Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Một Ngày Cuối Năm

Buổi Sáng:
Tôi thức dậy với một tinh thần sảng khoái. Đồng hồ trên tường chỉ đúng 5 giờ sáng. Rất mừng. Không phải là 3giờ30 hoặc 4 giờ vì sớm quá. Đó là kết quả đêm qua tôi đã cố chống chọi cơn buồn ngủ từ 7 giờ tối. Tìm một lý do nào đó thật quyến rũ để gần 9 giờ tối mới lên giường.

Tôi bước ra sân còn mờ sương. Đi bộ vài chục vòng trước sân. Rồi cầm cây chổi tay phải, cái hốt rác tay trái đi quét lá cây khắp mặt sân. Đi bộ kiểu nầy có hai cái lợi vừa thể dục vừa quét hốt rác quanh nhà.
6 giờ sáng vào nhà ăn diện, chuẩn bị. Sau đó, lấy xe đi uống cà phê.

Nơi tôi ở không phải chợ Cái Răng. Muốn đi uống cà phê phải đi ngược lại qua cầu Cái Răng, qua cầu ấp Mỹ để đến quán Hương Tràm cạnh lộ Hậu Thạnh Mỹ. Hàng ngày từ 6 giờ 15 các bạn tôi đã tề tựu ở đó.
Hương Tràm là một quán cà phê rộng, mát và yên tỉnh. Cà phê và trà nóng ngon, khỏi chê. Quán đông nhưng không ồn. Dường như mọi người tự giữ mình, nói với nhau vừa đủ nghe như để cho suy tư chìm vào những tiếng hát mơ hồ, tiếng nhạc như rơi rụng từ nơi xa trở về.

Các bạn chúng tôi là những người cùng trang lứa. Có một dĩ vãng cùng thời hay là đồng môn, chiến hữu của nhau. Nhưng ở đây, dù ngồi chung mỗi người có một khoảng trời hoài niệm riêng, một suy tư ảo ảnh nào đó
trong ký ức, một góc nhỏ riêng tư của kỷ niệm. Có khi ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ mà chả có ai nới chuyện với nhau một câu nào. Nhiều thằng cắm cúi móc smartphone ra lướt web chăm chú đọc những tin nóng trong ngày. Được một điểm son là tất cả không ai hút thuốc , dù trước đây có đứa bập hai gói mỗi ngày (trong đó có tôi).
Rồi thường là 7 giờ 15 cùng đứng dậy ra về…

Buổi Trưa:
Trưa nay nhằm thứ bảy. Tôi có một cuộc hẹn lúc 10 giờ. Điểm tề tựu là nhà anh Sáu Thành ở Bà Vèn. Anh là một Việt kiều định cư ở Mỹ nhưng “ đoạn cuối của cuộc đời về ở Việt Nam”. Đây là câu anh thường ghi lên những tập nhạc ở gần trang bìa. Đọc câu nầy nghe buồn buồn và hàm chứa một cái gì đó bâng khuâng, tiếc nuối…của một kiếp người.

Chứng tích “đoạn cuối của cuộc đời …” của anh 6 Thành.
Tôi đã len lén viết vội 8 câu thơ sau đây nhét vào tập thơ “Vì đó là em”:

Anh về nhà mà tiếc nuối cũng mang theo
Bỏ lại Carolina tìm phương trời khác
Chiều cuối năm cùng nâng ly chung rượu nhạt
Gió Đông về ta hãy đốt lửa chiều nay.
Bạn bè chúng ta gặp lại siết bàn tay
Nhớ cái thuở chiến chinh đau miền ký ức
Hãy bỏ đi cho con tim đừng thổn thức
Vui sống cuối đời chờ bọn trẻ …hồi sinh.

Về đến nhà, như thường lệ, tôi lên Net tìm thư. Hôm nay ít thư của các bạn thường thơ thẩn và những thằng chiến hữu ó đâm, bán trời không mời thiên lôi. Tụi nó thường đợi thơ tôi gởi rồi tiếp nối trả lời ậm ừ vài câu ngắn gọn nào đó, Chúng ít gởi thơ nhưng khoái nhận. Thôi kệ, dù sao có tụi nó cũng đở buồn. Có còn hơn không.
Hơn 10 giờ sáng tôi tắt máy. Ra lấy xe đi thẳng vào Bà Vèn.

 Cầu Cái Răng nhìn từ nhà hàng Chợ Nổi
Những ngày cuối năm thời gian như nhanh hơn, không gian như khác đi. Thời gian như hối hả hơn để cho mọi sinh vật ùn ùn túa chạy theo. Không gian như sáng sủa hơn, lạnh lẽo hơn. Gặp được bạn bè lúc nầy cho ta thấy sự thanh thản, bình yên đến lạ kỳ.

Đa số chúng tôi trước đây thường lang bạt giang hồ. Thường có cuộc sống gia đình trôi theo dòng chiến sự. Chúng tôi nói với nhau những lời chan chứa tâm sự của một tình bạn. Một tình bạn chân thành có thằng đã kéo dài trên 40 năm.
Chúng tôi chúc nhau, nói với nhau những lời chia tay năm cũ. Cái năm mà trước đây 12 tháng , lúc đó gọi là năm mới. Chúng tôi cùng cười, cùng trao đổi, cùng băn khoăn, cùng tiếc nuối và chung một ý nguyện bất thành.
Năm qua, có lẽ chúng tôi là những thằng sướng nhất. Chúng tôi không còn quá lo toan cơm áo gạo tiền. Không còn nặng lòng với thời cuộc. Dù sao, cuộc sống có phần thể hiện sự chịu đựng, một nổ lực cao nhất của tuổi về chiều.

Từ trái : Ý – Sinh – Triều - 6 Thành – Châu – Tân – Tâm.
Chúng tôi họp mặt trong nhà. Nhưng khi ăn nhậu thì ra nhà mát ở giữa vườn. Nơi đây không khí trong lành, tĩnh lặng, để chúng tôi dễ dàng tâm sự mà không sợ ai rình rập cùng nghe.
Tôi cũng quên báo cáo với các bạn, chủ nhà anh Sáu Thành là cựu hs PTG cũng là một Tây ban cầm thủ. Đồ nghề từ cây đàn đến giàn âm thanh thật tuyệt vời. Đó là những món đồ chơi hiện đại, sang trọng nói lên thú tiêu khiển và tay nghề đỉnh cao của chủ nhân. Tiếng đàn điêu luyện của anh luôn quyến rũ, lôi cuốn khách nghe nhạc dù là người khó tánh nhất. Anh đã đem cây guitare và những tập nhạc để ở góc nhà mát cạnh chỗ ngồi.
Hôm nay, anh đãi : lẫu “ ra gu “ bò + bánh mì, thịt nướng + bánh hỏi và nhất là gà ác tiềm thuốc bắc. Cả bọn chỉ uống có một thùng bia Tiger.

Hơn 1 giờ trưa, anh 6 Thành chủ nhà, mời anh 9 Tâm và anh 3 Ý cùng trình bày nhạc phẫm “ Chúng mình 3 đứa “ của Song Ngọc & Hoài Linh. Tiếng đàn dạo đầu nổi lên, tất cả đều yên lặng. Cả 3 cùng cất cao tiếng hát. Chắc không có dợt trước nhưng kỹ thuật trình bày khá tốt. Dù không chia bè nhưng cũng như hát bè vì … mạnh ai nấy ca, mỗi người một giọng ! Nói chung 3 nhân vật biểu diển chỉ đạt ở mức 90%. Nhưng ý nghĩa là số 1. Tôi khoái nhất đoạn:

Mình có 3 người
vừa đúng nét đôi mươi (câu nầy các bạn hát:vùa quá tuổi bảy mươi)
những chiều mây lưng đồi
tầm mắt hướng xa xôi
ngày sau một hai trong ba đứa
không chung đường
chắc nhớ nhau nhiều lắm…


Trong hoàn cảnh nầy ai cũng xúc động và nếu các ca sĩ Mạnh Quỳnh, Mạnh Đình và Trường Vũ có mặt cũng phải … chịu thua.
Tôi bis quá trời. Không ai chịu hát thêm. Trái lại, bắt tôi phải tiếp tục chương trình. Đây là bài học các bạn cần rút … kinh nghiệm. Nhưng tôi OK. Đâu có sợ. Nghề của chàng mà. Tôi nhờ anh 9 Tâm đệm đàn cho bản nhạc “ Chuyện chúng mình “ của Trúc Phương. Bản nhạc nầy tôi thích nhất đoạn :

Mai anh đi rồi làm sao tôi ngăn được
thà vui đi cho trót đêm nay
nhiều lần mình trắng bàn tay nhưng chuyện xa xưa ấy
nin đừng nhớ hay buồn
đôi ta không sống vì nhau khi kẻ ở người đi
thôi thương tiếc mà chi
đường về ngõ tối hai nơi có phải vì sao rơi
đêm hò hẹn hết rồi…
Đến phiên anh Tư Triều. Bạn cũng là một cựu học sinh PTG. Tôi đề nghị anh hát bản ruột mà tôi cũng thích là “Bóng nhỏ đường chiều “ của Trúc Phương. Anh đồng ý. Anh nhờ bạn 6 Thành đệm đàn. Ôi cái bản nhạc làm cho tôi như sống lại, nhớ mỗi lần từ miền Trung về phép dắt tay người đẹp dạo chơi ở Lăng Ông Gia Định.
Tôi khoái nhất đoạn:

Tôi đến nơi hẹn hò dường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
bàn tay thon ngón nhỏ đan tay gánh sông hồ
ta dìu nhẹ nhau như tiếng thở
thương nầy thương cho bỏ lúc đợi chờ…


Hay quá. Tôi là người vỗ tay nhiệt tình nhất. Tôi liếc qua sư huynh Nguyễn lương Sinh. Anh là niên trưởng vào PTG từ năm 1949. Anh cũng là một dịch giả nổi tiếng các tác phẫm văn học của Pháp. Tôi chưa kịp giới thiệu anh đứng lên nói nhỏ nhẹ : tôi không rành nhạc Việt. Nên hôm nay góp vui bằng một nhạc phẫm của Pháp tựa đề Les Gens âgés (Những người cao tuổi) của André Sylvain.
Bản nầy, trước kia tôi đã từng nghe nhiều lần, thích nhất là đoạn :

On est tous des vieux
qu` on le veuille ou non
on s`ra un jour comme eux
même riches à millions.

on est tous des vieux ce n`est qu`une question de temps
heureux ou malheureux
d`avoir eu des enfants.
( tất cả chúng ta là người già
mà ta muốn hay không
một ngày kia ta sẽ như họ
kể cả những người rất giàu
tất cả chúng ta là những người già chỉ có vấn đề thời gian
hạnh phúc hoặc bất hạnh
có con).

Đến phiên chủ nhà, anh vừa đàn vừa hát bản « Ngày Tạm Biệt « của Lam Phương. Với tiếng đàn ngọt lịm và giọng ca tài tử số 1 (vì bọn tôi tệ quá) bản nhạc làm cho người nghe bùi ngùi, thãm não. Tôi thích nhất đoạn:

Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau
bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao
lời vui thắm thiết đưa trao như khi mới gặp nhau
nhưng anh ơi ngày mai ta cách xa
anh kinh đô tôi phải về miền xa
biệt ly ai khéo gieo chi lên bao mái đầu xanh...

đúng ra anh phải hát câu chót là « biệt ly ai khéo gieo chi lên bao mái đầu ... bạc trắng mới phải!

Sau tiết mục của ông chủ nhà, « ai muốn « vô long te » cứ tự nhiên như người Sài Gòn. Lần lượt các bạn trình bày: Lá Thư Trần Thế của Duy Khánh, Tình Yêu của Lính của Trần thiện Thanh, Chuyện Hai Người của Minh Kỳ và Hoài Linh, Ngày Tròn Tuổi Lính của Châu Kỳ...
Đến đây, đã hơn 3 giờ chiều, tôi xin phép về trước để dự đám Thôi Nôi của đứa cháu kêu bằng Ông Cậu.
Nghe đâu trận nầy sau khi tôi về, các bạn còn gầy sòng nhậu tăng 2 đến 6 giờ chiều mới tan. Đặc biệt sư huynh Nguyễn lương Sinh còn trình bày thêm bản nhạc Pháp Le train de la vie (chuyến xe cuộc đời) của Anthony Richard...

Buổi Chiều:
Trên đường đi dự Thôi Nôi ở Phường Hưng Thạnh, tôi tấp về nhà rửa mặt và để xem chừng... nhà cửa một chút. Một tiếng sau lên đường. Đoạn đường từ Cái răng chạy dọc theo bờ sông ra Cái Nai, Cái Da, Xóm Chài khoảng hơn 5 cây số, bờ kè đã xây dựng xong rất đẹp. Nhà thầu đang đổ đá để trải nhựa và sắp sửa trồng hoa kiển.

Nhìn đứa Cháu 12 tháng tuổi bụ bẫm cười toe toét thấy mà cưng hết sức.
Mẹ cháu là Bác sĩ thú y phụ trách đối ngoại của Ty Thú Y, cha công tác cho một công ty nước ngoài của Pháp. Cuộc sống ổn định và đây là đứa con đầu lòng nên đải khách từ trưa đến ... tối luôn.
Tôi được các đứa em gái tiếp đón nồng hậu vô cùng. Anh cả chứ bộ !
Lên bàn ăn, no quá tôi xin... ăn chè. Các em gái cũng OK nhưng phải gậm một cái đùi vịt cái đã. Thằng anh cả chịu thua phải gậm cái đùi vịt tổ bố và bị dồn thêm một chén cháo thâp cẫm vào cái bao tử đầy nhóc từ sáng đến giờ.

Khi ra về trời đã tối. Thằng cháu rễ cuống quýt nói đưa tôi về. Tôi cự nự tao còn chạy xe được, còn ăn cơm mà... chưa đến nỗi đâu. Nói cứng vậy chớ khi ra đường tôi chạy như rùa bò vì đường trải đá mà chưa tráng nhựa.
Ôi ! một ngày cuối năm bận rộn của tôi!

Bé Trâm Anh


Bây giờ là buổi tối những ngày cuối năm. Bạn hãy tha thứ cho những lỗi lầm năm qua, nên quên đi những gì không như ý, muộn phiền để nhìn về năm mới, đón may mắn và hạnh phúc.
Những ngày cuối năm đến kỳ vẫn đến không bao giờ sai hẹn. Dù trẻ hay già chúng ta vẫn hồi hộp đợi chờ cái thời khắc đặc biệt nầy vì dường như có sự tương giao giữa trời đất và lòng người.

Chúng ta hãy mong ước một năm mới có nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, người thân yêu và với quê hương đất nước của mình.
Chúng ta hãy cùng nhau trân trọng và cảm ơn năm cũ 2014 và hãy chuẩn bị đón một năm mới 2015 đang đến rất gần.
Toàn cảnh Chợ Cái Răng buổi sáng 16/12/2014
Dương Hồng Thủy (13/12/2014)
* Hình ảnh phụ bản của chính Tác giả ghi lại

Thơ Tranh: Liêu Trai


Thơ: Trần Thị Dã Quỳ
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tôi Nhớ Về EM


Tôi nhớ về EM, một khoảng đời
Vui chơi hò hẹn khắp nơi nơi
Công viên, thác đổ ngày xưa đó
Vẫn khắc ghi lòng, vương vấn ơi
Tôi nhớ về EM, giọng ngọt ngào
Từng đêm trò chuyện, mến yêu trao
Thân thương biết mấy tình thơ mộng
Nào hiểu chuyện đời mãi khắc khao
Tôi nhớ về EM, nét dịu hiền
Thơ ngây trong trắng, miệng cười duyên
Tóc thề ôm khẻ bờ vai nhỏ
Nương gió bay bay, xóa lụy phiền
Tôi nhớ về EM, bao đắm say
Bên nhau tâm sự dệt tương lai
Tình đầu thơ mộng thời si dại
Nay đã đôi đường biết trách ai ?
Tôi nhớ về EM, nhớ thế thôi
Thời gian trôi mãi cách xa rồi
Ðôi ta hai ngả đành yên phận
Còn lại nơi nầy thơ với tôi 

 Hoàng Dũng

Xin Thời Gian…


Thời gian chấp cánh bay mau!
Cho tôi xếp nhẹ nỗi đau chôn vùi
Thời gian xóa hết ngậm ngùi
Cho tôi thở lại hương mùi luyến lưu

Thời gian cũ! Hãy vội qua
Cho tôi giấc mộng thật thà ngủ say
Thời gian mới! Hãy thật dài…
Bên người, cả giấc ngủ ngày cũng ngoan

Xin thời gian chớ vội tàn!
Cho lòng dệt khúc mơ vàng khát khao
Thời gian thấm vị rượu đào!
Mảnh tình kết chỉ ngạt ngào hương trinh.

Kim Oanh

Tháng Mười Hai


Tháng Mười Hai lại quá mau,
Bận lòng chi nữa với màu thời gian.
Cuộc đời trống vắng hoang mang,
Mưa rơi ướt át ngập đàng cái quan

Đông buồn rụng hết lá vàng,
Co ro áo lạnh khăn quàng bước đi.
Người ta lẻ bạn nghĩ gì,
Chạnh buồn cám cảnh chia ly tình đầu.

Ngày qua bão táp âu sầu,
Giờ đây lạnh lẽo bên cầu nhớ mong.
Lục bình lặng lẽ xuôi dòng,
Hương tình ấp ủ cõi lòng chưa nguôi.

Thấy con bướm trắng ngậm ngùi,
Bay đi mây phủ tối thui bầu trời.
Một mình lạc bước chơi vơi,
Tìm vừng trăng khuyết khuất nơi mơ hồ.

Sườn non chôn vạn cốt khô,
Bóng người ngã xuống cơ đồ Việt Nam.
Hy sinh buổi ấy nên làm,
Gian nan nguy khốn ta cam phận rồi.

Bóng câu lẹ quá than ôi!
Tuổi già xồng xộc thân tôi muộn phiền.
Lịch tờ xé rách cho yên,
Hẹn chờ năm mới may duyên gặp người!

Mai Xuân Thanh

Ngày 15 tháng 12 năm 2014

15 Cách Thức Đơn Giản Giúp Bạn Sống Khỏe Mạnh


Đừng nghĩ "sống chết có số", lối sống và cách ăn uống của bạn cũng góp phần không nhỏ kéo dài hay rút ngắn tuổi thọ. Hãy tham khảo những bí quyết đơn giản sau đây để giúp bạn sống khỏe hơn mỗi ngày.



1. Đọc báo ngược

Tiến sĩ Marios Kyriazis, một chuyên gia về lão hóa ở Mỹ, cho biết việc đọc báo ngược có thể khiến bộ não của bạn có chút căng thẳng nhưng đồng thời cũng giúp bạn gia tăng tuổi thọ. Với một số việc làm “trái ngược” kiểu này chẳng hạn như: viết bằng tay không thuận, lập luận ngược lại với những gì bạn tin tưởng một cách nồng nhiệt, thậm chí nghe thứ âm nhạc mà bạn không ưa, bạn có thể tiến thêm một nấc thang tuổi thọ.

2. Xả stress
Qua thời gian, stress có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim và béo phì - tất cả những thứ này đều có thể cướp đi tuổi thọ của bạn. Stress rất dễ tích tụ lại, vì thế đừng cố giữ trong lòng.
Hầu hết mọi người đều coi tài chính cá nhân là lý do căng thẳng nhất, vì nó khiến họ cảm thấy không có quyền lực. Hãy thử thế này: Gửi một ít tiền trong một tài khoản ngân hàng riêng, an toàn trước những ham muốn mua túi mới, áo quần mới của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy chắc chắn hơn về mặt tài chính và đỡ bị áp lực hơn.

3. Cho cơ thể toát mồ hôi
Bạn muốn sống lâu? Hãy tập thể dục. Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục ngoài trời có thể giảm 37% nguy cơ ung thư vú, 45% chứng rỗng xương và 12% bệnh tim.
4. Giảm vòng eo
Để biết bạn có thân hình khỏe mạnh, hãy đo chu vi vòng eo. Con số này nên nhỏ hơn một nửa chiều cao. Nếu bạn cao 1,6 mét, vòng eo không nên quá 80 cm. Muốn làm thon gọn vùng này? Hãy tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều trans fat. Các nghiên cứu cho thấy loại mỡ này thường tích trữ ở vùng bụng.

5. Ăn thực phẩm có màu đỏ
Ớt đỏ chứa nhiều vitamin C hơn cam, củ cải đỏ có chữa nitrat giúp thong thả mạch máu, cà chua có lycopene (một chất giúp chống oxy hóa mạnh mẽ) mà khi nấu chín, có thể giúp chống lại bệnh ung thư, tim mạch và một số vấn đề khác (???). Điều này đã được tiến sĩ Susan Jebb, thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa về dinh dưỡng ở Cambridge xác nhận. Vì vậy, nếu muốn sống thọ, hãy ưu ái các thực phẩm có màu đỏ!
6. Ăn chuối
Bạn có thể giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim bằng cách đơn giản là “nạp” các loại thực phẩm giàu kali như chuối, nước ép trái cây và trái cây khô. Lượng kali cần được cho vào cơ thể hằng ngày là 3,5g. Để giảm huyết áp, bạn cần tới 4,7g kali - lượng kali được tìm thấy chính xác trong một quả chuối.



7. Tập ngồi xổm

Ngồi xổm được coi là bài tập tăng cường tất cả cơ bắp hiệu quả nhất (tương đương với một bài tập toàn thân). Tập ngồi xổm giúp bạn có thể nhanh chóng rời khỏi một chiếc ghế (hoặc rời bồn cầu) một cách nhanh chóng vào lúc tuổi già và ngăn ngừa té ngã.

8. Uống trà mỗi ngày
Uống trà mỗi ngày được chứng minh là giảm mức độ căng thẳng và giúp tăng tỷ lệ sống sót sau một cơn đau tim tới 28%. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y Harvard tin rằng chất chống oxy hóa trong trà có thể giúp các mạch máu thư thả.
Ngủ thêm một giờ
Chỉ cần đi ngủ thêm một giờ là có thể giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ của bạn trong ít nhất sáu tuần. Một nghiên cứu gần đây từ trường Kinh doanh Harvard cho thấy những người ngủ bảy tiếng hoặc ngủ ít hơn trong một ngày khi ngủ thêm một giờ có những tiến triển đáng kể về sức khỏe tim mạch. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết việc ngủ quá ít ảnh hưởng đến khả năng đối phó với các kích thích tố căng thẳng.

9. Hãy cười nhiều hơn
"Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", nụ cười là phương thuốc chữa bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh việc cải thiện tinh thần, cười còn có tác động tích cực tới hormone của cơ thể. Một nụ cười sảng khoái còn duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.



11. Giấc ngủ ngon

Giấc ngủ giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Nó giữ cân bằng trong việc trao đổi chất, trí nhớ, học hành và khả năng miễn dịch. Việc tái tạo mô cũng diễn ra trong giấc ngủ thực sự làm cho da bạn trông đẹp hơn. Hormone cũng được điều hòa trong khi chúng ta ngủ, vì thế ngủ không đủ giấc có thể gây ra tác động bất lợi cho sức khỏe con người. Các quý ông muốn sống lâu thì đừng quá ham mê công việc, hay mải theo những cuộc vui mà làm mất đi giấc ngủ ngon của chính mình.
12. Ăn tỏi mỗi ngày
Nhiều người không thích tỏi do mùi hăng và hương vị giữ trong miệng rất lâu, nhưng nó lại là một trong những thực phẩm quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ. Tỏi chứa một lượng lớn các chất chống đông máu, giúp cho tim hoạt động tốt. Nó cũng làm tăng cholesterol tốt trong cơ thể. Có hiệu quả tốt nhất khi ăn sống.



13. Sữa và sản phẩm sữa

Một ly sữa mỗi ngày giúp bạn tránh xa nếp nhăn, xương và móng tay mỏng, yếu. Nếu bạn không thoải mái với sữa, hãy thử dùng sản phẩm như sữa đông, sữa chua, bơ, phô mai, đậu phụ... Tất cả đều rất tốt cho hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Sữa rất tốt cho tất cả nhóm tuổi và nhất là khi bạn bắt đầu lão hóa. Nó cung cấp tất cả dinh dưỡng và cũng làm cho bạn khỏe mạnh.

14. Dành thời giờ bên cạnh những người thân
Mối quan hệ cũng là một phần quan trọng của sức khỏe. Nó không những làm cho tình cảm của bạn với những người khác càng gắn bó mà còn tạo cơ hội cho bạn có thêm sự giúp đỡ khi cần, chẳng hạn như lúc cô đơn, lúc ốm đau, phiền muộn .v.v..Vì vậy, hãy dành thời giờ bên bạn bè và người thân để nuôi dưỡng tốt mối quan hệ, cải thiện sức khỏe và cuộc sống cho mình.


15. Hãy lạc quan
Theo các nhà nghiên cứu, có suy nghĩ lạc quan về tuổi tác sẽ làm bạn sống lâu thêm hơn 7 năm nữa đấy. Vì vậy hãy sống yêu đời, vui vẻ và biết tiếc nuối thời giờ là cách gia tăng thêm tuổi thọ cho bạn.

Yên Đỗ sưu tầm

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

A Holiday Season


Tháng Mười Một vội vã nhanh chân,
Trời lạnh mùa Đông lễ, Tết gần.
Chào đón Giáng Sinh, kỳ nghỉ nữa,
Chúc mừng, trang trí, thiệp đầu Xuân.

Năm dài tháng rộng, già thêm tuổi,
Phước thọ răng long cháu chắt thân!
Thấm thoắt thoai đưa còn tháng cuối,
Mười lăm (*) Năm mới nét thanh tân!

(*) Năm 2015 
Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 11 năm 2014

Bóng Nắng Khuya - Sáng Tác Ngu Yên


Sáng Tác: Ngu Yên
Trình Bày: Nguyên Thảo
Phối Nhạc: Lý Giai Niên


Xướng Hoạ: Mùa Đông Đất Khách


Bài Thơ Xướng:

(Thân tặng Mai Lộc)

Băng đóng đầy sân, tuyết ngập đường
Mùa Ðông đất khách quá thê lương.
Khói sương mù mịt, mờ sông núi
Mưa gió lê thê, lạnh phố phường.
Ngước mặt lên trời thương bạn hữu
Cúi đầu xuống đất nhớ quê hương.
Ai về góp nắng hồng quê Mẹ
Sưởi ấm hồn ta lạc viễn phương 

 Vào Đông 2014 
 Quang Tuấn
* * *
Các Bài Thơ Họa:

Tuyết Lạnh Mùa Đông


Nước Mỹ miền Đông tuyết trắng đường,
Đi đâu cũng lạnh lẽo thê lương.
Lá khô nghẽn lối cào từng đống,
Đất ướt quàng khăn dạo phố phường.
Tứ hải anh em mình trọn đạo,
Tam sơn tỹ muội lại đồng hương.
Ngàn trùng lặn lội về thăm mẹ,
Lạc lõng cô đơn khách viễn phương.

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 11 năm 2014

* * *
Một Chút Tâm Tình


Gừng cay muối mặn ướp thơ Đường
Thất nghiệp bao ngày bếp hết lương
Bụng đói chân mềm xem khác tướng
Người khôn kẻ dại xếp chung phường
Gan đồng đất hứa tìm an phận
Tuổi hạc quê hồi nhớ cố hương
Gió bấc về ngang không mấy lạnh
Mây trời bàng bạc khắp muôn phương.

Cao Linh Tử
27/11/2014

* * *
Lẽ Thường



Thu sang xác lá phủ bên đường
Đông đến tựa hồ bọn bất lương
Một gã nhuộm vàng bao chiếc lá
Kẻ kia bạo ác chắc cùng phường
Đem buồn man mác cho thi sĩ
Gây vẻ hoang tàn đến lý hương
Có phải thiên nhiên đà sắp đặt
Đến kỳ hoa nở rực ngàn phương 

 Quên Đi
* * *
Mùa Đông Nhiệt Đới


Chẳng có tuyết rơi những nẻo đường
Trời chiều vẫn nhuộm vẻ thê lương
Cơn mưa sót lại khơi cuồng nộ
Dòng nước trào dâng ngập phố phường
Kinh tế suy trầm thêm khốn khó
Mưu sinh vất vả lụy quê hương
Đông như buồn bả chưa lê bước
Xuân khuất nơi nào giữa bốn phương! 

 Nguyễn Đắc Thắng 
 20141127

Thơ Tranh: Chúc Mừng Giáng Sinh& Năm Mới 2015


Trị Ho Bằng Rau Diếp Cá


Tôi khỏi ho nhờ mẹo dùng rau diếp cá đun nước gạo

Nghĩ lại những năm tháng tuổi thơ với hàng loạt trận ho dai dẳng, tâm trí tôi lại trở nên bấn loạn. Nhà tôi kín gió, mẹ lại chỉ có mình tôi nên chẳng bao giờ để tôi bị lạnh. Vậy mà chẳng hiểu sao, những cơn ho đã xuất hiện ngay khi tôi hai tuổi. Mẹ đưa tôi đi khám bác sỹ và nhận được kết luận tôi viêm phổi.

Vậy là xin nghỉ việc, mẹ cho tôi nhập viện rồi cho tôi uống thuốc, đưa tôi đi tiêm theo đúng liệu trình điều trị của bác sỹ. Bệnh tôi có giảm nhưng chỉ hai tuần sau lại đâu vào đấy. Từ đó, hết lần này đến lần khác, mẹ đã đưa tôi đi gõ cửa biết bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu thầy thuốc đông, tây y đủ cả mà chẳng bao giờ bệnh dứt hẳn.

Còn nhớ, hồi mới đi học mầm non, có nhiều lần ngứa họng, cô giáo cứ đút cơm vào miệng là tôi lại lên cơn ho, cơm văng tung tóe khắp nơi làm cô bực mình khó chịu. Có bữa, vì ho quá nên tôi đành nhịn đói vì không thể nuốt cơm.

Đến chiều mẹ đón, cô giáo than phiền với mẹ, mẹ tôi lại ứa nước mắt. Thương con, mẹ không đưa tôi đi mẫu giáo nữa mà gửi sang nhà bà ngoại, cứ đến giờ ăn cơm lại về nhà kèm cho tôi ăn.

Nhiều lúc ho, làm mẹ phải lúi húi dọn dẹp, lòng tôi lại quặn đau vì thương mẹ.
Mãi sau này lớn lên, khi tôi có thể tự lo cho mình, mẹ mới bớt vất vả. Nhưng ánh mắt mẹ vẫn luôn buồn bã mỗi lần nghe thấy tiếng ho của tôi trong đêm.

Uống quá nhiều thuốc làm tôi sợ hãi, nên tôi tìm đến chanh muối, mật ong vỏ quất, bổ phế... đủ cả mà cũng chỉ làm dịu cổ họng chứ không dứt ho. Người tôi gầy gò, da tôi xanh xao cũng vì ho. Tôi ngại đi chơi nhiều, ngại tiếp xúc nhiều cũng vì ho. Và vì ho, tôi luôn thấy cuộc sống của mình chán ngắt xám xịt.

Mãi cho tới khi tôi chuẩn bị thi vào đại học, phép màu mới tìm đến. Tình cờ trong một lần đi chợ, gặp trời mưa rào, mẹ tôi tranh thủ trú mưa cùng mấy người đi chợ. Bỗng có một người phụ nữ trung tuổi bước đến, không ngớt lời hỏi nơi bán rau diếp cá ở đâu. Hỏi ra mới biết, cô ấy muốn mua để chữa bệnh ho cho chồng mà tìm mãi ở chợ không được. Vậy là nhờ có cơn mưa, mẹ tôi đã hỏi được phương thuốc chữa ho gia truyền mấy đời nhà cô gái.

Cũng chẳng biết có hiệu nghiệm như lời cô gái kia nói thật không, nhưng có bệnh thì cầu tứ phương, nên mẹ tôi cũng tìm mua diếp cá về thử làm thành canh chữa ho cho tôi với hi vọng mong manh.
Mỗi ngày, mẹ mua 2 lạng rau diếp cá rồi về sửa sạch. Sau đó, mẹ chắt lấy nước vo gạo, đổ đầy cái xoong nhỏ chừng bằng một bát ô tô, rồi thả diếp cá vào đun sôi 15 phút thì bắc ra đưa tôi uống.

Tôi chúa ghét cái vị tanh của diếp cá, hơn nữa đã dùng đủ mọi thuốc mà chả khỏi nên lúc đầu cứ dùng dằng mãi chẳng chịu uống. Mẹ ép mãi tôi mới nghe theo. Rất may là ngược lại với suy nghĩ của tôi, thứ canh này không khó uống chút nào, khi kết hợp với nước gạo, vị tanh của diếp cá dường như bay đi hết.
Vậy là đều đặn cứ ngày hai lần, tôi đều uống nước gạo diếp cá. Và kỳ lạ thay, cho đến khi uống đến ngày thứ ba thì những cơn ho của tôi đã nhẹ hơn hẳn, tôi bắt đầu ngủ ngon hơn. Đến hết ngày thứ bảy thì những cơn ho đã dứt hẳn. May mắn nhất là sau đó một năm, hai năm, ba năm,... tôi vẫn không bị tái phát những cơn

Kể từ đó đến nay, hễ cứ biết ai bị ho, tôi đều phổ biến cho họ cách chữa ho vừa hiệu nghiệm, nhẹ nhàng lại vừa không hề tốn kém này. Những người ho nặng như tôi sau khi kiên trì uống đều đã khỏi, còn những người chớm ho hầu như chỉ uống từ một đến hai bát rau diếp nấu cùng nước vo gạo là đã khỏi...

Tôi đang hạnh phúc chờ từng ngày để đón con trai đầu lòng ra đời. Và tôi hoàn toàn tin tưởng, với bài thuốc này, con tôi sẽ có một tuổi thơ khỏe mạnh, hạnh phúc.

Yên Đỗ sưu tầm

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long Đêm Giáng Sinh 2014








Hoàng Xuân Khải


Chấm Câu: Quên? Thờ Ơ? Bất Chấp? Không Nắm Vững?



    Di chuyển từ vùng New York và New Jersey, sau non sáu năm (1999-2004) sống ở khu Sài Gòn Nhỏ, Ca Li, tôi được dịp đọc khá nhiều sách báo Việt ngữ và tôi buồn lòng nhận thấy một số người viết, ngay cả thần tượng quá cố hay nhà văn có tiếng trong hiện đại, vì quên, thờ ơ, không nắm vững hoặc bất chấp (tức coi thường độc giả; bắt người đọc phải chấp nhận những gì mình viết!) đã không áp dụng luật hay nguyên tắc chấm câu như trước 1975. Và kể từ cuối năm 2004, có dịp về Sài Gòn nhiều lần, tôi càng thất vọng hơn.

      Trong tinh thần xây dựng và với kiến thức của một nhà giáo chuyên dạy Việt văn (từ trung học lên đại học ở Việt Nam và Hoa Kỳ) và một nhà văn kiêm biên khảo ở Hoa Kỳ, tôi xin mạo muội nhắc nhở rằng: luật chấm câu giúp người đọc dễ hiểu được tất cả những gì người viết muốn nói; bởi vậy, các văn hào chiếm giải văn chương Nobel vẫn phải tôn trọng.

      Trong tinh thần kể trên, hôm nay tôi xin phép ôn lại luật chấm câu, trước nhứt giúp quý vị nào đã quên, và sau đó là để hướng dẫn thế hệ trẻ viết Việt văn dể hiểu, không làm người đọc mất thì giờ vì những câu văn được mệnh danh là “văn bất thành cú” (văn viết không thành câu).

      Chúng tôi khởi đầu bằng dấu phẩy là dấu chấm câu thông dụng nhứt.

DẤU PHẨY (COMMA)

Dấu phẩy hay dấu phết thường được dùng trong 4 trường hợp:

Chia các thành phần song song

Biểu hiện là tỏ ra, hiện ra, để lộ ra, để cho người ta thấy. 1
Còn về Phật-giáo, Lão-giáo cũng được các Vua tôn-sùng. 2
Những hương-chức là lý-trưởng, phó-lý-trưởng, hương-bản, hương-mục, hương-kiểm, hương-dịch. 3

Chia phần phụ ở đầu với phần chính theo sau

Những ngày nghỉ học, thỉnh thoảng tôi lại theo anh tôi đi câu cá. 4

Chia hai mệnh đề độc lập

Mỗi tiết thanh minh thì cả họ rủ nhau đi đắp mả tổ, nhiều họ đắp mả to gần bằng núi. 5
Đó là một đặc-điểm của Việt –ngữ, các ngữ-pháp-gia nên để ý tới. 6

Đóng khung một nhóm từ hay một mệnh đề giữa một câu hay mệnh đề

Sự dùng 2 dấu phẩy để đóng khung một mệnh đề làm ngắt câu nhưng không làm đổi nghĩa câu nhằm mục đích giải thích thêm cho trạng tự, danh tự, đại tự ở ngay trước hoặc cho ý toàn câu. 

