Năm Dần là năm của Con Cọp (Con Hổ). Con Cọp hiện diện trong thi văn lịch sử chính trị, thành ngữ điển tích và tục ngữ cũng như trong kinh sách tôn giáo. Ngày nay, Con Cọp là giống sắp tuyệt chủng nhưng ít người để ý đến.
Dàn bài Thơ và Việt Sử (trang 1)
Tôn Giáo (trang 5)
Thành Ngữ Điển Tích Trung Hoa (trang 9)
Tục Ngữ và Từ Ngữ Việt (trang 13)
Thi Văn (trang 16)
Khoa Học (trang 20)
THƠ VÀ VIỆT SỬ
* Phạm Ngũ Lão và Bài thơ "Thuật Hoài"Theo Nam Hải Dị Nhân Truyện của ông Phan Kế Bính (trích từ Vũ Trung Tùy Bút của ông Phạm Đình Hổ), trong một chuyến du hành, Hưng Đạo Vương và quân tùy tùng gặp phải ông Phạm Ngũ Lão đang ngồi vệ đường vót tre đan sọt. Lính gọi mãi thấy ông không tránh đường nên dùng ngọn giáo đâm vào đùi. Ông Phạm Ngũ Lão cứ ngồi không động tịnh. Hưng Đạo Vương cho người vời đến hỏi thì mới biết ông là một nhân tài nên trọng dụng, dùng làm môn khách và tiến cử đến triều đình.
Ông Phạm Ngũ Lão lúc thiếu thời có làm bài thơ để tỏ chí khí:
THUẬT HOÀI
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu (*)
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu. (*)
(Phạm Ngũ Lão)
(*) Chú thích:
Tỳ=giúp. Khí=bỏ đi, dẹp đi. Thôn=nuốt. Ngưu=trâu. “Ba quân giúp hổ nuốt đi trâu”.
Tu=cần. Thính=nghe. Thuyết=thuyết=nói rõ ra. Vũ hầu là Vũ Khanh Hầu Gia (Chư) Cát Lượng (Khổng Minh).
Có 3 bản dịch nhưng đều không thể diễn tả hoàn toàn như bản chánh:
THUẬT HOÀI
Ngọn giáo non sông trải mấy thâu
Ba quân hùng hổ khí thôn ngưu
Công danh nếu để còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ hầu.
(Phan Kế Bính dịch)
TỎ LÒNG
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Bùi Văn Nguyên dịch / trong Wikipedia)
THUẬT HOÀI
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân như cọp nuốt “đi” trâu
Công danh trai tráng còn vương nợ
Nhân thế cần nghe thuyết Vũ hầu.
(Phan Thượng Hải dịch)
Quân nghiệp của ông Phạm Ngũ Lão kéo dài hơn 30 năm. Ông Phạm Ngũ Lão là cánh tay mặt của ông Trần Hưng Đạo, tham dự tất cả những trận đánh trong cuộc kháng Nguyên lần thứ 2 và thứ 3 (trừ trận Hàm Tử và trận Bạch Đằng Giang). Sau nầy ông còn 3 lần đánh Ai Lao (1294, 1297, 1301) và 2 lần đánh Chiêm Thành (1312, 1318).
Ông Phạm Ngũ Lão là bạn thân của Hưng Hiển Vương Trần Quốc Uất (con út của ông Trần Hưng Đạo).
Chính ông Phạm Ngũ Lão là vị tướng cuối cùng đuổi quân Nguyên về Tàu luôn không trở lại (trong lần Kháng Nguyên thứ 3).
Việt Nam Sử Lược viết:
Sau khi nghe tin bị thua ở trận Bạch Đằng, Thoát Hoan từ Vạn Kiếp theo đường bộ chạy về ải Nội Bàng bị Phạm Ngũ Lão và phó tướng là Nguyễn Chế Nghĩa phục binh đổ ra đánh. Phạm Ngũ Lão chém chết Trương Quân. Thoát Hoan chạy thoát ra khỏi cửa ải, quân chết hết 5, 6 phần. Quân nhà Trần đuổi theo từ ải Nữ Nhi tới núi Kỳ Cấp và phục binh bắn chết A Bát Xích và Trương Ngọc. Trịnh Bằng Phi hết sức giữ gìn Thoát Hoan theo đường tắt chạy thoát được về châu Tư Minh (Quảng Tây).
* Thơ Xướng Họa của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, ông Tôn Thọ Tường ra làm việc với Pháp. Các ông Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa chống Pháp và chống lại ông Tôn Thọ Tường qua những bài xướng họa:
GIANG SƠN BA TỈNH (Xướng)
Giang nam ba tỉnh hãy còn đây
Trời đất xui chi đến nỗi này?
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo
Mây tuôn đẹn kịt khói tàu bay
Xăng văng thầm tính, thương đôi chỗ
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!
(Tôn Thọ Tường)
GIANG SƠN BA TỈNH (Họa)
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây
Chẳng đã, nên ta phải thế này
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy
Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở
Bủa lưới săn nai cũng có ngày
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay!
(Phan Văn Trị)
THỜI CUỘC (Họa)
Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây,
Đâu để giang sơn đến thế này.
Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy,
Chòm mây Ngũ quý lấp trời bay.
Hùm nương non rậm toan chờ thuở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả dễ lung lay!
(Bùi Hữu Nghĩa)
(*) Chú thích: Thời Tam Tần và thời Ngũ Quý là những thời kỳ loạn lạc ở Trung Quốc.
Thời Tam Tần: sau khi nhà Tần mất, lãnh thổ bị chia ra làm 3 nước gọi là Tam Tần.
Thời Ngũ Quý hay Ngũ Đại: sau khi nhà Đường mất cho đến khi nhà Tống thành lập, Trung Quốc trải qua 5 triều đại ở trung ương (Ngũ Đại) và ở địa phương có 16 nước (Thập lục quốc).
Từ những bài thơ họa của 2 ông Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa, phong trào Cần Vương Kháng Pháp bắt đầu ở Nam Kỳ.
Ông Bùi Hữu Nghĩa còn làm bài thơ gửi bạn mình là ông Tôn Thọ Tường.
THÀ GẶP CỌP CÒN HƠN GẶP BẠN
Kết lũ năm ba bạn cặp kè
Duyên đâu giải cấu khéo thè be
Đã bưng bít mặt cùng trời đất
Sao hổ hang lòng với ngựa xe
Trẻ lẩn thẩn dạo qua dặm liễu
Già lơ thơ ở dưới cây hoè
Không chào cũng ngỡ, chào càng ngỡ
Hùm ở non cao há chẳng thè.
