Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Vậy Là...



Vậy là bà đã yên thân
Bà con lối xóm xa gần đến thăm
Khen thay con cái có tâm
Cùng lo cho mẹ trăm năm vuông tròn

Sông dài biển rộng đá mòn
Nhưng tình hiếu thảo sắt son muôn đời
Ôi ! cám ơn các con tôi
Cùng lo cho mẹ… tuyệt vời ấm êm.

Bà đi máu chảy ruột mềm
Cha con ủ rủ suốt đêm nhớ bà
Bà đi vào cõi bao la
Mong sao hưởng cảnh ta bà yên vui.

Chim bay về núi tối rồi
Cha con tề tựu đến ngồi … đọc thơ
Nước mắt chảy mãi hàng giờ
Mà sao bà cứ thờ ơ lạnh lùng.

Vậy là tình nghĩa thủy chung
Bà đành đứt đoạn, bẻ thừng bứt mây
Trời ơi cuộc sống từ đây
Vắng bà vắng cả đắng cay mặn nồng…


Dương hồng Thủy
(Đêm 21/05/2021)

Tình Thu Mong Manh



Em đi chiều thu ấy
Em về gió sang mùa
Cùng nàng thu trăn trở
Tình ơi tình như xưa !

Tình ơi tình như xưa !
Nhớ nhung nói sao vừa
Mùa vàng thu êm ái
Như chưa lần tiễn đưa.

Gởi hương thầm cho gió
Trên xác lá đợi chờ
Dấu tình còn lưu luyến
Đường đời đã bơ vơ .

Người quên rồi lời hứa
Tình mỏng tựa như tơ
Vào đời nhau vội vã
Môi thơm giấc mộng hờ.

Là nụ hôn hương nhớ
Em vẫn đợi vẫn chờ
Trong thu tàn giá buốt
Da diết bóng người mơ

Tìm nhau trong hơi thở
Giữa mùa thu mong manh
Một lần tim em đã
Gói tình vào trăm năm

Tiếc thương trên thân lá
Vàng cả góc trời xa
Thu ơi tình nào biết
Còn hay đã nhạt nhoà ?

Ngọc Quyên

Say Giấc Thu - Thu Say

 
(Thu Melbourne- KimOanh)

Bài Xướng:

Say Giấc Thu


Lá vàng trời chớm sang thu
Tay em êm ái ngục tù trăm năm
(NguyễnThanh Bình)


Đong đưa mắc võng tơ tằm
Ru nhau giấc mộng thì thầm trăng tan
Nhặt nốt đếm lá thời gian
Mùa bao nhiêu lá tình đan mấy mùa
Vườn đêm hương gió khẽ lùa
Phong linh thanh thoát nhẹ khua song ngoài
Ầu ơ… Hãy ngủ cho say
Ngày lên sợi nhớ nắng lay thu vàng
Trăm năm dẫu có muộn màng
Đan tay gối mộng thu tàn vẫn thu.


Kim Oanh
***
Bài họa:


Thu Say


Hạ tàn nắng đổ chiều thu
Yêu người ta nguyện làm tù nghìn năm
***

Trồng dâu lá tốt nuôi tằm
Để ta không khỏi tiếc thầm mây tan
Muộn phiền chia nửa không gian
Bước chân sỏi đá sầu đan bốn mùa
Mưa thu hiu hắt gió lùa
Em ngồi lược chải trúc khua hiên ngoài
Bao giờ cho tỉnh cơn say
Để cho tình hết lắc lay mộng vàng
Bàn tay vuốt tóc mịn màng
Giật mình tỉnh giấc chưa tàn mưa thu!


Kim Dung
(May 18, 2021)

Edmonton... Có Gì Lạ?


Khi mới qua Canada định cư ở thủ đô Ottawa, tôi chẳng biết nhiều về các thành phố khác, ngoại trừ vài thành phố lớn lân cận xung quanh miền Đông Canada như: Toronto, Montreal, Quebec. Đến lúc chồng tôi được chuyển việc làm tôi mới biết có một thành phố mang tên Edmonton ở vùng viễn Tây Canada thuộc tỉnh bang Alberta. Thời đó chưa có Googles nên chúng tôi phải vào thư viện Ottawa để tìm sách đọc về Edmonton trước khi dọn đến cho bớt ngỡ ngàng. Dù là thủ phủ của bang nhưng Edmonton không phải là thành phố lớn, dân số hơn một triệu người với diện tích 684 cây số vuông và chẳng có tiếng tăm gì với những điểm du ngoạn nổi bật. Ngày chia tay với bạn bè, họ chúc chúng tôi đến Edmonton bình an cuộc sống với …mọi da đỏ, vì họ nghĩ đây là vùng thảo nguyên bao la, gần phía Bắc Cực, là nơi cư trú của dân “native”. Người trong Canada mà còn nghĩ vậy thì nói chi đến những người ở các nước khác. Mỗi khi có bạn ở Mỹ, Châu Âu, Úc hay Việt Nam hỏi tôi ở thành phố nào, khi nghe đến Edmonton ai cũng ngơ ngác:

- Edmonton ở đâu, có gần Toronto không?
Tôi hơi bị …quê, nhưng vẫn cố gỡ gạc:
- Bạn có biết thành phố Vancouver thuộc bang British Columbia không, nằm gần với Seattle của bên Mỹ đó!
- Vancouver của Canada và Seattle của Mỹ là hai thành phố nổi tiếng, ai mà không biết!
- Thì đó! Edmonton của tôi gần Vancouver.
- Gần là gần bao lâu tiếng lái xe?
- Cỡ ...12 tiếng à!
- Mà đến Edmonton có gì …chơi hôn?
- Cũng có chớ! Cái West Edmonton Mall lớn nhứt Bắc Mỹ.
- Xời! Mall ở nơi đâu chả giống nhau, chỉ có diện tích lớn hơn thì có gì mà …khoe?!

Tôi tự ái dồn dập, nhưng họ nói cũng chẳng sai. Thú thật, cả năm tôi đến West Edmonton Mall chừng một, hai lần, và khi có người thân từ nơi khác qua chơi thì đưa họ đến đó cho biết. Mall rộng lớn thênh thang vì ngoài các tầng lầu cho shopping, còn có các casinos, hotels, restaurants, supermarkets, bars, rạp chiếu phim, hồ tắm có bãi biển nhân tạo…nên mua sắm xong cũng rã rời cả chân tay. (Chả hiểu tại sao thành phố nhỏ xíu mà lại …chơi sang, xây một cái Mall thiệt bự?)

Thành phố nhỏ nên cộng đồng người Việt cũng nhỏ. Phố Việt chỉ quanh quẩn mấy blocks đường, và các quán ăn món Việt cũng ở mức độ “thường thường bậc trung”.

Tôi âm thầm sống trong thành phố Edmonton bé nhỏ gần hai mươi năm qua, cho đến vài năm gần đây, cũng những bạn bè trước đây hờ hững hỏi Edmonton có gì vui, có gì lạ thì nay họ phone cho tôi, giọng điệu thay đổi 180 độ, ân cần thân thiết:
- Bà ở Edmonton vậy có biết Thầy Thích Pháp Hoà không nà?
- Thì sao? Nhà tui chỉ cách Chùa Trúc Lâm của Thầy vài con đường.
- Bà không biết thiệt sao? Thầy đi thuyết pháp trong cộng đồng người Việt khắp nơi, từ đất nước Canada qua đến hầu hết các tiểu bang nước Mỹ, đến cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếng tăm của Thầy bay về cả Việt Nam. Bà vào youtube kiếm tên Thầy, muốn nghe bằng tiếng Việt hay tiếng Anh đều có.

Trước đây khi Má tôi còn sống thì bà thường đi Chùa, sau khi Má mất đến nay chỉ còn vài anh chị em có đi Chùa vào những dịp lễ lớn. Riêng tôi trở thành con chiên của Chúa, nhưng vì mê các món ăn chay của Chùa Trúc Lâm rất ngon như chả giò, canh chua, đậu hũ chiên giòn, đậu hũ kho thơm, nên thỉnh thoảng có ghé mua.

Thầy Thích Pháp Hòa & Tác Giả

Bữa đó, sau khi mua đồ chay, tôi thấy trong tủ sách của Chùa có sách của Vĩnh Hảo, người gốc Nha Trang từng là một tu sỹ Phật Giáo, sau đó hoàn tục, hiện đang ở California. Tôi đã đọc và yêu mến khung cảnh bàng bạc của quê hương qua những ngôi Chùa bình yên mùi khói nhang hoà quyện với tiếng gõ mõ của từng thời kinh sớm chiều, cũng như những triết lý giản đơn nhưng thẳm sâu giữa đời và đạo trong sách của Vĩnh Hảo. Thầy Pháp Hoà thấy tôi ngắm sách liền bảo:
- Chị thích thì đem về đọc, khi nào xong đem lại trả cũng được.
- Nếu con giữ luôn, được không Thầy?
- Lúc đó thì em tặng chị, còn bây giờ thì cho… mượn!!

Nói đùa vậy thôi, chớ tôi có thời gian dài làm MC cộng đồng nên Thầy Pháp Hoà cũng từng thay mặt Chùa đi dự những buổi Hội Chợ Tết, Trung Thu, Gây Quỹ…tôi nào dám lấy sách của Thầy, mang tiếng …xấu cho MC thì sao!

Hoá ra, tôi là hàng xóm của một “ngôi sao”. Chị bạn bên Dallas kể, chiều nào đi làm về, lúc nấu cơm chị mở youtube nghe Thầy, mỗi lần nghe xong, chị thấy hết muốn cằn nhằn chồng con nữa, mà thương yêu nhau hơn. Nhỏ bạn bên Pháp thì nói, nghe Thầy để hiểu hai chữ “vô thường” của cuộc đời, nhưng vì hay …quên nên phải nghe mỗi ngày để nhớ mà sống chậm hơn. Một chị khác bên Việt Nam tâm sự với tôi, có đêm chị nằm mơ thấy được nghe Thầy giảng, tỉnh dậy mà cõi lòng bình an chi lạ.

Tôi liền tìm youtube nghe thử, và quả thật là hay. Giọng nói từ tốn, không khuyến khích mê tín, cuồng đạo, rất gần gũi, có duyên và hài hước nhẹ nhàng.

Một vị tu sỹ, lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo, khi có tài giảng thuyết hay, hấp dẫn, sẽ thu hút được đám đông. Những yếu tố tạo nên bài giảng hay, có thể kể đến: nội dung bài giảng, cách chuẩn bị soạn thảo bài giảng, lối trình bày bài giảng, và …diện mạo bên ngoài của vị giảng thuyết (yếu tố cuối cùng này cũng khá quan trọng á!). Thầy Pháp Hoà có dáng dấp, phong thái, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười làm cho người đối diện lập tức cảm mến và tin tưởng nên Thầy có lượng “fan” đông đảo là chuyện dễ hiểu.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật Pháp của Phật tử khắp nơi, khi Chùa Trúc Lâm khá chật hẹp, Thầy Pháp Hoà đã xây dựng Westlock Meditation Center, còn gọi là Tu viện Tây Thiên, vùng ngoại ô Edmonton. Không gian tu viện Tây Thiên thân thương thanh tịnh, phảng phất bóng dáng quê nhà, có chút hiền hoà đặc trưng của làng quê châu Âu hay Bắc Mỹ. Những đồi cỏ xanh mướt xen kẽ những hàng cây táo, vườn hồng ngát hương, các loài cây có tán xanh rì gợi cho người thưởng ngoạn thấy lòng tĩnh tâm, buông xả, hít thở trọn vẹn vào cái không khí tĩnh lặng, trong veo và thanh tao ấy. Mỗi năm Tây Thiên đón chào cả ngàn du khách từ khắp nơi (nhiều nhất là từ Mỹ) đến viếng và tham dự các khoá tu học suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.

Và thế là Edmonton bỗng dưng…nổi tiếng, ít nhất là trong giới Phật Tử muôn phương. Mấy đứa bạn ngày xưa hay “chọc quê” tôi ở vùng “khỉ ho cò gáy”, nay không tiếc lời ngợi khen nức nở, hứa hẹn sau mùa dịch sẽ bay đến Edmonton để diện kiến Thầy Pháp Hoà bằng xương bằng thịt, rồi sau đó...dư thời giờ, tiện thể sẽ ghé…thăm tôi!
Ai đó đã nói “yêu em lòng chợt từ bi …bất ngờ” quả không sai!

