Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Giọt Tình Mưa Bay - Sáng Tác & Trình Bày Cát Tưởng


Sáng Tác & Trình Bày Cát Tưởng

Về Đây Nghe

(Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long Năm 2011 - Kim Phượng)
 
Mái nhà xưa nhớ ơi là nhớ
Lộng ngọc thời hoa mộng tuổi thơ
Màu áo xanh mây trời kỷ niệm
Lần chia ly mắt lệ hoen mờ

Con đường đó dấu yêu chân sáo
Từng bước qua xao xuyến ngập ngừng
Rải rác sân vài bông sứ trắng
Phượng hồng kia sắc máu rưng rưng

Bầy ve nhỏ phá tan yên tĩnh
Hòa tiếng lòng rao khắp viễn phương
Ngày họp mặt đâu xa mấy nữa
Về đây nghe...Kỹ Thuật chung trường

Kim Phượng

Tình Chờ


Đêm nay gió thả rơi giọt lạnh 
Thoáng âm u quay lại phím đời 
Lòng tự hỏi, có, không tội lỗi
Thuở tình trao nở trắng như vôi 

Em phương nào chân trời tóc trắng
Gió thu xa lất phất bên người 
Còn nhớ không một đêm mưa gió 
Chuyến xe đò chúng mình kết đôi 

Ta yêu nhau như lá xuân gội 
Thẫm mưa bay rét mướt tình đời
Quán ven đường khách hàng thưa vắng
Tặng riêng ta một cõi thảnh thơi 

Thế gian này nếu em còn sống
Hãy gọi anh dù có ngậm ngùi 
Uống cho nhau ít dòng lệ sót
Để trọn tình một thuở rong chơi 

Locphuc

Chè Trà Trứng Cút



Nhớ lại ngày xưa thỉnh thoảng chị Hai nấu chè hột gà với trà cho má và cả nhà cùng ăn. Mỗi khi ăn món chè nầy thì ai cũng nhớ đến Ba.
Theo NM được biết món chè nầy là của người Hoa, cách nấu thật đơn giản và nhanh. NM không biết bạn mình có ai thử qua món chè nầy chưa.
Chè ngon nhưng sẽ hơi ngán nếu ăn hai hột gà một lúc, sau nầy mình dùng trứng cút thế hột gà thì sẽ ít ngán hơn.
NM xin chia sẻ recipe cho các bạn nấu thử nếu chưa từng ăn qua món chè trà với trứng cút.

Nguyên liệu:

12 trứng cút
2 chén nước lạnh (400ml)
1 1/2 muỗng canh lá trà
(hoặc 1 bịt trà Lipton loại English Breakfast)
4 tbsp (muỗng canh) đường cát trắng (hoặc vài viên đường phèn)
1 lóng gừng nhỏ

Cách làm:

1. Trứng cút luộc chín, lột bỏ vỏ.
2. Gừng nướng sơ, gọt bỏ vỏ, xắt thành lát mỏng.
3. Cho lá trà vào nước nấu sôi, lượt bỏ xác trà, kế đến cho đường, gừng và trứng cút vào nồi nước trà nấu cho đến khi nước trà hơi sệt và trứng cút sậm màu trà. Nêm lại cho vừa khẩu vị trước khi tắt lửa.
Chè trứng cút thơm ngon khi ăn nóng.

Như Mai

Còn Lại Gì?



Còn Lại Gì.?

Trả hết trần gian những lụy phiền
Trở về cát bụi...cõi an nhiên
Vàng son danh vọng theo mây gió
Tay trắng đi cùng...giấc ngủ yên...!!!

Bạc Liêu 28/9/2021
Hồng Vân
***
Hoạ:

Ngủ Yên

Biến diệt dòng sinh thoát não phiền

Giữa lòng đất lạnh hưởng thiên nhiên
Buông rời thế sự ru tình đạo
Sống tốt tâm hiền ngủ tĩnh yên

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/28/ 2021
***
An Giấc Miên Trường

Trần gian gởi lại mọi ưu phiền
Cực lạc an lành thật thản nhiên
Giũ sạch bụi hồng trong thoáng chốc
Mong người vĩnh viễn giấc bình yên

Thanh Song Kim Phú
CA Sept/28/2021

Xin Cảm Ơn...



Không đợi đến ngày lễ tình yêu, em mới nói yêu anh
Không chờ đến mùa Xuân mới thấy lòng rạng rỡ
Không cần lễ Giáng Sinh để náo nức, rộn ràng
Không ngóng Tết để thấy mình hớn hở

Cũng chẳng chờ đến ngày lễ Tạ ơn
Em mới biết cảm ơn những gì mình đang có
Bố mẹ dù đã mất, anh chị em, con cái, quà cáp nhận và cho
Cảm ơn Internet, computer làm đời sống hay ho
Cảm ơn bạn thân quý, người tri âm tri kỷ

Cảm kích lắm, đời sống em thi vị
Cảm ơn nhạc trữ tình
Cảm ơn được ngắm nhìn
Những bức hình tuyệt đẹp

Phải anh ạ, đời sống này.. xin cảm tạ
Bầu trời xanh bao la,
Hàng dừa xanh nghiêng ngã
Hàng liễu rũ la đà
Mái chùa rêu cong cong
Áo dài thêu lụa mỏng
Trăng và sao mênh mông
Mây trắng trôi bềnh bồng
Đàn chim bay xoãi cánh…
Cành hoa hồng mong manh

Làm sao mà kể hết?
Em cảm kích từng ngày, biết ơn từng giây phút
Con cảm ơn trời Phật, Thượng đế ở trên cao
Cho còn biết xuyến xao..

Và cuối cùng…
Anh ơi, chẳng quên đâu
Em xin cảm ơn anh
người mà em yêu dấu!

Quách Như Nguyệt


Mùa Lễ Tạ Ơn


Bước sang Tháng Mười Một, trời miền bắc Cali bắt đầu trở lạnh. Gần 10 giờ sáng mà ông mặt trời vẫn còn như ngủ muộn, chưa chịu chui ra khỏi những tảng mây xám và màn sương như trải tấm lụa mỏng che phủ cảnh vật. Không gian ủ ê, xám buồn. Cali mới chớm thu, lá còn xanh. Qua internet gần như khắp nơi, đặc biệt ở Canada và bên miền đông Hoa Kỳ lá đã đổi mầu. Thiên nhiên đẹp như tranh vẽ với màu sắc tươi sáng hài hòa, những rặng cây đỏ thắm, vàng tươi, vàng mơ đua nhau khoe sắc. Lá vàng, lá đỏ rụng xuống dệt thành những tấm thảm dầy bao phủ mặt đất, thỉnh thoảng những chiếc lá khô cũng xào xạc bay theo gió hay vỡ vụn dưới chân. Sắc Thu rực rỡ nên mùa Thu quyến rũ khiến người ta ngất ngây.

Sang Tháng 11 cũng bắt đầu mùa Lễ Tạ Ơn - Thanksgiving. Theo truyền thống của đại gia đình họ Đỗ chúng tôi, Thanksgiving là ngày “Family Reunion”, tất cả con cháu sẽ tụ tập tại Đỗ Gia Trang từ Thứ Năm đến Chủ Nhật mới chia tay. Năm ngoái, năm 2020, vì bị nạn dịch Covid-19 ngăn trở, Đỗ Family Reunion đã được tiến hành qua Zoom. Tuy không được cận kề bên nhau, nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì cả đại gia đình vẫn “gặp mặt”, vẫn nhắc nhở công đức của ông bà, vẫn ca hát, chuyện trò, vẫn rúc rích tiếng cười...

Nạn dịch kéo dài không biết đến bao giờ mới dứt, thêm những rắc rối, hỗn loạn của mùa bầu cử, ngồi ngoài vườn, ngước lên trời tìm mây, dõi theo những cụm mây xám lờ lững bay mà tôi thở dài. Tôi mong thời gian mau qua để nhìn thấy quê hương thứ hai của tôi trở lại thanh bình, vĩ đại, tốt đẹp như cũ. Hoa Kỳ sẽ lấy lại được sự kính trọng, mơ ước của mọi người trên thế giới. Một “promised land”cho những người đã phải bỏ quê hương mà đi.

Vì nạn dịch, mọi người phải giới hạn những cuộc gặp gỡ, hội họp, nhưng chị em chúng tôi vẫn “zoom meeting” hàng tháng và “face time” với con cháu thường xuyên. Vì ảnh hưởng của TT Trump, dân Mỹ chia rẽ thành hai phe rõ rệt, bên bênh, bên chống, gây ảnh hưởng rất tai hại vào sinh hoạt của các hội đoàn, và ngay cả trong rất nhiều gia đình. Ngày trước bạn bè gặp nhau mừng rỡ, đồng đội xa cách thì thấy nhớ, thấy thương. Bây giờ tự dưng vì bất đồng chính kiến mà sự chia rẽ trầm trọng, ghét bỏ nhau, chửi bới nhau nặng nề hơn cả đối với cựu thù! Vì đâu nên nỗi!?

May mắn thay, gia đình chúng tôi không vướng mắc phải cái nạn đau thương đó. Từ thế hệ chúng tôi đến hàng con, hàng cháu đều vì nhớ lời dạy dỗ của cha mẹ tôi là các con phải đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau và bao giờ cũng phải giữ một cuộc sống có ĐẠO ĐỨC, LƯƠNG TÂM và TRÁCH NHỊÊM nên nếp suy nghĩ tương đối cũng gần giống nhau và không đưa đến bất đồng trong sự lựa chọn Tổng Thống của kỳ bầu cử vừa qua.

Từ trước 1975, với bầy con 12 đứa, cha mẹ tôi đã ấp ủ có một Đỗ Gia Trang, một dẫy nhà hình chữ U gồm 13 phòng lớn. Ông bà một phòng và mỗi gia đình con một giang sơn nhỏ để khi ông bà về hưu thì gia trang này sẽ là nơi con cháu tụ họp vào những ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ hay dịp nghỉ hè. Ông sẽ cầm cây gậy chỉ huy của Ông để chỉ huy lũ cháu chắt. Cả một gia trang sẽ rộn rã tiếng cười... Cha mẹ chúng tôi đã mua sẵn mấy mẫu đất trên sườn đồi khu Mê Linh, Đà Lạt, trông ngay ra mặt hồ, phong cảnh thật hữu tình, nên thơ để thực hiện giấc mơ đó. Nhưng ai ngờ, ngày 30 Tháng Tư 1975 oan nghiệt đã đến! Tất cả các mộng ước của ông bà đều vỡ tan. Nhà đã vẽ nhưng chưa kịp xây thì cha tôi, một sĩ quan cấp tá của Quân Đội VNCH đã phải khăn gói đi tù cải tạo. Hơn mười năm cha tôi đã nhục nhằn trong vòng khổ ải từ trại Long Giao trong Nam đến Hà Sơn Bình ngoài Bắc, đến khi được ra tù thì đã sức tàn, lực kiệt.

Mẹ tôi rất giỏi dang, chịu thương chịu khó, cả đời buôn bán chắt chiu, cùng với cha tôi gây dựng cơ nghiệp và nuôi dậy cho anh chị em chúng tôi được nên người. Sau năm 1975, trong khi cha tôi phải đi tù, mẹ tôi đã phải chịu đựng lam lũ để kiếm sống và chăm lo cho các con. Đến năm 1978 nhà mẹ tôi bị đánh tư sản, đồ đạc trong nhà bị kiểm kê, tài sản mất hết! Biết là không sống được với chế độ này, lần lượt mẹ tung các con, từng đứa, từng đứa tìm đường vượt biển, chỉ còn giữ cô út ở nhà với mẹ để chờ bố. Cuối cùng, 11 anh em chúng tôi cũng đoàn tụ trên đất Mỹ, lần lượt lập gia đình và sống rải rác tại hai tiểu bang Texas và Cali.

Mãi đến ngày 20 Tháng Tư năm 1990, một bầy con cháu ra phi trường San Francisco để đón ông bà và dì Út từ Việt Nam sang đoàn tụ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, đến tuổi bẩy mươi ông bà mới được gặp đầy đủ các con, thêm dâu rể và mười hai đứa cháu. Tổng cộng nhân số đại gia đình lúc bấy giờ đã lên gần bốn mươi người. Cha mẹ tôi vẫn luôn mong muốn mỗi năm con cháu phải có một ngày họp mặt đông đủ, cả nhà quây quần với nhau như mộng ước của ông bà ngày trước. Từ khi chúng tôi còn nhỏ, anh con trưởng được cha tôi đặc biệt dạy dỗ và khi anh đi du học thì tôi là con gái lớn được ông coi như cái đầu tầu của đoàn xe lửa nhiều toa của ông. Quan niệm của cha tôi là anh em, con cháu phải giữ sợi dây liên lạc chặt chẽ và phải sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau.

