Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Thuyền Trăng - Nhật Bằng - Mỹ Thể


Sáng Tác: Nhật Bằng
Ca Sĩ: Mỹ Thể
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Tuyệt Vời



Tim anh thơ dại mồ côi
Chỉ vừa đủ chỗ em ngồi câu thơ
Yêu anh xin em đừng ngờ
Đâu còn dư chỗ tình cờ bóng ma

Anh quê quà vợ cơm nhà
Cháo rau dưa muối tương cà em khen
Cưng tối lửa thơm tắt đèn
Đói no ấm lạnh hơi quen cùng mình

Vui buồn hủ hỉ chân kinh
Thuận chồng thuận vợ ân tình trầu cau
Quê người trăng lạnh bóng sao
Thương cha nhớ mẹ chiêm bao đoạn trường

Ngày cày cuốc đêm văn chương
Có em anh vẫn còn nguồn sống vui
Thương em ăn đứng ngủ ngồi
Chợ trưa chợ sớm nắm xôi con chồng

"Trăm năm một sợi chỉ hồng
Buộc người tài sắc vào trong khung trời "(1)
Em tiên mắc đọa tuyệt vời
Anh thương đứt ruột nghìn đời cưng ơi ....

MD.07/17/08
LuânTâm
(1) Nguyễn Huy Tự ,"Hoa Tiên Tryện"


Nhớ - Thương Hoài Nghìn Năm

 

Bài Xướng:


Nhớ

Nhớ! Cớ vì sao phải nhớ nhiều
Vờ trách ai nói mãi tiếng yêu
Thế đây ngơ ngẩn lòng xao động
Vắng tiếng cười trời cũng buồn thiu
Nhớ! Nhớ những điều phút xa nhau
Lưu luyến vườn trăng thuở ban đầu
Nhớ! Oái lạ cuồng quay ai hiểu
Đất trời đảo lộn…thế là yêu!

Kim Oanh
***
Bài họa:
Thương Hoài Nghìn Năm


Đừng hỏi tại sao nhớ thật nhiều
Trong tim khắc khoải đó là yêu
Vắng nhau một phút trời nghiêng ngả
Mộng chín trong lòng giấc ngủ thiu!
Yêu em ta đã phải lòng nhau
Hẹn ước chung đôi đến bạc đầu
Mỗi lúc xa nhau mong gặp lại
Vòng tay chưa trọn vẫn còn yêu!

Kim Dung 
(Jun 4, 2921)

Thương Câu Hò Điệu Lý

 
Hơn nữa đời ta làm thân viễn xứ
Nhớ cố hương buồn ray rứt về đêm
Ngày hoa niên bên cha mẹ ấm êm
Nghe vọng cổ là ru mềm giấc mộng

Đã nhũ lòng phải giữ gìn bảo trọng
Điệu lý câu hò, vọng cổ sáu câu
Dẫu biết khó, hỏi có gì dễ đâu
Đã thấm sâu nên ta càng luyện tập

Đây giọng ngâm lời ru mình ôm ấp
Tuyết dẫu cao vẫn không lấp cố hương
Chỉ cần nghe dạo điệu lý thân thương
Tiếng mẹ đó âm ba vương vấn lạ

Không hứa hẹn, mà chẳng lần ước thệ
Tôi mãi hướng về, gắn bó người ơi
Ôi lời tự tình, da diết, ru hời
Nghe là thấy trong lòng phơi phới

Tiếng Tây bập bẹ, ra rã nữa đời
Chẳng chút thân quen, khó hiểu, xa vời
Chốn đông người, ai thì thầm khẻ thôi
Bồi hồi quá , bởi (nói) cùng tiếng Mẹ tôi

Trúc Lan KTP
 
06/21

Nghệ Sĩ Và Tác Phẩm


"Một tác phẩm ở bất cứ một thể loại nào dù là văn học hay nghệ thuật giá trị đích thực không hẳn ở lời khen tiếng chê mà tùy thuộc vào tác phẩm đó có thực đi vào lòng người hay không. Tuy nhiên người đời vẫn lầm lẫn gữa tác phẩm và nhân cách tác giả! Người nghệ sĩ và tác phẩm là hai thực thể tách rời nhau nhưng lại khắn khít, có chung một niềm bất hạnh chứa đầy rủi ro đôi khi bị vùi dập vì ngộ nhận! Nghệ sĩ là một danh hiệu cao quý do người đời ban tặng vì những cống hiến của họ phục vụ cho những giá trị Chân, Thiện, Mỹ.

Tâm hồn nghệ sĩ rất phóng khoáng, bao dung, yêu thiên nhiên, yêu tha nhân, yêu cuộc đời cho dù đời muôn cay đắng! Người nghệ sĩ chân chính luôn yêu nghệ thuật và yêu tự do như hơi thở mạng sống.”
Trong dòng lịch sử tân nhạc Việt Nam đã mấp mé gần thế kỷ khởi từ những nhạc sĩ đầu tiên như Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Hoàng Qúy… Những giai điệu quê hương mang tính lãng mạn trữ tình của dòng nhạc tiền chiến. Gió vi vu trên đồi, rừng xào xạc lá, những tiếng động va chạm phát ra trong thiên nhiên; thoảng nghe chỉ là những tạp âm. Nhưng nếu tất cả những âm thanh đó hòa với nhau, phải chăng lại là bản giao hưởng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban cho con người? Hay phải đợi đến lúc xuất hiện người nghệ sĩ, nhờ sự rung động cảm xúc, đã biết vận dụng kỹ thuật, chắt lọc các âm thanh phối hợp thành một thứ nghệ thuật gọi là âm nhạc?”.

Trịnh Hưng sinh năm 1930 tại Hà Nội, nguyên quán Bắc Ninh. Ông có người bạn rất thân là Phạm Nghệ, ông cho biết:“Phạm Nghệ mới có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh nhất là phân biệt được những âm sắc của tiếng động ở những cường rất độ nhỏ”.
Để thỏa chí làm trai lúc còn rất trẻ hai người cùng đi kháng chiến, họ cùng chung trong đoàn văn công. Trong chiến khu ông đưọc thụ huấn một lớp âm nhạc do GS Tạ Phước giảng dạy. Sau nhiều năm dài tham gia kháng chiến, hai người đã cùng bỏ hàng ngũ về thành vào những thời gian khác nhau. Nhạc sĩ Phạm Nghệ di cư vào Nam sau đó qua Pháp du học ngành âm nhạc và trở về trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn làm giáo sự thực thụ môn violon cho mãi dến 1975 ông cùng gia đình di tản qua Hoa Kỳ. Tình bạn của Trịnh Hưng và Phạm Nghệ vẫn giữ nồng ấm như thủơ ban đầu và liên lạc thường xuyên với nhau. Do đó người có thể biết được Trịnh Hưng nhiều nhất ở Mỹ là giáo sư Phạm Nghệ.

(Trịnh Hưng)

Trịnh Hưng biết mình chỉ còn con đường âm nhạc để tiến thân nên ngoài ngón đàn mandoline, hawai, ông đã học sáng tác và dành nhiều thì giờ tự tập thêm đàn guitare trong cuốn Méthode de Guitare soạn bởi F. Carulli được giáo sư Tạ Phước chép lại. Nhờ sự chăm chỉ tập luyện ông có thể độc tấu tây ban cầm cho bằng hữu thưởng lãm. Ðầu năm 1952 ông sáng tác bản đầu tay là: “Lối Về Xóm Nhỏ”theo điệu Fox. Ca từ trong thời đó hoàn toàn khác với ca từ và cấu trúc nhạc phổ biến sau này. Nhạc sĩ Trịnh Hưng đọc cho tôi ghi có sự hiện diện con trai của ông ttrong lúc nằm ở bệnh viện, trước khi ông rơi vào hôn mê một ngày. Tôi không chép ca từ đó ra đây vì lý do: Ca từ sau đẹp hơn ca từ trước vì nó mang tính nghệ thuật, cấu trúc và thể điệu phong phú mới hơn. Có thể nói nhạc sĩ Trịnh Hưng là một trong số những nhạc sĩ tiền chiến viết theo dòng nhạc ngũ cung, dân ca dân nhạc, và là một trong những người tiên phong đổi mới làn điệu dân ca qua các thể điệu Tây Phương như: Cha cha cha (Lối Về Xóm Nhỏ), Mambo - Boléro (Lúa Mùa Duyên Thắm, Trăng Soi Duyên Lành, Tình Thắm Duyên Quê, Tiếng Ca Dân Lành), Rumba (Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa).

Trong thời gian ở vùng chiến khu miền Thanh Hóa, nhạc sĩ Trịnh Hưng ở chung với gia đình ông bà Lê Khải Trạch và nhận ông bà Lê Khải Trạch là anh chị nuôi. Cũng chính ở đây ông gần gũi và thân với nhà thơ Quang Dũng vì nhà thơ Quang Dũng là bạn thân với ông bà Lê Khải Trạch. Trước đó ông đã từng gặp gỡ nhà thơ Quang Dũng và nhà thơ Hữu loan nhưng vị thế của ông và hai người khác nhau nên chưa có sự giao tình đậm đà. Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết:“ Nhà thơ Quang Dũng rất đẹp trai và đa tài. Ông cũng như nhạc sĩ Văn Cao nhà thơ Quang Dũng biết Cầm, Kỳ, Thi, Họa, ngâm thơ và hát rất hay”. Ông thường độc tấu đàn cho nhà thơ Quang Dũng nghe, cũng vì thế ông trở thành em kết nghĩa của nhà thơ Quang Dũng. Và cũng từ điểm này ông cũng trở thành em kết nghiã với ông Trần Chánh Thành (thời đệ nhất Cộng Hòa giữ chức Bộ trưởng Thông tin), ông Trần Chánh Thành là bạn thân của vợ chồng ông bà Lê Khải Trạch, những người này đang chuẩn bị để trở về thành.Trên con đường trở về thành họ phải qua những trạm kiểm soát của công an Việt Minh, để tránh bị phiền nhiễu, bà Nguyễn Thị Chi vợ của ông Lê Khải Trạch đã nhận Trịnh Hưng là em ruột, từ đó Trịnh Hưng đổi thành Nguyễn Văn Hưng. Bà đã từng đảm nhận chức Ðổng lý văn phòng bộ trưởng bộ Xã Hội, Lao Ðộng thời đệ nhất Cộng Hòa.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết ông cùng các anh chị về thành năm 1952. Về Hà Nội ông đi đánh đàn trong các phòng trà dancinq cho lính Tây khiêu vũ một thời gian ngắn, và dạy thêm đàn hawai cho một số em học sinh. Sau đó ông vào Sài Gòn muốn tiếp tục đàn cho các phòng trà dancinq nên đã đến gặp ông bầu quản lý các ban nhạc các phòng trà là nhạc sĩ Trần Văn Lý một danh thủ piano, accordéon và cũng là nhạc trưởng của dancinq Kim Sơn các phòng trà và đài Sài Gòn. Nhưng vì các nơi đó đã có đủ nhạc sĩ nên ông chỉ được mướn chơi đàn thế những lúc các nhạc sĩ bị bệnh hay vì một lý do nào đó vắng mặt. Trong sự bấp bênh đó ông được người giới thiệu đến khu Hồ Văn Ngà, một khu vực bán đàn và dụng cụ âm nhạc thời bấy giờ. Vì thấy ông chơi đàn giỏi, người chủ mưới ông ngay và còn cho ông mở lớp nhạc tại đó nhằm mục đích câu khách. Cách tiệm bán đàn của ông không xa có hai lớp dạy nhạc của hai danh sư là nhạc sĩ Lâm Tuyền với những ca khúc êm dịu vượt thời gian:“Tơ Sầu, Hình Ảnh Một Buổi Chiều, Khúc Nhạc Ly Hương, Thiếng Thời Gian phổ thơ Dạ Chung, Trở Về Dĩ Vãng“, và nhạc sĩ Trọng Khương, người nhạc sĩ tiên phong trong dòng nhạc vui tươi của Tân nhạc Việt Nam (Bánh Xe Lãng Tử, điêu Fox, Ghen, điệu Pops phổ thơ Nguyễn Bính, Về Miền Nam…). Thời cuối thập niên năm mươi nền âm nhạc Tây Phương đang thịnh trong giới thượng lưu trí thức Sài Gòn, những nhạc sĩ chơi đàn guitare giỏi như Lâm Tuyền, Trọng Khương, Trịnh Hưng không nhiều lắm. Nhạc sĩ Trịnh Hưng nhờ lớp nhạc mà trở nên khá giả, đời sống của ông trở nên phong lưu, tiền bạc dư giả nên quan hệ bạn hữu càng rộng rãi. Ông lập gia đình 1955, cuối năm 1956 nhạc sĩ Trịnh Hưng dời lớp nhạc về số 9/1 Cao Thắng, và ở đó đến ngày ông qua định cư bên Pháp. Ở lớp dạy nhạc Cao Thắng ông dạy đủ thứ: đàn Mandoline, Hawai, Guitare, và Luyện thanh, nhưng chỉ có môn guitare là sở trường của ông.

