Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Tơ Tình - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc Nguyễn Hữu Tân



Thơ&Thực hiện: Yên Dạ Thảo 
Nhạc & Trình bày: Nguyễn Hữu Tân 



Thu Giang Tống Khách - 秋江送客 Bạch Cư Dị (772-846)

Chúc mừng sinh nhật muộn người học trò đầu xứ Sa Đéc để cùng nhớ về thuở nào với các Cụ Đốc Thu, Cụ Đốc Lãnh , Cụ Đốc Lai, Cụ Đốc Ban, Cụ Đốc Mậu ... trong một không gian thanh bình, hiền hoà, ấm tình sư đệ, nửa cuối thập niên 1950, nay đã không còn nữa ̣ Mấy vần thơ dịch vụng chép lại gửi nhau để đọc cho vui thôi ̣ Thân quí ̣ PKT 09/14/2018



秋江送客         Thu Giang Tống Khách

秋鴻次第過, Thu hồng thứ đệ quá
哀猿朝夕聞。 Ai viên triêu tịch văn
是日孤舟客, Thị nhật cô chu khách
此地亦離群。 Thử địa diệc ly quần
蒙蒙潤衣雨, Mông mông nhuận y vũ
漠漠冒帆雲。 Mịch mịch mạo phàm vân
不醉潯陽酒, Bất túy Tầm Dương tửu
煙波愁殺人。 Yên ba sầu sát nhân
白居易)            Bạch Cư Dị(772-846)

Dịch nghĩa:

Nhạn thu gọi bầy lần lượt bay ngang trời
Sớm chiều nghe tiếng vưọn kêu ảo não
Ngày một mình trên thuyền khách lià bến
Là thôi là đã mãi mãi bỏ xứ xa quê
Mưa giăng giăng ướt áo
Buồm lất phất bay mây
Rượu Tầm Dương uống mãi mà không làm sao say cho được
Để quên để nhớ (?) nỗi buồn khói sóng giết người này. 

Sông Thu Tiễn Khách

Nhạn vào thu gọi bạn
Nghe vượn sớm chiều than
Thuyền khách từ lìa bến
Trời trăng đã rã đàn
Mưa giăng giăng thấm áo 
Buồm lất phất đùa mây
Sương khói Tầm Dương cũ
Rượu nào say được đây

Phụ Chú: Nói đến Tầm Dương lại không khỏi nhớ đến 2 câu mở đầu bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị: "Tầm Dương giang đầu dạ tống khách / Phong diệp địch hoa thu sắt sắt " (Đầu sông Tầm Dương một đêm đưa khách / Lá phong hoa lau xào xạc gió thu buồn) ̣ 

Phạm Khắc Trí

Tàn Đông



Bài Xướng: Tàn Đông

Đông sắp tàn rồi em biết không?
Lá cành trỗ nhánh mở xuân lòng
Bờ lau văng vẳng mang lời hát
Ngõ trúc êm đềm thoảng tiếng thông
Ươn ướt môi cười, trông nắng thắm
Long lanh mắt dịu ngắm hoa hồng
Một mùa thu cũ ngày xưa ấy,
Đông sắp tàn rồi em biết không?

Tình Thơ
***
Bài Họa: Sông nước


Hạ sắp qua rồi, Thơ biết không?
Thu kia lại khiến ngẩn ngơ lòng
Xuân sang hớn hở bao cây cỏ
Đông tới ngậm ngùi những ngọn thông
Ngõ cũ còn thương hoa sắc tím
Đường xưa vẫn nhớ áo tơ hồng
Trời chiều lặng lẽ buông trên biển
Sông nước hững hờ, Thơ biết không?

Tiếng Sông

Nàng Thơ Khóc



Xướng:Nàng Thơ Khóc
(Tung Hoành Trục Khoáng)

" Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt heo may thoảng lại rồi "..
( Buồn Thu - Hàn Mặc Tử )

VỘI quá tình Anh, vẫn ngậm lời,
VÀNG thu nức nở lắm Em ơi !
CÁNH trăng chảy máu đau lòng Cuội,
NHẠN én rã đàn xót đất trời.
BAY bổng niềm mơ tình mãi trỗi,
ĐI vào suối mộng cảnh hoài trôi.
TRỚT luôn khát vọng, Nàng thơ hỡi !
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.

Đức Hạnh

17 08 2018
***
Các Bài Họa:
(Tung Hoành Trục Khoáng)
" Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt heo may thoảng lại rồi "..
( Buồn Thu - Hàn Mặc Tử )

Thu Nói

VỘi vã thu đưa thủ thỉ lời
VÀNG cây úa lá khổ này ơi !
CÁNH hoa buồn tủi xuôi triền đất
NHẠN mắt đăm chiêu tận cuối trời
BAY mãi không màng nơi bến đợi
ĐI hoài bẻ mộng kiếp tình trôi
TRỚT hồn lãng tử chờ trăng thắp
HIU HẮT HƠI MÂY THOÁNG LẠI RỒI.
\
Tuan Nguyen
16 08 2018
***
Thu Tha Hương

VỘI ngắm màu Thu rộn rả lời
VÀNG trông ánh mắt nhớ người ơi !
CÁNH tung nắng gió ngoài biên ải
NHẠN lạc đường mây ở cuối trời
BAY nhảy cõi trần đau dạ hẳn
ĐI tìm hạnh phúc khổ lòng thôi
TRỚT nên thanh thản mờ sương khói
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI

Songquang 
 17 08 2018
***
Thu Sầu

VỘI vã mà chi uổng phí lời
VÀNG thau khó giải lắm người ơi!
CÀNH hồng thưở ấy rơi bên ngõ
NHẠN sáo giờ đây lạc cuối trời
BAY mãi . . khôn cùng sao chỉ vây!
ĐI hoài . . cũng có thế mà thôi!
TRỚT ôm mộng hão sầu da diết
HIU HẮT HƠI MAY THOÁNG LẠI RỒI

Phạm Kim Lợi 
18 08 2018
***
Thu Cảm

VỘI vã mà chi?...ngại rậm lời
VÀNG mơ...phai bạc lắm người ơi!
CÁNH giang vóc hạc lòa lưng núi
NHẠN hút tầm mây lặng cuối trời!
BAY vút cao xanh nào hỷ xả
ĐI cùng tận thẳm cũng buồn thôi (?)
TRỚT mầu năm tháng sầu thu rụng
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.

Nguyễn Huy Khôi
17 082018
***
Mừng Thu

Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt.
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi…
VỘI viết thơ thu khó đủ lời
VÀNG gieo hoan hỉ tiếng à ơi.
CÁNH giương xe chạy thênh thang lắm
NHẠN giỡn diều lên thoải mái rồi
BAY ngóng xa xưa buồn cũng phải
ĐI vào hiện tại chỉ vui thôi.
TRỚT rồi con vượt hơn cha mẹ
HIU HẮT HƠI THU THOÁNG LẠI RỒI

Trần Như Tùng.
***
Sang Thu

VỘI tiễn biệt nhau xót nghẹn lời
VÀNG lay bến mộng buốt sầu ơi
CÁNH xao xuyến lặng thầm côi bóng
NHẠN mỏi mòn hoang vắng cuối trời
BAY gọi tương phùng ngơ ngác mãi
ĐI tìm hạnh ngộ phạc phờ thôi
TRỚT phen xuân rụng mùa ân ái
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.

Lý Đức Quỳnh
19 08 2018
***
Nàng Thơ

VỘI quá hồn thi, vẫn ngậm lời,
VÀNG thu nức nở lắm thu ơi !
CÁNH trăng chảy máu đau lòng Cuội,
NHẠN én rã đàn xót đất trời.
BAY tới ngàn sao tình mãi trổ,
ĐI vào suối mộng cảnh hoài trôi.
TRỚT luôn khát vọng, Nàng thơ trỗi !
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.

Hồng Xuyến
17 08 2018
***
Thu cô Liêu

VỘI tiễn thuyền xa sóng nghẹn lời,
VÀNG son mấy thuở cố nhân ơi!
CÁNH thư kỷ niệm buồn trang vở,
NHẠN én chân mây tẻ nẻo trời.
BAY quyện sơn hà tình mãi nhớ,
ĐI vào tuế nguyệt nghĩa không thôi.
TRỚT trăng vỡ vụn hồn thơ khóc,
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.

Phu Nhi Nhi Phu
20 08 2018
***
Vương Vấn Tình Thu

VỘI rót vào trang rượu ủ lời
VÀNG con mắt đợi bạn tình ơi
CÁNH chim mỏi mệt vươn ngàn khoảng
NHẠN bóng mờ xa lạc cuối trời
BAY đón nàng thơ luôn để lỡ
ĐI về cõi mộng bỗng dừng thôi
TRỚT mà phận vẫn buồn day dứt
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI .

Hải Phạm
21 08 2018
***
Tình Thu

VỘI giã Hạ ơi! Thu đến nơi
VÀNG sân lá rụng xót bao lời
CÁNH sao rạng rỡ soi ngàn lối
NHẠN én long đong dõi đất trời
BAY bổng hồn thi luôn phấn khởi
ĐI sâu suối mộng mãi bồi hồi
TRỚT trăng rạn vỡ dòng thơ trỗi
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.

Duc Au 
21 08 2018
***
Hiu Hắt Thu

Sầu lả cánh chim bay đi mất
Hơi may hiu hắt lại về rồi
(Phỏng theo Buồn Thu)

SẦU chi lắm rứa hỡi thu ơi
LẢ tả vàng bay lặng tiếng lời
CÁNH nhạn xa xôi mong sắc núi
CHIM rừng vời vợi nhớ hương trời
BAY về chốn não sông hoài ngóng
ĐI đến nơi nao nước mãi trôi
MẤT cả dòng mơ năm tháng cạn
HƠI MAY HIU HẮT LẠI VỀ RỒI.

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm

18 08 2018
***
Các Bài Họa Vận:

Tím Thu


Ánh nắng chiều lan sáng nửa vời
Chữ tình da diết lắm người ơi
Sông xanh dòng nhớ trôi niềm lá
Mây xám duyên xưa ngã bóng trời
Khe khẽ tiếng lòng đâu thể tỏ
Bẽ bàng hương ái khó nên lời
Trùng khơi biển tím đầy tâm sự
Khắc khoải thu vàng quạnh chửa vơi

Vetra Tho 
16 08 2018

Thu Buồn

Mùa thu những muốn ngỏ đôi lời...
Trả lại cho người một tiếng ơi ....
Lối cũ bầy ong nào nhớ nổi
Đường xưa lũ bướm cũng quên rồi
Niềm thương thuở ấy còn đâu nữa
Nỗi nhớ bây giờ chỉ thế thôi
Dĩ vãng nhòa theo làn gió thổi
Hoàng hôn vụt tắt phía chân trời ..

Tien Nguyen 
16 08 2018
***
Thu Sầu


Vì sao chẳng thiết nói nên lời
Nửa mảnh hồn sầu réo gọi ơi
Giấc Hạ buông dần mây tản khuất
Chiều Thu chớm dậy lá rơi rồi
Âm thầm ủ bóng đành đau vậy
Lặng lẽ ôm hình chỉ khổ thôi
Sắc nhuộm hoàng hôn mờ ảo giác
Đêm chờ ánh Nguyệt dỗ niềm vơi

Minh Thuý 
18 08 2018
***
Đáp Lễ Cùng Qúy Hữu

Chân Tình


CHÂN tình cánh Nguyệt tỏ đôi lời
THÀNH quả giao hòa đẹp lắm ơi!
CẢM tưởng nàng Thu vời lắm cảnh
ƠN người chú Cuội nở lưng trời
QUÝ nhân vẫy bút tâm hồn nở..!
BẠN hữu khơi lòng tiếng nhạc trôi
HỌA tứ nồng nàn trăng sáng tỏ
THƠ mời...Mặc Tử thế vui rồi !

Đức Hạnh 
20 08 2018


Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 20

Hình Toàn và Mẹ

Kim Liên đi rồi tôi bồn chồn lo lắng không biết bạn ấy ra sao? Đến nơi an toàn hay lênh đênh trên biển cả, đến cả tháng sau chú ghé nhà cho hay Liên đến nơi bình an đang ở trại tỵ nạn Songkhla tôi mừng cho bạn và buồn cho mình, không biết bao giờ tôi mới thực hiện được ước mơ mà muốn xây nên giấc mộng việc đầu tiên tôi phải có tiền có vàng, mặc dù chú hứa nhưng biết khi nào? trong khi tôi không có giấy tờ hộ khẩu.

Tôi người con gái tự cao tự trọng nên cố vươn lên bằng chính đôi tay của mình tôi không muốn lợi dụng lòng thương hại của ai và không đem tình cảm của mình ra đánh đổi (sao tôi không ỏng ẹo một chút đải bôi một chút nhờ vả một chút thì có lẽ giúp thêm vài đứa bạn nghèo có cơ hội thoát thân)

Nhưng tôi một người con gái không qùy lụy một ai, không xin xỏ một cơ hội dù cơ hội ra khơi, lúc ấy tôi nghĩ chắc tại mình nghèo không có tiền nên không được đi, có lẽ tôi chẳng thương ai nên nghĩ là chẳng có (ai) để ý và lo cho mình, tôi nghi ngờ tất cả mọi cảm tình... hay nói một cách khác tôi không tin tưởng đàn ông (kể cả chú)... người có vợ lại lăn nhăng không chung thủy, kẻ chưa vợ thì bồ bịch lung tung... người thì đánh vợ kẻ nhậu tối ngày... trong mắt tôi đàn ông không mấy tốt... nên tôi không để ý đến ai là vậ... không biết tôi không có trái tim hay trái tim c..h..ì.

Không có Liên tôi không đi theo xe hàng nữa, tôi đi xe đò lên SG mua hàng xong thì ra bến xe hàng Minh Phụng, nếu gặp xe anh 7 thì gởi hàng về trước hôm sau tôi đi xe đò về, nếu không gặp xe anh 7 mà gặp xe anh họ tôi thì gởi cũng được, họ giấu hàng giùm tôi, tôi vẫn trả tiền vận chuyển, lúc đầu các anh không chịu nhận, nhưng tôi bảo tôi đi buôn bán kiếm lời thì đâu đó phải sòng phẳng, thế là các anh ấy cũng phải nhận, gởi hàng cho người quen cũng an tâm hơn... lúc sau này tôi có được nhiều mối đặt hàng nên đi SG thường hơn, ăn mặc thì giống dân thành thị nhiều đến nổi có người còn tưởng là dân Sài Gòn.

Nghĩa là áo sơ mi áo kiểu quần xoa vải xéo chị 8 con thiếm 2 may theo kiểu trên đó mặc vào rất đẹp, áo sơ mi chíp bốn ben, thân áo trước và sau phần trên thêu ru đê đục lỗ bằng chỉ tiệp màu áo, quần xoa đen cắt ôm mông khi đứng ống quần hơi rũ xuống rộng dưới ống, mang guốc đế bằng hơi cao tí cho dáng đi hơi đẹp... Ôi một cô bạn hàng lục tỉnh cũng áo quần bảnh bao ....
Đúng là chiếc áo không làm nên thầy tu 
Đi với phật mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy, dân đi buôn mà ăn diện thế ai nghĩ là cô gái hai mươi bốn tuổi đầu điệu thế mà đi buôn lậu... nên có khi chị ta ôm cả đống thuốc trong giỏ mà vẫn đi qua trạm tỉnh bơ không ai kêu xét. 
Xét gì chớ.... cô ta xách cái giỏ lưới nhìn thấu từ trong ra ngoài chỉ có vài ba hộp trà khoai tây nem chua lại đựng một hai phong bánh của sg về làm quà khi xuống xe thì giỏ đồ để lại trên ghế ngồi đâu có giấu dưới lườn xe đâu, còn nhìn thì thấy rõ mồn một rồi chẳng có gì quí giá (nhưng trong hai hộp trà bằng thiếc thì cả nghìn viên aspirins,anacine, còn hai phong bánh thì cả chục vĩ thuốc Tepo Optaridion, còn khoai tây nem chua là thật... sau này tôi không thức sớm xếp hàng mua vé xe nữa, vì tôi chẳng có chuyện gì gấp, nên đi xe chuyền dễ dàng hơn và ít bị xét khách đi đoạn đường ngắn cái này tôi học từ một lần xe hư lâu quá ngồi chờ cũng vậy nên bỏ xe đi xe lôi xuống Vĩnh long thế mới thấy cái khó ló cái khôn ...

Từ Sài Gòn tôi đi Bắc Mỹ Thuận- đi xe lôi máy xuống Vĩnh Long- qua Bắc Cần Thơ - rồi về Rạch Giá, nếu hết xe Cần Thơ về Rạch Giá thì tôi về ngã ba lộ tẻ rồi từ đó đón xe về tỉnh 
Nghe thì phiền phức lòng vòng nhưng thật ra nhanh hơn bạn ạ....
Vì mình đi thẳng một lèo Sài Gòn- Rạch Giá.. phải lệ thuộc vào chiếc xe mình mua vé, nó muốn hư lúc nào thì hư (mách lới) và chuyến xe đường dài thường bị xét 
Còn xe nhỏ đường ngắn qua trạm dễ hơn và xe lôi máy ai xét bao giờ.....
Rồi sau này Rạch Giá có hàng lậu từ biên giới Campuchia (hàng từ Thái Lan như bột ngọt xà bông kem .....) nên mỗi chuyến lên tôi mua vài chục kg bột ngọt gởi xe hàng đem lên, để kiếm thêm thu nhập không bỏ phí chuyến lên ....

Đi xe tôi cũng vẫn thích ngồi phía sau, để quan sát tình hình nếu khi qua trạm 
công an trèo lên nhìn xét sơ sịa thì không sao, còn nếu kêu tất cả xuống xe thì tôi xách túi đồ quần áo nhỏ (2 bộ thôi vì đồ đạc quần áo tôi để một mớ trên SG không phải xách lên xuống) và xách luôn giỏ lưới xuống luôn nếu tình hình không êm xét lâu thì tôi đi xe khác về bến Bắc hoặc Vĩnh Long 
Qúi vị thấy chưa... ai bảo thấy con gái điệu mà khờ đâu... dân đi buôn mà khờ sao được... gặp thời thế thế thời phải thế.
Sau này phong trào vb lên cao nên thuốc Tây cũng bán đắt hàng, có khi tôi đi một chuyến có ba bốn ngày về rồi lại đi... tiền vào rất nhanh nhưng trái tim thì nhỏ lại vì hồi hộp... Tôi thích cơm ở bến Bắc Mỹ Thuận canh chua cá dứa nấu với bông so đủa... cơm sườn... cơm tôm kho tàu... Ôi sao hàng quán hai bên đường sao họ nấu ngon quá... nghĩa là chị ta cũng thích ăn ngon mặc đẹp dù trăm ngàn gian khó (tội gì chớ... để mất hết vào tay... cũng dzậy thôi) mà mang thêm bịnh tức

Mỗi chuyến lên tôi đều mang nước mắm và gạo cho gđ thiếm hai, nhưng suốt ngày tôi cứ ở góc phố đầu đường để mua thuốc nên ít ăn cơm nhà, dặn gia đình thiếm đừng chờ cơm, nên thiếm chừa lại nhưng tôi về trễ thì ghé quán ăn rồi, có lần thiếm giận nói mình chê lần nào lên cũng xách khô gạo nước mắm mà không chịu ăn cơm nhà... Ôi kẻ đi buôn thì gặp đâu ăn đó... hơi sức đâu mà chạy về ăn cơm... còn vấn đề gạo thóc như một phần tôi tạ ơn đùm bọc tôi những lúc khó nghèo, thời ấy Sài Gòn khó mua gạo hơn dưới quê ... một tấm chân tình của tôi đối với những người ơn dù không cao sang gì nhưng là nghĩa cữ cao đẹp giữa tình đồng quê với nhau... mà tôi đã một thời nương náu. 
Tôi lên xuống Sài Gòn thường, có lần thiếm hai bảo cở này thằng Tỷ cháu ngoại thiếm siêng lên thăm ông bà ngoại lắm 
- Tao coi mòi nó thích mày, mày chịu làm cháu dâu tao không?

Trời ơi cái thằng tôi đi tới đâu gieo đau thương đến đó, cho con xin hai chữ bình an... mỗi lần tôi lên Tỷ thường lấy xe chở dùm tôi ra bến xe hay đi bến xe hàng tìm anh 7 gởi hàng (cái tình thời ấy nó cao qúi và trong sạch lắm anh thương tôi hay để ý ai chỉ tỏ bằng cử chỉ săn sóc ân cần nói chuyện buâng quơ) 
Nhà A Tỷ bên chợ lớn thế mà cứ chạy qua Nguyễn thiện thuật thăm ông bà ngoại. Tôi biết nhưng giả bộ làm thinh, tôi không muốn dính vào tình cảm trai gái hay là tôi vô cảm với người khác phái....
Nên trong đoạn Đường xa có câu: 

Xin anh đừng nói câu thương nhớ
Nói tiếng yêu chi kẻ hận đời
Tôi đây con gái chi nên tội
Vượt biển không thành mất cả tên

Xin hẹn kỳ sau 21 xem cô bạn hàng lục tỉnh đủ vốn để xuống tàu lần hai ?

Hình Toàn

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Trở Về Bến Mơ - Nhạc Sĩ Ngọc Bích- Sĩ Phú



Nhạc Sĩ: Ngọc Bích
Ca Sĩ:Sĩ Phú 
Thực Hiện Hoàng  Khai Nhan


Mừng Sinh Nhật Đại Huynh



Ngoài kia chim hót rộn ràng
Nhắc người xa xứ với ngàn yêu thương
Dù qua cách mấy dặm trường
Thì người ở lại vẫn thường nhớ nhung
Cùng là sinh nhật vui chung
Cùng trong tháng 9 không trùng ngày sinh
13 ghi nhớ làm tin
Việt Nam- Sa Đéc bình minh một ngày
Hoàng tử được lệnh vua sai
Xuống ngay trần thế làm trai út nhà
Hôm nay chàng đã ở xa
Đại dương cách trở đường ra nước ngoài
Thôi thì nhắn gửi cùng ai
Chúc mừng sinh nhật một ngày thật vui

13/9/2018
Hồ Nguyễn

Vui Buồn Tuổi Học Trò

(Lớp Seconde Moderne II cuối niên học 1953-1954)
Hình 1:
Hàng đứng từ trái qua phải:
- Hàng trước: Phạm huy Hoàng (con thầy Liêu), Nguyễn văn Tiết (kỹ sư), Lâm văn Mẫn (đốc sự),Lâm văn Miếng, Châu minh Thiện, Trần bá Xử,Lưu bỉnh Khiêm, Lê khắc Nghĩa, Nguyễn phú Quí, Hứa xướng Văn, Dương quang Ngự.

- Hàng sau: Trương quang Minh (HT), Nguyễn trung Nghĩa, Lê văn Hai (trung tá),Huỳnh minh Bảo (kỹ sư), Hồ công Minh (hàng hải thương thuyền/marine marchande), Hồ công Tâm (em ruột Hồ công Minh). 

Lời Mở Đầu:

Khi chọn tựa đề bài viết Vui Buồn Tuổi Học Trò, người học trò già này liên tưởng ngay đến quyển sách Vinh Nhục Đời Lính (Grandeur et Servitude Militaires) của nhà văn kiêm nhà thơ nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ 19 thuộc trường phái lãng mạn là Alfred De Vigny vì có lẽ hơi giống nhau ở hai thái cực vui và buồn trong cuộc đời. Dưới đây tôi xin phép quý thầy cô và quý niên trưởng, đồng môn và thân hữu được nêu lên vài câu chuyện vui buồn tuổi cắp sách đến trường mà đa số buồn nhiều hơn vui trong suốt chiều dài ở Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ trong nửa đầu thập niên 50.

Câu chuyện của chị đồng môn Nguyễn Thị Cẩm Lệ.

Nguyên nhân chính và sâu xa nhứt khiến tôi viết bài này bắt nguồn từ khi tôi mày mò xem bài VUI BUỒN CỦA TUỔI ĐỜI HỌC SINH do chị đồng môn Nguyễn thị Cẩm Lệ viết trong chuyên mục TRƯỜNG TÔI TRONG TRÍ NHỚ (TẬP I) xuất hiện trên giai phẩm PHAN THANH GIẢN & ĐOÀN THỊ ĐIỂM được xuất bản năm 2002. Như vậy có thể nói bài Vui Buồn Tuổi Học Trò của tôi là phần nối tiếp bài viết của chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ vì lúc đọc bài của chị tôi rất vui khi nhận ra "đây là bà con của mình đây mà" vì chúng tôi học cùng một thời và cùng một trình độ như nhau, chỉ khác biệt ở chỗ chị học ở série Classique, section Moderne đi từ Sixìème đến Première Moderne trước khi lên classe terminale, còn tôi thuộc enseignement Secondaire, section Moderne đi từ Première Année đến Première Moderne trước khi qua classe terminale.

Đúng như chị đã viết là người ta nói hễ già hay nhớ chuyện xưa nên bây giờ tôi không thoát ra khỏi thông lệ đó, do vậy tôi thường hay hồi tưởng lại cái thuở cắp sách đến trường từ cái ngày mới là cậu bé học ở trường làng bậc tiểu học nhưng phải nói nhớ nhứt là thời gian mài đủng quần ở các trường trung học đệ nhứt cấp và đệ nhị cấp, cái thời gian nhiều kỷ niệm êm đềm nhứt mà mỗi lần nhớ lại là không sao tránh khỏi nỗi bâng khuâng tiếc nuối như đã đánh mất đi cái thời vàng son quý báu nhứt của cuộc đời.

Vì trong bài viết của chị có đoạn cho biết Chị còn nhớ nhiều đồng môn bên nam cùng thời với chị nên tôi hớn hở liên lạc với đồng môn niên đệ Lê Hoàng Viện được xem như quyển tự điển sống của sinh hoạt PTGĐTĐ hải ngoại để hy vọng được liên lạc với chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ và ba hoa chích chòe đôi điều với chị về cái thuở được hân hạnh làm học trò của Collège de Cần Thơ xa xưa ấy, nhưng than ôi, bản điện thư hồi âm của niên đệ Lê Hoàng Viện như gáo nước lạnh dội vào người khi được biết hung tin là chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ đã qua đời đã hơi khá lâu nhưng vì chị và phu quân là anh Trương Kim Thạch ở tận bên phương trời Âu Châu xa tít mù khơi là Hy Lạp nên chỉ có bạn bè ở Houston TX là biết được tin này mà thôi. Đây là tin buồn đầu tiên trong một chuổi dài những tin buồn liên quan đến chuyện Vui Buồn Tuổi Học Trò nêu trên. Trong kỳ Đại Hội đầu tiên các Cựu Học Sinh Trung Học Phan Thanh Giản- Đoàn Thị Điểm Hải Ngoại tổ chức tại Houston TX năm 19 97 kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường, các đồng môn luôn nhắc đến sự kiện chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ rất vui mừng khi gặp lại thầy xưa bạn cũ đến bật khóc trông rất dễ thương và cảm động. Ngày xa xưa ấy nay còn đâu hỡi chị Cẩm Lệ thân thương, và như vậy là điều mong mỏi thiết tha nhứt của tôi được tâm sự với chị sẽ không bao giờ thực hiện được; qua bài viết này, tôi xin kính cẩn đốt nén hương lòng để tưởng nhớ đến chị, một chị bạn đồng song mà tôi rất mến mộ khi xem bài viết đầy chân tình của chị mà chưa bao giờ tôi hân hạnh được diện kiến với chị để biết thêm những tin tức về các bạn đồng môn cùng thời ở đầu thập niên 50 với chúng ta.

Câu chuyện về đồng môn Huỳnh Minh Bảo

Anh Huỳnh Minh Bảo là người bạn rất thân học cùng lớp với tôi những niên học 1953, 1954 và 1955. Tuy thời gian học chung với nhau chưa đủ dài nhưng tình cảm giữa hai chúng tôi rất khắng khít mà chúng tôi xem như anh em ruột vậy. Ngày ấy, khi Mối Tình Học Trò chớm nở, tuy chỉ trong tư tưởng mà thôi, nhưng anh là nhân chứng đặc biệt quan trong khi anh đang ở đường Capitaine d'Hers, sau này gọi là đường Phan Thanh Giản, dường như ngụ chung nhà với "người đẹp" giống Nhật (quê ở Sóc Trăng) học Đệ Ngũ A cùng lớp với cô Huệ Judo và Bích Hằng con thầy hiệu trưởng Nguyễn Băng Tuyết mà các bạn quỹ sứ lớp tôi đã đùa nghịch, trêu chọc và gán ghép với tôi vì biết tôi rất nhát gái, có trời mà biết thôi quý vị à? Đến khi tôi gởi thiệp chúc Giáng Sinh cho người đẹp mà không được hồi âm, chính anh Bảo là người tôi nhờ hỏi thăm tin tức dùm tôi vì tôi biết anh cũng mến tôi và tôi đặt hết tin tưởng vào anh vì dĩ nhiên tôi biết anh không đùa nghịch với tôi như một vài bạn khác. Sau này, khi tôi gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thì cũng đúng lúc anh Bảo vào học Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc ở Blao (Bảo Lộc) nên có đôi ba lần anh xuống thăm tôi tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Một thời gian sau, khi tôi là Trung úy huấn luyện viên, sau đó làm Trưởng Ban 3/Huấn Luyện của Liên Đòan B Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thì một sự bất ngờ thú vị đã xảy ra khiến tôi gặp lại anh trong hoàn cảnh dở khóc dở cười ngoài ý muốn của anh để tôi được dịp giúp lại người bạn cũ chí cốt ngày xưa mà cháu Huỳnh Minh Bích Nga, con gái đầu lòng của anh đã ghi lại trong trang nhà của trường Mẹ qua bài Một Cách Sống Của Ba.

Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây vì sau biến cố 30.4.1975, tôi được định cư tại Mỹ sau những năm tháng lao tù, còn anh, tuy cũng là sĩ quan và là kỹ sư ngành Nông Lâm như vẫn ở lại Saigon với gia đình. Chúng tôi vẫn liên lạc qua thư từ và vẫn giữ tình cảm sâu đậm với nhau như ngày nào. Trong lần về thăm nhà vào cuối năm 2013, tôi dự định mời anh về thăm Cần Thơ và trường Mẹ nhưng sức khỏe anh suy yếu dần dần nên tôi hứa với anh khi trở về Saigon, hai anh em sẽ rủ nhau đi uống cà-phê, nhưng ngày tôi trở lại thì cũng là ngày tôi tiễn anh đến ga cuối cùng của cuộc đời. Anh Bảo ơi, còn đâu những giây phút chúng ta gặp nhau ở Đà Lạt, một dân sự và một quân sự, hay những giây phút ở nhà anh cùng chị và các cháu, đặc biệt cháu Bích Nga luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc cho anh từng ly từng tí một không rời xa anh một bước! Mong anh ở chín tầng mây bạc luôn phù trợ cho Chị và các cháu được mọi việc an lành.

Câu chuyện về đồng môn Trương Quang Minh.

Trong hai năm học lớp Seconde Moderne II và Première Moderne II từ năm 1953 đến 1955, bạn Trương Quang Minh là học sinh Trưởng Lớp (major) gương mẫu. Phải nói một cách công tâm rằng gần như hầu hết các bạn cùng lớp với tôi học hành chăm chỉ, ngon lành lắm chớ bộ, nhưng chỉ có vài trự vượt trội "đè đầu đè cổ" chúng tôi trong đó phải nói đến bạn Trương Quang Minh. Anh chẳng những học giỏi mà tính tình rất dễ mến. Da dẻ anh hồng hào như con gái mà mỗi khi ai chọc anh mắc cở thì y như rằng anh có vẻ bẽn lẽn như con gái và ít tranh cải với ai, nhưng trong học tập, anh luôn luôn có những ý kiến sắc bén đầy tính thuyết phục người nghe. Đặc biệt trong giờ Physique (Vật Lý), thầy Nguyễn Văn Trọng (FM Đầu Bạc) thường gọi bạn lên giảng bài cho cả lớp nghe, và từ những giây phút đầu tiên ấy, anh đã có đầy đủ đức tính của một giáo sư lành nghề sau này.

Từ khi lên Saigon học tiếp rồi gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt trở về sau, tôi không biết tin tức về người bạn học cùng lớp giỏi giang này nữa, mãi cho đến kỳ Đại Hội Thế Giới XVI PTG-ĐTĐ tổ chức tại thủ phủ Boston, Massachusetts gần nơi tôi cư ngụ, tôi đã thăm hỏi một số đồng môn các nơi về tham dự Đại hội 16, đặc biệt là hai đồng môn chuyên trách trang nhà của Trường Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm (mà tôi mới có dịp làm quen lần đầu tiên) là Nguyễn Công Danh và Lê Hoàng Viện, khi ấy tôi mới được biết tin bạn Trương Quang Minh đã vĩnh viễn ra đi tại Melbourne, Úc Châu vào đầu năm 2005 để lại trong tôi vô vàn luyến tiếc khôn nguôi.

Câu chuyện về những đồng môn khác cùng lớp với tôi.

Đúng theo tinh thần của chủ đề Tìm Về Kỷ Niệm của Đại Hội Truyền Thống PTG&ĐTĐ và Một Thời Để Nhớ của Đặc San số 19, qua thông tin cung cấp bởi đồng môn niên đệ Hồ công Nghiệp là em của hai đồng môn bạn cùng lớp với bạn Trương quang Minh và tôi là Hồ công Minh và Hồ công Tâm, học trò già Luật sư Hồ Trung Thành đã chuyển đến quý Thầy Cô và đồng môn 2 tấm hình ngày xưa của các bạn học cùng lớp Seconde Moderne II với tôi chụp vào cuối niên khóa 1953-1954 tại Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ (danh xưng ngày ấy là Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ).

Hình 2:
- Hàng đầu: Trương quang Minh, Châu minh Thiện, Lê văn Hai 
- Hàng thứ 2: Lâm văn Miếng, Lê khắc Nghĩa
- Hàng thứ 3: Dương quang Ngự, Lưu bỉnh Khiêm, Nguyễn phú Quí, Hứa xướng Văn, Phạm huy Hoàng, Lê văn Tiết
- Hàng thứ 4: Các anh Hồ công Minh, Nguyễn trung Nghĩa, Trần bá Xử, Lâm văn Mẫn, Huỳnh minh Bảo, Hồ công Tâm
(chỉ thêm một anh ngồi đàng sau chỗ cao nhứt là Nguyễn thới Lai, GS đại úy, còn những người khác như hình 1.
- Hàng sau cùng có anh Nguyễn thới Lai ngồi cao nhứt

Một trời kỷ niệm đã ập đến với tôi khi nhìn thấy các diện mạo còn trẻ măng của bạn cũ năm nào từ bạn Phạm Huy Hoàng, con cố GS Phạm kim Liêu hiện ở Hoa Kỳ, bạn Nguyễn văn Tiết là kỹ sư hiện còn ở Việt Nam, đến các bạn Lâm văn Mẫn, đốc sự hành chánh hiện ở Sacramento, CA, bạn Hồ công Minh tốt nghiệp hàng hải thương thuyền hiện ở Westminster, CA, và em là GS Hồ công Tâm, cựu Trưởng Phòng Văn Hóa Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu hiện ở Tân Định, quận 1 Saigon, bạn Nguyễn thới Lai, GS hiện ở An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Trong hình còn có bạn Châu minh Thiện, kỹ sư là em của cố Trung tá Châu minh Hiền và cố Thiếu tá Châu minh Huệ là con của cố GS Châu văn Đồng (?) ở Châu Đốc mà tôi không biết bạn Thiện bây giờ ở đâu cũng như các bạn Nguyễn văn Miếng, Lưu bỉnh Khiêm, Lê khắc Nghĩa, Nguyễn phú Quí, Dương quang Ngự cao nhòng, Lê văn Hai từng ở Phủ Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa, anh Nguyễn xuân Nghĩa, và đặc biệt là anh Hứa xướng Văn trọ học tại Sca-Radio cạnh sông cái ngang nhà chị em người đẹp 11 bia (onze bis hay ông già bích). Cũng trong hình thứ hai này còn có hai anh bạn đã nêu ở phần trên là bạn trưởng lớp Trương quang Minh, cố Hiệu Trưởng trường PTG, cố Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Phong Dinh và cố kỹ sư Huỳnh minh Bảo đã rời bỏ các bạn cùng lớp chúng tôi năm 2014 vừa qua.

Một điểm đặc biệt khác nữa là trong lớp tôi có hai cặp là anh em ruột, cặp thứ nhứt là hai bạn Hồ công Minh và Hồ công Tâm, còn cặp thứ hai quê ở Sa Đéc là hai bạn Trần văn Dẫu và Trần văn Dược là bạn rất khắng khít với đồng môn bác sĩ Nguyễn việt Tân Roland, con trai duy nhứt của thầy Nguyễn gia Lịnh, hiện đang định cư tại Miami, Florida.

Điểm đặc biệt cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến trước khi chấm dứt việc ba hoa chích chòe ở đây là lúc bấy giờ (những năm 1953-1955) trong lớp tôi có hai bạn là người Miên mà tôi không nhớ tên. Từ năm 1956 trở về sau, chúng tôi chưa bao giờ gặp lại nhau mãi cho đến năm 1971, lúc bấy giờ tôi là Trung tá phục vụ tại Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu, trong dịp tiếp đón Phái đoàn Campuchia trong thời gian Lon Nol lãnh đạo quốc gia này, bấy giờ Quân Lực VNCH giúp Campuchia huấn luyện binh sĩ của họ tại TTHL Lam Sơn ở Vùng 2 Chiến Thuật. Khi tiếp rước phái đoàn Kampuchia (Délégation Cambodienne), điều bất ngờ thú vị là tôi đã gặp lại anh bạn đồng học cùng lớp năm xưa ở Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ khi ấy anh mang cấp bậc Trung tá của Quân đội Campuchia, dĩ nhiên là anh ta đã rất vui mừng nên đã xí xô xí xào bằng tiếng Việt Nam với tôi một lúc khá lâu trước sự ngạc nhiên của cả hai phái đoàn Cao Miên và Việt Nam.

Viết tại Springfield, Massachusetts, mùa thu năm 2015
Trần Bá Xử

Tuổi Thu


Xướng: 
Tuổi Thu

Cái già xồng xộc chẳng ai hay
Bảy bốn thu qua lẹ thế này
Nhìn lá ngô đồng rơi lả tả
Trông trời bụi trúc rụng khô đầy
Bạn bè lác đác “đi” luôn đó
Bằng hữu lai rai “vắng” mãi đây
Sống được ngày nào nên hỉ xả
An nhiên tự tại ấy là may !

Mai Xuân Thanh
***
Các Bài Họa:
Tuổi Thu

Xồng xộc tuổi già đến chẳng hay,
Đầu xanh bỗng chốc trắng như này.
Ngô đồng một lá hay thu đến,*
Tóc bạc ngàn ngày biết lão đây.
Thế sự đổi thay nhiều trãi nghiệm,
Việc đời châm chước mặc vơi đầy.
An nhàn mở rộng lòng nhân ái,
Vui hưởng tuổi trời mặc rủi may!

Đỗ Chiêu Đức
*
Theo ý của 2 câu thơ cổ :
"Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ tận tri thu
梧桐一葉落,天下盡知秋".
Có nghĩa :
Một lá Ngô đồng rơi rụng thì cả thiên hạ đều biết là mùa thu đã đến rồi ! Trong Kiều để chuyển tiếp cho cảnh Thúc Sinh muốn về thăm lại Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết:
Thú quê thuần hức bén mùi,
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô!
***
Nhận Thức

Hỷ xả mặc thây chuyện dở hay
Sóng đời thuần hậu ấm thân này.
Thanh bần nhàn tản cùng năm tháng
Lãng tử phiêu du trải đó đây
Bằng hữu thâm giao ,thi hứng khởi
Tri âm tương đắc, tửu vơi đầy...
Tu nhân tích đức hồn thư nhã
Hồng phúc giời cho,...thế cũng may.

12-9-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Vui Tuổi Già

Đã bảy mươi rồi lại chẳng hay
Tưởng như xuân mãi ngự nơi này
Cổ lai nào đã hoàng hôn xuống
Tuế nguyệt vẫn luôn ý tứ đầy
Ngũ vận Đường thi chờ chi nữa
Tứ bảo văn phòng cũng có đây
Tuổi già đang đến nhàn mau hưởng
Toan tính làm gì chuyện rủi may.

