Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Thăm Nhau - La Joie Idyllique - A Sky Full Of Happness



(Thơ Tam Ngữ)

Thăm Nhau

Mai tới thăm anh quyết không báo trước 

Thấy bất ngờ cô bé hẳn reo vui 
Mặt trái soan sẽ rạng rỡ tươi cười 
Như trăng sáng thu xưa ta gập gỡ ...
Em hấp tấp chạy ra mừng hớn hở 
Bàn chân thon quên xỏ vớ mang giầy 
Gót sen hồng làm thảm cỏ ngất ngây
Vì hơi ấm toát ra từ ngọc nữ 
Má nõn hồng khiến mặt trời khó xử 
Muốn hôn lên lại sợ nám da non ...
Môi anh đào vừa hé giọng du hồn 
Đã át tiếng Khánh Ly ca nhạc Trịnh 
Như Bạch Tuyết tự ngàn xưa cổ kính 
Em đón anh bằng khúc nhạc véo von 
Rồi đôi tay trong trắng nuột no tròn 
Từng thu hút Kinh Kha bao thủa trước 
Sẽ hất ngược mái tóc mây tha thướt 
Để dịu dàng choàng cổ quấn vai anh 
Tận thẳm sâu trong đáy mắt long lanh 
Em ấp ủ cả bầu tời hoan lạc 

***
Thơ Pháp Ngữ:
La Joie Idyllique

J'ai voulu te revoir sans proclamation
Exalté de surprise,plein d'animation
ton visage opale serait radiant
comme la lune de nos rendez- vous d' antan .
A` ma rencontre tu franchirait d'un seul bond
Pre'sentant au gazon l'honneur le plus profond
Tes talons de Vénus extasièraient l'herbe ,
leur fraicheur rendrerait la pelose superbe
L'apollon semblerait rougir a` t'embrasser
Car il aurait peur de voir ta peau fanée
Tes lèvres de cerise aux accueils ouvertes
donneraient honte aux sirènes des abimes vertes
Blache Neige reveillée d'harmonie parfaite
Tu jeterais les bras ronds -de couleur bien faite -
Auquels tant de héros se sentent attirés
Autour de mes épaules pour m'offrir un baiser
Au fond de tes yeux si purs et angélques
Je verrais un beau ciel de joie idyllique 

***
Thơ Anh Ngữ:
A Sky Full Of Happness 

I decided to visit you unheralded
My love will be surprised and overjoyed
Your oval face will shine and radiate
Like the full moon under which we met in fate
You will hurry outside in a rush of fresh air
forgetting your socks anh shoes without a care
Your gloden heels will put the lawn in ecstasy
Because of the passion from your pearly body
Your glowing cheeks will send Apollo in a jealous rage
For his caress creates less brilliant tan that pales on stage
The sweet melody pouring from your cherry blossom lips
Will quiet the famed sirens that have sunken so many ships .
Like Snow White awaking in a perfect love story
You will be my princess singing in all your glory
And with your young round arms
Into which heroes have fallen into your charms
You will throw your hair in a sparkling stream
And embrace my neck and shoulders as I enter your dream
Then as I gaze into the depth of your angelic eyes
I WILL CATCH A SKY FULL OF HAPPINESS

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Con Đường Tu Phật - Thơ: Tuệ Kiên Nhạc: Nguyễn Tuấn


Thơ: Tuệ Kiên
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Hòa âm: Quốc Dũng
Tiếng Hát: Mai Thiên Vân & Tấn Đạt
Thực Hiện: Đặng Hùng

Thưa Em



Thưa em,
Một việc nầy thôi !
Từ lâu, ta đã trót lời cưu mang,
Đâu cần đến chuyện làm sang
Miễn sao để được xóm làng ta thương.!

Áo cơm,
Tuy giữa đời thường,
Mà thơm, mà sạch
Cho hương cuộc đời.
Phải đâu son phấn em ơi !
Sắc màu chi... để rã rời một phen !

Nếp nhà,
Trước đã làm nên,
Nghĩa nhân giữ lấy, kẽo quên mối giềng !
Cái thân khi đã luỵ phiền,
Chắc gì em, buổi kim tiền dễ đâu !

Để lòng lắng với đêm thâu
Nghe dư âm vọng ngàn câu tự tình.
Đời cho nhau một niềm tin
Gương trong một thoáng,
Soi mình trong gương.

Mặc Phương Tử

Em



Bài Xướng:

Em


(Nhất Thủ Thanh )

Em như chiếc bóng chốn hoang lầu
Em sống một mình chẳng khổ đau
Em đứng trên đồi chờ mộng đẹp
Em đi xuống núi đợi trăng sầu
Em nương cánh gió qua sông cạn
Em níu mây ngàn đến suối sâu
Em chỉ là cành Lan mọc dại
Em nào biết cõi tạm về đâu ...

Tuyết Phan
***
Các Bài Họa:

Chị Tôi...

(Nhất Thủ Thanh)

Chị hỡi buồn chi ở miết lầu?
Chị thầm xếp lại những niềm đau!
Chị hoài chôn kín cơn phiền não
Chị gắng buông lơi nỗi thảm sầu
Chị giữ câu thề se chỉ thắm
Chị chờ ai hẹn kết tình sâu
Chị rơi dòng lệ khi người nhắc
Chị hỏi trăng già bóng nhạn đâu?

Như Thu
***
Trăng Cùng Ta


Trăng về chênh chếch mái hiên lầu
Trăng chẳng vô tình với nỗi đau
Trăng sáng lung linh khi tình thắm
Trăng buồn rả rượi lúc em sầu
Trăng tròn góc biển, niềm vui lạ
Trăng gác đầu non, giấc mộng sâu
Trăng vẫn dịu dàng theo vạn lối
Trăng cùng ta mãi, cứ nơi đâu.

Thanh Trương
***
Người chị


Chị tựa bên song, cửa mái lầu
Chị nhìn ánh nguyệt gởi niềm đau
Chị đem kiếp mộng xoa đêm xuống
Chị đợi hình ai hiện núi sầu?
Chị nghĩ tâm tình im lặng lẽ
Chị hoài cánh nhạn ẩn nong sâu!
Chị luôn thờ thẫn mơ xa thẳm
Chị kiếm duyên trần, phúc chốn đâu?

Đặng Xuân Linh
***
Anh

Anh tưởng rằng em đợi dưới lầu
Anh về xoa dịu nỗi thương đau
Anh tìm bút ngọc xanh mầu mắt
Anh vẽ hồn thơ trắng ý sầu
Anh đã quên buồn khi nắng lạnh
Anh thôi tưởng tiếc lúc đêm sâu
Anh trao tâm sự từ phương lạ
Anh tặng em tình đẹp tới đâu

Hawthorne 20 - 10 - 2018
Cao Mỵ Nhân
***
Mưa


Mưa đổ từ trên xuống mái lầu
Mưa đà nặng hạt khiến Thu đau
Mưa say ánh mắt giăng niềm mộng
Mưa buốt con tim ngập nỗi sầu
Mưa gởi quê hương tình nghĩa đậm
Mưa về đất nước biển mơ sâu
Mưa tuôn kỷ niệm thời thơ ấu
Mưa vẫn rơi đều nhớ mãi đâu

Minh Thuý
19_ tháng 10 _2018
***
Ta...

Ta như lá úa rớt trên lầu,
Ta sống thế này ít khổ đau.
Ta ngắm lá vàng bay phất phới,
Ta xem cảnh đẹp bớt cơn sầu.
Ta nương bạn hữu cùng đi dạo,
Ta biết sông dài có chỗ sâu.
Ta giống mùi hương hoa dủ dẻ,
Ta thơm thoang thoảng khó tìm đâu ?(*)

Thanh Khang
Toronto 20-10-2018
(*) Hoa dủ dẻ thường nở về đêm,cây thì mọc trong bụi nên nghe thơm mà khó tìm để hái.
***
Em!!!


Anh đến làm chi chốn tửu lầu,
Anh đành giấu kín nỗi niềm đau!
Anh còn ôm ấp tình đen bạc,
Anh vẫn xót xa nghĩa nặng sầu.
Anh thấy nghẹn ngào lời ai oán,
Anh nghe rạo rực tiếng lòng sâu.
Anh buồn than thở trong im lặng!
Anh nghĩ chúng mình chẳng đặng đâu???

Nguyễn Thành Tài
20-10-2018
***
Trời… !

Trời đổ cơn mưa ngập lụt lầu
Trời gây buồn, thảm thiết thương đau
Trời ơi ! sao cứ gieo nhiều khổ
Trời bắt nhân gian mải miết sầu
Trời có nghe chăng lời oán trách ?
Trời làm lệ chảy mắt quầng sâu
Trời khi nào dứt bao tan tác ?
Trời trải niềm vui khắp tận đâu…

Minh-Hồ-Đào
20.10.2018
***
Em...

Em vốn là hoa rạng ngọc lầu...
Em làm vơi bớt nỗi thương đau!...
Em khoe sắc thắm tươi màu đẹp;
Em rắc hương thơm lấp khổ sầu!...
Em tợ biển đầy khôn tát cạn;
Em thành sông rộng dễ thêm sâu...
Em vương hồn mộng đời hoang dại,
Em trải tơ tình đến tận đâu ...

Sỹ Bình
***
Vâng! Em Đây


Em quanh khắp trệt lại lên lầu
Em sát bên người giúp tránh đau.
Em đỡ hàng rong mòn lối thẳm
Em dìu địa chất nát rừng sâu.
Em ôm gót ngọc du, thêm hãnh
Em quẩn chân son dạo, bớt sầu.
Em thuận tên hài ( giầy dép guốc )
Em không kiếm chỗ để chơi đâu !

Trần Như Tùng

7 Ngày Đêm Lênh Đênh Trên Biển - Kỳ 1


Cuộc vượt thoát khổng lồ của dân Việt Nam được chia ra bằng 3 ngả đường khác nhau. Nhưng con đường nào cũng đầy chông gai và nước mắt...
Người dân bỏ phiếu bằng chân thì vượt biên giới Cam Bốt, rồi băng rừng vượt suối trốn qua Thái Lan.
Sau nầy những người tù cải tạo được chánh phủ Mỹ ưu ái cho đi bằng máy bay để bù đắp phần nào nỗi tủi khổ trong các trại tù.
Tôi chọn con đường thứ 3 vượt biên bằng tàu...

Chuyện tổ chức vượt biên là những trang tiểu thuyết dài lê thê, mỗi một chuyến vượt biên là một câu chuyện bi thương, một tập, một phần trong số hàng nhiều ngàn phần mà có nhiều người đã ghi lại. Nhưng mỗi câu chuyện đều mang một nét đặc thù riêng biệt, không chuyện nào giống chuyện nào cả.
Có người lo lót với công an biên phòng mua bãi đáp rồi chở người ra tàu lớn. 
Có người bị gạt mất tiền, mất của còn bị tù tội, họ xem kinh làng thứ 7 như là khách sạn ngàn sao vô ra liền xì.
Có người trang bị cả súng đại liên đặt trên ca-bin để chống cướp biển nên họ đến đất liền bình yên vô sự.
Có người máy tàu bị hư phải lênh đênh hàng tháng trời trên biển cả, thiếu thức ăn và nước uống để rồi phải chia nhau xác chết của đồng loại mà cầm cự qua ngày.
Có người bị cướp Thái Lan hảm hiếp còn bắt đi nhốt trên các hoang đảo để làm nô lệ tình dục cho chúng...
Có người... Nhiều lắm, nhưng thôi tôi chỉ xin kể hầu các bạn nghe câu chuyện của tôi. Câu chuyện 7 ngày đêm lênh đênh trên biển. Từ đó các bạn có thể suy diễn ra trường hợp của thân nhân bạn bè mình, tại sao mà họ một đi không trở lại...

Bất cứ một chuyến đi chui, hoặc đi đăng ký bán chính nào cũng đều được tổ chức tỉ mỉ, tính toán từng li, từng tí, dự trù mọi trường hợp có thể xảy ra nhưng đến khi thực hiện thì có muôn vàng sự việc bất ngờ ập đến, không thể lường trước hết được, cho nên nó mới đẻ ra những câu chuyện cười chảy nước mắt. 
Một vài em nhỏ ban đêm đang đi bắt ba khía, vô tình gặp phải người ta đang chở khách ra tàu để vượt biên, những em nhỏ đó liền bị lụm theo luôn. Không có ai dám cả gan mà để cho các em nhỏ trở về nhà. Hay là một người đang đi đổ lọp cặp bờ sông cái lớn vô tình gặp phải ghe chở khách vượt biên đang đậu chờ đêm tối để trốn đi, anh ta cũng bị hốt theo luôn...

Còn tôi. Đầu niên học 78-79 tôi lại bị thộp cổ từ Đông Hưng thẩy trở lên Tây Yên để làm cố vấn giúp cho một cô Hiệu Trưởng gốc giáo viên mới, khóa 3 điều hành trường Tây Yên. 
Trường Tây Yên khai giảng chưa được bao lâu thì cô Hiệu Trưởng được đi học khóa đảng viên nên tôi còn phải ở lại phụ trách giúp cô ta đến khi nào cô học xong trở về mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
Cô Hiệu Trưởng vừa ra Rạch Giá thì hôm sau tôi cũng dông về nhà chơi ít hôm...
Có một việc tôi vẫn còn thắc mắc mãi cho đến bây giờ mà chưa có giải thích nào hợp lý nếu không dùng đến 2 từ "số mạng".

Có lần tôi kể cho các bạn nghe chuyện tôi gặp hên khi xây dựng trường lớp vượt quá chỉ tiêu ở xã Đông Yên nên bị đày xuống Đông Hưng làm tiếp. Người khác thì cho đó là thành tích "kách mệnh". 
Từ cái ngày đầu mà cha chủ tịch huyện dắt tôi về nhậu ở xã Đông Hưng, đi đến đâu tôi cũng đều được các trưởng phòng, trưởng ban ưu đãi vì họ tưởng lầm tôi thuộc dòng giỏi họ hàng ba đời tổ tông gì đó với ông ta. 
Tuy là tôi chơi với các trưởng đầu ngành nhưng không biết tại sao dân "Ngụy" chả có ai ngán mà lại rủ tôi đi vượt biên chung. Không phải 1 hay 2 người mà tới 4 người mới là kỳ. Trong khi đó tôi tiền cũng không mà vàng cũng bọng...

Các bạn có còn nhớ chuyện cô giáo Kim ở Đông Hưng đã rủ tôi đi vào ngày cận tết không? Cô không bị bắt lại, nhưng trên đường vượt đại dương chẳng biết cô có tới được bến bờ hay là đã làm mồi cho cá rồi, đến bây giờ vẫn bặt vô âm tín...
Mấy tháng sau đó gia đình cô thủ quỹ lại rủ nữa, tôi không từ chối mà cũng chưa trả lời vì anh rể cô là trung úy hải quân chưa được thả nên chưa có người lái tàu.
Cái hôm mà tôi trốn theo cô Hiệu Trưởng trường Tây Yên về nhà chơi thì gặp thằng bạn học cũ xuống thăm. Nó xuống nhà tôi 10 lần chẵn mới thấy mặt tôi. Ngạc nhiên quá tôi hỏi:
- Tìm tao làm gì mà mầy đi tới 10 lần dzậy?
Nó cười cười trả lời nửa chơi nửa giỡn:
- Rủ mầy đi vượt biên chớ còn làm cái giống gì nữa mà mầy hỏi. 
Hai thằng tôi gặp nhau không nói về các nàng tiểu thư Rạch Giá thì bàn chuyện thiên hạ vượt biên cho đã cái miệng:
- Chừng nào mầy đi? Chứ tao vài tháng sau thằng anh em cột chèo ra tù thì vọt liền.
Nó ngạc nhiên nhìn tôi hỏi lại:
- Là thằng nào dzị? Sao tao hổng biết?
Tôi cười lớn trả lời nó:
- Là thằng bạn mới quen sau nầy, lúc nó ở căn cứ hải quân Xẻo Rô. Nhưng bây giờ thì nó đang nằm trong kinh làng thứ 7 bắt muỗi.
- Vậy mầy chờ nó làm gì? Đi với tao đi.

Thật ra lúc đó tôi cũng chưa muốn đi cho lắm mà có đi thì đi với Kháng anh rể cô thủ quỷ cũng là bạn khá thân với tôi cho chắc ăn nhưng thằng Lục rủ tôi đi thiệt chứ không phải nó nói chơi như mọi khi. Thấy tôi chưa chịu nó gạt tôi một chưởng:
- Con bồ tao có bầu rồi mà ba nó không chịu gả. Ổng chê gia đình tao "Ngụy". Ghét quá sẵn chú tao mua tàu, tao xin đi ké 2 đứa, nhưng mà chú tao ổng ra điều kiện tao phải mua dùm ít dầu, ít gạo để dự trử rồi còn phải đưa dùm ra tàu lớn ít người nữa.
Thằng bạn tôi hồi chưa mất nước nó hiền khô, thật thà không ai bằng vậy mà sau ngày "đổi đời" nó cũng đổi tánh luôn, nó gạt tôi mà nói tỉnh bơ y như thiệt. Rốt cuộc tôi đồng ý giúp nó cùng người yêu đi vượt biên với gia đình của chú nó. Với điều kiện phải cho tôi đi 2 người.

Tụi tôi bắt đầu lập kế hoạch. 
Chuyện gạo, dầu đối với dân buôn lậu như tôi là chuyện nhỏ như con thỏ, thiệt không đáng kể chút nào. Chỉ có vụ đưa người ra tàu thì hơi khó một chút thôi. 
Tôi đề nghị nó dắt 6 người đi từ bến đò Rạch Sỏi qua Kinh Dài rồi ghé nhà tôi trọ ở, trước đó thì nó đã xuống dọ đường rồi nên nó mới rủ tôi. Còn tôi cũng chở 6 người đi xuống thứ 3 rồi mới xẹt lên Kinh Dài để cho thiên hạ khỏi thấy đông người mà nghi ngờ bậy bạ...
Trước khi thực hành kế hoạch tôi chuẩn bị rất kỹ. Mỗi tuần lễ họp giáo viên tôi cho đi lòng vòng từ điểm trường nầy qua điểm trường khác. Lúc nào cái vỏ máy của tôi cũng chở hơn chục người. Tôi rủ mấy thằng công an ở trạm biên phòng nhậu thường xuyên hơn. Tôi giao hẹn với Lục tôi chỉ đồng ý chứa và đưa ra tàu 12 người thanh niên mà thôi, con nít và người lớn tuổi thì không được vì tôi định biến cho họ thành những người đi dạy bổ túc văn hóa, xóa nạn mù chữ...
Còn cách ngày đi 2 hôm, phòng giáo dục có cuộc họp khẩn nên tôi phải về dự. Hôm đó xảy ra 2 việc trọng đại. Thứ nhất tay trưởng phòng công an huyện ôm một đống vàng lấy luôn chiếc tàu lớn rồi đặt cả súng đại liên trên cabin hiên ngang hùng dũng ra đi, làm cho cả chợ Thứ 3 xôn xao.

Thứ nhì hôm đó thằng An khóa 10 từ Vân Khánh lên trước dọ đường, nó rủ tôi đi vượt biên. Nó cho biết chị bà con của nó là bồ nhí của tay trưởng phòng tổ chức cán bộ tỉnh Rạch Giá, Y đã mua chiếc tàu lớn, hôm nay đem tàu về chợ và tối đó đi luôn. Nó bảo đảm không có cướp nào dám lại gần mà công an biên phòng có gặp cũng phải chạy xịt khói.
Đêm đó tôi ngủ lại phòng giáo dục và tổ chức nhậu, coi như từ giã bạn bè luôn. Hổng biết trời xuôi đất khiến thế nào mà sáng hôm sau trước khi xuống vỏ máy đi Rạch Sỏi rước người tôi lại xì cho thằng Mạnh biết chuyện mình sắp vượt biên...

Theo giờ hẹn tôi đến Rach Sỏi nhận người thì mới tá hỏa, 12 người của nó có một đứa con nít còn bồng trên tay là con của 1 cặp vợ chồng có phần hùn mua tàu còn bà vợ ông chủ tàu thì sồn sồn độ chừng 45 tuổi.
Trời đất quỷ thần ơi! Ai mà có con nhỏ lại hăng hái tham gia công tác dạy bình dân học vụ đến như vậy nè trời. Lại còn thêm một bà sồn sồn nữa, nếu mà gặp công an biên phòng thì chắc ăn như bắp, tới kinh làng Thứ 7 bắt muỗi liền tay. Nhưng làm sao đây, cho họ về thì hổng được mà chở đi thì không ổn chút nào. Thấy tôi làm thinh, ngồi im thinh thít thằng Lục hỏi:
- Sao? Đi chưa mậy? Làm gì chết trân dzậy?
Tôi nổi gió kéo đầu nó xuống nghiến răng nói:
- Tao dặn mầy rồi, nam nữ gì cũng được, tuổi phải từ 18-30 thì người ta mới xung phong đi dạy bình dân học vụ để tránh đi công tác thủy lợi, mầy đưa bà già nầy theo nấu cơm hả? Lại còn một cô có con nhỏ, cô đó đâu có sợ đi làm công tác thủy lợi đâu mà phải đi dạy bổ túc? Cái cảnh nầy công an mà gặp nó hổng nghi mới là lạ.

Tôi tưởng nó lặng yên mà nghe tôi chửi ai dè nói tỉnh bơ:
- Mầy tưởng dễ lắm hả? Muốn người nào là có được người nấy sao? Tao có nói rồi nhưng mà có ai thèm nghe, họ có tin tưởng nhau đâu? Người phe nầy kẻ phe kia, phải cho người đi xen kẻ răng cưa với nhau để không ai bỏ ai được. Con bồ mầy còn phải đi vỏ máy bên kia không thấy sao mà còn cự. Thôi thì có sao lãnh vậy đi cưng, mầy nhiều mưu lắm kế mà, phịa đại ra chuyện gì đó cũng được thôi...

Đêm 1
Chiều ngày 18 tháng 10 năm 1978 âm lịch. 13 người về đến căn nhà tôi trọ. Đó là một căn nhà của một gia đình mấy tháng trước đã đi vượt biên bỏ lại. Chánh quyền xã Tây Yên giao cho tôi ở với Quang một giáo viên mới, nó cũng rộng lắm. Nhưng Quang thì đã bị tôi cho về phép thăm nhà 2 hôm trước rồi, căn nhà chỉ còn mình tôi. 
Đàn bà con nít thì tôi nhốt trong buồng, mấy thanh niên tôi bày tiệc cho nhậu ở nhà trên. Tôi dặn dò từng người cách trả lời khi có người lạ đến. Cô gái có con nhỏ biến thành vợ của Quang ở Sa-Đéc xuống thăm chồng, còn vợ ông chủ tàu thì biến thành má thằng Quang đang dắt con dâu đi thăm con trai yêu quý của mình. 

Gần 4 giờ chiều thì cô giáo Nguyệt cho học trò về sớm nên ghé ngang để phụ lo cơm nước cho mấy người mới tới. Tôi đang giới thiệu từng người cho cô ta làm quen thì cô gái có con nhỏ mau lẹ tự giới thiệu mình:
- Tui là Ánh vợ anh Quang mới xuống thăm ảnh mà ảnh đã về nhà rồi, biết vậy tui ở nhà chờ khỏi tốn tiền xe.
Cô Nguyệt trợn mắt nhìn tôi rồi nắm tay tôi kéo ra sau hè hỏi:
- Cô hồi nảy là ai dzị?
Tôi cười cười trả lời:
- Ai mà biết. Cô ta tới nói là vợ của Quang thì tui hay vậy thôi.
Cô Nguyệt nghiêm nét mặt nhìn chầm chầm vào mắt tôi nói:
- Anh Quang ở gần nhà em, lại học chung với em từ nhỏ, em biết rõ ràng ảnh làm gì có vợ có con. Anh chứa người vượt biên phải hông?
Tôi chết đứng một giây nhưng rồi lấy ngón tay đè lên môi mình:
- Xịt... Nhỏ tiếng một chút...
Cô Nguyệt mừng rân:
- Vậy là đúng hả? Chừng nào đi dzị? Cho em theo với.
- Khoảng chín giờ tối nay. Trăng vừa lú lên là mình vọt.

Cơm chiều xong cả bọn đang ngồi tán dóc chuyện trời trăng mây nước cho bớt căng thẳng thì có một cái vỏ máy nhỏ chạy vô mương đậu kế nhà, tôi bước ra xem thử. Trời ơi! Thằng Mạnh, vai nó đang mang ba lô tay thì dắt cô bồ đang bước lên cây cầu ván, theo sau là Tấn con chủ nhà nó ở trọ trước năm 1975.
Tôi lên tiếng hỏi lớn để cho mấy người trong nhà chú ý mà rút bớt vô buồng:
- Mầy đi đâu giờ nầy vậy?
Nó lớn tiếng trả lời:
- Thì tới giúp mầy phân phối người dạy bổ túc chứ đi chơi sao mà mầy hỏi kỳ dzậy?
Cái thằng mắc dịch, dẫn bồ theo còn thông cảm được, đằng nầy nó còn đèo theo con ông chủ nhà trọ chi nữa hổng biết...
Chưa tới 7 giờ tối trời bổng âm u như sắp có mưa, cô Nguyệt dặn tôi 
- Em về nhà lấy một ít đồ mang theo chừng nào đi nhớ kêu em nghen...
Cô về chưa được bao lâu thì trời mưa như thác đổ, mưa lớn mà không có gió nên tôi đổi ý quyết định đi trong mưa để qua trạm chứ không theo kế hoạch cũ.

Tất cả người và đồ đạc xuống vỏ máy xong tôi bắt thằng Mạnh ngồi ở phía trước, hể công an biên phòng có pha đèn rọi thì nó và tôi cùng lên tiếng một lượt... Nói là đang chở người dạy bổ túc văn hóa mới tới đi tìm nhà gởi cho họ ở trọ, chỗ đó gần bên nhà cha trưởng ban giáo dục xã cách trạm biên phòng chừng 200 mét...
Từ nhà trọ của tôi tới trạm công an chưa được cây số mà tôi xem như là con đường dài vô tận. Cái máy xăng BS 16 thường ngày tôi dóng hết ga nhưng hôm đó tôi chạy chưa đầy 1/4 ga, tiếng máy nổ nhỏ rí hòa trong tiếng mưa rơi nên không nghe được gì. Qua khỏi trạm xa lắc mà tôi cũng chưa dám lên ga chỉ khi ra tới gần biển tôi mới mở hết tốc lực...

Đi gần một giờ thì trời bắt đầu tạnh mưa, trăng 18 đã lên hơn một sào. Một trong những người mua tàu chỉ tôi điểm hẹn và ám hiệu chúng tôi lên tàu sớm hơn giờ hẹn 2 tiếng đồng hồ. Cái vỏ máy được nhận chìm thả trôi ngoài biển...
Chúng tôi còn phải chờ một tốp nữa mới khởi hành. Cái tốp người đó toàn là những nhân vật quan trọng đối với bọn tôi. Bên ông chủ tàu còn 2 người con gái, Một cái la bàn đi biển thằng bạn tôi có cô bồ còn tôi thì người ta giữ cô Hoa bên ấy để làm tin..
Ngồi tán dốc một hồi tôi mới chợt nhớ lúc đi mình quên gọi cô Nguyệt theo. Chắc có lẻ trong bụng tôi chỉ lo cho cô Hoa không biết nàng có đến điểm hẹn đúng giờ hay không mà thôi...

(Xin mời xem tiếp kỳ 2)

Lanh Nguyễn

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Thơ Tranh: Mừng Sinh Nhật Ngọc Hạnh

Chị Ngọc Hạnh ơi
Út Kim Oanh mượn thơ anh Hai Công thành món quà nhỏ mừng Sinh Nhật chị
Chúc chị luôn tươi đẹp và hạnh phúc bên con chị nhé.
( Kim Oanh)

Thơ: Trần Gò Công/ Lão Mã Sơn
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tâm Lắng Dịu



Não phiền thường chẳng riêng ta, đời
Tứ khổ trải dài tận khắp nơi
Lẩn quẩn quê người, buồn ngắm cảnh
Nhìn mây xem cảnh giải chiều mơi

Sống tạm vô thường cõi bể dâu
Kiếp trần duyên phận chẳng buồn đâu
Tại tâm có Phật lòng êm ả
Ân nghĩa dương trần vẫn thấm sâu

Bóng tà dần xuống hướng đoài yên
Mọi sự đều không, hữu tuệ duyên
Tâm giữ thiện lành, tâm rộng lượng
Bụi sương phủi bỏ nhẹ như thiền.

Đặng Xuân Linh


Không Duyên Cớ!


Bài Xướng:
Không Duyên Cớ!

Mấy kiếp luân hồi dễ gặp nhau!
Nhiều thêm xuân hạ tóc thay màu
Đi qua những nẻo hằn khôn dại
Hụt hẫng bao lần bước chậm mau
Họ đến rồi xa như chủ trái
Ta buồn lại nhớ khắp trời sao
Mưa chiều điệp khúc từ xưa lắm
Mang máng lâu đời thấm nỗi đau!

Cao Linh Tử

2/11/2018
***

Các Bài Họa:
Ngày Xuân Thăm Bạn

Xuân về tri kỷ kiếm thăm nhau
Hai đứa nhìn ra tóc ngã màu
Người nói quê nhà còn khốn khó
Kẻ rằng đất khách cũng lao đao
Mưu sinh tất bật không ngừng nghỉ
Suy nghĩ ngậm ngùi chẳng biết sao!
Cũng muốn ủi an tình bạn hữu
Nhưng nào xoá được vết thương mau!

songquang
11042018
***
Chung Thủy

Có cách gì ta giữ mãi nhau
Trăm năm tình nghĩa khó phai màu
Đói nghèo không khiến lòng chai sớm
Phú quý khôn làm dạ đổi mau ?
Hãy trọn yêu thương nào bởi lẽ...
Và luôn tin tưởng chẳng vì sao...
Suốt đời vẫn nặng lòng chung thủy
Chia sẻ vui buồn lẫn khổ đau.

Phương Hà
***

Bạn Cũ

Ngỡ ngàng bạn cũ nhận ra nhau
Hai mái đầu xưa bạc thếch màu.
Hiu hắt trời thu chiều xuống lẹ,
Lạnh lùng sương khói tối buông mau.
Hạc vàng đất khách run chao cánh,
Tri kỷ quê người lặn tắt sao.
Rượu cúc hàn huyên hờn vận nước,
Mắt già rơm rớm nhắc thương đau!

Mailoc
( Thu Cali 2018)
***
Mộng Tình Ấp Ủ

Kinh qua muôn kiếp mới quen nhau !
Đã trải trăm năm tóc bạc màu
Sống thọ nào ai đi chậm chạp
Sanh tiền mấy kẻ chạy hăng mau
Quê hương cách biệt trời Âu Mỹ
Đất nước mù khơi tinh tú sao
Mưa gió thu đông chiều giá lạnh
Đôi bờ cách trở dạ thầm đau...

Mai Xuân Thanh
Ngày 02/11/2018
***
Không Duyên Cớ

Luân hồi mấy kiếp để bên nhau
Sương tuyết thời gian tóc nhuốm màu
Vạn nẻo xa xăm hoài ngóng đợi
Tháng ngày mòn mỏi hãy qua mau
Người đâu chợt đến tràn tinh tú
Ai đấy xa rồi lịm ánh sao
Đừng hỏi bao giờ duyên gặp gỡ
Cớ chi day dứt trái tim đau

Kim Phượng

Những Người Lính

Hồi ký Nguyên Trần - Viết để vinh danh những người lính đã và đang chiến đấu cho lý tưởng tự do trên thế giới. 


Trên chuyến bay Americn Airlines từ San Francisco tới Toronto. tôi đặt hành lý vào hộc ở trên đầu (head bin) rồi ngồi xuống ghế. Đây là chuyến bay dài (long haul) làm tôi ước gì mình có một quyển sách để đọc trên phi trình. Có lẽ tôi cũng cần chợp mắt một chút. Vừa lúc trước khi máy bay cất cánh, một nhóm 10 người lính trẻ men theo lối đi và ngồi hết vào các chỗ trống rải rác còn lại. Chẳng có gì để làm, tôi bắt đầu gợi chuyện người lính ngồi gần nhất: 
- Các cậu đi tới đâu vậy? 
- Petawawa*. Chúng tôi sẽ ở đó hai tuần để thụ huấn một chương trình huấn luyện đặc biệt rồi sau đó sẽ bổ sung tới A Phú Hản. 

Sau khi máy bay cất cánh độ một tiếng thì tiếng loa thông báo là trên máy bay có bán thức ăn nhẹ đựng trong bao giá 5 mỹ kim **. Cũng còn lâu lắm chuyến bay mới tới phía Đông nên tôi quyết định mua một bao đồ ăn để vừa ăn vừa giết thì giờ.. Khi tôi móc bóp lấy tiền thì chợt nghe một người lính hỏi bạn mình là có muốn mua thức ăn không. 
- Không! Có vẻ như mắc quá đó... Bao lunch gì mà tới 5$.Thôi tao ráng đợi tới căn cứ hẳn hay. 
Và anh lính trẻ gật gù đồng ý với bạn. 
Tôi đảo mắt nhìn chung quanh thì thấy mấy người lính khác cũng không có ý định mua gì cả mặc dù lúc đó cũng đã tới giờ ăn trưa rồi. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu, tôi gọi người nữ tiếp viên tới đưa cho bà ta 50$ và nói: 
- Xin bà vui lòng lấy thức ăn cho những người lính nầy. 

Người nữ tiếp viên ngạc nhiên nắm chặt lấy tay tôi, qua đôi mắt long lanh ngấn lệ vì xúc động, bà ngõ lời cám ơn tôi và nghẹn ngào: 
- Con trai tôi cũng là một quân nhân đang chiến đấu tại Iraq. Nghĩa cử nầy của ông như đang dành cho nó vậy. Rồi bà hăng hái đi lấy 10 bịch đồ ăn trao cho tất cả các người lính trên tàu. Sau đó bà dừng lại chỗ tôi hỏi: 
- Thưa ông dùng gì ạ? Bò, gà rất hảo hạng. 
- Xin cho tôi gà... Tôi trả lời bà ta trong một thoáng ngạc nhiên vì theo tôi biết hạng economy bây giờ chỉ có BOB́** mà thôi. Lạy trời bà ta không tính tiền cái portion gà nầy vì tật mau miệng của tôi.
Người nữ tiếp viên đi về phía trước của máy bay độ một phút sau trở lại với nguyên khay thức ăn nóng hổi dành cho hành khách vé hạng nhất, bà trịnh trọng nói với tôi: 
- Đây là tấm lòng tri ân nho nhỏ của những người trên chuyến bay nầy và phi hành đoàn đối với ông.

Sau khi ăn xong với tâm trạng sảng khoái nhẹ nhàng (ăn chùa mà hổng khoái sao được), tôi bước tới phòng vệ sinh ở phía sau cùng. Trên đường đi, một người đàn ông thình lình đứng lên chận tôi lại nói: 
- Tôi rất cảm phục việc ông làm, xin ông cho tôi được chia phần mà vui lòng nhận cho. 
Nói xong, ông ta dúi vào tay tôi 25 mỹ kim. 
Sau đó không lâu, viên phi công trưởng rời buồng lái vừa đi vừa nhìn số ghế ghi trên hộc hành lý, linh cảm khiến tôi thầm mong ông ta đừng kiếm tôi nhưng Trời ơi! Ông ta dừng lại ngay hàng ghế của tôi rồi cười thật tươi và chìa tay ra nói: 
- Tôi muốn được bắt tay ông.
Cực chẳng đã, tôi mở dây an toàn đứng dậy bắt tay ông ta.
Với giọng hân hoan, ông nói lớn như để mọi người cùng nghe: 
- Tôi cũng đã từng là một quân nhân và là phi công chiến đấu. Có một lần có người cũng mua cho tôi thức ăn như vầy. Điều đó thực sự thể hiện cả một tấm lòng tốt đẹp mà tôi không bao giờ quên. 
Cả một tràng pháo tay tán thưởng vang dội làm tôi đỏ bừng mặt vì mắc cỡ vô cùng.
Chỉ với một hành động nhỏ nhặt tầm thường của tôi mà đánh động lương tâm con người đến thế sao? 
Vì chuyến bay quá dài nên có một lúc, tôi phải đi bộ về phía trước để rãn gân cốt thì bỗng nhiên có một nam hành khách ngồi trên tôi độ năm sáu dãy cũng đưa tay ra bắt và để lại trong tay tôi cũng 25 mỹ kim. 

(Những người Lính Mỹ ở chiến trường A Phú Hản)

Bầu không khí trên chuyến bay thật nhẹ nhàng và chan hòa tình người cho tới khi máy bay hạ cánh. Tôi lấy hành lý và bắt đầu bước ra, khi vừa tới cửa máy bay thì một người đàn ông khác chận tôi lại và nhét nhanh vào túi áo tôi một thứ gì đó xong ông ta vội vả bước đi mà không nói một lời. Lại thêm 25$ nữa. 
Nếu tính ra, tôi chỉ chi có 50$ mà bây giờ thu lại tới 75$. Kiếm được 25$ dễ dàng quá vậy ta! À ! Quên! Còn bữa ăn miễn phí thiệt ngon miệng nữa chứ...
Đúng là khi ta làm phải thì không bao giờ lỗ lã cả. 
Tôi vui vẻ bước nhanh vào cửa phi trường thì thấy mấy người lính trẻ đang kiểm điểm nhân số để chuẩn bị về căn cứ. Tôi tiến tới trao cho họ 75 mỹ kim và nói: 
- Từ phi trường về tới trại phải khá xa. Mà bây giờ cũng đã tới giờ để dằn bụng một cái sandwich chứ. Chúa sẽ ban ơn cho các cậu. 
Những người lính trẻ cùng cám tôi với nỗi xúc động hiện rõ trên mặt. 
-Sir, we actually appreciated what you did to us today and we all won’t ever forget it. God bless you. 

Trong ngày hôm đó chắc họ đã rời chuyến bay trong tâm trạng yêu thương và kính mến những hành khách đồng hành. Và hơn nữa không biết họ có thắc mắc là tại sao có một người đần ông Á Châu “chịu chơi spender” như vậy? Tôi hăng hái bước tới xe taxi với lời thì thầm nguyện cầu cho tất cả sẽ được trở về trong an bình. 
Những chàng trai nầy đã hy sinh tất cả cho quê hương mà tôi chỉ biếu họ có một vài phần ăn. Thật là quá ít ỏi nếu không muốn nói là chỉ trong muôn một. Nghĩ xa hơn nữa, người cựu chiến binh và nhưng quân nhân đang tại nghũ đã và đang từng đánh đổi cả cuộc đời khi viết lên chi phiếu trắng đề tên người nhận là “Hiệp Chủng Quốc” mà số tiền có thể lên đến chính sinh mạng của họ. 
Đó là một vinh dự tối cao lẽ ra cả đất nước phải dành cho họ nhưng than ôi! Có nhiều người đã không cần biết tới và bỏ quên họ. 

 Nguyên Trần 
(Toronto Sept 4,2009) 
*Petewawa là trung tâm huấn luyện quân sự lớn nằm giữa Ontario và Quebec. 
** Trong mục đích cạnh tranh để giảm tiền vé tối đa, các hãng hàng không không còn serve thức ăn trên tàu cho hành khách economy class (trừ business class hay first class và những chuyến oversea long haul) mà thay vào đó chỉ bán sandwich, snack dưới hình thức BOB (buy on board) những bao đồ ăn trưa. 





Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

In Flanders Fields - John McCrae


Thơ: John McCrae
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xứ Cờ Lá Phong Quê Tôi Cuối Đời - Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong


Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trn Vong

Hồn tử sĩ gió ào ào thổi 
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi 

Hàng năm cứ gần tới ngày 11 tháng 11 khi ta ra đường lại thấy nhiều người cài trên cổ áo một bông hoa poppy hay là hoa anh túc đỏ thắm, thoạt đầu là hoa thật sau thay bằng hoa plastic. 

Đó là một hình thức tưởng niệm các chiến binh đã hi sinh xương máu trong Thế chiến I khởi đầu từ năm 1914 và chấm dứt vào năm 1918, ngày 11 tháng 11 lúc 11 sáng là thời điểm ký Hiệp ước đình chiến tại Compiègne, giữa một bên thắng trận là Đồng Minh gồm Pháp, Anh với các nước trong Liên hiệp Anh, Bỉ, Ý, Nhật và Hoa Kỳ, một bên bại trận gồm Đức, đế quốc Áo-Hung, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Bảo vv...Hiệp ước chính thức thường được gọi là Hiệp ước Versailles được ký tại Versailles, cách Paris khoảng 10 miles, ngày 28.6.1919. 

Thế chiến I đã gây ra những tổn thất to lớn nhất là về sinh mạng, khoảng 9 triệu tới 13 triệu chiến sĩ đã gục ngã nơi sa trường và để ghi ơn cũng như vinh danh các tử sĩ, nhiều nước đã chọn ngày đình chiến là ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong. 

Ngày 11.11 thoạt đầu được gọi là Ngày Đình Chiến và lần tưởng niệm đầu tiên đã được tổ chức rất long trọng tại London vào năm 1919 dưới quyền chủ tọa của hoàng đế Anh George V và tổng thống Pháp tại Buckingham Palace. Nhiều nước trong và ngoài Liên Hiệp Anh sau đó cũng chọn ngày 11 tháng 11 làm ngày tưởng niệm các chiến sĩ trận vong trong cả hai Thế chiến lẫn Chiến tranh Triều Tiên và dưới những tên như Ngày Tưởng Niệm, Ngày Cựu Chiến Binh, Ngày Poppy vv... 

Tên Ngày Poppy bắt nguồn từ một bài thơ của Y sĩ Trung tá Canada tên John McCrae nhan đề “IN FLANDERS FIELDS”, bài thơ được sáng tác ngay tại chiến trường Flanders ngày 3.5.1915 khi một chiến hữu của ông là Trung úy Alexis Helmer bị gục ngã trong trận chiến Ypres, vùng Flanders thuộc Bỉ, một vùng có những hoa poppies mọc nở bạt ngàn. Một nữ giáo sư trường Đại học Georgia Moina Michael, đọc được bài thơ, cảm khái sáng tác bài thơ “ We shall keep the Faith, Chúng ta phải giữ vững niềm Tin” và nguyện sẽ đeo hoa poppy vào mỗi ngày tưởng niệm. Phong trào đeo hoa poppy – hoa poppy thật – lan rộng ra khắp đế quốc và Liên hiệp Anh trong ba năm liền. Tại Âu châu, bà Anne E. Guerin cũng cổ động một cách nồng nhiệt và kiên trì. Tại Anh, Thiếu tá George Howson, được sự ủng hộ của tướng Haig cũng hăng hái đề xuất ý kiến lấy hoa poppy làm biểu hiệu cho ngày tưởng niệm và cho rằng màu đỏ thắm của hoa tượng trưng cho máu các chiến sĩ đã đổ ngoài chiến trường. Kết quả của các cuộc vận động trên là Hoa Poppy được chính thức công nhận là hoa tưởng niệm chiến sĩ trận vong trong mọi cuộc chiến từ năm 1921.


Hoa poppy hay hoa anh túc, tên khoa học là Papaver Rhoeas, có chứa một alkaloid là Rhoeadine có tính chất an thần, trước kia thường được chế thành syrup cho trẻ em uống cho ngủ ngon giấc, cho nên tặng hoa poppy có ý nghĩa là chúc ngủ ngon. Loại cây hoa poppy quí nhất là loại có hoa trắng và nhựa của nó được dùng để làm thuốc phiện. Loại cây này được trồng ở Á Đông từ hồi xa xưa. Có những loại cây poppy mọc nơi hoang dã thuộc Châu Âu. Hoa poppy có đủ màu: màu đỏ, màu cam, màu trắng, và màu hồng. Nhụy hoa thường là màu tím hơi đen đen hay màu xanh lam. Hoa poppy còn từng được ngưỡng mộ là một loại hoa có vẻ đẹp tao nhã. 

Năm 1855 sử gia Anh Lord Macauly viết về chiến trường Landen, cách Ypres khoảng 100 miles, xảy ra năm 1693, nói xác của hơn 20,000 tử sĩ bỏ lại chiến trường đã khiến chỉ một năm sau có cả hàng triệu hoa poppy mọc kín cả vùng Flanders. 

Trong đạo luật về các ngày nghỉ lễ (The Holidays Act) được ký vào năm 1970, chính phủ Canada chính thức xác nhận ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong của Canada có tên là Remembrance Day và được tổ chức hàng năm vào ngày 11 tháng 11.


Tại Canada, lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức tại đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong tại Ottawa dưới quyền chủ tọa của Toàn quyền Canada, đại diện Nữ hoàng Anh với sự tham dự của toàn Chính phủ, Quốc hội, Tối cao Pháp viện, đôi khi có mặt đại diện Hoàng gia Anh như thái tử Charles năm 2009, công chúa Anne năm 2014. 

Buổi lễ bắt đầu bằng bài kèn “Last Post” ngay lúc 11 giờ, tiếp theo là một tràng súng đại bác rồi một hồi 11 tiếng chuông. Hai phút mặc niệm. Một bài kèn chiêu hồn tử sĩ “ The Rouse”. Một tràng súng nữa. Tuyên đọc sắc luật Act of Remembrance. Một phi đoàn máy bay sà xuống trước khán đài. Một ban đồng ca hát bài “ In Flanders Fields”. Trong khi đó các nhân vật quan trọng VIP rồi tới dân chúng lần lượt tới đặt vòng hoa poppy trước đài. Đôi khi lễ tưởng niệm được tiếp theo bởi một cuộc diễn binh. 

Tại Pháp và Bỉ, hai chiến trường chính trong TC I cũng chọn ngày 11.11 làm ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong nhưng thay vì hoa poppy hai nước này lại chọn biểu hiệu cho ngày tưởng niệm là hoa màu xanh cornflower còn gọi là Bleuet de France. 

Tại Hoa Kỳ,từ năm 1954 ngày 11.11 có tên mới là Ngày Cựu Chiến Binh khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc để tri ân và vinh danh tất cả các cựu chiến binh của mọi cuộc chinh chiến, còn Ngày Tưởng Niệm thì được tổ chức vào tháng 5 cũng là ngày Victory Day trong Thế chiến II. 

Ở Nga, ngày chiến sĩ trận vong có tên được dịch sang tiếng Anh là Victory Day và được tổ chức vào ngày 9 tháng 5 dương lịch. Một vài nước khác tại Âu châu như Hoà Lan, Na Uy vv... cũng chọn ngày Đồng Minh chiến thắng khối Trục làm ngày tưởng niệm vào tháng 5. 

XUẤT XỨ BÀI THƠ “IN FLANDERS FIELD” 


Tác giả bài thơ, Y sĩ Trung tá John McCrae sinh năm 1872 tại Guelph, Ontario. Ông tốt nghiệp đại học y khoa Toronto năm 1898. Trong cuộc chiến Boer tại Nam Phi, ông là một sĩ quan pháo binh có nhiều chiến công. Trở về Canada ông trở thành một y sĩ chuyên về môn Bệnh lý học và làm giáo sư tại các trường Đại học Y khoa Vermont và McGill. Trong TC I ông tình nguyện trở lại binh chủng pháo binh nhưng vì quân đội Canada đang thiếu y sĩ nên ông được bổ nhiệm làm Y sĩ Thiếu tá cho Lữ đoàn I Pháo binh đóng tại Ypres, Bỉ. 

Trong trận chiến Ypres đợt II kéo dài từ 22.4 1915 tới 25.5, một chiến hữu thân thiết cũng là một học trò cũ cuả ông là Trung úy Alexis Helmer bị tử thương, ông sáng tác bài thơ In Flanders Fields ngay phiá ghế sau xe cứu thương, ngày 3.5.1915; một ngày sau khi đưa tiễn Alexis ra nghĩa trang có đầy hoa poppy mọc xen lẫn với các hàng bia mộ. 

Bài thơ được đăng lần đầu tiên trên báo PUNCH tại London ngày 8.12.1915 và liền lập tức được truyền tụng trong khắp các đơn vị quân lực Anh vì đã nói lên giúp tâm trạng của các chiến hữu đã đổ máu và ngã gục nơi chiến trường, kêu gọi những người còn sống hãy tiếp tục cuộc chiến đấu dở dang của họ thì họ mới an giấc ngàn thu. Bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất trong đệ nhất thế chiến. 

Ông được vinh thăng Trung tá ngày 17.4.1915 và được chuyển về làm tại Tổng y viện số 3 tại Boulogne. Tháng 1.1918 ông được bổ nhiệm làm Y sĩ Thỉnh vấn tại đệ nhất lộ quân Anh nhưng chưa đi thì lâm bệnh. Ông phục vụ tận tụy tuy đôi khi đã kiệt sức vì bệnh suyễn có từ nhỏ mà không nghỉ ngơi, kết quả ông bị viêm phổi và viêm màng não, từ trần ngày 28.1.1918, và được để nằm yên nghỉ tại nghĩa trang Wimereux, Pháp.


Tên ông được đặt cho viện Bảo tàng quân sự tại Canada, bài thơ của ông được in trên tem, hình ông được in trên giấy bạc Canada $10. Tại Guelph nơi ông sinh trưởng có đài lưu niệm với bài thơ khắc trên đá. Mỗi năm, trong lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong ngày 11.11 bài thơ hoặc bài hát “In Flanders Fields” lại được ngâm hay xướng lên và mọi người thường đeo hoa poppy cũng vì từ bài thơ này của ông, nguyên văn như sau:
In Flanders Fields 


In Flanders fields the poppies grow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below. 

We are the dead. Short days ago,
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved and now we lie
In Flanders fields. 

Take up our quarrel with the foe:
To you, from failing hands, we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields. 

John McCrae
***
Bài thơ được Jean Pariseau dịch ra tiếng Pháp như sau: 
Au Champ D’ Honneur


Au champ d'honneur, les coquelicots
Sont parsemés de lot en lot
Auprès des croix; et dans l'espace
Les alouettes devenues lasses
Mêlent leurs chants au sifflement
Des obusiers. 

Nous sommes morts,
Nous qui songions la veille encor'
À nos parents, à nos amis,
C'est nous qui reposons ici,
Au champ d'honneur. 

À vous jeunes désabusés,
À vous de porter l'oriflamme
Et de garder au fond de l'âme
Le goût de vivre en liberté.
Acceptez le défi, sinon
Les coquelicots se faneront 
Au champ d'honneur. 

Jean Pariseau 
***
Thơ Dịch 
Trên Đồng Flanders 
Trên đồng Flanders, anh túc nở 
Hoa chen thánh giá, hàng nối hàng 
Chúng tôi nằm đó, trông trời thẳm 
Sơn ca táo bạo vẫn vờn quanh 
Tiếng hót chìm trong tiếng súng vang. 

Chúng tôi mới trở thành tử sĩ 
Vừa ngắm đây nắng sớm, tà dương 
Yêu và được yêu, giờ an nghỉ 
Trên đồng Flanders. 

Tiến lên chiến đấu với quân thù! 
Bó đuốc này buông trao tận tay 
Nâng cao lên, vững niềm tin tưởng! 
Đừng phụ lòng ai ngựa bọc thây 
Không yên nghỉ dù anh túc nở 
Trên đồng Flanders. 

Hoàng Xuân Thảo


In Flanders Fields - Chiến trường Flanders



In Flanders Fields 

In Flanders fields the poppies grow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely singing, fly
Scarce heard amid the guns below. 

We are the dead. Short days ago,
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved and now we lie
In Flanders fields. 

Take up our quarrel with the foe:
To you, from failing hands, we throw
The torch; be yours to hold it high.
If ye break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders fields.

John McCrae
***
Chiến Trường Flanders 

Nơi cánh đồng Flanders hoa anh túc nở 
Xen giữa mộ bia, hàng hàng rực rỡ 
Đây chiến trường xưa; hăm hở giữa trời, 
Sơn ca can đảm hót chơi rộn ràng 
Tiếng được mất, quyện rền vang tiếng súng. 

Chúng tôi chết, mới vài hôm, anh dũng 
Sống oai hùng, say nắng sớm, ngắm hoàng hôn, 
Yêu, được yêu - nay rũ bỏ linh hồn. 
Nơi Flanders cánh đồng. 

Hãy theo tôi quyết đấu với quân thù 
Tay buông thõng vội trao, bạn tiếp thu, 
Ngọn đuốc rực; hãy nâng cao kế tục 
Nếu phụ lòng tin, chúng tôi ngã gục, 
Sẽ chẳng ngủ yên, dẫu anh túc nở bông, 
Nơi Flanders cánh đồng. 

Lộc Bắc 
Nov. 2017 
***

Trên Chiến Trường Flanders

Trên chiến trường Flanders hoa anh túc đang nở 
Giữa những cây thánh giá hàng nối tiếp theo hàng 
Đồng đội cũ nằm đó, mắt hướng lên trời quang 
Táo bạo sơn ca hót lảnh lót trong mây xanh 
Hòa lẫn trong tiếng súng phía dưới vang đùng ...đoành 

Chúng tôi đây tử sĩ ngã xuống mấy ngày qua 
Cả bọn đã từng sống trong bình minh chiều tà 
Từng yêu được yêu nữa tạm nghỉ từ bây giờ 
Trên Chiến Trường Flanders 

Hãy cầm đuốc thiêng này chúng tôi trao tận tay, 
Giữ vững niềm tin tưởng giao tranh cự địch ngay 
Nếu phụ lòng đồng đội đã da ngựa bọc thây 
Huynh đệ khó an giấc khi anh túc nở đầy 
Trên Chiến Trường Flanders

Lạc Thủy Đỗ Qúy Bái

Hoài Thương Hỷ Hội Lương Xuyên Cố Nhân - Vi Ứng Vật (736 - 830)


Hoài Thương Hỷ Hội Lương Xuyên Cố Nhân

Giang Hán tằng vi khách
Tương phùng mỗi túy hoàn
Phù vân nhất biệt hậu
Lưu thủy thập niên gian 
Hoan tiếu tình như cựu
Tiêu sơ phát dĩ ban
Hà nhân bất quy khứ
Hoài thượng đối thu san

Vi Ứng Vật (736 - 830)
***
Mừng Gặp Cố Nhân Ở Lương Xuyên Trên Sông Hoài  
PKT - Mây Tần

Đã từng cùng nhau làm khách ở Giang Hán 
Nhớ mỗi lần gặp là mỗi lần say
Lần cuối chia tay như mây trời tan tác mỗi người mỗi ngả 
Cũng đã mười năm nước chảy qua cầu
Gặp lại tình xưa vẫn vậy cười vui bao xiết kể 
Chỉ là ai nấy đầu tóc đã lốm đốm bạc rồi 
Sao ta chẳng rủ nhau trở về 
Tội chi vẫn còn phải chịu cảnh lênh đênh sông nước ngắm núi thu vàng mà nhớ nhà

***
Cố Nhân Đất Khách
PKT - Mây Tần 

Cố nhân nơi đất khách
Mỗi gặp mỗi say thôi
Mây nổi từ lần cuối
Mười năm nước chảy rồi
Cười vui tình cố cựu
Đầu bạc cả nào hay
Há chẳng biết về nhỉ
Thu vàng đâu đợi ai

PHỤ CHÚ "NINH KIỀU HỶ HỘI": Từ Hoài Thượng Hỷ Hội, kỷ niệm buổi tối 10/04/2010 họp mặt với Lê Văn Quới ̣ Lê Phước Nghiệp, Lê Nguyễn Thiện Ngôn, Võ Hiếu Nghĩa, Vương Thủy Tùng, và Trần Vĩnh Phú lần đâu tiên, sau hơn 35 năm về Cần Thơ thăm lại trường xưa bạn cũ ̣ Mấy vần thơ ghi vội sau nửa ly bia:
(1)
Ninh Kiều găp bạn cũ
Thế là phải say thôi 
Mây nổi từ cách biệt
Bể dâu những đổi đời
Ngậm ngùi tình cố cựu
Tóc đều bạc hết rồi
Còn được bao năm nữa
Sao chưa về rong chơi
(Phạm Khắc Trí)
(2) 
35 năm,một giấc mộng dài
Rất tỉnh mà nghe lòng lại say
Những tưởng tri âm thành cố hữu
Nào ngờ đất cũ lại trùng hoan 
Con đường trước mặt còn xa lắm
Tay lại trong tay thẳng dặm dài
(Lê Văn Quới) 
(3) 
Mấy chục năm rồi một giấc mơ
Đâu ngờ gặp lại giữa Cần Thơ 
Đất trời chuyển nhịp đời thơm ngát 
Cuồn cuộn trường giang sóng động bờ
Vẫn muốn trăm năm còn gặp gỡ
Tình xưa nghĩa cũ ngọt vần thơ
 Chia tay đâu hẳn là chia biệt
Vì đến ngàn năm vẫn đợi chờ 
 (Lê Phước Ngiệp)
(4) 
Nhìn tới nhìn lui Thầy với Thầy
Bao năm xa cách bỗng xum vầy
Tóc pha sương trắng như hoa tuyết
Mắt ướt trao nhau một kiếp này
Tay bắt mặt mừng duyên hội ngộ
Cùng nhau bia nhẹ cũng nghe say
Thầy Trò vui lắm cùng hơi thở
Ước nguyện năm sau vẫn gặp Thầy
(Vương Thủy Tùng)
(5) 
Chúng tôi đã ghé lại ngôi trường cũ
Phan Thanh Giản mây chiều bay ủ rũ
Đã gặp lại Phước Nghiệp và Thiện Ngôn
Ba lăm năm đã qua vẫn chưa đủ
Rời Cần Thơ nhưng lòng sao lưu luyến
Tôi muốn hôn từng người ,người Cần Thơ
Đã cùng tôi trên bến nước mộng mơ
Bến Ninh Kiều và trường Phan Thanh Giản

(Võ Hiếu Nghiã, viết ngày hôm sau trên đường em Trần Vĩnh Phú lái xe đưa tôi và Nghĩa trở về Sài Gòn ̣ Nghĩa ơi, không còn lần sau nữa cùng anh, nhưng chúng tôi mừng anh nay đang được rong chơi ở Thiên Đàng rồi.

Phạm Khắc Trí

Tình Bạn Chúng Ta



Khi nào buồn bạn hãy đến với tôi
Vì chúng ta từ lâu là bạn hữu
Cũng như bạn, tôi gởi niềm tâm sự
Với bạn hiền vì cần sự sẻ chia.

Nỗi buồn nào lạnh lẽo như đêm khuya
Được bên bạn như gần tia nắng ấm
Tôi dám chắc mọi ưu tư sẽ giảm
Bởi bọn mình nhiều năm tháng thâm giao...

Tôi với bạn từ trước cũng như sau
Vẫn bền bĩ dù không gian chia cách
Tình bạn chúng ta luôn luôn trong sáng
Không bao giờ nứt rạn nghĩa tình nhau,

Năm mươi năm - nay bạc trắng mái đầu
Tôi và bạn vẫn ngọt ngào tha thiết
Hãy tri ân! hóa công sao diễm tuyệt
Ta có nhau lưu luyến trọn cuộc đời !..

Dương hồng Thủy


Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Thơ Tranh: Từ Tâm Quí Nhất Ở Đời


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thăm Bạn Già Hoang



Xướng:
Thăm Bạn Già Hoang

(Thơ vui thăm bạn Phố Biển)

Thơ viết mấy vần - thăm bạn thôi!
Nghe đâu bão táp mấy hôm rồi
Cây xanh nghiêng ngả hư gần hết
Nhà cửa tróc trần ướt mọi nơi
Tội nghiệp chuồng chim đưa lắt lẻo
Não nùng giàn mướp rớt tơi bời
Nay mai tranh thủ về thăm nhé
Đừng có quan tâm - chuyện đón mời

Trương Văn Lũy 
07/11/17
***
Các Bài Họa:
Tình Thơ

Chuyến tàu cập bến bạn về thôi !
Bão tố kinh qua cũng đủ rồi
Suối nhạc tưng bừng vui đất mẹ
Vườn thơ rộn rã thắm ngàn nơi
Khung trời kỉ niệm hồn lưu luyến
Biển mộng quê hương cảnh gọi mời
Tiếng đập con tim thầm mách bảo
Chân tình quý hữu nở bời bời…

Đức Hạnh 
08 11 2018
***
Trả Lời Thư Bạn

Chữ ít tình nhiều,thư rứa thôi
Bão giông dằn dữ cũng qua rồi
Xin thưa kèo cột trơ nhiều gió
Bẩm báo phên nhà trụi lắm nơi
Vẫn đó lồng chim niềm thắc thỏm
Còn đây chậu cá nỗi bời bời
Thăm nhau nhắn bạn về tranh thủ
Hán hóa vong thân,tịt tiếng mời !

Lý Đức Quỳnh
***
Người Hoang

Đồi thưa, tuất lão chó hoang thôi
Dông bão không thăm quý lắm rồi.
Rộn tiếng chim rừng vang chốn chốn
Thơm làn hương dại tỏa nơi nơi.
Nhận thơ hồn vía tràn hưng phấn
Nhớ bạn tâm tư thật rối bời
Chẳng phải hoàng gia mà cọng cỏ
Đôi câu gửi gió nỏ mong mời .

Trần Như Tùng
***
Thơ Thăm Bạn

Vài hàng gởi bạn hỏi thăm thôi
Xa cách lâu năm lớn tuổi rồi
Nghe nói Miền Trung luôn gặp bão
Hay tin Đà Nẵng vẫn bình nơi
Ruộng vườn ngập lụt loi ngoi ướt
Nhà cửa hư hao cũng rối bời
Cố gắng về thăm, tiền chuẩn bị
Anh em cạn chén chẳng lo mời!

Mai Xuân Thanh
Ngày 16/11/2018

Ước Vọng



Ước Vọng!

“Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống.
Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”

"Song thất lục bát"

ĐỪNG than vãn tình đờì cằn cỗi
THỞ bình tâm tỏ lối nhân sinh
DÀI tình nhân ái công minh
HÃY khơi biển cả hoa tình thắm tươi

VƯƠN khát vọng bình minh bát ngát

VAI thong dong gánh vác sơn hà
MÀ nghe đất Mẹ vui ca
SỐNG trao mộng thắm trổ hoa đất trời

BÙN nhớp nhúa nhưng đời rạng rỡ
DƯỚI trăng sao thắm nở ân tình
CHÂN thành cuộc sống lung linh
NHƯNG thêm ước vọng bình minh sáng ngời

NẮNG đẹp quá! Quê mình chim hót

Ở trên cành nhảy nhót múa ca
TRÊN bầu trời mãi bay xa
ĐẦU sông cuối bãi mặn mà thương yêu..!

Đức Hạnh 
25 10 2018
***
Hương Yêu!

ĐỪNG buông thả dẫu đời bão tố
THỞ than chi thượng lộ bình sinh
DÀI công lí tỏ anh minh
HÃY vun cội phúc ân tình thêm tươi

VƯƠN cánh mộng hoa hồng thắm nở

VAI chung vai rạng rỡ giang hà
MÀ khơi suối nhạc hoan ca
SỐNG vui lẽ sống nở hoa khắp trời

BÙN lấm láp hoa sen vẫn sạch
DƯỚI chân trời minh bạch nghĩa tình
CHÂN tình tỏa sáng lung linh
NHƯNG dù bão táp bình minh sẽ ngời

NẮNG ấm áp ngàn hoa nẩy nở

Ở trong lòng rạng rỡ tình ca
TRÊN dòng đất Mẹ nào xa
ĐẦU nguồn cuối biển đậm đà hương yêu.

Hồng Xuyến 
25 10 2018
***
Vui Sống

ĐỪNG buông trôi nhìn đời già cỗi
THỞ than chi bức bối tử sinh
DÀI cơn ái dục vô minh
HÃY đơn giản sống chân tình tắn tươi

VƯƠN cánh mộng cao vời ngút ngát
VAI sơn lâm khao khát hải hà
MÀ vui cây cỏ hoan ca
SỐNG trong bình đẳng muôn hoa giữa trời

BÙN chuyển hóa sen ngời rực rỡ
DƯỚI ao tù năng trợ hữu tình
CHÂN tâm hiện hữu uyên linh ô
NHƯNG ai đã thấu anh minh rạng ngời

NẮNG xuân đến cho đời vui hót
Ở cùng xuân thánh thót hòa ca
TRÊN đường xuân thắm gần xa
ĐẦU mùa xuân mọng ai mà chẳng yêu ?

Lý Đức Quỳnh
26 10 2018
***
***
Hoan Ca

ĐỪNG khóc nữa, mùa thu sắp cỗi
THỞ than như gió thổi phù sinh
DÀI thêm ánh sáng bình minh
HÃY vui đón nhận cuộc tình tốt tươi

VƯƠN cánh hạc lên khơi xanh ngát
VAI lênh đênh tiếng hát quan hà
MÀ nghe thế hệ hoan ca
SỐNG sao cho đẹp quê xa dưới trời

BÙN tanh tưởi sen tươi sáng rỡ
DƯỚI mặt hồ cành đỡ vô tình
CHÂN như vũ trụ thiêng linh
NHƯNG xưa sau vẫn trung trinh ngời ngời

NẮNG thanh bình đua vui chim hót
Ở dạo đầu tới chót bài ca
TRÊN sông, dưới núi đồi xa
ĐẦU thành cuối tỉnh nước nhà dấu yêu ...

Cao My Nhân 
Hawthorne 27 10 2018
***
***
Ước Vọng

ĐỪNG vội oán duyên tình nông nỗi
THỞ than chi thay đỗi vô tình
DÀI dòng khởi lẽ tường minh
HÃY khơi cảnh sống riêng mình thắm tươi

VƯƠN khúc hát hòa tình bát ngát
VAI chung vai gánh vác sơn hà
MÀ lòng trỗi khúc hoan ca
SỐNG dâng trọn lẽ hòa vang ngợi trời

BÙN dẫu bám nhưng đời rạng rỡ
DƯỚI ngàn sao dạ nở ân tình
CHÂN thành hiến thế niềm xinh
NHƯNG dày ước vọng bình minh rạng ngời

NẮNG ngày mới rủ chim say hót
Ở cành cao thánh thót giọng ca
TRÊN trời mây trải lối xa
ĐẦU gành cuối bãi đậm đà lời yêu …!

Duc Au 
29 10 2018
***
Khát Vọng

ĐỪNG tham vọng mà nên khát vọng!
THỞ than chi ! kiếp sống phù sinh
DÀI đêm chờ ánh bình minh
HÃY tin có lúc sự tình sẽ tươi

VƯƠN tay với cho đời xanh ngát

VAI nặng oằn bởi vác giang hà
MÀ trông quê Mẹ hoan ca
SỐNG vui thấy đất nở hoa khắp trời

BÙN nhơ nhớp giúp đời rực rở
DƯỚI làn sen lại nở thâm tình
CHÂN trời đã hé bình minh
NHƯNG ta vẫn giữ uy linh chói ngời

NẮNG lại lóe,chim mừng vang hót
Ở cành cây cao vót trổ hoa
TRỜI trong xanh biếc bao la
ĐẦU ghềnh cuối bãi chan hòa yêu thương

Song Quang 
26 10 2018
.***
Niềm Tin

ĐỪNG đau khổ với tình đang chết
THỞ mạnh buông lơi hết não phiền
DÀI cơn gió thổi bên hiên
HÃY chôn một khối tình riêng chất chồng

VƯƠN lên sức sống lòng trong sáng
VAI gánh niềm tin thắng lẽ thường
MÀ mong như đóa hướng dương
SỐNG đầy nghị lực vai vươn nhìn đời

BÙN tanh vẫn đẹp ngời Sen nở
DƯỚI giọt sương đài mở ngát hương
CHÂN Như một cõi thiện lương
NHƯNG đầy ý nghĩa trên đường nở hoa

NẮNG luôn rực rỡ hoà sông nước
Ở góc sân nhà mướt cánh Lan
TRÊN trời mây tỏa mênh mang
ĐẦU cành chim hót réo vang vui vầy

Minh Thuý 
26 10 2018
***
Khát Vọng Và Hoài Bão

ĐỪNG sợ tấm thân gầy lận đận
THỞ than hoài số phận lai sinh
DÀI đường dưới ánh bình minh
HÃY chăm hoa héo chung tình đẹp tươi

VƯƠN tới đỉnh vinh quang tổ quốc
VAI kề nhau cắm mốc quan hà
MÀ lo đám trẻ thương ca
SỐNG trong mộng ảo hái hoa cuối trời

BÙN đất nở hoa sen tỏa sáng
DƯỚI ao sâu thơm ngát hương tình
CHÂN lý thờ phượng tâm linh
NHƯNG khi thấu đáo đinh ninh rạng ngời

NẮNG ấm lên ngàn hoa rực rỡ
Ở vườn hồng búp nở vui ca
TRÊN cao nhạn liệng trời xa
ĐẦU ghềnh thác nước ngọc ngà thân yêu

Mai Xuân Thanh 
28 10 2018
***
Lắng Dịu Vui Sống

ĐỪNG để tâm bận, nhàn cơ trí
THỞ than phiền lắm, ý mơ màn
DÀI thương nhân thế thêm sang
HÃY khơi lòng thiện dặm ngàn yên vui

VƯƠN theo giác huệ nguôi buồn bã
VAI thảnh thơi tâm khá điểm tô
MÀ thương đất mẹ ta mơ
Sống đem thiện cảm gieo nhờ mai sau

BÙN, đất nước ngào nhau trông bẩn
DƯỚI thái dương lẩn quẩn xuây chiều
CHÂN đi xuôi ngược qua kiều
NHƯNG thêm mộng tưởng đem nhiều mến thương

NẮNG sưởi ấm niềm vương tha thiết
Ở cao vời thấu việc trần gian
TRÊN bầu mây trắng bay sang
ĐẦU ta đầy nghĩa vô vàng trí nhân

Đặng Xuân Linh 
03 11 2018

Ngồi Nghe Biển Hát



Hôm nay tiểu bang Victoria rộn ràng, náo nức đón chào lễ hội Melbourne Cup. Sự sôi động của ngày này đã thu hút cư dân nơi đây và khách từ phương xa đổ về. Mọi người cùng chung vui, bỏ tiền cá cược về tài năng của những con ngựa đua lẫn người nài. 
Đây là cơ hội lý tưởng cho các màn trình diễn thời trang. Quý bà, quý cô có dịp lượt là áo quần, xênh xang mũ nón. Sự tươi mát của quý bà, quý cô, vẻ lịch lãm của các ông, xuân Melbourne đẹp thêm bội phần.

Vậy mà, vào ngày này, cách đây mấy năm, sau những trận mưa dầm và gió lạnh. Tôi, cô em gái và cậu trai đầu lòng, cả ba tạm rời thành phố đang nhộn nhịp, tìm về vùng đất trời bát ngát, bao la với biển xanh, cát trắng, Mornington Peninsula. 
Thật ra gia đình các chị em tôi đã từng đến đây, nhưng lần đi chơi này khác biệt hơn. Đi với tâm trạng thư thái, không lo toan, không cần chuẩn bị nhiều đồ ăn thức uống như những lần trước, khi đi chơi cùng các con cháu, lúc chúng còn bé. Với hành lý nho nhỏ, thêm chiếc xách tay đựng vài quả quít ngọt, dăm trái bom chua và đặt biệt không quên hộp muối ớt “bắt thèm”. Lộ trình di chuyển mất hơn một giờ lái xe. Đúng như dự định, trên đường đi, chúng tôi ghé dùng bữa trưa tại nhà hàng Max’s. 
- Con đưa mẹ và dì Oanh ăn thử chỗ này. 
Thì ra ý của con tôi là vậy...cho ăn "thử".


Ngồi trước bàn ăn, nhìn qua lớp kính bao quanh, cảnh vật nơi này đầy thơ mộng và gợi nhớ. Bầu trời xanh xanh lơ, mây bàng bạc trôi. Tia nắng ấm giữa ngày, chan hòa, phản chiếu lung linh trên mặt biển mênh mông. Những thân cây cao cao, nghiêng mình, rì rào theo gió. Từng dãy nho thẳng tắp, cội đã già kia vẫn đủ sức đâm chồi, trổ những phiến lá mượt mà, xanh phơn phớt, trông như người đang độ thanh xuân. 
Thực khách ngồi quanh, ăn mặc bình dị lắm…"đi biển mà", dù giản dị vẫn toát ra vẻ là người lắm bạc hoặc du khách từ nước ngoài đến. Nhân viên mời rượu, phục sức như một chàng nhạc sĩ đồng quê. Anh bặt thiệp, niềm nở lắm, vừa bắt chuyện vừa hướng dẫn chúng tôi những nơi chốn nên ghé qua, nếu có thể. Thức ăn tươi, vừa chín tới, hương vị nêm nếm lạ miệng. Các món ăn nhìn bắt mắt, nhưng ăn vào hơi "rộp lưỡi" vì giá cả dễ "cháy túi" như chơi. Sau bữa ăn lưng lửng bụng, chúng tôi tiếp tục lên đường. Đến mỗi nơi, tôi đều “săn” ảnh, dù không tay nghề, nhưng thỏa thích chụp, với hy vọng hoài niệm về một thời khi tìm về. 
Xe chạy dọc theo bờ biển từ Rosebud, Rye, Sorrento, Cape Schanck…có rất nhiều cây mọc hai bên đường, cây như bị chẻ đôi từ góc, có dạng chữ “V” hoặc những thân cây uốn nghiêng, ngả rạp xuống thấp, gần như song song với mặt đất. Các dạng cây trông như dị tật kia, khá đặc biệt, đẹp, nhưng tôi có cảm giác tôi nghiệp cho chúng, không biết đường dẫn nhựa nguyên, nhựa luyện trong thân cây, di chuyển khó khăn đến chừng nào để cây có thể chống chỏi với gió táp mưa sa mà tồn tại. 
Tôi thật lẩn thẩn!


Chúng tôi tiếp tục đi đến nơi muốn đến. Tới chiếc cầu cao tại Cape Schanck, trông ra biển cả, tôi thầm thán phục bàn tay của tạo hóa. Nước biển có nơi như bao gồm cả ba màu chen lẫn, xanh lơ, màu xanh thẩm và màu xanh của lá. Nhưng mỗi khi đợt sóng ồ ạt ùa tới, biến thành những cuộn nước trắng xóa chạy dài, đập ầm ầm vào hốc đá. 
Chân lần bước xuống cầu, qua những bậc cao, thấp, nhìn xa xăm, lòng bâng khuâng, buồn diệu vợi. Trời lồng lộng cao, tôi nhớ đến công cha. Thấy bao la của biển, chạnh nghĩ về lòng mẹ. 
Biển hiền hòa chừng ấy, nhưng có lúc nổi cơn thịnh nộ, hợp sức cùng cuồng phong nuốt chửng bao phận người trên đường vượt biển. Và dĩ nhiên, biển đủ nồng nàn, ấm áp, ôm ấp biết bao hình hài lưu vong bất hạnh trên đường tìm tự do và không may khi tay buông xuôi, bờ mi khép lại vĩnh viễn. Chừng ấy, không có sự lựa chọn nào, ngậm ngùi nhìn họ được thủy táng. Biển cũng rộng lòng đón nhận từng nắm, từng nắm tàn tro hỏa táng, theo như ước nguyện cuối đời của người quá cố.

Biển mênh mông vẹn thề lời nguyện ước 
Hạt hóa thân ngược nước bám mạn thuyền 
Sóng bạc đầu vỗ nhịp giấc cô miên 
Cõi yên bình men đường tìm một chuyến 



Rời chiếc cầu, đi lần xuống bãi biển, nơi có cát trắng phau phau, tôi lại liên tưởng đến món quà của con trai thứ tặng mẹ. Một cây nến cắm vào lọ thủy tinh, nén chặt bằng cát trắng. Cát được lấy từ chuyến đi chơi biển của cháu.
Ở một nơi khác, bãi biển toàn là sỏi đá bén cạnh, khiến chân cô em gái tôi bị cắt đứt một vết sâu đến đổ máu. Một nơi khác nữa, bờ biển chỉ toàn là đá cuội, to có, khoảng nắm tay có, nhẳn thích, trông đẹp mắt. Cái đẹp của viên đá được bào mòn kia, tiềm ẩn sức chịu đựng bền bĩ trước sóng gió lẫn khi thủy triều lên xuống. Tôi cũng vậy! Một viên sỏi đớn đau, qua từng đợt sóng đời vùi dập, đã được mài tỉa bớt góc cạnh, và có được như ngày hôm nay, bình tâm ngắm biển. 

Cám ơn đời 
Cho tôi được khổ đau 
Luôn cả lệ trào hôm nay 



Sau đó, chúng tôi trở lên phố, rảo rảo khắp cùng các cửa hàng, "trà dư tửu hậu" bên tách cà phê nóng và đợi chờ trở lại ngắm hoàng hôn dần khuất. 
Quay lại biển, ngồi trên bờ cát trắng mịn, trầm tư mặc tưởng, nghe từ trong sâu thẳm, lời ca thì thầm của biển và như tiếng ai đang réo gọi. Có phải tiếng gọi của người thương!? Người thương tôi đâu!? Tro cốt đã hòa vào biển cả mênh mông, vào cõi hư vô. Có còn chăng là giọt máu của anh, đang đứng bên cạnh. Con trai tôi đó. 
Lòng không một chút muộn phiền, rộng mở khi nhìn ra biển cả mênh mông. Thì ra tâm tưởng, lòng người chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tầm nhìn của mắt. Ánh mặt trời rực màu, dần dần thấp, rồi nhanh chóng như lặn vào lòng biển, để lại một đường chân trời mờ mờ xám đục. Ngay lúc ấy, tôi mơ hồ nhớ… 
Mình về mẹ! 
Tiếng gọi của con trai tôi, đánh thức và đưa tôi về thực tại. 

Kim Phượng
Ảnh: Kim Phượng