Có rất nhiều nghệ sĩ sau này thành danh đã từng đến học ông, hoặc nhờ ông chỉ dẫn hoặc nhờ sự đỡ đầu của ông trên lãnh vực âm nhạc. Những ca sĩ đã từng học ông: Ánh Tuyết, Thanh Thúy, Bạch Yến, Túy Hồng..và các nhạc sĩ thường đến cùng ông đàm đạo, trao đổi âm nhạc như:Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ, Ðỗ Lễ...vv..Riêng cặp nghệ sĩ Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết chỉ mượn chỗ của ông để luyện thanh và nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa mượn chỗ của ông để dạy sáo và nhạc sĩ Tuấn Khanh(Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng) dạy Violon. Nhạc sĩ Trịnh Hưng gặp nhạc sĩ Trúc Phương vào cuối năm 1967, lúc đó nhạc sĩ Trúc Phương đang dạy kèm nhạc cho một cô con gái của một nhà xuất cảng tại Sài Gòn. Qua hình nốt và giai điệu, mối duyên âm nhạc đã nảy sinh chuyện tình giũa người nhạc sĩ nghèo và người con gái nhà giàu. Vì mối tình trắc trở đó nhạc sĩ Trúc Phương đã viết ca khúc Lỡ Chuyến Ðò. Ông muốn tung nhạc Phẩm:“Lỡ Chuyến Ðò” của mình ra thị trường nên đã đến nhờ nhạc sĩ Trịnh Hưng đỡ đầu lancer. Trong giao tình nhạc sĩ Trúc Phương đã học thêm về kỹ thuật sáng tác Dân ca của Trịnh Hưng, và hai người đã viết chung ca khúc: “ Tình Thắm Duyên Quê ”.

Thời kỳ mới vào Nam Trịnh Hưng đã thầm trộm yêu người thiếu nữ mới chớm tuổi trăng tròn và tình yêu đó rất trong sáng. Sự quan hệ giữa cô và nhạc sĩ Trịnh Hưng chỉ đơn thuần là tình cảm của người hâm mộ với nhạc sĩ, cô yêu tiếng nhạc, cảm mến tài năng của chàng nhạc sĩ nghèo mà không hề có tình cảm lứa đôi! Còn nhạc sĩ Trịnh Hưng thì yêu "đơn phương". Ông chôn chặt khối tình si đầu đời trong lòng, và từ nỗi nhớ nhung đó đã giúp nhạc sĩ viết được ca khúc tuyệt đẹp là bài “Tìm Quên" điệu Tango Argentine lãng mạn, cấu trúc cầu kỳ nét nhạc mềm mại uyển chuyển, và ca từ được đãi lọc. Ðây là một bài độc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông viết thể điệu tango, và cũng là ca khúc độc nhất viết về “ tình yêu đôi lứa” ngoài sở trường viết về chủ đề quê Hương của ông thuở đó. Bài Tango trữ tình có ca từ là những lời ray rứt, ai oán than thở tiếc nuối. Những lời thề ước thắm thiết trong ca từ dược thêu dệt bằng trí tưởng tưởng về một cuộc tình dang dở, vì ở đây là tình yêu đơn phương thì làm sao có sự chia ly mà dang dở! Mối tình đó theo năm tháng vẫn in sâu trong tâm hồn nhạc sĩ mãi đến lúc sắp lìa đời nhạc sĩ vẫn còn nhắc tên người tình xưa. Ôi chữ tình! Trước đó Nhạc sĩ Lâm Tuyền cũng sáng tác ca khúc “Tơ Sầu ”, đầu tay thể điệu TangoArgentine rất lãng mạn nhưng nói vè tình quê hương, đó cũng là ca khúc viết thể điệu Tango duy nhất của ông.

 ( Sáng Tác Lâm Tuyền - Tiếng Hát Du Trác)

Bài Tìm Quên:

“Buồn trông mây tím giăng ngang trời,
Chiều thu như chết trong lòng tôi.
Ðêm nào em khẽ nói bên tôi,
Đây tình yêu trong trắng trao tôi
Em thề yêu chỉ anh mà thôi.
Lời xưa âu yếm nay đâu rồi?
Thoáng như cơn gió đưa bèo trôi.
Ai ngờ câu chióp lưỡi đầu môi,
Dem tình yêu gian dối trao tôi,
Cho lòng tlôi mang mãi hận đời!
Ôi tình lỡ rồi
mà hình bóng người còn như mãi trong lòng tôi.
Duyên tình lỡ làng
đành nhớ tiếng đàn tìm trong quên lãng theo thời gian!
Ðàn tôi đã đứt giây tơ rồi.
Mình tôi cam sống trong lẻ loi.
Ai làm cho đôi lúa đôi nơi,
cho lòng ta đau xótvkhuôn nguôi
mong thời gian xóa đi hận đời.”

Những người bạn gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Hưng đều biết cuộc đời tình ái của ông, dù đã lập gia đình và đã từng trải qua một số mối tình nhưng trong tâm hồn ông vẫn luôn ấp ủ hình bóng của mối tình đơn phương thuở từ Hà Nội mới vào Sài Gòn. Người tình trong mộng thuở xưa và ông chỉ thoáng ặp nhau lúc vào Miền Nam rồi biệt tăm hơn nửa thế kỷ chưa bao giờ gặp lại. Chẳng biết vì sao mà ông có được tấm hình người đẹp và đã đặt tấm hình đó trên đầu giường?

Ông nói:
“Tấm ảnh đó đã theo ông hơn nửa thế kỷ và lúc nào cũng để đầu giường”.
Tôi hỏi ông:
“Tại sao anh không viết thêm những bài trữ tình như thế nữa?”
Ông trả lời:
“Nàng đã mang hết tình yêu của tôi đi rồi, còn yêu gì nữa mà viết!”
Tôi hỏi tiếp:
“Ngày trước tôi không được nghe bài Tìm Quên này, anh có lancer trên đài không?”
Trịnh Hưng cười nói:
“Có chứ! Tôi bỏ tiền ra lancer vài lần trên đài phát thanh Sài gòn nhưng không gây được ấn tượng thính giả nên dẹp luôn!”

Tôi im lặng, một thoáng suy tưởng về dòng nhạc Tango lãng mạn. Vào thời điểm đó những nhạc sĩ viết thể điệu Tango tuyệt vời là nhạc sĩ Hoàng Trọng, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ Ngọc Bích, nhạc sĩ Văn Thủy... thì bài Tìm Quên của Trịnh Hưng bị chìm là lẽ đương nhiên! Tuy nhiên, không phải vì ca khúc Tìm Quên không hay bằngnhững bài khác, mà vì thuở đó những ca khúc ca ngợi tình quê hương mang ý nghĩa cao cả và rộng lớn được được đề cao, chính quyền thời đó lại khuyến khích cho phổ biến thưng xuyên trên các đài phát thanh. Còn những bản nhạc diễn tả tình cảm lứa đôi ngang trái mang tính ủy mị, chỉ là những nỗi niềm riêng tư nên ít được phổ biến. Do đó loại nhạc thính phòng trữ tình về tình yêu đôi lứa dù vẫn là đề tài muôn thuở nhưng chỉ dành cho số người đồng cảm hâm mộ!

Từ khi nhạc sĩ Trịnh Hưng công khai mối tình đầu của mình với bằng hữu ở Paris thì một số văn nghệ sĩ ở hải ngoại cũng bày tỏ về những mối tình của mình. Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu tác giả ca khúc Tiền chiến “Em Tôi” đã công khai kể với bằng hữu: Ai là “nàng thơ” trong nhạc phẩm Em Tôi? Sau này ông còn viết trên báo:
“ Em Tôi là một cô gái tuổi 15, lần đầu tôi gặp. Năm 1946 tôi đi trại hè Sầm Sơn với đoàn Hướng Đạo, cùng nhiều đoàn khác tập trung tại ga Hà Nội. Tôi thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt tuyệt vời. Lúc bấy giờ tôi cũng mới 15 tuổi, thuở ấy tôi vẫn còn ngây thơ, nhút nhát không dám bày tỏ tình yêukhông hiểu sao không hiểu sao tôi thấy tôi như choáng váng, má tôi nóng bừng ln cơn sốt;lần đầu tiên tôi thấy có cái cảm giác lạ lùng này. Nhà đoàn tôi “đóng trại“to lớn, rộng rãi, đo là một biệt thự nghỉ mát của người Pháp. Trước nhà là bãi biển mênh mông, sau nhà có một cái giếng.Trưa no tôi cũng thấy cô gái ấy đội nón, dưới nắng trang trang, rũ áo, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta.Thỉnh thoảng cô nàng ngẩng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng tôi biết là cô đang nhìn tôi…Thú thật tim tôi đập thình thình. 

Chao ơi! Yêu đương là như vậy sao? Đây là một rung động đầu tiên, nào đâu tôi có biết cảm giác như thuở ra đời.Về Hà Nội tôi tìm cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, cô ta ở gần nhà tôi…Chiều nào tôi cũng đi qua nhà cô ta, để nhìn vào nhà, tìm lại đôi mắt đẹp. Tôi thấy có nhiều cậu trai bằng tuổi tôi. Lúc đó tôi cũng hơi lo…sợ mất!Tôi làm quen với người em trai của cô là chú Mỹ, từ đó chú trở thành người đưa thư rất đắc lực. Thư đi mà không có thư về, song tôi vẫn tiếp tục viết thư, nếu hết nguồn hứng cảm, thì xin mượn nhiều đoạn « văn người khác » để bỏ vào trong thư… tính vào khoảng một trăm bức…Cho đến ba bốn ngày trước cuộc kháng chiến, chú Mỹ ở đâu chạy tới, đưa cho tôi một cái phong bì đề tên tôi bên cạnh có đề: Xin Trạch Lựu đừng giận Ph. Xé lá thư này… Tôi đọc những giòng chữ tròn trinh, Ph. có nói là yêu tôi từ lúc ban đầu khi gặp tôi ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy… Ngàn năm chưa dễ đã ai quên !’. Phải theo gia đình đi tản cư, Ph. hẹn gặp nhau hôm sau một lần đầu mà cũng là một lần cuối ở làng " Em Tôi " bên bờ sông Nhuệ… Chiến tranh bùng nổ, nàng theo gia đình đi tản cư, còn tôi ở lại Hà Nội và đi Pháp du học 1951. Sau khi ở tản cư về Hà Nội, cô ta có đi kiếm tôi, đợi tôi nhưng khi ông thấy tôichềt và nàng đã để tang lòng đợi tôi ba năm trời. Khi tôi ỏ Paris viết thư về cho cô thì cô đã di lấy chồng!”

"Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ
Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây
Bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng 
Buồn vương man mác theo lời gió reo lời thơ…"
(Em Tôi)

( Sáng Tác Lê Trạch Lựu -Thực Hiện & Tiếng Hát Hoàng Khai Nhan)

Trong một sinh hoạt văn học nghệ thuật do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu nói chuyện về âm nhạc. Ngày đó, dù tuổi đời của ông đã cao nhưng nói về chuyện tình năm xưa tâm hồn ông vẫn say sưa lãng mạn! Trong lúc ông đang kể trên sân khấu, ông bỗng gọi lớn tên người yêu: “Phượng, Phượng Phượng!”.

Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu qua Pháp du học vào thập niên 50 và là một ký giả tầm cỡ của một số tờ báo lớn của Pháp. Rời quê hương Lê Trạch Lựu vẫn ôm ấp hình bóng người xưa trong tâm hồn. Chính mối tình đầu đó là nguồn hứng cảm tạo nên ca khúc “Em Tôi” viết tại Paris vào thập niên 50. Nên ông rất trân trọng mối t ình đầu, một kỷ niệm tuyệt vời của đời mình.

Tiếp theo nhạc sĩ Lê Trạch Lụu là nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Châu Kỳ, nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ Vũ Thành An…. đã lên sân khấu Trung Tâm Nhạc của Thúy Nga Paris By Night để tâm tình với khán giả về những cuộc tình đã là nguồn cảm hứng tạo thành những ca khúc hay, vang bóng một thời.

Riêng nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả ca khúc tiền chiến "Trăng Mờ Bên Suối" vang bóng một thời, ông tâm sự với tôi ai là « nàng thơ » nguồn cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc ở Huế, được nổi tiếng ngày ấy ở Hà Nội trước khi đi Pháp du học đầu thập niên 50. Năm 2008 tôi và giáo sư Lê Mộng Nguyên qua Mỹ, tiểu bang Virginia ra mắt sách , tôi có gặp vợ chồng Ông Bà, người trong ca khúc đến tham dự.

Hôm vào thăm nhạc sĩ Trịnh Hưng ngày cuối, lúc ông còn tỉnh; tôi có đề cập đến bài Tìm Quên và định hỏi những ca sĩ nào hát bài đó nhưng ông say sưa kể chuyện đời và về những văn nghệ sĩ khác. Lòng tôi xa xót vì biết đây là những lời cuối của một kể sắp ra đi, do đó tôi thôi không hỏi và im lặng nghe ông nói.

Cũng như bao gia đình khác ở miền Nam, tháng tư năm 1975 là một biến cố lớn trong đời nhạc sĩ Trịnh Hưng. Mấy người anh kết nghĩa trong chiến khu: nhà thơ Quang Dũng thì bị tước đoạt đi ngòi bút sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, đời sống bị dập vùi tối tăm không biết trôi dạt đi đâu! Còn ông anh rể (trên giấy tờ) là ông Lê Khải trạch bị VC bắt đi mất tích ngay sau ngày 30 tháng tư năm 1975, và người anh kết nghĩa thứ ba là ông Trần Chành Thành thì tự tiết khi VC vào chiếm Sài Gòn những chỗ dựa tinh thần của nhạc sĩ Trịnh Hưng bị hụt hẫng, mất hút! Bằng hữu văn nghệ thì phiêu bạt khắp phương trời, kể từ đó ông đâm ra cô đơn, chán đời! Ông đã từng sống với Việt Minh nên hiểu rõ bộ mặt CS nên biết cách thu mình, điếu đóm với công an khu vực cho qua ngày. Sau này ông tâm sự với tôi:

“Khi CS vào chiếm miền Nam, tất cả anh em đều đi tù mà tôi vẫn mở lớp dạy nhạc; dù rằng những bài nhạc thực tập đó là những bài nhạc vàng được xếp loại văn hóa đồi trụy...nhưng tôi vẫn cảm thấy hổ thẹn vì mình không được đi tù, nghĩa là không được xếp loại thành phần Nguy hiểm, Trí thức Văn Nghệ sĩ!”
Tôi hơi ngạc nhiên, vì không đi tù là may mắn thoát được sự khổ ái tủi nhục, nhưng tôi chợt hiểu sự suy nghĩ của ông:
“cái tính ngông thời đại của kẻ sĩ” thấy người cùng cảnh ngộ mà chạnh lòng, ông không muốn mình khác người.”

Sau năm 1975 ngọn lửa bạo lực đã thiêu rụi mạch sống của vườn hoa văn nghệ miền nam. Biết bao văn gnghệ sĩ tinh hoa của đất nước bị tước đoạt ngòi bút, không những thế còn bị đầy ải cầm tù trong chiến dịch X2, mệnh danh «chiến dịch đánh văn nghệ sĩ phản động » như : Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Hồ Hữu Tường, Hồ Văn Ðồng,Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Hồ Nam, Họa sĩ Chóe, Họa sĩ Ðằng Giao, Sơn Ðìền Nguyễn Viết Khánh, Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Ðăng Khánh, Lê Văn Vũ Bác Tiến, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Như Phong Lê Văn Tiến, Mạc Thu, Thái Thủy, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Thái Dương, Trần Việt Sơn, Lý Ðại Nguyên, Trịnh Viết Thành, Cao Sơn, Trịnh Hưng, Nguyễn Khánh Giư, Ngô Công Minh, Ðậu Phi Lục, Võ Xuân Ðình, Anh Quân, Nguyễn Văn Minh ( Minh Vồ), Ninh Chữ, Uyên Thao ..vv..

Những người đã chết trong tù : Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Hiếu Chân, Ngọc Thứ Lang, Dương Hùng Cường, Minh Vồ, Thục Vũ, Minh Kỳ, Hồ Ðình Phương, Minh Ðăng Khánh..

Hoặc những người được thả ra về nhà chết:
Vũ Hoàng Chương, TrịnhViết Thành, Anh Quân, Trần Việt Sơn…Bạo lực có thể cướp đi mạng sống của con người, nhưng vẫn không thể nào hủy diệt được tâm hồn nghệ sĩ chân chính và những người yêu tự do. Nhạc sĩ Trịnh Hưng ôm cái thẹn của kẻ sĩ vì những người trên đều là bằng hữu của ông. Ðến khi người con trai ông bị công an đánh chết vì tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không chịu sang Campuchia. Thế là ngọn lửa căm thù có dịp bùng phát. Nhạc sĩ Trịnh Hưng chỉ trong 15 phút viết xong nhạc phẩm: “ Ta Quyết Tâm Ðập Tan Lũ Giặc Hồ”. Gần 50 năm kể từ bài nhạc đầu tay, và hơn mười mấy năm sau bài: “ Hoan Hô ngày 26 tháng Mười ”ra đời năm 1962 ca ngợi tổng thống Ngô Ðình Diệm, bài nhạc được bộ thông tin mua 70 ngàn đồng, số tiền quá lớn ở thời điểm ấy. Do những uẩn ức trong lòng đã giúp ông nguồn cảm hứng viết lại dòng nhạc mạnh. Và cũng chính bài nhạc này xúyt tí nữa ông đã bỏ đời trong sà lim! Số phận một tác phẩm chìm nổi tùy theo tác động của xã hội. Nhưng tác giả vẫn là kẻ bị vùi dập bởi bạo quyền khi dám lên tiếng tố giác những bất công, cường bạo của xã hội!

Tôi hỏi ông: “ Làm sao công an biết mà đến bắt anh?”
Ông đanh mặt lại như còn hậm hực:
“ Chúng nó để ý tôi lâu rồi! Chúng rình, quyết bắt tôi về tội nhạc vàng, nhưng cứ mỗi lần chúng xông vào tôi cho học trò đàn những bài nhạc Liên Sô.”

Ông kể tiếp:
“Hôm đó cũng như những lần trước, học trò tôi đang đàn, công an ập vào xét nhà chúng lục một hồi thấy những bộ nhạc tuyển hàng trăm bài của ccác bạn bè nhạc sĩ tặng, tôi rất qúy nên đóng thành tập bìa mạ vàng thật đẹp, và cất dấu nó rất kỹ. Khi chúng lục lọi và tìm thấy, chúng mừng qquá vì đã tìm ra chứng cớ buộc tội tôi chứa văn hóa đồi trụy. Chúng lập biên bản và xét người tôi, lòi ra bài Ta Ðập Tan Lũ Giặc Hồ. Tên công an chỉ đáng tuổi con tôi, nó hét ầm lên chửi, và xỉ vả tôi thậm tệ. Tôi rất an nhiên, có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi giữ được sự bình thản như thế!”

Viên chỉ huy công an hỏi:
“Ông chứa chấp đồ phản động, lại còn viết nhạc kêu gọi lật đổ chính quyền, ông không sợ tù hả?”
Nhạc sĩ Trịnh Hưng điềm tĩnh trả lời:
“ Tôi chờ nó từ lâu, các ông đến hơi muộn.”
Viên công an giận dữ lên đánh báng súng trượt qua mặt ông. Trịnh Hưng nói:
“ Nó hù tôi chứ cái báng súng đó vào đầu là chết ngay!”

Trong số những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Hưng viết trước năm 1975 về quê hương ông thích nhất bài Tôi Yêu sáng tác năm 1954, vì nó là sự hoài niệm nhớ quê hương xứ Bắc . Những hình ảnh lũy tre, con sông, bến đình, chợ làng quê... Ông mang thêm hình ảnh nhịp cầu tre miền nam đem nhập vào toàn cảnh để có một bức tranh quê sống động. Trong cấu trúc nhạc. Bài Tôi Yêu được viết theo cung Rê trưởng vui tươi, hành âm vừa phải và theo nhịp 2/2 hay (C chẻ ), hợp với tiết tấu, giai điệu và ca từ. Ðiểm đặc biệt trong bài này ông đã dùng quảng 9,( vàng bến đình....yêu trăng buông lơi) Từ nốt Là lên nốt Si thường gặp ở nhạc không lời hay nhạc ngoại quốc, ở thời điểm đó ít có nhạc sĩ miền Nam viết. Vì ngôn ngữ Việt đơn âm nên chọn lựa một ca từ nghe hợp êm tai rất khó và ông đã thành công ở sự chọn ca từ bài này. Nhạc sĩ Trịnh Hưng kể cho tôi nghe: “Khi viết xong bài ông có khoe với vài người bạn nhạc sĩ nhưng tất cả đều chê viết như thế là không đúng, và khuyên ông nên sửa lại. Ông tự ái và nhất quyết tung ra thị trường và đã thành công được mọi người yêu thích mãi đến hôm nay”.
Biết là ông sắp gĩa từ cuộc đời, tôi hỏi:

“Bài nhạc nào anh thích nhất ?”
Ông trả lời: “bài Tôi Yêu.”
Tôi hởi tiếp:
“Anh phục nhạc sĩ nào nhất, tại sao?;”
Trịnh Hưng trả lời:

“ Nhạc sĩ Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Văn Phụng, Trúc Phương, Phạm Duy.... Riêng Trịnh Công Sơn có tài và may mắn gặp thời. Những nhạc sĩ tôi kể trên là vì họ sáng tác bài nào cũng trên trung bình. Ðó là một điều rất khó trong sự nghiệp sáng tác của đời nghệ sĩ. Anh Phạm Duy thì rất có tài và có nhiều bài hay nhưng cũng lắm bài dở, và anh ấy có có lắm tật!!”

Nhạc sĩ Trịnh Hưng không nhắc tới những nhạc sĩ tiền chiến vì anh rất tôn trọng họ. Trong làng âm nhạc miền Nam vào thập niên năm mươi, đầu 60 xuất hiện những nhạc rất có tài, theo phong cách bán cổ điển thính phòng,, nhạc trữ tình lãng mạn, nhạc thời trang ca ngợi tình quê hương, hay tình đôi lứa trong thời chiến, và nhạc trẻ. Tôi biết anh Trịnh Hưng không chuyên về loại nhạc đó nên không nhắc tới những người viết. Tôi hỏi tiếp:

“ Trong số các văn nghệ sĩ từ thời tiền chiến đến nay anh phục ai nhất? Tại sao?
Nhạc sĩ Trịnh Hưng trả lời:
“ Về phía nhạc tôi phục nhất là nhạc sĩ Lê Thương, và văn thơ tôi phục nhất nhà thơ Quang Dũng; Vì hai ông đều là người có đức độ, đứng đắn, đôn hậu, cư xử tế, biết thương anh em.”

À, thì ra đến lúc cuối đời nhạc sĩ Trịnh Hưng vẫn trọng đức hơn tài! Lòng tôi bỗng vui vì không nhận xét lầm về ông, cho đến lúc tàn hơi cuối đời của ông, những tấm lòng tốt vẫn là những hình ảnh ngự trị trong tâm não chiếm hữu tình cảm của ông.

