Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Xác Pháo Vườn Xưa - Thơ Lê Nguyễn Nga - Nhạc Hạnh Cư - Tiếng Hát Hùng Phú


Thơ Lê Nguyễn Nga
Nhạc Hạnh Cư
Tiếng Hát Hùng Phú

Ở Trạm Xe Điện


 
Thương về Mình yêu dấu
 
Đi giày tuyết, quần ống cao, ống thấp
Chàng nghênh đời, ngạo mạn với… so le.
Sửa cho bằng… lẽ phải, nàng vuốt ve
Họ âu yếm tay đan tay, đôi trẻ.

Em nhìn họ, mỉm nụ cười chia sẻ
Nàng vẫy tay, mắt ngọc thạch trong veo,
Chàng nghiêng đầu, ranh mãnh ánh mắt nheo
Làm em nhớ lúc đôi mình hạnh phúc:

Anh có nhớ giờ chia tay thúc giục?
Em nhón chân hôn từ giã anh yêu
Nụ hôn nhanh, vẫn gói ngọt ngào nhiều
Mình níu kéo, mong thời gian đi ngược.
Cùng quay bước, chẳng ai đành đi trước
Lòng bâng khuâng theo từng bước dần xa.

Nhìn hai người đang bịn rịn đằng kia
Em chột dạ, nhớ anh yêu vô tả!

Á Nghi
29.12.2008

Tặng Cho Anh



Mùa Xuân xanh, xanh mướt
Cỏ lá hoa mà mượt ru tình
Con chim xinh ca hát lúc bình minh
Con bướm trắng đa tình yêu hoa thắm

Tặng cho anh
Hạ nồng nàn nắng ấm
Nắng óng vàng trên mái tóc của em
Hãy nhìn kìa, anh để ý nhìn xem
Hoa nở rộ đang lung linh trước gió

Tặng cho anh
Mùa Thu vàng lấp ló
Chiếc lá vàng em ướp tập thơm tho
Lá đủ mầu vàng, nâu, xanh, tím, đỏ
Thỏ tung tăng vui chúc chuyện tình mình

Tặng cho anh
Mùa Đông trắng thảnh thơi
Hoa tuyết trắng rơi rơi tình tứ quá!
Ôm em nhá, mình truyền nhau hơi ấm
Phủ đời nhau bằng những nụ hôn tình

Em tặng cho anh
Mắt tình, đôi môi mộng
Mài tóc dài buông thả lả lơi
Hai bàn tay không níu kéo, chơi vơi
Tặng cho anh tất cả, cả cuộc đời!
Xin nhận lấy, nhận tình em rất mới


Như Nguyệt

May 27th, 2021

Giang Tuyết 江雪 - Liễu Tông Nguyên (773 - 819)


Giang Tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu soa lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết

Liễu Tông Nguyên (773 - 819)

Ngàn non mờ mịt không còn một bóng chim bay qua
Vạn nẻo trắng xoá không còn dấu vết bước chân người đi
Nón lá áo tơi con thuyền nhỏ thả câu trên sông giữa trời đang lúc tuyết đổ
Một khúc nhạc nổi chìm ...

Sông Tuyết
Tặng biệt Phan Thanh Thư
PKT 11/29/2021

Ngàn non mờ mịt không chim bay
Vạn nẻo mênh mông vắng bóng người
Nón lá áo tơi chờ cá động
Giữa trời tuyết đổ lạnh nào hay

Phạm Khắc Trí
***
Các Bài Dịch Khác:

Liễu Tông Nguyên 柳宗元(773-819), tự là Tử Hậu 子厚,người đất Hà Đông, nên còn gọi là Liễu Hà Đông. Ông là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn học và là nhà thơ của buổi Trung Đường; là dòng dõi thế phiệt hiễn hách mấy đời, tuổi trẻ đã hiển vinh, thanh vân đắc ý, ông từng tham gia cải cách tân chính với Vương Thúc Văn; Cải cách thất bại, ông bị biếm đi làm Tư Mã ở Vĩnh Châu, lại bị giám sát, cuộc sống ngột ngạt; Mười năm sau lại bị biếm đi làm Thứ Sử Liễu Châu và mất ở nơi đây. Hưởng dương 46 tuổi. Để lại một tập Thơ, Truyện, Luận "Liễu Hà Đông Tập".
Bài thơ Giang Tuyết được Liễu Tông Nguyên làm trong khoảng thời gian bị biếm ở đất Vĩnh Châu (805-815). Năm Vĩnh Trinh Nguyên niên đời Đường Thuận Tông (805) khi cùng với Vương Thúc Văn phát động phong trào Cải cách đổi mới, áp chế thế lực của hoạn quan bên trong và chế ngự nổi loạn của các Phiên trấn bên ngoài. Nhưng thế lực phản động quá mạnh nên phong trào cải cách thất bại. Ông bị biếm làm Tư Mã Vĩnh Châu, tiếng là bị biếm, thực ra là đi đày, còn bị quản chế bởi các quan lại địa phương, ông như bị giam lỏng; nhưng với tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường, ông luôn phản kháng lại với mọi hình thức. Bài thơ Giang Tuyết cũng là một trong những biểu hiện phản kháng không khuất phục của ông thông qua thi ca. Ta hãy đọc và nghiền ngẫm bài thơ thì sẽ rõ...

江雪                 Giang Tuyết

千山鳥飛絕, Thiên sơn điểu phi tuyệt,
萬徑人蹤滅。 Vạn kính nhân tung diệt.
孤舟蓑笠翁, Cô chu toa lập ông,
獨釣寒江雪。 Độc điếu hàn giang tuyết!
柳宗元             Liễu Tông Nguyên

* Nghĩa bài thơ:
Tuyết Rơi Trên Sông

Ngàn núi chim đã bay tuyệt mù mất hút cả rồi; Muôn lối đi ngỏ ngách cũng bặt tăm không một bóng người. Chỉ còn lại có một ông lão áo tơi nón lá trên một chiếc thuyền cô độc lẻ loi đang buông cần câu trên dòng sông tuyết rơi lạnh lẽo!

Cái tinh thần bất khuất phản kháng của Liễu Tông Nguyên được thể hiện qua hình ảnh đơn độc của một ông câu kiên cường vẫn buông cần trên sông tuyết, bất chấp cái lạnh lẽo hoang vắng của cảnh trí tuyết rơi, trong khi chim muông và người bộ hành đều vắng bóng!

* Diễn Nôm:
Giang Tuyết

Ngàn núi chim bay hết,
Muốn lối dấu người tiệt.
Áo lá chiếc thuyền câu,
Buông cần trên sông tuyết!

Lục bát:

Ngàn non chim mỏi cánh bay,
Vắng tanh muôn lối chẳng ai đi về 
Buông câu sông tuyết sơn khê,
Áo tơi nón lá tư bề một ông!

Đỗ Chiêu Đức 
***
Sông Tuyết

Non ngàn không một bóng chim qua
Chẳng vết chân người khắp nẻo xa
Trầm mặc ngư ông ngồi đợi cá
Đầy sông tuyết trắng một màu hoa

Phương Hà
***
Tuyết Lạnh Ngư Ông

Ngàn non u ám vắng chim bay 
Vạn nẻo người đâu thấy chốn này 
Nón lá, áo tơi chờ cá động 
Bạc đầu tuyết trắng lạnh lùng thay!

Mai Xuân Thanh 
December 01, 2021
***
Tuyết Trên Sông

Ngàn non chim vắng bóng
Vạn nẻo chẳng còn ai
Lão áo tơi thuyền nhỏ
Buông cần giữa tuyết bay

Kim Phượng
***
Sông Tuyết

Ngàn non xa tít chim bay hết
Vạn lối bóng người chẳng một ai
Tơi tả áo ông ,thuyền nhỏ đậu
Buông cần,tuyết đổ bến sông dài

songquang 
***
Giang Tuyết

1/
Chim ngàn đang lẳng lặng
Vạn nẻo đường hoang vắng
Thuyền câu chiếc áo tơi
Trên dòng bông tuyểt trắng

2/
Non ngàn vắng lặng tiếng chim
Nẻo đường hoang vắng khôn tìm bóng ai
Thuyền nan một mảnh áo tơi
Thả cần câu giữa tuyết rơi lạnh lùng

Mai Thắng 
***
Tuyết Trên Sông

Non ngàn chẳng bóng chim qua
Bặt tăm khắp lối nẻo xa vắng người
Lão ông nón lá áo tơi
Ôm cần lạnh giá tuyết rơi sông đầy


Kim Oanh

***
Bài Cảm Tác:

Câu Tuyết

Lạnh lùng trong gió tuyết 
Cô độc chiếc thuyền câu  
Danh lợi còn chi nữa 
Ưu Tư bạc mái đầu.

Quên Đi

Điệp Khúc Nhớ Đảo - Refrain Of Missing The Island


Điệp Khúc Nhớ Đảo 

Ngày Mai Trở Lại Đảo.
Biển có còn xanh.
Rừng có còn hoang.
Trời có còn nhiều mây trắng.
Ngày mai trở lại đảo.
Cỏ may có còn vờn nhau tới mãi cuối đồi.

Ngày mai trở lại đảo.
Con sấu già đêm có còn quẫy,
Trong lạch sâu Cửa Cạn.
Bãi Bổn, sao biển năm cánh có còn,
nằm soải dài dưới rặng dừa thưa.

Ngày mai trở lại đảo.
Có còn ghẹ xanh ghẹ đỏ,
Trên bến vắng Hàm Ninh

Ngày mai trở lại đảo.
Bầy cá voi có còn nằm phun nước,
Mỗi mùa ruốc đến rủ nhau về.
Lũ cá heo có còn chờ,
Rỡn cùng thuyền trên sóng.

Ngày mai trở lại đảo.
Có còn chim biển bay ngược gió,
Đưa ta về những đảo mờ xa.

Ngày mai trở lại đảo.
Có đêm nào còn trong,
Đèn lập lờ trên đỉnh Bokor,
Dẫn lối về tránh Vũng Trâu Nằm.

Ngày mai trở lại đảo.
Mưa lũ có còn đổ,
Sóng ngập tràn bờ nước Dương Đông.

Ngày mai trở lại đảo.
Xuôi thuyền về An Thới.
Thăm xóm đạo Ba Làng.
Đừng qua Mũi Ông Đội,
Đã sẵn mồi Biên Mai.

Ngày mai trở lại đảo.
Nhớ ghé qua Hòn Thơm,
Xem lại bầy cá nhỏ,
Có còn trong dãy san hô.

Ngày mai trở lại đảo.
Tiếng súng không còn nữa.
Anh dân vệ trong làng,
Chú du kích bên sông,
Bắn bâng quơ cho có lệ,
Sợ vỡ mất thiên đường.

Ngày mai trở lại đảo.
Nhớ con chó Phú Quốc quá.
Năm tháng bạn cùng ta,
Trong quận nhỏ đìu hiu,
Đi lạc đâu mất rồi,
Lòng buồn thương vô hạn.

Ngày mai trở lại đảo.
Con trâu rừng cuối cùng đã chết 
Con trâu rừng cuối cùng đã chết
Huyền thoại ngày xưa đã vỡ rồi
Huyền thoại ngày xưa đã vỡ rồi

Vỡ thật rồi...
Ngày mai trở lại đảo.
Nhớ tìm về Dinh Cậu,
Cồn cát bên sông chắc có còn.
Những nấm mộ đạo trăm năm cổ,
Chúa có đến kịp mang về Thiên quốc không 

Ngày mai trở lại đảo.
Nghĩa trang Quốc quân tha hương ngoài phi đạo,
Có còn mỏi mắt vọng cố hương.

Ngày mai trở lại đảo.
Có còn căn nhà sàn cửa biển.
Có còn hàng dừa xanh rợp mát.
Cô gái năm xưa chắc chẳng chờ.

Ngày mai trở lại đảo.
Câu chuyện sáu mươi năm cũ,
Thôi đành để lại gửi thiên thu.
Thôi đành để lại gửi thiên thu...

Nguyễn Công Khanh 
07-2020
***
Bài Dịch:

Refrain Of Missing The Island

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if the ocean is still blue in colour,
And the forests are still having their wilderness,
And the sky is still covered with many clouds in their whiteness.
Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if the chrysopogon stalks are still playing together at hills’ ends forever.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if the night old crocodile is still tossing and turning over
In the Cửa Cạn Shallow Port’s deep water
And in Bổn Beach, if five pointed starfish are still
Stretching fully under rows of coconut trees so few.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if there are still blue and red sentinel crabs in living
On the deserted quay of Hàm Ninh

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if the flocks of whales are still lying spouting water
Waiting for the season of the sergestidae to come back, or
If the flocks of dolphins are still waiting there anymore
To play with the boats on the waves along the shore.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if there are still sea birds that ride against the wind over,
That will bring me to faraway islands, so far that they are visibly blurred.
Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if there are still some nights when the sky is getting clearer.
When the lights are flashing on Mount Bokor,
Guiding the way, avoiding the Hollow of The Lying Buffalo.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if the tropical rains are still pouring down the water,
If the waves are still overflowing the coasts of Dương Đông as ever.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
I will be riding the boat downstream to An Thới later,
Visiting the Ba Làng Village of religious followers,
Refraining myself from coming to Point Ông Đội’s border,
Since we already have the foods of Biên Mai, which are sweeter.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Reminding myself to visit Thơm Island, a place of nature,
To review if the school of tiny fish swimming in the water
Is still residing in the coral reef in order to wander.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Where the sounds of guns can be heard no longer,
Where a member of the team of Village’s Defenders
Or the guerilla fighter across the river
Will only once in a while pull the rifle’s trigger
Lest they destroy the heavenly realm of villagers.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Just to long for my Phú Quốc doggie the retriever,
That has been with me so long in friendship,
In the remote desolate district,
Who has been lost somewhere somehow,
Leaving an unhealable hurting wound in my heart now.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller
Where the last wild buffalo has already died.
Where the last wild buffalo has already died.
And the old myth has broken into pieces,
And the old myth has broken into pieces,
It has truly broken into pieces ...

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Reminding myself to go back to the Mansion of the Master
Wondering if the graves on the islet beside the river,
Where the hundred year old ones of the faithful followers,
Will be brought back in time to Heaven by God the King of All Orders.

Tomorrow I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if the National Guards’ Cemetery in diaspora beyond the runway,
Will still be longingly looking over for the home country so far away.

Tomorrow when I will be returning to the island as a traveller,
Wondering if there is still the stilt house at the sea port looking over,
Where rows of coconut trees are providing the cool shade,
Where the girl of the old years has probably lost her patience to wait.

Tomorrow when I will be returning to the island as a traveller,
Letting the sixty-year-old story become fader
Resigning myself to let it be immersed in time forever
Resigning myself to let it be immersed in time forever.

Hương Cau Cao Tân
23.02.2021 in British Columbia, Canada


Nhật Ký Rời Tháng Mười Hai



Ngày... tháng 12, 2021

Vừa tiêm ngừa Covid-10 đợt 3, Moderna (booster) tối đến bị hành nóng lạnh cả đêm. Sáng nay đầu óc lừ đừ, đành xin nghỉ ở nhà. Bây giờ đi làm trở lại giống như "nhóm chợ" mỗi ngày. Trước khi ngồi xuống bàn phải lau chùi khử trùng tất cả bàn ghế, dụng cụ, màn hình bàn đánh chữ (keyboard) và cả con chuột (mouse). Rồi khi rời công ty cũng phải lập lại quy trình khử trùng như lúc bắt đầu. Cái tệ hại nhất là phải đeo khẩu trang suốt cả ngày làm việc trong không gian kín, theo đúng quy định. Cũng may mỗi tuần chỉ vào làm việc 2 ngày ở văn phòng... Biến chủng Delta còn đang hoành hành thì nay thêm Omicron một biến chủng mới phát hiện tại Nam Phi. Omicron, con Coronavirus mới này có gấp 3 lần đột biến protein gai và 10 lần sức lây lan so với Delta. Nước Mỹ đã công bố có chủng mới Omicron tại hơn 33 tiểu bang trên toàn quốc. Dự đoán sức lây nhiễm của Omicron sẽ phủ khắp toàn cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà siêu vi trùng và giới y học cho rằng đây có thể là "tin vui" vì Omicron lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm và gây tử vong như chủng Delta.

Chắc chắn chiếc khẩu trang che nửa mặt và Covid-19 sẽ còn ở lại với chúng ta trong nhiều năm tháng tới. Chỉ tội nghiệp những đôi môi, những nụ cười đẹp đều bị che lấp trong đời sống hôm nay.

Nhớ biết chừng nào, những bờ môi ngon một thời đã mất...

Ngày... tháng 12, 2021

Không hiểu sao dạo gần đây, hay "bực mình" vô cớ những chuyện không đâu, mà lẽ ra thường tình trước đây ít khi mình để ý đến? Không chừng người ta nói không sai "càng già càng khó chịu"? Hôm nay ngồi ngẫm nghĩ lại thấy cũng đúng, cũng dễ hiểu. Trước hết là sức khỏe, càng già sức khỏe càng kém đi, mắt mờ tay mỏi. Khi cơ thể không nhiều năng lượng, con người cảm thấy tiêu cực hơn trong phản ứng và suy nghĩ. Kế đến là những định kiến, càng lớn tuổi chúng ta càng lệ thuộc vào thói quen khó chấp nhận cái mới, cái khác với bình thường theo kinh nghiệm sẵn có của bản thân.

Bạn bè cũng thu hẹp hơn, đến không có. Ngày xưa có quá nhiều điều để nói, bây giờ chẳng còn gì để tâm sự. "Một ngày như mọi ngày" và sẽ tệ hại hơn, thì "nói năng chi cũng thừa"? Chẳng lạ gì khi người ta cho rằng "người già thường luôn nhắc chuyện ngày xưa"! Mà chuyện xưa thì bao giờ cũng đẹp, vì đã phần nào được gạn lọc qua bộ nhớ của chúng ta trở thành kỷ niệm. Nhưng có bao nhiêu kỷ niệm cho một đời người? Chắc chắn là không nhiều hơn số lượng ngày tháng mà ta đã sống, đã đi qua.

Ôi dòng đời không ngừng chảy, sao lòng người cứ cạn dần theo năm tháng..?

Ngày... tháng 12, 2021

Vài ngày trước một người bạn văn nghệ trong nước gửi điện thư nói vê một tiếng hát Bolero "triệu views", như một hiện tượng trên mạng kênh Youtube. Có lẽ trong 2 năm vừa qua (2019 - 2021), các sinh hoạt ca hát sân khấu tập trung không còn nhiều nữa, do cơn đại dịch Covid-19 gây ra. Hầu như các ca sĩ đều cố gắng đầu tư, mở rộng những sinh hoạt ca hát của mình trên kênh Youtube và mạng xã hội Facebook. Sân khấu thu nhỏ hơn nhưng khán giả thì nhiều, rộng rãi hơn trên toàn cầu... Tiếng hát Bolero "triệu views" này là ca sĩ Sa Huỳnh.

"Nếu có lần em gõ cửa ghé thăm
Gác vắng đìu hiu khung cảnh âm thầm
Em ơi người xưa đã ra đi
Không gặp em phút phân ly
Không cho sầu thương đổ bờ mi... " (1)

(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc)

Với ca khúc Gõ Cửa, ca sĩ trẻ Sa Huỳnh đã có được hơn 17 triệu lượt người nghe. Đây có lẽ là một trong số lượt người nghe kỷ lục dành cho một ca sĩ mới và trẻ. Ngay từ câu hát đầu tiên ta thấy ngay được tiếng hát thật sáng, ngọt ngào và quyến rũ của Sa Huỳnh. Phối khí hòa âm mới lạ được chuyển tải qua giọng hát truyền cảm, lịm ngọt từng chữ từng câu. Tiếng hát Sa Huỳnh đã thật sự làm mới dòng nhạc Bolero. Người nghe như được thưởng thức một bài hát mới trong ca từ quen thuộc của "Gõ Cửa". Số lượt người thưởng ngoạn đã khẳng định vị trí của ca sĩ Sa Huỳnh trong không gian âm nhạc?

"Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?

Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai?
Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi trên lá đỏ
Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền..." (2)

(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc)

Một lần nữa tiếng hát ngọt ngào, trong sáng của Sa Huỳnh đưa ta về với khung trời của kỷ niệm, của những ngày xưa thân ái để lại cho nhau. Hình ảnh khóm dừa xanh lao xao, áo quần nhăn giấc ngủ, đi tìm chim sáo nở hay trốn ngủ ra ngồi trên lá đỏ... là cả tuổi thơ của chúng ta mà không ai không một lần trải qua! Bài hát cũng thu hút "triệu views" của ca sĩ Sa Huỳnh. Dù tuổi đời của ca khúc đã tròm trèm 50 năm nhưng cứ như mới hôm qua. Nghệ thuật không có tuổi chỉ lấp lánh hơn theo thời gian. Cách hát của Sa Huỳnh rất mới nhưng không làm mất đi phần hồn của ca khúc. Bài hát thật sự đưa tôi trở về với những ngày tháng của một thuở Sài Gòn, của lớp nhạc với thầy Phạm Thế Mỹ. Kỷ niệm mà một lần tôi đã nhớ lại, như lớp sương mờ ký ức thoáng qua.

Âm nhạc là tiếng nói của tình yêu và chân dung của kỷ niệm...

Ngày... tháng 12, 2021

Quán phở nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) quận 3, Sài Gòn. Từ đầu ngõ đã thấy dọc hai bên con hẻm là những chiếc bàn ghế thấp chen vai nhau của khách quán phở Dậu. Mùi phở thơm nồng bốc lên cả một không gian. Đó là lần đầu tiên tôi theo Mai, ngón đàn tranh Lê Thị Mai, đến quán phở này, chỉ cách nhà nàng vài con hẻm. Nhiều ánh mắt dừng ăn, nhìn theo người con gái hơi ốm, cao lêu nghêu với nụ cười "Bao Tự".

       

    Như bao thực khách lần đầu ăn tại quán, tôi ngạc nhiên khi không thấy có giá và đĩa rau sống kèm với hai tô phở. Ngoài hành ngò trong tô phở, là thêm dĩa hành tây cắt mỏng ngâm dấm. Chỉ có vậy. Còn đang phân vân, Mai liền giải thích: "Đây là quán phở chính gốc miền bắc. Anh ăn thử đi, rất ngon và sẽ ghiền cho coi"! Quả đúng như lời Mai, tất cả hương vị của tô phở bò nồng thấm bằng chính nước cốt xương, bánh phở, miếng thịt bò cắt mỏng đậm đà.


Vừa ăn Mai vừa kể về quán phở đặc biệt này: bà Dậu gốc Nam Định, người lập quán phở tại Sài Gòn năm 1958, nên có tên phở Dậu. Bà muốn giữ lại truyền thống của hương vị miền bắc, mặc dù ban đầu rất khó khăn vì thói quen ăn phở của người Sài Gòn phải có tương đen tương ớt, giá và dĩa rau sống. Chính sự khác biệt này, phở Dậu đã trở nên nổi tiếng và có mặt đến bây giờ.

Phở Dậu còn được gọi là "quán phở ông Kỳ", vì tướng Nguyễn Cao Kỳ tư lệnh không quân, phó tổng thống VNCH thường đến đây để mua về hay ăn phở ngay tại quán.

Với tôi, phở Dậu là kỷ niệm người bạn gái học cùng lớp nhạc của thầy Phạm Thế Mỹ và bài hát mãn khóa của Mai, ca khúc "Những Ngày Xưa Thân Ái"... Tuổi trẻ có nhiều ước mơ và bồng bột. Để có hôm nhìn lại, tất cả đã trôi xa, mịt mùng ký ức. Những đánh mất của hôm qua, những ăn năn muộn màng của dĩ vãng chỉ còn lại là nỗi buồn dai dẳng. Nhưng vẫn còn hơn không có gì để nhớ, để thương, để tiếc nuối cho một đời người, như cái giếng khô không cả bóng trăng soi!

Và khi nỗi buồn trôi qua, còn lại là bao kỷ niệm đẹp trong ta!

Ngày... tháng 12, 2021

Chỉ còn vài bữa nửa tháng là hết năm 2021. Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua dù chúng ta muốn hay không, chờ đợi hay dửng dưng. Cánh cửa này đóng để mở cho những cánh cửa khác rộng hơn. Một năm đầy ấp bao biến động thương tâm không làm cho nhân loại ngừng lại chỉ để ngậm ngùi, thương tiếc mà hướng đến những điều tốt đẹp mới cho ngày mai.

Cuộc sống và thời gian là hai người thầy tốt nhất. Cuộc sống dạy chúng ta sử dụng tốt thời gian và thời gian dạy chúng ta giá trị của cuộc sống.

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
(1) Gõ Cửa - Mạnh Quỳnh
(2) Những Ngày Xưa Thân Ái - Phạm Thế Mỹ

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Những Vầng Thơ Tưởng Nhớ Sinh Nhật Đỗ Hữu Tài 17/12


Tài thương,

Kim Oanh em chị, mừng sinh nhật sớm, chị  Kim Phượng mừng sinh nhật muộn. Vậy thì đúng ngày rồi hé em.
Trong lần ra mắt TẬP THƠ của em, chị nhớ hoài hình ảnh của Tài và tiếng nói của " Người xưa" dù rằng qua điện thoại, nhưng gây cho chị cảm xúc để có bài thơ qua bài Một Đời Tìm Em. Món quà này hơi buồn, nhưng chị gửi cho em và Người mà em tìm một đời. Hy vọng em sẽ vui.
Chúc Tài luôn dồi dào sức khỏe và sinh nhật muộn vẫn vui.

Thương mến
Chị Phượng

Một Đời Tìm Em

Tìm em ở đâu
Cho hồn mơ mộng
Tìm em nơi nào
Rung động con tim

Tìm em khắp nơi
Lòng nghe mệt mỏi
Tìm em một thời
Cằn cỗi đời tôi

Tìm em núi cao
Rừng già, sông , biển
Tìm em cuối trời
Miên viễn đường mây

Tìm em giữa đêm
Mịt mùng bóng tối
Tìm em sương mù
Che lối đường đi

Tìm em ngẩn ngơ
Bài thơ lỡ cỡ
Tìm em ngỡ ngàng
Lỡ dở tình tôi

Tìm em đắm say
Cây sầu kết trái
Tìm em ngọt ngào
Tay hái sầu đau

Tìm em tha thiết
Trăng già hờn giận
Tìm em đậm đà
Lận đận đời nhau

Tìm em thấy em
Dường như đâu đó
Tìm em , tôi tìm
Em có tìm tôi!

Đỗ Hữu Tài 
(Dec.5-2014 )
***
Bài Cảm Tác: Tìm Cả Nôn Nao Một Đời

Một đời mệt mỏi tìm nhau
Dòng sông ly biệt chung đau nỗi sầu
Duyên tơ ngày đó còn đâu
Thả hồn trôi mộng tình đầu xót xa

Tìm nhau khắp nẻo người qua
Trái tim cằn cỗi chết già tuổi non
Đêm đêm dõi bóng mỏi mòn
Chợt mơ chợt tỉnh lòng còn mộng du

Đường trần trắc trở thâm u
Con tim khao khát ngục tù đam mê
Tìm nhau giữa chốn sơn khê
Tư bề vắng ngắt ủ ê cõi lòng

Mịt mùng bóng tối mênh mông
Lời tình thôi thúc thoát vòng khổ đau
Dư âm ngày cũ ngọt ngào
Thuở xa xưa ấy tình trao vẫn đầy

Hỡi người người có quanh đây
Cho ta chắp cánh theo mây đến cùng
Gần xa trông cõi muôn trùng
Ngỡ ngàng chỉ thấy một vùng tiêu sơ

Cây sầu kết trái ảo mơ
Một hình bóng cũ tôn thờ chẳng phai
Tìm nhau ngày tiếp nối ngày
Tin yêu hy vọng luôn hoài cố nhân

Người xa chợt bỗng thoáng gần
Bồi hồi xao xuyến như lần mới quen
Lụn tàn mấy lượt khêu đèn
Trời ơi mơ ước nhỏ nhen chưa thành

Phù du một kiếp mỏng manh
Nguyện thề giữ chặt tâm lành tìm nhau
Ngại gì biển rộng non cao
Tìn nhau tìm cả nôn nao một đời

Kim Phượng

Chúa Ơi ... Làm Sao - Dọn Mình - Những Vầng Thơ Tưởng Nhớ Sinh Nhật Đỗ Hữu Tài 17/12


Trong Mùa Lễ Trọng, Đỗ Hữu Tài đã từng dọn mình đón Chúa bằng những lời thơ. Và đây là bài thơ cuối cùng, Tài đã tìm đến Chúa. Bài thơ sáng tác chỉ vài hôm trước khi Tài vĩnh viễn ra đi.
Tài ơi, chị sẽ cùng Tài Dọn Mình đón Chúa, nhân Mùa Lễ Trọng sắp đến.

Bài Xướng:

Chúa 
Ơi ... Làm Sao ?!

Làm sao bỏ được gánh sầu
Đôi vai nhẹ nhõm đứng hầu bên Cha
Làm sao biết sống vị tha
Đôi chân thanh thản đi qua dòng đời
Làm sao tìm tới Chúa Trời
Khi còn tham vọng gọi mời bước lên
Làm sao lãnh nhận ơn trên
Khi còn mê đắm đặt tên đồng tiền

Làm sao thoát lụy ưu phiền
Như chim tung cánh khắp miền lãng du
Làm sao gần gũi Giê Su
Như rừng thay lá gió thu nhẹ nhàng
Làm sao khỏi thấy ngỡ ngàng
Mỗi khi cầu nguyện lần tràng hạt xin
Làm sao giữ vững đức tin
Mỗi khi sa ngã tâm linh chất chồng

Làm sao rước Chúa Hài Đồng
Mùa đông rét buốt nhưng lòng ấm êm
Làm sao vượt khỏi nhá nhem
Mùa xuân gió mát nắng đem hoa về
Làm sao cuộc sống tràn trề
Mùa hè phượng đỏ hẹn thề ước ao
Chúa ơi , con biết làm sao
Vác cây Thánh Giá không nao núng lòng

Đỗ Hữu Tài
17 - 9 - 2015
***
Bài Họa:

Dọn Mình


Lòng con mang nặng trái sầu
Xác thân hèn mọn ngỏ hầu cùng Cha
Đoái thương mong được thứ tha
Vực con tỉnh thức vượt qua bể đời
Lung linh ánh nến sao trời
Thánh ca réo rắc đón mời trỗi lên
Cho dù Người ngự tầng trên
Giúp xa mũi ái lằn tên kim tiền

Tránh vòng đau khổ lụy phiền
Nhởn nhơ khắp chốn mọi miền phiêu du
Nương vòng tay đấng Giê Su
Chân trần theo bước thiên thu nhịp nhàng
Buổi đầu lúng túng ngỡ ngàng
Vụng về câu nguyện hạt tràng lần xin
Cậy trông giữ vững niềm tin
Ngôi trời soi sáng hiển linh chồng chồng

Dẫu mà tiết lạnh như đồng
Tình Cha thảm cỏ ấm lòng tựa êm
Đời con lấp lối lem nhem
Từ bờ vực thẳm Cha đem con về
Khi xưa mày nhún môi trề
Say sưa ngắm bóng trăng thề động ao
Giờ đây con biết liệu sao
Quỳ bên thập giá nôn nao dọn lòng

Kim Phượng



Bóng Nắng - Đuổi Nắng - Bóng Trăng


Ai chia bóng nắng làm đôi
Bóng rơi dưới đất nắng trôi trên trời
Nắng lên rực rỡ dòng đời
Bóng chìm trong tối nghẹn lời xót xa

Ai chia bóng nắng làm ba
Nắng nghiêng bóng ngã ta qua lối sầu
Ước mơ chung một nhịp cầu
Dầu cho mưa gió dãi dầu không hư

Ai chia bóng nắng làm tư
Ta tìm bóng nắng xe như bồi hồi
Nắng ru bóng ngủ trên đồi
Xe buồn ngừng bánh ta ngồi trầm ngâm

Ai chia bóng nắng làm năm
Bóng, ta, xe, nắng lặng câm ngỡ ngàng
Một mai duyên nợ lỡ làng
Én bay lẻ bạn lạc đàn về đâu?

Ai gây chi cuộc bể dâu
Nắng tàn hiu hắt đêm sâu bóng mờ
Con đường cát bụi chực chờ
Ta như thầm hỏi bao giờ xe lăn?

Đỗ Hữu Tài
04/06/ 2015
****
Đuổi Nắng...

Tâm đầu ý hợp song đôi
Hồn lâng lâng thả mây trôi lưng trời
Lòng tơ tưởng chuyện chung đời
Mong đường dài mãi tỏ lời gần xa

Đêm đêm thơ thẩn hàng ba
Ánh trăng xuyên lá bóng ta vương sầu
Uớc sao tháng bảy bắt cầu
Chàng Ngưu Chức Nữ ví dầu thực hư

Sẻ chia cảm xúc riêng tư
Bên đầy bên lở dường như đấp bồi
Tung tăng đuổi nắng lên đồi
Chiều rơi êm lắng cùng ngồi thơ ngâm

Ước mơ tình nghĩa trăm năm
Dù chưa cạn tỏ tình câm ngút ngàn
Người đi khuất bóng cuối làng
Luyến lưu giây phút tơ đàn tìm đâu

Sang ngang nhà cạnh làm dâu
Khuê phòng lẻ bóng nhốt sâu trăng mờ
Hoài mong viễn khách hẹn chờ
Bánh xe lãng tử biết giờ nào lăn

Kim Oanh
***
Bóng Trăng

Trách ai gom nắng chẻ đôi
Nhuộm mây chiều tím buồn trôi góc trời
Trút mưa thu xuống sông đời
Bến sương hiu quạnh, vắng lời ru xa

Mỏi mòn chờ hết tháng Ba
Đón xuân vào ngỏ, bước qua đông sầu
Dõi tìm bảy sắc vòng cầu
Ươm tình hoa nắng cho dầu mộng hư

Lung linh sợi nắng tháng Tư
Đưa tay ra hứng! Lòng như bồi hồi!
Gió lay cây lá triền đồi
Thềm trưa một bóng lặng ngồi trầm ngâm

Bước vào ngưỡng cửa tháng Năm
Nắng đi đâu vắng, bạc câm gió ngàn
Nợ duyên cá nước lỡ làng
Én xuân lả mộng, bỏ đàn về đâu?

Xin đừng gợn sóng biển dâu
Trăng thơ trôi lạc canh sâu biệt mờ
Vần mơ tháng Sáu đợi chờ
Những dòng thương nhớ từng giờ xoay lăn!

