Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Tình Vẫn Chưa Yên -Thơ: Sa Chi Lệ - Nhạc: Tuệ Tâm - Ca Sĩ: Giáng Hương


Thơ: Sa Chi Lệ
Nhạc: Tuệ Tâm
Ca Sĩ: Giáng Hương

Thời Mộng Mơ



Qua rồi, một thời mộng mơ,
Tuổi học trò, giấy trắng nở hoa.
Phiếm lòng, cuồn cuộn thiết tha,
Trông tan giờ học, bôn ba kiếm tìm.

Công viên ngơ ngác, ngóng nhìn,
Cổng trường nhón đợi, bóng hình người thương.
Kè theo vành nón nghiêng nghiêng.
Như ong say mật, bướm vàng lượn quanh.
Vườn em hoa huệ, hoa hồng,

Có cây khế ngọt, có hàng mía lau.
Thập thò nhìn trước, ngó sau,
Đạp xe theo gót, vỉa hè, công viên.
Thấy em liếc trộm, nhìn nghiêng,

Hồn anh ngây ngất, tưởng chừng vỡ tung.
Vào lớp học, cứ mơ màng
Tiếng Thầy giảng dạy, thấy hình của em.

Trăng lùa khung cửa, gió thoảng hương mềm,
Sách đèn ngớ ngẩn, tâm hồn ngẩn ngơ.
Trên trang giấy trắng lệ mờ,
Hình em là những vầng thơ u buồn!

Huế 1958
Tô Đình Đài


Ảo Mộng Một Dòng Sông



Em là ảo mộng một dòng sông
Gây nhẹ tương tư sóng ngập lòng
Như liễu thướt tha chiều nắng hạ
Siêu hồn lạc nẻo biết hay không?

Anh viết tình anh lên gấm hoa
Gởi nàng kiều nữ dưới trăng ngà
Hài sen gót ngọc xin dừng bước
Ôi dáng kiêu sa, đẹp mặn mà...

Anh trải tình anh lên cỏ cây
Để khi em bước đến nơi nầy
Cho tà áo lụa vương hoa lá
Quyện mãi nồng nàn hương ngất ngây

Xao xuyến lòng ta, đôi mắt trong
Môi hồng má thắm nét mày cong
Em là Chức Nữ Thiên cung xuống
Cho ấm dương trần giữa tiết đông!

Ta muốn ôm em tại phút này
Vì yêu xây mộng giữa cuồng say
Vì em ngọc quý trong thiên hạ
Điên đảo mày râu em có hay?

Hồn ta phiêu lãng vào mơ mộng
Dẫu biết ngàn năm mây vẫn bay
Dẫu biết mình yêu trong tuyệt vọng
Em về phương ấy gió ngừng lay

Em đến lòng ta cơn bão dậy
Em đi tang trắng phủ ngàn cây
Năm dài ta sống đời cô lẽ
Em tạo niềm vui được mấy ngày...

Nàng là ảo mộng giữa đêm đông
Cho khách tài hoa vướng bận lòng
Tĩnh thức lòng ta như thác lũ
Yêu em ta lạc mất thiên đường...

Nguyễn Phan Ngọc An


Chỉ Một Vầng Trăng!

 
Chỉ một vầng trăng thôi
Mà vạn dặm nẻo đường
Theo nhau từ tấm bé
Dường trong cả Tình Trường!

Trăng khi đầy khi khuyết
Đời khi dịu khi cay
Tình lúc bão giông đầy
Lúc nhẹ nhàng tha thiết!

Vợ chồng khi khắng khít
Khi lặng lẽ nhìn nhau
Đời có vạn nẻo sầu
Lòng có muôn cung bậc

Bao lúc dường chật vật
Bấy khi thật gần kề
Chung lưng đấu cật.....hề!
Truyền cho nhau chút lửa ....

Yêu chỉ nào đôi lứa
Thương không chỉ bờ môi
San sẻ nhau khôn nguôi
Chia sớt nhau tâm sự

Cây bút là tình tự
Bảng phấn nỗi đam mê
Trang giấy muốt hẹn thề
Thầy Trò ta vậy nhé!

Thôi thì dầu cô lẻ
Hay sánh bước bên nhau
Hãy gạt bớt lo âu
Mà an vui tự tại

Thầy nào bên ta mãi
Cô khó thể chăm hoài
Trò không mãi đời trai
Em khó toàn vạn sự

Chuyện thực hư đừng giữ
Chuyện cao cả hy sinh
Đuốc Thầy Cô lung linh
Soi đường em dấn bước

Nhớ biết bao ngày trước
Son trẻ đến thế kia
Nay mái tóc bộn bề
Sợi bạc đen pha trộn

Thoáng chốc mà lưng vốn
Nháy mắt mà cạn đi
Hào khí tuổi xuân thì
Phảng phất đâu đây nữa!

Chợt hiểu đâu rồi... lửa?
Còn lại lời tri ân
Trong cùng tận châu thân
Hình bóng ai lưu mãi!

Thiên Phương 
(Nov 20th , 2011)

Hoa Xuân

 

Hoa Xuân nở đón chào ngày mới
Gió trong lành xanh lá phất phơ
Nắng chan hoà chim hót líu lo
Cùng chào đón ngày vui đang tới

Xanh màu lá mong đời khởi sắc
Khoe nụ hoa e ấp trên cành
Bướm chập chờn một mảnh trời xanh
Hẹn ngày mới niềm vui an lạc

Gởi tình thân năm châu bốn bể
Nhớ nhung nhiều thuở tuổi xuân qua
Tuổi học trò ướp mộng đơm hoa
Tà áo trắng vờn bay trong gió.....

Bao mộng đẹp... còn là kỷ niệm
Tà áo bay... tóc ráng mây chiều
Nghĩa cuộc đời còn lại tin yêu
Yêu lẽ sống tình xưa nghĩa cũ.....


Thơ & Ảnh: Ngư Sĩ

Dạ Lữ Viện

Dạ Lữ Viện Sài Gòn trên đường Trần Hưng Đạo khi xây cất xong (Nguồn: Manhhaiflickr)

Vài người lớn tuổi, thỉnh thoảng đem những địa danh trên đất Sài Gòn ra nói chuyện chơi cho vui. Nào là ngã ba Chú Ía, ngã năm Chuồng chó, ngã tư Xóm Gà, khu Mả Lạng hay khu Dạ Lữ Viện… Những cái tên địa danh xuất hiện chính thức hoặc không chính thức trên bản đồ Đô thành Sài Gòn trước đây.

Dạ Lữ Viện ở đâu?

Ông bạn già tôi kể: “Năm 1948, gia đình ông từ Phú Thạnh, Bến Tre rời bỏ mảnh đất ruộng vườn lên Sài Gòn kiếm sống. Phần vì cha ông kiếm được việc làm một chân cai ngục tại Trại Cải huấn Chí Hoà nên gia đình ông được cư ngụ trong khu trại lính canh tù. Có được chỗ ở cho gia đình là một chuyện lớn, lại không tốn tiền còn chi bằng. Để có thêm tiền lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn, ba tôi đồng ý cho má tôi nhận chân nấu bếp cho một cơ sở tế bần do người quen giới thiệu vừa mới xây cất xong bên khu Chợ Quán. Đó chính là Dạ Lữ Viện”.

Dạ Lữ Viện có thể hiểu là nơi lưu trú công cộng dành cho những người không nhà, không tiền, có thể vào đây kiếm chỗ ngủ qua đêm, kiếm chén cơm rau lót bụng.

Đó là một ý tưởng hay, cứu giúp phần nào cho người sa cơ lỡ vận không nơi ngủ hằng đêm có nơi trú ngụ. Thủ tướng đương thời, ông Trần Văn Hữu thông qua kế hoạch của Bộ Xã Hội xây dựng một Dạ Lữ Viện tại Sài Gòn ở số 345 Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo), đích thân ông dự lễ khánh thành vào ngày 16 tháng 11 năm 1949.

Thủ tướng Trần Văn Hữu dự lễ khánh thành Dạ Lữ Viện ngày 16 tháng 11 năm 1949 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Dạ Lữ Viện rộng khoảng 200m2, với cổng chánh có 3 cạnh, mái ngói và các gian nhà được kiến trúc giống một cánh cửa mở vào một ngôi chùa. Hai bên cổng chánh là hai dãy phòng và nhà ăn để phục vụ cho những người không nhà tá túc qua đêm và có miếng ăn. Với kiến trúc và cái tên như thế, có lẽ Chính phủ muốn cho người không no ấm không có cảm giác là người được bố thí.

Hoạt động của Dạ Lữ Viện ra sao không nghe ông nhắc đến, ông nói chỉ nghe bà má kể chuyện nấu ăn cho chừng năm sáu chục người. Nơi đây có chỗ ngủ trên những chiếc ghế bố, chỗ tắm giặt đàng hoàng. Những người đến đây thường không ở lỳ, có khi chỉ vài ba bữa rồi đi đâu không biết. Mỗi ngày đều có người đi, rồi người khác đến nên nhà bếp nấu cơm lúc nào cũng phải nấu dư. Có khi cơm trắng dư nhiều, má ông cùng vài người làm trong Dạ Lữ Viện chia nhau mang về, ăn không hết thì đem phơi khô để dành rang nổ trộn với tóp mỡ ngào đường hoặc có khi chia lại cho mấy gia đình quen thân trong trại Chí Hoà.

Nhà bếp của Dạ Lữ Viện (Nguồn: Manhhaiflickr)

Dạ Lữ Viện trại cứu tế tạm thời

Dạ Lữ Viện là nơi tiếp nhận người nghèo không phân biệt độ tuổi và giới tính, cung cấp cho mỗi người nghèo một chỗ nghỉ ngơi miễn phí trong vòng 7 đêm liên tiếp. Viện mở cửa từ 19 giờ đến 21 giờ trong giai đoạn từ 01/4 đến 30/9 và từ 18 giờ đến 20 giờ trong giai đoạn từ 01/10 đến 31/3. Tuy nhiên, những người về muộn do công việc hoặc do yêu cầu của ông chủ, có thể được vào nghỉ ngoài những khung giờ quy định trên đây. Riêng những người do cảnh sát dẫn đến được vào viện bất kỳ giờ nào trong đêm.

Bên cạnh đó, Dạ Lữ Viện cũng tổ chức một văn phòng giới thiệu việc làm. Với danh sách người xin việc và thông tin việc làm được cập nhật mỗi tuần, văn phòng đã mang lại nghề mưu sinh cho trên dưới 200 người, từ thư ký, lái xe đến giúp việc và phu phen.

Khi ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, những cuộc đụng độ thường xuyên khiến Dạ Lữ Viện tan hoang và những con người ở đây trôi dạt tứ phương. Năm 1957, Ty Cảnh sát Công lộ nằm sau lưng của tòa nhà quốc hội bị thu hồi. Năm 1968 dời về Dạ Lữ Viện làm bộ chỉ huy. Lý do chấm dứt nhà tế bần này không được công bố trên báo chí.
Dạ Lữ Viện năm 1950 khi xảy ra cuộc binh biến Bình Xuyên trên đường Trần Hưng Đạo (Ảnh: LIFE)

Tuy Dạ Lữ Viện không còn nhưng tên gọi của nó lại dùng để chỉ 1 khu vực nhỏ phía sau Bót Công lộ. Ý nghĩa của nó phù hợp với hoàn cảnh thực tế của những con người tứ xứ trôi dạt quần tụ về một góc nhỏ trên mảnh đất Sài Gòn trong thời buổi loạn ly. Sài Gòn thuở đó, rộng lớn và thưa thớt dân cư ở vùng ven. Trung tâm thành phố, luôn là nơi lý tưởng, hấp dẫn lôi kéo con người nương tựa vào nhau kiếm sống bằng bất cứ hình thức nào, hợp pháp hay bất hợp pháp.

Cuộc sống của người dân nơi đây, suy cho cùng cũng không khác cuộc sống của những người lao động tay chân ở những nơi khác, duy chỉ cái gọi là mái nhà thì không biết có nên gọi là nhà, quá chật chội và tăm tối, có khi nhà lại là một mái hiên, con hẻm nhỏ ban đêm trở thành nhà trọ. Ở những khu dân cư “ổ chuột” khác như Mả Lạng hay khu Tôn Đản bên kia con rạch Bến Nghé thuộc Quận 4 cũng vậy nhưng xét ra còn dễ thở hơn. Tất cả những khu vực này khi nghe nhắc đến có thể làm người ta hoang mang, người sống nơi khác hiếm khi nào có dịp bước chân đến.

Dạ Lữ Viện trở thành Sở Cảnh sát lưu thông vào thời T.T. Ngô Đình Diệm cho đến 1975 (Ảnh: Michael Bells chụp năm 1970)

Trang Nguyên
( Hãn Nguyễn Sưu Tầm) 

P.S : Tại Hà Nội ngày xưa cũng có một Dạ Lữ Viện do hội Hợp Thiện thành lập. Theo một bài viết của ông Bùi Hệ, “Dạ Lữ Viện được khởi công xây dựng năm 1932 tại đường Soeur Antoine (nay là phố Hàng Bột), Hà Nội.
Ngày 4-12-1933, vua Bảo Đại đã tham dự lễ khánh thành, khi đó Dạ Lữ Viện hoàn thiện được khoảng hai phần ba.

Trả Nợ Ân Tình


(Riêng tặng những người bạn lính bất hạnh của tôi)

Đầu mùa hè, vợ chồng tôi đến thăm gia đình cô con gái và ở lại chơi khoảng một tháng. Vợ chồng cháu phải đi theo sở làm, một công ty lớn, di chuyển đến thành phố Las Vegas, và vừa mua được ngôi nhà ở vùng ngoại ô, với khu vườn khá rộng nằm bên bờ hồ Mead. Đây là thành phố du lịch có những sòng bài nổi tiếng. Tôi không hứng thú mấy với chuyện bài bạc, nên chỉ ghé lại các nơi này một vài lần cho biết. Hơn nữa, dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, mà khí hậu đã nóng bức, tôi ngại ra ngoài, chỉ muốn nằm nhà nghỉ ngơi và đọc sách. Thỉnh thoảng ra vườn tưới cây hay xuống bờ hồ hóng mát và ngắm trời xanh.

Một hôm, trước khi đi làm, cô con gái đưa cho tôi cái chi phiếu, nhờ giao lại cho người làm vườn. Tiền trả cho ông hàng tháng. Cứ ngày thứ ba mỗi tuần là ông ghé lại làm việc ở khu này, cắt cỏ, tỉa cây và dọn dẹp, làm vệ sinh hồ tắm. Cô con gái còn bảo, bác ấy rất đàng hoàng tư cách, mọi người ở đây đều rất tin cậy và quý mến bác. Tuần trước, tôi cũng đã trông thấy ông đến làm việc trong vườn, nhưng vì ngoài trời khá nóng và đúng lúc đang mải mê đọc một cuốn sách, nên tôi chưa có dịp gặp ông.