(Bùi Hữu Nghĩa)
(*) Chú thích: Giải cấu = gặp gỡ. Chẳng thè = e dè, chẳng nỡ làm thái quá.
* Hoàng Hoa Thám và thơ của Phan Bội Châu
Ông Hoàng Hoa Thám (1836-1913) nguyên tên là Trương Văn Thám còn gọi là Đề Thám. Ông theo Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) chống Pháp (1882-1888) từ trước phong trào Cần Vương. Kế đến ông theo Đề Nắm (Lương Văn Nắm) chống Pháp ở vùng Yên Thế. Khi Đề Nắm chết, ông Đề Thám trở thành lãnh tụ kháng chiến ở Yên Thế (1892-1913). Ông có hàng Pháp 2 lần rồi lại đánh Pháp. Cuối cùng ông thế cô phải trốn tránh trong rừng núi Yên Thế không theo lời dụ hàng của Lê Hoan (1909).
Cái chết của ông Đề Thám còn là một bí mật. Có thuyết cho rằng Pháp cho người trá hàng rồi ám sát ông.
(Ông Hoàng Hoa Thám)
Ông Phan Bội Châu khi làm cách mạng bên Tàu có viết về cuộc đời của ông với tựa đề là Chân Tướng Quân. Hai ông nầy có gặp nhau ở Yên Thế trước khi ông Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du.
Đây là bài thơ của ông Phan Bội Châu khóc ông Hoàng Hoa Thám (Chân Tướng Quân):
KHỐC CHÂN TƯỚNG QUÂN KHÓC CHÂN TƯỚNG QUÂN
Dị chủng sài lang mãn địa tinh Sói lang giống khác tanh lợn đất
Độc thương chích thủ dữ cừu tranh Đấu với quân thù cánh tay đơn
Trấp niên thương kiếm sơn hà khí Gươm mấy chục năm hồn sông núi
Bách chiến phong vân phụ tử binh Gió bao trăm trận lính cha con
Quốc thế dĩ trần quân thượng phấn Nước dù chìm đắm lòng không nhụt
Tướng đầu vị đoạn giặc do kinh Đầu vẫn chưa rơi giặc hoảng hồn
Anh hùng bản sắc chung năng hiện Đến chết mới hay người tuấn kiệtVạn lý thời văn hổ khiếu thanh. Thẳm xa tiếng hổ vọng sông non.(Phan Bội Châu) (Kiều Văn dịch)
Từ bài thơ của ông Phan Bội Châu, ông Hoàng Hoa Thám có biệt danh là "Hùm Thiêng Yên Thế".
Phong trào Cần Vương ở Bắc Trung Kỳ từ 1885 đến 1913 kéo dài 29 năm. Phong trào Kháng Pháp Cần Vương toàn quốc từ ông Trương Công Định (1859) cho đến ông Hoàng Hoa Thám (1913) kéo dài tất cả 55 năm.
Vì thương bạn là ông Phan Khôi trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc, ông Vũ Hoàng Chương có làm bài thơ tặng dưới đây bằng tiếng Hán Việt rồi tự mình dịch ra tiếng Việt. Hai câu cuối cũng có âm hưởng như bài thơ của ông Phan Bội Châu.
LOẠN TRUNG HỮU BIỆT TRONG THỜI LOẠN XA BẠN
Đối diện tằng xưng thiên cãi văn Từng khen tuyệt tác ấy văn trời
Kim chiêu biệt hỹ, bút ưng phần! Tạm biệt từ đây bẻ bút thôi
Đông tây mộng quải tam canh nguyệt Giấc mộng đông tây vầng nguyệt lửng
Nam bắc tình khiên vạn lý vân Tơ tình nam bắc đám mây trôi
Trọc tửu vô đăng sầu bất ngữ Tỉnh say một cuộc đành không bạn
Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân? Hào hiệp ngàn xưa dễ mấy người
Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực Chợt nổi gió thu lòng héo hắt
Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn. Đâu đây hổ thét vượn than dài.(Vũ Hoàng Chương) (Vũ Hoàng Chương tự dịch)
TÔN GIÁO
* Chuyện "Hoàng tử Sattva" trong Bản Sinh Kinh của Phật Giáo
Hoàng tử Sattva là một trong những hóa thân trong 1 trong những kiếp trước của Phật Thích Ca.
Con của vua Maharatha, hoàng tử Sattva thành một ẩn tu (ascetic) và có vài đệ tử. Một hôm đang đi trên sườn núi với những đệ tử, Sattva thấy ở dưới đáy thung lũng có một con cọp mẹ đói sắp muốn ăn thịt con mới sinh của mình. Sattva biểu các đệ tử đi tìm thức ăn cho con cọp. Khi các đệ tử đi xa rồi, Sattva gieo mình nhẩy xuống thung lũng cho chết. Con cọp liền ăn thịt xác của Sattva. Khi các đệ tử trở lại liền ca ngợi nghĩa cử rộng lượng (generosity), từ bỏ (renunciation), đạo đức (morality), quả cảm (resolution), và bình tỉnh (equanimity) của Sattva. Liền đó có mưa hoa sen từ trên trời rơi xuống và Hoàng tử Sattva sống lại.
Theo Sư Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký, có 4 stupas ở miền bắc Ắn Độ dựng nên ghi nhớ câu chuyện nầy.
* Chuyện Trang tử và câu "Họa hổ họa bì nan họa cốt" của Đạo Giáo
Trang Tử tên Chu tự Tử Hưu biệt hiệu là Tất Viên vì làm Thơ lại ở Tất Viên. Người Mông ấp thuộc nước Tống. Học trò của Lý Nhĩ tên tự là Bá Dương, bạc đầu từ lúc nhỏ nên được gọi là Lão Tử.
Trang Tử nằm mộng thấy mình hóa ra con bướm (hồ điệp). Lão Tử giải thích rằng: Thuở Trời Đất mới sinh có 1 con bướm trắng cánh lớn là vật đầu tiên được hưởng ánh sáng của mặt Trời và mặt Trăng và hương nhụy của hoa thơm, có thể được trường sinh bất tử. Một hôm bướm ấy bay lượn ở Dao Trì của Tây Vương Mẫu và hút hết nhụy hoa bàn đào của Tây Vương Mẫu nên bị phạt mà phải thác sinh. Bướm ấy là nguyên hình của nhà ngươi (Trang Tử) đó.
Trang Tử cùng người vợ thứ ba là Điền thị sống ở núi Nam Hoa.
Một hôm Trang Tử thấy 1 góa phụ quạt mồ cho khô vì người chồng trước khi chết cho phép bà được tái giá nếu mồ khô hẳn.
Trang Tử chán ngán và có làm bài thơ:
Bất thị oan gia bất tụ đầu
Oan gia tương tựu kỷ thời hưu
Tảo tri tử hậu vô tình nghĩa
Tựu bả sinh tiền ân ái câu
(Dịch)
Chẳng nợ nần nhau chẳng sánh đôi
Nợ nần dan díu biết bao thôi?
Ví hay mình thác người đem bạc
Lúc sống, tơ duyên đã rứt rồi.
Điền thị nghe Trang Tử kể chuyện thì giận người góa phụ (bạc nghĩa).
Trang Tử làm thêm:
Sinh tiền cá cá thuyết ân ái
Tử hậu nhân nhân dục phiến phần
Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
(Dịch)
Khi còn, những kể niềm yêu dấu
Lúc thác, thương chăm việc quạt mồ
Vẽ hổ vẽ da xương khó thấy
Biết người biết mặt dạ khôn dò.
Điền thị thề nguyền không tái giá sau khi chồng chết.
Vài tháng sau Trang Tử đau nặng và Điền thị thề nguyền ở vậy suốt đời.
Trang Tử chết thì Điền thị lại mê và tái giá với một chàng trẻ tuổi (tới xin theo học với Trang Tử). Chàng trẻ tuổi nầy đau nặng và theo lời khuyên thì bệnh chỉ chữa hết nếu có phương thuốc là "óc của người sống hay chết không quá 50 ngày uống hòa với rượu". Điền thị liền dở hòm của Trang Tử để lấy óc. Khi đó Trang Tử sống lại và chàng trẻ tuổi biến mất vì (chàng) nầy chỉ là phép của Trang Tử để thử vợ mà thôi. Trang Tử làm bài thơ:
Tòng tiền liễu khước oan gia trái
Nhĩ ái chi thời ngã bất ái
Nhược kim dữ nhĩ tố phu thê
Phạ nhĩ phủ thế thiên linh cái.
(Dịch)
Giũ sạch từ nay duyên với nợ
Yêu ta, ta cũng không yêu nữa
Ví cùng sum họp lại như xưa
E nỗi đập săng lòng giáo giở?
Lại thêm:
Phu thê bách nhật hữu hà ân
Kiến liễu tân nhân vong cựu nhân
Phủ đắc cái quan tào phủ thế
Như tha đẳng đắc phiến can phần.
(Dịch)
Ái ân, thôi cũng chuyện trăm ngày
Có mới vội vàng nới cũ ngay
Vừa đậy quan tài đà bổ nắp
Bên mồ lọ phải quạt luôn tay.
Điền thị hổ thẹn mà thắt cổ chết. Trang Tử mai táng chu đáo. Rồi gõ chậu sành mà hát:
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá
Điền thị tha nhân canh
Mã thị tha nhân khóa
Ngã nhược chân tử thì
Nhất trường đại tiếu thoại.
(Dịch)
Vợ chết mình phải chôn
Mình chết vợ cải giá
Ruộng mình người cày liền
Ngựa mình người chiếm cả
Mình ví thực chết rồi
Nực cười lắm truyện lạ.
Hát xong đập tan cái chậu sành rồi biệt tích. Người nói theo Lão Tử mà thành tiên. Đó là chuyện Trang tử gổ bồn ca.
Tục ngữ Việt cũng có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt.
* Sao "Vĩ Hỏa Hổ" trong Nhị Thập Bát Tú của Đạo Giáo
Theo Đạo Giáo có 24 vị sao chánh lấy tên theo con vật.
Sao Vĩ Hỏa Hổ lấy tên theo con Cọp (Hổ). Thiên văn học Tây Phương cũng có tên của những hành tinh giống như vậy. Sao Vĩ Hỏa Hổ là hành tinh Scorpius.
Giác Mộc Giao: sao Giác (Spica). Giao=Cá Sấu
Càng Kim Long: sao Càng (Virgo). Long=con Rồng
Đê Thổ Lạc: sao Đê (Libra). Lạc=con Lạc Đà
Phòng Nhật Thố: sao Phòng (Libra). Thố=con Thỏ
Tâm Nguyệt Hồ: sao Hồ (Antares). Hồ=con Chồn Cáo
Vĩ Hỏa Hổ: sao Vĩ (Scorpius). Hổ=con Cọp Cơ Thủy Báo: sao Cơ (Sagittarius). Báo=con Beo
Đẩu Mộc Giải: sao Đẩu (Sagittarius). Giải=con Cua
Ngưu Kim Ngưu: sao Ngưu (Capricormus). Ngưu=con Trâu
Nữ Thổ Bức: sao Nữ (Aquarius). Bức=con Dơi
Hư Nhật Thử: sao Hư (Aquarius). Thử=con Chuột
Nguy Nguyệt Yến: sao Nguy (Aquarius/Pegasus). Yến=con Én (Nhạn)
Thất Hỏa Trư: sao Thất (Pegasus). Trư=con Heo
Bích Thủy Dư: sao Bích (Algenib). Dư=con Cừu (Trừu)
Khuê Mộc Lang: sao Khuê (Andromeda). Lang=con Chó Sói xám
Lâu Kim Cẩu: sao Lâu (Aries). Cẩu=con Chó
Vị Thổ Trĩ: sao Vị (Aries). Trĩ=con Chim Trĩ
Mão Nhật Kê: sao Mão (Pleiades). Kê=con Gà
Tất Nguyệt Ô: sao Tất (Taurus). Ô=con Quạ
Chủy Hỏa Hầu: sao Chủy (Orion). Hầu=con Khỉ
Sâm Thủy Viên: sao Sâm (Orion). Viên=con Vượn
Tỉnh Mộc Hãn (Ngạn): sao Tỉnh (Gemini). Hãn=con Bò
Quỷ Kim Dương: sao Quỷ (Cancer). Dương=con Dê
Liễu Thổ Chương: sao Liễu (Hydra). Chương=con Cheo (=Mouse-Deer)
Tinh Nhật Mã: sao Tinh (Alphard). Mã=con Ngựa
Trương Nguyệt Lộc: sao Trương (Crater). Lộc=con Hưu/Nai
Dực Hỏa Xà: sao Dực (Corvus). Xà=con Rắn
Chẩn Thủy Dẫn: sao Chẩn (Corvus). Dẫn=con Giun/Trùng
* Câu "Bạo Hổ Bằng Hà" trong Luận Ngữ của Nho GiáoLuận Ngữ là 1 trong Tứ Thư của Nho Giáo. Đây là câu nói nổi tiếng của Khổng tử trong Luận Ngữ.
Luận Ngữ 7.10:
Tử vị Nhan Uyên viết: "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ hữu thị phù!"
Tử Lộ viết: "Tử hành tam quân, tắc thùy dư?"
Tử viết:
"Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã. Tất dã lâm sự nhi cụ, hiếu mưu nhi thành giả dã."
(Dịch)
Khổng Tử nói với Nhan Uyên: "Nếu có ai dùng mình thì mình đem đạo ra thi hành, bằng không dùng mình thì mình ở ẩn với đạo; chỉ có ta với anh là làm được như vậy thôi."
Tử Lộ hỏi: "Nếu Thầy thống lĩnh ba quân, thì Thầy chọn ai giúp?"
Khổng Tử đáp: "Bắt cọp mà dùng tay không, qua sông mà không dùng thuyền, chết mà không biết tiếc thân, ta không cho kẻ ấy theo giúp ta. Ta chọn kẻ nào vào việc mà biết lo sợ dè dặt, thích lập mưu tính kế để thành công."
Câu nói "bạo hổ bằng hà" ám chỉ người vũ dũng nhưng vô mưu. Tử Lộ sau nầy chết ở nước Vệ vì cái dũng khí của ông vì không theo lời khuyên của Khổng tử.
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH TRUNG HOA
* Tam nhân thành hổ = Ba người nói, thành có hổ thật.
Nguyên văn: Phù thị chi vô hổ minh hĩ, nhiên nhi tam nhân ngôn nhi thành hổ = Rõ ràng là ở chợ không có cọp, thế nhưng có 3 người quả quyết thì sẽ thành có cọp.
Xuất xứ từ trong phần Ngụy Sách Nhị của Chiến Quốc Sách.
Điển tích:
Trong thời Chiến Quốc, vua nước Ngụy cho con trai của mình sang nước Triệu để làm con tin và cho một đại thần thân tín tên là Sủng Hốt theo phò con mình. Sủng Hốt lo sợ là khi ông và công tử con vua Ngụy sang nước Triệu thì tại nước Ngụy có người gièm pha nói xấu mình. Sủng Hốt mới nói với vua nước Ngụy rằng:
Tâu đại vương, nếu có người báo với đại vương rằng có con cọp đi vào chợ của Đại Lương (kinh đô của nước Ngụy) thì đại vương có tin không?
Vua nước Ngụy đáp ngay không cần suy nghĩ:
Ta không tin được, con cọp làm sao vào chợ ở Đại Lương được.
Sủng Hốt lại hỏi:
Nhưng có người thứ hai cũng bảo với đại vương như vậy, đại vương có tin không?
Vua nước Ngụy suy nghĩ một chút rồi đáp:
Hai người đều nói như nhau, ta có phần nửa tin nửa ngờ.
Sủng Hốt lại hỏi:
Ngay lúc ấy lại có người thứ ba đến nói với đại vương là có con cọp ở tại chợ Đại Lương, đại vương có tin chăng?
Vua nước Ngụy đáp ngay:
Ba người đều nói như thế, chắc ta phải tin thôi.
Sủng Hốt liền nói:
Rõ ràng là ở chợ không có cọp, thế nhưng có 3 người quả quyết như vậy với đại vương thì đại vương tin là có thật. Nay thần theo hầu công tử sang nước Triệu, cách xa nước Ngụy thì nhất định sẽ có nhiều hơn 3 người nói xấu sau lưng về thần và công tử; mong đại vương hãy xét kỹ.
Sau khi công tử của nước Ngụy và Sủng Hốt sang nước Triệu làm con tin thì có rất nhiều người nói xấu gièm pha về họ và vua nước Ngụy dần dần cũng tin theo. Khi hết thời hạn làm con tin và trở về nước Ngụy, cả hai đều không được trọng dụng nữa.
* Hồ giả hổ uy = Cáo giả oai cọp
Xuất xứ từ Chiến Quốc Sách
Điển tích:
Sở Hoàn Vương ngạc nhiên khi thấy người phương Bắc (của Trung Quốc) đều sợ tướng Chiêu Hề Tuất. Một quan đại thần của Sở Hoàn Vương là Giang Ất kể chuyện: Tại một khu rừng kia có một con cọp bắt được con cáo. Con cáo tức thì làm bộ dọa con cọp rằng nó là sứ giả do Trời sai xuống để thống trị muôn loài thú, nếu cọp xâm phạm đến nó thì sẽ bị Trời trừng phạt; nếu cọp không tin thì hãy đi theo nó để xem muôn loài thú sợ hãi nó thế nào. Con cọp bằng lòng đi theo con cáo. Quả nhiên suốt đường đi, muôn loài thú thấy bóng dáng con cáo thì sợ bỏ chạy hết. Con cọp đâu biết là con cáo mượn oai của cọp nên muôn loài thú mới sợ chứ đâu có sợ con cáo. Nay binh quyền của nhà vua trao cả cho Chiều Hề Tuất, người phương Bắc sợ hãi là sợ binh lực của nhà vua chứ đâu có sợ Chiêu Hề Tuất".
Người Việt thường có câu thành ngữ: Cáo mượn oai hùm.
* Bất nhập hổ huyệt, nan đắt hồ tử = Không vào hang cọp, không bắt được cọp con.
Xuất xứ trong Ban Siêu truyện của Hậu Hán Thư
Điển Tích:
Danh tướng Ban Siêu đã đi đánh người Hung Nô ở phương Bắc của Trung Quốc thời nhà Hán và đã chiến thắng trở về. Ban Siêu lại được sai đi sử các nước ở vùng Tây Vực (phương Tây của Trung Quốc). Khi đến nước Thiện Thiện ở đây, phái đoàn sứ giả gồm Ban Siêu (chánh sứ), Quách Tuấn (phó sứ) và 36 người tướng sĩ tùy tùng được vua nước Thiện Thiện tiếp đón niềm nỡ. Nhưng đột nhiên ngay sau đó sự đón tiếp thành ra lạnh nhạt. Ban Siêu cho người thám thính thì biết là nước Hung Nô cũng sai sứ giả sang nước Thiện Thiện và vua nước nầy bắt đầu muốn theo Hung Nô và lạnh nhạt với Trung Quốc (và có thể bắt đoàn sứ giả Trung Quốc giao cho Hung Nô). Ban Siêu họp 36 người tướng sĩ bàn định tấn công doanh trại của sứ đoàn Hung Nô nhưng không cho Quách Tuấn biết (vì Quách Tuấn là văn quan có thể sợ sệt mà tiếc lộ cơ mưu). Ban Siêu nói trong buổi hợp rằng:
Không vào hang cọp, không bắt được cọp con; không mạo hiểm không thế nào thành công. Kế hoạch trước mắt là tiêu diệt đoàn sứ giả Hung Nô như vậy cắt đứt ý định đầu hàng Hung Nô của vua Thiện Thiện và nhà vua sẽ thần phục nhà Hán của Trung Quốc.
Tướng sĩ đồng ý với ông. Ngay đêm đó Ban Siêu và 36 tướng sĩ tấn công doanh trại Hung Nô và giết chết sứ đoàn Hung Nô.
Nhờ đó sứ mạng của Ban Siêu thành công, vua nước Thiện Thiện xin thần phục Trung Quốc và nhà Hán.
Tục ngữ Việt có câu: Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử.
* Họa hổ loại khuyển = Vẽ cọp giống chó.
Nguyên văn: Hiệu Quý Lương bất đắc, hãm vi thiên hạ khinh bạc tử, sở vị họa hổ bất thành phản loại cẩu giả dã = Bắt chước Quý Lương không xong lại trở thành sự khinh bạc trong thiên hạ, đó gọi là vẽ cọp không thành mà ngược lại chỉ giống chó vậy.
Xuất xứ trong Mã Viện truyện của Hậu Hán Thư.
Điển tích
Mã Viện thời Đông Hán ở Trung Quốc có 2 người cháu là Mã Nghiêm và Mã Đôn tánh hay giao thiệp. Mã Viện muốn 2 người cháu nên giao thiệp và học với Long Bá Cao vì ông nầy là người tốt, cẩn trọng và khiêm nhường. Ông không muốn Mã Nghiêm và Mã Đôn giao thiệp và học với Đỗ Quý Lương. Đỗ Quý Lương là người hào hiệp nghĩa khí nhưng nếu (2 người cháu) bắt chước không khéo thì dễ trở thành loại người ngông cuồng dại dột đễ bị thiên hạ khinh bạc. Mã Viện mới viết thơ cho 2 người cháu và trong bức thơ có câu nầy: "Bắt chước Quý Lương không xong lại trở thành sự khinh bạc trong thiên hạ, đó gọi là vẽ cọp không thành mà ngược lại chỉ giống chó vậy".
Từ điển tích nầy có câu: Họa hổ thành khuyển = Vẽ cọp thành ra chó.
Tục ngữ Việt cũng có câu:
Vẽ hùm thêm cánh. hay
Vẽ hùm thêm cánh, vẽ rắn thêm chân.
*
Túng hổ quy sơn = Thả cọp về núi
Nguyên văn: (Trình Dục viết:) Tích Lưu Bị vi Dự Châu mục thời, mỗ đẳng thỉnh sát chi, Thừa tướng bất thính, kim nhật hựu dữ chi binh, thử phóng long nhập hải, túng hổ quy sơn dã = (Trình Dục nói:) Xưa khi Lưu Bị làm Dự Châu mục tôi đã xin giết (hắn) đi, Thừa tướng không chịu nghe, nay lại cấp binh mã cho (hắn), chẳng khác nào thả rồng vào biển thả hổ về núi đó vậy.
Xuất xứ từ Tam Quốc Chí truyện.
Điển tích:
Lưu Bị trấn ở Từ Châu bị thua Lữ Bố đành phải tạm thời theo Tào Tháo về ở kinh đô Hứa Xương (thuộc Dự Châu). Khi hay tin Viên Thuật sẽ hội binh với anh là Viên Thiệu thì Lưu Bị xin Tào Tháo đem binh ra chận đánh Viên Thuật. Tào Tháo nghe lời cho Lưu Bị đem 5000 quân cùng với 2 tướng thân tín của mình là Châu Linh và Lộ Chiêu đi đánh Viên Thuật. Quan Công và Trương Phi hỏi Lưu Bị: Lần nầy anh xuất chinh tại sao lại gấp như vậy. Lưu Bị trả lời: Ta như chim trong lồng như cá trong chậu, lần đi nầy như cá được vào biển rộng như chim được bay lên trời cao.
Lưu Bị rời Hứa Xương rồi, mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục và Quách Gia mới trở về nghe chuyện liền đến nói với Tào Tháo.
Trình Dục hỏi:
Sao Thừa tướng lại cho Lưu Bị có quân đội và đi ra khỏi Hứa Xương.
Tào Tháo đáp:
Để y đi đánh Viên Thuật.
Trình Dục nói:
Xưa khi Lưu Bị làm Dự Châu mục tôi đã xin giết (hắn) đi, Thừa tướng không chịu nghe, nay lại cấp binh mã cho (hắn), chẳng khác nào thả rồng vào biển thả hổ về núi đó vậy. Sau nầy không thể khống chế y được nữa.
Quách Gia cũng đồng ý.
Từ chuyến đi nầy, Lưu Bị như chim bay lên trời như cá vào biển hoàn toàn độc lập và trở thành đối thủ của Tào Tháo.
Tục ngữ Việt cũng có câu: Thả hổ về rừng.
* Kỵ hổ nan hạ = Cỡi cọp khó xuống
Nguyên văn: Kim chi sự thế nghĩa vô toàn chủng, thí như kỵ hổ, an khả trung hạ tai = Tình thế sự việc hiện nay có nghĩa là không xoay chuyển, như cỡi lưng cọp, làm sao xuống giữ chừng được.
Xuất xứ trong phần "Tấn Võ Đế Hàm Hòa Tam Niên" của sách Tư Trị Thông Giám (Tư Mã Quang).
Điển tích
Đào Khản đem quân tiếp viện Du Lượng và Ôn Kiều phò vua Tấn Thành Đế của nhà Đông Tấn chống lại loạn quân của Tô Tuấn và Tổ Ước. Quân Tấn hết lương, Đào Khản muốn bỏ đi. Ôn Kiều mới can và nói với Đào Khản rằng:
Thiên tử bị vây khốn, quốc gia nguy cấp. Tình thế ngày nay có nghĩa là không xoay chuyển được, như cỡi lưng cọp, làm sao xuống giữa chừng đươc. Chúng ta cùng dấy binh cần vương mà ông đòi bỏ đi tất sẽ làm lay chuyển lòng quân và làm hỏng việc lớn cứu nước. Nay ta sẽ cho tất cả nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông.
Đào Khản nghe theo nên ở lại chỉ huy quân đội đánh bại loạn quân của Tô Tuấn và Tổ Ước và khôi phục Tấn Thành Đế và nhà Tấn.
Tục ngữ Việt có câu: Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu.
* Nhất cử tất hữu song hổ = Một lần đâm chắc chắn được 2 con cọp
(Chuyện Biện Trang đâm cọp)Nguyên văn: Biện Trang tử dục thích hổ, quán kiên tử chỉ chi, viết: "Lưỡng hổ phương thả thực ngưu, thực cam tất tranh, tranh tắc tất đấu, đấu tất đại giả thương, tiểu giả tử; tòng thương nhi thích chi, nhất cử tất hữu song hổ chi danh" = Biện Trang tử muốn giết cọp, tên ở quán trọ can rằng: "Hai con cọp ấy đang tranh ăn thịt con trâu, ăn no rồi chúng sẽ tranh giành ắt sẽ đánh nhau, đánh nhau ắt con lớn thì bị thương, con nhỏ thì chết; lúc ấy ông sẽ đâm (chết) con bị thương chắc chắn sẽ nổi danh vì một lần giết cả 2 con cọp".
Xuất xứ từ trong phần Trương Nghi Liệt Truyện của sách Sử Ký (của Tư Mã Thiên).
Điển tích:
Trần Chẩn theo phò vua Tần (Tần Huệ Vương). Tần Huệ Vương đem việc 2 nước Hàn và Ngụy đánh nhau và hỏi Trần Chẩn phải làm thế nào.
Trần Chẩn kể chuyện Biện Trang đâm cọp để làm thí dụ cho mưu kế của mình:
Biện Trang tử nghỉ ở lữ điếm ở bìa rừng thấy 2 con cọp đang giằng xé ăn thịt một con trâu.
Biện Trang tử muốn giết cọp, tên ở quán trọ can rằng: "Hai con cọp ấy đang tranh ăn thịt con trâu, ăn no rồi chúng sẽ tranh giành ắt sẽ đánh nhau, đánh nhau ắt con lớn thì bị thương, con nhỏ thì chết; lúc ấy ông sẽ đâm (chết) con bị thương chắc chắn sẽ nổi danh vì một lần giết cả 2 con cọp".
Biện Trang tử nghe lời, tạm thời chờ đợi. Quả nhiên, hai con cọp sau khi ăn xong lại quay sang đánh nhau. Con nhỏ hơn bị cắn chết còn con lớn cũng bị thương nặng. Lúc ấy Biện Trang tử mới xông đến đâm chết con cọp bị thương nầy. Ông được nổi tiếng là một lần mà giết được 2 con cọp.
Sau khi kể câu chuyện "Biện Trang đâm cọp" nầy, Trần Chẩn mới nói với vua nước Tần:
Nay nước Hàn và Ngụy đang đánh nhau cũng như 2 con cọp kia vậy, sẽ có một chết một bị thương. Nếu đại vương đợi đến lúc đó thì sẽ diệt được cả hai nước.
Và quả nhiên chuyện có thực xảy ra cho nước Hàn và nước Ngụy và 2 nước bị nước Tần chiếm.
Từ điển tích nầy cũng có câu:
Lưỡng bại câu thương = Cả hai thất bại đều bị tổn thương.
* Dưỡng hổ di họa = Nuôi cọp (là) để lại họa.
Nguyên văn: Dưỡng hổ tự di họa = Nuôi cọp (là) tự để lại họa cho mình.
Xuất xứ từ trong phần Hạng Võ bản kỷ của Sử Ký (của Tư Mã Thiên)
Điển tích
Lưu Bang và Hạng Võ nghị hòa lấy Hồng Câu làm ranh giới: Hạng Võ rút quân về phương đông và Lưu Bang rút quân về phương tây, không đánh nhau nữa.
Ngay sau đó Trương Lương và Trần Bình khuyên Lưu Bang nên tiếp tục đánh Hạng Võ, vì nếu "nuôi cọp là tự để lại hậu họa về sau".
Lưu Bang nghe lời, lại đánh Hạng Võ. Hạng Võ thua chạy và tự tử ở bến Ô giang. Lưu Bang lập nên nhà Hán.
Người Việt có câu thành ngữ: Nuôi cọp trong nhà.
TỤC NGỮ và TỪ NGỮ VIỆT
* Tục Ngữ về Con Cọp
(Cọp = Hổ = Hùm = Kễnh = Khái = Ông Cả, Ông Ba mươi)
Con Cọp
Ăn như hùm đổ đó.
(Hùm là con hổ, con cọp; khi đói thường hay ra chỗ dòng nước chảy, đổ Đó trộm của người đơm Đó mà ăn một cách hấp tấp. Đó = đồ đan bằng tre nứa, dùng để bắt cá. Ý nói: ăn mau và ăn khoẻ)
Bắt cọp thời dễ, tha cọp thời khó.
Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử.
(= Không vào hang cọp thì không yên được hổ con)
Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu.
Cọp (Hổ) chết để da, người ta chết để tiếng. - Cọp (Hổ) chết vì da, người ta chết vì tiếng.
Hổ cậy rừng, rừng cậy hổ. - Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
Đưa thịt vào miệng hùm. (= Đút chuối vào miệng voi)
Họa hổ họa bì, nan họa cốt.
(= Vẽ hổ, vẽ da, không thể vẽ được xương cọp. Từ câu Hán ngữ: Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm)
Hổ phụ, sinh hổ tử.
Hùm dữ, chẳng nỡ ăn thịt con. - Hổ, chẳng ăn thịt con.
Hùm giết người hùm ngủ; người giết người thức đủ năm canh.
Hùm tha, ma bắt.
Miệng hùm, gan sứa.
(Gan sứa ám chỉ nhút nhát run sợ trong lòng)
Quân vô tướng, như hổ vô đầu.
Thả hổ, về rừng.
Tránh hùm, mắc hổ. - Tránh ông cả, ngã phải ông ba mươi.
(Ông Cả và ông Ba mươi được dùng để ám chỉ Cọp với sự kinh hãi)
Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp.
*
Tuổi Dần, siêng mần không có ăn.
Con Cọp và những con Giáp khác
*
Hùm mất hưu, như mèo mất thịt.
Mèo tha miếng thịt xôn xao; kễnh tha con lợn thì nào thấy chi.
(Kễnh = hổ, cọp, theo cách gọi có tính cách kinh sợ)
Nam thực như hổ, nữ thực như miu.
(Miu = con mèo)
*
Hang hùm, miệng rắn. - Hang hùm, nọc rắn.
Miệng hùm, nọc rắn.
Vẽ hùm thêm cánh. - Vẽ hùm thêm cánh, vẽ rắn thêm chân.
Con Cọp và những con vật khác
Đuổi hùm cửa trước, rước voi cửa sau.
Cáo bầy, không bằng một cọp. - Quần hồ, bất như độc hổ. - Mảnh hổ, nan địch quần hồ.
Cú góp, cọp ăn. - Cú góp, cọp mừng.
(Ý nói: người yếu làm ra tích góp từng ly từng tí rồi bị người mạnh cướp bóc và hưởng lợi)
Từ Ngữ về Cọp
Hổ = Cọp
Hổ lửa = Rắn độc có khoang, màu đỏ như lửa.
Hổ mang = Rắn độc có đầu hình tam giác và hàm bạnh ra, và có tập tính đe dọa kẻ thù bằng cách ngẩng đầu lên.
Hổ chúa = Rắn hổ mang chúa.
Hổ trâu = Rắn hổ mang rất lớn và da đen trũi.
Hổ lang = những loải thú dữ nói chung
Hổ huyệt = Hang cọp
Hổ hang = Xấu hổ
Làm người sao chẳng hổ hang
Thua em kém chị xóm làng cười chê. (Ca dao)
Hổ lốn = Lẫn lộn, lộn xộn nhiều thứ với nhau.
(Không có trong từ điển)
Bắt Cọp.
Coi cọp, xem cọp
Cọp = Hổ = Hùm = Kễnh = Khái = Ông Cả, Ông Ba mươi.
THI VĂN
* Chuyện "Thần Phạm Nhĩ Hóa Ra Cọp" của Sơn Nam
Câu chuyện nầy được viết trong sách "Chuyện Xưa Tích Cũ" của Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình có nguyên văn như sau:
Ngày xưa trên thiên cung có một vị thần tên Phạm Nhĩ. Theo chữ nho, "phạm nhĩ" có nghĩa là "lỗ tai rách".
Phạm Nhĩ toan soán ngôi của Ngọc Hoàng. Ông ta qui tụ binh mã, đánh đâu thắng đó, hễ bắt được địch thủ là ăn gan uống máu lập tức. Thấy Phạm Nhĩ đại náo thiên cung, Phật Bà Quan Âm bèn hạ lịnh cho ông Chuẩn Đề đem binh tới trừng trị. Nhưng ông Chuển Đề đại bại. Phật Di Đà bèn hóa phép thần thông đuổi được Phạm Nhĩ, bắt đày ông ta xuống trần gian, hóa kiếp ra con Cọp.
Để đề phòng ông Phạm Nhĩ trở lại thiên cung báo thù, Trời Phật cắt đôi cánh của ông không cho ông ta bay được.
Vì là thú vật, Phạm Nhĩ rất hung hăng. Nhưng nhờ cốt thần hồi kiếp trước nên trong giấc ngủ Phạm Nhĩ có thể nghe biết những ai nói xấu ông ta mặc dù cách xa ngàn dặm. E rằng Phạm Nhĩ thù vặt Phật Trời khiến Phạm Nhĩ gặt lỗ tai khi thức giấc, như vậy mà không nhớ gì cả.
Để an ủi Phạm Nhĩ, Phật Trời cho ông ta làm chúa Sơn Lâm.
Nhiều người nói rằng cọp không ăn thịt người nào họ Phạm (vì trùng một họ với cọp).
Ở nhiều làng mới khai phá, cọp thường được dân chúng phong chức Hương Cả. Hằng năm khi cử hương chức làng, cọp trở lại miễu để lãnh tờ cử mới.
Ở ngoài Bắc, (cọp) được gọi là Ông Ba Mươi. Sự tích là hễ ai săn được một con cọp thì làng xã thưởng cho ba mươi quan tiền. Đồng thời cũng đánh anh thợ săn nọ ba mươi hèo để vong hồn của cọp được thỏa mãn.
(Câu chuyện nầy chứng minh tên của con cọp còn là ông cả hay ông ba mươi và tại sao Cọp là Chúa tể sơn lâm).
* Chuyện "Con Cọp và Cậu Học Trò" của Sơn Nam.
Câu chuyện nầy được viết trong sách "Chuyện Xưa Tích Cũ" của Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình với nguyên văn như sau:
Cậu học trò đi dạo chơi trên núi bỗng gặp một con cọp đang mắc bẫy. Cọp ta vùng vẫy la hét kêu cứu rằng: "Tôi rủi lâm nạn, cậu làm ơn gỡ bẫy giùm. Tôi đền ơn xứng đáng, hằng ngày vác heo rừng, vác nai lại để câu làm tiệc. Trong rừng nầy có nhiều hột ngọc quí giá mà bấy lâu nay tôi chôn giấu dưới đất. Hễ được tự do thì tôi đào lên dâng cho cậu".
Cậu học trò nọ vui mừng, phần thì muốn ra tay nghĩa hiệp phần thì muốn được của cải quí báu nên tháo bẫy ra giùm.
Cọp được tự do, đi khoan thai trước mặt cậu trò rồi nghiêm nét mặt: "Tao đói bụng quá, phải ăn thịt mầy mới được".
Cậu học trò cãi lại nhưng cọp không nghe. Xảy đâu một ông tiên hiện ra, tay cầm phất trần chỉ ngay con cọp mà nói: "Không được hổn láo, chuyện đâu còn có đó".
Biết đó là tiên giáng trần, cọp quì xuống mà nói: "Thưa ngài, cậu học trò nầy phá tôi".
Ông tiên nói: "Bây giờ cọp cứ yên lòng trở vào bẫy như cũ. Cậu học trò nầy phá bẫy như thế nào, để ta xét trị tội nó".
Dứt lời, cọp đi trở vào bẫy. Ông tiên gài bẫy lại rồi nói với cọp: "Chuyện đâu còn có đó thì ta để đó. Mi ráng ở đây mà chịu chết".
Rồi ông nói với cậu học trò: "Cậu có lòng nhân đạo. Từ rày sắp tới phải cẩn thận. Có lòng nhân mà cũng phải có trí mới được, đừng nhẹ dạ nghe lời kẻ ác tâm".
(Câu chuyện nầy về sau được hậu thế sửa lại đôi chút để chứng tỏ trí khôn của con người)
* Bài thơ "Nhớ Rừng" của Thế Lữ
Bài thơ "Nhớ Rừng" được trích một đoạn đăng trong Quốc Văn lớp 3 thời VNCH cho "bài học thuộc lòng". Đoạn nầy ngày nay được nhiều người lớn tuổi còn nhớ:
NHỚ RỪNG
......
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi.
........
*
Đây là nguyên văn toàn bài thơ:
NHỚ RỪNG
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẵm,
Nay sa cơ, bị nhọc nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi
Nào những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặn ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta vùng bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm bầu uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẽ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi chẳng mong còn thấy lại bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng kiêu hãnh của ta ơi!
(Thế Lữ) 1907-89
*
Bài thơ "Nhớ Rừng" là tuyệt tác. Có thể nói là một trong mươi bài Thơ Mới hay nhất.
Cái hay là ở cả Hình Thức và Nội Dung.
Về Hình Thức:
Dùng từ ngữ Hán Nôm phong phú
Dùng chữ với nghĩa chính xác
Dùng đúng chữ cho âm thanh của câu thơ tuyệt vời: tác giả áp dụng triệt để Luật Đổi Thanh của Thơ Mới mà còn chọn lựa từng chữ để có âm thanh rất hay khi đọc lên từng câu thơ.
Bài thơ có dàn bài đàng hoàng
Về Nội Dung thì Tứ thơ quá hay, diễn tả rõ ràng, rộng rãi và sâu đậm Cảnh vật và Tình Ý.
*
Bài thơ chi ra 4 phần như sau về Nội Dung:
NHỚ RỪNG
- Phần 1: Tình cảm hiện tại
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẵm,
Nay sa cơ, bị nhọc nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Tình cảm hiện tại: Ta (Hổ) giận hờn và khinh bỉ những thú loại chung quanh
- Phần 2: Cảnh vật quá khứ
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi
Nào những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặn ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta vùng bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Ý về Cảnh vật quá khứ: Thiên nhiên: thật, đẹp và dễ thương + Ta (Hổ) tự do và hùng mạnh.
- Phần 3: Cảnh vật hiện tại
Nay ta ôm bầu uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Ý về Cảnh vật hiện tại: Nhân tạo: giả, xấu và đáng ghét
- Phần 4: Tình cảm về quá khứ
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi chẳng mong còn thấy lại bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng kiêu hãnh của ta ơi!
Tình cảm về quá khứ: Ta (Hổ) tuyệt vọng và mơ mộng
*
Thế Lữ làm bài thơ năm 1934 vào thời Pháp Thuộc, ví tình cảm và ý chí của mình như của con cọp sở thú về quá khứ và hiện tại.
Cảnh vật quá khứ (là Thiên nhiên) và hiện tại (là Nhân tạo) chính là đối tượng Tình Ý của Thế Lữ (=Ta). Trong thời gian bài thơ nầy ra đời, tôi nghĩ độc giả không thể nhận thức được Chính Trị đấu tranh trong bài thơ thí dụ như cảnh vật tự do hùng cường của nước VN trong quá khứ vì phần tả cảnh vật hiện tại không cho thấy rõ ràng cái "nô lệ và đàn áp". Hơn nữa đọc tới phần thứ tư thì chỉ là mơ mộng và tuyệt vọng về quá khứ. Người Pháp lúc đó cũng nghĩ như vậy nên không bỏ tù Thế Lữ.
Gần đây có tác giả ở ngoài nước mượn Con Cọp nầy để nói tới Tình Ý đấu tranh của riêng mình (chứ không phải của Thế Lữ) về Chính Trị hiện tại (thời VNCS) và quá khứ (thời VNCH). Điều nầy không hoàn toàn đúng nếu so sánh Hổ trong sở thú nhớ rừng và Người ở ngoài nước nhớ nước .
Đây là Thế Lữ dưới thời VNCS:
Ông Thế Lữ (1907-1989), sinh và chết ở Hà Nội, tên thật là Nguyễn Đình Lễ rồi đổi là Nguyễn Thứ Lễ. Còn có hiệu là Lê Ta tức là “Lê Ngã” (Ngã là tiếng Hán, Ta là tiếng Nôm) tức là “lê” ngã “lễ”!
Sau khi tham gia và chỉ chuyên về kịch nghệ trong kháng chiến (1945-54), ông ở lại ngoài Bắc tiếp tục chuyên về Kịch Nghệ mà thôi chứ không làm một bài thơ nào nữa. Ông Thế Lữ lấy vợ lúc 17 tuổi. Người vợ đầu (lớn hơn ông 2 tuổi) dắt 3 đứa con nhỏ di cư vào Nam. Ông ở lại với đức con cả và lấy vợ thứ nhì là một “Nghệ sĩ Nhân Dân”.
KHOA HỌC
Các loại Hổ chỉ có ở Á Châu. Hiện đại chỉ còn ước lượng 3890 con hổ và đa số qui tụ ở bán đảo Ấn Độ.
1. Hổ ở bán đảo Ấn Độ
Hổ Bengal (Panthera tigris tigris)
Ở Ấn Độ: 2,226 con
Ở Bangladesh: 106 con
Ở Nepal: 198 con
Ở Bhutan: 103 con
2. Hổ ở Trung Quốc
Hổ Siberia, hổ Amur, hổ Mãn Châu (Panthera tigris altaica): tuyệt chủng?
Hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensia)
Ở Trung Quốc: >7 con
3. Hổ ở Đông Dương
Hổ Đông Dương, hổ Corbet (Panthera tigris corbetti)
Ở Campuchea: 0 con
Ở Lào: 2 con
Ở Việt Nam: <5 con
4. Hổ ở Đông Nam Á
Hổ Mã Lai (Panthera tigris jacksoni)
Ở Mã Lai: 250 con
Ở Thái Lan: 189 con
Ở Myanmar: ?
5. Hổ ở Indonesia
Hổ Bali (Panthera tigris balica): tuyệt chủng
Hổ Java (Panthera tigris sondaica): tuyệt chủng
Hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae)
Ở Indonesia: 371 con
6. Hổ ở Trung Đông
Hổ Ba Tư hay hổ Caspi (Panthera tigris virgata): tuyệt chủng?
Về màu da, hổ được chia ra làm 4 loại:
Bạch Hổ: da màu trắng
Hoàng Hổ: da màu vàng
Hắc Hổ: da màu đen
Thanh Hổ: da màu xám (Hùm xám)
Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài liệu tham khảo:
- Cùng một tác giả (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com
1) Thơ và Việt Sử - Nhà Trần
2) Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 19)
3) Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca
4) Luận Ngữ và Triết học của Khổng Tử
5) Tục Ngữ Sưu Tập và Lược Giải
6) Thơ và Việt Sử - Tự Lực Văn Đoàn
- Khác tác giả
7) Từ Điển Thành Ngữ Điển Tích Trung Quốc (Nguyễn Tôn Nhan)
8) Thông Dụng Thành Ngữ Cố Sự (Vương An)
9) Trang Thơ Thi Viện Net (Google)
10) Chuyện Xưa Tích Cũ (Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình)