Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Đan Áo Mùa Xuân - Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ - Tiếng Hát Tô Thị Thu Cúc

Chị Kim Phượng, Kim Oanh tặng Thu Cúc thay lời cảm ơn tiếng hát ngọt ngào.
Mến chúc Thu Cúc một Mùa Xuân 2016 hạnh phúc, mãi cất cao tiếng hát nha.


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh & Youtube: Kim Oanh


Sáng Tác: Nhạc Sĩ Phạm Thế Mỹ
Tiếng Hát: Tô Thị Thu Cúc

Xuân Quê Người



Bài Thơ Xướng:
Xuân Quê Người


Vườn Xuân xứ lạ thiếu mai gầy
Lờ lượn nơi nào én chẳng đây
Nô nức xuân lòng xua nắng hạ
Xôn xao sóng mắt lã nhành cây
Tiếng xưa văng vẳng lời tha thiết
Hương cũ nồng nàn dạ ngất ngây
Lân pháo rộn ràng câu đối đỏ
Mừng Xuân đất khách lệ đong đầy

Kim Phượng
Mùa Hạ Úc Châu
*** 

Các Bài Thơ Hoạ
 

Thơ Thẩn Vườn Xuân

Thơ thẩn Vườn Xuân dáng liễu gầy,
Mai vàng thược dược, cúc còn đây.
Cali ấm áp thay màu áo...
Bên Úc đêm Hè gió rít cây.
Phước Lộc hoa tươi truyền thống Việt,
Đại dương châu lục Hạ thơ ngây !
Thái bình biển rộng thuyền nhân vượt,
Bờ bến Tự do hạnh phúc đầy...

Mai Xuân Thanh
***
Xuân Quê Người


Khí dịu trời trong đã đến đây
Tầng không thiếu én liệng bay đầy
Cỏ hoa luôn đợi tình chan chứa
Ong bướm vẫn đùa dạ ngất ngây
Đạo nghĩa ôm oằn trao vóc mảnh
Tình thương gánh nặng chất vai gầy
Mừng xuân trích nửa hồn xuân thắm
Đất khách tìm về bóng cội cây!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Em...


Ta nhớ thuở nao em dáng gầy
Một thời xưa cũ hãy còn đây
Thanh xuân khoe sắc kề liễu rũ
Áo trắng thẹn thùng nép bóng cây
Lặng ngắm ta say tình mộng ảo
Hồn nhiên em đẹp nét thơ ngây
Lời yêu chưa thốt đời hai ngã
Giờ vẫn đeo mang nỗi nhớ đầy.

Quên Đi
***
Lối Phượng Năm Nào

Tóc thề buông xõa phủ vai gầy
Lối Phượng năm nào vẫn ở đây
Nổi dậy ba đào em biệt xứ
Chờ trông trái mộng ngõ trồng cây
Xuân tàn xuân nhuốm màu xuân trắng
Hạ đến hạ buồn mắt hạ ngây!
Đoạn cuối Nam Kha chừ vẫn vậy
Tình ai gói kín hãy còn đầy 

Cao Linh Tử
20/2/2016
***
Em...

Thuở nao ta nhớ dáng em gầy,
Yểu điệu hảo cầu thục nữ đây.
Tại thuỷ nhất phương trong xóm nhỏ,
Bên dòng nước chảy dưới hàng cây.
Mày ngài thanh thoát người ngơ ngẩn,
Mắt biếc then thùng ai ngất ngây.
Ngũ thập niên tiền bao nuối tiếc,
Tóc xanh tóc bạc nhớ thương đầy!

Đỗ Chiêu Đức
***
Trăng Nước

Lơ lửng trên không mảnh nguyệt gầy 
Bờ lau thuyền khách cấm sào đây 
Trăng thề chênh chếch xuyên cành lá 
Đom đóm lập loè khảm ngọc cây 
Sông nước gió vờn sao lấp lánh 
Trời đêm hương thoảng mũi ngây ngây 
Tiếng gà eo óc trong thôn xóm 
Tách bến lòng ai thú vị đầy!

Mailoc
Cali 02-19-2016
***
Cô Lái Đò

Áo bà ba tím, dáng thon gầy
Mưa nắng hai mùa em ở đây
Trên chiếc thuyền con, chèo khuấy nước
Dưới vòm lá biếc, nắng xuyên cây
Trước lời ong bướm, tâm nào động
Với kẻ phong tình, dạ chẳng ngây
Nhớ mãi lời xưa người ước hẹn
Sẽ về trong một buổi trăng đầy.

Phương Hà

***

Dưới Ánh Trăng Mơ



1/
Trăng mơ mờ ảo ảo trong sương
Ghép mối u tình gửi cố hương

Bến cũ chiều xưa còn bóng bạn
Con đò xuôi nước bỏ người thương!

2/
Mắt lệ nhìn trăng , ngỡ mù sương
Hồn mơ ngày cũ nơi cố hương
Yêu không dám ngõ nên thành bạn
Bốn chục năm dài mới nói thương !!!


Biện Công Danh
25/3/16
* Trăng Santiago, Chile.

Bảy Mươi Như Mới Hôm Qua



Bảy mươi như mới hôm qua
Trái tim cố thổ la cà phố Tây
Gật gù trên ghế tỉnh say
Tóc đơm hoa trắng, tay gầy nhịp run
Thở hơi thở tuổi xuân buồn
Chân khua bóng nắng, gạch mòn hẻm xưa
Tiếng ai âm cảnh hoang mồ?
Ngày liêu xiêu xuống sầu xô bất ngờ…

Bảy mươi như mới hôm nay
Đi trong quá khứ gặp ngày Thoại Khanh
Nghìn trùng, lóc thịt, chia cơm
Lấy câu cám cảnh, đoạn trường che thân
Phủ xa, châu, huyện về gần
Loanh quanh miếu đổ, địa phần cốc u
Bảy mươi ngày thiếu đêm bù
(Mông mênh dương thế đời thu ngắn dần…)                

Lâm Hảo Dũng
(PTT)
Mt. Pritchard-NSW-Úc Châu- Oct14-2015- 7H43’am       

Gặp Em Huyền Diệu - Đinh Hùng


Em đến vầng trăng bỗng toả hương,
Quen nhau, ngờ truyện rất hoang đường.
Trang thư xoã tóc cươì e lệ,
Nét chữ thu gâỳ, vóc ngậm sương.

Thăm thẳm chìm sâu cõi mộng naò?
Nưả chiêù huyền hoặc, nửa thần giao,
Mắt xanh Em đến như màu khoí,
Một thoáng hồng nhan ngọn gió traọ

Cặp mắt nhìn nhau có hẹn thề?
Não lòng - ôi khóc ngọc lưu ly!
Baì thơ khát vọng thành mưa gió,
Anh gưỉ vaò trong những giấc mệ

Giấy mực say nồng hương tóc Em,
Thương qua dòng chữ ngón tay mềm.
Vệt son loáng nét môi cuồng vọng,
Lắng tiếng xuân cươì, chết môĩ đêm.

Chết giưã mùa xuân, lạ cuộc đơì,
Tên Em còn đượm ngát vành môị
Lung linh sao rụng, mưa hàng chữ,
Chợt sáng hồn Em đáy mắt tôị

Trăng bỗng u huyền, nắng cô sơ,
Em về, nếp aó rộng hư vộ
Khói sương thạch động xa vầng trán,
Ta lạc vaò trang tiêủ thuyết xưạ

Mây quấn vòng lưng, tóc xoã vai,
Hồn lên thao thức búp tay daì.
Khoá xuân trinh bạch trăng làm gaí,
Em lẩn vaò Thơ, trốn Mộng hoaì.

Gôí rợn mình hoa, ửng má hồng,
Lòng Em - Ôi bí mật thâm cung.
Thịt da hương phấn, ngây dòng mực,
Nét bút đa tình, cánh bướm rung.

Trắng muốt tâm linh vạt aó sâù,
Canh gà chưa rụng đã xa nhaụ
Thương cho xác bướm hai lần mộng,
Đành hẹn baì thơ gưỉ kiếp sau.

Tôi sẽ đi như giấc mộng buồn,
Và đi như vệt nắng cô đơn.
Kinh thành hoang phế, Em ngôì lặng,
Maí tóc còn vương một chút hồn....

Đinh Hùng

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Mộng Ngoài Song Thưa


Các Bài Cảm Tác từ ảnh:

Trăng phương nào trăng soi vằng vặc
Để tâm này đối mặt tìm ai
Đêm sâu đôi mắt u hoài
Nhớ nhung vời vợi mộng ngoài song thưa

Kim Oanh
***
Ngàn dậm trăng xa tình đâu nữa
Hai phương trời đôi lứa mòn trông
Sương khuya ướp lạnh phòng không
Hữu duyên vô phận mênh mông nỗi buồn.

