Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Đừng Bảo Xuân Tàn, Không Bướm Lượn!


     “Trăm hoa” nhả mỗi sắc...hồng, tím, cam, đỏ, trắng, vàng...hay điểm thêm những màu sắc khác với chấm tròn, lằn ngang, kẻ dọc, tạo nét chấm phá trên cánh hoa và sự kỳ diệu nơi bàn tay của đấng tạo hóa. “Trăm hoa” tỏa hương, nồng nàn, thoang thoảng hay khó ngửi, nhưng là hương riêng của hoa. “Trăm hoa” vừa chớm nụ, hàm tiếu vươn vai, trở mình đương độ, là thời kỳ đẹp nhất, rực rỡ nhất của hoa, lắm ong vờn bướm lượn. Cuối cùng không tránh khỏi, khép mình đi vào định luật….hoa tàn, nhụy rữa.
     Liệu thời gian này, ong nào vờn, bướm nào lượn, quẩn quanh hay vội xa bay!?

     Hoa đời thì sao? Cũng thế! Lúc đương độ là thời kỳ trổ mã của người con gái...này mày ngài, mắc biếc, mi thanh, môi hồng, má thắm, này tóc mai sợi ngắn sợi dài, này lắm người đưa bao kẻ đón, này khi hẹn biển lúc thề non...  
    Một cánh hoa đời tôi muốn nói, là má, Võ Thị Thoại và cánh bướm đa tình Lê Văn Sang, ba tôi. 
 
     Ba lớn hơn má đến mười tuổi. Tám mươi hai năm về trước, khi ghe chở lúa của ba đang xuôi chèo mát mái trên con sông Rạch Bàng. Giữa trời nước mênh mông, bao la, cơ duyên nào xuôi ba trông thấy má. Bấy giờ, má chỉ là cô bé mười hai, mười ba tuổi đời, vô tư cùng chúng bạn đứng hóng mát trên cầu, đùa vọc nước dưới sông. Ghe đã qua rồi, ba còn ngoái đầu dõi mắt trông theo và nói với bạn hầu trên ghe: “con nhà ai đẹp quá để tìm người mai mối cho”.

     Bẵng đi vài năm, ba gặp lại má, người thiếu nữ đang độ trăng tròn. Dự định làm ông mai năm nào của ba đã không còn nữa. Trước cô gái chân quê, nhan sắc không phấn son ấy, nét thùy mị, đoan trang, kín đáo ấy, ba đã phải lòng và cậy người mai mối cho chính mình. Dù biết rằng nội đã gắm ghé nhiều nơi cho ba, nhưng chàng thanh niên theo tây học, dễ gì nghe theo sắp xếp định sẵn mà không cần đến sự rung động của con tim. Đó là lúc, nền kinh tế nước nhà đang hồi suy sụp, chân còn đang trong lớp, ba phải rời ghế nhà trường bước vào trường đời. Ba về quê giúp nội cai quản ruộng đất, đồng thời là một ông chủ nhỏ của một chành lúa lớn ngay tại chợ Rạch Bàng, đối diên bên kia sông là nhà của má.

          Rạch Bàng con nước mênh mông
          Thấy cô be bé đem lòng nhớ thương

     Y rằng, cưới vợ thì cưới liền tay! Ba cho người chèo xuồng sang nhà ngoại, nhờ trao thơ, xin phép được ghé thăm. Khi được ưng thuận, ba đến chào hỏi, ông ngoại mời ngồi, ba kín đáo chọn chỗ vừa khiêm nhường nhưng không kém phần lợi thế. Trò chuyện với ngoại, ba vẫn có cơ hội nhìn thấy, nếu má thấp thoáng bên kia rèm thưa.

     Má, người con gái đẹp, có học, nết na, đằm thắm, được nhiều nhà giàu có, của ăn của để, ngỏ ý mang trầu cao đến. Nhưng má chọn ba, không phải ba là con ông Bang, ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng ba là người có học, dù là con nhà giàu nhưng nhân hậu, biết thương người, không hống hách, hà khắc với người ăn kẻ ở trong nhà. Và dấu ấn sâu đậm ba để lại, là lần đầu đến gặp ngoại, ba ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép, đối đáp với ngoại không tỏ ra rụt rè, khép nép, khúm na khúm nún như những chàng thanh niên khác. Lại nữa, trong những phiên chợ Rạch Bàng, dù từ xa hay rất gần, nếu có trông thấy má, ba vẫn lịch sự, kín đáo dõi trông, chứ không có ý cợt nhả nhưng các chàng trai vừa thấy gái đẹp đã tỏ ra...

     Không lâu, ba nhờ người chị ruột thứ tám đến ngỏ lời. Ba có đến năm người chị gái, nhưng ba chọn cô chị thứ tám, là người chị nhỏ nhất của ba, nhưng cô đẹp, khuôn mặt rạng rỡ, sang trọng và khéo ăn nói, càng tăng thêm niềm hy vọng cho việc cầu hôn. Ngày thành hôn cũng đến, từ trang phục đến quà cưới, ba lo tỉ mỉ, chu đáo từng chút một. Điều đó phải chăng là sự trang trọng trong tình yêu ba dành cho người ba muốn kết tóc se tơ, cùng ba đi hết quãng đường đời!? 

     Giờ rước dâu đã đến, thuyền hoa theo con nước sông Rạch Bàng, trôi xuôi về Phú Hữu, nơi ba cất tiếng khóc chào đời, hôm ấy là ngày vui bất tận, hạnh phúc viên mãn… của đôi lứa.
 
          Còn đây con nước Rạch Bàng
          Ôm kỷ niệm cũ ngút ngàn đáy sông
          Một thời êm ái lớn ròng
          Xa rồi dĩ vãng tình đong càng đầy
          Vườn ngoại cau trắng trầu cay
         Vẫn mong ai đó mang khay trầu người
 


     Thời gian cứ dần trôi, đôi tim cùng hòa nhịp, tình yêu đằm thắm, ngày thêm mặn nồng. Các con lần lược chào đời, nhưng thương thay, cùng lúc với chiến tranh leo thang. Sống trong vùng Việt minh kiểm soát, trốn tránh khi Tây ruồng bố, nhưng ba luôn ấp ủ lý tưởng và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Đó là tương lai của các con. Ba bắt đầu dạy chị hai học, nhưng chị ba, nhỏ hơn hai tuổi, đòi học theo cho bằng được. Ba dùng tấm gỗ nhỏ thế bảng, lấy than củi đen thay phấn và âm thầm dạy hai chị học tiếng Pháp. Nhờ ba chuyên cần dạy dỗ, mỗi lần Tây ruồng bố, hai chị của tôi, đem bảng gỗ than đen viết ra những chữ tiếng Pháp đã học và để trên bàn. Gia đình chúng tôi có thêm may mắn là với vốn liếng tiếng Pháp khiêm nhường của má. Chừng ấy thôi đủ cho những người “Lính Lê Dương” hài lòng. Họ tỏ ra vui vẻ hơn, cư xử lịch thiệp hơn là tra khảo. Đó là nhờ sự suy đoán nhạy bén của ba, đó cũng là việc vun bồi phúc đức sâu dầy sau này, và là lợi thế hiện tại, vừa giúp ích cho gia đình và cho cả hàng xóm xung quanh, trong thời loạn.

     Khi trình độ học của hai chị vào khoảng lớp 3, ba lên tận Vĩnh Long, thuê đất, rồi trở về Phú Hữu đốn cây sao trong vườn, chặt lá dừa nước chằm lá lợp. Một căn nhà lá nho nhỏ, đơn sơ được dựng lên, không cách xa đền thờ cụ Phan Thanh Giản là mấy. Chọn thời cơ thuận tiện, ba đưa hai chị lên tỉnh, theo học chương trình Pháp. Dĩ nhiên, hai chị tôi, nói, viết tiếng Pháp trội hơn các bạn cùng lớp.

     Lúc ông bà nội đã rời khỏi cuộc đời, ba má bồng bế các con rời hẳn ấp Phú Hữu, lên lập nghiệp ở xã Giồng Ké, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ba là con út trong gia đình, nhưng là rể cả bên nhà vợ. Ông ngoại, chẳng may mất sớm khi tuổi đời còn khá trẻ. Ba đã thay ông ngoại chăm sóc cho đàn em vợ gồm môt gái và bốn trai. Ba không nệ hà, lo cho tất cả đi học chữ hoặc học nghề và cáng đáng cả công ăn việc làm cho các cậu. Bà ngoại rất thương và trọng ba, nên mỗi lần dì hay các cậu của tôi, muốn làm điều chi, bà ngoại đều bảo “hỏi anh hai bây đi”. 

     Tình hình nước nhà ngày một khó khăn, ba phải đi làm xa, mỗi tuần về một lần. Trong thời đại xa xưa ấy, ba đã viết thư cho má, cám ơn má đã thay ba chăm sóc cho các con. Lá thư đó vẫn còn đây, như “mới hôm nào”. Khi má lâm bệnh, căn bệnh của phụ nữ. Ba đã bỏ công ăn việc làm về chăm sóc cho má cả tháng trời, từ thuốc men, đến miếng ăn ba tự nấu, việc giặt giũ cho má ba tự làm, dù trong nhà có người giúp việc. Niềm tự hào về ba, tôi không bút mực nào tả xiết. Ba không to tiếng, chẳng rượu chè, cờ bạc, hút thuốc, duy chỉ có một điều là ba rất thích cà phê. Sống ở Giồng Ké mà gửi mua cà phê tận tiệm Hiệp Phong ở Vĩnh Bình. Mỗi lần, mua chỉ 50gr, ba không mua nhiều, ngại trữ lâu sợ mất đi hương vị đậm đà. Lúc tôi tập tành uống cà phê để thức đêm học thi, thường xin ba “ba nhớ cho con nước dảo nghe ba”. Ba vừa cười “con uống vậy chắc cà phê dẹp tiệm hết”.

     Thời thơ dại, các chị em tôi rất hạnh phúc là được quấn quýt bên ba má, quây quần bên bàn ăn, vừa ăn vừa nghe. Ba có duyên khi kể chuyện, chuyện ngày xưa, chuyện chạy giặc, chuyện trồng cây ăn trái cho đến chuyện ba chống lại bọn ăn cướp đến viếng nhà. Má tôi thường bảo “cha con ăn cơm từ chuối trồng cho đến chuối trổ”. 
  

     Ba say mê với công việc, quần quật lo cho mười đứa con từ việc ăn học đến lúc anh chị em chúng tôi có mái ấm riêng. Các con dần xa vòng tay trìu mến của ba và xa cả một bờ đại dương. Mãi đến năm 1984, có dịp gặp lại khi ba má sang Úc đoàn tụ. Sống trong môi trường mới, đầy đủ hơn lúc còn ở bên nhà, nhưng tính cố hữu cần cù, không hoang phí của ba vẫn y nguyên. Ba chắt chiu dành dụm lo tiếp cho những đứa con còn kẹt nơi quê nhà.

     Năm 1997, ba lại trở bịnh nặng, phải nhập viện, hết ra lại vào. Còn trên giường bệnh, có lẽ ba biết hơi tàn sức kiệt, nên chỉ nói với tôi một 1 câu bâng quơ, nói mà không chủ đích giao phó trách nhiệm “Ba chết rồi ai lo cho má con!”. Ba má có đến 10 đứa con, chuyện chăm sóc không khó khăn chi, nhưng ba vẫn lo. Trấn an và giúp ba lạc quan hơn, không để ba nghĩ ngợi hay lo sợ...trên đoạn cuối đường ba đi, tôi vờ bâng quơ theo, “ba có đến 10 đứa con, lo chi không ai chăm sóc cho má”. Sau câu trả lời, tôi len lén nhìn, trên khuôn mặt đau đớn của ba hằn thêm nét đâm chiêu. Rồi ba lặng lẽ, đôi mắt nhắm nghiền, không nói một lời nào nữa.

     Bác sĩ cho biết, gia đình chúng tôi cần chuẩn bị tâm lý, cho một ngày sẽ đến. Thời gian này, ba sợ làm phiền các y tá, nên việc tắm rửa, vệ sinh do chị thứ hai và tôi chăm sóc. Những lúc ấy, ba như “đứa trẻ rất ngoan”. Tôi thương nhất là lúc chải tóc, ba đứng yên, không nhúc nhích và tôi tự hỏi chính mình, ngày xưa lúc các con còn bé, liệu chúng tôi có ngoan được như thế này không! Ba mấp mé bên bờ vực thẳm, sắp gần đất xa trời nhưng vẫn còn giữ sự hóm hỉnh, như đêm tôi ngủ ngồi trên ghế, với tư thế, gục đầu trên giường bịnh, cạnh chân ba. Vì nhiều đêm tôi ở lại trong bệnh viện, hôm ấy mệt quá, tôi say ngủ. Ba tôi gọi, tôi có nghe chi đâu. Ba lấy chiếc gối, ném về phía tôi, tôi choàng tỉnh giấc. Ba mỉm cười và hỏi một câu “con vô canh ba hay ba canh con?”. Dĩ nhiên là tôi canh chừng ba mỗi đêm, chỉ sợ ống trợ thở bị sút dây.

 
           Rạch Bàng một thuở ôi tình
          Dòng sông còn đó chuyển mình luân lưu
          Lời xưa nhẹ thoáng như ru
          Như hờn như trách như u uất lòng
          Cố hương vời vợi xa trông
          Bè mơ thả lại dòng sông hôm nào
          Để nghe sóng nước rì rào
          Để vơi một ít nỗi đau cuối đời
 
     Ba đã về bên kia thế giới, nhưng khuôn mặt mãn nguyện của ba mãi đeo đẳng bên đời tôi. Mãn nguyện sau thời gian hơn nửa giờ ba tìm về quá khứ chí đến phút giây hiện tại. Ba bảo rằng “may quá”, từ trước đến nay ba không làm điều gì sai trái. Và khuôn mặt bình thản của ba như trút một gánh nặng, khi nghe tôi không ngần ngại và rất dứt khoát trả lời “con sẽ lo cho má”, khi lần thứ hai ba nói bâng quơ “Ba chết rồi ai lo cho má con”.

     Má tôi, một cánh hoa đời, mùa xuân đã lặng lẽ qua, nhưng ba, cánh bướm đa tình, lúc biết mình sắp trút hơi thở cuối cùng vẫn quẩn quanh, gửi gắm và mong chờ một lời hứa thay ba lo cho má. Một cánh bướm vờn hoa lúc hoa khi xuân đời mười sáu và khi gục đầu bên cửa tử vẫn vẹn tình trọn nghĩa với cánh hoa tình Võ Thị Thoại, cũng đang thời sắp rụi tàn.

Kim Phượng
Lần Giỗ Thứ 24 Của Ba, 30 tháng 10 năm 2021
 

Đơn Giản Tuổi Già

 

Lúc về già nhận ra điều đơn giản
Thương Mẹ Cha đâu quản dặm đường xa
Mồ yên mã đẹp chưa màu nở hoa
Lắng nghe tiếng vọng là quà Cha Mẹ

Lời Cha Mẹ dạy vô tình xem nhẹ
Học chuyên thành tài sẽ sớm tương lai
Trí, đức, nghĩa, tình, xây giúp ngày mai
Cuộc đời ngắn nhưng dài gian khổ gặp

Giỏi nhịn nhường, rộng lượng chôn cố chấp
Giỗ Mẹ Cha không thắp nén hương đau
Không quà, trái ngọt, mâm đầy, cỗ cao
Lễ nghi khuôn phép nào màu thôi bỏ

Cốt Mẹ Cha từng về nơi sương gió
Có tiếc thương nấm cỏ cũng dần trôi
Rồi thời gian nhanh tóc bạc da mồi
Miền miên viễn ta ngồi suy nghĩ lại

Lời Mẹ Cha mang điều hay lẽ phải
Từ tốn bàn chậm rãi nói yêu thương
Bầu sữa ngọt xưa nào có hoang đường
Từng giọt khổ vô dường nuôi con lớn

Tuổi già có thú gì hơn
Điều đơn giản nhất! Dẹp hờn oán than
Dăm ba chuyện vặt vãnh chẳng nên màng!

Pleiku 14-8-2010
Lê Kim Hiệp

Cuốn Tự Điển Sống...!

 
(Lê Văn Sang - Sóc Trăng tháng 12/1972)

Ngày xưa có một con bé 4,5 tuổi đầu, thường lẽo đẽo theo ba vừa nhìn những công việc ba làm, vừa hỏi đủ thứ. Ba của bé cũng rất kiên nhẫn luôn trả lời và giải thích cặn kẽ. Bé có đủ hiểu biết hết tt cả không? Ba ơi, sao ba giỏi quá vậy, bé hỏi gì ba cũng biết hết vậy ba?!

Những lúc ba vừa làm công việc, vừa dạy cho bé Cửu Chương, Cửu chương phải đọc xuôi, đọc ngược, Hỏi đâu nói đó. Học về đòn bẩy, quy tắc tam xuất .... ôi thôi là khó... 

Toán đố, ba dạy tính diện tích, chu vi. Trên một miếng đất hình chữ nhật,  ba cất căn nhà hình vuông, hồ cá hình tròn, khu vườn hình bình hành, chuồng gà hình tam giác , chuồng heo hình thang ...v.v... trừ  ra cộng vào, rồi đất còn lại bao nhiêu. Má nói: "anh có một miếng đất mà xây hết vậy anh?" Ba vuốt đầu con bé cười cười.... Con bé méo mặt luôn....  Nào là đổi lít... mililít . Kg...gram..., mét....milimét... 

Mỗi sáng ba đi làm trên bảng đã có bài toán đố, khi chiều về phải có kết quả cho ba, Một hôm toán khó quá, con bé lấy nước rải rải cho phấn phai màu để khỏi làm hihihi... Chiều ba về con bé thưa như thế. Ba chỉ cười bảo" Vậy hả con".

Hôm sau khi con bé thức dậy, ba nhỏ nhẹ nói"Hôm qua mưa con không làm toán được, hôm nay con ráng làm 2 bài bù lại hôm qua nhen con". Ai bảo nói dối, làm sao qua mặt người lớn cho được đây huhuhu....Từ đó con bé chừa tật xấu luôn. 

Ba má bận việc làm ăn, nên con cái được dạy tại nhà, đến lớp Ba mới được vào trường học. Cũng chính vì lý do này ba má dạy các con trình độ cỡ lớp Nhì, lớp Nhất. Để xin học nhảy lớp không thua bạn bè.

Ngoài ra ba má còn dạy thêm tiếng Pháp, má dạy các con đến lớp Đệ Thất, từ Đệ Thất trở lên ba lo. Ôi thích làm sao khi mọi điều hỏi, ba đều biết tường tận, ba dạy đồng âm, đồng nghĩa, đồng gia đình, phản nghĩa, phân tích mệnh đề....v.v.... 

Khi con bé lớn khôn, năm lớp Đệ Tứ, cứ mỗi 4 giờ sáng ba đánh thức dậy để nghe chương trình Pháp dạy đàm thoại. Rất khổ vì giờ đó ngủ ngon nhất, nhưng ba tâm lý lắm, ba pha con một ly sửa nóng, khi xe bánh mì rao " Bánh mì nóng hổi nón dòn đây" là con có 1 ổ bánh mì, ăn ngon lành. Thế là con bé hết biết khổ là gì ...

Đến năm Đệ Tam, Đệ Nhị, mỗi hè ba má cho lên Sài Gòn ghi danh đi học Sinh Ngữ, vì ở tỉnh dạy Sinh Ngữ ít đàm thoại, thầy cô giảng chen tiếng Việt vào. Các trường ở Sài Gòn rất đông học sinh ghi danh, nên con chỉ ghi được trường Khôi Nguyên, Hoàng Nguyên ở Đường Hồng Thập Tự. Nhờ Ba mà ngày nay bạn con còn nhắc" Oanh còn nhớ hồi xưa Oanh nói tiếng Pháp với thầy Hoàng, làm tụi Mai trong lớp nể luôn". Như Mai ơi, cám ơn Mai còn nhớ ngày xưa thân ái và Oanh được dịp nhớ đến công ơn của ba má Oanh đó Mai.

Ba ơi, hôm nay 30/10 là ngày giỗ lần thứ 24 của ba, con lại được nhắc nhớ những kỷ niệm êm đềm, những ngày quấn quýt bên ba, tình yêu thương cao hơn núi của ba đã cho con trưởng thành và nên người hữu dụng hôm nay. Đời con và đến đời cháu. Tất cả từ công sức ba Má của con.

Ba còn nhớ, con hay vui cười nói cùng ba: " Ba là cuốn tự điển sống" của đời con. 

Thương yêu về Ba.

Con gái thứ 9 của ba
Lê Thị Kim Oanh
Melbourne 30.10.2021

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Em Về Bên Phím Đàn - Thơ: Việt Hải - Nhạc: Hà Lan Phương - Trình bày: Qu...


Thơ: Việt Hải 
Nhạc: Hà Lan Phương 
Trình Bày: Quỳnh Lan


Đi Tìm Chiếc Lá Thu Rơi

 
photoshop by le tuan

Sáng nay màu sương trắng

Lá phất phơ thu vàng

Tiếng chim kêu thánh thót

Giấc ngủ đang nồng nàn.

 

Chợt nghe tiếng thu gọi

Du dương như thuở nào

Tiếng nhạc buồn vọng lại

Theo nhau vào chiêm bao.

 

Mây hôm nay xuống thấp

Che nửa cội thông già

Như em mặc váy ngắn

Khoe dáng xinh mặn mà.

 

Áo em màu thu tím

Một đời chưa phai nhoà

Mùi cỏ thơm, hoa dại

Tình yêu đã đơm hoa.

 

Anh cả đời tìm lá

Lá thu rơi bên đường

Nơi đó em vừa đến

Không gian còn dư hương.

 

Lê Tuấn

Một chút hương vị của mùa thu

Người nghệ sĩ lang thang trong tâm tưởng

viết bài thơ tình mùa thu. October 5, 21


Mây - Cloud

 

Mây

Ít nhất cũng là mây Đừng sống như cỏ cây Người đi không trở lại Lời kia bên tai này Chàng đi không trở lại Bàn tay gõ nhịp bàn Còn vang hoài âm điệu Trong lòng tôi mênh mang Ít nhất cũng là mây Đừng sống như cỏ cây Mắt chàng xa thăm thẳm Lời nói tựa men say Chàng không là hoàng tử Thân lấm bụi phong trần Nhưng chàng là hoàng tử Trong lòng mây muôn năm Vi Khuê
***
Bài Dịch:

Cloud “Be at least a cloud; Don't live the life of a bush” He's gone, but I can still hear his words He's gone, but I can still see his finger tapping on the table top making music that chimes in my heart “Be at least a cloud; Don't live the life of a bush” I rode on his thousand-yard stare I drank in his feverish speech He was far from a prince He toiled in the dust in the wind But he forever be my prince As I be Cloud Nhi-Anh Chu

Vì Từ Nay Em Là Của Riêng Anh


Trời sáng nay .. mùa Xuân hay mùa hạ ..
Bởi lòng em đang có cả mùa xuân .
Em chẳng nhận ra ... thu bay ngoài ngõ trúc
Lá vàng đang hiu hắt liệng ngoài sân ...

Em có anh - hình như xuân bất tận
Cánh cửa phòng giam kín nét xuân tươi
Hoa đào nở trên ngực hồng lưu luyến
Và dáng anh ... chú bướm lượn yêu đời ...

Em cứ mãi gọi anh là Hoàng Tử
Đem thơ đề treo khắp cả rừng xanh
Khu rừng xanh sẽ là vùng cấm địa
Để thăng hoa Nàng Công Chúa Đa Tình

Gót hài Em ... chim rắc hoa trải lối
Nai biến thành nhạc khúc đón bình minh
Cho trái tim đôi ta cùng chung nhịp
Bởi từ nay... Em là của riêng anh ...

Thư Khanh 
Seattle 

Lục Bát Việt Pháp - Hoàng Thị Mỹ Hạnh


Tiếng Pháp, tiếng Việt giống nhau,
Cùng nhau tìm chữ ,tìm câu hàng ngày.
Mu-soa (mouchoir) là cái khăn tay,
Buya-rô (bureau) bàn giấy, để ngay văn phòng.
Savon là cục xà-bông.
Ban-công (balcon) là chỗ đứng trông trước nhà. 
Xót-ti (sortir) có nghĩa: đi ra.
Ve (vert): màu xanh lá, màu là cu- lơ (couleur).
Beurre:thì có nghĩa là bơ
Ăn với ba-gét( baguette): bánh mì đũa que.
Chìa khóa còn gọi cờ-lê (cle’)
Đốc- tơ (docteur): bác sĩ, kẹo là bòn-bon (bonbon)
Thịt nguội còn gọi giăm- bông( jambon)
Quần dài,là păng-ta-lông(pantalon),đúng không?
Tóc tém: đờ- mi gạc-xông(demi garcon).
Phòng khách có ghế sa- lông(salon)để ngồi.
Súp-lơ (choux fleur): bông cải,bỏ nồi.
Cùi-dìa  (cuillère):thìa,muỗng,xin mời ăn cơm!
Quả táo còn gọi: trái bơm (pomme)
Dễ thương, hay gọi mi -nhon (mignonne),hay dùng.
Coát -xăng (croissant) là bánh hai sừng.
Cà-rem( creme) ai thấy cũng mừng, cũng ham.
Đặt hàng còn gọi còm- măng (commande)
Sớp-phơ (chauffeur) tài xế, phải ngồi vô lăng (volant)
Gọi mẹ, thì gọi ma-măng( maman)
Thường trực là pẹc- ma-năng.(permanent) nghe bà !
Lối đi qua,gọi cu-loa( couloir)
Bi-da( billard) chơi nhớ , phải chà cục lơ.( bleu)
Người chạy xe đạp : cua-rơ (coureur)
Đồng hồ điện, gọi công-tơ (compteur) hã bồ?
Bảo vệ là gạc- đờ- co(garde de corps)
Áo khoác dài gọi măng-tô (manteau) đó mà.
Tạm biệt, nói ô- rờ -voa (au revoir)
Món gà nấu đậu,gọi là la-gu (ragout)
Chửi nhau nói : mẹc-xà- lù (merde salaud)
Pê-đan (pédale) bàn đạp ,rất cần cho xe.
Màu da ta gọi màu be (beige) 
Cà-vẹt (carte verte) là giấy xe nè,hở anh? 
Thắng xe,thì gọi là phanh (frein) 
Cà-vạt (cravate) nhớ thắt, để thành …đẹp trai.
Pít -xin (piscine) là cái hồ bơi.
Búp-bê(poupée) bé thích ,bé ngồi, bé mơ… 
Buộc -boa(pourboire) ám chỉ tiền bo. 
Tích-kê( ticket)là vé, ri-đô( rideau) là màn. 
Táp – pi (tapis)là tấm thảm sàn. 
Sinh nhật ,nhớ mở nhảy đầm đãng-xê (danser) 
Đầm dài là cái xoa rê(soirée) 
Giuýp ( jupe) là váy ngắn,nhìn mê không bồ? 
Xe hơi còn gọi ô tô(auto)
Đờ mi (demi): một nửa, bô (beau) là đẹp trai. 
Đúp (double) thì có nghĩa : gấp hai.
Bưu ảnh, là cạc- pốt- tan (carte postale) có hình.
Co (corp) là để chỉ thân mình. 
Đề -pa( départ)mang nghĩa khởi hành đó nha. 
Tôi thì mình xưng là moa (moi) 
Còn bạn có nghĩa là toa (toi), là mày. 
Tiếng Pháp Việt hóa, thật hay. 
Nhưng không thể viết một ngày mà xong. 
Chỉ mong đóng góp cộng đồng . 
Soạn đi soạn lại,vẫn còn nhiều ghê.. 
Thủ quỹ quen gọi két -xê (caissier) 
Giới thiệu nhà cửa, bởi mê tiền cò (com: commission) 
Bệnh hoạn ,ai lại chẳng lo.? 
Chạy mua thuốc ở tiệm gọi là phạc- ma- xi (pharmacie) 
Màu xám còn gọi màu ghi( gris) 
Cục gơm (gomme) để xóa,viết chì để ghi. 
Con gái tôi, gọi ma -phi (ma fille) 
Đét-xe (dessert) tráng miệng, ăn khi tiệc tàn. 
Nhảy đầm ,đẹp nhất điệu van (valse). 
Nhẹ nhàng thanh thoát, chàng nàng say mê. 
Mỗi sáng một phin (filtre) cà phê (café) 
Bắt đầu làm việc, không hề quên đâu. 
In- trô (intro) : khúc nhạc dạo đầu. 
Cam- nhông( camion) : xe tải , lơ (bleu) : màu xanh xanh. 
Tiệc tùng khui rượu sâm- banh( champagne).
Sô- cô-la ( chocolat) đắng ,người sành thấy ngon. 
La-de (la bière ) uống giống bia lon. 
Có người không thích, thì ngồi chê bai. 
Bia (bière) ,bọt, chỉ nên lai rai. 
Uống nhiều bia quá,hao tài,hao phăng (Franc) 
Tiền thì nhớ bỏ nhà băng (banque) 
Trai gái sắp cưới, gọi là phi-ăng-xê (fiancé)
Mùa hè nắng gắt thấy ghê,
Nhớ đeo găng (gants) để bị chê đen thùi. 
Ăn cơm, ăn xúp (soupe), ăn nui (nouille). 
Nhớ chan nước xốt (sauce), nhớ mùi rau thơm. 
Điện tín là tê- lê- gam (télégramme) 
Vợ tôi thì nói ” ma pham” (ma femme) của mình. 
Te- ríp (terrible) : là chuyện thất kinh. 
Phi- nan (final) : kết thúc… thôi thì… mình xì-tốp (stop) …lun.. 
 
Hoàng Thị Mỹ Hạnh 
(Nguyễn Tích Lai sưu tầm)


Những Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật: Muốn Làm Thánh

    Năm 1942 tôi học tại Tiểu Chủng Viện Đạo Ngạn; vào một giờ ra chơi, tôi gặp Hương, cùng lớp, anh là dưỡng tử của cha Trang sau tôi; anh nói cho tôi biết cha Trang đã vào dòng khổ tu Châu sơn; một nơi suốt đời ăn chay đánh tội.

    Từ hôm đó tôi luôn luôn suy nghĩ về cha Trang: một cha xứ nóng như lửa, cả địa phận ai cũng biết, đã từng làm thơ ký cho Đức Giám Mục, tiếng tăm lẫy lừng khắp địa phận, nay vào tu Châu sơn, một nơi khỉ ho, cò gáy, rừng thiêng, nước độc; chắc phải có lý do đặc biệt nào đó, ngài mới làm như vậy. Tôi biết ngài là một con người “cầu toàn”: khi bắt tay vào việc gì, thì làm cho bằng được, và đạt tới mức hoàn hảo mới chịu. Tôi nhớ lại lúc ở với ngài tại Đồng tỉnh, có một thời gian ngài chỉ ăn cơm rau luộc chấm nước mắm. “Phải chăng ngài muốn làm thánh?” tôi tự hỏi? Thế rồi, tư tưởng làm thánh ám ảnh tôi. Có những đêm khó ngủ, tôi ngẫm nghĩ, "Ăn chay đánh tội như thế, chỉ sáu thàng, môt năm có thể chết được; càng ăn chay đánh tội nhiều, thì càng chóng chết, mà chết như vậy là thánh rồi! Làm linh mục triều, đi coi xứ, nhiều chước cám dỗ, khó làm thánh quá!”

     Tôi bắt đầu cầu nguyện, xin ơn soi sáng, để tôi có thể vào Châu sơn tu, nơi mà lúc bấy giờ tôi tưởng là dễ và sớm thành thánh nhất! Có những đêm, thức giấc, tôi lén vào nhà nguyện,( trên lầu căn giữa, nhà ngủ của tôi trên lầu căn bên) quỳ giang tay lần hạt. Sau nhiều lần bàn bạc tôi và Hương cùng đồng ý, theo cha Trang vào tu Châu sơn; vì thế một tháng trước cuối năm học, hai chúng tôi gửi thơ cho cha Bề trên Châu sơn, Lê Hữu Từ, sau này là Giám mục Phát diệm; Trong thơ trả lời ngài bảo, vì là chủng sinh nên phải có phép Đức Giám mục địa phận mới được; ngoài ra chúng tôi còn phải vào tu viện cấm phòng (tĩnh tâm) một tuần, xem thế nào đã.

    Việc xin phép Đức cha rất khó đối với tôi, vì cha nuôi của tôi đã đổi về xứ Mốt, rất xa tòa Giám mục! Theo thông lệ của trường, vào kỳ nghỉ hè, cha Bề trên thường yêu cầu hai hoặc ba chủng sinh ở lại trường một tháng để giúp lễ các cha giáo; hai chúng tôi liền bàn với nhau xin ở lại. Theo đúng kế hoạch, kỳ hè năm đó, ở lại trường được một tuần, tôi lén sang nộp đơn cho Đức cha trước; không dám cho cha Bề trên biết, vì sợ, nếu công việc thất bại thì ê mặt. Khi nộp đơn, Đức cha hỏi tôi, “Tại sao con không xin tu tại các dòng gần đây,như Đa minh, Chúa Cứu Thế, mà lại đi tu Châu sơn cho xa vậy ?” “ Kính thưa Đức cha,” tôi trả lời, “ con chỉ muốn tu Châu sơn thôi ạ.” Nghe xong Đức cha phê mấy lời ưng thuận vào ngay đơn của tôi .Trườc khi ra về tôi hỏi thêm ngài, “ Kính thưa Đức cha, nếu con vào cấm phòng xong mà không được nhận, thì con có được trở lại trường để học tiếp không?” Ngài trả lời, “Được! Miễn là con đừng trở lại sau ngày khai giảng của trường.” Tôi cám ơn ngài rồi về lại Chủng viện.

    Một hôm, tôi đang đứng nói chuyện với Hương ở nhà chơi, cha Bề trên gọi tôi lên phòng hỏi, “Tại sao con xin đi tu Châu sơn mà không nói cho cha Giải tội ( Linh hướng) biết trước?”. Lúc đó tôi không hiểu tại sao ngài lại biết ý định đi tu Châu sơn của tôi; tôi không bàn với cha Linh hướng vì như thế ngài sẽ nói cho cha Bề trên biết, lúc đó cha Bề trên sẽ cản trở, không cho tôi đi, ngài rất quý mến tôi; “Chắc chắn Đức cha đã nói cho ngài hay” tôi tự nghĩ, liền trả lời, “Con chỉ muốn vào trong đó cấm phòng ít bữa thôi.” Ngài nói ngay,”Con cứ ở đây, cha giúp con cấm phòng cả tháng cũng được!” Tôi trả lời, “Dạ!Dạ!” Rồi rút lui.

Thạch Trong 


Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Huế - Sáng Tác Liên Bình Định - Tiếng Hát Diệu Hiền


Sáng Tác Liên Bình Định
Tiếng Hát Diệu Hiền

Tiếc Nuối


Ước mơ giờ vượt tầm tay 
Thuở học trò đẹp đến nay nhớ hoài 
Tình ta lỡ hẹn lâu dài 
Sáu mươi năm lẻ miệt mài chờ mong 
 
Chiều mưa buồn tựa bên song 
Biết bao kỷ niệm giữ trong tim mình 
Đôi dòng bày tỏ tâm tình 
Bây giờ tiếc nuối trách mình mà thôi 

Thời gian qua tựa mây trôi 
Làm sao trở lại than ôi tình buồn 
Nhìn mưa cuốn lá về nguồn 
Hè về đi biển căng buồm ra khơi 

Hawaii cảnh đẹp khắp nơi 
Lang thang đây đó vui chơi khắp trời 
Biển xanh cát trắng thân mời 
Thần tiên Hải Đảo một thời đam mê 

Nơi này tìm lại hương quê 
Tung tăng chạy nhảy trên đê cùng người 
Đời vui  nên nở nụ cười 
Vì bên ta có nhiều người thân thương 

Bao năm lưu lạc tha hương 
Bâng khuâng nhớ lại vấn vương tơ lòng 
Thương quê nước mắt lưng tròng 
Thuở học trò đã theo dòng nước trôi 

Thái Hưng/PGH 

Mãi Mãi Bên Nhau

 

Hình ảnh nào hơn hình ảnh nầy
Mãi Mãi bên nhau rõ là đây
Sáng sớm dìu nhau đi bách bộ
Chiều chiều chạm cốc rượu vơi đầy.

Ngày nào đó lên tàu Thiên cổ
Cùng đi một chuyến trong cùng ngày
Tiếp  tục bên nhau trên thượng giới
Đến ngày trở lại thế gian nầy.

Trần Công/Lão Mã Sơn

Hoa Thơ


Bài Thơ Xướng:

Hoa Thơ

Thơ Thẩn Vườn luôn đủ sắc hoa
Thân yêu trang Blog của bao nhà
Thi nhân chốn chốn vui từ hứng
Tinh tú nơi nơi thả vận ngà
Phải lúc phong vân mùa hội tụ
Hay đây cú điệu buổi giao hòa
Đưa hương gởi tặng mời thân hữu
Bút mực văn kề nối ý xa. 

Quên Đi
***
Các Bài Thơ Họa

Vườn Thơ Xướng Họa


Vườn thơ xướng họa nở ngàn hoa
Vẳng tiếng ngâm nga rộn cửa nhà
Ngợi bóng trăng treo chòm trúc lão
Khen làn gió gợn khóm tre ngà
Bạn bè chốn chốn luôn thân ái
Tình cảm nơi nơi mãi thuận hòa
Tao nhã niềm vui ngày tuổi hạc
Nhẹ nhàng lan tỏa khắp gần xa

Phương Hà
(30/08/2021)
***
Vườn Thơ Thẩn

Vườn thơ lan tỏa vạn hương hoa,
Danh Hữu hương thân vốn cụ nhà.
Mai Lộc vững vàng vung bút thánh,
Phương Hà diễm lệ múa tay ngà.
Xuân Thanh có mặt từng cây số,
Hữu Đức hữu tâm nỗi bão hòa.
Kim Phượng Kim Oanh vang đất Vĩnh,
Thái Huy Hồng Thủy kẻ miền xa !...

Đỗ Chiêu Đức
09-01-2021
***
Thơ Thẩn Cùng Quý Vị Thi Nhân VTT

Tiêu biểu thân quen những đoá hoa
Quý Thầy Cô Giáo cũ quê nhà
Quên Đi, Chiêu Đức, hai bồ chữ
Mailoc, Sông Thu, bút ngọc ngà (1)
Kim Phượng, Kim Oanh, lòng hiếu khách
Thái Huy, Thầy Trí, dạ trung hoà
Vườn Thơ Thẩn biết bao tình nghĩa
Danh Hữu, Mỵ Nhân ở chốn xa…!

Mai Xuân Thanh
September 01,2021
***
Căn Nhà Xưa

Ngôi vườn thuở ấy bướm cùng hoa
Cổ kính, ven sông một mái nhà.
Thủy tạ sen hồ vờn nước biếc
Đêm khuya thôn xóm lộng trăng ngà.
Thanh bình cuộc sống đời an lạc
Êm ả tháng năm cảnh thái hoà.
Ly loạn một thời nền trống vắng
Bồi hồi kỷ niệm đã đi xa!

Mailoc 
8-30-21
***
Hoa Thơ

Thẩn Thơ,Thơ Thẩn trổ muôn hoa
Thân hữu xưa nay cũng một nhà
Góp ý tìm vui bên khóm cúc
Gieo vần cảm hứng dưới trăng ngà
Vườn xuân vẫn đợi-lòng nhân ái
Cánh én đừng quên-sự hiệp hòa
Xin thỉnh tỷ huynh cùng tụ lại
Thật ra trong,ngoại có chi xa.

Thái Huy 
30/8/21
***
Tri Âm Hoa

Mỗi vần thơ chính một lời hoa

Thanh sắc vườn ai rực rỡ nhà
Cúc trúc mai lan đều kết ngọc
Hồng đào mận lý đã vươn ngà
Hoàng liên khắc kỷ vui an tịnh
Cẩm chướng khai tâm đẹp thái hoà
Bốn mùa mộ điệu ân tình khách
Nhật nguyệt tri âm vạn dặm xa ...

Hawthorne 30 - 8 - 2021

Cao Mỵ Nhân
***
Vườn Thơ


Thi nhân tô điểm nét tinh hoa
Xướng họa chung vui thể một nhà
Kết chữ gieo vần truyền cảm hứng
Đề thơ khai bút động tay ngà
Khu vườn vẫn thắm cầu mưa thuận
Hoa trái còn xanh cậy gió hòa
Hạt giống từ tâm cùng tưới tẩm
Thâm tình bằng hữu thoảng hương xa

Kim Phượng
***
Vườn Thơ Thẩn


Cứ thẩn thơ cùng đợi trỗ hoa
Hồn nhiên cổ kính tự sân nhà
Khu vườn thủy tạ hồ xanh biếc
Ngữ mạng tâm đồng khoảng bớt xa
Trải tháng năm dài vui thiện mỹ
Tìm hương liệu cũ thắm nhân hòa
Thăng trầm diễn biến là quy luật
Kỷ niệm chung lòng ngẫu hứng ta.

Mai Thắng
210912

Thơ Tranh: Hỏi Anh

 

Tranh Vẽ: ViVi
Tranh Thơ: Ý Nga

Rồi Mai - One Day

 

Rồi Mai

Níu chàng trên vai áo
Tay vờn mỗi ngón tay
Cùng say trong vườn ảo
Thế giới còn hôm nay
Rồi mai kia chiến địa
Nổ banh trái cầu này
Chẳng kịp lời từ giã
Từng vụn thịt văng đầy!
Địa cầu thành hỏa ngục
Thần chết bay từng bầy
Các tinh cầu ngơ ngác
Hỏi nhau chuyện gì đây?
Tìm hồn em lạc lõng
Từng nhóm linh hồn bay
Như những bầy đom đóm
Giữa bầu trời không mây!

Chung Văn
***
Bài Dịch:
One Day
You cling on my shoulder
Holding hands, our fingers interlaced
We're drifting off to dreamland
As the world turns
And then one day
Earth is a battlefield—
A planet blast
No chance to utter words of goodbye
Pieces of flesh splash!
The earth becomes hell
Gods of death fly en mass
Bewildered, the stars
Ask one another: "What's going on?"
I search for your lost soul
Among flocks of souls casting adrift
Like swarms of fireflies
In the cloudless sky!

Yên Nhiên

Thăm Thầy Cô Viện Trưởng Viện Đại Học Huế


- Anh nè, Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu dạo này sức khỏe ra sao?? Lần trước anh nói chuyện với Thầy Cô hồi nào vậy??

- Anh nghĩ khoảng 2 tháng trước, gặp lúc Thầy Cô đang đi thăm con gái đầu ở Salt Lake City.

- Anh lo điện thoại với Thầy xem Thầy Cô đã về lại Palm Spring chưa và khi nào thì tiện cho Thầy Cô để mình đến thăm. Thầy Cô lớn tuổi rồi, mà lại là chổ thân quen với cả 2 bên gia đình mình, vợ chồng mình nên tìm đến thăm sớm…

- Thưa Thầy, em là Chánh đây Thầy. Lần trước em nói chuyện với Thầy khi Thầy Cô đang ở chơi với cô con gái đầu tại Salt Lake City. Thầy có cho em biết là khoảng thời gian này Thầy Cô trở về lại Palm Spring. Vậy Thầy Cô trở về lại CA chưa? …

- Ồ, Dạ Thầy. Thầy Cô nay đã về CA, nhưng không ở nhà riêng tại Palm Spring nửa mà qua ở chung nhà với BS. Khôi, con trai Thầy Cô tại Rancho Mirage. Dạ, em hiểu. Hai 2 thị xã Palm Springs và Rancho Mirage chỉ cách nhau khoảng 10 miles thôi. Có gì thì Thầy text cho em sau cũng được, cho em biết địa chỉ mới và ngày nào Thầy Cô rảnh cho vợ chồng chúng em đến thăm Thầy Cô…

Sáng ngày thứ Tư, 21 tháng 7, 2021, hai chúng tôi rời nhà khoảng 9 giờ sáng, ghé ngang qua Little Saigon mua chút đồ ăn Huế, như bánh bèo, bánh nậm, chả thẻ nóng, và vài món chay… Ngoài mấy món này, bà xã còn tự tay nấu mấy món khác, như cá bông lau kho tộ, tôm rim, dưa cải chua, và có luôn cả cơm mới nấu… dự trù sẽ cùng ăn trưa với Thầy Cô tại nhà nếu Thầy hay Cô không được khỏe để cùng đi ăn trưa bên ngoài.

Sau cả 2 giờ chạy xe, đổi qua 5 xa lộ theo GPS và khi xe chạy ngang qua vùng có cả rừng cối xay gió hai bên đường, chúng tôi biết sắp đến Palm Spring, là nhà cũ Thầy Cô ở trước đây khi tôi chở anh chị Lê Đình Thương đến thăm Thầy Cô vào tháng 3, 2018. Cô là dì ruột của bác sĩ Thương. Đồng thời Thầy là God Father của anh Thương. Vui thật.

Khoảng mươi phút sau 12 giờ trưa, chúng tôi đến nhà BS. Lê Khôi. Vừa ra khỏi xe, và trong lúc chúng tôi đang bị choáng ngộp bởi sức nóng trên 100 độ, Thầy Minh Châu tươi cười bước ra tận cửa đón chào và mời chúng tôi vào nhà. Vừa vào bên trong, chúng tôi nhìn thấy Cô đang đứng giữa nhà, rạng rỡ chờ và xướng đúng tên của từng chúng tôi, rồi dang tay ôm choàng chúng tôi. Vài phút sau, tôi xin phép ra xe và lần lượt đem vào mấy giỏ, xách và gói. Bấy giờ Thầy Cô mới giới thiệu dâu của Thầy Cô, vợ của BS. Khôi, cùng cháu gái nội út rất xinh đẹp, thanh cảnh với làn da trắng mịn, ít vẻ á đông trên khuôn mặt. Cháu làm việc cho một công ty tại Mỹ sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Toán Học từ Harvard và nay được công ty đài thọ gởi đi học tiếp 2 năm chương trình MA tại London School of Business, một trong những trường nổi danh hạng nhất thế giới. Chúng tôi không quên chúc mừng cháu.

Vợ chồng chúng tôi vừa bày mấy món đem theo lên counter, thì cô con dâu đã nói lên một số món Huế bằng tiếng Việt rất chuẩn làm chúng tôi vô cùng thích thú và kinh ngạc. Chúng tôi đã e rằng Thầy Cô lâu nay chắc nhớ cơm Việt Nam nên cẩn thận nấu cơm nóng đem theo. Ai ngờ…Thầy khoe con trai Thầy khéo chọn vợ và cô con dâu đã được mẹ chồng chỉ vẻ cách nấu nhiều thức ăn Việt, như món canh chua,cá kho tộ… Vợ tôi không ngớt lời khen ngợi dâu hiền, và mừng Thầy Cô có phước vì ngày nào cũng được ăn cơm Việt Nam. Thầy Cô nói sẽ dành thức ăn ngon chúng tôi đem đến để đãi cháu nội tối hôm nay, trước khi cháu lên đường bay qua Luân Đôn vào ngày mai.

Thầy Cô và chúng tôi ngồi nói chuyện thêm mươi phút trong nhà trước khi cả 4 người cùng ra ngoài ăn trưa. Ban đầu Thầy sợ Cô mệt nhưng Cô tự nguyện muốn đi cùng cho vui. Chúng tôi không quên mời Thầy Cô chụp tấm hình kỷ niệm. Nhìn hình, khó có ai đoán được Thầy Cô đã ngoài 90! Quả là một tấm hình đẹp vì ai cũng tươi cười. Nhắc lại lần chụp hình tại ngày trao giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo năm 2019 với chúng tôi, Thầy cười nói “hình này cũng có 2 Minh Châu, như lần trước” – một nhắc nhở bà xã tôi trùng tên với Thầy. Thầy Cô cho chúng tôi biết sức khỏe Thầy Cô rất tốt, dù Thầy nay đã 92 tuổi và Cô đã 94, và chích ngừa covid đầy đủ. Thầy Cô hỏi thăm sức khỏe quý Thầy Cô trong Hội YKH Hải Ngoại, tình hình anh chị em trong Hội, hiện tượng chung của nạn Covid. Tôi cũng có gởi lời vấn an của chị Vương Thị Thúy Nga đến Thầy Cô khi chị biết chúng tôi sẽ đến thăm Thầy Cô. Chị là sinh viên khóa đầu tiên khi viện ĐH Huế thành lập năm 1957 và về sau làm hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Quy Nhơn. Thầy gởi lời cám ơn chị Thúy Nga thường xuyên gởi sách hay cho Thầy Cô đọc.  

Ngồi lái xe, Thầy vui, nói chuyện khá nhiều nên cũng phải đôi lần quẹo trái, quẹo phải và u turns mới đến được nhà hàng Ấn Độ quen thuộc dù chỉ cách nhà chừng 2 miles. Trong câu chuyện quanh bàn ăn, tôi nhận thấy Thầy vẫn còn rất sáng suốt, minh mẫn và đi đứng nhanh nhẹn. Riêng Cô đi có hơi chậm một chút và dễ quên chuyện thời xưa. Thật là quá dễ thương khi Cô thường hay nhìn Thầy và hỏi “Châu nè, cái chuyện đó Trai quên rồi, người tên đó là ai vậy? năm Trai qua Pháp lần đầu là năm nào?… Châu còn nhớ nói cho Trai biết với”. Và Thầy đã luôn đáp ứng bằng những lời giải thích nhắc nhở đằm thắm dịu dàng.

Thầy vô cùng cởi mở, cho phép tôi được tự do “phỏng vấn” Thầy Cô. Thầy và Cô cùng lớn lên từ Huế, từng quen biết nhau hồi còn nhỏ vì…là bà con xa bên phía ngoại với nhau. Thuở trung học Cô học trường Đồng Khánh, Thầy học trường Providence. Do một cơ duyên, Thầy được sang nước Pháp vào năm 1950 trước khi xong Tú Tài, rồi từ Pháp Thầy sang Anh, học tại Cambridge vào năm 1952, khi tình trạng nhu yếu phẩm nói chung tại Âu Châu và riêng tại nước Anh vẫn còn rất thiếu thốn do hậu Thế Chiến Thứ Hai. Thầy tốt nghiệp Bachelor of Arts về Văn Chương Anh năm 1956 và học tiếp chương trình Anh Văn tại thành phố Cambridge. Cô thi đậu xong Tú Tài tại Việt Nam rồi mới sang du học Pháp năm 1951. Cô tốt nghiệp License en Droit năm 1953 cũng với mention très bien tại Aix – Marseille ở vùng Provence miền Nam nước Pháp. Trong cùng năm 1953, Cô hoàn tất chuyên tu tại Academy of International Laws tại La Hague, Hòa Lan, và năm 1956, đậu Doctorat en Droit với mention très bien cũng tại Aix - Marseille. Trong khi chờ Thầy đang học ở nước Anh, trước tiên Cô học một khóa 6 tháng về quản trị ngân hàng tại Paris để chuẩn bị về nước giúp Ông Vũ Quốc Thúc, Giám Đốc đầu tiên của Ngân Hàng Quốc Gia VN (là Banqua de L’Indochine trước đây). Nhưng sau đó Cô đổi ý và xin vào làm phụ tá cho GS. Bùi Xuân Bào, bấy giờ đang giữ chức vụ tùy viên văn hóa cho toà Đại Sứ VNCH tại Paris.

Khi được hỏi về chuyện ai là người tỏ tình trước, Thầy trả lời chính xác là không ai tỏ tình với ai cả vì “tình cảm giữa chúng tôi theo thời gian đã rõ ràng”. Tuy nhiên, Cô tự động cho Thầy biết là Cô từ Pháp qua thăm Thầy và sẽ “đến ở nhà Châu”. Tháng 7, cùng năm 1957 Thầy Cô làm đám cưới tại một nhà thờ Công Giáo tại Cambridge, mà trong những khách tham dự có sự hiện diện của thân phụ của Thầy là Cụ Lê Thanh Cảnh, bấy giờ đang sống tại Pháp, và linh mục Nguyễn Văn Thuận (về sau được phong Hồng Y), bấy giờ đang học thêm tại Vatican. Trong thời gian Vua Bảo Đại làm Quốc Trưởng, Cụ Lê Thanh Cảnh là đại diện cho Ngài để làm việc với các nhóm chính trị trong nước. Sau chia đôi đất nước 1954, văn phòng đại diện dời từ Hà Nội vào Saigon; theo thời gian, sự liên hệ giữa Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và Quốc Trưởng Bảo Đại qua Cụ Lê Thanh Cảnh xấu dần, dẫn đến chuyện Cụ Lê Thanh Cảnh phải trốn vào BV. Grall trước khi bị bắt và sau đó được đưa qua pháp sống lưu vong. Câu chuyện hy hữu là ở chỗ, một bên phải lưu vong vì TT. Diệm, một bên là cháu của TT. Diệm, thế nhưng Cụ Lê Thanh Cảnh và cha Nguyễn Văn Thuận ở chung với nhau trong cùng một khách sạn, và cùng đi chơi vui vẻ với nhau trong suốt thời gian ở Anh. Ngoài ra, chuyện làm lể đám cưới ở nhà thờ Công Giáo ở Anh bắt buộc linh mục phải đọc kinh thánh bằng tiếng Anh. Khi được hỏi, cha Thuận trả lời gọn “no problem”. Đúng vậy, nhưng Cha lại đọc qua cách phát âm hoàn toàn tiếng Pháp một cách ngon lành, không ngập ngừng, chẳng ngại ngùng khiến các khách mời gốc Anh nhìn nhau ngơ ngác.

Một thời gian ngắn sau đám cưới, Thầy ”theo” Cô trở về sống tại Paris. Bấy giờ Cô nhận một thơ viết tay của linh mục Cao Văn Luận mời Cô, một người con của Huế, đem sự học hỏi chuyên môn của mình truyền dạy cho con em tại Huế trong chức vụ Trưởng Khoa Luật tại Viện Đại Học Huế mà Cha được mời làm Viện Trưởng. Khi tôi hỏi trong thư Cha có nhắc gì đến Thầy không?? Thầy trả lời một cách tự nhiên “Có, nhưng chỉ trong phần cuối của thư thôi: mời anh về dạy Anh Văn”. Vốn trước đây vợ chồng Thầy Cô đều quyết định sẽ về lại VN nhưng chỉ chưa biết khi nào, nơi nào, nhưng nay nhận thư mời này, nên Thầy Cô quyết định về Huế sớm. Vậy là vào tháng 9, 1957, Thầy Cô khởi hành hồi hương bằng tàu thủy, như một cách kéo dài tuần trăng mật trước khi về Huế bận rộn dạy ngay sinh viên khóa đầu. Trong cùng một thời gian, có nhiều giáo sư Việt Nam tên tuổi khác, tốt nghiệp tại hải ngoại, Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ…cũng lên đường về quê hương, thể theo lời mời của linh mục Cao Văn Luận.

Đây là mốc thời gian vàng son trong lịch sử của Viện Đại Học Huế khi bao nhiêu tinh hoa đổ về Cố Đô, giúp làm nền móng vững chắc xây dựng Đại Học Huế, nhanh chóng đáp ứng tầm quan trọng mở mang nền giáo dục Miền Nam Việt Nam. Đáp ứng đúng chính sách xây dựng Miền Nam VN bằng cách xây dựng giáo dục, mở mang văn hóa – mà Viện Đại Học Huế là một hình ảnh minh chứng như một tuyến đầu vì chỉ nằm cách sông Bến Hải chia cách đôi miền không đầy 100 cây số - trong khi phía CS Miền Bắc luôn chủ trương xâm lăng và bành trướng bằng sức mạnh của võ khí. Điều đáng nhấn mạnh là Viện Đại Học Huế được thành lập hoàn toàn do người Việt Nam, đồng thời là đại học công đầu tiên tại Miền Nam Việt Nam xử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong các chương trình giáo khoa. Trong sự hình thành nền móng của Viện Đại Học Huế, bên cạnh linh mục Cao Văn Luận, GS. Lê Thanh Minh Châu nhắc nhở và khen ngợi GS. Nguyễn Văn Hai, không những là một nhân vật tiếng tăm trong ngành giáo dục tại Miền Trung VN nói chung và Huế nói riêng mà đồng thời GS. Hai có nhiều uy tín trong nhóm nhân sĩ Huế ủng hộ và đẩy mạnh sự thành lập một đại học tại Huế. Thầy Minh Châu còn cho biết trong thời gian GS. Nguyễn Văn Hai giữ chức vụ Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Huế kiêm Phó Viện Trưởng đặc trách phát triển, sau một chuyến khảo sát các đại học Mỹ năm 1968, chính GS. Hai là người phát họa, thúc đẩy và xây dựng thêm 3 môn mới nằm trong Đại Học Khoa Học. Đó là môn Tạo Tác Thủy Lợi với Kỹ Sư Bùi Hữu Lâm làm trưởng bộ môn, Thống Kê Nhân Khẩu do Tiến Sĩ Bùi Đặng Hà Đoán (Pháp) làm trưởng môn và Môn Sinh Hóa Ứng Dụng với Tiến Sĩ Bùi Thế Phiệt (Mỹ) làm trưởng bộ môn.

Bên cạnh Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu (Anh) và Tăng Thành Trai (Pháp), còn có quý Giáo Sư Lê Văn (Pháp) và phu nhân Lê Thị Bảo Xuyến (Pháp), Nguyễn Quới (Bỉ) , Lê Văn Diệm ( Hoa Kỳ), BS. Lê Văn Điềm (Pháp), Lê Khắc Phò (Pháp), Trần Văn Tấn (Pháp), Trần Nhật Tân (Pháp), Nguyễn Văn Trường (Pháp), Nguyễn Hữu Trí (Pháp), Nguyễn Văn Trung (Bỉ), Huỳnh Đình Tế (Pháp), Lê Tuyên (Pháp), Nguyễn Đình Hoan (Pháp) và phu nhân Trần Thị Như Quê (Pháp), Lâm Ngọc Huynh (Pháp) và phu nhân Trương Tuyết Anh (Pháp), Cùng với nhiều giáo sư cơ hữu tên tuổi trong nước như quý GS. Lê Hữu Mục, linh mục Nguyễn Văn Thích, linh mục Nguyễn Phương, linh mục Georges Lefas, Trần Quang Ngọc, Bùi Nam, Nguyễn Hữu Thứ, Nguyễn Toại, Lê Khắc Quyến, Lê Bá Vận, Lê Văn Bách, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Văn Vĩnh … và các giáo sư thỉnh giảng khác như quý GS: Đặng Đình Áng, Âu Ngọc Hồ, Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Chánh, Bùi Hòe Thực, Trương Văn Chình, Lê Tài Triển, Trương Bửu Lâm, Nguyễn Quang Thuận, Thái Công Tụng, linh mục Thanh Lãng, linh mục Trần Thái Đỉnh, linh mục Lê Văn Lý, Frère Ferdinand Toán….

Đúng 2 năm sau, qua nghị định số 310/GD VNCH, ký ngày 21 tháng 8, 1959, Đại Học Y Khoa được chính thức thành lập tại Huế, đạt thêm một một bước tiến quan trọng cho Viện ĐH Huế. Cùng với sự hỗ trợ của phái bộ Đức đến từ Đại Học Y Khoa Freiburg, cầm đầu bởi GS. Tiến Sĩ YK Gunther Krainick, và sự bổ nhiệm GS. YK Lê Tấn Vĩnh (Agrégé/ Pháp) làm khoa trưởng qua sứ vụ lệnh số 1273 / GD VNCH, ký ngày 18 tháng 11, 1960, trường Đai Học YK Huế chính thức khai mạc năm thứ Nhất vào tháng 8, 1961, sau khi nghị định số 1091 / GD được ký ngày 10 tháng 8, 1961.

Với sự trưởng thành không ngừng của Viện Đại Học Huế và sự đòi hỏi nâng cao trình độ giáo dục theo thời gian, rất nhiều các giáo sư cơ hữu của Viện được gởi qua lại ngoại quốc để bổ túc hay hoàn tất chương trình tiến sĩ. Tháng 9, 1962, cả Thầy Minh Châu và Cô Thành Trai qua học tại ĐH Chicago, Thầy theo học chương trình Ph. D về English Literature, còn Cô theo chương trình Ph.D về Political Science. Sau khi tốt nghiệp Ph.D, cả 2 người cùng về lại nước vào tháng 9, 1967. Trong cùng thời điểm, Viện ĐH Huế chọn những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các khóa đầu để gởi đi tu nghiệp tại ngoại quốc, như các Thầy Ngô Đồng, Võ Văn Thơ, Nguyễn Đức Kiên…
 
 

Hình phái đoàn linh mục Cao Văn Luận và GS. Lê Thanh Minh Châu viếng thăm các nhà Giáo Dục Hoa Kỳ tại East Lansing State University, Michigan, năm 1958, qua lời mời của Hội American Friends of Viet Nam

Những thế hệ sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp từ Viện Đại Học Huế là những sứ giả chính thức tung cánh bay đi muôn hướng, đem theo sự học hỏi của mình dạy dổ cho bao thế hệ nối tiếp. Họ là những giáo chức, những học giả, thi văn sĩ, công nhân viên chính phủ, nhà tham khảo nghiên cứu, quân nhân, luật sư, bác sĩ, kỹ sư…Nhờ sự giảng dạy hết mình hết lòng từ các thầy cô mình, họ trở thành những thành phần trí thức hữu dụng góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Và dù trong hoàn cảnh về sau phải rải rác khắp năm châu, hầu hết họ đã minh chứng có một tiềm năng tri thức vượt bực, một cá tính hiếu học, một tinh thần bất khuất và một khả năng thành công tại xứ người, không những trong chuyên môn mà cả trong rao giảng văn hóa truyền thống về bác ái, tự do và công bằng – lòng trắc ẩn, độ lượng, chia sẻ - là những căn bản nhân tâm mà họ đã được thấm nhuần sau những năm học tại Đại Học Huế.

Nói về phần đào tạo hữu hiệu của Viện ĐH Huế, Thầy Minh Châu đơn cử trường hợp của anh Hoàng Mộng Phước. Anh Phước học ngành Tạo Tác của ĐH Khoa Học Huế được 2 năm thì mất nước. Sau 1975, tất cả sinh viên Tạo Tác của các khóa 4 và 5 tại Đại Học Khoa Học Huế được chuyển vào trường Bách Khoa Phú Thọ Saigon học tiếp - Ngoại trừ 4 sinh viên trong đó có anh Phước - vì chính quyền mới nghi ngờ anh có thái độ chống CS. Năm 1991, vợ chồng anh Phước được anh chị tại Mỹ bảo lãnh qua Florida. Với sự cố gắng vượt bực, chỉ trong 4 năm, anh Phước tốt nghiệp ĐH Florida State University với văn bằng BS và MA về Civil Engineering. Anh làm việc trên 20 năm cho quận hạt Saratosa, Florida, với chức vụ trước khi về hưu là Principal Engineering Specialist. Trong dịp gặp và trò chuyện với Thầy Lê Thanh Minh Châu, anh Phước cho Thầy biết sở dĩ anh học nhanh được như vậy là “nhờ những kiến thức anh từng được dạy trong 2 năm tại ĐH Huế”. 


Giáo Sư Lê Thanh Minh Châu và anh Hoàng Mộng Phước, cựu sinh viên Tạo Tác, Đại Học Khoa Học, Huế - Hình chụp tại San Diego, tháng 7, 2019.

Trở về nước năm 1967, GS. Minh Châu tiếp tục giảng dạy tại Văn Khoa và Sư Phạm tại ĐH Huế. Vào năm 1969, GS. được giao trách nhiệm làm Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, đánh dấu cho một giai đoạn khởi sắc cho Viện Đại Học Huế, nhất là sau khi sinh viên y khoa di chuyển trở lại Huế sau 2 năm học tạm ở Saigon vì biến cố Mậu Thân. Đội ngũ nhân viên giảng huấn có phần trẻ hơn nhưng đầy khả năng và nhiệt tình, tinh thần hiếu học và đoàn kết hơn bao giờ hết của tập thể sinh viên, đồng thời văn phòng sinh viên vụ hoạt động hữu hiệu, giúp sinh viên vui chơi lành mạnh và nối kết tình thân liên khoa, tất cả đã giúp góp phần cho sự vươn mạnh và thành công của Viện, thổi một nguồn gió mới đầy hứng khởi vào tất cả các phân khoa thuộc Viện ĐH Huế. Điều này chứng minh được Viện Đại Học Huế đã thoát qua được những khó khăn do cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi mà đa số dân thị xã Huế phải di tản và Viện ĐH Huế tạm thời dời vào Đà Nẵng, vì Viện rao dựng được niềm tin vững mạnh khiến ban giảng huấn cùng các sinh viên nhanh chóng trở về lại Huế, vào lại các giảng đường và năm học không bị mất.

Trong cùng thời điểm trở về lại nước năm 1967, Cô Thành Trai làm GS. thỉnh giảng cho ĐH Luật Huế, ĐH Luật Saigon và cho Khoa Chính Trị Kinh Doanh của Viện Đại Học Đà Lạt, cùng lúc Cô mở một công ty Luật Quốc Tế đầu tiên tại Saigon, mang tên Tăng Thị Thành Trai & Tạ Văn Tài, đồng thời làm cố vấn cho Ủy Ban Phát Triển và Quản Trị Kỷ Nghệ cho chính phủ Miền Nam VN, cho đến ngày mất nước.

Rời Việt Nam cuối tháng 4, 1975, Thầy Cô định cư tại Hoa Kỳ. Thầy nhanh chóng làm việc tại Đại Học Notre Dame qua chức vụ phụ tá cho Vice President phụ trách Graduate Schools. Về phần Cô, dù đã có 2 văn bằng tiến sĩ, một về Luật tại Pháp và một về Political Sciences tại Chicago, nhưng trước khi chính thức dạy tại Notre Dame, Cô lấy thêm một văn bằng tiến sĩ Luật Khoa JD tại Notre Dame vào năm 1977. Trong suốt trên 20 năm dạy tại Notre Dame từ năm 1977, chuyên môn của Cô là Luật Thương Mại Quốc Tế (International Commercial Law) – mà Cô Thành Trai là người thành lập, biên soạn và mở dạy môn này đầu tiên tại Notre Dame. Cô đồng thời là tác giả của nhiều sách, báo chí và tư liệu chuyên đề về Commercial Law, International Law, Consumer Law, International Business Transaction và Immigration Law. Hiện tại Cô Lê Tăng Thành Trai là một Professor Emeritus ĐH Luật Khoa của Notre Dame University. Để kết luận, tôi thưa với Thầy Cô: trường Providence phải hãnh diện khi có một cựu học trò Lê Thanh Minh Châu trở về Huế làm Viện Trưởng Viện ĐH Huế, và trường Đồng Khánh càng hãnh diện hơn khi người cựu học sinh Tăng Thành Trai có đến 3 văn bằng Tiến Sĩ.

Đổi qua đề tài thân mật hơn về chuyện quen biết giữa Thầy và Cô với Nhạc Phụ tôi và Măng tôi, Thầy vui vẻ kể từng biết Nhạc Phụ tôi khi học với nhau ở trường Providence, Huế; từng ở trọ chung nhà và chung giường với nhau trong mấy năm liền, rằng Ông Cụ học trên Thầy 4-5 lớp, Ông Cụ giỏi và rất thông minh, ôm từng cuốn sách dày mà học, kể luôn cả cuốn tự điển tiếng Anh. Vì vậy Ông Cụ thi nhảy băng trước một năm, và ra Hà Nội học Luật sau khi đậu Tú Tài 2 Pháp. Kể từ đó Thầy ít gặp Nhạc Phụ tôi cho mãi về sau này.

Về bên phía Măng tôi, Thầy hỏi giùm Cô là Mẹ Cô và Măng tôi quen biết ra làm sao, từ khi nào… Tôi thưa tôi không rõ lắm, nhưng có lẻ từ xưa khi học với nhau tại trường Đồng Khánh (Mẹ Cô trên Măng tôi một hai lớp), rồi lúc làm việc với nhau trong trường ĐK. Tôi từng nhìn thấy Mẹ Cô, tức Bà Ngọc Lan, những khi Bà đến chơi với Măng tôi lúc gia đình tôi còn ở Phủ Cam. Năm 1954, khi gia đình Măng tôi dọn vào ở trong khuôn viên trường ĐK, Bà đã ở đấy, trong một căn phòng trên lầu. Và cũng vào khoảng thời gian đó, Bà nhờ Măng tôi làm Vú Đỡ Đầu khi Bà trở lại Công Giáo. Khi nói chuyện với nhau, Bà kêu Măng tôi là Vú, Măng tôi lại kêu Bà là Chị và xưng Em. Thời gian đó tôi cũng nhìn thấy Bà đi lễ Chủ Nhật tại nhà thờ Nhà Nước gần hiệu bánh Chaffangeon. Sau 1975, Măng tôi kể có gặp Bà khá nhiều lần, những khi 2 bà đến thăm nhau. Nhớ lại thuở xưa, Măng tôi thường đem chuyện Cô Trai học giỏi làm gương cho chúng tôi nhìn lên. Măng tôi cho biết thêm tên Thành Trai do Bà Ngọc Lan đặt cho con gái mình là với ý mong ước con mình phải học thật giỏi, phải rất thành đạt, phải thật xuất sắc, hơn cả các đấng đàn ông. Phải chăng vì vậy Cô có đến 3 văn bằng Tiến Sĩ. Và trong lịch sử 150 năm của trường Luật Khoa, ĐH Notre Dame, Cô là người phụ nữ đầu tiên, vừa lại là một phụ nữ gốc Á Châu, được tấn phong Giáo Sư Thật Thụ. Thật đáng nể. Thật đáng ngưỡng mộ. Cho câu trả lời, Cô “tâm sự” trước khi rời Chicago về lại nước năm 1967, Cô cho Thầy biết sẽ mời Mẹ mình sống chung với gia đình Thầy Cô tại Saigon.

Hỏi đến BS. Khôi và gia đình, Thầy Cô rất phấn khởi cho biết BS. Khôi vẫn làm chuyên môn về interventional cardiology tại Eisenhower Medical Center, Rancho Mirage, thỉnh thoảng có về Việt Nam giảng dạy, và tham dự hội thảo chuyên ngành Tim Mạch…Xế chiều hôm nay, BS. Khôi sẽ mời một toán nhỏ residents trong chương trình Cardiology BS. Khôi phụ trách hướng dẫn tại BV về nhà mình đãi tiệc, vừa trao đổi kinh nghiệm văn hóa và nghề nghiệp. Có lẽ vì lý do đó mà tôi nhìn thấy người phụ giúp làm sạch sân sau và hồ bơi.

Chúng tôi còn được biết thêm cả gia đình BS. Khôi đều tốt nghiệp Harvard, từ cha, mẹ cho đến 3 con gái. Thật đáng ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp 4 năm Harvard,cô trưởng nữ học thêm 3 năm về Master of Fine Arts tại Yale, hiện tại làm director of marketing cho Saint Louis Opera Company. Thứ nữ giữa tốt nghiệp 4 năm Harvard về Biology, nay là một Doctor of Veterinary Medicine tại Fort Collins, Colorado. Út nữ, như đã viết trên, đang theo học 2 năm MA tại trường London School of Business. Thầy Cô sẽ tham dự đám cưới của cô cháu nội thứ hai trong tháng 8 này, tại thành phố Cape Cod / Nantucket của TB. Massachusetts, là nơi mà cha chồng đang là một mục sư danh tiếng. Chúng tôi chung vui với Thầy Cô, đồng thời tỏ lời khâm phục gia đình BS. Khôi.

Trước khi ra về, tôi không quên nói lời cám ơn Thầy là một trong những vị Giáo Sư đã nhanh chóng ký tên vào bằng chứng nhận tốt nghiệp Y Khoa cho rất nhiều anh chị em Y Khoa Huế định cư tại Hoa Kỳ và các nơi khác sau 1975. Bằng chứng tốt nghiệp YK tại VN này rất cần thiết cho hồ sơ xin dự thi lấy lại các bằng YK tương đương tại Hoa Kỳ. Ngoài ra tôi cũng nhắc lại và cám ơn Thầy đã viết một giấy giới thiệu với những lời viết rất hào phóng và riêng tư về tôi, trên một mẫu giấy có mang con dấu và chức vụ của Thầy tại ĐH Notre Dame. Sự kiện Thầy Cô luôn là khách mời quan trọng tại các Đại Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại cho thấy lòng quý mến của anh chị em trong Hội khi được vinh dự đón tiếp Thầy Cô đến chung vui và chia sẻ những vui buồn, những thành tựu của Hội YKH Hải Ngoại. Và trên hết, chúng tôi thán phục sự đơn sơ khiêm tốn của Thầy Cô trong giao tế cũng như trong cuộc sống.
 

Chúng tôi hứa sẽ gởi Thầy Cô vài tấm hình xưa nhất có thể sau này của Nhạc Phụ tôi theo lời yêu cầu của Thầy, và đến thăm Thầy Cô vào cuối năm. Chúc Thầy Cô giữ sức khỏe tốt cho chuyến đi dự đám cưới của cháu nội thứ hai ở TB Massachusetts.

Tưởng đường về cũng suôn sẻ như chuyến đi, nhưng không ngờ gần cả 4 giờ chúng tôi mới về đến nhà. Bị kẹt xe thì chán, nhưng nhiều xe thì cũng vui vì biết là tình trạng Covid đang khả quan dần. Mỏi thì có mỏi vì bị ngồi lâu trong xe, nhưng cả 2 chúng tôi có được niềm vui chung khi hoàn thành được một chuyến thăm Thầy Cô như từng ước muốn.


Mission Viejo,
Ngày 21 tháng 10, 2021
Vĩnh Chánh
Những Tấm Hình Bonus.


Xúc động là tấm hình do tôi chụp Thầy Cô, tay trong tay, dẫn nhau đi lang thang tại một trung tâm thương mại chưa mở cửa, khi bên ngoài mưa lai rai. Trong dịp Thầy Cô tham dự Đại Hội YK Huế Hải Ngoại tại Montreal tháng 8, 2018.


Đẹp thay tình là Thầy Trò – Ai tươi ai trẻ hơn ai
Nụ cười tươi ơi là tươi khó người có được của Thầy Minh Châu, giữa 2 trò cựu sinh viên YK Huế, Hồ Đăng Thuận và Võ Văn Hạnh, thuộc khóa 14 (1974-1980), trong Đại Hội YKH Hải Ngoại tại Quận Cam, California, năm 2017.


Hình mới nhất của Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu, 15 tháng 8, 2021.
Ngồi (từ trái sang phải): Chị Lê Khắc Thanh Túy, Cô Thành Trai, anh Lê Đình Thương.
Đứng (từ trái sang phải): Thầy Minh Châu, vợ chồng con trai anh chị Thương & Túy

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Như Chưa Một Lần - Ngô Thanh Nam - Diệu Hiền


Sáng Tác: Ngô Thanh Nam
Tiếng Hát: Diệu Hiền
Thực Hiện: Đặng Hùng

Cách Một Ngọn Đèo



Chỉ một đoạn đường 20 cây số
mà lê thê, dịu vợi tựa muôn trùng
Núi, rừng, mây, trải từng nỗi nhớ nhung
đan sương, khói thành lối qua Ô Thước!

Bởi chinh chiến và tang thương đất nước
luôn phủ đầy trên Quê Mẹ thân yêu
Là chinh nhân thời gian chẳng được nhiều
cứ nặng trĩu hành trang chờ ngược bắc!

Cách một ngọn đèo mà xa lơ, xa lắc!
Đỉnh mây vương thầm lặng đợi sương chiều
Từ ngàn xưa lời vọng của tình yêu
thường lạc lối khi vượt đường qua rừng, núi!

Em thường trách tôi sao cứ hoài...hứa cuội!
Huế thương ơi! Dẫu xa cách đôi nơi
Em vẫn cùng tôi sánh bước khắp phương trời
Trong tâm tưởng, ngoài địa hình...trên muôn ngã!

Người ở Sơn Trà mà hồn nơi Bạch Mã (1)(2)
Tôi mơ ngày dừng chân đỉnh Hùng Quan (3)
dang vòng tay nối bọt sóng sông Hàn (4)
với trùng điệp của núi, rừng, mây Thừa Phủ.(5)

Chưa gặp nhau nhưng hoa lòng đang kết nụ
Tình trao Em đã qua mấy sơn khê
Huế thương ơi! Lòng tôi nguyện câu thề
Vượt Vân Ải đến Thừa Thiên mừng hạnh ngộ! (6)

Huy Văn
(Phú Lộc, 1974)

(1) Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng
(2) Núi Bạch Mã, phía tây bắc đỉnh Hải Vân,
thuộc quận Phú Lộc/ Thừa Thiên
(3) Đệ Nhứt Hùng Quan ( tức đỉnh đèo Hải Vân )
(4) Có xuất xứ từ nhiều nguồn, trong số đó có sông Yên/Thanh Bồ, sông Cẩm Lệ và sông Cái/Vĩnh Điện. Ra đến biển thì được gọi là sông Hàn ( Hàn= rộng lớn, bao la)
Người xưa gọi là Hàn Môn. Đời nay gọi là Cửa Sông Hàn
(5) Tên gọi thuở xưa của Thừa Thiên
(6) Một tên khác của Hải Vân.
Nói về Hải Vân, ca dao Việt Nam có câu:
Chiều chiều mây phủ Ải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn.

Thăm Người Phương Xa

Im hơi lặng tiếng người ơi
Ngóng trông lửa đốt chơi vơi đứng ngồi
Chuyện gì đã xảy ra rồi
Ở bên xứ ấy bồi hồi bên nây

Nhìn trăng liềm khuyết nhớ người
Chờ tin đợi tiếng tưởng cười mỉm chi
Hỏi thăm người đã nghĩ gì
Bao nhiêu tháng đợi lắm khi thở dài

Mong sao người được bình an
Lời thơ nhắn gởi yên khang vững lòng
Chúc người tránh được long đong
Chúc người thơi thới chỉ trông vui vầy

Nguyễn Cao Khải 


Histoire D'un Amour - Chuyện Tình Yêu


Jacques Roman Brel & Dalida

Histoire D'un Amour

Mon histoire c'est l'histoire
d'un amour
Ma complainte c'est la plainte de deux coeurs
Un roman comme tant d'autres
Qui pourrait être le vôtre
Gen d'ici ou bien d'ailleurs

C'est la flamme qui enflame
sans bru^ler
C'est le rêve que l'on rêve sans dormir
Comme un arbre qui se dresse
Plein de force et de tendresse
Vers le jour qui va venire

C'est histoire d'un amour, éternel et banal
Qui apporte chaque jour tout le bien tout lemal
Avec l'heure où l'on s'enlace,
celle où l'on se dit adieu
Avec les soirées d'angoisse
et les matin merveilleux

Mon histoire c'est l'histoire qu'on connai^t
Ceux qui s'aiment jouent la même, je le sais
Mais naive ou bien profonde
C'est la seule chanson du monde
Qui ne finira jamais

C'est l'histoire d'un amour...

Jacques Roman Brel
***

Thơ Phỏng Dịch:

Chuyện Tình Yêu

Lịch sử chuyện tình tôi xin kể
Quảng đời mình, sống để yêu đương
Đôi tim than thở vì thương
Như bao lãng mạn mộng thường nhân sinh
Tìm đâu tri kỷ người tình
Ai người nhân tiện gọi mình "tình lang"?

Như ngọn lửa tình tràn, không cháy
Thức trắng đêm chờ thấy mộng lòng
Như cây đứng lặng, chờ mong
Thân cây mạnh mẽ lại trông dịu dàng
Rồi ngày sẽ đến cùng chàng
Tình yêu tưởng mất, bước sang huy hoàng

Tình yêu vĩnh cửu và hữu hạn
Mỗi ngày qua...tốt xấu ai mang
Tình trao âu yếm tay đan
Cũng là giây phút dỡ dang, bạn đời!
Những đêm hỗ thẹn rã rời
Rồi bình minh đến, rạng ngời ánh dương

Chuyện tình tôi, yêu đương kể xiết
Ai từng yêu sẽ biết mà thôi
Tình buồn hun hút trong tôi
Tình ca duy nhứt xứng ngôi địa cầu
Tình ca bất tận dài lâu
Không bao giờ dứt, thẳm sâu ngút ngàn!


Duy Anh
10-14-2021

Jacques Roman Brel - Dalida



Anh Hàng Xóm - Tác Giả: Lưu Phương Lan - Đọc Truyện: Hải Lan, Nguyễn Hữu Nhung


Tác Giả: Lưu Phương Lan
Đọc Truyện: Hải Lan, Nguyễn Hữu Nhung

Bộ Tranh Vẽ Cuộc Sống Người Việt Vào Thập Niên 1930(Phần Cuối)

   

Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương (Monographie dessinée de l’Indochine) là một series đồ sộ gồm 520 bức vẽ bằng bút chì, in li-tô và phần lớn đều tô màu. Nội dung tranh mô tả phong cảnh, cách sinh sống của người Việt vào khoảng đầu thập niên 1930. Nói chính xác thì có 4 bộ về xứ Bắc, 1 bộ về miền Trung, 6 bộ về miền Nam và 2 bộ về Cao Miên và Ai Lao.

Tranh vẽ theo sự gợi ý của ông Jules Gustave Besson, Chánh Thanh tra các Trường Mỹ thuật và Mỹ nghệ ở miền Nam và cũng là Hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Gia Định đến hơn 10 năm. Học sinh của trường Vẽ Gia Định đã tham gia đông đảo để thực hiện chương trình này, tác phẩm của họ đã được Hội Ấn nghiệp và Trang Trí tập họp lại và in thành “Vựng tập về Thương mại, Văn hóa, Lãnh thổ, và Con người đất Gia Định”. Sách do Nhà xuất bản Paul Geuthner in theo các bản vẽ đã thực hiện trong các năm 1935-1938-1943.

@AAVH.J.C

(Nguyễn Tích Lai Sưu Tầm)