Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Ave Maria - Thơ: Hàn Mạc Tử - Phổ Nhạc: Liên Bình Định. Trình Bày: Ca Đoàn Sao Mai


Thơ: Hàn Mạc Tử
Phổ Nhạc: Liên Bình Định.
Trình Bày: Ca Đoàn Sao Mai


Lời Nguyện Cầu Trong Đêm


Đêm nay con thắp hương trầm
Nguyện xin ơn Mẹ lời thầm thì van
Cho dân tộc bớt lầm than
Cho Người lính chiến hiên ngang tuyến đầu
Dù đời con có dãi dầu
Cũng cam chịu phận khổ đau một mình
Cho quê hương được thanh bình
Tạ ơn Mẹ đã thương tình đỡ nâng.
Hạt tràng tâm nguyện con lần
Cầu mong Mẹ giúp con dâng hồn này


Kim Phượng

Rời Bỏ Chốn Lao Xao

 

Em theo anh đi về phía mặt trời
Ở nơi đó tình mình không chao đảo
Ở nơi đó có mối tình diễm ảo
Thật êm đềm đời nhàn nhã, thanh tao

Em theo anh rời bỏ chốn lao xao
Em theo anh bắt đầu thiên tình sử
Sáng tư duy mình cùng nghe chim hót
Lúc ngồi thiền, lúc nhẩy nhót vui ghê

Hai ta cùng đọc sách ngâm thơ
Cùng nghe nhạc, anh đàn cho em hát
Dẫu mùa hè trời dịu mát thảnh thơi
Cùng xem phim đời vui quá anh ơi!
Sống tỉnh thức hai ta tu tập nhé

Em theo anh, là thật, chẳng ước ao
Quẳng vất hết mình sống đời ẩn dật
Buông bỏ hết, vẫy tay chào quá khứ
Bỏ sau lưng dẫu dĩ vãng ngọt ngào!

Em theo anh, gật đầu không ngần ngại
Chuyện ngày mai mình hãy để ngày mai
Em yêu anh chẳng thể nào chối cải
Em yêu anh, tình vững chải không phai

Thật đó anh, chẳng phải là mơ ước
Sống trong mơ, em sống đã nhiều rồi
Thật đó anh, mình cùng nhau đi nhé
Phía chân trời mình dìu dắt nhau đi

Em theo anh, mình ra ngoài sa mạc
Sống lẻ loi nhưng lại thấy yên bình
Có hai ta và căn nhà trống vắng
Dòng suối hiền róc rách chẩy vây quanh

Em theo anh, mình sống ở rừng già
Sáng sớm nghe chim hót và vượn hú
Chung quanh ta cổ thụ xanh xanh biếc
Khỉ chuyền cành xốn xáo lúc bình minh

Sẽ theo anh...

Em theo anh đến bất cứ nơi nào
Ở bên anh chỗ nào cũng ngọt ngào
Chốn thôn quê, vùng núi đồi hùng vĩ
Giấc mơ em thật nhỏ nhoi giản dị

Ấy thế mà… nào có được đâu anh?!...


Quách Như Nguyệt

Tạp Ghi Và Phiếm Luận:Phiếm Về Chữ Quán


      Theo tất cả các từ điển, tự điển được xuất bản từ xưa đến nay, ta tìm thấy có 31 chữ QUÁN, bao gồm tất cả những chữ cổ và chữ ít thông dụng nhất. Trong phạm vi bài viết nầy, ta chỉ đề cập đến 5 chữ QUÁN thông dụng nhất mà thôi : QUÁN 冠 là Bao trùm; QUÁN 貫 là Xuyên suốt; QUÁN 慣 là Thói quen; QUÁN 舘 là Nhà trọ và QUÁN 觀 là Đạo Quán, là nơi tu tập của các Đạo sĩ. Ta bắt đầu với...

* QUÁN 冠 là BAO TRÙM. Tiêu biểu nhất là từ QUÁN QUÂN 冠軍 là "Bao trùm cả Tam quân là Bộ binh, Kỵ binh và Thủy binh", là Hạng nhất trong quân ngũ. Ngày xưa chỉ có các cuộc thi tài được diễn ra trong quân đội để chọn ra các dũng sĩ dũng tướng tài giỏi để cầm quân đánh giặc. Các cuộc thi tài trong quân đội được xếp hạng như sau :

1. QUÁN QUÂN 冠軍 : Hạng Nhất trong tam quân.
2. Á QUÂN 亞軍 : Hạng Nhì trong tam quân.
3. QUÝ QUÂN 季軍 : Hạng Ba trong tam quân.
4. ĐIỆN QUÂN 殿軍 : Hạng Tư trong tam quân.

Sau nầy các phong trào thể dục thể thao phát triển rộng rãi, nên mới có các cuộc thi tài được tổ chức, như Á Vận Hội, Thế Vận Hội... và theo thói quen, người ta vẫn sử dụng các từ QUÁN QUÂN, Á QUÂN để chỉ Hạng Nhất và Hạng Nhì; Còn từ QÚY QUÂN và ĐIỆN QUÂN thì bị đào thải lãng quên đến... không còn ai biết tới nữa !(Ngoại trừ người Hoa vẫn còn sử dụng). Trước mắt các cuộc thi tài được xếp hạng như sau :

1. 冠軍 Quán Quân với Huy chương Vàng = champion.
2. 亞軍 Á Quân với Huy chương Bạc = first runner up / 1 st runner up.
3. 季軍 Qúy Quân với Huy chương Đồng = second runner up / 2 nd runner up.

Đúng ra, đây là chữ 冠 QUAN (không có dấu Sắc); đọc là QUÁN là theo phép Giả Tá mà thôi. Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ QUAN có diễn tiến chữ viết như sau:

Đại Triện         Tiểu Triện             Lệ Thư

Ta thấy:
QUAN 冠 là chữ Hội Ý, gồm có bộ MỊCH 冖 ở trên chụp xuống, có nghĩa là Đậy lại; phần dưới bên trái là chữ NGUYÊN 元 có nghĩa là ĐẦU, bên phải là chữ THỐN 寸 là hình tượng của cái TAY Co lại. Hội Ý là : "Co tay lại để vật gì đó đậy lên đầu". Nên QUAN là Cái Mão, bây giờ ta gọi là cái Nón, cái Mũ.
Y QUAN 衣冠 : là Áo Mão. Bây giờ ta gọi là Y PHỤC 衣服 : là Quần Áo. Ta có Thành ngữ : "Y QUAN CẦM THÚ 衣冠禽獸", có nghĩa : Cầm thú mặc áo đội mão như người, để chỉ những kẻ tán tận lương tâm, mất hết nhân tính, như là thú vật được cho mặc quần áo giống như người mà thôi ! Nên...
QUAN 冠 là Danh từ, có nghĩa là Cái Mão, cái mũ, cái nón. Khi được mượn làm Động từ theo phép Giả Tá thì đọc là QUÁN 冠, có nghĩa là Đội mão, đội mũ, đội nón.
Ngày xưa có lệ hễ con trai đến 20 tuổi thì được làm lễ đội mão, gọi là GIA QUAN 加冠 và được lấy Tự hiệu cho mình theo như một câu trong sách Lễ Ký 禮記 : Nam tử nhị thập QUÁN nhi TỰ 男子二十冠而字. Nên QUÁN GIẢ 冠者 là chỉ người đã thành niên, đã là người lớn rồi. Theo như một câu trong sách Luận Ngữ mà Kim Dung đã đưa vào truyện "Anh Hùng Xạ Điêu" với nhân vật Hoàng Dung rất lý thú như sau:

... Thấy Hoàng Dung giỏi văn thơ và đã lên tiếng chê trách là ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa của Thánh hiền, qua câu chuyện : Khi nghe ông Độc đọc một câu trong sách Luận ngữ là :"Mạc xuân dã, xuân phục ký thành, QUÁN GIẢ ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui...末春也,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎宜,風乎宇于,咏而歸...". Có nghĩa ; Vào cuối xuân, quần áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ nhỏ, tắm ở dòng sông Nghi, hứng gió ở đền Vũ Vu, rồi hát mà về...(tả cảnh sống thanh bình vui vẻ, tự do tự tại của dân chúng trong buổi đầu xuân)... mà hỏi ông rằng : "Ông đọc sách Thánh hiền, mà có biết Bảy Mươi Hai người thành đạt 七十二賢 (thất thập nhị hiền) trong số 3 ngàn học trò của Không Tử, là : Có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ không ? Ông Độc suy nghĩ mãi không ra , sách chỉ nói Thất thập nhị Hiền, chứ đâu có nói gì đến già trẻ đâu. Hoàng Dung mới cười ông , và đem câu Luận ngữ mà ông vừa đọc ở trên để giải thích như thế nầy : QUÁN GIẢ 冠者 là người đội mũ, là người lớn, ngũ lục nhân, năm sáu người, 5 lần 6 là 30 người. Đồng tử 童子 là con nít là người trẻ, lục thất nhân, sáu bảy người, 6 lần 7 là 42 người. 30 cộng với 42, chẳng phải 72 là gì ? Cho nên tôi nói ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa ở bên trong là vậy đó !". Thấy Hoàng Dung mặc dù ngụy biện, lấy câu sách mình vừa đọc để mắng mình, nhưng cũng phải phục tài thông minh, cơ trí của cô ta...

QUÁN còn có nghĩa phát sinh là "Bao trùm từ trên xuống dưới", như ta đã biết người chiếm giải nhất trong các cuộc thi tài được gọi là :
QUÁN QUÂN 冠軍 là Hạng Nhất, là bao trùm tất cả chẳng ai hơn.

Quán Quân         Á Quân                 và Quý Quân

* QUÁN 貫 là Xuyên suốt; là dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết trong "CHỮ NHO... DỄ HỌC" như sau:


Ta thấy:
QUÁN 貫 phần trên là do hình tượng của những đồng tiền có lổ vuông được xỏ xâu lại 毌 ; phần dưới là chữ BỐI 貝 là hình tượng của vỏ sò mở ra (BẢO BỐI 寶貝 là đồ Qúy giá). Vì thế, QUÁN là sưu tập xỏ xâu lại các tiền của qúy giá. Nên...
QUÁN 貫 Danh từ là một xâu. NHẤT QUÁN TIỀN 一貫錢 là Một Xâu Tiền gồm có 1.000 đồng điếu; nên ta có thành ngữ VẠN QUÁN GIA TƯ 萬貫家私 để chỉ những nhà Triệu Phú (Vạn là 10.000 X Quán là 1.000 = 10.000.000).
QUÁN 貫 Động từ là Xỏ xâu; còn XUYẾN 串 là Kết nối lại thành chuổi. Nên QUÁN XUYẾN 貫串 là Xuyên suốt từ đầu đến cuối; Nghĩa phát sinh là Lo toan tất cả mọi việc. Người Vợ Quán Xuyến là "Người vợ đãm đang, ôm đồm lo toan cho tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà". Các từ thường gặp, như :
QUÁN THÔNG 貫通 là Thông suốt một cách suông sẻ không có gì trở ngại.Ta có thành ngữ QUÁN THÔNG KIM CỔ 貫通今古 là Hiểu biết rành mạch suông sẻ tất cả các việc từ xưa tới nạy.
QUÁN TRIỆT 貫徹 là Thông suốt rành mạch từ đầu đến cuối. Tương tự ta cũng có thành ngữ QUÁN TRIỆT CỔ KIM 貫徹古今.
HƯƠNG QUÁN 鄉貫 là Quê hương mà ta sống xuyên suốt từ nhỏ đến lớn. Từ nầy được ta nói Nôm na thành QUÊ QUÁN.
Trong sách Luận Ngữ 論語 của Khổng Tử có câu: "Ngô đạo nhất dĩ QUÁN chi 吾道一以貫之" Có nghĩa : Đạo của ta chỉ có một mối mà thông suốt gồm thâu tất cả.(Ý của Khổng Tử muốn chỉ về cái đạo NHÂN của mình). Do câu nói nầy mà cụ ĐÀO TRINH NHẤT, một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu của ta ở thế kỹ trước, vì ông tên NHẤT nên đã lấy bút hiệu QUÁN CHI là vì thế.


Nếu thêm bộ TÂM 忄đứng vào bên trái của chữ QUÁN 貫 ta cũng có chữ...

* QUÁN 慣 là Thói quen (một biểu hiện của tâm tính). Ta có từ TẬP QUÁN 習慣 là Làm theo thói quen, như đến Tiết Thanh Minh thì mọi người đều đi tảo mộ; Ngày ba mươi Tết thì đều làm lễ rước ông bà... Ta có các tục ngữ như :
PHONG TỤC TẬP QUÁN 風俗習慣 là Những tục lệ được thực hành theo thói quen của một địa phương, một dân tộc hay một nước... Như Tết Trung Thu thì phải rước đèn, cúng trăng; Tết Nguyên Đán thì phải nói những lời tốt đẹp với nhau, như chúc nhau An khang Thịnh vượng, Mua may bán đắc...
TẬP QUÁN NGÔN NGỮ 語言習慣 là những nghĩa phát sinh theo thói quen của tiếng nói, như từ CHẮC mà có nghĩa KHÔNG CHẮC chút nào cả trong các câu sau:
- Chiều nay CHẮC mưa.
- Đừng đợi nữa, CHẮC nó không đến đâu!
- Anh có CHẮC nó là thủ phạm không ?

Một ví dụ cụ thể nữa là : Ta gọi PHI TRƯỜNG 飛場 nghĩa là Sân bay, Sân để cho máy bay cất cánh bay đi. Còn người Hoa gọi là CƠ TRƯỜNG 機場 là Sân để cho máy bay đậu. Đây cũng là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ và là cái khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hoa. Nếu ta nói :"Chiều nay tôi phải ra CƠ TRƯỜNG" thì nghe rất lạ tai vì người ta sẽ không biết là mình muốn đi đâu ?! Cũng như âm Quan Thoại từ PHI TRƯỜNG 飛場 được phát âm giống như PHI THƯỜNG 非常, nên người nghe cũng sẽ không hiểu mình muốn nói gì ?! Một ví dụ nữa như : Ta gọi Người Xem là Khán Giả 看者, còn người Hoa gọi là Quan Chúng 觀眾... Đó chính là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ!

QUÁN TÍNH 慣性 là Cái tính chất theo thói quen, như sợi dây thun hay cái lò-xo khi ta kéo giãn rồi buông ra, nó sẽ trở lại trạng thái lúc ban đầu. Đó chính là QUÁN TÍNH, ta còn gọi là tính ĐÀN HỒI.
KIẾN QUÁN 見慣 là Trông thấy nhiều lần đã quen với việc gì đó rồi, nên không còn lấy làm lạ nữa. Ta có thành ngữ TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣 để chỉ "Chuyện thường ngày ở huyện" không có gì là lạ cả ! Theo như tích sau đây :

Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833). Quan Tư Không là Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Có một nàng ca kỹ thật đẹp ăn mặc như các cung nữ trong cung vua và lại ca múa hát khúc "Đỗ Vi Nương" trong cung đình. Lưu Vũ Tích đã choáng ngợp trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy và bàng hoàng trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng ca kỹ, nên Ông đã xúc động mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng nàng ca kỹ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ ngưỡng mộ như sau:

高髻雲鬟宮樣妝, Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
春風一曲杜韋娘。 Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
司空見慣渾閒事, TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,
斷盡蘇州刺史腸。 Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !

Có nghĩa: 
Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
"Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
Tư Không quen mắt không cho lạ,
Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi!

Ông là quan lớn Tư Không, đã quen sống xa hoa và nhìn ngắm các giai nhân đẹp như tiên nga, hát hay múa giỏi như thế nầy quen rồi, nên cho là chuyện bình thường không có gì là lạ cả. Nhưng đối với chức quan nhỏ nhoi Thứ Sử Tô Châu như tôi, thì đối diện với bửa tiệc cao sang và nhất là đối diện với giai nhân tuyệt sắc như thế nầy, làm cho tôi xúc cảm rung động đến như đứt từng đoạn ruột ra hết vậy (Đoạn Tận 斷盡 là Đứt hết. Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường : là "Đứt hết ruột gan của Thứ Sử Tô Châu rồi!) Cho nên, sau buổi tiệc, Lý Thân cũng rất điệu nghệ và hào phóng cho kiệu hoa đưa nàng ca kỹ với "cung dạng trang"(là Trang điểm như là các cung nhân trong cung vua vậy) về với Thứ Sử Tô Châu Lưu Vũ Tích để cho ông khỏi phải đứt từng đoạn ruột nữa!
Quả là một giai thoại tuyệt vời của các thi nhân hào phóng ngày xưa!


* QUÁN 舘 là Nhà Trọ. Thuộc dạng chữ Hài Thanh, theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" có diễn tiến chữ viết như sau :

XÁ chỉ Ý QUAN chỉ ÂM Ghép thành chữ QUÁN


Ta thấy:
Chữ QUÁN 舘 nầy phần bên trái là chữ XÁ 舍 là Nhà Trọ chỉ Ý; Phần bên phải là chữ QUAN 官 dùng để chỉ ÂM. Ghép cả hai phần lại ta có chữ QUÁN 舘 có nghĩa là Nhà Trọ, là Phòng Ốc. Như : LỮ QUÁN 旅舘 là nhà trọ cho khách lữ hành; THƯ QUÁN 書舘 là Phòng chứa sách, là Hiệu Sách còn gọi là Nhà Sách, là Cái quán bán sách. Vì còn dùng để chỉ các hàng quán, nên dị thể của chữ QUÁN 館 còn được ghép bởi Bộ THỰC 食 là Ăn với chữ QUAN 官 chỉ Âm như sau:

Ta thấy:
Hai chữ QUÁN tạo hình tuy có khác, nhưng tựu trung thì ý nghĩa và cách sử dụng thì cũng giống như nhau. Như :
- Dịch Quán 驛館 là nơi tiếp đãi các sứ thần và quan viên vãng lai.
- Học Quán 學舘 là Nhà Học, từ dùng để gọi Trường học ngày xưa.
- Tửu Quán 酒館, Trà Quán 茶館 là Quán Rượu, Quán Trà...
- Đại Sứ Quán 大使館, Lãnh Sự Quán 領事館 là các tòa nhà dành cho Đại Sứ và Lãnh sự của các nước ở và làm việc.
- TĂNG NGHI QUÁN 殯儀舘 là nơi để quàng quan tài và điếu tang người chết. Đúng ra phải đọc là TẪN NGHI QUÁN (TẪN là TẪN LIỆM 殯殮) Nhưng không biết "ông nào đó" ở Chợ Lớn lúc ban đầu đã dịch nhầm là TĂNG NGHI QUÁN, nên sau nầy theo thói quen mọi người đành chấp nhận và gọi theo mà thôi.

Còn có nhiều cái QUÁN được ta gọi khác đi do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, như :
- BÁO QUÁN 報館 ta gọi là Nhà Báo, là Tòa Soạn Báo.
- VĂN HÓA QUÁN 文化館 ta gọi là Nhà Văn Hóa hay Viện Văn Hóa.
- ĐỒ THƯ QUÁN 圖書舘 ta gọi là Thư Viện hay Phòng Đọc Sách.
- BÁC VẬT QUÁN 博物舘 ta gọi là Viện Bảo Tàng...

Từ được Nôm hóa trở nên thông dụng nhất là từ QUÁN XÁ 館舍, HÀNG QUÁN 行館 được sử dụng rộng rãi trong quần chúng như là những tiếng Nôm thuần túy. Như trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, khi Vân Tiên từ biệt Võ công, Thể Loan. Lên đường ra kinh thi, gặp Vương Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong QUÁN rượu, cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết:

QUÁN rằng: “Thịt cá ê hề,
“Khô lân chả phụng bộn bề thiếu đâu...

* QUÁN 觀 là Đạo Quán 道觀, là nơi tu tập của các Đạo sĩ theo Đạo giáo. QUÁN nầy vốn đọc là QUAN (không có dấu Sắc) có nghĩa là nhìn ngắm xem xét, theo diễn tiến hình thành của chữ Nho như sau:


Ta thấy:
Từ Chung đĩnh văn đến Đại triện, Tiểu triện diễn tiến cho đến Lệ Thư đều do chữ QUÁN 雚 (một loại Lát để dệt chiếu, đệm) dùng làm ÂM kết hợp với Bộ KIẾN 見 là Thấy, là Gặp để chỉ Ý, đúng theo phép tạo chữ của HÀI THANH 諧聲(còn gọi là HÌNH THANH 形聲). Nên chữ 觀 khi được đọc là :

* QUAN thì có nghĩa là Nhìn Ngắm, Xem Xét, như Tham quan 參觀, Quan sát 觀察... là Cách nhìn, như Quan Niệm 觀念, Quan Điểm 觀點...

Còn nếu đọc là:

* QUÁN thì có nghĩa là Cái chùa của các đạo sĩ ở và tu, như Bạch Vân Quán 白雲觀, Hoàng Hạc Quán 黃鶴觀, Tử Dương Quán 紫陽觀...

Một nghĩa nữa của Âm QUÁN 觀 là Xét thấu, nghĩ kỹ thấu đáo tới đạo chính gọi là QUÁN. Như CHỈ QUÁN 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm, như Kinh Dịch 易經 có câu "Quán ngã sinh vô cữu 觀我生無咎" là Xét thấu cái nghĩa vụ của đời ta mới không mắc vào tội lỗi. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép QUÁN 觀. Như Quan Âm Bồ Tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, nên sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, tai có thể thấy được, nên gọi là QUÁN THẾ ÂM 觀世音. Như trong Bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh 般若波羅密多心經 có câu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách 觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空度一切苦厄". Có nghĩa : Bồ Tát Quán Tự Tại, khi tiến sâu vào Tuệ Giác Siêu Việt, nhận chân ra năm hợp thể Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức đều là Không, liền độ thoát mọi khổ ách.

À, thì ra QUÁN là một phép tu tập của QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, nên các Ma tăng, Sàm tăng, Dâm tăng... trước mắt (2024) như Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức, Thích Thanh Toàn... Sợ Phật tử chê mình dốt, không biết con đường tu tập của MẸ HIỀN QUAN ÂM, nên mới cùng đồng lòng thêm một dấu sắc vào Phật hiệu của Ngài thành QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT nghe trúc trắc và chói tai muốn chết !
Nếu bảo là gọi cho đúng cái con đường tu tập của Bồ Tát thì càng sai hơn, vì PHẬT HIỆU là cái TÊN GỌI, còn CON ĐƯỜNG TU TẬP là cái VIỆC LÀM. Hơn nữa cái Phật hiệu "Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát" mà mọi người còn gọi một cách thân mật gần gũi với cuộc sống hơn là "MẸ HIỀN QUAN ÂM" đã có từ hơn một ngàn năm trăm năm nay, từ thời Bắc Chu của Nam Bắc Triều (420-589) đời vua Diệu Trang Vương với QUAN ÂM DIỆU THIỆN và trên hai trăm năm với truyện nôm QUAN ÂM THỊ KÍNH của ta dưới triều nhà Nguyễn (1802---). Phật hiệu QUAN ÂM BỒ TÁT đã đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, đã ăn sâu vào tâm khảm của muôn vạn tín đồ Phật tử, thì tại sao lại phải vì một lý do nào đó mà thêm vào "Dấu Sắc" cho trúc trắc khó đọc và nghe không êm ái chút nào cả!

Nhưng gần đây, chẳng những các ma tăng sàm tăng... mà cả tín đồ Phật tử, cư sĩ tăng ni đến cả các Tỳ kheo Đại đức, Thượng tọa Cao tăng khi tụng kinh hay đăng đàn thuyết giảng, hễ có dịp nhắc đến QUAN ÂM Bồ Tát thì đều đọc là QUÁN ÂM Bồ Tát cả! Như khu du lịch Mẹ Nam Hải ở Bạc Liêu Cà Mau : Trong khi các quảng cáo, cổng tam quan... đều ghi là QUAN ÂM NAM HẢI, QUAN ÂM PHẬT ĐÀI, nhưng loa phát thanh thì cứ oang oang "QUÁN ÂM BỒ TÁT " !?


Thiết nghĩ giới Phật tử và quần chúng bình dân đã quen miệng với các cách gọi thân thương là:

- Quan Âm Bồt Tát,
- Phật Bà Quan Âm,
- Mẹ Hiền Quan Âm....

đã thành một TẬP QUÁN NGÔN NGỮ rồi, nếu bây giờ phải gọi Bà QUAN ÂM là Bà QUÁN ÂM thì nghe rất chướng tai và... không giống ai cả ! Nên, theo thiển ý thì...

Khi tu tập hay khi nghiên cứu về giáo lý cao siêu của Phật Giáo thông qua các phép, các cách hay các con đường tu tập thì qúy Tỳ Kheo Đại Đức Thượng Tọa hay Hòa Thượng ... muốn gọi sao thì gọi, nhưng khi thuyết giảng giáo pháp trước quần chúng nhân dân thì nên giữ theo lối gọi truyền thống trước đây là QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, chứ đừng cho máy phóng thanh cứ oang oang là " QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT" như chọc vào tai của muôn vạn người nghe một cách bá đạo và khó chịu vô cùng !

Trên đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân của người viết thông qua những phản ánh của bạn bè thân hữu chung quanh, xin chân thành gởi đến các vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo và quảng đại thiện nam tín nữ trong và ngoài nước để cùng nhau trao đổi và góp ý về tên gọi của một vị Bồ Tát rất gần gũi thân thương với tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong biển khổ !

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát Ma Ha Tát!

Phật hiệu trên thay cho lời kết của bài Phiếm luận nầy!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Sumaco!

Bản đồ Ma Rốc

Nằm ở Bắc Phi (North Africa), giáp với Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) và Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), tiếng Anh: The Kingdom of Morocco. Tiếng Pháp: Maroc. Tiếng Việt là Ma Rốc.
Ma Rốc từng là một thuộc địa của Pháp suốt 44 năm dài, từ năm 1912 đến năm 1956. Nhưng Lục tỉnh Nam Kỳ chìm trong vòng nô lệ tới hơn cả trăm năm.
Cùng thân phận nhược tiểu, thuộc địa của thực dân Pháp, cùng thời gian; nên Lục tỉnh Nam Kỳ cũng không xa lạ gì với Ma Rốc.
Bằng cớ: nói không ai hiểu là nói tiếng Ma Rốc. Ma Rốc nói lái là ‘móc ra’. Cữ nhậu nầy tới phiên mình trả. Nhậu chực hoài ai chơi với mình?

Người Việt, trong đó có tui, nhớ tới Ma Rốc vì Ma Rốc sản xuất hộp cá mòi Sumaco tui ăn hồi còn chút éc.
Cá mòi, tiếng Anh ‘sardine’, loài cá dầu nhỏ thuộc họ cá trích. Tên Sardine được đặt theo một hòn đảo Sardina trong Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), vùng biển có rất nhiều cá sardine, cá mòi.
Là nước xuất cảng cá mòi đóng hộp nhiều nhứt thế giới, 600,000 tấn/năm, hơn 62% sản lượng đủ loại cá, Ma Rốc đánh bắt được.
Cá mòi Sumaco được sản xuất tại tỉnh Agadir, ven Địa Trung Hải. Agadir cách thủ đô Rabat của Morocco khoảng 466 km về phía tây nam.
Trong một hộp cá mòi (sardine in tomato sauce) của Ma Rốc, có cá mòi (Sardines) loại cá nhỏ, thịt trắng và sốt cà chua (tomato sauce) làm từ cà chua tươi, bóc vỏ, bỏ hạt, nghiền nhỏ được nấu chung với tỏi, dầu ô liu, húng quế, ngò và gia vị Maroc như tiêu và ớt paprika.

Vào thế kỷ 19, Pháp xua quân chiếm nhiều nước trên thế giới làm thuộc địa để bóc lột tài nguyên, trong đó có Việt Nam và Ma Rốc. Pháp đã xây dựng các công ty sản xuất cá mòi tại Ma Rốc. Rồi cá mòi của Maroc được vận chuyển đi phát cho lính Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, ăn hoài cũng ngán, lính Lê Dương Legionnaire (Légion étrangère) đem bán cho dân địa phương. Thế là, người Việt mua Sumaco một món xa xỉ mà ai cũng muốn được ăn thử một lần.

(Rồi sau tháng Tư, 1975, thuyền nhân Việt Nam tị nạn CS vượt biển đến được Đảo Galang, trong quần đảo Batam, Indonesia. Hay Pulau Bidong ở Kuala Terengganu, Malaysia.
Trong khẩu phần lương thực được Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc phát mỗi ngày: có cả cá mòi đóng hộp. Ăn hoài tất ngán, bà con mình đem hộp cá mòi đi đổi lấy cá tươi của ngư phủ địa phương.)

Lâu lâu, bữa nào siêng siêng, tui đẩy ‘trolley’ cho em yêu đi Coles supermarket Footscray. Tui hay thấy mấy bà Úc đen, ú nu như con hà mã, mua Tuna trong dầu Olive hộp 185g giá $2.20. Còn em yêu mua về một hộp cá mòi Sumaco của Morocco nặng 125 gr giá $1.75 với hai ổ bánh mì. Tui nịnh em: “Đi chợ giỏi ghê; biết lựa mua cá mòi của Ma Rốc vừa ngon, vừa rẻ!”

Bấy lâu nay, tui nghe mấy nhà tâm lý dạy tui là đàn bà, con gái, nhứt là người Việt mình, khoái nịnh lắm. Nghe nịnh là mấy em sướng tỉ tê, nhắm mắt để mật rót vào tai đến nỗi không thấy đường đi. Chính vì vậy trong kho ngữ vựng tiếng Việt mới có chữ ‘nịnh đầm’. Tụi Tây có chữ ‘galant’.

Nhưng anh giáo dạy trường Việt ngữ thứ bảy chê tui ngu. Ảnh giảng: nịnh là khen dóc; đầm là phụ nữ. Nịnh đầm, tiếng động từ, khen, ca ngợi, tâng bốc phụ nữ một cách quá mức, không chân thành để lấy lòng em đem về xào khóm nhậu chơi. Nịnh đầm là nói dóc, không chân thật mà là chân giả (dối).

Còn ga lăng (galant), mượn từ tiếng Pháp, có nghĩa là lịch duyệt, là vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa. Anh nào biết ga lăng tất sẽ đào hoa. Lúc đó được mấy em mê tít thò lò thì mặc tình mà đào mỏ, làm Casanova cho ấm cái tấm thân ‘ròm’.

Giacomo Casanova người Ý, sinh ra tại Venice đào hoa, tưng bừng gái gú bu như ruồi nhưng em nào cũng tin như bắp nướng là ảnh yêu chỉ một mình em. Còn mấy con ngựa bà khác ảnh chỉ qua đường ghé lại mà thôi.

Tui hỏi email của Casanova để xin làm đệ tử. Anh giáo bĩu môi nói: Chừa chỗ cho người ta dốt với. Trình độ lèng èng cỡ anh thì sức mấy? Dẻo miệng cỡ tui thì may ra. Nhưng ổng chết mấy mươi đời vương rồi. (1725-1798).

Em yêu của tui dĩ nhiên rất khoái nịnh. Ngày nào không nghe nịnh là em ăn cơm nuốt không trôi. Em nói và biểu tui không được cãi: “Sumaco của mấy thằng hải tặc Thái Lan mắc gấp đôi của người ta. Cho em, em đem đi vụt thùng rác.

Bánh mì cá sumaco

Vậy là em mua một hộp cá mòi Sumaco của Ma Rốc về làm điểm tâm. Lửa vừa, em yêu đổ dầu ăn, tỏi vào chảo. Thêm hành tây, chút muối xào trong vài phút cho thơm. Thêm cá mòi với nước sốt cà chua, đường, nửa muỗng cà phê tiêu và 3 muỗng canh nước. Đun sôi và để nhỏ lửa trong 2 phút rồi tắt bếp. Em phết bơ bánh mì, trút cá mòi vào với ngò rí và một nhúm tiêu đen.

Món cá mòi bánh mì của em yêu ngon hết xẩy. Bữa điểm tâm, sáng, nhưng về hưu rồi, đâu có đi cày, cuốc gì, bịnh gì mà cữ? Tui uống beer, ăn cá mòi, hành tây ngâm giấm. Ngà ngà say, tui chui vô phòng để ngáy pho pho mơ về quê cũ.

Nước Úc với nền văn hoá đồ hộp dành cho dân “low income”, dân thu nhập thấp, dân nghèo như tui. Trái lại, quê mình hồi xưa, dân có tiền mới được ăn đồ hộp nhập cảng từ bên Tây.

Tui thời thơ ấu, ba tui làm Bưu Điện, hôm nào phải trực về trễ ba hay mua đồ ăn về cho vợ, cho con. Bữa ba mua bánh gan, bánh da lợn của em Thuý bán trên lề đường Trưng Trắc Mỹ Tho. Bữa ba mua một hộp cá mòi Sumaco với mấy ổ bánh mì về cho con. Má vẫn chờ ba về để ba má ăn cơm chung.

Hộp cá mòi Sumaco của Ma Rốc đối với người xa xứ, già như tui, gợi lại những hồi ức sâu đậm về thời thơ ấu. Tui nhớ cá mòi Sumaco rắc tiêu ăn với củ hành xắt lát mỏng ngâm giấm và bánh mì mới nướng.

Thương thằng em, chia cho mầy một miếng. Để ba mất, anh em mình đều khóc. CS vào thôi đã hết những ngày vui.

Đoàn Xuân Thu

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

Mảnh Vỡ Trái Tim - Thơ: Đăng Nguyên - Nhạc Trần Đại Bản - Ca Sĩ: Kana Ngọc Thúy


Thơ: Đăng Nguyên
Nhạc Trần Đại Bản
Ca Sĩ: Kana Ngọc Thúy

Ai....

 

Ai ôm bóng tà dương
Thả vào đôi cánh vạc
Nghe tiếng lòng man mác
Ôi nghìn dặm tha phương

Ai rẽ sóng Tiêu Tương
Phân chia hai dòng chảy
Trời mưa ngâu tháng bảy
Than thở bến Tầm Dương

Ai ngắm mười giọt sương
Long lanh trên cành biếc
Thuở ban đầu nuối tiếc
Sao còn lại chin thương

Ai níu lấy hoàng hôn
Xin thời gian dừng lại
Bên kia trời quan tái
Nhớ bóng người cô thôn

Ai thả sợi tơ tình
Giăng hoa thời áo tím
Tình một thời thầm kín
Lời hò hẹn đinh ninh

Ai ném ánh sao băng
Rơi vào nơi hố thẳm
Đêm nào ngồi suy ngẫm
Về một cõi xa xăm

Ai đưa đẩy vào nhau
Cả một trời duyên nợ
Nghe từng giây hơi thở
Tới luân hồi mai sau…

Phan Khâm

La Chanson D' Automne (Paul Verlaine) - Tiếng Đàn Đêm Thu(Trần Kim Vân)

 
La Chanson D' Automne

 

Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon coeur
D’une langueur
Monotone.
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l’heure,
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure;
Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’emporte
Deçà, delà,
Pareil à la
Feuille morte.

 

Paul Verlaine (1844-1896)

 ***

Phỏng Dịch:

Tiếng Đàn Đêm Thu

Tiếng vĩ cầm thổn thức
Giữa đêm thu ngân dài
Khiến lòng ta ray rứt
Đến thờ thẫn u hoài

Vào giờ điểm qu
ái ác
Ta nhớ những ngày qua
Để nghẹn ngào tái ngắt
Mà bật khóc xót xa

Để bị cuốn chơi vơi
Vào một luồng gió chướng
Lang thang trôi khắp hướng
Như lá vàng rụng rơi

Trần Kim Vân
(7-2021)

 

Chớm Thu

 
 
Chớm thu trời đất mơ màng
Hoàng hôn nắng vội phai tàn bên sông.
Vàng lên úa ngọn sầu đông
Chiều rưng nỗi nhớ cho lòng bâng khâng!

Suối xanh động tiếng đầu nguồn
Dường như vẳng tiếng nhạc buồn đâu đây.
Rồi ra lá sẽ lìa cây
Chim trời mõi cánh đường mây chập chùng!

Chao ơi sao iếng gió rừng
In như ai hát…tha hương não nùng!
Quê xa xa đến nghìn trùng
Vào thu hiu hắt cõi lòng cô đơn!

Nhớ người cùng nhớ nước non
Người mong chốn cũ, mình còn xa xăm!
Lá thu dần úa âm thầm
Dấu xưa còn rõ trên thềm trăng xưa!

Hiu hiu cơn gió giao mùa
Nhắc hồn ta nhớ tiếng xưa thuở nào:
-Đồng xanh vang khúc ca dao
-Giữa khuya nghe tiếng nghẹn ngào mẹ ru!

Quê hương xa tắp mịt mù
Vào thu gió thoảng vi vu gợi sầu
Niềm thương biết gửi về đâu
Bốn phương hiu quạnh một màu khói sương!

Hàn Thiên Lương

 

Cáo Phó Của Gia Đình Chị Quản Mỹ Lan Và Anh Pham Ngọc Lân

CÁO PHÓ

Gia đình chúng tôi đau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc, bạn bè xa gần là Mẹ, Bà Nội, Bà Ngoại, Bà Cố chúng tôi là

Bà quả phụ

Quản Văn Toản
Nhũ danh Lê Thị Thơ

Sinh ngày 6 tháng 6 năm 1926
Tại Hà Nội, Việt Nam
Vừa qua đời ngày 1 tháng 9 năm 2024
Tại Austin, Texas, Hoa Kỳ
Tang lễ sẽ được cử hành tại Austin, ngày 6 tháng 9 năm 2024
trong vòng gia đình.


Trưởng nữ: Quản Mỹ Lan, chồng Pham Ngọc Lân và các con, các cháu
Thứ nữ: Quản Thụy Hoài và các con, các cháu
Thứ nữ: Quản Thụy Huyền, chồng Lý Thái Khôi và các con, các cháu
Thứ nữ: Quản Lê Hương và chồng Marco Zamora
Thứ nữ: Quản Hằng Phương, chồng Mark Jenkins, con và các cháu
Thứ nữ: Quản Thúy Mai và con
Trưởng nam: Quản Trọng Nhân
Thứ nam: Quản Trọng Nghĩa, vợ Melessa và các con

Cáo phó này thay thế thiệp tang. Xin miễn phúng điếu.


Ban Biên Tập Trang Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Chị Quản Mỹ Lan & Anh Phạm Ngọc Lân

 

 

Một Nhóm Thân Hữu Toronto Medical Groups19 Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Chị Quản Mỹ Lan, Anh Phạm Ngọc Lân


Xin thành Kính Phân Ưu

Nhận được tin buồn cụ bà Quản Văn Toản vừa qua đời tại Austin, Texas, hưởng Đại Thọ 98 tuổi,

Xin thành kính chia buồn cùng anh chị Phạm Ngọc Lân & Quản Mỹ Lan và cầu nguyện cụ Bà sẽ sớm về an nghỉ miền Vĩnh Cửu.

Nay Kính

Vợ chồng Nguyễn Thượng Vũ

***
Vợ chồng Vĩnh Chánh xin chia buồn với anh chị Phạm Ngọc Lân & Quản Mỹ Lan cùng đại tang quyến. Biết được Cụ Bà bước vào cỏi tiên ở tuổi 98, và nhìn danh sách cả 8 người con còn tại thế, thì biết đại gia đình Cụ Bà đã nhận được ân sũng to lớn như thế nào.

Chúng tôi cầu nguyện hương hồn Cụ Bà Lê Thị Thơ vĩnh viễn vào chốn ngàn thu.

Thành Kính Phân Ưu 

Vĩnh Chánh & Phan Minh Châu

***
Thành Kính Phân Ưu 

Nguyện cầu Hương Linh Cụ Bà an vui cõi Vĩnh Hằng

Kính bái

Kiều Mộng Hà
***
Thành Kính Phân Ưu

Xin được chia nỗi mất mát với anh chị Quản Mỹ Lan - Phạm Ngọc Lân cùng tang quyến.
Nguyện cầu xin cho Hương Linh Cụ Bà quả phụ Quản Văn Toản, nhũ danh Lê Thị Thơ sớm được an nghỉ nơi cõi Tiên Cảnh.

H. Yến
***
Thành kính chia buồn cùng anh chị Quản Mỹ Lan -Pham Ngọc Lân và đại gia quyến về sự ra đi của cụ bà. Nguyện cầu hương hồn cụ bà sớm về nơi tiên cảnh.

Hãn-Xuân
***
Thưa chị Mỹ Lan và anh Lân,
Qua blog Long Hồ Vĩnh Long của em Kim Oanh tôi được biết là Bác nhà vừa mãn phần tại Texas USA. Chúng tôi xin chia buồn với Anh Chị cùng gia đình và kính cầu nguyện hương linh Bác sớm được về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

Lai
***
Thành Kính Phân Ưu cùng chị Quản Mỹ Lan và toàn thể Tang Quyến. Nguyện cầu Hương Linh Cụ Bà sớm an vui nơi Miền Vĩnh Cửu.

Gia đình Trần Văn Khang
***
Xin chia buồn với gia Mỹ Lan, anh Lân và đại gia đình vì sự ra đi của bác gái.
Chúc bác gái được an vui miền cực lạc.

Bình.
***
Thành kính chia buồn với chị Quản Mỹ Lan và tang quyến.

Phí Minh Tâm
***
Xin chia buồn với gia đình anh chị Quản Mỹ Lan-Phạm Ngọc Lân vì sự ra đi của bác gái.
Nguyện cầu linh hồn Bác gái sớm được hưởng nhan Thánh Chúa, an lành trong cõi vĩnh hằng.
Kính

Lộc Bắc
***
Thưa chị Mỹ Lan và anh Phạm Ngọc Lân quí mến,
Được tin trễ Cụ bà Quản Văn Toản, nhũ-danh Lê Thị Thơ, thân-mẫu của chị và là nhạc-mẫu của anh vừa qua đời hồi đầu tháng này.

Trước sự mất mát quá lớn lao và đau đớn này, chúng tôi xin chân-thành chia buồn cùng anh chị và đại tang-quyến.
Cầu xin hương-hồn bác gái sớm được về cõi vĩnh-hằng.

Thành-kính phân-ưu!

Gia-đình
Lê Xuân Cảnh

Mùa Thu Trong Thơ Văn Cổ ĐiểnTrung Hoa (Phần 2)

Nói đến mùa thu mà không nhắc đến trăng thu là một điều thiếu sót lớn.Trăng thu nhắc nhở đến sự ly biệt, đến sự cô đơn của người lính thú, đến cảnh về già của một lão tướng hết thời, đến nỗi buồn của người cung nữ bị thất sủng... Trăng thu thật là buồn:

Thiêm sầu ích hận nhiễu thiên nhai.
Chiếu tha kỷ hứa nhân trường đoạn.

添 愁 益 恨 绕 天 涯。
照 他 幾 許 人 腸 斷 。
(Bạch Cư Dị 白居易 , Trung thu nguyệt 中秋月, câu 2,7)

(Nghĩa: thêm sầu, thêm hận khắp gầm trời,
Trăng đã soi bao nhiều người đứt ruột)

và lòng người lữ khách xa nhà:

Vị tất Tố Nga vô trướng hận,
Ngọc thiềm thanh lãnh quế hoa cô.

未 必 素 娥 無 怅 恨,
玉 蟾 清 冷 桂 花 孤。
(Án Thù 晏殊, Trung thu nguyệt 中秋月, câu 3-4)

(Nghĩa: Hằng Nga chưa chắc dã không buồn khổ,
Cóc ngọc và cây quế đều thê lương lạnh lẽo)

Và đây là trăng cô đơn của Đỗ Phủ:

Thu nguyệt nhưng viên dạ,
Giang thôn độc lão thân.

秋 月 仍 圓 夜,
江 村 獨 老 身 。
(Đỗ Phủ 杜甫, Thập thất dạ đối nguyệt, 十七夜對月câu 1-2)

(Nghĩa: Đêm trăng thu vẫn tròn,
Xóm bên sông chỉ có một thân già)

Núi thu cũng không làm cho lòng người vui hơn. Hãy nghe Bạch Cư Dị tả cảnh ông lên chơi núi sau một cơn đau dài:

Sơn thu vân vật lãnh,
Xứng ngã thanh luy nhan.
Nhân sinh vô kỷ hà,
Tâm hữu thiên tải ưu,
Thân vô nhất nhật nhàn.

山 秋 雲 物 冷,
稱 我 清 羸 顔。
人 生 無 幾 何 。
心 有 千 載 憂,
身 無 一 日 閑。
(Bạch Cư Dị 白居易, Thu sơn, 秋山câu 3-4, 9, 11-12)

(Nghĩa: Núi mùa thu mây và mọi vật đều lạnh,
Thiệt xứng với nét mặt xanh gầy của ta.
Đời người có gì đâu.
Lòng có mối lo ngàn năm,
Thân không có được một ngày nhàn nhã).

Núi thu cũng nhắc nhở đến sự chia ly, xa cách quê hương. Vi Ứng Vật nơi đất lạ gặp lại người bạn cũ đã từng sống tại Lương Châu, mừng mừng tủi tủi hàn huyên.Đến khi người bạn hỏi tại sao lâu rồi không về thăm quê, tác giả chỉ biết ngậm ngùi nhìn vào ngọn núi thu lờ mờ ẩn hiện trên sông Hoài:

Hà nhân bất quy khứ,
Hoài thượng đối thu sơn.

何 因 不 歸 去,
淮 上 有 秋 山。
(Vi Ứng Vật 韋應物, Hoài thượng hỉ hội Lương châu cố nhân  淮上喜會梁川故人 , câu 7-8)

(Nghĩa: Hỏi tại sao không trở về quê,
Chỉ biết trỏ vào núi thu trên sông Hoài)

Cũng gần một hoàn cảnh, Lý Ích được gặp lại người em họ sau bao nhiêu năm ly loạn. Tác giả lại bùi ngùi nghĩ đến ngày mai người em họ lại phải lên đường đi nơi khác:

Minh nhật Ba lăng đạo,
Thu sơn hựu kỷ trùng.

明 日 巴 陵 道,
秋 山 又 幾 重?
(Lý Ích 李益 ,Hỉ kiến ngoại đệ hựu ngôn biệt , 喜見外弟又言別 câu 7-8)

(Nghĩa: Ngày mai lên đường về Ba Lăng,
Núi thu lại cách mấy trùng)

Khi nhắc đến sông thu, một số thi sĩ Trung hoa cổ điển đều nghĩ ngay tới sông Ngân, nơi có Ngưu lang Chức nữ, có lẽ vì dòng sông và hai ngôi sao này biểu hiện cho sự chia lìa của tình yêu đôi lứa. Và điểm này hơi đặc biệt, nó cũng làm cho họ nghĩ đến thân phận người cung nữ bị bỏ rơi. Và đó là một đề tài quen thuộc được biết đến dưới tên cung oán. Trong Cung từ, Cố Huống diễn tả cảnh người cung nữ ngồi một mình nhìn về phía lầu ngọc nơi vua và các cung nữ được sủng ái đang vui chơi, ca hát và nàng thấy bức màn thủy tinh được cuốn lên như đến tận Ngân hà:
Thủy tinh liêm quyển cận thu hà.

水 晶 簾 卷 近 秋 河。
(Cố Huống 顧況, Cung từ 宮詞, câu 4)
(Nghĩa: Màn thủy tinh cuốn lên tận sông thu)

Đỗ Mục tả tâm tình người cung nữ đêm thu ngồi một mình buồn ngắm sao, giọng văn tương đối nhẹ nhàng, phải nhìn kỹ lắm chúng ta mới thấy được một chút "oán" thật kín đáo trong dòng thơ:

Ngân chúc thu quang lãnh họa bình,
Khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh,
Thiên giai dạ sắc lương như thủy,
Tọa khán khiên ngưu chức nữ tinh.

銀 燭 秋 光 冷 畫 屏,
輕 羅 小 扇 撲 流 螢。
天 階 夜 色 涼 如 水,
坐 看 牽 牛 織 女 星。
(Đỗ Mục, 杜牧 Thu tịch 秋夕)

(Nghĩa: Đêm thu ánh đuốc bạc chiếu bình phong lạnh,
Dùng quạt lụa đánh đuổi con đom đóm.
Trên thềm đá sắc đêm trong như nước,
Ngồi nhìn 2 sao Ngưu lang và Chức nữ)

Mùa thu có khả năng gợi hứng cho thi nhân, nhưng cũng mang cho họ niềm nhung nhớ khôn nguôi. Ngoài việc tả cảnh vợ nhớ chồng như đã nói ở trên, thi nhân lại có một sự nhớ nhung khác: nhớ bạn. Người xưa rất coi trọng tình bạn, và trong lịch sử Trung hoa chúng ta đã thấy qua nhiều tình bạn rất vĩ đại và cảm động, chẳng hạn như Đỗ Bá và Tả Nho, Quản Trọng và Bảo thúc Nha, Kiển Thúc và Bá Lý Hề, Bá Nha và Tử Kỳ, ba anh em Lưu Quan Trương v.v...

Mạnh Hạo Nhiên một mình ở đất Tần (tức Kinh đô Trường An của nhà Đường) nhớ bạn là Tuệ Viễn thiền sư, đã làm một bài thơ nhớ bạn, trong đó hai câu cuối nghe thật là thê lương:

Nhật tịch lương phong chí,
Văn thiền đản ích bi.

日 夕 涼 風 至,
聞 蟬 但 益 悲。
(Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然, Tần trung cảm thu ký Viễn thượng nhân 秦中感秋寄遠上人 câu 7-8)
(Nghĩa: Ngày đêm gió lạnh thổi,
Nghe tiếng ve chỉ thêm buồn)

(Ở đây xin mở một dấu ngoặc nhỏ. Ở xứ mình, tiếng ve thường dính liền với mùa hạ, trong khi ở đây, nó lại được nhắc đến ở mùa thu. Chúng ta cũng đã nghe Tống Ngọc nhắc đến ve sầu trong đoạn văn về mùa thu trích dẫn ở trên).

Một thi nhân khác trong đêm thu đi bộ một mình cũng nhớ đến bạn mình, tình cảm thật nhẹ nhàng:

Hoài quân thuộc thu dạ,
Tản bộ vịnh lương thiên,
Không sơn tùng tử lạc,
U nhân ứng vị miên.

懷 君 屬 秋 夜,
散 步 詠 涼 天。
空 山 松 子 落,
幽 人 應 未 眠 。
(Vi Ứng Vật 韋應物, Thu dạ ký Khâu viên ngoại 秋夜寄邱員外)

(Nghĩa: Đêm thu tôi nhớ bạn,
Trời mát đi bộ ngâm thơ.
Núi vắng, quả tùng rơi,
Tôi đoán bạn giờ này cũng chưa ngủ)

Nếu người bạn đã chết, thì tình cảm lại càng thê thiết. Vương An Thạch một thời làm Tể tướng chủ trương cải cách và đứng đầu Tân phái. Ông gặp được một người tuổi trẻ tài năng trác tuyệt là Vương Phùng Nguyên, tưởng rằng người trai trẻ này có thể kế thừa mình. Nhưng không may Vương Phùng Nguyên lại mất sớm, để cho Vương An Thạch thương tiếc khôn cùng. Bài thơ thứ nhất trong ba bài thương tiếc Phùng Nguyên bắt đầu bằng hai câu nghe thật bi thảm:

Phùng cao kim nhật tưởng phân phi,
Trủng thượng thu phong hựu nhất suy.

蓬 蒿 今 日 想 紛 披,
冢 上 秋 風 又 一 吹。
(Vương An Thạch, Tư Vương Phùng Nguyên 王安石思王逢原(bài 1 trong 3 bài), câu 1-2)

(Nghĩa: Cỏ dại hôm nay tưởng đã mọc đầy,
Trên gò mả gió thu lại thổi)

Nỗi nhớ em của Đỗ Phủ cũng thật là da diết:

Thú cổ đoạn nhân hành,
Thu biên nhất nhạn thanh.
....
Hữu đệ giai phân tán,
Vô gia vấn tử sinh.
Ký thư trường bất đạt,
Huống nãi vị hưu binh.

戍 鼓 斷 人 行,
秋 邊 一 雁 聲。
有 弟 皆 分 散,
無 家 問 死 生。
寄 書 長 不 達,
況 乃 未 休 兵。

(Đỗ Phủ 杜甫, Nguyệt dạ ức xá đệ 月夜憶舍弟, Câu 1-2, 5-8)

(Nghĩa: Tiếng trống ngưng bước người,
Mùa thu nơi biên giới, một tiếng nhạn kêu.
....
Có em mà đều bị chia ly,
Không nhà để hỏi chuyện sống chết.
Thư gởi lâu không tới,
Huống chi binh lửa còn chưa hết)

Trời thu tự nó đã buồn, nhưng nếu thi nhân gặp được một cổ tích đổ nát thì tấm lòng hoài cổ lại bùng dậy. Và do đó, xuất hiện một đề tài gọi là điếu cổ hay hoài cổ. Bà Huyện Thanh Quan của Việt nam là một tay cự phách về đề tài này (Thăng long thành hoài cổ ). Lưu Trường Khanh khi đi thăm tàn tích của Ngô công đài (tại Giang Tô Giang đô huyện ngày nay) đã viết nên bài ngũ ngôn bát cú sau:

Cổ đài diêu lạc hậu,
Thu nhật vọng hương tâm.
Dã tự nhân lai thiểu,
Vân phong thủy cách thâm.
Tịch dương y cựu lũy,
Hàn khánh mãn không lâm.
Điêu trướng Nam triều sự,
Trường giang độc chí kim.

古 台 搖 落 後,
秋 日 望 鄉 心。
野 寺 人 來 少,
雲 峰 水 隔 深。
夕 陽 依 舊 壘,
寒 磬 滿 空 林。
惆 怅 南 朝 事,
長 江 獨 至 今。
(Lưu Trường Khanh 劉長卿, Thu nhật đăng Ngô công đài thượng tự viễn diêu 秋日登吳公台上寺遠眺)

(Nghĩa: Đài xưa đã điêu linh tàn tạ,
Ngày thu lòng nhớ quê.
Chùa quê ít người lại,
Núi cao nước sâu cách trở.
Nắng chiều vẫn nương nhờ đài cũ,
Tiếng khánh lạnh bao phủ đầy rừng.
Việc cũ của Nam triều điêu tàn,
Chỉ có Trường giang là còn đến ngày nay)

Lưu Vũ Tích cũng có những câu thơ hoài cổ não lòng người khi ông viếng thăm Tây tái sơn (tại Hồ Bắc Đại Dã huyện):

Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự,
Sơn hình y cựu chẩm hàn lưu
Tùng kim tứ hải vi gia nhật,
Cố luỹ tiêu tiêu lô địch thu.

人 世 幾 回 傷 往 事,
山 形 依 舊 枕 寒 流。
從 今 四 海 爲 家 日,
故 壘 蕭 蕭 蘆 荻 秋
(Lưu Vũ Tích 劉禹錫, Tây tái sơn hoài cổ, 西塞山懷古câu 5-8)

(Nghĩa: Người dời bao lần thương chuyện cũ,
Núi vẫn như cụ gối trên sông lạnh.
Kể từ bây giờ bốn biển một nhà,
Thành xưa mùa thu lau lách tiêu điều)

Nhiều lúc không cần phải có thành quách cũ, mà chỉ cần một buổi chiều thu trên dòng sông Tương cũng đủ khơi dậy lòng hoài cổ nơi thi nhân:

Viên đề Động đình thụ,
Nhân tại mộc lan châu.
Vân trung quân bất kiến,
Cánh tịch tự bi thu.

猿 啼 洞 庭 樹,
人 在 木 蘭 舟。
雲 中 君 不 見,
竟 夕 自 悲 秋 。
(Mã Đái , 馬戴Sở giang hoài cổ , 楚江懷古câu 3-4, 7-8)

(Nghĩa: Vượn kêu trên cây ven Hồ Động đình,
Người ở trên thuyền bằng gỗ mộc lan.
Không thấy ông thần mây,
Đêm xuống lại buồn thương thu một mình)

Trương Thuyết thời sơ Đường khi đến ngang Nghiệp đô, là nơi Tào Tháo và con cháu (nhà Ngụy) đóng đô thuở xưa, đã cảm thấy một nỗi bi thương vô hạn khi thấy gió thu về (đây là khoảng thời gian ông bị biếm trích đi Dương châu):

Thí thượng Đồng đài ca vũ xứ,
Duy hữu thu phong sầu sát nhân.

試 上 銅 台 歌 舞 處,
惟 有 秋 風 愁 殺 人。
(Trương Thuyết 張說, Nghiệp đô dẫn, 邺都引câu 11-12)

(Nghĩa: Thử lên Đồng tước đài, nơi ca hát,
Chỉ có gió thu buồn chết người)

Đối với người dân bị mất nước, mùa thu lại còn buồn thêm. Đời Nam Tống, một nửa nước Trung hoa về phía Bắc bị quân Kim chiếm đóng. Dân chúng sống dưới ách cai trị của quân Kim ngày ngày trông ngóng cứu binh từ miền Nam lên, nhưng than ôi!... Cảm thương tình cảnh này, trong một đêm thu ra khỏi nhà hóng mát, Lục Du đã viết lên:

Di dân lệ tận Hồ trần lý,
Nam vọng vương sư hựu nhất niên.

