Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Đăng Trình - Nhạc Nguyễn Đức An - Tiếng Hát Bảo Côn


Nhạc: Nguyễn Đức An 
Tiếng Hát: Bảo Côn

The Dance - Mùi Quý Bồng

(Watercolored pencils, Watercolor, with a touch of Acrylic, on paper, 11”x14”, after a photo on the Internet)
(Watercolored pencils, colored pencils, watercolor and a touch of Acrylic, on paper, 11”x14”, after a photograph on the Internet)

 Tranh Vẽ: Mùi Quý Bồng


Một Đoạn Đường Đời

 

Chúng ta hai đứa bến đò chiều
Một kẻ đêm dài cảnh tịch liêu
Xuân muộn còn nguyên bao thổn thức
Đời đang quá nửa khát khao yêu
Duyên chăng xuôi khiến mình tương ngộ
Hay nợ vì thương cảnh hẩm hiu
Tuy chỉ cùng nhau chung đoạn ngắn
Nhưng lòng sao vẫn nhớ nhung nhiều.

Nhưng lòng sao vẫn nhớ nhung nhiều
Cảnh cũ còn đây những dấu yêu
Lễ hội thuở nao cùng sánh bước
Đông này xuân tiết chịu cô liêu
Vì sao giấc mộng vào tan vỡ
Xuôi khiến cuộc tình chỉ bấy nhiêu
Nặng gánh gia can nên phận mỏng
Hãy quên người hỡi chuyến đò chiều.

Quên Đi

Nhớ Về Hà Nội


Hà Nội muôn đời trong trái tim
Hồ Gươm mặt nước vẫn êm đềm
Tháp Rùa cổ kính uy nghi mãi
Thương nhớ vô vàn sông núi thiêng
Phất phơ cành liễu rũ bên hồ
Lòng khách tha hương vẫn đợi chờ
Như em còn đợi người yêu dấu
Mặc tháng năm dài, mặc gió mưa!
Hà Nội trong lòng em thiết tha
Chùa Hương kỷ niệm vẫn chưa nhoà
Còn hương hoa sữa bay trong gió
Hàng Bạc , Hàng Buồm chân bước qua
Văn miếu còn kia vẫn đợi người
Cổ Loa Thành hận cũ chưa vơi
Đứng mãi uy nghi chùa Trấn Quốc
Dạo bước Hồ Tây cảnh tuyệt vời
Qua cầu Long Biên thương sông Hồng
Về Hoàng Thành biểu tượng Thăng Long
Lý, Trần, Lê, Nguyễn bao triều đại
Còn nét son vàng vương tướng không
Hà Nội tuy xa mà vẫn gần
Cho lòng viễn khách mãi bâng khuâng
Nhớ phố Tây và tô bún Mộc
Đợi ngày cho máu lại hồi tâm.


Hoàng Phượng

Hạnh Phúc

( Ảnh Du lịch của Tác Giả)

Càng lớn tuổi càng thấy đời thật đẹp
Vì “ngộ” rằng vui khổ cũng do ta
Rồi tất cả cũng chìm vào quên lãng
Chẳng có gì quan trọng phải lo xa

Chuyện buồn phiền tôi quên mau, hỉ xã
Chấp nhận mà có gì phải kêu ca
Phản bội à, thật ra cũng thường mà
Ganh ghét hả, đâu có gì là lạ?

Đời đẹp quá y như là cổ tích
Chuyện thần tiên tưởng chẳng có trên đời
Có sức khỏe, an hưởng nhiều sở thích
Còn gì bằng, du lịch khắp nơi nơi

Càng lớn tuổi càng thấy mình hạnh phúc
Muốn sẻ chia, mong bạn cũng như tôi
Càng buông bỏ càng đỡ nhiều vướng rối
Rồi một ngày, bỏ lại tất cả thôi!

Bạn và tôi cùng yêu cuộc đời này
Mấy mươi năm không dài đâu bạn ạ
Ta trân quý từng phút giây hiện tại
Chuẩn bị ngày… qua thế giới phương xa

Như Nguyệt
12 tháng Bẩy, 2017

Tại Sao?

 


Thơ & Trình Bày; Ái Nghi

Đi Thăm Viếng Split, Croatia


Sáng sớm trời trong nắng ấm khoảng 8 g sau khi điểm tâm mọi người từ giả khách sạn Lapad thành phố Dubrovnik xinh đẹp hiền hòa lên xe viếng thăm Split, thành phố cổ lớn thứ II Croatia, có khoảng 200.000 dân. Hành lý đã để trước cửa phòng tối đêm qua cho tài xế đem ra xe nên sáng mỗi người chỉ còn cái carry on gọn nhẹ mang theo. Split cách Dubrovnik 226 cây số về hướng Đông Bắc. Xe chạy theo con đường quanh co 1 bên vách núi cao, 1 bên bờ biển hay biển, nước trong xanh, nhiều tàu thuyền thấp thoáng xa xa.

Xe chạy vài tiếng ghé vào siêu thị nằm bên đường cho khách giải lao, chụp ảnh và mua các quà lưu niệm nho nhỏ. Những hôp chocolat, hộp kẹo xinh xắn và rất ngon,những cái magnet có hình địa phương thường được gắn lên cửa tủ lạnh, các bưu thiếp… Xe tiếp tục lên đường, hai bên đường xe chạy khi thấy núi non trùng điêp, khi biển rộng mênh mông. Thỉnh thoảng có vài ngôi nhà mái đỏ nằm trên mảnh đất bằng phẳng. Khoảng trưa xe vào thành phố cho mọi người ăn trưa, bác tài mang xe đậu chỗ khác. Tiệm ăn đối diện công viên hoa cỏ vui mắt, cây kiểng xanh tươi. Nhà, phố Split 3, 4 tầng lầu trông trù phú thịnh vượng. Con đường rộng rãi, sạch sẽ nằm sát bờ biển. Dưới bến nước xanh lơ vô số tàu thuyền lớn nhỏ đưa đón khách đi những vùng lân cận: phà, taxi bằng thuyền (water taxi), tàu buồm, tàu nhỏ, tàu lớn. Có tấm bảng ghi giá tiền đi các nơi bằng Anh Ngữ, tôi chỉ nhớ giá tiền đi dạo Split bằng thuyền“ parasonic tour of Split :20 euros”... Nhiều nhà hàng ăn uống, quán rượu, khách sạn xinh đẹp, nằm dọc theo con đường bờ biển. Các đường chính rộng và sạch sẽ như các đại lộ Hoa kỳ.


Trong công viên và dọc các con đường người ta trồng cây palm tree thân thẳng đứng, suôn đuột, lá xòe rông. Nhiều băng gỗ đặt rải rác trên lề đường dưới bóng mát. Người đi bộ nhiều lắm và công viên cũng đông người thưởng thức cây cỏ, các loài hoa, gió biển mát mẻ. Trong  số người đi bộ có bà mẹ trẻ dẫn đứa con chừng hai tuổi, mũm mĩm, ai bế cũng theo. Các chị trong nhóm ôm bé trong lòng chụp ảnh. Người đi đường dám tưởng bé da trắng đó là con các chị vì bé êm rơ, ngoan ngoan trong vòng tay người bế.

Ăn trưa xong hướng dẫn viên địa phương còn trẻ như sinh viên chờ sẵn. Cô này sẽ thuyết minh liên tục và cô Tina, hướng dẫn viên tổng quát chỉ đi theo lắng nghe như chúng tôi.

Palace of Diocletian


Chúng tôi đi bộ trên con đường trải đá cuội (cobbled streets) vào cổ thành, xem lâu đài xây thời kỳ La Mã cai trị từ thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Hướng dẫn viên đưa cả nhóm vào thăm Palace of Diocletian ngay trung

tâm phố cổ, xây hơn 1700 năm, được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Theo hướng dẫn viên các kiến trúc xưa ở Split được gìn giữ tốt nhất trong vùng Địa trung hải. Thưa quý độc giả lần đầu tiên tôi thấy kiến trúc hơn 1000 năm tuổi còn tồn tại ngoài kỳ quan thế giới Kim tự tháp ở Giza, Ai Cập trên dưới 5000 năm tuổi. Nếu không thấy tận mắt dám nghi là người kể chuyện phóng đại, đi xa về...nói xạo. Thật đáng ngưỡng mộ những kiến trúc sư La mã cách đây gần 2000 năm.. Unesco công nhận lâu đài Diocletian là di sản thế giới tháng 11/1979. Sân trước lâu đài rất rộng, thiên hạ đông lắm. Hàng quán san sát nhau từ ngoài sân dẫn xuống đường hầm như những khu bán bazaar ở các thương xá. Lâu đài chiếm hết ½ diện tích cổ thành.

Theo hướng dẫn viên lâu đài khoảng 30.000 mét vuông, có 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng Nam quay mặt ra biển và không có tháp canh. Các cổng còn có tên gọi cổng vàng, cổng bạc… Nơi hoàng đế cư ngụ quay mặt ra biển. Cách kiến trúc cực kỳ sang trọng thời bấy giờ. Nửa lâu đài hoàng đế La Mã dùng làm văn phòng và gia đình cư ngụ, nửa còn lại dành cho các quan lại, quân lính và nhà tù...Khi La Mã không còn cai tri Split, lâu đài bỏ hoang phế thời gian dài. Vào thế kỷ thứ 7 Split có giặc dân địa phương tràn vào tầng hầm lâu đài trốn cho an toàn và sau đó chiếm làm nơi buôn bán hay cư ngụ. Khi vào thăm tầng hầm lâu đài tôi không thấy dân, chỉ thấy toàn những gian hàng buôn bán dọc theo lối đi rất rông. Nhiều gian hàng lắm, bán cả nữ trang, rượu, thủ công nghệ, tranh ảnh...sáng rực cả đường hầm. Người đi lại rất đông giống như là cái chợ  nhỏ. Có tấm bảng to như bản đồ chỉ lối đi đến các phòng và các cuốn sách nhỏ miễn phí nói về lịch sử lâu đài.Theo sách lâu đài Diocletian xây bằng đá
marble trắng và limestone loại tốt…


Qua khỏi khu buôn bán chúng tôi đi qua nhiều gian phòng bên trong ngăn ra bởi các vách tường bằng gạch và đá dày lắm có lẻ từ 8 tấc đến 1 mét. Các cột bằng đá hình vuông chống đỡ trần nhà. Tuy đứng dưới tầng hầm nhưng vẫn sáng trưng, không âm u. Trần nhà gian phòng rộng nhất hình vòng cung như trần nhà thờ. Có rất nhiều phòng trống chung quanh nơi chúng tôi viếng thăm. Phòng nọ phòng kia lia chia như mê cung. Vách tường dày ngăn các phòng và các cửa phòng hình vòng cung hay hình vuông dài. Có phòng vòng cung gạch bị lồi lõm, không nhẵn nhụi như các phòng khác có lẽ vì thời gian?

Lúc chúng tôi đến các công nhân đang sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho buổi họp nào đó. Theo cô hướng dẫn các khu vực chung quanh lâu đài lúc nào cũng đông người nhất là vào buổi tối càng vui hơn. Họ có những buổi hòa nhạc, trinh diễn văn nghệ, bán thức ăn nước uống, các món quà lưu niệm... Loanh quanh mà chúng đã đi qua cac cửa Bắc cửa Tây lâu đài... Trước khi vào thăm tầng hầm lâu đài tôi thấy tấm bảng ghi giá tiền vé vào thăm lâu đài: người lớn 44 kuna, trẻ em 22 kuna nhưng không biết cô hướng dẫn trả tiền vé cho cả nhóm hay chúng tôi được vào miễn phí. Theo sách lâu đài xinh đẹp và rộng rãi nhưng chúng tôi chỉ được xem các gian hàng ở lối vào tầng hầm và mấy căn phòng dưới hầm. Tuy kiến trúc đặc biệt rông rãi và chắc chắn giống như pháo đài hơn là lâu đài. Chúng tôi không được lên lầu nên chẳng biết trên ấy ra sao.Chẳng biết vì thời giờ eo hẹp hay do chúng tôi viếng thăm miễn phí?

Tượng Bishop Gregory of Nin


Phía trước cổng Bắc lâu đài Diocletian (Golden Gate) có tượng đức Giám mục Gregory of Nin bằng đồng khổng lồ, cao 8,50 mét đứng ở công viên trên ngọn đồi thấp phải leo nhiều bậc thang mới đến nơi. Theo truyền thuyết ai sờ ngón chân cái ngài sẽ được may mắn. Trải qua nhiều năm tháng, bàn chân ngài sáng ngời màu đồng, bóng láng so với những phần khác bức tượng như được đánh bóng.

Theo cô hướng dẫn vào thế kỷ thứ 10 Giám Mục Gregory có công tranh đấu, thuyết phục giáo hoàng đồng ý cho phép giảng đạo bằng ngôn ngữ địa phương, tiếng Croatian để giáo dân hiểu lời giảng dễ dàng hơn. Trước năm 926 các nhà thờ giảng đạo bằng tiếng La-tinh, khó hiểu cho phần lớn dân

Croatian. Tượng Giám mục Gregory of Nin được hoàn thành tháng 9/1929 do điêu khắc gia người Croatian Ivan Mestrovic. Nhiều du khách sắp hàng chờ đến lượt sờ ngón chân ngài để được phước lành.

Nhà Thờ Thánh Dominius (St. Dominius Church)


Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến thăm thánh đường ST Dominius nhưng chỉ đứng ngoài sân, không vào bên trong nhà thờ. Kiến trúc nhà thờ rất đẹp, tường gạch chắc chắn không bị hư hỏng vì thời gian. Sân trước nhà thờ rộng, sạch sẽ, có 4 nhac sĩ tươi cười mặc đồng phục vừa đánh đàn vừa hát và bán dĩa hát (CD) Nhiều nguời đứng chung quanh xem họ đàn hát, đông lắm. Nhà thờ xây cất làm 3 giai đoạn khác nhau. Lúc đầu xây vào năm 305 sau công nguyên, không có tháp chuông mãi đến thế kỷ thứ 12 xây thêm tháp chuông. Nhà thờ mang tên thánh Dominius, vị thánh bảo hộ Split. Ông được an táng nơi tầng hầm khi qua đời. Thế kỷ 17 nhà thờ xây rộng thêm. Nếu tôi không lầm nhà thờ thánh Dominius được xem là nhà thờ cổ nhất, nhì thế giới.


Đền Thờ Jupiter (Temple of Jupiter )


Chúng tôi đi thăm đền thờ La Mã thờ thần Jupiter nằm phía Tây lâu đài Diocletian. Cô hướng dẫn cho biết người La Mã rất tôn sùng kính trọng thần Jupiter vì họ cho ông là chúa tể các vị thần (King of Gods), có quyền lực vô biên. Trước đền thờ Jupiter có tượng con sphinx 3500 tuổi được Ai Cập tặng cho Hoàng đế La Mã. Sphinx đền thờ Jupiter là một trong 12 con Sphinx ở xứ sa mạc Ai Cập xa xôi. Chúng tôi đứng trước sân nhìn ngắm phía trước đền thờ và xem các sinh hoạt nhộn nhịp khu vực. Thiên hạ đi lại đông đảo. Có hai người trung niên tươi cười mặc y phục theo kiểu cách người La Mã ngày xưa, đội mũ mang gươm. Ai chụp hình với họ thì bỏ tiền vào cái hộp gần đó. Bao nhiêu cũng được, 1, 2 hay 5 mỹ kim nếu không có tiền Kuna. Thiên hạ sắp hàng chờ đến lượt mình chụp ảnh với chiến sĩ La Mã

Theo cô hướng dẫn Split có nhiều viện bảo tàng, có nơi phải mua vé vào cửa, có nơi miễn phí. Cô chỉ nói cho biết chứ không đưa mọi người đi thăm viện bảo tàng có lẽ vì không đủ thì giờ. Tôi chỉ nhớ cô nói Split có viện bảo tàng nghệ thuật, viện khảo cổ, viện bảo tàng hàng hải (Croatian Maritim Museum xây từ thế kỷ 16) và viên bảo tàng thành phố Split (Split city museum) Viện bảo tàng khảo cổ thành lập 1820, sưu tập và trinh bày hàng ngàn cổ vật bằng kim khí, các loại đá, xương thú, các loại tiền cổ và y phục thời xa xưa...


Ẩm Thực:

Đến Split vị nào có tâm hồn ăn uống sẽ thích vì có nhiều nhà hàng nổi tiếng, hải sản tôm cá tươi ngon do Split là thành phố biển. Có nhà hàng tổ tiên họ từng nấu ăn cho Hoàng đế La Mã, cha truyền con nối. Nhà hàng sushi ở Split với 40 loại sushi khác nhau. Có khoảng hơn 250 nhà hàng ở Split với khoảng 30 nhà hàng nấu các món ăn quốc tế ngon tuyệt vời. Nơi bán thức ăn nhanh trang hoàng vui mắt như các cửa tiêm pizza, Mc Donald. Họ bày bàn ghế ra vỉa hè, có các chậu cây kiểng bao quanh. Lúc đi bộ chúng tôi thấy các nhà hàng, các nơi ăn uống... đều đông khách. Cô hướng dẫn cho biết Split là nơi xinh đẹp nổi tiếng, nếu đi Croatia không viếng Split kể như chưa đến Croatia và đến Split không viếng lâu đài Diocletian kể như chưa đến Split. Quý vị sẽ tiếc như đi Paris không viếng bảo tàng Louvre vậy…

Rời cổ thành chúng tôi đến đại lộ rộng thênh thang, một bên các tiệm buôn lớn sáng sủa rộng rãi, một bên là những kiosque bán quà lưu niệm, nhiều lắm, bán nón, khăn, quạt, kính mát, quần áo, những cái ly, cái cốc...in hình thành phố Split. Trước khi đến khu bán tạp hóa cái chị em ghé vào tiệm bán kính mắt lớn, xem các loại kính mát thời trang. Chị bạn kính mát bị sút mất con ốc, nhân viên tiêm vui vẻ gắn lại và nhất định không tính tiền thù lao.


Chúng tôi đi bộ theo hướng dẫn viên đến khu buôn bán tạp hóa, nơi con đường nhỏ rất đông người đi lại. Họ chen chúc, tay sách túi nọ túi kia. Hai bên đường phố, tiêm nào cũng đông khách. Rượu vang,cà phê, dầu olive Split ngon có tiếng đều được bán nơi đây. Nơi đây quý vị có thể chọn cái T- Shirt trơn xong chủ tiệm sẽ cho xem một số hình. Quý vị lựa hình nào tùy ý, thí dụ một cảnh Split, Dubrovnik, nhà thờ, hình cô gái đẹp, một lực sĩ... chỉ chờ từ 3 đến 5 phút là có hình như ý muốn in lên áo...

Nắng đã nhạt, trời sắp về chiều, chúng tôi chia tay với hướng dẫn viên địa phương lên xe về khách sạn Atrium của Split và sẽ dùng cơm tối nơi phòng ăn khách sạn. Nghĩ lại tuy Split có tiếng đẹp và nhiều di tích lịch sử nhưng chúng tôi chẳng xem được bao nhiêu vì thời gian giới hạn giống như người cưỡi ngựa xem hoa hay người mù sờ voi. Những người trẻ tuổi hoặc những vị có phương tiện thuê khách sạn ở Split độ một tuần hay năm ba ngày sẽ thăm viếng được nhiều nơi, thú vị hơn. Tôi tự an ủi dù sao cũng còn khá hơn mấy chục năm trước tôi toàn được nhà tôi cho du lịch hàm thụ qua sách báo, vì các con còn nhỏ và cũng không có thì giờ hay tiền bạc.

Cầu mong đồng bào quê hương Việt Nam có cơ hội thăm viếng đó đây để thấy sinh hoạt, phong cảnh xứ người hầu mở rộng kiến thức. Theo tôi được quan sát tận mắt vẫn thích hơn là xem hình ảnh các nơi qua sách, báo hay màn ảnh truyền hình.

Ngọc Hạnh

Một Hơi Thở Việt Nam Trong Dòng Sống Thế Giới


Khi chúng tôi đến lớp học chưa bắt đầu.Những đứa học trò lần lượt bước vào lớp, đi thẳng tới chỗ cô giáo đang xếp đặt các học cụ cho lớp học sắp tới. Em nào cũng khoanh tay, cúi đầu chào cô giáo. Cô giáo chào đáp lại, thân mật gọi tên từng em. Tôi nhìn đồng hồ: Còn hơn mười phút nữa mới đến giờ học. Tôi nghĩ nhanh: Lớp học như vậy là đã bắt đầu rồi, bắt đầu trước giờ học, bắt đầu bằng một bài học đức dục ngắn mà cần thiết và giá: sự lễ phép chào hỏi của học trò đối với thầy cô giáo; một điều mà tôi vừa chợt nhớ là mình đã mất và đã không tìm thấy cả mấy chục năm nay, dù mình đã có nhiều dịp tới lui các trường trung, tiểu học ở đây. Đó là cái cảm tưởng đầu tiên thật dễ chịu cho một buổi sáng đầu xuân chúng tôi đến viếng một lớp dạy Việt Ngữ tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.

1.MỘT SINH HOẠT HÀNG TUẦN CHÁNH THỨC CỦA THƯ VIỆN HOA KỲ.

Tại Thư viện này có 2 điểm đáng chú ý:

-Trước hết là số sách, báo, CD, DVD, cassette... bằng Việt ngữ từ tháng 2/2004 có cả thảy gần 5 ngàn; mỗi tháng có hơn 2 ngàn tác phẩm được mượn đọc. Một con số khá lớn. Người Giám đốc Thư viện đã từng nói: Chúng tôi nhận thấy một số gia tăng rất lớn người Việt Nam đến thư viện này đọc hay mượn sách về nhà đọc, cho nên chúng tôi muốn có thêm những dịch vụ cho người Việt quanh đây

-Kế tiếp là Thư viện này có Lớp Việt Ngữ.

Lớp Việt Ngữ này là một căn phòng nhỏ có sức chứa 30, 40 người nằm trong tòa nhà thư viện rộng lớn có tên là Parker Williams Branch, số 10851 đường Scarsdale Blvd, phía nam thành phố Houston, Texas. Đây chính là nét độc đáo của lớp Việt Ngữ này, so với hàng chục lớp và trường Việt Ngữ khác trong thành phố. Vì tại đây, việc dạy và học Việt Ngữ là một lịch trình sinh hoạt chánh thức trong các sinh hoạt thường trực của hệ thống Thư Viện Hoa Kỳ trong vùng. Người dạy là cô giáo Hồ Đắc A Trang, một nhân viên làm việc toàn thời gian của Thư Viện với chức vụ chánh thức là Community Services Assistant. Nói là lớp Việt Ngữ cho dễ hiểu, chớ thật ra việc dạy tiếng Việt là một sinh hoạt trong chương trình Tập Đọc Tiếng Việt (Vietnamese Reading Club) hàng tuần của Thư Viện Parker Williams. Thứ Bảy mỗi tuần, từ 9 giờ sáng đến 2 giờ trưa, có 3 lớp Việt Ngữ gọi là Học và Kể Chuyện bằng tiếng Việt (Story and Learning Time, presented in Vietnamese) cho 3 lớp 1, 2 và 3. Số học viên mỗi lớp trên dưới 20. Học viên là những trẻ em Việt Nam tuổi từ 4, 5 cho đến em lớn tuổi nhứt là một sinh viên đại học 26 tuổi. Ngoài ra phải kể những phụ huynh đến sớm để phụ giúp cô giáo sắp xếp bàn ghế hay chuẩn bị học cụ rồi cùng ngồi học với con, cùng nắm tay sinh hoạt hay ca hát với các học sinh. Có vị phụ huynh còn hăng hái đưa tay trả lời y như một học sinh. Có các phụ huynh phụ giúp cô giáo trong việc kể chuyện và sinh hoạt, ca hát, như anh Lân, anh Hưng.

2.MỘT GIỜ DẠY VÀ HỌC TIÊU BIỂU

Cô giáo Hồ Đắc A-Trang

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi có mặt tại lớp Việt Ngữ này trong suốt 5 tiếng đồng hồ: 3 tiếng ngồi trong 3 lớp học và 2 tiếng nghỉ xen giữa các lớp. Chúng tôi cảm thấy thời giờ trôi qua thật mau. Có lẽ nhờ nội dung và không khí của lớp học, cũng như nhờ những câu chuyện trao đổi với cô giáo, với các phụ huynh và các học sinh vào giờ nghỉ.
Có thể nói, một giờ học tại đây cho lớp 1 gồm 10 tiết mục:

Bắt đầu là phần Chào hỏi. Theo Cô Giáo A Trang đây là một tiết mục không thể thiếu ở bất cứ cấp lớp nào. Qua hành động lễ phép chào thầy cô giáo và được thầy cô giáo ân cần, thân mật chào đáp lại, tôi hình dung ngay một sự nối kết thầy trò vô hình đang bắt đầu, một giờ học đã bắt đầu bằng sự tương kính thầy, trò và là một sự lễ phép tối thiểu cần có trong đời sống của một người Việt Nam. Các em thực hiện sự chào kính này từ tuần này qua tuần khác, từ những ngày tuổi còn thơ, thì những năm kế tiếp có phần chắc là các em sẽ gìn giữ và lưu truyền nét đẹp này trong gia đình, nơi học đường và ngoài xã hội.

Sau đó là ôn tập bài cũ. Bắt đầu, cô giáo phê bình các bài cho về nhà làm. Tất cả các em đều làm bài và nộp lại bài. Cô giáo khen các bài làm giỏi. Tôi thấy những nét mặt thật vui của các em được gọi tên. Tôi thấy các phụ huynh vui trong niềm vui của con mình. Tới phần tập nghe và tập nói thì không khí lớp nhộn hẳn lên: các em lắng nghe câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Hôm nay lớp tập quan sát MÀU. Trắng, đen, vàng, xanh lá cây... được các em trả lời trúng và tìm màu trên các tranh ảnh quanh lớp học để trả lời đúng màu mà cô giáo muốn hỏi. Đối với những em 4, 5 tuổi hay những em lớn tuổi hơn, những em đã nhiều năm nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, thì sự nghe hiểu câu hỏi và nói đúng câu trả lời quả là điều đáng khích lệ. Đáng khích lệ hơn nữa khi đến phần ôn tập bài cũ, các em đều tham gia rất tích cực, hầu như em nào cũng đưa tay mong được gọi. Có em nhút nhát, mẹ phải khuyến khích em đưa tay. Khi em trả lời đúng, em nhìn mẹ, mẹ nhìn em, cả hai đều nở nụ cười thật đẹp. Đó là phần ôn tập bằng lời. Đến ôn tập bằng chính chữ viết thì các em được gọi lên bảng viết câu trả lời. Những chữ Việt đơn sơ như cánh bướm màu được những bàn tay nhỏ thả ra một cách thành thạo, tự tin.Tôi vẫn thấy nhiều cánh tay đưa lên và những nụ cười. Các em tham gia sôi nổi ở phần ôn tập bài cũ cho người quan sát cái cảm tưởng các em có học ở nhà và có sự quan tâm giúp đỡ của phụ huynh. Khi cô giáo trình bày trước mắt các em bài học mới thì lớp học có lắng đọng vài phút để nghe cô giáo đọc và cắt nghĩa những chữ mới. Phụ huynh có vẻ cũng rất quan tâm. Cách ráp vần có cái gì hơi khác với mấy mươi năm trước ở quê nhà. Cùng học với con để về nhà hướng dẫn con học và làm bài tập.

Ở phần tập đọc, cô giáo chẳng những áp dụng vào bài những chữ mới học mà còn lồng vào những ý tưởng nhằm mục đích giáo dục; chẳng hạn như cách giao tế hàng ngày qua những câu đối đáp thông thường. Các bài tập đọc còn ẩn chứa ý tưởng về đạo đức, về văn hóa, về lịch sử nước nhà. Mỗi bài một ý nhỏ. Mỗi tuần một ít. Dần dà qua những bài tập đọc ngắn, thường là dưới 200 chữ , các em biết sự tích Con Rồng Cháu Tiên, biết về nước Việt Nam, biết sự tích bánh dày, bánh chưng, biết vua Quang Trung đại phá quân Thanh như thế nào, biết cách hỏi thăm ông bà qua điện thoại, biết viết thiệp chúc Tết, vv...Chính mắt nhìn những em 5, 6 tuổi lần mò đọc từng chữ rồi từng câu tiếng Việt mới thấy các em cố gắng tới chừng nào. Những em lớn thì đọc trôi chảy hơn và thích thú hơn khi biết ý nghĩa của những câu trong bài tập đọc. Như em Nguyễn Cẩm Tú chẳng hạn. Em là một học sinh lớp 2, đọc và nói trôi chảy, chữ viết rất đẹp, 2 năm theo học, không vắng mặt ngày nào. Em nói em rất thích đi học lớp Việt Ngữ vì theo em thì lớp học giúp em nói tiếng Việt dễ hơn và nhiều hơn. Hai anh em Hoàng Công Đức, 16 tuổi, và Hoàng Công Đô, 11 tuổi cùng học một lớp thì thích đến lớp để học nói và viết tiếng Việt mà những năm còn nhỏ hai em không có dịp. Còn mẹ của học sinh Trần Anh Khoa, 8 tuổi, đã đưa con đến lớp liên tục 3 năm nay. Hỏi lý do, chị nói là ở nhà thật khó mà dạy vì lý do này, nọ; hơn nữa vào đây các em có nhiều sinh hoạt hữu ích.


Những sinh hoạt hữu ích mà một phụ huynh vừa nhắc là 3 phần kế tiếp của một giờ học: Cùng hát, cùng nghe kể chuyện và cùng làm thủ công hay tô màu. Tới đây thì tôi có cảm tưởng đây là một buổi sinh hoạt hướng đạo: Người phụ trách dạy hát hôm nay là anh Trương Xuân Hưng. Anh Hưng trạc ngoài ba mươi, thường xuyên tình nguyện đến lớp dạy hát cho các em. Phong cách của anh như một huynh trưởng hướng đạo. Cái khéo của anh là anh biết dùng nhạc của một bài hát sinh hoạt cộng đồng ngắn với lời hát được thay bằng các từ ngữ vừa mới học. Cũng những chữ đó các em vừa nghe cô giáo đọc, rồi các em tự đọc, kế tiếp các em phát âm đúng những chữ ấy qua dòng nhạc, có bỗng trầm qua các dấu bằng, sắc, hỏi, ngã, nặng. Nhà em có nuôi một con chó. Sáng nó kêu gấu gấu, trưa nó kêu gâu gâu, chiều nó kêu gầu gầu.Sau khi các em nắm tay vui chơi với bài hát, các em được nghe một lần nữa những chữ mới học, qua lời kể chuyện của một phụ huynh. Anh Đào Việt Lân là người kể chuyện hôm nay. Anh cũng trạc ba mươi, là con của một giáo sư mà chắc có nhiều người còn nhớ: GS Đào Văn Dương, cũng là tác giả của nhiều bộ sách toán. Anh Lân cư ngụ cách lớp học độ 1 giờ lái xe. Mỗi tuần cả hai vợ chồng anh đưa đứa con 5 tuổi đến lớp, đều đặn. Chuyện kể của anh Lân hôm nay cũng gồm một số từ ngữ các em vừa học. Các em nghe lại chính những chữ đó để theo dõi câu chuyện. Rồi sau đó các em thi nhau trả lời các câu hỏi dựa theo nội dung câu chuyện. Giọng kể chuyện hấp dẫn, phát âm chuẩn, rõ ràng, câu chuyện vui, gay cấn với chữ nghĩa quen thuộc khiến các em hăng hái trả lời. Công việc cuối cùng của các em lớp 1 hôm nay là tô màu. Có lẽ cô giáo chủ ý áp dụng cách giáo dục Lặp đi lặp lại (Repetition) nên ở phần này, các em gặp lại và tô màu những vật vừa mới học như chiếc lá, cái lọ... Giai đoạn cuối của lớp học là các em đứng xếp hàng trước mặt cô giáo, trình diện tác phẩm mới tô màu xong, đọc lại một chữ đã học trên bảng; cô giáo khen từng em và cho mỗi em một món quà (sách kể chuyện hay sách tô màu...) do các em chọn. Các em cám ơn rồi cúi đầu chào cô giáo ra về.

3.TẤT CẢ LÀ TỪ NHỮNG TẤM LÒNG

Giờ học đã chấm dứt nhưng sao tôi thấy mình chưa hết suy nghĩ về lớp học ấy. Thật sự thì tôi đã có cái suy nghĩ nầy từ lâu lắm rồi. Từ một câu trả lời cả mấy tháng trước.

Hôm đó tôi có dịp trò chuyện với Giáo sư Hồ Đắc A-Trang, là phu nhân của thầy tôi, sau những lời thăm hỏi thông thường, tôi bỗng buột miệng:
-Vậy chớ chừng nào cô mới về hưu?
-Chưa đâu! Cô còn thích công việc nầy lắm!

Câu trả lời gọn, rõ ràng nhưng đã làm tôi sững sờ. Tôi đang mong hết sức cái ngày mình được về hưu non, phủi tay gác kiếm. Tôi đã làm ba, bốn công việc từ hơn hai mươi lăm năm nay, không thấy thích một công việc nào. Vậy mà một người đã qua cái tuổi hưu trí, các con đã an thân an phận, không bận tâm nhiều về vấn đề tài chánh mà vẫn chưa muốn nghỉ, lại còn bảo là yêu công việc mà cô đang làm từ tháng Tư năm 1999, thì hỏi sao tôi không thắc mắc. Đó cũng là lý do vì sao tôi có mặt ở đây, hôm nay. Tôi đến để quan sát lớp học Việt Ngữ. Và qua lớp Việt Ngữ, tôi đã không còn thấy cái thắc mắc của mình, mà tôi đã thấy những tấm lòng.

Cô giáo A-Trang đang hào hứng dạy từng bài học vỡ lòng, đang nhỏ nhẻ sửa từng tiếng nói, săn sóc từng cử chỉ của những em bé Việt Nam, khác hẳn với những cô học trò 17, 18 mà cô đã dạy từ mấy mươi năm trước ở quê nhà. Ít ai biết cô đã từng là Đệ Nhứt phu nhân của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH, từng là giáo sư Đồng Khánh từ năm 1960, rồi giáo sư Gia Long từ 1964. Tấm lòng của một nhà giáo sau bao cơn dâu bể vẫn còn đầy để san sẻ cho những em bé nhỏ nơi đây. Niềm tin yêu vẫn còn ấm để góp phần hun cho hạt thóc Việt Nam nảy mầm. Có lần cô tâm sự là vào năm 1992, khi mới sang Mỹ đoàn tụ với các con đã vượt biên qua Mỹ những năm trước, buổi sáng còn lạ lẫm trong phòng khách của căn nhà mới, vợ chồng cô nghe đứa con trai: “Good Morning ba mẹ” một cách rất tự nhiên. Con thì nói tiếng Mỹ tự nhiên, nhưng cha mẹ thì không cảm thấy tự nhiên chút nào. Đã có cái gì không được như ý. Cô nói mình đã từng gắn bó với chuyện học hành của các con, chăm nom, dạy dỗ, đưa đón từng đứa; nhiều khi cũng phải thức khuya học bài với con. Vậy mà khi các con sang đây, xa cha mẹ mấy năm, hình như chúng cảm thấy dùng tiếng Mỹ dễ hơn tiếng Việt. Một người bạn ở đây lâu năm đã kể với cô là mấy năm trước, con gái ông khi theo học một trường đại học lớn đã đối diện với một sự thật khá đau lòng: Tại một buổi lễ quan trọng của trường, khi cô gái đứng trong hàng ngũ của các sinh viên người Mỹ thì bị mời sang đứng bên hàng ngũ những sinh viên gốc Á. Từ đó cô gái biết rằng mãi mãi cô sẽ không là người Mỹ, cũng không được coi là người Mỹ. Và sau đó cô gái sang một nước Á Đông (thời đó chưa có bang giao Mỹ - VN) để học tiếng Việt và văn hóa Việt để được mãi mãi là người Việt, biết đọc, biết viết và biết văn hóa Việt. Cô giáo A-Trang không muốn các con cô và bao nhiêu trẻ em Việt Nam khác phải gặp cảnh trái ngang như vậy. Cô biết cô làm được vì khi đứa trẻ có chút vốn liếng tiếng Việt, có một chút hiểu biết về văn hóa mình thì dù cho có một giai đoạn nào đó nó hoàn toàn Mỹ hóa thì cũng có lúc nó quay về với cội nguồn. Cô đã thấy những quyển tiểu thuyết của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn trong căn nhà của cặp sợ chồng vừa qua tuổi bốn mươi dù rằng họ đã ở Mỹ từ khi hơn mười tuổi. Ở đại học đã có nhiều sinh viên VN học các tín chỉ văn hoá Việt, đã có những Vietnamese Speaking Clubs, vv...

Cô nói là cô yêu nghề, nhưng tôi thấy chính thật là cô đang yêu những đứa trẻ Việt Nam đang trôi trên dòng sống thế giới. Trôi nhưng phải có một bến bờ Việt Nam để tấp vào. Cô muốn những đứa trẻ Việt Nam trước hết phải có tinh thần ham học tiếng Việt và văn hóa Việt để giữ truyền thống. Làm được việc này chắc chắn không thể thiếu những học sinh ham học Việt ngữ và văn hóa Việt, không thể thiếu những phụ huynh như những người đang ngồi ở đây.

Ngoài những lớp học như vừa kể, cô A Trang còn lo tổ chức những buổi thuyết trình do những nhà giáo dục, những giáo sư tiến sĩ...với sự tham dự của nhiều phụ huynh học sinh qua các đề tài như: Chuẩn bị cho con em vào đại học như thế nào, Vai trò của cha mẹ đối với con cái, Giúp trẻ học giỏi tiếng Việt, Làm sao cho con thành công ở học đường, vv...Cô A-Trang còn tổ chức những buổi lễ hội truyền thống để thầy trò cùng phụ huynh sống với những tập tục cổ truyền lâu đời của dân tộc mình, như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Lễ ra trường với Chứng chỉ Tốt nghiệp do Giám Đốc Thư Viện cấp.

Ở đây tôi cũng thấy tấm lòng của những bậc cha mẹ. Gác lại ngày nghỉ cuối tuần, họ đưa đón con cái hàng tuần, cùng học hành với con, họ khuyến khích các con không bỏ sót một buổi học nào. Họ không biết có người đang thấy hai mẹ con kín đáo nhìn nhau mỉm cười khi đứa con đọc đúng một chữ Việt. Không biết đó là điều nên mừng khi hôm nay tôi thấy toàn những phụ huynh trẻ, có lẽ chưa quá bốn mươi? Một chị nói chị rất may mắn khi biết được có một lớp học như vầy. Từ lời phát biểu này, tôi đã có một câu hỏi với cô A-Trang trước khi tạm biệt:

-Cô nghĩ sao nếu có sự phát triển những lớp như vầy tại những thư viện khác trong thành phố?
-Đó là điều rất nên. Và cần phải có NGƯỜI.

Tôi hiểu ý của cô. Người dạy và người học. Tôi ra về với một câu hỏi mới trong đầu: NGƯỜI? NGƯỜI ĐÂU? Người chắc không thiếu nhưng sợ thiếu MỘT TẤM LÒNG.

Trần Bang Thạch

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Tình Xưa -Thơ Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm - Phổ Nhạc Ngọc Anh - Hòa Âm Hưng Việt - Tiếng Hát Lâm Minh Ngọc


Thơ: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Phổ Nhạc: Ngọc Anh
Hòa Âm: Hưng Việt
Tiếng Hát: Lâm Minh Ngọc

Đẹp Tình Thơ

 

(Bài thơ kỷ niệm 60 năm ngày cưới của thầy cô Nhựt Phạm Công - Đường Năm)

E ấp tình xuân buổi ban đầu
Ươm mộng hương lòng gởi trao nhau
Pháo đỏ rượu hồng sang nhà mới
Vẹn ước ba sinh chuyện cau trầu

Giữ lòng son sắc , nặng tình sâu
Hạnh phúc chung xây dẫu bể dâu
Đạo nghĩa vuông tròn tình phu phụ
Bền duyên hương lửa đến bạc đầu

Sáu mươi năm, đẹp tình thơ
Trăm năm xin chúc giấc mơ tuyệt vời

(Thầy Cô và Tam Kim Canada)
Kim Phượng Canada

Hình Xưa 44 Năm Trước - Nguyễn Thanh Bình


Hôm nay ngồi buồn, lục hình cũ, thấy được tấm hình chụp năm 1976, 44 năm trước..

Bác Sĩ đang học để lấy lại bằng hành nghề. Từ trái qua:
Lý Hồng Sen, Nguyễn Thanh Bình, Mạc Văn Trọng, Ngô Vi Dương, Trần Cao Thăng, Trần Văn Dũng.
Anh Dương già nhất trong đám, sinh năm 1933, thứ nhì là anh Sen 1935, trẻ nhất là Dũng 1946. 
May là mọi người trong hình đều còn sống.

Hình Ảnh: Nguyễn Thanh Bình( Bát Sách)

Góc Phố Bỏ Quên

  

Tình cờ qua con phố
Chiều lên soi dáng người
Gió về cười đâu đó
Bờ môi ngon ngày xưa...

Con đường quen lối cũ
Giờ nghe lạ bước chân
Có bàn tay lá ngủ
Chợt đánh thức một lần!

Tìm quanh đây dấu yêu
Quán ven đường đâu nữa
Ly cà phê gió nhiều
Nụ hôn còn bao nhiêu?

Về góc phố bỏ quên
Ngồi nghe từng hơi thở
Chỉ mình ta lặng yên
Nhớ người, nhớ người thêm...

Một lần thôi chợt quên
Con đường mang tên khác
Phố đông chừng đi lạc
Giữa dòng đời mênh mang

Có người về hôm trước
Qua con phố bỏ quên
Chợt tình cờ cúi nhặt
Một nụ cười không tên!

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

Quê Hương Bình Yên

 

Ôm bông lúa gió đồng nội

Áo em mảnh lụa đôi môi ướt hồng

Câu hò điệu lý trên sông

Câu ca vọng cổ ruộng đồng ngát hương.


Cắn hạt lúa ngậm hơi sương

Thơm mùi da thịt hoa đường phiêu du

Thương em câu hát điệu ru

Bài ca ngọt lịm bóng dù che nhau


Cài bông hoa thoáng hương cau

Tóc em suối chảy phai màu thời gian

Thơ lục bát tình riêng mang

Chia đôi hai nhánh tặng nàng câu ca.


Tặng khăn quàng thắt tình ta

Cánh đồng mới gặt bóng tà chiều quê

Đốt bó rơm đỏ đam mê

Soi em vui bước đường về thôn xưa.


Nắm bàn tay buổi tiễn đưa

Giọt lệ hơi ấm còn thừa yêu thương

Ướt bờ môi mộng thiên đường

Phương xa nỗi nhớ tay nương ráng chiều.


Lê Tuấn 



Cõi Trần



Ðức Phật ngày xưa bỏ cung vàng điện ngọc
Lià mẹ cha, từ giã những thâm tình
Tìm chốn thâm sơn một thân đơn độc
Mong cứu mình cứu cả vạn sanh linh

Ngài đã hy sinh xá gì châu báu
Bạc vàng kia chẳng ý nghĩa cuộc đời
Cội phúc là nơi muôn đời nương náu
Tâm linh an nhàn thân xác thảnh thơi

Ta cũng chẳng biết ta từ đâu đến
Và mai này ta sẽ trở về đâu
Chỉ biết cõi trần gặp nhau thương mến
Rồi âm dương đôi ngả ngậm thương sầu

Nhân quả trả vay nghiệp duyên tiền kiếp
Bài học nằm lòng nào dễ phôi pha
Ai kẻ yên vui ai người nuối tiếc
Chuyện mình làm từ muôn kiếp tạo ra

Vũ trụ bao la vô cùng vô tận
Ðôi mắt trời soi rọi khắp nhân gian
Bao kẻ khổ đau bao người lận đận
Kẻ chả ra gì lại được cao sang

Tất cả là do căn duyên kiếp trước
Ðừng trách đời hay oán trách trời cao
Trong lòng ta biết bao lần mơ ước
Hai chữ yên bình…sao mãi cứ lao đao

Có những đêm mơ về miền tiên cảnh
Cầu ơn Trời xóa bỏ tội nghìn xưa
Ðể cả nhân gian tâm ngự điều lành
Cho nắng mới ấm nồng tình dân tộc

Anh mòn mỏi thân tàn, râu tóc bạc
Tôi lặng buồn, hoa thắm đã tàn phai
Vầng trăng xưa chếch bóng chốn non đoài
Ôn dĩ vãng mà nghe lòng tê tái …

Nguyễn phan Ngọc An


Giấc Mơ Trang Đỗ!


Chàng là tài xế xe buýt. Nàng là khách đi xe.
Mỗi ngày nàng im lặng ngồi ở ghế đó.
Thời gian đủ dài để chàng nhận ra sự hiện diện của nàng.


Rồi con tim chàng thấy mỗi khi nàng đến.
Khoang xe bỗng thành vườn hoa
và nàng là cô tiên.


Nhưng đến lúc nàng không còn đi xe buýt nữa.
Xe đông người nhưng chàng thấy vắng và lạnh.


Chàng và chiếc xe cô đơn đi trên con đường vô định.
Trương Chi nhớ Mị nương chắc cũng buồn như thế.

 Tranh: Trang Đỗ

***
Giấc Mơ Trang Đỗ!

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ hồi âm ngày 08/02/2023 của Trang Đỗ )

Một Mơ Nàng mãi ngồi đây!
Hai Mơ hoa đẹp bủa vây Tiên Trời
Ba Mơ Nàng đến không mời!
Bốn Mơ sóng bước muôn đời yêu thương!

Trời ơi! Chỉ là mơ thôi mà bỗng gió sương mờ phủ!
Tình Đơn Phương! Thôi! Hãy say ngủ ngậm ngùi!
Hình bóng Nàng đan xen buồn tủi lẫn niềm vui!
Ngắm con Chim Ong lui cui kiếm mật nuôi con mà lòng hoang mạc!

Nàng ngồi ở đấy! Hồn man mác!
Ví để bên đây! Nét lặng lờ!
Nàng có biết hay Nàng không biết Đỗ Trang? “Kẻ đang mơ”!
“Tôi đã yêu Em”! Mối Tình Đơn Phương! Chẳng dám chờ! Không mong đợi!

Tôi là một Tài Xế bình dân, chỉ được đưa Nàng một đoạn đường, ngừng trạm tới!
Mà hoài mơ được đưa Nàng suốt đường đời diệu vợi ngàn năm!
Có Nàng! Nhìn mãi đăm đăm!
Vắng nàng! Mơ bóng trăng rằm mùa Thu!
Sương lam mờ phủ mịt mù!
Trái tim đã chọn ngục tù một phương!
Bao giờ Nàng nói yêu thương?

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 08/02/2023

Thơ Xuân Cao Bá Quát (1)


1. Bài thơ  An Quán Tảo Xuân (Kỳ 1):

安館早春(其一)        An Quán Tảo Xuân (Kỳ nhất)

三更鐘斷雞咿喔, Tam canh chung đoạn kê y ốc,
落落數家聞爆竹。 Lạc lạc sổ gia văn bộc trúc.
出門倦倚立門看, Xuất môn quyển ỷ lập môn khan,
路少燈行室稀燭。 Lộ thiểu đăng hành thất hi chúc.
高伯适                     Cao Bá Quát

* Chú thích:

- Y Ốc 咿喔: Từ Tượng thanh dùng để diễn tả tiếng gà EO-ÓC gáy.
- Lạc Lạc 落落: là Lác đác, là thưa thớt.
- Sổ 數: Tính từ chỉ số lượng, SỔ là Một vài; Động từ là Đếm; Danh từ đọc là SỐ : là Con số , chữ số.
- Bộc Trúc 爆 : Bộc là nổ, trúc là tre. BỘC TRÚC là tiếng tre nổ, nói đúng hơn là "tiếng mắt tre nổ." Ngày xưa, chưa có pháo, người ta đốt các mắt tre già ở dưới gốc cho nó nổ thành tiếng để xua tan những xui xẻo, buồn lo... của năm cũ cho nó qua đi. Sau nầy, khi chế tạo được pháo rồi, nhưng vì Tập Quán Ngôn Ngữ đã quen, người ta vẫn dùng từ Bộc Trúc để chỉ pháo luôn. Cho nên khi dịch từ Bộc trúc, phải biết đó là PHÁO, chứ không phải tiếng tre nổ nữa!
- Quyển Ỷ 倦倚: Vẻ Mõi mệt mà dựa vào (cái gì đó...)
- Chúc 燭: là ngọn đuốc, ngọn nến hay ngọn đèn... trong nhà.

* Nghĩa bài thơ:

Xuân Sớm Ở An Quán (bài 1)

Tiếng chuông trống canh ba vừa điểm xong thì tiếng gà cũng bắt đầu eo- óc gáy. Lác đác mấy nhà xa xa đã nghe tiếng pháo đì đẹt nổ. Bước ra đứng tựa cửa uể oải lặng ngắm cảnh đêm giao thừa, trên đường đã thưa người chong đèn đi lại mà trong nhà cũng chỉ leo lét có một ngọn nến mà thôi !

* Diễn Nôm:
 An Quán Tảo Xuân  (Kỳ nhất)

Tiếng gà eo-óc trống canh ba,
Lác đác pháo tre vẳng mấy nhà.
Ra cửa mõi mòn trông cảnh trí,
Đèn vắng đường thưa nến lập lòa!

Lục bát:

Tiếng gà eo-óc canh ba,
Pháo tre lác đác mấy nhà vọng sang.
Cảnh đêm tựa cửa bàng hoàng,
Đường thưa người vắng chập choàng nến đêm.
(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)

2. Bài thơ An Quán Tảo Xuân (Kỳ 2):

安館早春(其二) An Quán Tảo Xuân (Kỳ 2)

客話當初繁盛時, Khách thoại đương sơ phồn thịnh thì,
粉墻朱戶照江湄。 Phấn tường chu hộ chiếu giang my.
即今春早銜泥燕, Tức kim xuân tảo hàm nê yến,
猶倚胡家門裡飛.     Do ỷ Hồ gia môn lý phi.
高伯适                     Cao Bá Quát

* Chú thích:
- Đương Sơ 當初 : là Lúc ban đầu, là Trước đây.
- Phấn Tường Chu Hộ 粉墻朱戶 : là Tường quét vôi trắng như bột phấn, cửa sơn màu chu đỏ như son : Chỉ nhà giàu ngày xưa.
- Giang My 江湄 : là Ven sông, bờ sông , bến sông.
- Tức Kim 即今 : Như hiện nay, Hiện nay đây.
- Hàm Nê 銜泥 : là Ngậm bùn; HÀM NÊ YẾN 銜泥燕 : là Chim Én ngậm bùn để làm tổ, chỉ sự phồn vinh và đầm ấm của một gia đình đang thịnh vượng. Hai câu thơ chót lấy ý của hai câu thơ cuối trong bài Ô Y Hạng 烏衣巷 của Lưu Vũ Tích 劉禹錫 :

舊時王謝堂前燕, Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家. Phi nhập tầm thường bách tính gia.
Có nghĩa :
Chim én ngày xưa ở hai nhà Vương, Tạ, thì giờ đã bay hết vào nhà của những bá tánh bình thường hết cả rồi !
- Hồ Gia 胡家 : là nhà họ Hồ. HỒ là một họ lớn đứng hàng thứ 13 trong Bách gia tính 百家姓, nên cũng có thể dùng để chỉ chung các dân chúng bình thường sống chung quanh làng xóm.

* Nghĩa bài thơ:
Xuân Sớm Ở An Quán (bài 2)

Khách nói rằng : Trước đây khi nơi nầy còn phồn thịnh, thì cửa son đỏ loét tường phấn trắng tinh phản chiếu lấp lánh bên ven sông. Như hiện nay xuân về sớm và các con én cũng đã ngậm bùn để làm tổ bay vào cửa của các nhà dân bình thường khác cả rồi !
Bài thơ cảm khái trước cảnh tang thương biến đổi, vật đổi sao dời nhưng thiên nhiên thì vẫn vô tình dửng dưng, mùa xuân vẫn cứ đến sớm mặc cho cảnh trí đã đổi thay, lại làm cho ta nhớ đến hai câu thơ của Sầm Tham 岑參 trong bài SƠN PHÒNG XUÂN SỰ 山房春事 là :

庭樹不知人去盡, Đình thọ bất tri nhân khứ tận,
春來還發舊時花。 Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.

Có nghĩa:

Cây vườn chẳng biết người đi hết,
Xuân về vẫn trổ những hoa xưa !

Thiên nhiên qủa vô tình đến dửng dưng trước cuộc thế tang thương biến đỗi !

* Diễn Nôm :
An Quán Tảo Xuân (Kỳ 2)

Khách bảo lúc xưa khi phồn thịnh,
Cửa son tường phấn chiếu ven sông.
Như nay xuân đến bầy chim én...
Ngậm bùn làm tổ cửa nhà dân!

Lục bát:

Khi xưa phồn thịnh nơi đây,
Cửa son tường trắng ánh đầy ven sông.
Nay thì xuân đến vắng không,
Ngậm bùn chim én bay vòng nhà dân !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

3. Bài thơ uân Dạ Độc Thư:
春夜讀書 Xuân Dạ Độc Thư

今人不見古時春, Kim nhân bất kiến cổ thời xuân
惆悵今春對古人。 Trù trướng kim xuân đối cổ nhân.
世事幾何今不古, Thế sự kỷ hà kim bất cổ,
眼前莫認幻為真。 Nhỡn tiền mạc nhận huyễn vi chân
幾多名利終朝雨, Kỷ đa danh lợi chung triêu vũ,
無數英雄一聚塵。 Vô số anh hùng nhất tụ trần.
自笑俗拘拋未得, Tự tiếu tục câu phao vị đắc,
邇來攜卷太諄諄。 Nhĩ lai huề quyển thái truân truân.
高伯适                    Cao Bá Quát

* Chú Thích :
- Độc Thư 讀書 : là Xem Sách mà cũng có nghĩa là Học Hành nữa, vì ngày xưa Xem Sách tức là đang Học Tập đó.
- Trù Trướng 惆悵 : là Do dự, Ngập ngừng, là Chần chừ Ngơ Ngẩn.
- Huyễn Vi Chân 幻為真 : là Lấy ảo làm thực, lấy huyễn hoặc làm thực tế.
- Triêu Vũ 朝雨 : là Mưa buổi sáng.
- Tụ Trần 聚塵 : là Bụi phủ, Bụi mờ.
- Tục Câu 俗拘 : Tục ở đây có nghĩa là Thói Thường, nên Tục Câu có nghĩa là những câu nệ tầm thường, những thói xấu tầm thường khó bỏ. PHAO VI ĐẮC là Không dứt bỏ được.
- Nhĩ lai 邇來 : là Gần đây, là Dạo nầy.
- Huề Quyển 攜卷 : là Cầm quyển sách lên, ý chỉ Học tập.
- Truân Truân 諄諄 : là Cần mẫn, Chăm chỉ.

* Nghĩa Bài Thơ:
Đọc Sách Đêm Xuân

Người của ngày hôm nay không thấy được mùa xuân của thuở xưa, nên giờ ta đang ngẩn ngơ trước mùa xuân hôm nay mà đối mặt với người xưa trên sách vở. Chuyện đời biết như thế nào mà nói, vì hôm nay chứ không phải ngày xưa nữa, nên đừng có nhận lầm những cái huyễn hoặc trước mắt là thực tế (mà phải phân biệt cho rõ ràng). Biết bao nhiêu danh lợi chỉ đến trong đêm như một giấc mộng, rồi kết thúc bằng một trận mưa sáng trôi đi tất cả, cũng như vô số anh hùng tụ hợp rồi cũng tan biến như lớp bụi mờ. Ta tự cười mình vì cái tật xấu xưa nay không bỏ đi được, nên gần đây hễ cứ cầm quyển sách lên là cứ đọc một cách chăm chỉ như ngày xưa vậy!

Biết được rằng Xưa không phải là Nay nữa, Xuân xưa khác xuân nay và Chuyện xưa cũng khác với Chuyện ngày nay, bằng chứng là biết bao danh lợi chỉ thoáng qua như giấc mộng trong đêm, anh hùng hào kiệt rồi cũng tan biến như bụi trần. Biết thế, mà vẫn cứ thế, hễ cầm được quyển sách lên là lại cứ muốn chăm chỉ mà học tập theo gương của người xưa, để làm gì?! Vì rốt cuộc cũng có được gì đâu ?! Cao Bá Quát vừa cười mình ngớ ngẩn có thói quen xấu khó bỏ, lại vừa đề cao mình là người luôn luôn chăm chỉ học tập mặc dù biết rằng đọc sách chỉ là nhại lại những cái bã của cổ nhân!

* Diễn Nôm:

Xuân Đọc Sách Xưa

Người nay chẳng thấy được xuân xưa,
Ngơ ngẩn xuân nay trước cổ thư.
Bao nả chuyện đời kim khác cổ,
Chớ lầm trước mắt thực làm hư.
Biết bao danh lợi theo mưa sáng,
Vô số hùng anh khuất bụi mờ.
Thói xấu cười mình không bỏ được,
Hễ cầm quyển sách cứ khư khư!

Lục bát:

Người nay không thấy xuân xưa,
Xuân nay ngơ ngác người xưa đâu rồi.
Chuyện đời kim cổ đổi vời,
Chớ lầm hư thực thực rồi hóa hư.
Lợi danh như sáng mưa thu,
Anh hùng bao kẻ mịt mù trần ai.
Cười mình tật cũ khó phai,
Quơ nhằm quyển sách miệt mài thâu canh.

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Xuân Sớm Ở An Quán Kỳ 1

1-
Canh ba chuông dứt gà eo óc
Lác đác dăm nhà nghe pháo trúc
Ra cửa dựa buồn, trong cửa xem
Đèn đường chẳng mấy, nến phòng ít.

2-
Canh ba chuông dứt gà kêu
Vài nhà pháo trúc lèo tèo thinh không
Dựa buồn ngoài cửa, vào trong
Đèn đường hiu hắt, quanh phòng nến thưa!

***
Xuân Sớm Ở An Quán kỳ 2

Khách nói thời xưa lúc thịnh thời
Cửa son, tường trắng mé sông soi
Mà nay xuân sớm mang bùn-én
Làm tổ quẩn quanh Hồ xóm thôi!

***
Đêm Xuân Đọc Sách

Người nay chẳng biết thuở xưa-xuân
Buồn bã xuân nay với cổ nhân
Thế sự ra sao giờ khác trước
Đừng lầm trước mắt giả thành chân
Biết bao danh lợi, tan mưa sáng
Vô số hùng anh, hóa bụi trần
Thói tật, tự cười, không bỏ được
Gần đây nâng sách vẫn chuyên cần!

Lộc Bắc
Dec22

Mùa Dưa Gang Ước Hẹn

 

(Còn chút gì để nhớ để thương!
Ghi lại tặng các anh các chị dân Vĩnh Long Nguyễn Thông- Tống Phước Hiệp-1954-1975)
kn

Tựa đề "Mùa dưa gang" gợi lại ký ức sau khi nghe bài hát "Vĩnh Sa Trà Quê Hương Tôi" tại Houston. Trong bài hát, tác giã lời bài hát là một cựu giáo sư Tống Phước Hiệp-Thủ Khoa Huân-LVL(sau 1975), có câu ..."mùa dưa gang ước hẹn....". Lâu lâu, tôi lại cái tô- lập lại nho nhỏ để nghe một mình và để nhớ một thời mình đã là tham dự viên của mùa đặc biệt nầy. Gọi là mùa đặc biệt chắc cũng không sai, không quá vì chưa chắc tại nơi nào đó có mùa nầy, ngoài xứ Vãng, nơi có các cô các cậu học trò tứ xứ tụ về để học tập, từ Sa Đéc xa 25 cây số đến Trà Vinh Trà Ôn Trà Cú Tam Bình Bình Minh Chợ Lách Vũng Liêm.....

Mùa dưa gang ước hẹn !!! Cụm từ thơ mộng làm sao!

Rời chợ Vãng bao nhiêu năm mà nghe lại mấy chữ Mùa dưa gang thì cảm giác như sống lại thuở ấy, thuở 1955 đến 1957 hay sau đó, thuở mà chiếc xe gắn máy chưa được thấy nhiều, ngoại trừ chiếc mobylette cỗ lỗ xỉ! Hồi đó, ba má cho thằng con chiếc xe đạp là "quá ngon" rồi. Mà chiếc xe có luôn cái pọt-ba-ga nhưng luôn luôn để làm kiểng hay họa hoằn thì chỉ chở thằng bạn ngồi chàng hảng chớ không hề được diễm phúc được cô bạn, chị bạn vén tà áo ghé ngồi nhờ -chỉ ké ngồi nhờ-.
Nếu không phải chị em ruột thì không bao giờ cảnh đó xãy ra. Người ngồi ké pọt-ba-ga không là ruột thịt thì ngày hôm sau cả tỉnh đều biết, cũng có thể đang giờ học thầy giám thị đến lớp trao mảnh giấy mời lên gặp thầy Tổng giám thị.
Nhưng, trở lại đầu đề, thế nào mà gọi là mùa dưa gang, nhưng lại thêm hai chữ "ước hẹn", nghe tình tứ làm sao!!! Thật tình thì tôi -lại cái tôi nữa- là một tham dự viên không thấy gì đáng được gán cho mấy chữ ước hẹn, tại rẫy dưa. Một buổi sáng chủ nhựt nào đó đang mùa dưa gang, mấy anh lớn lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ rủ nhau "sáng nay tụi mình hùn tiền mua đường thẻ đi ăn dưa gang". Mấy đứa đàn em, có tôi, hưởng ứng nhiệt liệt. và cả xóm mấy nhà nuôi học trò ở trọ tại xóm cầu Cái cá, gần nhà sách Long hồ, mỗi tên một chiếc xe đạp hướng về ngã ba ông Cảnh, ngã ba Cần thơ rồi quẹo trái hướng về cầu Tân Hữu, cầu Đường Chừa. Xin nói thêm là các nhà nuôi trẻ, nói lộn xin cho nói lại, nuôi học trò xa, dân từ Sa đéc Nha mân, Cái tàu hạ và xa hơn là từ Cao lãnh và các quận quanh đó.

Tôi còn nhớ tên các đàn anh là Kiệt, Lộc, Hừng, Khuê, Bé, Chánh, và các bạn đồng trang lứa là Cương, Hĩ, Sang, Tấn. Đoàn công voa chạy hàng một qua cầu Tân hữu thì sang lề trái, bỏ xe nằm trên bãi cỏ lề lộ, tháo dép cầm tay, để đi cầu khỉ bắt ngang mương lộ. Oái oăm thay là cầu khi nầy chỉ là một thân cây so đũa mà lại không có tay vịnh ! Lý do vì sao lại như vậy thì... thật khó nói ra đây. Lý do nầy từ người chủ rẩy dưa cho biết chớ không phải từ tụi học trò đặt chuyện. Mỗi lần "qua cầu gió bay" là chỉ một đứa mà thôi, nhưng may mắn là qua hết, không đứa nào bị rơi ùm xuống mương - mà lúc đó gọi là hào lộ hay mương lộ - Điều đầu tiên nghe là tiếng dế kêu re re trong rẫy. Ôi! nhớ thuở còn tiểu học vô cùng. Mùa hè nào cũng nuôi vài con dế, nhưng vì sợ bị tội với hội bảo vệ thú vật ở ngoại quốc cho nên tôi không cho đá lộn mà chỉ để chọc dế gáy nghe khoái tai. Dế lại hay gáy re re ban đêm, má tôi biểu đem các hộp đựng dế xuống nhà bếp thì mới dễ ngủ. Có khi sáng ra mất một hai con vì dế khoét hộp thoát ly cuộc sống tù túng. Lại lạc đề. Bước nhẹ nhẹ, nghiêng tai nghe tiếng gáy phát ra từ khe đất nào nhưng rồi dù nhón nhẹ bước chân cũng không tránh được vì các cọng rơm khô kêu xào xạc là tiếng gáy nín bặt.


Điều thứ nhì khi đứng giữa rẫy dưa gang là mùi thơm kỳ dị, quyến rũ, ngọt ngào của các trái dưa chín vàng nứt nẻ. Chữ nứt nẻ đây diễn tả hết hương vị của trái dưa. Dưa chín và nứt mới ngon! Sương đêm đã khiến những trái dưa chín nứt một hay hai đường từ cuốn tận đuôi. Và lúc đó thì tha hồ chọn đủ ăn cho bao nhiêu cái miệng, mở gói đường ra và ...thưởng thức. Tuyệt vời !!! Đối với dưa chín tự nhiên (chín tự nhiên là sao? hạ hồi phân giải). Nhưng như vừa kể, ăn dưa gang như vậy thì có gì đáng cho là "ước hẹn"? Hay là vị giáo sư Việt văn Thủ Khoa Huân nầy bị méo mó nghề nghiệp rồi thêm chữ cho êm dịu tình tứ? Không đâu.
Chuyện thế nầy: sau vài mùa dưa, mỗi mùa là 1 năm khi trời khô ráo, lúa đã gặt xong thì lại có phong trào "đi mua dưa gang tại dốc cầu Tân hữu về đêm ". Đầu dây mối nhợ là chỗ chợ dưa về đêm! Chợ dưa nhóm vào lúc chạng vạng tối đến khoảng 8 giờ tối là vãng màn. địa điểm chợ là lề lộ phía mặt từ ngã ba Cần thơ, trước khi tới dốc cầu Tân Hữu mặt trước là lộ lên dốc cầu, mặt sau là mương lộ, nghĩa là 1 dãy đất hẹp chừng một thước rưỡi. (Lạng quạng là có nhiều hy vọng tắm đêm!) Các cô các chị bày những trái dưa ngay hàng thẳng lối , tấm đệm nào thì người chủ bày sản phẩm , một đặc biệt là dưới ánh sáng leo lét của cây đèn dầu bánh ú, ngọn đèn phất phơ nghiêng ngã theo chiều gió, cho nên ánh sáng thật leo lét, mờ ảo. Còn khách hàng là những ai? Dĩ nhiên đôi khi cũng có tôi! Tôi nhớ đa số khách hàng là ...phái yếu, nhưng không yếu đâu và hình như có mấy anh chạy theo "hộ tống". Nói rõ hơn là các cô, các chị, nhưng hình như không có các bà. Từ sự kiện nầy nảy sanh ra "ước hẹn". Đến đây, kể như vầy đủ rồi, tôi không nói thêm nữa. Rồi sau nầy, lại thêm một câu châm biếm xuất hiện "đi ăn dưa gang cầu Tân Hữu bị .......". Nghe lãng xẹt, hết cả thơ mộng!!

Trên đây, tôi đã ghi lại một sự kiện là dưa chín thì phải là có lằn nứt mới ngon. Có vài người bán đã dùng xảo thuật để trái dưa chưa chín hẳn mà vẫn có lằn nứt. Họ đã dùng móng tay vạch một đường dài theo thân dưa, nhúng trái dưa xuống mương lộ sau lưng họ, vớt dưa lên sau vài phút để dưa lên đệm, vài phút sau một đường nứt gần một phân tây xuất hiện theo chiều dài trái dưa! Quý vị cần dưa có đường nứt thì đây, mại dô!

Cũng khoảng ba lần, tôi mua dưa gang tại Mang Cá Cầu lộ. Câu chuyện vui như thế nầy.
Đúng ra thì không phải tôi mua dưa ở Mang Cá Cầu lộ mà là ra đó ngồi tắm và mua dưa trên xuồng ở bờ sông Cầu lộ phía bên kia tức là nhìn từ Cầu lộ ra cầu Cái cá thì là bờ bên mặt, còn tôi tắm ở bờ bên trái. Xuồng dưa đậu tấp vào một bến nào đó, hình như là nơi đó có nhà thủy tạ -nhớ không chính xác lắm và cũng hình như sau nầy tôi được biết nhà có nhà thủy tạ là bến sông một chị trong nhóm có tên là Tứ B- và muốn mua dưa thì, đang tắm, bèn lội ngang sống mua dưa. Lần đầu thì một tay cầm trái dưa đưa cao khỏi mặt nước rồi lội về bờ bên nầy. Mấy lần sau, nảy sanh một ý rất hay, độc đáo là đem theo sợi dây, cột trái dưa cẩn thận, cắn một đầu dây, thong thả lội về với cả hai tay. Nhưng than ôi, trái dưa bị cột dây dòng tàu về rất mau nứt, nên phải thanh toán gấp vì như trên viết lại rằng dưa gang ngâm nước sẽ rất mau nứt tè le! Biết mà quên!


Còn đây là lời giảng giải của chủ rẫy, lời giảng giải này thuộc loại "nói nhỏ nghe rồi bỏ qua": sở dĩ mấy rẫy dưa gang, và về sau nầy tôi biết kể cả rẫy dưa hấu rất kỵ người không phải phe ta bước vào rẫy. Thôi thì nói đôi dòng vậy thôi chớ không dám viết rõ hơn. Vì vậy, cho nên, thì là, bởi thế các chủ rẫy đã bắt các cây cầu thật lắc lẻo để phái nữ chịu thua, kể cả là nữ chúa muốn phá chơi, chứng tỏ ta đây có khả năng vượt khó khăn mà bò cũng chưa chắc bò đến đầu cầu bên kia! Chủ rẫy dưa chơi không công bằng, nếu điều nầy xảy ra bây giờ thì là "kỳ thị" "vi phạm hiến pháp"....
Trí nhớ của tôi không ngừng ở chuyện "mùa dưa gang ước hẹn" mà đi xa thêm chút nữa theo đường đi Cần Thơ, đến Bà Lang, Ba Càng. Nếu hỏi Hứa Hoành thì có thể anh ta sẽ trả lời liền về địa danh Bà Lang: có thể ngày xưa, nơi nầy có một nhân vật là vị nữ lưu rộng rãi, thường giúp người nghèo tên Lang.....vân vân. Còn Ba Càng thì sao?

Tại sao tụi tôi lại đạp xe đến Bà Lang Ba Càng? Cũng tại vì miếng ăn thôi thúc, rán đến đó để thưởng thức món ngon đồng cỏ nội, tươi rói, rẻ tiền, vui cười hỉ hả, không cần đem về vì đã no bụng và cơm trưa của chị chủ nhà cũng sẵn sàng trên bàn. Khách đi xe, bất cứ loại xe gì, từ xe đò 20 chỗ chạy từ Vãng Long đến Bà Lang Ba Càng hay Cái vồn Bình Minh hay Tam bình hay Trà Ôn hay bến Bắc Cần thơ đến xe Lam 3 bánh đều nhớ rằng hai bên lộ xe đề có mương nước. Mương bên mặt rộng hơn sâu hơn, là thủy lộ từ Vảng qua sông Hậu, còn bên trái thì chỉ là những khúc mương cá nhân của các gia chủ bên đường. Các đoạn mương nầy it thông nhau, nước tù. Khách sẽ thấy trên mặt nước mương có những dề giống như dề lục bình, nhưng không phải lục bình mà là các dề cây ấu, trái màu đen có dạng như hàm râu. "Thương nhau trái ấu cũng tròn." Làm sao mà trái ấu tròn nổi! Cả bọn ngừng xe và 1 tên bước vô nhà khúm núm thưa rằng" Thưa Bác, bác bán cho tụi con ($) ấu để tụi con ăn chơi." "Ờ, đợi bác chút" Rồi ông lấy cây sào tre khều vớt vài dề cây ấu, khi khỏi mặt nước, tôi thấy mấy trái ấu đeo lẫn trong chùm rễ ấu. Lặt trái xong, thả dề ấu trở lại mương. Ăn liền tại chỗ, sau khi lầy vạt áo lau qua loa! Ngon lạ lùng, ngọt xớt. Cũng có lần chủ nhà dùng xuồng nhỏ vớt ấu. Vị ấu sống như thế nào mà phải đi xa vậy? Ấu sống chưa già ăn sống khá ngon, ngọt, khó mà so sánh với các loại trái khác, với lại lâu quá rồi nên không nhớ rõ ngọt thế nào, nhưng ngọt!

"Quê hương tôi vùng phù sa sông Cửu
Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc đất liền nhau....
...Ôi nhớ quá mùa dưa gang ước hẹn...
...Biết bao giờ qua lại chuyến phà ngang
Rủ nhau đi thăm lại lũy tre làng
Ôi nhớ quá Vĩnh Sa Trà quê tôi.....

(trích vài câu trong bản nhạc "Vĩnh Sa Trà Quê Hương Tôi", hôi ca của hội VLVBSĐ, tác giả: anh Nguyễn Văn Thọ và anh Võ Minh Thế)
Tên các nhân vật trong bài là tên thật, có anh đã ra đi.

Nguyễn Cao Khải

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Cám Ơn - Nhật Khanh - Kim Trúc - Phú Trần


Sáng Tác: Nhật Khanh
Trình Bày: Kim Trúc - Phú Trần

Hồng Trần

 

Ngàn năm mây bạc hạc vàng bay
Kim cổ nhân sinh trần thế này
Phong hoa tuyết nguyệt ngàn bướm trắng
Hạc nội mây ngàn lá vàng bay.

Tôn Thất Hùng

Cám Ơn EM

 

EM hóa phép cho thơ tràn ngập nắng
Tựa bình minh xua phố vắng đơn côi
Để mây trời lãng đãng nhẹ nhàng trôi
Chim vổ cánh tung bay mừng ngày mới

EM hóa phép cho đời thêm mong đợi
Điệu thơ buồn từ đó khởi xinh tươi
Có nàng thơ áo tím nghiêng nón cười
Ru bao khách bên đường ngơ ngác mộng

EM hóa phép cho dòng thơ biến động
Nhớ thật nhiều từ cuộc sống tha nhân
Huế thân thương nhắc nhở biết bao lần
Trong mộng ảo, trong nỗi buồn luyến nhớ

EM hóa phép cho thơ tôi òa vỡ
Tháng ngày buồn như con nợ trên vai
Nhớ Huế xưa, theo nét chữ miệt mài
Dòng thơ nhỏ - cám ơn EM - tô điểm ...


Hoàng Dũng


Xuân Cho Em

  

Hôm nay đi lễ chùa
Sáng bình minh nở hoa
Có một đàn chim nhỏ
Ríu rít bao lời ca

Có bao nhiêu hạt sương
Sao ướt đầm nỗi nhớ
Có bao nhiêu hạt bụi
Mà che cả thời mơ

Mưa xuân chậm nước mắt
Rơi đùa trên lá sen
Một giọt như còn đọng
Phảng phất nụ môi mềm

Khói sương tựa vô hình
Trầm hương lan trong gió
Chuông chùa vọng hư không
Hồn xuân hoa bướm mộng

Hôm nay đi lễ chùa
Tuyết đọng hương hơi thở
Còn trăm năm trăn trở
Anh đứng ở bên bờ.

Lê Mỹ Hoàn

Bi Khúc Cho Bidong- Malaysia…

 

1-

Đã qua rồi ba mươi năm hay bốn mươi năm
những vết thương vẫn còn đang mở
nỗi buồn xưa ai còn nhớ?
rơi rớt bâng quơ theo lớp bụi thời gian
khi buổi chiều nào ngồi nhìn qua khung cửa
một ảnh hình xa khuất bỗng hiện về
gõ nhẹ vào tim
tâm hồn ngây ngất
Bidong…

2-

Chân lướt qua những đồi dốc,những bờ biển vàng phơi,
những bóng dừa lã ngọn.
rặng thông u trầm
đất nở bao nấm mồ hoang
xơ rơ hàng cột long house nghiêng ngã
không gian tỉnh lặng
một thời quá vãng
loang lỗ muộn phiền
còn chế ngự mãi trong hồn những người bỏ nước lưu vong. ?

3-

Câu chuyện ông lão trong bức tượng ở Bidong
như một truyện truyền kỳ
người nghe sững sờ,kinh ngạc
giữa hiện thực và bất thực
giữa hợp và tan
chỉ trong sự biến chuyển của đồng tử con người

4-

Trên đồi tôn giáo
đưa tầm nhìn bao la
cánh buồm tỵ nạn
vươn ngất cõi trời xa…
sóng vỗ rì rào
lời van xin,hối tiếc
lời kêu than, tuyệt vọng
Thượng đế mãi ở trên cao
có bao giờ thấy biết ?
đại dương tàng chứa xác thân người…
quê hương chỉ còn trong nước mắt
Bidong ơi!

5-

theo làn hương khói ai đã ra đi ?
khu A, khu B,khu E, khu F
theo nỗi uất hận bi thương ai sẽ không về?
huyết thư trên mộ…
dòng thời gian lặng lờ
cầu Jetty loanh quanh nỗi nhớ
đất có hồn ai, đất lên tiếng thở
cho Bidong,
vùng kỷ niệm,
vùng hơi thở tự do được hồi sinh
còn thấm đẫm đến bao giờ ?…

Lâm Hảo Dũng
Van,BC- April 11- 2022- 4H33’ PM
Ảnh: Bidong Group-Malaysia