Trịnh Hưng tính tình hiền hòa nhưng hay cục, ông ăn nói bộc trực nghĩ sao nói vậy. Nhiều lúc ông phát ngôn người nghe đến ngượng tai! Ông rất ghét những người đạo đức giả, nhưng lại rất kính trọng những người đạo đức. Ông thường ví von nói với những người chung quanh khi nhận nhật xét đạo đức người nào đó:
“Con ruồi đực bay ngang không những ông phân biệt được đâu là con ruồi đực, đâu là con ruồi cái, mà còn nhận biết cả con ruồi lại cái nữa!” .

Bằng hữu nghe cười, hiểu tính khôi hài của ông, riêng ông chỉ muốn góp mặt, làm cười cho mọi người vui nên thích kể chuyện tiếu lâm, nhất là những câu chuyện tiếu lâm dân gian châm biếm chế độ CS. Ông rất có duyên kể chuyện, mọi người nghe đều cười ồ, và có những tiếng cười kéo dài nắc nẻ.

Nhìn ông thở dốc tôi nén xúc động hỏi:
“ Trong đời anh thích nhất cái gì?”
Nhạc sĩ Trịnh Hưng mở to đôi mắt vung tay nói lớn:
“Tôi thích Tự Do!”
Tôi và anh đồng cười lớn cảm nhau qua câu nói!


Nhạc sĩ Trịnh Hưng dáng người nhỏ bé, gầy gò đôi má nhăn nheo xếp thành vết nứt như mùa hạn hán nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời, lấp loáng ánh tinh ranh. Ai vì vô tình chạm đến ông người đó khó được ông bỏ qua, đôi khi ông đẩy ngòi bút quá mạnh tay! Bằng hữu thường không chấp nhặt ông chuyện này mà qúy ông qua những nhạc phẩm đã viết cống hiến cho đời, ở đó họ tìm lại hững kỷ niệm thuở thanh xuân vì đã từng ca hát nhạc của ông. Nhiều năm sau này ông chống gậy, đầu luôn đội chiếc mũ feutre nỉ, phong cách của các công tử đất Hà thành năm xưa, trông ông có chút hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao lúc xế chiều.

Tôi qúy Trịnh Hưng không chỉ về lãnh vực âm nhạc, bản tính khiêm nhường mà còn ở qúy tấm lòng của ông biết chia sẻ với bằng hữu, nhất là bạn văn nghệ.
Ca khúc đầu tiên phổ thơ trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Hưng là bài thơ Chỉ Yêu Cuộc Tình của tôi. Ông phổ nhạc để tặng tôi, nhạc sĩ đã phổ bài thơ làm 6 ca khúc có giai điệu và cấu trúc đều khác nhau để cho tôi chọn, và còn cho phép tôi thêm thắt vào để hợp với ý thơ. Bài thơ được ông phổ cho là rất qúy nên tôi nào dám có ý kiến, nhất là tôi rất tôn trọng ông. Những ca khúc đó được ông chọn một bài để đưa vào CD duy nhất của ông mang chủ đề Tôi Yêu. Hiện tôi còn giữ 6 bản chép tay. Lần khác tôi và nhạc sĩ Trịnh Hưng được nhạc sĩ Anh Huy tác giả một số ca khúc nổi tiếng trước năm 1975 và có thời dạy nhạc ở Sài Gòn mời đến nhà dùng cơm. Trong câu chuyện, nhạc sĩ Anh Huy và Trịnh Hưng tranh luận về âm nhạc, nhạc sĩ Anh Huy thách thức nhạc sĩ Trịnh Hưng làm một bản nhạc xem ai viết nhanh. Nhạc sĩ Trịnh Hưng từ chối. Ra về tôi hỏi ông tại sao không viết. Ông trả lời: “Anh Huy là lớp đàn em còn trẻ nên viết nhanh là lẽ thường, và nếu tôi viết có nhanh hơn Anh Huy thì cũng chẳng sao, nhưng nếu chậm hơn thì bẽ mặt, không viết tức là chịu thua giữ được tình anh em!”

Có lần tôi đến thăm ông nhưng không báo trước. Tôi đẩy của vào vì phòng của ông không bao giờ khóa, tôi đã từng nhắc ông nên khóa của, nhưng ông cười nói:
“ Có cái gì đâu mà mất, ít cuốn sách, dăm tờ báo bằng hữu gởi tặng ai mà thèm đọc mà lấy . Chỉ có mình mới yêu nó, trân trọng nó thôi, chứ của lả gì thứ đó!”
Tôi hết ý kiến! Thấy tôi bước vào nét mặt Trịnh Hưng tươi lên. Tôi thấy ông ngồi co rúm trên giường đèn phòng không mở, ánh sáng lờ mờ trông ông thật bệnh hoạn!

Tôi hỏi:“Anh ốm hả?”
Trịnh Hưng cười tươi rói lên:
“Ốm cái gì..., ốm đàn bà thì ốm!”

Chúng tôi kéo nhau ra khu Á Châu quận 13 ăn cơm tối và nói chuyện âm nhạc. Tôi hiểu con người Trịnh Hưng đầy tự ái, lẫn tự tôn. Ông kiêu hãnh vì sự quen biết nhiều ngày trước, đa số đều là những văn nghệ sĩ thành danh, những quan chức lớn của VNCH, hoặc những người bạn trong kháng chiến năm xưa hiện còn sống đang là những cán bộ cao cấp của chính quyền CS. Ông ghét chế độ Cộng Sản nhưng không chối bỏ tình bạn năm xưa. Ông sống rất buông thả bất cần đời, đôi khi xài hết tiền ông đóng cửa trong nhà ăn mì gói mà không than với ai. Ông chỉ nhận sự chia xẻ với một ít bạn thật thân qúy, vì nghĩ nhận của bạn là nhận sự chia xẻ, đồng cảm. Hiểu điều này nên tôi đã vận động bằng hữu trong giói trí thức văn nghệ sĩ thường hay đến thăm hỏi giúp đỡ những việc giấy tờ hành chánh. Bằng hữu thỉnh thoảng biếu ông ít quà, ông không từ chối nhưng thái độ biếu phải chân tình, nếu không ông sẽ thẳng thắn từ chối và còn mắng người cho. Nhiều bằng hữu than với tôi: “Ông Trịnh Hưng...nghèo mà làm phách! Chẳng hiểu anh làm cách nào mà chịu nổi ông?!”

Tôi trả lời các bạn chẳng có bí quyết gì ngoài tình thương! Có lần nhà báo Trần Văn Ngà chủ nhiệm báo Tiếng Vang ở Mỹ sang thăm Paris, tôi dẫn anh Ngà và nhà báo Dương Văn Lợi chủ nhiệm báo Ý Dân ở Paris đến thăm ông tại trung tâm dưỡng lão, được nghe ông kể chuyện đời văn nghệ. Ở chỗ thân tình ông không dấu tôi và cho biết ông thường bớt phần ăn của mình để gởi tiền về giúp những bạn tù còn ở quê nhà. Ông tâm sự với tôi ao ước về quê hương thăm mộ của mẹ mà hơn 70 năm chưa lần viếng, và cũng chẳng biết phần mộ ở đâu! Ông dành dụm hơn nửa năm đã có đủ tiền vé máy bay, nhưng tiền chi tiêu và biếu bạn thì quả là nan giải! Tôi hiểu nên kêu gọi vài người bạn văn nghệ giúp, trong đó có nhà thơ Kim Vũ ờ San Jose, vợ chồng nhà thơ Tina, Lê Trọng Nghĩa ở Sacramento, nhà văn Trần Ðại Sỹ ở Paris. Chúng tôi giúp ông một số tiền và nhờ ông mang tiền về tặng một số ít văn nghệ sĩ bị trù dập trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà tôi chưa biết mặt nhưng rất ngưỡng mộ. Nhạc sĩ Trịnh Hưng nhận lời vì họ đều là bạn ông. Về đến Hà Nội Trịnh Hưng hỏi thăm nhiều nơi về địa chỉ nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hoàng Cầm, nhưng chẳng một ai biết! Lần mò mãi ông cũng đã tìm được gia đình của nhà thơ Quang Dũng và nhà thơ Hữu Loan. Rất khó khăn và vất vả ông lặn lội xuống tận Thanh Hóa, sau đó thuê xe ôm tìm nhà của nhà thơ Hữu Loan cách thành phố mấy chục cây số. Và cuối cùng nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng gặp được nhà thơ Hữu Loan. Sau khi về Paris ông đã viết lại cuộc hội ngộ đó. Tôi xin trích một đoạn đối thoại giữa ông và nhà thơ Hữu Loan:

Nhà thơ Hữu loan kể:

“...Sau khi hoàn thành việc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, bọn họ phát động phong trào đấu tố toàn tỉnh Thanh Hóa. Từ thành phố đến huyện xuống tới xã thôn, nơi nào cũng có cán bộ đến giải thích kích động hô hào. Biểu ngữ căng đầy đường. Ngày đêm, họ tụ họp các thanh niên nam nữ, thiếu niên, nhi đồng, đi thành từng đoàn, hô to những khẩu hiệu được học thuộc “Hãy giết sạch lũ địa chủ cường hào ác bá!” “Đào tận gốc, trốc tận rễ!" "Cường hào ác bá ra tro!"... Khắp chốn, các đội cán bộ đến lôi dân chúng ra tuyên truyền nhồi sọ những lời vu oan giá họa dùng để áp đặt lên những người bị đem ra đấu tố. Dân chúng kinh hoảng khi thấy đội cán bộ vào làng để học tập việc đấu tố. Quyền hành sinh sát trong tay họ. Dân chúng sợ quá nói với nhau “Nhất Đội, nhì Trời”! Đội gieo tang tóc, máu đổ thịt rơi, gây kinh hoàng, làm cho từng người dân đêm nằm ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo có người trong đội hoặc du kích rình rập bên ngoài nghe trộm.

Nhà thơ Hữu Loan ngừng nói, nhấp vài hớp trà, rồi nhìn tôi đăm đăm, kể tiếp:
- Lúc đó, anh còn là chính trị viên tiểu đoàn. Anh thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Hơn nữa, mình là người có học, hiểu biết luân thường đạo lý, lại có tâm hồn nghệ sĩ, nên anh cảm thấy chán nản quá và không còn kính trọng già Hồ cũng như chủ nghĩa cộng sản nữa. Tuy nhiên, anh đã trót làm đảng viên được mấy năm rồi. Thú thật với chú, lúc đó anh thất vọng vô cùng!
Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa anh ở độ mười lăm cây số, có một gia đình địa chủ rất giầu nắm trong tay gần năm trăm mẫu tư điền. Ông địa chủ giầu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Ông thấy bộ đội sư đoàn 301 của anh thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo tới chỗ đóng quân để ủng hộ bộ đội. Anh là Trưởng Phòng Tuyên Huấn và Chính Trị nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông ta, đồng thời đề nghị lên Sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Riêng anh rất quý mến và luôn luôn nhớ đến ông.

Thế rồi một hôm anh nghe tin gia đình ông địa chủ ấy bị đội đấu tố mang cả hai vợ chồng ra cho dân đấu tố, sỉ vả, nhục mạ, rồi chôn xuống đất để hở có cái đầu lên thôi. Xong, họ cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ xấu số chỉ còn có một cô con gái mười bảy tuổi được tha chết nhưng bị đội đấu tố đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo. Dã man hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm dân chúng cả việc lấy các con cái của địa chủ làm vợ làm chồng.”

Anh Hữu Loan chớp chớp đôi mắt nhăn nheo có hai vành mi ướt đỏ đượm mầu thương cảm. Anh mím miệng, nuốt nước bọt cho bớt nghẹn cổ, rồi kể tiếp:
- Biết chuyện thảm thương giáng xuống gia đình ông bà địa chủ mà anh hằng nhớ ơn, anh trở về xã đó xem cô con gái của họ sinh sống ra sao, vì trước kia anh cũng biết mặt cô ta. Lúc gần tới nơi, may sao anh gặp cô ta áo quần rách mướp, mặt mày lem luốc, đang lom khom tìm lượm vài củ khoai mà dân bỏ sót nhét vào túi áo, rồi chùi vội một củ vào quần đưa lên miệng gặm. Anh quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra. Anh lại gần hỏi thăm và được cô ta kể lại rành rọt hôm cha mẹ cô bị đấu tố chết ra sao. Cô ta khóc mếu nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hàng ngày cô phải đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong cái miếu hoang; cô rất đói khổ lo lắng, không biết ngày mai còn sống hay sẽ chết vì đói khát!
Anh nghe mà lấy làm thương tâm quá, trong lòng vô cùng xúc động. Anh bèn đem cô ta về quê của anh, rồi bất chấp lệnh cấm, anh đã lấy cô ta làm vợ. Cho đến ngày nay, bà ấy đã cho anh mười người con ngoan. Khi xưa, quê anh nghèo, nhà anh cũng nghèo, anh lại còn ở trong bộ đội nên không có tiền. Nhưng hai vợ chồng cố gắng chịu đựng đùm bọc nhau bữa đói bữa no.

Sau khi lấy vợ, anh trở lại đơn vị làm đơn xin bỏ ngũ và trả lại thẻ đảng, rồi về quê luôn không chờ cấp trên có chấp thuận cho anh giải ngũ hay không. Được một năm, vợ anh sinh cho anh một cháu trai rất kháu khỉnh.”
(hết trích)

Về lại Paris nhạc sĩ Trịnh Hưng có cho tôi nói chuyện bằng điện thoại thăm nhà thơ Hữu Loan.
Như một vì sao băng, băng mãi thành vệt sáng vạch đêm đen làm ngọn nến đưa hồn ông vào cõi vô tận. Ở đó không có tranh đua, hận thù và phiền não. Và cũng chẳng cần những nốt nhạc ru đời và ru mình. Hồn sẽ an nhiên muôn đời.

Tiễn bạn một vần thơ cũ:

“ Ngủ đi anh thế là xong một kiếp,
Cõi đời này ô trọc, nghĩa gì đâu!
Xuôi bàn tay hồn thênh thang giấc điệp,
Về phương xa chắc giải hết nỗi sầu”

Paris 29052008
Đỗ Bình


Kỷ Niệm Ngày Cưới - Lời Việt Phạm Duy - Tiếng Hát Lưu Hồng


Sáng Tác: Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt Phạm Duy
Tiếng Hát: Lưu Hồng
Thực Hiện: Đặng Hùng

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Thơ Tranh: Mỏi Mòn


 Thơ & Hình Ảnh: Nguyễn Thành Tài
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tháng Sáu Vào Hè


Tháng Sáu hàng năm, Tháng vào Hè
Rừng Phong văng vẳng tiếng nhạc Ve
Cỏ cây hoa lá tàn phai sắc
Phố vắng người đi, ngập lá me.

Hè về đất khách, nhớ Hè quê Mẹ
Nhớ thuở còn cắp sách đến trường
Mỗi độ Hè là mùa hoa Phượng
Tuổi mười ba, tình yêu chớm nở

Nhặt cánh Phượng ép vào tâp vở
Làm kỷ vật tặng người yêu trẻ
Để nhớ nhau hai tháng nghỉ Hè.
Rời nhà trường, xa cây Phượng đỏ

Những niềm vui thời tuổi học trò
Thành kỷ niệm, dĩ vãng vùi chôn
Trai đầu quân chống giữ non sông
Gái trưởng thành, cất bước theo chồng.

Mỗi độ Hè về trên đất khách
Kỷ niệm xưa trở lại với tôi
Nhớ trường cũ, nhớ Thầy, nhớ bạn
Nghe lòng buồn mang mác xa xôi.

Hoa Đô, Hè 2021. 
Lão Mã Sơn

Tình Sầu


Óng ánh bình minh đọng giọt sương,
Đường xưa có kẻ đứng ven tường.
Thương người chẳng đặng buồn trăm hướng,
Tưởng bóng không thành khổ tứ phương.
Vướng mối sầu bi nhìn cánh phượng,
Vương câu luyến ái ngắm hoa hường.
Lương duyên lỡ d vì mưa chướng,
Thượng Đế sao bày cảnh nhiễu nhương.

Thanh Song Kim Phú

Chào Xuân

Chào Xuân


Xuân đang về với đất trời 
Đâu đâu cũng có nụ cười Chân Như 
Bước chân Di Lặc nở hoa 
Trên từng ngọn cỏ vần thơ tôi làm 
Nền trời én vẽ mày cong 
Núi non dang cánh biển mênh mông cười 
- Sông dài sóng vỗ nhịp đôi 
Buồm căng lồng ngực ra khơi xuôi dòng 
Bỗng dưng ta tự hỏi lòng 
Nơi đây có phải non bồng cõi tiên 
Tim ta trút sạch ưu phiền
Lắng nghe chim hót gửi niềm tương tư ...
Đò ngang đợi bến sông xưa 
Chở người từ chốn Cô Tô trở về 


Thư Khanh
Seattle- bên bến Fremont-4-14-2021 
***
Chào Xuân


Chào Xuân nở rộ bên trời
Tinh khôi lộc biếc đơm chồi ươm hoa
Sương trong nắng rực sáng loà
Đàn chim ríu rít hát hoà yêu thương

Chào Xuân cỏ mướt bên đường
Cây bông giấy đỏ cổng trường nở mau
Cùng thêm sắc tím chen nhau
Có vài cánh rụng chạnh đau lòng người

Chào xuân dạo bước mĩm cười
Tranh ngời nét đẹp tô đời đáng hôn
Bao nhiêu cảm xúc dâng hồn
Bướm vờn ong lượn mắt còn đắm say

Chào xuân mở rộng vòng tay
Muốn ôm níu cảnh mộng gầy dệt xinh
Nâng niu mấy nụ trắng trinh
Cành hồng , chậu cúc dâng tình thơm hương

Chào xuân vạn vật chuyển thường
Sắc màu tươi thắm lạc vườn mơ phai
Chờ thêm ước mộng vẽ dài
Tình Xuân hạnh phúc bên ai ngập về


Minh Thuý (Thành Nội)
2021


Mừng Húm (Chuyện Phiếm)


Hai cuộc hôn nhân của hai người tỉ phú mà trước đây tôi rất ngưỡng mộ bỗng nhiên tan vỡ thật không ngờ.
Chuyện thiên hạ mà sao tôi cứ buồn vơ vẩn.

Cách đây khá lâu tin ly dị của ông chủ Amazon với bà vợ văn sĩ MacKenzie Scott làm tôi ngạc nhiên sửng sốt. Chuyện tình của họ đẹp như mơ, nàng viết văn, chàng luôn là người đọc bản thảo, góp ý. Chàng lo cả việc in ấn tác phẩm cho vợ và quảng cáo bán trên computer. Nhờ công việc khởi đầu bán sách quá thành công mà chàng có ý tưởng bán thêm các món hàng khác và cứ thế thêm lên mãi. Cuối cùng thì chàng mở hãng Amazon bán tất cả mọi thứ và trở thành tỉ phú thật nhanh chóng. Dù là tỉ phú chàng vẫn không hề thay đổi, vẫn như thuở ban đầu:đọc bản thảo cho vợ và vẫn còn giúp vợ rửa bát nữa mới dễ thương chứ. Hai vợ chồng sống rất đầm ấm, hạnh phúc.

Tôi đọc những tường thuật về cuộc sống của vợ chồng họ và ngưỡng mộ vô cùng. Đôi khi tôi còn mang chàng tỉ phú ra làm gương, để có cớ cằn nhằn chồng khi tôi muốn chàng đọc bản thảo truyện tôi viết để góp ý mà chàng cứ lười không chịu đọc ngay, khất lần khất lữa như khất nợ.
Chuyên tình của họ đang đẹp như vậy mà đùng một cái, chàng tỉ phú mê vợ bạn và đành đoạn bỏ người vợ đầu gối tay ấp, đã từng yêu nhau tha thiết của mình một cách thật dễ dàng.
Thấy tôi lèm bèm chỉ trích anh chàng tỉ phú Amazon, ông chồng tôi bèn chọc quê: "Thấy chưa? người lý tưởng của em đó, chăm chỉ đọc bản thảo truyện của vợ, o bế vợ đủ điều, rồi cuối cùng bỏ vợ một cách dễ dàng không thương tiếc. Lười đọc bản thảo của vợ như anh nhưng lúc nào cũng "òn li ú"( only you) thì em muốn đằng nào?". Tôi quê xệ bèn âu yếm tặng chàng mấy cú đấm nhẹ vào lưng.

Sau chàng tỉ phú Amazon lại đến chàng Bill Gates ly dị vợ. Lúc đầu tôi tưởng ông đòi ly dị bà. Về sau tìm hiểu mới biết bà muốn ly dị ông. Nếu tất cả những điều báo chí nói là thật thì tội nghiệp cho bà Melinda quá. Bây giờ bà mới ly dị là quá trễ . Sao bà lại có thể chấp nhận lấy một người mà họ còn yêu người yêu cũ và đòi bà phải cho một năm đi gặp cố nhân 1 lần ( Bill Gates có người yêu đầu hơn ông 9 tuổi, vì mẹ phản đối nên ông chiều mẹ không cưới, nhưng vẫn yêu tha thiết. Khi lấy vợ, ông công khai yêu cầu vợ phải cho ông đi gặp người yêu cũ mỗi năm 1 lần. Theo báo chí ông còn treo ảnh người yêu cũ to tổ bố trong phòng làm việc nữa cơ chứ. Nếu là tôi thì "bỏ đi tám", thà là lén lút đi gặp, chứ nói huỵch toẹt vào mặt vợ là phải cho tôi đi thăm bồ cũ và để ảnh bồ khơi khơi như vậy thì xin mời anh đi chỗ khác chơi. Tôi không hiểu tại sao bà Melinda lại có thể chấp nhận những điều vô lý như vậy?

Nếu không có chuyện hai người ly dị, rồi báo chí mang hết những bí ẩn đời tư ra nói thì tôi cứ tưởng bà Melinda Gates là người hạnh phúc nhất đời. Lấy chồng tỉ phú, đẹp trai, có tấm lòng bác ái, hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, cùng nhau thành lập quĩ từ thiện để cứu giúp người nghèo. Các con ngoan ngoãn giỏi giang.
Không ai có thể ngờ bà có những nỗi khổ tâm đến nỗi không chịu nổi mà phải đòi ly dị. Từ đó suy ra: đừng nhìn những bề ngoài hào nhoáng của người khác mà xét đoán. Hai bà vợ tỉ phú mà còn không được hạnh phúc, huống hồ những người bình thường. Mấy ai mà không có những niềm riêng khổ đau phải dấu kín? Đừng nghĩ "cỏ nhà người ta luôn xanh hơn" mà so sánh, rồi buồn khổ và mong ước hão huyền.
Qua những mẩu chuyện đời, qủa thật là "làm sao cắt nghĩa được tình yêu ?"
Thật lạ lùng là hai phương trời cách biệt mà hai người đàn ông lừng danh thế giới là Hoàng Tử Charles của Anh quốc và tỉ phú Gates của Mỹ quốc cùng gặp nhau ở một điểm: Người tình cũ già, xấu thua vợ. Cả hai ông cùng có vợ trẻ đẹp hơn và có gia đình vợ con hạnh phúc, vậy mà họ vẫn không quên được người cũ. Đúng là "tình cũ không rủ cũng đến".

Mỗi lần nhắc tới chuyện Bill Gates, ông chồng tôi lại nổi máu gà trống gáy te te: Em phải cám ơn Chúa đã cho em một người chồng quá đàng hoàng tử tế. Tuy anh không là tỉ phú, nhưng cuộc sống em vẫn đầy đủ, có bao giờ thiếu thốn gì đâu?
Chồng không mê vợ bạn để đòi bỏ mình, cũng không có bà bồ già nào để lưu luyến mà nằng năc đòi đi thăm 1 năm một lần. Em may mắn hơn cả vợ của hai tỉ phú, còn đòi hỏi gì hơn nữa?
Ừ nhỉ, ông chồng tôi nói "tầm phải" quá đi.Tôi đã quên béng mất câu " Trông người mà nghĩ đến ta". Bây giờ tôi mới chợt nhận ra là mình may mắn thật.

Các bà chị và các cô em thân mến trong VBVĐBHK của tôi ơi, quả thật chúng mình rất may mắn, có những ông chồng đàng hoàng, chứ không giống hai chàng tỉ phú "mắc dịch ...đàn bà" kia. Thật là mừng húm. Xin cám ơn các ông rể quí của VBVĐBHK.

Hồng Thủy

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Sầu Lòng

 

Biển vắng chiều hôm chờ đợi ai
Mênh mông sóng lặng nước dâng đầy
Tràn lên tâm sự người xa xứ
Khắc khoải sầu lòng ai có hay?!


Thơ & Ảnh: Kim Oanh 

Hoài Phương

( Ảnh: Kim Oanh)

Chiều đông lạnh lẽo trắng rừng sương
Lờ lững ngang trời mây xám buông
Hiu hắt cành cây sương trắng nhuộm
Lơ thơ kẻ lá hạt mưa luồn
Gió nghiêng hơi bấc vào băng giá
Nắng nhạt hoàng hôn lặng lẽ buồn
Cảnh vật bốn bề như đứng lại
Gởi vào tê tái ý hoài phương.

Bằng Bùi Nguyên

Đi Trên Thành Phố Cũ

(Sài Gòn 1980)

Đi trên thành phố cũ
Ngập ngừng bao bước chân
Qua từng khu xóm nhỏ
Dân nghèo đang đón xuân

Đi trên thành phố cũ
Saigon đã đổi tên
Một trời tang tóc nọ
Lâu rồi, đâu dễ quên

Em giờ son phấn nhạt
Lang thang giữa chợ đời
Ta vẫn còn phiêu bạt
Mộng ban đầu vỡ đôi

Đi trên thành phố cũ
Một thời yêu dấu xa
Đâu rồi, bao chiến hữu
Khi mùa binh lửa qua ?

Nguyễn Kinh Bắc
Saigon 1980

Huyền Thoại Tiếng Em


Xin đời chỉ một tiếng em
Mà sao da diết con tim bồi hồi
Mai kia mốt nọ xa xôi
Làm sao người hiểu tình tôi với người 

Xin đời chỉ một lần thôi
Trái tim mộng mị giữa trời tuyết tan
Đường tình hoa cỏ mơ màng
Trong hoang sơ đã bạt ngàn mầm xanh 

Xin đời góc nhỏ hiền lành
Sáng mai thức giấc trời xanh vẩy chào
Một ngày tươi đẹp làm sao!
Tiếng em thỏ thẻ tình vào cõi mơ 

Cuộc đời là vạn bài thơ
Khúc ca tình ái mộng chờ thiên thu
Dẫu rằng trong cõi sa mù
Hào quang một phút cho dù phôi pha 

Cho dù ảo mộng phù hoa
Người ơi em vẫn đậm đà tình anh!
Cho dù một thoáng mong manh
Tiếng em dịu ngọt sao đành người ơi!

Ngọc Quyên


Bỏ Nhớ Lại Đây



Xướng:

Bỏ Nhớ Lại Đây


Người đi bỏ nhớ lại đây
Mùa thu tàn sớm phố lây lất sầu
Cũng cơn mưa muộn ngang đầu
Đường xưa mất dấu chân xao xác ngờ
Vàng rơi lá đổ đôi bờ
Tóc buông dáng rũ cố chờ một mai
Một mai nuôi mộng đêm dài
Chập chờn hạnh phúc đếm ngày tháng qua
Trông về một cỏi trời xa
Đong đưa chốn đó cánh hoa bạc tình

Thuyên Huy 
Tàn thu 2021
***
Họa:

Ôm Nhớ Vào Mình

Xa anh em biết sao đây
Buồn cô đơn với nỗi lây lan sầu
Tình như con sóng bạc đầu
Trồi lên ngụp xuống xôn xao nào ngờ
Một mình lạc hết bến bờ
Bình minh chưa sáng đã chờ nắng mai
Nắng mai rực rỡ bóng dài
Như thời ân ái của ngày đã qua
Đâu ngờ mình phải chia xa
Còn đâu mộng thắm hương hoa men tình.

Toronto 16/6/2021
Nguyên Trần

Vancouver By Night Kỷ Niệm Một Chuyến Đi


Cùng các anh chị cà các bạn,

Chúng tôi trên 50 người từ các nước Úc, Canada và một số tiểu bang ở Mỹ đã hẹn gặp nhau tại Vancouver, Canada một ngày trước cuộc hành trình Rocky Mountains bằng xe lửa vào tháng Năm 2014. Trong dịp này, chúng tôi cũng đã tổ chức một đêm văn nghệ hội ngộ tại đây.

Qua sự giới thiệu của chú em bên Sydney-Auatralia, chúng tôi quen được vợ chồng một bác sĩ người Việt hành nghề tại Vancouver. Trẻ, nhiệt tình lại có tinh thần văn nghệ, BS này đã giới thiệu chúng tôi với một ban nhạc người Việt và một nhà hàng có sẵn hệ thống âm thanh tốt tại địa phương. Buổi văn nghệ đã thành công trên sự mong đợi.

Hôm sau, nhóm chúng tôi, chiếm nguyên một toa xe lửa, cùng nhau đi “thám hiểm” Rocky Mountains. Một trải nghiệm thật khó quên.

Riêng hai đứa tụi này đến Vancouver trước ngày hẹn, mướn xe đi tham quan Vancouver và Victoria.

Một hôm ăn tối xong, tụi này thả bộ dọc theo bờ sông hóng mát. Trời bắt đầu nhá nhem tối và phố đã lên đèn. Ánh hoàng hôn rực rỡ còn rơi rớt lại cuối chân trời. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi vội ra xe lấy “đồ nghề” để ghi lại kỷ niệm một chuyến đi du lịch ngắn.

Xin chia sẻ cái khoảnh khắc “vàng” của Vancouver về đêm.

“Vancouver by night” đã được huy chương Gold medal trong cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế bên Âu Châu, dưới sự bảo trợ của Photographic Society of America tháng 2 năm 2019.



Happy Father's Day!

Thịnh Nguyễn

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Mưa Lạnh Chiều Nay -Thơ Mùi Quý Bồng - Nhạc Anh Bằng


Thơ: Mùi Quý Bồng 
Nhạc: Anh Bằng 
Tiếng Hát: Băng Tâm

George Jones - He Stopped Loving Her Today


Lời nhạc:

He Stopped Loving Her Today

He said "I'll love you till I die",
She told him "You'll forget in time"
As the years went slowly by,
She still preyed upon his mind

He kept her picture on his wall,
Went half-crazy now and then
He still loved her through it all,
Hoping she'd come back again

Kept some letters by his bed
Dated nineteen sixty-two
He had underlined in red
Every single "I love you"

I went to see him just today,
Oh, but I didn't see no tears
All dressed up to go away,
First time I'd seen him smile in years

He stopped loving her today
They placed a wreath upon his door
And soon they'll carry him away
He stopped loving her today

“You know she came to see him one last time
Oh, and we all wondered if she would
And it kept runnin' through my mind
This time - he's over her for good”

He stopped loving her today
They placed a wreath upon his door
And soon they'll carry him away
He stopped loving her today

George Jones

***
Phỏng dịch:
Hôm nay Người Hết Yêu Người

Anh từng nói: “yêu em đến thác”
Nàng trả lời: “quên hết thôi mà!”
Tháng năm lặng lẽ trôi qua
Rập rình tâm trí nàng là của anh

Anh treo ảnh nàng trên tường lục
Nửa cuồng điên mỗi lúc, mỗi thời
Yêu nàng suốt cả cuộc đời
Ước ao cô ấy về chơi bình thường

Vài lá thơ bên giường nghiêm chỉnh
Mốc thời gian một chín sáu hai
Dưới chân một gạch đỏ dài
Những câu: “Anh mãi thương hoài em yêu”

Bữa hôm nay buổi chiều đến đấy
Ngạc nhiên thay không thấy lệ rơi
Áo quần tề chỉnh rong chơi
Lần đầu tôi thấy nụ cười thủy chung

Từ hôm nay anh ngừng yêu dấu
Một vòng hoa trên bậu cửa nhà
Chẳng lâu thân xác rời xa
Hôm nay chàng hết mặn mà dấu yêu!

“Nàng thăm anh một chiều lần cuối
Chúng tôi đều tự hỏi có, không?
Hoang mang tâm trí ngộ rằng:
Giờ đây anh mới nhìn nàng người dưng!”

Từ hôm nay anh ngừng yêu dấu
Một vòng hoa trên bậu cửa nhà
Chẳng lâu thân xác rời xa
Hôm nay chàng hết mặn mà dấu yêu!

Lộc Bắc 
 Jui21

Quê Tôi Đó


Quê tôi đó...Bạc Liêu vùng nước mặn
Sông phù sa chở nặng nối đôi bờ
Biển hoàng hôn con sóng vỗ dật đờ
Mây trắng xóa lững lờ trên trời rộng

Quê tôi đó...tượng bà cao lồng lộng
Dáng uy nghi bồng chống vạn nhân sinh
Cứu dân lành thoát khỏi họa điêu linh
Độ nhân loại an bình qua tai biến 

Quê tôi đó...chiều hoàng hôn trên biển
Sóng dạt dào... ánh điện gió xa xa
Những đêm thu lắp lánh ánh trăng tà 
Hương Nhãn chín đậm đà bay trong gió

Quê tôi đó...lối mòn qua xóm nhỏ 
Mùa hạ về phượng đỏ thắm cành cây
Tiếng ve ru gợi kỷ niệm vơi đầy
Cơn mưa vội...chiều mây loang sắc tím 

Quê tôi đó... ngắm trùng dương sóng biển
Lòng thi nhân xao xuyến...mộng xa vời 
Kẻ ly hương... phiêu bạt giữa dòng đời 
Có thương nhớ... vùng trời quê đất Bạc...?

Hồng Vân
Bạc Liêu/17/6/2021


Xuân Bất Diệt



Em nắn nót chữ nghiêng nghiêng vầng nguyệt
Anh đọc ghiền nên mới biết tương tư
Ý tứ dư, ôm tập vở viết thư
Viết đủ thứ, mắt đỏ nhừ theo chữ.

Gom tình tứ, ngày kết thành thi ngữ,
Đêm hiền từ thôn nữ đưa vào thơ
A ha vui! Tổ đãi kẻ khù khờ!
Ươm nhung nhớ, đợi chờ, thơ cùng… thở.

Rồi rạng rỡ tim si dần vương nợ
Anh đưa thơ vào nhạc, hát em nghe
Nhặt trái cau vừa rớt xuống sau hè
Ngân nhè nhẹ: -Anh thêm trầu, vôi nhé?*
 
 
Em nhỏ bé, e dè lời thỏ thẻ
Hoài rụt rè, nắng ghé vờn gió se
Tay mân mê nón lá nghèo, chân quê
Ơn Thượng Đế! Về nhà, anh học vẽ!

Đời diễm lệ, tràn trề niềm vui trẻ
Ai có dè hồn nghệ sĩ nở hoa
Dù mưa sa hay trăng mới nõn nà
Thi, nhạc, họa như chữ em, hương tỏa!

Nhờ phép lạ, xin đền ơn đáp nghĩa
Mai đường kia, lối nọ về chung nhà
Vẫn thiết tha thơ, nhạc nhả tình ta
Vẽ hoa lá nõn nà xuân bất diệt!

Á Nghi và Chàng**
12-1-2013.
Ái Nghi

Trăm Năm Một Cuộc


Bài Xướng:

Trăm Năm Một Cuộc

PKT - Mây Tần

Đất khách, cuối đời mất gốc
Chút tình chữ nghĩa còn vương
Bể dâu tấc lòng còn đò
Những ngày những tháng tha hương
Tuổi già quay đầu nhìn lại
Trăm năm một cuộc vô thường!


Phạm Khắc Trí
***
Mờ Mịt Non Sông


Nguồn cội Tiên Long còn đó
Việt Nam hai chữ còn vương
Đất nước thăng trầm mấy độ
Lòng ray rức nỗi hoài hương
Nửa đời mơ trăng cựu quốc
Tổ quốc ơi ước mộng thường.

Quên Đi
***
Rưng Rưng Nỗi Nhớ

Tuổi già luyến lưu nguồn gốc
Quê cha đất tổ hoài vương
Một đời bôn ba đất khách
Đau đáu trông về cố hương
Dõi mắt về phương trời cũ
Chao ơi nhung nhớ lạ thường.


Phương Hà
.(13/06/2021)
***
Mây Xa

Mây núi vươn xa bật gốc
Bay đi vô tận thương vương
Bỏ lại xuân thu cổ độ
Mịt mù sương khói sắc hương
Khản giọng quyên kêu nhớ nước
Chơi vơi tiếng quốc khác thường ...

Hawthorne 13 - 6 - 2021
Cao Mỵ Nhân
***
Vận Nước

Vận nước bao lần cơn lốc
Quê người thân khách hồn vương
Hiu hắt tà dương lệ nhỏ
Trông vời man mác cố hương
Chương cuối cuộc đời đã rõ
Trần gian cõi tạm lẽ thường!

Mailoc
6-12-21
***
Trăm Năm Một Gốc


Cả đây phận người xa cội
Lòng khắc khoải những vấn vương
Trước sự thật không thể cãi
Sao quên nổi bóng quê hương
Luôn quay cuồng ngay trước mắt
Trăm năm cũng há vô thường?


Thái Huy
13/6/21
***
Nửa Đời Lạc Gốc

Nửa đời bôn ba lạc gốc
Sống tạm xứ người vấn vương 
Nung nấu tình quê lai láng
Nỗi lòng xao xuyến cố hương 
Biết đến bao giờ trở lại?
Niềm thương nỗi nhớ lạ thường 

Songquang 
20210613

Tỏi Với Sức Khoẻ - Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức


 Tháng 12 năm 1998, một cuộc hội thảo kéo dài hai ngày rưỡi đã được tổ chức tại New Port Beach, California, để thảo luận và trình bày kết quả nghiên cứu về công dụng của tỏi.

Hội thảo được Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ và Đại Học Pennsylvania bảo trợ, với sự tham dự của trên hai trăm khoa học gia, chuyên viên y tế, dinh dưỡng đến từ 12 quốc gia trên thế giới.

Kết luận của hội thảo là các cuộc nghiên cứu trong nhiều năm qua đã xác định những ích lợi của tỏi đối với sức khỏe con người.

Kinh nghiệm chữa bệnh bằng tỏi.

Chữ viết đầu tiên của dân Sanskrit cách đây 5000 năm đã nhắc đến TỎI nhiều lần.

Trong mộ cổ Ai Cập 6000 năm về trước có những củ tỏi khô nằm ướp trong nắm xương. Sách Y học Ai Cập trên 3000 năm về trước có ghi hai mươi bài thuốc tỏi để trị một số bệnh như đau bụng, đau nhức khớp xương, nhiễm độc, cơ thể suy nhược…

Công nhân xây đắp Kim Tự Tháp được cung cấp thực phẩm có tỏi để tăng cường sức lao động. Những giác đấu Hi Lạp, binh sĩ La Mã cũng được cho ăn tỏi để chiến đấu can trường, dũng cảm hơn.

Trong các cuộc hải hành, dân Virking đều mang tỏi theo làm lương thực và để trị bệnh khi cần đến.

Tỏi đã được các vị thầy thuốc xưa kia ca ngợi như một dược thảo có giá trị. Ông tổ nền y học tây phương Hippocrates (460-377 trước Cơng nguyn) đ coi tỏi là môn thuốc tốt để trị các bệnh nhiễm độc, bệnh viêm, bệnh bao tử, và loại trừ nước dư trong cơ thể.

Galen (129 – 199), một trong những danh y nổi tiếng sau Hippocrtes, đ ca tụng tỏi như môn thuốc dân tộc trị được nhiều bệnh.

Theo Pedonius Dioscorides (40 – 90), một danh y Hy Lạp, thì tỏi làm giọng nói trong trẻo, làm bớt ho, làm thông tắc nghẽn ở mạch máu, làm lợi tiểu, bớt đau răng, chữa bệnh ngoài da, và chữa cả hói tóc nữa.

Vào thế kỷ 16, Alfred Franklin nói với dân chúng thành phố Paris là nếu họ ăn tỏi tươi với bơ vào tháng Năm thì họ sẽ được khỏe mạnh trong những tháng còn lại.

Trong thế chiến thứ nhất, người Nga đã dùng tỏi để trị bệnh nhiễm vi trùng. Họ gọi tỏi là “thuốc kháng sinh Nga Sô ”. Các bác sĩ Anh cũng đ biết dùng tỏi để trị vết thương làm độc ở chiến trường.

Khi có các dịch cúm vào đầu thế kỷ 20, nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, đã dùng tỏi như một phương tiện để chống lại sự hoành hành của bệnh.

Sách xưa có ghi lại câu chuyện về bốn tên trộm lừng danh ở thành phố Marseille: trong vụ dịch hạch kinh khủng ở thành phố này, có bốn tên trộm vẫn ngang nhiên vào nhà các người bị bệnh để trộm của mà không bị lây bệnh. Khi bị bắt, chính quyền hứa sẽ tha tội nếu họ nói bí quyết không lây bệnh. Bốn chú đạo trích khai là suốt thời gian dịch hạch, họ ăn rất nhiều tỏi tươi, do đó họ không bị bệnh.

Vào thời Trung Cổ, khi đi vào những vùng nhiễm độc, các thầy thuốc đều mang nhiều nhánh tỏi để phân phát cho dân chúng cũng như để ngăn chặn hơi độc xâm nhập vào mũi.

Các triết gia cũng có nhiều nhận xét về giá trị của tỏi.

Celsius, vào thế kỷ I đã khuyên dùng tỏi để trị nóng sốt và bệnh đường ruột.

Virgil (70 – 19) thấy tỏi làm tăng sức lực của nông dân.

Aristophanes (448 – 385 trước Công nguyên) thì nhắc nhở lực sĩ, chiến sĩ ăn tỏi trước khi xuất trận để chiến đấu cang cường hơn.

Dân Nga xưa kia ngâm tỏi với rượu vodka, để lâu hai tuần rồi uống và tin là sẽ sống lâu.

Dân Ukraine uống nước chanh ngâm tỏi để làm tăng sức lực, làm người trẻ ra.

Dân Da Đỏ bắt chước đoàn thám hiểm Tây Ban Nha, dùng tỏi để trị các bệnh khó tiêu, đau bụng, đau tai và họ rất ít bị bệnh yết hầu vì mùi tỏi làm cuống phổi mở rộng, hô hấp sể dàng.

Người Mỹ xưa kia chữa bệnh tim phổi bằng cách đắp tỏi giã nhỏ lên chân và họ giải thích là như vậy tỏi sẽ hút hết chất độc xuống để đưa ra ngoài. Tổng Thống Benjamin Franklin thích ăn súp nấu với tỏi, còn binh sĩ của Tổng Thống George Washington thì được cho thêm tỏi trong khẩu phần.

Vào đầu thế kỷ trước, bệnh lao rất phổ biến và khó trị vì chưa có thuốc kháng sinh. Các bác sĩ bèn chữa bằng tỏi và thấy là rất công hiệu để diệt vi trùng lao. Sau đó một thời gian, nước Mỹ bị dịch cúm và bệnh tinh hồng nhiệt, dân chúng bèn đốt tỏi trong nhà và hơi khói tỏi che trở nhiều người khỏi bị bệnh. Nhiều người còn nhai tỏi để ngửa bệnh cúm.

Năm 1941, bác sĩ Emil Weiss ở Chicago làm một cuộc thử nghiệm trị bệnh bằng tỏi cho 22 người mang các bệnh khác nhau như đau bụng, nhức đầu, táo bón. Kết quả là những người này hết bệnh.

Về niềm tin dị đoan, tỏi đã được dùng là vũ khí để trừ tà ma , quỷ quái. Dân Âu châu xưa rất sợ ma cà rồng hút máu và để xua đuổi, mỗi nhà đều cheo nhiều nhánh tỏi ở trước cửa. Văn tự Ấn Độ giáo từ nhiều ngàn năm trước có ví một củ tỏi như một tráng sĩ diệt trừ yêu quái.

Dân nài ngựa cheo vài nhánh tỏi vào cương để ngựa phi mau hơn. Nằm mơ thấy tỏi là điềm lành.

Trong các cộng đồng Do Thái xưa kia, vài nhánh tỏi được trang điểm vào áo cưới cô dâu với niềm tin là cuộc hôn nhân sẽ muôn vàn hạnh phúc.

Dân Ai Cập so sánh hương vị cay hôi của tỏi với những thăng trầm của cuộc đời.

Các tu sĩ nói với con chiên là khi họ cầm vài nhánh tỏi trên tay tức là đang cầm mọi phức tạp của cuộc đời. Và khi tuyên thệ, họ đặt tỏi trên bàn tay hay trên bàn thờ.

Bên Việt Nam ta, các cụ cheo tỏi trước cửa buồng đàn bà mang bầu để trẻ sinh ra được mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh

Đông Y việt Nam ta ghi nhận công dụng trị bệnh của tỏi như sau: “tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc nằm trong hai kinh can và vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa bệnh lỵ ra máu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đàm, chữa đầy chướng bụng, đại tiểu tiện khó khăn. Người âm nhu, nội thiệt, có thai, đậu chẩn, đau mắt không nên dùng.
Kết qủa nghiên cứu công dụng tỏi trong trị bệnh

Qua nhiều nghiên cứu khoa học và qua kinh nghiệm xử dụng của dân chúng, thì tỏi không những là một thực phẩm ngon mà còn có nhiều công dụng trị bệnh.

Năm 1951, hai nhà hóa học Thụy sĩ Arthur Stoll và Ewald Seebeck đã tìm ra hóa chất chính của tỏi là chất Alliin và men Allinase. Hai chất này được giữ riêng rẽ trong tế bào tỏi

1-Tỏi và cholesterol.

Khi quan sát dân chúng ở một số vùng ăn nhiều tỏi, các nhà nghiên cứu thấy họ rất ít bị các bệnh về tim mạch, mặc dù họ ăn nhiều thịt động vật và uống nhiều rượu vang. Có người cho là do ảnh hưởng của rượu vang, nhưng các bác sĩ ở địa phương thì cho là nhờ uống rượu và ăn nhiều tỏi.

Sự kiện này thúc đẩy các chuyên viên của Đại Học Western Ontario, Canada, để tâm nghiên cứu và họ kết luận rằng một dân tộc càng ăn nhiều tỏi thì bệnh tim mạch càng ít. Bằng chứng là dân Triều Tiên ăn nhiều tỏi và họ cũng ít bị bênh tim.

Nhiều khoa học gia bèn nghiên cứu tương quan giữa tỏi và bênh tim ở súc vật trong phòng thí nghiệm. Họ đều thấy là tỏi làm chậm sự biến hóa của chất béo trong gan, khiến gan tiết ra nhiều mật, đồng thời cũng lấy bớt mỡ từ thành động mạch.

Các bác sĩ H.C. Bansal và Arun Bordia ở Ấn Độ nhận thấy khi ăn bơ với tỏi, cholesterol trong máu đã không lên cao mà còn giảm xuống.

Năm 1990, nghiên cứu do bác sĩ F.H. Mader ở Đức cho hay, nếu mỗi ngày ăn vài nhánh tỏi thì cholesterol sẽ giảm xuống tới 15%.

Một nghiên cứu tương tự ở Đại học Tulane, New Orleans do bác sĩ A. K. Jain thực hiện năm 1993 cho thấy người có cholesterol cao, khi dùng tỏi một thời gian, thì cholesterol giảm xuống được 6%. Đó là một sự giảm đáng kể.

Bác sĩ Benjamin Lau, thuộc Đại Học Loma Linda, California cho biết là tỏi giúp chuyển cholesterol xấu LDL thành cholesterol lành HDL. Còn bác sĩMyung Chi của Đại Học Lincoln ở Nebraska chứng minh là tỏi làm hạ cholesterol và đường trong máu.

Một câu hỏi được nêu lên là tỏi có làm giảm cholesterol ở người có mức độ trung bình không? Các nhà nghiên cứu cho là tỏi có một vài ảnh hưởng, nhưng nếu cholesterol cao thì tác dụng của tỏi tốt hơn. Có bác sĩ còn cho là tỏi công hiệu hơn một vài âu dược hiện đang được dùng để chữa cholesterol cao trong máu.

Do hạ thấp cholesterol trong máu, tỏi có thể ngăn ngừa nguy cơ một số bệnh tim. Đã có nhiều bằng chứng rằng cholesterol trong máu lên cao là nguy cơ đưa tới các bệnh vữa xơ động mạch và dột quỵ.
2-Tỏi và sự đông máu

Tỏi có tác dụng ngăn sự đóng máu cục, một nguy cơ của kích tim và tai biến động mạch não.

Máu cục gây ra do sự dính chùm của tiểu cầu mỗi khi có dấu hiệu cơ thể bị thương để ngăn ngừa sự xuất huyết

Trong tỏi có chất Ajoene được bác sĩ Eric Block, Đại học Nữu Ước, khám phá ra. Theo ông ta, chất này có công hiệu như aspirin trong việc làm giảm sự đóng cục của máu, lại rẻ tiền mà ít tác dụng phụ không muốn. Điều này cũng phù hợp với nhận xét của bác sĩ I.S. Menon là ở miền nam nước Pháp, khi ngựa bị máu đóng cục ở chân thì nông gia đều chữa khỏi bằng cách cho ăn nhiều tỏi và hành.

Bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ trong trại Pendleton, California, cũng công bố là tỏi có chất ngừa đông máu do đó có thể làm máu lỏng và ngăn ngừa tai biến động mạch não, kích tim vì máu cục.

Ngay cả ông tổ của nền y học cổ truyền Ấn Độ Charaka vào thế kỷ thứ 2 cũng ghi nhận là “ tỏi giúp máu lưu thông dễ dàng, làm tim khỏe mạnh hơn và làm con người sống lâu. Chỉ vì mùi khó chịu của nó chứ không thì tỏi sẽ đắt hơn vàng”.

Các thầy thuốc xưa kia cũng nói là tỏi làm máu loãng hơn.Tác dụng này diễn ra rất mau, chỉ vài giờ sau khi dùng tỏi. Chưa có trường hợp nào trong đó ăn nhiều tỏi đưa đến máu loãng rồi dễ xuất huyết, vì tỏi chỉ làm máu loãng tới mức bình thường thôi.
3-Tỏi và cao huyết áp

Tỏi được dùng để trị bệnh cao huyết áp ở Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước đây. Tại Nhật Bản, giới chức y tế chính thức thừa nhận tỏi là thuốc trị huyết áp cao.

Năm 1948, bác sĩ F.G. Piotrowski ở Geneve làm thế giới ngạc nhiên khi ông tiết lộ kết quả tốt đẹp khi dùng tỏi để trị cao huyết áp. Theo ông, tỏi làm giãn mở những mạch máu bị nghẹt hay bị co rút, nhờ đó máu lưu thông dễ dàng và áp lực giảm. Các nghiên cứu ở Ấn Độ, Gia Nã Đại, Đức cũng đưa đến kết quả tương tự.

Nhà sinh học V. Petkov thực hiện nhiều nghiên cứu ở Bulgarie cho hay tỏi có thể hạ huyết áp tâm thu từ 20-30 độ, huyết áp tâm trương từ 10 tới 20 độ.

4-Tỏi và cúm

Trong các dịch cúm vào đầu thế kỷ trước, dân chúng đã dũng tỏi để ngăn ngừa sự lan tràn của bệnh này. Y học dân gian nhiều nước đã chữa cảm cúm bằng cách thoa tỏi tươi mới cắt vào b \ Trong dịch cúm ở Liên Xô cũ vào năm 1965, dân Nga đã tiêu thụ thêm trên 500 tấn tỏi để ngừa cúm. Trước đó, vào năm 1950, một bác sĩ người Đức đã công bố là tinh dầu tỏi có khả năng tiêu diệt một số vi sinh có hại mà không làm mất những vi sinh vật lành trong cơ thể.

Bác sĩ Tarig Abdullah ở trung tâm nghiên cứu tại Tampa, Florida, công bố năm 1987 là tỏi sống và tỏi chế biến đều làm tăng tính miễn dịch của cơ thể với vi trùng, ngay cả HIV và làm giảm nguy cơ vài bệnh ung thư. Cá nhân ông ta đã liên tục dùng mấy nhánh tỏi sống mỗi ngày từ năm 1973 và chưa bao giờ bị cảm cúm.

Từ năm 1950, bác sĩ J. Klosa bên Đức đã dùng tỏi để chữa lành những bệnh đau cuống họng, sổ mũi, ho lạnh. Ông ta vừa cho bệnh nhân uống vừa ngửi tinh dầu tỏi. Theo ông ta, đó là nhờ chất Alliin trong tỏi.

Trong bệnh cảm cúm, bệnh nhân thường sưng cuống phổi, bị ho, sổ mũi. Bác sĩ Irvin Ziment, California, nhận thấy tỏi có thể làm giảm những triệu chứng trên, làm bệnh nhân bớt ho, long đàm, thở dễ dàng và không bị nghẹt mũi. Theo vị thầy thuốc này thì vị hăng cay của tỏi kích thích bao tử tiết ra nhiều dịch vị chua; dịch vị này chuyển một tín hiệu lên phổi khiến phổi tiết ra nhiều dung dịch lỏng làm long đờm và đưa ra khỏi phổi.

Các bác sĩ bên Ba Lan trước đây dùng tỏi để trị bênh suyễn và viêm phổi ở trẻ em

5-Tỏi và ung thư

Hiện nay đang có nhiều nghiên cứu coi xem tỏi có công dụng trị ung thư ở người như kết quả nhận thấy ở động vật trong phòng thí nghiệm hay không.

Từ năm 1952, các khoa học gia Nga Sô Viết đã thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển của một vài tế bào ung bướu ở chuột.

Thí nghiệm ở Nhật Bản cho hay tỏi có thể làm chậm sự tăng trưởng tế bào ung thư vú ở loài chuột và tỏi có chất oxy hóa rất mạnh để ngăn chặn sự phá tế bào do các gốc tự do gây ra.

Tại viện Ung Thư M.D. Anderson, Houston, các bác sĩ đã cứu một con chuột khỏi bị ung thư ruột già bằng cách cho uống chất Sulfur trong tỏi. Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ đang đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu khả năng trị bệnh ung thư của hóa chất sulfur này.

Nghiên cứ tại Trung tâm Y khoa Sloan Kettering cho hay nước chiết của tỏi có thể chăn sự tăng trưởng tế bào ung thư nhiếp hộ tuyến.

6-Tỏi dùng làm thuốc kháng sinh

Từ lâu, dân chúng tại nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng tỏi để chữa một số bệnh gây ra do vi khuẩn như kiết lỵ, bệnh tiêu chẩy, bệnh thương hàn, viêm cuống họng, mụn nhọt ngoài da, thối tai và tỏi được gọi là thuốc kháng sinh dân tộc.

Trong hai thế chiến, tỏi được dùng để chữa vết thương cho binh sĩ tại chiến trường. Người ta cũng dùng tỏi để trị vết thương do côn trùng, rắn cắn. Nông dân, thợ săn đều mang theo tỏi phong hờ khi bị các sinh vật này cắn thì tự chữa.

Năm 1858, nhà bác học Pháp Louis Pasteur (1822 – 1895) đã chứng minh được công dụng diệt vi khuẩn của tỏi.

Năm 1944, nhà hóa học Chester J. Cavallito, làm việc cho công ty hóa chất Winthrop ở Hoa Kỳ, đã phân tích được hóa chất chính trong tỏi có công dụng như thuốc kháng sinh. Đó là chất Allicin, chỉ có trong tỏi chưa nấu hay chế biến. Kháng sinh này mạnh bằng 1/5 thuốc Penicilin và 1/10 thuốc Tetracycline, có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn, xua đuổi hoặc tiêu diệt nhiều sâu bọ, ký sinh trùng, nấm độc và vài loại virus.

Theo nhiều nghiên cứu, allicin có tác dụng ức chế sinh trưởng vi khuẩn nhiều hơn là diệt chúng. Nói một cách khác, chất này không giết vi khuẩn đã có sẵn mà ngăn chặn sự sinh sôi, tăng trưởng và như vậy có thể ngừa bệnh, nâng cao tính miễn dịch, làm bệnh mau lành.

Nghiên cứu tại Brazil năm 1982 đã chứng minh là nước tinh chất của tỏi có thể chữa được nhiều bệnh nhiễm độc bao tử, do thức ăn có lẫn vi khuẩn, nhất là loại Salmonella. Các nghiên cứu tại Đại Học California ở Davis cũng đưa đến kết luận tương tự. Ngoài ra, tỏi cũng được dùng rất công hiệu để trị bệnh sán lãi, giun kim, các bệnh nấm ngoài da…

Một nhà nghiên cứu đã hào hứng tuyên bố rằng “ tỏi có tác dụng rộng rãi hơn bất cứ loại kháng sinh nào hiện có. Nó có thể diệt vi trùng, nấm độc,siêu vi trùng, ký sinh trùng lại rẻ tiền hơn, an toàn hơn vì không có tác dụng phụ và không gây ra quen thuốc ở vi trùng”.

Giáo sư Arthur Vitaaen (1895-1973), người đoạt giải Nobel năm 1945, cũng đồng ý như vậy.

Do đó ta không lấy làm lạ là trong Thế chiến thứ nhất, các bác sĩ Anh quốc đã dùng tỏi để chữa vết thương làm độc.

Thực tế ra, tỏi được dùng với những nhiễm độc nhẹ, không nguy hiểm tới tính mạng. Còn các trường hợp nhiễm trùng cấp tính và trầm trọng thì không thể dựa vào các loại “kháng sinh thực vật” này.

7-Tỏi với tuổi thọ

Theo dân chúng vùng Ukraine, ngâm nửa kí tỏi cắt hay giã nhỏ bỏ vào nước vắt của 25 quả chanh, để qua đêm rồi mỗi ngày uống một thìa pha với nước lạnh, trong hai tuần sẽ thấy trẻ khỏe ra. Các nhà văn Ukraine nói thêm rằng uống thường xuyên rượu tỏi thì con người sẽ cảm thấy trẻ trung.

Nhiều vị cao niên Việt Nam cũng thường uống rượu ngâm với tỏi, tin tưởng là sẽ được cải lão hoàn đồng, kéo dài tuổi thọ. Họ nghiền khoảng 200 gr tỏi tươi, ngâm trong 300gr rượu mạnh, để vào nơi mát trong hai tuần rồi uống trước mỗi bữa ăn chừng năm tới mười giọt .

Ở vùng Balkan, số người thọ trên 100 tuổi rất cao và được giải thích là họ nhai nhiều nhánh tỏi mỗi ngày.

Ngoài ra, Tỏi còn một số công dụng khác như:

Nhà thiên nhiên học La Mã Pliny viết rằng tỏi mà đưa cay với rượu vang thì con người làm tình rất điệu nghệ. Do đó dân chúng La Mã ăn nhiều tỏi và coi tỏi là thuốc kích thích tình dục.

Nghiên cứu mới đây ở loài chuột cho thấy tỏi có thể có tác dụng tốt trên các chức năng của não bộ, tăng trí nhớ và có thể nâng cao tuổi thọ.

Theo bác sĩ Paavo Airola, một nhà chuyên môn dinh dưỡng tại Phoenix, Arizona, tỏi với các hóa chất sulfur của nó, có thể chữa được bệnh mụn trứng cá, bệnh khí thũng phổi làm khó thở, khó tiêu bao tử, táo bón, cảm lạnh.

Các nghiên cứu của bác sĩ D Sooranna và I Das bên Luân đôn cho hay dùng tỏi khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật , ( cao huyết áp và đạm chất trong nước tiểu ) và làm trẻ chậm lớn được mau lên cân hơn.

Và cuối cùng là một nghiên cứu ở Monnel Chemical Senses Center, Philadelphia, cho biết là khi mẹ ăn tỏi, con sẽ bú sữa mẹ lâu hơn và nhiều hơn vì tỏi làm tăng khẩu vị của em bé.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức