Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Manh Áo Quê Nghèo - Song ca Kim Trúc - Dũng Trà


Sáng Tác: Yên Lang
Giọng Ca: Kim Trúc & Dũng Trà


Sau Trận Chiến

 

Cố dấu nỗi buồn sau khói thuốc
Mặt lạnh nhưng lòng đang rất đau
Hôm qua anh bạn vừa bỏ cuộc
Chiều nay em út suốt chuyến tàu.

Lính trận sống hùng, không sống thọ
Chẳng ngại phong trần, hoặc gian nan
Máu đổ cho đất mềm xanh cỏ
Hùng sử đẹp thêm trang sử vàng.

Đã đành sinh, tử là số mạng
vẫn ngậm ngùi thương những đời trai
Quê hương tan tác trong lửa đạn
Vì đâu non nước mãi u hoài?!

Bao lần Tổ Quốc buồn đưa tiễn
những lứa thanh xuân, lắm tài hoa!
Hương lòng thắp vội bằng kinh nguyện
khóc bạn vừa xong nợ nước nhà!

Mảnh Poncho gói đời trai trẻ
giấc ngàn thu đến lúc đôi mươi
Thì thôi, hãy ngủ yên bạn nhé!
Sớm, muộn cũng xong một kiếp người!

Huy Văn(HVC)
(Suối Đá, Quảng Tín 28-05-1974)

Tiếng Mẹ Ru


Từ bốn ngàn năm trước
Trên đất Lĩnh Nam
Mẹ Âu Cơ cất lời ru
Con ơi nhớ lấy lời nầy
Ta là giống Rồng Tiên
Dân Lạc Việt trồng “ Lúa nước "
Bên bờ Trường giang Dương Tử
Trôi giạt tới nơi đây

Bốn ngàn năm sau
Trên đất Miền Đông Nam bộ
Bà thác lời ru cháu
Nhắn gởi khuyên con gái
“ Con ơi chớ lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm ai bới tô trà ai dâng"


Hoặc nói gần nói xa
“ Có con mà gã chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho"
Nhưng mà con của mẹ
Vì duyên số lấy phải chồng xa
Từ đất gò Miền Đông
Lấy chồng về U Minh Miệt thứ
Nên mới cất lời than
“ Con gái mà lấy chồng xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu"
Có những buổi chiều tà
“ Chiều chiều ra đứng cửa sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
Cũng có khi
“ Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”
Đó là những gái hiếu thuận
Lại có những nàng thôn nữ
Con cháu Hồ Xuân Hương
Thuộc loại “ gái ngoan”
“ Không chồng có chửa mới ngoan
Có chồng có chửa thế gian sự thường"
Khăn gói theo người yêu
“Ra đi là sự đánh liều
Mưa mai nào biết nắng chiều nào hay"
Vì yêu nên phải sao cũng chịu
“ Một mai thiếp quyết theo chàng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam"

Ngày nay trên đất Mỹ
Một mảng Việt Nam trôi giạt
Ông cất lời ru cháu
“ Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẽo gập ghình khó đi
Khó đi khó đẩy về rẩy ăn cần
Về sông ăn cá về đồng ăn cua"

Tiếng mẹ Âu Cơ ru hờ
Từ bốn ngàn năm trước
Nay vẫn còn vẳng đưa


Nguyễn Thành Nhơn
(Đực Làng Bưng Cầu
Xứ Thủ Miền Đông)

Biển Nhớ


Vũng Tàu biển sóng vây quanh
Em về tìm lại ngày xanh tuổi hồng
Bao nhiêu năm cuộc phiêu bồng
Quê hương vời vợi đau lòng đỗ quyên

Rì rào gió cát hàn huyên
Từ em cất bước truân chuyên dập dồn
Rặng dừa rũ bóng hoài mong
Mà người đi mãi cánh hồng bay xa

Thôi đành giấu mộng hải hà
Thuyền neo bến đợi trăng tà quạnh hiu
Bao nhiêu hạnh phúc chắt chiu
Ðào nguyên một thuở Nguyễn Lưu lạc đường

Ai về gối mộng tơ vương
Ai đi biền biệt một phương ngóng chờ
Con đường kỷ niệm ngẩn ngơ
Tương lai, hiện tại … thẫn thờ … chiêm bao

Nguyễn Phan Ngọc An

Quê Ngoại


Má tôi thứ Sáu. Mọi người thường gọi má tôi là cô Sáu hay Bác Sáu( Mặc dù ba tôi thứ Hai đáng lý người ta phải gọi là Bác Hai mới đúng ). Má tôi sinh trưởng tại Phước Thiền (Biên Hoà) lớn lên lấy ba tôi là người Bình Định vào Nam lập nghiệp. Má bỏ phố chợ theo chồng từ dạo đó.

Thuở nhỏ, tôi mê về quê ngoại lắm. Má tôi dẫn 5 anh em tôi ra chợ Long Thành, mua ít đồ làm quà biếu rồi đón xe thổ mộ đưa anh em tôi về thăm nhà. Chiếc xe có con ngựa rất khoẻ, trên đầu chụp cái mũ che đôi mắt chỉ để nhìn phía trước, trên đó gắn lấy cọng lông chim trĩ để trang trí làm đẹp. Con ngựa không thể thấy hai bên nên cứ nhìn thẳng con đường mà phi nước đại “Lọc cọc…lọc cọc…” đều đặn, vui tai. Mấy quang gánh lắc lư lắc lư theo nhịp ngựa phi nước kiệu.

Chiếc xe không lớn hình chữ nhật, phía trên mái vòng cung, hai bên hông có chỗ để móc quang gánh của các bạn hàng đi chợ. Hai bánh xe thật lớn và cao ngang tầm con ngựa. Mỗi khi lên, xuống bác phu xe phải nhắc một ghế đẩu để hành khách bước làm đà.

Tôi thích nhất là được ngồi kế bác xà ích hay ngồi cuối cùng để thòng hai chân xuống một tay vịn chắc vào thành xe, hai chân đong đưa lắc lư như chính mình đang chạy vào vùng thần tiên nhiều cổ tích. Má tôi thường nhét tôi vào trong Bà nói:

- Con gái gì mà rắn mắc, ngồi như dzậy té chết cha nghen con!

Con ngựa cứ phi, người trong xe râm ran hỏi thăm nhau chuyện mua bán trong ngày, bác xà ích tay nắm dây cương giựt giựt điều khiển ngựa chạy, một tay cầm roi thỉnh thoảng quất nghe trót.. trót

Khỏi cầu Quản Thủ, xe quẹo qua ngã ba Phước Thiền, gió hai bên ruộng lúa thổi vào mát rượi, thơm thơm. Vượt qua khỏi dốc cầu là tới chợ Phước Thiền. Nhà bà ngoại tôi nằm ở dãy phố bên tay trái kế chợ. Ngôi nhà của má tôi sinh ra và lớn lên, chiếc xe thổ mộ và tiếng ngựa phi tất cả đi vào ký ức tôi cho đến bây giờ.

Thật tình tôi không còn nhớ mặt ông bà ngoại tôi như thế nào. Má tôi kể bà ngoại tôi rất hiền và thương người. Khi má tôi sinh tôi ra là con gái bà mừng lắm.Bà thường ôm tôi vào lòng hát ru cho tôi ngủ mỗi lúc má tôi đưa tôi về thăm quê. Bà thường âu yếm gọi tôi là: "Con chó con của ngoại". Do đó trong hồi ức tôi ngoại là bà tiên tóc trắng, móm mém nhai trầu, mặc áo bà ba với cái khăn rằn vắt vai rất là nam bộ.

Chợ Phước Thiền có điểm đặc biệt hơn những nơi khác là chợ nằm giữa hai dãy phố hai bên. Chợ xây trên bậc thềm cao, mái lợp ngói, bốn bên trống trơn, chợ rộng rãi thoáng mát. Con đường tráng nhựa tương đối rộng cách ly chợ với hai dãy phố đối diện nên khu chợ trông ấm cúng và ngăn nắp.

Nhà ngoại tôi là dãy phố đối diện chợ Phước Thiền. Cậu Hai tôi -người ta thường gọi là Hai Chánh- bán tạp hoá nên nhà không thiếu thứ gì. Nước mắm, dầu hôi, gạo, giấy tiền vàng bạc, kẹo bánh và luôn cả vật dụng dành cho học sinh. Mặc dù là phố chợ nhưng mặt tiền nhà ba gian rất rộng. Nhà có chiều dài ăn sâu vào tuốt phía sau với rất nhiều lu, khạp thật to để chứa nước mưa. Nhà sau thông với vườn cây ăn trái rộng mênh mông. Những cây dừa thật cao sai oằn những trái, cây cau đứng thẳng lên trời ngó mỏi cổ. Cam, bưởi, quýt, ổi trái chi chít trĩu cành . Chúng tôi thường chỉ được má dẫn về quê ngoại mỗi khi có giỗ (má tôi gọi là cúng cơm) hay dịp Tết hoặc gia đình ngoại có tang, hỷ sự. Thỉnh thoảng má cũng cho anh cả tôi dẫn đàn em về thăm nhà ngoại.

Tôi nhớ như in,( mặc dù bây giờ gần 60 năm đã qua, những người thân yêu thời cố cựu đã ra người thiên cổ, kể cả các anh tôi và các anh chị họ ngoại của tôi.) Mỗi lần tết hay cúng cơm, cậu Hai tôi phải trèo lên cái thang để đốt hương trên bàn thờ tổ tiên. Tôi còn bé đứng nghểnh cổ hết mức mới nhìn được mấy cây nhang cháy lập lòe trên bàn thờ.Tôi sợ lắm vì thấy sao mà nó âm u và linh thiêng quá.Theo má, tôi chắp tay xá xá cúi đầu rồi lôi tay mấy anh chạy tót ra phía sau.

Phía sau nhà là khu dành làm phòng ăn và ở cho con cháu, Gian giữa là phòng của cậu và chứa đồ, gian kế là khu chứa gạo, nước mắm, dầu hôi, đường và vô số thùng, bịch, bao, cái mở cái không. Căn nhà được sáng bởi những tấm kính đặt xen kẽ với ngói âm dương đưa ánh sáng vào nhà. Phía nhà sau là ba bộ ván to đùng. Mỗi bộ ván chỉ có hai miếng. Không biết thân cây này to cỡ nào mà năm anh em tôi với hai đứa con của dì Bảy bị bắt ngủ trưa, nằm trên bộ ván này, lăn qua lăn lại mà vẫn rộng rinh.

Tôi thích nhất nhà Cậu Hai là bộ trường kỷ được đặt ở nhà trên để tiếp khách. Cái bàn rất rộng, bên trên đặt bộ tách trà khay trầu chung rượu và một xị đế, còn bình trà thì được chứa trong một trái dừa khô có khoét lỗ. Bộ trường kỷ có hai băng ghế khảm xa cừ. lưng dựa và tay vịn là những thanh gỗ tròn chạm gọt tinh vi, được tra vào những thanh gỗ hay sắt làm trụ mà khi đưa tay rẹt một cái các thanh gỗ xoay xoay phát ra âm thanh thật đã lỗ tai. Tôi là con nít nên ít khi dám lên nhà trên. Nhưng mỗi lần được đến tôi không rời mấy cái ghế đó, tay mân mê rẹt rẹt như chơi đàn.

Sau này khi trưởng thành đã đi dạy và có gia đình, mỗi khi có dịp về thăm quê ngoai tôi được các anh chị mời ngồi ở bộ bàn này để uống trà. Tôi cũng hay mân mê và đẩy những thanh gỗ đó. Cái ghế đã quá cũ, căn nhà vẫn còn trụ được với thời gian nhưng nó cần tu sửa lại. Những kỷ niệm như một bức tranh tuyệt vời làm tôi lặng yên và rưng rưng nước mắt.

1- CẬU HAI TÔI

Nói tới cậu Hai tôi thì có nhiều chuyện để nhớ đời. Thứ nhất là cậu ốm nhom, cao lêu nghêu miệng móm xọm. Cậu như bộ xương cách trí được lồng trong bộ bà ba trắng đi tới đi lui. Cậu mà uống say thì cậu hay kể chuyện xưa rồi khóc. Cậu vừa khóc vừa nói, điếu thuốc vấn lập bập trên môi trông vừa sợ vừa tức cười. Cậu buôn bán khá giả nhưng tuyệt đối không hút thuốc điếu mà chỉ chơi thuốc rê và đích thân cậu vấn.

Thuốc rê cậu hút phải là thuốc hạng nhất, hút điếu nào vấn điếu đó. Cậu lấy giấy cuốn đã được cắt sẵn rứt một nhúm thuốc bỏ vào cuộn tròn. Xong cậu dùng hai bàn tay vê một cái rẹt đưa lên miệng liếm dính rồi dùng lưỡi giữ điếu thuốc. Cái lưỡi lè ra lè vô như dán lại điếu thuốc cho dính. Hộp quẹt của cậu cổ lỗ xỉ chắc từ thời Bảo Đại chưa về nước có nắp đậy rời ra. Cậu xoay mạnh bánh xe là đá quẹt tóe tia lửa chạm vào mồi bằng chỉ đã tẩm xăng bằng bông gòn ở bên trong. Lửa phát ra, cậu châm thuốc rồi đậy nắp lại. Nắp hộp quẹt liền với sợi dây cột dính ở thắt lưng. Hộp quẹt là vật bất ly thân của cậu Hai tôi cùng với chùm chìa khóa.

Điều đặc biệt và kỳ dị ở đây là tất cả các cột to đùng ở trong nhà đều có gắn tàn thuốc rê của cậu ấy. Khi hút gần hết điếu thuốc cậu bập bập môi lè ra lè vô một lần nữa xong lôi điếu thuốc đã gần hết, ướt nhẹp ra dán vào bất cứ cột nhà nào cậu đứng gần. Đố đứa nào dám lấy quăng đi. Bửu bối của cậu Hai tôi đó. Cậu hay nói :" thuốc ngon nhất là cái đuôi này, tất cả tinh tuy của điếu thuốc nó kết lại ở đây." Đúng như câu nói thuốc ngon nửa điếu. Độ một hoặc hai tuần cậu thu gom tất cả các tàn thuốc lại, lấy thuốc bên trong ra và làm thành những điếu thuốc rê ngon nhất( theo cậu). Cho nên trong nhà này mùi nước mắm, dầu hôi, nước tương, mắm ruốc, thuốc lá quyện thành một mùi đặc biệt, vừa khó chịu vừa khó quên.

Cậu Hai tôi rất thương con cháu. Cậu là bậc trưởng thượng, là người lớn nhất đứng đầu gia tộc, nhưng đám giỗ lớn cỡ nào cậu cũng không ngồi ăn ở bàn khách. Tiếp khách xong, cậu để cho em, con phục vụ cậu xuống ngồi ăn với đám nhóc tụi tôi. Thức ăn được dọn lên đầy đủ ở bộ ván sau nhà. Tụi tôi các con cháu nội ngoại ngồi xếp bằng xung quanh để ăn. Cậu bỏ thức ăn cho mấy đứa, kêu đem thêm đồ ăn hay lấy xương cá ra ngoài cho tụi tôi khỏi bị mắc xương. Thú vị nhất là cậu ăn dùm tất cả thịt mỡ kho tàu. Tụi tôi tha hồ ăn thịt nạc đã được nấu mềm rục chung với dưa giá làm chua. Vì là phố chợ lại ở miệt vườn nên mấy bà chị dâu tôi rất giỏi bếp núc. Thức ăn đám giỗ miền quê ê hề. Các chị làm đủ thứ bánh miền Nam để cúng Ông Bà nên bọn nhóc tụi tôi ăn uống no nê. Mỗi năm anh em tôi mong ngày đám giỗ hay Tết để về quê ngoại mặc sức được ăn ngon và hái trái cây thỏa thích.

Cậu tôi mất khi tôi đủ lớn để biết cảm nhận tình thương nơi cậu. Chị Hai Bé con cậu tôi thay cha buôn bán. Anh rể tôi vừa lo bốc hàng phụ vợ và phát triển ruộng nương. Do đó các cháu tôi có những cái nickname rất lạ: ”Chim, Cò, Két,Tỉnh,Tương, Chao” Đến bây giờ các cháu đã có sự nghiệp riêng, có dâu, có rễ, có cháu nội ngoại mà tôi cũng không biết tên thật của chúng là gì. Gặp chúng tôi vẫn lôi cái tên này ra gọi.Tụi nó quê quá lên tiếng phản đối: “Dì ơi là dì! kêu vậy chết tụi con rồi”



2- MÁ NĂM TÔI

Má tôi thứ Sáu và đương nhiên chị má tôi thứ Năm. Không hiểu sao tụi tôi không gọi bằng dì mà gọi bằng Má -Má Năm-. Nhà dì tôi cũng ở phố chợ Phước Thiền nhưng bên tay phải và cách chợ khoảng sáu bảy căn nhà. Nhà cũng rất rộng và sâu, kéo dài ra tận vườn dừa xum xuê những trái, Vườn nhà má Năm tôi có rất nhiều cam và bưởi. Những trái bưởi sai oằn ngọt tê đầu lưỡi đã quyến rũ anh em tôi mỗi khi về quê ngoại không muốn về nhà.

Má Năm tôi cũng ốm nhom móm mém giống như má tôi. Vẫn thích mặc quần đen, áo túi hay áo bà ba, khăn vắt trên vai hay đội trên đầu mỗi khi ra ngoài. Nhóm trẻ bây giờ không thể thấy hình ảnh những bà mẹ quê miền Nam ngày xưa ăn mặc như thế nào. Này nhé, thường thì họ mặc quần đen ống rộng, đáy nem hay đáy giữa.( Bây giờ không còn thấy ai mặc quần đáy nem hay quần một ống một đáy. Có nghĩa là hai ống quần không nối nhau ở giữa mà có thêm một miếng vải may ở đó để kết nối hai ống quần. Như vậy khi phụ nữ bước đi hai mông không lộ ra theo đường may ở giữa. Khi tôi thành thiếu nữ, má tôi đã cho tôi mặc quần như vậy. Bà nói con gái đoan chính không được để những đường cong của cơ thể lộ ra ngoài quần áo khiến đàn ông có ý nghĩ không tốt. hu hu)

Ở nhà các má hay mặc áo túi có lẽ vì nó có hai cái túi to dùng để đựng khăn mặt, tiền hay những thứ linh tinh. Áo túi thường rộng, ngắn tay và ngắn hơn áo bà ba. Ra đường họ mặc áo bà ba ra ngoài áo túi. Đầu các má đội khăn ngoài chiếc nón lá. (khăn thường có sọc ngang dọc khá dài, một tay nắm một bên múi khăn hất lên đầu, tay kia cũng làm như vậy và cái khăn có cái hình như cái bánh ú. Mỗi khi mệt thì lôi khăn xuống lau mồ hôi. Tiện và lợi) Ở nhà phụ nữ mang guốc mộc .

Mỗi khi đi đám cưới hay dự những tiệc sang trọng họ búi tóc hai vòng rất đẹp có cài trâm hay móc tai vàng để giữ múi tóc không bị sổ ra. Họ mặc quần trắng (hay đen) áo dài lịch sự. Cổ đeo dây chuyền hoặc kiềng vàng bông tai, xuyến vàng sang trọng. Chiếc khăn vuông bằng tơ hay lụa giá trị được xếp chéo đội trên đầu và cột thắt ở cổ như cái nơ. Đôi khi khăn không đội mà cột quàng ở cổ điệu đà. Chân mang guốc sơn có in hoa rất đẹp.

Dì Năm tôi có chồng, tụi tôi gọi là Ba Năm. Ba Năm tôi làm thầy pháp chuyên trị tà ma. Mỗi năm vào rằm tháng giêng thì má tôi dẫn cả bọn tôi về quê để thay bùa. Bùa là là một mảnh giấy vàng cở hai lóng tay, dài độ một gang. Ba Năm tôi dùng mực tàu vẽ ngòng nghèo vào đó làm phép rồi bỏ vào một cái túi nhỏ màu vàng hình tam giác. Chỉ màu gồm vàng, đỏ xanh se dính vào nhau, ba Năm tôi vẽ bùa vào đó rồi làm dây cho tụi tôi đeo.Tụi tôi từng đứa phải đứng trước bàn thờ. Ba Năm tôi dùng nhang vẽ ngoằn ngoèo trên không trung, miệng niệm thần chú thỉnh thoảng xuýt xoa thổi nhang phì phò lên đầu tụi tôi. Khi ông đánh chuông nghe một tiếng beng là xong một đứa. Bùa phép có linh và hiệu nghiệm hay không tôi cũng không biết, chỉ biết mỗi khi đến cái am của ổng là tụi tui sợ điếng hồn ngồi im re không dám nhúc nhích. Am nhỏ, nhưng bày la liệt những hình nhân cô cậu có mấy con hạc, ngựa gỗ đứng hầu. Giấy đỏ, giấy vàng có vẽ bùa treo la liệt khắp nơi. Khói hương lúc nào cũng nghi ngút, trái cây từng dĩa đặt trên khay thờ. Ngoài cửa có cổng với hai con cọp nhe răng phát sợ. Ngay gốc cây vú sữa cạnh đó cột một cặp khỉ. Chúng khọt khẹt nhảy nhót lung tung. Khi chúng ngồi yên là hai mắt nhìn trừng trừng phía trước hay bắt chí cho nhau. Am nằm ở phía sau vườn nhà dì Năm tôi. Mỗi khi về thăm, chúng tôi sợ không dám ra để chào ba Năm. Tôi sợ cái am, sợ mấy con cọp giấy, sợ con khỉ thật khôn cột trước cổng am và sợ luôn ông dượng rể làm thầy pháp.

Ba tôi không tin ba cái vụ đeo bùa hay cúng bái tà ma này. Nhưng có một nguyên nhân do má tôi kể lại mà ông phải chấp nhận. Số là ngày má tôi còn con gái bán buôn ở chợ Phước Thiền. Một ngày bà bán hết hàng, bà để quang gánh không ở đó và đi mua thức ăn về nấu cho cả nhà. Lúc trở lại bà thấy trong thúng có một gói nhỏ. Bà la lên " Ai bỏ trong thúng tui cái gì thì tới lấy để tui còn về." Gọi hoài không ai tới nhận. Mọi người kêu bà mở ra xem trước chợ để coi là cái gì. Bà mở ra thì chỉ có một núm tóc, kim, chỉ, một cái lược nhỏ và một mảnh giấy có viết chữ tàu nguệch ngoạc...Đó là thuật trù ếm gì đó của thời xưa. Đã mở ra rồi má tôi không làm sao tránh được vận xấu mang vào người. Bà bỏ cái gói nhỏ đó lại bên chợ và về nhà. Khi má tôi lấy chồng sinh con ra 3 lần đều không nuôi được. Cứ vài tháng tuổi thì các anh chị tôi mất. Má tôi đã đi thầy giải bùa nhiều lần nhưng không kết quả. Đến đứa con thứ tư má tôi đem cho ba Năm tôi làm phép, cho một ông trùm nhà thờ bên công giáo đỡ đầu. Cuối cùng không dám tự nuôi con mà phải cho em ruột nuôi dùm. Anh tôi èo ọt, bệnh tật liên miên tốn rất nhiều tiền thuốc men. Ba Năm tôi cúng bái, cho đeo bùa trấn ếm mới giữ được. Từ sau đó chúng tôi ra đời yên ổn, má bắt chúng tôi phải đeo bùa thầy để trấn áp.

Ba Năm tôi làm thầy nên rất khó nuôi con nhất là con trai. Đứa con trai duy nhất của Má Năm tôi sinh ra èo uột, xấu xí và phải giao cho dì Bảy tôi nuôi gọi là để sang tay ma quỷ không quấy phá. Điều đặc biệt là con của Ba Năm tôi không dám gọi ông bằng ba mà gọi là Ổng.(- Ổng ơi ổng! Dzô ăn cơm-) lần đầu nghe gọi tôi cứ ngớ ra không biết gọi ai, sau nghe riết rồi quen cũng thấy hay hay. Có lẽ vì làm thầy Pháp tránh ma quỷ trả thù con cái nên ông không dám cho con kêu bằng ba.

Thật ra, ba Năm tôi rất hiền, ông làm thầy là do nghiệp dĩ để giúp người. Nếu có người cần giúp mà ông từ chối là ông bị hành ghê khiếp lắm. Đau đớn toàn thân, đầu nhức, nói năng lảm nhảm và tự đánh mình bầm dập. Cho nên khi cần là ông phải khăn gói đi đến tận nơi để làm phép giải vây cho con bệnh. Công của ông người ta thường trả bằng gạo, trái cây hay hoa lợi trong vườn nhà. Cuộc sống gia đình nhờ vào hai hàng khô mắm của dì tôi và chị dâu tôi ở chợ Long Thành. Ngày tôi còn nhỏ và học Trung học, má Năm tôi thường để dành trái cây cúng, nhất là cam và bưởi cho tôi. Bà nói với má tôi:

- Con gái, cho nó học chi nhiều để nó ốm nhom ốm nhách sau này làm sao nó lấy chồng!

Những trái cam trái bưởi để lâu da dính sát vào múi là những món quà tình thân mà bà gói ghém để vỗ béo tôi bằng tất cả tấm lòng. Khi tôi đã vào Sư Phạm, lần nào đón xe lên thành phố tôi cũng ghé vào chợ thăm bà. Bà nhìn tôi âu yếm, tay quẹt cổ trầu móm mém nói :

- Dữ hông! Sắp thành cô giáo rồi hả chó con. Rồi bà mở hộp tiền lấy ra đưa tôi mấy chục:

- Nè! Má cho! ra bến xe mua ổ bánh mì thịt, lên xe ăn đỡ đói nghen con !”

Tôi không nhận thì bà giận nói tôi chê ít không còn thương bà. Cầm những tờ giấy tiền tẩm mùi mắm thum thủm tôi thương bà biết bao nhiêu. Má Năm tôi, người mẹ thứ hai đã chắp cánh cho tôi bay lên khung trời yêu thương ngọt ngào tình mẫu tử.

3-DÌ BẢY

Em gái má tôi thứ Bảy. Mà kỳ lạ tụi tôi không gọi bằng má hay dì mà gọi trỏng một tiếng “Bảy” Có lần một người bà con bên nội đã rầy la tụi tôi sao gọi dì hỗn hào vậy. Anh tôi trả lời ngon ơ:” Con đâu có biết, hồi nào tới giờ tụi con gọi vậy mà”. Bảy tôi lấy chồng ở xóm Trầu làm nghề nông nên nghèo lắm. Tôi nhớ mỗi khi Tết ba tôi hay chở anh em tôi bằng xe mô tô về thăm. Mấy đứa em họ tôi chạy núp sau hè nhìn vào với đôi mắt vừa sợ vừa ngưỡng mộ. Do Bảy nghèo nên má tôi lúc nào cũng lo lắng và bảo bọc cho gia đình em mình. Bảy tôi sinh đứa con gái đầu lòng cùng lúc Má Năm và má tôi sinh con trai. Cả hai người anh mới sinh đều khó nuôi èo uột, nên sau vài tháng tuổi hai bà đem con về cho Bảy tôi nuôi luôn. Vừa giúp con mình qua khỏi đốt, vừa tạo cho đời sống dì Bảy tôi khấm khá hơn. Bầu sửa của dì Bảy nuôi cả ba đứa trẻ. Đứa con gái của dì trắng trẻo mập mạp. Nhưng để dễ nuôi dì đặt tên Đen, anh con Dì Năm tôi tên Thùi, anh cả tôi tên Thích. "Đen Thùi Đen Thích. "Cả ba được dì chăm sóc bú mớm, ẵm bồng. Đến khi qua đốt khoẻ mạnh các anh tôi mới về nhà cha mẹ ruột.

Dì Bảy tôi con đông, chồng mất sớm nên dì nghèo lắm. Món quà hàng năm ngày Tết của Bảy tôi là những món dân dã cây nhà lá vườn nhưng rất ngon. Như bánh ít nhân dừa hay nhân đậu, bánh tổ, bánh tráng ép chuối khô mà chúng tôi rất thích.Vừa ngọt, vừa béo lại thơm thơm mùi gừng. Ngày Bảy tôi hấp hối bà nhắn má tôi vào, ai cũng nói bà nấm nuối má tôi nên chưa đi được. Vợ chồng tôi chở má tôi vào thăm lúc dì rất tỉnh táo. Tôi cho dì 10.000$ để uống thuốc, dì mấp máy môi nói cám ơn. Má tôi cầm tay dì thương yêu, dì thều thào xin má tôi tha lỗi, nợ nần dì thiếu má tôi đến gần chết dì cũng không trả nổi. Má tôi nước mắt chảy xuống ướt cả tay dì .Má nói:

- Chị cho em luôn đó, em không còn thiếu chị đồng nào hết cứ yên tâm nghen em.”

Chúng tôi chở má tôi về tới nhà cậu Hai tôi thì trong nhà ra báo tin Bảy tôi đã ra đi.

Dì Bảy tôi suốt đời lam lũ góa bụa nuôi đàn con bốn đứa. Nhà nghèo lại không của cải, tấm thân khô héo với bao nhiêu gian khó. Má tôi thương em luôn đùm bọc giúp đỡ. Má không nghĩ cho dì mượn mà là cho em trang trải trong những lúc khó khăn. Không ai biết dì đã thiếu má tôi bao nhiêu tiền nhưng tấm lòng dì ngay thẳng ghi nhớ đến lúc cuối đời. Đó là tất cả sự đôn hậu trung thực của phụ nữ Việt Nam. Ơn đền, nghĩa trả.

4- MÁ TÔI

Má Sáu- Là tiếng gọi thân thương của các con dì tôi dành cho má tôi. Má tôi thời con gái chắc đẹp lắm. Sóng mũi má cao, miệng nhỏ xinh xinh, làn da mượt mà chỉ có đôi mắt hơi lé một chút. Nhìn thật kỹ mới biết mắt má có vấn đề nên tụi tui hay chọc má là :”Người đẹp lé kim.”

Má lấy chồng xứ ngoài (Bình Định) nên gồng gánh cả bà con cùng xứ bên chồng vào Nam lập nghiệp. Các chị họ bên ngoại tôi cũng theo má để học buôn bán và các anh họ theo ba tôi để học lái xe. Cho nên gia đình tôi đông lắm. Ba tôi chỉ biết đi làm lương ba cọc ba đồng còn thì một mình má tôi xoay sở. Bà điều động mọi người cùng làm việc để thu thêm lợi tức sinh sống, nhất là khi các chú ngoài quê vào Nam khá đông để tìm việc làm. Bà thầu thu mua hột cao su rồi bán cho đại lý ở Sài Gòn. Bà thu gom tỉnh nước mắm và chở lên cho hãng chính, mua sỉ nước mắm nguyên chất về bán. Bà lên Sài Gòn bốc hàng về phân phối, bán tạp hóa, nấu rượu và đích thân khai hoang lập vườn…Đôi lúc tôi nghĩ sao má tôi nhiều nghị lực và khả năng đến vậy. Cùng với ba, má đã giúp các chú họ có công ăn việc làm, lập gia thất và ổn định cuộc sống riêng tư tại miền Nam . Cầm trên tay địa chỉ nhà chồng, bà ra tận quê chồng ở tận làng An Nhơn tỉnh Bình Định xa xôi, rước mẹ chồng về trị bệnh và nuôi dưỡng đến cuối đời. Má là tấm gương vợ hiền, dâu thảo mà tôi luôn ngưỡng mộ. Cuộc đời má tôi là chuỗi dài những vất vả gian lao và nhiều bi ai trong đời sống.

Mỗi khi nghĩ về quê ngoại thì hình ảnh má tôi sừng sững ngự trị trong tôi. Má tôi không bao giờ lo chăm chút cho mình mà lúc nào cũng lo lắng cho người trong thân tộc và cả những người không quen. Vải vóc đẹp và đắt tiền em tôi gửi từ bên Mỹ về cho. Biết má tôi tiết kiệm, em tôi dặn tôi phải dẫn má tôi ra tiệm cắt may cho bà. Thấy má vẫn mặc đồ vá, tôi lục tủ và thấy mấy bộ đồ mới không cánh mà bay. Hỏi mãi bà mới nói cho dì nọ, dì kia để mặc đi đám cưới con hay đám tiệc. "Mình cũng còn đồ mặc mà con. Tội nghiệp họ...". Khi bệnh nặng bà dặn nếu bà có qua đời mặc bộ đồ lụa trắng tẩn liệm, còn lại đồ tốt và mới tặng cho mấy dì nghèo trong xóm, đừng bỏ vô hòm thiêu lãng phí. Bà tốt giống như bà Tiên trong chuyện cổ tích hay Phật Quan Âm trong niềm tin tôn giáo trong tôi.

Tôi nhớ hoài hình ảnh má tôi khi phá rừng khai hoang lập rẫy. Dáng nhỏ nhắn của bà len lỏi chặt từng gốc tre gai bằng cái rựa có mấu. Bà gom tre gai lại từng đống chờ khô. Bà chất bổi làm mồi tùy theo hướng gió. Bà dùng cái bùi nhùi bằng mũ cao su đi dài theo từng đống chà tre châm lửa. Gió đưa lửa bùng lên liếm cao từng đống tre gai. Má tôi sau khi châm hết một lượt, bà đứng trên đầu gió, lột khăn đội đầu lau mồ hôi, rồi lấy nón lá quạt phe phẩy miệng không ngớt hô Gió…Gió…Tiếng tre gai tươi nổ nghe lách tách, thỉnh thoảng lại nổ một tiếng to như tiếng pháo. Má tôi mặt đỏ bừng, những giọt mồ hôi thi nhau tuôn theo từng vệt tóc mai. Cái áo đen loang lổ trắng từng đốm mồ hôi muối. Má kêu tôi vào căn chòi nhỏ, lấy cơm đã được bà ém bằng mo cau cắt ra cho tôi chấm với muối mè làm bữa ăn trưa.

Trong trái tim tôi, má tôi là biểu hiệu cho mảnh đất Biên Hòa hiền lành và anh dũng. Khi tôi gia nhập Hướng Đạo, đứng chào lá cờ của đạo Trấn Biên ngoài nhiệm vụ và lời hứa của một hướng đạo sinh, tôi nghĩ đến má tôi: “Nụ cười và nghị lực”. Mẹ Việt Nam trong tôi không chỉ là quê hương mà còn là bà mẹ già nhà quê can cường và hiền dịu. Bàn tay má tôi không mềm mại, thon thả, xinh đẹp như mẹ người ta mà sần sùi, đen đúa. Tôi thương quá đỗi bàn tay lam lũ đưa tôi vào đời. Thương những câu nói mộc mạc chân chất miền nam của má. Thương những kỷ niệm tuổi thơ mỗi khi phạm lỗi, má tôi đã bắt năm anh em tôi nằm dài, roi gát lên mông cho bà trị tội. Bà kể tội từng đứa, vừa kể vừa nhịp roi. (Roi mỗi đứa con má sắm tùy theo tuổi và phải tự cất lấy. Đến khi có lỗi phải tự đem ra và nằm dài cho má đánh) Đánh con đau lòng mẹ nên má đánh không nhiều cũng không đau nhưng những lời dạy của má chúng tôi vẫn nhớ đời.

Phải nói khi tôi biết nhận thức thì má tôi đã là một bà già trầu. Bà nhà quê đến độ rất dễ thương. Ít khi nào gặp má tôi ở những nơi đình đám ăn uống hội họp. Bà chỉ biết làm và chăm chút con cái. Niềm giải trí lớn nhất của bà là nghe tôi đọc truyện. Mỗi tối khi bà xong chuyện nhà, tôi cũng xong bài tập, má tôi và mấy bà dì, cô chồng tụ tập nghe tôi đọc sách. Kẻ nằm võng, người ăn trầu, còn tôi ngồi trước bàn có cây đèn dầu hôi đọc lớn tiếng cho mọi người nghe. Truyện Tiết Nhơn Quý Chinh đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, Phàn lê Huê phá trận,Tam Quốc chí diễn nghĩa. Truyện Phạm công Cúc Hoa, Tấm Cám, Lục Vân Tiên...Những câu thơ lục bát có vần có điệu đã cùng tôi lớn lên theo tôi vào trường, vào lớp.

Tôi luôn nhìn má tôi để sống cho vui lòng bà. Điều làm cho má tôi lo lắng nhất là tôi theo chồng xa xứ khiến bà ăn ngủ không yên. Ngày biến cố 75, tôi đang ở quê chồng miền Trung Quảng trị. Trong cái làng quê mộc mạc thủ cựu đó, tôi lạc lõng bơ vơ.Tôi bị mất quyền dạy học phải làm một người nông dân xã hội chủ nghĩa thứ thiệt. Tôi bị đưa vào hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu miền Bắc. Khi tôi bị nhận chăn con trâu Bầu đầy rận, tôi đã biết mình đã bị cải tạo và bước xuống nấc thang thê thảm nhất của cuộc đời. Con trâu đưa hai mắt ngây ngô nhìn tôi cũng giống như tôi đưa đôi mắt ngơ ngác nhìn những cái kệch cỡm, nhỏ nhen của những con người tự nhận anh hùng. Ngày cả xã bầu hội đồng nhân dân, tôi bị bắt buộc phải đem con trâu của mình đến chăn tại sân trụ sở. Tôi yên lặng tự nhiên bắt từng con rận to kềnh bám chặt vào thân trâu quăng đi. Tôi đã nhìn những tên Cán Bộ Xã nhỏ nhen như nhìn con trâu Bầu ghẻ lở đầy rận. Tôi bước xuống ruộng đồng đầy đỉa trâu và lạnh giá, tôi cũng chỉ nghĩ đến má tôi và những bụi tre gai ngày nào.Có những buổi đi cấy đêm về mệt mỏi, tôi té ngã nhào trên bờ ruộng hẹp , tôi đã cắn chặt môi không cho nước mắt trào ra. Tôi phải chịu đựng dù gian khổ, dù bị chèn ép đến tận cùng. Tôi không để người dân ở đây nhìn tôi như nhìn một cô gái Sài Gòn chỉ biết se sua đỏng đảnh, một bà vợ sĩ quan kênh kiệu, rởm đời .Tôi thân yếu thế cô, tôi chỉ chống lại những điều mạ lỵ mà họ từng đưa ra tuyên truyền hay diễn trên sân khấu bằng cách của riêng tôi : Chịu đựng và bình thản chấp nhận.

Cuối cùng, tôi được bầu làm phụ nữ xuất sắc nhất xã. Uỷ ban bằng lòng ký giấy cho tôi về thăm nhà với điều kiện khi trở lại tôi phải làm thư ký cho hợp tác xã. Ngày đầu tiên tôi về được miền Nam thăm nhà, Ba Má tôi đứng nhìn tôi khóc ngất. Tôi đen thùi lùi, ốm nhom lại nói nặng giọng miền Trung. Tôi ôm lấy má tôi, hít thật sâu vào lồng ngực mùi mồ hôi quen thuộc thân thương. Mùi của má tôi, mùi thật lạ thật nồng nàn mà tới bây giờ tôi khi viết những dòng chữ này tôi cũng còn nghe như thoảng đâu đây.Tôi ở lại sống với Ba má tôi chờ chồng đi cải tạo về. Tôi lại được má chở che, săn sóc thương yêu.

Má tôi mất trước ngày tôi xuất ngoại một năm. Bà ra đi yên lành, mặt tươi như đang ngủ. Tôi đã tắm rửa thay đồ cho bà trước khi tẩn liệm. Tôi thầm thì bên tai má tôi. :”Má ơi! Má đã trả xong nợ một kiếp người. Má hãy yên tâm về với Phật. Con thương má lắm” Thật lạ, tôi không hề khóc khi má tôi đã ra đi. Khi quan tài đưa vào lò thiêu tôi chắp tay và cầu nguyện cho bà.Trong tôi, má tôi hiền lành và giúp người như vậy thì Phật Trời sẽ độ má tôi kiếp sau có đời sống tốt đẹp hơn.

Tôi yêu má tôi, yêu quê ngoại, yêu cái tỉnh lỵ dễ thương của má, của tôi và đàn con tôi. Tôi tự hào đã sinh ra và lớn lên ở đó. Quê hương tôi trú phú, trái ngọt cây lành. Mặc dù sau biến cố đổi đời tôi như trái bưởi Biên hoà thả xuống sông Đồng Nai trôi nổi theo vận nước. Bao nhiêu gian lao, vất vả bị đày đọa thảm thương tôi cũng chịu đựng và ngẩng cao đầu để chiến thắng nghịch cảnh. Tôi luôn hãnh diện - Tôi là người Biên Hoà.-

Nguyễn thị Thêm

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Cáo Phó Của Gia Đình Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi - Canada

 


Toronto Medical Group & LT21 Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi


Sáng nay, Nguyễn Trung Tín báo tin, là anh Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi, một Vị đàn anh, một người bạn khả kính và khả ái của chúng ta đã về với Chúa 
Lúc 1 giờ sáng. Ngày 02 tháng 06 năm 2021.
Xin chân thành chia buồn với đại gia đình của anh Khôi, dù vẫn biết rằng có những nỗi buồn không thể chia được.
Cầu mong linh hồn anh Khôi được an vui nơi nước Chúa.
Xin anh chị em cầu nguyện cho Linh Hồn của Phaolo Hoàng Ngọc Khôi.
Nhờ anh chị em thông báo tin buồn này cho các bạn khác.
-0-
Chị Hằng ơi, 
Em là Nguyễn Thanh Bình, đàn em khá xa của anh Khôi, quen nhau qua văn chương nhiều hơn, vì thật ra, em gặp anh Khôi 3,4 lần thôi, khi anh về Montreal hay em xuống Toronto, trong những dịp đại hội Y Sĩ Thế Giới. Chỉ có một lần em gặp cả hai anh chị trên cruise do bà Khánh Hoài tổ chức, cách đây cũng 6,7 năm rồi.
Anh Khôi đang viết một bộ tiểu thuyết lịch sử,và anh có nhã ý để em viết lời bàn,và anh bác sĩ Trần Xuân Dũng ở Úc làm thơ cảm đề. Mới viết được 10 chương thì anh ra đi, bỏ tụi em bơ vơ...Anh Khôi về với Chúa, để lại một khoảng trống không sao lấp đầy được của anh em, và nhất là của gia đình...
Xin chân thành chia buồn với Chị và các cháu, mong chị và mọi người can đảm chịu đựng nỗi đau buồn. Chị nhớ không, có một danh nhân đã nói, khi ra đời thì ta khóc, mọi người đều cười vui, khi ra đi thì ta vui, và mọi người khóc.
Vậy chắc là anh Khôi đang vui nơi nước Chúa.
Thân kính.

Nguyễn Thanh Bình và gia đình.
***
Chị Hằng kính mến,
Em là Trần Xuân Dũng, xin chia buồn với Chị và các cháu.Trong thời gian Anh Khôi ở trong Bệnh viện, Anh Bình luôn theo dõi tin tức qua BS Tín, rồi thông báo cho em biết. Hai anh em, cứ chỉ biết hàng ngày cầu nguyện cho Anh Khôi được nhiều phước lành và qua khỏi. Khi Anh Khôi xuất viện, Bs Bình và em đã mở cờ trong bụng. Nào ngờ, bệnh trở lại và đến nay thì tin buồn tới. Người tài hoa bậc nhất giới trong giới Y sĩ là Bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi đã về với Chúa.
Chúng em thật buồn.
Kính

Trần Xuân Dũng
***
Thành thật chia buồn cùng bà Hoàng Ngọc Khôi và toàn thể tang quyến.
Nguyện cầu linh hồn Phaolo Hoàng Ngọc Khôi sớm được hưởng nhan Thánh Chúa, an lành trong cõi vĩnh hằng.

Gia đình Nguyễn Văn Thịnh
***
Chân thành cầunguyện hương linh Niên Trưởng 
Phaolo Hoàng Ngọc Khôi sớm hưởng nhan Thánh Chúa

Đồ Cóc
***
Thanh Vân rúng động khi nghe tin này. Buồn vô cùng vì huynh Hoàng Ngọc Khôi là một cột trụ với nhiều tài năng văn thơ sử nhạc ... và thêm tính tình hiền lành khiêm nhường bao dung. Anh ra đi để lại một khoảng trống mà khó có thể lấp đầy. Không ngờ anh có thể ra đi vì covid.

Thương khóc anh Hoàng Ngọc Khôi

Thanh Vân
***

Thành Kính Phân Ưu
Cùng gia đình Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi.
Vô cùng thương tiếc


Kiều Mộng Hà và gia đình
***

Cầu chúc hương hồn của anh Khôi Hoàng sớm về hưởng ơn nhan Thánh Chúa. 
Xin chia buồn cùng chị và gia quyến.

Hãn Nguyễn.
***
Thưa các anh chị
Buồn quá.
Muốn khóc mà không ra được nước mắt.

Nguyễn Thượng Vũ
***
Kính thưa chị Hoàng ngọc Khôi
Tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò, chủ bút diễn đàn LTCD thế kỷ 21 mà anh Khôi là cố vấn, xin thành kính phân ưu với chị và gia đình về sự ra đi của anh Khôi và kính cẩn nghiêng mình thương tiếc trước vong linh anh Khôi, một đàn anh đáng kính, một người thầy tận tâm và một người bạn tri kỷ.
Cầu xin Thượng Đế tiếp nhận anh Khôi dưới chân Ngài.
Kính điếu

Nguyễn Văn Bảo
(và toàn thể anh chị em trong diễn đàn LTCD thế kỷ 21)
***
Xin chân thành chia buồn cùng Tang Gia.
Nguyện cầu Thiên Chúa Toàn Năng sớm đưa Linh Hồn Phaolô Hoàng Ngọc Khôi về nơi Phúc Nhàn.
Thành Kính Phân Ưu

Huỳnh Văn Của
***
Đúng là tin rất buồn, quá buồn như mất một người thân khiến em chết lặng nghẹn ngào. Em cứ đinh ninh là anh Khôi có thể chống chỏi với con Covid nhưng không ngờ anh không thoát khỏi định mệnh khi Chúa đã gọi anh về. Thì đành thôi phải vâng theo ý Chúa. Nguyện cầu cho Hương Linh anh Phaolo Hoàng Ngọc Khôi về nước thiên đàng bên nhan thánh Chúa đời đời yên nghỉ.
À Dieu anh Hoàng Ngọc Khôi.
Thành kính phân ưu cùng tang quyến.

Tố Kim
***
Rất bàng hoàng nghe hung tin. Vô cùng thương tiếc người anh kính mến.
Nguyện cầu Hương Linh anh sớm về cõi an bình.

Gia Đình Mùi Quý Bồng
***
Nhận tin buồn, quá thương anh tôi,
Cầu xin anh nay được thảnh-thơi,
An-bình trong vòng tay của Chúa,
Và trong ký-ức của mọi người,
Rừng Phong vẫn còn anh, anh ơi!

Lê Xuân Cảnh
***
Thành Kinh Phân Ưu cùng gia đình Niên Trưởng Bác sĩ QYND Phaolo Hoàng Ngọc Khôi
Xin nguyện cầu cho Hương Linh Niên Trưởng Phaolo Hoàng Ngọc Khôi sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa

Gia đình Đặng- Vũ Báy TD3ND
***
Thưa chị Hoàng Ngọc Khôi,
Tôi là Bùi Duy Tâm, học dưới anh Khôi một lớp, cùng lớp với anh Hoàng Ngọc Anh. Tôi là bạn rất thân với cả 2 anh. Trước kia tôi ở cạnh phòng anh Khôi trong trường Quân Y , Hàng Chuối Hà Nội suốt 1 năm 1953-1954. Ngoài ra tôi là bạn rất thân với ông bà Mai Ngọc Liệu, suýt nữa làm thông gia với anh chị. Hồi đó chị Liệu làm mối cháu gái của anh chị cho con trai tôi. Nhưng vì ở xa nên không có dịp gặp gỡ nhau. Rất tiếc! Nay qua BS. Mai Vân Anh, BS. Nguyễn Trung Tín và BS. Nguyễn Thanh Bình tôi được trực tiếp hầu chuyện chị. Thưa chị trong lúc đau đớn này tôi không biết nói chi hơn là Khóc.
Mong chị can đảm qua được nỗi đoạn trường mà mọi người đều phải trải qua. Cách đây 6 năm tôi đã đi chôn vợ nên thấu hiểu cảnh này thưa chị.
-0-
BS. Hoàng Ngọc Khôi một nhân cách thánh thiện cao thượng từ bi bác ái đã về trời.
"Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông nhà thờ lạnh rơi
Tôi thấy tôi mất bạn
Như mất nửa bàu trời!"

Bùi Duy Tâm khóc Hoàng Ngọc Khôi

Hình trên: Sinh viên Quân Y duyệt binh quanh Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội 1953
Bạn quý BS. Hoàng Ngọc Khôi tất có mặt trong 2 bức hình này
Hình dưới: Sinh viên Quân Y khóa 1953 tập quân sự tại Dalat hè 1954 (chụp tại thác Prenn)
[QuanyDalat1954a.bmp]
Bùi Duy Tâm
***
Kính thưa quý Niên Trưởng,

Thật là một tin quá buồn cho tất cả chúng ta, những người từng thân quen với BS. Hoàng Ngọc Khôi, hay với những kẻ hậu bối như đàn em V. Chánh biết đến. Bác Sĩ. Khôi không những NT Khôi từng là y sĩ trưởng TĐ5 Nhảy Dù khi binh chủng ND VNCH còn sơ khai, mà cũng là một con người xuất chúng trong thi văn, thơ nhạc, văn học lịch sử, một con người khiêm tốn và ngay thẳng như từng thấy trong những điện thư trả lời của BS. Khôi và được tất cả mọi người gần xa đều thương quý và cảm phục kính trọng.

Chúng em xin cầu nguyện cho linh hồn Phao Lô được yên nghỉ ngàn thu trong nước Trời. 
Diễn Đàn TMG vẫn tiếp tục vươn mạnh và đoàn kết trong thân tình. Như một vinh danh người Anh Cả, một sáng lập viên đầu đàn của diễn đàn
Vì đường xa, em V. Chánh không thể hiện diện đưa tiễn anh, em xin thành kính phân ưu và chia buồn với phu nhân BS. Hoàng Ngọc Khôi cùng tang quyến.

Em sẽ nhờ linh mục Nguyễn Thế Mình, thuộc Dòng Jesuite, là người bọ Thêm Sức của em tại VN trước khi Ngài trở thành Linh Mục, làm một lể cầu nguyện cho Linh Hồn Phao Lô Hoảng Ngọc Khôi.

Kính thư
Em Vĩnh Chánh
***
Thành Kinh Phân Ưu cùng tang quyến Niên Trưởng Bác sĩ QYND Phaolo Hoàng Ngọc Khôi
Xin nguyện cầu cho Hương Linh Anh sớm được về Nước Chúa.

Nguyễn Xuân Quang
***
Thưa anh Bình cùng các Anh Chị Em:

Tôi có cơ duyên được quen biết anh HN Khôi sau biến cố năm 1975 tại TP Toronto. Ngoài ra, vợ chồng Phán-Nga còn quen biết GS Hoàng Thanh Dung (em gái của anh Khôi,đã quá cố) và GS Lê Kim Ngân (phu quân của chị Dung). Hai anh Khôi và anh Ngân tôi coi như hai người anh lớn của mà tôi rất trân quý (cả 4 chúng tôi đều là các cựu giáo sư và hay thường gặp nhau trong những đêm Văn Nghệ của các chị em cựu nữ sinh Gia Long).
Chính anh Khôi đã mời tôi tham dự nhóm TMG này để tôi có cơ hội để nhận và đọc Email của Quý anh chị. Nghe tin anh Khôi đã mất, tôi thấy buồn vời vợi: nỗi buồn của một đứa em trai bị mất đi một người anh rất đôn hậu và tài ba.

Tôi sẽ vào thiền và tưởng nhớ đến anh Khôi.
Bích Nga đã loan tin này đến Gia Đình Gia Long Toronto. Xin cám ơn anh Bình và anh Tín
Thân chúc Quý Anh Chị Em được khỏe mạnh và bình an.

Đàm Trung Phán
GL Dương Bích Nga
***
Rất bàng hoàng nhận được tin người đàn anh với bao nhiêu tài, luôn hiền hòa, khiêm nhu và dễ mến của diễn đàn đã từ giã anh chị em và bạn bè, ra đi trong sự thương tiếc của tất cả mọi người.
Xin thành thật chia buồn cùng quí anh chị và các bạn trong diễn đàn. Xin Anh Bình, anh Tín cho tôi được gửi lời chia buồn và thương tiếc đến gia đình niên trưởng Khôi.


Cầu xin cho Linh Hồn Phao lô sớm được về hưởng nhan Thánh Chúa. R. I. P.

Tống Viết Minh, YKSG65-72, HD19
***
Thưa anh Bình và các anh chị,
Chúng tôi vừa ở nhà cháu về, mở email và thật bàng hoàng khi nghe tin này!
Vẫn cứ tưởng là anh Khôi đang phục hồi sức khỏe nên chưa "nói chuyên" nhiều với anh em thôi,
đâu ngờ!
Anh Khôi "biết " anh Lân (PNL) từ lâu qua âm nhạc nhưng ML chỉ mới quen anh Khôi khi anh Bảo
(NVB) lập ra diễn đàn Liêu Trai Chí Dị tk21 chuyên về thơ Đường. 
Tuy thế tụi này lại có may mắn được gặp anh Khôi tại Toronto, vào tháng 9/2019, do anh Cao Văn Hồng bạn anh Lân khoản đãi. Tiếc là hôm ấy chị Khôi mắc bận trông cháu không đến được.
Vì đó cũng là dịp kỷ niệm 50 năm đám cưới của tụi này nên anh Khôi đã tặng một tập thơ của anh kèm
một cái carte có thủ bút của anh với một bài thơ mừng "đôi trẻ" sau 50 năm gắn bó! 
Anh Khôi cũng chụp nhiều hình và hứa gửi nhưng chắc anh quên, tuy nhiên cái hình chụp tại trong tiệm với máy của anh, có dủ mặt mọi người do nhà hàng in ra tại chỗ thì chỉ một mình ML có thôi.
Kỷ niệm với ông anh là đấy. Gần hai năm rồi mà như mới hôm qua. Mấy dòng thương nhớ anh, xin anh yên nghỉ.  Xin chia buồn cùng chị Khôi và tang quyến.
Khi đọc kinh tối nay ML sẽ cầu nguyện cho anh, tiễn anh sớm được vào vòng tay thương yêu của Chúa.
Thân kính,

Phạm Ngọc Lân & Quản Mỹ Lan
Toulouse-France
***
Kính thưa quý niên trưởng
Thật là bàng hoàng
Từ khi biết tin niên trưởng Hoàng Ngọc Khôi bệnh nặng, Bích Ngọc và nhóm các chị bạn đọc kinh cầu nguyện cho niên trưởng mỗi buổi sáng, Hôm nay thật là buôn khi biết hung tin.
Xin cầu nguyện Hương Linh niên trưởng được hưởng nhan Thánh Chúa
Xin chia buồn cùng gia quyến.

Kính
Bích Ngọc
***
Thân gửi bạn Bình,
Thật là sửng sốt khi hay tin anh Hoàng Ngọc Khôi đã ra đi, như thế là chúng ta đã mất đi Một Người Đàn Anh đáng kính. Một Đầu Tầu không thể thay thế! 
Tuy tôi mới chỉ quen biết anh Khôi mấy năm gần đây nhưng lại được biết anh Khôi học cùng lớp với anh Hồng tôi nên đã nẩy sinh nhiều tình cảm, nay anh ra đi thì không thể không bàng hoàng, xúc động , thương nhớ ...
Vì vậy nhờ bạn Bình gửi tới chị Khôi và các cháu lời chia buồn thành tâm nhất của chúng tôi .
Bây giờ chúng tôi chỉ còn biết cầu xin Chúa đón nhận Linh Hồn Phao Lô vào cõi Thiên Đàng.

Cảm ơn bạn Bình
NBTuấn
***
Châm ngôn Cherokee: Khi bạn sinh ra đời, bạn khóc và thế giới vui mừng. Sống đời bạn thế nào để khi bạn lìa đời, thế giới khóc và bạn vui mừng.

Huỳnh Kim Giám
***
Chị Khôi kính mến.

Được tin anh Phaolo Hoàng Ngọc Khôi (Bút Hiệu Hoàng Xuân Thảo), đã được Chúa gọi về.
Em thành kính chia sẻ, đồng hành với chị, các cháu và tang quyến trong nỗi đau mất mát này.
Nguyện cầu cho Linh Hồn Phaolo Hoàng Ngọc Khôi sớm hưởng Nhan Thánh Chúa và được yên nghỉ ở nơi Thánh Ngài.

Thành Kính Hiệp nguyện
Kim Oanh
***
Thật là một tin sét đánh!
Không chỉ cho cộng đồng Toronto mà còn cho anh chị em sinh hoạt Văn học, Nghệ thuật, Chính trị trên toàn thế giới.
 Thành kính Phân Ưu cùng tang quyến và cầu nguyện cho Linh Hồn Phaolo Hoàng Ngọc Khôi sớm về Nước Thiên Đàng.

Thay mặt Phong Trào Hiến Chương 2000&Các Báo Khai Thác Thị Trường Và Đối Lực
Nguyễn Bá Long
***

Thành Kính Phân Ưu cùng gia đình BS Niên Trưởng Hoàng Ngọc Khôi. 
 Thành tâm cầu nguyện Linh hồn Niên Trưởng sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Trần Văn Khang và gia đình
***
Chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng gia quyến Bác Sĩ Hoàng Ngộc Khôi.
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Gia đình Nguyễn Hoàng Hải
***
Cám ơn anh chị cho biết tin buồn anh Khôi đã từ trần lúc 1 giờ 19 phút sáng nay tại bệnh viện MacKenzie!
Xin thành thật phân ưu cùng anh chị và tang quyến.
Cầu nguyện linh hồn Phao Lô Hoàng Ngọc Khôi sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Phùng Quang Tuấn
***
Sinh lão bệnh tử, phàm là người ai cũng phải trải qua..
Xin phép cho tôi được cùng san sẻ nỗi buồn này....
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ sớm đón nhận:
Linh Hồn Phaolo HOÀNG NGỌC KHÔI về hưởng Nhan Thánh Chúa trên quê Trời.

Nguyen Lien Huong Toronto Canada
***
Khóc Hoàng Ngọc Khôi
Anh Khôi hởi! Anh Khôi ơi!
Món nợ văn chương chỉ thế thôi.
Anh sớm ra đi về với Chúa,
Chúng tôi nán lại thật đơn côi.

Bài thơ dịch bên dưới gởi anh lần chót ngày 5-4-21, anh chưa kịp sử dụng. Nay chép lại tiễn anh.

Sanh gởi hùng anh vào xác thân,
Chết lưu vũ trụ với tinh thần.
Xác thân tan tác non sông đó,
Ngửa mặt không hề thẹn núi sông.

Phí Minh Tâm
***
CHIA BUỒN
Thật bàng hoàng khi nghe tin bậc đàn anh đáng kính và rất dễ thương
Bác sĩ Phaolo HOÀNG NGỌC KHÔI

Anh đã từ bỏ anh em đi về nơi yên tịnh nhất. Anh đặc biệt đã ghi sâu trong tâm hồn tôi một kỷ niệm khó quên hồi tôi mới bước vào Đại Học mà không bao giờ tôi có thể quên.

Chân thành chia buồn cùng đại gia đình đàn anh HOANG NGỌC KHÔI trong lúc đau buồn này.
Nguyện xin Chúa nhân từ đón nhận Linh Hồn PHAOLO vào hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng.

Nguyễn Tiến Cảnh
***

Thành kính phân ưu cùng đại gia đình Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi.
Nguyện cầu Hương Linh Phaolo Hoàng Ngọc Khôi an vui trên Thiên Đàng.

Gia Đình Nguyễn Bảo Côn
***
Em cũng thật bàng hoàng trước tin anh Phaolo Hoàng Ngọc Khôi đã ra đi. Em xin hiệp ý cùng mọi người cầu nguyện, và em tín thác rằng Chúa đang đón anh về bên Ngài. Xin Chúa chở che và an ủi thân nhân của anh còn ở lại

Xin chia buồn cùng chị Khôi và gia quyến.
Kính.

KimQuyTu
***
Rất đau buồn khi nghe tin Anh Hoàng Ngọc Khôi đã từ trần. Cầu mong anh được yên nghỉ nơi Thánh Ngài.

Thư ký DD LTCD thế kỷ 21
Nguyễn Trọng Lộc (Lộc Bắc)

Khóc Thầy 

Bạn bè nhỏ lệ, một cười vui.
Mới đó mà nay vĩnh biệt rồi
Văn nghệ đa năng gồm tất cả
Võ văn tài trí thật tinh khôi
Hiền lành, độ lượng, tâm dung dị
Cố vấn, bảo ban, ý tuyệt vời
Đáo hạn tử sinh về nước Chúa
Phaolo an nghỉ dưới chân Người!

Lộc Bắc
Juin21
***
Khóc thương nhớ anh Khôi, xin chia buồn cùng chị Khôi và con cháu  
Tin đâu sấm sét đánh ngang tai ?
Nhớ tới anh KHÔI muốn khóc hoài ...

Đỗ Quý Bái
***
Thưa chị Khôi,

Chúng tôi vợ chồng Nhiếp & Hồi, Châu & Hảo, Lai & Mai, là những đàn em của anh Khôi, một người niên trưởng tài đức mà chúng tôi rất kính mến.
Thật là bàng hoàng sửng sốt khi được anh Bình và anh Tín báo tin anh Khôi đã đột ngột ra đi trong thời gian Anh Khôi đang trên đường hồi phục sau khi ra khỏi ICU. Chúng tôi không biết nói gì hơn là xin thành thật chia buồn với chị Khôi và đại gia đình, và cùng với các bè bạn của anh Khôi xin cầu chúc hương linh anh
Phaolo Hoàng Ngọc Khôi sớm được về Nước Chúa.

THƯƠNG NHỚ ANH KHÔI


Rừng Phong thương tiếc lão huynh Khôi
Tài đức lương y đã khuất rồi
Thi nhạc kịch ca ... Anh giỏi cả
Nước Trời yên nghỉ nhá anh Khôi!

Bùi Xuân Nhiếp
Đặng Minh Châu
Nguyễn Tích Lai

***
Một Vài Lời Cuối Tiễn Huynh Trưởng Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi

Bác Sĩ HOÀNG NGỌC KHÔI đến với các báo Khai Thác Thị Trường và Ðối Lực bằng duyên văn nghệ và lý tưởng chống Cộng Sản, qua các bài thơ, văn, cũng như sinh hoạt cộng đồng.
Nói về ý chí chống Cộng của Anh, ai cũng biết rất là dứt khoát và khẳng định, không có hàng hai hoặc “Hòa Hợp Hòa Giải”. Trong hoàn cảnh của Canada mà số người “ngã nghiêng” rất nhiều, tìm được người chiến sĩ quân y VNCH vẫn giữ được lòng sắt son với VNCH và chống Cộng đến phút cuối cùng như Anh, thật là rất khó.
Ðể tiễn một thi hữu có tài năng và tâm huyết đã đem hết sức mình tạo lập và vun xới cho Diễn Ðàn Toronto Medical Group trong mấy năm qua, chúng tôi xin có ít vần thơ sau đây đóng góp với những vị đã có bài tiễn Anh trên diễn đàn:

Kính tiễn Nhà Thơ/Văn Hoàng Xuân Thảo,
tức BS Hoàng Ngọc Khôi

Sáu mươi năm (*) hết sức mình,
Tạo bao tác phẩm thơ văn để đời,
Diễn Ðàn (tmg19) nay một cơ ngơi
Bao nhiêu thức giả góp lời “đấu tranh”,
Tuổi già không nệ dấn mình,
Trở thành “ngọn đuốc” cho đàn em theo.
Nay Anh trận chót (**) thua kèo,
Giả từ quyến, hữu mọi người tiếc thương.

NBL
(*) từ khi ra trường đến tháng 6-2021
(**) trận Covid-19
***
Cô Hằng kính mến,
Em là Ngô Phương Dung, trong Ban Tổ chức Đại Hội Gia Long Thế Giới 2017 tại Montreal.
Em được hân hạnh nói chuyện qua điện thoại với Cô và Cô cho em số cell của Thầy để liên lạc.Em cũng được gặp Thầy Cô ngày Đại Hội.
 Từ khi biết thầy bệnh nặng, chúng em và nhóm các bạn đọc kinh cầu nguyện cho thầy mỗi buổi sáng.Thật bàng hoàng khi biết hung tin.
 Thưa cô, vẫn biết cuộc đời vô thường, cuối cùng thì ai cũng trở về cát bụi nhưng làm sao không đau đớn cho được khi người thân của mình ra đi không bao giờ trở về nữa.
Chúng em hy vọng với sự quan tâm của họ hàng,  bè bạn và gia đình sẽ là niềm an ủi cho cô trong những lúc đau buồn thế này.
Nguyện cầu Hương Linh của thầy được hưởng nhan Thánh Chúa.
Chúng em xin gửi lời chia buồn chân thành và sâu sắc nhất đến cô, các chị em,  các cháu cùng gia quyến.
Mong đại gia đình có đầy đủ sức khỏe và nghị lực vượt qua nỗi đau vô bờ bến này để sớm trở lại đời sống bình thường.

Thành kính phân ưu

Trần Đình Thắng & Ngô  Phương Dung 
*** 
Được tin bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi (1931-2021), Y Khoa Sài Gòn 1958, Quân Y Hiện Dịch 5 tức thi nhạc sĩ Hoàng Xuân Thảo vừa qua đời.
Kính chia buồn cùng chị Hoàng Lệ Hắng và tang gia.
Mong Linh Hồn anh Khôi sớm về cõi Vĩnh Hằng.

Diễn Đàn Quân Y
(Phạm Anh Dũng)
***
Xin chia buồn cùng đại gia đình Dr.Hoàng Ngọc Khôi
Nguyện Cầu Hương Linh Docteur Hoàng Ngọc Khôi sớm về Cõi Vĩnh Hằng

Thành Kính Phân Ưu

Dr.Nguyễn Ngọc Lang và gia đình
Montréal, Québec,Canada
***
Dear Nicole,
Kính chào và kính thăm your mother, bác Hằng, and your family.

When a great man dies he still survives in the hearts of those he has touched. When your father was standing on top of the world, he had never stopped reaching out and down to others including myself. Bác Y Sĩ Hoàng Ngọc Khôi was a great physician, teacher, educator, poet, musician, writer / novelist, officer,... and gentleman. Your father was loved so much by everyone for how he lived, what he did, whom in need he befriended,... No one loved is ever lost as we cherish his memory and let it live on. I will not be able to attend his funeral next week but he always lives in my heart.
All my best wishes to you and your entire family.

Dong Chau Nguyen
***
Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi, Long Hồ Vĩnh Long
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC BS Hoàng ngọc Khôi đã Mãn phần 1AM Ngày 2/6/2021

An Van Tran, Prof.Space Scientist
***

Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Hoàng Ngọc Khôi(Bút Hiệu Hoàng Xuân Thảo)

 

Xin Để Tôi Đi - Thơ Christina George Rossetti - Phóng Tác Mùi Quý Bồng - Nhạc Ngô Càng Chiếu - Ca Sĩ Quốc Duy

Huynh Trưởng Hoàng Ngọc Khôi đã ra đi để lại bao thương tiếc trong lòng anh em chúng ta. Trước đây khi tôi xuất bản tập thơ đầu tay, Mong Manh, năm 1994, anh Khôi đã viết bài Bạt rất công phu, và đầy đủ. Gần đây, thỉnh thoảng anh post tranh tôi vẽ để các thân hữu làm thơ cảm tác, thật vui. Để cùng tưởng nhớ người anh khả kính, mời các bạn cùng đọc một bài thơ ý nghĩa của Christina George Rossetti, và nghe một bản nhạc của Nhạc Sĩ Ngô Càn Chiếu, tiếng hát Quốc Duy.

Nguyện Cầu Hương Linh Anh Hoàng Ngọc Khôi Sớm Về Cõi An Bình  

Let Me Go


When I come to the end of the road
And the sun has set for me
I want no rites in a gloom filled room
Why cry for a soul set free?
Miss me a little, but not for long
And not with your head bowed low
Remember the love that once we shared
Miss me, but let me go.
For this is a journey we all must take
And each must go alone.
It's all part of the master plan
A step on the road to home.
When you are lonely and sick at heart
Go to the friends we know.
Laugh at all the things we used to do
Miss me, but let me go.
When I am dead my dearest
Sing no sad songs for me
Plant thou no roses at my head
Nor shady cypress tree
Be the green grass above me
With showers and dewdrops wet
And if thou wilt remember And if thou wilt, forget.
I shall not see the shadows,
I shall not fear the rain;
I shall not hear the nightingale
Sing on as if in pain;
And dreaming through the twilight
That doth not rise nor set,
Haply I may remember,
And haply may forget.

Christina George Rossetti (1830-1894)
 ***

Dịch Thơ:


Xin Để Tôi Đi

Khi phút cuối cuộc đời tôi điểm.
Và ánh dương lịm tắt chân trời
Tôi không muốn nghi lễ lôi thôi
Trong khung cảnh bùi ngùi, thương cảm.
Nhớ tiếc tôi, nhưng đừng lâu lắm,
Và xin đừng sầu thảm cúi đầu
Có ai khóc cho tự do đâu
Linh hồn đã đi vào giải thoát..
Xin hãy để tôi đi cho khuất
Quãng đời này tất cả chúng ta
Ai cũng đều sẽ phải trải qua
Và chỉ một mình đi, đơn độc!
Hành trình ấy, Tạo Hoá sắp đặt.
Một bước đi sẽ dẫn dắt ta
Trên con đường quay trở về nhà
Mỗi khi thấy cô đơn, sầu não,
Ta đến với người ta giao hảo
Để cười đùa như thuở xa xưa.
Nhớ tôi, nhưng hãy để tôi đi.
Khi tôi mất, bạn ơi, đừng hát
Những khúc ca não nùng, thảm thiết,
Đừng trồng hoa hồng trước mộ tôi.
Hay cây trắc bá, phí công thôi.
Xin phủ quanh mồ tôi thảm cò
Một mầu xanh mượt mà là đủ.
Chỉ cần thế, ngày lại qua ngày,
Cỏ tươi nhờ sương sớm ban mai
Hay những hạt mưa chiều dịu nhẹ.
Bạn có thể còn thương, còn nhớ,
Hay bạn sẽ có thể lãng quên.
Tôi thì không còn nhìn thấy bóng,
Mưa cũng không khiến tôi kinh hoảng.
Tôi sẽ hết nghe tiếng họa mi
Đau đớn hót, thảm thiết , sầu bi.
Suốt buổi hoàng hôn, mơ huyễn mộng
Vầng dương thôi không còn mọc, lặn.
Lòng mình lắm lúc bỗng nhớ thương
Nhưng nhiều khi chỉ còn lãng quên!

Mùi Quý Bồng
(phóng tác)
08/08/2019

Death Is Nothing At All (Henry Scott-Holland) - Chết Chẳng Sao



Kính chị Hằng và các anh chị em,

HT và chị Phương Đàn xin thành thật chia buồn cùng đại gia đình anh Hoàng Ngọc Khôi và tất cả các bạn hữu của anh Khôi về sự mất mát lớn lao này. Dù HT chưa hề gặp mặt, nhưng rất ái mộ và cảm phục một người anh lớn thật đa tài về mọi phương diện.
Xin gởi đến các anh chị em bài thơ của Linh Mục Henry Scott-Holland (và bài chuyển ngữ của HT) nói về cái chết mà chúng ta ai nấy kẻ trước người sau đều trải qua. Cho nên:

Cái chết nào đáng kể
Nó có nghĩa gì đâu…
Qua thời gian ngắn tạm
Gặp lại, cười vang đường.

This poem is often read at funerals. The author, Henry Scott-Holland (1847-1918), a priest at St. Paul's Cathedral of London, did not intend it as a poem; it was actually delivered as part of a sermon in 1910. The sermon, titled, "Death the King of Terrors" was preached while the body of King Edward VII was lying in state at Westminster.

Death Is Nothing At All
By Henry Scott-Holland

Death is nothing at all.
It does not count.
I have only slipped away into the next room.
Nothing has happened.

Everything remains exactly as it was.
I am I, and you are you,
and the old life that we lived so fondly together is untouched, unchanged.
Whatever we were to each other, that we are still.

Call me by the old familiar name.
Speak of me in the easy way which you always used.
Put no difference into your tone.
Wear no forced air of solemnity or sorrow.

Laugh as we always laughed at the little jokes that we enjoyed together.
Play, smile, think of me, pray for me.
Let my name be ever the household word that it always was.
Let it be spoken without an effort, without the ghost of a shadow upon it.

Life means all that it ever meant.
It is the same as it ever was.
There is absolute and unbroken continuity.
What is this death but a negligible accident?

Why should I be out of mind because I am out of sight?
I am but waiting for you, for an interval,
somewhere very near,
just round the corner.

All is well.
Nothing is hurt; nothing is lost.
One brief moment and all will be as it was before.
How we shall laugh at the trouble of parting when we meet again!

(Trong mùa đại dịch này, hơn 500,000 người Mỹ đã đơn độc ra đi vì Covid-19, để lại bao nhiêu là nỗi khổ niềm đau cho thân nhân. Hy vọng bài thơ này giúp người đọc "ngộ đạo đất trời" hơn và giữ tâmmình bình an hơn. HT)

Bài thơ này thường được đọc ở các tang lễ. Tác giả là ông Henry Scott-Holland (1847-1918), một linh mục tại Thánh Đường St. Paul ở Luân Đôn. Thật ra đây là một bài thuyết giảng tựa đề “Cái Chết là Vua của mọi Khiếp Sợ” mà Ngài đã giảng năm 1910 khi quan tài vua Edward VII đang nằm trong Westminster Hall.

Chết Chẳng Sao

Cái chết nào đáng kể
Nó có nghĩa gì đâu
Tôi chỉ sang phòng kế
Chẳng có chi mong cầu.

Mọi chuyện đều như thị
Tôi, người, nào khác chi
Sống, chết, đời vẫn vậy
Tình cảm nào vơi đầy.

Gọi tên tôi như cũ
Nhắc đến tôi như xưa
Đừng vờ lời ủ rủ
Đừng giả buồn tiễn đưa.

Hãy cười vui như trước
Cứ đùa, giỡn, nguyện, ước
Tên tôi xin cứ nhắc
Bình thường, đừng thắc mắc.

Cuộc đời vẫn là thế
Trôi qua như thường lệ
Tiếp tục không ngừng nghỉ
Dẫu chết đến bất kỳ.

Đừng xa mặt cách lòng
Tôi vẫn đang chờ mong
Ngày ta lại kề cận
Một nơi nao rất gần.

Tất cả đều như thường
Chẳng mất mát đau thương
Qua thời gian ngắn tạm
Gặp lại, cười vang đường.


Hoàng-Tâm chuyển ngữ
Gaithersburg, MD

Tưởng Nhớ Anh Hoàng Ngọc Khôi

 

Thường thì diễn đàn của nhóm Liêu Trai Chí Dị, thế kỷ 21, là do bác sĩ Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò, tụi tôi gọi là Ông Cò ( ÔC ) làm đàn chủ, chọn bài thơ, giảng nghĩa, dịch, và thêm lời bàn. Anh chị em trong nhóm góp ý, bàn luận, cãi nhau lung tung, rất vui...
 
Cách đây mấy tháng, một thành viên của nhóm, rất giỏi chữ Hán, là Giáo Sư Phí Minh Tâm đột nhiên chọn một bài thơ rất hay của Lý Bạch, với lời giảng giải, chú thích, và dịch rất công phu. Đó là bài Tuyên Châu Tạ Diểu Lâu Tiễn Biệt Hiệu (Giáo) Thư Thúc Vân, đã được đưa lên diễn đàn vào ngày 15/ 05/2021.
Trong thời gian đó, thì bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi, cố vấn của nhóm, không may bị Covid, đã được về nhà, lại phải trở vào nhà thương vì trở bệnh. Anh đã không thoát được con vi khuẩn quái ác, bỏ chúng ta mà đi ngày 02/ 06/2021.
Thú thật, tôi bàng hoàng,ngơ ngẩn mất mấy ngày, muốn làm một bài thơ khóc anh Khôi, mà không còn tinh thần,sự chú ý để thực hiện được, thấy mình có lỗi với bực đàn anh... Đêm nay, chợt nhớ tới bài thơ của Lý Bạch nêu ở trên, với hai câu đầu diễn tả được nỗi lòng của tôi, đành mượn hoa hiến Phật, gửi vị đàn anh mới ra đi:
 
Khí ngã khứ giả, tạc nhật chi nhật bất khả lưu,
Loạn ngã tâm giả, kim nhật chi nhật đa phiền ưu.

( Bỏ ta mà đi, ngày hôm qua không giữ lại được,
Làm rối lòng ta, ngày hôm nay thật nhiều ưu phiền.)

Anh Khôi ơi, mong anh hiểu cho tấm chân tình và lòng thương nhớ khôn nguôi của đứa em văn nghệ.
 
Bát Sách
***
Sau sự ra đi của Huynh Trưởng Hoàng Ngọc Khôi, mời quý bạn cùng suy ngẫm. Huynh Trưởng, trong suốt cuộc đời đã nêu một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Đúng như những ý tưởng trong bài viết mà tôi đã phóng tác gần 9 năm trước đây.

Cuộc Sống Ý Nghĩa

Dù sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị
Một ngày kia bạn cũng sẽ ra đi.
Cái thế giới bạn vẫn sống thường khi
Sẽ biến mất, không còn gì tồn tại.
Sẽ không còn ánh mặt trời sáng chói.
Cũng không còn một ngày mới, bình minh.
Và không còn những ấm áp mùa xuân.
Không còn cả những bạc tiền, danh vọng.
Quyền lực mấy cũng chỉ là trống rỗng.
Chẳng có gì còn quan trọng nữa đâu!
Có chăng là những tích tụ từ lâu
Của những phong cách thanh cao, hành xử
Mà bạn đã suốt cuộc đời chia sẻ
Với tha nhân hay thân hữu quanh mình.
Có chăng là những đóng góp chân thành,
Những kiến thức, những gì mình đã học
Cho mọi người bạn sẵn sàng truyền đạt.
Những gì bạn đã kiếm được trong đời,
Những thứ bạn gom góp khắp muôn nơi,
Đều vô nghĩa khi bạn rời dương thế.
Cái cho đi mới thật là đáng kể.
Quan trọng lắm những cử chỉ, hành vi,
Thái độ trong cuộc đời bạn đã ghi,
Đã khắc dấu trong tâm tư người khác.
Một nụ cười, hay một lời khuyến khích
Lúc khó khăn, hay trong lúc hoang mang,
Lúc lo âu, hay phiền muộn, chán chường,
An ủi họ, làm yên lòng, ấm dạ.
Một nắm tay, một đỡ nâng khi ngã,
Cũng có thể thành vô giá không ngờ
Trong cõi lòng bè bạn, cả thân, sơ.
Đừng thắc mắc đến bao giờ bạn được
Mọi người chung quanh bạn còn nhớ, tiếc.
Hãy quan tâm đến sự việc người ta
Nhớ tiếc gì về bạn những năm qua.
Quen biết nhiều chẳng phải là quan trọng,
Trong suốt cả chiều dài cuộc sống,
Ý nghĩa hơn, với số lượng những người
Khi bạn mất lòng họ sẽ bùi ngùi.
Vậy bạn ơi, trong cuộc đời đang sống
Hãy nhìn quanh, với tâm hồn trong sáng,
Lòng yêu thương, ươm đầy những cảm thông.
Sự hiểu biết ấy sẽ đem ánh hồng
Rất diệu kỳ trải đều trong cuộc sống!

Chẩm Tá Nhân
(phóng tác)
08/23/2012

Nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long Toronto&Montreal Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Cô Hoàng Ngọc Khôi


Kính Gửi Cô Hoàng Ngọc Khôi,

Được tin Thầy Hoàng Ngọc Khôi vừa mới qua đời, Nhóm cựu giáo sư và Nhóm cựu nữ sinh Gia Long Toronto chúng em vô cùng xúc động và xin chân thành chia buồn cùng Cô và gia đình. Chúng em xin nguyện cầu Hương Linh Thầy được sớm về với vòng tay yêu thương của Chúa.

Hoàng Cẩm Uyên
Thay mặt Nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long Toronto

***
Kính gửi Cô Hoàng Ngọc Khôi,
Được tin buồn, các cựu giáo sư Gia Long và cựu nữ sinh Gia Long, Montreal vô cùng thương tiếc thầy Hoàng Ngọc Khôi.
Xin chia buồn cùng Cô và gia đình về sự mất mát lớn lao này
Xin cầu nguyện hương linh Thầy sớm được hưởng phúc trường sinh nơi Nước Chúa

Cá nhân em đã từng có những kỷ niệm rất đẹp với thầy Khôi , khi xưa, mỗi khi em vào diễn đàn Forum VMA quyên tiền để hỗ trự các nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam th̀ì luôn được Thầy Khôi ủng hộ. Thầy thật có lòng với quê hương đất nước.
Kính chúc Cô nhiều sức khỏe,

Đại diện hội Ái Hữu Gia Long Montreal
Cấn Thị Bích Ngọc


Mưa Phú Giáo



Mưa từ khu chiến mưa qua
Từng cơn gió lạnh căm da thịt người
Thương ai còn đứng trên đồi
Trông mưa mà xót xa đời của nhau
Mưa về Bố Lá mưa mau
Mưa giăng Bình Mỹ mưa sầu Bình Cơ
Thương con mắt đỏ mong chờ
Trông mưa lòng những ôm hờ niềm riêng
Phước Hòa mưa đổ triền miên
Hàng cao su đứng ngoan hiền trong mưa
Thương ai chốn cũ ngày xưa
Saigon mưa có về chưa, hỡi người?

Nguyễn Kinh Bắc
Phú Giáo 1974

Nắng Về Lạc Giữa Giấc Mơ Xưa



Nắng hạ đỏ lòng hoa phượng vĩ
Gió về ru lại khúc tình xưa
Tiếng con ve ném lời rên rỉ
Làm rụng rơi từng hạt lệ mưa

Nắng hạ xoáy vào trang ký ức
Chạm từng tiềm thức giấc mơ xưa
Trôi vào quá khứ hồn con chữ
Trút hết tâm tư xuống bóng mùa

Nắng hạ chạm vào tim thổn thức
Trải từng khoảng nắng vắng em qua
Nụ tình gió cuốn vào hoang hoải
Bỏ lại bên trời mộng dưới hoa

Nắng hạ bay qua lòng trắc ẩn
Người đi xa biền biệt đâu tìm
Thời gian tóc nhuộm màu hoa trắng
Cõi nhớ xa dần những cánh chim

Bằng Bùi Nguyên

Rỗ Vú Sửa

Rổ vú sữa vẫn còn đây
Mà bà đi vắng hổm rày ở đâu?
Bà vui vì rổ tràn đầy
Tôi buồn… vú sữa ai ăn hở trời!

***

Khó nói cùng anh giữa lúc này
Nơi anh tình chị đã cao bay
Về nơi an tịnh nhưng luôn nhớ
Người bạn đồng hành ấy bấy nay.
Xa đó mà không vẫn cận kề
Luôn cùng anh đó dạo sơn khê
Thăm dòng Sông Trẹm,cây cầu mới
Ghế bến Ninh Kiều,cảnh chợ quê
Bán cây,bán kiểng với muôn hoa
Đủ cả soài,thơm, vú sữa,na
Đạc sản Miền Tây thôi chẳng thiếu
Thêm câu vọng cổ tuyệt chi là…
Hồng Thủy đang ngồi với cảnh xưa
Có bên bà xã đưới tàn dừa
Đôi lòng mở rộng và chung hướng
Theo con thuyền nhỏ sóng đong đưa.
Mong anh Thủy luôn vui.

Thái Huy
***
Xin được mượn ý trả lời bạn Thái Huy:

Bạn ơi thông cảm hoàn cảnh nầy
Vợ tôi đành đoạn đã xa bay
Bỏ tôi ở lại , ngàn nhung nhớ
Đứt ruột hàng ngày, Bà có hay!

Bà hởi nhớ chăng đôi tay mềm
Dìu nhau dạo bước cảnh êm đềm
Cai Sâu, Cồn Ấu, xem cầu mới
Ghé bến Ninh Kiều thăm chơ đêm!

Tôi định mời bà đi du thuyền
Ngồi nghe ca nhạc, ăn tôm chiên
Bà sẽ cười xòa khi nhìn thấy
Lon bia chia nửa! chắc bà phiền.

Thôi thế hai ta lỡ hẹn rồi
Từ đây hai đứa ở hai nơi
Cầu mong nơi ấy bà thanh thản
Chỉ khổ thân tôi đến cuối đời!

Dương hồng Thủy
01/06/2021