Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Bờ Bến Lạ



Trời đen tối xoè bàn tay không thấy
Đêm vượt biên Mẹ ôm lấy hai vai
Con dấu yêu hãy giữ mãi hình hài
Sống xứng đáng là con dân nước Việt

Thuyền tách bến thôi thế từ hay hết
Nỗi đau hoà theo sóng biển thét gào
Giọt lệ rơi ngược dòng chảy về đâu
Những mất mát tuổi thơ trào uất nghẹn

Trong giông bão tưởng vùi thân dưới biển
Được tầu người đưa tới chỗ tạm dung
Indonesia và ngôn ngữ lạ lùng
Trong sợ hãi lòng nhớ nhung gọi Mẹ

Trên xứ lạ cuộc đời trôi lặng lẽ
Từng chiều buồn ra biển vọng cố hương
Nhớ lời ru Mẹ thức suốt canh trường
Còn đâu nữa nay âm dương cách biệt

Vĩnh Trinh

Mấy Dặm Trường Giang Nhớ Thượng Nguồn


Trôi theo dòng nước phù sa quyện
Thuyền chở tôi đi những bến nào?
Nhà có sàn cao, thang gác lững
Đàn dê,bò, tha thẩn bên nhau

Bờ đá làm khung sườn, lá chắn
Những hàng lưới cá, bóng thuyền câu
Phơi những mảnh đời như gắn chặt
Quanh dòng sông Cửu, cát nông sâu

Nước chảy đục màu, sông nước đục
Một thời khói lửa đã quên chưa?
Đêm nay trăng sẽ là sen nở
Sông vẫn là sông, Phật của chùa

Thuyền qua hang động Pak Ou Cave (1)
Phật ngủ ngàn năm tai lắng nghe?
Ai bước xuôi thuyền khi nắng đổ
Lòng mơ an lạc buổi quay về ?

Hồn tôi phẳng lặng hay giao động?
Mấy dặm trường giang nhớ thượng nguồn
Hàng “ teak” quay đầu ôm nắng chụm
Cây đan chuỗi ngọc biểu đồ cong

Quá khứ những trang màu lịch sử
Buồn vui, vẩn đục, Cửu Long Giang
Thuyền đổ tôi chân còn ở lại
Nhịp tim hòa nhịp nước miên man…

Lâm Hảo Dũng

(PTT)
Luang Prabang-Lào- Nov 10-15- 9H55’am
Ảnh sông Mékong từ Pakbang đến Luang Prabang-Lào
(1)- Một điểm du lịch của Luang Prabang-Lào



Tháng Tư Nỗi Buồn Ở Lại


Biết em còn nhớ Sài Gòn ?
Đường Duy Tân bước chưa mòn dấu chân
Con đường dài tiếng chim ngân
Cây nghiêng cành lá thì thầm gió đưa

Chiếc dù che nắng che mưa
Che đôi ta bước gió lùa tóc bay
Dịu dàng tay nắm bàn tay
Làn hơi run rẩy loang đầy đôi tim

Quán lề đường nhớ không em
Chia ly xí muội ly kem ngọt ngào
Ngọt lời âu yếm môi trao
Ngọt như nỗi nhớ cồn cào từng hôm

Và khi lỗi hẹn dỗi hờn
Má em phụng phịu anh hôn đáp đền
Hôn lên chiều biếc dịu êm
Hôn lên mái tóc em mềm hương xuân...

Sài Gòn nay nhớ đau thầm
Một mình anh đứng tần ngần chờ ai
Công viên giọt nắng vàng phai
Tiếng chim thôi hót thở dài ngày trôi

Tháng Tư buồn lắm em ơi
Em đi ngày ấy rã rời lòng đau
Tháng Tư chia cách tình nhau
Buồn nào hơn mối tình đầu ly tan

Trời chia đôi phía lỡ làng
Trái tim đâu nỡ hóa vàng ngày xưa
Chờ em đã biết bao mùa
Nỗi buồn ở lại em chưa trở về.

Trầm Vân

Vết Hằn Tháng Tư



Xướng: Vết Hằn Tháng Tư

Hè bắt đầu vào thành phố
Xuân dời bước xa nhường chỗ ve sầu
Thêm lần chạm phải vết đau
Rời quê mẹ cùng con tàu ly xứ
Thời gian qua là quá khứ
Cố gắng quên nhưng ký ức chối từ
Vết hằn bám chặc tháng tư
Nỗi buồn thân phận băm nhừ con tim.

Kim Oanh

***
Các bài họa:
Mất Thật Rồi

Mái trường đây kia con phố
Dấu tích xưa còn lỗ chỗ tình sầu
Tim như bừng dậy vết đau
Ước mơ đẹp đã theo tàu bỏ xứ
Hoa còn chăng khi xuân khứ
Chuyện trăm năm em do dự câu từ
Để anh ôm mộng riêng tư
Cuộc tình dĩ vãng nát nhừ trái tim.

Quên Đi
 ***
Bồi Hồi Nhớ

Nhà nàng cuối cùng dãy phố
Đời đẩy đưa lao tận chỗ biết sầu
Vai đời oằn gánh khổ đau
Gạt lệ nhỏ bước xuống tàu xa xứ
Hai chữ hoang mang hồi khứ
Chân bước đi lòng dụ dự chối từ
Quê người đêm mộng tương tư
Tình treo đầu gió nhão nhừ trái tim

Kim Phượng

Một Chữ “Tình”


Gần hai tuần quanh quẩn trong nhà nghỉ dưỡng bệnh, tôi miên mãi suy nghĩ về chuyện "Sinh lão bệnh tử" của một đời người và một chữ “Tình” ở trên thế gian nầy!  Buồn càng thêm buồn khi hồi ức quay về những ngày tháng đầu tiên tôi rời gia đình và quê hương.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi lên Saigon học, nhà trường dùng một khách sạn làm nội trú cho học sinh. Các ngày đầu bận bịu với sinh hoạt, nội quy và làm quen bạn mới từ Nam ra Bắc, nay được gom tụ lại trong cùng khóa học. Tôi dường như không có thời gian để nghĩ đến chuyện nhớ nhà.
Đến ngày thứ bảy của tuần thứ ba, tôi cùng bảy người bạn đạp xe rảo một vòng Saigon, sau đó ra chợ Bến Thành dạo quanh chợ trước khi được Thanh Hương (người Mỹ Tho) dẫn cả bọn đi ăn bún bò Huế. Quán bún bình dân, nằm trong một hẻm nhỏ của thành phố nhưng đông khách. Mặc dù trời nóng bức nhưng đứa nào cũng vừa húp và hít hà vì hương vị thơm ngon và cay nồng.

 Trở về trường thì trời đã tối, 9 giờ là chúng tôi tắt đèn, vào giường nằm nhưng vẫn chưa ngủ! Chợt có tiếng hát của Thị Hoa (người Thủ Đức) từ góc phòng vọng ra , chúng tôi im lặng lắng nghe cô bạn đang thổn thức hát bài “Lòng Mẹ”.  Phòng tối, giọng hát buồn cộng thêm lời bài ca về tình mẹ gợi đến nỗi nhớ nhà trong từng ngăn tim của tôi và các cô bạn. Tiếng hát đã dứt, tuy hay nhưng không một ai vỗ tay để khen thưởng.  Có lẽ như tôi, các bạn quay mặt vô tường, rưng rức khóc vì nhớ mẹ mình!

Sau một tháng, trường cho chúng tôi nghỉ ngày thứ Sáu để về thăm gia đình, chiều thứ Năm là chúng tôi chia tay, chỉ có chị Mừng là không về,vì nhà chị ở tận Hưng Yên! Trưa ngày Chúa Nhật các bạn trở về trường đông đủ, mỗi chúng tôi ngoài việc mang gạo và đồ ăn (để lén nấu trong phòng) thì mang theo đặc sản của quê mình để chia nhau cùng ăn.Thanh Hương mang chuối khô Mỹ Tho, Sương mang kẹo dừa Bến Tre, Thị Hoa và Kim Sa mang nem Thủ Đức, Nguyệt Oanh và Thùy Nhung mang bưởi Biên Hòa, Liên mang một bao cát đầy trái bơ (avocado) từ Lâm Đồng, riêng tôi thì mang vài soài cát và soài tượng.

Trong thời gian này bệnh bao tử của tôi ngày càng nặng, có lẽ vì ăn bo bo nhiều hơn ăn cơm. Các bạn học thay phiên chăm sóc và nhiều lần đưa tôi đi bệnh viện. Từ những chia sẻ và lo lắng cho nhau trong những ngày xa gia đình, tình bạn của chúng tôi ngày thêm thắm thiết, tôi thấy thật ấm lòng!
Học đến giửa năm thứ hai tôi được chị lên Saigon đón về quê và âm thầm rời Việt Nam.
***

Hành trang trên mình để đi Rạch giá theo ghe ra khơi là một ít thuốc nhức đầu,thuốc đau bao tử, thuốc say sóng, dầu cù là, kẹo gừng, bao nhỏ thịt heo chà bông, hai bộ đồ và một sợi dây chuyền đeo cổ. Buổi sáng, chúng tôi bốn người rời bến xe và được người một ngườI đàn bà ra đón, bà đưa chúng tôi vào căn nhà lá xụp xệ trong hẻm nhỏ gần bờ biển. Đến gần chiều, có người khác đến đưa chúng tôi vào một căn nhà khá lớn. Chúng tôi được họ mời cơm với món thịt kho, canh chua cá nhám chấm với nước mắm nguyên chất, tôi chưa bao giờ được ăn nước mắm ngon như thế! Trong bửa cơm, ông bà chủ nhà trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở, tôi rất vui và có nhiều ấn tương tốt cho các người dân miền biển này!

Hơn nửa khuya, chúng tôi được báo là đến giờ xuống ghe, bà chủ bảo là sẽ cho  từng người lần lượt rời nhà, vì để tránh tai mắt của người trong xóm nên hành lý và nữ trang trong người phải để lại, họ sẽ cho người mang xuống ghe sau. Nghe lời, tất cả chúng tôi đều để lại đồ của mìn trừ anh tôi còn giữ lại được sợi dây chuyền trong túi quần.
Người từ ghe nhỏ lần luợt được đưa ra ghe lớn, già trẻ bé lớn là bốn mươi bảy người, chúng tôi êm ả ra khơi! Được nửa ngày thì cả tất cả người trong ghe mới biết là không một ai nhận lại được đồ của mình từ các nhà họ tạm trú trong ngày! Hai ngày lênh đên trên biến, chúng tôi được phát một vắt cơm và nước lã cho mỗi buổi ăn sáng và buổi chiều.

Đến chiều ngày thứ ba, xa xa có một chiếc tàu dầu của Tây Đức, ông tài công lập tức quay hướng ghe và tiến thẳng về tàu dầu! Thuyền trưởng cho tàu ngừng lại để cho ghe tiến lại gần tàu được an toàn, ông cho đầu bếp trưởng người Singapore làm thông dịch khi biết trên ghe có vài người Hoa.  Ông giới thiệu, ông tên là Yan, theo lời thuyền trưởng là nếu máy tàu còn tốt thì họ sẽ cho thêm dầu để ghe tiếp tục cuộc hành trình, nhưng nếu máy hư thì họ sẽ đưa người lên tàu và ông sẽ liên lạc với Cao Ủy ở Thailand cho phép chúng tôi vào bờ. Riêng ông đầu bếp đề nghị (nói nhỏ) với chúng tôi là nên phá máy cho hư để được ông thuyền trưởng cứu vớt, vì quanh vùng cướp biển đang lộng hành, người trên tàu không biết sẽ sống chết sẽ ra sao trong các ngày tới!

Nghe lời, ông tài công khéo léo phá máy trước khi thợ máy trên tàu xuống kiểm soát, sau vài phút thợ máy xem xét kỹ lưỡng, ông cho biết là ghe không thể tiếp tục chạy được nữa! Thế rồi, chúng tôi được vớt lên tàu lớn, được cho tắm rửa và ăn uống tử tế!
Sau ba ngày chờ đợi tin của Cao Ủy LHQ, chúng tôi được chấp nhận cho chuyển vào trại Songkhla – Thailand! Tôi nhớ mãi Yan, người đầu bếp Singapore đã nấu cho chúng tôi những bửa cơm ngon và buổi  ăn sáng là món cháo cá hồng bắt được gần dàn khoan. Ngoài ra, ông bảo chúng tôi viết thư thông báo cho gia đình bên nhà biết tin bình an, khi lên bờ ông sẽ gởi giùm. Cám ơn Yan, cám ơn thuyền trưởng và các thủy thủ trên tàu đã cho tôi một “Tình người” vô giá!

***

Đến trại tỵ nạn Songkhla, tôi thấy đông đảo người Việt đứng bên trong rào, xôn xao và nhìn ra ngoài cửa để tìm người thân hay bạn trong số người chúng tôi. Tuy biết là không phải là sự chào đón mình từ các đồng hương, nhưng lòng tôi có chút vui vui vì mình đến nơi bình an và có nhiều người đồng cảnh.

May mắn, em tôi gặp được anh Thương, bạn học chung trường Đại Học Tài Chánh, anh và vài người bạn ân cần mời anh em chúng tôi về ở chung lều với các anh vì các anh cũng sắp đi định cư định. Trước khi theo các anh về lều, chúng tôi gặp được Nga và Hiệp, Nga học chung trường Trung học với tôi, ba của Nga xưa là một sĩ quan trong trại linh Công Binh gần nhà. Tuy trước đây học chung trường, nhưng chưa bao giờ Nga và tôi nói chuyện, bây giờ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng! Sau đó Nga cho hai chị em quần áo lót, một ít đồ dùng và hướng dẫn nhà tắm, nhà vệ sinh trong trại. Vài ngày sau là vợ chồng Nga rời trại đi Canada.
Trong thời gian anh em tôi ở chung lều với các anh , chúng tôi thật vui! Hai chị em học làm cá, thổi lửa và nấu cơm từ anh Trung và anh Tín, các anh chỉ một ít tiếng Thái và cách xài tiền để đi chợ. Mỗi chiều cơm nước xong, anh Phương hay ngồi trước lều hát lại các bài nhạc xưa, anh hát hay nhất là bài “Bên Cầu Biên Giới”.

Đêm 30 Tết thật ảm đạm, nằm nghe bảnh nhạc “Xuân Này Con Không Về” của  tiếng hát Duy Khánh được phát ra từ đài phát thanh của trại. Từng lời nhạc gợi cho  tôi nỗi buồn xa xứ, nỗi nhớ  thương và lo lắng má mình ăn Tết hẩm hiu bên nhà.  Tôi bật khóc thành tiếng!
Tuy thời gian nầy cực khổ nhưng dường như nhiều người trong trại không ai lo nghĩ đến cái ăn, cái mặc vì có đã sự trợ giúp của Cao Ủy. Ngoài gạo, không cá mòi hộp thì cá biển cũng lây lất sống tạm qua ngày. Lần lượt anh Thương, Trung, Tín, Phương, Long, Lan, Đức, Thiện.... cũng rời trại đi định cư ở Mỹ.  Mỗi lần đưa tiễn đều là một chầu cà phê tối ở một trong những quán nhỏ.  Bây giờ không biết các bạn sống ra sao, hy vọng tất cả đều tốt đẹp!

Một tháng sau, cháu tôi ở Canada nhận được thư do anh tôi nhờ ông Yan gửi trước đây. Cháu lập tức gởi cho chúng tôi 100 dollars. Mua sắm một ít đồ dùng cá nhân, em mua vải và khéo tay cắt và may từng mủi kim cho các bộ quần áo của hai chị em. Tiền chi phí còn lại chút đỉnh, cộng với số tiền bán sợi dây chuyền , anh tôi sang lại một quầy cà phê nhỏ trong trại để sống lay lất qua ngày chờ ngày đi.

