Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Phượng Ơi


Thơ: Trương Văn Phú
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mưa Tháng Bảy



Mưa ru tháng bảy nhạt nhòa,
Bỗng dưng lại nhớ thời qua ngậm ngùi,
Thôn xưa Đá Đứng đâu rồi!
Đã thành đập Trấm không lời chào ta,

Là nơi ta bỏ đi xa,
Chào Quảng trị lắm thiết tha bồi hồi!
Chào em tim lỗi nhịp rồi,
Xin lời tha thứ mây trôi nhuốm đầu!
Cảm ơn em đã qua cầu,
Sao tim ta vẫn muộn sầu thế ni,
Ơi tình là cái chi chi,
Đời qua cũng chẳng còn gì níu thân,
Rong chơi phiêu lãng bao lần.
Tây Nguyên một thuở phong trần đắng cay.
Krongbuk chiều mưa bay,
Ea H'Leo với những ngày còn không!
Suối Sol với Mí (A mí) thiết thân,
Hỏa xây(ăn cơm) với uống rượu cần bên nhau.
Cồng chiêng rộn tiếng đêm thâu,
Ksor, Siu Loah với những câu tiếng người,
Chừ đây viết một đôi lời,
Nhớ quên quên nhớ một đời trãi qua!

Hoành Trần

Chợ Nổi Cái Răng


Chợ sáng ghe xuồng chen dày đặc
Nhấp nhô trái chín đỏ nâu hồng
Vàng tươi màu quýt trông tươi mát
Giữa buổi bình minh trên bến sông.

Cuối Hạ sương mờ che bến đợi
Nhịp cầu cao mõi mắt nhìn lên
Ghe thương hồ khẫm vào neo đậu
Tiếng ai mời gọi bạn hàng bên.

Cây bẹo treo cao niềm kiêu hảnh
Trái còn bông phấn, cuống còn xanh
Soài riêng thơm lựng, thêm mùi bưởi
Niêm mũi còn vương mấy khúc quanh.

Buổi trưa sóng bạc trêu màu nắng
Chợ vắng - mặt sông dáng lạnh lùng
Thương cho con nước lên và xuống
Cái Răng chợ nỗi dẹp vô cùng.

Buổi chiều lác đác vài ghe nhỏ
Cặp bờ thả nổi phút rong chơi
Trắng đêm chờ sáng phiên họp chợ
Một bến sông quê - một kiếp người.

Dương hồng Thủy

Người Tiều Phu Và Học Giả


Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.

Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:

"Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?".

Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

"Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:

"Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.

Bài học rút ra:

Trong cuộc sống, nhiều người hay tỏ vẻ là mình trí tuệ, thông minh hơn người và tỏ vẻ coi thường những người ít học, học thấp hơn họ. Tuy nhiên đôi lúc, sự tự phụ quá tự tin của họ sẽ khiến họ bị lâm vào những tình huống "dở khóc dở cười". Họ không biết một điều rằng "thông minh sẽ hại thông minh", người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao. Lẽ vậy ở đời, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn đáng được tôn trọng. Truyện cực ngắn về người tiều phu khiến chúng ta phải suy nghĩ về đức tính khiêm tốn.

Kim Phượng Sưu Tầm

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Mưa Hạ


Bài Thơ Xướng
Mưa Hạ

Từng cơn dìu dặt thổi khoan lơi
Lúc sắc xám đang kéo phủ trời
Từng cánh non bay tìm chỗ ẩn
Lúc tia vàng vội trốn mưa rơi
Lại mơ dáng cũ nào đâu thấy
Dẫu luyến hương xưa cũng đã rời
Tí tách vang lên từng giọt hạ
Tiếng buồn như đọng chẳng hề vơi
Quên Đi
***
Các Bài Thơ Họa:
Nghỉ Hè

Nhạc vàng dìu dặt lại buông lơi,
Khúc hát du dương vọng khắp trời.
Bóng mát trưa, chiều cây nóng nực,
Che dù nắng xế phượng hồng rơi.
Học sinh được nghỉ Hè ba tháng,
Tuổi trẻ về quê hết Hạ rời.
Đồng nội tha hồ chơi dế đá,
Sông hồ mặc sức tắm chơi vơi...


Mai Xuân Thanh
Ngày 02 tháng 07 năm 2016
***

Mưa Hạ

Gió giật từng hồi liễu lả lơi 
Bỗng đâu mây xám nghịt chân trời 
Ầm ầm sấm chớp cơn giông tới
Rào rạt mặt đường xác lá rơi 
Chất củi chị kêu, tai giả điếc 
Đá banh bạn níu chân không rời 
Mưa ơi ! nặng hạt lòng càng thích
Kỷ niệm ngày vàng thật khó vơi!

Mailoc
7-02-2016
***
Mưa Hạ

Ánh ráng buông chiều sợi nắng lơi 
Tầng không vội vả cánh chim trời 
Vầng mây tản hợp màn u ám 
Ngọn gió quay cuồng hạt đổ rơi 
Ký ức hằn sâu bao hận oán 
Dòng trôi khắc đậm khó xa rời
Còn vang tiếng nhạc hồn xưa cũ 
Nhắc nỗi đau buồn chẳng phút vơi! 

Nguyễn Đắc Thắng
***
Mưa Hạ

Nắng hạn chiều qua cũng phải  lơi
Mây đen phủ kín khắp phương trời
Ngang đầu sấm nổ cành sao gãy
Trên đất dông lùa tổ sáo rơi
Lảo thợ âu lo nhìn chẳng đục
Làn mưa quất tạt dõi không rời
Căn nhà cũ kỹ nhiều nơi dột
Xối xả hàng giờ sao chửa vơi!

Cao Linh Tử
 ***
Hạ Vẫn Huy Hoàng

Hoa nắng buông cành để lả lơi
Phơi mình uống nắng ve vang trời
Từng bầy én lượn bao xuân đã
Mấy tháng hạ về những lệ rơi
Dĩ vãng một thời đang sống lại
Khung trời kỷ niệm dẫu xa rời
Phượng hồng hẳn chết hè hôm ấy
Không! Vẫn hương thầm sắc chẳng vơi

Kim Phượng

Tình Xưa - Thơ Trần Hoài Thư- Vĩnh Điện Phổ Nhạc Và Hát


Thơ Trần Hoài Thư
Phổ Nhạc & Hát Vĩnh Điện 
Thực Hiện: Tranai2008

Ngựa Già


Nơi bến cũ con ngựa già đứng khóc
Nhánh chân gầy ri rỉ máu binh đao
Khép mi lại cho căm hờn nhọn hoắc
Tuổi thanh xuân mấy chốc vội bôn đào

Và bến cũ con ngựa già thôi khóc
Ngủ giấc buồn mơ chiến trận ngày xưa
Người chủ tướng dệt đường gươm hiểm hốc
Phút kiêu hùng quên cả vạn ngày mưa

Nơi bến cũ con ngựa già trở giấc
Dựng bờm cao vang giọng hí ban sơ
Nhưng tất cả chỉ gom thành tiếng nấc
Rũ đôi tai nghe gió thoảng ơ hờ

Rồi bến cũ con ngựa già yên ngủ
Con ngựa già yên ngủ giấc đời xưa
Xe thổ mộ làm nhà vàng cổ hủ
Chở thi hài tên lính trận già nua...

( 1965 )
Lâm Hảo Khôi

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Mộng Ảo



Tình em đâu nghĩ chuyện qua đường
Chứa cả tâm hồn đã vấn vương
Giữa chốn bụi hồng tìm bạn ngọc
Bên bờ vực thẳm thấy tang thương
Rời tay chợt trải ngày vô tận
Nhắm mắt mà thương đóa bất thường
Gió núi mây ngàn hoa cỏ dại
Ta hồ! ảo ảnh đã nhòa sương.

Cao Linh Tử

Đếm Lá Thời Gian


Lặng lẽ thời gian thắm thoát qua
Năm năm tháng tháng thấy trăng già
Tình Xuân mộng ước đời xanh biếc
Ngày ấy yêu nhau giờ đã xa

Khoảnh khắc ngày xanh đi rất mau
Ngoài song cây lá đã thay màu
Thu đến thu đi trong vàng úa
Cho lòng thổn thức với niềm đau

Lá vẫn rơi và lá vẫn rơi
Tôi đếm tình tôi gữi cho người
Bao giờ Thu chết không còn lá
Chiếc lá cuối cùng lá của tôi!

Biện Công Danh

Vĩnh Biệt Nhà Thơ Quang Tuấn



Sau bảy lăm vượt biên ta bỏ xứ,
Chạy loạn cuối đường với số phận chung.
Bằng mọi giá cõng người thân thê tử,
Tới bến bờ nhân đạo với bao dung.

Duyên xướng họa trong Vườn nhà thơ thẩn,
Thầy Quang Tuấn luôn tâm sự ở đời.
Ghi nỗi tang thương thời gian lận đận,
Trải một tấm lòng tình nghĩa gọi mời.

Có ngờ đâu người ra đi lẻ bạn,
Một thân đơn về lại chốn vĩnh hằng.
Không còn thấy những thị phi mù quáng,
Về tiên cảnh trong tiếc thương vô hạn,

Tiễn thầy đi lòng xót xa yêu quý,
Xin nguyện cầu thi sĩ tới bồng lai,
Được siêu thoát ngàn thu nơi an nghĩ,
Một cõi đi về vĩnh biệt trần ai!

Mai Xuân Thanh
Ngày 04 tháng 03 năm 2016

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Áo Lụa Hà Ðông - Ngô Thụy Miên - Sĩ Phú

Đây là một trong những bản nhạc hay nhất, được rất nhiều người mê âm nhạc yêu mến, của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, qua giọng hát trầm ấm rất nam tính của một ca sĩ thuộc binh chủng không quân trước 1975, vang danh một thời ở Sài gòn, được rất nhiều người yêu mến giọng hát của ông, cũng như sau này ở hải ngoại.


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cần Thơ Vẫn Hoài Dấu Yêu



Tôi sinh ra tại quê hương Bến Tre
Có hàng dừa che mát buổi trưa hè
Nơi nổi danh với rất nhiều cây trái
Đom đóm bay, đêm về, sáng hàng me

Duyên cớ nào, đưa tôi đến Cần Thơ
Mãi đến bây giờ, tôi cũng không ngờ
Quê hương thứ hai, lại là xương thịt
Ngấm vào tim, vào máu, cả trong thơ

Nhớ da diết đường HÀNG XOÀI muôn thuở
Chính giữa là, dành nơi để đậu xe
Người lỡ bước nằm ngủ bên vĩa hè
Xoài râm mát đưa ai vào giấc mộng

Bến xe khách dập dìu thêm sức sống
Hai bên là BẢ ĐẬU thẳng hàng gai
Đường HÀNG DỪA nhiều kiosque mọc dài
Bến NINH KIỀU có HÀNG DƯƠNG thoai thoải

HỒ XÁNG THỔI ai đi qua ghé lại
Ngắm mặt hồ lòng thanh thản an bình
VƯỜN THẦY CẦU, HÒN NON BỘ gợi tình
Chùa ĐÀN TIÊN tiếng kinh hòa tiếng mõ

Cầu THAM TƯỚNG là trung gian nhiều ngõ
Nối tỉnh thành xuôi ngược khắp đường dài
Cầu CÁI KHẾ có đường sắt chia hai
Chạy song song, đi, về, ai cũng rõ

Yêu biết mấy! Ngày xưa, khung cảnh đó
Vẫn êm đềm, tha thiết, ngự trong tôi
Cần Thơ ơi! Cảnh cũ đâu mất rồi???
Không gian ấy chỉ còn trong ký ức

Nhắm mắt lại, tưởng chừng là cảnh thực
Nhờ gió mây gửi tới bốn phương trời
Nhắn giùm tôi thương nhớ của một thời
Cần Thơ cũ, sống trong tôi bất diệt

Đất Cần, 3/7/2016

Hồ Nguyễn

Giá Như - Giá Chi - Ước Gì - Sá Gì



Giá Như

Giá như đừng nắng đừng mưa
Lá xanh chưa rụng, hoa chưa vội tàn
Giá như tháng sáu đừng sang
Heo may tới chậm, thu vàng còn xanh
Giá như sông nước hiền lành
Thì con thuyền nhỏ chòng chành cũng yên
Giá như có ngọn Cam Tuyền
Thì đâu tìm chốn thần tiên giữa trần
Giá như còn một chút xuân
Rơi trong nắng hạ ngập ngừng, thì mưa
Bây giờ trong, đục giao mùa
Đêm nghe gió thức nhẹ lùa bỗng dưng...

Phong Tâm
12.06.2016
 ***
Giá Chi

Giá chi anh hóa làm mưa
Tóc mây hứng giọt hương chưa phai tàn
Giá chi anh đổi thu sang
Vườn xưa thay sắc lá vàng nhuộm xanh
Giá chi anh giấc mộng lành
Đong đưa tơ võng chòng chành vẫn yên
Giá chi anh suối tinh tuyền
Một đời mơ được làm tiên giáng trần
Giá chi anh quạt gió xuân
Hạ vàng phượng thắm chẳng ngừng van mưa
Bâng khuâng tắm mát bốn mùa
Hạt yêu hạt nhớ hạt lùa… tự dưng….

Kim Oanh
25/6/2016
***
Ước Gì

Ước gì nhiều nắng thưa mưa
Vườn không gió lộng bông chưa chóng tàn
Ước gì tháng bảy chậm sang
Mưa ngâu không úa mộng vàng mơ xanh
Ước gì sóng lặng gió lành
Con thuyền viễn xứ chòng chành vẫn yên
Ước gì có lạch linh tuyền
Để ta tắm gội làm tiên dưới trần
Ước gì một thoáng hương xuân
Còn vương trong nắng cho ngừng giọt mưa
Ước gì năm tháng quên mùa
Buồn lay nhè nhẹ xao lùa không dưng!

Yên Dạ Thảo
26/06/2016
***
Bài Cảm Tác:Sá Gì!

Sá gì trời đổ cơn mưa!
Mà em lại để hương xưa nhạt tàn
Sá gì vừa mới Thu sang
Lá kia đã vội phai vàng màu xanh
Sá gì ! vừa vỡ mộng lành
Thuyền tình đã vội chòng chành chẳng yên
Sá em ván chẳng đóng thuyền
Anh mơ gặp được nàng Tiên xuống trần
Sá gì! đừng mất tuổi xuân
Anh đây sẽ chẳng ngại ngần làm mưa
Để em tươi mát duyên mùa
Đừng xem anh kẻ dư thừa...dửng dưng!

Song Quang

Giá Như - Giá Chi - Ước Gì



Giá Như

Giá như đừng nắng đừng mưa
Lá xanh chưa rụng, hoa chưa vội tàn
Giá như tháng sáu đừng sang
Heo may tới chậm, thu vàng còn xanh

Giá như sông nước hiền lành
Thì con thuyền nhỏ chòng chành cũng yên
Giá như có ngọn Cam Tuyền
Thì đâu tìm chốn thần tiên giữa trần

Giá như còn một chút xuân
Rơi trong nắng hạ ngập ngừng, thì mưa
Bây giờ trong, đục giao mùa
Đêm nghe gió thức nhẹ lùa bỗng dưng...

Phong Tâm
12.06.2016
 ***
Giá Chi

Giá chi anh hóa làm mưa
Tóc mây hứng giọt hương chưa phai tàn
Giá chi anh đổi thu sang
Vườn xưa thay sắc lá vàng nhuộm xanh

Giá chi anh giấc mộng lành
Đong đưa tơ võng chòng chành vẫn yên
Giá chi anh suối tinh tuyền
Một đời mơ được làm tiên giáng trần

Giá chi anh quạt gió xuân
Hạ vàng phượng thắm chẳng ngừng van mưa
Bâng khuâng  tắm mát bốn mùa
Hạt yêu hạt nhớ hạt lùa… tự dưng….

Kim Oanh
25/6/2016

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Lặng Lẽ Tình Đi - Thơ Yên Dạ Thảo - Phổ Nhạc Nguyễn Văn Thơ


Thơ & Thực hiện: Yên Dạ Thảo
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ
Hòa âm: Phan Thanh
Tiếng hát: Kiều Lệ

Trong Màu Phượng Tím



Một hôm nào mây bay xuống thấp
ngủ quên trên rặng cây già
tôi người khách lạ đi qua
đứng nhìn ngơ ngẩn
Ôi những chòm mây tím bâng khuâng
như nỗi nhớ nhung còn đọng lại
từ giấc mộng nào
Trời Cali nắng gió lao xao
lòng chợt thấy mùa hạ xưa bát ngát
Có phải bóng trăm năm
đang về trong chốc lát
Có phải một thuở nào
sầu muộn thiết tha
Mùa hạ đã tàn
cuộc tình đã khuất
Chút khói hương nào còn phảng phất đâu đây
đau khổ, ngậm ngùi lơ lửng thành mây

Hoa Jaracanda bát ngát tím ở phương này
là dư vị của những dòng nước mắt
dư âm của những tiếng thở dài
Người đi suốt cuộc trần ai
một hôm nào dừng chân, ngước mặt
Ôi một trời hoa tím bâng khuâng
Một hôm nào người cũng như mây
về đậu lại trên cành phượng cũ
nhắc nhau tình thiên thu.

(2009)
Khánh Hà

Vào Mộng



Nương theo gió hồn về bên ấy
Kiếm tìm em giận lẫy đi đâu
Lạnh chờ lâu không bước lên cầu
Ô Thước bắc mùa Ngâu tháng Bảy

Ôm tưởng chặt, cảnh xoay dòng chảy
Dệt ân tình,bùng cháy dây tơ
Ấp mộng mơ, đêm dài đen tối
Tương lai tràn,ai chặn lối chung

Đời say tỉnh liều mình cùn bước
Ngược thời gian cách trở âm dương
Đường thiên thai hay địa ngục tầng
Đem em lại trần gian diễm tuyệt

Bịn rịn tình đêm ôm gối chiếc
Gió Cao Nguyên lành lạnh biết bao
Một vì sao tắt tận phương nào
Cô đơn mãi đi vào giấc mộng!

Pleiku 6-8-2011
Lê Kim Hiệp

Hoang Tưởng


Hầu hết người ta viết sử bằng sự hoang tưởng! Nước càng nghèo đói chậm tiến càng hoang tưởng.
Trước đây tôi đã từng viết: Thời Hán người ta bắt lính mỗi năm phải đi ba ngày. Bắt lính kiểu đó thì lính Hán làm sao có thể tới Vân Nam, Việt Nam được???
Viết sử kiểu này nên một ông Tây phán rằng: Lịch sử được viết bởi những thằng ngu!
Một ông khác phán: Lịch sử mất tiêu từ khi có sử gia! Thật là ngui lâu khi thế kỷ 21 vẫn còn những trang viết như thế!

Thật là quá sức hoang tưởng khi có người viết rằng 4000 năm trước người ta đã di cư bằng cách đóng bè suôi Hoàng Hà rồi ra biển Thái Bình để tới Đông Nam Á (!)
Đọc cổ sử, cổ văn và những nghiên cứu về ngôn ngữ của ông Chệt thì thấy ngôn ngữ xưa của ổng quá nghèo nàn. Nếu tưởng người xưa nói và viết như bây giờ thì … hỏng bét! Hồi xưa Tầu nào có biết biển là gì! Ta không thấy ông ấy gọi phía tây là Tây Hải, phía bắc là Bắc Hải ,Hãn Hải, Mạc Hải đó sao? Vây tôi nói rằng Đông Hải của mấy ông là miền Sơn Đông, và mấy ngọn núi Tiên của mấy ông là vùng núi Thái Sơn ở Sơn Đông chứ nào phải là mấy núi trôi bồng bềnh(!) ở biển Thái Bình(!) Nam Hải cũng nghĩa đó thôi! Nam Hải của mấy ông là … Động Đình Hồ! là Dương Tử Giang!

Người Tầu rất dở về đóng thuyền, đi đường thuỷ nên ông Trương Khiên mới đóng bè (!) đi sứ Tây Vực (!). Ôi! mấy con sông ở Tân Cương ( nếu gọi đươc là sông ) chỉ có nước khi mưa, nước chảy từ đồi cát cao tới vùng cát thấp , làm gì có con sông nào nối những con sông cát đó với sông ở Cam Túc của Tầu , và sông ở các nước phía tây! Thật là ngu si đần độn quá mức tưởng tượng , mấy cái bè (!) của Trương Khiên đó trượt trêncát sao???
Những chuyện thuyền bè đời Hán là bịa cả thôi! Tôi nghỉ Qua Thuyền là thuyền trái dưa, Lâu thuyền là thuyền hình con dế … mà đều là những thuyền (!) độc mộc của tụi Dạ Lang ( Nam Man ) cả thôi.
Nhà Đường thống kê: Các Tiết Đạt Sứ miền Bắc có mỗi nơi… 10.000 ngựa. Giao Châu có 10.000 thuyền (!) . Nhưng có trận hải chiến nào đâu ! Có thấy dùng thuyền đâu ! Đời Tống cũng thế , ta thấy đi bộ cả đấy thôi ! Trong một bài trước tôi có dẫn chứng một ông quan đời Minh can vua đừng đánh An Nam vì ông ta thấy … phiền quá: Phải huy động bao nhiêu xe bò, cần bao nhiêu phu khuân vác, cần bao nhiêu tre trúc để đan bao nhiêu cái sọt để đựng lương! Mộc Thạnh và Liễu Thăng đều đi đường rừng chứ có thuyền bè gì đâu !Và tôi cũng có dẫn chứng đời Minh không có thuyền để đuổi theo giặc biển nên đã bắt dân phải di dời 30 dặm sâu trong nội địa.

Viết sử mà cứ đầu Ngô mình Sở , râu ông cằm bà thì còn ra thể thống gì nữa! Cái tên Trương văn Hổ là cướp biển ở đời Thanh bị đắm thuyền chết ở biển Đông , người ta ghép cho hắn ta là quan đời Nguyên chết đuối nên lương không tới được quân của Thoát Hoan! Thật là láo toét bậy bạ cả!
Nhà Nguyên mà có thuỷ quân ư!!! Tôi không hiểu sao các học giả Quốc Tế khoa học đầy mình mà cũng viết quân Nguyên đánh indonesia và Nhật Bản(!)
Ngày xưa quân Chà Và đi từ cái nơi gọi là indonesia ngày nay tới Nha Trang, Thăng Long và… Trung quốc … được chăng? Quy vị không thấy là địa danh Trà tràn ngập khắp Việt Nam từ Trà Sư, Trà Quới ở Kiên Giang , Long Xuyên tới … Trà Lĩnh, Trà Lùng Trà Cổ ở biên giới phía Bắc chăng? Tôi có thể đếm được mấy trăm địa danh đấy!!! Nếu quy vị theo rõi đường hành quân của Toa Đô thì sẽ … ngộ ra liền! Toa Đô đánh Chiêm Thành như thế nào? Hắn đang ở Vân Nam đấy!!! Hắn từ Vân Nam ( bẳng đường thuỷ chăng!!!) xuống Chiêm Thành , rồi ngược lên Bắc đánh Đại Việt! ( Mà có lẽ người Chiêm ở miền Bắc Việt Nam lúc đó còn nhiều lắm … nhiều lắm ! Quy vị đọc cuốn “ Miền Bắc Khai Nguyên “ thì sẽ thấy tại các tỉnh miền núi phía Bắc , cuối đời Nguyễn và đầu đời Pháp thuộc còn tràn ngập họ Ma, hầu như là đa số ! Mà họ Ma là một trong bốn họ lớn của Chiêm Thành : Ung, Ma, Trà, Chế ! Người Việt và người Tầu ít họ đó ! Mà ngày nay ở nhửng vùng Chiêm lại ít họ Ma )

Tôi đã nhiều lần nhắc lại rằng đời Minh và đầu đời Thanh người Tầu không có hải Quân. Người Tầu đâu có biết biển là gì ! Biển Bột Hải, biển Hoàng Hải là tên mới có sau này! Người Tầu có vẽ một cái biển nào đâu! Núi thì họ vẽ như cái nón úp, sông thì họ vẽ một con giun ngoăn ngoèo . Họ vẽ đường bờ biển có ra cái gì đâu! Đến như ông Bồ Đào Nha còn vẽ sai bét! Thế mà ngày nay họ phát hiện (!) những “ bản đồ cổ “ ( À mà tôi cũng xin nói rõ chữ Bản Đồ trong sách cũ là Cơ Đồ Bản Triều chứ không có hình vẽ gì cả , không có bản đồ địa lí, bản đồ địa dư nào cả ) vẽ bờ biển khá chính xác (!!!) theo phương pháp vẽ bản đồ MEC CA TO!!! hay là họ bắt chước Việt Nam có bản đồ bờ biển hình chữ S mà người Pháp sai sưu tầmnói là bản đồ đời Hồng Đức rồi để ở Viện Khảo Cổ? Bản Đồ đời Hồng Đức mà vẽ theo phương pháp Méc Ca To!!!

Tôi viết dài dòng nhiều trang giấy không phải để tranh luận , nhất là các học gỉa Tầu Cộng họ ngang ngược … nguỵ tạo …thật chả bõ khi tranh luận vớ các người điếc người mù … Ôi! Xưa họ đi tới Hoàng Sa bằng gì? Nhẩy dù chăng??? Xưa tất cả mọi người tầu đều biết đằng vân như Na Tra , như Tôn Ngộ Không chăng???
Thật là nhu si, đần độn, ngang ngược, hoang tưởng bớ ông Tầu Xô Vanh.

Chân Diện Mục
25-6-2016

Một Mùa Vui


Thơ:Khánh Hà(10/06-05/07-2016)
Thơ Tranh: KimOanh

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Pháo Bông Lễ Độc Lập


Pháo Bông Lễ Độc Lập

Tưng bừng lễ Độc Lập
Người người xem pháo bông
Nghe tiếng nổ dồn dập
Sợ hãi cháu đòi bồng

Mailoc
***
Pháo Bông Lễ Độc Lập


Rộn rã gần xa ngập tiếng cười
Tưng bừng lễ hội pháo bông rơi
Liên hoan Độc Lập niềm kiêu hãnh
Nhắp chén hòa ca nơi khắp nơi

Kim Phượng

Dẫu Chỉ Là Tình Thơ - Thơ Như Nguyệt - Phổ Nhạc Nguyễn Văn Thơ


Thơ Như Nguyệt
Phổ Nhạc NS Nguyễn Văn Thơ
Hoà Âm NS Phan Thanh
Ca Sĩ Lệ Tuyền
Thực Hiện PPS Kim Chi

Gởi Về EM



Anh gởi về EM một nụ hồng
Tình thơ vốn đẹp như hoài mong
Tuy đời hai ngã nhưng lòng vẫn
Bền vững thân thương thơ mấy dòng

Anh gởi về EM những chữ mơ
Ru đời nhung nhớ với mong chờ
Nơi đây đất khách đầy xa lạ
Chỉ có ươm lòng trong nét thơ

Anh gởi về EM giấc mộng say
Mừng Xuân xứ lạ, bước loay hoay
Mượn lời chữ nghĩa đan tình khúc
Để ướp men tình thêm tối nay

Anh gởi về EM bao vấn vương
Ngày tình yêu đến nhắn lời thương
Mong sao mộng đẹp tròn như ý
Và giấc mơ hoa hết lạc đường ..

Feb. 14 ,2002
Hoàng Dũng


Từng Đêm Thẩn Thờ (*)


(Cảm tác từ Một Mình của Khánh Hà)

Thương em thật khó vạn lần
Bỏ qua thế sự khi cần nhớ em
Không là nợ cũng là duyên
Dang tay níu lại một chiều có nhau.

Đôi ta chẳng phải tình đầu
Anh thân lang bạt gieo sầu người thương
Ngâm nga mấy ý thơ buồn
Ngoài trời bão nỗi mưa cuồng niềm riêng.

Em xòe mười ngón tay tiên
Đếm lui đếm tới chợt quên tụi mình
Mơ người hương lửa ba sinh
Thơ cài nốt nhạc chút tình bền lâu.

Thơ anh mong nối nhịp cầu
Mai Lan Cúc Trước nhiệm mầu trăm năm
Anh gom nhung lụa em nằm
Vói tay múc ánh trăng rằm vào thơ.

Xa em lòng những ngẩn ngơ
Không thư không phải không chờ thư em
Chậm thư chẳng phải là quên
Nỗi buồn khắc khoải từng đêm thẩn thờ.

“Sông sâu sào ngắn khó dò
Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa “.

Dương hồng Thủy
(*) từ “ Một Mình “ của Khánh Hà


Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Thơ Tranh: Rã Rợt Nhẫn Cỏ


Thơ: Cao Linh Tử
Thơ:Kim Oanh


Đôi Chữ Làm Tin



Vài hàng xin gửi bạn thân quen
Biết nhau nhiều lắm, chỉ biết tên
Thầm ước bao giờ ta gặp mặt
Để cùng tâm sự, để hàn huyên

Nhớ nhau trong Chúa vẫn là duyên
Mà gặp nhau thì, chuyện ưu tiên
Nhìn nhau bốn mắt, cười không nói
Thực ra, lòng đã nói vô biên

Cầu chúc cho nhau mãi bình yên
Như cánh buồm che chắn con thuyền
Như cuộc đời sóng êm biển lặng
Đâu nghĩ lợi danh với bạc tiền

Tôi vẫn luôn mong gặp bạn hiền
Đôi câu chào hỏi vẫn là duyên
Bởi ta có cùng chung lý tưởng
Kính Chúa, yêu người đặt trước tiên

Đôi chữ làm tin gửi bạn hiền
Trời cao chứng giám sự linh thiêng
Trong tôi vẫn một lòng chung thuỷ
Vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn trung kiên.

Đất Cần 21/06/2016
Hồ Nguyễn

Đà Lạt Ngày Về



Đà-Lạt hỡi! một trời nhung nhớ
Nơi tình yêu chớm nở đôi ta
Đồi thông, thác nước , trăng ngà
“Xuân Hương “Than Thở” mặt hồ như ru

Ta nhớ mãi sân Cù xanh cỏ
Bóng giáo đường hiện rõ xa xa
Bên em trong nắng chiều tà
Khói ngo ai nhúm làm ta nhớ hoài

Nay trở lại mặt mày ngơ ngác
Cảnh nên thơ tan tác còn đâu
Đồi thông trơ trọi rầu rầu
Nhà nhà san sát để sầu người xưa

Mong tìm lại chiều mưa sương khói
Mây la đà che lối nhà ai
Giờ đây dõi mắt trông hoài
Ồn ào xe cộ buồn thay đổi dời

Trời lành lạnh, nhớ ơi! ngày trước
Em co ro bước bước bên anh
Con đường nho nhỏ thông xanh
Cao nguyên còn đấy trăng thanh đâu rồi

Rời Đà Lạt bồi hồi chua chác
Nỗi u hoài man mác lòng ta
Cảnh xưa giờ đã phôi pha
Em ơi! thôi hết bài ca hoa đào 

Mailoc
(Kỷ niệm chuyến về thăm Đalat 2-13-12)

Rupert Neudeck Ông Là Ai?

Kiếp người chỉ có một lần để sống
Vậy sống như thế nào?


Ngày 31/5 vừa qua tại bệnh viện Koln ở nước Đức đã có một trái tim nhỏ ngừng đập ở tuổi 77. Một người ra đi ở tuổi gọi là thất thập cổ lai hy, điều đó có gì để gây xôn xao vì trên hành tinh này mỗi ngày có hơn 150,000 người từ trần với nhiều nguyên nhân.
Nhưng đây là một tin gây rúng động cho nhiều cộng đồng, đặc biệt là người VN di tản hiện đang sống tại Đức vì người đó là Tiến sỹ Rupert Neudeck , một nhà thần học thiên chúa giáo, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội. Ropert Nudeck - Ông là ai? Thú thật trước đây Anh Tri tôi cũng chưa biết đến tính danh của ông, nhưng tình cờ nhận một email của một cộng đồng ngừơi Việt ở Đức đang kêu gọi nhau đến dự lễ cầu nguyện ông vào ngày 14/6/2016 tôi mới tò mò tìm hiểu tại sao một người Đức qua đời mà cộng đồng người Việt lại xôn xao báo tin và kêu gọi nhau đến nơi sẽ an táng ông để dự lễ tưởng niệm vậy.
Càng tìm hiểu về ông tôi lại càng say mê và ngưỡng mộ về những gì ông đã làm cho đồng bào của tôi trong thập niên1970s khi hàng ngày ở miền Nam có hàng trăm người vượt biển đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ.


Thời đó do phương tiện truyền thông bị hạn chế, cũng như tin tức về người vuợt biên rất nhạy cảm theo quan điểm của nhà cầm quyền, nói chung chưa có face book, Twitter… như thời bây giờ nên những vụ đắm tàu, cướp biển tấn công, hãm hiếp người di tản, một số nước châu Á cho tàu quân đội ra xua đuổi tàu chở thuyền nhân khi vào lãnh hải của họ... ít ngừoi biết đến. Nhưng lúc đó ở các nước phương Tây tin tức này là thời sự, nó cũng như cảnh ta đang xem trên tivi mới đây về những người dân Somali, Lybia vượt biên chết hàng loạt trên biển. Tình cảnh thê lương cùng đường bị xua đuổi như tội đồ đã đánh động trái tim của tiến sỹ Ropert Nudert. Nó thúc đẩy ông dấn thân hành động bằng cách kêu gọi chính quyền Đức, cộng đồng xã hội,tôn giáo, các bằng hữu hãy cứu giúp những thuyền nhân VN đang bị nạn như thuyền hết xăng dầu, lương thực, chết máy, bị cướp bóc ... đang lênh đênh trên biển . Khi bị nhà cầm quyền từ chối, ông không nản lòng mà đã cầm cố ngôi nhà của mình, kêu gọi bạn bè thân nhân góp tiền của để đóng thuyền ra khơi cứu ngừoi VN. Câu chuyện về người có trái tim nhân ái này được ông Franz Alt, sau này là giám đốc đài truyền hình Baden kể lại vô cùng ấn tượng đối với tôi: “Ông ấy gõ cửa xin tôi phát lời kêu gọi cộng đồng, tôi bảo không thể làm thế được vì một ý kiến cá nhân. Ông ấy kêu gào:” Chẳng lẽ chúng ta cứ nhìn thảm cảnh như vậy mỗi ngày sao?”, tôi trả lời:” Tôi có thể làm được gì?” – ông ấy trả lời: “ Tôi có thể cầm cố ngôi nhà đang ở để khởi sự cho chuyến đi biển” . Tôi đành nhượng bộ trước quyết tâm của con người này và cho ông ấy 2 phút để phát sóng.
Đúng vậy, sau lời kêu gọi trên đài, chỉ 3 ngày sau cả nước Đức đã hưởng ứng với số tiền đóng góp lên đến 1.3 triệu mác ( tiền Đức thời bấy giờ)- để thuê chiếc tàu CAP ANAMUR đầu tiên ra khơi vào ngày 9/8/1979 với sứ mệnh cao cả là cứu vớt người VN gặp nguy khốn trên biển Đông.
Tiếp theo đó là thêm 2 chiếc Cap Anamur được hạ thủy nhờ vào sự ủng hộ của những người có lòng từ tâm.

Trong thời gian 7 năm hoạt động (1979-1986) tổ chức Cap Anamur đã cứu vớt được 11.300 người vượt biển trên 223 chiếc ghe /thuyền và hầu hết được định cư tại nước Đức. Để làm được việc này chính ông, cùng với nhà văn Heinrich Boll, đoạt giải Nobel năm 1972, cùng thân hữu đã thuyết phục thành công chính quyền Đức cho thuyền nhân VN được nhập cư vào nước này.
Được biết ngoài việc cứu giúp cho người Việt, tổ chức do ông sáng lập đã có nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc tại Somali, châu Phi, Afganistan, Pakistan. Để tỏ lòng trân trọng công lao to lớn của ông nhà cầm quyền Đức đã tặng ông huân chương Chevalier cao quý nhưng 2 lần ông từ chối.
Chính ông đã đánh động lương tâm của nhiều người, trong đó có người Mỹ và người VN tại Mỹ. Năm 1979, chính tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ra lệnh cho 5 tuần dương hạm đi cứu vớt những thuyển nhân và cho họ được nhập cư vào Mỹ.
Hãy tưởng tượng từ 11.300 người từ năm 1979 đến nay gần 40 năm số lượng này tăng lên bao nhiêu, nếu tính luôn việc họ bảo lãnh cho người thân từ VN sang thì có hàng chục ngàn số phận đã đổi thay từ nhân duyên này.


Ngày 14/6 sẽ diễn ra lễ tưởng niệm một con người vĩ đại, nói như lời của ông thị trưởng nơi thành phố ông qua đời : " ông Rupert Neudeck làm được việc cao cả của con người là cứu mạng người khác, nước Đức tự hào vềông".
Sẽ có nhiều người Việt Nam và con cái họ chịu ơn cứu tử của ông từ khắp nơi trên nước Đức đến dự lễ tưởng niệm, sẽ có nhiều lời tri ân, cảm phục tấm lòng nhân ái của ông. Riêng tôi, dù may mắn không là thuyền nhân trên các chuyến tàu thập tử nhất sinh đó, tôi vẫn ngưỡng mộ ông như một nhân cách cao quý, một trái tim vĩ đại - ông sẽ sống mãi trong lòng của những người tử tế biết trân quý tinh cảm, có lòng nhớ ơn. Tôi cũng muốn chia xẻ thêm tin về thời niên thiếu của ông: Lúc còn bé, thời đệ nhị thếchiến ông và gia đình đã nhỡ một chuyến tàu tỵ nạn và chuyến tàu xấu số đó trúng thuỷ lôi của hồng quân Liên xô chìm ngoài biển mang theo trên 9000 người. Có lẽ biến cố này đã gây ấn tượng quá lớn với một cậu bé để khi trưởng thành nó thôi thúc ông làm một nghĩa cử gì đó cho những nạn nhân trên biển cảchăng?
Vĩnh biệt tiến sỹ Rupert Neudeck- ông ra đi về nơi thanh thản sau khi làm được việc lẽ ra của thượng đế làm là đem sự sống lần thứ hai cho hàng chục ngàn người, và nhờ đó ông trở thành bất tử.

Anh Tri 7/6/2016
Trần Ngọc sưu tầm