Chúng tôi quyết định chọn ngày Thanksgiving, dịp mà mọi người đều được nghỉ và có một “long weekend” làm ngày họp mặt hàng năm của đại gia đình. Những năm đầu, chúng tôi đã mướn một ngôi nhà thật lớn ở Lake Tahoe để cùng nhau đoàn tụ, chung sống dưới cùng một mái nhà. Cứ thế, như một truyền thống, không cần nhắc nhở mà cứ sau ngày Halloween là từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều kêu gọi nhau và ríu rít bàn về chương trình ngày “reunion”. Cô em thứ mười quen sinh hoạt Hướng Đạo, được giao vai trò trưởng ban tổ chức. Lịch trình sinh hoạt, thực đơn ăn uống và bảng phân công nhiệm vụ được niêm yết rõ ràng. Ngoại trừ các vị “bô lão”, tất cả mấy chục thành viên từ lớn đến nhỏ đều được giao việc hẳn hoi. Cô em Út rất chu đáo trong việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho tất cả mọi người.

Những năm đầu tiên các cháu còn nhỏ nên dù đông nhưng cả đại gia đình vẫn có thể ở chung trong một căn nhà rộng bẩy hoặc tám phòng. Đám cháu choai choai mỗi đứa một cái “sleeping bag”, nằm ngổn ngang ngoài phòng khách, cười đùa rúc rích với nhau. Cha mẹ tôi rất vui sướng trong những ngày có con cháu sum họp đông đủ.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông cụ mặc bộ pyjama trắng, đầu tóc bạc phơ ngồi bệ vệ trong chiếc ghế bành bên lò sưởi ngắm ba thế hệ con - cháu-chắt chơi đùa, bà ngồi trên thảm chơi với những đứa bé bò lổm ngổm xung quanh. Ông bà ngắm nhìn con cháu với nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc. Ông luôn nhắc nhở con cháu phải nhớ đến cội nguồn và phải nói tiếng Việt với nhau, đứa nào nói tiếng Anh ông vờ như không hiểu để cháu phải nói lại bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ có lần cả đám trẻ đang ngồi chơi, líu lo tiếng Mỹ, ông bác cả ra nhắc to: “Speak Vietnamese only!” thì thằng cháu con của một cô em tôi khi đó mới khoảng mười tuổi đứng ngay lên, tay chỉ vào đám “cousins”: “Người Vịt phải nói tiếng Vịt!” làm cả nhà cười bò, ông cụ quay qua nói với ông anh tôi: “Đúng là ông bác gà tồ!” và phì cười vì bác nhắc cháu mà chính bác lại nói tiếng Anh. “Gà Tồ” là bí danh của ông anh cả khi còn nhỏ.

Cha tôi rất quan tâm về học vấn và luôn nhắc nhở chúng tôi “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà đông con, lại là một bầy nhiều con gái, cha tôi muốn các con của ông phải tốt nghiệp đại học để có thể tự lập về tài chánh, sau này khi lập gia đình không phải quá lệ thuộc vào nhà chồng. Về nghề nghiệp ông cũng cho các con tự do lựa chọn theo ý thích để trong tương lai anh em sẽ họp thành một xã hội nhỏ với đủ ngành nghề hầu có thể hỗ trợ cho nhau. Ông luôn nhắc nhở con cháu là con người phải sống có đạo đức, lương tâm và trách nhiệm. Những lời giảng dậy của ông như in vào tâm trí chúng tôi.

Cứ thế, mỗi năm chúng tôi sống với nhau dưới một mái nhà ba ngày liền tại Lake Tahoe. Ngoài bữa “Thanksgiving Dinner” chính với đầy đủ những món ăn đặc biệt cho ngày lễ: gà tây, thịt nguội, roast beef, khoai nghiền, đậu ve, cranberry sauce, salad, pumkin pie...nhà lúc nào cũng có một nồi phở thật lớn trên bếp và đồ ăn, bánh trái ê hề.

Sau mỗi bữa ăn, anh chị em quây quần quanh chiếc bàn dài chuyện trò, tán dóc như ngày xưa còn bé. Có những năm tuyết trắng xóa, cả nhà ngồi bên lò sưởi bập bùng, ngắm tuyết rơi... không ngờ có ngày mình đã được sống trong cảnh thần tiên như thế.

Đến năm 2014, vì duyên may, cô em Út của chúng tôi thấy một toà nhà lớn ở Colfax, miền bắc Cali quảng cáo “for sale”, nhà hai tầng rộng 9,000 square feet, có 15 phòng ngủ với nhà vệ sinh tiện nghi, nhà bếp và phòng ăn rộng rãi thoáng mát chứa được năm đến sáu chục người, toạ lạc trên một khu đất rộng hơn mười mẫu mà ngày trước từng là một “senior home”. Nghĩ tới Đỗ Gia Trang, nhớ đến nguyện ước của bố, cô Út đã mua và đem hết “saving” ra tân trang thành một căn “vacation home” có một không hai và hãnh diện vẽ bảng “Đỗ Gia Trang”treo ngay lên cổng vào tòa nhà. Thế là từ đó, Đỗ gia Trang- Colfax đã trở thành nơi tụ họp cố định coi như nhà tổ để cứ mỗi muà Thanksgiving là con cháu Đỗ Gia từ khắp mọi nơi lại “tung cánh chim tìm về tổ ấm”.

Theo thời gian cha mẹ tôi lần lượt quy tiên, ông anh cả và một cô em gái cũng đã ra người thiên cổ. Thế nhưng, tre già thì măng mọc, lá vàng rơi thì cây non lại đâm chồi. Mỗi năm lại thêm mấy đứa bé ra đời, Đỗ Family ngày càng thêm đông. Đến nay tổng cộng đã hơn 60 thành viên. Mấy cô em tôi phải vẽ ra một “Family Tree” để mỗi khi gặp nhau lại đem ra làm màn đố vui cho bọn trẻ biết đến liên hệ họ hàng.

Ngày họp mặt Thanksgiving mỗi năm chúng tôi lại nhắc nhở và tri ân ông bà. Ông Bà như tổ tiên của dòng họ Đỗ trên miền đất mới. Nhờ ông bà khuyến khích mà con cháu giữ được ngày truyền thống đáng quý này. Cám ơn đất nước Hoa Kỳ, quê hương thứ hai đã cưu mang chúng tôi và cho chúng tôi cơ hội vươn lên, thành đạt, có một cuộc sống an bình, một tương lai phơi phới. Chúng tôi nhắc đến những người đã khuất, thêm tên thành viên mới. Xem lại những kỷ niệm cũ qua những hình ảnh, video để các người mới gia nhập vào đại gia đình như các cháu dâu, cháu rể và các chắt của ông bà biết về nguồn cội. Ban ngày thì từng nhóm có những sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi. Tối đến có màn văn nghệ cho mọi người thi thố tài năng và sau đó lập sòng tại chỗ cho mấy người lớn sát phạt nhau, dù ăn thua chỉ vài chục bạc nhưng lọt sàng xuống nia, ở nhà vui cười, đùa giỡn với nhau chứ không đi cúng cho casino bên ngoài!

Thấm thoắt thế là một năm đã trôi qua, bây giờ đã bước sang Tháng Mười Một của năm 2021 chị em chúng tôi lại bàn nhau cho Thanksgiving năm nay. Chúng mình có rủ nhau về tụ họp ở Đỗ Gia Trang không? Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được ổn định chưa?

Sự đe dọa của Covid khiến mọi người vẫn ngơm ngớp lo lắng, lại thêm những biến thể nguy hiểm của con vi khuẩn khiến còn những ngại ngùng.

Bạn tôi có một ông bác năm nay sinh nhật 110 tuổi vào Tháng Sáu, lúc cơn dịch đã giảm và mọi người đã được chích ngừa đủ hai mũi vaccine, sự đi lại cũng được nới lỏng nên con cháu từ khắp các tiểu bang quyết định cùng về thăm cụ để chúc mừng Đại Thọ. Nào ngờ sau cuộc họp mặt hơn bốn mươi người đó khi về lại nhà thì 12 người bị dương tính với Coronavirus kể cả cụ ông. May mắn là cụ ông bị nhẹ nhất nên chỉ bị cách ly tại nhà còn những người kia phải uống thuốc và sau hai tuần cũng mạnh khỏe và bình phục hoàn toàn. Nghe chuyện cũng ớn quá!

Sau vài buổi hội họp, cân nhắc, bàn tán qua “Zoom meeting”, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức “Đỗ Family Reunion” năm nay. Trừ những tiểu gia đình có con nhỏ chưa được chích ngừa, đại gia đình họ Đỗ sẽ lại hội ngộ, chung sống với nhau dưới cùng một mái ấm của Đỗ Gia Trang, Colfax- California suốt bốn ngày lễ Thanksgiving.

Suốt mấy tuần lễ qua, chị em chúng tôi đều háo hức, nôn nóng được gặp lại nhau “in real life”.

Tôi nhớ, thật nhớ đến những ngày Thanksgiving tụ họp đại gia đình. Ước mong sao năm nay chúng tôi có thể tụ về đông vui được như những năm trước. Từng khuôn mặt các em, các con, các cháu hiện lên rõ nét. Cô em thứ mười của tôi với chương trình “Ước Mơ Việt” nếu gặp được các cháu, học trò của bà trẻ bằng xương bằng thịt mà khảo bài thay vì qua zoom thì vui biết mấy. Cô em thứ tám đang vui với buổi văn nghệ “Muà Thu Cho Em” thành công rực rỡ dù nạn dịch chưa hết có thể gặp chị em mà kể những kỷ niệm đằng sau hậu trường. Chồng của cô em kế tiếp tôi, chủ tịch Hội Chu Văn An miền bắc Cali cũng đang vui với sự thành công của Đại Hội Chu Văn An toàn cầu năm nay được tổ chức tại San Jose có dịp chia sẻ niềm vui trực tiếp với cả đại gia đình...

Hơn 4 giờ chiều trời vẫn xám buồn, những vạt nắng vàng hanh còn đi trốn. Tôi ngồi đây bâng khuâng thả hồn về ngày tháng cũ. Nhớ lại những ngày đầu mùa dịch. Khi có lệnh giới nghiêm mọi người phải ở yên trong nhà, không khí thê lương, hoảng sợ bao trùm. Nhìn đâu cũng như thấy những con vi khuẩn lơ lửng bay. Ở trong nhà mà ngày nào tôi cũng lấy Clorox lau chùi cẩn thận từ cái chốt nắm tay cửa đến mặt bàn và hễ cứ ra vào là phải rửa tay thật kỹ bằng thuốc sát trùng.

Sau vài tháng không ra tới cửa nên gần như ai cũng biếng để ý tới dung nhan, tóc tai lởm chởm nửa trắng nửa đen, quần áo lôi thôi, lếch thếch. May là còn phone, còn internet nên bạn bè vẫn còn liên lạc tán dóc với nhau. Một ngày tôi còn cuộn mình trong chăn, giường gối còn bừa bộn ngổn ngang thì một bà bạn bên Texas gọi phone, chả biết sao đụng nhầm nút facetime, cả hai đứa cùng rú lên rồi cười khanh khách khi thấy hai mụ già đối diện nhau... hahaha...”tao nhìn mày tao mới thấy tao! Sao mình già thế!”

Cô con gái phone hẹn sang đưa mẹ mấy cái khẩu trang đẹp mà một người bạn mới tặng, vài món thịt cá và rau tươi mới đi chợ về, vừa mở cửa ra cô đã thốt lên:
“Sao tóc mẹ bạc phơ thế, mẹ ăn mặc bê bối quá trông mẹ già sộc hẳn đi. Mẹ chịu khó nhuộm tóc, ăn mặc đàng hoàng như mọi khi đi.”
Vào tự nhìn mình trong gương cũng thấy dung nhan sầu thảm thật. Mình tự nghĩ cả ngày ở nhà có đi đâu mà phải sửa soạn, quanh qua nhìn lại cũng chỉ có hai ông bà già nhìn nhau.

Thằng con Út mới khôi hài, cháu mới ra trường đang tìm việc làm, text cho cả nhà khoe hôm nay interview online, nửa trên bảnh chọe còn khi đứng lên thì nửa dưới chàng vẫn để nguyên cái quần xà lỏn!

Ngoài những điều không vui về muà dịch cũng có những khía cạnh lạc quan. Gia đình gần gũi nhau hơn, có nhiều thì giờ với nhau hơn, có những bữa cơm gia đình cả nhà quây quần và mấy bà mẹ trẻ chịu khó nấu nướng hơn. Bọn già chúng tôi thì bầy nhau ủ giá, tráng bánh cuốn, đổ bánh xèo, làm bánh dầy, bánh rợm... Con cháu không dám sang nhà ông bà thì bà chỉ gọi cho biết rồi nói sang nhà bà lấy, bà để sẵn trước cửa.
***
Hai ngày vừa qua mưa gió lê thê. Hôm nay bầu trời sáng, những vạt nắng vàng hanh bao phủ cảnh vật đem tươi vui đến muôn loài, tôi khoác chiếc áo len mỏng ra sân sau hưởng chút nắng ấm. Dạo này buổi sáng tôi thường nghe một buổi nói chuyện của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hoặc một buổi pháp thoại của Thầy Pháp Hòa, tôi thấy tâm thật thanh thản an bình. Tôi nhớ nhiều đến những lời dặn dò của cha tôi khi chúng tôi mới lớn “ Hãy là một viên gạch tốt. Mỗi đơn vị gia đình của các con hãy cố gắng là một viên gạch tốt, tất cả đều là gạch tốt thì xã hội, quốc gia sẽ là một ngôi nhà vững bền, đẹp đẽ, hoàn hảo.”

Thanksgiving là mở đầu cho mùa lễ hội, mùa của tình yêu thương và sự chia sẻ. Xin mọi người hãy dừng lại, hãy nhìn vào bản thiện và lòng nhân trong mỗi chúng ta để khép lại những hỉ nộ ái ố của năm, tháng vừa qua. Hãy hàn gắn những rạn nứt trong tình cảm gia đình, bạn bè... nếu đã lỡ xảy ra, trước khi quá muộn. Hãy cùng người thân hưởng thụ một mùa lễ Tạ Ơn thật đúng nghĩa dù vẫn còn trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch. Happy Thanksgiving đến tất cả mọi người, mọi nhà!

Đỗ Dung

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Mây (Cloud) - Thơ Vi Khuê - Nhạc Trần Uyên Thi


Thơ Vi Khuê 
Nhạc Trần Uyên Thi

Kiếp Thu


Ta ví ta như ngọn gió thu
Ðêm se se lạnh thổi sương mù
Nửa khuya trở giấc cơn mê tỉnh
Mơ dáng sông hồ trong mộng du

Lòng thu xao xuyến buồn chi lạ
Lơ lửng cành hồng giữa bão giông
Gom nhặt tro tàn vùng kỷ niệm
Bao nhiêu niên kỷ lạnh trong lòng

Nàng thu ve vuốt những đài hoa
Tô thắm môi em sắc mặn mà
Bởi nắng hạ vàng oi bức quá
Thiêu mòn thân xác tháng ngày qua

Thu trải niềm riêng với thế gian
Trăng thu vằng vặc giữa mây ngàn
Cho thu hò hẹn cùng trăng gió
Mai mối đem thu đến gặp chàng

Thu đang hạnh ngộ với chàng đây
Mái tóc bồng bềnh tựa khói bay
Dáng dấp phong trần đời nghệ sĩ
Ưu tư trăn trở … dáng hao gầy

Thu ôm ấp mãi bóng hình ai
Sầu lắng từng canh, giọt vắn dài
Cho sắc thu buồn theo nỗi nhớ
Bởi thu nào phải liễu trang đài

Hồn bướm mơ tiên, ôi ảo vọng
Ước mơ, mơ ước chỉ hoài công
Vì thu như kiếp sương rơi rụng
Là ánh chiều tàn giữa nắng đông …

Nguyễn Phan Ngọc An

Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị


元和十年,予左遷九江郡司馬。明年秋,送客湓浦口,聞船中夜彈琵琶者,聽其音,錚錚然有京都聲;問其人,本長安倡女,嘗學琵琶於穆曹二善才。年長色衰,委身為賈人婦。遂命酒,使快彈數曲,曲罷憫然。自敘少小時歡樂事,今漂淪憔悴,轉徙於江湖間。予出官二年 恬然自安,感斯人言,是夕,始覺有遷謫意,因為長句歌以贈之,凡六百一十六言,命曰琵琶行。

Nguyên Hoà thập niên, dư tả thiên Cửu Giang quận tư mã. Minh niên thu, tống khách Bồn phố khẩu, văn thuyền trung dạ đàn tỳ bà giả, thính kỳ âm, tranh tranh nhiên hữu kinh đô thanh; vấn kỳ nhân, bản Trường An xướng nữ, thường học tỳ bà ư Mục, Tào nhị thiện tài. Niên trưởng sắc suy, uỷ thân vi cổ nhân phụ. Toại mệnh tửu, sử khoái đàn sổ khúc, khúc bãi mẫn nhiên. Tự tự thiếu tiểu thời hoan lạc sự, kim phiêu luân tiều tuỵ, chuyển tỷ ư giang hồ gian. Dư xuất quan nhị niên điềm nhiên tự an, cảm tư nhân ngôn, thị tịch, thuỷ giác hữu thiên trích ý, nhân vi trường cú ca dĩ tặng chi, phàm lục bách nhất thập lục ngôn, mệnh viết Tỳ bà hành.

Năm Nguyên Hoà thứ 10, ta về giữ chức tư mã ở quận Cửu Giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn tỳ bà vọng lại. Nghe trong tiếng đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn bà trả lời rằng “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn tỳ bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn (thường theo thuyền buôn đi đây đi đó)”. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Đàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm thanh thản yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đầy! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 chữ, gọi là Tỳ bà hành.

Diễn Nôm lời tựa:

Tỳ Bà Hành

Nguyên Hòa niên hiệu thứ mười
Ta về Tư Mã dưới trời Cửu Giang
Thu sau tiễn khách lên đàng
Thuyền ai đàn vẳng vọng sang tỳ bà

Kinh đô điệu nhạc kiêu sa
Lần tìm gạn hỏi gần xa rõ ràng
Thưa rằng: con hát Trường An
Mục, Tào sư phụ bảo ban dạy nghề

Tuổi cao, nhan sắc ê chề
Lấy chồng thương lái không về đã lâu
Nghe ra, dọn rượu giải sầu
Xin nàng đàn lại mấy câu tâm tình

Đàn xong cảm xúc vô minh
Nàng bèn kể chuyện đời mình truân chiên
Trẻ măng vui sướng đảo điên
Về già lưu lạc khắp miền khổ đau

Hai năm giáng chức qua mau
Bình yên, thanh thản ưu sầu nhạt phai
Nghe nàng giãi bạch hôm nay
Lại thương số phận lưu đày bấy lâu!

Trên thuyền giấy bút tuôn mau
Bài thơ dài dặc nhiều câu tặng nàng
Sáu trăm mười sáu chữ vàng
“Tỳ Bà Hành” tựa, ngổn ngang ân tình!


Sept21
***
Tỳ Bà Hành


Bến Tầm Dương đêm khuya tiễn khách
Lá phong rơi, lau lách buồn thiu
Người xuống ngựa, khách thuyền neo
Rượu nâng dợm uống, sáo-tiêu ước gì!

Say chẳng vui. Biệt ly sầu thảm
Buồn chia tay sông đẫm bóng trăng
Tỳ bà chợt vẳng mông lung
Chủ nhân nán lại, khách không lên đàng

Lần tiếng đàn tìm sang dò hỏi
Tỳ bà im, giọng nói ngại ngùng
Cập thuyền xin gặp khiêm cung
Thắp đèn, thêm rượu để cùng chung vui

Mời mọc mãi đáp lời lần lữa
Ôm tỳ bà che nửa mặt hoa
So dây, vặn trục vài ba
Dẫu chưa nên khúc, nghe ra hữu tình

Dây dây nhấn, thanh thanh có ý
Chẳng khúc nao đắc chí với đời
Cau mày gảy mãi không ngơi
Giãi bày tâm sự đâu đuôi ngọn ngành

Nhẹ nắn vuốt, chậm nhanh gảy tiếp
Đầu Nghê Thường, sau khúc Lục Yêu
Ào ào dây lớn mưa chiều
Nỉ non dây nhỏ riêng điều héo hon

Tiếng rào rào, nỉ non lẫn lộn
Châu nhỏ to rắc chốn ngọc bàn
Trong hoa oanh hót đùa vang
Ngập ngừng suối nước chảy tràn bãi khe

Suối đóng băng, đàn nghe ngưng bặt
Việc không thông đàn thoắt lặng câm
Sầu riêng u uẩn trong tâm
Vô thanh vượt trội thanh âm rộn ràng

Nước tung tóe vỡ tan bình bạc
Như kỵ binh dáo mác sáng ngời
Khúc xong vuốt giữa đàn; Thôi
Bốn dây lụa xé vang trời một phen!

Thuyền đông tây lặng yên tức khắc
Chỉ trăng thu vằng vặc giữa dòng
Trầm ngâm dắt phím đàn xong
Sửa sang y phục, thong dong nét mày!

Tự thưa thốt thiếp đây thành phố
Lăng Hà Mô nhà trọ kinh kỳ
Mười ba học được đàn tỳ
Giáo phường đệ nhất tiếng đi xa gần

Gảy hết khúc, thầy đàn cũng phục
Điểm trang xong, ấm ức Thu Nương
Ngũ Lăng trai trẻ tranh cuồng
Một bài khen thưởng cả rương lụa đào

Vành lược bạc, trâm đầu gõ vỡ
Quần lụa hồng, rượu ố đó đây
Năm nao cũng vậy vui vầy
Thu trăng, xuân gió hây hây an nhàn

Em đi lính, rồi tang dì chết
Nhan sắc tàn chiều hết, sớm đi
Trước nhà vắng vẻ ngựa xe
Về già mới được yên bề khách thương

Chồng tham lợi coi thường ly biệt
Đến Phù Lương mải miết mua trà
Cửa sông đơn độc lại qua
Quanh thuyền trăng sáng sương sa lạnh lùng

Giữa đêm khuya, trẻ trung nhớ lại
Khóc mộng nhòe má tái, nhạt son.
Tỳ bà nghe tiếng đã buồn
Lại thêm tâm sự nguồn cơn ngậm ngùi

Cùng luân lạc bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau chẳng hẳn thân quen
Năm rồi từ biệt đế kinh
Lưu đầy ngọa bệnh bên thành Tầm Dương

Xứ hẻo lánh Tầm Dương không nhạc
Suốt cả năm đàn hát chẳng nghe
Sông Bồn đất thấp, nhiều khe
Lau vàng, trúc võ quanh hè gió đưa

Ở chốn đây sớm trưa nghe được:
Vượn hú buồn, quốc gọi máu văng
Xuân hoa nở. Thu ánh trăng
Thường thường uống rượu muộn mằn mình ta

Cũng chẳng thiếu sơn ca, thôn địch
Thật khó nghe cúc kích, ê a
Đêm nay nghe tiếng tỳ bà
Tựa nghe tiên nhạc âm ba rõ ràng

Xin nán lại dạo đàn một khúc
“Tỳ bà hành” sáng tác vì nàng
Lời cảm động, đứng tần ngần
Rồi ngồi xuống gẩy muôn phần luyến dây

Đàn buồn thảm, trước đây chưa cất
Thẩy bao người che mặt xót xa
Chiếu này ai khóc thiết tha?
Giang Châu tư mã lệ nhòa áo xanh!


Lộc Bắc
Sept21

Enjoy Yourself - Hãy Tận Hưởng Bản Thân Mình

 

Hãy tận hưởng bản thân mình
Đừng cho quá muộn mà sinh u hoài
Thời gian vun vút tên bay
Thế nên tận hưởng những ngày thanh xuân
Đời ta chỉ trẻ một lần
Tháng năm thoáng nháy mắt chần chờ chi
Màu hồng tô điểm xuân thì
Nên luôn tận hưởng những gì thuộc ta.
 
Nguyên Trần

Lễ Tạ Ơn




Tạ ơn nước Mỹ nghĩa muôn vàn,
Tạ cả người thân cả họ hàng.
Tạ mẹ suốt đời luôn vất vả,
Tạ cha một kiếp phải cưu mang.
Tạ đời đen bạc sinh nhân ngãi,
Tạ đấng cao xanh giữ đá vàng.
Tạ hết đội hình ngăn dịch bệnh,
Niềm vui trở lại khắp thôn làng !


Đỗ Chiêu Đức
Lễ TẠ ƠN 2021

Mùa Thu Thăm Trường Đại Học, Lễ Tạ Ơn

Mùa thu là nguồn cảm hứng cho các thi nhân văn sĩ từ xưa đến nay. Nhìn mây bay, gió thổi, nai vàng ngơ ngác… văn thi sĩ vốn yêu mến cái đẹp của thiên nhiên có thể sáng tác bài văn hoặc bài thơ hay. Tôi chẳng là nhà văn nhà thơ nhưng cũng thích xem lá đổi màu vào mùa thu. Lá từ xanh dần dần chuyển thành màu vàng, cam hay đỏ… Đẹp quá, nhất là trên núi ở Skyline, VA, lá hầu như thay màu cùng một lúc. Tuần trước nắng ấm vàng tươi xuyên qua kẻ lá cành cây, chim hót líu lo đó đây. Các khóm cúc, hoa begonia trước sân… vẫn tươi đẹp và lá trên cành còn xanh dù đã đầu tuần lễ tháng 11, tôi ước ao được xem lá vàng. Mọi năm cuối tháng 10 cây đã trơ cành trụi lá và hoa cúc cũng tàn.Thời tiết thay đổi ấm hơn làm các chị bạn Cali đến thủ đô mất dịp xem lá vàng trên núi vào tháng giữa tháng 10.

Tôi có cô cháu dâu dể thương, có con học đại học University of Virginia và VA Tech. Cháu cho biết hai trường trên lá đổi màu rất đẹp và mời Ba Mẹ cháu, chị bạn, tôi đi xem lá vàng tiện thể thăm các con. Tôi nhận lời ngay và cháu đến đón chúng tôi vào buổi sáng đẹp trời. Mẹ cô và chúng tôi mang theo it nước uống, thức ăn dù không cần thiết. Từ nhà ở Fairfax, Virginia đến trường VirginiaTech lái xe khoảng hơn 3 tiếng nên phải ở qua đêm. Cô đã thuê nhà trọ cho chúng tôi, một town house 3 phòng ngủ, có salon, bếp riêng, tiện nghi gần trường VA TECH. Thường nếu thăm con, vợ chồng cháu ngủ qua đêm ở nhà người bạn.

Trên đường đến trường VA Tech lá cây hầu hết đã thay màu. Cách đây khoảng 30 năm khi các con còn đi học tôi có đến trường University of Virginia nhưng không vào mùa thu. Khi ra khỏi thành phố ít xe hơn, không khí thoáng mát dễ chịu. Có khi xe chạy lên đồi hoặc xuống dốc. Xa xa trên núi cao, rừng cây chập chùng thay lá thành màu vàng, cam hay đỏ như bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Càng gần trường càng vui mắt. Nhà cửa phố phường san sát nhau. Lá cây vùng này đã đổi màu và lạnh hơn vùng Fairfax, Virginia. Chúng tôi ăn trưa nơi tiệm ăn gần trường Công Nghệ công lập Virginia (VA Tech). Cháu Ashley sinh viên năm thứ 3, gọi tôi bằng bà, đã chờ sẵn và đưa chúng tôi thăm nơi cháu trọ sau bữa ăn.

Ashley và 3 cô bạn ở chung một căn gồm nhiều phòng trong chung cư gần trường. Căn phòng các cô sạch sẽ, tươm tất, sáng sủa, vui mắt. Sau đó Ashley đưa ông Ngoại về nhà trọ nghỉ ngơi vì ông không thích đi lang thang chỗ này chỗ nọ như chúng tôi. Kế đến cháu đưa 3 bà xem lá vàng trong khuôn viên trường VA Tech gần nhà trọ.

Đại Học Công Nghệ Virginia (Virginia Polytechnic Institute and State University)

Virginia Tech là một trong những đại học công lập tốt nổi tiếng Hoa Kỳ, có nhiều phân khoa khác nhau, thành lập năm 1872. Trường có khoảng hơn 30,000 sinh viên Cử nhân và hơn 7000 sinh viên Cao học. Các tòa nhà trong trường trông cổ kính nhưng đẹp, bề thế, vững chắc. Cháu Ashley đưa chúng tôi đến xem các nơi cây lá màu vàng, đỏ rất đẹp và... chụp ảnh cho các bà. Tôi ngạc nhiên khi đi ngang qua nhà kính bên trong có nhiều cây con giống như người ta ương cây giống để trồng. Cháu cho chúng tôi xem khu vườn cây cảnh gần đó, thấy dưới mỗi gốc cây có bảng nhỏ ghi tên loại cây. Xa xa bên kia con rạch nhỏ và cầu gỗ có nhóm sinh viên ngồi trên sân cỏ chung quanh 1 nguời đứng giữa. Họ đang thảo luận đề tài gì chăng. Cháu lại đưa chúng tôi đến cái hồ rộng có đàn vịt trời đang bơi lội tung tăng trên mặt hồ. Xa xa hai con thiên nga lông trắng thong thả bên nhau.

Sau khi thăm vài kiến trúc và cảnh đẹp khác trong khuôn viên trường, Ashley đưa chúng tôi đến thương xá lớn gần nhà trọ. Xe đậu kín bãi đậu. Khách đi lại đông đúc, người mang khẩu trang, người không nhưng nhân viên trong các tiệm ai cũng mang mask. Các tiệm buôn đầy ắp hàng hóa, trình bày bắt mắt, trang hoàng đẹp cho ngày lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh sắp đến. Ngoài bãi đậu cũng thế, đèn sáng choang đó đây.


Hôm sau chúng tôi điểm tâm sớm và rời nhà trọ khoảng 8 giờ, lên đường đi Charlottesville thăm con trai học đại học Virginia (UVA), cách VA Tech khoảng 2 tiếng. Cháu dâu muốn về nhà sớm vì 7 giờ chiều hôm ấy vợ chồng cô đi Puerto Rico và trở về nhà trước lễ Tạ Ơn. Cháu cho biết hành lý sẵn sàng nên không sợ trễ máy bay. Thật ra cô cháu dâu muốn cho chúng tôi xem lá vàng chứ các cô cậu sinh viên cũng sắp về nhà nghĩ lễ trong vài tuần nữa. Xe chạy khoảng 2 tiếng đến UVA, Charlottesville. Vừa đến bãi đậu khu nhà trọ đã thấy cháu Daniel, cháu gọi tôi bằng bà. Cậu mời chúng tôi lên thăm nơi cậu ở suốt mấy năm học UVA. Cháu ở chung với 3 nam sinh viên. Cậu nào mặt mũi cũng sáng sủa, thân thiện, dễ gây cảm tình với người khác.

Đai Học UVA (University of Virginia)


Đại học UVA là đại học công lập tốt có tiếng, thành lập năm 1819, rộng 680.7 hecta, gồm nhiều phân khoa: Kiến trúc, Luật, Y khoa… Có khoảng 16,000 nhân viên gồm cả giáo sư. Năm 2020 có hơn 40,000 người ghi danh nhưng chỉ 1/3 được nhận. Hoc phí cho sinh viên ngoài Tiểu bang (out of state) khoảng 74,000 mỹ kim, và sinh viên cư ngụ Virginia khoảng $38,000/năm (tài liệu Google). Tuy nhiên các sinh viên học giỏi thì có trợ cấp hay được học bổng. Việc này tôi không rành, quý vị muốn biết chi tiết thì hỏi ông Google có hết.
  
Trường UVA rộng quá, các tòa nhà khang trang, to lớn rải rác trong khuôn viên đại học, đường qua lối lại chi chít, cây to, nhỏ, hoa cỏ đẹp mắt. Trước kia các con tôi học trường này, giờ cháu nội học ở đây nhưng con thì đươc trợ cấp vì ba mẹ nghèo, còn cháu nội trả thì trả hiện kim. Cũng mừng là các cháu cũng chịu khó học hành. Cầu mong thế hệ trẻ chiu khó học hành để có tương lai tốt đẹp về sau
Cam ơn Ut và thương chúc cưng và gia đinh may mắn, hạnh phúc quanh năm.
Chúng tôi đón các cháu ra phố ăn trưa xong chia tay. Các cháu sẽ về nhà và găp nhau vào lễ Tạ Ơn.

Lễ Tạ Ơn:




Nhớ mấy năm đầu đến Hoa Kỳ, lễ Tạ ơn tôi cũng nướng gà Tây nhưng các con không thich lắm nhưng có sao ăn vậy, đâu dám phàn nàn. Mấy năm sau cô bạn tặng con gà Tây rút xương, trong ruột cơm nếp trộn với nấm, lạp xưởng, hợp với khẩu vị các cháu hơn. Khi con gái lớn lên học làm bếp với bạn và bác Google nên gà Tây, gà ta cháu quay cũng được lắm.

Thường ngày Lễ Tạ Ơn con cháu được nghỉ lễ nên gia đình, con cháu xa gần thu xếp để xum họp nhau có khi còn đầy đủ hơn ngày lễ Giáng Sinh. Mọi người chuyện trò vui vẻ sau những ngày tháng bận bịu công việc, không thường xuyên gặp gỡ. Riêng tôi thì tôi nhớ và cám ơn Má tôi nhiều lắm, người đã hy sinh tuổi xuân để nuôi dạy các con nên người. Ba tôi mất khi Má tôi 25 tuổi và nguời con nhỏ nhất mới 6 tháng. Tôi cám ơn ông bà Nội, Ngoại đã cho tôi tình thương yêu ngọt ngào khi thơ ấu, lúc trưởng thành. Tôi cám ơn các thầy cô giáo, các giáo sư đã hướng dẫn người học trò không mấy thông minh thành người hữu dụng. Cám ơn họ hàng, bạn hữu đã nâng đỡ, giúp ý kiến khi cần thiết. Cám ơn người bạn đời dù người mãi đi xa, đã hết lòng yêu thương, chịu đựng các tính hay tật xấu của tôi bao năm trường. Cám ơn các bạn hữu và vi hữu đã tặng tôi những niềm vui qua điện thư với các hình ảnh, bài viết, tin tức hữu ich, vui, lạ. Cám ơn các chủ báo, chủ diễn đàn đã phổ biến các bài viết của tôi đến độc giả. Cám ơn các cô em thân yêu: nhà thơ nhà văn ĐD, PH, MT, PT khuyến khich tôi tiếp tục cầm bút. Cám ơn con cháu, dâu, rể đã thương yêu, chìu chuộng bà Mẹ, bà Dì khó tính. Cám ơn các học sinh cũ cho tôi có cảm tưởng mình giàu có vì tình cảm các em dành cho. Cám ơn các bác sĩ , các nhân viên y tế, không ngại hiểm nguy trong mùa dịch cúm Covid, tiếp tục công việc chữa trị, giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe, sớm trở về với gia đình…

Tôi xin cám ơn rất nhiều chính phủ và nhân dân Hoa kỳ đã cưu mang giúp đỡ những người tị nạn chúng tôi để họ có đời sống ấm no, con cái được học hành thành những người có ích cho xã hội sau này. Tôi cũng cầu mong dịch cúm sớm bị tiêu diệt, đồng bào Việt Nam và nhân dân thế giới được an lạc, trẻ con đến trường, tiệm buôn hàng quán mở cửa, kinh tế phục hồi như xưa.

Ngọc Hạnh

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Xin Cảm Tạ

 

Xin cảm tạ Má Ba
trải thương mến chan hoà
khi gặp ngàn bão nổi
tin yêu vẫn lan xa….

Xin cảm tạ Cô Thầy
trao ý đẹp lời hay
nấu nung tình dân tộc
theo mãi cuộc đời này

Xin cảm tạ các con
với tâm thức vẹn tròn
cho lương tâm bừng sáng
lay tỉnh hồn nước non….

Xin cảm tạ bạn thân
đã san sẻ ân cần
niềm cảm thông hiếm quý
hạnh phúc: ngay dương trần….

Xin cảm tạ ơn người
cùng suối mát, hoa tươi
dẫu đời mong manh quá
cho vẫn ấm môi cười

Xin cảm tạ chung quanh
bên may rủi loanh quanh…
đã cho tôi được sống
với tất cả tâm thành

Xin cảm tạ đất trời
bên khắc khoải khôn vơi
vẫn sáng lên hy vọng
tình người …vẫn muôn nơi

Minh Phượng
Thanksgiving 2018


Người Chợ Vãng Chúc Long Hồ Vĩnh Long Nhân Lễ Tạ Ơn 2021

 

Thanksgiving Delights - Niềm Vui Ngày Tạ Ơn


Thanksgiving Delights

On Thanksgiving Day we’re thankful for
Our blessings all year through,
For family we dearly love,
For good friends, old and new.

For sun to light and warm our days,
For stars that glow at night,
For trees of green and skies of blue,
And puffy clouds of white.

We’re grateful for our eyes that see
The beauty all around,
For arms to hug, and legs to walk,
And ears to hear each sound.
The list of all we’re grateful for
Would fill a great big book;
Our thankful hearts find new delights
Everywhere we look!

Joanna Fuchs
***
Bài Dịch:

Niềm Vui Ngày Tạ Ơn


Nhân vào ngày Lễ Tạ Ơn
Chúng ta cảm tạ vô vàn thành tâm
Những lời cầu nguyện quanh năm,
Tạ ơn gia cảnh muôn phần yêu thương,
Tạ ơn bạn quý muôn phương
Dù là cố cựu hay dường mới quen,

Tạ ơn tia sáng êm đềm
Vầng dương sưởi ấm áp thêm tháng ngày,
Tạ ơn tinh tú đẹp thay
Hằng đêm lấp lánh đó đây rạng ngời,
Tạ ơn cây cối xanh tươi,
Cùng bầu trời mãi tuyệt vời thẳm xanh,
Và mây từng đám xây thành
Giăng khoe sắc trắng bồng bềnh nhẹ trôi.

Chúng ta cảm tạ hết lời
Nhờ đôi mắt để nhìn đời xung quanh
Thấy bao cảnh đẹp như tranh,
Nhờ vòng tay để nhiệt tình ấp ôm,
Nhờ đôi chân dạo xa gần
Và tai nghe tiếng thì thầm thương yêu.

Tạ ơn thời có lắm điều
Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa;
Bao niềm vui mới nên thơ
Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra
Khi ta nhìn khắp gần xa
Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!


Tâm Minh Ngô Tằng Giao

Dâng Lời Tạ Ơn




Tạ ơn Thượng Đế Chí Nhân
Cho con diễm phúc hồng ân tuyệt vời!
Bao phen chìm đắm nổi trôi
Vững niềm tin, vẫn Ơn Trời cứu nguy.

Tạ ơn dân tộc Hoa Kỳ
Rộng tay đón chúng tôi, khi cùng đường
Đoàn người tỵ nạn tha phương
Tạm dung, chấp nhận Quê hương đất này!

Tạ ơn Cha Mẹ; ơn Thày
Sinh thành, dưỡng dục, con nay nên người
Tạ ơn Hiền nội của tôi
Đắng cay hạnh phúc trọn đời có nhau

Tạ ơn Bằng Hữu thâm giao
Bạn Thơ, bạn Lính… biết bao ân tình
Tạ ơn Ân nhân vô danh
Giúp cho, cuộc sống an lành, ấm no

Tạ ơn Thế giới Tự do
Kháp nơi phấp phới Lá Cờ Việt Nam
Dâng lời tạ ơn hân hoan
Niềm vui nhìn bóng Cờ Vàng thân yêu


Trần Quốc Bảo

Tạ Ơn Mỹ Quốc



LỄ TẠ ƠN về ngút nhớ thương
Gẫm mình buồn tủi kiếp ly hương
Việt Nam chốn ấy còn luôn dõi
Hiệp Chủng thân này vẫn cứ nương
Xao xuyến hồn hoang chao ánh nguyệt
Dạt dào dạ ngọc nghẽn vầng dương
Thâm ân kính gửi lời trân quý
Mỹ Quốc cầu mong mãi phú cường

Phương Hoa
NOV 19th 2021


Lời Cảm Ơn Như Tiếng Lòng Bất Tận


( Gởi: Lê Văn Trữ, Cao Văn Tuấn, Trần Tỵ, Trần Thanh Xuân, Lê Diệp, Nguyễn Phong, Nguyễn Văn Hành, Trần Văn Phùng, Nguyễn Văn Phước, Hồ Viết Sành, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Minh, Lê Văn Chánh, Qúy "mát", Nguyễn Văn Thu, ... 1/3/37 BĐQ dù đang ở bất cứ phương trời nào. )

Năm 2021 đang đi vào những ngày tháng sau cùng của niên lịch. Trên toàn quốc Hoa Kỳ, mọi người cũng hăm hở thắp ngọn nến lòng để mừng Lễ Tạ Ơn. Đất nước này, từ lâu không còn mang ý nghĩa "tạm dung", mà ngược lại đã trở thành "vườn hoa" của người Lính già trên đường về nguồn, chờ ngày thành bụi tro để nương mây, theo gió.

Bước chân đang hướng dần về sương khói trăm năm mà lòng vẫn nặng mang những uẩn tình chưa kịp ngỏ. Không thể nào quên những tháng ngày thắm Tình Huynh Đệ, nặng Nghĩa Chi Binh! Vạn dặm xa quê mà lòng mãi hoài vọng hướng đăng trình. Nửa thế kỷ đã qua mà vẫn nhớ hoài dấu giày saut đây, đó!

Di sản cho đời, cho người, chẳng có gì ngoài nhọc nhằn, gian khó. Trái tim dẫu chưa khô cằn nhưng cũng sắp cạn dần những ký ức thuở phong sương. Đáng buồn thay! Hơn nửa đời người và sau một kiếp ly hương, mà hồn vẫn cuồng quay và chân còn rị mọ trong vũng lầy phiêu bạt.

Nhớ xưa nhịp giày Saut kiêu hùng khua vang như tiếng nhạc. Đi giữa lằn tên, mũi đạn, lướt chông gai mà chẳng chút ngại ngần. Thường xuyên đối diện với Tử Thần cũng không thoáng phân vân. Nay nhìn lại thấy mỏi mòn trong từng ngày sinh hoạt. Mới hôm nào trên bước đường phiêu bạt, tiếng " Xung Phong! " hòa đạn nổ rân trời. Đồng đội xưa giờ tan tác khắp nơi. Chiến Hữu cũng
lạc loài ngay trong tăm tối của quê hương nghiệt ngã!

Tôi tuy lưu vong, nhưng dẫu sao cũng an nhàn trên đất người, xứ lạ. Bạn, đáng buồn thay, phải chịu sống lất lây giữa chốn quê nhà! Thảm trạng bây giờ có khác gì trong tù ngục bao la; khi từng ngày, từng phút, từng giây, bạn phải chịu đựng cảnh tình của một khúc phim nghẹt thở! Cứ như bạn đang oằn mình để thay chúng tôi trả từng món nợ. Nợ trần ai đã làm bạn còng lưng, ná thở giữa đời thường. Đáng buồn thay! Mà cũng bất công thay cho những người đã từng giữ biên cương, ngăn cuồng lũ, chống giặc thù xâm lấn!

Đã hơn nửa đời người, tôi an nhàn, yên phận, nhưng không một ngày nào quên gian khó thuở chi binh. Không thể quên những ngày xưa thân ái rất chí tình của lính chiến chung lưng ngoài trận tuyến. Vì kiếp nạn trên quê nhà, bạn và tôi phải cúi mặt, bó tay, rồi rưng rức chia hai nơi trời, biển. Nhìn về quê hương, tôi chỉ biết dâng lời thầm nguyện. Cầu mong mọi người- trong đó có bạn- ráng "nín thở để qua sông". Lời thành tâm tôi nói từ tận đáy lòng; lúc suy tưởng, hay trầm ngâm trong niềm thương, nỗi nhớ.

Đồng Đội ơi! Tôi tự nhủ là mình còn đang nặng nợ. Món nợ thiêng liêng, đong bằng xương máu thuở chi binh. Tiếng cám ơn có thể không diễn đạt hết nghĩa tình, bởi chính bạn là người đã chấp nhận hy sinh để cho tôi được sống. Hỡi Tử Sĩ của thanh xuân đầy biến động! Bạn thiên thu là ngọn nến soi đường, là đuốc thiêng thắp nẻo quê hương. Bạn luôn hiện hữu trong lòng tôi nơi lưu xứ hà phương, để giúp nhớ mãi về những ngày cùng dấn thân trong nghiệt oan định phận.

Chính vì vậy, lời cám ơn như tiếng lòng bất tận. Bởi khi xưa tôi đã "hà tiện" ngôn từ và quên cả tiếng tri ân, nên ngày nay dù có nói đến vạn lần, cũng không đủ ý nghĩa như lúc còn trong cuộc chiến. Khi tiễn bạn lúc tải thương, hay ngậm ngùi nhìn poncho còn thấm rĩ máu hồng, tôi không kịp nói tiếng cám ơn, mà chỉ đọc thầm một vài câu kinh nguyện, hoặc nói nhanh một lời chúc bình an là vội vã trở về với phận sự và trách nhiệm đa mang nơi chiến tuyến.

Thời gian trôi trên lữ thứ dặm trường qua dòng đời đầy biến, hiện, đã không làm nhạt phai ký ức thuở đao bình. Mà ngược lại, tuy ký ức sắp cùn mằn, nhưng quá khứ vẫn lưu trữ thời khắc đậm như in, của những chuỗi ngày sống trong cảnh bom rơi, đạn nổ. Hình ảnh cũ còn đong đầy trong não bộ, nên kỷ niệm như khúc phim tiếp diễn mãi không ngừng. Mới ngày nào hăm hở lứa thanh xuân, mà nay đã hơn nửa đời hun hút vòng quay chia bờ bến.

Nén hương lòng thắp từ nơi biệt xứ, dâng anh linh tử sĩ chốn quê nhà. Đây thân tình thay cho tiếng quân ca, gởi Đồng Đội còn trần thân nơi cố quận. Món nợ nghĩa tình chất chồng từ thuở còn bạc màu áo trận. Trả suốt đời vẫn vô tận, vô cùng. Tiếng Cám Ơn không chỉ là dấu ấn của thủy chung, mà còn- hơn bao giờ hết- nói lên lòng tri ân và niềm tin vào hồn thiêng Lạc Việt.

Tin sông núi trường tồn. Tin sử hùng lẫm liệt. Món Nợ nghĩa tình trọn kiếp chẳng hề vơi. Tiếng Cám Ơn là điệp khúc muôn đời. Nợ chồng nợ! Bạn ơi! Hãy về đây...Thượng Hưởng!

Huỳnh Văn Của 

Thơ: Huy Văn - Nhạc: Mai Đằng - Trình bày: Uyên Dung
( Để cùng nhớ: Cao Kim Rắc, Đặng Tri, Tâm, Bình, Thanh, Tùng, Cẩm, Minh, Trần Văn Thái, Lê Văn An, Hoàng Thanh Tú... R.I.P...)


Ngày Lễ Tạ Ơn


Tạ ơn người cho ta nơi nương tựa
Trời tự do một sức sống an lành
Đón nhân sinh vượt qua bao khổ nạn
Ngọn đuốc nhân quyền bừng sáng long lanh.

Tạ ơn nước Mỹ, đất lành chim đậu
Cho muôn sinh, nương tựa an bình
Tình thương đó, tựa núi cao biển rộng
Vượt Thái Bình Dương bao nỗi hy sinh.

Tạ ơn vùng đất cho ta sống lại
Từ bạo quyền cộng sản lắm tang thương
Vượt đại dương về đây chung sống
Sự sống vươn lên từ những đoạn trường.

Tạ ơn hoa, vì chúng sinh bừng nở
Ơn đất lành nuôi sống những kiếp người
Tạ ơn vòng tay ân tình rộng mở
Đời phong ba mưa gió đã mỉm cười.

Lễ tạ ơn, những chân tình vô lượng!
Chỉ một lần, không đủ nghĩa biết ơn
Người chân chính hãy thành tâm nhận diện
Vùng đất này nơi thay thế giang sơn.

Lê Tuấn

Cảm nhận về ngày lễ Thanksgiving 2021

Thay Lời Tạ Biệt


Xin đồng tâm Tạ Ơn và Cầu nguyện
Tiễn biệt những người đã đến giúp cuộc đời này được ra đi siêu thoát vì bệnh già ...hay nhiễm virus trong Đại dịch Covid-19
 
CÁM ơn Bạn đến chung đời
ƠN tình, hiếu, đạo...tuyệt vời kính thương
BẠN: là người tốt hiền lương*1
Là tiếng hát hoài hương*2 
Là khúc nhạc hùng cường*3
Là vầng dương soi đường *4 
Là lương y can trường *5 
Người thành danh thân thương ... *6

NGUYỆN Bạn nhẹ bước phiêu diêu 
NGƯỜI rời chốn tạm xa điều trầm luân
THANH danh để lại dương trần 
THẢN nhiên lui bước, không cần luận tranh 
VỀ đất Mẹ ngủ yên lành
TRỜI, Phật, Chúa đón lòng thành người Con 
 VUI miền Tiên Cảnh thăm non Vĩnh Hằng...
 
Phượng Trắng Canada
 Mùa Tạ Ơn 2021
 *1MTQ Khải Toàn của Ngọc Trong Tim ... 
*2Ca sĩ Lệ Thu, Ca sĩ Phi Nhung...
*3 CNS Quốc Anh, NS Đoàn Dự NTT..
*4 Em Khánh Phương thành viên NTT
*5 Bác sĩ Huy Hao Dao ờ Canada. 
*6 Anh Dư Văn Biết ( Phu quân Thi Văn Sĩ Dư Thị Diễm Buồn)

Thơ Ngày Lễ Tạ Ơn 2021



…Tháng 11, sắp đi rồi,
Mong thôi những nỗi sầu đời, qua mau!
Áo cơm, tranh cạnh, giết nhau,
Kính đeo hết độ, mái đầu trụi trơn!
Sao quên, Ngày Lễ Tạ Ơn
Trời cho sức khỏe, ngọt ngon bạn đời?!
Xẻ chia nối khổ, niềm vui,
Đoạn trường mấy cũng vượt…cười như mơ…
Gia đình hạnh phúc, khó ngờ,
Bạn bè diễu: đúng thằng khờ gặp may!
Tạ Ơn Trên, (xin) nối vòng tay,
Hòa vui cuộc sống, tràn đầy Tự Do…
Tha hồ lên Net tìm Thơ,
Kinh văn Phật tụng…qua Bờ Bên Kia!!!

Dương Huệ Anh


Lời Tạ Ơn Thay Cho Một Người

 Hình KimLoan và anh Hai chụp năm 1995 tại Canada

Gia đình tôi có tám anh chị em, anh Hai tôi là con trai lớn, sau bà chị Cả. Trước năm 1975, ba tôi làm Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, má tôi mở quán cà phê giải khát tại nhà. Anh Hai, là con trai trưởng, đã sớm ý thức việc học hành để làm gương cho lũ em nhỏ, hầu sau này tiến thân, không phải vất vả đầu tắt mặt tối như ba má. (Ba tôi ngoài chuyện đi làm, phải thức dậy từ khuya phụ má tôi dọn hàng, chuẩn bị đón khách, vì quán nhà tôi ngay cổng trại Đoàn Dư Khương, là Lục Quân Công Xưởng thời đó nên khá bận rộn khách khứa cả ngày).

Anh học rất giỏi, vì ước mộng vào Y Khoa, anh vào học Khoa Học Sài Gòn. Nhưng vì thời cuộc chiến tranh, Mùa Hè Đỏ Lửa tổng động viên năm 1972 mà anh phải từ bỏ giấc mộng Bác Sỹ, vào trường Sư Phạm. Ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm, đưa biết bao người vào bước ngoặt mới của cuộc đời, trong đó có gia đình tôi. Mẹ tôi mất sau đó một tháng, ba đi học tập về không có việc làm, mọi việc trong nhà đều đặt nặng trên vai bà chị Cả và anh Hai vì lũ chúng tôi còn tronglứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Lúc đó anh đang dạy học ngoài Cần Thơ, nhưng là thủ lĩnh tinh thần của cả nhà. Một vài tuần anh bắt xe về thăm nhà, dặn dò mọi điều, rồi lại trở về Cần Thơ. Thời buổi khó khăn chung, mỗi lần anh về tụi nhỏ chúng tôi thích lắm, vì anh mang quà Miền Tây về, nào xoài nào mận, nào cốm dẹp, và có khi mang cả gạo và thịt heo, đó là tiền anh dành dụm nhờ đi dạy kèm Anh Văn cho mấy người muốn đi vượt biên. Anh cũng là người cương quyết dặn dò không cho gia đình nghe lời dụ dỗ và ép uổng của chính quyền mà đi kinh tế mới. Và cũng chính anh, là người nhen nhóm trong nhà tôi hai chữ “vượt biên” vì như theo lời anh nói “không thể sống chung với cộng sản”.
Lần đó anh về thăm nhà như thường lệ, rồi họp cả gia đình, báo tin buồn, anh bị “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự”theo chỉ tiêu của nhà trường để đáp ứng nhu cầu gửi quân qua biên giới Campuchia. Bà chị Cả khóc lóc, ba tôi rầu rĩ, mấy anh em khác thì lặng im che dấu nỗi buồn, nhưng anh Hai tôi mỉm cười cho mọi người lên tinh thần. Sau đó anh nói:
- Đây chính là cơ hội để con tìm đường đi bộ qua biên giới, vào Thailand tỵ nạn, xin mọi người bình tâm mà cầu nguyện cho đầu xuôi đuôi lọt.

Nói rồi anh lấy trong túi xách ra tấm bản đồ biên giới Campuchia-Thailand mà anh mua ngoài chợ trời. Tấm bản đồ bằng Tiếng Anh, nhưng với vốn liếng mấy năm học ở Hội Việt Mỹ trước năm 1975, và giáo viên dạy Anh Văn tại trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì tờ bản đồ anh xem trong nháy mắt. Anh vẽ chi chít và ghi chú cẩn thận trên bản đồ, và chỉ cho mọi người xem dự tính của anh, sẽ đào ngũ, đi qua Siêm Riệp, rồi từ đó theo đường mòn biên giới vào Thái. Nghe anh nói ngon ơ, nhưng ai cũng biết là biết bao hiểm nguy chờ đợi. Bọn Khmer Đỏ còn rình rập giết chóc, đường rừng ngập các bãi mìn, chưa kể là lính đào ngũ còn bị quân đội Việt Nam tìm bắt ráo riết, chạy đâu cho thoát.
Cả nhà ngày đêm cầu nguyện, lắng lo thì bỗng ba tuần sau anh về nhà, báo tin vui, vì nhà trường cần những giáo viên giỏi như anh, nên đã xin đặc biệt cho vài giáo viên được tạm hoãn thi hành “nghĩa vụ quân sự”. Sau lần đó, anh vẫn kiên quyết tìm đường vượt biển, nên mùa hè năm tới anh ra khơi, và xui xẻo thay, cả nhóm bị bắt khi đang chờ tàu lớn, rồi bị giam tù lại Long Đất chín tháng trời. Khi ra tù, anh mất việc, mất cả hộ khẩu nên tìm về Sài Gòn, ở nhà “ ăn không ngồi rồi” đợi chờ cơ hội tiếp theo. Trong thời gian này, anh lại đi tìm ngoài chợ trời mua sách của Hải Quân VNCH, và la bàn đi biển để học cách làm hoa tiêu. Anh vào cả thư viện tìm thêm tài liệu, đến lục lọi các tiệm sách cũ…và rồi cuối cùng, nhờ bạn bè giới thiệu với một chủ tàu, anh được mời đi vượt biên miễn phí với tư cách là hoa tiêu. Họ còn cho anh dẫn theo một người, mà trong gia đình tôi lúc đó, tôi là “ứng cử viên” sáng giá nhất cho chuyến đi vì tuổi mới lớn, vừa bước vào trung học, có cơ hội học tiếp khi qua Mỹ. Anh đã trằn trọc mấy đêm liền, không dám quyết định mang tôi đi theo hay không. Vì lúc đó thời tiết bị ảnh hưởng bão nên mưa gió, tình hình ngoài biển không phải lúc nào cũng êm ả. Mà chuyện đi vượt biên thì đầy hiểm nguy, “con nuôi má” thì ít, mà “con nuôi cá” và “má nuôi con” cũng chả phải hiếm, chưa kể nạn cướp biển đang hoành hành.Xóm tôi cũng đã có mấy gia đình cho con cái đi mà chẳng bao giờ đến nơi, cũng không trở về nhà.Đêm cuối cùng trước khi ra khơi, anh thao thức đến khi trời sắp sáng.Không ngủ được, anh ra ngoài phòng khách tìm nước uống. Khi đi ngang qua chiếc giường thấy tôi đang ngủ say, bên cạnh là chiếc bàn học của tôi sách vở xếp gọn gàng với chiếc cặp táp chuẩn bị đến trường ngày mai. Thế là anh quyết định dứt khoát, anh sẽ ra đi một mình, để tôi được tiếp tục những ngày tươi đẹp êm đềm của tuổi học trò. Vì anh là “mạng cùi”, không còn gì để mất, còn tôi là “mạng vàng”, còn mới lớn ngây thơ, anh không dám mang ra biển cả đầy gian nan bấp bênh.

Trời không phụ lòng người, chuyến đi may mắn thành công, cập bến Bidong, Malaysia sau vài ngày trên biển dù anh mới lần đầu làm hoa tiêu. Thuyền vừa vào bờ đất Mã, mọi người sung sướng hân hoan lạy trời lạy đất cảm tạ, còn anh thì mang nỗi day dứt khi để tôi ở lại nhà. Suốt thời gian ở trại, mỗi lần ra cầu Jetty đón người mới đến, hay khi đứng trên lớp dạy Tiếng Anh cho đồng bào tỵ nạn, anh vẫn chưa nguôi nỗi buồn tiếc nuối đó.Vì vậy, anh quyết tâm bằng mọi giá, sẽ bảo lãnh toàn bộ gia đình qua Mỹ trong thời gian sớm nhất.
Từ trại tỵ nạn, anh đến định cư tại thành phố Wichita, Kansas là bắt đầu ngay việc tìm hiểu chuyện học đại học. Giấc mơ Y Khoa năm nào chợt bừng sống lại, nhưng ở độ tuổi ngót nghét ba mươi, chương trình học Y vừa dài vừa tốn kém. Vì mục tiêu lớn hơn là cứu gia đình còn kẹt lại Việt Nam, một lần nữa, anh phải từ bỏ ước mơ của mình, vào học ngành Engineer.Anh vừa đi học vừa đi làm thêm cuối tuần để một vài tháng “tiếp tế” cho gia đình bằng một thùng quà chất lượng. Hàng xóm chung quanh hay nói với tôi:
- Nhà người ta có con gái qua Mỹ gửi đồ về là sung sướng lắm, vì con gái biết thu vén tối đa cho gia đình. Còn nhà cô, chỉ cần một ông anh Hai thôi cũng bằng hai, ba cô con gái nhà người ta cộng lại.
Nhờ thông minh, siêng năng cần cù, dù vừa học vừa đi làm, anh tốt nghiệp Electrical Engineer với điểm xuất sắc (Cum Laude), được chọn ghi tên vào cuốn sách Who’s Who Among Students in American Universities. Vừa ra trường, anh đầu quân cho hãng Boeing, sau chuyển qua Tinker Air Force Base của chính phủ liên bang ở Oklahoma, rồi lại qua Defense Contract Management Agency (DCMA) under U.S. Department of Defense tai Dallas, Texas cho đến ngày nay.

Ngay khi vừa vào đại học, anh cũng đã bắt tay vào việc làm hồ sơ bảo lãnh gia đình. Trong khi nhiều người bạn học khác chỉ lo học hoặc đi làm, chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo lãnh thân nhân, thì anh đã âm thầm xúc tiến từng bước thủ tục. Anh tự tìm hiểu qua phone hoặc trên giấy tờ (thuở ấy chưa có internet để lên mạng dễ dàng như ngày nay). Không cần nhờ đến văn phòng luật sư, anh sử dụng khả năng English của anh theo dõi cập nhật hồ sơ một cách khoa học, rõ ràng đúng trình tự.
Cuối năm 1989, vì nôn nóng không thể đợi giấy tờ bảo lãnh hiệu lực, gia đình đã cho tôi đi vượt biên, và tôi đến trại tỵ nạn Panatnikhom, Thailand. Nghe tin tôi đến trại, anh mừng rỡ vô cùng. Mỗi tháng anh gửi tiền chu cấp đều đặn. Khi những người xung quanh tôi, cũng có thân nhân nước ngoài, người thì nhận tiền nhỏ giọt, người thì tháng có tháng không, còn tôi thì cứ tuần đầu tháng là có thư, vì cứ mỗi ngày mồng một của tháng, anh hoặc vợ anh (lúc ấy anh mới lập gia đình) đi gửi tiền, suốt bốn năm như thế, chưa trễ một lần nào!
Vì tôi đến trại muộn màng, nên phải đối phó với cuộc thanh lọc, anh em tôi viết thư qua lại rất nhiều để tìm kết quả tốt nhất. Để keep track, từ lá thư đầu anh đã đánh số 1, tiếp theo lá thứ 2, và cứ thế …Nếu tôi nhận lá thư số 10 rồi đến số 12 là biết ngay bị mất lá số 11, tôi báo cho anh, anh mở sổ tay ra xem lá 11 có nội dung chính là gì, nếu quan trọng thì cho tôi biết. Trong các lá thư, ngoài vài thông tin về tình hình gia đình, anh hay viết nhiều về nước Mỹ, hoặc dặn dò những việc chuẩn bị thanh lọc. Để tôi dễ nhớ, anh viết các mục theo số 1,2,3 hay a,b,c , xuống hàng, gạch đầu dòng …Khi tôi viết thư hỏi các vấn đề gì, thư sau anh trả lời từng mục rõ ràng, đầy đủ.

Đặc biệt, lúc đó, anh tôi còn “nổi tiếng” trong trại, ít nhất là khu tôi ở, vì sự chăm lo “có một không hai” dành cho cô em gái là tôi. Sợ tôi bị rớt thanh lọc, anh bảo tôi cứ bình tĩnh để anh tìm cách, chứ dứt khoát không để tôi phải quay về Việt Nam. Rồi một hôm, tôi nhận được hơn 20 lá thư, mà toàn là tên Mỹ xa lạ, chưa hề quen biết, trong đó cũng có một lá thư của ông anh tôi. Thì ra anh đã tự ý đăng “Tìm Bạn Bốn Phương” của Mỹ với ước mong sẽ tìm được một người nào đó, tốt đẹp, và biết đâu sẽ tiến xa hơn, đưa tôi qua khỏi cuộc thanh lọc đáng ghét. Nhưng giải pháp này cũng chẳng đi đến đâu!
Còn nữa, sợ viết trong thư không thể nói hết về nước Mỹ để tôi mở mang kiến thức, anh còn ngồi thâu băng cassette, kể chuyện nước Mỹ cho tôi nghe. Kể về thành phố Wichita thời sinh viên của anh, về thành phố San Antonio nơi gia đình anh đang sinh sống, về các trường đại học, về cuộc sống người Việt và người Mỹ, về mọi thứ trên đất Mỹ không thiếu đề tài gì. Đêm đêm tôi mở cuộn băng “Nước Mỹ” của anh tôi cho cả lô nhà cùng nghe (bằng cái máy cassette nho nhỏ chạy bằng battery). Mọi người nằm nghe say mê, rồi đi vào giấc mộng êm ái mơ màng với nước Mỹ ở bên kia bờ đại dương. Một hôm, có người tìm đến căn nhà tỵ nạn tôi, hỏi lớn:
- Cô Loan ơi, cho tôi mượn cái băng cassette.
- Băng ca sỹ Ngọc Lan hả anh? (Vì chị dâu tôi cũng hay gửi băng nhạc cho tôi nghe, bà con xung quanh cũng hay qua mượn)
- Khồng…ồng …!! Tui muốn cái băng “Nước Mỹ” mà anh cô kể chuyện hấp dẫn đó.
Trời! Tôi đâu ngờ sự “nổi tiếng” của anh tôi đã vượt ra khỏi lô nhà tôi đang ở, mà lan truyền qua cả những lô khác. Cho người đó mượn băng “Nước Mỹ” hơn hai tuần chưa thấy trả lại, tôi đến tìm, họ xin lỗi bằng cách cười trừ, rồi khai thiệt là đã chuyền tay cho người này, người nọ cùng nghe. Cuối cùng, tôi tìm được nhà chú kia, người thứ bao nhiêu sau khi chuyền tay cũng chẳng nhớ. Chú ấy gãi đầu, phân trần:
- Chẳng dấu gì cô, tui cũng có thằng con bên Mỹ. Tiền viện trợ nó gửi còn thưa thớt, tháng nhớ tháng quên, chớ đừng nói gì đến chuyện kể về nước Mỹ cho tui nghe.
- Dạ, vậy bây giờ chú nghe băng “Nước Mỹ” xong chưa, cho con xin về cho người khác mượn.
- Cô để thủng thẳng tui nói hết đã chứ. Tuần sau cô quay lại lấy được không, vì tôi đem cuốn băng đó ra tiệm nhờ sang ra hai ba cuốn, mà họ làm chưa xong!
- Úi trời, chú sang ra hai ba cuốn làm gì
-Thì để cho bà con chung trại cùng nghe, và một cuộn tôi sẽ gửi về Việt Nam cho vợ con tui bên bển biết về nước Mỹ, cô thông cảm nha!

Nhờ may mắn, có thêm sự giúp đỡ hết sức lực của anh, tôi đã vượt qua cửa ải thanh lọc, nhưng “phúc bất trùng lai”, tôi bị phái đoàn Mỹ từ chối tại cuộc phỏng vấn, và theo lời khuyên của anh, tôi xin định cư bên Canada. Vừa qua Canada chưa kịp nóng chỗ, anh tôi đã lên ngay chương trình "giải cứu" tôi qua Mỹ, nhưng “người tính không bằng trời tính”, tôi có nợ có duyên với xứ lạnh tình nồng cho đến nay. (Tôi có viết rõ chuyện này trong bài Giấc Mơ Mỹ Quốc).
Trong thời gian bốn năm tôi bị kẹt bên trại, gia đình còn lại của tôi bên Việt Nam lần lượt đi qua Mỹ theo diện ODP bảo lãnh của anh tôi. Vậy là anh đã thoả mãn ước mong, không còn một thân nhân ruột thịt nào còn lại nơi chế độ Cộng Sản. Mấy người bạn cũ thời đại học Wichita của anh, có người lận đận mãi mới đưa được người nhà qua đây, thậm chí có người vẫn còn cha mẹ bên quê nhà, chỉ vì hồi đó chủ quan và…làm biếng! Họ nói với anh:
-Tụi tôi phục ông sát đất! Không tốn một đồng xu nào cho luật sư mà đưa được cả gia đình anh chị em qua đây đầy đủ. Hồi đó tụi tôi không chịu nghe lời khuyên của ông, giờ hối hận thì đã muộn!!
Là người đi trước, anh hướng dẫn, chỉ bảo kinh nghiệm cho các anh chị em trong nhà những bước đầu hội nhập trên xứ Mỹ. Tới đám con, cháu, thế hệ thứ hai, anh luôn khuyến khích hướng tới các ngành đại học danh giá, dễ kiếm việc, nhất là Y Khoa mà anh đã phải từ bỏ. Rất tiếc là lũ trẻ chỉ học theo ý thích của chúng, không say mê làm bác sỹ, nên có đứa học Dược, có đứa học Nha, rồi kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện toán, Computer, Y tá …cũng làm anh rất vui lòng.

Anh là cuốn “Từ Điển Bách Khoa” của đại gia đình tôi với trí nhớ dẻo dai, hiểu biết rộng và chính xác. Mỗi lần qua Mỹ, tôi say sưa ngồi nghe anh nói chuyện hàng giờ mà vẫn chưa đủ. Tên quốc tịch của anh là David, và tôi hay gọi một cách thân thương là “anh Dave thông thái của chúng ta”. Giờ anh đang ở tuổi gần bảy mươi, sức khoẻ hao hụt, trí nhớ anh cũng giảm bớt nên tôi cũng ít hỏi anh những khi có thắc mắc nữa (Cũng may tôi đã kịp có anh Gú Gồ thay thế).
Tôi học hỏi ở anh rất nhiều, khi còn đi học, dù đêm học bài khuya cỡ nào, trước khi đi ngủ tôi luôn soạn sẵn cặp táp, sách vở, 2 cây viết (phải là 2 cây để phòng khi cây bút bị hư hay hết mực nửa chừng), thước kẻ, compa…để sáng ngủ dậy, sau khi đánh răng rửa mặt, thay đồ, ăn sáng là chỉ xách cặp đến trường mà không sợ thiếu sót thứ gì. Tôi cũng tập thói quen viết thư mạch lạc, có các số mục rõ ràng, để dù có viết dài, người đọc cũng khó lầm lẫn và không ngán.

Khi còn ở Việt Nam, anh làm một cuốn Sổ Sức Khoẻ Gia Đình, viết tên mọi người với những ghi chú cần thiết về tình trạng sức khoẻ, sở thích cá nhân và năng khiếu của từng người. Ai bệnh gì, uống thuốc gì, bao lâu, ai vào bệnh viện, năm nào, tại sao, lũ em nhỏ đứa nào cần đi nha sỹ, đứa nào cần thuốc bổ xương, viên dầu cá, đứa nào sắp đến hẹn của Viện Pasteur chích ngừa …
Bây giờ thì trên bàn viết của anh tại căn nhà ở Texas có một tờ giấy đính trên tường, trong đó ghi đầy đủ birthdays của các con, cháu trong đại gia đình. Đứa nào, dù đã lớn học hành ra trường, nếu còn độc thân, vẫn nhận card và chút tiền mừng của anh vào dịp sinh nhật.
Cứ ngỡ anh đã an phận yên tâm vì “giấc mơ Mỹ Quốc” của đại gia đình mình đã trọn vẹn. Nhưng không, anh vẫn quan tâm giúp đỡ những người quen khác còn ở Việt Nam. Hàng năm vào dịp Tết, anh đều đặn gửi tiền cho vài gia đình hàng xóm xưa vẫn còn lao đao nghèo khó. Chị NgaSún bán khoai luộc đầu xóm mỗi lần nhận tiền đều cười vui vẻ, khoe:
- Ôi, hồi đó mỗi lần ảnh từ Cần Thơ về xóm là chiều chiều đi ngang qua nhà tui. Thằng con tui thấy ảnh về là đem bài tập qua hỏi thầy giáo liền á!

Bác Sương kế bên nhà tôi ngày xưa tiếc nuối:
-Nói thiệt, hồi đó tui chỉ mong cậu ấy ngắm nghía con gái tui là tui bắt về làm rể. Ai ngờ, cậu ấy ôm mộng vượt biên!
Riêng tôi còn nhớ chị Quỳnh Giao, xinh đẹp thuỳ mị nhất nhì trong xóm, có lần đến thăm anh khi anh mới về thăm nhà.Hai người ngồi ngay phòng khách nói chuyện tới khuya. Chiếc giường ngủ của tôi kế bên đó, nên tôi nghe được những câu dịu dàng nũng nịu chị đã trách móc anh tôi:
- Lần nào anh về cũng không có thời giờ qua nhà thăm em sao? Em chờ hoài chẳng thấy nên đành phải…xuống nước qua đây tìm anh đó, anh hiểu không?
Hình như anh tôi có cười xin lỗi, và chắc sau này chị ấy đã hiểu, anh phải gạt bỏ chuyện tình yêu để ưu tiên cho chuyện vượt biên, tìm tương lai tươi sáng và lo cho gia đình.

Đó là chuyện những người xóm cũ. Với những học trò trường Phan Thanh Giản xưa và những họ hàng xa ngoài miền Bắc, anh làm theo phương châm “giúp họ câu cá tốt hơn là cho họ cá”, vì quà cáp cho họ anh cũng vẫn làm, nhưng biết bao giờ mới đủ? Ai đang độ tuổi kết hôn, hoặc đã dang dở hôn nhân, nếu có ước muốn, anh đều giúp bước đầu bằng cách đăng mục Tìm Bạn Bốn Phương của Mỹ (kiểu này nhanh hơn Tìm Bạn Bốn Phương với Việt Kiều). Sau đó tuỳ theo duyên phận của từng người, mà kết quả cũng có vài mối lương duyên Việt-Mỹ, đang có happy ending trên đất Cờ Hoa.
Mới đây trong dịp Family Reunion bên Texas nhân dịp đám cưới đứa cháu, tôi hỏi đùa anh:
- Giờ anh có còn muốn đưa ai qua Mỹ nữa không nà?
Anh cười lớn:
- Nếu được, anh ước gì mang toàn dân Việt Nam qua đây, cho họ nếm mùi “tư bản rẫy chết” của Mỹ, nhưng coi bộ khó quá. Thôi thì chỉ cầu mong cho quê hương mau dẹp tan cái đảng Cộng Sản ăn hại, cho người dân được nhờ.
Tôi hỏi tiếp:
- Nếu có điều gì muốn nói về nước Mỹ, anh sẽ nói gì ?!
- Đó là lời Tạ Ơn cuộc đời, Tạ Ơn Nước Mỹ đã cho anh cơ hội tiến thân, và cơ hội giúp lại người khác như một cách đền ơn xứ sở đã cưu mang anh mấy chục năm qua!

Đó là lý do tôi viết bài này, Lời Tạ Ơn nước Mỹ của Anh tôi!

Edmonton, Tháng 3.2020
Kim Loan

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Tạ Ơn - Thơ Tuyết Phan - Phổ Nhạc Mộc Thiêng


Tiếng Hát: Huấn Vinh
Thơ Tuyết Phan 
 Phổ Nhạc Mộc Thiêng

Tạ Ơn Đời


Tạ ơn xin tạ ơn đời
Đã cho tôi những nụ cười thâm ân
Tạ ơn những lúc nhọc nhằn
Áo manh phía trước chiếu nằm phía sau
Tạ ơn những lúc bể dâu
Thâm thù bỏ lại giữ màu vị tha
Tạ ơn tình có hôm qua
Hôm nay còn lại hương hoa cuối ngày
Tạ ơn khi tỉnh lúc say
Khi vơi nỗi nhớ lúc đầy nỗi đau
Tạ ơn Tình đã vì nhau
Thì xin giữ lại mai sau ngậm ngùi
Tạ ơn xin tạ ơn đời.

Hoa Văn

Cảm Tạ


Cám ơn người ghé Cõi Thiền Nhàn
Cùng một tâm hồn, một cảm quan
Vô ngã, vô thường không bận trí
Có không, không có vẫn an khang
Cuộc đời phiền não thêm chi nữa
Trần thế an vui, bớt trái oan
Chia sẻ niềm vui, tâm tĩnh lặng 
Bạn, tôi vui với Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

Gà Tây 3 Món


Còn hai ngày nữa là ngày lễ Tạ Ơn hãng phát cho công nhân mỗi người một con gà tây to tướng. Vợ chồng chị Bông làm cùng hãng, hai vợ chồng hai con gà tây mang về nhà.

Quẳng phịch hai con gà tây ra một góc bếp, chị Bông than thở và trách hãng:
- Chán quá, thay vì gà tây họ phát gà ta thì đỡ biết mấy. Trong đời mình chưa bao giờ ăn gà tây, chẳng biết mùi vị ra sao..
Anh Bông băn khoăn:
- Giống gà tây ở Việt Nam mình chỉ làm gà…kiểng, mấy nhà giàu nuôi trong sân biệt thự của họ cho đẹp mắt chứ ai mà ăn giống gà này. Nhưng em ơi, chúng ta đã mời bà Linda dự bữa Tạ Ơn thì phải có gà tây mới đúng kiểu chứ. Chúng ta đã sống ở Mỹ thì phải theo tập tục của họ.
Chị Bông giật mình :
- Ừ nhỉ, nhìn con gà tây em ngao ngán quá nên quên mất đã mời bà Linda đến với chúng ta ngày lễ Tạ Ơn. Chúng ta sẽ làm gì với hai con gà tây ..vô duyên, vô tích sự này cho bữa tiệc …?

Gia đình chị Bông mới đến Mỹ được vài tháng, sau khi học cấp tốc một khóa ESL biết loe ngoe vài chữ tiếng Anh là hai vợ chồng vội xin đi làm để kiếm tiền. Bà giáo Mỹ Linda hiền lành kiên nhẫn không những đã dạy tiếng Anh vỡ lòng cho lớp học vợ chồng chị Bông mà còn chỉ dẫn nhiều thứ trong cuộc sống mới đến Mỹ nên anh chị Bông rất mến và mang ơn bà Linda lắm.

Cách đây một tuần anh chị Bông đã đến lớp ESL gặp bà Linda và mời bà đến nhà dùng bữa tiệc Tạ Ơn đầu tiên ở Mỹ, coi như lời cám ơn chân thành dành cho bà Linda nói riêng và cho đất nước Mỹ nói chung đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình chị Bông.

Những năm 1990 chưa có mạng internet, chưa có iphone hiện đại như bây giờ nên hai vợ chồng “quê” chẳng biết hỏi ai để chế biến con gà tây cho ngày lễ Tạ Ơn, chỉ loáng thoáng nghe rằng gà tây “đút lò” mà cái “lò” oven kia chị Bông chưa dám sử dụng lần nào thì làm sao biết nướng gà. Cái vòi nước trong bồn tắm đôi khi còn…mở lầm lẫn nước nóng nước lạnh. Đi chợ chưa biết xài tiền xu, mỗi khi trả tiền cần những xu lẻ chị Bông cứ đổ mớ tiền cắc ra cho người tính tiền tự lấy cho đủ.

Trong thùng thư hôm nay ông bưu điện gởi về có mấy tờ báo chợ, thấy chợ Kroger quảng cáo món gà tây cho bữa tiệc Tạ Ơn, chụp hình con gà tây quay vàng bày ra đĩa bên cạnh là những khoai tây , đậu cô ve xanh, cà rốt cam đỏ đẹp mắt lắm. Chị Bông hí hởn đề nghị:
- Hay là mình mang tờ báo ra chợ chỉ vào hình này, mua một xuất gà tây chín sẵn về, trước là đãi khách cho lịch sự sau là nhà mình ăn cho biết mùi gà tây quay lò để sang năm mình bắt chước làm theo.
Anh Bông khuyến khích:
- Thế còn hai con gà tây hãng cho bỏ cho ai? Mình cứ thử ăn lễ Tạ Ơn với gà tây chính mình làm ra xem sao.
Chị Bông …tự ái suy nghĩ một lúc rồi cương quyết:
- Em có cách. Bàn tiệc Tạ Ơn sẽ có món gà tây như người ta..

Ngày lễ Tạ Ơn đến.

Để hai con gà tây ở ngoài đêm hôm trước thì sáng hôm sau gà mới tan đá mềm. Hai vợ chồng vất vả mổ thịt hai con gà tây mà như mổ bò, anh Bông theo lời vợ chỉ dẫn xẻ nguyên miếng thịt ức gà để chị Bông ướp gia vị lát nữa đem chiên, chị chừa lại miếng ức gà to đề xắt lát bày lên món phở. Những thịt còn lại thì băm nhỏ trộn thêm rau củ gia vị làm nhân cuốn chả giò. còn hai bộ xương gà thì hầm nước lèo nấu phở gà tây. Người ta có thịt bò 7 món, chị Bông có gà tây 3 món.

Nhà bếp rộn rịp tưng bừng dao thớt và mùi gia vị nấu nướng.
Buổi chiều chị Bông bày ra bàn một đĩa những miếng ức gà tây quay chảo vàng ươm thơm ngon đậm đà đã xắt thành từng lát sẵn sàng bên cạnh các loại rau, khoai ăn với gà tây như chợ búa quảng cáo và đĩa to chả giò mới chiên giòn hấp dẫn.

Anh Bông tự khen:
- Công anh băm thịt gà băm hành tỏi mỏi cả tay. Chắc bà Linda sẽ thích chả giò, món ruột của người Việt Nam mình ai làm cũng ngon, người Mỹ nào cũng thích.
Chị Bông cũng tự khen:
- Còn món gà tây quay chảo có thua gì gà tây quay lò đâu và nồi nước súp của hai bộ xương gà tây sao mà ngọt đậm đà. Anh ơi, Bà Linda sẽ thích gà quay và phở gà luôn.
Anh Bông trách yêu vợ:
- Thế mà lúc lãnh hai con gà tây ở hãng mặt em buồn so như lãnh…của nợ, về nhà em hững hờ thảy nó vào góc bếp coi như đồ…vô dụng.

Thằng Bí và con Bầu đứa 12 tuổi đứa 10 tuổi nhìn vào bàn ăn. Chúng ngạc nhiên thay phiên nhau kêu lên:
- Sao con không thấy con gà tây đâu?
- Nhà mình có hai con gà tây mà đâu rồi mẹ?
Chị Bông hớn hở chỉ lên bàn ăn khoe với hai con:
- Đây nè…hai con gà tây là đây nè…
Thằng Bí không tin
- Không phải, cô giáo kể chuyện lễ Tạ Ơn với con gà tây quay nguyên con cơ.
Con Bầu cũng nói:
- Cô giáo con cho xem nhiều hình ảnh lễ Tạ Ơn có gà Tây ngon hơn của mẹ cơ.
Anh Bông giải thích cho hai con hiểu:
- Mẹ con chặt gà tây ra cho dễ ăn đó con. Chúng ta đợi khách đến là ăn lễ Tạ Ơn nhé.

Khi anh chị Bông tắm rửa thay quần áo đẹp đẽ lịch sự xong thì cũng là lúc bà Linda đến, bà mang theo một ổ bánh pie nhân táo. Thế là bàn tiệc Tạ Ơn coi như đầy đủ.
Bà Linda ngạc nhiên và thích thú với những món gà tây chế biến của chị Bông,
Cả nhà vừa ăn vừa chuyện trò, anh chị Bông cám ơn bà trong thời gian mấy tháng qua đã chỉ dạy anh chị tiếng Anh, bà là người thày đầu tiên của anh chị Bông khi đến Mỹ.
Bà Linda trìu mến nói chuyện với thằng Bí và con Bầu. hai đứa nhỏ ngoan ngoãn trả lời những gì bà Linda hỏi. .

Người Mỹ rất tự nhiên, thật tình, bà Linda ăn gà quay, ăn chả giò và cuối cùng là một tô phở gà tây. Trông cách bà thưởng thức các món ăn anh chị Bông biết là bà đã ăn ngon miệng.
Chị Bông cắt bánh táo ra, bánh ngọt ngào như bữa tiệc Tạ Ơn ấm cúng và thân mật chiều nay. Hai đứa trẻ thích bánh ngọt ăn ngon lành.
Khi bà Linda ra về chị Bông đưa bà một ít chả giò bà thích lắm.
Bà Linda không quên cám ơn gia đình chị Bông đã cho bà thưởng thức những món gà tây chế biến lạ miệng trong ngày lễ Tạ Ơn. Một kỷ niệm đẹp bà khó quên.
Tiễn khách về rồi anh chị Bông nhìn nhau hài lòng.. Anh Bông mỉm cười khen vợ:

- Không ngờ mình lại có một bàn tiệc Tạ Ơn thành công thế này. Sáng kiến chế biến các món của em từ gà tây thật độc đáo.
Chị Bông hỏi hai con:
- Bí ơi, Bầu ơi. Hai con ăn gà tây của mẹ có ngon không?
Hai đứa con ríu rít:
- Con thích gà tây quay của mẹ
- Con thích phở gà tây của mẹ.
Chị Bông nói với chồng con:
- Cám ơn chồng và con đã đồng lòng với thực đơn gà tây 3 món lễ Tạ Ơn hôm nay. Sang năm em sẽ học hỏi và làm món gà tây quay trong lò để thay đổi mùi vị và để bàn tiệc Tạ Ơn nhà mình đúng kiểu giống người ta.

Gió Tháng Mười Một

Gió tháng mười một đưa anh về đây,
Lá rụng cuối mùa dáng Thu hao gầy,
Anh như vầng trăng tinh mơ sáng sớm,
Ánh trăng xanh vừa hiện giữa đường mây..

Mùa Đông chưa đến, mùa Thu chưa qua,
Vầng trăng xanh kia chưa là trăng gìa,
Anh theo cơn gío cuối tháng Mười Một,
Thổi vào đời em ở lưng chừng mùa.

Cuối tháng Mười Một mùa lễ Tạ Ơn,
Hoa Hồng vẫn nở trong vườn Thu thơm,
Có những buổi chiều cơn mưa rất nhẹ,
Không ướt áo anh không ướt áo em.

Gió tháng Mười Một cho mình gần nhau,
Gần nhau lần này không hẹn lần sau,
Quấn quýt bước chân hai người qua phố,
Gió tháng Mười Một không lạnh em đâu.

Em nhặt chiếc lá vàng khô trên đường,
Tặng anh kỷ niệm chiếc lá cuối cùng,
Em cám ơn anh một lần hội ngộ,
Chiếc lá héo như cuộc đời vô thường.

Vì em biết nay mai anh lại xa,
Gió tháng Mười Một sẽ tiễn anh đi,
Anh vẫn như vầng trăng vào sáng sớm,
Nhưng ánh trăng xanh chìm trong mây mờ.

Mới vừa gặp nhau ngày vui qua nhanh,
Anh đi rồi, em vẫn cám ơn anh,
Mưa rất nhẹ nhưng làm em ướt áo,
Gió tháng Mười Một lạnh đến cuối năm.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(Nov. 2011)