Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Cùng Tạm Lãng Quên Đời - Thơ: Như Nguyệt Nhạc: Kiên Thanh - Trình Bày: Đăng Hiếu


Thơ: Như Nguyệt
Nhạc: Kiên Thanh
Trình Bày: Đăng Hiếu

Ngăn Cách



Ta nay đã trắng từng chân tóc
Ngoảnh lại mịt mờ cảnh núi sông
Biết ai tri kỷ cùng tâm sự
Để tỏ lòng nhau chữ sắt son!

Bìm bịp có kêu chiều nước lớn
Hạ vàng quốc còn gọi bên sông?
Chinh phụ chờ trông mòn hơi thở
Kẻ ở miền xa muối xát lòng!

Ngóng đợi bao năm khô tròng mắt
Cớ gì cứ mãi thế gian sầu
Làm sao cho khỏi trần gian khổ
Để kiếp con người thoát bể dâu!

Mơ ước giữa đời hay ảo ảnh
Khiến bước con người mãi chong chênh
Như chiếc thuyền nan chiều sóng động
Bến bờ xa khuất phải lênh đênh!

Chao ơi đi giữa cõi điêu linh
Đường qua ngõ lại thật buồn tênh
Trong cõi con người phù du mộng
Bể sầu năm tháng cứ mông mênh!

Mới hay phai tàn từ thiên cổ
Có ai đẹp mãi nét dung nhan
Suốt đời giữ được xanh màu tóc?
Cỏ lá vào thu cũng úa vàng!

Hàn Thiên Lương



Chúc Mừng “Vạt Nắng Chiều Đông”!


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Đồng Môn Nguyễn Văn Sáu đã chuyển đến tin tức và hình ảnh của một Tác-Phẩm-Tùy-Bút- Sẽ-Ra-Mắt mọi người năm nay, 2023, tại Hoa Kỳ, của Tác Giả Đồng Môn Trần Bạch Thu,mang tựa đề “Vạt Nắng Chiều Đông”.Kính mời Quý Thi Hữu họa lại bài Hát Nói này.)

Bạch Thu viết về Chiều Đông!
Một thiên Tùy Bút xuyên thông cuộc đời!
Mới nhìn Bìa Trước cơ ngơi!
Đã hình dung cả một trời gần xa!

“Vạt Nắng”! Chứ không phải “Vạc Nắng”! Anh Sáu nhà ta “vội vã” kịp thời “điều chỉnh”!
Tên Người cũng như Tên Tác Phẩm cần lưu tâm kính trọng hàng đầu!
Vì những Phương Danh này sẽ tung bay khắp cả. . . tám Châu!
Đồng Môn, Độc Giả, Giới Thưởng Ngoạn sẽ “canh thâu” ngóng, nghe, tìm, đọc!

Vạt Nắng lung linh mà chọn lọc!
Chiều Đông lạnh lẽo vẫn kiêu sa!
Một bức tranh thôi! Là hình ảnh của cả một nguồn tâm sự thiết tha!
Của một Kẻ Sĩ Thất Quốc phiêu bạt, lang thang qua biết bao nhiêu ngọt, bùi, cay, đắng!

Mây trắng, trời xanh, hồ gương, lá vàng, núi lam trong nắng!
Ôi! Còn rặng thông cao vút, lặng lẽ như bóng dáng Thanh Tùng!
Ẩn chứa quyết tâm “Đem quách cả sở tồn làm sở dụng”! Bất khuất, hào hùng!
“Càng sớm càng tốt”! Năm Hai Ngàn Hăm Ba Quý Mão! “Tung mình xuất cước”!

“Hảo thủ Giang Hồ” lập tức chuẩn bị “Hội Bàn Đào”! Thông tri cho Quần Tiên hay trước!
Để luyện lại “Bẩy Mươi Hai Phép Thần thông” cho xứng với “Vạt Nắng Chiều Đông”!
Vẳng nghe “Con Sáo Sang Sông”!
Yêu Hồn Dân Tộc, yêu công viết thành!
Bao nhiêu chứng liệu rành rành!
Trút bầu tâm sự, đậu cành phương Nam!
Đẹp như chiều phủ sương lam!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 16/09/2023
2 Tháng 8 Âm Lịch Năm Quý Mão, Ngày Đinh Sửu. Hành Thủy, Trực Định, Sao Liễu. Cát Thần : Mẫu Thương, Tam Hợp, Thời Âm.


Hẹn Em Mùa Thu

Ta hẹn em mùa thu vàng lá rụng
Áo dài bay son đỏ dấu môi cong
Chân bước khẽ bóng mờ theo con phố
Hoàng hôn rơi sương phủ hướng tây hồng.

Bóng hai đứa choàng lên nhau vừa khít
Anh và em lặng lẽ bước trong chiều
Đợi đêm tối cho tình yêu tan chảy
Gối chăn êm che đậy giấc mơ yêu.

Mùa thu đến không  miều hoa lá
Lá vàng bay cũng đủ vấn vương rồi
Mang cho em những khung trời tươi sáng
Trái tim yêu dào dạt nhớ nhung thôi.

Tình dẫn lối đi qua nhiều trăn trở
Đợi chiều vàng hoa nở ngát hương mê
Bỏ lại tất cả bộn bề lo lắng
Tình yêu em mang nặng cả hồn quê.

Tế Luân
 

Ngày Ðầu Năm Học



Hôm nay trời nắng đẹp tươi
áo quần tươm tất em vui đến trường
ngày đầu khai giảng thân thương
chim ca hoa nở gió vương trên cành

Em đi dưới bóng cây xanh
miệng cười chúm chím hát thành lời ca
ngày hè giờ đã rời xa
đón chào năm mới thiệt là vui thay

Mỗi năm cứ đến ngày này
lòng luôn náo nức đắm say tuyệt vời
em đang từng bước vào đời
tương lai tươi sáng rạng ngời năm châu

Ngày hè giờ đã qua mau
hôm nay trở lại chào nhau vui mừng
bạn bè gặp lại vui cùng
vui như ngày hội tưng bừng hân hoan.

082323
Võ Phú

 

Khung Trời Tuổi Thơ


Sáng đến nhà cô em thăm, gặp lúc cô đang la cấm hai con đòi đến nhà bạn chơi, cháu Hân 12 tuổi và cháu Phương 10 tuổi mặt mày sụ một đống bỏ đi vô phòng miệng lầm bầm “suốt ngày không cho đi đâu hết, cứ bị giam trong nhà hoài...”

Chiều nay ra vườn tưới cây, nghĩ đến câu nói các cháu không dưng tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình như để so sánh mỗi thời, mỗi thế hệ của xưa và nay, ký ức tôi bơi lại dòng sông xưa có quá nhiều kỷ niệm....

Lúc lên 7, 8 tuổi tôi có đám bạn rất thân trong xóm, mùa hè buổi trưa thường rình mẹ ngủ, trốn chạy ra tụ họp với nhau chơi đánh thẻ, hay đá kiện bằng chùm bông thọ. Nhà Dung ở đầu đường, ba là lính đổi làm việc trong Sài Gòn sinh sống cùng mẹ và các em nhỏ sau, để lại bốn chị em lớn sống với bà Nội ở Huế, Nội làm nghề bện sáo cửa và cho thuê đồ đám cưới.

Mỗi chiều xóm trên có cô thiếu nữ độ 18 tuổi tên Chắt, được người ta gọi là Lệ Chắt, O ni tới gánh nước nơi vòi máy công cộng gần nhà Dung thường dành ống xối và chưởi lộn um xùm, O hay õng ẹo đi qua lại nhiều lần trước đám thanh niên, nên chúng tôi thấy mệt con mắt chẳng cảm tình. Những tối trời nóng chúng tôi hay tụ họp nhà Dung chơi “Đạp Mạng,” chơi chán ngồi nghỉ mệt, không biết bày trò gì chơi thêm, con Hương bỗng đề nghị tới nhà Lệ Chắt chọc...chưởi, vậy là cả bọn cầm dép lên, đi chân đất một đoàn tới đại náo nhà O nằm xóm trên đi sâu vào hẽm. Trời ơi gia đình gồm bác trai làm nghề cắt tóc dạo quanh vùng, thêm hai em trai và O đang ngồi ăn cơm trước sân trong khung cảnh hiền hoà đầm ấm, tự dưng một lũ lâu la xuất hiện, con Dung mặc quần rách toe lên cao kẹp hai chiếc dép vỗ vào nhau, cả bọn bắt chước cùng nhảy nhịp nhàng, đồng hò vè

- Chắt giống chó, chó chạy tìm khu…
Gia đình họ mở lớn mắt nhìn ra ngõ ngơ ngác, sau vài tiếng ca vang của chúng tôi, Lệ Chắt bắt đầu the thé
- tụi bây ra đôi đá cho tau
Một màn rượt đuổi với những viên sỏi quăng tới tấp, cả bọn lanh chân lủi vô hàng rào nhà đầu đường núp trong bụi, hai đứa em trai trạc tuổi chúng tôi đôi đá xong quay về nhà, chỉ có Lệ Chắt chạy ra theo đầu đường đứng chưởi đỏng
- Tau biết mặt tụi bây, nhất là quỷ Hương con ông trung tá Đàm, con bà trợ, cháu mệ Nghé, con bà Hoàng, con bà ...v..v... tau mà bắt được là lôi cổ tới cho cha mạ bây đánh một trận, tau có làm chi động mả nhà bây không?
Sau một hồi chưởi khô cổ, Lệ Chắt bỏ vô hẻm, cả bọn chui ra cười hả hê thỏa mãn dù bị nghe lôi tên cha mẹ mình ra.

