Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2024

Giọt Nhớ Vô Thường


(Đăng thơ Tưởng Nhớ Anh Quýdenver)

Người có bao giờ chợt nhớ mùa thu
Sương khói mênh mông sông núi mịt mờ
Người có từng nghe tim mình nức nở
Giọt lệ u hoài nhỏ xuống thành thơ?

Tôi biết rồi đây người sẽ xa tôi
Như nắng chiều hôm như mây cuối trời
Tiếng hát ơ hờ nghiêng cơn mộng mị
Có nói năng gì cũng chỉ thế thôi

Nếu chẳng gặp nhau đâu phải xa nhau
Một phút tiễn đưa là vạn trái sầu
Thôi nhé người đi về nơi nắng ấm
Tôi ở nơi đây sương tuyết dãi dầu

Lỡ có khi nào chợt nhớ chợt thương
Xin nhỏ trong tim giọt nhớ vô thường
Ngọn gió hoang vu thổi từ đất lạ
Ai bảo... đa tình cho mãi vấn vương!

Quýdenver

Màu Lá Xa Người - Thơ & Nhạc Trần Văn Lương - Tiếng Hát: Hương Giang


Thơ & Nhạc Trần Văn Lương
Tiếng Hát: Hương Giang

Hoàng Hôn Rơi Trên Tóc Anh - Nhạc & Lời Nguyên Bích - Ca Sĩ Vân Châu



Nhạc & Lời: Nguyên Bích
Ca Sĩ: Vân Châu

Tình Anh Dòng Sông Nhỏ

 
(Ảnh: Kim Phượng)

Anh một dòng sông nhỏ
Hoa rụng ven sông chờ
Hững hờ trôi nhẹ lướt
Mặc lòng ghẹo ý thơ

Anh dòng sông êm ả
Lờ lững dường cợt hoa
Ngược xuôi đời muôn ngả
Mông lung lời xót xa

Anh dòng sông lưu bóng
Ôm ấp nét kiêu sa
Chao ôi chỉ là mộng
Nào phải bóng riêng ta

Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Nghe Tâm Kể Chuyện

 

Lắng nghe thể xác phàn nàn
Cơn đau thấp khớp sương tàn nhói đau
Lại nghe tim đập nhịp mau
Qua bao lượng kiếp chờ nhau giấc thiền.

Nội tâm u uẩn thôi miên
Hồn trong bến đỗ những miền viễn du
Đời từng lỡ hẹn đường tu
Còn nghe âm vọng nhân từ trong tâm.

Bài thơ còn vọng tiếng ngâm
Nhịp nhàng giai điệu nghe âm nhạc chiều
Lạc vào mộng ảo liêu xiêu
Xác thân già cỗi cho tiều tụy thêm.

Nhạc khuya êm dịu trong đêm
Mùi hương trầm đốt thoa mềm vết son
Lời thơ là đọt lá non
Để cho âm điệu soi mòn nữ cung.

Mỗi câu từ mối tình chung
Dù sông núi cạn vẫn cùng lối đi
Tha hương cuối nẻo xá gì
Lắng nghe thân xác thầm thì mà thương.

Tế Luân
Nỗi buồn tuổi già
06-27-24

Tình Bầu Mướp

(Ảnh: Tác giả gửi)

Bầu xanh dịu mát mảnh vườn
Mướp kia bỏ ngọn đôi đường bên nhau
Tình ta từ thuở ban đầu
Sớm trưa kề cận giãi dầu nắng mưa
Nói sao tình nghĩa cho vừa
Tình bầu ý mướp nắng trưa mây chiều
Bướp Ong ve vản dập dìu
Đơm bông kết trái cánh diều trời xanh
Đôi ta kết bóng liền cành
Cùng vui nắng sớm thiên thanh mây trời
Bông Bầu trắng nở thêm tươi
Màu Vàng hoa Mướp góp lời đôi ta
Mướp Bầu chung một mái nhà
Đường đời muôn ngã... tình ta vẫn bền...

 

Thơ: Hình Ảnh: Ngư Sĩ


Un Petit Rien (Marie-France Ferrand) - Một Điều Cỏn Con(Thái Lan)

 

Un Petit Rien

Un petit rien, c'est dire bonjour

A la voisine et aux amis.
C'est presque rien et c'est facile,
Cela rend la vie plus jolie.
Un petit rien, c'est dire merci

A celui qui vous rend service.
C'est presque rien, un petit mot de courtoisie
Qui rend heureux celui à qui il est dit.

Un petit rien, c'est un sourire
A distribuer sur son chemin.
Ce n'est presque rien, mais c'est beaucoup.
Cela rend heureux et c'est contagieux.

Un petit rien, c'est dire je t'aime
A la personne que l'on aime.
C'est presque rien, c'est important
L'amour s'entretient chaque jour.

Ces petits riens sont peu de choses,
Mais ils illuminent la journée
Ils donnent envie de partager le bonheur
Et cela, ça n'a pas de prix.

Auteur: Marie-France Ferrand

Một Điều Cỏn Con

Một điều cỏn con, chẳng là chi cả
Là gởi lời chào đến người hàng xóm
Đến bạn bè
Hầu như đó chẳng là gì cả và sao mà dễ dàng quá đỗi
nhưng lại mang bao nhiêu niềm vui cho cuộc sống.

Một chút cỏn con, đó là nói cảm ơn
Với người giúp đỡ bạn.
Hầu như đó chẳng là gì cả, một chút lịch sự
Lại mang hạnh phúc vô cùng cho người được nhận.

Một chút cỏn con, đó là nụ cười
Để phân phát trên đường đi
Hầu như đó chẳng là gì cả, nhưng lại là rất nhiều.
Vì chúng khiến cho bạn hạnh phúc và nụ cười rất dễ lây lan.

Một chút cỏn con, đó là nói lời yêu thương
Gửi đến người ta yêu.
Hầu như đó chẳng là gì cả, nhưng rất quan trọng
Bởi vì tình yêu được duy trì từng ngày một.

Những điều cỏn con chỉ là chút xíu thôi,
Nhưng làm cho một ngày trở nên rạng rỡ
Chứng khiến ta muốn chia sẻ hạnh phúc
Và điều này, thật là vô giá.

Thái Lan

Tâm Sự Tuổi Già - Đôi Điều Cảm Ngộ Dương Trạch Tế - (Trang Hạ Dịch)

 
 
Tháng năm vội vã, đời người ngắn quá, chớp mắt đã già. Chúng ta nào dám nói đã thấu hết lẽ đời, nhưng ta cảm thấy, chỉ có hiểu đời, mới sống được ung dung, thanh thản. Tôi muốn viết đôi dòng "cảm nhận nhỏ nhoi" gửi tới những bạn già, để được mọi người chia sẻ những "cảm nhận lớn lao" hơn, để ta cùng cố gắng.

1. Cách sống: Qua một ngày, mất một ngày. Vui một ngày, lãi một ngày.

2. Hạnh phúc và niềm vui: Hạnh phúc không tự gọi cửa tìm đến ta, niềm vui cũng không tự rơi từ trên trời xuống, mà đều phải tự tay mình tạo dựng nên. Niềm vui là mục đích cuối cùng của đời mình, niềm vui ở ngay trong những việc vụn vặt của cuộc sống, ta phải tự mình tìm lấy. Hạnh phúc và niềm vui là một thứ cảm xúc và cảm nhận, quan trọng là ở tâm trạng mình.

3. Tiền bạc: Tiền không phải là vạn năng, tăng lực, nhưng không tiền thì vạn sự bất lực. Không nên quá coi trọng đồng tiền, lại càng không nên tính toán tiền bạc, nếu hiểu ra, sẽ thấy tiền chỉ là thứ đồ vật ở ngoài thân, khi ta chào đời ta đâu mang tới, khi ta chết đi lại chẳng mang theo. Nếu có người cần ta giúp đỡ, khảng khái mở hầu bao chính là một niềm vui lớn. Nếu tiền bạc mua được sức khỏe và niềm vui, cớ gì chần chừ nữa? Nếu bỏ tiền ra để được an nhàn tự tại, chẳng phải xứng đáng sao! Người hiểu biết là người biết cách kiếm tiền biết cách tiêu pha, làm chủ đồng tiền chứ đừng làm nô lệ cho nó.

4. Học cách hưởng thụ: "Phần đời còn lại ngắn ngủi, càng phải làm cho nó giàu có". Người già phải biết đổi nếp nghĩ cũ, tạm biệt cách sống như tu hành, để làm loài chim vui. Cần ăn thì ăn, muốn mặc phải mặc, thèm chơi hãy chơi, không ngừng nâng cao chất lượng sống, đón nhận những thành quả của thời đại công nghệ, mới là mục đích sống của tuổi già.

5. Sức khỏe quan trọng nhất: Tiền bạc là của con mình, địa vị chỉ tạm thời giữ, vinh quang thuộc về quá khứ, sức khỏe mới là của ta.

6. Khác biệt: Tình yêu bố mẹ dành cho con là vô hạn, con yêu bố mẹ có hạn; Con cái bệnh tật bố mẹ lo âu, bố mẹ bệnh tật con cái hỏi han vài lời là thấy thỏa mãn; Con cái tiêu tiền bố mẹ thì dễ, bố mẹ tiêu tiền con cái thì khó; Nhà bố mẹ chính là nhà của con, nhà con lại chẳng phải nhà bố mẹ. Khác biệt là khác biệt. Người hiểu ra sẽ thấy lo liệu cho con chính là trách nhiệm và niềm vui, chẳng đòi con báo đáp, còn người cứ muốn được con báo đáp, là tự chuốc ưu phiền.

7. Bệnh tật trông cậy ai: Cậy con, bệnh nặng ốm lâu con mệt mỏi vắng bóng. Cậy bạn đời, người già tự lo thân chưa xuể, lấy đâu sức lực mà chăm nhau. Cậy tiền, có lẽ phải vậy.

8. Trân trọng những gì đã có: Ta thường coi nhẹ những gì trong tay, ta thường tiếc nuối những gì không có. Nhưng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy lại bởi ta có biết cách cảm nhận cuộc sống chăng. Người hiểu đời sẽ trân trọng và nâng niu những gì đã có, cho nó thêm ý nghĩa trong đời mình, để sống tràn đầy và say mê vui sướng.

9. Cách nắm giữ niềm vui: Phải giữ tấm lòng rộng mở bao dung, để cảm ơn đời và tận hưởng sự sống. So với người trên nào bằng, ngoảnh xuống kẻ dưới thấy đủ, thấy đủ là thấy vui nhẹ nhõm; Nuôi dưỡng nhiều niềm say mê, vui thú ấy nào cạn, ta tự tìm lấy được niềm vui; Tốt với người đời, thường làm việc thiện, vui khi giúp người. Đó là những cách nắm giữ niềm vui, cũng mạnh khỏe trong tâm.

10. Dung dị mới là cốt lõi: Chức cao bổng lộc nhiều, địa vị hiển hách được mấy ai, số đông chúng ta chỉ là thường dân. Nhưng thiểu số ấy chưa chắc đã hạnh phúc, còn đám đông thường dân như chúng ta lại chưa chắc đã bất hạnh, nên ta cần gì nhìn lên đám thiểu số giàu sang đó mà tự ti, thèm muốn. Con người vốn không phân chia đẳng cấp giàu nghèo sang hèn, chỉ phân chia có tận tâm tận lực với sự nghiệp hay không mà thôi, là đã được coi có công với đời, lòng dạ thanh thản, không hổ thẹn với ai, nữa là con người ta đã lui về rồi thì đều giống nhau cả, chốn sau cùng của chúng ta đều là về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức cao nào bằng thọ lâu, thọ lâu nào bằng sống vui lâu, sống vui mới chính là hạnh phúc.

