Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Mây Trôi


"Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tải không du du" *
(Hạc vàng một thuở không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn nổi trôi)
(Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu

Phố cũ nhìn lạ lẫm
Người về lạc bước vỉa hè quen
Tiếng ve sầu râm ran

Khung trời xanh tuổi dại
Đường xưa em nón nghiêng tóc thả
Hoa nắng động xôn xao

Quả bàng khô rụng khẽ
Nồi kê ai bếp còn đỏ lửa
Rượu Tầm Dương quên say

Sóng êm sau cơn lũ
Bèo trôi gốc nổi dạt bờ lạ
Mất nhau thực rồi sao

(*Mây Tần - Một Giấc Mộng Xuân
)
Phạm Khắc Trí

Nỗi Nhớ


Kìa em nỗi nhờ nào vô tận
Anh cũng như em thắp thỏm chờ
Những buổi hẹn hò trên lối cũ
Rót lời êm dịu giống như thơ

Đừng em buồn mãi đời vô vị
Hãy cứ vui ngày ta có nhau
Em níu thời gian đâu đứng lại
Thì sao em níu mãi chi sầu

Anh biết tình em như núi đứng
Vững vàng từ thuở đón đưa nhau
Em trao tất cả điều tâm nguyện
Anh có khờ đâu có ngốc đâu ..

Anh vẫn yêu em bằng tất cả
Dìu nhau về bến mộng đam mê
Con tim thoi thóp chưa ngừng đập
Vẫn nhớ hoài em buổi cận kề ...

Nhược Thu

Tìm Lại Tác Giả Phù Điêu Chợ Bến Thành


Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người dân Sài Gòn, cũng như đối với du khách trong và ngoài nước. Theo dòng thời gian, kiến trúc của chợ Bến Thành có nhiều thay đổi.

Tuy thế, dáng vẻ và phần đầu của mặt tiền chợ vẫn giữ được như xưa. Trong lòng nhiều thế hệ, chợ như là một biểu tượng của Sài Gòn - cho dù điều đó chưa được chính thức công nhận.

Theo quen thuộc là vậy, có thể nhiều người quan sát thấy những bức phù điêu trang trí chợ Bến Thành với hình con bò, con cá đuối, nải chuối.Nhưng có lẽ, ít người biết tác giả của những bức phù điêu đó là ai

Tìm lại người xưa

Trong quá trình tìm về lịch sử trường Mỹ nghệ Biên Hòa, cũng như dòng gốm Biên Hòa xưa. Tôi cũng may mắn tìm gặp lại được hai nghệ nhân gốm Biên Hòa, những người đã trực tiếp gắn những bức phù điêu ở chợ Bến Thành năm xưa. 
Mùa hè năm 2007, qua lời giới thiệu của một chị làm trong ngành gốm, tôi được gặp ông Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng), một nghệ nhân gốm Biên Hòa xưa, hiện sống tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa. Qua vài lời nói chuyện làm quen.
Tôi liền hỏi ông ngay:
“Cháu nghe nói trường mình, trường Mỹ nghệ Biên Hòa, ngày xưa có làm phù điêu trang trí cho chợ Bến Thành?”.
Ông Tư Dạng trả lời ngay:
“Đúng, làm năm 1952, mẫu là sáng tác của ông Mậu; tôi và một người bạn là hai người trực tiếp lên Sài Gòn gắn những bức phù điêu đó”.

Nguyễn Trí Dạng (trái) và Võ Ngọc Hảo, hai nghệ nhân đã trực tiếp gắn những bức phù điêu chợ Bến Thành
Được gợi về những năm tháng xa xưa, ông hào hứng kể lại vô số chuyện cũ.
Chuyện về những người thầy, những thợ bạn và những sản phẩm gốm Biên Hòa xưa.
Đó là những chuyện không xưa lắm, nhưng lớp trẻ ngày nay khó hình dung về một ngôi trường nổi tiếng một thời với dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về gốm mỹ nghệ, nên từ rất nhỏ ông đã có dịp tiếp xúc với những người nghệ nhân của trường Bá nghệ, càng quan sát ông càng đam mê những đất, men. Năm 14 tuổi, ông vào học trường Mỹ nghệ Biên Hòa, sau 4 năm học tập, ông tốt nghiệp năm 1950, và cũng là khóa học trò cuối cùng của trường dưới sự điều hành của ông bà Balick.
Sau khi ra trường, ông làm việc liên tục tại Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cho đến khi được tuyển vào trường Kỹ thuật Biên Hòa, năm 1966, để làm thầy dạy ban gốm của trường. Cả đời ông gắn liền với nghề gốm, hiện nay ở tuổi 76, ông vẫn làm những sản phẩm gốm cho những đơn hàng nhỏ, lẻ. 

Gặp được người nghệ nhân thứ nhất, tôi tiếp tục đi tìm người nghệ nhân thứ hai đã tham gia gắn những bức phù điêu đó.Sau nhiều cuộc tìm kiếm, cùng với sự hướng dẫn chỉ đường của ông Tư Dạng, tôi cũng tìm được người nghệ nhân này, gặp được ông tại Cù Lao Phố (Biên Hòa) vào một ngày trung tuần tháng 10. Ông là Võ Ngọc Hảo, sinh năm 1932 tại Tân Thành, Biên Hòa.
Vào học trường Mỹ nghệ Biên Hòa năm 1945, sau bốn năm học tập, ông tốt nghiệp ban gốm của trường vào ngày 11.07.1949.
Sau khi tốt nghiệp, ông ra làm thợ cho Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa đến năm 1961, sau đó ông làm cho công ty cấp nước thành phố đến khi nghỉ hưu.
Hiện nay, ông sống tại Bình Lục, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Tại Cù Lao Phố, vào một ngày tháng 10.2007, hai người nghệ nhân mỹ nghệ Biên Hòa năm nào, sau nhiều năm xa cách, ngày nào lên gắn những phù điêu tóc hãy còn xanh nay mái đầu đã bạc.
Gặp lại, hai ông ôn lại những kỷ niệm năm xưa về mái trường Mỹ nghệ, nay chỉ còn trong ký ức. Và nhớ lại những ngày đi gắn những bức phù điêu, đó là những kỷ niệm không thể nào quên.
Người viết bài này được phép ngồi cạnh hai vị nghệ nhân, dịp này xin thuật lại đôi điều về những ký ức đó!

Ký ức còn lại

Phù điêu hình bò và heo (cửa Đông)

Tôi đọc được một trang nhật ký của một nghệ nhân mỹ nghệ Biên Hòa ghi:“Ngày 1.9 (âm lịch) mưa cả ngày. Qua ngày 2.9 nước lên lẹ cấp kỳ. Nước xuống lần cho tới ngày 17.9. Đâu về đó”. Đó là những dòng chữ ghi lại nhật ký trận lũ lịch sử Nhâm Thìn (1952) tại Biên Hòa.

Phù điêu hình bò và vịt (cửa Đông)

Sau trận lũ lụt Nhâm Thìn, ba ông Phạm Văn Ngà (Ba Ngà), Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng) và Võ Ngọc Hảo được Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cử lên Sài Gòn để gắn những bức phù điêu chợ Bến Thành. Những bức phù điêu này được nhà thầu chợ Bến Thành đặt trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm.Thầy Lê Văn Mậu được giao sáng táctheo đơn đặt hàng, được sự giúp của những người thầy và những nghệ nhân lành nghề bên Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa như: Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc... Thầy Lê Văn Mậu sáng tác trực tiếp lên đất, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những người nghệ nhân. Rồi những bức phù điêu đó, nhằm để tránh những sự vênh méo ở những sản phẩm có độ nung cao như gốm Biên Hòa, chúng được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, để đem mang đi chấm men, đi nung. Lò đốt bằng củi thỉnh thoảng gây “hỏa biến” ở những đồ gốm, đặc biệt có ở những bức phù điêu chợ Bến Thành những màu men trắng ta, trắng ngà ngà vàng mỡ gà rất đẹp,rất hiếm gặp. Do những miếng nhỏ của những bức phù điêu được đặt ở nhiệt độ không đều nhau, tuy trong cùng một lò nung, nên khi ra lò nó có miếng màu nhạt, màu đậm là vậy.

Phù điêu hình cá đuối và nải chuối (cửa Tây)

Trước khi đóng thùng mang lên Sài Gòn bằng những chiếc xe công nhông. Những mẫu gốm của phù điêu chợ Bến Thành được mang từ trường trong (ngày nay là địa điểm trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) ra sắp ngoài trường ngoài (ngày nay là địa điểm trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai), bởi lò nung gốm được đặt ở trường trong.Những mẫu gốm của phù điêu được đem sắp ngay chỗ cột cờ, chỗ văn phòng thầy Mã Phiếu (trưởng phòng hành chánh trường Mỹ nghệ Biên Hòa) bước ra, sắp ra ở đó. Thầy Lê Văn Mậu, chắp tay sau lưng, đi qua đi lại coi xem tấm nào nó bị vênh mới cho đục sau lưng cho nó mỏng để cho nó bằng. Xong xuôi đâu đó mới xếp vào thùng chuyển lên Sài Gòn. Rồi xuống dưới đó, chợ Bến Thành, nhà thầu khi họ xây dựng họ chừa lại những mảng tường cho mình để gắn những phù điêu. Và họ cũng làm sẵn cho mình những giàn giáo, những cô công nhân trộn cho những hồ vữa sẵn để mình chỉ tập trung gắn những phù điêu. Ông Phạm Văn Ngà, người thợ cả chỉ đạo gắn những bức phù điêu cho hai người thợ trẻ, ông Tư Dạng và Hảo, làm những công việc cần làm để gắn những bức phù điêu lên. Từng tấm, từng tấm, gắn từ những tấm ở dưới trước rồi dùng những cây chỏi để giữ cho nó gắn chặt với hồ vữa, đến khi hoàn thành một bức phù điêu, kiểm tra lại xem chổ nào còn hở thì trét hồ cho kín. Nhìn thấy công việc cũng không khó khăn lắm, cộng với nhiều công việc đang đợi mình ở Biên Hòa, nên ông Ba Ngà về trước, để lại những tấm phù điêu đó cho hai người thợ trẻ tiếp tục công việc.

Phù điêu hình bò và cá (cửa Nam)

Những thuận lợi ban đầu, khi ở Sài Gòn họ tạo điều kiện cho mình, nhưng bên cạnh đó gặp cũng không ít khó khăn. Ở cái cửa chính kế ga xe lửa, chổ này về khuya cá biển về họ mần rầm rầm hơi nó bốc lên mà nó hôi tanh, muốn ói vậy, trong khi đó mình phải ngủ trên... những chiếc đồng hồ nơi cửa chính này. Ban ngày thì nắng chang chang, sáng có sương mù tối đến mưa phùn, những giấc ngủ lạnh buốt là thế nhưng những người nghệ nhân Biên Hòa này luôn cố gắng để hoàn thành công việc được giao. Theo trí nhớ của hai nghệ nhân gốm, thì thời gian hoàn thành 12 bức phù điêu cho bốn cửa của chợ Bến Thành khoảng hai tháng trở lại chứ không có hơn, cũng mau lắm!

Phù điêu hình vịt (cửa Bắc)

Khi những bức phù điêu đã tương đối hoàn tất thì người thợ cả Ba Ngà xuống xem, chỉnh sửa lại đôi chổ còn thiếu sót. Hai người thợ trẻ hoàn thành công việc được giao, họ phấn khởi, đó là những kỷ niệm một thời nay khó phai mờ trong ký ức!

Yên Đỗ sưu tầm từ Net

Ngắm Sao



Buổi ấy hai người ra ngắm sao
Thách nhau ai bắt được xem nào!
Kẻ nhìn chăm chú khung trời thẳm
Người ngó say sưa dáng ngọt ngào
Em tiếc : một ngôi rơi xuống nước
Và thêm ngôi nữa lọt ngang rào
Anh cười tóm gọn đôi sao lạc
Là mắt em đang ánh gọi chào!

Phương Hà
***
Ngắm Sao...Thương Cá


Xưa nhớ cùng người ngắm ánh sao,
Biển xanh lắp loáng tự khi nào!
Trời sao ngày cũ còn lay láy,
Biển chết giờ đây luống nghẹn ngào!
Chỉ tiếc cá tôm đà biệt tích,
Còn thương sóng biển vẫn rì rào !
Sao trời xác cá cùng loang loáng,
Xác cá sình trương, biển khóc chào !!!

Đỗ Chiêu Đức
***
Buồn Cho Ngư Phủ!


Biển cả ghe mành sóng cuốn sao!
Thôn trang bè bạn lưới, thân nào!
Ngày xưa ngư phủ lòng hăng hái,
Hiện tại thuyền chài khổ nghẹn ngào!
Ô nhiễm môi trường, ôi! Cá chết,
Ruồi bu kiến đậu, gió rì rào!
Bà con thất nghiệp qua nơi khác,
Bỏ xứ đi luôn, tạm biệt ... Chào!

Mai Xuân Thanh
***
ĐêmTrùng Dương


Vượt biên đêm ấy dưới ngàn sao 
Biển cả mênh mông nhớ thuở nào.
Bắc Đẩu trời khuya trông lấp lánh,
Trùng dương nước lạnh thấy đen ngào 
Máy hư sóng dập thuyền chao đảo,
Buồm rách bão lên gió rạt rào.
Đói khát năm ngày bao thử thách,
Đất liền một sáng vẫy tay chào

Mailoc
Cali 5-29-16

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Thu Sầu Muộn


Thơ: Chinh Nguyên/H.N.T.
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nửa



Đời ta nửa tỉnh nửa say
Nửa đen nửa trắng nửa ngày nửa đêm
Nửa vui với nửa ưu phiền
Nửa sông cồn cát nửa triền núi cao
Nửa thương nửa nhớ nghẹn ngào
Nửa cười tha thiềt nửa ngao ngán tình
Nửa hồn đau kiếp phù sinh
Chênh vênh giữa cuộc hành trình bể dâu
Chập chờn giữa giấc canh thâu
Cười say bên ngọn đề dầu nửa khuya

Vũ Hối
( Trích từ tuyển tập thơ Nỗi Nhớ Khôn Nguôi của Anh Vân - xuất bản 1994)

Một Thời Mãi Nhớ


(Họa từ bài của nhatthuyh)

Khi nắng chiều tàn tia ráng phai
Thảo lư thúc bách giục chân hài
Khêu đèn lạnh lẽo mờ nhân ảnh
Tưởng dáng xa xăm rạng nét ngài
Buổi ấy bâng khuâng ngày mới lớn
Tay nào lóng cóng rối cuồn quay
Bên song tiếng gió vừa len đến
Ướm hỏi hương nồng có nhạt phai.


20150530
Nguyễn Đắc Thắng

Chùa Tiên Châu - Cù Lao Xã An Bình - Chợ Lách

Phà Đình Khao







Chùa Tiên Châu - Xã An Bình



Hình Ảnh: Trương Văn Phú

Nợ



Vì đất nước ngập tràn trong khói lửa
Anh của em phải chọn lựa quê hương
Thời lọan ly đành xa cách người thương
Giọt lòng rơi dẫu anh không để lộ


Niềm mơ ước mong manh ngày tái ngộ
Để chúng mình nói tiếp chuyện trầu cau
Rượu ly bôi xin đừng hẹn kiếp sau
Để em khỏi mong chờ niềm kiêu hảnh

Người lính chiến phong sương, tình anh nặng
Nợ nước non, nợ em gái anh yêu
Xa anh rồi, em cảm thấy quạnh hiu
Lòng vương vấn “Người trai yêu Tổ Quốc”


Khúc Giang

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Khóc Tàn Thu


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Hồ Lá Thu



Lá đổ hồ thu mắt ai sâu
Thiên nga gợn sóng những đợt sầu
Tay đón mặt trời trong nước đục
Mặt trời rạn vỡ hồn chao chao

Lá đổ lấy về vá đời nhau
Hồ thu, du mộng chỉ nào khâu
Thiên nga hờ hửng dòng nước bạc
Áo lá bao giờ ấm tim đau

Lá đổ đời bay tan tác màu
Sóng trầm kha vỗ cuộc xanh xao
Chân đứng mù không trên đỉnh nhớ
Tuổi đời lộn cỗ những vực sâu

Hoài Tử

Chiều Thu Nhớ Nhà



Lá vàng phấp phới cạnh hè ta
Chậu cúc bêm thềm đã nở hoa
Cảnh ấy tình này bao xiết nỗi
Nhớ nhà quên cả nỗi đường xa

Thái Hanh Viên Ngoại

Tình Một Thuở



Ta có em đời rất bình yên
Môi hồng ru mãi giấc cô miên
Tình thơ âu yếm từ thuở đó
Êm ả bên mình đâu thể quên

Ta thả thuyền tình trên bến sông
Trăng mờ sương phủ cảnh mênh mông
Sóng khua con nước chao kỷ niệm
Đêm mãi dịu dàng em biết không ?

Ta ngắm mây trời trôi thướt tha
Gọi thầm tiên nữ chẳng rời xa
Thương ôi ánh mắt nhìn ngây dại
Khe khẻ nụ cười dáng kiêu sa

Ta ước chúng mình chẳng phai phôi
Lâu đài tình ái em lên ngôi
Năm dài tháng rộng nay còn lại
Hai quả tim non vẫn chung hồi..

Đỗ Hữu Tài
13/03/2015


Úc Cuối Thu - Vĩnh Long Vào Hạ


Úc Cuối Thu


Vĩnh Long giao mùa xuân hạ
Thành phố Melbourne cũng đã cuối thu
Ôi phố biển vẫn mịt mù
Chẳng ai mời gọi cho dù trong mơ
Non xanh lá đỏ suối thơ
Cảnh em gởi khiến ta ngơ ngẩn rồi
Mùa thu từ Úc xa xôi
Ai giữ được lá vàng thôi rời cành
Cho ta ủ mộng tình xanh
Để quên thực tại mong manh kiếp người.

Quên Đi
***
Vĩnh Long Vào Hạ

Vĩnh Long gieo sầu nắng hạ
Melbourne len buồn trời đã nhuộm thu
Bóng xưa ẩn hiện mây mù
Bùi ngùi cảm cảnh mặc dù là mơ
Ai giăng lưu luyến vào thơ
Nhện vương vấn quệnh ngẩn ngơ duyên rồi
Hai phương cách trở xa xôi
Nhớ thương chín muộn đành thôi xa cành
Còn đâu hoa mộng ngày xanh 
Phượng tàn, Lá rụng mong manh phận người

Kim Oanh

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Thu Cô Liêu


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Tháng Sáu Sài Gòn


Tháng sáu Sài Gòn, trời xanh như ngọc
ve rộn ràng cất tiếng hát rong trưa
gió giục giã gọi em về hong tóc
sợ chiều lên, buồn đuổi kịp theo mưa

Tháng sáu Sài Gòn, nắng mưa bất chợt
như chợt cười, chợt khóc giữa lòng em
cuộc tình lỡ, qua bốn mùa đuổi bắt
quay quắt nhìn, hình bóng chạy qua đêm 

Cao Nguyên 


Thu Sầu



Thu sầu bạn cũ đã qui y,
Nước mắt tuôn rơi biết nói gì...
Ảm đạm thê lương buồn lữ thứ,
Bâng khuâng khắc khoải nhớ người đi...
Bụi hồng dong ruổi chân trời tím
Mấy dặm sơn khê đã xướng tùy...
Trở lại hàn huyên tình chiến hữu,
Chia tay bịn rịn lúc phân kỳ!

Mai Xuân Thanh
Ngày 31 tháng 08 năm 2015
 

Trời Cuối Thu Rồi



Bài Xướng:
Trời Cuối Thu Rồi


Trời cuối thu mờ mịt khói sương
Nẻo về lá úa ngập trên đường
Trái tim cô phụ ai lay động
Hình bóng một người mãi vấn vương

Có biết lòng đây...

Kim Phượng
***
Bài Họa:
Cuối Thu


Có biết lòng đây đã thấy vương
Khi mùa thu chín ngập bên đường
Ngóng về nơi ấy tình len mộng
Mơ bóng hình ai tóc điểm sương

Tim hằng tiếc thương...

Quên Đi

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Phượng Yêu


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh


Người Lính Cũ - Quán Café Ở Miller



Không có sông dài sao sóng dậy
Chiều đi ai níu lại bao giờ
Ôi những nỗi ta buồn ngươi có biết
Cứ xanh hoài như lá núi rừng xưa

Ngày trở mặt.Bỏ đời ta chiến trận
Chém điên cuồng trăm vết hận chưa phai
Đêm thắp nến lần theo thành phố cũ
Thấy nghênh ngang bầy dã thú no say

Ngồi đây ta gạch vào tim cũ
Một nét ngang dài một nhánh sông
Cắm xuống một cành khô ở lại
Ngày về theo con nước xuôi dòng

Uống chơi cho đậm tình huynh đệ
Một chút chiều đi có nghĩa gì
Ta còn giữ ngàn chiều trong đáy tách
Buồn ta đâu có sách nào ghi

Anh bạn hiền ơi ta chiến bại
Dòng sông nước lớn có khi ròng
Nhìn kia cờ thế người ta sắp
Chốt đỏ anh-hùng-đứng-mé-sông

Ngồi đây ta gạch vào tim cũ
Một nét buồn thêm một nét vui
Cà phê hơi đậm mà hơi nhạt
Như thể chiều qua trong mắt ngươi..

Lâm Hảo Khôi

Tướng Mạo Con Người Qua Ca Dao Dân Ca - Trần Minh Thương


Người xấu duyên lặn vào trong
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài


Từ xa xưa, người Việt luôn luôn nhìn nhận về cơ thể mình như một ý thức, một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Ca dao dân ca là nơi để họ giãi bày những nhận định, suy đoán về tính người qua hình dáng cơ thể sau nhiều thế hệ được đúc kết lại.

Tất nhiên, cách nhìn nhận ấy sẽ có đúng và có sai. Bởi đã nói là “đúc kết kinh nghiệm” thì không thể nào hoàn hảo được, dù những kinh nghiệm đó xuất phát từ thực tế cuộc sống đi nữa. Dưới góc nhìn của văn hoá dân gian, chúng tôi xin được điểm qua những kinh nghiệm ấy của người bình dân Việt Nam.

1. Nhìn người qua diện mạo, hình dung
1.1. Qua “răng” và “tóc”

Đầu tiên, điều người bình dân quan tâm nhất là hai bộ phận răng và tóc. Bởi lẽ, theo họ “cái răng, cái tóc là góc con người”!
So sánh với kinh nghiệm dân gian của những bà nội trợ khi chọn cá, diện mạo con người cũng được nhìn nhận, xét trong nội hàm câu ca, chúng tôi cho rằng đây dành cho người phụ nữ:

Cá tươi xem lấy đôi mang
Người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai
Tương tự như vậy, có câu:
Tóc mai dài xuống mang tai
Là người khó tánh ít ai vừa lòng


Một tướng mạo khả ái danh cho khách má hồng:

Tóc thưa, dài, mướt, trắng da
Ở hàng lầu các, dung hòa phu nhân

Ngược lại, đây là hình ảnh lý tưởng:

Tóc đen, thưa, rộng mà dài
Vuông tròn sắc mặt là trai anh hùng


Nhìn tưởng của cả hai: đàn ông lẫn đàn bà:

Đàn ông ít tóc: an nhàn
Đàn bà ít tóc: dở dang duyên tình


Tương tự, và ở chiều người lại, ca dao có câu:

Đàn bà nhiều tóc thì sang
Đàn ông nhiều tóc thì mang nặng đầu


Như vậy, có thể thấy rằng dân gian quan niệm đàn bà nhiều tóc là tốt tướng. Ngược lại, đàn ông ít tóc mới hay, trừ trường hợp:

Cái sọ trọc như không có tóc
Kém công danh lao lực về sau


Hàm răng cũng là nơi để người bình dân đánh giá chân dung con người.
Nhưng lời dành cho phái mạnh:

Trai mà có cặp răng nanh
Gan dạ, chịu đựng, khôn lanh đủ điều


Dành cho thiếu phụ:

Răng cao, miệng nhỏ: điêu ngoa
Răng thấp môi kín: thương cha nhớ chồng


Một câu khác cũng gần tương tự, nhưng có kết hợp với những yếu tố “da trắng” và “mặt sẫm”:

Răng thưa, da trắng: gái hay
Răng thưa, mặt sẫm: đổi thay chuyện tình


1.2. Mặt, trán, má, mày …
Trông mặt mà bắt hình dong, từ quan niệm ấy, nên trong kho tàng ca dao Việt Nam không ít lần người bình dân bày tỏ cách nhận diện con người qua mặt, mày:

Mặt dài tuy nhỏ: vui chơi
Tai to mặt ngắn: chịu lời đắng cay


Ở trán, một bộ phận nằm trên khuôn mặt cũng là nơi thể hiện tính cách, đối với phái nam, dân gian nhận xét:
- Đàn ông gân trán nổi cao
Tánh tình nóng nảy, dạt dào ái ân

- Trán cao có cái đầu vuông
Văn chương, khoa bảng có nhường ai đâu

Còn đây, là lời đúc kết dành cho phận gái:

Gò má mà chẳng cân phân
Cuộc đời cam chịu lắm phần lao đao 


Đúng là “má hồng - bạc mệnh”!

Má hồng, trán bóng có duyên
Lương tâm dẫu tốt, đừng hòng tuổi cao


Cái nhìn dành cho cả hai đối tượng:

Đàn ông trán dựng có tài
Đàn bà trán dựng lâu đài soi gương
Môi, miệng cũng là nơi có thể đoán tính người:
Môi mỏng nói điều sai ngoa
Mai sau sinh nở con ra hoang đàng


Mồm mép cũng là những bộ phận không kém phần quan trọng để người ta trông vào:

Môi dày, miệng rộng cân phân
Nhơn trung sâu rộng, tánh chơn khoan hòa


Theo sách nhân tướng xưa, thì điểm giữa môi trên và đầu mũi được gọi là nhân trung
Một câu ca quen thuộc:

Đàn ông miệng rộng thì sang
Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà


Xét nội dung ngữ nghĩa, ta có hiểu cả về dáng hình của miệng rộng, lớn, cũng có thể xem xét ở nghĩa khái quát hơn nói miệng rộng tức là chỉ những người nhiều chuyện, lắm lời!
Nếu như câu ca trên dành cho phụ nữ, thì câu ca dưới đây không có chủ thể hiểu ở cả nữ lẫn nam đều có thể chấp nhận: 

Hai môi không giữ kín răng
Là người yểu tướng, nói năng hỗn hào


Chân tướng những người khôn ngoan:

- Những người râu mép ngoảnh ra
Mép dày môi mỏng, ấy là tinh khôn

- Những người thành thật môi dày
Lại thêm ít nói lòng đầy nghĩa nhân


Cũng có khi phải kết hợp nhiều bộ phận từ dáng người đến tóc, môi, …

Người đen mà ốm lại cao
Tóc quăn, môi lớn, lao đao tháng ngày


Đến râu, lông cũng bộc lộ nhân cách.

Râu rìa, lông ngực đôi bên
Chẳng phường phản bạn, cũng tên nịnh thần

Họ không ngần ngại kết luận:

Đàn ông mà kém bộ râu
Văn chương cũng dở, công hầu đừng mong

Nếu râu là bộ phận không thể thiếu cho bậc nam nhi, thì ngược lại nhũ hoa là bộ phận quan trọng không kém của người phụ nữ, bởi thiên chức của nó:

Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con


Nơi cửa sổ của tâm hồn là đôi mắt, người bình dân cũng dành những nhận định xác đáng:

Người khôn con mắt đen sì
Người dại con mắt nửa chì nửa than


Một câu ca khác gần tương tự về nội dung như thế:

Người khôn con mắt dịu hiền
Người dại con mắt láo liên nhìn trời!


Câu ca dành để xem nam tướng:

Trán cao, mắt sáng phân minh
Là người học rộng, công danh tuyệt vời

Con mắt của kẻ vô nghì, ham mê tửu sắc:

Mắt tròn dưới mí láng sưng
Là tên tửu bác, không ngừng chơi đêm


Mũi cũng thể hiện được tính cách chủ nhân của nó:

Lỗ mũi mỏng, đầu cong, nhọn hoắc
Ắc lòng tham, hiểm độc gian phi
Tướng này đức đã suy vi
Nếu không tu thiện, hậu thì khó toan


Hay:

Lỗ mũi mà hỉnh ngửa lên
Bạc tiền chồng chất một bên chẳng còn


1.3. Ngoài những sắc diện đã giới thiệu, chúng ta còn thấy dân gian nhìn nhận ở các bộ phận khác trên cơ thể con người:

Một câu ca chỉ đơn thuần nói về hình thể:

Hàm rộng, miệng cọp: anh hùng
Hàm rắn, miệng chuột: bất trung vô nghì


Nhìn thân hình cũng có thể biết:

- Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày


- Ngồi khòm đầu gối quá tai
Là người cực khổ chẳng sai chút nào


Ở phụ nữ, dáng vẻ không thể chê vào đâu được:

Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.

Bộ phận dưới của tai, theo dân gian cũng bộc lộ nhân cách:

Dái tai như hột châu thòng
Có thành, có quách, dày, hồng sắc tươi
Thiệt người phú quý thảnh thơi
Phong lưu tao nhã trên đời chẳng sai

Đến nốt ruồi cũng quyết định ít nhiều, …

Mụt ruồi màng tang cả làng ăn thép.
Mụt ruồi bên mép, ăn thép cả làng,

Ngón tay, bàn chân cũng là những bộ phận khác trong cơ thể của con người, góp phần hình thành tính cách.

Những người có tướng mạo tốt:

- Ngón tay thon thỏn búp măng
Tánh tình khoan nhã, thơ văn đủ mùi

- Bàn tay đỏ ửng như son
Không người danh tướng cũng con học hành

- Thông minh, học giỏi, anh tài
Ngón (tay) nhỏ mà dài tựa đọt hành non


Những con người không ra gì, thể hiện ở tay, chân:

- Bàn tay ngang lại lắm lông
Là người nhục dục ắt không phải vừa

- Móng tay mỏng, nhọn: cơ cầu
Tâm tư hiểm độc, hay xâu của người

- Đàn bà chân thẳng ống đồng
Khó con mà lại sát chồng, nguy nan
Dân gian cảnh báo hãy tránh xa!


2. Đoán tính cách con người qua hành động đi đứng, ăn uống, tiếng nói, giọng cười
Nhưng người khôn ngoan bộc lộ qua lời nói:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Bên cạnh đó, chân tướng của những người mà dân gian cho là “không ra gì” biểu hiên qua hành động đi đứng, chưa nói đã cười của họ:

Những cô chưa nói đã cười
Chưa đi đã chạy là người vô duyên


Một câu khác tương tự:

Vô duyên chưa nói đã cười
Chưa đi đã chạy là người vô duyên 

Đến khi có chồng rồi, tính cách kia không sửa đổi, điều chỉnh thì chẳng những “vô duyên” mà tác hại còn nặng nề hơn:

Đàn bà chưa nói đã cười
Lương duyên vất vả, cuộc đời truân chuyên


To tiếng cũng là chân dung những phụ nữ không ra gì ở mai hậu:

Vai ngang, mặt lớn, tiếng to
Nhiều chồng mà lúc về già vẫn không


Cùng trong hành động đi, đứng, ta còn gặp hàng loạt câu ca khác:

- Ra đi chân bước nhẹ nhàng
Là người hiếu khách, rõ ràng yên vui

- Bước chân thình thịch, cúi đầu
Bôn ba đây đó, dãi dầu nắng mưa

Cùng một dáng đi, nhưng nam xấu, nữ tốt:

Tướng đi chân bước hai hàng
Nàng thì rộng lượng, còn chàng tiểu tâm


Kết hợp diện mạo, ăn nói, hành động:

Lưng dài vai mập ba gang,
Ăn nhai nửa miệng: khô khan chai lười
Dáng một “hiền nhân”
Mắt ngước, chân bước nhẹ nhàng
Tướng đi khang nhã, rõ ràng hiền nhân

Nhút nhát bộc lộ sự thiệt thòi:

Chưa nói mà đã thẹn thò
Phải chịu thiệt thòi trong việc làm ăn


Hay nhẹ hơn, đây là những hành động chỉ những người luôn luôn sầu tư, ảo não:

Những người chép miệng thở dài
Chỉ là sầu khổ bằng ai bao giờ


Kết hợp cả diện mạo và lời nói, chân tướng của kẻ khôn ngoan:

Khao khao giọng thổ tiếng đồng,
Quăn quăn tóc trán là dòng khôn ngoan.

Giọng nói của người hiểm độc:

- Tiếng nói rít qua kẽ răng
Là người nham hiểm sánh bằng hổ lang

- Những người, lẩm bẩm một mình
Giàu sang chẳng được, lại sinh kém tài


Cũng có khi cùng một gam “giọng nói” nhưng nam thì tốt, mà nữ thì bị xã hội phê phán:

Giọng nói răm rắp tiếng dư
Trai thì can đảm, gái ư gan lỳ


Và “tiếng nói” để nhận diện phụ nữ:

Đàn bà lanh lãnh tiếng đồng
Một là sát chồng, hai là hại con


Hoặc những nam nhân mà mang nhiều “nữ tính”:

Trai mà nói giọng đàn bà
Tánh tình nhu nhược, còn là long đong


Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, dân gian đã căn dặn hậu sinh như thế. Qua đó, có thể thấy rằng không chỉ trong “ăn nói” mà ngay trong hành động ăn uống cũng góp phần thể hiện tính cách.

Ăn uống khoan thai là người thanh cao
Ăn uống nhồm nhoàm là người thô tục


Một người có tài “mồm mép”!:

Trán cao, miệng rộng, mũi dài
Có khoa ăn nói, ít ai sánh bằng


3. Nhìn tướng người và thể hiện thái độ bằng những quan hệ ứng xử

Từ tướng mạo, người bình dân đưa ra hướng ứng xử trong giao tiếp. Tuỳ theo đối tượng, khen chê, trọng khinh được đưa ra.

Đối với với người dịu dàng dễ thương mến 

Chẳng tham nhà ngói rung rinh
Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười
Miệng cười em đáng mấy mươi
Chân đi đáng nén miệng cười đáng trăm
Những người con mắt lá răm
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền


Lối so sánh vừa khéo léo, tế nhị đã bộc lộ được tất cả những gì người nói muốn nói! Nhưng người có “cao” tướng, ắt hẳn sẽ có hạnh phúc

Đàn ông gối dụm, chân chàn
Chẳng cô gái đẹp cũng nàng nết na

Còn đây, nhưng người mà theo dân gian phải tránh xa:

- Chim sa, cá nhảy chớ nuôi
Những người lông bụng chớ chơi bạn cùng

- Mắt trắng, môi thâm, da thiết bì
Người nhiều lông bụng: vô nghì chớ thân


Hay:

Những người tai mỏng mà mềm
Là phường xấc láo, lại thêm gian tà


Dáng mạo cũng báo trước cho biết những người khó thuỷ chung

- Mi nhỏ như sợi chỉ mành
Tình trong chưa thắm, ngoại tình đã giao


Tính cách không ra gì:

Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày
Những người mặt nạc đóm dầy
Mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn.


- Đàn bà vú lép, to hông
Đít teo bụng ỏng, cho không chẳng cầu

- Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người

- Những người mặt nặng như mo
Chân đi bậm bịch, có cho chẳng thèm


Những kẻ bảo thủ, không có ý cầu tiến:

Những người tai ngửa ra sau
Tướng hèn mà lại cứng đầu, chậm nghe


Trên diện mạo đôi lúc chỉ cần đảo vị trí, tính tình cũng quay ngược hẳn ở hai chiều khác nhau: 

Mắt dài, mày ngắn: bất bình
Mày dài, mắt ngắn: đệ huynh vẹn toàn


Xem ánh mắt, dân gian không ngần ngại bày tỏ với những cô gái “vô duyên”:

- Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi

- Miệng rộng, môi mỏng, liếc ngang
Con gái như thế chẳng màng làm chi

Dành cho kẻ “sáng say, chiều xỉn”

Lờ đờ như người say rượu
Mắt đỏ hoe, phải liệu mà chơi 

Cũng có người mà ngay trong tướng mạo như đã báo trước những điều bất hạnh:

Kẻ nào trống giữa bàn chưn
Hổng không đụng đất thì đừng chơi xa


4. Những nhận con người qua công việc

Ở một cấp độ khác, người bình dân thể hiện thái độ của mình qua việc nhìn nhận đánh giá về công việc thường nhật. Chúng tôi chỉ dừng lại ở thái độ mỉa mai, phê phán những hiện tượng lười biếng, dành cho những hạng người vô tích sự trong cuộc sống.
Dân gian cho rằng người phụ nữ chu đáo, đáng trọng là người biết tảo tần, đảm đang, có chồng phải “gánh giang san nhà chồng”, nên họ khẳng khái dành cho những kẻ “ngồi lê đôi mách”

Đàn bà yếu chân mềm tay
Làm ăn chẳng được lại hay nỏ mồm 

Họ quả quyết chắc chắn rằng: 

Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác
Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư


Và nặng lời chế giễu:

Làm trai cho đáng thân trai
Khom lưng cố sức gánh hai hạt vừng
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem
Chân dung của những con người vô dụng:
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa
Ngày thì khấn những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh


Hay:

- Chồng người cưỡi ngựa bắn cung
Chồng em thì lấy dây thung bắn ruồi

- Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo, …

5. Kết luận

Qua các cung bậc nhìn nhận đánh giá con người qua tướng mạo chúng ta thấy đời sống tinh thần của người bình dân hết sức đa dạng, phong phú.

Từ đó, mở rộng vấn đề chúng ta nhận thấy chức năng của thể loại ca dao – dân ca không chỉ dừng lại ở cấp độ nghi lễ hay trữ tình, nó còn phản ánh đầy đủ các biểu hiện, các khía cạnh trong đời sống tâm hồn người bình dân. Mảng ca dao tướng mạo – tính cách vừa là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ ở cánh đồng thửa ruộng, thôn quê tự ngày xưa ấy!

Đã nói là đoán và xem tướng mạo, như chúng tôi đã đề cập ngay trong phần đầu bài viết, nó có thể đúng, cũng có thể sai, song đúng hay sai gì thì những lời ca ấy vẫn tồn tại, vẫn có sức sống lâu bền, sống bằng cách của riêng nó. Tự trong lòng ca dao, dân gian cũng tự nhận định và đánh giá nội dung này:

Sông sâu sào vắn dễ dò
Đố ai lấy thước mà đo lòng người


Hay:

Vẻ cọp chẳng vẻ được xương
Hoạ chăng chỉ thấy mấy đường ngoài da


Xin mượn lời hát đối đáp sau đây để thay lời kết luận với hàm ý muốn nhắc lại những cách đánh giá, nhận định về tướng mạo không ít nội dung bị tư tưởng chủ quan của người trong cuộc quyết định!

- Má bánh bầu xem lâu muốn chửi
Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua

- Má miếng bầu coi lâu càng thắm
Mặt chữ điền xấu lắm ai ơi!



Trần Minh Thương
( Ngô Minh Trí sưu tầm từ Net)


Khoảng Trời Rong Rêu


Môt hôm về lại thăm trường
Ngồi trong lớp cũ nỗi buồn ngẩn ngơ
Bảng xanh, xanh mãi đến giờ
Tóc mình ôi đã bạc phơ mất rồi

Trên cao bục giảng xưa ngồi
Tóc lem chút bụi phấn rơi ngày nào
Bập bềnh lời giảng nôn nao
Bóng trò lúi cúi chép vào tập trang

Nhớ hoài những ngón tay ngoan
Trả lời câu hỏi vội vàng giơ lên
Thương sao ánh mắt dịu hiền
Ngây thơ chưa biết đảo điên cuộc đời

Nhớ sao thanh thoát nụ cười
Khép hờ cửa lớp những lời chim ca
Nhớ gần lại nhớ xa xa
Người nơi xứ lạ quê nhà trăm nơi

Còn trong ký ức ngậm ngùi
Mái trường xưa với khoảng trời rong rêu
Lòa xòa tóc rối sợi xiêu
Một mình ngồi lại bên chiều nhớ thương

Trầm Vân

Vẫn Nhớ Về Em



Vẫn từng đêm nhớ về em
Mùa thu vàng lá bên thềm nhẹ rơi
Dù rằng hai đứa hai nơi
Trong tim em vẫn bên đời cùng anh

Vẫn còn những chiếc lá xanh
Ngủ ngoan lặng lẽ trên cành nhớ nhau
Đôi khi lòng thấy chợt đau
Tưởng em bạc bẽo qua cầu đổi thay

Vẫn buồn mê dại như mây
Bay trên kỷ niêm tháng ngày yêu thương
Lạnh lùng giấc mộng sầu vương
Từng đêm vào cõi vô thường lãng quên...

Khiếu Long



Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Ru Ta Ngậm Ngùi - Trịnh công Sơn - Ân Nguyễn

Ngậm ngùi ta lại ru ta....

Đàn Hát & Thực Hiện: Nguyễn Đức Tri Ân

Ngày Xửa Ngày Xưa Sông Cái Và sông Long Hồ Vĩnh Long

Vào thuở quân Pháp chưa chiếm 3 tỉnh miền tây, chợ Vĩnh Long nhóm họp nơi voi đất thuộc địa phận khóm 1 Phường 5, những cư dân buôn bán, mặc toàn bà ba vải ú, bao gồm gánh gióng, thúng, mê, mẹt, ngồi rải rác chứ không hàng lối như hiện nay. Thuở đó bên Phường một hiện nay là cơ sở hành chánh cùng quân sự, dưới quyền cai quản cụ Phan Thanh Giản, giao thông chánh là xuồng ghe. Theo lời kể lại, voi đất nơi họp chợ, cách bờ sông tiền hiện tại cả trăm thước có hơn, những khi nước lớn nơi ngã ba sông Tiền và sông Long Hồ sóng rất to và chảy xiết, do vậy những ghe xuồng từ sông cái vào sông Long Hồ không cẩn thận lèo lái thường bị chìm.

Chợ Vĩnh long xưa(ảnh từ net)

Sau khi Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền tây, thời gian sau chợ vĩnh Long được chính quyền thuộc địa dời qua phường 1, phố phường được xây dựng từ từ chung quanh chợ cùng với hệ thống quân sự hành chánh, kể cả nơi vui chơi giải trí của người Pháp như Bungalow <Công Quán> nơi đầu ngã ba sông

Bungalow(Ảnh từ net)

Bungalow được xây khoảng trên dưới 1900, ngang sông là phường 5 ngày nay. Bến tàu khách với tàu chạy bằng than đá. ( ảnh từ net ), mặt bên sông long hồ lở nhiều, sợ sập, cậy bác vật Lang xem, ông kết luận – Sau này sẽ bồi, không sao đâu. Quả nhiên bồi thiệt, Bungalow vẫn bình thường cho đến hôm nay. Nhờ voi đất bên phường 5 lở quá sâu. Bến xe hơi đầu tiên nằm khu đất trống bên kia đường, ngang Bungalow.

Cũng từ xa xưa lắm, lưu thông từ phường 5 sang chợ phường 1 nhờ vào con đò đầu vàm, con đò với ván dầy khoảng 3 phân, dài trên 5 thước, hai bên phía trên đóng ván bản rộng dành cho khách sang sông ngồi khi xuống trước, ai xuống sau phải đứng khi nơi ngồi kín khách, bánh lái sau được cố định bằng dây chằng hai bên, một tay chèo phía trước. Vào năm 1960, người chèo là ông già câm, dáng thấp ốm, ở trần suốt, mặc độc chiếc quần sọt ka ki vàng, loại của quân đội Pháp mặc khi xưa, quá dài quá rộng với khổ người, nên một sợi dây nịch da phần đuôi dây cong queo theo quần đến nữa lưng, thời gian này tuổi ông có hơn 60 vì tóc hói bạc, da nhăn nheo cũng nhiều. Ông chèo đò bằng cách móc ngược, lưng hướng về trước, mặt nhìn lòng đò, bàn chân chịu vào chân cột chèo, cứ vậy móc ngược cho đến bên kia sông. Thuở đó công chức, quân nhân, học sinh sang sông khỏi trả tiền, đò qua lại mỗi ngày không kể tết hay lể lộc. Thời gian sau ông Câm mất, vợ chồng anh Phú và chị Muối tiếp tay chèo, rồi hai vợ chồng này cũng chán, anh Lu cũng dân địa phương tiếp tay chèo, được một thời gian, đò nhỏ cá nhân thi nhau phát triển rất đông, đò lớn ngày xưa đành kéo lên bến từ từ mục rã.

Bên dưới cầu Bạch Đằng nhìn sang chợ cá Phường 1. Cầu khởi công tháng 02-2012, hoàn tất tháng 06-2012.
(Trại đóng áo quan)
Trại đóng áo quan, ngày xưa luôn có hai thợ trong trại, bên hông, nơi xô nhựa là ông thợ đục bia mộ, nhích ra ngoài tí là ông thợ cưa, bìa bậc bằng xi măng, trước là bãi bến sông, con đò qua lại, khách lên xuống bờ sông lài đầy đá, gạch vụn, không bị sình lấm chân.

Dưới chân cầu Bạch Đằng, bên phần đất thuộc phường 5, có tên Bến Đá với nhiều bia đá chất chồng, lớp nằm sát mé nước, lớp nằm trên bờ, ông thợ già chuyên đục chử cùng hoa văn trên bia cho thân nhân người quá cố, mình trần, cặp kính lão mà một tròng bị răn nứt vết tích do đá va đập, với cọng thun giữ kiếng cố định sau đầu, thuở những năm 1960 tóc ông đã bạc trắng rồi, ngồi đục đá suốt cạnh trại áo quan. Xích ra ngoài khoảng hơn thước, ông thợ cưa gổ súc, xẻ từng tấm theo nhu cầu áo quan của thợ đang đóng phía trong trại, ông thợ đục bia mộ vẫn trường kỳ theo năm tháng, nhưng thợ xả gổ súc đã thay rất nhiều người, có lẽ đây là công viêc tổn hao công sức nhất, ngày trước có tên riêng là( thợ cưa).
Cuối dốc cầu, bên phải là đường Nguyễn chí Thanh, ngày xưa đường mang tên nhà giáo Lê minh Thiệp, nếu không đi sang phải mà đi thẳng, ngày xưa là Cầu Dài, dân cư ngụ khu vực này thành danh Xóm Cầu Dài. Cầu không do chánh quyền làm mà dân tự đóng lấy, ngang nhà ai người đó lấp ghép, cầu bằng ván ghép dọc, dài ngắn, dầy mỏng bên nhau, cao hơn mặt đất khoảng 5 tấc, nằm trên hai cọc cây, mặt cầu khoảng 6 tấc, nhà dân cư hai bên với nền nhà cao khoảng 2 đến 3 tấc thôi, do vậy thấp hơn cầu đôi ba tấc. Cầu theo nhà cư dân nên dài khoảng 600 thước có hơn, những năm 1950 cầu dù không lắc lẻo vẫn có tay gượng nằm bên trái cầu. Đất dọc theo mé sông mỗi năm lở sâu vào, nhà sát mé sông khúc còn khúc mất và chiếc cầu dài năm xưa theo đó mà đứt từng đoạn. Để bảo toàn tính mạng, tài sản và ổn định dân cư sát bờ sông tiền thuộc khóm 1 phường 5, chính quyền tỉnh cho di dời dân sống ổn định nơi khu đất làng sâu vào bên trong khoảng 200 thước. Bờ kè bê tông dài 700 thước được khởi công năm 2005, đến cuối tháng 10 năm 2007 hoàn thành, và công viên Phường năm mở ra cho dân địa phương ngồi hóng mát cùng thể dục sáng sớm và buổi chiều chạng vạng tối

Nơi bóng mát trước mặt ngôi nhà là khởi đầu cho chiếc Cầu Dài ngày xưa, bên trái là bờ kè và công viên Phường Năm được khởi công 2005 đến tháng 10 năm 2007 hoàn tất.

Sương sớm trên công viên bờ kè Phường Năm. Phần đầu của công viên

Đầu cuối của công viên bờ kè Phường Năm, lùi về sau khoảng 200 thước trong khu dân cư Bề Đáy, chưa xây bờ kè có một bờ đất chử U đáy cao dầy, hướng ra mặt sông, dân cư truyền miệng mãi cho thế hệ sau. Ngày xưa ông bà còn dùng giáo, mác, cung tên chống tây, cư dân ngày nay còn gọi Bờ Đồn, vốn vuông mà lở riết thành chử U.

Trong đêm trừ tịch mỗi cuối năm, dân cư địa phương, Long Thanh, các xã gần, đều đổ về công viên Phường Năm xem bắn pháo hoa mừng giao thừa từ bờ sông Quảng Trường Phường Một.

Pháo hoa đón giao thừa nhìn từ bờ kè Phường Năm 

Con đường Nguyễn chí Thanh, nơi cuối là công viên Phường 5, đến đầu đường là cầu Thiềng Đức dài khoảng 580 thước, vậy mà có tới bốn con rạch đổ vào sông Long Hồ:

1- Rạch cầu kho, bên rạch sát bờ sông có nhà máy xay lúa Sáu Tăng, những người buôn bán gạo nơi nhà máy goi Bạn Hàng xáo, trong chiến tranh nhà máy bị cháy, ngày xưa gọi là xóm bến đò, rạch rộng khoảng 5 thước, chạy vòng từ bên trong đổ ra rạch Cầu Đào, hiện nay đã dần liền vì giao thông đường bộ thuận lợi, ghe xuồng không còn, ngày trước là cầu ván bắt ngang ván cầu dầy, bề ngang cầu khoảng 3 thước rưởi, hiện thời là đường liền, con rạch cạn dần do rác cư dân xả xuống dầy lên nên đáy cách mặt lộ khoảng 4 đến 5 tấc thôi.

2- Rạch cống chạy vòng ra sau chùa Long Thiền đến sau đất ộng Huyện Cần là dứt, con rạch này cạnh bên Lộ Cũ, tên con lộ này do thời Pháp cho đắp trước khi xây cầu Thiềng Đức, có lẽ thấy không ổn nên bỏ qua, con lộ mới là con đường cầu Thiềng Đức hiện nay. Đầu đường lộ cũ, bên phải khoảng đất rộng là trường học sát bờ sông long hồ, trường sơ cấp với ba lớp 1, 2, và 3, bảng trường ghi là Trường Thiền Đức ( Thiền không chữ G do dùng tên ngôi cổ tự gần đó là chùa Long Thiền, ngày xưa vị trụ trì là bằng hửu với một con cọp, nghe truyền lại cọp theo thầy tu, đàng sau đất mộ chùa phía cuối có mộ cọp, trước đây, bên trái bàn thờ tổ còn xương đầu cọp, sau năm 75 xương đầu con cọp mất tiệu ). Vào năm 1945, vị quan thanh tra Pháp đến viếng trường, thấy bản hiệu ông hỏi – Đây là trường học có phải là chùa đâu mà chử thiền lạ vậy? do câu chuyện trên mà thiền thêm G phía sau Trường Thiềng Đức, tên chiếc cầu sang sông, ngày xưa dân địa phương gọi cầu sắt, nay mang tên cầu Thiềng Đức. ngôi trường này sau đó mang thêm hai tên nữa, trường Fostille, rồi trường Thủy Binh rồi sau nữa dẹp tiệm, trường xây mới với hai dãy trệt, lợp fibro ximent, trong khu đất cận đường trước chùa Long Phước, khu vực Cầu Kè.

3- Rạch Cầu Đào, vì nơi đây cây đào lộn hột rất nhiều, rạch này thông với rạch cầu kho khi xưa, nay không còn nối kết do phát triển dân cư và đường đi thuận lợi.

4- Rạch cầu Cây Mít, chạy dài bên trái đường cầu Thiềng Đức, ngày xưa khi làm xong Cầu Sắt (Thiềng Đức), mới thi công đào đắp đường, con rạch hình thành, với lại khu vực này mít rất nhiều. con rạch này chạy vòng quanh khu đình làng. Khi chưa xây trường, trường cũ do xuống cấp quá nặng, gạch long tróc, trường dời, thầy trò tá túc trong đình vài năm, rồi cùng sang trường mới có đủ năm cấp tiểu học.
Cầu Cái Cá khi chưa làm mới, trước nhiều năm gần đây, trên trụ cũ có khắc lõm năm hoàn thành ghi 1901, vì không tìm ra tư liệu cho cây cầu Thiềng Đức, hỏi thăm những người sanh những năm 1924 thì được trả lời là hồi còn nhỏ các vị ấy đã biết có cầu Thiềng Đức rồi, Chúng ta có thể tạm kết luận, cầu hình thành trong thập niên khoảng đầu thế kỷ 19, xê xích chút đỉnh thời gian so với cầu Cái Cá 

Năm 2006 cầu Thiềng Đức dở toàn bộ, xây dựng theo tiêu chuẩn bê tông vĩnh cửu, cầu hoàn tất, thông xe ngày 02-09-2008.

Bác Vật Lang(ảnh từ net)

Thuở tôi còn nhỏ lắm, nội tôi đã kể lại chút chuyện về cầu Thiềng Đức như sau:- Hồi trước, cầu sắt chó chạy trên cầu, nó rung rinh dử lắm, mấy ông nhà nước cậy Bác Vật Lang đến coi cầu, ổng đi qua cầu chống mạnh đầu gậy xuống cầu vài nơi xong rồi nói – Cầu không sập đâu bà con yên tâm. Quả nhiên không sao.

Năm 1945 cầu bị gở bỏ toàn bộ ván lót do chiến sự, khi bình yên, ván được lót trở lại. Khoảng những năm 1959, cầu được làm 4 chân bê tông cốt thép kiên cố, thay chân cầu thép ống tròn đã quá tệ, với cách làm như sau, gở toàn bộ ván cầu, trên mặt nước bốn khối thép khép kín hình khối chử nhật dùng làm phao chịu lực cho lấp ráp giàn làm chân cột. Hai trụ đở chánh giữa sông, mỗi trụ với 6 chân cấm xuống lòng sông, ván cầu được lót khích không thưa như thuở trước, xe chạy qua không kêu rầm rầm và đi bộ sang sông không sợ lọt chân. Trong khoảng thời gian chiếc cầu sắt rệu rạo, mỏng manh, nơi ngã tư cầu săt thuộc phần đất phường 5 ngày nay có những điều nên ghi lại vì những vị được sinh ra khoảng những năm 1920 đến 1930, kẻ còn người mất, người còn sống cũng không mấy người còn nhớ lại chuyện xưa.

Chẳng biết xe kéo xuất hiện từ thuở nào, chỉ biết nơi đầu ngã tư đã có xe kéo tay rồi, bến xe kéo này khoảng năm ba chiếc thôi, ban đêm khách đi, xe bình thường có chiếc đèn bảo dầu hỏa treo lủng lẳng một bên tay kéo, còn xe sang hơn thì chiếc đèn khí đá dành cho xe, chiếc đèn gồm 2 phần rời nhau, phần dưới là nửa khối trụ đường kính 5 phân, cao khoảng 8 phân chứa khí đá viẽn, có răn xoay lắp vào thân trên, bên hông thân trên là béc đốt khí thoát ra thành ngọn đèn khá sáng nằm trong một chụp đèn tròn, kiếng che gió bằng thủy tình vồng ra phía trước, trên đầu thân đèn, một kim vặn điều tiết lượng nước, khi cần sáng nhiều, xoay về trái, nếu xoay về phải sát cứng thì nước không xuống và đèn tắt từ từ, bên hông phía trên cạnh kim điều tiết nước là một lổ tròn khoảng 1 phân đường kính, dùng cho nước vào có nắp đậy với răn ngoài, đêm tối, đèn thấy rõ đường đi trên 10 thước.

Khi hết thời của xe kéo, cũng nơi ngã tư cầu sắt, bến xe ngựa hình thành, nói chính xác lại, do nhu cầu đi nhanh, xe ngựa giành vị trí, xe kéo tay dần không khách cũng mai một, vắng hẳn bóng người phu xe áo bà ba đen bạc màu ngắn tay cùng chiếc quần ống lỡ vải lưng cột gút, hai sợi dãi rút to bản lòng thòng khỏi áo.
Đi nhanh hơn, chở nhiều hơn, lại xa hơn. Chiếc xe đò đẩy xe ngựa ra khỏi cuộc chơi chung, một mình một bến, mà ông xe này không biết giang hồ phiêu bạt nơi đâu, khi về nơi đây. Áo sống bạc thếch đầy lang ben, ba hàng ghế ngang xây mặt ra phía trước, cây thâm xám vàng, ba hàng dọc loại băng dài sát cửa lên xuống phía sau, khách lên sau ngồi chen nhét, chỉ xe chạy mới cảm thấy đở chật chội, nơi miếng ván làm điểm tựa để bước vào trong xe, là nơi khách đứng cũng được bốn người, kẻ bấu càng xe, người bấu trên gờ phía trên, phần ông lơ đứng bìa ngoài miếng ván. Ba chiếc cửa trước vuông vức dành cho hàng ghế phía trên, khi đầy khách, lơ đóng cửa phải nâng lên vì luôn xệ, xe già quá gân cốt lỏng lẻo. Ngày trước máy xe nằm bên ngoài phía trước, nên đầu xe dài nhằng, muốn mở xem máy, phải mở cả hai bên, một miệng ống châm nước giãi nhiệt nằm chính giữa, khi xe chạy đường dài, hơi nước nóng bốc lên nghi ngút, hồi xưa xe không khởi động bằng bình, mà bằng tay quay, tên thường gọi ma ni quên “ Manivelle”, sau khi ông lơ quay máy, cây ma ni quên được đút vào dưới ghế bác tài, và bác tài luôn đội nón nỉ nghiên bên đầu. Thủ lảnh xe mà, chuyến xe đi Chợ Lách- Cái Mơn.


Bến xe lôi máy là bến xe cuối cùng nơi ngã tư đầu cầu sắt này. Cầu làm lại với đường dẫn cao rộng, dân sinh phát triển, xe gắn máy cá nhân phủ khắp nhu cầu đi lại, ngã tư trở nên thông thoáng.

Khi cầu Thiềng Đức còn là cầu sắt, đường nơi ngã tư cao ngang nền nhà dân, căn nhà trắng phía trước xây sau làm mới cầu, khoảng năm 1950 là phóng khám bệnh tư của bác sĩ Khương Hữu Long, căn này chiếm góc ngã tư, được xây bằng gạch tiểu, hai mặt mở ra hai con đường, nguyễn chí Thanh và đường xuống miếu Công Thần, phòng khám nằm chính góc, thuở đó tôi là khách hàng thân thiết của ông, do đau ban bạch, được ít lâu ông già quá không khám bệnh, tôi sang chữa bệnh với bác sĩ Guy Lesage ở một góc trong chủng viện thuộc phường 1. 

Quá về phía sau phòng khám, dãy nhà không phải cao tầng như ngày nay, mà dãy nhà gạch thường, có gác cây bên trên. Đây là trường tư thục đầu tiên của Vĩnh long do em bác sĩ Long là Khương Hữu Phụng thành lập, những căn dưới dạy học, gác trên dành cho nội trú. Nghe người lớn kể lại. Ông Trần Đai Nghĩa thuở nhỏ có thời gian học nơi đây, còn kể lại rằng, buổi chiều ông thường lên cầu sắt thả hai chân đòng đưa trong khoảng trống dưới cầu. Cũng trong thời gian đó, thỉnh thoảng tiếng trống thầy pháp vang lên, cúng bắt ma trừ tà, ém vong vào trong một cái hủ đặt dưới dạ cầu sắt, nơi đây lủ khủ hủ ếm yểm tà ma.

Nhà riêng của BS Long tọa lạc bên bờ sông Long Hồ, thuộc khu vực Cầu Kè, bên phải nhà là nơi bệnh nhân lưu trú trị bệnh dài ngày.

Chúng ta có thể tạm kết luận, nơi ngã tư cầu Thiềng Đức từng là bến xe- Trường tư thục nội trú có lẽ đầu tiên trong tỉnh- một bệnh viện tư có lẽ cũng là đầu tiên do hai anh em Khương Hữu Long và Khương Hữu Phụng thành lập rất hữu dụng đáp ứng được nhu cầu cần thiết trong cộng đồng dân sinh địa phương.

Bài Viết & Hình Ảnh:Trương Văn Phú