Một hôm Hương đem tới khoe mấy truyện nhi đồng có vẽ tranh, cho biết mua nơi nhà sách Bình Minh nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cả bọn thích quá dù giữa trưa nắng chang chang rủ nhau đi mua, khi ngang rạp Tân Tân thấy đang chiếu phim kiếm hiệp Khương Đại Vệ đóng, nổi máu liều gom tiền bạc chỉ mua được hai vé hạng chót cho chín người, một đứa nảy ra sáng kiến đi kèm người lớn. Nhờ chúng tôi thấp hơn bàn tay ông xé vé, và cảnh chen lấn quá đông nên khỏi cần bước cũng bị luồn sóng người đẩy vô dễ dàng. Vào rạp nhìn mặt nhau cười vui khoái, ông dẫn lối hỏi vé thấy chỉ có hai tấm, ngạc nhiên hỏi
- Tụi bây đông rứa mà răng chỉ có hai vé, ai cho bây vô
Lan trong nhóm nhanh miệng
- Ông soát vé cho vô
Có lẽ ông nhìn cả lũ con nít cũng… dễ thương nên hỏi lại
- Bây còn tiền không đưa hết cho tau, rồi tau dẫn đi
Lục loại vơ vét tiếp bạc vụn trao, ông nhìn số ghế xong dẫn lên hàng đầu tiên đưa tay chỉ
- Tau cho tụi bây ngồi hết dãy đó

Cả bọn mừng rỡ nhảy lên ghế cười nhìn nhau gật đầu. Phim chiếu, mới hay cái cổ hắn mỏi nhừ vì ngẩng mặt cao và ngửi mùi nước tiểu khai nồng nặc. Ra về trời xế hoàng hôn, bước vào nhà bị ông anh bắt nằm sấp đánh một trận nhừ tử, và thân phận các bạn cũng không khác tôi, đứa toe mông, đứa phạt quỳ. Vậy mà có chừa đâu, sáng sớm hôm sau lại muốn gặp mặt nhau, tôi bị còng số tám cột chân lại nơi đầu giường nhưng thấy bóng Lan, Phụng đi ngang nhà, tụi nó lượn vài vòng sau đó kéo thêm hai đứa khác, chưa thấy bóng dáng tôi xuất hiện, bọn nó đi quanh từ ngõ trước ra ngõ sau bao ngôi nhà tôi, miệng ong óng gọi: “Huệ ơi Huệ, Huệ ơi Huệ ...” Anh tôi tinh ý nói
- Bữa nay ghê chưa, gọi con Minh mà mượn tên Huệ, xóm ni từ nhỏ tới lớn có ai tên Huệ mô …
Tôi càng điếng người sợ hãi bỗng nghe tiếng mạ của Lan ở cách nhà tôi hai căn la gọi lớn
- Lan, mi có về đây không, mụ cô mi… con ngựa Thượng Tứ…

Thế là tan hàng sáng đó. Lần khác mạ tôi có khách đến thăm, anh đi học võ chưa về, tôi lẻn ra nhập bọn đang chơi Ù Mọi dưới cột đèn. Sau buổi cơm chiều trời rất oi bức, anh Hùng hàng xóm (đối diện nhà Ngọc) mình trần trùng trục chỉ mặc chiếc quần đùi ra đường hóng gió, thấy lũ con nít chạy nhảy vui quá nên anh xin nhập cuộc. Trò chơi Ù Mọi chia hai phe, nhưng một mình anh chấp hết, anh chạy qua ranh giới của chúng tôi, bị cả bọn bắt níu không cho chạy về, đứa ôm bụng, đứa níu tay, níu chân, mồ hôi trên người anh nhễ nhãi nên ôm cứ bị trơn trợt, còn mấy đứa khác không biết ôm đâu để níu, chỉ có níu quần đùi là ăn chắc, cứ thế cùng nhau níu, anh Hùng vùng vẫy la oai oái chịu thua, cả bọn buông ra thì hỡi ôi ...quần đùi bị kéo xuống gần đầu gối, úi chà ...lạy mạ ...may chỉ có nhìn mông, các mạ mà biết thì chắc tím mông chứ không được trắng mông như anh Hùng mô.

Lên 9 tuổi cũng vẫn luôn đem đến cho mạ những tiếng thở dài, răng hồi nớ không hiểu ý nghĩa bản nhạc “Lòng mẹ bao la như biển thái bình rạt rào. Tình mẹ tha thiết như dòng sữa chảy ngọt ngào...” hè, mà khi mô cũng đi nói xấu mạ cho bạn nghe.
-Thấy mạ tau mặc áo có khâu bọc tiền bên trong, tau nghĩ người lớn dại quá, có tiền không chịu kêu bún bò, cháo lòng, gánh chè vô ăn cho đã đời...Tau mà có bọc tiền đó là ăn hết luôn…

Tụi nó cũng nhao nhao đồng ý như tôi, gặp dịp trốn được cứ trốn vì bạn bè lúc đó có sức thu hút mãnh liệt lắm. Khoái ghê khi gặp đống cát cao nhà ai định xây sửa, cả lũ nằm chui vô hoặc lăn lên lăn xuống, chị gái gọi về tắm rửa xong cho tô cơm ngồi ăn ngon lành nơi bậc thềm sau khi được thỏa thích nô đùa, hết trò chơi cũng nhiều lần ngứa tay vác đá đôi bọn con trai bị chúng nó tới tận nhà thưa trình lỗi phải. Ba tháng hè mạ cho đi học thêm nơi nhà thầy giáo Vỹ, thầy ra bài toán xong lên nhà trên nằm nghỉ, cả bọn chạy ra vườn chơi đánh thẻ, trong đó có con Ngọc (con Thầy) bày đầu, nghe tiếng guốc Thầy đi xuống thì chạy ù vô ngồi bàn nghiêm chỉnh hí hoáy viết bài.

Đầu mùa hè một gia đình lạ dọn tới ở cuối xóm, xuất hiện anh thanh niên bạn học với anh tôi tên Nam, tối nào anh Nam cũng hẹn anh Hải tôi ra cột đèn ngoài đường học thi bán phần, rồi toàn phần, cả hai anh đều học giỏi đậu hạng bình. Thời gian này anh thường tới trao đổi bài vở với anh tôi, có khi ăn cơm chung nên rất thân mật, rồi anh cũng chơi chung cả lũ trong xóm, các chị cùng lứa tuổi với anh thường thắc mắc: “tên Nam ni răng thấy chỉ ưa chơi với ba đứa con nít.”

Một lần có phim “Anh Hùng Nô Lệ Spartacus”, anh rủ cả bọn cũng cỡ chín, mười đứa đi xem nhưng bắt xin mạ đàng hoàng, người lớn thấy anh hiền lành học giỏi có cảm tình và quý mến nên chuyện xin đi dễ như ăn cơm. Nghĩ lại một bầy ăn mặc lôi thôi lếch thếch mà răng anh thanh niên mới lớn dẫn đi không biết dị hè, sau khi xem phim anh dẫn xuống đường Bạch Đằng cho ăn kem Đào Nguyên. Tôi còn nhớ khung cảnh tiệm rất sang, trai thanh gái lịch ăn mặc đẹp bước vào ngồi nghe nhạc, còn chúng tôi ồn ào dành nhau nói, đã rứa anh Nam năn nỉ hết đứa ni giận đến đứa khác lẫy, vùng vằn thụt lui thụt tới trước cửa, anh Nam nhăn mặt đau khổ, trề đôi môi dày, khuôn mặt nhăn nhó năn nỉ
- Lạy tụi bay vô tiệm hết cho tau nhờ kẻo người ta ngó quê quá
Lúc vào được chẳng biết gọi thứ gì đành để anh Nam lo, mới đem ra ly kem cả bọn nhao nhao
- cục chi mà nhỏ rứa, chi chớ tui phải ăn hai cục
- tui cũng rứa
- ừ thì bây ăn hai ly, đừng nói to nữa ...họ ngó tề
Ai dè xắn cục kem ăn hoài không hết, đó là lần đầu tiên tôi biết mùi vị kem chocolate.

