Y HỌC THƯỜNG THỨC
Giới Thiệu Chương II sách Y Học Thường Thức
Chương II sách Y học thường thức trình bày về các triệu chứng và dấu hiệu bệnh lý. Đây là các dữ kiện thuộc về một thành phần của y học tên gọi là khoa lâm sàng. Triệu chứng là những điều bệnh nhân cảm nhận được, thí dụ như họ thấy đau hay yếu mệt. Dấu hiệu là những điều do người ngoài quan sát, thí dụ như ta thấy bệnh nhân bị vàng da, sưng chân.
Các đề tài lâm sàng được trình bày bao quát thân thể từ đầu xuống tới chân và liên quan tới các bệnh lý: - Nội, Ngoại khoa tổng quát - Thần kinh - Tim mạch - Hô hấp - Tiêu hóa - Tiết niệu
Các đề tài thuộc Chương II giải thích cơ chế bệnh lý từng trường hợp và thực tế là chỉ dẫn cách tự trị liệu, đồng thời lưu ý độc giả khi nào cần phải trị liệu cấp cứu hoặc khẩn cấp tại bệnh viện hay phòng mạch bác sĩ.
Chúng tôi hy vọng rằng các đề tài lâm sàng trong Chương II sẽ là tài liệu căn bản để bạn đọc tra cứu khi hữu sự, đạt mục đích kịp thời đối phó với nhiều loại bệnh lý có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Ban Biên tập YHTT
***
Y HỌC THƯỜNG THỨC
Nhức Đầu - Bác sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Nhức đầu hay đau đầu là triệu chứng thông thường của người lớn. Nhức đầu có thể nhẹ, nhưng cũng có thể mạnh, được ví “như búa bổ”. Tùy trường hợp, thời gian đau nhức thay đổi từ vài phút, vài giờ cho tới nhiều ngày.
Nguyên nhân
Khoảng 10% các trường hợp, nhức đầu có liên quan tới những bệnh thường gặp như: sâu răng, cảm cúm, viêm mắt, tai, mũi, họng. Nhưng khi nhức đầu có kèm theo sốt, ói, mửa, suy giảm tình trạng sức khỏe tổng quát thì đó là dấu hiệu của bệnh lý trầm trọng. Phần còn lại (90%) không rõ nguyên nhân, được phân thành ba loại:
Nhức đầu căng Thường xảy ra trong lứa tuổi 20-40. Đau kéo dài từ 30 phút tới một tuần. Đau nhẹ hay trung bình, lan khắp đầu. Nhiều người có cảm giác như có dây thừng quấn chặt xung quanh đầu.
Nhức nửa đầu (danh từ cổ điển là thiên đầu thống) Mức đau từ trung bình tới trầm trọng, kéo dài từ nhiều giờ tới cả tuần hay lâu hơn. Tuy gọi là nhức nửa đầu, nhưng khoảng 40% trường hợp cơn đau lan ra khắp đầu. Người bệnh cảm thấy mạch máu ở thái dương (màng tang) đau nhức mỗi khi tim đập. Nhức đầu thường kèm theo ói, mửa. Họ sợ tiếng động, sợ ánh sáng, tìm nơi tối và yên tĩnh để nằm nghỉ. Một số bệnh nhân có kinh nghiệm về những triệu chứng báo trước cơn đau như ánh sáng nháy chớp, cảm giác tê tê ở chân hoặc tay. Trước tuổi dậy thì, số nam nữ bị bệnh ngang nhau, nhưng sau lứa tuổi này, nữ gấp 3 lần nam và cơn nhức đầu thường xảy ra vào lúc hành kinh. 90% các trường hợp nhức nửa đầu xảy ra trước lứa tuổi 40. Nhức nửa đầu mang tính di truyền, 80% các trường hợp có người trong gia đình cũng bị chứng này.
Nhức đầu chùm Xảy ra thình lình,
Đau nhức nhất trong ba loại, đặc biệt đau nhiều ở một bên mắt và vùng xung quanh, kèm theo chảy nước mắt, nghẹt mũi. Những cơn đau nhức xảy ra nhiều lần trong một ngày (nên mới gọi là chùm), cách 2, 3 ngày lại tái phát, kéo dài cả tuần tới nhiều tháng. Nhức đầu diễn ra theo chu kỳ, có những thời gian dài không đau.
Trị liệu tại nhà
Dùng thuốc giảm đau: Aspirin, Acetaminophen, Naproxen, liều thấp (250mg-500mg) trong vài ngày. Nên nhớ, lạm dụng các thuốc này có thể làm nhức đầu tăng thêm. Tránh nhức đầu tái phát bằng cách: - Ăn uống đầy đủ, không uống rượu, không hút thuốc.
- Tránh một số đồ ăn có thể gây nhức đầu: rau, dưa muối, trái cây khô, chuối, đồ hộp, thức ăn nấu có thêm bột ngọt (monosodium glutamate). Mỗi bệnh nhân có thể cảm ứng với một hay nhiều thức ăn trên đây, tùy theo kinh nghiệm bản thân mà nhận biết.
- Tránh những chất có mùi mạnh như: ét xăng, sơn, nước hoa, hoa.
- Ngủ đầy đủ.
-Thể dục nhẹ đều đặn.
- Cơ thể thư giãn, giữ tinh thần thoải mái, tránh nơi ồn ào.
Khi cần gặp bác sĩ
Nếu chứng nhức đầu kéo dài hơn một tuần lễ là lúc cần tới bác sĩ. Nếu nhức đầu thuộc một trong ba loại trên, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chữa và thuốc phòng tái phát, các loại thuốc này thường có hiệu quả tốt. Trong mọi trường hợp, nếu nhức đầu nặng có kèm theo sốt, ói, mửa, tự nhiên tiếng nói bị ngọng nghịu hay cảm thấy một phần cơ thể yếu sức, nên tới ngay phòng cấp cứu.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Nhức đầu Headache
Nhức đầu căng Tension headache
Nhức đầu chùm Cluster headache
Nhức nửa đầu Migraine headache
Đau Họng
Nguyên nhân và triệu chứng
Họng ở phía sau miệng, ngã tư của đường hô hấp và tiêu hóa. Không khí đi qua họng mỗi khi ta thở ra và hít vào, thải thán khí (khí cac-bô-nic) ra, mang không khí vào. Không khí có Ô-xy (dưỡng khi), cần thiết cho sự sống. Nhưng ngoài Ô-xy, khí trời cũng chứa nhiều chất có hại cho cơ thể như phấn hoa, khói thải từ máy móc đủ loại, khói thuốc hút... gây dị ứng và có thể gây ung thư. Thêm vào đó thời tiết nóng hay lạnh, khí trời khô hay ẩm cũng có thể gây phản ứng trong đường hô hấp.
Đau họng thường liên quan tới mũi, xoang mũi và các bộ phần xung quanh: thanh quản, khí quản, hạch hạnh nhân. Ngoài các yếu tố về môi sinh, siêu vi trùng và vi trùng là hai nguyên nhân chính làm viêm họng.
- Siêu vi trùng cúm gây bệnh hàng năm, với các triệu chứng: Đau họng, rát họng hay ngứa họng Ho, hắt hơi Sốt nhẹ 38-38,5 độ C Khản tiếng hay mất tiếng Nghẹt mũi, nước mũi chảy xuống họng
- Họng bị nhiễm vi khuẩn, tình trạng bệnh lý thường nặng hơn bệnh cúm. Nguyên nhân là vi trùng Streptococcus, loại thường thấy nhất. Bệnh lan truyền qua nước mũi, nước miếng của người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Trẻ em trong lứa 5 tuổi tới 15 tuổi thường bị lây bệnh ở nhà trường.
Các triệu chứng như sau: -Sốt cao 40 độ C, có thể kèm theo ớn lạnh.
- Họng đỏ, đau, nhất là khi nuốt.
- Hạch hạnh nhân bị sưng, đôi khi có phủ màng trắng.
- Hạch bạch huyết ở cổ, dưới hàm bị sưng
Tự trị liệu
Nghỉ ngơi. Uống nước khoảng gấp đôi lúc thường. Nước giúp đờm lỏng, dễ loại ra ngoài. Dùng thuốc giảm đau (xem trong mục các loại thuốc) làm giảm nhức đầu, đau họng, sốt. Xúc miệng nhiều lần bằng nước ấm có pha muối (pha nửa muỗng cà phê muối vào một ly nước đầy). Ngậm kẹo ho, nhai kẹo cao su giúp miệng đỡ khô.
Nếu nghẹt mũi, có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc bơm mũi. Thuốc có tác dụng nhanh, làm co mạch máu và thông mũi. Chỉ nên dùng trong 3-5 ngày, dùng lâu, thuốc làm hư màng mũi, nên đọc kỹ cách dùng. Thuốc ho, thuộc dạng nước hay viên, chế riêng cho trẻ em và người lớn. Phần chính của thuốc ho là chất làm lỏng đờm, thường có thêm chất chống dị ứng (thương hiệu Benadryl, Claritin…) và chất chống ho dextromethorphan. Thuốc ho có thể gây buồn ngủ. Khi dùng cần đọc kỹ, theo đúng liều lượng. Không được dùng thuốc của người lớn cho trẻ em.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu sốt cao tới 40 độ C (hay cao hơn) và bệnh không thuyên giảm sau 3-4 ngày, viêm họng có thể do vi trùng, cần được khám bệnh. Bác sĩ khám tai, mũi, họng, nghe tim phổi, thử máu, thử đờm. Nếu hạch hạnh nhân sưng, bác sĩ lấy chất nhầy ở những nơi bị viêm để tìm loại vi trùng gây bệnh. Đôi khi cần chụp hình điện tuyến mặt, ngực nếu có dấu hiệu viêm xoang mặt, viêm phổi. Bác sĩ sẽ cho thuốc trụ sinh thích hợp cùng với thuốc giảm đau, thuốc ho và theo dõi bệnh trạng.
Phòng ngừa
Bệnh cúm xảy ra hàng năm với mọi lứa tuổi, nên việc tiêm chủng (chích ngừa) hàng năm rất quan trọng. Bệnh cúm cũng dễ truyền sang người khác: bệnh nhân dùng khẩu trang, thân nhân rửa tay bằng xà bông sau khi tiếp súc với người bệnh và đồ dùng của họ. Không hút thuốc, không uống rượu.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Dị ứng Allergy Đau họng Sore throat Bệnh cúm Influenza (hoặc flu) Nhiễm trùng họng Throat infection Hạch hạnh nhân Tonsil Viêm hạch hạnh nhân Tonsillitis Viêm họng Pharyngitis Viêm xoang mặt Facial sinusitis
Ho*
Đại cương
Ho là cử động phản xạ khiến ta đột nhiên thở ra thật mạnh, gây tiếng động, đẩy ra ngoài bộ hô hấp các chất có hại cho cơ thể như khói, khí độc, chất gây dị ứng, đờm, v… v… Ho là phản ứng tự nhiên giữ đường dẫn khí vào phổi sạch, thông suốt. Nhưng ho lâu ngày có thể làm khan tiếng, rát cổ, rách mạnh máu nhỏ của đường hô hấp, són tiểu, són phân, nứt xương sườn, làm ngủ không yên giấc và gây tiếng động làm phiền người xung quanh.
Nguyên nhân
Về nguyên nhân, ho được phân thành ho cấp tính, kéo dài tối đa 8 tuần lễ và ho mạn tính, lâu hơn thời gian trên.
Ho cấp tính. Ho là một trong những dấu hiệu viêm cấp tính đường hô hấp do siêu vi trùng hoặc vi khuẩn trong những trường hợp cảm cúm, viêm họng, viêm cuống phổi, viêm phổi. Ho nhiều thường xảy ra trong vài tuần lễ đầu, sau dịu dần khi các nguyên nhân được chữa trị, nhưng ho vẫn có thể tiếp tục trong vài tuần lễ nữa. Ho có thể có đờm hay không có đờm, thường gọi là ho khan. Đờm là do lớp màng nhầy của đường dẫn khí bị viêm, tiết ra nhiều chất nhầy. Tùy theo căn bệnh, đờm có thể màu trắng, vàng, xanh và đôi khi có vấy máu do mạch máu nhỏ bị rách. Ngoài ho, các triệu chứng kèm theo có thể là:
-Nghẹt mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, nước mũi chảy xuống họng.
-Đau họng, mệt mỏi, đau nhức mình mẩy.
-Sốt nhẹ trong trường hợp nhiễm siêu vi trùng, sốt cao khi nhiễm vi khuẩn.
Ho mạn tính. Thông thường liên quan tới các bệnh mạn tính của bộ máy hô hấp, bệnh phần trên của bộ tiêu hóa và phản ứng phụ của một số thuốc bào chế.
Các bệnh mạn tính gây ho bao gồm:
Suyễn. Đường dẫn khí bị nhỏ hẹp và tiết ra nhiều chất nhầy, dẫn tới các triệu chứng: ho nhiều đờm, nặng ngực, thở khó, thở khò khè, thở nông và nhanh.
Phổi tắc nghẽn mạn tính. Ho khan hoặc ho có nhiều đờm. Thở khó, thở khò khè.
Viêm mũi mạn tính, viêm xoang mũi. Nước mũi chảy xuống họng gây ho. Nguyên nhân có thể do dị ứng, siêu vi trùng, vi khuẩn.
Ho gà. Ho lớn tiếng, từng cơn dài. Trong cơn ho gân cổ nổi cao, mặt tái (do thiếu dưỡng khí vào phổi), đờm đặc, dính.
Lao phổi. Ho thường xuyên, đờm có thể dính máu. Sốt nhẹ, dịn mồ hôi về đêm, ăn mất ngon, xuống cân.
Bệnh dội ngược dịch vị lên thực quản, Khi cơ vòng phía dưới thực quản bị yếu hay một phần dạ dày nhồi lên trên hoành cách mô, các chất trong dạ dày có thể dội ngược lên thực quản và khí quản, gây phản ứng ho. Ho thường xảy ra khi nằm ngủ, kèm theo cảm giác nóng ngực.
Phản ứng phụ của thuốc hạ huyết áp thuộc loại “ức chế men chuyển hóa chất Angiotensin” như lisinopril. Có người uống loại thuốc này bị ho mạn tính. Phản ứng ho có thể xảy ra ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc, nhưng cũng có thể sau thời gian vài tháng hay cả năm. Ho kèm theo cảm giác nặng ngực do phế quản bị co hẹp.
Không rõ nguyên do. Ngoài những nguyên nhân trên đây, có một số nhỏ chừng 1% các bệnh nhân bị ho mạn tính không rõ nguyên do.
Phòng ngừa
Tiêm chủng bệnh cúm hằng năm. Tiêm chủng bệnh ho gà cho trẻ em. Tránh hút thuốc, tránh nơi có khói thuốc, mặc đủ ấm khi trời lạnh.
Tự trị liệu
Nghỉ ngơi, uống nhiều nước khi bị cảm cúm. Dùng thuốc làm giảm chất nhầy trong mũi, dạng thuốc viên, thuốc nước hay thuốc bơm mũi. Những thuốc này làm co các mạch máu của màng nhầy trong mũi. Nên đọc kỹ cách dùng. Không nên dùng lâu quá 5 ngày.
Thuốc ho, loại viên hoặc nước. Thường thuốc ho có chất khiến đờm lỏng, dễ loại ra ngoài khi ho, ta quen gọi là thuốc long đờm. Thuốc ho có thể thêm chất giảm ho như Dextromethorphan là chất chống dị ứng. Cần đọc kỹ chỉ dẫn khi dùng. Nếu thuốc có chất chống dị ứng, có thể gây buồn ngủ, khi dùng không nên lái xe hoặc sử dụng máy móc lớn. Thuốc được chế riêng cho người lớn và trẻ em. Không được dùng thuốc của người lớn cho trẻ em.
Khi cần gặp bác sĩ
Ho chỉ là một triệu chứng của nhiều bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Nếu ho kèm theo sốt cao độ hoặc ho không bớt trong một tuần lễ, cần gặp bác sĩ. Ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể áp dụng xét nghiệm như thử đờm, thử máu, chụp hình điện tuyến phổi, soi họng, soi thực quản. Nguyên tắc chính là xác định nguyên nhân để trị liệu thích hợp.
*Bài này trình bày tổng quát về triệu chứng ho. Xin đọc thêm về các bệnh hô hấp và tiêu hóa trong cùng cuốn sách này.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Dạ dày nhồi lên ngực Hiatal hernia
Bệnh dội ngược dịch vị Gastro-Esophageal Reflux Disease (GERD)
Chống dị ứng Antiallergy
Phế quản co hẹp Bronchospasm
Ho Cough
Hoành cách mô Diaphragm
Phổi tắc nghẽn mạn tính Chronic obstructive pulmonary disease (COPD)
Thở khò khè Wheezing
Bác sĩ Hoàng Cầm