Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Cầu Cho Cha Mẹ (7) - Phanxico

Ngày Nhớ Ơn Cha

Chiều nay nơi góc Giáo đường
Có đôi mắt ướt sầu vương nhớ nhà
Tháng Chín là Ngày Ơn Cha
Nguyện cầu Ba Má an hòa thảnh thơi
Con dâng lên Chúa từng lời
Cảm ơn Ngài đã không lơi ban tình!

Kim Oanh
05/Sep


Sáng tác: Phanxico
Tiếng Hát: Gia Ân

Velosolex



Một hình ảnh tưởng đã quên, nhưng mãnh liệt trở về.
Chiếc Velosolex!
Trong email, hình chiếc Velosolex, kèm với câu hỏi ngắn của cậu em út:
- Nhớ xe này không 6 Phượng?
Làm sao mà quên được!

      Chiếc xe Velosolex, từng hiện diện trong “căn nhà học trò” và đồng hành với chị em chúng tôi hơn 40 năm về trước. Đến nay, qua hình ảnh và câu hỏi ấy, chiếc xe gợi lại, nhắc tôi nhớ và hồi tưởng từng chuyện vui buồn của những ngày xưa cũ. Chuyện Sơn, người em cùng xóm. Chuyện về ba tôi, người suốt đời tận tụy, hy sinh cho vợ, cho con.
“Căn nhà học trò”, người lối xóm đã gọi như thế. Bởi, ba má ở xa, chúng tôi phải tự chăm sóc cho nhau. Nhà ở Long Hồ, cách xa đền thờ cụ Phan Thanh Giản khoảng 5 phút đi bộ. Phương tiện đi học bằng xe đạp. Ngoại trừ chị ba, học trường Sư Phạm Vĩnh Long, trường xa hơn và thể chất chị yếu hơn, dĩ nhiên, chị được làm chủ nhân chiếc Velosolex. 
      Đây là chiếc Velosolex đầu tiên, trên con đường Văn Thánh, thời bấy giờ. Dáng xe thanh thanh, cạnh thiếu nữ dáng mỏng, vai gầy, tà vạt trắng tinh, thướt tha trong gió. Cái duyên dáng của người thiếu nữ, nét thanh tao của Velosolex, khiến ai mà không nhìn.
      Con gái thích làm dáng, những khi chị không có giờ đến trường, tôi thường mượn xe đi học để lấy oai với “đám con trai”. Thật ra, các chàng cùng lớp, có những anh đi học bằng Vespa, Honda, chứ nào kém. Tiếng máy xe ngừng nổ, cái dáng nho nhỏ, chầm chậm dắt xe vào sân trường, rồi chầm chậm dựng xe trước cửa lớp học. Dù không nghe thấy đâu, nhưng chắc như rằng “đám con trai” đang xì xầm đây. “ Bọn con gái” luôn nghĩ thế.


      Có điều nghịch lý, được gọi là xe “gắn máy”, chắc chắn sẽ chạy nhanh hơn xe đạp, nhưng tôi phải mất nhiều thời gian hơn, chuẩn bị nhiều hơn và đi học sớm hơn. Bởi, sợ những bất trắc. Bất trắc ở đây là xe còn đủ xăng hay không. Nhìn lượng xăng trong bình sắp cạn, có cho mượn cũng chả dám. Ngại khi đề máy, xe lại nhõng nhẽo nằm bất động. Nhưng ngại nhất là phải hấp tấp dẫn xe vào cỗng trường, sợ chàng chê tướng gian nan không giàu. Sợ chàng chê..., thật ra tôi chưa để mắt đến chàng nào, dù rằng cái đuôi theo sau hơi dài.
      Dáng xe thanh thanh, nhưng hay làm khổ người lái. Máy nằm phía trước đầu xe, phải đạp cho xe lăn bánh lấy trớn, rồi đẩy máy rời guidon trước khi đề máy nổ. Loại xe này chỉ thích hợp cho việc di chuyển, khi mặt đường bằng phẳng và khô ráo. Những hôm trời mưa, hay gặp “ổ gà”, “ đo đường” té ngả, đến xấu hổ.
      Nhắc đến “ổ gà” tôi muốn nói về Sơn, bạn thân của hai cậu em tôi. Sơn ở cách nhà tôi bởi một con lộ. Ngoại trừ giờ ăn, học, ngủ, Sơn luôn túc trực bên nhà tôi và gọi tôi bằng “chị 6” như các em. Trong xóm có 2 người thứ tư. Một là anh lơ xe đò Vĩnh An, đầu tóc lúc nào cũng dường biếng lược gương, được đặt tên là “ Tư Mốc”. Sơn với biệt danh “Tư Mướt” bởi đầu lúc nào cũng xức dầu bóng loáng. Quen dần tên Sơn đi vào dĩ vãng. Sơn và cậu em thứ 7 của tôi rất thân, nhưng thường hay thách thức nhau.
 Thương nhau lắm cắn nhau đau!
- Sơn, mầy dám để muối ớt trên lưỡi, đến khi muối tan hết, tao chịu thua tô hủ tiếu.
- Hai tô tao mới chịu, tao cho chị 6 một tô. Sơn trả lời.
Thời bấy giờ, giá tiền 1 tô hủ tiếu đã là nhiều, so với những đứa trẻ sống xa cha mẹ như chúng tôi và muối dùng trong cuộc thách đố ở đây, là muối cục đâm nhỏ, nghiền với ớt cay.
Nhìn chiếc lưỡi đưa ra, giữ yên. Bên trên đầu lưỡi, đặt muối ớt và chờ đợi tan loãng.
      Trời ơi! Nhìn cảnh nước dãi đổ dài xuống đất, những mảnh ớt đo đỏ, cay xé cùng với những hạt muối li ti đang chầm chậm tan dần, thẩm thấu... Tội cho Sơn! Nhưng anh chàng cứng lòng lắm và thắng vẻ vang khi hạt muối cuối cùng biến mất.
Hai tô hủ tiếu từ chiếc xe bán dạo được mang tới.
- Ngon hôn chị 6? Sơn hỏi.
- Ngon lắm!
Không phụ lòng Sơn, tôi vội trả lời trong phút chạnh lòng.
- Còn em, không biết mình ăn cái gì nữa.
Sau “chiến thắng vẻ vang” ấy, chiếc lưỡi Sơn như đơ ra, mất hết vị giác, thưởng thức được gì nữa chứ.
Chuyện về Sơn chưa chấm dứt ở đây.
- Chị 6, mình đi mua bánh mì thịt ăn, hôm nay em đãi hết.
 “Chị 6” lái xe, đèo Sơn ở phía sau. Trời về đêm, mùi bơ, pâté, thịt nguội, ngò, ớt, thơm lừng như quyện trong sương, gió nhẹ đưa, lay động khứu giác. Bốn ổ bánh mì được người bán đặt vào bao, là phần ăn của 2 cậu em, Sơn và tôi. Xe nổ máy, hai chị em ra về trong hân hoan...Sắp ăn đây rồi! Xe đang trớn chạy, cả hai lo tán hưu, tán vượn, toàn chuyện trời trăng mây nước huyên thiên. Nhưng vừa xuống dóc Cầu Lầu, gần đến trại lính, sụp “ổ gà”, xe chao nghiêng, ngả nhào.
- Có sao không Sơn? Tôi hỏi trong hốt hoảng.
Tư Mướt lồm cồm đứng dậy, xoa xoa đầu gối bị trầy sướt. Im lặng không một lời. Sơn mở nhanh bao bánh mì, ném từng ổ ra xa, chỉ chừa duy nhất có một. Lần này Tư Mướt đã quên “chị 6” hay bắt tội “chị” chạy không cẩn thận, nên về đến nhà, Sơn lấy bánh ra ăn một mình...vẫn trong im lặng.

( Sơn và chị 6 tại đền thờ Phan Thah Giản)
      Chúng tôi..., những đứa trẻ còn cắp sách, ăn chưa no lo chưa tới lại được hưởng nhiều lợi lạc. Cần đi đó đây, chiếc Velosolex, không cần dùng nhiều sức, tiện lợi, dễ dàng khi di chuyển
Còn ba sống ở Giồng Ké, hay còn gọi là Trung Ngãi, một Xã nhỏ của Vĩnh Long. Sau những buổi chiều xong việc ở tiệm buôn, Ba thường đạp xe về thăm vườn của Nội, tại Ấp Phú Hữu. Xe Ba đang đi là chiếc Velosolex, mua lại từ một người khác, nhưng đầu máy phía trước đã tháo gỡ, vì không còn sử dụng được nữa. Xe mất chức năng nổ máy, chẳng khác chi chiếc xe đạp bình thường, nặng đạp hơn là đằng khác. Nhưng đó là phương tiện cho Ba.
      Velosolex một thời vang bóng, ra đời trước tôi, từ năm 1946. Xe đã đến với chị em chúng tôi,  mới toanh, màu đen huyền, bóng loáng. Xe đẹp, bên cạnh người con gái trẻ, tà áo thướt tha bay bay trong gió... thành phố như đẹp thêm.
      Velosolex một thời vang bóng, ra đời trước tôi, từ năm 1946. Xe đã đến cùng Ba, khi không còn đầu máy để sử dụng, màu sơn đã tróc sờn, nhưng cùng đồng hành với Ba. Và mỗi bận đi thăm vườn, khi ba trở về, xe còn mang nặng thêm, đôi khi là quày dừa, buồng chuối hay lĩnh kĩnh mận, quít, xoài...Và khi chúng tôi tíu tít bao quanh, Ba mỉm cười, nụ cười hiền, ánh mắt long lanh thầm vui, như quên hết mệt nhọc. Chiếc Velosolex mới, dành cho con đi. Chiếc đã sờn tróc giữ cho Ba, chẳng khác nào câu ví von “chỗ ướt mẹ nằm còn nơi khô để dành cho con”.
      Sơn, người em láng giềng đã nằm lại chiến trường quá sớm, so với tuổi đời. Tuổi trẻ của Sơn đã vĩnh viễn ra đi, khi ấy tôi còn ngồi dưới mái trường Đại Học. Và hơn 40 năm trôi qua, hình ảnh ném ba ổ bánh mì, chừa lại một và ngồi ăn trong im lặng. Tôi vừa nhớ, không tránh khỏi bùi ngùi và tôi cười trong nước mắt âm thầm.
      Ba, không còn nữa. Nhưng Ba đã để lại cách sống, lối cư xử ở đời, đã thấm nhuần và ăn sâu vào xương tủy các con của ông. Ba là tấm gương, cho con đậm tình người, đã đem yêu thương và truyền đạt qua nụ cười đôn hậu. Cuộc sống của Ba là món quà to lớn, là hành trang cho các con mang vào đời. Hồi ức một thời của đời người, như đang sống lại. Và đêm qua, trong lúc bài viết còn dở dang. Tôi đã mơ thấy Ba. Ba trở về với chiếc nón trên đầu và khăn choàng màu xám. Úc châu bắt đầu vào xuân từ 6 ngày nay. Xuân, nhưng vẫn còn mưa tí tách. Trời vẫn lành lạnh. Ban trưa nắng vàng rực rỡ với cơn gió hây hây từ muôn phía và chiều đến, lại trở lạnh. Cái lạnh thật sự của Melbourne làm tôi nhớ đến chiếc khăn choàng Ba quấn quanh cổ, trong mơ.

(Ba tôi)
Phải chăng Ba trở về. Ngày Father's Day, Ngày Nhớ Ơn Cha tại Úc châu, đúng vào Chúa Nhật hôm nay. Mọi người đang nhộn nhịp mừng vui, chúc phúc cho Cha.
Còn Ba của con, phải chăng Ba trở về với chúng con...
Con biết đêm qua Ba trở về
Hồn nương gió lạnh dài lê thê
Chuyện xưa cũ Velosolex
Giấc mộng sum vầy con mãi mê

Bên đời giữ mãi bóng Ba!

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 6.9.2015

Dựng Lại Cầu Tre


Đường về quê mấy nẻo quan san
Mẹ Cha chờ đợi mắt lệ hàng
Dòng máu vàng gian nan khốn khó
Sữa cùn lực cạn vững dạ mang

Đàn lên tấu khúc bi ai thở
Mở mạch dòng máu trở về tim
Chim cánh mỏi tìm nơi dừng đậu
Sớm chiều mưa nắng bóng chim đâu

Cây cội nước nguồn cơn hấp hối
Cơm thanh đạm bạc chia hồi trẻ
Thủ túc sa nhẹ lắng tai nghe
An ủi ấm lòng Cha Mẹ dạy

Lắc lư cầu đường hai lối rẽ
Tiếng hát buồn quạnh quẽ đầy vơi
Đường trường xa mấy nhịp cầu rời
Khơi nhịp dễ cầu tre liền khúc

Đấng Cù Lao cả đời hiền thục.

Lê Kim Hiệp
Pleiku 30-8-2009
          

Ngày Từ Phụ


Công Cha

Công Cha to lớn tợ non
Chăm lo săn sóc cho con nên người
Nhọc nhằn vẫn giữ nụ cười
Con ngoan xin hứa không lười nghe Cha!

      Ngày 5 tháng 9 năm 2010 là Ngày Nhớ Ơn Cha. Các em học sinh lớp 5A trường Việt Ngữ Trương Vĩnh Ký, thuộc thành phố Melbourne, Úc Châu. Các em sẽ đọc bài Học Thuộc Lòng Công Cha và viết một lá thư hoặc dưới dạng một bài thơ, thay món quà dâng lên cho Cha.

      Xa quê hương là xa tất cả. Nơi đất khách, chỉ còn tiếng nói là được người Việt cẩn trọng trao truyền lại cho thế hệ mai sau. Với hoài bão giữ gìn bản sắc dân tộc, tất cả thầy cô giảng dạy môn Việt Ngữ tại Úc Châu và trường Trương Vĩnh Ký nói riêng, bằng cả tấm lòng đã giúp các em học sinh trau dồi tiếng mẹ đẻ. Không phụ lòng thầy cô, các em học sinh đã cố gắng học thuộc bài Công Cha trong một thời gian thật ngắn và thời lượng hoàn tất lá thư chỉ vỏn vẹn bốn mươi lăm phút. Quả là điều kỳ diệu khi tâm tình trào tuôn từ trái tim được dẫn vào một trái tim.
Kính mời các bậc phụ huynh lớp 5A và các độc giả hãy trải lòng đón nhận những những tình cảm thiêng liêng mà các em đã dành cho Cha. Trân trọng các ngòi bút tí hon, tôi xin phép giữ nguyên bản văn những tác phẩm của các em và chắc chắn rằng đàng sau lưng các lỗi chính tả sẽ thấp thoáng nụ cười từ các bậc từ phụ.

Kim  Phượng
***

Mill Park ngày 5 tháng 9 năm 2010

Bố thương của con,

Nhân dịp hôm nay là Ngày Nhớ Ơn Cha. Con viết lá thư này để chúc bố một Ngày Nhớ Ơn Cha vui vẻ.
Con, chị Vi và mẹ muốn chúc bố mạnh khỏe. Con thương bố rất nhiều. Con muốn bố nhận quà con đã mua cho bố và nhận thư nầy.

Con chúc bố một ngày vui vẻ con thương bố lám.

Thương nhiều
Mai Ly
***

Thomastown, Ngày 5 tháng 9 năm 2010

Ba thân mến,

Hôm nay con viết thư này để đưa đến ba cho ngày nhớ ơn ba.
Con cảm ơn ba đã lo cho con và đi làm kiếm tiền cho con đi học. Khi con buồn, ba lúc nào làm con cười.
Cuối thư con chúc ba luôn luôn dôi dào sức khỏe, vui vẻ, chúc ba một ngày vui vẻ và uống nhiều bia.

Con của Ba
Mỹ Trinh
***

Ngày 5 tháng 9 năm 2010

Kính Ba,

Con kính ba nhiều sức khỏe và nhiều hạnh phúc. Con muốn cám ơn ba vì ba lo lắn cho con.
Con hứa ba con rất học giỏi và ngoan ngoãn. Từ ngày con mới sinh ra ba rắt thương con va con rắt thương ba.

Thưa Ba, khi từ này ba với mẹ lo lắn cho anh em. Ba rắt cực khổ cho nên anh em hứa ba minh rất học giỏi và cố gắng ngoan ngoãn.

Con
Huỳnh Bảo Hân
***

Thomastown ngày 5 tháng 9 năm 2010

Ba kính,

Hôm nay là ngày Nhớ Ơn ba. Con mới viết để đưa đến ba.
Cấm ơn ba đã đi làm kiếm tiền cho con đi học và lo cho con lúc con bị bịnh. Ba đã bỏ nhiều giờ cho em đạng tiếp em làm bài tập ở nhà.
Kính chúc ba một ngày vui vể khoe mạnh và uống nhiều lúc ngày nay.

Thân thương yêu
Thảo Linh
***

Thomastown ngày 5 tháng 9 năm 2010

Ba thương

Nhân dịp hôm nay là ngày Nhớ Ơn Cha. Con chúc ba ngày vui vẻ và hạnh phúc.
Con, chị hai và mẹ cùng nhau mua ba quà. Con, chị hai và mẹ chọn qua rất lau, tại vì mình muốn lám ngày Nhớ Ơn Cha rất đặc biệt. Con hy vọng ba thích qua.

Con chúc minh ba ngày Nhớ Ơn Cha vui vẻ. Đo là niềm hạnh phúc nhất trông cùc đòi của con.

Con thương ba.
Mai Tú Quyên
***

Thưa Ba

Hôm nay là ngày Nhớ Ơn Ba. Cám ơn ba cho phụ con vơi nhiều gì dung đàng, bài làm ở nhà. Ba là người đẹp trai.
Con chúc ba mạnh khỏe và sức khỏe.

Con
Suerêt
***
5.9.2010

Ngày Nhớ Ơn Cha

Ngày Nhớ Ơn Cha đèm sự niềm vui
Khi tôi đâu buồn cha phụ lòng tôi
Cha là xe hời chở tôi đi chơi
Cha không cho chơi mà bắc con học
Lo lắng cho tôi rất cực nhọc
Lo cho tôi chẳng làm gì khác
Là một anh hùng đã không bao giờ bỏ cuộc
Đây là một anh hùng sướng đáng nhất làm cha
Tôi rất thương cha, thường cha nhiều lám
Tôi chúc cha được mang nụ cười
Để ngày nhớ ơn cha được vui

Lê Cindy
***
Chúa nhựt ngày 5 tháng 9 năm 2010

Kính cha,

Cám ơn cha lo cho con, làm con vui vẻ, giúp con làm bài học. Cha suốt ngày đi làm kiếm tiền nui con.
Cha tốt bượng, cha san sóc cho con. Cha suốt ngày vất vả không lời thơ thân.
Kính cha hạnh phúc, luơn phất tai, khỏe mạnh. Con thươg cha nhiều làm.

Phương Thảo
***
Lalor 5 tháng 9 năm 2010

Cha kính mến,

Hôm nay con viết thư này để đưa ngày nhớ ơn cha.
Con cám ơn ba đã giúp con làm bài, mua đồ chơi cho con và làm con cượi lúc con bườn. Đày là một Bài thơ cho Ba:
Ba tôi hiền nhất trên đời
Suốt ngày vất vả không lời thở than
Ba tôi giọ nhất thế gian
Thương con chẳng quản gian nan nhọc nhằn

Cuối thư con chúc Ba luôn luôn đôi dào sức khỏe, gặp nhiều măy mắng và chúc Ba một ngày vuỉ vể và ướng nhiều riệu

Con của Ba
Kiều Hân
***

Reservoir Chúa nhật ngày 5 tháng 9 năm 2010

Kính Cha

Cha rất thương con. Cha chở con đi học, Cha cho con đi chơi và con rất thương cha. Ngày nhớ ơn cha tới con mua quà cho cha. Nào con thấy cha con vui. Con thương cha rất nhiều.

Nguyễn Đạt
***

Melbourne ngày 5 tháng 9 năm 2010

Kính Cha,

Con kính cha sức khỏe dói giàu và có nhiều may mắn và mông cha sẽ có thật nhiều tiền.
Thưa Cha, khi từ ngày mẹ mất cha rất là cực khổ cho nên con hứa với cha con sẽ tập chung học và con sẽ có hiếu với cha…Cho nên con sẽ làm cha hái lòng và con thương yêu cha…
Lúc nầy cha không có nhiều cho nên con sẽ dùng $2 mỗi ngày và con sẽ tiếp kiệng nước, tiền điện thoại.
Con rất là thương cha và con sẽ có hiếu với cha và chúc cha có nhiều hạnh phúc.

Con
Nguyễn Thị Thanh Thảo
***

Ngày 5 tháng 9 năm 2010

Kính gửi cha

Hôm nay là ngày nhớ ơn cha, khi con đi học về xông, con viết thư này gửi đến cha.
Hôm nay cha có khỏe không? Cha có đi đâu chơi không? Ba có có biết là ngày nhớ ơn cha, con sẽ tặng cho ba nhiếu món quà, vì lúc con còn nhỏ, cha lo lắng cho con khi lúc con bị bịnh, nầu ăn cho cả gia đình ăn, làm việc để kiếm tiền cho hết cả nhà…Ngày nhớ ơn cha, cả gia đình sẽ dẫn ba đi nhà hàng ăn cơm hay mì xào, rồi xông, cả gia đình sẽ đi biển chơi.
Con sẽ cố gắng học giỏi để cho cha vui lòng. Con thương cha như núi Thái Sơn và chúc cha một ngày này vui vẻ.

Con của cha
Thanh
***
Ngày 5 tháng 9 năm 2010

Cha tôi là một người anh hùng
Cha tôi là gióng như một người thày
Dạy tôi những đều tốt
Cha tôi là gióng như một người bác sỉ
Lo lắng khi tôi bệnh
Cha tôi là gióng như đồ chơi
Nghĩ ra những những trò chơi hay
Nhẩn ngày lạnh cha ôm tôi
Cha chỉ nghĩ cho tôi thôi
Người mà có thể làm những đều này là cha của tôi
Không có kiếm được người cha thứ hai gióng như dạy

Huỳnh Julie
***

Chúa nhựt ngày 5 tháng 9 năm 2010

Cha thương,

Hôm nay là ngày Nhớ Ơn Cha, Vi vui lắm Cha!
Cha có vui không cha?
Cha con đẹp nhất trên đời. Suốt ngày Cha con đi làm để giúp gia đình. Cha con là hiếu trưởng tốt ở trường tiếng Việt. Trong đời con cha giúp cho con nhiều lần. Cha con lo lắng nhiều cho cả gia đình. Con hứa cha con sẽ cố gắng học hành cho ba vui lòng.
Con thương cha suốt đời của con!

Thương
Vi

Kim Phượng & Các em Học Sinh
Trường Việt Ngữ Trương Vĩnh Ký-Melbourne


Lịch Sử Ngày Father's Day


1- Ngày Father’s Day của thế giới:

Nguồn gốc ngày Father’s Day của thế giới đã có rất lâu từ hàng ngàn năm nay, nhưng không được phổ biến rộng rãi. Theo đó, ngày vinh danh cha xuất phát từ truyện kể về một đứa con tên là Elmesu. Elmesu rất thương cha, muốn cho cha có nhiều sức khỏe và sống lâu nên đã khắc lời chúc tụng trên miếng thẻ kim loại. Và khi biêt được câu chuyện nầy, người ta bắt chước theo và lan truyền đi các nơi, nhưng ngày tháng khác nhau nên không được phổ biến rộng rãi.

2- Ngày Father’s Day tại Hoa Kỳ:

Ngày lễ vinh danh người cha được xem là lễ chánh thức và được tổ chức trọng thể tại Hoa Kỳ cùng một số nước khác xuất phát từ câu chuyện của Sonora Louise Smart Dodd từ vùng Spokane, Washington. Cô Sonora đưa đề nghị phải có ngày lễ vinh danh cho người cha, kèm theo sau ngày Mother’s Day trọng đại dành cho những người mẹ.

Sonora nói: Tại sao chỉ có vinh danh người mẹ, mà không vinh danh người cha?

Lúc đó cô đã 27 tuổi. Cảm nghĩ trên xuất phát từ tình thương của cô đối với người cha ruột của mình là ông William Jackson Smart, là một cựu chiến binh. Mẹ cô mất lúc cô mới 16 tuổi. Cha cô đã phải một mình làm việc cực nhoc, ngày đêm bảo bọc nuôi nấng dạy dỗ cô và 4 anh chị em trong gia đình với tình thương bao la, trọng đại như người mẹ vậy. Vì thế, cô Sonora tranh đấu quyết liệt, đòi hỏi phải có ngày lễ vinh danh những người cha.

Với sự hổ trợ tích cực của Anna Javis, Hội Ministerial và Hội Những Người Thanh Niên Trẻ Công giáo (YMCA), cuối cùng thành phố Spokane của Washington, nơi cô ở đã chấp thuận và cho tổ chức ngày vinh danh cha (Father’s Day) đầu tiên vào ngày 19-6-1910.

Lúc đầu còn do dự nhưng về sau khắp nơi tại khác Hoa Kỳ cũng theo gương Spokane thừa nhận ngày vinh danh cha.

Tổng Thống Woodrow Wilson chấp nhận ý kiến này vào năm 1916. Sau đó, Tổng Thống Calvin Coolidge cũng đồng ý cho con cái được vinh danh người cha thân yêu của mình, lúc đầu là tự nguyện, rồi sau trở thành bắt buộc. 

Đến năm 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson đã ký đạo luật ban hành chính thức tuyên bố ngày Father’s Day, ngày vinh danh những người cha, được tổ chức long trọng vào Ngày Chủ Nhựt lần thứ ba của Tháng Sáu hàng năm (the Third Sunday of June). Năm 1972, đạo luật nầy cũng được Tổng Thống Richard Nixon mạnh mẽ xác định lại.

Người sáng lập ra ngày Father’s Day là Sonora Smart Dodd đã được vinh danh trong ngày lễ quốc tế trọng thể tổ chức năm 1974 tại Spokane. Sonora mất năm 1978, thọ 96 tuổi.

Cũng theo các tài liệu khác về nguồn gốc ngày Father’s Day:

- Tổ chức tại West Virginia năm 1908 để vinh danh Charles Clayton.

- US Lion Club vinh danh người sáng lập tên Harry Meek vào tháng 6, nhân dịp này cũng vinh danh các người cha.

- Vài quốc gia, nhiều nhà thờ Thiên Chúa cũng có tổ chức ngày lễ giống như Father’s Day để vinh danh Thánh Josepth vào ngày 19 tháng ba (March 19).

Ngày Father’s Day (The Third Sunday of June) hàng năm tại Hoa Kỳ đã lan truyền sang các nước khác như Australia, Belgium, Brazil, Pháp, Đức, Nhật, New Zealand, Na Uy, Ấn Độ nhưng không giống cùng ngày.

Nhiều nước, vào ngày Father’s Day, con cái tổ chức lễ chúc mừng, gởi thiêp cho cha, chẳng những cho người cha ruột mà còn cho ông nội, ông ngoại, cậu, bác, cha kế, cha nuôi hay người thay cha nuôi nấng, dạy dỗ mình nữa.

Năm nay (2015), ngày Father’s Day xảy ra vào Chủ Nhựt 21-6-2015.
_______

Hồ Xưa: Sưu tầm và dịch từ nguồn: “Society for Confluence (SCFI)
National Father’s Day Committee New York City 1926.
Quốc Hội chấp thuận năm 1956 và tái xác nhận vào năm 1966.



Daddy

The day you answered God's call,
Left an empty space.,
My world came crashing down
I couldn’t breathe…couldn’t talk…
I felt so numb, I couldn’t walk.

It was so hard to believe,
that you were gone.
Once so strong;
Where do I belong?
Why did you have to leave?
Why did you have to go?

Thinking of you brings tears to my eyes,
I never thought I would see your demise.
Who will teach me right from wrong?
Now that you are gone?

Daddy, you put me through varsity,
You did that by working with your hands.
You built big buildings and painted tall walls.
Times were tough that I knew,
You did what you could, to help me through.

You could fixed anything you laid your hands on,
There wasn’t a thing you couldn’t do,
With a little cement or some glue,
Just thinking about this, is making me blue!

You made me so proud on my wedding day,
When you so unselfishly gave me away.
You hugged me and wished me well,
And I think a saw a tear.

It was so hard for you to let me go,
To let your “little girl” venture into a world unknown,
Without you holding my hand or to catch me if I fall.
But don’t worry daddy,
I remember everything you taught me.
If I forget, it’s a pity I can’t call.

Now its time for me to let you go,
The hardest thing I’ve ever had to do.
But before I do,
I want you to know, I’m so sorry for all I put you through,
I Love you Daddy,
More than words can describe.
I wish you were here, I wish you were alive! 

© Shariefa Hendricks
* * *

Hồ Nguyễn Phỏng Dịch: 

Cha

Cha đi theo tiếng gọi Thiêng liêng,
Để lại cho con lắm nổi niềm.
Thế giới trong con như sụp đỗ,
Tàn hơi đứt đoạn ngất sầu riêng.

Con nào có nghĩ đến hôm nay
Tiễn bước cha đi mắt lệ đầy.
Cha đi chẳng để lời trăn trối,
Vì sao sớm vội bước chia tay?

Có biết nay con lệ thấm tròng,
Một mình nghĩ đến, một mình trông.
Từ nay đến hết đời con trẻ,
Biết học nơi đâu những ấm nồng.

Nhớ thuở ngày xưa chẳng biết gì,
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn có nên chi.
Bao nhiêu công khó cha vun quén,
Dắt bước dìu cho vững hướng đi.

Ngày con cất bước lên xe hoa,
Cha nắm tay con lệ thấm nhòa.
Miệng nở môi cười mi lệ thấm,
Cha già đưa tiễn mắt mờ xa.

Hình ảnh cha không thể xóa nhòa,
Giờ cha diệu vợi chốn trời xa.
Trong tim cha vẫn bên con mãi,
Con yêu cha lắm biết không cha?

Hãy ở bên con suốt cuộc đời,
Cho lòng con trẻ sớm tìm vơi.
Với con tất cả là cha đó,
Con yêu cha lắm đó cha ơi!

Hồ Nguyễn
(Mai Xuân Thanh sưu tầm)

Bài Thơ Cuối Cùng - TTKH - Thy Cúc Diễn Ngâm



Thơ: TTKH   
Diễn Ngâm: Thy Cúc 

Mẹ( Ái Hữu 72)


    Giờ đây cuộc đời con đã có hướng đi rõ rồi đấy, những giây phút hồi hộp lo âu đã qua, những giây phút con còn cấp sách đến trường những gì mà con đã cho rằng đã có cuộc sống tự do quá trớn của con đã qua,mà mẹ đã từng khuyên bảo con phải hãm bớt lại .

      Mẹ ơi! Con thiết nghĩ rằng sẽ “ ít còn dịp “để mẹ phải mong chờ,sợ cho con những khi con ham vui theo các bạn của con. Ít còn dịp con lại tưởng tượng rằng nếu ai xa lạ mà thấy con viết là “ ít còn dịp “để cho mẹ luôn lo nữa sẽ sẵn sàng kết luận chắc rằng “ số con bất hiếu “. Nhưng mẹ ơi!con bất cần con chỉ sống cho cha cho mẹ con mà thôi,vì theo con quan niệm dù rằng biết mẹ rầy thương con nhưng niềm thương yêu của mẹ không bộc lộ là con không chịu bởi thế con đã nhiều lần làm mẹ phải buồn lo nhưng con mong mẹ hiểu cho con mà thứ tội .

      Thế nhưng con đã phụ lòng cha mẹ,anh em của con,đã làm đổ vỡ những gì mà cha mẹ , anh em đã xây dựng cho con .Công lao nuôi dưỡng ăn học suốt mười hai năm dài hóa ra vô nghĩa .Mẹ! giờ đây con rất ngại khi nói hai tiếng “ hối tiếc “vì hối tiếc gì ? khi tự con đã dìm sâu tương lai của con,dìm sâu kỳ vọng của cha mẹ đặt nơi con,xuống vũng bùn,nhưng con xin mẹ,mẹ hãy cho phép con được thốt lên hay đúng hơn là tiếng nấc nghẹn ngào là“con hối tiếc”, hối tiếc tất cả những gì con đã qua,nha mẹ.Và hậu quả đã đến cho con,chỉ vỏn vẹn ba chữ “ con đã rớt “con đón nhận với sự ngỡ ngàng và cứ tưởng đó là giấc mơ,nhưng mẹ ơi có giấc mơ nào đau khổ hơn không? Có lẽ không bao giờ đâu hả mẹ .

      Con giờ đã thật sự va chạm với đời,con phải ra đối mặt với con đường bó buộc con phải theo,đó là hậu quả của sự ham vui của con,con lại đưa sự lo lắng ưu phiền khác đến cho cha mẹ .
      Thôi từ nay con xin tự hứa là sẽ cố gắng tột cùng để không làm cho cha mẹ phải lo âu nhiều về con nữa . Con .
Anh Cả Thái Sơn & Ái hữu 15 ( Phan Tấn Lộc)
      A.H.7 Tâm ,A.H.14 Sương chúc xuân 2013 gia đình A.H.15 Phan Tấn Lộc

Phan Tấn Lộc

Sài Gòn Vương Lụy Tình Xưa


( Sài Gòn từ ấy, đến giờ
chỉ còn được mấy cuộc chờ, để đau!
CN )

Về thăm dáng ngọc Sài Gòn
tìm em mắt biếc, má tròn đồng trinh
ghẹo tình đỏ cánh môi xinh
tràn hương mật nhớ góc tình tự xưa

Sài Gòn bất chợt nắng mưa
thương nhau từ thuở tóc đùa vai ngoan
trêu em chín nụ cười dòn
ba mươi năm chẵn duyên còn gọi tên

Sài Gòn nắng chảy tràn đêm
đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca
tiếc mùa luân vũ biệt xa
gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu

Sài Gòn thân xác rực màu
Hồn, Tâm lơ lửng đỉnh sầu khói sương
đêm mê, ngày vọng luyến thương
còn bao lâu nữa thôi vương lụy tình!

Cao Nguyên
033005

Thơ Và Thơ Thẩn


(Thân tặng Thi Đàn Vườn Thơ Thơ Thẩn)

Thơ thẩn nên mình lai láng Thơ
Làm Thơ, thơ thẩn thật không ngờ
Miệt mài sớm tối nên thơ thẩn
Thơ thẩn vì Thơ, thế mới Thơ.

Los Gatos 27/8/15
Quang Tuấn
***
Ngơ Ngẩn Vần "Ơ"


Ngơ Ngẩn Vườn Thơ kết vận "Ơ"
Duyên "Ơ" ngơ ngẩn mấy ai ngờ
Say thơ luyến nhớ tình ngơ ngẩn
Mơ đến chập chờn ngơ ngẩn "Ơ"

Quên Đi
***
Rong Chơi Vườn Thơ Thẩn



Thơ thẩn cùng nhau xướng hoạ Thơ
Tình Thơ, thơ thẩn chẳng sao ngờ
Sánh vai dạo bước Vườn Thơ Thẩn
Thơ thẩn làm Thơ với bạn Thơ.

Phương Hà
***

Thơ Thẩn Thật Nên Thơ

Bạn thơ ... thơ thẩn xướng vần thơ,
Thơ thẩn họa thơ ... thật chẳng ngờ 
Tất cả bạn thơ đều ... thơ thẩn,
Làm thơ ... thơ thẩn ... thật nên thơ!

Đỗ Chiêu Đức
***
Vườn Thơ Thẩn

Tập tểnh làm thơ nên thẩn thơ
Vào Vườn Thơ Thẩn thật không ngờ
Tiếng là thơ thẩn thơ không thẩn
Trí tuệ căng đầy chút thẩn thơ!

Nguyễn Đắc Thắng
20150828
***
Tháp Tùng Vườn Thơ Thẩn

Dạo vuờn thơ thẩn...lắm nhiều thơ! 
Thơ thẩn ra thơ....thật bất ngờ 
Con chữ miệt mài...nên lẩn thẩn 
Ai ngờ! thơ thẩn ..lại ra thơ? 

Song Quang
***
Ôi Vườn Thơ Thẩn Ôi!

Ôi Vườn Thơ Thẩn lắm hoa thơ!
Đăng hoài hổng hết thiệt chẳng ngờ
Làm người biên tập hồn thờ thẩn
Đờ đẩn suốt ngày … cũng thành thơ 

Kim Oanh
***
Th
ơ Với Thẩn

Sớm tối ra vào Thẩn với Thơ
Quên đi rước cháu vợ nghi ngờ 
Một khi lạc bước Vườn Thơ Thẩn 
Cơm nước chẳng màn bởi Thẩn Thơ 

Mailoc
***
Vườn Thơ Già

Thầy thợ chung dòng chảy thẩn thơ
Một vườn lão cụ có ai ngờ
Đông tây nối nhịp cầu thơ thẩn
Đoạn cuối tơ lòng nhả nốt thơ!


Cao Linh Tử
30/8/2015
***
Tơ Lòng

Tơ lòng đan mãi những vần thơ
Mặc khách tao nhân há chẳng ngờ
Kẻ trước người sau thơ với thẩn
Chung vui xướng họa kết tình thơ



Kim Phượng
***
Vườn Thơ Thẩn

Thơ thẩn Vườn ta nở rộ thơ,
Ngâm thơ thú vị có duyên ngờ
Yêu em để bụng làm thơ tặng,
Thi phẫm tình yêu sáng tác thơ...

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 08 năm 2015
***

Cùng khách tài hoa kết bạn Thơ
Tình Thơ đẹp quá ta đâu ngờ
Bốn phuơng họp mặt "Vườn Thơ Thẩn"
Xướng họa chung niềm vui thẩn thơ.


Quang Tuấn
***

Hương Thơ Thẩn


Quang Tuấn khơi mào với vận "Thơ"
Hương đưa ngan ngát quả không ngờ
Hoa thơ khai bút khai từng cánh
Thơ Thẩn Vườn Thơ xứng với Thơ

Quên Đi
***
Cứ Thơ Thẩn Để Ra Thơ

Người thơ tiếp tục viết vần thơ
Ta sẽ theo chân khỏi bất ngờ
Đã đến vườn thơ...thì phải thẩn
Cho Vườn thơ thẩn lắm hoa thơ

Song Quang
***
Bệnh Thơ Thẩn

Ra vườn ngắm cảnh thẩn thờ
Dạ, em có bệnh vì chờ vần thơ
Thương ai là kẻ mê thơ
Trưa,chiều,tối,sáng lơ mơ suốt ngày...

Phượng Trắng
Winnipeg, 6/9/2015

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Thơ Tranh: Nhớ


Thơ: Quên Đi
Tranh Thơ: Hữu Đức

Mùa Thu Dắt Cháu

Hôm nay, ngày tựu trường ở Nam Cali, nắm tay dát hai thằng cháu ngoại đến trường, một thằng mới lớp 2 , một thằng mới vào mẫu giáo. Cứ mỗi lần chứng kiến cảnh ngày tựu trường lòng tôi tự nhiên xao xuyến vô cùng!
Ai trong chúng ta cỡ 60 tuổi trở lên , tôi nghĩ cùng đã đọc và ít nhất thuộc lòng đoạn mở đầu trong bài văn “Tôi Đi Học"rất đẹp của nhà văn Thanh Tịnh ( 1917-1988 ).Mời đọc lại để cùng ngậm ngùi cho một thời thơ ấu như mơ đã qua.
Tôi Đi Học 
“ Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỹ niệm bâng khuâng của buổi tựu trường. 
…..Buổỉ mai hôm ấy , một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp . Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi , vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học “ ….
Thanh Tịnh

Trong nỗi niềm bâng khuâng đó, tôi cũng xin qúi bạn chia sẻ phút giây cảm khái của một ông giáo già về hưu nắm tay dắt hai thằng cháu trong ngày tựu trường cuả một sớm mai đầu thu.

Mùa Thu Dắt Cháu 

Thu đã tới mà hồn ngớ ngẩn 
Ngỡ hạ còn lẩn quẩn đâu đây 
Thời gian thắm thoát nào hay 
Heo may lành lạnh , sáng nay tựu trường 

Trên vỉa hè , con đường thu phố 
Trường lao xao lố nhố bóng người 
Tiếng xe , riếng nói , tiếng cười 
Trẻ con lúp xúp không rời mẹ cha 

Lối đi nhỏ, trẻ già tay nắm
Gót chân non giày trắng bên ông
Vai đeo cập nhỏ lòng thòng 
Cái thằng mới đó cao nhòng lớn ra 

Nắm tay cháu sao mà nhớ quá!
Nhớ ngày nao theo Má đến trường 
Bàn tay hơi ấm còn vương 
Trong ta cảm giác như dường hôm qua 

Thằng nhóc ấy nay đà bạc trắng 
Một ông già thủng thẳng bước đi 
Ai hay ai biết nhớ gì ?
Tiếng xưa giọng Má thầm thì bên tai 

Vài lá úa thở dài trên cỏ 
Nắng thu về lấp ló trong mây 
Ngày xưa thương nhớ ngập đầy 
Như ràng như buộc như giày hồn ta 

Mailoc 
Đầu thu Nam Cali 9-1-15
***

Cần Thơ Ơi ! Mùa Thu! 

Cần Thơ mùa nầy mưa bay nhè nhẹ 
Lá vẫn xanh và mây trắng mịt mù 
Miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng 
Cần Thơ ơi! sao chẳng có mùa Thu ?! 

Mưa chiều bên ly cà phê góc phố 
Từng giọt buồn đẫm hoa cúc ngoài sân 
Thu giận ai không thèm qua phố chợ 
Có người đang chờ đón một người sang. 

Nhớ ngày xưa trên đường làng buổi sáng 
Trong tay mẹ đầu tiên tuổi học trò 
Dường như lúc đó trời trong quang đảng 
Sương Thu về nghe lạnh tuổi ngây thơ. 

Ôi cái thuở còn hoang mang vụng dại 
Đẹp làm sao ký ức buổi ban mai 
Bây giờ đã mái đầu hai thứ tóc 
Bụi mưa bay nhòe ướt tháng năm dài. 

Mưa bong bóng không gian buồn chớm lạnh 
Có giọt nào làm ướt át hồn thơ 
Mưa như khóc mưa dỗi hờn lâu tạnh 
Nhưng Cần Thơ ! Mùa Thu đến bao giờ ?! 

Dương hồng Thủy 
(03/09/2015)
***
Buổi Học Đầu Đời

Cứ mỗi tựu trường lòng ta liên tưởng 
Thuở ấu thơ theo chân Mẹ đến trường
Đứng bên ngoài,đôi mắt Mẹ ngùi thương
Nhìn thằng bé, mặt này lo lắm lét!

Nhiều đứa nhỏ đứng bên ngoài khóc thét
Chẳng chịu vào,níu kéo Mẹ chẳng buông
Tôi ngồi đây mà nét mặt đượm buồn
Ngó ra cửa mẹ vẫn còn đứng đó!

Cây thướt kẻ trên tay cô giáo gõ
Nhịp trên bàn và nghiêm nghị nói to
Các trò nghe ,cô khuyên nhủ dặn dò
Giờ đến lớp,giờ ra chơi phải đúng !

Chữ A,B đầu tiên tôi lúng túng
Đọc theo cô mà có biết gì đâu!
Các thú vui còn in khắc trong đầu
Chạy bắt bướm,đi câu cùng chúng bạn

Cô dạy viết..U,O không đúng dạng
Cây viết chì nặng chit,miệng mím môi
Chữ O tròn nhảy tuốt giấy hàng đôi
Nó méo xệch như trứng gà bể vỏ

Chuông tan học, Mẹ đứng chờ cửa nhỏ
Tôi vội vàng sà vào Mẹ níu tay
Trên đường về vui chân sáo tung bay
Mới vắng Mẹ nữa ngày...mà thấy nhớ!

Song  Quang

Thưa thầy và các anh chị,
Bây giờ ngày tựu trường ở Việt Nam không còn hình ảnh nào na ná như ngày xưa để gởi nhớ kỷ niệm NGÀY ĐẦU TIÊN TÔI ĐI HỌC của mình. Trẻ em bây giờ hầu hết ngồi sau cha mẹ trên xe đạp hay xe gắn máy với chiếc ba lô to đùn lủng lẳng sau lưng, hiếm hoi lắm mới bắt gặp cảnh mẹ dắt con đi bộ trên đường đất. Tiếng máy nổ và còi xe inh ỏi với mùi xăng luôn phảng phất gây cảm giác khó chịu nên mấy ai cảm nhận “…trên không có những đám mây bàng bạc…” như của ông Thanh Tịnh kể…
Đọc bài thơ MÙA THU DẮT CHÁU của thầy em lại liên tưởng đến hình ảnh của mình ngày xưa…

Học Vỡ Lòng

Trứng luộc đèn nhang học vỡ lòng
Bác Hai khai trí chữ Tàu không…
Thiên trời địa đất …như con két
Thằng nhỏ ê a học thuộc lòng!

Đầu trần chân đất bước theo ba
Lớp học chuồng bò ở khá xa
Kê gạch ghế bàn mươi tấm ván
Năm đồng mỗi tháng dễ thôi mà

Ngòi viết lá tre, bình mực tím
Băm hai trang tập giấy hàng đôi
I u viết chữ đầu tiên học
Huyên náo bầy ong lũ trẻ ôi!

Cô giáo hiền nghiêm tận tụy này
Duy trì kỷ luật khúc roi mây
Trả bài tranh đọc quanh bàn viết
Vừa phóng bài nghe thế mới hay

Ra chơi ỏm tỏi vườn xoài mận
Cút bắt, chuyền chuyền, bắn đạn , u…
Cỏ cú đá gà chơi ăn dạ
Hơn thua đáo lạc mấy đồng xu

Đi tắt về mau lội đất cày
Băng đồng gốc rạ gót chân chai
Lối mòn buộc nối đuôi hàng dọc
Rủ đợi cùng nhau bước mỗi ngày

An chẳng bao năm lại chiến tranh
Tuổi thơ lửa đạn lớn song hành
Lòng tham nhuộm độc dần con trẻ
Thánh thiện hồn nhiên rụi mất nhanh

Đức dục hồn xưa còn bản chất
Dập vùi bao lượt nổi phong ba
Nghe thầy gợi lại mà thương quá
Ký ức trường quê chửa xóa nhòa.

Cao Linh Tử
2/9/2015
***
Ngày Tựu Trường

Thu tới mùa khai giảng khắp nơi,
Trẻ thơ có nội bảo vâng lời...
Tựu trường dắt cháu theo ông ngoại,
Đến lớp cầm tay gọi mẹ ơi!
Thuở trước thiếu thời ông nhớ lại,
Ngày xưa dĩ vãng đã xa xôi...
Ai người dẫn bước khi còn nhỏ
Mẹ vẫn theo con trọn một đời!

Mai Xuân Thanh
Ngày 03 tháng 09 năm 2015
***

Đọc bài "Ngày Tựu Trường" của Xuân Thanh, tôi thích vô cùng. Nhất là câu:"Mẹ vẫn theo con trọn một đời". Ôi một tình thương thật bao la, một câu thơ gieo vào lòng tôi bao cảm xúc

Má muốn theo con suốt cả đời
Cho dù mưa bão nặng giọt rơi
Dịu dàng tay nắm bàn tay trẻ
Tràn ngập yêu thương chẳng muốn rời.

Qua những bài thơ về mùa Tựu Trường trong Vườn Thơ, Quên Đi xin góp vui:
Nguồn Vui

Đọc những vầng thơ bé đến trường
Lòng nghe bao cảm giác thân thương
Bàn tay nhỏ xíu trong tay mẹ
Bở ngỡ như thu nối tiếp hè

Giờ ngồi ôn lại những bước chân
Đứa cháu nội yêu dáng ngại ngần
Buổi đầu đi học nhiều lo sợ
Rung rẩy: Nội ơi nội nhớ chờ

Tiếng trống tan trường giục giã vang
Kìa chú chim non đã vội vàng
Dáo dác nhìn xem ông có đến
Ồ nội đây rồi mắt sáng lên

Cứ tưởng chung quanh chẳng có ai
Tằn lăn tíu líu chuyện vắn dài
Bạn bè trong lớp và cô giáo
Cô con trẻ lắm dáng cao cao

Nhìn cháu nói cười sau buổi học
Lòng ông đầy ấp một niềm vui
Bao nhiêu cay đắng bao hờn tủi
Giờ đã chìm trong mắt ngây thơ

 
Quên Đi

Mẹ Là Biển Thái Bình



Mẹ là Thái Bình Dương,
Bao la giống thiên đường.
Yêu chúng con vô hạn
Chửa lành các vết thương.


Giải hòa muôn thù hận,
Chỗ dựa mọi tâm hồn.
Đẹp đẻ như bông hồng
Ngào ngạt mùi hương thơm.

Nuôi nấng đời thơ dại,
Từng manh áo chén cơm
Mẹ dắt dìu ẳm ôm
Dẫn đường qua chướng ngại

Nuôi dạy khi bé nhỏ,
Mong con trở nên người
Mẹ là kho kỷ niệm,
Lòng độ lượng mĩm cười.

Mẹ, bà tiên mầu nhiệm,
Mẹ vì con vui cùng.
Lòng bác ái bao dung
Cũng là nhà yên ấm

Ôm ấp khi gió mưa
Nhường chỗ khô con vừa
Săn đón con nhiều nhất
Không quản ngại sớm trưa

Gần gủi giúp từng giờ
Như Quan Âm cứu khổ,
Không bao giờ bơ vơ...
Mẹ tàng che bóng mát

Bao bọc cả đời con
Giữ ân tình tha thiết
Ước mong thật vuông tròn
Trưởng thành thương mẹ đợi...

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 08 năm 2015

Vời Vợi Xa


Đôi khi bóng lá ngọc ngà
Chập chờn ẩn hiện lúc xa lúc gần.
Qua dòng ký ức trong ngần
Có người hoài nhớ những lần ngẩn ngơ.
Ngại ngùng sắp chữ thành thơ
Sợ không vẽ nổi giấc mơ một thời.
Đã lâu lá ngọc mù khơi
Ngày trôi bóng cũ càng vời vợi xa.

Anh Tú
August 21, 2015
***
Họa Vận:
Ngỡ Xa Mà Gần

Xa anh ủ dột trăng ngà
Nhớ hoài hình bóng tưởng xa mà gần
Tâm tình chợt thấy ngại ngần
Thương người năm cũ tâm thần lơ ngơ.
Bâng khuâng gởi gấm câu thơ
Trao về bên ấy vu vơ lỗi thời:
Mong anh theo gió ngàn khơi
Hong tình ấm lại tuyệt vời dặm xa!

Dương Hồng Thủy
September 5,2015
***
Bài Hoạ: Xa Xôi Vời Vợi

Bàn tay măng búp ngọc ngà,
Áo dài truyền thống quê cha cũng gần.
Phất phơ tà áo trắng ngần,
Thương ai gặp gở mấy lần ngu ngơ.
Thật tình sao quá ngây thơ,
Hồn nhiên thánh thiện, ước mơ đợi thời.
Con tàu bỏ bến ra khơi,
Trông chờ mòn mõi rã rời vẫn xa.

Mai Xuân Thanh

Một Chiều



Gió đưa từng làn mây trắng
Lững lơ khắp nẻo chân trời
Chiều rơi mặt đường loang nắng
Ta nhìn bóng ngã nhìn ta

Líu lo bầy chim to nhỏ
Lung lay cành lá bên đường
Dường như có ai ngoài ngõ
Mờ xa bụi đỏ mờ xa

Biết ai về đây chung bóng
Ngồi nghe gở rối tâm tình
Để chiều đừng qua nhanh chóng
Ai còn ngỡ vẫn còn ai

Ngã nghiêng đời sao nghiêng ngã
Người luôn từ giã tình người
Tay buông vòng tay rời rã
Chân mòn ngại bước mòn chân

Bóng đêm từ từ buông xuống
Bầy chim vỗ cánh gọi bầy
Bỏ ta ngồi nghe luống cuống
Đêm về rồi lại về đêm

Mới hay chiều tan vạt nắng
Tìm đâu ngày ấy đâu tìm
Còn đây con đường hoang vắng
Ai buồn, ai hiểu buồn ai!

Đỗ Hữu Tài
15 - 8 - 2015

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Cành Hoa Trắng - Phạm Duy- Khánh Hà

Bản nhạc Cành Hoa Trắng rất xưa, giai điệu buồn nhẹ của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát là câu chuyện kể về một tiên nữ vì tò mò khám phá đã lén lỡ mở khóa then vàng bước vào khu vườn cấm, đã vi phạm luật trời, nên bị thiên đình đày xuống trần gian làm kiếp người. Khi hết hạn lưu đày chốn trần gian, nàng nhất định không chịu về lại thiên giới, vì ở nơi trần gian này, nàng đã gặp một chàng trai và họ yêu nhau với một tình yêu nồng nàn say đắm mà trên thượng giới không bao giờ có được.Cho dù cuộc sống trần gian có ngắn ngủi, nàng vẫn sẵn lòng chấp nhận ở lại với tình yêu mà mình đã chọn. Giọng ca Khánh Hà nỉ non da diết, chậm rãi kể lại câu chuyện làm cho giai điệu bài hát thêm u buồn nhè nhẹ ,mà người nghe cảm nhận được...




Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Má Tôi



Má tôi nay ngoài tám mươi
Hai chân đau nhức nên người khó đi
Việc làm vườn ruộng mọi khi
Mẹ là tay đảm thu chi trong nhà.
 Phụ chồng nuôi con học xa
Trường làng hết lớp, thuê nhà cho con
Nhiều năm vất vả hao mòn
Như con cò cái gầy còm kiếm ăn.
 Trưa, chiều, tối, sáng lăng xăng
Trồng cây, cấy lúa...khó khăn ngại gì
Nghe con đậu các kỳ thi
Bao nhiêu cực nhọc mẹ thì quên nhanh.
 Hậu giang! hiểu tấm lòng thành
Phù sa giúp má xây thành ước mơ
Mẹ tôi! Bà má Cần Thơ
Một đời yêu quí con thơ với chồng.
 Xa xa nơi biển phương Đông
Mẹ già ngồi nhớ chờ mong con về
Thương con viển xứ hai quê
Mẹ luôn vui nói không hề trách chi.
 Dù không thăm viếng thường khi
Tôi nguyền má khỏe mạnh thì mỗi đêm
Mong mẹ sống thọ êm đềm
Cho chồng, con, cháu... gần thêm với người.

Phượng Trắng
Canada, mùa Lễ Mẹ 2010

Thu ...Đêm


Nằm dưới trời đêm lắng nghe.
Sao Ngâu thủ thỉ đôi đầu.
Sóng dưới cấu Ô vỗ nhẹ.
Cho yên lòng đôi lứa tìm nhau.

Sao Hôm đêm nay đi đâu.?
Cho Sao Mai chờ mỏi mắt.
Những quẩn quanh trong vòng tròn được mất.
Thật lẻ loi, khi thu lại trở về.

Đêm mùa thu về khuya trở lạnh .
Nước sông Ngân tràn bờ lóng lánh.
Em đi rồi, bóng tối bỗng bơ vơ.
Một tiếng chim đêm, xao động mặt hồ.

Mới qua nửa đêm thấy đêm còn dài.
Giấc ngủ ở đằng sau, khi anh tiễn em về phố.
Đêm đã vào sâu trong nhịp thở.
Một ngôi sao băng trên trời,

lặng lẽ về đâu....

Hhai

Bốn Mùa


Bốn Mùa

Đông đến cành trơ tuyết ngập tràn
Xuân về hoa nở suối reo vang
Sen xanh nắng Hạ ve ra rả
Mây xám rừng Thu lá nhuộm vàng

Mailoc
***
Họa: Bốn Mùa

Phòng không Đông giá rét ngập tràn
Hoa mùa cố gọi nắng Xuân sang
Phượng buồn hòa khúc ve rỉ rả
Sầu chạm ngõ vàng Thu thở than

Kim Oanh
***
Cảm Tác:Bốn Mùa

Run rẩy cành trơ trước gió Đông
Trời Xuân ngào ngạt tỏa hương nồng
Hè say sắc thắm hoa Kim Phượng *
Quyến rũ thu vàng xao xuyến trông

Kim Phượng

* Hoa Kim Phượng có tên Khoa học là Caesalpinia pulcherrima

"Nhớ" Những Vầng Thơ Tự Xướng Họa

Nhớ
Xướng
Ai chờ mòn mỏi để chờ ai
Dài vắn thở than tiếng vắn dài
Nhớ mãi bao năm còn mãi nhớ
Phai mờ kỷ niệm khó mờ phai

Họa
Ai nhớ đến giờ mãi nhớ ai
Dài canh thao thức suốt canh dài
Bóng hình tim lỡ ghi hình bóng
Phai nhạt tình đâu dễ nhạt phai

Quên Đi

***

Xướng
Mùa gió miên man ngọn gió mùa
Mưa đêm rả rích suốt đêm mưa
Thẫn thờ nhớ bạn tâm thờ thẫn
Ngơ ngẩn trong lòng tiếc ngẩn ngơ...

Họa
Mùa chuyển căm căm rét chuyển mùa
Mưa dầm ướt áo buổi dầm mưa
Nắm tay, hờ hững bàn tay nắm
Ngơ ngác bẽ bàng dạ ngác ngơ...

Phương Hà

***

1/ Đời Tôi
Xướng:
Trời nắng chang chang, Hạ nắng trời!
Oi nồng nóng nực, quạt nồng oi.
Tuổi già khó ngủ nên già tuổi,
Đời tôi quạnh quẽ vẫn tôi đời

Họa:
Trời gió vi vu lại gió trời!
Oi ơi chẳng mát nóng ơi oi!
Tủi thân kém bạn vì thân tủi,
Đời vắng em rồi khổ vắng đời...
2/ Yêu Thương
Xướng: 
Thương em giúp đỡ để em thương
Thường hỏi thăm nàng, vẫn hỏi thường
Tặng bạn hoa hồng nên bạn tặng,
Đương yêu hạnh phúc quá yêu đương
Họa:

Thương người hoạn nạn mất người thương
Thường thấy cô đơn cảm thấy thường
Tặng thưởng thành công nên thưởng tặng
Đương thời gánh vác nặng thời đương

Mai Thanh Xuân
***

Tương Tư
Xướng:
Tôi quên em hay em quên tôi.
Rồi sẽ ra sao để sẽ rồi
Nhớ nỗi say mèm thèm nỗi nhớ
Thôi đành thơ thẩn phải đành thôi!

Họa:
Tôi nhớ em hay em nhớ tôi
Rồi sao đi nữa mặc sao rồi
Luyến lưu trao gửi tình lưu luyến
Thôi chớ trách đời cũng chớ thôi!

Nguyễn Đắc Thắng
20150817

***
Thầm Thương
Xướng:
Ta vì ai đó bởi vì ta …
Là đã thầm thương vốn đã là…
Để được gần ai xin được để…
Qua cầu lắc lẻo vẫn cầu qua…

Họa
Ta để tình câm mãi để ta…
Là yêu lỗi nhịp hể yêu là…
Chẳng thà trộm nhớ nên thà chẳng…
Qua được buổi đầu ước được qua…

Cao Linh Tử
17/8/2015

***
Họa: Bài Thơ Của Cao Linh Tử

Ta với bạn ta vui với ta
Là la cùng hát lá la là
Gọi rằng chia sẻ y rằng gọi
Qua ghé xin mời nhớ ghé qua...

Thái Huy


Chút Hương Thừa


Nửa đêm thị trấn mù sương
Tìm em bến đợi cuối đường trăng treo
Gió đâu vụt thổi qua vèo
Muối tiêu màu tóc nhịp chèo lãng du.

Lang thang vào cõi mịt mù
Tương tư kiếp đợi vọng từ lãng phai
Ngỡ ngàng tìm bóng dáng ai
Thuở linh hồn đá miệt mài đầu non.

Miên trường nặng kiếp phấn son
Em còn hoa mộng tình còn có nhau
Bây giờ ruộng hóa bèo dâu
Cố quên để nói vài câu tạ từ.

Cung đường lồi lõm suy tư
Lòng nghe trĩu nặng mùa thu đoạn trường
Yêu thương tím nhạt mùi hương
Ai xui nặng bước trên đường tìm quên.

Thương em phận gái truân chuyên
Nên dành xóa hết ưu phiền ngày xưa
Đêm nay chợ nhỏ trời mưa
Mong sao gột sạch hương thừa trong tôi.

Dương Hồng Thủy

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Chuyến Đi Về Miền Tây

(Bên trái: Anh Châu, Cao Khải, anh Vinh tài xế kiêm hàng xóm kiêm chủ vườn xoài của chị Dung, Chị Dung
Bên phải: Chị Châu, chị Tuyển Thục, chị Lan)

“Tụi con cho ba tiền , ba lo book vé máy bay và dặn phòng đi kẻo cận ngày giá vé mắc..” Mừng hết lớn.

Tôi đã đi về Miền Tây, nơi có một số bạn học cũ và gia đình đang sống nơi đó, miền Nam và miền Bắc của Miền Tây.
Trước ngày khởi hành khoảng hai tháng, tôi bèn gởi tin nhắn cho bạn bè biết có thể là khoảng từ ngày nào đền ngày nào của tháng Bảy tôi sẽ có mặt tại vùng Westminster! Tôi đi California chơi chớ không phài Sàigòn đi về miền Tây của Nam Việt đâu.

Đến vùng đất của bạn bè đã hơn 6 giờ chiều, xe đi đón chờ hoài không thấy keo hành lý ra, họ bèn gọi thì họ mời biết rằng cái va li chuyển ra diã khác với dĩa thông báo ! Trời Cali mát lạnh, tôi có kinh nghiệm cho nên thủ sẳn áo jacket từ khi tới phi trường Houston. Về khách sạn, trả tiền xe xong, lấy phòng, đang phè cánh nghỉ ngơi để rồi đi ăn tối thì điện thoại reo. “Khải hả ?” “Dạ đúng, xin lỗi ai đang gọi tôi?” “Châu đây, bạn đang ở đâu vậy?” “Đang ở khách sạn ở ngả tư Westminster và Brookhurst, vừa mới check in”. Rồi thì hai đưá tía lia bla bla bla.....Tối hôm đó tôi băng ngang qua lộ Westminster và Brookhurst –đi trong hai lằng trắng dành cho người đi bộ dàng hoàng chớ không phải jay walk vì sợ ông mả tà biên giấy, thấy dân chúng xứ bên ấy chờ đèn hiệu rồi hối hả băng qua, và các bác tài ngừng nhường cho khách bộ hành (có tôi trong đó) sao mà dăn minh quá xá, chẳng bù lại bên xứ cao- bồi thì cứ jay walk, đường ta ta cứ chạy...

Bên trái:Chị Lan em anh Châu, chị Tuyển Thục,  chị Châu, 
Bên phải:chị Dung và anh Vinh, Cao Khải, anh Châu.
(Anh Châu mí lị tui đó)
Tôi khen một lời lấy lòng bạn bè xứ ấy để họ còn ưu ái cho ăn chè bắp miễn phí, luôn cả xoài cát đặc sản Orange county trong tương lai (không gần)- Tối hôm đó, tôi trở lại ăn tại quán Brodard, nơi mà chị Dung có uy tín, để may ra chủ quán còn nhớ mặt là khách cuả chị Dung cho ăn miễn phí hay ghi sổ thì đỡ khổ. Thật vậy, nguời dẫn khách đưa tôi vào bàn “dành cho vip”! Anh ta nói với tôi như vậy. Không phải chờ lâu, ngồi riêng bàn dành bốn người! Nhưng, quái lạ thay, tôi đã nhận được giấy tính tiền bửa ăn và phải thanh toán! Cầm tờ tính tiền, trí nghĩ đâu đâu: “Sao lạ vậy, lạ quá!” Thôi thì làm ma-rốc cho xong để rồi còn thưởng thức món la-xét khoái khẫu, nước dừa trộn thạch trong ngần trang trí hoa năm cánh bằng cơm dừa đẹp mắt, ăn vào mát lòng. Đã 10 giờ đêm mà thực khách vẫn tấp nập trong 3 quán phở tại vùng ngả tư đó. Trong 3 quán phở, quán đông khách nhứt là quán có để bảng “50% OFF” . Tôi giựt mình, đọc lại, không sai, ăn phở bớt 50% !!!
Buồn ngủ vì quen giờ bên kia, đã quá nửa đêm rồi, ráng lê tấm thân 120 pao vào Target để mua nước uống. Thêm một điều lạ nữa, xứ gì mà nhiều cái lạ quá, chắc còn lạ dài dài, , lúc đó, khoảng 2 phần 3 khách hàng của Target nói cùng một thứ tiếng với tôi!
9 giờ 30 sáng hôm sau thứ Bảy, khăn áo chỉnh tề đến nhà anh bạn dự lễ giỗ của anh ấy, không xa, đối diện quán phở Hiền Vương qua đường Westminster. Nhưng để cho vững bụng, ghé làm tô phở nhỏ nước trong. Nhieu khách đứng chờ ngoài trước cửa, khi quán mở cửa, khách ùa vào đầy gần chục bàn, chuyện trò rân rang. Xong tô phở, yên lòng, bước ra hành lang. Trước quán phở là tiệm bánh ngọt cà phê có tên gọi là “85 độ C”.- lạ quá, lại thêm một cái lạ nữa- khách đứng chờ mua, chờ trả tiền, chờ nhận cà phê, chờ bàn, chờ người sắp tới, lẫn chờ ăn và uống...mà xem ra họ rất vui vẻ.
“Chú, chú qua chị mừng lắm, chú thắp nhang cho anh Mạnh đi rồi mấy đứa nhỏ chở chú đi ra biển picnic, BBQ.” Theo lời chị, tôi khấn anh “Thưa anh, tôi đến cúng anh vào lễ giỗ thứ nhì, nhớ ơn anh đã đem hết sở học mà truyền cho tôi. Không biết năm tới tôi có đi dự lễ giỗ thứ ba hay không.” - Chị Mạnh là dân Vĩnh long, ở phố Bà Thông Vịnh ngày xưa, ngang đất thánh tây, cách nhà thầy Sĩ Huỳnh dạy Anh văn vài căn. Anh Mạnh là học trò Collège de Vinhlong - Đi Dana Point, đến nhà con chị trên đỉnh đồi nhìn ra Thái Bình Dương, lộng gió, mát rượi.




Đến bải Dana Point, nhìn trời, nhìn người, thấy nườc trong xanh, cát trắng phau nhưng giày không dính cát, chân không hề nhúng vào nước biển vì lo về cho kịp giờ hẹn ăn -được đãi-. Xa lộ 35 bị kẹt tưng bừng lúc đi, thì hướng về cũng bị tưng bừng kẹt! Giờ đây mới thấy lo xa, dằn bụng tô phở buổi sáng là có lý, cẫn tắc vô ưu. Đã 2 giờ trưa, mà đứa cháu lại chạy lạc hướng! Thay vì từ đường nhỏ ra xa lộ 35 thì quẹo phải, anh ta lại quẹo trái để đi về San Diego, có thể anh ta muốn cho tôi lên ruột, cũng có thể anh ta đói hơn tôi. 

Còn thì giờ, tuy không nhiều, đi khu Phước Lộc Thọ chơi. Hỏi đường bus đi một chuyến cho biết với người, “hôm nay chú phải chờ cả 30 phút mới có 1 chuyến xe vì là ngày cuôi tuần”, người quản lý quán trọ cho biết. Thôi thì đã liều, ba bảy cũng đâm liều. Chuyện gì cũng có nguyên nhân, Tại sao tôi đi bus đến PLT ? Mời quí vị đọc và phán đoán. Nếu đi bus, tôi phải đi từ ngả tư Westminster Brookhurst hướng ra bờ biển, tới Bolsa đổi xe từ đó đi PLT, khoảng hơn 40 phút. Đứng chờ khoảng 10 phút, tôi lấy hết can đảm lê chân trên lề đường. Tại sao lại phải có can đảm đây nữa? Vì, chị Dung đã cảnh cáo tôi rằng “đoạn đường tôi dấn thân là đoạn đường nguy hiểm cho phái mày râu tóc muối tiêu: các đấng nam nhi đơn lẻ đi lang thang dễ bị các bà sồn sồn xê-li-bạt bắt cóc mất tích!” Eo ơi! Vừa đi mà lắng nghe có ai thì thầm bên tai hay không, vừa để ý quan sát chung quanh trước sau xem có ai ngoắc hay không. Định bụng nếu có, thì tôi chọn giải pháp phi nước đại, chạy... đến cho mau để được bắt cóc! Đến 1 trạm xe, có một bà chị đã đúng sẳn từ lâu chờ xe. Nhìn gương mặt thì chì là người mần ăn chơn chất, đi làm về.  

“Chào chị, chị là người Việt? Chị chờ xe? Bao lâu mới có chuyến?” Tử tế,”Ông ở đâu đến đây?” “Dạ Hút tân, Tết xác”. “Kìa sắp có xe đó. Hôm nay ít xe. Ông đi đâu?” “ Dạ, khu PLT?” “À, tôi cũng về đường đó. Tôi chỉ cho ông. Ông chỉ tốn 2$ rưỡi mà đi suốt ngày, Mà ông có 50 xu không, xe không thối lại cho ông đâu.....” vân vân. Tôi lên xe sau chị, chị bào tôi giựt dây chuông khi tới trạm...( không phải dây chuông của Lan và Điệp). Tôi y lời và lũi thũi bước theo chị qua trạm Bolsa. Chờ 5 phút có xe. “Sao mau quá vậy chị ?” tôi hỏi. Chị rành rẻ trả lời “ Vào cuối tuần chỉ có hai con đường có nhiều xe là Westminster và Bolsa, các đưòng khác phải chờ 30 phút hay lâu hơn”. Tôi có quới nhơn phò hộ chớ có bị bắt cóc đâu. Lên xe, tôi lại cho vào hộp 3 tì. Chị bảo tôi “Tại sao ông không xài cái vé hồi nảy?” “Vé gì” “Vé xe hồi nảy đó. Ông phải giữ vé để cho ông tài xế biết và ông dùng đi trong ngày” “ Đâu có ai đưa gì đâu!” “ Vậy là ông phải trả thêm 2 đồng rưỡi nưã để đi đoạn nầy, ông mất tiền rồi đó”. Mẹ ơi, lại bị cằn nhằng, mà chị đó có thân thích gì mình đâu mà cũng lại cằn nhằn, đúng là cái số bị cằn nhằn, đi đâu cũng bị cằn nhằn, làm gì cũng bị cằn nhằn,và đúng là “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với (ai) biết có ngày nào được ngu”. Đánh vòng PLT-Bolsa rồi cũng gần tới giờ hẹn với ông bà chủ vườn xoài cát nên gọi taxi về quán trọ bên đường, sau khi nghe câu nói của chị chủ một tiệm, với người bán hàng, “Chị ơi, ông nầy là ông Khải ở Hút tân nè. Vậy mà bấy lâu nay tụi tui tưởng ông còn trẻ vì giọng của ông trong phone trẻ quá v v v â â ậ y y y! Thôi từ nay gọi là anh vậy nhé!” “Sao cũng được chị!”. Trong đầu nghĩ rằng chắc mình “coi cũng không tệ” . Đúng 6 giờ, xe đến, chị Dung ân cần bảo lên xe, do bác tài của chị lái, có cả chị Tuyển Thục. 
Quán Họp đây rồi! Xe vào parking, khi tất cả đã xuống xe thì chị Dung gọi cho người cô, chị Lan, “Lan, tao tới rồi. Mầy đang ở đâu?” (đáng lẻ phải xưng hô “cháu và cô” đàng hoàng tôn ti trật tự) “Tao cũng tới rồi ...” và cô cháu chỉ đậu xe cách nhau ba chiếc !!! Phân chỗ ngồi chủ khách xong xuôi, anh bạn cố tri và chị bước vào

Câu hỏi đầu tiên khi thấy nhau “Đôi giày của sân cỏ đâu rồi ?” “ Cất trên đầu tủ rồi.” Rồi thì chuyện cũ chuyện xưa kéo ra kể hết, không dấu diếm gì kể cả các chuyện “thâm cung bí sử”. Nhìn vào hình, hàng trái, chị Lan, chị Tuyển Thục, chị bề trên của anh Châu; hàng phải, chị Dung và anh làm vườn, Khải và anh Châu, ngày đệ Nhứt xưa gọi là Trâu nghé, một cầu thủ bóng tròn của đội banh Tống Phước Hiệp. Anh không thay đổi nhiều, nét đẹp trai vẫn còn, thấy anh là nhận ra liền. Anh chọn ngồi kế bên tôi như ngày đệ nhứt cùng là dân xóm nhà lá. Bây giờ có khác lạ, cũng lạ nữa là anh chị mặc áo nâu sòng, lại chay trường, không như ngày xưa, hoa hòe hoa sói vào mỗi buổi chiều lượn quanh cua...(gì?). Anh chị chỉ uống nước chớ không gọi thức ăn. 

Trước khi tàn tiệc hội ngộ, chị Dung hỏi “Anh Khải ăn chè tráng miệng nhe” “ Dạ có chè gì vậy chị?” chị bèn kê ra một lô các thứ chè, tôi chọn: “Chè bắp coi bộ hấp dẫn !”Cũng tại cái tật hám ăn mà hố! Khi đem chè lên, chỉ một chén độc nhứt !!! Nhớ lời dặn xưa, khi lâm phải tình huống nầy thì nên ăn cho hết và phải biết cám ơn. Nếu không cám ơn thì sẽ có thêm chén y chang nữa. Liệu hồn mà ở đời! Rồi cũng tới lúc chia tay. Chị Dung lại ra dấu tài xế đưa tôi về quán trọ. Lại từ giã và hẹn sẽ gặp lại. 

Xe đón đúng 8 giờ sáng đưa đến bến xe đó Hoàng để đi San José. Nhớ những chuyến xe Nhan Nhựt Hiệp Thành quá đi thôi! Nhưng hai thái cực, xe đò bi giờ êm ái, rộng rãi,cao ráo. Không sợ bị nước cổ trầu bay tứ tung.  







Ngồi trên xe, nhìn hoạt cảnh dưới bến mà thêm đau thắt ruột gan. Cũng người đứng bán chào mời, cũng có khách hàng bu quanh mua, ăn thử , trả giá, hai bên kỳ kèo...luôn cả cảnh chìa tay xin tiền...Chỉ khác chăng là người bán là các cụ già có vẻ chơn thật chớ không phải các cô trẻ. Lại cũng có cảnh chia tay, nhưng ôm nhau, ôi cái cảnh chia tay sao mà buồn dzậy! 


Nhìn cảnh trật tự sắp hàng lên xe mà nhớ lại cảnh lên xe đò tại bến chợ Vãng sau 75, bị mất đồng hồ đeo tay trong chớp mắt khi chen lên xe. Khởi hành đúng giờ qui định, bon bon trên đường . Chắc hôm nay mình được đi xe miễn phí vì xe đã khởi hành mà không ai thâu tiền hết. Hể hả quá! Khi ra khỏi Westminster, chị quản lý xuất hiện và bắt đầu thu tiền. Thì ra tôi quá chủ quan. Hỏi chị ngồi bên cạnh mới biết là tiền vé 40 đồng. Vậy là chết rồi vì khi làm bảng chiết tính đưa cho con, tôi viết có 25 mà thôi, lấy đâu tôi bù vào 15 đồng chi đủ tiền xài! Khi về nhà, trả lời làm sao với con khi tụi nó hỏi “Còn thiếu 15 đồng, ba mua gì, đưa con xem?”. Lại thêm một khó khăn nữa rồi: miệng khai với con rằng thì ngồi xe đò sẽ được cung cấp miễn phí bánh mì pâté hay xôi thì có kèm theo tráng miệng món xu xoa hay trái chuối và chai nước lọc, chuyến nầy chỉ được có ổ bánh mì! Tạm quên “nỗi khó khăn” khi nhận được ổ bánh mì thịt dài bự thơm lừng, thôi thì ăn phân nửa, còn phân nửa để dành ăn tối tại San José. 


Hay quá, trí thông minh còn quá bén nhạy, suy nghĩ mau như chớp! Tai vừa nghe mà phát ớn“ Tôi không đổi cho chị được đâu vì chị đã cầm diã xôi rồi, bây giờ tôi lấy lại thì đưa cho ai, không ai nhận đâu!” , nghe xong, ngồi im thin thít, không dám nhúc nhích. Xe rời bến, ra khỏi LA, hai bên đường cỏ chết vàng, xanh chăng chỉ là các cây lớn, rễ ăn sâu. Thảm hại nhứt là phía sườn đồi núi phía trong, còn phía ngoài biển thì lổ chỗ có cỏ xanh.  


Năm trước, dọc theo đường LA- SJ /NamBắc, làm gì mà thấy mấy tấm bảng tiếu ngạo liên quan đến nước tưới thế nầy trong các đồn điền cây trái nho cà


…Đến nửa chặng đường, xe ngừng cho hành khách thảnh thơi 10 phút. Xe đã đổi trạm nghỉ, lúc trước, xe ngừng tại sân của mộtquán tư nhân. Chuyến nầy nghỉ tại rest area công cộng. Phải dung rủi thêm 3 giờ nữa mới đến San José. “Phước ơi, khoảng 2 giờ nữa tao đến” “Ừ thì khi còn khoảng nửa giờ thì gọi cho tao” “OK”. Khi nhìn bên trái cây cối xanh, phía mặt cây cỏ cũng khá hơn thì biết không còn bao xa sẽ vào vùng SJ. “Phước ơi, tài xế báo cho biết là còn khoảng 30 phút nữa là đến bến,” “OK, tao sẽ có mặt”. Khi xe đã vào thành phố, ngừng tại một ngả tư, nhìn xuống đường thấy cảnh hơi lạ mắt, bèn chụp tấm hình để bà con mình thưởng thức thêm một cái lạ về “sự tự do ở đất Cali”   

Nơi tôi ở hơn 20 năm, chưa hề thấy tấm bảng quảng cáo “xuống đường” thế nầy. Xe đến nơi rồi, vẫn cảnh cũ nhưng “người xưa đâu tá?”. Trong lòng đang lo nếu ông Phước không đón thì có được người khác nào đó đón về nuôi hay không. May mắn thay, anh ta kia rồi, anh ta đang đứng bến. Cũng cảnh tượng gần giống như cảnh xe đò SG về đến bến VL, cũng ồn ào chào hỏi, ôm hôn hôn hít hít, tay bắt mặt mừng, ồ ào lo nhận hàng hoá, chỉ khác là hàng hóa tuôn ra từ tầng dưới chân hành khách chớ không phải từ trên mui xe Nhan Nhựt. Nhưng cảnh nhận hành lý và hàng hóa cũng lộn xộn y như bến xe Vĩnh Long, ai cũng muốn đứng gần xe để hành lý mình không bị cầm nhầm. Giao túi càn khôn cho ông Phước cầm dùm để lấy va li áo quần. Hai đứa lên xe trực chỉ nhà Phước để thăm chị.
Sau khi biết thời khóa biểu của chuyến đi, chị Phước hiếu khách:”Vợ chồng tôi định rằng anh sẽ ở đây chơi ít ra cũng ba năm ngày, và phòng trên lầu đã để sẳn sàng cho anh. Mời anh uống ly nước quít tươi, cây nhà lá vườn đó, quít trồng tại nhà!” Nước quít lô-cô ọt-ga-níc, ngọt ngào, thạnh tình ông bà chủ nhà ngọt ngào gấp vạn lần hơn! Gần đến giờ hẹn với bạn lớp D, anh Lời, tại nhà anh, hai đứa từ giả chị Phước. Gặp bạn nhưng không nhận ra, anh bạn rất phải thế là một anh đẹp lão, phong thái hòa nhả, từ tốn, ăn chay trường, từ Việt Nam anh chị qua thăm gia đình con gái. Sao nhiều người ăn chay trường quá vậy? Tôi tự hỏi nhưng không câu trả lởi. Có chăng là vì quí vị đồng liêu nhận ra rằng đã đến lúc “trường chay”! Mở ngoặc nói chuyện cá nhân dưới trời Hut Tân,”Ông nên gia nhập nhóm tụi nầy đi, đến lúc rồi , kẽo không kịp..” “Xin lỗi mấy ông nhen, tâm tui còn động lắm, tui chưa theo mấy ông được! Nếu tôi theo mấy ông thì khuya lơ khuya lắc ai chạy rong, đạp xe ba bánh ngoài đường như thời TPH? ”, tôi trả lời. Đóng ngoặc.

Đến nhà bạn Lời, giai đoạn chào hỏi chưa xong thì phone của ông Phước reo om xòm, thì ra là 1 ông già dân Nguyễn Thông khác đi đến nhưng lạc đường. Tội nghiệp cho già Phước, lại phải một lần tận tình chỉ dẫn hao tổn công lực. Rốt cuộc, nhờ rễ chở ông ta nên đến được. “Cái thằng Khải!” “ Tưởng ai thì ra là thằng Táo” “Trong trường chỉ có mầy gọi tao là Đởm Táo” “Không phải chỉ có mình tao mà mấy đứa khác cũng gọi mầy là Đởm đen, Đỏm táo, em mầy là Đởm trắng”. Bla... bla... bla... Chị Lời mời “Mời mấy anh ngồi vào bàn, vừa ăn vừa nói chuyện kẻo đồ ăn nguội hết”, An tọa xong thì tôi cố liên lạc them với Chiêu Hằng thì cô ấy không trả lời trả vốn gì cả. Vậy mà trước đó, cô đã dặn “ Khi anh Khải đến thì anh gọi cho em biết địa điểm nhà hàng nhé. “ Nói về anh bạn Lời nấy thì đúng y là ...lời! Ngày trước, đám bạn lượn qua lượn lại vùng nầy, xóm kia mà rốt lại tôi nhận đều không tin mắt bằng anh Lời nầy.
Chị Lời là con trong gia đình nói ra gần như không công dân chợ Vãng mà không biết, chị là con trong gia đình quán chè sâm bỗ lượng căn đầu bìa dãy phố mà thầy Vỹ và các thầy khác trọ, kế bên công sở xã Long Châu. Ba ông già Phước Đởm Khải tán tụng thành quả ông Lời gặt hái được làm ông ta cũng nỡ lỗ mũi quá xá và nói theo như là xác nhận giải thưởng rực rỡ cao quí nhứt trong đời ông mà ông ta “đoạt” được. Ông ta tự ví mình như con ruồi và tự nguyện sa vào hủ nườc đường, sa vào chén nước đường không ngất ngư mà mặt mày mắt tươi sáng rạng rỡ thêm. Đó là chuyện ngày xưa xa lắc xa lơ, bây giờ nhìn mặt 4 tên cựu dân Nguyễn Thông phải nhận ra “ mỗi người một vẻ mười phân nãn mười” mà ngao ngán ê chề.

Chị và anh Lời, lớp D,tới tui đây,anh Đởm đen,anh Phước Jan José.

 Rồi buổi họp mặt cũng qua như chiêù hôm trước tạ nam Cali. Ông Phước lại chở tôi về nhà bà con, con thầy Sĩ dạy vẻ ngày xưa, trên xe bây giờ có thêm tên Đỡm. Đến nơi, không biết nhà nào, tôi bèn gọi thì ra nhà cách nơi đậu xe 1 căn. Xuống xe, hẹn sáng hôm sau, từ 9 giờ đến trưa lại gặp nhau, cùng ăn trưa và ra phi trường. Hôm sau đang nói chuyện gia đình thì chuông reo. Lại gặp nhau đúng hẹn, tôi từ giã chủ nhà, kéo va li ra đi ăn phở, dù rằng chủ nhà ớp phơ đưa tôi đi ăn phở nhưng tôi từ chối vì đã lỡ hẹn với hai ông bạn rồi. Sau chầu phở, nhưng chỉ có hai đứa ăn còn tên kia không ăn vì “hàm răng làm chưa xong”. Xong phở, kéo nhau đi nhâm nhi cà phê. Tán dốc, ôn chuyện ngày xưa tại quán cà phê đến trưa thì cũng đến giờ ra phi trường và chia tay tại đó.. 


(Phi trường San José, Đởm táo, tui, Phước)
Chặng từ San José đến LA chẳng có được một hột tào-phụng-dang. Con bảo “Ba mua thức ăn trên máy bay cho đở đói...”. Nhờ tô phở lúc trưa, chịu trận đến khi bay tiếp chặng từ LA về Houston. Mất gần 3 giờ bay, tiếp viên mời gói pi-nấc, hai lần mời nước, mình chờ họ hỏi ăn gì thì ọt- đơ nhưng khuya quá nên họ dẹp luôn cả bán thức ăn mặn cho khách lở ư ư ư đ..ư..ờ....n....g.

Chiều xuống, bóng tối dâng lên, nhìn lại phía sau anh đèn sáng cả một góc trời. Tạm biệt các bạn chị Dung và ông tài xế thân yêu của chị, chị Tuyển Thục, chị Lan, anh chị Châu, anh chị Phước, anh chị Lời, anh chị Đởm táo, anh chị Cảnh, tôi đi về! Hẹn lúc nào đó gặp lại.

Cánh máy bay trong hoàng hôn.
Houston tháng 8-15
Nguyễn Cao Khải