Quên Đi

***
Người chở trăng về kịp tối nay
Hồn treo lơ lững giá mà say
Đêm thôi khắc khoải môi sương phụ
Khát vọng nửa đời quên đắng cay

Kim Phượng

Em, Một Vầng Trăng


Em một thời thiếu nữ
Ta một thời mộng du
Sách học ghi đầy chữ
Ta viết lời tương tư

Em một vầng trăng nhú
Ta đêm về bỗng như
Biến thành loài thú dữ
Từ tim vụt tiếng tru

Em thành người tình phụ
Ta muốn được trả thù
Dù chưa lần dám thú
Theo bóng em thừa dư

Ta thành tên lính thú
Tự gác mình trong tù
Lời xưa cho thiếu nữ
Đọc hoài những trang thư

Em thành trăng góa phụ
Kiều diễm giữa hoang vu
Bất cần hoa không chủ
Không chiếu đến cửa tù

Em vầng trăng goá phụ
Ta một đời tương tư

Hoài Tử

Thơ Tranh: Gọi Thầm


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sỏi Đá



Bài Thơ Xướng
Sỏi Đá


Hiện diện ngàn năm giữa cuộc đời
Từ nơi non thẳm đến trùng khơi
Suối tuôn liên tục bào trơn nhẵn
Thác cuộn đêm ngày xoáy nổi trôi
Nhô nhấp bờ xa nghe sóng vỗ
Lặng im triền dốc ngắm sao rơi
Bão giông mưa nắng vầy đau đớn
Vẫn cứ trơ gan chẳng một lời.

Phương Hà
***
Các Bài Thơ Họa:
Sỏi Cát


Vạn pháp vô thường luật của đời 
Do duyên ta đến tự ngàn khơi 
Hình hài biến đổi không ngừng nghỉ 
Thân xác hao mòn vẫn mãi trôi 
Có lúc an nhiên nghe suối hát 
Nhiều khi trầm mặc tắm mưa rơi 
Tuổi ông Bành Tổ nào ai biết 
Tròn lẳn xinh xinh chẳng ngỏ lời 

Mailoc
***
Khắp Nơi Có Mặt Bãi Xa Khơi

Không rõ nguyên nhân hiện diện đời,
Khắp nơi có mặt bãi xa khơi.
Trên nguồn khe suối da tròn láng,
Dưới biển sông ngòi nước chảy trôi.
Gió bụi hòa chung dân cát trắng,
Hồng trần bỏ sức đá vàng rơi.
Quản bao thân phận bèo lăn lóc,
Đáy nước, nằm phơi, ngọc thốt lời!

Mai Xuân Thanh
***
Cát Bụi


Tôi là CÁT BỤI đã bao đời
Sự thật không hề dám nói khơi
Hiện hữu làm người do chuyển hóa
Tiền thân theo gió phủi tay trôi
Loay hoay như khói trong không khí
Lẩn quẩn tựa sương trắng nhẹ rơi
"Một cỏi đi về" * thương vạn nẻo
Niềm đau ray rứt đã thay lời

Song Quang
*"Một cõi đi về" nhạc Trịnh Công Sơn
***
Nước

Từ đâu hiện diện đã bao đời
Rừng thẳm chạy dài tận biển khơi
Hiền dịu giúp cho người sống ổn
Hung tàn gầm thét đá tan trôi
Ngày thường hoá khí bay lơ lửng
Đêm đến thành sương lãng đãng rơi
Quân Tử lấy làm gương học hỏi (*)
Tạ ơn nguồn nước với đôi lời

Quên Đi
(*) Từ câu "Quân tử như thuỷ dã"
***
Hồn Sỏi Đá

Bát hồn vận chuyển biết bao đời
Vật chất vô tình sức sống khơi
Cổi xác luân hồi muôn kiếp biến
Thay hình chuyển hóa vạn dòng trôi
Lửa trào rúng đất cao sơn mọc
Lệ đổ tràn mi tiểu mệnh rơi
Đá sỏi biến thân thành cát bụi
Huyền Thiên kiến tạo chẳng nên lời!

Cao Linh Tử
31/1/2016

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Mùa Xuân Phố Huế


Thơ: Hoàng Kim Mimosa
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tháng Giêng


Chân đi còn đọng tiếng cười
Lá reo vườn mộng tóc người nở hoa
Chiều nay hỏi lại hiên nhà
Ngại câu tống biệt héo tà xuân xanh
Trăng thiền rụng xuống vườn anh
Nghiêng đôi bóng hạc rớt cành sân em..

Lâm Hảo Khôi

Đón Xuân Sang



Tươi mát ánh xuân tỏa bốn bề,
Nhành cây chậu kiểng lá xum xuê.
Bao người hăng hái lòng phơi phới,
Mấy kẻ lưu vong dạ nhớ quê...
Hoài niệm ngàn trùng xa đất nước,
Bâng khuâng vạn dặm cách sơn khê.
Người xưa, bạn cũ ai còn mất,
Vương vấn ngày xuân cát bụi về...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 12 năm 2015

Thương Tà Áo Bay

Người ta yêu mến đất Thần kinh không chỉ vì những vẽ đẹp độc đáo của các đền đài lăng tẩm, yên ả, trẩm mặc, mà còn ở con người xứ Huế, nhất là các cô gái với tà áo dài mài tóc thề ngang vai và chiếc nón bài thơ đã làm không biết bao nhiêu chàng trai đã thầm yêu trộm nhớ cái dáng vẽ kiều diễm của người con gái Huế.

Nhạc Phẩm: Thương Tà Áo Bay
Sáng Tác: Thông Đạt
Ca Sĩ: Hương Lan
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Cu Gáy Xổ Lồng



Bài Thơ Xướng:
Cu Gáy Xổ Lồng cao


Cu gáy hình như mới xổ lồng
Tự do phía trước một trời không
Buồn chi ủ dột trên song cửa?
Sao chẳng reo mừng dưới gió đông?
Chao lượn vụng về vì ngắn cánh
Bước đi khệnh khạng bởi xù lông
Mèo hoang háo đói đang rình rập
Bợm nhậu nào tha nướng lửa hồng

Cao Linh Tử
30/1/2016
***
Các Bài Thơ Họa:

Con Chim Cu Cườm


Chim cu nếu nhốt ở trong lồng,
Ao ước tự do phóng vút không.
Trái lại xổng chuồng song cửa đậu,
Bằng không, sợ gió lạnh chiều đông.
Cườm xanh bộ tịch xem ra chậm,
Cánh ngắn nuôi mồi trụi bớt lông.
Trẻ nít ham chơi hay kiếm bắt,
Sa tay bợm nhậu bếp than hồng

Mai Xuân Thanh
***
Chim Cu Xổ Lồng


Tự do hạn chế ở trong lồng
Chả biết ra ngoài sướng thật không
Cất tiếng gáy vang trong nắng mới
Khi trời loé sáng ở phương đông
Vừa mừng số kiếp tù qua khỏi
Nhìn lại thân hình xơ trụi lông
Đâu hiểu chung quanh nhiều cạm bẩy
Thế gian nào chỉ có màu hồng.

Quên Đi
***
Cu Xổ Lồng

Họa nương vận

Và thế là cu thoát khỏi lồng
Đảo chao lơ lửng giữa chân không
Ngại chi nào ngại cơn mưa hạ
Lo hả đâu lo chuyện tiết đông
Đây đó tha hồ tung cánh mỏng
Nọ kia mặc sức chải mềm lông
Hưởng đời tự chủ ta riêng cõi
Ngất ngưởng cạn ly cạnh bếp hồng.

Thái Huy
Jan-31-16

Tình Thâm



Thâm tình phản phất ánh chiều dương
Vạt nắng dần phai tóc điểm sương
Chợp mắt song thân ngồi dưới trướng
Nheo mày ngóng đợi đứa con thương
Mơ choàng dáng mẹ ghì sung sướng
Mộng nắm tay cha lặng vấn vương
Giấc điệp hoài mong chưa kịp hưởng
Người về tận chín suối ngàn phương

Người về tận chín suối ngàn phương
Nuối tiếc lòng thành bổn phận vương
Mái ấm mùi hương loang vất vưởng
Gia đình giỗ chạp tỏ yêu thương
Công ơn dưỡng dục càng tơ tưởng
Ngấn lệ bùi ngùi nhỏ giọt sương
Hiếu đạo sinh thành cao ngất nguỡng
Thâm tình phản phất ánh chiều dương

Vanessa Le

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Sắc Hoa


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Chúc Xuân


Xuân sang ta chúc cho người
Xiêm y lộng lẫy sáng ngời hài hoa
Yêu nhau thêm dấu tình ta
Tìm nhau dẫn lối vườn hoa sắc đào

Đông qua xuân đến dạt dào
Tình nồng vui thắm hoa đào gợi hương
Đón chào ngày mới muôn phương
Tâm tình đây đó tơ vương tháng ngày

Đầu năm ta chúc sân trường
Thi nhau giởn hớt tình thương dắt dìu
Ngày xuân hoa nở thật kiêu
Rượu nồng hạnh phúc pháo xiêu lộc đầy

Hoa xuân nở rộ lắm hương
Rộn ràng tiếng pháo an khương cửa nhà
Đến đây xin chúc quê ta
Trường tồn vĩnh cữu thái hòa nơi nơi

Lục Lạc

Thanh Bình Điệu - Lý Bạch (701 - 762)


Thanh Bình Điệu -Lý Bạch (701 - 762)

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng
***
Dịch Xuôi : Thanh Bình Điệu

Xiêm áo như mây, mặt như hoa
Gió xuân hiên ngoài lất phất ngát sương hoa
Người đẹp, nếu như không thấy ở đầu núi Quần Ngọc
Thì ắt là đã gặp đâu đó dưới trăng ở Dao Đài

Ghi chú: Quần Ngọc và Dao Đài chỉ nơi Tiên ở.
***
Một Khúc Xuân Ca

Xiêm áo như mây vờn bướm hoa
Dáng xuân e ấp nét kiêu sa
Giai nhân chi lụy vầng trăng bạc
Nước nhược non bồng mãi thiết tha.


Phạm Khắc Trí
 02/12/2016
***
Một Khúc Thanh Bình

Mây như xiêm áo, hoa như mặt
Gió ngát thềm xuân, sương ngát hoa
Chưa gặp giai nhân nơi núi thẳm
Ắt đà tương ngộ dưới trăng già


Phương Hà phỏng dịch

Sông Núi Chờ Ai



Việt Nam sông nước nhớ ao hồ
Ai nhớ quê và ta nhớ xưa
Tấc đất ngọn rau ơn tiên tổ
Khói lam chiều gợi nhớ niềm mơ

Ơi hỡi vầng trăng soi cổ độ
Bến đò nghe tiếng khóm lau thưa
Lá cũng úa vàng buồn năm tháng
Hay là lá nhớ tiếng tiêu xưa

Lờ lững chân mây thương vách núi
Ơi người xưa người ở nơi đâu
Chồn chân đứng mãi đường chiều nghẹn
Sông núi chờ ai sông núi đau

Chân Diện Mục

Tết Nhớ Người Xưa


Bài Thơ Xướng
Tết Nhớ Người Xưa
     
Mười lăm em tựa nụ mai xanh,
Mắt biếc lóng la lóng lánh lanh.
Tóc xõa phất phơ bay tựa gió,
Mày ngài thanh thoát đẹp dường tranh.
Vui Xuân hai đứa xưa chung bóng,
Đón Tết một mình nay vắng tanh.
Dạo ắy chia tay bao quyến luyến,
Thoắt đà bảy chục mộng chưa thành!

Đỗ Chiêu Đức
Xuân Bính Thân 2016.
***
Các Bài Thơ Hoạ
Tết Nhớ Người Xưa

Hồi ấy hồn nhiên  tuổi tóc xanh
Tình khờ nhưng tính chắc hơi lanh
Tháng mười mượn tiếng nương chiều gió
Ngày Tết theo dòng đến mái tranh
Đắm đuối vòng tay cho vị ngọt
Hãi hùng miệng thế tỏa mùi tanh
Trầu cau tức tửi theo người lạ
Làm chết đài hoa nụ chửa thành!

Cao Linh Tử
6/2/2016
***
Nhớ Bạn Đầu Năm

Thuở ấy bên nhau mái tóc xanh,
Vườn xuân tươi sắc mắt long lanh.
Chia tay từ độ xa trường lớp,
Tiễn bạn mùa trăng dưới mái tranh.
Rớt giọt mưa xuân lòng thổn thức,
Rơi châu đẫm lệ dạ buồn tanh.
Tết này chẳng gặp người xưa lại,
Tuổi hạc bảy mươi mộng  bất thành !

Mai Xuân Thanh
Ngày 06 tháng 02 năm 2016

Việt Nam Sử Lược/Quyển I/Phần II/Chương V - Bắc Thuộc Lần Thứ Ba ( 603 — 939 )


I. NHÀ TÙY:
Việc đánh Lâm-ấp

II. NHÀ ĐƯỜNG
1. Chính-trị nhà Đường
2. An-nam đô-hộ phủ
3. Mai Hắc-đế
4. Giặc bể
5. Bố-cái Đại-vương
6. Việc đánh nước Hoàn-vương
7. Nam-chiếu cướp phá Giao-châu
8. Cao Biền bình giặc Nam-chiếu
9. Công việc của Cao Biền
10. Sự trị-loạn của nước Tàu

III. ĐỜI NGŨ-QUÍ
1. Tình-thế nước Tàu
2. Họ Khúc dấy nghiệp: Khúc thừa Dụ
3. Khúc Hạo
4. Khúc thừa Mỹ
5. Dương diên Nghệ và Kiều công Tiện
6. Ngô Quyền phá quân Nam-hán

I. NHÀ TÙY (589-617)
VIỆC ĐÁNH LÂM-ẤP. Nhà Tùy 隋 làm vua bên Tàu được 28 năm thì mất. Trong bấy nhiêu năm thì sử không chép chuyện gì lạ, chỉ nói rằng năm ất-sửu (605), vua nhà Tùy nghe nói ở Lâm-ấp có nhiều của, bèn sai tướng là Lưu Phương đem quân đi đánh.
Vua Lâm-ấp lúc bấy giờ là Phạm phạm Chí 梵 范 志 đem quân ra giữ những chỗ hiểm-yếu, ở bên này sông Đồ-lê (?) để chống cự với quân Tàu. Nhưng chẳng bao lâu quân Lâm-ấp phải thua bỏ chạy. Lưu Phương thừa thế tiến quân sang sông đuổi đánh, gặp đại binh Lâm-ấp kéo đến, có nhiều voi, thế rất mạnh. Lưu Phương bèn dùng mưu: sai quân đào hố lấy cỏ phủ lên, rồi sai quân ra đánh nhử, giả tảng bại trận. Quân Lâm-ấp đuổi theo được một quãng, voi sa xuống hố, quân-sĩ loạn cả. Khi bấy giờ quân Tàu mới quay trở lại lấy cung nỏ bắn, voi khiếp sợ xéo cả lên quân Lâm-ấp mà chạy. Lưu Phương cũng phải bệnh về đến nửa đường thì chết.

II. NHÀ ĐƯỜNG (618-907)
1. CHÍNH-TRỊ NHÀ ĐƯỜNG. Năm mậu-dần (618) nhà Tùy mất nước, nhà Đường 唐 kế nghiệp làm vua nước Tàu. Đến năm tân-tị (621) vua Cao-tổ nhà Đường 唐 高 祖 sai Khâu Hòa 邱 和 làm đại tổng-quản 大 總 管 sang cai-trị Giao-châu.
Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai-trị là nghiệt hơn cả. Nhưng sử chép lược quá: thường cách hai ba năm mới chép một việc, chắc là những nhà làm sử nước ta sau cứ theo sử Tàu chép lại, cho nên mới sơ-lược như vậy.

2. AN-NAM ĐÔ-HỘ PHỦ. Năm kỷ-mão (679) vua Cao-tông nhà Đường 唐 高 宗 chia đất Giao-châu ra làm 12 châu, 59 huyện, và đặt An-nam đô-hộ-phủ 安 南 都 護 府  
Mười hai Châu đời nhà Đường là những châu này:
1. Giao-châu 交 州 có 8 huyện (Hà-nội, Nam-định v.v.)
2. Lục-châu 陸 州 có 3 huyện (Quảng-yên, Lạng-sơn)
3. Phúc-lộc châu 福 祿 州 có 3 huyện (Sơn-tây)

4. Phong-châu 峰 州 có 3 huyện (Sơn-tây)
5. Thang châu 湯 州 có 3 huyện (?)
6. Trường-châu 長 州 có 4 huyện (?)
7. Chi-châu 芝 州 có 7 huyện (?)
8. Võ-nga-châu 武 峨 州 có 7 huyện (?)
9. Võ-an-châu 武 安 州 có 2 huyện (?)
10. Ái-châu 愛 州 có 6 huyện (Thanh-hóa)
11. Hoan-châu 驩 州 có 4 huyện (Nghệ-an)
12. Diễn-châu 演 州 có 7 huyện (Nghệ-an)
Ở về phía tây-bắc đất Giao-châu lại đặt một châu nữa, gọi là Man-châu 蠻 州 gồm cả những Mường ở mạn ấy, lệ cứ hằng năm phải triều cống vua nhà Đường.
Ấy là đại-để cách chính-trị nhà Đường như vậy. Còn thường thì cũng loạn-lạc luôn: khi thì người trong nước nổi lên đánh phá như Mai Hắc-đế và Bố-cái đại-vương; khi thì những nước ở ngoài vào xâm-phạm, như nước Hoàn-vương và nước Nam-chiếu.

3. MAI HẮC-ĐẾ (722). Năm nhâm-tuất (722) là năm Khai-nguyên thứ 10 về đời vua Huyền-tông 玄 宗 nhà Đường, ở Hoan-châu có một người tên là Mai thúc Loan 梅 叔 鸞 nổi lên chống cự với quân nhà Đường.
Mai thúc Loan là người huyện Thiên-lộc, tức là huyện Can-lộc, tỉnh Hà-tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì, sức-vóc khỏe-mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn-bạo, dân-gian khổ-sở, lại nhân lúc bấy giờ lắm giặc-giã, ông ấy bèn chiêu-mộ những người nghĩa-dũng, rồi chiếm giữ lấy một chỗ ở đất Hoan-châu (nay thuộc huyện Nam-đường tỉnh Nghệ-an) rồi xây thành đắp lũy, xưng hoàng-đế, tục gọi là Hắc-đế 黑 帝.
Mai Hắc-đế lại kết hiếu với nước Lâm-ấp và nước Chân-lạp để làm ngoại viện.
Vua nhà Đường sai quan nội-thị là Dương tư Húc 楊 思 拗 đem quân sang cùng với quan Đô-hộ là Quang sở Khách 光 楚 客 đi đánh Mai Hắc-đế. Hắc-đế thế yếu chống không nổi phải thua chạy, được ít lâu thì mất.
Nay ở núi Vệ-sơn 衞 山 huyện Nam-đường, tỉnh Nghệ-an, còn có di-tích thành cũ của vua Hắc-đế, và ở xã Hương-lãm, huyện Nam-đường còn có đền-thờ.

4. GIẶC BỂ. Năm đinh-vị (767) là năm Đại-lịch thứ 2, đời vua Đại-tông 代 宗 nhà Đường, sử chép rằng có quân Côn-lôn 崑 崙 và quân Đồ-bà 闍 婆 là quân ở những đảo ngoài bể vào cướp phá đất Giao-châu, lên vây các châu-thành.
Quan Kinh-lược-sứ là Trương bá Nghi 張 伯 儀 cùng với quan Đô-úy là Cao chính Bình 高 正 平 đem quân đánh phá được lũ giặc ấy. Trương bá Nghi bèn đắp La-thành 羅 城 để phòng thủ phủ-trị. La-thành khởi đầu từ đấy.

5. BỐ-CÁI ĐẠI-VƯƠNG (791). Năm tân-vị (791) quan Đô-hộ là Cao chính Bình bắt dân đóng sưu-thuế nặng quá, lòng dân oán-giận. Khi bấy giờ ở quận Đường-lâm 唐 林 (bây giờ là làng Cam-lâm, huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây) có người tên là Phùng Hưng 馮 興 nổi lên đem quân về phá phủ Đô-hộ. Cao chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ-thành, được mấy tháng thì mất. Quân-sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An 馮 安 lên nối nghiệp. Dân ái-mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn lên làm Bố cái Đại-vương 布 蓋 大 王, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
Tháng 7 năm tân-vị ấy, vua nhà Đường sai Triệu Xương 趙 昌 sang làm Đô-hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng.

6. VIỆC ĐÁNH NƯỚC HOÀN-VƯƠNG. Nước Lâm-ấp từ khi bị tướng nhà Tùy là Lưu Phương sang đánh, rồi quốc-vương là Phạm phạm Chí dâng biểu tạ tội và xin triều cống như cũ. Đến quãng năm Trinh-quan đời vua Thái-tông 太 宗 nhà Đường, vua Lâm-ấp là Phạm đầu Lê 范 頭 黎 mất, con là Phạm trấn Long 范 鎭 龍 cũng bị người giết, dân trong nước mới lập người con của bà cô Phạm đầu Lê, tên là Chư cát Địa 諸 葛 地 lên làm vua.
Chư cát Địa đổi quốc hiệu là Hoàn-vương-quốc 環 王 國. Từ đó về sau thường thường người nước Hoàn-vương lại sang quấy-nhiễu ở Giao-châu, và chiếm giữ lấy châu Hoan và châu Ái.
Năm mậu-tí (808) đời vua Hiến-tông 憲 宗, quan Đô-hộ là Trương Chu 張 舟 đem binh-thuyền đi đánh giết hại quân Hoàn-vương rất nhiều. Vua nước ấy bèn lui về ở phía nam (ở vào quãng tỉnh Quảng-nam, Quảng-nghĩa bây giờ) và đổi quốc-hiệu là Chiêm-thành 占 城.

7. NAM-CHIẾU CƯỚP PHÁ GIAO-CHÂU. Về cuối đời nhà Đường, quan-lại Tàu lắm người chỉ vì tư lợi, ức-hiếp nhân-dân như Đô-hộ Lý Trác 李 琢 cứ vào những chợ ở chỗ Mường-mán mua trâu mua ngựa, mỗi con chỉ trả có một đấu muối, rồi giết tù-trưởng 酋 長 mán là Đỗ tồn Thành 杜 存 城. Vì thế cho nên người Mường-mán tức giận bèn dụ người Nam-chiếu sang cướp-phá, làm cho dân Giao-chỉ khổ-sở trong 10 năm trời.
Ở phía tây-bắc đất Giao-châu, tức là ở phía tây tỉnh Vân-nam bây giờ có một xứ người nòi Thái ở. Người xứ ấy gọi vua là chiếu 詔. Trước có 6 chiếu là Mông-huề 蒙 雟, Việt-thác 越 柝, Lãng-khung 浪 穹, Đằng-đạm 邆 賧, Thi-lãng 葹 浪, Mông-xá 蒙 舍. Chiếu Mông-xá ở về phía nam nên gọi là Nam-chiếu 南 詔.
Trong khoảng năm Khai-nguyên (713-742) đời vua Huyền-tông nhà Đường, Nam-chiếu là Bì-la-Cáp 皮 羅 閣 cường-thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy-hèn đi. Bì-la-Cáp mới đút lót cho quan Tiết-độ-sứ đạo Kiếm-nam 劍 南 節 度 使 là Vương Dục 王 昱 để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều-đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Qui-nghĩa 歸 義. Từ đó Nam-chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ-phồn 吐 蕃 (Tây-tạng) rồi dời đô lên đóng ở thành Thái-hòa 太 和 (thành Đại-lý 大 理 bây giờ).
Năm bính-dần (846) quân Nam-chiếu sang cướp ở Giao-châu, quan Kinh-lược-sứ là Bùi nguyên Dụ 裴 元 裕 đem quân đánh đuổi đi.
Năm mậu-dần (858), nhà Đường sai Vương Thức 王 式 sang làm Kinh-lược-sứ. Vương Thức là người có tài-lược, trị dân có phép-tắc, cho nên những giặc-giã đều dẹp yên được cả, mà quân Mường và quân Nam-chiếu cũng không dám sang quấy nhiễu.
Năm canh-thìn (860), nhà Đường gọi Vương Thức về làm Quan-sát-sứ ở Tích-đông 淅 東 và sai Lý Hộ 李 鄠 sang làm Đô-hộ.
Bấy giờ Nam-chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng là đế và đặt quốc-hiệu là Đại-mông 大 蒙 rồi lại đổi là Đại-lễ 大 禮. Lý Hộ giết người tù trưởng là Đỗ thủ Trừng 杜 守 澄, người Mường lại đi dụ quân Nam-chiếu sang đánh lấy mất phủ thành. Lý Hộ phải bỏ chạy về Tàu. Vương Khoan 王 寬 đem binh sang cứu, quân Nam-chiếu bỏ thành rút về.
Năm nhâm-ngọ (862), quân Nam-chiếu sang đánh Giao-châu, nhà Đường sai Thái Tập 蔡 襲 đem ba vạn quân sang chống giữ. Quân Nam-chiếu thấy quân nhà Đường nhiều lại rút về. Bấy giờ có quan Tiết-độ-sứ Lĩnh-nam là Thái Kinh 蔡 京 sợ Thái Tập lập được công to bèn mật tâu với vua nhà Đường rằng Giao-châu đã yên, thì nên rút quân về. Thái Tập xin để lại 5.000 quân cũng không được.
Tháng giêng năm quí-mùi (863), Nam-chiếu đem 50.000 quân sang đánh phủ thành. Thái Tập cầu cứu không kịp, thế bức quá phải tự-tử. Trận ấy có tướng nhà Đường là Nguyên duy Đức 元 維 德 đem hơn 400 quân Kinh-nam 荊 南 chạy ra đến bờ sông, thuyền bè không có, Nguyên duy Đức bảo chúng rằng chạy xuống nước cũng chết, bất nhược trở lại đánh nhau với giặc, một người đổi lấy hai người thì chẳng lợi hơn hay sao. Nói đoạn quay trở lại giết được hơn 2.000 người, nhưng đêm đến tướng Nam-chiếu là Dương tư Tấn 楊 思 縉 đem binh đến đánh, bọn Nguyên duy Đức chết cả.
Quân Nam-chiếu vào thành giết hại rất nhiều người. Sử chép rằng Nam-chiếu hai lần sang đánh phủ thành, giết người Giao-châu hơn 15 vạn.
Vua Nam Chiếu là Mông thế Long 蒙 世 隆 cho Dương tư Tấn 楊 思 縉 quản lĩnh 20.000 quân và cho Đoàn tù Thiên 段 酋 遷 làm Tiết-độ-sứ ở lại giữ Giao-châu.
Vua nhà Đường hạ chỉ đem An-nam đô-hộ-phủ về đóng ở Hải Môn 海 門 (?), rồi lấy quân các đạo về ở Lĩnh-nam 嶺 南 và đóng thuyền lớn để tải lương-thực, đợi ngày tiến binh.
Mùa thu năm giáp-thân (864) vua nhà Đường sai tướng là Cao Biền 高 駢 sang đánh quân Nam-chiếu ở Giao-châu.

8. CAO BIỀN BÌNH GIẶC NAM-CHIẾU. Cao Biền là người tướng giỏi nhà Đường, vốn dòng võ-tướng-môn, tính ham văn-học, quân sĩ đều có lòng mến-phục.
Năm ất-dậu (865), Cao Biền cùng với quan Giám-quân là Lý duy Chu 李 維 周 đưa quân sang đóng ở Hải-môn. Nhưng Lý duy Chu không ưa Cao Biền, muốn tìm mưu làm hại. Hai người bàn định tiến binh. Cao Biền dẫn 5.000 quân đi trước, Lý duy Chu không phát binh tiếp ứng.
Tháng chín năm ấy quân rợ đang gặt lúa ở Phong-châu (huyện Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên), Cao Biền đến đánh cất-lẻn một trận, giết được nhiều người, rồi lấy thóc gạo nuôi quân-lính.
Đến tháng 4 năm sau (866), Nam-chiếu cho bọn Dương Tập 楊 緝, Phạm nê Ta 范 跜 些, Triệu nặc Mi 趙 諾 眉 sang giúp Đoàn tù Thiên để giữ Giao-châu. Khi bấy giờ có tướng nhà Đường là Vi trọng Tể 韋 仲 宰 đem 7.000 quân mới sang, Cao Biền nhân dịp mới phát binh đánh được mấy trận, cho người đưa tin thắng trận về Kinh, nhưng mà đi đến Hải-môn, Lý duy Chu giữ lại, không cho triều-đình biết.

Trong triều mãi không thấy tin tức gì, cho ra hỏi, thì Lý duy Chu tâu dối rằng Cao Biền đóng quân ở Phong-châu không chịu đánh giặc. Vua nghe tin ấy, nổi giận sai Vương án Quyền 王 晏 權 ra thay, và đòi Cao Biền về hỏi tội. Ngay tháng ấy Cao Biền phá quân Nam-chiếu và vây La-thành đã được hơn 10 ngày rồi, chỉ nay mai thì lấy được, bỗng chốc được tin Vương án Quyền và Lý duy Chu sang thay. Cao Biền liền giao binh-quyền cho Vi trọng Tể, rồi cùng với mấy người thủ-hạ về bắc. Nhưng trước Cao Biền đã sai người đi lẻn về Kinh dâng biểu tâu rõ tình-trạng. Vua nhà Đường biết rõ sự-tình, mừng lắm, lại cho Cao Biền thăng trật và sai trở sang cầm quân đánh Nam-chiếu.
Bọn Vương án Quyền và Lý duy Chu lười-biếng không vây đánh gì cả, đến khi Cao Biền trở sang mới đốc quân-binh đánh thành, giết được Đoàn tù Thiên và người thổ làm hướng-đạo là Chu cổ Đạo 朱 古 道. Còn những động Mán-thổ ở các nơi xin về hàng rất nhiều.
Đất Giao-châu bị Nam-chiếu phá hại vừa 10 năm, đến bấy giờ Cao Biền lại lấy lại, đem về nội thuộc nhà Đường như cũ.

9. CÔNG-VIỆC CỦA CAO BIỀN. Vua nhà Đường đổi An-nam làm Tĩnh-hải 靜 海, phong cho Cao Biền làm Tiết-độ-sứ. Cao Biền chỉnh-đốn mọi công-việc, lập đồn-ải ở mạn biên-thùy để phòng giữ giặc-giã, làm sổ sưu-thuế để chi dụng việc công. Cao Biền trị dân có phép tắc cho nên ai cũng kính-phục, bởi vậy mới gọi tôn lên là Cao-vương 高 王.
Cao Biền đắp lại thành Đại-la 大 羅 ở bờ sông Tô-lịch 蘇 瀝 江. Thành ấy bốn mặt dài hơn 1982 trượng linh 5 thước, cao hai trượng linh 6 thước, đắp một đường đê bao bọc ở ngoài dài hơn 2125 trượng linh 8 thước, cao 1 trượng rưỡi, dày 2 thượng. Trong thành cho dân sự làm nhà hơn 40 vạn nóc (?).
Sử chép rằng Cao Biền dùng phép phù-thủy khiến Thiên-lôi phá những thác-ghềnh ở các sông để cho thuyền-bè đi được. Thiên-lôi ấy có lẽ là Cao Biền dùng thuốc súng chăng?
Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao-châu ta lắm đất đế-vương, thường cứ cỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn-thủy đẹp, và hại mất nhiều long-mạch. Những chuyện ấy là chuyện ngoa ngôn, không có lẽ gì mà tin được.
Năm ất-vị (875) vua nhà Đường sai Cao Biền sang làm Tiết-độ-sứ ở Tây-xuyên (Tứ-xuyên). Biền dâng người cháu họ là Cao Tầm 高 潯 làm Tiết-độ-sứ ở Giao-châu.
Nhà Đường tuy lấy lại được đất Giao-châu nhưng bên Tàu lại sắp loạn, giặc cướp dần dần nổi lên, ngôi nhà vua cũng dần dần sắp đổ, nước Tàu lại chia rẽ làm mấy nước, cho nên ở xứ Giao-châu cũng có sự biến-cải.

10. SỰ TRỊ-LOẠN CỦA NƯỚC TÀU. Xét chuyện nước Tàu từ đời nhà Hán 漢 cho đến đời bấy giờ, cứ mỗi nhà lên cầm quyền chính-trị được vài ba trăm năm, rồi trong nước lại biến loạn, nam bắc phân tranh độ chừng năm bảy mươi năm, khi ấy có một nhà đứng lên dẹp loạn yên nước, lập lên cơ-nghiệp một nhà khác.
Phàm sự trị-loạn thay-đổi trong một xã-hội là thường lý, nhưng chỉ lạ có một điều mấy lần bên Tàu loạn cũng tương-tự như nhau cả. Xem như khi nhà Hán suy, thì nước Tàu phải loạn Tam-quốc; hết Tam-quốc thì có nhà Tấn nhất-thống. Đến khi nhà Tấn suy, thì có Nam Bắc-triều; hết Nam Bắc-triều thì có nhà Đường nhất-thống. Nay thì nhà Đường suy lại phải cái loạn Ngũ-Quí. Cái cơ-hội trị-loạn bên Tàu giống nhau như thế là cũng có lẽ tại cái phong-tục và cái xã-hội của Tàu. Sự giáo-dục không thay-đổi, nhân-quần trong nước không tiến-bộ, cách tư-tưởng không khai-hóa, cho nên nước tuy lâu đời, mà trình-độ xã-hội vẫn đứng nguyên một chỗ. Khi có biến-loạn là chỉ có mấy người có quyền-thế tranh-cạnh với nhau, chứ dân trong nước hễ thấy bên nào mạnh là làm tôi bên ấy. Nhà Hán làm vua là dân nhà Hán, nhà Đường làm vua là dân nhà Đường, việc gì cũng đổ cho thiên-mệnh, làm dân chỉ biết thuận-thụ một bề mà thôi.
Xứ Giao-châu mình tự đời nhà Hán cho đến đời Ngũ-Quí vẫn là đất nội thuộc của Tàu, cho nên sự trị-loạn bên Tàu cũng ảnh-hưởng đến nước mình. Nhờ khi bên Tàu loạn-lạc, người Tàu bận việc nước, thì bên Giao-châu cũng rục-rịch tự lập được ba năm. Nhưng chỉ vì nước thì nhỏ, người thì ít, mà người trong nước lại không biết đồng tâm với nhau, không hiểu các lẽ hợp-quần đoàn-thể là thế nào, cho nên không thành công được.

III. ĐỜI NGŨ-QUÍ (907-959)
1. TÌNH-THẾ NƯỚC TÀU. Năm đinh-mão (907) nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu-Lương 後 梁, Hậu-Đường 後 唐, Hậu-Tấn 後 晉, Hậu-Hán 後 漢, Hậu-Chu 後 周, tranh nhau làm vua. Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ-Quí 五 季 hay là Ngũ Đại 五 代.

2. HỌ KHÚC DẤY NGHIỆP: KHÚC THỪA DỤ (906-907). Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Tàu loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy-quyền nhà vua không ra đến bên ngoài, thế-lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở Giao-châu, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là thừa Dụ 曲 承 裕, quê ở Hồng-châu (thuộc địa-hạt Bình-giang và Ninh-giang ở Hải-dương). Khúc thừa Dụ vốn là một người hào-phú trong xứ, mà tính lại khoan-hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính-phục. Năm bính-dần (906) đời vua Chiêu-tuyên nhà Đường 唐 昭 宣, nhân khi trong châu có loạn, chúng cử ông ấy lên làm Tiết-độ-sứ 節 度 使 để cai-trị Giao-châu. Nhà Đường lúc bấy giờ suy-nhược, thế không ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy làm Tĩnh-hải Tiết-độ-sứ và gia phong Đồng-bình-chương-sự 同 平 章 事.
Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu-Lương 後 梁 phong cho Lưu-Ẩn 劉 隱 làm Nam-bình-vương 南 平 王, kiêm chức Tiết-độ-sứ Quảng-châu và Tĩnh-hải, có ý để lấy lại Giao-châu.
Khúc thừa Dụ làm Tiết-độ-sứ được non một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo 曲 顥.

3. KHÚC HẠO (907-917). Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết-độ-sứ, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan-lại, sửa-sang việc thuế-má, việc sưu-dịch và lại cho con là Khúc thừa Mỹ 曲 承 美 sang sứ bên Quảng-châu, tiếng là kết hiếu với nhau, nhưng cốt để dò-thám mọi việc hư thực.
Lưu Ẩn ở Quảng-châu đóng phủ-trị ở Phiên-ngung được 4 năm thì mất. Em là Lưu Cung 劉 龔 (trước gọi là Lưu Nham 劉 巖) lên thay. Được ít lâu, nhân có việc bất bình với nhà Hậu-Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại-việt 大 越. Đến năm đinh-sửu (947) cải quốc hiệu là Nam-hán 南 漢.

4. KHÚC THỪA MỸ (917-923). Năm đinh-sửu (917) Khúc Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc thừa Mỹ. Khúc thừa Mỹ nhận chức Tiết-độ-sứ của nhà Lương, chứ không thần-phục nhà Nam-Hán. Vua nước Nam-Hán lấy sự ấy làm hiềm, đến năm quí-mùi (923) sai tướng là Lý khắc Chính 李 克 正 đem quân sang đánh bắt được Khúc thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến 李 進 sang làm thứ-sử cùng với Lý khắc Chính giữ Giao-châu.

5. DƯƠNG DIÊN NGHỆ VÀ KIỂU CÔNG TIỆN (931-938). Năm tân-mão (931) Dương diên Nghệ 楊 延 藝 là tướng của Khúc Hạo ngày trước mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết-độ-sứ. Được 6 năm, Dương diên Nghệ bị người nha-tướng là Kiểu công Tiện 矯 公 羨 giết đi mà cướp lấy quyền.

6. NGÔ QUYỀN PHÁ QUÂN NAM-HÁN. Khi ấy có người tướng của Dương diên Nghệ là Ngô Quyền 吳 權 cử binh đi đánh Kiểu công Tiện để báo thù cho chúa. Ngô Quyền là người làng Đường-lâm 唐 林, cùng một làng với Phùng Hưng ngày trước (huyện Phú-thọ, tỉnh Sơn-tây) làm quan với Dương diên Nghệ. Dương diên Nghệ thấy người có tài-trí mới gả con gái cho, và phong cho vào giữ Ái-châu (Thanh-hóa). Khi được tin Kiểu công Tiện đã giết mất Dương diên Nghệ, Ngô Quyền liền đem quân ra đánh.
Kiểu công Tiện cho sang cầu cứu ở bên Nam-Hán, Hán-chủ nhân dịp cho thái-tử là Hoằng Tháo 弘 操 đưa quân đi trước, mình tự dẫn quân đi tiếp ứng.
Khi quân Hoằng Tháo vào gần đến sông Bạch-đằng 白 藤 江, thì bên này Ngô Quyền đã giết được Kiểu công Tiện (938), rồi một mặt truyền lệnh cho quân-sĩ phải hết sức phòng bị, một mặt sai người lấy gỗ cặp sắt nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông Bạch-đằng, xong rồi chờ đến lúc nước thủy-triều lên, cho quân ra khiêu chiến; quân Nam-Hán đuổi theo, đến lúc nước xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh ập lại, quân Nam-hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào cộc gỗ thủng-nát mất cả, người chết quá nửa. Hoằng Tháo bị Ngô Quyền bắt được, đem về giết đi.
Hán-chủ nghe tin ấy, khóc òa lên, rồi đem quân về Phiên-ngung, không dám sang quấy nhiễu nữa.
Ngô Quyền trong thì giết được nghịch-thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường-địch, bảo toàn được nước, thật là một người trung-nghĩa lưu danh thiên cổ, mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được ách Bắc-thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau này được tự-chủ ở cõi Nam vậy.

 Viet Nam Su Luoc 1.djvu

Chú thích cuối trang

Nhà Đường lúc đó chia nhiều tỉnh bên Tàu ra làm Đô-hộ phủ như Tứ-xuyên Đô-hộ phủ, An-nam Đô-hộ phủ v.v. Vậy Đô-hộ là một chức quan chứ không phải là một chính-thể cai-trị các thuộc-địa như ta hiểu bây giờ. 
Đến đời Ngũ-Quí vào quãng nhà Hậu-Tấn có người tên là Đoàn tư Bình 段 思 平 lên làm vua đổi quốc-hiệu là Đại-lý 大 理 truyền đến đời Hồng-võ (1368-1392) nhà Minh mới mất.
Nhà Minh đặt là Đại-lý phủ, thuộc về tỉnh Vân-nam. 
Có người bảo rằng người Việt-nam ta phải đóng sưu thuế khởi đầu từ Cao Biền.

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Lưu Luyến



Bài xướng:
Lưu Luyến


Lưu luyến bên nhau chẳng muốn rời 
Chao ôi! buồn quá lúc chia phôi 
Ngập ngừng cất bước khôn ngăn lệ 
Bịn rịn chia tay khó thốt lời 
Kẻ ở, thuyền neo đầu bến nước 
Người đi nhạn lạc cuối chân trời 
Nghìn trùng xa cách sầu đôi ngả 
Thương nhớ nhau chi, luống ngậm ngùi 

Quang Tuấn
***
Bài Họa:
Biệt Ly


Đăm đắm nhìn nhau mắt chẳng rời 
Nỗi sầu dào dạt khó pha phôi 
Chia tay để thấy chan chan lệ 
Tiễn bước mà nghe nghẹn nghẹn lời 
Kẻ ở , dật dờ trang kỷ niệm 
Người đi , phiêu bạt cánh chim trời 
Biệt Ly* nhung nhớ sầu muôn thuở 
Khúc hát ngày xưa chết lặng người!
Mailoc
(*) Biệt Ly : bài ca sáng tác bởi Dzoản Mẫn
***
Một Lần Gặp Gỡ

Người ở chân mây kẻ góc trời
Nghìn trùng ngăn cách há phai phôi
Anh nơi biển bắc vài câu xướng
Tôi ở phương đông hoạ mấy lời
Diện kiến một lần đâu thoả mãn
Tương giao phút chốc vội chia rời
Sau này chẳng biết ta còn gặp
Người ở chân mây kẻ góc trời.

Quên Đi
***
Hợp Tan Phận Bèo

Thân nhau tay nắm chẳng buông rời,
Tha thiết tình ta đậm nét phôi.
Anh nỡ chia tay tình đẫm lệ,
Em buồn tạm biệt khó ra lời.
Đợi đò rẽ sóng đang vào bến,
Chờ khách phiêu lưu đến cuối trời...
Bèo hợp rồi tan theo nước cuốn,
Phân ly đôi ngã cũng bùi ngùi !

Mai Xuân Thanh
***
Lưu Luyến
Họa nương vận

Lưu luyến mà chi bậu đã rời
Mơ gì nữa nhỉ chuyện pha phôi?
Ngày xưa một nhóm ngâm cao giọng
Hiện tại đôi nơi hát nghẹn lời
Ca khúc Biệt Ly(*)-phai sóng nhạc
Bài thơ Hoàng Thị(**)-lẻ khung trời...
Cuốn đi với gió tan cùng gió
Duy giữ lại đây chút ngậm ngùi.(***)

(*) Nhạc Doãn Mẫn
(**)Thơ Phạm thiên Thư
(***) Xin giữ nguyên từ này

Thái Huy

Jan-21-16
***
Chia Xa

Gần nhau quyến luyến muốn không rời!
Nếu phải xa nhau dạ khó phôi
Nỗi nhớ khôn nguôi đành giấu kín
Giọt sầu chẳng cạn thốt nên lời
Hương nồng đâu khói,sao cay mắt?
Lòng quặn niềm đau ngút đỉnh trời!
Thoáng tiếng tàu đi trong gió thoảng
Dặn mình cố nén lệ đừng rơi

Song Quang

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Tình Xuân


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tưởng Thưởng Lục Trường Trung Học Nguyễn Thông - 1960

 Trường Trung Học Nguyễn Thông tiền thân Trường Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long






Lê Bửu Trân

Đôi Lời Cảm Ơn Anh Lê Bửu Trân
Anh Bửu Trân kính mến.
Em rất cảm ơn anh đã chia sẻ những lưu niệm của một thời học trò thật vô giá, thời gian này em còn rất nhỏ.
Và rồi đến năm 1969 em lần đầu vào Trung học và  làm đàn em của anh cùng một mái trường.
Em rất trân quý những gì anh gửi gắm cho Trang Long Hồ Vĩnh Long lưu giữ thay anh.
Kính chúc anh thật dồi dào sức khoẻ và an vui anh Bửu Trân nhé.

Em Lê Thị Kim Oanh
Melbourne 23/2/2016

Sợi Buồn


Có phải hồng nhan là bạc phận
Đóa không nhan sắc chẳng truân chuyên
Hay “Tình” là chữ ngả nghiêng
Đổ cho Tơ Nguyệt xe duyên sai lầm ...?

Đời đầy áng sương lam bao phủ
Trong lối mờ biết ngỏ nào ra
Đêm về một bóng, một ta
Hóa ra “Ta - Bóng” là đôi bạn đời.

Khi tuyệt vọng, than trời trách đất
Thả vần thơ để nấc tiếng lòng
Khung trời viễn xứ mênh mông
Sợi buồn giăng kín cõi lòng cô liêu

Khúc Giang
31.12.2011

Nhìn Lại Tuổi Xuân Xưa


Hoảng hốt thời gian như đóng bụi
thuở chân ai bước thịt gân mềm
thoảng nghe tiếng gió Đông Phương Sóc
đi giữa trần gian mộng cõi tiên

Màu mắt giăng tơ sầu đậm đặc
tay khô dan díu gốc cây đời
một hôm lần sách nhìn ô chữ
kinh khiếp trong thời lục địa trôi

Thấp thoáng buồn vây bạt mạng buồn
mượn em mái tóc tuổi hoàng hôn
trên cánh đồng xưa bên cỏ nội
tôi đi nhặt lại mảng linh hồn

Dù biết thênh thang về chín suối
xin em vá mãi áo mùa xuân…

Lâm Hảo Dũng
(PTT)
Van,BC- Can- Jan 08-16- 8H39’pm

Hãy Là Trăng



Sao em chẳng phải lại là trăng
Hãy cứ là trăng đêm cứ giăng
Giăng ở hồn nhau thêm khít nữa
Cho vừa lọt kẻ sợi tơ căng

Em hãy là trăng dù có khuyết
Khuyết giùm nhau nhé chút điêu linh
Nếu em vì khuyết không quay lại
Ta vẫn ngồi đây khuyết một mình

Em hãy là trăng hãy là trăng
Đêm đêm thắp nhớ giữa cung Hằng
Nhớ quê nhớ ải đầu năm cũ
Vấy máu tiền nhân vẫn chửa tan

Em hãy là trăng lơ lửng sáng
Dẫu mùa chưa khuyết nỗi cô đơn
Lỡ mai đất nước người xâm lắng
Vẫn có vầng trăng thắp tủi hờn

Nhược Thu
(Trích thi tập: Ước Mơ Nếu Có Xanh Màu Ngọc -2014)

Bài Ca Ðất Phương Nam

Miền Nam là miền đất mới mà ông cha ta đã khai phá nhờ thiên nhiên ưu đãi, qua thời gian đã trở nên trù phú, và là nơi mà hiện giờ làm ra hạt gạo nhiều nhất nước, dân chúng càng ngày càng có đời sống sung túc, nên ân nghĩa ấy chúng ta thế hệ sau phải luôn nhớ cái công lao to lớn ấy.



Sáng tác: Lư Nhất Vũ và Vũ Đức Sao Biển
Ca sĩ: Phương Mỹ Chi

Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Kẹt Ý



Bài Thơ Xướng:
Kẹt Ý

Hôm nay bày bút mực
Định viết một bài thơ
Nhưng ý đi đâu vắng
Còn vần cũng ngó lơ
Tám câu sao lọng cọng
Năm chữ lại lờ quờ
Thôi cứ vung tay đại
Tìm chi mãi sớm giờ


Quên Đi
***
Bài Thơ Hoạ
Kẹt Ý

Đây thời đang cạn mực
Khó hóa thẩn thành thơ
Gởi tới người bên ấy
Nhớ đừng giả giả lơ
Tội cho người mến mộ
Tay mắt buồn như quờ…
Trong bóng chiều mưa lạnh
Đợi em đợi đợi cả giờ


Thái Huy

Jan-26-16
***
Hết Ý

Đã quyết tâm mài mực
Hạ ngòi bút họa thơ
Rất chuyên cần sáng tác
Không biếng lười làm lơ
Thân hữu Vườn Thơ Thẩn
Quên Đi bút hiệu quờ (Q)
Đại huynh mà kẹt ý
Tớ chết tự bao giờ


Kim Phượng
***
Còn Ý...Viết chẳng ra


Lấy nghiên ra mài mực
Bày giấy định làm thơ
Để gởi người thương ấy!
Cầu Trời ! đừng ngó lơ!
Bao nhiêu điều muốn nói
Mà Ý cứ quạng quờ
Viềt đi rồi bôi xoá
Giấy trắng vẫn trắng dờ!!


Song Quang
***
Tìm ÝThơ


Đêm còn vẫn lửng lơ
Buổi sáng đọng sương mờ
Xoải cánh vươn đầy phổi
Lôi xe đạp ít giờ
Nhìn bài đang phác dở
Kiếm ý cứ lờ quờ
"Nhớ dáng ai chiều ấy"
Hi hì!... đã có thơ!


Nguyễn Đắc Thắng
20160126
***
Thơ Cảm Tác:
Chí Lý


Anh đồ có nghiên mực,
Rủ người nào họa thơ.
Bạn bè sao nay vắng,
Buồn tình tưởng họ lơ.
Thật ra chưa giáp mặt,
Nên đứng lặng mà quờ.
Thế thì ta viết đại,
Đợi chi lâu tới giờ!


Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 01 năm 2016


Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Nhánh Cỏ Hương

Tặng chị Sinh Nhật vui vẻ 22/2


Trích Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Vườn Thơ Thẩn Mừng Sinh Nhật Kim Phượng Ngày 22-02



Mừng Sinh Nhật Chị - 22/2

Hai Hai Sinh Nhật người ta
Mà sao em lại đi ra đi vào
Phân vân e ngại làm sao
Thôi đành mách đại chẳng rào đón chi
Biết đâu nhận được lì xì
Quý thầy anh chị tình thi chúc mừng
Quay về cái thuở bâng khuâng
Ngọt ngào hạnh phúc lâng lâng cõi lòng
Mừng tuổi chị ly rượu nồng
Tháng Hai xuân thắm mãi trong đất trời

Kim Oanh
22/2/2016
***


Hăm hai tháng hai : Sinh nhật Kim Phượng 

Kim Oanh thư ký "quen" ...ta,
Cận ngày Sinh Nhật, hái hoa đem vào.
Vườn Thơ Thẩn cũng vui sao!
Thân bằng thi hữu ngọt ngào ngại chi.
Rượu ngon chưa uống xị xì,
Thầy cô tỷ muội thầm thì gió xuân
Ngày xưa dạy học đã từng...
Trải qua tuế nguyệt bâng khuâng đổi đời
Nâng ly rượu đỏ cạn hơi
"Tam nhị cũng lạ" dưới trời Vĩnh Long.
Long Hồ blogspot chung lòng,
Cùng nhau nâng chén ước mong cả nhà!
Happy Birthday vang xa
Nhạc vàng tình khúc hát ca chúc mừng!


Mai Xuân Thanh 
***


Sinh Nhật Hăm Hai


Hăm hai sinh nhật của người ta,
Con nhỏ Kim Oanh lại nói ra.
Bộ muốn lì xì chia tí chút,
Hay mong bánh trứng được phần ba.
Thầy đồ Chiêu Đức khai thơ chúc,
Web. Vĩnh Long Hồ rực pháo hoa,
Đến lượt nhà mi sinh nhật tới,
Mách toàn thế giới, biết tay bà!

Đỗ Chiêu Đức
Chúc Kim Phượng sinh nhật Vui Vẻ!
***

Mừng thấy được cái tình chị em nhà Lê Kim.
Mừng thấy được các em,qua những đối đời, còn tìm được vui trong chữ nghĩa với các bạn.
Chúc mừng Sinh Nhật Kim Phượng 02/22.
Cầu chúc mọi điều lành cho các em.

Phạm Khắc Trí
02/20/2016
***


Kim Phượng ơi,
Đọc mấy bài thơ mừng sinh nhật Kim Phượng viết bởi Đỗ Chiêu Đức, Phương Hà , Mai Xuân Thanh Kim Oanh thật vui nhộn. Tôi cũng xin chúc em cuộc đời luôn được vui tươi, trẻ trung như vậy. 
Hạnh Phúc thay con chim Oanh và cành Hoa Phượng lúc nào cũng âu yếm đùm bọc bên nhau!
Chúc em rực rỡ luôn Phượng nhé.
Thân mến 
Mailoc
***


Happy Birthday To You!

Tam nhị ngày sinh của bạn ta,
Giữa mùa xuân đẹp với muôn hoa.
Nghe tin Thơ Thẩn Vườn nâng chén,
Nhắn gởi thi nhân trẻ khỏe ra...
Vui vẻ birthday tròn tuổi mới,
Happy Kim Phượng, nhạc vang ca...
Cũng may thư ký mình chu đáo,
Cất tiếng hát mừng dội cả nhà !

Mai Xuân Thanh

Ngày 20 tháng 02 năm 2016
***


Chúc Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

Chúc mừng đoá phượng của vườn ta
Rực rỡ tươi màu đẹp sắc hoa
Lai láng hồn thơ như sóng biển
Rạng ngời dung mạo tựa tiên nga
Bạn bè ngày cũ luôn thân thiết
Tình cảm hôm nay mãi đậm đà
Tam nhị - ngày sinh- xin gởi đến (*)
Đoá hoa tươi thắm để thay quà.

Phương Hà
(*) 22/2
***


Happy Birthday To You!
* Kim Phượng – 22/2 *


Hỉ chúc ngày sinh chị Phượng nha!
Hiếm khi điểm số đạt duyên ba (22/2)
Tuổi thơ học giỏi đầy mơ mộng
Số phận trêu đùa lảng bước xa
Một giáo viên văn hồn tộc Việt
Một vườn thơ nhạc nét tài hoa
Tha hương cuộc sống nhàn an hưởng
Đất Úc vui hòa Khúc Phượng Ca!

Nguyễn Đắc Thắng
***


Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

Ba số 2, sinh nhật bạn ta
Chúc mừng Kim Phượng khoẻ,an hòa
"Vườn thơ thẩn " mến luôn thân thiết
Xướng họa thi văn mãi đậm đà
Đâu đợi vào hè màu phượng nở
Lúc còn Xuân thắm vẫn ra hoa (phượng)
Mượn vần gởi mạng trao giùm nhé !
Gởi đến "người thơ" tạm gọi quà


Song Quang
***


Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

Ngày nầy tá mẫu đến trần gian
Nhận thế danh như đóa phượng vàng
Gạo trắng Miền Tây nên vóc ngọc
Nước trong dòng Cửu tắm dung nhan
Đã từng tận hưởng mùi ly loạn
Nên lắm hoài thương cảnh khốn nàn
Mượn nhịp cầu thơ Cao kính chúc
Ân đầy tuổi mới mãi an khang.

Ngày Sinh Nhật Cao Linh Tử kính chúc chị mãi bình an trong lòng Đức Chúa.
21/2/2016
Cao Linh Tử
***

Mừng Sinh Nhật Kim Phượng

Tháng Hai "Nội Gián" nói Hai Hai
Kim Phượng chào đời chẳng thể sai
Lẹ lẹ vài câu còn kịp lúc
Mau mau ít chữ kẻo qua ngày
Đang xuân nhậu nhẹt quên đừng trách
Bạn cũ lừng khừng bởi xỉn say
Bây giờ nâng chén mừng sinh nhật
Hỷ lạc kiện khang nối tiếp hoài

Quên Đi
***

Mừng Sinh Nhật Chị Kim Phượng

Chúc ngày sinh cánh Phượng vườn ta
Sức khoẻ, an vui đẹp tựa hoa
Rạng rỡ tài năng câu xướng họa
Mượt mà trang blog Vĩnh Long nhà
Vầng thơ gởi chúc lời thân thiết
Tình cảm trao nhau rất thật thà 
Sau Chị đến Mai hai tám tới
Tháng hai sinh nhật nữa đây mà 

Lý Lệ MAI
***
Mừng Sinh Nhật Chị Kim Phượng 

Chúc vui chúc khỏe chúc bình an 
Gởi đến chị xa đầy mộng ngàn 
Ngày tháng mênh mông thi phú vẫn 
Tựa nguồn suối ngọt đêm trăng vàng 

Yên Dạ Thảo 
21/02/2016
***

Mừng Sinh Nhật

Mừng tuổi Phượng ly rượu nồng
Tháng hai Xuân thắm nở trong đất trời(*)
Chúc em mãi mãi vui tươi
Tâm hồn thanh thản, nụ cười nở hoa

Nguyễn Cao Khải
(*)Thơ KimOanh
***


Vườn Tâm Tư

Tháng Hai nắng mới lao xao
Lời thương lời nhớ nhận trao tình đầy
Hữu duyên gặp gỡ là đây
Mươn thơ vịnh cảnh trời mây chung lòng
Kẻ tây người tận phương đông
Lời thơ tha thiết những dòng tâm tư
Đồng tâm hợp lực thể như
Cánh diều no gió kể từ quen thân
Cám ơn trời thấp thật gần
Vườn Thơ Thẩn gặp thi nhân bạn hiền

Kim Phượng

Kim Quang Chúc Mừng Sinh Nhật Kim Phượng


Màu Áo Em



Ô kìa! Trên khoảng trời xanh
Ẩn trong mây trắng thiên thanh áo nàng
Xuân sang điểm cánh mai vàng
Phất phơ tà lụa lẫn hàng trúc xanh

Én đàn thoáng thấp lượn quanh
Dệt mơ mộng báo tin lành trúc mai
Hóa thân cánh bướm vờn bay
Thỏa lòng mong nhớ thôi rày tương tư

Lòng đà ngoài mặt dường như
Ngẫn ngơ màu áo…kể từ biết nhau

Kim Phượng

Nguyễn Đức Tri Ân Mừng Sinh Nhật Chị Kim Phượng

Chúc chị Kim Phượng sinh nhật vui khỏe cùng gia đình


Nguyễn Đức Tri Ân