Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Hoa: Chim Thiên Đường - Thương Yêu Nhớ Về Ba Má

Ba Má ơi, 
Con nhìn những cánh Hoa Chim Thiên Đường (Bird Paradise Flowers), ngày xưa ở Việt Nam mình gọi là Hoa Mỏ Két. Con nhớ sau nhà mình ở Vĩnh Long quá. Mổi sáng Chúa Nhật Má bảo con cắt vào chưng bày ở phòng khách cho đẹp nhà đẹp cửa.
Vườn con cũng trổ đầy hoa, sáng sớm ở hàng hiên nhìn hoa mà lòng nhớ thuở xa xưa đó. Con tưởng như Ba Má đang từ Thiên Đường bay về thăm con và cho con một Mùa Xuân tươi thắm trong nắng mới.

Chim phương xa trở về thăm tổ
Nhớ mùi hương nhớ ổ năm nào
Ấp nồng Ba Mẹ ngọt ngào
Móm cho con trẻ xiết bao thâm tình






Nhớ Ba nắng sớm bình minh
Song hành cùng Má đậm tình trước sau
Chắp đôi cánh mỏng bay cao
Thiên đường hạnh phúc đón chào Chúa Xuân!




Kim Oanh
Xuân Melbouerne 2016

Thương Xuân Khúc 傷春詞 - Bạch Cư Dị

Sáng nay, bệnh già êm, nắng xuân vui ấm ngoài trời, bên tách cà phê starbucks, lan man lại nhớ đến người đẹp trong một bài thơ của Bạch Cư Dị và mấy câu thơ trong bài Le Lac của Lamartine thời Trung Học :" Ô temps! Suspends ton vol / Et vous, heures propices / Suspendez votre cours / Laissez-nous savourer les rapides délices/ Des plus beaux de nos jours ". Tôi ngồi chuyển dịch lại bài Thương Xuân Khúc đế mọi người thân quý vui cùng tôi với chữ nghĩa của người xưa. 
PKT 02/26/2016


Thương Xuân Khúc - Bạch Cư Dị (772 - 846)

Thâm thiển thiềm hoa thiên vạn chi
Bích sa song ngoại chuyển hoàng ly
Tàn trang hòa lệ há liên tọa
Tận nhật thương xuân xuân bất tri

Dịch Xuôi:

Muôn ngàn cánh hoa khoe sắc bên thềm
Tiếng oanh chuyền cành ríu rít ngoài song lụa biếc
Buông rèm ngồi khóc thầm một mình cho nhan sắc đã phai tàn
Cả ngày than thở với xuân mà xuân có biết cho đâu 

Thương Xuân Khúc

Óng ánh bên thềm muôn sắc hoa 
Ngoài song lụa biếc rộn oanh ca.
Buông rèm giấu lệ nhòe son nhạt 
Khóc một thời xuân xa đã xa. 

Phạm Khắc Trí 
***
Các Bài Dịch Khác

Kính Thầy,
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :

1. Nguyên bản chữ Hán của bài thơ:

       傷春詞                 Thương Xuân Khúc 

深淺簷花千萬枝, Thâm thiển thiềm hoa thiên vạn chi,
碧紗窗外囀黃鸝。 Bích sa song ngoại chuyển hoàng li.
殘妝含淚下簾坐, Tàn trang hàm lệ há liêm tọa,
盡日傷春春不知。 Tận nhật thương xuân xuân bất tri!
                白居易                                   Bạch Cư Dị

2. Chú Thích:

Bài thơ nầy có tựa là Thương Xuân TỪ, vì là thơ thuộc dòng Nhạc Phủ dùng phổ nhạc để hát. Thể TỪ 詞 nầy phát triển đến đời Tống thì hoàn chỉnh. TỪ có thể gieo cả vần Bằng lẫn vần Trắc, và có câu dài ngắn khác nhau cho dễ phổ nhạc. Nhắc đến thi ca cổ là phải nhắc đến ĐƯỜNG THI và TỐNG TỪ.
* THÂM THIỂN ở đây có nghĩa là ĐẬM NHẠT. THIỀM là Mái Hiên nhà. Nên THÂM THIỂN THIỀM HOA có nghĩa: Hoa nở Đậm Nhạt ở dưới mái hiên nhà. Tại sao lại Đậm Nhạt? Vì là cuối mùa xuân, một số hoa nở muộn chen lẫn vào các hoa nở trước đã sắp tàn, tạo nên cảnh ngổn ngang đậm nhạt của buổi tàn xuân, cảnh vật càng bát nháo hơn với 3 từ cuối " Thiên Vạn Chi " là Muôn vạn cành hổn độn vào nhau, cái nở cái tàn
* Chữ CHUYỂN 囀 bộ KHẨU bên trái, có nghĩa là tiếng chim Hoàng Li ( Hoàng Oanh ) hót " Liú Lo " . CHUYỂN là Uyển chuyển 婉 囀 theo Thành ngữ " Oanh Đề Điểu Chuyển 莺啼鸟啭 " là Oanh Ca Chim Hót !
* TÀN TRANG 殘妝 : Sự Trang điểm đã tàn tạ. Ý chỉ đã cuối ngày. Đầu ngày là Tân Trang 新妝, là Mới vừa trang điểm xong, cuối ngày thì sự trang điêm cũng tàn phai, hơn nữa lại ...
* HÀM LỆ 含淚 : là " Ngậm nước mắt ", có nghĩa là : Nước mắt doanh tròng, nước mắt đầy cả tròng mắt chưa kịp rơi xuống.
* TẬN NHẬT 盡日 : là Hết ngày, có nghĩa là Suốt Ngày.

3. Nghĩa Bài Thơ:
Thương Cảm Cho Mùa Xuân Sắp Tàn
Vẻ đậm nhạt của trăm ngàn cành hoa ngổn ngang chen chút nhau dưới mái hiên nhà, ngoài rèm the xanh biếc của song cửa sổ là tiếng chim oanh còn hót líu lo. Nét trang điểm đã tàn phai, nàng ngồi xuống phía dưới rèm mà mắt lệ doanh tròng. Suốt cả ngày hôm nay nàng thương cảm cho mùa xuân sắp tàn, mà mùa xuân có biết cho nỗi lòng của nàng đâu !

  Thương XuânTừ

Ngàn hoa hỗn tạp dưới hiên nhà,
Rèm biếc líu lo oanh vẫn ca.
Ngấn lệ dưới hiên nàng thương cảm,

Thương xuân xuân có biết chăng là ?! 

Lục bát:

Trước thềm đậm nhạt ngàn hoa,
Bên song oanh hót là đà rèm châu,
Dưới hiên lòng những âu sầu,
Suốt ngày thương cảm xuân nào có hay!


Đỗ Chiêu Đức
***
Đau Đớn Xuân

Thềm hoa đậm nhạt muôn nghìn nhánh
The biếc song ngoài oanh líu lo
Sắc lụn sau rèm ngồi ứa lệ
Đau xót vì xuân xuân biết cho.

Quên Đi
***
Thương Cảm Ngày Xuân Qua

Ngàn hoa đậm nhạt trước hiên thềm
Rèm lụa song ngoài rộn tiếng chim
Nhan sắc tàn phai, rưng mắt lệ
Than thở cùng xuân, xuân lặng yên !

Phương Hà phỏng dịch
***
    Cảm Hoài Ngày Xuân Sắp Qua            
(Mượn ý Thương Xuân Khúc của Bạch Cư Dị )

Ngoài hiên tàn, nở giữa ngàn hoa
Ríu rít chim Oanh hót rộn nhà
Thương cảm,bên rèm nhòa ngấn lệ
Vì Xuân, Xuân có biết lòng ta???

Song Quang
***
1)
Còn Đâu Má Phấn
Mỉm Cười Chúa Xuân! 

Điểm sắc trăm hoa đẹp trước thềm,
Yến anh ríu rít lụa song mềm.
Nhạt phai nhan sắc em ngồi khóc,
Rực rỡ Chúa xuân thiếp chẳng thèm!


2) 
Nhan Sắc Tàn Phai Xuân Có Hay!

Hương sắc trăm hoa nở trước thềm,
Ngoài song lụa rũ hót vang chim.
Tàn phai nhan sắc mi đầy lệ,
Xuân đến vô tình thiếp thẹn thêm! 


Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 02 năm 2016
***
Một Khúc Thương Xuân

Hiên trước ngàn hoa đua sắc thắm
Ngoài song lụa biếc tiếng oanh đưa
Rèm buông thầm khóc dung nhan úa
Than thở cùng xuân xuân xót chưa.

Kim Phượng
*** 
Xót Xuân Tàn

Ngổn ngang hoa muộn đua chen
Song thưa chim hót bên rèm líu lo
Thương cảm ngấn lệ buồn so
Xót xuân xuân có biết cho lòng này?

Kim Oanh

Bên Cầu Biên Giới - Phạm Duy-Vũ Khanh

Chàng trai đi phiêu bạt sống kiếp lãng du, xa quê hương lâu ngày, chạnh lòng khi trong cuộc hành trình tình cờ dừng lại ngay biên giới, bên chiếc cầu soi bóng nước. Chạnh lòng nhớ người yêu, nhớ quê nhà đến não lòng. Mơ một ngày về chốn cũ đễ có được những mong nhớ hôm nay.


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Lỡ Hẹn




Hai năm ở trọ nhờ đi học
Một chút tình con thật dễ thương
Ngất ngưởng theo em về xóm nhỏ
Ngày đi hai buổi, đạp chung đường.

Mỗi sáng gọi đò em bước xuống
Chiều về nhường nhịn lối đi lên
Giữa sông áo trắng bay như bướm
Tóc rũ bờ vai sóng dập dềnh.

Guốc mộc em đi khua lốc cốc
Có khi vắng tiếng buồn mênh mang
Đến trường đứng đợi bên hè phố
Nắng dưới hàng cây em chửa sang.

Chiều qua đến bến sông ngày đó
Vắng bóng đò ngang của độ nào
Quay về trường cũ rong rêu quá
Hàng phượng bâng khuâng cũng úa màu.

Lỡ hẹn với em từ dạo ấy
Cùng trường cùng ngõ chẳng duyên trao
Em ơi ngày cũ đâu còn nữa
Thoi thóp buồng tim luống nghẹn ngào.

Dương hồng Thủy
( 10/10/2012 )

Việt Nam Sử Lược/ Quyển 1/ Phần 3/ Chương 1


I. — 1. Tiền Ngô-vương
2. Dương tam Kha
3. Hậu Ngô-vương
II. —
Thập-nhị Sứ-quân

I.— TIỀN NGÔ-VƯƠNG (939-965). Năm kỷ-hợi (939) Ngô Quyền 吳 權 xưng vương, đóng đô ở Cổ-loa 古 螺 (thuộc huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-yên). Ngô-vương đặt quan chức, chế triều-nghi, định phục-sắc và chỉnh-đốn việc chính-trị trong nước, chí muốn dựng nghiệp lâu dài, nhưng chỉ làm vua được có 6 năm, đến năm giáp-thìn (944) thì mất, thọ 47 tuổi.

2. DƯƠNG TAM KHA (945-950). Ngô-vương trước lấy con Dương diên Nghệ là Dương-thị lập làm vương-hậu; đến lúc mất, vương ủy-thác con là Ngô xương Ngập 吳 昌 岌 cho Dương tam Kha 楊 三 哥 là em Dương-hậu 楊 后. Dương tam Kha bèn cướp lấy quyền của cháu, tự xưng là Bình-vương 平 王.
Ngô xương Ngập thấy biến, chạy trốn sang Nam-sách 南 册 (thuộc Hải-dương) vào ẩn ở nhà Phạm Lịnh-công 范 令 公 ở Trà-hương 茶 鄕 (huyện Kim-thành). Tam Kha sai quân đi đuổi bắt. Phạm Lịnh-công đem vào dấu trong núi. Dương tam Kha bắt em Ngô xương Ngập là Ngô xương Văn 吳 昌 文 nuôi làm con nuôi.
Năm canh-tuất (905) có dân ở tại thôn Thái-bình (thuộc Sơn-tây) làm loạn. Dương tam Kha sai Ngô xương Văn cùng với tướng là Dương cát Lợi 楊 吉 利 và Đỗ cảnh Thạc 杜 景 碩 đem quân đi đánh. Đi đến Từ-liêm, Ngô xương Văn mưu với hai tướng đem quân trở về bắt Dương tam Kha.
Ngô xương Văn nghĩ tình cậu cháu không nỡ giết, chỉ giáng xuống làm Trương Dương-công 張 楊 公.

3. HẬU NGÔ-VƯƠNG (950-965). Ngô vương Văn bỏ Dương tam Kha đi rồi, xưng là Nam-tấn-vương 南 晉 王 và sai người đi đến làng Trà-hương rước anh là Ngô xương Ngập về cùng coi việc nước. Ngô xương Ngập về xưng là Thiên-sách-vương 天 策 王. Cả hai anh em làm vua, sử gọi là Hậu Ngô-vương.
Làm vua được ít lâu, Thiên-sách vương đã toan giữ lấy quyền một mình, nhưng đến năm giáp-dần (954) thì mất.
Thế-lực nhà Ngô bấy giờ mỗi ngày một kém, giặc-giã nổi lên khắp cả mọi nơi. Nam-tấn-vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Khi đi đánh giặc ở hai thôn Thái-bình, không may bị tên bắn chết. Bấy giờ là năm ất-sửu (965), Nam-tấn-vương làm vua được 15 năm.

II. THẬP-NHỊ SỨ-QUÂN (945-967). Từ khi Dương tam Kha tiếm-vị rồi, những người thổ-hào ở các nơi như bọn Trần Lãm, Kiểu công Hãn v. v... đều xướng lên độc-lập, xưng là Sứ-quân 使 君. Về sau Nam-tấn-vương đã khôi-phục được nghiệp cũ, nhưng mà các sứ-quân vẫn không chịu về thần-phục. Bởi vậy nhà vua cứ phải đi đánh dẹp mãi, mà không yên được. Đến khi Nam-tấn-vương bị giặc bắn chết, thì con Thiên-sách-vương là Ngô xương Xí 吳 昌 熾 lên nối nghiệp, nhưng thế nhà vua lúc ấy suy-nhược lắm, không ai phục-tùng nữa. Ngô xương Xí về đóng giữ đất Bình-kiều. Tướng nhà Ngô là Đỗ cảnh Thạc cũng giữ một chỗ xưng là Sứ-quân.
Lúc bấy giờ trong nước có cả thảy 12 Sứ-quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn 20 năm. Mười hai Sứ-quân là:

1. Ngô xương Xí 吳 昌 熾 giữ Bình-kiều 平 橋 (nay là làng Bình-kiều, phủ Khoái-châu, Hưng-yên)
2. Đỗ cảnh Thạc 杜 景 碩 giữ Đỗ-động-giang 杜 洞 江 (thuộc huyện Thanh-oai)
3. Trần Lãm 陳 覧, xưng là Trần Minh-công 陳 明 公 giữ Bố-hải-khẩu 布 海 口 (Kỳ-bố, tỉnh Thái-bình)
4. Kiểu công Hãn 矯 公 罕, xưng là Kiểu Tam-chế 矯 三 制 giữ Phong-châu 峰 州 (huyện Bạch-hạc)
5. Nguyễn Khoan 阮 寬, xưng là Nguyễn Thái-bình 阮 太 平 giữ Tam-đái 三 帶 (phủ Vĩnh-tường)
6. Ngô nhật Khánh 呉 日 慶, xưng là Ngô Lãm-công 呉 覽 公 giữ Đường-lâm 唐 林 (Phúc-thọ, Sơn-tây)
7. Lý Khuê 李 奎, xưng là Lý Lang-công 李 郞 公 giữ Siêu-loại 超 類 (Thuận-thành)
8. Nguyễn thủ Tiệp 阮 守 捷, xưng là Nguyễn Lịnh-công 阮 令 公 giữ Tiên-du 仙 逾 (Bắc-ninh)
9. Lữ Đường 呂 唐, xưng là Lữ Tá-công 呂 佐 公 giữ Tế-giang 細 江 (Văn-giang, Bắc-ninh)
10. Nguyễn Siêu 阮 超, xưng là Nguyễn Hữu-công 阮 右 公 giữ Tây-phù-liệt 西 扶 烈 (Thanh-trì, Hà-đông)
11. Kiểu Thuận 矯 順, xưng là Kiểu Lịnh-công 矯 令 公 giữ Hồi-hồ 回 湖 (Cẩm-khê, Sơn-tây)
12. Phạm bạch Hổ 范 白 虎, xưng là Phạm Phòng át 范 防 遏 giữ Đằng-châu 藤 洲 (Hưng-yên)
Những Sứ-quân ấy cứ đánh lẫn nhau, làm cho dân-gian khổ-sở. Sau nhờ có ông Đinh bộ Lĩnh ở Hoa-lư đem quân đi đánh, mới dẹp xong cái loạn sứ-quân, đem giang-sơn lại làm một mối, và lập nên cơ-nghiệp nhà Đinh vậy.


Huỳnh Hữu Đức trích từ "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim








































































































































Việt Nam Sử Lược/ Quyển 1/ Phần 2/ Chương 6.

1. Người nước Nam nhiễm văn-minh của Tàu
2. Nho-giáo
3. Đạo-giáo
4. Phật-giáo
5. Sự tiến-hóa của người nước Nam
1. NGƯỜI NƯỚC NAM NHIỄM VĂN-MINH CỦA TÀU. Từ khi vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ bác Đức 路 博 德 sang đánh lấy Nam-việt cho đến đời Ngũ-Quí, ông Ngô Quyền 吳 權 đánh-đuổi người Tàu về bắc, tính vừa tròn 1.050 năm.
Xứ Giao-châu ta bị người Tàu sang cai-trị bấy lâu năm thì chắc là sự sinh-hoạt của người bản-xứ cũng bị thay-đổi một cách khác hẳn với trước. Khi đất Giao-châu còn gọi là Văn-lang hay là Âu-lạc thì người bản-xứ ăn ở thế nào, phong-tục làm sao, nay cũng không có di-tích gì mà kê-cứu ra cho rõ được. Có lẽ cũng tự-hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ. Giả sử có đem vua Hùng-vương họ Hồng-bàng và vua An-dương-vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan-lang ở mạn thượng-du thì dễ thường cũng không xa sự thực là mấy. Nhưng đây là một điều nói phỏng mà thôi, chứ lấy gì làm đích-xác?
Vả lại, khi người một xã-hội đã văn-minh như người Tàu mà đi mở đất chưa khai như đất Giao-châu lúc bấy giờ, thì e rằng người Tàu chiếm giữ lấy chỗ bình địa rồi tụ-họp với nhau mà làm ăn, còn những người bản-xứ thì hoặc là lẫn với kẻ khỏe hơn mình, hoặc giết-hại đi, hoặc vào ở trong rừng trong núi rồi chết mòn chết mỏi đi. Kể như thế thì người mình bây giờ cũng không xa người Tàu là bao nhiêu.
Dẫu thế nào mặc lòng, hết đời Bắc-thuộc rồi thì người Giao-châu ta có một cái nghị-lực riêng và cái tính-chất riêng để độc-lập, chứ không chịu lẫn với nước Tàu. Duy chỉ có sự sùng-tín, sự học-vấn, cách cai-trị thì bao giờ mình cũng chịu cái ảnh-hưởng của Tàu.
Nguyên nước Tàu từ đời Tam-Đại 三 代 đã văn-minh lắm, mà nhất là về đời nhà Chu 周 thì cái học-thuật lại càng rực-rỡ lắm. Những học-phái lớn như là Nho-giáo 儒 敎 và Lão-giáo 老 敎, đều khởi đầu từ đời ấy. Về sau đến đời nhà Hán 漢, nhà Đường 唐, những học-phái ấy thịnh lên, lại có Phật-giáo 佛 敎 ở Ấn-độ truyền sang, rồi cả ba đạo cùng truyền-bá đi khắp cả mọi nơi trong nước. Từ đó trở về sau nước Tàu và những nước chịu ảnh-hưởng của Tàu đều theo tông-chỉ của những đạo ấy mà lập ra sự sùng-tín, luân-lý và phong-tục tương-tự như nhau cả. Vậy ta xét qua xem những học-phái ấy gốc-tích từ đâu, và cái tông-chỉ của những học-phái ấy ra thế nào.

2. NHO-GIÁO. Nho giáo sinh ra từ đức Khổng-tử 孔 子. Ngài húy là Khâu 邱, tên chữ là Trọng Ni 仲 尼, sinh ở nước Lỗ 魯 (thuộc tỉnh Sơn-đông) vào năm 551 trước Tây-lịch, về đời vua Linh-vương nhà Chu 周 靈 王.
Ngài sinh ra vào đời Xuân-Thu 春 秋, có Ngũ bá tranh cường, dân-tình khổ-sở, phong-tục bại-hoại. Ngài muốn lấy đạo luân-thường mà dạy người ta cách ăn-ở với nhau trong đời. Ngài đi du-lịch trong mấy nước chư-hầu, hết nước nọ qua đến nước kia, môn-đệ theo ngài cũng nhiều. Đến lúc già, ngài trở về nước Lỗ, soạn kinh Thi 詩, kinh Thư 書, kinh Dịch 易, định kinh Lễ 禮, kinh Nhạc 樂 và làm ra kinh Xuân Thu 春 秋, rồi đến năm 479 tr. Tây-lịch về đời vua Kính-vương nhà Chu 周 敬 王 thì Ngài mất, thọ được 72 tuổi.
Ngài chỉ cốt lấy những điều hợp với bản-tính của loài người mà dạy người, chứ không dạy những điều u-uẩn huyền-diệu khác với đạo thường. Ngài nói rằng: « Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo 道 不 遠 人, 人 之 為 道 而 遠 人, 不 可 以 為 道. » Nghĩa là: đạo không xa cái bản-tính người ta, hễ vì đạo mà xa cái bản-tính ấy thì đạo ấy không phải là đạo. Bởi vậy cái tông-chỉ của Ngài là chủ lấy Hiếu, Đễ, Trung, Thứ làm gốc, và lấy sự sửa mình làm cốt mà dạy người. Ngài chỉ dạy người về sự thực-tế hiện-tại, chứ những điều viễn-vông ngoài những sự sinh-hoạt ở trần-thế ra thì ngài không bàn đến. Nói đến sự sống chết thì Ngài bảo rằng: « Vị tri sinh, yên tri tử 未 知 生, 焉 知 死 »: chưa biết được việc sống, sao đã biết được việc chết. Nói đến việc quỉ-thần thì ngài bảo rằng: « Quỉ-thần kính nhi viễn chi 鬼 神 敬 而 遠 之: quỉ-thần thì nên kính, mà không nên nói đến. »
Tổng chi, đạo ngài thì có nhiều lý-tưởng cao-siêu (xem sách Nho-giáo)[1] nhưng về đường thực-tế thì chú-trọng ở luân-thường đạo-lý. Cái đạo luân-lý của ngài có thể truyền cho muôn đời về sau không bao giờ vượt qua được. Đối với mọi người thì ngài dạy: « Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân 己 所 不 欲 勿 施 於 人: điều gì mà mình không muốn người ta làm cho mình, thì mình đừng làm cho ai ». Đối với việc bổn-phận của mình thì ngài dạy: Quân-tử động nhi thế vi thiên-hạ đạo, hành nhi thế vi thiên-hạ pháp, ngôn nhi thế vi thiên-hạ tắc, viễn chi tắc vọng, cận chi tắc bất yếm. 君 子 動 而 世 為 天 下 道, 行 而 世 為 天 下 法, 言 而 世 為 天 下 則, 遠 之 則 望, 近 之 則 下 饜: người quân-tử cử-động việc gì là để làm đạo cho thiên-hạ, nói-năng điều gì là để làm mực cho thiên-hạ; người ở xa thì muốn lại gần, người ở gần thì không bao giờ chán[2].
Đạo của Khổng-tử truyền cho thầy Tăng Sâm 曾 参; Tăng Sâm truyền cho Khổng Cấp 孔 伋; Khổng Cấp truyền cho thầy Mạnh Kha 孟 軻 tức là thầy Mạnh-tử 孟 子.
Thầy Mạnh-tử là một nhà đại hiền-triết nước Tàu, làm sách Mạnh-tử, bàn sự trọng nhân nghĩa, khinh công lợi, và cho tính người ta vốn lành, ai cũng có thể nên được Nghiêu, Thuấn cả.
Đến đời nhà Tần 秦, vua Thỉ-hoàng 始 皇 giết những người nho-học, đốt cả sách-vở, đạo Nho phải một lúc gian-nan. Đến đời vua Cao-tổ nhà Hán 漢 高 祖 lại tôn-kính đạo Nho, sai làm lễ thái-lao tế đức Khổng-tử. Đến đời vua Vũ-đế nhà Hán 漢 武 帝 lại đặt quan bác-sĩ để dạy năm kinh. Từ đấy trở đi, đạo Nho mỗi ngày một thịnh, dẫu trong nước có đạo Lão, đạo Phật mặc lòng, bao giờ đạo Nho vẫn trọng hơn.

3. ĐẠO-GIÁO. Đạo-giáo là bởi đạo của ông Lão-tử 老 子 mà thành ra. Lão-tử là người nước Sở 楚 (thuộc tỉnh Hồ-bắc) họ là Lý 李, tên là Đam 聃, sinh vào năm 604 tr. Tây-lịch về đời vua Định-vương nhà Chu 周 定 王, sống được 81 tuổi, đến năm 523 tr. Tây-lịch, vào đời vua Cảnh-vương nhà Chu 周 景 王 thì mất.
Tông-chỉ của Lão-tử là trước khi có trời đất, thì chỉ có Đạo 道. Đạo là bản-thể của vũ-trụ, là cái gốc nguyên-thỉ của các sự tạo-hóa. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy sửa mình và trị nước nên phải theo Đạo, nghĩa là người ta nên điềm-tĩnh, vô vi, cứ tự-nhiên, chứ không nên dùng trí-lực mà làm gì cả.
Lão Tử soạn ra sách Đạo-đức kinh 道 德 經, rồi sau có Văn-tử 文 子, Thi-tử 尸 子, Trang-tử 莊 子, và Liệt-tử 列 子 noi theo mà truyền-bá cái tông-chỉ ấy.
Đạo của Lão-tử lúc đầu là một môn triết-học rất cao-siêu, nhưng về sau cái học-thuyết biến-đổi đi, rồi những người giảng thuật thần tiên cũng phụ theo đạo ấy mà nói những chuyện số-kiếp và những sự tu-luyện để được phép trường sinh bất tử v. v... Bởi vậy đạo Lão mới thành ra Đạo-giáo là một đạo thần tiên, phù-thủy, và những người theo Đạo-giáo gọi là đạo-sĩ 道 士.
Nguyên từ đời vua Thỉ-hoàng nhà Tần và vua Vũ-đế nhà Hán, người Tàu đã tin sự thần tiên, sau đến cuối đời nhà Đông-Hán có Trương đạo Lăng 張 道 陵 soạn ra 24 thiên Đạo-kinh 道 經 giảng cái thuật trường-sinh. Bọn giặc Hoàng-cân Trương Giác 張 角 chính là học trò của Trương đạo Lăng. Đến đời nhà Đông Tấn lại có Cát Hồng 葛 洪 nói rằng được tiên-thuật rồi làm sách dạy những thuật ấy. Từ đấy về sau Đạo-giáo thịnh dần lên, tôn Lão-tử làm Thái-thượng Lão-quân 太 上 老 君.
Đời vua Cao-tổ nhà Đường có người nói rằng thấy Lão-tử hiện ra ở núi Dương-giác-Sơn 羊 角 山 xưng là tổ nhà Đường[3]! Vua Cao-tổ đến tế ở miếu Lão-tử và tôn lên là Thái-thượng Huyền-nguyên Hoàng-đế 太 上 玄 元 皇 帝. Bởi vậy nhà Đường trọng đạo Lão-tử lắm, bắt con cháu phải học Đạo-đức kinh.
Tuy đạo Lão về sau thịnh-hành ở nước Tàu, nhưng cũng không bằng đạo Phật. Đạo Phật là một đạo ở Ấn-độ đem vào nước Tàu, và lại là một tông-giáo rất lớn ở thế-gian này.

4. PHẬT-GIÁO. Tị-tổ đạo Phật là đức Thích-ca Mầu-ni 釋 迦 牟 尼. Không biết rõ ngài sinh vào đời nào. Cứ ý-kiến của đạo-phái ở về phía bắc đất Ấn-độ thì cho là ngài sinh về năm 1.028 trước Tây-lịch kỷ-nguyên, vào đời vua Chiêu-vương nhà Chu 周 昭 王. Còn đạo-phái ở phía nam thì cho vào năm 624. Những nhà bác-học thời bây giờ cho ngài sinh vào năm 558 hay là 520, cùng với Khổng-tử một thời.
Đức Thích-ca là con một nhà quí-tộc đất Ấn-độ. Ngài đã lấy vợ, có con, nhưng vì thấy người ta ở trần-thế này không ai khỏi được những khổ-não như sinh, lão, bệnh, tử, cho nên ngài bỏ cả vợ con mà đi tu, để cầu phép giải-thoát. Vậy đạo Phật cốt có hai chủ-ý: một là đời là cuộc khổ-não; hai là sự thoát khỏi khổ-não.
Người ta gặp phải những sự khổ-não như thế là tại mình cứ mắc trong vòng luân hồi 輪 迴 mãi. Vậy muốn cho khỏi sự khổ-não thì phải ra ngoài luân hồi mới được; mà ra ngoài luân hồi thì phải cắt cho đứt những cái nhân-duyênnó trói-buộc mình ở trần gian này. Ra được ngoài Luân-hồi thì lên đến cõi nát-bàn (nirvana) tức là thành Phật, bất sinh bất tuyệt (xem sách Phật-giáo và sách Phật-lục của tác-giả).
Nguyên đạo Phật 佛 là do ở đạo Bà-la-môn (Brahmane) mà ra, nhưng tông-chỉ đạo Phật không giống đạo Bà-la-môn cho nên hai đạo chống nhau mãi, thành ra đến ba bốn trăm năm sau, khi đức Thích-ca mất rồi, đạo Phật mới phát-đạt ra ở Ấn-độ.
Đạo Phật sang nước Tàu kể từ nhà Tây-Hán. Đời vua Hán vũ-đế 漢 武 帝 (140 - 86) quân nhà Hán đi đánh Hung-nô 匈 奴 đã lấy được tượng Kim-nhân và biết rằng người Hung-nô có thói đốt hương thờ Phật[4]. Đời vua Ai-đế 哀 帝 năm Nguyên-thọ nguyên-niên, là lịch tây năm thứ 2, vua nhà Hán sai Tần cảnh Hiến 秦 景 憲 sang sứ rợ Nhục-chi 肉 氏 có học khẩu-truyền được kinh nhà Phật.
Đến đời vua Minh-đế nhà Đông-Hán, có Ban Siêu 班 超 đi sứ các nước ở Tây-vực 西 棫 biết đạo Phật thịnh-hành ở phương Tây. Vua bèn sai Thái Am 蔡 愔 đi sang Thiên-trúc 天 竺 lấy được 42 chương kinh và rước thầy tăng về dạy đạo Phật. Bấy giờ nhân có con bạch-mã đem kinh về, cho nên nhà vua mới lập chùa Bạch-mã để thờ Phật ở đất Lạc-dương 洛 陽.
Từ đó đạo Phật cứ dần dần truyền-bá ra khắc nước Tàu, nhưng chỉ có người Ấn-độ sang dạy đạo Phật mà thôi, mãi đến đời Tam-quốc mới có người Tàu đi làm thầy tăng. Về sau người Tàu sang Ấn-độ lấy kinh đem về giảng dạy cũng nhiều.
Đời vua An-đế nhà Đông-Tấn (402) đất Trường-an 長 安 có ông Pháp Hiển 法 顯 đi chơi hằng 30 nước ở xứ Ấn-độ, qua đảo Tích-lan (Ceylan) rồi theo đường hải đạo về Tàu, đem kinh nhà Phật dịch ra chữ Tàu và làm sách Phật-quốc-ký 佛 國 記.
Đến đời Nam-Bắc-triều, vua Hiến Minh 孝 明 nhà Ngụy 魏 sai tăng là Huệ Sinh 惠 生 và Tống Vân 宋 雲 sang Tây-vực lấy được hơn 170 bộ kinh đem về. Từ đó đạo Phật rất thịnh, kinh điển có đến 450 bộ, chùa-chiền được hơn 3 vạn, tăng-ni có đến 2 triệu người.
Đời vua Thái-Tông 太 宗 nhà Đường (630), có ông Huyền Trang 玄 奘 (tục gọi là Đường-tăng hay Đường Tam-tạng) đi sang Ấn-độ ở hơn 10 năm lấy được 650 bộ kinh nhà Phật. Đến đời vua Cao-tông 高 宗 (672) ông Nghĩa Tĩnh 義 淨 lại sang Ấn-độ lấy được 400 bộ kinh nhà Phật nữa.
Từ đời nhà Đường trở đi, thì ở bên Tàu đạo Phật càng ngày càng thịnh, mà người đi lấy kinh cũng nhiều.

5. SỰ TIẾN-HÓA CỦA NGƯỜI NƯỚC NAM. Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát-đạt bên Tàu, thì đất Giao-châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự-chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh 丁, nhà Tiền Lê 前 黎 và nhà Lý 李, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần 陳 trở đi.
Phàm phong-tục và chính-trị là do sự học-thuật và tông-giáo mà ra. Mà người mình đã theo học-thuật và Tông-giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua-kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm-kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh-thần riêng của nòi-giống mình, là tại làm sao?
Có lẽ một là tại địa-thế nước Nam ta, hai là cách ăn ở của người mình.
Phàm sự tiến-hóa của một xã-hội cũng như công-việc của một người làm, phải có cái gì đó nó đun-đẩy mình, nó bắt phải cố sức mà tiến-hóa thì mới tiến-hóa được. Sự đun-đẩy ấy là sự cần-dùng và sự đua-tranh.
Nếu không có cần-dùng thì không có cố-gắng, không cố-gắng thì không tiến-hóa. Nếu không có đua-tranh thì không có tìm-kiếm, không tìm-kiếm thì không tài giỏi, sự lý tất nhiên là vậy.
Xem như nước Nam ta, thì hai cái yếu-điểm ấy đều kém cả. Người mình ở về xứ nóng-nực, cách ăn-mặc giản-dị, đơn-sơ, không phải cần-lao lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn-lạc, quí-hồ khỏi chết thì thôi, chứ không muốn lao tâm lao-lực lắm như những người ở nước văn-minh khác. Tính người mình như thế, thì hễ ai có cái gì, mình chỉ bắt-chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt ra được điều gì nữa.
Còn như sự đua tranh, phải có nhiều người, nhiều nước thì mới đua tranh được. Nhưng nước ta ở phía Đông thì có bể, ở phía tây, phía nam, thì những người Mường, người Lào là những người văn-minh kém mình cả, còn ở phía bắc có nước Tàu là hơn mình, nhưng Tàu lại to quá, sự giao-thông với mình thì cách trở sơn xuyên, đường-sá khó-khăn không tiện, chỉ có quan-tư thỉnh-thoảng đi lại mà thôi, chứ dân trong nước không mấy khi ra đến ngoài bờ-cõi nước nhà. Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến-hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư-tưởng cho chí công-việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt-chước được Tàu là giỏi, không bắt-chước được là dở. Cách mình sùng-mộ văn-minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so-sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát-minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh-ninh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.
Địa-thế nước mình như thế, tính-chất và sự học-vấn của người mình như thế, thì cái trình-độ tiến-hóa của mình tất là phải chậm-chạp và việc gì cũng phải thua-kém người ta vậy.
 
Chú thích cuối trang
  1. Nho-giáo - Trung-tâm Học-liệu xuất-bản trọn bộ 2 quyển.
  2. Sánh với lời của Khang Đức tiên-sinh là một nhà đại-triết-học ở phương Âu: « Agis de telle que la maxime de ton vouloir puisse être acceptée comme règle universelle »: Ăn-ở thế nào cho bao nhiêu những việc mình làm có thể làm cái công-lệ cho thiên-hạ.
  3. Lão-tử và vua nhà Đường cùng họ Lý 李.
  4. Tục-lệ đốt hương mà thờ-cúng khởi đầu từ đó.
Huỳnh Hữu Đức trích từ "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Một Niềm Phó Thác - Lm. Nguyễn Mộng Huỳnh - Trình Bày: Như Ý



 Sáng Tác Lm. Nguyễn Mộng Huỳnh
Trình Bày: Ca Sĩ Như Ý
Thực Hiện: VietCatholicNews

Yên Dạ Thảo Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Thầy Quang Tuấn



Thái Huy Thành Kính Phân Ưu Nhà Thơ Quang Tuấn


Đỗ Chiêu Đức Thành Kính Phân Ưu Nhà Thơ Quang Tuấn


Để tưởng nhớ Thầy Quang Tuấn, xin họa vận bài bài thơ " Vô Thường " của Thầy bằng tựa bài thơ mới " Buông Xả " cũng của Thầy.

Buông Xả

Nhân sinh vạn trạng tự di dời,
Hết thái vận cùng bỉ lại vơi.
Hoa nở rồi tàn muôn kiếp đã ...
Trăng tròn lại khuyết vạn năm rồi ...

Nổi chìm thế cuộc luôn thay đổi,
Tan hợp bèo mây vẫn mãi trôi.
Sao lại khổ tâm chi dâu bể ?
Chín mươi qúa đủ kiếp người đời !!!

Đỗ Chiêu Đức
03/94/2016

Buông Xả


Năm chưa hết mà đông về vội vã
Mấy cành thu đã đổ lá đưa chà .
Ôi năm tháng hững hờ trôi nhanh quá
Nhìn lại mình mái tóc đã sương pha .

Đã biết vậy sao mà chưa tỉnh thức?
Cứ bon chen theo vật chất tiền tài
Và trong lòng thù hận cứ dằng dai
Đã biến đổi đời ta thành địa ngục 

Ôi có phải trần gian là cõi tạm
Hành trình nầy trú ngụ được bao lâu?
Kiếp phù sinh nào khác giấc chiêm bao
Mà bám víu, mà tưởng rằng vô tận 

Ôi cuộc sống còn chi là ý nghĩa
Người với người nếu chẳng biết yêu thương
Bằng từ tâm ta tìm thấy Thiên Đường
Chớ đâu phải bằng vinh hoa phú quí 

Trời Đất hỡi ! có sinh thời có diệt
Mọi việc đều đến một lúc rồi đi
Cứ sắc không, không sắc đổi chu kỳ
Đừng cố giữ những gì ta tha thiết 

Nay buông xả và lãng quên tất cả
Những lợi danh, những oan trái, hận thù
Buông xả hết nghe đời tươi đẹp quá
Như bình minh xoá sạch bóng đêm thâu 

Quang Tuấn

Danh Hữu Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Nhà Thơ Quang Tuấn


Ta với bạn, những đứa con xa xứ,
Vì thế thời, thời thế chẳng đi chung.
Đành lếch thếch phương trời cùng thê tử;
Cùng người xa lạ, đã rộng cửa bao dung.

Ta với bạn, cũng nòi mê chữ nghĩa,
Cũng học làm thơ, tâm sự vào đời.
Bao trôi nổi và bao điều thấm thía,
Gói trọn lời thơ, bạn hữu gọi mời.

Nay bạn đã quyết giã từ bè bạn
Một mình tịnh tâm nơi cõi vĩnh hằng.
Dứt hận thù, dứt cả lời ta thán;
Buông xả lòng, nhẹ tếch chốn siêu thăng ! (*)

Tiễn bạn lên đường, đôi lời vĩnh biệt,
Chúc bạn luôn vui, một cõi đi về ...
Dù tôi bạn, chưa một lần quen biết,
Cbỉ là ta, cùng nòi Việt, chung quê.

Danh Hữu

(*) Nay buổng xả và lãng quên tất cả
Những lợi danh, những oan trái, hận thù
                                         (Quang Tuấn)

Mai Lộc Thành Kính Phân Ưu Nhà Thơ Quang Tuấn


Không gian bỗng thấy nhuộm u buồn
Lướt thướt trên cành những hạt sương
Bặt tiếng ve sầu chờ hoá kiếp
Buông cành phượng úa trở về nguồn
Trong lùm lựu đỏ, đùa chim sẻ
Trên lá sen xanh, lượn cánh chuồn
Thu tiễn hè đi, em có biết?
Buồn theo cánh nhạn, gió thê lương!

Mailoc
5-01-13

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Lý Lệ Mai Thành Kính Phân Ưu Thầy Quang Tuấn



Trước sự mất mác lớn lao của cây cổ thụ Vườn Thơ Thẩn và Văn Đàn Hải Ngoại.
Mai xin cầu nguyện hương hồn Thầy Quang Tuấn sớm về cõi Niết Bàn và thanh nhàn nơi miền Tiên Cảnh.
Mai cũng xin chia sẻ sự đau buồn, mất mác nầy đến gia quyến và người thân của Thầy Quang Tuấn.
Thành kính phân ưu.

Lý Lệ Mai
***
Chút Lòng Tưởng Nhớ Thầy Quang Tuấn  
(Mượn vận bài thơ "Thu về tiễn Hạ" của Quang Tuấn)


Nghe tin, vạn vật cũng u buồn!
Quang Tuấn Thầy về cỏi gió sương
Người đã vì thơ tròn mộng đẹp
Giờ đây ông trở lại về nguồn
Tình thơ trọn vẹn lời thề ước
Nghiệp giáo vun bồi thế hệ luôn
Cầu nguyện Thiên Đàng mau tiến bước
An nhàn buông xã cõi vô thường * 

Lý Lệ MAI

** Buông xã và Vô thường là 2 bài thơ của Thầy Quang Tuấn

Phạm Khắc Trí Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Quang Tuấn



Hay tin qua Mai Lộc, anh Quang Tuấn vừa mất. Tôi ngồi chép lại 2 bài thơ xướng họa với anh, cách đây hơn 2 năm về trước. "Tuối già hạt lệ như sương".(Khóc Bạn - Nguyễn Khuyến). 
PKT 03/03/2016

Thu Về Tiễn Hạ 

Hè đi, ra rả tiếng ve buồn
Mây nước trở mình lạnh gió sương!
Giục cánh phượng hồng rơi khỏi cội,
Cho dòng nước biếc chảy xa nguồn.
Nhìn hoa phai nhạt,phai màu lá,
Thương nắng mong manh, mỏng cánh chuồn.
Lặng lẽ Thu về đưa tiễn Hạ,
Đất trời ôi cũng quá thê lương!

Quang Tuấn
 07/08/2013
***
Hạ Cảm 

Hạ về nhộn nhịp lại thêm buồn
Thấm thoắt bao năm những gió sương!
Hoa rụng chỉ mong rơi xuống cội
Nước trôi đâu nghĩ chảy về nguồn
Quên sao ngày dại đi tìm bướm
Nhớ mãi tuổi thơ đuổi bắt chuồn
Thời loạn qua rồi còn sống sót
Mừng nhau còn giữ được thiên lương!

Phạm Khắc Trí 
07/08/2013

Phụ Chú: "Thiên lương" , mượn chữ của Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, bao gồm lương tri, lương tâm, và lương tài của Trời ban cho con người đế tiếp cận với sự vật. Ở đây, tôi chỉ xin được hiểu theo một nghĩa hẹp là lương tâm, lấy cái tâm lành Trời cho để ăn ở với đời thôi. PKT 07/08/2013 


Kim Oanh Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Thầy Quang Tuấn

Phương Hà Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Thầy Quang Tuấn

(Vĩnh biệt Nhà Thơ Quang Tuấn)


Nhận được hung tin bỗng rụng rời
Người đi...lìa bỏ cuộc rong chơi
Tình thơ kết nối luôn nồng đậm
Nỗi nhớ đong đầy mãi chẳng vơi
Số kiếp phù sinh đà khép lại
Dòng đời giả tạm đã ngừng trôi
Bốn phương thi hữu cùng thương tiếc
Xin gởi vòng hoa tiễn biêt Người


Phương Hà

Mai Xuân Thanh Vĩnh Biệt Thầy Quang Tuấn



Vĩnh biệt Thầy Quang Tuấn mất rồi,
Vườn Thơ Thẩn tưởng niệm thương ôi!
Thanh cao vang bóng nhà mô phạm,
Giáo dục vàng son đã một thời...
Một bậc đàn anh luôn kính mến,
Người thầy gương mẫu nhớ muôn nơi.
Thương tâm kính tiễn đưa an vị,
Tiên cảnh bồng lai sống suốt đời!

Mai Xuân Thanh
Ngày 02 tháng 03 năm 2016

Kim Phượng Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Thầy Quang Tuấn


Thành Kính Phân Ưu

Kim Phượng vô cùng đau đớn khi hay tin Thầy Quang Tuấn đột ngột ra đi.
Thầy đi, đã để lại cho tất cả Thi Hữu Vườn Thơ sự tiếc thương. Riêng Kim Phượng đã mất đi người Thầy từng dìu dắt góp ý về Thi Phú.
Nếu bên kia cửa tử còn có đời sống, Thầy ơi, nguyện cầu Hương Linh Thầy sớm an nghỉ và nhận nơi đây tấm lòng của Kim Phượng gửi đến Thầy.

Nhang Lòng

Nhang lòng tiễn biệt thi nhân
Vườn Thơ Thẩn lạnh kém phần vui tươi
Bao câu Xướng Họa biếng lười
Đóa hoa Đường Luật chín mười héo hon

Người đi hình bóng vẫn còn
Trong tâm Thi Hữu với con tim đầy
Quang Tuấn khả kính hỡi Thầy
Vĩnh hằng một cõi nơi đây an bình

Kim Phượng

Nguyễn Đắc Thắng Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Quang Tuấn



Thắng xin được gửi chung với Vườn Thơ Thẩn lời Thành Kính Phân Ưu cùng gia đình Thầy Quang Tuấn 

Lời Tiễn Đưa Từ Đất Mẹ

Đất mẹ ngậm ngùi buổi tiễn đưa 
Lòng đầy thương cảm nói sao vừa 
Chiều xuân se lạnh hồn cô lữ 
Thêm một vì sao lạc cuối mùa! 

Xin gửi vào đây những tiếc thương 
Thay lời đưa tiễn phút lên đường 
Đã hết duyên đời nơi đất khách 
Tro tàn một nắm gửi tha hương! 

Hạt giống đời ta lạc bước đầu 
Nảy mầm trên mảnh đất thương đau 
Cuộc đời vùi dập thân trôi nổi 
Bão táp phong ba vững sắc màu! 

Khát vọng đời ta chỉ mộng thường 
Vui buồn gắn bó với quê hương 
Khúc nhạc đào sinh thiên di hận 
Đưa tiễn người đi điệp khúc buồn! 

Hạnh phúc đời ta mức với gần 
Yêu đời, yêu mái ấm, người thân 
Đất nước ngậm ngùi xa cách mãi 
Không thành công ta cũng thành nhân!

Nguyễn Đắc Thắng 
20160303

Cao Linh Tử Chia Buồn Thầy Trần Quang Tuấn


Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

longhovinhlong.blogspot.com Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Thầy Quang Tuấn



Quên Đi Khóc Tiễn Thầy Quang Tuấn


Song Quang Vĩnh Biệt Nhà Thơ Quang Tuấn


Song Quang  vừa nhận được tin buồn do Mai Lộc vừa gởi qua.Song Quang  rất đau buồn khi Vườn Thơ Thẩn vừa mất đi một người Thầy đáng kính,một nhà thơ hay.
Song Quang  xin góp lời cầu nguyện linh hồn Thầy Quang Tuấn sớm về nơi cực lạc và chia buồn cùng tang quyến gia đìnhThầy.
 Với lòng thương tiếc nhà Thơ vô hạn, một người Thầy khả kính.Song Quang đã khôn cầm nỗi cảm xúc. Xin gởi đến Mai Lộc và các bạn thơ Vườn Thơ Thẩn bài thơ.

                                               VĨNH BIỆT NHÀ THƠ QUANG TUẤN

Vĩnh biệt,từ nay vắng bặt rồi!

Nhà thơ Quang Tuấn bỏ cuộc chơi
Còn đâu "tiếng vọng chuông chùa "*nữa!
Đã hết "Sầu Đông "* tuyết một thời
"Thơ thẩn vườn thơ" thương nuối tiếc
"Văn Đàn Hải Ngoại" nhớ khôn nguôi
Thiên Đường cầu chúc người mau đến
Tiên Cảnh an vui suốt cả đời!
                                     
Song Quang


***

Hiệp nguyện cùng bạn Song Quang:

Được tin đau buồn anh Quang Tuấn không còn nữa,
là bạn thơ tôi xin nguyện cầu linh hồn anh vui về nơi Vĩnh Hằng.

THƯƠNG TIẾC BẠN THƠ

Mới đó, tin anh đã mất rồi
Tìm đâu giây phút họa thơ chơi
Trở về tiên cảnh yên muôn thuở
Sống dưới trần gian khổ mọi thời
Bằng hữu thi nhân thương tiếc lắm
Họ hàng thân thuộc nhớ khôn nguôi
Từ nay Quang Tuấn không còn nữa
Nhắm mắt xuôi tay biệt cõi đời.

Nguyễn Thành Tài
05-03-2016
***
Kính họa nguyên vận y đề thơ anh Song Quang-Kính nguyện anh linh anh Quang Tuấn cao thăng thoát hóa và chân thành phân ưu cùng gia đình tang quyến.

XIN NGƯỜi VỀ CÕi VĨNH HẰNG

Làng thơ hải ngoại mất anh rồi!...
Quang Tuấn về trời bỏ cuộc chơi!...
"Tiếng Vọng Chuông Chùa" thương mấy thuở;
Lời kêu chim Việt nhớ bao thời!...
"Sầu Đông" lắm nỗi sầu khôn tả;
Tủi lệ vô vàn tủi khó ngui!...
Phướn dẫn hương đưa về cực lạc,
Thiên thu vĩnh biệt chốn trần đời!...
SB

Mai Xuân Thanh Phân Ưu Cùng Gia Đình Thầy Quang Tuấn

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Chúng tôi vô cùng thương tiếc nhận được tin buồn:
Nhà Thơ, Cựu Hiệu Trưởng Trung Học Thủ Đức, Thi Hữu Vườn Thơ Thẩn
QUANG TUẤN
Đã từ trần ngày 01 tháng 03 năm 2016 
(nhằm ngày 23 tháng giêng năm Bính Thân)
 Tại San Jose California
Hưởng thọ 90 tuổi
Trước sự mất mát to lớn nầy chúng tôi xin thành kính phân ưu cùng thầy Mailoc, quý thầy cô, quý bằng hữu trong Vườn Thơ Thẩn và tang gia hiếu quyến...
Chúng tôi thành tâm xin góp lời cầu nguyên: Hương linh cố Thi Hữu Vườn Thơ Thẩn
QUANG TUẤN sớm được siêu thăng tịnh độ.

Thành Kính Phân Ưu

Mai Xuân Thanh Vườn Thơ Thẩn và gia đình tại Bắc California Hoa Kỳ

Trần Bang Thạch Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Thầy Quang Tuấn


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Một tin buồn và là một mất mát lớn cho văn đàn hải ngoại. 
Xin thành kính chia buồn cùng Tang quyến. 
Nguyện cầu Hương Linh Giáo Sư-Nhà Thơ Quang Tuấn sớm về an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Thay Mặt Trang Nhà ptgdtdusa.com
Trần Bang Thạch

Tin Buồn Cựu Hiệu Trưởng Trung Học Thủ Đức Quang Tuấn Qua Đời


Xin báo tin buồn cùng quí bạn:
Ông Trần Quang Tuấn
Pháp Danh: Tâm Quang
Bút Hiệu: Quang Tuấn
 Cựu Hiệu Trưởng Trung Học Hoàng Đạo - Thủ Đức, Nhà ThơThi hữu Vườn Thơ Thẩn
Đã từ trần 
Ngày 01- tháng 3- 2016 
Tại San Jose California - Hoa Kỳ
Hưởng thọ 90 tuổi

Vườn Thơ Thẩn đã mất đi một người Thầy, một bậc đàn Anh đáng kính, một Nhà Thơ nổi tiếng trên văn đàn hải ngoại. 

Mailoc

Yêu Xuân - Chúc Mừng Sinh Nhật Mai Xuân Thanh 2/3

Bức Thơ Tranh tặng anh Mai Xuân Thanh thay quà Chúc Mừng Sinh Nhật 2/3
Kính chúc anh Xuân Thanh dồi dào sức khoẻ và ngày vui đầy ý nghĩa.
(Kim Oanh)

Thơ: Mai Xuân Thanh
Thơ Tranh: Mai Xuân Thanh