Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Em Về - Thơ Mùi Quý Bồng - Nhạc Anh Bằng - Clara Ngô


Thơ: Mùi Qúy Bồng 
Nhạc: Anh Bằng 
Trình bày: Clara Ngo 
Hình ảnh: Internet 
Tranh vẽ: Mùi Qúy Bồng 
Video: Cảnh Ngô

Chút Tình Trăng Rơi



Bỗng dưng nghe lạc dấu đời
Cõi lòng vạn dặm tìm nơi Non Bồng
Đi về giữa chốn hư không
Tình nào níu giấc mơ hồng chân đi

Câu thơ vướng bụi xuân thì
Giữa lòng nhân thế còn gì năm canh
Vườn khuya đoá nở hương quỳnh
Chút văn chương mọn chút tình trăng rơi

Đời không chia ngọt xẻ bùi
Mai sau tay vẫy ngậm ngùi gió đưa
Đường chiều mây tím sương thưa
Tưởng chừng nắng Hạ như vừa bâng khuâng

Tư riêng chiu chắt đôi phần
Suy ra tình cũng phù vân đôi bờ
Thời gian đưa đẩy đợi chờ
Tình xưa còn lại duyên mơ vỗ về

Ngập ngừng chân bước hồn mê
Vai thơ nặng nhẹ ê hề phấn hương
Lời qua hiu hắt đoạn trường
Nỗi đời còn lại vô thường gió bay.

Hoa Văn
2019

Sóng Lòng Của Biển



Ta hỏi người, ta hỏi biển xa
Sóng lòng của biển thật bao la
Sao ta thổn thức từng cơn sóng
Vỗ mạn bờ ghềnh đá xót xa

Ta có vui mỗi ngày biển nhớ
Đến thật gần và cũng thật xa
Để sóng trôi đi rồi lại cuộn
Mối tình ta một nỗi thiết tha

Có khi bãi cát vàng hong nắng
Rám tim ta những buổi trưa hè
Là nỗi nhớ thuyền anh trên biển
Giấc mơ trên sóng có quay về

Thuyền đi mãi rời xa bến cũ
Mang sóng lòng của biển nơi đâu
Trên ghềnh đá tình sầu đã vỡ
Những hoa xưa của sóng vỗ bờ

Lê Mỹ Hoàn
3/2020

Độc Hành



Bài Xướng:

Đc Hành

Thanh xuân một thuở chìm hư ảo
Say đắm yêu đương nhỡ cánh bằng
Đêm thả hồn mơ đan lối mộng
Canh tàn dệt ý kết tình trăng
Thang mây lắm bậc mờ sương khói
Nửa đoạn đường trần lạnh gối chăn
Duyên nợ đa đoan thuyền lạc nẻo
Thẩn thờ xế bóng sợi buồn giăng

Quên Đi
***
Các Bài Họa:


Tơ Lòng


Phút hẹn hò mười mong chín nhớ
Nhìn phương xa dõi cánh chim bằng
Dung nhan ấy nét buồn sương phụ
Định mệnh rày bầu bạn gió trăng
Trải tháng năm côi thân chiếc bóng
Sầu đêm ngày lẻ gối đơn chăn
Mơ đoàn viên tưởng chừng chung bước
Tơ nhện lòng đà mất lối giăng

Kim Phượng
***
Xếp Cánh Chim Bằng


Cời ngọn lửa hồng trong bếp vắng
Rã rời xếp lại cánh chim bằng
Trước từng ngang dọc qua sông biển
Nay chỉ im lìm ngắm ánh trăng
Che mặt giấu buồn sau nếp áo
Thu mình trốn lạnh dưới làn chăn
Còn đâu khí phách thời trai trẻ
Tuổi lão ngậm ngùi mắt lệ giăng

Phương Hà
***

Tùy Duyên

Ôn lại ngày xanh qua ảo ảnh
Thương thầm nhớ trộm, cánh chim bằng,
Yêu đương đắm đuối mơ hình bóng
Luyến ái mê say mộng ánh trăng
Sáu khắc rét căm da với áo
Năm canh lạnh lẽo chiếu cùng chăn
Tùy duyên, danh lợi không ràng buộc
Thoát nợ, trần ai gió bụi giăng...


Mai Xuân Thanh

Ngày 14/05/2020
***
Trăng Sơn Cước


Sơn cước thiếu thời sao mãi nhớ
Kontum yêu dấu thuở an bằng.
Bên rừng lều vải bập bùng lửa
Trên dốc thác ngàn lửng thửng trăng.
Tiếng thú hoang vu hoà nhạc suối
Sao trời lấp lánh thế mùng chăn.
Một đêm thú vị cùng bè bạn
Trong ký ức già kỷ niệm giăng.

Mailoc
5-15-2020
***
Nơi Cõi Huyễn

Đã mấy mươi năm nơi cõi huyễn
Tâm tư hoà điệu khúc âm bằng
Áo ai để lại đồi hoa cúc
Tình mộng vương đầy dấu hạ trăng
Tóc thả gọi buồn se mặt gối
Gió lùa giá rét buốt lòng chăn
Bao nhiêu kỷ niệm về hư ảo
Khiến sợi tơ sầu rối bóng giăng...

Hawthorne 15 - 4 - 2020
Cao Mỵ Nhân
***
Đôc Hành


Tht thểu trời tây thân lũ khách
Cô đơn quê mẹ nghĩa kim bằng
Độc hành gậm nhấm tình non nước
Lê bước suy tư chuyện gió trăng
Ai đã bẻ ngang lời nguyện ước
Đâu người đánh mất dịp chung chăn
Đề rồi lầm lủi trong đêm tối
Và mãi quẩn quanh giữa nhện giăng

Thái Huy 
5/16/20

Ức Đông Sơn - Lý Bạch (701 - 762)



Ức Đông Sơn

Bất hướng Đông Sơn cửu
Tường Vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự tán
Minh nguyệt lạc thùy gia

Lý Bạch (701 - 762)

Dịch Nghĩa
Nhớ Đông Sơn

Đông Sơn lâu không trở lại 
Cũng đã bao mùa hoa Tường Vi rồi
Lãng đãng một trời mây trắng
Vầng trăng sáng năm xưa nay đã lạc vào nhà ai không còn thấy nữa để dẫn lối tôi về?

Dịch Thơ:
Nhớ Chốn Cũ

1/
Chốn cũ lâu trở lại
Tường Vi đã bao mùa
Mây trắng trời phiêu lãng
Trăng buồn giãi thềm xưa

Trăng Sáng Lạc Nhà Ai
Ghi lại khoảnh khắc lần đầu trở về chốn cũ 
2/
Chốn cũ lâu quá tần ngần
Ngõ Tường Vi đã bao lần trổ hoa
Lưng trời mây trắng bay qua
Trăng xưa ngơ ngác hỏi nhà ai đây

Phạm Khắc Trí
Mây Tần
***
Nhớ Quê Cũ

1/
Đã lâu không trở lại nhà
Tường vi đã trổ nụ hoa mấy mùa?
Lưng trời mây trắng như xưa
Còn trăng chắc lạc nên chưa trãi thềm!

2/ 
Biết bao lần nhà không trở lại!
Khóm Tường Vi đã trãi bao mùa?
Trời xanh mây trắng như xưa
Vầng trăng chắc lạc khiến chưa bên thềm

songquang 
20200524
( Những ngày nhớ quê)
***
Nhớ Đông Sơn

Đông Sơn bấy lâu không lại 
Tường Vi mấy độ hoa khai 
Mây trắng xa bay tản mác 
Vầng trăng sáng lạc nhà ai. 

Kim Oanh
***
Nhớ Đông Sơn
1/

Lâu lắm không về lại Đông Sơn
Tường Vi đã nở biết bao lần
Đầy trời mây trắng trôi lờ lững
Trăng lạc nhà ai chẳng dẫn đường

2/
Lâu không trở lại Đông Sơn
Tường vi đã nở bao lần úa phai
Điêp trùng mây trắng bay bay
Trăng vàng lạc lối, còn ai dẫn đường?

Phương Hà
***
Nhớ Quê?

Lâu quá quê xưa cũng chẳng về
Tường Vi lại nở mấy mùa tê
Trời xanh lãng đãng chùm mây trắng
Trăng sáng nhà ai lạc lối về!...

Nhà Ai?

Đã lâu chưa trở lại nhà
Tường Vi mấy độ trổ hoa đã tàn
Trời xanh mây trắng bay ngang
Trăng vàng tỏa sáng lang thang trước thềm


Mai Xuân Thanh
Ngày 25/05/2020

Nhấp vào Link những bài dịch năm 2017: Ức Đông Sơn 憶東山 - Lý Bạch 

Chút Vĩnh Long Trong Tôi

⦁ Từ Bóng Hình Năm Cũ


Khi chuyến xe về tới Vĩnh Long, tôi biết mình đã trễ đò. Hơn một giờ trưa, bến đò về các cồn và huyện Chợ Lách thưa dần. Thôi thì đành kiếm gì ăn, rồi đón xe lam về đường bộ, qua bắc Cổ Chiên cũng không muộn. Trời trở gió mang theo hơi nước dọc bờ sông thật dễ chịu. Đang cuối tháng 5, mưa gió bất thường cũng giống như tôi. Chuẩn bị thi cử, mà cứ “long nhong” đón xe đò về nhà mỗi cuối tuần. Mong rằng chiều nay đừng mưa, nếu không lội bộ từ lộ Thầy Cai về Bình Hòa Phước cũng phải dễ. Không hiểu sao, mỗi lần về tới Vĩnh Long là lòng tôi nôn nao lạ kỳ. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi mà tôi bồn chồn chân tay đến no, không muốn ăn gì nữa. Phía bên kia, đối diện bến đò là dãy hàng quán cơm, mì, hủ tiếu… không thứ gì không có. Thôi tính gọn, mua ổ bánh mì thịt nguội, vừa ăn vừa ngồi xe lam cho đỡ tốn thời gian. Mà bánh mì thịt nguội pa-tê gan của bến đò Vĩnh Long thì nổi tiếng vô cùng. Ăn hoài không chán, càng ăn càng nghiền. Lần nào cũng vậy, trước khi xuống đò tôi đều mua thêm vài ba ổ bánh mì thịt chả pa-tê mang về cho đứa em gái, cho mẹ làm quà chợ Vãng! 

-Hoàng… Hoàng phải hông..?

Tôi quay lại trong tiếng gọi tên thật quen. Chị Lệ. Trước mặt tôi, vẫn chiếc áo dài màu xanh nhạt chị Lệ tươi cười rạng rỡ. Nhà bên kia con sông nhỏ, chị Lệ lớn hơn tôi 3 tuổi đang làm thư ký cho hội đồng xã. Dáng cao thon thả, khuôn mặt sáng với nụ cười tươi tắn, chị đẹp nổi tiếng cả xã, cả huyện. Đây cũng là lý do cho những nôn nao bồn chồn, những chuyến xe trễ thất thường của tôi mỗi cuối tuần.

-Hoàng về hồi nào? Đã trễ đò rồi… Hay đợi bao đò về chung với Lệ và mấy anh trên huyện nghe… 
Bao nhiêu thấp thổn, bồn chồn tan biến, tôi chợt nhớ đến chuyện bao đò về nhà:
-Chắc không về đò bao được đâu chị… Hoàng sẽ qua Cổ Chiên, về bằng đường bộ tiện hơn.

Phần lớn các chuyến đò bao đều biết nội tôi, hay khi ghé nhà nội đều không “dám” lấy tiền đò. Vì vậy nội căn dặn tôi rất kỷ, tránh việc bao đò về nhà. Nghe tôi chối từ, chị Lệ hiểu ngay.
-Lệ biết rồi. Để nhắn lại cho bên mấy anh biết, Lệ sẽ đi về phía đường bắc Cổ Chiên với Hoàng…

Sau khi nhắn lại với người chủ đò, chị Lệ dằn lấy tay tôi vừa đi vừa nói:
-Bây giờ mình đi ăn hủ tiếu mỳ. Lệ sẽ dẫn Hoàng đi ăn xe hủ tiếu mỳ ngon nhất chợ Vãng.

Theo chân chị đi vòng qua bên kia bến xe lam, hướng về phía chợ Vĩnh Long. Loanh quanh qua mấy con lộ thì đến một dãy hàng quán kê bàn ghế dọc theo mặt lề đường..
-Tới rồi! Hoàng đói dữ chưa?


Tôi chỉ cười, ậm ừ. Đó là một chiếc xe mỳ quen thuộc của người Hoa, (hình như có tên Triều Ký), trước một quán ăn nhỏ. Đã quá trưa nên cũng vắng người. Quả thật như vậy, đó là tô hủ tiếu mỳ ngon nhất chợ Vãng, ngon nhất đời tôi. Chừng như cả một tỉnh thành rộng lớn của Vĩnh Long thu gọn vào không gian nhỏ bé của quán mỳ Triều Ký. Trước mặt tôi là người con gái đã khiến tôi nôn nao, háo hức suốt chuyến xe đò từ Sài-gòn trở về Bình Hòa Phước mỗi tuần. Người con gái có đôi mắt to tròn, nụ cười rạng rỡ luôn đem đến cho tôi bao niềm vui và mơ ước. Tôi yêu quê nội hơn không chỉ con sông chảy êm đềm có từng cụm lục bình hoa tim-tím nhạt, mà hình bóng thướt tha của chị phía bên kia bờ mắt dõi nhìn sang. Quê hương trong tôi không chỉ là con đường làng rợp bóng dừa nghiêng, mà là những con người, những con người cưu mang một đời tôi không dứt. Hình bóng quê hương trong tôi không chỉ là những bụi tre làng nghiêng đưa chiều gió, mà là mái tóc người thương chiều xõa nắng ven sông. 

Chuyến phà đưa tôi và chị Lệ qua bên kia bờ Cổ Chiên là chuyến phà đẹp và ngắn nhất đời mình. Rẽ vào con lộ thầy Cai, từ đường lớn chạy về Chợ Lách tôi cứ lo sợ buổi chiều nắng hết, ngày sẽ vội qua. Thương cho chị thỉnh thoảng, cũng cố nán dừng lại, cắt nghĩa cho tôi tên một loài hoa bên đường, cứ như lối về sẽ đến nhanh hơn… Để rồi thời gian cũng loáng thoáng trôi qua, mặc cho đời người có níu kéo hay hờ hững không màng. Chị đi lấy chồng khi tuổi đời tôi còn quá nhiều ước hẹn. Mối tình đầu của tôi đã theo con nước êm đềm trước nhà nội xuôi mất cuối nhánh sông quê. Biền biệt. Chỉ để trong tôi những buổi chiều mặt nước sông đầy, tiếng chim chiều gọi mùa thương nhớ. Có chút dòng sông quê nội, có chút Vĩnh Long theo tôi qua bao nhiêu biển rộng quê người… 

⦁ Đến Dấu Ấn Hôm Nay


Cuộc sống là những tình cờ của bao chờ đợi? Hay là những ngẫu nhiên xuôi mênh mông trên dòng đời bất chợt? Mà hề gì phải không các bạn, khi “tha hương ngộ cố tri” thì có gì bằng.

Gần 50 năm thoáng hoặc “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt”, như câu hát của Vũ Đức Sao Biển… Và tôi cũng biền biệt với quê nội theo bao nhiêu dâu bể cuộc đời. Tưởng đã quên, đã chôn sâu những vết hằn ký ức. Ngỡ đã quên đi bao dấu chân dĩ vãng, theo bóng dã tràng. Nhưng làm sao quên khi “cuống rốn” và giấy khai sinh tôi ghi rõ: làng Bình Hòa Phước, huyện Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long… Cuộc sống đời thường, cơm áo gạo tiền cuốn hút theo dòng thời gian xuôi mãi một dòng trôi! Để có lần tình cờ lan man trên “mạng” tôi tìm lại được một chút Vĩnh Long: trang nhà Long Hồ Vĩnh Long có địa chỉ điện thư Lê Thị Kim Oanh. Tất cả như trở về, con sông trước nhà nội, dòng Cổ Chiên tuổi tôi mới lớn với mối tình đầu đẹp nhất đời người. Với nụ hôn vụng dại tham lam. Với mùi hương con gái lần đầu thương tưởng. Tôi dừng lại và đọc. Càng đọc tôi càng thích thú và cảm phục vô cùng trước những tình cảm, năng lực của người Vĩnh Long với quê hương của mình. Tôi tìm lại chút Vĩnh Long qua chữ viết, qua những hình ảnh thu thập quý giá của trang nhà. Thành thật mà nói, là người có lần dạy văn trường học nhưng đối với chữ nghĩa văn chương tôi cũng chỉ là người “cưỡi ngựa xem hoa”! Viết chỉ là một thú vui tiêu khiển, nói với mình kể với “ai đó” rằng đời này còn biết bao tình yêu, biết bao chuyện đời người có thật. Thời đại của nền công nghệ hiện đại đã và đang thay đổi toàn bộ sinh hoạt xã hội, tinh thần và tình cảm của những thế hệ mai này. Hình ảnh và tình cảm quê nhà cũng thay đổi, cũng được hiện đại hóa bằng những phiếm chữ của vài ngón tay.

Tôi đọc hằng loạt bài viết trong mục “Văn” của Lê Thị Kim Oanh. Để thấy được tâm tình của người con gái Vĩnh Long. Để thấy được một thế hệ “rất gần” tôi với bao nhiêu “thiệt thòi” đẹp nhất của thời con gái. Những thiệt thòi bị cuốn xuôi theo dòng chảy của cuộc đổi đời, của vận nước nổi trôi… Mọi sự lựa chọn đều mất mát. Thế hệ chúng tôi đã phải lựa chọn bao nhiêu điều không mong đợi! Có sự lựa chọn nát lòng, có sự lựa chọn phải trả bằng cuộc đời, bằng sinh mạng. LT Kim Oanh đã ghi lại những điều này bằng sự thơ ngây, chân thành và nhiều nước mắt… Lần nữa, hình ảnh người con gái tôi yêu, như dòng lệ chảy miên man cuối tận nhánh sông dài. Con sông nhỏ xuôi lòng sông cái Lớn, mang theo những cụm hoa lục bình tim-tím nhạt uốn quanh nguồn con nước cuối biển xa. Vĩnh Long trong tôi bàng bạc một màu thương nhớ khôn nguôi… 

Bây giờ Vĩnh Long là một gia đình lớn, mà những dòng sông con chảy ra khỏi quê hương, đáp vào bến bờ nơi quê người xứ lạ. Có thêm một người tôi ngỡ đã quen lâu. Cũng một Vĩnh Long tôi chưa hề gặp mặt, Lê Thị Kim Phượng. Nụ cười, khuôn mặt Vĩnh Long sao như kỷ niệm một lần tôi để lại bến sông. Đã có bao nhiêu khuôn mặt đi qua đời ta? Đã có bao nhiêu ánh mắt, nụ cười làm ta biếng ngủ? Và đã có bao nhiêu khuôn mặt, nụ cười ấy dừng lại đời ta thoáng chợt đôi lần? Ta đã yêu người và có người đã yêu ta… Như một chiều “mưa bên kia sông”, che nghiêng nghiêng khuôn mặt người yêu dấu. 

Người con gái Vĩnh Long cũng ở cách tôi, chừng ấy khoảng cách một quê nhà. Đêm ở đây là ngày bên đó. Cũng là thế hệ của tôi. Thế hệ của cuộc chiến tranh trải dài rồi bất ngờ kết thúc. “Hòa bình” đã nén bao nhiêu con người vào những sự lựa chọn nát lòng. Có chiều dài của khổ đau. Có thước đo của hạnh phúc. Có sự chịu đựng và hy sinh đáng lẽ không nên có. Vĩnh Long thân yêu, êm đềm của tôi có thêm những ngày sau cơn giông bão lớn…

Tất cả cũng sẽ qua đi, dù đợi chờ hay hờ hững. Cuộc sống trôi xuôi, dòng thời gian cũng không trôi ngược bao giờ. Có còn hơn không, bao tình thân thương dẫu muộn màng. Viên đá quý không phải tìm đâu cũng thấy. Có khi cả một đời người, đốt đuốc thâu canh cũng không thấy được một lần. Tôi trân trọng với duyên kỳ ngộ, với những người con của đất Vĩnh Long. Với trong tôi dòng sông Cổ Chiên vẫn muôn đời hiền hòa chảy ngang, thấm bao tấm lòng người chợ Vãng. Của cầu Thiềng Đức, của Cầu Lầu dẫn về con đường của một thời con gái bao bận đi qua. Con nước khi đầy khi cạn, nhưng chiếc cầu sẽ mãi nối liền bao mạch máu về tim… Xin giữ lại chút Vĩnh Long trong tôi suốt hành trình còn lại, chất chứa đầy ấp những nhớ thương…!

Cuối tháng 5, 2020
Người Chợ Vãng

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Ngày Ðó Chúng Mình - Phạm Duy - Sĩ Phú


Sáng Tác: Phạm Duy
Ca Sĩ: Sĩ Phú
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Đưa Thu Vào Mộng



Trăng trắng ngà, giữa ngàn sao lấp lánh,
Sương mơ màng, trên đỉnh núi xa xa
Cúc nở nụ cười chúm chím vàng hoa
Tường vi đỏ, như môi cô hàng xóm.

Nắng hồng trên cỏ, chớp lia đom đóm,
Ấy là Thu!… Thu đã tới trước nhà!
Chào đón Nàng, có giọng hát sơn ca
Đàn bướm nhỏ, bay chập chờn khiêu vũ.

Cả rừng phong, áo muôn mầu quyến rũ,
Liễu nghiêng đầu, hong mái tóc xanh lơ
Mây lưng trời, bỗng dừng lại ngẩn ngơ
Gió mơn trớn đa tình hôn trên má.

Chao ôi! Thu dịu hiền… yêu Thu quá!
Một trời Thu… hay tất cả là Thơ?
Ánh trăng thanh, nhuộm vũ trụ huyền mơ
Đêm buông xuống, ta đưa Thu vào mộng.

Đành đã biết, Thu ôm tròn lẽ sống,
Nhưng xá gì… lá rụng với mây bay!
"Thu ẩm hoàng hoa tửu" (*) ngất ngây say
Há phải đợi Đông về ngâm Bạch Tuyết!

Rót tự trái tim, những dòng trác tuyệt,
Đưa tình Thu, lên cung Nguyệt mơ màng
Xa chốn trần ai, ô nhiễm, hỗn mang
Thu nhập hồn Thơ… lênh đênh trời mộng!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia.

Giáp Vòng Hoa Mộng



Sông sâu thương chuyến đò đầy
Năm dài, tháng rộng nhớ ngày biệt xa
Trời thì bát ngát, bao la
Đất không tìm thấy đường ra, lối vào

Đố anh, em ở phương nào
Trong không gian có biết bao tinh cầu
Để rồi hỏi lại một câu
Tiếng yêu anh nói xưa sau mấy lần

Hạ thu rồi tới đông xuân
Mùa như nán lại đôi phần vu vơ
Thế anh có định giả vờ
Hẹn hò em đợi, em chờ thêm không

Bây giờ hạ đã mênh mông
Một trăm năm nữa cũng bồng bềnh thôi
Từ đi huyễn mộng tan rồi
Thuyền thơ lãng đãng biển đời riêng em...

Cao Mỵ Nhân

Người Đi - Ngày Về


Bài Xướng:

Người Đi

Người xa mù ta vẫn đây
Chiều hoang hơi lạnh sương vây trắng mờ
Trải lòng viết nốt vầng thơ
Thả theo dòng nước xuôi bờ trùng dương
Mong thuyền quay lại bến thương
Tình thi chấp bút thôi vương mắt buồn
Trang giấy nhoè nhạt lệ tuôn
Mực loang tím đẫm tim muôn vết hằn
Mỏi mòn mấy độ mùa trăng
Bài thơ dang dở nhắc rằng... Người xa...

Kim Oanh
***
Bài Họa:

Ngày Về


Ngập ngừng, tôi trở về đây
Bốn bề sương khói giăng vây mịt mờ
Nhớ người, muốn nối tình thơ
Dẫu cho ngăn cách đôi bờ đại dương
Ngậm ngùi bao nỗi luyến thương
Dung nhan ngày cũ còn vương nét buồn?
Lệ sầu thôi nhé đừng tuôn
Thời gian rồi sẽ xóa muôn dấu hằn
Giã từ đã mấy tuần trăng
Niềm vui tái ngộ chắc rằng không xa ...

Hồ Khiên

Lạc Thú



Bài Xướng:

Lạc Thú


(Lục ngôn)

Đường trần một thoáng tựa mây bay
Dớn gót phiêu du quảy tháng ngày
Núi biếc non ngàn thỉnh phước
Sông hồ bạt sóng cầu may
Soi thềm nắng tìm tri kỷ
Dạt áng mây trốn đọa đày
Xướng họa thi nhân đời lạc thú
Bồ đào mỹ tửu mặc tình say.

Phan Thanh Xuân
27/05/2020
***
Bài Họa:​

Đắm Say!

(Lục ngôn)

Thoát chốc thời qua tợ lá bay
Mùa vui hạnh ngộ được bao ngày
Vương nắng đưa tình khoe sắc
Lưu luyến mùa quyện gió may
Vàng rơi úa thu tê tái
Biệt xa vào cõi lưu đày
Thái lai hò hẹn sang mùa tới
Rực rỡ đua màu kẻ đắm say!

Kim Oanh
***
Hành Trang Trọn Gói

( Lục ngôn)

Buộc mối ưu phiền gửi gió bay
Xuân đi hạ đến dẫu bao ngày
Trí lạc đâu nề nỗi khó
Tâm lành xem nhẹ điều may
Suy tính lòng hay hoảng loạn
Bon chen dạ ngỡ lưu đày
Hành trang gói trọn qua thuyền nhỏ
Tứ đại thôi gầy mộng tỉnh say!

Như Thu
27/05/2020
***
Chút Nồng Say
( Lục ngôn )

Ngồi buồn thế sự ngắm chim bay
Nhớ đến tình yêu mòn mỏi ngày
Cõi tạm trầm luân lắm rủi
Thiên đường nhẹ hẫng nhiều may
An vui cuộc đời thong thả
Khắc khoải số kiếp ải đày
Thả xuống trần gian dăm ý thắm
Đưa vào nhân loại chút nồng say

Phượng Hồng
27/05/2020
***
Thôi Đừng...

Đời người như chiếc lá thu bay
mòn mỏi ,bon chen với những ngày
Đau khổ, ngậm ngùi phận bạc
Rộn ràng ,hoan hỉ duyên may
Đuối sức trong vòng danh lợi
Chồn chân giữa chốn ngục đày
Cuộc sống phù du...ta biết thế...
Thôi đừng tiếc nuối mộng cuồng say!

Thy Lệ Trang
29/05/2020
***
Lắng Dịu

Tâm trần nhờ gởi gió ngàn bay.
Đã nhận nơi đây chọn tới ngày.
Đồi mộng luôn gìn... lá thắm
Cội mơ mãi giữ... điều may.
Ngoại biên nóng lạnh...nguồn đổi
Quê quán hờn than...sóng đày
Đêm ngắm trăng sao buồn lắng dịu
Sáng chiều vận thả trí vui say.

Đặng Xuân Linh

Xuân Thanh 春 聲 - Trần Văn Lương



Dạo:

Lệ đêm tấu khúc nhạc rời,
Bâng khuâng tự hỏi ai người tri âm.

Cóc cuối tuần:

春 聲

熱 淚 澍 梅 林,
落 花 碰 古 琴..
悲 聲 沈 晦 夜,
何 處 借 知 音?

陳 文 良

Âm Hán Việt:

Xuân Thanh

Nhiệt lệ chú mai lâm,
Lạc hoa bính cổ cầm.
Bi thanh trầm hối dạ,
Hà xứ tá tri âm?

Dịch nghĩa:

Tiếng Xuân


Lệ nóng đổ xuống rừng mai,
Hoa rụng chạm vào cây đàn xưa.
Tiếng (đàn) buồn thảm chìm trong đêm tối đen,
Biết (tới) chốn nào để mượn (được) một kẻ tri âm?

Phỏng dịch thơ:

Tiếng Xuân


Dòng lệ nóng rưới lên cành mai nhỏ,
Xác hoa tàn rơi gõ phím đàn câm.
Giữa đêm đen khẽ vọng tiếng nhạc trầm,
Trời đất rộng, tri âm nào có kẻ!

Trần Văn Lương
Cali, 2/2018
***
Người rơi lệ, lệ rơi trên hoa, xác hoa rơi trên đàn.
Một nốt nhạc trầm buồn chợt vang trong đêm tối.
Do người ư?
Do lệ ư?
Do hoa ư?
Do đàn ư?
Hỡi ơi! Tiếng đàn đó ai là người nghe được?
Trời đất mênh mông, tri âm chốn nào?
Than ôi!

Phi Dã Thiền Sư

*** 
Xuân Âm

Cành mai đẫm lệ nóng
Hoa rụng rung dây xưa
Tiêng nhạc trầm đêm tối
Tri âm nghe thấy chưa ?

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Tiếng Xuân

Lệ nóng đẫm rừng mai.
Hoa rơi phủ đàn ai.
Thanh âm trầm đêm tối.
Tri âm biết có người?

Mùi Quý Bồng
02/01/2018
***
Tiếng Xuân

Lệ nóng nhỏ rừng mai
Hoa rụng gẩy đàn ai
Âm trầm buồn đêm vắng
Tri âm đâu có hay!

Con Cò
***
Tiếng Xuân

Lệ nóng ướt cánh mai
Xác hoa chạm đàn ai
Tiếng trầm bổng đêm tối
Hỏi có kẻ nào hay?

Tha Nhân
***
Lệ hoen ướt cánh mai vàng
Xác hoa phủ xuống phím đàn của ai
Tiếng trầm đêm vắng ngân dài
Tri âm chẳng biết có ai nơi nào?

Tha Nhân

Có Những Nụ Cười


Đây là bài số năm trăm mười lăm (515) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon

Nhiều độc giả nói với người viết rằng: “Tuần nào tôi cũng thấy Sương Lam “cười duyên dáng” trên tuần báo Oregon Thời Báo.

Mèn ơi, nghe thế người viết mừng quá vì ít ra nụ cười của tôi trên báo cũng đã đem lại một chút gì vui vui cho thân hữu vì khi bạn nhìn một nụ cười, bạn vẫn vui hơn là thấy cái mặt nhăn nhó, giận dữ của “ông xếp” hay của “lệnh bề trên”, bạn nhỉ?
Trong tiếng Anh “Smile” có nghĩa là nụ cười; bạn có biết nụ cười được tạo nên từ những yếu tố nào?

- Sweet: ngọt ngào.
- Marvellous: tuyệt diệu.
- Immensely likeable: khả ái.
- Loving: đáng yêu
- Extra special: ngoại biệt

Nụ cười tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại là món quà vô giá mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho loài người. Chúng ta sẽ sống thế nào khi không biết cười? Chúng ta sẽ biểu lộ sự vui mừng bằng cách nào nếu không có nụ cười?

Nụ cười có thể xua tan mọi đau buồn, hàn gắn mọi vết thương, làm dịu đi nỗi cô đơn và quan trọng hơn hết là mang mọi người đến gần nhau hơn... Nụ cười là thứ tài sản quí giá mà không phải ai cũng dễ dàng có được nếu chẳng chịu mở rộng lòng mình để đón nhận nó... Hãy tạo cho mình nụ cười bằng những việc làm có ý nghĩa, bạn sẽ thấy cuộc đời này tuyệt diệu biết chừng nào!

Bạn có thể làm cho bản thân mình trở thành một con người mới: Buổi sáng thức dậy mỉm cười, mỉm cười bước ra khỏi nhà, mỉm cười khi gặp gỡ người khác, khi làm việc mỉm cười, khi nghỉ ngơi cũng mỉm cười - tất cả điều này là một thói quen tốt. 

10 lý do để mỉm cười:

- Mỉm cười đẹp hơn cái nhíu mày của chúng ta.
- Mỉm cười làm chúng ta vui vẻ thêm.
- Mỉm cười khiến ngày tháng chúng ta đã và sắp đi qua trở nên có ý nghĩa.
- Mỉm cười giúp ích đối với việc kết bạn.
- Mỉm cười biểu thị sự thân thiện, dễ gần.
- Mỉm cười tạo nên một ấn tượng tốt cho người khác.
- Mỉm cười với người khác, người khác cũng sẽ mỉm cười với bạn.
- Nếu bạn mỉm cười thì bạn càng trở nên tự tin và thu hút hơn.
- Nụ cười của bạn sẽ làm giảm bớt sự lo lắng của người khác.
- Một nụ cười có thể giúp bạn có tình yêu đích thực.

(nguồn: Sưu Tầm tren internet)
Xin mời Bạn đọc những tài liệu dưới đây về nụ cười nhé.

1- Nụ cười trong nhân gian

Thở ra hít vào

Trăm năm trong cõi người ta
Ai ai cũng phải thở ra hít vào
Trăm năm trong cõi người nào
Ai ai cũng phải hít vào thở ra 
Xa xa như ở nước Nga
Người ta còn phải hít vào thở ra
Gần gần như ở nưóc Lào
Người ta cũng phải hít vào thở ra 
Nói chung trong cõi người ta 
Ai ai cũng phải thở ra hít vào

(Nguồn: internet)

Bạn sẽ cười như thế nào khi đọc bài thơ vui vui như thế ? Hy vọng bạn cũng sẽ cười tủm tỉm như người viết vì tính chất tếu tếu của bài thơ. Thế là bạn đã có một niềm vui trong ngày rồi đấy nhỉ?


2- Nụ cười của người Tu Sĩ

Nụ cười Chân Như

Thử một lần buông xả
Nhận biết Thu đã về
Không bận lòng, hối hả
Hạnh phúc.. đầy sơn khê.

Chỉ cần có Chánh niệm
Tiếp xúc với mây trời
Mỉm cười cùng hoa cỏ
Hỏi lòng nào.. không tươi!.

- Chỉ cần nghe lá rơi
Ừm! bốn mùa sinh diệt
Chẳng có gì chắc thiệt!
Biết vậy, đời yên vui..

Chỉ cần nhìn suối trôi
Vạn duyên không dừng lại
Mặc! cho dòng xuôi mãi..
Ta sống cùng thảnh thơi..

- Mấy mươi năm trong đời
Bao lâu mà.. hờ hững?!
Tịnh Độ chẳng xa vời
Lắng tâm, liền cảm nhận..

Chỉ cần trong Tỉnh lặng
Khoảnh khắc chạm muôn trùng..
Con chim và hạt nắng
Hát lên lời vô chung..

Chỉ cần sống ung dung..
Bến bờ ngay thực tại
'' Không bước, không dừng lại
Người qua dòng bộc lưu..''

- Ơ! nét cười Chân Như
Thắp bên đời mưa, nắng... 

Như Nhiên- Sakya Tánh Tuệ
Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ

3- Nụ cười của Triết Nhân

– Mỗi trái tim có một vài nỗi đau chỉ có cách biểu hiện nỗi đau là khác nhau… Một số dấu nó trong đôi mắt. Trong khi số khác lại dấu nó trong nụ cười của họ.


– Có những người không bao giờ nở một nụ cười với bạn. Không hề gì, bạn cứ trải lòng mình ra và tặng họ nụ cười của bạn. Họ là những người không còn nụ cười để cho, vì lẽ đó, họ chính là những người cần nụ cười của bạn hơn ai hết.

– Mỗi lần bạn mỉm cười với một người, thì đó là một hành động của tình yêu, một món quà cho người đó và là một điều tốt đẹp – Mother Teresa

– Tôi đã mỉm cười ngày hôm qua. Tôi đang mỉm cười ngày hôm nay và khi ngày mai đến, tôi sẽ mỉm cười. Vì đơn giản, cuộc sống quá ngắn để ta khóc về mọi thứ – Santosh Kalwar

– Bạn sẽ tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống, nếu như bạn nở một nụ cười – Charles Chaplin

– Cuộc sống như một tấm gương, bạn cau mày thì nó cũng cau mày lại với bạn, hãy mỉm cười… nó cũng sẽ mỉm cười với bạn – Herbert Samuels

– Đôi khi nụ cười được bắt nguồn từ những niềm vui, nhưng có lúc niềm vui có được là nhờ nụ cười – Thích Nhất Hạnh

– Hãy đếm tuổi của bạn bằng số bạn bè chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt – John Lennon

– Hãy bắt đầu một ngày mới với nụ cười, ít ra nó cũng là một sự khởi đầu tốt đẹp

– Nụ cười là chiếc chìa khóa duy nhất mở được trái tim của người khác.

– Phương thuốc tốt nhất trên thế giới này mà không có các tác dụng phụ khác đó là nụ cười. Tôi mong rằng thứ thuốc hữu hiệu ấy luôn luôn có trong bạn.

Hãy cười thật to và cười thật tươi, cho ngày mới vui tươi hơn nhé. Tiếng cười là liều thuốc bổ tốt nhất mang lại sức khỏe cho con người. Hãy cười len khi còn có thể bạn nhé.

(Nguồn: Internet)

Và sau cùng là Nụ Cười Từ Bi, Hỷ Xả, An Nhiên Tự Tại của Chư Phật qua Youtube dưới đây do người viết thực hiện

4- Youtube Nụ Cười của Phật


Dù bạn và người viết không có nụ cười khuynh nước khuynh thành như Bao Tự hay bí hiểm như nàng Mona Lisa, bạn và tôi cứ cười lên cho vui với đời một tí nha Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc,vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 515-ORTB 936-5272020)

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Perfect - Songwriter Ed Sheeran - Đàn & Hát Huỳnh Bảo Đăng

Trang Long Hồ Vĩnh Long xin giới thiệu. Đây là tiếng đàn và hát của cháu Huỳnh Bảo Đăng, thế hệ thứ ba của Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long. Huỳnh Bảo Đăng là cháu nội của  anh Huỳnh Hữu Đức.


Songwriter: Ed Sheeran 
Đàn & Hát: Huỳnh Bảo Đăng
Thực Hiện: Huỳnh Hữu Đức

Lục Bát Tình Mười Một



Mừng con - hôn lễ - kiêu sang
Sơn hào, hải vị - đèn vàng, đỏ, xanh...
Hoa đua nhau nở khoe cành
Rượu trào bên phím âm thanh gọi mời
Cô dâu chú rể trọn đời
Bước trên đất Mỹ tuyệt vời văn minh
Mừng con - chợt nghĩ đến mình
Ba mươi năm trước chiến chinh liên hồi
Ba, tên lính trận rách tơi
Mẹ con, thiếu nữ mồ côi cơ hàn
Cưới nhau trong tiếng súng vang
Rước dâu đi giữa hai hàng lính reo
Dăm chai rượu đế...lèo tèo
Bày ra một bữa tiệc nghèo trên sông
Ba mươi năm trĩu trong lòng
Vui sao, nước mắt rơi vòng quanh tim?

Phạm Hồng Ân

Ai Xuôi - Như Thể Một Lần


Ai Xuôi

Xuôi chi chưa gặp một lần
Mà nghe tình đã thật gần dẫu xa
Tình trong con chữ thiết tha
Bài thơ còn lại trong ta dạt dào
Đêm rồi bất chợt chiêm bao
Đôi tay vụng dại rơi vào khoảng không
Cành cao trổ muộn nụ hồng
Tim nay lại thắt thêm vòng bâng khuâng 


Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Như Thể Một Lần


Một lần, ừ có còn hơn
Dẫu xa cách mặt tình trong tầm nhìn
Thiết tha con chữ xoay vần
Dạt dào tiếng sóng tưởng chừng biển xa
Chiêm bao đây chút lụa là
Khoảng không đo mấy tầm xa gối kề
Nụ hồng mấy dặm sơn khê
Bâng khuâng nghe máu chảy về giữa tim…


(Viết nhân đọc bài thơ “Ai Xuôi” của LTKP)
Nguyễn Hoài Nam


Mai Kia Ta Về


Trời trở lạnh cho đong đầy nỗi nhớ
Bếp vắng than hồng giá buốt chiều đông
Hương lửa ấm quê nhà xưa xa lắm
Em buồn không hồn nước cháy bên lòng

Tay ngày ấy chưa kịp đưa tay vẫy
Quê hương xa mãi xa tắp nghìn trùng
Hòn đất mẹ vội vàng chưa kịp nắm
Thuyền xa khơi mây sóng khỏa chập chùng

Đời viễn xứ dẫu ngàn năm vẫn thế
Dẫu ngàn năm vẫn khắc khoải hoài mong
Cuối đất cùng trời dẫu mãi đi rong
Quê đất tổ vẫn muôn đời thánh địa

Một chút hương cau, thoảng thơm mật mía
Dòng sông êm ả cỏ nội hương đồng
Cánh diều ru gió xanh biếc trời trong
Tầm tay xa nhân nỗi nhớ mênh mông

Mai kia em về mắt thôi lệ đọng
Mai kia tôi về sạch bóng tàn hung
Nắng chiều vương chân lúa oằn quang gánh
Trăng thanh bình vui soi bếp lửa hồng

Mai kia em về
Mai kia ta về
Bầy trẻ thơ_ rồi, má môi sữa mọng
Áo mới cười tươi rượi mát xuân phong.

Hà Nguyên Lãng

Thu Tứ 秋思 - Bạch Cư Dị



Thu Tứ 

Tịch chiếu hồng vu thiếu 
Tình không bích thắng lam 
Thú hình vân bất nhất 
Cung thế nguyệt sơ tam 
Nhạn tứ lai thiên bắc 
Châm sầu mãn thủy nam 
Tiêu điều thu khí vị 
Vị lão dĩ thâm am 

Bạch Cư Dị 

Dịch Nghĩa:

Ý Thu

Nắng chiều chiếu ánh đỏ như thiêu đốt
Bầu trời tạnh ráo sắc xanh nhiều hơn sắc lam
Mây đổi thay hình dạng các thú vật 
Trăng mùng ba có hình cánh cung 
Ý nhạn muốn bay lên mạn bắc
Tiếng chầy làm buồn bã vùng sông phía nam
Khí vị mùa thu thực là buồn bã)
Chưa già nhưng đã hiểu biết nhiều

Bản dịch:

Ý Thu 

Nắng chiều hồng, mặt trời đỏ thắm 
Xanh biếc trời vương vấn chút lam  
Trong mây hình thú hợp tan 
Mồng ba , liềm mỏng trăng đang tượng hình 
Ngóng về bắc viễn chinh cánh nhạn 
Tiếng chày buồn lãng đãng sông Nam 
Hơi thu sầu thảm không gian 
Chưa già mà đã mênh mang hiểu đời 

Mailoc
***
Ý Thu

Nắng chiều sắc đỏ như thiêu
Bầu trời tạnh ráo xanh nhiều hơn lam
Mây thay hình dạng hợp tan
Mùng ba trăng khuyết đóng màn cánh cung
Nhạn vời hướng Bắc bay tung
Tiếng chày buồn bả Nam phương nhịp nhàng
Thu sầu ảm đạm không gian
Chưa già đã hiểu miên man sự đời

songquang
***
1- Nguyên bản chữ Nho của bài Thu Tứ:

秋思                  THU TỨ
夕照紅於燒, Tịch chiếu hồng ư thiêu,
晴空碧勝藍。 Tình không bích thằng lam.
獸形雲不一, Thú hình vân bất nhất,
弓勢月初三。 Cung thế nguyệt sơ tam.
雁思來天北, Nhạn tứ lai thiên bắc,
砧愁滿水南。 Châm sầu mãn thủy nam.
蕭條秋氣味, Tiêu điều thu khí vị,
未老已深諳。 Vị lão dĩ thâm am.
白居易             Bạch Cư Dị

* Chú thích :
- THU TỨ 秋思 : Những cảm xúc nghĩ ngợi về mùa thu, là Tứ thơ của mùa Thu.
- HỒNG Ư THIÊU 紅於燒 : Đỏ rực như lửa cháy.
- BÍCH THẮNG LAM 碧勝藍 : Xanh biên biếc hơn cả màu xanh lam.
- CHÂM 砧 : Tấm thớt, ở đây chỉ cái chày bằng đá dùng để đập giặt vải thô.
- KHÍ VỊ 氣味 : là Mùi vị. THU KHÍ VỊ 秋氣味 là cái hơi hám của mùa thu.
- AM 諳 : là Am tường, thấu hiểu. THÂM AM 深諳 : Thấu hiểu một cách rõ ràng tường tận.

* Nghĩa bài thơ:
TỨ THU 
Nắng chiều đỏ rực như cháy ở phía trời tây. Bầu trời xanh biên biếc hơn cả màu xanh lam. Các cụm mây luôn chuyển đổi hình dạng bất nhất từ con thú nầy sang con thú khác. Vầng trăng non ngày mùng ba cong tợ nửa cánh cung. Đàn nhạn bay về nam để trốn lạnh nhưng lòng lại luôn nhớ về phương bắc. Tiếng chày đá giặt vải thô để may áo ngự hàn từ phương bắc trên dòng nước đầy của phương nam. Cái hơi hám tiêu điều hiu hắt của mùa thu, mặc dù chưa già nhưng tất cả cũng đều am hiểu mà cảm nhận được.

Diễn Nôm:
Thu Tứ 

Trời tây rực lửa hồng,
Xanh biếc giữa từng không.
Mây đổi muôn hình thú,
Trăng mồng ba mông lung.
Nhạn xuôi nam nhớ bắc,
Chày sầu nước nam dâng.
Hiu hắt hơi thu lạnh,
Chưa già vội bâng khuâng.

Lục bát:

Nắng chiều đỏ rực trời tây,
Xanh lơ biên biếc từng mây lam hồng.
Muôn hình vạn trạng thú lồng,
Mồng ba trăng mới cong vòng cánh cung.
Xuôi nam nhớ bắc nhạn trông,
Tiếng chày đập vải đầy dòng nước nam.
Hắt hiu hơi lạnh thu sang,
Chưa già nhưng đã ngập tràn ý thu.

Đỗ Chiêu Đức
---o0o---


Tảo Thu Độc Dạ 

Tỉnh ngô lương diệp động 
Lân chử thu thanh phát 
Độc hướng thiềm hạ miên 
Giác lai bán sàng nguyệt 

Bạch Cư Dị

Dịch Nghĩa: 

Buổi đầu thu, đêm một mình 

Lá cây ngô đồng trên bờ giếng gặp gió lạnh lay động 
Tiếng chày giả gạo bên hàng xóm vang lên cùng tiếng thu 
Một mình nằm ngủ dưới mái hiên 
Tỉnh dậy trăng rọi sáng nửa giường nằm 

Bản dịch:

Ngô đồng bên giếng gió lay lay
Trong xóm mùa thu vẳng tiếng chày .
Hiên vắng mình ta làm một giấc
Tỉnh ra ánh nguyệt nửa giường lai.

Mailoc
***
Đêm Thu Một Mình

Lá ngô đồng đầu Thu lay động
Tiếng chày kình vang vọng xóm trên
Một mình nằm ngủ dưới hiên
Tỉnh ra trăng rọi nửa bên chỗ nằm

songquang

2- Bản chữ Nho của bài thơ Tảo Thu Độc Dạ

早秋獨夜         TẢO THU ĐỘC DẠ

井梧涼葉動, Tỉnh ngô lương diệp động,
鄰杵秋聲發。 Lân chử thu thanh phát.
獨向檐下眠, Độc hướng thiềm hạ miên,
覺來半牀月。 Giác lai bán sàng nguyệt. 
白居易             Bạch Cư Dị

Chú thích:
- TẢO THU ĐỘC DẠ 早秋獨夜 : Một mình trong đêm đến sáng mùa thu, là "Trong đêm thu một mình đến sáng. Cũng có nghĩa "Đầu thu, đêm ngủ một mình".
- TỈNH NGÔ 井梧 : Cây ngô đồng bên bờ giếng.
- LÂN CHỬ 鄰杵 : Tiếng chày của lối xóm.
- THIỀM 檐 : Cái mái hiên nhà.

Nghĩa bài thơ:
Một Mình Trong Đêm Đầu Thu

Lá của cây ngô đồng đã lay động bên giếng thu mát mẻ. Tiếng chày giặt vải để may áo ngự hàn bên hàng xóm đã khơi động tiếng thu. Ta một mình nằm ngủ dưới mái hiên nhà, khi giật mình thức giấc thì ánh trăng xế đã chiếu xeo xéo nửa giường ngủ của ta rồi !

Câu đầu của bài thơ "井梧涼葉動 Tỉnh ngô lương diệp động", làm ta nhớ đến hai câu thơ cổ là "梧桐一葉落,天下盡知秋 Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ tận tri thu". Có nghĩa : "Chỉ cần một lá ngô đồng rơi rụng, khắp cả nhân gian đều biết là mùa thu đã đến rồi !". Và câu đầu tiên trong bài thơ đầu tiên của 5 bài Trường Tín Thu Từ 長信秋詞 của Vương Xương Linh đời Đường là " 金井梧桐秋葉黃 Kim tỉnh Ngô đồng thu diệp hoàng". Có nghĩa : "Lá của cây ngô đồng mùa thu đã rụng đầy cả giếng vàng". Tất cả đều cùng một ý niệm chỉ mùa thu đã đến rồi. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn các ý nầy để chuyển tiếp từ hạ sang thu khi Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư :

Thú quê thuần hức bén mùi,
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.

Diễn Nôm:

Tảo Thu Độc Dạ

Giếng ngô hắt hiu cành lá,
Tiếng chày đập vải thu sang.
Một mình dưới hiên say ngủ,
Giật mình trăng đã nửa sàng.

Lục bát:

Lá ngô lay động giếng vàng,
Tiếng chày đập vải thu sang láng giềng.
Một mình nằm ngủ dưới hiên,
Giật mình tỉnh giấc trăng nghiêng nửa giường!

Đỗ Chiêu Đức
---o0o---


Thu Vũ Dạ Miên

Lương lãnh tam thu dạ
An nhàn nhất lão ông.
Ngoạ trì đăng diệt hậu
Thuỳ mỹ vũ thanh trung.
Hôi túc ôn bình hỏa 
Hương thiêm noãn bị lung.
Hiểu tình hàn vị khởi,
Sương diệp mãn giai hồng. 

Bạch Cư Dị

Dịch nghĩa:

Một đêm giá lạnh trong ba tháng thu
Có một ông già đang an nhàn
Lên giường trễ sau khi tắt đèn
Ngủ ngon trong tiếng mưa rơi
Chỉ còn tro tàn trong lò sưởi
Bỏ thêm trầm hương vào lồng đốt
Buổi sáng quang đãng khí lạnh chưa tới
Lá đỏ đẫm sương rụng đầy thềm

Bản dịch:

Ba tháng thu, một đêm lạnh lẽo
Một lão nhân trong vẻ an nhàn.
Lên giường đèn tắt muộn màng
Vùi say giấc điệp trong làn nhạc mưa.
Trong lò hồng, tro vừa tắt ngủm
Thêm trầm hương một nhúm vào lồng.
Rét còn chưa tới, rạng đông
Sương đêm nhuộm thắm rực hồng lá thu

Mailoc
***
Thu Đêm Mưa

Đêm Thu ba tháng lạnh căm
Lão ông dáng vẻ an nhàn thảnh thơi
Lên giường,đèn tắt trễ rồi
Vùi say giấc ngủ,mưa rơi ngập tràn
Sưởi lò lữa tắt tro tàn
Bỏ thêm trầm đốt cho than cháy hồng
Rét thời chửa kịp hừng đông
Đẫm sương lá đỏ bên song đầy thềm

songquang
***
3. Nguyên bản chữ Hán cổ của bài thơ Thu Vữ Dạ Miên:

秋雨夜眠          THU VŨ DẠ MIÊN

涼冷三秋夜, Lương lãnh tam thu dạ,
安閒一老翁。 An nhàn nhất lão ông.
臥遲燈滅後, Ngọa trì đăng diệt hậu,
睡美雨聲中。 Thụy mỹ vũ thanh trung.
灰宿溫瓶火, Hôi túc ôn bình hỏa,
香添暖被籠。 Hương thiêm noãn bị lung.
曉晴寒未起, Hiểu tình hàn vị khởi,
霜葉滿階紅。 Sương diệp mãn giai hồng !
白居易             Bạch Cư Dị

Chú thích:
- Lương Lãnh: Lương là Mát; Lãnh là Lạnh; Lương Lãnh là Mát đến thấy lạnh, vì đã Tam Thu là vào khoảng tháng 9 âm lịch.
- Bình Hỏa: là Cái bình bằng sành hơ trên lửa cho nóng để ôm ngủ cho ấm trong đêm thu lạnh lẽo.
- Bị Lung: là cái mền bung ra như cái lồng để chui vào cho ấm.
- Hiểu Tình: là Buổi sáng tạnh ráo không có mưa thu.
- Sương Diệp: là Những chiếc lá nhuốm sương thu.

Bối cảnh xuất xứ của bài thơ:

Bài thơ trên đây được sáng tác vào năm Đại Hòa thứ 6, đời vua Đường Văn Tông. Lúc bấy giờ Bạch Cư Dị đang là Phủ Doãn của tỉnh Hà Nam, đã trên sáu mươi tuổi và thân thể đã suy nhược già yếu. Việc quan tuy nhàn hạ nhưng vô vị, cộng thêm người bạn thơ thân thiết là Nguyên Chẩn 元稹 vừa mới tạ thế, nên tâm tình
của ông đang xuống dốc buồn chán và lãnh đạm với mọi việc. 

Nghĩa Bài Thơ:
Ngủ Trong Đêm Mưa Thu

Một lão ông đang an nhàn ngủ đi trong cái lạnh lẽo của ba tháng mùa thu. Nằm trăn trở hèn lâu khi đèn đóm đà tắt hết, rồi ngủ thiếp đi ngon lành trong tiếng mưa thu. Tro tàn trong lò còn làm ấm lên cái bình sưởi, và trầm hương còn tỏa hương thơm vào tấm chăn thơm ấm áp. Trong buổi sáng mai quang tạnh nhưng lạnh lẽo nầy, ta còn nằm ráng mà chưa muốn thức dậy, trong khi sương thu đã nhuộm đỏ cả các lá cây rụng xuống phủ đỏ cả các bậc thềm ! 

Diễn Nôm:
Ngủ Trong Đêm Mưa Thu

Ba tháng thu lạnh lẽo,
An nhàn một lão ông.
Tắt đèn đi ngủ trễ,
Mưa thu say giấc nồng.
Bình sưởi tàn tro ấm,
Chăn gối thoảng hương nồng.
Sáng trời chưa muốn dậy,
Sương nhuốm lá đỏ hồng! 

Lục bát:
Ba thu lạnh lẽo heo may,
An nhàn một lão ông ngoài sáu mươi.
Đèn tàn nằm trễ nghe lười,
Mưa thu thánh thót ngủ vùi năm canh. 
Tro tàn bình ấm còn quanh,
Trầm hương thoang thoảng chăn lành lạnh thơm.
Sáng ngày biếng dậy chập chờn,
Sương thu nhuộm lá đỏ rơn mặt thềm! 

Đỗ Chiêu Đức
---o0o---

Di Áì Tư

Lộng thạch lâm khê toạ
Tầm hoa nhiễu tự hành
Thời thời văn điếu ngữ
Xứ xứ thị truyền thanh

Bạch Cư Dị

Dịch nghĩa:

Chùa Di Ái

Tay cầm chơi các viên sỏi, ngồi nghỉ bên bờ suối
Đi trên các con đường mòn quanh chùa ngắm hoa
Lúc nào cũng nghe tiếng chim hót
Chổ nào cũng có tiếng suối chảy.

Bản dịch:

Bên suối ngồi mân mê hòn sỏi
Lối quanh chùa mắt dõi trăm hoa.
Lúc nào cũng vẳng chim ca
Nơi nơi róc rách vang xa suối ngàn

Mailoc
***
Chùa Dì Ái

Bên bờ suối đá vân vê
Đi quanh chùa mắt hướng về khóm hoa
Lúc nào ..chim cũng hót ca
Khắp nơi tiếng suối vọng xa ngút ngàn

songquang

4. Bản chữ Nho của bài thơ Di Ái Tự:

遺愛寺            DI ÁI TỰ

弄石臨溪坐, Lộng thạch lâm khê tọa,
尋花繞寺行。 Tầm hoa nhiễu tự hành.
時時聞鳥語, Thời thời văn điểu ngữ,
處處是泉聲。 Xứ xứ thị tuyền thanh.
白居易             Bạch Cư Dị

Chú thích :
- DI ÁI TỰ 遺愛寺: Tên một ngôi chùa nằm ở phía dưới Hương Lư Phong của núi Lư Sơn.
- LỘNG THẠCH 弄石 : Trong tay vũ lộng xoay chuyển hai hòn đá tròn theo lối luyện công cho thư giản.
- LÂM KHÊ 臨溪: là Bên bờ khe. Lâm Khê Tọa là Ngồi bên bờ khe suối.
- NHIỄU 繞: là Đi vòng quanh. Nhiễu Tự Hành là Đi quanh chùa.
- THỜI THỜI 時時 : là Thỉnh thoảng, thường xuyên, chốc chốc.
- XỨ XỨ 處處: là Khắp nơi. Nơi nào cũng...

Nghĩa Bài Thơ:
Chùa Dì Ái

Ngồi tĩnh tọa bên khe suối trong khi tay luộn xoay chuyển vũ lộng hai hòn đá. Đoạn đi quanh chùa để tìm các loài hoa nở. Bên tai luôn văng vẳng tiếng chim hót líu lo và khắp nơi đều có tiếng khe suối róc rách chảy.
Quả là một cảnh chùa nên thơ thi vị và yên tĩnh thư giản cho tâm hồn với những tiếng động của thiên nhiên : Tiếng chim hót líu lo và tiếng nước suối luôn rì rào róc rách !
Năm Nguyên Hòa thứ mười đời vua Đường Hiến Tông (815). Bạch Cư Dị bị biếm làm Giang Châu Tư Mã. Hai năm sau ông đi du ngoạn chùa Di Ái và làm bài thơ nầy

Diễn Nôm:
Chùa Dì Ái

Ngồi xoay đá bên khe,
Tìm hoa vòng quanh hè.
Luôn nghe chim ríu rít,
Tiếng suối cũng thường nghe!

Lục bát:

Bên khe xoay đá ngồi đùa,
Tìm hoa vòng khắp quanh chùa thoảng hương.
Bên tai vẳng tiếng chim muông,
Róc ra róc rách suối tuôn khắp vùng!

Đỗ Chiêu Đức

---o0o---


Thu Trùng

Thiết thiết ám song hạ
Yêu yêu thâm thảo lý
Thu thiên tư phụ tâm
Vũ dạ sầu nhân nhĩ.

Bạch Cư Dị

Bản dịch:

Tiếng Trùng Mùa Thu
(1)
Ri rỉ ngoài song tiếng não nùng
Rầu rầu trong cỏ dế cùng giun.
Trông chồng chinh phụ thu đơn bóng
Rả rích mưa dầm nỗi nhớ nhung!

(2)
Trong đêm thâu, song ngoài ri rỉ
Cỏ rậm rì, thủ thỉ dế ngâm.
Trời thu thiếu phụ bâng khuâng
Mưa đêm hiu hắt tha nhân chạnh lòng!

MaiLoc

Mưa Thu Nhớ Chồng

Tiếng côn trùng đầu song rỉ rả
Trong cỏ cây hoà cả dế giun
Trời Thu chinh phụ nhớ nhung
Trông chồng đêm vắng mưa phùn buồn tơi!

songquang

5. Bản chữ Nho của bài thơ Thu Trùng:

秋蟲                 THU TRÙNG
切切闇窗下, Thiết thiết ám song hạ,
喓喓深草裏。 Yêu yêu thâm thảo lý.
秋天思婦心, Thu thiên tư phụ tâm,
雨夜愁人耳。 Vũ dạ sầu nhân nhĩ.
白居易             Bạch Cư Dị

Chú Thích:
- THU TRÙNG 秋蟲: Côn trùng trong mùa thu, như dế mèn, thạch sùng, ếch nhái...
- THIẾT THIẾT 切切: Từ tượng thanh chỉ tiếng thạch sùng chắc lưỡi.
- YÊU YÊU 喓喓: Từ tượng thanh chỉ tiếng ếch nhái kêu.
- TƯ PHỤ 思婦: Nhớ "bà xã", nhớ vợ. Nếu đọc là TỨ(dấu sắc)PHỤ thì có nghĩa là "Người đàn bà nhớ nhung". Nên ba chữ 思婦心, nếu đọc là...
*TƯ PHỤ TÂM 思婦心 : là Lòng nhớ về người đàn bà của mình, lòng nhớ vợ.
*TỨ PHỤ TÂM 思婦心 : là Lòng của người đàn bà đang thương nhớ (chồng).

Nghĩa Bài Thơ:
Côn Trùng Mùa Thu
Tiếng chắc lưỡi của các con thạch sùng dưới song cửa sổ thâm u hòa với tiếng ra rả của ếch nhái trong đám cỏ rậm...
- Làm cho lòng nhớ về bà xã trong mùa thu càng da diết hơn nhất là lại nghe tiếng mưa đêm thánh thót đập vào tai.
- Làm cho lòng của người thiếu phụ đang nhớ nhung càng da diết hơn khi nghe tiếng mưa đêm thánh thót đập vào tai.

Diễn Nôm:

Côn Trùng Mùa Thu

Chắc chắc dưới song tối,
Ra rả trong cỏ rối.
Lòng thiếu phụ nhớ thu,
Mưa đêm sầu khôn nói.

Lục bát:

Thạch sùng chắc lưỡi dưới song,
Dế mèn ra rả trong lòng cỏ lau.
Vợ xa lòng thấy nhớ sao,
Mưa thu rả rít vẳng vào bên tai.

Đỗ Chiêu Đức

Thăm Khu Du Lịch Văn Hóa Phương Nam


Cổng chính Đông cùng với bia Đặng tộc Phương nam Linh từ

Sau khi rời Vườn Quốc Gia Tràm Chim khoảng 2:00 pm, phái đoàn nhà vườn chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan Đồng Tháp Mười phần 2. Như dự trù, đến 3:00 pm chúng tôi có mặt tại điểm kế tiếp của chuyến đi là Khu du lịch Văn hóa Phương Nam tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tìm hiểu thêm về tiến trình cuộc Nam Tiến từ giửa thế kỷ 16 đến quá bán thế kỷ 20 (1975). 
Trước khi đi cô em họ Ngọc Trâm ở hảng phim Phương Nam cho chúng tôi biết:
Anh Tư, tuần tới anh đi Tràm Chim ở Đồng Tháp anh hãy ghé qua Phương Nam Linh Từ cảnh cũng đẹp lắm, có nhiều điều để anh khám phá và chụp hình. Em cho thực hiện phim “Cậu Bé Nước Nam” một phần ngoại cảnh thu hình tại đây.
Ồ, thế à, anh Tư có xem qua một đoạn quảng cáo phim Cậu Bé Nước Nam, Phương Nam Linh Từ giống hoàng cung lắm đó. 

Đến khu Du lịch Văn Hóa Phương Nam khoảng 3 giờ chiều, để khỏi đi bộ từ cổng vào khung viên Phương Nam Linh Từ khoảng hơn 600 m, chúng tôi mua vé vào cổng và lấy vé xe. 
Phương Nam Linh Từ có nghĩa là nơi thờ tự các anh linh phương nam. Khi vào tham quan toàn cảnh Phương Nam Linh Từ mới thấy không phải như chúng tôi hình dung trước khi đi, thật là một công trình kiến trúc đồ sộ! Những cột gổ quý bằng căm xe đỏ, rất to, ước lượng tổng công trình sử dụng đến khoảng 7000 m3 gổ nhập từ các nước Á Châu, xây dựng trên khu vực 17 mẫu (17 ha), nay nới rộng lên đến 23 mẫu (23 ha). Được khởi công từ tháng 10-2009 đến tháng 12 năm 2017 khai trương đi vào hoạt động. Có thể xem đây là một trong các khu Du lịch Văn hóa có tầm vóc qui mô, xứng đáng tại Miền Nam. Nó còn là đền thờ đầu tiên tôn vinh các vị danh nhân Đất Phương Nam đồng thời cũng là Đặng Tộc Linh Từ do doanh nhân Đặng Phước Thành (Chủ tịch HĐQT Vina Sun Corp) là Chủ tịch danh dự Hội đồng Đặng tộc Việt Nam tài trợ công trình hiện tại kinh phí tăng lên đến 1000 tỷ VNĐ (gần 50 triệu USD) để nới rộng và phát triển thêm nhiều hạng mục.


Tiền điện Phương Nam Linh Từ

Ấn tượng đầu tiên là cổng đồ sộ, uy nghi và dãy tường thành bao quanh, có hai hành lang dài tổng cộng 675m với 240 cột, có tàng lâu các và nghinh phong các, đàn tế trời, đàn tế đất, miếu Thổ Công, v.v…  Cùng với 63 chậu cây kiểng xếp thành hàng 2 bên sân tượng trưng cho 63 tỉnh thành Việt Nam, và 54 loài hoa kiểng, cây xanh ươm trồng chung quanh lấy bóng mát và tô điểm cảnh quan tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.

Gồm 3 khu vực: 
Khu vực Tâm Linh:
Đền thờ các danh nhân có công khai phá, gìn giữ và làm rạng danh đất Phương Nam gồm 125 vị trong đó có 21 tượng bằng đồng đen. Kể từ khi Nguyễn Hoàng (Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên, 1525-1613, tổ phụ 10 đời của vua Gia Long 1802). Tương truyền Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại nên hỏi ý kiến Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm, Trạng Trình không trả lời mà chỉ vào hòn non bộ trước sân, nói:
“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”
(Dãy núi Hoành Sơn phân chia Hà Tĩnh và Quảng Bình, giao thông phải ngang qua đèo Ngang)
Kể từ đó bắt đầu cuộc Nam tiến, mở mang bờ cỏi về phía Nam. Trong khoảng gần 200 năm nhà Nguyễn ở đàng trong phát triển diện tích đất nước lên gần gấp đôi. Khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, tướng lãnh nhà Thanh chạy sang Việt Nam đầu phục (1680) được triều đình chấp thuận cho Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài khai khẩn cù lao Phố (Trấn Biên Hoà), Dương Ngạn Địch (Trấn Định Tường), Mạc Cữu (Trấn Hà Tiên); Năm 1757, vua Chân Lạp là Ang Tong chuyển giao đất Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc và Vĩnh Long) cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát;  Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) với công cuộc khai phá miền Hậu Giang; Lê Văn Duyệt (1763-1832) trấn thủ Gia Định Thành; Trương Minh Giảng (1841) bình định Cao Miên; Người Pháp khai thác cánh đồng đầy lau sậy bạt ngàn ở Miền Tây Nam Bộ qua hệ thống kinh đào, có bảy ngã kinh nối Cần Thơ,  Rạch Gía, Sóc Trăng và Cà Mau. Quan trọng nhất là kinh xáng Xà-No từ Cần Thơ nối với ngọn sông Cái Bé, Rạch Giá (1901- 1903)… ; Các vị từ Chúa Nguyễn Hoàng mở lối Phương Nam, đến các vua Quang Trung thu phục Tây Sơn Thượng Đạo (vùng Kon-Tum, Pleiku, Buôn Mê Thuộc, Đăk Lắk – Dân tộc Bah-Na, Ê-đê); Vua Gia Long xác lập chủ quyền và khai thác biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa, Côn Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu; Năm 1833 vua Minh Mạng sáp nhập lãnh thổ vương quốc Champa vào Việt Nam (Tuy Hòa, Phú Yên, Bình Thuận) và đẩy mạnh chính sách khẩn hoang lập ấp miền Đông và Tây Nam Bộ; Các vị lãnh đạo tôn giáo như đức Phạm Công Tắc (Khai sáng đạo Cao Đài), đức Huỳnh Phú Sỗ (Khai sáng đạo Hòa Hảo), các danh nhân khác như cụ Phan Thanh Giản (vị Tiến sĩ đầu tiên ở đất Phương Nam), học giã Trương Vĩnh Ký, … đều là những nhân vật tiêu biểu trong số 125 vị được thờ tự trong Phương Nam Linh Từ.


Điện thờ 125 vị danh nhân có công khai phá đất Phương Nam trong đó có 21 tượng bằng đồng đen

Bạn có biết không, dọc dài theo dòng lịch sữ mấy trăm năm khai phá đất Phương Nam, trước những linh vị anh hùng nổi danh, bên cạnh đó có muôn ngàn “tấm áo nâu, dẫn mình đi từ cõi đồng sâu, dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, …(Phạm Duy)” và cũng không biết bao nhiêu lưu dân, nông dân là những Anh Hùng Vô Danh có công khai phá, anh dũng gìn giữ mảnh đất quê hương.
 Xin trích một đoạn trong bài thơ Anh Hùng Vô Danh mà chắc quý vị nào cở hàng cao tuổi đều thuộc lòng từ thuở bé:

“… Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt và xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm trinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.”
(Thơ Đằng Phương)

Công cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi là dưới các triều đại nhà Nguyễn, có lẽ vì thế mà Phương Nam Linh Từ chọn lối kiến trúc từ cổng, cửa, bao lam, hoành phi có nét chạm trổ tinh vi, sắc xảo như kinh thành Huế thu hẹp.


Mái rồng

 Đàn Tế thiên

Đền thờ Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ được kiến trúc 7 gian, 2 chái, 5 lòng, có mái hạ và hành lang bao bọc chung quanh, để thờ các tiền nhân Đặng tộc: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung, … và Thủy sư Đô Đốc Đặng Nhân Cẩm (Thủy tổ họ Đặng Long Hưng, Phương Nam). 
Ngoài ra còn có một số công trình tâm linh khác như các tượng phật Thích Ca, Quan Âm, Di Lạc, Phước-Lộc-Thọ, … vườn hoa Thư Pháp, vườn 12 con giáp, v.v…

Vườn tượng một số nhân vật văn hóa làm rạng danh đất Phương Nam

Không gian yên ắng trưa hè, một góc trong Phương Nam Linh Từ

Riêng vườn tượng danh nhân hai bên điện thờ làm chúng tôi chú ý. Nhìn qua một số tượng danh nhân nổi tiếng Nam Bộ như: Các đức Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Phan Thanh Giản, Pétrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Cao Văn Lầu, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sễn, Sương Nguyệt Ánh, v.v… Cả hai dãy tượng có khoảng trên dưới 20 vị. Rất tiếc chưa có tư liệu đầy đủ về các vị bên dãy phía bên kia vì có nhiều công nhân đang thi công nên chúng tôi không thể đến chiêm ngưỡng, nhưng chúng ta cũng đoán được đây là khu vườn tri ân các nhân vật đã đóng góp trong lãnh vực Văn Hoá làm rạng danh Đất Phương Nam.
Hàng năm đến ngày mùng 8 tháng ba là ngày giổ hội các nhân vật lịch sữ đất Phương Nam, hôm sau mùng 9 tháng 3 giổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm có nghi thức tế lễ với nhạc lễ, trống chiên long trọng. 
Chúng tôi rời khu vực tâm linh nơi cửa Tây, cũng uy nghi như cửa Đông nhưng có giàn Trống Lệnh Phương Nam bằng gổ sến độc mộc lớn nhất Việt Nam, có hai khẩu thần công hai bên. Sau đó qua cầu mái ngói để đến khu vực dựng lại những hình ảnh của quá trình hình thành đất Phương Nam được thu hẹp.

Khu vực Văn Hóa đất Phương Nam:
Thật thú vị, cảnh làng quê miền nam quen thuộc hiện ra trước mắt, mái nhà lá phía trước có đám cây kiểng, lu nước; Sau nhà có buội chuối, buội tre, bên hong nhà có giàn mướp, liếp hành, … Đâu đó là mấy cây ăn trái, một vài hình tượng người bên trong ngôi nhà, có cả ban đờn ca tài tử người thật, đang trình diễn. 
Mười hai kiểu nhà thể hiện từ: Chòi lá đơn sơ thời khẩn hoang lập ấp, rồi nhà lá cột chôn chân, kế đến là nhà kê táng. Khi ruộng vườn đơm bông kết trái thì bắt đầu cất nhà ngói, nhà sàn có hòn non bộ trước sân, quanh vườn có xoài, măng cục, sầu riêng, … sai oằn, trĩu trái!
Đúng là cảnh Nam Bộ rồi đó, chàng trai Bàng Bá Lân từ phương Bắc khi vào Nam thố lộ đầy cảm xúc để rồi mọc rể phương Nam: 

“Em, cô gái miền nam lòng cởi mở
Ôi, thương ai em thiệt là thương
Lời em thơm như măng cục no tròn
Giọng em ngọt như xoài vừa chín tới, …”
(Thơ Bàng Bá Lân)

Một kiểu đình làng phổ biến ở Nam Bộ, gian giửa (chánh điện) có bàn thờ Thần Hoàng. Hai bên có khánh thờ Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công với làng, với dân và bao giờ cũng có bàn thờ thổ trạch để thờ những lưu dân năm xưa đi khai phá, mở mang bờ cỏi, siêu mồ lạc mả gọi chung là cô hồn (những linh hồn cô quạnh không nơi nương tựa)! 

Đến đời vua Thiệu Trị, miền nam giặc giã liên miên, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại chính sách tập quyền nhà Nguyễn (1832); Quân Xiêm quấy rối biên giới Việt-Cao Miên (1842-1845) nên việc khẩn hoang bị đình trệ. Đến đời vua Tự Đức (1853) ban hành chính sách khuyến khích dân ngũ Quãng (Quãng Bình, Quãng Trị, Quãng Nam, Quãng Ngãi và Bình Định) vào Nam khai khẩn. Để duy trì và củng cố tinh thần dân chúng, vua Tự Đức ban chiếu sắc phong nhiều đình làng ở vùng đất mới vì vậy nhiều đình dựng lên trong thời kỳ này chỉ thờ Sắc Thần của vua ban.

Thuở trước người nông dân làm lúa mùa 8 tháng nên dựa vào thời tiết, do đó hàng năm có lễ Hạ điền (xuống ruộng) vào 16 tháng 4 Âm lịch là lúc bắt đầu sa mưa, dân gian có hò cấy dậm, hò đối đáp trên đồng ruộng. Và lễ Thượng điền là khi vụ mùa đã xong vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Đây là thời gian khô ráo không mưa, trăng thanh gió mát dân làng tổ chức vui chơi, ca hát, bày trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, đẩy cây, múa võ, thi vật, … và sau cùng là bày tiệc thù tạc, chén anh, chén em. Tục lệ đó còn giử ở một số đình làng mặc dù sau này cơ giới hóa canh tác, giống lúa mới năng xuất cao, ruộng làm đôi ba vụ mùa trong năm. 

Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam có nhiều hạng mục tái hiện những ngày hội dân gian trong khu Văn Hóa như lễ Hạ Điền, trò chơi dân gian, … Một khu khác có nhiều gian hàng văn hóa ẩm thực đặc trưng của miền đồng bằng sông Cữu Long.

Khu triển lãm, giới thiệu quá trình phát triển nền văn minh lúa nước:
Trưng bày các dụng cụ của những người đi khai phá nơi vùng đất mới: Cái dao phay, rựa quéo, chà gạt, … (là những dụng cụ thời khai hoang lập ấp); Các nông cụ như cái phảng (phát cỏ), cù nèo (móc gạt cỏ luôn đi kèm với cái phảng), cây nọc (cấy lúa), bừa cào (dọn đất), cái lưởi hái (có nơi gọi là lưỡi liềm, dùng để gặt lúa), … Bên cạnh con trâu, con bò trên đồng áng trong việc trồng lúa thì có cái cày, cái bừa, cái trục, cái cộ (dùng để trâu kéo lúa), .... Các dụng cụ chế tạo bằng thân cây tre, từ hạt lúa thành gạo mà người dân quê gọi là “hạt ngọc của trời”, bởi vì không biết bao nhiêu mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng đồng mới có được hạt gạo. Nào là thúng, cối xay lúa, cối và chày giả gạo, sàng gạo, nia, cái thúng táu (20 lít) & cái thúng giạ (40 lít) dùng đong đo lúa gạo, …  
Mô hình một số phương tiện giao thông thời bấy giờ chỉ có bằng đường thủy: Từ chiếc xuồng độc mộc đến chiếc ghe cà-dom theo kiểu của người Cao Miên; Đến chiếc xuồng 3 lá, 5 lá, xuồng chèo, ghe tam bản hoặc về sau có ghe hầu là loại có mui, cửa chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng của những nhà giàu có. Làng Nhơn Ái (Cần Thơ) có trại đóng ghe hầu là nơi duy nhất tại Miền Tây Nam Bộ, đến năm 1945 thì không còn hoạt động. Có các loại ghe hầu 4 chèo (2 chèo mủi, 2 chèo lái), 6 chèo (2 chèo mủi, 4 chèo lái) đôi khi cũng có loại ghe lớn 8 chèo. 
Rất nhiều hạng mục triển lãm khác như vài loại đồ cổ, các tác phẫm thi ca, mỹ thuật khắc họa trên đá, gổ, …



Một số trong phái đoàn “nhà vườn” đi khám phá Đồng Tháp Mười, từ trái: Họa sĩ & Thư pháp Ngọc Bích (Giám đốc trường dạy vẽ cho trẻ em ArtLight, Cần Thơ), Cô giáo Phương Lam (Trường trung học Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ), Cô Lam Mai (Nghệ nhân hoa vãi, Cần Thơ), Chú Lê Hữu Uy (Arizona, USA), Cô Ngọc Ruby (Nhân viên tư vấn hãng xe Ford, Cần Thơ), Phó nhòm Lê Hoàng Nhiệm (Sếp Cơ sở quà tặng “Trọng Tín Nghĩa”, Cần Thơ)

Tham quan Khu Du Lịch Văn Hóa Phương Nam, bao gồm danh nhân lịch sữ, văn hóa, đời sống, tiến trình phát triển toàn diện xã hội mấy trăm năm từ lúc khẩn hoang lập ấp đến thời điểm 1975 thật là một đề tài vô cùng to lớn. Mới đầu nhiều người nghe Phương Nam lầm tưởng là “Nam Kỳ Lục Tỉnh” của Bắc-Trung-Nam. Không phải, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đàng Trong (Phương Nam) và Đàng Ngoài (Phương Bắc). Nếu chỉ quan sát các cảnh quan đặc sắc, kiến trúc đồ sộ, nguy nga, một số sinh hoạt văn hóa dân gian, … thì cũng như chúng ta chiêm ngưỡng một mỹ nhân chỉ nhìn vẽ đẹp thể hiện bên ngoài mà chưa tìm hiểu nét đẹp tâm hồn, tài năng tìm ẩn bên trong. 
Trong chuyến đi này thời gian quá ngắn ngủi để tham quan Phương Nam Linh Từ vỏn vẹn chỉ có 2 tiếng chúng tôi phải ra xe về Cần Thơ sợ trời tối và có mưa lái xe khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lãnh hội được nhiều điểm chính trong công cuộc Nam Tiến của người xưa đi mở mang bờ cỏi Đất Phương Nam.
Đúng 5:00 pm, xe bắt đầu chuyển bánh, phái đoàn “nhà vườn” chúng tôi hoàn tất chuyến đi khám phá Đồng Tháp Mười với hai điểm đến là Tràm Chim (buổi sáng) và Khu du lịch Văn Hóa Phương Nam (buổi chiều) đầy thú vị. 
Tôi nhớ bài hát mà thuở còn học trường làng và hứng thú hát nho nhỏ, cô con gái ngồi bên cạnh thấy hay hay cũng bắt chước hát theo:
“… Đi đi thôi đi lên, trên con đường đầy tia nắng sớm
Đi thăm qua non sông để cho lòng tha thiết yêu!”

(Bài hát Tiếng chim gọi đàn)

Lê Hữu Uy
Phoenix, Arizona Feb 2020