Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Sương - Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh - Ca Sĩ: Xuân Phú


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh 
Ca Sĩ: Xuân Phú

Tình Yêu

 

Tình yêu như cơn gió
Bay mênh mang trong đời
Em như ngày tháng đó
Đầy tự tình.... lả lơi

Tình yêu như mây bay
Ngất ngây bao tháng ngày
Vòng tay em kiều mị
Đưa ta vào mê say

Tình yêu như hương hoa
Nồng nàn thơm chan hòa
Dìu nhau vào lối mộng
Cho muộn phiền trôi qua

Tình yêu như biển xanh
Lúc dịu êm ngoan lành
Lúc loạn cuồng dâng sóng
Ngập tràn cả hồn anh

Tình yêu như lưỡi dao
Vết cắt sâu ngọt ngào
Nỗi đau nào rướm máu
Giữa đời buồn xanh xao

Khiếu Long

Chuyện Tình Đã Lỡ (Kim Phượng) - A Missed Love Story (Hương Cau Cao Tân)


Chuyện Tình Đã Lỡ

Lưu luyến mà chi chuyện đã rồi
Thuyền tình lỡ chuyến cánh hoa trôi
Nỗi sầu trút mãi sầu chưa cạn
Lệ đắng trào dâng lệ chẳng thôi
Dẫu mấy nhớ thương hoài trắc trở
Dù cho ngăn cách vẫn bồi hồi
Cầu duyên gãy nhịp đời hoang vắng
Trên bước đường trần chẳng có đôi

Kim Phượng
***
A Missed Love Story 
by Kim Phượng

What is the point of remaining being attached, it’s done and over
You have missed the love boat and the flower is floating on the water
The overflowing sorrow is still continuously flowing
The swelling bitter tears are still endlessly overwhelming
It has been rough going despite the missing and longing
We are feeling fretty as apart we are being
The love bridge’s spans have been broken; life is distant and empty
In living out the life never together will we be

Translated from Vietnamese into English by Hương Cau Cao Tân

on 23 March, 2022, in British Columbia, Canada

Một Nụ Cười

 

Tôi ngồi, tôi đứng ngay một góc
Ngắm nhìn những khuôn mặt dàu dàu chực khóc
Những khuôn mặt… đưa đám ma
Họ có lý do chính đáng, họ đang đi viếng đám ma mà

Cũng có những lúc
Tôi đứng ở một góc phố
Nhìn người đi qua đi lại
Sao vẫn là những gương mặt cau có, bi ai
Những gương mặt nhăn nhó, khó đăm đăm
Những khuôn mặt ưu tư, lo lắng, hãm tài

Vẫn biết cuộc đời đầy phiền não
Nhưng bạn ơi!
Bạn có biết…
Phần đông chúng ta tự tạo lấy địa ngục, tự hành hạ chính mình?
Hãy vui lên đi bạn, thích thú ngắm bình minh
Thiên đường đang ở rất gần và chung quanh
Đang còn sống là đang còn phúc hạnh

Hãy tặng cho chính mình
và những người chung quanh…
một nụ cười
Bạn sẽ thấy
Cuộc đời này rất dễ thương, rất đẹp!

Mỗi sáng khi thức dậy
Nhìn vào gương
Bạn hãy chào bình minh, và
cười thật tươi một cái
Bạn sẽ có một ngày thoải mái...
Hạnh phúc nắm trong tay!

Sáng hôm nay thức dậy,
nghe tiếng chim hót, nhìn mây bay
Thấy lòng mình thật bình an, tự tại
Xin tặng các bạn nụ cười
Một nụ cười đầu ngày
Chúc các bạn luôn vui vẻ, mạnh khỏe, tươi cười,
nhé....

Như Nguyệt


Y Học Thường Thức - Cơn Đau Tim - Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Y HỌC THƯỜNG THỨC

Cơn Đau Tim (nhồi máu cơ tim)

Đại cương 

Trái tim của chúng ta cũng là một bắp thịt, tiếng y khoa gọi là cơ tim. Cơ thể có 2 động mạch (tên là động mạch vành) mang chất bổ dưỡng và ô-xy tới trái tim, nuôi cơ tim và cung cấp ô-xy cho tim hoạt động. Khi con người ta bị bệnh tim mạch, có trường hợp một nhánh của động mạch vành bất thần bị nghẹt khiến tuần hoàn nuôi trái tim nơi đó bị ngưng trệ. Tùy theo độ nghẹt nhiều hay ít và nhánh động mạch vành bị nghẹt lớn hay nhỏ mà hậu quả là cơn đau thắt ngực nghiêm trọng hoặc là cơn đau tim. Đau thắt ngực nghiêm trọng là khi một vùng cơ tim bị thiếu ô-xy gây đau mạnh trong thời gian ngắn, sau đó chỗ nghẹt lại khai thông được nên các tế bào cơ tim tự nhiên hồi phục. 

Cơn đau tim là khi một vùng cơ tim mất tuần hoàn lâu dài hơn khiến có nhiều tế bào cơ tim bị chết. Vùng cơ tim chết này, nếu lớn sẽ gây tử vong, nhỏ sẽ thành sẹo khiến trái tim bị yếu hơn trước. Sau đây là những điều cần biết về cơn đau tim: 

-Bệnh nhân cảm thấy bị đau hay bị đè nặng ở sâu trong ngực, ngang với phần trên của xương ức, đồng thời họ cũng bị khó thở và yếu mệt toàn thân (thở không ra hơi). 
-Đây thật là trường hợp cứu bệnh như cứu hỏa, hãy gọi ngay xe cấp cứu và cho bệnh nhân nhai 3 viên ASA (Aspirin) 81mg. 
-Chẩn đoán cơn đau tim dựa vào kết quả điện tâm đồ và thử máu. 
-Mục đích trị liệu cơn đau tim là dùng các phương tiện tăng tuần hoàn cho vùng cơ tim thiếu ô-xy. 

Nguyên nhân 

Cơ tim hoạt động liên tục ngày, đêm nên cần có tuần hoàn đều đặn hơn các cơ quan khác trong cơ thể. Khi một phần cơ tim bị giảm tuần hoàn hoặc ngưng hẳn tuần hoàn trong ít phút, một số tế bào cơ tim thiếu ô-xy sẽ chết mà gây ra cơn đau tim. Nguyên nhân chính gây ra cơn đau tim là một nhánh động mạch vành bị nghẹt. 

Bệnh lý diễn tiến như sau đây: 

*Động mạch vành của bệnh nhân vốn đã bị xơ cứng nên đóng màng cứng ở phía trong làm nghẽn bớt lòng động mạch. 
*Bệnh lý tiến triển khiến màng cứng bị rách và tiết ra hóa chất đặc biệt. 
*Các hóa chất này khiến máu đông lại ngay tại chỗ rách màng cứng. Cục máu đông đó làm nghẽn tuần hoàn ở hạ lưu. 
Rất may là chỉ có lối 1/3 các trường hợp này tiến tới cơn đau tim. Các bệnh nhân kia chỉ bị đau thắt ngực nghiêm trọng rồi cục máu đông tự nhiên tan vỡ. 

Một nguyên nhân gây cơn đau tim ít khi xảy ra là cục máu đông khởi đầu trong tâm nhĩ trái (do bệnh rung nhĩ) rồi di chuyển qua tâm thất trái mà chạy vào động mạch chủ trên rồi lọt vào động mạch vành. Cục máu đông này đi tới chỗ hẹp của động mạch vành thì kẹt lại mà làm nghẽn tuần hoàn. 

Phân loại 

Hiện tượng nghẽn tuần hoàn tại động mạch vành gây ra 3 loại bệnh lý: 

-Cơn đau thắt ngực nghiêm trọng -Cơn đau tim nhẹ, điện tâm đồ bình thường 
-Cơn đau tim nặng khiến điện tâm đồ biến đổi Cách phân loại này có ích lợi thực tế là chỉ định phương cách trị liệu thích hợp cho từng trường hợp. 

Triệu chứng 

Triệu chứng chung của sự nghẽn tuần hoàn động mạch vành là cơn đau ngực mạnh: 

*Cảm tưởng đau hoặc bị đè ở sâu trong ngực, ngang phần trên xương ức. 
*Đau ngực có khi truyền tới nơi khác như vai, bắp tay, lưng, cổ, hàm. 
*Đôi khi bệnh nhân cảm thấy đau ở bụng trên giống như khi bị khó tiêu. 
*Nếu bệnh nhân vốn đã bị đau thắt ngực thì tới nay đau mạnh hơn, ngồi yên một chỗ cũng vẫn đau. 

Nếu họ thường dùng thuốc TNT để hạ cơn đau thắt ngực thì bây giờ TNT không kiến hiệu nữa. Có lối 1/3 các trường hợp bệnh nhân bị cơn đau tim mà không đau ngực nên rất khó chẩn đoán mà trị liệu cho kịp thời. 

Họ thuộc các thành phần sau đây: 

-Người già -Nữ giới -Người bị suy tim 
-Người bị bệnh tiểu đường 
-Người bị đột quỵ Ngoài cơn đau ngực mạnh, sự nghẽn tuần hoàn động mạch vành có khi gây ra các triệu chứng phụ sau đây: 
-Bệnh nhân cảm thấy sắp ngất hoặc bị ngất 
-Họ đổ mồ hôi rất nhiều 
-Họ có cảm tưởng bị nghẹt thở 
-Họ bị hồi hộp kéo dài 

Chẩn đoán 

Hai phương tiện chính để chẩn đoán cơn đau tim là đo điện tâm đồ và xét nghiệm máu. 
Đo điện tâm đồ 
Điện tâm đồ của người lên cơn đau tim có dấu hiệu đặc trưng giúp bác sĩ định bệnh. Nếu điện tâm đồ khi mới nhập viện vẫn bình thường thì cần đo lại sau ít tiếng đồng hồ vì sự biến đổi có thể chậm xảy ra. 
Xét nghiệm máu 
Có một số hóa chất đặc biệt chỉ hiện diện trong tế bào cơ tim mà thôi. Khi tế bào cơ tim chết, các hóa chất này mới thoát ra trong máu và có thể đo lường được. Chúng xuất hiện lối 6 tiếng đồng hồ sau khi cơn đau tim bắt đầu và còn tồn tại trong nhiều ngày kế tiếp. 

Các xét nghiệm khác 
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán cơn đau tim ít khi cần dùng tới: 
-Chụp hình siêu âm tim 
-Chụp hình tim dùng chất phóng xạ 
-Dùng thiết bị liên tục ghi điện tâm đồ trong 24 tiếng đồng hồ 
-Chụp hình điện tuyến động mạch vành dùng chất cản quang 

Tiên lượng
 
Tiên lượng đối với người bị cơn đau thắt ngực nghiêm trọng: một số các bệnh nhân này sẽ lên cơn đau tim trong vòng 3 tháng sau đó. Cơn đau tim trị liệu sớm (trong 3 tiếng đồng hồ đầu tiên của bệnh lý) có khả năng giảm tỷ số tử vong xuống còn 50% so với nhóm người trị liệu trễ. Có những trường hợp cơn đau tim nhẹ tự nhiên hồi phục, người bệnh lại mạnh khỏe như trước. Tuy nhiên, 10% thuộc nhóm bệnh nhân này có nguy cơ tử vong trong vòng một năm kế tiếp do suy tim hoặc hỗn loạn nhịp tim. 

Phòng bệnh 

Đối với người mạnh khỏe thì muốn đề phòng cơn đau tim, khởi đầu là phòng ngừa bệnh huyết áp cao. Hãy áp dụng chương trình “sinh hoạt lành mạnh” ghi trong bài “Phương pháp dưỡng sinh” thuộc Chương I cuốn sách này. Đối với các bệnh nhân đã hồi phục cơn đau tim thì đề phòng tái phát bằng các phương cách sau đây: 
*Mỗi ngày uống một viên thuốc ASA 81mg. Biện pháp này cũng áp dụng cho người trên 50 tuổi, không hề lên cơn đau tim nhưng có bệnh tim mạch. 
*Dùng thuốc hạ huyết áp loại đặc biệt. 
*Uống thuốc hạ mỡ trong máu loại statin, dùng liều lượng cao. 
*Cải thiện sinh hoạt: ăn rất ít mỡ, ít chất mặn. tăng vận động thân thể. 
*Tích cực trị liệu huyết áp cao và bệnh tiểu đường cho tới mục tiêu. 

Trị liệu 

Điều nhắc nhở: khi có triệu chứng đau ngực mạnh, tức thời gọi xe cấp cứu và nhai 3 viên ASA 81mg. Đừng mất thì giờ bàn bạc với người nhà vì “cứu bệnh như cứu hỏa”. 

Các thành phần của việc điều trị cơn đau tim bao gồm: 

-Khai thông động mạch vành bị nghẽn 
-Trị liệu phụ thuộc 
-Thuốc dùng kế tiếp 
-Phục hồi chức năng

Khai thông động mạch vành bị nghẽn 

Y học có 3 phương pháp khai thông động mạch vành: dùng thuốc chích tĩnh mạch, nong động mạch vành, giải phẫu bắc cầu. Dùng thuốc chích tĩnh mạch có hiệu lực phá vỡ các cục máu đông. Cần áp dụng sớm, trong vòng 3 tiếng đồng hồ đầu tiên của cơn đau tim. 


Phương pháp này không sử dụng khi điện tâm đồ bình thường, và còn cấm kỵ trong các trường hợp sau đây: 
-Bệnh nhân đã có lần bị xuất huyết bộ tiêu hóa 
-Huyết áp của bệnh nhân quá cao (180mm thủy ngân trở lên) -Người bị đột quỵ 
-Bệnh nhân mới giải phẫu lớn trong vòng 1 tháng 

Nong động mạch vành: Phương pháp này dùng kim lớn xuyên vào động mạch đùi, luồn dây kim loại đi ngược lên tới động mạch chủ trên rồi tiến vào động mạch vành cho tới chỗ bị nghẽn. Sau đó, bơm phồng bong bóng và dụng cụ hình lò so ghim tại dây kim loại để vừa phá cục máu đông vừa nong rộng thêm nhánh động mạch vành bị nghẽn, đồng thời bung dụng cụ hình lò so ra để giữ cho khúc động mạch này đừng xẹp xuống. Nếu điện tâm đồ của bệnh nhân có thay đổi, cần nong động mạch vành trong vòng 90 phút sau khi bệnh nhân nhập viện. Nếu bệnh viện không có phương tiện nong động mạch vành thì dùng thuốc chích phá cục máu đông. 

Giải phẫu bắc cầu động mạch vành: 
Nếu 2 phương cách trên không dùng được, cần giải phẫu bắc cầu. Bác sĩ giải phẫu tim mạch thường dùng tĩnh mạch dưới chân của bệnh nhân để bắc cầu từ động mạch chủ trên tới nhánh động mạch vành bị nghẽn, ngay sau khúc nghẽn. Cả 2 kỹ thuật nong động mạch vành và giải phẫu bắc cầu cũng có thể áp dụng cho các bệnh nhân tuy chưa lên cơn đau tim nhưng có nhiều nguy cơ bị bệnh lý này vì lòng động mạch vành bị màng cứng chặn bớt nên quá hẹp (độ nghẽn trên 90%). 


Trị liệu phụ thuộc Bệnh nhân bị cơn đau tim cần tĩnh dưỡng ít ngày: phòng riêng yên tĩnh, ít người thăm hỏi. Nếu hút thuốc lá, phải cai ngay. Dùng thuốc nhuận trường nhẹ để khỏi rặn khi đi cầu. Thông tiểu nếu cần. Đôi khi cần dùng thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Thuốc dùng kế tiếp TNT có hiệu lực làm giãn nở động mạch vành. ASA khiến máu khó đông. Thuốc hạ huyết áp loại ức chế thụ thể bê-ta và loại ức chế men chuyển hóa angiotensinogen. 
Thuốc hạ chất mỡ trong máu loại statin, dùng liều cao cho mọi bệnh nhân trong nhóm này, không dư mỡ cũng phải uống. 

Phục hồi chức năng 
Sau khi trị liệu khai thông động mạch vành, bệnh nhân thường có thể bắt đầu vận động ngay ngày hôm sau: Ngày hôm sau, người bệnh có thể luân phiên nằm nghỉ và ngồi ghế, dùng vật lý trị liệu nhẹ. Ngày kế, họ có thể đi bộ ít bước. Tăng dần các hoạt động. Sáu tuần lễ sau khi khai thông động mạch vành, bệnh nhân trở lại mức vận động thân thể bình thường. Áp dụng thể dục đều hòa, mỗi tuần lễ tập dượt tối thiểu 3 tiếng rưỡi đồng hồ. 

Tóm tắt 

Cơn đau tim xảy ra khi một nhánh động mạch vành bị nghẽn. Cơ chế nghẽn động mạch vành: bệnh xơ cứng động mạch gây màng cứng trong lòng động mạch.
 
Triệu chứng của cơn đau tim: 
-Đau thắt ngực mạnh và yếu mệt toàn thân. 
-Đau thắt ngực xưa nay dùng thuốc TNT thì êm, bây giờ thuốc không kiến hiệu nữa. 
Khi có triệu chứng cơn đau tim: 
-Gọi xe cấp cứu. 
-Nhai 3 viên thuốc ASA 81mg. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Cơn đau tim Heart attack 
 Cơn đau thắt ngực nghiêm trọng Unstable angina 
Màng cứng Plaque 
Cục máu đông Blood clot 
Động mạch vành Coronary artery (số nhiều là arteries) 
Bệnh rung nhĩ Atrial fibrillation (AF) Dùng bong bóng nong động mạch Balloon angioplasty Dùng lò so nong động mạch Stenting 
Giải phẫu bắc cầu động mạch vành Coronary artery bypass grafting (CABG

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Em Là Hoa Xuân

 

Là hoa em nở trong vườn cảnh
Đem cả mùa xuân em tặng anh
Tô điểm sương đêm giọt lóng lánh
Em đưa anh đến với ngày xanh.

Có con bướm trắng mới bay vèo
Nghe tiếng chim về ríu rít kêu
Nhẹ bước em đi ngoài ngõ vắng
Làm anh thơ thẩn mãi trong chiều.

Chiếu xuân lót lá bằng tâm tưởng
Em hẹn đôi lần dạo bước xinh
Vui đón em về thăm chốn cũ
Bó hoa vẫn đợi cắm trong bình.

Sao nghe thấu được tình yêu đến
Gió lạnh sương đêm thấm nỗi sầu
Nghe tiếng em cười như sóng nhạc
Hương tình gió thổi về nơi đâu.

Nhìn em ngỡ tưởng như tiên nữ
Bước xuống trần gian làm Giáng Hương
Hương của tình bay vào nỗi nhớ
Em là thần nữ của yêu thương.

Nhờ em đã đến xuân về lại
Xin cảm ơn em đã giáng trần
Xin tạ ơn đời nguồn cảm mến
Cho anh thấy lại cả mùa xuân.

Lê Tuấn

Những Cuộc Tình Dang Dở Của Nghệ Sĩ Sân Khấu Cải Lương Việt Nam

Mở bài

Người ta cho rằng nghệ sĩ là những người đa tình, lãng mạn. Trên sân khấu, đào kép cố gắng diễn xuất cho thật nhập vai, lột tả được một cách sống động theo nội dung của cốt chuyện. Tình yêu trên sân khấu rất dễ biến thành hiện thực ngoài đời. Đó là trường hợp của các đào kép như: Thành Được-Út Bạch Lan, Thành Được-Thanh Nga, Bạch Tuyết-Hùng Cường, Hùng Minh-Thanh Hương. Nghệ sĩ đa tình thay vợ đổi chồng như thay áo được thể hiện ở kép Thanh Sang. Ông nầy đã có 6 vợ và đang sống với người vợ thứ bảy. Mỗi bà vợ là một mối tình tan vỡ.

2* Tình yêu và tan vỡ của Thành Được và Út Bạch Lan

2.1. “Nửa đời hương phấn”, gạch nối hạnh phúc và chia ly    

Thành Được bắt đầu nổi danh trên sân khấu Kim Chưởng, được phong là “Ông vua không ngai” thì lúc đó, phía nữ cũng xuất hiện một cô đào làm xúc động khán giả, đó là “Sầu nữ” Út Bạch Lan. Họ đóng cặp, ăn ý với nhau đưa cả hai lên đỉnh cao nghệ thuật cải lương.

Khán giả say mê những vai diễn của cặp Thành Được-Út Bạch Lan qua những vở tuồng như: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Nửa bản tình ca, Áo trắng nàng Mộng Trinh…
Cặp đôi tình yêu trên sân khấu trở thành hiện thực ngoài đời. Cuộc hôn nhân của Thành Được-Út Bạch Lan được cô Bảy Phùng Há chủ hôn.
Đám cưới được tổ chức linh đình. Hầu hết ký giả kịch trường, soạn giả, nghệ sĩ tài danh đều được mời tham dự.
Năm 1962, Thành Được-Út Bạch Lan rời gánh Kim Chưởng về Đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Cả hai tiếp tục làm rạng danh sân khấu cải lương qua các vở: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển…
Là kép hát lừng danh, “Vua không ngai”, Thành Được được vô số phụ nữ hâm mộ, trong đó có những mối tình.
Người vợ, Út Bạch Lan, tấm lòng nhân hậu, bao dung và chịu đựng cái tật trăng hoa của chồng.

Theo lời kể của soạn giả Nguyễn Phương, năm 1966 Út Bạch Lan có mướn một cô gái trẻ đẹp tên Trinh, phụ giúp làm tuồng cho vợ chồng trước khi ra sân khấu. Một hôm, Út Bạch Lan phát hiện cô Trinh có thai. Cái bụng ngày càng lớn lên. Út Bạch Lan nghi anh tài xế là thủ phạm, nhưng sau khi chất vấn thì mới lòi ra chính Thành Được là tác giả của cái thai.

Út Bạch Lan tha thứ việc đã rồi, và vì Út Bạch Lan không có khả năng sinh con nên nhận đứa bé làm con nuôi. Chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo.
Tánh nào tật nấy. Cái tật trăng hoa không chừa, sau đó Út Bạch Lan nhận thêm một đứa con rơi của Thành Được đem về nuôi.
Thế rồi, khi bóng dáng Thanh Nga xuất hiện trong cuộc đời Thành Được thì cuộc tình Thành Được-Út Bạch Lan thật sự tan vỡ.
Sau khi chia tay với Thành Được, hai phụ nữ khác ở tỉnh lẻ cũng đem con đến trả cho Thành Được.
Dù đã ly hôn, Út Bạch Lan vẫn mở rộng lòng nhân, nhận thêm hai đứa nữa. Đứa con nuôi thứ ba tên Sơn của bà mẹ Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu.
Sau nầy, Sơn được mẹ bảo lãnh qua định cư ở Mỹ.

Về hôn nhân, người chồng đầu tiên của Út Bạch Lan là Ba Hóa, chủ tiệm may lớn ở Sài Gòn. Sau khi chia tay với Ba Hóa, Út Bạch Lan kết hôn với Thành Được. Sau khi tan vỡ với Thành Được, Út Bạch Lan về sống với Trung tá Đầy. Một thời gian sau, Trung tá Đầy đưa đơn kiện Út Bạch Lan đã sang đoạt tài sản của ông.

2.2. Vài nét về Út Bạch Lan

Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An. Bà sinh ra trong gia đình nghèo khó. Cha mất sớm nên mẹ con đi làm thuê làm mướn chung quanh chợ Bình Tây.

Mẹ của Út Bạch Lam và mẹ của Văn Vĩ làm thuê chung nhau, kết nghĩa chị em cho nên Út Bạch Lan và Văn Vĩ khởi nghiệp đờn ca cùng một lúc. Bé Út 11 tuổi, Văn Vĩ 15 tuổi. Bé Út học ca bằng nghe máy hát dĩa của hàng xóm rồi ca theo. Học thuộc lòng nhiều bản vọng cổ.

Văn Vĩ bị mù từ nhỏ, học đàn guitar cổ nhạc và đàn rất giỏi. Một hôm Văn Vĩ và bé Út lén mẹ đi hát dạo chung quanh chợ Bình Tây (Chợ Lớn mới). Thấy có người mù đi hát dạo người ta cho tiền. Vậy là hai anh em đi hát dạo quanh Chợ Lớn Mới, qua phố phường Chợ Lớn Cũ rồi tới chợ Bến Thành.

Khi nghe tiếng đồn giọng hát làm mê lòng người của cô bé hát dạo, cô Năm Cần Thơ tò mò tới nghe bé Út ca. Và cũng từ đó cuộc đời bé Út bước sang một khúc quanh mới. Bé Út đứng trên sân khấu với nghệ danh là Út Bạch Lan.

Năm 1958, Út Bạch Lan về hát cho đoàn Kim Chưởng, đóng cặp với Thành Được.

Vì sao có tên là “Sầu nữ”? Út Bạch Lan nói: “Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình”.

Út Bạch Lan qua đời vào lúc 22h55 ngày 4-4-2016 do ung thư gan. Hưởng thọ 82 tuổi.

2.3. Út Bạch Lan nuôi con rơi của Thành Được

Cô với Thành Được có một đám cưới huy hoàng nhưng tất cả chỉ có thế rồi chấm dứt, để lại cho cô một nổi đau buồn suốt đời. Cô vừa nuôi mẹ ruột, mẹ chồng trong một chung cư, còn Thành Được thì tiếp tục xông pha trên trận tuyến ái tình như một người chưa vợ.

Đám cưới chưa được bao lâu thì một thiếu phụ dẫn đứa con gái 3 tuổi đến giao cho cô nói rằng đó là con của Thành Được. Cô vừa thương đứa bé vô tội, vừa sợ mất chồng nên nhận nuôi.

Hai năm sau, khi người thiếu phụ đến xin đưa con về thì bất ngờ một cô gái trẻ xuất hiện với cái bào thai, vừa khóc vừa kể: “Em là Thu Hà, nữ sinh Huế. Hôm ấy đoàn ra hát ở Huế, em tìm đến xin anh tấm hình. Ảnh hẹn em ở khách sạn. Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng”.

Một lần nữa, vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Thu Hà. Hàng ngày thuê xích lô mang cơm đến cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, Thu Hà lại van xin: “Em còn quá trẻ không thể sống như thế nầy được, em lạy chị, xin chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời”. Không chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sanh theo họ chồng đặt tên là Châu Văn Dũng, và thương yêu Dũng như con ruột của mình.

2.4. Tổng quát về Thành Được

Thành Được tên thật là Châu Văn Được, sanh năm 1934 tại Kế Sách, Sóc Trăng trong một gia đình nông dân khá giả. Ông thành danh cùng thời với Năm Châu, Út Trà Ôn, Phùng Há, Thanh Nga. Được mệnh danh là “Ông vua không ngai” hoặc “Kép hát thượng thặng”. Thành Được mê đá banh và thích sưu tầm xe hơi.

Ông theo người cậu là ông bầu gánh Thanh Cần để học hát. Lần đầu tiên lên sân khấu vào năm 1954. Hai năm sau Thành Được nổi bật trong vai Tô Điền Sơn của tuồng “Khi hoa anh đào nở”

Năm 1968 Thành Được vào đoàn Kim Chưởng. Sau đó về hát cho đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, rồi lại trở về Kim Chưởng.

Năm 1961, kết hôn với nghệ sĩ Út Bạch Lan. Hai người trở thành một cặp đôi nổi tiếng qua các tuồng: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, đặc biệt nhất là vở “Nửa đời hương phấn”. Năm 1966, Thành Được nhận huy chương vàng của giải Thanh Tâm với vai Tướng cướp Thi Đằng trong vở “Tiếng hạc trong trăng”.

Năm 1984, trong khi lưu diễn tại Đức ông xin tỵ nạn chính trị ở đó. Năm 1995 ông đến Mỹ và mở nhà hàng Thành Được ở Milpitas, San Jose, California.

3* Cuộc tình dang dở của Bạch Tuyết và cầu thủ Tam Lang

3.1. Tiếng sét ái tình và tan vỡ   

Năm 1966, trong buổi lễ mừng chiến thắng của đội bóng tròn Việt Nam mang về nước huy chương vàng của giải vô địch túc cầu Đông Nam Á ở Merdeka, Malaysia.

Bạch Tuyết là một trong 24 nữ diễn viên trao vòng hoa chiến thắng cho đội bóng tròn Việt Nam.

Bạch Tuyết choàng vòng hoa cho cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Bốn mắt nhìn nhau, tiếng sét ái tình nổ ra từ đó. Cặp trai tài gái sắt đèo nhau trên chiếc vespa lượn quanh các phố phường Sài Gòn, Chợ Lớn.

“Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết và danh thủ Tam Lang quyết định đến hôn nhân. Trong thời gian chờ đến ngày cưới, bỗng dưng người điều chỉnh ánh sáng của đoàn Dạ Lý Hương, tức tốc phóng xe về Mỹ Tho, mật báo cho gia đình Tam Lang như sau: “Bạch Tuyết có một thời gian dài làm vợ bé của Hoàng Đức Ninh” . Chuẩn tướng Hoàng Đức Ninh, chỉ huy trưởng Đặc khu 44 (4 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Kiến Phong). Bà vợ của Hoàng Đức Ninh có xuống tận Châu Đốc đánh ghen. Bà đập nát kiếng xe của chồng ở nơi công cộng. Hoàng Đức Ninh là anh của Hoàng Đức Nhã, em họ của Tổng thống Thiệu.

Người anh của Tam Lang là Phạm Huỳnh Long Nhi (Đại úy Không Quân) cũng ra sức ngăn cản.

Đám cưới trì hoãn nhiều lần, nhưng cuối cùng được tổ chức vào tháng 2 năm 1967. Sau ba năm chung sống, bà mẹ Tam Lang hối thúc sanh cho bà đứa cháu nội để nối dõi tông đường, nhưng Bạch Tuyết không thể sanh con. Đó là lý do chánh của việc chia tay, sau 7 năm chung sống. (1974)

Tuy nhiên thực tế thì khác. Cuộc sống của hai người hoàn toàn khác biệt nhau mà không thể thay đổi. Bạch Tuyết tâm sự: “Mỗi sáng sớm khoảng 4, 5 giờ, em đang ngủ vì thức khuya, thì ảnh đánh thức em, đưa vào rạp hát rồi ảnh đến sân Cộng Hòa tập dợt đá banh hoặc huấn luyện, rồi sau đó về trại. Khi có trận đấu lớn thì ảnh bị cấm trại suốt cả tuần lễ. Khi em trình diễn ở miền Trung thì ảnh đá banh ở Sài Gòn. Khi em hát ở Sài Gòn thì ảnh đi nước ngoài.

Phần em thì sáng tập tuồng, chiều thu dĩa, tối hát. Có khi mãi tới khuya còn đóng phim. Thời gian bên nhau rất ít.

Người thứ ba chen vào làm cho cuộc tình nhanh chóng tan vỡ. Đó là kép hùng Cường.

3.2. Vài nét về Bạch Tuyết

1). Tiểu sử. 

Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sanh ngày 24-12-1945 tại xã Khánh Bình, Châu Đốc, An Giang. Mồ côi mẹ lúc 9 tuổi. Khiếu âm nhạc thể hiện lúc còn bé.

Bạch Tuyết được soạn giả Điêu Huyền nhận làm con nuôi và cho gia nhập đoàn Kiên Giang. Năm 1961, cô đào chánh đến trễ và Bạch Tuyết được cho thay thế.

Diễn xuất của Bạch Tuyết khiến cho khán giả kinh ngạc về tài năng của cô. Bạch Tuyết phất lên từ đó. Được Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất. Năm 1963, cô nhận giải Thanh Tâm về diễn viên có triển vọng.

Năm 1964, Bạch Tuyết về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, đóng cặp với Hùng Cường, được trao huy chương vàng của giải Thanh Tâm về nữ diễn viên xuất sắc. Được đặt cho danh hiệu “Cải lương chi bảo”.

Năm 1965, Bạch Tuyết Hùng Cường ra lập gánh Hùng Cường Bạch Tuyết.

Theo bách khoa tự điển Wikipedia, thì năm 1966, Bạch Tuyết nghỉ hát nửa năm để ôn bài thi tú tài. Sau đó đỗ cử nhân văn khoa (1985). Tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn ở Sofia, Bulgaria (1988). Bảo vệ luận án tiến sĩ về nghệ thuật sân khấu cổ truyền (1995)

2). Đời tư

Năm 1967, kết hôn với cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Năm 1974 hôn nhân tan vỡ. Lý do là không sanh con. Cũng ngay trong năm nầy, Bạch Tuyết lập gia đình lần thứ hai với ông Charles Đức. Có một con trai tên Bảo Giang Valery Bauduin, hiện sống ở Hoa Kỳ.

Ngày 2-6-2014, Tam Lang qua đời tại bịnh viện Chợ Rẫy. (69 tuổi)

4* Văn Chung: Cười cho quên cay đắng

4.1. Văn Chung ca vọng cổ mùi

Cuộc hôn nhân của Văn Chung với “Đệ nhất đào thương Thanh Hương” đổ vỡ khi cô đào diễn cặp với kép Hùng Minh. Văn Chung bèn chuyển sang diễn hài, mượn tiếng cười để vượt qua nổi đau.

Năm 1952, Văn Chung và Thanh Hương, con gái của Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) và danh ca Tư Sạng, cả hai cùng hát chung trên đài Pháp Á. Hai người yêu nhau rồi kết hôn.

Sau đó, Văn Chung được cha vợ là Năm Châu thu nhận vào Đoàn Việt Kịch Năm Châu. Thoạt tiên Văn Chung chỉ giữ những vai phụ. Năm 1955, Văn Chung và Thanh Hương về Đoàn Thanh Minh. Thời gian nầy được báo chí khen ngợi. Năm 1957, Văn Chung và Thanh Hương về Đoàn Kim Chưởng. Cả hai đều được nổi tiếng.

Thanh Hương sanh đứa con đầu lòng. Năm 1960 vợ chồng ra lập gánh hát riêng Thanh Hương-Văn Chung. Năm 1961 khi hát ở Hậu Giang, kép Hùng Minh diễn cặp với Thanh Hương mùi mẫn quá dẫn đến việc hôn nhân đổ vỡ. Gánh hát tan đàn xẻ nghé.

Thanh Hương gởi con gái cho người chị thứ ba của Năm Châu nuôi dưỡng rồi bỏ đi, cùng với Hùng Minh lập ra gánh Hùng Minh-Thanh Hương.

Ngậm đắng nuốt cay, Văn Chung trở về Sài Gòn gia nhập Đoàn Dạ Lý Hương. Lúc đó hai kép trẻ là Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm đang nổi danh chiếm lĩnh sân khấu.

Để giúp cho Văn Chung tìm được một chỗ đứng bên hai kép chánh nầy trên cùng một sân khấu, soạn giả Nguyễn Phương đề nghị Văn Chung diễn một vai hài trong tuồng Tiền Rừng Bạc Biển do ông sáng tác.

4.2. Chuyển sang diễn hài. Cười cho quên cay đắng

Từ đó Văn Chung chuyển từ vọng cổ mùi sang diễn hài. Và rất ăn khách. Văn Chung tâm sự: “Khi chuyển sang diễn hài tôi muốn đời mình lạc quan hơn, xóa đi những niềm đau riêng. Có lúc tôi hận đời đen bạc. Cuộc hôn nhân hạnh phúc bổng chốc như đàn lạc điệu. Mỗi đêm tôi mang tiếng cười cho khán giả để giúp mình thêm trẻ trung, yêu đời”.

Văn Chung nổi tiếng với “giọng cười dê, be he”. Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh năm 1933. Học cổ nhạc với nhạc sĩ Bảy Quới. Có giọng ca vọng cổ rất mùi.

Thanh Hương mất năm 1974 sau một cơn sanh khó. Con gái của Văn Chung- Thanh Hương được nghệ sĩ Kim Chưởng trực tiếp truyền nghề và đặt nghệ danh là Hương Chung Thủy. Hương là tên mẹ, Thanh Hương. Chung là tên cha, và Thủy là tên trong khai sanh.

Cuối năm 1960, Văn Chung kết hôn với con gái của nhà xuất nhập cảng vỏ xe hơi, Hãng Vỏ Bình Tây. Cuộc tình nồng ấm suốt 40 năm qua cho tới sau nầy.

5* Bà Năm Sa Đéc

 

5.1. Bà Năm Sa Đéc

Bà Năm Sa Đéc (1007-1988) tên thật là Nguyễn Kim Chung, con thứ năm của ông Nguyễn Duy Tam, xã Tân Khánh Đông, quận châu thành tỉnh Sa Đéc. Người cha mê hát bội nên đặt tên bà theo tên của một nữ nghệ sĩ hát bội nổi tiếng là Kim Chung ở Mỹ Tho.

Năm 1928 bà gia nhập làng hát bội với nghệ danh là Năm Nhỏ. Với giọng hát thiên phú, cách diễn xuất nhập vai, lột tả được tâm trạng của những nhân vật thủ diễn.

Vì có một nghệ sĩ hát bội tên Năm Nhỏ cho nên bà phải đổi tên thành Năm Sa Đéc và chuyển sang ngành cải lương. Bà nhanh chóng gặt hái được nhiều thành quả ở các gánh Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Song Phụng.

Bà Năm Sa Đéc là nghệ sĩ xuất sắc trong hát bội, cải lương và điện ảnh. Hai món ăn đặc biệt của bà là bánh bao Cả Cần và hủ tiếu Sa Đéc.

5.2. Hai lần qua đò nhưng không có một lần mặc áo cô dâu.

1). Người chồng đầu tiên

Người chồng đầu tiên của bà Năm Sa Đéc là ông đốc phủ sứ Đặng Ngọc Chấn. Hai người có một con trai tên Nguyễn Ngọc Đặng (1939).

Sau đó đường ai nấy đi. Lý do của sự chia tay phát xuất từ quan niệm “Xướng ca vô loài”.

Năm 1947, bà đưa con lên Sài Gòn và bước thêm một bước nữa với nhà khảo cổ nổi tiếng là Vương Hồng Sển.

2). Người chồng thứ hai

 

Bà Năm Sa Đéc và Vương Hồng Sển* Mộ của Năm nằm đơn lẻ tại ấp Đông, Sa Đéc.

Cũng như lần trước, lần nầy cũng không xe hoa, không áo cưới cô dâu. Chưa được ông Vương Hồng Sển công nhận là vợ hợp pháp vì không lập hôn thú. Đến ngày chết bà cũng không được nằm gần chồng.
Năm 1984, bà Năm Sa Đéc hỏi ý chồng: “Mình già rồi cũng nên bàn với gia tộc lo phần mộ của tôi với ông”. Ông Vương trả lời:
“Thôi thì sau nầy quê tôi tôi về, còn bà thì về quê bà”.
Bà Năm Sa Đéc mất ngày 12-9-1988. Ông Vương Hồng Sển đưa vợ về an táng ở xã Tân Khánh Đông, Sa Đéc.
Những người trong gia đình cho biết, sinh thời bà năm mang nhiều nổi khổ tâm. Sau khi sanh Vương Hồng Bảo, ông Vương bắt đầu có thái độ “phân biệt đối xử” với con riêng của bà là Nguyễn Ngọc Đặng.
Ông Vương Hồng Sển sinh ngày 27-9-1902 tại Sóc Trăng. Ông mang ba dòng máu Việt, Hoa và Khmer. Mất ngày 9-12-1996.


Vương Hồng Sển

5.3. Xướng ca vô loài

Dưới thời phong kiến, “xướng ca vô loài” là một nhóm chữ chỉ những người làm nghề ca hát với nghĩa khinh bỉ, miệt thị.

Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Phong tục Việt Nam cho rằng “vô loài” liên quan tới quan niệm “vô luân” của người xưa như sau:

“Xã hội ta ngày xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính cuộc sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bầy tôi, cha quỳ lạy con, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con (Vợ làm mẹ, chồng làm con) hoặc cha con… Tất cả cái “vô luân” là ở đấy, luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn trên sân khấu”.

Tác giả Thanh Thủy, trong bài viết Nguồn gốc của định kiến “xướng ca vô loài” thì cho thành ngữ này có xuất xứ từ Trung Hoa qua câu chuyện dưới đây:

Nhà Thương (1401 – 1123 TCN) với vị vua cuối cùng là Trụ Vương, bị một bộ tộc chư hầu là nhà Châu lật đổ. Dĩ nhiên, con dân Nhà Thương phải ôm một mối hận nhà tan và mối nhục mất nước, trong khi đó thì nhóm đàn bà con gái trong làng ca nhi của Nhà Thương, vì miếng cơm manh áo, cùng nhau tụ tập ở các tửu điếm. bên sông Tần Hoài, dùng lời ca, tiếng hát của mình để phục vụ cho quan quân, và người của chế độ mới là Nhà Châu, mà quên đi nỗi nhục nước mất nhà tan của mình.

Làng ca nhi nầy của Nhà Thương bị lên án là làm ô nhục cho đất nước, một mối nhục muôn đời không gội rửa được. Vì thế mà người của Nhà Thương đã loại bỏ những người hành nghề xướng ca nầy ra ngoài sinh hoạt xã hội của họ. Sĩ nông công thương.

Đến đời Nhà Đường, thi hào Đỗ Mục (803-852) đã viết lên bài thơ Bạc Tần Hoài hay Tần Hoài Dạ Bạc, được Lệ Thần Trần Trọng Kim dịch như sau:

Khói lồng nước bóng trăng lồng cát
Bến Tần Hoài thuyền sát tửu gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình

Trong đó, nguyên văn chữ Hán của hai câu sau đã được người đời nhắc nhở: “Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu Đình hoa”.

“Xướng ca vô loài” cũng có xuất xứ từ Việt Nam, vì người Việt theo luân lý Nho giáo. Có cái nhìn rất khắt khe đối với sự “vô luân”, “vô loài” của các “bọn phường chèo” hay “con hát” ngày xưa.

Việt Nam đã từng có nhiều nhân vật nổi tiếng bị gian truân vì quan điểm khắt khe, cổ hủ đó. Trong đó, nổi tiếng nhất là trường hợp Đào Duy Từ (1572 – 1634) vì có cha làm nghề ca hát, nên ông không được đi thi để ra làm quan dưới triều vua Lê – chúa Trịnh. Đào Duy Từ trốn vào Đàng Trong theo thờ Chúa Nguyễn.

6* Mối tình của Thanh Nga và Đại úy Mẫn

Đại úy Nguyễn Minh Mẫn là chồng cũ của Thanh Nga. Ông Mẫn thương Thanh Nga khi cô đang sáng chói trên sân khấu cải lương. Người cao lớn, đẹp trai, có tâm hồn nghệ sĩ, là sĩ quan huấn luyện viên môn chiến thuật trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi Chỉ huy phó Yếu Khu Bình Phú (Thủ Đức).
Thanh Nga trong chiếc áo cưới, bước lên xe hoa chính thức cùng người chồng là ông Nguyễn Minh Mẫn. Trong ngày cưới bỗng nhiên một người đàn bà dẫn con đến, mới biết ông Mẫn đã có vợ con ở quê nhà. Người phụ nữ được đưa vào buồng riêng thu xếp để đám cưới không bị bể.

Tiệc cưới được tổ chức linh đình tại nhà hàng, báo chí và nghệ sĩ tham dự rất đông. Rượu Champagne nổ dòn, cuộc vui tưởng chừng như bất tận. Nhưng chưa được bao lâu, thì Đại úy Mẫn phải ra toà lãnh án về tội buôn lậu đồ Mỹ.

Thanh Nga phải sống trong những ngày đoạn trường và phải đối mặt với dư luận, những việc không đâu cứ ùa đến, kể cả những vu oan, tố cáo của người đàn bà trước kia của ông Mẫn. Thanh Nga-Nguyễn Minh Mẫn không có hôn thú nên hôn nhân tự tan vỡ khi ông Mẫn đang ở tù.

7* Thanh Nga là vợ của Thành Được

Trích báo Công An trong nước: “Thành Được sau khi ly dị với vợ là Út Bạch Lan, vì là kép và đào chánh đã đóng chung những vở tuồng nên yêu say đắm Thanh Nga nhưng bị bà Bầu Thơ ngăn cản. Tuy vậy ông vẫn theo đuổi và dùng thế lực bên ngoài để kéo người đẹp trên sân khấu về với mình cho đến khi Thanh Nga ưng chịu. Dẫu cho đã nên vợ nên chồng, nhưng cá tính hai người xung khắc với nhau và cuối cùng phải chia tay”.(Hết trích)

8* Phùng Há kết hôn với thầy đờn Tư Chơi 

 

Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (30-4-1911 – 5-7-2009). Thân phụ là người Hoa gốc ở Sơn Đông, Trung Hoa. Thân mẫu là bà Lê Thị Mai, người Mỹ Tho. Bà Phùng Há là mẹ kế của Tướng Nguyễn Khánh.

Cha mất khi bà 9 tuổi. Năm 13 tuổi phải đi làm công ở lò gạch lấy tiền nuôi mẹ. Giọng ca thiên phú của bà được ông bầu Hai Cu nhận cho vào gánh cải lương Tái Đồng Ban đóng cặp với kép Năm Châu.

Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) là hai người thầy đầu tiên của bà, cũng là hai người đàn ông có mặt trong cuộc đời tình cảm của bà.

Mối tình giữa Phùng Há và Năm Châu vừa chớm nở thì bất ngờ Tư Chơi tuyên bố kết hôn với Phùng Há năm bà 15 tuổi. Năm Châu thất tình rời gánh ra đi. Nghe đâu ra Hà Nội.


NS Năm Châu – NS Phùng Há trong vở “Vợ và tình”

Sống với Tư Chơi có một con gái tên Bửu Chánh, rồi chia tay năm 1929, vì bà chịu không nổi ông chồng suốt ngày ngồi nhậu trong quán rượu, ghen tương và đánh đập bà. Nhất là Tư Chơi bắt đầu theo đuổi đào Kim Thoa, vừa hát hây vừa đẹp nên bỏ mặc người vợ trẻ Phùng Há. Bửu Chánh được gởi về bà ngoại ở Mỹ Tho nuôi dưỡng.

Được tin Phùng Há thôi chồng và chuyển sang đoàn Trần Đắc, Năm Châu trở về hy vọng nối lại tình xưa nhưng một lần nữa thuyền tình lỡ chuyến vì Phùng Há đã trở thành vợ của Bạch Công Tử, (Phước George) và làm bầu gánh Huỳnh Kỳ năm 18 tuổi.

Phùng Há vẫn còn yêu Năm Châu. Cô Bảy Phùng Há tâm sự: “Ngày đó khi tôi lấy chồng, ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh hát, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi ra đi không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh… Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy thì cũng bằng thừa thôi. Số phần đã như vậy rồi”

Soạn giả Nguyễn Phương thuật lại. “Ngày anh Năm Châu mất (5/1977), cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vô. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn vực anh Năm dậy: “Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy… là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này… tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh”.
Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu.

9* Cuộc hôn nhân bi thảm của Phùng Há và Bạch Công Tử

Phước George được gọi là Bạch Công Tử ở Mỹ Tho, đối với Hắc Công Tử hay “Công Tử Bạc Liêu”, tên Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu. Phước George là con của Đốc phủ sứ Lê Công Sủng, làm quận trưởng quận châu thành tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1909, sang Pháp du học. Ông mê cải lương nên học về ngành sân khấu. Năm 1932 về nước, lập đoàn cải lương Huỳnh Kỳ cho Phùng Há làm chủ và bầu gánh. Phước George cưới Phùng Há khi đó. Gánh Huỳnh Kỳ là một đại bang, bề thế rất lớn không thua gì gánh hát của Thầy Năm Tú đang nổi tiếng ở Nam Kỳ Lục tỉnh thời đó. Huỳnh Kỳ gồm những đào kép trứ danh như Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélène…

Phước George xây một rạp hát bên cạnh nhà để trình diễn thường xuyên, đó là rạp Huỳnh Kỳ nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh, con đường chạy xuống Chợ Gạo, Gò Công.

Cuộc tình hạnh phúc kéo dài 7 năm. Hai đứa con ra đời. Con trai tên Paul Lộc, con gái Suzane.

Do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1933 và do Bạch công tử vung tiền qua cửa sổ cho nên gánh Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ gánh ra đi. Cô Bảy Phùng Há đau khổ ôm hai đứa con bịnh nặng đi tìm chồng và bắt gặp Phước George đang sống với một phụ nữ xinh đẹp nổi tiếng là Marie Anne Nhị (Tư Nhị) tại khách sạn Minh Tân, Mỹ Tho.

Bạch Công tử trách mắng vợ và xua đuổi ba mẹ con Phùng Há. Trở về, không tiền chạy thuốc men cho con nên hai đứa con lần lượt chết trên tay của bà.

10*. Kết luận

Cảnh yêu đương mùi mẫn của những cặp tình nhân cứ diễn đi diễn lại cả chục lần trên sân khấu, khiến cho những cặp đào kép trong vai của vở tuồng rất dễ biến cảnh giả trên sân khấu thành cảnh thật ngoài đời. Tình mới chớm nở sẽ tạo ra tan vỡ. Chia tay, đường ai nấy đi, mỗi thuyền tình tìm bến đậu. Cứ thế mà sống không ai buồn hơn ai.

Trong những mối tình tan vỡ, Út Bạch Lan là người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Năm 2005, Út Bạch Lan gặp lại Thành Được trên sân khấu của nhà hàng Thành Được tại San Jose (California), Thành Được tỏ ra rất hối hận và Út Bạch Lan sẵn sàng tha thứ, với cái tâm vị tha của nhà Phật.

Trúc Giang MN

Giọt Cà Phê Đắng



Cà Phê đen mà đắng
Làm mờ dấu môi son
Em không cần che giấu
Tình khát khao mỏi mòn.

Thêm chút đường cho ngọt
Vị đắng tan vào nhau
Thêm buồn vào nhan sắc
Khẽ cắn vào môi đau.

Tách cà phê uống cạn
Em còn mãi đợi chờ
Môi đắng thêm giọt lệ
Tình tan vào trong mơ.

Trời sương mù tháng chạp
Phố xá buồn hơn xưa
Ngày buồn, buồn thêm nữa
Bóng người đi vắng thưa.

Em bây giờ huyền thoại
Uống cạn chén tối tăm
Tách cà phê đậm đắng
Hương vị buồn trăm năm.


Lê Tuấn

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Bến Xưa - Lê Quốc Khanh - Kim Trúc


Sáng Tác: Lê Quốc Khanh
Tiếng Hát: Kim Trúc

Thu Buồn

 

Ta ví ta như ngọn gió thu
Ðêm se se lạnh thổi sương mù
Nửa khuya trở giấc cơn mê tỉnh
Mơ dáng sông hồ trong mộng du

Lòng thu xao xuyến buồn chi lạ
Lơ lửng cành hồng giữa bão giông
Gom nhặt tro tàn vùng kỷ niệm
Bao nhiêu niên kỷ lạnh trong lòng

Nàng thu ve vuốt những đài hoa
Tô thắm môi em sắc mặn mà
Bởi nắng hạ vàng oi bức quá
Thiêu mòn thân xác tháng ngày qua

Thu trải niềm riêng với thế gian
Trăng thu vằng vặc giữa mây ngàn
Cho thu hò hẹn cùng trăng gió
Mai mối đem thu đến gặp chàng

Thu đang hạnh ngộ với chàng đây
Mái tóc bồng bềnh tựa khói bay
Dáng dấp phong trần đời nghệ sĩ
Ưu tư trăn trở … dáng hao gầy

Thu ôm ấp mãi bóng hình ai
Sầu lắng từng canh, giọt vắn dài
Cho sắc thu buồn theo nỗi nhớ
Bởi thu nào phải liễu trang đài

Hồn bướm mơ tiên, ôi ảo vọng
Ước mơ, mơ ước chỉ hoài công
Vì thu như kiếp sương rơi rụng
Là ánh chiều tàn giữa nắng đông …

Nguyễn Phan Ngọc An

Lá Xanh, Và Trái Hãy Xanh..



Lá xanh, trái xanh
Trời xanh, nước xanh
Cũng là chữ xanh
Cưu mang hai nghĩa

Em tuổi còn xanh
Màu xanh của lá
Anh lòng xanh thẳm
Màu của đại dương

Màu xanh của anh
Màu của năm tháng
Vấp ngã nẻo đường
Càng sâu thăm thẳm

Xanh tuổi của em
Thơ ngây mới lớn
Như màu mạ non
Hương đồng xanh ngát

Rồi màu xanh ấy
Cũng ngã theo anh
Bụi trần thời gian
Lại xanh thăm thẳm..

June/2021
Kim Vũ

Hòn Ngọc Viễn Đông

 

“Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi...”
Câu hát tôn vinh vẻ tuyệt vời
Phố mỹ miều trẻ trung náo nhiệt
Người chân thật hiếu khách vui tươi
Trên đường xe dọc ngang muôn hướng
Dưới bến thuyền xuôi ngược khắp nơi
Du khách viếng thăm đều mến tặng
“Viễn đông hòn ngọc” của muôn thời

Nhất Hùng

Y Học Thường Thức: Bệnh Áp Huyết Cao(Bác sĩ Đinh Đại Kha)

Giới thiệu Chương III sách Y học thường thức 

Chương III sách Y học thường thức trình bày về các bệnh lý Nội khoa và Ngoại khoa.
 Đây là những trường hợp bệnh thường xảy ra hơn các bệnh thuộc về chuyên khoa, Các đề tài thuộc về Chương III bao gồm: 
1) Bệnh tim mạch
 2) Bệnh hô hấp 
3) Bệnh tiêu hóa 
4) Bệnh tiết niệu 
5) Bệnh dinh dưỡng
 6) Bệnh nội khoa tổng quát 
7) Bệnh truyền nhiễm 
8) Bệnh cơ quan vận động
 9) Bệnh hoa liễu (lây qua đường tình dục) Các điểm chính trình bày về mỗi bệnh lý bao gồm: 
- Lâm sàng 
- Cơ chế bệnh lý 
- Phòng bệnh 
- Trường hợp cần trị liệu khẩn cấp 
Mục đích của Chương III sách này là giúp bạn đọc ngoài nghề y khoa tìm hiểu về nhiều loại bệnh lý, biết cách thức phòng bệnh và biết khi nào cần trị liệu khẩn cấp. 

Ban Biên tập YHTT 


Bệnh Áp Huyết Cao Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Đại cương 

Bệnh huyết áp cao là một loại bệnh rất phổ thông trong giới người cao tuổi. Theo thống kê chung thì có tới hai phần ba người trên 60 tuổi bị huyết áp cao. Bệnh này cần được điều trị đúng cách để phòng ngừa các biến chứng nguy hại về tim mạch, não bộ và thận. Khoa học không giải đáp được nguyên nhân chính của bệnh huyết áp cao. Tuy nhiên, nhiều công cuộc nghiên cứu từ xưa tới nay đã tìm ra được các tác nhân gây bệnh sau đây: 

Tính di truyền: 
Một số gia đình có nhiều người bị huyết áp cao mặc dầu đã sinh hoạt theo đúng vệ sinh để phòng bệnh. Kết luận là khả năng bị xơ cứng động mạch của các bệnh nhân này đã có sẵn trong cơ thể từ khi còn ở trong bụng mẹ. 

Dư chất Nat-ri trong khẩu phần: 
Theo một bài nghiên cứu về dinh dưỡng tại Việt-Nam của một tác giả người Nhật, khẩu phần trung bình thường ngày của chúng ta dư chất muối (Clo-rua Nat-ri) gấp 2 tới 3 lần nhu cầu của cơ thể. Đây là chưa kể tới bột ngọt (mì chính) dùng nấu ăn cũng lại tăng thêm chất Nat-ri trong dinh dưỡng. 

Dư chất mỡ trong dinh dưỡng: 
Ăn các thức ăn chứa nhiều chất dầu mỡ (bất kỳ loại nào) lâu ngày sẽ dẫn tới bệnh huyết áp cao. Chất ni-cô-tin trong thuốc lá: Ni-cô-tin trực tiếp gây viêm thành động mạch, sinh ra điểm khởi đầu cho lớp màng cứng phát triển (xin xem hình vẽ phía dưới). 

Uống rượu quá độ: 
Rượu trực tiếp tác hại các cơ nhẵn trong động mạch và cơ tim. 

Thiếu vận động cơ thể: 
Các động tác thể dục, thể thao làm cho trái tim và các động mạch hoạt động mạnh hơn nên bảo toàn tính đàn hồi được lâu dài hơn. Ngoài ra, bệnh mập phì và bệnh tiểu đường cũng gây ra huyết áp cao. Cơ chế bệnh huyết áp cao là cô-let-tê-rôn quá dư và nhìều hóa chất khác gây ra bệnh xơ cứng động mạch. Các chất này tạo ra một lớp màng cứng ở mặt trong thành các động mạch, giảm sự đàn hồi (co giãn) thông thường. Khi trái tim bóp mạnh (thời gian co tâm thất) mà động mạch không giãn nở được như thường lệ, áp xuất trong động mạch tất nhiên phải tăng cao hơn. Bệnh tiến triển phát sinh ra biến chứng khi lớp xơ cứng quá dày làm nghẹt tuần hoàn động mạch cục bộ. Cũng có trường hợp một miếng xơ cứng này vỡ (bể) ra và chạy theo dòng máu cho đến một nhánh động mạch nhỏ thì kẹt lại, có tác dụng như một cái nút chặn đứng tuần hoàn nơi đây. 


Chỉ số huyết áp cao là trên 135 mi-li-mét thủy ngân khi tim bóp hoặc trên 85 mi-li-mét thủy ngân khi tim nở. Nếu huyết áp thường xuyên lên tới 140 (tim bóp) hoặc 90 (tim nở) là tới lúc phải dùng thuốc. Những con số này dựa vào kinh nghiệm lâm sàng chứ không phải là theo lý thuyết. Chỉ số về huyết áp cao được dùng trong suốt thế kỷ trước là trên 140 mi-li-mét thủy ngân khi tim bóp. 

Đến năm 2000, một hội đồng bác sĩ Nội khoa tại Mỹ và Canada kiểm tra các hồ sơ bệnh lý trong hàng chục bệnh viện và phát hiện nhiều trường hợp huyết áp bệnh nhân chỉ lên tới con số 140 mà vẫn lên cơn đau tim hoặc bị tai biến mạch máu não. Đó là lý do y học dùng chỉ số hiện tại, thấp hơn khi trước. 
Bệnh huyết áp cao không thể chữa tiệt căn, nghĩa là không ngưng thuốc được. Khi huyết áp đo bình thường là do hiệu lực thuốc, nên phải tiếp tục uống. 

Triệu chứng 

Thông thường, bệnh huyết áp cao không có triệu chứng riêng biệt. Cho đến khi bệnh nặng, huyết áp lên rất cao mới gây đau đầu, chóng mặt, ù tai… Có một thiểu số bệnh nhân hoàn toàn không thấy triệu chứng gì cho đến khi bị biến chứng. 
Vậy các triệu chứng khi biến chứng là như sau: 

Đau thắt ngực: 
Bệnh nhân có cảm tưởng bị đè rất nặng ở giữa ngực và đồng thời người mệt lả. Có khi cơn đau truyền lên cổ và hàm răng, có khi truyền ra cánh tay trái. Cơn đau kéo dài trong ít phút. 

Cơ chế: 
Thiếu máu cơ tim (làm cho thiếu ô-xi) do động mạch vành bị nghẹt bớt, các loại cơ khi thiếu ô-xi đều bị đau. Nếu cơn đau thắt ngực kéo rất dài là khi bị lên cơn đau tim, có khả năng gây tử vong. 

Đau chân cách hồi:
Bệnh nhân đang đi bộ bị đau bắp chân nên phải đứng lại, sau ít phút cơn đau giảm bớt, tiếp tục đi rồi lại bị đau, lại phải dừng lại… Đây là triệu chứng động mạch chi dưới bị nghẹt. Khi cơ bắp hoạt động, cần nhiều ô-xi hơn khi nghỉ ngơi. Động mạch bị nghẹt tất nhiên không cung cấp đủ máu và ô-xi nên cơ bắp bị đau. Bất tỉnh hoặc bị tê liệt cấp tính: bệnh nhân bất tỉnh không gọi tỉnh lại được hoặc chợt tỉnh, chợt mê. 

Triệu chứng khác nữa là bị tê liệt một số cơ bắp hoặc không nói được. Đây là trường hợp tai biến mạch máu não. Cơ chế: động mạch não bộ bị nghẹt hoặc bể, tuần hoàn trong não bộ chậm lại rất nhiều gây ra hoại tử mô não (một phần óc bị chết). Bệnh nhân cảm thấy yếu mệt từ từ trong nhiều tháng và da mặt biến đổi dần dần thành tái xanh hoặc trắng bệch. 
Đây là biến chứng suy thận mạn tính, ít xảy ra nhưng rất khó trị liệu. 

Cơ chế: tuần hoàn chậm lại, thiếu ô-xi nên một số tế bào thận bị chết. Trị liệu Nếu bệnh huyết áp cao chưa quá nặng mà bệnh nhân vừa mập vừa thiếu vận động cơ thể, cách điều trị theo thiên nhiên là phải thay đổi cách sinh hoạt thường ngày: bớt ăn cho xuống cân, bớt ăn chất mặn, chất mỡ, tập thể dục, không hút thuốc, không uống rượu. Sinh hoạt lành mạnh như vậy trong 6 tháng mà huyết áp vẫn cao là lúc phải dùng thuốc. Trường hợp huyết áp cao mà khi mới phát hiện đã lên tới 160mm thủy ngân (hoặc cao hơn) khi tim bóp thì phải dùng thuốc ngay. 

Thuốc hạ huyết áp hiện nay có nhiều loại, kể từ loại dùng đầu tiên (đầu thế kỷ 20) thuộc dạng thuốc lợi tiểu cho tới những loại mới nghiên cứu sau này, làm giảm huyết áp theo nhiều cơ chế khác nhau. Mỗi loại thuốc này lại chia ra nhiều nhóm hóa chất khác nhau, cho nên trên thị trường có tới hơn 100 tên thuốc chữa huyết áp cao. Không có thứ thuốc hạ huyết áp nào là tuyệt đối tốt, mỗi thứ hợp cho một loại bệnh nhân nên cần có bác sĩ chỉ định và theo dõi. Đôi khi cần phối hợp 2, 3 thứ thuốc (có khi nhiều hơn nữa) là trường hợp huyết áp bệnh nhân giao động hoặc nhịp tim quá nhanh hay quá chậm. Lúc khởi đầu điều trị phối hợp như vậy, cần phải theo dõi bệnh trạng thường xuyên hơn, thí dụ cách hai tuần lễ tái khám một lần thay vì cách 2 hay 3 tháng. 

Bệnh nhân tự giúp mình 
Như đã trình bày trên đây, bệnh huyết áp cao thường khi không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, người khỏe mạnh bình thường cũng nên thỉnh thoảng đo huyết áp, tối thiểu 6 tháng một lần để có thể phát hiện bệnh này ngay từ lúc khởi đầu. 

Điều trị bệnh huyết áp cao cần có bác sĩ chỉ định và theo dõi vì cơ thể và bệnh trạng mỗi người một khác và bệnh này cũng tiến triển khác nhau tùy theo trường hợp cá nhân. Tuy nhiên người bệnh có thể tránh bớt biến chứng bằng cách: 
Theo đúng lời chỉ dẫn về liều, lượng thuốc. Điều tối kỵ là tự ý thêm, bớt thuốc khiến bác sĩ không thể theo dõi bệnh trạng một cách chính xác. Hãy thẳng thắn trình bày với bác sĩ các thắc mắc của mình khi nghĩ rằng bệnh trạng của mình có thể cần thêm hoặc bớt thuốc. 

Tái khám định kỳ theo đúng lịch trình và lấy hẹn khám thêm khi có triệu chứng bất thường như đau thắt ngực, huyết áp vẫn cao trong khi uống đủ thuốc, yếu mệt thường xuyên… 

Giữ vệ sinh về dinh dưỡng và vận động cơ thể. Bớt chất muối và mỡ trong khẩu phần. Hạn chế bột ngọt khi nấu ăn. Thể dục đơn giản hơn cả là đi bộ, không cần đi nhanh, mỗi lần thả bộ từ 45 phút tới 60 phút hay lâu hơn và mỗi tuần lễ cần vận động tối thiểu là 3 ngày và tổng cộng thời gian vận động tối thiểu là 3 tiếng rưỡi đồng hồ. 

Không hút thuốc lá (thuốc lào cũng vậy). Thuốc lá dù hút nhiều hay ít cũng có hại cho tim mạch. Đấy là chưa kể các tác hại khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dãn phổi, ung thư phổi… 

Hạn chế các chất rượu: đàn ông một ngày dùng tối đa là một chai bia nhỏ hoặc một ly rượu vang nhỏ hoặc một ly cốc-tai, đàn bà chỉ dùng được một nửa lượng rượu này. Có những nghiên cứu cho rằng thường ngày uống rượu vang đỏ chút ít có thể hạ bớt cô-let-tê-rôn và giúp ích cho tim mạch. Tuy nhiên hiệu lực này cũng rất nhỏ so với hiệu lực của các thứ thuốc trị bệnh huyết áp cao. Vậy xin hãy hạn chế rượu theo lời khuyên trên đây. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Bệnh huyết áp cao High blood pressure (HBP) 
Bệnh xơ cứng động mạch Atherosclerosis 
Bệnh mập phì Obesity 
Bệnh tiểu đường Diabetes mellitus 
Đau thắt ngực Angina pectoris 
Đau chân cách hồi Intermittent claudication 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Chronic obstructive pulmonary disease (COPD) 
Bệnh dãn phổi Emphysema


Bác sĩ Đinh Đại Kha

Những Đoản Văn Dịch Của TháiLan


(Truyện Dịch)

1/-Gia Đình Của Ta….

Khi bước đi vội vã trên lề đường,
Một người bộ hành chen lấn khi đi ngang tôi,
“Ồ! Xin lỗi ông “ - tôi nói với ông ta
Ông ấy trả lời: “Tôi cũng xin cô thứ lỗi,
Tôi không nhìn thấy cô!”

Người khách lạ và tôi đã thật lịch sự với nhau,
Đã trao đổi những lời lẽ thật đẹp cho nhau,
Và cả hai chúng tôi tiếp tục con đường của mình sau khi nói ”Xin chào!”
***
Một khi về đến nhà
Thì câu chuyện lại hoàn toàn khác hẳn.
Chúng ta đối xử như thế nào với những người thân yêu của chúng ta…
Trẻ con, vị thành niên và người lớn tuổi?
Bạn có bao giờ nghĩ đến điều đó không?

***
Sau đó, vào buổi chiều, khi tôi đang làm cơm tối,
Con trai tôi đến sau lưng tôi và đứng im như vậy, không nói tiếng nào.
Trong một lúc vô ý, bất thần tôi quay người lại, và làm cháu ngã.
“Tránh ra đi nào! ”, tôi giận dữ quát lên,
“Sao lúc nào con cũng lẩn quẩn bên chân mẹ vậy”!
Cậu bé quay lại và buồn bã bỏ đi .
Tôi không nhận biết được tôi vừa làm cậu bé tổn thương như thế nào.
***
Đến lúc đi ngủ,…
Tôi nghe Thượng Đế nhỏ nhẹ …nói với tôi:
“Tại sao con thật dễ dàng đối xử với người ngoài đường một cách khả ái mà lại không thể hành xử như vậy với những người bên cạnh con, họ yêu mến con và con cũng thương yêu họ vậy?”
Con hãy dậy đi và hãy nhìn trên sàn nhà bếp.
Con sẽ thấy một bó hoa thật đẹp ở cửa… đó là hoa mà con trai con mang về cho con.
Nó đã tự tay hái lấy những đóa hoa đó cho con: có hoa hồng, vàng và xanh trời.
***
Có điều còn chẳng hiểu gì cả
Khi nó nhẹ nhàng đến sau lưng con
Là để không làm lộ điều bí mật dành cho con mà con sẽ rất thích thú.
Nhưng con đã không nhìn thấy dòng lệ tràn ra trên má của nó khi con bảo nó tránh đi.”
Tôi đã ngồi dậy rồi đến cánh cửa và nhìn thấy bó hoa thật đẹp dưới đất.
Chính vào lúc đó tôi mới cảm thấy thật sự đau đớn, và mắt tôi đã đẫm lệ..
***
Tôi bước đi nhẹ nhàng đến bên giường con và nói với con:
“Dậy di, con yêu của mẹ, dậy đi con!”
“Đây là những đóa hoa hôm nay con đã hái cho mẹ phải không?”
Con tôi mỉm cười và nói: “Con đã tìm thấy hoa này bên cạnh một gốc cây và con đã hái vì con thấy chúng rất đẹp… đẹp như mẹ của con!
Con biết rằng mẹ rất thích, nhất là những cánh hoa xanh trời vì con biết mẹ rất yêu màu xanh ấy.”
Tôi nói với con: “Con trai của mẹ, mẹ thật buồn vì đã cư xử rất tệ với con hôm nay”.
Mẹ không nên quát mắng to tiếng với con như lúc chiều.
Con tôi đáp lại: “ Ôi, Mẹ ơi, không sao đâu Mẹ.
Dù vậy con vẫn yêu mẹ cơ mà!”
“Con của mẹ, mẹ cũng rất yêu con, con ạ và mẹ rất thích hoa , nhất là hoa màu xanh trời.”
Lúc ấy, một khoảnh khắc dịu dàng yêu thương làm cho chúng tôi thật gần gũi bên nhau.
*** 
Kể từ hôm đó,
Tôi đã học được rằng phải ân cần chăm chút người thân yêu cũng như để ý đến người xa lạ
hay đúng hơn là chăm chút thương yêu người thân hơn người xa.

(Khuyết danh)-TháiLan-NữLan dịch

=====================

2/- Những Điều Không Nói Ra Sẽ Làm Hại Ta... 

Bạn có biết những điều không nói ra sẽ đi về đâu không?
Điều gì bạn muốn làm nhưng đã không thực hiện sẽ đi đâu?
Những cảm giác bạn tự kềm chế sẽ trôi đi đâu?

Ta mong muốn biết bao những việc này sẽ đi vào lãng quên, nhưng bạn biết không, những điều không nói ra sẽ chất chứa trong chúng ta và làm cho tâm hồn ta tràn đầy tiếng kêu thầm lặng. Những điều không thổ lộ biến thành nỗi trăn trở, thành nỗi đau đớn.

Những điều không nói ra biến thành nỗi luyến tiếc, thành giờ khắc lặng trôi. Những điều không nói ra trở thành bổn phận, thành nợ ơn. Những lời nói không được thốt lên sẽ chuyển biến thành sự tước đoạt, thành nỗi buồn đau, thành sự bất bình.
Những điều không nói ra sẽ không tự nó biến mất, mà trái lại giết hại chính ta..


Nguồn: Lesmotspositifs - TháiLan dịch

=====================

3/-Hương Vị Cuộc Sống

Trong suốt cuộc đời tôi, có một thứ gia vị rất hiếm, tôi tìm được một cách thật bất ngờ,
Thậm chí tôi cho rằng do Thượng Đế ban phát.

Chất bột mầu nhiệm ấy thay đổi đời sống hàng ngày của tôi thành tia mặt trời mỗi khi được rắc lên một vấn đề nan giải, một phương cách tìm ra quyết định
Và tôi là kẻ may mắn phi thường đã sở hữu được chất màu nhiệm ấy!

Nhưng khi tôi phải vượt qua những chặn đường gian nan,
Khi cái thường nhật khiến tôi đau đớn,
Khi mọi thứ đã quá sức chịu đựng, và tôi cần đến lòng can đảm và nghị lực
Để đối mặt với một ngày mới sắp khởi đầu

Và mọi việc vẫn phải được tiếp diễn
Cho dẫu thời gian làm gián đoạn,
Lúc ấy chất gia vị mầu nhiệm của tôi sẽ đến làm tăng hương vị cho chuỗi ngày của tôi để tôi có thể hiểu biết và lắng nghe một cách tích cực.

Hương thơm của chất ấy trợ lực cho tôi, sức mạnh của hương vị dìu dắt tôi, mùi vị thầm lặng ấy bảo vệ tôi.
Lời chúc tuyệt vời nhất tôi có thể gởi đến bạn đó là tìm được chất bột kỳ diệu ấy, và đem truyền bá cùng với tình yêu thương.

Hương vị cuộc sống ấy được mang tên: “Tình bạn”
Nguồn: Louise B.Giroux - TháiLan dịch

=================

4/- Bốn Chàng Sinh Viên Tinh Khôn

Một buổi tối nọ bốn chàng sinh viên đi chơi tiệc tùng vui vẻ đến mãi khuya mới về và không ai có thể học bài vở cho buổi kiểm tra được dự trù vào sáng ngày mai. Đến sáng thức dậy, họ bèn nghĩ ra một kế . Bọn họ liền bôi đất cát và dầu mỡ thật bẩn lên khắp người.
Rồi họ đến thưa với Thầy Chủ nhiệm Khoa rằng tối qua họ đã đi dự tiệc cưới và trên đường về thì bánh xe bị bể và họ phải cùng nhau đẩy chiếc xe trên suốt đoạn đường còn lại để về đến nhà. Thế nên họ không thể sửa soạn kịp thời cho buổi kiểm tra.

Thầy Trưởng khoa suy nghĩ một lúc và bảo rằng họ có thể trở lại để thi sau 3 ngày. Họ cám ơn thầy và thưa với thầy họ có thể sẵn sàng sau thời hạn đó.

Đến ngày thứ ba, họ đến trình diện với Thầy. thầy nói đây là một Buổi Kiểm Tra theo Tình Thế thật Đặc Biệt, và cả bốn chàng trai đều phải ngồi ở các phòng khác nhau để làm bài. Tất cả bọn họ đều đồng ý vì họ đã chuẩn bị kỹ càng trong suốt 3 ngày qua.

Bài Thi chỉ gồm 2 câu hỏi với tổng số điểm là 100:
1/ Họ Tên ?------ (1 Điểm)
2/- Bánh xe nào bị nổ lốp? ---------(99 Điểm)
Chọn
- a) Trước bên Trái -b) Trước bên Phải
- c) Sau bên Trái -d) Sau bên Phải.

Bài học:
Làm mọi việc phải có trách nhiệm, nếu không bạn sẽ phải học một bài học.


Mediavine- ThaiLan dịch

================

5- / Hai Người Con

Một truyền thuyết xứ Nghìn Lẻ Một Đêm ( truyện cổ Ả Rập, Ba Tư và Ấn Độ, viết bằng tiếng Ả Rập) kể lại rằng một người đàn ông đang sống hạnh phúc bên người vợ thật tuyệt và hai con trai yêu dấu. Một hôm ông phải đi công việc xa trong nhiều ngày, và trong thời gian đó hai con bị tai nạn và không may đã qua đời. Người mẹ cảm thấy lòng trĩu nặng vì khổ đau.

Tuy nhiên, đó là một người đàn bà thật khôn ngoan và nhiều nghị lực, với một niềm tin mãnh liệt vào Thượng Đế, nên đã chịu đựng tai họa một cách dũng cảm.
Nhưng rồi bà lại có mối âu lo khôn cùng: Làm thế nào để cho chồng bà biết về hung tin này đây? Ông ấy rất yếu mềm về tình cảm và bà lo sợ rằng ông không chịu đựng nổi sự kinh hoàng của điều không may.
Thế là bà đến bên Thượng Đế và cầu xin Ngài hãy giúp bà có thể tìm được phương cách giải quyết nỗi đau thương này.

Thời gian trôi qua và người chồng nay đã trở về. Ông đến hôn vợ và hỏi về tin tức của hai con trai. Bà trả lời rằng lát nữa sẽ nói chuyện trong bữa ăn tối, nhưng ông phải đi tắm trước cho khoẻ.
Sau khi ông tắm xong, bà vừa ăn vừa hỏi chuyến đi như thế nào. Nhưng ông không trả lời mà vẫn hỏi về hai con.

Người vợ cảm thấy thật bối rối và nói với ông:
- Để rồi ta sẽ nói chuyện về các con sau nhe. Em muốn nhờ anh giải quyết một vấn đề mà theo em nghĩ rất quan trọng trước đã.
- Vậy thì nói đi em, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết việc đó, người đàn ông trả lời một cách rất hiền hòa.
-Trong khi anh vắng nhà, có một người bạn đã đến thăm chúng ta và để lại hai món nữ trang hoàn toàn vô giá để chúng ta canh giữ, nhưng anh biết không hai món ấy thật tuyệt đẹp nên em quá yêu thích và không muốn trả lại cho người ấy tí nào cả, anh nghĩ sao?

Người chồng trả lời:
- Anh không hiểu bây giờ sao em thật kỳ lạ. Em chưa bao giờ ham muốn những vật trang sức xa xỉ ấy, và cho dù em có yêu thích như vậy đi nữa, món nữ trang ấy không phải của em và em phải mang trả cho người ta.
- Nhưng em không có ý định mất chúng đâu anh ạ, người vợ trả lời.
Người chồng nói với bà:
- Ta không thể đánh mất những gì ta chưa bao giờ sở hữu. Em sẽ mang trả những món trang sức ấy, và cả anh và em ta sẽ cùng đi trả cho họ, ngay hôm nay.

Người vợ trả lời ông:
- Phu quân yêu quý ạ, vậy ta sẽ làm như anh muốn , Hai món nữ trang thật tuyệt vời sẽ được giao trả lại cho người đã mang đến gửi cho ta giữ...
Nhưng thật ra việc đó đã được thực hiện rồi anh, vì hai món trang sức vô giá ấy là hai con trai rất yêu dấu của chúng ta, và Thượng Đế đã triệu hồi chúng về với Ngài rồi, anh ạ.

Người đàn ông hiền lành đã hiểu ra điều vợ mình muốn bày tỏ, ông ôm chặt lấy bà, và rồi cả hai người để cho nước mắt tuôn trào, không còn thất vọng đau buồn oán than... .


Khuyết danh- bonheur pour tous- ThaiLan dịch