11. Hãy sống đích thực cho chính mình: Con người quá nửa đời là hy sinh vì sự nghiệp, gia đình, con cái, thời gian giờ còn lại đâu nhiều, hãy sống đích thực cho chính mình, sống sao thấy vui thì sống, làm những gì mình muốn làm và mong làm, đừng ngại ngần người khác đàm tiếu, bởi ta đâu phải sống hộ người khác, mà ta đang sống cuộc đời của chính bản thân ta.

12. Không cầu toàn: Con người sống trên đời này làm sao có thể vạn sự như ý, tất sẽ có những điều thiếu sót tiếc nuối, càng mong hoàn hảo càng khổ sở, chi bằng thanh thản đối diện hiện tại, tùy hoàn cảnh mà sống.

13. Già và không già: Người già tâm hồn trẻ, tức là không già. Người chưa già nhưng tâm hồn già cỗi, vậy đã già nua. Nhưng mọi vấn đề vẫn cần nghe người già.

14. Chú ý điều độ: Sống là phải vận động, nhưng không nên quá sức; ăn uống đạm bạc thì không đủ dinh dưỡng nhưng thịt cá nhiều cũng không tiêu hóa nổi; Nhàn hạ quá thì quạnh quẽ, nhưng khách khứa lắm lại nhiều lo toan, cho nên việc gì cũng nên giữ lấy chữ "điều độ".

15. Làm một người thông minh: Kẻ ngốc tự chuốc bệnh (vì hút thuốc, nghiện rượu, ăn uống vô tội vạ); kẻ thiếu kiến thức thì chờ bệnh tới (chờ ốm mới đi bệnh viện); còn người thông minh thì phòng bệnh; hãy tốt với chính mình, hãy giữ gìn sinh mệnh của mình.

16. Đừng lầm lẫn: Chờ khát mới uống, đợi đói mới ăn, phải mệt mới nghỉ, buồn ngủ mới ngủ, sinh bệnh mới đi viện, lúc đó đã muộn rồi.

17. Lạc quan và bi quan: Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp phụ thuộc vào cách họ nghĩ, lạc quan thì mọi việc đều suy nghĩ theo hướng có lợi, nếu lạc quan để quy hoạch quãng đời tuổi già, sẽ được sống đầy tự tin và đầy sức sống, ngày tháng trôi qua sẽ đầy màu sắc; nếu dùng cách nghĩ bi quan sẽ sống trong tâm trạng chán nản tiêu cực, tất già sớm chết sớm.

18. Học cách vui chơi: Chơi là một trong những nhu cầu của người già, hãy mang một trái tim thơ trẻ để chọn thú chơi mình thích, trải nghiệm những niềm vui khi chiến thắng, cũng không giận khi thua, không làm nư, từ góc độ tâm lý và sinh lý, người già cũng cần sự hào hứng vừa đủ, để giữ cho tuần hoàn tốt.

19. Làm một người già "mạnh khỏe toàn diện": Mạnh khỏe toàn diện tức là khỏe về thể chất, tâm lý lẫn đạo đức. Mạnh khỏe về tâm lý tức là sức chịu đựng cao, sức kiềm chế tốt và có năng lực giao tiếp thân thiện; Mạnh khỏe về đạo đức tức là luôn có lòng yêu thương, vui vẻ giúp đỡ người khác, tính tình điềm đạm, lòng dạ rộng rãi, thiện tâm tất thọ lâu.

20. Hòa nhập với xã hội: Con người là người của xã hội, không được phép sống tách rời biệt lập, lãnh đạm với đời, phải chủ động tham gia hoạt động công ích tập thể, hoàn thiện bản thân từ trong hoạt động chung, thể hiện được giá trị bản thân, đó mới là một cách sống lành mạnh.

21. Kết giao rộng rãi: Cuộc sống cuối đời nên có nhiều tầng thứ đa dạng, phong phú đầy màu sắc. Một hai người bạn thâm giao nào thể đủ, phải có nhiều bạn bè mới làm cuộc sống tuổi già tươi mới. Để bạn sống mê say vui tươi, muôn hình vạn vẻ.

22. Nỗi đau: Khi con người phải đối diện nỗi đau, chịu đựng, giải thoát cũng như xóa nhòa nỗi đau, nói cho cùng vẫn phải dựa vào chính bản thân mình, thời gian là vị thầy thuốc tốt nhất, nhưng quan trọng là ở chỗ bạn sẽ chọn cách sống như thế nào trong quãng thời gian ấy.

23. Hoài niệm quá khứ: Vì sao người ta già rồi thường nhớ quá khứ? Con người về già, sự nghiệp đã đi đến chặng cuối, những huy hoàng dĩ vãng đã biến thành mây khói trong mắt, ta đang đứng ở ga cuối của cuộc đời, gột sạch những dục vọng trong lòng, tinh thần cần thăng hoa, chỉ mong lại tìm thấy được chân tình. Lúc này, chỉ có quay về chơi chốn cũ, gặp gỡ người thân bạn bè, cùng ôn lại những giấc mơ thiếu thời, cùng bạn học cũ hàn huyên lại những niềm vui thời tuổi trẻ, mới cảm thấy được sức sống của thời trẻ. Trân trọng những chân tình, đón nhận những tình thân cũng là một niềm vui lớn của cuộc sống người già.

24. Thuận lẽ tự nhiên: Nếu bạn đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không thay đổi được những gì bạn không mong muốn, vậy hãy để nó thuận theo lẽ tự nhiên thôi! Có lẽ đó cũng là một cách giải thoát. Mọi chuyện ở đời làm sao cưỡng ép theo ý muốn, những trái dưa ép chín cũng đâu có ngọt.

25. Thanh thản đối diện cái chết: Sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời, ai người trốn được. Khi cái chết sẽ không buông tha bạn, tại sao ta không đối diện nó, mỉm cười kiêu ngạo. Chỉ những người đã sống cương trực, không hổ thẹn lương tâm, mới có thể bình an thanh thản, cho mình một dấu chấm hết thật tròn vẹn.

2008
Dương Trạch Tế (Trung Quốc)
(Trích từ tập truyện ngắn Sợi dây tình yêu NXB Thời Đại 2012)
 Trang Hạ dịch, 

Ghi chú: Entry “Tâm sự tuổi già - đôi điều cảm ngộ” này được lưu truyền tại Việt Nam và được rất nhiều bạn đọc thích thú, tâm đắc, nhưng lại mang tên tác giả là cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhiều người tích cực lưu truyền, in ra giấy phân phát cho nhiều người già tại các thành phố với lời dặn dò, đây là lời dặn của cựu thủ tướng.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

Tình Thu - Sáng Tác: Hoàng Khai Nhan - Song Ca: Ái Mỹ & Thế Ái


Sáng Tác: Hoàng Khai Nhan
Song Ca: Ái Mỹ & Thế Ái

Hoa Thời Gian – Thơ: Đăng Nguyên Nhạc: Văn Duy Tùng Ca Sĩ: Trần Vũ


Thơ: Đăng Nguyên 
Nhạc: Văn Duy Tùng 
Ca sĩ: Trần Vũ 
Bè:Giọng ca nữ
Diễn ảnh : Trúc Tiên

Tháng Chín Vàng Mơ


Em xưa xinh đẹp như hoa
Buông làn tóc xõa mượt mà dễ thương
Bước chân tha thướt con đường
Gió bay ngan ngát mùi hương dịu dàng

Mùi hương trinh nữ thênh thang
Cỏ hoa xếp cánh địa đàng cạnh bên
Em về thả gót thần tiên
Hình như cây đứng bên thềm tương tư

Ngây thơ em có đâu ngờ
Có người thầm lặng ở tù làn môi
Tù trong hiền dịu nụ cười
Tù trong sóng mắt huyền khơi nắng hồng

Lặng thầm trong nỗi nhớ mong
Cuộc tình cứ thả trôi sông- lục bình
Bọt bèo trôi nổi lênh đênh
Nhẹ đưa sóng nhớ nép mình thời gian

Bao thu lá đổ úa vàng
Bao thu em đã sang ngang theo chồng
Những ngày xa xứ long đong
Cháu con bám áo ẵm bồng mỏi tay

Nếp nhăn đã ngấn chân mày
Dung nhan còn lượn tóc dài chớm sương
Rẽ đôi mái tóc xõa buồn
Gửi không sợi nhớ về phương trời này ?

Phố buồn ngọn gió lắc lay
Công viên ghế đá rơi đầy lá thu
Phải không tháng Chín vàng mơ
Con đường phố cũ chưa mờ dáng em

Phố xưa còn ngát hương quen
Về không em, nắng buông rèm nhớ xưa?

Trầm Vân




Thu Đất Mới

 

(Davenport  1998)


Mùa thu lá rụng ngập đường,

Gió đùa xào xạc, đường mòn xác xơ,

Tàn cây run rẩy bơ vơ,

Hơi thu cóng lạnh, trọi trơ u-hoài !


Bầu trời hờ hững, anh nắng vàng rơi,

Tiếng chim gọi bạn tìm nơi ẩn mình.

Cúc vàng lo sợ,cảnh sống buồn tênh,

Gợi thương, gợi nhớ bao niềm xót xa !


Dù nay đất khách là nhà,

Cuộc sống cách biệt, dần dà đổi thay.

Thời gian như cánh chim bay,

Mới đó mà đã mặt mày nhăn nheo ! 


Thu ơi, ta vẫn nhớ quê nghèo

Bờ tre, ruộng lúa bốn mùa tốt tươi.

Giọng hò, câu hát, tình nghĩa xa xôi

Mỗi mùa thu đến, đất trời ngát hương!


Trung-thu trăng sáng lạ thường,

Làng thôn rộn rã, lồng đèn lung linh!

Bánh Trung thu ngọt lịm ơn tình,

Trẻ con vui sướng, gia đình hân-hoan!


Giờ đây cách trở quan san,

Gởi về nơi ấy niềm thương đời đời!!


Tô Đình Đài

Tình Thu Trao Đi

 

(Họạ KKTĐ/TY*)

Thi nhân không cần vội vã
Giòng văn cứ nhẹ nhàng trôi
Gió mây luôn bay hối hả
Đưa thơ đi khắp khung trời
Mùa Thu ươm đầy giấc mộng
Thà hồn trên những trang thơ
Thi ca người không lập dị
Thì tôi vẫn dệt ước mơ
Tim ai có còn nguyên vẹn
Chân tình hãy sớm trao đi
Cho hai mảnh đời rung động
Tan trong ước vọng Xuân thì?


ChinhNguyen/H.N.T. 
Nov.2.2016

Khúc Xuyến Xao

 

Đường tơ huyền diệu nốt duyên thầm
Réo rắc cung ngà gió sững câm
Nhạc trỗi hương ngào hương thắm quyện
Lời ngân sóng dậy sóng mơ trầm
Vầng trăng thờ thẩn hòa chung lối
Đàn Nguyệt mơ màng chuyển hợp âm
Điệp khúc ru hồn xao xuyến lạ
Nghìn sau dầu cách nhớ khôn cầm…

Phương Hoa

Vẩn Vơ

 

Nếu làm thơ
Em làm thơ tình
Nếu là trăng
là trăng tháng Tám
Thích mầu gì?
sẽ là mầu trắng
Em yêu ai?
người đó là anh

Ngoài anh ra
còn ai nữa không?
Em sẽ cười
chẳng nói chẳng rằng

Anh hỏi em
Em biết hỏi ai?
Hỏi trái tim
Tim chẳng vĩnh hằng

Cuộc tình nào rồi cũng: phải chăng?

Quách Như Nguyệt

Lương Thiện


Giúp chồng từng giọt nhọc nhằn rơi
Bươn chải cái cò muốn hụt hơi
Buôn gánh ê vai không dám nghỉ
Bán bưng mỏi cẳng chẳng hề ngơi
Chén cơm đỡ dạ đà vui lắm
Manh áo ấm thân đã tốt rồi
Công đẹp hoa hồng lòng hoa bưởi
Quí Bà quí Chị quí yêu ơi...!!

Nguyễn Minh Thanh

Cái Nốt Ruồi


Kim đồng hồ đeo tay chỉ đúng 1 giờ 10. Thế là lớp học đã bắt đầu được 10 phút. Lại trễ nữa! Nhìn về phía cánh cửa đang mở rộng của giảng đường Hội Hữu của trường Văn Khoa, tôi tần ngần không biết có nên vào lớp hay không. Chẳng lẽ “cúp cua” thêm một bữa? Tôi đã trốn lớp mấy ngày rồi vì cái tội la cà các quán cà phê nên tới trường trễ.
Tôi ngần ngại không muốn ngất ngưởng đi vào lớp một mình, một phần vì thấy kỳ kỳ và một phần sợ bị thầy nhớ mặt và ghi tội, một điều hơi phiền toái nếu phải thi vấn đáp vào ngày cuối khóa. Tuy nhiên nếu bỏ học nữa thì cái lương tâm bèo nhèo của tôi sẽ bị cái hàm răng giả của nó cắn... nhột không chịu được. Hơn nữa, nghỉ nhiều thế thì không biết bài vở sẽ ra làm sao. Các Đại Học miền Nam hồi đó rất thiếu giáo sư và thường thường một số thầy phải “chạy” trường. Các đại học cố gắng sắp xếp thời khóa biểu làm sao để các thầy chỉ tới trường vài lần trong mỗi lục cá nguyệt. Mỗi lần như thế, các thầy đều ở lại nhiều tuần liên tiếp, dạy dồn dập mỗi ngày nhiều giờ cho hết chương trình. Vì thế, chỉ cần cúp cua một ngày là sinh viên sẽ lội bì bõm cho đến cuối khóa. Do đó, tôi bèn nghiến chặt răng, đầu cúi thấp, nhẹ nhàng bước vào lớp và ngồi vào hàng ghế trống cuối cùng. Tôi nhìn lên bục, thầy đang hăng hái giảng bài và hình như không chú ý đến tên sinh viên đi trễ. Tôi thở phào nhẹ nhõm, và bắt đầu láo liên cặp mắt quan sát các hàng ghế chung quanh. Hầu hết mọi người đều chăm chú nghe giảng bài và tôi chỉ thấy được phía sau hay cùng lắm là một bên khuôn mặt của mỗi người.

Tôi bỗng như chạm vào đường dây điện cao thế khi ánh mắt quét tới hàng ghế bên cạnh. Người con gái, mặt mày nghiêm trang lạnh lùng như một bức tượng bằng thạch cao, mắt nhìn thẳng về phía bục giảng bài, chăm chú theo dõi lời thầy. Tôi quả là không nói ngoa khi bảo rằng khuôn mặt của cô gái giống như bức tượng. Tôi chỉ thấy được phần nghiêng của khuôn mặt vì thủy chung nàng không hề quay về phía tôi, dù chỉ là trong một vài giây ngắn ngủi. Nét mặt nhìn nghiêng thật là thanh tú với sống mũi cao và thẳng nằm ngay dưới một khuôn mắt mang nhiều nét Tây phương. Làn môi không dày không mỏng được khép một cách hờ hững, và khóe miệng về phía tôi hơi nhếch lên một tí. Và đặc biệt nhất, ngay trên khóe miệng đó, có một cái nốt ruồi to gần bằng nửa hạt đậu đen. Vì không nhìn thẳng đuợc khuôn mặt cô gái nên tôi không thể biết được là nốt ruồi đó làm tăng hay giảm sắc đẹp của “bức tượng”. Mặc dù thế, nhìn nghiêng, cái nốt ruồi cộng thêm cái khoé mép hơi nhếch lên và cái sống mũi thon nhỏ có một sức quyến rũ thật là mãnh liệt. Và do đó, thay vì nghe thầy giảng bài, đầu óc của tôi lúc nào cũng gởi trọn về khuôn mặt bên cạnh, trong khi bên ngoài vẫn làm ra vẻ chăm chú nhìn về phía trước. Thỉnh thoảng tôi giả bộ ngọ nguậy uốn mình cho đỡ mỏi lưng và liếc nhanh về phía trái, chỉ đủ để thấy cái nốt ruồi đậm màu trên một làn da trắng bóc, nằm chênh chếch trên bờ môi mọng đỏ. Ôi, màu sắc sao mà hoà hợp một cách lạ kỳ. Chưa bao giờ tôi thấy ba màu đỏ, trắng và đen đi với nhau một cách tuyệt diệu như thế! Tất cả lại lồng trong ánh nắng chiều xanh như màu nước chè tươi của mùa thu Đà Lạt. Trời ơi, không lẽ Thiên đàng lại ở trong lớp học nhỏ bé này sao? Tôi bần thần theo dõi một cách kín đáo người hàng xóm “Trời cho” này. Trước mặt nàng, cuốn sách mở sẵn trên bàn được đều đặn lật qua trang mới, đi rất sát với lời giảng của thầy, mà cô nàng thủy chung không cần liếc xuống nhìn vào sách. Tôi thầm nghĩ trong bụng rằng cô bé này giỏi thật, và cũng bắt chước nàng lật sách như một cái máy. Hễ nàng lật là tôi lật, mặc dù chẳng biết, và cũng chẳng thắc mắc, mình đang ở trang nào.


Khi tan lớp, vào khoảng 5 giờ chiều, nàng là người rời lớp học sau cùng. Tôi ra trước và phất phơ đứng hút thuốc ngoài sân, mục đích là sẽ lẽo đẽo theo sau để tìm xem “hang cọp” ở chỗ nào. Cuối cùng cái bóng áo dài trắng thướt tha cũng rời lớp và thong thả đi về hướng nhà thờ Năng Tĩnh. Nàng hình như không hề biết là có một gã đầu trâu mặt ngựa đang dở trò trinh thám theo sau. Nàng đi thẳng vào nhà nguyện, và... dĩ nhiên tôi cũng vào theo. Nàng tiến đến gần bàn thờ và quỳ ngay hàng ghế đầu tiên trước cung thánh. Tôi chỉ dám thu mình trong chiếc ghế cuối góc nhà thờ để nhìn lên, không có can đảm tiến tới phía trước. Không hiểu tại sao mỗi khi “định mệnh run rủi” tôi phải vào nhà thờ, tôi chỉ thấy thoải mái khi được ngồi ở hàng ghế sau cùng vì, thú thật, mỗi lần nhìn lên Chúa trên cây Thánh Giá tôi thấy ngài ngại làm sao, có lẽ vì mặc cảm rằng mình là kẻ ngoại đạo và tự cảm thấy mình quá ư là bê bối. Nàng quỳ im lìm, đầu hơi cúi xuống. Mái tóc kiểu Sylvie Vartan màu đen tương phản với màu trắng của chiếc áo dài. Ánh sáng lờ mờ do tia nắng chiều èo uột xuyên qua những khung kính đục rơi lên trên hàng ghế nàng quỳ tạo thành một bức tranh đen trắng lung linh huyền ảo. Nàng miệt mài cúi đầu cầu nguyện, mặc thời gian trôi qua một cách chậm rãi đến sốt ruột. Đúng là Trời hại tôi, “bức tượng” của tôi chẳng những có đạo mà còn là một con chiên quá sức ngoan đạo! Than ôi, số tôi thật là khổ! Điệu này lại phải mất công đi làm quen một vị linh mục hay một vị nữ tu nào để xin học đạo. Cái món giáo lý coi bộ hơi khó nuốt đối với tôi. Trong suốt thời gian gần chục năm nội trú ở trong một trường đạo, tôi chỉ nhớ được có mỗi một điều là Đức Chúa Trời có 3 Ngôi, còn 3 Ngôi như thế nào thì mù tịt. Nếu bị hỏi ép quá thì đành giở trò bài bây: ngôi thứ nhất là “Mỏa”, ngôi thứ hai là “Toa” và ngôi thứ ba là ”Lủy”...

Nhìn đồng hồ tay đã thấy gần 7 giờ tối mà “bức tượng” vẫn không nhúc nhích, tôi đành phải bấm bụng rời nhà nguyện để tới quán ăn cơm tháng cho kịp vì không muốn phải mất ngủ vì bao tử trống không. Với cái lạnh của đêm khuya Đà Lạt, cảm giác đói bụng không phải là một điều dễ chịu, mặc dù đối với những sinh viên nghèo như tôi, cái cảm giác này đã trở thành một người bạn thân thiết.

Và từ đó trong vòng bốn tuần lễ liên tiếp, ngày nào tôi cũng tới lớp, ngồi hàng ghế cuối cùng, sau “bức tượng” một hàng, lén lút chiêm ngưỡng trong thầm lặng cái nốt ruồi tai hại, và khi tan lớp lại lếch thếch đi theo nàng lên nhà nguyện. Nhiều lúc tôi cũng có ý muốn bước nhanh lên để gợi chuyện làm quen, nhưng khi thoáng liếc qua gương mặt lạnh như ly cà phê sữa đá trong một buổi sáng Đà Lạt, bao nhiêu can đảm đều theo khói thuốc Bastos Quân Tiếp Vụ bay lên nhập vào đám mây dày đặc của bầu trời thu xám xịt. Và ngày nào cũng như ngày nấy, đến giờ cơm tối nàng vẫn còn gục đầu cầu nguyện, tôi lại đành phải thầm tạm biệt nàng để đi săn sóc cái bao tử lép kẹp của mình. “Thương em thì thương rất nhiều” nhưng “anh phải sống”, em ơi!!!

Bạn bè tôi nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi lên nhà thờ mỗi buổi chiều sau lớp học mà không hiểu nguyên do. Tôi nhủ thầm thật là may mắn khi cái lũ quỷ sứ này không phát giác ra mục tiêu của sự theo đuổi của tôi. Chỉ cần một đứa biết thì cả đám ôn thần dịch vật này sẽ làm rùm beng lên, thậm chí còn có đứa dám tìm cách gài bẫy để tặng cho tôi nhiều cú đau đớn. Vì biết thế, nên tôi càng cẩn thận hơn không dám theo nàng quá sát và cũng không dám liều lĩnh làm quen. Một điều làm tôi ngạc nhiên là hầu như trong lớp, ngoài tôi ra, không ai để ý đến nàng cả. Có thể là quan niệm về thẩm mỹ của tôi khác với mọi người, hay là mắt mũi của tôi kèm nhèm chẳng nhận ra được nỗi lòng thầm kín của những kẻ chung quanh. Không tìm được câu trả lời thỏa đáng, và cũng không dám tâm sự cùng ai, tôi đành bỏ không thèm thắc mắc thêm làm chi cho mệt xác.

Hôm nay là ngày cuối cùng của khóa học. Trên đường tới lớp, tôi tự nhủ chiều nay thế nào cũng phải gợi chuyện với nàng cho bằng được, sống chết gì cũng phải làm cho cóc mở miệng. Đây là cơ hội cuối cùng. Nhưng khi bước vào lớp, tôi choáng váng như bị ông thợ rèn gần nhà nện cho một búa vào đầu: nàng không có mặt trong lớp! Điều này có vẻ không ổn tí nào. Ngày học cuối thường là ngày quan trọng nhất vì các thầy đều cho biết những chi tiết quan trọng liên quan đến kỳ thi cuối khóa. “Bức tượng” đã có mặt trong tất cả các buổi học, mà lại vắng mặt ngày hôm nay, đó là điều tôi không thể tưởng tượng được. Suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi như người mất hồn, không biết và không nhớ được một lời nói nào của thầy. Quanh đi quẩn lại trong óc cũng chỉ có ba điều: nốt ruồi đen, bờ môi đỏ và màu da trắng mà thôi. Tôi cứ lẩm nhẩm mãi một câu hát không biết nhặt được từ một xó xỉnh tối tăm nào của mấy quán cà phê: “Em ơi, bây giờ em ở nơi đâu..."

Vừa tan lớp, tôi tức tốc chạy lên Năng Tĩnh. Nhưng than ôi! Nhà nguyện hoàn toàn trống trơn, chỉ có Chúa nhìn tôi và tôi... không dám nhìn Chúa! Vắng nàng, cung thánh bỗng rộng mênh mông và lạnh lẽo như hồn người trinh nữ bên hồ Than Thở trong buổi chiều đông. Tôi gục đầu vào lưng hàng ghế trước, đầu óc trống rỗng. Mắt nhắm lại, tôi cố hình dung lại trong đầu khuôn mặt lạnh như tiền của nàng và cái nốt ruồi yêu dấu nằm trên khóe môi được nhếch lên một cách ngạo nghễ. Đang nhắm mắt lơ mơ, tôi bỗng có cái cảm giác là tôi không phải là người duy nhất trong nhà nguyện. Ngẩng đầu lên, tôi chợt thấy nơi hàng ghế đầu tiên, chỗ nàng thường quỳ trong mấy tuần qua, hình bóng của một vị nữ tu trong bộ áo dòng đen và tấm khăn che đầu phủ xuống ngang lưng. Tôi bàng hoàng tự hỏi, chẳng lẽ đó lại là nàng! Phi lý, nàng không thể là một nữ tu được, tôi không muốn thế! Vì chỉ thấy được phía sau lưng, nên tôi không biết hư thực ra sao. Nhưng cái tư thế quỳ, cái dáng đầu hơi cúi xuống sao mà giống quá. Dù trong lòng xốn xang, nhưng tôi không dám đường đột đi lên gần cung thánh để nhìn mặt. Giá chi đừng có bộ áo dòng thì khung cảnh sẽ y hệt như mấy tuần qua: Một người con gái nghiêm trang quỳ cầu nguyện ở phía trên, và một chàng trai cuối nhà thờ ngồi nghĩ hươu nghĩ vượn...

Và cũng như cũ, gần 7 giờ tôi lại phải luyến tiếc rời nhà thờ để đi lo phục vụ cho cái bao tử lép kẹp của tôi.

Thế rồi cái điệp khúc này được lặp đi lặp lại mỗi ngày sau đó. Không biết tôi bắt đầu biết cầu nguyện từ lúc nào, nhưng một hôm tôi chợt bắt gặp mình đang lẩm bẩm: “Lạy Chúa, xin cho con được gặp lại nàng và nhất là cho nàng đừng phải là bà Soeur! Chúa muốn con làm gì, con cũng sẵn sàng làm hết, trừ việc... bắt con đi tu."

Một ngày kia, có lẽ vì thương tình hay vì quá mệt mỏi với lời cầu xin bá láp của tôi mà Chúa đã động lòng trắc ẩn. Mới vào khoảng 5 giờ, vị nữ tu đã đứng dậy, làm dấu Thánh giá và quay người đi ra. Trong ánh nắng ảm đạm của buổi chiều Đại học, tôi bỗng nhận ra khuôn mặt quen thuộc. Cả người tôi như đóng băng. Chẳng lẽ đó là “nàng” thật ư? Quả là tai hại bạc triệu. Còn đang bàng hoàng, thì “nàng” đã đi ngang, và... Chúa ơi, “nàng” nhìn con và mỉm cười gật đầu chào!!! Không biết cái cảm giác được lên Thiên đàng như thế nào, nhưng tôi dám chắc là không thể hơn được nỗi sung sướng của tôi lúc đó. Nếu có ai hiện diện nơi đây, họ sẽ phải phì cười vì cái bản mặt ngờ nghệch và lơ láo của tôi, vốn dĩ đã xấu xí và đần độn hơn người. Như cái máy, tôi đứng bật dậy và lẽo đẽo đi theo “nàng”. May quá, không gặp bất kỳ ai trên đường. Vừa qua khỏi quãng đất trống trước nhà thờ và đến đầu con đường dốc nhỏ trải nhựa nằm giữa giảng đường Hội Hữu và Thư Viện, “nàng" đứng lại chờ tôi. “Nàng” quay nhìn tôi, ánh mắt hơi ngời lên một tí tinh nghịch, và nhẹ nhàng bảo:
- Có lẽ là anh lầm tôi với chị Thanh!

Tôi ngơ ngác lẩm nhẩm trong miệng hai chữ “chị Thanh” và quan sát kỹ khuôn mặt của người đối diện. Cũng khuôn mặt trái soan đó, cũng cái mũi nho nhỏ thanh tú đó, cũng bờ môi thắm đỏ và hơi cong lên ở bên mép... Nhưng kìa, ơ hay... Như đoán được ý nghĩ của tôi, vị nữ tu giải thích:
- Nhiều người cũng lầm tôi với chị Thanh như anh. Chúng tôi là hai chị em ruột, và giống nhau như hai giọt nước, chỉ khác nhau có một điểm là chị Thanh có cái nốt ruồi trên mép phải.

Quả thế thật, trên da mặt mịn màng của vị nữ tu tôi không thấy một cái nốt ruồi nào cả. Thật là bé cái lầm. Trong sự ngỡ ngàng bối rối, tôi lại cảm thấy lóe lên một tia hy vọng nhỏ: Biết đâu Thanh không có đi tu, và chỉ có cô em này làm Soeur mà thôi! Nhưng niềm hy vọng của tôi không kéo dài được lâu. Vị nữ tu kể tiếp:
- Hai chị em chúng tôi là con của một ông trùm xứ tại một họ đạo di cư gần Ban Mê Thuột, và đều đi tu tại dòng Mến Thánh Giá ở trên tỉnh. Chị Thanh được nhà dòng gửi tới đây đi học, và chị ấy đã trở về lại nhà Chúa. Chị có nói chuyện với tôi... về anh.

Tôi giật mình. Chết chửa, thế mà cứ tưởng là “nàng” không biết những chuyện ruồi bu của tôi.
Vị nữ tu lại lém lỉnh nói tiếp:
- Chị Thanh nhờ tôi nhắn với anh là ráng quên chị ấy đi và cố gắng học hành vì ngày thi sắp đến và nếu anh trượt thì sẽ bị đi lính đấy. Chị nhờ tôi tặng anh một tấm hình của chị để anh cầu nguyện cho chị mỗi khi nhớ đến chị.


Tôi thẫn thờ cầm lấy tấm ảnh đen trắng vị nữ tu trao cho, và chua xót nhìn khuôn mặt của người đẹp của tôi đang tươi cười trong bộ áo dòng ủi thẳng nếp ngày khấn tạm. Hỡi ơi, khuôn mặt đó, bờ môi đó, và cố nhiên cái nốt ruồi thân yêu đó... tất cả sao mà xa xôi cách trở. Tôi lí nhí nói lời cám ơn và vội vàng nhét bức ảnh vào túi áo blouson khi nhác thấy mấy thằng bạn trời đánh của tôi đang từ phía Thư Viện đi tới. Chúng cố tình đi ngang chỗ tôi đứng nói chuyện với vị nữ tu, nhìn phớt qua hai đứa, cất tiếng cười khúc khích với nhau và nháy mắt với tôi một cách rất ư là đểu giả. Vị nữ tu vẫn tỉnh bơ làm như không để ý đến, mỉm cười nói lời từ biệt và đi về hướng cổng Viện. Tôi đứng đó ngơ ngác nhìn theo cho đến khi bóng dáng chiếc áo dòng đen đã khuất sau lưng giảng đường Minh Thành.

Tôi lang thang quanh khu Năng Tĩnh một lúc rồi tất tả trở về cái phòng trọ lạnh lẽo ở đường Hàm Nghi. Việc đầu tiên khi vào phòng là lôi tấm hình ra ngắm nghía và kẹp cẩn thận vào giữa cuốn Thánh Kinh trên bàn trước khi đi ăn tối. Cuốn Thánh Kinh này do một thằng bạn vừa mới theo đạo Tin Lành tặng cho tôi, với mục đích dụ tôi theo đạo của hắn. Mỗi lần gặp mặt là hắn cứ bảo tôi phải đọc cuốn sách này. Tôi cũng ráng chiều ý bạn nhưng chẳng bao giờ đọc hết được một trang trước khi hai mí mắt sập xuống. Sau này bị hắn thúc quá, tôi bèn nổi quạu và bảo hắn: “Sách gì mà đọc chán thấy mồ tổ, thua truyện Kim Dung xa. Thế này mà mày cứ bắt tao đọc hoài thì làm sao tao đọc được. Hôm nào rảnh, tao sẽ đem trả cho mày để mày cho người khác!". Từ đó tôi ít có dịp gặp lại hắn và cũng quên chưa trả lại cuốn sách. Đó là lý do tại sao một kẻ ngoại đạo như tôi lại có cuốn Thánh Kinh nằm trên bàn học.

Vừa bước chân vào quán ăn, thì cả đám lâu la đã chờ sẵn và thi nhau pháo kích:
- Ối giời ơi, cái thằng ông nội này hết chuyện làm rồi hay sao mà lại đi tán tỉnh kẻ tu hành như thế này...
- Ê con trai, coi chừng xuống Hỏa ngục đó con ạ...
-“Khen cho con, mắt tinh đời!". Em đẹp như Ma Xơ, cắc cắc bùm...
- Cái nốt ruồi trên mép quả đáng đồng tiền bát gạo...

Tôi giật bắn mình. Cái nốt ruồi? Làm gì có cái nốt ruồi? Không biết thằng này đào đâu ra cái ý tưởng về cái nốt ruồi. Chẳng lẽ chúng nó biết mình lẽo đẽo theo sau nàng từ trước mà đến giờ này mới nói? Tôi cứ loay hoay mãi với ý nghĩ này thành ra không biết sau đó chúng nó còn tung ra những điều gì tệ hại hơn nữa.

Cắm đầu cắm cổ nuốt vội vàng cho xong phần ăn, tôi bay về nhà trọ, để nguyên áo quần leo lên giuờng nằm thừ ra suy nghĩ. Tôi ôn lại trong đầu từng lời của cô nữ tu. Không biết cố ý hay vô tình mà vị nữ tu đã cho tôi biết những chi tiết thật là đáng giá: Ông bố làm trùm xứ một họ đạo di cư, hai chị em đi tu ở nhà dòng Mến Thánh Giá Ban Mê Thuột... À, tại sao mình không điều tra thêm thử xem sao. Tôi chợt nhớ ngay đến Hoa, cô em họ của tôi. Hoa là con của bà dì ruột tôi, chơi rất thân với tôi lúc nhỏ. Lớn lên, Hoa lấy chồng Công giáo, và theo chồng về ở họ đạo Hà Lan B thuộc giáo phận Ban Mê Thuột. Tôi có thể nhờ Hoa điều tra giùm về hai chị em Soeur Thanh (Trời ơi là Trời, chữ “Soeur” đọc lên nghe đau lòng quá!). Tôi hy vọng là cùng đạo với nhau, Hoa có thể cho tôi nhiều chi tiết hữu ích về hai “người đẹp" này. Tôi hăng hái choàng ngồi dậy, viết một lèo xong bức thư cho Hoa, chạy qua bà chủ nhà mượn con tem và ba chân bốn cẳng bay ra bưu điện tống ngay vào thùng thư chính.

Nắng chiều buồn như cỏ úa. Tôi uể oải rời nhà thờ mà lòng mềm oặt như cọng bún thiu. Con đường trở về nhà trọ sao mà lê thê và những tuần lễ chờ đợi sao trôi qua quá chậm chạp. Mỗi buổi chiều tôi đều lên Năng Tĩnh, với hy vọng mong manh là được gặp lại “Cái Nốt Ruồi” hay em gái nàng. Nhưng than ôi, bóng chim tăm cá! Tôi đâm ra thù cái ông thi sĩ Tàu vớ vẩn nào đó đã nói một câu rất ư là vô duyên lãng xẹt: “Giai nhân nan tái đắc”. Điểm an ủi duy nhất cho tôi là quý Cha và Frères, mà tôi thỉnh thoảng xui xẻo gặp mặt ở trong khuôn viên nhà thờ, càng ngày càng tỏ ra có cảm tình với thằng bé “ngoan đạo”! Các ngài đâu có biết rằng người mà thằng bé ước tìm gặp là “nàng”, chứ không phải Chúa của các ngài. Tuy thế, tôi vẫn phải luôn làm mặt tươi cười để đáp lễ lại những cái nhìn khuyến khích và khen thưởng của các ngài. Tôi nghĩ thầm trong bụng rằng phải chi các Cụ cầu nguyện Chúa cho tôi được gặp lại “nàng” thì có phải là quý hoá hơn không! May quá, các ngài không thấy được ý nghĩ này trong cái đầu đen kịt của thằng quỷ sứ! Về đến nhà, sắp mở cửa phòng trọ thì tôi nghe tiếng gọi của bà chủ nhà:
- Cậu Văn ơi, có thư.

Nhìn thấy tên người gửi là cô em họ tôi từ Ban Mê Thuột, tôi mừng rơn, mừng còn hơn cả lúc nhận được mandat từ nhà mỗi đầu tháng. Chạy vội về phòng, khóa kín cửa lại, tôi xé vội phong bì và đọc ngấu nghiến bức thư của Hoa dưới ánh đèn điện vàng vọt của phòng trọ:

Ban Mê Thuột ngày...

Anh Văn mến,

Sau đây là những chi tiết về Soeur Thanh mà anh đã hỏi em: Em rất thân với gia đình Soeur Thanh, vì Bác Trùm Xuân, bố của Soeur Thanh, là ông bác họ của nhà em. Bác được gọi là Ông Trùm, vì bác ấy đã từng là Trùm Xứ của họ đạo Hà Lan A, cách họ đạo Hà Lan B của em không mấy xa. Không hiểu sao anh lại nói gặp em gái của Soeur Thanh, vì bác Trùm chỉ có một người con duy nhất là Soeur Thanh mà thôi...

Tôi giật nẩy mình, linh cảm có điều gì hơi bất thường. Sau ít giây sững sờ, tôi đọc tiếp:

Bác Trùm cho Soeur Thanh đi tu ở Dòng Mến Thánh Giá Ban Mê Thuột từ khi Soeur được khoảng 12 tuổi. Đến năm 18 tuổi, Soeur đậu Tú tài II. Sau khi vào nhà tập khoảng một năm và sau khi khấn tạm, Soeur được nhà Dòng gửi đi học ban Cử nhân Triết tại Viện Đại Học Đà Lạt của anh đó. Em đã được gặp Soeur rất nhiều lần. Soeur rất đẹp và dễ thương. Đặc biệt nhất là cái nốt ruồi trên khoé môi của Soeur làm cho Soeur hết sức có duyên.

Cách đây mấy tháng (vào khoảng đầu tháng Mười), bác Trùm gái bỗng nhiên đau nặng, sợ không qua khỏi, nên Soeur phải lật đật rời Đà Lạt để về thăm mẹ lần cuối. Không ngờ trên đường về nhà, xe đò bị trúng mìn gần Ban Mê Thuột và tất cả mọi người trên xe đều tử nạn...


Trời ơi! Tôi bàng hoàng buông tờ thư, ngồi phịch xuống thành giường, hồn xác tê dại. Tôi cố nhớ lại, đầu tháng Mười chính là lúc tôi nhìn thấy Soeur Thanh lần đầu tiên trong lớp học. Chẳng lẽ... Tôi từ xưa vốn không tin chuyện ma quỷ, nhưng giờ đây tự nhiên cảm thấy xương sống hơi lành lạnh. Đang lơ mơ thì cánh cửa phòng trọ, mà tôi nhớ đã khoá lại sau khi vào, bỗng dưng tự động mở ra. Không biết có phải là do thần hồn nhát thần tính hay không mà tôi có cảm giác mình vừa thoáng thấy một bóng đen vụt ra khỏi cửa và tan dần vào trong những tia nắng xanh xao của buổi chiều đông Dalat.

Và chợt như do linh tính, tôi chồm tới bàn học, chụp vội cuốn Thánh Kinh, mở ra để tìm tấm ảnh. Tấm ảnh vẫn còn đó, nhưng bây giờ... đã thành một tờ giấy trắng. Khuôn mặt của người trong ảnh, mà tôi còn thấy rõ ràng ngày hôm qua, đã hầu như hoàn toàn biến mất. Tất cả chỉ còn lại một chấm tròn đen nho nhỏ nằm ở vị trí cũ của cái nốt ruồi duyên.

Cali, 12/2006
Trần Văn Lương

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

Thu Về Anh Đón Em - Thơ: Lê Nguyễn Nga - Nhạc: Hạnh Cư - Ca Sĩ: Quốc Duy


Thơ: Lê Nguyễn Nga
Nhạc: Hạnh Cư
Ca Sĩ: Quốc Duy

Ảo Mộng Đêm Nay

 

Chiếc lá lià cành lặng lẽ rơi
Ðêm nay trăng sáng một khung trời
Thu phong trở giấc mang hơi lạnh
Thương áo phong trần rách tả tơi

Một cõi đi về ta với ta
Nghìn trùng mây nước mịt mờ xa
Vẳng trong hư ảo vang lời gọi
Âm hưởng vọng về, ôi thiết tha

Ta có còn chi ở cõi này
Khối tình theo gió đã xa bay
Sông hồ ngược sóng, thân phiêu bạt
Ðất khách tha phương tủi phận thay

Chẳng khách tài hoa, chẳng kiếm cung
Chẳng thân tù tội chẳng cùm gông
Phong sương gió chướng chưa từng trải
Chẳng chiến công dày đẹp tổ tông

Liễu yếu quần thoa phận má hồng
Ly hương một kiếp vẫn hoài mong
Thu ba chớ gợn trong màu mắt
Góp một chút gì … rạng núi sông

Ðông phong trở tiết, se se lạnh
Thao thức canh trường dạ ngẩn ngơ
Tiếc nuối xuân xanh, hờn tuổi ngọc
Chỉ còn ảo mộng đến trong mơ …

Nguyễn Phan Ngọc An

Mùa Thu Đang Về

 

Mới đấy mà nay lá đổi mầu
Tiết trời lành lạnh đã vào ngâu
Thời gian nhanh quá không dừng lại
Bởi thế trách sao chóng bạc đầu

Kẻ say người tỉnh ai mà chẳng
Mai này già nữa - Chết về đâu
Đem mấy tấm hình so sắc diện…?!
Mới thấy thời gian tựa vó câu

Thư Khanh

Tu Hành Đắc Đạo

 

Thơ & Thực Hiện: Minh Lương

Tình Thu

 
 
Còn mãi mùa thu lá vàng rơi,
Cuốn bao tà áo xanh mây trời
Tình xưa xao xuyến thời áo trắng
Cánh phượng chiều thu ngẩn ngơ trôi


Tôn Thất Hùng
***
Tình Thu

Em đứng chờ anh trong lá rơi,
Hồn em lượn khắp bốn phương trời!
Tóc em ướt đẫm hòa sương trắng,
Suối lệ cùng mưa khóc bóng trôi!

Suối lệ cùng mưa khóc bóng trôi!
Bóng anh ẩn hiện thoáng sau đồi,
Mắt anh sâu thẳm nhìn em đuối!
Môi đẹp thơm tho đã mất rồi!

Môi đẹp thơm tho đã mất rồi!
Lời anh mật ngọt rước lên ngôi!
Cho em gẫy cánh ngồi trên ấy!
Ôm chặt con tim ói máu nhồi!

Ôm chặt con tim ói máu nhồi!
Tình em bão biển sóng sục sôi!
Anh đừng phụ rẫy Mùa Thu Chết!
Để hối muôn năm! Mộ lặng ngồi!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 21/08/2024

Miếu Văn Thánh Ở Vĩnh Long


Bài trích từ tạp chí Đại Việt (in năm 1942), tôi dùng máy đánh chữ lại (có sai sót) cho dễ đọc:
 
Xin được cám ơn anh Nguyễn Duy Chính đã tìm thấy các tập chí nầy trong thư viện Pháp để tôi mượn tạm bò vào Quán Ven Đường.
Tại sao “mượn tạm”, thưa đa số các bạn khó mượn được tuy rằng nó miễn phí.


MIẾU VĂN-THÁNH Ở VINH-LONG

Dấu tích xưa ở Vinhlong, chỉ còn một tòa Miếu Văn Thánh là cũ hơn bết. Năm Tự Đức thứ 17 (1865) quan Đố học Nguyễn - Thông đứng ra cất, đồ thờ đức Không Tử và các vị hiền triết là môn đệ của ngài. Lại có dụng thêm một cái thơ lâu, ở phía ngoài, gọi là nơi chứa sách, để tụ hội các học sanh đọc sách làm bài, Và cụ Phan-thanh-Giản (hồi làm Kinh lược trấn ở Vinhlong) có làm một bài Kỹ chữ Hán, khắc vào bia đá, dụng ngay trước Miếu.

Lần Lần tháng lụn ngày qua, thỏ tà ác lặn, sao đời vật đồi, biên thắm cồn dâu, khiến cho tòa Vàu thánh ấy thảm đạm hết một thời gian. Sau nhờ có các quan Tham-biện hiệp sức với các bực thân-hào trong bạt, kẻ ít người nhiều, ra cộng tu bổ, bây giờ thành ra một chỗ tráng quan, du khách bốn phương chiêm bái.


Ở nơi thơ lâu, hồi đó thì đề cho các trò đọc sách mà bây giờ thì lại đề nhang khỏi cho vọng lĩnh các quan hồi cựu. Từng trên lầu thờ vị Văn Xương để quân. Từng dưới lầu, căn giữa đề một cái khánh (1) sơn sơn phết vàng thát lớn, trong hai có cải bài vị thờ chung cụ Vỏ Trường Toản và cu Phan-Thanh- Giãn, Phía ngoài cái khánh có khác một đôi liệu:

Hoàng phong xử-sĩ thanh cao lão.
Tự hiệu thơ sanh tiết liệt thần.
• Vua phong xử sĩ, lão thanh-coo,”

(Câu nấy nói về cụ Võ trường Toản, Đức Gia-Long phong cho cụ là: Sùng-đức xữ-si. Cụ là một ông già thanh cao. (Ỡ ần dạy học, không chịu ra làm quan).

« Minh hiệu thơ sanh, tôi tiết liệt s.
---
1) Người Trung, Bắc kỳ thi gọi là cái khẩm. Người Namky gọi cái khám » đồ giảm tội nên đồi gọi là cái khánh


Câu nầy nói về cụ Phan từ anh-Giản. Khi cụ gần chết, cụ để trong lòng “ triệu " là ở “lão thơ sanh” như thế cụ là một người tôi tiết liệt.

Còn hai chái tả hữu, cũng có hai cái "khánh" đề bài vị thờ các quan: Tồng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Ấn sát, Đốc học, lại có cái bài vị ông Bi hộ Nọn thờ chen vô đó nữa. Vì con gái của ông là bà Trương-thị-Loan (tục gọi là bà Phù Y) có cúng tiền bạc ruộng đất vào miếu ấy.

Năm trước, về triều vua Duy Tân có quan Học bộ Thương thơ Cao-xuân-Dục đi viếng các trường học trong Nam, ngài có ghé vào yết Văn-thành và có đề hai đòi liễn:

Xuân thu hà đằng kiền khôn, đạo tại ngủ kinh song nhựt nguyệt.
Thủ Tử biệt thành về trụ, đồ qua lục tĩnh nhứt cũng tường.

• Sông Thù, Tử, côi bờ riêng đô
" Đường qua sáu tĩnh một cung tường" - Câu này ý nói: Sông Thù, sông Tử (là hai con sông ở về nước Lỗ, que hương đứa Khổng Tử, bây giờ thuộc tĩnh Sơn-đông) thành riêng ra hờ côi. Đi đường trải qua trong sáu tỉnh, thấy ở đây có

• Sông Thù, Tử, côi bờ riêng đô
" Đường qua sáu tĩnh một cung tường - Câu này ý nói: Sông Thù, sông Tử (là hai con sông ở về nước Lỗ, bây giờ thuộc tĩnh Sơn-đông) quê hương của đức Khổng Tử, hờ côi thành riêng ra, thấy ở đây có. Đi đường trải qua trong sáu tỉnh, mà thấy ở đây có một cung tường thở đức Khổng Tử.

Hiện giờ Miếu Văn-thánh, Chánh phủ Nam-kỳ đã nhìn nhận là một tòa miều công của nhà nước.

Luôn tiện, tôi xin dịch nguyên văn bài ký của cụ Phan ra đây cho quí độc giả xem, kẻo lâu nay tấm bia đá ấy, đứng trước miếu đã trên 70 năm, ai đến viếng chơi cũng đều trông thấy:

Đá vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt
Chủ còn dạng dạng với phong sương.

thế mà không ai để ý đến coi thử trong bia đã ấy nói những gì và của ai, thì thật đáng tiếc.

DỊCH VĂN:

Trời giúp dân ở hạ giới, nên khiến cho có kẻ lên làm vua đề cai trị, có kẽ ra làm thầy đồ đạy đồ. Lòng trời biết thương yên dân, ban ân huệ cho dân, thật là châu đáo. Duy sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời. Phải có sự dạy đồ, rồi sự cai trị mới có chờ thi thố được


Ấy vậy sự dạy dỗ, nơi sự cai trị dân rất yếu thiết, không thể bỏ một ngày mà không có vậy.

Lớn thay! Đạo đức Khổng-phu-Tữ. Vì trời đất lập ra « Tâm. Vì sanh dân lập ra « Mạng. Vì thánh trước nối sự học đã dứt. Vì muôn đời mở ra cuộc thái bình, cho nên các đòi vua thờ phượng cùng tế, không bao giờ hỗ hẳn.

Hoàng Triều ta (1) kinh thày trọng đạo. Xét theo đời xưa bày ra cách dạy. Ban đầu ở kinh đô có lập một tòa đền gọi là « Đại Thành điện, thể chế rất tôn nghiêm, Vài trăm năm trở lại đây, kính chuộng đạo học, nuôi dạy nhơn tài chẳng it. Trị và dạy cả hai đều tốt sáng rỡ ràng ở nơi đó.

Xử Nam kỳ lục tỉnh, địa thế xa cách, gần ba ngàn dặm, và lại mở mang sau hết. Đức Hiền tôn Hoàng đế (2) ta trị vì năm Ất mùi thứ 25, quan trấn thủ doanh Trấn-biên (3) Nguyễn-phan- Long, quan kỷ lục Phạm khánh Đức mới lập ngay ở phũ Phước Long một tòa miếu vũ, thở đức Tiên sư Không-Tử, rồi từ đó mỗi khi gặp tiết xuân thu hai lần cùng tế, thì ở thành Gia định có phải bên văn một quan lớn đi với quan đốc học và các thân sĩ dẫn đó hành lễ.

Qua triều vua Minh mạng năm thứ 6 (1827) mới lại cất riêng thêm một tòa văn miếu nữa, ở về huyện Bình dương, ma các trấn lúc bây giờ đều chưa có. Song mỗi lần đến kỳ thì khóa, học trò ở các trấn tề tựu về đó như mây nhóm, áo khăn chính chiên, tụng đọc nghê nga, và như có gặp nhằm lễ « Thích-điện » (4) các trò cũng đều được đến dự. Đường cả non cao, có chỗ tới lui chiêm ngưỡng. Kịp đến sau lục tĩnh sữa đỗi tên lại, thì bồn tỉnh Vinh-long mới chọn được một sở đất ở tại làng Tân sơn để cất miếu thờ. Cây ngôi đã sẵn sàng, kế có việc phải định hoãn lại. Đến năm Tự Đức thứ 12 (Kỹ mùi 1860), tĩnh Gia-định, Biên hòa và Định tường nối nhau thất hảm, những sĩ phu trong ba tỉnh ấy lánh nạn chạy qua bồn tỉnh với các hạt An-giang, Hà-tiên.
----
(1) Tức là Triều nhà Nguyễn, từ đức Thái Tổ Nguyễn Hoàng cho đến kim Thượng muôn đời về sau nữa,
(2) Cháu chắc đức Nguyễn Hoàng, tức là Hiến Tôn Hiếu Minh Hoàng

(3) Tình Biên hòn bây giờ.
(4) Xuân, hạ, thu, đông, trong bốn mùa làm lễ Thích điển miễn đức Khổng Tử. (Thiên Văn Vương thế từ, kinh Lễ). «Thích là, * Thích thể bỏ rau. Điện là : « Điện tự: Dàng lụa. Bỏ rau dâng lụa, lễ đáng tiên sử. (Thiên Vương chế, kính Lễ).


Lúc bấy giờ việc bình mã rộn ràng gấp rút, các trò đều fiệng bốt theo quân, khiến cho sự học hành lần lần bê trễ. Đến năm thứ 15 (Nhâm tuất 1863) quan ảnh Để học Nguyễn- Thông mới qui tụ các sanh viên lại mà dạy học và tập bài. Lại lựa được một miếng đất ở về hướng đông nam cách xa tỉnh thành chừng bài dặm, thuộc về địa phận lòng Long-hồi mặt tiền ngó xuống sông dài, mặt hậu nương theo đất gò. Bên và bên hữu, có vườn tược thạnh mào, địa thế thật là thanh vắng. Chọn được ngày lành tháng tối, bầm với quan thương ty, bên dựng Miếu thờ đức Tiên sır Không Tử. Năm thứ 17 (Giáp tỷ 1865) tháng trong đồng khởi công qua rốt mùa thu năm nay (Bình dần 1867) Loàn thành. Phàm những đồ thờ với các môn để dùng chế tạo đều từng tốt cả.

Lại ở phía ngoài tường, bên tả gần sông, có dựng một cái thơ lâu, để làm nơi chứa sách, cho tiện lúc hội hiệp đọc sách làm văn,

Còn về số tiền chi phí mướn thợ làm và đề ruộng cúng là bao nhiêu, thì đã ghi ở số riêng. Công việc làm đã xong xuôi rồi, quan Tồng đốc bồn tĩnh Trương-văn-Uyên, Bố chánh sử Nguyễn-văn-Nhã và Ấn sát sử Võ-doản Thanh có đứng xin cấp trong miền 20 tên phụ đề soi sóc giữ gìn, và mấy mẫu ruộng tư điều khôi dòng thuế, đề dùng vào việc cúng tế.

Ôi! Hai chải ngồi hầu, muôn đời tôn chuộng, xem trông bắt chước, có chỗ vẫn sáng. Ma sự dạy dỗ của thành nhờn, hắt đầu nên cho mình, rồi sau mới nên cho vật. Còn sự học hành của chúng ta, thì gốc ở nơi mình mà phải ra sức làm cho nên việc. Lại có kẻ văn chương thật rõ rệt mà chẳng quan tâm đến sự dạy dỗ cho đời, tuy có giối, cũng không ích.

Lại nghe: đức Khổng phu Tử, việc làm ở sách Hiếu kinh, mô cải chí thì ở sách Xuân thu, là bởi cái chí của phu-tū khen chê các nước bầu ở sách Xuân-thu, mà sự làm chuộng về nhơn luân thì lại ở sách Hiểu kính, cho nên cái đức tột cái «đạo gốc, chẳng ngoài nơi đó. Giản này, sự học chưa có được gì cho lầm, không lấy chỉ giúp ích cho đời, nên kính đọc những chỗ nghe như thế. Các học trò thờ đức Thành nhơn, cũng nên biết thờ về chỗ đó,

Năm Tự Đức thứ 19 (Bình dần) sau tiết Trùng dương 3 ngày.
Kẽ Hậu-sanh: Phan-thanh-Giản lại lạy kinh làm bài kỷ.

THƯƠNG TÂN THỊ dịch thuật

HCD: Không biết người Vĩnh Long ngày có biết được chi tiết vể Miếu Văn Thánh hay không. Cách nay 80 năm mà thấy tác giả đã than
( trích - >)
Luôn tiện, tôi xin dịch nguyên văn bài ký của cụ Phan ra đây cho quí độc giả xem, kẻo lâu nay tấm bia đá ấy, đứng trước miếu đã trên 70 năm, ai đến viếng chơi cũng đều trông thấy:

Đá vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt
Chủ còn dạng dạng với phong sương.

thế mà không ai để ý đến coi thủ trong bia đã ấy nói những gì và của ai, thì thật đáng tiếc.

DỊCH VĂN:

Tới giúp dân ở hạ giới, nên khiến cho có kẻ lên làm vua đề cai trị, có kẽ ra làm thầy đồ đạy đồ. Lòng trời biết thương yên dân, ban ân huệ cho dân, thật là châu đáo. Duy sự cai trị thì chỉ thấy ở lúc bấy giờ, mà sự dạy dỗ thì lưu truyền đến muôn đời. Phải có sự dạy đồ, rồi sự cai trị mới có chờ thi thố được

(< - hết trích)
Huỳnh Chiêu Đẳng Sưu tầm và đánh máy


Quan Niệm Của Phật Giáo Về Vạn Vật Nhất Thể


Như điện như ảo có khả năng tạo ra vô vàn điều kỳ thú, mà sự ảo hóa đó xuất phát từ một siêu năng lực chung được gọi là tâm. Mọi cá thể chúng sinh có một cái tâm riêng gọi là tâm chấp ngã, chấp pháp, tâm đó phân biệt mọi thứ thành ra vạn vật.

Từ vô ngã bùng nổ thành ngã, và rồi từ ngã bùng nổ giác ngộ trở về lại vô ngã. Cái “big bang Phật Giáo” này xảy ra trong từng sátna. Phật pháp cũng nói rằng tất cả mọi chúng sinh đều có chung một tâm mà Duy Thức Học gọi là A Lại Da Thức.

Cái tâm riêng là vọng tưởng chấp ngã chấp pháp gọi là Mạt Na thức (Manas,) đó là tâm luân hồi sinh tử, của khổ đau, nó bé nhỏ như hạt lượng tử (quantum, god particle,) còn cái tâm chung của vạn vật mới đích thực là tâm như hư không vô sở hữu, to lớn như vũ trụ.

Cứu cánh của Phật Giáo là chứng được cái tâm này, gọi là giác ngộ, thiền Trung Hoa gọi là kiến tánh thành Phật, tâm này còn có nhiều danh hiệu khác như - Chánh Biến Tri, Như Lai, Phật Thế Tôn. Ngôn ngữ con người muốn gọi thế nào đi nữa cũng chưa bao giờ diễn tả nỗi, hay có thể chỉ thẳng được cái tự tánh của nó.

Tâm ở đâu khó mà biết được vì tự tâm không ở, không đến, không đi, không bị chi phối giới hạn bởi không gian và thời gian vì vậy tốc độ ánh sáng hay trọng lực (gravity) cũng không ảnh hưởng tới nó được. Tâm không ở trong tim ta, không ở trong đầu óc ta, nó không phải của ta. Tự Tâm không “tâm viên, ý mã,” mà cái ngã nó tưởng là tâm mình không tịnh. Không thể tịnh cái đã tự nó đã luôn luôn tịnh. Không thể an cái an. Cho nên thiền sư nói, đưa tâm ngươi ra đây, ta sẽ an tâm cho.

Như vậy, vạn vật nhất thể của Phật Giáo chính là Tâm, đây chính là lực tổng hợp duy nhất của 4 lực cơ bản của thế giới vật chất, và rất nhiều lực vô hình của vô lượng nghiệp chướng trong Tam giới. Cái ý nghĩa vạn vật nhất thể được Phật Giáo gọi là bất nhị.

Chính xác hơn, bất nhị (non-dualism) tức không phải là hai nhưng cũng không phải là một.

Chúng ta thấy rằng photon chẳng phải là hạt (particle,) cũng chẳng phải là sóng (wave) có khi hữu tướng thể hiện là hạt khi được quan sát, có khi vô tướng thể hiện là sóng khi không quan sát. Cố xác định nó phải là cái gì thì cũng không đúng (tạm gọi, God particles.) Vật chất (Sắc, matter) chẳng phải là có thật, mà cũng không hẳn là không có, không thể gò ép cho là có, là không được. Trong vật lý học, đây là nguyên lý bất khả định (Principle of Uncertainty) do Werner Heisenberg nêu ra năm 1927. Trong toán học, đây là định lý bất toàn (Incompteness Theorem) do Kurt Gödel nêu ra năm 1931.

Nguyên lý bất định cũng có ý nghĩa trong Sinh Vật Tiến Hóa Luận, nó khiến cho thuyết sinh vật tiến hóa (Theory of Evolutions) của Darwin trở nên không vững chắc nhưng không có nghĩa là sai.

Đức Phật đã kết thúc những hiện tượng vũ trụ trên trong kinh Kim Cang bằng bốn câu kệ rất sâu sắc như sau:

“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”

Dịch nghĩa:

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.

Lê Huy Trứ

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Chờ Nhau - Lời: Linh Vũ - Nhạc: Liên Binh Định - Hòa Âm: Đỗ Hải - Ca Sĩ: Ngọc Minh


Lời: Linh Vũ
Nhạc: Liên Binh Định
Hòa Âm: Đỗ Hải
Ca Sĩ: Ngọc Minh

Chị Tôi



Chị tôi
một thời cơ cực
làm việc ngày đêm
giúp mẹ nuôi em
đàn em bảy đứa
Cha ở tù
rừng sâu núi thẳm
theo mẹ
lội suối băng rừng
lên non xuống biển
vét rãnh đào mương
từ Đông sang Hạ
chị làm vất vả
chằng hề thở than
mong sao các em chóng ngoan chóng lớn
mong sao Cha sớm được về
Mười ba năm dài lê thê
chị qua tuổi con gái
vẫn không la ngại
chị sống đời an lành
vẽ tranh, soạn nhạc, làm thơ
chị đã thành danh
Chị không yêu anh nào hết
từ nay đến cuối cuộc đời
Chị tôi
người chị tuyệt vời

Hoàng Long


Tình Đầu Trong Khói Lửa

 

Xướng:

 Tình Đầu Trong Khói Lửa

Nhớ thuở nào khi mới biết yêu
Tan trường từ giã nhớ thương nhiều
Anh rành Toán Học, thông Sinh Ngữ
Em giỏi Việt Văn,thuộc Thúy Kiều
Hai đứa thẹn thùng trao nhật ký
Bạn bè biết được vỗ tay trêu
Không ngờ pháo kích đêm Xuân ấy
Đưa tiễn người tình bên lửa thiêu…

Lâm Hoài Vũ
July 22 , 2024
Hồi tưởng Tết Mậu Thân 68
***
Họa:

 Thư Tình Vụng Dại

Tình thư vụng dại thuở thương yêu.
Biết viết gì đây mộng nhớ nhiều?
Giấy trắng anh trao nhìn nước chảy
Mực xanh em nhận ngắm cầu Kiều.*
Dăm thằng khuyến khích vui mừng bảo.
Lắm đứa khuyên ngăn thích chọc trêu.
Áo trắng trường xưa mờ kỷ niệm.
Tiểu La dĩ vãng cảm buồn thiu.

Tuyến Lê Sydney
Jul 23-24
(*)Cầu Hà Kiều bắt qua Bàu sen trước trường THPT quận Thăng Bình.
***
Tình Đầu Trong Khói Lửa

Sài Gòn cuối Hạ nóng như thiêu
Tự Đức hàng me trái ngọt nhiều
Giàn ná ta giương lòng ngớ ngẩn
Gót sen nàng bước dáng yêu kiều
Giày sô thủng đế đời dang dở
Áo trận sờn vai phận trớ trêu
Tiếc nuối lời thương chưa kịp ngỏ
Đành chua xót bởi mất tình yêu

ThanhSong ntkp

CA.July/23/2024

***
Kỷ niệm
Vui sao một thuở tập tành yêu,
Cũng nhớ rồi thương lại mộng nhiều,
Đón gió gởi trăng lời nguyện ước,
Theo chân rõi bóng dáng nương kiểu 
Thơ tình hồi hộp trao đêm vắng 
Bạn học xì xèo góp tiếng trêu 
Kỷ niệm lòng còn vương vấn mãi,
Bỗng nhiên nóng lại tựa như thiêu.

Peter Do
July 23, 2024

Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Mùa Hè 2024 - Paris


Trên 22 triệu (gần 82%) ở Pháp, 1.5 tỷ trên toàn thế giới trước màn ảnh nhỏ, gần 400 ngàn dọc sông Seine: số người đã theo dõi lễ khai mạc Thế Vận Hội (TVH ) mùa Hè 2024 ở Paris, dưới sự chủ tọa của Tổng Thống E.Macron và Chủ Tịch Ủy ban Olympic thế giới T.Bach, cùng trên 160 nguyên thủ, đại diện quốc gia, bắt đầu lúc 19h30 tối thứ sáu 26/7/2024!

Thế vận hội lần thứ 33 này, với trên 10.500 vận động viên đến từ 205 quốc gia và ‘’hải đảo’’. 3 nước có nhiều vận động viên nhất là Hoa Kỳ (592), Pháp (571) và Úc (460). 4 phái đoàn chỉ có 1 vận động viên là : Somalie, Belize, Liechtenstein, Nauru.

Ngay từ 14h, người ta đã đứng chật trên 6km hai bên bờ sông Seine, từ cầu Austerlitz cho đến công trường Trocadero (trước tháp Eiffel)

Lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận, 6800 vận động viên, không đi diễn-hành, mà chỉ đứng, nhảy, reo hò, múa cờ, vẩy tay chào khán giả, trên 85 du thuyền lớn nhỏ , khởi từ cầu Austerlitz đến cầu Iéna, ngang qua những biểu tượng của Paris: nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre, Hàn Lâm Viện, Grand-Palais vv Chưa bao giờ mà những du khách trên các ‘’bateaux mouches’’ đã ‘’đi chùa’’ mà lại còn được ngần ấy người hoan hô, chào đón! Tôi để ý thấy có 3 phái đoàn ‘’Chine’’: République populaire de Chine – CHN (Trung Cộng) / ‘’Hong Kong, Chine’’ – HKG và ‘’Chinese Taipei’’– TPE ( Đài Loan). Có Do Thái. Có Palestine. Có cả phái đoàn ‘’tị nạn’’. Hầu như có đủ hết các nước hoàn cầu.Trừ hai thầy trò Nga/Bielorussie

Trên màn ảnh nhỏ, chương trình bắt đầu với danh hề Jamel Debbouze cầm đuốc-thế-vận, ‘’ăn quen’’, tưởng như các buổi lễ khai mạc thường lệ : diễn ra ở vận động trường, nên chạy vào ‘’Stade de France’’, nào ngờ vắng ngắt. Đang chới với, hụt hẩng thì danh thủ túc cầu Zidane xuất hiện cứu bồ. Zidane cầm đuốc chạy trong Paris, leo lên metro thì bị … cúp điện (đình công ?), đành trao đuốc cho 3 em nhỏ hiếu kỳ theo chân thần-tượng, chạy tiếp. Xuống đến dưới đường hầm metro, thì 3 em được một nhân vật thần bí ( Tiêu Viễn Sơn ? / Lục Mạch Thần Kiếm ), đón lên thuyền nhỏ, chèo đưa ra sông Seine. Khi ra đến sông thì nổ vang pháo lệnh (3 màu), bắt đầu buổi lễ.


Lễ hội khai mạc gồm 3 phần: diễn hành trên sông của các phái đoàn tham gia Thế Vận Hội song song với chương trình văn nghệ được thể hiện qua 12 hoạt cảnh ( tableaux ) nói về lịch sử Pháp quốc và các di sản nghệ thuật, văn hóa, những giá trị ‘’Cộng Hòa’’ : Tự Do-Bình Đẳng- Bác Ái vv

Dẫn đầu diễn hành là đoàn Hy Lạp (nơi diễn ra TVH đầu tiên), tiếp theo là đoàn ‘’tị nạn’’ ( của 11 quốc gia) với lá cờ Thế Vận Hội (được vẽ bởi Pierre Coubertin 1913). Sau đó là các phái đoàn theo mẫu tự : Afghanistan, South Africa, Albania … Kết thúc với hai du thuyền đầy vận động viên của đoàn Mỹ (United States) và đoàn Pháp chủ nhà!

Khi đến du thuyền đoàn Bahrain thì ống kính TV chuyển cảnh sang một bến sông Seine, với sự xuất hiện của Diva Lady Gaga, cùng các vũ, nhạc công. Qua ‘’Mon truc en plumes’’, ca khúc nổi tiếng của Zizi Jeanmaire (1961). Có lẽ Lady Gaga muốn vinh danh giới nghệ sĩ cabaret & music hall Pháp? Theo nhà thiết kế Daphné Bürki, giám đốc về trang phục nghệ sĩ đêm nay, Lady Gaga đã chịu khó học tiếng Pháp, và tập hát trong 2 tháng trời! Tôi rất yêu mến và kính phục cách làm việc cẩn trọng của một Diva như cô. Merci ‘’Lady Gaga’’ ! ( bản tin trên franceinfo.tv/27-7 cho biết, theo ký giả Yannick Le Gall của đài France 3, có mặt hôm đó, thì phần trình diễn này đã được thu …. trước đó, trước lúc trời mưa?!)
 
 
Trong khi cuộc diễn-hành tiếp tục trên sóng nước ,với tên các quốc gia bắt đầu vần B, thì trên bờ, chú bé cầm đuốc ( lúc từ sông Seine ) đã trao ‘’bảo vật’’ cho người-che-mặt (mang masque ) . Dưới ‘’bến-hồng’’, những vũ công Moulin Rouge trang phục …Rose, trình diễn tuyệt chiêu ‘’Cancan’’ nổi tiếng, với những màn tốc váy, đá chân ngoạn mục!

Trên cao nhà thờ Đức Bà, quanh các ‘’giàn xây-dựng’’ (echafaudage), những vũ công, hóa trang thành những người thủ công các ngành nghề: đục, đẻo , nhảy múa ngoài … khoảng trống, như một lời cảm ơn gởi đến những người, trong 5 năm trời, đã bỏ công sức tái tạo nhà thờ, từ sau trận hỏa hoạn kinh khủng, tháng 4/2019.


Lúc này, đuốc thiêng Thế Vận đang được người-che-mặt dùng ‘’khinh công’’ chạy, nhảy trên các nóc nhà dọc theo sông Seine. Chưa có lễ hội nào, mà các nóc nhà Paris, được dùng làm sân khấu để nhảy múa. Như ngôi sao ballet Guillaume Dio độc vũ trên nóc Tòa Thị Chính này và một số vũ công khác trình diễn trên nóc nhà kia!

Phần ca hát là một diễn tiến lịch sử, trộn lẫn giữa nhạc xưa và nay, giữa cổ điển và disco, giữa quốc ca trang nghiêm và nhạc sôi động trình diễn thời trang ( nghề của ‘’nàng’: La France )! Từ cuộc Cách Mạng 1789 với bài hát ‘’ça ira ‘’ : bắt đầu với tiếng hát Opéra Maria Viotti, chuyển sang ban nhạc (hard rock) Gojira, rồi đến ca sĩ trình bày nhạc Pháp được nghe nhiều nhất trên thế giới: Aya Nakamura (franco-malienne) với dàn nhạc đoàn Ngự Lâm Cộng Hòa và sự phụ họa của 36 ca sĩ ‘’Hợp Xướng Quân Đội’’. Từ giọng cao vút mezzo-soprano Axelle Saint-Criel, robe ‘’xanh-trắng-đỏ’’, cầm quốc kỳ, đứng trên nóc Grand-Palais, hát quốc ca, hâm nóng trái tim đồng bào, cho đến vũ-công-ngôi-sao-opera Jakub Josef Orlinski trình diễn ‘’Viens, Hymen’’ của Rameau. Nhưng, xúc động nhất là ca-khúc-Thế-Vận ‘’Imagine’’ ( J.Lennon) với tiếng hát Juliette Armanet, cùng những nốt đệm dương cầm Sofiane Pamart. Bài hát bất-tử và tiếng hát khó quên!

Không hổ danh quốc gia ‘’nịnh … đầm(?)’’, trước Quốc Hội Pháp, 10 nhân vật lịch sử phái Nữ ( Les femmes en OR / nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ) đã được ban tổ chức vinh danh qua 10 bức tượng ‘’vàng’’ từ dưới sông Seine trồi lên : Olympe de Gouge, Alice Milliat, Gisele Halimi, Simone de Beauvoir, Paulette Nardal, Jeanne Barret, Louise Michel, Christine de Pizan, Alice Guy, Simone Veil!

Ống kính chuyển sang cảnh một Kỵ sĩ phi tuấn mã trên .. sông Seine. Người thật cỡi ngựa máy, mang cờ Thế Vận, vượt 6 cây số sông dài, đến Trocadero, để làm lễ thượng kỳ!


Sau diễn văn của Chủ Tịch ban tổ chức Thế Vận Hội Tony Estanguet ( 3 lần vô địch ‘’canoë’’ TVH ) và đáp từ của Thomas Bach (vô địch đấu kiếm TVH), Chủ Tịch Ủy ban Olympic quốc tế , Tổng Thống Macron tuyên bố khai mạc ‘’Thế Vận Hội mùa Hè 2024’’! Hai vô địch TVH, hai người cầm cờ ‘’hội tuyển’’ Pháp : Mélina Robert-Michon và Florent Manaudou đọc lời thề Thế Vận Hội(Serment Olympique )

Ở Trocadero, cuối cùng, đuốc thiêng được người-dấu-mặt trao lại Zidane. Zidane ‘’chuyển lửa’’ sang Rafael Nadal (14 lần vô địch giải Roland Garros !). Người hùng quần-vợt mang đuốc xuống thuyền nhỏ, gặp 3 Vô địch ‘’lớn’’ TVH : Serena Williams, Nadia Comaneci và Carl Lewis !Sau đó, đuốc thiêng lần lượt qua tay các vô địch Thế Vận Pháp : Olympique và Paraolympique ( dành cho các vận động viên tàn tật ) : A.Mauresmo ( quần vợt),.
T.Parker ( bóng rỗ), N.Keita, A.Hanquinquant, A Le Fur ( Paralympique) .Cả 5 chạy bộ đến vườn hoa Tuilerie trao đuốc cho M.Guigou (3 lần vô địch TVH handball) vv và : Charles Coste, 100 tuổi, Huy chương vàng xe đạp TVH 1948, để vị ‘’Trưởng lão’’ này chuyển đuốc cho hai ‘’Huy Chương TVH ‘’ Pháp nổi tiếng nhất (3 lần vô địch) : Marie-José Pérec (điền kinh) và Teddy Riner (nhu đạo), một Nữ và một Nam (theo đúng tinh thần ‘’nam nữ bình quyền, bình số lượng’’ Pháp: từ ‘’chính phủ’’ đến ‘’thể thao’’), trước khi đuốc thiêng được thắp vào chiếc vạc khổng lồ dưới một khinh khí cầu.


Đuốc Thế Vận được châm lửa cùng lúc tiếng nhạc trổi lên : những nốt ‘’giao-hưởng’’ intro của bài hát vĩnh cửu : ‘’Thánh Ca Tình Yêu’’ ( L’hymne à l’amour ) của Edith Piaf


‘’Lửa Thế Vận’’ từ từ bay lên cao, lơ lửng trên không, nằm ngay trục ‘’Khải Hoàn Môn-khu La Defense-vườn Tuileries – bảo tàng Louvre’’. Lửa giữa cơn mưa, Lửa hâm nóng bầu trời Paris, hơ ấm lòng người, hâm lại tình người, Lửa làm sáng thêm ‘’Kinh-Đô -Ánh-Sáng’’, trong suốt những ngày Thế Vận ( trên không : từ 19h – 2h ) .

Và:

‘’Le ciel bleu sur nous peut s'effondrer/ Et la Terre peut bien s’écrouler … ’’.tiếng ca êm, nhẹ, chuỗi ngân điêu-luyện-đặc-biệt: dấu ấn của một trong những tiếng hát nữ tôi yêu nhất : Céline Dion!

Nhìn từ xa, trên tầng một tháp Eiffel, dưới 5 vòng tròn Thế Vận, trông Celine lẻ loi, nhỏ bé , nhưng tiếng hát của ‘’thiên-thần-robe-trắng’’ vút cao, khỏe mạnh, vang cả một không gian ‘’Eiffel’’ rộng lớn (tôi nói vậy khi nghe những thủy triều tay-vỗ khi bài hát chấm dứt). Như tác giả ca khúc này: một Edith Piaf bé nhỏ nhưng tiếng ca phá vỡ lòng người!

Tôi không biết gì để nói thêm về Céline Dion lần tái xuất này! Với tôi, không nói đến tác động thời gian, vẫn là một Celine của 4 năm trước. Vẫn một tiếng hát cao ngất tuyệt vời! Vẫn một phong cách trình diễn thân tình. Dù sau 4 năm im tiếng vì lý do sức khỏe. Trong lần xuất hiện này, tiếng hát đó đã làm rơi nước mắt nhiều người. Rất nhiều người. Khóc âm thầm. Khóc trực tiếp. Như bình luận viên Daphné trên đài France 2! Như .. tôi, trước màn ảnh nhỏ!


Ôi Céline! Ôi Edith! Một bài ca, hai tiếng hát tuyệt vời! Làm sao không cám ơn đời sống? Cám ơn đêm Thế Vận Hội này?!

( Cecilion phút cuối bài hát)

Trên 4 tiếng đồng hồ kiên tục trước màn ảnh nhỏ không làm tôi nhức mắt, đau đầu. Nhờ vào sự hơp soạn cho đêm khai mạc này, của hai tác giả: Đạo diễn trẻ Thomas Jolly và thiên tài quảng cáo (publicitaire de génie) Thierry Reboul cùng đóng góp của nhà thiết kế Mathieu Lehanneur (vẽ đuốc và vạc) . Xin cám ơn các ông và tất cả những người đã đóng góp cho đêm khai mạc, mà theo tôi, rất thành công. Lễ khai mạc Thế Vận 2024 Paris không giống ai và cũng không ai giống. Không quy mô như ước lệ. Rất '' Parisienne''. Rất ‘’xanh’’ (Lửa .. giả , ‘’cháy’’ nhờ 200 vòi phun ‘’sương’’ nước, chiếu sáng bởi 40 đèn LED nhấp nháy. Trông như lửa và khói!). Rất ‘’ướt.. át’’( nghĩa đen, nghĩa bóng) vv 85% dân Pháp cho là lễ khai mạc rất thành công!

Thế vận hội mùa hè lần thứ 8 đã được tổ chức ở Pháp năm 1924 (5-27/7). Đúng 100 năm sau, Thế vận hội mùa hè lần thứ 33 (26/7 – 11/8 ) trở lại Paris. Trở lại . Như câu thơ Nguyên Sa: giữa bến sông Seine, giữa một dòng sông trắng. Nhưng không trắng vì sương mù hay áo trắng . Mà trắng mưa chiều, trắng sáng đêm!!!

1924-2024:

‘’Những người … xem năm cũ . Hồn ở đâu bây giờ ? ‘’

BP
29/07/2024
(*) Hình ảnh chụp lại từ màn hình (capture d'écran) video quay trực tiếp buổi lễ của đài truyền hình ''france 2'' và từ Internet.