Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

Viết Cho Má Nhân Ngày Hiền Mẫu


Má ơi, hôm nay là ngày hiền mẫu, một ngày được người ta trân trọng đặt ra để ca ngợi vinh danh tình mẫu tử vốn thiêng liêng cao đẹp nhứt trên tất cả mọi thứ tình, như núi cao, như biển rộng sông dài bất tận. Trong các ngày, có lẽ hôm nay là ngày hạnh phúc nhứt của các bà mẹ, bởi vì tất cả con cái, ai cũng tìm cách làm cho mẹ mình vui, dẫn mẹ đi mua sắm, đi ăn uống vui chơi, chìu chuộng mẹ hết lòng. Nhìn cảnh rộn rịp hạnh phúc bên nhau của mẹ con người ta, con nhớ má vô cùng. Ước gì má còn sống, con sẽ lì xì cho Má và làm mì trường thọ cho Má ăn như lúc Má sinh thời, cái món ăn mà Má thích nhứt hơn cả những thứ cao lương mỹ vị ở các tiệm cao lâu hàng quán bên ngòai.

Má về miền tiên cảnh đã gần năm năm nhưng trong lòng con, má vẫn hiện hữu hằng ngày. Con nhớ mãi hình ảnh má cắm cúi ngồi bên chiếc máy may thêu gối, thêu màn, thêu áo cho tụi con. Nhớ từ giọng cười, lời ăn tiếng nói của Má đến những món ăn Má ưa nhưng lúc nào cũng nhường cho con trẻ, những chiếc áo Má thích nhưng cất hoài lâu lâu mới lấy ra mặc một lần. Con thường chiêm bao thấy sáng sáng con hay theo Má xách giỏ đi chợ, hai má con vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ và tính với nhau coi bữa nay ăn món gì. Con đề nghị nếu có tôm lóng tươi, mình mua về cháy với ba rọi, và làm thêm một dĩa gỏi ngó sen tôm thịt ăn kèm. Má cháy tôm ngon hết sảy, cái nước kèo kẹo mặn mặn ngọt ngọt ăn no cành hông cũng vẫn còn thòm thèm. Họăc là làm mắm chưng hột vịt ăn với dưa leo, khế, chuối chát rồi nấu thêm nồi canh khoai mỡ hay canh mồng tơi. Nhưng tính thì tính vậy chớ Má luôn dành ưu tiên theo ý thích của ba thôi.

Ra chợ Má dạy con lưạ tôm cá, thịt thà, rau đậu, trái cây, nhìn mặt hàng biết thế nào là tươi, non mới mua, để bữa nào Má không đi chợ được thì con có thể thay Má đi một mình. Trong ba đứa con gái, con là đứa thích nấu ăn lại là chị hai nên con rất vui thích được giao nhiệm vụ chợ búa này.

Còn nhớ hồi nhỏ, con bị đau mắt hột, cứ vài tháng là phải đi bác sĩ Hoạch chữa mắt ở Cần Thơ. Sáng sớm hai má con ra bến xe, tới Cần Thơ khoảng 10 giờ, chờ đợi gặp bác sĩ xong thì cũng đã đến giờ ăn trưa. Má dẫn con đi ăn hủ tíu, sau đó mua cho con gói bánh mì ngọt sấy khô dòn rụm mà con rất thích ở một tiệm bánh mì gần đó. Có khi thấy còn sớm, Má còn ghé nhà một bà bạn của Má ở đường Hàng Dừa ngồi chơi một lát rồi hai má con mới ra bến xe đi về.

Má ơi, quên sao được những ngày gần Tết, má con mình háo hức dọn dẹp trong nhà ngoài ngõ, giặt mùng mền chiếu gối, thay màn cửa mới tinh tươm. Xong việc trang hoàng nhà cửa, hai má con đi chợ tết, con mua mãng cầu, dừa rám, gừng non để làm mứt biếu bà con lối xóm dịp Tết, Má thì mua cải bông, củ cải về làm dưa chua để mấy ngày Tết ăn với thịt kho nước dừa, bánh củ cải hay bánh tét và bánh phồng tôm chiên. Làm chuyện gì cũng chỉ hai má con mình thôi vì mấy đứa em lúc đó còn nhỏ không giúp được gì.

Ở bên Má, trong vòng tay bảo bọc thương yêu của Má và Ba, cuộc sống của con thật bình yên, êm đềm hạnh phúc biết bao. Con không lớn nổi, cứ mãi ngây thơ vô tư lự trong cái vỏ bọc điều của ba má, không hề biết lo trời mưa trời nắng thế nào. Chuyện gì con cũng ỷ y có ba má chống đỡ, gánh vác hết cho con, tới nỗi lấy chồng rồi con cũng vẫn ở chung nhà với ba má coi như là chuyện đương nhiên chớ không có chuyện "nữ sanh ngoại tộc" như bao nhiêu người con gái khác khiến nhiều khi con cứ ảo tưởng là Má với con sẽ gắn bó bên nhau như vậy mãi suốt đời.

Nhưng đời không có gì tồn tại mãi phải không Má? Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Kiếp người mong manh ngắn ngủi, có sinh thì ắt có tử, có khởi đầu thì có kết thúc. Đâu có quy luật nào bất tử cho một kiếp người. Một ngày nọ, Má phát bệnh phải vào nhà thương. Tưởng đâu sau khi cấp cứu Má sẽ được khỏe về nhà như những lần trước nhưng ngờ đâu Má phải nằm lại, và sau bốn ngày hôn mê, Má đã vĩnh viễn đi luôn không về. Nói sao cho hết nỗi bi ai mất mát, bàng hoàng hụt hẫng trong lòng con nhưng con phải gạt nước mắt chấp nhận sự thật vì hiểu rằng nợ đời của Má tới đây đã dứt, duyên nợ mẹ con với nhau ở kiếp này đã tận. Khóc thương bao nhiêu thì Má cũng không thể ở lại với con nữa rồi. Chi bằng hãy để cho Má nhẹ lòng siêu thoát, thanh thản ra đi.

Má ơi, con cám ơn Má, một người mẹ tuyệt vời của con, cám ơn những ân tình sâu nặng mà Má đã cho con ở cuộc đời này. Con tin rằng giờ đây bên kia cõi vĩnh hằng, nơi không có bệnh tật đau đớn, Má đã tiêu diêu nơi miền cực lạc yên nghỉ đời đời. Mãi mãi thương nhớ Má của con.

Con cưng của Má,
Người Phương Nam

Một Chuyến Về Thăm Mẹ Và Cha


Sau khi cả trăm người ngồi yên trên 2 xe bus lớn, linh mục Nguyễn Văn Công, thuộc dòng Xiteau, cha linh hướng của chuyến hành hương, bước lên từng xe một, đọc kinh cầu nguyện, ban bình an cho chuyến đi, giảng cho mọi người cần chuẩn bị tinh thần, xin Đức Mẹ soi sáng tâm hồn mình, để tự xét mình, ăn năn hối cải, và đọc kinh sám hối. Cùng xe với vợ chồng chúng tôi có những cụ ông cụ bà và các anh chị thuộc các ca đoàn thay phiên nhau vừa đọc kinh, vừa lần chuỗi, vừa hát những bản thánh ca từ tập nhạc Hành Hương Hiệp Nhất – Yêu Thương / La Vang 2007. Tiếng ca vang tỏa đồng nhất, tạo nên một niềm tin vững mạnh. Tại các nơi tạm dừng trong chuyến đi đường dài, tôi nhìn thấy có khá nhiều người lớn tuổi đi đứng khó khăn, chống gậy hay ngồi xe lăn.

Trên xe, anh Phước, người tổ chức chuyến hành hương, trình bày chi tiết và mục đích hàng đầu của chuyến hành hương: viếng tượng Đức Mẹ Nhỏ Nước Mắt tại nhà thờ Our Lady of Guadalupe, nằm ở thị xã Hobbs, tiểu bang New Mexico. Ngôi tượng Virgin Mary được đúc chế từ nước Mễ Tây Cơ theo đơn đặt hàng của một nhà thờ tại New York. Trong khi di chuyển, bức tượng bằng đồng bị bể một miếng nhỏ bên hông, do đó nhà thờ đầu tiên không chịu nhận. Với sự chấp thuận của linh mục José Segura, cha sở nhà thờ Our Lady of Guadalupe, ngôi tượng được đưa về nơi đây và đặt tạm trong phòng khánh tiết của nhà thờ trong khi chờ đợi sửa sang và tìm người mua. Dù cha José cảm thấy mê thích ngôi tượng ngay từ phút đầu mới gặp và muốn giữ lại cho nhà thờ mình, nhưng cha biết không thể kham nổi vì ngay chính nhà thờ của cha cũng đang túng thiếu vì phải trùng tu nhiều thứ khác. Mấy tháng trải qua nhưng không có nhà thờ nào lên tiếng mua ngôi tượng vì giá vẫn còn quá cao. Cho đến gần ngày hãng làm tượng quyết định chuyên chở bức tượng về lại Mễ Tây Cơ, bấy giờ cộng đồng con chiên cùng cha xứ họ đạo Our Lady of Guadalupe ở Hobbs hiệp lòng với nhau mua lại bức tượng, dù chưa được sửa, bằng cách tổ chức gây quỹ trong nhiều tháng. Cuối cùng, với lòng ký thác vào đức tin, họ đạo đã mua được ngôi tượng nói trên vào tháng 3, năm 2018. Kể từ giờ phút đó, ngôi tượng Virgin of Guadalupe chính thức ở lại tại nhà thờ Our Lady of Guadalupe, thị xã Hobbs này.


Lễ Hiện Xuống (Feast of Pentecost) trong ngày Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018, được tổ chức tại phòng khánh tiết của giáo xứ thay vì làm tại nhà thờ quá nhỏ so với số đông tín hữu tham dự. Chính trong buổi lễ hôm đó, nhiều người trông thấy hiện tượng lạ trên bức tượng: nước chảy từ mắt Đức Mẹ, lúc đầu tiên ở khóe mắt, từ từ rơi xuống mũi, má và vào gần cuối lễ, trên cả vai. Sau khi lễ vừa xong, Cha José Segura mới được giáo dân chỉ cho thấy hiện tượng trên. Cha hỏi: các ông bà đã làm gì vậy. Họ bèn trả lời: Thưa cha, in tuồng như Đức Mẹ khóc. Vừa ngạc nhiên vừa cảm xúc, cha José vội vàng lấy khăn lau nước trên khuôn mặt và trên vai bức tượng, những giọt nước vẫn tiếp tục đổ xuống từ mắt Mẹ. Cha José điện thoại và báo cáo sự kiện với Đức Cha Giám Mục Oscar Nantú của giáo phận Las Cruces. Trong khi giáo dân xúc động, khóc và đọc kinh cầu nguyện vang lớn cả phòng khánh tiết, nước mắt vẫn tiếp tục chảy xuống cổ rồi tận dưới chân bức tượng. Cha José lại dùng khăn thấm ướt vũng nước và cảm giác như có dầu hòa trong nước và thoáng mùi thơm hoa hồng. (Hình bên trái: lúc nước mới chảy/ Hình bên phải:2 giờ sau, nước xuống tận má, môi và cổ).

Trong xế cùng ngày, tin loan truyền nhanh, rất nhiều giáo dân của các giáo xứ lân cận đã đến cầu nguyện và cũng chứng nhận hiện tượng trên. Riêng 2 cha xứ gần đó, là linh mục Luis López và linh mục Antonio Gutiérrez, cũng tự tay lau chùi nước rơi từ mắt ngôi tượng Đức Mẹ. Đức Giám Mục Oscar Nantú cũng cử một phái đoàn đến tận nơi điều tra, phỏng vấn các giáo dân nhân chứng sự kiện cùng xét lại ngôi tượng từ bên trong ra bên ngoài và gởi khảo nghiệm khăn lau nước mắt.
 

Thông tin nói trên làm chúng tôi rất phấn khởi, lòng tràn đầy cảm xúc. Mãi đến chiều cùng ngày 29 tháng 11, 2018, đoàn hành hương mới đến được nhà thờ Our Lady of Guadalupe, là nơi có tượng Đức Mẹ Nhỏ Nước Mắt – Weeping Virgin Mother. Đoàn người ngỡ ngàng nhìn thấy kiến trúc nhà thờ là một hangar cỡ trung, mái nhà bằng tôn, hơi xưa cũ , nằm xen kẽ với những cơ sở thương mại của thị xã. Trong thời gian cha linh hướng Nguyễn Văn Công chuẩn bị làm lễ, từng nhóm nhỏ, từng gia đình, chen nhau, quên hẳn mệt mỏi sau một ngày dài trên xe, kẻ đứng người quỳ, trước chân tượng Đức Mẹ, nằm ở góc bên trái bàn thờ. Vợ chồng chúng tôi quỳ ở một góc hơi xa đám đông. Ngước nhìn Đức Mẹ trang trọng trong chiếc áo khoác màu lục, tôi cúi đầu ăn năn sám hối, xin Đức Mẹ tha thứ mọi tội lỗi. Chúng tôi cùng đọc chung 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh. Sau đó mỗi chúng tôi chìm đắm trong cầu nguyện riêng tư với Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ cho vợ chồng chúng con sức khỏe và bình an để chung sức chăm sóc cho Bồ Câu. Cho thánh giá trên vai chúng con trong 37 năm qua sẽ tiếp tục được vác trọn vẹn theo thánh ý trong thời gian tới. Cầu xin Mẹ che chở và phù hộ cho Bồ Câu được sống an vui, mãi mãi là một thiên thần trong tình yêu thương của cha mẹ. Xin cám ơn Mẹ đã gìn giữ gia đình và con cái chúng con được tốt đẹp, êm ấm. Và xin Mẹ luôn nắm tay dẫn dắt chúng con trên con đường chúng con đi…

Sau thời gian cầu nguyện riêng tư, đoàn hành hương nhập lại với nhau, chịu lễ do cha linh hướng Nguyễn Văn Công cử hành một cách trang nghiêm, trong sự cảm xúc của mọi người. Nhà thờ vang dội những lời đọc kinh, những bản nhạc thánh kinh tiếng Việt. Cha linh hướng giảng ý nghĩa Đức Mẹ từng hiện ra nhiều nơi trên thế giới, mang theo sứ điệp thế giới cần phải cầu nguyện, sám hối ăn năn. Tôi nhận Mình Thánh Chúa với một cảm xúc khác hẳn so với bao lần trước.

Sau lễ, nhiều người, trong đó có cả vợ chồng chúng tôi, tiến lại gần dưới chân tượng Đức Mẹ Nhỏ Nước Mắt, cầu nguyện thêm nữa, cho đến giờ xe bus phải rời khuôn viên nhà thờ, đưa đoàn người hành hương về ngủ qua đêm tại thành phố Roswell, cách thị trấn nhỏ Hobbs không quá xa. Thị xã Roswell nổi tiếng từ năm 1947, sau khi một cư dân tìm thấy những mảnh vụn được xem như của một đĩa bay ngoài hành tinh rớt trên mặt đất, và về sau Roswell trở thành một nơi hội họp hàng năm của những người từng là nhân chứng hay tò mò muốn biết thêm về UFO (Unidentified Flying Object – Vật Thể Bay Không Xác Định).

Trong đêm, tôi cảm thấy khó ngủ, nhớ lại trong thời niên thiếu, mình cùng gia đình từng đi hành hương 2-3 lần mỗi năm tại Thánh Đường Mẹ La Vang, đặc biệt trong các lễ lớn hay đi kiệu. Tôi cũng được nghe Măng tôi kể nhiều lần một câu chuyện nghe ra cảm nhận như phép lạ đã xẩy ra cho Măng. Bấy giờ, tuy Măng tôi dạy học ở trường tiểu học công giáo Việt Hương, nằm bên kia đường nhà thờ Đức Mẹ của Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế, nhưng hoàn cảnh vật chất vẫn thiếu thốn, lương tiền khó đủ để nuôi 6 con sau khi chồng mất ở tuổi 32. Một buổi chiều sau khi xong dạy học, Măng tôi bước qua nhà thờ Đức Mẹ, quỳ cầu nguyện đặc biệt xin Đức Mẹ đoái hoài giúp đỡ vì bấy giờ trong nhà không còn tiền mua gạo mắm cho con mình. Khi ra về, cha Laroche, một linh mục người Canada và có phần quen biết Măng tôi, đến gần nói với Măng tôi, cho biết “Có một người vừa dâng tặng nhà thờ 5 ngàn đồng, Cha nghĩ con đang cần, Cha đưa hết cho con đây”- thời bấy giờ, lương dạy học của Măng tôi mỗi tháng là 400 đồng. Măng tôi cho biết bà thật quá bất ngờ và quá cảm động đến chảy nước mắt vì biết đây là ân sủng Đức Mẹ ban cho. Chính nhờ vào cầu nguyện với Đức Mẹ, Măng tôi có đức tin, hy vọng và sức mạnh tinh thần để vượt qua bao khổ cực, thử thách sau khi chồng chết, cho dù trước đây Măng tôi trở lại đạo khi lấy Ba tôi.

Tôi cũng trải nghiệm sự nhiệm mầu của đức tin – nhớ lời Măng tôi dạy bảo từ trước - qua việc thầm lặng đọc mỗi đêm 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh trong suốt thời gian tù cải tạo CS hay trên con thuyền vượt biên đến bến bờ tự do. Và mãi về sau này.


Qua sáng ngày mai, đoàn hành hương tiếp tục lên đường. Trên xe, chúng tôi được nghe lời tâm sự của anh tài xế gốc người Mễ “Hôm qua, sau khi anh thôi khóc vì xúc động, anh ngước lên bức tượng, mơ hồ thấy Đức Mẹ mỉm cười vui mừng vì nhận thấy các con của mình biết ăn năn sám hối”. Sau lời anh tài xế, một bà chừng trên 50 tuổi chia sẻ tin mừng là chồng bà cho vợ mình biết tối hôm qua ông ta sẽ trở lại đạo sau khi cảm nhận ơn kêu gọi, dù khi thành vợ chồng từ 16 năm trước đây cả hai đều giữ riêng đạo của mình. Mọi người trên xe liên tục vỗ tay lớn, nhất là khi người chồng đứng lên tiếp lời nói của vợ với nước mắt lưng tròng.

Chặng dừng đầu tiên là El Santuario de Chimayo, một nhà thờ công giáo xây dựng từ đầu thế kỷ 19, và bây giờ trở nên một thánh địa nổi tiếng với trên 6 trăm ngàn người đến cầu xin được chữa lành bệnh tật hằng năm, cả ngàn tấm hình và hàng trăm nạng gỗ để lại làm bằng chứng. Bên dưới của thánh đường xây dựng theo kiến trúc Mễ Tây Cơ, là một căn hầm nhỏ, giữa căn hầm là một miệng giếng rất nhỏ chứa một loại bột cát rất mịn, màu vàng gọi là Holy Dirt. Sau khi cầu nguyện tại thánh đường, người hành hương xuống hầm để múc bột cát mịn này đem về nhà, đắp vào những nơi đau nhức trong người hay chân tay. Chuyện lạ tôi tận mắt thấy là dù khá nhiều người trong đoàn hành hương tham lam xúc Holy Dirt với số lượng lớn bỏ đầy trong nhiều bao nylon, nhưng lượng bột cát trong miệng giếng không hề suy giảm, miệng giếng vẫn đầy, trước sau như một.

Rời Chimayo, đoàn xe tiếp chạy thẳng về thủ đô Santa Fe (tiếng Mỹ là Holy Faith). Phải sau 4 giờ chiều xe mới đến được nhà thờ Saint Joseph, nổi tiếng với cầu thang xoắn ốc, bây giờ mang tên Loretto Chapel sau khi trở thành một viện bảo tàng quốc gia. Theo tài liệu của nhà dòng nữ tu Loretto, nhà dòng không thể tìm được người thợ mộc nào có khả năng thiết kế cầu thang vì khoảng dành cho cầu thang quá hẹp. Các Sơ bèn cấm phòng cầu nguyện với Thánh GiuSe, là vị Thánh Cả, là chồng của Mẹ Maria, cha Nuôi ở trần thế của Chúa Giêsu và là vị Thánh của thợ mộc. Đến ngày thứ 9, có một người đàn ông xuất hiện và nhận làm cầu thang. Ông ta làm việc một mình trong khoảng gần 8 tháng, và sau khi hoàn tất công việc, ông bỏ đi không nhận tiền thù lao và cũng không cho biết lai lịch của mình.


Ngày nay, người đời vẫn còn khó khăn giải thích sự kiện độc đáo của cầu thang xoắn ốc nói trên vì không có một đinh ốc nào bằng kim loại hay chất keo được xử dụng và loại gỗ làm cầu thang không có trong tiểu bang New Mexico cùng các tiểu bang gần xa. Người người đều có những câu hỏi cho mình về hiện tượng xây dựng cầu thang xoắn ốc, nhưng khó có một lời giải đáp chính đáng – nếu không phải đó là một hiện tượng lạ, thiêng liêng, chỉ được giải thích qua đức tin. Do sự kém an toàn theo thời gian, cầu thang xoắn ốc bị cấm dùng trong thập niên 60 của thế kỷ trước.

Chúng tôi nhanh chóng rời nhà thờ Thánh Giuse để kịp dự thánh lễ 6 giờ chiều ngày Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018 tại nhà thờ chính tòa Cathedral Basilica of St. Fransi of Assisi nằm bên kia đường với nhà thờ thánh Giuse. Vài bông tuyết bắt đầu bay nhè nhẹ trong gió lạnh. Vào nhà thờ tôi cảm thấy lòng ấm áp giữa tiếng đọc kinh của giáo dân, và chúng tôi dâng sự mệt mỏi của ngày cho Thánh GiuSe.

Lại thêm một ngày ngủ dọc đường. Trước khi ngủ, chúng tôi đọc kinh cầu nguyện, cảm tạ Ơn Trên cho chúng tôi thực hiện 1 chuyến hành hương tuyệt diệu, vừa thăm Mẹ lại vừa ghé thăm Cha.

`** Linh Mục Nguyễn Văn Công và Vĩnh Chánh

Trong đêm, tuyết rơi nhiều hơn. Và dọc trên con đường trở về California, tuyết trắng bao phủ cây và các cánh đồng hai bên đường. Một màu trắng tinh khiết làm các tín đồ hành hương cảm thấy lòng mình được thêm thanh sạch, tràn ngập hồng ân của Thiên Chúa.

Về lại nhà, tôi tìm đọc tài liệu về hiện tượng Đức Mẹ Nhỏ Nước Mắt tại nhà thờ Our Lady of Guadalupe ở thị xã Hobbs. Trong đó, có lá thư tháng 9, 2018 của Đức Giám Mục Oscar Nantú gởi cho tín đồ trong giáo phận New Mexico. Ngài viết lại các dữ kiện đã xảy ra, y như phần trên của bài viết này. Tuy nhiên sau nhiều tháng nghiên cứu, lấy lời khai các nhân chứng, hỏi nơi làm tượng bên Mễ Tây Cơ, thử nghiệm mẫu nước mắt…Ngài cho biết mẫu nước mắt là một hỗn hợp của dầu Olive được dùng trong nhà thờ cộng thêm với mùi hương chưa biết nguồn gốc. Ngài viết thêm: nhiều phép lạ từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo và mọi phép lạ đưa tín đồ về lại những căn bản quan trọng của Đức Tin: Giáo Hội, các Phép Bí Tích & Thánh Lễ, Cầu Nguyện và Xưng Tội. Con đường tuyên xưng và thánh hóa câu chuyện Tượng Đức Mẹ Nhỏ Nước Mắt còn đòi hỏi rất nhiều thời gian. Đồng thời Ngài cũng cảnh giác tín đồ, bên cạnh uy quyền của Thiên Chúa, đừng quên rằng ma quỷ cũng có sức mạnh đen tối quyến rũ được lòng người. Vì vậy trong thời gian này, tín đồ cần phải cầu nguyện nhiều hơn, để nhìn thấy chân lý của ánh sáng, khiêm tốn sống thật với tinh thần công giáo như thương yêu nhau, giúp đỡ kẻ tật nguyền, thăm viếng và an ủi người bệnh và tù nhân, chia sẻ hạnh phúc cho thế nhân, gìn giữ lòng bác ái và sự trong trắng trong tâm hồn…: 
https://www.lifesitenews.com/news/weeping-blessed-virgin-mary-statue-in-new-mexico-defies-explanation/

Bài này được viết để tưởng nhớ và vinh danh Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, Bồ Đào Nha, ngày 13 tháng 5, 1917, trong bối cảnh loạn lạc của chiến tranh Thế Giới Thứ Nhất và sự thành công của cách mạng vô sản tại nước Nga, báo động một hiểm họa mới cho nhân loại. Sứ điệp Fatima cho chúng ta thấy được sự thật là con người có nguy cơ đi xa dần Thiên Chúa. Theo lời truyền dạy của Mẹ Fatima, chỉ có Cầu Nguyện, Ăn Năn Sám Hối, Lần Chuỗi Mân Côi và Sống Đạo mới làm cho chiến tranh thế giới chấm dứt và ngăn chận được cơn sóng đỏ lan tràn.

Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ ăn mừng lễ Mother’s Day – hay ngày Lễ Mẹ. Lịch sử Hoa Kỳ cho thấy ý nghĩa Mother’s Day bắt nguồn bởi những bà mẹ mất con trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ cầu nguyện và kêu gọi cho Hòa Bình. Đến ngày 8 tháng 5, 1914, tổng thống Woodrow Wilson chính thức tuyên bố Mother’s Day là một ngày lễ quốc gia.

Phải chăng sự trùng hợp của Mother’s Day được chính thức tổ chức vào Chủ Nhật thứ Hai mỗi tháng Năm và ngày Đức Mẹ Fatima được nhớ đến vào ngày 13 mỗi tháng Năm, nói lên tính cách thiêng liêng muôn thuở của tình Mẫu Tử luôn yêu thương che chở đàn con, hướng đến hòa bình cho nhân loại. Vậy khi chúng ta nhớ đến Mẹ, xin hãy thành khẩn cầu nguyện với Đức MẸ cho các loài quỷ dữ sớm bị tận diệt để nhân loại được sống trong hòa bình chân chính. Xin đừng quên cầu nguyện cho cuộc chiến tại Ukraine sớm chấm dứt và tội ác chiến tranh phải được ngăn chận. Đặc biệt cho quê hương Mẹ Việt Nam sớm được ấm no, hạnh phúc trong Tự Do, Công Bình và Bác Ái.

Nhân ngày Lễ Mẹ, mời quý bạn đọc thưởng thức bài thơ “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” của thi sĩ Trần Trung Đạo, phổ nhạc do nhạc sĩ kiêm kinh tế gia Võ Tá Hân và do ca sĩ Thế Sơn trình bày.


Cùng lúc, xin mời thưởng thức bài thơ nguyên thủy “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” qua giọng ngâm của chính tác giả.

 

Với lòng hiến dâng cho lễ Đức Mẹ Fatima, 13 tháng 5, 2023.
Với lòng thương nhớ Măng của tôi trong ngày Lễ Mẹ, 14 tháng 5, 2023
Hạnh phúc cho những ai còn có mẹ bên cạnh để săn sóc và yêu thương.

Vĩnh Chánh
Tháng 5, 2023

Nhớ Mẹ Hiền - Thơ: PhamPhanLang - Nhạc: Mộc Thiêng - Ca Sĩ: Diệu Hiền


Thơ: PhamPhanLang 
Nhạc: Mộc Thiêng 
 Ca Sĩ: Diệu Hiền

Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997}


Nữ tu Têrêsa Calcutta,
Cả thế giới, gọi Bà là “Mẹ
Mẹ của người nghèo”, của trẻ mồi côi
Trọn đời Bà, là ngọn đuốc sáng ngời
Ánh sáng Tình Thương khắp nơi cần tới
Bà đích thực, danh nhân trên thế giới
Bởi các hoạt động bác ái từ bi
Chính tên Bà là Agnès, người Albani
Têrêsa là tên Dòng, quan thày bảo hộ

Dòng Nữ Tu phái Bà qua Ấn Độ
Phục vụ tại Calcutta, thành phố nghèo nàn
Sống giữa đám người cực khổ lầm than
Nghe tiếng khóc, trái tim bà thắt lại
Tưởng như tiếng Chúa Giêsu mặc khải
Bà liền sáng lập một Dòng Tu riêng
“Thừa sai Bác ái”, nhiệm vụ thiêng liêng
“Phụng sự Thiên Chúa qua người nghèo khó”

Bà Têrêsa rảo khắp nơi đây đó
Ủi an nâng đỡ quả phụ cô nhi
Thiết lập làng cùi, giảm bớt sầu bi
Cứu người hoạn nạn, đầu đường xó chợ
Bà quên thân mình, sống đời tạm bợ
Bên người nghèo và những kẻ không nhà
Có lần thấy một em nhỏ thối tha
Nằm hấp hối giữa bãi xình dơ bẩn
Bà quì xuống bồng em lên cẩn thận
Đưa về Dòng khẩn cấp cứu hồi sinh
Rồi nuôi nấng cho ăn học thông minh
Em nhỏ đó sau này thành bác sĩ.

Dòng Bác Áí đã phát triển hùng vĩ
Chi Dòng tràn lan 300 quốc gia
Số nữ tu vượt trên sáu ngàn Bà
Muôn vạn trẻ, được tái sinh đẹp đẽ
Không chỉ các em, gọi Bà là “Mẹ”
Mà cả thế giới ngưỡng phục tôn vinh
Mẹ Têrêsa được giải Nobel Hòa Bình
Đức Giáo Hoàng Gioan 23 tặng Mẹ
Huy Chương Giáo Hội tối cao danh dự
Thủ Tướng Ấn Độ (Gujral) gọi Mẹ là Thiên Sứ
Từ trời cao, Chúa sai xuống phàm trần
Lòng Mẹ từ bi bao phủ thế nhân
Gương sáng hào quang vô cùng lộng lẫy

Chúa gọi Mẹ về vào tháng 9/1997
Khắp hoàn cầu đã nhỏ lệ tiếc thương
Tuy Thân Mẹ rời khỏi cõi vô thường
Song Hồn Mẹ vẫn muôn đời ở lại
Các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái
Cánh tay nối dài của Mẹ Têrêsa
Vẫn mở rộng tình thương ấp ủ thiết tha
Người bất hạnh và trẻ em côi cút
Không hề phân biệt tôn giáo, tổ quốc
Tất cả là người, “Người Phải Yêu Nhau”
Mẹ Têrêsa Calcutta, Đấng Thánh Nhiệm Mầu
Kính chào Mẹ Hiền, - Chúng con yêu Mẹ!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia



Mỗi Một Chữ Mẹ Thôi

 

Mỗi một chữ Mẹ thôi
Cũng đủ làm cho tôi cảm xúc
Mỗi một chữ Mẹ thôi
Đủ cho thấy một tình thương vô bờ bến
Một tình thương từ mẹ rất bao la

Từ khi tôi làm Mẹ
Tôi hiểu và thương mẹ tôi hơn
Tôi cũng hiểu tại sao có những bà mẹ tủi hờn
Vì không may có đứa con bất hiếu

“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”
Có đúng không, cũng chưa chắc đâu à
Có những người sau khi có con,
vẫn không thể, không tài nào hiểu được
Không thể nào biết yêu mẹ, thương cha

Người ta hay nói “nước mắt chẩy xuôi, chẩy xuống”
Để an ủi những người bị con bỏ mặc
Rất đau khổ, ủ ê nhưng không hề than thở
Những bà mẹ không bao giờ muốn trách
con của mình sao tim lạnh, thờ ơ?

Mỗi một chữ Mẹ thôi
Chỉ mỗi một chữ MẸ thôi
Mẹ ơi!
Cũng đủ làm con rơi nước mắt
Mẹ yêu của con ơi... con nhớ mẹ thật nhiều!

Quách Như Nguyệt
May 11, 2023

Hồi Âm Bài Thơ Mẹ

Con đọc bài thơ của Mẹ rồi 

Mẹ ơi! Xin Mẹ nhớ mong thôi 

Đừng gieo hạt lệ vào đêm vắng 

Mà héo lòng con lắm, Mẹ ơi!


Se thắt trong tim nỗi đoạn trường 

Hai năm như kết chuỗi đau thương 

Thân con xa Mẹ , xa em dại 

Hồn vẫn mơ về chốn cố hương 


Con vẫn mang theo một mối tình 

Tình yêu đất nước quá điêu linh 

Giận thay một lũ vô nhân tính 

Đầy đọa toàn dân lắm khổ hình 


Xin Mẹ yên tâm ráng đợi chờ 

Một ngày quật khởi đẹp như mơ 

Chim bằng tung cánh về quê cũ 

Khắp nẻo non sông rợp bóng cờ 

 

Lâm Hoài Vũ

4/1982

( Trích thi tập Lưu Vong Trường Khúc )

Quỳ Bên Hương Án


(Leha Vinhsan đã cảm động lắm và nhận ra được tình cảm thiêng liêng của người con Kim Oanh đang ở nơi xa xứ hướng về người Mẹ đã khuất núi . Leha Vinhsan xin kính tặng chị Bài Thơ)

Tạ ơn Mẹ đã cho con
Hình hài , nét đẹp , vuông tròn tấm thân
Dẫu cho trời đất xoay vần
Mẹ già vững trãi trong ngần lời răn
Bàn tay gân guốc chuyên cần
Lòng Mẹ biển cả bao lần truân chuyên
Chở che con chẳng ưu phiền
Bao nhiêu thử thách Mẹ hiền đỡ nâng
Kết vòng nguyệt quế kính dâng
Đóa hồng cài áo để tang tình Người
Nén hương khói tỏa ngút trời
Lòng con chất ngất bên đời thênh thang
Cầu mong ở chốn Suối Vàng
Mẹ già siêu thoát Niết Bàn thảnh thơi
Con nay giữa chốn chợ đời
Bơ vơ, lạc lõng, chơi vơi giữa dòng
Biết bao trăn chở long đong
Gánh mưa, gánh nắng, gánh chồng đôi vai
Muốn thương Cha Mẹ tỏ bày
Nghìn trùng xa cách biết ngày về đây?
Nấc lòng con nghẹn đắng cay
Quỳ bên hương án đong đầy yêu thương .....


Leha Vinhsan
Bao nhiêu thử thách Mẹ hiền đỡ nâng
Kết vòng nguyệt quế kính dâng

Tháng Hoa Về (Kính Đức Mẹ) -Sáng Tác Tống Viết Minh

   


Nhớ Mẹ



Ngày nào tôi cũng nhớ mẹ tôi 
Từ thuở nằm nôi tôi biết cười 
Mẹ bế mẹ bồng ôm trên võng 
Trưa hè võng kẽo kẹt “à …ơi “ 

Khi lớn hơn thêm chập chững đi 
Mẹ dang tay đỡ tập bên hè 
Con chim hay hót như ca sĩ 
Tôi mẹ cùng cười cùng lắng nghe …

Thế là bập bẹ tôi giống chim
Cất tiếng gọi: “ ba “mở rộng mồm 
Mẹ vui như thể rung trời đất 
Tôi đã dần dần đang lớn hơn 

Rồi đến tuổi “ teen “tôi đi học 
Trường làng gần lắm bên kia ao 
Nghe tiếng trống trường lần thứ nhất 
Mẹ dắt tôi sang học buổi đầu …

Tôi ngồi bàn nhất gần cô giáo 
Tập viết I – T ( tờ ) giấy thắng phau 
Bạn mến – cô khen : Ngoan ngoan qúa 
Tan trường khoe mẹ - mẹ xoa đầu 

Về nhà bố đã đang chờ bữa .
Mẹ vội khoe: “ Con được điểm mười”
Bố tôi vui qúa nên liền nói:
“ Bố cho Con - Mẹ điểm hai mươi “( 20 điểm ) 

Bởi con học giỏi và mau lớn 
Là nhờ công mẹ đó con ơi 
- Mẹ tôi liếc xéo - lườm yêu đấy 
Và bảo: Công anh cũng điểm muời …”

Bố lại cãi rằng: Công cô giáo?!
- Em không cho –
Anh cho gấp bội đấy em ơi
-Mẹ tội phụng phịu “ Em hổng chịu
Cho gì nhiều thế - lại còn Trời

Tới nay khôn lớn tôi suy nghĩ
Tôi chịu nhiều ơn:NHẤt MẸ TÔI …
Nên Ngày Lễ Mẹ tôi vui vẻ
Mua sâm tẩm bổ- tặng Mẹ tôi
Và ôm cổ mẹ Hôn lên má
Là Đoá Hoa Yêu Mẹ Nhất Đời …”

Thư Khanh
Seattle- 5/9/ 2023- lúc 4: 37PM (Vừa nhận được thùng sâm con Phan - Lạc - Đông Phương đã order gửi cho mẹ rồi - giữa lúc mẹ đang bên cửa đang làm bài thơ này để gửi diễn đàn Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ)



Cảm Động Tình Mẫu Tử Chim Ruồi!

 

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhiếp Ảnh Gia taotran Trần Đức Tạo đã chuyển đến bộ ảnh “Ổ Chim Hummingbird đầu mùa”)

Các con yêu dấu! Trời sinh ra chúng ta quá nhỏ bé!
Trời bù lại cho loài chim Ruồi chúng ta thân thì thật nhẹ mà đập cánh siêu nhanh!
Không có một loài nào trên quả đất này theo kịp đã đành!
Cũng khó có Mẹ Chim nào trên thế giới dành tình yêu cho các con như Mẹ!

Tổ nhỏ! Công lao dầy đến thế!
Con thơ! Ý chí mạnh dường này!
Hàng trăm ngàn chuyến bay! Hàng muôn vạn bông hoa rải rác đó đây!
Mẹ mới xây xong tổ, mới tìm đủ mật mớm đầy miệng trẻ thơ khóc đói!

Bộ lông của Mẹ mầu sắc sặc sỡ dưới ánh mặt trời sáng chói!
Tình Mẫu Tử của Mẹ bao la thăm thẳm vượt xa mọi ước đoán săm soi!
Chim Ruồi là Mẹ! Con ơi!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 27/03/2023


Hình Ảnh:Trần Đức Tạo


Ngày Hiền Mẫu



Ngày Hiền Mẫu gợi tuổi thơ xưa
Nhớ Mẹ tảo tần đội nắng mưa
Những lúc nhọc nhằn thương quá đổi
Thường khi lam lũ nói sao vừa
Mang hàng đến chợ trời hừng sáng
Quảy gánh về nhà buổi xế trưa
Dành để thăm nuôi Cha "cải tạo"
Buồn nghe con hỏi: Tía dìa chưa?


Duy Anh

Mother's Day 2023

Mẹ Ơi


Gửi đến Mẹ tình yêu của con
Mong Mẹ nơi xa ấm linh hồn
Đời con kể từ khi vắng Mẹ
Chẳng còn nỗi buồn nào buồn hơn

Trong tám anh chị em tôi, Mẹ cưng chiều tôi nhiều hơn, có lẽ vì tôi thuộc nhóm út ít và …dữ như bà chằng (ai biểu Mẹ sinh ra tôi với cái mũi tẹt và cái trán dồ làm chi!).
Đi đâu Mẹ cũng đưa tôi theo, hoặc do tôi đòi theo, thì dù có bận rộn thế nào mẹ cũng cho đi, còn hơn là để con bé đùng đùng giãy khóc.

Buổi sáng hai mẹ con thường ra chợ nhỏ trong xóm, mấy bà bán hàng nhìn thấy hai mẹ con, gọi đùa tôi là “bé Tẹt cục vàng” của Mẹ, khiến tôi hãnh diện vênh vênh cái mặt tròn như bánh cam với mái tóc muỗm dừa. Trong lúc Mẹ lo chuyện chợ búa thì tôi tha hồ ăn hàng, các bà bán hàng quen Mẹ nên bán quà cho tôi hậu hỉ hơn người khác.

Thỉnh thoảng Mẹ dẫn tôi bắt taxi ra Sài Gòn đến ngân hàng Việt Nam Thương Tín gửi tiền rồi ghé qua Chợ Bến Thành mua sắm. Đi chợ xa, như cá gặp nước, tôi đòi Mẹ mua các thứ “thời trang” điệu đà. Mới 7-8 tuổi đầu, mà tôi có đầy đủ: guốc gỗ bước đi nghe lộc cộc, áo dài màu vàng, cây dù đỏ chói loá, bóp đầm màu hồng tía, và cả đôi mắt kiếng “thời thượng”, đó là chưa kể bông tai, dây chuyền vàng (giả) đeo khắp người.

Mỗi lần mua sắm lung tung như thế, về đến nhà, hai mẹ con phải canh chừng nếu có anh Hai của tôi ở nhà thì sẽ...né. Anh đang học Đại Học Khoa Học, anh rất siêng năng chăm chỉ vì quyết chí vào Y Khoa. Anh thường ngồi ngay chiếc bàn giữa nhà, anh nhét bông gòn vào hai lỗ tai để khỏi phải nghe những tiếng động xung quanh. Anh cúi đầu vào sách vở, dùng hai bàn tay che hai bên mắt để tập trung toàn bộ chuyện học hành. Tôi đứng thập thò ngoài cửa với những túi đồ mới sắm, Mẹ rón rén vào trước, nếu thấy anh không nghe biết gì, Mẹ vẫy tay ra dấu, lúc ấy tôi mới từ từ, nhẹ nhàng lách vào nhà, tới cầu thang leo lên gác coi như …thoát nạn thành công.

Anh Hai hay phàn nàn Mẹ chiều con Tẹt quá, mua sắm cho nó đủ thứ mai mốt nó sẽ quen thói đua đòi và với tôi thì anh nghiêm trang răn dạy, kể cả đe dọa bắt quỳ gối đánh đòn nếu tôi vẫn vòi vĩnh Mẹ.
Mỗi lần bị anh Hai mắng, tôi tìm Mẹ để khóc bắt đền. Mẹ lại dỗ dành và hứa hẹn lần sau Mẹ sẽ mua cho tôi… nhiều hơn.
Có lần, Mẹ tiễn tôi ra cửa đi học. Trường cách nhà một con đường nên tôi đi bộ đến trường. Mẹ cho tôi 2 đồng như thường lệ để ăn quà, hôm đó tôi lại xin 5 đồng để mua thêm món đồ chơi, lần này Mẹ không chiều tôi vì tôi đã có một mớ đồ chơi còn cất dấu trên gác. Tôi vùng vằng trả lại Mẹ 2 đồng và bước đi. Được vài bước, tôi nghe Mẹ gọi với theo: “ Tẹt ơi, quay lại lấy 5 đồng đi con!”
Mẹ đã chịu thua tôi, thế mà tôi vẫn giận Mẹ, lầm lì bỏ đi một mạch, không thèm 2 đồng hay 5 đồng, mặc kệ Mẹ đứng đó nhìn theo.

Mẹ đổ bệnh vào thời điểm tháng tư 1975, ngay như bà chị Cả mới hơn hai mươi tuổi đầu còn chưa hiểu thấu, huống gì những anh chị em còn lại, ở tuổi xấp xỉ nhau, “ăn chưa no lo chưa tới”. Rồi Sài Gòn bị “giải phóng”, căn bệnh của Mẹ không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng trong lúc xã hội nhiễu nhương, bệnh viện thiếu thốn từ bác sĩ đến thuốc men nên Mẹ đã ra đi khi tôi vừa chín tuổi. Ở cái tuổi còn quá ngây thơ, tôi đã khóc khi biết mình mất Mẹ, nhưng nỗi buồn cũng thoáng qua mau.

Đêm cuối cùng trước khi Mẹ được đem ra nghĩa trang, tôi nằm ngủ trên gác, trong chiếc mùng rộng với một số anh chị em họ hàng khác. Chúng tôi nằm chồng chéo, ngổn ngang vì mệt nhoài của những ngày đám tang. Nửa đêm trong cơn mộng mị, tôi thấy Mẹ vén mùng, vào đắp mền cho tôi như mọi khi, nhưng lần này Mẹ mặc áo dài, tà áo dài của Mẹ, màu dưa cải bằng vải “tê tơ rông” mềm mại, lướt trên người tôi êm ái, phảng phất một mùi hương quen thuộc, mùi của Mẹ. Mẹ cúi xuống ngắm khuôn mặt tôi rất gần, hình như Mẹ muốn ôm tôi. Nhưng tôi bỗng choàng tỉnh dậy vì những tiếng động dưới nhà chuẩn bị cho buổi lễ di quan, đưa tôi trở về thực tại, và tôi nhận ra chiếc áo dài hồi nãy trong mơ chính là chiếc áo dài Mẹ đang mặc trong quan tài. Thế là tôi bật khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Bà thím và bà chị họ nằm mùng bên cạnh liền qua hỏi han, dỗ dành, tôi càng khóc lớn hơn và mếu máo nói, rõ ràng tôi vừa thấy Mẹ về, làm bà thím và bà chị họ cũng sụt sùi khóc theo.

Mẹ đi rồi, nhà vắng buồn tênh, lại là khoảng thời gian đối đầu với chế độ mới, bận rộn mưu sinh, thiếu Mẹ là thiếu người lo toan cho chúng tôi từ việc nhỏ đến việc lớn: món ăn ngon Mẹ tẩm bổ cho anh tôi thức đêm học thi, nhắc nhở tấm áo dơ tôi chưa kịp thay cho Mẹ giặt ...Những thời gian đầu vắng Mẹ ấy, chúng tôi thường nhìn ảnh Mẹ trên bàn thờ mà khóc. Đầu óc thơ trẻ của tôi ước ao có phép lạ cho Mẹ sống lại, để tôi vẫn được theo Mẹ ra chợ, đi chơi và về nhà với các món hàng tôi đòi Mẹ mua sắm.
Mẹ có “về” thăm một người hàng xóm thân thiết của gia đình. Bà ấy kể, Mẹ nói nhớ chúng tôi lắm, nhưng biết chúng tôi yếu bóng vía, sợ ma, nên Mẹ không dám “về” với chúng tôi.

Rồi tôi cũng lớn dần theo thời gian, hình bóng Mẹ còn đầy ắp trong căn nhà và trong lòng chúng tôi. Trên gác, tủ quần áo của Mẹ vẫn còn một vài món đồ chơi của tôi mà hai mẹ con đã cất dấu trong đó, tôi không dám mở tủ vì biết mình sẽ khóc òa với bao kỷ niệm.
Vào tuổi thiếu niên, những buổi chiều tối chơi với lũ bạn trong xóm, chúng được mẹ ra tận nơi gọi về ăn cơm hay đi ngủ, còn tôi thì …tự đi về, tôi lại cảm thấy nhớ Mẹ vô cùng.

Hồi tôi học cấp hai, trường có tổ chức buổi picnic mùa hè cho các học sinh. Tôi đến nhà nhỏ bạn thân từ mờ sáng chờ nó cùng đi ra chỗ picnic. Nó vẫn chưa chuẩn bị xong vì mẹ nó còn lúi húi gói cho nó miếng xôi mới nấu, dặn dò nó đủ thứ linh tinh và đưa cả túi quần áo thiệt bự có cả dầu gió, thuốc thang tùm lum. Tôi chạnh lòng, bỏ ra ngoài sân và tự nhủ: “Mình không còn Mẹ, nhưng mình còn Ba và bảy anh chị em khác nữa. Cả nhà mình yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, mình được ăn học đầy đủ, tử tế. Còn nhỏ bạn này, nó không có anh chị em, nên mẹ nó không lo cho nó thì lo cho ai?!”. Trấn an mình xong, tôi thấy mình rất can đảm và mạnh mẽ.

Nói thì nói thế, càng lớn khôn thêm, tôi càng đa sầu đa cảm, dễ xúc động, mong manh. Mỗi khi nghe bài hát Kỷ Niệm của Phạm Duy: “Cho tôi lại ngày nào/Trăng lên bằng ngọn cau/Me tôi ngồi khâu áo /bên câу đèn dầu hao /Ϲha tôi ngồi xem báo/ Phố xá vắng hiu hiu/ Trong đêm mùa khô ráo /tôi nghe tiếng còi tàu…” là lòng tôi lại thổn thức!
Dẫu sao, sau mỗi lần yếu đuối, khóc thương, tôi lại thấy mình thêm trưởng thành. Có lẽ Mẹ biết vậy, nên đã “về” thăm tôi một lần trong giấc mơ.

Tôi thấy một buổi tối, cả xóm cúp điện lặng im như tờ, tôi đi lang thang vô định ra đầu ngõ. Đúng lúc ấy, một chiếc xe bus dừng lại để tôi bước lên. Cả chiếc xe vắng tênh mờ ảo, chỉ thấy bóng người tài xế và một hành khách ngồi bất động nơi cuối xe. Tôi tiến về phía đó thì nhận ra Mẹ, tôi mừng rỡ kêu lên “Mẹ Ơi!” rồi ngồi thụp xuống dưới chân Mẹ, vùi đầu vào lòng Mẹ. Mẹ không nói gì, chỉ cúi xuống xoa mái tóc tôi. Tôi lặng im tận hưởng những phút giây ấm áp sung sướng đó. Rồi xe bus dừng lại, tôi phải đứng dậy xuống xe, mà Mẹ vẫn ngồi im. Tôi hỏi: “Mẹ về nhà với con không?” Mẹ vẫn không nói mà chỉ lắc đầu. Nước mắt tôi ràn rụa bước ra khỏi xe như cơn mộng du. Rồi tiếng reo hò của lũ trẻ con trong xóm vang lên: “Có điện! Có điện!” khiến tôi bừng tỉnh giấc chiêm bao. Chiếc áo gối đã ướt đẫm nước mắt và mồ hôi của tôi tự lúc nào.

Đó là giấc mơ tôi gặp Mẹ “ về”, cùng với giấc mơ đêm nào trước khi tiễn Mẹ ra nghĩa trang, sẽ mãi mãi theo tôi suốt cuộc đời!
Con bé Tẹt mê "shopping" của Mẹ ngày xưa, bây giờ vẫn thích "shopping" mua sắm điệu đàng, nhưng không đua đòi như anh Hai đã từng lo xa và nhất là không còn bướng bỉnh như đã từng "hành hạ" Mẹ nữa.

Mẹ ơi, nếu giờ đây vẫn còn Mẹ, dù con có luôn gần kề Mẹ, chăm sóc chiều chuộng Mẹ thật nhiều lúc tuổi già, thì cũng không thể nào đền đáp đầy đủ tình yêu Mẹ đã dành cho con một thuở bé thơ.

Kim Loan
Tháng5/2023


Mẹ Tôi


Viết theo tâm sự của nguời con một đời phải xa mẹ…

Sách vở, báo chí, đài phát thanh và truyền hình nguời ta nói nhiều về mẹ. Đa số đều nhắc đến những kỷ niệm êm đềm bên nguời mẹ hiền, nhưng tôi thì khác. Tôi có mẹ mà như không có. Nỗi buồn này hầu như theo đuổi suốt cuộc đời tôi…

Mẹ tôi là nguời vợ thứ hai của bố tôi. Bố tôi là một địa chủ khá giầu, đã có vợ cả và nhiều con nhưng bố tôi lại là một nguời ham mê sắc đẹp nên ông đã lấy mẹ tôi. Tôi không nhớ rõ mẹ tôi đẹp thế nào, chỉ nhớ mẹ tôi có đôi môi hồng, làn da trắng, nguời cao cao, mặt trái xoan, nhưng nghe bố tôi nói thì mẹ tôi đẹp lắm nên ông quyết lấy cho bằng đuợc dù phải bỏ ra rất nhiều tiền.

Gia đinh bên ngoại không giầu bằng bên nội nhưng ông ngoại tôi có nhiều con, hình như có tới tất cả 11, 12 nguời, trong đó có 8 nguời con gái. Hai nguời chị của mẹ tôi đã lấy hai nguời em họ của bố tôi. Cũng vì bố tôi hai vợ nên tôi đã phải chịu những sự đau buồn, tủi nhục.

Ở ngòai Bắc thời xưa, đa số các ông địa chủ có tiền đều thi nhau lấy nhiều vợ. Ông nội tôi có 3 vợ, bố tôi có 2, nhưng ông nội tôi là nguời có bổn phận và có trách nhiệm. Tuy có 3 vợ nhưng mỗi bà ở một nơi, mỗi bà một giang sơn riêng nên không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, nếu có ghen tuông chắc không đến nỗi trầm trọng. Bố tôi không như ông nội tôi, bố tôi lấy vợ hai về song lại để hai bà ở chung với nhau nên mới gây ra nhiều chuyện phiền phức sau này, sự ghen tuông hầu như đã xẩy ra hàng ngày, tôi nghe cô tôi nói vậy. Tôi ra đời một năm sau khi mẹ tôi lấy bố tôi. Cũng vì tôi là con trai nên sự ghen tuông càng đi đến chỗ quyết liệt hơn. Bà cả sau khi sanh nguời con trai đầu lòng thì sanh liên tiếp 4 nguời con gái. Bà đi xem bói, thầy bói nói rằng số của bố tôi chỉ có 2 nguời con trai thôi, bà cả nghĩ rằng bà không thể có con trai thêm nữa, vậy là tại mẹ tôi đã lấy đi phần con trai của bà. Như sợ mất thế lực với mẹ tôi nên sự ghen tuông càng tăng lên, bà cả bảo với bố tôi là một mình bà đẻ đủ rồi, lấy mẹ tôi về là để làm lụng chứ không phải để đẻ nên bà nghĩ cần phải loại trừ mẹ tôi ra khỏi nhà cho bằng đuợc. Trời mùa Đông gía lạnh mà bà cả nhẩy xuống ao đòi tự tử. Bố tôi sống trong cảnh ghen tuông thì mệt quá, đáng lẽ làm như ông nội tôi tức là đưa bà hai ra ở riêng một nơi thì bố tôi lại không làm thế… Mẹ tôi sau khi sanh ra tôi vì không trưng diện, ăn mặc xuề xoà nên sắc đẹp không đủ để lôi cuốn bố tôi. Bố tôi một phần vì mệt với sự ghen tuông, một phần vì nhan sắc mẹ tôi không còn như xưa nữa nên ông đã thờ ơ, lạnh nhạt với mẹ tôi, để mặc mẹ tôi muốn làm gì thì làm.

Mẹ tôi sống trong cảnh ghen tuông của bà cả và sự thờ ơ của chồng nên đã phải ra đi, chịu cảnh bơ vơ trong tay không có một đồng ! Tôi đuợc giữ lại trong nhà để làm em một anh và bốn chị.

Giai đọan này tôi còn bé nên không biết gì, lại nữa vì thầy bói nói số của bố tôi chỉ có hai con trai nên vai trò “con trai” của tôi đã giúp tôi đỡ khổ. Tôi thực sự khổ từ khi biết nhận thức, tức là lúc 6,7 tuổi trở đi.

Khi tôi đuợc 5 tuổi thì bà cả sanh thêm đuợc nguời con trai nữa, thế là thầy bói đã nói sai và vai trò “con trai” của tôi không còn cần thiết, tôi như bị bỏ rơi. Hai nguời hành hạ tôi nhiều nhất là bà nội và nguời chị lớn. Bà nội rất mực yêu thương nguời con trai mới sanh sau này của bà cả. Bà nội yên tâm khi có đuợc nguời cháu trai phòng hờ để sau này có nguời cúng giỗ và thờ phượng, chứ một nguời cháu lớn bà chưa yên tâm…

Nguời ta nói đến mẹ, nói đến bà như một kỷ niệm đẹp, nào bà ôm cháu vào lòng, bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, mẹ thì xoa lưng con, hát ù ơ ru con ngủ v.v.. nhung tôi lại khác, tôi không có đuợc cái kỷ niệm đó. Bà nội tôi và chị tôi thuờng hay đánh tôi vào đầu, hai nguời này thuờng dùng tay để “cốc” tôi. Cốc tức là cong nguợc 4 ngón tay lại để chìa ra 4 đốt xương và đập vào đầu. Chỉ những ai đã bị cốc mới biết đuợc cái đau buốt trong đầu, nhất là đầu của một đứa trẻ mới 6,7 tuổi. Tự điển Nguyễn Văn Khôn định nghiã “cốc” ( knuckle) tức là đánh một vật gì bằng khớp xương của ngón tay, thực ra phải nói “cốc” tức là đánh “vào đầu” bằng khớp xương của ngón tay mới đúng, chứ nếu đánh vào tay, chân, lưng, bụng thì không đau và cũng không ai nói “cốc” vào lưng, vào bụng bao giờ. Không những chỉ đánh mà còn chửi, mang tên mẹ tôi ra để chửi, gọi mẹ tôi là con này, con nọ, mang cả tên ông ngoại tôi ra chửi, gọi tôi là “ giống thằng cả Kiều” tức là tên ông ngoại tôi. Chị tôi có nét mặt thật ác, bố tôi bảo những đứa mà mắt nó có ve là ác lắm, tôi cũng không biết mắt có ve là mắt thế nào, chỉ nghe bố tôi nói vậy. Nhưng trái nguợc với chị tôi, bà nội tôi ai cũng khen là bà cụ đẹp lão và phúc hậu, tóc bà bạc trắng hết cả đầu. Mỗi khi tôi thấy có nguời khen dù còn bé nhưng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, bà nội ác với tôi như thế mà họ khen bà phúc hậu kể cũng lạ. Ngày nay tôi mới hiểu ra là sở di bà nội ghét tôi là để lấy lòng bà cả. Bà nội tưởng bà cả ghét mẹ tôi tức là ghét tôi nên bà nội muốn mọi nguời thấy rằng nay bà nội đứng về phía bà cả và những nguời con bà cả. Ngoài tôi ra, bà nội chưa hề đánh hay chửi một nguời cháu nào bao giờ. Việc đánh chửi tôi nhiều quá đã khuấy động lương tâm bà cả. Chính bà cả đã than với nhiều người mà tôi nghe đuợc: “Ngày xưa mẹ nó ở nhà thì bà bênh vực mẹ nó, về phe với mẹ nó, nay mẹ nó đi rồi sao bà lại ghét nó quá vậy!”. Bà cả chỉ ghen với mẹ tôi nhưng tốt với tôi và cũng rất thương tôi, có lẽ bà tội nghiệp tôi, tội nghiệp cho một đứa trẻ cô thế. Tôi không hề oán trách bà về chuyện ghen tuông với mẹ tôi vì tôi hiểu đó chỉ là sự thuờng tình giữa hai nguời đàn bà có chung một chồng. Tôi vẫn thầm cám ơn bà đã không đối xử tệ với tôi như những nguời mẹ ghẻ khác. Truớc khi chết bà còn căn dặn nguời chị kế tôi là lúc nào cũng phải nóí tôi là con trai của bà. Chỉ nói có thế rồi bà nhắm mắt. Có thể trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời bà đã có sự ân hận. Ngày nay tôi vẫn thờ cúng bà như mẹ ruột của tôi đúng như bà đã mong muốn.

Nỗi khổ thứ hai của tôi là bị chế diễu, trêu chọc bởi những đứa cùng lớp, cùng tuổi. Chúng gọi tôi là “ thằng không có mẹ ”. Tôi rất xấu hổ khi có nguời biết tôi không có mẹ, biết tôi là con người vợ thứ hai của bố tôi. Đã thế tôi còn bị đặt tên là “Thứ” (là con nguời vợ thứ) để khỏi lẫn với con nguời vợ cả. Cũng vì sợ có nguời biết và chế nhạo nên mỗi lần gặp mẹ là tôi sợ run lên. Nhưng mẹ tôi không biết tôi sợ nên bà hay đón tôi lúc tan truờng. Mẹ tôi thuờng mặc áo nâu, yếm màu đỏ nhạt, trên đầu chít khăn mỏ quạ, miệng cuời rất tươi mỗi khi gặp tôi. Mẹ tôi từ khi bỏ nhà ra đi , bà buôn bán hàng xén, gánh những đồ lặt vặt ra chợ bán như cái kim, sợi chỉ để sống qua ngày. Tôi không biết rõ mẹ ở đâu, hình như vừa ở nhà ông ngoại, vừa ở nhà họ hàng hay bạn bè gì đó. Tôi sợ bị chế diễu nên tuyệt đối không dám nghĩ tới mẹ và cũng không dám nói chuyện với ai về mẹ. Mỗi khi đi học về gặp mẹ là tôi chạy trốn để khỏi phải ở bên bà. Tôi chưa kịp trông thấy mẹ thì mấy đứa trẻ cùng lớp đã gọi “Thứ kìa, bu của Thứ kìa !” thế là tôi lại phải một phen sợ hãi. Có lần đi ngược chiều với mẹ, tôi không thể chạy thoát đuợc. Mẹ tôi nắm tay tôi và nói: “Thứ lại đây với bu, con của bu ngoan, bu thương con…” Tôi giật tay ra khỏi mẹ và hét: “Bỏ tay người ta ra, bỏ ra! bỏ ra!” rồi tôi vụt chạy. Cũng có lần mẹ nắm đuợc tay tôi lâu hơn và bỏ tiền vào túi tôi. Hôm ấy về nhà, bị bà chị lớn vặn hỏi, tôi sợ quá vất tiền vào gầm giường và thầm trách sao mẹ tôi lại cho tiền để tôi bị mắng. Tuy sợ hãi như vậy nhưng tôi lúc nào cũng mong mẹ tôi về với tôi, để tôi có mẹ ở bên như những đứa trẻ khác, tôi sẽ không bị mấy đứa trẻ chê cười là “thằng không có mẹ” nữa. Sự khao khát có mẹ không phải chỉ trong lúc còn bé mà ngay cả khi tôi truởng thành. Tôi nhớ lúc đã là sinh viên ban Cao học, tôi quen một cô nữ sinh Trưng Vương, tôi với nàng tình cảm chưa có gì đậm đà nhưng tôi quý bà mẹ của nàng, bà rất dịu dàng, ôn tồn, bà bảo tôi: “ cháu uống ly nuớc chanh cho mát ”, “ cháu uống ly nuớc trà cho ấm ” mỗi khi trời trở lạnh hoặc “ cháu đợi một lát em ra bây giờ … ”. Bà ngồi bên tôi, nụ cuời của bà thật hiền hậu, bà hỏi han tôi những câu chân tình mà trong đời tôi chưa bao giờ có ai hỏi tôi như vậy. Mỗi lần đến chơi tôi mong đuợc gặp bà, đuợc nói chuyện với bà hơn là gặp nguời con gái út của bà. Ngày nay mỗi khi tôi nghe ai nói đến mẹ hiền là tôi liên tưởng tới bà. Tôi cũng hay đi chơi với nguời con trai thứ hai của cô tôi. Cô tôi thương con trai rất mực, mỗi khi bọn tôi đi chơi về khuya cô tôi nhẹ nhàng trách con “ Sao con đi chơi về khuya quá vậy? ” hoặc “ Con nhớ về sớm không rồi lại ho ”. Con trai cô muốn đuợc tự do, không muốn bị gò bó, nhưng nguợc lại tôi thèm có đuợc nguời mẹ săn sóc như vậy mà tôi không có. Tôi đã đọc nhiều lần cuốn Bông Hồng Cài Áo. Mỗi lần đọc càng khiến tôi thêm buồn, thêm tủi cho một nguời con có mẹ mà không đuợc ở bên, có mẹ mà không dám nhận mẹ mình là mẹ.

Tôi sống trong sự khiếp sợ mọi nguời trong gia đình. Bản năng tự vệ của một đứa trẻ trong tôi thúc đẩy tôi phải thật ngoan, thật lễ phép cho tôi bớt bị hành hạ. Tôi nghĩ rất đơn giản là mẹ tôi bị mọi nguời trong nhà ghét, tôi cần phải từ khước mẹ thì tôi mới là đứa trẻ ngoan, đứa trẻ có hiếu trong gia đinh. Nhưng mấy nguời thợ làm cho nhà tôi, họ không biết lại chửi tôi là đứa con bất hiếu, tệ bac, không nhìn nhận mẹ đẻ ra mình. Lúc đó tôi không hiểu và lấy làm lạ tại sao tôi là đứa trẻ ngoan ngoãn, không bao giờ dám cãi lại ai trong gia đinh mà họ lại chửi tôi là đứa con bất hiếu. Tôi nghe nguời nhà nói mẹ tôi tranh để làm vợ cả không đuợc nên bỏ nhà ra đi. Như vậy là mẹ tôi bỏ tôi, chứ tôi đâu có bỏ mẹ, còn tôi đến gần mẹ thì tôi bị chế diễu, chê cuời và nhất là sợ nguời nhà, tôi đâu có làm gì khác hơn đuợc… Sự ngoan ngoãn, sợ sệt của tôi chỉ đuợc lòng bà cả và nguời anh lớn, còn đối với bà nội và nguời chị thì không lay chuyển đuợc. Có lần chị lớn đánh tôi đau quá cũng động lòng bố tôi. Bố tôi không có một sự ngăn cản nào nhưng rủ tôi ra ngoài ruộng xem mấy nguời nông dân gặt lúa cho nhà tôi, ý ông muốn tôi xa lánh bà chị độc ác. Gió đồng thổi nhẹ làm lay động những bông lúa vàng tạo nên âm thanh êm dịu và bay lên mùi thơm của lúa mới. Tôi cảm thấy thật thoải mái, tôi chạy nhẩy tung tăng đi bắt những con cào cào, châu chấu và đã quên đi cái đau do chị tôi đánh lúc ban trưa. Nhưng tối về tôi bị nguời chị chửi một trận: “ Chỉ có một mình bố bênh mày, còn mọi nguời ghét mày, bố không làm gì đuợc đâu! ”. Gần đây tôi có đọc một truyện ngắn của một tác giả vô danh, đại ý câu chuyện nói về tâm sự của một nguời con có mẹ mù một mắt. Đứa trẻ bị bạn bè chế nhạo và gọi là “ cái thằng có mẹ một mắt ” nên rất xấu hổ khi đi với mẹ, không muốn ai biết về mẹ mình, không dám nhận mẹ mình là mẹ. Tôi hiểu đuợc tâm trạng của tác giả lúc đó, tâm trạng của một đứa trẻ như tôi, nhưng tôi không hiểu được khi tác giả của câu chuyện này lúc đã truởng thành, đã có vợ con, mẹ từ nơi xa sang tận Singapore để thăm mà còn sợ bị vợ con chê cuời để xua đuổi mẹ vì mẹ có một mắt. Điểm cảm động nhất của câu chuyện là sở di mẹ có một mắt vì lúc còn nhỏ con bị tai nạn và hỏng một bên mắt người mẹ đã hy sinh để bác si lấy mắt mình thay cho con nên mẹ chỉ còn một mắt. Khi người con biết đuợc việc này thì mẹ đã chết… Đọc xong chuyện tôi thấy bàng hoàng và gần gui với tác giả. Nhưng tôi cầu mong đây không phải là chuyện thật, nếu có thật thì chỉ thật ở phần trên chứ không thể thật ở phần duới, tức là phần nguời con đã trưởng thành, đã có đầy đủ lý trí mà còn trốn chạy mẹ, hất hủi mẹ thì không chấp nhận đuợc.

Cuộc di cư năm 1954 xẩy ra, bố tôi vào Nam, tôi đuợc cho đi theo để sau này săn sóc bố. Gia đình tôi ở miền quê, một vùng truớc kia đa từng là nơi kháng chiến nên sự ra đi rất khó khăn, phải đi thành từng nhóm nhỏ. Bố tôi đi truớc, tôi đi sau và giữ khoảng cách khá xa để không ai biết. Tôi phải gỉa làm đứa trẻ đi câu, chân đi đất, quần xắn đến đầu gối và đi tắt qua những cánh đồng lúa. Hai bố con đi bộ từ sáng sớm đến tối và nằm ở duới thuyền bến đò Khuể chờ gần nửa đêm nguời lái đò mới dám chở sang đất Kiến An. Sang đuợc Kiến An rồi bố con tôi không biết ở đâu cho hết đêm. Ban đầu chúng tôi định ngồi ở gốc cây đa bên đuờng đợi sáng về sau nghĩ lại thấy tình trạng an ninh có vẻ nguy hiểm nếu ngồi đó nên đã cố gắng đi tìm một nơi khác trú ngụ cho an toàn hơn. Sao may đi đuợc chừng nửa giờ thì gặp một ngôi chùa. Chúng tôi vào xin tạm trú, mới đầu sư bà rất ngại vì là chùa nữ và đã quá khuya nhưng lòng từ bi đối với khách lỡ độ đường nên đã thuận cho chúng tôi ở tạm nơi gác chuông bên ngoài chứ không cho vào trong chùa. Sư bà sai người mang nuớc uống và cho mượn chăn đắp. Tôi nghe tiếng cầu kinh và tiếng gõ mõ nho nhỏ biết là sư bà đã thức suốt đem hôm đó như để cầu nguyện và canh chừng khách lạ. Sáng sớm hôm sau bố con tôi cám on sư bà rồi đáp xe đò đi Hải Phòng và ở trại tạm trú Lạch Chay, nơi đây cũng có rất nhiều gia đình trú ngụ để đợi chuyến tàu vào Nam. Khoảng hơn một tuần lễ hai bố con tôi xuống đuợc tàu vào Sài Gòn. Giai đoạn này thật là đen tối vì gia đinh tôi ra đi với hai bàn tay trắng, mọi tài sản phải bỏ lại hết. Nguời chị lớn và bà nội bị kẹt lại ngoài Bắc không vào Nam đuợc. Tôi đuợc nguời cô, chị ruột của bố tôi ở Sài Gòn nuôi hai năm cho đi học. Cũng tại đây, cô tôi đã cho tôi biết sự thật về mẹ tôi, khác hẳn với những tin tức truớc kia mà gia đinh nói sai về bà.

Tôi ý thức đuợc và đã ngẩng đầu lên nhìn nhận mẹ đẻ ra mình chứ không như truớc nữa, nhưng không có cách nào để gặp mẹ. Khi tôi vào Nam rồi mẹ tôi vì nhớ con, đã đi khắp nơi dò hỏi, mãi sau mới biết đuợc địa chỉ của tôi tại Saì Gòn do con trai lớn của cô tôi ở lại Hà Nội cung cấp nên đã viết bưu thiếp cho tôi. Bưu thiếp là một miếng bìa cứng to bằng nửa trang giấy học trò theo điều kiện của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đinh Chiến chứ không đuợc viết thư có phong bì dán kín để cho hai bên dễ kiểm soát. Đại ý mẹ tôi hỏi thăm tôi và mong tôi học giỏi, khỏe mạnh v. v. Tôi rất cảm động về tấm lòng rộng luợng của mẹ vì đã nhiều lần tôi chạy trốn mà mẹ không bỏ rơi tôi, vẫn tìm tôi và vẫn muốn đến gần tôi. Lòng mẹ thật bao la như nguời ta đã nói. Tôi viết hồi âm cho mẹ, lần đầu tiên tôi đuợc gọi mẹ tôi là mẹ, xưng con, và an ủi mẹ tôi là vì chế độ phong kiến, lạc hậu nên hai mẹ con phải xa nhau và hứa với mẹ là sẽ chăm học rồi ký tên: “ Thứ, con trai của mẹ bên này vi tuyến”. Viết xong nước mắt tôi tự nhiên chảy ra, nếu có mẹ ở bên chắc tôi đã gục đầu vào lòng mẹ để khóc thật to cho vơi đi nỗi buồn bao năm tôi phải ôm giữ. Sau này tôi đuợc biết khi nhận đuợc tin, mẹ tôi mừng lắm và mang tờ bưu thiếp đi khoe với mọi nguời là tôi không còn trốn chạy mẹ tôi. Mẹ con tôi đã nhận nhau, hiểu nhau và thương nhau tuy không còn cơ hội gần nhau nữa…

Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, thư từ Nam-Bắc bị gián đoạn, tôi không sao liên lạc đuợc với mẹ tôi thêm một lần nào nữa kể từ đấy.

Rồi vận nuớc nổi trôi, tôi sang đuợc Hoa Kỳ. Sau một thời gian đời sống nơi đây đã tạm ổn định, đường bưu điện giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam được thiết lập, tôi cố gắng liên lạc về Sài Gòn để nhờ tìm mẹ. Tiếc thay, tôi đuợc tin mẹ tôi đã qua đời từ lâu tại vùng quê xứ Bắc. Mẹ tôi chết trong cô đơn, mang theo xuống huyệt lạnh tất cả nỗi buồn khổ của một nguời đàn bà không chồng, không con bên cạnh…

Hôm nay là ngày giỗ mẹ, tôi viết những dòng này là tâm sự của một nguời con suốt đời không có mẹ ở bên và thành kính dâng lên hương hồn mẹ như một nén nhang thắp muộn.

Cám ơn mẹ đã gửi bưu thiếp cho con để trong đời con đuợc một lần gọi “ Mẹ ”.

Hoàng Nguyên Linh
(Trích trong Tập Truyện “Mẹ Và Những Mùa Xuân” của Hoàng Nguyên Linh. Đã xuất bản)

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Nhớ Mẹ - Sáng Tác: Phạm Đức Huyến - Ca Sĩ Thanh Hoài


Sáng Tác: Phạm Đức Huyến
Ca Sĩ: Thanh Hoài

Mẹ Một Trời Hoa



“Lòng Mẹ bao la như biển Thái bình”

Con chào đời…nắng ấm bình minh!

Dòng sông ngọt bùi bao Thời đại!

Thuyền Mơ giữa bến Nhân tình!


Mẹ là gió mát… trưa hè

Vòng tay hiền diệu vuốt ve!

Dòng sữa ngọt ngào…lời âu yếm!

Giấc An bình…mưa nắng chở che!


Mắt Mẹ tươi mát…ánh Trăng Thu!

Long lanh xua đuổi cõi sương mù…

Ca dao, tục ngữ…một trời thương nhớ

Giúp cõi đời …trăng sáng…đèn lu!


Mê là Lò Sưởi đêm Đông…

Hơi trầu cau…môi má ửng hồng

Bức tranh nghèo…cơm dưa mắm

Vui lòng khách Quý…viếng thăm !


Đời Mẹ…nha sống ươm mùa Xuân

Vạn vật hò reo…pháo nổ tưng bừng

Bao ong bướm cùng hoa tình tự

Mây mưa…suối mộng mãi chung tình!


Tạ ơn Mẹ…Một Trời Hoa

Long lanh chiếu sáng dải Ngân Hà

Phủ lên chiều rộng…nhiều ngăn cách

Tình thương diệu vợi…gió mưa sa!


KÍNH DÂNG MẸ
IOWA ngày 10/5/2012
BS Tô Đình Đài


Mẹ Ngoài Đường Ngoài Chợ


(Thương yêu viết về những người mẹ này)

Mẹ vất vả từ bao lâu rồi
Tuổi già vẫn chưa được nghỉ ngơi,
Chợ xa quang gánh mẹ dậy sớm,
Sợ không kịp họp chợ đông người.

Mẹ đi khi trời còn mù sương,
Đường quê tất tả đôi chân không,
Lưng còng vai lạnh vươn trong gío,
Đường mẹ đi có bùn lấm chân

Đôi chân trần chịu khó chịu thương,
Đất quen chân mẹ, mẹ quen đường,
Đường quê, đường chợ đi bao lượt,
Mẹ giữa chợ đời giữa bán buôn.

Lấy chồng từ thuở mới đôi mươi,
Mẹ bước vào trong số phận nghèo
Gánh hàng rong ngoài đường ngoài chợ,
Cuộc sống đầy thử thách gieo neo.

Mẹ ngoài đường nhiều hơn ở nhà,
Đã quen với thời tiết bao mùa
Góc phố này mẹ từ sáng sớm,
Con đường nọ mẹ ngồi đến khuya.

Ai ấm trong mái nhà yêu thương,
Ai ngoài kia thân cò long đong
Lặng lẽ mẹ về trong ngõ hẹp,
Đường mẹ về bóng tối vây quanh.

Ngày tháng vô tình nối tiếp nhau
Thanh xuân của mẹ đi về đâu
Còn sức lực mẹ còn bươn chải,
Đường mẹ về có nắng mưa theo.

Những người mẹ hiền, mẹ đảm đang,
Lưng mẹ còng không vì thời gian,
Mẹ gánh cả cuộc đời vất vả,
Cả cuộc đời vì chồng vì con.


Nguyễn Thị Thanh Dương
( August, 17, 2012)


Hôm Nay Ngày Lễ Mẹ

 

Tôi muốn viết những vần thơ tặng Mẹ

Gửi lên trời nhờ mây gió mang đi

Mẹ ở trên cao ngàn thu cách biệt

Ngày lễ Mẹ, giọt lệ ướt trên mi.

 

Dâng lên Mẹ những vần thơ sầu muộn

Cách biệt thiên thu, hoài niệm quay về

Trên Thiên quốc nhìn về nơi trần thế

Hồn ca dao vang vọng gió hương quê.

 

Chiếc nôi êm ru con ngủ trưa hè

Lời Mẹ ru giọt mật thấm trong mê

Mẹ là dòng sông êm đềm xuôi bến

Tắm ướt hồn con soi sáng đường về.

 

Dòng sông ơi! Sóng vỗ về lưu luyến

Nhớ về Mẹ hồn đau nhói lệ rơi

Con ôm cả bó hồng dâng tặng Mẹ

Thắp nén nhang buồn khói toả chơi vơi.

 

Tế Luân

Một bó hồng dâng tặng Mẹ

Lễ Mother's Day Nhớ Mẹ Hiền

 

Còn mấy bữa …sẽ đến ngày lễ Mẹ
Lòng con buồn, thầm khóc nhớ mẹ đây
Mẹ ra đi thương tiếc mãi đong đầy
Giờ vắng bóng nỗi sầu dâng chất ngất

Con nhớ Mẹ lệ tràn lên khoé mắt
Cứ muốn rằng ngày lễ kéo dài thêm
Không chỉ một ngày mà suốt cả nghìn đêm
Để hình bóng khắc sâu vào tâm khảm

Nhớ thuở bé ,con đau vì bệnh cảm
Thức bên giường, mẹ săn sóc thuốc thang
Lo cho con, thân thể mẹ không màng
Bao gian khổ mẫu từ luôn nhẩn nại

Có đôi lúc con lỗi lầm sai trái
Mẹ ôn tồn khẽ dạy đứa con hư
Không đánh đau, lòng mẹ rất nhân từ
Tình mẫu tử thiêng liêng hơn biển cả

Ngày mẹ mất như đàn gà …tan rã
Gặp diều hâu tay mẹ biết tìm đâu
Để chở che con trẻ phút ban đầu
Trong tiếng ngất nghẹn ngào bên mộ Mẹ


Trần thị Mỹ Ngọc

Tháng 5/11/2023
( ngày lễ Mẹ 2023)

Quê Hương Trong Mắt Mẹ

 

Thơ & Trình Bày: Nguyễn Thị Thêm

Thương Tiễn Má

 
Thứ bảy này (14/5/23) là ngày Mother’s Day.
Tôi lại vừa mất Mẹ hai tháng rưởi nay rồi (28/2/23).
Nỗi đau nhớ thương còn đầy; không biết viết thế nào đây về ngày Vĩ Đại này; nên đành gởi mấy bài thơ thương tiếc nhớ Mẹ tôi đến Quý Vị cùng chia sẻ. Rất mong cảm thông đừng trách HMN. Thành thật cảm ơn nhiều.

Thân kính
Hoàng Mai Nhất
Seattle, WA 5/10/23

Thương Tiễn Má 

1/


Ước gì giúp cho…………….Má được khỏe
Để mắt dịu hiền…………….nhìn con trẻ
Như những ngày xưa……….không đơn lẻ
Bao la tình Mẹ……………...đẹp muôn vẻ
Giây phút êm đềm…………..đời suôn sẻ
Một trời hạnh phúc chẳng…..buồn tẻ

Tiễn má chầm chậm….bước đời qua
Rời miền dương thế…...để đi xa
Bỏ hẳn trần gian………đến bên ba
Một đôi tài sắc………...tình thiết tha
Như lúc sinh thời……...vẫn Má Ba
Bên đàn con trẻ………..vui tiếng ca

Thương quá Má ơi!
Con nhớ má…nhớ Má!!!
Con Lê Anh Thượng
(Hoàng Mai Nhất)
Seattle, WA 28/2/23 (ngày Má mất)

2/


Má ơi nắm lấy tay con
Má nghe con nói…con thương Má nhiều
Nụ hôn gởi gắm tình yêu
Gởi lòng ơn Má biển trời cho con
Nhớ thương nấc nghẹn từng cơn
Con quỳ khấn nguyện Má thương…về trời
Xót đau dòng lệ tuôn rơi
Bao nhiêu con trẻ bao lời nhớ thương

Con Dâu Lê Thị Thanh Bình
(Hoàng Mai Nhì)
Seattle, WA 28/2/2023

Thương Nhớ Má

Gần Tám Chục giờ mồ côi Má
Giữa chợ đời Má bỏ con côi
Nơi xứ lạ…con…người còn gốc*
Má đi rồi tựa cánh bèo trôi
Con nhớ lại hồi con còn nhỏ
Má lo ăn, lo học, lo đau
Khi con lớn con vào cuộc chiến
Má hằng đêm niệm Phật xin cầu
Cho con trẻ bình yên trở lại
Để Má còn gặp mặt con trai

Chiến tranh dứt khổ đau dàn trải
Con trở về thân xác tàn phai…
Vui sum họp nào đâu được mấy
Con vào “tù” trả nợ trần ai
Sáu, bảy năm đọa đày mút chỉ
Con trở về Má lại lo toan
Lo cho con làm sao sống được
Lặp gia đình cuộc sống yên nơi
Lo cháu Nội…tuổi mình sức yếu
Làm sao chăm cho Cháu nên người
…………….
Má lo hết chín mười mươi
Má đi ai sẽ là người thương con

Hoàng Mai Nhất
Seattle, WA 10/5/23
* Bảo lãnh được Mẹ tôi qua Mỹ sống với tôi…tôi thấy mình đã không còn là người trôi sông lạc chợ, không Cha không Mẹ nơi xứ người. Nào ngờ…Mẹ bỏ đi rồi…đi thật xa…