Yên Dạ Thảo
05/06/2015


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Nhạc: Con Chỉ Là Tạo Vật_
Sáng tác: Phanxicô 
Đàn Bầu:Nhạc Sĩ: Phạm Đức Thành
Thực Hiện: Khúc Giang

Một Thoáng Tương Tư


Trên phố, nhìn em dáng thướt tha
Với tà áo tím ngợp hồn ta
Như nàng Mỹ nữ trong cung điện
Đẹp quá đi thôi, dáng Ngọc ngà
Nàng ơi! Lòng này nhiều vấn vương
Muốn cùng ai dạo bước trên đường
Ngồi trong quán nhỏ bên hàng phố
Ly café và nỗi yêu thương…
Phượng tím là hoa của biệt ly
Tương tư, khổ lụy để làm chi
Thu về lá úa rơi theo gió
Chợt nhớ người em dáng liễu gầy 
Nào ai biết được nỗi lòng này
Một cõi tình riêng. Ôi! Ngất ngây 
Đêm rằm bóng nguyệt, tương tư dáng
Ta mãi tôn thờ em có hay?
Xin cho nhau tha thiết, nồng nàn
Hỡi nàng kiều nữ, hỡi giai nhân
Gót sen nhẹ bước xin tìm đến
Nét môi Xuân thắm đẹp vô ngần
Hỡi nàng áo tím đáng yêu ơi!
Xin hãy cho ta một nụ cười
Sưởi ấm lòng nhau khi quạnh quẽ
Cho kẻ tình si bớt ngậm ngùi 

10 / 21 / 2021
Hoàng Phượng

Thăng Long Thành Hoài Cổ (Bà Huyện Thanh Quan) - Remembrance Of Old Dragon Ascending Fortress


 Thăng Long Thành Hoài Cổ 


Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Bà Huyện Thanh Quan
***
Bài Dịch:

Remembrance Of Old Dragon Ascending Fortress

By Wife Of Head Of Thanh Quan District


It is wondered why the Creator causes such life’s play and playground,
Where so many quiet daybreaks have come quickly around.
The soul of autumn grass grooved in the old horse carriages’ traction
The shade of setting sun shown on the ancient castles’ foundation.
Stones are still surviving the wear and tear of time silently,
Water is also frowning its glassy surface upon all the happening misery.
This serves as a thousand-year-old example for the past and presently
The scenes are there arousing here some incessant sadness so painfully.


 Hương Cau Cao Tân

Già


Có ai bao giờ ngóng đợi
Tiếng chim hót trong vườn sau

***

Buổi sáng khi tôi vừa thức dậy
Con đường đủ các loại xe
Và em biết bao là công việc
Kéo dài qua sau buổi trưa
Và tôi ngóng trông giờ im lặng
Được nghe tiếng chim vườn sau
Còn may có cây nhà láng giềng
Tàng cao lá cây thường lao xao
Cùng chim hát lên lời rất đẹp
Để mây múa trên trời cao
Mùa thu đã về nơi chốn nọ
Ở đây nắng đã dịu dàng
Nhiều khi không biết mùa đã đổi
Dù tôi vẫn sống hàng ngày
Ngoài kia đời vẫn luôn bận rộn
Và em vẫn như ngày xưa
Còn tôi đã thấy đời chậm lại
Chờ mong chim hót ở vườn sau

Dương Vũ

Tháng Mười Hai Nhớ Bạn


Bốn đứa chúng tôi chơi rất thân, từ khi còn là giáo sinh Sư Phạm cho đến lúc ra trường mỗi đứa dạy một nơi nhưng vẫn gặp gỡ nhau thường xuyên vì hợp tính tình hay quậy phá, và có chút…máu điên.

Trong nhóm, tôi với Trang là hai đứa có sở thích đọc sách và “gu” nghe nhạc giống nhau. Gia đình Trang thuộc loại khá giả, ngoài căn nhà nó ở với ba má cùng hai đứa em ở khu Hàng Xanh, nó còn có nhà ông bà ngoại ngay mặt đường Hiền Vương sầm uất, (sau này là đường Võ Thị Sáu), đó là căn nhà lầu đúc 3 tầng kế bên tiệm giò chả Phú Hương thuở xưa, và một căn nhà trong hẻm lớn gần đó, đi bộ hai phút là ra phở Hoà Pasteur và viện Pasteur ngay đầu ngõ. Cả ba căn nhà này, tôi đã nhiều lần đến chơi, ăn dầm nằm dề những ngày cuối tuần, hoặc mùa hè rảnh rỗi …

Trang có nét đẹp đậm đà, đôi mắt to, lông mi dài, chiếc mũi cao xinh xắn, nhất là cặp lông mày dày và đen, dù trang điểm hay không, nó vẫn nổi bật nhất trong nhóm bốn đứa.

Nó cũng biết yêu sớm, với mối tình “high school sweetheart” kéo dài từ ba năm trung học cho tới lúc nó ra trường làm cô giáo. Long, người yêu của nó, là chàng công tử con nhà giàu nhất nhì khu cư xá Thanh Đa. Long học Đại Học Tổng Hợp môn Tiếng Anh vì chủ đích cùng gia đình chờ ngày qua Mỹ diện ODP. Long cao ráo, trắng trẻo và đẹp trai, ăn nói lanh lợi và rất có duyên.

Tôi hỏi Trang:
- Long sẽ đi định cư qua Mỹ, tụi bay tính sao? Tình đang rất đẹp và thơ mộng biết bao!!!
Nó buồn buồn:
- Thì Long hẹn tao ba năm sau, nếu tao không đi vượt biên thì Long sẽ quay về Việt Nam cưới tao.
- Úi, nghe sao xa vời và mong manh quá …
- Biết làm sao hơn khi hoàn cảnh như thế, mà thôi, đây cũng là thử thách cho cả hai đứa.

Ngày tiễn Long ra phi trường, theo lời Trang tả, là mưa ào ạt nhưng vẫn chưa nhiều bằng nước mắt của Trang. Chàng và nàng cứ đứng nắm tay không rời, Long bị loa phóng thanh phi trường gọi tên mấy lần mới dứt được nhau. Rồi nàng chạy xe thẳng về nhà tôi, nằm khóc vùi suốt buổi chiều.
Thư qua tin lại cho vơi nỗi nhớ nhung được khoảng một năm, thì cô bạn cũ thời trung học của cả chàng và nàng đi vượt biên qua trại tỵ nạn Bidong, Malaysia, sau đó qua định cư bên Mỹ chung thành phố với chàng. Ban đầu, cô bạn giữ lời hứa “chăm sóc” chàng giùm nàng, rồi sau đó tiện thể (dù không được nhờ vả), đã chăm sóc luôn cả trái tim và cuộc đời của chàng. Người ta bảo xa mặt cách lòng quả không sai, và lửa gần rơm lâu ngày cũng đã bén!

Thế là “thiệp hồng viết tên Anh và…con kia” đã gửi về Việt Nam cho nàng đúng vào những ngày rét mướt của Sài Gòn giữa tháng mười hai. Nhận tin sét đánh ngang tai, nàng khóc lóc vật vã hận đời (còn tin ai trên cõi đời này nữa chớ, khi mà người yêu và bạn thân rủ nhau phản bội bất ngờ!). Chúng tôi chẳng biết nói gì để khuyên lơn ủi an nó, ngoài việc đến thăm, đưa nó đi chơi cho khuây khoả. Tưởng vết thương lòng rồi sẽ nguôi ngoai, đùng một cái, chúng tôi nghe tin nó...“mất dạy”, bỏ trường lớp bỏ học trò, bỏ Sài Gòn trốn về Đà Lạt vì không chịu nổi sự cô đơn, lạnh lẽo của Mùa Noel đang đến. (Ở Đà Lạt không lạnh sao, con dở hơi!?).

Chúng tôi tá hoả, chưa biết tính toán sao, một đứa trong nhóm còn đổ thêm dầu vào lửa, bảo rằng:
- Đà Lạt là thành phố Tình Yêu của đôi lứa, nhất là mùa Noel, nó đến đó, cái “ Thành Phố Buồn, lắm tơ vương, cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn …” của ông Lam Phương khi đang thất tình, nó dám nhảy xuống hồ Than Thở lắm á!
Đứa kia cũng đồng tình:
- Đúng rồi! Người ta có Đồi Thông Hai Mộ còn nó sẽ là Đồi Thông Một Mộ…lẻ loi, tội quá!
Tôi cuống cuồng:
- Vậy thì ba đứa tụi mình phải lên ngay Đà Lạt giải cứu nó, mang nó về Sài Gòn ….

Chúng tôi bàn qua tính lại vài ngày rồi quyết định đi lên thành phố sương mù, chấp nhận để lại Sài Gòn sau lưng, để lại “người thương” để đi tìm bạn. Đến ngày lên đường, thì đứa em nó chạy đến tìm tôi, báo tin:
- Chị Trang đã về nhà rồi mấy chị ơi!
Tôi vui mừng, thở phào nhẹ nhõm rồi đùa với em nó:
- Vậy là quá tốt! Té ra nó cũng nhát, chưa dám nhảy xuống hồ Than Thở, chắc sợ …lạnh, mà nó cũng chẳng biết bơi! Để chiều này tụi chị sẽ ghé thăm liền.
- Dạ không được rồi chị ơi!!
- Là sao??? Có chuyện gì nữa ?
- Chị ấy về chiều qua, người mệt mỏi rã rời, chẳng nói với ai lời nào, rồi đi nghỉ trong phòng. Đến tối chị ấy bảo đi ra đường cho khuây khoả, mà đến giờ vẫn chưa thấy về, gia đình em lo sợ quá chị ơi!!!

Mấy cái “chị ơi!!!” của thằng em nó làm chúng tôi thêm rối bời, hoang mang, âu sầu não nề giữa trời Sài Gòn hiu hiu gió lạnh.

Suốt cả tuần lễ sau đó, vào mỗi buổi chiều tối sau giờ đi dạy, ba đứa tôi đạp xe đi khắp nơi tìm nó. Đến nhà các người thân, bạn bè quen biết, đến các quán café mà nó và Long thường hẹn hò, thậm chí đến cả phi trường Tân Sơn Nhất …cũng chẳng có tăm hơi của nó. Thành phố lung linh muôn sắc màu của mùa Giáng Sinh đang tới, mà chúng tôi buồn so, rầu rĩ, mấy giai điệu nhạc Noel bỗng trở nên nhạt nhẽo không còn gợi chút cảm hứng lâng lâng như ngày nào. Có ai định nghĩa hết được Tình Bạn không? Bạn, một chữ ngắn gọn nhưng hàm chứa biết bao ân tình tuyệt vời, khó quên…

Cho đến hôm nay, khi tôi viết những dòng chữ này, thì nó vẫn độc thân, chưa bao giờ lập gia đình, sống một mình ở Sài Gòn, nhưng tâm trí vẫn đi…lang thang…

Năm 2009, tôi có về Sài Gòn, bạn bè mấy đứa gặp nhau đi ăn uống tâm tình, nó vẫn bình thường khi nói về những tháng ngày đi học vui vẻ, nhưng chỉ một lát sau, nó lại chuyển qua nói huyên thuyên những chuyện tầm phào, không đầu không đuôi, đầy hoang tưởng.
Chúng tôi cố khuyên nhủ, đưa nó về thực tại, nhưng hễ nó bắt đầu hoang tưởng thì chẳng còn để ý đến xung quanh, cứ độc thoại một mình, khi nào xong mới thôi, không ai có thể cản nổi .

Ông bà ngoại và ba má nó đều đã mất, căn nhà ở Hàng Xanh cũng đã bán, hai đứa em trai nó có vợ con chia nhau ở căn nhà mặt tiền đường Võ Thị Sáu, còn nó được riêng cả căn nhà trong hẻm phở Hoà, gặm nhấm nỗi cô đơn với căn bệnh hoang tưởng ngày càng trở nặng !

Tháng Mười Hai lại về, ước gì nó đừng nghe tiếng vọng của quá khứ, đừng nhớ lại cái tháng Mười Hai oan nghiệt thuở nào, cái tháng làm nó trở nên điên dại, đớn đau, đi hoang để chúng tôi phải khổ sở đi tìm khắp các ngõ ngách Sài Gòn giữa những âm điệu bơ vơ tái tê của những bài nhạc Giáng Sinh thật buồn ....

Trang ơi! Tụi mình bốn đứa từng bảo nhau, có chút “máu điên” cho đời thêm vui, sao mày lại điên thật??

Edmonton, 12/2021
Kim Loan

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Nguyệt Nga Cống Hồ - Sáng Tác: Cố Nhạc Sĩ: Trần Ngọc Thạch Thể - Kim Trúc Trình Bày


Sáng Tác: Cố Nhạc Sĩ: Trần Ngọc Thạch Thể (điệu Nam Ai 43 câu)
Trình Bày: Kim Trúc  

Đường Cũ Người Xưa


Những con đường Sài-gòn dạo ấy 
Áo dài bên áo lính xôn xao 
Đường Tự Do dập dìu thứ bẩy
Quán Cái Chùa em hẹn chiều nao 

Quên anh đi, lính không đào ngũ
Đô Thành còn vẫn còn bọn anh 
Dù biết thừa Sài-gòn hấp hối
Bỏ đi ư, người lính không đành 

Đi đi em, xin đừng bịn rịn 
Đến bến nào còn vẫn thiết tha
Không hẹn em ngày nào gặp lại 
Nụ hôn này đánh dấu tình ta 

Nàng cúi đầu vai rung nức nở
Ngập ngừng đi như kẻ mộng du 
Đường Sài-gòn cộ xe vội vã 
Con tim hồng lính bỗng âm u 

Bao nhiêu chiều Sài-gòn thứ bẩy
Em đi rồi nửa hồn anh đấy
Như bay cùng chuyến hải hành xa 
Biết bao giờ người em còn thấy...!

Locphuc

Anh Điên (Hàn Mặc Tử)- I Am Mad




Anh Điên
Tặng Thúc Tề

Anh nằm ngoài sự thực
Em ngồi trong chiêm bao
Cách xa nhau biết mấy
Nhớ thương quá thì sao?
Anh nuốt phứt hàng chữ
Anh cắn vỡ lời thơ
Anh cắn, cắn cắn cắn
Hơi thở đứt làm tư!

Hàn Mặc Tử
***
I Am Mad


To Thúc Tề

I dwell outside the truth;
You sit within the dream.
How far apart are we
Now that we're in love so?
This line of words I swallow,
And bite open the verse,
And I bite, bite, bite, bite
To break my breath in four!

Translated by Thomas D. Le

16 February 2008

Hạ Về

(Ảnh: Thu Cúc)

(Trích thơ của Tác giả: Lãng Du Khách)

Hạ về mây trắng thong dong
Rủ đàn ong mật dạo rong vườn nhà
Rủ cơn gió đến la đà
Rủ cơn mưa xuống cho ngà ngà say.

Ảnh:Diệp Thị Thu Cúc
 

Tình Đông


Kỷ niệm đẹp nhất bắt đầu của chúng ta là trọn cả mùa đông
Một mùa đông trải hoa hồng và hơi thở tạo nên những giọt nước long lanh sau khung cửa
Một mùa đông bông tuyết nhiều hơn mọi năm và tràn đầy tiếng cười của em
Và một mùa đông được sưởi ấm bằng đôi môi như than hồng của em

Em đã thắp lên cuộc đời anh trong mùa đông thứ năm mười-hai bởi tình yêu
Và đã ghép nối cho anh bức tranh để anh có thể biết về hai chữ hạnh phúc
Anh không mong gì, chỉ mong em cũng sẽ thắp thêm những năm tháng còn lại cho anh 
Từ một mùa đông này cho đến mãi các mùa sau…

Fer/2021
Kim  Vũ 

Trưa Hòa Đa Nhớ Nắng Lâm Viên


Hai dãy nhà buồn thiu, nhìn nhau thầm lặng. Nắng từ trên dội xuống, từ dưới đường nhựa hất lên. Nắng ngời ngời trên vòm cây, săm soi qua kẽ lá. Nắng khô khốc, nhợt nhạt như màu cát trong vùng đất một thời là Chiêm quốc lẫy lừng. Trời đứng gió. Nóng càng thêm nóng. Cả toán 20 tên rải dài hai bên quốc lộ. Trung Đội nghĩa quân cùng phối hợp công tác đã biến về đâu không biết.

Thiếu úy Đồng, ban 5 Chi Khu cũng đã chộp xe hàng để quá giang về Quận tìm phương tiện. Chỉ còn lại mấy “quai chảo“ tương lai của Quân Đội nằm, ngồi rải rác dưới những bóng mát ven đường, hay trước thềm của những ngôi nhà vắng chủ. Thỉnh thoảng có vài tiếng xe chạy ngang qua, át hẳn tiếng đàn nhè nhẹ và giọng hát êm êm của Nguyễn Duy Tân.

Cây đàn mượn của người chủ Câu Lạc Bộ trong quận đường là vật bất ly thân của anh bạn răng khểnh, mà chúng tôi đặt cho biệt danh "Công Tử cao nguyên“, khi cùng học chung khóa Chánh Trị Kinh Doanh trên Đà Lạt. Từ lúc mượn được cây đàn là anh chàng hầu như ôm nó suốt ngày, nhưng cũng từ đó mà đi đâu cũng thu hút được khán giả, nhờ những màn hát nhạc cộng đồng của cả toán công tác.

- Đói rã ruột mà cứ đòi theo Lê Uyên- Phương “xuống phố trưa nay“ ! Có tiếng ai đó làm bộ càu nhàu, rồi tiếp theo là những giọng cười thông cảm khi Duy Tân nhà ta tỉnh bơ tăng thêm chút cường độ cho …” Ngón tay Em dài. Tiếng yêu không lời…”
- Cứ để cho nó hát. Tao cần nghe nhạc cho quên đói!

Ngô Quốc Thắng pha trò trong tiếng khúc khích đâu đây. Phía bên kia đường cũng có tiếng lao xao, rồi vài người kéo qua ngồi chung quanh gốc táo, nơi Duy Tân đang dựa lưng, lim dim đàn, hát.

Nếu không có súng ống, không có quân phục, thì chẳng khác gì một buổi picnic hay cắm trại của thanh niên trong một ngày cuối tuần. Không khí đang buồn tẻ bỗng dưng sinh động hẳn lên khi có lời yêu cầu hát nhạc cộng đồng rồi nhạc lính và chỉ một lúc sau là hầu như ai nấy cũng đều có mặt bên gốc táo già, để cùng với Lâm Hoài Nam bắt giọng ngâm nga vài bài ca Hướng Đạo.

Còn hắn thì ngồi tựa vào vách của căn nhà bỏ hoang, im lặng hút thuốc, tâm trí như thả vào lời ca tiếng nhạc dã chiến của những bạn bè và đồng môn, nay là đồng đội quân trường. Cũng may là có chiến dịch giải thích Hòa Đàm và Hiệp Định Paris nên những tên lính sữa như hắn mới có dịp thoát ra khỏi kỷ luật thép của quân trường. Vui được lúc nào hay lúc đó!

Bỗng dưng hắn cảm thấy xa lạ với hoàn cảnh và sinh hoạt của đời sống dân sự. Có lẽ là một thứ mặc cảm được ngụy trang bằng màu áo lính. Cũng có thể là một sự cam phận có pha chút đắng cay khi nhìn thấy mình không còn có quyền gì trong những tháng ngày sắp tới. Mọi thứ đều được đóng khung hay bị ràng buộc bởi khuôn phép và kỷ luật.

Những người như hắn đã dần dà trở thành những cỗ máy sống theo bản năng để tự vệ và sinh tồn. Bỗng nhiên tiếng đàn ngưng bặt và có tiếng Duy Tân chép miệng thở dài:
- Không biết giờ này họ đang làm gì nhỉ ?
Cả đám ngẩn ngơ, hụt hẫng. Đa số các bạn không hiểu Tân nói gì, nhưng hắn và nhóm “Đại Học Sĩ“ của Trường Chánh Trị Kinh Doanh- thì biết rõ là Duy Tân đang nghĩ đến Đà Lạt.

Câu hỏi đưa hắn trở về đúng 52 tuần trước đó, với những kỷ niệm mà hình ảnh vẫn rõ nét như mới vừa xảy ra hôm qua, hôm kia. Cũng là một ngày thứ bảy đẹp trời như hôm nay. Thứ bảy đầu tiên có thuyết trình tập thể mà gương mặt nổi bật nhứt là một mái tóc dài Hà Nội tên Bùi Thị Giang. Đó cũng là ngày cả nhóm hội học của hắn kéo lên bệnh viện toàn khoa thăm tên bạn cùng phòng trọ bị trúng thực phải nhờ Cảnh Sát chở đi cấp cứu đêm hôm trước.

Thứ bảy! Ngày quán cơm xã hội của Đà Lạt đóng cửa, nên sinh viên nghèo ăn tạm mì gói buổi trưa, rồi "lặn" luôn mấy giờ học buổi chiều để lòng vòng dưới phố, hay kéo nhau đi thăm các thắng cảnh chung quanh thị xã. Thứ bảy! Ngày dạo phố cuối tuần của các màu áo quân trường trên cao nguyên. Ngày của Đà Lạt rộn ràng đón chào khách nhàn du đi thưởng ngoạn, dạo phố hay mua sắm.
- Ê Huy! Ngô Quốc Thắng bất chợt gọi hắn.
- Mày hay dòm ngó mấy cái vòng cao độ trên bản đồ nên chắc phải biết Đà Lạt nằm hướng nào phải không?
- Hỏi Lâm Hoài Nam đi ! Tao không rành địa hình.

Hắn uể oải trả lời, rủa thầm tên mắc dịch đã đưa hắn ra khỏi vùng trời kỷ niệm.
- Di Linh nằm ngay hướng chính tây của Phan Thiết. Tôi nghĩ là Đà Lạt nằm ngang với quận Hòa Đa, về hướng này.


Hắn nhìn theo ngón tay Nam chỉ qua bên kia vườn táo của xã Lâm Lộc, hướng về dãy núi trùng điệp phía xa xa, lòng lại chìm vào khúc phim dĩ vãng vừa đứt đoạn. Mấy tháng quân trường chưa đủ biến gã thư sinh thành lính thú. Hắn vẫn thấy lại mình của những ngày hội học dễ thương. Những nắng sớm, sương chiều, mây nhạt, trời trong, núi đồi trùng điệp, những cơn mưa nhè nhẹ, nói chung là những hình ảnh của Đà Lạt mộng mơ vẫn còn đầy ắp và rất rõ nét trong lòng.

Duy Tân gốc trên Đà Lạt nên nhớ về “họ“ là chuyện bình thường. Còn hắn, dân Sài Gòn chánh hiệu cũng nhớ quay quắt về vùng trời Lâm Viên đó. Vì thời trọ học huy hoàng, vì nét trữ tình của khung cảnh nên thơ hay…vì nàng?! Cũng có thể là vì tất cả! Sức thu hút của Đà Lạt thật mãnh liệt làm sao!

Đám bạn kiêm đồng đội quân trường chỉ nghe Lâm Hoài Nam kể về chuyến du lịch sau khi thi đậu Tú Tài II ( và không hẹn mà lại gặp hắn trên rạp Hòa Bình cách nay đã gần hai năm ), rồi cả mấy tên cựu sinh viên kể lể chuyện hội học, họp nhóm cùng với những tiêu biểu của Đà Lạt Văn Hóa, là đã mê tơi và cứ luôn miệng trầm trồ “Đẹp như vậy thiệt sao!?“.
- Cho nghe Mộng Chiều Xuân đi Tân!
Hình như là tiếng của Ngô Quốc Thắng từ hàng ba nhà kế cận nói với qua bên này.

Trúng bài tủ của nó rồi! Hắn thầm nghĩ. Vậy là có quyền ôm bụng đói nằm nghe Nhạc yêu cầu. Hắn vừa lẩm bẩm vừa xoài người nằm xuống nền đất rắn. Chiếc "bê rê" màu xanh nước biển được úp lên mặt cho đỡ chói nắng. Bóng mát của hàng hiên làm dịu màu nắng gắt và làm hắn lim dim thả hồn tưởng tượng như đang nằm nghe những rặng thông xanh trên sân Cù hay trong khuôn viên Viện Đại Học thì thào trỗi hòa tấu khúc.

Hắn thấy lại những trưa cuối tuần ngập nắng như hôm nay, thấy mình trở lại thời lãng đãng giữa khung trời đại học. Ngày đầu tiên, ngồi trong đại giảng đường, nghe ông thầy Khoa Trưởng gọi sinh viên là “Đại Học Sĩ“ là hắn thấy hạnh phúc rộn ràng, không cần biết là ông chơi chữ hay chỉ là cách gọi để học trò mình có ý thức hơn trong việc trau dồi đức dục hay phẩm hạnh.

Hắn lại thấy mình nhởn nhơ khắp chốn, nhứt là sau khi Ba hắn mang chiếc Suzuki lên cho hắn làm chân để khỏi phải tốn tiền xe lam mỗi ngày hai bận, hoặc tốn tiền cà phê ở quán Hoài trên Võ Tánh chờ giờ trở lại giảng đường cho lớp học buổi chiều. Chiếc xe mang hắn theo các bạn thăm chỗ này, ghé chỗ kia, hầu như tuần nào cũng picnic, cũng lạng tới lạng lui những thắng cảnh Đà Lạt. Chiếc xe đôi khi cũng là phương tiện giúp hắn làm quen với nhiều người, nhứt là với nàng, khi tình nguyện làm tài xế mỗi lần có ai cần quá giang về phố hay lên Viện Đại Học.

Hắn bỗng nhớ nàng, nhớ lần đầu ngồi kế bên nhau trong giờ Thông Đạt. Lần đó hắn rất muốn mở lời nhưng ngại ngùng khi thấy nàng im lặng và không có phản ứng gì dù anh Phụ Khảo giảng bài rất có duyên và cả lớp đã có những tràng cười thoải mái. Ngay lúc đó, hắn trở về bản tánh cố hữu là thường hay rụt rè, không biết phải mở lời ra sao để tạo sự chú ý nơi nàng.

“Dân trường tây mà sao cù lần quá vậy!“ Thằng bạn cùng lớp từ thời Trung Học đã nói với hắn như thế. Nhưng chưa kịp nhờ anh chàng giúp kế thì Kim Lộc nhà ta đã bỏ Chánh Trị Kinh Doanh để về Sài Gòn ghi danh học Luật, vừa gần nhà, đỡ tốn kém, lại vừa có thể canh chừng "em bé" của anh chàng.

Ký‎ ức đưa hắn trở về những lần họp nhóm Anh Văn, là những cơ hội để hắn được thân cận với nàng. Hắn không khá sinh ngữ, thường hồi hộp vì sợ bị gọi tên nên ngồi nghe nhiều hơn nói, nhưng vì nàng, nên hắn góp mặt rất đều đặn, lại còn tình nguyện lo phần giải khát cho gần 20 người.

Một hôm, khi chờ mọi người đến, hắn mượn cây đàn của anh bạn trưởng nhóm, ra một góc ngồi ngân nga vài bài hát phản chiến mà quân nhân đồng minh thường hay thích nghe. Khi buông đàn thì hắn nghe vài tiếng vỗ tay và nàng đã ngồi ngay sau lưng lúc nào không biết. Ai cũng khen hay, còn nàng thì từ hôm đó trở đi là cứ bắt hắn hát cho nghe những bản nhạc ngoại quốc thời danh. Nhờ vậy mà hắn trở nên dạn dĩ hơn một chút, tự tin hơn một chút trong những lần gặp mặt sau đó.

Câu chuyện trao đổi từ bài vở đã chuyển sang âm nhạc, thơ văn, và đôi khi cũng có vài quan niệm tình cảm. Nhưng đã quá muộn để có cơ hội “ đầu tư “ vì hắn bị gọi trình diện nhập ngũ theo luật Tổng Động Viên. Cho đến sau ngày thi cuối khóa, khi hẹn nhau dưới phố, hắn cũng không có được một câu bày tỏ tâm sự. Đêm đó, hắn thức cho tới sáng, nắn nót dòng nhật k‎ý để kỷ niệm một mùa trọ học và cũng để nhớ mái tóc dài cùng hắn chung đôi lần đầu và cũng là lần duy nhứt.

Hình ảnh của nàng chợt ẩn hiện trong đầu khi hắn sực nhớ lá thư của nàng gởi và hắn vừa nhận đuợc ngay trước khi có lệnh lên đường công tác chiến tranh chính trị. Lá thư đầu tiên nàng viết cho hắn theo địa chỉ của quân trường, trong đó lời lẽ cũng không khác gì như lúc còn học chung với nhau: vừa phải trong biểu hiện tình cảm và hầu như chỉ nói về niên học mới của cả Viện Đại Học Đà Lạt…
“ - Nghe Huy nói đi chuyến xe sớm nhất nên ra đây chờ. Không dè…
- Thức cả đêm nên dậy trễ. Nhưng còn anh Thưởng…
- Mấy ông xỉn nên đang ngủ nướng. Ngọc phụ chị Nga dọn hàng rồi ra bến xe tìm Huy.
- Đâu cần Ngọc phải nhọc lòng như vậy!
- Sao lại không!? Mình chưa nói được chi nhiều kia mà!
- Đành là vậy. Nhưng Ngọc đã có anh Phước…
- Không đúng hẵn! Ngọc chưa thật sự cảm nhận tình yêu của anh Phước, nhưng với Huy thì..
- Huy làm sao bì được với anh Phước. Anh ấy…
- Sao yếm thế quá vậy! Huy phải mạnh bạo lên mới được. Yêu thì cứ nói là yêu. Cứ như vậy thì ai biết được lòng mình ra sao!?
- Ngọc làm Huy ngạc nhiên quá! Vậy còn Ngọc thì sao. Có…
- Không có cảm tình với Huy thì ra đây tìm và chờ Huy cả giờ đồng hồ để làm gì chứ!?
- Nhưng Huy vẫn chưa hiểu, vì mới hôm qua Ngọc vẫn còn kín đáo lắm.
-Thì phải vậy chứ sao! Không lẽ cho anh Phước hay hai đứa bạn của Ngọc biết à ?!
- Hôm nay Ngọc lạ quá!.
- Lạ chỗ nào?
- Bình thường thì Ngọc trầm lắm. Rất hiếm khi thoải mái như bây giờ.
- Bây giờ thì bạo miệng quá phải không!?
- Ờ thì…
- Hôm qua và hôm nay khác nhau xa.
- Vậy Huy hỏi thật. Ngọc có …
- Trời ơi! Sao mà hiền quá vậy! Người ta đã mở hết lời, hết ý ‎mà vẫn chưa hiểu gì hay sao!?
- Không phải! Huy chỉ muốn…
- Muốn gì mới được?!
- Muốn hôn một cái cho đã!
- Không được! Đừng nha…Đừng! Huy! Huy!... “

Hắn giật mình, choàng tỉnh. Không phải nàng mà là gương mặt của Lâm Hoài Nam đang lay gọi hắn.
- Đói bụng mà cũng “ phê ” được sao!?
Nam vừa hỏi vừa nắm tay hắn lôi dậy.
- Còn cười cười và láp nháp cái gì nữa đấy.
Một bạn khác tiếp lời.
- Ê Huy! Chiếu phim lại cho tụi này nghe đi! Mơ thấy người đẹp nào vậy?
Hắn phủi lớp bụi đất trên quần áo, làm bộ nhăn nhó:
- Chưa kịp tay tay, chưn chưn thì bị lôi đầu dậy rồi. Có gì để mà kể chứ!
- Thôi! Xe tới rồi kìa. Lo lên xe mau.

Nam thúc hối cả đám. Chiếc xe Dodge quay đầu trở về hướng quận đường. Hắn ngồi im lặng nhìn rặng núi xa xa, cố nhớ lại giấc mơ ngắn ngủi, dễ thương vừa qua. Những ước mơ thầm kín bị dồn nén. Một hiện thực không bao giờ xảy đến trong đời nên đã âm thầm thẩm thấu vào tận cùng tâm não, để từ đó biểu hiện qua mơ mộng viển vông.

Chút hình ảnh trong mơ đủ làm hắn bồi hồi nhớ về Đà Lạt rồi dàu dàu nhìn lại hoàn cảnh sống trong thực tại. Bằng một hành động gần như vô thức, hắn quay sang Nguyễn Duy Tân và lập lại đúng câu hỏi của Tân khi nãy:
- Giờ này họ đang làm gì nhỉ?!

Không có câu trả lời. Chỉ có tiếng gió rít hòa với những tiếng động quen thuộc của xe chạy trên đường. Nắng vẫn gay gắt, đổ lửa, nhưng trong hắn vừa nhen nhúm chút hạnh phúc mát lòng, khi nhìn lại được mái tóc dài của khung trời kỷ niệm, dù chỉ trong một giấc mơ hoa thật ngắn ngủi.

Huy Văn
(Để nhớ Nguyễn Duy Tân R.I.P và chuyến công tác CTCT tại Quận Hòa Đa, Tỉnh Bình Thuận. 19/11/1972 - 19/01/1973)

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Tiếng Thơ Hoa Vàng: Mùa Thu Trong Thơ Đường


Thực Hiện: Chi Huệ

Ôi Chao Mười Tám!



Ôi chao cái tuổi dại khờ
Vô tư mười tám nào mơ mộng gì
Hồn hoa đang độ xuân thì
Biết đâu có kẻ tình si trộm nhìn

(Căn Nhà Cũ Đường Văn Thánh Vĩnh Long 1968)

Thơ & Ảnh: Kim Phượng 


Hạt Mưa Niềm Nhớ


Ảm đạm đêm ngày mưa xối xả
Cali bão gió thả quay cuồng
Lòng se thắt dậy nỗi buồn
Bên ngoài trắng xoá hạt tuôn không ngừng

Nhớ quá quê mình dưng muốn khóc
Nhớ từng ngõ ngách góc
quanh nhà
Vườn rau luống cải bông cà
Chuối cau, gốc ổi với là khế xanh

Mẹ nấu tôm cùng canh mướp ngọt
Ưa tìm hái những đọt rau lang
Mọc hoang mé giậu dễ dàng
Đói no đỡ tủi cả làng nhờ nương

Kỷ niệm xưa tình thương chất nặng
Đường Đoàn thị Điểm vắng nên thơ
Hàng cây Đại Nội giăng mơ
Cuối thành hồ Tịnh Tâm mờ lối sương

Bỏ Huế đi hồn vương vấn đến
Tràng Tiền, núi Ngự, bến Vân Lâu
Đêm về gối nguyệt canh thâu
Mơ bừng nắng hạ đỏ mầu phượng yêu

Lãng đãng lối thu thêu mộng ước
Sầu Đông Vỹ Dạ bước chân êm
Gió hôn mái tóc bay mềm
Gót hồng giẫm xác hoa thêm đẹp ngời

Lạnh lẽo ngày đông trời bão lụt
Mong cầu mực nước rút liền nhanh
Mùa màng hư hại đã đành
Người dân cuộc sống chiếu manh thảm rầu

Mắt xốn cay nhoà lâu trĩu nặng
Còn mưa mù mịt lắng âu sầu
Một vùng ký ức ăn sâu
Cố đô lưu luyến mượn câu thơ tràn

Minh Thuý Thành Nội

Tháng 12/13/2021

Lạnh Lùng!


Bài Xướng:

Lạnh Lùng!

Lòng đà nguội lạnh mặc thu sang
Không xót, không thương chiếc lá vàng
Không để nhạc thu làm thổn thức
Hững hờ dế lạnh nỉ non than

Không nghe lanh lảnh vịt từng bầy
Man mác lưng trời lướt gió mây
Bỏ lại đồng hoang bao tổ ấm
Bơ vơ lau lách tuyết rơi đầy!

Không còn xao xuyến mảnh trăng tan

Mặc cánh hoa rơi kiếp phủ phàng
Mặc tiếng rừng chiều nai réo gọi
Không nhìn phố sá tím chiều hoang.

Lạnh lùng không lắng tiếng mưa thu
Mặc gió thê lương khói mịt mù
Mặc cánh chim ngàn đôi cánh mỏi
Mặc người chinh phụ khóc chinh phu!

Chiêm chiếp trên cành bỗng cảm thương
Một con chim nhỏ lạnh trong vườn.
Bỗng nghe chai đá dường tan biến
Xao xuyến thu ơi nỗi đoạn trường!

Mailoc
12-09-21
***
Bài Họa:

Từng Đêm Thao Thức

Âm thầm lặng lẽ tiết đông sang
Chậu cúc ngoài hiên rũ cánh vàng
Cây cối co ro trong giá lạnh
Góc nhà âm ỉ bếp hồng than

Như con chim lẻ chịu xa bầy
Rời bỏ đường bay với đám mây
Sống kiếp cô đơn đời tẻ nhạt
Một mình thui thủi nhớ thương đầy

Nỗi sầu chất chứa mãi không tan
Tình vẫn keo sơn chẳng phụ phàng
Sao phải chia lìa hai lối rẽ
Trong chiều thu ấy, mộng tan hoang

Từng mùa thu đến lại mùa thu
Chân bước đường xa cõi tối mù
Đơn lẻ bên trời riêng chiếc bóng
Từng đêm ôm gối vọng hiền phu

Mười mấy năm rồi vẫn nhớ thương
Đêm nghe tiếng lá rụng sau vườn
Ngỡ chân ai bước lên thèm cửa
Rồi lại rời xa...suốt dặm trường

Phương Hà
 09/12/2021
***
Mộng Đêm Trường!


Mấy mùa lặng lẽ Giáng Sinh sang
Héo hắt sầu vương nét võ vàng
Khắc khoải trời quê lưu luyến mãi
Đêm tàn mòn mỏi lấy ai than
 
Ta như con quốc lạc xa bầy
Xoãy cánh phương người lẫn khuất mây
Biết đến bao giờ trời sáng lại
Cùng nhau chia sẻ những vơi đầy
 
Mộng mơ thoáng chốc mộng mơ tan
Oan trái ai gieo nỗi phụ phàng
Gặp gỡ nhau chi rồi cách biệt
Hành trình đơn độc phiến hồn hoang
 
Dáng ai mờ ảo cuối trời thu
Mái tóc bạc phai lớp bụi mù
Khắc khoải đa mang thăm thẳm nhớ
Nhớ quanh nhớ quẩn nhớ tình phu
 
Kỷ niệm ngày xưa nỗi hoài thương
Hoa tim bừng sáng trổ đầy vườn
Đồng tâm tri kỷ đời dẫu muộn
Đôi bóng cùng mơ giấc mộng trường!


Kim Oanh
Melbourne 12/2021


Thu Dạ Khúc 秋夜曲 - Vương Duy


秋夜曲 Thu Dạ Khúc - Vương Duy
(Thịnh Đường)

Vương Duy (701 - 761) tự là Ma Cật, hiệu Ma Cật cư sĩ. Quê ở huyện Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Trung Quốc.

Ông xuất thân trong một gia tộc danh giá thời Đường là Thái Nguyên Vương thị. Cha ông là Vương Xử Liêm, mẹ là Thôi thị. Năm 721, ông đỗ Tiến sĩ, nhận chức quan Đại nhạc thừa, tuy nhiên sau đó phạm điều cấm nên phải đến Tế Châu làm tham quân.

Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhạc sĩ, một thư pháp và một chính khách thời Thịnh Đường. Ông góa vợ lúc 30 tuổi và suốt đời không tục huyền. Thơ tình của ông tuy lãng mạn nhưng vẫn nghiêm trang vì ông còn là một Phật tử thuần thành.
Thu Dạ Khúc là một bài chứa đựng nét chính trong đời ông.

Nguyên tác            Dịch âm
秋夜曲                    Thu dạ khúc

桂魄初生秋露微 Quế phách sơ sinh thu lộ vi,
輕羅已薄未更衣 Khinh la dĩ bạc vị canh y.
銀箏夜久殷勤弄 Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng,
心怯空房不忍歸 Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy.

Dịch nghĩa:

Khúc Nhạc Đêm Thu

Vầng trăng mới sinh, sương thu thưa thớt (bầu trời đã se lạnh),
Vương mặc áo lụa mỏng phai màu mà không mặc áo khoác (nên cảm thấy lạnh).
Đêm khuya rồi mà tiếng đàn tranh vẫn tấu khúc ân tình (Vương không chịu nổi tiếng nhạc ân tình này nữa),
Sợ phòng không lạnh lẽo chẳng dám vào (muốn nhưng không dám vì trong phòng có thêm cái lạnh của cô đơn).

Chú giải

桂魄 Quế phách: Chỉ ánh trăng (chị nguyệt)
Chị nguyệt sơ sinh: trăng non của ngày đầu tháng, hình lưỡi liềm.
輕羅 khinh la: lụa mỏng, dịch là xanh xao, một tính từ được nhân cách hóa để chỉ mỏng manh.
空房 không phòng: phòng hư không vì vắng tình (chứ không phải phòng trống rỗng).

Dịch thơ:

Khúc Nhạc Đêm Thu

Trăng vẫn còn non sương nhẹ bao,
Lụa may áo mỏng đã phai màu.
Đàn tranh khuya vẫn ân cần tấu,
Sợ lạnh phòng không chẳng dám vào.

Lời bàn:
Bài thất ngôn tuyệt cú tả một tráng niên góa vợ (Vương Duy) ngồi ngoài hiên nghe một khúc nhạc đêm thu trong một bối cảnh gợi nhớ tới vợ:
- Câu 1:
Trong một đêm thu đầu tháng (trăng còn non, lưỡi liềm), sương rất nhẹ (Vương ngồi một mình ngoài hiên trước cửa phòng, vợ đã khuất núi).
- Câu 2:
Vương mặc áo lụa mỏng đã bạc màu và quên mặc thêm áo khoác (không gian se lạnh, áo lụa cũ mỏng manh, người yêu xa khuất).
- Câu 3:
Đêm đã khuya mà tiếng đàn tranh (lân cận) vẫn thánh thót khúc ân tình (Trong tâm trạng cô liêu, Vương nghe tiếng đàn vẳng đến như một thứ yêu tinh vò nát trái tim mình).
- Câu 4:
Vương cảm thấy lạnh (áo lụa mỏng, sương đêm thu, ngồi ngoài trời) nhưng vẫn ngồi lỳ ở ngoài hiên không dám vào vì phòng không, vắng vợ, sẽ làm tăng cái lạnh của cô đơn ở trong lòng (không khí trong phòng ấm hơn sẽ đánh thức cái lạnh ở trong lòng).

Ôi! 28 chữ của bài thất ngôn tứ tuyệt này sao mà mênh mông thế!

Tái bút:
Bài 557 đã được lột xác (như trên) sau khi ỐC đọc góp ý của Bát Sách: Người ngồi ngoài hiên nghe đàn tranh là Vương Duy (góa vợ) chứ không phải một thiếu phụ vô danh nhớ chồng như ÔC nhận xét lúc đầu.

Con Cò
***
Nỗi Lòng Đêm Thu

Làn sương thu mờ nhạt
Vầng trăng non hao gầy
Tiếng đàn tranh thổn thức
Áo lụa phai chưa thay
Ngại khuê phòng quạnh vắng
Lần khân nán lại đây

Yên Nhiên
***
Vương Duy sinh năm 699, mất năm 759, người huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây. Ông đậu tiến sĩ năm 21 tuổi, được bổ làm Đại Nhạc Thừa, rồi bị giáng làm tham quân tại Tế Châu. Khi Trương Cửu Linh làm Trung Thư Lệnh, ông được triệu về kinh làm Hữu Thập Di, thăng Giám Sát Ngự Sử, rồi Lại Bộ Lang Trung. Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, ông bị nhốt ở chùa Bồ Đề, rồi bị bức làm chức Cấp Sự Trung. Khi loạn yên, đáng lẽ bị tội, ông lại được phục chức vì có làm bài thơ “ Ngưng Bích Trì “ tỏ lòng nhớ triều xưa, và nhờ Vương Tấn, đang làm Hình Bộ Thị Lang xin giải chức chuộc tội cho anh. Sau ông thăng đến Thượng Thư Hữu Thừa.

Ngoài tài làm thơ, Vương Duy còn giỏi âm nhạc, thư pháp và hội họa. Người ta thường khen ông là “ thi trung hữu họa, họa trung hữu thi “ (trong thơ có họa,trong họa có thơ) Ông cũng biết mình làm thơ không hay bằng vẽ nên đã từng viết:

Đương đại mậu từ khách,
Tiền thân ứng họa sư.

(Kiếp này làm thi khách,
Tiền thân vốn họa sư)

Ông còn rành về Phật học nên mới lấy hiệu là Ma Cật.

Thu Dạ Khúc

Quế phách sơ sinh thu lộ vi.
Khinh la dĩ bạc vị canh y,
Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng.
Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy.

- Quế phách là ánh trăng.
- Sơ sinh là mới, là trăng đầu tháng, trăng non.
- Lộ là sương.
- Vi : nhỏ, nhẹ.
- Bạc là nhạt mầu.
- Ân cần: chu đáo, quan tâm, tình ý thiết tha.
- Lộng là tấu đàn, tấu sáo .

Chữ đầu của câu 2, Thi viện phiên âm là Kinh, phải là Khinh mới đúng. Khinh la là lụa nhẹ.
Theo ý BS, đây là một bài thơ khóc vợ rất thảm thiết của Vương Duy. Vương hoá vợ năm 730, khi ông mới 31 tuổi, nhưng vì yêu vợ, không bao giờ tục huyền.
Nếu giải nghĩa theo văn xuôi, thì bài thơ sẽ như sau đây:

Vào đầu tháng, trăng còn non, ánh sáng mơ hồ, sương thu rơi nhẹ.. Áo lụa mỏng đã bạc mầu mà chẳng thiết thay, vì không còn để ý gì tới việc chưng diện nữa. (Không có em thì anh không cần mặc đẹp nữa). Đêm đã khuya, mà tiếng đàn ngân tranh của ai còn vang lên điệu nhạc đầy tình ý thiết tha. Tiếng đàn ấy gợi lại bao nhiêu kỷ niệm ân ái mặn nồng của anh và em, vì vậy, lòng anh sợ hãi, không có can đảm để trở về căn phòng, cô đơn một mình một bóng… Câu này thật thấm thía, chân thành, không có vẻ trình diễn như hai câu thơ khóc Bằng Phi của vua Tự Đức:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Khúc Hát Đêm Thu

Trăng non đầu tháng, nhẹ sương bay,
Áo lụa phai màu, chán chẳng thay,
Đàn tranh đêm vắng, tràn ân ái,
Về lại phòng không sợ nhớ ai.

Bát Sách.
(Bài này phải để tặng riêng anh Bảo, vì nó nói lên tâm trạng của anh đó)
***
Khúc Nhạc Đêm Thu

1/
Trăng khuyết sương thu ánh sáng mờ,
Chưa thay áo mỏng bạc mầu tơ.
Đàn tranh canh vắng ân cần tấu,
Trở lại cô phòng sợ vẩn vơ.

2/
Sương thu trăng khuyết tối mờ,
Chưa thay áo mỏng lụa tơ bạc mầu.
Đàn tranh ai dạo đêm thâu,
Ngại ngùng trở lại âu sầu phòng cô.

3/
Vầng trăng khuyết sương thu nhạt phủ,
Áo mỏng tơ bạc cũ chưa thay,
Đàn khuya dạo khúc đắng cay,
Ngại ngùng chẳng muốn về ngay cô phòng.

Mỹ Ngọc.
***

Khúc Hát Đêm Thu  

Sương thu nhè nhẹ nguyệt sừng trâu
Áo chửa đổi thay lụa bạc màu
Khuya khoắt đàn tranh tha thiết trổi
Buồng không, lòng vắng chẳng về mau!

Lộc Bắc
***
Trăng già tháng bẩy vướng mưa Ngâu
Áo lụa dùng lâu đã bạc mầu
Đàn nguyệt xa gần ái tấu mãi
Vào phòng chỉ sợ có nhau đâu

 Lạc Thủy Đỗ Quý Bái 
***
Nguyên Tác:         Phiên Âm:

秋夜曲 -王維       Thu Dạ Khúc - Vương Duy

桂魄初生秋露微 Quế phách sơ sinh thu lộ vi
輕羅已薄未更衣 Khinh la dĩ bạc vị canh y
銀箏夜久殷勤弄 Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng
心怯空房不忍歸 Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy

Bài thơ này được đăng trong các sách:

· Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp Quyển 26 Tạp Khúc Ca Từ 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
· Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp Quyển 346 Vương Nhai 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
· Đường Thi Kỷ Sự - Tống - Kế Hữu Công 唐詩紀事-宋-計有功
· Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐人萬首絕句選-宋-洪遂


Bài tứ tuyệt này không có dị bản, nhưng có 2 điều đáng chú ý:

1- Hầu hết các mộc bản (Thanh, Minh, Tống) ghi tác giả là Vương Nhai 王涯 (bộ thủy氵) thay vì Vương Duy王維 (bộ mịch糸) như chính bản của sách Quách Mậu Thiến và sách Vương Duy.

Toàn Đường Thi Khố 全唐诗库cũng cho bài thơ là của Vương Nhai, thi nhân thời Trung Đường, cùng với 20 bài thơ khác.
Trong tựa bài Thu Dạ Khúc đăng trong Đường Thi Tam Bách Thủ, Hành Đường Thoái Sĩ có ghi chú: tha bổn câu tác vương nhai kim chiếu quách mậu thiến bổn秋夜曲 đọc 他本俱作王涯今照郭茂倩本 có bản khác nói tác giả là Vương Nhai, như trong bản của Quách Mậu Thiến. Trong hình bên dưới chữ nhai涯 viết giống chữ hoài淮, nhưng không thể là Vương Hoài được vì Vương Hoài là thi sĩ đời Tống sanh sau Vương Duy/Nhai gần 100 năm.
Nhạc Phủ Thi Tập Quách Mậu Thiển 郭茂倩(1041-1099)
《秋夜曲》他本俱作王淮, 今照郭茂倩本 王维
桂魄初生秋露微, 轻罗已薄未更衣. 银筝夜久殷勤弄, 心怯空房不忍归貌为闹热, 心实凄凉, 非深于涉世者不知.

2- Bài thơ là phần 2 của bài Nhị thủ do Vương Duy làm, xem:
· Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬
· Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書
· Nhạc Phủ Thi Tập - Tống - Quách Mậu Thiến 樂府詩集-宋-郭茂倩
· Vương Hữu Thừa Tập Tiên Chú - Đường - Vương Duy 王右丞集箋注-唐-王維


Cũng cần nói thêm là Ngự Định Toàn Đường Thi cho phần 1 là thơ của Trương Trọng Tố có cùng tựa Thu Dạ Khúc. Phần 2 mới là của Vương Nhai hay Vương Duy. Có thể nào NĐTĐT nhầm chăng như đã nhầm Vương Nhai với Vương Duy.

秋夜曲 -王維         Thu Dạ Khúc - Vương Duy

丁丁漏永夜何長 Chênh chênh lậu vĩnh dạ hà trường
漫漫輕雲露月光 Mạn mạn khinh vân lộ nguyệt quang
秋逼暗蟲通夕響 Thu bức ám trùng thông tịch hưởng
寒衣未寄莫飛霜 Hàn y vị kí mạc phi sương

桂魄初生秋露微 Quế phách sơ sinh thu lộ vi
輕羅已薄未更衣 Khinh la dĩ bạc vị canh y
銀箏夜久殷勤弄 Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng
心怯空房不忍歸 Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy

Ghi chú:

Quế phách: chỉ mặt trăng. Tục gọi cái bóng đen ở trong mặt trăng là cóc, là thỏ, là cây quế. Phàm vật gì tinh khí hết kiệt, chỉ còn hình chất lại gọi là phách. Chỗ không có ánh sáng. Vì thế mặt trăng ngày mồng một gọi là tử phách 死魄. Bài Thương Chúc A Vương Minh Phủ 伤祝阿王明府 của Lạc Tân Vương có câu: Ta hồ, luân tiêu quế phách 嗟乎,轮销桂魄 Ôi, tiêu điều trăng khuất.

Khinh la: vải lụa mỏng
Canh y: thay quần áo; chỉ cung nữ; nơi nghỉ ngơi thay quần áo
Ngân tranh: đàn tranh được trang trí bằng bạc hoặc từ bạc để tranh có giai điệu cao và thấp.
Ân cần: tình cảm sâu sắc; nhiệt tình chu đáo; tình cảm chân thành từ trái tim
Tâm khiếp: rụt rè, sợ hải
Không phòng: nhà ở một mình; nhà không có người

Dịch Nghĩa:

Thu Dạ Khúc Bài Hát Đêm Thu

Quế phách sơ sinh thu lộ vi Vầng trăng mới mọc, sương thu thưa thớt,
Khinh la dĩ bạc vị canh y Lụa mỏng phai màu mà áo chưa thay.
Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng Đêm khuya rồi mà tiếng đàn tranh như suối bạc vẫn róc rách khúc ân tình,
Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy Lòng e sợ phòng không vắng chẳng dám/muốn về.

Lạm bàn:

Câu thơ đầu tả cảnh nhàn nhã, đêm thu mát lạnh, nhưng tịch mịch thê lương, thiếu phụ cô đơn giữ khuê phòng.
Áo lụa mỏng chàng tặng lúc ra đi đã phai màu vì đã mặc nhiều lần và thường xuyên để nhớ đến chàng.
Đêm thu lạnh nhưng nàng không thay áo. Nàng để hết tâm tư và thân thể vào tiếng đàn. Lòng thổn thức nhưng không oán hận.
Phòng không chắc lạnh lắm, nhưng không lạnh hơn lòng nàng, có vào sớm cũng khó ngủ.

Dịch Thơ:

Bài Hát Đêm Thu

Sương thu dấu trăng sao,
Áo mỏng đã phai màu.
Tiếng tranh khuya rạo rựt,
Phòng không chưa muốn vào.
Vầng trăng mới mọc sương thu mờ,
Áo lụa chưa thay cố đợi chờ.
Khuya vắng tiếng tranh ngân thổn thức,
Phòng không lòng lạnh chẳng ơ thờ.
Sương thu phủ kín trăng non,
Mong manh áo lụa vẫn còn chưa thay.
Tiếng tranh khoắc khoải xa bay,
Lòng sợ phòng trống đêm nay chẳng về.

Phí Minh Tâm
***

A Song Of An Autumn Night by Wang Wei

Under the crescent moon a light autumn dew
Has chilled the robe she will not change --
And she touches a silver lute all night,
Afraid to go back to her empty room

Translation by Witter Bynner
***
Autumn Night by Wang Wei

The moon's orb just rising, a sprinkling of autumn dew,
The light silk dress too thin, but she will not change it.
All night long she plays diligently on her silver-chased harpsichord:
Afraid of the empty room, she cannot bear to go in.

Translation by Innes Herdan
***
A Song for an Autumn Night by Wang Wei

The moon has just shown her face on a night with slight autumn dew,
Her thin robe becoming light, yet for a change of clothes she makes no move.
On her silver cittern she plays heartily all evening,
Concealing her dread of returning to her lonely room.

Translation by Betty Tseng
***
An Autumn Night by Wang Wei

Chilled by light autumn dew beneath the crescent moon,
She will not change her dress though her silk robe is thin.
Playing all night on silver lute an endless tune,
Afraid of empty rooms, she can’t bear to go in.

Translation by Xu Yuan-Zhong
***
Cảm Tác:

Trăng khuyết lơ lửng trời cao
Em đâu trên ấy lao xao tiếng lòng
Ngày đêm anh vẫn hoài mong
Chờ em thổi sáo mở lòng tình thương
Du điệu lâu còn vấn vương
Từng nhịp đứt ruột nhu cương tuyệt vời
Anh vẫn chờ em suốt đời
Một ngày tiếng sáo ngỏ lời ái ân

Đồ Cóc
***
Góp ý:
Ai là tác giả của bài 秋夜曲 này?

Một lý do đơn giản cho câu hỏi này là vì có 420 bài thơ được gán cho Vương Duy nhưng người đời nghĩ rằng chỉ có 370 là thật sự của họ Vương. Đa số thơ của VD, cũng như tranh của ông ta, tả cảnh đất trời, mây nước và có ít bóng dáng con người. 29 bài được liệt kê trong Đường Thi Tam Bách thủ, và hình chụp ở dưới là trang mộc bản cho bài 秋夜曲:

Những chữ nhỏ dưới tựa đề 秋夜曲 đọc 他本俱作王淮今照郭茂倩本=tha bổn câu tác vương hoài kim chiếu quách mậu thiến bổn. (có bản khác nói tác giả là Vương Hoài, như trong bản của Quách Mậu Thiên [thế kỷ 11]).

Các chữ 维=duy, 淮=hoài, và 涯=nhai viết khá giống nhau. Anh Tâm tìm ra Vương Nhai thời Đường nhưng Wikipedia chỉ cho tôi những Vương Hoài từ thời Tống (sau thời Quách Mậu Thiên!) trở về sau. Có một phết nhỏ trên đầu chữ 淮 trong mộc bản nên ta không thể đọc nó là nhai. Thế có nghĩa là mộc bản của ĐTTBT khắc sai? Và ai thật sự là tác giả?

Bát Sách để ý rằng đây một bài thơ tình thay vì thơ tả thiên nhiên và tôi phân vân nhà thơ với biệt danh là Thi Phật, tự xưng là Vương Duy Ma Cật, và ở góa từ tuổi 32 có làm thơ loại này không?

(Vi Duy Ma Cật là chuyển ngữ cho Vimalakirti, tên của một nhân vật huyền thoại đồng thời với Thích Ca nhưng chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong kinh của Long Thọ (tk 1-2). Nhân vật này được phái Đại Thừa xưng tụng như là người phàm tục thông thái và quyền phép chỉ thua Thích Ca, và ông ta giàu sụ. Tôi có cảm giác người tự xưng là Duy Ma Cật không khiêm nhường cho lắm!)

Huỳnh Kim Giám