Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Luận Án: Cử Nhân Khoa Học - Đại Học Khoa Học Cần Thơ 1973 - (Lê Thị Kim Phượng) - Phần 2

  



(Sẽ Tiếp Phần 3)

Sinh Viên Đệ Trình Luận Án: Lê Thị Kim Phượng
Giáo Sư Hướng Dẫn: Phạm Hoàng Hộ

Cho Đỡ Sầu Nhớ Ai

 

Chiều nay bỗng mát lạnh
Mùa Đông vừa chớm sang
Nhớ người vợ yêu dấu
Đã lâu xa cách nàng!

Bà ơi gần 2 năm
Hằng đêm lạnh chỗ nằm
Sống tiếp đời cô lẻ
Đếm từng ngày, tháng, năm…

Tôi nhớ bà mỗi tối
Mời bà xem tivi
Bà cười “tôi quá bận”
Mà tivi… có gì?

Ối trời vui như Tết
Phim, hài kịch, nhạc vàng
“Tôi xem hoài phát mệt
Chuyện nhà ai đảm đang.?!”

Gió bấc về lai rai
Nghe lạnh suốt đêm dài
Bần thần ngồi viết lại
Cho đỡ sầu nhớ ai…

Dương hồng Thủy
(Cuối Thu 2022)

Hoa Đô Sáng Nay

 

Hoa Đô sáng sớm, một màu tang
Trời khóc chi đây lệ đổ tràn
Cảnh vật chìm vào màn mưa bụi
Lữ khách nhớ nhà, dạ xốn xang.


Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Tương Tư Chiều(Xuân Diệu) - Lovesick Even(Thomas D. Le)

 

Tương Tư Chiều

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm,
Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối.

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ.

Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ.
Thôi hết rồi! còn chi nữa đâu em!
Thôi hết rồi! gió gác với trăng thềm,
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi.

Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi.
(Được giận hờn nhau! Sung sướng bao nhiêu!)
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh.

Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời,

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm.
Em! xích lại! và đưa tay anh nắm!
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi,
Mà kỷ niệm ôi, còn gọi ta chi...


Xuân Diệu
***
Lovesick Even

This cold day the sun goes to bed early.
I miss you, dear, I miss you so.
Nothing sadder than a still eve
When gloam mixes with the last rays.

The dragging wind glides o'er the tangled grass
Amid snippets of night darkly hiding among the limbs.
The clouds follow their birds to green mountains
In flocks and rows silent in unison

While gray skies nigh dissolve into moist tears.
It's over now! What's left, my dear?
It's over now! no wind through loft nor moon on porch
With dewy leaves falling on our heads bound.

No more jealousy or anger or spite
(What a bliss to be mad at each other!)
Now 'lone, I hear the whole even
Seeping slowly into my lonely soul.

I miss your voice, your figure, your image.
I miss you, dear, oh how I miss you, dear!
And I recall those days so far away.
I miss your lips that smiled in country far

And eyes on me that filled with passion deep.
My dear, come close! Give me your hand!
O wind, thy gusts that brought me memories!
O memories, what good thou call'st me for?

Translated by Thomas D. Le
28 October 2004

Vu Lan Chùa Kiều Đàm

 

Ngôi Chùa sư nữ Kiều Đàm
Sáng nay tổ chức Vu Lan đẹp trời
Dẫu thu đang chớm nửa vời
Vẫn còn bóng hạ nắng ngời sáng trong

Nắng chen cành lá thong dong
Nắng ươm hoa cỏ gió hong nhẹ nhàng
Thầy ban thời pháp lời vàng
Hồn nương ký ức lang thang trở về

Nâng niu kỷ niệm say mê
Những rằm tháng bảy luôn kề mẹ tôi
Lên Chùa dự lễ vui ôi
Người đông được hưởng chè xôi, bánh tràn

Dòng sông dĩ vãng mơ màng
Người cài hoa trắng tỉnh ngàn mộng xưa
Buồn tênh tiếng hát vọng đưa
Lại thêm nhớ mẹ cố ngừa lệ rơi

Hương trầm ngan ngát quanh nơi
Niệm thầm Bát Nhã lắng vơi nỗi niềm
Hồn du theo bóng mẹ hiền
Nghĩa tình sâu nặng thiêng liêng bến bờ

MC dẫn những câu thơ
Chạm tim con đậm thẩn thờ quặn đau
Hồi chuông thức tỉnh đê đầu
Trì kinh bái Phật nguyện cầu mẹ yêu

Vong linh thoát độ tiêu diêu
Về miền cực lạc bao điều an nhiên
Vu Lan lễ hội mãn viên
Đẹp thay truyền thống giữ nguyên xứ người
Hân hoan tứ chúng nụ cười
Chan hoà trời đất xinh tươi thỏa lòng

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 8/21/2022

Ngày Lễ Vu Lan


Ngày lễ Vu Lan, trong ngôi chùa thân quen, để thêm sức chú nguyện và cầu siêu cho những hương linh cha mẹ Phật Tử. Hương linh thờ tại chùa cũng như tất cả các hương linh quá vãng. Thầy đã mời khá nhiều chư tăng. Những chư tăng ở các chùa quanh vùng và cả những vị sư thuộc phái Nam tông tu ở các chùa xa. Các vị sư này thuộc các chùa Thái Lan, chùa Lào, chùa Khơ Me (Khmer)... mà mỗi năm đi hành hương thầy thường đưa Phật Tử đến viếng. Các vị sư không biết nói tiếng Việt, họ tụng kinh bằng tiếng bản xứ hay tiếng Pali và giảng pháp bằng tiếng Anh. Thầy đứng bên dịch lại cho Phật Tử nghe những lời Sư nói.

Thầy quan niệm cúng dường chư tăng là một hành động tạo phước báo cho mỗi Phật Tử. Cúng ít nhiều không thành vấn đề, chỉ cần tâm thành và hạnh nguyện. Thầy mời chư tăng là tạo điều kiện để Phật Tử gieo hạt giống phước báo cho mình. Thầy chuẩn bị những món quà nho nhỏ như kẹo, bánh ngọt và những thứ gọn nhẹ để làm phẩm vật cúng dường. Thầy dạy các cháu học trò trong lớp học Việt Ngữ và các cháu trong gia đình Phật Tử đứng thành một hàng dài. Khi một vị tăng đến, chắp tay thành kính xá một xá và bỏ phẩm vật vào bình bát. Thầy tập cho các cháu cái tâm bố thí và cúng dường. Vì vậy mỗi lần có lễ lớn, thầy đều để các cháu thực hành điều ấy. Các Phật Tử ai có gì cúng dường chư tăng thì cứ đứng vào hàng, bỏ phẩm vật vào bình bát mỗi người.

Khi chắp tay xá chư tăng cung kính là mình đã trở về tánh Phật trong con người mình. Lúc đó những sân si, hơn thua dừng lại để phát triển tâm từ bi. Không biết các Phật Tử có hiểu được ý thầy và thực hành được gì không. Nhưng mọi người ai nấy đều hoan hỷ.

Sau buổi lễ tôn nghiêm nơi hội trường, các chư tăng ôm bình bát đi dài từ hội trường hành lễ đi lên chánh điện và vào nơi thọ trai. Phật Tử đứng chắp tay hai hàng tụng "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật" vang lên theo tiếng khánh. Những bước chân thật chậm thiền hành, những vị sư, vị tăng đi trong chánh niệm. Áo cà sa vàng tạo thành một dãy dài sáng rực trong ánh nắng buổi trưa thật đẹp.

Sau khi Chư Tăng đã đi qua hết, các Phật Tử về tập trung tại nơi thọ trai. Mọi người quỳ xuống trang nghiêm để cúng dường. Thầy trụ trì lên tiếng cảm tạ công đức quý chư tăng, sư, ni về đây chứng minh cho ngày ngày lễ ở chùa. Một Phật Tử đại diện tác bạch và tất cả Phật Tử lạy ba lạy cúng dường.
Các vị Sư tu theo lối Nam Tông chỉ thọ trai một buổi trong ngày vào giờ ngọ, nên thầy đã tổ chức buổi lễ thật đúng giờ. Hai bên dãy bàn dài quý Chư Tăng đang ngồi chắp tay mắt nhắm lại chú nguyện. Trước mặt quý ngài là những bình bát đã được Phật Tử cúng dường. Thức ăn được để sẵn, bọc lại cẩn thận . Thức ăn do ban trai soạn nấu và Phật Tử nấu ở nhà đem đến.

Trước tiên là các chư tăng, đại đức niệm kinh, sau đó là các vị sư thuộc phái Nam Tông. Tiếng niệm kinh vang lên rõ ràng và mạch lạc. Nhất là âm điệu của thời kinh tiếng Pali của các vị sư nghe thật hùng hồn, đầm ấm nhưng có một uy lực thật lạ. Theo thầy, tiếng Pali là ngôn ngữ Phật đã dùng khi còn tại thế. Cầm chén cơm trên tay, các ngài chú nguyện trước khi thọ thực. Mỗi nghi thức đều được thực hiện đồng loạt, nhuần nhuyễn một cách thiêng liêng. Cho thấy ăn một hạt cơm cúng dường của bá tánh không phải chuyện dễ dàng.

(Ảnh: Tác giả)

Ánh nắng ban trưa chiếu vào những chậu hoa lan treo xung quanh dãy nhà dùng làm nơi thọ trai của chùa. Hoa mùa này không nở nhưng với bàn tay khéo léo xếp đặt của Sư Cô. Những chậu hoa lan, Hoa sứ bonsai đã tạo nên một khung cảnh thật đẹp tăng thêm thi vị cho khung cảnh nhà chùa.
Nhìn xéo qua một chút, phía bên kia là một hồ sen nhân tạo. Lúc trước nơi đây đặt một bức tượng Quan Thế Âm. Bức tượng nhỏ thầy thỉnh về an vị ở đó. Phật Tử và thầy trụ trì bỏ rất nhiều công khó khuân về từng cục đá, từng cây sắt để dành. Khi đã đủ điều kiện và vật tư, ròng rã cả tháng trời mới thực hiện xong hồ nuôi cá và bệ thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Các anh trong nhóm đến làm thiện nguyện hàng tuần chăm chút từng viên gạch, từng chậu hoa. Họ không ngại công khó. Họ cũng không vào tụng kinh niệm Phật như các Phật Tử khác. Họ đến thật sớm rồi lao vào làm việc. Đến trưa, sau khi các cháu học sinh tan lớp và ăn xong thì thời cúng ngọ cũng mãn. Thầy mời mọi người dùng bữa. Các anh rửa tay vào ăn chung rồi làm tới tối mịt mới về nhà. Khi hoàn thành xong công trình họ cung kính chấp tay xá Quan Âm với tất cả lòng thành. Họ hồi hướng công đức cho tất cả Phật Tử đến chùa.

Hòn non bộ nho nhỏ xinh xinh, tượng Đức Quan Âm hiền từ cầm nhành dương liễu đứng một cách trang nghiêm. Đàn cá vàng tung tăng bơi lội thật an bình. Khung cảnh tĩnh lặng và thật từ bi.
Phật Tử tới chùa, sau khi vào chánh điện lễ Phật đều ghé qua đây đốt hương lễ bái. Đây là tượng Phật lộ thiên nên bao nhiêu người lui tới, dù có trải một tấm thảm nhỏ nhưng vẫn rất dơ, nhiều bụi bặm và dấu chân. Có người đến lễ cởi giày, nhưng cũng có người không tháo giày ra. Nên thường Phật Tử chỉ đốt hương cầu nguyện rồi xá ba cái lui ra. Có người thành kính hơn quỳ xuống đảnh lễ. Nhưng khi cúi đầu lạy phải nín hơi một chút để khỏi hít cái mùi từ dưới thảm bay lên.

Dàn hoa vàng trồng ngày nào được hưởng sự từ bi của Phật nên lớn thật nhanh. Lá xum xuê, hoa phủ xuống vàng rực thật đẹp. Những chú cá vàng lớn thật nhanh, đủ màu sắc và nhởn nhơ bơi lội. Tuần nào cũng có các cháu nhỏ đến xá Phât rồi chơi với đàn cá thật dễ thương.
Vào một ngày chủ nhật vía Phật, ban trai soạn còn lo nấu nướng trong bếp, Phật tử chưa tới giờ làm lễ còn từng tốp trò chuyện, thầy đã cho phép vớt cá lên. Tối qua thầy đã tụng kinh và chú nguyện cho đàn cá trong hồ và quyết định hôm nay gửi đi nuôi nơi khác.
Phật tử xôn xao và tiếc rẻ nhìn từng con cá rất lớn đủ màu được cẩn thận vớt lên bỏ vào những cái thùng thật to để chuyển đi. Hỏi thì thầy chỉ nói:
- Mình không đủ điều kiện nuôi tiếp thì để người khác nuôi tốt hơn.
Nhưng thật ra thầy không muốn thấy thỉnh thoảng có những con chim tinh quái đến rình để săn mồi. Lại đôi khi có cá bị chết hay bệnh phải vớt lên. Thầy đi đâu cũng lo cho hồ cá đã được cho ăn chưa. Thầy nghĩ đến sự tù túng, giam hãm chúng sinh. Thầy quyết định dùng hồ này để trồng sen.

Bây giờ sen đã được trồng lên lá xanh phủ gần kín mặt hồ. Tượng Quan Thế Âm thầy chuyển đi nơi khác vì đã có một tượng thật lớn uy nghi ở trước hội trường. Thầy đặt vào đó tôn tượng Phật Thích Ca. Tấm thảm được dẹp đi. Mọi người có thể đến đốt hương chắp tay chiêm bái xá ba xá tỏ lòng thành kính là đủ.
Khi các thầy ngồi thọ trai, các Phật Tử đến chùa cũng được dùng bữa ở dưới hội trường. Thức ăn thật nhiều do quý sư cô và ban nhà bếp nấu. Hôm nay có phở, có bánh ít trần, có chả giò chay, có xôi, chè, nước mía và nhiều món khác.

Món Phở là món chủ đạo. Tất cả đã được chuẩn bị để sẵn trong tô được bọc lại cẩn thận. Tới giờ ăn, mọi người ngồi vào bàn, có để sẵn rau, tương ớt, tương ăn phở và muỗng, đũa, giấy lau. Phở được người phụ trách chan nước vào. Các cháu, các anh trong nhóm tiếp đãi bưng đến tận bàn. Nếu muốn ăn thêm cứ lên tiếng gọi. Phần thức ăn khác thích thứ nào cứ tới bàn đó có người phục vụ. Ăn xong không cần tới lui cầm tô đi dẹp. Các cháu Phật Tử rất dễ thương sẽ đến mang đi dọn rửa.
Chùa không giàu, nghèo là đàng khác. Nhưng thầy, Sư Cô và các Phật Tử ở chùa lấy cái tâm cúng dường là chính. Cúng dường có nghĩa là làm cho mọi người được vui được hạnh phúc bằng khả năng mình. Như Thầy hay Sư Cô khi có người quá vãng cần đến để làm lễ là sắp xếp đến ngay. Ở chùa mỗi tuần cúng vong, cúng thất thì bếp chùa nấu gì cúng đó. Không đòi hỏi ra giá hay hơn thiệt. Có người xong việc tang ma, đem cái hộp cốt lên chùa rồi thì biến dạng. Hiếu sự, nghĩa sự cũng giao cho nhà chùa.
Các Phật Tử ở chùa không nhiều nhưng gắn bó từ lúc chùa còn hoang sơ. Nên họ coi như đây như là một gia đình. Ngày lễ lớn, họ góp tiền nấu nướng cúng dường phục vụ bá tánh. Người nào phụ trách nấu ở chùa thì nấu, người nào nấu ở nhà thì đem đến thì đem. Họ biết Sư Cô dù làm đồ chay để bán nhưng thu nhập không là bao. Góp một chút công đức cũng là một việc mà người con Phật phải làm.

Sư Cô cũng chuẩn bị một số thức ăn chay để Phật Tử bán dùm như bánh bột lọc, bánh tét, mắm chay, chao, dưa món... Tiền nhận được sẽ dùng trang trải những khoản chi tiêu trong chùa.
Có những Phật Tử khi đi làm đã nhận đặt thức ăn chay cho các bạn chung sở và đem giao dùm. Thức ăn tinh khiết, thanh đạm và lấy công làm lời của Sư Cô nhiều người rất thích. Cho nên sư cô thỉnh thoảng cũng có công ăn việc làm.
Vào những ngày lễ lớn hay Tết, tội nghiệp Sư Cô cả ngày hì hục trong bếp, lau lá, gói bánh, làm đồ chay. Đâu phải chỉ vài ba chục người dùng, mà lượng Phật Tử đến viếng chùa lễ Phật rất đông vào ngày Tết. Những đoàn xe tới hành hương đôi khi lên đến tám chiếc một ngày. Mà Thầy thì luôn lo cho bao tử của mọi người. Đến chùa lễ Phật, dùng chay xong thầy còn lo gói gửi theo để Phật Tử dằn bụng đường xa.
Ngoài những thức ăn chay, cũng có một quày bán hoa lan do Sư Cô cắm để Phật Tử đem về cúng Phật tại nhà. Sư Cô có khiếu thẩm mỹ và cắm hoa rất đẹp. Người cũng có tay trồng và chăm sóc hoa. Trong chánh điện những bình hoa to hoa nhỏ được Sư Cô chăm chút cắm thật nghệ thuật. Sư cô tận dụng những cây trồng trong sân chùa để làm nền. Những bình hoa đó chi phí không nhiều nhưng rất đẹp, tăng vẽ trang trọng, uy nghi trên bàn thờ Phật.
Dưới bàn tay nhỏ nhắn của Sư Cô, dường như mỗi chậu hoa đều có linh hồn và biết hoan hỉ trước mọi sự việc. Xung quanh chùa những cảnh trí thật nghệ thuật đều do Sư Cô chăm chút tỉ mỉ tô điểm. Một cục đá vô tri. Sư Cô viết lên đó vài câu kệ với thư pháp thật đẹp. Chỉ thêm vào vài nhánh cây, một chút trang trí, hòn đá đã biết nói và truyền tải đi một sức sống, một lời khuyên hay một bài pháp.

Ngày thường tới chùa sẽ gặp ông thầy trụ trì đào đào cuốc cuốc. Cái nón bành che gần khuất khuôn mặt đen sạm, nhỏ nhắn. Tấm thân ốm yếu khi điều khiển chiếc xe ủi đất, thầy ngồi lọt thỏm trông thật tức cười. Sư cô thì hì hục với đống đá, bưng từng cục rồi xếp như thế nào cho đẹp cho có linh hồn. Mười Tám vị La Hán đã được an vị rải rác trong khuôn viên chùa. Mỗi vị chiếm một không gian riêng. Một phạm vi nhỏ nhắn, trang nghiêm đầy chất thiền và nghệ thuật. Bàn tay các sư cô chai vì làm việc, gương mặt nám nắng bởi cả ngày ngoài vườn. Nhưng nụ cười lúc nào cũng hoan hỉ, vui vẻ và yêu đời. Sư cô nói Đi tu là hạnh phúc, là thực hiện được tâm nguyện thì tại sao lại không vui. Thân này rồi sẽ hoại, nhưng chánh pháp thì đời đời.

Ngày lễ Vu Lan, Phật Tử đến chùa dâng hoa cúng Phật, tụng kinh cầu siêu cho cha mẹ vãng sinh, cầu bình an cho cha mẹ hiện tiền. Nhưng cái chính là nghe pháp và sống thật tốt với cha mẹ ở nhà. Dù cha mẹ già có sinh tật cũng biết tính ý mà uyển chuyển chiều chuộng, không làm cho cha mẹ tủi thân và buồn khổ. Cha mẹ đau yếu, bệnh tật phải năng thăm viếng và chăm sóc. Hiếu để phải thực hiện khi người còn sống. Đừng để cha mẹ qua đời mới khóc lóc tiếc thương.

Làm cha mẹ cũng đừng vì nghĩ mình có công sinh dưỡng mà tai ngược khó khăn làm khổ con cái. Cha mẹ và con có duyên với nhau từ kiếp trước. Con cái với mình đôi khi là nợ phải trả, đôi khi là ân được đền bù. Được và mất cũng là nghiệp và phước báo do mình tạo ra.
Làm cha mẹ hãy làm hết khả năng và trách nhiệm của mình với tất cả các con không thiên vị. Cùng được sinh ra, cùng lối giáo dục nhưng có đứa thật ngoan cũng có đứa hư hỏng. Đứa giỏi thành công, ta không nên quá coi trọng. Đứa thất bại không nên hất hủi, chê bai. Cũng không phải đổ cho nghiệp mạng rồi buông tay để mặc nó làm gì thì làm. Phải dùng hết khả năng, tình thương và sự giáo dục để giúp chúng sửa sai, mạnh dạn đứng lên xây dựng tương lai.

Khi con đã trưởng thành cha mẹ cũng phải tôn trọng sự riêng tư và quyết định của chúng. Đừng đem lên bàn cân để hơn thua với con dâu hay con rể. Hãy thông cảm với con cái vì nó còn một gia đình phải lo lắng bảo bọc. Cũng đừng xem con như lúc còn bé mà dang tay quá rộng chở che hay cung phụng để chúng ỷ lại.
Hãy chấp nhận rằng khi mình bệnh hoạn, già yếu phải cần có người chăm sóc, nhưng người đó không nhất thiết phải là con mình. Bởi vì nuôi con ăn học, hy sinh cho con không phải là bắt nó bỏ tất cả công việc và gia đình để ở nhà chăm sóc cho mình.
Sinh tử luân hồi. Có sinh sẽ có diệt. Cha mẹ khuất núi rồi cũng sẽ tới phiên ta. Hãy sống vui và cảm thông trong mọi công việc, mọi con người. Được như vậy, sẽ thấy giảm bệnh tật, hoan hỉ trong cuộc sống.

Rồi cũng sẽ có một ngày, vào lễ Vu Lan, con cháu sẽ quỳ xuống như ta bây giờ mà cầu nguyện hồi hướng cho ta. Lúc ấy trong tâm tưởng con cháu chúng ta, tất cả những gì tốt hay xấu mà ta đã làm sẽ hiện ra rõ ràng trong ký ức chúng.
Đâu có ai muốn con cháu tưởng nhớ là những hình ảnh không đẹp mà mình đã làm lúc tại thế.
Cho nên ngay từ bây giờ hãy sống thật dễ thương.

Nguyễn Thị Thêm.

 

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Luận Án: Cử Nhân Khoa Học - Đại Học Khoa Học Cần Thơ 1973 - (Lê Thị Kim Phượng) - Phần 1

 

TRANG 1



(Sẽ Tiếp Phần 2)

Gởi Em

 

Đây bài thơ vừa viết trong đêm vắng
Gởi cho em lời tha thiết trong tim
Đã bao đêm anh vẫn mãi đi tìm
Nhưng nào thấy bóng chim tăm cá
Sao trống trải những ngày không gặp gỡ
Đêm cô đơn bao giây phút thẩn thở
Tiếng cắc kè than thở đọng niềm riêng
Anh thao thức nghe lòng mình trăn trở
Có những lúc muốn quên đi tất cả
Quên cả em quên cả những nhớ mong
Nhưng vắng em như bướm chẳng còn hoa
Và chỉ có những vầng thơ sầu mọng
Có những đêm ánh trăng tà nhạt bóng
Ngồi một mình trong căn gác đơn côi
Cầm bút lên nghe dao động bồi hồi
Bao thi ý chừng theo em tan biến
Tự trách mình sao để lòng xao xuyến
Khiến lời thơ nhạt nhẽo chẳng ra hồn
Chắc có lẽ thiếu em nên không còn cảm hứng!?

Quên Đi

Nhớ Trăng Xưa


(Họa Sĩ Nguyễn Đình Thuần)

Ðêm nay ta đứng ngoài hiên lạnh
Chợt thấy vầng trăng, trăng mới lên
Trăng rọi phương người sao lạnh lẽo
Mang mang một nỗi nhớ không tên

Trăng trải mười phương, ta đứng đây
Quê hương nỗi nhớ vẫn vơi đầy
Bao giờ tìm lại trăng phương cũ
Rũ hết phong trần … với đắng cay

Thuở ấy, người đem thơ tặng ta
Trong thơ ướt đẫm ánh trăng ngà
Thơ người trong sáng như vầng nguyệt
Nhưng có ngờ đâu …lại cách xa

Mảnh tình xin gửi lại trăng xưa
Chẳng trách tình sao quá hững hờ
Dẫm gót sương khuya mòn lối nhỏ
Tháng ngày còn lại … mấy vầng thơ


Nguyễn Phan Ngọc An

Một Mình Ta

 

Đã mười năm xa cách
Đời ta lắm lao đao
Đời em nhiều lận đận
Sau mười năm gặp lại
Em đã già hơn xưa
Ta cũng không còn trẻ
Chuông nhà thờ ngưng đổ
Từ thánh đường bước ra
Em nhìn ta trố mắt
Ta nghiêm chỉnh đứng chào
Em khoác áo dòng tu
Ta sờn vai áo trận
Ta buồn hay ta vui!!!???
Hai mươi năm quay lại
Em đã vào thiên thu
Sân nhà thờ hoang lạnh
Tượng Chúa cũng buồn tênh
Chuông nhà thờ thôi đổ
Ta-Một mình -Thẩn thơ

Hoàng Long

Thân Phận Làm Người!

 

(Bài Hát Nói đáp lễ Đồng Môn Đồng Hương Nguyễn Thị Dung đã gởi đến ngày 25/08/2022 một bài viết đọc mà ngậm ngùi mang tựa đề “Hồng Trần Mấy Kiếp Rong Chơi”. Kính mời Quý thi Hữu họa lại bài Hát Nói này.)

Bác gởi cho tôi “Hồng Trần Mấy Kiếp”!?
Ngọc Hằng kể cho Bác những tội nghiệp của Người Già!
Đang sống vật vờ trong Viện Dưỡng Lão một miền xa!
Ăn không buồn ăn! Nói chẳng muốn nói! Ngủ gà ngủ gật !

Có phải nhìn đây như sự thật!
Làm sao biết đó tựa cơn mơ?
Những con người vốn quyền uy, giàu có, từng hai tay xoay chuyển các cuộc cờ!
Giờ sao lại ở đây? Sao lại thế này? Những bóng mờ dần trong quên lãng?

Vũ trụ mênh mông phải đo bằng những tỷ năm ánh sáng!
Loài người nhỏ bé quá chỉ ló dạng trong hạn trăm năm!
Vui đi kẻo khuyết trăng rằm!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 25/08/2022
 

Họa Bùi Địch “Đăng Tân Tân Tự Ký Vương Thị Lang” 和裴迪登新津寺寄王侍郎 - Đỗ Phủ

 

Họa Bùi Địch “Đăng Tân Tân Tự Ký Vương Thị Lang” 和裴迪登新津寺寄王侍郎 
• Hoạ thơ “Lên chùa Tân Tân gửi cho Vương thị lang” của Bùi Địch
Thơ"Trung Quốc" Thịnh Đường "Đỗ Phủ" Phiêu bạc tây nam (760-770)

和裴迪登新津寺寄王侍郎

何限倚山木,
吟詩秋葉黃。
蟬聲集古寺,
鳥影度寒塘。
風物悲遊子,
登臨憶侍郎。
老夫貪佛日,
隨意宿僧房。

Họa Bùi Địch Đăng Tân Tân Tự Ký Vương Thị Lang 

Hà hạn ỷ sơn mộc,
Ngâm thi thu diệp hoàng.
Thiền thanh tập cổ tự,
Điểu ảnh độ hàn đường.
Phong vật bi du tử,
Đăng lâm ức thị lang.
Lão phu tham phật nhật,
Tuỳ ý túc tăng phòng.

Dịch nghĩa


Sao lại phải dựa vào cây trên núi,
Ngâm thơ trong cảnh lá thu vàng.
Tiếng ve tụ lại nơi chùa cổ,
Bóng chim chiếu dưới ao lạnh.
Cảnh vật này làm kẻ lang thang đau lòng,
Tới chùa leo lên coi, nhớ đến Vương thị lang.
Thân già này ham những ngày bên Phật,
Nên tuỳ ý mình ở lại nơi phòng dành cho các nhà sư.
(Năm 760)
[Trích từ trang Thi Viện]
 ***
Họa Bài “Lên Chùa Bến Mới Gởi Vương Thị Lang” của Bùi Địch

Sao dựa cây trên núi
Ngâm nga thu lá vàng?
Chùa xưa ve rộn tiếng
Hồ lạnh bóng chim hoang
Cảnh vật buồn du khách
Lên thăm nhớ thị lang
Già vui ngày tháng Phật
Tự ý nghỉ phòng tăng!

Lộc Bắc
Aug22

Bóng Mây


Mùi thơm của đĩa thịt gà kho nghệ sả ớt như cuốn hút mọi người, tỏa ngát chiếm trọn cả bầu không gian nhỏ của căn bếp ngay giữa nhà. Hữu hít một hơi dài như muốn hít hết cả bầu trời thơm phức vào mũi, vội đến bên Nhàn nhẹ hất ra sau mấy cọng tóc bám nhẹ trên vành tai nàng, tay dịu dàng nâng cằm vợ: "Món này em nấu ngon hơn tiệm nhiều, anh mê cái món này của em."

Cuối tuần vừa qua Nhàn nấu nồi bún bò Huế thơm lừng mùi sả, nung núc giò nạc, những viên chả cua hồng vàng tròn căng trong nồi nước bún phủ đầy màng ớt đỏ thắm. Hữu lại đến ôm vai vợ, tay kia xoa nhẹ vào má Nhàn đang đỏ hồng vì hơi lửa: "Điệu này thì các quán bún bò Huế phải khoanh tay đứng nhìn cái quán bún đông như kiến của em, và anh là khách hàng mỗi ngày."

Khi Nhàn nấu nồi phở Bắc, màu nước soup trong vắt sóng sánh ánh sao mỡ vàng sáng lung linh, đọt hành lá chẻ dài xanh cùng những khoanh hành tây và những nhúm nhỏ hành ngò trắng xanh trôi nổi bập bềnh trong chiếc tô lớn có chút sợi phở trắng. Mùi thơm của quế, ngò gai cùng ngũ vị hương trộn lẫn vào nhau, căn nhà bếp bỗng trở thành nơi chốn của một thế giới hương thơm huyền bí. Hữu lại gần vợ, đặt nhẹ một nụ hôn lên trán nàng, xuýt xoa: "Nhà mình sẽ không bao giờ đi ăn phở ở ngoài tiệm nữa”.

Có lần Hữu sốt nhẹ vì phơi nắng lâu ngoài hồ tắm sau nhà, Nhàn nấu nồi cháo gà Hen với hột sen khô Huế, đậu xanh, thuốc bắc. Hữu khoắng nhẹ chiếc muỗng nhỏ, nhấp thử một chút cháo, hít sâu vào mũi mùi thuốc bắc đầy vị thơm kích thích. Lần này thì như một thứ bất lực của ngôn từ, chàng lắc đầu như tỏ vẻ một bái phục tuyệt đối: "Từ đây anh không còn muốn ăn cháo gà của mẹ nấu nữa."

Vậy mà Nhàn đã không còn là một tuyệt đối trong lòng chồng. Căn bếp hồng ướp mùi thơm không còn là một thế giới huyền bí đầy hương liệu hạnh phúc của hai người. Hữu đã vụng trộm yêu thương một người con gái khác. Người chồng tốt đã là tên tội phạm xé rào trèo tường lén lút hái trộm trái chín để nếm thêm những vị ngọt của khu vườn cấm.

Một ngày, sau bữa điểm tâm nhanh chóng, Hữu vội vã ra khỏi nhà cho kịp buổi họp tại sở, chàng đã để quên chiếc bóp nhỏ trên bàn làm việc ở phòng đọc sách trong nhà. Chiếc ví nhỏ da đen, xinh xắn nằm lẻ loi bị bỏ quên trên mặt bàn đã là một hung thủ gây tai họa. Nhàn thấy định cất vào ngăn kéo cho chồng, nhưng lạ thay, ngăn kéo lại khóa kín. Khác với lệ thường, ngăn kéo luôn luôn mở ra được. Không một ngăn tủ nào trong nhà bị khoá vì cả hai đều tôn trọng cái hiệp ước ký kết dân chủ của sự thành thật, không giấu diếm gì nhau. Cảm giác chiếc ví chứa những tấm card nhỏ dưới tay mình như có một điều gì lạ lẫm hơn. Chút tò mò, nàng mở nhẹ ngăn có dây kéo. Chiếc chìa khóa nhỏ lấp lánh hiện ra trong tầm mắt ngạc nhiên của Nhàn. Cái vật nhỏ bằng kim loại ấy như kênh kiệu thách thức đã đánh thức lòng hiếu kỳ, muốn khám phá bầu trời riêng của chồng, và nhất là cái quyền tối thượng của một người vợ biết giữ gìn vật báu hạnh phúc của gia đình. Một thoáng lưỡng lự rồi không ngăn nỗi ngần ngại, Nhàn đút trọn chiếc chià khóa vào ổ, xoay hai vòng, ngăn kéo được mở ra như một thế giới bí ẩn được khai phá. Dưới mắt nàng như hiện thân một khỏa thân của sự bí mật: những tấm card business nhỏ của chồng ghi ngày hẹn, những bill thanh toán những bữa ăn tối ở những nhà hàng sang trọng nổi tiếng và ngay cả tấm thiệp chúc mừng sinh nhật chỉ in hình một cành hoa còn phảng phất mùi hương của loại nước hoa đàn bà đắt tiền. Tất cả là một hiện thực rõ rệt trước mắt Nhàn. Đôi tay run rẩy, Nhàn vơ vội đống giấy vào lòng, ôm chặt rồi bóp mạnh như muốn nghiền nát những tờ giấy vô tri nhưng có tội đồng lỏa, như ôm chặt những mảnh vụn của trái tim bị vỡ tan. Nàng muốn xé tan cho vụn nhỏ từng tờ giấy, đốt tan từng chữ của chồng như xé tan những vật chứng như những ánh chớp trong đêm để bắt đầu cho một cơn sóng bất hạnh tràn vào chiếc thuyền hạnh phúc của gia đình nàng. Đám giấy vô tâm trước mặt Nhàn như hợm hỉnh trêu chọc, nheo mắt khêu khích rồi hóa thành từng đám khói mù vờn quanh nàng thành từng vòng tròn xoắn lấy Nhàn, xiết quanh cơ thể nàng đến ngạt thở. Nhàn quỵ xuống, đổ gục như thân cây bị đốn ngang ngã trên nền gạch láng. Nàng bật khóc, tiếng khóc bật ra, uà vỡ như ngọn sóng thần dâng ngập cả đại lục bình yên của Nhàn.

Sau cuộc họp mà Hữu cố tình sắp xếp cho qua nhanh trong trạng thái tinh thần như bấn loạn, lo lắng. Hữu vội vã lái xe về nhà. Người chồng đang trong sự thành công và tự mãn bỗng nhiên như lúng túng, dè dặt bấm nút mở cánh cửa nhà xe, rồi cửa nhà khách, nhẹ bước đôi chân chủ nhân khi bước vào căn nhà sang trọng tiện nghi của mình. Thấy Nhàn ngồi bất động trên sàn gạch láng, đôi mắt mở ra vô hồn, đống giấy nhàu nát cùng những tấm thiệp nhỏ rơi lòa xoà quanh chân. Kẻ phản bội biết ngay rằng những bí mật trong ngăn kéo đồng lõa ấy đã bị phơi bày soi sáng dưới ánh mặt trời sáng suốt vô tình. Hữu nhẹ nhàng lui bước, im lặng. Đến phòng khách, chàng ngần ngừ như muốn quay lại nhưng rồi lại vụt quay đi bước vội ra xe. Tiếng rú xe nghe như bực dọc, tiếng nổ máy mạnh hơn, rồi chiếc xe láng bóng lao nhẹ trên lối đi trải sỏi ra tận cổng. Hữu bỏ đi, để lại đàng sau một mình Nhàn đang lặng lẽ khóc trên những vỡ vụn của bức thành đổ nát. Trái tim nàng đã bị ánh mắt lạnh lùng của chồng xuyên thủng còn hơn bị hàng trăm mũi tên độc bắn vào. Đàng sau những tấm cửa kính trong suốt của những khung cửa sổ lớn phủ rèm nhung màu kem, bầu trời trong veo cùng cây lá rung rinh trong nắng mai của khu vườn xanh biếc bỗng hóa thành bóng tối đen thẫm. Những giọt nước mắt cuả Nhàn chảy dài trên má như những giọt mưa nặng trĩu, rơi vào lòng nàng, tiếng thánh thót của giọt mưa như những tiếng chuông cuối cùng báo hiệu để chấm dứt chuỗi ngày dài hạnh phúc bên chồng. Điều đã xảy ra cho Nhàn như một cơn ác mộng. Nhàn chưa có khi nào nghĩ đến sự phản bội vì tuyệt đối tin vào tình yêu của chồng.

Dần dần Nhàn trở nên im lìm xa vắng,rồi bất động với chính mình. Bao quanh nàng là lớp màn sương giá phủ kín, Nhàn hóa lặng lẽ câm nín cùng chiếc bóng mình nhạt nhòa trên tường đá lạnh trong căn phòng riêng.

Cả tuần lễ đi qua, ngôi nhà như khô héo rũ xuống cùng cơn đau của vị chủ nhân. Những bữa ăn tối nồng nàn ngày nào nay là những bữa ăn lạnh giá lẻ loi ánh nến hồng. Thiếu vắng một trong hai người căn bếp ấm cúng hương vị vợ chồng bỗng thành một bãi đất hoang vu. Nhàn như con chim tự giam kín vào chiếc lồng son trong căn phòng lạnh lẽo, còn người đàn ông lại cố tình về muộn sau bữa ăn. Chỉ tội cho cô con gái, Thiên Trang. Cô bé chơ vơ như đang đứng giữa cuộc chiến thầm lặng, lạnh lùng của cha mẹ. Thiên trang cảm nhận ra sự lạ lùng khó hiểu trước đôi mắt hum húp sưng u ẩn của mẹ, ánh mắt dửng dưng lạnh nhạt của cha. Vì đang là kỳ thi cuối khoá của năm thứ nhất trường Dược, Thiên Trang chỉ biết rút mình vào phòng cùng đám bài vở.


Nhàn xếp gọn đống áo quần đã chọn lựa nén chặt vào chiếc vali lớn đã căng phồng những đồ cá nhân, trang điểm. Hộp nữ trang đầy ắp những món trang sức đắt tiền mà Hữu đã mua tặng, nàng ngần ngại như muốn trút giận lên nên đã để bỏ lại trên bàn. Lại những giọt nước mắt long lanh chảy ra nuối tiếc cho một áng mây hạnh phúc đã tan. Nhưng đôi tay xanh gầy như có một động lực vô hình, nàng lại bỏ chiếc hộp vào đáy vali như mang theo một chút vị ngọt an ủi cho nàng. Nhàn đã chuẩn bị thật gọn nhẹ cho một ra đi, trở về lại ngôi nhà thơ ấu cùng cha mẹ.

Khi giao lại chùm chìa khoá nhà và xe cho Thiên Trang, Nhàn ngồi lại trong phòng con gái và kể hết cho con nghe. Trang đã rõ câu chuyện của cha mẹ và cũng thừa hiểu rằng tại sao mẹ đã lấy hết trọn gần hai tháng nghỉ phép của mẹ mình để về thăm ông bà ngoại nó.
- Mẹ nghĩ rằng bỏ đi như vậy là cách duy nhất để giải quyết được sao?
Nhàn thẫn thờ nhìn xa vắng ra ngoài cửa sổ:
- Nếu giải quyết được thì mẹ sẽ được cái gì? Con người giả dối của ba con hay chỉ là lòng thương hại cho mẹ?
Cô bé mím môi, nhún vai:
- Con nghĩ là ba vẫn yêu mẹ, chắc đây chỉ là những lúc không kềm chế, lạc mất sự kiểm soát của chính ba. Mẹ hãy cho ba một cơ hội khác.
Nhàn lắc đầu, vẫn xót xa nhức nhối cùng con:
- Khi tình yêu với mẹ đã thay đổi trong ba thì cho dù cả ngàn cơ hội cũng không thể trở lại như lúc ban đầu. Giọt sương đã tan, tấm gương đã vỡ.
Như chạm lại dòng điện, Nhàn bỗng nói như trong cơn đau lây lất:
- Ba mẹ gặp nhau và yêu nhau từ thuở trung học, rồi lên đại học, rồi ra trường, có địa vị, rồi kết hôn, rồi có con. Gia đình mình hạnh phúc hoàn toàn không ai sánh được. Tại sao đến giây phút này ba lại cần có thêm cơ hội để mẹ phải cho. Thật là thiếu công bằng cho mẹ.

Thiên Trang lại nhún vai lý sự:
- Chưa chắc hẳn là vậy đâu mẹ. Có thể một vài điều gì đó đã làm mình tự đánh mất cái toàn vẹn của mình mà mình không biết.
Một nhói đau từ vết sẹo của nhát cắt bỏ bộ phận thiêng liêng ở bên trong của người đàn bà, kể từ đó Nhàn không còn tiếp tục sinh thêm con cho chồng. Nhàn bỗng nổi cơn giận lên như đợt sóng dữ:
- Vậy là con đứng về phiá ba con mà đánh giá mẹ. Mẹ hư, mẹ xấu, mẹ thiếu sót, mẹ không tài giỏi bằng họ. Chỉ có cái hơn ba là mẹ chung tình với ba và không dối gạt mẹ như ba con.

Cơn giận đổ lên vai con gái, cùng lúc Nhàn nhận ra nỗi thương tổn như trận hồng thủy lên cao, chiếc thuyền của Noé chòng chành, mỗi cặp sinh vật trên thuyền bỗng hóa đá. Đấng chí tôn trên cao vẫn không tha tội cho thế gian. Chúa Giêsu vẫn vác chiếc thập tự giá lê khắp thế gian. Phật Thích Ca vẫn mình đồng da sắt ngồi dưới cội bồ đề tham thiền rời bỏ thế gian. Còn Nhàn vẫn lặn hụp ngoi ngóp với cơn hồng thủy càng lúc càng dâng ngập thế giới của nàng. Nhàn cúi mình kéo vội chiếc vali lớn, bấm nút cell phone gọi taxi để đến phi trường bỏ lại cô con gái trẻ ngồi im với đôi mắt mở to, hụt hẫng.

Ngồi im lìm ở băng sau xe. Bóng cây im mát của hai hàng cây cao như đi lùi lại phía sau. Những bụi hoa tím nở rộ xúm xít quanh nhau rồi rơi đầy những cánh hoa tim tím nhỏ trên những vuông cỏ xanh giữa những lối đi cho khách bộ hành. Hạnh phúc của nàng như những bông hoa tím nho nhỏ mong manh âý. Cơn giận từ từ tan dần theo làn gió thổi vào xe. Nhàn thấy thương con hơn lúc nào. Tuổi trẻ thường vô tư và khách quan. Từ đây, tổ ấm của con chim non như bị đe doạ bởi một bàn tay của đứa trẻ vô tư rút dần những cọng rơm hạnh phúc. Đêm đến, sau những giây phút hoàn tất bài thi, cô bé lại cô độc đối diện cùng nỗi cô đơn vắng mẹ. Ngày giáp mặt với vẻ lạnh lùng mờ nhạt của cha. Một khi người chồng và người cha phản bội và đã tự cô lập mình bằng một bức tường băng giá, thì vợ và con họ hình như không còn là gì trước mắt của mình cả. Nhàn cũng đúng khi đã tự mình chạy trốn một thảm kịch của gia đình. Dù sao Thiên Trang cũng đã trưởng thành để hiểu, tha thứ cho mẹ khi Nhàn đã bỏ đi.

Thiên Trang cố kìm những hồi hộp, nhỏ nhẹ nói khi tiếp xúc với cô tiếp tân tại công ty để hỏi xin cái hẹn gặp Ngân. Nàng ngồi chờ ở phòng khách sang trọng, bóng nhoáng hào quang thành công của một công ty có tiếng tăm lung linh trên những chiếc đèn pha lê trên trần nhà. Buổi trưa, đúng vào giờ ăn trưa của sở như ý đã sắp sẵn trong kế hoạch của cô bé, cô ta trông rất tự tin, vững chãi như một chiến sĩ chuẩn bị cho trận công phá thành trì. Đàng xa, một bóng dáng phụ nữ cao cao, thon gọn trong bộ váy đắt tiền màu hồng nhạt đúng thời trang hiện ra ở ngưỡng cửa sáng chói bằng đồng của thang máy cuối hành lang. Thiên Trang đã đoán ngay ra là đối thủ của mẹ mình. Luồng khí nóng từ bụng dâng lên, cuộn lại rồi quặn thắt tim cô con gái 22 tuổi của Nhàn. Kim Ngân quả đúng là người để ba không còn nghĩ đến mẹ mình để rồi bỏ quên mẹ trong lay lắt đau thương. Một thiếu phụ đang yêu trẻ đẹp, quyến rũ, sức hút mãnh liệt ở đôi mắt đen, phong thái tươi mướt quý phái. Vóc dáng, ánh mắt ấy đã là người làm cha mình yêu đến cả quên lối về của tổ ấm gia đình. Người đàn bà ấy đã là người tình nhân mang đến một mùa xuân tươi mát đi về trên đôi vai phong sương của cha mình. Bỗng dưng Trang như rơi vào quỹ đạo êm ái, màu sắc cuốn hút ấy, cô bé đứng dậy cúi chào lễ phép:
- Chào cô, cháu là Thiên Trang, ba cháu là phó giám đốc Nguyễn Khoa Hữu.
Nụ cười tươi vẫn nở của một loài hoa quý trong bình pha lê:
- Cô biết, cô tiếp tân đã báo cho cô rồi.
Chủ động, khôn khéo của một vị nữ lưu có chức quyền, Kim Ngân mời cô gái đi ăn trưa ở một tiệm ăn khá sang ở bên kia đường đối diện ngôi bin đinh cao tầng của công ty.

Mọi ý tưởng sắp đặt sẵn trong đầu như rối tung, Thiên Trang lúng túng trước vẻ tự tại của người tình địch với mẹ mình, cô bé cứ xoắn nhẹ chiếc khăn ăn. Nhưng rồi cũng lấy lại được tự tin vốn có của mình, vội nói ngay như sợ mình rồi cũng bị rơi vào vũng xoáy của đôi mắt đen đa tình như ba mình:
- Cô trẻ đẹp, sang trọng, có địa vị như vậy, tại sao lại đi yêu ba cháu? Cô có biết rằng ba cháu đã có mẹ cháu và cháu?
Kim Ngân cười nhẹ, tự nhiên của một kiêu hãnh:
- Cô biết trước khi gặp ba cháu. Nhưng điều đó có ảnh hưởng gì đến cô để cản trở tình yêu của cô đâu.
- Có chứ. Cô đã làm mẹ cháu đau khổ, còn cháu thì càng buồn hơn khi ba mẹ cháu xa nhau.
Kim Ngân vẫn bình tỉnh nhỏ nhẹ:
- Cô không giành chồng của mẹ cháu, cô không lấy đi người cha của cháu. Cô chỉ yêu người cô yêu và ba cháu cũng yêu cô. Tại sao cô lại không được quyền yêu ba cháu.
Cũng không kém phần bình tĩnh, Trang nói như sắp sẵn câu nói hồi nào:
- Cô yêu ai, không ai có quyền ngăn cản cô. Nhưng cô yêu một người đàn ông đã có một gia đình hạnh phúc, thì đó là một điều bị cấm đoán.
Thoáng mơ màng, Kim Ngân như quên đối thủ nhỏ trước mặt:
- Ba cháu đã yêu cô say đắm như cô cũng đã yêu ba cháu còn hơn bản thân cô, thì đó là cái để bị cấm hay sao? Trước đây cô đã từng có người yêu. Họ hơn ba cháu về mọi mặt, họ yêu cô mãnh liệt, say mê cô, nhưng cô vẫn không yêu họ. Cho đến khi cô gặp ba cháu thì mới biết được tình yêu đã đến trong cô.

Trang vẫn thẳng thắn lý lẽ:
- Cô có đầy đủ tất cả. Sắc đẹp, địa vị, trẻ trung thì cô cần gì khi có ba cháu như để thêm vào mớ trang sức của cô.
Như chạm mạnh vào tự ái của Kim Ngân, nàng thoáng giận:
- Cô không yêu địa vị danh vọng của ba cháu. Cô đã có hết. Tình yêu cô dành cho ba cháu không phải là món trang sức của cô mà con người ba cháu là một nửa phần đời của cô. Ngăn tim của cô đã dành cho ba cháu. Cháu còn quá trẻ để chưa hiểu được trái tim còn có những nhịp đập của riêng nó.
Lần này thì Trang có ý hối hận vì lỡ lời, cô bé xuống giọng nhẹ:
- Nếu mẹ cháu biết cô yêu ba cháu nhiều như vậy thì chắc mẹ cháu càng đau khổ hơn. Cô là đàn bà, lại là người đàn bà trẻ đẹp của giới thượng lưu. Cô có nhiều cơ hội. Chắc cô cũng hiểu được nỗi đau khổ của người đàn bà mất chồng mà người chồng đó lại là người yêu của mình. Ba mẹ cháu đã yêu nhau từ thời trung học, rồi đến sau này mẹ cháu lại càng yêu ba cháu hơn nữa khi đã là vợ chồng.
Cô bé ngần ngại một chút rồi nói tiếp:
- Phần cháu, tuy vẫn yêu thương ba cháu, nhưng cô đã làm cho cháu đánh mất đi lòng kính phục về cha. Ba cháu đã làm cháu mất đi thần tượng về một anh hùng trong cháu.

Thoáng bối rối, đôi tay thon thả với những ngón tháp bút trắng hồng của Kim Ngân như run nhẹ. Lúc đó Thiên Trang đã vội vàng đẩy nhẹ chiếc ghế đứng dậy rồi chào Ngân ra về. Cô gái trẻ như đã cạn nguồn sinh lực để đối đầu với một vai diễn thật trong thảm kịch của người lớn. Nàng đã nhận diện được một tình yêu mãnh liệt vượt ra ngoài biên giới của người đàn bà trẻ đẹp ấy. Nỗi đau xót giùm mẹ bỗng nhiên như nhẹ nhàng mơn man trái tim người con gái nhỏ đã âm thầm rung mạnh những nhịp đập thương cảm cho mẹ, nhưng cũng phát sinh lòng thương cảm cho người tình xinh đẹp của cha mình.

Về nhà, cô gái sợ giáp mặt cha vì mình đã tự ý quyết định xen vào chuyện riêng của cha như một xúc phạm. Thiên Trang trốn biệt vào phòng mỗi khi nghe tiếng xe ngoài sân. Lúc đầu cửa phòng cô gái được đóng kín cài chặt. Đến lúc không còn khóa lại. Rồi dần dần lại mở hé một khe nhỏ đủ để chiếu ra tia mắt tinh anh quan sát và sẵn sàng cho một tiếng quát lớn lùa vào. Hữu vẫn lạnh lùng khó hiểu, nín lặng kiêu hãnh. Chàng tự dựng cho mình một bức tường thành cô đơn trong nhà để sống riêng với tình yêu mới. Người tình xinh đẹp quyến rũ đã làm Hữu mê đắm, dại khờ như chàng trai mới lớn. Thoáng giây nào đó khi Nhàn bỏ đi, con gái xa lánh, còn lại một mình trong căn nhà như khô khốc, co rút lại mà trước đây đã ướt đẫm những kỷ niệm vợ chồng, cha con. Hữu chợt nhói đau vì biết mình là thủ phạm đã tự đánh mất niềm vui cho cả ba người. Nhưng nhìn lại ánh mắt đen thu hút, nụ cười tươi cám dỗ, vóc dáng kiêu sa nhưng đa tình của những đêm trăng mật tưởng chừng bất tận. Hữu lại chao đảo mơ màng cùng giấc mộng đẹp.

Hữu thắt lại chiếc cà vạt xanh đậm, điểm những chấm nho nhỏ màu vàng, vẫn là vóc dáng thanh tân nhưng ánh lên một hào quang của một vị ngồi ở ghế cao ở cuộc họp của công ty. Nhưng lần này, Hữu lại chuẩn bị thêm một vali nhỏ, cạnh chiếc cặp da đen đựng chiếc laptop hàng ngày mà chàng thường hay mang đến sở. Hình như một chuyến đi xa, cho chàng và Kim Ngân. Sau cuộc họp mỗi sáng ở sở, họ lại găp nhau. Quán cà phê sang trọng cho buổi điểm tâm, một khu phố thanh lịch ở vùng đô thị mới , hay một bờ hồ êm ả mát rượi cùng thảm cỏ xanh mơn man gió nhẹ cho đôi tình nhân. Nhưng sáng nay, Hữu đã sắp sẵn mọi thứ cho chuyến bay ra nước ngoài một tuần, và chàng biết Kim Ngân chưa một lần trễ hẹn. Quả thật, Kim Ngân đã đợi chàng ở cổng của phi trường quốc tế.
Kim Ngân giật mình vì tiếng chào nhỏ của một cô gái lạ:
-Thưa, cô có phải là cô Kim Ngân?
Ngạc nhiên nhưng Kim Ngân cũng gật đầu nhẹ.
-Vâng
-Thưa cô, có một ông nhờ con đưa bao thư này cho cô.
Bao thư màu vàng nho nhỏ, đề tên người nhận đúng là tên của Nguyễn Ái Kim Ngân, góc trái để trắng. Kim Ngân mở vội bao thư, chỉ ba nét chữ thân quen của Hữu ở mặt sau tấm business card của Hữu:
-Xin lỗi em.
Đàng xa, trên đoạn đường cho xe hơi tạm dừng trước cổng phi trường, thoáng hiện người đàn ông mang chiếc cà vạt xanh đậm có những chấm tròn nhỏ màu vàng ngồi trên chiếc xe hơi đen láng.

Hữu đã đến để cùng đi với Kim Ngân. Nhưng chàng bỗng nhận ra một nơi bình yên của tình yêu là không phải nơi này, mà chỉ là những chuyến đi rồi về. Nơi bình yên nhất cho chàng chính là gia đình chàng và tình yêu của Nhàn. Chàng không còn muốn gặp Kim Ngân lần cuối để không còn dám nhìn thẳng vào đôi mắt đã từng cuốn hút chàng vào cơn bão, và rồi chàng lại sẽ bị cuốn vào cơn lốc khác. Hữu bật chiếc Zippo, châm điếu thuốc, và tiếng máy xe nổ như nhè nhẹ trôi trên tầng mây bay. Ngọn lửa xanh xao, tiếng thở dài của người đàn ông tan vào những âm thanh của dòng xe qua lại ở phi trường.
Kim Ngân đã tình nguyện xuất ngoại để quản lý một chi nhánh nhỏ của công ty mình ở nước ngoài. Hữu chợt nghe trong tim mình như có một va chạm để rồi bị một vết trầy ửng đỏ. Người đàn ông thành công trên đường đời lại không được toại nguyện cho những gì thuộc riêng mình. Nhưng chàng đã đứng giữa cuộc chọn lựa, và trái tim chàng đã chọn đúng cho mình. Cuộc tình với Kim Ngân đến rồi đi như một đám cháy, nay còn lại chút tàn tro rơi trong lòng chàng.

Trang vừa mới ló đầu ra ngoài cửa phòng, nhìn xuống dưới lầu. Căn phòng khách im vắng. Bỗng có tiếng của Hữu nhẹ như một hơi thở gắng gượng:
- Con không cần phải tránh mặt ba. Ba đã để cho cô ấy đi rồi.
Cánh cửa phòng của Hữu mở toang như chờ đợi Trang. Nhìn thấy cha đang ngồi yên trên chiếc ghế bành, hình như ngồi đã lâu, như ngồi trên đống gạch vụn đổ vỡ, tan nát mênh mông. Khuôn mặt Hữu trông sẫm tối mệt mỏi, suy sụp như quả bóng mất dần bầu khí căng. Trang bỗng chao động, thấy thương cha và thầm hối hận vì nghĩ rằng do mình mà cô ấy bỏ đi:
- Con xin lỗi ba. Con rất tiếc là cô ấy đã đi xa rồi. Nhưng ba đã chọn mẹ cũng như con chỉ chọn và thương mẹ.
- Vậy thì bây giờ con chọn ba hay chọn mẹ?
Không còn lo sợ gì nữa để giữ cái khoảng cách lâu nay, Trang bước đến gần cha mình,vòng tay ôm vai cha:
- Nếu ba cùng đứng chung với mẹ thì con sẽ chọn phe nào có cả ba mẹ.
Hữu bật cười, khuôn mặt như sáng lại hẳn:
- Vậy thì ba sẽ làm gì cho phe của mình được thắng? Bây giờ ba đang trên điểm của sự thua trận.
- Cái thắng trận là cái gượng dậy sau cái vấp ngã đó ba. Ba hãy đi đón mẹ về. Con biết là ba đang nhớ mẹ.

Hữu chợt nhận ra, từ lâu nay con gái mình đã trưởng thành trong cô đơn. Sự thiếu vắng cha mẹ đã là liều thuốc có hiệu lực mạnh mẽ để hình thành tư tưởng chỉ đạo cho chính nó và cho cả người thân. Con bé đã thật sự sáng suốt của kẻ đứng ngoài vòng và như là một đồng minh của chàng. Hữu nhận thấy mình thật có lỗi với con gái và cảm giác mình trở thành người cha nhỏ bé bên đứa con đã lớn khôn. Chàng chờ đợi một phán quyết của Nhàn mới mong xóa tội vì đợt sóng kiêu hãnh cuối cùng của người đàn ông trong mình.


Chiếc quạt trần cũ kỹ xoay nhẹ, căn phòng thơ ấu ngày xưa của Nhàn nay vẫn không thay đổi. Mẹ nàng đã cố ý không xê dịch hay thêm bớt một đồ vật gì trong phòng của nàng. Căn phòng nhỏ xinh xắn, mẹ nàng vẫn treo bức màn hoa ở cửa sổ như giữ lại những dấu tích của một quá khứ thơ ngây con gái cho Nhàn. Nhàn tìm về cha mẹ như tìm về một tổ ấm mà nàng đã bỏ đi. Nay là một mái ấm để về lại trú chân, để hít lại những hơi thở nồng ngát của mẹ, và để ẩn náu một mối đau thương cho con tim rạn nứt. Mẹ nàng biết chuyện, bà cụ thản nhiên nói:
- Ôi dào! Tưởng gì, cái chuyện trăng gió của đàn ông có địa vị là chuyện thường tình.
Bà cụ ví von thêm:
- Lá rụng rồi sẽ về cội. Nước rặt rồi cũng sẽ về nguồn. Đi riết mệt, rồi nó cũng sẽ trở về với vợ con. Đàn ông khi xưa năm thê bảy thiếp. Nay nó chỉ một mình con là giỏi lắm rồi, có chút chút gì ra ngoài vòng thì cũng tạm thời thôi con ạ.

Nhàn ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng, ngẫm lại lời của mẹ, nàng vẫn cảm thấy yêu chồng hơn và như chìm vào những lời mẹ nói. Nhàn vụt gượng dậy ngồi vào bàn trang điểm. Những vết nhăn chân chim ở đuôi mắt loang dần những dấu chân của những đêm thức trắng nhớ chồng và con. Vết tì ố hạnh phúc như phai dần khi có luồng sinh khí được mẹ truyền vào. Cơn mưa giông mùa hạ kéo về, cành cây khô bỗng xanh lại ngoài khu vườn nhỏ của cha mẹ.



Nghe tiếng gõ cửa phòng tưởng là mẹ, Nhàn vội đến mở cửa. Hữu hiện ra trước mắt Nhàn, vẫn nụ cười tươi như ngày nào, vẫn ánh mắt sâu đen chan chứa để nàng chìm ngập trong màu mắt đó. Tiếng Hữu ấm, nhẹ như lời tạ tội:
- Anh xin lỗi em. Anh xin phép ba mẹ để đón em về nhà mình.
Nhàn vẫn chua xót như không còn muốn tin vào chồng nữa:
- Còn nhà mình nữa sao? Anh đã về nhà cô ấy rồi mà.
Hữu kéo nhẹ Nhàn ngồi vào ghế, khuỵu một chân xuống như dáng quỳ, mắt nhìn thẳng mắt Nhàn:
- Không còn cô nào cả trong mắt anh. Kim Ngân xinh đẹp và quyến rũ thật nhưng anh chỉ mê say một thoáng thôi chứ không yêu cô ta. Cô ta không phải là nửa cuộc đời của anh, mà chính em và con là toàn bộ cuộc đời của anh.
Nhàn cúi mình xuống khóc tấm tức trên vai chồng, Hữu nâng nhẹ đầu nàng ép sát vào ngực mình:
- Anh vẫn yêu mình em. Cưng, vợ của anh.

Nhàn mềm nhũn đôi chân, mềm nhũn đôi tay, rồi mềm nhũn cả người đổ vào người Hữu. Gió lay nhẹ bức màn màu tím hoa vàng lấm chấm mà mẹ Nhàn đã giữ sạch và trông như mới. Vẫn là tấm màn hoa hạnh phúc ngày nào Hữu được mẹ nàng cho phép vào phòng để vén cao cho ngọn gió mát đi vào, thổi nhẹ những sợi tóc mai con gái trên mặt người yêu.

Thiên Trang vừa có kết quả của kỳ thi cuối khóa, các môn học đều đạt loại A, đúng ra là phải A+. Nhưng cô bé không buồn mấy, nàng có nỗi vui lớn hơn đang đong đầy đôi mắt nai vì biết ba mẹ sắp về. Bầu trời đầy hoa, hàng cây nhuộm lá vàng xanh lung linh trên con đường đại học. Về nhà, Trang nhảy vội chân sáo lên cầu thang, miệng hát to câu hát nào đó của một bài hát tiếng Pháp. Tiếng hát của đứa con gái trong veo như thủy tinh. Chợt Hữu hiện ra trước cửa phòng của hai vợ chồng và đang khép nhẹ cánh cửa. Chàng quay người lại, ngón tay đưa lên miệng:
- Xuỵt! Nho nhỏ! Mẹ đang ngủ. Ba mẹ vừa mới về bằng chuyến bay sớm nhất, lại còn bị chuyển sang chuyến bay khác nên phải đợi lâu. Mẹ mệt và cần ngủ vì đã thức dậy sớm.
- Ô là la! Ba là anh hùng của con.
- Ừ, ba là anh hùng trong chuyện cổ tích đây. Vị anh hùng đem hoàng hậu về cho cô công chúa của vua cha đã phạm tội trọng.
Cô bé nheo một mắt như đá lông nheo với cha, rồi bước ngoặt lại xuống dưới bếp. Nhớ lại câu nói của mẹ, con bé quay đầu nói với lên với Hữu:
- Ba! Giọt sương đã tan, bóng mây đã mờ, nhưng bầu trời vẫn xanh, ba à.

Võ Hương Phố

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Thứ Sáu Cô Đơn - Thơ: Minh Giang - Nhạc & Hòa Âm: Giang Thiên Tường - Tiếng Hát: Thanh Thúy


Thơ: Minh Giang
Nhạc & Hòa Âm: Giang Thiên Tường 
Tiếng Hát: Thanh Thúy

Em Có Về Nơi Đó

 

Chiều nay sương lạnh rơi nhiều quá
Em có đi về nơi đó không
Có những đoạn đường không ai đợi
Mà ta vẫn cứ mãi ngóng trông

Một bước chân thôi chừng trở lại
Nhưng sao đã xa mãi ngàn trùng
Mặt nước lênh đênh ngời bọt sóng
Theo lòng tan dưới đáy biển rong

Mái tóc em bồng bềnh nắng hạ
Nơi đây vừa đóng cửa chân mây
Tay ai gõ mà đầy nỗi nhớ
Đôi mắt buồn tắt lịm sao rơi

Tiếng vỗ cánh của loài chim lạ
Thao thức lên đầy cơn sóng xa
Bãi cát chân vui tràn kỷ niệm
Còn nóng môi mềm thơm dáng xưa

Vết chim di nồng say dấu nhỏ
Ngàn sau ai có nhớ quay về
Đếm từng bước dần ngây thơ đó
Vào lòng nhịp thở những đam mê

Chiều nay nhớ mãi hương tình cũ
Nghe gió chơi vơi nốt nhạc buồn
Như ở chỗ bờ con nước muộn
Có nốt trầm buông lơi giữa khuya.

Lê Mỹ Hoàn

Anh Chàng Lính Thủy

 

Ôi ông lính thủy
Đang nghĩ thế nào
Đường rộng đường dài
Đường bao nhiêu lối
Làm ơn bước tới
Hay là chậm thôi
Đừng đi ngang tôi
Người nhìn dị chết
Mai tôi vào lớp
Chớ ở cổng chờ
Lúc tôi ra về
Đừng đưa đừng đón
Tôi đi tôi ngượng
Tôi bước không đều
Bạn bè lại trêu
Chân cao chân thấp
Ông ơi ác thật
Cứ phá tôi hoài
Sao không sợ trời
Bắt ông ở góa
Mỗi lần gặp gỡ
Ông lại cười duyên
Lòng tôi hoang mang
Có gì thay đổi
Nói hoài nhắc mãi
Ông tỉnh bơ theo
Thôi đành buông xuôi
Cho yên số phận

Dương Việt-Chỉnh 
 8/21/2022

Mai Tôi Về

(
 Ảnh Kim Phượng - Dòng Sông Vĩnh Long)

Mai Tôi Về

Mai tôi về lại Vĩnh Long
Cổ Chiên con nước thuận dòng năm xưa
Sao không người đón kẻ đưa
Chỉ nghe xao xác gà trưa não nùng
Cành cao một đóa phù dung


Kim Phượng
***
Thơ Cảm Tác:

Nếu Có Về


Có về thăm lại Vãng Long
Làm ơn cho gởi đôi dòng thân thương
Thăm người năm cũ chung trường
Xin đừng quay mặt trên đường gặp nhau

Dù cho xa cách thuở nào!

songquang

Hoa Tương Tư -Thư Họa Vũ Hối - Thơ Phan Khâm

Thơ: Phan Khâm
Thư Họa: Vũ Hối



Lâm Giang Tống Hạ Chiêm 臨江送夏瞻 - Bạch Cư Dị

 

Lâm Giang Tống Hạ Chiêm

Bi quân lão biệt lệ triêm cân
Thất thập vô gia vạn lý nhân
Sầu kiến chu hành phong hựu khởi
Bạc đầu lãng lý bạch đầu nhân

Bạch Cư Dị
***
Dịch nghĩa


Tới Bờ Sông Đưa Tiễn Hạ Chiêm

Thương cảm lúc chia tay bạn già, nước mắt đẫm khăn
Người 70 tuổi không nhà đi xa vạn dặm
Lòng buồn khi thuyền dời bến cũng là lúc gió nổi lên
Trên ngọn sóng bạc đầu,có mái tóc bạc của người

Bản dịch của Tản Đà

Muôn dặm thương anh, lệ biệt sầu,
Bảy mươi tuổi tác cửa nhà đâu ?
Buồn trông ngọn gió theo thuyền nổi,
Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu.


Bản dịch của Chi Điền

Đưa tiễn thương ông lệ thấm bâu,
Bảy mươi ! ngàn dặm biết về đâu ?!...
Gió xao thuyền lẻ thêm thương cảm,
Sóng bạc vây quanh khách bạc đầu !!....


Bản dịch của Mai Lộc 

Tiễn bạn già cảm thương lệ đẫm,
Thân bảy mươi vạn dặm không nhà 
Buồn theo gió nổi thuyền xa
Nhấp nhô sóng bạc chan hòa đầu sương!


Tiễn Người

Thất thập không nhà, cảnh cám thương
Đưa người, lặng lẽ ráng chiều vương
Tóc mai trắng xóa pha sương tuyết,
Đôi má nhăn nheo nhuốm bụi đường.
Tách bến buồm giương cơn sóng lớn,
Giong thuyền gió bạt nước triều cường.
Nhấp nhô sóng bạc nhòa đâù bạc,
Xao xuyến lòng ta, luống đoạn trường!

Mailoc
***
Bản dịch:

Tiễn Bạn Hạ Chiêm


Thương cảm khăn tay lệ đẫm sầu
Bảy mươi tuổi chẳng biết nhà đâu
Thuyền dong tách bến theo cơn gió
Sóng bạc tung lên tóc trăng đầu

Họa Vần"Tiễn Người" 

Nhà đâu, thất thập, thấy mà thương
Tiễn bạn bơ vơ dạ vấn vương
Mái tóc trăng phau già tuổi hạc
Làn da nhăn nhúm kẻ phong sương
Dong thuyền tách bến ba đào nổi
Buồm trụ căng dây sóng gió thường
Khách trắng đầu lô nhô nước bạc
Bâng khuâng cảm động nỗi can trường


Mai xuân Thanh
***
臨江送夏瞻            Lâm Giang Tống Hạ Chiêm
白居易                    Bạch Cư Dị

悲君老別我沾巾, Bi quân lão biệt ngã triêm cân,
七十無家萬里身。 Thất thập vô gia vạn lý thân.
愁見舟行風又起, Sầu kiến chu hành phong hựu khởi,
白頭浪裏白頭人。 Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.

CHÚ THÍCH:
* Lâm Giang 臨江: là Đến bên bờ song.
* Hạ Chiêm 夏瞻: Một người bạn già của Bạch Cư Dị đã trên bảy mươi tuổi còn sống trôi nổi không nhà.
* Bi Quân 悲君: là Buồn thương cho bạn.
* Triêm Cân 沾巾 : là Thấm ướt khan.
* Bạch Đầu Lãng 白頭浪 : là Sóng bạc đầu.
* Bạch Đầu Nhân 白頭人 : là Người Đầu bạc.
 
NGHĨA BÀI THƠ:
Đến bờ sông tiễn Hạ Chiêm

Thương cho anh đã già nua còn phải chịu cảnh biệt ly mà lệ của ta đẫm ướt cả khăn. Bảy mươi tuổi rồi mà không có được một mái nhà, tấm thân phải phiêu bạc xa xôi ngàn dặm. Buồn trông theo cảnh thuyền của anh đi trong khi gió đang nổi lên, ta chỉ thấy trong những đợt sóng bạc đầu đang lẩn khuất hình bóng của người đầu bạc !

Bài thơ nầy còn có một dị bản như sau:

Câu 1:
悲君老別淚沾巾, Bi quân lão biệt LỆ triêm cân,
là: Thương cho bạn già nua còn phải biệt ly nên LỆ thấm ướt cả khăn.
LỆ 淚 ở đây là Phiếm chỉ, không biết là LỆ của Bạn hay là LỆ của ta !?

Câu 4:
白頭浪裏白頭翁. Bạch đầu lãng lý bạch đầu ÔNG.
là: Trong sóng bạc đầu có Ông Già đầu bạc.
BẠCH ĐẦU ÔNG 白頭翁: là Ông già đầu bạc, còn...
BẠCH ĐẦU NHÂN 白頭人: là Người đầu bạc.

Dị bản nhưng nghĩa cũng như nhau, chỉ nêu lên để tham khảo mà thôi!

Diễn Nôm:

Ra Bờ Sông tiễn bạn Hạ Chiêm


Thương người giả biệt lệ đầm khăn,
Bảy chục không nhà chỉ một thân.
Gió nổi thuyền đi trong sóng bạc,
Bạc đầu sóng vổ bạc đầu ông.

Lục Bát:

Giả từ bạn, lệ ướt khăn,
Bảy mươi muôn dặm lang thang không nhà.
Buồn trông gió cuốn thuyền xa,
Bạc đầu người lẩn sóng xa bạc đầu!

Đỗ Chiêu Đức

2. Họa Vần bài Cảm tác của Thầy:
 
Tiễn Bạn

Bảy mươi viễn xứ lắm buồn thương,
Đưa bạn phương trời những vấn vương.
Thân đã tha hương còn tiễn biệt,
Người vừa hội ngộ lại lên đường.
Thuyền đi nước cuốn thuyền xa tít...
Sóng vỗ trời xa sóng sính cường.
Lẫn khuất bạc đầu trong sóng bạc...
Vẫy tay đưa tiễn quặn sầu trường!

Đỗ Chiêu Đức

Hạ Buồn

 

Chưa bao giờ mùa HÈ có 2 tháng buồn đến như vậy.Những người tôi hâm mộ và quí mến cứ lần lượt ra đi.Mở đầu là Nhạc Sĩ CUNG TIẾN, người mà một thời tôi đã có dịp sinh hoạt chung trong những đêm văn nghệ do Tổng liên đoàn Học Sinh và Sinh Viên Vùng Thủ đô SÀI GÒN tổ chức ở Rạp hát NORODOM, sau này đổi tên là RẠP THỐNG NHẤT.  

Trưng Vương chúng tôi góp mặt với vũ khúc Thiên Thai. Các anh Duy Trác, Cung Tiến lúc đó còn là sinh viên. Tôi còn nhớ anh Duy Trác đơn ca bài "Em Gắng Chờ". Anh Cung Tiến hợp ca bài "Bát  Học" với chị Kim Tước,Tường Huệ và ai nữa tôi quên mất. Tất cả chúng tôi 75 người Hợp ca bài "Tiếng Hò Miền Nam"
Chúng tôi trình diễn hai đêm liên tiếp, thành công ngoài sức tưởng tượng. Đêm nào cũng chật rạp không còn một chỗ trống.
Hai đêm Đại Hội Sinh Viên Học sinh tưng bừng, rộn rã, với những kỷ niệm khó quên không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi. Hồi đó những cô nữ sinh Trưng Vương mới lớn, ai cũng mộng mơ và có dịp là nghêu ngao hát "...lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ, chờ hoài nhau trong mơ nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa, cố nhân xa rồi... có ai về lối xưa"
Tuy hay rên rỉ những lời hát lãng mạn trong bài HOÀI CẢM của Cung Tiến, nhưng cả lũ chúng tôi đã đứa nào nếm mùi yêu đương đâu mà biết cuồng vì nhớ và thất vọng vì chờ với mong?
Người yêu còn chưa có, thì kiếm đâu ra cố nhân? Vậy mà cứ mê mẩn bài Hoài cảm mới lạ chứ.

Nhạc sĩ Cung Tiến vừa ra đi, tiếp theo là GS TOÀN PHONG Nguyễn Xuân Vinh, Cựu Đại Tá TƯ LỆNH KHÔNG QUÂN của Quân lực VNCH, Tác Giả cuốn truyện nổi tiếng "Đời Phi Công" gồm những lá thư tình ướt át thật hay của chàng Không quân hào hoa viết cho người yêu là cô Phượng đã mang đến cho chúng tôi, những cô gái ở tuổi mộng mơ cả một bầu trời mơ ước.

Sau GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là một người bạn và cũng là hội viên Văn Bút của Vùng ĐÔNG BẮC HOA KỲ chúng tôi, GS PHẠM TRỌNG LỆ ra đi thật bất ngờ. Trước đó ông còn vui vẻ ăn uống với con, hơn 1 giờ sau ông đã ra người thiên cổ. Không té ngã, không bệnh hoạn, không một triệu chứng gì khác lạ. ông ngồi thoải mái trên ghế và ra đi thật nhẹ nhàng. Đi nhanh chóng như vậy quả là may mắn cho ông, nhưng quá bất ngờ đau đớn cho những người trong gia đình còn ở lại. Nghĩ đến ông tôi luôn nhớ đến khuôn mặt thật hiền hòa, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi và lối nói chuyện thật dí dỏm có duyên.Tuy ít gửi bài lên DIỄN ĐÀN VBVĐBHK nhưng ông luôn gửi mail riêng khen ngợi và góp ý với các Tác giả, ông đọc tất cả các bài tôi giới thiệu trên Diễn Đàn không bỏ sót một bài nào.Ông là một hội viên đáng quí và đáng kính.
GS PHẠM TRỌNG LỆ rất uyên bác,ông hay chuyển ngữ những bài thơ nổi tiếng của ngoại quốc sang tiếng Việt, ông cũng viết những bài khảo cứu rất công phu. Ông cũng là một thành viên kỳ cựu của Ban biên tập TAM CÁ NGUYỆT SAN CỎ THƠM.

Mọi người quen biết chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi bất ngờ của GS Phạm Trọng Lệ, thì lại được tin một khuôn mặt quen thuộc khác của Vùng Hoa thịnh Đốn cũng bén gót theo sau, đó là Tiến sĩ TẠ CỰ HẢI.Ông Hải sinh hoạt rất hăng hái trong Cộng đồng người VIỆT ở vùng Thủ đô Hoa kỳ, ông là cựu Chủ Tịch Liên Hội cựu Chiến sĩ VNCH, ông rất thành công trong ngành Địa ốc. Ngoài ra ông cũng viết văn, làm thơ và là cựu Hội viên VĂN BÚT VÙNG ĐÔNG BẮC HOA KỲ.

Cùng thời gian Tiến sĩ Hải ra đi, Văn bút vùng ĐÔNG BẮC HOA KỲ lại mất thêm một hội viên nữa, Thi sĩ SONG PHƯƠNG, em rất khỏe mạnh, xinh đẹp, dễ thương. Lúc nào cũng làm việc rất hăng say mà không biết mệt. Em bận đi làm và hàng ngày còn phải săn sóc hai bà Mẹ. Mẹ em và mẹ chồng. Em bị "cô vít", nhờ đi khám bệnh để điều trị cô vít nên BS khám phá ra em bị Cancer máu thời kỳ chót.Thật là tin sét đánh. Chỉ vài ba tháng sau em ra người thiên cổ. Đau đớn nhất cho em là em có hai người con. Một trai, một gái. Con trai mới ngoài 30, một hôm vào nhà thương thăm mẹ, trên đường về đi làm, cháu bị tai nạn xe hơi chết ngay tại chỗ.Viết đến đây nước mắt tôi lại chảy, nghĩ đến những điều đau đớn mà em phải chịu, tôi thương cảm và xót xa vô cùng. Đúng là "Họa vô đơn chí". Người dễ thương như em sao Trời lại bắt phải chịu nhiều tai họa như vậy?
SONG PHƯƠNG với tôi thân tình như một cô em gái nhỏ. Trước khi từ biệt cõi trần em còn text vội cho tôi mấy dòng "chị ơi em mệt quá, em gửi đến chị tất cả yêu thương hòa cùng nước mắt, em phải đi rồi..." Vĩnh biệt SONG PHƯƠNG yêu dấu của tôi.

Tuần này lại được tin Thi, Họa sư VŨ HỐI cũng vừa ra đi. Ông là một người tài hoa vượt bực, uyên bác, làm thơ rất hay, vẽ tranh nức tiếng nhiều nơi trên thế giới. Ông có tài viết Thư Pháp rất đẹp, không ai có thể sánh được. Thượng Đế ban cho ông hai bàn tay vàng với 10 ngón đều có hoa tay nên ông phóng bút thật nhanh chóng, dễ dàng, như rồng bay phượng múa. Ông được rất nhiều giải thưởng và được mời vẽ tranh cho cố Tổng thống KENNEDY. Ông là một hội viên kỳ cựu của Văn Bút VN Hải ngoại Vùng Đông Bắc Hoa kỳ. Điều đáng phục nhất là những năm trong tù đầy Cộng sản, ông không chịu khuất phục nên bị chúng hành hạ dã man khiến bị mù một mắt.

Tôi được quen biết ông lâu năm và có dịp gặp gỡ thường xuyên, truyện trò thân mật trong những buổi hội họp của Cộng đồng. Tuy là người nổi tiếng nhưng lúc nào ông cũng hòa nhã , vui vẻ, và đáng quí nhất là rất khiêm tốn nên được mọi người quí mến.Trên khuôn mặt ông không bao giờ thiếu nụ cười hiền hòa. Ông nói chuyện rất vui và dí dỏm. Nghe thứ nam của ông là HỌA SĨ Vũ Quốc kể: một hôm đi tiệc về ông vui chuyện nói: Buổi tiệc hôm nay có nhiều "giai nhân" quá. Ông con tưởng bố nói có nhiều người đẹp, ai ngờ "giai nhân" của bố ý nói là người nói giai, nói dài, nói dở. Hôm đưa tiễn ông, tôi được yêu cầu Đại diện VĂN BÚT VĐBHK lên nói vài lời tiễn biệt. Tôi nói rất vắn tắt, một người bạn hỏi tôi sao nói ngắn thế? Tôi trả lời: Tôi sợ ông lại ngồi dậy gọi tôi là "giai nhân" thì khổ. Người bạn mở to mắt tỏ vẻ không hiểu, sau khi tôi cắt nghĩa bà ấy bật cười lớn làm tôi hoảng hồn phải chận lại ngay vì trong đám ma mà cười thì kỳ quá. Ông ra đi thật nhẹ nhàng nhanh chóng, trước khi vĩnh biệt cõi trần ông còn giơ tay vẫy chào các con và nói "Bố sắp đi rồi, bố sẽ phù hộ cho các con "

Mùa HÈ năm nay với tôi là một mùa HÈ thật buồn, mùa HÈ của chia ly, mất mát. Mùa hè Vĩnh biệt...
Cầu xin tất cả những người đã ra đi đều đến một nơi đầy hoa thơm cỏ lạ, để tiếp tục vui với thơ văn và nhạc trong cuộc sống mới thật an bình, hạnh phúc.

Hồng Thủy

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Xuân Mở Cửa...


Đông chưa qua mà xuân mở cửa
Hoa đơm cành rộ giữa trời trong.
Chút mưa rơi tưới mát nụ hồng
Chờ gió thoảng đưa hương tình mộng!
(Kim Oanh)


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Melbourne cuối Đông 8/2022