Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Huế Xa Nhớ Gần Buồn - Thơ: Lê Huy Trứ Nhạc: Nguyên Hà - Hòa Âm: NS Lê Quang Đạt - Tiếng Ca: Vân Khánh


Thơ: Lê Huy Trứ
Nhạc: Nguyên Hà
Hòa Âm: NS Lê Quang Đạt
Tiếng Ca: Vân Khánh

Xuân Về


Chào đón mùa Xuân dịu nắng hồng
Bên trời cánh nhạn liệng tầng không
Tiếng chim ríu rít ngoài song cửa
Gió thoảng vi vu dịu tấc lòng
Chờ đợi tháng ngày cây trổ lá
Ươm mầm sức sống nhụy đơm bông
Xuân mang hy vọng niềm an lạc
Áp bức độc tài phải tiêu vong.....!


Hình Ảnh & Thơ: Ngư Sĩ

Bốn Mùa Trong Thơ


Xuân về hoa chớm nở
Ngát hương lời tình thơ
Môi em màu son đỏ
Ngây thơ đầy ước mơ.

Hạ về vui trong nắng
Thắp sáng ngọn hoa đăng
Cánh phượng hồng phiêu lãng
Đêm rực rỡ cung hằng.

Gió heo may xao xuyến
Lá vàng bay về đâu
Cây bàng chiều phố vắng
Mưa thu chạm nỗi sầu

Đất trời chuyển sang đông
Hoa tuyết rơi trắng đồng
Em choàng thêm áo ấm
Đốt lên ngọn lửa hồng.

Bốn mùa đem nhớ thương
Lay chuyển cõi vô thường
Xuân, Hạ, Thu, Đông đến
Hồn thi nhân vấn vương.
              

Tế Luân

 

Buồn Ơi!

Buồn ngập đất trời ngập cỏ cây
Buồn ơi ta trốn đến nơi nầy
Đừng theo ta nữa ta van lạy
Đã quá dư thừa chuyện đắng cay

Ai nỡ khai sinh chi chữ buồn
Bể sầu bể khổ bể tang thương
Trăm năm cát bụi vùi mơ ước
Nghìn kiếp luân hồi cũng khói sương

Tay lạnh mà chân cũng lạnh rồi
Hồn về quê cũ thật xa xôi
Biết quê có nhận hồn phiêu lãng
Hay cũng nhẫn tâm cũng quên rồi

Cõi tạm phù sinh đã nói nhiều
Mà không hiểu được nghĩa thương yêu
Cho nên gian ác càng lên mặt
Quân tử hiền nhân đã xế chiều

Tim thổn thức hoài đau nhói chi
Tay run nào phải đã già gì
Phải chăng lòng chết từ năm tháng
Ai bỏ ai rồi ai nói đi

Không cửa không nhà không chở che
Bơ vơ ngã gục chết bên hè
Người qua kẻ lại ai thèm khóc
Đời vẫn vô tình vẫn ngựa xe

Thương cỏ xanh chưa ấm mặt trời
Bị xe cán nát gió cuốn trôi
Ngày mưa tháng nắng thêm tan tác
Còn lại gì đâu một mảnh đời

Sầu vẫn là buồn gọi khác thôi
Văn nhân thi sĩ sầu lên ngôi
Nhưng ta sợ quá xin đừng đến
Ta đã tiêu tan đã hết rồi

Ngày tháng hững hờ không trách đâu
Tại ta ngu dại muốn bền lâu
Bền lâu đâu có nơi trần thế
Chỉ có lọc lừa gian dối nhau

Ta mệt lắm rồi kiệt sức rồi
Bốn phương mờ mịt lá hoa rơi
Còn đâu một chút ghen hờn cũ
Đừng đến gần ta nữa buồn ơi…

MD 02/09/02
LuânTâm

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Thơ: Nhóm Tri Kỷ Bốn Phương - Thực Hiện: Tuyết Phan


(Kính mừng Sinh Nhật 103 tuổi cuả Anh Hai Trần Công Tiền Giang Tử "Lão Mã Sơn" )

Thơ: Tri Kỷ Bốn Phương
Thực Hiện: Tuyết Phan 

Nhóm Tri Kỷ Bốn Phương gồm có:

Anh Hai Trần Công Tiền Giang Tử ( Lão Mã Sơn)
Chị Ba: Cao Minh Nguyệt
Chị Tư: Ngọc Hạnh
Anh Năm: Hàn Thiên Lương
Chị Sáu: Minh Hưng
Chị Bảy: Tiểu Thu
Chị Tám: Dư Thị Diễm Buồn
Chị Chín: Đỗ Thị Minh Giang
Chị Mười: Tuyết Phan
Em Út: Kim Oanh

Mùa Thu Germantown


Thu về lá úa thềm hoang.
Trời xanh, mây xám,nai vàng ngẩn ngơ
Con đường nhỏ rất nên thơ
Xe tôi rong ruổi sáng trưa đi về
Từ ngày bỏ xóm xa quê
Đam mê nên vẫn tóc thề buông lơi
Bạn thân vài đứa đủ vui
Cuối tuần son phấn, tiệc người tiệc ta
Tạm dung giữa xứ Cờ Hoa
Tâm tư khắc khoải nhớ nhà Đông Phương
Gió thu nhẹ, nắng thu vương
Gợi trong ta nhớ con đường xa xưa
Aó dài xanh mỏng phất phơ
Vòng ôm, môi ấm, tay lùa tóc mây
Bóng người dài đổ cuối ngày
Thời gian vỗ cánh thu này quạnh hiu.

Lê Thị Ý

Mưa Hồng

 

Bao giờ lại tới hè sang
Hàng cây phượng đỏ nối hàng mưa rơi
Mưa hồng ai gọi để rồi
Cung thương hè cũ còn khơi nỗi buồn
Lối về ngập cánh phượng hồng
Hồn tôi bướm trắng nửa vòng quê xa


Lê Mỹ Hoàn

(2015, trong thi tập Ngày Vội)

Lâm Giang Tiên 臨江仙 - Trần Dữ Nghĩa 陳與義

 

Bài Tống Từ Chú Giải

Trần Dữ Nghĩa陳與義, tự là Khứ Phi字去非,hiệu là Giản Trai簡齋, sinh trưởng ở Lạc Dương 洛陽 thuộc tỉnh Hà Nam 河南, TH. Ông là nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống 南宋. Từ của ông có nét hào phóng như Tô Thức 蘇軾, ngữ ý minh lãng siêu tuyệt. Ông còn để lại tập “Giản Trai Tập 簡齋集” gồm khoảng hơn 10 bài.

臨江仙 - 陳與義 Lâm Giang Tiên - Trần Dữ Nghĩa

夜登小閣憶洛中舊遊 Dạ đăng tiểu các ức cựu du
憶昔午橋橋上飲, Ức tích Ngọ Kiều kiều thượng ẩm,
坐中多是豪英。 Tọa trung đa thị hào anh.
長溝流月去無聲。 Trường câu lưu nguyệt khứ vô thanh.
杏花疏影里, Hạnh hoa sơ ảnh lý,
吹笛到天明。 Xuy địch đáo thiên minh.

二十餘年如一夢, Nhị thập dư niên như nhất mộng,
此身雖在堪驚。 Thử thân tuy tại kham kinh.
閒登小閣看新晴。 Nhàn đăng tiểu các khán tân tình.
古今多少事, Cổ kim đa thiểu sự,
漁唱起三更。 Ngư xướng khởi tam canh.

Chú Thích

1 Lâm giang tiên 臨江仙: tên từ bài, nguyên là 1 bài hát của Đường giáo phường, sau dùng làm từ bài. Bài này có 60 chữ, đoạn trên và đoạn dưới đều có 3 bình vận. Cách luật:

X T X B B T T cú
X B X T B B vận
X B X T T B B vận
X B B T T cú
X T T B B vận
 
X T X B B T T cú
X B X T B B vận
X B X T T B B vận
X B B T T cú
X T T B B vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Ức tích 憶昔: nhớ chuyện xưa.
3- Ngọ kiều 午橋: tên một cây cầu ở phía nam thành Lạc Dương洛陽.
4- Tọa trung 坐中: những người ngồi trong bàn tiệc rượu.
5- Hào anh 豪英: anh hùng hào kiệt.
6- Trường câu lưu nguyệt 長溝流月: ánh trăng chiếu trên sông dài, soi theo dòng nước đang chẩy. Tác giả lấy ý từ câu thơ trong bài “Lữ dạ thư hoài 旅夜書懷” của Đỗ Phủ 杜甫:

星垂平野闊,Tinh thùy bình dã khoát,
月涌大江流。Nguyệt dũng đại giang lưu.

Sao đêm (như) thòng xuống nơi bình sa khoáng dã,
Ánh trăng dũng động theo sóng nước đại giang đang chẩy.

7- Khứ vô thanh去無聲: nước chẩy êm thắm không âm thanh, ý nói đêm đã khuya, trăng âm thầm lặn về tây.
8- Sơ ảnh 疏影: hình ảnh lưa thưa. Lý里 = lý裡: ở trong, hạnh hoa sơ ảnh lý 杏花疏影里: dưới bóng hoa lưa thưa của cây hạnh.
9- Xuy địch 吹笛: thổi sáo.
10- Thiên minh 天明: trời sáng.
11- Nhị thập dư niên 二十餘年: hơn 20 năm trở lại đây.
12- Kham kinh 堪驚: chịu đựng nỗi kinh hoàng trong lúc nước mất nhà tan. Thử thân tuy tại kham kinh 此身雖在堪驚: Thân mình tuy sống sót qua cơn biến loạn nhưng nghĩ lại không khỏi kinh hoàng cảm khái.
13- Nhàn đăng 閒登: nhàn nhã bước lên.
14- Tân tình 新晴: trời mới tạnh sau cơn mưa.
15- Cổ kim 古今: cổ vãng kim lai 古往今來: từ xưa đến nay.
16- Ngư xướng 漁唱: tiếng hát của dân chài.
17- Tam canh 三更: canh 3. Ngày xưa một đêm chia làm 5 canh, lúc nửa đêm là canh 3.

Dịch Nghĩa:

Đêm Lên Gác Nhỏ Nhớ Cựu Du

Nhớ lại năm trước uống rượu trên cầu Ngọ Kiều,
Ngồi chung đa số là anh hùng hào kiệt.
Ánh trăng chiếu trên dòng nuớc chẩy êm đêm lặng lẽ.
Dưới bóng hoa lưa thưa của cây hạnh,
Thổi sáo cho đến lúc trời sáng.

