Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Em Tôi - Lê Trạch Lựu - Sĩ Phú


Sáng Tác: Lê Trạch Lựu
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Áo Trắng


Ngày xưa em tựa vầng trăng mộng,
Văn nghệ thường hay diễn vợ chồng
Thuở ấy chưa hề hôn mái tóc
Sân trường nào ước hẹn thu đông!
Lớn thêm, em biết buồn vô cớ
Nhiều lúc nhìn nhau chợt thẫn thờ!
Tháng chạp xuân về mang gió buốt
Năm tàn còn dối chuyện vu vơ
Phải chăng em bắt đầu sai hẹn?
Ở phố đông người lắm kẻ quen.
Ngày tết pháo hồng lên má đỏ
Ra đuờng em rất thích lời khen.
Từ đó hồn xanh rêu cháy bỏng,
Đường đời em sớm gót long đong
Cổng trường vắng bóng màu áo trắng
Nhớ tóc em bay, nhả khói vòng!

Đỗ Bình

Oán Tình - 怨情



怨情 

美人捲珠簾,
深坐顰蛾眉。
但見淚痕濕,
不知心恨誰。

Oán Tình 


Mỹ nhân quyển châu liêm
Thâm tọa tần nga my
Đãn kiến lệ ngân thấp
Bất tri tâm hận thùy

Lý Bạch
***
Dịch thơ: 

1/ Trách Tình

Người đẹp vén rèm trai
Ngồi lâu rũ nét ngài
Càng thêm rõ vết lệ
Nào biết oán hờn ai?

2/ Oán Tình

Người đẹp cuốn rèm châu
Nhíu mày lộ nét sầu
Má loan vệt nước mắt
Hờn tủi đến từ đâu?

Phí Minh Tâm
***
Resentment

The pretty maid rolls up the bead curtain
She waits in vain and knits her eyebrows
Trace of wet tears still shows
It's not known who causes her heart pain.

Li Bai 

Thơ và Nghiệp



Không dám làm văn học
Chỉ thích làm thơ thôi
Làm thơ cho em đọc
Cho mình thêm chút vui

Xưa mơ làm thi sĩ
Đem thơ điểm tô đời
Thích tâm hồn bay bổng
Và tình lên chơi vơi

Thơ ví tựa hoa hương
Hoa nào cũng đẹp cả
Chỉ khác hương và sắc
Hương sắc cũng vô thường

Làm thơ là mắc nghiệp
Nghiệp dĩ do Trời ban
Ban cho tâm hồn đẹp
Đẹp cả khi héo tàn

Phải em là tri âm
Hay em là tri kỷ
Một đời ta tình lụy
Lụy tình vì nghiã ân

Quen em từ thuở ấy
Tình ân đẹp vô ngần
Duyên thơ và duyên nghiệp
Cho ta thành thi nhân.

Hoa Văn

Cảnh Chiều Hôm



Xướng:
Cảnh Chiều Hôm

Mênh mang quạnh vắng cảnh chiều hôm
Nắng hắt liu điu những sợi buồn
Trời rộng chim bằng vung cánh sải
Dặm xa khách lữ bước chân dồn
Câu hò sắc ngọt ru hồn đắm
Tiếng sáo trầm u thúc dạ cồn
Vàng vọt vầng trăng treo nửa mảnh
Màn đêm nhẹ phủ chốn cô thôn


Cao Bồi Già
02-06-2019
***
Các Bài Họa:
Chiều Hôm Nhớ Nhà


Đã vắng xa nhà mấy chục hôm
Lòng nghe quay quắt,dạ đau cồn
Chim non ríu rít hiên thềm vắng
Khách lữ ưu tư nét mặt buồn
Điệu nhạc đưa sang từ ngõ xóm
Giọng hò vẳng lại tự làng thôn
Vầng trăng khuyết nửa treo chênh chếch
Nỗi nhớ miên man cứ dập dồn

Songquang
***
Cảnh Đầu Hôm

Trời chiều man mác gió đầu hôm,
Biển vắng mênh mông dạ thấy buồn.
Đợt sóng cất cao dòng đổ xuống,
Hải âu tung rộng cánh bay dồn.
Vầng trăng chếch bóng soi mầu nhớ,
Lữ khách sầu quê cảm ruột cồn.
Nhìn mái tóc già đen đã bạc…
Lòng thêm thương tưởng đất làng thôn!

Liêu Xuyên
***
Chiều Buồn

Quang cảnh tiêu điều, vãn chợ hôm
Hoàng hôn man mác ráng chiều buồn
Neo thuyền ,cô lái ngưng tay nghỉ
Quẩy gánh, nhà nông cất bước dồn
Mục tử lùa trâu nơi cuối bãi
Ngư dân cuốn lưới chỗ chân cồn
Bặt luôn tiếng sáo diều ban nãy
Rền rĩ côn trùng ...vọng xóm thôn


Thanh Hòa
***
Thăm Quê Bạn

Bạn chở về quê được mấy hôm
Rong chơi thưởng ngoạn có đâu buồn
Trời xanh quang đãng mây chầm chậm
Biển mặn lao xao sóng dập dồn
Quyến rũ môi hồng phơi trước nắng
Say sưa cát mịn ngủ bên cồn
Thâm tình đối đãi lòng ghi khắc
Chẳng biết bao giờ trở lại thôn?

Như Thu
***
Chiều Tàn Trên Cô Thôn

Bầu trời đơn độc ánh sao hôm
Mặt đất nhá nhem lặng lẽ buồn
Ngày tắt, màn đêm tràn xuống vội
Trâu về, tiếng mõ thúc khua dồn
Cánh chim chấp chới qua đồng trũng
Ngọn gió lao xao lướt bãi cồn
Ì oạp triều lên trên bến vắng
Trăng mờ thấp thoáng mái đình thôn.

Sông Thu
***
Chiều Về

Rặng liễu rì rào buổi cuối hôm
Đâu đây văng vẳng giọng ve buồn
Sương mù lác đác rơi nhè nhẹ
Khách vãng nôn nao bước dập dồn
Cánh sải chim trời về tổ ấm
Thuyền neo bến nước sát chân cồn
Tâm tư trầm lặng khi chiều xuống
Khuất bóng hoàng hôn ở cuối thôn!

Thiên Hậu
***
Quê Cũ

Nhớ lại khi xưa có một hôm,​
Đi qua quê cũ buổi chiều buồn.​
Bến chờ đón khách người thưa vắng,​
Thuyền đợi sang sông sóng dập dồn.​
Sương xuống mờ dần đường lối cỏ,​
Trăng lên soi tỏ cát bờ cồn.​
Bạn bè thân thuộc không tìm thấy,​
Từ đấy không còn trở lại thôn.​

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.​
Jun. 2/2019.​
***
Có Những Chiều

Cảnh vầy lặp lại quá mươi hôm
Chiều đến làng tôi loáng thoáng buồn.
Đang ngại đất khô cùng nắng gắt
Lại e lúa đổ nếu giông dồn.
Nhìn mây ngắm gió bao điều tưởng
Ngắm lúa nhìn ngô lắm sự cồn.
Ngàn giọt mồ hôi cơm nửa bát
Hôn hoàng rực rỡ trải hương thôn 

Trần Như Tùng
***

Ôi Quê Xưa

Nhiều khi chiều xuống thấy buồn buồn
Kỷ niệm chập chờn nhớ xóm thôn.
Rực rỡ bình minh tia nắng sớm
Mơ màng đêm tối cánh sao hôm.
Thuyền câu nhàn nhã mênh mông nước
Lau lách đìu hiu trắng xoá cồn.
Đất khách lòng quê sầu sát mãi
Cái già xồng xộc vó câu dồn!

Mailoc
***

Tàn Theo

Người đi bịn rịn cả sao hôm
Vẫn biết xa nhau để lại buồn
Cơn gió vu vu lời gởi thoảng
Hạt mưa rót rót tiếng khua dồn
Trần gian đời tạm gom giông tố
Bão táp mưa sa góp sóng cồn
Tình đã tàn theo mùa lá đổ
Sầu thương giăng mắc khắp trang thôn

Phượng Hồng
***
Nỗi Buồn... Vợ Xa Nhà


Vợ về bên mẹ được vài hôm
Thấp thỏm vào ra đã thấy buồn
Bến nước vắng thêm đò gọi sớm
Vườn rau thiếu hẳn guốc khua dồn
Lòng không muốn khóc ...dù đau nhói
Bụng chả thèm ăn...dẫu đói cồn
Tựa cửa bên song chờ bóng bậu
Âm thầm ngắm nguyệt lặn đầu thôn!

Thy Lệ Trang
***

Đường Về

Trở lại quê nhà buổi sớm hôm
Đường xưa tĩnh lặng nét u buồn
Chiều lên trẻ thả diều bay vút
Gió dậy ve ca nhạc hợp dồn
Dạo quẩn tìm ra cơm xóm Hến
Đi quanh kiếm được bắp vườn Cồn
Bâng khuâng nhặt bóng hồn năm cũ
Nắng đã buông dần phía cuối thôn

Minh Thuý
***
Vô Đề

Sương giăng mờ ảo ánh sao hôm
The thắt lòng ai lạnh thấm buồn!
Xào xạc triền sông tre lả lướt
Ì ầm bến nước sóng xô dồn
Nhớ quê thắc thỏm đêm thao thức
Mong bạn nao nao dạ nổi cồn!
Chén đặt ngang mi,...sầu ứa lệ
Trăng côi lơ lửng quạnh đầu thôn!

