Trong 12 địa chi, người Hoa và người Việt hơi khác nhau.
Tý của mình, Tầu gọi là Thử, Sửu là Ngưu, Tỵ là Xà… Tầu không có Mão, con mèo, mà có Thố là con Thỏ. Cũng tương tự như vậy, chi thứ 5, Long, là Rồng, mình gọi là Thìn, vì Thìn là một loại rồng, và là thần sấm.
Năm nay là năm Thìn nên nói chuyện Rồng.
RỒNG TÂY PHƯƠNG VÀ ĐÔNG PHƯƠNG.
Rồng là một con vật trong huyền thoại, chưa ai thấy và chẳng ai biết con rồng ra sao, nên mỗi xứ, mỗi nước vẽ con rồng theo trí tưởng tượng của họ. Rồng Tây Phương có 10 loại, theo thần thoại Hy Lạp: Typhon, Ladon, Hydre de Lerne, Python, Drag on de Colchide, Dragon Isménien, Dracaena Scythe, Chimère, Monstre Marin d’Ethiopie, Monstre Marin de Troie.
Nổi tiếng nhất trong các con rồng này là Hydre de Lerne, sống ở đầm lầy Lerne, có 9 đầu, bị chặt lại mọc ra, hơi thở, móng vuốt và máu của nó đều rất độc. Việc giết được con rồng này là một trong 12 chiến tích của Hercule. Tên Hydre được dùng để đặt tên cho một chòm sao.
Một con rồng khác cũng nổi tiếng là Draco, có cánh, có chân, vẩy cứng, đuôi dài, phun lửa được. Người ta cũng dùng Draco để đặt tên cho một chòm sao.
Nói chung, rồng Tây phương đều dữ dằn, hung ác, giết hại dân lành, bị mọi người thù ghét. Rồng Đông Phương, trái lại, là một trong 4 linh vật, “Long, Lân, Quy, Phượng“ được dân chúng thờ phụng, tôn kính, được tạc tượng ở cung vua, đình, chùa, lăng miếu.
Ở Trung Hoa, còn hai loại giống như rồng gọi là giao và cù.
Rồng ở Việt Nam, Nhật Bản, Cao Ly cũng khác biệt đôi chút với rồng Trung Hoa.
Rồng tôn quý tới nỗi mấy ông vua Tầu và Việt coi mình như rồng: áo là Long Bào, thêu 9 con rồng, giường là Long Sàng, thân mình là Long Thể, mặt là Long Nhan.
HUYỀN THOẠI VỀ RỒNG CỦA TRUNG HOA.
Từ thời thượng cổ của Tầu, các nhà Hạ, Thương, Chu, Hán… tôi nhớ vài huyền thoại, hoặc tôi không biết, như việc vua Vũ nhà Hạ đang đi thu yền trên sông thì có con rồng vàng đội thuyền lên. Cũng ông vua Vũ này, khi đi trị thủy, thấy ở thượng lưu sông Hoàng Hà, có một mỏm đá hình cánh cửa, liền làm cho rộng ra, và người ta gọi chỗ đó là Vũ Môn (Cửa vua Vũ). Tục truyền rằng, vào tháng 3 hàng năm, lũ cá chép tới đây thi nhầy, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng. Nước chỗ này chảy rất mạnh, vượt Vũ Môn rất khó, nên bên mình ví như thi đậu ngày xưa (một phen cá vượt Vũ Môn).
Đời nhà Chu, Tần Mục Công có cô con gái tên Lộng Ngọc, rất đẹp và thích thổi tiêu. Ban đêm, nàng thường nghe tiếng tiêu rất du dương từ xa vọng tới và sinh bệnh tương tư. Mục Công biết chuyện, liền sai người đi tìm, thì gặp được Tiêu Sử, vốn là tiên, bị đầy xuống núi Hoa Sơn. Mục Công cho hai người kết hôn.
Một hôm, hai vợ chồng cùng thổi sáo, thì có rồng và phượng tới đậu trước sân.
Tiêu Sử cưỡi rồng, Lộng Ngọc cưỡi phượng, cùng bay lên trời.
Đó là tích Thừa Long giai tế. Thừa long là cưỡi rồng.
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng tích này trong câu” phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”
Về sau, khi truyện và truyền kỳ thịnh hành, chúng ta mới có nhiều huyền thoại về rồng, và lạ lùng là toàn xẩy ra vào đời Đường. Theo huyền thoại thì vũ trụ có 4 tầng khác nhau:
- Trên thượng giới có Ngọc Hoàng Thượng Đế, các Tiên, Phật.
- Hạ giới có Hoàng Đế, quan, dân…
- Âm phủ có Diêm Vương, ma, quỷ.
- Những chỗ có nước như biển, sông ngòi, hồ, ao, giếng nước là thế giới của RỒNG.
Theo Tây Du Ký thì có 4 biển (tứ hải), được trị vì bởi 4 vua rồng là Đông Hải Long Vương Ngao Quảng, Nam Hải Long Vương Ngao Khâm, Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận, Bắc Hải Long Vương Ngao Thuận. Bốn Long Vương này ở Long cung, cai quản các loài thủy tộc, nhưng vẫn dưới quyền Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tam thái tử của Tây Hải Long Vương, tên Quảng Tấn, lấy Vạn Thánh Công Chúa, được Ngọc Hoàng ban cho một viên ngọc quý làm quà cưới. Ngờ đâu, bà vợ lại ngoại tình với Cửu Đầu Trùng, nên thái tử tức giận, đập vỡ viên ngọc. Đáng lẽ bị tội chết vì phạm thượng, nhưng Quan Âm xin Ngọc Hoàng tha, nhưng bị biến thành con ngựa có tên là Bạch Long Mã cho Tam Tạng cưỡi, và phụ giúp Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng đưa ông này đi thỉnh kinh Phật ở nước Thiên Trúc.
Trong Tiết Nhân Quý Chinh Đông, cũng có truyện hoang đường về một con Rồng Xanh. Khi Đường Thái Tông đem quân đi đánh Cao Ly, Tiết Nhân Quý chỉ là người nấu bếp, tức hỏa đầu quân. Khi động đất, có một hang xâu lộ ra, Quý xung phong xuống do thám, thấy như lạc vào bồng lai tiên cảnh, lại nghe tiếng kêu cứu, bèn lại coi thì thấy một con rồng xanh bị trói vào núi đá bằng 9 sợi dây sắt. Quý thả ra, con rồng liền bay về hướng đông bắc. Sau đó, Quý được Cửu Thiên Huyền Nữ gọi vào mà phán rằng:
“Ngươi thả con Thanh Long, là con rồng dữ, chuyên gây rối loạn, là tướng tinh của nguyên soái Cáp Tô Văn, xứ Cao Ly. Hắn có tài, sức mạnh trùm đời, sẽ làm ngươi khốn khổ. Vậy để giúp ngươi lập công, ta ban cho mãnh lực và 5 bảo bối là Bạch Hổ Tiên (roi), Thuỷ Hỏa Bào (áo chống nước và lửa), Chấn Thiên Cung với 5 mũi Xuyên Vân Tiễn (cung và tên) cùng cuốn Vô Tự Thiên Thư. Sách này không có chữ, khi nào gặp nguy hiểm hay việc nan giải thì ngươi khấn vái, chữ sẽ hiện ra để giúp đỡ. Quả nhiên, sau 3 năm, sau bao nhiêu vào sinh ra tử, Quý mới nhờ Vô Tự Thiên Thư chỉ cách lập trận Long Môn mà giết Cáp Tô Văn, và chinh phục được Cao Ly.
HUYỀN THOẠI VỀ RỒNG CỦA VIỆT NAM.
#Theo tục truyền thì Đế Minh, cháu 3 đời vua Thần Nông, đi tuần du phương Nam, gặp và lấy một nàng tiên, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ, vào khoảng năm 2879 trước Công Nguyên.
Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là LONG NỮ, đẻ ra Sùng Lãm.
Sùng Lãm, khi lên ngôi, xưng là Lạc Long Quân, lấy bà Âu Cơ, đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 người con trai. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi Thần Tiên, ăn ở lâu với nhau không được, vậy nàng đưa 50 đứa con lên núi, ta đem 50 đứa xuống bể Nam Hải.
Vì vậy, người Việt mình thường tự hào là con Rồng, cháu Tiên.
Lạc Long Quân Sùng Lãm phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương thứ nhất, đóng đô ở Phong Châu. Văn Lang chính là nước Việt Nam, nhưng ngày đó chỉ tới phía nam Quảng Trị.
Theo Trần Trọng Kim thì Sùng Lãm vốn họ Hồng Bàng, các con cháu làm vua đều là Hùng Vương, được 18 đời, chấm dứt vào năm 258 trước Công Nguyên.
Nếu tính từ Kinh Dương Vương, thì họ Hồng Bàng làm vua được 20 đời (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, và 18 vua Hùng ) cả thẩy là 2621 năm, từ 2879 tới 258 TCN, thì mỗi người trị vì khoảng 131 năm, rõ ràng là không hợp lý. Có lần, học giả Nguyễn Bá Triệu đã nói, thay vì 18 vua Hùng, mà là 81 vua thì mỗi người trị vì 32 năm thì có vẻ hợp lý hơn.
Cách đây mấy chục năm, khi viết bài cho một tờ báo, cũng nói về con rồng cháu tiên, nhân truyện
Lạc Long Quân chia tay và chia con với bà Âu Cơ, tôi viết như sau đây: người Việt Nam, nếu có ly thân ly dị lia chia thì cũng là theo gương của tổ tiên mình mà thôi, đâu có gì đáng chê trách. May là hồi đó, con người còn hiền lành, chân chất, lương thiện, nên Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay rất êm đẹp. Phải như bây giờ, xã hội quá văn minh, có nhiều luật sư làm thầy cò thì Âu Cơ đã đem cả trăm con lên núi, và Lạc Long Quân một mình xuống biển, hùng hục “lao động vinh quang“ để kiếm tiền cấp dưỡng.
Họ đăng bài của tôi, nhưng đoạn trên bị kiểm duyệt vì sợ đụng chạm.
# Còn một huyền thoại nữa liên quan tới rồng, là tích Lý Thái Tổ: Mùa thu năm 1010, trong khi rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, nhà vua thấy có con rồng vàng bay lên trời, cho là điềm lành nên đổi tên thành là Thăng Long.
NHỮNG ĐỊA DANH, CA DAO CÓ RỒNG VÀ LONG.
Người Việt mình có vẻ rất thích Rồng và Long nên dùng 2 chữ này để đặt tên cho rất nhiều thứ, như tên thành phố, tên tỉnh, tên sông, tên đảo… Khi viết bài, tôi nhớ đâu thì ghi đó, chắc còn nhiều thiếu sót, mong quý độc giả lượng thứ.
Nếu tính từ Bắc vào Nam, ta có:
Kinh đô Thăng Long, ở đó có cầu Long Biên, bắc ngang sông Hồng Hà, do người Pháp xây từ 1899, hoàn tất năm 1903. Trong truyện Hồn Bướm Mơ Tiên, nhân vật chính là Lan, tu ở chùa Long Giáng, nơi xẩy ra mối tình thơ mộng giữa Lan và Ngọc.
Ở ngoài biển, vịnh Hạ Long là nơi phong cảnh rất đẹp, đã thu hút rất nhiều du khách.
Trong rặng Hoàng Liên Sơn, có một ngọn tên là núi Hàm Rồng, trông xa giống như hàm con rồng. Ở Thanh Hoá, có cầu Hàm Rồng, bắc qua sông Mã, do Pháp xây năm 1904.
Ngoài Trung, tôi không nghĩ ra chỗ nào có long và rồng, nhưng trong Nam thì nhiều vô kể. Bến Nhà Rồng là một thương cảng sầm uất của Sàigon ngày xưa.
Long Hải là một thị trấn thuộc quận Long Điền, Vũng Tầu.
Long Bình là kho đạn của mình ngày xưa. Có rất nhiều tỉnh mang chữ long, như Vĩnh Long, Long An, Long Xuyên…
Nhiều quận cũng vậy, như Long Hồ, Long Mỹ…. Trên dòng Tiền Giang mênh mông, có 4 hòn đảo do phù sa bồi đắp, mình gọi là cù lao hay cồn, và lấy 4 con vật trong tứ linh để đặt tên: Long, Lân, Quy, Phụng, trong đó có 2 rất nổi tiếng ngày xưa là cù lao Phụng, nơi cư ngụ của ông Đạo Dừa, tức kỹ sư Nguyễn Thành Nam, và CÙ LAO RỒNG. Cù lao này cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho, ngày xưa là nơi để cho những người bị bệnh cùi sinh sống, và do ty Y Tế Mỹ Tho lo việc điều trị, cho tới sau đệ nhị thế chiến, các bệnh nhân mới được rời đi nơi khác.
Nhưng nổi tiếng nhất và ai cũng biết, đó là sông Cửu Long. Sông này là một trong những sông lớn nhất thế giới, phát nguyên từ Tây Tạng, dài 4350 km, chạy qua rất nhiều nước. Khi tới Nam Vang, sông chia thành hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Hai nhánh này lại chia thành 9 nhánh nhỏ, đổ ra biển tại 9 cửa là Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc, và Trần Đề. Vì có 9 cửa đổ ra biển nên sông mới được đặt tên là Cửu Long, nhưng hiện giờ chỉ còn 7 cửa: cửa Ba Thắc đã bị lấp từ thập niên 60, chỉ còn 2 rạch nhỏ là Cồn Cộc và Cồn Tròn; cửa Ba Lai thì bị đắp đập ngăn chặn.
Những ca dao liên quan tới long và rồng của mình chắc cũng nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ câu sau đây:
Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai,
Sông kia sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.
Hồi năm 1975, một thân một mình lưu lạc tới Montreal, xứ lạ quê người, câu ca dao đã nói lên đúng tâm trạng của người viết, và nghe lòng bồi hồi cảm động. Ở đây không có dòng Tiền Giang, nhưng có sông Saint Laurent mênh mông không kém, chỉ thiếu những ghe thuyền qua lại, và đám lục bình hoa tím bềnh bồng…
RỒNG VÀ LONG TRONG TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã làm say mê bao nhiêu triệu độc giả.
&- Trong Anh Hùng Xạ Điêu, tác giả viết về Giáng Long Thập Bát Chưởng.
Đó là một trong 2 tuyệt kỹ của bang chủ Cái Bang đời thứ 18 là Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công. Pho chưởng này có 18 chiêu, tôi không viết ra đây vì quá dài và rắc rối, chỉ ghi những chiêu được nhắc nhiều lần như Phi Long Tại Thiên, Kiến Long Tại Điền, Kháng Long Hữu Hối, Thần Long Bài Vĩ… Hồng Thất Công truyền thụ pho chưởng này cho đồ đệ là Quách Tĩnh, sau này góp công trong việc trấn thủ thành Tương Dương của nhà Tống chống lại Mông Cổ.
&- Ỷ Thiên Đồ Long Ký, là bộ truyện rất hấp dẫn, xoay quanh thanh đao Đồ Long và thanh kiếm Ỷ Thiên, trong ruột cất giấu bộ Vũ Mục Di Thư của Nhạc Phi và bí kíp võ công Cửu Âm Chân Kinh. Vai chính là Trương Vô Kỵ.
&- Thần Điêu Đại Hiệp, với nhân vật chính là Tiểu Long Nữ: nàng mồ côi, được trưởng môn phái Cổ Mộ đem về nuôi, nhận làm đệ tử. Nàng đẹp như tiên nữ, thanh khiết, ngây thơ, chỉ ở trong cổ mộ, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ mặc đồ trắng. Tên nàng do sư phụ đặt. Khi sư phụ qua đời, nàng vẫn sống cô đơn như vậy với bà người hầu, cho đến khi Dương Quá lạc vào cổ mộ. Theo lời trăn trối của bà này, Tiểu Long Nữ nhận Quá làm đồ đệ, dậy võ công. Không ngờ, thầy trò nẩy sinh tình cảm, và bị mọi người chê trách. Sau bao nhiêu gian lao, đau khổ, hai người cũng nên duyên phu phụ.
&- Thiên Long Bát Bộ: một tiểu thuyết dựa theo kinh Phật Đại Thừa, là 8 loài hữu tình, trước hung ác, sau được Phật chuyển hóa thành thần vật hộ trì Phật Pháp.
Nếu kể cả 8 bộ thì quá dài dòng, đôi khi khó hiểu, tôi chỉ nói tới 2 bộ mà thôi:
THIÊN là 12 thiên thần, tượng trưng cho 8 hướng và 4 tinh thể của vũ trụ là mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất. Nhân vật chính trong truyện là Kiều Phong, hay Tiêu Phong, tượng trưng cho Thiên.
LONG là rồng, cuốn thành tàn che cho đức Phật. Đoàn Dự tượng trưng cho Long.
TRUYỆN BA HOA CÓ LIÊN QUAN TỚI RỒNG VÀ LONG.
Air VietNam Logo
&- AIR VIỆT NAM. Trước 1975, Air Việt Nam là một hãng hàng không có uy tín ở vùng Đông Nam Á Châu: phi cơ tối tân, phi công đầy kinh nghiệm, các nữ tiếp viên đều xinh đẹp, tới nỗi, có người đã kết
duyên với Thủ Tướng, sau thành Phó Tổng Thống VNCH. Huy hiệu của hãng là hình một con Rồng rất đẹp, nhưng mấy ông nhà báo thì nhất định gọi là hãng hàng không con rồng lộn.
&- LỠM CÔ NGỌC HỒ. Ngọc Hồ là một gái làng chơi rất nổi tiếng ở Hà Nội vào thập niên 1930. Ông Tú Mỡ có làm 2 bài thơ, đăng báo, để trêu chọc cô, chê trách cô và cả những người đi với cô để mua vui. Đăng hết thì hơi dài, tôi chỉ trích 2 câu quan trọng nhất, có tên cô, và tác giả đã dùng cách nói lái, nhưng đối rất chỉnh làm mọi người vừa tức cười, vừa thán phục:
Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn,
Ngọc vỡ thương tình kẻ cố đeo.
&- SONG LONG TRIỀU NGUYỆT. Chắc mọi người đều biết, Từ Hy Thái Hậu là người đàn bà quyền lực nghiêng trời vào cuối nhà Thanh. Thiên hạ cho rằng bà rất đẹp, có quý tướng, nhưng nhìn hình thì thấy cũng vậy vậy, không biết quý tướng ở chỗ nào. Theo Vũ Tài Lục, bà có quý tướng ẩn, không lộ ra ngoài: bộ phận sinh dục của bà có rất nhiều lông, trong đó có 2 sợi dài, khi kéo ra thì tới đầu gối, buông ra là chúng cuộn lại, trở về chỗ cũ. Đó là tướng song long triều nguyệt, đại quý, nhờ nó mà nên sự nghiệp.
&- LONG DIÊN HƯƠNG. Để kết thúc bài này, tôi xin kể một truyện ly kỳ trong cuốn Nam Hải Truyền Kỳ của Hư Chu Nguyễn Kỳ Thụy, xuất bản năm 1952:
Đời vua Lê Thần Tông, cai bạ ở thừa ty, trấn Kinh Bắc là Dương văn Văn. Văn ít giao du, rất kín tiếng, chỉ có vài người bạn. Một lần, người bạn đồng học họ Phùng đến chơi, ở lại, đêm không ngủ được, ra thư phòng tìm sách thì vô tình đọc được cuốn gia phả của họ Dương, kể về ông tổ 4 đời của Văn là Dương Hòa Hạ.
Hạ quê ở làng Nam Xuân, huyện Đông Ngạn, sinh đúng vào năm thìn, tháng thìn, ngày thìn, và giờ thìn, được thầy số, xem tử vi, khen rằng mai sau sẽ gặp chuyện phi thường.
Nhà Hạ không giầu, chỉ đủ tiền nuôi con ăn học, nhưng lười, nên Hạ chữ nghĩa lam nham, trái lại, tửu lượng rất khá, lại hào phóng, bất cứ thân, lạ, sang, hèn đều đãi như bạn thiết, và thường cầm cố áo khăn để tiêu dùng.
Năm 20 tuổi, cha mẹ đều mất, tiền bạc còn chút nào thì bay theo rượu. Đến nhờ thầy, bạn, họ hàng, đều bị đuổi. Bèn bỏ làng ra đi, khi qua sông, trỏ tay xuống nước mà thề: “Chừng nào sông này cạn thì ta áo gấm về làng”.
Hạ lang thang, kết bạn cả với lũ ăn mày, thường say xỉn.
Có lần, Hạ say quá, bị lũ ăn mày khiêng tới ném vào vườn một nhà quyền quý.
Khi tỉnh dậy, thấy có ánh đèn, mò lại nhìn qua cửa sổ thì thấy một cô gái đẹp như tiên nữ. Hạ lên tiếng gọi, thiếu nữ sợ quá kêu ầm lên, gia nhân ùa ra, bắt được Hạ, đem vào trình chủ nhân. Đó là quan Tào Vận Lệnh, họ Mai, nhà giầu, nhưng bị mọc một cục bướu trên cổ, không ai chữa khỏi, nên thông báo, nếu ai chữa khỏi, sẽ gả con gái cho. Đêm trước, Mai công nằm mơ, thấy thần nói ban đêm có người chữa được bướu cổ sẽ tới nhà, nay thấy Hạ, mừng lắm, cho tiền bạc, nhờ đi mua dãi rồng. Hạ nào biết mua thuốc ở đâu, liền đem tiền kéo lũ ăn mày đi nhậu. Hết tiền, đang lo sợ thì Mai công lại sai người đưa thêm tiền. Hạ ngượng và hối hận, mới đi dò hỏi, thì được chỉ tới nơi tu hành của một Sư ông. Ông này cho Hạ một bình rượu Bách Gia Thái Hôi, dặn vẽ rồng, đổ rượu lên tranh, rồng thật sẽ hiện ra, chỉ việc hứng lấy nước dãi của nó mà chữa bệnh. Hạ vẽ mấy con rồng, đều bị chê không đúng. Muốn vẽ đúng, phải qua Tầu, mà chỉ có 2 con là đúng thôi. Hạ nản quá, liền ôm bình rượu mà đi. Tới khi mệt, thấy có cái miếu, bèn vào nằm nghỉ; trong lúc chán nản, Hạ lấy bình rượu uống hết, say bí tỉ, nôn mửa rất nhiều. Đang lúc mơ màng, thấy có một ông già tới, chắp tay cung kính hỏi:
Hạ kinh ngạc hỏi: sao mà gọi nhau là chúa công?
- Vì chúa công là đức Ông Rồng, còn bầy tôi là thần giữ miếu. Nay chúa công cần gì, xin cứ truyền lệnh.
- Cô gia muốn hay chữ mà không thích học. Thần bèn đem mấy chồng sách lại đốt, lấy tro cho Hạ uống.
Hỏi dãi rồng Long Diên Hương thì thưa: những thứ mà chúa công vừa nôn ra chính là Long dược đó.
Nghe vậy, Hạ thích chí cười lớn, giật ḿnh thức dậy, liền hốt những thứ mình mửa ra, đem về chữa bệnh cho Mai công, và được làm rể họ Mai .
Khi trở về làng, Hạ chỉ dòng song, nhắc lời thề, thì nước cạn đi 3, 4 thước.
- Chúa công hạ cố, có điều chi dậy bảo?
Nhân năm Thìn, xin chúc quý độc giả khỏe mạnh, song thọ như rồng, và được duyên may như Dương Hòa Hạ.
Bát Sách Nguyễn Thanh Bình.
Mùa Xuân năm Thìn, 2024.
( Đăng trong Giai Phẩm Xuân Giáp Thìn 2024, Hội Y Nha Dược Florida)