Hơn 20 năm như một giấc mộng,
Thân này tuy từng trải qua biến loạn kinh hoàng.
(Nay) nhàn nhã bước lên lầu xem cảnh trời mới tạnh mưa.
Từ xưa đến nay đã bao nhiêu việc xẩy ra,
Tất cả đều nhường cho ngư phủ đem làm câu ca lúc tam canh.

Phỏng Dịch

1 Lâm Giang Tiên - Quá Khứ Như Mộng

Nhớ lúc Ngọ Cầu mình uống rượu,
Ngồi chung cùng bọn hào anh.
Sông dài bóng nguyệt chẩy vô thanh.
Lưa thưa hoa hạnh ảnh,
Thổi sáo đến bình minh.

Hai chục năm hơn như giấc mộng,
Thân này tuy trải hoảng kinh.
An nhàn mưa tạnh chốn lầu xinh.
Xưa nay toàn thế sự,
Chài hát lúc ba canh.

2- Quá Khứ Như Mộng

Nhớ xưa uống rượu trên cầu,
Ngồi chung đều bọn anh hào với nhau.
Sông dài bóng nguyệt trôi mau,
Lưa thưa hoa ảnh soi mầu đẹp xinh.

Sáo vui thổi đến bình minh.
Hai mươi năm cũ cũng thành giấc mơ.
Hoảng kinh chiến trận thẫn thờ,
Thân này từng trải những giờ ly tan.

Tạnh mưa gác nhỏ an nhàn,
Xưa nay thế sự đêm tàn chài ca.

HHD 
12-2022
***
Lâm Giáng Tiên

1-
Nhớ xưa trên Ngọ Kiều uống rượu
Ngồi chung trong nhóm hào anh
Trăng chiếu sông dài chảy lặng thinh
Lưa thưa bóng hoa hạnh
Thổi sáo đến bình minh

Hai mươi năm thừa như giấc mộng
Thân còn nghĩ lại hoảng kinh
Nhàn lên gác nhỏ ngắm mưa lành
Cổ kim bao nhiêu việc
Nhạc chài lúc sang canh

2- Bạn Xưa Gác Nhỏ

Nhớ khi xưa, Ngọ Kiều rượu đổ
Chiếu ngồi chung, đa số anh hùng
Sông im trăng chiếu lạnh lùng
Lưa thưa bóng hạnh sáo rung. Sáng trời

Như giấc mộng, năm ngoài hai chục
Còn kinh hoàng, thân được hoàn sanh
Lên lầu xem cảnh mưa lành
Cổ kim bao chuyện, sang canh nhạc chài!

Lộc Bắc
Mars25
***
Hồi Ức Bạn Xưa

Nhớ Ngọ Kiều mình uống rượu
Ngồi chung cùng những bạn hữu anh hào
Sông êm ánh nguyệt trên cao
Lưa thưa hoa hạnh soi màu lung linh

Thổi sáo đến rạng bình minh
Hai mươi năm lẻ tượng hình giấc mơ
Thân này tuy trải từng giờ
Kinh hoàng biến loạn vỡ bờ nhà tan

Trời hanh mưa tạnh an nhàn
Xưa nay bao chuyện, canh sang nhạc chài.

Kim Oanh
March.2025

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Xuân Đến Rồi Đi

(Hình Ảnh: Tác Giả)

Những tưởng mùa đông năm nay tuyết không về, nào ngờ thời tiết thay đổi và những hoa tuyết lạnh lùng phủ khắp nơi, cảnh Chùa Viên Giác toàn một màu trắng xóa, nhìn những cành hoa mai, hoa đào ngơ ngác đón nhận từng đóa hoa tuyết rơi trêu ghẹo, phủ đầy trên từng đóa hoa, gió lạnh nhè nhẹ thổi từng cơn như đưa hơi lạnh đến lòng người, nỗi nhớ quê nhà càng ray rứt nhớ thương, khi nàng Xuân đang chậm bước về từng ngày.
Chợt cảm khái mấy vần thơ nhớ Quê Hương...


Xuân Đến Rồi Đi

Hoa tuyết lạnh lùng phủ khắp nơi,
Cành mai ngơ ngác giữa khung trời,
Từng cơn gió lạnh cùng trêu ghẹo,
Như đón nàng Xuân đến với đời.

Cảnh Chùa hoa tuyết mãi rơi bay,
Tiếng mõ lời kinh luôn giải bày,
Bát Nhã, Đại Bi hằng tụng niệm.
Cho lòng nhẹ bớt những mê say.

Mấy chục năm rồi vọng cố hương,
Niềm thương nỗi nhớ mãi tơ vương,
Bao năm lỗi hẹn ngày tao ngộ,
Biết đến bao giờ thỏa nhớ thương.

Xuân đến rồi đi những đợi chờ.
Tâm tư ray rứt thấm vần thơ,
Trao về quê Mẹ bao hoài vọng,
Sẽ có một ngày thỏa ước mơ.

Jan 09, 2025
Thiện Bửu
(Hoàng Dũng)


Xuân-Hạnh


(Mùng Sinh Nhật Con XUÂN-HẠNH)

Xuân-Hạnh là con út của tôi:
“Giàu ăn, khó chịu”* cố-nhiên rồi!
Nhưng làm cha mẹ ai không muốn
Cho các con mình sung-sướng thôi!

*Tục-ngữ: “Giàu: con-út ăn; khó: con út chịu”.

Tôi trút tình thương xuống “cục cưng”,
Búp-bê bé-bỏng quý vô chừng!
Cả nhà ai cũng tranh chiều chuộng
Cho bé vui thì... dạ mới mừng...

Thuở ấy, tôi còn có Tự Do,
Có... nhà lầu, với... xe ô-tô,
Thì con tôi cũng nhờ hoàn cảnh
Mặc đẹp, ăn ngon, sống nhởn nhơ.

Trong quãng thời-gian ở Quảng Đà,
Mấy lần mẹ nó dẫn con ra,
Tôi đưa đi viếng kinh-thành Huế
Cho biết Thần-Kinh, gốc mẹ cha.

Những chuyến “Bô-Inh”, chuyến trực thăng,
Sài-Gòn, Đà-Nẵng, Huế, Nha-Trang;
Phi-công: Việt có, Hoa-Kỳ có;
Nó thấy... và nghe... rất rõ-ràng...

Trí óc còn non nếp nghĩ suy,
Nhưng trong trí nhớ đã hằn ghi,
Đã từng nếm, ngửi, sờ, nghe, thấy,
Đã cảm điều gì, hiểu chuyện chi...

Nên... lúc tôi sa xuống vũng bùn,
Tôi cam nhơ nhuốc một mình chun;
Tôi không muốn nó đau lòng thấy
Bộ mặt tôi... nay trát trấu, mun...!

Viện cớ tôi hay vắng khỏi “nhà”,
Núi cao, rừng rậm, đường đi xa,
Tôi khuyên mẹ nó, tôi van nó,
Chỉ... gửi thư thăm, chớ có ra!

Mỗi chuyến đi thăm: mất mấy ngày!
Đường nhồi, xe xóc, sống lưng lay!
Gặp nhau: lấy lưỡi làm loa láo!
Chẳng chút ngô khoai lót dạ-dày!

Con! Hãy là con của tuổi hoa!
Và Ba! Hãy “lớn” như ngày qua!
Bao giờ trái đất tan thành bụi
Thì ảnh hình xưa hãy nhạt nhoà!

Thanh Thanh
 

Mù Sương - Sương Khói...

( Ảnh: Nguyễn Thành Tài)

Bài Xướng:

Mù Sương

Giờ chỉ mình Em trên con đường cũ
Nghe lòng mình giá lạnh buốt tim côi
Nhớ ngày nào hai đứa bước chung đôi
Thôi là hết câu hẹn hò muôn thuở.

Trời vào thu lá với cành tan vỡ
Duyên tình ta chỉ có thế sao anh ?
Để riêng Em cam chịu kẻ độc hành
Càng lê bước càng thấy mình cô quạnh.

Sương rơi nặng bờ vai thêm thấm lạnh
Con đường xưa mơ ước được bên nhau
Em đâu ngờ kỷ niệm đẹp qua mau
Như sương xuống rồi tan thành mây khói !!!

2022-11-6
Nguyễn Thành Tài

***

Bài Hoạ:

Sương Khói...


Ai còn nhớ những ngày hè tháng cũ
Ai bảo rằng mình sẽ chẳng đơn côi
Ai nhặt hoa ép thành bướm có đôi
Ai chép tặng bài thơ tình vạn thuở

Nhỏ nâng niu sợ trăng trong rạn vỡ
Nhỏ thẹn thùng nhốt bóng mắt tinh anh
Nhỏ tung tăng sánh vai bước song hành
Nhỏ thỏ thẻ không bao giờ hiu quạnh

Ai làm bāo để song thưa giá lạnh
Ai mặc tình chẳng nhắn nhủ gì nhau
Ai buông tay lời hẹn ước quên mau
Ai giông tố hồn lao đao sương khói!

Kim Oanh

25.3.2025


Mộng Giang Nam Kỳ 2 夢江南其二 - Ôn Đình Quân (Vãn Đường)

(Từ)

Ôn Đình Quân (溫庭筠, 812-870), vốn tên Kỳ (岐), tự Phi Khanh (飛卿); là nhà thơ, và là nhà làm từ Trung Quốc thời Vãn Đường.

Ôn Đình Quân là người đất Kỳ, phủ Thái Nguyên (nay là huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây), là cháu nội của Ôn Ngạn Bác, tể tướng triều Đường Cao Tông.

Ông thông minh, giỏi văn thơ, âm nhạc; nhưng dung mạo xấu xí và có tính phóng đãng. Ông “thường cùng bọn con em vô lại các nhà quý tộc ra vào nơi ca lâu, rượu chè, bài bạc, say đắm nữ sắc, vì thế bị các sĩ đại phu đương thời khinh rẻ, suốt đời không đỗ được tiến sĩ”.

Có một thời, ông hay lui tới nhà quan tướng quốc Lệnh Hồ Đào (con Lệnh Hồ Sở), nhưng sau vì việc riêng, Hồ Đào đâm ra ghét ông.

Đến khi người ông quen là Từ Thương đi trấn giữ Tương Dương, ông được theo làm tuần quan, nhưng rồi vì bất đắc chí, ông xin thôi chức để sống đời phiêu lãng.

Mãi đến khi tuổi đã cao, đời vua Đường Tuyên Tông, ông mới nhận làm chức úy ở Phương Thành, rồi đổi sang huyện Tùy. Năm 866, ông được cử làm chủ thí, cuối cùng Quốc tử trợ giáo. Sau, ông lại bỏ chức, từ giã kinh thành Trường An, đi lưu lạc giang hồ cho đến khi mất.

Trước đây, người ta thường coi Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân là hai nhà thơ cùng một phái, và gọi là “Ôn Lý”. Song, theo các nhà nghiên cứu văn học gần đây, thì gọi như thế có phần không chính xác, vì phong cách nghệ thuật của hai ông rất khác nhau. Về thành tựu thơ ca, Ôn Đình Quân còn kém xa Lý Thương Ẩn, vì thơ ông có phần “phù phiếm, nông cạn, thiếu những tình cảm chân thành”; nhưng nói về từ thì ông có nhiều bài rất đặc sắc. Từ của Ôn Đình Quân hiện còn hơn 70 bài trong Kim thuyên tập, nội dung hầu như đều viết về phụ nữ, về những mối sầu tương tư; và lấy màu sắc nồng đượm, lời lẽ hoa mỹ, tạo thành phong cách “thơm tho mềm mại, tràn ngập hương vị son phấn” của riêng ông. Phong cách này có ảnh hưởng đến các nhà làm từ đời sau, hình thành “Phái trong hoa” (Hoa gian phái) mà ông được tôn vinh là người đứng đầu.

Cho nên khi nói về từ đời Đường, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã có lời khen ngợi từ của ông như sau:

Từ Ôn Đình Quân rất diễm lệ, lại sáng tác được nhiều điệu mới, ảnh hưởng đến đời sau rất nhiều. Ông đứng đầu trong nhóm từ gia có tác phẩm chép trong bộ “Hoa gian tập”. Ông chiếm một địa vị đặc biệt ở giữa cái thời thơ suy mà từ thịnh.

Tác phẩm của ông có Hán Nam chân cảo và Ác Lan tập, song đều tán lạc không còn nhiều.
(Trích trong Thi Viện)


Nguyên tác Dịch âm

夢江南其二 Mộng Giang Nam kỳ 2.

梳洗罷 Sơ tẩy bãi,

獨倚望江樓 Độc ỷ Vọng Giang lâu.
過盡千帆皆不是 Quá tận thiên phàm giai bất thị,
斜暉脈脈水悠悠 Tà huy mạch mạch thuỷ du du,
腸斷白蘋洲 Trường đoạn bạch tần châu.

Chú giải

梳 sơ: cái lược, chải đầu.
洗 tẩy: giặt, rửa (mặt).
罷 bãi: ngừng; xong; bãi bỏ.
帆 phàm: buồm thuyền.
洲 châu: bãi; cù lao; châu lục.

Dịch từ

Mộng Giang Nam kỳ 2

Chải đầu xong,

Ngồi tựa Vọng Giang lầu.
Ngắm cả ngàn buồm đều chẳng phải,
Tà dương lãng đãng nước nao nao.
Ruột đứt cỏ tần đau!

Lời bàn

Đây là kỳ 2 trong một cụm hai bài từ tả tâm trạng của một kẻ thất tình ngóng người yêu biệt tăm (Xem kỳ 1: LTCD thế kỷ 21 số 707). Bài từ có 5 câu, làm theo điệu Mộng Giang Nam kỳ 2; ngôn từ kỳ này cũng lãng mạn và ai oán như kỳ 1.
Đại ý của toàn bài: chải đầu xong, một mình ngồi tựa lầu ven sông ngắm cả ngàn thuyền mà không thấy thuyền của người yêu, chỉ thấy ánh tà dương nao nao và cỏ tần trắng xóa (ví với tóc mình đã bạc như cỏ tần); đau đứt ruột.

 Con Cò
***
Xong Tắm Gội.

Một bóng tựa lầu sông,
Ngắm cả ngàn buồm sao chẳng thấy.
Chiều buông lặng lẽ nước mênh mông.
Nát dạ bãi tần trông.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Mar. 15/2025.
***
***
Nhớ Giang Nam kỳ 2

Điểm trang đơn giản cho xong
Lên sân thượng ngắm con sông lững lờ
Ghe thuyền tấp nập hai bờ
Ở đâu thuyền mộng đợi chờ ngóng mong?
Nắng chiều êm ái thong dong
Đau lòng đứt ruột chợt trông Bạch Tần

Thanh Vân
***
Sơ Chải Gội.

Ngắm sông, dựa trên lầu
Nhìn hết ngàn thuyền đều chẳng phải
Chiều buông hiu hắt nước lao xao
Đứt ruột Bạch Tần châu!

Sơ trang cô quạnh dựa lầu cao
Ngàn thuyền soi hết bóng chàng đâu?
Hắt hiu chiều xuống mênh mông nước
Sầu dâng đứt ruột Bạch Tần châu!

Lộc Bắc
***
Mộng Giang Nam Kỳ 2

Tóc chải y thay phấn điểm trang
Lầu cao mong ngóng bóng tình lang
Tà huy hấp hối trôi trên nước
Dõi mắt ngàn dâu chẳng thấy chàng

Kiều Mộng Hà
March.21.2025
***
Đúng như ÔC nói, bài này cũng tả nỗi lòng của người thiếu phụ đợi chồng hay người yêu.

Câu 1:
Sơ là cái lược hay chải đầu.
Tẩy là giặt, rửa.
Bãi là xong, hết.

Vậy Sơ Tẩy Bãi là Gội Đầu Xong có lẽ hợp lý hơn là chải đầu, vì thiếu chữ tẩy không dịch.

Câu 2: một mình ngồi tựa lầu Vọng Giang.
Câu 3: qua hết cả ngàn cánh buồm mà không đúng cái của chàng.
Câu 4:
Tà huy là lúc chiều tàn, hoàng hôn.
Mạch là đường máu chảy, như động mạch. Mạch mạch là nhìn đăm đăm.

Du là nhớ những, xa xôi, lo buồn. Du du là lo lắng, bối rối, xa dằng dặc, thăm thẳm. (Tống quân khứ hề tâm du du, đưa chàng lòng dằng dặc buồn, trong Chinh Phụ Ngâm.). Câu tà huy mạch mạch thủy du du, BS hiểu là lúc chiều tàn, nàng nhìn đăm đăm trên sông, thấy nước trôi xa dằng dặc.

Câu 5:
Tần là một loại rau. Tần châu là bãi có rau tần. Rau tần trắng xóa làm nàng đau lòng đến đứt ruột…

Gội Đầu Xong,

Mình tựa Vọng giang lâu,
Ngàn cánh buồm qua chẳng thấy đâu,
Chiều tàn, nhìn nước trôi dằng dặc,
Đứt ruột trắng tần châu.


Đầu gội vừa xong chợt thấy sầu,
Một mình ngồi tựa Vọng giang lâu,
Ngàn cánh buồm qua mà chẳng thấy
Chiều tàn dằng dặc nước trôi mau,
Đứt ruột rau tần đà trắng bãi,
Bao giờ mình mới gặp lại nhau.

Dịch kiểu này rõ ý hơn, vì BS thêm một câu, thôi thì xin lỗi tác giả và độc giả.

Bát Sách.
(Ngày 17/03/2025)
***
Mộng Giang Nam Kỳ 2 - Ôn Đình Quân

夢江南其二 - 溫庭筠

Bài từ này có tựa nguyên thủy là Mộng Giang Nam 夢江南 đăng trong sách thời Đường. Các sách thời Minh Thanh đổi tựa là Ức Giang Nam 憶江南, nên chỉ có từ phổ dưới tựa này. Điển hình là bài Ức Giang Nam của Bạch Cư Dị. Bài có 27 chữ, 5 câu, ngắn dài khác nhau, câu 2, 4 và 5 vần bằng, có mộc bản trong các sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Hoa Thảo ? Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文
Hoa Gian Tập - Đường – (Hậu Thục) Triệu Sùng Tộ 花間集-唐-(後蜀) 趙崇祚
Từ Tống - Thanh - Chu Di Tôn 詞綜-清-朱彝尊


Luật thanh:

Phiên âm:

Nguyên tác:

Khâm phổ

BXT

XTTBBv
XTXBBTT
XBBTTBBv
BTTBBv

Long phổ

BXT

XTTBBv
XTXBBTT
XBXTTBBv
XTTBBv

Ức Giang Nam Kỳ 2

Sơ tẩy bãi

Độc ỷ vọng giang lâu
Quá tận thiên phàm giai bất thị
Tà huy mạch mạch thủy du du
Trường đoạn bạch Tần Châu

夢江南其二

梳洗罷

獨倚望江樓
過盡千帆皆不是
斜暉脈脈水悠悠
腸斷白蘋洲

Chú thích: X: thanh không bắt buộc B: thanh bằng bắt buộc
T: thanh trắc bắt buộc Bv: thanh bằng vần
Khâm phổ chỉ khác Long phổ ở chữ 3 câu 4 và chữ 1 câu 5.

Ghi chú:

Mộng Giang Nam: nguyên là tên bài hát của Giáo Phường thời Đường, sau được được dùng chỉ một từ điệu; nhà Thanh đổi tên là Ức Giang Nam
Sơ tẩy: chải tóc, rửa mặt, trang điểm và các hoạt động hàng ngày khác của phụ nữ.
Giang lâu: tháp nằm cạnh bờ sông, vọng giang lâu:
Thiên phàm: ngàn cánh thuyền buồm
Giai: trạng từ, tất cả
Bất thị: không hẳn
Tà huy: ánh sáng nghiêng, ánh nắng chiều trước khi mặt trời lặn
Mạch mạch: nhìn nhau đăm đăm, yên lặng dịu dàng trìu mến, thường được dùng để bộc lộ cảm xúc
Du du: liên tục, không đạt yêu cầu
Trường đoạn: đứt ruột, diễn tả nỗi buồn và đau khổ tột cùng
Bạch (bình): cỏ nổi trên mặt nước, màu trắng. Vào thời xa xưa, nam nữ thường hái hoa bình làm quà chia tay.
Châu: vùng đất gần nước
Bạch Tần Châu: địa danh, tên một đảo trên sông Lô

Dịch nghĩa:

Ức Giang Nam Kỳ 2 Nhớ Giang Nam Kỳ 2

Sơ tẩy bãi Trang điểm qua loa xong

Độc ỷ vọng giang lâu Một mình lên lầu nhìn ra sông
Quá tận thiên phàm giai bất thị Hơn ngàn con thuyền đi qua nhưng không thấy thuyền mong đợi
Tà huy mạch mạch thủy du du Nắng chiều dịu dàng, nước chảy triền miên
Trường đoạn Bạch Tần Châu Buồn đứt ruột nhìn thấy Bạch Tần Châu.