Kim Loan
5/2020

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Thơ Tranh: Quê Mùa

 

Thơ: Lãm Thúy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hẹn...



hẹn em thăm lại quê nhà
nghe trong nỗi nhớ mù xa tháng ngày
trống trường gọi nốt thu bay
mưa Đông cho mẹ đắp dày áo thơ

để cha sắp lại câu chờ
níu đôi chân mỏi còn mơ đường dài
bóng đời quay giữa xuân phai
người đi xa vắng những mai tuyệt vời

trưa nồng giấc hạ mẹ ơi
giọt mưa nào ướt gót người viễn du
bên sông bèo giạt sương mù
bàn tay níu chặt sầu tư một lần

ta về vẽ lại thanh xuân
soi trong giọt lệ nỗi mừng đã xa
sân rêu lời hẹn chưa nhoà
em trong ly rượu quê nhà cạn khô

Mạc Phương Đình

Tự Tình



Thơ Xướng

Tự Tình


Bóng nắng đã buông dài
Tuổi già đến nặng vai
Nhớ nhung về dĩ vãng
Mờ mịt bước tương lai
Thế sự chừng trôi nổi
Vinh quang chẳng đoái hoài
Bao nhiêu niềm ước vọng
Tan biến tựa sương mai

Quên Đi
***
Thơ Họa

Thoáng Nhớ


Thời gian cũng vắn dài
Như mớ tóc trên vai
Thầm hỏi tháng năm tới
Xem chừng bạn hữu lai
Phải mùa xuân sắp hết
Hay nắng hạ vương hoài
Lòng bỗng nhiên buồn nản
Nghe chim hót sớm mai...

Cao Mỵ Nhân
***
Ưu Tư


Sống qua năm tháng dài
Di vãng xệ oằn vai
Quyến thuộc dần rơi rụng
Bạn bè thưa vãng lai
Vẫn mong xuân mới đến
Lại sợ lịch thay hoài
Quỹ cuộc đời dần ngắn
Giật mình mỗi sớm mai

Phương Hà
***
Khổ Tận Cam Lai


Tháng tư đó chạy dài
Chồng chất nặng trên vai
Mơ thanh bình trở lại
Rồi khổ tận cam lai
Quê hương luôn chờ đợi
Đất khách mãi u hoài
Mơ một trời hy vọng
Về thăm mẹ sớm mai...

Mai Xuân Thanh
***
Tự Tình


Xoay mình những sớm mai
Thở cuộn khí vươn dài
Nắng tỏa từ xa vợi
Hoa cười đón vãng lai
Buồn vui ngày lẳng lặng
Cảm thấu nỗi u hoài
Cuộc sống càng vơ vẩn
Bao giờ thoát nhẹ vai.

Mai Thắng 
210429
***
Trái Ngang

Đêm buông tiếng thở dài
Lệ ướt đẫm bờ vai
Thơ thẩn đời đơn lẻ
Mỏi mong ánh thái lai
Vào đêm thu quạnh quẽ
Lắng khúc nhạc u hoài
Đau khổ tình ngang trái
Ôm lòng đợi sớm mai

Kim Phượng
***
Nương Vận:
Tự Tình


Tinh mơ đã thở dài
Sầu nặng gánh đôi vai
Ngã rẽ chia xa ấy
Nghe chừng hụt thái lai.
Tin loan kia vội vã
Càng cảm thấm u hoài
Đậm đắng cà phê sáng
Ngán ngẩm cho ngày mai.

Thái Huy
28/4/21
***
Tự Tình

Tuế nguyệt ngắn nhưng dài,
Mặc năm tháng oằn vai.
Phải tùy cảnh nhi ứng,
Khổ tận ắt cam lai!

Xuân đi rồi xuân đến,
Sao phải cứ ai hoài ?
Tri túc nên thường lạc,
Hết tối lại sớm mai!

Đỗ Chiêu Đức
04-28-2021
***
Ưu Tư

Thả theo ngày tháng dài
Đất khách nặng oằn vai
Nỗi nhớ quê càng đậm
Mong non nước thới lai
Mùa Xuân luôn ngóng đợi
Tiết Hạ cứ đeo hoài
Đời hẳn còn trôi nổi
Liệu còn có nắng mai!?

songquang
***
U Hoài

Tháng Tư lệ ngắn dài
Gánh nặng trĩu đôi vai
Năm tháng thầm mong mỏi
Quê hương sẽ thới lai
Bao năm sầu quặn thắt
Mấy độ gánh u hoài
Tan nát niềm hy vọng
Tắt rồi ánh nắng mai

Kim Oanh



Nét Liêu Trai

 

Ừa! thiệt lạ ai đâu biết chắc                           
Mãi nhìn hình ngả ngẩn nghiên ngơ  
Người đâu hiển hiện như xui bảo       
Chới với lòng ta chẳng biết sao         

Lạ thiệt! chỉ đôi lời mộc mạc               
Khiến tim người thổn thức mê man       
Eo ơi thêm nụ cười tươi quá           
Đã hớp hồn ta mộng chẳng xa           

Nguyễn Cao Khải


Nhạc Sĩ Đan Thọ: Một Đời Cho Nghệ Thuật

 

Như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “… nhạc của ông, vui hay buồn đều chừng mực, lãng mạn nhưng không có vẻ ủy mị, đắm đuối, và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trọng”, những nốt nhạc cung Fa trưởng mở đầu cho bản Chiều Tím của Đan Thọ rồi chuyển nhẹ sang Ré thứ với tiết điệu Valse Lente man mác hoài nhớ:

… Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao.

Chiều Tím, chính nhạc sĩ Đan Thọ cho biết, có lời ca do nhà thơ Đinh Hùng viết chứ không phải là thơ phổ nhạc, theo tác giả Nguyễn Đình Toàn ghi lại. Đan Thọ kể lại rằng, trong một bữa uống cà phê tại La Pagode, Đan Thọ đã đưa bản nhạc vừa viết xong của mình cho Đinh Hùng và Thanh Nam coi. Đinh Hùng nói, “moi biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho”. Khi Đinh Hùng viết xong lời ca, ba người gặp lại nhau, Thanh Nam đề nghị đặt tên là Chiều Tím. Ca sĩ trình bày Chiều Tím đầu tiên trên làn sóng điện là Anh Ngọc.

Đó là những kỷ niệm của nhạc sĩ Đan Thọ hơn nửa thế kỷ trước tại Saigon. Ông là một nhạc sĩ tài ba, chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất với ngón đàn violin điêu luyện và tiếng kèn saxophone điệu nghệ, mà trong số báo tuần này, sau nhiều tháng ngày ấp ủ, Thế Giới Nghệ Sĩ hân hạnh được vinh danh sự nghiệp âm nhạc của ông.

***
Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1924 tại Nam Định, Bắc phần. Cũng vào năm này, trường sư phạm Saint Thomas D’Aquin thuộc dòng Lasan khai giảng niên khóa đầu tiên tại Nam Định và hoạt động cho đến năm 1941 thì bàn giao cho dòng Đa Minh.

Đến tuổi trung học, Đan Thọ theo học tại trường Saint Thomas D’Aquin trong khoảng từ năm 1936 đến 1941. Lúc này, có sư huynh Maurice dạy Đan Thọ đàn vĩ cầm. Từng có một thời dưới mái trường Lasan, khi Trần Quốc Bảo tổ chức những đêm “Nhớ Ơn Thầy” trong thập niên 1990 tại vũ trường Ritz của Ngọc Chánh ở Nam California, nhạc sĩ Đan Thọ đều tham dự và vui vẻ trò chuyện với các frères dòng Lasan dù tuổi đời họ nhỏ hơn ông.


Nhạc sĩ Đan Thọ đang vui mừng trò chuyện với frère Cosme Tuân và frère Trần Trọng An Phong trong đêm Lasan Hội Ngộ “Nhớ Ơn Thầy” kỳ 3 do Trần Quốc Bảo tổ chức ngày 26 tháng 12 năm 1990 tại vũ trường Ritz của NS Ngọc Chánh (Photo: TQB)

Từ năm 1942 đến 1945, Đan Thọ học hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Năm Ất Dậu 1945, nhiều biến cố đời sống khó quên trong đời người nhạc sĩ vừa trưởng thành. Ông bắt đầu đàn violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Nam Định. Cùng năm đó, ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, cho dù gia đình nàng Nguyễn Thị K. Thanh (sinh năm 1929) có phần e dè khi biết con gái sắp thành thân với một nhạc sĩ. Thế nhưng ông bà sống với nhau cho tới ngày nay răng long đầu bạc, cùng nuôi dạy nên người một con trai và ba con gái.

Nhạc sĩ cùng thời với Đan Thọ có Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Hoàng Giác, Ngọc Bích, Canh Thân… Năm 1948, Đan Thọ gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng… cho đến năm 1954 khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Trong thời gian này, ông được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kèn. Ngoài những sinh hoạt trong ban quân nhạc, Đan Thọ cùng nhạc sĩ Nguyễn Túc từng trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội.

Năm 1954, ban quân nhạc cùng gia đình ông di cư vào Nha Trang. Khi vào tới Saigon năm 1956, Đan Thọ được mời cộng tác ngay với vũ trường Đại Thế Giới, và ông tiếp tục trau giồi môn kèn với nhạc sĩ Mano Umali người Phi Luật Tân.

Nhà văn Bích Huyền, trong chương trình Câu Chuyện Thơ Nhạc phát thanh đầu năm 2010 trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, đã giới thiệu những sáng tác thời kỳ mới di cư vào Nam của nhạc sĩ Đan Thọ:

Những nhớ nhung thương tiếc về nơi chốn cũ và những kỷ niệm dấu yêu được Đan Thọ ghi vào những tác phẩm của ông. Có người cho rằng, cứ nghe nhạc của một dân tộc, có thể biết được dân tộc đó có cuộc sống như thế nào, bởi vì âm nhạc không những phản ảnh những tình cảm gần gũi nhất của con người mà nó còn ghi lại những gì đang và đã xảy ra trong lịch sử của một dân tộc nữa. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi biến cố 1954, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta bị chia ra làm hai thì hầu như đa số các bài hát sáng tác trong thời gian đó đầy ắp tình hoài hương của các nhạc sĩ di cư từ Bắc vào Nam. Cùng với nhạc sĩ Xuân Tiên, Đan Thọ viết ca khúc Xa Quê Hương, và với Nhật Bằng, Đan Thọ viết Bóng Quê Xưa trong niềm đau chia cắt, trong niềm thương nhớ quê hương đất Bắc, nên mỗi bài nhạc viết ra đều thấm đẫm một nỗi buồn tình quê hương chan chứa trong lòng người ra đi…

Một trong những ca khúc nữa của Đan Thọ được nhiều người yêu mến, đọng lại trong lòng người nghe là Tình Quê Hương… Dù quê hương của mỗi người sinh ra hoặc lớn lên, ở đó có lẽ có một chút gì đó khác nhau. Nhưng có lẽ ở đất nước chúng ta, quê ai hình như cũng có một con đường làng, một dòng sông nhỏ, một con đê, những ao hồ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và nơi đó hình ảnh mẹ già, người em nhỏ là những hình ảnh thương yêu nhất ở lại khi người chiến sĩ lên đường, cho nên bài thơ của Phan Lạc Tuyên được Đan Thọ chọn phổ nhạc cũng không là lạ, và bài hát Tình Quê Hương ấy là một bản tình ca thật là đẹp ca ngợi tình nước, tình riêng của âm nhạc Việt Nam…

Trước 1975 tại Saigon, Đan Thọ vô cùng bận rộn với sinh hoạt tại đài phát thanh, truyền hình và chơi nhạc hàng đêm ở các phòng trà. Đặc biệt, năm 1962 khi có lệnh cấm khiêu vũ, một ban nhạc của vũ trường Đại Nam tiên phong đổi qua trình diễn nhạc Jazz với thành phần nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Đan Thọ. Riêng Đan Thọ có dịp cho khán giả Việt Nam thời đó thưởng thức tiếng kèn saxo quyến rũ của ông qua dòng nhạc Jazz tương đối mới mẻ với người thưởng ngoạn.

Cuối thập niên 1960 ông gia nhập ban Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục trình diễn tại nhiều phòng trà, vũ trường cho tới ngày mất nước.

Gia đình Đan Thọ kẹt lại Việt Nam đến 1985 mới tới Hoa Kỳ, định cư ở California. Dù tuổi đã lục tuần, vợ chồng nhạc sĩ vẫn cần mẫn ngày ngày lái xe từ Quận Cam lên tận Van Nuys đi làm cho hãng General Ribbon. Đêm đêm vào cuối tuần, những âm giai luyến thương từ chiếc vĩ cầm hay cây kèn saxo của Đan Thọ lại cất lên trong vũ trường Ritz của người bạn âm nhạc lâu năm Ngọc Chánh, rưng rưng hoài niệm.

Ngày 30 tháng 6 năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ mở đêm nhạc từ giã bạn bè California về Louisiana đoàn tụ với gia đình con gái Đan Tâm và rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng.
Bản nhạc cuối cùng Đan Thọ sáng tác dựa trên ý thơ Mùi Quý Bồng và cảm hứng khi thấy những ngón tay xinh xinh của cô cháu ngoại lướt trên phím dương cầm.

Nhà văn Bích Huyền đã giới thiệu về sáng tác này:


Qua ca khúc Dương Cầm, ta thấy hồn nhạc của Đan Thọ vẫn như xưa, vẫn nguyên nét quý phái và sang trọng, cho dù đã trải qua bao nhiêu là tang thương biến đổi vì từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Quá khứ mịt mùng đã lùi xa rồi. Trong cái quá khứ mịt mùng ấy là mấy từng sương khói và hình như chỉ có những thanh âm mới thắp sáng lên được hình bóng cũ. Trong cái thế giới mờ ảo đó, người ta tha thiết nhớ về những kỷ niệm một thời, nhất là một thời tuổi trẻ. Không có gì khơi dậy kỷ niệm trong lòng người bằng âm nhạc, bằng thơ ca…

Những tưởng an hưởng tuổi già với con cháu, năm 2005, trận bão Katrina quét qua New Orleans khiến ông bà Đan Thọ phải dạt về Florida lánh nạn ở nhà trưởng nam Đan Thành. Dịp này, người nhạc sĩ lại mất sạch những nhạc cụ ông yêu quý, trong đó có cây vĩ cầm đến hơn 250 tuổi và cây kèn saxo mạ vàng. Cơn bão qua đi, ông bà dọn về Houston, Texas, cùng nơi cư ngụ của các con gái cho đến ngày nay.

***

Thực hiện số báo vinh danh nhạc sĩ Đan Thọ là một dự định ấp ủ từ lâu của Thế Giới Nghệ Sĩ, nên trong dịp Trần Quốc Bảo trình diễn tại Houston dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong hồi cuối tháng 5, tòa soạn đã liên lạc để gặp bác sĩ Mùi Quý Bồng hầu thu thập tài liệu cho số báo này. Chỉ tiếc thời gian lưu lại Houston quá ngắn và sức khỏe tác giả Chiều Tím không cho phép, nên Trần Quốc Bảo và Ông Thụy Như Ngọc chưa tiện ghé thăm ông vào dịp đó.


Bác sĩ, nhà thơ, họa sĩ Mùi Quý Bồng và Trần Quốc Bảo và những mẫu chuyện kỷ niệm về nhạc sĩ Đan Thọ trong lần gặp gỡ tại Houston chiều 26/5/2017

Tuy nhiên, số báo được hoàn tất với sự giúp đỡ tận tình của gia đình, đặc biệt Thế Giới Nghệ Sĩ xin tri ân vị trưởng nam là kiến trúc sư Đan Thành, con rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng, cháu ngoại là ký giả Mùi Quý Y Lan (đài CNBC, trước đây viết cho tờ Washington Post) đã đóng góp bài vở, hình ảnh. Vừa là một nhà thơ vừa là họa sĩ, bác sĩ Mùi Quý Bồng đã vẽ chân dung nhạc sĩ Đan Thọ và cây đàn vĩ cầm ông hằng yêu quý để làm hình bìa tuần này.

(trích bài Thế Giới Nghệ Sĩ đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 134 phát hành ngày 1 tháng 9 năm 2017)
*** 
ÔNG NGOẠI

Lời giới thiệu: 

Ký giả Mùi Quý Y Lan là ái nữ của ông bà bác sĩ Mùi Quý Bồng – Đan Tâm. Là cháu ngoại của nhạc sĩ Đan Thọ, Mùi Quý Y Lan từ nhỏ chơi dương cầm và hình ảnh cô ngồi đàn piano thuở bé đã tạo cảm hứng cho ông ngoại sáng tác bản nhạc cuối cùng tựa đề “Dương Cầm” với ý thơ Mùi Quý Bồng.
Mùi Quý Y Lan tốt nghiệp chuyên ngành Truyền Thông với hai chuyên ngành phụ Triết Học và Sinh Vật Học từ đại học Loyola University ở New Orleans. Cô từng là giáo sư thỉnh giảng ngành báo chí tại đại học University of Maryland. Sau gần 15 năm làm phóng viên chuyên về giáo dục rồi tài chánh cho nhật báo The Washington Post, Mùi Quý Y Lan bước sang lãnh vực truyền hình và cộng tác với hệ thống CNBC kể từ tháng 2 năm 2017 tại văn phòng trụ sở ở thủ đô Washington DC. Đồng thời, ký giả Y Lan thường xuyên được mời xuất hiện trên đài C-SPAN.
Bài viết sau đây ghi lại những kỷ niệm và tâm tình của cháu ngoại Y Lan dành cho ông ngoại Đan Thọ, nguyên tác tiếng Anh đã được bác sĩ Mùi Quý Bồng dịch sang Việt ngữ.

*** 

***
ÔNG NGOẠI
Ylan Mùi (CNBC)

Khi tôi còn nhỏ, Ông Bà Ngoại tôi sống trong một căn nhà bình thường, trên một con đường khiêm tốn trong khu Garden Grove. Đây là một căn nhà một tầng, với một hồ bơi, một mái hiên đằng sau, và một cái bếp nho nhỏ. Nhưng với một cô bé 10 tuổi, đó là một thế giới thần tiên, kỳ diệu.
Chị em tôi và những người anh em họ đã có những ngày Hè dài vẫy vùng trong hồ bơi, tắm mát trong ánh nắng trường cửu của California. Chúng tôi được ăn những ổ bánh mì Tây phết lớp bơ mịn màng trong nhà bếp. Chúng tôi hái trái từ những cây trong vườn sau, và mê thích những chú chim yến hót thật hay mà Ông Ngoại nuôi trong những chiếc lồng nhỏ treo dưới mái hiên. Nhưng không có tiếng nhạc nào ngọt ngào hơn những âm thanh từ chiếc vĩ cầm của Ông Ngoại. Ông đã cho tôi được ôm chiếc vĩ cầm ấy một lần khi tôi đến thăm ông, trao phó bảo vật ông quý nhất vào bàn tay vụng về của tôi. Tôi cố gắng kéo được vài nốt nhạc, và lập tức hiểu rằng những âm thanh kỳ diệu ông tạo ra từ cây vĩ cầm của ông đòi hỏi cả một đời để tôi luyện.

Ông Ngoại và âm nhạc, trong tâm trí tôi, là một. Lớn dần lên theo ngày tháng, nhưng tôi không hiểu rõ lắm hoàn cảnh và sự phấn đấu của gia đình. Chiến tranh và những chịu đựng là một khái niêm trừu tượng đối với cái tâm hồn Mỹ hoá của tôi. Nhưng tôi hiểu Ông Ngoại và âm nhạc của ông. Tôi vẫn biết rằng ông là một nhạc sĩ tài hoa, không những với vĩ cầm, mà còn với saxophone, và cả dương cầm. Khi ông đàn, ông gợi lên những dấu nét của một quốc gia mà tôi, thế hệ Việt Nam thứ hai, mới bắt đầu thấu hiểu. Cái hoa mỹ, cái lãng mạn, cái khổ tâm, hoà hợp làm một. Đến khi tôi đã lớn khôn, tôi mới nhận ra cái giá gia đình chúng tôi đã phải trả để Ông Ngoại có thể cho tôi thưởng thức âm nhạc trong căn nhà nho nhỏ, bình thường của ông ở khu Garden Grove.

Ông Ngoại đã truyền cái khả năng âm nhạc ấy vào hệ DNA của tôi. Tôi cảm nhận được sự hãnh diện của ông khi ông theo dõi sự tiến bộ về dương cầm của tôi. Ông thường nở nụ cười thoả mãn và dìu tôi đến ngồi trên ghế để tập dượt. Ông, người nhạc sĩ chuyên nghiệp và người bảo trợ của tôi!
Ông Ngoại là người tạo cảm hứng cho tôi là chuyện hiển nhiên. Nhưng tôi không ngờ tôi cũng đã là nguồn cảm hứng của ông! Một ngày nọ, sau khi nghe và nhìn tôi tập dượt, ông đã viết một bản nhạc mới mang hình ảnh tôi. Lời bài nhạc dựa theo ý một bài thơ do Bố tôi viết. Tựa bài nhạc là Dương Cầm. Một bản nhạc mới, viết trên một quê hương mới, một kết hợp phản ảnh ba thế hệ trong gia đình tôi! Đây là bản nhạc duy nhất Ông Ngoại viết trong những ngày sống tha hương, và là bản nhạc cuối cùng ông viết trong cuộc đời nghệ sĩ.

Lần chót Ông Ngoại đàn cho tôi là trong lễ cưới của tôi. Ông đã trình bầy bản nhạc nổi tiếng nhất của ông: Chiều Tím. Dường như cặp mắt ông chỉ hướng về tôi trọn vẹn trong những giây phút ấy, mặc dù có rất nhiều bạn bè, và gia đình thân thuộc khắp chung quanh. Ông đã đàn để thương tặng tôi một lần nữa, làm tôi nhớ lại những tháng ngày kỳ diệu của tuổi thơ tôi, nguồn âm nhạc đã luôn gắn bó chúng tôi với nhau, và niềm yêu thương còn mãi tồn tại sau khi những nốt nhạc cuối cùng đã dần lịm tắt.

Mùi Quý Bồng
(phỏng dịch)

Dương Cầm * Vũ Đức Nghiêm - Mùi Quý Bồng. - Clara Ngô


Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Blog Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Cùng Anh Dương Thủy Tùng( Nhà Thơ Dương Hồng Thủy)

 

Khóc Bà Phan Thị Tiếng (Vợ Tôi)


(1952 – 7g55 17/05/21 Mùng 06 /04 ÂL Tân Sửu)

Bà nắm tay tôi ghì thật chặt
Bỗng nhiên nghe lỏng lạnh tay cầm
Dường như tôi thấy hai dòng lệ
Lăn dài trên hố mắt quầng thâm!

Ôi thế là tôi mất bà rồi
Còn đâu nghe gọi tiếng mình ơi
Còn đâu hình bóng bà gần gủi
Khuya sớm âm thầm săn sóc tôi.

Thôi nhé bà đi cho thanh thản
Bên kia thế giới hãy an tâm
Chỉ riêng tôi hằng đêm cô lẻ
Đau đớn nhìn quanh lạnh chỗ nằm.

Trời hỡi sao tôi khổ thế nầy
Thân tôi bệnh hoạn lại cù nhây
Năm rồi đáng lẻ tôi đi đứt
Bây giờ tôi sống với ai đây…

Dương hồng Thủy
17/05/2021
 

Vườn Thơ Thẩn Thành Kính Phân Ưu Cùng Anh Vương Thủy Tùng


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Tùng qúy mến,
Hay tin Chị vừa mất, chân thành chia buồn cùng Anh và gia đình ̣ Xin được cùng với các bạn thắp nén tâm hương cầu nguyện hương hồn Chị sớm được siêu thoát để về an nghỉ đời đời nơi Cõi Phật  ̣

Phạm Khắc Trí
CGS PTG 1968-75
Plano, TX 05/18/2021
***
Xin cùng nhau thành kính chia buồn cùng anh Tùng và tang Quyến. Nguyện cầu Hương Linh chị Tùng sớm vãng sanh Miền Lạc Cảnh.

Trần Bang Thạch
***

Xin thành kính phân ưu cùng anh Dương Hồng Thủy và gia quyến. Cầu nguyện hương linh chị Tiếng sớm siêu thoát, an vui nơi cõi vĩnh hằng
Phương Hà rất xúc động khi đọc bài thơ khóc hiền thê của anh, mong anh cố gắng giữ gìn sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn này

Phương Hà
***

Nhận được tin buồn: Chị Phan Thị Tiếng hiền thê của Nhà Thơ Dương Hồng Thủy(VTT), đã từ trần ngày 17/05/2021 tại Cần Thơ.
Xin thành kính phân ưu cùng hiền huynh Dương Hồng Thủy và tang gia hiếu quyến
Xin nguyện cầu hương linh chị Phan Thị Tiếng sớm được nhẹ nhàng siêu thăng Tịnh Độ miền Cực Lạc, cõi Vĩnh Hằng
Thi sĩ Dương Hồng Thủy có làm một bài thơ "KHÓC VỢ LÀ BÀ PHAN THỊ TIẾNG" rất cảm động, tiểu đệ phải rơi nước mắt đó huynh Dương Hồng Thủy ơi! Kính mong hiền huynh cố gắng bảo trọng, giữ gìn sức khỏe để vượt qua hoàn cảnh mất mát to lớn đầy khó khăn này nhé
Bảo Trọng Hiền Huynh nhé

Thành Kính Phân Ưu

Tiểu đệ là Mai Xuân Thanh
 Vườn Thơ Thẩn - LHVL)
May 18, 2021
***
Kính bạn đồng song PTG Vương Thuỷ Tùng và gia đình
Song Quang nhận được tin buồn từ trang PTGĐTĐ .USA của bạn TBT khẩn báo hiền thế của đồng song Vương Thủy Tùng tức nhà thơ Dương Hồng Thủy vừa tạ thế vào ngày 17 tháng 5 năm 2021 là bà Phan thị Tiếng tại quê nhà Cần Thơ
Trước sự mất mát lớn lao nầy SQ xin có lời phân ưu đến bạn đồng song VTT và gia đình.Nguyện cầu hương linh chị Tiếng sớm siêu thoát về cõi Niết Bàn

Thành  Kính Phân Ưu

Bạn đồng song Trần văn Quang 
(Song Quang)
***
Hiệp ý với quý anh chị,chia buồn với anh Dương Hồng Thủy, nguyện hương linh chị sớm hưởng phúc cõi vĩnh hằng.

Thái Huy
Thành Kính Phân Ưu
***
Nhận được tin buồn, chị Phan Thị Tiếng, Bạn đời của anh Dương Hồng Thủy, đã từ trần lúc 7 giờ 55 tại Cần Thơ.
Thành kính phân ưu cùng anh và Tang quyến.
Xin hiệp nguyện cùng gia đình và nguyện cầu Hương Linh Chị sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.
Thành Kính

Kim Phượng
***
Thật không ngờ, thành kính phân ưu với Sư Huynh Dương Hồng Thủy và Gia đình. Cầu nguyên hương linh Chị sớm tiêu diêu miền Tiên Cảnh.

Quên Đi
***
Anh  Dương Hồng Thủy kính mến.
Thật bất ngờ khi hay tin buồn chị Phan Thị Tiếng đã từ biệt ra đi.
Em xin được đồng hành, chia sẻ niềm đau buồn cùng anh và tang quyến. 
Mong anh giữ gìn sức khoẻ để vượt qua thời gian khó khăn này anh nhé.
Nguyện cầu cho Hương Linh chị Phan Thị Tiếng được sớm yên nghỉ thảnh thơi Nơi Miền Tiên Cảnh.
Hiệp nguyện

Kim Oanh
***
Bà Đã Đi Rồi

Nhất dạ phu thê bách dạ ân,
Bà đà ngọa bệnh lánh dương trần.
Đồng cam cộng khổ bao xuân hạ,

Trăm đắng ngàn cay bấy tháng năm.
Tử biệt đã đành đau đứt ruột,
Sinh ly chi xiết nỗi thương tâm.
Từ nay tôi sống làm sao nhẻ ?
Chỉ đợi gặp bà dưới cõi âm!

Viết thay niên trưởng VTT
Đỗ Chiêu Đức
Kính điếu
***
Thành Kính Phân Ưu cùng tanh quyến nhà thơ Dương Hồng Thủy.
Cầu nguyện cho Hương Linh Bà Phan Thị Tiếng, phu nhân của Nhà Thơ Dương Hồng Thủy sớm phiêu diên mìền Cực Lạc
Xin thắp nén hương xa,
Thân Kính
Họa Bài Thơ: 
(Khóc Bà Phan Thị Tiếng (Vợ Tôi) - Dương Hồng Thủy)

Một Nén Hương Xa

Thôi thế từ đây buồn nén chặt
Tình trăm năm nước mắt khôn cầm
Còn hôm nay, nhớ thương trào lệ
Ôm mặt sầu gìn giữ nghĩa thâm

Vâng, đúng là thơ cũng nghẹn rồi
Người đi, thảng thốt gọi " Trời ơi "
Làm sao có lại thời an ủi
Chuỗi thờ dài: " " bà nỡ biệt tôi "

Xin chúc người đi vào nhàn tản
Bên kia cõi thế, đẹp thân tâm
Nhà thơ HỒNG THUỶ từ đơn lẻ
Sẽ chỉ còn thơ lót chiếu nằm

Cầu nguyện phu nhân thi sĩ đây
Rời xa cõi tạm thảm thương này
Trần gian Thiên mệnh vô thường cả
Thành kính phân ưu, bái biệt ngày ...

Los Angeles 18 - 5 - 2021
Cao Mỵ Nhân

Tâm Tình



Cùnh Anh Dương Hồng Thủy
Ý hẳn từ đây vắng chị nhà
Cùng anh san sẻ chút chia xa
Buồn kia hiện có rồi mai hết
Nhớ đó đang mang cũng sẽ qua
Nói vậy nhưng nào đâu phải vậy
Thưa ngay chắc chắn chẳng phai nhòa
Thân thương nồng ấm còn nguyên đó
Tâm sự đôi điều,huynh hiểu nha.

Thái Huy 
21/5/21

Bé Ký, Người Biến Phong Trần Thành Gấm Vóc – Vương Trùng Dương

 

Nữ họa sĩ Bé Ký, một tên tuổi gắn liền với hội họa của người Việt Nam, qua đời vào chiều thứ Tư, 12 táng Năm, tại nhà ở Westminster, hưởng thọ 83 tuổi.

Bài viết về họa sĩ Bé Ký của tôi trên tờ Thế Giới Nghệ Thuật năm 1998 và post lên trang web Xứ Quảng vào năm đó. Trang web xuquang.com ở miền Đông Hoa Kỳ của anh La Lương (em bà con với anh rể tôi ở Hội An) nay không không còn.

Đã 23 năm rồi, tôi không lưu giữ bài viết này, chiều thứ Bảy (15/5) tôi nhận được email của anh Phan Anh Dũng, phụ trách tạp chí Cỏ Thơm ở Virginia, sưu tầm được và gởi cho bài viết và hình ảnh. Rất cảm kích sự nhiệt tình và tấm lòng của anh với giới văn nghệ. Theo ý anh, có bổ túc gì trong bài viết nhưng tôi muốn giữ nguyên bản gốc của 23 năm về trước. Vì khi anh chị Hồ Thành Đức – Bé Ký sang định cư ở Little Saigon, có lẽ đây là bài viết đầu tiên về họa sĩ Bé Ký. Khuôn mặt chị rất phúc hậu và có nụ cười thạt tươi. Mỡi khi gặp chị, cười chúm chín và được khen cái tựa đề hay quá.

Nay tôi post bài nầy như nén hương lòng tưởng nhớ người quá cố – VTrD

.

Hình: Hình Bé Ký năm 1962 lúc 23 tuổi
Bác sĩ Phạm Biểu Tâm cắt băng khánh thành phòng triển lãm tranh của Bé Ký (1962).

Mang niềm đau và thân phận của cô bé mất tình thương cha mẹ từ thuở nhỏ, chịu nhiều khổ đau trên đất nước đầy bất hạnh bởi chiến tranh, Bé Ký dấn thân vào thế giới hội họa như một hiện tượng: họa sĩ của hè phố. Bé Ký xuất hiện trong hội họa Việt Nam với nét vẽ độc đáo, chân chất, mới lạ, đơn sơ nhưng trọn ý, tự tạo phong cách riêng biệt của mình rất thân quen trong sinh hoạt đời sống vỉa hè, thôn dã giữa cảnh xô bồ, hỗn độn của xã hội

Bé Ký bước vào hội họa không qua trường lớp nào, được sự hướng dẫn của 3 nghệ sĩ tài danh Trần Ðắc, Trần Văn Thọ & Văn Ðen; trong đó người thầy Trần Ðắc cũng là dưỡng phụ đem Bé Ký di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954.

 Với năng khiếu, đam mê và chịu khó học hỏi, mới 15 tuổi, Bé Ký được xem như tài năng đầy triển vọng trong lĩnh vực hội họa. Sau vài năm chung sống với gia đình dưỡng phụ ở Sài Gòn, năm 1957, qua nhiều tác phẩm được hình thành đã ra mắt triển lãm, tạo được tiếng vang trong giới thưởng ngoạn nghệ thuật. Năm 1959 tham dự triển lãm Quốc Tế tại Paris. Thời gian kế tiếp, họa phẩm của Bé Ký được triển lãm tại 9 thành phố ở Nhật Bản và nhiều cuộc triển lãm quan trọng trong nước. Tên tuổi Bé Ký được xuất hiện trên báo giới như tờ Le Journal D’Extrême-Orient (19 Novembre, 1969), tờ The Saigon Post (November 20, 1972)…và nhiều lần đề cập trên báo chí Sài Gòn với sự hiện diện của các họa phẩm, trở thành quen thuộc cho khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Hình ảnh họa sĩ Bé Ký cũng là hình ảnh cô gái quê, áo bà ba, kẹp tóc dài, mang guốc vông với giá vẽ, cây cọ, bút lông ở Catinat, Nguyễn Huệ, Lê Lợi: “giang sơn của Bé Ký”.

Bé Ký sở trường về “caricature” trên giấy và lụa. “Caricature” với Bé Ký có lúc là ký họa, hoạt họa, phóng họa, tốc họa bằng mực tàu, bút lông với đường nét “dessin” đơn giản nhưng rất linh hoạt, uyển chuyển giữa yếu và mạnh, sống động, rất thực, tạo phong cách riêng biệt của đường nét họa sĩ. Hình ảnh thiếu nữ với cây đàn, mục đồng với con trâu, tấm lòng giữa mẹ và con… trong thư phòng, nơi thôn dã cho đến sinh hoạt hè phố với người gánh hàng rong, bán xôi chè, người phu, xích lô, xe ngựa, trẻ đánh giày, kẻ quét đường… tưởng chừng bị phôi pha, bỏ rơi được ghi lại rất tài tình qua nét vẽ.

Tháng ngày ở Sài Gòn năm xưa, họa sĩ Bé Ký “bụi đời” để hòa nhập trong sinh hoạt thường nhật của giới lao động hè phố đã tạo dựng phong cách, bóng dáng, chân dung đặc biệt; thoạt nhìn có vẻ lập dị nhưng đi sâu vào lĩnh vực cuộc sống mới cảm nhận được tâm tư, tình cảm con người nghệ sĩ. Ở góc cạnh nào đó, qua lăng kính con người với nghề nghiệp, nhìn vào tác phẩm, cảm nhận được những điều trang trải, xúc cảm và suy tư về nghệ thuật và cuộc sống trong xã hội để sáng tạo, nói lên tấm lòng của người nghệ sĩ. Họa phẩm của Bé Ký như sự tỏ bày sự cảm thông, thương cảm cuộc sống thầm lặng, đau khổ của lớp người mang nhiều khổ cực giữa quê hương từ thế hệ này sang thế hệ khác mà tác giả đã mang chứng tích được thoát ra trên con đường hội họa.

Bé Ký được ghép bởi tên cúng cơm (Nguyễn Thị Bé) & chuyên về ký họa. Tự nó, rất đơn giản, mộc mạc thể hiện qua cuộc sống và họa phẩm nhưng đã tạo được sắc thái riêng rẽ của đội ngũ nữ giới thời đó trong khu vườn muôn sắc của hội họa được xem như mảnh đất dụng võ của đội ngũ nam giới. Tranh của Bé Ký dành cho mọi giới, rất phổ thông, hơn 1,500 họa phẩm đã bán cho khách mộ điệu trong năm tháng cầm cọ ở Sài Gòn.

 Bé Ký lập gia đình năm 1964 với họa sĩ Hồ Thành Ðức (Sinh năm 1942 tại Ðà Nẵng – Tốt nghiệp Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh – Sáng lập viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam – sở trường về kiến tạo “collages” – Giáo sư Mỹ Thuật Ðại Học Vạn Hạnh Sài Gòn 1970-1975). Cả hai đều rơi vào cảnh ngộ côi cút từ thuở ấu thơ nên rất thông cảm cho nhau cùng tạo dựng mái ấm gia đình trong cuộc sống, đôi bạn hành trình trong hội họa. Có được 4 con và có nhiều họa phẩm được triển lãm chung với nhau ở Việt Nam & Quốc Tế.

Sau biến cố đau thương tháng 4/1975, Bé Ký & Hồ Thành Ðức không còn sáng tác. Năm 1977 gia đình vượt biên, Hồ Thành Ðức ở tù 2 năm, Bé Ký bị nhốt thời gian ngắn vì có 4 người con còn bé. Mười năm còn lại hai vợ chồng chỉ sáng tác một ít tranh cho đỡ buồn…!

Trả lời ký giả Jeffrey Brody trên tờ Register, số ra ngày 2/7/1990, Bé Ký cho biết: “Tôi không thể nào vẽ theo lối họ muốn được. Tôi nhớ có lần một cán bộ cho tôi coi bức họa theo lề lối anh ta thích. Thật là dễ sợ và không trung thực được… Chúng tôi đã có thể làm mọi thứ để mà sống còn… Nhưng khi vẽ tranh thì chúng tôi cần thể hiện được cảm nghĩ của mình. Chúng tôi đã không thể làm được việc đó, bởi vậy nên đã ra đi”. Ðó là cái nhìn, tâm tư, nỗi niềm nghệ sĩ sống trọn vẹn với nghệ thuật.

Tháng Mười 1989 gia đình Bé Ký được định cư tại Hoa Kỳ theo diện nhân đạo. Chọn thủ đô tị nạn Little Saigon làm quê hương lưu vong. Tên tuổi Bé Ký dần dà được xuất hiện trên báo chí Hoa Kỳ, Bé Ký đã tham dự vào nhiều cuộc triển lãm kể từ năm 1992 cho đến nay.

 Bước vào năm Mậu Dần, Bé Ký đã bước vào tuổi lục tuần. Nhìn lại chặng đường đã qua chị tâm sự: “Tôi mất tình thương yêu gia đình từ thuở ấu thơ nên khi lập gia đình tôi sống trọn vẹn, trân quý với mái ấm gia đình. Là người vợ, người mẹ tôi làm tròn bổn phận của người đàn bà Việt Nam dù sống bất cứ nơi nào, thời điểm nào, đó là niềm hạnh phúc cao đẹp nhất tôi đã dâng hiến và được nhận lãnh. Tôi rất mê hội họa và yêu quê hương. Vì vận nước, vì thời thế đã hai lần tôi giã từ nơi chốn thân yêu, lòng tôi vẫn còn nhung nhớ. Từ trước đến nay tôi vẫn vẽ tất cả hình ảnh mang bóng dáng, sinh hoạt của quê hương”.

Ðể kỷ niệm hơn 4 thập niên sống với hội họa, trong năm 1998 này nữ họa sĩ Bé Ký dự định tổ chức cuộc triển lãm, in quyển sách với nhiều tranh ảnh qua từng thời gian và cuộc đời nghệ thuật.

Little Saigon 1998

Vương Trùng Dương 

Tiễn Biệt Nữ Họa Ký

 

Bấy giờ vào khoảng cuối thập niên năm mươi thế kỷ trước, tôi còn đang học bậc trung học ở trường Trưng Vương Saigon.

Tôi thường coi tập san Thế Giới Tự Do, một tập san có hình thức đẹp, bài vở, tin tức lạ ở khắp nơi trên thế giới.

Một lần có bài viết không nhớ của ai, giới thiệu nữ hoạ sĩ. Bé Ký, kèm theo mấy bức tranh tốc hoạ đơn sơ nhưng linh động, tôi đọc kỹ và hơi tò mò, vì theo bài giới thiệu thì nữ hoạ sĩ chỉ hơn tôi vài tuổi, mà vẽ tranh tài thế, có ghi ngày tháng triển lãm lần đầu ở Hội Văn Hoá Pháp, trung tâm thành phố.

Thú thật bây giờ tôi chỉ nhớ đường đi tới đó, chứ không nhớ tên đường phố, nhất là sau này đường cũng đã đổi tên. Tan học chiều. Tôi lấy xe đạp, rồi đạp thẳng tới nơi Hoạ sĩ Bé Ký đang triển lãm.

Bấy giờ trời lại hơi mưa mưa.Tôi dựng xe ở hành lang trụ sở Văn Hoá Pháp. Một thiếu nữ mặc áo dài đã đứng đón tôi ở cửa lớn ra vào, cô tươi cười, thân mật hỏi thăm tôi: " Tới xem tranh hả? Sao không rủ bạn cùng đi? "

Tôi ngạc nhiên quá, tới coi tranh thì đúng rồi, nhưng bạn nào đây, tôi có rủ ai đâu, nhất là bạn nữ sinh cùng trường, lớp bấy giờ, thì có nhỏ nào chịu đi coi triển lãm tranh đâu.

Tôi thấy vẻ mặt cô đó giống Nữ Hoạ sĩ Bé Ký trong tờ báo Thế Giới Tự Do, có điều trang phục hoàn toàn khác.

Bé Ký trong báo mặc quần đen, áo bà ba hay áo lá kiểu ngoài Bắc, ngắn ngủn, tóc kẹp sau lưng xuề xoà. Còn thiếu nữ đón tôi ở cửa ra vào phòng triển lãm, thì áo dài lụng thụng, quần satin trắng, cuốn tóc lên cao, đi giầy cao gót. Tôi vui vẻ hỏi cô: "Phải Nữ Hoạ sĩ Bé Ký không ạ?"

Cô ta kéo ngay tôi vào phòng tranh, chiều sắp tối, mưa mưa nhẹ ngoài trời buồn bã, không có ai trong phòng vì chắc giờ nghỉ và là ngày thường, không phải thứ 7, chủ nhật, nên cũng ít có khách coi triển lãm lắm. Không kịp đi vòng quanh phòng triển lãm nữa, cô cứ tíu tít hỏi thăm tôi đi học vui không, sướng không? Còn tôi cũng tíu tít hỏi cô này kia linh tinh, cả hai chúng tôi đều chẳng nói gì về tranh ảnh, vẽ vời gì, mà cứ như là bạn lâu năm gặp lại. Chúng tôi nói cho nhau nghe về cuộc sống riêng, tên, tuổi, số nhà vv...

Tôi được biết Bé Ký đang ở với ông bà hoạ sĩ Trần Đắc, là bố mẹ nuôi và cũng là thầy dạy Bé Ký vẽ lối tốc hoạ, một chuyên ngành vẽ ngó thật bình dân, nhưng có thể kiếm tiền dễ dàng, vì bức vẽ đơn sơ, hay vẽ ngay cho khách xem tranh, là đã có tiền rồi.

Đó cũng là lý do Hoạ sĩ Trần Đắc muốn Bé Ký biét vẽ để tung ra ngoài xã hội mưu sinh cho cả gia đình ông, xin lỗi, vì tôi sắp kể cho quý vị nghe cuộc đời Bé Ký rõ hơn ai hết, khi tôi đã cùng Bé Ký trở thành đôi bạn thân sau cuộc tôi đi thăm phòng tranh Bé Ký triển lãm nêu trên.

Thế là ngày nghỉ học tôi kiếm cách đi thăm Bé Ký ở đường Nguyễn Tri Phương gần ngã bảy Lý Thái Tổ. Tôi đã thấy tận mắt Bé Ký phải làm việc nhà vất vả. Rồi Bé Ký phải cắp một đống tranh tốc hoạ, mang theo một cái túi đựng bút vẽ, mực tàu đen vv... Tất nhiên Bé Ký còn mang theo một túi nhỏ khác để đựng tiền bán tranh.

Nơi Bé Ký sinh hoạt nghề vẽ tốc hoạ đơn giản, thật nhanh của Bé Ký chính là dọc con đường Catina tức đường Tự Do. Bé Ký có thể ngồi nghỉ để bày tranh vẽ cho khách ngoại quốc thưởng lãm.

Phần đông khách trên đường Tự Do thủa đó là người châu Au và nhất là người Mỹ sau này. Lối vẽ của Bé Ký thịnh hành mau chóng, rất được chiếu cố. Những bức tranh mộc mạc cảnh trí, đơn sơ nét vẽ, nội dung hình thức mang sắc thái dân tộc tính Việt Nam.

Một lần kia, có một khách du người Mỹ, đã mua khá nhiều tranh rồi, còn nhờ Bé Ký vẽ ngay cho khách bức vẽ ông ta đứng ở ngã tư đường Tự Do và Lê Lợi, trước cửa toà nhà Quốc Hội.
Số tiền thu được khá rồi, Bé Ký thấy tờ 20 $ mới và đẹp quá, đã cất riêng, không để chung trong cái túi tiền mà buổi tối sẽ phải đưa hết cho bà Trần Đắc kiểm nhận.

Buổi nào bà cũng khám coi Bé Ký có đưa cho bà đủ số thu không, nên hôm đó bà đã lần khắp người Bé Ký, để lấy tờ hai chục mới đẹp nêu trên, ở lưng quần đen thường nhật của Bé Ký. Chúng tôi vẫn bình thường liên lạc.

Cho tới khi tôi học nội trú 3 năm ở trường soeurs Thevenet , Bé Ký cũng đã qua giai đoạn còn tuổi trẻ nghiệt ngã. Hoàn cảnh khó khăn hơn về riêng tư thiếu nữ. Vì tôi đã ra trường và đổi ra miền Trung, tạm thời không có liên lạc với Bé Ký.
Vốn tôi tham gia công tác xã hội trong Quân Lực VNCH, nên ngày miền Nam bị cộng sản lấn chiếm, tôi cũng bị đi tù cải tạo mấy năm. Khi ra tù cải tạo, tình cờ tôi đến nhà chị tôi ở Đa Kao, chị tôi nói Bé Ký ở đường gần nhà chị.

Tôi đã gặp lại Bé Ký.
Và rất mừng là Bé Ký hoàn toàn khác xưa một trời một vực. Tôi mừng cho bạn. Đồng thời chúng tôi có dịp hàn huyên tưởng không sao kể hết sự tình. Bấy giờ tôi được biết Bé Ký là phu nhân của Hoạ sĩ tên tuổi Hồ Thành Đức, vị hoạ sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài, một loại tranh mà thực hiện tốn kém nhất.

Nói trắng ra, loại tranh phải có vàng mới lên nổi hoạ phẩm tốn công, tốn của, dềnh dàng, và bề thế. Họa sĩ Hồ Thành Đức còn là một nghệ sĩ chân tình và hiếu khách. Qua câu chuyện của ông kể lại giai đoạn ông gặp Bé Ký.
" Tôi, Hoạ sĩ Hồ Thành Đức nói, cưới Bé Ký làm vợ , mà cái lý do duy nhất đúng, chính là tôi, Hồ Thành Đức , với Bé Ký cùng mồ côi . Phải cùng mồ côi mới thông cảm và thương nhau hết lòng..."

Cao Mỵ Nhân tôi rất cảm kích câu nói này.

Nhà ở và cơ sở làm tranh của nhị vị hoạ sĩ Bé Ký , Hồ Thành Đức rất rộng rãi, toạ lạc tại đầu đường Phan Thanh Giản Saigon, gần Đa Kao,
Bé Ký được Hồ Thành Đức hỗ trợ, đã làm mới hơn, tân tiến hơn, khoa học hơn các bức tốc hoạ đơn điệu xưa, đã mang nhiều mầu sắc hội hoạ hơn .
Đồng thời tôi cũng ngắm nghía những tác phẩm hội hoạ sơn mài của Hoạ Sĩ Hồ Thành Đức.
Quả là đồ sộ và bề thế . Thí dụ Hoạ sĩ Hồ Thành Đức phóng hoạ 5 bức sơn mài về 5dáng vẻ phụ nữ, mà mỗi nữ nhân là một phong cách chuyên chở một tâm trạng khác nhau.
Tôi nói đùa với ông bà Hồ Thành Đức & Bé Ký là: " tranh Hồ Thành Đức phải treo ở cung điện cấp quốc tế ".

Có thể nói Bé Ký, Hồ Thành Đức rất hiếu khách, tất nhiên cũng chút nào nghề nghiệp. Nhưng tôi thấy cặp Hoạ Sĩ này quả là chân tình, mỗi lần có khách nước ngoài tới thăm phòng tranh và đặt tranh của ông bà, đều được Hoạ Sĩ mời ra Đa Kao ăn uống ngon lành, vui vẻ .

Bé Ký , Hồ Thành Đức cũng tốn khá nhiều của cải cho cái gọi là thể chế mới ở VN sau 30 -4 - 1975.
Cũng tốn nhiều cho việc đi tìm tự do. Nhị vị Hoạ Sĩ này qua Hoa Kỳ trước tôi cũng vài năm, con cái đã thành đạt, toàn bộ đại gia đình vui vẻ, lạc quan.


Bỗng tôi hay tin Nữ Hoạ sĩ Bé Ký đã mệnh chung ngày 13 - 5 - 2021 vừa qua.
Hồ Thành Đức ở cạnh Bé Ký, cho tới lúc Bé Ký hoàn toàn yên nghỉ trong tư gia ở Nam Cali.
Thật là buồn trước những tin báo tử biệt sinh ly,

Xin thắp nén hương xa gởi Hoạ Sĩ Hồ Thành Đức và quý quyến, để vô cùng thương tiếc Bé Ký, người Hoạ sĩ lừng danh , bạn tôi, một thời nào hồn nhiên, đầy kỷ niệm , cầu nguyện cho hương linh Bé Ký thanh thản về cõi vĩnh hằng .

Hawthorne 18 - 5 - 2021
Cao Mỵ Nhân

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Gửi Người Dưới Mộ - Thơ Đinh Hùng - Nhạc Phạm Anh Dũng


Thơ: Đinh Hùng 
Nhạc: Phạm Anh Dũng 
Đàn & Hát: Lê Bảo

Vào Thơ


Tuổi nào là tuổi vào thơ
Khi vui hãy tỏ còn chờ đợi chi
Nỗ
i buồn nó đến nhiều khi
Thất ngôn, tứ tuyệt  sầu gì cũng xa
Tương tư, hoài vọng, hoan ca
Đường Thi đối vận ngày qua nhẹ lòng
Nhớ ai,  khắc khoải, ngóng trông
Tám câu lục bát bềnh bồng giấc mơ.

Trúc Lan Ktp 
02-05-2021

Ngắm Cơn Mưa Đổ



- Ngắm cơn mưa đổ rừng chiều 
Bỗng dưng ....như nhớ người Yêu ...buồn buồn ...
- Ngắm con dốc nhỏ chiều buông 
Bỗng nhớ Quê Mẹ lúc còn tuổi thơ 
Quê nghèo ... tháng sáu trời mưa 
Củ khoai nướng trộm - bụi tro dính đầy 
Than rơm ... cơm cháy ...thường ngày 
Thế mà nuôi lớn ... Mới hay lạ lùng ...
Mẹ ơi!
Nhớ mẹ vô cùng 
Bao giờ được gặp – xà lòng mẹ yêu 
Để bàn tay mẹ nâng niu 
Dù nay tay Mẹ khẳng khiu vì già 
Nhớ xưa …
mắt mẹ chưa lòa 
Món nào mẹ nấu cũng vừa miệng con 
* Nay thì xa nước xa non 
Xa Quê - nhớ Mẹ …từng cơn đau lòng 

Thư Khanh

Du Húc Hải Môn - Lê Thánh Tông

 

遊旭海門                Du Húc Hải Môn

平生未會觀瀾術,    Bình sinh vị hội quan lan thuật,
萬狀千形得意中。    Vạn trạng thiên hình đắc ý trung.
幾許心邊多種恨,    Kỷ hử tâm biên đa chủng hận,
慇懃送向水流東。    Ân cần tống hướng thủy lưu đông !

* Chú thích:
  - Du Húc Hải Môn 遊旭海門 : Dạo Chơi Cửa Biển Buổi Sáng Lúc Mặt Trời Mọc. HÚC 旭 là Mặt trời mới mọc.
  - Quan Lan Thuật 觀瀾術: là Thuật xem sóng để biết biển lặng hay biển động.
  - Vạn Trạng Thiên Hình 萬狀千形 : ta còn nói là Thiên Hình Vạn Trạng, là đủ cả các hình dạng biến hóa khôn lường, không thể đoán trước được.
  - Kỷ Hử 幾許: là Biết bao, biết bao nhiêu...

* Nghĩa bài Thơ:
                             Dạo Chơi Cửa Biển Lúc Mặt Trời Mọc    
      Bình sinh là trong đời ta chưa từng biết qua về thuật xem sóng, nhưng lại rất đắc ý, rất vui khi thấy những đợt sóng với thiên hình vạn trạng. Có biết bao nhiêu là mối hận ở trong lòng, ta muốn ân cần mà gởi NÓ cho dòng nước đang xuôi chảy về đông (cho NÓ mất hút và tan biến đi!).

* Diễn Nôm:

Trong đời chưa biết sóng ra sao,
Ngàn vẻ muôn hình thích lắm nào.
Muốn gởi biết bao là hận oán,
Ân cần theo sóng hướng đông trào!

Lục bát:

Thuật xem sóng nước chưa từng,
Thiên hình vạn trạng lòng mừng vui thay.
Biết bao oán hận ai hoài,
Gởi theo sóng nước chảy dài về đông!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
***
Bình Minh Trên Cửa Biển

Bình minh sóng biển chưa từng thấy
Thiên hình vạn trạng thích làm sao!
Bao nhiêu thù hận trút vào
Gởi theo con sóng cuộn trào về Đông

Songquang 

Lạc Lộ Trình



Trên freeway, có rất nhiều exit
Gần hay xa do khách muốn tới nơi
Mau hay lâu vì nôn nóng đấy thôi
Em nói mãi, nghe có điều ngớ ngẩn

Rằng anh hỡi đôi khi em lẩn thẩn
Sợ sai đường, lạc lối nẻo trăm năm
Lỡ một lần là mãi mãi sầu câm
Em chạy tiếp lộ trình như quen thuộc

Chiều hôm qua thẫn thờ quên biến tuốt
Qua trạm về, xe cứ phải chen lane
Cho tới khi bóng tối phủ trời đêm
Thì mới rõ lan man đà nguy hiểm

Em vội kiếm đường ra, vô điểm đến
Chưa hề ngang thành phố lạ lùng này
Trăng lênh đênh, lòng sợ hãi ngập đầy
Đành hốt hoảng call anh tìm cấp cứu ...


Cao Mỵ Nhân 
***
Họa:

Vờn gót em cỏ bên đường xúm xít
Thuở bìa rừng hoa dại tỏa nơi nơi
Mùi hương thơm ngan ngát một vùng trời
Em lạc lối dừng chân hồn ngơ ngẩn

Những tưởng chỉ vài bước đi thơ thẩn
Nào ngờ đâu vướng bận mãi nghìn năm
Nhốt buồng tim bao buốt giá âm thầm
Lạc lối cũ dù trong mơ thành thuộc

Đôi lúc tưởng mọi điều đà quên tuốt
Cảnh chiều tà bờ suối rực màu lan
Ánh sáng chao dòng nước tựa dát vàng
Bước rong rêu phiến đá vờn hung hiểm

Vì thời thế nên đi hoài không đến
Cơn hổn mang thuyền dạt bến sông này
Xa ngút ngàn lòng vẫn nhớ quắt quay
Lạc lối còn đường, lạc bầy khôn cứu!


Phương Hoa 
APR 24th 2021
***
Đường Tình

Làm con gái như đường nhiều exit
Biết làm sao hạnh phúc được đến nơi
Phải hỏi lòng thật kỹ đấy mà thôi
Đừng hỏi ai, câu trả lời ngớ ngẩn

Cũng có lúc em thấy mình lẩn thẩn
Chọn ai đây để tính chuyện trăm năm
Người thật yêu mình trong mối tình câm
Hay chọn kẻ tưởng như mình thân thuộc.

Mãi suy tính em thẳng đường đi tuốt
Trễ mất rồi em quyết định đổi lane
Qua tuổi xuân sẽ đối diện đêm đen
Chọn sai lối đời vô cùng hung hiểm.

Em quẹo phải tìm cho mình điểm đến
Anh chờ em ở cuối đoạn đường này
Gặp được em anh hạnh phúc tràn đầy
Người nín lặng nhiều năm chờ em cứu.

Thơ em viết về anh vần chưa đủ
Bởi freeway nhiều exit mặc lòng
Con tim em gắn GPS vào trong
Rất chính xác tìm anh trong duyên phận.

Nguyễn Thị Thêm

Một Ngàn Ngày Trên Triền Núi Hy Mã Lạp Sơn


Tác giả bài này trước đây bắt đầu dạy tại trường Cao đẳng Nông Nghiệp Saigon vào năm 1965. Môn dạy là Thổ Nhưỡng học và còn nhớ khoá đó bắt đầu giảng dạy ở khu Thành Cộng Hoà cũ, nơi trú đóng của Lữ đoàn Liên Binh phòng vệ Phủ Tổng Thống.
Sau năm 1963, Thành Cộng Hoà này được giao lại cho dân sự và là nơi có các phân khoa đại học như Đại học Dược, Đại học Văn Khoa và Nông Nghiệp

Tôi bắt đầu dạy từ khoá 5 nên vẫn còn nhớ một số danh tánh vài sinh viên:
Khóa 5 Trần Văn Đạt, Trần Lệ Chi, Võ Anh Hào, Trương Văn Tấn, Nguyễn Xuân Sơn
Châu Cự Xu, Hồ Văn Lâm, Nguyễn Bá Khương, Trần Thị Mai v.v.
Khoá 6:
Hàng Ngọc Ẩn, Lê thị Châu, Nguyễn Thị Đẩu, Trương Đức Bảo, Nguyễn thị Diệu Hồng, Đặng Đức Bích, Nguyễn thị Phụng, Võ Thị Hải v.v.
Khoá 7: Lý Tững (Nông Khoa) - đã mất cách đây vài năm
Cao Minh Thư (Lâm Khoa)
Phạm Ngọc Hiệp (Súc Khoa) - sau này đổi ngành và đã làm việc với CIMMYT.
Khoá 8 có Nguyễn thị Mỹ, Hồ Thị Bích Thoa, Nguyễn văn Ngưu có lúc làm o Nigeria, sau làm cho FAO ở Roma, Phan Hiếu Hiền, chuyên ngành Nông Cơ..
Khoá 9 có: Nguyễn Trọng Thu, Nguyễn Lương Duyên, Nguyễn Đức Chí (sau này có lúc là Phó Tỉnh Trưởng Bac Liêu), Võ văn Sơn, Lê Văn Hạt, Trần văn Hào ..
Khoá 10 có Lê thị Hoàn:....

18 năm sau khi bắt đầu dạy Cao đẳng thì năm 1983, thời thế đưa đẩy tôi có dịp ở trên triền núi Himalaya, ở một xứ mệnh danh là xứ mái nhà thế giới .
Nhiều bạn hỏi ngay mái nhà thế giới ở đâu ? Xin thưa ngay đó là xứ Nepal, một xứ nằm giữa Ấn Độ và Tây Tạng và vì xứ có độ cao rất lớn, -dưới chân núi Everest- nên ai cũng gọi đó là the roof of the world!
Phần lớn người ta thường qua Nepal là để du ngoạn, đi bộ dọc các đường mòn lên núi xuống đèo (trekking), đi chừng 10 ngày lại về nước, hoặc có thể đi hành hương xứ Phật vì Đức Phật sinh ra đó tại vườn Lâm Tỳ Ni, tức Lumbini, một tỉnh của Nepal giáp ranh với Ấn Độ .
Riêng người viết bài này qua Nepal không phải đi du ngoạn trekking như những thanh niên lực lưỡng, chán cảnh nhà cao ốc beton, chán cảnh ô nhiễm tiếng động của các đô thị để muốn tìm về rừng, tìm lại cảnh thiên nhiên, nhìn cảnh mặt trời ửng sáng từ từ chuyển màu từ chân núi Everest... Kẻ viết bài này qua Nepal cũng không phải đi hành hương xứ Phật nhưng thật ra qua đó là để đi làm việc.

Thực vậy, tác giả không phải ở Nepal 5- 10 ngày như phần đông các du khách mà gần 1000 ngày, từ 1983 đến 1986,vì có dịp làm chuyên viên nông nghiệp tại xứ đó
Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, vào mùa đông 1984, tôi có dịp trở về Canada và khi trở lại Népal làm việc sau kỳ nghỉ thường niên, tôi về Népal qua ngã Thái Bình Dương chứ không phải qua ngã Âu Châu như mọi lần, do đó có ghé lại Los Angeles trước khi về Manila và Bangkok để đi Kathmandu, thủ đô Nepal .Vẫn còn nhớ ở Los Angeles, có một số anh em Nông Nghiệp mời cơm tối tại nhà hàng; thoáng nhìn trong bàn tiệc tối hôm đó thấy toàn 'chức sắc ' của Hội Nông Nghiệp như Châu Cự Xu, Phạm Văn Bách., Bùi Bỉnh Bân, Chu Quang Cẩm v.v. Ngày hôm sau, tôi phải rời Los Angeles để đi Manila, thăm viếng IRRI; ở Manila, có dịp gặp lại Trần thị Lệ Chi đang làm cho một dự án bảo vệ thực vật của chính phủ Đức tài trợ cho chính phủ Phi luật Tân, còn chồng cũng là người Đức, kinh tế gia ở Asian Development Bank. Rời Manila bằng Japan Airlines để đi Bangkok, tôi bồi hồi từ khung cửa chỗ ngồi trên máy bay nhìn xuống không phận Đà Nẵng: các năm đó, Việt Nam bế quan toả cảng không có ai thăm viếng được chứ không như ngày nay .
Vào thời điểm 1983-86, tôi là người Việt duy nhất sống và làm việc ở Nepal.

Địa lý

Nhỏ bằng nửa nước Việt, vì diện tích là 147 181 km2 (so với nước Việt là 330 000km2) và dân số quãng 20 triệu người (nước mình là 80 triệu)
Nằm giữa Ấn Độ phía Nam và Tây Tạng phía Bắc, nên trải qua hàng ngàn năm, đây là nơi hội tụ của hai làn sóng di dân : một của người Ấn Độ-Aryan từ phía Nam và một từ những dân bán du mục gốc Tây Tạng và Mông Cổ đến. Những tộc người Ấn-Aryan đến ở tại những núi đồi, lập thành nhiều tiểu quốc. Năm 1768, thủ lãnh vương quốc nhỏ Gurkha xâm chiếm được quyền hành các tiểu quốc lân cận kia và thống trị thống nhất sơn hà, tạo nên nền móng Nepal ngày naỵ


Tại Nepal, ngoại trừ một giải đồng bằng phù sa của sông Hằng dọc theo biên giới với Ấn Độ mà người ta thường gọi là TERAI, còn ra là những giải núi cao và càng gần giãy Himalaya thì núi càng vươn cao chừng nấy . Vì dân đông so với diện tích đất nông nghiệp vốn rất ít ỏi nên người ta phải tận dụng đất, làm ruộng bậc thang từ chân núi lên tận đỉnh núi cao.
Vì ít khi các hãng hàng không quốc tế có máy bay đến thẳng Kathmandu, nên thông thường là tới New Delhi trước rồi từ đó mới lấy máy bay hãng Ân Độ Air India hoặc Indian Airlines đi đến Kathmandu .
Đáp máy bay từ Paris đi New Delhi, nơi tôi phải đến trình diện toà Đại sứ Canada trước khi đến Kathmandu, tôi đã thấy nhiều chuyện là lạ. Trên máy bay, thức ăn là thịt gà không có thịt bò, không có jambon thịt heo vì Ấn Độ cử kiêng thịt bò (họ thờ bõ) mà cũng kiêng thịt heo vì trong xứ Ấn Độ cũng có người Hồi giáo chứ không phải chỉ Ấn độ giáo .Báo chí trên máy bay cũng toàn báo chí Ấn Độ, không có các tạp chí các nước khác để đọc.

Công việc


Dự án có tên là K-BIRD. Và cũng xin bạn đọc đừng nghĩ chắc tôi lo bảo tồn chim chóc gì đó trong cái dự án có tên như vậy! Thật ra, chữ K-BIRD toàn chữ là Karnali-Bheri Integrated Rural Development. Karnali và Bheri chỉ là tên hai dòng sông lớn ở phía Tây Nepal và dự án này nằm trong bồn lưu vực (watershed) của hai sông này nên có tên đó

Trước khi bắt tay vào công việc, họ cho tôi học 1 tháng tiếng Nepali do một thầy còn trẻ dạy qua tiếng Nepali, chỉ nói với tôi bằng tiếng Nepali, lúc đầu không hiểu, nhưng từ từ hiểu dần. Học một tháng chỉ biết nói qua loa cảm ơn, chào ông, chào bà, anh ăn cơm chưa v.v. nhưng khi gặp nói vài câu như vậy cũng cho dân họ biết mình muốn cố gắng hoà đồng mà thôi. Họ cũng chỉ cho cách chào hỏi như chắp tay trước ngực và nói Namaste! Ngoài tiếng Nepali, ngôn ngữ chính thức là Anh ngữ .
Sau đó là phải đi làm việc. Dự án bao gồm 3 quận Surkhet, Dalek và Jumla và xem như thuộc vùng Trung du và Thượng du Nepal, nằm về phía Tây xứ này, cách Kathmandu hơn 1 giờ bay .
Chức vụ của tôi gọi là Natural resources advisor tức cố vấn tài nguyên thiên nhiên . Chức năng này có một nội hàm rộng lớn vì bao gồm cả nông, lâm, súc. Nhưng vì là cố vấn (tôi còn nhớ chữ Nepali gọi là salahaka) nên chỉ giúp ý kiến và theo dõi sự thực hiện, còn thực hiện các hoạt động hoàn toàn do các Ty sở địa phương (line agencies) ở 3 quận trên trông nom.

Về nông thì ngoài lúa trồng miền Terai và trong các thung lũng, người Nepal còn trồng lúa từ chân núi lên đỉnh trên ruộng bậc thang, nhờ nước suối chận lại.
Nepal còn nhiều hoa màu nhiệt đới như bắp nhưng cũng có khoai tây, lúa mì, lúa mạch, mạch ba góc (sarrasin) . Trên các thung lũng cao về phía Bắc, họ cũng trồng lúa mạch, kê, táo. Trong vùng dự án cũng có vài Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Nghiệp rải rác.
Về lâm thì nhiều vấn nạn hơn: nào là xói mòn, phá rừng, nạn dê thả rong phá cây con, đốn lá cây cho bò ăn, bồn lưu vực bị thoái hoá ..
Về súc thì có trâu bò nhưng nuôi bò chỉ để cày cấy chứ không được ăn thịt; trâu cái để cho sữa uống. Uống nước trà thì phải pha thêm sữa trâu. Còn bò cái địa phương giống không cải thiện nên sữa chỉ vừa đủ cho con bê bú mà thôi, không dư cho người.

Trụ sở chính của dự án là ở Surkhet, một quận lỵ nằm vùng Trung du, cao độ 700m.
Surkhet, chỗ tôi ở nao nao giống làng quê tôi ở miền duyên hải Trị Thiên. Đêm khuya, nghe tiếng chày giã gạo như tôi đã từng nghe những năm tháng thời tiền chiến thuở còn nhỏ học tiểu học trường làng, vì vùng này cũng chưa có máy xay lúa xát gạo, buổi trưa cũng có thể nghe tiếng gà gáy sau lũy tre, sáng cũng nghe tiếng gà gáy vì vùng này không có nuôi gà công nghiệp. Chợt nhớ những vần thơ:

Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Thỉnh thoảng cũng phải đi lên núi, trèo đèo, lội suối vì đọc phúc trình các nơi gửi về thì nhiều, nào inception report, semestrial report, monthly report, progress report. Đi tại chỗ có lợi là nắm vững tình hình hơn và thăm dân cho biết sự tình luôn.
Đi công tác toàn đi bộ, vì không có đường xe chạỵ. Tôi có dịp đi công tác tại cả 3 quận miền núi. Núi non Nepal hiểm trở nguy hiểm hơn ở Việt Nam nhiều. Thực vậy, giải Trường Sơn ở Việt nam chỉ là đàn em của giải Himalaya.

Đúng như Tản Đà đã viết, 'non cao tuổi vẫn chưa già', dãy núi Himalaya tuy cao chót vót vậy mà tuổi đời còn trẻ lắm vì mới phát sinh chỉ cách đây vài chục triệu năm mà thôi, so với nhiều sơn khối cổ cả hàng trăm triệu năm như dãy Rocky Mountain hay giãy Appalachian của Bắc Mỹ . Những vách núi, những thung lũng , những đồi vắt vẻo bên sườn núi dựng đứng. Đó là chưa kể vào mùa đông gặp tuyết rơi trên núi, nhiều đường lách núi bị bít luôn. Tôi nhớ một hôm nọ sau nhiều ngày đi miền núi, trước cảnh một vực đá thăm thẳm nguy hiểm bắt buộc phải vượt qua, một chuyên viên Canada khác phải thốt ra: Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Anh không muốn xâm chiếm xứ nàỵ ! Qủa thực, người Anh đến Ấn Độ, Hồi Quốc chứ không bao giờ chiếm Nepal cả .

Tuy vậy, cũng có nhiều đoạn đường rất đẹp trên vùng núi. Không có những nấm mộ lồng bàn, 'sè sè nấm đất bên đường, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh' bởi một lẽ rất đơn giản là xứ này như Ấn Độ chỉ đem xác người và lượm củi đốt cạnh bờ suối, bờ sông rồi liệng tro xuống nước chảy trôi ra sông, rồi ra biển cả . Nhiều nơi 'nao nao dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang' với nhiều rừng thông, rừng sồi, rừng giẻ cùng những loài chim lạ góp nhạc về trời . Một vài nhà sàn cheo leo bên sườn núi dưới ánh chiều tà. Trên núi nhà sàn rất nhiều, nuôi gia súc dưới sàn nên không vệ sinh .
Máy bay trong nước phần lớn là máy bay Twin Otter (19 chỗ ngồi) của Canada bán. Đây là loại STOL nghĩa là short take-off and landing, có thể cất cánh hạ cánh xuống phi đạo ngắn vì nước Nepal toàn đất núi nên phi đạo thường rất ngắn ở các thung lũng xung quanh núi và không phải quận nào cũng có sân bay. Các phi công Nepal lái máy bay Twin Otter đều có đi học lái tại British Columbia, vì tiểu bang này có địa hình địa vật như Nepal, nghĩa là có thung lũng hẹp, có sườn núi dốc đứng.

Thiên nhiên khắc nghiệt

Thiên nhiên khắc khổ dĩ nhiên tác động đến tính con người: chịu thương chịu khó, tiết kiệm, cần cù. Người Anh vốn biết như vậy nên tuyển mộ lính tại Nepal. Họ có cả một Trung Tâm ở phía Đông Nepal, tại Dharan chuyên môn tuyển lựa những thanh niên thuộc các bộ lạc Gurung, Tamang có khuôn mặt tương tự như người Việt, người Tàu; đó là loại lính thiện chiến, đi hàng đầu trong mọi trận mạc hay nơi hiểm yếu. Trước kia họ đóng ở HongKong, Singapore, Brunei. Mà không phải chỉ nước Anh mới tuyển mộ lính Gorkha này mà ngay cả Ấn Độ cũng vậy.

Buôn bán trao đổi hàng hoá


Có sự hỗ tương giữa các vùng trong nước: người miền Jumla gần Tây Tạng chở len xuống đồng bằng, vì miền núi và cao nguyên Tây Tạng có nuôi nhiều cừu và chở bằng lừa ngựa xuống và khi chở lên thì phải chở muối vì trên núi không có muối . Đặc biệt tại miền núi Jumla không xa Tây Tạng bao lăm có một loại trâu gọi là yak, rất chịu lạnh và rất mạnh; dân chúng thồ hàng miền núi cao toàn bằng loại trâu yak nàỵ.

Kinh tế và viện trợ quốc tế

Vì là xứ toàn núi đồi, địa hình quá sức hiểm nghèo nên đường giao thông trên núi rất hiếm. Cũng may là Trung Quốc làm cho đường xuyên núi từ Kathmandu đi Pokhara, đường từ Kathmandu đến cửa ải Tây Tạng ở Kodari, Ấn Độ cũng giúp làm đưòng. Tuy nhiên chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu giao thông của xứ này. Vì cái khó bó cái khôn, tài nguyên tài chính không thể nào thỏa mãn các nhu cầu quá lớn lao về đủ mọi mặt như giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng nên Nepal kêu gọi và được nhiều xứ đáp ứng: viện trợ song phương thì viện trợ của nhiều nước, đặc biệt là Nhật cho nhiều tiền nhất, sau dó là Ấn Độ rồi mới đến Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc; viện trợ đa phương thì các ngân hàng phát triển như Asian Development Bank cho vay lãi xuất thấp; đó là chưa kể nhiều tổ chức phi chính phủ như Peace Corps, thiện nguyện Nhật Bản, Anh, Đức, Thuỵ sĩ muôn màu muôn vẻ ..
Nepal là xứ rất nghèo vì tài nguyên không có bao nhiêu, không có dầu hỏa như Việt Nam, không ăn thông ra biển như Việt Nam, không có than đá như Việt Nam, không có mỏ hột xoàn như ở Nam Phi hoặc mỏ đồng như Congo (Zaire). Mọi việc xuất nhập đều phải qua hải cảng Calcutta của Ấn nên nếu Ấn Độ không cho quá cảnh thì Nepal rất kẹt. Do đó, chính sách đối ngoại của Nepal thường nương nương với chính sách Ấn Độ.

Ăn uống

Tại sao thức ăn Nepal nghèo nàn? Là vì trái với người Việt nhiều tài nguyên hồ ao, biển cả, không kiêng cữ, ăn đủ thứ còn người Nepali kiêng không ăn thịt bò vì thờ bò như Ấn Độ, không nuôi heo vì cũng chịu ảnh hưởng Hồi giáo, không biển nên không có cá, sông ngòi chỉ là thác ghềnh. Thỉnh thoảng giết dê mà thôi. Thức ăn quanh quẩn chỉ cơm món đậu, khoai tây...Kathmandu thì gì cũng có vì là thủ đô, có khách sạn Sheraton, có trường học quốc tế. Đặc biệt ở các siêu thị tại Kathmandu, người ta bán bufsteak (từ trâu) chứ không phải beefsteak
Họ ăn bốc, không dùng đủa (như ở Ấn Độ vậy), ẩm thực có thể kể món dhal bhat tarkari, nghĩa là đậu, cơm, rau cải pha cari, achar (gia vị hơi cay), momos (một loại bánh bao)...

Chữ viết

Chữ viết căn cứ vào chữ Phạn nghĩa là viết chỉ cần vài chục chữ là đánh vần viết được ngay, không phải như tiếng Tàu mà mỗi tiếng phải có mỗi chữ, nên phải thuộc cả vài ngàn chữ mới đọc được tiếng Hán.
Còn tiếng Nepali chỉ cần học chừng vài tháng là đọc được viết được ngay. Chữ Phạn chính là nguồn gốc của các chữ Thái lan, chữ Miên, chữ Lào

Tôn giáo

Tôn giáo thì 88% là theo Ấn độ giáo, 8% theo Phật giáo, Hồi giáo quảng 3%
Nepal vì nhiều di sản văn hoá tôn giáo nên cũng là nơi hành hương hàng năm của hàng chục ngàn người mộ đạo như người Nhật, Đại hàn, Thái Lan và gần đây hơn là Phật tử Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới tụ tập về Vườn Lâm Tỳ Ni, chỗ đức Phật sinh ra đời .


Gần Kathmandu cũng có nhiều đền thờ như Pashupatinath, Godnath và Swayambhunath. Một vài đền cổ thờ các vị nữ thần ở Patan, ở Bhaktapur không xa Kathmandu bao nhiêu .

Ngoài Ấn độ giáo, Nepal sau này được tiếp xúc với thêm Phật Giáo Tây Tạng vì có nhiều nhà sư Tây Tạng đã thoát chạy tị nạn khi Trung Quốc tấn công Tây Tạng khiến Đức Dalai Lama hiện nay phải băng đồng, băng núi trốn qua Nepal rồi từ dó qua Ấn Độ. Hiện có nhiều người tị nạn Tây Tạng ở Nepal, trong đó nhiều tu sĩ.

Leo núi

Núi Everest là núi phía Đông Bắc Kathmandu, ngoài leo núi , còn có thể đi thăm bằng máy bay nhỏ lượn quanh núi để quay phim, chụp hình
Cao gần 8000m, núi Everest là đỉnh nhìn về Bắc là Tây Tạng, nhìn về Nam là Nepal. Những dân Sherpa chuyên làm nghề cửu vạn, tải sau lưng những gùi vật dụng cho nhiều đoàn thám hiểm lực lưỡng leo núi: có đoàn từ Âu Châu, có đoàn Mỹ, có đoàn Nhật... Có nhiều người chết khi leo núi Everest, có khi vì không quen với những vấn đề không khí rất loãng, thiếu oxy ở cao độ, có khi chết vì nạn chuồi tuyết lăn; tóm lại không phải leo núi là thành công đâu . . Lúc tôi ở Nepal, có cựu Tổng Thống Carter cũng có lần leo núi, nhưng không thành công, nhà vua Nepal phải cho trực thăng lên đón về cùng với đám cận vệ ! (Nhà vua này sau bị con giết và người con cũng tự vẫn bằng súng luôn )
Ngoài núi Everest ra, còn có núi Annapurna, gần Pokhara. Pokhara cũng là một thành phố quan trọng của Nepal. Thành phố này có nhiều dân tị nạn Tây Tạng và vì qua đây từ những đợt đầu di cư tị nạn từ những năm 1957 nên họ đã có vài cơ sở kinh doanh như khách sạn ở đâỵ

Chủng tộc


Nepal có nhiều chủng tộc: chủng tộc Newar ở thung lũng Kathmandu.
Tộc Gurung sống trên các ngọn đồi phía Tây Nepal, quanh núi Annapurna, Gorkha. Họ nói ngôn ngữ gốc Tạng-Miến, và dạng gốc Mông cổ. Các đoàn lính Gurkha đóng quân ở Brunei, Ấn Độ là người Gurung. Họ thiện chiến, có kỷ luật. Theo truyền thống, anh chị em trong họ có thể lấy nhau. Một định chế đặc thù của người Gurung này có tên là rodi, một loại câu lạc bộ trong đó, trai gái khi qúa 12 tuổi phải sống tập thể làm việc đồng áng chung. Cuộc sống như vậy tạo cơ hội cho con em họ hàng gặp gỡ, tiến đến hôn nhân

Tộc người Rai ở các ngọn đồi phía Đông Nepal, quanh Dhankuta, Bhojpur. Trồng lúa trên ruộng bậc thang. Họ cũng thiện chiến, can đảm như người Gurung nên cũng đi lính Gurkha và nhờ đó gửi tiền về cho thân nhân ở nhà quê

Tộc Limbu ở cực đông đồng bằng Terai và phần đông làm ruộng. Họ không ra đồng áng những ngày mồng 1 và rằm (kiêng cử )
Còn nhiều tộc người khác như tộc Magar dân số gần nửa triệu cũng nói ngôn ngữ gốc Tạng-Miến, khuôn mặt như người Việt; tộc Tamang, tộc Sherpa ở chân núi Everest chuyên làm nghề hướng dẫn du khách leo núi Everest .
Trong dự án tôi làm có vài nhân viên thuộc các tộc người Rai, người Tamang

Tuy có đến 36 tộc người khác nhau, có tộc gốc Tây Tạng-Mông cổ (Tạng Mông) chiếm 20% dân số, có tộc gốc Ấn-Aryan chiếm 80% dân số và có phong tục tập quán khác nhau trong quan, hôn, tang, tế nhưng các điều kiện địa lý đặc thù của Nepal đã làm các tộc người này có một hồn riêng biệt, đặc trưng cho căn tính (identity) Nepal.

Nếp sống thường nhật

Đại đa số nhân dân cũng nghèo như bên Việt Nam vậy; vì ăn uống thiếu thốn mà làm việc lam lũ, đầu tắt mặt tối, leo núi, tìm củi, cày cấy nên tuổi thọ thấp, dưới 50 tuổi. Vì vậy, họ lấy vợ sớm để có con nối dõi: tục tảo hôn là vì vậy . Một hôm, tôi đang đi công tác với một đối tác viên cũng chuyên viên nông nghiệp người Nepalais thấy một em bé xem chừng 15 tuổi dắt một con dê, đi sau là người cha; anh Nepali giải thích với tôi là dê là lễ vật trình nhà gái đó lúc xin hỏi .. Gia đình Nepal chỉ thích đè con trai, không thích sinh con gái, hầu như đó là đặc trưng văn hoá của họ.(và Ấn độ cũng vậy) Vì con gái khi lấy chồng phải đem nhiều hồi môn cho bên chồng và khi già yếu, con trai mới tiếp tục công việc đồng áng được . Người Tây Tạng còn có tục đa phu, vì không đủ đàn bà.

Di dân

Có lần tôi bị đánh cắp passeport nên phải qua New Delhi làm sổ thông hành lại. Nhiều công chức Canada lo về Di Trú ở đây rất bận rộn vì rất đông dân Ấn Độ muốn xin qua Canada lập nghiệp. Người Sikh được nhập vào rất đông; họ là người luôn luôn chít khăn trên đầu. Và vì tôi cũng có dịp đi Ấn Độ để tổ chức khoá tu nghiệp cho những chuyên viên Nepali trong dự án K-BIRD sang đó tu nghiệp, nên tôi có để ý là tiểu bang Ấn Độ có người Sikh (tiểu bang Punjab) là giàu nhất. Thì ra, họ chuyển tiền từ ngoại quốc về cho thân nhân.
Tòa Đại Sứ Canada ở Ấn luôn luôn bận rộn và là nơi bận rộn thứ nhì sau Hong Kong. Dạo đó, Hongkong chưa chuyển giao quyền hành lại cho Trung Quốc nên dân HongKong ào ào nối đuôi nhau xin visa vào Canada.

Dân số và kiểm soát sinh đẻ

Dân số là vấn đề trọng tâm hàng đầu của Nepal. Tôi còn nhớ, tờ báo hàng ngày Nepal Times cứ mỗi ngày, ghi dân số Nepal trên một tít trang đầụ, như nhắc nhở mọi người thấy dân số cứ tăng mỗi ngày. Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên làm như vậy, thay vì chỉ trong thống kê mỗi năm.
Nhiều khi đi núi, gặp các bác sĩ, các y tá cắm lều, dựng trại, khuyến khích thanh niên các xã lân cận đến thắt ống dẫn tinh. Các công chức cũng được khuyến khích đi thắt ống dẫn tinh (vasectomy) sau đó được nghỉ thêm nhiều tuần và có cho thêm vài trăm roupie. Roupie là tiền Nepal, một USD bằng 20 roupie. Tôi hỏi Bác sĩ gặp miền núi tại sao không cột buồng trứng cho đàn bà thì họ trả lời miền núi không đủ phương tiện vệ sinh vì cột buồng trứng cho phụ nữ đòi hỏi điều kiện sát trùng tinh vi hơn so với đàn ông .
Tuy nhiên, số đi thắt ống dẫn tinh và cột buồng trứng không nhiều so với dân số. Nạn nghèo đói, nạn mù chữ, giao thông khó khăn cũng là những yếu tố trở ngại cho chương trình.

Năng lượng: mặt trời, nước

Tại phi trường Surkhet, người ta sử dụng năng lượng mặt trời để cho chạy các máy truyền tin. Nhờ năng lượng mặt trời chuyển hoá thành điện. Cũng tại Surkhet, vì cách xa giao thông nên không có nhà máy nhiệt điện dùng dầu cặn chạy máy mà có một đập thủy điện nhỏ để phát điện. Các tuabin điện tuy nhỏ nhưng cũng giúp cho thành phố có ít điện; tuy nhiên, vào những tháng cuối mùa nắng (3-4). thì nước trong hồ cạn dần nên không có điện, phải dùng đèn dầu hay thắp đèn manchon. Tại vài nơi thuận tiện, nông dân cũng tận dụng một sự chênh lệch mực nước để cho chạy cái cối xay, phần lớn xay bột bắp, bột gạo, bột mì
Nepal có tài nguyên nước phong phú và có nhiều nơi dễ xây đắp đập thủy điện để xuất cảng điện sang Ấn Độ

Liên lạc

Liên lạc thì dạo đó làm gì có Internet và điện thoại di động như bây giờ. Phải viết thư ra bưu điện mua tem. Tuy nhiên, hàng đêm, dù ở Surkhet rất xa Kathmandu, tôi vẫn được nghe tiếng Việt qua làn sóng BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ và nhất là Đài tiếng Việt phát thanh từ Melbourne của Úc vì Nepal nằm trong khu vực phát tuyến, gần Việt Nam nên bắt đài rất dễ

Thời điểm du lịch

Thuận lợi nhất là từ tháng 11 đến tháng 3 vì sau đó mưa to, gió lớn, mây mù dày đặc, máy bay đáp xuống phi trường Kathmandu rất khó khăn và cách đây mấy năm, báo chí đăng tin máy bay Thái Lan chở hành khách từ Bangkok đâm đầu vào núi bao quanh thung lũng nàỵ

Lời kết

Từ ngày dạy ở cao đẳng cũng tưởng cuộc đời mình chỉ gắn bó với nước Việt thế mà thời cuộc đưa đẩy, tôi lại đi làm việc ở xứ đèo heo hút gió này nhưng bù lại biết thêm cả một nền văn hoá sâu sắc Ấn Độ, thấy được bằng mắt trần những ngọn núi cao như Annapurna, Everest mà lâu nay chỉ nhìn qua hình carte postale.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bạn bè Nông Nghiệp giờ đây chân trời góc biển, người miền băng tuyết, kẻ ở trời Âu, người rừng già Phi châu, kẻ còn ở lại, người đã đi vào thế giới vĩnh hằng thật là
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòngTrong thời gian làm việc ở Nepal tôi có dịp đi Calcutta ở Ấn Độ và có ghé thăm trại người cùi của bà mẹ Teresa và thấy trên bức tường các dòng chữ sau đây:

Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó
Cuộc sống như một cuộc tranh đấu, hãy chấp nhận nó
Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên
Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó
Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó

Mẹ Teresa đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho tình thương.
Xin thắp nén hương lòng cầu nguyện cho những bạn bè, sinh viên cũ, sống khôn thác thiêng hộ trì cho những kẻ còn sống. Xin nguyện cầu cho những người còn trên cõi đời này nối lại tình thâm trên quãng đời trước mắt rất ngắn ngủi còn lại, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng ./.

Thái Công Tụng