Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

Thơ Tranh: Thoáng Trong

 

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Nhớ Người Đi

 

Cô đơn chiếc bóng bên thềm
Ngồi ôm kỷ niệm êm đềm thời yêu
Người đi lạc lối cô liêu
Rừng xanh lóng lánh bóng chiều hoàng hôn
Lệ không rơi mới đau buồn
Nỗi đau im lặng là nguồn thương đau
Về đâu? Còn biết đường nào?
Gieo nhung nhớ để xuyến xao cõi lòng
Niềm sầu lắng vẫn vô cùng
Trên môi vị đắng còn trong nỗi niềm
Còn nhau tình đẹp vô biên
Mất nhau đời sống ưu phiền trùng vây
Em biết nương tựa vào ai?
Lấy ai chia sớt đắng cay, mặn nồng?
Đêm về lau lệ phòng không
Nỗi cô đơn đốt cháy lòng, Anh ơi!
Cố tìm quên giữa nụ cười
Mà cơn mưa hạ sụt sùi, nhớ thêm...
Đếm ngoài từng giọt mưa đêm
Là bao giọt lệ của em nhớ người.

Tháng 7 mưa ngâu
7 / 2022 
Hoàng Phượng

Nỗi Nhớ Anh

 

(Cảm tác theo bài thơ Nhớ Người Đi
Của nữ sĩ Hoàng Phượng)

Em mất anh rồi vô thường nỗi nhớ
Lá đang xanh vô cớ lại úa vàng
Anh đi lạc lối rừng thu chớm lạnh
Bóng chiều buông lấp lánh vội qua nhanh.

Lệ tuôn rơi ngẩn ngơ ngoài hiên vắng
Lá vàng rơi trong nắng sớm hôm nay
Bâng khuâng nỗi nhớ đầy trong kỷ niệm
Nghiêng nghiêng bóng em hoài niệm vơi đầy.

Vắng anh rồi một mình em ở lại
Lá thu mùa này chết dại đau thương
Thương anh mênh mông mây trời xa lạ
Đêm về mắt lệ, chan hoà vấn vương.


Tế Luân

Đâu Áng Mây Tần - Nẻo Đường Quê



Đâu Áng Mây Tần

Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền

Nhà ta đâu đó dưới đám mây đang giăng ngang dải núi Tần xa kia
nhưng tuyết đã đổ ngập ải Lam cản đường ngựa vượt qua mất rồi
(Hàn Dũ 768-824)

Người xưa trên bước đường luân lạc
Vẫn có một nơi để nhớ về
Tôi nay thân cỏ bồng phiêu bạt
Đâu Áng Mây Tần gửi nỗi quê

Ngày tháng qua đi không trở lại
Tóc xanh giờ đã bạc phong trần
Còn chăng một tấm lòng thơ dại
Ngu ngơ cười khóc chuyện phù vân

Đất khách lần khân đà trọn kiếp
Thì thôi chữ nghĩa chút niềm vui 
Đêm đêm lần giở trang thơ cổ
Trăng nước Tầm Dương những ngậm ngùi

Phạm Khắc Trí
***
Cảm Tác:
Đâu Nẻo Đường Quê


“Còn thương mấy nẻo đường quê
Mà lòng vẫn muốn quay về chốn xưa
Dù cho nắng sớm chiều mưa
Cũng là đất mẹ mà chưa đáp đền “
(SQ)

Bao năm tôi sống đời lưu lạc
Vẫn nhớ nẻo quê muốn trở về
Dù trải thân nầy bao bão tố
Hồn còn ray rứt mối tình quê

Thời gian trôi mãi không dừng lại
Thân lão giờ đây lấm bụi trần
Tóc bạc ,da mồi hồn vẫn dại
Ở, về lòng cứ mãi phân vân

Xứ lạ lựa lần gần hết kiếp
Tình nhà ,nợ nước vẫn chưa vui
Biết tìm đâu nữa hồn xưa cỗ
Nhớ nẻo đường quê luống ngậm ngùi!

songquang
20220720
( ngày ký hiệp định chia đôi đất nước)


Chân...

 

Xướng: Chân...

Đôi khi giấc mộng vàng
Chợt đến rồi nhòa tan
Ta chẳng mơ vương thượng
Em không ước nữ hoàng
Vì tình luôn thắm thiết
Còn nghĩa mãi mênh mang
Hạnh phúc nào xa xỉ
Nhớ gì những trái ngang.

Quên Đi
***
Ngỡ

Mây trên đỉnh núi vàng
Rớt xuống sông chiều tan
Khói toả mầu khinh bạc
Áo phai sắc huyễn hoàng
Hồn như đang lãng đãng
Lòng chợt thấy hoang mang
Đã biết đời hư ảo
Nên đành bước dọc ngang...

Cao Mỵ Nhân
***
Họa: Cô Giáo Trẻ

Tà áo lụa tơ vàng
Sân trường buổi học tan
Như mây trời sáng hạ
Tựa ánh nắng hôn hoàng
Cảm xúc vừa xao động
Tâm tình đã vướng mang
Mắt nhìn dường nhắn gởi
Lời hẹn chuyến đò ngang

Phương Hà
(12/07/2022)
 

Xớn Xác Tuổi Già


Tuần trước đi chợ chị Bông đã biết sắp đến sinh nhật của cháu nội yêu Betsy, chị mua ngay một tấm thiệp đẹp để sẵn vậy mà chị Bông lại…quên mất. Chồng bảo dấu hiệu của tuổi già. Chị Bông cãi:
- Chỉ là quên…thường tình, không vì tuổi tác.

Tối qua chị mới chợt nhớ ra thì chỉ còn một ngày nữa là sinh nhật cháu nên vội vàng bảo anh Bông ký check 200 đồng làm quà tặng, còn chị phải…lò mò cặm cụi viết lời chúc.
Anh Bông ký check xong để ra bàn:
- Tôi ký check nhanh chớp nhoáng chỉ mấy chục giây còn bà ghi vài câu chúc cho cháu mà nãy giờ vẫn còn trên…giấy nháp.
Chị Bông giải thích:
- Cháu nội nghe được tiếng Việt nhưng không đọc được tiếng Việt vì thế em phải viết bằng tiếng Anh, mà Betsy mỗi lần gởi thiệp chúc sinh nhật chúng ta nó đều viết những lời văn hoa đẹp đẽ nên em cũng cố làm tương tự để…đáp lại tấm thịnh tình ấy vì thế mới tốn thì giờ. Thử viết bằng tiếng Việt xem, em sẽ viết vèo một cái là xong, trước khi anh ký xong cái check nữa đó.

Cuối cùng thì chị Bông cũng đã ghi được vào tấm thiệp những lời chúc sinh nhật hoa mỹ bay bướm bằng tiếng Anh cho cô cháu nội. Bỏ tờ check vào tấm thiệp chị Bông hớn hở dán phong thư và muốn chắc ăn chị ra bỏ ngay vào thùng thư sợ mai ngủ dậy muộn lại quên thì càng trễ thêm.

Tối lên giường đi ngủ chị Bông vẫn sung sướng nghĩ đến tấm thiệp đẹp với lời chúc hay ho của mình ngày mai sẽ trên đường bay đến Utah, đến tay Betsy. Chị đang lim dim sắp đi vào giấc ngủ ngon bỗng giật thót tim, một linh tính nào đó mách bảo làm chị lo lo… lá thư chưa hoàn hảo, dù lá thư đã bỏ vào thùng thư nhưng hình như…chưa được dán tem?

Dĩ nhiên thư chưa dán tem sẽ bị trả về nhưng sẽ mất thêm thời gian và biết đâu thư bị thất lạc thì kẻ gian có thể mở thư lấy tấm check 200 đồng và giả mạo cash tấm check ??!!
Thế nên sáng nay sắp đến giờ thường lệ xe bưu điện đến chị Bông ra canh chừng ở thùng thư, may là thùng thư chung ở ngay trước cửa nhà chị Bông, cứ mỗi quãng phố lại có một thùng thư chung gồm 8 nhà. Chị Bông đợi khi ông bưu điện mở thùng lấy thư chị sẽ xin phép ông cho xem lại lá thư của mình và dán tem ngay tại chỗ. Anh Bông thương cảm:
- Bà ráng đứng đợi ông bưu điện nhé. Tội nghiệp, bà trẻ hơn tôi 5 tuổi nhưng đã già…hơn tôi. Gởi thư mà lú lẩn quên chưa dán tem.
Đang lo lá thư lại bị chồng chê già lần nữa chị Bông thêm tức lộn ruột nhưng không cãi vào đâu được. Đành chịu.

Khoảng 10 giờ 15 thì chiếc xe bưu điện lù lù xuất hiện ở đầu đường, chị Bông rộn rã vui mừng như người ta chờ đợi người yêu và sắp gặp mặt chàng. Xe bưu điện ngừng ở hai thùng thư nơi hai quãng phố làm chị Bông sốt ruột như Hồ DZếnh âu yếm trách người yêu “Gớm, sao mà lâu thế..”
“Chàng” bưu điện đang từ từ lái xe đến thùng thư khu nhà chị Bông, “chàng” đâu biết rằng đang có kẻ dõi theo “chàng” từng phút giây này.


Hôm nay chị Bông mới được dịp nhìn kỹ mặt ngang mũi dọc “chàng” đưa thư nhà mình, thường ngày nếu có gặp chị cũng làm ngơ vì…tự ái và tủi thân. Ngày xưa chị Bông mộng thi vào bưu điện, công việc ổn định lương cao, nhưng chỉ thi thử đã không đủ điểm để tự tin đi thi thật, mà cũng đáng đời vì tính chị Bông hay xớn xác trong khi làm cho bưu điện dù ngồi lựa thư hay ra ngoài đường đưa thư đều cần trí nhớ tốt, chính xác và nhanh nhẹn.
“Chàng” bưu điện dễ thương làm sao, khi chị trình bày “chàng” mỉm cười mở thùng thư ra chị Bông thấy ngay tấm thiệp của mình chưa dán tem đúng như linh tính. Với con tem đã sẵn sàng trên tay chị Bông dán ngay vào để không làm mất thì giờ của “chàng” và cám ơn rối rít.

Lần này thì chị Bông thực sự yên tâm. Lá thư đã hoàn hảo từ trong ra ngoài. Vài ngày nữa cháu sẽ nhận thiệp nhận quà, cháu sẽ gọi phone cho bà nội líu lo ngọng nghịu nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh vì tiếng Việt cháu không nhiều. Bà nội cũng líu lo nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt với cháu vì tiếng Anh của bà cũng chẳng là bao.
Chị Bông mang vào nhà một lá thư của hãng điện, thời đại này thùng thư nhà nào cũng chỉ nhận le que mấy cái thư bill và báo chợ báo quảng cáo mà thôi.

Buổi chiều anh Bông mang checkbook ra ký check để gới trả bill tiền điện. Thấy nét mặt anh bỗng nhiên thẫn thờ chị Bông thắc mắc:
- Bộ tiền điện tháng này tăng cao lắm hả anh?
Anh Bông khẽ…thở dài:
- Không phải thế….chả là tôi vừa…phát giác ra…
- Anh ký check lầm lẫn tiền bạc hả anh?
- Không phải thế…chả là tôi …viết check mà …..quên chưa ký tên.
- Tưởng gì, thì bây giờ anh ký tên đi có muộn màng chi đâu..
- Nhưng tôi quên ký tên là….cái check bà đã gởi làm quà cho Betsy rồi đó…
Chị Bông kêu kên thất vọng:
- Ối trời ơi…thế nghĩa là lá thư gởi đi vẫn chưa hoàn hảo, cháu sẽ nhận tấm thiệp chúc sinh nhật mà không có quà vì cái check chưa ký tên thì vô giá trị. Sao anh không phát hiện sai sót sớm như em? Bây giờ ông đưa thư đã mang thư đến tận nơi đâu rồi…
- Sorry nha, tôi làm trễ thêm món quà sinh nhật gởi cho cháu nội rồi. Mà…tại bà đó, cứ hối hả làm tôi cũng hối hả theo.
- Đừng đổ vạ tại ai. Thế mà anh chê em già lú lẩn…Vậy ai già hơn ai?
Anh Bông biết điều:
- Cả hai vợ chồng mình cùng già, cùng xớn xác như nhau. Tôi sẽ viết lại cái check khác cho Betsy ngay bây giờ và ký tên…trước mặt bà, cũng như bà sẽ bỏ check vào phong thư có ghi địa chỉ và dán tem …trước mặt tôi. Lần này thì bảo đảm lá thư sẽ hoàn hảo.
Chị Bông đồng ý:
- Ừ, từ giờ trở đi bất cứ chuyện lớn nhỏ gì người nọ cũng kiểm soát người kia, nhắc nhở người kia cho chắc ăn. Tuổi già ai cũng có thể sai sót thế đấy.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( April 28, 2022)

Đại Tá Nguyễn Đình Bảo,Người Ở Lại Charlie...!


1- Lược Sử

Nguyễn Đình Bảo: (1937 - 1972), người Hà Đông, vào Nam 1954, Ông tốt nghiệp TúTài I.
Niên Trưởng Nguyễn Đình Bảo xuất thân khoá 14 ( 1957-1960 ) trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đi Nhảy Dù. Qua các cấp bậc, chức vụ:
- Thiếu Úy - Trung Đội Trưởng,
- Trung Úy, Đại Úy - Đại Đội Trưởng
- 1968 - Thiếu Tá - Tiểu Đoàn Phó
- 1971 - 1972 Trung Tá, Tiểu Đoàn Trưởng T.Đ.11 Nhảy Dù
- Truy Thăng Đại Tá, truy tặng Đệ Tam Đẳng Bảo quốc Huân Chương...

Năm 1960, NT Nguyễn Đình Bảo lập gia đình với nữ tiếp viên không phi hành,Hàng Không Việt Nam. Sau khi Ông hy sinh, Bà đã thủ tiết thờ chồng nuôi con. Hiện nay Bà và 3 người con đang sống tại Sàigòn.
Sự hy sinh cuả Trung Tá Nguyễn Đình Bảo tại Charlie đã gây nhiều âu lo và xúc động trong lòng các chiến hữu Nhảy Dù, kể cả các chiến binh thuộc các quân, binh chủng bạn. Bởi vì:
- Trung Tá Bảo nổi tiếng là vị chỉ huy tài ba, gan dạ và hết lòng yêu thương thuộc cấp. Và Ông từng xông pha qua nhiều chiến trường, vào sanh ra tử với nhiều trận mạc hốc hiểm: Dakto, Dam-be, Đức Cơ, Krek, Snoul, Khe Sanh, Hạ Lào… Ông dày dạn lưả khói và có bề dày chinh chiến. Do đó Ông được hầu hết quân nhân các cấp kính mến, nhứt là anh em Nhảy dù...
- Căn cứ Charlie là cao điểm chiến thuật, chiến lược quan trọng bảo vệ Tây Nguyên Tam Biên Vùng II Chiến Thuật cuả Việt Nam Cộng Hoà, lúc bấy giờ do Trung Tướng Ngô Du làm Tư Lệnh.

2 - Căn Cứ Charlie:

(Phải: Cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo,Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải 11 Dù, 
Trái: Đại úy Dù Đoàn Phương Hải)  

Charlie là đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Đường 14, nằm phiá đông- bắc tỉnh lỵ Kontum, đông - nam Tân Cảnh. Người viết cũng đã từng để lại dấu chân vùng Tân Cảnh, Dakto...
Kính ngưỡng NT Nguyễn Đình Bảo, anh hùng binh chủng Nhảy Dù nói riêng; anh hùng cuả Quân Lực VNCH nói chung; người biên soạn ngậm ngùi qua bài thơ:

 Đại Tá Nguyễn Đình Bảo,Người Ở Lại Charlie...!!

Núi sông nghiêng ngửa mượn đao cung
Dẹp loạn... nam nhi chí vẫy vùng
Chiến sĩ qui tiên... hồn tức tưởi
Thân nhân tại thế... mắt rưng rưng
Kinh Kha: - Dịch Thủy sông cuồn cuộn
Đình Bảo: - Charlie núi trập trùng
Khắc khoải... Đỗ Quyên ngùi... tuấn kiệt
Trăng tà... bóng ngã... lá bâng khuâng...!!
(Nguyễn Minh Thanh cẩn tác)

3 - Bà Nguyễn Đình Bảo ( 1940 - ...... ), nhũ danh??

Vào đầu thập niên 60, NT Nguyễn Đình Bảo lập gia đình với nữ tiếp viên Hàng Không sinh năm 1940. Sau khi Ông hy sinh, Bà đã ở vậy thờ chồng nuôi con. Hiện nay Bà và các con các cháu đang sinh sống ở Sài Gòn. Ông Bà có 3 người con:
Nguyễn Bảo Tường, Nguyễn Bảo Tú, Nguyễn Bảo Tuấn.  
Khi Đại Tá Bảo hy sinh, Bà mới 32 tuổi đang còn sắc nước hương trời, là một trong những người đẹp của hàng không Việt Nam, có rất nhiều người tìm đến ngỏ lời... Nhưng Bà dứt khoát từ chối, Bà luôn dành một tình yêu bất tận cho NT Bảo.
Biến cố 75 ập đến, gia cảnh đang đã khó lại càng thêm khó khăn. Một mình Bà vất vả làm đủ nghề để nuôi 6 miệng ăn. Ban ngày thì làm bánh để bán, tối lo đan áo cho người xuất cảnh. Nhiều đêm Bà thức đan áo đến ba bốn giờ sáng dưới ánh đèn dầu leo lét...
Bà luôn dạy các con phải sống cho xứng đáng. Ngày con trưởng là Nguyễn Bảo Tường mở phòng mạch riêng, Bà rất vui đến dự khai trương.
Hôm sau, Bà nói với Tường rằng: “Tường à, Mẹ thấy con mở được phòng mạch Mẹ rất mừng, nhưng Mẹ không hài lòng khi thấy con đặt bàn thờ Thần tài ngay trước phòng mạch như vậy, Mẹ muốn cho con học Y là để con làm việc cứu người chứ không phải với mục đích kiếm tiền”.
Từ đó, Tường năm nào cũng tham gia chương trình mổ từ thiện “Vì nụ cười” cho các trẻ em không may mắn.


Ôi, tay xách nách mang, Bà Nguyễn Đình Bảo đã trọn vẹn thiên chức: Người Vợ, Người Mẹ. Bà đã nai lưng, bươn chải gồng gánh gia đình vượt qua trăm cay nghìn đắng dưới thời cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa...!!
Mừng thay, nay, các con cuả Bà đã thành nhân chi mỹ đường hoàng:
- Nguyễn Bảo Tường: Bác sĩ Nhi Khoa.
- Nguyễn Bảo Tú ( thứ nữ ), Cử Nhân Anh Văn, làm việc tại Tòa Lãnh Sự Anh Quốc, Sài Gòn.
- Nguyễn Bảo Tuấn, Kiến trúc sư, đang giảng dạy tại Đại học, Sài Gòn.
* Cảm phục trước Công Ngôn Dung Hạnh cuả Bà Nguyễn Đình Bảo,
người biên soạn có bài thơ trân trọng:

Goá Phụ Nửa Chừng Xuân,
Bà Nguyễn Đình Bảo

Trung trinh thiếu phụ sáng gương đời
Dốc chí đưa con vượt... sóng khơi
Rẽ thúy Mẫu Đơn đang sắc nước
Chia uyên Nguyệt Quế lúc hương trời
Khôn ngui thương tưởng: - người thiên cổ
Chẳng ngại chăm lo: - trẻ cúc côi
Mẹ goá nuôi con nên hiển đạt
Khả phong tiết hạnh*... ánh trăng ngời...
Nguyễn Minh Thanh cẩn tác

* Trều Nguyễn, quí phu nhân thủ tiết thờ chồng nuôi con, được tôn vinh: " Tiết Hạnh Khả Phong " có sắc chỉ Vua ban.

4 - Tiểu Truyện Liên Quan: Thiếu tá John Duffy,


Và The Commander's Burial (Colonel Nguyen Dinh Bao)
Vào ngày 5 tháng 7 năm 2022, một buổi lễ đặc biệt cử hành ở White House, Tổng thống Joe Biden truy tặng Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor) cao quý nhứt cho 4 cựu quân nhân Mỹ. Những người đã có công đặc biệt trong việc giúp chính phủ và quân lực Việt Nam Cộng Hoà chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt.
Trong 4 cựu quân nhân, có cựu Thiếu tá John Duffy. Ông là sĩ quan cố vấn cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (Song Kiếm Trấn Ải) của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (Khoá 14, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Đà Lạt) đang trách nhiệm bảo vệ Căn cứ hoả lực Charlie, tỉnh Kontum năm 1972.
Trung tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh ngày 12 tháng 4 năm 1972 trên đỉnh Charlie. Thiếu Tá Lê Văn Mễ lên thay.
Tiếp theo, trong trận đánh ngày 14 và 15 tháng Tư năm 1972, Thiếu Tá John Duffy đã bị thương, nhưng ông từ chối ưu tiên tản thương. Ông quyết ở lại chiến đấu với lính Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hoà cho đến cùng.
Cuối cùng vị trí quân Dù bị tràn ngập. Dưới sự chỉ huy cuả Thiếu Tá Lê Văn Mễ và sự hướng dẫn cuả Duffy, phần còn lại đến một điểm để di tản bằng trực thăng. Song, cũng vô cùng khó khăn và đẫm máu. Tuy nhiên cuộc di tản cũng đã hoàn tất...!!

Sau 29 năm phục vụ trong quân đội, Duffy tiếp tục có thành công khác. Đó là với tư cách là một nhà văn và nhà thơ, ông xuất bản 6 cuốn sách và được đề cử tranh giải Pulitzer.
Tổng Thống Biden nói:
“Cảm ơn Thiếu tá Duffy vì tất cả những gì ông đã làm để truyền cảm hứng cho những người khác.”

Và dưới đây là bài thơ " The Commander's Burial " (Colonel Nguyen Dinh Bao) cuả ông viết về sự chôn cất vội vàng thi hài Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, trước khi rời bỏ Charlie...!!

The Commander's Burial
(Colonel Nguyen Dinh Bao)

We wrap him in a poncho,
Even his dismembered legs.
He knew that he was dying,
And he spoke his last words.

"Tell my wife I loved her true.
Tell my children to remember me.
Tell my paratroopers to never surrender.
You, my officers, one final salute."

He lays in a shallow grave alone;
No bugles, no farewell rifle salute,
Only a few shovels of red earth.
His grave is marked with his helmet.

He fought bravely until the end.
He fought against heavy odds.
He has fought his last battle.
With his glory, we leave him.
(John J. Duffy)
***
Bài cảm dịch: 

Chôn Vội Vị Chỉ Huy
(Đại Tá Nguyễn Đình Bảo)

Thân Anh đặt vào ponsô
Mấy khúc chân gãy xếp vô gọn gàng
Biết mình sự chết dần đang
Tức thì căn dặn chứa chan mấy lời...

Rằng: " - Anh yêu em nhất đời
- Các con cưng quí ghi thời của cha
- Lính dù hàng giặc tránh xa
- Quan dù: chào biệt của ta lần này "

Pônsô... huyệt cạn sơ sài
Không kèn, không súng u hoài vây quanh
Đất đỏ dăm xẻng lấp nhanh
Cô đơn nón sắt: - dấu dành nhớ chung

Cảm phục,
Anh can đảm đánh đến cùng
Tiểu Đoàn kịch chiến trùng trùng bầy ong
Anh vào trận cuối... thong dong...
Chào Anh vĩnh biệt... huân công ngậm ngùi...!!
(Nguyễn Minh Thanh cảm dịch)

* Lời cuả Thiếu Tá John J. Duffy: Tôi không bỏ các anh, những chiến hữu đúng nghĩa nhất mà tôi chưa hề gặp trong cả đời chinh chiến. Tôi biết rõ, nếu tôi đi đợt đầu thì chắc khó hy vọng có máy bay trở lại bốc nốt các anh.

* Cảm Khái cuả người biên soạn:

Thiếu Tá John J. Duffy,
Thiếu Tá Duffy tuyệt vời, thật tuyệt vời...
Liều thân ở lại...
giúp bạn dưới trời cung đao
Pháo giặc:
nổ chụp, nổ chậm ào ào...
Giặc dữ gươm súng tràn vào tấn công
Quân Dù tả đục hữu xông
Sau cùng đã thoát ra vòng hiểm nguy
Trực thăng tiếp cứu tức thì
Cảm ơn Thiếu Tá Duffy
Cảm ơn Thiếu Tá Duffy
Sả thân cứu giúp bạn...
đáng ghi Anh Hùng...!!
đáng ghi Anh hùng...!!

Bây giờ Cuộc Chiến cáo chung
Song le, còn lắm trùng trùng cách ngăn...
Núi Sông: xương... máu... nhục nhằn...
Khăn tang mây trắng... buồn giăng... ngập trời...!!
Để rồi... Sông Núi tả tơi...
Để rồi... Sông Núi dần rơi... giặc Tàu...!!
(Nguyễn Minh Thanh)
( GA, 13 - 7 - 2022)

 
5-Phần Kết:

A - Cụ Phan Bội Châu: 
Trong bài: Xuất Dương Lưu Biệt*:

"Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế "
Quí tiền nhân tự cổ chí kim đã cảm nhận:
" Sông núi tiêu vong ôm đại nhục...!!",

Nên lẫm liệt tuẫn tiết:
" Vị Quốc Vong Thân "

Bà Trưng, Bà Triệu,... Cô Bắc, Cô Giang, Ấu Triệu Lê Thi Đàn...,
Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Cao...
Nghĩ, thậm cảm thương quí tiền nhân đã kiêu hùng dũng khí:
 
" Ninh Thọ Tử, Bất Ninh Thọ Nhục "

Quí Ngài:

" Ta thà làm quỉ nước Nam,
không thèm làm vua đất Bắc"
(Trần Bình Trọng)

" Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma "
(Đặng Dung)

" Hãn mã nan kham vị quốc cừu
Chỉ nhân binh bại trí thân hưu."
(Thủ Khoa Huân)

Và gần đây, sự kiện năm 1975: Ngũ Hổ Tướng với nhiều... nhiều... anh hùng kiêu dũng nữa...
Qúi Vị ấy cũng cảm nhận được:

" Sông núi tiêu vong ôm đại nhục...!!",

nên đã uy nghi viết sử bằng máu cuả mình cho chính mình...!!

B - Thi sĩ Đỗ Phủ thời Thịnh Đường, qua bài: Xuân Vọng**:

" Quốc phá, sơn hà tại ".

Ông còn Nước để nhớ, còn chốn để về....
Một mai... Những cánh chim Thiên Di vì Bão Lửa ra đi...
Không còn Nước để thương nhớ... Không có chỗ để vui về. Rồi, đêm đêm đếm những sợi tóc bạc mọc dài lê thê...
Nhưng, xin thưa chuyện công chẳng thành, danh chẳng toại, " Trăm năm thân thế có ra gì....!! " như Cụ Trần Tế Xương tự thán.... Những cái đó, không làm cho chim Thiên Di buồn bã nhìn lên đỉnh núi chon von thấy nhọc nhằn giăng giăng mây trắng...

Mà vì,
Sông, Núi, Biển... tả tơi...
Mà vì,
Sông, Núi, Biển...dần rơi... giặc Tàu...!!
Mà vì,
Phụ nữ " Xứ Ngoại Làm Dâu "...
Làm Ôsin khắp thế giới... Phi Châu cũng làm...!!
Ôi...!! Hàng hàng..., lớp lớp..., Nam Anh Hùng..., Nữ Thư Kiệt... với bao xương máu chan hoà..., thậm thấm vào mạch đất ...
Thế mà bây giờ:
Đoái trông... Tổ Quốc tan hoang
Tàu Cộng: nhếch nhác, nghênh ngang, lu bù...!!!
Đặc Khu... lềnh khênh... Đặc Khu...!!
Mãn, Mông, Tân, Tạng... thiên thu ngậm ngùi...!!

Ngoài trời, đêm đen dằng dặc...
Bắc Mỹ, khách xứ, canh trường...
Buồn dâng cao trào... ngấn mắt
Cô lão mã: ức... Cố Hương...!!

Nguyễn Minh Thanh biên soạn
( Để nhớ: 20 - 7 - 1954 , Geneve chia đôi Tổ Quốc. GA, 20 - 7 - 2022 )
----------------
Nguồn: 
- Mùa Hè Đỏ Lửa: Người ở lại với CHARLIE - Phan Nhật Nam
- Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Người Ở Lại Charlie - Vann Phan
- Tại sao không giữ lời hứa với Mẹ tôi - Nguyễn Bảo Tuấn
- The Battle for"Charlie"
----------------
Phụ chú:

* Xuất Dương Lưu Biệt
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Phan Bội Châu)

* Lưu Biệt khi Xuất Dương.

Nam tử làm gì với núi sông??
Chuyển vần chẳng để mặc Thiên Công
Trăm năm khoảng giữa ta đà có
Muôn thuở phần sau họ há không ??
Sông núi tiêu vong ôm đại nhục,
Thánh hiền quá vãng đọc nan thông
Nương theo cánh gió qua Đông Hải...
Sóng bạc trùng trùng... lượn... lững trông.

(Nguyễn Minh Thanh cẩn dịch)

** Xuân Vọng

Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hỏa liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn kim.
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm.
(Đỗ Phủ)
 
** Trông Cảnh Xuân

Nước mất, núi sông còn
Hoa buồn lệ... héo hon
Thành Xuân cây cỏ rậm
Chim buồn kêu... nỉ non
Ba tháng tràn lửa khói
Thư nhà giá muôn vàn
Tóc bạc ngày thêm hói
Trâm cài thấy bất an...!!
(Nguyễn Minh Thanh dịch)

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Nắng Hạ Bên Sông- Thơ Lê Nguyễn Nga- Nhạc Nguyễn Tuấn-Tiếng Hát Hùng Phú


Thơ: Lê Nguyễn Nga
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát: Hùng Phú

Người Em Trong Song Cửa


Người em thơ dại dáng thon thon

Tà vạt lay lay áo lụa còn
Ôm kín vai gầy tơ óng ánh
Thướt tha xao động gót chân son

Lặng lẽ chờ em trước cổng trường
Vin cành hoa nắng dáng người thương
Lượn quanh bướm lạ ôi nhiều quá
Anh chỉ là người của gió sương

Đối mặt nhìn nhau trong phút giây
Mà nghe thương nhớ cứ dâng đầy
Em là em gái trong song cửa
Anh chỉ bạn cùng với cỏ cây

Kim Phượng

Hồng trần

 

Ngàn năm mây bạc hạc vàng bay
Kim cổ nhân sinh trần thế này
Phong hoa tuyết nguyệt ngàn bướm trắng
Hạc nội mây ngàn lá vàng bay

Tôn Thất Hùng

Nàng Mộc Nữ

 
Người ta lấy tên em
Làm tên người yêu của họ
Anh giữ tên em trong lòng anh
từ thủa đó
Nhưng không kêu lên một lần
Phải tại anh... mắc cở

Mắc cở? Sao lại mắc cở?
Tên em như công chúa Mỵ Nương
Hay nàng Mỵ Châu si tình khốn khổ
Còn có Mỵ Ê bé nhỏ
Rồi một lần nữa Mỵ Nương Trương Chi
Sao em che miệng cười chớ?

Thật ra chữ Mỵ rất vô tư
Chẳng chứa chấp gì trong đó
Nó chỉ là cách gọi người nữ chung chung
Như chữ ả, chữ thị
Ở lâm nguyên Chapa xưa
Chữ Mỵ là cách ghép 2 âm Mộc, Nữ

Tại sao Mộc đứng cạnh Nữ?
Ấy bởi vì người nữ ở rừng xanh
duyên dáng, mong manh, long lanh
Như giọt sương, làn khói
Em cũng như sương rơi, khói phủ
mịt mù trong tâm tư anh

Vì thế nơi thượng tầng thoáng mát, cao thanh
Em se tơ cho mơ màng nắng biếc
Nàng Mộc Nữ bên trời xa tha thiết
Thả tên mình lên bè mây diễm tuyệt
Anh giữ tên Mỵ êm đềm
Suốt đời này và kiếp tới thần tiên ...

Cao Mỵ Nhân

Sầu Vong Quốc


Nỗi lòng của Lý Hậu Chủ, nhà thơ vương giả.

Nhà Đường, sau loạn Hoàng Sào, càng ngày càng suy yếu, bị kiềm chế bởi Lý Khắc Dụng. Vua Đường Chiêu Tông, muốn khôi phục lại quyền hành, nhờ Chu Toàn Trung giúp đỡ. Ngờ đâu tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa: Chu giết Chiêu Tông, lập Ai đế, rồi ép vua nhường ngôi năm 907.

Từ đó, nước Trung Hoa chìm trong biển loạn: Có 5 triều đại thay phiên nhau cầm quyền, mỗi triều được vài ba đời vua, sử gọi là thời Ngũ Đại, kéo dài từ năm 907 đến năm 960, gồm các nước Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Ngoài ra, các Tiết độ sứ cũ của nhà Đường cũng tự dựng nước, cha truyền con nối lập thành 10 nước nhỏ gọi là Thập quốc, trong đó có nước Nam Đường.

Người lập ra nước Nam Đường là Lý Biện (có sách gọi là Lý Thăng), tiết độ sứ tỉnh Giang Tô. Khi Biện xưng đế năm 937, phong con là Lý Cảnh làm Tề vương, chức Binh bộ thượng thư. Biện, được sử gọi là Tiên chủ, mất năm 943; Cảnh nối ngôi tức là Trung chủ. Tuy làm Binh bộ thượng thư, rồi làm vua, nhưng Lý Cảnh không khá lắm về võ nghệ. Năm 951, đi đánh Phúc châu, Lý thất trận; khi Chu Thế Tông Sài Vinh xuống đánh Nam Đường, Lý bị mất vùng Giang Bắc, phải bỏ đế hiệu, xưng thần. Nhưng Lý Cảnh là một tay nổi tiếng về văn chương, làm từ rất hay, có những câu bất hủ được truyền tụng:

菡萏香銷翠葉殘,Hạm nảm hương tiêu thuý diệp tàn,
西風愁起綠波間。Tây phong sầu khởi bích ba gian.

Sen đã tan hương, lá biếc tàn,
Gió Tây sầu nổi, sóng xanh làn
(Trần Trọng San)

Lý Cảnh mất năm 961, Lý Dục nối ngôi cha, gọi là Hậu Chủ. Trước đó, năm 960, Triệu Khuông Dận đã cướp ngôi nhà Hậu Chu, lập nên nhà Tống. Bình lực của Tống vốn yếu, lại phải chống cự với rợ Khiết Đan, nên nước Nam Đường tuy nhỏ, mà Tống phải mất 15 năm, chinh phạt 3 lần mới chiếm nổi. Đó là năm 975: Lý Dục bị tướng Tống là Tào Bân bắt về Biện Kinh, được phong Vi mệnh hầu, để rồi 3 năm sau, 978, bị Tống Thái Tông Khuông Nghĩa sát hại bằng độc dược.

Lý Hậu chủ sinh năm 937, là khi nước Nam Đường lập quốc, mất năm 978, hưởng dương 41 tuổi, làm vua được 14 năm, bị tù 3 năm. Ông là người tài hoa, thông minh, học rộng, giỏi thư pháp, hội họa và âm nhạc. Hoàng hậu là Chu Nga Hoàng, sử gọi là Đại Chu hậu, để phân biệt với Tiểu Chu hậu, em ruột của bà, được phong Hoàng hậu khi bà tạ thế, (936-964). Đại Chu hậu, còn được gọi là Chiêu Huệ Chu hậu, là một trang quốc sắc thiên hương, rất tinh thông âm luật, lại giỏi đàn tỳ bà, đến nỗi Trung chủ Lý Cảnh cũng biết tiếng và ban cho bà một cây đàn rất quý là Thiêu Tào tỳ bà. Khi đó, khúc Nghê Thường Vũ Y của Đường Minh Hoàng đã thất truyền, không còn nguyên vẹn, bà cùng 2 nhạc sư là Từ Huyễn và Tào Sinh chỉnh sửa lại, phối thêm với tỳ bà thành điệu vũ mới làm Lý Hậu chủ vô cùng tán thưởng. Tình yêu của bà với vua rất mặn nồng thắm thiết. Năm 964, khi bệnh tình đã nguy kịch, bà dâng vua cây đàn tỳ bà và chiếc vòng tay bằng ngọc mà bà thường đeo, ý nói lời vĩnh biệt. Hậu chủ rất thương xót, làm bài Chiêu Huệ Chu Hậu Luỵ, lời văn thật thống thiết, bi ai. (Luỵ là một thể văn).

Tiểu Chu hậu, tiểu tự là Nữ Anh, sinh năm 950, kém chị 14 tuổi. Bà hay vào cung thăm chị, và hình như khi chị bị bệnh thì Lý Hậu chủ có tư thông với bà, và làm bài từ theo điệu Bồ Tát Man để nói về mối tình vụng trộm. Nhưng Hậu chủ hối hận về việc này nên săn sóc Đại Chu hậu rất tận tình; khi bà mất, ông làm bài lụy, và đến năm 968, 4 năm sau, mới lập người em làm hoàng hậu. Tiểu Chu hậu sống với Lý Hậu chủ trong suốt thời gian ông bị quản thúc tại Biện Lương, và khi Hậu chủ bị thảm sát, bà đã tuẫn tiết theo chồng, đúng vào ngày 7 tháng 7, là ngày sinh nhật của ông, và cũng là ngày chim Ô thước bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.

Đang làm vua một nước, nhất hô bá ứng, với cung vàng điện ngọc, đột nhiên vong quốc, mang kiếp cá chậu chim lồng, văn chương của Lý Hậu chủ đẹp như hoa gấm nhưng cũng đầm đìa nước mắt.

# Cách diễn tả nỗi sầu, nỗi hận biệt ly của Lý vừa mới lạ, vừa thấm thía:

剪不斷,Tiễn bất đoạn,
理還亂,Lý hoàn loạn,
是離愁。Thị ly sầu.

(Cắt không đứt, chải lại rối, chính là mối sầu ly biệt.)
[Cụ Phan Khôi, trong bài hớt tóc, có 2 câu: Mối sầu như tóc bạc,cứ hớt lại dài ra, rõ ràng là chịu ảnh hưởng của thơ Lý Hậu chủ].

Hoặc:

離恨恰如春草     Ly hận khước như xuân thảo,
更行更遠還生。Cánh hành, canh viễn, hoàn sinh.

Hận biệt ly giống như cỏ xuân, càng đi, càng xa, vẫn nẩy sinh
  (Gió hướng đông đã nổi, báo hiệu mùa xuân trở về...)

Trên lầu nhỏ, một mình thao thức dưới ánh trăng khuya, tình quê vời vợi, kỷ niệm chập chờn, hờn vong quốc xót xa, nhà thơ vương giả không đành lòng quay đầu nhìn về nước cũ... Đó là tâm trạng của Lý Hậu chủ trong bài từ theo điệu Ngu Mỹ Nhân (kỳ 1) 虞美人其一:

春花秋月何時了          Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
往事知多少。              Vãng sự tri đa thiểu?
小樓昨夜又東風,      Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
故國不堪回首月明中  Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.

雕欄玉砌應猶在,        Điêu lan ngọc thế ưng do tại,
只有朱顏改。                Chỉ thị châu nhan cải,
問君能有幾多愁,        Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
恰似一江春水向東流。Kháp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Hoa xuân, trăng thu bao giờ hết?
Chuyện cũ nhiều hay ít?
Lầu nhỏ đêm qua lại gió đông,
Nước cũ không đành nhìn lại dưới trăng trong.

Hiên vân thềm ngọc còn nguyên đó,
Chỉ mặt son thay đổi,
Hỏi người ai biết có bao sầu,
Tựa như một sông xuân nước chảy về đông.
(Bát Sách)

Đàn nhạn đã quay về nam, báo hiệu mùa thu. Nhạn bay. tung tăng, ung dung tự tại, còn ta mang kiếp lao tù. Tin không gửi được theo cánh chim, mà mộng hồi hương khó thành sự thật. Đó là ý của 2 câu trong bài từ theo điệu Thanh.

Bình Lạc: 清平樂

雁來音信無憑,Nhạn lai âm tín vô bằng,
路遙歸夢難成 Lộ dao, quy mộng nan thành.

Nhạn về, không gửi được thơ,
Đường xa, mộng trở về quê khó thành.
(Bát Sách)

Đối với Đại Chu hậu, Lý Dục có một tình yêu tha thiết. Tuy trong vòng kiềm tỏa của triều Tống, hịu kiếp lưu vong, ông thường nhớ lại những vũ khúc yểu điệu ngày xưa của người vợ quá cố, và mơ ước được gặp lại nàng trong giấc mộng.

Tâm sự của ông được viết trong bài từ theo điệu Thái Tang Tử 采桑子 sau đây:

亭前春逐紅英盡,Đình tiền xuân trục hồng anh tận,
舞態徘徊,            Vũ thái bồi hồi,
細雨霏微,            Tế vũ phi phi,
不放雙眉時暫開。Bất phóng song mi thời tạm khai.

綠窗冷靜芳音斷,Lục song lãnh tĩnh phương âm đoạn,
香印成灰,            Hương ấn thành hôi,
可奈情懷,            Khả nại tình hoài,
欲睡朦朧入夢來。Dục thuỵ mông lung nhập mộng lai.

Trước đình xuân đuổi hổng đi hết,
Dáng múa bồi hồi,
Mưa nhẹ phất phơ,
Chẳng để đôi mi tạm mở ra.

Song xanh vắng lặng tin thơm dứt,
Dấu hương thành tro,
Biết sao tình hoài,
Muốn ngủ mơ màng vào mộng thôi.
(Trần Trọng San)

(Câu chót, tôi mạn phép thêm chữ thôi vào cho đủ 7 chữ, đúng với điệu từ.)

Lý Hậu chủ, lẽ dĩ nhiên, thâm hận kẻ thù, và thường nằm mơ, thấy lại cuộc sống đế vương ngày trước với bao luyến tiếc. Bài từ theo điệu Vọng Giang Nam 望江南 của Lý như sau:

多少恨                 Đa Thiểu Hận,

昨夜夢魂中         Tạc dạ mộng hồn trung,
還似舊時遊上苑  Hoàn tự cựu thời du thượng uyển,
車如流水馬如龍  Xa như lưu thuỷ, mã như long,
花月正春風          Hoa nguyệt chính xuân phong.

Bao nhiêu hận,
Đêm qua, trong giấc mộng,
Thấy tựa ngày xưa chơi thượng uyển,
Xe như nước chảy, ngựa như rồng,
Hoa nguyệt giữa gió đông.
(Bát Sách)

(Gió đông, là gió từ hướng đông lại, tức là gió xuân)

Tuy nhiên, có một điều Bát Sách không hiểu rõ: Lý Dục là người bất hạnh, bị quốc phá, nhưng không bị gia vong. Có thể nói ông còn may mắn hơn nhiều người khác vì được bà vợ tiết liệt đoan trinh, luôn luôn sát cánh với ông khi ông ngã ngựa, thân bại danh liệt. Tuy canh cánh trong lòng mối sầu vong quốc, nhưng văn của ông có những đoạn phảng phất nhớ nhung một bóng hồng ngàn trùng xa cách… Đó là Đại Chu hậu? Đó là một mỹ nhân nào khác? Hay chỉ là tâm tình lãng mạn của thi nhân, kiểu thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai ?

Đây là một đoạn trong bài từ theo điệu Tương Kiến Hoan 相見歡:

胭脂淚                Yên chi lệ,*
相留醉                Tương lưu tuý,
幾時重。            Kỷ thời trùng?
自是人生長恨    Tự thị nhân sinh trưởng hận,
水長東。            Thuỷ trường đông.

*Yên chi là son phấn để trang điểm.

Lệ son phấn,
Giữ nhau say,
Bao giờ gặp?
Từ đây hận dài cõi thế,
Nước về đông.
(Bát Sách)

Chúng ta mất nước, sống lưu vong góc biển chân trời đến nay đã mấy chục năm, Sau khi thoát khỏi cộng sản, chúng ta khác Lý Hậu chủ ở chỗ không sợ bị sát hại, không có cung vàng điện ngọc để mà thương tiếc, nhưng nỗi lòng của chúng ta thì tương tự như nỗi lòng của nhà thơ vương giả này: nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm xưa, hận biệt ly, hận đám cuồng đồ, và buồn vì châu nhan cải, vì mái tóc đã giảm màu xanh.

Nhà thơ mất nước trước chúng ta đúng một ngàn năm (975) đã nói giùm chúng ta tiếng lòng.

Bát Sách.
(Viết năm 1998, bổ túc năm 2021)

Tham khảo:
- Trung Quốc Sử Cương của Đào Duy Anh.
- Đường Tống Từ Tuyển của Trần Trọng San.
- Tam Hạ Nam Đường.
- Thi viện.


Hoa Thịnh Đốn Vào Hạ

 

Hoa Thịnh Đốn rền rã tiếng Ve
Thủ đô nhộn nhịp bước vào hè
Rỡ ràng hoa nở khoe muôn chốn
Tíu tít chim reo vọng bốn bề
Xuôi ngược bên hồ ken kín khách
Dọc ngang dưới phố nghẹt tràn xe
Biết bao lễ hội đương khai mở
Múa hát đàn ca đón hạ về

Nhất Hùng

Chiếc Masque Màu Hồng

Tin tuần rồi, ở Pháp, đã có gần 29 triệu người bị nhiễm Covid ( 42% dân số ), 145 ngàn tử vong ! Số người bị nhiễm giảm dần theo thời gian : từ 40 ngàn hôm 11/5 , hiện nay , trung bình là 20 ngàn/ngày .


Hôm 16/5 , sau hơn 2 năm (11/5/2020 ), lệnh mang masque trong các phương tiện di chuyển công cộng đã được chính phủ Castex đình chỉ. Ai không mang cũng “tiết kiệm” được 135€ ( tiền phạt trước đó ) !

Như thế, Châu Âu hiện nay, lệnh này chỉ còn hiệu lực ở 5 quốc gia : Đức, Bỉ, Lục xâm Bảo,Ý, Tây ban Nha.

Theo “Our world in Data”, tính đến ngày 28/5, toàn thế giới có gần 530 triệu người bị nhiễm Covid, 6 triệu 300 ngàn tử vong (1 triệu ở Hoa Kỳ)! Đó là những con số được khai báo. Nếu tính thêm những nơi không có phương tiện (nghèo nàn, hẻo lánh / nhất là Châu Phi), không muốn khai (Bắc Hàn) hay khai gian (Tàu? Nga?.. ) thì không biết phải là bao nhiêu!

Trao đổi với một ký giả tờ Ouest-France 17/3/2022, nhà dịch tễ học A. Flahault (Genève) phát biểu : để đối phó với Covid , thế giới có 3 “chiến lược “ ( stratégie ): “ Zero covid “ (tiêu diệt hoàn toàn) / “kiểm soát Covid” / “sống với Covid” .

Chiến lược “ Zero covid “ (tiêu diệt Covid hoàn toàn) gồm 2 điều cơ bản là: cô lập (& điều trị) người bị nhiễm và phong tỏa vùng có người bị nhiễm. Đại khái như cái chính sách “ nhổ cỏ phải nhổ tận gốc“ của Tào Tháo. Có điều cỏ lan dưới đất thì dễ đối phó hơn là với “con “ Covid lan trong .. không khí! Theo chiến lược này, lúc đầu, đa số là các quốc gia đã được thiên nhiên .. phong tỏa sẵn (đảo / bán đảo): Úc, Nhật, Đài Loan, Island, Tân tây Lan, Tân gia Ba, Nam Hàn, và một số quốc gia Châu Á: Thái, Tàu, Việt Nam vv... Chiến lược này có vẻ như đạt nhiều thành công với biến thể “Vũ Hán”, từ Tàu vi khuẩn đi khắp thế giới! Nhưng, với thuốc chủng ngừa và sự xuất hiện của biến thể Omicron: lây khủng khiếp nhưng ít nguy hiểm hơn các biến thể trước, khiến các quốc gia theo chiến lược này đều từ bỏ nó, do cái tác hại ghê gớm về kinh tế ( con người / xã hội ) của chính sách phong tỏa. Trừ Tàu!

Chiến lược “kiểm soát Covid” ( tôi dịch thoát từ chữ “suppression Covid “của ông Flahault / xóa bỏ Covid), là " nhốt", tránh không để Covid lan tràn. Như đã từng được áp dụng ở các quốc gia Bắc Âu (trừ Thụy Điển), Đại Hàn, Nhật, Thụy Sĩ , Đức vv

Chiến lược “ sống với Covid “: chấp nhận Covid như một dịch bệnh “phải có” (cúm mùa chẳng hạn). Đây là chiến lược được đưa ra khi tỷ lệ miễn nhiễm cao (chích ngừa, đã bị bệnh) trong xã hội, cùng với việc người dân đã có ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, ngừa bệnh ( tự động: dùng gel, đeo masque, giữ khoảng cách). Bắt đầu với Do Thái, Tây Ban Nha , tiếp theo là Mỹ, Anh, Pháp, Gia nã Đại, Ý ..vv Bây giờ, hầu như các quốc gia trên thế giới đều chọn chiến lược này. Nhờ thế, mới có ngày tháo "masque" hôm nay

Ở Pháp, vùng có nhiều bệnh nhân nhập viện cao nhất là “ Ile-de-France “ (Paris và các vùng phụ cậ)! Thú thật, mặc dầu là người "chống mang, thích cởi (masque)" nhưng đến lúc cho cởi thì tôi lại không dám 100%. Ở những nơi đông người, "khép kín" thì tôi vẫn mang. Đi đâu mà thiếu masque (trừ bị), quên “gel” là tôi bối rối, không yên tâm. Như hôm trước đang lui cui chọn cái “cote de bœuf” trong siêu thị thì tôi bỗng giật mình “chết cha, quên mang masque! “. Không nhớ không sao, mới nghĩ đến thì chợt có tiếng “ách xì” kế bên, hết hồn quay lại, hóa ra là một bà đang lựa thịt (heo) không xa. Cũng may là bà có masque. Dù vậy tôi cũng …nín thở, nhanh chân xa chốn bụi(?) trần! Mấy năm luôn thủ masque trong người, riết rồi thành thói quen. Xa “người” ít sợ bằng xa masque!

Thứ bảy rồi, có việc phải vào Paris, thú thật là tôi đã rất an tâm khi có cái.. " áo" giáp che mặt trong cái thời " hậu "(?) Covid này. Người đâu mà đông như lễ hội ! Tôi cố ý chọn thứ bảy 28/5 vì nghe tin dân Paris lợi dụng cái week-end “ascension” 4 ngày, đã ào ào đi xa. Nào ngờ, mấy ông bà hỏa xa cũng lựa ngày này mà .... đình công (!!!). Nên phải mặt đối mặt (!), phải vai sát vai (!) trong những chuyến RER đông khách , những toa metro chật cứng người ( đa số không masque ! ) . Lắc lư . Ngất ngư ! Cái nực kéo theo cái bực, cái tức ( mấy người ích kỷ đình công ) ! Chả bù với sáng hôm nay ....

Nhiều khi không mang masque lại được người khác cám ơn.
Như cái người tháo masque, rồi bỏ quên nó trong xe lửa sáng nay.

Chiếc Masque Màu Hồng

* Gởi người bỏ quên masque


Sáng nay, tàu điện, gặp người:
Dưới đôi mắt đẹp, nụ cười .. dao găm
Đã từng mấy vết sẹo đâm
Có thêm vết nữa cũng ... ngần ấy thôi!

Tàu đi, tàu hú vang còi
Nghe trong tiếng máy, tiếng đời lao xao
Người lên, người xuống ga nào?
Ga tôi: trạm cuối đường tàu chơ vơ

Tàu đi, tàu đến bao giờ?
- Sao: mình tôi giữa lặng lờ toa không?!
Ngồi ve vuốt nắng trong lòng
Cám ơn chiếc masque màu hồng, ai quên!

31/5/2022
B.P

Sông Ngòi Và Đặc Tính Các Vùng Sinh Thái Miền Châu Thổ Sông Cửu Long

 

1. Tổng quan

Cũng như châu thổ sông Hồng, cũng như các đồng bằng duyên hải miền Trung, châu thổ sông Cửu Long đã từng nằm dưới biển cạn. Biển cạn bao phủ toàn miền, kể cả vùng Nam Vang, Biển Hồ, chỉ trừ một vài hải đảo ngày nay nằm trong đất liền như Núi Sam, Núi Sập ở vùng Châu Đốc Hà Tiên. Thực vậy, hết thời kì băng giá lần cuối quãng 19 000 năm trước đây, nước biển dâng lên nhanh chóng, cao hơn mực nước biển ngày nay chừng 4m.5 vào thời Holocen sớm. Lúc đó, bờ biển gần đến Phnom Penh (Nam Vang) ngày nay. Vùng biển cạn bao phủ toàn những cây tràm (Melaleuca), cây đước (Rhizophora sp.), cây mắm (Avicennia sp.). Những thực vật chịu mặn này đã tạo thuận lợi cho việc giữ lại các vật liệu lắng tụ, làm giảm sự xói mòn do nước hoặc gió, và cung cấp sinh khối cho trầm tích châu thổ. Rồi phù sa mỗi năm tràn về, làm lấp dần các rừng cây sú vẹt. Nhiều mũi khoan gần Angkor và Biển Hồ Tonle Sap cho thấy vết tích của các trầm tích biển như sú vẹt đầm lầy. Hình thái châu thổ sông Cửu Long dần dà được tạo thành trong khoảng 3000 năm nay. Trong khoảng thời gian này, châu thổ đã tiến 200 km trên thềm lục địa và mực nước biển hạ dần và mỗi lần hạ thấp xuống lại để lại một bờ biển mới. Nhiều bờ biển cổ nay thường gọi là ‘giồng’ như trong dân gian gọi như Giồng Trôm, Giồng Ông Tố, v.v… Nhiều tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh có nhiều giồng cát là đất của các bờ biển cổ.

Đồng bằng này bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi, kinh rạch ngổn ngang làm cho toàn vùng đều chịu ảnh hưởng của thủy triều hình thành những loại hình nơi mặn, nơi chua, nơi cả mặn lẫn chua, nơi bị ngập lụt và phèn nặng . Nông dân có vô số từ ngữ để gọi kinh rạch: ngoài các chữ thông dụng như sông, ngòi, mương, lạch, kênh, bàu, ao, hồ, v.v còn có thêm rạch, xẻo, ngọn, rọc, lung, láng, bưng, biền, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, gành, xáng .Môi trường sông nước với thủy triều lên xuống cũng có nhiều từ ngữ : ngoài chữ nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ), còn có nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm .Nhiều ca dao phản ánh kinh rạch chằng chịt với ghe thuyền buôn bán :

Ghe anh đỏ mũi xanh lường,
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh
Anh đi ghe gạo Gò Công
Vô vàm Bao Ngược, gió giông đứt buồm

Cũng là miền đồng bằng phù sa mới bồi đắp do biển cả trước kia là một vịnh, cũng có đất phù sa, đất phèn, đất mặn nhưng miền này không bị lụt lội tàn phá như châu thổ sông Hồng. Thực vậy, dòng sông Cửu Long rất dài và đã trải qua nhiều xứ duyên hà như Nam Trung Hoa, Miến Điện, Ai Lao, Kampuchea trước khi vào lãnh thổ miền Nam Việt nam; ngoài ra, nhờ Biển Hồ của Kampuchia trữ được nước lụt rất nhiều và chỉ từ từ hạ nước xuống, đem theo muôn vàn cá con về An Giang, Đồng Tháp làm giàu thủy sản nước ngọt ở đây.

2. Các dòng sông và các kinh đào

Kinh Vĩnh Tế
2.1. Sông Vàm Cỏ

Sông Vàm Cỏ có 2 nhánh: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
– Vàm Cỏ Đông còn gọi là sông Bến Lức, dài 300 km, phát nguyên từ bên Campuchia, chảy xuống tỉnh Tây Ninh (Trảng Bàng, Gò Dàu), Long An ( khu vực nhà máy đường Hiệp Hoà), rồi đổ ra cửa Soài Rạp.
– Vàm Cỏ Tây cũng phát nguyên từ bên Campuchia chảy qua Mộc Hoá đến Thủ Thừa rồi chảy qua cầu Tân An, gần châu thành Tân An. Cả hai sông này gặp nhau ở gần thị trấn Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An, rồi nhập vào sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp (cửa Vàm láng)

2.2. Sông Tiền và sông Hậu

Cũng cần biết là tại Phnom Penh (Campuchia), sông Mê Kông bị tách làm hai nhánh, sang Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu, cả hai đều chảy ra biển với chiều dài mỗi sông chừng 250km.

2.2.1. Sông Tiền khi tới tỉnh Vĩnh Long thì tách làm nhiều nhánh sông khác:
– sông Mỹ Tho chảy ngang qua Mỹ Tho và đổ ra biển ở Cửa Tiểu và Cửa Đại. Trên đoạn sông này, có một địa danh tên là Rạch Gầm-Xoài Mút, ở đó xưa kia, năm 1785, quân Tây Sơn đã đánh bại quân Xiêm La qua giúp chúa Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này).
– sông Ba Lai chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre và ra biển bởi cửa Ba Lai .Hiện nay, cửa sông Ba Lai được thay thế bằng hệ thống cống đập ngăn mặn chặn vĩnh viễn dòng chảy, chỉ xả lũ ra cửa biển khi cần.
– sông Hàm Luông chảy qua phía Nam tỉnh Bến Tre và ra biển bằng cửa Hàm Luông.
– sông Cổ Chiên chảy qua địa phận của tỉnh Bến Tre và đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu.

2.2.2. Sông Hậu: chảy qua các thị trấn như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Trà Ôn (Trà Vinh) và đổ ra biển qua 3 cửa sông là cửa Định An (về phía tỉnh Trà Vinh), Bassac (Ba thắc) và cửa Trần Đề (phía tỉnh Soc Trăng) . Thực ra thì nay không còn cửa Bassac nữa vì bị bồi lấp. Sông Hậu rộng nhất là giữa huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 km.
Nối liền sông Tiền với sông Hậu là sông Mang Thít là một con sông nhỏ, dài khoảng 47km, chảy trên địa phận tỉnh Vĩnh Long và sông Vàm Nao tức ranh giới giữa hai huyện Chợ Mới và Phú Tân của An Giang.

2.3. Kinh đào

Trong đồng bằng cũng còn có nhiều kinh đào khác quan trọng đóng góp vào sự lưu thông hàng hoá cũng như trị thủy. Vài ví dụ:
*kinh Vĩnh Tế (nối Hà Tiên với Châu Đốc)
Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua thành phố Châu Đốc (An Giang).
* kinh Rạch Giá – Long Xuyên
Kinh đào Rạch Giá – Hà Tiên
* kinh Phụng Hiệp (Cà Mâu-Cần Thơ)
Ngã Bảy Phụng Hiệp
* kinh Cà Mâu-Bạc Liêu
Kênh Bạc Liêu – Cà Mau, đoạn qua Giá Rai.
* kinh Xà No (Vị Thanh-Cần Thơ)
* kinh Lấp Vò (Vĩnh Long)

3. Các vùng sinh thái

3.1. Các vùng sinh thái

Các vùng sinh thái là những vùng tương đối đồng nhất về nhiều yếu tố như đất (ví dụ đất mặn, đất phèn…), như nước (nước mặn, nước lũ).

Dưới đây là mô tả 6 vùng sinh thái tại đồng bằng sông Cửu Long:

3.1.1. Vùng ven biển đất mặn

Bao gồm nhiều vùng đất duyên hải thấp ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Gò Công. Đất mặn vì gần biển, chịu tác động của thuỷ triều lên xuống mỗi ngàỵ… Trong vùng này, cũng găp nhiều giồng cát duyên hải rộng hẹp, dài ngắn tùy vùng và dưới các đất giồng này có nước nhạt (nước ngọt) uống được. Các giồng cát có hình vòng cung song song với bờ biển, nhô cao hơn so với các vùng đất phù sa chung quanh, xuất hiện ở các huyện vùng Gò Công, Trà Vinh… Đó là những chứng tích còn lại của thời kỳ biển lùi. Đất cát giồng (Fluventic Tropopsamments) có mức độ phì nhiêu thấp, ít chua trên mặt và trung tính ở tầng sâu; nhưng có địa hình cao nên được di dân đến ở trong buổi đầu khai khẩn đất hoang. Hơn nữa đất cát giồng giữ được nước ngọt cho mùa khô, nên thường là tụ điểm dân cư đông đúc.

Vào mùa mưa, nhờ lưu lượng nước khá lớn nên có thể đẩy lùi nước mặn từ dòng sông chính và kênh lớn ra biển còn vào mùa khô nước triều biển Đông xâm nhập sâu vào nội địa nên nhiều khu vực bị nhiễm mặn, không trồng lúa được. Phải chờ vài trận mưa đầu mùa để rửa mặn truóc khi cấy lúa. Thực vật trong rừng ngập mặn thường gặp là cây đước, mắm , sú vẹt , chà là …bao phủ và ngập nước triều quanh năm.. Đất phù sa địa hình thấp nhiều nơi còn chịu ảnh hưởng nước thủy triều và lũ từ nguồn đổ về nhờ đó ruộng có nước tự chảy quanh năm, lợi ích lớn cho nông nghiệp.

3.1.2. Vùng Đồng Tháp Mười

Nằm trong các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong (trước 1975), ngày nay trong các tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp, với địa hình bằng phẳng, độ cao quãng 2 mét so với mặt biển.
Thực vật ngoài các đồng cỏ năng, cỏ lác, sen v.v. còn có rừng tràm với nhiều chim cò.Vùng này nhiều đất phù sa địa hình cao ở dọc hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu và hình thành trên trầm tích sông, độ phì nhiêu cao, rất tốt cho sản xuất nông nghiệp từ lúa ruộng đến vườn cây ăn trái dọc theo ven sông cũng như trên đất các cù lao giữa sông.
Cầu Mỹ Thuận

Có thể chia đất phù sa ra vài nhóm:

– đất phù sa bồi hàng năm (Aeric Fluvaquents) ở ven sông và phần lớn trên các cù lao, các cồn giữa sông. Trắc diện đất chưa phân hoá hoặc phân hoá yếu
– đất phù sa không được bồi (Typic Ustifluvents), nằm chỗ địa hình cao ven sông, màu nâu nhạt hơn đất phù sa được bồi.
– đất phù sa không được bồi gley (Aquic Tropaquepts), phân bố xa dòng sông, địa hình thấp đọng nước nhiều tháng trong năm với các đốm gley nghĩa là có những đốm sét màu xám nâu hay xám xanh trong trắc diện đất.
– đất phù sa không được bồi có tầng sesquyoxyt loang lổ đỏ vàng (Typic Ustropepts), ở địa hình cao, xa sông, thường trồng lúa lâu đời.

Đất phù sa có độ phì nhiêu cao và được dùng trong sản xuất lúa, cây ăn trái, rau đậu…

Vùng Tứ giác Long Xuyên

3.1.4. Vùng Tứ giác Long Xuyên

Vùng Tứ giác Long Xuyên được giới hạn bởi kênh Vĩnh Tế, Sông Hậu, Quốc lộ 80 và kênh Rạch Giá – Hà Tiên liên quan đến ba tỉnh thành phố là: An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Vùng Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích khoảng gần 500.000ha; trong đó, tỉnh An Giang có hơn 230.000ha, chiếm hơn 48%; tỉnh Kiên Giang có hơn 234.000ha, chiếm hơn 47% và thành phố Cần Thơ trên 15.000ha, chiếm hơn 3%. Tuy nhiên, phần phía Bắc của Tứ Giác này.

– từ khu dinh điền Cai Sắn trở lên sông Hậu-, không úng ngập như phần phía Nam trong hình. Ngoài ra, trong vùng Tứ Giác Long Xuyên, cũng có vùng cao Thất Sơn (Bảy Núi) gồm huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, vì địa hình cao trải dốc theo triền núi nên không bị úng ngập . Tại đây, thường gặp những loại đất xám trên sản phẩm phong hoá đá mácma axit (Plinthic Ustorthents) và đất xói mòn trơ sỏi đá (Lithic Ustorthents). Còn những nơi khác giáp biển của Kiên Giang thì bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn (Tropaquepts-salic). Xung quanh vùng núi Thất Sơn , hiện nay rừng đà bị tàn phá hết, cần phải tái tạo hoàn toàn lại.

3.1.5. Vùng trũng sông Hậu (Phụng Hiệp, Chương Thiện)

Chương Thiện là tỉnh thành lập thời Việt Nam Cộng Hoà. Phụng Hiệp được biết vì tại đó có Ngã Bảy Phụng Hiệp có 7 con kinh gặp nhau. Tại Phụng Hiệp, có con kênh đào nối từ sông Hậu qua thị trấn Phụng Hiệp theo hướng ĐB-TN thẳng đến thành phố Cà Mau.Vùng trũng sông Hậu nằm trong tỉnh Hậu Giang ngày nay, cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) 65 km và cách cửa biển Rạch Giá (Kiên Giang) 45km, nên Hậu Giang nằm trọn trong vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là lúc triều cường thì nhiều nơi mặn xâm nhập vào sâu làm độ mặn tăng cao, ảnh hưởng đến năng xuất lúa.

Trong vùng trũng sông Hậu, có đất phèn tiềm tàng nông-mặn (Sulfaquepts-salic); nhiều nơi đất than bùn-phèn (Sulfihemists), đất úng thuỷ nên hiện nay, nhiều nơi vẫn còn lúa cấy hai lần để thích nghi: lúa gieo vào các tháng 6-8, cấy lần đầu vào tháng 8 và sau đó vài tháng, khi cây lúa khá cao chừng 60-70cm thì phải nhổ và đem đi cấy lần thứ hai, mục đích chính là để thích nghi với điều kiện thuỷ lợi . Lúa cấy hai lần năng xuất thường không cao, chu kỳ sinh trưởng dài. Hướng cải tạo là phải đào kinh mương tiêu bớt nước để cấy một lần.

3.1.6. Vùng bán đảo Cà Mau

Vùng bán đảo Cà Mau có đất mặn, đất phèn, đất phèn-mặn và đất hữu cơ.
Xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn ở vùng sản xuất lúa, tôm ở bán đảo Cà Mau.

Đất mặn. Riêng về đất mặn, cũng phải phân biệt đất mặn dưới rừng ngập mặn (Salic Hydraquents, Salic Haplaquents), đất mặn nhiều (Salic Fluvaquents, Salic Ustifluvents), đất mặn trung bình (Tropaquepts-salic), đất mặn ít (Ustropepts-salic).

Nếu tính theo nồng độ muối thì nếu đất chứa dưới 3 gram muối mỗi lít, thì đất đó không mặn; đất chứa trên 12g/lit thì đất mặn nhiều. Từ 3 đến 6 g/lit, thì đất hơi mặn. Có thể đo độ mặn trong đất bằng suất dẫn điện. Suất dẫn điện (Electrical conductivity) tỷ lệ thuận với nồng độ muối trong đất .Người ta thường tính ra decisiemens mỗi mét (dS/m) hoặc millimhos mỗi centimét (mS/cm). Nếu tính theo millimhos/cm thì dưới 4.5 thì đất đó không mặn và trên 4.5 thì đất mặn.

Đất mặn thì sự hút nước của thực vật bị giảm đi. Thực vật có thể hấp thụ dễ dàng nước và phân hoá học đến mức nồng độ muối tối đa từ 3 đến 4mS/cm hoặc một nồng độ muối từ 3 đến 4 gram mỗi lít dung dịch đất (phần nước của đất)

Đất phèn có những tính chất đã mô tả tại vùng Đồng Tháp.

Ngoài ra cũng phải kể đất phèn hoạt động nông-mặn (Sulfaquepts-salic), đất phèn hoạt động sâu-mặn (Sulfic Tropaquepts-salic), đất phèn hoạt động nông (Sulfaquepts), đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn (Salic Sulfaquents). Rừng thiên nhiên chủ yếu là rừng ngập mặn với cây mắm (Avicennia) là cây tiên phong mọc trên đất bùn lỏng, sau khi đất dần dần được cố định thì mới đến lượt các cây đước (Rhizophora), cây vẹt (Bruguiera cylindrica ) với bộ rể xoè ra như chiếc càng giúp chận làn sóng biển và giữ đất phù sa.

Sau khi đất dần dà ổn định, với thân cây chôn vùi dưới đất lâu năm tạo ra đất hữu cơ nhiều than bùn (Sulfihemists, Sulfohemists), tập trung ở hai khu vực U Minh Thượng và U Minh Hạ với nhiều rừng tràm (Melaleuca) mọc .Đất hữu cơ khoảng 26 ngàn ha, có địa hình khá thấp, trũng. Đất được hình thành bởi xác bả thực vật dạng bán phân rã và hình thành lớp than bùn như vùng U Minh. Rừng tràm U Minh Hạ tỉnh Cà Mau rộng 70.000 ha. Những loại đất hữu cơ rất dễ cháy vì toàn bã thực vật, do đó phải có thuỷ cấp gần mặt đất, nếu để khô nước, nguy cơ cháy là rất cao. Rừng tràm cung cấp gỗ dùng trong xây dựng và là nơi trú ẩn của nhiều đàn ong đến hút nhụy làm mật.

Trong vùng này, có vài con sông sau đây:

– sông Ông Đốc dài 58km, đổ ra Vịnh Thái Lan. Hai bên sông có nhiều rạch như rạch Cái Tàu, rạch Giếng. Tại sao có tên Sông Ông Đốc ? Tương truyền ngày trước, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh đến đây. Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng đã xin Nguyễn Ánh được mặc hoàng bào để nghi binh cho Nguyễn Ánh trốn. Vị đô đốc này hy sinh; sau này được lập miếu thờ tại vùng này vào năm 1802. Từ đó, sông này được dân gian gọi là sông Ông Đốc.

– Sông Trẹm (còn gọi là sông Tràm Trẹm) là một chi lưu dài 36 km của sông Ông Đốc. Sông ch ảy qua huyện An Minh tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau . Sông Trẹm chia rừng U Minh thành hai vùng U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau.

– Sông Gành Hào là tên gọi một con sông chảy ở vùng ranh giới giữa hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu và đổ ra Biển Đông ở cửa cùng tên . Sông bắt đầu từ thành phố Cà Mau với các dòng nước từ kênh Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau-Bạc Liêu hợp lưu .Với những đặc điểm này, sông Gành Hào là một trong những đầu mối giao thông của Cà Mau và một phần Bạc Liêu, là nơi tập trung đi lại của các phương tiện đường thủy cùng với các chợ nổi trên sông.
– Sông Bảy Háp đổ ra biển Tây dài hơn 50 km. Sông Bảy Háp xuất phát từ đầu kinh xáng Đội Cường chảy ra cửa Bảy Háp (còn gọi Rạch Chèo) ở Biển Tây. Sông có độ sâu trung bình từ 3-5 m, tại cửa sông rộng gần 1,000 m, dài 48 km. Sông Bảy Háp là con đường giao thông huyết mạch nối liền hai vùng Nam và Bắc của tỉnh Cà Mau, là ranh giới của 2 huyện Năm Căn và huyện Cái Nước.
– Sông Cửa Lớn hay Đại Môn Giang vốn là một con kênh dài 58 km, rộng 600 m và sâu 12 m ở tỉnh Cà Mau, nối biển Đông (cửa Bồ Đề) với biển Tây (cửa Ông Trang). Cửa Ông Trang rộng hơn 1 km, sâu từ 4-5 m; cửa Bồ Đề rộng 500 m, sâu 20 m. Dòng chảy có khi đứng, có khi rất mạnh gây bởi khác biệt thủy triều giữa Biển Đông và Biển Tây. Đại Môn Giang là ranh giới tự nhiên giữa huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tách khu vực cuối cực nam của bán đảo Cà Mau thành một đảo, hiện chưa có cầu bắc qua đây.
– Sông Cái Tàu dài 43 km, xuất phát từ ngã ba Cái Tàu (U Minh), đi qua rừng tràm U Minh, đổ vào Sông Ông Đốc ra biển Tây. Công trình Khí – Điện – Đạm tọa lạc tại Vàm Cái Tàu (xã Khánh An, huyện U Minh). Dọc sông là vườn cây ăn trái trù phú.

4. Thủy triều


Tại miền châu thổ Cửu Long, mùa cạn hay mùa lũ, mực nước các sông hằng ngày đều có dao động theo sự chi phối của thủy triều. Sở dĩ có thuỷ triều là do lực hấp dẫn của Mặt Trăng trên đại dương .Có nhiều vùng trong một ngày, có một lần triều lên và một lần triều xuống: ta gọi là nhật triều. Cũng có những vùng trong ngày, có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống: ta gọi là bán nhật triều. Đôi khi, người ta còn phân biệt chế độ bán nhật triều đều và bán nhật triều không đều.

Những biến đổi thủy triều trải qua các giai đoạn sau:
Mực nước biển dâng lên trong vài giờ, ngập vùng gian triều (intertidal zone), gọi là ngập triều (flood tide).
Nước dâng lên đến điểm cao nhất của nó, gọi là triều cao (high tide), còn gọi là nước lớn.
Mực nước biển hạ thấp trong vài giờ làm lộ ra vùng gian triều, gọi là triều rút (ebb tide).
Nước hạ thấp đến điểm thấp nhất của nó, gọi là triều thấp (low tide), còn gọi là nước ròng.

Vùng nước dao động do thuỷ triều lên xuống giữa mức nước lớn và nước ròng. Những bãi biển xoải cát, cửa sông hoặc những mỏm đá thấp thường được gom vào khu vực này.

Nhìn nước lớn, nước ròng, nhìn cuộc đời sớm còn, tối mất, người ta ca rằng:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê

Thời điểm mà dòng triều dừng chuyển động được gọi là nước đứng (slack water) Thủy triều sau đó đổi hướng thì ta có sự biến đổi ngược lại. Nước đứng thường xuất hiện gần lúc mực nước triều cao hoặc triều thấp:.
Nước không chưn sao kêu bằng nước đứng
Cá không giò sao gọi con cá leo ?

Một chu kỳ biến động của mực nước, từ lúc nước biển rút xuống mức thấp nhất, đến lúc nước biển lên cao đến mức cao nhất, kéo dài 15 ngày , có tên là một con nước ; như vậy mỗi tháng có 2 con nước . Nước lên-nước xuống chi phối đời sống dân ven biển .

Trông về con nước vơi đầy
Nỗi sầu xa cách biết ngày nào vơi

Lênh đênh duyên phận bọt bèo
Đành cho con nước thuỷ triều đầy vơi

Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Huy Cận)

Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang ( Truyện Kiều)

Trăng lên con nước rong đầy
Anh đừng đến nữa, má rầy khổ em


Miền Châu thổ sông Cửu Long có hai chế độ triều khác nhau : nhật triều và bán nhật triều.

Ta phân biệt:

– từ Vũng Tàu đến mũi Cà Mau, dài 400 km chịu ảnh hưởng rõ rệt theo chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều khá lớn trên 2 m, đạt tối đa 3,5 m Mỗi ngày có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống nhưng biên độ triều trong 2 lần khác nhau. Trong mỗi chu kỳ 1/2 tháng, thấy rõ sự chênh lệnh đáng kể về biên độ kỳ nước cường. Nước lớn thường xảy ra vào những ngày mồng 2 đến mồng 3 âm lịch, hoặc ngày 18 – 19 âm lịch. Nước kém xảy ra vào thời gian giữa 2 kỳ nước cường (ngày mồng 7 – 8 âm lịch hoặc 20 – 21 âm lịch). Trong những ngày triều cường nếu xuất hiện gió sẽ làm nồng độ mặn tăng cao, không gian xâm nhập mặn sâu hơn vào các dòng chính và kênh rạch nội đồng.

– từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên dài 250 km, chịu chi phối bởi thủy triều nhật triều không đều của vùng biển vịnh Thái Lan, đoạn gần mũi Cà mau bị ảnh hưởng của thủy triều biển Đông. Triều phía Tây tiến vào đất liền qua các sông thiên nhiên như sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, … và một số kênh đào. Biên độ trung bình triều phía Tây nhỏ hơn 1 m, tối đa không quá 1,1 – 1,2 m., trung bình khoảng 0,7 – 0,8 m, đồng thời cũng ít chênh lệch giữa các vùng về biên độ, song tính chất thủy triều lại có một số điểm khác nhau về cơ bản ở một số vùng. Ví dụ như khu vực Rạch Giá là dạng triều hỗn hợp thiên về bán nhật triều với số ngày trong tháng có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống là chủ yếu (tức chịu ảnh hưởng chế độ nhật triều không đều thiên về bán nhật triều), từ Rạch Giá đi về phía Hà Tiên thì triều hỗn hợp lại thiên về nhật triều,với số ngày trong tháng có 1 lần dao động triều chiếm ưu thế.

Triều cường làm các vùng thấp duyên hải bị ngập, làm hư hại các đê bao ngăn mặn, gây ngập úng các đầm nuôi tôm, các vườn cây ăn trái, các nhà cửa ven kinh rạch. Triều cường cùng với sóng to, gió lớn thường gây sạt lở, cuốn trôi nhiều cầu đường, đoạn đê biển. Khi triều cường vào cửa sông thì độ mặn lan truyền, khuyếch tán vào trong sâu nội địa, nhất là lúc cao điểm đỉnh triều cường vào con nước rằm và ba mươi tháng Giêng âm lịch, thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông . Triều cường và sóng lớn làm phá vỡ bờ cây xanh chắn sóng dọc theo bờ biển, lấn sâu vào đất liền; triều cường lên cao làm nước mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt.Ngay cả nhiều nơi tại thành phố Cần Thơ cũng bị ngập sâu nhất tới 40 – 50 cm với thời gian ngập khoảng 2 – 3 giờ.
Nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Khi nưóc mặn xâm nhập vào cửa sông thì đất bị nhiễm mặn và năng suất lúa bị giảm và không trồng lúa được vào mùa khô.

Mực nước thủy triều có ảnh hưởng lớn đến đồng bằng, từ chuyên chở trên sông rạch đến nông nghiệp. Nước triều cao sẽ dễ dàng lấn sâu vào nội địa và làm nhiễm mặn nước sông và đất đai còn nước mặn ảnh hưởng nhiều vùng duyên hải như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Soc Trăng, Cà Mau …Tại vùng châu thổ Cửu Long, ảnh hưởng của thủy triều có thể lên đến Nam Vang. Chẳng thế mà có ca dao sau đây trong đó chàng trai dặn người yêu :

Nước ròng chảy đến Nam Vang,
Làm thơ để lại, em khoan lấy chồng


Người thiếu nữ không chịu và trả lời :

Tay bưng chậu cúc trăm bông,
Chờ anh chẳng đặng, em trồng xuống đây


Tốc độ truyền sóng triều trong sông

Sóng triều truyền vào sông với tốc độ trung bình trên dưới 30 km/giờ đối với các sông lớn. Còn đối với những sông nhỏ, hoặc màng lưới kênh rạch, sự truyền triều diễn ra phức tạp hơn. Có nơi còn có hiện tượng giao thoa sóng triều tại những con sông có sự truyền triều từ hai phía.

Sự truyền triều vào trong sông tuy có gây một số khó khăn như đưa nước mặn vào nội địa, khiến cho vùng cửa sông thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào mùa khô. Những ngày lũ lớn, nếu gặp kỳ triều cường, nước dâng to sẽ gây ngập lụt v.v… Song với vùng xa cửa sông, mặn không tới được thì dao động thủy triều trong ngày có tác dụng không nhỏ cho công việc tưới tiêu, thau chua, rửa mặn. Khi triều dâng, mực nước ngọt trong sông được đẩy lên cao, người ta có thể lợi dụng để lấy nước vào ruộng. Ngược lại, khi triều rút, mực nước xuống thấp, có thể xả nước, thau chua từ ruộng ra sông. Cũng xin mở dấu ngoặc ở đây: khi người Pháp qua đây đầu tiên ở miền New Brunswich, cách nay chừng 400 năm, ở gần các vùng biển, chính các sắc dân da đỏ vùng này đã hướng dẫn cho đám dân lưu lạc cách làm cửa bọng để cho nước thuỷ triều vào ra trên đất gần biển để trồng trọt!

5. Tài nguyên do sông ngòi đem lại (cá, tôm)


Cá . Cá phải kể nhiều loài: cá lóc, cá rô, cá trê, cá trạch, cá chài, cá dảnh, cá mè vinh, cá tra, cá vồ, cá chép, cá cốc, cá hu, cá bông lau, cá bạc bụng và cá linh. Loại cá này từ Biển Hồ, cứ đầu mùa mưa, theo dòng nước phù sa đỏ nâu, trôi dạt xuống đồng bằng Cửu long, nhỏ li ti và theo lũ lụt tràn vào các ruộng đồng sinh sống. Mùa nước lên, không chỉ có cá linh, mà còn nhiều thứ như: cá sặc, cá rô, mè vinh, cá chài, cá éc, thác lác, cá heo, cá trê, cá lóc… được người miệt vườn gọi nôm na là “cá trắng” và “cá đen’. Đầu mùa và khi nước đạt đỉnh rồi thì chủ yếu là cá trắng, còn cá đen đợi lúc cạn đồng mới nhiều hơn. Khi mùa mưa chấm dứt, nước lũ rút dần ra sông, vào tháng 11, tháng 12 âm lịch và loài cá linh cũng dạt theo lội hàng bầy trên mặt nước, khiến ngư dân có một tài nguyên phong phú vào mùa nước xuống nàỵ Cá linh nhiều đến nổi phải làm nước mắm. Cứ vào độ tháng 8 tháng 9, cá chạch ở các lung, bàu bắt đầu di chuyển ra các sông, rạch, và tháng 10 là mùa thu hoạch cá chạch. Loại cá này được ví là một loại “nhân sâm” dưới nước. Đây cũng là một loại nguyên liệu thực phẩm quý để chế biến ra nhiều món ngon. Ngoài đánh bắt cá, nhiều nhà có nuôi cá vồ, cá tra. Ngoài ra, còn có nghề nuôi cá bè vừa chi phí ít, vừa năng suất cao.
Mùa cá ra sông ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tôm. Ngoài cá, ĐBCL còn có tôm như câu ca dao sau dây:

Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng còn nhiều cá tôm


Tôm sứ, tôm hùm, tôm thẻ, tép bạc là các nguyên liệu để chế biến thành nhiều mặt hàng xuất cảng. Nuôi trồng dọc theo bờ biển như tôm-đước, tôm-lúa, tôm-dừa.
Tôm cạnh tranh với thực vật: muốn có năng xuất cao, cần thâm canh mà muốn thâm canh, phải phá hết thảm thực vật mà khi không có thảm thực vật thì vuông tôm bị ô nhiễm mặn và nhiệt vì nóng. Hiện nay có phong trào nuôi tôm với lúa.

Ruốc cũng là một loại hải sản dùng chế biến nước mắm.

Ba ba tức là rùa nước ngọt; phổ biến ở Việt Nam là Trionyx sinensis. Chuyên ăn động vật (cá, động vật không xương sống ..) và đẻ trứng ở mé nước. Ba ba dễ xuất cảng vì chế biến với gia vị là món ăn ngon.
Cua và ghẹ, nghêu sò. Cua đồng cũng là nguồn thức ăn giàu đạm ở Việt Nam. Trữ lượng nhiều nhưng việc sử dụng thuốc trừ sâu trên diện tích rộng đã làm hư hao tài nguyên cua đồng tại nhiều nơi . Ngoài cua đồng còn có cua biển, nghêu, sò huyết .Ở Bến Tre, nghêu tập trung thành từng bãi rộng ven bờ biển; ruột nghêu dùng làm thực phẩm, vỏ nghêu dùng nung vôi bón ruộng. Rươi cũng là một loại hải sản dùng làm nước mắm, có trong các rừng cây mắm ở Thạnh Phú, Bình Đại.
Ếch thì có ếch đồng (Rana tigrina) phổ biến ở đồng ruộng rất có ích vì thịt ăn thơm ngon và đùi ếch đông lạnh dễ xuất cảng; hơn nữa bắt được các côn trùng trong ruộng.

6. Vài loại cây ăn trái 


Các loại cây ăn trái thường tập trung trên các vùng phù sa nước ngọt ít bị lụt, dọc sông Tiền, sông Hậu như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ. Cây ăn trái thuộc miệt vườn như trên có dọc theo các sông, các bờ kinh rạch, các cù lao còn gọi là cồn như cồn Phụng, cồn Tân Long v.v.. Có thể kể :

Xoài (Mangifera), họ Điều (Anacardiaceae), với nhiều giống như xoài cát, xoài mật, xoài tượng..
Chôm chôm (Nephelium lappaceum), họ Bồ hòn (Sapindaceae)
Nhãn (Euphoria longana), họ Bồ hòn (Sapindaceae)
Sơ ri (Malpighia glabra), họ Malpighiaceae
Bòn bon (Lansium domesticum, họ Xoan (Meliaceae),
Sầu riêng (Durio zibethinus, họ Gạo (Bombacaceae),

Ngoài ra còn chuối , thơm (khóm) tại Long An, Kiên Giang, cam quít (tại Sadec, Bến Tre ), nhãn (Bạc Liêu), đó là chưa kể vú sữa, bưởi, sapochê, chùm ruột, ổi v.v..

Hai ta như sen mùa Hạ, cúc mùa thu
Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn
Em theo chim, em đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua

Tại vùng đất phèn, trước kia nông dân thường trồng khóm (thơm) hoặc mía nhưng hiệu quả kinh tế thấp; ngày nay, nông dân còn trồng bưởi da xanh: trồng loại bưởi chiết để rễ ăn ngang, tránh gặp tầng sinh phèn, mau ra trái và có đặc tính tốt như cây mẹ; bưởi da xanh cho trái quanh năm.

7. Vài vấn đề phát triển: mặn, hạn hán, sụp lở bờ biển


7.1. Phù sa đất thượng nguồn

Song song với việc phá rừng trong các lưu vực, đã tích tụ trong các hồ chứa nước nên không còn để bồi đắp cho hạ nguồn. Với người nông dân, lũ lụt là tai hoạ nhưng cũng là tài nguyên. Nhờ lũ lụt, sông Cửu Long kéo dài tuổi trẻ, ruộng đồng rửa sạch phèn, được thêm lượng phù sa màu mỡ và được mùa cá tôm quanh năm . Không có lũ, ngoài việc thiếu nước tưới, nông dân còn gánh chịu đủ thứ phát sinh như chuột, sâu phát triển phá hoại mùa màng. Ruộng không có phù sa nên lượng phân bón đổ xuống phải nhiều hơn khiến chi phí tăng.

7.2. Xói mòn và sụp lún
Tình trạng khai thác cát quá đà, với cảnh ngày đêm sà lan và ghe thuyền hút cát trên hai dòng sông Tiền và sông Hậu đã đẩy nhanh nạn xói mòn sụp lở bờ sông làm hàng ngàn cư dân ven bờ đã nghèo nay lại mất cả nhà cửa do sạt lở.

Sự khai thác nước ngầm quá sức luân lưu của dòng chảy gây ra nạn sụp lún, trong khi biến đổi khí hậu làm mực nước biển cứ tăng khoảng 5 mm/năm .Do đó, vùng bán đảo Cà Mau, vốn đã thấp, nay bị sụp lún có thể sẽ đối diện với tình trạng mất đất, bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh, mất rừng; mặn sẽ xâm nhập sâu vào các sông và tấn công tầng nước ngầm.

8. Kết luận


8.1. Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay không còn là đồng bằng của chúa Nguyễn ngày xưa lúc mới khai hoang các thế kỷ 18, 19. Thực vậy, ngày nay ngoài dân số đông hơn gấp bội, đồng bằng này chịu nhiều hệ lụy của các đập nước thượng nguồn đã xây, đang xây và sẽ xây trên sông Mekong như Sayabouri, đập Pak Beng, đập Sipangdon ở phía Nam Ai Lao, các đập trên lưu vực hai sông Sesan và Srepok ở Cao nguyên Trung Phần Việt Nam, đập ở Stung Treng (Cao Miên) và nhiều đập khác trong vòng nghiên cứu thì dĩ nhiên sẽ tác động đến miền hạ lưu của dòng sông: lượng phù sa ít đi, làm bồi đắp giảm bớt, lượng nước sông không còn đủ mạnh để đẩy chất mặn ra biển, do đó mặn vào sâu hơn và sớm hơn.

Đặc biêt, có những vùng trước kia không bị mặn của Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu thì nay đã bị xâm nhập mặn vì trong một thời gian dài, nông dân dẫn nước mặn vào các tuyến kinh nội đồng để nuôi tôm làm mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây xung đột với trồng lúa là cây cần nước ngọt: người làm lúa thì canh cánh nỗi lo bị nước mặn xâm nhập, còn người nuôi tôm thì mỏi mòn chờ nước mặn để cứu tôm!. Còn ở An Giang, vùng thượng nguồn thường đóng cống ngăn dòng chảy để trồng lúa làm mực nước ở hạ nguồn bị xuống thấp nên kéo mặn vào. Mạnh ai nấy làm, không có chiến lược chung để quản lý nước (water management).

8.2. Môi trường thiên nhiên bị biến đổi đi thì ta phải thích nghi với môi trường thiên nhiên, sử dụng hoa màu, hệ canh tác, nông lịch ..cũng phải dựa vào thiên nhiên.

– Vùng ven biển: cần tăng cường rừng ngập mặn với cây đước vừa bảo vệ đất, giữ phù sa. Để giữ nước ngọt vào mùa mưa, dùng nilon khổ lớn để trãi xuống ao, hồ; tưới nhỏ giọt (drip irrigation) đúng vào hệ thống rễ, thông qua các ống đặt sát mặt đất hoặc chôn ngầm.

– Vùng Đồng Tháp Mười: Dùng biện pháp thuỷ lợi như đào kinh xả phèn; cần hoàn thiện các công trình đê, đảm bảo kiểm soát lũ từng phần; lên líp trồng khóm, chỉ vài năm sau, phèn sẽ trôi đi nên có thể trồng nhiều hoa màu hay cây ăn trái rễ cạn. Trồng bưởi ghép để rễ không ăn sâu xuống vùng đất sâu còn phèn; tăng cường các công trình điểu khiển nhằm rút lũ qua hạ lưu sông Tiền và sông Vàm Cỏ; cần tìm giải pháp khôi phục không gian trữ lũ vốn có của vùng Đồng Tháp Mười.

– Vùng Tứ Giác Long Xuyên. Sau biện pháp thuỷ lợi, trồng 2 vụ lúa vào mùa mưa và tận dụng đất còn ẩm vào đầu mùa nắng để trồng vụ màu như đậu xanh có chu kỳ sinh trưởng ngắn .Riêng về cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, cần xây dựng hệ thống cống ngăn mặn ven biển Tây, đồng thời nạo vét và đào thêm các kênh thuộc tứ giác Long Xuyên để dẫn nước ngọt từ sông Hậu ra sát biển Tây và phải tăng cường các công trình thoát lũ ra biển Rạch Giá trong mùa lũ.

– Vùng Trũng sông Hậu. Đây là vùng trũng không tiêu thoát được mặn (huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ ), chỉ cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) 65km và cách cửa biển Rạch Giá 45km nên nằm trọn trong vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; với triều cường thì độ mặn trên nhiều sông rạch ở vùng này sẽ còn lên cao, làm thiệt hại lúa. Do đó nên tận dụng hệ thống cống có sẵn đóng mở theo triều cường để ngăn mặn không cho nước vào đồng; đồng thời đầu tư xây dựng mới một số đập thời vụ để ngăn mặn từ xa và nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước ngọt.

8.3. Trong khi tình trạng xâm nhập mặn càng ngày càng trầm trọng với biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, thì các hoạt động phi nông nghiệp (off-the-land activities), huấn nghệ cho thanh niên để họ có nghề ngoài nông nghiệp như xây cất, sửa chữa điện nước, truyền thông, thương mại, điện tử, chăm sóc sức khoẻ, khoa học, biến chế nông sản, sản xuất và sửa chữa nông cơ, nông cụ, kỹ nghệ xây dựng và các dịch vụ tại nông thôn (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, chuyên chở), buôn bán các phương tiện sản xuất (phân bón, thuốc chủng, giống cây trồng..) cũng như thương mãi giúp giảm áp lực dân số trên đất trồng trọt đồng thời giúp họ dễ dàng di cư đến các nước có nhu cầu công nhân trẻ và năng động và như vậy để lại đủ diện tích nông nghiệp cho người làm nông có thể sinh sống phong lưu hơn vì với diện tích đất trồng càng ngày càng hẹp thì vẫn không thoát nghèo.

8.4. Ngoài ra, chủ động sinh đẻ, chú trọng vào phẩm lượng, thay vì số lượng. Thực vậy, nhiều gia đình đã nghèo lại đông con phải gả con gái cho đi lấy chồng ở Đài Loan hay Hàn Quốc và hiện nay có hàng trăm ngàn phụ nữ Việt ở hai nước đó, làm chênh lệch cán cân giới tính, khiến đàn ông Việt ở miền đồng bằng này sẽ khó lập gia đình; nói khác đi, phải sinh đẻ có kế hoạch để giảm sức ép dân số.

8.5. Toàn vùng thôn quê cần được điện khí hoá để giúp cải thiện mọi sinh hoạt từ nấu ăn, giặt dũ, đến truyền hình, khiến đời sống bớt khó nhọc và dân trí được nâng cao.

8.6. Dù sao cũng cần có một kế hoạch tổng thể (master plan) cho toàn đồng bằng sông Cửu Long để nối liền hệ thống kiểm soát triều, mặn với hệ thống ngăn, thoát lũ, từ đê bao ngăn lụt kết hợp giao thông cho đến trạm bơm điện với chính sách sử dụng nước đồng bộ, hài hoà với thiên nhiên và con người ..thành một hệ thống thống nhất để các địa phương thực hiện hầu tránh phát triển không đồng bộ, trùng lập, hoang phí tài nguyên thiên nhiên trong khung cảnh biến đổi khí hậu của toàn thế giới.

Thái Công Tụng
(Tháng 3/2016)