(. . .). Ở đây, cũng như Saigon, khoảng sân ga thơ mộng của những lần hẹn hò, chia tay, của những tối đi hóng mát, ăn chè ga, ăn nem chả, bún bò đã trở thành trạm hành lý của Hàng Không Việt Nam mất rồi. 7

(. . .). Ngôi nhà bấy lâu chúng tôi ở quây quần cùng họ hàng, ngôi nhà ấy chúng tôi vừa phải cùng nhau ký kết đêm bán cho người khác họ rồi, và chỉ nội năm nay là phải giao cho chủ mới, cho nên tôi phải về vội vào trước Tết, để vĩnh biệt nếp nhà quen thuộc, để xa dời quê hương quen thuộc, mà dọn đi một nơi xa lạ kiếm ăn. 8

Công dụng của dấu phẩy còn rất nhiều, nhưng chúng ta nên bàn đến dấu chấm và chấm xuống dòng.

DẤU CHẤM (PERIOD)

Dấu chấm được đặt ở cuối câu để chấm dứt một câu gồm một mệnh đề hay nhiều mệnh đề.

Nàng bị cha mẹ ép phải lấy Thân, một người bạn học thuở nhỏ của nàng, con một nhà giầu ở ấp Thái-Hà. Việc này thấy cha mẹ nàng nói từ hồi nàng mới để tóc. 9

Chúa Ngãi chấp nhận, truyền binh tướng Việt kéo về an dinh lập trại tại Bến Nghé. Công việc ấy gọi là “đồn dinh”. 10

Một số cây viết, bao gồm nhà văn nổi tiếng (không tiện nói tên!), đã dùng dấu chấm không đúng như sau.

Không nên viết: (. . . ) Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đung một Giáp mười hai năm, tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần. Ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản. Ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ. Rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.

Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:

“(. . . ). Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đúng một Giáp mười hai năm. Tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần: ở căn nhà một ngõ hẻm Phan Thanh Giản, ở căn nhà giữa khu Bàn Cờ; rồi ở Gác Mây, căn phòng trên lầu trong đáy cùng biệt thự Úc Viên của Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.”

Không nên viết: Từ đứa cháu đầu, sáng sáng ra gọi ông ngoại bằng Khoan ơi. Từ bỏ nước ra đi, từ Lê Quang Luật mất.

Đau buồn và chân thành mà nói: Nhà văn viết câu trên bất chấp (coi thường độc giả!), bởi vì không lẽ nhà văn nổi tiếng nầy không nắm vững luật chấm câu và văn phạm Việt Nam.

Không nên viết: (. . .). Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thủy tinh Midway. Vì cái nắng gay gắt quen thuộc, những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại, như cây kè, cây cọ, như cây thốt nốt, chà là, như cây dừa, cây cau.

Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:

“(. . . ). Huyên thích đi bộ loanh quanh trong quả cầu thủy tinh Midway vì cái nắng gay gắt quen thuộc, vì những sân cỏ mời mọc, vì những ngôi nhà thấp hiền lành, vì những cây palm đủ loại (như cây kè, cây cọ; như cây thốt nốt, chà là; như cây dừa, cây cau).”

Không nên viết: (. . .)Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng). Nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy “gơ ben”, “xách”, “mô bi lết” nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm, con nít hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn: ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc JohnnyHalliday.

Chúng tôi xin đề nghị viết câu trên như sau:

“(. . . ) Nhà tôi thành chật chội, ồn ào rần rần con nít (bọn tôi với bạn bè), choai choai (cậu tôi và đồng đảng), nhất là buổi chiều, tiếng xe gắn máy “gơ ben”, “xách”, “mô bi lết” nổ vang xóm, khói mịt mù đường hẻm với con nit hàng xóm bu đen ngắm nghía, ngưỡng mộ những anh hùng thời đại mới, tóc chải ổ gà, bi dăng tin bóng lộn—ai không giống James Dean cũng hao hao Elvis Presley hoặc Johnny Halliday.”

Dấu chấm xuống dòng được đặt ở cuối câu của câu cuối cùng của một đoạn gồm nhiều dấu chấm, trước khi xuống dòng để viết một đoạn mới:

Sáng sớm hôm sau, cũng quen như ở nhà với mẹ, gà vừa gáy, nàng đã dậy sắp nồi thổi cơm, nhưng nàng ngạc nhiên thấy thằng nhỏ bảo: “Ở đây không ăn cơm vào buổi sáng. Theo lối tỉnh thành cơm sáng ăn vào buổi trưa, và cơm trưa ăn vào buổi tối”. 

Nàng thẹn thùng cất nồi đi, rồi không biết làm gì, vào ngồi trong một xó buồng. 11

DẤU CHẤM PHẨY/PHẾT (SEMICOLON)

Dấu chấm phẩy còn được gọi là dấu chấm phết. Dấu nầy tương đối khó dùng vì phải nắm vững cấu tạo mệnh đề và câu, nên ít khi được người viết dùng; đại đa số người ta dùng dấu chấm thay cho dấu chấm phẩy. Trong hiện đại hiếm thấy ai dùng. Chúng tôi đề nghị: Không vì sự khó dùng mà chúng ta bỏ luôn dấu chấm phẩy; chúng ta nên sử dụng dấu nầy để làm câu văn súc tích hơn. Sau đây là công dụng của dấu chấm phẩy/phết:

Chia hai, ba hoặc bốn mệnh đề độc lập của một câu:

(. . . ). Những số tiền nàng cho em là tiền dành dụm riêng của nàng; Tâm phải đưa giấu, sợ mẹ chồng và chồng nàng biết. 12

Kể riêng về mặt văn hóa, nước mình có một số nhà văn có thể sánh ngang với các nhà văn nước khác, nhưng trình độ độc giả lại thấp kém; các nhà văn Việt nam không thể sống nổi được nếu cứ cố viết có nghệ thuật cao.13

(. . . ): Tính người ta cũng như nước chảy quanh vậy; khơi sang phương đông thì chảy phương đông, khơi sang phương tây thì chảy phương tây; tính người không phân-biệt thiện với bất thiện, cũng như nước không phân-biệt phương đông với phương tây vậy. 14 

“(. . . )? Chín, mười tuổi, ta mê Chinh Đông, Chinh Tây; lớn lên ít tuổi thì chỉ ca tụng Lê văn Trương hoặc Phú Đức, Hồ biểu Chánh; tới tuổi dậy thì lại mải miết đọc Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa; và chỉ khi nào đã trải đời một chút, mới hiểu được cái thâm thúy của những sách ma tư tưởng cao siêu và nghệ thuật tế nhị.” 15 

DẤU HAI CHẤM (COLON)

Dấu hai chấm có 2 công dụng chính:

Liệt kê các sự việc cần kể ra

Nàng nảy ra ý-nghĩ: giá hái một vài bông hoa đó như đinh-hương, cẩm-chướng, đồng-thảo, kết thành bó đem cắm ở trong buồng chắc hẳn đánh được hết mùi hôi, và còn làm cho vui mắt nữa. 16

Sang bên ấy, ông kiếm được nhiều sách lạ xem: sách cổ, sách kim, sách Tàu và cả sách ngoại quốc nữa.17 

Đặt sau câu nói, câu trích hay tục ngữ/danh ngôn

“(. . .) Nhưng có người mưu sĩ của Trần Cảo dâng quyển Minh Đạo mà tâu với vua Minh rằng: “Bệ hạ hãy đọc kỹ quyển này do Hồ Quí Ly viết ra!” 18

Bác sĩ Toulouse nói: “Quan sát là lựa chọn.” 19

(. . .) . Trong gia đình Việt-Nam, bạn thường nghe nhiều bà mẹ nói với con nhỏ của mình: “Giận lẩy sẩy cùi” (. . .) 20

Đặt sau đề mục/tiểu mục sách giáo khoa

Trong sách giáo khoa quá khứ, dấu hai chấm thường được dùng đặt sau đề mục hoặc tiểu mục. Thí dụ:

ĐẦU-ĐỀ: Tả một quán cóc bên đường.

DÀN BÀI.

A. Nhập-đề: Vị-trí (bên lề đường) 
Quang-cảnh toàn-thể

B. Diễn-đề: 1.- Cửa hàng: (. . .)
2.- Chủ hàng:
3.- Khách hàng:

C. Kết luận: Cảm tưởng.21

Trong hiện tại, chỉ còn một số ít nhà soạn sách dùng dấu hai chấm đặt sau đề mục/tiểu mục.

DẤU NGOẶC ĐƠN (PARENTHESES)

Dấu mở và đóng ngoặc đơn được dùng để phụ nghĩa, giải thích thêm, cung cấp chi tiết cho từ ngữ ngay trước nó.

Đạo Phật truyền vào Trung Quốc từ đời Hán dưới triều vua Kanishka của Bắc Ấn (78-110) khi bắt đầu có sự thông sứ và giao thương giữa hai nước, theo đường xuyên Á qua Tarim (nay đã hoang phế). 22 

DẤU NGOẶC KÉP (QUOTATION MARKS)

Dấu mở và đóng ngoặc kép 2 công dụng chính:

Đóng khung câu nói, câu trích, tục ngữ/danh ngôn

Khi mê, mồm anh cứ nói lảm nhảm: “Đi ... ra ... ngoài ... chêết ...” 23
Musset đã than rằng: “Chúng ta đến quá chậm trong một thế giới đã quá già –nua!” 24 

Đóng khung tựa sách/bản nhạc/bài văn/bài thơ

Đành rằng “VŨNG-TÀU Xưa và Nay” của Ông Huỳnh Minh biên soạn không phải là một áng văn-chương tuyệt tác (. . .) 25

Tuy nhiên, trong hiện đại, với bàn máy đánh chữ vi tính, thay vì dùng dấu mở và đóng ngoặc kép, nhiều người dùng chữ nghiêng để đánh tựa cuốn sách (nhứt là ở trong phần chú thích như chúng tôi đang áp dụng).

DẤU GẠCH NỐI (HYPHEN)

Dấu gạch nối có 2 công dụng chính:

Nối hai hay ba chữ với nhau

Trước 1975 dấu gạch nối được dùng thường xuyên để nối hai chữ Hán tự, tính tự, tên họ và chữ lót, bút hiệu v.v. (như văn-hóa, sạch-sẽ, Nguyễn-Duy-Cần, Thạch-Lam) . Kể từ sau đó, dấu nối thường chỉ dùng để nối tên đôi ngoại quốc (như Jean-Pierre, Mary-Ann, v.v.) hay chữ phiên âm từ ngoại ngữ chưa phổ biến (như In-tẹt-nết, I-meo) nhưng viết In tẹt nết hay I meo cũng được. 

Đặt trước đề mục hay sự việc kê khai

(. . .). Thường trong những Hội hè đình đám có những tổ chức về ba phương diện chính:
- Những cuộc tế lễ.
- Những trò giải trí.
- Những tiệc tùng.26 

DẤU GẠCH NỐI KÉP (DASH)

Dấu gạch nối kép cũng giống như dấu gạch nối nhưng dài gấp đôi, có 2 công dụng chính:

Đặt ở đầu câu đàm thoại

¾ Cụ đã ra!
¾ Lạy cụ.
¾ Xin mời cụ lên trên. 27

Đóng khung ý nói thêm trong đoạn văn

Người viết phải dùng hai dấu gạch nối kép (một ở trước và một ở sau):

Đây cũng là một lối Tây Sương Ký¾ có đoạn hậu bi thương¾của một lứa đôi đàn ông, chép lại truyện hai người sống với nhau trong ngờ sợ, tin thương, thấp thỏm, nhọc nhằn và đau tủi. 28

Diễn tả thêm ý tưởng ở cuối câu

(. . .)? Chỉ vì họ muốn giữ nhau làm của riêng ¾ đó là một thứ áo tưởng về quyền tư hữu. 29

Hướng dẫn để đánh dấu gạch nối kép (dash) trên bàn phím của máy vi tính

Trong hiện đại, có thể vì không biết làm sao đánh dấu gạch nối kép trên bàn phím máy vi tính nên người ta đánh một khoảng cách rồi dấu gạch nối rồi khoảng cách. Sau đây chúng tôi xin hướng dẫn độc giả đánh dấu gạch nối kép như sau:

a. Đánh hai lần dấu gạch nối.
b. Bấm Enter thì quý vị thấy dấu gạch nối kép hiện lên.
c. Bấm Backspace cho con chuột chạy trở về ngay sau dấu gạch nối kép.
d. Rồi đánh tiếp những gì muốn viết.
e. Lại đánh hai lần dấu gạch nối nếu muốn đóng dấu nối kép.
f. Bấm Enter thì quý vị lại thấy dấu nối kép hiện lên một lần nữa.
g. Bấm Backspace để con chuột chạy trở về ngay sau dấu gạch nối kép thứ hai.

Thử đi quý vị! Không khó đâu nếu quý vị thích tôn trọng quy luật chấm câu theo quốc tế.

DẤU CHẤM HỎI (QUESTION MARK)

Thông thường, dấu chấm hỏi được ở cuối câu nghi vấn:

“¾ Thi đôi ăn đấm là thế nào?” 30 

Thỉnh thoảng dấu chấm hỏi được đặt trong dấu mở và đóng ngoặc đơn để diễn ý không chắc, nghi ngờ. Thí dụ: Tôi còn nợ Đại tá Phùng Văn Quang 1.000 đồng (2.000 đồng?).

DẤU CHẤM THAN (EXCLAMATION POINT)

Dấu chấm than được dùng đặt ở cuối câu tán thán, thỉnh cầu, sai khiến hay cảm xúc.

Than ôi! Thế cuộc đảo-điên! 
* * *
PHỤ LỤC:

KHOẢNG CÁCH TRƯỚC VÀ SAU MỖI DẤU CHẤM CÂU

Đây cũng là một vấn đề chúng tôi nhận thấy nên đưa ra: Căn cứ vào quy luật chấm câu quốc tế mà hầu hết các quốc gia (trong đó có Việt Nam) tôn trọng là: KHÔNG CÓ KHOẢNG CÁCH NÀO TRƯỚC CÁC DẤU CHẤM CÂU.

Nhưng trong khoảng dưới 10 năm nay có thực trạng là ở Việt Nam và thỉnh thoảng người Việt ở nước ngoài cũng vô tình bắt chước: Người viết THÊM KHOẢNG CÁCH (SPACE) TRƯỚC hay SAU KHÔNG CẦN THIẾT cho các dấu chấm câu. Họ tự ý hay bắt chước thêm khoảng cách trước các dấu phẩy/phết (,), chấm (.), chấm than (!), chấm hỏi (?), v.v., và sau dấu ngoặc đơn hay ngoặc kép

Thí dụ 1: 

Sau khi từ chức tổng thống , ông Thiệu dọn về ở nhà quốc khách trong khu Hải quân, nay là đường Tôn Đức Thắng . 
Tài sản riêng của gia đình ông được chuyển đi trước đó. Dù không còn quyền hành gì, nhưng sự có mặt của ông Thiệu tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhốn nháo đó không phải là một điều hay ho đối với nhiều người .

Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" , tân Tổng Thống Trần Văn Hương đã gọi điện thoại khuyên ông Thiệu nên sớm rời khỏi Việt Nam .Ông Hương cũng đề nghị đại sứ Mỹ Martin dàn xếp giùm cho chuyến ra đi của ông Thiệu .

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu phẩy và dấu chấm.

Thí dụ 2:

Chập tối, một cô gái trên đường về nhà gặp chàng trai lạ đang lững thững đi trên đường. 
- Anh có thể đưa giúp em qua nghĩa trang được không ? 
- Đi theo anh, anh cũng đi về hướng đó. 
- May mà có anh, không em đi một mình thì sợ chết mất. Cảm ơn anh nha.
- Không có gì ! Lúc còn sống anh cũng sợ ma như em !

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu chấm hỏi và chấm than.

Thí dụ 3:

( tại Bắc Đức vùng Berlin là vào ngày 11.5 ) 

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sau và trước dấu ngoặc đơn.

Thí dụ 4:

Mời ACE xem và nghe Sylvie Vartan hát ở hai thời điểm :
- Năm 1964 : lúc còn trẻ , và chúng ta đă thần tượng cô.
- Năm 2007 : đă thành mệnh phụ, hát vẫn hay
Và Chúng Ta đã không còn nhận ra SV nữa, ngoại trừ phần nào giọng hát...

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách trước dấu hai chấm! (Chưa kể viết hoa không cần thiết cho hai chữ “Chúng Ta”!)
V.v..

Tuy nhiên, còn điều đáng mừng cho chúng ta—những người Việt yêu thương và quan tâm đến tiếng Việt—là chỉ mới một số ít người viết thêm khoảng cách không cần thiết trước hay sau các dấu chấm câu ở nước ngoài; và ngay cả trong nước (chẳng hạn các sách đứng đắn, cá báo Thanh Niên, Làng Cười, v.v.) vẫn tôn trọng quy luật quốc tế về khoảng cách trước hay sau dấu chấm câu.

Chúng tôi hy vọng quý vị tiếp tay phổ biến bài nầy trong tinh thần xây dựng và bảo tồn tiếng Việt yêu thương của chúng ta. Xin đa tạ!

(Cập nhựt hóa 07 05 2013)

Vương Đằng

* * *
CHÚ THÍCH

1 Vũ Bằng, Nói Có Sách, Nguyễn Đình Vượng, Sài Gòn, 1971, tr. 32.
2 Ngô Tất Tố, Việt-Nam Văn-Học Văn-Học Đời 
Trần, Khai Trí, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 16-17.
3 Nha Học Chính Đông Pháp, Luận-Lý Giáo-KhoaThư, Việt Nam, 1941, tr. 84.
4 Nha Học Chính Đông Pháp, Quốc-Văn Giáo-KhoaThư, In Lần Thứ Mười, Việt Nam, 1935, tr. 77.
5 Phan Kế Bính, Việt-Nam Phong-Tục, Xuân Thu Tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 20.
6 Nguyễn Hiến Lê, Luyện Văn, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 116.
7 Nhã Ca, Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 136.
8 Lổ Tấn, Tuyển Tập, Giản Chi tuyển dịch, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 106.
9 Nhất Linh, Đoạn Tuyệt, Đời Nay, Hà Nội, Sống Mới tái bản, Sài- Gòn, không đề năm, tr. 7.
10 Vương Hồng Sền, Sài-Gòn Năm Xưa, Tự Do, Khai Trí, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề  năm, tr. 21.
11 Mạnh Phú Tư, Làm Lẽ, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 69.
12 Thạch Lam, Sợi Tóc, Sống Mới, Sài Gòn, không đề năm, tr. 42.
13 Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, in lần thứ hai 1988, tr. 87.
14 Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm,  tr. 42-43.
15 Nguyễn Hiến Lê, Hương Sắc Trong Vườn Văn, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 24.
16 Hector Malot, En Famille, Hà Mai Anh dịch thuật, Trong Gia-Đình, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 31.
17 Dương Quảng Hàm, Quốc Văn Trích Diễm, BốnPhương tái bản, Sài Gòn, 1952, tr. 63.
18 Hồ Hửu Tường, Phi Lạc Sang Tàu, Khai Trí, Sài Gòn, in lần thứ sáu, 1968, tr. 27.
19 Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Óc Sáng Suốt, XuânThu, Hoa Kỳ tái bản, không đề năm, tr. 48.
20 Hoàng Xuân Việt, Thuật Rèn Người, Tủ Sách Rèn Nhân Cách, Sài Gòn, Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 55.
21 Một Nhóm Giáo Viên, Quốc Văn Lớp Nhì, Quyển II, không đề nhà xuất bản, không đề năm, tr. 13.
22 Lê Văn Siêu, Văn Minh Việt Nam, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1964, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 73-74. 
23 Tô Hoài, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Xuân Thu tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 11.
24 Lãng Nhân, Trước Đèn, Zieleks tái bản, Hoa Kỳ,
25 Huỳnh Minh, VŨNG-TÀU Xưa và Nay, Cánh Bằng (tác giả xuất bản), Sài Gòn, 1970, Đại Nam, Hoa Kỳ tái bản, không đề năm, tr. 5. 26 Toan Ánh, Hội Hè Đình Đám, Quyển Hạ, không đề nhà xuất bản, Sài Gòn, in lần thứ nhất, 1974, tr.18. 
27 Ngô Tất Tố, Tắt Đèn, Sống Mới tái bản, Hoa Kỳ, in lần thứ ba, không đề năm, tr. 14.
28 Nguyễn Tuân, Tùy Bút, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 237. 
29 Trùng Dương, Lập Đông, Văn, Sài Gòn, 1972, tr. 81-82.
30 Chu Thiên, Nhà Nho, Đại Nam tái bản, Hoa Kỳ, không đề năm, tr. 6.
31 Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 108.

Mừng Chúa Giáng Sinh


Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra
Rực rỡ hào quang ánh sáng lòa
Quỳ gối đàn chiên chờ đón rước
Khom mình tiên nữ chúc lời ca
Quyết tâm chuộc tội trước Tông đồ
Giữ Giá thông đàng Địa đạo qua
Cứu thế ngàn đời còn mãi mãi
Giáng Sinh mừng rỡ khắp gần xa
Thiên đàng cửu bị Sơ nhân bế
Địa đạo tiên bằng Thánh tử thông

Thái Hanh
7g30' - 4-12-2009


Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp NK 62-69: Đoàn Ngọc Hoa



Ngọc Hoa 1969, Cây Phượng trước sân trường Tống Phước Hiệp
Ngọc Hoa và Bạn Oánh, hs nhất B1, năm 1969 Từ Úc về VN đến ngày14/12/2014
Ngọc Hoa, đập Đa Thiện Đà Lạt 1972
Ngọc Hoa trại Hướng Đạo toàn quốc năm 1970

Ngọc Hoa, Đệ Tứ 1965-1966
  Trước cửa lớp Nhất C
Các bạn lớp Nhất C 1969
Các bạn Nhất C với cô chủ nhiệm Nguyễn Anh Cúc dạy Pháp văn.
Đoàn Ngọc Hoa