Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Cô Gái Miền Nam - Thơ: Hoàng Phượng - Nhạc: Mai Hoài Thu - Ca Sĩ: Hoài Phương


 Thơ: Hoàng Phượng
Nhạc: Mai Hoài Thu 
Ca Sĩ: Hoài Phương

Hạ

 

Hạ về phượng đỏ thắm trên cây
Văng vẳng ve vang khúc gọi bầy
Nhớ bóng người xưa lòng bổi hổi
Thương tà áo trắng dáng thơ ngây
Tình riêng gởi gấm vào lưu bút
Kỷ niện mang theo với tháng ngày
Thế sự mặc tình say hoặc tỉnh
Nguồn yêu muôn mãi vẫn khơi đầy.


Bằng Bùi Nguyên

Món Ngon Đất Sài Gòn

 

Mấy mươi năm lưu lạc tha phương
Tôi từng ăn món ngon các nước
Không đâu bằng món của quê hương.
Bạn ngồi xuống đây, nghe tôi kể
Những món ngon của đất Sài Gòn:

ĂN SÁNG.

Người Việt và người Hoa ăn sáng,
Hủ tiếu, Phở là món thông thường.

HỦ TIẾU.

Chợ cũ có Hủ tiếu Thanh Xuân
Chợ Lớn, có quán Bà Năm Sa-Đéc
Hủ tiếu Bà Năm ngon đặc biệt.
Trên mặt rắt bột tôm khô chấy
Thêm cục xíu quách heo béo ngậy
Tô nước lèo thơm phứt, trong ngần.
Một tô hủ tiếu chưa thấy đủ,
Ăn thêm bánh bao hiệu Cả Cần.

PHỞ.

Sài Gòn rất nhiều nơi bán phở:
Trong hẻm rạp chiếu bóng Ca Thay
Ở cổng sau Nhà thương Chợ Rẫy
Đường Pasteur, Tân Định, Sài Gòn.
Quán Phở Quyền, Tân Bình (Gia Định)
Khách của quán, phần đông là Lính.
Vì ở gần Bộ Tổng Tham Mưu.
Phở gà Pasteur nổi tiếng rất ngon!
Nước lèo trong veo, thơm nứt mũi
Thịt gà giai, đồ lòng, trứng non.

QUÁN NHẬU

Công, tư chức sau giờ tan sở
Không về ngay, ăn cơm với vợ
Rủ nhau đến quán nhậu bình dân:
Bên Khánh Hội, Quận Tư Đô Thành
Trong giữa chợ có quán “Tư Xanh”
Món ruột, ngọc Dương hầm thuốc Bắc.
Lâu lâu đổi món một lần
Đa Kao, Quận nhứt, ở gần Nghĩa Trang
Thịt thỏ nấu với rượu vang
Món ngon quán nhậu "Trường Cang"thịt rừng.

Chợ Lớn, Quận Sáu, Phú Lâm
Có quán"Bảy Lọ"nổi danh một thời
Dân nhậu đến từ khắp nơi
Ăn rùa rang muối, lương um nước dừa
Cua lột, đùi ếch chiên bưa
Chén Cha, chén Chú , nắng mưa bất cần.

BÒ BẢY MÓN

Bò bảy món nổi tiếng Sài Gòn
Có Bar Golac, Duyên Mai, Ánh Hồng
Bò tái ăn với mắm nêm
Nhậu một xị đế, say quên đường về.

Sài Gòn nhiều hạng nhà hàng
Trung lưu, lao động, cao lầu hạng sang.
Trước hết, kể quán trung lưu,
Ở bên Gia Định, xóm cầu Băng Ky
Quán Trung Thành, bếp Nam Kỳ
Gà xào xả ớt, canh gà lá vang
Cá chiên, cá hấp, cua rang
Thịt kho, dưa giá, tôm càng kho rim
Khách mến chủ quán, Ba Kiêng
Gần xa đổ đến mỗi đêm hết bàn.
Sài Gòn, đường Tạ Thu Thâu,
Quán ăn Thanh Thế từ lâu nơi nầy
Thanh Thế nổi tiếng món “Suông”
Một lần thưởng thức, nhớ luôn trọn đời.

Chuyên Ký, cơn Tàu bình dân
Thực khách, lao đông, thợ, thầy
Cũng đều có đến quán nầy ăn trưa.
Cá mặn chưng với thịt bằm
Cơm thố, và cơm tay cầm
Thêm canh thuốc Bắc hầm gà ác đen.

Quận Nhì, có quán “Tài Nam”
Quán nầy đông khách Mỹ vào ăn trưa
Pizza là món Mỹ ưa
Gà quay lò điện, đuông dừa chiên bơ.

Sang qua chuyện quán lộ thiên
Thực khách ngồi xỗm ngay trên lề đường
Hồng Thập Tự, thuộc Quận Ba
Cháo lòng, cháo vịt, cơm gà rôti.
Khách hàng: tài xế Taxi
Cyclo, lao động, và phu sửa đường.

QUÁN NHẬU XA.

Công Tư Chức Sài Gòn làm việc mệt
Mãn sở, muốn thư giãn tinh thần
Muốn hóng gió vùng ngoại ô xa
Họ lái xe lên tận Biên Hòa
Đến những quán nhâu bên bờ sông
Vừa hóng gió và vừa thưởng thức
Cá hấp beer, với xôi chiên phồng.
Bao Năm lưu lạc nước ngoài,
Món ngon quê Mẹ nhớ hoài, không quên.
Thổ công ăn nhậu đất Sài Thành,

Trần Công/Lão Mã Sơn


Gửi Người Bình Đại

 

Chưa một lần ghé quê em Bình Đại

Ngắm hàng dừa soi bóng nước Ba Lai

Phà Bình Tân chiều nay còn chuyến muộn

Hay đã về tay vẫy một bàn tay...

 

Bao nắng gió chắc giờ đây thắm mặn

Hôm em về đưa tiễn mắt in sâu

Bờ mi thấp mênh mông đồng Bưng Lớn

Nụ hôn đầy da thịt mãi về sau

 

Chưa một lần ghé quê em Bình Đại

Ngày đưa dâu chắc rộn rã vô cùng

Không ai nhớ có người còn mãi đợi

Phía Hàm Luông ngồi nhớ chuyện trăm năm...

 

Ngày nối tháng nhiều hôm qua Thạnh Phú

Chiều loanh quanh con đường vắng thưa người

Gió biển mặn thổi dài theo Cồn Bửng

Mùi hương người còn đó vết son môi

 

Xin giữ lại chút tình yêu có được

Dù mai này tóc bạc trắng chân mây

Con nước nhỏ theo mưa về cửa Đại

Thương chuyến phà và nỗi nhớ còn đây...

 

Durham, North Carolina

Nguyễn Vĩnh Long


Hương Xưa-Bến Chiều - Hương Xưa-Nắng Chiều

Bài Xướng:

Hương Xưa - Bến Chiều

Bỗng dưng đếm bước trong chiều
Vó câu chợt thoáng nghe hiu hắt lòng.
Ngàn mây từ cõi phiêu bồng
Bờ nhân ảnh, có phương hồng cỏ hoa.!
Đường chiều giăng mắt mù sa
Gót phong trần giữa bóng tà huy bay.
Thực-hư một giấc mơ gầy
Nhục-vinh mấy cuộc buông tay kiếp người.
Rồi nước chảy, rồi mây trôi,
Cuộc cờ thế sự buồn vui vẫn là...!
Rồi nắng sớm, rồi chiều sa,
Nghĩ cho thân phận người ta sớm chiều.
Thế mà lòng ước mơ nhiều
Những khi mộng tưởng trăm điều lo toan.
Thế mà những giấc mộng con
Đêm dầy đè nặng lên hồn hoang vu.
Hay đâu trong cõi mịt mù,
Còn lơ mơ cuộc phù du não nùng.
Cánh chim bạt gió muôn trùng,
Ta về gom cả một dòng thời gian.
Bóng lau xa, gió trên ngàn,
Gió phơ phất gió, hoa vàng đong đưa.
Ngược xuôi dù đã bao mùa,
Con thuyền về lại hương xưa bến chiều.

South Dakota tháng 7.2021.
Mặc Phương Tử
***
Bài Họa:

Hương Xưa-Nắng Chiều

Lặng nghe tiếng cuốc gọi chiều
Lòng sầu trăm mối quạnh hiu cõi lòng
Quê người kiếp sống bềnh bồng
Lang thang lưu lạc phai hồng sắc hoa
Trời đông lạnh buốt sương sa
Đêm vương víu bóng trăng tà vụt bay
Giấc mơ hoa mộng hao gầy
Chỉ là tơ tưởng trong tay cùng người
Thời gian nước chảy dòng trôi
Cánh hoa thời loạn nét vui chỉ là…
Nụ cười che dấu lệ sa
Ai hay ai biết tình ta một chiều
Bên người hạnh phúc thật nhiều
Riêng đây phận bạc lắm điều vỡ toan
Cầu mong mộng ước cỏn con
Gió mây tri kỷ tâm hồn vi vu
Quyện nhau khắp nẽo trời mù
Đồng hành dẫu phải phiêu du não nùng
Vượt qua trở ngại trùng trùng
Lướt bao đồi núi chuyển dòng nhân gian
Tình yêu trắc trở dặm ngàn
Cõi riêng hạnh phúc tuổi vàng hương đưa
Muộn màng mấy độ đúng mùa
Sắt son điểm nét xuân xưa nắng chiều 

Kim Oanh
Melbourne 7.2021

Rượu Hồng Đào Chưa Nhấm Đà Say

 

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say

Người Quảng Nam được biết đến nhiều với lời khó xóa được “Quảng Nam hay cãi” nhưng câu ca dao trên nổi tiếng từ lâu với một điều khó có thể “cãi”: Quảng Nam nổi tiếng về rượu hồng đào.

