Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Trăn Trở Thu!

 


Suối êm ru róc ra róc rách....
Cuộn theo dòng từng mạch gọi tên
Người về chăng... còn nhớ hay quên
Mùa thu vắng buồn tênh thổn thức

Những tưởng âm vang từ bờ vực
Tiếng yêu từ lòng ngực nhói đau
Lá đồng tâm lao xao than thở
Vàng suốt mùa trăn trở rụng rơi...


Thơ & Ảnh: Kim Oanh
Melb. một chiều thu 5.2024

Người Đi 1973

 

Người đi lòng ta tan vỡ
Xác lá ngập đường, vùi dập tơ vương.
Người ơi bước nhẹ gót vàng,
Kẻo rơm rớm máu, xác tan mấy lần!

Người đi hồn ta rách nát,
Xác lá tung bay, thân thể lõa lồ.
Lá rơi ngập chiếc vành sô,
Xin ai nhè nhẹ, nấm mồ lặng sương!

Người đi tình ta héo hắt,
Khóc suốt đêm trường, lòng thắt quặn đau!
Gối chăn rêu đá ủ màu,
Phòng hoang, giường lạnh sao sầu giăng giăng

Người đi còn nhớ hay chăng
Bước chân tàn bạo, phủ giăng mây mờ.
Thiên thu chìm trong giấc ngủ mơ
Hồn ta vất-vưởng lững lờ nắng thu.


Tô Đình Đài

Giấc Mơ Êm Đềm

 

 (hay Ngược Dòng Sông Cửu)

Chị ơi, em vẫn nghe tiếng sóng vỗ êm đềm
Tiếng thì thầm nhịp thở của ban đêm
Nghe thức tỉnh tưởng nơi miền quê ngoại
Trên chuyến đò đổ bến chợ về khuya
Em rong ruổi khi niên học sang mùa
Áo thư sinh e ấp mờ sương phủ
Hai bên đường ánh sao đèn lấp ló
Gà gáy thôn xa giục giã chút đêm thừa
Chim muông lao xao lay động bóng tàn thưa
Một thiên đàng trong mơ vừa tỉnh giấc
Tiếng mái khua chèo, tiếng chào thôn dã
Rau trái xanh tươi đầy ắp những chuyến đò
Ngược dòng Cửu bôn ba lên phố thị
Cùng bước chân em chia nhánh cuộc đời
Đồng lúa rì rào mát dịu những sương mai
Mát hồn em trong giấc ngủ đường dài
Dòng sông mênh mang xa tắp đến chân trời
Sóng xô bờ đẩy những lục bình trôi
Một chuyến nhỏ ra khơi buồn vô tận.


Lê Mỹ Hoàn

(trong Thi Tập Ngày Vội)

            

夢楊州 - 秦觀 Mộng Dương Châu - Tần Quan


夢楊州 - 秦觀 Mộng Dương Châu - Tần Quan

晚雲收。 Vãn vân thu.
正柳塘、煙雨初休。Chính liễu đường, yên vũ sơ hưu.
燕子未歸, Yến tử vị quy,
惻惻輕寒如秋。 Trắc trắc khinh hàn như thu.
小闌外、東風軟, Tiểu lan ngoại, đông phong nhuyễn,
透繡幃、花蜜香稠。Thấu tú vi, hoa mật hương trù.
江南遠, Giang nam viễn,
人何處, Nhân hà xứ,
鷓鴣啼破春愁。 Giá cô đề phá xuân sầu.

長記曾陪燕遊。 Trường ký tằng bồi yến du.
酬妙舞清歌, Thù diệu vũ thanh ca,
麗錦纏頭。 Lệ cẩm triền đầu.
殢酒爲花, Thế tửu vị hoa,
十載因誰淹留。 Thập tải nhân thùy yêm lưu.
醉鞭拂面歸來晚, Túy tiên phất diện quy lai vãn,
望翠樓、簾卷金鉤。Vọng thúy lâu, liêm quyển kim câu.
佳會阻, Giai hội trở,
離情正亂, Ly tình chính loạn,
頻夢揚州。 Tần mộng Dương châu.

Chú Thích:

1- Mộng Dương châu夢楊州: tên từ bài do Tần Quan chế ra. Bài này có 97 chữ, đoạn trước có 9 câu với 5 bình vận, đoạn sau có 10 câu với 5 bình vận. Bản khác chép bài này có 99 chữ, đoạn trước và đoạn sau đều có 10 câu với 5 bình vận. Cách luật:

T B B vận
T T B, B T B B vận
T T T B cú
T T B B B B vận
T B B T B B T cú
T T B, B T B B vận
B B T cú
B B B T cú
T B B T B B vận

B T B B T B vận
B T T B B cú
T T B B vận
T T T B cú
T T B B B B vận
T B T T B B T cú
T T B, B T B B vận
B T T cú
B B T T cú
B T B B vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; cú: hết câu; vận: vần

2- Vân thu 雲收 = vân thu vũ quá雲收雨過: trời quang không mây sau cơn mưa. Ngoài ra còn một thành ngữ khác tương tự là “Vũ hiết vân thu雨歇雲收” hay “Vũ tán vân thu雨散雲收”. Thành ngữ này có nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa đen là trời quang không mây sau cơn mưa, nghĩa bóng là cặp đôi nam nữ tình nhân tan vỡ.
3- Liễu đường 柳塘: ao hồ có trồng cây dương liễu trên bờ..
4- yên vũ烟雨: mưa nhỏ bao phủ đầy trời.
5- Hưu 休: hết
6- Yến tử vị quy 燕子未歸: chim én chưa về, ý nói mùa xuân chưa tới. Hàng năm có 2 ngày tế thần vào mùa xuân và mùa thu gọi là “Xuân xã 春社: tế thần mùa xuân” và “Thu xã 秋社: tế thần mùa thu”. Hai ngày này gần với ngày xuân phân và thu phân trong âm lịch. Dân gian tin tưởng chim én đầu tiên xuất hiện vào khoảng xuân xã vì vậy còn gọi là “Xã yến 社燕”.
7- Trắc trắc惻惻: cảm giác lành lạnh.
8- Đông phong nhuyễn東風軟: gió xuân nhu hòa.
9- Tú vi 繡幃: màn thêu.
10- Hoa mật hương trù 花蜜: hoa có chất tiết ngọt ngào. Có bản chép hoa mật 花密: hoa rậm rạp.
11- Hương trù 香稠: mùi thơm nồng nàn.
12- Giá (chá) cô 鷓鴣: chim đa đa.
13- Trường ký 長記: nhớ lâu, nhớ dai, nhớ mãi.
14- Yến du 燕遊 = yến du燕游: nhàn du, chậm rãi du hành, yến ẩm du hành.
15- Thù 酬: báo đáp.
16- Triền đầu 纏頭: khăn quấn trên đầu. Ngày xưa thường dùng gấm lụa sặc sỡ ban thưởng cho ca nữ vũ công gọi là “Triền đầu 纏頭”. Về sau chữ này được dùng để chỉ tiền bạc kim ngân ban thưởng cho ca kỹ.
17- Thế 殢: trầm mê, chìm đắm. Thế tửu vị hoa殢酒爲花: đam mê tửu sắc. Bản khác chép “Thế tửu khốn hoa殢酒困花: chìm đắm trong rượu và khốn đốn vì hoa (phụ nữ)”, cũng là chỉ đam mê tửu sắc.
18- Thập tải nhân thùy yêm lưu十載因誰淹留: Mười năm vì ai mà nấn ná ở đây. Tác giả mượn ý câu thơ của Đỗ Mục 杜牧 trong bài thơ Khiển hoài遣懷 để nói mình nấn ná ở Dương Châu quá lâu:

“十年一覺揚州夢,Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,
“赢得青樓薄幸名。Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh nhân.

19- Túy tiên phất diện 醉鞭拂面: lúc say sưa dùng cái roi thúc ngựa phất qua mặt mình, ý nói cưỡi ngựa đi chơi.
20- Thúy lâu 翠樓: nguyên chỉ căn gác hoa lệ, về sau được dùng để chỉ nơi phụ nữ ở.
21- Kim câu 金鉤 = kim câu金鈎: cái móc bằng vàng để treo màn cửa.
22- Giai hội 佳會: ý nói giai kỳ佳期: cuộc tụ hội của đôi nam nữ tình nhân.
23- Ly tình chính loạn 離情正亂: tâm tình chính đang phiền loạn vì ly biệt với người thân hay tình nhân.
24- Tần 頻: nhiều lần.

Dịch Nghĩa:

Trời chiều mây quang đãng
Trên bờ hồ trồng dương liễu, mưa bụi vừa hết.
Chim én (báo xuân) chưa về.
Cảm giác hơi lạnh như mùa thu.
Phía ngoài hàng lan can nhỏ, gió xuân nhu hòa,
Xuyên qua tấm màn thêu, mùi hương hoa nồng nàn.
Giang Nam ở xa lắm,
Người (yêu) nơi đâu?

(Tiếng) chim đa đa hót phá tan nỗi sầu mùa xuân (ưu sầu vì nhớ bạn).
Còn nhớ rằng đã từng cùng bạn (ca nữ), đi du hành yến ẩm.
Để báo đáp lại điệu múa tuyệt diệu và tiếng ca ngọt ngào (của bạn).
Thưởng cho bạn gấm lụa đẹp quấn trên đầu (ý nói cho nhiều tiền bạc).
Đam mê tửu sắc,
Vì ai (ý nói vì cô tình nhân này) mà 10 năm nán ná (ở Dương Châu)
Say sưa cầm roi thúc ngựa phất qua mặt mình, chiều tối mới về (ý nói cưỡi ngựa đi ngao du nhậu nhẹt đến tối mới về nhà).
Nhìn lên lầu thúy, tấm màn móc trên móc vàng vẫn cuốn lên (ý nói bạn đang chờ đợi tôi về).
Ước hội giai kỳ bị ngăn trở (vì cách xa),
Tâm tình tôi đang phiền loạn vì mối tình chia ly này,
Nhiều lần nằm mộng về (gặp bạn ở) Dương Châu.

Phỏng Dịch:

1 Mộng Dương Châu - Mơ Bóng Hồng Trang


Tối mây quang.
Tại liễu hồ, mưa bụi vừa tàn.
Yến tử thấy đâu,
Lạnh lạnh như thu vừa sang.
Quá rào nhỏ, xuân phong dịu,
Thấu lụa thêu, hoa mật nồng nàn.
Giang Nam cách,
Người đâu tá,
Phá xuân buồn, tiếng chim vang.

Còn nhớ từng vui tiệc tràn.
Xem múa đẹp ca hay,
Gấm vóc thân quàng.
Tửu sắc đắm say,
Nấn ná mười năm vì nàng.
Tối về quất ngựa vung roi túy,
Ngắm thúy lâu, màn cuốn then vàng.
Ngăn cách trở,
Ly tình bấn loạn,
Mơ bóng hồng trang.

2 Mơ Bóng Hồng Trang


Hoàng hôn trời tạnh mây quang,
Bên hồ dương liễu khói tan mưa tàn.
Én xuân chưa thấy bay sang,
Như thu cảm giác lâng lâng lạnh lùng.

Khóm lan vờn nhẹ xuân phong,
Xuyên màn thêu thấu hương nồng mật hoa.
Người đâu tá, Giang nam xa,
Ngày xuân vài tiếng đa đa phá sầu.

Nhớ từng yến ẩm cùng nhau,
Ca hay múa giỏi quấn đầu gấm nhung.
Đắm chìm tửu sắc mông lung,
Mười năm nấn ná mịt mùng vì ai?

Say sưa cưỡi ngựa dạo chơi,
Chiều về, lầu thúy đợi người tình si.
Giai kỳ cách trở phân ly,
Tâm tư dằn vặt não nề lòng đau.
Bao lần mộng đến Dương Châu.

HHD 
05-2021
***
Mộng Dương Châu - Tần Quan


1-

Mây chiều quang
Bờ dương liễu, mưa bụi vừa tan
Chim én chưa về
Buồn buồn hơi lạnh thu sang
Ngoài rào nhỏ gió xuân ngát
Xuyên màn thêu hoa mật nồng nàn
Giang Nam thẳm
Người đâu nhỉ?
Đa đa hót phá xuân buồn

Nhớ hoài từng dự tiệc quan
Bù múa đẹp ca hay
Gấm đầu đẹp ban
Tửu sắc đam mê
Vì ai mười năm trễ tràng
Roi ngựa say phất, chiều về trễ
Ngó lầu xanh màn cuốn móc vàng
Ngăn gặp gỡ
Tình chia rối loạn
Mộng đau bao lần!

2-

Mây chiều quang, bờ dương, mưa tạnh
Én chưa về, hơi lạnh thu sang
Ngoài rào nhỏ, gió dịu dàng
Màn thêu xuyên thấu nồng nàn hương hoa

Giang Nam thẳm người ta đâu nhỉ?
Phá xuân sầu, rầu rĩ đa đa
Nhớ hoài yến tiệc xa hoa
Gấm đầu ban tặng múa ca biệt tài

Mê tửu sắc, vì ai, nấn ná
Rọi ngựa say, quậy phá trễ tràng
Lầu xanh màn cuốn móc vàng
Găp nhau ngăn trở xốn xang muôn phần
Dương Châu sầu mộng bao lần!

Lộc Bắc
Oct23


Hoang Tàn



Đi về mấy nẻo mộng mơ
Đi về đá núi nằm chờ đứt hơi
Đi về cay đắng đầy vơi
Đi về cát bụi gửi lời thiên thu

Đi về tăm tối mịt mù
Che trời lấp biển đường tu mất nguồn
Biết ai còn nhớ còn thương
Bao nhiêu vinh nhục đoạn trường vớt trăng

Bao nhiêu thơ bao nhiêu văn
Mây trôi gió cuốn nhện giăng câu phiền
Không cho một chút bình yên
Dằn lòng đất lạnh ngủ quên đọa đày

Tháng vui ngắn năm đau dài
Gieo hoa dệt mộng đầu thai chốn nào
Nuôi bóng trăng dưỡng bóng sao
Cỡi mây lướt gió bay vào hư không

Lòng đau lòng cố dối lòng
Mênh mông xa lạ đứt vòng thân quen
Không còn trăng không còn đèn
Than tàn lửa nhớ trống kèn thương đau

Chuyện nghìn xưa chuyện nghìn sau
Môi khô dỗ giấc chiêm bao hoang tàn
Không bến đợi không đò ngang
Suối buồn huyết lệ đá vàng còn không

Mưa rừng gió núi trôi sông
Thương ca biển hát bụi hồng chôn nhau
Trời nào thấp trời nào cao
Đất nào đất đỏ đất nào đất đen

Biết sao lạ biết sao quen
Cuối đường hết nợ sang hèn như nhau….

MD.12/28/04
LuânTâm


Chờ Mong

 

Mong ngày cất cánh chim bay
Xa vùng đất dữ có bầy sói lang
Kia bầu trời rộng thênh thang
Tiếc chi con phố võ vàng không quen
Mặt trời bỏ mặc đêm đen
Tình người kín cửa cài then lầm lì
Hết rồi tình nghĩa còn chi
Tình khô nghĩa cạn còn gì mà mong
Bầu trời xưa đẹp xanh trong
Bây giờ như máu đục ngầu sắc mây
Chờ mong từng phút từng giây
Thấy Sài gòn Nhỏ cờ bay rợp trời
Màu vàng tươi thắm cuộc đời
Màu vàng biểu tượng của người tự do
Cuộc đời trút bỏ âu lo
Mặc cho nắng cháy mặc cho mưa dầm
Giã từ xứ sở điếc câm
Giã từ bóng tối âm thầm hãm vây
Ta về sống với cỏ cây
Thảo nguyên bát ngát chim bay từng đàn
Đồng xanh suối mát mây ngàn
Mùa Đông phủ chiếc áo choàng khiết trinh
Mong về lại mái nhà xinh
Ngồi quanh bếp lửa cho tình nở hoa
Để nghe ấm lại tình ta
Thương yêu đồng loại thiết tha cuộc đời
Hát lên khúc hát yêu người
Rồi ta ngước mặt nhìn đời dối gian
Lòng ta sẽ được hân hoan
Không còn nặng nỗi lo toan buồn phiền
Chờ mong biển đón con thuyền
Nhổ neo tách bến về miền hoa đăng
Giã từ quỷ dữ sa tang
Giã từ sát khí đằng đằng quanh ta !

Mường So Đèo Văn Trấn

Niềm Vui Tuổi Về Hưu

 

Chị Thái mở cửa và reo lên khi thấy tôi:
- Ủa Bông, lâu lắm mới gặp, đến mà không báo cho mình biết gì cả.
- Sẵn dịp đến thành phố này, biết Thái đã nghỉ hưu nên thường là có mặt ở nhà, mình muốn cho bạn sự bất ngờ..
Chúng tôi ở cách nhau hơn 1 giờ xe, ai cũng bận rộn riêng nên ít khi gặp nhau. Tôi ngạc nhiên nhìn cảnh bừa bộn quanh phòng khách, tưởng là mình đang…nằm mơ, chị bạn của tôi luôn là người thanh lịch, nhà cửa vén khéo nay đã khác rồi. Thái hiểu ý tôi, nàng giải thích:
- Bông cẩn thận kẻo vấp ngã, bước ra chỗ ghế sofa kia ngồi cho…an toàn. Vợ chồng mình đang trông hai cháu nội, chúng nó là thủ phạm của “chiến trường” này đấy.
Tôi biết chị Thái trông cháu nội mùa Covid, hơn một năm qua Covid lắng xuống, tưởng là xong “nghĩa vụ” với con cháu rồi chứ. Tôi đứng yên chỗ trong khi chị Thái vội vàng thu dọn những thứ đồ chơi đủ kiểu đũ cỡ của hai cháu nằm tung tóe gom vào một đống. Con bé chừng 3 tuổi đang đứng trên ghế sofa chuẩn bị nhảy xuống đất chị Thái trông thấy vội la lên:
- Đứng im đó Emma, đợi bà… đợi bà…
Chị Thái tất tả chạy tới chưa kịp đỡ nó thì Emma đã nhảy luôn xuống nền nhà và cười thích thú vì đã lẹ chân hơn bà nội. Chị Thái than thở:
- Mình mệt cả ngày với con Emma, con gái mà nghịch ngợm leo trèo còn hơn con trai. Hai dãy ghế sofa không được nằm yên với nó, cả căn phòng khách rộng này biến thành sân chơi của hai cháu
- Thế đứa cháu nữa đâu?
Vừa lúc thằng bé chừng 1 tuổi lồm cồm từ trong một góc nhà bò ra….trình diện, chị Thái giới thiệu:
- Đây nè, thằng William.

Thằng bé níu tay bà nội đòi bế và ngồi chễm chệ trong lòng bà nhìn khách lạ. Chị Thái tâm sự:
- Bông biết rồi đó, mình có 2 con trai, thằng anh Tommy đã lập gia đình, thằng em học xong đi làm thành phố khác, vợ chồng mình không vướng bận gì cả. Mình không phải tuýp bà nội bà ngoại lù khù ở nhà trông cháu, mình đã lên kế hoạch vui hưởng tuổi về hưu, sẽ tha hồ thức khuya dậy muộn, xem những video đủ mọi đề tài, mỗi ngày ra công viên đi bộ ngắm trời mây nắng gió, đi shopping, gặp gỡ hội họp bạn bè, đi xuyên bang thăm thân nhân, du lịch đó đây. Ôi, bao nhiêu thứ ở phía trước đang chờ đợi mình…
Tôi ủng hộ:
- Ừ, bạn có hàng trăm bộ quần áo, giày dép thời trang đẹp, những bộ mỹ phẩm hàng hiệu, tới tuổi về hưu thảnh thơi mang ra xài cho đã chứ.
Chị Thái cười cười:
- Nhưng người tính không bằng trời tính Bông ơi. Cháu nội Emma ra đời, cha mẹ nó biết điều gởi con cho một bà giữ trẻ cùng khu phố. Bỗng dịch Covid ập đến, chồng bà nhiễm bệnh nằm bệnh viện, bà phải chăm sóc chồng và không nhận việc trông trẻ nữa. Vợ chồng Tommy mang Emma đến nhờ mình trông cháu giùm cho qua mùa đại dịch rồi sẽ tìm bà giữ trẻ khác. Xưa nay mình quan niệm nuôi con đủ rồi, tới đời cháu thương yêu mấy mình cũng chỉ ẳm bồng hương hoa thôi chứ nhất quyết là không trông cháu đâu. Nhưng gặp trường hợp này mình sẽ giúp con cháu vài tháng.
- Ừ, mình cũng nghĩ thế, hết lo cho con rồi ôm đồm lo cho cháu thì đến bao giờ mới hết lo. Cả tuổi thanh xuân mình nuôi con, chăm chỉ đi làm kiếm tiền tới ngày về hưu thì những tháng năm còn lại xứng đáng cho mình thảnh thơi vui hưởng chứ.
Chị Thái kể:
- Ngày còn đi làm mỗi sáng mình phải thức dậy sớm, bây giờ nghỉ hưu rồi…vẫn thế. Mỗi ngày mới 6 giờ sáng Tommy đã bấm chuông và…tống của nợ Emma vào cho bà nội rồi vội vã đi làm ( Vợ Tommy làm y tá ca đêm giờ này ở nhà đang ngủ). Mình mắt nhắm mắt mở ra đón cháu vào nhà. Có khi Tommy kịp dặn dò mẹ đôi ba câu có khi nó phóng ra xe đi luôn. mình biết là con trai sáng ra bận rộn sửa soạn tã sữa cho con và mang con đến đây chưa kịp ăn điểm tâm nên lại kiêm luôn làm sẵn món ăn sáng đưa Tommy mang theo đến nơi làm mà ăn.
- Ôi, bạn vừa là vú em trông trẻ vừa kiêm luôn đầu bếp cho nhà nó.

Chị Thái kể tiếp:
- Đúng thế. Dịch Covid vẫn tàng tàng khi ẩn khi hiện và kéo dài mình không nỡ để cháu phải đi gởi nơi khác. Emma được hai tuổi thì chồng mình về hưu. Thế là con bé Emma chính thức có “nhà trẻ” này. Ông bà nội đảm đang cho nó ăn ngủ, tắm rửa, chơi đùa với nó cho tới chiều bố Tommy đón về.
Tôi khích lệ:
- Emma lớn thêm chút nữa ông bà nội sẽ bớt mệt.
- Vợ chồng mình đang… chới với trông Emma chưa thấy ánh sáng nghỉ ngơi cuối đường hầm thì một hôm Tommy vui vẻ báo tin: Mẹ ơi, vợ con đang có bầu, là con trai đó mẹ. Mình chẳng màng baby trai hay gái mà hồi hộp hỏi nó: “ Con sẽ gởi baby ở đâu?”. Tommy đáp ngay: “Nhà này chứ đâu, mẹ trông Emma quá tuyệt vời luôn. Vợ chồng con đều thích, may nhờ có vụ Covid tụi con mới biết không đâu tốt hơn nhà cha mẹ, không ai tốt bằng ông bà trông cháu”.
- Vậy là vợ chồng bạn trông hai cháu nội luôn?
- Chứ còn gì nữa, thương con cháu thì thương cho trót, vợ chồng mình trông tiếp đứa con thứ hai cho nhà Tommy. Chồng mình oải lắm, mình phải thủ thỉ vẽ ra một tương lai tươi sáng hơn: đằng nào cũng hi sinh bộ ghế sofa và cái thảm nhà này rồi. Khi nào chấm dứt việc trông cháu chúng ta sẽ sắm bộ sofa mới, sẽ lát gỗ thay vì thảm cho nhà mình đổi mới luôn, sẽ trang trí lại nhà cửa như thuở chưa có cháu nội bước vào nhà mình và chúng ta sẽ…hưởng niềm vui về hưu sau vậy.
Tôi băn khoăn:
- Nhưng bạn có chắc là vợ chồng Tommy chỉ đẻ 2 con không?
Chị Thái…lửng lơ:
- Thì mình từng nghe vợ chồng nó nói chỉ đẻ 2 con thôi. Thằng cháu nội William chào đời, sau mấy tháng thằng bé cứng cáp mẹ nó đi làm, Tommy lại…tống thêm của nợ thứ hai đến nhà bà nội. Vợ chồng mình phải chia nhau mỗi người trông một đứa, mình trông thằng William, cho nó bú bình, bồng bế nó. Nhà cửa bề bộn bát nháo như chợ trời, tấm thảm đẹp từ hồi build nhà mình luôn giữ gìn sạch sẽ như mới. Hai cháu đã “tàn phá” bộ ghế sofa nếu không bằng da thật thì đã rách rồi, tấm thảm đã nhuốm màu dơ vết bẩn của sữa, của nước ngọt, của bánh trái rơi rớt xuống mà mình không tài nào chùi sạch được. Hai vợ chồng tuổi về hưu mà bận rộn như hai vợ chồng son trẻ với đàn con mọn, cả ngày vất vả còn hơn thời đi làm.
Tôi vô cùng thông cảm:
- Bạn hi sinh đủ thứ vì cháu, chắc không có thì giờ dạo bộ công viên chứ đừng nói tới những ước mơ to lớn khác.
Chị Thái công nhận:
- Cả ngày quay cuồng với hai đứa cháu còn hơn chạy bộ tập thể dục rồi còn gì. Vợ chồng Tommy tận dụng tối đa nhờ ông bà trông cháu thêm để chúng đi mua sắm hay chợ búa, chưa kể có khi chúng đi dự tiệc tùng cưới hỏi đến đêm mới đón 2 con về. Coi như vợ chồng mình thường xuyên làm over time luôn.
Tôi an ủi:
- Ráng trông hai cháu vài năm nữa chúng lớn đi học coi như vợ chồng bạn nghỉ hưu muộn vậy.
Chị Thái…ngập ngừng:
- Không đâu. Vợ Tommy …lại có bầu. Hôm qua Tommy vừa thông báo thế.
Tôi giật mình:
- - Ủa, bạn vừa nói chúng nó chỉ muốn 2 con, nếp tẻ đủ rồi mà?
- Đúng vậy. Nhưng vợ nó ngừa thai…bể kế hoạch. Sẵn có ông bà nội trông giùm nên vợ chồng nó quyết định cứ đẻ thêm đứa thứ ba ngoài kế hoạch cho vui.
- Nếu vậy thì ráng trông cháu thứ ba, coi như kế hoạch về hưu trễ thêm vài năm nữa.
- Không đâu…
Tôi ngạc nhiên:
- Còn gì nữa? Không lẽ bạn muốn vợ Tommy bể kế hoạch thêm đứa thứ tư hả?
- Mình vừa nghĩ ra một điều lù lù trước mặt, thằng út khoe đã có người yêu, nay mai thằng út lấy vợ, nó lại sinh con...
- À ra thế, bạn lại tiếp tục làm “vú em” trông cháu nội cho thằng con thứ hai.

Chị Thái mỉm cười:
- Coi như vợ chồng mình….không có cợ hội nghỉ ngơi khi về hưu nữa. Ba năm qua trông 2 đứa cháu nội mình đã quen rồi, dần dần dẹp hết những ước mơ khi về hưu rồi, càng gần gũi càng thương yêu cháu, nếu để chúng phải sớm tối gởi nhà trẻ thì không đành. Thôi thì hãy vui và coi như mình có duyên có phước mới được gần con cháu, trông nom chúng. Mấy bạn của mình con cháu ở xa, than thở nhớ con nhớ cháu, mỗi lần thăm nhau tốn tiền máy bay và chỉ gặp nhau dăm ba ngày.
Tôi ngợi khen:
- Lòng mẹ bao la càng bao la hơn khi làm bà nội bà ngoại. Thế thì niềm vui khi về hưu của vợ chồng bạn là đây.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( March 03, 2024)

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Nắng Bỏ Quên Tôi - Thơ: Ý Nhi - Nhạc: Trần Đại Bản. Ca Si: Vân Khánh


Thơ: Ý Nhi
Nhạc: Trần Đại Bản
Ca Si: Vân Khánh

Trưa Ghé Chợ Sóc Ven


Xe dừng bên lộ ven đường
nắng khô phơi ngọn gió trườn mé sông
mấy hàng quán nhỏ yên nằm
đón người khách lạ về thăm một lần

Sóc Ven lối chợ quẩn quanh
theo chân em đếm mấy cành me cong
phía sau xóm thấp nhà tranh
buổi cơm trưa vội dĩa canh cải xào

Chút dư hương chút nôn nao
chút men rượu đắng Gò Quao nhớ người
chia nhau miếng khóm làm mồi
nắng mang chiều xuống phân đôi nỗi buồn

Cuối ngày một nhánh sông con
nhìn qua khúc cạn lối mòn bóng thưa
đưa người, đưa tiễn người chưa
mà nghe trong ngọn gió mùa nhớ thương...

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
- chợ Sóc Ven, huyện Gò Quao, Kiên Giang


Chuồn Chuồn Kim Lên Tiếng!


(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhiếp Ảnh Gia taotran Trần Đức Tạo đã gởi bộ ảnh “Chuồn chuồn kim/ Hoa xương rồng”)

Chuồn Chuồn Kim! Ai mà nỡ đặt tên tôi xấu xí thế?
Chắc vì mình tôi dài như cây kim! Vì tài nghệ Máy Bay Chuồn Chuồn của tôi quá hay!
Đến Ca Dao Việt Nam còn “la” tôi rằng “khi vui thì đậu, khi buồn lại bay”!
Ý nói “chê” tôi không chung thủy, “rầy” tôi cứ lang thang, lãng mạn!

Chuồn Chuồn thích lá hoa trên cạn!
Quốc Quốc thương đồng ruộng dưới xa!
Còn chị Xương Rồng? Người gai góc thấy ghê mà lại có hoa!
Thật là ngoài sức tưởng tượng”! Mà lại đẹp quá, chỉ thua chị Quỳnh Hoa chút xíu!

Kìa! Cứ như cô Sen! Giải thoát! Chẳng có gì mắc míu!
Cánh hoa Sen tàn! Đài hạt Sen thế chỗ, hàm tiếu khoe đời!
Chim màu cam! Có góp lời?


Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 11/09/2023

Tóc Trắng

Ông Hai vừa mở mắt thức giấc đã nghiêng đầu nhìn cái đồng hồ reo nằm trên bàn cạnh đầu giường. Đồng hồ quartz loại nhảy số. Ông nheo mắt đọc: "Chín giờ hai mươi". Rồi nằm ngay ngắn lại, càu nhàu: "Đồng hồ gì mà không có một cây kim, không có một tiếng tích-tắc. Chẳng biết đâu mà rờ!" . Ông nhớ lại hồi còn ở bên nhà, ông cũng có một cái đồng hồ reo đặt ở cạnh đầu nằm. Nó lớn bằng bốn cái đồng hồ điện tử "mắc dịch" này. Nó hiệu Jaz, ông còn nhớ rõ. Nước xi bóng loáng, mặt dạ quang, "ban đêm thấy rõ như ban ngày" Và khi nó reo thì... "hàng xóm còn nghe chớ đừng nói chi người nằm ngủ kế bên". Như vậy mới gọi là đồng hồ báo thức. Chớ phải đâu như cái đồng hồ điện tử này, nó reo "bíp bíp, bíp bíp" nhỏ rí như sợ người ta nghe! Ngoài ra, cái đồng hồ reo của ông, không cần nhìn cũng biết nó đang chạy, bởi vì chỉ cần nghe tiếng "cộc cộc, cộc cộc" của nó là đủ. Phải công nhận là tiếng kêu của nó "có hơi lớn", nhứt là về khuya, lúc thanh vắng, nghe giống như tiếng gõ mõ nhịp đôi.Hồi xưa, hồi còn sanh tiền, bà Hai vẫn phàn nàn về vụ tiếng "cộc cộc, cộc cộc" của cái đồng hồ. Bà nói: "Cái đồng hồ reo của ông càng già càng kêu lớn. Nó giống như ông, càng về già ông càng ngáy to, chẳng để cho ai ngủ hết!" Rồi, chẳng lẽ đi chỗ khác ngủ sau mấy chục năm ngủ chung, bà Hai đã giải quyết vấn đề bằng cách... nằm ngược chiều với ông Hai, nghĩa là bà nằm xoay đầu về phía chân giường. Dĩ nhiên là ông Hai đã phật ý, không thèm nói chuyện với bà Hai hết một thời gian. Nhưng riết rồi cũng quen đi, nên không còn để ý đến tình trạng dị thường đó. Cũng như ông Hai đã quen nghe tiếng "cộc cộc, cộc cộc" của cái đồng hồ nên không nhận thấy là nó kêu lớn! Đối với ông, tiếng động quen thuộc đó chứng tỏ là cái đồng hồ còn "sống", nghĩa là ông không có quên lên giây thiều. Và như vậy, ông mới yên lòng dỗ giấc ngủ.

Ông Hai đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ. Thời tiết đã sang xuân nên vào giờ này, trong phòng đã đầy ánh sáng. Căn phòng thật là "nhỏ xíu giống như một cái hộp". Hồi ông mới tới Pháp, mấy con ông đi rước ở phi trường Charles de Gaulle, tíu ta tíu tít: "Tụi con đều ở chung một immeuble. Chỉ có chị Hai là ở tuốt dưới Tours. Mới đầu, tụi con định lấy một studio trong immeuble cho Ba ở, nhưng chị Ba không chịu. Nói Ba già rồi, ở một mình bất tiện, nên chị Ba dọn cho ba một phòng riêng trong appartement của chỉ, có vue xuống lac. Rồi ba coi. Dễ thương lắm!" Ông Hai chưa từng xuất ngoại nên chẳng hình dung được cái "appartement" bên Pháp nó ra làm sao, nhưng nghe các con diễn tả có vẻ "rất vừa ý cả bọn", ông cũng nghe vui trong lòng.Khi về đến nhà Kim – người con gái thứ nhì của ông Hai – ông tưởng như đi vào một cái hang chớ không phải một cái nhà! Cái gì mà mới bước vào là đã phải lo quẹo trái -bởi vì bên mặt là cửa vào nhà bếp- rồi bước vài bước phải quẹo mặt rồi lại quẹo mặt lần nữa để tránh nhà tắm và cầu tiêu nằm liền nhau ở góc đó, rồi đi tới mấy bước lại phải quẹo trái mới vào được căn phòng "có vue xuống lac dễ thương lắm". Phòng nhỏ xíu vuông vức, bước có mấy bước là đụng tường, nhìn ra phía ngoài qua ô kiếng to thấy trời lồng lộng bởi vì không có nhà ở phía đối diện. Nhìn xuống bên dưới -vì nhà ở từng thứ tám- thấy toàn bộ cái hồ nhân tạo thật rộng với đồi cao trũng thấp và những con đường đất nhỏ uốn khúc quanh quanh. Thằng Út -con trai út của ông Hai, tên Tuân nhưng ở nhà quen gọi là Út, năm nay "trên hai mươi tuổi là ít"- ôm lấy lưng ông Hai đang đứng gần ô kiếng: "Ba biết không? Ở Paris khó kiếm được nhà có cái vue như vầy lắm. Và hướng này là hướng đông nam, sáng, nắng vào tận phòng. Ba có thể vừa ngồi đây sưởi nắng vừa nhìn xuống lac coi vịt, thiên nga... Tụi con biết thế nào Ba cũng thích". Ông đưa tay vỗ vai nó - bây giờ nó cao lớn quá, không vỗ được đầu nó như hồi thuở ông đưa nó lên phi trường để "đi Tây"- gật gật đầu: "Ờ... Ba cũng thích lắm!" Nói như vậy, nhưng khi mấy con kéo hết ra phòng khách để cho ông thay đồ, ông ngồi xuống giường nhìn quanh rồi thở dài...
Mấy đứa con, vì "đi Tây" quá sớm, không biết cái nhà mà ông đã xây cất ở trên sở cao su của ông. Cái nhà đó, ông đã mơ nó từ thuở còn là thơ ký cho hãng cao-su Terre Rouge. Hồi đó mới có hai đứa con, mà đã hình dung trong đầu một cái nhà thật to, kiểu "colonial", có hàng ba thật rộng vây quanh để tránh trời trưa hanh nắng... Cái nhà "trong mộng" đó phải to hơn đẹp hơn cái nhà của thằng chủ Terre Rouge. Mà muốn như vậy, không phải làm công suốt đời mà có được. Vậy là hai vợ chồng "thôi" Terre Rouge (bà Hai cũng làm việc cho Terre Rouge). Rồi vay nợ ngân hàng, gom góp từng đồng để xây dựng một đồn điền cao su riêng cho mình. Sau đó, phải đổ mồ hôi xót con mắt hết mười mấy năm để bắt đầu dư dả tiền bạc thực hiện "cái nhà trong mộng".

Ông hãnh diện với cái nhà đó lắm. Ông thường nói: "Tôi đã vẽ nó trong đầu hồi tôi chỉ có hai bàn tay trắng". Hôm ăn tân gia, ông Hai đã "mời hết cả tỉnh" đến dự, có cả mấy hãng cao su Terre Rouge, SIPH... Quan khách ai cũng trầm trồ khen ngợi, nhứt là cái phòng ngủ thật rộng trong đó có cả bộ xa long để ông Hai ngồi hút thuốc đọc báo nghe ra-dô!
Hồi 75, Việt Cộng về, vẫn cho ông ở cái nhà đó tuy rằng sở sùng đã bị tịch thu hết (Họ nghĩ tình hồi xưa ông đã "đóng góp" giúp cách mạng nên cho ông một chân trong tổ kế hoạch, suốt ngày ngồi... uống trà, hút thuốc. Vụ này đã làm cho bà Hai buồn rầu sanh bịnh rồi qua đời vào giữa năm sau...) Rồi lần lần, Việt Cộng "lấn" ông ra nhà bếp để lấy nhà trên làm trụ sở ủy ban nhân dân. Cái nhà bếp đó vậy mà rộng rãi thoải mái hơn cái "phòng nhỏ có vue xuống lac" này...
Nghĩ đến đó, ông Hai bật cười. Hồi mới đến tịch thu đồn điền, Việt Cộng chạy xe thẳng vào văn-phòng nằm cạnh con lộ cái. Ở đó, có khu nhà máy, khu nhà kho, khu cơ giới... v.v. Thấy đồ sộ như vậy, chúng nó bèn "đóng chốt" ngay ở văn phòng, ăn ngủ ở đó luôn mặc dù trong đồn điền còn có khu nhà ở, bịnh xá, trường học, câu lạc bộ... không thiếu gì nơi để ở. Đã gọi là hòa bình rồi mà tụi Việt Cộng vẫn còn lối sống dã chiến: lấn chiếm được đến đâu là "ta đóng chốt ngay ở đó thôi". Về sau, khi chúng nó "báo cáo rằng mạng lưới tổ chức đã hoàn chỉnh" thì khu văn phòng đã biến thành nhà ở của mấy gia đình cán bộ, còn nhà ở của ông Hai được chia đôi, một bên làm văn phòng, một bên làm ủy ban nhân dân - nghĩa là làm việc ở cách nhà máy trên hai cây số!- nhà bếp của ông đã biến thành nhà kho sau khi chúng nó đã "lích" ông ra nhà kho để ở!

Cái gì cũng ngược ngạo hết. Ngược ngạo đến vô lý! Vậy mà hể mở miệng ra là chúng nó cứ tự hào là "đỉnh cao trí tuệ"!
Nắng đã bắt đầu vào đầy phòng. Căn phòng nhỏ bây giờ thật ấm. Ông Hai vẫn nằm yên, lắng nghe từng tiếng động (Đó là cái thú "nằm nướng" của ông hồi còn ở bên nhà vào những sáng chủ-nhựt rỗi rảnh). Bốn bề yên lặng. Lâu lâu nghe tiếng nước "giựt cầu" từ mấy từng lầu trên theo ống dẫn chảy ngang một cách âm thầm vội vã... Rồi hết. Yên lặng đến buồn thiu! Chẳng bằng ở bên nhà. Hừng sáng đã nghe gà gáy, không phải một con mà là ba bốn con, gáy "đối đáp" thật rộn rã. Rồi tiếng bầy chim trong lá ríu rít, nghe lúc xa lúc gần đủ biết là chúng đang bay liệng từ cây này sang cây nọ, trở đi trở về. Đến khi nghe mấy con gà mái kêu tục tục xen lẫn tiếng gà con chim-chíp, tiếng vịt khàn khàn, tiếng ngỗng huen-hoét... là biết ngay thím Tám Lư đang cho gà vịt ăn ở vườn sau. Rồi đến tiếng mô-tô nổ máy, rồ vài "cú" xong là nghe tiếng máy đi xa lần xa lần. Đó là thằng Rớt đang chạy xuống tỉnh mua hủ tiếu về cho ông ăn sáng. Ngần đó tiếng động vây quanh ông, thật là tầm thường nhưng cũng thật sinh động. Chẳng có gì hết, vậy mà sao ông nghe hoài không thấy chán. Trái lại, mỗi lần có dịp "nằm nướng" để lắng nghe những tiếng động quen thuộc đó, tâm hồn ông lâng lâng trải rộng. Làm như chúng nó đem đến cho ông cái thi vị đầu ngày, nhẹ nhàng tươi mát...

Những tiếng động đó, bây giờ, ông nằm đây trong cái yên lặng của căn phòng nhỏ, ông mường tượng như còn nghe rõ ở trong đầu. Không sót, không quên một tiếng động nào hết, kể cả tiếng đổ kiểng tòn-teng tón-teng mỗi mười lăm phút của cái đồng hồ Wesminster treo ở phòng khách nhà ông. Ờ... cái đồng hồ hồi đó ông mua ở Passage Eden đường Catinat. Thùng làm bằng gỗ quí chạm trổ thật khéo. Trên mặt có ba lỗ để lên dây thiều: một lỗ để cho máy chạy, một lỗ để đổ kiểng, một lỗ để đánh giờ."Trứng dái" đong đưa nghe cọc-cạch cọc-cạch chậm rãi đều đặn (Về điểm này, bà Hai cằn nhằn: "Ông ăn nói không thanh bai chút nào hết. Quả lắc thì gọi là quả lắc, chớ gọi trứng này trứng nọ nghe dị-hụ quá chừng!" Ông cãi: "Thì từ xưa đến giờ thiên hạ gọi cái đó là trứng dái, chớ gọi bằng gì? Tôi chẳng thấy có gì tục tĩu trong đó hết. Tại vì mình nghĩ bậy nên mới thấy nó tục"
Từ đó, bà Hai không thèm đá động tới cái bộ-phận lòng-thòng lắc qua lắc lại ở phần dưới của cái đồng hồ Westminster!)

Hồi đó, những lúc "nằm nướng", ông hay lắng tai nghe tiếng đồng hồ đổ kiểng dìu dặt: đổ "một hồi" là mười lăm phút, đổ "hai hồi" là ba chục phút, đổ "ba hồi" là bốn mươi lăm phút, còn đổ "bốn hồi" là sửa soạn đánh giờ... Thật là thú vị! Mình "nghe" thời gian đi qua và "biết" thời gian đã đi qua từ lúc nào! Thành ra, tiếng cọc-cạch cọc-cạch, tiếng đổ kiểng, tiếng đánh giờ của đồng hồ Wesminster cũng thuộc vào những tiếng động mà ông Hai đã mang theo trong lòng khi bỏ xứ ra đi...
Giờ này, nhà vắng teo. Vợ chồng Kim đã đi làm, chiều mới về. Thằng Tí, bốn tuổi, cháu ngoại của ông, đã được cô Út của nó rước về Antony hôm qua vì có ông bà nội nó từ dưới tỉnh lên chơi. Hồi ông mới qua Pháp, lần đầu gặp thằng Tí, nó thấy người lạ nên lấp ló núp sau váy của má nó, miệng cười lỏn lẻn. Má nó nói: "Ông ngoại nè con. Bonjour ông ngoại đi!" Ông ngồi xuống ghế xa-long đưa hai tay về phía nó: "Lại đây, lại đây ngoại cưng". Má nó phải đẩy nhẹ nó mấy lần nó mới bước tới bắt tay ông Hai. Ông ôm nó vào lòng, hôn lên má phinh-phính của nó mà nghe thơm nghe ngon. Tình thương bỗng dâng tràn trong lòng.
Trong giây phút đó, ông bỗng thấy chẳng còn tiếc cái gì nữa hết, từ đồn điền cao su đến cái nhà trong mộng, mà Việt Cộng đã chiếm đoạt. Làm như đứa cháu ngoại mà ông đang ôm trong vòng tay đã mang đến cho ông một luồng sinh khí mới, một cái gì mà ngay bây giờ đã chiếm trọn tâm hồn ông. Lạ quá! Có bằng chút xíu như vậy - thằng Tí - mà đã có thể thay thế được những gì thật lớn lao thật sâu rộng mà ông đang mang mểnh trong lòng như quê hương, như sự nghiệp! Ông lại ôm hôn nó một lần nữa để nhận thấy rằng ông không lầm: tình cảm mới mẻ đó có thật như vậy. Lần này, chẳng ai bảo mà thằng Tí tự nhiên nhón chân lên hôn ông Hai. Nó hôn bằng mũi giống như ông hôn nó! Rồi nó quay lại nhìn mọi người, miệng cười lỏn lẻn.

Ông ứa nước mắt vì sung sướng và nghĩ rằng ở cái tuổi già và trong cuộc sống lưu vong, có được đứa cháu ngoại như vầy, thật là Trời còn thương ông nhiều quá! Rồi ông ví-von: quê hương của ông bây giờ là thằng cháu ngoại này. Ông sẽ vung-bồi nó như ngày xưa ông đã vun bồi chăm sóc vườn ương cao su con, để khi đem ra lô, nó sẽ lớn mau lớn mạnh. Nhứt là cái gốc Việt Nam, phải còn, phải có...
Từ đó hai ông cháu như hình với bóng. Ông lãnh phần đưa rước thằng Tí đi trường mẫu giáo. Mỗi sáng, ăn điểm-tâm xong là ông cháu dẫn nhau thả bộ lại trường nằm cách nhà không xa lắm, ở khu nhà nằm phía bên kia hồ. Thằng Tí phát âm tiếng ngoại không được, nên gọi ông nó bằng "moại" nhưng lại nghe ra là "mọi" làm má nó rầy quá, cứ bắt thằng nhỏ chu môi ngoáy miệng lập đi lập lại cho đúng. Ông rầy: "Kệ nó, con! Từ từ... Đừng làm quá đây rồi nó bị mặc-cảm không thèm gọi ba bằng gì hết thì khổ? Thà để nó gọi trại trại mà mình còn nghe có cái gì Việt Nam. Rồi mình sửa lần, con hiểu không?" Ông thường can thiệp những chuyện như vậy nên thằng Tí thích ông ngoại nó lắm. Đi với ông, nó học từng tiếng Việt và cố gắng nhớ để nói cho đúng. Bởi vì nó thấy mỗi lần nó nói đúng, ông ngoại nó thật vui. Còn ôm nó hôn trơ trất nữa.

Có một lần ông Hai chỉ mấy con vịt đang lội trên hồ, hỏi: "Con này kêu là con gì, Tí?" Thằng nhỏ nhìn vịt rồi nhìn ông, vừa lắc đầu vừa cười lỏn lẻn: "Không biết". Ông nói, phát âm từng tiếng thật rõ: "Con... vịt". Thằng nhỏ lập đi lập lại mấy lần cho đúng và cho nhớ. Một lúc sau, ông chỉ vịt mà hỏi: "Con này là con gì?" Thằng nhỏ nói "Con...", rồi há miệng tròn vo định nói tiếp. Ông thấy ngay là sai rồi, bởi vì vịt không thể phát âm với cái miệng mở tròn được. Ông bèn ra dấu để nhắc nó, ông chỉ chỉ lên miệng ông. Ở đó, ông bành môi ra cho giẹp giẹp như sắp phát âm "vịt". Thằng nhỏ mắt sáng rỡ, khép miệng lại rồi làm y như ông nhắc. Nó nói vịt mà đầu nó gật xuống một cái, đủ thấy nó cố gắng vô cùng làm ông thấy thương quá. Bỗng nó hỏi: "Moại! Moại! Sao con vịt nó giống con... nó giống con..." Ông tiếp hơi cho thằng nhỏ: "Nó giống con..." Thằng Tí nói lớn như vừa được tiếp sức, vừa lớn vừa rõ: "Nó giống con canard..." Ông bật cười, chửi đổng nho nhỏ: "Cha mầy!", rồi ôm hôn nó đầy mặt đầy cổ. Nó nhột, rút đầu rút cổ cười lên hăng-hắc...

Nghĩ đến đó, ông Hai thở dài. Bây giờ, ông không còn đưa rước thằng Tí nữa. Má nó giành làm. Viện cớ là cần gặp thường xuyên những người phụ trách mẫu giáo để hỏi han theo giỏi tình hình phát triển của thằng nhỏ. Ông nghi là có một lý-do nào khác mà má thằng Tí không tiện nói ra. Mới đầu, ông thật buồn, nhưng rồi cũng phải nhẫn nại chịu như vậy. Và định bụng có dịp nào đó sẽ hỏi Kim cho rõ trắng đen. Trong khi chờ đợi, ông nằm nhà như một người thất nghiệp, đi ra đi vô phòng khách nhà bếp, hút thuốc hết điếu này đến điếu khác. Lâu lâu nhìn đồng hồ để coi mấy giờ, làm như đang trông một cái gì hay đang đợi một người nào đó! Có hôm ông cũng xuống dưới nhà đi bách bộ quanh hồ, rồi quen chân đi lại trường mẫu-giáo đứng cạnh rào lưới kẽm đưa mắt tìm thằng Tí trong bầy trẻ đang nô đùa bên trong. Không có gì: ông chỉ cần thấy xa xa thằng cháu ngoại đang la hét chạy nhảy với bầy bạn của nó là đủ để ông nghe trong lòng phơi-phới một niềm vui... Có khi thằng Tí nhìn thấy ông, nó mừng rỡ vừa chạy lại vừa kêu: "Moại! Moại!" Đến hàng rào, nó đưa ngón tay trỏ mũm mĩm qua lỗ lưới kẽm để cho ông nắm lấy bằng đầu mấy ngón tay khẳng khiu của ông, lắc nhè nhẹ. Đó là cái bonjour của hai ông cháu. Xong, ông nói: "Thôi! Vô trổng chơi đi con. Ngoại về". Chỉ có như vậy thôi! Vậy mà cả ngày hôm đó, cái gì ông cũng thấy tươi thấy đẹp...

Ông Hai vươn vai ngáp rồi ngồi dậy với lấy áo lạnh dài tay máng trên thành ghế mặc vào kỹ càng mới bước xuống giường. Ông kéo cái couette xuống phía chân giường để so lại thẳng thớm cái mền xếp đôi nằm giữa cái drap và cái couette. Xong, ông lại kéo cái couette đấp trở lại trên mền, kéo mí drap phủ lên couette. Cuối cùng, ông lòn tay kéo tất cả cái "thứ tự" đó lật ngửa lên và tuột xuống phía chân giường. Ông phải làm như vậy để chiều về con gái ông làm giường thấy rằng "ông ngủ hạp vệ sinh" nghĩa là có nằm giữa hai lớp drap đàng hoàng! Câu chuyện có vẻ "rắc rối" này bắt đầu từ hồi ông mới qua Pháp. Hai đêm đầu, ông ngủ không được. Một phần vì sự chênh lệch giờ giấc, một phần vì lạ nhà và nhứt là lối "ngủ theo tây" ông không hạp. Cái gì mà khi mình chui vào giữa hai tấm drap, mình nghe nó lạnh ngắt. "Mò" tới đâu là nghe lạnh tới đó,mặc dầu bên trên có phủ kín nhét kỹ một cái couette dầy. Rồi phải nằm đợi một lúc lâu, bên trong mới âm ấm!Đến ngày thứ ba, ông nói với con gái: "Cho ba xin một cái mền, con!" Kim ngạc nhiên: " Ủa! Bộ cái couette không đủ ấm sao ba?" Ông ngần ngừ rồi đáp: "Thì... cũng ấm. Nhưng ba muốn có một cái mền..." Ba thằng Tí chen vào, nói với Kim: "Thì em cứ mua cho ba một cái mền, đi! Ba già rồi chớ phải như tụi mình đâu mà ngủ với cái couette là đủ". Vậy là hôm đó, đi làm về, Kim mang về một cái mền to. Kim xếp cái mền làm đôi đặt ở giữa tấm drap trên và cái couette.
Đêm đó, thay vì chui vào giữa hai lớp drap, ông Hai chui vào giữa hai lớp mền! Chui vào tới đâu là nghe ấm tới đó! Thật là thích thú! Ông đưa bàn chân "mò" bên mặt bên trái, ông đưa bàn tay rờ rờ lớp mền dưới lớp mền trên, bắt gặp lại cảm giác quen thuộc khi đắp mền hồi còn ở bên nhà: lông mền dù mịn nhưng vẫn đâm đâm chích-chích. Ông lại thích như vậy. Ông nhớ lại hồi nhỏ khi còn ở với bà nội dưới quê, trưa trưa ông hay nhảy vào bồ lúa trải cái bao bố tời lên mặt lúa rồi "ình" lên đó ngủ một giấc "ngon lành". Riết rồi ông ghiền cái vừa êm êm vừa xót xót đó! Cho nên khi đã chui vào giữa hai lớp mền, ông tưởng chừng như ông là đứa bé vừa nắm được "cái ghiền" để đi vào giấc ngủ... Vậy rồi hôm sau, khi con gái của ông làm giường thấy cái "ổ" êm êm xót xót đó, la lên: "Trời ơi! Ba ngủ gì kỳ vậy? Người ta nằm giữa hai lớp drap cho nó sạch sẽ hợp vệ sinh, bởi vì drap mình thay mình giặt. Chớ còn chui vào mền, nó tẩm trong đó chịu gì nổi!" Vậy là từ đó, đầu hôm, ông chui vào hai lớp drap "cho con nó vui" (Kim thường đưa cha vào giường mỗi tối để chèn tấn mí couette thật kỹ sợ ông già thấm lạnh về khuya) Nhưng khi đã tắt đèn, ông chờ một lúc "coi động tịnh thế nào" rồi mới chung ra để mò mẫm dỡ mí mền chui vô... Rồi sáng nào dậy cũng phải... sắp xếp lại drap mền couette cho có vẻ "tự nhiên", làm như ông đã ngủ giữa hai lớp drap, "đúng như lời con nó dặn"!

Ông đốt điếu thuốc rồi vào ngồi trong cầu tiêu. Cái cầu này, ông đã để ý từ hôm mới đến, nước cứ chảy tỏn tỏn. Chắc cái clapet đóng không kín. Mấy vụ này mà có thằng Rớt ở đây thì chỉ "mười lăm phút, nửa tiếng là xong ngay". Thằng Rớt là con trai út của Chín Lúa, người phụ tá đắc lực của ông. Chín Lúa đến giúp việc cho ông từ thuở ông còn chạy nợ hốt hụi mỗi cuối tháng để trả lương dân thợ. Sau này, vì nghĩ đến cái công góp phần dựng nghiệp đó mà ông đã cắt đất cho vợ chồng Chín Lúa ra canh tác riêng, ông giúp nông-cụ cơ-giới và phân bón. Thay vì trồng cây ăn trái như các nhà vườn khác, Chín Lúa lại tiếp tục trồng cao-su.
Ông Hai thường nói đùa: "Tên là Lúa, dân Hậu Giang, vậy mà lại lập nghiệp ở miền Đông, và chuyên môn trồng cao su chớ không phải trồng lúa! Thiệt là tréo cẳng ngỗng!" Cái hôm mà vợ Chín Lúa chuyển bụng thằng Rớt, Chín Lúa đi Sàigòn vắng. Hay tin, ông bèn cho tài xế lấy xe đưa bà bầu đi sanh. Nhưng đi nửa đường là thằng nhỏ đã lọt lòng! Vì vậy mới đặt tên nó là Rớt. Về sau, để tỏ lòng biết ơn, vợ chồng Chín Lúa bắt thằng nhỏ gọi ông bà Hai bằng ông nội, bà nội. Lớn lên, thằng Rớt chỉ mê có máy-móc. Thứ gì nó cũng "dọc". Máy nào ăn-banh, nó cũng lăn vào phụ mấy ông thợ cái mò ra "bịnh" để sửa. Nhờ vậy mà nó giỏi. Trong nhà, có cái gì hư cũng một tay nó sửa hết. Cho nên bà Hai mến nó lắm. Hồi bà Hai mãn phần, nó cũng chít khăn chịu tang, rồi dọn về ở với ông Hai "cho có ông có cháu". Chiều chiều nó lấy Honda đèo "ông nội" nó xuống quán Tư Siêu nhậu thịt rừng. Nó không ưa Việt Cộng. Nó nói với ông Hai:
"Tụi này xài không vô, nội à! Dốt thấy mẹ mà cứ làm tàng. Cho nên rớ tới đâu là hư tới đó, rồi chê trong Nam máy móc thiết bị không đúng tiêu chuẩn, bảo quản không có kế hoạch... Có khi còn nghi là có kẻ phản động muốn phá hoại nữa! Cho nên bác Tư, chú Hai Quới, bác Sáu Tài đều lần lần rút lui hết vì sợ vạ lây! Bỏ máy móc lại cho cha con tụi nó mò thắc họng. Thằng thủ trưởng có tới gặp con mấy lần nhưng con cho de luôn. Kệ bà nó! Muốn tới đâu thì tới!"

Tánh tình thằng Rớt rất bộc trực, lại ít học nên ăn nói "phang ngang bửa củi" chẳng cần dè-dặt nể nang gì hết. Vậy mà ông Hai lại thương nó ở chỗ đó. Ông thấy ở nó cái cốt cách của người dân quê, thật tự nhiên, "ăn sao nói vậy" nhưng xử sự "có thủy có chung, biết tình biết nghĩa". Hồi Việt Cộng về tịch-thâu đồn điền (sở cao su của Chín Lúa cũng cùng chung một số phận) vợ chồng Chín Lúa và thằng Rớt chạy qua nhà định chở ông bà Hai đi trốn. Ông bà Hai không chịu đi. Thằng Rớt quyết định ở lại để bảo vệ "ông bà nội". Nó nói: "Mấy thằng này tiền hậu bất nhứt, khó tin lắm, nội! Hồi mới vô tuyên bố là không động tới cây kim sợi chỉ của nhân dân, nghe ngon lành. Vậy rồi sau đó hốt hết!"
Sau này, chính thằng Rớt khuyên "ông nội" nó đi Tây. Nó nói: "Nội già rồi. Bà đã mất. Mấy cô chú đều ở ngoại quốc hết. Nội còn tiếc cái gì nữa mà không chịu đi Tây phứt cho rồi? Ở lại đây, liệu nội có làm gì được nữa không? Nội đi đi! Để còn hưởng cái an-nhàn của tuổi già. Còn hơn ở lại mà ứa gan khi nhìn tụi nó cạo chết cây cau su, còn lên lớp dạy lại mình cách trồng cau su, cách lấy mủ!"Đến khi ông đi lo giấy tờ để xin xuất cảnh, thằng Rớt lái Honda đưa ông lên lên xuống xuống thành phố. Và cuối cùng, trong lúc ngồi trên xe ca đưa ông lên phi trường, nó kề tai nói nhỏ: "Nội đi rồi, chắc con không ở lại đây lâu đâu. Con sẽ vô khu đi kháng chiến phục quốc". Ông bỗng nghe như xương sống của ông đứng thẳng lên, máu trong người chảy mạnh hơn, hơi thở thật sâu thật dài... Ông cầm lấy tay thằng Rớt, ráng sức già bóp thật mạnh. Chắc nó phải hiểu rằng ông đồng ý với nó. Chắc nó phải hiểu rằng ông đặt hết niềm tin vào nó và chúc nó thật nhiều can đảm để dấn thân. Nhưng chắc nó không thể hiểu rằng trong cái siết tay đó ông còn ngầm cảm ơn nó đã cho ông thấy rằng tinh thần bất khuất của người dân miền Nam vẫn còn được luân lưu tiếp nối. Ông nói với nó mà tưởng chừng như nói với chính mình: "Bây giờ, ông thấy chẳng còn gì thắc mắc. Ông đi được rồi đó, Rớt!"

Ở phi trường, trong lúc ông theo luồng người bước vào bên trong, ông nghe thằng Rớt nhắn vói, giọng thật to thật rõ: "Chừng yên nơi yên chỗ rồi, nội nhớ viết cho con ít chữ cho con yên lòng, nghe nội!" Câu nói chẳng có gì hết nhưng lại làm ông xúc động đến rớt nước mắt. Ông có cảm tưởng như thằng "cháu nội" đó thật sự là ruột thịt của ông và nó đang gởi ông đến một nơi an toàn để rảnh tay "lo chuyện lớn", chuyện mà người già như ông không còn đủ sức để gánh vác. Ông nhìn lại thấy thằng Rớt thật mạnh khỏe, thật hiên-ngang, nổi bật trong rừng người đưa tiễn. Ông gật gật đầu trả lời nó rồi tiếp tục bước vào trong mà có cảm tưởng như vừa nhìn thấy, ở phía sau, một chân trời đang mở rộng...Ông Hai qua nhà tắm súc miệng rửa mặt, rồi vào nhà bếp kiếm cái gì bỏ bụng. Trên bàn ăn, Kim có dằn một miếng giấy chữ viết hơi to để ông đọc mà khỏi phải mang kiếng lão: "Hột gà để sẵn trong cái chảo nhỏ. Bánh mì trong four. Ba hâm cà phê sữa trong micro-ondes, nhớ vặn nút qua nấc thứ ba. Trưa, có cơm trong nồi điện, thịt kho rau sống trong frigo. Hôn ba." Sáng nào cũng có miếng giấy dặn-dò từa-tựa như vậy, nhứt là cái điểm "nấc thứ ba trên micro-ondes". Bởi vì hồi mới qua, ông đã làm trào sữa ở trong đó! Mấy đứa con đã chỉ thật kỹ, "làm như vầy... vặn như vầy... rồi đợi nghe một tiếng keng là xong, nhưng coi chừng phỏng tay". Ông đã áp dụng đúng mấy cái "như vầy như vầy" nhưng khi nghe cái keng ông mở cánh cửa lò micro-ondes thì... sự đã rồi! Ông đã chùi lau rất kỹ vậy mà chiều về Kim cũng thấy. Vậy là mỗi sáng, có màn dặn-dò khi cần nấu sữa nhớ để nấc số 3...
Ông ngồi ăn trứng chiên mà bỗng nghe thèm tô bánh canh của con Tư Liếu, con gái Sáu Tài thợ máy ở đồn điền (Sáu Tài có "nghề tay trái" là đờn ghi-ta cổ nhạc, nên đặt tên con là thằng Xang, thằng Xừ, con Liếu, con Xê...) Tô bánh canh của con Liếu thơm phức, nước trong veo, sợi bánh tròn đều trắng phau phau không dai không bở, thịt heo vừa mềm xắt không mỏng không dầy. Đặc biệt là mỗi miếng đều có đủ thịt mỡ và da. Chỉ cần nhai vài cái là đủ thấy cái thi vị của cuộc sống nằm hết trong răng trong nướu! Hàng bánh canh của con Liếu đặt nép dưới mái hiên của tiệm nước thằng Tỷ, người Việt gốc Hoa. Tiệm này không có bảng hiệu, nhưng vì nằm ngay dưới gốc cây điệp thật lớn nên người ta gọi là "quán Cây Điệp". Nhưng riết rồi khách hàng chỉ gọi trổng bằng "Cây Điệp" hay "Thằng Tỷ" là hiểu ngay cái tiệm nước đó. Có lẽ tại vì chung quanh không còn cây điệp nào khác và chắc cũng không còn "thằng Tỷ" nào khác bán quán cà-phê trong cái tỉnh lỵ nhỏ xíu này!

Điểm đặc biệt là ở đây còn giữ nguyên nét "cổ điển" của tiệm cà phê: bàn gỗ vuông vuông đóng thô sơ, ghế đẩu mặt tròn, trên bàn có ống đũa bằng sành và hai chai bằng sành loại có vòi như bình trà, một đựng xì-dầu một dấm đỏ (Để phân biệt, thằng Tỷ có chấm một chấm sơn đỏ trên cái nút dẹp, cũng bằng sành, của chai dấm. Nhưng khách hàng không cần để ý tới điểm đó bởi vì đã có thói quen đưa vòi lên mũi hửi trước khi sử dụng). Cái bếp nằm ngay phía trước. Ở đó, nấu mì hủ-tiếu pha cà-phê bán thuốc lá và thâu tiền. Trên quầy có để hộp tăm xỉa răng và một hộp quẹt máy cột dính vào một cây đinh bằng sợi nhợ dài... để khách hàng đốt thuốc mà khỏi mang nó đi luôn! Hồi đó, ông Hai có cái thú dậy thật sớm lái xe xuống "Cây Điệp" uống cà-phê để nghe cái mùi tiệm nước nó đánh thức từ từ khứu giác và vị giác. Thật là đặc biệt, cái mùi tiệm nước. Mà phải là tiệm nước thuộc "loại cổ-điển" mới có cái mùi đó. Mùi ngây ngấy của bàn ghế gỗ thấm dầu mỡ lâu ngày mặc dù vẫn được lau tới lau lui. Mùi béo ngậy của giò cháo quảy bánh tiêu vừa mới chiên xong để trong dĩa trên bàn. Mùi nước lèo phất qua mỗi lần thằng Tỷ mở nấp để mút chan lên tô mì hay tô hủ-tiếu. Và đặc biệt là mùi cà-phê mà tía thằng Tỷ lược bằng dợt vải trong mấy cái siêu bằng sành da lán màu vàng sậm. Cà-phê do tía thằng Tỷ pha trộn và rang lấy theo "bí quyết gia truyền", có phun rượu trắng và "áo" bưa Bretel, nên thơm một cách... mời mọc! Chen vào những thứ mùi đó, lâu lâu có mùi khói than trong bếp, nồng nồng cay cay... Thật là thú vị "cái mùi tiệm nước" buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, khi bên ngoài không khí còn ướt lạnh sương đêm. Cái mùi đó nghe "thật ấm", làm cho hớp cà-phê đầu ngày càng thêm đậm đà...Đối với ông Hai, cái mùi tiệm nước đó cũng mang nét quê hương như mùi đống un, mùi rơm mùi rạ, mùi bông lài bông bưởi bông cau... Những thứ mùi mà dù đi xa mấy cũng không bao giờ quên và dù thời gian cách biệt mấy cũng vẫn còn nhớ rõ. Làm như nó thấm ở đâu trong xương trong tủy... mà chỉ có trong kiếp lưu vong, con người mới nhận thấy rõ sự hiện diện của nó thôi.
Ông Hai thay đồ ấm rồi xuống đi bộ chậm chậm quanh hồ. Giờ này cũng vắng người. Trên khoảnh đất trống cạnh hồ, một bé gái tóc vàng cỡ tuổi thằng Tí đang chơi một mình với quả bóng to. Phía sau nó, trên một băng gỗ, ba bà người Pháp vừa đan áo vừa nói chuyện với nhau, trong nắng. Ông Hai dừng chân gần đó, đứng hút thuốc cạnh bờ nước nhìn bầy thiên nga trắng phau bơi trên mặt hồ nhẹ nhàng như những đám bông gòn bị gió đưa đi. Trời đã sang xuân nên cây cối quanh hồ trổ chồi non mươn mướt. Cỏ xanh được cắt xén kỹ, trải dài từ đồi nhỏ qua đồi to. Rải-rác dọc theo chân đồi là những khoảnh đất trồng bông đủ màu sắc. Mùi cỏ mới cắt thoang thoảng trong không khí, ông Hai hít một hơi dài sảng khoái.
Bỗng một vật gì chạm nhẹ vào chân ông. Nhìn xuống thì ra là quả bóng của con bé tóc vàng. Ông nhìn nó, nó cười với ông. Thấy thương quá! Ông bèn đá bóng về phía nó, nó vỗ tay nhảy lên vui mừng. Rồi chận bóng đá trở lại, nhưng vì còn vụng về nên bóng đi xéo xéo làm ông Hai phải chạy vài ba bước mới chận kịp. Thấy ông Hai chận được bóng, con bé lại vỗ tay thích chí. Vậy là ông Hai với nó đá qua đá lại một lúc. Bỗng con bé giao bóng lệch đi khá xa. Ông Hai cố sức chạy theo nhưng không kịp. Quả bóng văng luôn xuống hồ.

Ông vừa thở hổn-hển vừa "bật" ra bằng tiếng Việt: "Đá như vậy, ông nội tao giờ cũng chận không kịp nữa!" Sực nhớ ra, ông quay về hướng nó, nói bằng tiếng Pháp: "Mày giao bóng xa quá mà!". Con nhỏ mếu-máo, rồi vừa khóc vừa chạy về mấy người đàn bà. Ông thấy nó chỉ ông và ông nghe rõ nó nói: "Thằng chệt già đó làm văng bóng của con xuống hồ rồi kìa!". Một bà đứng lên nhìn quả bóng đang bập-bềnh cách bờ hồ độ một thước rồi cau mày nhìn ông. Có lẽ bà ta thấy mái tóc bạc của ông Hai nên nét mặt hơi dịu lại. Tuy nhiên, bà cũng đi nhanh về phía ông, vừa chỉ chỏ quả bóng vừa to tiếng: "Ông làm gì quả bóng của con bé vậy? Ông đá nó xuống hồ, hả? Sao ông ác quá vậy? Hả? Hả? Rồi bây giờ lấy gì cho nó chơi Nó khóc kìa, ông thấy không?" Đằng xa, con bé vừa dậm chân vừa khóc la: "Trả bóng lại đây! Trả đây! Ư...Ư..." Ông Hai vừa ngạc nhiên vừa tức giận, nhưng cố giữ trầm tĩnh để phân trần: " Không! Không phải tại tôi. Tại con bé đó chớ!" Người đàn bà vẫn to tiếng: "Tại nó? Vô lý. Chính nó nói là ông đã làm văng quả bóng kia mà". Ông lắc đầu, chỉ tay về hướng con bé: "Nó đá quả bóng chớ phải tôi đá đâu! Nó nói láo đó!" Bà ta vẫn gân gân: "Trẻ con tuổi đó mà nói láo à?" Ông chưa biết phải nói làm sao thì hai bà kia đã dẫn con bé đến "tiếp sức" với bà thứ nhứt. Cả ba bà tranh nhau nói, tranh nhau lý-luận để đổ lỗi cho ông Hai. Còn con bé bây giờ đã ngồi bẹp xuống đất tiếp tục khóc la đòi bóng!
Nghe to tiếng, ông làm vườn đang trồng bông gần đó chạy đến xem. Mấy người đàn bà lại tranh nhau phân trần cho ông làm vườn. Bây giờ câu chuyện đã trở thành như sau: ông Hai giành chơi bóng của con nhỏ rồi đá bóng xuống hồ để... trả thù! Ông làm vườn phá lên cười: "Tôi xin lỗi. Mấy bà nói quá lời, đó! Làm gì có chuyện như vậy? Tôi biết ông đây mà". Rồi quay sang bắt tay ông Hai: " Ông mạnh giỏi? Mấy lúc sau này sao không thấy ông đưa thằng Titi đi học?" (Ông ta gọi thằng Tí là "Titi") Ông Hai vui vẻ trả lời: "Cám ơn ông, tôi vẫn mạnh. Dạo này, mẹ nó đưa nó". Ông làm vườn "à" rồi quay sang mấy người đàn bà: "Ông đây ở cao ốc số 28. Ông thương trẻ con lắm. Tôi biết mà. Thôi các bà yên tâm. Để tôi vớt quả bóng cho". Mấy bà nói "vậy à" lấy lệ rồi làm ra vẻ bận lo dỗ về con nhỏ để khỏi phải chú ý đến ông Hai. Ông cám ơn ông làm vườn rồi chậm rãi đi về nhà bằng con đường tắt dẫn lên lưng chừng đồi. Ông nghe lòng nặng trĩu, và thèm chửi thề một tiếng thật lớn!

Vào nhà, ông lấy rượu chát uống ực một ly. Ông rất thích rượu chát. Ngày xưa, lúc nào trong nhà cũng có rượu chát. Bây giờ ở Pháp, các con mua cho ông loại Chateauneuf du Pape là loại mà ông thích nhứt. Ngày nào ông cũng nhâm-nhi mấy lần, kể cả khi ăn điểm tâm. Ông thường nói :"Rượu chát, phải nhìn màu nâu đỏ của nó gợn lên trong ly, phải hít nhẹ mùi thơm của nó khi đặt vành ly lên môi. Chừng đó mới hớp một hớp, ngậm một chút để nghe chất rượu tròn lên trong miệng rồi mới nuốt từ từ..." Vậy mà bây giờ, ông ực một ly giống như uống nước lạnh! Để thấy "thiệt là bực mình biết bao nhiêu"! Qua phòng khách, ông đốt điếu thuốc rồi ngồi bập liên miên. Phải chi thằng Tí đừng về nội, giờ này nó ở trường, giờ này ông đã đến thăm nó... thì đâu có chuyện gì. Phải chi ông còn đưa rước thằng Tí như dạo trước thì ông đâu cần đi lang bang... Phải chi "con Kim nó nói thiệt để mình biết tại sao nó không để mình đưa rước thằng Tí"... thì ông đâu có thắc-mắc, bởi thắc-mắc nên cứ muốn đi vòng vòng... Phải chi hồi còn "vàng son", bay qua đây tậu một villa to cho các con, có đất rộng vườn to... thì bây giờ ông đâu gặp chuyện bực mình ở nơi công cộng... Ờ... mà phải chi miền Nam đừng bị Việt Cộng chiếm đoạt... thì ông đâu trắng tay để phải lưu vong như vầy... Phải chi... Phải chi... Ông Hai thở dài, dụi điếu thuốc rồi đưa hai tay vuốt tóc như muốn phủi xuống những cái "phải chi" đang đè nặng trên đầu. Ông nghe ở kẽ mấy ngón tay dính vài sợi tóc. Đưa ra trước mặt, nheo mắt nhìn: sợi tóc nào cũng trắng phau như cước.

* * *

Đêm đó, sau khi đưa cha vào giường nằm giữa hai lớp drap, Kim vừa tấn mí couette vừa hỏi:
- Ba có đồ giặt không?
- Có. Cái quần với cái áo sơ-mi máng trên cửa đó, con.
Kim cầm lấy quần áo thọc tay vào mấy túi để coi "ông già có để quên gì trong đó không". Từ trong túi quần, Kim móc ra một cái đồng hồ đeo tay cũ kỹ. Ngạc nhiên, Kim hỏi:
- Ủa, Đồng hồ nào đây?
- Đồng hồ của ba, à...
- Còn cái đồng hồ Seiko điện tử mà thằng Út mua tặng ba đâu rồi?
Ông Hai nghiêng đầu về phía cái bàn con đặt cạnh đầu giường:
- Đó! Nó nằm cạnh cái đồng hồ reo, đó. Ba vẫn đeo nó chớ!
- Vậy! Còn cái này?
Ông Hai ngập-ngừng một lúc:
- Ờ... thì... ba giữ nó làm kỹ niệm.
Kim cầm đồng hồ ngấm nghía rồi cau mày:
- Ủa! Đồng hồ gì mà chạy kỳ vậy? Bây giờ mà nó chỉ 5 giờ!
- Giờ Việt Nam đó con.
Kim phì cười:
- Ở bên Pháp mà ba còn giữ giờ Việt Nam làm gì?
- Để... nhớ...

Tiếng "nhớ" nghẹn ngang ở cổ. Mặt ông Hai bỗng nhăn lại. Ông nhắm nghiền mắt để kềm cảm-xúc. Trong một khoảnh-khắc, bao nhiêu hình ảnh hiện về trong đầu ông thật nhanh, chớp tắt không thứ-tự lớp-lang: bà Hai, cái nhà, sở cao-su, tiệm nước thằng Tỷ, con nhỏ tóc vàng đòi bóng, thằng Tí đứng sau hàng rào lưới kẽm, thằng Rớt tiển ông ở phi-trường... Một lúc sau, ông mở mắt nhìn con gái, giọng buồn vô hạn:
- Ba bỏ xứ ba đi, ba chẳng còn gì để đem theo hết. Chỉ có cái đồng hồ đó là còn giữ được chút gì của Việt Nam, lâu lâu lấy ra dòm coi mấy giờ ở bên đó. Để còn có cái gì nó nhắc nhở. Và để thấy làm như mình vẫn chưa cắt lìa cuống rún đối với quê hương. Con hiểu không?
Kim cảm động nhìn cha. Mái tóc trắng càng quá trắng trên nền áo gối màu xanh sậm. Bao nhiêu nếp nhăn trên mặt trông thật rõ nét vì niềm xúc động dâng lên. Kim thấy thương cha vô cùng. Cô đem cái đồng hồ cũ của cha đến đặt một cách trang trọng cạnh đồng hồ Seiko, rồi cuối xuống vừa hôn lên trán cha vừa nói:
- Ba đừng buồn. Ở đây còn có tụi con, còn có thằng Tí...
Ông Hai xẳng giọng:
- Thằng Tí! Thằng Tí! Có mỗi chuyện đưa rước nó đi mẫu giáo mà con còn giành thì lấy gì biểu ba vui đây?
Kim quỳ xuống cạnh giường, nhìn cha một lúc rồi nói:
- Chừng thằng Tí đi nội về, con sẽ giao nó lại cho ba đưa rước.
Ông Hai ngóc đầu lên, tròn mắt ngạc nhiên:
- Thiệt hả con?
Kim gật gật đầu nghiêm giọng:
- Nhưng mà với điều kiện là ba đừng cho nó uống rượu và ba phải bớt hút thuốc đi. Trong trường, người ta than phiền là sáng nào thằng nhỏ vào đó cũng nghe mồm miệng hôi rượu và quần áo tẩm mùi thuốc lá. Vậy, ba có hứa không?

Tiểu Tử

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Như Giấc Chiêm Bao - Nhạc: Lam Phương - Tiếng Hát: Kim Oanh(Canada)


Nhạc: Lam Phương 
Tiếng Hát: Kim Oanh(Canada)
Video clip: Trúc lan KTP

Thu Ly Biệt

 

Hồn chìm đắm giữa rừng thu bát ngát
Lá vàng rơi trên nhung mượt cỏ non
Phút chia xa lòng hoài luyến nhớ
Bao vấn vương xao động mắt thu buồn

Chân nhẹ bước nghe lòng còn vướng lại
Nắng thu buồn soi dõi chiếc bóng đơn
Ngày dần buông chiều vàng dần sắp tắt
Bờ mi hoen với tháng đợi năm chờ

Ngọn gió tới lay cành xào xạc lá

Kim Phượng


Lạ Hay Quen

 

Em, Anh là lạ hay quen?
Lạ sao nhung nhớ chẳng quên được nào
Lạ sao tìm đến bên nhau
Lạ sao gặp mặt lại chào tiếng yêu?
Quen sao kẻ sớm người chiều
Quen sao đôi ngã, đôi miền, đôi nơi
Quen sao lời chẳng trao lời
Quen sao chẳng một hướng trời nhìn chung?

Nguyễn Thùy


Đành Để Bướm Bay Xa



Tình cờ lục một ngăn kéo cũ
Tìm thấy chồng thư tình rất cũ, rất xưa
Nét chữ thân quen, cảm xúc mấy cho vừa
Em đã khóc, nhớ ngày xưa anh hứa

Chữ của anh như tính tình anh.. bay bướm!
Những hàng chữ bay bay, lả lướt
Anh viết thư thật hay, mà mượt!
Anh làm thơ cũng tình quá đỗi tình!
Là người tình lý tưởng, người đàn ông hào hoa
Lại có duyên, không ăn nói ba hoa
Có nhiều người mết mê anh là phải

Khi yêu anh, em ngây thơ chưa biết
Cứ tưởng tình là vĩnh cửu, trăm năm!
Có ngờ đâu tình rét buốt căm căm!
Như mây tan trên trời cao thăm thẳm

Anh yêu dấu, em yêu anh tha thiết!
nên không hiểu.. chẳng thể nào hiểu nỗi
Anh yêu em, còn yêu thêm người ta?
Nói với em... tim đã chật chỗ mà!
Sao còn chỗ để dành cho người khác?!

Là loài bướm nên đào hoa ong bướm

Bướm đa tình nên bay lượn trăng hoa
Phải có hoa, bướm mới sống còn
Rồi một ngày bươm bướm sẽ bay xa!

Em yêu thích anh,
có nhiều người cũng giống em, yêu thích!
Không chấp nhận điều này
Chỉ làm khổ hai ta
Vì biết thế nên em đành phải dang xa

Chẳng níu kéo, chẳng van nài, năn nỉ
Rất cảm thông, em rất hiểu cho anh
nên anh à, hãy tự do bay nhẩy
Vẫn yêu anh nhưng đành mất tình nầy!

Đành để bướm bay đi, đi mất!
Bươm bướm thích nhẩy bay, giữ lại để làm gì?

Như Nguyệt


Tình Bạn

 

(Tặng Như Thủy)

Bốn mươi năm xưa
một ngày không nắng không mưa

Tình cờ
gặp bạn học năm xưa
trước huyện đường Đại Lộc
hai đứa ôm nhau mừng rỡ

Rồi những đêm mưa gió bên thềm
hai mái đầu xanh
kề vai than thở:
Ôi!đời chúng mình sao lận đận long đong!
Tôi, lính chiến
rừng thiêng nước độc
chuyện bình thường
còn bạn hiền
phận gái - sao nổi trôi?

Sau ngày tàn cuộc chiến
được biết bạn còn ở Việt nam
tôi gọi thăm
bạn không còn nhớ

Buồn chút thôi 
không dám trách chi mô

Ngoài lục tuần-đâu phài nhị thập đơ-(22)
tứ thập niên tiền-mần răng mà nhớ được-

Trách chi được
đời bạn lắm gian nan
khóc thương chồng khi tuổi hãy còn non

Ngày mất nước
ba con thơ tay bồng tay dắt
khổ đau nhiều 
nên trí nhớ phải tiêu hao

Bốn mươi năm gian khổ biết dường nào
vẫn một lòng một dạ sắt son
xem dương lịch
ba mươi tháng hai mới tái giá

Bạn hiền ơi
tôi xin đổi tên người thành Chung Thủy
người đàn bà Việt nam 
Tam Tòng Tứ Đức vẹn toàn

Hoàng Long

Cảm Nghĩ Tác Phẩm Thơ Sương Khói Nhẹ Bay


Tôi mượn hình ảnh Sương Khói Nhẹ Bay. Để diễn tả một sự chuyển động trong Vô Thường, một cách biến hóa hơi nước đọng lại thành sương, sương hòa theo ngọn gió tạo thành sương mù như làn khói nhẹ nhàng bay đi.
Vậy thì hình ảnh của “Sương Khói Nhẹ Bay” khi tụ khi tan, gần giống với Vô Thường.
Định nghĩa của Vô Thường là luôn luôn thay đổi, chính sự thay đổi này là nguồn gốc của sự sống, một sự chuyển tiếp từ nhỏ đến lớn từ trẻ đến già và từ sống đến chết.
Từ cái không có đến cái hiện hữu, và đi ngược lại từ hiện hữu đến tan biến. Từ Vô Vi đến Hữu Vi.
Theo quan niệm của Đức Phật đã nói:
“Cái gì hữu hình tất hữu hoại, có sinh phải có diệt”

Chúng ta hãy nhìn nhận chính xác về vấn đề cốt yếu của vô thường, để từ đó quán chiếu bản thân, không còn chấp vào thân để mà gây đau khổ cho người và cho chính mình.
Nếu như không có “Vô Thường” thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng và sự sống trên trái đất này sẽ không bao giờ tồn tại, nó sẽ đông cứng và đứng yên một chỗ như vũng nước đọng trong ao tù, không có lối thoát.
Nếu như không có vô thường thì con người sẽ không có mặt trên cuộc đời này, không có vô thường thì thân ta sẽ không thể nào lớn lên, không có vô thường thì người ngu sẽ không thành người trí, không có vô thường Trái Đất này sẽ trở thành bãi tha ma với sự hôi thối của những xác chết không bị phân rã vào đất.
Nếu không có vô thường đời sống sẽ trở nên tẻ nhạt, trái đất sẽ không thay đổi theo bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Muôn hoa sẽ không còn đua sắc khoe hương, tình yêu sẽ bị đông cứng mất đi tính chất lãng mạn hữu tình.

Mịt mù sương khói bóng hình
Gặp nhau từ thủa vô minh phận người
Thiên thu ẩn hiện kho trời
Lời em nhả ngọc tiếng đời thiết tha.
(TL)

Sương Khói Nhẹ Bay là cảm nhận từ lẽ Vô Thường, là ngôn từ của thi ca, nếu cuộc đời thiếu vắng những vần thơ thì cuộc sống sẽ trở nên mất hết thi vị và nhàm chán.
Tôi mượn câu nói của nhà văn (Jorge Luis Borges)
“Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng làm là giàu cho những vần thơ”

Theo tôi ý tưởng này cần thay đổi một chút cho phù hợp với cảm nghĩ của bài viết: Sương Khói Nhẹ Bay.
Vô Thường làm thay đổi sự hiện hữu, nhưng làm phong phú cho những vần thơ.
Vô Thường là cánh đồng chứa đầy phù sa màu mỡ để cho thơ bám rễ mà sinh sôi kết hoa kết trái.

Thơ reo vui, từng chập, đốm lửa hồng
Em khép cửa, che ngọn gió mùa đông
Trời về chiều, ngoài hiên cơn gió hú
Thơ không đề, chỉ một chữ hư không.
(Tế Luân)

Sương Khói Vô Thường

Sẽ có một ngày tôi tìm ra chân lý
Sương khói nhẹ bay ký ức lại trôi về
Tôi đã chìm đắm trong cõi đời vô định
Chối bỏ hư vô vòng sinh mệnh não nề.

Rồi một ngày tôi buông xuôi theo định mệnh
Buông bỏ lợi danh, buông bỏ hết muộn phiền
Tôi vẫn tưởng cõi tạm, trường tồn vĩnh viễn
Nhận biết vô thường mới biết được ta điên.

Đến một ngày mái tóc đổi trắng như vôi
Nhận ra chính mình lòng thổn thức bồi hồi
Bao dục vọng khát khao biến thành vô nghĩa
Sương khói nhẹ bay tôi tìm lại chính tôi.

Khi vượt qua nhìn lại thấy chính đời mình
Trong tim ta dòng máu chảy mãi vô tình
Được mất bại thành, bao giận hờn trách móc
Sớm họp tối tan đời lập lại hành trình.

Qua bao đắng cay đời lên voi xuống chó
Nhận thấy hồn mình sao trống rỗng vô thường
Vui buồn, hợp tan, chẳng làm ta bật khóc
Lý lẽ vô thường khai mở lối yêu thương.

Tế Luân

Cảm Nghĩ về tuyền tập thơ Sương Khói Nhẹ Bay
Đây là tác phẩm mới nhất
Tôi dự định sẽ ấn hành vào dịp Tết năm nay 2025


Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

Hoàng Hôn Rơi Trên Tóc Anh - Lời Và Nhạc Nguyên Bích -Hòa Âm Nam Vĩnh - Ca Sĩ Thái Hòa


Lời Và Nhạc: Nguyên Bích
Hòa Âm: Nam Vĩnh
Ca Sĩ: Thái Hòa

Một Nửa Thu Người

 


Thu trở mình lang thang cuối phố
Thả gió say lá hát bên thềm
Gọi tên người trong tiếng dịu êm
Bên cội nhớ về đêm mơ ngủ

Thu tràn về vàng mùa chưa đủ
Kết ươm mơ nhuộm áo suơng mơ
Ghép lá khô đấp từng mảnh vỡ
Nửa thu này chuyên chở nửa kia

Kim Oanh

Thu Ở Phương Nào

 

(Quê nhà 1953)

Thu ơi, thu ở nơi nào,
Ta nghe mẹ kể, nhưng nào thấy thu!
Quê ta đang sống cảnh ao tù,
Hỡi ai độc ác, võng dù nghênh ngang!


Thu ơi, quê ta sao quá phũ phàng!

Cỏ cây, hoa lá úa tàn buồn thiêu!
Ruộng vườn, thôn xóm điều hiêu
Bướm ong chẳng thấy, sáo diều vắng tanh!

Ngày đêm súng đạn tung hoành!
Cửa nhà cháy rụi, tro than đen ngòm
Trường làng sụp đổ nát tan,
Đường thôn héo hắt, ruộng đồng cỏ lau!

Mẹ ơi, lều mình trống trước trống sau,
Sắn khoai chẳng đủ, canh rau chẳng còn!
Đời sống như thú rừng hoang,
Mẹ ơi, cứ kể cho con mừng thầm!

Thu tàn rồi lại đến đông
Mong mùa xuân đến, hoa lòng mừng vui!
Con muốn nghe giọng nói tiếng cười,
Mùa thu của mẹ, đất trời ban ơn!


Tô Đình Đài


Điếu Khúc

 

Tôi ba mươi tuổi chết không mồ
Giữa trái tim nồng nhát chém khô
Đã khóc Khuất Nguyên thời trẻ dại
Mắt giờ cay xé chuyện dời đô

Từ thuở giặc tràn qua bến cảng
Thuyền đi như nước vở bờ Nam
Người đi như lá trôi đầu ngõ
Một sớm mưa chìm cửa Định An

Lũ lượt người đi lên ải bắc
Tấc lòng mông muội nhớ mang mang
Máu xương đòi đoạn còn ngây dại
Bẻ kiếm vùi gươm đợi chiếu hàng

Người đi lánh nạn cuối ghềnh xa
Không gió Nhạn môn vẫn sướt da
Lạc bóng Trường an từ lửa dậy
Tủi người mài kiếm dưới trăng tà

Ôi những mồ hoang người tử trận
Ai thắp giùm ta một nén hương
Ai khắc trên đầu bia đá tảng
Sống trung cang chết vượt đời thường

Còn nấm mồ chung đáy biển xanh
Mắt khô trống hoác nhắm không đành
Những trinh tiết gái ngoài hoang đảo
Phơi trắng đầu doi cuối bãi gành

Này vết thương sầu tận đáy tim
Năm năm vật vã nỗi đau chìm
Đêm đêm máu gọi trường thiên hận
Dậy lúc tàn trăng lạnh bóng đêm.

Cao Vị Khanh


Dịch Một Bài Thơ Hay: I Am Afraid


Có bài thơ tình yêu rất nổi tiếng, tương truyền là của nhà văn, nhà viết kịch vĩ đại nhất nước Anh, đó là William Shakespeare. Một số nguồn khác lại nói bài thơ này của Bob Marley, thông tin khác thì nói rằng đó là của một nhà thơ người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Qyazzirah Syeikh Ariffin.
Bài thơ như sau:

I Am Afraid
 
You say that you love rain,
But you open your umbrella when it rains.
You say that you love the sun,
But you find a shadow spot when the sun shines.
You say that you love the wind,
But you close your windows when wind blows.
This is why I am afraid,
You say that you love me too.

***
Korkuyorum

Yağmuru seviyorum diyorsun,
yağmur yağınca şemsiyeni açıyorsun...
Güneşi seviyorum diyorsun,
güneş açınca gölgeye kaçıyorsun...
Rüzgarı seviyorum diyorsun,
rüzgar çıkınca pencereni kapatıyorsun...
İşte,bunun için korkuyorum;
Beni de sevdiğini söylüyorsun...

***
Dịch Nghĩa: Anh Sợ

Em nói em yêu mưa,
Nhưng em lại mở dù khi trời mưa.
Em nói em yêu mặt trời,
Nhưng em lại đi tìm bóng mát khi mặt trời tỏa nắng.
Em nói em yêu gió,
Nhưng em lại đóng cửa sổ khi gió thổi lùa.
Đó là lý do anh lo sợ,
Em nói em cũng yêu anh.


A. Trên group facebook Đại Việt cổ phong, tác giả Lê Tiên Long dịch theo
phong cách thơ của những tác giả nổi tiếng như sau:



1. Dịch theo phong cách Hồ Xuân Hương

Chém cha mấy đứa thích trời mưa
Mưa xuống che ô, chẳng chịu vừa
Năm lần bảy lượt mê trời nắng
Lại núp bóng vườn lúc giữa trưa

Thích có gió lên, hiu hiu thổi
Nhưng rồi khép cửa, chẳng khe thưa
Thân này ai nói yêu thương nhớ
Chẳng biết thật không, khéo lại lừa!


Dịch theo phong cách của bài thơ “Lấy Chồng Chung” của
nữ sĩ Hồ Xuân Hương

2. Dịch theo phong cách Bà Huyện Thanh Quan

Ai ước trời mưa hắt bóng tà
Mưa về xuống chợ, mở ô ra
Bâng khuâng khách trú, mong trời nắng
Nắng sáng trời trong, núp bóng nhà

Nhớ gió chưa về đưa chút chút
Then cài bỏ mặc gió xa xa
Dừng thơ ngẫm lại lời non nước
Biết có thật không, người với ta?


(Dịch theo phong cách của bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan)

3. Dịch theo phong cách Truyện Kiều của đại thi hào
Nguyễn Du


Trăm năm trong cõi người ta
Yêu mưa yêu nắng khéo là dễ quên
Núp tán dâu lúc nắng lên
Che ô mưa xuống mà thê thảm lòng

Lạ gì kẻ thích gió đông
Những là quen thói gió lồng cài then
Thơ tình lần giở trước đèn
Liệu chàng còn nhớ thề nguyền ngày xưa?


(Dịch theo phong cách của Truyện Kiều)

4. Dịch theo phong cách của nhà thơ Xuân Diệu

Có một dạo, em thèm cơn mưa quá,
Hạt rơi là, em vội lấy ô sang
“Em những mong, có một chút nắng vàng!”
Vầng dương lên, em dịu dàng nấp bóng

Em thủ thỉ: “Ước gì… con gió lộng…”
Cơn mùa về, bên cửa đóng, xoa tay
Anh mỉm cười, nhưng bỗng thấy lo ngay
Vì anh sợ, lời yêu em cũng thế…


(Dịch theo phong cách của bài thơ “Xa Cách” – Xuân Diệu)

5. Dịch theo phong cách của nhà thơ Hàn Mặc Tử (bản
dịch của Nguyễn Văn Thực)

Sao em không còn yêu mưa nữa?
Mà vội xoè ô đợi nắng lên?
Nắng lên gắt quá, em không chịu
Núp bóng râm che, mặt chữ điền

Em thích những ngày mây gió lên
Sao đóng cửa rồi then cài then?
Lời ai ong bướm sao ngon ngọt
Yêu mến thật lòng được mấy phen?


(Dịch theo phong cách của bài thơ “Đây Thôn Vỹ Dạ” – Hàn Mặc Tử)

6. Dịch theo phong cách của nhà thơ Nguyễn Bính

Nắng mưa là chuyện của trời,
Thế mà nàng cứ hết lời yêu thương.
Thôn Đoài mượn chút mưa vương,
Thôn Đông đội nón trên đường che vai.

Hàng cau gọi chút nắng mai,
Giàn giầu tay níu tay cài nấc thang.
Dẫu rằng cách trở đò giang,
Gió lên bến đợi, đò càng phụ ai.

Thôn Đông nói nhớ thôn Đoài,
Tương tư này lại thức hoài bao đêm.


(Theo phong cách của bài thơ “Tương Tư” – Nguyễn Bính)

7. Dịch theo phong cách của nhà thơ Trương Hán Siêu

Khách thường nói:

Mưa rơi là hạt ngọc trời,
Nắng thời soi tỏ lòng người yêu đương...
Gió kia dịu mát càng thương,
Mang theo mùi cỏ ngát hương khắp trời.

Khách đi:

Che hạt ngọc trời, che nghiêng bóng mát, trốn
ngày nắng to.
Thường khi đóng cửa tránh cho,
Ngày gió thổi đến, ngày lo gió nhiều.

Khách về:
Đừng nói thương yêu,
Khuê phòng dù lạnh lòng không muốn chào.


(Dịch theo phong cách của bài thơ “Bạch Đằng Giang Phú” – Trương Hán Siêu)

8. Dịch theo phong cách của nhà thơ Nguyễn Trãi

Rồi hóng mưa thuở ngày trường,
Lọng tía đùn đùn tán rợp trương.
Vọng nhật lâu còn tràn thức đỏ,
Hoàng đàn hiên đã tịn ánh dương.
Lao xao gió hát thương trong dạ
Vội vã rèm buông tránh tà phong.
Lẽ có ái nương cầu một tiếng,
Thê thiếp đủ khắp đòi phương.


B. Phần bên dưới không phải của Lê Tiên Long

9. Dịch theo phong cách của Phí Minh Tâm

Anh Lo Sợ
Em nói em yêu mưa,
Nhưng mưa em che dù.
Em nói em thích nắng,

Nắng em tìm bóng râm.
Em nói em yêu gió mát,
Nhưng đóng cửa khi gió lùa.
Đó là sao anh lo sợ,
Khi em nói em yêu anh.


12/4/2024
Phí Minh Tâm 
Sưu tầm & biên soạn