo ở tiệm Lily, hôm nay tiệm đóng cửa cô ta tìm đến tận nhà mình phàn nàn mắng vốn? Mà sao cô ta biết địa chỉ nhà mình nhỉ?
Trong nghề nghiệp may sửa quần áo là làm dâu trăm họ, dù khéo léo đến đâu cũng không thể vừa lòng hết mọi người mọi lúc, bà đã vài lần bị khách bắt đền phải sửa đi sửa lại, thậm chí có người hối hả đòi lấy ngay, lấy gấp. Bà luống cuống:
- What is… your name??
Cô gái Mỹ còn đang ngẩn ngơ bà lịch sự hỏi thêm:
- Tell me what’s wrong with your clothes. I will fix ít …
Minh lại từ trong phòng đi ra, chàng vui vẻ chỉ cô gái và giới thiệu:
- Mẹ ơi, không phải khách hàng sửa quần áo của mẹ đâu. Đây là Scarlett bạn học cùng với con và cũng là ….người yêu của con.
- Ủa cô gái này là…là…là bạn gái con hả? Vậy mà làm mẹ hết hồn..
Scarlett cúi đầu chào lễ phép như một cô gái Việt Nam dù tiếng Việt của cô còn ngọng nghịu líu ríu:
- Con ….kính.. chào….bác…ạ…

Bà có chút cảm động khi thấy cô gái xinh đẹp người Mỹ nói tiếng Việt lúng túng.. Minh tiếp tục lấy cảm tình của mẹ:
- Vâng Scarlett là bạn gái của con, cô ấy đang học tiếng Việt và học nấu nướng các món ăn Việt để hòa đồng trước là với nhà mình sau là với cộng đồng Việt đó mẹ.
Mẹ Minh mỉm cười nhìn Scarlett:
- Sit down. Please…À quên…cháu hiểu tiếng Việt mà. Mời cháu ngồi.
Rồi bà trách yêu Minh:
- Con mời hai người khách làm mẹ thật bất ngờ.
Cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn vui vẻ. Minh đã chuộc lỗi với mẹ và chú Hưng. Chàng đã hiểu tình yêu của chú Hưng dành cho mẹ và tình yêu của mẹ vẫn y nguyên cho chú Hưng kể từ ngày bị chàng phân ly.
Tương lai đang ở phía trước. Minh tin rằng chàng và chú Hưng sẽ giúp mẹ hiểu, chấp nhận Scarlett là con dâu tương lai, cô ấy sẽ là nàng dâu ngoan hiền như cô gái Việt trong ước mơ của mẹ và nhất là Minh sẽ có thể nộp đơn xin việc bất cứ nơi đâu.
Chàng sẽ là con chim tung cánh vào cuộc đời và mẹ mãi mãi vẫn là tổ ấm yêu thương.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( March,22,2023)

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Một Thời Để Nhớ

 

Có phải là em của thuở nào
Yêu màu đất đỏ nắng trên cao
Yêu mây yêu gió khung trời rộng
Yêu bóng đêm về lặng đếm sao

Có phải là em của bấy lâu
Dang tay ôm cả ánh tinh cầu
Rung rung nhịp cánh lồng con chữ
Tính ý mang mang đượm khúc sầu

Trả kiếp trai hùng em của tôi
Cánh bằng lướt gió khuất lưng đồi
Tôi ơi níu áo thời gian lại
Trần thế đêm này sao đổi ngôi

Kim Phượng
11.8.2023
Nhớ về Hiệp, 7 năm chị em mình xa cách.

Nén Tâm Nhang

 

Mới đó 7 năm thoáng vụt qua
Nhớ thương nắng cũ nhớ quê nhà
Cánh chim lướt gió quay về chốn.
Hay vẫn tung trời giấc mộng xa

Bình an cảnh mới cõi Thiên Đàng
Hạnh phúc xum vầy lánh thế gian
Ba Má cùng anh vui hạnh ngộ
Giỗ này tưởng nhớ nén tâm nhang!

Kim Oanh
Tưởng nhớ anh Bảy Hiệp
Melb.11.8.2023

Gọi Hồn Đêm

  

Tưởng là trăng còn đợi
Trên bờ sông đêm qua
Hoá ra người đi vội
Trăng cũng trôi ra xa

Bờ sông buồn từ sớm
Sương ấp ủ mặt trời
Người đi khi gió lớn
Sóng nổi ngoài trùng khơi

Trong cơn mơ dồn dập
Anh thầm thì bên em
Ôi chan hoà nước mắt
Bình minh gọi hồn đêm

Trái tim thơ ...sắp rụng
Bỏ rơi cành nhân sinh
Suốt đời em ca tụng
Anh trong cuộc tình mình ...


Cao Mỵ Nhân

Rượu Chiều

 

Rượu Chiều

Rượu chiều chưa ngấm đã say
đã hai con mắt phương đoài đăm đăm 
Người đi chẳng một vọng âm
chỉ nghe quạnh một tiếng thầm trong tôi 

Cao Vị Khanh
***
Cảm Tác:

Rượu Chiều

Cụng Ly 1


Ở đây dư một chỗ ngồi
thừa con mắt nhớ, thừa lời tri âm
nhớ người tôi chuốc rượu thầm
nghe men rượu đắng từ trăm năm nào

Trần Bang Thạch
***
Rượu Chiều

Cụng Ly 2

Chiều nghiêng theo chút rượu này
Hơi men đã thấm những ngày tháng xưa
Người đi lá chợt thay mùa
Sao nghe trong tiếng tình xa ngậm ngùi

Người đi mang cả hồn tôi...

Nguyễn Vĩnh Long

Mấy Cõi Vô Cùng

 

Cuối tháng 6 –2023, phim “The Making of the Universe” đã hoàn tất.

Nhân dịp này, xin gửi bạn đọc toàn bộ 9 cuốn phim của Bri-Mountain Films.

Thứ tự không sắp xếp theo thời gian thực hiện, ngày hoàn tất, mà dựa trên những kiến thức cần có trước hay sau để góp thành hành trang giúp bạn dễ tìm thấy lộ trình thám hiểm không gian, tiến sâu vào hai cõi vô cùng: vô cùng lớn cũng như vô cùng nhỏ.

1. THE BIG QUESTION about the Universe’s Structure


Câu hỏi thật lớn, thật mới, chỉ nảy ra khi trong túi ta có điện thoại di động.

Khắp mặt địa cầu, toàn thể nhân loại, ai cũng ngụp lặn trong biển sóng. Suốt ngày đêm, lúc thức như lúc ngủ! Miên man bất tận. Chỉ những người sống nơi hoang dã, xa thế giới văn minh, ngoài tầm với của khoa học, chưa bị “phủ sóng” thì mới bớt được một mớ sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại. Bớt một mớ thôi. Không bao nhiêu. Vẫn bị điệp điệp trùng trùng sóng từ trời bao phủ. Vô lượng sóng! Chi chít, đặc kín không gian!

Cảnh tượng không thấy bằng mắt, chỉ bằng nhận thức, gây choáng ngợp, bàng hoàng, và kích động dữ dội trí tò mò, làm tức khắc bật ra, vang dội, câu hỏi chưa từng gặp trong đời:

“Vùng không gian bao quanh ta, quanh mặt địa cầu, được kiến trúc như thế nào để cho phép vô lượng sóng cùng lan tỏa bên nhau, chằng chịt, chi chít, mà không hề bị trộn lẫn, vướng mắc, rối mù? Cứ đường ai nấy đi, rất thênh thang?”

Câu hỏi khó thì phần thưởng lớn. Trả lời, giải đáp đúng là ý thức được cấu trúc kỳ diệu, tinh vi đến rợn người của Vũ Trụ. Nó có sẵn một hệ thống giao thông để vô lượng phân tử, vi phân tử có thể cùng di chuyển tự do, an toàn xuôi ngược bên nhau, và tất cả cùng di động với tốc độ ánh sáng.

2. DARK MATTER: Finding the Most Elusive Matter of the Universe


Hệ thống giao thông kỳ diệu trong không gian – nền tảng cấu trúc của Vũ Trụ – nằm gọn trong một giọt chất đen (dark matter). Nhưng nhân loại chưa có hân hạnh thấy chất đặc biệt này.

Trong những lò thí nghiệm tối tân nằm sâu trong lòng đất, các khoa học gia làm giàn “hứng” chất đen – thực ra là hứng những phân tử nguyên thủy, được coi là những phân tử nhỏ nhất trong trời đất, là đơn vị nền tảng của Vũ Trụ – đang từ không gian phóng xuống.

Hứng như thế suốt hơn ba thập niên, vẫn xôi hỏng bỏng không. Nhiều vị nản lòng, muốn bó giáp quy hàng.

Cần dùng một phương thức truy lùng, điều tra mới.

Chất đen khó thấy, khó bắt, nhưng dấu vết bằng cớ về sự hiện hữu của nó thì nhiều, tràn ngập khắp Vũ Trụ. Dựa trên những dấu vết thấy được mà suy ra “dung nhan” của nó. Nhờ phương pháp mới này ta có thể vẽ được cấu trúc của một giọt chất đen nhỏ bằng giọt sương mai. Đó chính là cái kiến trúc kỳ diệu cho phép vô lượng phân tử, vi phân tử có thể cùng di chuyển tự do, an toàn xuôi ngược bên nhau. Tất cả cùng di động với tốc độ ánh sáng.

Và câu hỏi lớn được trả lời.

3. LIGHTNING SPEED: How Light Moves towards Every Direction at All Times


Hệ thống giao thông kỳ diệu trong từng giọt chất đen – cấu trúc căn bản của Vũ Trụ – cho phép vô lượng vi phân tử, sóng radio, sóng ánh sáng di chuyển an toàn, xuôi ngược tự do… nhưng chúng – thí dụ như photon của ánh sáng – di chuyển như thế nào, bằng cách nào để có thể lan tỏa cùng lúc về mọi hướng?

Để trả lời câu hỏi này phải nghiên cứu thêm về cách lan tỏa đặc biệt theo dạng sóng hình cầu của những phân tử ánh sáng photon.

4. NEW LAWS OF MOTION and What Causes Thing to Move in the Universe


Sau khi nghiên cứu về những di động cực nhanh, cần trở lại tìm hiểu một chuyện căn bản: giây phút khởi hành. Cái gì? Nguyên nhân nào khởi động một sự di chuyển?

Phim trình bày, phân tích về những khám phá, những luật chi phối sự chuyển động hiện có và đóng góp thêm những luật mới rất cần thiết cho những công trình nghiên cứu trong tương lai.

5. MOTION IN CHAIN OR CHAIN MOVEMENT


“Chuyển động dây chuyền” ít được chú ý, không được dành cho những công trình nghiên cứu quan trọng, nhưng lại mang những đặc tính độc đáo, cá biệt, đóng góp vào sự hình thành những hiện tượng lạ lùng nhiều khi có vẻ huyền hoặc trong Vũ Trụ. Nó giúp phân tử ánh sáng, phân tử radio và vô lượng phân tử, vi phân tử trong trời đất di chuyển cực nhanh, nhiều khi có vẻ như tới mục tiêu tức khắc.

Phim nêu rõ thành tích của “chuyển động dây chuyền”, ghi nhận những đóng góp quan trọng của nó vào sự vận hành của Vũ Trụ, xác định vị trí đặc biệt, không thể thiếu của nó trong ngành vật lý học.

6. E = mc² THE MYTH AND THE TRUE MEANING


Phương trình lừng lẫy của Einstein này hầu như ai cũng biết, nhưng lại ít người hiểu. Không hiểu, hiểu nhầm dễ đưa đến những lời giải huyền hoặc, phi lý, phi vật lý.

Phim phá bỏ những huyền thoại, nêu rõ ý nghĩa thực của phương trình. Nó không là phương trình để tính năng lượng mà là công thức nêu ra tiến trình chuyển hóa vật chất thành năng lượng.

Phim cũng nêu ra đóng góp rất quan trọng cho vật lý của phương trình: Nó giải đáp một câu hỏi lớn khác về sự vận hành của photon, về sóng ánh sáng.

Ánh sáng lan tỏa cùng lúc về mọi hướng, lan tỏa cực nhanh – nhanh nhất trong trời đất – chuyện ấy ta biết rồi. Nhưng nhờ cái gì, sức tác động nào mà nó vừa khởi hành đã tức khắc đạt tốc độ ánh sáng? Phim phân tích rõ câu trả lời tiềm ẩn trong E= mc².

7. EINSTEIN’S DEFINITION OF GRAVITY NEEDS PHYSICAL FOUNDATION


Einstein lập được thuyết hay và đúng về Hấp Lực, nhưng lại đưa ra một định nghĩa cầu kỳ, khó hiểu, hoàn toàn phi vật lý.

Phim dựa trên một thí nghiệm khi lập thuyết “Bàn chân giẫm trên trampoline” để bổ túc, sửa chữa và hoàn chỉnh thuyết bằng cách thiết lập cho nó một nền tảng vật lý vững chắc.

8. SPECIAL RELATIVITY THEORY: An Adorable Mistake of Einstein


Chuyện sai đúng của Einstein trong thuyết Tương Đối Đặc Biệt là vấn đề lớn nhất, được tranh luận nhiều nhất hơn trăm năm nay. Nhưng tìm giá trị đích thực của thuyết không phải là chuyện quá khó khăn.

Quan sát là cảm nhận ngoại vật bằng thị giác. Có những luật thiên nhiên chi phối và hạn chế khả năng của thị giác. Thấy một vật là chỉ thấy hình ảnh, ảnh ảo của vật đó. Khoảng cách, góc nhìn, độ phản quang, tốc độ của vật có thể biến dạng hình ảnh cuối cùng của nó đến mắt ta.

Lập thuyết Tương Đối Rộng, dựa trên hình ảnh quan sát được để tính toán, suy diễn ra sự thực (kích thước, biến cố, tốc độ v.v…) ở địa phương có mục tiêu quan sát thì tuyệt đối đúng. Kết quả luôn luôn chính xác.

Nhưng tiến xa hơn, lập thuyết Tương Đối Đặc Biệt – Tương Đối Hẹp – dẫn tới kết luận “Vận tốc con tàu biến đổi vận tốc của thời gian” thì nguy cơ bị sai lầm rất lớn.

Phim đề cập đến những luật chi phối thị giác căn bản bị Einstein bỏ quên hoặc không tôn trọng dẫn tới hậu quả tai hại: người quan sát KHÔNG THỂ THẤY những hình ảnh, biến cố, dữ kiện mà Einstein TƯỞNG LẦM là anh ta đã thấy.

Lập thuyết trên những yếu tố ảo, sản phẩm của một thí nghiệm tưởng tượng đầy khiếm khuyết thì thuyết phải sụp đổ.

9. THE MAKING OF THE UNIVERSE


Ngoài phần phân tích tiến trình hình thành của Vũ Trụ, phim gợi cảm hứng cho nỗ lực tìm năng lượng sạch và phong phú từ Chất Đen, một chất, khi ở dạng nguyên thủy, thì cực kỳ khó thấy, khó tìm, nhưng chứa đựng nguồn năng lượng vô tận và có sức chuyển vần cả Vũ Trụ.

***
Chín cuốn phim ngắn, thời lượng trên dưới 10 phút, chỉ thể hiện một phần nhỏ kết quả công trình nghiên cứu suốt hơn một thập niên. Muốn trình bày hết những cái đã thấy, đã tìm được, cần nhiều bộ nữa.

Nhưng việc làm phim, dù vui và đôi khi hào hứng, không hợp với tuổi già. Vừa tốn kém vừa phung phí thì giờ quá mức. Tiền bạc là chuyện nhỏ, nhưng thời gian không thể coi thường. Nhất là thứ thời gian gắn chặt trên một thân thể đã bị dùng quá tải hơn 80 năm.

Đành thay đổi chiến thuật, chiến lược. Tạm dừng binh ở đây, chờ quân tiếp viện.

Trong khi chờ đợi, sẽ trở lại bàn viết, hoàn tất tác phẩm cuối cùng:

“RONG CHƠI MẤY CÕI VÔ CÙNG”

(Tìm thấy cấu trúc và sự vận hành của Vũ Trụ khi thơ thẩn trong vườn sau)

Những độc giả lười biếng thấy nhan đề, tiểu đề sách như thế chắc mê ngay. Không cần lò thí nghiệm vĩ đại, viễn vọng kính khổng lồ, chỉ cần một mảnh vườn sau?...

Thực thế bạn ạ. Tôi không khoác lác, mánh mung để dụ khị bạn mua sách đâu. Bản thân đã kinh qua nhiều lần “nghiên cứu” theo phương cách vô cùng nhàn nhã như thế.

Trong vườn sau, nơi công viên, trên đường dạo quanh hồ rợp bóng cây, bạn giữ thần trí trong veo, xua hết đi đám bụi trần lấm bê bết chuyện nhân gian.

Chính trong sự tịch mịch tuyệt đối của trí óc rỗng không, bạn sẽ cảm nhận được nhịp vận hành, những biến thái đang vần vũ hình thành trong khắp cõi mênh mông, những chuyển hóa, di động miên man muôn triệu năm dài trên thăm thẳm trời cao.

Sẽ nghe được mạch sống tươi non, rào rạt, tưng bừng của vô lượng phân tử trong lòng cây cỏ, lá hoa.

Lê Tất Điều
(10 tháng 7/ 2023)

Đôi Ngã Âm Dương

 

(Kính dâng Hương Linh Mẹ kính yêu)

Lạnh lùng sương trắng phủ không gian 
Hè đến mà sao nắng úa vàng 
Hương khói ngậm ngùi mờ di ảnh 
Tiếng lòng thổn thức khúc ly tan 

Gió cuốn hồn con tìm lối về 
Nghìn trùng xa cách bóng sơn khê 
Mẹ đi ngày ấy mùa hoa phượng 
Thánh thót chuông ngân thật não nề 

Đã mấy hè rồi lặng lẽ trôi 
Nụ cười như tắt lịm trên môi 
Bềnh bồng nỗi nhớ khung trời ngọc 
Giấc mộng tương phùng đã vỡ đôi 

Biết đến bao giờ về cố hương!
Bao giờ từ giã kiếp ly hương?
Mẹ ơi! Tha thứ vì con đã 
Lưu lạc phương trỏi theo gió sương…

Lâm Hoài Vũ

5/2012
(Trích thi tập Lưu Vong Trường Khúc)


Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

Quỳnh Hoa

 

Trong lắng sâu đêm mơ bắt bóng
Đoá trắng ngời rực rỡ vườn khuya
Uống mật ngọt hoa chóng chia lìa
Bỗng chợ tỉnh trở về thực tại.
Hương ân ái giữ lòng yêu mãi!
Chốn tuyền đài say đắm Quỳnh Hoa!


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh

Happy Birthday Khỉ Già Dalat



Bài Xướng:

Happy Birthday KG Dalat
 
Tám ba sinh nhật tuổi già 
 Món ngon răng rụng thật là khổ thay 
 Bệnh già hành hạ đêm ngày 
 Mưa buồn đêm lạnh kiếp này nhớ nhau…!!! 
 Thân mang bao cảnh sầu đau 
 Nghiệp duyên còn nợ nỗi sầu ai hay….

KG Dalat 
Aug -9-2023 Clovis CA
***
Các Bài Họa:

Chia Sẻ

Giật mình ngoảnh lại thấy già 
 Tám Mươi Ba tuổi thiệt là buồn thay 
 Cuối đời gần hết tháng ngày 
 Cũng may tình nghĩa giờ này còn nhau
Mặc cho kiếp sống thương đau
Cùng nhau chia sớt nỗi sầu mới hay./.

Toronto 9/8/2023
Nguyên Trần
***
Chúc Mừng Sinh Nhật 83

Tám Ba ai bảo là già
Mừng thêm tuổi mới ấy là vui thay
Cùng bạn thơ thẩn ngày ngày
Sinh Nhật thượng thọ lời này nghĩ nhau
Chúc cho vơi hết khổ đau
Gia đình hạnh phúc vượt sầu ... Tuyệt hay!

Kim Oanh
Melbourne 10/8/2023

Ta Còn Gì Với



Ta còn gì với tháng năm
Còn tay đã mỏi còn lòng đã hao
Quanh đây những vẫy tay chào
Đêm nằm nghiêng lại phía nào cũng đau!

Thì thôi mây đã qua cầu
Trôi theo con nước ngả màu trăm năm
Có người ngồi tựa nhánh sông
Chờ mùa trăng cũ một dòng tâm hư

Theo nhau cuối những giã từ
Về đây bóng núi hồ như rất gần
Thấy gì giữa cõi trầm luân
Thấy thương yêu cũng mộ phần biển dâu

Ta còn gì với niềm đau
Còn hương phấn cũ nếp nhàu áo xưa
Còn môi trong những chiều mưa
Về đây hứng giọt sầu lưa thưa ngày

Nhớ người tay chụm bàn tay
Nhốt trong khoảnh khắc gió đầy hôm qua
Dáng ai khuất nẻo quê nhà
Ta còn gì với chiều xa xứ buồn...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

Chắc Anh Không Hề Biết



 
( Ảnh:Quách Như Nguyệt )

Chắc anh không tin đâu
Nếu em nói anh là mối tình đầu
Yêu là gì?
Còn nhỏ quá, làm sao mà em biết?
Mười ba tuổi, tuổi đời ngây thơ quá!
Nếu có yêu, tình thơ dại thôi mà

Chắc anh không biết đâu,
mỗi khi mình gặp mặt…
Tim em đập
Rộn rã thêm một tí
Tí tị thôi
Đủ có chất yêu rồi!
Má em hồng. hồng thêm lên một tị
Môi đỏ, má hồng... Em, cô bé ngày xưa

Chắc anh chả để ý đâu
Mỗi khi anh nhìn em,
Anh, anh ơi…
Hơi e thẹn, thẹn thùng
Nhưng ngoài mặt chẳng lộ nét ngại ngùng
Nên, làm sao mà anh biết?

Mỗi khi anh đàn
Mỗi khi anh hát…
cho em nghe
Ôi! Tím lịm tâm hồn!
Lao chao, tình mênh mông!

Anh chẳng biết đâu nhỉ
Chắc anh không hề biết
Rằng… em thương anh thật nhiều!
Em mơ mộng thật nhiều
Một cô bé ngày xưa….

Quách Như Nguyệt

Tuổi Già Quy Ẩn

( Ảnh: Duy Anh)

Viễn xứ, mình thèm thứ "trái ưa"
Mãng Cầu, Nhãn ngọt quả đong đưa
Dừng tay nghỉ mệt bên rào dậu
Gác xẻng giải lao dưới bóng dừa
Phân trải dọc hàng, đà cuốc xới
Hạt gieo trên luống, đã cào bừa
Vườn sau tí đất trồng tiêu khiển
Quy ẩn tuổi già, nhớ chốn xưa...


Duy Anh
Orlando Florida in Summer 2023

Si(Pierre Guilbert) - Nếu (Thái Lan Dịch)


Si

Si tu crois qu'un sourire est plus fort qu'une arme,
Si tu crois à la puissance d'une main offerte,
Si tu crois que ce qui rassemble les hommes est plus important que ce qui divise,
Si tu crois qu'être différent est une richesse et non pas un danger,
Si tu sais regarder l'autre avec un brin d'amour,
Si tu préfères l'espérance au soupçon,
Si tu estimes que c'est à toi de faire le premier pas, plutôt qu'à l'autre,

Si le regard d'un enfant parvient encore à désarmer ton coeur,
Si tu peux te réjouir de la joie de ton voisin,
Si l'injustice qui frappe les autres te révolte autant que celle que tu subis,
Si pour toi l'étranger est un frère qui t'est proposé,
Si tu sais donner gratuitement un peu de ton temps par amour,
Si tu acceptes qu'un autre te rende service,

Si tu partages ton pain et que tu saches y joindre un morceau de ton coeur,
Si tu crois qu'un pardon va plus loin qu'une vengeance,
Si tu sais chanter le bonheur des autres et danser leur allégresse,
Si tu peux écouter le malheureux qui te fait perdre ton temps et lui garder ton sourire,
Si tu sais accepter la critique et en faire ton profit, sans la renvoyer et te justifier,

Si tu sais accueillir et adopter un avis différent du tien,
Si pour toi l'autre est d'abord un frère,
Si la colère est pour toi une faiblesse, non une preuve de force,
Si tu préfères être lésé que faire tort à quelqu'un,

Si tu refuses qu'après toi ce soit le déluge,
Si tu te ranges du côté du pauvre et de l'opprimé sans te prendre pour un héros,
Si tu crois que l'Amour est la seule force de dissuasion,
Si tu crois que la Paix est possible,

... Alors la Paix viendra.

Pierre Guilbert
***
 

Bài Dịch: Nếu

Nếu bạn tin rằng một nụ cười mạnh hơn một khẩu súng,
Nếu bạn tin vào sức mạnh của một bàn tay đưa ra,
Nếu bạn tin rằng điều kết hợp mọi người lại với nhau quan trọng hơn sự chia rẽ,

Nếu bạn tin rằng sự khác biệt là một tài sản chứ không là mối nguy hiểm,
Nếu bạn biết cách nhìn người khác với một chút yêu thương,
Nếu bạn chọn hy vọng hơn là nghi ngờ,
Nếu bạn nghĩ rằng việc thực hiện bước đầu tiên là do bạn, chứ không phải do người kia,

Nếu đôi mắt của một đứa trẻ vẫn có thể làm trái tim bạn tan chảy,
Nếu bạn có thể hoan hỉ với niềm vui của người hàng xóm,
Nếu sự bất công giáng xuống người khác làm bạn cũng phẫn nộ như chính bạn phải gánh chịu,
Nếu như đối với bạn, người không quen biết lại được giới thiệu cho bạn là anh em ,
Nếu bạn biết tặng một chút thời gian của bạn vì tình yêu,
Nếu bạn chấp nhận người khác làm ơn cho bạn,

Nếu bạn chia sẻ phần ăn của mình và khéo léo thêm một góc trái tim vào đó,
Nếu bạn tin rằng sự tha thứ đi xa hơn sự hận thù,
Nếu bạn biết hát lên niềm hạnh phúc của người khác và nhảy múa theo niềm hoan hỉ của họ,
Nếu bạn có thể lắng nghe người bất hạnh đang làm lãng phí thời giờ của bạn mà bạn vẫn giữ nụ cười trên môi,
Nếu bạn biết chấp nhận những lời chỉ trích và tận dụng chúng mà không bác bỏ và biện minh cho mình,

Nếu bạn biết cách chào đón và chấp nhận một ý kiến khác với ý kiến của bạn,
Nếu đối với bạn, người kia trước hết là anh em,
Nếu sự tức giận là một điểm yếu đối với bạn, chứ không là bằng chứng của sức mạnh,
Nếu bạn thà bị sai hơn làm tổn thương ai đó,

Nếu bạn không nghĩ rằng khi không còn bạn thế giới sẽ là cơn đại hồng thủy,
Nếu bạn đứng về phía người nghèo và kẻ bị áp bức mà không cho mình là anh hùng,
Nếu bạn tin rằng tình yêu là quyền lực rào cản duy nhất,
Nếu bạn tin rằng hòa bình là khả thi,

...Thì . . . Hòa Bình sẽ đến.

Thái Lan Dịch




Hôm Nay Không Sữa

Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hàng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm.

Ông anh thứ ba chơi đàn trong ban nhạc của phường xã và ban nhạc sinh viên. Thời buổi hiếm hoi các nhạc cụ, nhà tôi vẫn có hai cây đàn guitar, các bạn của anh cũng là dân máu mê văn nghệ, với ý định làm một band nhạc “nghiệp dư” để thỏa đam mê ca hát, các anh khéo tay mày mò hì hục cả tuần lễ tại sân sau nhà tôi, tự làm một bộ trống, làm đi làm lại sau mấy lần cũng thành công, thế là có đủ cho ban nhạc “xập xình”.

Thường là dịp cuối tuần, dịp lễ, các anh chị tụ tập, có khi mười mấy người nhộn nhịp. Gia đình tôi có hai căn nhà, hễ anh tôi tụ họp bạn bè thì mấy người lớn trong nhà ra căn nhà ngoài mặt đường, nhường không gian căn nhà trong hẻm này cho các anh chị họp mặt thoải mái, riêng tôi  trong đám con nít vẫn ở lại nhà, nên có nhiều dịp ...hóng, thiệt vui. Các chị nữ đi chợ nấu nướng, các anh ngồi đàn ca, uống trà tán dóc giữa mùi thức ăn tỏa ra từ gian bếp thơm lừng, dù thời ấy còn chế độ “bao cấp” khó khăn, các món ăn thường đơn giản rẻ tiền như cháo huyết, bún chả giò, đồ tráng miệng thì có bánh cay khoai mì chiên, chuối xào dừa là những món tôi từng được thưởng thức ké.

Sau khi ăn uống ca hát xong xuôi, một số người ra về, còn lại vài anh rất thân thiết với anh tôi, cùng ở lại qua đêm vì các anh còn niềm đam mê khác, đó là hát thâu vào băng cassette làm kỷ niệm.

 Đêm khuya, cả nhà tôi ngủ say, không gian im lặng, “phòng thu” bắt đầu thâu băng (không có tiếng trống, chỉ có tiếng đàn guitar). Tôi nằm ngay phòng kế bên phòng khách, dỏng tai nghe không sót bài nào, và ấn tượng mạnh mẽ với một giọng nam trầm, mượt mà ấm áp tôi nghe tới đâu say mê tới đó, quên cả ngủ.

Ngoài nhạc Vàng nhạc mùi cho đến nhạc trẻ nhóm Phương Hoàng Nguyễn Trung Cang Lê Hựu Hà như Yêu Người Yêu Đời, Tôi Muốn, Mặt Trời Đen... trước năm 1975, các anh còn chơi cả nhạc ngoại, những bản nhạc nổi tiếng thế giới được dịch sang lời Việt mà giới trẻ thuở ấy theo phong cách “hippy” rất ưa chuộng. Tôi còn nhớ các tờ nhạc rời, tập nhạc trẻ, các bài hát với một đứa trẻ như tôi nghe rất lạ tai đầy hấp dẫn: Búp Bê Không Tình Yêu, Em Đẹp Nhất Đêm Nay, Hãy Gõ Ba Tiếng nhưng nhớ nhất là bài Hôm Nay Không Sữa vì tôi chẳng hiểu rõ nội dung.

Anh tôi và mấy anh bạn thân đó, cũng mặc quần áo kiểu “hippy” là quần ống loe, áo sơ mi đủ màu sắc chim cò, ai có gì mặc nấy, rồi kẻ ôm đàn người ngồi goánh trống ( bộ trống tự chế mà âm thanh nghe cũng đặng). Cứ thế, cả buổi chiều cuối tuần, các bài nhạc trẻ sôi động cả sân sau nhà tôi. Lại là những bài hát và giọng hát mê hoặc thích thú. Nhưng thực ra, chỉ có một giọng hát hay nhất mà thôi, không thể trộn lẫn với những giọng ca còn lại.

Sau đó vài năm, anh tôi ra trường đi làm, nhóm bạn bè không còn tụ tập hát ca nữa, nhớ về thời “vàng son” đó, tôi có liều mình hỏi anh để biết chủ nhân giọng hát truyền cảm đó là ai.

Anh hỏi:
-         Em phải nói rõ bài hát nào thì anh mới nhớ chứ!
-         Một người quen đã đi lấy chồng, một người yêu tôi đã sang sông …”, và ảnh thất tình sao đó mà lại nức nở: “Em biết không em chỉ một lời, em giết anh khi mới nửa đời?”
-         Ồ, đó là anh Thành.
-         Rồi còn bài Hôm Nay Không Sữa thì ai ca?
-         Cũng nó luôn đó.
-         Trời, hay thần sầu, bây giờ ảnh ra sao rồi?
-         Hắn đi vượt biên rồi!
-         Chẳng lẽ để…trả thù đời? Khi ảnh cất tiếng ca em cứ ngỡ ảnh thất tình, yêu đơn phương, hoặc bị vợ bỏ phải làm bố đơn thân chăm con nhỏ như trong bài “Hôm Nay Không Sữa chắc em ra đi thật xa. Chiếc chai lăn trong góc nhà, dấu tích đêm chưa xóa nhòa...”
-         Trời ơi! Tất cả chỉ là cảm xúc theo các bài hát thôi, mà ý của bài Hôm Nay Không Sữa không phải như vậy nhe, thôi đi học bài đi, hỏi nhiều quá.
-         À mà anh ơi, cái anh Thành “No Milk Today” đi vượt biên có tin tức gì chưa?

Sau này, lớn lên, tìm hiểu, nghe bài gốc English mới biết xuất xứ bài hát rất tình cờ:

Ngày ấy, thập niên 1960, sữa tươi (fresh milk) còn được giao tận nhà; mỗi sáng sớm, chủ nhà để cái chai không ngoài cửa, người giao sữa (milkman) tới lấy và để lại chai sữa mới.

Một buổi sáng nọ, nhạc sĩ Graham Gouldman cùng ông bố đi ngang ngôi nhà của một người quen, và thấy tờ giấy chủ nhà viết mấy chữ nhắn người giao sữa “no milk today” trước cửa. Ông bố của Graham Gouldman liền “triết lý vụn”, đại khái: chỉ mấy chữ ấy thôi nhưng có biết bao nguyên nhân khác nhau, nào ai biết được, có trời mới biết!

Câu nói của ông bố đã tạo nguồn cảm hửng cho Graham Gouldman viết bản No Milk Today, với nội dung là lời tâm tình của một chàng trai có người yêu đã bỏ ra đi, và được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng dịch sang lời Việt thành “Hôm Nay Không Sữa”.

Thế đấy, đôi khi chỉ một câu nói, một cụm từ, một khung cảnh bất chợt mà người ta có thể cảm xúc ra một bài nhạc, một bài thơ, thậm chí cả một câu chuyện .

Đó chính là "sáng tác", là "tưởng tượng thêm mắm muối" mà những người viết nhạc, văn, thơ... đều thường làm, nhưng đôi lúc độc giả lại cứ "hiểu lầm" (hoặc cố tình hiểu lầm), bảo rằng đó là "chiệng thiệt chăm phần chăm" của tác giả. (Chuyện “hiểu lầm” này tôi cũng bị vài lần, riết rồi chán, hổng thèm thanh minh thanh nga).

Mới đây, khi cùng cả đại gia đình ngồi ôn lại chuyện xưa, bà chị Cả nói đùa tôi:

-         Mày có “cảm” chàng No Milk Today thiệt không đó? Mà lạ thiệt, nhà mình có 4 chàng trai vào Đại Học, với biết bao nhiêu bè bạn lui tới, mà hổng có chàng nào bén duyên với mày hen, chẳng lẽ mấy tên đó “đui” hết ráo?

Tôi cũng đùa lại:

-         Chẳng có ai “đui” hết á, vì so tuổi tác thì các anh ấy lớn hơn em từ 6 đến 8 tuổi, họ chỉ nhìn thấy em khi đầu bù tóc rối, chí chóe ăn hàng, cãi nhau với bạn bè, làm sao mà ... yêu nổi ?

Nói thì nói thế, chớ cũng oan cho mấy ảnh, vì thực ra cũng có hai anh từng có ý định “chờ bé lớn đủ tuổi”, (trong đó có chàng No Milk Today sau khi đi vượt biên thất bại trở về, vất vả mưu sinh vì gia đình đông em nheo nhóc), nhưng khi “bé” đến tuổi dậy thì, các anh không còn nhiều dịp đến nhà gặp “bé”, trong khi “bé” hớn hở tung tăng bước vào cuộc đời êm ái cỏ hoa, ngây thơ chưa biết buồn biết đau vì sỏi đá gập ghềnh.

Hôm nay, tình cờ nghe No Milk Today, dư âm của những ngày xa lắc ấy trỗi dậy, tôi lại thấy căn nhà xưa, xóm học, giàn hoa giấy mộng mơ, và những chàng trai thiếu nữ tuổi thanh xuân (bạn bè của anh tôi) đã gieo vào hồn tôi, cô bé chỉ hơn 10 tuổi đầu, tình yêu âm nhạc, để rồi tôi bắt đầu tập tành viết Văn, làmThơ.

Edmonton, Tháng 7/2023
Kim Loan

 

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Dưới Chiếc Ô Đời Nhau - Thơ Cao Nguyên - Nhạc Nguyên Bích - Ca Sĩ Ngọc Quy


Thơ: Cao Nguyên
Nhạc: Nguyên Bích
Ca Sĩ: Ngọc Quy
Hoàng Khai Nhan

Bên Trời Phượng Tím Nhớ Thương

 

Phương xa phượng tím giăng đầy
Màu hoa tím nhớ ngất ngây cõi lòng
Tím buồn lên chớp mi cong
Nghiêng nghiêng giọt nắng xoay vòng bờ vai

Tím từ muôn kiếp đầu thai
Hay là tím nhớ từ ngoài vào trong
Em ngồi chải tóc bên song
Đánh rơi hương tím bềnh bồng chiều trôi

Cho buồn man mác bầu trời
Con đường phiêu lạc những lời chim ca
Ngập ngừng con gió bay qua
Tím phương xa nhớ quê nhà đó thôi

Đôi bờ sóng vỗ trùng khơi
Có còn sóng lượn về thời xa xưa ?
Tình say sáng đón chiều đưa
Chỉ nghe thương nhớ bốn mùa gọi tên

Tình xa, có lẽ nào quên
Nụ hôn đầu đắm lịm mềm bờ môi
Phương xa vọng tiếng em cười
Phượng rung cánh tím đưa nôi cuộc tình

Phượng xưa hồng đỏ lung linh
Phượng giờ tím nhớ nép mình xa xôi
Sông còn chia nhánh rẽ đôi
Tình anh sao chẳng thể nguôi nồng nàn

Trầm Vân

Hạ Buồn Ơi



Não nùng khóc biệt tiếng ve
Ấp yêu cánh phượng nắng hè mơn mang
Người xa xa khuất dặm ngàn
Vùi sâu giấc mộng giọt tràn bờ mi
Dài trông mòn mỏi xuân thì
Nhạc lòng réo gọi người đi đã rồi
Cảnh đời ráo lệ chưa nguôi
Gọi thầm ngày tháng nụ môi đợi chờ
Nát tim buốt giá hồn thơ
Vòng tay tiếc nuối bơ vơ hạ về
Nhẹ vương theo gió câu thề
Giấc mơ hồi tưởng tái tê ngõ hồn

Kim Phượng


Tuổi Học Trò

 

Mộng yêu đương tuổi học trò
Bờ mi ôm ấp bóng hình ai
Đôi môi mọng đỏ hoa lòng nở
Mãi mãi thương nhau mộng ban đầu

Vườn xuân… em ráng trồng mai cúc
Phượng vỹ trải đường…hãy đợi anh
Vần thơ Thu ấy ôi sầu mộng
Để rồi giá buốt một đầu Đông

Đã biết rằng thôi tình đã chết
Quán trọ xót xa kẻ độc hành
Gieo chi hư ảo… buồn chan chứa
Nghiêng bóng thời gian trăng ngậm vành

Chiều nay hồi hộp bờ mi đọng
Dệt bóng hình ai má ửng hồng
Bên đèn thỏ thẻ tình muôn thuở
Mãi mãi thương nhau mộng ban đầu

Đà Nẵng 
1956
Tô Đình Đài

Huế Mộng Mơ

 

Cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời!
Công trình hùng vĩ quá đi thôi!
Sông Hương,núi Ngự đầy huyền thoại 
Đại Nội, Đông Ba rộn tiếng cười 
Thiên Mụ, Trúc Lâm vang thế kỷ 
Thuỷ Tiên, Đồng Khánh thắm hoa cười 
Huế thơ mơ mộng hữu tình quá!
Du khách ngẩn ngơ chẳng nỡ rời!!!

Lâm Hoài Vũ

Quốc Gia Sản Xuất Rượu Vang Trên Thế Giới & Vài Loại Rượu Vang Tiêu Biểu


Chủ đề hai.

Một số quốc gia trên thế giới trong lịch sử sản xuất rượu vang (đúng nghĩa là rượu nho) của họ đã có một thời rất phát triển. Nhưng vì lý do nào đó nó đó bị mai một không phát triển được. Nhưng vào khỏang 20,30 năm cuối của thế kỷ 20 kỹ nghệ này được phát trển rất mạnh. Chỉ với khoảng thời gian rất ngắn ngủi, trên dưới 10 năm với những nỗ lực đổi mới trong sản xuất và luật lệ. Ngành sản xuất rượu nho của họ đã có một bước tiến nhẩy vọt, mang đến hàng triệu việc làm cho giới trồng nho và các công ty sản xuất rượu, đóng góp vào nền kinh tế của họ nhiều tỷ USD vì xuất cảng rượu vang ra thế giới.

Trong số các quốc gia đó phải kể đến 5 quốc gia là Mỹ, Úc, Chile, Argentine và Nam Phi là vững mạnh hơn cả. Người ta gọi 5 quốc gia này là vùng sản xuất rượu vang tân thế giới, để phân biệt với những quốc gia đã có ngành sản xuất rượu vang tuyền thống, cổ xưa. Nhóm này được gọi là nhóm sản xuất rượu vang thế giới cổ xưa, đó là các quốc gia như Pháp, Ý, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, Đức, Thuỵ Sĩ, Áo, Anh quốc..v..v...

Chủ đề này chỉ đề cập một cách khái quát về hiện trạng của 9 quốc gia hiện đang đứng đầu thế giới về lượng rượu vang sản xuất cùng với một vài loại rượu vang coi như đại diện cho phẩm chất của kỹ nghệ rượu vang của quốc gia đó. Ngoài ra bài viết cũng đề cập Thuỵ sĩ môt quốc gia sản xuất rượu không nhiều vì diện tích trồng trọt nhỏ bé, sản lượng không đủ cho tiêu dùng trong nợi địa. Nhưng rượu Thuỵ Sĩ rất được ưa chuộng với khách du lịch.

1.- Rượu vang Pháp


Nước Pháp được coi là vương quốc của rượu vang về phẩm chất cũng như về sản lượng. Hiện nay diện tích trồng nho của Pháp chiếm khoảng 3% đất nông nghiệp ( khoảng 850’000 Hectar). Với lượng nho này, mỗi năm Pháp đã sản xuất gần 8 tỷ chai rượu vang với trên 300 công ty hay nhà sản xuất rượu. Trong đó 1/3 rượu vang được xuất khẩu đi khắp thế giới , mang về cho Pháp gần 6 tỷ USD mỗi năm. Người Pháp được coi là giống dân uống rượu vang nhiều nhất thế giới, khỏang trên 60 lít/năm/người

Vùng trồng nho được rải khắp nước Pháp, từ Nam xuống Bắc, tử Tây sang Đông cũng như đồng bằng đến cao nguyên. Mỗi vùng trồng những loại nho chuyên biệt dùng cho chế biến rượu. Chính vì vậy khi nói đến rượu của vùng trồng nho nào tại Pháp, người ta có thể biết loại rượu đó được chế biến từ loại nho nào và có đặc điểm ra sao. Tòan nước Pháp có 14 vùng trồng nho chính và quan trọng trong kỹ nghệ sản xuất rượu. Nhưng cũng có một số vùng trồng nho khác, nhỏ bé và không quan trọng như Lyon, Lorraine ..v..v.. Trong số 14 vùng miền trồng nho quan trọng đó thì có 6 vùng trồng nho và sản xuất rượu nho nổi tiếng của Pháp đó là vùng Champagne; Bordeaux; Burgrundy; Loire Valley; Rhône Valley và Sauternes

1. - Champagne:

Vùng này trồng 3 giống nho chính là Pinot noir, Pinot Meunier và Chardonney . Đây là vùng sản xuất một loại vang nổ còn gọi là vang có hơi hay Champagne ( Sâm Panh ) là một sản phẩm độc đáo và nổi danh trên thế giới. Tên Champagne đã được quốc tế bảo hộ thương hiệu. Để giữ được tính độc đáo và phẩm chất của Sâm panh chính phủ Pháp đã đưa rất nhiều qui định rất chặt chẽ trong kiểm soát, chế biến cũng như tồn trữ, đóng chai… của loại rượu vang này. Có rất nhiều công ty sản xuất rượu vang nổ (vang có hơi )trong vùng này và được xử dụng danh từ Champagne. Trên thị trường có những chai Champage khá rẻ, chỉ khoảng 30 Sfr/chai, nhưng có những chai đặc biệt với giá trên 2000Sfr/ chai. (Sfr = 1USD, 2022)

-Moèt & Chandon, Champagne Brut ( làm từ loại nho Pinot Noir; Pinot Meunier & Chardonnay), 2014, gía khoảng trên 50Sfr/chai. Đây là loại champage được thị trường ưa chuộng và bán chạy nhất .

- Cédric Bouchard, Champagne Brut, La Bolorée Blanc, 2009 (100% Chardonnay ), được cho điểm 96/100 , với giá 140Sfr/chai.

-Champage R.B. Bollinger, 2002 ( Pinot Nour + Chardonnay ), có giá là 204.50Sfr/chai.

-Champage Clos d’Ambonnay, Krug, 2001 ( 100% Chardonnay ) được cho điểm 98/100, có giá 2’268 Sfr/chai. (trong danh sách rượu qúi hiếm )

2. -Bordeaux:

Đây là một vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Pháp và thế giới. Rươu vang của Bodeaux được xếp hạng rất cao trong danh sách rượu vang hiếm và qúi trên thế giới, nhiều chai rượu đạt đến số điểm tuyệt đối (100/100 ), như chai rượu La Mission Haut Brionisson (1982) có giá 1’031 Sfr; Chai Mouton Rothschild , Pauillac(1986) có giá 1’026 Sfr.( Château Mouton Rothschild) .

Hầu hết các nhà sản xuất rượu vang cùa Bordeaux là những Châtaux, và có tổng cộng 88 châteaux, trong đó có 61 châteaux sản xuất rượu vang đỏ và 27 sản xuất vang trắng. Bốn loại nho được trồng và dùng cho sản xuất rượu là Cabernet Sauvignon; Merlot, Cabernet Franc và Petit Verdot. Rất ít loại rượu được biến chế từ một loại nho duy nhất mà phần lớn được pha trộn 4 loại với nhau theo tỷ lệ riêng biệt cho từng nhà sản xuất.

-Chateau Maison Blanche, Bordeaux 2014 ( Merlot+ Cabernet Sauvignon + Cabernet Franc ), đánh gía 4,5 sao giá 16 Sfr/chai.
-Chateau Larteau, Bordeaux Supérieur, 2011 (50% Cabernet Sauvignon + 50% Merlot) giá 15 Sfr/chai.
-Smith Haut Lafitte Blanc,Graves, Pessac-Léognan, 2013 (64% Cabernet Sauvignon + 30% Merlet + 5% Cabernet Franc + 1% Petit Verdot) có giá 61 Sfr/ chai.

3. -Bourgogne:

Đây cũng là một vùng sản xuất rượu vang, đặc biệt là vang đỏ nổi tiếng ở miền Đông nước Pháp, giống nho trồng nhiều nhất là Pinot noir dùng cho rượu vang đỏ và vang hồng (rose) còn giống nho Chardonnay dùng cho vang trắng. Phần rất lớn rượu vang của Burgrundy được phân loại dựa theo kiểm định phẩm chất (AOC) của chính phủ. Nhiều thập niên về trước rượu vang Burgrundy đã được xem là ngang ngửa với vang Bordeaux, nhưng sau này có phần thua sút. Trên thị trường vang Burgrundy hiện nay khá rẻ so với vang Bordeaux, chỉ khoảng 20Sfr cũng có thể mua được chai burgrundy thuộc hàng khá ngon.

-Bourgogne Rouge (Ex-Leroy),2012 (100% Pinot Noir ) giá 38Sfr/ chai.
-Vougeot le Clos Blanc de Vougeot,(100% Chardonney ), 2012 Hiệp hội 1er Cru, đánh giá phẩm chất là 89 – 97 /100 , giá 70.20Sfr/chai.

4. -Loire Valley:

Đây là vùng sản xuất vang trắng quan trọng nhất của thung lũng sông Loire thuộc trung bộ nước Pháp. Giống nho trồng nhiều nhất là sauvignon Blanc; Melon de Bourgogne; Chardonney; Cabernet Franc và Chemin Blanc dùng sản xuất vang trắng. Còn giống Chinon và Bourgueil dùng sản xuất vang đỏ. Vang vùng này có tí chút vị chát do chất tanin có nhiều trong các giống nho này, đó cũng là đặc tính của rượu vùng này vậy.

-Domainne de Ladoucette, poulliy Fumé de Ladoucette, 2011 (100% Sauvignon Blanc) giá 52.90Sfr/chai.

5. -Rhône Valley:

Vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng thứ 2 của Pháp, chỉ sau Bordeaux. Những vùng trồng nho nổi tiếng nhất của vùng này đều qui tụ tại các vùng đồng bằng chạy dọc theo sông Rhône. Loại nho chính, trồng nhiều nhất và quan trọng cho sản xuất vang đỏ nổi tiếng là nho Syrah. Tuy nhiên có những loại nho khác, trồng ít hơn như Marsanne,Viognier và Grenache. Hầu hết vang sản xuất tại vùng này đều được đang ký kiểm định VOA.

-Paul Jacboulet Ainé, La Petite Chappelle, 2011 (100% Syrah), đánh giá 91/100, giá 49.70 Sfr/chai.
-Domaine de Trévallon, Trévalon Blanc, 2014 ( 34% Roussanne + 34% Marsanne + 12% Clairette + 12% Chardonney + 10% Grenache Blanc), gía 28. Sfr/chai.

6. -Sauternes:

Một thị trấn cách Bordeaux khoảng 40km về phía nam, Sauternes là địa danh nổi tiếng sản xuất loại rượu vang trắng ngọt được dùng làm rượu khai vị cho những bữa tiệc. Rượu này được làm từ 3 loại nho Semillon, Sauvignon Blanc và Muscadelle trong đó nho Semillon được dùng với tỷ lệ cao nhất. Rượu ở đây có vị ngọt và mùi rất độc đáo làm cho người ta ngon miệng trước khi ăn đó là nhờ một loại nấm tên là Botrytis( gọi là nấm vương gỉa ) làm cho trái nho teo khô lại nên gia tăng độ ngọt cùng với mùi vị thơm ngon do loại nấm này tạo ra.

-Sauternes, de Malle, 2 ème Cru, 2005 ( Sémillon + Sauvignon Blanc + Muscadelle ) giá 30.20Sfr/chai.
-Chateau Rieussec, Sauternes, 1 er Cru, 2009 ( Sémillon + Sauvignon Blanc ) giá 42.00 Sfr/chai.

2. Rượu vang Italy


Italy là quốc gia sản xuất rượu vang đứng hàng thứ 2 về lượng rượu vang sản xuất và xuất cảng ra thế giới, chỉ đứng sau Pháp. Nhưng nếu xét về phẩm chất rượu và tài chánh do rượu vang hay các loại rượu khác ( vang nổ, vang ngọt… ) thì vẫn thua xa vang của Pháp. Vang của Ý có mùi vị nồng mạnh, độ chua cao và ít ngọt hơn vang Pháp, có thể do khác biệt loại nho được trồng tại Ý và Pháp. Tuy nhiên đó cũng là đặc tính riêng của vang Ý và cũng làm cho nhiều người thích vang Ý. Vùng trồng nho và kỹ nghệ chế biến vang trải dài khắp nước Ý và được chia ra làm 20 vùng. Nhưng 3 vùng được coi là nổi tiếng về chế biến rượu vang nhất, đó là Toskana ; Venetien và Piemont.

1.-Toskana:

Rượu vang Chianti là sản phẩm nổi tiếng của Ý được sản xuất tại vùng này từ giống nho Sangiovese, là giống nho làm lên thương hiệu của Chianti trên thị trường quốc tế với khoảng 100 triệu lít/năm.Chính vì muốn giữ cái độc đáo cho Chianti nên chính phủ Ý đưa ra một quy định bắt buộc rượu Chianti phải được sản xuất bởi 70-80% nho Sangiovese. Ngoài ra vùng Toskana cũng trồng các giống nho khác như Canaiolo, Colorino hay một ít nho của Pháp như Cabernet Sauvignon,Merlot để sản xuất rượu vang trắng và đỏ. Sau đây là một số loại rượu nổi tiếng cả vùng này:

-Mandonino, Chianti Classico, 2012 ( 70% Sangiovese + 15%Melot + 15% Cabernet Sauvignon) gía 65 Sfr/ chai.
-Tignanello, Antinori, 2012 (Sangiovese; Cabernet Sauvigon; Cabernet Franc ) được định phẩm chất là 94/100 , giá 52 Sfr/chai.
- Le Macchiole, Paleo Rosso, 2012, đây là hãng rượu chuyên sản xuất vang đỏ nổi tiếng của Toskana với loại nho Merlot. Giá 35Sfr/chai.

2.- Venetien:

Thuộc vùng đông bắc Ý với thành phố du lịch nổi tiếng thế giới là Venice, được coi là vùng sản xuất rượu vang lâu đời nhất của Ý. Rượu vang đỏ Valpolivella , Amarone và Bardolino và vang trắng Saove và Prosecco được coi là những loại rượu vang nổi tếng của Venetien. Vài loại rượu vang được bán rộng rãi trên thị trường:

-Masi, Amarone Costasera, 2010 (70% nhi Corvina + 25% Rondinella + 5% Molinara) Định phẩm chất là 90/100 có giá 39Sfr/chai.
-Silvio Jermann, Sauvignon, 2014, Vang trắng (100% Sauvignon Blanc), giá 15Sfr/ chai.
-Dal Forno, Amarone della Valpolicella, 2013, được đánh gia là loại rượu ngon nhất trong năm của Venice, giá khoảng 265 Sfr/chai. Thuộc danh sách vang qúi hiếm.

3.- Piemont:

Vùng này thuộc Tây Bắc Ý, tiếp giáp với Pháp, nằm dọc theo triền núi Alpes, rượu vang đỏ là sản phẩm nổi tiếng của vùng này, nó được sản xuất bời 3 loại nho chính là Nebbiolo, Barbaresco và Dolcetto. Rượu vang đỏ Piedmont làm từ 100% nho Nebbiolo là loại rượu rất nổi tiếng của Piemont. Vùng này có những loại rượu mang mùi vị giống của Pháp nhưng giá khá rẻ.

-Barono Mosconi, E. Pira Chiara Boschis (90% Barbaresco + 10%Nebbiolo), gá khỏang 12 -15 Sfr/chai
-Barbera Al Suma, Braida, loại vang đỏ được tiêu thụ rộng rãi trong vùng , giá khoảng 15Sfr/chai.


3. Rượu vang Tây Ban Nha


Tây ban Nhà là quốc gia sản xuất rượu vang hạng 3 thế giới, sau Pháp và Ý, hàng năm Tây ban Nha cho ra thị trường khoảng hơn 1tỷ gallon ( khoảng 4,5 tỷ chai rượu ). Diện tích trồng nho dùng cho sản xuất rượu khoảng 1,16 triệu Hectar, nhiều nhất là ở miền trung Tây ban Nha như Rioja; Catalonia; Castilla..v..v..

Giống nho Tempranillo được trồng nhiều nhất ở khắp Tây ban Nha, chiếm khoảng 20% diện tích và được dùng cho sản xuất những loại rượu nổi tiếng của Tây ban Nha như Rioja; Toro và Ribera Dueco… Giống nho Bobal trồng ít hơn với khoảng 7% diện tích, trồng nhiều ở các vùng miền Đông như Valencia, Manchuela và nhất là Uitiel-Requena. Bên cạnh đó một số nho giống ngoại nhập, phần lớn từ Pháp càng lúc càng được xử dụng nhiều hơn trong kỹ nghệ sản xuất vang của Tây ban Nha như giống nho Cabernet Sauvignon, Syrah (dùng cho vang đỏ ) và nho Chardonnay và Sauvignon Blanc ( dùng cho vang trắng và vang nổ ). Tây ban Nha chia ra làm 17 đặc khu sản xuất rượu vang, trong đó mỗi đặc khu sản xuất một loại vang có đặc tính khác nhau, rượu vang ở các khu sản xuất miền nam thường có độ cồn cao hơn vang ở miền Bắc.

Những loại rượu vang nổi tiếng của Tây ban Nha được sản xuất tại các vùng như Galicia; Catalonia; Castilla y leon ; Andalucia; Ribera del Duero và Rioja. Sau đây là 3 vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Tây ban Nha:

1.- Rioja:

Là vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất của Tây ban Nha với giống nho Tempranillo, loại nho này cho ra những lại rượu rất ngon và phẩm chất của rượu càng ngon hơn nếu được tồn trữ 8 – 12 năm. Hiện nay rượu vang của vùng này được trồng thêm giống nho Pháp như Cabernet Sauvignon để cho thêm vào cùng với nho Tempranillo nguyên thuỷ. Sự trộn lẫn này tạo ra những loại rượu ngon không kém gì rượu vùng Bordeaux hay Burgundy của Pháp nhưng giá cả rẻ hơn nhiều.

-Vina Real, Gran Reserva, 2010 ( 80% Tempranillo + 20%Graciano), loại vang đỏ đã nhiều năm thẩm định phẩm chất từ 90 - 94/100, giá khá cao so với các rượu vang nội địa khác của Tây ban Nha, khoảng 26 - 28Sfr/chai.

-Castillo de Albai,2016 (100% Tempranillo ), loại vang đỏ bình dân của Spanien, nhưng cũng khá ngon, với dưới khảng 5 - 6Sfr/chai.

-Marqués de Murrieta 2013, (Tempranillo +Garnacha Tinta), vang đỏ rất ngon nếu dùng với những món ăn tinh bột ( pasta) và fromage, giá khỏang 12 - 18 Sfr/chai.

2.- Catalonia:

Thủ phủ của vùng này là Barcelona, thành phố lớn thứ 2 của Tây ban Nha, sau Madrid. Đây là quê hương của rượu vang xủi bọt ( Vang nổ ).Tuy nhiên cũng sản xuất một số lớn vang đỏ nổi tiếng với sự kết hơp giồng nho Tempranillo và những giống nho đỏ của Bordeaux .

-Ramon Roqueta, 2013 ( nho Tempranillo và Cabernet Sauvignon) loại vang đỏ mùi trái cherry khá rõ rệt. Giá phải chăng khoảng 10 Sfr/chai.

-Los Condes Gran Reserva, 2010 loại vang đỏ có chút chát và đắng của cacao làm bời Tempranillo và Cabernet Sauvignon giá khoảng 12 Sfr./chai.

3.- Ribera del Duero:

Vùng sản xuất này ở miền bắc Madrid, nơi đây cho ra những chai rượu vang đỏ nổi tiếng, nhiều chai rượu được xếp vào danh sách rượu qúi hiếm trên thị trường , chẳng hạn như chai rượu vang Vega-Sicilia Unico ( sản xuất bởi 80% nho Tempranillo và 20% nho Cabernet Sauvigon ) hay chai Domino de Pingus (2006) với giá 778 Sfr.

-Astrales, Los Astrales (100% nho Tempranillo ) đây là loại rượu bình dân của khu vực nhưng được xếp vào loại rượu ngon vì đã được định phẩm chất với đểm 90/100, giá mổi chai khoảng 18Sfr/chai.

-Vega Sicilia,Tinto Vabuena, (95% Tempranillo + 5%merlot ), Đây là công ty sản xuất rượu vang đỏ nổi tiếng ngon và giá khá mắc của Tây ban Nha.Trong hầm rượu của công ty này có những chai rượu giá từ 50Sfr đến 300 hay 400 Sfr. Hầu hết có điểm thẩm định phẩm chất từ 90 – 97/100.

4. Rượu vang Bồ Đào Nha


Diện tích trồng nho dùng cho kỹ nghệ sản xuất rượu ở Bồ đào Nha khoảng hơn 240’000 hecta, chiếm hạng thứ 7 thế giới. Hàng năm Bồ đào Nha sản xuất khoang 6 - 7 triệu Hectolit rượu xếp hàng thứ 11 thế giới.Trung bình một người Bồ đào Nha uống khoảng 42 – 43 lít rượu vang/năm , thuộc hàng “ khủng “ thế giới. Có rất nhiều loại nho cổ xưa được trồng khắp toàn quốc, nhưng giống nho Touriga Nacional, Tinta Barroca, Tinta Roriz, Tinta Amarela, Touriga Francesca… là những giống nho trồng nhều nhất.

Loại vang ngọt Porto với độ cồn khoảng 20% là loại rượu vang nổi tiếng của Bồ đào Nha được dùng như một loại rượu khai vị. Vào thế kỷ 17 giữa Pháp và Anh có chiến tranh nên người Anh không thể mua được rượu của Pháp nên phải mua rượu vang của Bồ đào Nha thay thế vào. Nhưng người Anh đã trộn rươu vang của Bồ đào Nha với những loại rượu mạnh của Anh như Whisky và tạo ra rượu Porto ( có nghĩa là Potugal ). Ngày nay với mùi vị độc đáo và độ cồn cao hơn rượu vang bình thường mang đậm sắc thái của rượu Bồ đào Nha, thường dùng như món rượu khai vị. Có nhiều công ty sản xuất rượu Porto nổi tiếng trên thế giới với tên tiếng Anh như Taylor’s ; Graham’s; Cockburn’s ; hay Churchill..v..v.. Sau đây là vài loại rượu Porto đại diện cho Bồ đào Nha có trên thị trường :

-Porto Late Bottled Vintage, 2011 ( hỗn hợp nho Touriga Nacional + Touriga Franca + Tinta Borroca + Tinta Roriz), 19.5% cồn, rượu ngọt khá bình dân, giá khoảng 30Sfr/chai

-JP Azeltao Tinto, vang đỏ làm từ 3 loại men Castelai, Barroca; Syraz và Tinta Roriz, xuất cảng nhiều tại các QG Âu Châu, khá ngon giá phải chăng khoảng 7-8 Sfr/chai.

-Fonseca, Porto Vintage,2012 với nho Touriga Nacional, Touriga Francesca, Tinta Barroca, Tinta Cao, Tinta Roriz và Tinta Amarela, đây là công ty sản xuất những chai rượu nổi tiếng ngon của Bồ đao Nha và có trong danh sách rượu qúi hiếm của Thuỵ sĩ, giá khoảng 60 - 90 Sfr/chai

5. Rượu vang Thuỵ Sĩ


Nếu xét về sản lượng rượu vang của Thuỵ Sĩ với các quốc gia lân cận như Pháp, Ý, Tây Ban Nha … thì Thuỵ sĩ thua xa. Lý do Thuỵ sĩ có 90% là núi nên không có những cánh đồng nho rộng lớn như các quốc gia khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là kỹ nghệ sản xuất rượu vang của Thuỵ sĩ thua kém về phẩm chất. Rượu vang của Thuỵ sĩ nhìn chung thuộc hàng rất khá, đồng nhất về phẩm chất, nghĩa là ở Thuỵ sĩ không có loại vang rẻ ở mức dưới trung bình như tại các quốc khác như Pháp, Tây ban Nha, Bồ Đào nha. Khách hàng khi bỏ tiền ra mua rượu vang của Thuỵ sĩ rất an tâm, không sợ bị lầm lẫn hay giả dối. Đó là nhờ phẩm chất của rượu vang Thuỵ sĩ rất đồng đều và hệ thống kiểm soát rất khắt khe .

Có thể nói khắp Thuỵ sĩ đều có những nhà sản xuất rượu vang ở mức nhỏ, khoảng vài ba ngàn hectolit rượu/ năm. Nhưng chỉ có 3 khu vực là Wallis ; Waadt và Tessin là có những nhà sản xuất rượu vang khá lớn mà thôi. Rượu vang Thuỵ sĩ rất khó kiếm ở ngoại quốc, do là số lượng sản xuất không đủ cho dân Thuỵ sĩ uống. Dân Thuỵ sĩ có niềm tin rất tốt với sản phẩm của chính mình sản xuất nhờ lòng tin và nhất là không có chuyện mua phải hàng giả hàng nhai! Dân Thuỵ sĩ coi việc uống rượu vang là một thứ uống trong giao dịch và thân hữu. Trung bình một người Thuỵ sĩ tiêu thụ khoảng 33 lit rươu vang/năm, xếp hạng 4 thế giới.Sau đây là 3 vùng sản xuất rượu vang quan trọng nhất của Thuỵ Sĩ:

1.- Wallis(Valais):

Vùng cao nguyên chạy dọc theo dẫy núi Alpes, với hàng chục ngọn núi cao trên 4000m. Giống nho được trồng nhiều nhất ở vùng này là Pinot noir, Gamay, Garanoir, Humagne Rouge và Syrah dùng cho sản xuất rượu vang đỏ. Giống nho Chasselas, Chardonnay; Pinot Gris, Heida, Chasselas… dùng sản xuất vang trắng. Rượu vang đỏ như Humagne Rouge (Carmelin); Helveticam ( Pinot Noir) và vang trắng như Petite Arvine (Carmelin) và Heida du Valai ( Carmelin ) là những chai rượu rất ngon. Sau đây là vài loại rượu sản xuất tại khu vực này:

-Le Muzot Réserve, Cuvée Rouge du Valais, 2015, một loại rượu đỏ rất ngon, mùi rất êm nhẹ của gia vị như cam thảo, hồi… Nho Pinot noir là thành phần chính trong sản xuất và một ít nho Humagne Rouge, giá khoảng 18Sfr/chai.

-Carmelin, Humagne Rouge du Valais, 2015, 100% nho Humagne Rouge, có mùi thơm và ngọt rất dịu của trái bery rừng ( Waldbeeren) , loại rượu vang này bán rất chạy tại Thuỵ Sĩ, giá khoảng 16Sfr/chai.

-Carmelin, Petite Arvine du Valais, 2016, rượu vang trắng làm từ 100% nho Petite Arvine, có tí mùi chanh dây ( Passion ), nhiều năm phẩm chất được đánh giá 4,5 sao, giá khoảng 16Sfr/chai.

2.- Waadt (Vaud ):

Thuộc vùng nói tiếng Pháp Thuỵ sĩ, chạy dọc theo hồ nước Lehmann, vùng này nổi tiếng sản xuất rượu vang trắng. Những loại vang trắng nổi tiếng như Yvorne Grand Cru hay Mont sur Rolle hay Féchy là những chai rươu trắng ngon, phổ biến trên thị trường, nó được biến chế từ loại nho trắng Chasselas.

-Yvorne Grand Cru, Chablais Sélection Terravin, 100% nho Chasselais, loại vang trắng rất ngon khi dùng với các món ăn fromages. Được đánh giá 4.5 sao. Người ta cũng dùng nó như món rượu khai vị trong các bữa tiệc, giá khoảng 18Sfr/ chai.

-Féchy, La Pied de Vigne, 2016, Loại rượu trắng làm bới nho Chasselas, vị rất dịu, giá khoảng 9Sfr/chai.

-Gamaret/ Maranoir (GG) Assemblage Vaud, rượu vang đỏ rất đậm mầu, làm bởi nho đỏ Gamared và Garanoir có chất phụ gia là dâu tây, được đánh giá cao trong các cuộc triển lãm rượu tại Thuỵ sĩ , giá khoảng 10 - 12 Sfr./chai.

3.- Tessin (Ticino):

Thuộc vùng Thuỵ sĩ nói tiếng Ý, giáp biên giới với Ý cho nên rượu sản xuất tại đây mang khá nhiều mùi vị của Ý. Có nhiều chai rượu vang đỏ rất nổi tiếng do vùng này sản xuất từ loại nho Merlot, là giống nho được trồng nhiều nhất tại đây. Ngoài ra loại nho Cabernet Sauvignon cũng được trồng một ít dùng để pha trộn với Merlot trong sản xuất. Vùng này có nhiều loại rượu đỏ rất nổi tiếng như Merlot del Ticino (Tenuta la Minerva) hay Merlot del Ticino ( Zanini Donaggio ).

-Viti, Merlot del Ticino, 100% nho Merlot vời một vài chất phụ gia , rợu có tính hơi chua và hơi chát. Giá khoảng 11Sfr/chai.

-Castello Luigi,Mendrisio, 2013 (90% nho Merlot + 10% Cabernet Sauvignon ), đây là chai rượu được liệt vào danh sách qúi hiếm của Thuỵ sĩ, giá khoảng 120Sfr./chai.

-Sole, Merlot del Ticino, 2015, 100% với nho Merlot, Được huy chương đồng trong hội chợ vang của tỉnh, mùi thơm nhẹ và hơi chát. Giá khoảng 12 Sfr./chai.

Ghi chú:

Qua nhiều năm sống và làm việc của tôi tại Thuỵ Sĩ, dĩ nhiên rất nhiều lần tôi đã được thưởng thức những chai rượu vang ngoại quốc rất ngon, chắc chắn giá cả khá mắc. Nhưng theo tôi nếu bỏ tiền ra với giá thông thường ( khoảng 15 Sfr/chai ) tôi vẫn nghi ngờ vì: Nhiều khi bị mua phải hàng giả hay phẩm chất không đồng đều (với giá này tại TS cho chai rượu của Italy, Sapnien hay Portugal … tôi nghĩ là hạng khá sang rồi )! Xui mà mua phải chai không đúng chuẩn hay hàng giả thì rất bực mình. Nhưng nếu cùng số tiền đó mua chai rượu của Thuỵ Sĩ ( hàng trung bình ) thì tôi khỏi lo lắng vì khá ngon mà không lo chuyện rượu giả.

Tôi chắc chắn “ Thuỵ sĩ tiền nào của nấy “không sai với món tiền tôi bỏ ra. Nhưng cũng nên chú ý, hiện nay ở Thuỵ Sĩ những chai rượu vang đỏ ( cùng tên chẳng hạn Pinot Noire … đóng bằng nắp sắt, loại này giá rẻ khoảng 50% chai cùng hãng so với chai đóng bằng nút bần! ) Phẩm chất khác nhau rất rõ !!! Vậy nếu ai sang Thuỵ Sĩ đừng ngại ngần bỏ tiền ra mua rượu đỏ đóng nắp bần là chắc có phẩm chất tốt hơn so với chai nắp sắt dù cùng tên, đừng nhìn cùng tên rượu mà sai lầm !!! . Tuy nhiên đó chỉ là rượu vang đỏ còn vang trắng, gần như hầu hết đóng bằng nắp sắt.

6. Rượu vang Mỹ


Mặc dầu công nghệ sản xuất rượu vang của Mỹ đã có từ lâu theo bước chân của những di dân từ Âu châu đến Mỹ lập nghiệp. Nhưng bị tác động của luật cấm sản xuất rượu tại Mỹ năm 1920 đã làm cho nền kỹ nghệ này gần như bị tan rã. Những cánh đồng nho bị chặt bỏ, chỉ sau 5 năm thi hành luật, sản lượng rượu vang của Mỹ đã giảm sút khoảng 95% , thói quen uống rượu của dân Mỹ cũng bị mất đi rất nhiều.

Năm 1933 bộ luật này được bãi bỏ, nhưng khỏang thời gian 35 năm sau đó ( 1933-1968) phong trào sản xuất rượu vang của Mỹ được trở lại nhưng trong không khí sản xuất xô bồ, không đồng nhất về phẩm chất, giống loại nho và cả về kỹ thuật… Kết quả cho ra những loại rượu vang rẻ tiền, độ cồn không đúng chuẩn và thay đổi theo từng nhà sản xuất ( quá cao, thường trên 20% độ cồn so với khoảng 14% rượu vang truyền thống )

Từ năm 1960 nhờ sự nhẩy vào của các đại học, các giáo sư chuyên ngành và cả các nhà sản xuất rượu đã sang Âu châu, nhất là Pháp để học hỏi . Họ mang những giống nho của Âu châu về Mỹ tìm cách thuần hoá cho hợp với thổ nhưỡng của Mỹ. Đặc biệt nhờ những nỗ lực những nhà tài phiệt, như hãng Coca Cola… dám bỏ vốn vào đầu tư. Kết quả chỉ sau một thời gian rất ngắn, ngành sản xuất rượu vang của Mỹ đã có những bước tiến rất ngoạn mục về phẩm chất và cả về lượng, làm cho thế giới ngẩn ngơ. Hiện nay lượng rượu vang sản xuất tại Mỹ ( phần lớn từ Cal.) đã ở vị trí hạng 4 thế giới, chỉ sau Pháp, Ý và Tây ban Nha.

Năm 1976 có cuộc thi “ thử mùi mù” ( Blind tasting) tại Paris. Với 300 chai rượu khác nhau che dấu nhãn được đem ra thử. Cuối cùng 6 trong 10 chai được xếp hạng ngon nhất được sản xuất tại vùng Napa Valley, California, Mỹ. Kết quả đã làm cho thế giới ngạc nhiên và nhờ đó lượng sản xuất rượu vang của Mỹ nhẩy vọt. Để bảo đảm danh tiếng và gia tăng tín nhiệm cho sản phẩm, hai năm sau (1978) chính phủ Mỹ ban hành một bộ luật “ xuất xứ rượu vang “ AVA ( American Viticultural Area). Bắt buộc nhà sản xuất rượu vang tại Mỹ phải công bố rõ ràng giống loại cũng như tỷ lệ bắt buộc của loại nho được dùng trong sản phẩm. Nhờ bộ luật này mà tất cả sản phẩm rượu nho của Mỹ được đồng nhất về phẩm chất. Thật vậy ngày nay, khi bỏ tiền ra mua một chai rượu vang của Mỹ, người ta có thể yên tâm vì ngay trên Ê-ti-két đều ghi rất rõ ràng phẩm chất và thành phần hoá học trong sản phẩm.

Có thể nói tất cả 50 tiểu bang của Mỹ đều có những nhà sản xuất rượu vang nhưng tiểu bang Cali được coi là vương quốc rượu vang Mỹ về phẩm chất ( đem về nhiều giải thưởng nhất trong các hội chợ quốc tế ) cũng như lượng số ( vị trí thứ nhất, khoảng 84% rượu vang sản xuất tại Mỹ).

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là rượu vang của các bang khác không ngon hay không được khách hàng ưa chuộng. Chẳng hạn như rượu vang của Oregon với những vùng trồng nho Pinot Noir nhập cảng từ Pháp, họ đã cho ra những chai rượu vang không hề thua kém loại vang của Cali. Chẳng hạn như chai rượu Erath 2014.

Cũng vậy tại Columbia Valley thuộc tiểu bang Comlumbia, chai rượu Grand Estates Merlot sản xuất từ nho giống Merlot. Đó là những chai rượu vang có tên tuổi và được ưa chuộng trên thị trường Mỹ và thế giới, hoàn tòan không thua kém gì vang sản xuất tại Cali. Hay các quốc gia truyền thống rượu vang khác như Pháp, Ý…

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập đến vài loại rượu vang nổi tiếng trong hai vùng sản xuất rượu nho quan trọng nhất của Mỹ thuộc bang California đó là vùng Napa valley ( Bắc Cal.) và vùng Trung Cal. (Central Coastal Cal.). Thêm vào đó vài loại vang ở vùng khác, ngoài Cali, những chai rượu có tên trong danh sách rượu ngon và hiếm trên thị trường.

1.- Rượu vang vùng Napa Valley:

Vùng này trồng nhiều nhất là loại nho Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc, Merlot và môt ít giống nho khác ít hơn như Malbec, Petit Verdot đó là những giống nho được mang từ Pháp về và đã được thuần hoá với thổ nhưỡng của California,vùng này sản xuất phần lớn là vang đỏ. Sau đây là vài loại vang nổi tiếng được sản xuất trong vùng :

-Pahlmeyer, 2012 ( 79% Cabernet Sauvignon +11% Merlot +5% Cabernet Franc + 4% Malbec và 1% Petit Verdot), có giá khoảng 141 Sfr /chai.
-Caymus , 2011 ( 100% Cabernet Sauvignon) gúa khoảng 118 Sfr/chai

Cả hai chai trên được xếp trong danh sách qúi hiếm của Thuỵ Sĩ nên giá khá mắc. Ngoài ra còn có những loại rượu vang khác cũng từ Napa Valley khá nổi tiếng với giá phải chăng, được xuất cảng nhiều sang Âu châu như Robert Mondavi Woodbridge ; Newton, Napa Valey…Giá trong khoảng 15 - 20 Sfr/chai

2.- Rượu vang vùng Central Coast:

Cũng là vùng sản xuất ra nhiều loại vang đỏ cũng như vang trắng rất nổi tiếng của Mỹ.

-Calera Chardoney và Delicator Chardoney là 2 loại vang trắng nổi tiếng và sản xuất nhiều nhất trong vùng này. Giá khoảng 12- 15 Sfr/chai

-Calera,Selleck Pinot noir được sản xuất bởi 100% nho Pinot Noir giá mỗi chai khoảng 18 - 26Sfr ( tuỳ thuộc vào năm đóng chai từ 2011-2014).Trong đó chai sản xuất năm 2011 giá 46.50 Sfr/chai.

-Delicato Cabernet Sauvignon 2011: Được sản xuất bởi 100% nho Cabernet Sauvignon, rượu này được đánh giá 94/100 trong danh sách rượu vang hiếm và qúi của hội Master of Wine, Thuỵ si năm 2016. Giá khoảng 42 Sfr/chai

3.- Rượu vang khác của Mỹ:

Ngoài Cali. ra, ở Mỹ còn nhiều nhà sản xuất rượu vang , dù không nhiều nhưng vẫn có những chai rượu vang rất nổi tiếng trên thị trường. Chẳng hạn như :

-Columbia Crest được làm từ hỗn hợp nho merlot; Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc và Syrah, rượu này khá đậm mầu và có chút vị chát, đã được thẩm định thuộc nhóm rượu 4,5 sao trong thị trường Âu châu. Giá khoảng 15 Sfr./chai

-Betz La Serenne, Syra 2014 , Washington state : làm từ 100% nho Syrah, giá khoảng 30 Sfr/chai.

Ghi chú:

Tôi sang Mỹ nhiều lần, đã mua và uống rượu vang của Mỹ, tôi đã rất ngạc nhiên với phẩm chất rượu vang cua Mỹ ! Phải nói là tuyệt vời đã làm tôi ngạc nhiên vì quá ngon !!! Chính vì vậy trong những chuyến đi đó tôi thường bê về 4, 5 chai ( Đóng thuế rất nhẹ tại Thuỵ Sĩ nếu khai báo! Tôi cũng ghi chú cho những ai đến Thuỵ Sĩ nếu mang đếnThuỵ sĩ quá hạn 2 chai rượu ngoại quốc thì nên khai báo đàng hoàng vì thuế chỉ khoảng 25 - 30 cents/ chai . Nhưng nếu không khai báo mà bị nhân viên hải quan khám xét thì tiền phạt theo tôi biết trên 100 USD/ chai, không có chuyện xin lổi hay xin đóng thuế !!!!). Đó là Thuỵ Sĩ còn các quốc gia khác tôi không biết rõ.

7. Rượu vang Úc & Tân tây Lan


Úc và Tân tây Lan chỉ thực sự bước vào nghề trồng nho để sản xuất rượu vang chỉ khoảng trên dưới 60 năm nay mà thôi. Nhưng cũng như Mỹ, hai quốc gia này dù bước vào lãnh vực này chậm nhưng đã có những thành quả đáng kinh ngạc. Hiện nay toàn nước Úc có 62 khu vực trồng nho với diện tích tổng cộng là 160’000 héc-ta. Những giống nho chính được trồng nhiều nhất ở Úc là Shiraz, Cabernet Sauvignon , Merlot, Pinot noir, Chardonney, Riesling, Semillon và Sauvignon Blanc, Grenache, Verdelho và Viognier. Hầu hết các ruộng nho và cơ sở làm rượu vang đều tập trung tại 4 bang có khi hậu thuận lợi cho việc trồng nho, đó là bang South Australia ; New South Wales; Victoria và bang Western Australia. Rượu vang được sản xuất tại các bang có những nét đặc trưng, phản ảnh sự khác biệt về điều kiện địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng nơi trồng nho. Sau đây là vài loại rượu vang sản xuất tại 2 bang quan trọng nhất của Úc.

1. -Rượu vang vùng Nam Úc ( South Australia):

Nhờ điều kiện khí hậu và địa hình đa dạng cho nên tiểu bang này có thể trồng được nhiều giống nho khác nhau, giống nho trắng Riesling, Chardoney, Sauvignon Blanc dùng để sản xuất vang trắng. Còn các giống khác như Pinot noir, Merlot… dùng cho vang đỏ.Tiểu bang này sản xuất hơn 50% rượu vang của Úc, cho ra những chai rượu vang nổi tiếng như :

- Clarendon Hills, Astralis 2010 được sản xuất với 100% nho Shiraz tại làng Mc LarenVale, chai rượu này được cho điểm tuyệt đối 100/100, và định giá là 265 Sfr/chai, trong danh sách rượu vang qúi hiếm. Tuy nhiên những chai khác trên thị trường của công ty này cũng chỉ có giá khoảng 25 – 40Sfr/chai.

-Grange Hermitage, Penfolds là công ty sản xuất rượu vang cổ nhất Úc châu. Loại rượu này được làm từ 51% nho Shiraz và 49% Cabernet Sauvignon, 2009. Được định giá 20 Sfr./chai.

-Bellmount, Winemaker’s Choice , cũng sản xuất từ nho Shiraz ( 35%) và Cabernet (65%), có chút vị chát do nhà sản xuất cho thêm vào chất gia vị tạo đắng. Giá cả rất phải chăng, khoảng 12 Sfr/chai

2. -Rượu vang vùng New South Wales:

Dù sản lượng của vùng này chiếm vị trí số 2 với khoảng 30% sản lượng rượu vang của Úc, nhưng rượu vang tại đây không được đánh gía cao mà chỉ có tính cách đại trà, nhắm vào giới bình dân của Úc và xuất cảng sang các quốc nghèo. Loại nho chính trồng trong bang này là Cabernet Sauvignon, Chardonnay , Shiraz , Grenace và Semillon.

-Tar & Roses ( Heathcote Shiraz), 2015 được biến chế từ 100% nho Shiraz , rượu có mầu đỏ đậm và vị hơi ngọt vì chất phụ gia là táo đen và loại berry đen ngọt. Giá khỉang 7-10 Sfr/chai.

3.- Rượu vang Tân Tây Lan:


Rượu vang Tân tây Lan chỉ thực sự mới phát triển khảng 40 năm nay, năm 1977 người ta mới biết về kỹ nghệ rượu vang của Tân tây Lan nhờ sự thành công loại vang trắng của vùng Marlborough được làm từ nho Sauvignin Blanc. Cũng từ đó Tân Tây Lan đã có tiếng với nhiều loại vang trắng.

Hiện nay vang trắng của Tân Tây Lan được sản xuất khỏang hơn 200 triệu lít/năm hay 80% tổng số rượu vang sản xuất trong nước, so với 20% là vang đỏ. Vang sản xuất tại Tân tây lan thường có giá rẻ và ở mức trung bình về phẩm chất tuy nhiên hàng năm cũng mang về cho Tân tây Lan khỏang gần 1 tỷ USD. Sau đây là 2 loại vang trắng của Tân tây Lan thường thấy trên thị trường rượu Âu châu:

- Cloudy Bay 2014 ( 100% Chardonnay ), Marlborough giá khoảng 16 Sfr/chai, được đánh giá 4 sao.
- Tahuna Sauvignon Blanc, 2016 ( 100% Sauvignon ) giá khoảng 7 – 10 Sfr/chai

Ghi chú:

Vài ba năm trước tôi có quen với một anh người Úc chuyên môn về thực phẩm anh ta cho biết hiện nay rượu nói chung của Úc và Tân tây Lan ở các quốc gia Đông nam Á và nhất là tại Trung Quốc bị làm giả rất nhiều. Ngay như tại Singapore là nơi rất thận trọng mà anh ta cho biết thống kê khảng trên 10% là rượu giả ! Họ làm giả rất tài năng đến mức người bình thường không dễ nhận ra, trừ những người rất chuyên môn và phòng thí nhiệm với các máy sắc kế (ion exchange )thì mới xác định được sự khác biệt mà thôi. Trong phần kế tiếp tôi sẽ viết sơ sài về vài “ tai nạn rượu giả “ mà tôi đã gặp !

8. Rượu vang Argentina


Argentina là quốc gia rộng lớn ở Nam bán cầu, với diện tích trồng nho khoảng 260’000 hécta, hàng năm sản xuất khoảng hơn 15 triệu hectolít rượu vang, xếp hàng thứ 6 thế giới sau Pháp, Ý, Tây ban Nha, Mỹ và Đức. Trong đó 60% là vang đỏ. 90% rượu sản xuất ra được tiêu thụ trong nước, chỉ 10% dành cho xuất khẩu.

Hai giống nho được trồng nhiều nhất tại Argentina là nho trắng Torontes dùng sản xuất vang trắng và Melbec mầu đen xậm dùng cho sản xuất vang đỏ và cũng là loại nho quan trọng và mang đặc tính cho vang đỏ của Argentina. Loại nho Melbec này chiếm khoảng 30% sản lượng nho toàn quốc, được trồng phần lớn ở vùng Mendoza, nơi đây có khoảng 700 công ty sản xuất rượu vang với những cánh đồng nho bất tận và cho ra những loại rượu vang khá nổi tiếng của Argentine.

Ngoài 2 giống nho chính trên, Argentine còn trồng những loại nho khác như Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc, Merlot, Petit Verdot; Chardonnay, và Bonarda. Những giống nho nổi tiếng gốc Pháp này được trồng nhiều hơn là vì năm 1959 công ty rượu vang nổi tiếng của pháp là Moet & Chandon thành lập chi nhánh đầu tiên ngoài lãnh thổ Pháp nên họ cần những loại nho này cho việc sản xuất.

Trước năm 1970 rượu vang của Argentine không có tiếng tăm gì trên thế giới, họ chỉ sản xuất ra những chai rượu rẻ tiền dành cho quốc nội. Nhưng sau đó với sự đầu tư của các công ty rượu ngoại quốc, nhất là từ Pháp, với những kỹ thuật tân tiến và sự đa dạng hoá giống nho nên đến năm 1990 kỹ nghệ rượu vang của Argentine đã tiến triển vượt bậc. Hiện nay rượu vang Argentine đã có mặt khắp thế giới, riêng thị trường Mỹ đã nhập vào khoảng 12 triệu lít/ năm.

Nhìn chung rượu vang của Argeentine có giá phải chăng, phần lớn là vang đỏ và được sản xuất tại vùng Mendoza, là vùng sản xuất rượu quan trọng và lớn nhất của Argentine. Sau đây là một số loại rượu vang của Argentine đã có mặt trên thế giới với vị trí càng ngày càng cao trong sự lựa chọn của giới tiêu thụ.

-Cheval des Andes, Mendoza (bởi nho: Malbec; Cabernet Sauvignon; Cabernet Franc, Merlot và Petit Verdot), giá thị trường khoảng 12 Sfr/chai.

-Argento, Cabernet Sauvigon (100% Cabernet Sauvignon), Mendoza và Trivento, Carbernet, Malbec ( 70% Cabernet Sauvignon, 30%Malbec , Mendoza ). Cả 2 loại rượu này có giá khoảng 8 Sfr./chai.

-Argento, Malbec ( 100% Malbec ), Mendoza, huy chương đồng tại Wine Challnger, 2016, London. Giá khoảng 10 Sfr./chai.

-Trapiche Vineyards (100% nho Torrontes) Mendoza, vang trắng có chút vị chua. Giá khoảng 8 Sfr/chai.

9. Rượu vang Chile

Cũng như Argentine, Chile đã có ngành sản xuất rượu vang từ lâu, nhưng dậm chân tại chỗ. Cho mãi đến vài thập kỷ cuối của thế kỷ 20 cùng với Mỹ, Nam Phi, Úc, Tân tây lan mới thực sự phát triển nhờ chính sách hợp lý của chính phủ cũng như nhờ sự đầu tư của các nhà tài phiệt trong và ngoài quốc. Các quốc gia mới phát triển kỹ nghệ chế biến rượu nho này được gọi là tân thế giới của rượu vang.

Hiện nay Chile đứng hàng thứ 7 thế giới về sản lượng rươu vang và đứng thứ 5 về xuất khẩu rượu vang ra thế giới. Giống nho chính và nhiều nhất được trồng tại Chile là Cabernet Sauvignon khoảng gần 100’000 hecta, chỉ thua vùng Bordeaux của Pháp ; Tiếp theo là Merlot và Carménère, mỗi giống khoảng 25’000 Hecta; giống Syrah khoảng 17’000 Hecta và giống Pinot noir khoảng 8’000 Hecta.
Nho được trồng trải dài khắp nước, chia ra làm 4 vùng chính là:

1.- Atacama:

Vùng này chuyên sản xuất rượu nho có độ cồn cao. Vang trắng được sản xuất phần lớn từ giống nho Syrah, Chardonnay và Sauvignon Blanc.

2.- Aconcogua:

Trồng nhiều nho Cabernet Saubignon, Merlot , Pinot noir và Chardonna, sản xuất những lại rươu bình dân, giá rẻ ban trong nội địa.

3.- Central Valley ( vùng thung lũng trung tâm )

Đây là vùng sản xuất chính, sản xuất phần lớn rượu vang của Chile và những loại rượu vang nổi tiếng, thuộc hạng ngon của Chile là Premium Wines và Ultra Premium Wines. Vùng này chia ra làm 4 khu trồng nho chính là Maipo, Rapel, Curico và Maule. Tại đây có những nhà sản xuất rượu lớn nhất và nổi tiếng nhất của Chile.

4 -Nam Chile (South Chile )


Vùng này sản xuất những loại rượu vang thông thường, giá rẻ như vùng vùng Aconvogua.
Sau đây là những loại rượu được Chile xuất cảng ra ngoại quốc, mang về rất nhiều ngoai tệ cho Chile và được khách hàng ưa chuộng:

- Almaviva(Rothschild & Concha Y Toro) bởi hỗn hợp nho Caberne và nho Sauvignon; Cabernet Franc; Carménère; Melot và Petit Verdot. Đây là loại rượu được sản xuất theo kỹ thuật của rượu Bordeaux và được xếp vào hàng tuyệt hảo( Untra Premium Wines) của Chile. Sản xuất tại quận Puente Alto thuộc vùng Maipo valley ( Central Valley )khá gần thủ đô Santiago, giá khoảng 22Sfr/chai.

-Marqués de Casa Concha,100% Cabernet Sauvignon, vùng Central ( Maipo Valley) và chai Terraced Carménère, 100% Carménère vùng Central ( Colchagua Valley ) Cả hai chai này giá khoảng 15 Sfr/chai.

-Cono sur ( Reserva Especial) là vang trắng khá ngon, sản xuất bởi 100% nho Chardonnay, thuộc vùng Casablanca (Avoncogua ) miền bắc Sandiago. Giá giao động từ 10 – 12 Sfr/chai

10. Rượu vang Nam Phi


Kỹ nghệ sản xuất rượu vang của Nam Phi cũng như các quốc gia khác như Argentine, Chile, Mỹ… đều trải qua một thời kỳ suy xụp trước khi đứng dậy vào năm 1980, trở thành một nơi sản xuất rượu vang có tiếng trên thế giới. Hiện nay diện tích trồng nho của Nam Phi vào khoảng 117’000 hecta, sản lượng khoảng 7 triệu hectolit rượu vang, trong đó xuất cảng khoảng 400 triệu lít ( 57%), mang về cho Nam Phi khoảng 7 tỷ USD ( khoảng 2%GDP) , tạo ra khoảng 300’000 lao động.

Giống nho được trồng tại Nam Phi phần lớn có gốc từ Châu Âu, nhất là Pháp. Rượu vang đỏ của Nam phi được sản xuất từ giống nho địa phương, nổi tiếng là Pinotage, giống này được lai tạo giữa nho Pinot noir và Cinsault. Gần đây các giống nho đỏ khác như Cabernet Sauvignon; Merlot, Shiraz và Pinot noir càng lúc càng quan trọng vì nó được pha trộn với giống nho địa phương cho ra những loại rượu vang đỏ mà nhiều người ưa thích. Rượu vang trắng chiếm khoảng 90% tổng sản lượng rượu vang của Nam phi và được làm từ loại nho địa phương Chemin Blanc ( tên địa phương là Stein ), giống nho này chiếm khoảng 30% , còn lại là các giống nho trắng ngoại nhập như Sauvignon Blanc; Chardonnay; Colombard; Riesling.

Các vùng sản xuất rượu nho nổi tiếng của Nam phi thường nằm dọc theo bờ biển hay gần bờ biển. Có thể chia Nam phi ra làm 4 vùng chính trồng nho và sản xuất rượu vang là :

1. -Vùng Constantia:

Vùng này tuy nhỏ nhưng lại là vủng sản xuất rượu nho trắng và đỏ lâu đời và nổi tiếng nhất Nam phi, chẳng hạn như loại rượu Constantia Utsig.

2. -Vùng Stellenbosch:

Ở phía đông Cape Town là vùng sản xuất khoảng 14% tổng sản lượng vang cua Nam Phi, nỗi tiếng với loại vang đỏ.

3. -Vùng Pearl:

Là trung tâm sản xuất rượu vang và được xuất cảng nhiều nhất với khoảng 25% tổng sản lượng toàn quốc, rượu vùng này rất hợp với khẩu vị Âu châu vì vậy được xuất cảng phần nhiều sang Âu châu.

4. -Vùng Overberg:

Là vùng rượu vang mới, trồng nhiều giống nho để sản xuất rượu vang trắng như nho Chardonnay, Sauvignon Blanc .

Sau đây là một số loại rượu vang được Nam Phi xuất cảng sang Âu châu nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây :

-Anwilka, Stellenbosch 2008, vang đỏ được làm từ 63% Cabernet Sauvignon và 37% Syrah , năm 2000 được giải thưởng Top-Winzer-Hubert. Giá khoảng 25 Sfr/chai.

-Boschendal , Pinotage với 100% nho Pinotage, vang đỏ, đóng chai 2016 gá khoảng 10Sfr/ chai.

-Glen Carlou, Chardonney, với 100% nho Chardonney, vang trắng vùng Constantia, giá khoảng 12Sfr/ chai.

Ghi chú:

Nhiều năm về trước, khi tôi còn đi làm việc, hàng năm tôi thường tham dự với bạn bè Thuỵ Sĩ tại các cuộc hội thảo hay triển lãm giới thiệu về rượu vang quốc tế. Chẳng hạn hàng năm vào tháng 10 đương lịch tại hồ nước của Zuerich luôn luôn có tổ chức : “ Wine Expose “ trên 2 chiếc tầu thuỷ rất lớn. Khách vào xem và thử rượu chỉ trả vé vào cửa ( thời đó khoảng 15 Sfr/người ). Khách thử rượu miễn phí, nếu thích có thể đặt rượu, giá hơi rẻ so với giá trên thị trường nhưng chắc chắn là thật và đặc biệt hơn… công ty mang đến tận nhà. Khi thử rượu,khách có phiếu để tỏ bầy ý kiến khi thử rượu . Cuối cuộc thử ( 2 tuần lễ ) người ta sẽ thống kê điểm của những loại rượu và xếp hạng rượu. Tôi chưa bao giờ thấy rượu từ các QG Nam Mỹ hay Nam Phi có mặt trong danh sách rượu ngon. Phần lớn rượu ngon đến từ Âu châu và sau này là Mỹ, đôi khi có Úc châu. Dĩ nhiên những rượu đem đến quảng cáo đó thường là rượu hạng sang, hạng tốt. Chính vì vậy những người thích, yêu rượu họ thường đến để có dịp “ đê mê “ với rượu ngon .

Hết chủ đề hai
(xin xem tiep)

Thuỵ sĩ, Zuerich tháng 3 năm 2023
Lưu An, Vũ ngọc Ruẩn


Chủ đề 3:

Phẩm chất rượu vang & thời gian tồn trữ

Có lẽ rất nhiều người đều cho rằng chai rượu nào càng để lâu càng ngon. Điều này không đúng hoàn toàn với tất cả ! Có những chai rượu chỉ tồn trữ khoảng 2,3 năm là xuống cấp, nếu để lâu hơn nữa nó chỉ được dùng như một loại dấm làm sà lát hay để dùng nấu nước sauce cho các món ăn như ragout, spaghetti… Ngược lại có những chai rượu để lâu 20, 30 năm hay lâu hơn nữa , phẩm chất vẫn ở mức tốt, nó lại là một chai rượu quý hiếm, ngon đến lịm người và dĩ nhiên có giá rất cao trên thị trường hay trong các cuộc đấu giá rượu trên thế giới.

Theo kiến thức chuyên môn dựa vào những kiểm chứng đo lường trong phòng thí nghiệm thuộc lãnh vực chuyên môn của tôi ( như máy HPLC, những ai liên hệ đến hoá phân tích trong sinh hóa, hóa thực phẩm ..v..v.. chắc biết về dụng cụ phân tích này ), thông thường với những chai rượu được sản xuất bài bản, đúng kỹ thuật… Sau khoảng 6 tháng hay một năm của thời kỳ ủ rượu, rồi đóng chai, phẩm chất của rượu sẽ tăng lên dần dần theo thời gian tồn trữ. Nhưng đến một điểm cực đại nào đó độ ngon của rượu sẽ dần dần xuống cấp, nhanh hay chậm tuỳ theo kỹ thuật biến chế, loại nho, hoá chất (tiểu xảo )… của nhà sản xuất.

Chính vì vậy, nhiều nhà sản xuất, nhóm thử rượu cũng như các hiệp hội chuyên môn về rượu thường đưa ra những khuyến cáo giới hạn xử dụng cho những chai rượu đặc biệt nào đó. Chính những khuyến cáo đó đã khoác “ giá cả “ cho những chai rượu trên thị trường. Theo tôi thì với những chai rượu thông thường, có qua sự kiểm định của các hiệp hội của chính phủ địa phương như AOC (Thuỵ sĩ và Pháp ); AVA (Mỹ ) hay DOCG (Italy) …v..v.. thì phẩm chất sẽ tăng lên đến mức tối đa ở khoảng thời gian nào đó rồi giảm xuống. Điểm ngon nhất này tùy thuộc vào từng loại rượu. Có loại chỉ 5, 6 năm rồi suy giảm, nhưng có loại tăng độ ngon lên cực điểm và kéo dài hàng chục năm sau đó!

Trên thị trường rượu quý hiếm, đôi khi người ta “ tôn vinh “ một chai rượu nào đó có phẩm chất không thay đổi với thời gian hay hàng nhiều trăm năm tồn trữ ( Sic!)! Đó chỉ là chuyện tầm phào, nói cho vui! Hoạ chăng đó là một vật thể dành cho thế giới Đồ cổ ( Antique )hay có chút khôi hài ( Antic)!

Nghĩ cho cùng con người vốn dĩ là một động vật rất giàu cảm tính. Chính vì sự phong phú cảm tính đó người ta đã bước vào thế giới lãng mạn của văn chương , thơ nhạc, phim ảnh, hội hoạ..v..v… cho ra những bóng mây tuyệt vời trong nghệ thuật. Nào là những vần thơ diễm lệ, đa tình của G. Appollinaire! Những cuốn phim đầy nhân bản, làm cho thế nhân cười vui nghiêng ngả nhưng nước mắt lại ướt vòng mi của C. Chaplin… Nhưng đôi khi chính những cảm tính đó, con người ta trở nên điên khùng, ngây dại như một lũ ngu đần khó giải thích!

Thật vậy, chúng ta, ai dám giơ tay lên để nói là đã hiểu rõ cái đẹp, cái tuyệt tác của những bức tranh lập thể không giống ai của P. Picasso như bức “ Le Rêve” hay bức “ Le Femmes d’Alger “ giá mỗi bức khoảng 160 triệu USD ! Hay khi xem bức tranh ” Violet , Green và Red “ của họa sĩ M. Rothko, người ta sẽ phải nghĩ hoạ sĩ là một tên điên, một kẻ bệnh thần kinh! Chỉ với 3 màu sắc lem nhem ghép vào nhau mà giá bán gần 200 triệu USD!

Con người là thế! Không phải chỉ có trong lãnh vực nghệ thuật mà tất cả các lãnh vực khác nữa. Nếu chúng ta vô tư mà nghĩ như vậy thì chúng ta cũng chẳng cần gì phải nhăn mặt, cau mày khi trên một sàn đầu giá nào đó ở New York, ở London, ở Paris hay ở Genève… đã có kẻ hư não bộ ( hay thông thái, khôn ngoan !? ) dám bỏ ra một món tiền kinh hoàng để mua một chai rượu vang mà nó chẳng còn là rượu nữa mà là “ kim cương hoá lỏng “ như:
-Chai Château Cheval Blanc , 1947 của Bordeaux với giá 305’000 USD trong kỳ đấu giá tại Genève, Thuỵ sĩ .

-Chai Chateau Margaux, 1785 trong sưu tập rượu của cố tổng thống Mỹ, J. Jefferson với giá khoảng 500’000USD ! nhưng may mắn thay khi mang nó đến khách sạn Four Seasons người hầu bàn đã vô tình làm vỡ nó !

Để kết luận bài viết về rượu, theo tôi, chúng ta hãy làm một kẻ bình thường, rất bình thường! Khi muốn thưởng thức cái ngọt ngào, cái thơm ngon của rượu trong những bữa ăn tiếp đãi bạn bè hay vui thú với người thân thương. Chẳng cần gì phải ngu ngốc bỏ ra hàng trăm USD cho một chai rượu vang mà lại còn bị mang tiếng háo danh, khoe mẽ ! Hãy nhìn rất kỹ vào những chai rượu 20, 30 USD cũng dư đủ cho chúng ta hay bất cứ ai muốn nhâm nhi, mơ màng để nhờ nó mà tìm đến cái khoái cảm của giao tế, của lịch lãm. Biết đâu cũng nhờ nó mà ta lại được ngụm lặn trong suy tư, tưởng tượng để làm ra những vần thơ lãng mạn hay sáng tác một cuốn phim, một vở kịch hay ?! ( dĩ nhiên chỉ với ai có tâm hồn ướt át, biết dùng những ngôn từ, những sắc màu và trí tưởng tượng, còn những kẻ tâm tư, cảm xúc thô kệch thì dù có là mỹ tửu cũng vẫn là trò ngưu ẩm mà thôi ! ) ./.

Hết
 
Lưu An
( December, 2017 )

PS. Bài viết được thu kiến thức gom từ :
-Wikipedia theo từng đề tựa, quốc gia liên hệ đến rượu.
- The Swiss Bank of Fine and Rare Wines ( Wein Portfolio ) 2014
-Weinführer (2017 & 2018) & Wein Liebhaber ( 2015 & 2016), Denner
-Mondovino ( Die Weinwelt für Jeden Geschmack ) 2016 Schweiz.
-Baur au Lac vins (Weingeschäft , Hauftbahnhoft Zürich )
-Weinclub. CH
-Các quảng cáo… của những hãng rượu trong những hội chợ về rượu tại Thuỵ Sĩ ( Zürich Weine Expose, 2015 ); Mövenpick Weinkeller ..v..v