Khi thấy ông gom dụng cụ bỏ lên xe, tôi nghĩ ông đã xong công việc, mở cửa bước ra chào, cám ơn và đưa cho ông cái chi phiếu, bảo cô con gái nhờ trao lại. Thấy trên mặt đầm đìa mồ hôi, tôi mời ông vào nhà uống với tôi một lon bia lạnh. Ông nhìn đồng hồ, đưa tay phủi ít bụi cỏ vướng trên áo quần, ngần ngừ, định từ chối. Tôi nắm tay ông kéo lại bộ ghế nhựa nằm dưới gốc một cây bơ phủ bóng, bảo:
– Hay là mình ngồi ở đây để anh thoải mái hơn.
Tôi chạy vào nhà lấy bia, nghe tiếng ông nói vọng theo:
– Tôi chỉ uống với anh đúng một lon, để tí nữa còn phải lái xe đi

Tôi mang bia và mấy cái nem chua ra. Chúng tôi vừa uống bia vừa nói chuyện. Đúng như lời cô con gái, ông là một người hiểu biết và có tư cách. Mái tóc bạc màu muối tiêu và khuôn mặt đượm buồn mang ít nhiều khắc khổ, đã không làm mất đi cái vầng trán cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt biểu hiện một con người khí khái và nghị lực. Ngồi với nhau khoảng hơn mười phút, ông cám ơn và đứng dậy xin cáo từ vì còn phải sang làm vườn cho các nhà kế cận. Ông bắt tay tôi và hẹn thứ ba tuần sau ông sẽ đến sớm để tâm tình nhiều hơn. Dù chưa biết nhau nhiều, nhưng qua cái bắt tay, tôi có cảm giác là ông cũng có chút cảm tình, quí mến tôi.
Lần thứ hai gặp nhau, chúng tôi có nhiều thì giờ tâm tình và biết về nhau nhiều hơn. Chính điều này đã làm chúng tôi trở thành bạn, khá thân tình.

Trước kia, anh phục vụ trong Binh chủng Lực Lượng Đặc Biêt. Sau khi binh chủng này giải thể anh được bổ sung cho một đơn vị Biệt Động Quân. Một năm sau anh được thăng cấp thiếu tá. Bị thương trong một cuộc hành quân qua Cam Bốt, anh được thuyên chuyển về một Tiểu Khu miền duyên hải Quân Khu 2, quê anh, và phục vụ ở đây cho đến ngày mất nước.

Vợ của anh là cô giáo dạy ở trường tiểu học quận lỵ. Ngày anh vào tù vợ anh mang thai đứa con đầu lòng hơn năm tháng, và cũng không được “lưu dung” trong chế độ mới bởi ảnh hưởng lý lịch của chồng.
Sau đó, những ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh thương hú tôi sang nhà anh chơi. Anh bảo:- Tôi thường ở nhà một mình, ông cứ sang đây, bọn mình nhậu thoải mái và kể chuyện xưa chơi.

Căn nhà cũ nằm giữa khu vườn khá lớn có nhiều cây ăn trái, và những khóm hoa được anh cắt tỉa rất công phu. Có cả một hòn non bộ, nước chảy róc rách, trông rất yên ả, thơ mộng. Cùng độ tuổi với anh, nhưng tôi thua anh rất xa về chuyện cần cù với bàn tay khéo léo. Nhìn khu vườn nhà, tôi biết là anh đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức. Lần nào đến chơi, anh cũng làm cơm, nướng thịt và hai anh em uống cạn mấy lon bia. Có khi tôi phải ngủ một giấc, đến gần tối mới về nhà. Một lần, được tin anh bị bệnh, vợ tôi theo tôi đến thăm anh, giúp anh làm vài món ăn và dọn dẹp nhà cửa bếp núc.

Mấy năm sau này, từ khi cô con gái sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi thường xuyên lên ở giúp cháu, nên thường gặp anh hơn và dần dà trở nên thân thiết như anh em.

Quen biết đã khá lâu, nhiều lần đến nhà thăm và tâm tình với anh, nhưng chúng tôi chưa hề gặp vợ anh, chỉ biết chị ấy qua tấm ảnh gia đình treo trên vách, anh bảo chụp cách đây hơn mười năm, sau một thời gian định cư ở Mỹ. Trong ảnh, ngoài vợ chồng anh còn có ba đứa con, hai gái một trai.Chị là một người phụ nữ đẹp, trông có nét đài các. Một đôi lần tôi có hỏi, anh ngần ngừ, bảo là vợ anh thường đi làm xa, vắng nhà. Tôi nhớ có lần anh đã kể việc vợ chồng anh có mở một quán ăn ở đâu đó, sau một thời gian đến định cư ở vùng này.

Nhìn tấm ảnh, tôi khen:
– Trông ông bà rất đẹp đôi. Lúc trẻ chắc chị nhà là cô giáo hoa khôi của một trường nào đó. Mấy cháu cũng đều rất dễ thương.
Anh ngượng ngùng một tí, rồi làm tôi bất ngờ:
– Đây là bà vợ thứ nhì và hai cháu lớn là con riêng của bà. Chỉ có thằng nhỏ nhất là con chung của bọn tôi.

Tôi tò mò, không kịp giữ ý:
– Chắc bà chị trước đã qua đời khi còn ở Việt nam?
– Không, bà vẫn còn sống và đang ở trên Houston.
Tôi vội vàng nói lời xin lỗi. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh giải thích:
– Bà bỏ tôi sau hơn một năm vào tù, lấy một người đàn ông khác, sau đó dắt theo đứa con gái vượt biên từ năm 1979.
Trầm ngâm giây lát, anh nói tiếp:
– Và từ đó bà không hề liên lạc với tôi, mặc dù có vài lần tôi viết thư riêng nhờ người mang đến cho bà, để chỉ hỏi tin tức đứa con, nhưng không hề nhận được hồi âm. Bây giờ, nếu còn sống, đứa con gái của tôi cũng đã gần bốn mươi tuổi, nhưng chắc chắn nó không hề biết tôi là cha của nó.

Tôi cố tìm một lời an ủi:
– Với vợ con và niềm hạnh phúc mới sau này, chắc anh cũng đã nguôi được nỗi buồn?
Anh cười:
– Thực ra khi mới biết tin, dĩ nhiên tôi buồn lắm, nhưng rồi sau đó lại mừng cho mẹ con bà. Chứ nếu ở vậy mà chờ tôi, thì cuộc đời của mẹ con bà không biết sẽ ra sao? Lúc còn ở trong tù, đêm nào tôi cũng nằm cầu nguyện cho mẹ con bà được yên lành, hạnh phúc với gia đình và quê hương mới. Tiếc là khi ấy tôi không thể liên lạc được để nói lên điều này cho bà được yên lòng.
– Tôi nghĩ điều đó chắc không còn cần thiết, bởi đã đối xử cạn tình với anh như vậy, chắc bà cũng chẳng có hối hận điều gì.
Anh trầm ngâm:
– Xem vậy chứ đàn bà cũng dễ xúc cảm, nặng lòng trắc ẩn lắm. Dù gì, tôi cũng thấy thương và tội nghiệp cho bà.

Đến chơi khá nhiều lần, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ gặp người vợ của anh bây giờ. Một hôm chúng tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên khi nghe anh tâm sự về bà:
– Bà ấy rất ít khi có ở nhà. Bà sống ở các sòng bài. Khi nào không kiếm được tiền bà mới về đây, nhưng sau đó, khi có được đồng nào bà lại đi ngay. Trước kia, tôi bỏ ra tất cả tiền bạc dành dụm và vay mượn thêm của ngân hàng để sang lại cái tiệm ăn, cho bà làm chủ. Buôn bán cũng khá lắm, nhưng sau đó phải bán để trả nợ cho bà. Đồ đạc trong nhà này, cái gì còn bán được bà cũng đã bán hết, nên chẳng còn một thứ gì đáng giá.

– Sao anh và các cháu không khuyên giải, can ngăn bà? Vợ tôi hỏi.
– Cũng may, tôi đã cố gắng hết sức lo cho hai cháu đầu, con của bà được vào đại học. Cả hai đều học xa nhà, nên tôi tìm cách nói dối để các cháu yên lòng mà học hành, còn thằng con trai út, lúc ở với tôi còn nhỏ, nên chẳng chú tâm điều gì, cứ tưởng mẹ nó đi buôn bán làm ăn. Sau này, khi thấy cháu lớn khôn, không muốn ảnh hưởng đến chuyện học hành và tương lai của nó, tôi gởi cháu vô nội trú một trường Công giáo. Không thấy mẹ, lâu lâu cháu cũng hỏi thăm, không biết là cháu có biết gì không, nhưng chẳng thấy nó buồn hay thắc mắc điều gì. Tôi nghĩ có cho các cháu biết cũng vô ích, chỉ làm hại các cháu. Hơn nữa, khi đã lâm vào con đường cờ bạc rồi, cũng giống như thuốc phiện, khó mà quay lại được.
– Đến bây giờ hai cháu lớn cũng chưa biết? Tôi hỏi anh.
– Sau khi tốt nghiệp, hai cháu về nhà sống một thời gian chờ xin việc. Lúc ấy hai cháu mới biết. Năn nỉ, can ngăn, rồi làm dữ cũng đều vô ích. Sau này hai cháu có việc làm rồi lập gia đình, ra ở riêng. Khi hết tiền bà chạy đến xin, xin vợ không được bà xin cả chồng. Tội nghiệp hai thằng chồng đều là Mỹ hết. Cuối cùng tụi nó sợ quá, phải dọn nhà đi nơi khác và không cho bà biết. Sau này, thấy tôi quá khổ sở với bà, hai cháu rất giận mẹ, đề nghị rồi hối thúc tôi bỏ bà, chuyển đi nơi khác ở. Hai cháu thương tôi, lúc nào cũng xem tôi như cha ruột và luôn tỏ ra biết ơn tôi đã hết lòng lo lắng cho hai cháu.
– Chắc anh không nghe theo hai cháu, nên bây giờ vẫn còn ở lại đây. Tôi hỏi

Anh cười, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra:
– Không được! Tôi bảo với hai cháu là ba còn nợ mẹ rất nhiều, mà dù có phải khổ sở, chịu đựng suốt cả đời vì mẹ con, cũng chưa trả hết được. Hơn nữa đã là vợ chồng, ba đâu có thể nhẫn tâm bỏ bà trong lúc bà bị sa lầy.
Sau đó anh ngồi kể cho vợ chồng tôi nghe:
– Bà là cứu tinh của tôi. Trước kia, có một thời nhà cha mẹ bà ở gần nhà tôi. Bà là con một của một gia đình giàu có. Khi ra tù, vợ con đã bỏ đi, tôi không có chỗ để ở, lại mang theo bệnh tật từ trong tù, nên chẳng làm được việc gì. Không hiểu sao lúc ấy bà lại cưu mang tôi, và can đảm lấy tôi làm chồng. Lúc ấy bà có tiền, làm chủ một vựa trái cây và buôn bán thuốc tây, cà phê. Lúc đầu, thấy tôi khổ sở, bà nhận tôi vào làm công và bảo dọn tới nhà bà ở vì căn nhà sau, có một phòng bỏ trống. Cả hơn nửa năm tôi mới khỏe lại và bắt đầu phụ giúp công việc buôn bán với bà. Nhưng bà chỉ giao cho tôi lo việc sổ sách. Bà thường lo lắng chăm sóc cho tôi, và cuối cùng tỏ tình với tôi. Khốn khổ hơn là có một tay cán bộ kiểm lâm CS từ miền Bắc chuyển vào, đã theo đuổi, tán tỉnh bà, thỉnh thoảng mang đến cho bà những bộ bàn ghế được đóng bằng gỗ quí, nhưng bà nhất quyết chối từ. Ban đầu hắn tưởng tôi là người làm công hay bà con trong nhà, nhưng sau này, khi biết bà đã lấy tôi, hắn tìm mọi cách hãm hại tôi. Bà bỏ tiền mua cả đám công an, nên tay kiểm lâm sợ, bỏ cuộc. Hơn nữa nghe nói hắn đã có vợ con ở ngoài Bắc. Có lần tôi hỏi, vì sao bà thương và lấy tôi khi tôi trong cảnh thân tàn ma dại. Bà cười, bảo là ngày xưa, lúc còn là cô con gái mới lớn lên bà đã thầm yêu tôi, bà thích lính chiến, nhất là bộ áo quần bông với cái bê-rê xanh của LLĐB, oai hùng lắm, nhưng tôi không để ý đến bà. Đúng vợ chồng là cái số. Sau này bà lấy một thương gia, nhưng ông mất sớm. Nhờ vậy, sau 75, bà còn giấu được một số vàng để bây giờ có vốn buôn bán nuôi con.

Những lần chính quyền địa phương gọi tôi, diện tù “cải tạo” đang trong thời quản chế, đi làm công tác thủy lợi, bà đều thuê người đi làm thay. Sợ bọn chúng cưỡng bách tôi đi Vùng Kinh Tế Mới, bà làm hôn thú và dù rất khó khăn, bà cũng chạy cho tôi được vào chung hộ khẩu với gia đình bà. Với lòng biết ơn và quí mến, tôi đã hết lòng yêu thương bà và hai đứa con của bà. Tôi dạy kèm thêm, nên hai cháu đều là những học sinh giỏi của trường, luôn vâng lời, lễ phép dễ thương. Tôi xem hai cháu như con ruột của mình. Một năm sau, chúng tôi rất vui mừng khi có một đứa con chung, là thằng con trai, giống tôi như đúc. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến đứa con gái đầu lòng với người vợ trước. Từ lâu rồi tôi không liên lạc đươc, nên chẳng biết bây giờ nó ra sao. Chỉ mong ông trời thương, để có một ngày cha con được gặp lại.

Anh ngừng câu chuyện ở đây, lim dim đôi mắt, nhưng ngay sau đó lại nở nụ cười. Tính anh như thế, tôi chưa khi nào thấy anh buồn điều gì lâu. Tôi thầm nghĩ, khi người ta chịu đựng quá nhiều thử thách trong cuộc đời, thì dường như buồn vui gì cũng như nhau thôi.
Tôi cười theo anh, và nói đùa:
– Không ngờ ngày xưa ông anh cũng đào hoa ghê. Đến bước đường cùng mà vẫn có người đẹp yêu tha thiết.
Anh quay sang tôi cười, giải thích thêm:
– Bọn mình là lính mà. Người lính lại càng không thể phụ ơn những người đã từng cưu mang, sống chết với mình. Cũng như anh em mình đâu có thể quên những đồng đội đã chết, đã hy sinh một phần thân thể vì mình, phải không?

Tôi im lặng, không trả lời, chỉ thấy thương và càng quý trọng anh. Người lính chưa bao giờ bại trận, nhưng cuối cùng đã phải làm người thua cuộc. Qua bao nhiêu thử thách vẫn còn giữ được cái sĩ khí, lòng bao dung và nhân cách của mình.

Những lần gặp tôi, trong các câu chuyện anh thường nói về chuyện lính. Anh kể cho tôi nghe những trận chiến mà anh đã từng tham dự. Từ lúc những buổi đầu trong các toán Delta, sau đó đóng đồn biên phòng, rồi sau này ra Biệt Động Quân, và cuối cùng là Địa Phương Quân. Anh say sưa kể từng chi tiết, địa danh, từng tên của những người lính đến các cấp chỉ huy. Trong lãnh vực này, trí nhớ của anh lại trở nên phi thường. Tất cả như nằm sẵn đâu đó trong lòng anh. Nhiều lần anh bảo với tôi là anh đã sống với nó, với cái quá khứ ấy. Anh còn ví von: “lúc trước ông nhà thơ Phùng Quán đã từng tâm sự là khi ngã nhờ vịn những câu thơ mà đứng dậy, còn với tôi thì đã bao lần thất chí, đã nhờ những hình ảnh quá khứ này để có thể đứng lên. Không có một thời làm lính, một thời trong chiến trận, chắc tôi đã quỵ ngã từ lâu rồi.”

Cuối cùng thì vợ chồng tôi cũng gặp được bà vợ bây giờ của anh. Mùa hè năm ngoái, anh làm đám cưới cho cậu con trai út. Đứa con chung duy nhất của hai người. Cô dâu lại là con của một người bạn HO của anh, mà tôi cũng quen biết, vì từng ở chung một trại tù ngoài Bắc. Anh nhờ vợ chồng tôi đi họ bên phía đàng trai, và phụ giúp anh sắp xếp công việc trong ngày hôn lễ. Ngày đám cưới, chúng tôi đến nhà anh sớm hơn giờ hẹn để phụ sắp xếp bàn thờ và lễ vật. Rất bất ngờ khi thấy có cả chị ra đón bọn tôi ngoài cửa. Có lẽ anh đã giới thiệu trước ít nhiều về vợ chồng tôi, nên chị nở nụ cười thật tươi chào đón và gọi đúng tên chúng tôi. Vợ chồng tôi khá ngạc nhiên, bởi chị khác hoàn toàn với hình ảnh người đàn bà mà chúng tôi tưởng tượng bấy lâu nay với không mấy cảm tình. Xinh đẹp, vui vẻ nói năng lưu loát, và dễ thân thiện. Chỉ có ốm hơn so với trong ảnh, và thoáng một chút mệt mỏi, bơ phờ. Buổi chiều, trong tiệc cưới, khi người MC giới thiệu gia đình nhà trai, anh chị cùng vợ chồng hai cô con gái bước lên sân khấu đứng bên cô dâu chú rể, cúi đầu chào khách. Tiếng vỗ tay của thực khách như thay cho lời hâm mộ một gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc. Tôi bỗng thấy một chút xót xa, tiếc nuối trong lòng và thầm mong là biết đâu nhờ đám cưới của cậu con trai, mà chị sẽ trở về với con người cũ, để hai người còn có bên nhau trong hạnh phúc ở những năm tháng cuối đời.

Cuối tuần sau ngày đám cưới, anh đưa chị ghé đến chơi, mang biếu chúng tôi hai chai rượu và một hộp trà. Anh bảo là quà “lại quả” hôm đám cưới, anh chị chia cho chúng tôi để mừng cho hai cháu. Khi vợ tôi ngồi chỉ cho chị cách thức làm nem Ninh Hòa, mà chị rất thích, anh rủ tôi ra ngoài vườn, vui mừng bảo là chị ấy đã hồi tâm, vì sau ngày đám cưới thấy các con hạnh phúc vui vẻ, sau đó các cháu tâm tình khuyên giải bà, nên từ bỏ mọi thứ đam mê sai lầm để sống với tôi trong tuổi già, vợ chồng săn sóc hôm sớm có nhau. Anh hy vọng lần này bà đã thức tỉnh. Hơn nữa tuổi tác cũng đã nhiều, bà thấy sức khỏe sa sút thường hay mệt mỏi.Tôi nắm hai tay anh mừng rỡ, và nói vài lời, ngưỡng mộ sự bình tĩnh, chịu đựng và tấm lòng bao dung của anh. Tôi lấy trong túi áo ra bốn tờ vé số Power Ball vừa mới mua trưa nay. Đặc biệt số độc đắc xổ chiều nay, sẽ hơn ba mươi triệu Mỹ kim. Tôi chia cho anh ba tờ, bảo:
– Hy vọng ông trời sẽ cho thêm anh chị điều may mắn.
Anh cười:
– Cám ơn bồ, nhưng thường là “phúc thì bất trùng lai, mà họa thì vô đơn chí!”
Tiễn anh chị ra xe, bắt tay nhau trong tiếng cười rộn rã.

Khoảng ba tuần sau, anh gọi phone báo cho chúng tôi một tin không vui. Chị ấy đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ vừa khám phá chị bị ung thư vú trong thời kỳ cuối. Vì quá lâu, không khám bệnh, nên không phát hiện được, bây giờ đã di căn, không biết có cần giải phẫu hay không. Chúng tôi chạy lên bệnh viện thăm chị. Thấy chúng tôi, chị nở nụ cười, nhưng trông khá mệt mỏi, bơ phờ. Anh luôn bên cạnh, đút thức ăn, săn sóc an ủi chị. Anh bảo tối nào, theo yêu cầu của chị, anh cũng ngồi bên cạnh đọc các chuyện chiến trường, chuyện lính cho chị nghe.
 

Bệnh viện quyết định không giải phẫu, chỉ cấp cho một số thuốc để đưa chị về nhà. Các cháu đều về thăm. Sống bên cạnh chồng cùng đầy đủ các con, chị vui và hạnh phúc lắm. Chúng tôi đến thăm, dù không được khỏe, nhưng chị rất tỉnh táo, nằm kể cho các con nghe về cuộc đời mình, ân hận đã có một thời sa ngã vào con đường bài bạc, làm khổ sở và xấu hổ gia đình. Chị cũng nắm chặt tay anh, nói rất yêu và biết ơn anh đã hết lòng lo lắng đùm bọc vợ con trong những năm tháng khó khăn, xin anh tha thứ về thời gian chị đã có lỗi lầm.

Anh ngồi bên cạnh, cúi xuống hôn trên trán chị:
– Lúc nào anh cũng yêu em, cầu xin ơn trên cho em sống khỏe mạnh để anh tiếp tục lo lắng, trả nợ cho em. Món nợ ân tình lớn lao, mà cả đời này anh cũng không thể trả hết được cho em.
Nước mắt của chị ràn rụa trên đôi gò má hóp. Tôi thầm nghĩ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Cho dù có chút xót xa.

Chị đã mất vào khuya hôm ấy. Theo lời anh kể lại, suốt đêm anh nằm với chị, ôm chị trong vòng tay rồi ngủ mê lúc nào không biết. Khi giật mình thức dậy thì chị đã ra đi tự lúc nào.

Vợ chồng tôi có mặt trước khi đưa chị vào nhà quàn bệnh viện. Chị nằm như đang say ngủ, nét mặt bình yên, thanh thản.

Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc.

Phạm Tín An Ninh


Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Em Đi Rồi.. Hạ Nhớ - Thơ: Vương Ngọc Long - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Hòa Âm: Quang Đạt - Trình Bày: Hồng Tước


Thơ: Vương Ngọc Long
Nhạc: Phạm Anh Dũng
Hòa Âm: Quang Đạt
Trình Bày: Hồng Tước

Hồn Xưa Khép Lại - Tình Bay Theo Gió


Đối bóng gương xưa chợt trở về
Khuôn viên chốn ấy mảnh trời quê
Êm đềm ngày cũ trong hồi tưởng
Khuôn mặt thân quen hiển hiện về

Với màu áo ấy của mây trời
Góc khuất âm thầm nhặt phượng rơi
Thầm bảo hoa ơi thời tuổi dại
Là tình câm nín mãi muôn đời

Đối bóng gương xưa chợt thoáng buồn
Hỏi người ngăn được lệ lòng tuôn
Làm sao níu áo thời gian lại
Trả hết cho nhau tuổi biết buồn

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Tình Bay Theo Gió


Lung linh làn nước bóng hình xưa
Tay kéo tay đưa dưới gốc dừa
Dư ảnh thân quen thời tuổi dại
Trập trùng thương nhớ lệ sa mưa

Người đã ra đi chẳng hẹn thề
Tình theo muôn dặm chốn sơn khê
Để lại mảnh hồn ai tan nát
Mỏi mắt chờ trông gót trở về

Ôi cánh thời gian vụt thoáng bay
Cuộc tình mơ mộng níu trong tay
Mất hút nơi chân trời viễn ảo
Thôi đành trả lại tuổi thơ ngây.

Chinh Nguyên-HNT
Jul.26.24

Giấc Mơ Chiều Tháng Bảy

 

(Viết thay một người )

Ráng chiều loang loáng vẫy
Những cánh tay nuột nà
Sắc màu dường run rẩy
Xuyến xao trong hồn ta

Chiều xưa hàng Phượng vĩ
Nơi công viên Tao Đản
Bên nhau mình thủ thỉ
Bao ước mơ ngập tràn

Tay lồng tay ấm áp
Đầu tựa đầu yêu thương
Dòng thơ trào bát ngát
Lời ngâm hòa trong sương

Ngày chia tay vội vã
Thế sự đầy oái oăm
Chừ quê người tháng Bảy
Chiều giấc mơ gọi thầm…

Phương Hoa 
July 22, 2024

Dưới Giàn Hoa Giấy Tím



“Hôm nay chợt nhớ thương người
chợt nhớ môi người
tiếng ve ngày cũ rụng rời môi em...”
(trong nhạc-phẩm “Nụ Hôn Ðầu”)

Dưới giàn hoa giấy tím
Lần đầu anh hôn em
Lũ ve sầu lên tiếng
Mảnh trăng khuya bên thềm
Rồi thời gian qua mau
Anh theo học lên cao
Bỏ giàn hoa giấy tím
Với cuộc tình trăng sao

Từng lá thư viết về
Anh vẫn nhớ thôn quê
Nhớ giàn hoa giấy tím
Có em nghiêng tóc thề

Mỗi ngày một lần đến
Bên giàn hoa giấy xưa
Tiếng ve sầu nức nở
Nghe nỗi buồn vu vơ

Bây giờ mùa hạ về
Ôm một mảnh tình quê
Dưới giàn hoa giấy tím
Em hóa thành cây si

Ngô Bích Lan
(France)
***
Bài Dịch:

Under The Purple Flowers

“I suddenly remember and miss
I suddenly reminisce about his kiss
My lips bewitched with the old cicadas’ carol...”
(from the song “The First Kiss”)


In the purple flowers’ shade
You kissed me the first kiss.
The moon lit its light of jade;
The cicadas sang their song of bliss.

Then, time passed fast and blind;
You went to your studies above
Leaving the purple flowers behind
With such a dreamlike love.

In each letter sent to the old place
You said you still missed this start
With the purple flowers of grace
And this young and true heart.

I have come back each day alone
To see the old flowers obsess
And hear the cicadas groan;
I feel such a vague distress.

I have nurtured my pastoral love
Now that summer is back to see
With the purple flowers above
I’ve become an amorous banian tree.

Translation by Thanh Thanh
 

Món Ăn Huế!

 

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhạc Sĩ Trần Đại Bản đã chuyển đến tác phẩm “Bóng Hoàng Thành”)

Mưỡu Một

“Bồng bồng sáu nhịp cầu cao”
“Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh”
“Thâm u một dải Hoàng Thành”
“Đình suông con én không đành bay đi”!

Mưỡu Hai

“Học trò xứ Quảng ra thi”
“Thấy cô gái Huế chân đi không đành”
“Ruốc thơm cơm nguội, rau lành”
“Mời nhau thưởng thức chân thành món quê”

Hát Nói

“Ai thả câu lê mê nơi Cồn Hến”?
“Ai cất rớ lều nghều bên bến Trà Nhiêu”?
“Lại đây cho hỏi thăm cá ít hay nhiều”?
“Để mua một mớ nấu riêu ngon thơm săn sóc Mẹ”!

Cơm Hến lừng danh! Thăm đất Mệ!
Bún Bò khét tiếng! Viếng quê O!
“Mời chị, mời anh chén bánh canh Nam Phổ thật to”!
“Xơi vô bổ khỏe, có chất bổ, có mùi hương! Có món nào so cho đặng”?

Bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh khoái! Đặc thù, thượng thặng!
Bánh ram ít, bánh đậu xanh lá cây thân tặng bạn tâm giao!
Hến xúc bánh trang, mè xửng, chè Huế hương vị thắm thiết, ngọt ngào!
Trà cung đình Huế thả hồn ngao du chốn thần kinh vua chúa!

Vả trộn, tôm chua Huế! Ngậm trong miệng, nuốt vào bụng, tâm can “nhảy múa”!
Cơm âm phủ Huế! Học trò, dân lao động túa vào thưởng thức tận tình!
Quá ngon! “Thùng bất chi thình”!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 02/06/2024
Nửa đêm về sáng Sydney. Trời lạnh. Mưa rả rích.

Bạn Và Tôi


Đây là bài số bảy trăm hai mươi (720) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường nghe nói đến bạn đạo, bạn tri âm, bạn tri kỷ, bạn sơ giao, bạn cố tri, bạn vàng, bạn đời, bạn đường, bạn lòng, bạn trăm năm, bạn vàng, bạn nối khố, bạn chiến đấu, bạn lý tưởng, bạn văn nghệ, bạn thơ văn, bạn đọc v..v..

Khi bạn cần một người để sưởi ấm trái tim tình cảm của mình, bạn thích “tìm bạn bốn phương” qua sự trung gian của báo chí, của các dịch vụ phụ trách việc kết bạn cho bạn với một lệ phí nho nhỏ.

Gần đây, nhờ sự phát triển của kỷ thuật điện toán, quý vị nào thích dạo trên mạng lưới toàn cầu để tìm bạn để đấu hót, để học hỏi, để chia sẻ tâm tình thì bạn sẽ có thêm những người “bạn ảo” trong cõi ảo “internet” mịt mù nữa. Bây giờ có nhiều người tham gia vào các mạng lưới xã hội Facebook, Tik Tok, Instagram v..v…để kết thêm bạn, đa số là những người trẻ.

Riêng người viết, thật là “nhà quê” vì không tham gia vào các mạng lưới này. Tôi vẫn còn e ngại sẽ vướng bận thêm những điều phiền toái khác, mặc dầu đã được mời gọi tham gia nhiều lần. Người xưa thường bảo “lắm đa mang, nhiều phiền não” là thế. Chúng ta bớt được chuyện nào hay chuyện đó.

Theo Thánh Kinh, Thượng Đế khi thấy ông Adam sống cô độc một mình buồn quá nên Ngài bèn lấy cái xương sườn của ông Adam mà tạo ra bà Eva để ông Adam có bạn chuyện trò cho vui.
Như vậy, có thể kết luận: Bạn là một thực thể rất cần thiết trong đời sống con người, phải không Bạn?
Mèn ơi, nói chuyện về Bạn thì đã có rất nhiều danh nhân trí giả đã để lại nhiều “lời hay ý đẹp” liên quan đến hai chữ “Tình Bạn” này.

Danh ngôn Đông Phương đã có những câu như sau:

“Tứ hải giai huynh đệ”
Khổng tử

“Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh hót ta là kẻ hại ta”
Tuân Tử

“Có ba hạng bạn hữu ích: Bạn ngay thẳng, bạn thật thà, bạn học vấn uyên thâm”
Nho Giáo

“Không phải tất cả những người cười với anh đều là bạn, cũng không phải tất cả những người làm anh bực mình đều là kẻ thù của anh”
Ngạn ngữ Mông Cổ

Danh ngôn Tây Phương đã có những câu như sau:

“Hãy cho biết anh giao du với những ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”
Cervantes

“Tôi yêu những gì đã cũ: bạn cố tri, thời gian xa xưa, nếp sống cũ, sách cũ, rượu lâu năm”
Goldsmith

“Tình bạn làm niềm vui tăng gấp đôi và nỗi khổ giảm đi một nửa”
Francis Bacon

“Cách duy nhất để giữ bạn bè là không bao giờ mắc nợ họ một tì gì và cũng chẳng bao giờ để họ mắc nợ mình một tí gì”.
Paul De Kock

Mời bạn xem
Youtube Tình Bạn Trong Đời
Cảm ơn anh GiaLộc Ng nhé.

Mời quý bạn xem Board Bạn Cũ Trường Xưa Và Board Bạn Tôi và Tôi trong website Pinterest của người viết, bạn sẽ thấy mình thấp thoáng trong đó. Smile!

1-Bạn Cũ Trường Xưa 122 Pins

2- Bạn Tôi và Tôi 50 Pins

Mời Bạn đọc tâm tình của người viết khi nhớ đến bạn hữu ngày xưa qua bài thơ dưới đây:

Xin Nhớ Đến Nhau

Bao mươi năm qua đã là dĩ vãng
Bạn bè xưa còn lại được bao nhiêu
Tóc xanh xưa nay đã nhuốm bạc nhiều
Mắt đã đục vì khói đời phiền não

Chúng ta khổ vì chén cơm manh áo
Chúng ta buồn vì tử biệt sinh ly
Chúng ta đau vì chẳng giúp được gì
Cho Đất Mẹ khi nhà tan, nước mất

Rồi lưu lạc nơi xứ người xa ngất
Như bầy chim tan tác cõi trời xa
Lìa quê hương, lìa bạn cũ, mẹ cha
Xa trường cũ, thời thư sinh áo trắng

Giờ gặp lại, tóc anh tiêu muối trắng
Chị mỉm cười, dáng mệt mỏi hơn xưa
Ngồi bên nhau tìm lại chút hương thừa
Của kỷ niệm tuổi học trò nhí nhảnh

Đời tử biệt sinh ly ta khó tránh
Giữ cho nhau chút tình cảm thân thương
Mai kia này, dù vạn nẻo đường trường
Xin một phút nhớ đến nhau, Bạn nhé!
(Sương Lam)


Mời xem Youtube Xin nhớ tìm nhau /Thơ:Sương Lam
Ảnh Thơ và thực hiện Youtube: Trinh Huỳnh

Cảm ơn anh Trinh Huỳnh rất nhiều.

Thật là một phúc duyên khi bạn có được người bạn tri âm tri kỷ. Tuy nhiên, theo thiển ý, dù là bạn thật hay bạn ảo, bạn trăm năm hay bạn văn nghệ, chúng ta cần phải sống hết lòng với nhau phải không bạn?

Xin mượn bốn câu thơ dưới đây để làm kết luận cho bài viết hôm nay:

Trăm năm trước ta nào biết
Trăm năm sau có gặp lại hay không
Sự đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau.
(Kinh nhà Phật)

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 720- ORTB 1151-7-15-24)

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Biển Ơi Có Nhớ - Nhạc & Lời: Vũ Lương Đúng - Ca Sĩ Vũ Khanh



Nhạc & Lời: Vũ Lương Đúng
Ca Sĩ Vũ Khanh

Đối Cảnh Vô Tâm

 

Thơ & Trình Bày: Minh Lương

Thân Thương

 

Cô bạn Trưng Vương viết cho tôi:
“Mày là một trong vài người bạn,
tình bạn dài hơn nửa thế kỷ...
mà mình chẳng “oải” nhau!”

Wow! Hơn nửa thế kỷ rồi sao?
Đến hơn nửa đời người
Tôi mới biết, mới nhận ra
Ai là bạn mà tôi thương quý nhất!
(trong những người học cùng ở Trưng Vương)
Tôi nói với cô điều này
Chiều hôm qua, tôi nói thêm lần nữa

Tôi có khá nhiều bạn học cùng
Mỗi cô hợp với tôi ở điểm này điểm nọ
Tôi thường thương tụi nó bằng nhau
Cô bạn này từ đệ thất đến đệ tam
(lớp 6 đến lớp 10)
Lúc học chung không thân
Khi qua Mỹ gặp lại, thân hơn!

Chỉ nhớ mãi nó dễ thương, không ỏng ẹo dỗi hờn
Lớp 8 tôi chập chững biết yêu, nó ngây thơ
Lớp 9, lớp 10 vẫn “ngây thơ zô shố tội” 
Nó hay gọi nguyên tên:
“Quách Như Nguyệt, Quách Như Nguyệt”
Trước cổng trường, những giờ không có giáo sư, được nghĩ
Tôi thoải mái, vô tư, không để ý
Tôi vốn hay “take things for granted”
Lại mơ màng, lãng mạn thích yêu đương

Híc híc, “đầu tư” nhìu zào tình yêu trai gái
Trãi qua nhiều khổ đau ngang trái,
mới hiểu ra, mới nhận biết được ra
Lúc nào tôi cũng chậm chạp mà
Nhưng khi “ngộ” ra rồi thì biết chắc
Có được một người bạn như mày
Diễm phúc lớn, lớn nhiều đó nhỏ
Cảm ơn mày đã hiểu, đã thương
Tao really appreciate!

Trân quý nhiều!
Thương mày nhiều lắm nhỏ.

Như Nguyệt

July 20th, 2024

Đọc Thơ Người Phế Binh



Thơ người tôi cứ buồn lây!
Tình đâu lây lất mà xây xát tình.
Chữ người nuôi giữa điêu linh.
Lòng người miểng đạn trăm nghìn.
Cứa đau. Tháng tư đục máu, đỏ ngầu!
Vết thương trần thế khoét sâu tận nguồn.
Đung đưa, chân mất chân còn.
Biển xanh réo gọi vọng buồn. Lặng. Im.
Rạc rày kiếp nạn nhận chìm
Thế thân trầm tích liệm, dìm âm hao.
Mười mươi năm, một nỗi đau.
Một đời cô quạnh. Một sầu riêng mang.
Mẹ kiếp! Lịch sử sang đàng!
Bẽ bàng huyệt mộ. Ngỡ ngàng khăn tang.
Rốt cùng, tận nghĩa phũ phàng
Với tan tác đó và tàn tạ đây.
Bốn mươi năm lẻ, lạc bầy!

Cao Vị Khanh



Chăn & Người Ai Sưởi Ấm Ai?


Câu chuyện thiền trứ danh, nghe nhiều lần nhưng vẫn không nhàm dù tôi đã viết về chủ đề này rồi.

Trong một ngôi chùa cũ nát, điệu (chú tiểu) chán nản thất vọng nói với sư cụ: “Trong cái chùa nhỏ bé ni chỉ có hai thầy trò chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là điệu con hoang. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm.”

Điệu phàn nàn tiếp: “Hôm ni con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Từ Đàm chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như thầy nói, con e chỉ là trong tâm tưởng.”
Sư cụ khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, điệu cứ nói và cằn nhằn liên miên….

Cuối cùng sư cụ mở mắt từ bi hỏi: “Bây chừ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”

Điệu bận cằn nhằn quên cả lạnh. Bây giờ nghe Thầy nhắc toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”
Sư cụ nhẹ nhàng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi.” Hai thầy trò vội tắt đèn chui vào trong chăn ngủ.
Một giờ sau, sư cụ hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”
Điệu trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ trong lò sưởi vậy!”
Sư cụ nói: “Lúc nớ, chăn bông để ở trên giường là lạnh, rứa răng khi có người nằm vô lại trở nên ấm áp. Con thử noái thử coai, có phải là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”

Điệu nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Thầy thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!”
Sư cụ hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm chi?”
Điệu suy nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái.”

Trong bóng tối, Sư cụ hiểu ý cười cười: “Chúng ta là thầy chùa tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc nớ, “cái chăn bông” dày tê cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp răng? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được răng?”

Điệu nghe xong liền bừng tỉnh ngộ.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, điệu đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Điệu cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng điệu vẫn luôn luôn giữ vững thái độ hòa nhã và cư xử lễ độ với mọi người.

Lần lần, điệu chiếm được cảm tình của nhiều người. Họ cúng dường cùng hỏi pháp, điệu đối đáp nhã nhặn trôi chảy làm mọi người mến mộ.
Rồi như thế, trong lúc hạ san hóa duyên hàng ngày như thường lệ, bỗng nhiên, điệu ngạc nhiên khi thấy mọi người cung kính vái lạy gọi ngài là thầy thay vì chú tiểu như ngày hôm qua. Họ cùng rủ nhau lên chùa cúng dường và yêu cầu ngài thuyết pháp.

Tiếng tốt đồn xa, nhiều hòa thượng lẫn khách thập phương ở mọi nơi lủ lượt rủ nhau lên chùa nghe thuyết pháp, càng ngày càng đông đảo, cảnh chùa trở nên nhộn nhịp hẳn lên.


Mười năm sau…

Chùa Từ Đàm đã trở thành ngôi chùa rộng lớn với nhiều tăng lữ cư ngụ để tu hành, có diện tích hơn ngàn dặm, không ngớt khách quan, nhiều người phú quý, quan quyền nườm nượp đi hành hương, tới để nghe pháp, thăm viếng, và cúng dường tài vật.

Chú điệu năm trước cũng đã trở thành vị sư trụ trì, thay thế thầy mình đã già yếu, hai thầy trò thường đăng đàn thuyết pháp được nhiều người ngưởng mộ.
Cái mong muốn đầy vị tha của hai thầy trò, biến ngôi chùa nhỏ bé nghèo nàn “thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt” cho mục đích cao cả, ưu tiên phục vụ chúng sinh đã thành đạt nhờ cách chỉ điểm nhẹ nhàng tế nhị của lão hòa thượng mà tiểu hòa thượng tiệm ngộ chuyển được tâm bồ tát trong lúc hóa duyên.
Tâm mình thay đổi làm thay đổi tâm người.

Thiết tưởng, lão hòa thượng không cần phải nhắc nhở tiểu hòa thượng cái nguyên lý đó nữa vì bây giờ điệu đó là sư trụ trì, đại hòa thượng, đức cao trọng vọng của ngôi chùa Bồ Đề, thịnh vượng, to lớn nhất trong vùng.

Hơn nữa, đây là lẽ đương nhiên của lý nhân duyên thầy trò mà lão hòa thượng đã thấy trước từ tiềm năng sẳn có của người học trò trẽ, duy nhất của mình. Lão hòa thượng chỉ là hướng dẫn đạo sư độ tiểu hòa thượng qua sông để tiểu hòa thượng trưởng thành hoành dương Phật Pháp, trước là tự độ mình sau là độ nhiều người.

Kỳ thực, tất cả chúng sinh đều đang trùm “bồ đề tâm chăn” nhưng vừa nhắm mắt nằm run rẩy, vừa phàn nàn là cái mền này không đủ ấm trong bóng tối lạnh lẻo của vô minh. Khi ta dụng “tam muội chơn hỏa” để sưởi ấm chăn bông phật pháp thì cái mền kỳ tâm đó cũng sẽ giữ hơi ấm thân tâm ta từ âm u, lạnh lẽo của vô minh.

Cho nên, trước là tự tâm đắp cho chính mình cái chăn (mền) chánh pháp với tâm bố thí rồi tu hành và giảng pháp để hoành dương và bảo vệ Phật Pháp đó là mục đích tối thượng của kẻ tu hành.
Đó là ý nghĩa của “Trước nguyện ‘cứu độ’ chúng sinh, sau là mong được an tâm tu thành Phật để tự cứu độ mình lẫn hướng dẫn chúng sinh.” Chứ không phải ngược lại như ta thường nghe giảng, trái ngược với tâm pháp.
Tuy nhiên, thành Phật không cứu độ được chúng sinh mà chúng sinh phải tự độ bằng phương pháp tục diệm truyền đăng, bất đáo bỉ ngạn.

Cứ nằm lì bên ni rồi bên nớ sẽ đến bên ni. Không cần đáo bỉ ngạn bên ni vì bên ni không có thể trở về lại bên ni được?
Hơn nữa, trùm chăn nớ, không đi mô cả thì làm chi có chuyện đến bên nớ?

Trên phương diện khoa học, phải biết hiện tượng mất nhiệt (heat loss, bố thí), trao đổi nhiệt độ (heat exhange, tu hành và giảng pháp) để mà giữ nhiệt (tục diệm, hoành dương và bảo vệ Phật Pháp). Đó là hạnh bố thí, càng cho nhiều thì càng nhận nhiều. Đó cũng là lý nhân quả, luật đồng thanh khí, luật rung động (law of vibration,) luật hấp dẫn (law of attraction) trong vật lý.

Ngủ đắp chăn cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết cái lý tương quan của pháp giữa vật và người này. Lòng bồ đề, tâm bồ tát thể hiện trong tâm ta như là hơi ấm trước sưởi ấm chúng sinh sau giữ hơi ấm cho chính ta vì ta cũng chính là chúng sinh trong cõi ta bà này.

Tuy nhiên, người Phật Tử cũng phải biết lý nhân duyên đó, cái tương quan sưởi ấm, soi sáng mật thiết giữa pháp và chúng sinh, vật và người, tâm và thân trên cõi đời này nó như điện như ảo, quá vô thường để mà bám víu vào một trong những kiếp nhân sinh đầy tạm bợ này.

Tương tự, cái chăn bông (không phải chăn điện) đó cũng như cái tâm chúng sinh, ta đang nằm trong tâm người khác mà tưởng như chính là tâm của ta. Khi ta dụng tâm đi sưởi ấm tâm người thì tâm đó cũng sẽ giữ ấm cho tâm ta.
Nhưng “tâm ta” có thật sự là “tâm ta” hay tâm ta cũng là tâm chúng sinh?
Nếu câu trả lời “là đúng như vậy” thì tất cả những sách vở, kinh sách miêu tả về “tâm ta” đã mô tả rõ ràng, và đầy đủ rồi cứ thế mà tin, “tâm ta là tâm người” cũng như ta “sở hữu Ngã hóa, thân ta” vậy.

Tâm là tâm không có chuyện tâm chúng sinh, hay tâm ta.

Nói nghe dễ ợt vậy mà cả mấy ngàn năm rồi với cả rừng kinh sách nhưng đến ngay bây giờ cũng chả mấy ai thật sự biết rõ bản lai diện mục của tâm là cái gì để an ấm tâm.

Tâm này đây có phải sở hữu riêng của một cá nhân nào để tìm ra... mà tới với mớ tâm sự ngổn ngang và ngồi tâm tình với tâm mình, rồi bình tâm để nghe tâm lòng đang thổn thức, nóng lạnh, hay tâm này đang ngừng đập?

Ta đang nằm trong tâm mền hay là tâm lòng ở trong chăn ta?
Ta không biết là ta sưởi ấm tâm hay tâm sưởi ấm ta, tâm cần ấm hay ta cầu ấm?

Công án chăn mền chỉ giúp tiểu hòa thượng tiệm ngộ cái lý nhân duyên, sự liên quan thực tế và tối cần thiết giữa thầy chùa và khách thập phương.

Mong rằng “Ngôi chùa ngàn gian,”thịnh vượng của chùa không động lòng trần của hòa thượng. Trái lại, “tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt” đã làm hòa thượng đốn ngộ.

Kinh Kim Cang đã cảnh tỉnh: Không nên trụ vào những vật chất vô thường đó mà động tâm.

Lê Huy Trứ


Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chôn Hay Hỏa Thiêu?


Gởi các bạn già,

Mọi người gọi tôi là thầy Đồ, gọi thế có nghĩa là biết tôi biết chút đỉnh chữ Nho và am tường đôi chút về Âm dương Ngũ hành Bát quái.... vì nó có trong Kinh Dịch để giải thích về vũ trụ quan của người xưa. Tôi cũng biết ít nhiều về kinh Phật qua văn chương và qua cuộc sống thực tế nông thôn Việt Nam, nơi mà tôi lớn lên từ nhỏ. Tôi cũng thuộc it nhiều kinh Phật vì tôi học chữ Nho với một ông Thầy Chùa ở quê tôi. Nhưng ...

Tôi chỉ say mê nghiền ngẫm về Âm dương Ngũ hành như là một cách lý giải về những vật chất chung quanh ta, như Ban ngày là là Dương, Ban đêm là Âm, mặt trời là Dương, mặt trăng là Âm, đàn ông là Dương, đàn bà là Âm.... và vật chất quanh ta là do Ngũ Hành: Kim , Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mà thành, và Ngũ Hành cũng ứng với Ngũ Tạng là Tâm, Can, Tì, Phế, Thận.... Cũng như tôi rất tâm đắc về luật Nhân Qủa của nhà Phật, như câu kệ:
" Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ gỉa thị. Dục tri lai thế qủa, kim sinh tác gỉa thị 欲知前世因,今生受者是. 欲知来世果,今生作者是 ". Có nghĩa : "Muốn biết cái Nhân của kiếp trước, thì hãy xem sự thụ hưởng của kiếp nầy ( Ví dụ: Kiếp trước ăn ở nhân đức, nên kiếp nầy được giàu sang vinh hiển). Còn Muốn biết cái Qủa của kiếp sau, thì hãy xem việc mà ta đang làm ở kiếp nầy ( Ví dụ : Kiếp nầy ta ỷ giàu hiếp đáp người nghèo khó, thì kiếp sau sẽ là ăn mày...).
NHÂN 因 là Cái hạt giống, QỦA 果 là Cái Trái do hạt giống đó sinh ra. Nên ta nói " Gieo nhân nào thì gặt qủa nấy ". Phật giáo và Nho giáo gặp nhau ở điểm nầy. Hồi nhỏ đọc Minh Tâm Bửu Giám thấy có câu:

Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu. 種豆得豆,種瓜得瓜。
Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu 天網恢恢,疏而不漏 !

Có nghĩa:

Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt !.

Tôi mê những văn thơ có liên quan đến Phật giáo, như :

Phù thế còn nhiều duyên nghiệp qúa,
Lệ lòng mong cạn chốn am không.
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt,
Quên hết người quen chốn bụi hồng!
(Jean. Leiba.)

hay như trong Kiều:

Cho hay giọt nước cành dương,
Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
.........................................
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi?!

Tôi chỉ thích và kính trọng những ông Thầy Chùa gầy gò khổ hạnh giỏi chữ Nho ở thôn quê, nơi tôi ở hồi nhỏ, và ....
Tôi ghét cay ghét đắng những ông thầy chùa mập mạp, phốp pháp, lên xuống xe hơi... ở thành phố; mấy ông Thích Đô La nầy hễ mở miệng ra là phải cúng dường... cúng chiếu đủ thứ! và ...
Tôi rất ghét những nghi thức mà họ cúng bái vong linh người chết, kinh của họ đọc, ngoại trừ những câu tiếng Phạn như: "Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đa da, đát điệt tha, án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha..." không biết là nghĩa gì?! và cũng không biết là họ đọc có đúng không?! Họ đọc tầm bậy cũng chẳng ai biết gì!!! Thế thì ĐỌC ĐỂ LÀM CHI ???!!!

Còn những câu chữ Nho, thì vài ông thầy chùa lớn tuổi còn đọc đúng, chớ các ông tre trẻ thì đọc... tùm lum tà la hết trọi! Như câu: " Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt, Phu thê nghĩa trọng DÃ phân ly 父母恩深終須別 夫妻有義也分離 " thì họ đọc thành " DẠ phân ly 夜分離 " nghe kỳ cục hết sức! Vì câu trên có nghĩa:

" Cha mẹ đối với ta có ơn sâu, nhưng rốt cuộc cũng phải tử biệt. Vợ chồng nghĩa nặng, nhưng cuối cùng CŨNG phải phân ly."

DÃ PHÂN LY 也分離 là " Cũng phải chia ly ". Họ đọc thành DẠ PHÂN LY 夜分離 là " Ban đêm mới phân ly ", làm thể như ban ngày họ còn ngủ chung với nhau được vậy!

Nhưng dù đúng dù sai, thì cũng chỉ là những lời nói sáo, như : " Bạch ngọc giai tiền văn diệu pháp, huỳnh kim điện thượng lễ Như Lai 白玉階前聞妙法,黃金殿上禮如來 ( Trước thềm ngọc trắng nghe đạo pháp huyền diệu, Trên điện vàng ròng lễ bái đức Như Lai ). Chúc thực kiền thành, chư tang quyến thành tâm hiến dâng phạn cúng 祝食乾誠,諸喪眷誠心獻奉飯供".(Chúc... mời ăn một cách thành khẩn, các người trong tang quyến tất thành tâm mà hiến dâng cơm cúng nầy lên).

Nghi thức cúng vong linh, nhưng đâu có vong linh nào biết ăn biết nghe, người sống nghe cũng điếc con ráy luôn, mời "ăn cơm" mà nói "dâng phạn"!. Khi sống thì không có tu hành gì cả, chùa cũng không có đi, nhưng khi chết rồi lại phải quy y, có Pháp Danh hẵn hoi. Thiệt tức cười hết sức ! Người chết thì cũng đã chết rồi, còn làm cho tốn kém mà chi ? Tiền Nhà Quàn, tiền Thầy cúng, tiền tẩn liệm, tiền hoa quả nhang đèn, vòng hoa các cái.... trên một chục ngàn đô. Nhưng sau đám tang bỏ hết ngoài mả cho chuột tha. Có người còn "cắc cớ" làm khổ con cháu bằng những lời trăn trối hết sức "Cà Chớn" :" Khi tao chết, tao muốn về Việt Nam để nằm gần mồ mả ông bà cho ấm cúng !". Nói một câu nhẹ nhàng, con cái tốn ba bốn chục ngàn đô như chơi, chưa kể đứa có ý kiến nầy, đứa ý kiến khác, đứa có khả năng, đứa hổng có dư tiền, cải nhau ỏm tỏi, rồi đâm ra giận hờn nhau không thèm nhìn mặt nhau luôn sau khi cha mẹ đã chết. Thế mới khổ chứ !!!....

Nên, tôi dặn con cái tôi trước rằng, khi ba chết, các con làm thủ tục chuyển từ nhà xác sang nhà quàn xong thì ngày hôm sau cho hỏa thiêu liền, khỏi phải quàn lại làm lễ cúng bái gì cả, làm rùm beng nằm đó chỉ bực mình thêm thôi, chết mà không được yên thân đó. Thiêu xong thì... bỏ luôn đi, đừng có hốt tro cốt gì cả, để ở nhà thì ô nhiễm trong nhà, tội nghiệp con cháu, rải xuống biển thì ô nhiễm biển, tội nghiệp cá tôm. Còn để ở trong chùa thì phải nghe mấy ông thầy chùa đọc kinh tầm bậy tầm bạ càng bực mình hơn, mà lại phải tốn tiền nữa, thôi thì bỏ phức cho rồi! Khỏi phải thờ phượng gì cả, ở Mỹ nầy nhà cửa bít bùng, có đốt nhang được đâu mà thờ phượng!
 
Các con có nhớ ba thì treo một tấm hình ở phòng khách hay ở đâu đó cũng được. Đến ngày giỗ ba thì cứ nấu một mâm cơm rồi anh em xúm lại ăn uống họp mặt cho vui, đó cũng là cái cớ để anh em có dịp họp mặt nhau cho thân mật; cũng có thể mời thêm vài người bạn của ba tới dự cho vui cũng được. Ở Mỹ nầy, ba có được mấy người bạn đâu, và có được mấy người rảnh rổi để đi điếu mình đâu, làm đám ma đám tang làm chi cho tốn kém vô ích! Mua đất mua cát, xây mồ xây mả tốn kém đâu phải ít, nhưng sau đó con cháu chưa chắc có thời gian và có nhớ, có rảnh để hằng năm phải đi cúng mả không?! Chỉ tạo thêm phiền phức cho con cháu sau nầy mà thôi! Nên ba chối rất thật tình, rất thực tế, không có lẫy hờn gì cả!

Quý bạn già thân mến,

Tại quý bạn gợi ý, nên tôi sẵn đà tâm sự cho vui, mong là không làm phiền và mất thời giờ của Quý Vị!

Thân mến,
Đỗ Chiêu Đức
2016

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Hạnh phúc - Nhạc Và Lời: Nguyên Bích - Guitar: Thiên An - Ca Sĩ: Vân Châu


Nhạc Và Lời: Nguyên Bích
Guitar: Thiên An
Ca Sĩ: Vân Châu

Hoàng Hôn Muộn

 

Thả lời lên đỉnh núi cao
Bình minh ấm áp câu chào tinh mơ
Bình yên thanh thản đợi chờ
Hoàng hôn muộn gửi tình thơ học trò

Vũ trụ bao la lắm đó!

Chỉ một người vò võ nhớ thiết tha
Níu trăng tâm sự thôi mà
Sao vô tình quá trăng tà lặng im

Bao thu đóng cửa buồng tim

Mặc tình thế giới góc riêng khóc thầm
Ô hay lòng dậy sóng ngầm
Bão tình sao chẳng một lần nổ tung

Mang bao mảnh vụn nhớ nhung

Đắp trái tim vỡ lạnh lùng nửa kia
Lá vàng rơi mấy thu khuya
Vẫn không lấp kín dòng chia đôi bờ

Hồn riêng hiu hắt hoang sơ

Góp nhặt lại mảnh hững hờ vá tim
Soi trăng đáy nước đi tìm
Vớt lên nửa mảnh trăng chìm... luyến lưu.

Kim Oanh
Thu Melb.22.5.2024

Bóng Núi Che Ngang

 

Hỏi người mộng mị thành San
Khi mô thì khói sương tan cuối trời
Năm năm hay suốt cuộc đời
Vẫn hằng ấp ủ những lời thủy chung

Mỉm cười ước hẹn mông lung
Chỉ thêm huyễn ảo khiến cùng sót thương
Bao phen gió loạn mưa cuồng
Biệt nhau từ thủa sa trường nào xưa

Hỏi người ngày tháng thoi đưa
Tâm tư cũng tựa gió mưa cạn mùa
Bây giờ tưởng đã thiệt thua
Xem như bão táp đang đùa rỡn thôi

Thành San từ thủa xa người
Lá hoa thu biếc vẫn tươi sắc vàng
Người về hiu hắt theo sang
Mây chia bóng núi che ngang cuộc tình

Cao Mỵ Nhân
Hawthorne 25-10-2015


Xin Đừng

 

Xin đừng nói chữ ghen tuông
Chẳng qua thể hiện tình thương thôi mà
Có thương mới có mắm cà
Muối dưa hai bữa phở gà thưởng cho
Có thương mới được người lo
Có cà phê sáng làm thơ vui đời
Có thương mới được thảnh thơi
Vác cần dạo cảnh ngắm trời bình minh
Thương yêu là "một chữ tình"
Từ khi tuổi trẻ bên mình có ta
Giờ đây vóc hạc tuổi già
Càm ràm đôi chút chẳng qua dỗi hờn
Có thương mới giận mới buồn
Mới hờn mới nhớ mới thương tình già
Gừng cay muối mặn đậm đà
Càng dày ân nghĩa càng da diết nhiều
Đời người còn được bao nhiêu ?
Hãy thương hãy quý hãy yêu đậm đà
Bên trời chỉ có đôi ta
Đôi chim liền cánh còn ta với mình......!

Ngư Sĩ

Đường Vào Tình Yêu...*


TẢN(thần)
 Ca dao-sông quê nước chảy đôi bờ 
Để anh chín dại mười khờ thương em 

Đã hứa với mình từ rày sẽ thôi buồn rồi nghĩ đi nghĩ lại thấy đời đúng là... vui thiệt! Đã dặn dò mình phải vui mà nghĩ tới nghĩ lui rồi lại thấy đời đúng là không có gì phải... buồn! Chắc tại vì... “hoàn cảnh”. Tôi lại lậm vào cái tiếng lóng thịnh hành trong những xóm ăn chơi của Sài-gòn xưa. “Vì ... hoàn cảnh”. Mấy chữ nghe ra rõ ràng là... “sến”. Ờ mà nếu cuộc đời này không “sến” thì còn có gì đáng để mà dài dòng văn tự. Nội cái tựa đề mượn của một nhạc sĩ rất nổi tiếng nghe ra cũng đã... “sến” không thua gì mấy mục gở- rối-tơ-lòng trên những tờ nhật báo bày bán đầy đường thuở đó. Vã lại, chuyện gì thì còn nghi ngờ chớ chuyện yêu đương thì... “sến” là cái chắc. 

Nhưng tại sao? Tại sao lại dám hồ đồ như vậy. 
Vậy chớ không phải sao. Thử nghĩ coi, trong cái cõi đời vốn dĩ rất phiền nhiễu này, ai xúi đâu không biết mà tự dưng rồi a thần phù nhảy xổm vào cái cõi mù mù đó. Không ai xúi. Cũng không ai ép. Mà rồi tự động đút đầu vô tròng. Rồi là kêu rêu than thở. Xuân Diệu-Chưa biết tên nàng biết tuổi nàng mà sầu trong dạ đã mang mang. Từ hồi nào thì không chắc. Nhưng chắc nhất là từ khi có chữ viết cũng như khi bày ra được mớ giấy má để ghi ghi chép chép lại ba điều bốn chuyện đã xảy ra, từ bên tàu qua tới bên tây, bên nào cũng hô hoán lên cho được rằng thì là... yêu là chết ở trong lòng một ít! Lại cũng ông Xuân Diệu. Hổng tin chúi đầu vô mấy bộ lịch sử dầy cộm kể lể chuyện đầu đuôi của từng dân tộc qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước coi. Hổng nhiều thì ít, dân tộc nào cũng đầy rẫy chuyện chết chóc, bên cạnh những chuyện chết chóc chính thức được ghi chép cẩn thận trong những trang chính sử, còn có những chuyện chết chóc vì... yêu, dù không được chính thức thống kê nhưng vẫn có đó. Có đó ngay từ khi có một sinh vật có tên gọi là ... con người. 

Đừng nói đâu xa. Ở ngay cái xứ Việt nhỏ xíu, nằm choi loi bên bờ Nam hải, vào thời lập quốc, hỏi thử tổng cộng có được bao nhiêu ông bao nhiêu bà. Vậy mà rồi cũng kể lể những chuyện tình éo le, trầy trật... tới nỗi hết biết giải quyết sao cho yên bề nên đem cái chết ra hù dọa. Hổng yêu lầm yêu lộn như Tân Sinh với Tân Lang trong chuyện Trầu Cau đến nỗi bỏ mạng cả ba thì cũng yêu lỡ yêu trật tới bị cha chém chết như kiểu Mỵ Châu. Bà chết rồi thì tới lượt ông cũng đâm đầu xuống giếng mà chết theo. 
Vậy mà có cấm cản được ai đâu, cái thứ tình yêu gập ghềnh như mấy nhịp cầu tre lắt lẻo. 

Ngay cả ông Nguyễn Công Trứ, bậc đại trượng phu của xứ Đại Nam ta mà có lần cũng đã phải kêu lên cái-tình-là-cái-chi-chi. Hổng biết là chi-chi mà vẫn quả quyết dẫu-chi-chi-thì-cũng-chi-chi-với-tình. Hết biết. Mà tại sao khi không lại lọ mọ mò vô chi cái con đường-có-trăm-lần-vui-có-vạn lần-buồn đó cho nó lu bu rồi kêu rêu! Bộ không có con đường hai chiều nào xuôi ngược, vô ra vui buồn công bằng hơn sao? Ai bắt, ai biểu, ai xúi, ai đòi? Hay hỏi theo kiểu vỗ về ai dụ, ai dổ, ai khều, ai ghẹo? Ai biết! Mà biết rồi làm sao khi cá-đã-cắn-câu-biết-đâu-mà-gở! Có cưởng lại được đâu nà, cái tiếng gọi vô thanh, vô âm, vô cớ, vô cầu... Hể tới lúc tới là tới, một chớp mắt, một tích tắc, một sát na... ai biết! 
Mà có biết cũng... bó tay chịu trận. Kể cũng lạ. Mà đâu phải mình mình... Số là cũng y như đám đồng loại loi nhoi lúc nhúc trên cái mặt đất buồn hiu này, có lúc -nhiều lúc- tôi cũng đã nhắm mắt nhắm mũi dấn thân trên con đường có trăm-lần-vui-có-vạn-lần-buồn đó. Để đến bây giờ, sau khi đã phờ phạc gần cả một đời, bỗng có lúc ngồi không rồi buồn vẩn buồn vơ, thả cái đầu vốn đã nặng trình trịch vì đủ thứ chuyện lớn nhỏ cho đã rồi lắm khi lại dấn ngược vô mấy nẻo quanh co đó mà lý sự... cùn.

Nói vậy có nghĩa là có lúc tôi cũng đã lâm vào hoàn cảnh... yêu và bị-yêu! Mà khi người ta đã yêu rồi – ai biểu!- thì y như Kinh Kha qua sông Dịch sang Tần. Hổng chết thì cũng bị thương. Bởi vì... đường vào tình yêu thì có-trăm-lần-vui có-vạn-lần-buồn y như ông nhạc sĩ đó đã có lần đồng thiếp giải bày. Chẳng biết ông ta đã yêu đương giận hờn ghen tức ra sao mà ông ta nói chắc như đinh đóng cột. Đường vào tình yêu hẵn còn trắc trở hơn cả sạn đạo dẫn vào đất Thục. Nhiều ngàn năm trước, Lý Bạch đã phải hô hoán lên Y hu hy. Nguy hồ cao tai. Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên. Cũng chẳng biết trời cao tới đâu mà nghe vậy ai nấy cũng muốn... thối lui. Có điều là núi mà có cao cách mấy thì cũng phải có lúc hết cao vì... hết đá. Mà trời cao cách mấy ngó lên tới đâu thì cũng vẫn thấy... trời. Nghĩa là vẫn còn có giới hạn. Đằng này, ông nhạc sĩ đó lẫm liệt hơn nhiều, không núi chập chùng không trời vời vợi chi cả: đường vào tình yêu chỉ có trăm lần vui mà có tới vạn lần buồn !(sic) Điệu này, hết có đo đạc tính toán luôn. Bởi vì ba cái vụ vui buồn yêu thương hờn giận thì có ai bẻ thước mà đo được lòng người. Thiệt vậy, có ai đo được cái vui cao mấy trượng, nặng mấy cân. Cũng như cái buồn có ai đo được nó rộng mấy sông, nó sâu mấy vực. Vậy mà đường vào tình yêu, ô hô, vui chỉ có trăm lần mà buồn thì lại vạn lần. Lại nữa, cái vui vốn thường ngắn ngủi mà cái buồn thì lại dài lê thê. Hổng tin đi hỏi anh chàng Kim Trọng coi ra sao cái vụ bộp chộp mê gái giữa đường giữa xá. Nguyễn Du-Sầu đong càng lắc càng-đầy. Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. Nói theo kiểu mấy ông tàu già khi xưa thì là Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Một ngày không thấy mặt nhau dài bằng cả ba mùa thu gộp lại. Ghê chưa. Nghe vậy ai mà không hoảng vía. Khổ nỗi, hoảng vía mà sao lại lắm kẻ đâm đầu vô! Từ cổ chí kim, đã có không biết bao nhiêu cái vụ nhào vô rồi há miệng kêu rêu. Nhẹ như thơ thì cỡ Sonnet d’Arvers mà Khái Hưng đã dịch là lòng ta chôn một khối tình, tình trong giây phút mà thành thiên thu, tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu, mà người gieo thảm như hầu không hay. Ý là chưa được cầm tay kềm chân gì ráo trọi. Chớ lỡ hơn một lần cọ quẹt thịt thà thì thôi khỏi nói. Cở như ông vua Tự Đức ngự ở ngôi cao chín bệ mà cứ đòi đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi khi Bàng phi đã hết thở! Rồi tới cái đám thế nhân lục lục thường thường cũng không thoát được con đường tình... lụy. 

Mấy ông ghe cào ghe lưới gì đó ở miệt Rạch Giá Cà Mau vốn coi sóng biển như pha mà lỡ lọt vô biển sóng tình rồi là ôi thôi lụy tới... não nùng. Tôi ở Hòn Khoai chạy về hòn Đá Bạc, tôi trương bườm chạy lạc tới hòn Nhum, gặp lão tiều đốn củi lum khum, tôi hỏi ông lão chớ não nùng tại ai. Thảm chưa! 
Vậy hổng chừng sửa thơ Lý Bạch cho đúng điệu nòi tình. Y hu hy. Ái đạo chi nan. Nan ư há địa phủ. Ôi cái tình là cái chi chi ... Thử nhớ lại coi. Thời mới lớn. Chiến tranh còn xa đâu lắm, đâu tận mấy miệt rừng núi gọi tên nghe lạ hoắc. Thành phố còn như một ốc đảo bình an. Đang sống ngon ơ, thở hít khí trời miễn phí, đi đứng lơ ngơ, nhìn ngó lờ mờ, coi đời không đáng ba đồng xu lẻ, tóc tai bỏ hoang như rừng-chưa-thay-lá, quần ống loa vừa đi vừa phe phẩy như hai vành tai voi, áo sơ-mi phạch ngực hứng trọn bộ gió chướng gió nồm, môi miệng nếu không bận với ba-đồng-bốn-điếu-Ruby thì hở ra là phát thơ Đinh Hùng như sấm truyền làm-học-trò-không-sách-vở-cầm-tay-có- tâm-sự-đem-nói-cùng-cây-cỏ... 
Cái tuổi mới lớn, con cưng trong nhà, ra đường cứ tưởng như ai cũng cưng theo, ai nấy đều chìu chuộng muốn gì được nấy. Vậy rồi khi không lại đi chuốc... họa vào thân! Số là, khi khổng khi không bỗng có gì... lạ lẫm. Hoặc là tim đập giựt ngược. Hoặc ú ớ như cà lăm. Cái gì không biết cái chi mà sao thấy như có... cái gì! Cái gì là cái gì? Vẫn ông Xuân Diệu, đại khái kiểu như làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu. 

Thật ra, ông cũng chỉ nói lòng vòng theo kiểu... làm thơ chớ hổng phải kiểu... làm thầy thuốc. Chỉ có cái kết thúc là ngon lành Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì. Eurêka. Đúng vậy đó. Ờ giống y vậy đó. Một thứ cảm xúc-cảm giác-cảm tưởng lạ lạ quen quen. Quen quen mà là lạ. Kiểu như gần đây ở bên cái xứ Việt ta kêu là ... tàu lạ vậy đó. Rõ ràng là tàu của đám Tàu cộng trào qua cướp cá cướp nước mà cứ ra rả là... tàu lạ cho đành. Mà thôi, chuyện của nhà nước để cho nhà nước... no. Trở lại truyện-chúng-mình theo kiểu của ông Nhất Tuấn mà đỡ khùng khịu hơn bội phần. Dù lắm lúc cũng vật vã không thua gì trúng gió. Dĩ nhiên hội-chứng-lâm-sàng(?!) không hẵn là giống nhau nhưng ảnh hưởng trên tâm thần và thể xác cũng phải kể là hao hao. Ai nấy tự dưng rồi trở nên... lính quýnh, quờ quạng, vụng về... mỗi khi giáp mặt với người-lạ. Có người thất thần thấy rõ. Cái đời đang ăn ngon ngủ kỹ dưng không rồi như nổi sóng. Sóng nầy không phải như sóng thần vổ ì ầm. Không, vổ nhè nhẹ thôi. Mà vổ hoài vổ hủy. Thân xác đang mạnh cùi cụi khi không rồi như thấy lao đao. Ngày cũng như đêm. Sáng trưa chiều tối. Đi đứng nằm ngồi, ra vô tới lui, mọi thứ mọi điều, đều như có lao xao sóng vổ. À, cái đó người ta gọi là sóng tình chăng? Mà điều, gọi thì gọi vậy chớ thử cắc cớ hỏi... vậy chớ sóng tình nó tròn méo ra sao, có nhọn lễu như sóng lưỡi búa hay vổ bể ghe xuồng hay không thì chắc cũng khó có câu trả lời chính xác! Vậy mà thiên hạ xưa nay cứ khăng khăng hai chữ ... sóng tình. 

Làm như sóng tình là một cái gì có ... thật. 
Mà có thật ... thiệt! 
Hổng tin, thử đem cái lứa tuổi 16, 17 ... gái trai bất kể lên bàn mổ mà giải phẩu coi. Bảo đảm, hết chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần trăm ít nhiều gì cũng có phần bầm dập vì bị sóng tình nó vật tới ... liêu xiêu. Mà hỏi nó vật ra làm sao thì chắc cũng chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần trăm nạn nhân sẽ... ú ớ! Làm sao mà tả, mà khai đây. Có cái gì ra cái gì đâu. Vậy mà bỗng chốc mọi thứ, từ mỏng mảnh như lá cỏ đọng vết sương mai, vệt mây hờ vắt ngang con trăng mười sáu tới cơn mưa trái mùa làm hụt buổi đón đưa, từ hạt bụi ven đường bốc theo khói xe sặc sụa làm lung linh vạt áo-ai-trắngquá-nhìn-không-ra... từ những chút xíu vô nghĩa của đời sống bỗng dưng trở nên cái-gì-đó hữu tình đến nỗi cứ vướng vất lại hoài trong cái đầu vốn trống trơn như chiếc thùng phuy không đáy. Đến những chuyện vốn dĩ đã là yếu tính của cuộc tình thì thôi khỏi nói, nó ray rứt, móc méo, nhằng nhện như mấy cái vòi bạch tuộc. Nửa miệng cười mím khi tóc rối chưa úa màu trăng cũ, ngực cao nguyên vời vợi nắng ban mai... mỗi mỗi đọng lại trong người như hình sương bóng khói, lãng vãng vật vờ... kiểu như ma ám trong chuyện liêu trai. Chỉ khác chút ở chỗ gái hồ ly chỉ được ông Bồ Tùng Linh cho hoạt động lúc tối trời. Còn ở đây, thì thả dàn, sáng trưa chiều tối... Vậy rồi, rủi may chẳng rỏ, thằng con trai mới lớn và đứa con gái dậy thì, bên trong không biết ra sao chớ bề ngoài thì khác nhau một trời một vực, vốn chẳng dính dáng gì nhau khi không rồi xáp lại... rồi nghéo tay dắt díu nhau vào lối ... cụt. Vậy đó, chẳng ai nợ nần gì ai, mà rồi bỗng chốc như đã nợ nhau đâu từ một kiếp nào xa lơ xa lắc. Ờ mà cái thuở đó, ở cái xứ mà ông Khổng Tử còn là ông-thầymuôn-thuở, mọi chuyện yêu đương cứ như chuyện 007 không bằng. Hẹn hò lén lút lấp la lấp lửng... không thua gì đám làm gián điệp bây giờ. Thư tình thì cất giấu trong tập vở rồi kêu nhau cho mượn. Giữa đám đông mà đối mặt thì cũng giả bộ người dưng. Hẹn hò thì toàn kiếm cái chỗ...no man’s land... Mà điều nói vậy chớ kể ra cũng còn đỡ tủi hơn cái kiểu theo ông Phạm Thiên Thư lẽo đẽo sau lưng cô nàng Hoàng thị ...


 Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
..................... 
Anh đi theo hoài 
Gót giày thầm lặng 
Đường chiều úa nắng 
Mưa nhẹ bâng khuâng
 ...................... 
Hè sang phượng nở 
Rồi chẳng gặp nhau 
Ôi mối tình đầu Như đi trên cát 
...................... 

Ngộ hông? 
Ai biểu, ai xúi, ai bắt, ai ép uổng gì ai đâu! 
Nợ nần gì mà đeo đuổi vô vọng vậy? 

Trở lại với những cuộc tình thời mới lớn, dính vô rồi là rối rắm như tơ nhện... Cuộc đời vô sự trở nên hữu sự. Lắm khi nguyên do mù mù mờ mờ đến nỗi ai đó ngoài cuộc sẽ chẳng bao giờ hiểu nỗi. Mà cả người trong cuộc lắm khi cũng chẳng hiểu gì ráo. Cái kiểu nguýt háy, ngún nguẩy, hờn mát... rồi khóc đó cười đó... vốn vẫn là những bí hiểm như công án thiền. Có đó mà không có đó. Mất đó rồi lại có đó. Y như cái tuổi mới lớn vui buồn giận hờn chớp nhoáng chẳng biết đâu mà lường. Vậy mà có thiệt. Có thiệt như mây vần vũ trên trời mà mấy ông tàu già hồi xưa đã cảm thán gọi là ... vân cẩu. 
Khổ cái là nếu mọi sự hanh thông như đại lộ một chiều thì chắc chẳng có ai nói tới nói lui làm gì. Nếu con trai con gái lớn lên tới tuần cặp kê –hiểu nôm na là cặp kè, rồi y như đã được chỉ định đâu sẵn, xáp lại với nhau, rồi dắt díu nhau ra trước bàn thờ ông-bà-cửu-huyền-thất-tổ mà lạy tới lạy lui, rồi hè nhau động phòng hoa chúc rồi sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường ... thì chắc chẳng có chuyện gì cho người đời lải nhải. Khổ nổi, y như một ông nhà văn tây phương nào đó đã có lần phán một câu xanh dờn khi định nghĩa hai chữ hôn nhân, đại khái hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết ngàn trang mà nhân vật chánh ngã ra chết tốt ngay từ trang đầu. Hết chuyện! 
Thành ra, nếu chuyện đôi lứa mà xuôi chèo mát mái thì thiệt tình có ai thèm nói tới. Bởi vì có chuyện gì đáng chuyện gì đâu mà nói. Ngoài cái chuyện nhủn nhẳng nhùn nhằng, lê thê lếch thếch... Văn chương chữ nghĩa nghệ thuật sẽ mất mát biết bao nhiêu, những tuyệt phẩm trần gian. Và mặt đất này sẽ khô cằn vì thiếu hụt biết bao nhiêu là ... suối lệ. 
Đằng này, không phải vậy. 
Không phải vậy cho nên có chuyện mà nói hoài, nói mãi, nói cho tới bây giờ.
Trải qua hai ngàn không trăm hai mươi ba năm nay, mà còn lâu hơn vậy nữa, và mênh mông tới độ từ tây sang tàu qua ta ... chuyện ái tình trai gái, đàn ông đàn bà, tới nay lại thêm nửa-ông-nửa-bà, cứ tiếp tục được nhắc tới, nói qua nói lại không biết mệt. Chẳng những nói mà còn viết thành truyện, dựng thành tuồng, quay thành phim... Rồi làm thơ -5 chữ, 7 chữ, 6-8 chữ, hầm bà lằng chữ-, đặt nhạc-hết Boléro tới Rumba sang Slow Rock...- , vẽ vời, phim ảnh ... Hết mọi ngành nghệ thuật vốn là phương tiện để làm đẹp một đối tượng đã vận dụng hết mọi phương cách để ... làm đẹp ... một chuyện tình... lỡ. Rõ ràng, cái hay nói, hay nhắc, hay kể, hay hát hò ... đều là cái thứ dở dang, trái gió trở trời, nửa đường đứt gánh, khóc lên khóc xuống nước mắt ngắn nước mắt dài ... Cái kiểu tình yêu giữa chừng rã đám! Cái thứ tình yêu mà đường vào chỉ có trăm lần vui mà lại có tới vạn lần buồn! 

Ờ, tán thêm chút coi có đúng không, câu phát ngôn xanh dờn đó. Làm bài toán sơ học thử coi ra sao. Vạn là muôn. Muôn là mười ngàn. Như vậy rõ ràng là vui chỉ có trăm lần mà buồn thì tới mười ngàn lần. Trời, yêu đương chi mà lỗ lã tới vậy. Lỗ nặng nữa. Vậy mà mấy ông mấy bà mấy cô mấy cậu, lắm khi còn non như nụ tầm xuân, lắm khi đã chín rệu như lá mùa thu đã úa vàng quá lứa... vẫn cứ lao đầu vô như bị ma dẩn lối quỷ đưa đường tìm ngay những lối đoạn trường mà đi vậy. Ngộ hông? Ngộ thiệt, ba cái chuyện tình... trật vuột! Sách vở –hay chỉ rỉ tai kể lể, từ mấy ngàn năm nay, toàn là mấy kiểu tình dở dang, nghĩa là toàn chuyện thất bại, thua thiệt, có trăm lần vui mà có tới vạn lần buồn. Thử kê khai vài ba tên tuổi nổi tiếng nhất vì... buồn nhất. Tây tà thì Tristan với Iseult... rồi Roméo và Juliette... rồi Don Rodrigue cùng Don Chimène trong Le Cid của Molière... v.v... và v.v... v.v... và v.v... 

Cho đến những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, sau khi phong trào Hippy đã lan nhanh và rầm rộ còn hơn mấy nàng cô-vít bây giờ, khắp nơi trai gái đeo hoa kết tụi đầy mình và hè nhau make-love tưới sượi để kêu đòi not-war ỏm tỏi, vậy mà tới năm một chín bảy mươi, cuộc yêu đương lở dở giữa anh con nhà giàu Oliver và nàng Jennefer của Eric Segal trong Love Story vẫn còn làm chảy không biết bao nhiêu là nước mắt của đám thiên hạ... rảnh rang. Truyện Tàu thì ôi thôi kể sao cho xiết. Chuyện Ngưu Lang Chức Nữ là một điển hình. Độc địa nhất là cho yêu nhau rồi bắt xẻ hai, mỗi người một ngã. Phải vậy rồi thôi, lâu ngày cũng quen. Đằng này lại cứ đem cái tình ra nhử nhử, mỗi năm cứ đến mùng bảy tháng bảy lại bày điều sai quạ bắt cầu để hai đương sự gặp lại nhau. Gặp nhau kiểu đó thì có khác gì bày trò cho lụt lội thêm nước mắt tủi hờn ... Ác thiệt, cái ông Ngọc Hoàng! 

Việt ta cũng không kém phần bi lụy với chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương. Ngày xưa có anh Trương Chi Ngươì thì thậm xấu hát thì thậm hay -chẳng những xấu trai mà còn nghèo mạt hạng. Mỵ Nương con gái lầu tây -chẳng những tuyệt thế giai nhân còn là con nhà quyền quí. Vậy đó mà đem lòng yêu nhau cho đành. Cái tình là cái chi chi? 
-( Mấy ông Hy Lạp xưa nghĩ ra cũng thâm thiệt, đem giao cho ông con nít tánh tình lý lắc có tên là Cupidon, xách cung tên đi rình rình bắn lung tung, trúng ai người nấy chịu ... yêu đương. Phải vậy thôi, đằng này lại bịt mắt ông con nít, thành ra ông nhỏ giương cung bắn tứ tung, trúng ai nấy... yêu. Lần này, hai mũi tên trúng nhầm hai người có hai nhân dáng và hai vị thế khác nhau một trời một vực ) Mỵ Nương đem lòng yêu Trương Chi. 

Bộ ngu sao không yêu lại. Kết quả thấy rõ. Tình phụ, Trương Chi chết rồi thành chén ngọc. Mỵ Nương khóc. Nước mắt rơi xuống làm chén ngọc vở tan ... Thấy hông. Chuyện tình buồn mà truyền hết đời này sang đời khác. Còn mấy cái vụ phải đôi vừa lứa, như đã nói, ăn ở hành tỏi nhau tới rụng răng bạc đầu, con cháu cả đàn cả lũ... thì có mấy ai bỏ công mà soạn nhạc làm thơ dựng tuồng tích gì đâu. Nghĩ cũng lạ. Hoá ra người đời thích... thú đau thương chăng! Mà hể đã thích cái thú đau thương thì dù đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn, mà dù có triệu lần buồn đi nữa thì thế nhân cũng sẵn sàng lần mò vô cho được... buồn. Chắc tại cái buồn này nó khác cái buồn vì ... thi rớt, vì làm ăn lỗ lã, vì bị gạt gẫm, hay bị cướp nước... 
Hổng chừng thất tình không giống với thất bại, thất bát, thất tán... hay thất vọng, thất kinh... 

Dĩ nhiên chưa có ai đem phân chất thất tình coi nó tròn méo trắng đen mềm cứng... ra sao. Tuy nhiên, nếu nói đại hổng chừng người ta không sợ thất tình có thể vì thất tình dù sao cũng là một loại mất mát có thi vị. Hồi tiền chiến, ông thi sĩ Thái Can có lần đã phóng bút rằng thì là 

Anh biết em đi chẳng trở về 
Dặm ngàn liễu úa với sương che 
...................... 
Chẳng phải vì anh, chẳng tại em 
Hoa thu tàn tạ rụng bên thềm 
Ái tình sớm nở chiều phai rụng 
Chẳng phải vì anh chẳng tại em 

Thấy chưa, rõ ràng ái tình là một sản phẩm nguyên chất tinh ròng nhất của con người, vừa thực tế khít rịt vừa lãng mạn đến trào sóng, rõ ràng là biểu lộ cái phần rộng lượng, quãng đại, bao dung, hào phóng... nhất của con vật-người. Có sự quan hệ nào mà người trong cuộc sẵn sàng quên cái tôi-tự thân vốn muôn đời tự kỷ, bỗng dưng rồi quên mình mà vui buồn cái vui buồn của người khác. Coi đó, dẫu biết là người ta đã bỏ đi... chẳng-trở-về mà vẫn rổn rảng tuyên bố rằng thì là... chẳng-tại-em. Còn gì tốt bụng cho bằng. 
Trái hẵn với mọi thứ mất mát khác. Ngó thử lại đời coi. Lắm khi hao hụt có miếng bạc lẻ thôi mà gây ra không biết bao nhiêu cảnh ăn thua đủ... đến nỗi thua ăn gì cũng bẽ bàng. Mà đâu phải chỉ có vậy thôi. Dòm quanh dòm quất. Còn nữa. Còn nhiều lắm, những tình nhân… nồng như rượu cồn 90 độ. Còn ông thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ổng yêu đương tới nỗi gọi người yêu dấu bằng hai tiếng Ái khanh, nghe ra âu yếm và trang trọng không kém gì Đường Minh Hoàng gọi Dương Quí Phi. Vậy mà khi thất thủ tình yêu, ông có thù oán gì người ta đâu. Ông chỉ lo cân đong đo đạc lại con người mình 

Người đi một nửa hồn tôi mất 
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ 

Tới lượt ông Nguyễn Bính, người viết Hành Phương Nam ra điều khinh bạc không kém gì mấy tay hảo hớn đời Chiến quốc mà cũng ngâm nga nghe xuôi xị khi bị phụ tình. 

Tôi về gom hết ba thu lại 
Đốt hết cho cô khỏi thẹn lòng 

Những năm sáu mươi mấy, ở Sài Gòn có ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên làm thơ tình lỡ hết xẩy. Xa nhau ai lỗi ai phải cũng không biết lấy gì mà phán đoán. Chỉ biết nghe ông ta nói về cái chuyện phụ phàng mà thương 

sông không trách nước không về 
qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai 
chỉ xin sợi vắn sợi dài tóc 
mai nhắn gió thương hoài ngàn năm… 

Ôi tình yêu bao dung biết chừng nào! 
Rồi có lúc ông phán cho một câu Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng. Sầu khổ dịu dàng!? 
Thiệt tình đọc xong là muốn thêm đại vô một cái dấu hỏi và một dấu chấm than. Quá sức. Tuyệt cú mèo. Gánh lấy tai ương từ chuyện yêu đương mà nói là sầu-khổ-dịu-dàng. Sầu khổ rất dịu dàng. Thường thế nhân hay kêu rêu... buồn-muốn-chết hay buồn-thấy-mẹ hoặc nặng độ hơn nữa là buồnthấy-bà. Mà dẫu buồn có thấy gì đi nữa cũng là một tâm trạng không vui, thân xác nặng nề, tinh thần ủ dột... Nếu không tới đỗi vậy cũng hiếm có ai buồn mà thấy êm đềm, phơn phởn, nhẹ tênh... Vậy mà khi thất tình, thi sĩ kêu tên một nỗi buồn rất lạ. Sầu-khổ-dịu-dàng. Nghe như có tay ai vuốt tóc vỗ về, môi ai kề má thủ thỉ, những ngày có nhau... Mà phải vậy mới nói vậy. Có phải tình buồn là một thứ buồn... dịu dàng vì rằng đó là một nỗi buồn... êm ái, mỏng mảnh như sương khói, nhẹ hửng như tơ trời... vì rằng đằng sau nỗi buồn đó có một bóng dáng hồng nhan nào đó đỡ đần. Y như cột kèo chống đở cái mái nhà vậy đó. Một mái tóc nửa lưng, một nụ cười nửa miệng, một vòng tay nửa chừng, một nụ hôn lính quính đã có lần lén lút... Cái mớ hình sương bóng khói đó, quẩn quanh ở đó để độn đầy cho nỗi buồn trống không. Y như làm luận văn thì có hình thức và nội dung. Hình thức là cái hiển hiện ra ngoài. Còn nội dung là cái phần vô hình mà lại là cốt lõi. Y như hình bóng của ai đó, dẫu sao đi nữa vẫn còn đó và đang dang thân chống đỡ cho cả cái sầu thành lắm khi cao vời vợi. 

Kinh nghiệm thất tình đã có ai tế vi đến vậy chưa? Nhất ông! Chắc tại vậy, mà thiên hạ muôn người như một, dẫu biết hiểm nguy chực chờ vẫn cứ lao đầu vô như con bò mộng nhắm mắt nhắm mủi lao đầu vô miếng vải đỏ. Rồi dẫu có mất mát gì đi nữa thì rồi cũng sẽ là một nỗi... sầu-khổ-dịu-dàng! Chắc tại vậy, mà nhìn trước ngó sau, dẫu đường tình nó gai góc, lắm nỗi truân chuyên... mà trước sau, người thiên hạ cứ dấn vô, mở mắt dấn vô hay nhắm mắt dấn vô... một hai lần, vài ba lần, bốn năm lần gì chắc cũng... không bỏ công. Thế nhân vẫn nối đuôi nhau đều đều, đời sau tiếp đời trước, hàng hàng lũ lũ, đông tây nam bắc... có lúc nào ngưng đâu! Mà ngưng sao được... đường vào tình yêu nó đẹp dù có gai góc. Vậy chớ bông hồng không đẹp sao dù gai góc cùng mình. Ngay cả nước mắm ngon cũng phải dầm thêm miếng ớt. Cay ít cay nhiều thì cũng vẫn là nước mắm. Cùng lắm là hít hà chảy nước mắt vậy thôi. Làm trai làm gái, ai mà không muốn nếm thử cho biết mùi... tình.
Hơn nữa, đã có người còn nói rõ, rõ như hai với hai là bốn, rằng thì là tình yêu là một cõi... thiên thai. Cái cõi trời đất rặt một mùa xuân miên viễn, có suối đào nguyên thơm trái ngọt cây lành, có tiên nữ phụ diễn miễn phí, múa hát đàn ca không ngơi... Trong một bài thơ của ông Hồ Đình Phương có tên là ĐƯỜNG NÀO LÊN THIÊN THAI mà sau đó ông Hoàng Nguyên phổ thành bản nhạc có cùng tên: Một cặp tình nhân nào đó, đang lúc tình tự Ngồi bên anh em hỏi: 

Đường nào lên Thiên Thai 
Đường nào lên Thiên Thai? 
............................ 
Chàng ngó quanh ngó quất, lục lọi trong đầu rồi ... bí 
Anh ngập ngừng không nói 
Mà e ấp thở dài 
- Tìm đâu được Thiên Thai 
Mãi tới khi cô gái 
Em không buồn hỏi nữa 
Ngã đầu vào tay anh 
Mắt rớm lệ long lanh... 
Thì anh con trai, như ngộ thiền 
Ôi mắt bồ câu đẹp 
Màu xanh như Thiên Thai 
Kìa đường lên Thiên Thai! 
Rồi cả quyết 
Hãy nhìn anh giây lát 
Cho anh tìm Thiên Thai 
Cho anh lạc vào tim ai... 

Rõ ràng, có phải qua tình yêu mà ông thi sĩ đã phát giác ra con đường dẩn lên cõi... thiên thai. Đó là thơ 5 chữ, vần điệu còn nhẹ nhàng, từ tốn. Qua tới tay ông nhạc sĩ thôi khỏi nói, ông đổi tông mạnh, dồn dập, dứt khoát... không kém gì Archimède khi tìm ra được định luật sức đẩy của nước Nhưng rồi nhìn trong đôi mắt đẹp, Lòng chợt vui như say; Kìa đường lên Thiên Thai, Kìa đường lên Thiên Thai Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây, Tiếng nhạc êm lẫn tiếng thơ say, Đưa hồn anh lạc vào tận tim ai. Rõ ràng vậy đó, không yêu đương cũng uổng, phải hông. Thiên thai có giống mấy cái resort tout inclus-bao trọn gói-không thì chưa rõ. Nhưng biết chắc theo lời của thi sĩ và nhạc sĩ, thì tình yêu quả là cõi... thiên thai. Vậy nên thiên hạ đổ xô vào cõi tình cũng có gì là lạ đâu. Kể cả lắm người đi tìm tình yêu mà lạc lối, thay vì tới thiên thai lại lộn đường lọt tuốt xuống... suối vàng !!! Bởi vậy, bây giờ nghĩ lại thấy còn sống sót qua mấy bận lênh đênh trên cái biển tình vừa sóng gió vừa không bờ không bến thì phải kể là may mắn hết nói. Chớ chẳng phải tài trí hay vai năm tấc rộng thân mười thước cao gì ráo. Hổng thấy sao, Từ Hải mà còn chết đứng giữa trận tiền vì mấy tiếng ỉ ôi của người tình vốn từng lỡ bước chốn lầu xanh. Chưa kể đến anh thợ chài Vọi cũng bỏ mạng vì ... thất tình... lầm với cô gái con nhà giàu đi nghỉ mát ở Sầm Sơn theo lời kể của ông Khái Hưng trong truyện Trống Mái... Có biết bao nhiêu nạn-nhân-tình-nguyện của cái chữ TÌNH quái ác ! Thôi vậy, để nhờ người khác nói giùm hổng chừng sít sao hơn chăng... Từ những năm 70, ông Diên An có làm một bài nhạc... để đời. VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG. Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào. Chẳng nợ nần gì nhau, hãy để hồn ta bay cao ... Đường tình vừa xa, xác thân đau rã rời. Nhưng một lần này thôi để rồi từ đây yên vui. Cuộc đời buồn tênh nên lẻ loi tìm đến. Ta cám ơn tình nhân đã dìu ta đến mộ phần. Là Là Là Mi Sol Mi Mí Đô Là. Là Mì Là La La Rê Mi Sol Mi Đô Đô Đô ... Nghe rồi muốn phê là sến hay phán là sang cũng được. Chẳng sao hết. Cái chỗ muốn nói là cái câu cái chữ. Và tấm lòng người viết nhạc. Nội cái tựa thôi nghe ra là đã muốn rướm nước mắt. Đời người ta hẵn là không ít lần bị... thương. Hổng đứt tay thì cũng trầy chưn. Nhẹ thì xuýt xoa rồi đè ra xức thuốc đỏ, nặng chút thì rên rỉ rồi chở vô nhà thương băng bó. Mấy cái vụ đó suốt một cuộc hiện sinh hổng ai là hổng có. Đằng nay không phải vậy. Đằng này là... cuối cùng. Vết thương cuối cùng. Thứ thương tích hết thuốc chửa, không rỉ máu mà lại trí mạng. Độc địa ở đó. Huyền nhiệm cũng ở đó. Giống y như chơi dao vậy đó. Lỡ tay chút là tự mình cứa tay mình. Đổ máu mà không đổ thừa ai được. Giống y như... thứ chuyện yêu đương. Lâu rồi có ai đó đã nói : tội lỗi chỉ xảy ra khi có hai người. Cũng như yêu đương thì phải có cặp. Một mình mình thì lấy gì mà yêu. Tiếng Việt ta xưa có chữ nghĩa hay lắm. “Yêu” hổng cho nói là yêu mà nói là “phải lòng nhau”. “Phải” ở đây có nghĩa là hạp, là vừa vặn, vừa khít, là ăn khớp... Ví dụ như “phải điệu” có nghĩa là đúng điệu, y bon, không thừa không thiếu... Ôi chữ nghĩa xưa diệu kỳ biết bao nhiêu! Hai cá thể yêu nhau-nói theo kiểu ông bà xưa-là hai người phải lòng-nhau. Mà phải-lòng-nhau như đã nói là vì vừa ý, vừa lứa, vừa cỡ nên dồn cụt lại, bên thừa bù bên thiếu vừa khít, đúng y bon như chỉ là Một. Chữ chở nghĩa tận tình, chẳng những tượng hình mà còn hiện thực biết bao nhiêu! Như vậy đó, rõ ràng cho hết cải cọ. Yêu là từ “hai” biến thành “một”. Mà đã là “một” rồi, thì còn đổ thừa đổ lỗi gì cho ai được nữa. Phải hông? Dù “một” đó vốn chính là “hai”. 

Đã như vậy rồi, có lần ông Tản Đà còn bồi thêm cho rõ hơn nữa. Có lần ông nói Mình với ta dẫu hai mà một. Ta với mình dẫu một mà hai. Đúng phóc. Dẫu là ổng làm thơ tự vịnh, nhìn mình trong gương mà đối chứng. Nhưng hồng chừng cũng có thể sang đàng áp dụng vô đây. Rõ ràng khi con tim có biến cố thì phải có cặp đôi lắm khi cặp ba, cặp tư... hổng chừng. Tuy nhiên nếu đúng-điệu-tay-chơi thì từng cặp một phải nhận ra cái phát giác rụng rời đó. Chẳng qua “mình” mà có “phải lòng” (yêu) ai là bởi tại vì “mình” ăn khớp với ai đó, mình khế hợp với ai đó... khít khao tới nỗi y như biểu tượng âm dương lộn lạo mà mấy bậc minh triết đã phán “trong âm có dương” và ngược lại. Nói theo kiểu phàm phu thì là trong “mình” có “ta” và trong “ta” có “mình” vậy. Khi đã lọt vô tròng rồi thì trước sau trên dưới gì cũng là... mình. Thủ phạm với nạn nhân rồi ra chỉ là... một, kể cả khi gọi là bị ... dụ dỗ- ngoại trừ khi tuổi tác chênh lệch quá đáng. Tại “mình” xúi “mình” yêu “mình” chớ có ai mà ép “mình” đâu. Đã vậy rồi còn oán hờn chi cho con nít nó khi. Kết luận: tình yêu không có đổ thừa. Ta-cám-ơn-tình-nhân-đã-dìu-ta-đến-mộ-phần. Nghe rồi muốn vổ đùi như Kim Thánh Thán khi bình Tam Quốc chí mà hô tuyệt tác... Tuyệt tác! Ta-cám-ơn-tình-nhân-đã-dìu-ta-đến-mộ-phận. Chưa bao giờ tôi cảm được cái xảo diệu của ngôn ngữ nghịch lý (paradoxe) như khi nghe câu hát này. Nó rên rỉ mà nó dứt khoát. Răng thì muốn nghiến trèo trẹo mà lời từ biệt thì nghe ra biết mấy lượng bao dung. Nó minh bạch mà nó ẩn tàng. Nó khô khốc mà ràn rụa. Nó ngọt như đường phèn mà chát ngầm như hủ hoa chưa hầm với thịt. Kiểu như cười mà miệng mếu. Kiểu như khóc mà khóe mắt khô rang. Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào. Vết-thương-đau-ngọt-ngào. Ông Diên An quả là một người tình tuyệt diệu. Ta-cám-ơn-tình-nhân-đã-dìu-ta-đến-mộ-phần. Có nghe ra không, cái giọng âu yếm mà ẩn nhẩn hết mức khi bỏ nhau, ngọt lìm lịm dù môi lưỡi có đắng nghét. Khi yêu nhau là mang đến cho nhau ơn nghĩa. Thì khi xa nhau, sao lại bạc nghĩa cho đành. Còn có gì đẹp hơn nữa giữa cõi đời ô trọc nầy! 


Nghĩ vậy rồi, lâu lâu tính sổ bộ đời thấy quả nhiên đời này y như đã nói, vui hết sức, kể cả thất tình. Có tình mà mất há chẳng khoái hơn cái kiểu vô-duyên đến nỗi đối-diện mà bất-tương-phùng sao. Ít ra thấy mình cũng có giá. Đường vào tình yêu dẫu có là sạn đạo mà có bạn đồng hành vẫn hơn là thui thủi “bát phố” Lê Lợi một mình chiều thứ bảy, hai tay đánh đàng xa tới oải mà chẳng có một bờ vai hay một vòng eo để “thư giản”. Hơn nữa, nếu suông sẻ hổng chừng còn được khen là hiếu đạo, có công nối-dõi-tông-đường. Con đường mang tên TÌNH YÊU dẫu đi qua thong thả hay có xuôi ngược dãi dầu, vẫn là cái lối đi vui buồn rất hiện thực hổng hơn mấy cái cõi thiên đường nghe quảng cáo hoài mà chẳng thấy ở đâu. Kể cả nếu có lỡ trượt chân xuống địa ngục thì cũng được bảo hiểm là rất... dịu dàng. Ai đã từng qua đó mà không bị trầy trụa, hay dẫu có lê lết mà rồi vẫn tới được cuối đường, hỏi thử coi có đáng hông, dẫu vui buồn bất cập. Nếu hổng đáng sao có người sau khi tình tan rồi còn “xin được gọi thầm-gọi thầm thôi- tên nhau” như ông nhạc sĩ Trường Sa đã ghi lại trong một ca khúc có cùng tên. Hẵn vậy cũng là đáng công để thì thụt ra vô dù vui hay buồn? Mà vui hay buồn gì cũng đáng. Phải không? Còn hơn là thui thủi dặm trường, độc hành qua suốt cõi nhân sinh, trời ơi, buồn chết! Vive L’Amour! Viva El Amor! Long Live Love! 愛情萬歲! 

Vài mươi năm trước, ông Bình Nguyên Lộc hợp cùng ông Dương Trữ La viết một truyện dài đăng báo hằng ngày, có cái tựa dài ngoằn Ái ÂN THÂU NGẮN CHO DÀI TIẾC THƯƠNG. Truyện tích ra sao cũng không còn nhớ nữa. Chỉ có điều nội cái tựa thôi đã là một biện chứng hùng hồn cho sự ray rứt, rắc rối, rối ren, rơi rớt, rụng rời vì cái “sự cố” (?!) gọi là dang dở. Thôi thì, nhờ cái tựa dài ngoằn mà kết thúc bài viết không đâu ra đâu này, như một lời nhắn gởi. Gởi ra cho tới đủ bốn phương trời... 

Cao Vị Khanh 
* BUỒN TRONG KỶ NIỆM-TRÚC PHƯƠNG