Tuy nhiên, khi đọc câu ca dao, là người ta liên tưởng ngay đến hai câu hỏi: có loại đất nào không mưa mà đã thấm và có rượu nào không uống mà lại say .

Ý nghĩa câu thứ nhất “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm” chắc bắt nguồn từ chính cái tên Quảng Nam, vùng đất thuộc châu Ô, châu Rý (còn gọi là châu Lý) do vua Chàm Chế Mân cống hiến cho vua Trần Anh Tông để cầu hôn Huyền Trân Công Chúa. Khi vua Chàm qua đời Công Chúa Huyền Trân được tướng Trần Khắc Chung đón về lại đất Việt và do đó không bị hỏa thiêu cùng chồng.

Sau đó vua Lê Thánh Tôn đặt tên vùng đất này là Quảng Nam với ý nghĩa Quảng là mở ra và Nam là phía Nam: mở ra về phía Nam. Nhà vua, cũng là thi sĩ Hồng Đức, muốn người Việt tiến về phương Nam để mở mang đất nước. Do đó theo Nguyên Ngọc viết trong quyển Tìm Hiểu Con Người Xứ Quảng, người Quảng Nam “nhạy cảm với cái mới, khao khát cái mới như đất hạn khát mưa, háo hức hút ngay từ giọt nước đầu tiên. Thậm chí khi chưa thật sự có giọt nước nào, chưa thật sự mưa đã náo nức hóng về mưa, cảm nhận ra nó rất sớm, chờ đón nó nồng nhiệt”.

Câu thứ hai “Rượu hồng đào chưa uống đà say” là câu còn có ý tả tình… yêu, diễn tả một sự yêu thương đến say đắm mà không cần đến rượu.

Trước hết người ta hay viết là “đã say” là chuyện say trong quá khứ, nhưng hay hơn phải viết là “đà say”vì nghe có vẻ như đến hiện tại người vẫn còn …ngây ngất.

Rượu hồng đào, đọc lên nghe thơm ngọt như là môi má hồng của một người đàn bà đẹp như hoa đào. Nghe đã thấy dễ… yêu. Chắc hẳn hồng đào phải là rượu màu hồng, đẹp và ngon.

Qua internet, trên thị trường (trong nước) thấy quảng cáo nhiều chỗ bán rượu hồng đào.

Rồi có các nguồn gốc, cách làm rượu hồng đào khác nhau. Có người tả rượu hồng đào được ngâm từ rượu ủ với trái đào tiên, có màu hồng tươi rất đẹp. Có người khác viết rượu hồng đào là rượu đế trắng có dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương nhúng vào rượu cho có màu hồng.

Nhưng cũng có người cho rượu hồng đào chỉ là loại rượu … tưởng tượng như là lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm, nghĩa là không có thực. Và bất cứ chai rượu nào có bọc giấy bóng hồng hay đỏ, thắt nơ hồng hay đỏ cũng coi như rượu hồng đào được.

Thôi ta cứ coi như loại rượu chuyên dùng cho những đám cưới, rượu hợp cẩn nghĩa là rượu uống trong đêm động phòng sau lễ cưới.

Bây giờ nói chuyện không uống rượu mà say nhé. Thực tế cũng có chuyện không uống rượu mà say rượu, chuyện khó tin nhưng có thật.

Tiến sĩ Barbara Cordell (Dean of Nursing and Health Sciences Pancola College) và Bác sĩ Justin McCathy (Gastroenterologist, Covenant Health) vài tháng trước trên báo International Journal of Clinical Medicine vừa trình bày một trường hợp bệnh lý như sau.

Bệnh nhân là một đàn ông 61 tuổi được nhập vào một bệnh viện ở Texas vì quá say rượu mà không có uống một giọt rượu nào cả. Lượng rượu trong máu Blood Alcohol Concentration BAC là 371 mg/dl hay .37% tức là hơn gấp 3 lần mức độ của người coi như bị ngộ độc vì rượu (alcoholic intoxication). Bệnh sử cho thấy trong 5 năm vừa qua, ông ta cứ bị say rượu đều đều, mà theo ông và vợ ông, ông không hề uống rượu.

Bệnh nhân nhập viện, đồ đạc mang theo được khám kỹ và không có ai được vào thăm. Trong 24 giờ quan sát, BAC được đo mỗi 2 giờ và khoảng sau 20 giờ lại lên đến 120 mg/dl tức là .12%. Phân (stool) được cấy và kết quả có một loại nấm tên là Saccharomyces cerevisiae (brewer’s yeast) mọc lên. Được biết loại nấm này có thể làm lên men (fermentation) chất bột (carbohydrate) thành rượu. Bác sĩ cho là bệnh nhân có nấm này trong ruột và nấm đã làm lên men đồ ăn có chất bột để thành rượu và cuối cùng rượu thẩm thấu (absorbed) vào máu.

Bệnh nhân sau đó được chữa với thuốc trị nấm gồm fluconazole và nystatin trong nhiều tuần lễ. BAC được thử 4 lần trong 1 ngày trong nhiều ngày và luôn luôn là zero. Bệnh nhân đã được theo dõi trong vòng một năm rồi và không bị “bệnh” trở lại.

Thật ra y khoa đã có vài trường hợp được tường trình trong quá khứ tương tự như vậy, bắt đầu từ 2 trường hợp xảy ra ở Nhật Bản khoảng thập niên 1970.

Cuối cùng để kết thúc là một bài thơ ngắn, không biết tác giả là ai, nhặt được từ “net”. Bài thơ viết về rượu không uống cũng say và nhờ đọc nên biết được lý do thường xảy ra hơn, tại sao say mà không uống rượu:

Có rượu không uống mà say
Hồn nay bay bổng vì ngây ngất tình
Môi em đỏ, má em xinh
Lòng người say đắm yêu… mình là anh

BS Phạm Anh Dũng, ABFP
Santa Maria, California USA
Tháng 12 Năm 2014



Tang Tao Tảo Tạo

桑弧蓬矢 Tang Hồ Bồng Thỉ

TANG HỒ BỒNG THỈ 桑弧蓬矢: TANG là Cây Dâu; HỒ là Cây Cung; BỒNG là Cỏ Bồng; THỈ là Cây Tên. Nên TANG HỒ BỒNG THỈ có nghĩa là "Cây cung được làm bằng cành dâu và Mũi tên được làm bằng lõi của cỏ bồng rất cứng". Thành ngữ nầy có xuất xứ từ sách Lễ Ký-Thiên Nội Tắc《禮記.內則》: Ngày xưa, khi thế tử được sinh ra, thì Lễ quan dùng cung làm bằng cành dâu và sáu mũi tên bằng cỏ bồng, bắn lên trời xuống đất và bắn ra bốn hướng Đông Tây Nam Bắc để biểu thị chí hướng cao xa rộng lớn. Sau trong dân gian sanh con trai cũng bắt chước làm theo để mong cho con mình có chí lớn, và vì thế mà lại hình thành thêm một thành ngữ nữa là NAM NHI CHI CHÍ 男兒之志 là Chí hướng của người con trai. Ta gọi là "Chí Làm Trai". Còn thành ngữ TANG HỒ BỒNG THỈ 桑弧蓬矢 thì ta gọi thành TANG BỒNG HỒ THỈ hay HỒ THỈ TANG BỒNG, như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết trong bài hát nói "Nợ Nam Nhi" là :

Tang Hồ Bồng Thỉ nam nhi trái, 桑蓬弧矢男兒債
Cái công danh là cái nợ lần...

Còn trong bài "Chức Phận Kẻ Trượng Phu" thì ông viết là:

Chí TANG BỒNG HỒ THỈ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế...

Trong bài "Chí Làm Trai" thì ông lại viết đầy đủ hơn về chí lớn của kẻ làm trai với các câu mở đầu như sau:

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ TANG BỒNG vay trả, trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng dùng gọn lại bằng hai chữ TANG BỒNG mà thôi:

Bấy lâu đèn sách ra công,
Con đà nên chữ TANG BỒNG này chăng?

Còn...
TANG BỘC 桑濮 là nói gọn lại của 4 chữ TANG TRUNG BỘC THƯỢNG 桑中濮上 hay TANG GIAN BÔC THƯỢNG 桑間濮上. Có nghĩa là "Ở trong vườn dâu trên bờ sông Bộc". Theo chương Nhạc Ký trong sách Lễ Ký 禮記 - 樂記 có ghi : Tang gian Bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã 桑間濮上之音, 亡國之音也. Có nghĩa : Những âm thanh truyền ra từ rừng dâu trên sông Bộc là những âm thanh vong quốc. Và theo Địa Lý Chí hạ trong Hán Thư《漢書·地理志下》:“Vệ địa hữu tang gian Bộc thượng chi trở, Nam nữ diệc cức tụ hội, thanh sắc sanh yên 衛地有桑間濮上之阻,男女亦亟聚會,聲色生焉”. Có nghĩa : Trong vườn dâu trên sông Bộc của nước Vệ là nơi kín đáo, nên trai gái rất thường tụ tập nơi đó, vì thế mà sanh ra những âm thanh sắc dục. Nói một cách Nôm na là :"Con trai con gái của nước Vệ hẹn hò nhau trong rừng dâu bên bờ sông Bộc để cớt nhả đú đởn làm tình với nhau, là việc làm đồi bại dâm ô, là điềm mất nước". Nên trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du dịch TANG GIAN BỘC THƯỢNG là "TRÊN BỘC TRONG DÂU" để làm lời nói của Thúy Kiều khi Kim Trọng "Xem trong âu yếm có chiều lả lơi" thì nàng Kiều đã "stop" chàng Kim lại bằng :

... Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Ta tuồng TRÊN BỘC TRONG DÂU,
Thì con người ấy ai cầu mà chi !?...

Còn trong truyện thơ Nôm Trinh Thử thì dùng thẳng từ TANG BỘC khi chuột đực gạ gẫm chuột bạch đã đáp rằng:

Ví đem TANG BỘC thói thường,
Xưa nay dạ sắt gang vàng như không !...

Tang Gian Bộc Thượng: Trên Bộc trong dâu

TANG DU 桑榆 : Cây Tang (dâu tằm ăn) và cây Du (Như cây bưởi của ta), Theo sách "Thái Bình Ngự Lãm" quyển ba dẫn "Hoài Nam Tử"《太平御览》卷三引《淮南子》có câu :“Nhựt tây thùy, cảnh tại thọ đoan, vị chi Tang Du 日西垂,景在树端,谓之桑榆。”Có nghĩa : Mặt trời ngã về tây, ánh nắng chiếu trên ngọn cây, gọi là TANG DU. Nên TANG DU có nghĩa là Phương tây, là trời đã về chiều, là tuổi già bóng xế, là tuổi đã về hưu. Như 2 câu thơ trong tác phẩm thơ Nôm Nhị Độ Mai :

Sinh ly xa cách huyên đình,
Một cây bóng ngã mấy cành TANG DU.

TANG TỬ 桑梓 : Cây Tang và cây Tử (một loại cây cho gỗ tốt dùng để đóng đàn được). Ngày xưa, trong thôn xóm quanh nhà cha mẹ ở, trước trước sau sau đều trồng rất nhều cây Tang và cây Tử. Lâu dần, TANG TỬ được dùng để chỉ nơi cha mẹ ở hoặc để chỉ quê hương, cũng giống như từ PHẦN DU 枌榆 là Tên đất, quê hương của Hán Cao Tổ, về sau cũng dùng để chỉ quê hương nói chung. Trong truyện thơ Nôm Từ Thức Gặp Tiên có câu :

Ngập ngừng nhớ cảnh PHẦN DU,
Anh em bè bạn mấy thu đến giờ !

Hay ghép PHẦN DU và TANG TỬ lại thành PHẦN TỬ 枌梓, như thơ Nguyễn Du trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh :

Bóng PHẦN TỬ xa chừng hương khúc,
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang.

Hoặc đão ngược lại thành TỬ PHẦN như trong Truyện Kiều, lúc Từ Hải đi lập nghiệp Kiều đã nhớ về quê hương cha mẹ như sau :

Đoái thương muôn dặm TỬ PHẦN,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa!

Còn trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ thì dùng từ TANG TỬ :

Cành mai chếch mác càng thương,
Câu thơ TANG TỬ giữa đường càng đau.

Cây Tử Cây                           Tang Cây                            Phần Du

TANG ĐIỀN THƯƠNG HẢI hay THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN 滄海桑田, là Biển Xanh và Ruộng Dâu. Theo tích Ma Cô 麻姑 Thần Tiên Truyện 神仙傳 của Cát Hồng 葛洪 đời Đông Tấn 東晉.
Tiên cô Ma Cô nói rằng : Từ ngày tiếp nhận tuần tra đến nay đã ba lần thấy Biển Đông hóa thành Ruộng Dâu, nay lại đi ngang qua tiên đảo Bồng Lai thấy nước biển ở đó đã lưng hơn một nửa, chắc là muốn biến thành lục địa hay sao. Tiên ông Vương Viễn thở dài mà rằng : Các thánh nhân đều bảo rằng Đông Hải rồi sẽ là mảnh đất đầy bụi bặm cho mà xem...
Từ điển tích trên thành ngữ THƯƠNG HẢI TANG ĐIỀN 滄海桑田 thường dùng để chỉ những sự biến đổi lớn, những thay đổi bất ngờ ngoài dự tính của con người. Ta thường nghe "Tang thương biến đổi", "Bãi bể hóa nương dâu", "Cuộc đời dâu bể", "Thế sự bể dâu"... Như trong truyện thơ nôm Từ Thức Gặp Tiên có câu:

Nguồn cơn biết ngỏ ai hay,
Giận cơ TANG HẢI trách ngày thiếu niên.

Hay tỏ ra bi quan yếm thế như nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:

Phong trần đến cả sơn khê,
TANG THƯƠNG đến cả hoa kia cỏ này!

... nên con người mới "mang tiếng khóc ban đầu mà ra" để :

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò BÃI BỂ NƯƠNG DÂU?

... Rồi nhìn cuộc đời thay đổi trôi nổi như đám phù vân :

Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người TANG THƯƠNG!

Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du đã mở đầu bằng những câu :

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc BỂ DÂU,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

...và cụ đã đão ngược lại thành DÂU BỂ, khi cho Thúy Vân hỏi Kiều một cách thật vô tư đến... đáng trách là:

Cơ trời DÂU BỂ đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ sao ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?!

Thương hải Tang điền với Ma Cô tiên và Vương Viễn

TAO KHANG 糟糠 mà ta hay đọc nhầm thành TÀO KHANG. TAO là TAO PHÁCH 糟粕 là Cặn bã; KHANG 糠 là Cám, là trấu. Nên TAO KHANG là phần cặn bã của hạt lúa sau khi đã xay thành gạo, tức là Cám và tấm mẳn. Ngày xưa, chỉ có nhà giàu sang khá giả mới được ăn cơm, còn nhà nghèo khó chỉ ăn tấm mẳn mà thôi. Nên thành ngữ TAO KHANG CHI THÊ 糟糠之妻 là Người vợ tấm mẳn, chỉ người vợ cả đã cùng chồng sống qua những ngày nghèo khổ khó khăn của lúc ban đầu. Theo Hậu Hán Thư :
Đầu đời Đông Hán, Quang Võ Đế Lưu Tú trọng dụng thị thần là Tống Hoằng, phong làm Thái Trung Đại Phu. Chị của Lưu Tú ở góa lâu ngày lại phải lòng Tống Hoằng, nên Lưu Tú muốn gả chị mình cho Tống Hoằng, bèn hỏi Hoằng về phép giao tế ở đời với cái nhìn "Giàu đổi bạn, Sang đổi vợ" như thế nào?. Hoằng đáp là : "Bần tiện chi giao bất khả vong, TAO KHANG chi thê bất hạ đường 貧賤之交不可忘,糟糠之妻不下堂". Có nghĩa :"Những người bạn lúc ta còn nghèo hèn thì không thể quên; Người vợ tấm mẳn lúc nghèo khó thì không thể bỏ được". Quang Võ Đế Lưu Tú nghe xong bèn thôi, không dám ép Tống Hoằng lấy chị của mình nữa. Nên...
TAO KHANG chỉ người vợ gắn bó với ta từ thuở nghèo hèn, nói chung là vợ lớn, vợ cả thì không thể bạc đãi được. Trong Truyện Kiều, khi đã được Thúc Sinh chuộc về từ lầu xanh, Thúy Kiều cũng biết thân phận lẻ mọn của mình, nên khuyên Thúc về thăm vợ cả là Hoạn Thư. Cụ Nguyễn Du đã viết nên tình cảnh lúc bấy giờ là:

Tin nhà ngày một vắng tin,
Mặn tình cát lũy, nhạt tình TAO KHANG.
Bần tiện chi giao bất khả vong, TAO KHANG chi thê bất hạ đường

TẢO TẦN 藻蘋 hay TẦN TẢO đều chỉ hai loại rau mọc dưới nước, như rau ngổ, rau nhúc của ta. Theo chương Chiêu Nam, Quốc Phong trong Kinh Thi 詩經。國風。召南 có thơ:

于以采蘋?南涧之滨。 Vu dĩ thái TẦN? Nam giản chi tân.
于以采藻?于彼行潦。 Vu dĩ thái TẢO? Vu bỉ hành lạo.

于以盛之?维筐及筥。 Vu dĩ thịnh chi? Duy khuông cập cử.
于以湘之?维锜及釜。 Vu dĩ tương chi? Duy ky cập phủ.

于以奠之?宗室牖下。 Vu dĩ điện chi? Tông thất dữu hạ.
谁其尸之?有斋季女。 Thùy kỳ thi chi? Hữu trai qúy nữ.

Có nghĩa:

Rau TẦN tìm hái ở đâu?
Bên dòng khe nước ở đầu phía nam.
Rau tảo thì hái ngoài vàm,
Bên lạch nước biếc chảy tràn ngoài kia!

Hái xong đựng ở đâu kìa ?
Rổ rá em đã đựng vìa môt khi.
Hái xong rồi nấu bằng gì ?
Cà ràng ông táo em thì nấu ngay!

Nấu xong em để cúng ai ?
Ông bà tiên tổ đặt ngay trên bàn.
Ai người van vái cầu an ?
Có cô gái nhỏ đảm đang mọi bề!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Tần Tảo, Tảo Tần

Đó là bài thơ ca ngợi các bà các cô là gái đảm đang, là vợ hiền dâu thảo, chăm hái rau TẦN rau TẢO về để làm cổ cúng tổ tiên. Nên TẦN TẢO hay TẢO TẦN là từ dùng để ca ngợi đức tính siêng năng cần cù của người phụ nữ trong gia đình, như trong truyện Phạm Tải- Ngọc Hoa (còn có tên là Phạm Công- Cúc Hoa) có câu:

Sớm khuya chăm việc TẢO TẦN,
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai !

TẠO HÓA 造化 : Tạo tác và Sinh hóa, chỉ Đấng thiên nhiên tạo ra vạn vật và tạo nên mọi hoàn cảnh ở trên đời nầy. Trong văn học cổ TẠO HÓA là Thượng Đế, là Ông Trời. Như trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

TẠO HÓA gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Tạo Hóa nhưng với thái độ hằn học hơn :

Tay TẠO HÓA cớ sao mà độc,
Buộc người vào kim ốc mà chơi.

Đến khi gặp cảnh trắc trở đau buồn thì không còn khách sáo nữa mà gọi thẳng là :

TRẺ TẠO HÓA đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương !

TRẺ TẠO HÓA là từ chữ Nho là TẠO HÓA NHI 造化兒, mà cụ Nguyễn Du đã gọi tắt là HÓA NHI (không phải là QÚA NHI 過兒 của Tiểu Long Nữ gọi Dương Qúa đâu nhé!), khi Sở Khanh rủ Thúy Kiều bỏ trốn khỏi lầu Ngưng Bích rồi nửa đường lại lủi mất, để cho Thúy Kiều bơ vơ một thân một mình, bị Tú Bà rượt theo bắt về:

HÓA NHI thật có nỡ lòng,
Làm chi dày tía, vò hồng, lắm nau!
Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời!?

... và không chút khách sáo vì hờn mát, nàng Cung nữ của Ôn Như Hầu đã gọi thẳng HÓA NHI là CON TẠO:

Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh,
Thử xem CON TẠO gieo mình nơi nao?

Khi đã tỉnh táo lại, không gọi là CON nữa mà gọi là ... ÔNG TẠO HÓA, chữ Nho nói cho gọn lại thành HÓA CÔNG 化公:

HÓA CÔNG sao khéo trêu ngươi,
Bóng đèn tà nguyệt tẻ mùi ký sinh.


杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Sắc Hoa Mầu Nhớ - Sáng Tác Nguyễn Văn Đông - Ca Sĩ Duy Trác - Guitare: Vô Thường


Sáng Tác Nguyễn Văn Đông
Cc Sĩ Duy Trác 
Guitare: Vô Thường  
Thực Hiện PPS: Đàm Trung Phán

Tình Yêu



Có phải một ngày anh đã yêu
Nhớ em từ sáng đến tận chiều
Dù em đanh đá hay giận dỗi
Anh vẫn đeo theo vẫn nuông chìu.
Có phải là anh quá vụng về
Nên em vừa nguýt lại vừa chê
Đàn ông dai nhách như đỉa đói
Bám mãi người ta thật ghét ghê.
Có phải là anh cũng thật đần

Gặp em cứ nói chuyện dần lân
Tay em để đó mà không nắm
Trái tim đập mạnh mặt đỏ rần.
Có phải yêu em là điên điên
Hay làm những chuyện thật vô duyên
Chép thơ Nguyễn Bính rồi trao tặng
Đêm nằm thao thức ngủ không yên.
Có phải áo em trắng như sương
Để anh vừa nhớ lại vừa thương
Tất cả các màu đều không đẹp.
Chỉ màu áo em mặc đến trường.
Có phải là em cũng chạnh lòng
Khi mắt nhìn anh má đỏ hồng
Môi em khẽ mỉm cười e thẹn.
Là cả trời mơ em biết không?
Có phải nụ hôn đầu anh trao
Làm em ngây ngất tình ban đầu
Là anh gã trai khờ chiến thắng
Chiếm được tim em thỏa ước ao.

Có phải em run đêm hợp hôn
Vòng tay anh siết lịm cả hồn
Tiết trinh em đã trao tất cả
Môi mắt thân em thở dập dồn.
Có phải bây giờ em vẫn yêu
Để còn háy, nguýt làm lắm điều
Cho anh mãi mãi say và đắm
Bà xã của anh thật lắm chiêu.

Nguyễn thị Thêm

22/5/2023




Un Petit Rien (Marie-France Ferrand) - Một Điều Cỏn Con(Thái Lan)

 

Un Petit Rien

Un petit rien, c’est dire bonjour
A ceux que l'on rencontre et aux amis.
C’est presque rien et c’est facile,
Cela rend la vie bien plus jolie.
Un petit rien, c’est dire merci
A celui qui vous rend service.
C'est presque rien, un mot de courtoisie
Qui rend heureux celui à qui il est dit.
Un petit rien, c’est un sourire
A distribuer sur son chemin
C’est presque rien, mais c’est beaucoup.
Cela rend heureux et c’est contagieux.
Un petit rien, c’est dire je t’aime
Aux personnes que l’on aime.
C’est presque rien, c’est important.
L’amitié aussi s’entretient chaque jour.
Ces petits riens sont peu de choses,
Mais ils illuminent notre journée
Ils donnent envie de partager le bonheur,
Et cela ... ça n’a pas de prix !

Auteur: Marie-France Ferrand
***
Bài Dịch:

Một Điều Cỏn Con


Một điều cỏn con, chẳng là chi cả
Là gởi lời chào đến người hàng xóm
Đến bạn bè
Hầu như đó chẳng là gì cả và sao mà dễ dàng quá đỗi
nhưng lại mang bao nhiêu niềm vui cho cuộc sống.

Một chút cỏn con, đó là nói cảm ơn
Với người giúp đỡ bạn.
Hầu như đó chẳng là gì cả, một chút lịch sự
Lại mang hạnh phúc vô cùng cho người được nhận

Một chút cỏn con, đó là nụ cười
Để phân phát trên đường đi
Hầu như đó chẳng là gì cả, nhưng lại là rất nhiều.
Vì chúng khiến cho bạn hạnh phúc và nụ cười rất dễ lây lan.

Một chút cỏn con, đó là nói lời yêu thương
Gửi đến người ta yêu.
Hầu như đó chẳng là gì cả, nhưng rất quan trọng
Bởi vì tình yêu được duy trì từng ngày một.

Những điều cỏn con chỉ là chút xíu thôi,
Nhưng làm cho một ngày trở nên rạng rỡ
Chứng khiến ta muốn chia sẻ hạnh phúc
Và điều này, thật là vô giá.

Thái Lan Dịch

Đến Với Hội Họa


(Hồi ký của một người tên Ông)

Mùa hè năm đó. Con gái Ông đang du học xa nhà. "Hành trình trăm năm" của Bà và Ông còn cả vạn dặm. Bà khuyên Ông dừng chân một thời gian cho đường đi thêm dài, cho cuộc sống chậm lại.
Để bà ở lại Wallaceburg, Ông làm một chuyến độc hành đến một nơi không định đến.

Thị trấn bên đàng Fort Erie với những căn nhà cổ kính loang lổ, nhạt mầu, vắt ngang con sông thơ mộng chảy vào Niagara Falls. Bên này là xứ lá phong, bên kia là xứ cờ hoa, cách nhau cây cầu biên giới.
Nơi đây Ông gặp một tay lãng tử như duyên tiền định. Một người không giống như mọi người. Rách rưới nhưng sạch sẽ, tóc tai râu ria bù xù nhưng khuôn mặt hiền lành, dễ lấy cảm tình người đối diện.
Sau vài ba câu chuyện vô thưởng vô phạt, anh bạn mới, tên Belciu, nói liên miên về hội họa của xứ mình, xứ Romania thân yêu. Như được gãi ngứa, đúng với sở thích tiềm ẩn từ thuở nhỏ, Ông nghe chăm chú tựa học trò tiểu học. Họ thân với nhau dễ dàng và rủ về share phòng khách sạn.
Mưa lâu ướt đất. Ngày ngày người bạn thuyết giảng đủ chuyện về hội họa, đã làm sống lại trong Ông niềm đam mê tưởng rằng đã chết. Ông bắt đầu xây ước mơ họa sĩ từ đó.

Belciu có cách kể chuyện duyên dáng. Kể về hội họa khởi đầu từ thời cổ đại qua thời phục hưng rồi đến cận đại. Từ hình vẽ ngựa trong hang động Lascaux xưa hàng chục ngàn năm, các kiệt tác Bysantine...qua các danh họa của các trường phái tượng trưng, ấn tượng...đến các sáng tác độc đáo của các trường phái lập thể, dada, siêu hiện thực...
Belciu quả thực thông thái. Được biết anh ta là một tiến sĩ văn chương, và cũng gốc tị nạn như Ông.
Belciu đang phụ giúp các nhà thờ tu sửa những bức tranh cẩn trên kính. Công việc nhàn hạ, thu nhập thấp, không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu nhưng tự ái không xin trợ cấp xã hội. Ông thông cảm nên phải đi làm kiếm tiền, bảo bọc cho cả hai có điều kiện dung dăng tiếu ngạo giang hồ.

Cho đến một ngày..., Belciu vui mừng báo tin cô fiancée ở trại tị nạn Austria đã được đi định cư. Anh phải qua Mỹ xum họp. Người bạn tri kỷ và là người thầy thông thái ấy vội vàng từ giã Ông, để lại trong Ông bao nhiêu điều dang dở.
Tuy nhiên Belciu đã kịp viết một lá thư giới thiệu Ông với bà giáo sư Mỹ Thuật của hệ thống đại học Suny NY tại thành phố Buffalo lân cận.
Trở lại với môi trường học tập, lão sinh viên thỏa chí. Say mê màu sắc, sống bụi với một nhóm nghệ sĩ đủ mọi quốc tịch. Tất cả thuê chung một studio để vẽ và vẽ.
Bao nhiêu tháng đã trôi qua. Rồi đến một lúc, không gian đối với Ông trở thành vấn đề, giữa "nhà tôi" và nhà trường. Nghệ thuật đã níu kéo Ông quá lâu trong khung trời đại học. Và còn nữa, hình như có tiếng nói vô hình bảo Ông rằng những mơ ước của Ông sẽ không hiện thực. Ông muốn bỏ học.
Buổi lên lớp cuối cùng, Ông tranh cãi với bà giáo sư về một chuyện không đáng. Ông giận mình vì ngôn ngữ giới hạn, không đủ để trút sự bực tức.
Người đồng nghiệp già, nơi Ông kiếm tiền, họ Liu, gốc Trung Hoa, lo ngại Ông sẽ bỏ job sau khi bỏ trường và gây trở ngại cho việc kinh doanh.
Để giữ chân, lão Liu bèn đưa Ông đến thăm một đồng hương nổi tiếng trong giới hội họa, đã tốt nghiệp ở Nga.
Chính họa sĩ này đã gây cho Ông thật nhiều ấn tượng và bẻ ngoặt con đường hoa mộng của Ông.
Xem tranh họa sĩ một giờ bằng mắt trần thì phải bỏ một ngày thưởng ngoạn bằng mắt mù (?). Lão Liu nói với Ông như thế. Tranh đẹp không phải vì nét vẽ đẹp mà tranh đẹp vì thấp thoáng hồn tranh đẹp.

Biết Ông có thiện chí nhưng chưa thấu đáo ngôn ngữ của hội họa, họa sĩ nói, hãy giữ tâm thật tĩnh. Chỉ nên cầm cọ pha mầu khi không còn bị chia trí bởi nội tâm và ngoại cảnh.
Không câu nệ với những định luật học trong trường, tỉ như luật phối cảnh hay luật vẽ bóng..vv... Cái đẹp nằm trong sự buông thả, không bị gò bó trói buộc qua kỹ năng của loại hội họa trang trí. Một kỹ năng khác hơn thế phải được sử dụng để diễn tả sự sáng tạo của họa sĩ.
Làm thế nào để đưa cảm quan thẩm mỹ của người thưởng lãm và họa sĩ gần nhau? Đó chính là nghệ thuật.

Giữa cơn giông bão thấy một cánh chim cô đơn kêu thảm thiết hay qua màn sương mờ đục của kính xe thấy một kẻ vô gia cư lết chân dưới trời mưa tuyết. Ngửi mùi hương lá trong công viên, nghe tiếng thác nước mơ hồ trong hoàng hôn hay tiếng hót của chim sơn ca trong vườn buổi bình minh. Đấy là thơ và là họa. Thơ và họa phải gắn bó. Thi sĩ là họa sĩ và họa sĩ cũng là thi sĩ.

Họa sĩ hỏi Ông, thích thơ không? Ông hỏi tại sao? Họa sĩ nói đối với quan niệm cá nhân, thơ và họa liên quan mật thiết. Họa chỉ là phần nổi của thơ. Thơ là hồn của họa. Thơ phải quyện với họa như TÂM phải ở trong THÂN. Tâm thất lạc thì thân chỉ là xác sinh học. Diễn tả ý thơ bằng họa là cách vẽ chân chính mà họa sĩ tâm đắc.

Dĩ nhiên tất cả đối thoại không bằng tiếng Việt nhưng hình như Ông và họa sĩ vẫn hiểu được nhau, không cần nhiều lời diễn giảng chính xác.
Ông nghiền ngẫm lời họa sĩ nhưng chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho chính mình.
Nghi vấn về kiến thức nông cạn cùng với mặc cảm nghèo nàn năng khiếu khiến cho khung vải từ đó không còn lung linh mầu sắc nữa.
Ông mang nỗi đau khổ không sử dụng được mầu sắc nhờ họa sĩ hoá giải.
Họa sĩ dẫn Ông ra đứng trên ban công nhìn xuống công viên nhỏ bên bờ sông.
Xa có bóng dáng thiếu nữ thả tóc xõa, lơ đãng nhìn trời mây. Áo trắng mỏng bay bay trong gió, ẩn hiện toà thiên nhiên tuyệt mỹ.
Họa sĩ hỏi, có kích thích tư duy, gợi được ý tưởng gì cho bản vẽ nháp không?
Trong khoảnh khắc ngẫu nhiên, hành bất định sở, cảm xúc khó diễn tả. Ông buột miệng độc thoại.

Này! hãy bắt lấy ý thơ ngay! "Gió lay, tâm động". Ông gài ý vào cảnh vật rồi nhẩm trong đầu câu lục bát chưa thành vần:

Gió lay cuốn áo em bay
Tâm ai không động ấy là chân tu.

Ông gọi họa sĩ bằng Thầy. Thưa thầy, tôi sẽ vẽ bức tranh này, một bức thiền họa.
Họa sĩ cười mỉm trả lời. Thiền thể hiện cảm hứng nghệ thuật bằng mực và bút lông trên giấy mỏng, đòi hỏi đường nét phải vẽ nhanh, tiết giảm tối đa và chỉ thể hiện những gì thật cần thiết mà thôi. Nét bút của họa sĩ phải dứt khoát như tia chớp, không tô sửa. Vẽ với tâm nhất quán. Bức họa thiền sẽ mang lại bình yên cho cả người vẽ lẫn người xem. Cố gắng lên!
Ông không hiểu nghệ thuật thiền qua hội họa.
Ông đã lộng ngôn. Thiền vẫn là cái gì rất xa lạ. Vì thế Ông loay hoay mãi không khởi động được bàn tay cầm cọ.

Thật ra Ông đã không vẽ. Nhưng bức tranh vẫn còn đó trong ký ức với mầu sắc sống động, không phải màu thiền. Ông không bị thúc đẩy. Dần dà lời hứa với thầy đi vào quên lãng.
Qua cảm quan mới về sự vật và con người, Ông vẽ bức tranh trong tâm tưởng. Nhớ lại, cái hồn của bức tranh thiên tạo như ẩn như hiện, vẫn còn mê hoặc ông.

Gần đây có dịp hướng dẫn cặp vợ chồng bạn cũ ở Cali du ngoạn Niagara, Ông ghé thăm thầy họa sĩ thì thầy đã không còn nữa. Người ta bảo thầy đã gác bút tiếp tục tu thiền trước khi về miền miên viễn.
Nhiều năm sau, không hiểu làm sao Belciu tìm được Ông. Bây giờ anh đã là đại gia nhờ nghe lời vợ dứt khoát với nghệ thuật, chen vào thị trường chứng khoán.
Anh mời Ông và gia đình một chuyến du lịch Caribbean trên du thuyền của vợ chồng anh. Ông từ chối.
Ông mất một tri kỷ, chỉ còn một bạn tốt. Belciu đã thay áo mới thành một người như mọi người. Nên chúc mừng hay chia buồn? Tuỳ!

Buổi sớm chớm thu năm ngoái, dẫn cháu từ Việt Nam mới qua, dạo chơi High Park. Cô bé tròn xoe đôi mắt ngây thơ, chỉ vào đám rừng phong đang thay mầu chuyển sắc, nói ông ơi mầu sắc kỳ diệu quá, về nhà ông dậy con pha mầu vẽ bức tranh đó nghe. Ông bảo, không! con ạ, con hãy ghi nhận hình ảnh bằng sự cảm xúc thì nó sẽ tồn tại trong tâm trí con vĩnh cửu. Chỉ khi nào thật sự là họa sĩ con sẽ biết pha mầu tiệp với mầu thiên nhiên.

Đến với hội họa, đường đi không tới. Như chuẩn linh mục chưa nhận đủ ơn gọi, Ông không bao giờ trở thành họa sĩ. Bởi vì:

Ông đã chôn sâu bao ước mơ
Hạnh phúc bình yên lắng đáy mồ
Cần ai thương tiếc? Cần ai khóc?
Lâu sẽ quên dần nấm cỏ khô.

Nguyễn Cát Thịnh
2014

Mùa Phật Đản


Thời tiết mấy tuần qua đã hết mưa, nắng rực hồng tươi sáng, vườn nhà tôi các loại hoa vươn lên chào mùa hạ, tạo nên khung tranh tươi mát và đáng yêu. Đặt biệt nhất là chậu Quỳnh hoa nở cả trăm nụ màu vàng nhạt thanh nhã đúng ngày rằm tháng tư.

Lòng tôi thấy nhẹ nhàng một cảm giác an lành. Chuẩn bị ngày lễ Phật Đản, tôi đến chợ Lion mua trái cây, đậu, nếp, sắn khoai. May mắn Quỳnh nở rộ xinh đẹp, tôi hái 8 đóa dâng lên bàn Phật, trái cây và xôi chè. Đêm rằm tôi đem ra sân trước cúng xôi chè, bình bông, trái cây, đậu phụng, khoai sắn thắp nhang cầu nguyện hương linh người mất đang vất vưởng sớm được siêu thoát. Dù nhà bên trái người Phi và bên phải là Mỹ trắng, tôi chẳng ngại ngùng vẫn xem như mình đang ở VN.

​ Bồi hồi nhớ lại những mùa Phật Đản năm xưa...mẹ sai quét sân sau, sân trước gọn gàng. Bàn thờ ông nội, bàn Phật lau chùi sạch sẽ. Mẹ đi chợ thật sớm trước đó một ngày, đem buồng chuối xanh về, 14 rằm cắt ra nhiều nải dâng bàn Phật, bàn thờ ông, mua thêm mấy gói hoa Oanh Trảo thơm lừng người ta gói trong lá chuối đặt trên nải chuối. Mẹ nấu chè hạt sen mua ở hồ Tịnh Tâm gần nhà, nấu xôi dâng mọi nơi kể cả mấy am nhỏ trước sân dưới tàng cây rậm mé lối hàng rào. Ngoài ra mẹ cũng dành một mâm có thêm cháo thánh, sắn khoai và đậu phụng luộc, đặt cúng ban đêm trước sân, mẹ nói là cúng cô hồn.

Nhà tôi ở gần Chùa Tịnh Bình nên đêm nào cũng chạy lên xem các chị gia đình Phật Tử tập múa hát rộn ràng. Đêm rước xe hoa từ vùng Cầu Kho ra đường phố Trần Hưng Đạo, một lũ trong xóm kéo nhau chạy theo xe hoa ra tận phố, say mê nhìn cô gái đẹp hóa trang công chúa Da Du Đà La. Ham chơi cho tới 11 giờ đêm mới về đến nhà bạn ở đầu đường, đã thấy ba của bạn ra đứng đón cười tươi, bắt cả đám trên 10 đứa ở lại ăn chè đậu đen ông nấu sẵn chờ, mỗi đứa ăn 2 chén trong niềm vui tuổi thơ, trước niềm hạnh phúc của người cha nhìn lũ trẻ ăn. Về tới nhà thấy đèn sân sáng ngời với bàn xôi chè khói hương nghi ngút trong đêm rằm.

Hình ảnh những mùa Phật Đản ăn sâu từ nhỏ đến lớn, giờ đây hồi tưởng lại mới thấy dân Huế rất mộ đạo. Chùa xây dựng nhiều trên đất Thần Kinh với khung cảnh đẹp lắng hồn thanh tịnh, đa số trước sân Chùa nào cũng trồng hàng cây sứ, tôi mê lượm những xác hoa rụng đưa lên mũi ngửi hít mạnh.

Lúc nhỏ theo mẹ đến các Chùa để chờ chú điệu phát bánh, trái cây, thành thiếu nữ chỉ muốn đi cùng bạn. Có lúc rủ nhau theo 2 chuyến xe đò tới Chùa Từ Đàm, Chùa Thiền Lâm Tự, cuốc bộ vào đường dốc thật xa mới thấy ngôi tượng Phật nằm lớn hiện ra trên đồi. Hoặc có khi đạp xe lên Chùa Thiên Mụ, Chùa Bảo Quốc, lúc đó chưa hiểu phật pháp là gì, chỉ thích lên Chùa dâng hoa sen cúng Phật mua từ chợ Đông Ba. Thích nghe tiếng trống Bát Nhã báo hiệu giờ làm lễ, thích nghe giọng tụng kinh hoà nhau của các thầy, nhất là tiếng ngân nga bằng âm điệu Huế thật buồn như từ cõi âm ty trở về.

Trí óc ôn tụng về lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để đi tìm chân lý trường cửu. Tầm sư học đạo, tu khổ hạnh nơi rừng sâu biết bao nhiêu thử thách quấy phá. Rồi tìm con đường trung đạo tu tập, thiền định đạt thành chánh quả. Một bậc vĩ nhân đã để lại cho hậu thế kho tàng văn hóa Phật học, đưa phương pháp giúp chúng sanh theo đường thoát khổ lụy não trượt.

Nhận được bài viết của thầy Thích Tánh Tuệ nói về “Ý nghĩa của 7 bước sen khai” và “Tắm Vị Phật Nào “, tôi muốn chia sẻ đến các bạn trong mùa Phật Đản Sanh.

Mùa Phật Đản - Ý NGHĨA GÌ NƠI 7 BƯỚC SEN KHAI?


7 bước của đức Phật sơ sinh có ý nghĩa như vầy:
​ Trong quá khứ có vô lượng chư phật ra đời được ghi trong kinh điển trải qua các a tăng kỳ. Gần đây của Kiếp Hiện Tại lần lượt đã có 6 vị phật ra đời, đó là:

Đức Phật Tỳ Bà Thi
Đức Phật Thích Khí
Đức Phật Tỳ Xá
Đức Phật Ca La Tôn Đại
Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
Đức Phật Ca Diếp

​ Bảy bước đó, mỗi bước tượng trưng cho mỗi vị phật, và trong đời này sẽ có một vị phật ra đời, bước thứ 7 đó chính là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là thái tử Sỹ Đạt Đa đản sinh trước đó!

Bảy bước trượng trưng cho làm chủ 6 căn, làm chủ thất tình thoát ra lục dục thoát khỏi luân hồi, vì số 7 đã vượt lên số 6, mà số 6 là số của 6 cõi luân hồi dòng sanh tử.

Số bảy tượng trưng cho thất giác chi, thất bồ đề phần, nếu không có thất giác chi, thất bồ đề phần thì khó mà tu tập, mà khó tu tập thì sự giác ngộ lại khó hơn, nên con số 7 là trợ phẩm là trợ lực kế tiếp cho bát chánh đạo và cũng một trong 37 phẩm trợ đạo cho con đường giải thoát
​Bảy đóa hoa sen, mỗi đóa hoa sen là mỗi vị phật không nhiễm bụi trần của thế gian, vì sao dưới bước chân ngài đi hoa sen lại nở mà không nở hoa khác, tại vì hoa sen tinh khiết,không ô nhiễm, sống chung với bùn nhưng không hôi tanh mùi bùn.

Cũng như vậy các ngài nhờ thế gian và cũng chính thế gian này mới thành phật vì sen không mọc nơi nước sạch - Chúng ta cũng vậy hãy học theo các ngài, hãy kính trọng và thực hành theo các ngài, chúng ta có làm được không? Chắc chắn là được, dù là hơi cảm thấy khó khăn? Người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, chúng ta phải tập từ những hạnh căn bản nhất của người Phật tử:

Bố thí
Trì
Nhẫn nhục
Tinh tấn
Thiền định
Trí huệ
Đại Từ
Đại Bi
Đại Hỷ
Đại Xã

​ Đó là thập hạnh của bồ tát, nghe thì thấy đơn giản nhưng nó cũng thật khó và rất quan trọng đấy...
Quan trong hơn thế chính là ý chí nỗ lực hướng đến phương trời giác ngộ giải thoát của mỗi bản thân của chúng ta.


TẮM VỊ PHẬT NÀO?

​ Vào chùa gặp Thầy trụ trì đang từ chánh điện đi xuống, Bác bước tới xá chào Thầy rồi hỏi thăm về buổi lễ. Thầy trụ trì hỏi Bác tại sao hôm nay đến trễ vậy thì Bác kể câu chuyện từ kẹt xe, cho đến xe tắt máy giữa đường rồi gặp phải ông sửa xe mất lịch sự. Nét mặt thể hiện sự bực dọc, không vừa lòng và bất mãn với những chuyện mà sáng nay Bác gặp phải. Như hiểu được vấn đề, Thầy trụ trì mời Bác vào phòng khách và bắt đầu câu chuyện.

​ Thầy trụ trì (Thầy): Thôi thì mọi chuyện đã qua rồi, Bác hãy để cho nó qua và bây giờ là đến chùa để tắm Phật nhân ngày Phật đản, hãy để cho thân và tâm của mình thanh thản và tịnh khiết chứ!

Bác Phật tử (PT): Dạ con cũng biết như vậy thưa Thầy, nhưng con không tham dự được buổi lễ quan trọng như vậy trong năm làm con thấy khó chịu lắm ạ. Là Phật tử, con của Đức Phật mà ngày kỉ niệm, Ngài đản sanh lại không về làm lễ, không tham dự lễ tắm Phật thì quả thật là chẳng đúng chút nào.

​ Thầy: Đúng! Nhưng theo Bác nghĩ lễ tắm Phật là như thế nào. Và người Phật tử cần phải làm gì vào ngày đó?

​ PT: Thưa Thầy, theo con biết thì trong kinh tạng ghi lại rằng khi Hoàng hậu Ma-da hạ sanh Thái tử Tất-đạt-đa thì trên không trung có hai dòng nước của chư thiên một ấm-một mát, rưới xuống tắm cho hoàng hậu và thái tử. Sau này nghi thức này được đưa vào truyền thống của Phật giáo, và vào những ngày này người Phật tử đến chùa thực hiện nghi lễ tắm Phật để tưởng nhớ về Ngài và bày tỏ niềm tôn kính sâu sắc đối với Ngài.

​ Thầy: Vâng, nhưng Bác có hiểu được ý nghĩa thực sự của nghi thức là gì không?

PT: Dạ...dạ...! Mong Thầy giải thích thêm cho con được rõ

​ Thầy: Thực chất thì lễ tắm Phật không chỉ đơn thuần là thực hiện nghi lễ tắm với một tượng Phật đản sanh, với những chậu nước đã chuẩn bị sẵn. Phật bên ngoài chỉ là xi măng, đất, đồng hay một chất liệu nào đó mà thôi; nước bên ngoài chỉ tẩy rửa được những cáu bẩn bên ngoài. Cái cốt yếu là Phật ở nơi tự thân của chúng ta, “tắm Phật” ở đây là “tắm” vị Phật ở nơi mình. Vậy Bác đã “tắm Phật” của Bác chưa?

PT: Dạ rồi, sáng nay trước khi đi con và cháu con đã tắm rửa sạch sẽ rồi ạ.

​ Thầy: (Cười) Ý Thầy không phải là vậy, mà là “tắm” vị Phật bên trong của Bác ấy. Bác “tắ” vị Phật bên trong của Bác là Bác rũ sạch mọi phiền não của tâm, mọi tham lam, giận hờn, đố kỵ, bực dọc, hơn thua, ganh ghét… của chính Bác bằng nước của sự tu tập, của sự bố thí, của lòng từ, của trí tuệ chứ không phải là lấy nước tắm cho một tượng Phật đản sanh được thiết trí trang nghiêm trên chánh điện. Bác phải “tắm” cho thân hành, khẩu phát và ý nghĩ của mình được thanh tịnh, tránh đem đến nỗi khổ niềm đau cho chính mình và mọi người.

​ PT: Nhưng thưa Thầy, con thấy khó quá ạ.
​ Thầy: Khó thì mới gọi là tu, chứ dễ thì ai nói làm gì.
PT: Vậy, những ngày này con khỏi cần đến chùa hả Thầy, chỉ cần ở nhà và “tắm” cho vị Phật nơi chính mình là được rồi?

​ - Thầy: “Tắm” mà Thầy nói ở đây là Bác phải tắm trong mọi lúc mọi nơi; “tắm” ở những nơi đông người, “tắm” ở những nơi nghịch cảnh, “tắm” những lúc vui hay là “tắm” những khi buồn và thậm chí là “tắm” ngay cả những khi Bác thành công rực rỡ nữa đấy ạ.
“Tắm” ở đây là Bác phải giữ tâm mình bình thản trước những biến động của thế sự, của cuộc đời. Có khi đó là hạnh phúc, là niềm vui, là sự sung sướng; nhưng cũng có lúc đó là mất mát, là nỗi khổ, là niềm đau đớn tột cùng. Các pháp đều vô thường nhưng nếu Bác bình tâm và hiểu sâu sắc về nó thì Bác thật sự là đang “tắm Phật” hằng ngày đấy ạ”
(Thầy Thích Tánh Tuệ)

Mấy hôm nay tôi xem lễ Phật Đản tổ chức nơi thành phố Huế say sưa đầy xúc động. Đoàn xe hoa chuyển từ Chùa Diệu Đế, ngang đường phố Trần Hưng Đạo, qua cầu Trường Tiền chạy xuống đường Lê Lợi, đến Chùa Từ Đàm. Điểm tụ buổi lễ lớn trong nghi thức thật tôn nghiêm “Lễ Phật giả, kính Phật chi đức “


Nhìn màu áo lam huynh trưởng gia đình Phật Tử ôm hoa thật hiền hoà gương mẫu, mỗi Chùa trang trí xe hoa cúng dường ngày đại lễ vô cùng đẹp mắt. Tôi cảm nhận niềm rung động cao vời trong trạng thái kính ngưỡng với lòng biết ơn sâu xa về đức Từ Phụ. Ký ức xuôi chèo bến sông xưa góp nhặt những kỷ niệm thân thương bao mùa lễ Phật Đản chốn quê nhà, tắm gội khung trời an lạc.

Ở Mỹ bất cứ sinh hoạt gì cũng nằm trong 2 ngày cuối tuần. Các chùa thay phiên nhau làm lễ Phật Đản, nếu ngày rằm nằm trong tuần thì sẽ không có ai tham dự vì bận đi làm, tuần tự kế tiếp để Phật tử có thì giờ dự lễ nhiều Chùa, vì vậy gọi là mùa Phật Đản.

Tôi tham dự chùa Phổ Từ vào ngày nắng đẹp, các loài hoa thi đua nhau nở rộ đủ màu sắc từ ngoài cổng, trước hiên Chùa chạy dọc ra sau vườn Quan âm lộ thiên, chim chóc đua ca nhảy múa. Tứ chúng tề tựu đông, những tà áo lam, áo bông thướt tha thắp nhan khấn vái với vẻ thành tâm nương tựa bóng mát ngôi chùa. Quý thầy cô hướng dẫn giờ hành lễ, nghe pháp, tắm Phật và cúng thí thực cô hồn. Buổi thọ chay được gia đình Phật tử Chánh Hòa thiết đãi món mì thật ngon, vừa dùng vừa thưởng thức chương trình nhạc nhóm Hương Từ Bi do MC Quảng Hoa hướng dẫn và Quảng Linh điều khiển âm nhạc. Một ngày thật an lạc trong không khí vui tươi đón mừng sinh nhật Đức Thế Tôn.

Lễ Phật Đản Chùa Phổ Từ

Phật Đản khung trời say quyện nắng
Phổ Từ rực rỡ sắc hoa tươi
Trụ Trì hoan hỷ nụ cười
Phật tử thanh tịnh tuệ ngời đuốc sao

Tứ chúng hân hoan chào lễ hội
Cha lành dẫn pháp gội bờ mê
Từ bi bác ái hướng về
Thiền sâu thở nhẹ lối lề nghiêm trang

Gót bước bông rơi vàng trước gió
Xoá niềm tục lụy ngõ bình an
Chim chuyền nhảy múa hót vang
Nụ hồng tím đỏ tỏa giàn đẹp xinh

Từ phụ Đản sanh nghinh đón bậc
Thế Tôn thị hiện Phật tâm bừng
Cha lành che chở tán xưng
Thế gian vui khắp đón mừng Bổn Sư
MTTN


Chiều thứ bảy ngày 10/4 AL chúng tôi và bạn bè lên San Jose dự buổi nhạc hội “Tỏa Ánh Từ Quang” trong khu Century Mall. Trưởng ban văn nghệ Tuệ Đăng là anh Đồng Vàng cùng nhạc sĩ Lê minh Hiền, ca sĩ Thu Nga và các chị em chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Mọi người cùng đồng lòng mạnh mẽ dâng mừng sinh nhật tới đấng Cha Lành. Các em siêng năng tập dợt múa hát nhờ những bậc sinh thành bỏ thì giờ cất công đưa đón, đợi chờ đầy nhiệt tình. Không khí tưng bừng thắp sáng đuốc từ bi, quý sư thầy và đại chúng về tham dự thật đông, màn thả bồ câu đầy ý nghĩa và đẹp mắt. Các em múa nhiều màn dâng cúng đức Từ Phụ đầy ngoạn mục, những bài hát ca ngợi Đức Thế Tôn Đản Sanh thánh thót hoà điệu reo vui. Chương trình bắt đầu từ 4 giờ chiều tới hơn 10 giờ tối với nhiều tiết mục tuyệt vời.

Trời về đêm trở lạnh, nhưng mọi người vẫn say mê ở lại thưởng thức. Những giờ phút lắng trầm tìm lại chính mình, mang ơn đấng cha lành đã hướng dẫn chúng sanh bằng con đường trí tuệ, khơi mầm chủng tánh Từ Bi, quán chiếu mọi khổ đau cần phải tập diệt, tự tu sửa thân tâm, làm lành lánh dữ, làm đẹp đạo tốt đời

Đức Phật Thích Ca

Bảy bước hoa sen xuất xuống trần
Căn lành hóa độ chốn phàm luân
Nhiều đời đạo luyện soi trong ý
Lắm kiếp tu hành rửa sạch thân
Gốc cội tham thiền thành Chánh Quả
Rừng già gội pháp đạt Thanh Văn
Con đường mở nẻo tìm an lạc
Đức Phật tôn sùng bậc Vĩ Nhân
MTTN

Lễ Phật Đản muôn người đều thành tâm hướng về ngài, cố gắng thực hiện những việc thiện trong khả năng, chay tịnh nhẹ nhàng, cảm nhận dòng thanh lương đang truyền sự an lạc vào tâm hồn, biết ơn nhân vật vĩ đại trong lịch sử đã đem hương hoa tươi mát xuống nhân gian thấm đậm niềm bao dung độ lượng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Thúy Thành Nội
Mùa Phật Đản 2023

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Yêu Và Mơ - Sáng Tác Văn Phụng - Tiếng Hát Đình Lộc


 Sáng Tác: Văn Phụng 
Tiếng Hát: Đình Lộc

Nửa Khuya Thức Giấc

  
(Ảnh: Tác Giả)

Nửa khuya thức giấc giang hồ
Hiên ngoài trăng xế, nghiêng bờ vó câu.
Đêm vô thanh, thoáng hương màu
Chợt nghe gỏ nhịp cuộc dâu bể nầy.
Nghĩ mà thôi.Ước mộng gầy !
Vui buồn, cho trót cuộc đày đoạ qua.
Nghĩ mà thôi, phận người ta,
Nhục vinh, như thể phù hoa chợ đời.
Con đường chật hẹp không mời
Mà sao đông đúc bóng người tới lui.?
Một đêm sàn diễn nầy thôi,
Biết mai sao nữa khóc cười thế nao.!
Năm canh.Có mấy canh sầu,
Năm canh,Ai biết hương màu thời gian ?
Năm canh, có một canh tàn,
Trả màu sương khói lại ngàn lối xưa.
Ta còn xuôi ngược sớm trưa
Vẫn tin có một hương mùa xuân quang.
Và tin có một cung đàn
Mai sau réo rắc giữa ngàn bến xuân.
Hồn sương khói.Tiếng đêm ngân
Nửa khi thức giấc nigh tầng biển xa.
Tuồng đời, buổi chợ phù hoa,
Nhân tình, Đạo nghĩa mới là tình xuân.

Mặc Phương Tử

Em Ơi... Hè Đã Về Rồi!

 

Em ơi... Hè đã về rồi!
Ánh hồng rực rỡ khung trời bao la,
Chim đàn ríu rít vui ca,
Bướm vàng khiêu vũ bên hoa muôn mầu.

Gió ve vuốt ngọn trúc đào,
Hai con chim nhỏ hôn nhau trên cành,
Đóa hồng mỉm nụ cười xinh.
Nắng ươm biếc cỏ lung linh ven đồi.

Em ơi... Hè đã tới rồi!
Về đây nghe biển hát lời yêu thương,
Dạo trên bờ Đại tây dương,
Tưởng như... bãi cát Quê hương Vũng Tàu!

Trườn lên con sóng bạc đầu,
Để cho... nước cuốn u sầu ra khơi!
Nắng Hè tỏa ấm khắp nơi.
Yêu thương tràn ngập tình người Virginia!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virgini

Dấu Hoa

 

Chiều vàng nghiêng sợi nắng thơ
Nhớ em bên ấy bốn mùa sương rơi
Tay trong tay lỡ tuổi trời
Ngẩn ngơ như đã cuộc đời bay ngang

Trái tim thơ chút rộn ràng
Nhìn mây gió cuốn đài trang chốn nằm
Ngắn dài một cõi trăm năm
Bút hoa mấy đoá thì thầm chiêm bao

Câu thơ con chữ ngọt ngào
Đường này lối nọ bông đào gót son
Tình đi tình ở vuông tròn
Mốt mai sương khói đời còn dấu hoa.

11/03/2022
Hoa Văn

Nam Mô A Di Đà Phật !


Có những khuôn mặt mà, dù chỉ gặp một lần, cũng đủ làm người ta … than mãi: ‘’người đâu gặp gỡ làm chi ?!’’. Không bắt buộc phải đẹp (xấu đẹp tùy người đối diện) nhưng đó phải là một khuôn mặt gây ấn tượng (lâu quá mới dám dùng lại chữ này !) mạnh, rất mạnh, cho người-trong-cuộc. Mà không chỉ khuôn mặt (gồm cả đôi mắt, nụ cười, sóng mũi .. ), một ngày nắng đẹp, một buổi hoàng hôn, một đêm sông vắng vv Hay một thành phố , cũng đủ làm cho ta ''muôn kiếp không quên"!

Tôi có dịp đi qua nhiều thành phố trên thế giới. Nói ‘’đi-qua’’ nhưng, ít nhất, cũng nghĩ lại đó 2 ngày. 2 ngày là khoảng thời gian tối thiểu để viếng một số ‘’danh lam thắng cảnh’’. Chỉ có thành phố ''đó'' là tôi đi qua trong vài giờ. Trong vài giờ thôi, mà ‘’ngày rời Annecy / anh đã để lại con tim’’. Để lại cố tình, không phải quên. Để lại con tim vì thành phố, không vì một ‘’cái gì’’ khác!

Hôm đó là chủ nhật đầu tháng 6 năm 2014. Trước đó mấy ngày, mẹ cháu và tôi lấy TGV từ ''gare de Lyon'' sang Genève thăm vợ chồng hai người bạn, khác (phân) khoa nhưng chung trường. Đây là lần đầu chúng tôi …Thụy du. Sau khi chở đi viếng vài nơi, ở Genève và vùng phụ cận, bạn tôi đưa chúng tôi ..hồi hương, viếng thành phố Annecy của Pháp, cách Genève khoảng 40km

Là tỉnh lỵ của tỉnh Haute-Savoie miền đông-nam Pháp, Annecy là một trong những thành phố nổi tiếng nhất nước. Về thắng cảnh, về môi trường vv. Liền trong mấy năm sau này, Annecy luôn nằm ở 2 hàng đầu trong ‘’top-ten’’ thành phố ‘’nên sống ở Pháp’’ (‘’où il fait bon vivre en France’’). Annecy có núi ( Alpes) , có hồ, có sông và, nhất là, có những con kênh len lỏi trong thành phố. Vì như thế nên Annecy còn được gọi là ‘’Venise’’ của Pháp.

Ở với Annecy chỉ vài giờ, trong đó đã gần 1 H dùng cơm trưa, nhưng sau khi viếng hồ, thăm phố : những con phố với những ngôi nhà đủ sắc màu, những chậu hoa trên bệ cửa sổ, những chiếc cầu xinh xắn vv, tôi đã ‘’xin nhận nơi này làm quê hương .. dưỡng lão ‘’( !) . Và tôi đã viết điều đó cho bạn-ta-Genève, về cái dự định (đi đi, về về thủ đô-tỉnh lỵ) trong tương-lai-tóc-trắng : hoặc Bordeaux, hoặc Annecy. Nhưng có lẽ là Annecy. Vì Annecy có sông, có núi, lại sát biên giới ..., như tỉnh lỵ vùng-4-miền-tây quê tôi, nơi tôi chào đời và trải qua một thời thiếu niên êm đềm, thơ mộng. 

(nguồn: Internet)

Sau này, do một vài lý do ‘’bất khả kháng’’, dự tính về Annecy chỉ còn trong quá khứ !!!! Nhưng Annecy, với tôi, vẫn là nơi ‘’ Vì đâu gặp gỡ làm chi ?’’, vẫn là tỉnh lỵ mà tôi ‘’mê’’ nhất !

Yêu Annecy như thế nên chiều tối qua, 08/06, tôi đau đớn vô cùng! Không chỉ đau, tôi còn khóc! Khi biết tin, qua truyền hình, một người đàn ông đã dùng dao đâm những bé thơ đang chơi đùa trong công viên bên bờ hồ Annecy! Có tất cả 6 người bị trọng thương: 2 người lớn và 4 đứa bé ( từ 22 tháng đến 3 tuổi ) . Sáng nay (9/6) , được biết là 2 bé vẫn còn trong tình trạng rất nguy kịch! Hung thủ là một người tị nạn Syrie ở Thụy Điển nhưng, do không vào được quốc tịch Thụy Điển, nên đã qua sống ở Annecy, từ mùa thu năm rồi.

Abdalmanish H. là người đàn ông 31 tuổi, đã lập gia đình với một phụ nữ Thụy Điển, và đã có một con nhỏ (3 tuổi?) . Hai người đã ly dị và, theo lời kể của người vợ cũ, 11/2022 Abdalmanish H. sang Pháp với mục đích xin quy chế tị nạn, để sau đó sẽ xin vào quốc tịch Pháp. Đơn xin vào quy chế tị nạn của Abdalmanish H. mới bị chánh phủ Pháp bác bỏ cách đây vài ngày, vì đương sự đã là người tị nạn ở Thụy Điển ! Có lẽ vì thế mà Abdalmanish H. nổi khùng, lấy dao tấn công mấy đứa bé?!

Chưa biết được lý do sát nhân của hung thủ nhưng đây không phải là hành động khủng bố ? Theo các nguồn tin tôi nghe được chiều qua thì, khi cầm dao đâm người, thằng-Syrien-này không say rượu hay ma túy, mà cũng không có vấn đề tâm thần gì cả ! Chỉ biết khi cầm dao đâm thì nó đã hô lớn ‘’nhân danh Chúa Jesus’’ !!!! Trả lời phỏng vấn ký giả, vài chủ tiệm, nhân viên một số cửa hàng mà thằng-Syrien ngủ bụi trước tiệm, cho biết, nó ít nói, ‘’hiền lành’’, luôn từ chối giúp đỡ của người ngoài !

Lúc đầu nghe tin tôi bàng hoàng! Nghe lại vài lần nữa, tôi hình dung cảnh mấy bé thơ đang chạy nhảy, leo trèo thì Chằn tinh xuất hiện. Tôi thấy mặt Chằn tinh khi nó bị một thanh niên dùng ‘’sac-à-dos’’ đánh trả lại nó. Nhìn từ xa, Chằn tinh là một người khá cao lớn, râu quai nón, áo thun đen, quần cộc đen, đầu bịt khăn che tóc, tay cầm dao, đang chạy kiếm thêm người đâm thì anh hùng ''sac-à-dos’’ xuất hiện ngăn chận, quơ ''sac'' tấn công vv...

Nghĩ đến lúc các bé bị đâm, đến tiếng hét thất thanh, đến đôi mắt ngạc nhiên mở to, đến…  Tôi không dám nghĩ tiếp! Và tôi rưng rưng. Một mình, mắt xem TV nhưng tai không nghe gì cả, tôi lặng yên để hai hàng nước mắt lăn xuôi. Khi gõ những chữ này thì tôi cũng lại khóc!

Dù cho sau những khám nghiệm, người ta sẽ bảo thằng-hung-thủ không có vấn đề tâm thần. Nhưng tôi vẫn cho là nó điên khi cầm dao đâm người, nhất là đâm những bé thơ vô tội, nhỏ nhoi. Nó càng điên hơn khi la lớn ‘’nhân danh Chúa’’. Như những thằng điên đang pháo vào Ukraine, như những thằng điên đã pháo vào trường tiểu học Cai Lậy năm 1974, khi nhân danh ''giải phóng''!

Giết bé thơ thì không có ''nhân danh'' nào được loài người chấp nhận!
Giết người là tàn ác. Giết bé thơ thì chỉ có bọn cực-điên-cực-ác. Tôi muốn dùng những chữ nặng nề hơn nữa để nói về bọn này. Nhưng không tìm ra!!!

Như từ chiều hôm qua, tôi tiếp tục cầu nguyện ơn trên ban phép mầu, hộ trì cho 6 nạn nhân, nhất là 2 bé thơ đang trong tình trạng nguy kịch, chóng ‘’tai qua, nạn khỏi’’!

Nam Mô A Di Đà Phật!

BP
09/06/2023