Quên Đi


Thầy Tôi

Từ trái : Ls Thành - Thầy Cửu - Tùng 

(viết cho thầy Lê đức Cửu về Cần Thơ
họp mặt sáng 09/09/2018 tại Hồ Sen quán )

Thầy về Cần Thơ quê tôi
Đò đưa kể chuyện một thời lãng quên
Tôi xa bến nước buồn tênh
Quên thầy quên cả cái tên bạn bè.
Nắng lên lay động bên hè
Bạn Thành bệnh - cũng cười toe toét cười !
Sáng nay muối biển mặn môi
Bên thầy bạc trắng giữa trời chiều Thu.
Thương thầy từ xa tít mù
Mang quà họp mặt - suy tư mũi lòng
Nhìn thầy nước mắt lưng tròng
Như cây hứng bão ngô đồng ngoài sân.
Mong sao níu lại thời gian
Cùng thầy nối bước quan san phố phường
Tình ân sư - nắng sân trường
Ơn thầy dìu dắt con đường em đi...


Thơ&Hình Ảnh: Dương Hồng Thủy 

Thầy Cửu tặng quà Ls Thành




Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Thu Vàng - Nhạc Sĩ Cung Tiến


Sáng tác: Cung Tiến
Ca sĩ: Hồng Nhung
PPS: Hương Hoài Điệp


Tiếng Hạc Trăng



Đô thị đèn màu khó thưởng trăng
Mai về thôn dã ngắm em nằm
Áo mơ vàng trải đôi bờ mộng
Tóc nối mây trời vọng cố nhân
Gió lược cành sương trườn sóng nước
Sông cài lấp lánh ánh tơ giăng
Soi nghiêng dáng nguyệt bên thềm vắng
Chênh chếch bên trời tiếng hạc trăng.

Bằng Bùi Nguyên

Đến Hẹn Thu



Đến Hẹn Thu

Cánh nhạn bay về phố biển xa
Nào hay thu tới trước hiên nhà
Ba năm bóng núi không hề lệch
Một phút hồn thơ vẫn chẳng sa
Cỏ có biếc thêm phương nhớ cũ
Cúc chưa vàng khắp vạt mây tà
Chiều hoang ánh lửa chân trời tím
Tiếng trúc mơ hồ vọng thiết tha...

Hawthorne 28 - 8 - 2018
Cao Mỵ Nhân
***
Bài Họa:
Nhớ Nhà

Nhìn theo cánh hạc khuất dần xa,
Xao xuyến hồn ta, bỗng nhớ nhà.
Xóm nhỏ buồn tênh trưa nắng đổ,
Mái nghèo trống trải tối mưa sa.
Ê- a kinh sớm chuông vừa điểm,
Eo-óc gà khuya nguyệt sắp tà.
Đã biết bao mùa thu đất khách
Mà hình bóng cũ mãi không tha.

Mailoc
8-28-18
***
Tạ Tội

Phố vắng người từ chỗ bến xa
Chiều mưa ướt sủng khắp quanh nhà
Mười năm lưu lạc tơ lòng héo
Một dịp trùng phùng mắt lệ sa
Nhớ lúc chờ nhau hồi nắng sớm
Vui khi ước hẹn buổi chiều tà
Về đây sống lại ân tình cũ
Quá khứ qua rồi, phải bỏ tha!

Trịnh Cơ
Paris,30/08/2018
***
ThuTàn Tạ...

Trời đất mênh mông biển cách xa,
Tấm thân cô quạnh sống không nhà.
Lưu vong đất khách tâm tình khổ
Phiêu bạt thân cò nước mắt sa !
Thế sự ly tan sầu mộng cũ,
Nửa đời than thở khóc trăng tà.
Chao ôi chờ mãi thu tàn tạ…
Cho cánh hoa lòng nở thướt tha !

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
***
Hằn Sâu Nỗi Nhớ

Êm đềm giấc mộng cánh buồm xa
Lướt thướt thuyền trôi gợi nhớ nhà
Khắc kiếp chui gầm đêm tối mịt
Niêm đời vượt biển cảnh mù sa
Lo âu loạn bão cùng mưa xoáy
Sợ hãi cuồng giông với gió tà
Thoát tử liều mình do định số
Chừ còn sống sót ngẫm trời tha

Minh Thuý
29 tháng 8_2018
***
Lãng Quên

Vỗ về lòng hẹn với ngàn xa
Lãng nước non quên cửa nát nhà
Ngậm nỗi xuân tàn hoa lá rụng
Ngâm niềm thu úa bóng mù sa
Vầng dương che khuất trời u ám
Sông núi chìm trong kỷ tịch tà
Vỡ tổ tan đàn chim viễn xứ
Mẹ chờ chốn cũ miếng mồi tha…

Lý Đức Quỳnh
***
Sầu Quan Tái 

Chim bay về núi cuối trời xa
Trấn ải người trai có nhớ nhà?
Vận nước điêu linh còn trắc trở
Ngại gì gió táp với mưa sa
Mênh mông khói sóng làn mây tỏa
Chênh chếch đầu non bóng nguyệt tà
Vọng hướng lòng về nơi cố xứ
Nguyện cầu tổ quốc vượt can qua

Yên Nhiên
***
 
Đốn Ngộ 
(Gửi bạn tha hương)

Mòn mỏi chim bay mút dặm xa
Tha Hương...thăm thẳm bặt tin nhà
Bồi hồi tâm não lòa sương rụng
Xáo xác hồn quê nhoạt nắng tà!
Héo hắt dạ khô nhòe bóng tối
Sụt sùi mắt lệ nẫu dương tà!
Niềm riêng day trở thời ly loạn...
Lượng bể quên đau,...sống vị tha!

21-8-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
Lỗi Hẹn Thu 

Bên sông Tương đợi kẻ nơi xa,
Đến hẹn thu, chưa trở lại nhà.
Cứ mỗi năm giai kỳ bội ước,
Là bao lần giọt lệ ngâu sa.
Ra đi vui bước con đường mới,
Ở lại chờ trông vạt nắng tà.
Cách mặt xa lòng đời vẫn thế,
Thay tâm đổi dạ tội không tha.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc 
Aug.31/2018.
***
Xem Thử

Nhủ thầm gắng đợi chẳng còn xa
Xào xạc gió thu thêm nhớ nhà!
Dân Chủ đề cao mà Nước mất
Tự Do bảo vệ để Quê sa!!
Hòa bình đó hả? sao không chính?
Độc Lập nữa à? lại vẫn tà?!!
Buồn quá, nhìn trời mây lững thững
Hỏi lòng xem thử có nên tha!!

Camthành, Augt 31 2018
Tha Nhân
***
Tiễn Hè

Tiễn hè dần khuất nẻo mờ xa
Gốc phượng trong sân trước cổng nhà
Lá rụng chỉ còn cành trụi nhẳn
Hoa tàn để lại cuống trơ sa
Ve sầu im tiếng ngoài song cửa
Sen hạ phai hương lúc xế tà
Trời đất mênh mang,Thu chớm đến
Nổi buồn viễn xứ chẳng buông tha

Songquang
9/1/2018
***
Thu Nhớ


Chim tìm tổ ấm cuối trời xa
Viễn khách tha phương bỗng nhớ nhà
Bến cũ trăng tròn tràn bãi sậy
Sông xưa nước lớn ngập bờ sa
Người đi khắc khoải đời thăm thẳm
Kẻ đợi trơ vơ tuổi xế tà
Mỗi độ thu về nghe áy náy
Do lòng mặc cảm mãi không tha.

Thủy Lâm Synh
HB, CA Sept. 1, 2018

Đất Phương Nam I-Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6


Tỉnh Bình Dương Sau Năm 1975: 

Tên tỉnh Bình Dương mới nầy đã có từ năm 1957, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 9 năm 1975, chánh quyền mới cho sáp nhập các tỉnh Bình Long, Phước Long và Thủ Dầu Một làm tỉnh Bình Thủ, nhưng tên gọi Bình Thủ chỉ tồn tại từ tháng 9 năm 1975 đến đầu năm 1976 mà thôi. Đến tháng 2 năm 1976, chánh quyền mới quyết định thành lập tỉnh Sông Bé(60) trên lãnh thổ của 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long, cộng thêm phần đất của hai huyện Tân Uyên và Dĩ An của Biên Hòa.

Tỉnh Bình Dương ngày nay nằm trọn trong địa phận của huyện Bình An dưới thời vua Gia Long. Thời nầy, tỉnh Sông Bé, gồm có thị xã Thủ Dầu Một và 7 huyện: Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát, Đồng phú, Lộc Ninh, Phước Long, và Bù Đăng, với tổng dân số khoảng 1.177.874 người. Đến ngày 6 tháng 11 năm 1996, chánh quyền lại tách tỉnh Sông Bé ra làm hai tỉnh: Bình Phước và Bình Dương. Khi mới được tách ra khỏi tỉnh Sông Bé, tỉnh Bình Dương chỉ gồm thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện: Bến Cát, Thuận An và Tân Uyên. Đến ngày 23 tháng 7 năm 1999, chánh quyền tỉnh Bình Dương lại tách đôi mỗi huyện ra để có được 6 huyện như hiện nay. Phú Giáo tách ra từ Tân Uyên, Dĩ An tách ra từ Thuận An, và Dầu Tiếng tách ra từ Bến Cát. Hiện nay, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích khoảng 2.696 cây số vuông, và tổng dân số khoảng 720.800 người, gồm có thị xã Thủ Dầu Một, và các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên, Dĩ An, và huyện Thuận An. Về vị trí, phía đông bắc giáp tỉnh Bình Phước, tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, đông nam giáp tỉnh Đồng Nai, và tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh.

Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích khoảng 2.695,5 cây số vuông và tổng dân số khoảng 863.400 người, gồm có thị xã Thủ Dầu Một và 6 huyện: Bến Cát, Dầu Tiếng, Dĩ An, Phú Giáo, Tân Uyên và Thuận An. Thị xã Thủ Dầu Một có diện tích khoảng 87,9 cây số vuông, dân số khoảng 159.900 người, mật độ trung bình là 2.468 người trên một cây số vuông. Huyện Bến Cát có diện tích 588,4 cây số vuông, dân số 119.700 người, mật độ trung bình là 202 người trên một cây số vuông.

Huyện Dầu Tiếng có diện tích là 719,8 cây số vuông, dân số 92.600, mật độ trung bình là 129 người trên một cây số vuông. Huyện Dĩ An có diện tích là 60,3 cây số vuông, dân số 136.500, mật độ trung bình là 2.264 người trên một cây số vuông. Huyện Phú Giáo có diện tích là 541,5 cây số vuông, dân số 67.300, mật độ trung bình là 124 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Uyên có diện tích là 613,4 cây số vuông, dân số 123.400, mật độ trung bình là 201 người trên một cây số vuông. Huyện Thuận An có diện tích là 84,3 cây số vuông, dân số 164.600, mật độ trung bình là 1953 người trên một cây số vuông.

Với vị trí như hiện nay, tỉnh Bình Dương có 3 con sông lớn chảy qua địa phận là sông Bé, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; cùng nhiều kinh rạch nhỏ khác, khiến cho giao thông đường thủy rất thuận tiện. Từ Sài Gòn người ta có thể đi dọc theo sông Sài Gòn để đến các vườn trái cây nổi tiếng trên Lái Thiêu, Cầu Ngang và Thủ Dầu Một, hoặc ngay cả đến hồ Dầu Tiếng. Trong khi bên phía sông Đồng Nai, người ta có thể dùng đường thủy đi dọc theo quốc lộ 13, qua liên tỉnh lộ 741, để đến các thắng cảnh Thác Mơ, núi Bà Rá, Bù Đăng, Bù Đốp, và hồ Sóc Xiêm, vân vân.

Bên cạnh đó, nhờ hệ thống sông ngòi nầy mà đa số ruộng đất của tỉnh Bình Dương đều được dẫn thủy nhập điền, ruộng vườn xanh tươi quanh năm. Riêng thị xã Thủ Dầu Một, nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn, chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 30 cây số đường bộ, khiến cho sự giao thương giữa Sài Gòn-Thủ Dầu Một rất nhanh chóng. Sự đi lại giữa Sài Gòn-Thủ Dầu Một nhanh đến độ nhiều người có cảm tưởng Thủ Dầu Một chỉ là một mảnh sân sau của Sài Gòn. Dầu hiện nay, trong vùng Lái Thiêu và Búng hãy còn nhiều đồng ruộng và vườn cây ăn trái nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu, bòn bon, mít,, xoài, mận, ổi, vân vân, nhưng trong một tương lai rất gần, một khi kinh tế vùng Sài Gòn phát triển mạnh và cần mở rộng thêm, thì chắc chắn vùng đất Bình Dương sẽ bị Sài Gòn lấn dần với những chương trình đô thị hóa các vùng Dĩ An và Thuận An.

Phải nói, hiện nay tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có mức độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở Việt Nam, khoảng 8 phần trăm mỗi năm. Hiện nay, Bình Dương là tỉnh thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam (vùng nầy bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, và Bà Rịa-Vũng Tàu). Hiện tại, tỉnh Bình Dương có hai khu công nghiệp lớn, đó là khu công nghiệp Việt Nam-Singapore(61), chiếm một diện tích trên 100 mẫu đất, do công ty mậu dịch xuất khẩu Sông Bé và công ty liên công nghiệp nghiệp Việt Nam-Singapore liên doanh; khu công nghiệp Việt Hưng, chiếm một diện tích trên 45 mẫu đất, với trên 23 nhà máy sản xuất đang hoạt động. Theo thống kê năm 2005, tỉnh Bình Dương chỉ chiếm 0,8 phần trăm tổng diện tích và 1 phần trăm tổng dân số cả nước; tuy nhiên, chỉ khoảng không đầy 8 năm sau ngày được thành lập tỉnh (1997 đến 2005), tỉnh đã chiếm đến 8 phần trăm ngân sách của toàn quốc. Đây là một trong những tỉnh có có tốc độ phát triển hàng đầu ở miền Nam Việt Nam.

Chú Thích: 
(1) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tr. 58-59, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn tái bản năm 1973. 
(2) Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Lý Việt Dũng dịch, NXB Tổng Hợp Đồng Nai 2006, tr.121. 
(3) Cần Thơ. 
(4) Bạc Liêu và một phần của Sóc Trăng ngày nay. 
(5) Thuộc quận Gò Vấp. 
(6) Nay là xã An Phú Đông. 
(7) Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi: “Năm Mậu Thân 1698, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu 
Cảnh đem xứ Đồng Nai đặt thành huyện Phước Long và đặt dinh Trấn Biên thuộc phủ Gia Định, và mộ dân từ Quảng Bình trở vô đến ở, chia đặt thôn ấp...” 
(8) Bình Chánh có 50 thôn xã, và An Thủy có 69 thôn xã. 
(9) Sáu tỉnh đó là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Kể từ đó miền Nam còn được dân gian gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. 
(10) Nghĩa An gồm 5 tổng với 58 xã thôn, nay là vùng Thủ Đức. 
(11) Tức tổng Dương Hòa Hạ mà về sau nầy là huyện Dầu Tiếng. 
(12) Nằm trong thôn Tường An. 
(13) Nằm trong thôn An Thạnh. 
(14) Từ khi xây Kinh Gia Định năm 1790 đến nay. 
(15) Nằm trong địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay. 
(16) Dọc theo sông Sài Gòn. 
(17) Mỗi mẫu tây có thể trồng khoảng 2.400 cột dây tiêu với năng suất khoảng 3 kí lô trên mỗi dây. 
(18) Bình Dương là tên cũ của một tổng trong huyện Tân Bình, thuộc phủ Gia Định. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, địa danh Bình Dương không còn được nhắc tới nữa. Họ đặt tên cho tỉnh mới là Thủ Dầu Một. Mãi tới năm 1956, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa mới lấy lại tên Bình Dương để đặt cho tỉnh Thủ Dầu Một, nhưng tên tỉnh Bình Dương nầy không dính dấp gì đến địa danh tổng Bình Dương của huyện Tân Bình ngày trước. 
(19) Thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là tỉnh Đồng Nai. 
(20) Mãi đến ngày nay vẫn còn nhiều người cho rằng không có nơi nào có trái sầu riêng ngon như sầu riêng Lái Thiêu. Có thể đây chỉ là ý kiến chủ quan; tuy nhiên, đứng về mặt khoa học mà nói, khi các nhà truyền giáo đưa giống sầu riêng qua Việt Nam, thì chỉ có đất Lái Thiêu là thích hợp cho cây sầu riêng, nên nó đã được trồng đầu tiên ở đây. Lái Thiêu là vùng đất bưng, có phù sa mềm với độ lưu huỳnh cao, rất thích hợp cho sự phát triển của cây sầu riêng. 
(21) Chạm lộng là nghệ thuật dùng loại cưa lộng để khoét thành những tác phẩm nghệ thuật rất tinh xảo. 
(22) Miền Bắc và miền Trung. 
(23) Ngày nay thuộc huyện Thuận An. 
(24) Làng sơn mài Tương Bình Hiệp cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 2 cây số. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tương Bình Hiệp thuở xưa chỉ là một thôn nhỏ, chuyên nghề làm tranh cổ. Trước khi tới làng người ta đã nghe tiếng thợ đục đẽo thật đều nhịp. Nhà nhà đều làm nghề cưa gỗ vẽ tranh rồi sơn mài. Sau khi cưa xẻ ván xong, họ phết lên ván một thứ sơn có màu đen rồi vẽ thêm hình núi non sông nước, hay cây cảnh... Sau đó, họ mài ra nhiều lần với những kỹ thuật đặc biệt, tạo nên một lớp men đen bóng, trông rất đẹp mắt. 
(25) Khoảng những năm từ năm 1950 đến năm 1975. 
(26) Sơn mài Việt Nam không sử dụng nguyên liệu ngoại quốc, mà chỉ toàn là nguyên liệu từ cây sơn của Việt Nam. Cây sơn là một trong những loại cây có mũ trắng, ngày xưa chúng mọc thành rừng ở phía bắc Thủ Dầu Một, ngày nay cây sơn được trồng rất nhiều trong tỉnh Bình Dương, chỉ nhằm phục vụ cho tranh sơn mài mà thôi. Nhựa cây sơn rất tốt, nếu biến chế đúng phương pháp có thể bảo vệ những bức tranh trên gỗ rất lâu. Thường thì người ta đục những lỗ trên cây để hứng nhựa, sau khi đem nhựa về người ta đổ nhựa vào một cái ‘sải’ được đan bằng tre, rồi đậy bên trên bằng một lớp giấy, cho tới khi nhựa sơn đã rỏ hết nước ra, người ta mới lấy ra từng lớp nhựa sơn, lớp trên cùng gọi là mũ loại một, có màu sẫm như màu cánh gián, sau đó người ta đổ lớp sơn nầy vào thùng rồi khuấy liên tục trong 3 ngày, mũ sơn sẽ có màu trong, sau đó người ta đem trộn nó với một ít nhựa thông cho có nước bóng. Sau cùng, nếu muốn cho mũ sơn có màu đen huyền hay xám thì người ta chỉ việc cho bột màu vào rồi khuấy thật đều là mũ sơn đã sẵn sàng cho một bức tranh sơn mài.
(27) Một loại đất sét trắng được sử dụng trong việc chế tác đồ gốm sứ. 
(28) Trong bài viết ‘Người Bình Dương’ trích trong “Miền Đông Nam Bộ Lịch Sử và Phát Triển”, nhà văn Sơn Nam cho rằng sau khi lò gốm ở Cây Mai trong vùng Chợ Lớn bị giải thể vào khoảng năm 1880 do sự phát triển đô thị, toàn bộ chủ và thợ tại lò gốm sứ Cây Mai đã dời về Lái Thiêu, nơi có rạch Lái Thiêu, rất thuận tiện cho việc chuyên chở sản phẩm, đồng thời vùng phụ cận Tân Uyên hãy còn rất nhiều trữ lượng đất sét. Tuy nhiên, những lò gốm sứ ở Cây Mai là những cơ sở sản xuất gốm sứ của những người Minh Hương đã từ cù lao Phố chạy về đó vào khoảng năm 1776, sau khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, sản phẩm của họ chuyên về gốm trang trí các đình chùa của người Hoa với sắc thái Trung Quốc. Trong khi đó, do nhu cầu gốm sứ gia dụng của các lưu dân đi tiên phong trong việc khẩn hoang lập ấp ở miền Đông, nên các lò gốm sứ Lái Thiêu và Thủ Dầu Một đã ra đời và họ chỉ sản xuất đồ gốm gia dụng với phong thái hoàn toàn Việt Nam. Như vậy, những lò gốm sứ ở Lái Thiêu có lẽ đã tồn tại ngay từ khi những lưu dân đầu tiên của Việt Nam vào đây khẩn hoang lập ấp, rồi sau nầy khi các lò gốm sứ của người Hoa ở vùng Cây Mai bị giải thể, họ đã dời về Lái Thiêu và các vùng khác ở Thủ Dầu Một. Và như chúng ta thấy, ngày nay gốm sứ Lái Thiêu-Thủ Dầu Một đã trở thành những sản phẩm mang phong thái của cả Việt lẫn Hoa được sản xuất với qui mô lớn.
(29) Trường phái Phúc Kiến thường sử dụng màu men đen và màu da lươn, hoa văn trang trí đơn giản trên các khạp, lu và hũ... Trường phái Quảng Đông thường sử dụng loại men có nhiều màu sắc, đặc biệt là loại men màu xanh của ten đồng trên các tượng, các chậu hoa hay các đôn có hình voi... Trường phái Triều Châu thường dùng loại men xanh trắng tạo hình sơn thủy, con gà, cây đa, cây tùng, rồng bát tiên, bát bửu... trên những đồ gia dụng hằng ngày như tô, chén, dĩa, bình bông, vân vân. Thường thì trên mỗi sản phẩm người ta đều phụ họa bằng những hoa văn chữ Hán ghi lại xuất xứ của món đồ như tên lò sản xuất, tên xóm, ấp, làng xã, ngay cả đến công dụng hay những lời chúc lành đến với người sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, đồ gốm sứ vùng Lái Thiêu-Thủ Dầu Một khác hẳn với gốm sứ Biên Hòa ở chỗ không thấy có đường viền và đề tài về con người trên các sản phẩm gốm sứ Bình Dương.
(30) Nguyên liệu dùng làm đồm gốm. 
(31) Nghề gốm sứ có lẽ đã du nhập vào vùng đất Bình Dương vào cuối thế kỷ thứ XVII, theo chân những người Minh Hương. Ban đầu, những người Minh Hương nầy định cư tại vùng Cù Lao Phố, họ chỉ lo khai hoang lập ấp, chứ chưa phát triển ngành gốm sứ. Sau năm 1779, cù lao Phố bị tàn phá trong chiến tranh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, những người Minh Hương nầy chạy về vùng Cây Gõ và Chợ Lớn. Tại đây hãy còn dấu tích của những lò gốm bị giải thể vào khoảng năm 1880, khi vùng Chợ Lớn được chỉnh trang. Từ đó, ngành gốm sứ tại Chợ Lớn phải dời về vùng Lái Thiêu, rồi lần hồi phát triển rộng rãi khắp vùng Bình Dương. Lúc bấy giờ các lò gốm sứ lớn tại Bình Dương đã chia ra hẳn hòi các bang Quảng Đông chuyên về các ghế đôn, Triều Châu chuyên về tô, chén, dĩa gia dụng, Phước Kiến chuyên về lu, khạp, hũ... 
(32) Theo nhà văn Sơn Nam trong bài viết ‘Người Bình Dương’ trích trong “Miền Đông Nam Bộ Lịch 
Sử và Phát Triển” 
(33) Ngựa Xích Thố nguyên trước kia là của Đổng Trác, tặng cho con nuôi là lữ Bố. Khi Lữ Bố mất, ngựa thuộc về Tào Tháo và chính Tào Tháo đã tặng nó cho Quan Vân Trường. Từ đó đến hết đời Quan Vân Trường, ông đã cùng ngựa Xích Thố đánh nam dẹp bắc. Theo La Quán Trung, tác giả bộ ‘Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa’, sau khi Quan Vân trường chết, thì ngựa Xích Thố cũng bỏ ăn mà chết theo chủ. Chính vì vậy mà trong các chùa thờ Quan Thánh Đế, người ta luôn thờ ngựa Xích Thố ngay trước tiền điện. 
(34) Quan Công, tức Quan Thánh Đế Quân, là thánh hiệu của Quan Vũ, tự Quan Vân trường, quê ở Giải Châu, Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, trung Quốc. Ngài là anh em kết nghĩa mà cũng là một vị tướng của Hán Đế Lưu Huyền Đức, tức Lưu Bị. Ngài sanh năm 162 và mất năm 220, lúc mới 58 tuổi khi bị bộ tướng của Ngô Tôn Quyền phục kích giết chết. Vì ngài là người trung tín nhân nghĩa, nên khi qua đời người Trung Hoa tin rằng ngài đã hiển Thánh. Đến đời nhà Tống, ngài được tôn phong làm Quan Thánh Đế Quân, Quan Phu Tử hay Sơn Tây Phu Tử... Tuy nhiên, người ta hay gọi ngài là Quan Công. 
(35) Lưu Bị. 
(36) Trương phi. 
(37) Con nuôi của Quan Công. 
(38) Bộ tướng đã cùng chết theo Quan Công. 
(39) Sách Sơ Thảo Phật Giáo Bình Dương của tỳ kheo Thích Huệ Thông, xuất bản năm 2000, có ghi: 
“Vào năm Tân Dậu 1741, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thiền sư Đại Ngạn trên bước đường vân du truyền đạo, ngài đến ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, lập am tu hành. Sau một thời gian, am tranh được xây dựng thành chùa Hội Khánh.” 
(40) Được biết ngài Minh Tịnh đã tu học tại Tây Tạng từ năm 1935 đến năm 1937. 
(41) Trong Mật Tông, lại có trường phái Kim Cang ở Tây Tạng, thờ Bất Không Thành Tựu Như Lai, Đa Bảo Như Lai, A Di Đà Như Lai, Tỳ Lô Giá Na Như Lai, A Súc Bệ Như Lai, và Bảo Sanh Như Lai. 
(42) Nay là tỉnh lộ 747. 
(43) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, tập thượng Biên Hòa-Gia Định, tái bản tại Sài Gòn năm 1973, núi Chiêu Thới tục gọi là Châu Thới, ở phía nam huyện Phước Chánh 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành. Khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Anh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đột khởi một gò cao bằng phẳng và rộng rãi, ở bên có hang hố và khe nước chảy quanh. Trên có chùa Hội Sơn, là chỗ thiền sư Khánh Long tu hành. năm Bính Thân, quân Nghĩa Hòa là Lý Tài chiếm cứ vùng núi nầy. Đến năm Tự Đức thứ 3, tức năm 1850, núi nầy được liệt vào tự điển. Sách Gia Định Thành Thông Chí cũng ghi: “Núi Chiêu Thới... từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn Thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục.” 
(44) Lỵ sở huyện Phước Chính, tức là quận lỵ Tân Uyên ngày nay. 
(45) Cách núi Long Ẩn khoảng trên 1 cây số. 
(46) Theo các bô lão địa phương thì tên của ngôi đình là Bến Thuế, vì đây là một trong 5 bến ghe vận chuyển lúa thuế của địa phương về nộp cho thành Gia Định. 
(47) Bình Phú nằm ở ngoại ô thị xã Thủ Dầu Một. 
(48) Cách Thủ Dầu Một khoảng 12 cây số, theo tỉnh lộ 742 lên Phú Chánh. 
(49) Sa Huỳnh là vùng đất nằm giữa Quảng Ngãi và Qui Nhơn ngày nay, còn Đông Sơn là tên của một làng nằm bên bờ sông Mã, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1924 đến năm 1929, trường Viễn Đông Bác Cổ đã khai quật di chỉ đồ đồng Đông Sơn, rồi người ta lấy địa danh Đông Sơn mà đặt tên cho nền văn hóa ‘Đồng Thau’ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả khu vực Đông Nam Á nữa. 
Những hiện vật tìm thấy ở Đông Sơn gồm có trống đồng, rìu đồng, vân vân. 
(50) Dụng cụ dùng để đựng nước. 
(51) Trước đây là xã Tân Khánh. 
(52) Trong xã Bình Chính, thuộc huyện Thuận An. 
(53) Tại Bình Dương, các lò gốm sứ thường dùng củi bằng lăng, củi dầu, củi xăng, và củi điều vv... để làm nhiên liệu nung gốm. 
(54) Sông Búng là một nhánh của sông Sài Gòn. 
(55) Dân địa phương gọi là lò chén Chòm Sao, vì trước đây nơi nầy có một cây sao cổ thụ, 3 người ôm không xuể. 
(56) Giống như lu nhưng miệng nhỏ hơn. 
(57) Kể từ tả ngạn sông Sài Gòn ra đến bờ biển Đông. 
(58) Kể từ hữu ngạn sông Sài Gòn tới sông Vàm Cỏ Đông. 
(59) Phần đất 8 xã còn lại của quận Củ Chi trước đây được cắt ra để thành lập quận Phú Hòa, thuộc tỉnh Bình Dương. 
(60) Sở dĩ có tên Sông Bé, vì họ lấy tên con sông chảy qua giữa tỉnh để đặt tên cho tỉnh. Sông Bé là một trong những phụ lưu lớn nhất của sông Đồng Nai, phát nguyên từ vùng cao nguyên Đắc Lắc, trên những ngọn đồi cao trên 800 mét, sông dài khoảng 370 cây số, chảy trong tỉnh Đắc Lắc theo hướng đông tây, vào địa phận tỉnh Sông Bé theo hướng bắc nam, và chảy qua các vùng Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú, Bến Cát, Tân Uyên, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở vùng Hiếu Liêm. 
(61) Dự tính trong vòng 8 năm sẽ phát triển ra thành 500 mẫu, với khoảng 300 nhà máy sản xuất công nghiệp.


Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Mấy Ðộ Thu Về - Minh Kỳ - Thanh Mai


Sáng Tác: Minh Kỳ
Ca Sĩ: Thanh Mai
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Cho Người Tuổi Xế Chiều



Từ vô thỉ ấy đã tìm thương
Ta trải qua bao vạn nẻo đường
Lúc bến đò trưa không lữ khách
Khi dòng rạch nhỏ lắm con mương
Làm cây che mát thì cô độc
Ngại sáo bay ngang chẳng lạ thường
Khách đến rồi đi hay ở lại
Như là vạt nắng xế chiều vương.

Cao Linh Tử
12/3/2018

Giấc Mơ Chưa Già



Ồ em đuôi mắt chân chim
Đã già đâu vẫn ưa nhìn đó em
Tóc còn bay ngát hương quen
Vần thơ anh gửi thương mềm cánh bay
Chút da nhăn, ánh mắt gầy
Vẫn em nhan sắc tô đầy nét duyên
Nụ cười đôn hậu dịu hiền
Bao năm còn giữ trong tim bồi hồi
Mãi thương mái tóc buông lơi
Như dòng sông hẹn thả trôi nhớ về
Con đường dào dạt hương mê
Bàn tay gió nhẹ mở khuy áo tình
Thế rồi đôi ngả lênh đênh
Tình xa lầm lỡ thác ghềnh chông gai
Bão giông mưa đổ u hoài
Tóc em rẽ lệch chia hai ngả chờ
Thu về xào xạc lá khô
Lá bay về phía đôi bờ môi thơm
Ngày xưa nồng cháy nụ hôn
Giờ nghe mưa gió dỗi hờn tình xa
Vầng trăng xưa vẫn chưa già
Áo em còn lượn thướt tha nồng nàn
Giấc mơ huyền ảo đêm hoang
Rẽ vào địa ngục - thiên đàng tình yêu ?
Cuộc tình giông bão gió xiêu
Lỡ thương cho đến xế chiều còn thương

Trầm Vân

Tảo Thu 早秋 - Hứa Hồn



Một chiếc lá ngô đồng rụng là cả thiên hạ đều biết trời đã vào Thu! "Ngô đồng nhất diệp lạc / Thiên hạ cộng tri thu" (Thơ Cổ) ̣

Tảo Thu 

Dao dạ phiếm thanh sắt
Tây phong sinh thúy la
Tàn huỳnh thê ngọc lộ
Tảo nhạn phất kim hà
Cao thụ hiểu hoàn mật
Viễn sơn tình cánh đa
Hoài Nam nhất diệp lạc
Tự giác Động Đình ba


Hứa Hồn (Thời Vãn Đường)

***
Dịch Thơ:


Đêm khuya bồng bềnh se sắt 
Gió tây thổi nở rêu xanh
Đóm tàn ngủ trên sương ngọc
Nhạn sớm ruổi cánh ngang trời
Rừng cây về sáng u mặc
Núi xa mây tạnh rỡ ràng
Hoài Nam một chiếc lá rụng
Động Đình nổi sóng cảm thông!

Thu Sớm

Đêm lắng buồn hiu hắt

Gió vàng lộng rặng la
Đóm tàn ôm móc ngọc
Nhạn sớm ruổi ngân hà
Rừng sáng màu u mặc
Núi xa rạng thái hòa
Quê người chiếc lá rụng
Lòng động nỗi thu xa ...

Phạm Khắc Trí
***
Chớm Thu


Khuya khoắt băn khoăn tiếng sắt cầm
Gió tây rêu nở vẻ như tân
Đóm tàn sao ngủ trên sương ngọc
Nhạn sớm lại bay dưới dải ngân
Trầm mặc cây rừng yên buổi sáng
U nhàn sơn thủy lặng thiên vân
Lá thu lẻ chiếc Hoài Nam rụng
Hồ Động Đình cơn sóng chuyển âm

Mai Xuân Thanh

Ngày 08/09/2018

早秋                 Tảo Thu

遙夜泛清瑟, Dao dạ phiếm thanh sắt,
西風生翠蘿。 Tây phong sanh thúy la.
殘螢棲玉露, Tàn huỳnh thê ngọc lộ,
早雁拂金河。 Tảo nhạn phất kim hà.
高樹曉還密, Cao thọ hiểu hoàn mật,
遠山晴更多。 Viễn sơn tình cánh đa.
淮南一葉下, Hoài Nam nhất diệp hạ,
自覺洞庭波。 Tự giác Động Đình ba.
許渾                 Hứa Hồn

Chú Thích:
- Tảo thu 早秋 : là Buổi sáng mùa Thu.
- Phiếm : là Lan man, ở đây có nghĩa là Đàn. Phiếm thanh sắt là : Đang gãy đàn.
- Thuý La là những dây leo màu xanh lá cây.
- Tàn Huỳnh: Ánh sáng sắp tàn của con đom đóm.
- Ngọc Lộ: Những hạt sương sớm lắp lánh như những hạt ngọc.
- Kim Hà: là Giải Ngân Hà trên bầu trời.
- Mật: là Dầy, chỉ Rậm rạp, chưa tàn úa.
- Hoài Nam: 用《淮南子説山訓》“見一葉落而知歲暮”和《楚辭九歌湘夫人》“洞庭波兮木葉下”意。Hai câu cuối dùng điển tích trong Hoài Nam Tử thuyết sơn huấn là "Kiến nhất diệp lạc nhi tri tuế mộ" Có nghĩa : Thấy một chiếc lá rơi thì biết là năm đã sắp tàn. Và ý trong Sở Từ cửu ca Tương Phu Nhân là "Động Đình ba hề mộc diệp hạ" Có nghĩa : Một chiếc lá rụng trên làn sóng nhấp nhô của hồ Động Đình.

Nghĩa bài thơ:
Sáng Thu

Trong đêm dài dằng dặc có tiếng đàn ai đó cứ réo rắc thâu canh, gió tây hiu hắt làm lay động những dây đằng la xanh biếc, và trong đám cỏ xanh còn lắp lánh những hạt sương mai làm cho ánh lửa của những con đom đóm như sắp lụi tàn. Đàn nhạn sớm bay lướt ngang qua dãy Ngân Hà hướng về Nam, hàng cây cao buổi sáng vẫn còn rậm rạp chưa úa tàn và xa xa nắng đã lên tràn ngập trên các núi đồi. Một chiếc lá Hoài Nam rơi rụng trên sóng nước hồ Động Đình thì biết rằng mùa thu đã đến và năm đã sắp tàn rồi.
Suốt bài thơ đều xoay quanh ý sáng thu: Tiếng đàn thâu canh suốt sáng, gió sớm làm lay động các dây leo chùm gởi; sương sớm lắp lánh làm mờ nhạt đi những ánh lửa đom đóm, đàn nhạn sớm lướt qua dãy Ngân Hà, hàng cây buổi sáng còn rậm rạp,
đồi núi xa xa tràn ngập ánh nắng ban mai ... Qủa là một buổi sáng đầy hình ảnh và tiếng động của mùa thu làm ray rức lòng người viễn xứ, đàn nhạn xuôi nam tránh lạnh, còn người lữ thứ thì bao giờ mới được về lại quê xưa ?!...

Diễn Nôm:
Sáng Thu

Đàn suốt đêm ray rức,
Gió tây lay dây lan.
Đóm tàn bên sương lạnh,
Nhạn lướt cạnh sông Ngân.
Cây sớm tàn rậm rạp,
Nắng lên núi xa gần.
Hoài Nam một chiếc lá,
Động Đình sóng mênh mông!

Lục bát:

Đàn ai thánh thót canh tàn,
Gió vàng hiu hắt lay giàn dây mơ.
Đóm tàn lắp lánh sương mờ,
Nhạn tung cánh sớm lướt bờ sông Ngân.
Cây cao sáng hãy xanh ngần,
Núi đồi nắng sớm như gần như xa.
Hoài Nam chiếc lá la đà,
Động Đình sóng gợn thu qua đông tàn!

Đỗ Chiêu Đức
***
Dịch Nghĩa:

Trong đêm dài tiếng đàn sắt trong trẻo vang vọng 
Gió tây thổi qua khiến những nấm xanh mọc lên 
Những con đom đóm tàn hơi bám vào hạt sương khiến hạt sương giống như ngọc 
Chim nhạn bay sớm lướt qua dãyNgân Hà
Trời sáng mới thấy những cây cao thật rậm rạp Trời tỏ mới thấy nhiều dãy núi ngoài xa
Một lá cây rơi xuống sông Hoài 
Cảm thấy như hồ Động Đình nổi sóng

Dịch Thơ:
Thu Sớm


Đêm vắng đàn ai khẩy vọng sang
Gió tây lất phất nấm xanh tràn
Sương mai kề đóm trông như ngọc
Bóng nhạn bên trời vỗ cánh sang
Sáng hẳn thấy rừng cây rậm rạp
Trời trong nọ dãy núi hàng hàng
Sông Hoài chiếc lá rơi xao động
Cứ ngỡ Động Đình ngọn sóng lan.

Quên Đi
***
Tảo Thu


Réo rắt đàn đêm vắng
Gió Tây kích nấm ra
Đóm tàn cạnh móc ngọc
Nhạn sớm lướt Ngân Hà
Trời sáng lộ cây rợp
Cảnh quang tỏ núi xa
Sông Hoài rơi chiếc lá
Sóng Động Đình dường qua

Kim Phượng
***
Thu Sớm

Đàn đêm réo rắt canh thâu
Gió tây lay đọng xanh màu đằng la
Đom Đóm ánh ngọc sương sa
Sớm mai nhạn lướt Ngân Hà về nam
Rừng cây vầng dương ló dạng
Đỉnh đồi tỏa nắng lan tràn trời trong
Hoài Nam lá rụng trên sông
Dường như dậy sóng mênh mông Động Đình

Kim Oanh
***
Thu Sớm

Đàn ai réo rắt suốt năm canh
Gió hắt hiu lay động lá cành
Sương sớm long lanh che lửa đóm
Nhạn đàn tung cánh lướt trời thanh
Sáng ra lộ bóng cây cao vút
Trời tỏ in hình núi thẳm xanh
Một chiếc lá rơi trên mặt nước
Động Đình đồng cảm sóng lan quanh.

Phương Hà
***
Thu Sớm

Suốt năm canh đàn ai réo rắt
Gió Tây làm lay lắt lá cành
Đóm tàn,sương sớm long lanh
Bên trời cánh nhạn lướt nhanh ngân hà
Ánh thái dương cũng vừa ló dạng
Nắng đầu ngày núi rạng xanh trong
Sông Hoài lá rụng xuôi dòng
Động Đình lan sóng chạnh lòng Thu xa

songquang
9/12/2018