Vài lời khai truyện
Trong suốt khoảng 20 năm qua, mỗi năm tôi đều tìm dịp về thăm Việt Nam. Đã
đi gần như khắp đất nước, thăm viếng các đền đài, di tích lịch sử cũng như
những thắng cảnh từ Bắc đến Nam. Tôi đã đến những nơi mà ngày xưa, thời còn đi
học chỉ tìm thấy trong sách báo, trong văn chương bằng những tưởng tượng của
mình. Tôi lên tận những bản làng vùng cao nguyên, hoà nhập vào nếp sống
của những cộng đồng dân tộc thiểu số, hưởng thụ mùi vị của những món ăn đặc sản
trong âm thanh cồng chiêng độc đáo của họ
***
Tuy đã về Việt Nam nhiều lần, nhưng tôi vẫn còn nhiều cảm giác chờ mong, đầy
thích thú trong những chuyến đi. Tôi có cảm tưởng Việt Nam, nơi tôi chẳng bao
giờ quên được, tôi sẽ tìm về nếu sức khoẻ cho phép dù chỉ là cuộc về thăm
viếng, rong chơi .Tìm về để quên đi những tẻ nhạt của những tháng năm
cuối đời mình nơi viễn xứ. Để sống lại, nhìn lại những dấu tích kỷ niệm xa xưa,
nơi tôi đã sinh ra, lớn lên với nhiều buồn vui lẫn lộn . Mỗi lần về quê hương
với tôi là một lần có được những cảm giác thích thú, níu kéo, tiếc rẻ khi rời
xa.
Đôi lần, trong những cuộc gặp gỡ với một vài người bạn đồng hương, cùng lứa
tuổi trên dưới 60. Họ đã rời xa Việt Nam dưới một dạng thức nào đó trong khoảng
vài ba năm trước hay sau 1975, phần đông họ cũng có cảm giác như tôi khi
về thăm Việt Nam. Họ tìm thấy cố hương nơi đã cất giấu quá nhiều kỷ niệm vui
buồn trong đời họ, vẫn có cái gì đó kêu gọi họ dù mù mờ trong ký ức. Tình cảm
của những lần về thăm đôi khi có khác nhau giữa người này với người khác, nhưng
vẫn có một điểm chung, đó là tìm được niềm vui khi trở về nhìn lại nơi mình đã
một thời gắn bó.
Riêng cá nhân tôi, ngoài việc thăm viếng gia đình các em và bố tôi vẫn còn sinh
sống trong nước. Tôi vẫn có những thích thú để được nhìn, được thưởng thức tất
cả những gì độc đáo của quê hương mà ngày xưa vì chiến tranh, nghèo đói, tôi đã
không có dịp thực hiện. Dĩ nhiên trong những lần về thăm đó tôi cũng đã bao lần
cúi đầu buồn bã với những điều đáng trách, không vui. Nhưng bên cạnh đó, chẳng
hiếm những lần tôi đã ngẩn ngơ, vui mừng, mở lòng mình đón nhận cái hạnh phúc
tuyệt vời, khó tả. Đôi lần tôi đã chảy nước mắt vì cảm động với những thân tình
rất đơn sơ, mộc mạc của những người xa lạ, chưa hề quen biết gặp trên đường
phố. Tôi tự hỏi, tôi có chủ quan quá đáng để nghĩ rằng, với gần 35 năm sống và
đi khắp thế giới, chỉ có ở Việt Nam, quê hương nơi tôi đã sinh ra lớn lên trong
kỷ niệm, tôi mới có thể tìm được cái tình cảm thấm đậm ân tình như vậy hay
không ?
Viết ra đây vài sự kiện để giải thích cho một góc cạnh nho nhỏ mà chính nó đã
góp phần níu kéo, hấp dụ tôi về thăm viếng Việt Nam hàng năm.
Mẹ Con Người Đàn Bà Bán Chè
Cũng như mọi năm, Tháng Tư năm 2002, tôi lại về thăm Việt Nam. Đặc biệt lần
này, tôi tạt vào Nhật Bản để cùng đi với cô con gái út học ở đó đang trong dịp
nghỉ mùa xuân. Thời gian nghỉ của con gái quá ngắn, không tiện cho việc đi chơi
xa vì vậy bố con tôi chỉ loanh quanh ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng, vào những ngày
nắng nhạt hay buổi chiều khi cái nóng của Sài Gòn dịu xuống, tôi mới có dịp chở
con gái đi thăm viếng những người quen biết hay tạt vào những quán ăn uống, cho
con gái biết chút đỉnh về quê cha đất tổ.
Hôm đó, khi hoàng hôn đã làm nhẹ cái nóng khô của Sài Gòn Tháng Tư dương lịch.
Tôi và con gái đang ngồi uống dừa lạnh dưới hàng hiên của một quán nước trên
con đường khá vắng xe, rợp bóng cây ở vùng quận 3. Một bà bán chè khoảng tuổi
trung niên, cùng với đứa con gái cỡ 12, 13 tuổi, đặt gánh chè sát bên lề đường,
ngay phía trước chiếc bàn mà bố con chúng tôi đang ngồi.
Quai trước đỡ một cái thùng bằng nhôm đựng nước rửa bát, phía trên thùng nước
được biến chế thành cái khay nhỏ. Trên đó đựng khoảng hơn chục cái bát ăn chè
úp ngăn nắp bên cạnh cái lon đựng muỗng và vài cái hộp thô thiển đựng gia vị,
cho món chè “đậu xanh bột báng “, đặc biệt của của miền quê Nam Bộ. Quai sau,
một nồi chè khói bốc nghi ngút đặt trên một cái bếp than mù mờ ánh lửa khi có
làn gió nhẹ thổi qua. Hai chiếc quai được nối chặt với nhau qua chiếc đòn gánh
ở phía trên để giữ cân bằng và cũng tiện cho việc di chuyển.
Hình như đã quá quen thuộc với công việc buôn bán, đứa con gái giúp mẹ vài việc
lặt vặt rồi cùng với mẹ chia nhau đi vào các hàng quán chung quanh để mời gọi
khách ăn chè. Mỗi khi có người muốn ăn, họ lại ra gánh chè múc chè bưng đến tận
tay cho khách. Chúng tôi im lặng theo dõi những cử động thuần nhuyễn của hai mẹ
con với khá nhiều thích thú. Nhất là nhìn thấy vẻ vội vàng, ánh mắt vui mừng lộ
rõ trên khuôn mặt khá xinh, ngây thơ của đứa con gái mỗi khi tìm được khách.
Đúng lúc đó, từ đằng xa một chiếc honda với tiếng máy nổ chói tai, trên yên xe,
hai thanh niên quần áo xanh đỏ diêm dúa đang lượn vòng, đánh võng với tốc độ
khá cao. Tên ngồi đằng sau lấy chân đẩy chiếc càng chống xe, cọ sát trên mặt
đường tạo ra một làn lửa xanh uốn éo theo vòng lượn của xe.
Không biết vì trật tay lái hay vì tính toán không chính xác, chiếc xe chạy sát
đến gánh chè, vướng vào chiếc quang trước kéo đổ thùng nước rửa cùng với đống
bát ăn chè bị bể vỡ rơi tung tóe ra mặt đường. Chiếc đòn gánh được cột chặt vào
chiếc quang phía sau bung lên kéo nồi chè và bếp than đổ theo. Âm thanh xèo xèo
của chè nóng khi chạm vào than đỏ hồng trên mặt đường sinh ra làn khói trắng
bốc lên tan biến vào không gian. Mùi thoang thoảng khét của chè cháy đập vào
khứu giác làm chúng tôi cảm nhận được cái thơm ngon của món chè.
Hình như tiếng đổ vỡ của gánh chè và tiếng trượt bánh xe trên mặt đường
đã đánh động mẹ con người bán chè. Từ một quán nước gần đó, cả hai hốt hoảng
chạy ra, bà mẹ gào lên:
-Trời ơi! Đổ hết gánh chè của tao rồi! Chúng bây mau thường cho tao!…
Từ đằng xa, hai tên lái xe honda dừng xe cùng quay lại nhìn, khuôn mặt dù có tí
chút ngạc nhiên nhưng hoàn toàn vô cảm với lời la hét của bà bán chè. Chúng
quay sang nói với nhau vài tiếng gì đó, rồi rồ ga vọt đi, để lại đằng sau làn
khói trắng cùng tiếng hú chói tai của máy nổ.
Bà bán chè vừa hét, vừa chạy theo chiếc honda, nhưng chỉ được vài bước bà ta
dừng lại vì biết rõ việc chạy theo chiếc xe phạm tội chỉ là chuyện vô ích. Đứng
lại, đưa bàn tay đập vào đầu mình, khuôn mặt giận dữ nhìn theo hướng chiếc xe
của hai tên tội phạm đã biến mất từ lâu, với giọng chán nản ba ta than thở:
-Trời ơi, tao sống làm sao đây, vốn liếng để nuôi cả gia đình chỉ có nồi chè mà
chúng mày đã phá tan của tao rồi!…
Trong khi bà bán chè than van, khóc lóc, người hiếu kỳ dần dần bu lại. Người
này nói vài lời an ủi, người kia quay ra chửi vài câu bâng quơ hai thằng du
đãng. Vài người khác, tích cực hơn quay ra giúp đứa con gái thu gom những dụng
cụ bát muỗng chưa bị vỡ… Qua những lời bàn tán của đám đông cùng với lời than
khóc từ bà bán chè, tôi hiểu khá rõ hoàn cảnh đáng thương của họ.
Chồng bà ta làm nghề chạy xe ôm, khoảng một năm về trước bị tai nạn giao thông
tê liệt cả thân mình, hiện nay sống tàn phế trong một căn chòi ở một ngõ hẻm
không xa. Hàng ngày bà ta vẫn trông nhờ vào gánh chè để kiếm tiền nuôi chồng
tàn tật và ba đứa con hãy còn bé. Đứa gái lớn nhất vừa lên lớp Bảy, ban ngày đi
học, chiều tối theo mẹ đi buôn bán. Họ kéo dài cuộc sống thiếu thốn, khổ cực đó
chỉ dựa vào một hy vọng duy nhất là mong chờ ba đứa con lớn khôn, đi làm kiếm
tiền giúp đỡ mẹ cha để đời sống có chút đổi thay nhàn nhã hơn.
Đứa con gái vẫn im lặng cúi đầu, giúp mẹ thu gom vài chiếc bát còn lành lặn,
xếp vào chiếc nồi nhôm đựng chè đã rỗng không. Người mẹ thu gom vật dụng nhưng
vẫn không dừng thút thít khóc than. Nhìn cặp mắt ngơ ngác, đau khổ trên khuôn
mặt xám đen vì cháy nắng có vài sợi tóc thấm nước mắt và đất cát vắt ngang trên
mặt của bà mẹ, tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống vì thương hại.
Đám đông hiếu kỳ thưa thớt dần, con đường lại trở về với vẻ bình thường như
chẳng có gì xảy ra. Sau một lúc suy nghĩ, tôi đứng dậy trả tiền nước uống, dẫn
chiếc xe gắn máy xuống đường rồi quay sang nói với con gái tôi:
-Con giữ xe cho bố một tí.
Chẳng đợi câu trả lời của con, tôi im lặng đến bên bà bán chè, ghé sát tai hỏi
nhỏ:
-Gánh chè của chị giá bao nhiêu vậy ?
Có lẽ bà bán chè tưởng rằng câu hỏi của tôi cũng như của những người khác, chỉ
tò mò để mở đầu cho vài câu an ủi hay chia buồn cho nỗi bất hạnh của bà ta mà
thôi. Bà bán chè ngước nhanh lên nhìn tôi không có tí gì tỏ ra chú ý, rồi lại
cúi xuống sửa lại đội quang gánh, giọng buồn chán, bà trả lời:
-Cả vốn lẫn lời, nếu gặp ngày may mắn bán hết cũng chẳng hơn được 80 ngàn đồng.
Trừ tiền vốn thì cũng kiếm được khoảng 40 đến 50 ngàn đồng là nhiều.
Nhưng bây giờ tất cả đã mất rồi, biết lấy gì mà nuôi chồng con? Trời ơi! Sao
tôi khổ quá thế này?
Tôi im lặng móc túi lấy ra 2 tờ giấy 50 ngàn đồng, gấp nhỏ nhét vào bàn tay của
bà ta, chẳng cần chú ý đến nét mặt ngỡ ngàng, không hiểu của bà ta. Tôi nói rất
gọn:
-Thôi chị đừng khóc nữa, tôi trả tiền cho gánh chè. Coi như hôm nay chị bán
hết.
Bà bán chè lúc này mới thực sự hiểu rõ. Quay lại nhìn tôi, đôi mắt giương
to, vành môi hơi mở rộng, thể hiện sự kích xúc tột cùng đang có trong lòng bà
ta. Mặc dầu tôi đã phải ấn hai tờ giấy bạc thêm một lần nữa vào bàn tay bà ta,
nhưng hình như bà ta vẫn chưa tự tin hoàn toàn để cầm lấy nó. Mãi một lúc sau,
khi đã có phần nào bình thản, bà ta đưa mắt nhìn rõ 2 tờ giấy bạc trong bàn tay
của mình, ra vẻ suy nghĩ tí chút. Nét buồn chán trong ánh mắt đã hoàn
toàn biến mất, thay vào đó là vẻ mừng rỡ. Bà ta cầm lấy một tờ 50 ngàn đồng,
đưa về phía tôi:
-Chú Hai, trời ơi! Chú tốt quá, tôi chỉ dám xin chú 50 ngàn thôi. Quá đủ cho
tôi có vốn buôn bán ngày mai rồi, còn lại xin trả chú.
Hành động của bà ta làm cho tôi khá ngạc nhiên vì không thể ngờ được một người
đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà lại từ chối món tiền rất cần thiết cho cuộc
sống của họ như bà ta. Tuy nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn đẩy nhẹ cánh tay bà ta và
nói:
-Chị cứ cầm lấy tất cả đi. Chị quên, không tính đến việc mua bát đũa, dụng cụ
hư hỏng nữa hay sao ?
Bà bán chè vẫn nằng nặc nhét tờ giấy bạc vào tay tôi:
-Mấy cái chén cũ đó mua rẻ rề, chẳng đáng bao nhiêu đâu. Chú giúp tôi thế
này là quá đủ và quá tốt với tôi rồi. Nhất định, tôi không dám lợi dụng quá
mức, lấy của chú 100 ngàn đâu.
Hành động đẩy qua, đưa lại giữa tôi và bà bán chè đã làm vài người hiếu kỳ xì
xào, bàn tán… Tôi đã cảm thấy có chút khó chịu với ánh mắt tò mò của những người
đứng xem và với thái độ quá lạ kỳ của bà ta. Nửa ra vẻ đùa giỡn, nửa ra vẻ
nghiêm nghị, tôi cầm lấy cả 2 tờ giấy bạc làm như muốn bỏ trở lại vào túi mình,
nhìn thẳng vào mặt bà ta tôi nói rõ từng chữ:
-Chị không muốn lấy thì thôi, tôi chẳng còn thì giờ đứng đây lằng nhằng với chị
nữa. Bây giờ chị lấy cả 2 tờ hay không lấy tờ nào, đơn giản có thế mà thôi.
Nói xong, tôi làm ra vẻ muốn quay bước đi. Đến lúc đó, bà ta mới đưa tay cầm
vội lấy cả hai tờ giấy bạc. Với vẻ cảm động và sung sướng hiện rõ trên khuôn
mặt, nhìn tôi lắp bắp lời cảm ơn:
-Chú Hai, vậy tôi xin chú. Chú tốt với tôi quá, tôi chẳng biết lấy gì để đền
đáp ơn huệ của chú.
Tôi nói với bà ta vài câu an ủi vu vơ rồi quay bước về phía đứa con của
tôi. Nó đang đứng giữ chiếc xe, đưa mắt ngẩn ngơ theo dõi diễn tiến. Tôi
mỉm cười đi về phía con, tôi cũng không nhìn lại, nhưng biết chắc chắn đằng sau
mình có ít nhất hai khuôn mặt vui mừng của mẹ con bà bán chè đang ngơ ngác nhìn
theo.
Lúc tôi sửa soạn rồ máy xe, đứa con gái của bà bán chè, vội vàng chạy đến bên
cạnh cúi đầu rất kính cẩn, với vẻ e dè nhưng đầy cảm động, nói với tôi:
-Chú Hai, con cám ơn chú đã giúp đỡ gia đình con.
Tôi nhìn nó mỉm cười, đưa bàn tay vuốt mái tóc ngắn cũn cỡn của nó, rồi vỗ nhè
nhẹ vài cái vào vai của nó, với vẻ quý mến, tôi nói:
-Không có chi để cháu phải cám ơn chú. Cháu cố gắng học hành và thương yêu,
giúp đỡ cha mẹ cháu là chú vui rồi .
-Dạ, cháu sẽ nghe lời chú Hai.
Trước khi rồ máy xe, tôi còn thấy nó đưa tay nắm nhẹ lấy cánh tay con gái tôi
và nói:
-Em cám ơn chị.
Trên đường về, bố con chúng tôi im lặng, không nói với nhau một lời nào. Nhưng
tôi biết chắc cô con gái của mình vẫn chưa thoát được những suy tư về
những diễn tiến vừa xẩy ra.. Tôi cũng biết con tôi không đủ khả năng ngôn ngữ
để hiểu được trọn vẹn cái sâu sắc của sự việc, nhưng tôi nghĩ rằng nó dư đủ
thông minh để nhìn thấy niềm vui đang hiện hữu trong lòng tôi và nó. Dĩ nhiên
niềm vui đó chắc chắn còn lớn hơn đang có trong lòng của cả hai mẹ con bà bán
chè rong nghèo khổ.
Riêng tôi, tôi tự hỏi với món tiền quá bé nhỏ, chỉ hơn 6 đôla, chưa đủ
trả cho một ly kem tráng miệng trong bữa cơm trưa của tôi hàng ngày ở Thụy Sĩ.
Với món tiền quá ít ỏi như vậy mà tôi đã mua được một niềm vui rất lớn cho bố
con chúng tôi và mẹ con bà bán chè bất hạnh.
Giá trị của 6 đôla đã được gia tăng rất nhiều, ra ngoài sự tính toán và không
ngờ được của tôi và có lẽ của con gái tôi nữa. Nhờ món quà nhỏ bé đó tôi đã tái
tạo được số vốn mưu sinh của một người đàn bà nghèo khổ, xóa bỏ được bóng ma bi
đát của một gia đình bất hạnh, trong đó có người cha tàn tật và ba đứa con đang
tuổi ấu thơ. Đó không phải là một cuộc trao đổi rất khôn ngoan, một niềm vui to
lớn mà tôi đã có được trong lần về thăm đất nước này hay sao?
Ngồi trên chiếc xe gắn máy lăn chậm chạp trên con đường nhựa bằng phẳng. Hưởng
thụ những làn gió mát buổi hoàng hôn của một ngày trời Sài Gòn nhạt nắng. Tôi
miên man nhớ lại với hơn 30 năm sống và làm việc ở hải ngoại. Tôi đã đi công
tác ở biết bao nhiêu quốc gia nghèo khổ trên thế giới, Ấn Độ, Pakistan, Trung
Quốc, Đông Nam Á và khá nhiều đất nước khác ở Phi châu. Bao nhiêu lần, tôi đã
từng xúc động cảm thương với những hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng của những
người dân bất hạnh nơi đó. Tôi đã từng giúp đỡ, cho tặng vật chất, tiền bạc
những người thiếu ăn, hoạn nạn, khốn cùng. Tôi đã nhìn thấy những nét mặt, ánh
mắt biết ơn, nghe những câu nói cảm ơn chân tình của họ… nhưng có lẽ chưa bao
giờ tôi gặp được một người nghèo đói, có hoàn cảnh khó khăn, đang phải đối đầu
với một viễn tượng tối đen như mẹ con bà bán chè, lại từ chối không nhận món
quà mà họ đang cầu mong khi tôi đem đến giúp đỡ họ.
Tôi nghĩ rằng, có lẽ đây là một góc cạnh rất đẹp dù nó khá buồn của hàng trăm
góc cạnh khác, tiềm ẩn trong xã hội Việt Nam mà tôi đã đôi lần nhận biết. Theo
tôi chỉ có những ai biết mở rộng tấm lòng, biết hoà nhập vào cuộc sống
của quê nhà, biết hưởng thụ cái giá trị tuy đơn sơ nhưng rất chân tình của
người dân Việt. Nhất là từ những người nghèo khổ nhưng họ vẫn còn xa lạ với
mánh mung, lừa đảo luôn luôn hiện hữu ở những thành phố lớn đầy rẫy những tật
ách. Những người này chỉ biết mang lao lực ra kiếm sống. Tôi chắc chắn nếu
chúng ta nhờ một trạng huống nào đó để giúp đỡ họ, chúng ta sẽ thu nhận được
những nụ cười, niềm vui đôi khi làm cho chúng ta chảy nước mắt vì cảm động.
Với cá nhân tôi, chính những góc cạnh đẹp đẽ đó đã nối kéo, hấp dụ tôi
tìm về thăm viếng Việt Nam hàng năm. Cũng chính nó đã gây cho tôi những cảm
giác phập phồng đợi chờ mỗi khi sắp sửa về thăm nhưng lại buồn thương, nuối
tiếc lúc gần phải tạm biệt, rời xa.
Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn
Viết từ Thụy Sỹ