Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Sáng Cao Nguyên - Nhạc Sĩ: Khanh Phương - Hòa Âm: Quốc Dũng -Tiếng Hát: Khải Ca & Thanh Ngọc


Nhạc Sĩ: Khanh Phương
Hòa Âm: Quốc Dũng
Tiếng Hát: Khải Ca & Thanh Ngọc


Cao Nguyên Vào Hạ

  


Về Pleiku nghe hờn tiếng vọng
Gió lộng ùa bến mộng xanh xao
Gửi tình trao nhặt màu hoàng phượng
Người xa rồi lòng đượm thương đau

Thả hồn bay lên đồi Hạ ước
Lần bước đi sướt mướt đời nhau!
Dốc tàn hơi thác ghềnh cố vượt
Gọi tên người... nỗi nhớ hanh hao

Kim Oanh

Lời Của Mùa Hạ

 

Hạ nắng nóng phượng hồng theo ký ức
Nghe tiếng chân vang vọng khắp sân trường
Gió bụi mờ con đường mang nỗi nhớ
Dòng mực xanh thơ phú đẹp lạ thường.

Gõ từng chữ bàn phím rên vì nhớ
Chầm chậm đi áo hở gió tung bay
Nắng chói chan trên tay cành phương vĩ
Em vào thơ cảm nghĩ thoáng mưa mây.

Nắng ở nơi em chỗ anh mưa bão
Sài Gòn mưa không báo trước bao giờ
Tuổi trẻ hồn nhiên dường như hơi bướng
Hờn giận vu vơ vương chút dại khờ.

Nhả ra từng chữ nắng hong chạy nhựa
Im lặng nghe tiếng ngựa hí dặm trường
Ký ức bồng bềnh sân trường vắng bóng
Lưu bút ngày xanh đóng cửa vô thường.

Tế Luân


Chân Trần Trên Đồi Cát

  

Ngày về thăm quê
Trùng dương bát ngát
Chân trần chạy trên đồi cát
Mượt mà như dải lụa quấn quanh
Chân trần chạy thẳng lênđồi
Tưởng như đến bên trời trước mắt
Giócát quật vào mặt vào mắt
Mặt trời nghiêng và bóngđổ
Đồi cát chập chùng đôi cánhtrắng
Gió thổi tung màn lụa phủ thân ta
Lòng cuộn theocơn lốc
Bụi mờ vết chân qua
Quá khứ xa xôi
khung trời ẩn hiện
Đại bác nổ rềnxé rách đêm thâu
Ánh hỏa châusoi sáng cát vô hồn
Lá cây gầy 
lấp loáng giọt sương tuôn

Lòng mẹ mái tranh
nước mắt ru buồn
Bóng anh người lính chiến
Áo chinh nhân xuống biển lên ngàn
Lặng lẽ súngtrên tay
Băng qua vùng lửa cháy
Đã một lần nơi đây
Em, anh và quê hương tan nát
Ôi chinh chiến điêu tàn
Tình yêu và biển mặn
Quê hương ước mơ ơi
Hôm nào đã mất
Mất non sông và mối tình anh.

Lê Mỹ Hoàn

 

Nghe Jazz

 

Hôm nay nghe nhạc Jazz
Bỗng thương nhớ dạt dào
Khi tôi còn rất trẻ
Chiều cuối tuần xôn xao

Mộng đời ở phía trước
Tình yêu chẳng vội vàng
Nhạc tình, say men ngọt
Chếnh choáng hồn đi hoang

Quán mở nhạc rộn ràng
Ly rượu vang nồng nàn
Anh mời tôi uống cạn
Để lòng mình mênh mang

Không lả lướt như Waltz
Không quý phái Tango
Jazz ma mị quyến rũ
Dẫn tôi vào cơn mê

Như đôi mắt đắm đuối
Như vòng tay gọi mời
Jazz thẳm sâu tha thiết
Như khi anh nhìn tôi

Jazz bao la mịt mù
Sương khói buổi chiều Thu
Dập dồn như sóng vỗ
Tôi cùng anh lãng du

Lâng lâng những cảm xúc
Tuổi đôi mươi đâu rồi ?
Jazz, Valse, Slow Rock
Muốn đầy vơi khóc cười

Thời gian trôi muôn nẻo
Tóc xanh nhạt phai dần
Sao tôi còn nhớ mãi
Dư âm ... một thời xuân ??


Edmonton, Tháng 5/2023
Kim Loan

Lịch Sử Về Sự Hiện Diện Của Người Việt Nam Tại Pháp

 

Kính thưa quý vị.
Hiện nay tại quốc nội, dân số Việt Nam vào khoảng 100 triệu người và tại hải ngoại, khắp 5 châu, số người Việt Nam đang sống định cư khoảng hơn 4 triệu người.
Hiện tại, chúng ta đang sống định cư tại Pháp và được biết số người Việt Nam tại Pháp khoảng hơn 300.000 người.
Nước Pháp là một quốc gia lâu đời có nhiều liên hệ đến Việt Nam... và dĩ nhiên sự hiện diện của người Pháp tại Việt Nam cũng có một lịch sử lâu đời với nhiều lý do đặc biệt và biến chuyển khác nhau. Và từ đó, sự hiện diện của người Việt Nam tại Pháp cũng có một lịch sử đặc biệt với những biến chuyển qua các thời điểm khác nhau.
Hôm nay, chúng tôi xin được tìm hiểu, thu thập các tài liệu liên quan đến "LỊCH SỬ VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI PHÁP " để cống hiến cùng quý vị.

Kính thưa quý vị.

Mục đích của bài viết nhỏ bé nầy là ước mong để chúng ta, những người Việt Nam đang sinh sống tại hải ngoại ( đặc biệt tại Pháp ), kể cả những thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên tại hải ngoại cùng tìm hiểu về những người Việt Nam chúng ta đã ra đi, đến Pháp và đã sinh sống ra sao từ những người đầu tiên cho đến những người đến sau nầy như hiện nay.
Chúng tôi cũng xin phép được thưa trước rằng : " Giới hạn của bài viết nầy chỉ được đề cập đến những người Việt Nam đầu tiên đến Pháp cho đến thời điểm của Biến Cố Lịch Sử Đau Thương ngày 30.04.1975 ".
Từ sau Biến Cố Lịch Sử 30.04.1975, đã có rất nhiều sách báo, tài liệu ( Việt Ngữ lẫn Ngoại Ngữ ) nói rất nhiều về sự hiện diện của người Việt Nam tại Pháp... Sau nầy, nếu có điều kiện, hoàn cảnh và phương tiện cho phép, chúng tôi sẽ cố gắng thu thập tài liệu để thực hiện tiếp theo về Sự Hiện Diện Của Người Việt Nam Tại Pháp từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Kính thưa quý vị.
Vì là một bài viết được thực hiện với sự thu thặp các tư liệu khác nhau qua những dữ kiện lịch sử khác nhau cùng sự nỗ lực cố gắng trong khả năng hạn hẹp của người viết, chúng tôi nghĩ rằng không sao tránh được những khiếm khuyết sai sót... chúng tôi rất mong đón nhận những ý kiến đóng góp quý báu và những sự chỉ giáo chân tình của các bậc trưởng thượng, quý anh chị và quý bạn.
Nhân dịp nầy, chúng tôi cũng xin phép tất cả các tác giả, các tạp chí, các báo chí, cơ quan, hội đoàn... có những bài viết có liên quan đến chủ đề của bài viết của chúng tôi mà chúng tôi xin được tham khảo và trích đăng. Chúng tôi xin thành thật xin lỗi và xin cám ơn trước đối với tất cả mọi quý vị.
Xin trân trọng kính chào.

*Ghi Chú Đặc Biệt: Bài viết nầy hoàn toàn không có mục đích Ca Tụng hay Vinh Danh bất cứ cá nhân hay tổ chức nào của người Việt Nam tại Pháp. Nếu có cá nhân hay tổ chức nào được đề cập nhiều hay được nhấn mạnh, nhắc nhở tới là vì những nhân vật, tổ chức nầy qua những việc làm tại Pháp đã có nhiều ảnh hưởng đến đất nước Việt Nam chúng ta trên nhiều phương diện khác nhau. Xin kính cáo và khẳng định mục tiêu của bài viết nầy cùng quý vị.
***
Kính thưa quý vị.

Bài viết nầy đã được Hội Văn Hóa và Nghệ Thuật Á Châu & Ban Tài Liệu Việt Ngữ cho đăng vào năm 2010. Mỗi lần thu thập được các tài liệu có liên quan đến chủ đề của bài viết thì chúng tôi bổ túc và biên soạn lại để phổ biến.
Và hôm nay chúng tôi xin hân hạnh được phổ biến thêm một lần nữa vì cũng có thêm được một số tài liệu liên quan đến đến chủ đề của bài viết nầy.
Xin trân trọng kính chào quý vị.

Ba-Lê ngày 21 tháng 6 snăm 2023.
NGUYỄN VÂN XUYÊN.
***

CÁC SÁCH, BÁ0, TÀI LIỆU và CƠ QUAN THAM KHẢO:

1). Việt Sử Toàn Thư. ( Sử Gia Phạm Văn Sơn ).
2). Việt Nam Sử Lược. ( Học Giả, Sử Gia Trần Trọng Kim ).
3). Tường Trình Về Đàng Trong 1645.
( Bản ngoại ngữ của Alexandre De Rhode & Hồng Nhuệ dịch ).
4). Để Hiểu Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ 17.
( Nguyễn Khắc Xuyên ).
5). Các Websites : Nam Kỳ Lục Tỉnh, Chim Việt Cành Nam, Văn Nghệ Biển Khơi, DCVOnline.net. ...
6). Người Công Giáo Việt Nam tại Pháp 1975 - 2005.
( SH. Trần Công Lao ).
7). Université Paris 7 Denis Diderot. ( UFR Asie Orientale ).
8). Cité Nationale de L' Histoire de L' Immigration.
9). Bulletin de L' ANAI.
10). Le Paris Asie: 150 ans de présence Asiatique dans la Capitale.
( Pascal Blanchard + Eric Dero ).

Hiện nay số người Việt Nam ( được xem như đã có gốc quốc tịch Việt Nam ) đang sinh sống định cư tại Pháp là khoảng 300.000 người. Tại thủ đô Ba-Lê và vùng phụ cận ( gọi là vùng Ile De France ) có vào khoảng hơn 100.000 người và phần còn lại thì sống định cư tại hầu hết mọi nơi trên đất Pháp, phần lớn tập trung tại các thành phố lớn của nước Pháp như Marseille, Lyon, Toulouse, Bordeaux, Nantes, Lille, Rennes...

Ai là người Việt Nam đầu tiên đã đặt chân đến nước Pháp... và sau đó những người Việt Nam khác đã lần lượt đến Pháp như thế nào?

Trước tiên, xin phép được đề cập một cách tổng quát về sự hiện diện của người Âu châu ( trong đó có người Pháp ) đã có mặt tại Việt Nam qua các thời gian khác nhau như sau:

- Từ thời Hậu Lê, khởi đầu bằng Lê Thái Tổ ( 1428 - 1433 ) và lúc bấy giờ vào năm 1428 từ Chiêm Thành đã có người Tây Dương ( tức là người Âu Châu ) là Giám Mục Đốc Chính tên là GiaCôBa lén lút vào vùng biển thuộc lãnh thổ nước Việt Nam ta để vẽ bản đồ gửi về cho Đức Giáo Hoàng...
- Rồi đến năm 1533 lại có Giám Mục Ingatiô lén lút vào truyền giáo ở làng Ninh Cường huyện Nam Chân thuộc miền Bắc nước Việt Nam của chúng ta... Rồi kể từ đó thì có những nhà truyền giáo cũng như thương buôn lần lượt đến nước ta từ Bắc Hà cũng như Nam Hà mà sử sách còn gọi là Đàng Ngoài và Đàng Trong.

- Căn cứ theo các sử liệu còn ghi lại thì chúng ta có thể xác định rằng : " Những người Âu Châu đầu tiên, trong đó có người Pháp, mà khởi thủy đa số là các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo rồi đến các thương buôn đã có mặt ở nước ta vào đầu thế kỷ 15 ( tức là vào khoảng năm 1428 ), rồi đến thế kỷ 16, 17, 18 và cho đến giữa thế kỷ thế 19, vào năm 1858, người Pháp công khai tấn công và xâm lược đất nước Việt Nam...

Người viết xin xin được ghi nhận một số thời điểm tổng quát như sau:

- 1428: Giám Mục Đốc Chính Gia Cô Ba từ Chiêm Thành lén lút và vùng biển Việt Nam.
- 1533: Giáo Sĩ Ingatiô ( YNêKhu ) đến Đàng Ngoài để giảng đạo.
- 1614: Giáo Sĩ Jean De La Croix đến Việt Nam.
- 1615: Giáo Sĩ Buzomi ( người Ý ) thuộc dòng Tên tới Đàng Ngoài.
- 1616: Giáo Sĩ André Fernandes ( người Bồ Đào Nha ) tới Việt Nam.
- 1617: Hai Giáo Sĩ Francesco De Pina và Francisco Barreto ( cả hai đều là người Bồ Đào Nha ) tới Đàng Trong của Việt Nam.
- 1618: Giáo Sĩ Cristophoro Bori ( người Bồ Đào Nha ) và Marquez ( người Bồ Đào Nha lai Nhật Bổn ) đến Việt Nam.
- 1624: Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes ( người Pháp ) đến Đàng Trong của Việt Nam.
- 1625: Giáo Sĩ Cadière đến Việt Nam.
- 1626: Hai Giáo Sĩ Baldinotti và Giuliô tới Đàng Ngoài.
- 1629: Giáo Sĩ Gaspar d' Amaral tới Đàng Ngoài.
- 1631: Hai Giáo Sĩ Cardim và Antonia De Fonte tới Đàng Ngoài.
- 1632: Giáo Sĩ Jêrónimo Majórica tới Đàng Ngoài.
- 1640: Giáo Sĩ De Mattos tới Đàng Trong
- 1646: Hai Giáo Sĩ Metello Saccano và Balthasar Caldera tới Đàng Ngoài.
- 1658: Giáo Sĩ Tissanier tới Đàng Ngoài.
- 1666: Thương buôn François Caran ( người Pháp ) tới Đàng Trong.
- 1678: Thương buôn Boureau Deslandes ( người Pháp ) tới Đàng Ngoài.
- 1682: Hai Giám Mục Metellopolis và Lanneau tới Huế gặp Chúa Hiền
- 1684: Thương buôn Chappelier ( người Pháp ) tới Đàng Ngoài.
- 1686: Thương buôn Verret ( người Pháp ) đến vùng Côn-Lôn thuộc Đàng Trong.
- 1721: Hai thương buôn người Pháp tên là Renault và De La Baume đến Đàng Ngoài.
- 1737: Thương buôn Dumas ( người Pháp ) đến Đàng Ngoài.
- 1748: Thương buôn Dumont ( người Pháp ) đến Đàng Trong.
- 1749: Thương buôn Pierre Le Poivre ( người Pháp ) đến Đàng Ngoài.
- 1753: Thương buôn Prolais - Leroux ( người Pháp ) đến Côn - Lôn thuộc Đàng Trong.
- 1767: Giáo Sĩ Pierre Pigneaux tức Bá Đa Lộc đến Đàng Trong.

* Ghi Chú Đặc Biệt: 

Người có công đầu trong việc sáng chế CHỮ QUỐC NGỮ là LINH MỤC FRANCESCO DE PINA ( 1585 - 1625 ), một Giáo Sĩ Dòng Tên, người Bồ Đào Nha ( Portugese ), đến Đàng Trong năm 1617, từ trần vì bị đắm thuyền ở Đà Nẵng năm 1625. Ông là người đầu tiên nói thạo và giảng đạo bằng tiếng Việt. Hợp tác với nhiều người và đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của một thanh niên Việt Nam có tên đạo là Phê - Rô... Và trong số các học viên học tiếng Việt với Linh Mục Francesco De Pina có một người về sau nổi tiếng tên là Alexandre De Rhodes ( 1593 - 1660 ). Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes đến Hội An năm 1624. Alexandre De Rhodes còn học tiếng Việt với nhiều người địa phương, trong đó có một thiếu niên Việt Nam 13 tuổi rắt thông minh tên là Phan An và sau đó Phan An được Alexandre De Rhodes nhận làm con nuôi, cho theo đạo Thiên Chúa và trở thành Thầy Giảng Đạo tên Raphael Rhodes. Năm 1645 Alexandre De Rhodes bị trục xuất ra khỏi Đàng Ngoài và ông đén Macao.

***
Bây giờ xin phép được trở lại chủ đề chính của bài viết: LỊCH SỬ VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI PHÁP.

A). NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC PHÁP:

Người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến nước Pháp là ông Phan An vào năm 1649 cùng với Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes. Ông Phan An sinh năm 1611 tại Hội An ( miền Trung Việt Nam ). Năm 1624, giáo sĩ Alexandre De Rhodes đến Việt Nam giảng đạo và nhận ông Phan An làm con nuôi ( sau vài tháng đặt chân đến Việt Nam ). Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes nhận ông Phan An theo đạo Thiên Chúa, cho học đạo rồi dạy cho trở thành Thầy Giảng Đạo. Khi được nhận làm con nuôi thì lúc bấy giờ ông Phan An được 13 tuổi và là một thiếu niên rất thông minh. Năm 1645, Giáo Sĩ Alexandre De Rhodes bị trục xuất khỏi Việt Nam và giáo sĩ mang theo ông Phan An đến Ma - Cao. Năm 1649, giáo sĩ Alexandre De Rhodes trở về Pháp và cũng có cả ông Phan An. Ở Pháp được một năm và năm sau tức là năm 1650 cả hai người cùng đến La - Mã ( Ý Đại Lợi ). Năm 1653, ông Phan An trở về Việt Nam và mất năm 1668 ( lúc 57 tuổi ). ( Đây là ghi theo gia phả của ông Phan Xuân, con cháu nhiều đời trong gia đình của ông Phan An ở Đà - Nẵng ).

B). CÁC PHÁI ĐOÀN và MỘT SỐ CÁ NHÂN TIÊU BIỂU:

- 1787: Phái Đoàn Hoàng Tử Cảnh ( với sự hướng dẫn của giáo sĩ Pierre Pigneaux tức Giáo Sĩ Bá Đa Lộc ). Phái đoàn nầy ngoài Hoàng Tử Cảnh còn có thêm các ông Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm, Trần Văn Học, bà Đặng Thị Sen và nhiều người khác nữa... ( xin xem chi tiết ở phần Các Sự Kiện và Nhân Vật Đáng Chú Ý ).
- 1794: Các ông Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính. Vào năm 1793, năm Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Thịnh 1, tháng 10 năm 1793, hai giám mục người Việt Nam thuộc Dòng Tên tại địa phận Nam Chân của Việt Nam là Phạm Văn Ất và Nguyễn Đình Bính sang Pháp rồi sang Ý để khiếu nại với Đức Giáo Hoàng về việc xóa tên Dòng Tên. Đầu tiên họ đến Ma - Cao, sau đó đi bằng đường thủy trong vòng 6 tháng mới đến được Pháp và ngày 8 tháng 4 năm 1794 họ đặt chân đến nước Pháp.
- 1863: Phái Đoàn Phan Thanh Giản. Phái đoàn do ông Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp, ngoài ra còn có thêm các ông Phạm Phú Thứ, Nguyễn Khắc Đàm, Nguyễn Văn Chất, Trương Vĩnh Ký và nhiều người khác nữa...( Xin xem thêm chi tiết ở phía sau ).
- 1867: Ông Nguyễn Trường Tộ.
- 1889: Các ông Nguyễn Miên Triên và Bùi An Niên.
- 1893: Các ông Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo và...
- 1898: Các ông Thân Trọng Huề, Lê Văn Chính, Lê Văn Miên và...
- 1899: Vua Hàm Nghi.
- 1908: Các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thúc Quýnh và...
- 1909: Các ông Nguyễn Khắc Vệ, Nguyễn Bá Luận, Lê Công Sủng, Lê Công Phước ( con trai của ông Lê Công Sủng, sau nầy là Bạch Công Tử ở Việt Nam ), Trương Vĩnh Hằng ( con trai của ông Trương Vĩnh Tống và cũng là cháu nội của ông Trương Vĩnh Ký ), Trần Lâm Đặng, Hoàng Tích Chu, Đinh Mạnh Triết, Đặng Phục Thông và...
- 1910: Ông Nguyễn Thế Truyền.
- 1911: Các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Dật, Trần Xuân Hồ, Phạm Phú Khai, Nguyễn An Ninh, Bùi Kỹ, Bùi Thiện Cơ, Phan Kế Toại, Trương Như Đính, Nguyễn Tất Thành ( sau nầy có tên là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh... ) và...
- 1913: Các ông Trần Lê Luật, Nguyễn Duy Hinh ( Đốc Phủ Kiểng ) và...
- 1915: Cô Hoàng Thị Quế, còn có tên là Thế ( con gái của ông Hoàng Hoa Thám, mệnh danh là Hùm Xám Yên Thái trong thời gian chống Pháp ở Việt Nam ) và...
- 1916: Vua Thành Thái và Vua Duy Tân ( có thêm vợ của vua Duy Tân là bà Mai Thị Vàng, nhưng một thời gian ngắn thì bà Vàng xin được trở về lại Việt Nam và được chấp thuận ), các ông Nguyễn Thế Tắc, Nguyễn Thế Thu và...
- 1917: Ông Nguyễn Thế Song, ông Trần Văn Đôn sinh ra tại Pháp ( sau nầy là Trung Tướng Trần Văn Đôn trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ) và...
- 1918: Ông Trần Văn Chương và…

C). THỜI KỲ ĐỆ NHẤT THẾ CHIẾN ( 1914 - 1918 ):

Lúc đầu,tổng số người bị bắt đưa đi Pháp trong diện đi quân dịch cho Pháp thuộc các tỉnh muền Nam Việt Nam ( Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một,Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sóc Trăng, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên ) là 8850 người và được phân chia ra như sau : 2000 người lính Pháo Thủ, 3250 người giúp việc Quân Y, 250 người lo về Quân Nhu, Tiếp Liệu, 3000 người thợ không chuyên môn ( ONS ) và 50 người làm Thông Dịch Viên.

Sau đó, trong thời gian Đệ Nhất Thế Chiến, chính quyền bảo hộ tại Việt Nam đã gửi đi qua Pháp nhiều người Việt Nam qua nhiều lần, tổng cộng khoảng trên, dưới 100.000 người, trong đó có 2 đợt quan trọng và nhiều người là 43.000 người và 56.000 người và trong cuộc chiến tranh nầy đã có khoảng hơn 10.000 người đã chết và được an táng nhiều nơi trên nước Pháp... đặc biệt, tại Nghĩa Trang Nogent Sur Marne thuộc ngoại ô của thủ đô Paris có an táng cho 1123 người và được cải táng nhiều lần. Và hiện nay ( năm 2020 ) tại nghĩa trang nầy còn có một ngôi mồ chôn tập thể hơn 100 hài cốt của người Việt Nam đã tử trận trong cuộc Chiến Tranh Đệ Nhất Thế Chiến tại Pháp. Và cũng hiện nay, HỘI CỰU CHIẾN BINH NHẢY DÙ ÂU CHÂU của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, phối hợp cùng một số tổ chức, hội đoàn, cá nhân trong Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp... thiết lập một ĐÀI TƯỢNG NIỆM với hình tượng TIẾC THƯƠNG cùng LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ tung bay thường xuyên tại nghĩa trang nầy... và hàng năm, vào tháng 11 Dương Lịch có tổ chức một ngày VINH DANH, TƯỞNG NIỆM các Chiến Sĩ Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa... cùng các tiền nhân Việt Nam ( trong ngôi mộ tập thể hơn 100 hài cốt của người Việt Nam)... ngày đó được trang trọng gọi là NGÀY GIỔ LÍNH. Phải thành thật công nhận, có được NGÀY GIỔ LÍNH hàng năm (từ gần 20 năm nay ) là công lao to lớn của HỘI CỰU CHIẾN BINH NHẢY DÙ ÂU CHÂU QL/VNCH. ... mà phải ghi nhận sự hy sinh của các Niên Trưởng, Chiến Hữu, Thân Hữu sau đây : Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân, Đại Tá Trần Đình Vỵ, các Bác Sĩ Trần Đức Tường, Phạm Tu Chính, Phan Khắc Tường, Lê Quang Thuận, Tạ Thanh Minh và nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ khác nữa ( trong tập thể Nha, Y, Dược Sĩ tại Pháp )... các chiến hữu như Thiếu Tá Lâm Văn Rớt, Đại Úy Trần Hoàng Lộc ( đương nhiệm Hội Trưởng Hội Cựu Chiến Binh Nhảy Dù Âu Châu QL/VNCH ), các chiến hữu Đặng Vũ Lợi ( Thiếu Tá Hải Quân, Hội Trưởng Hội Hải Quân & Hàng Hải VNCH tại Pháp ), Phan Văn Song, Vũ Hữu Thành, Cao Tấn Lộc, Lê Ngọc Khoa, Đặng Vy Khanh, Nguyễn Long Diên... cùng nhiều chiến hữu QL/VNCH khác nữa và cùng sự tiếp tay của quý thân hữu trong đại gia đình QL/VNCH như các anh chị Phê+Thu Vân, anh chị Đỗ Văn Soạn+Hương Liên, chị Tường Oanh, anh chị Felix Thanh Ginet, anh Nguyễn Văn Đông (Phóng Viên đài TH/9 VNCH )... và nhiều người khác nữa...
...................................................................
Xin được trở lại chủ đề: LỊCH SỬ VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TẠI PHÁP.
Về phía Công Giáo, có một người mang cấp bậc Thượng Sĩ tên là Đỗ Văn Khánh.
Về phía Phật Giáo, có một nhà sư tên là Nhan Lại ( cũng có tên là Nhan Hồi ) tại vùng Fréjus. Tại Fréjus, sau nầy, có một cái am và sau đó thành một cái chùa tên là Chùa Hồng Liên.

D). TỪ SAU ĐỆ NHẤT THẾ CHIẾN CHO ĐẾN ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN:

- 1919: Các ông Trần Văn Chỉ, Diệp Văn Kỳ ( con của ông Diệp Văn Cương ), Lê Công Phước ( lần thứ 2 ), Trần Trinh Quy, cũng là Huy ( tức là Công Tử Bạc Liêu hay là Hắc Công Tử ), Nguyển Duy Tiên ( tức là Ba Tiên, Công Tử Bến Tre, con trai của ông Phủ Kiểng Nguyễn Duy Hinh ), và...
- 1920: Các ông Nguyễn An Ninh ( lần thứ 2 ), Đặng Văn Thu, Phan Khắc Sửu, và...
- 1921: Các ông Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thượng Khoa, Nguyễn Hữu Thọ, bà Henriette Bùi Quang Chiêu ( con gái của ông Bùi Quang Chiêu ), và...
- 1922: Vua Khải Định, Thái Tử Vĩnh Thụy ( tức Vua Bảo Đại sau nầy ), các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Mạnh Hà, Lê Như Lâm, Nguyễn Duy Quang ( con trai của ông Phủ Kiểng Nguyễn Duy Hinh và ông Nguyễn Duy Quang là Đại Sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp sau cùng cho đến này 30.4.1975), Võ Văn Vân ( quê ở Thủ Dầu Một, sau nầy là chủ nhân nhà thuốc Võ Văn Vân ở Việt Nam), Văn Võ Vân ( quê ở Bến Tre, chủ nhân hãng Xà Bông Võ Văn ở Bến Tre sau nầy ), Hoàng Thân Vĩnh Cẩn, và…
- 1923: Các ông Nguyễn Thế Rục, Hoàng Văn Bích, và...
- 1924: Các ông Bùi Quang Giụ, Vi Văn Lê ( con trai của Tổng Đốc Vi Văn Định ), Vũ Liên, Nguyễn La Chánh, Lý Bình Huê Phan Văn Chánh, và...
- 1926: Cô Nguyễn Hữu Thị Lan ( tức Nam Phương Hoàng Hậu sau nầy ), các ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Ân, Bùi Công Trừng, Nguyễ Thế Thạch, Đặng Đình Thọ, Huỳnh Văn Phương, Hồ Hữu Tường, và...
- 1927: Các ông Ngô Đình Thục, Nguyễn Tường Tam ( tức nhà văn Nhất Linh ), và...
- 1930: Các ông Ngô Đình Nhu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Duy Khiêm, và...
Điểm đặc biệt cần ghi chú là giữa 2 trận Thế Chiến 1 và 2, ngoài những số người do chính phủ bảo hộ tại Việt Nam gửi đi Pháp để bù đắp cho sự thiếu hụt công nhân trong các ngành nghề tại Pháp vào khoảng hơn 20.000 người, thì chính phủ bảo hộ Việt Nam còn cho khoảng hơn 1500 du học sinh xuất ngoặi du học tự túc, phần đông là các con của những người giàu có và những người làm công chức cho Pháp... trong đó có các ông Nguyễn Hữu Giải, Hồ Văn Kỳ Trân ( con trai của ông Hồ Biểu Chánh ), bà Liễu Thị Cẩm Hường ( con gái của ông bà bá hộ Liễu Văn Ngạc ở Tổng Bình Hưng, huyện Bến Cát tỉnh Thủ Dầu Một ), và... Riêng ông Nguyễn Hữu Giải, là con trai của Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài, là một người học rất giỏi, đổ đạt cao, nhưng bị chết một cách bất ngờ, đáng nghi ngờ trước ngày hồi hương về Việt Nam.
- 1931: Gánh hát Huỳnh Kỳ của Lê Công Phước sang Pháp trình diễn có Lê Công Phước ( lần thứ 3 ) cùng một số nghệ sĩ như Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Năm Châu, Phùng Há và một số người thuộc nhân viên của đoàn hát.
- 1935: Các ông Trần Văn Thân, Đinh Văn Cam, Nguyễn Văn Tốt ( cả 3 ông là người ở Tổng Bình Hưng, huyện Bến Cát tỉnh Thủ Dầu Một và ông Nguyễn Văn Tốt là thân phụ sau nầy của người viết bài nầy ), ông Ngô Đình Luyện, và...
- 1937: Ông Lê Văn Thới ( sau nầy là Giáo Sư Lê Văn Thới, Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn ) , và...
- 1940: Ông Lê Bá Đảng ( sau nầy là một Họa Sĩ ), và...

E). THỜI KỲ ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN ( 1939 -1945 ):

Số người Việt Nam bị đưa sang Pháp ( trong diện bị cưởng bách ) trong trận Đệ Nhị Thế Chiến là 19.272 người, những người nầy đi trên 15 chuyến tàu khởi hành từ các cảng Sài Gòn, Hải Phòng và Đà Nẳng. Chuyến tàu thứ nhất rời Bến Sáu Kho, Hải Phòng ngày 20 tháng 10 năm 1939 và chuyến tàu cuối cùng cũng từ Hải Phòng vào ngày 6 tháng 6 năm 1940.
Khi đến Marseille, họ được tập hợp thành các đơn vị gọi là " Cơ " ( mỗi Cơ là 250 người ). Và cứ 10 Cơ là thành một " Đạo ", đặt dưới quyền chỉ huy của người Pháp. Có tất cả 74 Cơ nhưng rút gọn thành 5 Đạo tại các vùng Lodève, Bergerac, Sorgue, Toulouse, Marseille và làm việc trong các xưởng chế tạo thuốc súng hay các vật liệu xăy cất, hoặc làm việc ( công nhân ) tại các nhà ga xe lửa hay các sân bay.
Mỗi ngày, mỗi người được lãnh 15 Francs để tiêu vặt, còn tiền lương thì bị giử lại, khi nào trở về lại Việt Nam thì mới được lảnh số tiền lương nầy... Ngoài ra, họ còn được phát, mơ õi người : 1 áo tơi, 1 bộ quần áo nỉ dầy, 1 bộ quần áo v6i để đi chơi, 1 bộ quần áo xanh để làm việc, 2 áo le, 2 áo lót, 2 quần xọt ngắn và 3 đôi vớ len.

Tháng 6 năm 1940, Pháp đầu hàng Đức phải ký Hiệp Định Đình Chiến ( Armistice ), thì có 4426 người Việt Nam được xuống tàu trở về Việt Nam. Nhưng chẳng may, đường biển bị Hải Quân Anh Quốc ngăn chận và phong tỏa cho nên họ bị đưa tới đảo Madagasca, đảo Réunion và vùng Nam Phi mà không về được quê nhà Việt Nam.
Những người còn lại tại Pháp, trong khi chờ đợi hồi hương nhưng cuối cùng cũng không được trở về lại Việt Nam mà Bộ Thuộc Địa và sở MIO của Pháp đã ký giao kèo với các tư nhân hoặc với các chủ hảng để gửi họ đi làm công nhân về nhiều thứ việc làm trên khắp nước Pháp, kể cả việc làm cho Đức và đặc biệt có một số lớn được gửi đến vùng Camargue để khai thác việc trồng lúa và một số được đưa đi làm công việc xây dựng các công thự phòng thủ dọc bờ biển Địa Trung Hải.
Đầu tháng 1 năm 1950, sau nhiều đợt xuống tàu hồi hương về Việt Nam, số 19.272 người Việt Nam được đưa sang Pháp trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến còn lại hơn 3000 người tại Pháp và tất cả họ đều chính thức làm đơn xin ở lại Pháp.
Và trong năm 1943, có một ông Linh Mục Công Giáo tên là Cao Văn Luận đến Pháp và ở lại Pháp trong một thời gian và sinh hoạt với Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Pháp trong thời gian nầy.

F). TỪ SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN CHO ĐẾN HIỆP ĐỊNH GENÈVE 1954:

Trong thời kỳ nầy, ở ngoài Bắc cũng như ở trong Nam, một số người Pháp ( công chức hay binh lính trong Quân Đội Viễn Chinh Pháp ) có vợ, con Việt Nam ( các con lai 2 dòng máu ) đã mang gia đình về Pháp, do đó có được những người Việt Nam sang Pháp trong diện nầy. Đồng thời, những gia đình Việt Nam giàu có hoặc có quyền thế cũng luôn luôn tìm cách cho con cái hoặc người thân thuộc trong gia đình sang Pháp để du học hoặc sinh sống để trốn lính, trốn chiến tranh đang xảy ra tại Việt Nam.

Tại Pháp, riêng đối với Công Giáo, từ năm 1946, người ta ghi nhận tại Paris đã có thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ( Fédération Catholique Vietnamienne ). Theo nhân chứng là Linh Mục Cao Văn Luận cho biết rằng : " Hai người dẫn khởi hoạt động với chức vụ Chủ Tịch và Tổng Thư Ký của tổ chức nầy là các ông Trần Hữu Phương và Trương Công Cừu ( sau nầy có một thời gian làm Bộ Trưởng Ngoại Giao trong thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ). Tổ chức nầy gồm có các bộ phận thợ thuyền, phụ nữ, sinh viên... đặt dưới sự trợ giúp tinh thần của một Tổng Tuyên Úy Việt Nam và có trụ sở ở số 36 bis, boulevard Raspail, quận 7 Paris ( mua năm 1946 nhờ Đức Cha Henri Chapponli giúp đỡ ). Cha Tuyên Úy đầu tiên là Cha Trần Văn Hiến Minh.
Đồng thời ở các tỉnh miền Nam nước Pháp, nơi có đông người Việt Nam cư ngụ và vào thời điểm nầy, cũng bắt đầu có các hội Công Giáo Việt Nam thành hình. Thế rồi với danh nghĩa trung tâm lâm thời, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Paris mời gọi tập họp 30 đại biểu giáo dân các vùng Paris, Lyon,Grenoble, La Roche Sur Foron, Arles, Tagascon, Bergerac, Sorgues, Mazargues, Toulouse... về họp đại hội tại khu Saint Cyprien ở Toulouse trong 2 ngày 31.03 và 01.04.1946 để chính thức thành lập 
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và đại hội mời đích danh các vị linh mục có tên sau đây làm 
Tuyên Úy cho các vùng như sau đây:

- Vùng Mazargues và Tagascon : Linh Mục ( LM ) Trần Văn Thiện.
- Vùng Paris, Privas, Grenoble, Moulin, Villebranne : LM. Cao Văn Luận.
- Vùng Carcasonne và Toulouse : LM. Nguyễn Ngọc Quang.
- Vùng Agen và Albi : LM. Hoàng Mạnh Hiền.
- Vùng Bergerac và Bordeaux : LM. Đinh Văn Hưởng.
Và từ năm 1946, có sự hiện diện tại Pháp của một số người Việt Nam như sau :
- 1946: Ông Trương Văn Quýnh, ông bà Nguyễn Duy Tài, và...
-1947: Bà Dương Quỳnh Hoa, các ông Hà Văn Trí ( quê ở Thủ Dầu Một ), ông Trần Kinh Luân ( quê ở Tây Ninh ), cô Nguyễn Thị Tuyết Mai ( con gái của ông bà Nguyễn Duy Tài sinh ra tại Pháp vào nâm 1947 nầy ), và...
- 1948: Các ông Dương Ngọc Lắm, Đỗ Cao Minh, Nguyễn Minh Châu, Trần Văn Trị, Bùi Hữu Nhơn, Vũ Quốc Thúc, Phan Văn Tạo, Lâm Văn Phát, Nguyễn Khánh, Cao Hảo Hớn, Trương Như Tảng, Nguyễn Trường Xuân ( tức nhạc sĩ Nam Phong sau nầy ở Việt Nam, và...
- 1949: Các ông Đỗ Cao Trí, Vĩnh Lộc, Nguyễn Văn Thiệu, Tôn Thất Đính, Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Chuân, Trần Văn Hổ, Lê Huy Luận, Âu Trường Thanh, Trần Bích Lan, Lê Quang Thuận, Nguyễn Xuân Thu, Trần Bích Lan ( tức thi sĩ Nguyên Sa sau nầy ), và...
- 1950: Các ông Ngô Đình Diệm ( lần thứ 1 ), Lê Trung Trực, Lê Mộng Nguyên ( Giáo Sư, Nhạc Sĩ, tác giả nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối.)
- 1951: Các ông Ngô Đình Thục ( lần thứ 2 ), Võ Văn Hải, Trần Văn Tuyên, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Trọng Thi ( Kỷ Sư Informatiques rất nổi tiếng sau nầy tại Pháp và Hoa Kỳ ), và...
- 1952: Các ông Dương Văn Minh, Linh Quang Viên, Vương Văn Đông, Phạm Xuân Chiểu, gia đình ông Thủ Tướng Trần Văn Hữu, và...
- 1953: Các ông Ngô Đình Diệm ( lần thứ 2 ), Nguyễn Hồng Đài, Bồ Đại Kỳ, Đặng Cao Thăng, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Trương Quang Ân, Tôn Thất Thiện, Bùi Kiến Thành ( con trai của bác sĩ Bùi Kiến Tín ), Cao Văn Luận ( lần thứ 2 ), Lê Trạch Lựu ( nhạc sĩ, tác giả nhạc phẩm Em Tôi ), và…

G). TỪ SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE 1954 CHO ĐẾN BIẾN CỐ 30.4.1975:

Từ sau Hiệp Định Genève 1954 và người Pháp chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, những người Việt Nam có liên hệ với Pháp gặp rất nhiều khó khăn, nên một số đông những người Việt Nam có quốc tịch Pháp, hoặc lai Pháp hay lấy chồng Pháp đã gấp rút lên đường đi sang Pháp.
Phần lớn khi đến Pháp họ được chính quyền Pháp cho định cư tại vùng Eure và Seine Maritime. Đặc biệt ở Noyant, một địa điểm nằm trên đường Moulin đi Montluçon thuộc tỉnh Allier, chính quyền Pháp đã biến khu nhà thợ mõ ( Coron ) do người Ba Lan xử dụng từ năm 1921 mà nay đã bỏ hoang từ lâu, thành ra "Làng Việt Nam " để đón những người Việt Nam đến từ Việt Nam : Từ những gia đình đầu tiên đến Noyant vào sáng ngày 29 tháng 10 năm 1955 cho đến cuối năm ấy, người ta ghi nhận là 700 người ( trong đó có gia đình ông bà Guyot Georges cùng 3 con và hiện nay gia đình ông bà Guyot Georges đang sinh sống tại thành phố Bondoufle thuộc vùng 91 ).

- 1955: Gia đình ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, các ông Lê Văn Viễn ( thường được gọi là Bảy Viễn ), Nguyễn Văn Hinh ( lần thứ 2 ), Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài, gia đình ông bà Nguyễn Ước Lễ ( cựu Tổng Đốc Sơn Tây, Bắc Việt Nam ), bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm ( sau nầy là bà Dược Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, vợ của Bác Sĩ Lê Quang Thuận ), và...
- 1956: Dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lúc người Pháp phải rời khỏi mièn Nam Việt Nam, toán lính Pháp cuối cùng rời khỏi Nam Việt Nam vào tháng 7 năm 1956, số người Việt Nam đến Làng Việt Nam ở Noyant lại càng đông hơn nữa. Đa số những người đến đều khai là Công Giáo chỉ một số ít là Phật Giáo và đạo Gia Tiên.
Tổng số người Việt Nam ở làng Noyant vào thời điểm cuối năm 1965 là khoảng 3000 người, kể từ đợt đầu tiên vào năm 1955, kế tiếp 1956 và những năm sau đó cho đến cuối năm 1965. Và đến ngày 01 tháng 06 năm 1966 thì trung tâm Noyant đóng cử hẳn và không nhận nữa những người Việt Nam có liên hệ với Pháp được xem trên danh nghĩa hồi hương trở về Pháp.
Ở Noyant có một linh mục người Pháp tên là Benay ngay từ năm 1955 và thỉnh thoảng có một linh mục Việt Nam là linh mục Trần Thanh Giản ( mà đa số những người Việt Nam thường gọi một cách thân thiện là Cha Giản ) từ Paris đến thăm các bổn đạo Công Giáo Việt Nam ở các vùng Cannes, Nice, Toulon, Marseille và cũng có ghé thăm Làng Việt Nam tại Noyant.

Bắt đầu từ năm 1962, Làng Việt Nam Noyant có cha Nguyễn Văn Long về làm Tuyên Úy. Ngoài Noyant ra, còn vài trung tâm tiếp đón người Việt Nam khác như ở Sainte Livrade, Bias ( Lot et Garonne), Le Vzeant ( Vienne ) và Saint Laurent d ' Ars ( Gironde ). Ba trung tâm sau vào năm 1962 đã giải tán người Việt Nam, nhường chỗ cho người Harkis.
Tại Sainte Livrade, từ năm 1956 có một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris đến làm Tuyên Úy, đó là Cha Jean - Marie Viry ( thường được gọi là Cố Vị ), trước đây ông làm Tuyên Úy cho quân đội Pháp ở Việt Nam, ông vừ từ Việt Nam về Pháp,ông đến làm Tuyên Úy giúp cho gần 2000 giáo hữu Việt Nam tại Sainte Livrade và Bias.

Từ sau tháng 11 năm 1963, sau cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và sự cáo chung nền Đệ Nhất Cộng Hòa và nhất là sau Cuộc Chỉnh Lý vào năm 1964 của Tướng Nguyễn Khánh... trong thời gian nầy đã diễn ra làn sóng sinh viên miền Nam Việt Nam qua Pháp du học rất đông ( đây là con cái của những người giàu có, những vị tướng tá, công chức cao cấp của chính quyền miền Nam Việt Nam thời bấy giờ).
Theo nghiên cứu của ông Jean Hugues: " Từ năm 1963 đến 1970, những sinh viên Việt Nam du học tại Pháp, sau khi đổ đạt thì 80% đã ở lại Pháp không trở về lại Việt Nam, phần đông là giới Y - Khoa. Ông Hugues còn cho biết thêm, tại Pháp lúc bấy giờ, khi ra trường ngành Y Khoa, cứ 15 bác sĩ ra trường thường có một bác sĩ là người Việt Nam... Thật đúng là VẺ VANG DÂN VIỆT ( đân Việt của Miền Nam Việt Nam tức là VIỆT NAM CỘNG HÒA với lá CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ thân yêu... ).
***
* Phần Ghi Chú Đặc Biệt: CÁC SỰ KIỆN và CÁC NHÂN VẬT ĐƯỢC GHI NHẬN CÓ NHIỀU DẤU ẤN ĐẶC BIỆT:

1). Ông PHAN AN là người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến nước Pháp vào năm 1649. ( Đã trình bày ở phần trước ).

2). Phái Đoàn của HOÀNG TỬ CẢNH:
Tuân lệnh Vua Cha, Hoàng Tử Cảnh vào cuối năm 1784 ( tức tháng 11 năm Giáp Thìn, đã cùng Bá Đa Lộc ( tức Pigneau De Béhaine ) và 2 cận thận người Việt Nam là Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và một số người Việt Nam khác trong phái đoàn lên đường sang Pháp.
Tới thàng 2 xuân Ất Tỵ ( 1785 ), họ tới Pondichéry, một thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ và dừng lại đây một thời gian vì khi đó ở Pháp đang xảy ra những bién cố chính trị bất ổn.
Tới tháng 6 năm Bính Ngọ ( 1786 ), phái đoàn nầy đã theo chién thuyền Aréthuse nhắm hướng đến thẳng Pháp..
Phái đoàn Hoàng Tử Cảnh đến Paris vào tháng 2 năm Đinh Mùi ( 1787 ). Triều đình Pháp dùng Vương Lễ đối đãi với Hoàng Tử Cảnh.
Ngày 5 tháng 5 năm 1787, Hoàng Tử Cảnh vào triều kiến ở điện Versailles và khá được sủng ái vì vẻ bề ngoài khôi ngô tuấn tú ( lúc bấy giờ Hoàng Tử Cảnh được 7 tuổi ).
Ở Paris, Bá Đa Lộc đã thue người hầu chải tóc cho Hoàng Hậu Marie Antoinette tên là Léonard đích thân trực tiếp đến sửa tóc và trang điẻm cho Hoàng Tử Cảnh và Léo nard đã bỏ khăn nhiểu thay bằng khăn lih đỏ thắt múi do chính Léonard vẽ kiểu. Bá Đa Lộc còn yêu cầu mang cho Hoàng Tử Cảnh một bộ y phục kiểu Pháp pha Á Đông, bỏ áo dài quần lụa và rồi thuê một họa sĩ tên là Maupérin vẽ chân dung Hoàng Tử Cảnh mặc áo đỏ, đi hia đỏ, tay phải đặt lên một cái mu, đầu quấn khăn Léonard. Bức tranh vẽ nầy được trưng bày ở Viện Hàn Lâm Hội Họa và Đieu Khắc của Pháp năm 1791, sau đó Hội Truyền Giáo Nước Ngoài ở Paris lư u giữ.
Được biết rằng ngày 28 tháng 11 năm 1787, Bá Đa Lộc ( được xem như thay mặt cho Hoàng Tử Cảnh qua sự ủy thác của Nguyễn Ánh ) và Bá Tước De Montmorin, ngoại trưởng của chính phủ Pháp, ký Hiệp Ước Versaillles : " Đổi lấy viện trợ quân sự của Pháp để chống lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh nhường cho Pháp Tourane, Poulo Condor và cho Pháp giử độc quyền thương mại ". Lúc đầu, De Montmorin không muốn Pháp giúp nhưng Bá Đa Lộc đã thuyết phục rằng nước Nam giàu tài nguyên, nếu Pháp không chiếm đoạt, sẽ có các nước khác như Anh hay Bồ Đào Nha sẽ nhảy vào tranh lấy cho nên Pháp đã ưng thuận theo Hiệp Ước Versailles và Vua Louis 16 đã ban riêng cho Bá Đa Lộc một số tiền khá lớn ".
Tháng 12 năm 1787, phái đoàn Hoàng Tử Cảnh lên đường trở về Việt Nam,Bá Tước De Montmorin, ngoại trưởng Pháp gửi Bá Tước De Conway theo phái đoàn để lo toan việc hổ trợ của Pháp như đã hứa theo Hiệp Ước Versailles.
Tháng 5 năm 1788, phái đoàn về đến Pondichéry, Bá Tước De Conway, có lẽ vì ghen với địa vị của Bá Đa Lộc, không chịu hợp tác và giúp đở như lời căn dặn của Bá Tước De Montmorin. Bá Đa Lộc rất tức giận, sẵn đã có tiền của Vua Louis 16 ban cho, liền xuất ra chiêu mộ binh sĩ và trang bị chiến thuyền Méduse đưa về nước Nam.
Ngày 15 tháng 6 năm 1789 ( năm Kỷ Dậu ), phái đoàn lại khởi hành về nước trên tàu Méduse.
Ngày 24 tháng 6 năm 1789, phái đoàn về tới Nam Kỳ.
Những người Việt Nam trong phái đoàn Hoàng Tử Cảnh, ngoài 2 ông Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm là các quan của triều đình, còn có các ông Trần Văn Học, Lê Đức Hạnh, bà Đặng Thị Sen và một số người khác nữa.

- BÁ ĐA LỘC: Ông có tên là Pigneau De Béhaine, sinh năm 1741 tại Origny en Thiérache vùng Aisne của nước Pháp. Hoàn tất việc học ở Paris và sau đó vào Chủng Viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài ( Société Des Missions Étrangères ). Nhà truyền giáo trẻ tuổi nầy rời Lorient ( Pháp ) năm 1765 và đến vùng đất Hà Tiên ( Việt Nam ) vào năm 1767, được bổ nhiệm vào Chủng Viện ở đây và trở thành Cha Cả vào năm 1769. Bá Đa Lộc gặp Nguyễn Ánh vào năm 1775 và đã liên tục, có khi trục tiếp, có khi gián tiếp làm việc với Nguyễn Ánh trong vòng 24 năm.
Bá Đa Lộc qua đời vào ngày 9 tháng 10 năm 1799 tại Bình Định, linh cửu được đưa về Sài Gòn và được an táng trong khu vực Chí Hòa và chính Nguyễn Ánh đã chủ tọa Lễ An Táng cho Bá Đa Lộc theo Nghi Thức Hoàng Tộc và khu vực mộ địa của Bá Đa Lộc sau nầy được xây dựng thành lăng mà người Việt Nam gọi là Lăng Cha Cả. Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, Lăng Cha Cả tọa lạc tại Ngã Tư Bảy Hiền của thủ đô Sài Gòn.
- PHẠM VĂN NHÂN: là dòng dõi thế gia, đã theo phò Nguyễn Ánh, ra trận lập công to, làm quan đến chức Chưởng Cơ Thần Sách cai quản tướng sĩ đến 5 đồn.
- NGUYỄN VĂN LIÊM: theo phò Nguyễn Ánh, làm quan đến chức Thuộc Nội Cai Cơ trông coi thị vệ ở Long Diên.
- TRẦN VĂN HỌC: sinh năm 1750 tại huyện Bình Dương thuộc Gia Định Thành. Thuở nhỏ, ông theo học đạo Thiên Chúa với giáo sĩ Bá Đa Lộc và năm 1782, ông được Bá Đa Lộc giới thiệu với Nguyễn Ánh.
Nhận thấy ông Học là người có học cho nên Nguyễn Ánh đề cử cho tháp tùng theo phái đoàn Hoàng Tử Cảnh với tư cách một thành viên chính thức đặc trách về Lịch Sử và Địa Lý.
Năm 1790, ông Học là người Việt Nam đầu tiên tự tay đo đạc, lập bản đồ quy hoạch thành Gia Định, trù liệu mở các con đường trong thành. Ông Học cũng là người vẽ bản đồ của thành phố Mỹ Tho năm 1792.
Năm 1821, Vua Minh Mạng sai ông Học vẽ bản đồ quy hoạch lại các trấn thuộc Gia Định Thành, đường sá cho giáp tới biên giới Chân Lập và năm 1823 thì ông Học qua đời.
- LÊ ĐỨC HẠNH: sinh năm 1764 tại huyện Bình Dương thuộc Gia Định Thành, ông là em vợ của ông Trần Văn Học, cũng theo học đạo Thiên Chúa với Bá Đa Lộc và được giới thiệu với Nguyễn Ánh cùng thời với ông Trần Văn Học.
Ông Lê Đức Hạnh có tướng mạo cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai và đặc biệt rất khéo tay trong việc may mặc quần áo và hớt tóc, chải tóc, trang điểm sắc đẹp... Ông Hạnh được đề cử theo phái đoàn Hoàng Tử Cảnh và có trách nhiệm lo việc quần áo, trang điểm và chải tóc cho Hoàng Tử Cảnh.
Trong thời gian phái đoàn Hoàng Tử Cảnh ở Pháp, ông Hạnh lo việc quần áo và trang điểm cho Hoàng Tử Cảnh cho nên ông Hạnh đã gặp được ông Léonard cũng được mời đặc biệt lo quần áo và trang điiểm cho Hoàng Tử Cảnh. Nhận thấy Ông Hạnh có tướng mạo đẹp và khéo tay, ông Léonard muốn giữ ông Hạnh ở lại Pháp và nhận làm con nuôi... và đã được Bá Đa Lộc chấp thuận. Sau khi nhận ông Hạnh làm con, đọc và phát âm tên ông Hạnh xong thì ông Léonard đặt cho ông Hạnh một cái tên và họ theo tiếng Pháp như sau: LEDUC Henri ( phỏng theo tên, họ LE DUC HANH ).
Và theo lời ông Trần Văn Học kể lại sau nầy rằng : ( ông Hạnh ở lại Pháp và sau đó liên lạc với gia đình ông bà Trần Văn Học ): Ông Lê Đức Hạnh mà sau nầy là LEDUC HENRI, ở lại Pháp, có vợ người Pháp và cũng có con, cháu nối tiếp sau nầy theo dòng họ LEDUC.

* LỜI BÀN RIÊNG của NGƯỜI VIẾT: Hiện nay, tại Pháp có dòng họ LEDUC, như vậy, có thể có những người Pháp thuộc dòng họ LEDUC chính thống của người Pháp. Và cũng có thể có những người thuộc dòng họ LEDUC xuất phát từ người Việt Nam mang tên gốc Lê Đức Hạnh mà tên Pháp là LEDUC HENRI đã được ông Léonard đặt cho... Có thể lắm thay !!!

Nguyễn Vân Xuyên


Số Khổ


Chị Bông đọc xong email của người bạn chỉ cách muối cà pháo ăn liền, lại còn minh họa theo một bát cà pháo dầm nước mắm tỏi ớt trông thật ngon lành hấp dẫn. Suốt hai tuần lễ qua chị lấy vacation về phố Bolsa California thăm người nhà, ăn uống thịt thà, tôm cá mỡ màng nên bỗng thèm món ăn nhà quê dân dã này. Chị lái xe ngay ra chợ mua vài pound cà pháo, ăn đổi món và để giảm cân. Sau chuyến đi chơi Cali chị đã tăng 2 pounds.Về nhà chị thực hiện như bạn chỉ, xẻ cà ra, ngâm nước muối cho ra bớt chất độc hại thâm đen. Trong khi chờ đợi cà còn ngâm trong chậu, chị Bông pha sẵn một bát nước mắm tỏi ớt đậm đà. Món này chỉ ăn với cơm trắng cũng đủ ngon nhớ đời. Khi chị vớt cà ra rửa lại để ngâm nước mắm thì anh Bông đi làm về đến. Nhìn thấy chậu cà pháo anh Bông kêu lên:
– Em rước cái món “Một quả cà ba thang thuốc” này về làm gì?
– Em ăn đấy, ai không thích thì thôi, đừng động chạm vào nhau.
– Anh mới hỏi mà em đã đành hanh rồi. Vậy mà em ước ao ở Mỹ có cuộc thi “vợ hiền” hay “Người phụ nữ dịu dàng” để em tham dự thi thố bản năng.
– Ai bảo anh hỏi kiểu “móc lò” làm chi.

Anh Bông vội dịu giọng lấy lòng vợ, cuộc đời anh đã từng trải qua thời đất nước chinh chiến nên bây giờ anh rất sợ “chiến tranh” dù với mụ đàn bà, vợ anh:
– Hình như em còn thích món gì nữa nhỉ? Tự dưng anh quên mất…
Thấy chồng hỏi sở thích, chị Bông vui vẻ nhanh nhẩu:
– Khô cá lù đù.
Và tiếp luôn:
– Mà phải là khô cá lù đù từ Houston nước Mỹ nhé, do ngư dân Việt Nam đánh bắt và chế biến thành cá khô ngay trên tàu nên phẩm chất còn tươi ngon. Khô cá đù chiên ăn cơm hay cho mấy ông nhậu lai rai với vài lon bia thì không gì bằng. Anh nhắc làm em nhớ là nhà hết rồi, cuối tuần này đi chợ mua thêm mấy pao…dự trữ. Anh Bông chép miệng, ái ngại kết luận:
– Em quanh năm suốt tháng phải ăn đói, nhịn thèm vì sợ mập, lại chỉ thích những món “cơ hàn”. Số em chắc là “Số khổ”?
– Số khổ!

Chị Bông lập lại và than thở:
– Em mà không nhịn ăn thì người em mập như cái lu mái vú hứng nước mưa ở nhà quê rồi. Chỉ riêng nước Mỹ có biết bao nhiêu người số khổ như em, kể cà các tài tử diễn viên hay các cô người mẫu nổi tiếng, kiếm tiền bạc triệu nhưng ai cũng phải ăn kiêng để giữ gìn sức khỏe và vì lý do thẩm mỹ. Họ phải ăn dĩa sà lách to, ăn trái cây, uống mấy lít nước lã và đi bộ hay tập thể dục cả giờ mỗi ngày, điều ấy có sung sướng gì đâu. Rồi chị khoe:
– Chuyện “số khổ” của em, tuy hình thức “cơ hàn” nhưng nội dung “quý tộc” đấy anh. Cà pháo trắng tươi $2.99 một pound, khô cá đù không rẻ, ở nơi mình $8 một pound, tương đương với giá thịt bò ngon, nhưng hôm em ở phố Bolsa, vào chợ Việt Nam khô cá lù đù giá 9 đồng mấy một pound.
– Dù giá cả thế nào, cà pháo và cá khô vẫn là món nhà nghèo. Đã thế thỉnh thoảng em còn thèm… khoai mì, khoai lang nữa chứ. Tội nghiệp!
– Hai món khoai quê ấy người Việt Nam nào mà không thèm! Bảo đảm trong cuộc đời ai cũng đã ăn qua, cho dù là kẻ bần cố nông hay dân cao cấp lá ngọc cành vàng.
– Nhưng sau 1975 Việt Cộng bắt toàn dân ăn độn khoai mì khoai lang nên anh sợ cho đến hết cuộc đời luôn.

Anh Bông đi vào phòng tắm thay đồ, chị Bông vừa làm cà pháo vừa nhớ lại những ngày vừa qua ở Cali. Bố chị đang sống chung với gia đình người em trai, rồi họ hàng chú, bác, anh chị em họ và bạn bè. Nên hai tuần vẫn chưa thấm vào đâu để chị thăm cho đủ những người thân. Hết người nọ đến nhà kia mời đến nhà chơi, mời đi ăn nhà hàng. Khu Bolsa có nhà hàng nào ngon nổi tiếng là chị được chiêu đãi ngay. Rồi lại tụ họp nhau ở nhà ai đó ăn uống “Pot Luck”, mỗi người mang đến một vài món, ăn đủ thứ ngon đến ngao ngán. Chưa hết, một chị bạn còn hớn hở mang đến tặng chị món chả giò tôm thịt loại đặc biệt do chính tay chị sản xuất và 2 khay bánh cam lăn mè chiên giòn góp phần làm cho chị thêm béo mập. Ăn xong hai món này chị vừa thích thú vừa “oán” bạn hiền. Chị đến thăm một chị bạn khác là chị Lan, bạn thân từ khi còn ở Việt Nam, chị Lan cũng như nhiều cư dân Bolsa California nhất định mời chị Bông đi ăn nhà hàng cho đúng phép xã giao khi tiếp bạn bè ở xa. Chị Bông phải hết lời “năn nỉ”:
– Mấy bữa nay tôi ngán nhà hàng lịch sự quá trời rồi, chị chiêu đãi tôi món… cơm chỉ đi. Nghe tiếng đồn người Việt mình ở Cali có món “cơm chỉ” mà tôi chưa được ăn bao giờ.
Chị Lan ngỡ ngàng nhìn chị Bông, tưởng đang đùa hay thử lòng dạ chị:
– Ai lại thế, bạn bè lâu mới gặp nhau chẳng lẽ để bạn ăn món bình dân bụi đời?
Chị Bông mỉm cười, xác nhận:
– Chị tưởng tôi mát dây hay dở hơi hả? Vì tôi thích mà, để biết thế nào là Bolsa thượng vàng hạ cám.
Thế là chị Lan bất đắc dĩ phải dẫn bạn ra chợ để… chỉ tay mua món ăn nào mình muốn, vừa nhanh vừa rẻ tiền.


Ăn xong chị Lan pha cho chị Bông một ly nước đá chanh tươi, chanh hái ngay trong vườn nhà, chị Bông khen mùi nước chanh thơm mát thì chị Lan nói:
– May qúa, bạn không bắt tôi dẫn ra ngồi uống cà phê giải khát ở vỉa hè, nhìn ông đi qua bà đi lại cho đủ bộ với món cơm chỉ này.
Bữa ăn “Cơm Chỉ” bình dân lại là bữa ngon nhất trong cuộc thăm viếng California của chị Bông. Anh Bông đã tắm xong mát mẻ đi ra. Chị Bông hào hứng nhắc lại:
– Hôm đi Cali em chỉ thích món “cơm chỉ ” rẻ tiền. Canh bầu nấu tôm khô và đậu hũ chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt.
– Anh đã nói số em “số khổ” mà. Ngoài cái chuyện “diet” khổ cực như người ta, em còn nhiều thứ khổ khác. Này nhé, từ ngày đến Mỹ đến giờ vẫn ở căn nhà thuở đầu đời, dù chúng ta có thể mua căn nhà to hơn, đẹp hơn, ra title company chỉ mất thời gian làm giấy tờ chưa đến 1 tiếng đồng hồ là xong ngay vì chúng ta trả bằng tiền mặt.
Chị Bông cười cười công nhận:
– Sorry làm anh “khổ” lây, nhưng bản tính em ít khi thay đổi, với lại căn nhà cũ rích cà tàng này là kỷ niệm quý giá trong những năm đầu tiên vợ chồng mình đến Mỹ, con mình đã lớn lên ở đây, những khổ cực vất vả, những toan tính ước mơ, ôi bao nhiêu là chuyện buồn vui cũng ở đây… nên em chẳng muốn rời xa. Với lại, các con đã đi học xa, chúng mình sẽ càng ngày càng gìa, mua nhà to đẹp ai ở cho hết, mất công anh… hút bụi lau nhà giùm em và làm em… sợ ma thêm chứ ích gì, được tiếng khen thì ho hen kèn cựa.
– Nhưng em cũng thích những căn nhà đẹp lắm mà? Mỗi lần đến nhà ai em đều khen và mơ ước.
– Trong phút giây cao hứng ấy thôi, về nhà mình em lại thấy căn nhà xấu của mình… đẹp nhất, vì một người bạn em đã nói “Căn nhà đẹp nhất là căn nhà trả hết nợ”. Vậy việc gì mình phải dọn đi đâu?
– Có nghĩa là mình cứ ở căn nhà xấu này suốt đời hả em?

Chị Bông vui vẻ:
– Miễn là lòng mình thanh thản. Bản tính chung thủy của em cũng được… một người ghi nhận rồi đấy. Cách đây vài năm khi vợ chồng mình về thăm Việt Nam, em ra chợ, nơi mà ngày xưa sáng nào em cũng xách giỏ đi mua đồ ăn, em thích hàng nào là mua kinh niên ở hàng đó luôn, thí dụ thịt heo của bà Năm, thịt bò bà Sáu, cá tôm bà Bảy vv… còn món hành ngò, tỏi ớt, thì em chuyên mua của một con bé chừng mười mấy tuổi, hàng của nó bày trên một cái mẹt, kê trên một cái thùng không, để dễ dàng “di tản” mỗi khi cảnh sát trật tự ra xua đuổi những kẻ bán hàng trên lòng lề đường. Khi vừa trông thấy em sau hơn 10 năm xa vắng, con bé “hành ngò” ngày xưa, khi ấy đã là một thiếu phụ trẻ, đã nhận ra em ngay và reo lên: “Cô này ngày xưa hay mua hành ngò của em nè”. Làm em bồi hồi cảm động như khi người ta gặp lại tình cũ.
Anh Bông cũng cảm động:
– Sao em không vào trong chợ ra mắt các bà hàng thịt, hàng tôm cá, hàng rau ria của em ngày xưa luôn thể?
– Hôm ấy em bận quá, chỉ lướt qua ngoài chợ mà thôi. Lần sau nếu về Việt Nam em sẽ thăm các bà ấy. Bảo đảm các bà sẽ nhận ra em vì em không bao giờ đi thẩm mỹ viện nên không thay đổi gì ngoài chuyện tuổi đời già theo thời gian.
– Sẵn hôm nay em cởi mở anh liệt kê luôn một “nỗi khổ” nữa của em là chỉ thích đi xe rẻ tiền nhất, không chịu mua xe sang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn….

Chị ngắt lời chồng:
– Tính em đơn gỉan và nhà quê anh ơi, càng văn minh tiện nghi càng…làm khổ những người xớn xác, ba chớp ba nháng như em.
Xe thì loại rẻ tiền như Toyota Corolla là đủ rồi việc gì phải mua những loại cao cấp hơn cho rắc rối. Cái gì cũng tự động thêm…phiền. Thà cứ để em quay kính cửa xe bằng tay còn đúng ý hơn bấm nút cái rẹt mà vẫn có lúc cao lúc thấp phải bấm tới bấm lui. Anh Bông ý kiến:
– Ở đời, người ta cũng hay đánh giá người khác qua căn nhà và cái xe.
– Nhưng kẻ giàu người nghèo thì đủ loại tầng lớp, biết đâu là ranh giới? Em “khổ” vậy còn có kẻ khổ hơn. Ở hãng em có một chị Mỹ trắng đi làm bằng cái xe đời tám hoánh nào không biết, thỉnh thoảng lại thấy chị quá giang ai đó đi làm vì xe hư, cho đến một ngày xe chị phải bán rẻ, bán tống táng đi vì sửa hoài tốn kém quá. Thế là chị phải thương lượng đi nhờ người khác và trả tiền xăng cho họ trong khi chị để dành tiền mua một cái xe cũ khác.

Anh Bông gật gù:
– Nhiều người khó khăn lắm mới mua trả góp một chiếc xe cũ đấy.
– Bởi thế em chạy xe Toyota Corolla mới tinh dù là loại rẻ tiền trong họ hàng xe nhà nó cũng le lói lắm rồi. Còn những người giàu có cao sang hay người thích bề ngoài, chảnh chọe thì em không chạy theo họ được. Em chỉ sống cho chính mình nếu cảm thấy thoải mái. Cũng như vào mùa hè em không bao giờ sấy quần áo trong máy, mang ra vườn sau phơi, nắng gió làm khô nhanh và thơm tho quần áo một cách tự nhiên, khỏi cần xài giấy “Bounce” đỡ tốn tiền và đỡ tốn điện.
Anh trêu chọc vợ:
– Sống thì đơn giản thế mà toàn là mơ ước cao xa chín tầng mây. Có hai đứa con đều khích lệ, cầu mong chúng học ra bác sĩ, nha sĩ. Nhưng tiếc rằng mộng không thành.
Chị Bông lại tiếc rẻ:
– Vì làm bác sĩ hay nha sĩ trước là sung túc cho bản thân mình và gia đình mình, sau là có cơ hội giúp đỡ những người nghèo khó. Người ta không dễ dàng móc túi ra cho người nghèo một vài trăm đô la, nhưng bác sĩ, nha sĩ có thể khám bệnh miễn phí, hay giảm giá tiền khám bệnh cho người nghèo, cũng là làm điều lành, điều phước thiện.
Anh Bông đồng tình:
– Ừ, đó là hai ngành nghề thuận tiện và có điều kiện để giúp đỡ người khác, còn làm dược sĩ, dù có thương xót cho bệnh nhân nghèo không có bảo hiểm, không đủ tiền mua thuốc thì ông dược sĩ cũng không thể tự tiện lấy thuốc của cửa hàng mà cho không biếu không họ được.
– Vậy mà có vài bác sĩ vô lương tâm, lòng tham không đáy, chỉ biết vơ vét tiền làm giàu chẳng cần thương xót ai. Thậm chí bệnh nhân không đáng tái khám cũng hẹn tái khám để được charge tiền hãng bảo hiểm. Đã giàu rồi càng muốn giàu thêm.
Anh Bông phụ họa:
– Ngay cả mấy ông thợ sửa xe hơi hay sửa điện lạnh vào mùa hè cũng kiếm cớ chém đẹp, có ít thì xít ra nhiều kìa.
Chị Bông tiếp:
– Còn chuyện hai con mình không học được nghề bác sĩ, nha sĩ, nếu con làm thợ sửa xe hơi, sửa điện lạnh trong nhà, em cũng sẽ khuyên con sống cho trung thực, làm việc đúng lương tâm, lấy tiền đúng với khả năng công sức của mình chứ đừng gian dối tham lam là thất đức lắm. Mình gian tham qua mặt khách hàng, dù họ không biết nhưng trời đất biết và lương tâm mình biết.

Rồi chị Bông kết luận:
– Thôi nhé, mình chuẩn bị ăn cơm đi, người vợ “số khổ” của anh sẽ ăn cơm với rau muống luộc, cà pháo ngâm nước mắm để “thanh toán” 2 pounds dư thừa từ Calif. mang về. Còn anh, có món cá Thu rim mà anh ưa thích đây.
– Cám ơn em đã biết mọi ý…đồ, sở thích của anh.
Chị Bông đi ra bếp dọn cơm và nói:
– Chúng ta sống ở Mỹ thì cứ ăn các món đánh bắt ở Mỹ cho chắc ăn anh ạ, như cá Trout, cá Hồi, cá lù đù, cá Thu, tôm khô v..v... vừa tươi tốt, không độc hại như một số cá nhập khẩu từ China hay Việt Nam vừa ủng hộ ngư dân ở Mỹ, như mình đã ăn gạo Louisiana trồng tại Mỹ để ủng hộ nhà nông Mỹ, kinh tế Mỹ.
– Hoan hô em, ăn cây nào rào cây nấy.
Chị Bông hào hứng nói thêm:
– Mỹ mà sản xuất ra… nước mắm, mắm tôm em cũng mua luôn vì “Made in USA” là em tín nhiệm liền.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Tân Cổ Mưa Rừng - Huỳnh - Quế Chi - Kim Trúc - Ngọc Trắng


Sáng Tác: Tân Nhạc : Huỳnh Anh
Cổ Nhạc: Quế Chi
Trình Bày: Kim Trúc & Ngọc Trắng


Hờ Hững



Vui gì ly rượu xứ người
Vui gì giọng hát tiếng cười vô duyên
Thương mình gối sách mơ tiên
Lênh đênh bốn biển mong tìm chiêm bao

Trời xa bến lạ lao đao
Bao nhiêu sóng gió phai màu áo thơ
Trăng bơ vơ tình bơ vơ
Công danh hư ảo tóc tơ ngỡ ngàng

Xin cho một chút nắng vàng
Với đôi cánh bướm rộn ràng áo bay
Tóc nào xao xuyến bờ vai
Môi nào quen thuộc tháng ngày thực hư

Kiếp nào còn có đường tu
Kiếp nào còn có tương tư để dành
Xin cho một chút trời xanh
Mắt xưa xa vắng long lanh giọt buồn

Mưa nhoà áo mỏng khói sương
Bàn tay ngà ngọc để thương để sầu
Ngày về đâu đêm về đâu
Dư hương thoang thoảng bên lầu si mê

Tang thương mấy độ não nề
Hoa tàn ngọc nát hẹn thề khói mây
Tủi thân lỡ thợ lỡ thầy
Lang thang đất khách hao gầy tuyết sương

Tìm đâu góc phố sân trường
Tìm đâu mơ mộng thiên đường tóc thơm
Trước sau mình vẫn trống trơn
Mênh mông cõi chết chập chờn lửa ma

Lạnh nghìn năm lạnh thịt da
Đêm đêm thức giấc chờ ta gặp mình
Vui gì giọt nắng bình minh
Vui gì chim hót vô tình mỉa mai

Còng lưng cuối nẻo lưu đày
Kiếm tìm chi nữa cũng hoài công thôi
Mây bay bỏ đất bỏ trời
Aó bay hờ hững nghẹn lời trối trăn...

MD 11/13/02
LuânTâm
(Trích trong Tuyển Tập Thơ QUỐC GIA HÀNH CHÁNH,
Cơ Sở Hoài Bão QuêHương xb,USA.2005-tr.141-142)



Xin Nhận Làm Quê Hương

 

Sau cơn dâu bể phải tha phương
Nước Mỹ cưu mang sống tựa nương
Xã hội trọng công bình lẽ phải
Nhân quần giàu bác ái tình thương
Xứ người dân chủ nhưng nền nếp
Đất khách tự do lại kỷ cương
Thầm nhủ bao lâu hồi cố quốc
Nơi này xin nhận làm quê hương

nhất hùng

Tuổi Già Trong Niềm Vui Và Sự Hiểu Biết

 

Cách tốt đẹp bước vào tuổi già,
Là bước vào với trái tim thơ
Không tiếc nuối, nhìn giờ, hối hận.
Mạnh bước tới, lo âu không bận,
Vì hạnh phúc tiềm ẩn mỗi thời.

Già vui, là già cùng cơ thể,
Giữ cho thân tráng kiện, mạnh khoẻ
Bên trong, và đẹp đẽ bên ngoài.
Gắng sức, đừng bao giờ buông xuôi.
Tuổi tác liên quan gì cái chết?

Già trong niềm vui, là giúp sức
Cho tha nhân vượt thoát khó khăn
Khi mà họ đã mất lòng tin
Thấy cuộc đời không còn êm ấm.
Cho họ biết bên cạnh họ vẫn
Có bàn tay để nắm, khi cần.

Cách tốt đẹp bước vào tuổi già
Là với lòng hăng say, tích cực
Quá khứ, không bận tâm, thổn thức
Hãnh diện mái tóc bạc trên đầu,
Vì niềm vui, hạnh phúc mai sau,
Vẫn còn đó, hơi đâu mà vội.

Già mà vui, là với thương yêu
Luôn cho đi, không cầu hoàn trả.
Vì dù bạn ở đâu đi nữa
Mỗi ngày khi mở cửa bình minh
Luôn có ai đón tiếng chào mừng.

Già phong cách, già trong hy vọng.
Tự bằng lòng mình khi chiều xuống.
Và khi thời gian điểm hồi chuông
Thì chúng ta hãy tự nhủ lòng
Chẳng qua chỉ là màn tạm biệt.

Đừng tiếc nuối tuổi trẻ bạn nha.
Được bước vào tuổi già, bạn ạ,
Là một đặc ân mà, thật ra,
Nhiều người ước mong, nhưng không có.

Mùi Quý Bồng
(phóng tác)

Kiếp Tù

  

Môi khô nứt bụng đói cào rời rã
Đời lao tù người gầy đét xương da.
Con mắt mở nửa gần như hóa đá
Nhìn quanh đây toàn những nỗi xót xa.
Mùa lá đổ rừng đêm nghe ai oán
Tiếng côn trùng rỉ rả những lời than
Cơn đói lả hàng kẽm gai móc nhọn
Bát cơm đầy chỉ là giấc mơ ngon!
Trong ngục tối ngày đêm dài thăm thẳm
Thiếu tiếng người ngoài tiếng gió xa xăm!
Đời hiu quạnh hồn chết dần say đắm
Thương bài thơ cũng mục rã âm thầm!
Ta muốn thét cho đời vơi thê thẳm
Vẫn làm thơ chờ về cõi trăm năm.
Người ngoài đó con đường xưa mây xám
Mất tự do thì nào khác trại giam!
Ôi nghiệt ngã trời quê hương u ám
Gió vi vu âm vọng những tháp Chàm!


Đỗ Bình

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Em ơi! Thức Giấc! Tàn Phai!


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Huynh Trưởng Tôn Thất Hùng vừa chuyển đến bài hát “Ru Giấc Tàn Phai” của Nhạc Sĩ gốc QL/VNCH Trường Sa)

Tàn phai rồi! Sao mà ngủ được?!
Cuộc tình đã hết! Nhạt nhòa theo bước chân xa!
Còn gì nữa đâu! Nhưng ngọn sầu vẫn dậy sóng thiết tha!
Nuốt lệ ru ta ngậm ngùi! Cất tiếng ca buồn nhớ thương ai oán!

Thức giấc âm nghe người tán thán!
Say tình bóng đợi khách than van!
Ru mà chi? Ngủ làm gì? Chim đã bay ngàn dặm quan san!
Em rồi đi! Anh vội quên? Để lại tiếng đàn tương tư não nuột!

Giai Nhân tuyệt sắc! Sao tay Nàng lạnh buốt!
Hay đời hoa thiếu mặn mà suốt những năm tháng dài cứ xa nhau!
Em ơi! Đẹp quá! Thương sầu!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 23/07/2023

Nhạc Sĩ Trường Sa - Tiếng Hát Lệ Hồng



Nghe Hồn Thơ Gọi

( Họa Sĩ Mai Trung Thứ)) 

Cạn chiều ta bỗng nhớ người ghê,
Hạnh ngộ chưa, sao vẫn ngóng về.
Như cánh chim hồng bay tít tắp,
Tựa dòng nước bạc cuốn lê thê.
Một đi lạc lõng xua tình lỡ,
Mười hẹn bơ vơ rối tóc thề.
Rồi chẳng bao giờ chờ đối ẩm,
Mà hồn thơ lại gọi si mê.


Cao Mỵ Nhân

Giọt Nắng Quê Hương

  

Mùa hè ở Mỹ nắng chang chang
Ngọn cỏ cành cây cũng héo vàng
Xơ xác bên đàng hoa rũ cánh
Chán chường đàn bướm chẳng bay sang

Mùa hè lý tưởng chút nào đâu
Nóng nực như điên nhức cả đầu
Nóng nực bực mình hay nổi cáu
Tại trời nào phải tại em đâu

Anh về bên ấy cho em nhắn
Em nhớ em thương giọt nắng vàng
Trải giữa làng quê hương mộc mạc
Ấm tình cô lữ ấm xuân sang

Anh về bên ấy cho em gửi
Ðôi cánh tay em với nụ cười
Rực rỡ bên trời hồng sức sống
Vòng tay ôm trọn bóng quê hương

Anh về bên ấy cho em nhớ
Những lũy tre xanh vạt lúa vàng
Vi vút thông reo chiều gió lộng
Nhớ mùa phượng vỹ lúc hè sang

Anh về bên ấy nhớ dùm em
Ðón gió quê hương với nắng vàng
Ôm cả bầu trời trong ánh mắt
Mang về đất khách tặng cho em


nguyễn phan ngọc an
Hạ buồn Cali         

Định Phong Ba 定風波 – Hoàng Đình Kiên



定風波 - 黃庭堅 Định Phong Ba – Hoàng Đình Kiên

次高左藏使君韻。 Thứ Cao Tả Tàng sứ quân vận.
萬里黔中一漏天,Vạn lý Kiềm Trung nhất lậu thiên,
屋居終日似乘船。Ốc cư chung nhật tự thừa thuyền.
及至重陽天也霽,Cập chí trùng dương thiên dã tễ,
催醉, Thôi túy,
鬼門關外蜀江前。Qủy môn quan ngoại Thục giang tiền.

莫笑老翁猶氣岸,Mạc tiếu lão ông do khí ngạn,
君看, Quân khán,
幾人黃菊上華顛?Kỷ nhân hoàng cúc thượng hoa điên?
戲馬臺南追兩謝,Hý mã đài nam truy lưỡng Tạ,
馳射, Trì xạ,
風流猶拍古人肩。Phong lưu do phách cổ nhân kiên.

Chú Thích

1- Định phong ba定風波: tên từ bài, tên khác là “Định phong lưu定風流”, “Định phong ba lệnh定風波令”. Bài này có 62 chữ, đoạn trước có 5 câu 3 bình vận và 2 trắc vận, đoạn sau có 6 câu 2 bình vận và 4 trắc vận. Cách luật:

X T B B X T B vận
X B X T T B B vận
X T X B B X T trắc vận
X T trắc vận
X B X T T B B vận

X T X B B T T đổi trắc vận
X T trắc vận
X B X T T B B vận
X T X B B T T đổi trắc vận
X T trắc vận
X B X T T B B vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; vận: vần

2- Thứ vận 次韻: làm 1 bài thơ theo vận của 1 bài thơ khác có trước đó.
3- Tả tàng 左藏: ngân khố. Cao tả tàng sứ quân 高左藏使君: ngài trưởng ngân khố họ Cao.
4- Kiềm Trung 黔中: thị xã Kiềm Châu 黔州 thuộc tỉnh Tứ Xuyên 四川.
5- Lậu thiên 漏天: mưa dầm liên miên.
6- Cập chí及至: cho tới, thẳng tới.
7- Trùng dương 重陽: lễ tiết trùng cửu ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch.
8- Tễ霽: mưa tạnh, tuyết tạnh.
9- Thôi túy催醉: làm cho say sưa, uống rượu cho say.
10- Quỷ môn quan鬼門關: hay còn gọi là Thạch môn quan石門關, ở giữa 2 ngọn núi nơi biên giới tỉnh Trùng Khánh đi vào đất Thục, TH.
11- Thục 蜀: tỉnh Tứ Xuyên, TH.
12- Lão ông老翁: ông già.
13- Khí ngạn 氣岸 = khí độ ngạo ngạn 氣度傲岸: khí phách phong độ ngạo mạn tự phụ.
14- Hoa điên 華顛: bạc đầu.
15- Hoàng cúc thượng hoa điên 黃菊上華顛: tập tục thời xưa, cắm hoa cúc lên đầu vào dịp lễ tiết trùng dương.
16- Hý Mã Đài戲馬臺: còn gọi là Lược Mã Đài掠馬臺 do Hạng Vũ項羽 xây dựng, ngày nay ở tỉnh Giang Tô 江蘇. TH. Vua Lưu Dụ劉裕 của nhà LưuTống 劉宋 đem quân bắc chinh北征, vào ngày trùng cửu hội họp các thuộc hạ tại đây ngâm thi phú, Tạ Chiêm 謝瞻và Tạ Linh Vận 謝靈運 đều có làm 1 bài thơ. Tạ Linh Vận làm bài “Cửu nhật tùng Tống Công Hý Mã Đài tập tống Khổng lệnh九日從宋公戲馬臺集送孔令” để tặng Tống quốc thượng thư lệnh Khổng Tĩnh 宋国尚书令孔靖về hưu.
17- Lưỡng Tạ兩謝: hai người họ Tạ, tức Tạ Chiêm 謝瞻 và Tạ Linh Vận謝靈運 là những đại thần thời Đông Tấn.
18- Trì xạ馳射: cưỡi ngựa bắn cung.
19- Phong lưu風流: phong độ nghi thái, tài hoa xuất chúng.
20- Phách拍: vỗ.

Dịch Nghĩa

Ghi chú: họa vận bài từ của ngài cai quản ngân khố họ Cao.

Vạn lý đất Kiềm một ngày mưa như trút nước,
Suốt ngày ở trong nhà như ngồi thuyền.
Cho đến tiết trùng dương trời cũng tạnh,
Uống cho say sưa,
Ở ngoài cửa ải Qủy Môn quan, trước sông Thục.

Đừng cười ông lão khí khái ngạo mạn,
Anh hãy xem đây,
Có mấy người (già) cắm hoa cúc trên đầu?
(Ngâm thi vịnh từ) so sánh như 2 người họ Tạ ở Hý Mã Đái Nam,
Cưỡi ngựa bắn cung (tung hoành thế gian),
Anh hùng như những nhân vật phong lưu thời cổ.

Phỏng Dịch

Truy Vết Cổ Nhân


Vạn dặm đất Kiềm trời đổ mưa,
Trong nhà suốt buổi tựa thuyền đưa.
Chờ tới trùng dương trời cũng tạnh,
Ải môn, sông Thục quyết say sưa.

Chớ cười ông lão sao kiêu căng,
Anh thấy ai người cắm cúc chăng?
Đầu tóc bạc phơ tuổi xế bóng,
Thi từ ngâm vịnh với trầm thăng.

Muốn theo hai Tạ viết vần thơ.
Hý Mã đài nam, như thuở xưa.
Cưỡi ngựa bắn cung hùng dũng mấy,
Phong lưu truy vết cổ nhân mơ.


HHD
 03-2021
***
Định Phong Ba – Hoàng Đình Kiên

Theo vần ngài Cao coi ngân khố

1-

Kiềm Trung vạn dặm mưa liên miên
Ở suốt trong nhà giống dưới thuyền
Đến tết Trùng Dương trời cũng tạnh
Say khướt
Trước sông Thục, cửa Quỷ ngoài biên

Chớ cười lão ông tính kiêu mạn
Này bạn
Bao người đầu bạc cúc hoa viền?
Hý mã đài nam hai chàng Tạ
Thiện xạ
Phong lưu khí phách giống tiên hiền!


2-

Kiềm Trung vạn dặm mưa liên miên
Ở suốt trong nhà giống dưới thuyền
Đến tết Trùng Dương trời cũng tạnh
Uống say sông Thục, Quỷ môn biên!

Chớ cười ông lão tính kiêu mạn
Anh thấy bao người đầu cúc viền?
Ngâm vịnh thi từ hai họ Tạ
Ngựa cung khí phách giống tiên hiền!


Lộc Bắc
Avril23

Les Etoiles(Alphonse Daudet) - Một Ông Sao Sánh, Hai Ông Sao Sáng (Thái Lan Dịch)

 

Récit d’un berger provençal

Du temps que je gardais les bêtes sur le Luberon, je restais des semaines entières sans voir âme qui vive, seul dans le pâturage avec mon chien Labri et mes ouailles. De temps en temps l’ermite du Mont-de-l’Ure passait par là pour chercher des simples ou bien j’apercevais la face noire de quelque charbonnier du Piémont ; mais c’étaient des gens naïfs, silencieux à force de solitude, ayant perdu le goût de parler et ne sachant rien de ce qui se disait en bas dans les villages et les villes. Aussi, tous les quinze jours, lorsque j’entendais, sur lechemin qui monte, les sonnailles du mulet de notre ferme m’apportant les provisions de quinzaine, et que je voyais apparaître peu à peu, au-dessus de la côte, la tête éveillée du petit miarro (garçon de ferme), ou la coiffe rousse de la vieille tante Norade, j’étais vraiment bien heureux. Je me faisais raconter les nouvelles du pays d’en bas, les baptêmes, les mariages ; mais ce qui m’intéressait surtout, c’était de savoir ce que devenait la fille de mes maîtres, notre demoiselle Stéphanette, la plus jolie qu’il y eût à dix lieues à la ronde. Sans avoir l’air d’y prendre trop d’intérêt, je m’informais si elle allait beaucoup aux fêtes, aux veillées, s’il lui venait toujours de nouveaux galants ; et à ceux qui me demanderont ce que ces choses-là pouvaient me faire, à moi pauvre berger de la montagne, je répondrai que j’avais vingt ans et que cette Stéphanette était ce que j’avais vu de plus beau dans ma vie.

Or, un dimanche que j’attendais les vivres de quinzaine, il se trouva qu’ils n’arrivèrent que très tard. Le matin je me disais : « C’est la faute de la grand’messe ; » puis, vers midi, il vint un gros orage, et je pensai que la mule n’avait pas pu se mettre en route à cause du mauvais état des chemins. Enfin, sur les trois heures, le ciel étant lavé, la montagne luisante d’eau et de soleil, j’entendis parmi l’égouttement des feuilles et le débordement des ruisseaux gonflés les sonnailles de la mule, aussi gaies, aussi alertes qu’un grand carillon de cloches un jour de Pâques. Mais ce n’était pas le petit miarro, ni la vieille Norade qui la conduisait. C’était… devinez qui !… notre demoiselle, mes enfants ! notre demoiselle en personne, assise droite entre les sacs d’osier, toute rose de l’air des montagnes et du rafraîchissement de l’orage.
Le petit était malade, tante Norade en vacances chez ses enfants. La belle Stéphanette m’apprit tout ça, en descendant de sa mule, et aussi qu’elle arrivait tard parce qu’elle s’était perdue en route ; mais à la voir si bien endimanchée, avec son ruban à fleurs, sa jupe brillante et ses dentelles, elle avait plutôt l’air de s’être attardée à quelque danse que d’avoir cherché son chemin dans les buissons. Ô la mignonne créature ! Mes yeux ne pouvaient se lasser de la regarder. Il est vrai que je ne l’avais jamais vue de si près. Quelquefois l’hiver, quand les troupeaux étaient descendus dans la plaine et que je rentrais le soir à la ferme pour souper, elle traversait la salle vivement, sans guère parler aux serviteurs, toujours parée et un peu fière… Et maintenant je l’avais là devant moi, rien que pour moi ; n’était-ce pas à en perdre la tête ?
Quand elle eut tiré les provisions du panier, Stéphanette se mit à regarder curieusement autour d’elle. Relevant un peu sa belle jupe du dimanche qui aurait pu s’abîmer, elle entra dans le parc, voulut voir le coin où je couchais, la crèche de paille avec la peau de mouton, ma grande cape accrochée au mur, ma crosse, mon fusil à pierre. Tout cela l’amusait.
— Alors c’est ici que tu vis, mon pauvre berger ? Comme tu dois t’ennuyer d’être toujours seul! Qu’est-ce que tu fais ? À quoi penses-tu ?…
J’avais envie de répondre: « À vous, maîtresse, » et je n’aurais pas menti ; mais mon trouble était si grand que je ne pouvais pas seulement trouver une parole. Je crois bien qu’elle s’en apercevait, et que la méchante prenait plaisir à redoubler mon embarras avec ses malices:
— Et ta bonne amie, berger, est-ce qu’elle monte te voir quelquefois?… Ça doit être bien sûr la chèvre d’or, ou cette fée Estérelle qui ne court qu’à la pointe des montagnes…
Et elle-même, en me parlant, avait bien l’air de la fée Estérelle, avec le joli rire de sa tête renversée et sa hâte de s’en aller qui faisait de sa visite une apparition.
— Adieu, berger.
— Salut, maîtresse.
Et la voilà partie, emportant ses corbeilles vides.
Lorsqu’elle disparut dans le sentier en pente, il me semblait que les cailloux, roulant sous les sabots de la mule, me tombaient un à un sur le cœur. Je les entendis longtemps, longtemps ; et jusqu’à la fin du jour je restai comme ensommeillé, n’osant bouger, de peur de faire en aller mon rêve. Vers le soir, comme le fond des vallées commençait à devenir bleu et que les bêtes se serraient en bêlant l’une contre l’autre pour rentrer au parc, j’entendis qu’on m’appelait dans la descente, et je vis paraître notre demoiselle, non plus rieuse ainsi que tout à l’heure, mais tremblante de froid, de peur, de mouillure. Il paraît qu’au bas de la côte elle avait trouvé la Sorgue grossie par la pluie d’orage, et qu’en voulant passer à toute force elle avait risqué de se noyer. Le terrible, c’est qu’à cette heure de nuit il ne fallait plus songer à retourner à la ferme; car le chemin par la traverse, notre demoiselle n’aurait jamais su s’y retrouver toute seule, et moi je ne pouvais pas quitter le troupeau. Cette idée de passer la nuit sur la montagne la tourmentait beaucoup, surtout à cause de l’inquiétude des siens. Moi, je la rassurais de mon mieux :
— En juillet, les nuits sont courtes, maîtresse… Ce n’est qu’un mauvais moment.
Et j’allumai vite un grand feu pour sécher ses pieds et sa robe toute trempée de l’eau de la Sorgue. Ensuite j’apportai devant elle du lait, des fromageons ; mais la pauvre petite ne songeait ni à se chauffer, ni à manger, et de voir les grosses larmes qui montaient dans ses yeux, j’avais envie de pleurer, moi aussi.

Cependant la nuit était venue tout à fait. Il ne restait plus sur la crête des montagnes qu’une poussière de soleil, une vapeur de lumière du côté du couchant. Je voulus que notre demoiselle entrât se reposer dans le parc. Ayant étendu sur la paille fraîche une belle peau toute neuve, je lui souhaitai la bonne nuit, et j’allai m’asseoir dehors devant la porte… Dieu m’est témoin que, malgré le feu d’amour qui me brûlait le sang, aucune mauvaise pensée ne me vint ; rien qu’une grande fierté de songer que dans un coin du parc, tout près du troupeau curieux qui la regardait dormir, la fille de mes maîtres, — comme une brebis plus précieuse et plus blanche que toutes les autres, — reposait, confiée à ma garde. Jamais le ciel ne m’avait paru si profond, les étoiles si brillantes… Tout à coup, la claire-voie du parc s’ouvrit et la belle Stéphanette parut. Elle ne pouvait pas dormir. Les bêtes faisaient crier la paille en remuant, ou bêlaient dans leurs rêves. Elle aimait mieux venir près du feu. Voyant cela, je lui jetai ma peau de bique sur les épaules, j’activai la flamme, et nous restâmes assis l’un près de l’autre sans parler. Si vous avez jamais passé la nuit à la belle étoile, vous savez qu’à l’heure où nous dormons, un monde mystérieux s’éveille dans la solitude et le silence. Alors les sources chantent bien plus clair, les étangs allument des petites flammes. Tous les esprits de la montagne vont et viennent librement ; et il y a dans l’air des frôlements, des bruits imperceptibles, comme si l’on entendait les branches grandir, l’herbe pousser. Le jour, c’est la vie des êtres ; mais la nuit, c’est la vie des choses. Quand on n’en a pas l’habitude, ça fait peur… Aussi notre demoiselle était toute frissonnante et se serrait contre moi au moindre bruit. Une fois, un cri long, mélancolique, parti de l’étang qui luisait plus bas, monta vers nous en ondulant. Au même instant une belle étoile filante glissa par-dessus nos têtes dans la même direction, comme si cette plainte que nous venions d’entendre portait une lumière avec elle.
— Qu’est-ce que c’est ? me demanda Stéphanette à voix basse.
— Une âme qui entre en paradis, maîtresse ; et je fis le signe de la croix.
Elle se signa aussi, et resta un moment la tête en l’air, très recueillie. Puis elle me dit :
— C’est donc vrai, berger, que vous êtes sorciers, vous autres ?
— Nullement, notre demoiselle. Mais ici nous vivons plus près des étoiles, et nous savons ce qui s’y passe mieux que des gens de la plaine.
Elle regardait toujours en haut, la tête appuyée dans la main, entourée de la peau de mouton comme un petit pâtre céleste:
— Qu’il y en a ! Que c’est beau ! Jamais je n’en avais tant vu… Est-ce que tu sais leurs noms, berger ?
— Mais oui, maîtresse… Tenez ! juste au-dessus de nous, voilà le Chemin de saint Jacques (la voie lactée). Il va de France droit sur l’Espagne. C’est saint Jacques de Galice qui l’a tracé pour montrer sa route au brave Charlemagne lorsqu’il faisait la guerre aux Sarrasins[2]. Plus loin, vous avez le Char des âmes(la grande Ourse) avec ses quatre essieux resplendissants. Les trois étoiles qui vont devant sont les Trois bêtes, et cette toute petite contre la troisième c’est le Charretier. Voyez-vous tout autour cette pluie d’étoiles qui tombent ? ce sont les âmes dont le bon Dieu ne veut pas chez lui… Un peu plus bas, voici le Râteauou les Trois rois (Orion). C’est ce qui nous sert d’horloge, à nous autres. Rien qu’en les regardant, je sais maintenant qu’il est minuit passé. Un peu plus bas, toujours vers le midi, brille Jean de Milan, le flambeau des astres (Sirius). Sur cette étoile-là, voici ce que les bergers racontent. Il paraît qu’une nuit Jean de Milan, avec les Trois rois et la Poussinière (la Pléiade), furent invités à la noce d’une étoile de leurs amies. La Poussinière, plus pressée, partit, dit-on, la première, et prit le chemin haut. Regardez-la, là-haut, tout au fond du ciel. Les Trois rois coupèrent plus bas et la rattrapèrent ; mais ce paresseux de Jean de Milan, qui avait dormi trop tard, resta tout à fait derrière, et furieux, pour les arrêter, leur jeta son bâton. C’est pourquoi les Trois rois s’appellent aussi le Bâton de Jean de Milan… Mais la plus belle de toutes les étoiles, maîtresse, c’est la nôtre, c’est l’Étoile du berger, qui nous éclaire à l’aube quand nous sortons le troupeau, et aussi le soir quand nous le rentrons. Nous la nommons encore Maguelonne, la belle Maguelonne qui court après Pierre de Provence(Saturne) et se marie avec lui tous les sept ans.
— Comment ! berger, il y a donc des mariages d’étoiles ?
— Mais oui, maîtresse.

Et comme j’essayais de lui expliquer ce que c’était que ces mariages, je sentis quelque chose de frais et de fin peser légèrement sur mon épaule. C’était sa tête alourdie de sommeil qui s’appuyait contre moi avec un joli froissement de rubans, de dentelles et de cheveux ondés. Elle resta ainsi sans bouger jusqu’au moment où les astres du ciel pâlirent, effacés par le jour qui montait. Moi, je la regardais dormir, un peu troublé au fond de mon être, mais saintement protégé par cette claire nuit qui ne m’a jamais donné que de belles pensées. Autour de nous, les étoiles continuaient leur marche silencieuse, dociles comme un grand troupeau ; et par moments je me figurais qu’une de ces étoiles, la plus fine, la plus brillante, ayant perdu sa route, était venue se poser sur mon épaule pour dormir…


LES ETOILES
dans " Lettres de mon Moulin"
Alphonse Daudet
***

 Một Ông Sao Sáng, Hai Ông Sao Sáng*1/

Chuyện kể của một mục đồng vùng Provence
Thuở ấy, lúc còn phải giữ đàn cừu ở khối núi Luberon *2/, tôi thường thui thủi một mình trong nhiều tuần liên tiếp mà không có một bóng người bén mảng đến , chỉ có chú chó Labri và những con vật yêu dấu kia thôi. Họa hoằng chỉ có ngài đạo sĩ ở Mont-de l'Ure đi ngang qua để tìm kiếm thảo dược, hoặc khá hơn là tôi chỉ nhìn thấy gương mặt đen điu của các anh thợ làm than củi của vùng Piémont: nhưng quý vị à, đó chỉ là những người dân chất phác , luôn im lặng vì họ đã cô đơn quen rồi, đã mất hứng thú ba hoa từ lâu và không hề biết tin tức hoặc lời đồn đại gì từ làng mạc phố phường ở nơi xa xôi, dưới thung lũng kia... Bởi thế, cứ mỗi hai tuần, khi tôi nghe tiếng leng keng từ cái chuông đeo cổ của chú la thân mến từ nông trại đang từ từ bước trên con đường mòn dẫn lên núi , và rồi tôi thấy gương mặt của chú bé giúp việc rất lanh lợi (miarro), hoặc cái nón màu đỏ hung của dì Norade luống tuổi ở nông trại dần dần nhô lên ở sườn đồi đang mang thực phẩm cho tôi, là tôi cảm thấy rất vui sướng. Tôi rất háo hức nghe họ kể về tin tức của "xứ sở" dưới thung lũng, những ai đã được nhận lãnh phép rửa tội, ai sẽ là cô dâu chú rể tương lai; nhưng điều làm cho tôi yêu thích nhất, đó là biết tin về cô con gái của ông bà chủ, cô nương Stéphanette, người thiếu nữ đẹp nhất trong vùng đồi núi này. Tôi làm bộ hỏi thăm sơ sài, mà ra vẻ như không chú ý lắm, xem thử cô nàng có đi dự lễ lạc tiệc tùng nhiều không, cô có sang hàng xóm chuyện trò vào chiều tối không, rằng có nhiều chàng trai đi theo tán tỉnh không; và nếu có ai hỏi tôi muốn biết những chuyện đó để làm chi, đối với một kẻ chăn cừu nghèo nàn như tôi trên núi cao kia, thì tôi sẽ trả lời họ rằng tôi nay đã hai mươi tuổi rồi và rằng cô nàng ấy là điều tuyệt mỹ nhất mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trong suốt cuộc đời của tôi.

Nhưng rồi, vào một ngày chủ nhật, khi mà tôi trong đang trông ngóng thực phẩm, hôm đó họ đến rất trễ, buổi sáng tôi tự an ủi: " Chắc họ đi xem lễ ngày chủ nhật đó"; rồi đến trưa thì một cơn giông ập đến, thế là tôi nghĩ rằng con la không thể lên đường được vì lối đi lầy lội khó bước. Nhưng rồi đến khoảng ba giờ chiều, lúc trời quang đãng, ngọn núi đã bóng loáng nước mưa và rực rõ ánh dương, và chen lẫn trong tiếng mưa rỉ giọt từ những cành lá và những ngọn suối tràn bờ là tiếng nhạc chuông leng keng reo vang của chú la thân yêu, ôi sao nghe thật êm tai, thật linh động như thể tiếng chuông ngân thánh thót vào lễ Phục Sinh... Nhưng mà ! Người dẫn con la lại không phải chú bé giúp việc, cũng không phải cô Norade nhiều tuổi đâu. Mà đó là...quý vị có đoán ra là ai không!... chính cô tiên nữ đó, các bạn ạ! Thật vậy, chính cô ấy, đích thân cô ấy đang ngồi ngay ngắn giữa những túi đan bằng mây, gương mặt hồng hào vì hương đồng nội núi rừng và không khí mát dịu sau cơn mưa giông.

Chú bé thì bị bịnh, dì Norade đang trong kỳ nghỉ ngơi và đến nhà con cháu dì. Cô Stéphanette xinh đẹp vừa cho tôi biết những tin tức ấy vừa bước xuống khỏi con la, và cũng nói rằng cô đến muộn bởi vì cô bị lạc đường; nhưng rồi khi nhìn thấy cô nàng ăn mặc đẹp như thế, với dãi lụa là đầy màu sắc hoa lá, với chiếc váy rực rỡ đầy cả ren rua , tôi trông như cô ta rề rà nhảy nhót vui đùa rồi đi trễ hơn là bị lạc lối và mày mò đường đi trong đám bụi cây. Ôi sinh vật bé xinh mới đáng yêu làm sao! Tôi ngắm nhìn nàng mãi không chán. Tôi chưa bao giờ được nhìn nàng ở một cự ly gần như thế. Đôi lúc vào mùa đông, khi bầy cừu đã no cỏ và xuống bình nguyên, tôi về nông trại để ăn tối, cô ấy chỉ vút ngang một thoáng, không nói lời nào với đám người nô bộc, luôn luôn chải chuốt và có vẻ hơi kiêu hãnh... Thế mà bây giờ, cô ấy ở ngay trước mặt tôi đây nè,và cô là chỉ của mỗi riêng tôi thôi; như thế thì tôi có mất bình tĩnh, "tinh tú quay cuồng" *3/ - ...thì cũng đúng thôi phải không các bạn?
Một khi cô nàng lôi hết những thực phẩm trong giỏ ra, Stéphanette mới bắt đầu tò mò nhìn mọi thứ chung quanh. Nâng bàn tay vén nhẹ chiếc váy xinh của ngày lễ chủ nhật lên vì sợ bị móc vào đâu đó rồi hư rách, cô bé bước vào khu vườn, rồi cái lán, và muốn xem cái xó xỉnh nơi tôi ngủ, đó là cái máng cỏ rơm, bên trên phủ miếng da cừu, rồi cái áo choàng to rộng của tôi máng trên tường, cây gậy, và khẩu súng bắn đá. Tất cả những thứ ấy làm cô ta rất thích thú.


-A, thế thì đây là nơi mà anh sinh sống phải không, anh bạn mục đồng tội nghiệp của ta? Chắc là anh buồn chán lắm khi quanh quẩn chỉ có một mình thui thủi như thế này phải không? Suốt ngày anh làm gì? Anh suy nghĩ về điều gì?...
Tôi mong ước làm sao có thể trả lời rằng: "Thưa, tôi nghĩ đến cô, cô chủ ạ", và như thế thì tôi chẳng nói dối tí nào cả; nhưng tôi bối rối vụng về đến nỗi không thể tìm ra một lời nào để nói cả. Và tôi tin chắc rằng cô nàng đã nhận ra điều ấy, và cô gái nghịch ngợm ranh ma ấy lại còn thích thú làm cho tôi càng lúng túng cuống cuồng thêm lên với lời tinh quái:
- Rồi cô bạn thân yêu của anh nữa, anh chàng à, thỉnh thoảng cô ta vẫn lên đây thăm anh đấy chứ?... Tất nhiên đó là con dê bằng vàng*4/ - hoặc là nàng tiên Estérelle*5/ - chỉ chạy nhảy trên đỉnh núi...
Nhưng mà chính cô ấy khi nói với tôi điều đó, trông thật giống như nàng tiên Estérelle, với cái đầu ngã vật ra và đang nhoẻn miệng cười tươi xinh, và ý muốn vội vã rời khỏi nơi đây cho nhanh cũng giống như tiên nữ hiện ra rồi biến đi.
- Tạm biệt, chàng chăn cừu.
- Xin chào cô chủ.

Thế là cô ấy bỏ đi rồi, mang theo những cái giỏ trống.
Rồi khi nàng mất dạng trên con đường mòn ở sườn núi, tôi có cảm tưởng như những viên đá cuội đang lăn tròn dưới móng guốc của con la đang rơi từng viên, từng viên một, đè nặng lên trái tim tôi. Tôi nghe tiếng những viên sỏi ấy thật lâu, lâu lắm; cho đến cuối ngày tôi vẫn trong tư thế đó, ngái ngủ, vì e rằng nếu cử động thì giấc mơ của tôi sẽ bay xa mất. Rồi đến chiều tối, khi bên dưới thung lũng bắt đầu trở màu xanh xám , và những chú cừu đang xếp sát vào nhau vừa cất tiếng kêu vang để trở về chuồng, tôi bỗng nghe tiếng gọi mình ở dưới dốc, và rồi cô tiểu thư hiện ra, không còn tươi cười như lúc nãy, mà đang run rẩy vì lạnh, vì sợ, vì bị thấm ướt đẫm. Có vẻ như bên dưới đồi cô ấy đã gặp trúng nơi con sông Sorgue *6/- đang tràn bờ vì mưa lũ, và rồi cô ta cố gắng hết sức để lội ngang qua mà suýt nữa bị chìm. Nhưng nghiệt một nỗi, đó là vào giờ này, đêm đã xuống lâu rồi, và việc trở về nông trại là điều không khả thi được nữa; bởi vì lối đi theo đường tắt thì cô chủ sẽ không bao giờ có thể tự tìm ra được, còn tôi thì không thể bỏ bầy cừu ở đây được. Thế nên ý nghĩ phải qua đêm ở trên núi này làm cô ta băn khoăn vô cùng, nhất là khi biết rằng ba mẹ cô ấy sẽ rất lo âu. Phần tôi , tôi trấn an cô nàng trong khả năng của mình:
- Cô chủ ơi, vào tháng bảy thì đêm ngắn lắm...Chỉ một thoáng khó chịu ở đây rồi sẽ qua ngay thôi mà.
Và tôi đốt ngay một nhúm lửa để hong đôi chân và chiếc váy đẫm nước sông Sorgue của nàng. Sau đó tôi mang sữa, và phô mai đến; nhưng cô bé tội nghiệp chẳng màng sưởi ấm, hoặc ăn uống gì cả, và khi nhìn thấy những dòng lệ bắt đầu tuôn lã chã trên đôi má nàng, tôi cảm thấy mắt mình cũng muốn đẫm lệ.

Nhưng rồi màn đêm đã dày đặc thật rồi. Trên đỉnh núi chỉ còn lác đác vài hạt ánh dương, một làn sương nhẹ của tia sáng về phía mặt trời lặn. Tôi muốn cô chủ vào nghỉ lưng bên trong lán. Mang một tấm da cừu mới toanh trải lên trên mớ rơm vừa được phơi khô, tôi chúc cô nàng một giấc ngủ ngon, rồi ra ngồi trước cửa... Xin Trời chứng giám cho tôi, rằng cho dù ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong tim huyết, tôi không hề có một ý nghĩ đen tối nào, mà chỉ có một niềm kiêu hãnh khi nghĩ rằng bên trong góc lán đó, cạnh đám cừu đang tò mò nhìn nàng ngủ trong góc, cô con gái của ông bà chủ đang nghỉ ngơi, và phó thác cho tôi canh gác nàng - nàng như một cô cừu quý báu nhất, trắng xinh nhất trong đám cừu. Tôi chưa bao giờ thấy bầu trời trầm lặng như thế, chưa bao giờ thấy các ngôi sao sáng đến thế... Bỗng dưng, tôi nghe tiếng cửa rào xịch mở và nàng Stéphanette xinh đẹp hiện ra. Cô nàng không ngủ được. Đám cừu lăn lộn trên mớ rơm của chúng gây tiếng sột soạt, hoặc kêu la trong giấc mơ. Và cô ta muốn đến gần bếp lửa. Khi vừa thấy nàng, tôi lấy miếng da cừu của tôi choàng lên vai nàng, khều cho lửa bùng lên, và chúng tôi ngồi bên nhau như thế mà không nói lời nào. Nếu như có lúc nào bạn nằm thử giữa màn trời chiếu đất, vào lúc đêm tối, bạn sẽ biết được rằng khi chúng ta yên giấc, một thế giới huyền bí đang thức giấc trong sự yên tĩnh và thanh vắng. Thế rồi giọng hát của những con suối trở nên trong trẻo hơn, còn trên ao hồ thì lung linh đầy những đóm lửa bé xinh. Tất cả những thần linh của núi rừng thư thả đi đi lại lại; còn trong khí trời thì những tiếng xào xạc rất nhẹ nhàng như lướt qua, những tiếng động khẽ rất khó nhận biết, làm như thể ta nghe thấy tiếng cành cây vươn cao lên, cọng cỏ mọc thêm lên. Ban ngày với ánh dương là cuộc sống của sinh vật ; nhưng đêm tối đến là cuộc sống của vật thể. Khi bạn không quen với việc ấy, bạn cảm thấy sợ hãi... Thế nên cô tiểu thư của chúng ta cứ rùng mình và ép sát vào người tôi mỗi khi có bất kỳ tiếng động nào. Có lúc, từ thật xa, bên dưới ao hồ đang lóng lánh kia bỗng một tiếng kêu u sầu, ngân dài, vọng lên chỗ chúng tôi ngồi, nghe cũng gợn sóng như trên mặt hồ... Và cùng lúc ấy một vì sao băng xẹt ngang phía trên đầu chúng tôi, bay về cùng một hướng, làm như thể tiếng vi vu kêu than ấy mang theo một tia sáng đi cùng.
-Cái gì thế? Stéphanette thì thầm hỏi tôi.
- Thua cô, đó là một linh hồn đang vào thiên đàng cô à; và tôi làm dấu thánh giá.
Cô ấy cũng làm dấu, và ngồi như thế một lúc, đầu ngẩng lên trời, ra dáng chăm chú tĩnh tâm. Rồi cô bảo tôi:
- Như vậy các người mục đồng là phù thủy cả, đúng không?
- Hoàn toàn không đúng đâu, cô chủ à. Nhưng bởi vì ở đây chúng tôi sống kề cận với các vì tinh tú hơn, nên biết được những gì xảy ra trên cao ấy rõ hơn quý vị sống bên dưới đồng bằng mà thôi.
Cô bé vẫn ngước nhìn lên cao, bàn tay ôm lấy gương mặt, miếng da cừu vẫn quấn quanh người nàng, giống như một chú chăn chiên ở chốn thiên cung:
- Ôi, nhiều sao quá thể! Tuyệt quá! Ta chưa bao giờ được nhìn thấy nhiều sao như vậy... Rồi anh có biết tên chúng không vậy?
- Dạ biết chứ, thưa cô...Đây nè, ngay trên đầu chúng ta đây, là con Đường của thánh Jacques (dãi Ngân Hà). Con đường này đi thẳng từ Pháp qua Tây Ban Nha, chính thánh Jacques đã vẽ để dẫn đường cho vua Charlemagne dũng cảm khi ông đánh giặc Sarrasin (xin xem chú thích 4). Cô thấy không, xa hơn là chòm sao Xe ngựa của các Linh Hồn (Đại Hùng Tinh) với bốn trục xe sáng chói. Ba ngôi sao phía trước là chòm sao Ba con vật, rồi sao nhỏ xíu kế cạnh sao thứ ba là sao Người đánh xe ngựa (Ngự Phu). Và đây nữa, cô có thấy quanh đó nguyên một đám mưa sao đang rơi xuống không? Đó là những linh hồn mà Thượng Đế không muốn giữ bên cạnh Ngài nữa...Còn xích xuống một chút, đó là chòm sao Cái Cào hoặc Ba Vua (Vành đai). Chúng tôi dùng các ngôi sao đó để biết giờ, thưa cô. Tôi chỉ cần nhìn chúng là biết bây giờ đã quá nửa đêm rồi. Cô nhìn kìa, ở phía dưới một chút, vẫn theo hướng Nam, sao Jean de Milan sáng chói, là ngọn đuốc của các thiên thể (Sirius-Thiên Lang). Về ngôi sao này, các mục đồng kể câu chuyện như sau. Hình như là vào một đêm nọ , Jean de Milan (Thiên Lang) cùng với chòm sao Orion (Vành đai) và chòm sao Lồng ấp gà con Pleiade (chòm thất tinh) được mời đến dự tiệc cưới của một ngôi sao bạn của họ. Sao Pleiade vội vàng ra đi trước nhất, và chọn con đường tít trên cao. Cô hãy nhìn kìa, sao ấy ở cao tít, tận cuối chân trời. Chòm sao Orion đi lối tắt bên dưới và đuổi kịp Pleiade; nhưng anh chàng lười biếng Jean de Milan thức trễ vì đêm qua ngủ muộn quá, lẹt đẹt theo sau, nên giận dữ vô cùng và ném cây gậy của hắn để chận chúng lại. Vì vậy nên chùm Orion còn được gọi là Cây Gậy của Jean de Milan...
Nhưng mà cô chủ ơi, ngôi sao đẹp nhất trong tất cả các vì sao, đó là ngôi sao của chúng tôi, Sao Mục đồng (Sao Mai-Venus), soi đường cho chúng tôi lúc bình minh khi chúng tôi lùa đàn bê ra ngoài đồng, và lúc chạng vạng khi chúng tôi trở về. Chúng tôi cũng gọi sao ấy là Maguelonne, cô nàng Maguelonne xinh đẹp chạy theo Pierre de Provence (Saturne) và cứ mỗi bảy năm lại kết hôn với chàng.
-Thật vậy sao? Lại có chuyện đám cưới giữa các vì sao nữa cơ?
-Dạ thưa có, cô chủ ạ.

Và rồi trong khi tôi đang cố gắng giải thích về những đám cưới đó như thế nào, tôi bỗng cảm nhận có một vật thơm mát và mong manh từ từ trĩu nặng trên vai tôi. Đó là đầu của nàng đã say ngủ đang tựa vào người tôi trong tiếng sột soạt rất đáng yêu của lụa là êm mát và suối tóc mềm mại gợn sóng. Và cô bé nằm bất động như thế cho đến lúc các thiên thể trên trời mờ nhạt, dần dần phai tàn vì ánh dương đã bắt đầu ló dạng. Phần tôi, tôi ngắm nhìn nàng say giấc điệp, tinh thần hơi dao động xao xuyến, nhưng được bình tâm một cách thánh thiện trong màn đêm yên lành ấm áp này đã luôn mang cho tôi những suy nghĩ thiên thần tao nhã. Chung quanh chúng tôi, những vì tinh tú vẫn tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ của chúng, ngoan ngoãn như trong một đàn chiên bé xinh vĩ đại; và nhiều lúc tôi tưởng tượng rằng một trong những vì sao ấy, ngôi sao mỏng manh nhất, sáng chói nhất, đã bị lạc đường về, và đang sà cánh xuống trên vai tôi để đi dần vào giấc mơ...

Récit d’un berger provençal - Trích từ tác phẩm: "Lettres de mon Moulin" - Alphonse Daude
Thái Lan dịch

CHÚ THÍCH
*1/ -Bài hát thiếu nhi: " Đếm Sao"- Văn Chung.
*2/- Luberon: vùng Provence, Pháp.
*3/- Bài hát "Biết đến thuở nào"- Tùng Giang.
*4/-Con dê bằng vàng: theo huyền thoại, để giữ kho tàng của người Sarrasins (người Hồi giáo châu Âu và châu Phi, thời Trung đại), nó chạy lang thang ở Provence, và vài người hành hương & mục đồng có thể trông thấy nó, nhưng nếu họ chạy theo nó, họ sẽ bị mất tích .
*5/- Estérelle: nàng tiên về sự sinh sản- có một lâu đài do người Hy Lạp La Mã xưa hiến tặng cho Diane- nữ thần của sự sinh sản/vương quyền ở khối núi Esterel.
*6/-Sorgue: sông chảy quanh khu vực Provence, là một nhánh của sông Rhône .