Thế rồi nhà bác Tân (cha mẹ Lan Phụng, bác Diệp cha mẹ Oanh đều là lính đổi đi làm nơi tỉnh khác, đầu ngã tư cha mẹ Dung Thuỷ được thuyên chuyển về Huế sống chung, mạ Dung sinh con năm một đông quá, nên mấy chị lớn trông coi các em cũng không còn thì giờ ra ngoài chơi. Lớp bạn này đi, lớp bạn kia xa, niềm vui bị hạn chế dần dần theo thời gian,

Lên 10, 11 tuổi có phần giảm ga hơn. Mẹ tôi thân với vợ thầy Vỹ, mỗi lần có đoàn cải lương Kim Chung về thường rủ nhau đi xem, tôi và Ngọc làm cái đuôi bám theo, giai đoạn này hai đứa tôi thân nhau lắm. Anh Nam hàng ngày vẫn ghé nhà tôi trao đổi bài vở khi hai anh cùng vô đại học, thấy tôi và Ngọc đang chơi diễn tuồng cải lương, anh thường lại gần chọc cười hoài cái câu
- Năm năm sau tao nhập ngũ quân đội, cấp bậc là đại uý, khi nớ con Minh và con Ngọc đi nữ quân nhân đứng xớ rớ ngoài cổng, tau cho lính dẫn vô, mặt hai đứa tái mét lấp bấp “dạ thưa… dạ thưa… hồi xưa nhà đại uý ở gần… nhà tụi em đó, đại uý ...không nhớ à “
Tau nạt lớn
- Ai quen biết tụi bay, không giỡn mặt, quỳ xuống hít đất 50 cái, sau đó tau thấy tụi bây khóc thút thít tội quá nên giảm 20 cái và cho lên lon hạ sĩ nhất.
Đang chơi cứ bị phá đám đâm ra ghét anh, hễ thấy mặt là chọc ghẹo nên hai đứa lẩn tránh không thèm nói chuyện. Anh quay qua chơi đùa mấy chị trong xóm, bị mấy chị tấn công chọc ghẹo, thu đồ vật, anh bỏ chạy luôn, chúng tôi thầm khoái “đáng đời”.

Chuẩn bị Tết hai bà mẹ đi chợ chọn vải giống nhau may cho tôi và Ngọc mặc. Chiều mồng hai tôi và Ngọc đang đứng chơi trước ngõ, anh Nam chạy lại lì xì tiền thật nhiều, anh nói “từ đây sẽ cho hai đứa mỗi ngày $5, lúc đó khoái quá quên chuyện ghét anh luôn, anh hỏi “có muốn ăn cháo lòng Đồng Ý và nhìn phố không?, hai đứa vừa được cho tiền nên vui vẻ nhận lời, anh chạy về nhà lấy chiếc xe Goebel cũ tiếng máy nổ bình bịch to cả xóm đều nghe, chúng tôi mặc áo đầm giống nhau ngồi dang chân ôm chặt eo anh Nam lòng vui khôn tả vì được lì xì lại được ăn cùng nhìn phố xá.
Từ đó mỗi chiều anh Nam tới phát $5 đồng đều đặn cho hai đứa, làm sao tả nỗi sung sướng đi tới ngã tư Đinh bộ Lĩnh có quán mụ Thịnh bán bên lề, những lát mít cắt mỏng thơm ngon, mấy cây mía róc vỏ được trùm miếng vải thưa ăn mềm ngọt, hay mấy hũ kẹo đậu phụng kẹp với đường thắng …đã thèm, hai đứa ăn sạch tiền phủi môi mép mới dám về nhà.

Một hôm anh Nam chạy lại đưa tôi bản nhạc mua nơi nhà sách Khánh Quỳnh dặn đem đến chị Loan con nhà tiệm thuốc Tây trên đường Mai Thúc Loan, tôi rủ Ngọc thập thò trước cửa tiệm chờ gặp chị trao lại, về ngang đầu ngõ đã thấy anh đứng chờ, có một câu anh cứ hỏi mãi “chị Loan nói chi không?” dù trả lời “chị cười” đến mấy lần. Và từ đó chúng tôi có nhiệm vụ đưa thư, tặng nhạc tiếp hoặc gởi hộp bánh cho chị. Mặc kệ hai người tình cảm đến đâu, chỉ biết mỗi ngày được đến quán mụ Thịnh ăn hàng bóc mấy múi mít thơm ngọn. Có dạo anh báo đi về quê, đưa trước $15 cho ba ngày, sau một tuần trở về, chúng tôi vẫn được tính thêm bốn ngày... “lương” hậu hỷ, tâm hồn thật vô tư không nghĩ tới sâu xa “vì đâu anh đang đi học mà có tiền nhiều vậy”. Sau này sực nhớ thì đoán mò chắc Mạ buôn bán cưng Út trai nên mình được hưởng ké?!!!
Ngày tháng đi nhanh, anh đang là sinh viên năm thứ hai bỗng dưng nhập ngũ vào lính. Chúng tôi lớn dần không có anh cũng quên luôn.

Tuổi 13, 14 ham mê các cô nghệ sĩ, phong trào lúc đó bắt chước nhau gởi thư xin hình Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng ...chao ôi hạnh phúc ngút ngàn khi nhận được tấm hình ghi chữ “bao giờ có ra Huế diễn kịch nhớ đến thăm chị, thăm cô...”, chưa kể suốt ngày cứ ngóng ông đưa thư, ông đi ngang qua nhà, tôi vẫn chạy theo hỏi “con có thư không chú?” Ông im lặng như chọc tôi, khi thấy tôi chạy theo quá xa, ông mới dừng lại lên tiếng “ui chao cái con ni, có thư thì tao đưa chứ”. Từ đó về sau không dám chạy theo ông nữa, bóng ông đi qua thì buồn lắm, rồi nghe ai hát trong radio, chao ơi là thấm lời nên ghiền bản nhạc đó luôn.

“Người đưa thư đã đi qua, nhưng cớ sao không ngừng?
Mà cứ đi, cứ đi, cứ lạnh lùng đi…
Lần sau nhé nhớ mang cho ta một lá thư hồng
Kẻo tủi lòng ta luống công chờ mong…” (Trịnh văn Ngân)


Chưa hết, có lần đoàn cải lương Kim Chung 2 ra hát, bạn bè đi học về rủ nhau ra xóm hẻm bên cạnh rạp Châu Tinh, nghệ sĩ thuê nhà dân ở quanh quẩn, chờ gặp mặt cô Mỹ Châu, bạn Nguyên lúc ấy con nhà giàu (cha đại tá) có máy hình chờ chực hoài nhưng cô Mỹ Châu ngủ li bì, nên chụp chung đại với cô đào phụ Tô kiều Lan rồi cả bọn lửng thửng đi về. Cuối tuần đó nghe đoàn đến hồ Tịnh Tâm xem cảnh, bạn bè báo động chạy như bay tới không kịp, họ đã rời, chỉ có một bạn tới trước được nói chuyện với Mỹ Châu, còn lại buồn tiu nghỉu muốn khóc.

Lên 16, 17 tuổi tự nhiên điềm đạm ít nói, ngoài giờ đi học ở suốt trong nhà, thỉnh thoảng chiều mát cầm tập vở, tập sách đạp xe một vòng lên nhà bạn trao đổi bài vở. Bắt đầu mê thơ, chép thơ Quang Dũng, Xuân Diệu, Đinh Hùng, Lưu trọng Lư… v...v... mê ngắm bông, mê đọc truyện tuổi hoa, tuổi ngọc. ưa nhìn mây chiều hoặc bóng hoàng hôn thấp thoáng.

Còn nhớ lúc nhỏ nhà ai động dao, động thớt là tôi nhanh chân chạy xếp hàng đầu đứng xem mê mệt, giờ cơm chị gái gọi cũng không về, đến nỗi chị phải nói “đứng đó xem hoài đi, chị bới cơm tới cho mà ăn nghe”, ai ngờ lớn lên lại sợ tiếng cãi vã, chẳng còn màn chạy xem, ngay cả đám cưới cũng mắc cỡ không dám lộ mặt nhìn dù rất thích xem cô dâu. Một dịp cô Kim Cương về nhà chồng ở ngã ba Hoà Bình, bà con kháo nhau rủ đi, tôi nhỏ nhẹ “dị chết không thể chường bộ mặt đứng trước ngõ như năm xưa nữa mô”.

Nỗi lòng hồi hộp và đau khổ nhất tuổi này không bao giờ quên được ...Rằng thời điểm đó chiến tranh khốc liệt, vùng quê không được an ninh nên bà con di tản lên thành phố lánh giặc rất đông. Xóm tôi có gia đình bác Bé mướn đất sau vườn nhà Ngọc, xây nhà lá ở tạm, con bác một bầy tên Đoi, Út, Ít, Chót, Nở, cu Đờ. Sát nhà tôi cũng có gia đình bác Hiền lên sống chung với ông anh. Nhà bác cũng đông những “nhi đồng cứu quốc”, nheo nhóc đặt tên con khó nghe. Bẹt đứa con gái lớn (tôi tự đổi tên chút xíu để gọi cho dễ nghe hơn), nách em đi quanh xóm chơi, mỗi chiều trên đường đi học về thường có đám thanh niên đứng trước ngõ chờ mấy O nữ sinh đi ngang để ngắm, hễ giờ đó thấy mệ, hay mạ của Bẹt xuất hiện đi vòng xóm tìm con là tôi tái mặt ngượng chín người
- B… ơi... bơ B... mi mô rồi đem em về tắm... B... ơi…
Ôi chao làng quê đặt tên con tự nhiên quá, làm mấy O mới lớn ê mặt với đám thanh niên, đi muốn vấp, đầu óc lùng bùng không biết mình là ai nữa.

Vài năm sau, anh Nam trở về trong bộ quân phục màu lính, trên vai đeo lon trung uý, anh đi đầu đường cuối xóm la làng “thèm cơm hến quá tụi bây ơi ...”, sai tôi gọi các chị đến tập trung trước sân nhà, bắt tôi đi tìm gánh cơm hến và gánh chè về bao hết cả xóm. Tôi cũng hơi mắc cỡ nhớ chuyện anh phát $5 đồng mỗi ngày, hình như anh cũng quên vẫn vô tư cười đùa. Anh đãi cả xóm được mấy lần, khi đậu hủ, lúc bún bò, hoặc bánh canh Nam Phổ trước sân nhà tôi. Thế rồi anh trở lại Kontum (lính thuộc ngành truyền tin).

Sau 1975 ba anh em của anh Nam đều bị đi “tù cải tạo” vì anh đầu chức vụ Trung tá, anh nhì Đại uý và anh là Trung uý. Trớ trêu thay cha anh Nam tập kết ngoài Bắc trở về trong khi từ lâu hàng xóm cứ tưởng mạ anh goá bụa. Nghe người ta chuyền miệng vì con Út được ba thương nên bảo lãnh anh về sớm (chỉ học tập gần hai năm). Ngôi nhà của anh Cả bị nhà nước tịch thu, cung cấp cho bà cán bộ ngoài Bắc vào ở. Ba Mạ cùng anh Nam về căn nhà thờ trên Nguyệt Biều, gia đình chị dâu Cả vào Sài Gòn sinh sống.

Anh đạp xe thồ kiếm sống, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé nhà tôi cho trái mít trồng vườn, được biết anh có mối chở người buồn mỗi ngày, họ thấy anh hiền lành nên được gả con gái.

Thế rồi anh theo đời cơm áo, tôi lăn lộn tìm đường vượt biên, đến Mỹ tôi nhớ gởi quà cho anh đầu tiên và từ đó vẫn lai rai nhưng Tết là chính. Mồng một năm 2017 anh vừa bước ra đường bị xe tải cán chết tại chỗ. Tôi ngậm ngùi khóc anh, vì anh là quãng đời tuổi thơ của tôi, anh Hùng (chơi Ù Mọi) cũng tử trận, bạn bè có đứa đã mất, đứa bệnh hoạn, đứa mù loà... mỗi lần nhớ lại lòng tôi đầy bồi hồi cảm xúc...Chỉ còn là kỷ niệm để thỉnh thoảng tôi bơi về dòng sông xưa lặn hụp với niềm vui thời thơ ấu.

Tôi suy nghĩ về các cháu trẻ bây giờ sống rất tốt, rất ngoan, rất đàng hoàng, sống môi trường vật chất đầy đủ sang trọng, nhưng khi cháu lớn, trong ký ức cháu có được những gì về thời thơ ấu…


Minh Thuý Thành Nội 
2021

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Tình Lỡ - Thanh Bình - Kim Oanh (Canada)


Sáng Tác: Thanh Bình
Trình Bày: Kim Oanh (Canada)


Trăn Trở

 

Anh lo sợ vết thương lòng rớm máu
Tìm lãng quên theo gió gọi đường xa
Bước lang thang như du mục không nhà
Tình cũng phai có còn chi tha thiết

Đời đổi thay tìm đâu màu mắt biếc
Gió vô tình Tàu đợi vượt trùng dương
Em mang theo Trăn Trở suốt tuyến đường
Chuyện tình lỡ mưa giăng mờ khắp lối

Gió đã lặng nao lòng trong đêm tối
Em có còn lưu luyến giờ chia tay?
Gió trùng dương mơn trớn tóc bay bay
Em sẽ quên nơi này anh vẫn thế

Bỏ lại anh giấc mộng buồn hoang phế
Trả lại anh cùng rừng núi hoang vu
Nơi đau thương trống vắng chốn âm u
Em để lại ân tình thêm cay đắng

Ân tình chi cho lòng anh chết lặng
Chuyện tình yêu như gió thoảng mây bay
Thôi là hết chỉ còn mỗi đêm nay
Em đi rồi rừng khuya vang tiếng khóc

Mặc Khách


Cuộc Tình Thơ Dại



Trong ký ức em có người tên Thọ
Tên Thọ nhưng hưởng dương thật ngắn ngày
Khi cầu vai áo lấp lánh bông mai
Anh tử trận lúc vừa lên trung úy

Ngày xưa thuở ấy em còn nhớ rõ
Tuổi chúng mình mười bốn với mười ba
Chơi với nhau tình hàng xóm lại qua
Em ngày ấy là nụ hoa chưa nở

Mỗi dịp bãi trường anh đi thư viện
Mượn sách thật nhiều chia đọc với nhau
Mỗi người một quyển, chẳng nói câu nào
Em đong đưa võng, anh ngồi dựa cột

Buổi trưa anh chạy về ăn vội vã
Rồi trở qua em ngồi đọc tiếp theo
Như người cận vệ đã ký giao kèo
Suốt mấy tháng hè ngày nào cũng vậy

Qua Đệ tam, em vào trường anh học
Tuổi mười lăm nụ hàm tiếu chớm hương
Ong bướm vờn quanh mỗi buổi tan trường
Anh từ đó bỗng hết thân vô cớ

Em vô tư nên cũng không tìm hiểu
Với em, anh là người bạn láng giềng
Tình cảm như anh em, chẳng ý riêng
Nếu anh nghỉ chơi thì em đành chịu

Xong tú tài, anh đi khóa Thủ Đức
Anh chẳng giã từ, em chẳng bận tâm
Thản nhiên vì chúng ta chẳng nợ nần
Trôi theo dòng đời, đường ai nấy bước

Từ anh nhập ngũ đến lên trung úy
Đời chiến binh không ngừng nghỉ quân hành
Em chẳng còn cơ hội gặp lại anh
Cho đến một ngày nghe anh tử trận

Anh chết đi em chỉ buồn năm phút
Buồn như buồn kẻ vắn số không thân
Không hiểu sao lúc ấy em vô tâm
Với người anh đã một thời gắn bó

Có những chuyện lúc xảy ra không thấy
Khi về chiều hồi tưởng thấy thương sao
Đến nay em cũng chẳng hiểu thế nào
Tình anh đối với em ngày xưa ấy

Có phải anh biết số anh không thọ
Sợ em thành góa phụ nửa chừng xuân
Nên để em tự tìm ý trung nhân
Để khỏi ân hận làm em dang dở

Xin cám ơn anh những gì anh đã
Làm cho em lúc vừa tuổi dậy thì
Từ những mãnh giấy nhỏ viết li chi
Đến quyển sách dày kèm ảnh Đức Mẹ

Anh tặng em ảnh “Mẹ Hằng Cứu Giúp”
Nên đời em được Mẹ cứu giúp luôn
Quá khứ không may hay hiện tại buồn
Em lúc nào cũng cậy trông nơi Mẹ

Lòng em lúc nào cũng có anh mãi
Như bức hình Đức Mẹ ở bên em
Nửa thế kỷ rồi em vẫn chưa quên
Xin gởi anh nén hương lòng thương nhớ

Người Phương Nam

Với Tất Cả Tâm Tình

 

Nếu anh là người miền Nam bình dị,
Em sẽ đãi món canh chua em nấu,
Cà chua đỏ như trái tim em dấu
Biết bao tình. Thắm thiết bạc hà xanh.

