Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Nhạt Nhòa - Sáng Tác Tuấn Khanh - Tiếng Hát Nguyên Giao


Sáng Tác: Tuấn Khanh 
Tiếng Hát: Nguyên Giao
Thực Hiện: Đặng Hùng

Vào Đông



Một khối không gian ướp giá băng
Những bông hoa tuyết lạnh căm căm
Gió về muôn lối luồn hơi rét
Sương rắc ngàn cây lá đắp chăn
Mây áng chân trời tia nắng nhạt
Mưa phùn lất phất hạt lăm răm
Tái tê một mảnh tình tê tái
Hiu hắt bên trời tháng cuối năm

Bằng Bùi Nguyên

Tuyết Muộn



Vào đông, hiu hắt mấy hàng cây
Lá rụng, còn trơ những nhánh gầy
Cuối bãi: thuyền không hờn nắng tắt
Lưng trời: nhạn lẻ mỏi đường bay
Ô hay đợi tuyết về đây muộn
Đành chỉ nhìn mưa nhớ thật đầy
Chợt thấy bốn bề hoang vắng quá!
Cho buồn vây kín cả chiều nay......

Nguyễn Kinh Bắc


Đất Phương Nam I - Thủ Đức: Mảnh Sân Sau Của Thành Phố Sài Gòn




Tổng Quan Về Vùng Thủ Đức:

Nói tới Sài Gòn mà không nói tới Thủ Đức quả là một thiếu sót lớn, vì Thủ Đức không đơn thuần chỉ là một vùng phụ cận của Sài Gòn, mà nó còn là lá phổi, là một mảnh sân sau của thành phố Sài Gòn. Thủ Đức chính là nơi mà người Sài Gòn thường lui tới vui chơi giải trí và nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần, những mong rũ bỏ những áp lực nặng nề trong công việc làm hằng ngày. Ngược dòng lịch sử, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh làm Kinh Lược vùng đất Thủy Chân Lạp và chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phú để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Trấn Phiên (Gia Định). Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ Phước Long, gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Đến năm 1832, sau khi Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng bãi bỏ thành Gia Định và cho đổi sáu trấn ra làm 6 tỉnh. Từ đó Nam Kỳ có tên là Nam Kỳ Lục Tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Năm 1837, vua Minh Mạng lại cho lập thêm phủ Phước Tuy cùng 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An gồm 4 tổng: An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình. Đa phần lãnh thổ của vùng Thủ Đức ngày nay nằm trong địa phận bốn tổng của huyện Ngãi An thời Minh Mạng. Dưới các thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, huyện Ngãi An vẫn trực thuộc tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An trực thuộc tỉnh Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1955 đến năm 1975, huyện Ngãi An được đổi thành quận Thủ Đức và vẫn thuộc tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, quận Thủ Đức được đổi thành huyện Thủ Đức, trực thuộc thành phố HCM. Tuy nhiên, đến năm 1997, chánh quyền mới lại chia huyện Thủ Đức ra làm 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, trực thuộc TPHCM.

Địa Danh Thủ Đức Do Đâu Mà Có?

Theo lịch sử thì tại đây có một đồn thu thuế, được các chúa Nguyễn xây dựng cách nay trên 300 năm. Năm 1995, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được tại xã Linh Trung, thuộc quận Thủ Đức, một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ nầy có 2 vòng tường bao bọc, bên trong có một tấm bia đá hoa cương, cao 42 phân, rộng 32 phân và dày khoảng 4 phân. Trên tấm bia có khắc 37 chữ Hán, có một hàng ngang và 3 hàng dọc. Nội dung của tấm bia với nguyên văn như sau: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông, nước Đại Nam. Ông chết ngày 16 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890.” Hiện tại, tại thị trấn Thủ Đức vẫn còn nhà từ đường Tạ Dương Minh, theo các bô lão trong vùng thì ngôi nhà từ đường nầy đã được di dời tới đây từ 20 năm trước từ khu chợ Thủ Đức. Trong nhà từ đường có biển ghi khắc “Từ Đường Tạ Dương Minh, tiền hiền họ Tạ, hiệu Thủ Đức, chánh đản ngày 19 tháng 6.” Ông Tạ Dương Minh là bang trưởng của người Hoa trong Hội “Bài Thanh Phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi, nên chạy qua Việt Nam trong thời các chúa Nguyễn đang cho phép mộ dân lập ấp. Ông Tạ Dương Minh đã chiêu mộ rất nhiều người Hoa đến vùng Thủ Đức ngày nay để khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Theo chân người Hoa đến Thủ Đức, còn có một số người Việt, người Khmer và người Chăm khác, họ cùng hòa nhập với nhau để khai khẩn đất hoang, mở rộng đất canh tác, xây dựng phố xá, nhà cửa... Chính nhờ công lao tạo dựng những khu phố chợ tại vùng Thủ Đức mà ông Tạ Dương Minh đã được cư dân trong vùng tôn xưng là tiền hiền khai khẩn. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta lấy hiệu “Thủ Đức” của ông để gọi chung cho cả vùng đất nầy.

Cư Dân Vùng Thủ Đức:

Ngay từ trước khi vương quốc Phù Nam thành hình, vùng đất Nông Nại nói chung và vùng Thủ Đức nói riêng, đã có nhiều cư dân cổ cư ngụ. Đó là những cư dân thuộc các bộ tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru Cơ Ho, vân vân(1). Tuy họ chỉ sống cách vùng Sài Gòn khoảng trên dưới 100 cây số, nhưng hình như cho mãi đến ngày nay họ vẫn chưa thể hòa nhập với cộng đồng người Kinh. Rất nhiều người Việt Nam lầm tưởng những bộ tộc nầy là người Campuchia. Trên thực tế, tuy các chủng tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho cũng có ngôn ngữ Môn-Khmer, nhưng họ hoàn toàn khác với người Khmer. Họ có tục cà răng căng tai, nên một số người Kinh còn gọi họ là “mọi cà răng căng tai”. Đặc biệt là người Mạ với địa bàn cư trú trải rộng từ Đồng Nai xuống tận đến Mỹ Tho(2). Mãi đến ngày nay người Mạ vẫn còn tập tục “cà răng căng tai”, họ rất giỏi nghề dệt vải với những hoa văn rất đặc sắc. Trước khi những lưu dân Việt Nam tới vùng đất nầy thì người Khmer thường đến đây bắt người Mạ đem đi các nơi khác buôn bán như những nô lệ thời trung cổ(3). Cũng như tại các vùng Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, người Stiêng tại vùng Thủ Đức để tóc dài có búi đằng sau, đeo bông tai băng cây hay ngà voi, xăm mặt và mình mẩy. Đàn bà Stiêng mặc váy trong khi đàn ông thì đóng khố. Tiếng nói của họ gần gũi với tiếng Mnông, Cơho và Mạ, thuộc nhóm Môn-Khmer. Hiện tại người Stiêng trong vùng còn khoảng 40 ngàn người, nhưng tại Thủ Đức thì còn rất ít người Stiêng, đa số họ đã tự đồng hóa với người Việt trong cuộc sống hôm nay. Riêng đới với người Khmer, tại các vùng Tây Ninh, Bình Dương, Thủ Đức và Biên Hòa, hầu như người Khmer rất ít nếu không muốn nói là không có. Ngày nay, khai các vùng Sài Gòn-Gia Định-Thủ Đức ngày càng đô thị hóa, thì các chủng tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho ngày càng rút sâu vào vùng rừng núi tiếp giáp với Campuchia. Nếu họ quyết định ở lại đô thị thì nếp sống của họ cũng phải thay đổi cho phù hợp với cuộc sống tại đây. Một số lớn người Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho đã rút về hướng Bình Phước. Hiện tại, họ chiếm khoảng 17,9 phần trăm dân số trong tỉnh Bình Phước.

Riêng cư dân Việt Nam đã đến cư ngụ trong vùng Thủ Đức từ trước khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào Nam làm Kinh Lược vùng đất Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, không có tài liệu đích xác nào ghi lại những tiến trình định cư của cư dân Việt Nam tại đây. Chỉ biết có một số ít người Việt đã đến đây khai phá ngay từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vừa vào trấn thủ miền Thuận Hóa(4). Khi họ đến đây thì vùng Thủ Đức nói riêng và toàn vùng Đồng Nai nói chung hãy còn chìm ngập trong hoang vu(5). Những cư dân người Việt đầu tiên đến đây đa số là những lưu dân cùng khổ của các vùng Thuận Quảng, không sống nổi dưới chế độ phong kiến bất công nên bỏ xứ ra đi tìm đất sống. Sau khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh đã phân chia các vùng Phước Long và Tân Bình thành những phủ huyện với đầy đủ cơ quan hành chánh thì cũng có một số không nhỏ những lính tiền đồn nhà Nguyễn sau khi giải ngủ đã quyết định cùng gia quyến ở lại vùng đất nầy lập nghiệp. Đến khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên là Chey Chetta II vào năm 1620 thì lưu dân người Việt mới đổ xô theo chân công nữ vào đây lập nghiệp. Ngay chính phái đoàn đưa dâu công nữ Ngọc Vạn cũng đem hết gia quyến của mình vào sinh sống trong vùng đất nầy(6). Đến năm 1623, phải nói là lưu dân người Việt ở vùng Đồng Nai đã đông lắm rồi nên chúa Nguyễn mới cho sứ thần sang Cao Miên để xin mở hai đồn thâu thuế tại đây, và dĩ nhiên chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhận được ngay sự ưng thuận của người con rể Chey Chetta II. Và cũng kể từ đó cho đến năm 1757, người Việt liên tục đi vào khai phá những hoang địa vùng Nam Kỳ với những luật lệ thật dễ dãi của các chúa Nguyễn. Đến trước năm 1975, thì quận Thủ Đức đã có khoảng 184.989 người(7), nhưng đến sau năm 1975, do sự sắp xếp lại địa giới hành chánh nên vào năm 1997, quận Thủ Đức chỉ còn lại có 163.294 người(8).

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp:

Đưa Em Lên Đồi Hoa Tim Tím


 (Đưa Em Lên Đồi Hoa Tim Tím - Nguyễn Sơn)

Đề Thơ:
Đưa em lên đồi hoa tim tím
Sáng rỡ trong lòng nắng thuỷ tinh
Chân đồi vưà xuống, bóng chiều tắt
Chụp kín hồn tôi tím lịm tim...

Hoàng Xuân Thảo
***
DịchThơ:


Anh Văn

When I was taking you up the hill dotted with purplish flowers
brilliantly in my heart a crystal sunny light was shining
When we got down to the foot hill the evening light was dying
darkness completely enveloped my soul and my heart turned dismally crimson

Pháp Văn

Quand je t'emmenais au sommet de la colline aux fleurs violettes
dedans mon coeur brillait un lumineux soleil de cristal
Avec la dernière lueur du jour s'eteignant le moment nous atteignions le bas de la colline
les ténèbres complètement envelopaient mon âme et mon coeur tournait lugubrement cramoisi.

Đặng Vũ Vương
***
Lên Đồi

Quanh co lối nhỏ hoa sim tím
Xanh ngắt trời cao mây trắng tinh
Dìu bước em về chiều nắng tắt
Hương đưa mùi nhớ rộn ràng tim…

Lộc Bắc
***
Vội đưa nhau về chân trời tím,
Nơi thân xác hai đứa kết tinh,
Xong xa nhau, nụ cười liệm tắt,
Đâu nghe thấy tiếng nói con tim?

Lê Xuân Cảnh
***
(Thân tặng anh Khôi và anh Nhiếp)
1/Đường đồi độc đạo hoa sim tím
Trai gái kề vai , chuyện linh tinh
Quên hẳn chiều buông, trời lặn tắt
Thả hồn thơ mộng với con tim

2/
Đường độc đạo, đồi hoa sim tím
Đôi gái trai vui chuyện linh tinh
Trên trời, dưới đất, tâm tình....
Tâm hồn hòa quyện hai mình một tim

Nguyễn Tích Lai

***
Đôi ta ngoạn cảnh đồi sim tím
Nắng đẹp chan hòa sưởi ấm tim
Chiều xuống chia tay lòng lạnh giá
Còn chăng tương ngộ hỡi em xinh

Phóng tác tiếng Pháp:

Nous voici au coteau fleuri en mauve
Avec le beau soleil qui embrase notre amour
Mais au crépuscule tu me quittes, ma pauvre
Puis-je espérer un futur avec toi pour toujours

Đinh Đại Kha
***
Dạo Đêm

Trời chiều ngã sắc hoa màu tím
Quang cảnh đêm thanh như mới tinh
Nhẹ bước cùng nàng trong bóng tối
Sao lòng rạo rực hởi con tim.

Phí Minh Tâm
***
Cảm Đề


Đường dài hun hút tới nơi đâu,
Đôi ta chung lối biết chi sầu
Chung quanh mơn mởn mầu hoa tím,
Mình mãi bên nhau đến bạc đầu.

Hoàng hôn

Hoàng hôn còn lại chút dương quang,
Trời xa phơn phớt đám mây vàng.
Cây khô trụi lá, chiều hoang vắng,
Nghe lòng buốt giá lúc đông sang.

Bát Sách
***

Trời xanh, mây trắng,đồi cao
Đường mòn uốn lượn hoa bao hai bờ
Anh dìu em vào mộng mơ
Môi hồng ấm nắng, tóc tơ má đào
Lên đỉnh nghe gió lao xao
Hai mình nhập một đường vào yêu thương
Em,anh buông thả vấn vương
Để hồn bay bổng tình trường bên nhau.

Đồ Cóc
***
1/Ẩn hiện trong đồi bông sim tím
Có những cánh hoa trắng trắng tinh
Ánh sáng trời tây vừa chợt tắt
Ta nghe màu tím lịm vào tim

2/
Tím Khắp Mọi Nơi


Tương tư thảo tím khắp vườn
Tím than, tím thở, tím thương, tím chờ
Tím hoang day dứt đường tơ
Tím tình man mác ,tím thơ dạt dào
Súng sen tím lịm bờ ao
Tím ngây ,tím ngất ,tím vào tim ai
Ngọc Bích hồn tím u hoài
Mơ lan vương giả tím ngoài tím trong
trái sầu chín mọng ,tím hồng
Tím dâng hoa biển bềnh bồng chân mây

3/ 
Tím Cả Thơ Đường
Chất ngất sầu lên tím cõi lòng
Tím lan sương khói ngập trời đông
Tím buồn hiu hắt hờn duyên nợ
Tím lịm âm u nỗi nhớ mong
Tím dại óc tim đau thế sự
Tím bầm gan ruột xót non sông
Tím thâm tím ngắt hồn thi khách ,
Chất ngất sầu lên tím cõi lòng

LạcThủyÐỗQuýBái

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Người Ra Đi, Để Lại...‏


Sáng Tác: Linh Mục Đinh Thanh Bình
Tiếng Hát: Diệu Hiền
Thực Hiện: Lk Cao




Chỉ Là Mơ



Anh mong đợi một ngày kia nắng mới
Nhịp tim thơ làm rung động tình em
Như con thuyền lướt sóng biển trời êm
Cũng đến được bến bờ thương nhân ái

Bởi yêu em phải qua nhiều cửa ải
Nhưng rồi tình cũng chỉ gọi là mơ
Tình yêu em xin được để tôn thờ
Và giữ mãi trong tâm hồn muôn thuở

Chỉ thế thôi mong gì hơn thế nữa
Làm người thơ cứ thích chuyện mơ hồ
Cứ vui đời cứ dệt những vần thơ
Cùng chia xẻ chút tâm tình vụn vặt

Tránh sao khỏi nhiều khi buồn hiu hắt
Anh âm thầm than thở tiếng thơ đau
Chỉ có em anh vơi được nỗi sầu
Để quá khứ vùi sâu trong kỷ niệm

Anh trao em đời này chiếc vương miện
Gọi em là hoàng hậu của tình yêu
Anh đón em bằng vạn đoá hoa điều
Để em bước êm đềm vào cõi mộng

Nhiều lúc mơ để điểm tô cuộc sống
Và tâm hồn không cằn cỗi em ơi
Thực hay hư anh vẫn cứ vui cười
Thế mới gọi là người thơ chứ nhỉ!!!

Hoa Văn
Trích thi tập Dòng Thơ Cho Em

Vào Đông - Ôi Mùa Đông!


Vào Đông

Những cành cây gầy queo quắt
Đang sầu thương trong mộng mị héo hắt
Những sợi nắng cong nhạt nhòa
Chẳng chói lóa chỉ bẽ bàng buông xỏa
Mây, sao u ám lê thê?
Gió, sao rên rỉ ủ ê?
Một màu xám lạnh nở rộ phủ kín
Một nỗi cô đơn đan dày vây bọc
Người đã cách xa!
Cánh chim mòn mỏi rã rượi đang lạc dần vào chân trời vàng vọt quạnh hiu
Con tàu lỗ chỗ rạc rời đang chìm dần xuống đại dương xanh xao hoang vắng
Là trái tim này …
Đâu rồi ánh mắt miên man?
Đâu rồi làn môi nồng nàn?
Hồ nước gợi gợi …
Lan huệ rưng rưng …
Chuồn chuồn chao chao …
Điên điển động động …
Ôi mùa đông, đừng đem nhiều buốt giá làm đầy thêm trông ngóng!
Ôi yêu dấu, hãy dùng những cháy bỏng làm vơi bớt mỏi mong!

Dovaden2010
*** 
Cảm Tác

Ôi Mùa Đông! 


Ngồi đây khoắc khoải với đông dài
Mật ngọt ân tình chén đắng cay
Giam hãm linh hồn trong bóng tối
Chờ mong ánh sáng giữa ban ngày
Kẻ mi mắt biếc thôi phiền muộn
Tô phấn son hồng đủ đắm say
Đông đã sang tàng trơ trụi lá
Thời gian qua lấp nét trang đài

Kim Phượng


Xin Được Biết Ơn


Xin Được Biết Ơn:

- Bác sĩ Mindy Hà, Bác sĩ Tốt, Bác sĩ Lộc, Bác sĩ Nghĩa, Bs Hoàng, Bác sĩ Quân và nhất là Bác sĩ Đệ, Dược sĩ Diệp…

- Cô cựu Giáo sư HT/ĐTĐ Kim Chi, chị cựu Giáo sư HT/TH Kim Quang, thầy cựu Giáo sư HT / PTG Nguyễn Trung Quân, Thầy Hùng, Thầy Lộc, Thầy Hậu…

- Bạn cùng lớp Giáo sư Gia + Liên Hoa, chị Thảo, Tư Bé, Huỳnh Mai, Tôn thị Mỹ, chị Phan thị Huệ…

- Các bạn Nguyễn Phép và nhóm chs PTG tại Toronto, các bạn Khưu văn Công, Trần thế Lộ, Thi sĩ Song Quang, Ung ngọc Đạt, Nhà thơ Hồ Nguyễn...…

- Các thân hữu chưa từng quen biết: Nguyễn công Uẩn, Phạm thị Bích…

- Và nhiều hội đoàn, bạn bè, bạn thơ khắp nơi trong và ngoài nước đã gọi điện và không ngại đường xa đến thăm hỏi tại tư gia..…

- Nhất là bạn Trần bang Thạch đã đưa tin, tiếp nhận quà, đóng góp và chịu mọi chi phí tiền gởi… 

- ( Bố cũng cám ơn thằng đầu đảng Joel Vương – nhờ con mà căn bệnh của bố chùn bước đi rất nhiều. - Cũng không quên công sức gian khổ thức trắng từng đêm của người vợ tấm cám và 3 đứa con gái: Thủy Tiên + Thùy Trang và Út Thảo của bố.…)

Xin cho tôi được biết ơn Thầy Cô, bạn bè
Đã thăm hỏi, tặng quà lúc tôi vào viện
Ân tình nầy khiễn cho tôi lưu luyến
Cõi hồng trần còn đẹp lắm đi thôi…

Chứng khó thở, suy tim mệt quá người ơi
Thêm viêm rễ dây thần kinh cột sống
Nhức quá nghĩ quẩn sống thêm là ác mộng
Trả nợ cho đời . Ôi thế là xong!. 

Có những bạn già mà tôi thầm mong
Sẽ có một ngày tụi mình xum họp
Nhưng có bạn suốt đời chưa gặp mặt
Cũng tham gia đóng góp chút nghĩa tình.

Nói một chút là phụ lòng bạn mới của mình
Nhưng nhiều chút làm trái tim nặng trĩu
Mong bạn lúc nào cũng nên thấu hiểu
Món nợ nầy tôi cảm tạ ngàn lần.

Lần nữa cúi đầu nhận những lời chúc ân cần
Xin cám ơn
Xin cám ơn
Những tấm lòng rộng mở
Chẳng biết gì hơn
Chúc bạn luôn dồi dào sức khỏe
Nguyện cầu ơn trên cho gia đình bạn
Luôn có cụộc sống vui vẻ, bình an…

Dương hồng Thủy
Cần Thơ 06/12/2019

Ngẫu Thành 2 偶 成 - Nguyễn Trãi


偶 成                     Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘 Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư,
覺來萬事總成虛 Giác lai vạn sự tổng thành hư.
如今只愛山中住 Như kim chỉ ái sơn trung trú,
結屋花邊讀舊書 Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
阮廌                     Nguyễn Trãi
***
Dịch nghĩa

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:

Chợt Viết Ra

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa


Quên Đi

***
Chỉ Một Giấc Kê Vàng


Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa !

Mai Xuân Thanh
***
Ngẫu Nhiên Làm


Cuộc đời như giấc kê vàng thôi
Muôn sự hư không tỉnh mộng rồi 
Nay thích ở cùng rừng núi thẳm 
Bên hoa đọc sách dựng lều chơi 

Mailoc phỏng dịch
***
Cùng các bạn yêu thơ Việt,

Hôm nay chủ nhật, mở máy lên gặp bài thơ của cụ Nguyễn Trãi do bạn Quên Đi giới thiệu, thật vui ! Nhưng trước khi góp thơ thì xin có vài lời thư giản cùng quí bạn.

1.- Trong thơ của Nguyễn Trãi có 2 bài mang tên Ngẫu Thành (ngẫu nhiên mà thành ra), một bài 'bát cú' cụ làm lúc cụ "hết việc, ngồi không" khi cụ còn tại chức và bài này là khi cụ đã về hưu. Hai bài đều mang tên Ngẫu Thành. Ý là, cụ muốn giải thích chuyện : Khi đang tại chức mà ngồi không và khi đã về hưu, lại có việc làm. Cả hai cái việc trái khuấy ấy xảy ra đều là chuyện ngẫu thành cả, nghĩa là không phải đến từ ý muốn của mình. Chúng ta trong đời chắc cũng có nhiều vị có cùng hoàn cảnh như cụ Nguyễn Trãi?

2.- Câu 2: Giáo lai, vạn sự tổng thành hư 覺來萬事總成虛 : Tỉnh giấc, muôn việc thảy rồi ra không có gì. Bạn Quên Đi diễn xuôi : Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực. Như vậy là bạn đã hiểu sai câu thơ, vì bị câu thơ trước ám ảnh. Giấc kê vàng là một ví dụ, còn chuyện đời của tác giả thì vẫn là chuyện thực đã xảy ra. Cụm từ覺來này có 2 âm đọc : Giác lai và Giáo lai. Đọc Giác thì Giác là hiểu biết, còn đọc Giáo thì giáo là thức giấc. Ở đây, xét theo văn cảnh, thì phải đọc Giáo với nghĩa Thức giấc (anh chàng Lư Sinh khi thức giấc mới hay những gì mình vừa trải qua đều chỉ là chuyện trong mộng). Hư虛 : Hư là hư không, là chuyện đang thực trở nên không có gì, khác với : Không hề thực là chuyện chưa hề xảy ra. Câu thơ của tác giả là muốn đem câu chuyện anh chàng Lư Sinh để biện giải cho cuộc đời của chính tác giả, chứ không phải là kể chuyện Giấc kê vàng của Lư Sinh. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, thơ ông, tất nhiên không nói chuyện xuông. Có vậy, ông mới được thế giới ngưỡng mộ, họ ngưỡng mộ về tư cách của ông chứ không phải thi tài của ông. Họ đâu có thưởng thức được thơ ông như chúng ta.

3.- Bài thơ này, câu cuối có 2 dị bản. Trong các quyển Thi Lục và Thi Tuyển đều chép là:

Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư (Dựng nhà, bên hoa, đọc sách của cha).
Riêng bản Dương Bá Cung thì chép như bạn Quên Đi:
Kết ốc, hoa biên, độc cựu thư (Dựng nhà, bên hoa, độc sách cũ).

Vậy, chúng ta nên chọn câu nào ? Câu chép trong các quyển tuyển lục thơ hay câu của Dương Bá Cung ? Tôi nghĩ : câu trong các cuốn tuyển thơ đúng hơn. Chữ Phụ 父tuy nghĩa đen của nó là cha, nhưng phụ cũng có thể để chỉ những sách của các hiền triết đời trước đáng bậc sư phụ. Còn Cựu thư thì chỉ để nói chung chung : các sách cũ, sách gì cũng được, là chỉ để đọc giải khuây. Nếu cụ chỉ đọc sách để giải khuây, chắc cụ không đến phải chịu cảnh thảm thương lúc đã về trí sĩ : Tru di tam tộc (Ba họ bị giết). Họ giết ba họ nhà cụ là kết tội cụ đang mưu tính chuyện phản nghịch. Chữ cụu thư, như vậy, chỉ là chữ đã bị chữa lại lúc sau, cho nó thành trung dung, không đụng chạm đến ai. Giờ đây, tôi nghĩ, ta nên quên chữ Phụ, chữ Cựu đi, cụ muốn đọc sách gì đó là quyền của cụ.

Cũng nên nói thêm là cụ Nguyễn Trãi đã được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của cụ, năm 1980 tại Paris.

Chuyện ngẫu nhiên mà ra
Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích :
Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.
Danh Hữu dịch
Chúc các bạn vui vẻ!

Danh Hữu
***
Chuyện Ngẫu Nhiên

Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi
Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi
Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích
Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!

Nguyễn Đắc Thắng


Trường Phái Ấn Tượng Hay Là Ngôn Ngữ Hội Họa Sáng Tạo


Ngày 15-4-1874 tại cơ sở của nhiếp ảnh gia Nadar số 35 đại lộ Capucines – Paris đã khánh thành cuộc triển lãm tranh của một nhóm họa sĩ ly khai khoảng 30 người trong đó có Monet, Renoir, Degas, Berthe, Morisot, Pissarot… Gọi là ly khai (dissidents) nghe cho xôm tụ, chứ thời bấy giờ họ bị liệt vào nhóm họa sĩ bị khước từ (les refusés) vì tranh của họ không được nhận trưng bày tại Phòng Triển lãm chính thức. 

Phòng Triển lãm chính thức thời ấy, được biết dưới tên gọi Le Salon officiel và đặt trụ sở tại Viện bảo tàng Louvre, là nơi hàng năm tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa hoặc điêu khắc được đánh giá là có mỹ thuật. Đây chính là cơ hội để tác giả được quần chúng biết đến và đem lại cho họ danh vọng tiền tài. Nhưng muốn vậy họ phải có tác phẩm lọt được vào mắt xanh của một Ban Giám Khảo mà thành viên hầu hết đều là hội viên của Học Viện Mỹ Nghệ (Académie des Beaux-Arts). Tiêu chuẩn đánh giá và chọn lựa, cho tới giữa thế kỷ 19, vẫn là dựa trên mỹ học kinh viện (académique) và truyền thống Phục Hưng La Mã (La Renaissance romaine). 

Bởi lẽ cách sử dụng màu sắc và đường nét cách tân của nhóm không hợp nhãn Ban tuyển trạch nên tranh họ đã bi loại bỏ. Đó cũng là lý do khiến bọn họ đứng ra tổ chức riêng cuộc triển lãm từ 15-4 đến 15-5-1874 đúng hai tuần trước ngày khai mạc Phòng Triển lãm chính thức. Với kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với Phòng triển lãm kỳ cựu, một thành viên đã không ngần ngại phát biểu một câu xanh rờn : « Cuộc triển lãm lưu vong này là một thắng lợi lớn và tranh của bọn ta sẽ là một cạnh tranh chí tử với đám khứa lão đui chột ngốc nghếch ấy… ». Nhưng cuộc trưng bày của họ lại hầu như là một thất bại. Suốt một tháng trời mở cửa chỉ có khoảng 3500 khách vãng lai, chưa bằng một phần mười tổng số người kéo đến coi Phòng Triển lãm chính thức. 

Về phần giới phê bình chính thức cũng chỉ bình phẩm qua loa hoặc nhắc chiếu lệ về phòng tranh mà thôi. May thay, một vài nhà phê bình thuộc loại nghiệp dư, không mấy tiếng tăm lại « đánh hơi » được tính khai phá cách tân của đường lối hội họa mới này, như nhận xét của nhà phê bình nào đó trên tờ RAPPEL: « Bạn hỡi, khi tới đây bạn hãy vứt bỏ mọi thành kiến cổ lỗ sĩ đi. Hẳn một thời đã có những họa sĩ khờ khạo cứ tưởng rằng khi muốn cho ta ý niệm về một cái cây là phải vẽ đúng một cái cây đủ cả thân lẫn cành và lá. Tội nghiệp thay, họ đâu biết răng hội họa phải đem lại cho ta trước hết « ấn tượng » về các sự vật, chứ không phải cái chúng là hiện thực. » (… Vous qui entrez, laissez tout préjugé ancien. Il fut un temps sans doute où des peintres naïfs, lorsqu’ils voulaient donner l’idée d’un arbre, peignaient un arbre en effet avec un tronc, ses branches et ses feuilles. Ils ignoraient que la peinture doit donner avant tout « l’impression » des choses, non leur réalité même" Theo J.J LÉVÊQUES – Les Années Impressionnistes _ 1870 - 1889, ACR Éditions Internationales 1990, tr. 284) 
« Hội họa phải đem đến cho ta cái ấn tượng về các sự vật chứ không phải cái chúng là hiện thực.»: Nhà phê bình nào đó, khi phát biểu như trên, hẳn đã nắm được ý nghĩa mang tính chất sáng tạo của từ Impression đặt trước hai chữ Soleil levant dùng làm tựa cho bức « RẠNG ĐÔNG » (Impression, soleil levant-1872) của Claude Monet. Đó cũng là cảm nhận của nhà phê bình Louis Leroy, cha đẻ ra từ Impressionnisme, trong bài tường thuật « L’exposition des impressionnistes » trên tờ « LE CHARIVARI » số ra ngày 25-4-1874 khi, đứng trước bức « RẠNG ĐÔNG », ông đã phải thốt lên: «Bức tranh này phô bày cái gi? Ấn tượng! Ấn tượng, phải rồi.Tôi thầm nhủ bởi vì chính tôi cũng bị ấn tượng, quả là đã có ấn tượng trong đó.» (« Que représente cette toile? Impression! Impression, j’en étais sûr. Je me disais aussi, puisque je suis impressionné, il doit y avoir de l’impression là-dedans… » - Laure-Caroline SEMMER .- Les œuvres-clés de l’Impressionnisme, p. 84 – Coll. Comprendre & Reconnaître, Edit. LAROUSSE, Paris 2007). 
 Vậy là cũng như đồng nghiệp của mình trên tờ Rappel, nhà phê bình nghiệp dư Louis Leroy, không ngờ lại tỏ ra có cặp mắt tinh tế hơn người vì đã sớm phát hiện những đường nét cách tân trong bức họa của Monet. Trong khi ấy, hầu hết giới phê bình chính thức đươc mô tả là có thẩm quyền và uy tín, có lẽ còn say sưa với hào quang của danh hiệu trao tăng, nên vẫn miệt mài trên những lối mòn khiến chưa biết nhìn ra tính sáng tạo của bức tranh báo hiệu một bình minh rạng rỡ cho hội họa. 

Vậy tính cách tân sáng tạo ấy là gì ? Để có được câu trả lời thích đáng không gì bằng quan sát và tìm hiểu từng đường nét của bức tranh được coi là cái đinh của buổi ra mắt và đã trở thành đầu đề tranh luận bàn tán trong suốt thời gian phòng tranh mở cửa. 

Nhưng trước hết, tưởng cũng nên nhắc lại một sự kiện nay được coi thuộc loại bên lề, nhưng với chúng ta có thể lại hữu ích. Trong thư sau này gửi cho một người bạn, Monet cho biết bức tranh, thực hiện năm 1872 tại Le Havre, là cảnh tượng dã đập vào mắt ông một sớm mai khi, vừa mở cửa sổ, ông nhìn ra bến tàu. Sau đó bức tranh đã được gửi tới Ban Triển lãm mà không có thêm tựa đề. Tới khi được Ban Tổ chức đề nghị chọn cho nó một cái tên, ông đã chỉ đáp lại bằng một chữ ngắn ngủn: « Impression ». Với từ này, hẳn Monet muốn lưu ý mọi người rằng tranh của ông không phải là một hình ảnh về cảng Le Havre (une vue du Havre) theo quan niệm hội họa cổ điển. 
Trái lại điều ông muốn phơi bày trên tấm bố chính là cái cái cảm nhận do ánh sáng cảnh vật bên ngoài đã ùa tới đập vào mắt ông một buổi sáng khi , vừa mở cửa sổ, ông nhìn ra bến cảng. Và điều mà ông muốn truyền đạt, qua bức tranh, chính là cái ấn tượng hay đúng ra cái cảm nhận qua thi giác của riêng ông trong khoảnh khắc đó và ở vị trí đó. Có lẽ muốn tránh cho khách viếng thăm khỏi bỡ ngỡ, Edmond Renoir, em của họa sĩ Auguste Renoir và cũng là người phụ trách lập danh mục các tác phẩm trưng bày, đã thêm vào hai chữ soleil levant thành cái tựa « Impression, soleil levant » nhằm giúp cho khách coi tranh hình dung được cụ thể nội dung bức tranh hơn. 
Dần dà, khi mỹ quan ấn tượng đã trở nên quen thuộc, người ta mới cắt bỏ từ " Impression" để chỉ còn lại hai chữ « Soleil levant » mà thôi. (Sdd, tr. 84). Sự kiện này, ngày nay chẳng còn được mấy ai quan tâm đến; đôi khi nếu có đem ra nhắc lại, thì cũng chỉ như là giai thoại thêm mắm thêm muối cho vui câu chuyện tại các buổi tiệc tùng hay trong những lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Nhưng đặt vào thời điểm bức tranh được đem ra trình làng thì sự hiện diện của từ « Impression » mới quan trọng và cần thiết làm sao. Nó chính là chìa khóa giải mã, là câu niệm chú giúp ta lọt được vào thế giới hội họa ấn tượng và nắm bắt được ý nghĩa của sự tìm tòi sáng tạo cách tân của Monet cùng các đồng môn của ông. 

Trước hết, khi đề nghị từ "Impression" làm tựa cho tác phẩm của mình, Monet hẳn muốn nhắc nhở rẳng tác phẩm của ông không phải là một họa lại hiện thực theo mỹ quan cổ điển. Bởi vậy ta đừng trông mong tìm thấy ở đấy một bức tranh về bến cảng Le Havre vào lúc bình minh: quang cảnh rạng đông tuyệt mỹ với các đường nét rõ rệt trong một bố cục phân đối hài hòa, những hình thể, những khối thể hiển lộ nhờ vào sự pha trộn màu sắc khéo léo tạo ra những khoảng sáng tối đậm nhạt đem lại cho ta một ảo giác về chiều sâu không gian.
Trái lại ta phải luôn tự nhủ rằng điều mà nhà danh họa muốn truyền đạt tới chúng ta chính là cái ấn tượng mong manh, bất chợt hay đúng ra là cái cảm xúc trong khoảnh khắc trước cảnh tượng ánh sáng chói lọi đã ùa tới tác động vào thị giác ông một buổi sáng khi ông nhìn ra bến cảng. Le Havre, như chúng ta cũng biết, là một hải cảng trên biển Manche thuộc vùng Normandie tây bắc nước Pháp nên buổi sáng ở đây thường ướt đẫm sương mù. 
Khi vừa mở tung cửa sổ, nếu ông đã bị chóa mắt bởi mặt trời như một đĩa lửa xuyên thủng màn sương dày đặc và phản chiếu lấp lánh trên mặt biển, thì ánh sáng chói lọi đó vẫn chưa hội đủ nội lực để làm tan loãng bàu khí quyển còn đậm đặc hơi nước. Bởi vậy đồng thời với mặt trời đỏ chói và cũng do tác động của ánh sáng chói lọi này, trước mắt ông còn lại chỉ là một khung cảnh mơ hồ: một bàu trời ửng hồng còn nhập nhòa với biển cả, bóng dáng của một số ống khói nhà máy và một vài cây cần trục chập chờn ẩn hiện trong bàu không khí vẩn đục, dăm ba chiếc thuyền nhấp nhô mập mờ trên mặt nước… 
Ngần ấy thứ cùng một lúc ùa tới tác động vào thị giác khiến, trong khoảnh khắc ấy, ông chỉ có ấn tượng về các sự vật chứ không phải là một hình ảnh của cảnh vật. Làm sao để nói lên cái ấn tượng gây cho ông một cảm xúc mạnh mẽ trong khoảnh khắc bất chợt đó ? Thấy rằng không thể dựa trên các phương pháp bài bản cổ điển được, Monet cũng như các đồng môn của ông đã phải đi tìm một ngôn ngữ hội họa (language pictural) mới bằng một phương pháp tiếp cận mới với những kỹ thuật biểu thị mới. Cái ngôn ngữ hội họa mới ấy chính là thành quả của một tìm tòi học hỏi về tác động của ánh sáng trên màu sắc và cảnh vật. 

Trong một chừng mực nào đó, ta có thể nói hội họa ấn tượng là hội họa của ánh sáng, là hội họa về ánh sáng, là kết quả của tìm tòi về tác động của ánh sáng trên vạn vật. Ứng dụng qui luật quang học Newton về di động ánh sáng, Monet cũng như các đồng môn của ông đã bỏ công sức và thời giờ quan sát ngoại cảnh để ghi nhận rằng: Cùng một cảnh vật nhưng, do tác động của ánh sáng, nó lại cho ta nhiều cảnh tượng khác nhau, nhiều hình ảnh khác nhau, nhiều ấn tượng khác nhau về cảnh vật đó tùy theo điều kiện thời tiết khác nhau, thời điểm khác nhau trong ngày, thậm chí có khi còn cả tùy theo vị trí đứng quan sát nữa. 
Bởi vậy các bức họa được coi là hoàn mỹ theo quan niệm cổ điển chưa hẳn đã toàn bích vì nó chỉ cho ta hình ảnh một thực tại cứng nhắc, im lìm, bất biến. Mà đời sống lại là một dòng chảy không ngừng. Và chỉ những cái thuộc về hiện tượng, tức là những cái chợt hiện trước mắt ta rồi biến đổi, những ấn tượng của ta trong khoảnh khắc ấy mới là phản ánh đích thực của dòng chảy đời sống luân lưu. Nghệ thuật, do đó, phải biết nói lên tính sinh động của hiện thực trong từng khoảnh khắc biểu hiện của nó. 
Bởi vậy các họa sĩ ấn tượng không lấy chủ đề (le sujet ou motif) tức là cảnh vật hay nhân vật làm đối tượng chính cho bức tranh của họ. Chủ đề hay đúng ra là đối tượng hội họa, với họ, chính là tác động của ánh sáng trên cảnh vật chứ không phải bản thân cảnh vật. Cũng vì thế các họa sĩ ân tượng đã hướng về ngoại cảnh nhiều hơn, thay vì thu mình trong xưởng vẽ, để tìm cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm của mình. Và cũng trong chiều hướng nghiên cứu này Monet đã để lại cho ta hàng loạt các bức tranh về cùng một chủ dề nhưng ở các thời điểm khác nhau trong ngày hay trong các mùa thời tiết khác nhau. Thí dụ như loạt tranh về Thánh đường Rouen (série «Cathédrales de Rouen»), về các Đống rạ (série « Les Meules ») hay về các Bông súng (série «Les Nénuphars »). 

Không chỉ sưu tầm tác động của ánh sáng trên cảnh vật, trường phái ấn tượng còn khai thác một phát hiện khoa học mới mẻ khác, đó là qui luật về"tác động tương phản đồng thời của màu sắc" của Eugène Chevreul (De la loi du contraste simultané des couleurs, 1839). Theo qui luật này, không hề có vật nào giữ được một màu nguyên thủy (couleur primaire) bất biến. Trái lại màu của nó luôn biến đổi do tác động của màu sắc cảnh vật xung quanh. 
Do đó khi ta có hai màu kế cận nhau, do tác động tương phản của chúng, mắt ta lại nhìn ra thành một màu thứ ba. Thí dụ như đỏ đứng cạnh vàng, ta lại nhìn ra màu cam hoặc màu xanh lơ bên cạnh màu vàng sẽ cho ta màu xanh lá cây. Kết hợp qui luật Newton về di động ánh sáng với qui luật Chevreul về tác động hỗ tương giữa các màu sắc nhóm họa sĩ ấn tượng đã đề xuất một phương thức biểu thị mới (nouveau mode d’expression) để hình thành ngôn ngữ hội họa ấn tượng. Phương thức biểu thị ấy dựa trên nguyên lý được biết dưới tên gọi le mélange optique mà chúng tôi xin tạm dịch là nguyên lý hòa nhập hình ảnh và màu sắc do di động của ánh sáng hay, để cho ngắn gọn, nguyên lý điều hợp quang học. 
Theo nguyên lý này, khi ta có nhiều hình ảnh tách biệt với những màu sắc khác nhau nhưng tiếp giáp nhau, các hình ảnh và màu sắc ấy lại có khuynh hướng hòa nhập với nhau do tác động của ánh sáng di động lên cặp đồng tử của ta, và sư hòa nhập ấy gia tăng theo tỷ lệ thuận với khoảng cách và với tốc độ ánh sáng. Nguyên lý này chính là phương thức tìm kiếm để Monet thể hiện cảm quan của mình lên bức tranh, và tiến hành cuộc cuộc cách mạng ấn tượng như là một nhãn quan mới về hiện thực, một quan niệm mới về hội họa đánh dấu một đứt đoạn với mỹ quan cổ điển.


Giả dụ ta là một khách tới dự buổi khai mạc cuộc triển lãm hội họa ấn tượng với một nhãn quan cổ điển. Tiến về phía bức tranh "Rạng Đông" (Impression, soleil levant) đang được mọi người xúm lại chỉ trỏ bàn tán, ta đã thấy gì ? Ngoại trừ cái vòng trỏn đỏ cam phía trên gần chính giữa là tương đối rõ nét, còn lại chỉ là những khoảng loang lổ những quẹt sơn khi thì chồng chất lên nhau, khi thì quẹt dọc, khi thì quẹt ngang nom chẳng ra hình thù gì cả. Bức tranh này vẽ cái quái gì đây nhỉ? Ta tự hỏi. Tìm đọc cái tựa « Impression, soleil levant »: « A, thì ra đây là một bức họa phong cảnh bình minh.» 
Thế nhưng, ngoại trừ cái vòng tròn màu đỏ cam và phần không gian nhuộm hồng ở đỉnh bức tranh cùng vài vết quẹt loằng ngoằng màu cam ngay phía dưới là gợi cho ta ý tưởng về mặt trời mọc ; còn lại toàn thể bức tranh chỉ là một hình ảnh nhập nhòe, hình chẳng ra hình, nét chẳng ra nét khiến ta khó hình dung nổi phong cảnh đó ra sao cả. Cảm nghĩ này của ta chắc cũng là cảm nghĩ chung của đa số khách tới coi tranh bữa đó còn ôm theo nhãn quan cổ điển. Và cái cảm nghĩ này đã được nhà phê bình bảo thủ Emile Cardon nói lên dùm bằng những lời lẽ châm biếm trên tờ La Presse (29-4-74) như sau: « Cái trường phái này loại bỏ hai điều: đường nét là cái không thể thiếu được nếu ta muốn đem lại cho một sinh vật hay một sự vật một hình thể, và màu sắc là diều giúp cho hình thể đó được hiện ra như thực. 
Hãy lấy sơn trắng hay sơn đen bôi lên ba phần tư một tấm bố, và phần còn lại màu vàng. Sau đó chỉ việc lấy cây cọ quệt những vệt xanh vệt đỏ trên đó,thế là là anh đã có một bức tranh ấn tượng về mùa xuân để các đệ tử tha hồ trầm trồ tán tụng.»(Cette école supprime deux choses: la ligne sans laquelle il est impossible de reproduire la forme d’un être animé ou d’une chose, et la couleur qui donne à la forme l’apparence de la réalité. Salissez de blanc ou de noir les trois quarts d’une toile, frottez les restes de jaune, piquez au hazard des taches rouges et bleues, vous aurez une impression de printemps devant laquelle les adeptes tombent en extase. Theo Dominique LOBSTEIN.- Au temps de l’impressionnisme 1863-1886, p.63 _ Gallimard 1993/ Réunion des Musées nationaux ). 
Vậy là, mặc dù đã có sự cảnh báo của Monet với từ Impression, nhà phê bình Emile Cardon đã không chịu mở rộng tầm nhìn để đón nhận tính cách tân sáng tạo trong bức họa. Cứ khư khư ôm lấy các chuẩn mức của mỹ quan cổ điển, ông vẫn muốn đi tìm ở « Rạng Đông » một bức tranh hoàn chỉnh với chủ đề là một phong cảnh, một chân dung, một điển tích trong đó người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình bằng những hình thể, đường nét cân đối trong một bố cục pha trộn ánh sáng, màu sắc hài hòa. 
Do tầm nhìn còn bị giới hạn bởi lập trường bảo thủ ấy nên ông ta mới đánh giá bức họa của Monet bằng những lời lẽ mỉa mai riễu cợt. Ông đâu biết rằng điều mà ông cho là những vệt sơn quét của một thủ pháp lố lăng để lòe thiên hạ ấy, lại chính là kết quả của một khổ công tìm tòi của Monet dựa trên các phát hiện khoa học mới mẻ để thể hiện cái nhìn khai phá và thổi một luồng sinh khí mới cho hội họa. 

Như đã trình bày ở trên, các họa sĩ ấn tượng không lấy chủ đề (le sujet ou motif) tức là cảnh vật hay nhân vật làm đối tượng chính cho tác phẩm của họ. Cũng như chất súc tác để gây ra một phản ứng hóa học, ngoại cảnh hay chủ đề, với các họa sĩ ấn tượng, chỉ được coi như một thứ nền tạo điều kiện hay cơ hội cho họ phô bày các ấn tượng, cảm xúc chủ quan trong một khoảnh khắc và ở vào một thời điểm nào đó mà thôi. Mà muốn biểu thị các sắc thái biến đổi chập chờn thoáng hiện ấy : bàu không khí ẩm ướt sương mai, sóng nước long lanh, chân trời mặt biển nhập nhòa, cảnh vật nhóe nhoẹt … 
Monet, cũng như các đồng môn của ông, đều thấy rằng không thể tiếp tục vay mượn các thủ pháp cổ điển được. Trái lại chỉ có phương pháp dựa trên nguyên lý điều hợp quang học (le principe de mélange optique) mà họ đã chịu khó bỏ công nghiên cứu và tìm hiểu mới giúp họ vững bước trên con đường sáng tạo. Cũng vi vậy các họa sĩ ấn tượng đã từ bỏ việc minh họa các hình thể với những đường nét ước lệ (conventionnel) cứng nhắc. 
Thay vào đó là những quẹt sơn kế cận, khi dọc, khi ngang, khi ngắn khi dài, có khi chồng xéo lên nhau để tạo ra những bóng dáng mơ hồ… Nhìn gần, những lát sơn quẹt này chỉ cho ta một hình ảnh nhòe nhoẹt chẳng rõ hình thù ra sao. Nhưng với khoảng cách, do tác động của ánh sáng, chúng lại hòa hợp với nhau và đem lại cho ta hình ảnh của một cảnh vật không ngừng chuyển động. 
Ngoài ra, cùng với việc bỏ rơi các hình thể đậm nét, họa sĩ ấn tượng cũng thay thế cách pha trộn màu sắc bài bản để tạo ra các khoảng không gian sáng tối, đậm nhạt bằng những quẹt sơn màu tiếp cận nhau hoặc chồng chất lên nhau. Hệ quả là, với khoảng cách và do tác dụng của truyền bá ánh sáng, những quẹt sơn màu này, thay vì là những vết loang lổ, lại truyền đạt cho ta cái ấn tượng của một bàu khí quyển với ánh sánh đang nhảy múa trên mặt biển lung linh sóng nước ; hoặc đem lại cho ta cảm giác đang đứng trước một thực tại sinh động như khi ta đưa mắt lắng nghe tiếng gió reo vui trên cánh đồng rực đỏ hoa mào gà. (coi Monet, Les Coquelicots 1873). 

Trên đây là trình bày sơ lược về ý nghĩa nội dung và về môt vài bí quyết thủ thuật trong ngôn ngữ sáng tạo của hội họa ấn tượng. Chúng tôi xin dành cho quí độc giả phần quan sát bức « Impression, soleil levant » (1) để thưởng lãm và đánh giá công trình nghiên cứu và học hỏi của trường phái ấn tượng đã đóng góp cho sự cách tân hội họa như thế nào.


Nguyễn Bảo Hưng

(Février – Avril 2011, cập nhật hóa Janvier 2016) 
(1) Có thể truy cập dễ dàng trên Google bằng cách gõ: « soleil levant monet». Về phần quí vị nào viêng thăm Paris muốn được coi tận mắt bức tranh này của Monet, xin mời tới Le musée Marmottan Monet 2, rue Louis – Boilly, 75016 Paris. Mở cửa từ 10 giờ tới 18 giờ mỗi ngày, ngoại trừ thứ hai hàng tuần và hai ngày 1-5 và 25-12. Riêng với các du khách rộng rãi thời gian và không chỉ muốn biết nước Pháp qua một số hình ảnh chụp trên dại lộ Champs Elysée, trước Khải Hoàn Môn, trước Tháp Eiffel hay tại khu Montmartre, quí vị nên dành một ngày tới thăm Giverny để khám phá vẻ đẹp mang bản sắc riêng của nước Pháp. Giverny là một ngôi làng thuộc hạt Eure, cách Paris khoảng 80 cây số và cũng không xa thành phố Rouen là bao. Giverny không chỉ là một trong những ngôi làng được xếp thuộc loại đẹp nhất nước Pháp, mà còn là nơi Monet đã chọn để tạo dựng một cơ ngơi làm nơi an dưỡng cuối cùng của ông. Tới viếng thăm cơ ngơi này vào mùa xuân, bạn không chỉ được coi ngôi nhhà ở của Monet mà còn được chiêm ngưỡng khu vườn bông với trăm hoa khoe màu sắc; nếu vào mùa thu, bạn sẽ có cơ hội đứng trên cây cầu nhật bản (le pont japonais) ngắm cảnh những bông xúng soi bóng trên mặt hồ lung linh ánh nắng, từng làm chủ đề cho loạt tranh « Les Nénuphars » nổi tiếng của ông. Muốn viếng thăm với tư cách cá nhân, chỉ cần lên internet gõ « Monet-Giverny » là sẽ được hướng dẫn đầy đủ về thời điểm viếng thăm và thể thức ghi tên viếng thăm. 

 ***
Tài liệu tham khảo: 

- Elisabeth LIEVRE-CROSSON: Comprendre la peinture – Les Esentiels Milan , Editions Milan 1999. 
- J.J LEVEQUES: Les Années Impressionnistes 1870-1889 - ACR Editions Internationales 1990. 
- Nadeije LANEYRE-DAGEN: Lire la peinture dans l’intimité des œuvres – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2002. 
- Patricia FRIDER-CARASSAT & Isabelle MARCADE : Les Mouvements dans la peinture – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2003. 
- Nicole TUFFELLI: L’art au XIXè siècle – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 1987. 
- Dominique LOBSTEIN : Au temps de l’impressionnisme – Gallimard 1993/Réunions des Mussées Nationaux. 
- Laure-Caroline SEMMER : Les œuvres-clés de l’Impressionnisme – Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2007. 
- Isabelle CAHN: Comment regarder Monet – Edit. Hazan, Paris 2010. 
- Maurice SERULLAZ: L’Impressionnisme – Collect. Que sais-je ? No 974 , Presses Universitaires de France 1967.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Tôi Bước Vào Trong Tôi - Nhạc&Lời Nguyễn Tâm Hàn - Ca Sĩ Hà Thanh


Nhạc&Lời: Nguyễn Tâm Hàn
Ca Sĩ: Hà Thanh

Thu Tàn Lối Mộng



Thu vắng người mơ chân mù lối
Ngõ lạnh sầu tư luống ngẩn ngơ
Lá vàng u uất rơi tan tác
Nắng không về nữa, gió mưa chờ!

Một mình đếm bước sầu cô quạnh
Xa đã thật xa mấy dặm ngàn
Gởi gió mây đưa về phương ấy
Tiếng buồn réo rắt khúc ly tan 

Điệp khúc thời gian chừng lắng đọng
Heo may như đã chớm vào đông
Mùa vàng thổn thức vòng tay ấm
Sao vội lìa xa, hỡi cố nhân?

Đây chi lá thu giăng đầy lối
Mà như sóng cuộn nỗi mong chờ
Hiu hắt trời thu hờn tóc rối
Chuyện chúng mình, gió thoảng mây trôi

Ôi mùa thu mong manh mùa nhớ!
Trên xác lá vàng khóc tình mơ
Ta mãi tìm , vàng son một thuở
Mất nhau rồi , thu muộn hững hờ!

Ngọc Quyên

Tình Muộn



Bài Xướng: Tình Muộn

Có em trong cuộc tình này
Cho ta trọn ý Xuân đầy hồn hoang
Có em ru giấc muộn màng
Cho ta quên dấu thời gian ngậm ngùi
Có em thanh sắc tuyệt vời
Cho ta gọi tiếng yêu người trăm năm

Hồ Khiên

***
Bài Họa: Ru Tình


Quẩn quanh trong cõi nhớ này
Người đi để lại sầu đầy vườn hoang
Trăng đêm lịm tắt mơ màng
Tìm người lạc giữa nhân gian ngùi ngùi
Níu bóng tìm mộng vẽ vời
Ru tình vỗ giấc mơ người ngàn năm

Kim Oanh

Cảm Nhận Khi Đọc Bài Thơ Cuộc Tình Của Kim Phượng


Cuộc Tình

Đêm nghe tiếng nấc nghẹn ngào 
Đời còn xanh lá tình vào thiên thu 

Bến chờ lạnh lẽo thâm u 
Pha hồng mây xám sương mù vần đây 
Gặp trong khoảnh khắc phút giây 
Ai đem nhung nhớ đọa đầy con tim 
Thuyền tình gác mái im lìm 


Mù khơi tăm cá bóng chim mịt mờ. 

Kim Phượng


Lâu quá... đọc nhiều thơ trên mạng mà không thấy vừa ý một bài nào, hôm nay mới thấy cảm xúc khi đọc bài thơ Cuộc Tình của Kim Phượng. Tánh tôi khác lạ so với người khác, đã đọc thơ hay mà không phát biểu một lời nào thì nghe trong lòng khó chịu. Thôi thì cũng ghi vội ra đây vài cảm nghĩ về bài thơ này. Đây là bài thơ lục bát vỏn vẹn 8 câu gói trọn hết tình cảm trong đó. Bị ảnh hưởng của thơ Đường luật thất ngôn bát cú, tác giả muốn gói trọn trong 8 câu thôi, thật là một lựa chọn khó khăn vì giới hạn số chữ số câu sao cho không thiếu cũng không thừa ý!

Mở đầu lấy bối cảnh đêm khuya thanh vắng, tác giả nằm nghe tiếng khóc nghẹn ngào của ai đó. Tiếp câu 2: Đời còn xanh lá tình vào thiên thu. Câu thơ đầy tình cảm, gây xúc động mạnh trong lòng người đọc. Từ đây ta cảm nhận được tiếng khóc ấy là của người con gái! Mà tội nghiệp thay người con gái ấy chính là tác giả! Tại sao nàng khóc? Vì tuổi nàng còn xanh, tuổi yêu đời đầy sức sống theo lẽ nàng phải có người yêu sống đời hạnh phúc, nhưng không! Mối tình ngày ấy nay đã bay mất vào cõi thiên thu: người yêu đã mất! hay bỏ đi không trở lại? Từ ngữ "Thiên thu" nói lên nghĩa đó! Nàng nhớ lại hôm nào, trên bến sông(bến tàu, bến xe...) nàng đứng đợi ngưòi yêu trờ về trong khung trời thâm u bát ngát của buổi sáng mùa thu lạnh lẽo. Trên trời mây xám giăng ngang, sương mù phủ màu trắng đục hòa lẫn với nắng hồng tươi. Nàng đã gặp người yêu thật sung sướng hạnh phúc! Nhưng hỡi ơi, lần gặp đó cũng là lần cuối cùng, người yêu không bao giờ trở lại nữa. Tại sao? Tác giả không nói để tùy đọc giả suy nghĩ theo nhận thức của mỗi người. Đây là cách viết của tác gỉả trong nghệ thuật sáng tác thi ca. Một ưu điểm ít người thực hiện.

Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đã gieo vào lòng nàng một tình yêu tha thiết in đậm trong tim. Một vết thương lòng, một mối tình vừa đẹp vừa đau thương, mất mát, nó cứ đeo đuổi, dằn vặt nàng mãi khôn nguôi. Từ ngữ "đọa đày" sử dụng rất đắc vị, gợi nhiều đau đớn trong tim, làm chạnh lòng người đọc! Tình yêu không trọn, chia tay không hẹn ngày trở lại, nàng nén đau thương, tìm quên lãng trong vườn thơ, trong nỗi nhớ im lìm. Bây giờ nàng cũng như người yêu cũ xa cánh nhau tận phương trời nào, như bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm?!

Vài cảm xúc ghi vội, không phải là một bài bình. Bài viết chỉ dựa vào bản văn chưa chắc là tâm sự của tác giả, cũng có thể do cảm xúc về một nhân vật nào đó mà tác giả sáng tác bài thơ nầy. Tôi viết bài phân tích với sự dè dặt thường lệ. Cám ơn tác giả đã làm bài thơ gợi cảm hứng cho tôi viết lời chia sẻ.

Kim Dung

Tự Sự Hồ Gươm


Xướng:
Tự Sự Hồ Gươm

Thả mộng Hồ Gươm kệ chuyện đời
Đêm tàn lặng ngắm giọt sương rơi
Tháp Rùa cổ kính rêu xanh biếc
Điện Ngọc uy nghiêm ánh sắc ngời
Trầm mạc Thủy Đình mờ huyễn cảnh
Hiên ngang Thê Húc tuyệt xinh vời
Bâng khuâng hương sữa chiều hôm đến
Hà Nội ta ngồi gió nhẹ vơi.

Phan Thanh Xuân 
10/11/2018
***

Các Bài Họa:
Thu Hà Nội

Thu Tháng Mười Hà Nội nhớ đời
Đường Hồ Gươm ngập lá vàng rơi
Tháp Rùa đứng tỉnh gương trầm mặc
Thê Húc ngang nhiên nét đỏ ngời
Đền Ngọc Sơn nghiêng mình bóng nước
Khách du cảnh lẳng khúc tình vời
Chiếc khăn quàng dáng người thanh nữ
Là tất cả lòng chẳng biết vơi

Hải Rừng
***

Hà Nội Thu Xưa

Hà Nội xa xưa, một quãng đời
Có mùa thu ngập lá vàng rơi
Êm đềm phố cổ, hàng cây phủ
Xanh biếc hồ Gươm, ánh nắng ngời
Áo lụa vàng tơ chiều gặp gỡ
Khăn len tím thẫm tối trông vời
Đong dầy kỷ niệm trong tâm thức
Hình ảnh năm nào chẳng nhạt vơi.

Sông Thu
***
Án Vườn Lệ Chi
 Lam Sơn tụ nghĩa dựng nên đời
Kiếm báu hồ gươm tỏa rạng ngời
Lê Lợi thuận thiên tâm sáng chói
Ức Trai thừa mệnh chí cao vời
Đời trao oan khuất kêu không thấu
Nghiệp gánh tủi hờn tát chẳng vơi
Tam tộc tru di hành thảm án
Cho vườn Thị Lộ lệ trào rơi

Như Thị
***

Bên Tháp Rùa

Cây Tháp Rùa thiêng đã nhập đời
Ngày đêm lắng đọng tiếng thu rơi
Nhớ ông Lê Lợi tâm hồn sáng
Nhớ chuyện Thần Quy dã sử ngời.
Làn nước lăn tăn lòng rộng mở
Con người thanh lịch đức cao vời.
Thường dành khắc trọng ngồi tư lự
Thanh thản, dạt dào, bụi bặm vơi.

Trần Như Tùng

***
Việt Nam Tôi Vẫn...

“Điệp Vẫn”
Việt Nam Vẫn sống mãi trong đời
Mỗi độ Thu vàng lá Vẫn rơi !
Vẫn sóng Bạch Đằng vang hối hả
Vẫn hồn Vạn Kiếp vọng xanh ngời
VẫnTrần Hưng Đạo lưu danh tướng
Vẫn Nguyễn,Quang Trung rạng nước tôi
Tổ Quốc Vẫn thi gan tuế nguyệt
Tinh thần tự chủ Vẫnkhông vơi!

songquang

11-142018
***
Nhìn Lại Hồ Gươm

Ghi khắc trong tim suốt cả đời
Cầu Thê một sớm lá thu rơi
Âm thầm gạt lệ thương dòng biếc
Lầm lũi rời chân luyến sóng ngời
Gió lạnh hoang mang chim khuất nẻo
Mây buồn lạc lõng cánh xa vời
Về đây, Hoàn Kiếm,mơ hay thực?
Tâm sự bao chiều được cạn,vơi

Thanh Hoà


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Lời Gọi Trong Đêm - Sáng Tác Đinh Công Lý - Tiếng Hát Quang Minh


Sáng Tác: Đinh Công Lý 
Tiếng Hát:  Quang Minh


Nhớ Thương Cha Thọ


Lòng xúc động… nghe Cha tạ thế!
Cõi trần gian vạn tuế danh Ngài
Việc làm sáng tỏ sao mai
Đi trên đường Chúa tình Ngài nở hoa

Sống giản dị... vòng tay mở rộng
Lòng nhiệt thành sống động tình người
Phúc âm thắm nở hoa tươi
Đoàn con nhớ mãi tay Người dìu đi

Trong bão tố... luôn ngời dũng khí
Gieo Phúc âm thành lũy Tin mừng
Dấn thân phục vụ quên mình [*]
Đi trên đường Chúa nhiệt tình Yêu thương

Cha dìu dắt đoàn con thẳng bước
Con đường cong phải vực cho ngay
“Anh Hai…” Hướng Đạo đẹp thay!
Tâm hồn lầy lội.. hằng ngày sửa sang

Ôi nhớ quá! Hùng Tâm, Dũng Chí
Thời Hội Đoàn rộn rã con tim
Leo đồi, lội suối đi tìm
Mật thư giải mã cánh chim tung trời…
Bao kỷ niệm ùa về biển Thái
Khi cùng Cha, cắm trại vui chơi
Tình Cha con, rất tuyệt vời!
Anh Hai… giản dạy ngát đời nhân sinh

Trường Phụng Sự vẫn còn in bóng
Dáng Cha hiền mãi đọng trong con
“Dù cho sông cạn đá mòn”
Tình Thầy cao cả mãi còn nở hoa…

Nguồn ánh sáng rạng ngời nhân thế
Bến trần gian Thánh lễ cao sang
Hồng ân Thiên Chúa muôn vàn
Tình Ngài nhập thể bình an cõi trần

Nay Thiên Quốc vui mừng đón rước
Cả triều thần thánh thót hoan ca
Phao-lô dưới thế nở hoa….
Nguyện cầu sớm hưởng vinh quang Nước Trời…

Đức Hạnh
Đồng Nai - 01 12 2019
*Cha Phaolô Nguyễn Thọ, C.Ss.R


• Sinh ngày 04 tháng 07 năm 1933 tại Tam Toà, Đồng Hới.
• Tháng 08 năm 1948: Vào Dự Tu Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế.
• Từ năm 1953 đến năm 1955: Đi học sĩ quan trù bị.
• Tháng 09 năm 1955: Tiếp tục Đệ Tử tại Huế, sau đó chuyển về Vũng Tàu.
• Tháng 08 năm 1956: Vào Nhà Tập tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
• Ngày 15.08.1957: Khấn lần đầu tại Tu viện DCCT Đà Lạt.
• Ngày15.08.1960: Khấn trọn đời tại Tu viện DCCT Nha Trang.
• Ngày 22.12.1962: Lãnh thừa tác vụ Linh mục.
• Từ năm 1963 đến năm 1964: Phụ tá Giám Học và giúp Giáo xứ Tùng Lâm.
• Từ năm 1964 đến năm 1965: Phụ tá Giám Đốc Đệ Tử Vũng Tàu.
• Từ năm 1965 đến năm 1968: Phụ tá Giám Đốc Đệ Tử Chợ Lớn.
• Từ năm 1968 đến năm 1970: Phụ tá Giám Đốc Đệ Tử Thủ Đức.
• Từ năm 1970 đến năm 1972: Làm Giám Đốc Anphong Học Viện tại Thủ Đức, tham gia phong trào Hướng Đạo, Thiếu Nhi Thánh Thể và Hùng Tâm Dũng Chí.
• Từ năm 1972 đến năm 1975: Làm Bề Trên Tu viện DCCT Châu Ổ. Làm Giám Đốc và giáo sư Pháp văn tại trường Trung Học Phụng Sự ở Châu Ổ.
• Từ năm 1975 đến nay: Làm Bề Trên Tu viện DCCT Châu Ổ trong hai nhiệm kỳ, rồi làm thành viên trong Cộng đoàn DCCT Châu Ổ.

Vào lúc 16g10, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Cha Phaolô Nguyễn Thọ đã được Chúa gọi về tại Tu viện DCCT Châu Ổ, sau 86 năm làm con Chúa trên dương thế, 62 năm sống lời khấn Dòng và 57 năm thi hành sứ vụ linh mục.

***

Thương Tiếc Cha Phao Lô 

(Kính viếng Linh mục Phao lô Nguyễn Thọ đã về Trời hưởng nhan Thánh Chúa.
Vào lúc 16 giờ 40 ngày 29/11/2019.Tại nhà Dòng Giáo xứ Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Linh mục Phao lô qúa vãng rồi,
Bao người xúc động nhớ thương ơi!
Thân bằng quyến thuộc mủi lòng tiếc,
Họ đạo quê nhà ngấn lệ rơi,
Thánh Lễ tiễn đưa con lạy Mẹ (*)
Giáo dân cầu chúc Cha về Trời.
Bình yên hưởng phúc hồng ân Chúa
Thiên Quốc an vui sớm đến nơi.

Ngô Văn Giai
Kính bái
(*) Mẹ Mariao
***
Bài Họa:
Tình Thầy Nở Hoa

Thành công Kế hoạch thế gian rồi
Chúa gọi Cha về hưởng phúc ơi!
Giáo hội thương yêu tình mãi trổ
Nhân loài tưởng nhớ lệ hằng rơi
Phao-lô giảng dạy ngời chân lý
Giáo huấn thực thi tỏ ý Trời
Hiến trọn đời mình làm của lễ
Thiên Thần trỗi nhạc đón về nơi.(*)

Đức Hạnh
04 11 2019
(*)Thiên Đường

Còn Nhau Xin Hãy Thương Nhau


Còn nhau xin hãy thương nhau
Để tình không mất không đau không buồn
Đừng vì nước đổ nguồn tuôn
Đừng vì nắng lửa mưa cuồng ngoài kia

Đừng vì bụi nóng đêm hè
Giọt sương giá buốt não nề ngày đông
Còn nhau xin hãy thương cùng
Lầm kia lỗi nọ bao dung hiền hoà

Mai đời rồi cũng đi qua
Cái tình cái nghiã ta bà ầu ơ
Cuộc đời là một giấc mơ
Danh này lợi nọ cũng bờ tử sinh

Giàu nghèo nay quẩn mai quanh
Khó kia chẳng ngại áo manh chẳng sầu
Còn nhau xin hãy thương nhau
Kẻo mai kẻ trước người sau - nỗi buồn.

Hoa Văn

Vắng Em



Thời gian chừng mệt mỏi
Đi lửng thửng ngoài thềm
Chén trên bàn ố bẩn
Chỉ vài ngày vằng em

Vắng em ai giặt giũ?
Vắng em ai thổi cơm?
Con mèo quên sưởi nắng
Giấc ngủ anh chập chờn!


Vắng em con lười học
Vùi đầu vào “Tiến lên”
Có bữa quên cài cửa
Đi ngủ không tắt đèn

Vắng em cơm bớt dẻo
Bát canh suông nhạt phèo
Khách đến nhà chết dở
Nước pha trà nguội teo.

Em biết không em yêu
Vắng em buồn biết mấy
Nhà cửa mình thế đấy
Lộn tùng phèo cả lên


Huy Phương

Người Nước Ta Thông Minh


Giai thoại thường kể những chuyện thông minh, dí dỏm, ngạo nghễ mà có duyên!
Những chuyện kể về Mạc Đĩnh Chi,Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát quá hay! Quá đã, làm ta suy gẫm nhiều … nhiều

Nghe nói Mạc Đĩnh Chi xấu người, nhưng chữ nghĩa đầy bụng! Một lần đi sứ, bị tên giữ cửa quan ra câu đối:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

Không suy nghĩ, Mạc ứng khẩu đối liền:

Xuất đố dị, đối dối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

Lé mắt chưa! Cái đó gọi là thông minh mẫn tiệp.

Tới Kinh Đô Tầu, gặp dịp Công Chúa Tầu chết. Mạc vung bút thần nên bài văn tế:

Thanh Thiên nhất đóa vân
Hồng Lô nhất điểm tuyết
Thượng Uyển nhất chi hoa
Dao Trì nhất phiến nguyệt

Y! Vân tán tuyết tiêu hoa tàn nguyệt khuyết

Các Triều Thần Tầu bái phục vì viết không hay bằng!

(Cụ Trần văn Khê qua Pháp, gặp một ông mũi lõ nói không thèm đọc văn thơ Việt Nam. Trần văn Khê bèn trình diện bài này… khiến ông Tây phải xin lỗi rối rít)

Phùng Khắc Khoan đi đò ngang qua sông cùng một vị sư làm thơ tặng sư:

Một hòm kinh sử níp kim cương
Ngươi, tớ cùng sang một chuyến dương
Dù tía lọng xanh ngươi đủng đỉnh
Gươm vàng thẻ bạc tớ nghênh ngang
Ngươi sao chẳng nhớ lời Hàn Dũ
Đây tớ còn căm chuyện Thủy Hoàng
Phút chốc lên bờ rồi tiễn biệt
Ngươi về tôi Phật , tớ tôi Vương


(Hàn Dũ khuyên vua đừng rước xương Phật, Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò học đạo nho)

Phùng đã đọc một hơi , bài thơ xong khi con đò mới qua được … giữa sông!

Những chuyện người ta đố: một khúc cây hai đầu to bằng nhau, khúc nào gốc, khúc nào ngọn! Phùng bèn vứt xuống sông: đầu gốc thấp , đầu ngọn cao hơn … Những chuyện như thế này , nhiều người biết, chỉ có những thằng NGỐ mới không biết mà thôi!

Câu chuyện cân Voi mới làm cho các chú Ngố Tầu lé mắt. Cho con voi xuống thuyền, vạch đường thuyền chìm dưới nước ! Rồi thay voi bằng xúc đá đổ xuống thuyền, tới ngấn nước là được! Chỉ cần cân số đá đó là biết chú voi nặng bao nhiêu!  Các chú Chệt kinh hãi chưa!!!

Lê Quí Đôn chưa tới 10 tuổi mà trí thông minh đả kinh người! Người ta hỏi thăm nhà cụ Bảng Nhãn . Lê quí Đôn đang tắm truồng bè đứng dang tay : Nếu ông biết chữ gì thì tôi chỉ dường . Khách nói chữ Đại. Lê quí Đôn cười phá lên: Chữ Thái mà không biết ! ( chữ đại chỉ cần thêm một chấm dưới đít là chữ thái)

Sứ Tầu sang ta, đố một chữ lạ, chẳng ra chữ, nếu là chữ xa thì thiếu một nét, nếu là chữ đông thì thiếu hai nét. Lê quí Đôn bèn bảo : Đó là Phi Xa Bất Đông! (một câu trong Kinh Sử Trng Hoa. Cái trò Kinh Sử thì người Việt đọc nhiều, đọc từ xưa rồi!

Người Việt ứng đối rất nhanh! Xuất khẩu đối liền! Khen hay chê đều … rất nhanh.

Quan đi đường, thư sinh không tránh, quan bắt trói… ra câu đối…

Quan nhìn dòng nước … thấy cá:

Nước trong leo lẻo cá đớp cá

Thư sinh đối:

Trời nắng chang chang người trói người

Ai bảo người Việt bình thường không hay chữ, không uyên bác! Câu đối thù tạc cùng nhau, câu đối móc họng, xỏ xiên quan tham, đá cả các nhà sư nữa...

Con nào đẻ tháng tư mồng tám
Của nhà ai mất một đền mười


(Mồng tám tháng tư man nương đẻ ra ông bụt )

Của Phật mất một đền mười
Của đức chúa Lời mất một đền trăm!


Cộng lại ta thấy rất nhiều câu đối đập cho tơi bời hoa lá các chú Tầu, chú Khách, chú Chệt, thằng NGÔ!

Ớ! Cái thằng NGÔ này nó rất NGỐ mà còn làm phách!

Không đập không được! Cho chúng thấy người nước ta chẳng phải tay vừa .

Sứ Tầu qua sông, đánh rắm bèn la:

Sấm động Nam Bang
Người tiếp sứ bèn vén quần, đái vổng lên:

Vũ quá Bắc Hải

Hai sứ Tầu qua, thấy gái Việt đẹp quá, bèn ngâm nga:

An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh
( An Nam một tấc đất, không biết mấy người cày )

cô gái bèn phang liền:

Bắc Triều lưỡng đại phu, giai do thử đồ xuất
(Bắc triều hai vị đại phu cũng do đường ấy mà ra)


Khi Chánh Sứ và Phó Sứ Tầu qua ruộng lúa, thấy một cô gái và con trâu cái cày ruộng bèn ngâm:

Nhất ngưu nhất nữ tịnh canh điền
Nhất môn hướng hậu nhất môn tiền


(một con trâu và một cô gái đang cày ruộng
một cửa quay ra sau một cửa hướng về trước)

Cô gái bèn cho hắn một bài học, cho chúng nó biết thế nào là lễ độ:

Nhất sư nhất đệ hành quan lộ
Lưỡng đầu chỉ địa lưỡng đầu thiên


(Một thầy một trò đi trên đường lớn
Một đầu cúi xuống đất một đầu ngẩng lên trời)


27-10-2018
Chân Diện Mục

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Giấc Mơ Trưa - Giáng Sơn - Thùy Chi


Sáng Tác: Giáng Sơn
Ca Sĩ: Thùy Chi
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Bềnh Bồng


(Ảnh - Song Quang)

Trên trời mây trắng bềnh bồng
Bổng không lại có một vòng xanh lơ
Tựa như hồ sóng vỗ bờ
Chìm trong tỉnh lặng,dật dờ khói tan
Chiều rơi chần chậm hôn hoàng
Hàng cây trơ lá võ vàng ngày đông

Song Quang
Chúa Nhật chiều đông 2019/11/24

Mưa Thương Tóc Xoã


Sáng nay nếm thử ô mai
Hỏi em tóc xoã đã dài thêm chưa
Hay còn bới vội, trời mưa
Nghe tin thời tiết xế trưa sang chiều

Mưa về dồn dập gió theo
Những bong bóng nước sẽ reo mừng trời
Rằng yêu, thì biết yêu rồi
Nhưng sao lãng đãng tưởng ngồi làm thơ

Thôi xin bỏ hết trông chờ
Một ngày hạnh ngộ vì mờ mịt xa
Và ...đừng nhắc chuyện mưa sa
Bao nhiêu chĩnh gạo bầy ra nơi này

Tóc em đen mướt thả dài
Ngang lưng, anh đỡ một vài sợi thơm
Ôi buồn chẳng cạn nguồn cơn
Mưa như giọt lệ đang vờn quanh mi ...

Hawthorne. Nov - 29 - 2018
Cao Mỵ Nhân


Đất Phương Nam I - Di Tích Lịch Sử Và Danh Lam Thắng Cảnh Tại Vùng Sài Gòn



Di Tích Lịch Sử Và Danh Lam Thắng Cảnh Tại Vùng Sài Gòn

Về di tích lịch sử, Sài Gòn có Lăng Ông Bà Chiểu, nơi thờ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt, hàng năm lễ giỗ của Ngài được cử hành rất long trọng trong ba ngày 29, 30 tháng 7 và mồng 1 tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, vào những ngày Tết, dân chúng địa phương thường tới lui lễ bái và xin xâm cầu lộc cầu tài rất đông. Ngoài ra, vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định là nơi có đông đảo người Việt gốc Hoa nên nơi nào cũng có Chùa Ông Bổn, là nơi thờ cúng ông Châu Đạt Quan, một viên quan Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên, chùa Ông Bổn thường tổ chức lễ vía Ông vào hai ngày rằm tháng giêng và rằm tháng 8. Trong vùng Chợ Lớn còn có chùa Bà Thiên Hậu, do người Hoa xây vào năm 1760. Trong chùa hiện còn có một chuông đồng được đúc vào năm 1796 và một bia đá khắc về lai lịch của chùa vào năm 1859. Đình Phú Nhuận được xây vào đầu thế kỷ XVIII, lễ kỳ yên cúng đình được dân địa phương tổ chức rất trọng thể vào ba ngày 16, 17và 18 tháng giêng âm lịch. Trong quận Gò Vấp có miếu thờ Ông Địa(30), được xây vào đầu thế kỷ thứ XIX và được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852, hằng năm lễ hội Ông Địa diễn ra vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch. Trong quận 8 có Đình Bình Đông, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, hằng năm lễ kỳ yên cúng đình được diễn ra trong 5 ngày từ ngày mồng 10 đến 14 tháng 2 âm lịch. Trong quận Tân Bình có chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất của miền Nam, chùa được xây vào năm 1744 và đã được trùng tu lại vào những năm 1804 và 1909. Tại quận 11 có chùa Giác Viên, được xây từ năm 1798, trước đây chùa có tên là Hố Đất do sư Hải Tịnh khai sơn, đến năm 1850 thì chùa được đổi tên thành Giác Viên. Tại quận 1 có chùa Ngọc Hoàng, được người Hoa xây dựng vào năm 1892, trong chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát, và các vị Thần Cửa, Thổ Địa, Phật Mẫu, Địa Tạng, Di Lặc, Dược Sư...Hằng năm diễn ra ngày vía Ngọc Hoàng vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch. Cũng trong quận 1 có chùa Linh Sơn, được xây dựng từ hơn 200 năm trước. Trước đây thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, đến cuối thế kỷ thứ XIX, dân chúng trùng tu và biến nó thành một ngôi tự viện khang trang. Năm 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được ra đời tại đây, năm 1932 Hội cho xuất bản tạp chí Phật giáo Từ Bi Âm. Đến năm 1968, Hòa Thượng Nhật Minh về đây trùng tu lại tự viện và kiến trúc ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Quận 3 có chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Xá Lợi, chùa mang tên Vĩnh Nghiêm, vị sư tổ trụ trì trước đây tu trên núi Yên Tử thuộc dòng Trúc Lâm đời Trần. Dù chùa chỉ mới được xây dựng từ năm 1964, nhưng theo lối kiến trúc cổ kính và sinh hoạt chùa lúc nào cũng rất nhộn nhịp, hằng ngày có rất nhiều Phật tử từ khắp nơi về đây lễ bái. Chùa Xá Lợi được xây vào năm 1956, trong chùa hãy còn tháp thờ xá lợi của đức Phật do Ngài Narada ở Tích Lan dâng cúng cho Phật giáo Việt Nam. Quận 10 còn có chùa Ấn Quang, được Hòa Thượng Trí Hữu xây dựng vào năm 1948. Trước năm 1975, chùa là trụ sở của Văn Phòng Viện Hóa Đạo, nhưng sau đó trở thành trụ sở của ban trị sự Phật Giáo Việt Nam do chính phủ mới thành lập và bảo trợ. Quận 11 có chùa Phụng Sơn, được Thiền Sư Liễu Thông xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 19, chùa hiện còn khoảng trên 40 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng, trong đó có một số pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn. Quận Thủ Đức có ngôi chùa rất lớn mang tên Nam Thiên Nhất Trụ, được Hòa Thượng Trí Dũng xây dựng từ năm 1958, kiến trúc theo kiểu chùa Một Cột ở Hà Nội. Quận Gò Vấp có thiền viện Vạn Hạnh, đây là trụ sở của trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, văn phòng nghiên cứu Phật giáo, và hội đồng phiên dịch kinh điển. Ngoài ra, tại Sài Gòn còn có Vương Cung Thánh Đường(31). Tại quận nhứt có nhà thờ Huyện Sỹ(32). Quận 5 có nhà thờ Chợ Quán (33), Quận 5 còn có nhà thờ Cha Tam hay nhà thờ Thánh Francisco Xavier(34). Ngoài ra, tại quận nhứt còn có Viện Bảo Tàng Quốc Gia(35). Về di tích lịch sử tại Sài Gòn tại quận nhứt còn phải kể đến các dinh Gia Long(36), dinh Độc Lập, Bưu Điện Sài Gòn(37), và Sở Thú(38). Tại quận nhứt còn có dinh Norodom hay dinh Độc Lập(39).
Sau năm 1975, để hấp dẫn du khách, nhà nước Cộng Sản đã cho xây dựng những khu du lịch Đầm Sen ở quận 11, Kỳ Hòa ở quận 10, Công Viên Văn Hóa ở quận nhứt(40), khu du lịch Văn Thánh ở quận Bình Thạnh, công viên nước nằm bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức, khu du lịch Suối Tiên trong quận Thủ Đức, khu du lịch Một Thoáng Việt Nam trong xã An Phú quận Củ Chi, khu 18 Thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn Bà Điểm, khu du lịch Vàm Sát ở Cần Giờ cách Sài Gòn khoảng 50 cây số, với diện tích trên 70.000 mẫu trong đó có hơn phân nửa là rừng tràm. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1A, từ Cà Mau đi Hà Nội, chạy ngang qua Sài Gòn. Từ Sài Gòn có quốc lộ 22 đi Tây Ninh, quốc lộ 50 cắt quốc lộ 1A ở Thủ Đức, chạy dài xuống Nhà Bè, rồi đi Cần Giuộc. Quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Bình Dương. Tỉnh lộ 15 từ Sài Gòn đi Cần Giờ.


Sài Gòn Sau Năm 1975:

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới đổi tên Sài Gòn ra thành phố Hồ Chí Minh. Dù mang tên gì đi nữa, thì cái tên Sài Gòn với chiều dài lịch sử trên 300 năm vẫn là cái tên thân thương đối với người Việt Nam, bạo lực có thể cướp mất cái tên Sài Gòn trong chốc lát, nhưng không bạo lực nào có thể vĩnh viễn xóa được cái tên Sài Gòn trong lòng dân tộc Việt Nam, nhứt là trong lòng những người con dân Nam Kỳ. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1976, chánh quyền mới sáp nhập Gia Định và Chợ Lớn vào Sài Gòn, và đổi tên Sài Gòn làm thành phố Hồ Chí Minh, gồm các quận Củ Chi, quận Hóc Môn, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, quận Tân Bình(41), quận Bình Thạnh, quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, quận Bình Chánh, quận Nhà Bè, quận Cần Giờ. Tỉnh Gia Định và thành phố Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn nên tổng diện tích Sài Gòn lên tới 2.095 cây số vuông, gồm 19 quận nội thành gồm các quận từ 1 đến 12 và các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, và Thủ Đức, và 5 quận ngoại thành gồm các quận Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, với tổng dân số lên tới 5.073.800 người. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, hiện tại thành phố Hồ Chí Minh gồm 19 quận nội thành(42) và 5 huyện ngoại thành(43). Quận 1 có diện tích là 7,7 cây số vuông, dân số 201.500 người, mật độ trung bình là 26.169 người trên một cây số vuông. Quận 2 có diện tích là 50,2 cây số vuông, dân số 130.700 người, mật độ trung bình là 2.604 người trên một cây số vuông. Quận 3 có diện tích là 4,9 cây số vuông, dân số 199.400 người, mật độ trung bình là 40.694 người trên một cây số vuông. Quận 4 có diện tích là 4,2 cây số vuông, dân số 189.000 người, mật độ trung bình là 45.000 người trên một cây số vuông. Quận 5 có diện tích là 4,3 cây số vuông, dân số 139.800 người, mật độ trung bình là 32.512 người trên một cây số vuông. Quận 6 có diện tích là 7,2 cây số vuông, dân số 250.600 người, mật độ trung bình là 34.806 người trên một cây số vuông. Quận 7 có diện tích là 35,5 cây số vuông, dân số 194.300 người, mật độ trung bình là 5.473 người trên một cây số vuông. Quận 8 có diện tích là 19,2 cây số vuông, dân số 376.800 người, mật độ trung bình là 19.625 người trên một cây số vuông. Quận 9 có diện tích là 114 cây số vuông, dân số 216.500 người, mật độ trung bình là 1.899 người trên một cây số vuông. Quận 10 có diện tích là 5,7 cây số vuông, dân số 237.800 người, mật độ trung bình là 41.719 người trên một cây số vuông. Quận 11 có diện tích là 5,1 cây số vuông, dân số 227.500 người, mật độ trung bình là 44.608 người trên một cây số vuông. Quận 12 có diện tích là 52,8 cây số vuông, dân số 314.900 người, mật độ trung bình là 5.964 người trên một cây số vuông. Quận Bình Tân có diện tích là 51,9 cây số vuông, dân số 458.900 người, mật độ trung bình là 8.842 người trên một cây số vuông. Quận Bình Thạnh có diện tích là 20,8 cây số vuông, dân số 459.800 người, mật độ trung bình là 22.106 người trên một cây số vuông). Quận Gò Vấp có diện tích là 19,7 cây số vuông, dân số 495.700 người, mật độ trung bình là 25.162 người trên một cây số vuông. Quận Phú Nhuận có diện tích là 4,7 cây số vuông, dân số 175.400 người, mật độ trung bình là 37.319 người trên một cây số vuông. Quận Tân Bình có diện tích là 22,4 cây số vuông, dân số 390.400 người, mật độ trung bình là 17.429 người trên một cây số vuông. Quận Tân Phú có diện tích là 16,7 cây số vuông, dân số 378.300 người, mật độ trung bình là 23.497 người trên một cây số vuông. Quận Thủ Đức có diện tích là 47,8 cây số vuông, dân số 360.700 người, mật độ trung bình là 7.546 người trên một cây số vuông. Huyện Bình Chánh có diện tích 252,7 cây số vuông, dân số 340.800 người, mật độ trung bình là 1.349 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Giờ có diện tích là 704,2 cây số vuông, dân số 67.900, mật độ trung bình là 96 người trên một cây số vuông. Huyện Củ Chi có diện tích là 434,5 cây số vuông, dân số 315.100, mật độ trung bình là 725 người trên một cây số vuông. Huyện Hóc Môn có diện tích là 109,2 cây số vuông, dân số 266.200, mật độ trung bình là 2.438 người trên một cây số vuông. Huyện Nhà Bè có diện tích là 100,4 cây số vuông, dân số 75.600, mật độ trung bình là 753 người trên một cây số vuông.
Hiện tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đang dẫn đầu toàn quốc về tổng sản lượng quốc dân, về bình quân lợi tức trên đầu người, và cả về nhịp độ tăng trưởng về kinh tế. Dù có thay đổi tên và chức năng, không còn là thủ đô của quốc gia, nhưng với chiều dài lịch sử trên 300 năm, khu vực Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã và vẫn đang nghiễm nhiên là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Mà thật vậy, ngay từ khi mới được khai sanh, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại lớn với hải cảng Cần Giờ. Gần 300 năm trước đây, các tàu buôn ngoại quốc đã đến đây để mua gạo và các thổ sản khác, và bán các sản phẩm của họ. Hiện tại, dù không còn là thủ đô của Việt Nam, nhưng Sài Gòn chính là thành phố vực dậy cả nước trong thời kỳ đổi mới kinh tế. Không có thành phố Sài Gòn, không biết giờ nầy nền kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao.

Về vị trí, TPHCM phía tây bắc giáp với Trảng Bảng (Tây Ninh), phía tây giáp Long An và Tiền Giang, phía nam giáp Biển Đông, phía đông nam giáp Đồng Nai, và phía đông bắc và phía bắc giáp tỉnh Bình Dương. Về phía đông nam của Sài Gòn là một bán đảo rất đặc biệt, bán đảo Cần Giờ. Bán đảo nầy bị cắt rời với đất liền bởi 3 con sông, sông Soài Rạp về phía tây bắc và tây nam đổ ra biển tại vịnh Đồng Tranh, phía đông bắc là sông Lòng Tàu đổ ra biển tại vịnh Gành Rái. Chỉ với khoảng 705 cây số vuông diện tích mà Cần Giờ đã có trên 20 cây số bờ biển. Bên cạnh đó, toàn bộ đất Cần Giờ được bao bọc bởi những con sông lớn, như sông Soài Rạp về phía tây, sông Bà Giỏi về phía đông; bên trong Cần Giờ lại bị cắt thành nhiều khoảnh nhỏ bởi nhiều con sông, từ tây sang đông có các sông Vàm Sát, sông Đồng Tranh, sông Lòng Tàu, sông Dừa và sông Ngã Bảy. Chính vì thế mà phần lớn đất Cần Giờ được phủ xanh bằng thảm thực vật rừng ngập mặn. Sau năm 1975, chánh quyền mới đã tái lập con đường xe lửa Xuyên Việt vào năm 1977, nối liền Sài Gòn với Hà Nội, chạy dọc theo các thành phố ven biển của Việt Nam.

Chú Thích:

(1) Tiếng Miên Prey Nokor có nghĩa là khu rừng của quốc gia. 
(2) Hiện những khám phá về chứng tích của thời đồ đá vẫn còn được lưu trữ bên Viện Bác Cổ Ba Lê. (3) Còn có tên là thành Sài Gòn. 
(4) Hoàng Đế Quang Trung băng hà vào lúc mới 40 tuổi. 
(5) Tức Rạch Tàu hay Arroyo Chinois. 
(6) Thành Sài Gòn đã bị người Pháp phá hủy ngay sau khi họ chiếm xong Gia Định. 

(7) Khi người Pháp chiếm thành Gia Định vào năm 1860, chợ Bến Thành hay chợ Mới nằm gần bến nước và thành Sài Gòn. 

(8) Chợ Cũ bị Pháp phá bỏ năm 1913. 

(9) Khi đào mống để xây nhà thờ Đức Bà, người ta bắt gặp một lớp tro, gạch và đá cháy vụn mà bề dầy khoảng 3 tấc tây. Có thể đây là kho chứa lương thực của Lê văn Khôi bị binh lính Minh Mạng đốt vào năm 1835, người ta cũng bắt gặp rất nhiều tiền kẽm bị cháy rồi quện lại thành khối, súng đạn, và những hũ đựng hài cốt trẻ em. 

(10) Cửa Gia Định hướng ra chợ cũ và cửa Phan Yên nằm trên con đường bọc theo kinh Cây Cám, ngày nay đã bị lấp mất. 

(11) Cửa Vọng Khuyết tọa lạc khoảng Cầu Bông và Cung Thìn tọa lạc lối Cầu Kiệu ngày nay. 
(12) Cửa Hoài Lai tọa lạc lối rạch Thị Nghè và cửa Phục Viễn cũng tọa lạc lối rạch Thị Nghè. 
(13) Cửa Định Biên tọa lạc lối ngã tư Công Lý và Hồng Thập Tự và cửa Tuyên Hóa tọa lạc lối đường Võ Tánh. 
(14) Năm 1860, trong khu vực Sài Gòn, thực dân Pháp đã phá sập chùa Khải Tường, chùa Từ Ân và đình Tân Khai. 
(15) Bây giờ là các quận 5, 10, 11, 6, và 8. 
(16) Năm 1923, Sài Gòn-Chợ Lớn có tổng dân số trên 600 ngàn người. 
(17) Nhưng mãi đến năm 1946, dân số Sài Gòn mới lên tới 492 ngàn người. Theo thống kê dân số thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, năm 1884, 15 ngàn; năm 1923, 117 ngàn; năm 1936, 256 ngàn; năm 1946, 492 ngàn; năm 1967, 1.376.00; năm 1975, 1.825.000 người. 
(18) Vào năm 1860, thành phố Chợ Lớn cách Sài Gòn khoảng 6 cây số về phía tây nam. 
(19) Sài Gòn là thành phố của người Việt. 
(20) Chợ Lớn là thành phố của người Hoa. 
(21) Rạch Bến Nghé. 
(22) Đường xe lửa Sài Gòn-Chợ Lớn-Mỹ Tho dài khoảng 72 cây số, song song với Rạch Tàu. 
(23) Có lẽ do chiến tranh, dân chúng các vùng nông thôn bất ổn đã dồn về thành phố. 
(24) Tướng Trần Thượng Xuyên và 3.000 người Minh Hương đã đến đây khai hoang lập ấp từ năm 1679. 
(25) Ngay từ lúc thực dân Pháp mới chiếm Nam Kỳ, ngành thương mãi lúa gạo ở Sài Gòn đã nắm giữ một vai trò quan trọng tại xứ Nam Kỳ. 
(26) Sau năm 1975, là quốc lộ 1A. 
(27) Khúc từ Cát Lái đến Vàm Cỏ Đông. 
(28) Trong số 5,5 nầy có 2,5 triệu tấn dành cho dân sự và 3 triệu tấn dành cho quân sự.(29) Sau năm 1954, các tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho và Sài Gòn-Gò Vấp đều bị hủy bỏ. 
(30) Phúc Đức Chính Thần. 
(31) Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1877 (do Thống sứ Nam Kỳ cung cấp 2.5 triệu quan Pháp để xây cất. Thánh đường dài 133 mét, rộng 33 mét và cao 21 mét. Tháp chuông cao 57 mét được xây năm 1895. 
(32) Nhà thờ được ông bà Huyện Sỹ, một gia đình trọc phú thời bấy giờ, bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1902, bên trong hậu cung còn có phần mộ bằng cẩm thạch của ông bà Huyện Sỹ. 
(33) Nhà thờ Chợ Quán được xây lên từ năm 1674, do giáo dân Bắc và Trung xây dựng. Năm 1887 cha xứ Nicolas Hamm khởi công xây dựng lại toàn bộ. Đây là ngôi nhà thờ uy nghi và lớn bậc nhất ở vùng Chợ Lớn. 
(34) Nhà thờ Cha Tam được xây dựng từ năm 1900. 

(35) Đến năm 1924, sở thú được nới rộng thêm 10 mẫu tây nữa nên người Pháp cho xây thêm viện Bảo Tàng Blanchard de la Boss trong khuôn viên sở thú. Viện Bảo tàng nằm về bên trái, gần cửa Vườn Bách Thảo. Viện Bảo Tàng Quốc Gia được chính thức xây dựng từ năm 1927, hiện có trên 17.000 cổ vật được lưu trữ tại đây. Trong viện Bảo Tàng có phòng trưng bày về lịch sử các triều đại từ thời nguyên thủy, đến Hùng Vương, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long... Còn có phòng trưng bày các tượng Phật cổ, đồ gốm các xứ Á Châu bao gồm các quốc gia đã bị diệt vong như Phù Nam và Chiêm Thành...Ngoài ra, năm 1968, người ta còn khai quật được tại xóm Cải thuộc quận 5, một xác ướp trên 2000 năm, hiện được trưng bày trong viện bảo tàng. Ngoài ra, Bảo Tàng Viện Việt Nam còn lưu trữ rất nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bia đá khắc chữ Khmer, và nhiều trụ đá chạm trổ rất mỹ thuật, cùng nhiều tượng Phật (tượng Cổ Phật ngồi buông chân thõng xuống, xuất xứ từ Xuân Thọ và Sa Thịnh, thuộc tỉnh Trà Vinh; tượng Phật đứng, đào được ở Trung Điền, tỉnh Vĩnh Long; những tượng Phật khác đào được ở Bến Tre. Ngoài ra, còn có những tượng Đầu Phật đào được ở Rạch Giá, Sa Đéc, Tiểu Cần, Trà Vinh, Cần Giuộc, Tân An, vân vân), tượng Bồ Tát (tượng Lokavara ở Trà Vinh; tượng ở Lưu nghiệp An ở Trà Vinh; tượng Hộ Pháp ở Bến Tre; tượng Nam Thần 4 tay ở Kiến Tường; tượng Nam Thần đào được ở Núi Sập; tượng Nam Thần đào được ở Óc Eo; tượng Visnu đào được ở Tây Ninh; tượng Nữ Thần Uma giết hung thần Trâu ở Trà Vinh; tượng Nữ Thần đào được ở An Giang; tượng không đầu đào được ở chùa Linh Sơn trong tỉnh An Giang. Ngoài ra, còn có rất nhiều tượng người múa khăn, tượng voi, tượng sư tử, tượng đầu quái vật Garada đào được ở Trà Kiệu tỉnh Quảng Nam), vân vân. Năm 1929, người Pháp cho xây Temple de souvenir phỏng theo kiến trúc cung đình Huế, trên lầu có thư viện rộng rãi. Năm 1956, chính quyền VNCH tu sửa lại viện Bảo Tàng và cho đổi tên là Viện Bảo Tàng Quốc Gia Sài Gòn, và cho đổi tên Sở Thú làm Thảo Cầm Viên. Hiện Thảo Cầm Viên có trên 590 con thú thuộc 125 loài; thực vật có trên 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài; 23 loài lan quốc nội; 33 loài xương rồng; 34 loại bonsai và thảm cỏ trên diện tích 20 mẫu tây. 

(36) Dinh Gia Long được thực dân Pháp xây vào năm 1890, do một kiến trúc sư người Pháp tên Alfred Foulhoux vẽ kiểu, dùng để trưng bày các đặc sản của Nam Kỳ, nhưng sau đó Thống đốc Nam Kỳ trưng dụng làm tư dinh, rồi lần lượt trở thành tư dinh của Thống đốc Nhật Minoda, tư dinh của Khâm sai đại thần Nguyễn văn Sâm, trụ sở của Cao Ủy Cộng Hòa Pháp, dinh Thủ hiến Trần văn Hữu, dinh của Thủ hiến Nam Phần, dinh Gia Long của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau năm 1963 dinh Gia Long được làm trụ sở Tối Cao Pháp Viện VNCH. 

(37) Bưu Điện Sài Gòn được xây dựng từ năm 1861, chiếc đồng hồ lớn treo trên cửa chính Bưu Điện có tuổi thọ bằng tuổi thọ của tòa nhà. 

(38) Sở Thú được chính quyền thuộc địa Pháp xây từ năm 1864 trên khu đất rộng 12 mẫu tây, do một nhà nghiên cứu thảo mộc nhiệt đới tên là J.B. Louis Pierre phụ trách. Sở Thú tọa lạc ở cuối đường Thống Nhất, giáp ranh với rạch Thị Nghè và chạy ngang phía trước là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong vườn, người ta xây dựng những con đường ngang dọc thẳng tắp, rất sạch sẽ khang trang. Ngoài ra, còn có nhiều con rạch là những chi lưu của rạch Thị Nghè, hoặc được người ta mới đào sau nầy. Có nhiều loại động vật nhiệt đới được đưa về nuôi tại đây. 
(39) Dinh Norodom hay dinh Độc Lập, được Pháp xây từ năm 1873, được chính phủ đệ nhị Cộng Hòa dùng làm dinh Tổng Thống, sau năm 1975, chánh quyền mới dùng nơi này làm Hội Trường. 

(40) Vườn Tao Đàn. 
(41) Toàn bộ quận Tân Bình gần như nằm tại trung tâm của thành phố Sài Gòn mới (HCM) nầy. 
(42) Gồm các quận 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Thủ Đức. 
(43) Gồm các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè.