Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Thơ Tranh: Có Những Ân Tình

 

Thơ: Minh Thúy
Thơ Tranh: Kim Oanh


Khai Bút Đầu Năm


Ngày ba mươi Tết trời mưa
Trước sân họa trắng lưa thưa bay vờn
Nấu mâm chay tịnh cúng cơm
Bún riêu , các món mùi thơm bay đầy
Phong tục tập quán là đây
Đón vong cha mẹ vui vầy đầu năm
Hôm nay gió lạnh rét căm
Bồi hồi ký ức lùi thăm thuở nào
Lòng dưng cảm xúc dạt dào
Nhớ ngày cận Tết mức ngào bếp than
Bánh in gói giấy xanh vàng
Bánh chưng, chả thủ buột ràng mạnh tay
Bàn thờ sáng loáng đẹp thay
Trong nhà ngoài ngõ dọn ngay ngắn đàng
Nước lu phải đổ thật tràn
Xong việc rảnh rỗi mơ màng đón Xuân
Tìm đâu cái thuở đẹp ngần
Hồn nhiên bên mẹ , người thân quây quần
Xôi chè chuẩn bị ngoài sân
Đâu đây tiếng pháo bâng khuâng đón chào
Giao thừa dạ chợt nao nao
Nguyện cầu Tân Sửu bước vào hanh thông
Mọi nhà Lộc Phước thong dong
Mọi nhà sức khỏe được mong an lành

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 2/12/2021

Phước Tài Lộc Thọ


Xuân sang Tết đến quê mình
Cầu xin kính chúc gia đình an khang
Mỗi nhà hưởng phúc giàu sang
Bình an sức khỏe cất vang tiếng cười
Bạc tiền thu nhập bằng mười
Phước Tài Lộc Thọ mọi người có ngay

Huỳnh Phương Trạch


Richmond Bão Tuyết



Mịt mù ! Trắng xóa! …
Tuyết ! tuyết !!!
Mấy bữa rầy, thời tiết rét căm căm!
Tân Sửu khai Xuân, đổ cơn tuyết đầu năm
Trời đất chuyển mùa, nổi cơn bão dữ!

Tối thị “Bích Môn Thành” hảo xứ
最 是 碧 門 城 好 處
Tuyệt thăng phong tuyết mãn thành đô (*)
絕 勝 風 雪 滿 城 都

Họa thiên tai, mà cảnh đẹp như tô
Cả trời đất, phủ áo nàng Bạch Tuyết
Bao ô uế cõi trần, bỗng nhiên biến hết
Hạ giới trắng tinh, như một cõi Bồng lai

Bông tuyết đầy trời, tản mạn phất phơ bay
Như sao sa, như Thiên Đàng hạ giới
Ôi, tuyệt diễm! bút thơ nào tả nổi
Cảnh thiên nhiên, tay Tạo Hóa vẽ vời!

Tuyết rơi hoài … Tuyết vẫn rơi … rơi …
Cả thành phố Richmond, tràn ngập tuyết!
Tuyết đẹp quá! … Đẹp não nùng da diết !!!
Tuyết còn rơi… Tuyết vẫn đang rơi …

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

(*) Bích Môn Thành 碧 門城 : phiên âm: Richmond City (Thủ phủ Tiểu Bang Virginia)
Tối thị “Bích Môn Thành” hảo xứ . Tuyệt thăng phong tuyết mãn thành đô
Richmond trở nên miền đẹp tuyệt vời ; Khi tuyết phủ kín Thành phố

Một Thoáng Bâng khuâng


Em ở phương nào em có hay 
 Anh thương anh nhớ em đêm ngày 
 Thơ nghiêng cánh bướm bừng hoa thắm 
 Vương vấn màu trời đục sắc mây 

 Đã mấy thu rồi em ở đâu 
 Anh đời lãng tử dạ u sầu 
 Dặm trường lữ thứ luôn xuôi ngược 
 Mây sớm đèn khuya lạnh dãi dầu 

 Anh đi bước tợ cánh chim buồn 
 Mang kiếp phiêu bồng giọt lệ tuôn 
 Ngước mặt nhìn iên mây xuống thấp 
 Quẩn quanh cứ mãi nghĩ về nguồn 

 Thân anh bèo giạt lúc bình trôi 
 Tìm mãi không ra tiếng gọi mời 
 Nhè nhẹ vương theo màu nắng sớm 
 Dư hương quyện cuốn bóng hồng trôi.

Toronto 5/2/2021 
 Nguyên Trần

Portland Đón Xuân Tân Sửu 2021 Trong Tuyết Lạnh Và Tu Đức


Đây là bài số năm trăm năm mươi (550) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon

 

Tiểu bang Oregon có những ngày bão tuyết dữ dội trong những ngày Tết Tân Sửu 2021 năm nay. Người viết vừa cúng Giao Thừa xong, nhìn ra ngoài sân đã thấy tuyết đang rơi rơi. Trong thoáng chốc chiếc bàn ăn đặt ở ngoài trời đã đóng đầy  tuyết trắng.  Tuyết lại đổ nhiều hơn trong những ngày kế tiếp và đường xá bắt đầu đóng băng rất nguy hiểm khi lái xe. Chính quyền địa phương khuyến  cáo không nên lái xe ngoài đường  để giữ sự an toàn cho cá nhân mình và cho cả các người khác nữa.  Thế là gia đình người viết đành phải ở nhà đón Tết, không đi lễ chùa hằng năm như thông lệ cũ.

Hôm nay khu vực người viết ở, tuyết vẫn chưa tan vá ngoài trời vẫn còn lạnh cóng. 


Người viết đã phải:

 

“Tôi đón Xuân nơi quê người tuyết đổ

 Không mai vàng, pháo đỏ, với dưa xanh

Chỉ đón Xuân với một tấm lòng thành

Nhớ cha mẹ, bạn xưa, quê làng cũ

 

Nhớ Xuân trước gia đình sum họp đủ

Đón Giao thừa, rộn rã pháo nổ vang

Trong nắng Xuân, áo đẹp trẩy mọi đàng

Mừng Xuân mới, trao nhau lời chúc đẹp”

 

 (Trích bài thơ Xuân Nơi Đất Khách *SL)

 

Chúng ta may mắn được ở trong nhà ấm áp như thế này mà còn thấy lạnh cóng, cho nên càng thấy thương và tội nghiệp cho những người vô gia cư đang sống co ro trong ngôi lều nhỏ đơn sơ ở các công  viên hay dưới gầm cầu.

Ôi! Mỗi người một duyên nghiệp đáng thương và từ đó chúng ta không nên than trách cuộc đời khi gặp chuyện không vừa ý và hãy nhìn xuống để biết còn có rất nhiều người đang đói khổ trong cuộc sống trên thế gian này.



Hy vọng Bạn sẽ đồng cảm với người viết quá những lời tâm tình dưới đây:

 

Nhìn Xuống Và Ngẩng Cao Lên Với Đời

 

Hãy nhìn xuống để thấy mình sung sướng 

Khi bao người cửa nát với nhà tan

Bởi thiên tai địa hoạ sống cơ hàn

Không lương thực, kẻ thơ kia đói lạnh

 

Hãy nhìn xuống đừng để tâm so sánh

Người sang giàu, ta chỉ đủ miếng ăn

Hãy an vui và hãy tự nhủ rằng:

“Chưa chắc hẵn giàu sang là hạnh phúc”

 

Hãy nhìn xuống để thấy mình có phúc

Người ốm đau, ta khỏe mạnh thân tâm                                          

Hạt Từ Bi ráng ướm nụ gieo mầm

Thân khỏe mạnh thì tinh thần an tĩnh!                                       

 

Hãy nhìn xuống, đừng mưu sâu toan tính

Đừng lọc lừa hại bạn, hại thân nhân

Đời chẳng cần điên đảo với thù sân

Đời cần nhất tình thương yêu quý mến

 

Ngẩng đầu cao khi tha nhân cần đến

Gieo tin yêu thương mến đến người thân

Hoa từ tâm, Bạn khai mở dần dần

Bạn sẽ thấy đời này còn đẹp lắm

 

Xin hãy nở một nụ cười tươi thắm

Trao tặng người không phân biệt lạ quen

Như trăng kia vẫn sáng đẹp hơn đèn

Tỏa ánh sáng đến khắp cùng trần thế

 

Đừng ngần ngại và cũng đừng chậm trễ

Hãy thương người thì sẽ được người thương

Cuộc đời này tất cả chỉ vô thường

Lòng Nhân Ái Thương Yêu là vĩnh cửu

 

Sương Lam


Mời xem ảnh thơ  do anh Trinh Huỳnh thực hiện và nghe nhạc bài thơ này qua youtube trong SuonglamPortland Youtube Channel  dưới đây

Nhìn Xuống và Ngẩng Cao Lên Với Đời

Là Phật tử chúng ta cần tu tập hạnh lành và đem niềm vui đến cho nhiều người


Suong Lam Portland


Để bắt đầu cho một Năm Mới tốt đẹp, an lành, người viết xin mời quý Bạn cùng lắng nghe lời dạy của Thầy Thích Tánh Tuệ để cho cái Tâm của mình được an lạc vì đã làm được những điều thiện lành từ cái tân hoan hỷ của chúng ta.

 Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ và cầu nguyện cho tất cả "ngày an lành, đêm an lành, tất cả các thời đều an lành" 

 

 Nìềm Vui Xuất Phát T Tâm "Tùy H"

 

Tùy là theo, hỷ là vui mừng. Tùy hỷ là vui mừng theo.

 

Khi thấy bạn hay người thân làm điều lành hay việc tốt chúng ta phát tâm vui theo, đó là tùy hỷ. Người làm lành vui bao nhiêu chúng ta vui bấy nhiêu. Người phát được niềm vui đó công đức bằng công đức người làm việc lành. Thí dụ người A đem mười đồng đến chùa cúng, chúng ta nghèo không có tiền cúng, thấy người A cúng chùa thì vui sướng, chúng ta vui theo thì công đức của người A cúng mười đồng với công đức tùy hỷ của chúng ta bằng nhau. Mới nghe qua thấy như bất công vô lý, chúng ta không cúng một xu nào tại sao công đức bằng người A cúng mười đồng được? Nhưng Phật nói công đức hai người bằng nhau.

 

Có người hỏi:

 

- Bạch đức Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí bằng nhau?

 

Phật trả lời bằng một thí dụ:

 

Cây đuốc thứ nhất đang cháy, có một người cầm cây đuốc thứ hai đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc thứ nhất cháy, cây đuốc thứ hai cũng cháy, ánh sáng hai cây đuốc đó không hơn kém nhau. Cây đuốc bị mồi, ánh sáng cũng không giảm bớt. Cũng vậy, người làm việc lành, chính họ đã có công đức và người phát tâm tùy hỷ công đức cũng ngang bằng với người làm lành đó.

 

Tại sao tùy hỷ có công đức lớn như vậy? Người có công có của đem ra giúp người là họ xả được tâm tham lam ích kỷ. Còn người phát tâm tùy hỷ thì xả được tâm tật đố, vì thông thường người thế gian thấy ai hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Thí dụ hai huynh đệ đi chùa, người A có mười đồng cúng chùa, mình không có thì buồn rồi nói móc nói ngoéo, chớ không có tâm tùy hỷ vui theo.

 

Thấy người làm được mình làm không được sanh đố kỵ là tật xấu. Bây giờ chúng ta phát tâm tùy hỷ là dẹp được tật đố xấu xa nơi mình rồi. Người bố thí xả được tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ xả được tâm tật đố thì công đức hai người bằng nhau.

 

- Trích “Những cái vui trong đạo Phật”, Hoà thượng Trúc Lâm


Mười Đức Lành Của Người Phật Tử


Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam bảo như sau:

1- Khéo giữ gìn thân khẩu

(Kāyikavācasikañca surakkhitaṃ hoti),

là người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp.

 

2- Vui thích trong sự hòa hợp

(Samaggārāmo' va hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ, không phe phái.

 

3- Lấy pháp làm trọng

(Dhammo adhipateyyo hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn bản, làm kim chỉ nam.

 

4- Vui chia sẻ tùy khả năng

(Yathāthāmena saṃvibhāgarato' va hoti), nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức tài sản mình có.

 

5- Cố gắng học hiểu giáo lý của Phật

(Jinasāsanaṃ jānituñca vāyamati), nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo Sư đã dạy.

 

6- Có chánh kiến

(Sammādiṭṭhiko'va hoti), nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.

 

7- Từ bỏ sự bói toán đoán điềm

(Apagato kotuhalamaṅgaliko'va hoti), nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.

 

8- Không xu hướng theo Đạo Sư khác dù có vì nhân mạng sống

(Jīvitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddisati), nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ Đức Phật.

 

9- Đồng vui khổ với chư Tăng

(Saṅghena saddhiṃ samānasukhadukkho hoti), là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì mình cùng lo.

 

10- Thực hành theo giáo lý

(Sāsane carati), nghĩa là người thiện tín luôn luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.

 

Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là cận sự nam và cận sự nữ đệ tử Tam Bảo.

 

Trích Phật giáo Nguyên Thủy - Namo Buddhaya


Kính mời quý bạn thưởng thức youtube về chữ Đức do người viết sưu tầm và thực hiện ,để làm kết luận cho bài viết khai bút đầu năm mới hôm nay.

 Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.



Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

 

Sương Lam


(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 550-ORTB 973-2172021)


Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Tình Xuân - Lê Đức Long - Vũ Khanh


Sáng Tác: Lê Đức Long
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thầm Kín


 
            Ảnh: Kim Phượng

Xướng:

Thầm Kín

Trao tay riêng tặng đóa hồng
Dạt dào thầm kín mặn nồng trao nhau
Âm thầm là cả xôn xao
Những gì thầm kín ngạt ngào hương yêu


Kim Phượng
***
Họa:


Giọt Tình


Valentine nắng tươi hồng
Hương thề hai đứa tình nồng bên nhau
Gió mơn cành lá lao xao
Thì thầm môi thắm ngọt ngào lời yêu

Nguyên Trần
***
Cảm Tác:

Thầm Kín


Bốn câu em gói trọn lòng
Tình kia trao vội những mong thắm đời
Bông hoa đẹp đẽ xuân thời
Hương yêu phủ khắp chẳng lời nào hơn

Nguyễn Cao Khải


Ngắm Sen

(Thiếu Nữ Và Hoa Sen - Họa Sĩ Nguyễn Sơn)

Cảm Đề: 

Ngắm Sen

Trên đời gì đẹp bằng SEN
Tóc mun, cánh trắng lại thêm môi hồng
Cổ dài, mắt biếc, mi cong 
Từ xa chiêm ngưỡng mà lòng muốn xiêu...

Hoàng Xuân Thảo
***

Sen/nàng đều rất mỹ miều
Cánh hồng môi thắm trăng phiêu bồng về
Hương vờn thoang thoáng gây mê
Mộng còn say mộng... vân vê cuộc tình

Kiều Mộng Hà
***

Giáng kiều xinh thật là xinh
Xanh xanh màu lá, trắng tinh hồn người
Sen hồng nhuộm thắm khăn môi
Trời cao gió thoảng hương trời tuyết trinh!

Lộc Bắc
***
Thiếu Nữ Và Hoa Sen

Trời đầy tiên nữ xuống trần,
Thành hoa, lả lướt ,muôn phần xinh tươi,
Nhìn tranh, hồn bỗng chơi vơi,
Cớ sao lại giống như người ngày xưa?

Bát Sách
***
Hoa Cũng Là Em

Ngỡ ngàng người lẫn với hoa  
Màu sen má thắm mặn mà ngát hương
Cánh hoa lóng lánh hạt sương
Mơ màng sóng mắt lòng vương vấn lòng

Kim Oanh
2/2021


Hoa Mai Và Thế Tôn


Mùa xuân về, một rừng hoa mai vàng óng ả tươi thắm trong nắng sớm chan gội, chúng ta chỉ thấy vậy. Nhưng nếu chúng ta nhận ra một hoa mai, chỉ một mà thôi, rực rở, trong nó là cội nguồn bao la vô tận, sức sống tạo thành đang vận hành mãnh liệt trong nó, đầy đủ nhân quả trong quá trình đang chuyển đổi êm đềm tịch lặng không dừng nghĩ bao giờ, luôn là mới tinh khôi, nhân trong quả, quả trong nhân, như mịch mù nhưng minh bạch. 

Đến đây chợt nhớ trong câu chuyện gốc tích phát sinh nhánh Thiền trong dòng Phật giáo. Trong pháp hội đức Thế Tôn đưa lên cành hoa vô ưu do ai đó dâng, cả pháp hội đều không hiểu ý Thế Tôn muốn thuyết giảng điều chi, riêng mình Đức Ca Diếp mỉm cười. 
Cành hoa vô ưu rời cành đang trên tay Thế Tôn, hoa mai hiện tiền đang nở trên cành trước mắt, dòng sinh tồn hằng chuyển hoá có khác gì nhau đâu, thân nhân sinh vẫn luôn thế mà, vạn vật vũ trụ vân vậy. Khi ta niệm NAM MÔ THANH TỊNH PHÁP THÂN PHẬT, là ta đang niệm vận hành vũ trụ nhân sinh hiện tiền.


Chợt nhớ đến câu chuyện - Một thị giả hỏi sư phụ mình – Con xem kinh thấy nói Thế Tôn có mật ngữ mà Ca Diếp che dấu, vậy xin thầy nói rõ đó là mật ngữ gì vậy. Ông thầy tà tê hồi lâu chờ ông đệ tử tự cật vấn mình chán chê mới trả lời -Nếu con rõ là Ca Diếp không che dấu, còn không rõ là mật ngữ của Thế Tôn.


Trương Văn Phú

Môi Yêu

 

Nhà văn Anh John Stuart Hoffman có câu nói bất hủ: "Khi con tim tràn đầy thì đôi môi phải mở ra".
Câu nói chân thật, tình tự nhất trong yêu thương vẫn là nụ hôn cho bao xúc cảm.
 
Môi em ngần ấy dễ thương
Để anh say đắm vấn vương tâm hồn
Chiều nay lòng bỗng bồn chồn
Bởi vì môi ấy lỡ hôn anh rồi
Thôi rồi nếu đã hôn môi
Xin hôn thắm thiết mãi thôi nhớ hoài
Ngất ngây giây phút kéo dài
Thảo nào ta mãi hôn hoài môi yêu.
 
Việt Hải

Hờn Giận



Hôm qua anh nằm mơ,
Thấy anh, em làm ngơ.
Lặng thinh, anh không nói,
Thấy nỗi buồn bâng quơ.
Biết em buồn anh lắm,
Biết em giận anh nhiều.
Làm sao em hết giận?
Làm sao em hết buồn?
Rồi gặp em lần nữa,
Em nhìn anh hờn giận,
Em không còn làm ngơ.

Hồ Chung Tú
Feb 14, 2021

Kẻ Chăn Trâu Kiệt Xuất Nhất Triều Nguyễn Và Bài Học Cho Hậu Thế


Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Dù chỉ phục vụ chúa Nguyễn có 9 năm, với những đóng góp to lớn, về sau, Đào Duy Từ được vua Gia Long truy phong là bậc khai quốc công thần số 1 của họ Nguyễn.

Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, dưới thời chúa Trịnh, ông thi hương đỗ Á nguyên khi mới chỉ 21 tuổi. Nhưng sau đó bị triều đình ra lệnh lột mũ, xóa tên bảng vàng vì tội “đổi họ đi thi”, buộc ông phải lặn lội vào Nam lập nghiệp. 

Kẻ chăn trâu anh hùng 


Ngày mới vào Nam, vì chưa có chỗ trú chân nên Đào Duy Từ phải vào tận Hoài Nhơn (Bình Định) làm nghề chăn trâu cho phú ông. Chính tại đây, trong một lần giao lưu, ông đã bộc lộ được trí tuệ uyên bác của mình, khiến nhiều học giả phải nể trọng, tạo tiền đề cho con đường tiến thân sau này. 

Sách Việt sử giai thoại kể rằng chép rằng một hôm, khi nhà phú nông đang vui vẻ đàm luận kinh sử, Đào Duy Từ dắt trâu về chuồng. Biết đó là đám quan Nho, ông đặt chân lên bậc thềm và nhìn chằm chằm không chào hỏi gì. 

Khi bị gia chủ mắng là “kẻ chăn trâu không biết gì”, Đào Duy Từ cười vang rồi nói: “Trong làng Nho cũng có quân tử, cũng có tiểu nhân. Trong bọn chăn trâu cũng có kẻ chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu tôi tớ”. 

Khách nghe Đào Duy Từ đáp như thế rất lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi: “Ngươi bảo ai là Nho quân tử, ai là Nho tiểu nhân?”. 

Đào Duy Từ cười đáp: “Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ”. 

Còn như Nho tiểu nhân, tài học nhiều lắm cũng ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời. 

Khách nhà Nho nghe nói thì cả kinh, bèn hỏi tiếp: “Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem?”. 

Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói: “Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, Hứa Do dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong và thịnh loạn, Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái... 
Còn như kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ thì chỉ biết đói thì ăn, no thì bỏ, ngày bỏ mặc trâu để đi ăn trộm quả, đêm ngủ say mà quên cả việc bỏ rơm cho trâu bò ăn thêm. 
Bọn ấy chỉ biết thân mình, dầm mưa dãi gió, ra không biết kính sợ quỷ thần, vào không biết làm gì cho mẹ cha nhờ cậy, lêu lổng chơi bời vô độ, khi vui thì mặc sức reo hò múa hát, khi giận thì chẳng kể ruột thịt thân sơ, làm xấu cả cha anh, gieo oán hờn cho làng xóm. Bọn ấy chẳng cần hỏi tới làm gì”.

Khách nghe Đào Duy Từ ứng đối lưu loát, đã bác cổ lại thông kim, nên ai nấy đều ngồi nhìn và lòng thì lấy làm kinh hãi. Không ai bảo ai, tất cả đứng dậy khoanh tay thưa rằng: “Ông quả là bậc thầy cao minh”. 

Nói rồi, xuống mời Đào Duy Từ lên ngồi chiếu trên. Từ đó, gia chủ may sắm quần áo mới cho Đào Duy Từ, mời ngồi giảng sách, không bắt đi chăn trâu nữa. 

Vang danh muôn đời 

Năm 1627, sau khi đọc bài Ngọa Long cương vãn của Đào Duy Từ, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nhận ra đây là người có chí lớn liền cho gọi ông đến. 

Trong lần gặp gỡ này, Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời, thời thế. Chúa mừng lắm, phong cho ông làm Nha úy Nội tán, trông coi việc quân cơ, tham lý quốc chính. Từ đây, Đào Duy Từ chính thức bước vào con đường quan lộ. 

Khi được chúa Nguyễn tin dùng, Đào Duy Từ đã từng bước củng cố vững chắc cơ đồ họ Nguyễn, trở thành bậc quân sự xuất chúng, được chính chúa Nguyễn Phúc Nguyên ca ngợi không khác gì Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị. 

Vào các năm 1630 và 1631, Đào Duy Từ khởi xướng, tổ chức việc đắp lũy Trường Dục và lũy Thầy ở Quảng Bình. Nhờ có hai trường lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được quân Trịnh trong bảy lần giao tranh. 

Sau khi dò la biết được Đào Duy Từ bày mưu cho chúa Nguyễn, chúa Trịnh tiếc người tài, tìm cách lôi kéo ông theo về với triều đình Lê - Trịnh, nhưng Đào Duy Từ đã từ chối. 

Ngoài việc giúp chúa Nguyễn đánh lui quân Trịnh, Đào Duy Từ còn có công mở đất phương Nam, giúp Đàng Trong phồn thịnh, xây dựng một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho họ Nguyễn. 

Nhờ những kế sách đúng đắn của Đào Duy Từ, chính quyền của chúa Nguyễn bước sang trang mới, từng bước dứt hẳn khỏi sự lệ thuộc vào chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, trở thành thế lực phong kiến hùng mạnh, độc lập ở Đàng Trong. 

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngoài tài năng quân sự, Đào Duy Từ còn có những đóng góp lớn cho hậu thế ở lĩnh vực nghệ thuật. Các tác phẩm như Hổ trướng khu cơ, Nhã nhạc cung đình Huế, vũ khúc tuồng Sơn Hậu là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá của dân tộc ta. Với tài năng uyên bác hơn người, Đào Duy Từ đã trở thành một trong những danh nhân tài năng nhất sử Việt. 

Câu chuyện về cuộc đời, công danh của Đào Duy Từ để lại cho hậu thế những bài học về việc vượt qua khó khăn, nghịch cảnh của số phận để phát huy tiềm năng, sở trường của mỗi người, cũng như bài học về việc sử dụng người tài trong những hoàn cảnh khác nhau. 

Dù có lúc công danh sự nghiệp rơi vào bước đường cùng, bằng ý chí, nghị lực, Đào Duy Từ đã phát huy tài năng của mình để lưu danh sử sách muôn đời.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Ban Biên Tập sưu tầm

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Một Cành Mai Kính Dâng Ba Má!

 

 Melbourne Xuân đến rực màu hoa
Một đóa Mai tươi trổ cạnh nhà
Kính tặng Má Ba vui đón Tết
Gom thương yêu đến tận trời xa....


Ba Má bình yên nơi Nước Trời
Vẹn tình vẹn nghĩa chẳng hề vơi
Hương đưa nhờ gió xuân ngày mới  
Hạnh phúc thật nhiều Ba Má ơi!





Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Góc Xuân Vườn nhà - Melbourne Mùng Một, Năm Tân Sửu

Lần Hẹn Đầu Tiên


Là ánh Xuân hồng trên cỏ biếc
Cho tình đẹp mãi những mầm xanh
Là cánh hoàng lan đêm diễm tuyệt
khoe sắc, đơm hương, kết mộng lành.

Là cõi lòng tôi rộn rã chờ
Gót son em đến, nhẹ...như thơ
Rụt rè tay khẽ đan từng ngón
Lạ quá! Sao tim lại thẫn thờ?!

Thời gian đứng lại chẳng buồn trôi
khi trên đường phố bước chung đôi
Áo Em khép nép vờn trong gió
Thắm cuộc tình nồng. Tươi mắt, môi.

Là những nụ cười thật hồn nhiên
Em thật đơn sơ, rất dịu hiền
Tôi ngây ngất giữa cơn mộng, thực
Em là Xuân lạc cõi nhân duyên!

Là hơi thở dồn theo nhịp tim
Em cười. Bẽn lẽn. Tóc che nghiêng
Thương quá là thương tà áo trắng!
Trắng một trời yêu thật nguyên tuyền.

Là lúc chia tay chẳng muốn rời
Đêm về thao thức nhớ Em thôi
Thoang thoảng dư âm như tiếng nhạc
Nhạc lòng đưa hạnh phúc...lên ngôi!

Huy Văn

Khai


Bút dỉ mực nhòe lại bảo khai
Vo tròn tờ giấy vứt đi thôi
Hứng đâu gọi chữ? Ồ! Rơi rớt!
Chữ rổn rảng cười: Bớ Lão Lai!
Ra sân múa võ, ai thưởng thức
Cha mẹ đâu còn ghé mắt chơi
Xuân này chữ nghĩa trêu ta đó
Văn võ thừa thôi, nhẩy thảnh thơi

Chân Diện Mục
Mồng 5 tết


Xin Trải Lòng Ra Với Cố Hương

 


Tết này chị có về xứ Mỹ
Cho gởi đôi lời với cố hương
Cửu Long giờ vẫn phù sa cuộn
Từ lúc xa nhau mấy dặm đường?

Ta thuở hai mươi vào khói bụi
Quê nhà xa khuất nẽo trong mơ
Mang thân tươm tả mùi cơm áo
Nào biết đời trôi dạt bến bờ?

Công viên ngày cũ có còn không?
Thẳng tắp Hùng Vương phủ bụi hồng
Những tà áo trắng sương mờ nhạt
Qua cổng trường xưa có chạnh lòng?

Đường Đốc Binh Kiều có nhớ ta?
Hàng me Lê Lợi khuất trăng tà
Hương thơm ngõ vắng nhà ai đó
Mấy chục năm qua vẫn mặn mà.

Cầu Quay thức giấc mờ sương sớm
Ai thẳng đường qua chợ Mỹ Tho
Tan lớp em về Đinh Bộ Lĩnh
Bước nhỏ tung tăng tuổi học trò.

Nhớ buổi năm xưa dẫn bạn về
Sang phà Rạch Miễu nặng tình quê
Ngang qua Cầu Bắc ngôi trường lá
Chỉ thấy nền xưa gió bốn bề.

Do Quang tiệm sách vẫn còn thương
Anh vẫn đi mua vở tựu trường
Cảnh Trung, Thiện Ký còn lưu luyến
Hình ảnh ngày xưa lấm bụi đường.

Cầu tàu Ông Chánh đâu rồi nhỉ?
Chỉ thấy tàng cây đứng ủ ê
Lá vàng nghiêng ngửa không còn đợi
Bóng dáng người xưa đến vổ về.

Bến nước Lạc Hồng buổi cuối thu
Đò ngang thấp thoáng giữa sương mù
Cồn Rồng ẩn hiện mờ mưa bụi
Văng vẳng bên trời tiếng gió ru.

Cầu Dầu con nước triều cao thấp
Bình Đức ven bờ sóng vỡ đôi
Em e ấp khép bờ vai lạnh
Vì buổi ban đầu mặc áo bơi.

Quán trưa Trưng Trắc còn đông khách?
Duyên Thắm chờ nhau đã mấy lần
Ta nghe hương thoảng mì A Lục
Thoang thoảng mùi hương chốn bụi trần.

Hỏi sao ngày tháng đi nhanh quá
Mới đó đầu ta tóc điểm sương
Quê xưa giờ vẫn xa ngàn dặm
Xin trải lòng ra với cố hương …

Uyên Sơn
 

Tết Bên Này Nhớ Tết Bên Kia

Xướng:


Tết Bên Này Nhớ Tết Bên Kia


Lại thêm một cái Tết ly hương,
Bao kỷ niệm sao cứ vấn vương.
Nhớ láng giềng thân thương lối xóm,
Nhớ bè bạn quậy phá chung trường.
Nhớ Sài Gòn thuộc từng con phố,
Nhớ Chợ lớn quen mỗi góc đường.
Cảnh cũ đâu còn đâu đã mất,
Người xưa ai ở ai tha phương.


Nhất Hùng
***
Họa:

Thôi Thôi Cách Biệt Rồi  

Tết đến âu sầu nhớ cố hương,
Xa xôi kỷ niệm nhói lòng vương.
Bà con quyến luyến quanh hàng xóm,
Bè bạn thân thương hiệp mái trường.
Chợ lớn vào ra nhàm phố xá,
Sài gòn lui tới thuộc từng đường.
Thôi thôi nhắc nhở chi thêm xót!
Khuất bóng lâu rồi rẽ bốn phương.


Hồ Nguyễn
(13-02-2021)
***

Đời Viễn Phương


Ta nhớ hôm nào biệt cố hương
Niềm riêng, ai khoá nỗi sầu vương!?
Lối xưa còn đọng tình hoa cỏ
Lòng cũ nào phai cảnh mái trường
Tân Định chiều về vang sóng nhạc,
Sài Gòn khách đến rộn cung đường.
Bao năm xa cách, trời quê mẹ,
Ngoảnh lại thời gian... đời viễn phương!


South Dakota (USA) 19.2.2021.
Mặc Phương Tử


Giao Thừa Khai Bút


Giao Thừa lấy bút viết đôi vần
Trừ Tịch khai niên dạ chứa chan
Trước chúc muôn nhà vui đón Tết
Sau mừng trăm họ rộn chào Xuân
Cầu mong dịch bệnh mau tan biến
Ước muốn thiên tai hết ngập tràn
Hạnh phúc ,an lành dâng khắp chốn
Tình thương trải rộng cả trần gian

songquang
(20210212)

Biên Khảo Về Dưa Muối Ăn Tết

 
Thân ái kính chào quí bạn! Còn vài tuần rồi là Tết Ta rồi quí bạn đã chuẩn bị “ăn Tết" chưa? Tiếng Việt mình phong phú lạ lùng! Theo tiếng Mỹ phải nói "Celebrating New Year Festival,” tiếng Việt phải nói cho sát ý không phải chỉ là “Mừng Vui Tết,” mà là “Ăn Tết!”

Nói chuyện Chuẩn bị “Ăn Tết" thì vì bản thân chúng tôi hoàn cảnh đã ổn định sau nhiều năm sống làm việc, nên cũng gọi là Chuẩn bị cho vui nhà vui cửa với cháu con. Nhưng nhớ hồi mới chân ướt chân ráo qua đây, thì hoàn cảnh của tôi có lẽ được gói ghém trong câu sau:

Tết Nhất quê người đâu có Xuân
Xuân gì thế cuộc lắm gian truân
Sáng Chiều đưa đón con đi học
Trưa tối việc nhà phụ nấu ăn…

Năm nay ba mươi mồng một rơi vào gần cuối tuần, chứ mọi năm khi chưa về hưu, Tết rơi vào ngày trong tuần thì còn phải đi cầy chứ , thì giờ đâu mà "ăn Tết" với rượu chè bánh mứt mà là:

Cà phê húp vội thay quà sáng
Xăng uých nhai buồn thế bữa trưa.

Nhắc lại chuyện ngày xưa hồi đầu thế kỷ 20, quí bạn có còn nhớ một câu đối nói lên đầy đủ những đặc thù của sự ăn Tết VN cổ truyền không? Tôi muốn nhắc đến câu này:

Thịt mỡ Dưa hành Câu đối đỏ
Nêu cao Pháo nổ Bánh chưng xanh

Thuở nhỏ trong nhà, người Việt chúng ta còn nhớ người lớn vẫn giữ lệ xưa là Muối Dưa ăn Tết như làm đủ thứ dưa như dưa cải chua, dưa giá, dưa món, để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét, và thịt kho tầu cho đỡ ớn. Tôi ngẫm nghĩ chuyện Muối dưa ngó thì quá quen thuộc và quá tầm thường vì ai cũng ăn nhưng có lẽ ít người hiểu biết sâu sắc cái món ăn cổ truyền này.

Vậy tôi đề nghị xin chia xẻ với quí bạn bốn phương những kiến thức tra cứu liên hệ đến chuyện Muối Dưa Ngày Tết nhé!

Một câu chuyện xưa trong lịch sử nhân loại!

Tra cứu sách vở thì con người biết ăn dưa muối từ 6, 7 ngàn năm… Phương pháp “muối" rồi để lên men - nói gọn là Muối dưa được con người áp dụng phổ biến từ lâu khắp địa cầu trước khi phát minh ra phương pháp đóng hộp và đông lạnh. Nhưng hiểu biết về vấn đề này lại rất mới mẻ chỉ mới bắt đầu trong vòng bốn năm chục năm thôi với sự phát triển của một ngành khoa học rất trẻ là ngành Vi Sinh Học (Mirobiology).

Đông phương là cái nôi tối cổ của sự phát minh ra các món thực phẩm lên men như: rượu, dấm và dưa muối. Nếu bên Trung Hoa, theo sách Thư Kinh, Men làm rượu tên là Khúc được dùng 6,7 ngàn năm, thì cách làm dưa muối chắc cùng một thời như vậy. Tôi thấy nếu dân Tầu khoe rằng biết làm rượu và muối dưa từ lâu, thì dân Lạc Việt mình cũng biết chuyện này rất sớm. Vì vào đời Hùng Vương, tổ tiên mình đã biết ủ nếp làm rượu và dùng muối để muối dưa và làm mắm. Lý do rất dễ hiểu là địa thế nước ta gần xích đạo, thời tiết nóng bức và gần bờ biển rất sẵn muối.
Trong sách Nông Nghiệp Bách Khoa, người Tầu khoe rằng họ biết làm hơn hai mươi cách muối dưa. Tôi không biết dân mình biết làm bao nhiêu cách, nhưng chắc cũng nhiều không bằng thì phải hơn chứ bộ. Hình như mọi thứ rau trái đều được làm dưa cả nhất là khi sản xuất nhiều ăn tươi không hết đều muối dưa cả. Tôi xin kể sơ sơ theo bộ phận dùng vật liệu:

- dùng thân và lá: lá cải cay, bắp cải, dọc bạc hà, cọng súng, các thứ măng, sả
- dùng hoa trái: cà, trám, dưa leo, ớt, đu đủ, súp lơ, tiêu sọ
- dùng rễ củ: củ cải, gừng, hành, tỏi, kiệu, ngó sen

Trong các thứ để muối dưa, cây cà có lẽ chiếm địa vị nổi bật nhất vì cây cà dễ trồng, không kén đất và thu hoạch nhiều như câu ca dao sau:

Bế em đi dạo vườn cà,
Cà non chấm mắm, cà già làm dưa!

Dân quê VN hầu như ai trong nhà cũng có vại cà, nhà càng giầu thì lại càng lắm vại:

Công anh làm rể Chương Đài,
Một mình ăn hết 12 vại cà!

Nghĩa là quanh năm, mỗi tháng xơi một vại cho khát nước luôn!

Bí quyết muối dưa ngon

Ngày Tết, dân Việt mình rất hay làm những món dưa sau: Dưa Cải Chua, Dưa hành, Dưa Giá, và tùm lum các món dưa khác… Vấn đề là bí quyết để làm ngon chẳng hạn như:

Nòng cốt phụ gia phẩm đương nhiên là Muối nhưng ngó đơn sơ giản dị mà ai cũng làm được như cần kinh nghiệm của lưỡi nếm độ mặn của nước muối, dưa hành phải trắng đẹp, giòn khuơú và măn chua cho thích khẩu... Cái bí quyết làm ngon là cả một cẩm nang kinh nghiệm mà dùng lời không diễn tả ra hết mà các cô các bà phải học với mẹ trước khi xuất giá tòng phu. Lại có người nói làm “dưa"phải có có Khiếu có Tay, nhiều người giỏi lý thuyết lại làm dưa hay khú hay thâm.

Chưa hết, các bà nội tướng Việt Nam còn biết cách dùng thêm phụ gia phẫm: hột tiêu, ớt, đường, gừng v.v... để tăng thêm sự hài hòa về khẩu vị: Mặn, ngọt, chua, cay, đắng, thơm, bùi … tùy theo khiếu hay bí quyết gia truyền!

Vẫn chưa hết, còn nhiều thứ phụ gia phẫm khác đóng vai trò bí hiểm trong sự làm đẹp, làm giòn, làm dẻo các món dưa như tro bếp, phèn chua

Còn có một yếu tố khác là thời gian: phải biết canh thời gian tối thiểu để sự lên men hoàn tất ít nhất tùy theo khí hậu từ dăm ngày cho đến một tuần: ăn sớm thì dưa vừa hăng, vừa cay, vừa đắng, vừa nhẫn khó nuốt; còn ăn trễ thì dưa nhũn, dưa khú…

Thôi tôi chỉ biết ăn và nói dóc phân tích này nọ… Vậy tôi xin chia xẻ vài điều mà tôi đã đọc qua sách Gia chánh, nói rành rẽ đáng tin hơn tôi!

Cái chua trung hòa cái béo!

Về cách làm Dưa Cải Chua, bà Lệ Hoa trong sách Nghệ Thuật Làm Bếp chỉ dạy rằng:

Về vật liệu: Mấy cây cải to, nửa chén muối. Về Cách làm: Cải mua về lặt bỏ lá sâu , để nguyên cây, rửa sạch treo lên giây thép phơi cho héo, đem xuống cắt bỏ rễ sắp vào khạp. Quậy nước muối xong, sắp cải thật chặt xong, cho nước muối vào nén thật chặt, dưa cải này ăn lâu ngày.
Về món Dưa giá: thì dùng một kí giá - lựa thứ mập trắng - rửa sạch đổ vô vại đã đựng bốn chén nước hòa hai muỗng canh muối, một muỗng bột tẻ, một muỗng rượu trắng, một chút hàn the.
Ngày Tết mà ăn nó với thịt đông hoặc ăn chung với thịt kho tàu ba bữa Tết thì cái ngon quả là sơn cùng thủy tận… Cái chua làm trung hòa cái cảm giác ớn béo của thịt mỡ. Hạnh phúc của chúng tôi phải xưng tụng là:

Đôi ta: Dưa Giá Cá Kho,
Cao lương mỹ vị thì cho ra rìa.

Nhìn sang các xứ Á Đông láng giềng

Bây giờ, ta hãy nhìn qua các nước Á Đông láng giềng để coi họ làm dưa ra sao nhé!

Người Trung Hoa thường có món Diêm Thái (Yentsai hay Dìm Xôi) là món cải cay làm chua. Họ còn ăn loại Tương Thái (Chiangtsai hay Chướng Xôi) là dưa cải với nuóc tương đậu nành.

Dân Hàn quốc nổi danh với món Kim Chi mà vật liệu nồng cốt là củ cải, cải bắp, với các phụ gia phẩm làm tăng khẩu vị như kiệu,hành, tỏi, gừng, ớt. Họ ăn Kim Chi hà rầm quanh năm, trung bình mỗi ngày một người đớp 200 đến 300 gr Kim Chi.

Dân Nhật ăn dưa làm bằng các thứ cây, củ, rau trái trộn với muối và cám gạo. [ Nhật bản gọi Dưa là Zuke, chữ Hán viết là Trư , hình như có một sự đồng âm]. Họ cũng ăn món giống như Tương Thái của Tầu mà họ gọi là Miso-Zuke (miso: tương đậu nành)

Dân Thái Lan cũng hảo món dưa làm bằng củ cải nguyên củ gọi là Hua- Chai- Po, hoặc làm bằng lá cải cay gọi là Kiam-Chai (Tiếng Chai hình như gốc từ chữ Thái của Tầu, dân Tầu ở Thái thường là gốc Tiều!)

Dân Nam Dương lại ăn dưa cải gọi là SaJur Asin làm bằng cải cay xanh trộn với muối và nước hồ bột gạo tẻ.

Dân Phi luật tân thì ăn cải cay gọi là Mostasa.

Nhìn chung ta thấy các nước Á Đông đều tương tự về cách làm dưa, xứng đáng là “cái nôi của dưa muối"của nhân loại. Cách làm dưa muối này đã lan tràn khắp thế giới, hiện nay vẫn thịnh hành ở suốt cả Á châu, đất Nga, vùng Trung Đông và vài nơi Phi châu. Ở Âu châu và Bắc Mỹ, cách muối dưa cũng thịnh hành qua món cải chua Sauerkraut hay Ô liu muối.

Ở Việt Nam ngày xưa, trong sách Vân Đài loại ngữ , ông Lê Quí Đôn cũng đã đề cập cách làm dưa muối ăn vừa dẻo, vừa chua, vừa thích khẩu bằng cách dùng gạo nếp giã thành bột hòa với nước vừng mà muối.

Cái nhìn Vi Sinh Học về cách Muối Dưa

Nhân loại biết làm Dưa từ mấy ngàn năm nhưng phải chờ đến bốn năm chục năm vừa qua, các khoa học gia mới bắt đầu tìm hiểu về vấn đề qua ngành Vi Sinh Học (Microbiology) và nhiều cuộc đại hội thoại quan trọng của các nước về những thực phẩm lên men (fermented foods) như dưa, mắm, tương chao, rượu.

Người ta bắt đầu hiểu rằng các loại rau trái tươi chứa rất nhiều vi-thể (micro-organisms), có thứ làm hư thối nhưng có thứ làm lên men. Các vi thể tai hại thì rất nhiều so với các vi thể lợi ích trong đó có loại vi khuẩn sinh Lactic Acid của hiện tượng muối dưa, chẳng hạn một gơ ram vật liệu dưa chuột tươi chứa 10 triệu vi khuẩn tai hại trong khi chỉ có 5 ngàn vi khuẩn tốt lành.
Trong sự lên men với nồng độ muối thích hợp (khoảng 8% nồng độ muối) thì quá trình lên men diễn biến như sau:

1- Giai đoạn khởi phát là giai đoạn mở đầu gồm sự tăng trưởng của các thứ tạp khuẩn (đặc biệt là loại yếm khí - loại không ưa không khí) có mặt sẵn trên vật liệu tươi làm dưa. Nhưng từ khi các vi khuẩn sinh Lactic Acid bắt đầu phát triển vững chãi, giá trị pH từ từ hạ (tức độ chua dần dần tăng lên) thì các thứ vi khuẩn tai hại gây hư thối bị chận đứng hay bị đào thải. Ăn dưa ở giai đoạn “sống"này thì dưa không ngon vì còn hăng cay, nhẫn nhẫn vì dưa chưa đủ độ chín.

2- Giai đoạn lên men sơ bộ là giai đoạn các vi khuẩn sinh Lactic Acid hay các diếu mẫu (yeasts) lên men chiếm ưu thế . Các thứ này tác dụng trên các thành phần đường Carbohydrates để gây sự lên men. Càng lúc thì sự lên men càng tăng cho đến khi các chất đường hoàn toàn được sử dụng hết thì giá trị pH càng hạ xuống, độ chua càng tăng lên đến độ vừa phải. Ăn dưa ở giai đoạn này rất vừa miệng vì “chín đúng độ.”

3- Giai đoạn lên men thứ phát là giai đoạn tiếp tục lên men của các diếu mẫu . Các diếu mẫu này rất bền sức chịu độ chua để phát triển và sử dụng cho thật hết các chất đường Carbohydrates còn sót lại trong rau trái, trong khi các vi khuẩn sinh Lactic đã hết công năng phát triển vì độ chua càng lúc càng cao. Ăn dưa ở giai đoạn này bắt đầu "lỡ thì quá lứa"vì nhiều vị chua quá, tuy nhiên dưa vẫn còn ăn được.

4- Giai đoạn hậu lên men là giai đoạn các chất đường bị sử dụng hoàn toàn. Trên mặt nước dưa phô ra một màng meo mốc (molds) hay các diếu-mẫu bị oxýt-hóa hoặc các thứ vi khuẩn hủy hoại. Dưa ở giai đoạn này hoàn toàn bị hư hại, không còn ăn được nữa.

Trở ngại Khú và Thâm

Qua khoa Vi Sinh Học, chúng ta mới có cái nhìn vô cái thế giới chúng sinh cực vi thật lý thú và bổ ích. Chúng ta thường nghe VN có câu ca dao:

Ai làm cho cải tôi ngồng
Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê.

Dưa khú có phải là dưa có mùi cài cài khó ngửi không? Và đôi khi ta lại thấy quả cà muối “thâm"lại. Còn da dưa chuột thì nổi các bọc gọi là “mắt cá"(fish eye). Làm sao hiểu được hiện tượng dưa khú cà thâm và dưa nổi mắt cá này?

Hơi rắc rối đấy! Làm dưa hay muối cà phải hiểu lúc nào là đúng độ ăn. Các thứ vi khuẩn làm lên men Lactic Acid có nhiều loại, mà tên khoa học rất dài, kể ra nghe muốn rối trí. Đại khái thì nên hiểu có hai loại vi khuẩn lên men Lactic Acid:

- một loại vi khuẩn lên men thuần chất nghĩa là sản xuất duy nhất Lactic Acid

- một loại vi khuẩn lên men dị chất, vì ngoài sự sản xuất Lactic Acid còn có khả năng tạo ra nhiều chất khác là Acetic acid (giấm), Ethanol (rượu), thán khí và vài chất đường khác như Manitol, Dextrans. Sự lên men dị chất này thường rất tai hại nhưng đôi khi cũng tạo ra nhiều chất vị đặc biệt như trường hợp dưa Sauerkraut thoang thoảng vị cay, ngọt ngọt, chua nồng như rượu; nhưng tai hại nhất làm"dưa khú”. Chất thán khí sản xuất trong thố dưa làm dưa “nổi sình “(floating), gặp khí trời thì “thâm "lại, hay làm nổi rộp “mắt cá"dưới lớp vỏ dưa chuột.

Làm sao tránh khỏi sự khú thâm và nổi sình khi làm dưa?

Để tránh sự thâm đen do oxýt- hóa nồi sình thì thường người ta dùng một lớp paraffine đổ trên mặt vại dưa hay gài kỹ bằng nan tre hay dùng cối đá dằn kỹ đừng để dưa không nổi lên mặt.
Hiện tượng “khú"có nguyên nhân chính là không dùng đúng độ muối để các vi khuẩn Lactic acid phát triển thích hợp mà bị các vi khuẩn tai hại khác lấn lướt hoặc là do rắc muối không đều tay khắp lượt, hoặc do nước dưa ứa ra làm loãng nồng độ muối ban đầu (mà ta gọi là nong nước), hoặc bị nước mưa tạt vào… Hoặc do nhiều yếu tố linh tinh khác như gắp dưa ra bằng đũa bẩn hoặc quên đậy kín khạp dưa.

Nhưng chúng ta lại nghe câu hát này của Việt Nam về dưa khú:

Chồng chê thì mặc chồng chê,
Dưa khú nấu với cá trê càng bùi.

Đây là óc sáng tạo của dân VN ăn tằn ở tiện đó! Không lý vì dưa khú mà bỏ phí cả một vại dưa thôi bèn kiếm cách khác mà vãn hồi vậy. Không biết "dưa khú"có chứa hợp chất gì đặc biệt mà dân ta khám phá rằng nó làm nổi bật vị bùi béo của cá trê!

Vinh danh vài lợi ích của sự ăn dưa muối

Về khẩu vị, cái chua chua của dưa kết hợp với cái beo béo của thịt mỡ khắng khít như tình yêu muôn thuở vì hai vị vừa khống chế nhau và vừa nâng đỡ nhau. Muối dưa bảo tồn được mùi vị thiên nhiên của thực phẩm, đôi làm nổi bật thêm trong khi sự đóng hộp làm biến chất đi.

Về dinh dưỡng, dưa muối ăn dễ tiêu và nhẹ dạ vì chứa Lactic Acid và nhiều diếu tố tốt cho đường tiêu hóa và lại chứa nhiều sinh tố loại B (nhiều gấp đôi) phát triển từ thảo mộc tươi do các diếu mẫu như B1,B2, B12, Niacin … Tuy nhiên vì dưa có nhiều muối mặn nên đối với ai bị tăng huyết áp ăn vừa phải. Dưa muối chứa nhiều chất sơ làm ngăn ngừa sự phát sinh ra chứng ung thư ruột già.

Muối dưa không gây trúng độc nên làm tăng sự an toàn của vấn đề ăn uống.

Về kinh tế, muối dưa làm ít tốn công và rẻ tiền và tiết kiệm ngân quĩ .

Về triết lý nhân sinh, ăn cơm với muối dưa biểu lộ tinh thần tiết dục không ăn nhiều thịt cá bắt chước như những vị tu sĩ . Trong truyện Kiều vốn dĩ đã có câu sau:

Một nhà chung chạ sớm trưa
Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.

Để thay cho một lời kết cho thiên bút khảo đầu xuân này, nguời viết xin chân thành thân ái kính chào quí vị độc giả. Và chúc quí vị chuẩn bị Ăn một cái Tết khôi phục lại những nét văn hóa cổ truyền qua những hũ dưa chua, củ kiệu đi đôi với bánh chưng và món thịt kho tầu. Chuyện dưa muối tương cà biểu lộ cho ta thấy rằng: Trong những cái gì tầm thường nhất, bình dị nhất lại chứa những cái gì sâu xa nhất, huyền bí nhất, cao siêu nhất. Điều này đã gói ghém kín đáo nhất trong văn hóa VN mà chúng ta phải luôn luôn cần tìm hiểu.

BS Lê Văn Lân YKSG 1960, QYHD 7 (đã qua đời)

(BS Phạm Anh Dũng chuyển bài)