Dịu dàng như những cọng gía trắng tinh,
Em đến với anh tâm hồn mới lớn,
Dù đôi lúc em vụng về nấu nướng,
Gia vị tình em nêm đủ chẳng vơi.

Nếu anh là người miền Bắc. Anh ơi,
Em sẽ đãi canh cua hoa Thiên Lý,
Chùm hoa xanh, chắc là anh vừa ý?
Hoa thơm tho em mới hái chiều nay.

Trong bát canh có hương vị bàn tay,
Nêm mắm muối tình yêu này chưa đủ,
Để tối nay khi anh vào giấc ngủ,
Có em và Hoa Thiên Lý trong mơ.

Nếu anh là một người Huế rất xưa…
Em không biết nấu món ăn Hoàng tộc,
Cố đô của anh mấy mùa ly loạn,
Theo chân người món Huế cũng ra đi.

Em sẽ đãi anh một món nhà quê,
Rất quen thuộc hàng ngày trong cuộc sống,
Anh người Huế cầu kỳ hay khó tính,
Em sẵn sàng nghe dù tiếng chê, khen

Em sẽ nấu bằng ngọn lửa tình em,
Bún Bò Huế nhớ về quê hương cũ,
Em cay nồng vì anh khoanh ớt đỏ,
Lá rau thơm cho anh được vừa lòng.

Em đãi anh với tất cả tâm tình,
Chuyện đời thường, chuyện tình yêu là một,
Anh và em lỡ duyên này không gặp,
Em sẽ chờ nếu còn có kiếp sau.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Thế Giới Bên Trong Con Người

 

Con người sống trong hai thế giới, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Nhưng thường khi chúng ta chỉ biết thế giới bên ngoài, bởi vì từ sáng tới tối chúng ta bị lôi cuốn ra thế giới bên ngoài, hơn nữa  có tới năm cửa để mỡ ra bên ngoài và chỉ có một cửa để mỡ vào thế giới bên trong. Năm cửa đó là ngũ quan:  mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và cửa kia là ý thức. Vả lại chúng ta không quen để quay cái nhìn vào bên trong và cũng không biết rằng con người có một đời sống tâm linh rất dồi dào, nếu biết khám phá và khai thác nó.

Thế giới bên ngoài là thế giới của vật chất, của các sóng ba động,là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học tự nhiên. Còn thế giới bên trong thuộc tinh thần, tâm linh; nó được quan tâm bởi các nhà tâm lý học, tâm não học và các thiền gia. 

Thế giới nội tại rất phức tạp nó bao gồm nhiều yếu tố có khi ý thức được, có khi không. Các nhà tâm lý học phải tự rèn luyện trí tuệ để quan sát nó, hoặc phải dùng những phương pháp khoa học tân thời để đối tượng hóa nó. Các thiền gia phải dùng thiền định để nội quán nó.Chúng ta thử khám phá cái thế giới này.

Trước hết là Ý THỨC(conscience) , hay cửa ý là cánh cửa mở vào thế giới bên trong. Trong ý nghĩa này nó tương đương với 5 giác quan mở cửa ra thế giới bên ngoài. Ý thức là giác quan thứ sáu.Trong ý nghĩa thứ 2, Ý thức hay tâm thức bao gồm tất cả các loại tâm (theo tâm lý học Phật giáo có tất cả 89 loại tâm hoặc 121 loại tùy theo kể thêm những yếu tố chứng thiền trong các loại tâm siêu-thế).

Theo nhà tâm-não-học Pháp Stanislas Dehaene trong sách Le code de la conscience, thì Ý thức có 2 thành phần là sự Tỉnh thức (Éveil) và sự Nhận Biết (perception consciente).Phải tỉnh thức thì mới nhận biết được.Có những dấu chỉ sinh học chứng tỏ rằng một tín hiệu (information,signal) được ý thức nhận biết: như dấu chỉ ghi nhận được bởi điện-não-đồ (EEG) là sự xuất hiện của sóng P3, còn gọi là sóng P300 bởi vì nó xuất hiện khoảng 300 millisecondes (ms) sau khi hình ảnh được trình diện trước mắt, sóng này mạnh gấp 2,3 lần (vài microvolts) các sóng vô thức nhưng đủ để chứng tỏ sự khác biệt giữa sóng vô thức và sóng ý thức.(trang175, hình 18)      


Sau đó TRÍ NHỚ là khả năng tinh thần khiến ta có thể khơi lại những gì đã được ghi chép lưu giữ trong ký ức, khơi lại những kỷ niệm mà mỗi lần nhớ đến ta có thể mũi lòng thương khóc hoặc rộn ràng vui sướng. Một quang cảnh hay một bài hát có thể gợi cho ta cả một khung trời dỉ vãng. Sở dĩ như vậy là vì Trí nhớ được hình thành nhờ 4 tiến trình sinh động sau đây: 

* Chép nhớ ban đầu (encodage)

* Lưu trữ (stockage)

* Khơi lại (restitution)

* Sự quên (oubli)

Trong đời sống thường nhật sự nhớ lại đôi khi xảy ra một cách tự động, không cố ý; cũng như tự nhiên ta nhớ đến tòa đô thị Sài Gòn. Nhưng thường khi muốn nhớ lại ta phải cố tâm như trong lớp học chẳng hạnphải lập đi lập lại nhiều lần.Cái khung cảnh ghi nhớ ban đầu và cái xúc cảm kèm theo lúc đó sẽ làm in dấu lâu bền 1 kỷ niệm.Như vậy yếu tố tình cảm và cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong sự ghi nhớ, do đó khoảng đời từ 15 tới 30 tuổi chứa đựng nhiều kỷ niệm nhứt, vì nó trùng hợp với khoảng sống mà ta có nhiều quyết định và chọn lựa quan trọng về nghề nghiệp, về tình yêu...

Kế đến TƯỞNG TƯỢNG là một tác động của tâm làm cho một hình ảnh, một âm thanh mà chúng ta đã biết qua trong quá khứ, xuất hiện ra trong hiện tại và sau đó tâm điều khiển cái hình ảnh hay âm thanh đó diễn biến theo một bố cảnh (scénario) nào đó. Tưởng tượng dựa trên trí nhớ để khơi lại và trên tri giác để làm rõ nét và sau đó nó làm công việc của chính nó. Nếu dừng lại ở hai giai đoạn đầu thì tưởng tượng chỉ là trí nhớ và tri giác thôi.

Tưởng tượng được xử dụng nhiều bởi các văn nghệ sĩ để sáng tác, để diễn dịch cái nhìn, cái rung cảm của mình trước thiên nhiên hay thực tại của đời sống.

Trong thế giới nội tại còn có phần tình cảm và cảm xúc:

TÌNH CẢM là sự đánh giá về cảm tính (affectivité) trên một cảm giác. Cảm giác thì có dễ chịu, khó chịu và trung tính. Dễ chịu sinh ra ưa thích, muốn có nữa; khó chịu sinh ra ghét bỏ, muốn xa lánh; còn trung tính thì sinh ra dửng dưng, nhưng cũng có thể sinh ra ưa thích vì tính cách không thiên vị, an nhiên tự tại của nó.Tình cảm chính là thái độ ưa thích, ghét bỏ, hoặc dửng dưng trước một cảm giác.

CẢM XÚC là một phản ứng tự động, nhanh lẹ nhưng chóng qua của cả thân tâm trước một tình huống, một biến cố xảy ra bất ngờ từ bên ngoài (nhưng cũng có thể từ bên trong do nhớ lại). Nó được biểu hiện bằng những biến đổi trên sắc mặt và bên trong cơ thể hay trong óc não. Những sự thay đổi nầy rất chuyên biệt cho mỗi loại cảm xúc.

Có 5 loại cảm xúc căn bản được thừa nhận bởi nhiều khoa học gia khác nhau: vui sướng, buồn sầu, giận dữ, sợ hãi, ghê tởm [Darwin (1872), Ekman (1982), Mac Laun (1993), Izard (1997)]

Năm loại cảm xúc nầy có tính cách bẩm sinh phổ quát (universel). Từ đó sẽ phát sinh những cảm xúc thứ phát (secondaire) do sự tương tác giữa môi trường sinh sống và con người với tất cả cá tính, kinh nghiệm sống và sự hiểu biết của mình.

