Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Xuân Mỏi Mòn - Thơ Kim Phượng - Phổ nhạc Ân Nguyễn

Kính dâng Hương Linh Bác. Kính tặng chị Kim Phượng 2016



Thơ: Kim Phượng
Phổ Nhạc, Đàn& Hát: Nguyễn Đức Tri Ân

Câu Đối Xuân Bính Thân 2016 - Phong Tâm


Câu Đối: Phong Tâm
Trình Bày: Yên Dạ Thảo

Nhớ Tết Việt Nam



Lập đông gió bấc lạnh về
Làng thôn bánh tráng phơi kê khắp đường
Dòng sông quê đẹp thân thương
Nâng ghe chở khẩm hoa vườn,trái cây...

Nhà ai ngói mới vừa xây
Mừng xuân đám cưới vui say họ hàng
Tơ duyên trời khéo buộc ràng
Nàng trầu ôm mãi thân chàng cau cao

Tháng giêng gió thở ngọt ngào
Hồng,lài,bưởi,nhãn...hương sao tuyệt vời
Trạng nguyên môi đỏ rạng ngời
Mai,đào khoe sắc cho đời thêm xuân

Ngày qua Tết đến thật gần
Cây nêu ngất ngưởng trong sân vẫy chào
Người người áo mới khoe màu
Bầu cua cá cọp, bài cào... vui chơi

Điệu hò, khúc hát yêu đời
Một năm ăn Tết thảnh thơi ba ngày
Quê người Tết vẫn đi cày
Mùa đông nước bạn cùng ngày xuân ta

Chạnh lòng viễn khách xa nhà
Xuân ơi! Tết Việt thật là nhớ thương...

Phượng Trắng

Bóng Xuân


Mặt trời quỳ gối bên song
Nhành mai ưỡng ngực cỡi lòng vào xuân
Đám mây quá khứ xoay dần
Tóc buông hiện thực xuôi càn khôn vây
Là ta? Là tháng ngày này
Là xuân? Là bóng đầu thai, nợ đòi
Là em? Ưỡn ngực ngạo đời
Là hoa? Là dấu hương thời đôi mươi
Chiều vừa qụy xuống. Chiều rơi
Thế nhân vấp ngả những lời hôn mê
Ta, em, những cõi vụng về
Em, ta, lợi dụng xuân về thế thôi
Nụ hôn còn đỏ đất trời
Bàn tay còn ấm lời thề đã xưa
Mặt trời rung động mấy mùa?
Lòng người băng lạnh giao thừa rụng rơi

Hoài Tử

À Xuân...


Bài Thơ Xướng
À Xuân...

Rượu thịt nơi đây hẳn quá thừa
Hỏi nhe chừng ấy đủ hay chưa?
Lá đầy trước ngõ chờ hong nắng
Em lạnh bên kia đứng hứng mưa
Ai nhỉ cùng ai vui cạn chén?
Bạn ư với bạn hẹn giao mùa
Còn ta bó gối nhìn sương tuyết,
Phải Khỉ đó a,sao chẳng thưa?

Thái Huy,
***
Bài Thơ Họa:
Xuân Lại Về

Từ độ xuân xưa kiếp sống thừa,
Bốn mươi mốt lượt Tết qua chưa...
Yêu ai dạo ấy chờ mong mi,
Mến khách thuở nào đợi dưới mưa.
Lỗi hẹn đôi ta xa cách mấy,
Quên sao lẻ bạn dở dang mùa.
Xuân về trở lại thăm quê cũ,
Người đó ta đây chẳng dám thưa!

Mai Xuân Thanh 
Ngày 11 tháng 01 năm 2016


***
Ơi Xuân!

Thưởng xuân nào đủ nói chi thừa
Đôi lúc mơ màng xuân đến chưa
Chả lẻ xuân còn đang đợi gió
Hay là xuân chậm bởi vì mưa
Lây quây lòng chỉ chờ xuân đến
Lẩn quẩn mong xuân sớm ngự mùa
Cũng bởi tín đồ xuân mới thế
Yêu xuân nên chẳng ngại lời thưa.

Quên Đi

Chúc Mừng Xuân Bính Thân - Kim Quang



Tháng Chạp


Ta ở đây, Tết rất chậm về
ghét cái lạnh làm da khô ửng
đã mười năm, chín năm dị ứng
đất trời nầy đâu phải của ta.

Thời tiết gì như phỏng thịt da
hồn tê cứng đau cơn buồn bã
thân của ta đất khách đầy xa lạ
máu về tim máu chảy chậm dần

Tuyết đầy trời tuyết đông cứng ngoài sân
ta vốn sinh ra ở gần xích đạo
ngày ở trần đêm không bận áo
ngủ phơi lưng, xoa bụng rịn mồ hôi.

Tay quạt mo phe phẩy thảnh thơi
cơn gió nhẹ ru hời hồn nhiệt đới
sáng thức dậy vươn vai đời thoải mái
nghe tiếng gà gù mái rộn ngoài hiên.

Còn ở đây thật quá đổi phiền
đã mười năm chưa một lần ăn Tết
ngày mồng một vẫn đi cày trối chết
tám tiếng dài mỏi mắt ù tai.

Đêm ở đây, đêm thật là dài
nghe gió hú tưởng đời man rợ
sáng thức dậy thấy bill thấy nợ
nợ trả hoài trả mãi không xong.

Đã mười năm như nước lớn nước ròng
ta, về lục bình trôi lên trôi xuống
qua đây mười năm cứ ngỡ làm vương làm tướng
ai ngờ, ai ngờ bắt phải job cu-li

đã mười năm ngôn ngữ cứ phân ly
tiếng Mỹ với ta như kẻ thù truyền kiếp
học một chữ ngày hôm sau quên biệt
ở mười năm không hiểu nổi Yes, No

Tháng chạp buồn, tháng chạp buồn xo
ngồi tính sổ cuộn đời hỏng bét
ăn làm sao, nói làm sao khi chết,
với cha ta, ông chỉ một thằng con.


Trần Phù Thế

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Con Phố Mulberry Bend


Đây là câu chuyện của một người đàn ông mang tên Jacob và một nơi gọi là Mulberry Bend. Một câu chuyện có thật xảy ra ở New York City từ lâu lắm rồi. Từ năm 1888.
Jacob và vợ là Elizabeth sống trong một căn nhà nhỏ. Họ có hai đứa con gái: Kate và Clara. Gần nhà Jacob có nhiều cây cối. Căn nhà được bao quanh với những cánh đồng có rất nhiều bông hoa.
Jacob làm việc cho một tờ báo ở thị trấn. Mỗi buổi sáng, ông từ giã Elizabeth, Kate và Clara rồi đi bộ ra bờ sông. Nơi đây, ông xuống phà sang sông để vào thị trấn.

Mỗi ngày ông thường đi bộ dọc theo những con đường để vào thị trấn. Trong lúc tản bộ đó, ông thấy rất nhiều điều. Có ngày ông thấy xe chữa lửa đang đi cứu hỏa. Có ngày ông thấy đoàn xiếc vào phố. Có ngày ông thấy đoàn diễn binh đi ngang qua...
Mỗi ngày Jacob thấy vài điều mới lạ. Rồi ông vào phòng nơi ông làm việc, ông viết lại những gì ông đã thấy. Mỗi ngày bài của ông được đăng lên báo. Mỗi ngày người ta được đọc những câu chuyện mới của Jacob.

Một ngày nọ, đang trên đường trở về nhà sau giờ làm việc, Jacob dừng lại và tẻ vào một con phố tối tăm. Ông biết con phố nầy rất rõ. Đó là con
phố Mulberry Bend. Không có một con phố nào trong thị trấn lại quá tối tăm như vậy. Không có con phố nào trong thị trấn có những ngôi nhà quá cũ kỹ như vậy. Cũng không có con phố nào có những con người quá nghèo
như vậy.