19-6-2019
Nguyễn Huy Khôi

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Như Đã Dấu Yêu - Nhạc Sĩ Đức Huy - Tiếng Hát Triệu Trang



Nhạc Sĩ: Đức Huy 
Tiếng Hát: Triệu Trang 
Thực Hiện: Đặng Hùng


Tóc Thề



Đi đâu mà vội thế em
Tóc thề buông thả cho mềm gió bay
Cho ta nhớ lại những ngày
Đi cùng với tuổi thơ ngây dại khờ

Tóc em bay xõa vào mơ
Cho hàng cây đứng nghiêng chờ quẩn quanh
Nhớ xưa chim rối chuyền cành
Người về e ấp một vành nón nghiêng
Má hồng đỏ nụ cười duyên
Cho ta đứng đợi niềm riêng rối bời
Em về nắng đỏ bờ môi
Nghiêng về nỗi nhớ một thời xa xưa
Con đường phượng đỏ hẹn hò
Tiếng ve náo nức đôi bờ hạ ran
Nụ hôn mê đắm nồng nàn
Cành hoa phượng đỏ nắng vàng nghiêng theo
Con đường vỡ tiếng chim reo
Dòng sông vỡ tiếng khua chèo nhớ thương
Em về tà áo ngát hương
Nắng rơi quanh lối thiên đường mắt nai
Cho ta mượn chút nắng cài
Dìu làn tóc xõa khoan thai xưa về

Trầm Vân

Nỗi Buồn Hoa Phượng



Ngày đó sân trường, hàng Phượng Vỹ
Anh chờ em đợi để cùng đi
Dưới tàng xanh mát, hoa Hè đỏ
Mình sát vai nhau, giọng thầm thì

Biển vắng, em theo vết chim di
Tung tăng gót nhỏ, bước nữ nhi
Hồn nhiên giỡn sóng, chân đùa cát
Tay cứ trong tay, tuổi dậy thì

Yêu em, tập tễnh anh làm thi
Lả lướt tình ta kể xiết gì
Chọn trắc khơi trong suông lắm lúc
So bằng gạn đục bí đôi khi

Thương lắm người ơi biết viết gì
Bâng khuâng mơ mộng nói nhiều chi
Cứ thế thời gian qua thắm thoát
Ve kêu nắng Hạ nhắc mùa thi

Phượng nở Hè về, ve rả rỉ
Học"gạo" nên mình gặp ít khi
Trông máu Phượng rơi thương những kẻ
Thư sinh sao khỏi sợ trường thi...

Nào biết tình ta vương khổ lụy
Duyên phận bẽ bàng một chuyến đi
Sài Gòn bát nháo, ta bỏ xứ
Thất lạc từ đây, biết nói gì

Áo trắng ngày xưa, yêu thế nhỉ?
Phượng buồn lệ đỏ khóc chia ly
Ngắm thuốc thời gian tim héo hắt
Thuốc nào chữa được bệnh tình si

Xứ người đâu thấy hàng Phượng vỹ
Thuở lưu luyến Phượng có còn chi
Em như sương sớm tan trong nắng
Rồi cũng tương phùng chốn tử quy...

Duy Anh
Summer 2019

Họa Bùi Địch "Đăng Tân Tân Tự" Ký Vương Thị Lang - Đỗ Phủ (712 - 770)



和裴迪登新津寺寄王侍郎

何限倚山木,
吟詩秋葉黃。
蟬聲集古寺,
鳥影度寒塘。
風物悲遊子,
登臨憶侍郎。
老夫貪佛日,
隨意宿僧房。

Họa Bùi Địch "Đăng Tân Tân Tự" Ký Vương Thị Lang


Hà hạn ỷ sơn mộc,
Ngâm thi thu diệp hoàng.
Thiền thanh tập cổ tự,
Điểu ảnh độ hàn đường.
Phong vật bi du tử,
Đăng lâm ức thị lang.
Lão phu tham phật nhật,
Tuỳ ý túc tăng phòng.


Đỗ Phủ (712 - 770)

***
Cảm Dịch: 
Họa Bài "Lên Chùa Tân Tân" Của Bùi Địch Để Gửi Vương Thị Lang

Buồn chi mà ngồi dựa gốc cây trên núi
Ngâm thơ giữa rừng lá thu vàng 
Tiếng ve ran trong ngôi chùa cổ
Bóng chim thoáng bay ngang trên đầm nước lạnh
Cảnh vật u tịch não lòng khách viếng
Lên núi thăm chùa lại nhớ đến bạn
Tuổi già lòng tham ngày Phật
Nên đã tự ý ngủ lại qua đêm trong phòng tăng 

***
Lên Chùa Nhớ Bạn

Tha thẩn tựa cây núi,
Ngâm thơ tụng lá vàng.
Tiếng ve rộn chốn vắng,
Bóng nhạn thoáng thu sang.
Thương bạn mây vời vợi,
Nhớ ai chiều ngỡ ngàng.
Thân già tham cửa Phật,
Tối ngủ lại phòng tăng.

 Phạm Khắc Trí

***
Qua Đêm Trong Chùa

Sao lại ngồi tựa cây dốc đá!
Mãi ngâm nga lả tả thu vàng.
Ve sầu cổ tự râm ran
Cánh chim in bóng đáy đầm lạnh trong.
Cảnh u tịch khách lòng tê tái,
Lên núi chơi nhớ mãi bạn hiền.
Già rồi ngày Phật lòng yên
Phòng tăng tự ý qua đêm trong chùa.

Mailoc

Mùa Phượng Năm Xưa



Mỗi độ Hè về hoa Phượng trổ
Nhạc ve sầu ra rã trên cây
Hai tháng Hè sắp sửa chia tay
Tuổi mười ba, tình đầu chớm nở.

Nhặt cánh Phượng ép vào tập vở
Kèm thơ xanh trao tặng người yêu
Gặp mặt nhau, hai người bỡ ngỡ
Buỗi chia tay buồn biết bao nhiêu.

Rảo mắt trông chẳng thấy ai nhìn
Nàng cám ơn, nhận bức thơ tình
Tặng lại chàng nụ cười e ấp
Má lúm đồng tiền, xinh thật xinh.

Ngày trưởng thành chàng đi giúp nước
Nàng phương xa cất bước theo chồng
Mối tình đầu đứt sợi tơ hồng
Con đò xưa xa rồi bến cũ
Ngoài biên cương núi rừng giá lạnh
Nơi tiền đồn phiên gác đêm mưa
Chàng cảm thấy đời mình hiu quạnh
Nhớ thương người Mùa Phưng Năm Xưa.

Hoa Đô, Mùa Hoa Phượng
Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Thơ Tranh: Mưa Cuối Thu


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Khắp Nẻo Vàng Thu



Và mỗi năm thu lại trở về
Mang theo nhung nhớ nẻo sơn khê
Người đi một mảnh hồn tan vỡ
Sương phủ đôi bờ mộng tái tê
Mấy kẻ sớm quên lời ước hẹn
Nào ai còn nhớ mảnh trăng thề
Thu rồi thu lại thu tàn tạ
Từ ấy vàng thu ngập bốn bề.

Hồ Công Tâm 

(Boston, 2000)

Mơ…



Xa cách lâu ngày nghĩ đến đây
Nhìn nhau ứ hự nói sao đây?
Bạn thời để chỏm đang chớ đó
Em thuở còn thơ đứng đón đây
Khó giữ tâm hồn cho tĩnh lại
Khôn kìm giọt lệ cứ tuôn đây
Cậu ôm thằng cháu nhìn im lặng
Con xé lòng con:Dạ cháu đây!

Thái Huy

Em Đi Trong Nắng Thu Vàng(*)

(*) Chủ đề Tranh Sơn Dầu của Họa Sĩ Nguyễn Sơn 

Đề Thơ:
Em Đi Trong Nắng Thu Vàng(*)

Nắng thoảng hương thơm áo lụa vàng
Xôn xao gió khẽ gọi mùa sang
Lá đan lối mộng nàng thu đến
Ánh mắt luyến tình... dạ ngổn ngang

Kim Oanh
***
Họa 
Thơ:

Em Đi Trong Nắng Thu Vàng

Tôi vẫn mơ màu áo lụa vàng
Như làn nắng ửng lúc thu sang
Gió may không thổi bay tà áo
Tôi đã hồn bay, dạ ngổn ngang

Hoàng Xuân Thảo
***
Em Đi

Rừng thu áo lụa nhuốm hoa vàng
Một bóng đường xưa chậm bước sang
Vệt tím đưa hồn về dĩ vãng
Tương lai xanh biếc nắng trôi ngang

Lộc Bắc
Jun19
***
Tha thướt em đi dưới nắng vàng,
Rừng vừa thay lá đón thu sang,
Giáng em tha thướt như giáng liễu,
Đã khiến bao người dạ ngổn ngang.

Bát Sách Nguyễn Thanh Bình
***
Tha thướt đi nhanh dưới nắng vàng
Lá nâu ố đỏ báo thu sang
Dư xuân còn đọng lòng phơi phới
Đã quyết thẳng đường chẳng ngó ngang.

Phí Minh Tâm
***
Áo hoa, nắng lụa, buổi thu vàng
Trận gió phương nào bỗng thổi sang
Hồn chợt ngẩn ngơ mong hoá gió
Theo nàng muôn lối dọc đường ngang

Thiên Tâm
***
Em đi thơ thẩn dưới chiều vàng
Cô độc một mình buổi thu sang
Tà áo nhẹ bay theo chút gió
Hiu hắt gởi tình giọt nắng ngang


Thanh Vân
***
Áo Lụa Hoa Vàng


Kim Oanh mặc áo lụa tơ vàng
Xuân mới qua đi hạ sắp sang
Lá rụng báo tin thu sẽ đến (*)
Thương chim trốn rét lúc bay ngang

(*)Ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu
Dịch: Một lá ngô đồng rụng xuộng thôi
Đủ cho trời đất biết thu rồi

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Cảm Tác Thơ:

Lối đi ngập lá thu vàng
Hiu hiu gió thổi áo nàng tung bay
Tóc thề vờn nhẹ vai gầy
Dáng tiên uyển chuyển hướng tây chiều tà


Đồ Cóc

Nói Sát Sườn



Tôi không thích chuyện trên trời dưới biển!
Tôi cũng không thích chuyện đao to búa lớn!
Tôi thích chuyện xảy ra thường ngày mà con người phải đối mặt!

Từ chuyện cơm áo gạo tiền đến chuyện buồn vui, ngỡ ngàng, đau đớn, ray rứt !!! Những chuyện này làm ta cười ... chẳng cũng sướng sao? Những chuyện này làm ta ... chửi, chẳng cũng sướng sao?

Bà Đầm Già lỡ thời, lỡ thế khen Tướng Về Hưu, Phẩm Tiết của Nguyễn Huy Thiệp, khen Mạt Lộ của Đào Hiếu.... Nhưng tôi thì lại mê Tạ Duy Anh! 

Không có một cuốn sách nào của Tạ Duy Anh mà tôi không mua, dù bán hết tôi cũng chạy đôn chạy đáo lùng mua cho bằng được! Tôi nhớ một văn sĩ cũng khá nổi tiếng nói rằng: Nếu trước đây ai có hỏi truyện ngắn hay nhất? 
Trả lời: Bước Qua Lời Nguyền! Bây giờ có ai hỏi lần nữa, tôi vẫn trả lời Bước Qua Lời Nguyền!

Đây là câu chuyện nói sát sườn về nỗi khổ của con người thời Đấu Tố! Quả là chẳng phài tìm đâu xa. Nó chọc vào mắt đập vào tim, thoi vào be sườn người ta (!). Mà có ông trời nào đâu? Chuyện nhan nhản ở gia đình, hàng xóm, người thân, bạn bè !!!

Tạ duy Anh nào có dạy ai, khuyên nhủ ai, chỉ là thấy đau nhói be sườn khi cầm bút! Khi bị phê bình, vùi dập, Tạ Duy Anh bèn đổi bút hiệu Tạ Văn Dung! Hỏi sao thế? Trả lời: TA VẪN ĐÚNG !

Ôi! Quê Hương ôi! Sao mà thống khổ thế! Viết cho người ta khóc, người ta cười, người ta gào, người ta ôm bụng ... chẳng là chuyện đáng viết sao?

Ông Ba Tầu viết một quan làng thấy người ta thiến trâu, nghĩ bụng thế nào mình cũng được ăn chén giái trâu! Không được, bèn để bụng thù hằn chủ trâu(!). Một anh khác mấy năn đi "Hạ Phóng" mới được dịp về thăm vợ! Vợ giục đi tắm vì thấy anh hôi quá! Anh ta tới nhà tắm công cộn , gặp đúng lúc... cúp điện!!!

Ở Việt Nam thiếu gì những văn sĩ viết chuyện sát sườn! Cũng vui quá chứ! Vợ đón chồng đi tù... được tự do tâm sự nửa ngày, cặp này bèn đưa nhau ra bìa rừng  để chồng làm Sở Vương, vợ làm Tương Phu Nhân ...

Cũng có khi cha mẹ thương con quá ... ông bà bèn ra công viên, nhường căn phòng quá chặt hẹp cho cặp vợ chồng trẻ ... tù tì ...

Những chuyện này không phải là chuyện Kinh Thiên Động Địa... mà chỉ là chuyện sát sườn của con người bình thường ...

Chân Diện Mục

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Thơ Tranh: Đau Niềm Hạ Nhớ



 Thơ: Hàn Thiên Lương
Thơ Tranh: Tố Lang

Thơ Tranh Bài Họa:  Mộng Ngoài Cửa Lớp - Kim Oanh

Thơ Tranh: Mộng Ngoài Cửa Lớp


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh




Nhớ Hạ Xưa



Nắng sớm mưa chiều cánh gió lơi
Tâm hồn xa vắng lạnh chơi vơi
Người đi biền biệt chiều loang tím
Suy tư lắng đọng lệ thầm rơi

Nắng hạ lung linh sợi nắng buồn
Biển tương tư sóng giọt sầu tuôn
Hòang hôn phai sắc chân trời thẫm
Mỏi cánh chim di trở lại nguồn

Thương quá thuở nào chớm mộng mơ
Tóc dài bay xõa nét nên thơ
Thư tình anh gởi kèm trang sách
Hồn bỗng xuyến xao bước ngẩn ngơ

Bao năm lưu lạc thân viễn xứ
Mỏi mắt vời trông bóng cố nhân
Đất khách phiêu du đời lữ thứ
Tìm đâu tay ấm đượm ân cần 

Đỗ Thị Minh Giang

Xin Cho Em




Xin cho em còn chiếc nơ trên tóc
Để tháng ngày vơi bớt nỗi xanh xao.
Quên đớn đau những dối gian lừa lọc
Đời còn tin vẫn đẹp một phương nào….

Xin cho em về giấc mơ tuổi nhỏ
Thuở môi hồng mắt ngọc chửa âu lo
Áo trắng bay cành phượng thắm học trò
Nghiêng nắng hạ ngập sân trường ngày đó.

Xin cho em đồng xanh mùa gặt mới

Thả diều bay trong tiếng gió vi vu
Chiều làng quê hoàng hôn tím chân trời
Không gian vọng hồi chuông chùa xóm cũ.

Vui lên em hỡi nụ hoa cỏ dại

Cố vươn mình dù lỡ gót vực sâu
Rồi cũng qua hết khúc quanh thời đại
về sông xưa đời sẽ giải nỗi sầu.

Đỗ Bình

Nghe Độc Huyền



Xướng:
Nghe Độc Huyền

Văng vẳng bên sông tiếng độc huyền
Nỉ non chi lắm: não nùng đêm.
Nhăt khoan cùng sóng reo đầu bãi
Trầm bổng theo mưa nhịp mái thuyền 
Dây oán gieo sầu, ray rứt mãi
Cung thương gợi thảm, ngậm ngùi thêm 
Như than, như khóc tình tan vỡ
Có biết rằng ta chung nỗi niềm? 

Quang Tuấn
Họa:
Đàn Trong Đêm Vắng


Lấp lánh thuyền trăng, mái tóc huyền 
Đàn ai réo rắt xé màn đêm 
Khoan thai sợi nhỏ, chuông ngân tiếng 
Rầm rập dây to, sóng vổ thuyền 
Khi vút cao, sầu thương chẳng dứt 
Lúc trầm buồn, tấm tức càng thêm 
Ngẩn ngơ lòng khách bên trời vắng 
Cố quốc hồn ta lắng một niềm 

Mailoc


Viết Về Anh Thục Nguyên


Dân học trường Tây lại thích Đường
Ngược đời nên phải chịu tai ương
(Thy Lệ Trang)

Những nhà làm thơ tài tử trong nhóm chúng tôi đến với thơ Đường bằng nhiều cách khác nhau.Có người yêu văn thơ từ nhỏ, dưới mái trường trung học đã nghe thầy cô giảng dạy và say mê những bài Đường luật của bà Huyện Thanh Quan- Hồ Xuân Hương-Hàn Mặc Tử....nên đã tìm hiểu, học hỏi và trở thành cây bút tài hoa. Có người được anh chị và bạn bè đi trước hướng dẫn mà thành. Có người bước vào thơ Đường khi tuổi đã xế chiều, xem thơ Đường như một người bạn để tâm tình, để nhắc nhở và để cùng nhau chống lại căn bệnh quái ác Alzheimer.

Riêng với anh Thục Nguyên thì không nằm trong những trường hợp này.Anh tình cờ đến với thơ Đường rất sớm. Cậu học trò Nguyễn Trí Thức đang học lớp mười một chương trình Pháp-người không biết nhiều về văn chương Việt, khi đọc những bài mời họa trên nhật báo Buổi Sáng đã cảm thấy thích thú... đã mày mò học hỏi, họa lại và đã thành công. Tôi được biết điều này qua sự giới thiệu của anh Trịnh Cơ, người bạn học chung trường với anh Thục Nguyên .

Vào khoảng cuối năm 2012, tôi thường gửi thơ xướng họa của nhóm Hoàng Gia cho các anh ở vòng ngoài như Một thời, Trịnh Cơ...Qua anh Trịnh Cơ mà tôi và anh Thục Nguyên quen nhau. Anh Thục Nguyên thỉnh thoảng trao đổi email với tôi, lời lẽ rất bình dị, chân tình. Anh thú thật sau hơn năm mươi năm mới làm lại thơ Đường nên anh rất mê say, nhất là lần đầu tiên anh họa những bài thơ tình cảm mượt mà của tôi và các Anh Chị Em trong nhóm. Một hôm, anh Trịnh Cơ đột ngột nhắn tin: "Thy Lệ Trang đừng gửi thơ mời họa cho Thục Nguyên nữa, để chàng lo thi Quốc tịch".
Theo lời anh Trịnh Cơ, anh Thục Nguyên gặp nhiều thất bại trong cuộc đời nên rất bi quan, nếu lần thi này thi rớt sẽ làm anh chán nản và yếm thế hơn. Tôi nghe lời. Nhưng chỉ được vài hôm, anh Thục Nguyên đã nhớ thơ và Email hỏi thăm nhiều lần. Cuối cùng anh Trịnh Cơ cũng chìu theo "thôi biết đâu thơ sẽ làm chàng yêu đời mà thi đậu". Một thời gian sau, vì bận giang hồ qua Mỹ vài tháng nên anh Trịnh Cơ đã nhờ tôi chuyển thơ họa của anh Thục Nguyên cho cả nhóm và thay anh chỉnh lỗi chính tả giùm anh Thục Nguyên. Thì ra nhà thơ học trường Tây này giỏi thơ Đường luật nhưng tiếng Việt lại thường sai lỗi ngã, hỏi. Chính tả tôi không hoàn hảo lắm nhưng những từ khó có thể hỏi Sông Thu nên tôi nhận lời.

Năm 2015, anh Thục Nguyên rời Virginia và chuyển đến Boston - thủ đô của tiểu bang Massachusetts. Nơi anh ở cách nhà tôi một tiếng rưỡi lái xe.Tôi có đến thăm vợ chồng anh .Trong dịp ghé thăm này tôi được anh chia sẻ về những kỷ niệm thuở mới bắt đầu làm thơ Đường .Đôi mắt anh lim dim, thả hồn về nơi xa xăm và giọng nói đầy xúc cảm". Chẳng hiểu tại sao hồn thơ lúc đó tuôn ra lai láng...không thể nào ngưng được. Nhiều khi đang chạy xe ngoài đường , phải dừng xe lấy giấy bút ra ghi lại một ý tưởng vừa bất chợt hiện đến, một câu thơ vừa được hình thành trong đầu" Anh cũng cho biết có hai kỷ niệm mà không bao giờ quên.Vào năm 1960 , ba anh làm ăn thất bại nên gia đình trở nên nghèo túng, anh phải vừa đi học, vừa đi làm .Cảm buồn cho thân phận mình anh đã viết bài thơ đăng trên báo Buổi Sáng. 

Tất Niên Tự Trào

Chao ôi! thấm thoát hết năm Heo 
Nghĩ đến thằng tôi thật chán phèo
Áo rách lại hoàn manh áo rách
Thân nghèo cũng vẫn cái thân nghèo
Sông lầy bởi thế bao lần lội?
Núi thẳm vì đâu mấy lượt leo?
Phải nợ duyên gì cho đáng kiếp...
Mồ cha !...Cái khó cứ đeo theo!

Nguyễn Tri Thức
17-1-60 

Bài thơ đăng báo chưa được bao lâu, một cô bạn gái học chung lớp đã tìm đến gửi anh một phong thư.Trong phong thư là số bạc 45oo đồng.Đó là một số tiền lớn thời bấy giờ.Anh cảm thấy rất tủi thẹn.Dù biết cô bạn gái có cảm tình sâu đậm với mình nhưng anh nhất định không nhận.Và cũng vì mặc cảm chênh lệch giàu nghèo nên dù anh rất qúy mến cô, anh vẫn trốn tránh tìm quên.Kỷ niệm thứ hai là khi anh lấy bút hiệu Michilan nhiều nam thi nhân rất ngưỡng mộ. Họ tưởng anh là con gái nên khi xướng họa đã có những lời ỡm ờ , trêu ghẹo như muốn hẹn hò, muốn làm quen.Có người đến tòa soạn mong gặp "giai nhân". Thấy nhiều người tìm kiếm quá, ông chủ nhiệm phải lên tiếng nhắc nhở. Cuối cùng anh phải ra mặt cho mọi người biết anh là trang nam tử.

Hầu hết trong thơ anh Thục Nguyên đầy ắp nỗi buồn, nỗi buồn của người đánh mất ước mơ một thời tuổi trẻ nỗi buồn của cuộc hôn nhân nửa chừng gãy đổ, nỗi buồn của thân phận, của quê hương. Nếu như anh xót xa vì những bất hạnh dồn dập trong cuộc đời đã làm thơ anh cay cú tức giận thì lạ thay đối với người vợ bỏ đi, anh chỉ nhắc lại với những lời trách rất nhẹ nhàng .

Đắng Cay

Có lần tớ cũng "dứt đường tơ"
Cải tạo vài năm, bậu chẳng chờ
Lặng lẽ xuôi dòng, thuyền tách bến
Âm thầm dứt áo, bóng xa bờ
Ngày về thắt dạ, đầy chua xót
Đêm đến chạnh lòng, hết ước mơ !
Đã thế thì thôi đành chịu thế
Đắng cay vẫn đọng đến bây giờ

Thục Nguyên 

Cho đến bây giờ... anh vẫn không quên những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời. Gà trống nuôi một bầy con sáu đứa. Sống ở vùng kinh tế mới không nổi, anh phải dắt con trở về SG. Để mưu sinh, anh phải làm tất cả những công việc cho dù thấp kém nhất: làm thuê, vác mướn ở chợ Cầu Ông Lãnh, chạy xe ba gác...

Điều luôn dằn vặt trái tim anh là không phải bất tài hay làm biếng mà vì số phận nghiệt ngả luôn trút xuống đời anh bằng những trận cuồng phong tàn bạo nhất. Tuy nhiên dù trong giông bão cuộc đời anh vẫn có những niềm vui. Chị Lan,  người thiếu nữ hiền lành chất phác đã bước vào đời anh, chia sẻ những khốn khổ nhọc nhằn. Kề vai anh chung sức nuôi sáu đứa con riêng của anh, một đứa con chung của hai người và thêm hai đứa con nuôi từ tấm bé. Gia cảnh anh chị không giàu nhưng đầy lòng bác ái, thấy tình cảnh hai đứa trẻ bị bỏ rơi quá tội nghiệp nên đã dang tay cứu vớt. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của con người có tâm hồn Bồ Tát. Niềm vui tinh thần của anh là thơ Đường, điều mà anh không bao giờ nghĩ tới là có ngày sẽ tiếp tục xướng họa trở lại.Vậy mà nơi xứ người anh Thục Nguyên đã gặp lại ước mơ thuở học trò của mình vào tuổi đời 74. Anh say mê làm thơ, chăm chú gõ từng chữ với chiếc cell phôn bé tí của mình gửi đến các thi hữu. Có nhiều bài trường thiên dài chín mười đoạn nhưng anh vẫn kiên nhẫn cong lưng ngồi gõ từng đêm. Như thế đủ cho chúng ta biết anh yêu thơ đến chừng nào. Nhờ vậy qua thơ, chúng ta biết được tâm sự của anh.

Trái Đắng

Gần hết cuộc đời, tay vẫn trắng
Bạn bè thăm hỏi đành im lặng
Phải đâu biếng nhác, chẳng ưa mưa
Mà rất siêng năng, nào ngại nắng?
Số phận xem ra thật hẩm hiu
Niềm vui chờ mãi càng xa vắng
Hẳn là định mệnh đã an bài?
Kết quả làm sao không chát đắng?

Thục Nguyên

Ngoài những biệt danh Michilan, Thục Nguyên, anh Nguyễn Trí Thức còn có thêm biệt danh Tú Rách khi viết về những chuyện thời sự nóng bỏng. 

Xin Đừng Cướp Nữa...

Tiền đã không còn chỗ chứa rồi
Xin đừng cướp nữa các ngài ơi
Chủ nhân đói khổ ôm đầu khóc
Đầy tớ no nê toét miệng cười
Sáng dạo Thái Lan cùng mỹ nữ
Chiều về Hà Nội với hoa khôi
Bạc tiêu như nước đâu cần biết
Dân chúng lầm than gọi thấu trời!

Tú Rách 

Đầu năm 2018, anh Thục Nguyên có ý định gác bút, không làm thơ nữa.Tôi và các bạn trong nhóm đã lên tiếng phản đối lấy lý do là nếu không làm thơ anh sẽ chóng quên và sức khỏe sé kém đi. Anh cũng có làm thêm vài lần nhưng vẫn không thay đổi ý định. That 's enough.Với anh như thế là đủ lắm rồi. Bây giờ ...với lứa tuổi tám mươi mốt, tinh thần anh vẫn sáng suốt, vẫn nhẹ nhàng nhắc đến chuyện xưa và vui vì dù gặp nhiều phong ba anh vẫn giữ tâm hồn trong sạch như thuở nào.

Chân Dung Tự Họa

Đứng trước gương soi, thật chẳng ngờ
Mặt còn tươi tắn, mắt chưa mờ
Nhìn qua bờ mép râu thưa thớt
Ngó lại mái đầu tóc bạc phơ
Chẳng thích bon chen, mang tiếng dại
Không màng hơn thiệt, chịu danh khờ
Nhưng ta hãnh diện về ta lắm
Nhìn khắp châu thân chẳng vết nhơ 

Thục Nguyên

Dù không còn làm thơ, tôi biết anh Thục Nguyên vẫn theo dõi hàng ngày trên email nhóm xướng họa thơ Đường. Và tôi biết chắc chắc rằng trong trái tim anh, anh đã dành sẵn cho Đường Thi một chỗ thật trang nghiêm và trân trọng nhất. 

Thy Lệ Trang


Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Nửa Hồn Thương Đau - Phạm Đình Chương - Thái Thanh


Sáng Tác: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Thái Thanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Hoa



Dáng lộ nét mê tơi
Xinh xinh hé nụ đời
Bướm vờn hoa nép lá
Ngơ ngẩn giữa chiều sa
Ngạt ngào những cánh hoa
Mây thắm điểm trời xa
Xao xuyến lòng mơ mộng
Ngất ngây ánh nắng tà.
Hồn xuân chẳng riêng ta
Yêu em phải đâu là
Bỡn cợt tình ong bướm
Mà lòng nặng tơ ươm

Quên Đi


Gặp Gỡ



Đường em đi, nắng hoa thêu
Gió đưa hương thoảng trong chiều bâng khuâng
Áo bay chưa vướng bụi trần
Một cơn binh lửa tấm thân úa nhầu
Đôi vai nặng chĩu gánh sầu
Giữa đường lưu lạc gặp nhau ngậm ngùi
Quê xưa lối cũ vợi vời
Mắt nhìn như đọng những lời dấu yêu!
Thôi em xa thế đủ nhiều
Từ nay mãi mãi sớm chiều có nhau
Chiều vàng bóng ngả trăng treo
Dập dềnh sóng vỗ thuyền theo gió về
Kìa đoàn hải xứ ca nhi
Cười duyên chào khách đương thì viếng thăm
Thần Tiên đảo nhỏ phiêu bồng
Tiếng đàn réo rắt tầng không ru hồn
Vòng tay thương, nhớ nụ hôn
Vầng trăng viễn xứ bồn chồn dõi theo!

Locphuc.

Khu Vườn Hạnh Phúc



Em chăm chút, vun trồng khu vườn nhỏ,
Hồng, cúc, mai, đào... nhí nhảnh khoe tươi
Đứng bên hoa, em duyên dáng mỉm cười
Nắng rực rỡ, giữa em và hoa lá.

Em mến chuộng những cánh chim xa lạ,
Nên suốt ngày, nghe chim hót líu lo
Mấy con bồ câu, sà xuống tự do
Đậu trên vai em, gù... gù... yêu dấu.

Luống cải xanh, mọc sát bên chân dậu,
Trồng cho vui, nuôi mấy chú thỏ rừng
Thỏ mẹ, thỏ con, bụ bẫm quá chừng
Ăn no bụng, nằm lim dim phơi nắng.

Trời xanh biếc, điểm dăm vừng mây trắng,
Gió hiu hiu, ve vuốt ngọn trúc đào
Cành liễu mềm, phe phẩy lá lao xao
Thảm cỏ rung rinh, mặt hồ gợn sóng.

Ngọc hạ dát vàng không gian lồng lộng,
Sự sống muôn loài phơi phới vươn lên
Bên khóm hường, em đầu tựa vai anh
Khu vườn nhỏ, đượm hương trầm Hạnh Phúc.

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Hoa Vườn Hạ - 1

   


Hình Ảnh: Yên Dạ Thảo
Xuân Toronto

Màu Trắng Em Yêu



Màu Trắng Em Yêu

Trắng như mầu mây, trắng như tờ giấy
Trắng như mầu áo anh yêu thuở ấy
Trắng như giấc mơ ảo mờ mầu trắng
Trắng như tình ta trong trắng nên thơ

Áo trắng thiên thần, nhìn em thánh thiện
Mỗi lần đối diện, ngây ngất ngất ngây
Em còn thơ ngây, thích mầu giản dị
Yêu mầu áo em, yêu quá tình nầy!*
Từ ngày yêu em, mặc hoài áo trắng
Mầu mà em thích, mầu áo thư sinh
Mầu trắng không phai, mong tình không phai
Nguyện cầu, mong sao cho tình đẹp mãi*
Vẫn yêu em mà, tình vẫn đậm đà
Vẫn thương mầu trắng, vẫn yêu thiết tha
Tại trắng bạc tình nên phải lìa xa
Hai ta yêu chi mầu trắng mù lòa?

Trắng mầu đơn sơ, trắng mầu vô thường
Trắng mầu tinh khiết, trắng mầu ngọt đường
Trắng mầu sương khói, trắng ánh đèn soi
Nói anh nghe đi, sao tình nhức nhối?
Anh muốn níu lại mà sao em thôi?

Trắng như tình đời bạc trắng như vôi
Trắng như mầu trăng, ảo ảnh mờ nhòa
Trắng tay tôi trắng, số phần nghiệt ngã
Trắng như nỗi nhớ, em ngày một xa
Lần chót gặp nhau, chia tay vội vã
Em mặc áo trắng, trắng mầu thiên nga
Trắng khăn choàng cổ, trắng đôi bông tai
Ôi trắng bi thương, trắng mầu tê tái

Áo trắng không phai nhưng sẽ ố vàng,
Nếu em bỏ xó như tình bẽ bàng
Bây giờ áo em không trắng như xưa
Bây giờ áo em lộng lẫy tím, vàng*
Trắng như tang trắng để tang cuộc tình
Mầu trắng dễ thương thành mầu phản bội
Em hết yêu tôi, đành chấp nhận thôi!
Vết thương khó lành, tội nghiệp tình tôi!

Chẳng trách em đâu, không lỗi tại ai
Trắng nhẫn em mang, kim cương lấp lóa!
Ngón tay áp út… tim tôi lập lòa
Em đi lấy chồng, trắng nhách tình ta….

Quách Như Nguyệt
*** 
 Màu Trắng Của Em

Anh biết em yêu nét trắng tinh
Trắng như tấm áo khoác trên mình
Tình không phai ấy, hồn trinh bạch
Trắng của màu tang...một cuộc tình
*Màu trắng cũng là màu bạc vôi
Dở cười dở khóc mộng buông trôi
Ngón tay nhẫn trắng, lòng son sắt
Em lấy chồng....tình trắng nhách thôi!

Paris, 04 Juin 2019
Trịnh Cơ
***
Màu Trắng

Đã một thời ta cũng yêu mầu trắng
Thuở xa xưa hồi cắp sách đến trường
Nhưng cuộc đời thường trải lắm tai ương
Mầu trong trắng bị đời làm lem luốc

Ta rong ruổi trên bước đường thân thuộc
Những con đường hiền có lá me bay
Những con đường tâm tình tay trong tay
Có thư sinh, có tà dài tha thướt

Chỉ mong làm người công dân thành thực
Lấy mồ hôi đổi lấy bát cơm ăn
Dù đời vẫn trải dài những khó khăn
Ta vẫn sống theo tâm niệm khao khát

Điều mong ước bị dập vùi nẻo khác
Áo trắng xưa đổi mầu áo xám tro
Ta lên đường cùng những gã trai tơ
Làm phận sự của người trai giữ nước

Giữ cho nàng được yêu hoài áo trắng
Giữ cho nàng nếp áo còn thư sinh
Và tình yêu còn lại mãi bên mình
Và nghe những lời thơ nàng than thở!

Locphuc.

Canada Trong Lãnh Vực Khoa Học Và Kỹ Thuật



KHOA HỌC KHÔNG GIAN

- Canada là nước thứ ba phóng vệ tinh sau Liên Xô và Hoa Kỳ, với sự phóng vệ tinh Alouette -I ngày 29.9.1962. Vệ tinh này đã hoạt động trong tình trạng tốt mười năm. 

Canada đã phóng vệ tinh truyền thông đầu tiên trên thế giới, vệ tinh ANIK-A1 ngày 9.11.1972 để tạo một hệ thống điện thoại cao cấp và phục vụ truyền hình toàn Canada. 

Đài truyền hình qua vệ tinh Hermes khởi đầu từ 17.1.1976 do sự cộng tác của Canada và Hoa Kỳ. 

Một thông điệp đầu tiên gửi qua vệ tinh cho khắp thế giới đã được chuyển đi bởi Neil Papworth khi đó mới 22 tuổi ngày 3.12.1992: “Merry Christmas.” Papworth hiện sống tại Montreal. 

Canada cũng phóng vệ tinh đầu tiên để quan sát trái đất trong mọi điều kiện, ngày như đêm, mưa hay nắng. Đó là vệ tinh RADARSAT-1 phóng ngày 4.11.1995. 

Canada sáng chế ra Canadarm là một cánh tay cơ khí, điều khiển từ xa còn gọi là Shuttle Remote Manipulator System SRMS để triển khai, điều chỉnh các trục trặc của phi thuyền, xếp đặt vị trí các phi hành gia, bảo trì thiết bị và di chuyển đồ vật với trọng lượng tối đa 266,000 kg trong không gian. Canadarm đã được sử dụng trên 30 năm trong 90 chuyến bay và ngưng năm 2011. Canadarm được thực hiện nhờ một kỹ thuật cao trong địa hạt robotics. Canadarm 1 được giao cho NASA tháng 4.1981 sà sau đó thêm 4 nữa với danh số là 201, 202, 301, 302 và 303. 

SÁNG CHẾ CÁC DỤNG CỤ THÔNG THƯỜNG 

– Dụng cụ vặn đinh ốc được sáng chế theo mẫu của người Mỹ Allan Cummings và cấp bản quyền cho Peter Lymburner Robertson tại Montreal sau khi ông vặn một đinh ốc và bị thương ở tay vào năm 1909. Ngày nay cái vặn đinh ốc của ông hiện diện tại hầu hết các gia cư trên thế giới. 

- Que lăn quét sơn mà người thợ sơn dùng hiện nay được chế ra bởi Norman Breakey tại Toronto năm 1940. 

- Cái bịch đựng rác plastic màu xanh được chế ra bởi ba người trong thập niên 1950: Harry Wasyluk tại Winnipeg, Larry Hanson tại Lindsay và Frank Plomp tại Toronto. 

- Bóng đèn điện đầu tiên được chế ra bởi một sinh viên y khoa Toronto Henry Woodward với sự trợ giúp của một quản gia lữ điếm tại Toronto Matthew Evans. Hai người không có vốn để sản xuất nên bán bản quyền cho Thomas Edison năm 1875 với giá $5,000. Edison sản xuất và bán ra thị trường năm 1879. 

- Lò nấu ăn điện/ electric oven đem lại sự tiện lợi cho việc nấu ăn hàng ngày. Người sáng chế ra là Thomas Ahearn tại Ottawa năm 1892 và được trưng bày tại hội chợ Chicago năm sau. Tuy nhiên vì thời đó việc dùng điện chưa phổ thông cho nên mãi tới thập niên 1930 mới là thời đại của lò bếp điện. 

- Cái xe lăn điện cũng được chế tạo đầu tiên tại Canada. 

- Kính hiển vi điện tử là một sáng chế của Canada. 

- Đèn kerosene đầu tiên được sáng chế bởi nhà địa chất học Abraham Gesner tại Cornwallis, Nova Scotia năm 1853 sau khi ông đã tìm cách biến chế dầu ra thành kerosene năm 1853. Do các công trình khảo cứu về dầu của ông, nhiều học giả đã xem ông như người đã khai phá ra kỹ nghệ dầu trên thế giới. 

- Đèn acetylene được chế ra bởi một kỹ sư điện Thomas Wilson, sinh tại Princeton, Ontario. Ông là người đã khai triển ra chất calcium carbide để chế biến ra hơi acetylene năm 1892. Vào đầu thế kỷ XX acetylene được dùng làm đèn hầu như khắp mọi nơi. 

- Xe snowmobile được sáng chế bởi Joseph Armand Bombardier tại Sherbrooke, Quebec năm 1937. Năm 1959 ông tung ra một lọai mới gọi là Ski-Doo snowmobile. 

- Xe thổi tuyết được sáng chế bởi Arthur Sicard, Quebec năm 1925 và được bán ra thị trường năm 1927. 

- Máy xúc tuyết được sáng chế bởi Nha sĩ Toronto J.W. Elliot năm 1884. Năm 1883-1884 Orange Jull cải tiến thành máy xúc tuyết được dùng đầu tiên cho xe lửa trong mùa đông. 

- Máy ảnh chụp toàn cảnh/panorama camera được phát minh bởi John R. Connon năm 1888 với góc độ 360. 

- Cái cần chống ngư lôi giúp cho các tàu tránh đụng ngư lôi được sáng chế bởi hải quân Canada trong thế chiến II gọi là Canadian Anti-acoustic Torpedo CAT. 

- Cái walkie-talkie được chế ra bởi Donald L. Hings năm 1937 trong khi ông làm cho hãng Cominco để cho các phi công bụi dùng tại các vùng chưa có phi đạo. Tuy nhiên tới thế chiến II bộ quốc phòng Canada mới sử dụng rộng rãi hơn nhiều. 

- Dụng cụ đo chiều sâu của nước được sáng chế bởi Reginald Fessenden và ông được Scientific American tặng Huy chương Vàng năm 1929. Đúng là “ Sông sâu còn có người đo/ Lòng người nham hiểm biết dò làm sao?” 

- Radio truyền làn sóng ngắn được phát minh thực hiện lần đầu tiên tại Drummondville, Quebec năm 1926 giữa Anh và Canada. 

- Mặt nạ chống hơi độc được sáng chế bởi BS Chuny Macpherson, St. John năm 1915 để chống lại hơi ngạt do Đức gây ra trong Thế chiến I. 

- Máy dò chất nổ được sáng chế bởi hoá học gia Lorne Elias khi làm việc tại National Research Council trong thập niên 1980, có thể ngửi thấy mùi các chất nổ. Năm 1984 khi đức Giáo hoàng tới thăm Canada máy đã được sử dụng để kiểm tra hành lý của giáo hoàng và phát hiện ra trong va-li có chứa một khẩu súng lục mà một cận vệ của người đã để vào trong đó. 

- Rạp ciné IMAX có thể phóng đại và có độ ăn ảnh nhiều gấp bội lần màn chiếu bóng thường được phát minh bởi một nhóm làm phim Canada, được trình bày lần đầu tiên tại EXPO ’70 tại Osaka, Nhật và trình chiếu lần đầu tiên tại Toronto năm 1971. Hiện nay có khoảng gần 800 rạp IMAX trên thế giới. 

- Alkaline Battery được phát minh bởi Lewis Urry năm 1959. Hiện nay 80% battery được dùng trên thế giới là dựa theo phát minh của Urry. 

- Instant Replay được phát minh bởi George Getzlaff, đài CBC năm 1955 và thiết bị này được sử dụng lần đầu tiên với instant replay trong chương trình phát thanh Hockey Night in Canada. 

- Chương trình JAVA trong vi tính được phát minh bởi James A. Gosling và được Sun Microsystems đưa ra thị trường năm 1995. 

- Đàn organ điện tử được sáng chế bởi Frank Morse Robb, được báo Toronto Star giới thiệu năm 1927 và đưa ra thị trường năm 1936, tuy nhiên vì giá sản xuất quá cao nên coi như chấm dứt vào năm 1941. 

- Máy phối hợp công xuất âm thanh/ Voltage-controlled Synthesizer trong âm nhạc được phát minh bởi Hugh Le Caine trong khi làm việc tại National Research Council năm 1945. 

- Ngay cái WonderBra cũng được thiết kế tại Canada và thông dụng cho tới ngày nay. Người sáng chế ra nó là Moses Nadler đã thành lập công ty WonderBra năm 1939. Tuy nhiên mãi tới thập niên 1990 với kiểu 1300 nó mới thành phong trào dùng nó tại Anh rồi được tung sang Hoa Kỳ năm 1994. 

THIẾT BỊ Y KHOA 



- Pacemaker điện tử để điều hoà nhịp tim được sáng chế năm 1949 bởi các bác sĩ Wilfred Bigelow và John Callaghan tại Toronto General Hospital với sự trợ giúp cuả kỹ sư điện John Hopps tại National Research Council, Ottawa. Năm 1958 Arne Larsson là bệnh nhân đầu tiên được ghép máy này làm tại Thụy Điển nhưng nó chỉ hoạt động được có ba tiếng. Cho tới khi qua đời Larsson vào năm 86 tuổi, Larsson đã được ghép 28 pacemakers. Vào cuối thế kỷ XX pace maker đã được cải tiến và hoạt động được tới 10 năm mới phải thay. 

- Kính hiển vi điện tử đầu tiên được phát minh cuối thập niên 1930 bởi nhà vật lý Eli Franklin Burton, sinh tại Green River, Ontario với sự trợ lực của Cecil Hall, James Hillier và A.F. Prebus. Hiện nay kính hiển vi điện tử có thể phóng đại lên 2 triệu lần. 

- Bom Cobalt / Cobalt Bomb được sáng chế bởi nhà vật lý Harold Johns và các sinh viên hậu đại học Saskatchewan năm 1951 dùng các tia phóng xạ Cobalt-60 để trị các bệnh ung thư và đã kéo dài cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân. 

- Xe lăn điện được chế tạo bởi George Khein năm 1955 khi ông làm vịêc tại National Research Council. 

- Thận nhân tạo đầu tiên được thiết kế bởi BS Gordon Murray, Toronto tuy nhiên sau khi thử nghiệm trên bốn bệnh nhân, chương trình bị hủy bỏ. BS Murray còn là người đầu tiên đã ghép một van tim cho bệnh nhân. 

Y HỌC 

(Founded in 1829, the McGill Faculty of Medicine)

- Trường y khoa đầu tiên được thành lập năm 1825 bởi bệnh viện Montreal General Hospital dưới tên The Montreal Medical Institute sau đổi thành McGill University Faculty of Medicine năm 1829. Việc giảng huấn lâm sàng được thực hiện lần đầu tiên tại Bắc Mỹ là tại Montreal General Hospital từ năm 1881. 

- Trường đào tạo y tá đầu tiên tại Canada đươc thành lập năm 1874 tại St. Catharines General Hospital, Ontario. 

- Bệnh viện đầu tiên tại Canada: Hôtel Dieu tại Quebec City do ba bà sơ dòng Augustinian thành lập năm 1639. Bệnh viện công cộng đầu tiên là Montreal General Hospital mở cửa ngày 1.5.1819 với sáng lập viên chủ yếu là John Molson, chủ hãng bia Molson. 

- Bệnh viện Nhi đồng lớn nhất Canada là Toronto’s Hospital for sick children hay Sickkids khai trương năm 1875. Số bệnh nhân nằm mỗi năm khoảng 15,000 và tới khám khoảng 300,000 

- Thống kê 2010: 
Tỷ lê sinh sản trung bình tại Canada là 1.61, cao nhất là tại Nunavut: 2.97, thấp nhất là tại B.C.:1.42. 
Tỉnh bang có tổng số sinh sản nhiều nhất là Ontario: 140,135 và ít nhất là Yukon: 431. 
Số người thuộc Lứa tuổi trung bình cao nhất là tại Newfoundland và Labrador: 43.8 và thấp nhất là tại Nunavut: 24.8. Tại Nunavut 31.5 dân số dưới 15 tuổi. 
Tuổi thọ trung bình cuả người Canada là 81.1. 

- Nạn dịch trầm trọng nhất trong lich sử Canada là dịch cúm 1918 do các chiến binh hồi hương đem về đã làm thiệt mạng chừng 50,000 người, nhiều hơn là các tử sĩ trong thế chiến I. 

KHÁM PHÁ TRONG Y HỌC VÀ KHOA HỌC 

- T-cell receptor được khám phá ra năm 1984 bởi BS Tak Wah Mak khiến người ta hiểu rõ hơn về hệ thống miễn nhiễm củacơ thể và tìm ra cách chống lại sự nhiễm trùng bằng các dược phẩm mới hữu hiệu hơn. 

- Pace-maker/ Thiết bị điều hoà nhịp tim là một sáng chế của Canada cũng như kính hiển vi điện tử. 

- Banting và Best đã tách phân ra kích thích tố Insulin để trị bệnh tiểu đường, được xem như những cứu tinh của nhân loại và được giải thưởng Nobel về y học. 

GIAO THÔNG 

- Đường xe lửa đầu tiên tại Canada thiết lập năm 1836 nối liền miền Thảo nguyên với Quebec, còn gọi là đường Champlain – St. Lawrence, được tài trợ bởi John Molson nên còn được gọi là đường Molson. 

- Đường xe lửa xuyên lục địa nối liền hai miền đông và tây Canada hoàn tất ngày 7.11.1885 và chuyến xe lửa đầu tiên đã khởi hành từ Montreal ngày 28.6.1886 và tới Port Moody, B.C. ngày 4.7.1886. Xe lửa phải đi qua một đường hầm trong núi MacDonald tại B.C. dài nhất Bắc Mỹ 14.7 km. 

- Đường xe lửa xuyên biên giới nối liền Sarnia, Ontario tới Portland, Maine khai trương năm 1853. 

- Cầu Victoria tại Montreal qua sông St Lawrence khánh thành năm 1859 là một kỳ công kỹ thuật thời đó. 

- Tàu chạy hơi đầu tiên được John Molson, chủ hãng bia Molson cho đóng vào năm 1809, sau tiến triển thành một đoàn tàu gồm 22 chiếc chạy trên sông St. Lawrence. 

- Tàu chạy hơi Canada đầu tiên băng qua Đại tây dương là tàu HMS Royal William từ Quebec khởi hành ngày 27.4.1831. 

- Joshua Slocum, Annapolis, Nova Scotia là người đầu tiên lái thuyền buồm Spray một mình đi vòng quanh thế giới, khởi hành từ Boston ngày 24.4.1895 vượt một hải trình 74,000 km. 

- Tàu St. Roch là tàu đầu tiên đi qua hành lang Tây Bắc từ tây sang đông năm 1940-42 và cũng là tàu đầu tiên đi qua hành lang này cả hai chiều năm 1944. 

- Xe điện đầu tiên chạy tại Windsor, Ontario ngày 28.5.1886 

- Hệ thống subway đầu tiên tại Canada khai trương tại Toronto ngày 31.3.1954 gồm 12 trạm chạy từ Union Station tới Eglinton. 

- Hệ thống vận chuyển hành khách Toronto TTC là hệ thống lớn nhất Canada, thứ ba Bắc Mỹ với 450 triệu hành khách mỗi năm. Montreal Metro là hệ thống subway đông khách nhất Canada với trung bình mỗi ngày 1.241,000 hành khách qua 68 trạm. 

- Xe ô-tô chạy gas sản xuất đầu tiên bởi hãng Leroy năm 1902 tại Kitchener khi đó còn mang tên là Berlin. Giá trung bình là $650 nhưng lợi tức trung bình một năm là $275. 

- Tỉnh bang Prince Edward Island năm 1908 cấm chạy xe hơi, tới năm chỉ cấm chạy bốn ngày một tuần, tới năm 1918 luật cấm xe hơi mới bị bác bỏ. 

- Xe hơi chạy xuyên Canada chuyến đầu tiên là năm 1912, khởi hành từ Halifax ngày 27.8 tới Vancouver ngày 14.10 tổng cộng 49 ngày, thực hiện bởi thợ cơ khí Jack Haney và nhà báo Tom Wilby. 

- Trạm xăng đầu tiên mở tại Vancouver tháng 6.1907. 

- Theo thống kê 2010 82% người Canada lái xe đi làm, 12% dùng hệ thộng công cộng còn 6% đi xe đạp hoặc đi bộ. 

- Xa lộ Queen Elizabeth nối liền Toronto với Fort Erie được khánh thành bởi Queen Elizabeth tại St. Catharines ngày7.6.1939 là xa lộ lớn nhất Liên Hiệp Anh với bốn lane mỗi chiều. 

- Xa lộ đông xe chạy nhất lục địa là xa lộ 401 với số xe từ 425,000 tới nửa triệu mỗi ngày. 

- Xa lộ xuyên Canada chạy từ St. John tới Victoria với chiều dài 7,821 km là xa lộ dài thứ ba trên thế giới sau xa lộ xuyên Tây-bá-lợi-á và xa lộ 1 Úc. Xa lộ hoàn tất năm 1970 với kinh phí hơn $1 tỷ. 

- Đèn đường hướng dẫn lưu thông đầu tiên tại Canada là tại King và Main St. thành phố Hamilton thiết lập ngày 11.6.1925. 

- Toronto là thành phố đầu tiên trên thế giới có hệ thống kiểm soát lưu thông bằng máy vi tính vào năm 1963. 

- Kẻ đường chia lane do kỹ sư John D. Millar nhân viên bộ Giao thông Ontario đề xuất ra đầu tiên trên thế giới vào thập niên 1930 và được thực hiện trên đoạn đường của Ontario kề với biên giới Quebec. Ba năm sau, việc kẻ đường được phổ biến khắp lục địa. 

HÀNG KHÔNG 

- Chuyến bay đầu tiên tại Canada: Phi công McCurdy lái máy bay “Silver Dart” chế tạo tại Canada, bay từ Baddeck, Nova Scotia ngày 23.2.1909 với vận tốc 65 km/giờ. 

Phi công Frederick Baldwin Walker là phi công đầu tiên của Canada và Liên hiệp Anh và là phi công thứ bảy trên thế giới, khi lái máy bay “ Red Wing” ngày 12.3.1908. 

- Máy bay đầu tiên được chế tạo tại Canada là chiếc Baddeck #1 và chuyến bay đầu tiên của nó là ngày 12.8.1909. 

- Chuyến bay đầu tiên xuyên Canada thực hiện trong 10 ngày với 6 phi công, 5 phi cơ, khởi hành từ Halifax ngày 7.10.1920 tới Richmond B.C. Chuyến bay không nghỉ dọc đường từ Vancouver tới Halifax thực hiện ngày 14.1.1949. 

- Máy bay sối nước để chữa cháy rừng CL-215 được chế tạo đầu tiên trên thế giới tại Canada và bay chuyến đầu tiên ngày 23.10.1967. Máy bay có hai bồn chứa nước dung lượng 2,271 lít. 

- Máy bay phản lực đầu tiên của Canada là Avro Canada C102 chế tạo bởi hãng Avro năm 1949 và là máy bay phản lực thương mại đầu tiên tại Bắc Mỹ và thứ hai trên thế giới. 

- Hãng hàng không lớn nhất Canada là Air Canada trung bình chuyên chở hàng năm 35 triệu hành khách đi tới gần 200 phi trường thế giới. 

- Phi hành gia không gian Canada đầu tiên là Marc Garneau, Quebec bay ngày 5.10.1984 trên phi thuyền con thoi 41-G, sau đó ông còn thực hiện haì chuyến nữa vào năm 1996 và 2000, tổng cộng là 677 giờ trong không gian. Phi hành gia thứ hai và cũng là nữ phi hành gia thứ nhất Canada là BS Roberta Bondar, nguyên quán Sault Ste. Marie, Ontario bay vào không gian ngày 22.1.1992. Phi hành gia Chỉ huy trưởng phi thuyền đầu tiên là Chris Hadfield ngày 13.3.2013. 

- Bộ đồ cho phi công G-suit để giúp cho phi công khỏi bị ngất sỉu khi lượn ngược hay bay chúi mũi quá nhanh được sáng chế bởi Wilbur Franks tại trường ĐH Toronto năm 1941. Năm 1942 bộ đồ G-suit này được các phi công mặc khi đồng minh đánh chiếm Bắc Phi trong cuộc hành quân Torch. 

CANADA: THỰC PHẨM 

1 – THỰC PHẨM ĐÔNG LẠNH 


Thực phẩm đông lạnh là một sáng tạo của Canada: ông Archibald Huntsman, nhân viên của Biological Board of Canada tại Halifax có trọng trách khai triển việc thương mại về cá, năm 1926 đã đề xuất ra việc bán cá ướp đông lạnh và đã được bán tại Toronto từ năm 1929 dưới thương hiệu là Ice Fillets. 

Thực phẩm đông lạnh không cần bỏ thêm thuốc để bảo tồn vì các vi khuẩn không có tăng trưởng khi nhiệt độ dưới −9.5 °C (15 °F), tuy nhiên muốn dự trữ trong một thời gian lâu hơn thì cần xuống thêm nhiệt độ. Người ta thường dùnng chất CMC cho vào thực phẩm đông lạnh Carboxymethylcellulose để giữ thực phẩm thêm lâu. 

2 – TÁO SPARTAN VÀ TÁO MCINTOSH 

Táo Spartan được khai triển tại Summerland, B.C. do ông R.C.Palmer. 
Năm 1811 John McIntosh tình cờ khám phá ra một cây táo dại tại nông trại của ông ở Dundela, Ontario. Ông nếm thấy có vị thơm và ngon ngọt và rất thích hợp với khí hậu lạnh. Con ông là John lấy giống trồng thành một trang trại. Táo McIntosh lâu dần trở thành một trong những lọai táo được ưa chuộng nhất tại Canada và toàn thế giới. Trong thập niên 1960 táo McIntosh chiếm trong thị trường 40% của tất cả các loại táo. Tuy nhiên sang thập niên đầu của TK XXI táo McIntosh bị một vài lọai táo khác tranh ngôi bá chủ thị trường, tụt xuống còn 12% trong khi táo Gala chiếm 33%. Người ta cũng thích dùng táo Northern Spy để làm bánh pies hơn. Năm 2010 số lượng táo McIntosh sản xuất được tại Ontario là 30 triệu kg. Cây táo dại mà John McInosh tìm ra ra trái tới hơn 90 năm, chết năm 1910. 

Táo McIntosh. 

3 – PABLUM 

Pablum, một lọai thực phẩm bổ dưỡng cho nhi đồng được chế ra năm 1930 bởi Alan Brown, Theo Drake và Fred Tisdall để ngừa và trị bệnh còi xương. Ba vị bác sĩ này đã tặng lại hết các lợi nhuận của sản phẩm do công ty Mead Johnson sản xuất cho bệnh viện Sick Kids tại Toronto. Pablum đươc chế tạo với nhiều ngũ cốc trong đó có bột mì, bột bắp thêm bột xương cùng với các loại sinh tố kể cả sinh tố D, ít gây các phản ứng phụ như táo bón hay tiêu chẩy vì không có trứng, lactose, hạt, đồng thời lại dùng ngay được vì đã nấu sẵn dưới dạng bột nên thời đó được phổ biến rộng rãi để làm thức ăn cho các em bé. 

4 – Công ty kẹo cổ nhất 

Công ty Ganong Bros tại St. Stephen, New Brunswick là công ty kẹo lâu đời nhất tại Canada, thành lập năm 1873. Công ty cũng chế biến ra đầu tiên thỏi chocolate trộn các hạt nut 1910, các thỏi chocolate hình trái tim vào dịp Giáng sinh 1932. 

5 – Xuất cảng Lúa mì nhiều nhất trên thế giới 

Canada bắt đầu trồng lúa mì tại Port Royal,Nova Scotia năm 1605, tại Quebec City năm 1617 bởi Louis Hebert, tại Fort St. Louis, Saskatchewan năm 1754 rồi tại Selkirk, Manitoba năm 1812. Các hạt giống đem sang từ Âu châu không mấy thích hợp với khí hậu Canada nên các vụ mùa đã đem lại những kết qủa làm thất vọng các trại chủ. 

Lúa mì Red Fife được sản xuất đầu tiên tại Peterborough, Ontario trong nông trại của Dave Fife năm 1842, thu hoạch được nhiều hơn và phẩm chất cũng tốt hơn. Các di dân ào ào tới mở ra nhiều nông trại trồng lúa mì vì được cấp đất đai. Loại lúa mì này được trồng khắp Canada từ thập niên 1860 cho tới năm 1900 thì thay thế bởi lúa mì Marquis do Charles Saunders. Lúa mì Marquis pha hai giống Red Fife và Hard Red Calcutta, vừa giữ nguyên tính chất thơm ngon của Red Fife vừa tăng số lượng thu hoạch lên tới 41.6 bushels/acre vừa thu ngắn thời gian trồng trọt khoảng 7 tới 10 ngày. 

Tới năm 1918 lúa Marquis được trồng trên 8 triệu hectare tại Canada và Hoa Kỳ. Hiện nay diện tích trồng lúa mì Marquis chiếm 80% - 90% toàn thể ruộng trồng lúa mì toàn quốc, vào khoảng 20 triệu acres, trị giá sản xuất là trên 500 triệu đô-la. Do lúa mì Marquis, Canada trở thành xứ xuất cảng lúa mì lớn nhất trên thế giới. Cha đẻ của lúa mì Marquis được Canadian Pacific Railway tặng thưởng $1000 vì đã sáng tạo ra loại lúa mì tốt nhất. Riêng vùng thảo nguyên mỗi năm sản xuất chừng 25 triệu tấn, trong đó 15 riệu tấn để xuất cảng. Trong đệ nhị Thế chiến lúa mì Canada đã được cung cấp cho các nước Đồng minh Anh, Pháp, Bỉ và Hi Lạp. 

6 – CANOLA – DẦU HẠT CẢI 


Dầu Canola được chế ra bởi các khoa học gia tại bộ Canh nông và ĐH Manitoba trong thập niên 1970 và Canada trở thành nước sản xuất nhiều nhất trên thế giới. Canola là do hai tiếng CANada và OiLA ghép lại. 

Dầu hạt cải Canola là loại dầu ăn được ưa chuộng và tốt cho sức khoẻ. Canola chứa nhiều Omega 3 và 6, các loại sinh tố E, K, có khả năng chịu nhiệt cao nên ích lợi trong các món chiên hay sào, chỉ chứa nửa lượng chất béo bão hòa so với dầu olive. 

7 – SẢN XUẤT KHOAI TÂY CHIÊN NHIỀU NHẤT THẾ GIỚI 

Khoai tây vàng Yukon được gây giống bởi trường ĐH Guelph, Ontario năm 1966, tung ra thị trường năm 1981, có thể tồn trữ được lâu, rất ngon để làm French fries. 

Tuy nhiên ngày nay người ta thường làm French fries bằng loại khoai Shepody chế ra bởi Agri-Food Canada tại Fredericton, New Brunswick năm 1983. Loại khoai này cho mức sản xuất cao hơn và thời gian trồng ngắn hơn. 

McCain Foods tại Florence-Bristol, New Brunswick là công ty sản xuất French fries lớn nhất trên thế giới. Cứ ba miếng khoai chiên ta ăn thì một miếng là của McCain. Hiện nay khoai chiên McCain chiếm tới 40% số lượng trên toàn thế giới. 

8 – BƠ ĐẬU PHỌNG 

Bơ đậu phọng hay Peanut butter được chế ra đầu tiên bởi Marcellus Gilmore Edson tại Montreal năm 1884. 

9 – CANADA DRY 

Canada Dry Ginger ale được chế ra năm 1904 bởi dược sĩ John J. McLaughlin. Trong thập niên 1950 và 1960, công ty là một trong những hãng đầu tiên đưa ra thị trường loại uống sugar-free và đựng trong lon có nắp mở gọi là popcan. 

10 – BLOODY CAESAR 

Cocktail người ta ưa uống Bloody Caesar được chế ra năm 1969 tại một tiệm ăn Ý tên Marco's Italian Restaurant tại Calgary nhân ngày khai trương – tên hiện nay là Westin Calgary. Người chế ra nó là quản lý của tiệm, cũng gốc Ý tên là Walter Chell. 

Cocktail này chỉ phổ thông trong nước Canada và mỗi năm đã có khoảng 350 triệu ly pha cho khách thưởng thức. 

11 – CHỢ TRẠI CHỦ (Farmers'Market) 

Chợ trại chủ lâu đời nhất Bắc Mỹ là tại Halifax, khai trương năm 1750 mt năm sau khi thành phố này được thành lập. Hiện nay chợ có tên là Halifax Seaport Farmers'Market, với hơn 250 nông gia. 

Chợ trại chủ lớn nhất là chợ St. Jacobs, Ontario tuy dân số chỉ khoảng 2,000 nhưng có tới 4,000 chủ tiệm tham gia. 

12 – HÃNG BÁN THỰC PHẨM LỚN NHẤT 

Loblaw là hãng bán thực phẩm lớn nhất Canada với khoảng 14 triệu thân chủ mỗi tuần trên toàn quốc và hơn 1,000 cửa tiệm. 

13 – HÃNG BÁN CHOCOLATE LỚN NHẤT 

Laura Secord thành lập năm 1813 với hơn 150 cửa tiệm, bán hơn 400 món là hãng bán chocolate lớn nhất Canada. 

14 – MỎ MUỐI 

Goderich, Ontario là mỏ sản xuất muối lớn nhất thế giới với khối lượng là trên 6 triệu rưởi tấn mỗi năm. Hiện nay sở hữu chủ của mỏ muối là Sitto Canada. 

Người Canada dùng nhiều muối nhất trên thế giới, trung bình một người dùng tới 360 kg muối một năm, nhưng phần lớ là để rải đường cho tan băng tuyết. 

15 – MUSTARD 

Saskatchewan là tỉnh xuất cảng mustard nhiều nhất trên thế giới. Năm 2013 số lượng xuất cảng là 117,000 tấn. 

16 – FLAXSEED 

Canada là nước sản xuất flaxseed nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 40% của toàn cầu. Flaxseed dùng làm dầu ăn, và trong nhiều địa hạt như vẽ tranh, mực in, sản xuất linoleum vv... 

17 – PHÂN BÓN 

Công ty PotashCorp tại Saskatchewan sản xuất nhiều phân bón nhất trên thế giới, chiếm 20% sản phẩm potash trên toàn cầu. 

18 – MẬT PHONG (Maple syrup) 



Canada là nước sản xuất mật phong nhiều nhất trên thế giới, chiếm khoảng 82% số lượng toàn cầu, trong số đó hơn 90% là từ Quebec. 83% mật phong được xuất cảng, giá trị gần $180 triệu. 

Lễ hội mật phong lớn nhất là Elmira Maple Syrup Festival tổ chức hàng năm trong tháng Tư. Thống kê năm 2000 cho biết có 66,529 người tham dự được coi là lớn nhất thế giới bởi Guinness World Record. 

Mật phong tuy có chứa các chất dinh dưỡng, chất kháng oxy và ít nhiều sinh tố nhưng lượng đường khá cao tương tự như trong nước dừa cho nên cần phải. 

19 – HAWAIIAN PIZZA 

Món pizza này được sáng chế tại Chatham, Ontario bởi Sam Panopoulos. Chủ nhà hàng Satellite Restaurant năm 1962. Trong pizza này có bacon và dứa, tuy nhiên có nhiều người không ưa và cho là làm giảm danh tiếng của pizza. 

20 – THỦ ĐÔ TÔM HÙM 

Thị trấn Shedac, New Brunswick, nơi có các hãng xưởng chế biến tôm hùm, nơi cư ngụ của ngư phủ và có lễ hội Tôm hùm hàng năm vào giữa tháng 7 được mệnh danh là Thủ đô thế giới của tôm hùm. 

21 – BIA VÀ RƯỢU CHÁT 

Hãng làm bia đầu tiên: Molson từ năm 1786 bởi John Molson tại Montreal. 

Hãng làm rượu chát/ rượu vang đầu tiên: tại Pélée Island năm 1866. 

22 – RƯỢU NHO ĐÔNG LẠNH NGON NHẤT THẾ GIỚI / ICEWINE

Icewine, một loại rượu tráng miệng được làm bằng các trái nho khi bị đông lạnh trên cây trong quá trình đó chất đường và các hoá chất khác không bị đông lạnh nhưng nước trong trái bị đông lạnh cho nên các chất sau này khi ép ra có tỷ trọng đông đặc hơn và ngọt nhiều hơn rượu nho thường. 

Tuy đảo Pélée với rượu Hillebrand là icewine được sản xuất đầu tiên nhưng sau này từ 1983 icewine của hãng Inniskillin, sau khi được giải thưởng Grand Prix d’ Honneur năm 1991 tại VinExpo, Pháp được coi như nổi tiếng nhất. Với lượng đường cao trong nho, sự lên men đòi hỏi một thời gian rất lâu tới vài tháng so với nho thường chỉ cần vài tuần, nên icewine có gía bán đắt hơn rượu nho thường nhiều nên các nhà sản xuất thường đóng rượu trong các chai nhỏ 375 ml, 200 ml và 50 ml.

Hoàng Xuân Thảo