Công dụng của cảm xúc là để diễn tả tâm trạng và thái độ của mình trước một tình huống, đó là một cách để liên hệ trao đổi giao lưu với thế giới bên ngoài. Ngoài ra là để thích ứng với môi trường sống bằng những cách hành xử :

*Chẳng hạn vui sướng là để tăng cường mối dây liên lạc với người khác.

*Buồn sầu là để lôi cuốn sự giúp đỡ, thương hại.

*Giận dữ là để răng đe đối thủ hầu giới hạn sự đụng chạm.

*Sợ hãi là để tăng cường phản ứng thích ứng (chiến đấu, rút lui hay bất động)

*Ghê tởm là để tránh né những gì mình không ưa thích.


Năm yếu tố trên đây: ý thức, trí nhớ, tưởng tượng, tình cảm và cảm xúc rất dễ nhận diện khi nó xuất hiện ở trong tâm. Những yếu tố sau đây mới khó phát hiện:

1/-KIẾN THỨC  hay TRI THỨC  là tất cả những hiểu biết và kinh nghiệm mà chúng ta có được từ bé thơ sống trong gia đình, rồi đi học ở nhà trường và ra đời trong cuộc sống. Tất cả mọi học hỏi đều bắt đầu bằng sự quan sát. Quan sát không phải chỉ bằng mắt mà bằng cả 5 giác quan. 

Từ sự quan sát con người ghi chép, mô tả, phân loại các sự vật, các hiện tượng ở trong hai thế giới. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước làm công việc nầy bằng những phương tiện mà thế hệ mình phát minh được ; trước kia bằng loại kính hiển vi thường, ngày nay bằng loại kính hiển vi điện tử, trước kia bằng quang tuyến X, bây giờ bằng Chụp Cộng Hưởng Từ (IRM)hoặc bằng Scanner. Người ta nói một học sinh trung học ngày nay hiểu biết nhiều hơn các nhà bác học thời Galilée.

Phương tiện thứ nhì sau  quan sát là sự học hỏighi nhớ. Nếu không ghi nhớ thì mọi kiến thức đều tan biến, trả lại thầy. Nhưng nếu dừng ở đây thì kiến thức của chúng ta chỉ là kiến thức sách vở, từ chương, kiến thức của người khác nếu chúng ta không biết suy nghĩ, giải đáp những vấn nạn còn tồn đọng của các thế hệ trước. Vậy thì phương tiện thứ ba là suy nghĩ, tư duy để phát minh, phát kiến.

Tới đây cũng chưa đủ, phải đem những suy nghĩ của mình đặt thành giả thuyết để đưa vào phòng thí nghiệm hay đưa ra thực nghiệm. Bao giờ thí nghiệm thành công thì giả thuyết trên trở thành một nguyên lý, một kiến thức mới cho nhân loại. Thí nghiệm có thể chỉ xảy ra trong đầu óc của một thức giả hay một thiền gia. Như một NEWTON nhìn thấy trái táo rơi đã tìm ra được Định Luật Hấp Dẫn Vũ Trụ hay một HUỆ NĂNG khi chứng nghiệm « Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ Tâm » đã chứng ngộ. Đó là quý vị nầy đã trải nghiệm quá trình tư duy  hay  thực hành thiền cho đến độ chín mùi để thoát nhiên trí tuệ trực giác bừng sáng.

Như vậy theo quan điểm của Phật Giáo có 4 tầng tri thức :

* Tri thức do quan sát (thức tri)

* Tri thức do học hỏi, ghi nhớ (tưởng tri)

* Tri thức do suy tư (tuệ tri)

* Tri thức do trực giác nhờ sự thực hành(giác tri).

QUAN SÁT=>HỌC HỎI, GHI NHỚ =>SUY TƯ=>THỰC HÀNH (kinh nghiệm trong cuộc sống, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm,thiền định trong các tu viện)


2/-THÓI QUEN của THÂN và TÂM trong đời sống 

Mặc dầu với tất cả những kiến thức có được, con người khi hành động vẫn hành động theo thói quen, nhiều khi không phù hợp với tư cách và tri kiến của mình. Những thói quen nầy bắt nguồn từ những nếp suy nghĩ, những tánh tình, những tập khí có từ bao giờ không biết. Tục ngữ có câu « cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh » chữ Trời ở đây chính là nghiệp. Nghiệp của những kiếp quá khứ, hay của chính kiếp hiện tại. Những nghiệp nầy khiến chúng ta có những thói quen suy nghĩ, hành động theo một lề lối nào đó. Trong nội tâm cứ lập đi, lập lại một sơ đồ lầm lạc một cách tự động. Chẳng hạn người có tánh tò mò thường hay nói nhiều, đặt nhiều câu hỏi, có ý nghĩ rắc rối, chẻ sợi tóc làm tư, vui thích những nơi tập hợp đông đảo, để bàn luận đối thoại.

Thói quen cũng có thể bắt nguồn từ những phản xạ bẩm sinh vì sinh tồn (réflex vital). Chẳng hạn khi chạm phải điện chúng ta rút tay lại vì ý thức sinh tồn, sợ nguy hiểm, muốn bảo vệ đời sống .

Loài thú vật cũng có những phản xạ nầy, như khi chúng nghe tiếng rống của con sư tử, chúng vội tránh xa. Các em bé sơ sinh, vừa lọt lòng mẹ đã biết bú vú mẹ đó cũng là phản xạ sinh tồn.Nhờ những phản xạ nầy mà loài người mới tồn tại trên trái đất đến ngày nay.

Từ những phản xạ bẩm sinh tới những phản xạ thụ đắc .

Trong đời sống, dần dần chúng ta thụ đắc những thói quen do học hỏi, luyện tập như biết lội, biết đi xe đạp, biết lái xe hơi, biết xử dụng máy điện toán...Đó là những phản xạ được điều kiện hoá (réflex conditionné).

Đôi khi có những thói quen làm hại cuộc sống như thói quen hút thuốc, uống rượu, nghiện ngập ma tuý; thói quen đùng đùng nỗi giận, la hét mắng chửi; thói quen nói láo, chửi thề: mở miệng ra là bắt đầu bằng hai chữ ĐM; thói quen giựt mình lo sợ, phản ứng một cách xuẩn động….


3/-SỰ DÍNH MẮC cũng là thói quen của tâm.

Có người dính mắc với cái đẹp do nhãn quan, cái gì phải nhìn thấy đẹp mới thu hút được họ. Họ đi tìm cái đẹp, cái dễ nhìn, cái hài hoà. Ngoài ra tất cả đều vô nghĩa. Có người dính mắc với sự êm dịu thích thú qua lỗ tai. Câu nói, lời văn, tiếng nhạc phải êm ái, dịu dàng mới lọt tai họ được. Những người nầy rất dễ xiêu lòng với những lời nịnh hót.

Có người dính mắc với mùi thơm, họ mất tiền rất nhiều trong các mỹ phẩm, dầu thơm để tìm cho được cái mùi thích hợp.

Có người dính mắc với vị béo ngọt, họ đi tìm những món ăn khoái khẩu, họ biết rất nhiều tiệm ăn ngon. Mỗi tiệm còn biết có món nào ngon đặc biệt, món nào không ngon. Họ rất sành các hiệu rượu, rượu nào đi với món ăn nào mới hợp khẩu…

Có người dính mắc với những lạc thú của thân, thích được người nắn bóp, vuốt ve, hoặc ngược lại thích nắn bóp, vuốt ve người khác.

Có người dính mắc với những thú vui tinh thần như đọc sách, viết sách, làm thơ…

Có bao nhiêu cảm giác là có bấy nhiêu nguồn khoái cảm làm trói buộc con người. Sự trói buộc nầy rất sâu xa, chính nó quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp của mình một cách vô thức.


4/- Ý CHÍ

Ý chí cần thiết cho con người như bộ máy và bánh lái của một con tàu. Không có hai thứ nầy, con người giống như một con tàu không bến, chỉ làm nô lệ cho người khác mà thôi. Một ý chí hành động bao gồm 4 giai đoạn :

1/ Hình thành một ý muốn, một ước nguyện, một mục đích ở trong tâm.

Ý muốn đôi khi rất đơn giản, chỉ để thoả mãn một nhu cầu sinh lý : đói ăn, khát uống ; hoặc những nhu cầu vật chất căn bản : thực phẩm để gìn giữ sự sống, quần áo để che thân ; nhà ở để trú nắng che mưa, thuốc men để bảo vệ sức khoẻ. Nhưng tất cả những hành động của con người không phải chỉ để thỏa mãn những cái CẦN (besoins) mà còn để thoả mãn những cái MUỐN (désirs) nữa : từ những ước muốn tầm thường thỏa mãn những khoái cảm của giác quan, những nhu cầu tình cảm thương yêu và được yêu thương đến những nhu cầu tinh thần hiểu biết và tâm linh. Con người có rất nhiều cái muốn : tựu trung có 2 cái căn bản qui định mục đích của đời người: một là tránh cái khổ của những điều kiện vật chất và tinh thần của kiếp sống; hai là tìm thỏa mãn cái vui của lòng ham muốn.

2/ Cố gắng thực hiện ước muốn nầy.

Trong sự cố gắng thực hiện nầy phải có sự suy nghĩ chọn lựa một giải pháp ngắn gọn, kế hoạch thông minh, những phương tiện ít hao tốn nhất. Điều nầy đòi hỏi phải có một sự hiểu biết về những qui trình thực hiện, khả năng và hoàn cảnh của chính mình.

Một khi đã đắn đo suy nghĩ biết đường tiến lẫn lối thoát đã đến lúc phải quyết định thực hiện.

3/ để tâm theo dõi từ đầu đến cuối.

Trong tiến trình thực hiện ước muốn trên: phải để tâm theo dõi từ đầu đến cuối những giai đoạn thực hiện để điều chỉnh, chuyển hướng hành động cho tới thành công. Trong giai đoạn nầy có những yếu tố dẫn đến thành công :

- Sự cố gắng liên tục.

- Sự động viên tất cả những nguồn năng lực nhân sự, tài chánh, nguyên liệu.

- Sự xử dụng phương tiện một cách hợp lý và thông minh.

Nhưng cũng có những yếu tố đưa tới thất bại :

  • Sự không theo đúng chương trình, kế hoạch đã lập ra.

  • Sự thiếu kỷ luật và tự giác. 

  • Sự thiếu kiên nhẫn.

  • Sự thay đổi của hoàn cảnh và những điều kiện bên ngoài.

4/ sau cùng là kiểm điểm kết quả thành công hay thất bại. Thành công  tốt đẹp với sự hao tốn năng lượng tối thiểu? Hay thành công với hậu quả tai hại để lại cho con cháu nhiều thế hệ và môi sinh nhiều đời.


5/-BẢN NGÃ cũng là một yếu tố tâm lý nội tại:

Bản ngã là một cảm tưởng, một hình ảnh, một khái niệm về một «cái tôi» mà mình nghĩ là duy nhất, bền vững và không thay đổi từ hồi nào tới bây giờ. Thực ra đó chỉ là ký ức về «những cái tôi» trải dài theo năm tháng ghép lại.

Có người nghĩ rằng tôi vẫn trẻ đẹp, khoẻ mạnh như năm nào. Họ không muốn nhìn nhận sự thật. Họ muốn tẩy xoá những nét nhăn trên mặt để gìn giữ nguyên vẹn cái hình ảnh ấy. Thật ra đây là một ảo tưởng. Cái tôi bây giờ và cái tôi cách đây 10 năm có là một hay không? Nói là không cũng không hẳn đúng, nói là một thì chắc chắn sai vì khoa học đã chứng minh như vậy. Sắc thân con người có hơn 37.000 tỷ tế bào với 200 loại khác nhau, nhưng mỗi ngày có 300 tỷ tế bào chết đi cần phải được thay thế. Mỗi loại có thời gian tồn tại khác nhau: ngắn nhất là tế bào lót mặt trong của dạ dày và ruột (2-5 ngày), kế đến là tế bào da (15 ngày), rồi đến hồng-huyết-cầu (120 ngày), tế bào xương tồn tại 10 năm,Vậy thì tại sao ta cứ bám vào cái hình ảnh và cảm tưởng ấy. Tại vì con người ham thích cái trường cửu, cái bền vững và lo sợ cái mong manh, biến đổi ; ham thích cái an toàn và sợ cái bất toàn. Cái ham thích và lo sợ đó chính là sự thể hiện của Bản Ngã. Nó luôn luôn muốn những cái làm nó vừa lòng, không muốn những cái nó không thích và dửng dưng với những điều nó không quan tâm.

Bản ngã thể hiện bằng nhiều cách: tham, sân, si cũng là nó, ngã mạn tà kiến cũng là nó, vô mình hoài nghi cũng là nó.

Trong nhiều khuynh hướng triết học và tôn giáo người ta coi cái tôi là đáng ghét (le moi est haïssable) và người ta tìm cách tiêu diệt nó, khống chế nó. Nhưng càng khống chế nó, chúng ta vô tình càng củng cố nó. Bởi vì cũng chính cái tôi đó tìm cách vượt thoát, tiêu diệt hình ảnh của chính nó, cũng như nó muốn đập vỡ kính để không còn nhìn thấy nó ở trong gương; nhưng nó vẫn còn sờ sờ ra đó.

Còn Phật giáo thì nghĩ sao về bản ngã? 

Trước hết PG coi bản ngã là một khái niệm, một tục đế chỉ định một hợp thể bao gồm 5 thành phần gọi là ngũ uẩn:

1-Sắc: là những yếu tố vật chất cấu tạo nên thân thể con người.

2-Thọ: bao gồm vừa cảm giác, tình cảm và cảm xúc. Một cách đơn giản có 3 loại cảm giác dễ chịu, khó chịu, trung tính ở trong thân và cả ở nơi tâm; tình cảm : ưa thích, ghét bỏ hay dửng dưng xuất phát từ 3 loại cảm giác trên. Cảm xúc thì có 5-7 loại: vui mừng, lo âu, buồn rầu, sợ hãi, tức giận...

3-Tưởng (perception): là chức năng quan trọng ghi nhớ, nhận biết, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm thanh ,mùi ,vị ,xúc chạm hay một biểu tượng đã được biết từ trước. Đây là quá trình chuyển đổi một rung động giác quan thành ý nghĩa, tên gọi.

4-Hành: là chủ tâm để hành động qua thân, khẩu, ý.

5-Thức: là khả năng hay biết, ghi nhận, nắm bắt một đối tượng khi nó lọt vào một trong 6 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức cũng có thể được xem là toàn bộ tâm thức con người.

Năm thành phần trên bao gồm tất cả những yếu tố tạo nên con người. Chúng là những thực tại chân đế nhưng Bản ngã đã biến ngũ uẩn thành những đối tượng để bám víu vào,  để tự đồng hoá với chúng. Trong kinh «Nhứt dạ hiền giả» (Baddekarattasuttam trung bộ 3) Đức Phật nêu ra 4 cách đồng hoá, bám víu của bản ngã vào 5 uẩn:

- Sắc này là tôi,

- Sắc này là của tôi, 

- Sắc này ở trong tôi,

- Tôi ở trong Sắc này.

Nếu suy luận như thế với các thành phần của 4 uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, thức), ta có tất cả 20 cách chấp ngã. Đây là 20 loại tà kiến mà PG đánh đổ trong đó có triết học của Descartes bị vướng vào với chủ trương : « Tôi suy  tư nên tôi hiện hữu » (je pense donc je suis) hay với triết học của Jean Paul Sartre «j'agis donc je suis». Thật ra cái tổ hợp 5 thành phần này nó thay đổi từng giây, từng phút, nhưng tâm thức và giác quan con người không đủ khả năng cảm nhận được sự thay đổi này. Chúng ta có cảm tưởng cái Ta ngày hôm nay là một với cái Ta ngày hôm qua, nhưng thử so sánh hình ảnh Ta ngày hôm nay và hình ảnh Ta 10 năm trước thì ta thấy ngay sự thật. Ta có còn là Ta của mười năm trước?

Nhưng làm sao giải phóng con người khỏi sự chi phối của sự chấp thủ này?

- PG dạy ta trước tiên phải tìm hiểu nó từ bên ngoài trên giấy trắng mực đen. Tìm hiểu sự vận hành của nó qua sách vở (trí Văn), tìm hiểu nhân duyên làm phát sinh mỗi thành phần của năm uẩn qua sự suy nghĩ (trí Tư)

- Sau đó dùng trí tuệ nội quán (thiền quán) quan sát ngũ uẩn một cách chủ quan ở ngôi thứ nhứt và một cách khách quan ở ngôi thứ ba (Quán thân trên thân bên trong, thân trên thân bên ngoài… quán thọ, tâm, pháp như trên, theo Kinh Niệm Xứ trung bộ 10), ta sẽ nhận ra chúng là những tiến trình tự động sanh, trụ, hoại, diệt do nhân duyên làm sinh khởi. Quán là tách rời sự quan sát ra khỏi đối tượng để chỉ còn là một sự quan sát đơn thuần (trí Tu)

- Rồi trong cuộc sống áp dụng những hiểu biết và kinh nghiệm qua quá trình tu tập (văn, tư, tu) trên để không đồng hoá mình với những thành phần của ngũ uẩn.

Có như thế dần dần con người mới sống tự do, không bám víu, không còn bị trói buộc trong vòng cương tỏa của Bản ngã.

5/VÔ THỨC

Vô thức là cõi sâu thẩm của tâm hồn. Nơi chứa đựng những dục vọng ẩn ức bị dồn nén lúc thơ ấu- nói theo kiểu Freud-. Hay nói theo kiểu khoa học nhận thức (science cognitive) là tất cả những gì chúng ta cảm nhận, ghi nhớ học hỏi và khám phá mà không được ý thức biết đến.

Còn Darwin thì cho vô thức là tất cả những gì đã tạo thành bản năng con người khi con người biến hoá từ khai sinh lập địa như bản năng tự vệ, sinh tồn, bản năng truyền giống … con người sinh ra đã có sẵn không cần phải học hỏi, tập tành.

Ngoài ra các nhà xã hội học còn thừa nhận một loại vô thức xã hội (inconscient social) theo đó người ta suy nghĩ, nói năng và hành động một cách tự động, máy móc theo sơ đồ (schéma, programmation) đã nhập tâm từ thuở còn bé, tuỳ theo những mẫu mực và giá trị của môi trường mà đứa bé được nuôi dưỡng. Một loại điều kiện hóa một cách vô hình bởi xã hội trong đó người ta sinh sống.

Trong Phật giáo, chữ vô thức bao hàm 2 ý niệm, một là tiềm thứcdòng tâm thức tàng ẩn ở ngoài sự hay biết của con người. Đời sống con người được liên tục nhờ sự hoạt động không ngừng của dòng tâm thức này, cho đến khi con người vĩnh viễn nhắm mắt; nhưng dòng tâm thức không chấm dứt ở đây, nó tiếp tục cuộc hành trình luân lưu trong tam giới (hay 6 cõi). Phật giáo Nam truyền gọi đây là Dòng hộ kiếp  nó chứa đựng tất cả những dữ kiện ghi chép được trong «ký ức» của một chúng sinh từ vô lượng kiếp luân hồi. Những dữ kiện nầy được chuyển tải từ kiếp nầy qua kiếp khác. Người bình thường chỉ có thể quay lại những cuốn phim cho tới một tuổi thơ nào đó của kiếp sống hiện tại. Nhưng một số trẻ em lại nhớ được kiếp trước của mình. Duy thức học Bắc truyền gọi là A Lại Da Thức hay Thức thứ Tám. Nó chứa đựng tất cả những chủng tử của nghiệp và chờ đợi nhân duyên đầy đủ để thể hiện thành tư tưởng, lời nói hay hành động. Những nhân duyên nầy có thể là ngoại cảnh xuyên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoặc nội cảnh như một hình ảnh tưởng nhớ lại. Ý niệm thứ hai là vô thức, không hay biết, là khi nào những dữ kiện hay tín hiệu đã lọt vào từ thế giới bên ngoài nhưng không được ý thức biết đến, chưa vào được ý thức trường, chưa vượt qua được ngưỡng cửa của ý thức. (như trong lúc ngủ sâu hay bị gây mê...)

Người ta không hiểu vì sao đứng trước một người phụ nữ đẹp, người đàn ông đó không rung động, mà lại rung động trước hình dáng người đàn ông khác. Có phải chăng người đàn ông đó kiếp trước là một người đàn bà và trong vô thức của anh ta vẫn còn những rung động, những tình cảm vô thức của người đàn bà.

Người ta không hiểu vì sao, sau khi xem một cuốn phim hung bạo, anh chàng hiền lành đó trở thành kẻ sát nhân. Những hình ảnh tàn bạo đã trợ duyên cho một chủng tử giết người trong kiếp quá khứ đã làm thay đổi một sớm một chiều một anh chàng hiền lành. Những phim ảnh hung bạo giết chóc không những nên tránh cho các trẻ em mà cả đến người lớn. Vì chúng ta không biết rõ trong vô thức của mỗi người có một chủng tử xấu nào đó, chỉ chờ đợi một trợ duyên từ bên ngoài để nổi dậy thực hiện bằng hành động. 


SƠ ĐỒ VẬN HÀNH CỦA TÂM THỨC CON NGƯỜI


Từ cảm giác đến Tri giác.


Những ba động (vibrations) đến từ thế giới bên ngoài (ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc) được tiếp nhận bởi năm giác quan (ngủ căn) làm rung động các dây thần kinh cảm giác.Tất cả ngũ căn và ngũ trần đều là sắc pháp. Các ba động nầy sau khi đã xuyên qua các giác quan chúng trở thành những cảm giác và được đưa vào thế giới bên trong là thế giới của não bộ (ý căn), cũng là một sắc pháp. Ý căn làm việc theo những nhiệm vụ chuyên biệt (như tri giác, ghi nhớ, tưởng tượng, suy nghĩ…).

Sau khi đi ngang qua một giác quan, cảm giác được xử lý (traiter) bởi ý thức, được nhận diện, đặt tên và gắn cho nhiều thuộc tính: xấu, đẹp, đáng ưa, đáng ghét, đáng buồn, đáng sợ,… từ đó nó trở thành một tri giác (perception). Tri giác là sự diễn dịch một cảm giác thành ý nghĩa. Như khi ta nghe một âm thanh, ta biết đó là tiếng chim hót, chớ không phải là tiếng chó sủa. Như khi ta nhìn con gà, ta biết đó là con gà chớ không phải là con chim quốc (trông gà hóa quốc). Trừ phi con người bị chứng sự mất nhận thức (agnosie).

Mỗi người có một cái nhìn khác nhau về cùng một sự vật, tuỳ theo sự hiểu biết, trình độ văn hoá và tâm linh hay tâm trạng của người quan sát (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ). 


Từ Tri giác đến Tư tưởng và Hành động

Tri giác được phân tích, đánh giá, phê phán, rồi sau đó óc não sản xuất ra tư tưởng.Tư tưởng là sản phẩm của tâm-não. Tới đây hành trình tư tưởng sẽ chia ra hai ngã.Một ngã, chúng ta có những tà tư duy, những ý tưởng tiêu cực ,xấu xa đen tối. Những ý tưởng nầy làm khởi sanh những cảm xúc tiêu cực như :tức giận, sợ hãi, đau buồn hoặc lo âu. Rồi những cảm xúc nầy, tới phiên chúng gây ra những phản ứng xuẩn động : mắng chửi, đánh đập, tàn hại hay tự mình làm khổ mình, khổ người. 

Con người bị giam hãm trong cái vòng luẩn quẩn đen tối : tà tư duy <=>cảm xúc <=>phản ứng. Cái nầy sinh ra cái kia và ngược lại.Con người bị nhốt chặt trong ý nghĩ , cảm xúc và phản ứng của chính mình.

Ngã thứ hai là ngã chánh đạo: con người sẽ có tư tưởng thiện lành (chánh tư duy), có những lời chân thật dịu dàng (chánh ngữ), có những hành động hướng thiện (chánh nghiệp) .


Cái gì có thể phá vỡ cái vòng lẩn quẩn đen tối trên và chuyển đổi, ngăn chận ta đi theo đường tà ?

- a/ Đó là cái ý chí không theo tà hạnh (bonne volition)muốn hành động làm chủ cuộc đời mình, chớ không bị động quay cuồng trong vòng cảm xúc, xuẩn động.Ý chí muốn tạo nghiệp lành, không tạo nghiệp ác.

- b/ Đó là sự  chú tâm (attention) ghi nhận 6 trần khi nó vừa lọt vào 6 căn 

- c/ Đó là sự sáng suốt, tỉnh giác (vigilance) không để tham sân và vô minh chi phối tâm mình.


Ba yếu tố nầy là nền tảng căn bản của Thiền Quán, sẽ được rèn luyện, dùi mài khi ta thực hành thiền trên. Lâu ngày chày tháng ba yếu tố trên sẽ trở thành phản xạ, sẽ gắn liền với tâm tư, ngôn ngữ và hành động của ta, giúp ta sống « cư trần, lạc đạo » trong dòng đời quay cuồng biến đổi và giúp ta một ngày nào đó sẽ thoát vòng tục lụy đau khổ nầy. Vấn đề quan trọng cần hiểu là tâm thức vận hành theo 2 cách:

-cách chủ động với ý định theo dõi kiểm soát tư tưởng và hành động để đạt tới mục đích mong muốn, trong những trường hợp mà việc làm có tính cách mới mẻ hay rắc rối.

-cách tự động máy móc (automatisme cognitif) khi việc làm đã thành thói quen, phản xạ không cần suy nghĩ, không cần tốn nhiều năng lượng.


Nguyễn Tối Thiện 
(04/09/2023)