Jacob đã viết nhiều lần về Mulberry Bend. Ông đã viết về những ngôi nhà cũ kỹ phải được phá hủy, những ngôi nhà mới sẽ được dựng lên thay thế. Ông đã viết một sân chơi phải được thiết lập để những đứa trẻ có chỗ chơi đùa. Nhưng rồi không có một điều nào được thực hiện ở Mulberry Bend.
“Không một điều nào được thực hiện cho nó”. Người ta nói như vậy và rồi Mulberry Bend bị trôi vào quên lãng.
* * *
Một ngày nọ, Jacob gặp Albert, một đứa con trai sống ở Mulberry Bend. Ông ta hỏi:
- Hôm nay mẹ con có khỏe không? Bà còn bịnh không?
- Vâng, mẹ con vẫn bịnh, nhưng bà đã thấy đỡ hơn. Albert trả lời.
Jacob tiếp:
- Tôi nghĩ rằng con nên hái một ít hoa về cho mẹ nếu có thể. Những người bịnh sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn khi họ được ngắm những cành hoa.
- Thật vậy sao ông? Albert hỏi lại.
Jacob gật đầu. Albert nói với Jacob:
- Vậy thì con sẽ hái một vài cành hoa cho mẹ. Duy chỉ có một điều con chẳng biết hoa ra sao cả. Con không bao giờ thấy chúng.
- Con chẳng bao giờ thấy một bông hoa sao? Nhưng Albert nầy, ở ngoài đồng nội hoa mọc khắp nơi con ạ!
- Con chưa bao giờ được ra đồng nội vì mẹ con quá nghèo. Con chưa bao giờ đi xa khỏi con phố Mulberry Bend nầy.

Jacob ngồi xuống bên cạnh Albert cố gắng giải thích cho cậu ta biết hoa ra làm sao. Jacob nói rằng hoa mọc lên từ đất. Có những loại hoa rất thơm mà cũng có những loại chẳng có mùi gì cả. Ông kể rằng hoa rất nhiều màu. Có loại màu đỏ. Có loại màu xanh. Có loại màu trắng. Có loại màu vàng. Khi Jacob kể dứt, Albert nói cậu ta nghĩ rằng cậu ta có thể hình dung được hoa như thế nào rồi. Cậu ta ước ao một ngày nào đó cậu ta sẽ được nhìn thấy chúng.

Sau đó Jacob rời Mulberry Bend. Ông đi bộ đến bờ sông, xuống phà trở về nhà trên đồi. Kate và Clara đã thấy, chúng chạy xuống và nhảy vào lòng ông. Trong lúc cùng hai con đi bộ về nhà, Jacob nhìn sang hai bên đường: những cánh đồng đầy hoa. Jacob nghĩ đến Albert. Ông kể cho Kate và Clara nghe câu chuyện đứa bé mà ông đã gặp hôm nay. Một đứa bé chưa bao giờ rời khỏi con phố tối tăm Mulberry Bend. Một đứa bé nghèo khổ chưa bao giờ thấy một cành hoa...

Buổi sáng hôm sau, Kate và Clara dùng điểm tâm thật sớm. Chúng ra khỏi nhà và chạy vào cánh đồng. Chúng hái tất cả những cành hoa cho đến khi hết mang được mới thôi. Rồi chúng chạy xuống bến phà và trao hoa nầy cho Jacob.
- Chúng con hái hoa nầy cho Albert, đứa trẻ chưa bao giờ thấy hoa.
Khi Albert thấy những cành hoa, cậu ta im lặng thật lâu.
- Con có thích những cành hoa nầy không? Jacob phá tan sự im lặng.
- Con thích chúng nó lắm. Con không bao giờ có những vật đẹp như vậy. Con sẽ đem chúng về nhà cho mẹ con và chúng sẽ làm cho bà cảm thấy khỏe hơn.

Những đứa trẻ khác cùng sống ở Mulberry Bend chạy đến. Chúng cũng chưa bao giờ thấy hoa nữa. Chúng xin phép để được nhìn những cành hoa. Chúng ôm lấy và ngửi nó. Tất cả những đứa trẻ đều nói rằng hoa rất đẹp. Một đứa bé gái nói hoa rất đẹp và cô bé bắt đầu khóc.

Ngay hôm ấy Jacob viết một câu chuyện cho tờ báo của ông ta về những đứa trẻ và những cành hoa. Ông đem báo về nhà cho Kate và Clara xem. Chúng rất sung sướng vì chúng đã hái hoa cho Albert.
Nhưng sự việc xảy ra không những chỉ có thế. Đêm đó rất nhiều người đọc truyện của Jacob. Họ cảm thấy thương tâm đối với những đứa trẻ ở con phố Mulberry Bend.

Sáng hôm sau họ ra đồng và nhặt hoa như Kate và Clara đã làm. Rồi họ mang hoa vào thị trấn. Người ta mang hoa đến bằng tàu hỏa. Người ta mang hoa đến bằng xe ngựa. Người ta mang hoa đến bằng xe kéo... Họ đã mang hoa đến phòng làm việc của Jacob và nói:
- Xin vui lòng trao hoa nầy cho các trẻ em ở Mulberry Bend.

Chẳng bao lâu căn phòng ngập đầy hoa. Jacob thò đầu qua cửa sổ, ông thấy rất nhiều người tiếp tục mang hoa tới. Jacob ra ngoài và chất hoa lên đầy một toa lớn rồi đem đến Mulberry Bend.
Có hoa cho mọi người. Cho mỗi đứa trẻ. Cho mẹ chúng. Cho cha chúng. Và vẫn còn rất nhiều hoa. Họ đặt hoa lên tất cả các cửa sổ. Họ đặt hoa nơi lò sưởi. Từ trên xuống dưới của mọi ngôi nhà không gì khác hơn hoa. Và ngày đó Mulberry Bend trở thành con phố đẹp nhất trong thị trấn.

Jacob viết một bài về câu chuyện nầy nữa. Rất nhiều người đọc nó. Chẳng bao lâu họ bắt đầu nói: “Chúng ta phải làm cái gì cho Mulberry Bend”.
Jacob sống ở đây cho đến già. Ông chứng kiến rất nhiều đổi thay trong thị trấn.
Rồi một ngày những ngôi nhà cũ kỹ ở Mulberry Bend được phá sập... Chẳng mấy chốc những ngôi nhà mới được dựng lên thay thế. Và cuối cùng một sân chơi cũng được thành hình, nơi mà những đứa trẻ ở Mulberry Bend có thể thỏa thích chơi đùa.

Nhưng không có điều gì làm cho Jacob sung sướng bằng một ngày đã qua thật lâu, cái ngày mà đứa bé tên Albert thấy hoa lần đầu. Cái ngày mà tất cả những đứa bé ở Mulberry Bend thấy hoa lần đầu. Và cái ngày mà một đứa bé gái đã khóc vì những cành hoa cô ta đang cầm trông thật đẹp...

Tác giả: William Wise
Phỏng dịch: Mặc Thái Thủy


Người Em Phi Hành


Mầu xanh đó đã bay vào giấc ngủ
Xé hồn anh bằng mộng mị từng đêm
Anh cúi đầu trong một phút giây im
Trời tưởng nhớ đã dậy mùi hương phấn

Ôi những ngón tay dài cho đời anh lận đận
Mắt nai buồn rung nỗi nhớ trong tim
Tà áo xanh hong mãi những ưu phiền
Vùng tóc rối những giận hờn xưa cũ

Em cay đắng tháng năm dài quá khứ
Thủa học trò trái mộng vẫn còn xanh
Bước chênh vênh vào lối ngõ đăng trình
Đôi cánh mỏng run trong thời bão tố

Là thôi hết những ngày xưa bé nhỏ
Những kinh thành em dạt bước phiêu du
Nay hồn anh muôn thuở vẫn giăng mù
Trong vũng nhớ là màu xanh diễm ảo

Thụy Khanh
Sài Gòn 1972



Câu Đối Xuân Bính Thân 2016 - Kim Phượng


Câu Đối: Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh

Chén Trà Tháng Chạp


Cám ơn em một nhúm trà
Đời ta chén đắng bỗng đà thơm hương

Cám ơn em miếng mứt gừng
Ta cay như thể chưa từng được cay
Cám ơn vườn nở cành mai
Sân sau tháng chạp hiên ngoài lá reo...


Lâm Hảo Khôi

Chúc Mừng Xuân Bính Thân 2016 - Đặng Anh Tuấn

 


Tuấn Yến Đặng

Xuân Cuối Mùa


Xuân chưa qua mà lòng chợt giá
Người quay đi nằm vạ hồn tôi
Ướp hoa môi gợi chút bồi hồi
Giây phút biệt một lần nuối tiếc

Xuân chưa qua gió mùa chợt rét
Khêu ngọn đèn leo loét chờ ai
Người quay đi ... tình lạt hương phai
Ngày tháng muộn trần ai muối mặn

Xuân cuối mùa chít vành khăn trắng
Mắt nặng sầu giọt đắng mặn môi
Người quay đi.. tìnht vôi.. hấp hối
Thôi hết rồi... còn trối trăn chi.

Kim Oanh

Mùa Xuân Cho Anh


Thuở đó Xuân về không nói năng
Trời xanh và gió cũng ngại ngần
Cánh chim đã lạc trong trời nhớ
Với ngón tay gầy nặng chĩu năm

Hồn đã chìm trong đáy mắt nâu
Này anh trên lối đó sa mù
Cỏ cây đã dậy lên niềm ước
Nắng cũng hanh vàng những mộng mơ

Và buổi hoàng hôn cũng ngọc ngà
Rải đầy hương phấn tóc mây xưa
Biển xanh nhớ lối về song cũ
Một thuở thanh bình rợp khúc ca

Em sẽ về thăm vùng núi biếc
Bốn mùa trăng nước nhớ san hô
Thoáng bóng con tàu xa bãi vắng
Khói mù lan giải cát tương tư

Em sẽ về trong mùa nắng ấm
Ngày dài cho nỗi nhớ nhung thêm
Sánh vai bước chậm trên thềm đá
Và Tiên-Sa ơi trong hạnh phúc bình yên

Sài Gòn 1972
Thụy Khanh

Mơ Xuân



Bài Xướng: Mơ Xuân

Trăm hoa đua thắm rộ ngoài sân
Yểu điệu Nàng Xuân dạo cảnh trần
Lan cúc đào mai khoe sắc mộng
Xanh vàng đỏ tím điểm tô thân
Chàng dê tết trước còn ngơ ngẩn
Chú khỉ năm nay hẳn thất thần
Ta đắm Nàng Xuân hay luyến nhớ
Vì trang kỷ niệm đẹp vô ngần.


Quên Đi

 ***
Bài Họa: Xuân Mơ

Gió về và én lượn quanh sân
Tin báo niềm vui ngập cõi trần
Từ bác nông phu thời vững dạ
Tới anh chiến sĩ đã bình thân
Đón xuân pháo nổ đều tan xác
Mừng tết lân chao tựa xuất thần
Xin chúc nhà nhà tràn hạnh phúc
Mơ nay đã đến thật trong ngần.

Thái Huy

Năm Khỉ Nói Chuyện Tề Thiên


Chuyện Tề Thiên... là chuyện hoang đường trong Tây Du Ký cuả Ngô Thừa Ân, nói về một con khỉ đá lanh lợi thông minh, học được phép tiên, làm loạn cả long cung, âm tào địa phủ và làm náo loạn cả thiên đình. Cuối cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng phải chịu thua mà phong cho chức " Ông Thánh lớn ngang bằng trời " là : TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH !
Năm con khỉ nói chuyện Tề Thiên là nói chuyện phiếm, chuyện tạp nhạp bao đồng về loài khỉ để nghe chơi khi trà dư tửu hậu ...

Xếp thứ 9 trong bảng thứ tự 12 con giáp, thuộc chi THÂN trong Thập nhị Địa Chi. Khỉ là động vật cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn, đồng hành phát triển cùng với đời sống con người từ thời bàn cổ đến nay . Còn có thuyết cho KHỈ là thuỷ tổ cuả loài người nữa !. Loài Khỉ có đặc tính giống như loài người, thuộc loài có vú, sanh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền từ cây này sang cây khác, sống tập thể thành từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác, cho nên thường bắt chước loài người qua các động tác sinh hoạt thường ngày. Khỉ đi vào đời sống văn hóa người Trung Hoa và Việt Nam qua 12 con giáp : Năm Thân, như năm nay 2016 là năm Bính Thân, tháng Thân là tháng 7 Âm lịch, ngày Thân là ngày được xếp sau ngày Mùi và trước ngày Dậu, giờ Thân là từ 3 đến 5 giờ chiều.
Giòng họ của khỉ thì rất nhiều, nói theo tập quán dân gian, ta có : Khỉ, Vượn, Đười Ươi, Lọ Nồi, Dã Nhân ... Gọi theo chữ Nho thì là Hầu Tử 猴子, Hồ Tôn 猢猻, Sơn Viên 山猿, Tinh Tinh 猩猩 ... 
HẦU 猴 là chữ Hài Thanh 諧聲 ( còn gọi là Hình Thanh 形聲 ), được ghép bởi bộ Khuyển 犭(犬) là loài Chó bên trái chỉ Ý ( chỉ loài vật có 4 chân ) và chữ Hầu 侯 là Hầu Tước bên phải chỉ Âm, theo diễn tiến như sau : 

Chữ HẦU trong phần Đại Triện, bên trái là hình con thú có 4 chân có đuôi, bên phải là hình người đứng đang giương cung, mũi tên nhắm về phía trước có một vạch ngang là cái bia để tên bắn vào.

Trong thời Xuân Thu ( 770 – 476 TCN ), người ta không gọi khỉ, mà có tên chính thức trang nghiêm dành cho loài vật có chức vị Hầu Tước 侯爵 này : ( Hóu ) HẦU 侯 là Tước Hầu, đứng sau tước Công và đứng trên tước Bá, đồng âm với Hầu là Khỉ. Từ đó về sau, khỉ chính là tượng trưng cho sự tốt lành, hanh thông, may mắn. Hình ảnh của khỉ thường được điêu khắc hoặc dán trên các bức tường và cửa ra vào với mục đích kêu gọi phước lành, quan lộc và niềm vui.


Trong văn học cổ, nhắc đến khỉ là người ta nghĩ ngay đến câu : " Sát kê cảnh hầu 殺雞儆猴 " hoặc " Sát kê giáo hầu 殺雞教猴 " cũng thế . Có nghĩa : Giết gà để cảnh cáo khỉ hay giết gà để dạy khỉ, theo truyện kể sau đây:
Trong một gánh xiệc Sơn Đông bán thuốc, người bầu gánh có nuôi 3 con khỉ và đều dạy cho chúng biết làm trò xiếc như : Đi bằng 2 chân, mặc quần áo, đi dây, nhào lộn ... Nhưng một hôm, 3 chú khỉ đều đồng lòng " đình công " không thèm làm trò xiếc nữa, mặc cho người bầu xiếc gỏ kẻng, thúc phèng la như thế nào, 3 con khỉ vẫn trơ trơ. Hết cách, chẳng lẻ bó tay, người bầu xiếc bèn nghĩ ra một cách, ông ta đem một con gà trống đến giữa sân, rồi gỏ kẻng, gỏ phèng la lên, dĩ nhiên là con gà trống vẫn trơ trơ. Ông ta bèn hươu đao chém bay đầu con gà máu tuôn xối xả . Đoạn, ông cho dắt 3 con khỉ ra sân, tay vẫn còn lăm lăm cây đao, ông ra lệnh cho gỏ kẻng, gỏ phèng la lên, 3 con khỉ sợ bị chém như gà, bèn ngoan ngoản diễn đủ trò theo yêu cầu cuả ông bầu xiếc. 
Vì tích trên mà ta có câu Thành ngữ " Sát Kê Cảnh Hầu " tương đương trong tiếng Nôm ta là : " Giết gà dọa khỉ, Giết gà dạy khỉ hay Giết gà răn khỉ " gì cũng thế. Ý nghĩa của câu thành ngữ nầy cũng tương đương như câu : " Giết một răn mười ", phạt một người để làm gương răn đe cho trăm ngàn người khác!

Cũng như con ngựa, con khỉ cũng đồng hành với con người từ ngàn xưa đến nay, nên ta cũng có một thành ngữ liên quan đến 2 con vật nầy, đó là câu " Tâm Viên Ý Mã 心猿意馬 ", để chỉ TÂM và Ý không đồng bộ, không ăn khớp với nhau, vừa muốn làm việc nầy, vừa muốn làm việc nọ, tâm ý hoang mang không quyết định được. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ đời Hán, Ngụy Bá Dương trong Tham Đồng Khế có phần chú như sau : " Tâm viên bất định, Ý mã tứ trì ". Có nghĩa : Lòng thì không ổn định như lòng con vượn, còn ý thì như con ngựa muốn chạy bốn phương ". 漢·魏伯陽《參同契》注:“心猿不定,意馬四馳。” Thơ của Hứa Hồn đời Đường, trong bài Đề Đỗ Cư Sĩ Thi có câu : " Cơ tận Tâm Viên phục, Thần nhàn Ý Mã hành " 唐·許渾《題杜居士》詩:“機盡心猿伏,神閑意馬行。” Có nghĩa : " Thời cơ đã hết nên lòng cũng lắng xuống như tâm con vượn, Tinh thần nhàn nhã thì ý cũng phóng túng như ngựa chạy vậy ". 
Nhưng, theo kinh văn Duy Ma Cật, thì Phật Giáo cho là lòng của chúng sinh không có ổn định, như lòng của con vượn và ý của con ngựa vậy, luôn luôn động đậy và hướng ngoại, khó mà an trụ cho được ! Nên, phải khắc chế được cỏi lòng cho đừng có " Tâm Viên Ý Mã " thì tâm mới định mà tu hành mới có kết qủa và mới đắc đạo được.

Để thay đổỉ không khí, và để cho Đông Tây được đề huề, Xin được giới thiệu thành ngữ " Lấy Dẽ Trong Lò ". Thành ngữ này dùng để chỉ bị người lợi dụng, làm những việc mạo hiễm để cho người khác được hưởng lợi, ngồi mát ăn bát vàng. 
Thành ngữ nầy lấy từ thơ Ngụ Ngôn cuả đại thi hào Pháp cuả thế kỷ 17 là Jean de La Fontaine (1621-1695). La Fontaine được các nhà văn thời Tiền Chiến của ta nhại âm dịch tên là Lã Phụng Tiên, giống như tên của Lã Bố thời Tam Quốc vậy. Bài thơ Ngụ Ngôn có tựa là KHỈ và MÈO. Nội dung tả lại việc Khỉ dụ Mèo khều lấy hạt dẽ đang được nướng ở trong lò. Khỉ ăn hạt dẽ còn Mèo thì bị cháy cả lông chân. Bài thơ Ngụ Ngôn nầy được diễn nôm như sau:


Khỉ và Mèo

Khỉ và Mèo cùng chung một chủ 
Chung một nhà, thức ngủ có đôi 
Phá hại thì nhất hạng rồi 
Lại không kiêng nể một ai bao giờ 
Đã biết vậy, đừng ngờ xóm ngõ 
Nếu trong nhà đổ vỡ vật chi 
Khỉ thì trộm cắp quá đi 
Mèo thì chuột bọ để gì ý đâu 
Nhưng phó mát cất đâu cũng biết 
Ăn vụng thì hạng nhất trần gian 
Một hôm hai đứa lưu manh 
Trông thấy hạt dẻ nướng quanh bếp lò 
Cùng rỏ dãi, nhỏ to bàn mãi 
Một việc thôi, mà lợi hai đường 
Trước là thích khẩu no lòng 
Sau thì để khổ cho ông hỏa đầu 
Khỉ cất tiếng yêu cầu chú Mão: 
"Việc làm này ông bạn mới xong 
Nếu tôi mà được như ông 
Bẩm sinh bạo lửa thì không phải nhờ 
Hạt dẻ nướng đương chờ ta đó 
Bạn lấy ra chẳng khó khăn gì!" 
Mèo nghe hành động tức thì 
Gạt tro cẩn thận ra rìa bếp than 
Hai chân nó mấy phen thò thụt 
Rốt cuộc rồi lấy được hạt đầu 
Rồi hai ba hạt tiếp sau 
Khỉ trong lúc đó cúi đầu bóc ăn 
Bỗng con sen ngoài sân đi tới 
Khỉ và Mèo cùng vội lẩn chuồn 
Riêng Mèo vừa tức vừa buồn 

Có nhiều hầu bá giống trường hợp trên 
Nghe phỉnh nịnh, lửa tên liều mạng 
Chiếm đất đai dâng hiến cho vua 
Sánh Mèo cái dại chẳng thua !
Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Trở lại Ấn Độ với thần khỉ Hanuman là một nhân vật trong thần thoại Hindu được kể lại trong sử thi Ramayana. Trong sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Thần khỉ Hanuman là nhân vật trung tâm trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy ( gada ), biểu tượng của lòng dũng cảm. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama ( vị Vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana ), và cũng được Rama thương yêu nhất, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực. Rama được coi là hóa thân của Vishnu, là Đấng bảo tồn trong quan niệm Trimurti của Ấn giáo. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana, thì Hanuman là người giúp đỡ vua đắc lực nhất, trung thành với vua nhất. 

Sang qua châu Mỹ với chú King Kong khổng lồ nhưng lại si tình vào bậc nhất cổ kim với câu nói bất hủ của phương Đông là : " Anh hùng nan qúa mỹ nhân quan !", đằng nầy quái thú cũng không thể thoát khỏỉ lưới tình !
King Kong là tên một con ác thú khổng lồ (giống loài khỉ đột) được hư cấu trong nhiều loại tác phẩm, đặc biệt là điện ảnh. King Kong nổi tiếng khắp thế giới từ bộ phim cùng tên năm 1933, và tiếp tục được làm lại vào 1976 và 2005.
King Kong sinh sống trên Đảo Đầu Lâu (Skull Island), ở đâu đó trên Ấn Độ Dương và được cư dân nơi đây thờ cúng như một quái vật ăn thịt linh thiêng. Một đoàn làm phim từ New York lặn lội đường xa đến đây vì nghe nói có nhiều sinh vật huyền bí trên đảo này, do đó sẽ có cơ hội tạo những cảnh quay ngoạn mục.
Cô diễn viên Ann Darrow xinh đẹp bị bắt cóc và đem ra tế Kong. Con khỉ đột chẳng những không ăn thịt Ann mà còn thích thú và yêu mến nàng. Mọi người trên tàu đi giải cứu Ann, trong đó hăng hái nhất là nhà viết kịch bản Jack Discroll, người yêu của cô. Đoàn người mắc kẹt trong rừng sâu và phải đối mặt với bao sinh vật nguy hiểm, như côn trùng khổng lồ, rắn rết, khủng long... Rồi lại bị Kong tấn công, bao nhiêu người bỏ mạng. Những kẻ sống sót vội vàng bỏ cuộc, trở về New York. Jack vẫn quyết tâm tìm Ann. Khi cứu được thì con khỉ đuổi theo. Đạo diễn Carl Denham nhân cơ hội đó bẫy nó đem về New York. Ông ta gọi nó "Kong– vị vua (King) của thế giới".
King Kong được đem ra trình diễn cho khán giả có máu mặt ở Manhattan ( Mã Nhật Tân, một khu phố lớn nổi tiếng ở New York ) như là một "Kỳ quan thứ tám của thế giới". Ann lại không đến dự vì phản đối hành động tàn ác đó. Kong phá tan nhà hát trình diễn, thoát ra tìm Ann. Nó đại náo toàn bộ khu đô thị lộng lẫy xa hoa, khiến xe cộ, nhà cửa đổ bể tan hoang. Ann xuất hiện kịp thời, Kong lại bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nàng, giống như trong truyện Giai nhân và Quái thú (Beauty and the Beast). Nhưng quân đội ập đến, Kong bế Ann bỏ chạy lên tòa nhà Empire State cao nhất thời đó (trong phim năm 1976 là tòa WTC). Các phi cơ chiến đấu liên tục bắn nó, mặc cho Ann gào khóc ngăn cản. Cuối cùng Kong gục ngã và rớt xuống đất, chết một cách đau đớn. Carl Denham lặng lẽ thốt lên "Con Quái thú không chết vì bị bắn, mà chết vì Giai nhân".


Trở về với con khỉ đá đòi lớn ngang bằng trời là " Tề Thiên Đại Thánh ". Được nứt ra từ một tảng đá thụ khí âm dương cuả trời đất ở Đông Thắng Thần Châu. Con thạch hầu nầy được đồng loại tôn xưng là Mỹ Hầu Vương 美猴王. Vì không muốn luân hồi sinh tử như muôn loài, nên Mỹ Hầu Vương ra đi tìm học phép trường sinh. Bái Bồ Đề Tổ Sư làm sư phụ, được đặt tên là Tôn Ngộ Không 孫悟空. Tôn là Hồ Tôn 猢猻, cách gọi riêng về loài khỉ. Ở đây Tôn Ngộ Không học được 72 phép biến hóa gọi là Thất thập nhị Huyền công và có thể bay lộn trên mây ( Cân đẩu vân ), lộn một vòng bay được 10 vạn 8 ngàn ( 108.000 ) dặm ( khoảng 54000 kilometers ) và có một cây gậy "Như ý Kim Cô bổng" ( là Định Hải Thần Châm dưới Đông Hải ) có thể thay đổi kích thước, được đặt sau tai, dùng làm vũ khí để đánh yêu quái. Ở Hoa Qủa Sơn Tôn Ngộ Không tập hợp các động yêu ma làm mưa là gió. Náo Long cung, phá Âm Tào, đại náo Thiên Cung, Ngọc Hoàng phong cho chức Bật Mã Ôn 弼馬溫 là quan giữ ngựa. ( Từ chức vụ nầy ta thấy trong thực tế Ngựa rất sợ Khỉ ). Biết được chức vụ giữ ngựa là chức quan nhỏ nhoi, lại đại náo thiên đình đòi phong làm : Tề Thiên Đại Thánh 齊天大聖, nhưng vẫn chưa chịu yên thân, rảnh rang lại đại náo Đại hội Bàn Đào, và bị Phật Tổ đè xuống Ngũ Hành Sơn 500 năm. Được Đường Tam Tạng cứu ra để cùng đi Tây Phương thỉnh kinh với tên gọi Tôn Hành Gỉa 孫行者, bị khống chế bởỉ vòng Kim Cô 金箍 của Phật Tổ Như Lai do Quan Thế Âm Bồ Tác trao, kịp đến khi thành chánh qủa là Đấu Chiến Thắng Phật 鬪戰勝佛 thì vòng Kim Cô mới tự nhiên biến mất. 


Hình Lục Tiểu Linh Đồng, người vào vai Tề Thiên Đại Thánh ấn tượng nhất, đẹp nhất trong bộ phim Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết, do Trung Quốc sản xuất năm 1982.
Một số học giả cho rằng nhân vật Tôn Ngộ Không được phỏng theo Hanuman, " thần khỉ " trong Ấn Độ giáo được thuật lại trong một quyển kinh sách do Trần Huyền Trang từ Tây Phương thỉnh về.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây lại phát hiện ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm. Những bức vẽ này được tìm thấy trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90 km. Các bức hình có cảnh một vị hòa thượng và " Hầu hình nhân 猴形人 " ( khỉ hình người ) đang trang nghiêm chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm trên đài Kim Cương bảo thạch. Bốn bức hình khác khắc họa chi tiết thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, tương tự như câu chuyện trong " Tây Du Ký " của Ngô Thừa Ân sau này vậy. 

Nhớ hồi xưa, khi tạo mẫu thêu cho má tôi thêu mặt gối hình 12 con giáp. Tới năm THÂN, tôi đã phải mượn hình tượng cuả Tề Thiên Đại Thánh được vẽ theo kiểu hoạt họa ở trên và thêm vào 4 chữ Thông Minh Dĩnh Nhộ 聰明穎悟 cho các em bé tuổi THÂN nằm, để cho các em không cảm thấy " Tủi Thân " như dân gian đã hát :
Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi,
Còn tôi riêng chịu một đời " tủi thân " !

Viết đến đây, lại nhớ đế lần họp mặt của Vườn Thơ Thẩn trong năm qua, anh Huỳnh Hữu Đức đã làm một đôi câu đối để tặng cho chị Phương Hà là người tuổi Thân như sau :

Năm Mão là năm mèo. Mèo đội mão
Tuổi Thân là tuổi khỉ. Khỉ " tủi thân ".

Tội nghiệp, làm chị Phương Hà buồn 5 phút!
Trở lại với cây nhà lá vườn, khỉ có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, chả thế mà nông thôn Việt Nam nơi nào cũng có " Cầu Khỉ ", và cây cầu khỉ đã trở thành " top ten " trong 10 cây cầu đáng sợ nhất thế giới ...

Tên gọi cầu khỉ không phải vì cầu dành riêng cho khỉ, mà là tư thế lom khom của người khi qua cầu trông giống như con khỉ. Những cây cầu nổi tiếng ở các miền quê Việt Nam này làm bằng tre và dây dừa, bắt qua những con sông, rạch, dòng kênh nhỏ. Cầu rất hẹp và lắc lư mỗi khi có người đi qua.

Các vùng quê hẽo lánh it người qua lại hoặc các vùng rừng đước rừng tràm ... được gọi là các vùng " Khỉ ho Cò gáy ". Hù dọa ai một cách vô ích thì gọi là " Rung cây nhát Khỉ ", làm những chuyện vô bổ không cần thiết thì nói là " Dạy Khỉ leo cây ", gặp chuyện gì cũng nhăn nhó thì mắng nhau " Cái tù mặt mầy như là Khỉ ăn ớt vậy ", hoặc nói nặng hơn " Thứ cái đồ mặt nhăn như Khỉ ". Gặp đứa phản trắc, ăn cơm tui mà hại tao, thì bảo là " Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà ". Ghét ai thì mắng " Thứ đồ Khỉ gió !". Muốn phủ định việc gì thì nói là : " Khỉ khô, khỉ mốc, khỉ dọc "!... Con khỉ xấu vậy sao ? Nhưng lúc thấy vui thì cũng sẵn sàng " làm trò Khỉ ", con nít rắng mắt thì gọi là " Liếng Khỉ ", tuổi con khỉ thì dân gian có câu hát rằng :

Tuổi Thân con khỉ ở lùm,
Trèo qua trèo lại té ùm xuống sông!

Thương cảm và thân thiết hơn với hình tượng:

Con khỉ bồng con lên non hái trái,
Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi!

Viết đến đây, làm ta nhớ lại một chuyện tình giữa khỉ vượn và người rất nôỉ tiếng trong văn học dân gian Việt Nam, đó là truyện Lâm  Tuyền Kỳ Ngộ mà giới bình dân gọi là " Bạch Viên Tôn Các " với câu hát:
Bạch Viên Tôn Các xa trông,
Bồng con ôm gói thẳng xông lên đàng. 

“ Lâm tuyền kỳ ngộ ” 林泉奇遇 là " Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa suối rừng ", là một truyện dài bằng thơ, gồm 146 bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, một bài thơ tứ tuyệt và một bài “ Thạch tuyền ca khúc ” theo thể Hát Nói ( hai bài này đều ở cuối tác phẩm ). Hoàng Xuân Hãn trong “ Thi văn Việt Nam ” cho rằng tác phẩm này gồm 150 bài thơ Đường luật. 
Tác phẩm này hiện vẫn chưa ai tìm ra được tên tác giả, có một số giả định là tác phẩm được viết vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Còn có nơi cho rằng tác giả là hoàng giáp Nguyễn Ðăng, một nho sĩ tài hoa ở Ðại Toán, Bắc Ninh khoảng thời Trịnh Tạc (1657-1682), từng được cử đi sứ nhà Minh năm 1673. 
Nội dung tác phẩm dựa vào “ Viên thị truyện ” 猿氏傳 của Cố Quýnh đời Đường, Trung Quốc, gắn liền với chùa Phi Lai. Truyện miêu tả cuộc tình duyên giữa một nho sinh và một con vượn trắng đã hoá thành người (con vượn vốn là tiên giáng trần). Tính chất lãng mạn, tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, chống những hạn chế của tôn giáo, mạnh dạn biểu lộ những yêu cầu hạnh phúc của con người, của tình yêu nam nữ, đã làm nên giá trị chủ yếu của tác phẩm. 

Bản Nôm của QH Huế Vở Cải Lương Bạch Viên Tôn Các

Ngoài việc viết lại bằng thơ Lục Bát để dân gian nói thơ theo kiểu thơ Vân Tiên, Bạch Viên Tôn Các còn được sọạn thành tuồng Cải Lương với các vai diễn nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Sang vai Tôn Các và kiều nữ Thanh Nga vai Bạch Viên rất ăn khách trong thập niên 70 của Thế kỷ trước.

Nhân nhắc đến vượn, ta lại nhớ đến một thành ngữ có liên quan là VIÊN TRƯỜNG THỐN ĐOẠN 猿腸寸斷 ( Ruột của con vượn đứt ra từng tấc một ), Ta nói là " Ruột thắt từng cơn " hay " Đứt từng khúc ruột " theo tích sau đây :
Sách Sưu Thần Ký đời Tấn, Quyển 22 ghi: Xứ Đông Hưng đất Lỗ, thuộc Quận Lâm Xuyên, có ngưới vào núi bắt được một vượn con mang về. Vượn mẹ chạy theo đến nhà. Người nầy trói vượn con trên cây trong sân. Vượn mẹ trông thấy, quỳ xuống van xin, giơ tay tự tát vào má mình. Người đó chẳng những không tha còn giết chết vượn con. Vượn mẹ trông thấy, kêu khóc thảm thương, rồi lộn đầu xuống đất mà chết. Người đó bèn mỗ bụng vượn mẹ ra, thì thấy ruột đã bị đứt từng khúc một. Nên, thành ngữ nầy dùng để chỉ sự nhớ thương bi thiết, hoặc qúa mức đau lòng mà " Đứt từng đoạn ruột "! Thơ Lý Bạch trong bài " Tặng Võ Thập Thất Ngạc " có câu :

Ái tử cách Đông Lỗ, 爱子隔东鲁,
Không bi đoạn trường viên. 空悲断肠猿 .
Có nghĩa :
Thương con như bị chia cắt ở đất Đông Lỗ,
Buồn thương đứt ruột như con vượn kia cũng hoài công thôi !
Quả là một thành ngữ đánh động lòng người, và là một câu chuyện luân lý đề cao tình mẹ thương con muôn vàn bi thiết. Vượn còn thế, huống hồ là người ? Ai là con mà lại nở bỏ mẹ, nở quên mất tình thương bao la cuả mẹ bao giờ ?! Cô gái quê cuả vùng sông nước Nam Bộ ngày xưa cũng đã mượn hình tượng cuả con vượn để nhắn nhủ với mẹ rằng :

Má ơi, đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ?!

Trong số Đề 36 con, thì Khỉ đứng đầu trong nhóm Ngũ Khất Thực ( 5 người ăn mày ), mang số 23 và có tên chữ là Tam Hòe với lời vè như sau:
Tam Hòe con khỉ hăm ba, 
Thua hoài đến nổi bán nhà không hay!

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết định xóa số 2 sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn là Kim Chung và Đại Thế Giới, thì đề 36 không còn nữa . Nhưng nhóm quân đội người Nùng giúp Tổng Thống dẹp loạn Bình Xuyên vẫn còn xổ đề ở vùng Cây Da Xà Phú Lâm Chợ Lớn, và họ đã thêm vào 4 con nữa cho đủ 40. Bốn con thêm vào là 37 Thiên Công ( Ông Trời ), 38 Địa Chủ ( Đất Đai ), 39 Thần Tài và 40 là Táo Quân ( Ông Táo ). Nên khi áp dụng vào Xổ Số Kiến Thiết thì ta có tới 2 con khỉ lận : Con khỉ nhỏ là 23, còn con khỉ lớn là 63 ( cộng thêm 40 nữa )! Thế là các tay ghiền đánh số đề từ 00 đến 99 mỗi ngày ít nhất phải thua thêm một con số đề nữa !
Nạn đánh đề càng trầm trọng khi xã hội càng phân biệt giàu nghèo. Dân càng nghèo càng phải chạy theo cuộc sống và càng mê số đề hơn, và càng thua nhiều hơn nữa, rồi càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn và cuối cùng là xã hội càng băng hoại hơn !... Rồi đến một ngày nào đó thì ...
Thọ đão hồ tôn tán ! 樹倒猢猻散 !
Có nghĩa:
Cây đã ngã rồi thì lũ khỉ cũng sẽ tan hàng!
Theo tích sau đây:
Trong sách Thuyết Phù được biên soạn bởi Đào Tông Nghi, trong đó có một câu truyện như sau :
Vào thời Nam Tống , có người tên là Tào Vịnh, vì có quan hệ mật thiết với Thừa Tướng lúc bấy giờ là Tần Cối nên được phong làm quan lớn. Mọi người đều a dua theo ông ta để được phong quan, duy chỉ có em vợ cuả ông ta là Lệ Đức Tân, người rất chính nghĩa, không thích a dua, thà chịu giữ chức thư lại nhỏ nhoi ở địa phương chứ không về hùa với ông anh rễ. Tào Vịnh rất giận, ra lệnh cho quan huyện địa phương gây áp lực và làm khó ông em vợ cứng đầu nầy, nhưng Lệ Đức Tân vẫn không khuất phục.
Sau khi Tần Cối chết, những người theo hùa với ông ta đều bị rơi đài. Tào Vịnh cũng bị biếm đến đất Tân Châu của vùng Quảng Đông. Lúc nầy, Lệ Đức Tân mới làm một bài phú có tựa là " Thọ Đão Hồ Tôn Tán Phú 樹倒猢猻散賦 ". Nội dung châm biếm những người a dua với Tần Cối như là lũ khỉ, dựa hơi Thừa Tướng để tác oai tác phúc. Nay cây đã ngã rồi thì lũ khỉ nhóc cũng phải tan hàng mà thôi. Tào Vịnh đọc bài phú tức đến ói máu, nhưng cũng không làm gì được cái ông em vợ chính trực kia !!! 
Trông người lại ngẫm đến ta ... 
Không biết chừng nào cái cây lớn Trung Quốc mới ngã, để cho lũ hồ tôn tan hàng thất tán, hết tác oai tác phúc làm giàu trên xương máu của dân nghèo. Mong rằng câu cuối của bài sấm Trạng Trình được linh nghiệm để cho ...

... Thân Dậu niên lai kiến thái bình !
Mong lắm thay !!!

Đỗ Chiêu Đức

Thiệp Chúc Mừng Xuân Bính Thân 2016 - Tiểu Thu


Tiểu Thu

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Này Em


Này em giữa những hạt mưa
Giữa hai nốt nhạc là vừa mất nhau
Giữa ngày nắng thấy chiêm bao
Giữa đêm là những vì sao xa người
So vai viết lại chuyện đời
Tay run nốt nhạc đau lời thủy chung
Này em cây đang mùa xuân
Giữa xanh lá biếc có lòng phôi pha
Này em giữa những hạt mưa
Là rơi nốt nhạc mới vừa tặng nhau
Giữa hai là một tình sầu
Ngó nhau con mắt còn sâu nỗi buồn


Lâm Hảo Khôi

Câu Đối Xuân Bính Thân 2016 - Thái Hanh


Câu Đối: Thái Hanh
Trình Bày: Kim Oanh

Vịnh Bính Thân 2016



Bài Thơ Xướng:
Vịnh Bính Thân 2016


Đứng hàng thứ chín thuộc chi Thân,
Đại Thánh Tề Thiên giáng xuống trần.
Ấn Độ khỉ thần phò thánh đế,
Hoa Kỳ vượn chúa lụy giai nhân.
Tâm viên ý mã khôn an trụ,
Ruột đứt lòng sầu khó giải phân.
Cây ngã hồ tôn đi tứ tán,
Thái bình vui hưởng lấy chi cân!

Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Thơ Hoạ:
Hãnh Diện Tuổi Thân


(Tặng những người tuổi Thân ) (*)

Sao phải ngậm ngùi ta tuổi Thân ?
Mười hai con giáp ở dương trần
Khôn lanh nhất hạng là anh khỉ

Giống hệt loài người ấy dã nhân
Mặt mũi khôi ngô tròn chín bậc
Dáng hình thon gọn vẹn mười phân
Trí mưu vượt trội so cầm thú
Tình cảm bầy đàn không dễ cân!

Phương Hà
(*) Ca dao tục ngữ có câu:
" Người ta tuổi ngọ tuổi mùi
Riêng tôi lại phải ngậm ngùi tuổi thân "

***
Bạch Viên Tôn Các


Năm Ất Mùi qua đến Bính Thân
Nhớ xưa nàng khỉ bén duyên trần
Kiếp Tiên mắc đoạ mang hình thú
Cửa Phật tu hành hoá mỹ nhân
Nhan sắc Bạch Viên đâu dễ sánh
Danh tài Tôn Các khó bì phân
Trai thanh gái lịch nên chồng vợ
Dẫu tục và tiên vẫn xứng cân.

Quên Đi
***
Khỉ Thân!

Thân khỉ trong rừng có khỉ thân!
Trần ai phủ miết tóc ai trần!
Rủi may chỉ tính trung bình cộng
Lỗ lã luôn chồng cấp số nhân
Mộc Đức xuôi dòng đang tiệm cận
La Hầu xỏ lá bỗng ly phân
Nhiều khi muốn xách mình đem bán
Khổ nỗi xác phàm chả đủ cân!

Cao Linh Tử
10/12/2015
***
Tủi Thân Tự Hoạ

Suy tính phận mình cũng tủi thân
Sinh ra sống giữa cõi hồng trần
Lọt lòng,cha mẹ đà ly tán (vì chiến tranh)
Khôn lớn,nương nhờ kẻ nghĩa nhân
Bương chải vào đời đành tự lập
Học hành trễ nãi khó tranh phânBính Thân sắp đến già thêm tuổi
Đạo lý làm người nghĩ khó cân

Song Quang***
Thân...Tôi

Mở mắt Giáp Thân nay Bính Thân
Bảy hai tuổi trọn giữa dương trần
Trải nhiều sóng gió - tuồng tro bụi
Chuốc lắm đa đoan-phận thế nhân
Ngước mặt nhìn đời than mất gốc
Dang tay nhớ bạn cảnh chia phân
Làm sao dây nhỉ tìm an lạc?
Bởi lẽ Vui, Buồn lệch cán cân.

Thái Huy,12-09-15
***
Xuân 2016

Chẳng biết làm gì để định thân
Từ khi lãnh lệnh đến dương trần
Dòng đời cuốn bốc chơi trò khỉ
Sự thế căng đày bức thảo nhân
Lý tưởng - niềm tin luôn khuấy động
Tình yêu - hận oán vẫn chờ phân
Mùa xuân hợp diễn trường ca khúc
Vũ điệu quay cuồng rất khó cân!

Nguyễn Đắc Thắng
20151210
***
"Khỉ Thân"- Bính Thân 2016

Mãn nhiệm Dê xồm - Khỉ lại Thân,
Khôn lanh nhảy nhót ở dương trần.
Phát tài hạnh phúc quanh năm đủ,
Cung hỉ chúc mừng khắp thế nhân.
Gái sắc trai tài xuân mãn ý,
Nam thanh nữ tú đẹp mười phân.
Hai ngàn mười sáu, Thân chào đón,
Khỉ mới lên ngôi thấy nặng cân...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 09 tháng 12 năm 2015
***
Thân…Tôi

Mở mắt Giáp Thân nay Bính Thân
Bảy hai tuổi trọn giữa dương trần
Trải nhiều sóng gío-tuồng tro bụi
Chuốc lắm đa đoan-phận thế nhân
Ngước mặt nhìn đời than mất gốc
Dang tay nhớ bạn cảnh chia phân
Làm sao dây nhỉ tìm an lạc?
Bởi lẽ Vui,Buồn lệch cán cân.

Thái Huy
12-09-15

Người Dân Quê Chuẩn Bị Đón Tết

Đêm qua, sau một trận mưa giông to, to đến nỗi điện nhà trong vùng bị tắt. Ngay lúc ấy, đèn cầy, đèn pin được thắp sáng lên thay thế. Khoảng 10 phút sau, đèn điện được bật sáng trở lại. Sống với bóng đen trong chốc lát, khoảng thời gian ngắn chừng ấy, tôi đã cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Chừng ấy cảm xúc đó, tôi lại nhớ về quê nhà. Nơi có những người dân quê đã thường xuyên sống trong đêm đen. Đen trong đêm lẫn đen cả cuộc đời.

Bây giờ là tháng Chạp, mọi người bên quê nhà đang chuẩn bị đón Tết. Những gia đình giàu có, khá giả, việc chuẩn bị đón Tết, dễ dàng như trở bàn tay. Họ chỉ cần bỏ tiền, bỏ thời gian đi tìm kiếm, lựa chọn những vật cần đến. Thế là xong, tha hồ vui vẻ đón xuân. Chỉ tội cho những người lam lũ, bần hàn, tay lấm, chân bùn. Những người này phải bỏ công sức, đi nhặt nhạnh những vật dụng, những vật có thể là... của phế thải của người này, nhưng rất cần thiết cho người khác.
Những vật dụng cần thiết ấy là gì?
Đó là những tàu dừa rơi rớt cạnh bờ ao, trên lối đi, đã được họ lượm lặt. Ngoài ra, họ còn lượm cả những vỏ dừa bổ nhỏ và phơi khô.
Sau đó, họ chặt tàu dừa thành từng đoạn và xếp ngay ngắn, thành cự củi. Trên cự củi được cẩn thận phủ một lớp ni lông, ngừa ướt át khi gặp mưa gió. Tất cả dùng vào việc nấu nướng hàng ngày. Sắp đến Tết, thứ ấy lại càng cần hơn.

Ngoài những thứ rẻ tiền ấy, các nông phu, sau việc đồng áng, lúa được đập xong, rơm được chất đống và vào ngày Tết, đó là những vật liệu cần thiết dùng nướng bánh phồng nếp. Bởi, loại bánh này cần lửa ngọn để nướng.
Đây là những hình ảnh của 5 năm trước, trên con đường về quê nội, ấp Phú Hữu, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây, thuở xưa là vùng đất trù phú. Đất nội rộng cò bay thẳng cánh. Tá điền của nội, còn có miếng ăn miếng để. Bây giờ, những người ấy, không còn nữa. Đến đời con cái họ, cơ hàn đến thế. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, sự bần hàn họ có, nhưng tấm lòng rộng mở và trái tim độ lượng.
Họ thật sự rất giàu!

(Tàu dừa rơi rớt cạnh bờ ao.)
(Tàu dừa rơi rớt trên lối đi.)

( Tàu dừa nhặt được đem máng phơi khô)
( Tàu dừa được chẻ nhỏ và phơi khô)

( Vỏ dừa được bổ nhỏ và phơi khô)
(chặt tàu dừa thành từng đoạn)
( Cây rơm được chất đống sau nhà)
Kim Phượng
31.1.2016

Vẫy Chào Tháng Giêng



Cuối năm tờ lịch cũ rơi
Xé tờ lịch mới gọi mời xuân qua
Cõi lòng chợt trổ chùm hoa
Soi gương chợt thấy mình già đành sao?

Bao năm sương gió gội đầu
Tóc xanh giờ đã trắng phau cũng đành
Tìm về xưa ký ức xanh
Thương ngày tươi trẻ long lanh nụ cười

Mây ngàn năm mãi rong chơi
Mình bao năm chửa thả trôi ưu phiền
Sương ưu tư lạnh màn đêm
Tiếng cười sảng khoái ngủ quên lâu rồi

Sáng nay nhìn ánh mặt trời
Giật mình: ta đã sống đời ai đây
Lún buồn từng bước chân lầy
Nỗi buồn cứ bủa trùng vây tâm hồn

Dẫu đời bóng xế hoàng hôn
Đừng cho sóng gió bào mòn tâm tư
Giáng Giêng về vỗ giấc mơ
Qua ngày tăm tối tới bờ hoa tươi

Tháng Giêng xanh mướt núi đồi
Thả lòng hoa bướm bồi hồi cùng xuân
Tiếng chim ríu rít lời thân
Nghe ngàn thương mến xa gần gọi nhau

Trầm Vân

Chiều Cuối Năm




Còn có nơi nào cho ta về không?
Sao ta một mình giữa đời mênh mông
Chuyến xe buýt chiều thả người vội vã
Trời tối nhanh, trời chiều mùa đông.

Cửa sổ nhà ai đèn vàng ấm áp
Người ở trong nhà có hạnh phúc không?
Mái nhà co ro miên man khói toả
Ngọn lửa đốt lên có sưởi ấm lòng?

Ở chung quanh ta cuộc đời thản nhiên
Mà sao lòng ta quắt quay muộn phiền
Cũng vẫn mái nhà ta về mỗi bữa
Sao chân bước đi bỗng nghe ngại ngần.

Người đừng xa ta, hởi người bạn thân!
Tim người còn không một đóm lửa hồng?
Ta chờ người về thắp lò hương cũ
Cho ta cùng người qua hết mùa đông.

Hai kẻ bộ hành qua đời ngắn ngủi
Sao ta không chỉ cho nhau niềm vui
Một ngày cộng thêm đừng đem trừ bớt
Ta có cùng nhau được mấy ngày vui?

Khánh Hà

Trăng Cuối Năm


Trăng Cuối Năm

Trăng khuya sầu viễn xứ 
Bên song gió thở dài 
Lòng buồn ôn chuyện cũ 
Kỷ niệm không hề phai 
Trăng lạnh lòng trăm mối 
Thương nhớ ôi! Vô bờ 
Cô đơn về trong tối 
Giữa đêm trường mù khơi!
Mây giăng mờ khắp lối 
Cho trăng gẫy đôi bờ 
Đêm tàn còn trăn trối 
Trên lá giọt sầu rơi!
Ngày mai thêm một tuổi 
Đất khách cánh chim trời 
Sắt se giờ phút cuối 
Quạnh quẽ chiếm hồn tôi 
Quê nhà nhớ da diết 
Thao thức lạnh canh trường 
Bao năm dài biền biệt 
Chan chứa tình hoài hương 

Mailoc
Cali 12-30-15
***
Bài Cảm Tác: Mảnh Trăng Cuối Năm

Nửa mảnh trăng khuya của cuối năm
Sương giăng mờ ảo,rét căm căm
Lòng buồn ôn chuyện ngày xưa ấy
Dạ nảo nề dâng chết lặng thầm !
Thời khắc cuối cùng vừa đổi chổ
Giữa đêm trừ tịch vọng thanh âm
Niềm đau viển xứ còn canh cánh
Thao thức năm canh lệ khó cầm!

Song Quang
Đêm 31/12/2015

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Mai


Thơ: Yên Dạ Thảo
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mùa Xuân Không Trở Lại



Còn đâu màu nắng tóc hong vàng
Mỗi sáng rộn lòng ta liếc sang
Bỡ ngỡ chiều kia nơi Phật tự
Nao nao dáng cũ bóng mây ngàn
Từ khi phượng thắm thôi hoa rụng
Cũng lúc cung thương bặt tiếng đàn
Xuân lỡ nâu sòng thay áo cưới
Hững hờ đuôi mắt niệm xen ngang.

Cao Linh Tử
8.11.2015

Tất Niên Của Đồng Hương Cần Thơ - Houston


 Người Mẫu Tí Hon

Ông Bà Đồ Đỗ Chiêu Đức và các cháu



Cánh Thiệp Đầu Xuân - Minh Kỳ & Lê Dinh - Như Quỳnh

Một trong những nhạc phẩm hay chúng ta thường nghe nhiều mỗi dịp Xuân về là nhạc phẩm “Cánh Thiệp Đầu Xuân” của hai Nhạc Sĩ Minh Kỳ và Lê Dinh. Đây là nhạc phẩm chuyên chở những lời chúc Xuân tốt đẹp nhất.



Sáng Tác:Minh Kỳ, Lê Dinh
Tiếng HátNhư Quỳnh
Thực Hiện: Trần Ngọc


Tháng Chạp Nhớ Quê Hương



Trăng tròn vành vạnh sáng lung linh,
Chạnh nhớ quê hương buổi thái bình.
Mộc mạc câu hò vang bến nước,
Thơ ngây thiếu nữ khúc ân tình!
Mùi dê năm cũ rời ngôi vị,
Thân khỉ tân niên tới đế kinh
Tuổi trẻ hân hoan chào đón Tết,
Chúc mừng bạn hữu khỏe, an ninh...

Mai Xuân Thanh
Ngày 18 tháng 12 năm 2015


Bốn Mùa In Dấu

Bốn Mùa In Dấu

Em đón mùa xuân trên nhánh mai
Cánh vàng rực rỡ nét trang đài
Nắng hồng nhảy nhót trên chồi biếc
Đàn bướm dập diù say ngất ngây.

Em đợi mùa hè trong tiếng ve
Âm thanh rộn rã giữa tàn me
Sắc hồng lộng lẫy chùm hoa phượng
Từng cánh rơi rơi xuống vỉa hè.

Em gặp mùa thu với lá vàng
Bầu trời dìu dịu gió miên man
Những tà áo trắng trên đường phố
Buổi lễ khai trường trống rộn vang.

Em nhớ mùa đông giá buốt tràn
Nỗi buồn vô cớ cứ dần lan
Vầng trăng bàng bạc màu sương khói
Và tiếng chuông chùa xa vẳng sang

Em khắc tình ta lên gốc thông
Dãi dầu mưa nắng chẳng thay lòng
Ngàn năm sương gió cây già cỗi
Mà trái tim yêu vẫn đỏ hồng.

Phương Hà
***
Bốn Mùa In Dấu


Ta đón xuân về dưới ánh mai
Bên cành hoa thắm nét trang đài
Hồn xuân len đến từng hơi thở
Từng giọt rượu nồng say ngất ngây!

Ta đón hạ về vẳng tiếng ve
Theo thời nóng bức buổi trưa hè
Cành hoa phượng đỏ lòng son thắm
Ngọn gió oi nồng cuộn lá me!

Ta đón thu về tiếng nhạc vang
Khung trời dìu dịu lá bay vàng
Mưa ngâu tháng bảy tuôn sùi sụt
Như tiếng thơ buồn mãi nặng mang!

Ta đón đông về giá rét lan
Ủ lòng nhung nhớ dậy dâng tràn
Khơi lò thương sưởi lòng sương phụ
Đợi gió xuân về gửi mộng sang!

Ta đón em về ngọn gió thông
Khu vườn rực sáng ánh dương hồng
Chiều đang thấm lạnh nhưng lòng ấm
Em đã về đây trọn tấm lòng!


Nguyễn Đắc Thắng
20160101

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Những Câu Đối Vui Xuân Bính Thân - Nguyễn Gia Khanh&Vườn Thơ Thẩn



Vế Xuất & Đối: Nguyễn Gia Khanh, Phương Hà, Quên Đi, 
                           Nguyễn Đắc Thắng, Mai Xuân Thanh, Đỗ Chiêu Đức
Trình Bày:       Kim Oanh

Thì Thầm Mùa Xuân


Anh hứa đưa em trở lại nhà
Vườn sau sân trước nở đầy hoa
Chiều Ba Mươi Tết lòng thanh tịnh
Đón rước ông bà đủ mẹ cha

Hương ngát hoa cau anh bảo thầm
Đợi trầu bám rễ mới vừa giâm
Năm sau lên tỉnh mua vôi trắng
Ta sẽ răng long đến bạc đầu

Về lại Sóc Trăng má ửng màu
Thẹn thùng nghe kể chuyện trầu cau
Rào thưa giậu chắn ngày hoan hỷ
Sợi chỉ ông tơ khéo bện dày


Kim Phượng

Đi Chợ Hoa



Gót tình đánh thức hoa xuân
Hồng lên đẹp quá, vàng nâng gót người
Chân thon bước giữa hoa cười
Ánh nhìn xao xuyến tim người tà huy
Ôi chao! Ta muốn sụp quỳ
Giữa hai vẻ đẹp mê ly: hoa, người
Sáng bừng hoa vạn niềm vui
Em thì ngạo nghễ bên trời sông ngân
Dáng tung vẻ ngọc trong ngần
Ngọc bay châu rớt mây vần tim thơ
Hồn hoa nhịp nhịp gọi thơ
Sao ta chết lịm sững sờ nhìn em
Người và hoa, đem cân xem
Làm sao cân được hồn em?
Hoa cười!

Chân Diện Mục

Rằng Em Có Biết Mùa Xuân - Em Vẫn Chờ Xuân


Rằng em có biết mùa Xuân
Hoa mai rực rỡ, cánh vàng nhụy cam
Cỏ cây xanh biếc, trăm hoa thắm
Ong bướm vui đùa tắm nắng Xuân

Em ơi có biết Xuân chăng?
Bao lần em đón mùa sang trong đời?
Và có biết bên ngoài thế giới
Cảnh từng bừng lễ hội tân niên

Rưng rưng vì một nỗi niềm
Tội em bé nhỏ, tật nguyền mồ côi
Là dị nhân, chào đời mẹ bỏ
Phải nương nhờ người có từ tâm

Sống trong thế giới âm thầm
Tịnh yên, hẻo lánh, trung tâm cách đời
Nằm bất động, muốn cười, muốn nói
Tiếng rên “ư” em hỏi điều chi?

Xuân về, Tết đến là gì?
Khi nào đến tuổi xuân thì của em?

Khúc Giang
Tháng Giêng 2014
****
Bài Hoạ:
Em Vẫn Chờ Xuân

Em rằng đang vẫn chờ xuân
Hoa đời héo hắt trên từng khổ cam
Chị về chia sớt tình sâu thắm
Em biết đời em đủ nghĩa Xuân..

Xuân em ..nào nghĩ suy chăng
Bốn mùa phó mặc đông sang Xuân đời
Em mù mịt khoảng trời thế giới
Bát cơm đầy là phúc muôn niên

Quặn lòng Chị .. mỗi một niềm
Tai trời ách nước ..đói nghèo cút côi
Là nạn kiếp thế gian từ bỏ
Chỉ còn thôi chút nghĩa chữ tâm !!..

Em trong căn phận âm thầm
Bịệt xa một cõi lánh xa với đời
Em đã chết tiếng cười giọng nói
Ai bày chi ?? Sống để làm chi??..

Xuân xưa Tết mới nghĩa gì ??!!..
Em chờ Chị đến thầm thì với em …

Hương Chiều
Xuân 2016

Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Hội Ngộ Giáo Sư - Xuân Bính Thân 2016

1/ Gia Đình Thủy Tiên (niên khoá 1972) hội ngộ cùng Cô Tùng Cựu Giáo Sư Việt Văn 
tại Houston.
Cô Tùng, Thủy Tiên
Cô Tùng và gia đình Thủy Tiên


2/ Chào Thầy, Cô và các bạn Tống Phước Hiệp - & AH72! 

Xuân Việt Nam đang rộn ràng, Nhóm Aí Hữu72 Sài Gòn còn bao nhiêu đây để hội ngộ với gia đình Thầy Hiền mới từ Pháp về năm 2016! Thày có xem hình và hỏi thăm Cô Tùng và tin tức của Cô nữa! 
Kính chúc Thày, Cô và các bạn luôn dồi dào sức khỏe, vui vẻ & gia đình an khang hạnh phúc! 



Phan Thị Sương