Mở hội trần gian đón Giáng Sinh Nguyện cầu ơn Chúa đến sanh linh: “ Vợ chồng , chiến hữu luôn duyên phước Con cháu, rể dâu thắm đẹp xinh Vận nước mau qua cơn đại nạn Dân lành sớm hưởng ánh quang minh Quê hương rạng rỡ tình dân tộc Sông núi reo vang cảnh thái bình.” Lâm Hoài Vũ 12/12/2022
Hết lễ Tạ Ơn, tới Giáng Sinh Là người ngoại đạo, tôi vẫn tin Có Chúa Jesus ngự trên trời Hằng cứu khổ nhân gian trần tục. Nghe tiếng chuông Thánh đường thúc giục Gọi con chiên dự Thánh lễ đêm Tôi lâm râm cầu nguyện với Ngài: “Chúa ơi. Xin Chúa cứu rỗi cho nhân loại Dùng luật Trời trừng phạt Putin Buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh Cùng Ukrain chung sống hòa bình. Đuổi Covid, dẹp tan bịnh dịch Giúp nhân gian vui sống bình yên. Lạy Chúa. Xin Chúa nhậm lời con cầu nguyện”. A men.
Núi cao, mây xám, lá vàng Gió hiu hiu thổi mơ màng nhớ ai Thu xưa lạc lối Thiên thai Tay trong tay nắm, gót hài reo vui Hé môi đón những ngọt bùi Cô đơn chừng đã ngậm ngùi bước đi Mắt nhìn đắm đuối cuồng si Bâng khuâng những tưởng xuân thì hồi sinh Ơn Trời mình đã gặp mình Ơn đời mình đã thắm tình lứa đôi Tình yêu mình đã lên ngôi Tình yêu mình đã đâm chồi nở hoa Rồi nhiều thu đã trôi qua Tình ta vẫn mãi đậm đà dấu yêu Cùng nhau dạo bước những chiều Lá thu xào xạc sáo diều vi vu..
Những con sóng tạp nhạp quấy rối đám bèo trôi, Mây điên rồ che lấp sao đêm. Tối tăm (thay) con đường đi của người khách cô độc, Mênh mông (thay) mối tình (đối với) quê cũ.
Phỏng dịch thơ:
Bài Hát Đêm Đông
Sóng vỗ cánh bèo trôi, Sao khuya lụn tắt rồi. Đơn côi đường lữ thứ, Thương nhớ thuở nào nguôi.
Trần Văn Lương Cali, 12/2022
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Đêm đông, cánh bèo trôi giạt vẫn không được yên thân. Và le lói trên không một ánh sao hy vọng cũng bị đám mây cuồng điên che mất! Buồn thay, trên con đường đời tối tăm giờ chỉ còn thấy bóng một người lữ hành cô độc đang gửi lòng về cố hương. Hỡi ơi!
***
Dịch Thơ:
Bài Hành Đêm Đông
1-
Sóng đùa bèo dạt trôi Mây loạn lấp sao trời Lẻ bóng đường tăm tối Mênh mông đất nước vui!
2-
Sóng đùa bèo bọt dạt trôi Gió điên mây loạn sao trời lấp che Thân cô tăm tối đi về Mênh mông nước cũ, tình quê một thời!
_ Còn có gì để biện hộ chứ, cô ấy nói anh là chồng chưa cưới của cô ấy mà. Cô ấy còn nói tui mà léng phéng tới anh thì coi chừng. Thôi tui sợ lắm, anh về với cô ấy đi.
_ Nhưng cô ấy là ai mới được cơ chứ? Mà sao em lại tin cô ta, một người em mới chỉ gặp có một lần mà không tin anh. Thụy cười cười, lại ghen bậy đi cô bé.
_ Thì cô vợ chưa cưới của anh chứ ai. Niệm cong môi, cô Hằng, cô Ngô thị Bích Hằng ấy, anh còn vờ vịt. Không tin cô ấy sao được khi cô ấy nói rõ về anh. Anh về đi, tui không muốn gặp anh nữa.
Dứt lời, Niệm quay đi, bước như chạy vào nhà, cô không muốn Thụy nhìn thấy những giọt nước mắt đang trào ra trên khuôn mặt nhợt nhạt của mình. Nhưng Thụy đã nhanh hơn, anh kéo mạnh cô về phía mình. Niệm chới với ngã đổ vào người anh, Thụy vòng tay ôm lấy cô thật chặt:
_Đừng khóc nữa em, anh không yêu ai khác ngoài em đâu, tin anh đi. Đúng, anh có biết cô Hằng trước khi quen em. Cô ấy là con gái của người nấu cơm tháng, hàng ngày đem cơm cho bọn anh thế thôi, cô ấy chưa bao giờ là gì của anh hết. Từ lâu lắm rồi, kể cả trước khi biết và quen em, anh đã không còn gặp lại cô ấy và đã không nhớ cô ấy là ai nữa. Nào ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt anh nè xem anh có nói láo không?
Nâng cằm Niệm lên, Thụy nhìn sâu vào cặp mắt xinh đẹp còn đẫm những giọt lệ long lanh của cô, anh thì thầm:
_Ngày mai anh ra đơn vị rồi, anh sẽ nhớ em thật nhiều, yêu em thật nhiều, đừng giận anh nữa, đừng làm phí thời gian mình bên nhau nghe em.
Thụy cúi xuống, anh tham lam trên bờ môi mọng của người con gái. Niệm mềm người trong nụ hôn ngọt ngào ấy, cô quên mất vì sao mình đã khóc. Vòng tay qua cổThụy, cô hôn lại anh thật nồng nàn.
Có tiếng động ở ngoài cổng, cả hai quay nhìn ra. Hằng đang đứng đó, cô ta lại đến nữa. Niệm sững người, cô trườn mình thoát ra khỏi vòng tay của Thụy, nét đau đớn hiện lên trên khuôn mặt tái nhợt, cô nhìn anh và hét lên:
_Anh nói láo, tôi hận anh, tôi ghét anh.
Cô lao thật nhanh vào nhà, đóng sầm cữa lại, bỏ mặc Thụy đứng chới với ở giữa sân.
Đã gần một tháng nay, kể từ ngày hai đứa giận nhau, hôm nay Thụy trở lại đơn vị, Niệm không đi tiễn anh. Cô đang cố nhủ lòng phải quên con người sở khanh ấy đi, quên đi, không được nhớ, không được thương hắn nữa vì hắn đã lừa dối cô. Niệm có quên được Thụy không? Không cô không quên được anh vì mỗi lần nhớ đến buổi gặp gỡ với người đàn bà kia, cô lại nghĩ đến anh nhiều hơn dù là nghĩ để mà thấy hận anh, thấy ghét anh, ghét cái con người bắt cá hai tay này.
Hôm đó, cô đang ngồi học bài thì có tiếng chuông reo ngoài cổng, cô chạy ra thấy một người đàn bà ăn mặc diêm dúa, trang điểm lòe loẹt đang đứng chờ. Vừa nhìn thấy Niệm, bà ta hỏi liền:
_Cô là cô Niệm, Vy Niệm đúng không?
_ Vâng, Niệm hơi ngạc nhiên, Nhưng xin lỗi bà là ai, tôi không hân hạnh được quen biết bà.
Bà ta không trả lời câu hỏi của cô mà chỉ cười:
_ Cô không mời tôi vào nhà sao, ai lại để khách đứng ngoài đường như thế này bao giờ?
Niệm bối rối:
_ Ấy chết, xin lỗi, mời bà vào.
Cô mở cổng và tránh lối cho người khách bước vào.
Trong lúc Niệm lúi húi rót nước, thì bà khách lạ đi vòng quanh, quan sát. Tới trước tủ trà, bà ta cầm cái khung hình có ảnh của Niệm chụp chung với Thụy lên coi:
_ Đẹp đôi quá nhỉ! Đây có phải là cậu Thụy không?
_ Sao bà biết anh Thụy và sao bà biết cả tôi? Hình như chúng ta đâu có quen nhau?
Niệm thắc mắc. Bà ta nhìn Niệm cười cười:
_ Đúng, cô không biết tôi cũng phải, còn tôi lại biết rõ hai người, chuyện đó cũng không có gì là lạ, thôi để tôi tự giới thiệu cho cô khỏi phải suy nghĩ. Tôi tên là Hằng, Ngô Thị Bích Hằng, vợ sắp cưới của Thụy…
Làm như không để ý đến dáng vẻ thất thần, run run của Niệm, bà đột ngột đổi giọng ngọt ngào:
_ Ấy, đã mấy lần chị gặp anh Thụy chở em đi chơi, chị định ra mặt, nhưng sau suy nghĩ , chị lại thôi, vì trước sau gì anh Thụy cũng là chồng mình, cho anh ấy vi vút một thời gian trước khi lập gia đình cũng nên lắm chứ. Vả lại, chị cũng từng nói với anh ấy rồi, anh ấy cười bảo chị “Đàn ông mà em, nhất là những người lính, có lạng quạng với bao nhiêu cô bên ngoài trước khi lấy vợ cũng chỉ là để xả hơi, sau những lần hành quân về phép, chứ thương yêu gì. Vợ cái con cột bao giờ chả quý hơn những phường lang bang ấy.” Chị thấy anh ấy nói cũng đúng. sở dĩ hôm nay, chị đến đây nói với em điều này là vì chị thấy em còn quá trẻ, như em gái chị thôi, chị thương em, không nỡ thấy em quá sa đà, lâm vào đến lúc dứt ra không được thì khổ. Thụy không thương yêu gì em đâu, chỉ đùa cho vui thôi. Em còn trẻ quá mà, thiếu gì cơ hội lấy chồng, dại gì đâm đầu vào một người có vợ như Thụy. Em quên đi, nên quên anh ấy đi. Ơ kìa, em sao vậy, mệt hả, thôi chị về nhe, nhớ lời chị đấy, đừng để có gì chỉ thiệt thân thôi.
Nói xong, không chờ xem phản ứng của Niệm, bà ta te te đi ra cổng với với nụ cười thỏa mãn, sảo quyệt trên môi. Niệm ngồi đó mặt tái ngắt như một xác chết, hai tay ôm đầu, miệng lẩm bẩm;
_ Bà Hằng là vợ sắp cưới của anh Thụy, thật không, có thật vậy không? Anh Thụy có bao giờ nói với mình về người đàn bà này đâu. Nếu không có thật sao bà ấy lại tìm đến đây. Thế này là thế nào? Nhức đầu quá, Thụy ơi, em điên mất.
Chỉ còn một tháng nữa là đến Noel, Niệm đi lang thang trong vườn. Trời đang tối dần, những cơn gió hơi se se lạnh của những ngày mùa Đông Saigon, tuy không giá buốt nhưng cũng đủ để Niệm thấy rùng mình. Cô kéo nhẹ hai vạt áo, quấn chặt vào người cho ấm hơn. Niệm ngồi xuống chiếc ghế xích đu nơi mà lần nào khi Thụy tới chơi, hai đứa đều ngồi đây để ngắm sao và tâm tình. Hôm nay Niệm ngồi một mình, sao thấy cô đơn quá, lẻ loi quá. Cô lại nhớ về người ta rồi, nhớ một vòng tay ấm áp, nhớ nụ hôn nồng nàn trên môi, nhất là cái mùi đàn ông của người ta khi Niệm úp mặt vào vùng ngực vững chãi ấy.
_ Thụy ơi, em nhớ anh quá, làm sao em quên được anh, bây giờ anh đang ở đâu? Em nhớ anh, nhớ thật nhiều anh ơi.
Ánh sáng của những đóm hỏa châu vẫn cứ loang loáng rớt trong đêm như những dòng nước mắt trên mặt Niệm đang âm thầm chảy.
Hôm qua gặp Trâm ở trường Luật, Vừa thấy mặt Niệm, Trâm đã xổ một tràng dài:
_ Con khỉ gió, mấy hôm nay mày trốn ở đâu mà không đi học? Nhìn cái mặt mày tao biết ngay là mày đang thất tình, rúc ở nhà ôm trái sầu cô đơn phải không?
_ Sao mày biết?
_ Có gì mà không biết. Có mày ngu thì ráng mà chịu. Ai đời đi tin con mụ Hằng, mụ ấy nói bậy mà cũng nghe răm rắp để rồi làm khổ người yêu mình. Sao mày nhẹ dạ dễ tin người thế. À, mà cũng phải thôi, mụ Hằng là tay sừng sỏ, lõi đời, ca ve vũ trường mà, còn mày thì ngây thơ quá làm sao đấu lại mụ ấy. Đúng, mụ ấy mết anh chàng Thụy của mày lâu rồi, nhưng anh chàng đâu có thèm. Mụ hận nên phá mày thôi. Mày ngu sa vào bẫy của mụ ấy, với lại mày nghĩ mà coi, không lẽ ông Thụy của mày “gu” lại kém đến như vậy để chọn mụ cave này làm vợ à. Ối giời ơi, ngu gì mà ngu như bò vậy , sao lại dành ngu hết thế, không để chừa cho người khác người ta ngu với. Đúng là chỉ có mày thôi.
_ Thôi nhé, đủ rồi, chửi tao ngu như vậy đủ rồi.
Rồi trầm giọng xuống, vẻ ăn năn, Niệm tiếp:
_ Ai biết đâu đấy, thấy bà ấy cứ luẩn quẩn bên Thụy khi anh ấy về phép, lại còn nói là vợ sắp cưới của anh ấy nữa chứ, nên tao…ghen. Mày nói đúng, tao giận quá hóa ngu. À, mà làm sao mày biết được chuyện tao lục đục với Thụy?
_ Mày quên ông Thụy là bạn của ông Vinh nhà tao sao. Hôm trước khi trở lại đơn vị, ông ấy đến gặp ông Vinh, ổng có vẻ buồn lắm rồi trút bầu tâm sự, nhờ ông bồ tao nói tao đi tìm mày giải thích, nhưng mày trốn đâu mất biệt, đến tìm mày tại nhà thì chị dâu mày nói mày đi vắng, gọi phôn mày cũng không thèm nghe. Con này đúng vừa ngu, vừa cố chấp. Mày còn yêu ông Thụy không? Nếu còn thì phải biết làm sao rồi chứ? Ghen hả, cứ ghen đi, coi chừng mất bồ đó nha em. Nè, thơ Thụy gửi cho mày đây đọc đi.
Những lời thật tha thiết anh dành cho cô trong lá thư anh viết trước khi trở về đơn vị:
“ …Tại sao em lại không tin anh, anh không hề nói láo khi nói yêu em và chỉ mình em, ngày mai anh xa em rồi, hành trang theo anh cũng chỉ là hình ảnh của em, cô bé thích nhìn những bóng hỏa châu ấy, và một tình yêu nồng nàn anh dành cho em thôi, tin anh đi, anh yêu em thật nhiều mà , Niệm ạ….”
Niệm nghe cay cay trên bờ mi, thấy buốt nhói trong lòng. Nhìn sang phần ghế xích đu bên cạnh trống vắng, nó mới lạnh lẽo làm sao. Cô co hai chân lên ghế, ngối bó gối lại, nhìn những đóm hỏa châu chập chờn trên vùng trời xa xa và lắng nghe tiếng súng ầm ì từ một nơi nào đó vọng lại. Hôm nay hỏa châu được thả nhiều hơn, chắc lại có đụng độ lớn ở đâu đây.
_ Thụy ơi, đêm nay anh ở đâu, em lo cho anh quá. Em có điên không khi nói không tin anh, nói hận anh, nói ghét anh hả Thụy. Không Thụy ơi, em xin lỗi anh, em yêu anh, em tin anh mà, nhưng bây giờ làm sao em có thể nói điều này cho anh nghe đây. Bây giờ anh đang ở nơi khói lửa ngập trời ấy, sự sống chết không biết được, vậy mà khi anh về đơn vị, em đã không đi tiễn anh, em hư quá, em vô tình quá phải không anh, để bây giờ em ngồi đây mà nhớ đến anh, mà lo cho anh như thế này. Nhưng mà …Thụy ơi, dù biết anh không yêu bà ấy, mà sao hình ảnh bà ấy cứ như một mũi dao nhọn đâm vào tim em, đau lắm anh ạ.
Từng giòng nước mắt buồn cứ lăn nhè nhẹ trên khuôn mặt nhợt nhạt của Niệm.
Nhìn theo những bóng hỏa châu chao đảo trong đêm tối, rồi một vùng kỷ niệm của ngày nào lại chợt về khuấy động tim cô:
Niệm tựa người vào cái cột ở ngoài lan can nhà Trâm, để ngắm những chùm hỏa châu lung linh trên trời vào một đêm Giáng Sinh. Tiếng nhạc từ trong nhà vẳng ra nhè nhẹ. Niệm mỉm cười một mình:
_ Thật là thoải mái khi thoát khỏi đám ồn ào đó.
Nếu không vì nể Trâm là đứa bạn thân nhất của Niệm, chắc Niệm sẽ không dự buổi party này đâu. Đi party mà cu ky một mình kể ra thì cũng chán thật, nhưng mà đi với Thái, một cây si của cô ở trường Luật thì thà đừng đi còn hơn. Thái không có gì đáng chê cả, nhưng có lẽ vì Niệm không có có tình cảm với anh, nên cứ hễ gặp mặt anh là chỉ câu trước câu sau là cô kiếm cách chuồn mất.
Hôm nay Niệm đi một mình, ngồi mãi nhìn người ta nhẩy cũng chán, cô bỏ ra balcon, đứng lặng lẽ trong một góc khuất để ngắm những chùm hỏa châu vương vãi trong bầu trời đen thẫm. Không hiểu sao Niệm lại thích nhìn những đóm hỏa châu một cách kỳ lạ, dù rằng mỗi lần nhìn là mỗi lần buồn, vì hoả châu còn rơi là chiến tranh còn hiện diện, và chiến tranh thì đồng nghĩa với tang thương, mất mát. Một cơn gió thoảng qua, Niệm thấy hơi lạnh, cô rùng mình, đưa tay ôm hai bờ vai trần, xoa nhè nhẹ. Chợt một giọng nói trầm trầm, ấm áp vang lên phía sau lưng: _ Ở ngoài này hơi lạnh, cô khoác đỡ chiếc áo của tôi cho ấm.
Niệm quay lại bắt gặp một cặp mắt thật tình, thật đẹp trên một khuôn mặt rất đàn ông. Người đàn ông này, đang chìa về phía Niệm chiếc áo veste với nụ cười thân thiện. Niệm bối rối: _ Cám ơn anh, tôi… _ Cô đang lạnh, dùng đỡ thôi, tôi không cho luôn đâu mà từ chối. Rồi anh tự động khoác cái áo lên người Niệm: _ Thế này có phải là tốt hơn không, để bị cảm lạnh rồi về lại nhõng nhẽo với mẹ. Niệm không thể từ chối, cô đành nói: _ Cám ơn anh, đúng là hơi lạnh. À, sao anh biết tôi lạnh chứ? Anh ở đâu ra vậy? _ Tôi đứng ở đàng kia, thấy cô từ lúc cô mới ra kìa. Tự dưng thấy có người thích cô đơn, tìm nơi vắng vẻ như mình, nên tôi đã lén quan sát và bắt gặp được vẻ thích thú của cô với đám hỏa châu trên trời. Niệm có vẻ thẹn, cô cúi mặt tránh cái nhìn đăm đăm của người đàn ông: _ Bị nhìn lén mà tôi không hay, chắc lúc ấy tôi lố bịch lắm nhỉ? Thật xấu hổ quá. Anh ta cười cười vẻ láu lỉnh: _ Không, cô trông rất là dễ thương.
Không muốn tạo thêm cơ hội cho anh ta tán mình, Niệm đánh trống lảng: _ Ngoài này lạnh thật đấy, đưa áo khoác cho tôi anh không thấy lạnh sao? _ Lính mà, lạnh này nhằm nhò gì, những hôm đi hành quân trong rừng, trời mưa xuống, gió núi thổi đến còn lạnh hơn nhiều. _ À, thì ra anh là lính. Thảo nào… _ Thảo nào, làm sao? _ Thảo nào ga lăng và khéo nói quá. Anh là bạn của anh Vinh phải không? Anh Vinh xuất thân từ trường Võ Bị, chắc anh cùng trường với anh ấy? _ Tôi và nó cùng khóa. _ Tôi nghe nói dân Võ Bị ga lăng, hào hoa, phong nhã và bay bướm lắm. Gặp rồi mới thấy… _ Thấy sao? Sợ? Niệm cười: _ Dạ, không. _Mến? _ Dạ…chưa, nhưng phục vì chịu lạnh giỏi quá. Anh ta chợt cười lớn: _ Cô… gì đó, cũng khéo nói lắm đấy. Niệm cũng cười theo: _ Dạ, tôi là Niệm, Vy Niệm. _ Tên lạ đấy nhỉ, nhưng như vậy mới nhớ lâu chứ. Còn tôi là Thụy, Thụy chứ không phải quả thị, nhớ nhé. Niệm chợt buột miệng: _ Thị ơi, thị rụng bị bà…
Đang đọc tự dưng cô im bặt khi bắt gặp cái nhìn như thích thú của Thụy. Anh ta bỗng ghé sát gần cô, bằng một giọng thật nhẹ, thật tình tứ. Anh thì thầm: _ Thế nào, đọc tiếp đi chứ…Thị sẵn sàng rơi vào bị bà, à không trái tim của bà mới phải, đúng không Vy Niệm? Niệm đỏ mặt, cô lúng túng lấy cái áo ra khỏi người: _ Trả áo lại cho anh này, tôi vào trong đây. Thụy đón lại cái áo mà Niệm hấp tấp dúi vào tay anh, trước khi quay lưng bước nhanh như chạy vào nhà. Anh mỉm cười nhìn theo bóng người con gái mà anh biết chắc mình sẽ phải “khổ” vì cô bé này đây. Niệm vừa vào tới trong thì gặp ngay Trâm, cô ôm vai Niệm cằn nhằn: _ Con quái, mày biến đi đâu mà tao tìm mãi không thấy, tưởng mày chuồn rồi chứ. Rồi cô ghé tai bạn nói nhỏ: _ Đã bắt được anh chàng nào chưa, nếu chưa, tao giúp mày. Niệm đấm nhẹ vào lưng bạn: _ Nỡm ạ, lúc nào mày cũng đùa được. _ Không, tao nói thật, coi nào, cái anh chàng này đi đâu rồi nhỉ? Trâm quay nhìn dáo dác, chợt thấy Thụy đến sau lưng Niệm, cô reo khẽ: _ Đây rồi, anh Thụy lại đây Trâm nhờ một tí, để Trâm giới thiệu anh với cô bạn rất mignone và rất thân của Trâm nhe. Đây là…. _ Vy Niệm, Thụy cười, anh đã tìm thấy cô ấy trước Trâm nữa, anh giỏi không? Trâm lém lỉnh: _ Nhất anh rồi, vậy thì Trâm giao nó cho anh nhe, chăm sóc cẩn thận đó, có gì sơ sẩy là anh biết tay Trâm. Bây giờ Trâm phải qua bên anh Vinh, nếu không anh ấy lại giận cho mà xem.
Nói xong, Trâm nháy mắt với Niệm và nói nhỏ vào tai cô: _ Mày khéo chọn lắm, người hùng đẹp trai nhất tiểu đoàn của anh Vinh đó.
Không cho Niệm có phản ứng lại,Trâm nhanh nhẹn lách vào đám bạn đi mất để mặc Niệm đứng ngơ ngác, thẹn thùng bên Thụy: _ Ơ…ơ…Trâm này…
Căn phòng đang rực sáng với những điệu nhạc vui nhộn, chợt tối lại, chỉ còn ánh sáng mờ mờ, huyền ảo của những ngọn đèn mầu rải rác trên tường. Một điệu nhạc nhẹ, chầm chậm, da diết vang lên:
“Moulin des amours, tu tournes tes ailes Au ciel tes beaux jours, moulin des amours…”
Niệm đang loay hoay kiếm chỗ ngồi, chợt thấy một bàn tay nắm nhẹ cánh tay cô và giọng Thụy tha thiết bên tai: _ Niệm nhảy với tôi bản này nhe.
Không đợi Niệm trả lời, anh ôm nhẹ eo cô, dìu cô vào điệu nhạc quyến rũ, tình tứ. Niệm thấy mình như run lên trong vòng tay người con trai lạ, ánh mắt say đắm của anh không rời khuôn mặt Niệm, làm cô ngượng ngùng: _ Anh… Đừng nhìn Niệm như vậy… _ Em sợ? _ Không…nhưng kỳ lắm, Niệm không quen.
Vòng tay Thụy như xiết chặt hơn: _ Rồi em sẽ quen. Em có biết là em dễ yêu lắm hay không?
Niệm cong môi cười nhẹ: _ Hổng dám đâu.
Thụy ghé sát tai cô, khẽ hát theo bản nhạc: _ Dis moi, ma chérie, dis moi que tu m’aimes… _ Anh hát tiếng gì đó, tiếng Maroc hả, sao Niệm chẳng hiểu gì hết cả? Niệm chọc quê anh, Thụy mỉm cười, láu cá, anh thì thầm: _ Ừ, tiếng Maroc đó, có nghĩa là “ Anh yêu em” hiểu chưa? _ Không phải vậy đâu, hình như câu này Niệm biết đó, nó có nghĩa là “ Anh nói dóc”. Thụy bật cười lớn, Niệm hết hồn: _ Anh, khẽ chứ, người ta nhìn kìa. Thôi nhạc hết rồi, mình đi ra đi anh.
Niệm chưa dứt lời thì dòng nhạc lại vang lên, vẫn điệu nhạc Slow tha thiết, tình tứ qua giọng hát ngọt ngào của Dalida:
“ Quand il me prend dans ses bras, Il me parle tous bas, je vois la vie en rose Il me dit des mots d’amour, Des mot de tous les jours, et ça` me fait quelque choses…”
Thụy giữ Niệm lại sàn nhẩy: _ Mình nhẩy tiếp bản này nhe Niệm, em không nghe Dalida hát sao” C’est vous pour moi, moi pour vous dans la vie” đó. Thụy tán, Niệm cười nhẹ, cô lắc đầu: _ Thua anh luôn, lời bài hát mà anh cũng đổi được, “lui” chứ “vous” hồi nào, sao anh tán nhanh thế. _ Lính mà em, phải tốc chiến mới tốc thắng chứ. _ Coi chừng “dục tốc bất đạt” à nhe. Niệm liếc anh bằng con mắt có đuôi, Thụy rung động vì cái nhìn ấy, ôm cô chặt hơn vào mình, anh khẽ thì thầm: _ Niệm làm bạn gái anh nhe?
Niệm lảng tránh ánh mắt đam mê của anh, cô nghe tim mình đập rộn rã và một luồng rung động chợt chạy khắp toàn thân. Không trả lời anh, cô nhẹ nhàng tựa đầu vào vai Thụy như một lời đồng ý.
Rời buổi dạ hội, Thụy dẫn Niệm đi lẫn vào đám đông người đổ về phía nhà thờ. Để tay mình trong tay Thụy, Niệm đã bỏ lại những bóng hỏa châu nhạt nhòa trong trời đêm, mà giờ chỉ thấy quanh cô tràn ngập những ánh đèn muôn màu, cùng những bài ca ngọt ngào của hạnh phúc vang vang khắp nơi:
“… Bao mùa Giáng Sinh vẫn một mối tình Cầu xin ơn Chúa chứng cho lòng con Ban xuống cho con phước lành Cùng niềm hạnh phúc mong manh Tình yêu mãi thắm mầu xanh…”
Tình yêu của Niệm sẽ đẹp như vần thơ, nhẹ như sương khói, nếu không có những lần Thụy phải trở lại chiến trường, trở lại vùng khói lửa mịt mù trong những lần hành quân gian truân, trong những đêm dạ kich nguy hiểm với muôn vàn cam go, bất trắc vây hãm. Và cũng những ngày đêm ấy, Niệm ở thành phố đã lo lắng cho anh, cầu nguyện cho anh thật nhiều, mong Thượng Đế đón nhận lời cầu xin của cô cho anh được an toàn nơí chiến địa.
Thế mà hôm nay đây, một mình ngồi nhìn những đóm hỏa châu lững lờ bay trong đêm tối, cô lại nhớ đến anh thật nhiều, yêu anh thật nhiều, lo cho anh thật nhiều và cũng tự trách mình sao quá nông nổi để làm anh buồn vì sự ghen tương ngu muội của mình. Không biết Giáng Sinh này có vì giận cô mà anh không thèm về Saigon, về với cô nữa hay không. Gục đầu xuống vòng tay trên đầu gối, Niệm rên rỉ: _ Thụy ơi, anh ở đâu giờ này, em nhớ anh lắm, nhớ lắm, Thụy biết không? _ Niệm Tiếng ai giống như tiếng của Thụy vừa gọi cô. Niệm bàng hoàng, nhưng vẫn không ngẩng đầu lên, cô nghĩ chắc tại nhớ tới anh nhiều quá nên có ảo tưởng chăng. _ Niệm ơi…
Lần này tiếng gọi âu yếm hơn và gần hơn. Niệm ngồi bật dậy, bỏ hai chân xuống đất, cô quay đầu về phía sau. Thụy đó, Thụy của cô đang đứng đó, đang cười với cô cùng vòng tay mở rộng. Niệm đứng hẳn lên, hai chân run rẩy, cô nhìn anh chằm chằm như không tin ở cặp mắt của mình nữa: _ Thụy… Đúng là anh rồi, anh đã về với cô, Niệm run run bước tới và đổ ập vào người anh, vòng tay bé nhỏ của cô xiết chặt người Thụy như sợ anh tan biến mất. Thụy đỡ lấy cô, những bờ môi vội vã tìm nhau đến ngạt thở: _Anh nhớ em quá! _ Em cũng vậy, nhớ anh lắm!
Lại những nụ hôn như bất tận, Niệm như mê đi trong niềm hạnh phúc chợt trở về. Ngồi lại trên ghế xích đu, vẫn vòng tay quanh người Thụy, ngả đầu vào vai anh, cô thủ thỉ như một đứa bé: _ Em nhớ anh nhiều lắm, còn giận em không? Trâm nó nói em ngu, mà em ngu thật anh ạ. Từ giờ trở đi, cái bà Hằng đừng hòng mà gạt em. Em sẽ chỉ tin anh thôi. Anh nói gì em cũng tin anh hết. Thụy cười, anh nâng mặt cô lên: _ Thật không, anh nói gì cũng tin hết hả, đùa em thôi, chỉ cần em yêu anh là đủ, Niệm ạ. Anh cúi xuống, lại một nụ hôn nồng nàn trong đêm. Họ ngồi bên nhau, cùng nhìn những chùm hỏa châu lập lờ trong đêm vắng. _ Sao lại đến em giờ này, Niệm hỏi, anh được về phép hả? _ Không, đơn vị anh có mấy người lính bị thương, anh đưa họ về Tổng Y Viện Cộng Hòa, sáng sớm mai anh phải quay trở lại đơn vị rồi, nên tối nay anh cố gắng đến thăm em. Nhớ em quá, chịu hết nổi. _ Cuối tháng này là Noel rồi, anh có được về phép không? _ Không biết, tình hình chiến sự bây giờ căng lắm. Anh cũng không biết như thế nào nữa. _ Anh ở ngoài mặt trận em lo lắm, mình xin về thành phố được không anh? _ Không có dễ xin đâu em, Thụy cười, mà nếu có được thuyên chuyển về hậu cứ, anh cũng không về. Anh đánh giặc quen rồi, bạn bè anh, đồng đội anh ở đó, sống chết có nhau, bỏ họ đâu có được. Ngoại trừ trường hợp bị thương, không thể tiếp tục chiến đấu được thì đành chịu thôi. Thế em có muốn anh bị thương để làm “người yêu tật nguyền chai đá” của em không? _ Không, không bao giờ, Niệm chu môi nói, tại em lo cho anh nên mới hỏi thế thôi, chứ em luôn luôn hãnh diện có người yêu là người hùng mà anh.
Dứt lời, Niệm nhón người lên hôn vào má anh. Thụy ôm cô chặt hơn, nhìn những đóm hỏa châu, giọng anh buồn buồn: _ Còn hỏa châu là còn chiến tranh, bao giờ đêm tối chỉ còn những ngôi sao và vầng trăng sáng không thôi, thì lúc ấy dân mình mới hết điêu linh vì khói lửa của cuộc chiến và những kẻ yêu nhau như chúng mình mới không còn ngăn cách, chia phôi nữa, Niệm ạ.
Ước muốn của Thụy cũng là ước muốn của bao người dân Việt nam. Nhưng ác hại thay, những chùm hỏa châu vẫn còn đó, vẫn lặng lẽ nhạt nhòa trong vùng trời đen thẳm, như những dòng lệ của những cô phụ như Niệm, đêm đêm nhìn nó mà nhớ thương,mà lo lắng cho người còn ngoài nơi đầu mây, ngọn gió, giữa nơi khói súng mịt mù. Biết bao giờ hòa bình mới trở vể với dân tộc Việt Nam đây? Tường Thúy
The Tale of Kieu là một công trình dịch thuật tuyệt vời của Nhà Thơ Vương Thanh, vừa mới hoàn tất bản dịch truyện Kiều của Nguyễn Du qua Anh ngữ,
Kim Oanh hân hạnh được bạn Vương Thanh gửi tặng tập thơ PDF bản đặc biệt có chữ ký.
Sở dĩ Vương Thanh biết Kim Oanh và Trang Long Hồ Vĩnh Long, do Thân Mẫu của bạn giới thiệu. Điều bất ngờ, Thân Mẫu bạn là Nữ Sĩ Tuệ Nga.Đối với Kim Oanh chị vừa là một đàn Chị, vừa là Bạn Thơ. Kim Oanh kính mến chị ở tính dịu hiền, khiêm tốn, ngưỡng mộ chị ở tài năng. Và trong sinh hoạt Văn Học, tên tuổi chị hầu như được nhiều người biết đến.Vương Thanh đã thừa hưởng tài đức của Mẹ. Hạnh phúc thay!
Nhà Thơ Vương Thanh sinh vào thập niên 60, hiện đang định cư ở Tây Bắc Hoa Kỳ. Tuy bạn còn trẻ nhưng bạn nghĩ rằng:" Dịch thơ Việt qua tiếng Anh chính là một cách rất tốt để duy trì văn hóa Việt, và cho các bạn trẻ người Việt, người ngoại quốc biết văn thơ tuyệt diệu của Việt Nam".
Xin cảm ơn chị Tuệ Nga, Vương Thanh, đã cho em món quà thật quý giá.
Nhân mùa Giáng Sinh về em kính chúc chị và Vương Thanh cùng gia đình hưởng tràn đầy Hồng Ân Chúa Hài Đồng. Năm Mới 2023 .dồi dào sức khoẻ, an lành và hạnh phúc .
Riêng chúc Vương Thanh thành công với hoài bão của mình!
Kính mời Quý Vị thưởng thức Nguyen Du's The Tale of Kieu Translated by Vuong Thanh
Đến đường Lê Lợi rong chơi Mới vào Khai Trí* đã vơi túi tiền Còn ham mua sách Lửa Thiêng Bạn bè than mệt, luân phiên đòi… chè.
Ăn hàng xong, khỏe khòe khoe Xuân Thu, Sống Mới: đạp xe cả ngày Cuốn nào cũng chuyển cả bầy (Thương bao tác giả, lỗ vầy vẫn in) Hẹn nhau Lá Bối triền miên Niềm vui đơn giản, hồn nhiên Sài Gòn.
Bây giờ ai mất, ai còn? Ai yêu chữ nghĩa, dạy con như… mình?
Ý Nga
14.12.2022 *Các tiệm sách lớn ở Sài Gòn trước năm 1975: - Khai Trí: đường Lê Lợi - Lửa Thiêng: đường Đinh Tiên Hoàng - Xuân Thu: đường Tự Do - Sống Mới: đường Phạm Ngũ Lão - Lá Bối : chung cư Minh Mạng
Chị em Hà sang Úc vào Tháng Sáu. Ở Sài Gòn Tháng Sáu trời mưa, Tháng Sáu mùa hạ có những con đường phượng đỏ ngập trời. Ở đây mây xám ủ ê, trời mùa đông lạnh buốt… Hà co ro trong chiếc áo ấm, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ các em còn kẹt lại, nhớ con nhỏ Ngọc còn ở Việt Nam và không biết mấy đứa bạn đi được đang ở những nơi nào. Khuôn mặt Du hiện lên rõ nét, Hà cũng thấy nhớ Du thật nhiều, Hà nghĩ phải chăng đó chỉ là tình cảm tự nhiên của một người đối với một người đã quá tốt với mình. Hà nhớ đến chuyện “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng và bật cười, không lẽ lại là “Vòng Tay Học Trò 2”.
Hà đi học lại để lo hội nhập vào cuộc sống mới. Đều đặn hàng tuần Hà nhận được thư của Du. Thư càng ngày càng tha thiết hơn. Những lá thư Du nói gần, nói xa nàng đều trả lời tránh né hoặc đùa giỡn để khỏa lấp. Hà nghĩ đến Du, chàng trai ba mươi tuổi, tương lai phơi phới. Còn Hà, ốm đau, yếu đuối, Hà có gì để đáp lại tình Du. Liệu Hà có đem được Hạnh Phúc đến cho Du không. Liệu tình yêu của Du có thật sự là tình yêu bền chắc không hay chỉ là lửa rơm bùng cháy nhất thời.
Du cứ đuổi thì Hà cứ chạy. Hồi còn học Trưng Vương, một bà giáo đã khuyên học trò rằng “Tình Yêu là một cuộc chạy đuổi trên một cái vòng tròn. Người con gái khôn ngoan phải biết dừng lại để làm đích chứ không phải là kẻ đuổi theo”. Bây giờ nàng đang bị đuổi và nàng chẳng chịu dừng. Mối tình đẹp quá, nàng tưởng như trong mơ, Du toàn hảo, Du tuyệt vời, Du yêu nàng tha thiết, Du yêu nàng đắm say. Tại sao Hà không nắm bắt cái Hạnh Phúc trong tầm tay đó. Hà yêu Du. Hà biết rõ là nàng cũng yêu Du. Khoảng cách tuổi tác không còn là vấn đề nữa. Du đã trưởng thành, là chỗ dựa bảo đảm, vững chắc cho cuộc đời nàng. Cuộc tình đẹp quá, đẹp như giọt sương long lanh trên cánh hoa buổi nắng sớm, dưới nắng ban mai giọt sương lóng lánh như viên kim cương. Hà muốn giọt sương ấy mãi đẹp. Nàng sợ, sợ viên kim cương đó chỉ là một chút phù du, sẽ tan biến, sẽ mất đi như một ảo ảnh… “Du ơi, Du có hiểu cho Hà không?” Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, nếu Hà nhận lời lấy Du, thực tế có còn đẹp như mơ không. Giọt sương long lanh ấy còn tuyệt vời không. Hay lại biến thành giọt nước mắt của đau khổ, của tủi hờn.
Mấy năm trời ròng rã thư từ qua lại, Hà đã học xong và có việc làm, nàng đã cùng mấy chị em lo thủ tục bảo lãnh cho cha mẹ và mấy người em. Cuộc sống đôc thân của Hà đã ổn định. Hà vui với gia đình, vui với công việc. Nước Úc hiền hòa, êm ả. Con người lịch sự, nhẹ nhàng, không có những tranh đua, những bon chen, giành dựt. Nếu nhận lời lấy Du, Hà phải sang Đức, xa chị em, xa những gì đã quen biết ở đây để làm lại tất cả từ đầu. Cuộc sống lứa đôi vào thực tế sẽ ra sao ở tuổi này. Hai người có hòa hợp được không hay cứng cỏi cả rồi. Cá tính ai cũng mạnh mẽ, nếu có đụng chạm ai sẽ nhường ai. Tình yêu của tuổi trẻ thật thánh thiện, trong sáng, đúng nghĩa của tình yêu. Có thể chỉ vì một mái tóc, bàn tay, giọng nói, tiếng cười hoặc chỉ vì một ánh mắt mà yêu nhau chết bỏ, cố lấy nhau cho bằng được để rồi tới đâu thì tới. Còn nàng, suy nghĩ, phân vân, so đo, cân nhắc… Có còn là tình yêu không.
Mỗi buổi sáng Hà dậy sớm đi bộ khoảng nửa tiếng trước khi sửa soạn đến sở làm. Con đường vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe qua. Hai bên đường, những căn nhà xinh xắn núp sau vườn hoa nho nhỏ hiền hòa. Hà vươn vai thở hít khí trời trong sạch. Không gian là của nàng, thời gian là của nàng. Cuộc sống nàng thật sự thảnh thơi, tự do như những cụm mây trắng lang thang trên bầu trời bát ngát, bao la. Phòng ngủ của Hà xinh xắn, lúc nào cũng gọn ghẽ, ngăn nắp. Chiếc giường chăn ấm, nệm êm, Hà có thể vùi mình trong đó hay thoải mái duỗi thẳng chân tay. Qua khung cửa sổ, một vòm trời xanh, Hà có thể thả hồn theo những cụm mây bềnh bồng hay gửi tâm sự của nàng vào gió, vào mưa.
Cho đến một ngày Hà nhận được thư của Du, chỉ vỏn vẹn mấy câu:
Hà ơi! Du yêu Hà. Du yêu Hà thật rồi, yêu Hà thật nhiều… Mong Hà nhận lời cầu hôn của Du. Trả lời “Yes” Hà nhé!
Hà choáng váng! Đúng vào lúc đó Hà nghe một người bạn quen bên trại tị nạn cho biết gia đình Du đang đi hỏi vợ cho chàng, một cô nàng bác sĩ xinh đẹp, con nhà giàu, kém Du vài tuổi. Tim Hà buốt như dao cắt. Tại sao Du đi hỏi vợ còn viết lời tỏ tình với Hà, ngỏ lời cầu hôn. Tại sao. Hà hỏi gió, hỏi mây, hỏi Trời, hỏi đất rồi lại hỏi chính lòng mình. Du có yêu Hà thật tình như chàng vẫn viết không. Du có coi mình như một trò đùa không. Hà có sợ mất Du không. Hà thật mâu thuẫn, mâu thuẫn với chính mình. Trong con người tưởng như kiên cường, vững vàng ấy, nghị lực phi thường ấy cũng có lúc mềm như cọng bún thiu. Hà vẫn đi làm, vẫn tươi cười với những người xung quanh nhưng lúc một mình trong phòng vắng nàng lặng lẽ, tái tê.
Du,
Du hãy nghĩ đến tương lai rực rỡ của Du. Chúng mình là bạn tốt, bạn quý mến của nhau là quá đủ. Du hãy lo vun xới, xây đắp Hạnh Phúc của chính mình.
Thân,
Hà
Gửi thư đi rồi lòng Hà vẫn ray rứt, băn khoăn. Hà chịu để mất Du hay Hà từ chối Du vì lòng tự ái. Hà đã để lỡ bao cơ hội trong đời chỉ vì quá tự ái. Nhất là trong tình yêu, đôi khi sự tự ái đi đến chỗ cao ngạo. Đối với Hà, tình yêu không van xin, không tranh giành, không cướp đoạt.
Thôi đành “Trả hết cho người, cho người đi…” và “Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người…” từ nay xin… “Nghìn trùng xa cách” (mượn lời trong bài NTXC của Phạm Duy).
Mới năm giờ chiều mùa đông, bầu trời xám, thấp, buồn ủ ê. Hai hàng cây bên đường trụi lá, vướng lại những bông tuyết trắng. Những cây thông và tùng vẫn xanh tươi khoác thêm chiếc áo bông. Mặt đất như một thảm tuyết dầy trắng xóa, trừ lòng đường còn lộ chút nền nhựa đen vì được xe cào tuyết qua lại luôn. Du lái xe về, sau một ngày làm việc mệt nhọc tại nhà thương. Hôm nay Thứ Sáu của chàng, mai được nghỉ hai ngày cuối tuần.
Mở cửa bước vào căn phòng độc thân, bếp núc nguội ngắt, lỏng chỏng mấy cái bát đĩa dơ trong bồn rửa chén, Du vặn tăng độ lò sưởi để xua đi sự lạnh lẽo và cho vơi bớt nỗi cô đơn. Sau bữa ăn tối qua quýt cho xong, Du thả người trên chiếc ghế sô pha. Không gian tĩnh lặng, trống trải. Nghĩ đến Hà, bên Úc bây giờ đang mùa hè, ngập nắng. Hà có nghĩ đến Du không.
Là con áp út trong một gia đình sáu anh em trai, một gái, tất cả đều đã lập gia đình, một mình Du còn độc thân. Cha mẹ chàng ở Việt Nam luôn nhắc nhỏm, hối thúc chàng lấy vợ. Mấy bà chị em dâu giới thiệu hết người nọ đến người kia. Tại sao lòng chàng thật dửng dưng. Có những cô trẻ, đẹp, quyến rũ, đầy đủ những điều kiện cho bao chàng trai ao ước nhưng qua cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ của các nàng, Du không nghĩ là mình có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc với những người đó. Gần đây mẹ chàng nhắc đến Yến, một cô gái con của một bà bạn của cụ, cùng nghề với chàng, đi du học, sau biến cố 1975 đã ở lại bên Pháp. Dưới mắt cụ hai người thật xứng đôi và hai quốc gia gần nhau nên có cơ hội dễ dàng qua lại để gặp gỡ, tìm hiểu. Du chỉ ậm ừ, không muốn để mẹ lo buồn.
Thật sự Du cũng thèm một gia đình hạnh phúc, mơ một cuộc sống lứa đôi. Đối với Hà, Du thấy như tìm được một sự huyền nhiệm. Hà không đẹp lồ lộ nhưng có sức quyến rũ lạ lùng. Du nhớ giọng nói ríu rít, tiếng cười khanh khách giòn tan khi vui vẻ của Hà và những lúc buồn bã đôi mắt như sầu vời vợi và khi có vấn đề gì phải suy nghĩ thì đôi mắt trầm tư ấy lại có dáng vẻ đăm chiêu, dịu dàng... Trong Du đầy ắp hình ảnh, kỷ niệm với Hà. Du tự hỏi tại sao Hà lại vượt biên ở thời điểm đó, lại được tàu vớt đưa vào đúng nơi chàng làm việc. Tại sao khi gặp mặt nàng lần đầu tiên, đêm về chàng đã thao thức, nhớ nhung. Phải chăng chàng đã gặp đúng con người của định mệnh.
Anh Du,
Con trai yêu quý của mẹ, Mẹ đã già yếu lắm rồi, còn mình anh chưa yên bề gia thất, mẹ buồn lắm. Mẹ mong được đi dự đám cưới của anh trước ngày mẹ nhắm mắt về với ông bà. Mẹ của Yến cũng sang chơi luôn mà mẹ chưa dám trả lời dứt khoát với bác. Anh đã gặp cô Yến chưa? Hôm cô ta về thăm nhà, mẹ thấy con bé xinh đẹp, ngoan ngoãn, dễ thương. Sao anh lừng khừng thế? Nếu anh đã có đám nào rồi thì cho mẹ biết để mẹ yên tâm.
Mẹ
Nhận được thư của mẹ, Du không biết trả lời sao đây! Hà đâu biết nỗi khổ của Du. Áp lực bốn phía đổ ập lên đầu chàng. Mặc dù Du biết rằng cũng chỉ vì thương yêu chàng mà mọi người lo lắng.
Khi gửi lá thư cầu hôn đi, Du hồi hộp mong chờ, lòng nóng như lửa đốt, đếm từng phút, từng giây. Ngày nhận được lá thư từ chối của Hà, Du thật bẽ bàng. Chàng đã nằm thượt trên giường, đau đớn!
Buổi sáng, nắng ban mai lùa vào phòng Du qua khung cửa sổ. Bầu trời xanh thăm thẳm, màu nắng vàng hanh, tuyết trắng xóa, cảnh vật thật trong trẻo tinh khiết, những bông tuyết nhẹ nhàng bay. Ước gì có Hà…lại Hà! Du biết Hà sẽ yêu cảnh này lắm, những ngày sống ở đảo Du biết Hà yêu thiên nhiên, yêu từ ngọn cây, cọng cỏ. Con người rung động khi mặt trời mọc, lặng người khi mặt trời lặn xuống dần và buồn bã khi màn đêm từ từ buông. Hà sống rất giản dị, ngăn nắp, thiên nhiều về nội tâm. Ở bên Hà, Du cảm thấy an bình, êm ái. Du thầm hỏi lòng mình, chàng yêu Hà, chàng không đòi hỏi một điều gì ở nàng. Chàng tương đối thành công và đủ điều kiện là một người chồng tốt. Tại sao Hà cương quyết chối từ cái hạnh phúc chàng ao ước đem đến cho nàng. Tại sao. Du thu xếp công việc, xin phép nghỉ hẳn một tháng, nhất định sang Úc một chuyến để hỏi cho ra lẽ, để quyết tâm chinh phục quả tim mà chàng biết đã từng lỗi nhịp khi khám bịnh cho Hà.
Trong lòng chiếc phi cơ phản lực 747 bay đêm xuyên lục địa, tiếng động cơ êm nhẹ như tiếng rù rì. Ngoài
khung cửa sổ, trời đêm trong trẻo, vầng trăng mười sáu tròn xoe tỏa làn sáng bạc lặng lẽ theo chàng. Du ngả lưng vào thành ghế, thả hồn về dĩ vãng, nhớ những đêm trăng trên đảo Palawan, Du và Hà đi bộ, tắm mình trong ánh trăng lung linh huyền ảo. Cả hai cùng im lặng mà sao lòng Du ngất ngây, như chấp choáng men say. Nhớ hinh ảnh Hà ngồi bên chiếc bếp than, mặt rịn mồ hôi, nướng từng chiếc bánh, để sau khi đi dạo về ba người sẽ ngồi nhâm nhi với tách trà nóng. Nhớ hình ảnh Hà loay hoay trong bếp, chăm chú vào những việc tầm thường như nhặt rau, thái thịt. Hà yêu công việc nội trợ, nàng như để vào những món ăn tất cả sự yêu thương nên những mâm cơm giản dị, trình bày đẹp mắt, mới ngon lành làm sao. Hình ảnh người thiếu nữ không rời tâm trí Du. Cái không khí an bình, ấm cúng ấy đã quyến rũ chàng và chàng đã khát khao có một gia đình với bóng dáng Hà quanh quẩn gần bên.
Tại phòng khách sạn, Du tỉnh dậy sau một giấc ngủ vùi. Lật cuốn sổ điện thoại Du chợt thấy số điện thoại của Hương, em Hà.
– Hello! Cho tôi nói chuyện với cô Hương.
– Hương đây ạ! Xin lỗi ai ở đầu dây?
– Anh Du đây!
– Trời! Anh Du, anh đang ở đâu?
– Anh đang ở Úc đây này. Chị Hà khỏe không em?
– Anh chưa gặp chị Hà à?
Gần một tiếng qua điện thoại, Du được Hương cho biết là cha mẹ của Hà đã được sang đoàn tụ với các con hơn một tháng nay. Hương còn cho chàng biết thời gian đầu Hà lấn cấn không dám nhận lời Du vì còn đợi bảo lãnh cha mẹ. Nay hai cụ sang rồi thì Hà lại nhận được tin Du sắp lấy vợ nên Hà tự động rút lui cho chàng dễ dàng quyết định cuộc đời mình. Du bàng hoàng khi biết những chuyện này. Tội nghiệp Hà quá. Hà đã không hỏi thẳng chàng để biết sự thật mà ngấm ngầm buồn tủi một mình. Con người ấy luôn nghĩ đến tha nhân, lo cho hạnh phúc của người khác trước mình.
Nhìn chiếc đồng hồ tay, bây giờ đang giờ nghỉ đi ăn trưa của Hà đây. Du thay quần áo đến sở của Hà.
Du xoay xoay tách cà phê. Trước mặt Du, Hà trẻ trung trong chiếc áo đầm mùa hè vải trắng viền những chùm hoa nhỏ xinh xinh màu tím. Khuôn mặt trắng xanh, dịu dàng. Du đã giải thích hết những hiểu lầm của Hà, giải tỏa những tin đồn tai hại không biết ai đã ác ý đưa đến tai nàng, Du khẩn khoản ngỏ lời cầu hôn lần nữa, trực tiếp:
– Hà nhận lời Du, Hà nhé. Tám năm qua không đủ chứng minh cho Hà tấm lòng thành thật, tấm lòng yêu thương của Du đối với Hà sao? Hà còn định hành hạ Du đến bao giờ?
– Hà không thể chối bỏ là Hà cũng yêu Du nhưng Hà vẫn có những e ngại. Hà muốn Du hạnh phúc. Hà có thể sống một mình như Hà đang sống. Du có thể lấy người có những điều kiện hơn Hà nhiều. Hà không muốn Du sẽ có những đau khổ, dằn vặt sau này.
– Hà, thế nào là Hạnh Phúc? Tiền bạc, địa vị…có đem được hạnh phúc cho mình không? Lấy người mình không yêu có hạnh phúc không? Nếu Hà cứ khăng khăng không nhận lời làm vợ Du thì Du cũng sẽ ở vậy như Hà. Du cũng sẽ không lấy ai hết!
– Du có nhớ là Hà không được khỏe không? Điều đó dằn vặt Hà, khiến Hà trăn trở nhiều đêm. Ở tuổi của Hà, Hà còn có thể cho Du những đứa con không? Du ơi…Hãy nhìn vào thực tế. Vì yêu Du nên Hà nghĩ những chuyện về xa. Nhiều lần Hà đã nói với Du, Hà muốn Du hạnh phúc… vì Hà yêu Du. Du biết không!
– Hà muốn độc quyền và độc tài trong tình yêu à? Du là bác sĩ săn sóc sức khỏe cho Hà mà Du không biết bịnh tình của Hà sao? Du sẽ đem lại cho Hà một đời hạnh phúc. Chúng mình sẽ hạnh phúc. Hà tin Du, hãy tin ở Du đi!
Nước mắt trào ra như một dòng suối. Đôi vai Hà rung lên. Thổn thức. Du với sang, nắm hai bàn tay Hà, siết chặt. Hết giờ nghỉ trưa Du đưa Hà lại sở làm, hẹn tối sẽ đến nhà thăm Hà và cha mẹ của nàng.
Ôm một bó hoa hồng, một túi trái cây và mấy hộp thuốc bổ để làm quà cho các cụ, Du nhấn chuông cửa.
Hà gọn gàng trong bộ quần áo trắng, mở cửa mời Du. Bữa ăn tối đã dọn sẵn trên bàn.
Hà nhỏ nhẹ:
– Hôm nay Du ở lại ăn tối với Hà, ba sang chị Vân chơi với cháu, mẹ mệt nghỉ trong nhà.
Ánh đèn vàng ấm áp hắt ra từ chiếc đèn đứng ở góc phòng. Tiếng nhạc dịu êm. Căn phòng nhỏ ngăn nắp quá. Hai người ngồi thủ thỉ tâm tình, khuôn mặt Hà như tươi trẻ, rạng ngời.
– Để Du vào xin phép mẹ nhé!
Du khẩn khoản.
Hà lại trở lại hình ảnh con người nghịch ngợm hay trêu chọc Du trên đảo:
– Dám không?
– Hà cho phép?
Du lừng lững đứng lên gõ cửa phòng mẹ Hà.
Kéo chiếc ghế nhỏ ngồi bên giường cụ, Du ân cần hỏi han về bịnh tình cụ và nói những lời trấn an, vỗ về. Sau cùng chàng ngập ngừng:
– Thưa bác, cháu xin phép bác cho cháu được cưới Hà.
– Tôi có nghe em Hương, em Hà nói chuyện về cậu. Cám ơn cậu đã săn sóc trông nom các em thời gian trên đảo. Cám ơn cậu đã thương và muốn cưới em Hà. Chuyện vợ chồng là duyên số trời định. Ông Tơ Bà Nguyệt có xe sợi chỉ hồng thì mới được. Hai người phải bằng lòng mới được. Cậu để tôi hỏi ý kiến em. Nếu em bằng lòng thì chúng tôi cũng bằng lòng.
Trả lời những câu hỏi của cụ về nhà cửa, gia cảnh, công ăn việc làm một lúc, Du xin cáo từ đi ra để cụ nghỉ.
Bước ra phòng khách, Hà hồi hộp đợi chờ.
Du trịnh trọng thì thào:
– Mẹ bảo để hỏi em, nếu em bằng lòng thì mẹ bằng lòng. Vậy “em” có bằng lòng không?
Hà nguýt yêu:
– Nè nè… chưa gì đã lợi dụng thời cơ, ai là “em” ở đây vậy?
– Anh, anh… “anh” là “em”. Vậy… em bằng lòng nhé!
Du ôm gọn Hà trong vòng tay. Đặt nhẹ một nụ hôn vào mái tóc đang lòa xòa trên trán. Đúng lúc tiếng hát Từ Công Phụng từ chiếc cassette vang lên nhẹ nhàng:
“Nếu có điều gì vĩnh cửu được… thì em ơi… đó là tình yêu chúng ta”.
Bữa ăn tối êm ả, hai người đắm đuối nhìn nhau, Du như đang say say, Hà như đang bay bay. Hạnh phúc quá ngọt ngào để hai người phải hỏi lại nhau tại sao đã để vuột đi một thời gian quá dài.
Ban đêm, vùi mình trong gối chăn quen thuộc, Hà ôn lại sự việc diễn tiến trong ngày. Mọi việc đến như một cơn lốc, Hà không kịp chống đỡ. Du xuất hiện thật bất ngờ, những khẩn khoản giãi bầy, những ấm ức được giải tỏa, ánh mắt trìu mến, khuôn mặt thật đáng yêu… Du đã đem đến cho nàng một cơn lốc, cơn lốc của yêu thương. Khi thấy Du từ phòng mẹ ra Hà càng cảm phục sự thành thật và quyết tâm của chàng. Du đã nói, tám năm là một thời gian quá dài để thử thách, Hà muốn hành hạ Du đến bao giờ… Du ơi, Hà không muốn hành hạ Du, Hà thật sự muốn Du hạnh phúc. Chúng ta đã nói ra hết ngày hôm nay, Du hiểu được Hà và nay Hà đã thật sự hiểu lòng Du và tình yêu của Du dành cho Hà. Hà hứa với Du, hứa với lòng mình, chúng ta phải hạnh phúc, phải hạnh phúc… Cứ như thế Hà thiếp đi trong giấc ngủ bình yên, ngập tràn mộng đẹp.
Du trở về khách sạn, lòng lâng lâng sung sướng, chàng mỉm cười với tất cả những người chàng gặp trên đường đi. Chàng muốn hét to lên cho mọi người biết niềm vui của mình. Chỉ mới có một ngày mà… Ôi, Hạnh Phúc!
Quăng mình trên giường, xoải dài chân tay, còn một tháng ở đây, chàng làm gì?
Tuần lễ sau đó Hà còn đi làm nên mỗi buổi chiều Du đến nhà Hà ngồi chơi cho đến khuya, như những cặp tình nhân trẻ dại thời xưa, chỉ đến ngồi chầu để được ở bên nhau, nhìn thấy mặt nhau cho đỡ nhớ. Cuối tuần hai người mới đi thăm những thắng cảnh quanh vùng. Hà thích phong cảnh thiên nhiên, những nơi sông núi hữu tình hay ra vùng biển với đất trời bao la.
Du suy nghĩ, chàng còn ba tuần nữa là phải trở về Đức, không biết đến ngày nào lại có dịp sang đây. Không lẽ hai người cứ mãi là Ngưu Lang Chức Nữ không bắc nổi nhịp cầu Ô Thước.
– Hà!
– Du nói gì?
– Hay… chúng mình làm đám cưới, Hà sang Đức cùng với Du lần này… được không?
– Làm gì gấp thế? Du đã xin phép hai cụ bên nhà chưa?
– Bố Mẹ Du mong lắm, biết tin Du lấy vợ thì các cụ rất mừng. Hà không biết chứ, các cụ nhắc nhỏm luôn đấy.
– Để Hà hỏi ba mẹ Hà xem sao.
Hà nhí nhảnh tiếp theo:
– Muốn đem tui đi, có mình tui tứ cố vô thân để dễ bề bắt nạt tui hả?
Du long trọng đưa tay lên:
– Xin thề, không bao giờ làm Hà buồn. Xin suốt đời bảo vệ “em”, không bao giờ dám uýnh em bằng một cành hoa.
– Không uýnh bằng cành hoa, uýnh bằng củi tạ phải không?
Cả hai cùng phá lên cười. Biết là đùa giỡn nhưng lòng Hà như ấm lại, tự ái đàn bà được vuốt ve. Không hiểu sao mỗi lần Du gọi Hà bằng em, Hà thấy như mình bé nhỏ hẳn bên chàng.
Một tuần sau, đám cưới Hà Du diễn ra trong vòng thân mật, gia đình Hà có mặt đầy đủ. Bên phía Du, vì thời gian gấp rút và đường xá xa xôi nên cha mẹ Du chỉ viết thư, điện thoại sang xin phép và nhờ bên thông gia lo liệu giùm mọi chuyện. Cũng may có gia đình ông anh con bác trưởng tộc ở đây nên hai cụ đã nhờ vợ chồng anh đứng ra đại diện họ nhà trai.
Du sang Úc tìm Hà vào một đêm trăng, chuyến về của Du, đem theo con người của định mệnh cũng bay vào đêm trăng vì thời gian cách nhau đúng một tháng. Qua khung cửa sổ, vầng trăng tròn, sáng lung linh đi theo suốt cuộc hành trình, như chứng kiến hạnh phúc của hai người đã thật sự tìm ra nhau. Hà ngả đầu vào vai Du, giấc ngủ bình yên, êm ả.
Căn phòng độc thân của Du không còn là căn phòng bừa bãi nữa mà là tổ ấm của hai con chim vành khuyên.
Hà lững thững đi bộ trong cảnh tĩnh lặng của một buổi sáng mùa thu. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Hà đã sống với Du gần hai chục năm. Đã qua lại con đường này từ ngày có con bé Bảo Châu, Hà gần như quen từng gốc cây, bệ đá, từng hàng rào, từng căn nhà xinh xắn dọc hai bên đường.
Nhớ lại năm mới sang, Hà lo học tiếng Đức và tìm hiểu những phong tục tập quán nơi ở mới để hội nhập; sửa soạn ôn lại bài vở để lo kiếm việc làm. Buổi sáng nào Hà cũng đi bộ hơn nửa tiếng như thường lệ, thì giờ rảnh nàng vào phòng tập và bơi lội. Sức khỏe càng ngày càng khả quan, Hà yêu đời hơn, với bản tính lạc quan, thêm vào tình yêu của chồng, trông nàng tươi trẻ hẳn ra. Được hơn một năm, con bé Bảo Châu ra đời, hai vợ chồng ngập tràn hạnh phúc. Ông Bà ngoại, các bác, dì và cậu của bé từ Úc lần lượt sang thăm. Nhìn hạnh phúc của con, hai cụ đã khóc vì sung sướng. Nay hai cụ đã ra người thiên cổ.
Con bé được sáu tháng thì Du Hà quyết định mua căn nhà này. Hà tự tay vun xới khu vườn nhỏ, tự tay trồng mấy gốc Anh Đào và cây hoa Mộc Lan, những cây khi mới trồng nhỏ xíu nay đã thành cổ thụ. Con bé Bảo Châu đem niềm vui đến cho cả nhà. Hai vợ chồng yêu con còn hơn báu ngọc nên hai người đồng ý để Hà ở nhà trông con, một mình Du đi làm, lo phần tài chánh cho gia đình. Hà cũng yên phận nội trợ, chu toàn cơm nước, trang trí nhà cửa, săn sóc, dậy dỗ con. Thì giờ rảnh Hà đọc sách, vá may.
Chỉ vài tuần nữa con bé Bảo Châu sang Úc du học, còn lại hai vợ chồng già lo lắng cho nhau. Nhớ con thật nhiều, nhưng con chim non đủ lông, đủ cánh, sớm muộn gì cũng đến ngày cất cánh bay xa.
Về đến nhà, nhìn qua khung cửa sổ, khu rừng phía xa rực rỡ dưới nắng sớm. Từng mảng màu nửa vàng nửa xanh của những cây sồi cao như làm nền cho những mảng màu đỏ thẫm, vàng tươi của mấy loại lá Phong. Mới ngày nào đứng bên cửa sổ nhìn lá lìa cành nàng không khỏi ngậm ngùi, tỉ mỉ theo dõi từng chiếc lá. Có những chiếc chao lượn nhẹ nhàng rồi êm ả rơi xuống. Có những chiếc chúc đầu rớt xuống thật nhanh. Có những chiếc run rẩy mãi mới chịu bứt ra khỏi cành... Không kể khi có những trận cuồng phong, những chiếc lá xoắn tít trên không, vật vã trong gió, dập vùi mãi tới tả tơi mà vẫn chưa được nằm xuống. Hà lẩn thẩn chạnh nghĩ đến kiếp người, cũng chẳng khác gì kiếp lá, cũng từ giã cõi tạm này mà mỗi người một cách ra đi.
Thấm thoắt mới tàn thu mà nay đã lại vào thu.
Buổi chiều sửa soạn cơm nước xong, đợi chồng con trở về, ngồi trong chiếc ghế bành nhìn qua cửa sổ, mặt trời lặn dần phía xa. Chiều từ từ buông xuống nhẹ nhàng. Hà đã có một cuộc sống hạnh phúc giản dị, êm đềm. Hà đã gặp hạnh phúc đó và đã biết gìn giữ, nâng niu, biết hài lòng với những gì mình đang có.
Phải chăng đây là chốn Thiên Đường. Thiên Đường hay Địa Ngục là do ta.
Hình như thu đã về. Riêng cho con phố nhỏ. Cầm tay em mà ngỡ. Hạ chưa nỡ rời xa.
Kỷ niệm đã lùi xa. Bất chợt về thảng thốt . Ký ức như mật ngọt. Gọi về năm tháng đã qua.
Sẽ còn lại gì cho ta. Khi thu theo mưa về phố. Lá rụng phơi vàng lối nhỏ. Cúc họa mi mang thu vào phố cổ. Giấc mơ xa tự bao giờ. Mắt em đong đầy nỗi nhớ. Nghiêng chiều HàNội nắng thưa.
Đội banh Maroc từ khi được tham dự World Cup 2022 đã làm người mộ điệu bóng tròn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Trước hết ở nhóm F gồm Bỉ, Maroc, Nam Tư (Croatia), Canada. Sau các trận đấu lẫn nhau, Maroc đã được xếp đứng đầu bảng với 7 điểm, vượt trên Nam Tư đoạt 5 điểm. Tiếp tục trận đấu, Ma-rốc hạ đội bóng Bỉ 2/0. Đấu với Canada thắng 2/1. Sau đó lần lượt chiến thắng 2 đội bóng lừng lẫy : Tây Ban Nha ở vòng Bát Kết, Bồ Đào Nha ở vòng Tứ Kết. Trước những thành tích đó, toàn khối Ả Rập vui mừng hãnh diện và hoàn toàn đứng sau lưng ủng hộ thật nhiệt tình đội banh “Những con Sư Tử của vùng núi Atlas” (Les Lions de l’Atlas).
Tối hôm nay 20 giờ Pháp, ở vòng Bán Kết, Maroc sẽ chạm trán với đương kiêm vô địch Giải Túc Cầu thế giới năm 2018 , đội Pháp "những con Gà Trống Gaulois".
Trận đấu được đánh giá là lịch sử vì lần đầu tiên một nước của khối A Rập vào tranh tài ở cấp Bán Kết. Phần khác vì Pháp và Ma-rốc có những liên hệ chằng chịt. Huấn luyện viên của Ma-rốc là người lớn lên ở Pháp, được học hành và đào tạo trên xứ Pháp. Và một phần cầu thủ của đội Ma-rốc cũng có mối thâm tình bạn hữu với các cầu thủ Pháp. Như vậy có thể nói "anh em sẽ cấu xé nhau". Nhưng ở trận đấu quyết liệt giành chiếc vé để vào Chung Kết Giải Túc Cầu Thế Giới 2022, tình cảm luyến lưu của quá khứ, tình bạn dù thân thiết cũng sẽ bỏ qua một bên để chỉ nghĩ đến đội bóng mà các cầu thủ đang phục vụ.
Kylian Mbappé và Achraf Hakimi. Hai cầu thủ hàng đầu của hai đội Pháp-Maroc, là bạn thân trong nhóm PSG.
Huấn luyện viên Maroc, là người sống ở xứ Pháp đã thành tài thành danh nhờ đất nước này trước khi sang phục vụ cho đội bóng Maroc.
Mbappé nói nửa đùa nửa thật : “tôi sẽ phải ‘tàn sát’ (détruire) bạn thân Hakimi. Trái tim tôi tan nát nhưng trong đá bóng, tôi không thể nhân nhượng” Và Hakimi trả lời : “tôi cũng sẽ đập (taper) bạn tôi”.
Một trận banh quyết liệt giữa những cầu thủ tài danh nhất chắc chắn sẽ hào hứng, hồi hộp dẫn dắt hàng tỷ người trên thế giới mở to mắt theo dõi. Ở Qatar đông đảo dân A Rập (30 000 người) đổ về để ủng hộ đội nhà “Những Con Sư Tử vùng núi Atlas” tranh hùng với “Những Con Gà Trống Gaulois” mà ủng hộ viên Pháp chỉ có khoảng 6000 người.
Chắc chắn sẽ gay cấn lắm… ! Đội nào thắng sẽ gặp Á Căn Đình trong trận chung kết để giành chiếc Cúp Vô Địch Túc Cầu Thế Giới 2022. Một cuộc đọ sức 'long trời lở đất', kỳ phùng địch thủ giữa những đội banh giỏi nhất…Khán giả sẽ theo dõi với sự hồi hộp, hào hứng, thích thú. Nhưng mong là các trận đấu sẽ không thêm giờ để phải giải quyết thắng bại bằng những cú đá luân lưu thẳng vào lưới, tùy theo may rủi rất thót tim !!
Theo người Pháp, xin kết luận bài viết này với câu "Que le meilleur gagne !" Cầu mong cho phe tài giỏi nhất chiến thắng!
Chúc quý vị mộ điệu bóng đá được xem một trận thư hùng hào hứng, lịch sử, gây cấn, hồi hộp để giành chiếc cúp này đây
Ly cà phê trước mặt dành cho người học trò bỏ thầy ra đi không một lời từ tạ Ly cà phê trong tay dành cho người thầy ngồi lại gặm nhấm nỗi buồn lẻ loi khi người học trò bỏ đi mang theo cả hồn người thầy thi sĩ Bài thơ này gởi vào hư không vì tự nay không còn ai người đọc mỗi sáng mai trước tách cà phê đầu ngày. Cũng là chuyện bình thường với cuộc bể dâu đời Cũng là bình thường khi lòng người có có không không tùy duyên tùy phận. Cũng là chuyện bình thường khi tình là muôn mặt, sấp, ngửa, trắng, đen. Nên bài thơ này, mặc dù thi sĩ biết làm ra không ai cần đọc
Những thi sĩ vẫn làm ra Như một kiếp tằm Như thi sĩ vẫn yêu, dù ai đó không cần yêu Như thi sĩ vẫn yêu như thi sĩ vẫn thở..
Ly cà phê dù đắng thêm hay ngọt đi một chút cũng vẫn là vô nghĩa khi người uống đã bỏ đi, mặc cho ly cà phê bốc khói vào hư vô. Những dẫu gi bài thơ vẫn còn lại với những kỷ niệm chưa phôi pha
Hãy uống đi thi sĩ, ly cà phê đầu ngày dẫu uống một mình Nhưng vẫn cứ để dành ly cà phê trước mặt cho người học trò Biết đâu có lúc nàng trở lại như một lô độc đắc không bao giờ biết trước giờ xổ số.
Rồi mọi điều sẽ tới Rồi lộc trời sẽ tới Trăng vẫn vằng vặc đêm thâu Trăng vẫn là trăng muôn thuở.
Ly cà phê trước mặt Ly cà phê trong tay Bài thơ gởi vào hư không người ra đi, người ngồi lại
Rồi cũng xong một kiếp Rồi cũng hết một đời Cũng đành Vậy thôi.
(Học Viện Quốc Gia Hành Chánh - 10 Trần Quốc Toản-Quận 3-Đô Thành Sài Gòn)
Hồi ức của Nguyên Trần
Viết về những chuyện đời xưa cách nay hơn nửa thế kỷ cộng thêm cái trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của một ông già quá xa cái tuổi bảy bó nên lẽ dĩ nhiên không thể tránh được sơ xuất. Chỉ xin quý bạn qua tình đồng môn gắn bó thiêng liêng mà đánh cho hai chữ đại xá. Thiện tai! Thiện tai!
Ngược dòng lịch sử, 53 năm về trước vào sáng ngày 10 tháng 7 năm 1963 tại thủ đô Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, lối 4.000 sĩ tử nam nữ từ khắp mọi miền đầt nước đã tề tựu tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tọa lạc tại số 10 đường Trần Quố́c Toản Quận 3 Sài Gòn để tranh giành 100 chiếc ghế của khóa ĐS 11 trong một cuộc thi tuyển cam go nhất Việt Nam. Đó phải chăng là hậu quả từ truyền thống ”khoái làm quan” của dân tộc Việt Nam ta.
Cuộc thi kéo dài tới ba ngày gồm các môn: Bình luận ( hệ số 4),
Sử ký ( hệ số 3), Địa lý ( hệ số 3), Sinh Ngữ (hệ số 2), Công Dân Giáo Dục (hệ số 2). Sau phần thi viết, các nam sinh viên còn phải thi thể lực tại sân vận động Cộng Hòa.
Về đề thi, bài bình luận nặng ký nhất là đề tài: Bình giảng câu nói Đức Khổng Tử "Kỳ thân chính bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính tuy lệnh nhi bất tùng" (Câu nầy chắc mấy tên đầu nậu Bắc Bộ Phủ hổng ưa chút nào). Riêng bài Sử ký thì tựa là: "Những ưu khuyết điểm của chế độ tiền tệ dưới thời Hồ Quý Ly." Còn đề Địa lý: " Vai trò của nông nghiệp trong công cuộc phát triển nền kinh tế Việt Nam."
Phòng khách Ký Túc xá, từ trái: Vũ Tiến Đạt, Nguyễn tấn Phát, Võ Trung Hải
Sau đó, kết quả được gởi theo hệ thống Bưu Điện đặc biệt tới từng nhà sinh viên trúng tuyển và đáng nói nhất là chi phí di chuyển từ nơi ở của sinh viên đến Sài Gòn được Tòa Hành Chánh sở tại đài thọ. Có thể nói là trong tất cả các trường Đại Học chuyên nghiệp hiện hữu, chắc chỉ có trường Hành Chánh chúng ta là ngon lành như vậy.
Người đỗ đầu khóa là Phan Thế Dinh(đã mất) và người cuối cùng là Hồ văn Cường (Úc Châu). Người lớn tuổi nhất là Trần văn Cảnh (đã mất) sinh năm 1934 và 3 người trẻ tuổi nhất cùng sinh năm 1945 theo thứ tự từ nhỏ tới lớn là người đẹp Nguyễn Thu Thủy (Houston), Đỗ Hữu Ưng (đã mất) và Nguyễn Thanh Phong (Houston). Tổng cộng số sinh viên trúng tuyển khóa ĐS XI là 97 người gồm cả 5 nữ sinh viên mà tôi thường gọi đùa là Ngũ Long Công Chúa. Đó là : Nguyễn Thu Thủy, Bùi thị Tuyết, Hồ thị Lựu, Trần thị Hồng Hà, Ngô Vũ Bích Diểm (người đẹp nguồn cảm hứng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác nhạc phẩm Diễm Xưa)
Cũng giống như các trường Đại Học khác ở Sài Gòn, nền học vấn của Học Viện đặt trên hình thức các Giáo Sư thuyết giảng để sinh viên nghe và ghi chép. Nếu cần tìm hiểu thêm, sinh viên có thể tham khảo các tài liệu tại thư viện của Học Viện, một kiến trúc lớn nằm phía bên phải.
Thành phần Ban Giảng Huấn khóa ĐS 11 trong suốt ba năm gồm các Giáo Sư tốt nghiệp tại ngoại quốc như Mỹ, Pháp và các Giáo Sư đang dạy tại trường Đại Học Luật Khoa, các Tổng Bộ Trưởng chính phủ như GS Viện Trưởng Nguyễn văn Bông, GS Phó Viện Trưởng Nghiêm Đằng, các GS Trần văn Kiện (Tổng Trưởng Tài Chánh), LS Vương văn Bắc (Tổng Trưởng Ngoại Giao), Nguyễn Duy Xuân(Tổng Trưởng Kinh Tế), Nguyễn Anh Tuấn (Thứ Trưởng Ḅ̀ộ Tài Chánh), Vũ Uyển Văn, Nguyễn Khắc Nhân, Lương Thọ Phát, Nguyễn thị Huệ, Trần văn Đỉnh, Trần Ngọc Phát, Nguyễn Như Cương, Trần văn Binh, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Quang Khánh, Lê văn Thận, Trần Quang Minh….
(Khóa 11 trước Ký Túc Xá
Hàng thứ nhất từ trái: Vũ Tiến Đạt, Nguyễn văn Cường, Nguyễn văn Phúc (Mất), Nguyễn văn Cao (Mất).
Hàng thứ nhì từ trái: Phạm Kim Rương (Mất), Nguyễn Phú Hùng, Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Quý Thành, Đinh Ngọc Bảo)
Tất cả quý vị giáo sư nêu trên đều đáng tôn kính vinh danh qua khả năng đức độ nhất là với tinh thần tôn sư trọng đạo của nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã ăn sâu trong tâm tưởng của sinh viên. Xin ghi ra đây vài kỷ niệm nho nhỏ về lời giảng của một số vị mà tôi còn nhớ.
- GS Viện Trưởng Nguyễn văn Bông giảng dạy môn Luật Hiến Pháp là nền tảng các quốc gia thương tôn pháp luật. Với giọng nói trâm ấm, mạch văn lưu loát, nôi dung sâu sắc , GS Viện Trưởng đã thu hút sự chú ý say mể của tất cả sinh viên môn đệ. - Giáo sư Vũ Uyển Văn (thân phụ nam ca sĩ Công Thành Lynn) diễn giảng môn Hành Chánh Nhập Môn thường luôn nhắc tới Mr. Simon. Nghe mãi rồi cứ mỗi lần Thầy xướng tên Mr. Simon là có một số bạn bụm miệng cười lén. Giáo sư gởi ông con Vũ Công Thành (cựu học sinh Taberd chung lớp với Elvis Phương) sang Úc du học, sau bốn năm miệt mài đèn sách, Thành vinh quy bái tổ với mảnh bằng MC (hướng dẫn chương trình) và cô đầm tóc vàng Lynn.
- GS Nguyễn Như Cương giảng môn Kinh Tế Đại Cương thì thích nói thuyết kinh tế vĩ mô (macroeconomics) của Keynes. -Giáo sư Nguyễn thị Huệ dạy môn Xã Hội Học với những danh từ lạ tai như tự tử biến tắc (norm suicide), nhóm thiếu nhi phạm pháp (delinquency ), du đảng (hooligan) ... Chữ hooligan sau này báo chí thường dùng để chỉ đám English soccer fans quá khích. - Giáo sư Vương văn Bắc (trước khi làm Tổng trưởng Ngoại giao) giảng dạy Chính Trị Học với nụ cười nửa miệng khinh đời. Tài ba quá rồi thì arrogant là chuyện thường tình mà thôi. - Giáo sư Trần văn Đỉnh dạy môn Soạn thảo công văn để các quan huyện tương lai tha hồ mà tập dượt viết các văn thư, thông cáo, nghị định, quyết định... - Giáo sư Trần văn Binh dạy môn Kế Toán thì luôn luôn truyền kinh nghiệm cho môn sinh kỹ thuật “đo đá" phải lấy cấy đè đống đá để sau này khỏi bị Ty Công Chánh làm tầm phổng (rỗng ruột) để qua mặt ban tiếp nhận.
(Khóa ĐS 11 thụ huấn quân sự Quang Trung 1964. Từ trái: Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Phú Hùng, Bùi Như Sơn, Nguyễn Quý Thành, Nguyễn Hữu Thông, ĐỗThanh Quang.)
- Giáo sư Nguyễn Duy Xuân (trước khi làmTổng trưởng Kinh tế) giảng dạy môn Kinh tế học thật rõ ràng dễ hiểu. Tôi còn nhớ giọng nói ông sang sảng. Môn học này đòi hỏi sinh viên phải có căn bản toán học với các bài: chỉ số thị trường, giá trị biên tế... Do đó nếu ai mà yếu Toán thì kể như "lội" luôn. Đa số các sinh viên đều ở nội trú tại Ký Túc Xá Học Việ́n. Ký Túc Xá là một kiến trúc nằm bên hông tay trái Học Viện có 3 tầng, mỗi tầng có hai dãy, dãy trước nhìn ra đường Trần Quốc Toản đối diện trường trung học tư thục Hồng Lạc, dãy sau đối diện với gia cư nhân viên Học Viện và xa hơn nữa là cư xá sĩ quan Chí Hòa. Mỗi dãy có 12 phòng, mỗi phòng có trang bị tiện nghi cho hai sinh viên. Các phòng được đánh sốthứ tự từ 101,102,103…201,202,203...301,302,303…theo tầng lầu. Riêng tầng trệt, nếu tôi nhớ không lầm dành riêng cho các bạn khóa 11 năm thứ nhất. Vì ở chung trong một gia đình thân tình Ký Túc Xá nên một khóa có thể quen biết với hai khóa trên và hai khóa dưới mình. Hằng ngày sau giờ học, anh em có cơ hội sinh hoạt với nhau trong không khí cởi mở vui tươi:
- Chơi bóng tròn ngay sân cỏ sau lưng Học Viện làm kiếng lớp học bể lia chia nhưng chắc Học Viện cũng muốn cho đám sinh viện tập dượt nên làm lơ đi và cho thay kiến. Cầu thủ lúc bây giờ có Tiết, Trí, Trạch (khóa ĐS9), Cường, Khương (khóa ĐS10) và một lô khóa ĐS11 là: Nhuận, Cửu sừng, Trí kều, Ngọc, Phát bấn, Tuyên, Thạnh (thủ môn), Bửu Uyển, Thiệu, Thu.
- Chơi bóng chuyền trên sân ngay trước mặt Ký Túc Xá với những “cao” thủ :Tiết (khóa ĐS9), Bao, Thoại, Long, Du (khóa ĐS10), Thuyết, Cường, Thơi, Trí kều (khóa ĐS11)
- Chơi bóng bàn ngay phòng khách Ký Túc Xá với các danh thủ Lộc, Du, Dũ (khóa ĐS10), Phước đói, Phụng, Khuê vua kẹo kéo(khóa ĐS11).
( Khóa ĐS11 thụ huấn quân sự Quang Trung. Từ trái: Đinh Ngọc Bảo, Đỗ Thanh Quang, Nguyễn Quý Thành, Võ Thành Thật, Trần Ngọc Thiệu, Nguyễn Phú Hùng, Bửu Uyển)
Thành tích bóng bàn là Trần Tấn Lộc một lần vào chung kết giải sinh viên gặp Phan Khắc Luân (đại học khoa học, con cụ Phan Khắc Sửu), Lộc thua Luân.
Còn đội bóng tròn QGHC thì trong mùa bóng 63-64 giải sinh viên Liên Khoa Sài Gòn, sau khi loại được các đội Đại Học Dược Khoa, Văn Khoa, Nông Lâm Súc, Luật Khoa, Y Khoa để được vào chung kết với Đại Học Khoa Học tại sân banh Hoa Lư (đường Trần Quang Khải) dưới sự chủ tọa của Giáo Sư Viện Trưởng Nguyễn văn Bông để ủng hộ gà nhà nhưng đội Đại Học Khoa Học với nhiều tuyển thủ của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn nhưng chỉ thắng đội bóng QGHC chúng ta với tỷ số sít sao 2-1 đoạt chức vô địch.
Tính ra thì thành phần trong tất cả các đội thể thao của Học Viện nhất là bộ môn bóng tròn, khóa ĐS 11 chúng ta luôn chiếm đa số.
Sau 3 năm học gồm hai năm rưởi lý thuyết và nửa năm thực tập tại Trung Ương và địa phương, khóa ĐS 11 tốt nghiệp ngày 7 tháng 5 năm 1966 với 88 sinh viên mà thủ khoa ban Hành Chánh là anh Nguyễn văn Thư (đã mất), còn thủ khoa ban Kinh Tài là anh Nguyễn văn Thành Già (Washington DC). Số sinh viên tốt nghiệp được bổ nhiệm tới các bộ theo quota như sau:
Trên bước đường phục vụ chế độ cộng hòa tự do nhân bản, đa số các bạn khóa ĐS 11 thành công viên mãn, hoạn lộ thênh thang với những thành tićh điển hình như :
Ngoài ra, khóa 11 còn có Trần quang Trí (Trí cao) từng là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn sau Lê Hữu Bôi và trước Tô Lai Chánh. Trí đã xuất sắc lèo lái con thuyền Tổng Hội thoát qua những sóng gió biến động chính trị sôi động nhất của Sài Gòn thời bấy giờ. Tuy nhiên, sự "đứng thẳng" của Trí đã phải trả một giá bằng cái vết sẹo dài trên môi do Vũ Công cũng là một sinh viên QGHC ban Cao Học chỉ một nhóm thanh niên quá khích dùng dao rạch mặt anh ngay trụ sở Tổng Hội Sinh Viên số 4 đường Duy Tân Sài Gòn. Trí hiện ở tại San Jose và cũng còn nặng tình với nước non lắm. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với Trí là vào năm 1971 khi tôi và Hà Anh Tuấn (chàng lãng tử khóa 12) từ Vĩnh Bình về Sài Gòn dự đám tang Giáo Sư Nguyễn văn Bông, sau đó Tuấn lạng quạng ở quán nhậu thế nào mà bị Cảnh Sát Quận Nhứt bắt về bót. Tôi phải chạy lại nhờ Trí lúc đó là Quận Trưởng Quận 10 can thiệp để thả chàng lãng tử. Trí vừa lái xe vừa cằn nhằn tôi: "Mày dẫn nó lên đây thì mày phải coi chừng nó chớ sao để nó đi hoang như vậy". Trí đã mất trong cô đơn tại San Jose năm 2007.
Nói về chức vụ sau khi ra trường thì khóa 11 có 3 chàng “làm lớn" nhất mà cả ba đều tên Thành. Chàng thứ nhất là Nguyễn văn Thành tức Thành "vò" làm Tổng Thư Ký Phủ Phó Tổng Thống, thủ khoa khóa 23 Sĩ Quan trừ bị Thủ Đức. Sang Mỹ , Thành định cư tại Portland, Oregon và tử nạn vì tai nạn xe cộ năm 1994. Riêng anh Nguyễn văn Thành (Già) Washington DC tốt nghiệp thủ khoa ban Kinh Tài, du học Mỹ trở về làm Chánh Sở Học Chánh HVQGHC.
Nhân vật quyền thế tiếp theo là Nguyễn Quý Thành (Thành "con" nhưng to chức) làm tới Chánh Sự Vụ Sở Nhân Viên Bộ Nội Vụ, như vậy là sếp của hầu hết anh em chúng ta. Coi vậy mà chàng nghèo rớt mùng tơi vì chẳng chịu "ăn uống" gì hết. Thành hiện định cư tại Edmonton, tỉnh Alberta, Canada và mới đây Thành được vinh danh là 1 trong “100 Edmontonians of the century” là những người đã có công đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của thành phố. Đây là một vinh dự không những cho Thành mà còn cho cả tập thể CSVQGHC và cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại.
Ngoài những anh chị tiêu biểu như trên, chúng ta còn có nhiều cái nhất lắm, nhất hay mà nhất dở cũng có, thôi thì chúng ta đều đã tới tuổi "lục thập ngôn bất nghịch nhĩ" cả rồi, xin các bạn cho tôi nói hết ra đây nhé!
- Có nhiều bạn giữ chức vụ Phó Tỉnh Trưởng nhất so với các khóa khác của Học Viện. Tổng cộng là 16 người: Bửu Uyển hoàng thân, Trần Bá Thuyết, Hồ văn Cường cọp, Trân Ngọc Thiệu, Đào Ngọc Khoa VC, Nguyễn văn Cường Tồ, Lê Hữu Phước Đói, Phạm Ngọc Cửu Sừng, Nguyễn Đình Phúc, Phạm Thăng Chức, Nguyễn Khắc Lương Rỡn, Nguyễn Tấn Phát Bấn, Đỗ Thanh Quang Bần, Đắng văn Thạnh, Trần văn Chí (Chí Diễm), Trần văn Cảnh Già.
- Có nhiều cầu thủ trong đội bóng tròn Học Viện nhất: Cửu sừng, Thạnh, Ngọc, Tuyên, Thiệu, Nhuận, Uyển, Phát bấn, Thu, Trí cao. Line up của một đội banh có 11 người mà khóa 11 đã có đến 10 người . Đúng là chơi trội.
- Có 2 tuyển thủ giỏi nhất của đội bóng chuyền Học Viện là Thuyết và Trí cao. Thuyết từng là tuyển thủ bóng chuyền của đội Providence (Huế), còn Trí cao 1,82m nên đập banh giống như ai đứng trên ngọn cây dộng banh xuống thì bố ai đỡ nổi còn khi Trí block banh thì như bức tường sắt sừng sững
- Có nhiều cây vợt trong đội bóng bàn Học Viện nhất : Phước đói, Thông râu và Phụng... gì đây (các bạn phe đảng không chịu đặt nickname cho Phụng nhé, tôi đề nghị kỳ họp mặt tới đây, chúng ta phải ban phát danh hiệu hết không chừa một ai cả. Thế mới vui và công bằng chứ!) Ba bạn nầy lẽ dĩ nhiên là đánh ping pong xuất sắc rồi nhưng "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Phước đói có ngón đòn giang hồ, Thông râu đánh đẹp mắt còn "nhà trí thức Phụng" thì đánh theo kinh điển kỹ thuật sách vở.
- Có nhiều hội viên xì phé nhất trường và đây là danh sách những "bác thằng bần" : Đạo dừa, Châu bê tông, Cửu sừng, Tuyên, Cường cọp, Khuê (ủy viên quần đùi đen), Phước đói, Hải đen, Thọ trắng, Thật, Quang bần, Thành (Đinh đóng Thùng), Hồng cabot, Phát bấn, Triêm, Giỏi.
Chừng bấy nhiêu chiến tướng đó đủ setup cho 3 sòng xì phé tưng bừng hoa lá hẹ.
Nếu bảo rằng văn võ song toàn thì khóa 11 ta cũng hội đủ đấy các bạn ạ! Chúng ta có 2 võ sư Vovinam là Nguyễn văn Thư và Nguyễn văn Cường đã có công sáng lập lớp võ thuật Vovinam cho khóa ( và cả các bạn khóa khác). Cứ mỗi chiều, ngay sân sau Học Viện, hình ảnh anh em quơ tay đá chân trong lúc miệng thì la to "sát sát" rồi uýnh xáp lá cà trông thật vui mắt và thân tình. Ngoài ra, chúng ta có Văn Tòng Hòa là một võ sư võ Bình Định đã từng thượng đài nhiều lần (nhưng ăn thua thì chưa nghe nói).
Còn nhớ câu:
Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết đánh roi đi quờn
Thì chắc Hòa phải là tay chì lắm, chả thế mà Hòa có nhiều môn sinh lẽ dĩ nhiên là miễn phí như Cầu, Phát bấn...Cứ nửa đêm là Hòa dẫn đám đồ đệ xuống bên ngoài đại giảng đường để dạy những bước ngũ hành, trung bình tấn, đòn nhập nội, đá song phi... làm đứa nào cũng tưởng mình là anh hùng Trương vô Kỵ tới nơi rồi. Hòa hiện ở tại Santa Ana thường kéo bạn bè tới nhà bù khú lắm.
Khóa 11 cũng còn có nhiều nhân vật kiệt xuất mà tôi xin kể sơ lược như chàng trẻ tuổi tài cao Đặng văn Thạnh chàng thủ môn đẹp trai của đội túc cầu QGHC, 3 lần Phó Tỉnh Pleiku, Biên Hòa, Vĩnh Long, pha hào hứng nhất là lúc làm Phó Tỉnh Biên Hòa, Thạnh đã knock out ông Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Biên Hòa lắm mồm ngay tại phiên họp sau một cuộc tranh luận. Ngoài ra, Thạnh từng dẫn một Đại Đội Địa phương Quân...lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng báo hại Đại tá Lâm quang Chính phải vất vả điều quân giải vây ông Phó.
Cho tới ngày Quốc Hận 30 tháng Tư thảm nạn tai ương phủ chụp lên quê hương, theo vận nước nổi trôi, đồng môn chúng ta tản lạc bốn phương trời. Người ra đi mang kiếp sống tha hương tất bật nhọc nhằn, kẻ ở lại đau buồn khủng hoảng nhưng chắc thỉnh thoảng chúng ta cũng có một phút giây lắng động tâm hồn để ngậm ngùi tưởng nhớ đến Thầy Cô, bạn cũ, trường xưa, ai còn ai mất, ai tản lạc bốn phương trời, ai đang oằn oại dưới trận hồng thủy tàn bạo của cái gọi là cách mạng vô sản.
Thế nên trong niềm hoài niệm về trường xưa bạn cũ, những buổi họp mặt tâm tình như Houston hai năm trước và Orlando năm nay là một nhu cầu tâm linh tối thiết không thể thiếu cho những người đã từng một thời là sinh viên của ngôi trường mang tên HỌC VIỆN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH toạ lạc tại số 10 Trần quốc Toản, Quận 3, Sài Gòn.
Trướ̃c khi kết thúc bút ký nầy, xin thắp nén hương lòng tưởng niệm các bạn đồng môn ĐS 11 đã ra đi về vùng miên viễn.
Tình Khúc 11
(Ảnh: Tác Giả)
(Mỗi câu thơ đều có lồng tên một hay nhiều bạn khóa 11ĐS - chữđậm. Trường hợp điệp ngữ là cỏ́ ít nhấ là 2 bạn trùng tên chẳng hạn cótới 3 Thành) -3 chữ Thành:Nguyễn Quý Thành (Edmonton), Nguyễnvăn Thành(Portland đã mất), Nguyễn văn Thành (Washington DC)
Hình chàng thư sinh tay trắng mộng đầy Thanh thanh một dãy Sơn Hà Trời Nam Phúc lộc một nhà vui chơi. Vinh Quang tổ quốc rạng ngời Có Trường Hành chánh ra đời năm hai (1952) Phát sinh toàn những anh Tài Giúp đời giúp nước không hoài Chí Cao. Thời gian đèn sách qua mau Chuyển Sang quân sự cũng vào tài danh Thủ Khoa cả khóa đón Thành Thành trường Thủ Đức duyên lành Ngọc Châu Cường chàng quản trị muôn màu Chức đại diện thật anh hào nổi danh Nhớ thời Hoan lạc tuổi xanh Lựu cười lửa hạ, Tuyết dành chờ đông Chừng như lưu Thủy xuôi dòng Tương lai Thông suốt màu Hồng reo ca Đời sinh viên đậm Chữ hoa Thật thà Trân quý chan Hòa tình thương Trui rèn ĐạoĐức thiên Lương Ngày mai Thành Đạt trên đường Phát Quan Tuổi hoa niên, phút huy Hoàng Sơn Lâm Tùng Thạch Phụng loan vẫy vùng. Ký túc xá Cảnh vui chung Bóng chuyền bóng đá Thư Hùng cùng nhau Vô vi nam Giỏi làm sao “Long tranh hổ đấu” ào ào dưới sân. Một Em Khuê các đến gần Hỏi thăm anh Chuế “tần mần” ở đâu. Bảo rằng anh ấy trên lầu Cùng Triêm Kỉnh Nhuận ôn làu sử kinh. Cầu mong Đỗ Đạt hiển vinh Để mà hưởng Phúc về Dinh đưa nàng. Ai Ưng đấu Trí trên bàn Thử Tài Minh Mẫn với chàng bồi rô. Sòng xì hội Quán nhào dzô Tố nhau xả láng tiền đô Giao liền. Sau canh bạc, Thịnh nộ yên
Phe ta giải tán rồi Tuyên bố rằng: Ai Thu bạc sống huy Hoàng Ai thua ôm Nghiệp cơ hàn Liên miên Có chàng Tự tránh ưu phiền Làm thơ ngâm Vịnh xa miền đắng cay. Thuyết trình tập dượt mỗi ngày. Độc Tôn mong chiếm kim bài Trạng nguyên Phước lộc Thọ sẽ thấy liền Thiệ̣n Tâm Cương trực thế thiên vẫy vùng Hào hoa anh Tuấn tận Trung Nước nhà bền vững Cửu trùng yêu thương Nhưng hạnh Phúc lại cùng đường Có loài Cộng đỏ bạo cường Phong ba Lượng trời đất cũng xót xa Không Chi hơn chỉ còn là vượt biên Thôi thượng Uyển thêm Diễm huyền Cuối đời Tiếu ngạo, ưu phiền đầy Rương Từ đây Hồng Thiệu trên đường Hải hồ một gánh, yêu thương một trời Nghi ngờ chi cuộc đổi đời ./. (Nguyên Trần)
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
10 Trần Quốc Toản- Quận 3- Đô Thành Sài Gòn
Danh sách những bạn đồng môn đã qua đời theo thứ tự thời gian (có thể sự sắp xếp của tôi không chính xác mấy)
1- Nguyễn Đức Hoàng: chàng trẻ tuổi đẹp trai học giỏi lại là người ra đi trước nhất của khóa (năm 1968 bị đạn pháo kích tại quận An Phú tỉnh Châu Đốc) 2- Nguyễn Ngọc Thọ: Lại thêm một bạn good looking chết vì tai nạn xe cộ ở Bà Rịa (năm1972) khi đi cứu trợ. 3- Võ Quang Quán: nhà hùng biện khóa 11 bị VC sát hại năm 1975 ở Quảng Tín trên đường di tản. 4- Đỗ Như Khuê chết trong trại cải tạo năm1979 5- Vũ Thế Hùng cancer ruột 1980 ở Nam Cali 6- Phạm Kim Rương chết trên đường vượt biển 1982 7- Nguyễn Đức Cảnh vượt biên đường bộ 1984 8- Nguyễn văn Cao bị rắn hổ cắn trong khi làm ruộng vào năm 1987 ở Cần Đước, Long An 9- Phạm Thăng Chức ung thư 1993 ở Sacramento, CA 10- Nguyễn văn Thành tai nạn xe cộ 1994 ở Portland, OR 11- Phan Thế Dinh ung thư 1998 ở Seattle, WA. 12- Vũ Tuấn Thịnh:vượt biên 13- Nguyễn văn Phúc heart attack 2002 ở Irvine CA (Chị Phúc vẫn còn gắn bó với khóa) 14- Võ Tấn Thọ: 2004 ở Pháp 15- Nguyễn văn Thư sơ phổi 2004 Orange County, CA 16- Vũ Minh Ngọc ung thư 2006 Orange County, CA 17- Lê Hoan ung thư 2006 Portland.OR 18- Hồ Triêm heart attack 2007 Toronto, ON. 19- Mai văn Giỏi ung thư 2007 Washington DC 20- Trần Quang Trí heart attack 2007 San Jose, CA 21- Trần văn Cảnh lao màng óc 2007 Long Xuyên, VN 22- Nguyễn Xuân Nghi ung thư 2007 Dallas, TX 23- Nguyễn Thịnh Chi-Việt Nam 24- Trần Trọng Huệ-Việt Nam 25- Bùi Như Sơn 2009 Krefeld, Đức Quốc 26- Nguyễn Đình Phúc diabetes 2013 Vancouver, BC 27- Trần thị Hồng Hà 2016 Việt Nam 28- Đào Ngọc Khoa 25/1/2017 Seattle, WA. 29- Đỗ Thanh Quang 20/7/2018 Austin, TX 30- Văn Tòng Hòa 2019 Orange County, CA 31- Hàn Minh Đức 2019 Orange County, CA (là em thúc bá của nữ tài tử Khánh Ngọc Hàn Thị Lan Nam) 32- Vũ Thanh Phát 2019 New Orleans, LA 33- Nguyễn Đình Đỗ 2020 Orange County, CA 34- Nguyễn Khắc Lương 35- Dorohiem 36- Hồ Quang Nghiệp (Sept/2020 San Jose, CA) 37- Nguyễn Quang Đạo (1/1/2021 Houston, TX) 38- Trần văn Chí (6/9/2022 Vũng Tàu)
Xin hãy cùng nhau thắp nén hương lòngtưởng niệm các bạn ta.