遺 民 淚 盡 胡 塵 裏,
南 望 王 師 又 一 年。
(Lục Du陸遊, Thu dạ tương hiểu xuất ly môn nghênh lương hữu cảm, 秋夜將曉出籬門迎涼有感câu 3-4)
(Nghĩa: Dân bị bỏ sót ở miền Bắc nước mắt đã chảy hết vào trong bụi của xứ Hồ,
Lại mất thêm một năm nữa hướng về phương Nam mong mỏi lính của vua lên Bắc để cứu).

Đến đây, chúng tôi xin được ngưng phần trích dẫn các bài thơ nói về thu để đề cập tới hai tác phẩm lớn, mặc dù không có chủ ý tả thu, nhưng mỗi tác phẩm lại có được hai câu văn (mà chúng ta có thể gọi là thơ) tuyệt tác có chữ thu ở trong đó.

Trước hết là bài Đằng Vương Các tự (滕王閣序) của Vương Bột (王勃). Bài này được xem là một tuyệt tác của văn học Trung hoa, được viết một hơi trong một bữa tiệc, mà tác giả lúc đó mới 19 tuổi. Truyền thuyết về gốc gác bài này như sau.

Đô đốc Hồng châu là Diêm Bá Dư đãi tiệc ở Đằng Vương các, mục đích là để khoe tài văn chương của người con rể. Ông bảo con rể làm sẵn một bài tự, rồi trong bữa tiệc ông lại mời các văn sĩ dự tiệc mỗi người làm cho một bài. Mọi người hiểu ý ông nên không ai dám viết. Chỉ có Vương Bột lúc đó mới 19 tuổi, xin giấy viết để làm. Diêm Bá Dư tuy trong bụng không bằng lòng nhưng vẫn phải miễn cưỡng cung cấp giấy bút , và sai người đứng bên cạnh, hễ Vương Bột viết được câu nào thì sao chép lại cho ông đọc. Được mấy câu ông đã thầm phục, và khi Vương Bột viết xong 2 câu tuyệt tác (câu 57-58) thì ông phải nhận rằng Vương Bột là thiên tài, và không dám đưa bài của chàng rể ra nữa. Hai câu đó là:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.

落 霞 與 孤 鹜 齊 飛,
秋 水 共 長 天 一 色。

(Nghĩa: Ráng chiều với con cò đơn độc cùng bay,
Nước thu và trời dài cùng một màu.)

Vương Bột sau này đi thuyền qua Giao chỉ thăm cha, bị chết đuối ở Nam hải, lúc đó ông mới 27 tuổi. Vin vào sự kiện này và sự nổi tiếng của hai câu thơ, hậu thế tạo nên một câu chuyện giả tưởng như sau. Họ nói rằng Vương Bột thích hai câu thơ này lắm, nên sau khi chết đuối, những đêm trăng thanh gió mát, ông lại hiện lên để ngâm hoài hai câu đó. Cho đến một ngày có một văn sĩ đi ngang, chê là mỗi câu thừa một chữ: câu trên thừa chữ dữ và câu dưới thừa chữ cộng, thì tiếng ngâm mới dứt hẳn. Đây chỉ là chuyện bịa đặt cho vui mà thôi.

Hai câu thơ tuyệt tác khác có chữ thu là của La Quán Trung (羅貫中), được viết trong tác phẩm bất hủ Tam Quốc diễn nghĩa (三國演義). Hai câu thơ này tả cảnh Lã Bố bắn kích ở Viên môn để giải nguy cho Lưu Bị (hồi thứ 16). Câu chuyện như sau:


Lã Bố trấn thủ Từ châu, một thành lớn, binh hùng tướng mạnh. Trong khi đó, Lưu Bị chưa gặp thời phải tạm đồn quân ở Tiểu Bái, với số lượng binh sĩ dưới tay chỉ 5 ngàn người. Viên Thuật (em Viên Thiệu) muốn đem quân đánh Lưu Bị nhưng ngại Bố giúp Bị, thành ra sai người đem dâng cho Bố 20 vạn hộc lương để Bố án binh bất động trong khi Thuật đánh Bị. Bố nhận lời. Thuật bèn sai đại tướng Kỷ Linh đem 10 vạn quân đi. Thấy thế nguy, Bị cầu cứu Bố. Bố, trong bụng cũng muốn giúp Bị, bèn bày ra một kế để giảng hòa hai bên (và nuốt gọn 20 vạn hộc lương). Bố đặt tiệc, gọi cả Kỷ Linh và Lưu Bị đến dự tiệc. Bố khuyên hai phe giảng hòa, nhưng một bên Kỷ Linh không chịu, một bên Trương Phi phùng mang trợn mắt chỉ muốn đánh nhau. Bố nổi giận, thét quân hầu đem cây Phương Thiên Họa Kích của mình ra cắm ngoài Viên môn cách xa bàn tiệc khoảng 150 bước và bảo với hai bên rằng bây giờ Bố sẽ bắn cây kích, nếu trật thì hai bên cứ việc đánh nhau, Bố sẽ không can thiệp, còn nếu Bố bắn trúng thì hai bên phải bãi binh, nếu bên nào không nghe thì Bố sẽ hiệp binh với bên kia đánh cho một trận. Kỷ Linh thấy cây kích xa đến 150 bước, trong bụng nghĩ rằng không ai có thể bắn trúng được, bèn nhận lời. Lưu Bị chẳng đặng đừng cũng đành chấp nhận. Lã Bố sai đem cung ra, lắp tên và chỉ một phát đã bắn trúng cái chạc nhỏ của cây kích. Kỷ Linh đành phải rút quân về. Đó là sự tích Lã Phụng Tiên xạ kích. Và đây là hai câu thơ tuyệt tác tả cảnh Lã Bố bắn cung (trong đó có chữ thu):

Cung khai như thu nguyệt hành thiên,
Tiễn khứ tự lưu tinh lạc địa.

弓 開 如 秋 月 行 天,
箭 去 似 流 星 落 地。

(Nghĩa: Cánh cung mở như trăng thu đi ngang trời,
Mũi tên bay như sao băng rơi xuống đất.)
Quả thật là thiên cổ kỳ văn.

Để kết thúc bài phiếm luận về mùa thu này, xin gởi đến quý độc giả một bài thơ Đường nói về mùa Thu. Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn bát cú và được viết vào mùa thu đầu tiên của thế kỷ 21:


Âm Hán Việt:

Thu Đáo

Hàn sương thiết thụ chi,
Thu hựu đáo hà vi.
Điệp oán khai hoa thiểu,
Lâm sầu khiếu điểu hi.
Tán vân hoài cố thổ,
Viên nguyệt vọng cô trì.
Tạc dạ kim phong khởi,
Thùy tri lạc diệp bi.
(Trần Văn Lương)

Nghĩa:

Mùa Thu Đến

Sương lạnh như cắt xé cành cây,
Mùa thu đến nữa làm gì.
Bướm oán trách chuyện hoa nở ít,
Rừng buồn chuyện chim hót hiếm hoi.
Mây vụn nhớ quê cũ,
Trăng tròn ngóng trông cái ao cô độc.
Đêm qua gió vàng (gió thu) nổi lên,
Có ai biết nỗi buồn của chiếc lá rơi.

Phỏng Dịch Thơ 
(giữ nguyên thể):

Mùa Thu Đến

Sương rơi buốt cỏ cây,
Thu lại đến rồi đây.
Bướm trách hoa lười nở,
Rừng buồn nhạn ngại bay.
Mây tàn thương xóm cũ,
Trăng sáng nhớ ao gầy.
Đêm lá rơi theo gió,
Nỗi sầu ai có hay.

Trần Văn Lương

Ghi chú: Phần chữ Hán được bổ túc bởi BBT - Thạch Lai Kim.

Sách tham khảo:
Đường Thi Tam Bách Thủ, Trí Dương Xuất bản xã, 1999
Cổ Thi Quan Chỉ, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã, 1996
Cổ Văn Quan Chỉ (hợp đính bản) , Chính Triển Xuất bản Công ty, Đài Bắc, 2000
Đường Tống Thi Thưởng Tích, Văn Quốc Thư cục Xuất bản xã, Đài Nam, 1998
La Quán Trung, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Phong Hoa Xuất bản Sự nghiệp Công ty, 1991
Chi Điền Hoàng Duy Từ, Đường Thi tuyển dịch I,II,IV, California, 1984,1986,1989
Nguyễn Hiến Lê, Cổ Văn Trung Quốc, Xuân Thu xuất bản, 1965
Lê Nguyễn Lưu, Đường Thi Tuyển Dịch, Thuận Hóa, VN, 1997