Ba anh em thay phiên nhau ra quán bán từ sáng cho đến chiều. Tối đến, anh ôm chiếc chiếu ra quán ngủ để coi chừng đồ, anh không ngại gió biển lạnh khi càng về khuya. Một lần chúng tôi thấy được cảnh anh cuộn tròn trong chiếu nằm ngủ ngoài trời , hai chị em thật dau lòng. Bây giờ nghỉ đến thấy thương anh mình nhiều hơn!

***
Vào một buổi sáng, đang đứng pha cà phê ở quán, bổng dưng tôi bị ngã quỵ, bụng đau như cắt, hoàn toàn mất hết sức lực! Tôi được anh và vài người quen dìu về lều để nghỉ ngơi, nhưng bụng càng lúc càng đau, tôi không còn nằm thẳng lưng được nữa! Biết là bệnh bao tử lúc trước nay trở nặng, em tôi nhờ người quen cùng đưa tôi đến trạm y tế của trại, sau khi bác sĩ người Pháp khám bệnh, ông lập tức chuyền nước biển cho tôi để giảm đau và cho thêm một chai để dành chuyền tiếp khi chai kia hết vào buổi tối , ông bảo chúng tôi chờ đến sáng hôm sau để biết sự quyết định của Cao Ủy về chi phi cho tôi vào bệnh viện điều trị .

Hơn nửa khuya, chai nước biển đã cạn, em tôi nhờ bác sĩ trực người Việt chuyền tiếp chai thứ hai cho tôi, nhưng bị ông từ chối! Nằm thiêm thiếp nghe tiếng em tôi cãi vã với ông:
-   Tui có nghe người thông dịch nói lại là bác sĩ Pháp có dặn với ông là còn một chai nước biển để dành cho chị tôi dùng khi hết chai nầy mà!
Ông nói:
-    Có nghe lộn không? Đâu có chai nào đâu!
Em gái tức giận và nói:
-    Lúc chiều tui nghe ông nói với người thân là có chai nước biển và ông kêu người ấy lên trạm để ông chuyền cho.Vậy chai đó đâu hở bác sĩ?
Dằn co không được, lại thấy cơn đau của tôi càng tăng, nóng lòng em đem sự tình kể cho anh Nhân là một người bạn quen đang làm thiện nguyện cho trạm y tế! Cuối cùng, anh lấy chai nước biển khác để tiếp tục chuyền cho tôi!
Sáng hôm sau, hoàn tất thủ tục tạm xuất trại, tôi được bác sĩ đưa tôi vào một bệnh viện lớn ở Songkhla. Gần hai ngày trời nằm mê mang từ cuộc giải phẩu lớn, tôi tỉnh dậy, nhìn xung quanh không một bóng người thân, toàn thân là dây nhợ! Mơ hồ, nhớ lại chuyện xảy ra trong các ngày qua, chợt dòng nước mắt buồn tủi chảy dài trên má!

***
Bây giờ, ngồi nhớ lại câu nói của má trong ngày tiễn đưa trước khi anh chị em tôi bước lên chiếc xe lôi đạp ọp ẹp để đến bến xe đi Rạch Giá:
-    Má không biết quyết định cho con đi là việc đúng hay là sai?
Tôi không trả lời, chỉ biết nhìn người mà khóc! Xe lăn bánh xa dần nhưng bóng má vẫn còn đứng bên kia cầu dõi mắt nhìn theo mà nước mắt của người không ngừng rơi.
Vâng, quyết định của má khi xưa là đúng, rất đúng má ạ! Bốn cây vàng đã cứu lại mạng sống của con trong chuyến đi nầy và cho con nhiều bài học về tình người.

Con xin cám ơn má, cám ơn anh trai và cô em út cùng chia sẻ trong những tháng ngày khổ cực, cám ơn những người bạn tốt và cám ơn đời cho tôi nếm được những cay đắng, ngọt bùi.

Yên Dạ Thảo

15/05/2014

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Tình Yêu Như Bóng Mây - Song Ngọc

Khi xa Đà Lạt thật khó mà quên cảnh đẹp trong sương mờ nơi đây, nhưng cái khó quên nhất là người con gái Đà Lạt đẹp như mộng mị bồng bềnh trong ký ức của tình yêu, khi phải rời xa nơi mà tình yêu thật đẹp thật êm đềm và thật khó mà quên


Sáng Tác: Song Ngọc
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Lối Xưa Trường Cũ



Hôm nay đi ngang trường xưa
Trộm nhìn dừa kiểng gội mưa tháng ngày
Năm mươi năm tỉnh cơn say
Thầy xưa bạn cũ nhớ hoài trong tim.

             ***
Lật trang ký ức đi tìm
Guốc vông áo trắng một mình mái hiên
Em xinh cặp mắt ngoan hiền
Bờ vai em chở ưu phiền tóc bay.

Tan trường theo bước chân ai
Đường qua phố thị mệt nhoài thư sinh
Nhiều khi thơ thẩn một mình
Nhìn em bên cửa đinh ninh em cười.

Giấu người khép kín tim côi
Thời gian mòn mỏi vẫn bồi hồi… thương
Giờ đây đứng trước cổng trường
Vẫn mơ bóng nhạn khói sương mịt mờ.

Dương Hồng Thủy
( 30/09/2014 )


Thời Gian Vô Tình



Bài Xướng:

Thời Gian Vô Tình

Mấy mùa phượng nở mấy mùa xa
Có thấu cùng chăng nỗi nhớ nhà
Ngơ ngẩn trời tây hồn cố xứ
Lạc loài đất mẹ khúc thương ca
Sông Tiền uốn khúc xuôi mình nhớ
Cửa Tiểu thuận dòng theo biển ra
Con sóng dạt bờ không định hướng
Thời gia chồng chất tuyết sương pha

Kim Phượng
***
Nhớ Quê Hương


Cất bước lên tàu vượt biển xa,
Bao nhiêu kỷ niệm nhớ quê nhà.
Trời Tây xứ lạ đôi dòng lệ,
Đất Tổ thân quen một khúc ca...
Nước mặn đồng chua nay hạn hán,
Sông Tiền, Cửa Tiểu cạn phèn ra...
Nguyên nhân thủy điện ngăn nguồn thượng,
Xót dạ đau lòng tóc muối pha!


Mai Xuân Thanh
Ngày 12 tháng 04 năm 2016
***
Nhớ Songkhla

Vừa đến xứ người bỗng xót xa,
Bên kia phương ấy nước non nhà.
Songkhla sóng trắng rì rầm vỗ,
Quán cóc nhạc buồn não nuột ca.
Tin tức người thân mòn mõi ngóng,
Lòng quê bãi vắng thẩn thờ ra.
Chỉ cần vài tháng ôm sầu nhớ,
Đã thấy mái đầu tóc muối pha.

Mailoc
4-12-16
***
Em Còn Nhớ

Em bước lên tàu có xót xa
Em đi có nhớ đến quê nhà
Sân trường một thuở vang lời hẹn
Gốc phượng nay hè bặt tiếng ca
Giữa biển mông mênh thêm dạ rối
Nơi tim vương vấn đẫn người ra
Hai phương còn nhớ "Thề Non Nước"
Để tóc bây giờ đã tuyết pha.

Quên Đi
***
Họa Vận


Biết Đến Bao Giờ?...


Cất bước lên tàu dạ xót xa,
Chân đi lòng vẫn luyến tình nhà.
Xứ người luôn ngóng về quê mẹ,
Trường cũ xa rồi những tiếng ca.
Biết đến bao giờ... thôi cách biệt?
Những mong có lúc... mặc vào ra!
Bốn mươi năm lẻ luôn canh cánh...
Vượt biển nên giờ tóc...muối pha!

Đỗ Chiêu Đức
Tháng 4-2016
***
Niềm Đau Còn Mãi

Bốn mốt mùa hè đã cách xa
Đau thương biến cố ngập quê nhà
Người đi khắc khoải tim hờn tủi
Kẻ ở nghẹn ngào khúc hận ca
Quyến thuộc chia lìa tìm chẳng thấy
Bạn bè ly biệt kiếm không ra
Luỵ bi chất ngất trong tâm khảm
Mái tóc trên đầu sương tuyết pha.

Phương Hà
***
Thời Gian Vẫn Vô Tình


Xa cách bao mùa đã cách xa!
Mà sao vẫn nhớ mãi quê nhà?
Xứ người luôn sống đời cô lữ
Đất Mẹ bao giờ bắt nhịp ca
Mong ngóng tin vui nào chả thấy
Trông chờ Xuân mới sẽ tràn ra
Thời gian trôi chảy vô tình thế!
Chồng chất tuổi đời tóc bạc pha

Song Quang
***
Thợ Đóng Hòm Từ Thiện


Đoạn cuối đường Hòe chẳng mấy xa
Nên luôn tìm học chỗ không nhà
Âm giai lặng lẽ kinh vô tự
Nghĩa lý thâm trầm khúc Thánh ca
Ai khổ cần thuyền thô cứ chở
Tay già ghép ván tạp cho ra
Thời gian sau trước chưa xong bữa!
Vô hữu vô vô tiêu muối pha

Cao Linh Tử
15/4/2016


Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Thơ Tranh: Tiễn Đưa

Tưởng Nhớ Anh Vân Ngày 28/4 


Thơ: Anh Vân
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tiễn Đưa



Cung kiếm một đời ngang dọc mãi
Quê người nuôi hận mất quê hương
Quán trọ nghe mưa sầu chất ngất
Hồn thiêng sông núi giục lên đường

Ta tiễn đưa người qua bến sông
Đìu hiu con nước vẫn xuôi giòng
Lưu lạc mới hay niềm hạnh ngộ
Người đi sương trắng cũng mênh mông

Bên rừng khách lặng nghe chim hót
Một trời chia biệt cũng xôn xao
Người đi ngựa trắng mờ sau núi
Chiến bào xanh mộng ước mai sau

Có một bình minh ở dưới kia
Thanh bình tô thắm nẻo sơn khê
Người có băng mình trong gió sớm
Hồ - cừu- y có đẫm sương khuya
Ta về cúi mặt nghe xa xót
Dặm trường đâu mái lá ngăn che.

Thụy Khanh
Paris 30-5-83
(Trích tuyển tập Quê Hương Ngàn Dặm II - Anh Vân thực hiện)

Ngày Cuối Bên Nhau



Giờ chia tay đã cận kề
Nghe đau thắt ruột nghe tê điếng lòng
Mai người đi có về không
Hay làm hạt bụi phiêu bồng về đâu
Nhân sinh một cõi nhiệm mầu
Đến đi còn mất mong cầu được sao
Cầm bằng như giấc chiêm bao
Thấy ta một thoáng lao xao chốn này
Vui buồn chợt như bóng mây mây
Cõi an nhiên vẫn còn đầy tâm ta

Khánh Hà

Mây Của Ta Ơi!


Mây của ta ơi! Mây ở đâu
Mây áo trinh nguyên thuở ban đầu
Mây giăng tơ mộng đêm dần muộn
Ta dệt ái tình kiếp tằm dâu

Mây của ta ơi! Ta ngấm lạnh
Mây hững hờ tình chạnh thương đau
Mây thấu đêm nay ta run rẫy
Mây hỡi! Thương người ôi xiết bao

Kim Oanh

Vô Đề - Lưu Trường Khanh



Vô Đề
Lưu Trường Khanh (709 - 780)


Tình xuyên vĩnh lộ hà cực
Lạc nhật cô chu giải huề
Điểu hướng bình vu viễn cận
Thân tùy lưu thủy đông tê
Bạch vân thiên lý vạn lý
Minh nguyệt tiền khê hậu khê
Trù trướng Trường Sa trích khứ
Giang đầm phương thảo thê thê

Dịch Xuôi: Một Bài Thơ Không Đề


Sông tạnh đường dài vô tận
Trời chiều, lẻ loi một con thuyền nhỏ buông neo trôi
Chim bay tìm bãi cỏ xa gần ngủ đỗ
Người đi phó mặc cho dòng nước lênh đênh
Mây trắng ngàn dặm vạn dặm
Trăng sáng khe trước khe sau
Đường đến Trường Sa lưu đầy ảm đạm
Đầm sông cỏ mọc ngút ngàn

Vô Đề

Sông tạnh xa trông vời vợi 
Thuyền chiều neo thả mông mênh.
Chim tìm đồng cỏ xớn xác ,
Người theo con nước lênh đênh 
Mây trắng, ngàn dặm, vạn dặm 
Trăng vàng, khe trước, khe sau 
Đường đến đất trích buồn tủi 
Đầm cỏ hoang vu ngập đầu.

Phạm Khắc Trí
***
Không Đề

Sông nước lặng, đường xa thăm thẳm 
Con thuyền đơn, ác lặn, tháo dây 
Đồng xa chim chóc lượn bay 
Theo dòng nước cuốn, đông tây người về 
Mây muôn dặm lê thê trắng xoá 
Khe đông đoài trăng tỏa mông lung 
Trường Sa chua xót vô cùng 
Cỏ thơm bát ngát xanh um sông đầm 

Mailoc phỏng dịch


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Tầm Vung Chín Muộn

1/ Nắng Lên

 2/ Rêu Phong

3/ Tầm Vung

4/ Xế Bóng

Hình Ảnh: Lê Hữu Uy
***
Anh Lê Hữu Uy kính mến, 
Những bức hình anh chụp thật linh động, chủ đề mỗi hình đầy ý tình...
Kim Oanh xin được cảm xúc đôi câu.
Cảm ơn anh Uy nhiều.

Tầm Vung Chín Muộn

Nắng lên hiu hắt vườn nhà
Rêu phong bám trụ cội già ngóng mưa
Tầm vung chín muộn đợi mùa
Hoàng hôn xế bóng cũng vừa nhớ nhung

Kim Oanh
***
Tầm Vung Chín Muộn

Tác giả Lê Hữu Uy còn có một số ảnh chụp mỗi khi đi tham quan.
Qua bốn tấm ảnh ghi lại được khi về thăm quê nhà, với đề tựa: Nắng lên, Rêu Phong, Tầm vung và Xế bóng, các bức ảnh nghệ thuật ấy được nhà thơ Kim Oanh (Melbourne – Australia) gói gọn trong đề tài “Tầm Vung Chín Muộn” thật tài tình với bài thơ ngắn, những nét chấm phá này tô đậm hơn ý nghĩa từng tấm ảnh, đồng thời cũng có thể nói lên toàn cảnh tâm sự của thân phận người lưu vong:

Tầm Vung Chín Muộn
Nắng lên hiu hắt vườn nhà
Rêu phong bám trụ cội già ngóng mưa
Tầm vung chín muộn đợi mùa
Hoàng hôn xế bóng cũng vừa nhớ nhung
Kim Oanh
(Melbourne, Australia)

Hình:Nắng Lên
(Nắng lên hiu hắt vườn nhà)

Nắng lên sau vườn nhà, dù chỉ là ở nơi quê nghèo nhưng làm cho người con xa xứ luôn ray rức nhớ về:

“Lên cao hỏi chút nắng tà
Có hong đủ chín vườn cà nương dâu,
Mênh mông hỏi đại dương sâu
Có phong ba đủ bạc đầu trùng khơi ? ...”
(Xin thứ lỗi, không rỏ tựa bài thơ và tên tác giã)

Hình:Rêu Phong
(Rêu phong bám trụ cội già ngóng mưa)

Rêu Phong (hay chùm gởi) là định mệnh của nhiều “người trai” sinh ra trong thập niên 40 (của thế kỷ trước), đều đã trãi qua thời chinh chiến dai dẵng, tiếp theo là thân phận chùm gởi nơi xứ người:
 
“ ... Sinh trong thời cuộc rối bời
Pháp - Nhật - Mỹ xong rơi vào Quốc Cộng
Lục bình thân phận lưu vong
Tuần canh ray rứt nỗi lòng “người trai”.
(Thơ Lê Vân Thanh Mai - Mến tặng chú Lê Hữu Uy)

Hình: Tầm Vung
(Tầm vung chín muộn đợi mùa”

Tầm vung là trái cau đã già võ chín có màu vàng sậm, nhắc đến cau trầu là muốn nói đến hôn nhân hay tình yêu lứa đôi. Cả một thời thanh xuân của người trai cống hiến cho đất nước, đôi khi còn để lại những đợi chờ, hay lỡ làng, để rồi vằng vặt trong tâm tưởng:

“ ... Hương cau muộn có còn riêng nắng hạ
Cả một đời thơ dại nhớ vời theo
Cả trăm năm se sắt nắng tiêu điều
Đã gom hết xanh xao của những chiều xuống muộn. ...”
(Thơ Bùi Kim Đính)

Hình: Xế Bóng
(Hoàng hôn Xế Bóng cũng vừa nhớ nhung)

Xế bóng, gồm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mong chờ một ngày mai tươi sáng, một thế hệ mới tốt đẹp hơn và yên bình trên quê hương để trở về dù đó chỉ là một nắm tro tàn:

“... Tôi quỳ xuống ôm hôn bờ cát ướt
Lắng trong tim dư vị của yêu thương
Rồi một thoáng mơ hồ cơn gió mát
Trả tôi về tình tự của quê hương.”
(Vực Tối - Trần Thúc Vũ)

Lê Hữu Uy & Lê Thị Kim Oanh
Phoenix, Arizona USA & Melbourne, Australia - April 30-2016


Ta Sẽ Về Thôi


Năm tháng luân lưu - vòng tuế nguyệt
Thắm thoát thời gian tựa gió trời
Mây xa trôi mãi về đâu đó
Có thấy mảnh hồn tôi đánh rơi ?

Tháng tư.
Rồi lại tháng tư qua
Vẫn nhớ làng quê
Nhớ góc nhà
Nhớ người đang đợi bên song cửa
Mắt dõi phương trời
... xa - rất xa.

Ta sẽ về thôi - yêu dấu ơi!
Để dòng lệ ấm chẳng còn rơi
Mảnh trăng non khuyết như đầy lại
Ưu ái trao nhau một khoảng trời...


TiCa Nguyễn Xuân Hòa

Ngắm Trăng Lên



Ngắm ánh trăng lên đẹp ngẩn lòng
Cơ huyền diệu tỏa nước hồ trong
Màu đen phủ suốt màn đêm thẳm
Ánh đỏ dàn phơi dải lụa hồng
Cánh sóng nhấp nhô cài bóng nguyệt
Cành khô điểm xuyết bật nền phông
Chừng như gió thổi hồn lay động
Giữa khoảng thâm u hiện sắc vồng!

Nguyễn Đắc Thắng

Tam Niên Biệt 三年别 - Bạch Cư Dị

Trong Kinh Thi, có bài thơ Thái Cát, một bài thơ nói đến tình yêu đương khắng khít của đôi tình nhân, đôi vợ chồng không muốn xa nhau dù chỉ một ngày mà cứ ngỡ là đăng đẳng. Tam niên biệt của Bạch Cư Dị? (Đỗ Mục?) cũng dựa vào ý của bài thơ Thái Cát nầy chăng?

  
Tam Niên Biệt
           Bạch Cư Dị 

       三年别

悠悠一別已三年,
相望相思明月天。
腸斷青天望明月,
彆來三十六回圓
             白居易

Du du nhất biệt dĩ tam niên,
Tương vọng tương tư minh nguyệt thiên.
Trường đoạn thanh thiên vọng minh nguyệt,
Biệt lai tam thập lục hồi viên.

Dịch nghĩa :Ba Năm Xa Cách

Một lần chia xa thấm thoát đã ba năm 
Chờ đợi khi trời sáng trăng càng nhớ nhau.
Nhìn vầng trăng sáng trên bầu trời xanh buồn đứt ruột. 
Xa nhau đến nay đã ba mươi sáu lượt trăng lại tròn.
 
Dịch thơ
1/
Một lần ly biệt ngót ba năm.
Trăng sáng càng thêm nỗi nhớ thầm.
Ruột thắt nhìn trời trăng tỏa sáng.
Ba mươi sáu lượt ánh trăng rằm.


  2/
Chia tay dằng dặc ba năm dài.
Trăng sáng xui lòng ngóng đợi ai. 

Trăng tỏ trời trong thêm xót dạ.
Đã ba sáu bận ánh trăng xoay  


Quên Đi

Các Bài Thơ Dịch Khác:

1)Ba Năm Tạm Biệt
Ba năm tạm biệt ngỡ nằm mơ,
Trăng tỏ nhớ thương vẫn đợi chờ.
Vầng nguyệt trời xanh buồn đứt ruột,
Ba mươi sáu bận ánh trăng mờ!.

2)Ba Năm Vẫn Đợi
Thoi đưa thấm thoát đã tam niên,
Thấp thỏm trông trăng nhớ bạn hiền.
Vằng vặc trời thanh buồn biết mấy,
Ba mươi sáu nguyệt hiện niềm riêng!

3)Ba Năm Xa Cách
Đằng đẵng ba năm tạm biệt nhau,
Tương tư đôi bạn ánh trăng nhàu.
Đau lòng vầng nguyệt mơ hình bóng,
Băm sáu ngày rằm thấy cũng mau!

Mai Xuân Thanh
***
Ba Năm Biền Biệt
(1)
Xa nhau đăng đẳng đã ba năm ,
Ôm mối tương tư dưới nguyệt rằm.
Trăng sáng trời xanh càng đứt ruột,
Mỏi mòn băm sáu độ tròn trăng!
(2)
Ly biệt nhau ba năm thăm thẳm,
Ôm tương tư lặng ngắm trăng ngà .
Trời xanh trăng sáng xót xa,
Mỏi mòn băm sáu độ đà tròn trăng!

Mailoc phỏng dịch
*** 
Ba Năm Cách Biệt

Chia tay thoắt đã trãi ba thu,
Cùng ngóng cùng trông bóng nguyệt mù.
Ruột đứt trời xanh trăng vẫn tỏ,
Ba mươi sáu lượt sáng rồi lu!!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ba năm Xa Cách
1-
Thấm thoát ba năm dài cách xa
Chờ trăng càng nhớ nhớ người ta
Ruột se mỗi độ trời trăng tỏ
Đếm nguyệt ba mươi sáu lượt qua

2-
Ba năm đằng đẳng trôi qua
Đợi chờ dõi bóng trăng ngà nhớ nhau
Trời trong trăng tỏ ruột đau
Trăng treo băm sáu đổi trao khuyết tròn

Kim Phượng
***
Ba Năm Xa Cách

Xa nhau thấm thoát đã ba năm
Tưởng nhớ bên trời dưới ánh trăng
Trăng sáng trời trong buồn đứt ruột
Chừng băm sáu nguyệt bóng tròn giăng.

Nguyễn Đắc Thắng
***
Ba năm xa cách 

Dằng dặc, chia tay, năm đã ba, 
Hôm nào trăng sáng, nhớ đôi ta. 
Thắt lòng, trời đẹp, nom trăng sáng  
Băm sáu tròn trăng, ta cách xa 

Danh Hữu dịch 
  

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Cà Phê Paris - Thơ: Khiếu Long - Nhạc VVT - Hoà Âm Đỗ Hải



Thơ: Khiếu Long 
Nhạc: VVT 
Hoà Âm: Đỗ Hải
Tiếng Hát: Quốc Duy

Gọi Hè



Bài thơ Xướng

Gọi Hè

Đốt rác chiều hôm lửa lập lòe
Vài cành mai muộn dựa bờ tre
Tầng mây lơ đảng xa vầng nguyệt
Tán lá lạ lùng rộn tiếng ve
Đếm dịch cân kinh chừng lộn xộn
Trông bầu tinh tú chỉ loe hoe
Ào ào cánh quạt xua đàn muỗi
Gõ nhịp vài câu lối gọi hè!


Cao Linh Tử
24/3/2016
***
Các Bài Thơ Họa
Xuân Cali

Nơi đây xuân đẹp, thật không loè
Cũng có ao hồ rậm trúc tre 
Trong lá cây rừng chim ríu rít 
Ngoài vườn ong mật tiếng vo ve 
Mơ màng sáng lại mây hồng thắm 
Rực rỡ chiều về ráng đỏ hoe .
Tuổi hạc bâng khuâng trời đất khách
Trẻ con khúc khích giỡn bên hè 

Mailoc
Cali 3-25-16
***
   Tha Hương Nhìn Lại

Đốt đuốc đi câu đóm lửa lòe,
Bên hiên bụi trúc đẹp hơn tre.
Ngày chưa tắt nắng xa mờ nguyệt,
Cuối tháng ba buồn chẳng thấy ve!
Đất khách trông về non nước Việt,
Tha hương nhìn lại chuối vàng hoe.
Quê người đặc biệt không mòng muỗi,
Thi cử xong xuôi mới nghỉ Hè...

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 03 năm 2016
***
Mưa Đầu Mùa

Sấm chớp trên không,  ánh sáng lòe
Gió rung xào xạc mấy hàng tre
Mịt mù khắp chốn, tầng mây khói
Rền rĩ trong lùm, tiếng khóc ve
Loang lổ đầy sân, màu phượng đỏ
Xác xơ cuối bãi, ngon dừa hoe
Bỗng dưng im lặng...Mưa ào xuống
Lúa phất đòng non tặng cốm hè.

Phương Hà
***
Đồng Mặn

Đang xuân mặt nhựt chói loè loè
Nắng hực trong nhà đến luỹ tre
Nứt nẻ ruộng đồng khô cháy lá
Âu sầu vườn tược tiếng buồn ve
Đắn đo ông lão tìm phương sách
Lo lắng cụ bà mắt đỏ hoe
Thiếu nước ai xui đồng nhiễm mặn
Nông phu thêm khó buổi sang hè

Quên Đi