Sau khi trang điểm, một mình nàng lên lầu nhìn dòng sông. Hàng ngàn con thuyền đi qua, nhưng người nàng mong chờ vẫn không xuất hiện. Ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống dịu dàng và dòng sông vẫn chậm rãi trôi. Nỗi nhớ nhung càng ray rứt khi nàng nhìn xa thấy Bạch Tần Châu.

Khâm phổ:

BXT

XTTBBv
XTXBBTT
XBBTTBBv
BTTBBv

Phiên âm:

Ức Giang Nam Kỳ 2

Sơ tẩy bãi

Độc ỷ vọng giang lâu
Quá tận thiên phàm giai bất thị
Tà huy mạch mạch thủy du du
Trường đoạn bạch Tần Châu

Điền từ:

Nhớ Giang Nam 2

Trang điểm nhã

Đơn độc bước lên lầu
Nhìn thấy ngàn thuyền nguời chẳng thấy
Nắng chiều êm dịu nước trôi mau
Đứt ruột thấy Tần Châu.

Chú thích: X: thanh không bắt buộc B: thanh bằng bắt buộc
T: thanh trắc bắt buộc Bv: thanh bằng vần

Dịch thơ:

Nhớ Giang Nam 2

Trang điểm vừa xong bước đến lầu,
Ngàn thuyền qua lại thấy chàng đâu.
Nắng chiều êm dịu trên dòng nước,
Đứt ruột nhìn xa chỉ bãi dâu.

Phí Minh Tâm
***

 Góp ý:


Tựa đề 夢江南=Mộng Giang Nam

Đoàn An Tiết (段安节), rể của Ôn Đình Quân, nghiên cứu về âm nhạc và viết cuốn 樂府雜錄=Nhạc Phủ Tạp Lục nói về nguồn gốc của cổ nhạc, ngũ âm luân (五音輪) và nhị thập bát điệu đồ (二十八調圖, những loại nhạc dùng trong triều đình), tên hiệu và giai thoại về những ca kỷ. v.v... Rất tiếc là tác phẩm nguyên thủy với hình ảnh và lời diễn tả nhạc điệu đã thất truyền nên người đời sau có rất ít dữ kiện về nhạc thời Đường. Trong cuốn sách đó, họ Đoàn cho ta biết rằng tên đầu tiên của từ bài Mộng Giang Nam là Tạ Thu Nương (謝秋娘) và đến từ một câu trong bài từ do Lý Đức Dụ (李德裕, tể tướng thời Đường) viết cho ca kỷ Tạ Thu Nương. Bài từ có thêm nhiều tên về sau tùy theo một câu nào đó trong bài từ do các thi nhân viết: Ức giang nam, Giang nam hảo với Bạch Cư Dị; Xuân khứ dã với Lưu Vũ Tích; Vọng giang lâu với Ôn Đình Quân (rồi thành Vọng giang nam); Mộng giang nam hay Mộng giang khẩu với Hoàng Phủ Tùng; An Dương hảo với Vương An Trung; Mộng tiên du với Trương Tư; Bộ hư thanh với Thái Chân Nhân; ngoài ra còn có các tên Hồ san hảo, Vọng bồng lai, Quy tắc bắc. Thế có nghĩa rằng cho dù các bài từ đó có tựa đề khác nhau, chúng vẫn phải theo đúng âm vận của một bài nhạc nguyên thủy.

Huỳnh Kim Giám

Cầu Nguyện Cho Một Người Hiền Vừa Ra Đi

Phu nhân Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Bà Christine Nguyễn Thị Mai Anh

Mơ ước của tôi nhỏ bé lắm, mơ ước mỗi tuần đừng nghe tin một người quen nào của mình vĩnh viễn ra đi, nhưng lớn tuổi lại làm nghề truyền thông làm sao khỏi nghe một người quen ra đi hàng tuần. Tuần này, một phụ nữ với nụ cười rất hiền vừa ra đi.

Tôi nhớ nụ cười của chị, hiền hậu, chị nói năng nhỏ nhẹ, dáng đi thật chậm rãi, nói năng từ tốn, tôi nghĩ chắc suốt cuộc đời chị không làm mất lòng ai?

Có một lần tôi hỏi chị:
– Duyên sẽ đến thăm chị, chị có cần gì không? Ở Little Saigon thứ gì cũng có giống như ở Việt Nam.
Chị nói:
– Mua dùm mình mấy gói khô bò ướp nước tương ở Bolsa.
Chị còn chỉ tôi tới tiệm bán khô bò, có lẽ chị biết tôi ăn chay nên không có biết tiệm nào bán khô bò ướp nước tương?

Nhà của chị ở Dana Point, tôi tưởng chắc nhà chị sẽ lớn lắm vì người Việt Nam mà ở gần biển bao giờ nhà cũng thật to, nhà giàu ở gần biển nhưng khi tôi đến, ngừng trước nhà chị lại là căn nhà nho nhỏ. Xe ngừng thì chị đã hiện ra, cửa nhà đã mở sẵn, chị đang đợi chúng tôi. Ngôi nhà nhỏ nhưng trong nhà sạch sẽ và ngăn nắp, bếp nhỏ, phòng khách nhỏ, vườn sau nhỏ, bếp bóng láng hình như không nấu ăn nhiều. Tôi hỏi:
– Ai lau chùi bếp cho chị mà sạch quá vậy?
Chị trả lời:
– Mình làm lấy.

Gặp người quen, chuyện cũ được nhắc nhiều nhất, đủ thứ chuyện, chuyện làm việc xã hội ở bệnh viện Vì Dân, thăm bệnh nhân, và nhắc lại những người quen cùng làm việc xã hội với chị bây giờ đã tứ tán khắp nơi và một số người đã vĩnh viễn ra đi.

(Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cùng phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh cắt băng khánh thành bệnh viện Vì Dân do bà vận động quyên tiền từ thiện xây nên.)

Nhìn trước, nhìn sau không thấy bóng dáng của ai. Tôi hỏi:
– Chị ở một mình sao?
– Mình ở một mình Duyên à. Cuối tuần vợ chồng Lộc đem các cháu về thăm, vui lắm.

Chợt thấy bức tranh dựng dựa vào tường, màu sắc sặc sỡ, thêu đã xong mà không đóng vào khung, tôi hỏi chị:
– Nếu chị tin Duyên, Duyên sẽ đem bức tranh này về rồi cho vào khung.
Chị nói với giọng nói nhỏ nhẹ và hiền lành:
– Hồi ở Luân Đôn, ông già (chồng của chị) đi phố mua cho mình một quyển sách dạy thêu, về nhà mình thêu hơn 1 năm, vừa xong thì ông già mất. Mình buồn quá nên không mua khung đóng vào, cứ để thế.

Thế rồi, tôi đem bức tranh đó về nhà, đem đến tiệm cho vào khung. Khi đưa chúng tôi ra cửa, chị còn dặn tới dặn lui:
– Duyên lựa cái khung rẻ rẻ, để mình gởi tiền lại cho Duyên nhé.

(Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh cùng con gái Nguyễn Thị Tuấn Anh và con trai Nguyễn Quang Lộc.)

Khi xe chạy, chị đứng ở sân trước nhìn theo xe cho đến khi xe chúng tôi khuất ở góc đường. Tôi rất cảm động vì đôi mắt chân thành của chị.

Chị là người sùng đạo. Chị đi nhà thờ mỗi ngày, nhà thờ cách nhà chị chừng 200 mét. Về chưa tới nhà, tôi gọi dặn chị:
– Mỗi ngày chị đi nhà thờ, chị nhớ băng qua đường cẩn thận nhé. Tốt nhất đừng đi nhà thờ vào buổi tối, rủi xe chạy không thấy người đi bộ, nếu có chuyện gì xảy ra thì phiền lắm.
Xung quanh nhà chị không có người Việt Nam, chị có vẻ cô độc. Chị thường tâm sự mỗi lần tôi gọi điện thoại hỏi thăm:
– Cuối tuần này chị có đi nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Long Beach có cha Nguyễn Trường Luân làm lễ?
Chị nói:
– Mình thích đi nhà thờ của cha Luân lắm, nhưng bao giờ có anh chị xui (nhạc phụ, nhạc mẫu của Nguyễn Quang Lộc) cho quá giang thì mới đi vì sợ phiền người khác.
Có lần tôi nói:
– Chị cần gì thì cứ gọi Duyên, Duyên sẽ đón chị đi.
– Không làm phiền Duyên.
Chị kể:
– Bao giờ chú Hoàng Đức Nhã đến thăm đều đưa chị đến Bolsa.
Những lần nhắc đến ông Nhã thì giọng nói của chị rất vui.
Chị kể tôi nghe những chuyện ngày xưa nho nhỏ, vui vui:
– Duyên ơi, có việc nho nhỏ mình mơ ước mà không thực hiện được. Hồi đó, mình đứng trên lầu của dinh Độc Lập, nhìn thấy nhà thờ Đức Bà, muốn đi nhà thờ Đức Bà mà không đi được. Một hôm, mình mặc áo bà ba, đội nón lá, mình đi bằng cổng sau, trong lòng rất vui vì sẽ được đi nhà thờ một mình, nhưng đi chừng vài trăm thước thì nghe tiếng tu huýt thổi lên, một đại đội lính vây xung quanh mình.
Đại đội trưởng nói:
– Bà ơi, bà ơi, bà làm ơn đi vào nhà, nếu không tụi con ở tù hết.
Thế rồi mơ ước đi nhà thờ Đức Bà một mình cũng không thực hiện được.
Phu quân của chị nói:
– Lính làm việc cho chính phủ chứ không phải bảo vệ cho bà đi nhà thờ. Ở trong dinh Độc Lập có linh mục làm lễ cuối tuần.

Có nhiều chuyện chị kể tôi nghe, tôi thấy làm vợ của người quyền cao chức trọng sao khổ quá?

Gia đình chị định cư ở Luân Đôn vì có con học ở Anh, sau đó định cư ở Mỹ. Chị nói gia đình chị sống ở Boston lặng lẽ lắm, hàng xóm không biết phu quân chị là ai cho đến khi phu quân chị qua đời. Đài truyền hình, đài phát thanh và báo Mỹ đến làm phóng sự, họ mới biết.

Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (1923- 2001)

Ở miền Nam California, mỗi lần đồng hương tổ chức giỗ phu quân chị, lúc nào cũng có sự hiện diện của chị. Bao giờ chị cũng đến trước giờ, Lộc chở chị đi đến nơi hành lễ. Lộc giống bố thật. Có lần tổ chức ở chùa Bát Nhã, đường First thành phố Santa Ana, chị đến rất sớm, đông người đến chỗ chị ngồi hỏi thăm, chị vui vẻ tiếp chuyện từng người. Chị hạnh phúc khi có nhiều người còn nhớ đến phu quân của chị.

Khi rời Dana Point, chị mướn một condo ở gần đại học UCI, hàng tuần cha Vũ Thế Toàn đến đưa chị đi nhà thờ. Chị rất mộ đạo, chị đi lễ nhà thờ thường xuyên.

Chị kể về nhân duyên của mình, khi chị đưa anh của chị ra phi trường để du học ở Pháp, chị đã gặp bạn của anh chị. Mấy tháng sau, bạn của anh chị, lúc đó là Trung Úy, viết thư về nói với chị đợi anh ấy về sẽ cưới chị. Chị cũng ngạc nhiên nhưng rất cảm động.

(Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh trong ngày thành hôn vào năm 1951. Năm 1958, Tổng Thống Thiệu rửa tội theo đạo Công Giáo)

Chị thường kể cho tôi nghe những chuyện nho nhỏ như ăn trộm vào nhà chị ở Irvine trong lúc chị đi nhà thờ và cháu của chị đi làm. Chị kể một cách bình tĩnh:
– Nhà chị đâu có gì quý giá để lấy, ăn trộm chỉ lấy mấy thứ để trên bàn thờ.

Chị hay kể cho tôi nghe về gia đình Lộc và cô con gái ở Boston. Chị nói chị lớn tuổi vẫn còn thích lái xe. Ở Boston, chị tự lái xe đi nhà thờ, không muốn làm phiền các con. Một hôm chị đợi con gái tới rồi chị bị ngất xỉu, nếu con gái đến chậm một chút thì chị qua đời, nhưng con gái đến kịp đưa chị vào nhà thương. Chị thường đi nhà thờ cầu nguyện cho gia đình và người thân. Chị kể về con trai của Lộc giống hệt ông nội, chị cưng cháu nội này nhiều nhất. Chị là người Mỹ Tho. Mỹ Tho với trái ngọt cây lành cho nên chị cũng hiền lành như cây trái Mỹ Tho vậy.

Chị thường nhắc với tôi về cha Vũ Thế Toàn. Chị nói cha Toàn giúp chị nhiều lắm. Cha Toàn tốt lắm. Cuối tuần cha làm lễ ở nhà thờ UCI, cha thường dừng trước nhà đón chị đến nhà thờ. Mỗi lần nói chuyện với chị qua điện thoại, gặp chị ở nhà thờ, thăm chị ở nhà của chị, chị đều kể cho tôi nghe về cha Toàn một cách trang trọng và biết ơn. Tôi nghe chuyện rồi thôi, lúc đó tôi không hỏi họ tên của cha Toàn, bây giờ khi chị về với Chúa, tôi nhớ lại những chuyện chị kể, tôi muốn liên lạc với cha Toàn để biết thêm về chị. Ở Orange County có hơn 50 linh mục, tôi không biết tìm cha ở đâu? May mắn, tôi nhớ đến ông bà cố Quân- Yến có con trai là linh mục Martin. Tôi gọi điện thoại cho Yến và hỏi:
– Yến ơi, Yến nhớ có khi nào cha Toàn kể cho Yến nghe về phu nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không?
Giọng nói của Yến trẻ, ca hát hay, trí nhớ rất tốt, Yến nói ngay:
– Đúng, em đi lễ ở nhà thờ Irvine, cha Toàn giới thiệu phu nhân Tổng Thống Thiệu với chúng em. Bà cũng đi nhà thờ của cha Toàn.
– Em còn nhớ gì lúc em gặp phu nhân của Tổng Thống Thiệu không?
– Bà Thiệu rất lặng lẽ, âm thầm, không muốn người ta biết mình nhiều.

Sở dĩ tôi phải hỏi thật kỹ vì viết về một linh mục mà viết sai họ tên thì phiền lắm, là điên cái đầu, vì sẽ có nhiều người gọi lại phiền trách. Tôi gặp cha Toàn ở nhà dì sáu khi Khâm Sai sứ thần tòa thánh Vatican Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt về thăm dì, nhà ở Westminster, lúc đó tôi có gặp cha Vũ Thế Toàn, được giới thiệu làm ở nhà thờ Irvine, làm việc cho giới trẻ. Tôi cũng được ông bà cụ cố Quân- Yến đưa đi nhà thờ đẹp này một lần, mà tôi đã viết một bài phóng sự về sinh hoạt của nhà thờ hôm đó.

Khi liên lạc được cha Vũ Thế Toàn, tôi hỏi cha về những điều gì cha nhớ về phu nhân của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Cha nói:
– Bà là người phúc hậu, không thù hằn ai, không để trong lòng, mặc dù có những lúc bà rất khổ. Bà sống âm thầm, trầm lặng, thương các con, thương hết lòng, làm việc xã hội và đi nhà thờ.

Khi hai ông bà sang Fatima thỉnh bức tượng Đức Mẹ về, bức tượng cao nửa mét, đi đâu bà cũng đem bức tượng này theo. Mỗi ngày bà cầu nguyện trước Đức Mẹ Fatima, phu nhân rất mộ đạo, cầu nguyện thường xuyên.
– Thưa cha, bà Thiệu có nói nói với chúng tôi hàng tuần cha cho đi nhờ xe đến nhà thờ khi bà ở Irvine?
– Đúng rồi, bao giờ tôi cũng đến nhà thờ trước giờ lễ, tôi đến đón bà, thật ra tôi không biết phu nhân trước đây. Một hôm sau khi xong lễ, bà đến gặp tôi vì bà biết tôi là người Việt Nam, từ đó chúng tôi quen nhau. Bà đi lễ hàng tuần ở nhà thờ mà hôm trước chị đến đó.
– Trong nhiều lần bà Thiệu đi lễ nhà thờ của cha và cha giúp bà cũng nhiều, chắc cha có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
Linh mục Vũ Thế Toàn trả lời ngay không một chút do dự:
– Phu nhân là người ý tứ, nhân hậu, can đảm, hy sinh cho chồng con, không tham gia vào chính trị, chỉ thích làm việc xã hội. Tôi nhớ tôi đưa bà đi xem mộ, mua đất, bà đi một vòng, sau đó bà chọn một nơi yên nghĩ rất đẹp, nhìn vào nhà thờ. Đất này đã có người mua nhưng sau đó họ đổi ý định nên bà may mắn mua được. Bà rất ưng ý miếng đất này để làm nơi an nghỉ cuối cùng.

Linh mục Vũ Thế Toàn cũng cho biết thêm cha âm thầm dâng lễ cho bà vì cha là cha linh hướng của bà. Nhiều đồng hương đang cầu nguyện cho phu nhân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bà sẽ được an nghỉ trong một ngôi mộ rất đẹp nhìn vào nhà thờ Orange County.

Cha Toàn cũng kể cho tôi nghe về phu nhân, về chị vú nuôi cậu con trai út là Nguyễn Thiệu Long, người đạo Cao Đài, phu nhân thương chị này lắm. Khi sang Mỹ vẫn ở chung nhà, chị này không lập gia đình. Gia đình phu nhân và cậu con út thương chị vú lắm.

Chị cũng thường nhắc với tôi về cha Nguyễn Trường Luân, cha chữa bệnh cho nhiều người. Có lần chị bị té, thời gian đó chị không đi nhà thờ Chúa Cứu Thế chị rất buồn. Một lần chị nói với tôi, tuần tới chị sẽ đi nhà thờ Chúa Cứu Thế, tôi nói để tôi đón chị, chị nói cảm ơn vì có cháu của chị ở San Diego đón chị.
Khi gặp chị ở nhà thờ, chị chỉ vào đầu gối của chị và nói:
– Đầu gối của mình sau khi té bước đi vẫn còn đau lắm.
Tôi nói tôi sẽ cầu nguyện cho chị. Vì tôi không phải là bác sĩ nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo nên chỉ biết cầu nguyện mà thôi.

Linh mục Anthony Đào thì cho rằng phu nhân của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có công giúp cho ông Thiệu trở lại đạo Công Giáo, sống theo tin mừng, trong thời gian ông làm Tổng Thống cũng như sau này sống ở Boston, ông vẫn giữ đạo, thế là đủ rồi.

Linh mục Phạm Ngọc Tuấn, nhà thờ Saint Barbara, Santa Ana nói:
– Bà Thiệu là người phụ nữ gương mẫu, tôi rất phục dù tôi chỉ gặp bà trong buổi lễ ở nhà thờ và một bữa cơm. Bà không nói nhiều, im lặng nhiều hơn nói. Bà là người Công Giáo tốt, bà hiền lành và điềm đạm.

Chị thường nhắc với tôi về chú Hoàng Đức Nhã. Hoàng Đức Nhã là em bà con của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông là Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi (từ tháng 4/1973). Dù ở xa nhưng mỗi lần đến California họp hội, chú Nhã đều ghé thăm chị, và hay ghé Bolsa mua cho chị khô bò ướp nước tương, món chị yêu thích.

Chị cũng kể về những ngày sống ở Đài Loan, nơi anh chồng của chị là ông Nguyễn Văn Kiểu, là đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa ở đó. Tôi cũng đã từng được đại sứ Nguyễn Văn Kiểu đón tiếp khi phái đoàn của bộ Chiêu Hồi thăm viếng Đài Loan năm 1967 một cách nồng nhiệt, và mời chúng tôi ăn cơm tối ở tòa đại sứ. Chúng tôi được nghe thuyết trình về tình hình chính trị ở Đài Loan, cũng như chính phủ Đài Loan giúp cho Việt Nam Cộng Hòa về quân sự, kinh tế, v.v.

(Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân Christine Nguyễn Thị Mai Anh)

Người phụ nữ hiền lành mà tôi đã gặp vừa về với Chúa là phu nhân của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (1923- 2001). Quý danh của chị là Christine Nguyễn Thị Mai Anh, chị thường kể mối tình đẹp của chị với Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu là lúc chị tiễn người anh sang Pháp du học. Lúc đó chị gặp Trung Úy Thiệu ở phi trường mà sau này thành duyên vợ chồng. Chị có 3 người con: con gái Nguyễn Thị Tuấn Anh, 2 con trai là Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thiệu Long. Chị có một cô con gái nuôi đang làm việc ở Hồng Kông.

Ở Việt Nam, tôi cũng đã phỏng vấn đệ nhất phu nhân này nhiều lần cho nhật báo Hòa Bình trong lúc thăm bệnh viện Vì Dân và thăm phái đoàn của chị viếng bệnh viện ở Thủ Đức, thăm những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến từ chiến trường trở về bằng băng ca, nhưng không nói chuyện nhiều bằng khi định cư ở California trong những ngày lưu vong. Chúng tôi ngồi ăn cơm chung rất thoải mái, trong cuộc đàm thoại nào cũng vui, có tiếng cười. Chị cho tôi xem một số hình của gia đình chị, hình ảnh trắng đen, lúc đó cô con gái đầu lòng nhỏ xíu, cô con gái nuôi, Lộc, cháu nội đi chập chững, anh chị xui gia cựu Thiếu Tá Không Quân Lục Sĩ Đức. Rất tiếc tôi đã xơi cơm của chị mà tôi chưa từng mời chị một lần. Gặp nhau ở nhà thờ Chúa Cứu Thế, Long Beach rồi ai về nhà nấy, vì vào buổi tối, đường thì xa nên tôi không làm phiền chị.

Tiến sĩ Hải Nguyễn, đang làm việc ở đại học Harvard, nhờ tôi xin dùm một cái hẹn để Hải Nguyễn và phái đoàn của trường đến phỏng vấn chị. Tôi nói với Hải bao giờ tìm được chị, nếu chị nhận lời thì tôi sẽ cho Hải hay, nhưng ngày giỗ của phu quân chị vừa qua chị không đến, tôi biết sức khỏe của chị không tốt. Mấy ngày sau, tôi được tin chị qua đời. Tôi cầu nguyện cho chị, cầu nguyện rất chân thành, xin Chúa cho chị về nước Chúa. Chị là người mộ đạo, cầu nguyện mỗi ngày. Vào nhà thờ bao giờ chị cũng quỳ dù đầu gối của chị không tốt.

Một phụ nữ đôn hậu, đoan trang, ý tứ, mộ đạo, suốt đời làm việc từ thiện, ai cũng có nỗi buồn riêng mình nhưng riêng đệ nhất phu nhân này không nói cho ai nghe. Tôi được gặp chị nhiều lần nhưng chỉ được nghe những chuyện vui vẻ về con gái, con trai, con gái nuôi và cháu nội. Không bao giờ tôi nghe chị kể chuyện buồn mà ở đời này nỗi buồn nhiều lắm.

Chị qua đời ngày 15/10/2021 tại San Diego, hưởng thọ 91 tuổi.

Chị đem nụ cười hiền lành của chị gặp lại chồng, và được hưởng nhan Thánh Chúa. Xin chúc chị hạnh phúc ở cõi Thiên Đàng. Xin Chúa đưa vị phu nhân phúc hậu này về nước Chúa và cầu xin cho gia đình ở lại bình yên.

Orange County, 25/10/2021
Kiều Mỹ Duyên

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Ảo Ảnh - Sáng Tác: Y Vân - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng


Sáng Tác: Y Vân
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng

Thời Mơ Mộng

 

Qua rồi, một thời mộng mơ,
Tuổi học trò, giấy trắng nở hoa.
Phiếm lòng, cuồn cuộn thiết tha,
Trống tan giờ học, bôn ba kiếm tìm.

Công viên ngơ ngác, ngóng nhìn,
Cổng trường nhón đợi, bóng hình người thương.
Kè theo vành nón nghiêng nghiêng.
Như ong say mật, bướm vàng lượn quanh.

Vườn em hoa huệ, hoa hồng,
Có cây khế ngọt, có hàng mía lau.
Thập thò nhìn trước, ngó sau,
Đạp xe theo gót, vỉa hè, công viên.

Thấy em liếc trộm, nhìn nghiêng,
Hồn anh ngây ngất, tưởng chừng vỡ tung.
Vào lớp học, cứ mơ màng
Tiếng Thầy giảng dạy, thấy hình của em.

Trăng lùa khung cửa, gió thoảng hương mềm,
Sách đèn ngớ ngẩn, tâm hồn ngẩn ngơ.
Trên trang giấy trắng lệ mờ,
Hình em là những vần thơ u buồn!

Tô Đình Đài
Huế 1958

Biển


Biển

Những bước chân khua ánh mặt trời
Buồm căng theo gió vượt trùng khơi
Tử địa xua người ra hải lộ
Bến bờ thấp thoả ng áng mây trôi
Biển dậy phong ba tiếng thét gào
Bập bềnh thuyền giữa cõi trăng sao
Biển cuốn em lên đầu ngọn sóng
Biển lùa mẹ xuống đáy vực sâu

Núi và sông

Núi vẫn âm thầm ôm bóng mây
Sông soi bàng bạc ánh trăng gầy
Núi sông đôi bóng hình chung thủy
Mây cùng trăng từ đâu tới đây
Sáng núi ngân vang khúc dặm đường
Chiều sông đồ ng vọng tiếng quê hương
Ai đem ta đến sông cùng núi
Tình lụy nhau rồi chẳng thể buông

Phong Châu

Tha Hương Áo Lạnh Tuyết Sương


Tha hương áo lạnh tuyết sương
Thăng trầm dâu bể vô thường tình ca
Xác xơ ngơ ngác xót xa
Thương cây nhớ cội khổ qua kinh cầu

Quê xưa nhà cũ còn đâu
Khói mây nước mắt mưa ngâu nghẹn ngào
Ngày đêm thơ thẩn khát khao
Câu hò điệu hát chiêm bao chờ hoài

Xuân sầu tóc rụng đắng cay
Gượng cười gượng nói gượng say gượng chờ
Mắt xanh má đỏ môi thơ
Hẹn hò chung bóng hoa mơ bướm vòng

Còn trong kỷ niệm tiên bồng
Vụng tu vô phước hư không đoạn trường
Nhắc chi trăm nhớ ngàn thương
Ngày nào chung lớp chung trường tương tư

Bướm hàn sĩ hoa tiểu thư
Nhịp tim đèn sách hương dư hẹn hò
Học thương học yêu học cho
Em ơi thơ mộng học trò anh ơi...

MD.02/28/25
LuânTâm

Tình Yêu Ở Tuổi Rất Già

Tờ báo trong làng già nơi tôi cư ngụ có đủ mục rao vặt tìm người đồng sở thích để vui chơi. Đọc sách, đánh cờ, đi bộ, nấu ăn chay, xem phim ngoại quốc, đạp xe đạp đôi, v.v. Tuy nhiên không thấy có mục “Tìm Bạn Bốn Phương”. Không biết có phải đó là chủ trương của làng già này hay không. Có thể họ không dám cho phép mục này, sợ có nhiều điều phức tộp chăng. Tưởng tượng có ông cụ hay bà cụ nào đăng báo đại khái ”Nam (hay nữ) độc thân 79 tuổi, không vướng bận con cái, cuộc đời trải qua nhiều buồn hơn vui nên đến nay vẫn ôm ấp trái tim cô quạnh, xấu đẹp tùy người đối diện, muốn tìm bạn trai/gái như thế này thế này…” hẳn là vui nhỉ. Ở tuổi gần thượng thọ mà tìm bạn tri âm thì thay vì yêu cầu gửi ảnh 4x6, chắc có lẽ xin giấy chứng nhận sức khỏe của bác sĩ gia đình lại tốt hơn chăng?

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong bài phiếm « Tôi nhìn ra tôi » có ta thán về cái già sồng sộc đã đến với mình, và ông tẩn mẩn phân tích diễn biến từ « già » tiến dần đến « già khú » (chắc là hư thúi như dưa khú ?), rồi ngất ngưởng leo lên bậc « già khú đế » (hàng vương tước của già khú?) Tuy nhiên người ta có câu « tình yêu không có tuổi ». Thế nên dù là già, già khú, hay già khú đế, các cụ vẫn bị thần tình yêu Cupid bắn tên ngay chóc trúng tim, từ chết ngắc đến bị thương nằm la liệt trên chiến trường.

Đến tuổi gần đất xa trời thì hình như các cụ ông lịch sự rút lui đi theo ông bà trước, không ở lại chật đất. Tỷ lệ trong làng già của tôi là 8 bà 2 ông. Được cái các cụ bà tính tình thân thiện cởi mở nên hay đánh bạn với nhau, đi uống trà, xem hát trong khuôn viên, ngày trời ấm áp kéo ghế ra sân ngoài sân ngồi vòng quanh 8 chuyện trên trời dưới đất. Các ông tính khắc kỷ hay nhút nhát nên không thoải mái giao thiệp bên ngoài, nếu còn sống một mình thì thường đóng cửa im ỉm ngồi nhà xem TV. Nhiều hôm đi xem hát hay dự các sinh hoạt picnic, văn nghệ, hội thảo trong làng già, tôi có thể « trông mặt mà bắt hình dong » ra ngay cặp nào mới kết hợp. Họ tỏ vẻ quyến luyến nhau ra mặt trước công chúng, ngồi rúc vào nhau trong rạp hát, chăm sóc nhau trong nhà hàng như đôi uyên ương. Những cặp vợ chồng lâu ngày, nhất là vợ chồng già, thì… nhìn biết liền. Vợ chồng già bất cần nhau ra mặt, ai có thân nấy lo. Và tôi nhận xét « tinh tế» thêm (hay thành kiến riêng) rằng các bà đang cặp bồ đúng là trau chuốt thanh lịch hơn những bà cụ « ế ». Các bà ế ăn mặc tuềnh tòang, mặt mày không trang điểm, tóc tai không vén khéo, để lộ rõ nét nhăn nhó bèo nhèo không khỏe mạnh của mình. (Gọi lén là các bà ế, họ nghe được chắc chửi tắt bếp). Họ đã qua một đời phục dịch rồi, ngán tới cổ rồi, giờ thì đường góa phụ thênh thang cuốc bộ/nợ chồng con trang trắng vỗ tay reo, chẳng việc gì phải trau chuốt để mê hoặc quyến rũ ai.

Chuyện bồ bịch ở tuổi 70, 80, 90 là lựa chọn của mỗi người, thích thì đánh bạn, không thích thì sống một mình. Ngày xưa còn trẻ khi tôi nghe ai ở tuổi 60-70-80 mà còn kết bạn là tôi rùng vai « í ẹ » liền. Ai lại làm thế ? Kỳ chết ! Tôi còn nhớ hoài câu chuyện của một bà cụ « đầu đội thúng bông » là hàng xóm của một cô bạn ngày xưa. Bà phải lòng một ông cụ cũng đầu đội thúng bông cùng xóm. Bà say sưa khoe với bác gái mẹ của bạn tôi : « Này, ông ấy tài giỏi lắm đấy nhé ! Biết cả « dô ga » nữa đấy. Dưng mà, tuần này ông ấy bị cảm nên ga nó yếu đi. » Úi giời, tôi và đứa bạn lăn ra cười ngặt nghẽo khi bác thuật lại câu chuyện ! Từ đó về sau mỗi lần bàn về những chàng đang tán tỉnh mình, chúng tôi hay nháy mắt hỏi nhau : « Thế chàng có biết yoga không ? » rồi ôm nhau cười nghiêng ngả.

Ấy vậy mà hôm rồi trong làng già này có cụ ông 70 tuổi ngỏ lời cầu hôn với cụ bà 70. Cả hai hoan hỷ ký bản án chung thân bắt đầu từ đây. Ở tuổi này thì bản án chung thân chắc cũng không dài lâu, mà lỡ có cơm không lành canh không ngọt thì vẫn có thể xin… khoan hồng giảm án ! Thì cũng chính mắt tôi chứng kiến cảnh đập vỡ tổ ấm rồi chia tay ở tuổi rất già. Ông 78 và bà kém vài tuổi tách hộ, bán căn nhà chung ở bên ngoài làng già rồi mỗi người vào đây mua một căn hộ riêng, tự sống một mình. Làng già này có đến 6 nghìn căn hộ, ai có tiền cứ vào mua một căn mà ở, việc gì phải tránh mặt nhau. Hỏi tại sao lại chia tay thế thì ông bảo: « Cứ cãi nhau tối ngày không chịu nổi ! »

Lại có những chuyện thật ngoài đời tưởng như trong tiểu thuyết vậy. Hôm nọ tôi đi dã ngoại (hiking) với một nhóm trong làng già. Bạn đồng hành hôm đó là một phụ nữ cỡ bằng tuổi tôi, tức là không còn trẻ nữa. Hỏi bà ở xóm nào trong này thì bà bảo vẫn ở bên ngoài, nhưng có mẹ trong làng già nên bà hay vào thăm viếng và nấu thức ăn mang vào cho mẹ. Nghe kể mẹ bà năm nay đã 92 tuổi, tôi tròn mắt hỏi cụ cao tuổi thế mà vẫn tự lo lấy được mọi việc và vẫn sống một mình à. À không, cụ bà có một “người bạn trai” 96 tuổi bầu bạn với bà. Ông cụ ở tầng trên trong cùng cao ốc, bà cụ ở tầng dưới. Tôi hỏi tiếp thế hai người đã « dan díu » với nhau được bao lâu rồi. Hai cụ đã bầu bạn được 9 năm nay. Hai cụ ông cụ bà hủ hỉ với nhau, nửa tuần đầu nàng theo chàng dìa dinh của chàng ở tầng trên, nửa tuần sau chàng theo nàng xuống tầng dưới ngự dinh của nàng. Hai người để mắt trông nom nhau nên con cháu cũng yên tâm và không phải chạy đến thường xuyên. Thật là thú vị và hiếm có!

Một cô bạn của tôi kể cho nghe một chuyện tình già của hai cụ người Việt ở Cali. Ông góa vợ và bà góa chồng ở gần nhau, làm quen, đi lại, rồi góp gạo thổi cơm chung. Con cái hai bên cũng ok vì chúng khỏi mất công lui tới chăm nom mỗi ngày. Thế rồi một hôm bà ngã, ông với theo đỡ nhưng không nổi, rồi cũng sụm xuống ngã lên người bà luôn. Bà phải nằm viện và mất sức hẳn. Hình như người già ngã té là bước đầu của giai đoạn suy sụp, đi xuống toàn diện trước khi xuống…lỗ. Tuy nhiên con cái hai bên cay cú "vào trận" xỉ vả nhau: "Bố mày đè mẹ tao!" Chuyện tình già khú đế đành đứt phin, mỗi bên lãnh "trẻ già" của mình về xử lý, không biết nuôi tại nhà hay đưa vào dưỡng lão!

Lúc trước con cái người Việt hay canh giữ bà mẹ góa hay mẹ đơn thân của mình như canh tù, nằng nặc không cho kết bạn mới, không cho làm điều gì « tai tiếng ». Nay đến tuổi cũng không còn trẻ nữa, tôi mới thấy có gì là không hay không phải đâu nào ? Bây giờ nghe nói con cái người Việt cũng đã rất thông cảm chuyện bố hay mẹ mình kết bạn trong cảnh đơn chiếc. Có hai người để mắt trông nhau, chúng khỏi phải lo ngay ngáy canh chừng ngày đêm. Tuy nhiên khi được bạn bè gửi cho xem clip các cụ U80, U90, U100 mà còn đánh ghen lồng lộn, cào cấu, xé quần xé áo nhau tả tơi trên mạng (tại Trung quốc) thì thiệt tình…hết biết nói sao!

Thế mới biết tình yêu ở tuổi rất già cũng gây rung động mãnh liệt, cũng tạo sầu khổ chết người đấy. Tôi có một bà bạn ngoài 80 ở cuối khu, mình ở thôn Đoài còn bà ở thôn Đông. Hằng ngày đi bộ một vòng quanh khu độ hơn 3 dặm, đôi khi nhọc mệt tôi bèn ghé vào nhà bà ngồi nghỉ ngơi, 8 dăm ba câu chuyện. Một hôm bà kể cho tôi nghe bà được một ông bạn mời đi ăn tối. Ngày xưa vợ chồng bà là bạn với vợ chồng ông ấy. Bây giờ một bên góa vợ, một bên góa chồng, có thể ráp thành cặp đôi hoàn hảo rồi còn gì. Bà kể tôi nghe mà đỏ mặt, cười hi hí như gái mới lớn, lại bối rối cho biết hai người ngồi ăn ở tiệm pizza ngoài cổng làng già thì bị vài người quen biết « bắt gặp », thật là xấu hổ quá ! Tôi cứ cười thầm cho cái tính cả nghĩ của bà. Nhằm nhò gì đâu nà ! Tháng sau lại ghé qua nhà bà, hỏi thăm về « quan hệ mới», thì bà tiu nghỉu, dằn giọng cho biết rằng chuyện cuối cùng chẳng có gì mà ầm ĩ. Thì ra « chàng » đang thất tình một quả phụ khác duyên dáng thanh lịch, trải đời, đầy sức hấp dẫn. Chàng bán nhà ở tiểu bang miền Bắc dọn về đây, đi du lịch vài chuyến Âu Á với nàng, rồi bị nàng thẳng thắn cho biết là chàng không xứng cơ với nàng. Thế là tìm bà bạn tôi trút bầu tâm sự, kể lể hết lần này sang lần khác vẫn không nguôi. « Uống hết cả bia trong tủ lạnh của tôi ! » Bà bạn hằn học cho biết. Theo thần thoại Hy lạp thì vị thần tình yêu Cupid là một đứa trẻ, nhắm mắt giương cung bắn lung tung, trúng ai nấy chịu. « Bé thần » này thật là tinh quái, con người ta ngần tuổi ấy mà vẫn không tha, bắn cho mũi tên chí mạng!

Sự sắp xếp cho tổ uyên ương già cũng khác với thời trẻ. Tuổi thanh niên thì chung tay xây đắp « một mái lều tranh hai quả tim vàng ». Đến tuổi trung niên, nếu đã lỡ dở một lần, đánh bạn với nhau kiểu « rổ rá rách cạp lại », thì câu hỏi sẽ là : « Nhà anh hay nhà em ? » Ở tuổi già khú, hay già khú đế, thì chẳng cần hỏi han bàn tán gì sất. Cứ nhà ai nấy ở, gặp nhau đi ăn chơi, giải trí, du lịch thỏa thích, sau đó mỗi người tự hồi gia. Hai người đến với nhau vì những quyền lợi vui thú như thế. Còn trách nhiệm bổn phận trong một hôn nhân truyền thống như hầu hạ, chăm sóc, nấu ăn, giặt giũ, lau dọn, v.v. thì xin miễn vì lý do tuổi tác. Một đàn chị trong hội ái hữu trường tôi một hôm báo cho tôi biết một khám phá mới : « Thúy ơi ! Bà XXX dọn sang Cali để ở gần con nay đã có bồ rồi ! Mà cái mốt ở Cali bây giờ là mạnh ai ở nhà nấy, bao giờ đi chơi thì ráp lại thôi ! » Tôi bật cười : « Chị ơi, mốt này ở đâu cũng vậy, cứ gì Cali!»

Tuy nhiên, ngay cả những người mạnh dạn ký vào « bản án chung thân » ở tuổi không còn trẻ nữa cũng phải lo thủ thân, phòng ngừa « hậu hoạn ». Thường là có một « hợp đồng tiền hợp cẩn » (prenuptial agreement) long trọng thảo ra và ký kết trước khi bút sa gà chết vào giấy hôn thú. Loại hợp đồng này trước kia chỉ được thực hiện cho những đại gia, để ngừa cảnh tình nhân nhí dụ hoặc cụ già rồi túm trọn tài sản khi cụ qua đời. Có thể bản hợp đồng sẽ đòi hỏi người vợ trẻ ký cam kết chỉ được hưởng vài chục triệu gì đó trong tài sản mấy trăm tỷ của ông, hay phải ở với nhau được 10, 15, 20 năm mới được chia gia tài, v.v. Thượng vàng hạ cám, bản hợp đồng sẽ ghi rõ điều khoản thỏa thuận, tùy hai bên tự dàn xếp hay được luật sư vấn kế. Đối với trường hợp hai cụ có tài sản khiêm tốn về với nhau thì thường chỉ ghi rõ phần ai nấy giữ, đến cuối đời thì truyền lại cho con cháu riêng của mình.

Ở tuổi nào cũng vậy, đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn, tùy duyên tùy nghiệp của mỗi người, hay tùy hên xui may rủi. Giày dép còn có số mà, đành phó mặc cho số mệnh thôi !


Thúy Messegee
2/2025

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

Bây Giờ -Thơ: Phong Tâm - Nhạc: Nguyễn Văn Thơ


Thơ: Phong Tâm
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ

Vắng Xa


(Thuận nghịch độc)

Thuận:

Sân vắng cảnh buồn mãi thế thôi
Khói loang chiều lạnh phố xa rồi
Gần hoa bướm đợi mùa xanh lá
Cận ngõ em sầu mộng đắng môi
Thân xác mỏi mòn đêm ngả bóng
Gió trăng hờ hững tối nghiêng đồi
Vần xoay cuộc thế , tình thay đổi
Ngân vọng tiếng đàn điệu nổi trôi ...

Nghịch:

Trôi nổi điệu đàn tiếng vọng ngân
Đổi thay tình thế , cuộc xoay vần
Đồi nghiêng tối hững hờ trăng gió
Bóng ngả đêm mòn mỏi xác thân
Môi đắng mộng sầu em ngõ cận
Lá xanh mùa đợi bướm hoa gần
Rồi xa phố lạnh chiều loang khói
Thôi thế mãi buồn cảnh vắng sân ./.

LCT
18/O3/2O25

Hoàng Hạc Cám Cảnh

 

Bể dâu có phải cơ trời
Lầu hoang vắng ngắt cả đời vẩn vơ
Mong chi hoàng hạc mà chờ
Đành thôi mây trắng lững lờ trôi trôi

Xót thương phần số dập vùi
Lấy ai san sẻ ngùi ngùi tương thân
Trái ngang âu chỉ một lần
Thân dòn phận mỏng đến ngần ấy sao

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Tính chi đến chuyện cơ trời
Lầu cao chi phải cuộc đời vẩn vơ
Còn đâu hoàng hạc Em chờ?
Mong chi hoa gấm lập lờ mãi trôi!

Đừng lo thân phận dâp vùi
Trên đời lắm kẻ ngậm ngùi đỡ thân
Mới vừa vấp ngã một lần
Cam tâm bỏ cuộc đến ngần ấy sao?

Hàn Thiên Lương

Thành Ngữ Điển Tích: Va, Vặc, Vách, Ván, Vàng

Thành môn thất hỏa...

VẠ LÂY CHÁY THÀNH là thành ngữ có xuất xứ nói lên sự liên can lý thú như sau :

* Theo〈Hịch Lương Văn 檄梁文〉cua Đỗ Bậc 杜弼 đời Bắc Tề ghi chép :「Sở quốc vong viên, họa diên lâm mộc; Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư 楚國亡猿,禍延林木;城門失火,殃及池魚。」Có nghĩa : "Nước Sở mất vượn, Tai họa đến rừng cây gần đó; Cửa thành bị cháy, Tai ương đến cá ở trong ao cạnh thành" Tại sao ?! Vì vượn sống trong rừng cây, nên mất vượn thì nghi là vượn đã trốn vào rừng cây, bèn ra lệnh đốn hết rừng cây để tìm vượn. Còn cửa thành bị cháy thì phải lấy nước ở các ao gần đó để chửa cháy, nước bị lấy hết thì cá trong ao sẽ... chết. Rừng cây bị đốn vì mất vượn; Cá bị chết vì hết nước do cửa thành bị cháy... đều là những tai họa mà trước đó không ai lường trước được cả ! Trong văn học gọi là bị "Họa Lây". Giới bình dân thì gọi là bị "họa lan can", bị "văng miểng"...
Trong Thiên Nam Ngữ Lục 天南語錄, tác phẩm thơ Nôm dài nhất Lịch sử theo thể lục bát của thời Hậu Lê, đoạn nói về Trai Sò Tương Tranh có câu :

LỬA THÀNH AO CÁ đẩy xô,
Nếu trai mà mắc thì cò không ăn.

Còn trong truyện thơ Nôm "Trê Cóc" thì gọi là VẠ LÂY CHÁY THÀNH :

Đèn trời soi xét gian ngay,
Lẽ đâu ao cá VẠ LÂY CHÁY THÀNH!


VẠC CẢ: là cái ĐĨNH lớn. Vào đời thượng cổ Trung Hoa, tương truyền vua Vũ nhà Hạ chia thiên hạ làm chín Châu (Cửu Châu). Đó là : Dương Châu 揚州, Kinh Châu 荆州, Lương Châu 梁州, Từ Châu 徐州, Dự Châu 豫州, Ung Châu 雍州, Thanh Châu 青州, Đoái Châu 兖州 và Ký Châu 冀州. Rồi ra lệnh cho các Châu phải nộp đồng xanh để đúc thành chín cái đĩnh lớn (Cửu Đĩnh 九鼎) tượng trưng cho chín Châu; trên các đĩnh có khắc núi sông, sản vật, dân cư và số thuế mà các Châu phải cống nạp, để tượng trưng cho uy quyền của thiên tử. Ở nước ta, vua Minh Mệnh lúc hùng mạnh nhất cũng cho đúc chín cái Đĩnh lớn để ở triều đình Huế.
Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) gọi là CHÍN VẠC để chỉ ngôi vua và uy quyền cũng như cơ nghiệp của nhà vua :

Giữa trời chúa thánh nối ngôi càn,
CHÍN VẠC xây nền vững thái bàn.


Còn trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì gọi là VẠC CẢ :
Thế mà VẠC CẢ duy-trì ,
Bởi tiên-liệt-thánh Nam-Kỳ Nối ngôi.

VẠC MAI: VẠC là cái Chảo lớn; MAI là trái MƠ, miền Nam gọi là trái ME. Nên VẠC MAI là Cái chảo lớn để nấu canh chua. Theo sách Thượng Thư quyển mười《尚書》卷十〈Thương Thư . Thuyết mệnh hạ 商書·說命下〉: Vua Cao Tông Võ Đinh đời nhà Thương 商高宗武丁 nói về Tể Tướng Phó Duyệt 傅說(1335-1246 trước Công Nguyên) :"Nếu nấu canh chua thì ngươi là người biết điều phối giữa muối và me cho canh được ngon hơn". Ý nói : Phó Duyệt biết điều hòa chính sự, khiến cho mọi việc được tốt lành hơn. Quả nhiên, Phó Duyệt đã giúp vua Thương an bang trị quốc, tạo nên thời huy hoàng thịnh thế mà sử gọi là thời kỳ “Võ Đinh Trung Hưng 武丁中興”.
Cho nên VẠC MAI dùng để chỉ quan Tể Tướng có tài. Trong truyện thơ Nôm "Mai Đình Mộng Ký 梅亭夢記" của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 có câu :

Đền Thương cùng nếm VẠC MAI,
Cũng trong Y Phó, cũng ngoài Tôn Ngô.

Tích Phó Duyệt và Mai Đình Mộng Ký

VÁCH QUẾ : Theo sách Hán Thư 漢書 và Nam Bộ Yên Hoa Ký 南部烟花記 thì Hán Vũ Đế và Trần Hậu Chúa trong cung đều có trồng rất nhiều cây quế, cho nên mới gọi các phòng trong cung vua là CUNG QUẾ. VÁCH QUẾ chỉ là nói trại đi của CUNG QUẾ mà thôi. Cũng như vách trong các phòng của cung nhân ở đều được trát hồ tiêu để chống rét, nên phòng của các cung nhân ở cũng được gọi là TIÊU PHÒNG.
Mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã sử dụng hết hai từ nêu trên để chỉ chỗ ở của các nàng cung phi:

Trải VÁCH QUẾ gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng;
Oán chi những khách TIÊU PHÒNG,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào!


VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN có xuất xứ từ thành ngữ MỘC DĨ THÀNH CHU 木已成舟 là câu nói của tác giả Lý Nhữ Trân đời Thanh trong truyện "Kính Hoa Duyên" hồi thứ 34 清·李汝珍《镜花缘》第三十四回:“ Như kim MỘC DĨ THÀNH CHU, dã thị Lâm huynh mệnh định như thử liễu 如今木已成舟,也是林兄命定如此了。” Có nghĩa : "Như nay VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN, cũng là mệnh số của Lâm huynh đã định như thế nầy rồi !". Ý chỉ, chuyện đã rồi, không còn hy vọng hay thay đổi gì được nữa cả !
Trong Truyện Kiều, khi chàng Kim trở lại vườn Thúy tìm Kiều, Vương Viên Ngoại cho biết nàng đã bán mình chuộc cha và đã theo Mã Giám Sinh đi rồi, không còn vãn hồi gì được nữa cả :


Bây giờ VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN,
Đã đành phận bạc khôn đền tình chung !...


VÀNG ĐÁ chữ Nho gọi là KIM THẠCH 金石 : Kim là kim loại rắn chắc không đổi màu; thạch là đá, cứng ngắt và bền vững. Nên Kim Thạch Chi Giao 金石之交 là sự giao tình bền vững và rắn chắc như vàng như đá vậy. Tương tự ta có thành ngữ Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言 : là lời nói hoặc lời hứa chắc chắn như vàng như đá không hề thay đổi. Ta nói là "Những lời VÀNG ĐÁ hoặc ĐÁ VÀNG", là những lời nói lời hứa ” Chắc như đá, vững như vàng”, của trai gái dùng để hứa hẹn thề thốt khi yêu nhau, như khi Kim Trọng tỏ tình trong cảnh “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” thì Thúy Kiều cũng nhận lời bằng câu đổ thừa rằng :

Đã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc ĐÁ VÀNG thủy chung !

Lần đầu tiên gặp nhau để thề nguyện hẹn ước, Thúy Kiều lo cho thân mình "...phận mỏng cánh chuồn, khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?" Chàng Kim đã an ủi và đoan chắc với người yêu là :

Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem VÀNG ĐÁ mà liều với thân !

Quả là tấm chân tình của hai kẻ yêu nhau. Đến khi gặp Thúc Sinh thì chàng Thúc cũng mê Thúy Kiều đến liều mạng mà hứa hẹn một cách lớn lối rằng :

Đường xa chớ ngại Ngô Lào;
Muôn điều xin hãy trông vào một ta.
Đã gần chi có đường xa,
ĐÁ VÀNG cũng quyết, phong ba cũng liều.”

Khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, Kim Trọng cũng đã rất đau khổ mà bày tỏ lòng mình với Vương Viên Ngọai:

Rằng: Tôi trót quá chân ra,
Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không !?...

Trong truyện thơ Nôm "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :

Duyên này chẳng được bàn dai,
Nhẹ đem VÀNG ĐÁ mà coi làm thường!


Hẹn bài viết tới!

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức