Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

Thà Làm Hạt Mưa Bay - Sáng Tác Trần Thanh Tùng - Ý Lan



Sáng Tác: Trần Thanh Tùng 
Tiếng Hát:Ý Lan
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Hạ Chí

(Ảnh của Tác Giả)
Năm giờ sáng 
     trời xanh thăm thẳm 
         bát ngát nắng vàng

Trên rừng thông 
     trên cánh đồng 
           xanh rờn mùa hạ

Trong góc vuờn 
    hoa tử đinh huơng 
        lao xao cùng gió 
           lá vẫy tay, vẫy tay

Hàng dây điện 
    giăng giăng khung nhạc trống

Tiếng cu gù 
    gỏ những nốt trầm nốt trầm

Trên ngọn thông già 
     con quạ đen ngơ ngác

Vầng trăng khuyết 
     mỏng manh như vết mây lạc lõng

Con chim cánh bạc 
     bay vút từng không

Những mái nhà im lìm  
     chìm trong giấc mộng

Có hay 
    mùa hạ 
            đang qua

Khánh Hà
*Hôm nay là ngày dài nhất, mặt trời qua bắc chí tuyến. Nơi ở gần cực bắc địa cầu, mặt trời đêm qua không lặn mà lơ lửng ở chân trời đợi ngày hôm nay

Con Ơi!

(Vĩnh Long - Ảnh Tác Giả)

Nắng xuyên nghiêng khóm lá
Hoa đùa giữa đường quê
Con bước chân nghiêng ngã
Chậm rãi cha hồn mê

Đưa con qua từng đoạn
Cha thắc thẻo bao lần
Con lớn theo năm tháng
Cha gầy còm nhăn nheo

Nước mắt cùng mồ hôi
Âu lo cùng hãi sợ
Cha đưa con sang sông
Đưa cả lòng hoài vọng

Bên chồng con thút thít
Cha tủi thân biết bao
Gánh con rồi gánh cháu
Cha nào quãng hư hao

Cha cầu được mạnh khỏe
Suốt đoạn đường con đi

Con ơi!

Trương Văn Phú

Vườn Hoang



Lớp bụi lòng liêu phủ chốn này
Công trình người tạo giữa nhiên xây
Nguồn len uốn lượn ra dòng suối
Cội vút tung vờn tạc dáng cây
Thế thái khuyết tròn trơ bóng nguyệt
Nhân tình đen bạc đuối vành mây
Nỗi niềm phong kín từ xa vắng
Bỏ mặc vườn hoang mộng dở say

Lý Đức Quỳnh




Bỏ Cuộc



Bài Xướng: Bỏ Cuộc
(Cách Cú Đối)

Chẳng biết vì sao lại ỡm ờ
Hay là chết bởi những vần thơ
Tường đông kẻ ước trông lần gặp
Sẽ hẹn tìm nhau cuối nẻo mờ
Ngõ hạ ai thầm mong buổi đến
Nên cùng đợi mãi dưới lều mơ
Từ đây chín mộng lòng hăm hở
Cũng lúc người đi bỏ cuộc chờ 

Thạch Hãn
LCT

***
Họa: Lời Ru Buồn
(Cách Cú Đối)

Tìm nhau bỗng chạnh tiếng ru ờ...
Mới hiểu ai đà giã bạn thơ 
Để bẽ bàng thêm từng lối hẹn
Ngày nao mộng ủ dưới trăng mờ
Cho hời hợt mãi bao lần ngóng
Bận ấy vai kề giữa nẻo mơ
Gửi lại tàn xuân đời thiếu nữ
Người sao nỡ phụ kẻ đang chờ 

Nguyễn Gia Khanh

Đất Phương Nam I - Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai (Phần 6)


Di Tích Gốm Sứ Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai-Biên Hòa: 

Ngày nay, dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai cũng như dưới lòng sông, thỉnh thoảng các ngư phủ trên sông vẫn thường hay bắt gặp những di vật gốm sứ, nhiều nhất là dụng cụ để nấu nướng và ăn uống như nồi, nêu, tô, chén, dĩa... tất cả đều được làm bằng đất nung, hay gốm có màu nâu đỏ, xám và xám đen. Bên cạnh đó, người ta cũng tìm thấy nhiều dụng cụ dùng trong sinh hoạt hằng ngày như các loại đèn gốm, bình vôi, ống nhổ, ấm trà, bát nhang, lọ, chai, chậu, vân vân. Tất cả đều có men màu trắng, màu lam, màu nâu, hay màu xanh ngọc. Đây có thể là những đồ dùng của người Hoa đến đây khai khẩn vào thế kỷ thứ XVII, vì chúng được chế tác khá tinh vi, chứ không phải bằng đất nung, dày, thô và nặng như các loại gốm sứ cổ có phong thái văn hóa Óc Eo.

Ngoài những di vật khảo cổ về gốm sứ ở Đồng Nai-Biên Hòa có niên đại từ trước thời Óc Eo, ngay thời Óc Eo và sau thời Óc Eo ra, không ai biết truyền thống gốm sứ thời cận đại ở vùng Đồng Nai-Biên Hòa có từ thời nào, nhưng có lẽ từ cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi vùng Cây Mai (Sài Gòn) bị đô thị hóa với những công trình xây cất lớn thì các lò gốm tại đó đã lần lượt chuyển tới các vùng Bình Dương, Lái Thiêu và Biên Hòa, vân vân. Ngày nay, gốm sứ Biên Hòa đã rất nổi tiếng trên khắp Nam Kỳ. Đặc trưng của gốm sứ Biên Hòa là sự kết hợp giữa phong cách Việt Nam và Trung Hoa. Tuy nhiên, gốm sứ Biên Hòa nặng phần trang trí hoa văn quanh sản phẩm với những nét vẽ chìm hoặc trổ thủng, rồi sau đó tô men lên. Đa số sản phẩm gốm sứ Biên Hòa bao gồm đèn lồng, dĩa, tượng voi, bình, lư, hũ, chai, lọ, chóe(48), đôn(49) có hình voi, tượng voi, tượng lân, và tượng người, vân vân. Về phía Tây Nam của thành phố Biên Hòa, sát bên bờ sông Đồng Nai là phường Bửu Long nằm đối diện với huyện Tân Uyên bên tỉnh Bình Dương. Trước đây, Bửu Long có một làng gốm sứ nằm kế ngay Đò Trạm(50), từ đây theo đường sông cách cù lao Rùa khoảng 800 mét. Làng gốm Bửu Long xưa nay nổi tiếng là nơi sản xuất ra những đồ gốm bằng đất nung rất nổi tiếng. Tại phường Bửu Long cũng có một ngôi chùa mang tên Bửu Long, người ta không biết chùa được xây dựng vào năm nào, nhưng có thể đã được xây dựng từ sau khi công nữ Ngọc Vạn kêu gọi người Việt Nam đến đất Đồng Nai khai hoang lập ấp, nghĩa là sau năm 1620.

Trong ‘Biên Hòa Sử lược Toàn Biên’, ông Lương văn Lựu có viết về việc tướng Trần Thượng Xuyên đã cho tu sửa lại ngôi chùa nầy và thỉnh sư Hoàng Long về trụ trì vào năm 1679. Như vậy chùa Bửu Long phải được xây trước năm 1679. Điểm đặc biệt là cư dân trong làng gốm Bửu Long vừa sản xuất đồ gốm sứ, vừa làm ruộng. Đất làm gốm ở đây được lấy từ chân núi Bửu Long(51), đây là loại đất sét vàng, pha lẫn đất sét trắng, có độ dính cao. Chính vì thế mà sau khi nung xong, gốm sứ Bửu Long có màu rất đẹp, đỏ tươi hoặc đỏ gạch hay đỏ hồng. Ngày nay làng gốm Bửu Long vẫn còn hoạt động, nhưng từ khi người ta bắt đầu sử dụng bếp gas hay dầu lửa, thì các lò gốm ở đây không còn sản xuất cà ràng, khuôn đúc bánh và nồi nhiều như trước đây nữa, nhưng họ vẫn tiếp tục sản xuất tô, chén, dĩa, chậu trồng bông. Tuy nhiên, ngày nay trong phường Bửu Long chỉ còn khoảng 10 gia đình sống với nghề gốm sứ. Như vậy làng gốm sứ Bửu Long đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự cạnh tranh của nhiều làng gốm khác cũng như nhu cầu đồ gốm sứ trong sinh hoạt hàng ngày càng ít đi. 

Biên Hòa Qua Các Thời Đại: 

Biên Hòa là vùng giao tiếp giữa phía Nam cao nguyên Trung Phần và Nam Phần nên tuy có địa hình bằng phẳng của miền Nam, nhưng phía Bắc Biên Hòa hãy còn nhiều ngọn đồi thấp và có xu hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam, như các ngọn núi giữa Lâm Đồng và vùng Tân Phú, cao từ 200 đến 800 mét, cũng như những ngọn núi mồ côi (núi đứng chơ vơ một mình) trong vùng Định Quán và Xuân Lộc. So với các vùng khác của miền Nam thì địa thế của Biên Hòa có phần hiểm trở hơn nhiều, nên khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì họ đã chia đi cắt lại phần đất của tỉnh Biên Hòa nhiều lần. Ngay sau khi lấn chiếm Biên Hòa vào năm 1862, người Pháp đã chia Biên Hòa ra làm nhiều hạt nhỏ và kiểm soát rất gắt gao nên các toán nghĩa binh khó lòng hoạt động được. Cuối cùng, họ cắt tỉnh Biên Hòa của Nam Triều ra làm 3 để thành lập các tỉnh mới là Biên Hòa(52), Thủ Dầu Một và Bà Rịa để dễ bề kiểm soát và cai trị. Theo La Cochinchine được chính quyền thuộc địa biên soạn năm 1890, về vị trí thời đó Biên Hòa Bắc giáp với Cao Miên, Nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, Tây giáp Thủ Dầu Một, và Đông giáp Bình Tuy. Lúc đó dân số Biên Hòa là 132.000, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa và người Khmer. Tỉnh lỵ Biên Hòa nằm trên tả ngạn sông Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Biên Hòa là một vùng đất cao so với các vùng khác của Nam Kỳ Lục Tỉnh, nên ngay từ thời các Chúa Nguyễn, Biên Hòa đã có một hệ thống đường bộ đáng kể ở miền Nam. 

Cầu Ghềnh

Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ xây dựng đường xe lửa xuyên Việt chạy ngang qua Biên Hòa trên một tuyến đường dài hơn 100 cây số. Cách Biên Hòa khoảng 35 cây số có thác Trị An, dưới thời chánh quyền VNCH đã xây đập thủy điện, vừa dẫn thủy vừa cung cấp điện cho miền Đông Nam Kỳ. Hiện tại Biên Hòa có nhiều nhà máy dệt, nhà máy cưa gỗ, xưởng cất rượu và làm đường. Nhờ số lượng cao su vượt trội nên những năm gần đây Biên Hòa đứng đầu miền Nam về kỹ nghệ đồ gia dụng bằng cao su. Với số lượng đất đỏ vô tận đã đưa Biên Hòa lên hàng đầu trong việc sản xuất gạch ngói, đồ gốm, đồ sứ cho toàn miền. Và với số lượng đá hoa cương rất tốt (granite) trong vùng núi Chứa Chan, Biên Hòa cũng đứng đầu về ngành khắc đẽo tượng đá. 

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Biên Hòa là một trong những thành phố lớn ở miền Nam. Chính quyền đã xây dựng nhà máy thủy điện Trị An, vừa tạo ra nguồn điện, vừa điều hòa lưu lượng nước về tưới tẩm cho hầu hết những vùng đất miền Đông. Có thể nói vùng Biên Hòa là cái nôi của cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, vì trong suốt thời Nam tiến, mọi sinh hoạt chính trị và văn hóa quan trọng đều diễn ra tại vùng này. Vì là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời nhất của miền Nam với những di chỉ khảo cổ Ốc Eo ở Định Quán, cũng như dấu tích văn minh cách nay trên 1.300 năm của dân tộc Phù Nam ở Cát Tiên. Sau đó có nhiều dân tộc khác di dân đến vùng Biên Hòa sinh sống như người Stieng, người Chơ Ro, người Khmer, người Mạ, người Chàm, rồi đến người Việt, người Hoa... nên truyền thống văn hóa dân gian của vùng này rất phong phú, đặc biệt là truyền thống của các dân tộc thiểu số như lối hát Tam Pót của người Mạ ở Định Quán. Bên cạnh đó, Biên Hòa còn là quê hương của những loại nhạc cụ dân gian thật độc đáo như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiêng đồng, thanh la, kèn bầu, kèn môi... Vào đầu năm 1955, Biên Hòa hãy còn là một trong những tỉnh lớn nhất của Nam Bộ thời đó. Về địa giới của tỉnh Biên Hòa năm 1955 bao gồm các vùng Biên Hòa, Bình Dương (trừ quận Phú Hòa thuộc tỉnh Gia Định), Bình Long, Phước Long, Long Khánh, Phước Tuy và quận Thủ Đức(53).

Về tôn giáo, đa số theo đạo Phật, còn lại một số ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi, Cao Đài và Hòa Hảo. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 1A (Cà Mau-Hà Nội) chạy ngang qua Biên Hòa. Ngoài ra, liên tỉnh lộ 51 Biên Hòa đi Long Thành, đến Ngã Ba Nhơn Trạch rồi ra Bà Rịa-Vũng Tàu; giữa Trảng Bom và thị xã Long Khánh (Xuân Lộc) đi về hướng Đông Bắc là tỉnh lộ 20 đến Định Quán và Tân Phú, đi về hướng Tây Nam là tỉnh lộ 763 đi Long Thành; từ thị xã Long Khánh có tỉnh lộ 56 đi ngang khu cổ mộ Hàng Gòn đến Cẩm Mỹ. Từ Long Thành có tỉnh lộ 770 đi Cẩm Mỹ. Đường xe lửa Sài Gòn Hà Nội chạy song song với quốc lộ 1A đi ngang qua Biên Hòa. 

Tỉnh Đồng Nai Sau Năm 1975: 

Sau năm 1975, địa phận tỉnh Biên Hòa đã trải qua nhiều lần sáp nhập và chia cắt, nhưng rồi đến năm 1996, chánh quyền mới lại cho sáp nhập vùng Long Khánh và Định Quán với thành phố Biên Hòa để thành lập tỉnh Đồng Nai với diện tích 5.904 cây số vuông, chiếm 25,5 phần trăm diện tích miền Đông, tương đương với 1,76 phần trăm diện tích toàn quốc. Như vậy tính đến năm 1996, địa bàn tỉnh Biên Hòa hồi Nam Kỳ Lục Tỉnh bị chia chẻ ra làm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu và quận Thủ Đức (bây giờ quận Thủ Đức cũ lại được chia làm 3 quận: Thủ Đức, quận 2 và quận 9). Về vị trí, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (hai tỉnh Bình Long và Phước Long sáp nhập lại), phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, và phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Hiện tại tỉnh Đồng Nai bao gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các quận Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Trảng Bom.
Dân số toàn tỉnh khoảng 2.483.211 người(54), mật độ trung bình khoảng 387 người trên một cây số vuông. Đa số cư dân tỉnh Đồng Nai là người Việt, chiếm khoảng 85 phần trăm; khoảng 5 phần trăm là người Hoa; số còn lại là các dân tộc thiểu số khác như người Stieng, người Mạ, người Khmer, người Chàm...Hiện tại, Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển kinh tế mạnh nhất tại miền Đông Nam Kỳ, với hệ thống giao thông thuận tiện vì có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, và đường xe lửa Xuyên Việt (Bắc Nam). Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn nằm gần vùng cảng Sài Gòn và phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất nên việc giao thông giữa Đồng Nai và các vùng khác rất thuận tiện về mọi mặt. Năm 2008, chánh phủ cho khởi công xây dựng phi trường Long Thành với qui mô quốc tế để có thể đón nhận từ 80 đến 100 triệu lượt khách mỗi năm. Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam với những điều kiện giao thông thuận tiện về cả đường bộ, đường thủy, đường xe lửa, lẫn đường hàng không.
Trong tương lai, các tuyến đường cao tốc nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn-Đà Lạt sẽ chạy ngang qua địa phận tỉnh Đồng Nai(55). Ngoài ra, chánh quyền sẽ xây dựng thêm những tuyến đường cao tốc khác như tuyến Long Thành-Cẩm Mỹ-Xuân Lộc, và tuyến Bến Lức-Nhơn Trạch-Long Thành, vân vân. Hiện nay các nước trong khu vực Đông Nam Á đang dự trù thiết lập hệ thống hỏa xa nối liền Tân Gia Ba và Côn Minh, thộc tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc, trong đó sẽ có ít nhất 50 cây số đường rầy chạy ngang qua tỉnh Đồng Nai trên tuyến đường nầy. 

Riêng với hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh Đồng Nai có 5 tuyến chính, đó là quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, quốc lộ 20, quốc lộ 51, và quốc lộ 56, với tổng chiều dài trên 244 cây số. Hiện tại, Đồng Nai có khoảng 20 tuyến đường tỉnh lộ như các tỉnh lộ 761, 764, 766, và 769, vân vân, với khoảng 75 phần trăm đã được tráng nhựa, với tổng số chiều dài khoảng 370 cây số. Số còn lại là đường đá đỏ hay rải đất hầm. Tại các huyện hiện có tổng cộng trên 250 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 3.835 cây số, trong đó khoảng 60 phần trăm đã được tráng nhựa. Về đường thủy, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều sông ngòi, đặc biệt là các sông Đồng Nai, La Ngà, Nhà Bè, Lòng Tàu, và Thị Vải. Nhờ vậy mà giao thông đường thủy của tỉnh Đồng Nai rất thuận tiện.

Hiện tại, trên sông Đồng Nai có các cảng Đồng Nai, cảng SCTGAS-VN, cảng VTGAS, cảng Phú Hữu II(56) dành cho tàu có trọng tải 20 ngàn tấn , cảng Tam Phước. Trên sông Nhà Bè có các cảng gỗ Phú Đông cho tàu 25 ngàn tấn, cảng xăng dầu Phước Khánh cho tàu 25 ngàn tấn, cảng nhà máy đóng tàu 76 dùng sửa chữa tàu 50 ngàn tấn, cảng tổng hợp Phú Hữu I cho tàu 20 ngàn tấn, cảng cụm xây dựng công nghiệp Nhơn Trạch(57) cho tàu 20 ngàn tấn, cảng dầu nhớt Trâm Anh, cảng gỗ Vikowochimex, cảng sắt thép Sun Steel. Trên sông Thị Vải có các cảng như cảng tổng hợp Phước An, cảng Phước Thái, cảng Gò Dầu A, cảng Gò Dầu B, cảng Long Thành, vân vân. Hiện nay, về giao thông đường sắt, trên tuyến đường xe lửa Bắc Nam chạy ngang qua Đồng Nai, từ nhà ga Trảng Bom xuống khu vực ga Biên Hòa đài khoảng 19 cây số, sẽ được xây dựng thêm tuyến đường sắt đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong địa phận tỉnh Đồng Nai có khoảng 88 cây số đường sắt chạy qua các ga Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Chánh, Gia Ray và Trảng Táo. Còn về giao thông đường hàng không, hiện tại tỉnh Đồng Nai có hai phi trường lớn, đó là phi trường Biên Hòa và phi trường Long Thành. Riêng phi trường Long Thành(58) được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa như một phi trường quân sự, và được chánh quyền mới dự tính xây dựng lại thành phi cảng quốc tế, chỉ cách phi trường Biên Hòa có 32 cây số và cách phi trường Tân Sơn Nhứt khoảng 43 cây số mà thôi.

 

Chú Thích: 


(1) Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí thì vào khoảng năm 1658, vùng biên trấn của xứ Đàng Trong hay Nam Hà là vùng Phú Yên, chứ chưa phải là Biên Hòa. Chính vì thế mà quân của các dinh từ Bình Khang, thuộc Nha Trang, phải đi đến 2 tuần lễ mới tới được Bà Rịa. Kỳ thật ngay từ năm 1471, sau khi đánh hạ kinh đô Trà Bàn, giết chết 4 vạn lính Champa, đồng thời bắt sống vua Trà Toàn cùng 3 vạn tù binh. Lúc nầy vua Lê Thánh Tông đã lấy đến các vùng Chiêm Động, Cỗ Lũy, và Trà Bàn. Nhà vua đặt tên cho các vùng mới nầy là thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa, tức các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ngày nay. Theo các bô lão địa phương Phú Yên kể lại thì lúc đó vua Lê Thánh Tông có lên núi Đá Đen, tức 
Đồng Trụ Sơn và khắc lên đó hai câu thơ và ba chữ “Thạch Bi Sơn”. Dầu trải qua bảy tám thế kỷ nay, những câu thơ trên núi Thạch Bi của vua Lê Thánh Tông không còn nữa, nhưng cái tên núi 
“Thạch Bi” hay núi “Đá Bia” vẫn còn được dân chúng địa phương gọi cho đến ngày nay. Như vậy, vua Lê của Đại Việt đã đến núi Đá Bia vào khoảng năm 1471, nhưng sau khi chiếm xong, Đại Việt không thiết lập bộ máy hành chánh, mà mãi đến năm 1611, do quân Champa hay mang quân lên đánh phá xứ Đàng Trong nên chúa Nguyễn Hoàng mới sai tướng đem quân đánh lấy lại vùng đất nầy và đặt làm phủ Phú Yên. 
(2) Theo sử nước Cao Miên, ngôi vương có 3 cấp: Chính vương, Nhị vương và Tam vương. Thời đó, Nặc Sô (Neak Sor) làm Chính vương, em là Nặc Tân làm Nhị vương, con trưởng của Nặc Sô là Nặc Xá Phủ Tâm không được làm vua, y bèn giết cha rồi tự lên ngôi. Nặc Tân cùng người em là Nặc Nộn chạy sang Nam Hà. Sau đó, Nặc Xá Phủ Tâm bị vợ giết chết, con là Nặc Chi lên kế vị. Năm 1674, quan quân Nam Hà tiến đánh, Nặc Chi bỏ chạy rồi chết, quan quân Nam Hà bèn đưa Nặc Tân và Nặc Nộn về Cao Miên. Con trai thứ của Nặc Sô là Nặc Thu (Nặc Su) xin hàng trong khi Nặc Tân bị bệnh qua đời, nên triều đình Nam Hà cho lập Nặc Thu làm Chính vương, còn Nặc Nộn làm Nhị vương. Trong Cao Miên Sử không thấy ghi Nặc Ong Đài, mà sự ghi chép những biến cố xảy ra cũng hơi khác với tài liệu của triều đình Nam Hà. 
(3) Sự kiện thứ nhất là việc công nữ Ngọc Vạn, con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đi về phương Nam làm hoàng hậu xứ Chùa Tháp vào năm 1620; và sự kiện thứ hai là việc chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm quan kinh lược tại vùng đất phương Nam vào năm 1698. 
(4) Vùng Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay. 
(5) Tại Việt Nam, các bộ tộc thuộc ngữ hệ Môn-Khmer như bộ tộc Mạ còn khoảng 25 ngàn người, bộ tộc Cho Ro còn khoảng 15 ngàn người, bộ tộc Stiêng còn khoảng 50 ngàn người. Tuy nhiên, tại miền đông Nam Phần, các bộ tộc nầy hiện nay còn khoảng 40 ngàn người. 
(6) Tại Việt Nam, bộ tộc M’Nông còn khoảng 92 ngàn người. Tuy nhiên, tại miền đông Nam Phần, các bộ tộc nầy hiện nay còn khoảng 46 ngàn người tại các vùng Đắc Nông, Lâm Đồng và Bình Phước. 
(7) Núi mồ côi là ngọn núi nằm đơn độc giữa vùng đồng bằng. 
(8) Nay là 2 vùng Bình Long và Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước. 
(9) Khu vực nầy chiếm khoảng 41,9 phần trăm diện tích toàn vùng. 
Thượng Xuyên cất lại bằng ngói. Từ sau đời quan kinh lược sứ Nguyễn hữu Cảnh đến đây vào năm 1698 được trùng tu lại. Đến năm 1829 lại được một nhóm Phật tử trùng tu theo kiến trúc Trung Hoa. Từ năm 1964 đến nay, chùa được giao cho phái Lục Hòa Tăng trụ trì. 
(45) Tướng Trần Thượng Xuyên cùng phó tướng Trần An Bình và Trấn thủ Quảng Tây là Dương Ngạn Địch đã đem 50 chiến thuyền cùng 3.000 quân vào khai phá vùng đất Thủy Chân Lạp vào năm 1679. Trần Thượng Xuyên thì đi ngược cửa Xoài Rạp lên khai phá vùng Đồng Nai, còn Dương Ngạn Địch thì ngược dòng sông Tiền lên khai phá vùng Mỹ Tho ngày nay. 
(46) Những chiếc trống đồng nầy được tìm thấy tại vùng Bưng Sình-Phú Chánh, tỉnh Bình Dương, đều có phong cách văn hóa Đông Sơn. 
(47) Theo kết quả của các cuộc khai quật những mộ chum trong vùng Cần Giờ, trong khoảng từ 2.000 đến 2.500 trước đây, Cần Giờ đã từng là một cảng thị chính của cộng đồng cư dân cổ tại đây. Họ đã phát triển thương mại qua đường sông và đường biển với nhiều khu vực khác nhau từ các vùng Sa Huỳnh ở Bình Định, đến các đảo bên Philippines, Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ, vân vân. 
(48) Chóe là loại bình chứa xưa, có màu men đen dùng để đựng rượu. 
(49) Đôn là một loại ghế ngồi xưa, không có chỗ dựa. 
(50) Ngày nay Đò Trạm cũng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. 
(51) Công đoạn sàn lọc đất của làng gốm Bửu Long rất công phu. Loại đất mới lấy lên từ chân núi Bửu Long là loại đất tạp với nhiều thành phần như sỏi đỏ, đất trắng, đất xám, và cát mịn... Sau khi mang đất sét về, người ta phải phơi khô, dùng vồ đập cho đất mịn ra, rồi sàn lọc để lấy phần đất mịn. 

(52) Tỉnh Biên Hòa của Nam Triều bị thực dân Pháp cắt ra làm ba tỉnh mới, đó là Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Tỉnh Biên Hòa mới gồm 10 tổng người Việt là Chánh Mỹ Thượng, Chánh Mỹ Hạ, Chánh Mỹ Trung, Long Vĩnh Thượng, Phước Vĩnh Thượng, Phước Vĩnh Hạ, Phước Vĩnh Trung, Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ, và Bình Lâm Thượng. 5 tổng người Thượng là An Viễn, Bình Tuy, Phước Thành, Tập Phước, và Thuận Lợi. 2 tổng người Miên là Bình Cách và Tân Thuận. 
(53) Theo số liệu niên giám thống kê của VNCH năm 1970, tỉnh Biên Hòa đầu thời VNCH bao gồm các tỉnh Biên Hòa (diện tích 1.891 cây số vuông, với 6 quận, 70 xã, 475.735 dân), tỉnh Bình Dương, trừ quận Phú Hòa của Gia Định (diện tích 1.794 cây số vuông, với 5 quận, 45 xã, 238.103 dân), tỉnh Bình Long (diện tích 2.240 cây số vuông, với 3 quận, 29 xã, 76.721 dân), tỉnh Phước Long (diện tích 5.299 cây số vuông, với 4 quận, 18 xã, 41.773 dân), tỉnh Long Khánh (diện tích 4.400 cây số vuông, với 3 quận, 19 xã, 157.695 dân), tỉnh Phước Tuy (diện tích 1.927 cây số vuông, với 5 quận, 29 xã, 120.531 dân), và quận Thủ Đức (diện tích 200 cây số vuông, với 1 quận, 15 xã, 151.003 dân). Như vậy toàn tỉnh Biên Hòa hồi đầu đệ nhất Cộng Hòa có tổng diện tích là 17.751 cây số vuông, với 27 quận, 225 xã, 1.223.965 dân. 
(54) Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, tỉnh Đồng Nai gồm có thành phố Biên Hòa và thị xã Long Khánh cùng 9 huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, và Xuân Lộc. Thành phố Biên Hòa có diện tích gần 154,7 cây số vuông và dân số 526.100 người (mật độ trung bình khoảng 3.401 người trên một cây số vuông). Thị xã Long Khánh có diện tích hơn 194 cây số vuông và dân số 164.000 người (mật độ trung bình khoảng 845 người trên một cây số vuông). Huyện Định Quán có diện tích hơn 966 cây số vuông và dân số 214.300 người (mật độ trung bình khoảng 222 người trên một cây số vuông). Huyện Long Thành có diện tích hơn 535 cây số vuông và dân số 204.800 người (mật độ trung bình khoảng 383 người trên một cây số vuông). Huyện Nhơn Trạch có diện tích hơn 410 cây số vuông và dân số 116.200 người (mật độ trung bình khoảng 283 người trên một cây số vuông). Huyện Tân Phú có diện tích hơn 774 cây số vuông và dân số 164.200 người (mật độ trung bình khoảng 212 người trên một cây số vuông). Huyện Thống Nhất có diện tích hơn 247 cây số vuông và dân số 146.100 người (mật độ trung bình khoảng 591 người trên một cây số vuông). Huyện Vĩnh Cửu có diện tích hơn 1.092 cây số vuông và dân số 106.100 người (mật độ trung bình khoảng 97 người trên một cây số vuông). Huyện Xuân Lộc có diện tích hơn 727 cây số vuông và dân số 207.800 
người (mật độ trung bình khoảng 286 người trên một cây số vuông). Huyện Trảng Bom có diện tích hơn 326 cây số vuông và dân số 192.600 người (mật độ trung bình khoảng 591 người trên một cây số vuông). Huyện Cẩm Mỹ có diện tích hơn 468 cây số vuông và dân số 149.800 người (mật độ trung bình khoảng 320 người trên một cây số vuông). 
(55) Tuyến đường nầy nối liền Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây-Đà Lạt. 
(56) Khu vực đối diện cảng Cát Lái của Sài Gòn. 
(57) Thuộc khu công nghiệp Ông Kèo. 
(58) Chỉ riêng kinh phí xây dựng phi cảng quốc tế Long Thành đã vào khoảng 6,6 tỉ Mỹ kim. Như vậy có thật sự cần thiết phải xây dựng 3 phi cảng quốc tế nằm san sát nhau như thế hay không?

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Nắng Xô Lệch Chiều


Nắng xô chiều ngã về đâu
Ngẩn ngơ gió lượn qua cầu lênh đênh
Lửng lơ con nước bập bềnh
Mượn vai gió gánh nỗi mình qua sông


Đợi chờ, người có về không ?
Sao buồn xếp lớp vào lòng liêu xiêu
Buồn lên mây trắng đỉnh chiều
Hình như có tiếng chim kêu lạc bầy

Bóng người còn thoảng đâu đây
Tiếng cười rơi giọt nắng gầy nhớ thương
Tóc xưa rẽ lối thiên đường
Còn bay ngây ngất mùi hương nồng nàn

Mùi hương má đỏ môi ngoan
Nụ hôn cuống quít vội vàng trao nhau
Thế rồi sóng ngã nghiêng cầu

Một ngày hờn dỗi lao đao chia lìa

Chờ người vàng vọt trăng khuya
Vầng trăng thao thức ngả về phương nao
Tai còn vương tiếng ngọt ngào
Lời yêu dấu hẹn trăng sao đâu rồi

Gửi em nỗi nhớ xa xôi
Tiếng chim ríu rít gọi người phương xa
Phương trời gió lạnh mưa nhòa
Biết ai dỗ ngọt trổ hoa môi cười

Chờ em mỏi cánh mây trôi
Về đi em, nhớ xô trời lệch mây
Thu về dòng lá me bay
Chờ vương mái tóc rơi đầy hương yêu

Trầm Vân

Chủ Nhật Buồn



Chủ Nhật Buồn

Bỗng thấy buồn tênh chủ nhật nầy,
Ngoài trời u ám gió cùng mây.
Con đường hiu hắt sương chiều xuống,
Góc phố im lìm bóng tối vây.
Đăm đắm mắt già, sầu lữ thứ
Lạc loài cánh bướm, luyến trần ai.
Vó câu ngày tháng trăng tròn khuyết,
Thơ ấu còn đâu nhớ ngập đầy!

Mailoc
5-27-18
***
Về Thăm Chốn Cũ

Ta trở về thăm chốn cũ này
Núi đồi mờ mịt giữa ngàn mây
Đường mòn uốn khúc theo triền đổ
Suối nhỏ ẩn mờ sau thác vây
Sương lũng mênh mang chiều lặng lẽ
Chim rừng khắc khoải giọng bi ai
Người năm xưa ấy giờ đâu nữa
Cảnh cũ còn lưu kỷ niệm đầy.

Phương Hà
***
Sầu Lữ Thứ

Ai hay đất hứa ở phương nầy
Năm chục tiểu bang khác gió mây:
Nắng ấm Cali nơi khác bão
Mưa dầm Texas nước trùng vây
Thương thân cao tuổi mờ sương khói
Trách phận ly hương tối bạn ai
Cổ máy thời gian qua lẹ quá
Xuân xanh mô nữa tủi vơi đầy!

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 05 năm 2018
***
Ai Hơn Ai --Lạc  Quan Đi!

Hôm khác chắc hơn "Chúa nhật nầy"!
Sự đời thay đổi tựa như mây
Trời còn có lúc mưa rồi nắng
Nước vẫn đôi khi cạn lại đầy
Hãy sống vui tươi đừng chán nản
và luôn cố gắng vượt trùng vây
Tháng ngày vút bóng câu qua cửa
Trong cõi đường trần ai biết ai!

Song Quang
5/31/2018
***
Vui Lên Chứ Cụ

Ôi hay sao lại gặp buồn này!
Chắc quá ưu tư cảnh gío mây?
Quên quách là xong- liền hóa bướm
Bỏ ngay khỏi bận-sẽ thêm vây…
Tung tăng khắp nẻo thây bi lụy
Thơ thẩn cùng nhau mặc oán ai
Chủ nhật càng vui bên cháu chắt
An chi lão giả tất đong đầy.

Thái Huy
31/5/18
***
Chủ Nhật Buồn

Buồn sao Chúa Nhật của nơi nầy
Yên ắng bầu trời trắng những mây
Nhà cửa im lìm chim biếng hót
Gia cư vắng lặng bướm lười vây
Thôn làng ngày cũ tìm đâu thấy
Xóm chợ năm xưa biết hỏi ai?
Dâu bể đổi thay người cảnh khác
Ngùi trông ảnh cũ nhớ thương đầy!!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ngày U Ám


Thiên tai sao sớm đến quê này
Chẳng chút nắng hồng chỉ xám mây
Vần vũ bão giông đang kín phủ
Đì đùng sấm chớp kéo nhau vây
Trẻ già khiếp vía tìm nơi ẩn
Đường xá vắng người chẳng có ai
Có phải trời dương oai dọa dẫm
Coi chừng ngập nước rác trôi đầy.

Quên Đi

***
Hoang Vắng

Thui thủi mình ên ở xó nầy
Đường về quê cũ trắng màu mây
Rừng sâu lối hẹp truông ngàn phủ
Lũng thẳm sông dài đá núi vây
Tối rượu ly mời trăng viễn thắm
Mai trà chén cụng bóng bi ai
Sương dầm tóc giữa lay bay gió
Vỡ mảnh chiều hoang rụng xuống đầy

Lý Đức Quỳnh

Bán Vé Số



Xướng: Bán Vé Số

Vé số mời mua sáng đến chiều
Người thì lịch sự kẻ hiu hiu
Anh chàng nhanh nhẩu tay vung vẩy
Bà ngoại hom hem bé phải dìu
Đèn đỏ ngã tư chìa mấy tấm
Khách nhàn quán cóc trổ nhiều chiêu
Thợ hòm từ thiện tiền đâu có
Thế cũng van nài quả thật hiu!

Cao Linh Tử

***
21/3/2018.
Hiu hiu: ba trợn ba nháng, bị mát điện, hai lơn rưởi chứ chưa tới ba lơn....

Hiu: không vững chắc, dễ bị đổ ngả, dễ vuột mất, đồng nghĩa với hẻo.cũng có nghĩa hơi khật khùng.

Những từ này có nghĩa được dùng như trên có lẽ chỉ mới xuất hiện trên dưới 30 năm nay thôi nên những ai sống ở ngoại quốc trước thời gian này có lẽ không biết.

Họa:

Vé Độc Đắc?

Tiệm rượu cây xăng mỗi buổi chiều
Tôi mua vé số kẻ buồn hiu (1)
Cầu may hy vọng anh phơi phới
Nguyện ước tương lai khách dập dìu
Máy móc tinh vi in mấy giấy
Con người ranh mảnh nghĩ bao chiêu
Ai ơi cơ hội mong sao trúng :
Độc đắc ô hô “phất” cứ “hiu”

Mai Xuân Thanh
Ngày 21 tháng 03 năm 2018
(1) kẻ dò vé số bị trật lất nên buồn hiu...!
***
Vé Số

Đi bán lang thang suốt sáng chiều
Nhiều khi ế ẩm dạ buồn hiu
Người mua hy vọng khi buồn nản
Kẻ tặng tình nhân lúc dập dìu
Khắc khoải đợi chờ mơ trúng bạc
Não nề phát hiện đoán sai chiêu
Trăm lần chọn vé chưa lần đúng
Chẳng lẽ phận ai cũng hẩm hiu ?

Phương Hà
***
Bán Vé Số

Lặn lội tinh sương tới xế chiều
Bán không hết vé số(mặt) buồn hiu
Người giàu ăn nhậu xài phung phí
Kẻ khó chi tiêu góp chắc chiu (đồng âm)
Trẻ nhỏ tung tăng mời mõi miệng
Bà già lụm cụm phải tay dìu
Thoáng nhìn thế sự lòng chua xót
Đời mãi phong trần dạ hẫm hiu

Song Quang

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Lăng Và Mộ Nguyễn Đình Chiểu, Ba Tri, Bến Tre.


Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1 tháng 7 năm 1822), tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Sài Gòn.

Ông xuất thân trong gia đình nhà nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Lớn lên, ông cưới vợ ở đây và đã có hai con (một trai và một gái). Mùa hạ, tháng 5 năm Canh Thìn (1820) Tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình Huế phái vào làm Tổng trấn Gia Định Thành. 
Đến đầu mùa thu, Nguyễn Đình Huy đi theo Tả quân, để tiếp tục làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn. Ở Gia Định, ông Huy có thêm người vợ thứ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, sinh ra bảy con (4 trai, 3 gái) và Nguyễn Đình Chiểu chính là con đầu lòng.
Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng.

Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Năm sau (1833), con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi, vì bất mãn đã làm cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi chiếm cả Nam Kỳ. Trong cơn binh biến, cha của Nguyễn Đình Chiểu bỏ trốn ra Huế, nên bị cách hết chức tước. Song vì thương con, cha ông lén trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi (1833) đến 18 tuổi (1840), thì trở về Gia Định.

Năm Quý Mão (1843), ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.

Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Lần này, ông cùng đi với em trai là Nguyễn Đình Tựu (10 tuổi).

Ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thân (31 tháng 12 năm 1848), mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ.


Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng. Trong thời gian nghỉ chữa bệnh ở nhà một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y, tuy bệnh không hết, nhưng ông cũng đã học được nghề thuốc. Lâm cảnh đui mù, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút... Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851, thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định). Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông có lẽ được bắt đầu sáng tác vào thời gian này.

Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới Lê Thị Điền (1835-1886, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, trước thuộc Gia Định; nay thuộc tỉnh Long An) làm vợ. Bà Điền là em gái thứ năm của Lê Tăng Quýnh, học trò ông, vì cảm phục và mến thương thầy, đã xin gia đình tác hợp. Truyện thơ Dương Từ-Hà Mậu của ông có lẽ được bắt đầu sáng tác vào thời gian này. 

Năm 1858, quân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Việt, họ vào Nam đánh phá thành Gia Định vào đầu năm 1859. Sau khi tòa thành này thất thủ (17 tháng 2 năm 1859), Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở Thanh Ba (Cần Giuộc), tức quê vợ ông. Vô cùng đau đớn trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào ông, và rất thất vọng về sự hèn yếu, bất lực của triều đình, ông làm bài thơ "Chạy giặc".


Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16 tháng 12 năm 1861), những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Khoảng mười lăm nghĩa sĩ bỏ mình. Những tấm gương đó đã gây nên niềm xúc động lớn trong nhân dân. Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất về tay Pháp, theo phong trào "tỵ địa", Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba (Cần Giuộc) về Ba Tri (Bến Tre), vì không thể sống chung với họ. Chia tay với bạn bè thân quen, ông làm bài thơ "Từ biệt cố nhân".

Về Ba Tri, ông tiếp tục dạy học, làm thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ suốt trong hơn 20 năm, dù đã mù lòa.

Năm 1863, em trai út ông là Nguyễn Đình Huân theo Đốc binh Là chống Pháp, hy sinh ở Cần Giuộc.


Tháng 8 năm 1864, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công là Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết ở Ao Dinh; xúc động, Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn để điếu ông.

Năm 1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông tổ chức đưa di hài nhà giáo Võ Trường Toản từ làng Hòa Hưng (Gia Định) về táng ở Bảo Thạnh (Ba Tri), Nguyễn Đình Chiểu có đến dự lễ rước.

Ngày 4 tháng 8 năm đó (1867), Phan Thanh Giản tuẫn tiết vì không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu có làm hai bài thơ điếu ông. Có thể ông bắt đầu soạn quyển thơ Ngư tiều vấn đáp nho y diễn ca trong năm này.

Năm 1868, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Tòng (còn có tên là Phan Ngọc Tòng) hy sinh, ông làm 10 bài thơ điếu.

Năm 1877, Nguyễn Đình Chiểu dời đến ở làng An Bình Đông (sau đổi là An Đức) cách chợ Ba Tri khoảng hai cây số.


Năm 1883, Tỉnh trưởng Bến Tre là Michel Ponchon đã đến nhà để yêu cầu ông nhuận chính quyển thơ Lục Vân Tiên, đồng thời ngỏ ý trao trả lại ruộng vườn của ông mà họ đã chiếm đoạt. Ông khẳng khái nói: "Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì", rồi khước từ mọi hứa hẹn giúp đỡ của chính quyền thực dân. Lại hỏi ý muốn riêng của ông, ông đáp "muốn tế vong hồn nghĩa sĩ Lục tỉnh", và được viên Tỉnh trưởng chấp thuận. Sau đó, ông tổ chức lễ tế tại chợ Ba Tri, và đọc bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh".

Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất lúc 51 tuổi. Buồn rầu vì vợ mất, vì cảnh nước mất nhà tan đã bấy lâu, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng, hai năm sau, ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (3 tháng 7 năm 1888), Nguyễn Đình Chiểu cũng qua đời tại Ba Tri, thọ 66 tuổi. Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ ông.

Ông được an táng cạnh mộ vợ, nay thuộc ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre


(Nhiếp ảnh gia - Biện Công Danh)

Bài Viết:  trích từ wikipedia.org
Hình Ảnh: Biện Công Danh


Khúc Nhạc Ánh Trăng


(Moonlight Sonata. Beethoven)

Sonata trườn mình trên phím nhạc
Ánh trăng ngà trải sóng nhịp chơi vơi
Từng ngón tay lã lướt khắp khung trời
Từng giây phút chập chờn du vào mộng.
Beethoven, Người về từ cổ độ
Ánh huy hoàng rực sáng tỏa chân mây
Vùng thanh âm tràn ngập thế gian này
Hồn mở cánh bay lên tầng thanh khiết.
Bóng Hằng-nga lung linh trùng bóng nguyệt
Khúc Nghê-thường hòa khúc Sonata
Cõi Thiên-tiên hội nhập cõi Ta-bà
Vũ trụ ẩn dưới bàn tay nhân thế.
Giòng sông trăng ảo huyền trôi miên viễn
Những giọt sương chầm chậm rỏ lên nguồn
Chảy ven rừng vào mạch suối đang tuôn
Chợt nhảy múa trên cung đàn giéo giắt.
Trăm-chín-mốt năm thiên tài âm nhạc
Beethoven mất đi nhưng để lại cho đời
Những nốt nhạc dát hạt ngọc sáng ngời
Qua nhiều tác phẩm lừng danh muôn thủa.
Moonlight Sonata hai-trăm-mười bảy tuổi
Giòng sông trăng bàng bạc chảy giữa đêm thâu
Phím dương cầm ngân vọng những thanh âm
Cho nhân loại cùng thiên nhiên hoà nhịp điệu.

ChinhNguyên/H.N.T. 
 Mar.26.2018
(Kỷ niệm thiên tài âm nhạc L.V.Beethoven,Dec.16.1770-Mar.26.1827)
 Theo Wikipedia,Moolight Sonata (S.No.14)gồm có 3 phần:
I-Adagio sostenato, II-Allegretto(3/4), III-Presto agitato(C).

*Phần đầu(6m) chậm,nhịp điệu khoan thai được ưa chuộng nhất.
Tìm YouTube:Beethoven-Moolight Sonata,5min59sec hoặc đặc
biệt <Beethoven Sô nat Ánh Trăng- Music&Painting Published on
Nov 28.2016-51m.59> chơi liên tục 10 lần bằng Video có hàng
trăm tranh cảnh đêm trăng rất đẹp.

*Phần hai(2m) uyển chuyển...

*Phần ba(8m)có nhà phê bình cho rằng quá nhanh và dữ dội
không phù hợp với giai điệu 2 phần đầu,vì thế nhiều người chỉ
nghe có phần đầu(6m)cũng đã cảm nhận rằng phần đó đúng và
đủ để được coi là một tác phẩm tuyệt vời.Tuy nhiên nếu nhẫn nại
nghe nốt hai phần sau mới có được nhận định xác thực về cái
hay tổng thể của Moolight Sonata].


Quỳnh Là Em(Phần 1)


Bài Xướng:
Quỳnh Là Em

Ta ngỡ quỳnh hoa bóng dáng Em
Áo tơ trắng nõn dưới trăng thềm
Dịu dàng theo gió, hương lan nhẹ
Óng ả như mây, tóc xõa mềm
Tâm trạng xuyến xao giờ hạnh ngộ
Ánh nhìn lưu luyến lúc trao duyên
Rưng rưng mắt lệ khi từ biệt
Ray rứt lòng ai vạn nỗi niềm.


Sông Thu
( 09/05/2018 )
***
Các Bài Họa
Bước Chân Anh

Ở chốn chân trời anh nhớ Em
Trăng khuya lặng lẽ chiếu bên thềm
Mười năm phiêu lãng đâm buồn nhẹ
Năm phút thương yêu chợt yếu mềm
Xa cách muôn trùng quên ước hẹn
Chia lìa vạn dặm bặt tơ duyên
Đang mùa Xuân tới còn dong ruổi
Vẫn bước phiêu lưu, cứ một niềm.

Trịnh Cơ Paris
***
Nhớ Em...!

Thổn thức cùng trăng nỗi nhớ em...
Lá rơi xào xạc thoảng bên thềm.
Mơ chân son bước đài sen nở.
Tưởng áng mây buông suối tóc mềm.
Ánh mắt dịu dàng khi tỏ ý.
Hương môi nồng đượm lúc hòa duyên.
Sương khuya thấm đẫm bờ vai lạnh
Ôm ấp hồn đơn mãi chạnh niềm.

Trúc Lệ Trần Lệ Khánh. 
 9-5-2018.
***
Vẫn Chờ Em

Một mình lặng lẽ ngóng chờ em
Dạ mến thương hoa đợi trước thềm
Gió nhẹ yêu người nâng cánh mỏng
Trăng khuya lén bạn ngắm môi mềm
Trầu xanh vôi đượm nguyền tơ tóc
Mộng thắm hương nồng ngỡ nợ duyên
Nàng đến rồi đi... hồn bịn rịn
Chừ đây vò võ khát khao niềm!

Như Thu
***
Hẹn Quỳnh

Hẹn rằm nguyệt tỏ đón mừng em
Hồi hộp chờ thời,lúc thuận duyên
Nụ hé êm đềm bên ngọc trướng
Đài bung từ tốn cạnh lan thềm
Gió lay nhè nhẹ đưa hương ngát
Trăng dõi lung linh lướt áo mềm
Khuya lắm thôi rồi...giờ tạm biệt
Hồn ngây...lưu luyến một đôi niềm

Thanh Hoà

***
Dáng Em

Đây đóa Tường Vy, bóng dáng em
Mong manh lặng lẻ nép bên thềm
Sắc hương tinh khiết, màu êm thắm
Hoa lá nõn nà, cánh dịu mềm
Một thoáng yêu đương, vui số phận
Trăm năm gắn bó, đượm tình duyên
Lời thề ước hẹn theo năm tháng
Tuổi hạc buồn vui trãi lắm niềm

Thanh Trương
***
T
ình Muộn

Anh ở phương nầy luôn nhớ em 
Dáng hoa thanh thoát tỏa bên thềm 
Ngất ngây ngây ngất làn môi thắm 
Vương vấn vấn vương suối tóc mềm 
Hạnh phúc nổi trôi câu số phận 
Hương thề tan hợp chữ cơ duyên 
Mây ngàn gió núi không ngăn cách 
Em đó anh đây chung một niềm 

Toronto 9/5/2018
Nguyên Trần
***
Đ
êm Say

Sương lạnh đêm tàn đón đợi em
Quỳnh thơm hé nở trắng bên thềm
Nàng nghiêng dáng mộng đưa hương dịu
Ta ghé môi say dạo cánh mềm
Nguyệt tỏ mơ màng thêm đượm ý
Gió vờn man mác thắm hoà duyên
Cho hồn thanh thoát giây huyền ảo
Dẫu có phôi pha vẫn cạn niềm

Minh Thuý
Tháng 5_2018
***
Ngang Trái

Chạnh lòng tôi nhớ đến người em
Thờ thẩn chờ ai đứng trước thềm
Chẳng thiết điểm trang, son phấn nhạt
Không màng trau chuốt, mắt môi mềm
Đôi phen rạo rực mơ ngày cưới
Lắm lúc nôn nao mộng kết duyên
Số phận trái ngang nào trọn ước?
Đắng cay phải chịu biết bao niềm!

Thục Nguyên

***
Qu
ỳnh Mãi Là Em

Quỳnh hoa chung thủy mãi là em
Gửi gió cùng trăng mát rọi thềm
Ấp ủ hương lành thơm tóc rối
Nâng niu cánh đẹp dịu vai mềm
Đớn đau khắc nghĩa dù tươi phận
Hạnh phước trao tình cứ thắm duyên
Mới tỏa bình minh đành vội dứt
Để ai sầu khổ biết bao niềm.

Phan Tự Trí
( 10/05/2018 )
***
Qu
ỳnh Hương
(Ngũ độ thanh)

Ta ngồi bậu cửa ngắm hoài em
Nguyệt cũng thầm mơ ở cuối thềm
Dáng nuột nà khoe đằm ngõ nhỏ
Hồn ngơ ngẩn đọng thắm hoa mềm
Tuy rằng mộng gửi vào trăng gió
Vẫn chỉ đêm chờ kết phận duyên
Hỡi kẻ chung tình còn mấy đợi
Quỳnh hương mãi tỏa ngát bao niềm.

Nguyễn Gia Khanh
***
Nhớ


Hằng đêm thao thức vọng về em
Dõi bóng trăng thanh rọi trước thềm
Nhớ lúc sương khuya loang tóc ướt
Thương khi nắng xế phủ vai mềm
Trọn đời hương lữa thề chung phận
Mãn kiếp đá vàng ước vẹn duyên
Biền biệt phương trời ai thấu hiểu
Trăm năm lỡ hẹn có chung niềm?.

Trần văn Hạng

***
Hương Đêm
"họa 4 vần"

Thẫn thờ bóng nguyệt ghé tìm em
Lả lướt trầm tư vói xuống thềm
Vằng vặc cành trăng lùa gió nhẹ
Thơm tho cánh nhụy nhả hương mềm
Tội tình ong bướm van khuya sớm
Tâm tưởng dạ quỳnh khép nửa đêm
Thao thiết viên sương nằm ngắc ngoải
Nắng lên hấp hối biết bao niềm

Lê Đăng Mành

Quỳnh Là Em (Phần 2)



Bài Xướng:
Quỳnh Là Em

Ta ngỡ quỳnh hoa bóng dáng Em
Áo tơ trắng nõn dưới trăng thềm
Dịu dàng theo gió, hương lan nhẹ
Óng ả như mây, tóc xõa mềm
Tâm trạng xuyến xao giờ hạnh ngộ
Ánh nhìn lưu luyến lúc trao duyên
Rưng rưng mắt lệ khi từ biệt
Ray rứt lòng ai vạn nỗi niềm.


Sông Thu
( 09/05/2018 )
***
Các Bài Họa
Ước Bao Niềm

Đêm dài lặng lẽ nhớ về em
Gió lạnh canh khuya thổi lộng thềm
Ngắm ánh sao trời thương mắt biếc
Nhìn trăng cổ độ nhớ vai mềm
Bao năm trăn trở mong tương ngộ
Mấy thuở mơ màng hẹn tái duyên
Xóm cũ chừ đây ngàn dặm ngóng
Đường xưa lối cũ ước bao niềm .

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm 
 10.5.2018.
***
Quỳnh, Tên Ngày Ấy! 

Tám chục , mũm rồi vẫn cứ « Em »
Phải chăng thích nhớ thưở bên thềm.
Người ngồi sàng gạo làn tay khéo
Kẻ đứng tìm hơi mái tóc mềm.
Ma bắt quỷ tha , tình hóa nợ
Trời ưng đất thuận , nghĩa nên duyên.
Quỳnh , tên ngày ấy dường quên lãng
Lọm khọm bên nhau ! « Mẹ cái niềm » !

Trần Như Tùng
***
T
ình Còn Mãi

Tình riêng chạnh nỗi nhớ về Em
Cứ mỗi đêm trăng ánh trước thềm
Thuở ấy xuân xanh sao dạ bướng
Thời nầy tuổi bạc xót lòng mềm
Thành rêu mái ngói nhà in dáng
Ngõ trúc đường cây bóng đặm duyên
Vẫn mãi dung nhan người gái nhỏ
Còn đây sống lại biết bao niềm.

Hải Rừng

9/5/2018
***
Lạnh Chén Trăng Quỳnh

Lạnh chén trăng quỳnh bởi nhớ Em
Lìm im tượng gỗ đợi bên thềm
Hương thơm chẳng sánh mùi da mịn
Cánh nõn nào so suối tóc mềm
Vạn thuở chia ly sầu mệnh số
Đôi lòng gặp gỡ cảm thiên duyên
Trong tim hạnh ngộ là miên viễn
Dẫu biết còn sau chát đắng niềm

Lý Đức Quỳnh
***
Nuối Quỳnh

Hiện trong ảo ảnh bóng hình em
Như mộng, như mơ thoảng trước thềm
Kỷ niệm ngày xưa ùa gợi nétNgôn từ 
năm cũ rủ khơi duyên
Liêu trai phấn khích làn hương ngát
Lả lướt khoan thai những bước mềm
Canh cuối đóa quỳnh chờ nở muộn
Nhắc tình dang dở, nuối bao niềm

Cao Bồi Già
10-05-2018
***
Thì Thầm Với Hoa

Hài sen nhè nhẹ đến bên thềm
Hương thoảng dịu dàng theo bước em
Trắng muốt nụ quỳnh phô cánh mỏng
Xanh lơ màu mắt đọng sương ̀mềm
Cho trăng hạnh phúc say hồn mộng
Để sợi ân tình buộc mối duyên
Nếu lỡ...mai sau đời trắc trở...
Còn hoa...còn nguyệt...gợi bao niềm!

Thy Lệ Trang
***
Liên Tưởng

Đúng buổi tỏ tình… lạ nhỉ, em!
Quỳnh dâng hai đóa nở bên thềm
Hoa: Hương thoang thoảng, lòng xao nhẹ
Em: Tóc buông lơi, gió vuốt mềm
Hoa nọ qua bao giờ với khắc?
Đôi ta vượt mọi nỗi cùng niềm!
Thương quỳnh phận mỏng trong tăm tối
Dựa đấy răn mình chớ phụ duyên!

100518.
Đoàn Đình Sáng
***
Mai Cũng Là Em

Dù ở phương nào cũng nhớ em
Em là mai thắm đứng bên thềm
Thềm hoa gót nhẹ ru đời mộng
Mộng ước Xuân về kết mối duyên
Duyên dáng thướt tha cành ẻo lả
Lả lơi kiều mị cánh thon mềm
Mềm lòng xứ lạ hay mơ tưởng
Tưởng Tết quê Cha đọng nỗi niềm

Song MAI Lý Lệ
5/10/18
***
Mộng Quỳnh

Giấc mộng đêm rồi chợt thấy em
Khoan thai lã lướt bước qua thềm
Vầng trăng thấp thoáng vườn thơ mộng
Bóng dáng yêu kiều sắc hữu duyên
Thon thả hoa bung từng cánh mỏng
Lung linh nhụy toả sợi tơ mềm
Thời gian dừng lại sao nhanh thế
Nàng đến rồi đi ta chạnh niềm !

Thiên Hậu***
Hoạ Tá Vận:
Hoa Mộng

Vườn hồng nảy nở khơi tình nước
Biển cả xôn xao trỗi vạn niềm
VƯỜN mộng nồng nàn trải bóng em
HỒNG hoa, nàng Nguyệt bước lên thềm
NẢY sinh dáng ngọc ngàn bông thắm
NỞ rộ dòng thơ vạn cánh mềm
KHƠI biển công minh ngời ước vọng
TÌNH yêu sáng tỏ đẹp nhân duyên
NƯỚC non chính nghĩa luôn hoài vọng
BIỂN CẢ XÔN XAO TRỔI VẠN NIỀM.

Đức Hạnh

Tân Hiệp

(Tân Hiệp)

Trên đường Nam Tiến, tôi chỉ gặp những địa danh: Tân Hiệp. Tân An, Hiệp Hòa, Đức Hòa, Hòa Thịnh, An Hòa, An Lạc, An Hữu, An Bình, Thuận An, Tân Thuận, Vĩnh An, Tân Thuận, An Hảo, Vĩnh Hảo…
Tìm đỏ con mắt mới thấy Việt Nam có cái tên Thắng duy nhất ở mãi Bắc Giang, ngoài Bắc!

Thế mới biết dân Việt mình ưa hòa bình, An Lạc! Không hung hăng, hiếu chiếu, bỉ ổi, lừa lọc như anh chàng Trung Quốc. Thảo nào người Pháp cứ gọi cái trò bỉ ổi là trò Chinoiserie!!!
Hôm nay tôi xin trình diện cái giồng Tân Hiệp, đình Tân Hiệp ở Bắc sông Tiền.
Đây là điểm tập kết cực kỳ quan trọng của người Việt trước khi vượt sông Tiền, rồi sông Hậu … hoàn thành cuộc Nam Tiến!
Tôi xin nói ngay(xin quí vị đừng vội chửi)là có hồi Vĩnh Long đặt thủ phủ ở đây!
(Vĩnh Long)

Thứ nhất là trong hiệp ước trước có mục là: Pháp sẽ trả thành Vĩnh Long cho ta sau khi đã dẹp xong các loạn ở ba tỉnh miền Đông. Sau đó không hề có việc Pháp trả lại thành này. Vậy sau này Pháp hạ thành Vĩnh Long, cụ Phan tự tử, thì là cái thành Vĩnh Long khác! Không phả cái thành ở chỗ cũ(!)

Thứ hai: Khi tầu Pháp vô cửa Tiểu thì Tổng Đốc Nguyễn công Nhàn bỏ thành Vĩnh Long … chạy! Cái thành Vĩnh Long này phải ở Tân Hiệp, Giồng Thành chứ không ở thành Vĩnh Long sau này! Tầu Pháp đi đâu có chậm. Nó tới cửa Tiểu thì ở Vĩnh Long (sau này )chưa biết tin đâu? Hơn nữa hai cơ Kiên Hùng, Kiên Dũng mà công Nhàn có trong tay là những lính cơ Đồn Điền ở vùng trên đó.
(Định Tường)

Thứ ba: Vùng Giồng Thành - Chợ gạo là địa bàn chính thời đó! Tài liệu Ngàn Năm Bia Miệng của Huỳnh ngọc Trảng cũng như các tài liệu khác đều nói chùa Vĩnh Tràng ở Vĩnh Long! Ôi! Tôi đố các nhà khảo cứu tìm thấy cái chùa Vĩnh Tràng ở tỉnh Vĩnh Long sau này!!!

Thứ Tư: Thời đó đặt từng Hai Tỉnh một. Vĩnh Long đi liền với Định Tường. Tổng Đốc ở Vĩnh Long, Tuần Phủ ở Định Tường! Hai ông ở cách nhau không tới 5km đâu!!!(chứng cớ là Tuần Phủ Bạch Xuân Nguyên bị giết, Tổng Đốc Quế tới cứu liền sau đó và cũng bị giết.)
Tôi nhấn mạnh là Tổng Đốc, Tuần Phủ… Phủ… Huyện đều gần nhau(không tới 10 cây số) dĩ nhiên không đủ tri phủ, tri huyện cho nên mới Kiêm Trị… Tính Nhiếp… !!! Những nơi xa thì Cai Tổng, trưởng Phum, Sóc đa số là người Miên, người Việt phiêu lưu còn ít lắm!!!

(Mỹ Tho)

Sau này người Pháp đặt tỉnh Định Tường ở Chợ Gạo! Trong khi cái chỗ gọi là Mỹ Tho sau này còn hoang vu, chỉ là một cái Trạm để chuyển tin, đưa tin: Điều Hòa Giang Trạm (cái trạm trên sông ở xã Điều Hòa)
Tóm lại, trước khi người Pháp tới, ta sinh tụ, bén rễ ở Tân Hiệp, Giồng Thành, xã Vĩnh Bình(huyện Vĩnh Bình hồi xưa chăng), khu chợ gạo sau này, khu Vĩnh Tràng sau này! Thời cụ Diệm đặt Vĩnh Bình ở Trà Vinh, chứ hồi đó vùng Trà Vinh đâu có tên Vĩnh Bình nào đâu???

(Trà Vinh)

Chính tại khu này, sau Nam Tiến lập nên hai tỉnh Mỹ Tho và Vĩnh Long. Mỹ Tho tây tiến. Vĩnh Long Nam Tiến với thành phố và toàn tỉnh ở phía Nam sông Tiền!
Tôi định tới Đình Tân Hiệp mấy lần mà chưa đi được. Thường Đình Làng người ta ghi tên các vị Tiền Hiền: Tiền Hiền Khai Cơ, Hậu Hiền Khai Khẩn!
Ôi! Thật là đau lòng khi ngày nay người ta không nhớ ơn các vị Tiền Hiền!

Chân Diện Mục
5-6-2018

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Tân Cổ Vọng Cố Hương - Tác Giả Thanh Diệu - Kim Trúc


Tác Giả: Thanh Diệu 
Tiếng Hát: Kim Trúc  

Hẹn Tìm Nhau



Nở đóa yêu thương phép diệu huyền
Ấm lòng an ủi lúc cao niên
Cho mà mong đợi gì cho lại
Nhận vẫn hoài nghi khó nhận liền
Nếu chẳng chờ nhau từ vạn cổ
Thì đâu xúc cảm phút đầu tiên
Người đi kẻ đến tìm nhau mãi
Đã gặp dù sơ chớ để phiền.

Cao Linh Tử
23/2/2018

Tình Mơ


Bài Xướng
Tình Mơ!
"Thể Toán Thi"

Đêm rằm trăng tỏ nhớ người thương
Nửa mảnh tình riêng nhuốm bụi đường
Sum hợp hai nhà tâm mãi ước
Tung hoành bốn biển dạ còn vương!
Chập chờn sáu khắc ai nào hiểu?
Thao thức ba canh bậu hẳn tường?
Đôi tám theo chồng sang xứ lạ
Gắng tìm em gái dẫu ngàn phương!

Như Thu
***
Các Bài Họa:
Ký Ức Mùa Hạ Cháy

“Thể Toán Thi - NĐT"

Bao mùa kỷ niệm nhắc mà thương
Sợ hãi người lao mấy nẻo đường
Một thuở tìm con hoài vẫn nhớ
Ba miền hỏi Mẹ mãi còn vương
Vì do bốn đại chưa bình tĩnh
Cũng bởi năm hành* khó tận tường
Thắp hỏa châu nhiều đêm lễ lạy
Tâm này nhóm lửa phụng mười phương.

Như Thị
*Ngũ hành
Ngũ hành có nghĩa là 5 hành
1. Bố thí hành
2. Trì giới hành
3. Nhẫn nhục hành
4. Tinh tiến hành
5. Chỉ quán hành
***
Chung Tình!
"Thể Toán Thi"

Mấy thuở chung tình thấy rõ thương
Còn lo cuộc sống khổ trăm đường
Ba chìm đáy bể nào bối rối
Bảy nổi tơ lòng mãi vấn vương!
Một dạ là hơn rằng phải biết
Hai lòng xin miễn ráng cho tường
Nửa đời tóc dẫu pha màu bạc
Hễ gặp chi buồn vái tứ phương!

Phan Tự Trí
***
VọngTình Xa...!
"Thể Toán Thi"

Em sáu bảy mong gửi nỗi thương...
Chàng ngàn khơi biếc vạn cung đường
Bốn mùa tiếp nối tâm nhung nhớ 
Tám tiết đổi thay dạ vấn vương 
Rằm sáng đôi đầu vui chụm mái
Tơ cung ba nhịp giảng am tường 
Giờ Hai thân cách trời thăm thẳm
Vọng nửa ân tình ngút ngút phương..!

Trúc Lệ Trần Lệ Khánh
17-4-2018

***
Tình Sầu
"Thể Toán Thi"

Mười sáu trăng tròn gợi tiếc thương
Chia tay đôi ngã khó phân tường!
Ngàn đêm...kỷ niệm còn giăng mắc
Nửa kiếp...tơ lòng mãi vấn vương
Vạn dặm người say đời lữ khách
Muôn trùng em khóc mộng đơn phương
Bốn mươi năm lẻ hoài mong đợi
Một mảnh tình rơi ở cuối đường!

Thy Lệ Trang
***
Tình Vọng
"Thể Toán Thi"

Cách trở hai nơi vẫn nhớ thương
Dầu cho mưa nắng khó muôn đường
Vầy duyên đắp mộng lòng trăm ước
Thỏa ý xây mơ dạ vạn vương
Bứt rứt năm canh người nỏ biết
Bồi hồi sáu khắc bạn đâu tường
Đường trăng ngõ mộng đôi nơi đợi
Ngóng bậu ngàn khơi nguyện bốn phương.

Hương Thềm Mây
Nguyễn Đình Diệm
17.4.2018
***
Tình Nhớ
( Thể Toán Thi )

Một mảnh trăng sầu gợi luyến thương
Người yêu nay đã cách đôi đường
Nửa hồn tắt lịm trong nhung nhớ
Muôn kiếp chia lìa giữa vấn vương
Sáu khắc nhìn mây qua trước ngõ
Năm canh dõi bóng rọi trên tường
Mười chờ chín đợi ngàn cay đắng
Đâu cánh chim trời lạc bốn phương?

Sông Thu
***
U  Tám Tuổi Già

"Thể Toán Thi"

Thức giấc nửa đêm thật thảm thương

Một thân gầy héo nhớ thiên đường
Ngày ba khiến mợ còn lưu luyến
Đêm bảy nên chàng mãi vấn vương
Trăm mối bận lòng, em có biết
Vài chiêu lấy lệ, bậu am tường
Đêm trường giá lạnh, đôi đơn chiếc

U tám tuổi già, mãi lẻ phương.


Người Nay
***
Nửa Đời
(Thể toán thi)

Đôi mình,hai bóng lệ ngùi thương
Biền biệt người đi một nẻo đường
Ước mộng,bao làn tơ ảo kết
Mơ mòng,lắm điệp khúc sầu vương
Thương hồn nép cửa rằm u tịch
Nhớ thủa dòm song nguyệt tỏ tường
Lạnh lẽo muôn trùng im ỉm vắng
Nửa đời hóa đá phía cô phương

Lý Đức Quỳnh
***
Nỗi Niềm


Nửa giấc mơ tàn gợi nhớ thương
Chiều xưa tiễn biệt đứng bên đường
Nhìn trao bốn mắt buồn lưu đậm
Nắm trọn đôi tay khổ vấn vương
Anh đủ hai mươi nhưng đã biết
Em đang mười tám cũng am tường
Tình yêu thời chiến ba chìm nổi
Vẫn ngóng tin người biệt tứ phương

Minh Thuý
Tháng 4_2018
***

Tình Nhớ

(Mượn vận bài xướng "tình mơ" của Như Thu)

HAI ta cách trở mấy cung đường
MỘT mảnh hồn thơ dạ vấn vương
TRĂM mối tơ lòng cho kẻ nhớ
NGÀN đêm thao thức bởi người thương
Yêu ĐẦU từ thuở còn e then
Tình CUỐI giờ đây đã tỏ tường
NỬA kiếp phong sương buồn viễn xứ
Từ khi cất bước sng ĐƠN phương


Song Quang
4/18/18
***

Xin Đừng Xa Nhau
(họa vận)

Đó đây qua một nhớ mười thương
Bậu hứa bâng quơ năm bảy đường
Từng phút, từng giây đàn điệu lạc
Mỗi chiều, mỗi sáng nhện tơ vương
Bà con mấy xóm đều thông cảm
Tía má đôi bên đã tỏ tường
Duyên nợ ba sinh chi phải thẹn
Hãy cùng chắp cánh dạo muôn phương

Ngô đình Chương
***
Tình Nghèo
thể toán thi
Nửa tấc quê nghèo một tấc thương
Đôi ta duyên phận gắn chung đường.
Trồng năm sào lúa đời luôn bận
Nuôi sáu nong tằm sợi cứ vương.
Tám chữ nàng ngâm ưa rải bếp
Bảy câu ta họa thích treo tường.
Ba khoai hai gạo nhà êm ấm
Tiếng hát câu hò gửi bốn phương .

Trần Như Tùng
***
Đời Người
"Thể Toán Thi"

Bảy chín năm rồi ngập nhớ thương
Ba chìm lặn lội khắp muôn đường
Hai quê nặng nghĩa luôn mong ước
Một chốn đầy tình mãi vấn vương
Sáu khắc bồn chồn không kẻ biết
Năm canh thổn thức chẳng ai tường
Đời người cực khổ lo trăm thứ
Vạn kiếp cơ hàn vái tứ phương.

Hoàng Từ
19-4-2018
***
Xa Vời

“Thể Toán Thi”

Mười năm tình cũ mãi yêu thương
Một kiếp phiêu lưu khắp nẻo đường
Hai cảnh chia lìa còn luyến nhớ
Ba sinh tan hợp vẫn tơ vương
Bốn mùa Đông gợi lòng nào thấu
Sáu độ Thu qua dạ có tường?
Ngàn cánh chim bay về lối mộng
Muôn trùng tiếp nối cảnh tha phương.

Trịnh Cơ
Paris 21/04/2018