Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng
tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024
Một Đời Quên Lãng - Sáng Tác: Ngô Thụy Miên - Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng
Tiếng Hát: Phạm Cao Tùng
Thia Thia Quen Chậu
Thôi ta đã lỡ rồi người ạ
Xa càng xa chẳng biết vì sao
Bao năm sóng dữ ba đào
Đời hoa héo úa xanh xao rã rời.
Những mùa trăng cao vời níu vội
Tìm khẽ khàng bối rối ngỗn ngang
Người buông tay quá vội vàng
Trái tim vuột mất bẽ bàng duyên phận
Dẫu đường đời gập ghềnh lận đận
Bởi vì ai chấp nhận độc đơn
Trong mơ còn phút dỗi hờn
Kề vai cảm nhận tình mơn man nhớ
Cuộc sống mới rộn ràng nhịp thở
Một nửa mình hạnh phúc nửa kia
Vì nhau chẳng thể chìa lìa
Hẹn kiếp khác như thia thia quen chậu
Kim Oanh
25.11.2024
Ba Mươi Năm
Rồi một hôm tình cờ anh khẻ hỏi
Em là ai, từ đâu đến nơi đây
Và muốn hiểu về em thêm chút nữa
Cuộc tình riêng ngang trái tự bao ngày
Em vội vã gom than hồng bếp lửa
Gọi tim về nhen nhúm chuyện ngày xưa
Ôi, chóng quá thời gian trôi lặng lẽ
Ba mươi năm đau xót nói sao vừa!
Ba mươi năm, một thân cò cơ cực
Ba mươi năm nghe ngập đắng bờ môi
Nhưng hỡi anh, xin anh đừng hỏi nữa
Hiểu làm chi những năm tháng đơn côi
Em chỉ muốn riêng mình ôm kỷ niệm
Từ mắt xanh đến lúc tóc bạc màu
Một kiếp người bóng câu qua cửa sổ
Thời gian nào che giấu được hư hao
Ngẫm cuộc đời thoáng như cơn gió lốc
Ðã hết rồi mơ mộng với kiêu sa
Em bây giờ mắt môi xưa phai nhạt
Ba mươi năm rồi … cứ tưởng mới hôm qua
Hững Hờ
Nhớ ngày nào, dìu nhau, tay trong tay, mà nay đã chia lià.
Giờ này anh ở đâu, em sống buồn tẻ, lẻ loi, đầy nhung nhớ.
Em sầu đau, tâm trí quay quần, đời sống vô vị, khi vắng anh.
Không có anh, ai chờ đón em, đưa em về vùng trời thơ mộng.
Nếu vắng anh, tâm hồn em cũng buồn tẻ, tiêu điều, vắng tanh.
Không anh, bạn bè chung quanh em, tất cả chỉ thêm nhàm chán.
Thiếu anh, cuộc đời này, toàn là băng giá, vô cảm, buồn tênh.
Nhủ lòng, mình không yêu, nhưng em không thể dối chính mình.
Đêm từng đêm, cô đơn, hiu quạnh dâng thành bão tố, sóng thần.
Định mệnh nào, duyên nợ nào, oan nghiệp nào, trói buộc nhau?
Thôi từ đây, em gạt lệ, cố sống hồn nhiên, quyết rủ hết ưu phiền.
Vậy mà em vẫn mong có anh, để em tựa vai, khóc, trút nỗi lòng.
Vì không có anh, ai sẽ dỗ dành em, cho em thiết tha, ngọt ngào?
Thiếu anh, em ôm nặng khối tình, tim em lạnh giá, sụt sùi lệ rơi.
Em luôn tự dối lòng mình, mặc dù em biết tình anh nhiệm mầu.
Anh luôn kề cận bên em, bao lời anh hứa sao đành nở quên?
Bao đêm gầy guộc cô đơn, bao ngày vất vã vạ vào thân em.
Ngày đi, anh đã hứa rằng, ngày về anh sẽ kết vui mừng cho em.
Giờ anh hờ hững, đời em quạnh vắng, em kết vui lành với ai?
Một mình em lẻ loi, lặng lẽ, gõ nhịp trên vỉa hè phố khuya buồn.
Xa rồi, cuộc tình ngọt ngào, những nụ hôn đắm đuối ngày xưa.
Sao anh vội vàng, lãng quên những ngày yêu đương mặn nồng.
Bao lời hứa thủy chung, nay anh nỡ lòng nào quên thật rồi sao?
Lê Huy Trứ
1/12/2024
Chứng Ngộ
“Trẻ vui nhà già vui chùa”, nhưng Sao Khuê chưa kịp vui chùa thì bị “cô vít” vít lại ở nhà thế rồi... Ngộ thật, tình cờ Sao Khuê gặp một nhóm các anh chị thích học hỏi, nghiên cứu, thực hành về thiền và Pháp Phật theo Phật giáo nguyên thủy.
Đúng là ‘hữu duyên thiên lý năng tương ngộ và vô duyên đối diện thấy thương liền”. Cùng hội đồng thuyền, chúng tôi có duyên tao ngộ, hạnh ngộ, hội ngộ, tái ngộ trên diễn đàn, kể ra thì cũng ngồ ngộ!
Đa số chúng tôi lại chung một cảnh ngộ là tuy không có Job nhưng vẫn được phát lương, thế mới thật là ngộ nghĩnh. Xin quý vị đừng ngộ nhận là chúng tôi được ăn trợ cấp an sinh xã hội nhé. Sợ dĩ chúng tôi được nhà nước đãi ngộ là vì chúng tôi, phần lớn đã quá cái tuổi thất thập cổ lai hi, nên được hưởng tiền già và ngộ nhỡ tiền già không đủ tiêu thì cũng có tiền hưu hay là tiền của con cháu đút túi cho. Tuy vậy lũ trẻ sau này ngộ lắm. Chúng cứ nghĩ khi về già rồi thì đâu cần tiêu pha gì nhiều nên cái mục đút túi này thì chúng quên y như chúng mình ngày xưa, quên bổn phận đối với cha mẹ.
“Ngộ biến phải tòng quyền” nên chúng tôi phải giảm chuyện ăn chơi du lịch. Chúng tôi ở nhà hú hí « long distance » với nhau qua máy tính, cell phone hay iPad. Sao Khuê vẫn gọi mấy cái iPad xinh xinh là người Tình. Các em iPad được Sao Khuê viết tặng một bài thơ tự do như sau:
Mỗi tối trước khi ngủ, mỗi sáng khi vừa thức dậy, nằm trên giường, ta ôm ấp Em, người tình, khuôn mặt chữ điền, thật hiền.
Em nhỏ bé mà thông minh đáo để. Em lặng thinh mà kiến thức bao la. Em mang tin bạn từ xa, đến với ta...
Em còn biết trả lời điều người ta mong mỏi. Nhiều chuyện nay, chuyện xưa, chuyện nắng chuyện mưa, chuyện trưa chuyện tối; chính trị rối bời, thơ văn âm nhạc, tin tức nóng hổi; sao cái gì em cũng rành, cái gì em cũng biết…nên xuân sang hoa nở, nắng hè rực rỡ, đông qua tuyết đổ, tình thu bồi hồi, bốn mùa em vẫn cùng ta chia sẻ, khiến ta không nỡ rời em, iPad.
Sao khuê có nhiều “người tình” được truyền tay từ con, cháu nên đôi khi các em cũng hay dở chứng, nhiều khi cứ ỳ ra không chịu làm việc. Sao Khuê cũng mong các em mau tỉnh ngộ, biết điều để đền ơn tri ngộ vì thực ra các em đâu còn dĩnh ngộ như lúc mới ra lò?
Nãy giờ chắc quý vị tẩu hỏa nhập ma vì cứ nghe tới nghe lui cái chữ “ngộ”.
Quý vị à, theo quý vị thì NGỘ là danh từ, tĩnh từ hay động từ?
Chữ Ngộ quả thật rất ngộ.Tùy theo cách dùng mà ngộ có khi là tính từ (attribute), tĩnh từ, kết từ, động từ.
Những chữ ngộ trong tái ngộ, tương ngộ, ngộ biến phải tòng quyền... là những động từ tức là những từ ngữ có khả năng... động đậy như: “đôi ta mới ngộ hôm nay, một đêm là ngãi, một ngày là duyên”.
Ngộ nghĩnh, dĩnh ngộ là những tĩnh từ như: cái tên em nghe ngộ quá, em bé này ngộ ghê
Văn phạm Việt bây giờ còn có thêm cái gọi là tính từ (=attribute), tính mang dấu sắc, chỉ đặc tính như người khôn, chó ngộ - chó ngộ, tiếng Quảng, có nghĩa là chó dại chó điên.
“Nhớ mang theo áo ấm ngộ trời trở lạnh” thì chữ ngộ được xếp vào kết từ (?) trong văn phạm.
Ngộ nghĩa là gì?
Từ điển Hán Việt thấy có 3 nghĩa chính của các chữ "ngộ":
- 悟: có nghĩa hiểu ra, vỡ lẽ; mở tâm thức, không còn mê muội nữa. Như "hoảng nhiên đại ngộ", bỗng nhiên bừng mở tâm thức, bỗng nhiên "giác ngộ", "tỉnh ngộ".
- 遇: có nghĩa gặp (nhau), như "hội ngộ", "tương ngộ", "tái ngộ", "ngộ nạn";
có nghĩa đối đãi, như "đãi ngộ",
có nghĩa là dịp, cơ hội, như "giai ngộ", "cảnh ngộ".
- 誤: có nghĩa là sai lầm, mê hoặc, làm hại, như "ngộ độc", "ngộ sát", "ngộ rượu"... có nghĩa vui vui như, đẹp dễ thương ‘ngộ thật’, "ngộ nghĩnh", "dĩnh ngộ".
Tránh cho quý vị bị “ngộ độc” bởi ngôn từ, Sao Khuê xin trở lại nhóm học Phật của chúng tôi kẻo lại mang danh ngộ sát mất.
* Theo bài viết của bác sĩ Trịnh Đình Hỷ trong blog “Chim Việt cành Nam” thì:
Giác ngộ hay chứng ngộ (Anh: awakening, enlightenment, Pháp: éveil, illumination), được dịch từ tiếng pali và sanskrit bodhi, phiên âm sang Hán-Việt là Bồ Đề, có nghĩa là hiểu biết hoàn toàn (bao hàm ý "giác=tỉnh dậy", "ngộ=hiểu", "chứng= tự mình kinh nghiệm").
Ngộ, gốc của chữ là √budh, có nghĩa là hiểu biết. Buddha (Phật, Bụt) là người đã hiểu biết trọn vẹn sự thật về cuộc đời, theo truyền thuyết đạt được giác ngộ sau 7 tuần thiền định dưới gốc cây Bồ Đề.
Thật ra, khi còn tại thế, Siddhāttha Gotama không bao giờ được gọi là Buddha, Phật. Ngài tự xưng mình là tathāgata (HV: Như Lai) nghĩa là " đã tới như vậy ", là “người đã tự giải thoát hoàn toàn khỏi những phiền não và lậu hoặc của cuộc đời” , và các đệ tử gọi ngài là Bhagavān (HV: Thế tôn). Một thời gian khá dài sau khi ngài tịch diệt, người ta mới gọi ngài là Buddha, đấng "giác ngộ hoàn toàn".
** Giác ngộ trong đạo Phật nguồn gốc (nguyên thủy)
Theo đạo Phật nguồn gốc hay cổ xưa, có 3 loại giác ngộ: giác ngộ của hàng Thanh văn (sāvaka-bodhi), của hàng Duyên giác (pacceka-bodhi), và của đức Phật Chánh đẳng Chánh giác (sammā-sambodhi).
Đối với đa số các nhà Phật học (10), giác ngộ chính là sự hiểu biết trọn vẹn - không chỉ bằng trí thức, mà bằng kinh nghiệm - của các sự thật mà đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy, tức là 4 Thánh Đế, 3 Pháp Ấn (khổ, vô thường, vô ngã) và lý Duyên khởi.
Như vậy, có thể nói rằng trong đạo Phật cổ xưa, giác ngộ có tính chất tuần tự, đạt được dần dần, từng giai đoạn một, và cần đến một sự cố gắng luyện tập liên tục.
** Giác ngộ trong đạo Phật Đại Thừa (Mahayana)
Đối với đạo Phật nguồn gốc, dạy bởi đức Phật Thích Ca, mục đích là sự diệt khổ (nirodha) đưa tới Niết Bàn, chứ không phải là giác ngộ (bodhi) - chỉ là một phương tiện để đạt tới, tuy là cốt yếu.
Đối với Đại Thừa, giác ngộ mới là mục đích quan trọng nhất, mà mọi Phật tử đều mong đạt được, bằng các phương tiện gọi là phương tiện thiện xảo (upāya kausalya)…
Không biết quý vị hiểu được bao nhiêu nhưng Sao Khuê thì vẫn “mơ huyền” nên lại phải tầm sư học thêm:
* Đạo hữu KP cho biết:
** Giác Ngộ trong Đạo Phật Nguyên Thủy thì Sư U Silananda giảng như sau: Dựa theo lời dạy của Ðức Phật, Giác Ngộ là sự chứng đắc được Tứ Diệu Ðế và sự diệt tận được tất cả ô nhiễm trong tâm.
Chứng đắc được Tứ Diệu Ðế có nghĩa là phải chứng thực qua chính kinh nghiệm bản thân và trong giây phút này, trong tâm thức người hành giả sẽ sanh khởi tâm thánh đạo (Magga citta). Ðây là một tâm sở hoàn toàn mới, ngộ tột cùng, viên mãn.
Nếu nói đến sự thành đạt Tứ Diệu Ðế thì Giác Ngộ chỉ có một nhưng nếu đặt vấn đề tận diệt ô nhiễm trong tâm thì Giác Ngộ có 4 tầng:
-Tầng Giác Ngộ thứ nhất, Nhập Lưu (Tư-đà-hoàn, sotapanna): Một vị Nhập Lưu tận diệt được hai ô nhiễm: tà kiến và hoài nghi.
-Tầng Giác Ngộ thứ hai, Nhất Lai, (Tư-đà-hàm, sakadagami): vị nầy không tận diệt được thêm một ô nhiễm nào khác, nhưng những ô nhiễm còn lại trong tâm trở nên yếu đi.
-Tầng Giác Ngộ thứ ba, Bất Lai, (A-na-hàm, amagami): Thêm hai ô nhiễm nữa là ái dục và sân hận được diệt tận, tức là không còn bị bám níu vào bất cứ đối tượng của giác quan và không còn bị chi phối bởi sự giận dữ, ganh tị hay sợ hãi, ưu phiền nữa.
-Tầng Giác Ngộ thứ tư, A La Hán (arahan): Nếu vị Bất Lai tiếp tục hành thiền, đạt được kết quả cuối cùng là tầng thánh giải thoát A La Hán. "A La Hán" nguyên nghĩa là bậc đáng cung kính, đã tận diệt mọi ô nhiễm còn lại trong tâm. Các ô nhiễm này sẽ không bao giờ trở lại dù vị này còn mang thân xác làm người. Tâm của các vị này trong sạch như vậy nên họ không còn tái sanh.
Theo như những lời giảng trên thì sau khi giác ngộ ở tầng 1, 2, 3 , tâm hành giả vẫn còn ô nhiễm nên vẫn còn Khổ. Chỉ đến khi đắc quả A La Hán thì hành giả mới tận diệt được mọi ô nhiễm và hết khổ.
…Quý vị đã hết khổ chưa? Hình như chưa. Như vậy chứng tỏ rằng quý vị chưa thể nào đạt đến tầng thứ tư để thành A la hán, vậy thì còn tầng thứ ba, thứ hai... quý vị đang ở tầng nào?
Quý vị chưa biết ở tầng nào hả, thế thì chịu khó đọc thêm nữa nè.
Nếu nghiên cứu kỹ cách sử dụng danh từ Ngộ và Giác (Bồ-đề) trong các kinh luận, thiền ngữ Trung Quốc, người ta có thể thấy được một sự khác biệt tinh tế trong cách sử dụng.
- Ngộ thường được dùng để chỉ cái kinh nghiệm vừa hiểu rõ ra ngay thức thì. Một danh từ khác đồng nghĩa với ngộ là Kiến tính (j: ken-shō). Ðại ngộ triệt để cũng thường để chỉ sự Giác ngộ tột cùng.
- Giác ngộ là một từ Hán-Việt có nghĩa là: tỉnh ra mà hiểu rõ. Giác có nghĩa là: tỉnh dậy, cũng như trong câu thơ “Giác lai vạn sự tổng thành hư” (Tỉnh ra vạn sự cũng là không) của Nguyễn Trãi. Giác ngộ tiếng Pháp là éveil, hay illumination; tiếng Anh là awakening, hay enlightenment; bao hàm ý nghĩa: bừng tỉnh và chói lòa ánh sáng. Tiếng Pali và Sanskrit là: bodhi (phiên âm là bồ-đề). Bodhi cũng như Buddha phát xuất từ tiếng gốc bud, là: hiểu biết.
Giác ngộ, bodhi là nhờ ở trí tuệ (hay trí huệ) Bát nhã, là sự hiểu biết không phải chỉ bằng trí thức, lý luận, mà bằng sự cảm nhận sâu xa, bằng kinh nghiệm sống trực tiếp. Do đó, giác ngộ cũng còn gọi là tuệ giác.
Giác ngộ cái gì: giác ngộ ra Sự thật theo giáo lý của Đức Phật:
Tứ thánh đế là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ;
Tam pháp ấn là vô thường, vô ngã và khổ;
Lý Duyên khởi là sự tương quan trong sinh diệt của mọi việc.
Đó là những sự thật mà Đức Phật đã giác ngộ ra và giảng dạy. Phải hiểu rõ những sự thật này, theo đó mà tu tập, theo con đường bát chánh đạo thuộc vào ba môn tu học là: giới, định, tuệ. Phải hiểu biết rồi mới thực hành được. Như vậy, phải giác ngộ rồi mới giải thoát được…
Khó hiểu thật, nhất là với quý vị chưa học về các “sự thật” này.
Thôi nôm na thế này nhé:
Sự thật là những cái có sẵn trên đời nhưng mình không hay chưa nhìn ra giống như mặt trời lúc nào cũng có đó nhưng nếu bị mây đen che thì mình không nhìn thấy.
Tứ diệu đế về Khổ? Ai ở trên đời chưa từng khổ, khổ vì Tham: tham tình, tham tiền, tham đủ thứ rồi muốn giữ chặt cái mình thích và ghét cái mình không ưa. Muốn hết Khổ phải Tu. Tu thì phải học (đọc truyện của Sao Khuê là đang học đấy!).
Tam pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã. Học để hiểu ra trên đời không có gì tồn tại mãi mãi tức mọi việc (pháp) đều vô thường (1) không thường hằng. Never nghe quý vị. Các cô chớ dại tin: “nếu trên đời có gì vĩnh cửu được – thì em ơi, đó là tình hai chúng ta” nhe. Quả địa cầu ngày kia cũng biến mất, nói gì tình, tiền, mạng sống. Cái gì biến đổi và không có mãi như trước không vĩnh cửu gọi là vô thường, nó y như đám mây trên trời, biến dạng liên tục. Mà mây là mây, là nước hay là mưa nếu không có nóng có lạnh nghĩa không tự nhiên có được mây nên mới nói nó vô ngã (2), nó tùy thuộc các yếu tố khác gọi là duyên như nóng, lạnh mới có được… Khi không có độc lập tự do, lại lúc có lúc mất thì Khổ (3) là chắc rồi.
Tới đây mà quý vị như Sao Khuê, chưa hiểu được thì đành bó tay.com hay là quý vị cứ tạm hiểu như Sao Khuê rồi thì mai mốt lại nghiên cứu nữa nhé. Cái tạm hiểu này cũng qua bao nhiêu năm ăn “quả khổ”đấy nhe:
Không có một cái gì mà tự nhiên từ trên trời rơi xuống, ngay cả mưa, mưa cũng phải qua quá trình nước gặp nóng, bốc hơi, kết thành mây, mây gặp lạnh đọng thành hạt nước rơi xuống đất thành mưa. Người ta muốn ngộ - đột nhiên hiểu rõ ra chuyện gì đó cũng phải trải qua một thời gian dài suy tư.
Ngộ ra cái gì thì tùy quý vị đang nghiên cứu học hỏi cái gì.
Thí dụ “Yêu”, như quý vị biết yêu là khổ, không yêu thì lỗ, rồi ngộ ra thà lỗ còn hơn khổ.
Thí dụ “Lập gia đình”: quý vị biết ở một mình thì buồn, ở hai mình thì bực nên đa số chúng ta giác ngộ thà bực hơn là buồn nhưng rất nhiều người giác ngộ thà buồn hơn là bực. Một số ít lại thích bộ ba, bốn người vì họ thích bực, bực rồi buồn bực... (một vợ nằm giường Lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ xuống chuồng heo mà nằm). Họ ngộ ra chữ Không, không có vợ nào bên mình đấy quý vị ơi.
Sau khi thỉnh được kinh vô tự, Tôn hành giả tức Tề Thiên Đại Thánh ngộ được chữ KHÔNG. Tôn ngộ Không, nhập Niết bàn thành Đấu Chiến Thắng Phật.
Nếu quý vị học Phật thì quý vị sẽ ngộ ra những lời Phật dạy, sau đó sẽ giác ngộ ra rằng
Đời: c’est la vie. Tiền: c’est l’argent. Tình: c’est l’amour.
Chắc là quý vị cho Sao Khuê đang nói đùa, nhưng nếu quý vị đã học lâu năm và được đời chơi mình như chơi bóng đá, quý vị sẽ giác ngộ ra vũ trụ, đời sống vận hành theo một cái định luật của Tự Nhiên nào đó mà mình phải tuân theo, không sửa đổi được, nhưng mình có thể nương theo đó rồi TỰ sửa đổi cho tốt hơn, như học chưa thông thì học nữa, học mãi sẽ hiểu ra...(Sao Khuê nghe thầy giảng vậy)
Nếu quý vị cứ suốt đời lo lắng, sợ hãi thì quý vị học Phật nên chịu khó nghe pháp thoại. Nghe rồi, học rồi, rồi ngẫm nghĩ (tư duy), rồi thực hành, chứng nghiệm với bản thân. (cũng lời các thầy giảng) . Ngày nào đó, như trái bóng đá mang tên Sao Khuê nè, quý vị sẽ giác ngộ ra mình nên lặng thinh chấp nhận mọi việc xảy đến, mọi việc đều tùy duyên đến rồi đi, sinh diệt một cách…”mờ ám”: nhưng sao (đến) đi mà không bảo gì nhau, để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại” (thơ Nguyên Sa). Kế đó Mình xin quy y thầy mackeno, theo thuyết mackenism. Mình hết dám cằn nhằn, oán trách người hay số phận. Mình đành lòng vui vẻ thích nghi với hoàn cảnh xảy đến, chấp nhận lúc nắng thì đội nón, lúc mưa thì che dù, chỉ vì mình không bắt được Trời ngưng mưa hay đi chơi với mây cho mình đỡ nóng, dại gì mà đầu đội mưa, chân đạp cát nóng nhỉ, dại sao mà càu nhàu hé…
Chấp nhận, thích nghi, lèo lái hoàn cảnh, chúng ta sẽ buông xả được tất cả những nỗi lo buồn và sống an nhiên tự tại.
Một thí dụ quý vị nhé:
Một căn bệnh đến (khổ thân), người thân yêu rời xa (khổ tâm): vì đời sống có vui có buồn có sướng có khổ mà. nhưng Ta chỉ muốn giữ cái vui và khi không giữ được thì Ta “thọ” khổ.
Nếu Ta giác ngộ, tỉnh giác hiểu ra lẽ vô thường, duyên hợp-tan, hoại-diệt thì mọi chuyện rồi cũng qua đi (À, nếu nó vẫn còn đó mà chưa qua thì có nghĩa là nó chưa qua chứ không phải là nó không qua à nghe. Nếu muốn nó mau qua thì quý vị cứ chịu khó Niệm: qua đi, qua đi, qua đi, qua đi hay chú tâm đọc Bát nhã tâm kinh để rõ nghĩa hơn về mọi pháp hữu vi đều Vô ngã, Vô thường thì “tâm đang níu giữ” sẽ nới lỏng dần rồi buông ra được: yết đế, yết đế, bala yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha), sau đó còn đau thì kiếm thuốc mà uống, mà thoa, kiếm máy massage mà bóp…
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi, chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi....
Phạm thiên Thư
Đấy, ngộ ra là “có ngần ấy thôi”, không mong cầu nhiều hơn nhé, buông tay thả ra như bóng bay, không giữ lại nhé.
Không còn mong muốn thường hằng, không còn ghét bỏ, không còn nắm giữ, rồi bước vào cái tịch tĩnh, hư vô:
Hư vô
Khi xưa tôi chẳng làm thơ
Khi xưa tôi đã rất dại khờ...
Như cây, hoa, quả, chờ mùa... chín
Tôi, với thời gian, ... “viết thành thơ “
Nhưng tôi chưa hết dại, khờ:
Mà thời gian, vốn ơ hờ, vẫn trôi
Thời gian qua, đã qua rồi
Chưa từng trở lại, chưa lui trở về
Mà tôi, sao cứ mải mê
Ngoảnh lại sau lưng “xề” quá khứ
Và còn nghển cổ ngóng tương lai...
Hận sầu đằng đẵng kéo dài
Thêm lo sợ tới, ngày mai thế nào?
...
Sáng nay thức dậy, vui sao
Ngọt ngào Buông, Xả, bước vào hư vô…
Sao Khuê
Eurêka! Chúng ta đã chứng ngộ Niết bàn.
(*) Viết theo tài liệu trên mạng
Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024
Đêm Đông Lạnh Trời Mưa Xuống - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Hòa Âm: Duy Cường - Tiếng Hát: Thiên Phượng
Hòa Âm: Duy Cường
Tiếng Hát: Thiên Phượng
Trái Ngang
Đêm buông tiếng thở dài
Lệ ướt đẫm bờ vai
Thơ thẩn đời đơn lẻ
Mỏi mong ánh thái lai
Vào đêm thu quạnh quẽ
Lắng khúc nhạc u hoài
Đau khổ tình ngang trái
Ôm lòng đợi sớm mai
Lệ ướt đẫm bờ vai
Thơ thẩn đời đơn lẻ
Mỏi mong ánh thái lai
Vào đêm thu quạnh quẽ
Lắng khúc nhạc u hoài
Đau khổ tình ngang trái
Ôm lòng đợi sớm mai
Kim Phượng
Tự Do
Ta chấp ngã nên chẳng thành đạo sĩ
Vụng đường tu vì mắc nghiệp cuồng si,
Thấy bến mê quên nẻo sáng từ bi,
Hồn bay bổng nhập vào trăng mộng mị!
Ta rong ruổi đi tìm chân thiện mỹ
Mượn vần thơ tri kỷ giải sầu bi,
Đời phù phiếm kiếp thăng trầm nghệ sĩ,
Ở bên thơ ta cảm thấy diệu kỳ,
Ngắm hoa cười hồn nhẹ tựa mây trôi
Nhìn sông chảy như trở về nguồn cội.
Nửa thế kỷ cõi nhân gian thay đổi,
Dòng thời gian làm phố cũ xa xôi
Thế giới phẳng người càng tranh danh lợi
Bả vinh hoa quên thế sự đầy vơi
Ttrí tuệ, tuổi trẻ tương lai ngày mới
Cũng phù du trong hưởng thụ quanh đời.
Có những thuyền ra khơi không về nữa
Người hôm nay ít biết chuyện năm xưa ?
Cuộc bể dâu đã tàn theo khói lửa,
Những phận nghèo sống lây lất đong đưa!
Ta ngậm ngùi bỏ quê hương từ đó
Đời ly hương ta ca hát tự do
Chiều paris nắng vàng trên lối nhỏ
Hoa lá thắm tình chợt nhớ con đò.
Đỗ Bình
Đời Là Cát Bụi
Đời Là Cát Bụi
Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày
Khổ trí lao tâm tranh danh đoạt lợi
Vinh nhục thăng trầm tạo dựng tương lai
Ngày Ta ra đi giã từ trần thế
Một phút phù du phủi sạch đội tay
Sự nghiệp công danh và cả hình hài
Từ cát buị trở về cùng cát bụi.
Hoa Đô 2021,
Trần Công/Lão Mã Sơn
***
Bài Cảm Tác:
Cho rằng cát bụi đã thành người
Vấn đề là ở cảm xúc thôi
Ai đã tạo ta từ cát bụi?
Để ta quay quắt suốt môt đời
Nếu không tham vọng làm sao sống
Nếu không dục vọng thiếu trẻ chơi
Bao nước mắt rơi trong đêm tối
Để được ôm ai trong vòng tay
Bao tủi hờn từng dâng lên môi
Để được xưng tên giữa chợ đời
Có đáng vậy không cho giấc mộng
Một đời nhìn lại thấy bồi hồi
Một mai cát bụi thành cát bụi
Có tiếc gì không? trở lại không?
Dương Vũ
Cởi Áo Vô Thường
Hết mơ hết mộng dòng đời vẫn trôi
Hoa góc bể bướm chân trời
Chim bay mòn cánh cá bơi lỡ làng
Gió rừng thở sương núi than
Cánh buồm bé bỏng nhoà tan cuối trời
Sao quên hò hẹn rong chơi
Trăng tàn bến vắng rã rời mộng xanh
Cuối cùng chiếc lá lìa cành
Gọi mưa tắm nắng dỗ dành cò con
Hồn quê tình nước sạch trơn
Hư vô lòng đất cô đơn nghiêng thành
Thì thôi số kiếp đã đành
Bận chi cát tím bụi xanh khói hồng
Đau lòng se lòng mềm lòng
Tiên bồng bềnh bồng tang bồng bóng thương
Muộn màng cởi áo vô thường
Chùa hoang miếu đổ ruộng vườn tro than
Bốn phương hư ảo sương tan
Ngược dòng nước đục đò ngang dọc nghèo
Người đi trăng níu gió đeo
Người về hôn bóng thuyền neo chập chờn
Hết hơi hết sức hết hồn
Hết chờ hết đợi hết hôn hết nhìn
Hết cho hết đòi hết xin
Hết yêu hết nhớ hết linh hết người
Hết thơ hết nhạc hết cười
Hết mơ hết mộng dòng đời vẫn trôi...
MD.05/06/12
LuânTâm
Phiếm Về: Thiên Là Trời
(Cổng Trời)
Thiên 天 là Trời, Thiên 千 là Một Ngàn, Thiên 偏 là Thiên Lệch, Thiên 遷 là Di Dời ... Ở đây, ta chỉ nói đến chữ Thiên 天 là Trời, là phần không gian ở trên đầu của ta mà thôi. Theo "Chữ Nho ...Dễ Học", ta có chữ Nhân là người được viết như thế nầy 人. Đây là chữ Tượng Hình đơn giản nhất, cơ bản nhất và cũng ... Tượng hình nhất : Hình người đứng xoạt 2 chân hiên ngang giữa trời đất đúng như sách Tam Tự Kinh ngày xưa dạy : Tam tài giả, THIÊN ĐỊA NHÂN 三才者,天地人。( TAM TÀI là TRỜI, ĐẤT và NGƯỜI ). Con Người là một thành viên của vũ trụ, hợp với Trời và Đất tạo nên cái thế giới nầy !
Nên ...
Khi cần diễn tả sự to lớn thì chữ nhân 人 dang thêm hai tay ra theo lối CHỈ SỰ 指事 ( Mượn việc dang hai ta ra để chỉ sự to lớn gọi là Chỉ Sự ) thành chữ ĐẠI 大 , theo diễn tiến của chữ viết sau đây :
Nên...
ĐẠI là To, là Lớn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng phát sinh : là Vĩ Đại, là Trưởng thành ... Nhưng ...
Con người dù cho có cao lớn đến đâu cũng không thể cao lớn bằng Trời được, cho nên thêm một nét ngang tượng trưng cho bầu trời lên phía trên chữ Đại 大, thì ta có chữ THIÊN 天 là TRỜI, được hình thành theo lối HỘI Ý 會意 , theo diễn tiến của chữ viết như sau đây :
Theo như Giáp cốt văn và Đại Triện ở trên, ta thấy rõ ràng hình người có cái đầu to tượng trưng cho Đầu Đội Trời, Chân Đạp Đất, gọi là " Đỉnh thiên lập địa 頂天立地 " như Từ Hải trong Truyện Kiều vậy:
ĐỘI TRỜI đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Nên ...
Chữ Thiên 天 chỉ phần cao nhất của cơ thể con người, vượt lên trên đĩnh đầu cao vòi vọi, đó là Trời.
Về mặt thể chất, thì con người không thể cao bằng Trời, lớn bằngTrời được, nhưng về chí khí thì cũng có những người có chí lớn muốn CHỌC TRỜI Quấy Nước làm nên những chuyện Kinh Thiên Động Địa. Cho nên, chữ Thiên 天 mà nhô đầu lên theo chiều dọc để CHỌC thủng Trời thì sẽ thành chữ PHU 夫 là người đàn ông cao lớn mạnh khỏe hiên ngang đứng giữa trời đất, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
Nên ...
PHU 夫 : là Người đàn ông trưởng thành, mạnh mẽ, hiên ngang mà các bà các cô ai cũng ước mong trở thành người hôn phối của mình, nên ...
PHU 夫 còn có nghĩa là CHỒNG với các từ ghép nghe cho êm tai và âu yếm là : Phu Tế 夫婿, Phu Lang 夫郎, Phu Tướng 夫相, Trượng Phu 丈夫 ... Như trong Truyện Kiều tả lúc Từ Hải chia tay với Kiều để lên đường lập nghiệp ....
Nửa năm hương lửa đang nồng,
TRƯỢNG PHU thoát đã động lòng bốn phương.
Chữ PHU 夫 lại làm cho ta ....
... Nhớ lại 2 câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài "Không Chồng Mà Chửa" là :
Duyên THIÊN chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận LIỄU sao đà nẩy nét ngang ?!
Nữ sĩ đã chơi chữ bằng cách chiết tự rất lý thú và lí lắt như sau :
Duyên THIÊN 天 là duyên trời run rủi, chưa thấy nhô đầu dọc, là chưa thành chữ PHU 夫, nghĩa là chưa có chồng.
Phận LIỄU 了 (là Liễu bồ, là Phận gái) sao đà nẩy nét ngang ? Chữ LIỄU 了 mà " nẩy " nét ngang thì sẽ thành chữ TỬ 子 là CON. Nên 2 câu thơ trên có nghĩa:
Duyên trời nào thấy đâu run rủi,
Phận gái sao đà đã có con ?
Trong dân gian Nam Kỳ Lục Tỉnh, ở Cái Răng Ba Láng quê tôi, lúc nhỏ tôi cũng thường nghe bà con lối xóm hát rằng:
Không chồng có chửa mới ngoan,
Có chồng có chửa thế gian sự thường!
Về chữ LIỄU 了 là Kết thúc, kết liễu, đồng âm với chữ LIỄU 柳 là Dương Liễu chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh liễu. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã chơi chữ bằng cách sử dụng từ Đồng Âm để đánh đồng 2 chữ Liễu theo âm Hán Việt. Chớ chữ Liễu là Dương Liễu thì làm sao có được nét ngang mà "nẩy" ?!
Thiên 天 là Trời, chữ đầu tiên trong sách Tam Thiên Tự 三千字 của soạn giả Đoàn Trung Còn khi mới bắt đầu học chữ Nho hồi xưa :
天 Thiên trời, 地 Địa đất, 舉 Cử cất, 存 Tồn còn, 子 Tử con, 孫 Tôn cháu, 六 Lục sáu, 三 Tam ba, 家 Gia nhà, 國 Quốc nước, 前 Tiền trước, 後 Hậu sau...
Thiên 天 là Trời, là phần không gian cao ngất ở trên đầu ta, nhưng trong dân gian theo tín ngưỡng của người dân Đông Á chịu ảnh hưởng của Nho Thích Đạo, thì Trời là thế giới của cỏi trên, có đủ các thành phần Tiên Phật Thần Thánh của thượng giới, và có đời sống giống như ở dân gian, đứng đầu là Ngọc Hoàng Thượng Đế mà ta quen gọi là Ông Trời, và ông Trời hiện diện đầy đủ trong các mặt vui buồn của cuộc sống con người, ta vẫn thường nghe các câu:
- Vui qúa Trời !
- Buồn qúa Trời !
- Sướng qúa Trời !
- Khổ qúa Trời !....
Vui buồn sướng khổ gì đều kêu Trời cả ! Nên theo truyện cổ tích dân gian thì ... Ngày xửa ngày xưa, ông Trời ở rất gần ta, chỉ cao khỏi ba xào một chút mà thôi, nhưng vì hễ động một chút là người ta kêu Trời : Hôm nay ăn no qúa Trời; Con đói qúa Trời ơi ! Cái con nhỏ đó đẹp qúa Trời ! Nhỏng nhẻo qúa Trời; Thấy "ghét" qúa Trời đi !... Nhất nhất cái gì cũng kêu Trời, kể cả "Con mắc ... qúa Trời ơi !". Nên ... Ông Trời nghe thét rồi chán qúa mới "vọt" tuốt lên 9 từng mây mà ở trển luôn cho yên thân ! Chẳng những giới bình dân kêu trời, mà trong văn chương trí thức cũng kêu trời, như Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều, khi biết cô Kiều đã bán mình, ông cũng đã kêu lên:
Trời làm chi cực bấy Trời,
Này ai vu thác cho người hợp tan !?
hay lúc cô Kiều kể cho Vương Bà nghe về nhân cách của Mã Giám Sinh "Gẫm ra cho kỹ như hình con buôn" thì :
Vương Bà nghe bấy nhiêu lời,
Nỗi oan đã muốn vạch Trời kêu lên.
hay khi bị Sở Khanh gạt, rồi còn muốn hành hung nữa, thì cô Kiều cũng đã kêu trời :
Nàng rằng : Trời nhé có hay!
Quyến anh rủ yến sự này tại ai?
Đem người đẩy xuống giếng khơi,
Nói lời rồi lại ăn lời được ngay!
Thiên 天 là Trời, là phần đầu của con người như chữ Tượng Hình Hội Ý đã nói ở phần trên, nên trong sách tướng số gọi cái trán là Thiên Đình 天庭, phần giữa trán gọi là Thiên Môn 天門 và phần xương phía trên trán gọi là Thiên Linh 天靈, nên ta mới có từ Thiên Linh Cái 天靈蓋 là cái Mỏ Ác. Lúc còn bé thì phần Mỏ Ác nầy chỉ là một lớp sụn rất mềm, nên người lớn bắt nạt con nít hay nói câu : " Coi chừng tao cú cho một cái lủng Mỏ Ác bây giờ !". Khi lớn, Mỏ Ác đã cứng khó mà "cú" cho lủng, thì lại trở thành "cứng đầu cứng cổ"!.
Từ Thiên Linh Cái 天靈蓋 còn tượng trưng cho cả Cái Đầu, cái Xương Sọ hoặc cái Đầu Lâu, như các thầy Pháp, thầy Phù Thủy luyện Thiên Linh Cái là chuyên sưu tập đầu lâu và xương sọ của các cô gái đã chết và như trong truyện "Trang Tử Cổ Bồn Ca 莊子鼓盆歌", mà ta quen gọi là truyện "Trang Tử Thử Vợ", thì Thiên Linh Cái tượng trưng cho cái đầu với nội dung câu truyện như sau :
Trang Tử tên Chu 周 ( Châu ), tự là Tử Hưu 子休, người nước Tống 宋 thời Chiến Quốc (690-286 TCN), cùng vợ là Điền Thị ẩn cư ở phía nam núi Hoa Sơn. Một hôm, trên đường về nhà, trông thấy một thiếu phụ dùng quạt để quạt một nấm mộ bên đường. Trang Tử thấy lạ bèn hỏi, thiếu phụ cho biết là mộ của chồng mình, vì khi còn sống hai vợ chồng rất thương yêu nhau, nên có hẹn nhau là khi chồng chết, thì sau tang lễ, phải đợi cho mộ khô rồi mới tái giá, nhưng gần đây mưa gió cứ dập dìu, mộ không khô được, nên phải quạt cho mộ mau khô ! Trang Tử nghe nói, thầm cười cho thế thái nhân tình nhưng cũng thi triển pháp lực giúp thiếu phụ quạt khô mộ chồng. Khi về nhà, đem truyện kể lại với vợ là Điền Thị, Điền Thị vô cùng phẫn nộ, chê trách thiếu phụ và bảo rằng : " Trung thần bất sự nhị quân, Liệt nữ bất sự nhị phu 忠臣不事二君,烈女不事二夫 ". Có nghĩa " Tôi trung không thờ hai chúa, gái tiết liệt chẳng lấy hai chồng ". Mấy tháng sau, Trang Tử bệnh chết, có một thiếu niên anh tuấn dắt theo một lão bộc, tự xưng là Vương tôn của nước Sở, vì mộ tiếng của Trang Tử mà tìm đến để theo học đạo. Nay tuy Trang Tử đã mất, nhưng cũng nguyện thủ tang theo lễ thầy trò, ở lại cư tang một trăm ngày và để đọc Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Điền Thị rất vui dạ vì cảm cái vẻ cao sang tuấn tú của Vương tôn, mới nhờ lão bộc làm người mai mối, rồi xuất tiền lo cho hôn sự của hai người. Đêm động phòng hoa chúc, Vương tôn bỗng phát bệnh đau tim, thoi thóp sắp đứt hơi. Lão bộc cho biết là nếu có óc của người sống hoặc của người chết chưa quá bốn mươi chín ngày hòa với rượu uống vào thì khỏi bệnh. Điền Thị bèn xách búa bổ quan tài của Trang Tử định lấy óc ra làm thuốc cứu mạng Vương Tôn.. Không ngờ khi quan tài vừa vỡ ra thì Trang Tử cũng vừa sống lại. Điền Thị cả thẹn, biết mọi việc đều do Trang Tử biến hóa an bày, nên treo cổ mà chết. Trang Tử gỏ bồn làm nhịp ca bài điếu tang rồi cảm khái ngâm rằng:
從茲了卻冤家債, Tòng tư liễu khước oan gia trái,
你愛之時我不愛。 Nhĩ ái chi thời ngã bất ái.
若重與你做夫妻, Nhược trùng dữ nhĩ tố phu thê,
怕你斧劈天靈蓋。 Phạ nhĩ phủ phách Thiên Linh Cái.
Có nghĩa :
Từ nay đã hết nợ oan gia,
Nàng bảo yêu, ta hết thiết tha.
Tiếp tục vợ chồng như thuở trước,
Có ngày búa bổ vỡ đầu ta.
Ngâm xong, nổi lửa đốt sạch nhà cửa quan tài ở dưới núi Hoa Sơn rồi đi mất. Dân chúng quanh vùng chỉ nhặt lại được hai quyển Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh chưa bị thiêu rụi mà thôi.
"Phủ phách Thiên Linh Cái" là búa bổ cho vỡ sọ đầu ra ! Đây là chuyện "Trang Tử Thử Vợ" thường tình của " cải lương ", của phim ảnh theo như truyện kể của dân gian đời Tống (960-1279), những người theo Tống Nho dùng để khuyến thế răn đời, chớ con người cao khiết siêu thoát với tư tưởng của Lão Trang như Trang Tử sao lại có thể dùng tiểu xảo gài bẫy để thử vợ một cách không quang minh chính đại như thế !?
Trở lại với Thiên 天 là Trời, trong Nho Giáo THIÊN 天 không phải là Ông Trời, mà là Thiên Lý 天理 là cái Lẽ Trời, nói theo bình dân, là Cái Lý Lẽ tự nhiên công bằng chính trực, chí công vô tư, chí cao vô thượng của Trời, nên cái gì hợp với tự nhiên của nhân tình thế thái thì cái đó là ... Thiên. Ví dụ như :
-Thiên Lương 天良: là Tấm lòng lương thiện ngay thẳng bẩm sinh của trời ban, là cái Lương Tâm vốn có của con người, mà cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã gán cho mình cái nghĩa vụ thiêng liêng là phải phổ biến, gợi mở, khơi dậy cái thiên Lương ở trong lòng mỗi người, nên ông mới mượn bài thơ " Hầu Trời " để nói thác :
Trời rằng: " Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc "thiên lương" của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay"...
- Thiên Bình 天平: là Sự cân bằng thẳng hàng không thiên lệch về bên nào cả, là biểu tượng của Cán Cân Công Lý ở các tòa án, pháp đình, và là cái cân có 2 dĩa cân của các tiểu thương buôn bán ở ngoài chợ, một bên để trái cân một bên để hàng hóa lên đến khi nào cân bằng thì thôi. Nên... Thiên Bình là sự bình đẵng tự nhiên của trời, sự công bằng không thiên lệch cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Biểu tượng cái cân của tòa án ngầm bảo rằng mọi người đều bình đẵng trước pháp luật và trước... Trời !
- Thiên Võng 天網: là Cái Lưới của Trời, nó không phải là cái lưới có thật, mà nó là biểu tượng của cái công cụ bảo vệ công lý của trời. Ai làm trái cái lý trời thì sẽ bị cái lưới nầy tóm lấy để trừng trị, như câu nói sau đây:
Chủng qua đắc qua, 種瓜得瓜,
Chủng đậu đắc đậu. 種豆得豆,
Thiên võng khôi khôi, 天網恢恢,
Sơ nhi bất lậu ! 疏而不漏。
Có nghĩa:
Trồng dưa thì được dưa,
Trồng đậu thì được đậu.
Lưới trời lồng lộng,
Tuy thưa nhưng không lọt!
Ý muốn nói, gieo nhân nào sẽ gặt qủa nấy, làm lành sẽ gặp lành, làm ác sẽ gặp ác, không sai chạy bao giờ, chỉ sớm hay muộn mà thôi!
Thiên võng khôi khôi, 天網恢恢,
Ông trời luôn luôn đứng về phía người hiền, người lương thiện, nên Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu:
Nhân hữu thiện nguyện, 人有善願,
Thiên tất hựu chi ! 天必祐之!
Có nghĩa :
Người mà có những ước nguyện tốt lành, thì...
Trời sẽ phù trợ ủng hộ cho người đó!
- Thiên Chức 天職 : Không phải là cái chức tước do trời ban, mà là trách nhiệm vốn có mà trời đặt để cho mỗi con người trong xã hội. Như Thiên Chức của Cha Mẹ là phải nuôi dạy con cái cho nên người, và con cái thì phải biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ...
- Thiên Bẩm 天禀, Thiên Tài 天才, Thiên Phú 天賦, Thiên Tư 天資 : đều là những cái sanh ra đã có sẵn mà trời ban riêng cho người nào đó mà người khác không thể có được. Như cụ Nguyễn Du đã khen cô Kiều :
Thông minh vốn sẵn Tư Trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Tư Trời là Thiên Tư của trời ban cho đó !
Cái gì thuộc về tự nhiên thì đều gán hết cho Trời, và được gọi là Thiên Nhiên 天然, ví dụ như Trời Mưa, Trời Nắng, Trời Gió... và Tai họa do những thứ đó gây ra như Mưa lũ, Hạn hán, Gió bão...đều được gọi là Thiên Tai 天災, là tai họa chết chóc, đổ vỡ do trời gây ra cho con người. Song song với Thiên Tai thì Trời cũng set-up sẵn một chỗ để tưởng thưởng cho những người lương thiện, mà tôn giáo nào cũng có, đó chính là Thiên Đàng 天堂, nơi yên vui sung sướng nhất mà mọi người đều mong ước. Tất cả những hiện tượng thời tiết mùa màng xảy ra chung quanh cuộc sống con người đều là những thứ sỡ hữu của trời như câu nói:
Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, 天有四時春在首,
Nhân sanh bách hạnh hiếu vi tiên. 人生百行孝為先。
Có nghĩa :
Trời có bốn mùa thì mùa xuân là mùa đứng đầu, còn...
Người thì có cả trăm phẫm hạnh, hiếu là phẩm hạnh trước tiên.
Ông Trời làm nên tất cả, cả thân phận của con người cũng do trời đặt để, như cụ Nguyễn Du đã nói :
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Bỉ sắc 彼嗇 thì tư phong 茲豐, có nghĩa Cái kia cạn thì cái nầy đầy, hết cơn bỉ cực thì đến ngày thái lai. Ông trời luôn bắt người ta phải " phong trần " trước, rồi mới cho " thanh cao " sau. Bắt cô Kiều phong trần mười lăm năm rồi mới cho gặp lại Kim Trọng. Thế mà khi đoàn viên lại phải cảm kích cái lòng tốt của ông trời:
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa !
Khéo mà nói sạo để... nịnh ông trời !
Còn giới bình dân thì không khách sáo gì cả, vợ chồng cứ đẻ sòn sọt năm một, mỗi năm một đứa, nhà trên mười anh chị em là chuyện " thường tình " ở quê tôi, đời sống nheo nhóc nhưng lại rất lạc quan mà... đổ thừa cho ông trời:
- Trời sanh trời nuôi.
- Trời sanh voi sanh cỏ!
Tội nghiệp cho ông trời, cứ đẻ cho đã rồi đổ thừa cho ông trời là xong ngay ! Nhưng... nói cũng lạ, " nhờ Trời " rồi tất cả cũng đều khôn lớn nên người, lắm gia đình lại còn trở nên khá giả giàu có nữa là đằng khác ! Các Thầy Đồ ta ngày xưa thường nói:
Hữu nhi bần bất cửu, 有兒貧不久,
Vô tử phú bất trường. 無子富不長。
Có nghĩa :
Có con thì nghèo không lâu, vì khi lớn lên con sẽ làm ra thêm của cải.. Còn ... Không có con thì giàu không bền, vì không có ai làm thêm của cải cho mình. Nên các Cụ cứ... đẻ thả giàn !
Thiên 天 là Trời, nên Thiên Hạ 天下 là dưới gầm trời nầy, là núi non sông nước, là đất đai ruộng vườn mầu mở của dân cư, là lãnh thổ, là cương thổ mà theo quan niệm phong kiến ngày xưa thì ai có tài thao lược giỏi giang, ai có đức trị dân thì sẽ là chúa tể của cái Thiên Hạ nầy, nên mới có thành ngữ Trục Lộc Thiên Hạ 逐鹿天下, có nghĩa là Đuổi bắt con nai trong thiên hạ nầy theo xuất xứ sau đây :
Trục Lộc Thiên Hạ 逐鹿天下
Theo "Sử Ký. Hoài Âm Hầu Liệt Truyện 史記˙淮陰侯列傳": Tần chi cương tuyệt nhi duy thỉ, sơn đông đại nhiễu, dị tính tịnh khởi, anh tuấn ô tập. Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi, ư thị cao tài tật túc giả tiên đắc yên.秦之綱絕而維弛,山東大擾,異姓並起,英俊烏集。秦失其鹿,天下共逐之,於是高材疾足者先得焉。Có nghĩa :
" Giềng mối của nhà Tần đã hết nên lỏng lẻo, đất Sơn Đông đại loạn, các họ khác đều nổi lên, anh hùng các nơi tập hợp. Tần như làm sổng mất con nai, nên thiên hạ đều cùng đuổi bắt, vì thế, ai tài giỏi và nhanh chân thì sẽ bắt đựơc." Và...
Các lộ anh hùng lại tiêu diệt lẫn nhau, cuối cùng đưa đến thế Hán Sở Tranh Hùng, như World-cup vào đến vòng chung kết vậy ! Nên...
Thiên Hạ là của chung, ai giỏi thì giành được. Ngày xưa, quan niệm Thiên Hạ là đất Trung Nguyên mầu mở với dân cư đông đúc, nên thành ngữ trên còn được nói là Trục Lộc Trung Nguyên 逐鹿中原, và tại sao phải là Lộc mà không phải là con vật khác ? Vì chữ Lộc 鹿 là con Nai đồng âm với chữ Lộc 祿 là Thiên Lôc 天祿, có nghĩa là " Lộc của trời ban", chính là cái ngôi vua của Thiên Tử 天子 là con trời, vì Thiên Tử mới là người xứng đáng hưởng Thiên Lộc mà thôi !
Còn "Thiên Hạ" trong tiếng Việt Nam ta là Phiếm Chỉ Đại Từ, có nghĩa là : Người ta, Người Khác hay chỉ chung Quảng Đại Quần Chúng...như:
- "Thiên hạ" đồn rằng...
- Đó là chuyện của "thiên hạ", đâu phải chuyện của mình.
- Hơi sức đâu mà lo chuyện của "thiên hạ" !.
..
Ông tú Vị Xuyên Trần Tế Xương trong bài tứ tuyệt "Chợt Giấc" cũng đã buồn cho thời cuộc mà lẫy rằng:
Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba,
Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra.
Thiên Hạ dễ thường đang ngủ cả,
Việc gì mà thức một mình ta ?!
Còn Thiên Hạ trong đạo Phật là cỏi Ta-Bà, là bể khổ trầm luân, nên khi Bổn sư Thích Ca Mâu Ni thác sinh làm Thái Tử Tất Đạt Đa, sau khi đi bảy bước nở ra bảy đóa hoa sen thì một tay chỉ Trời, một tay chỉ đất và nói câu : Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn 天上天下唯我獨尊, có nghĩa : " Trên trời dưới trời duy chỉ có TA là tôn qúy ". Cái TA hay cái NGÃ đó chính là Chân Ngã 真我, là Pháp Thân 法身thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian mà chúng sinh đều có. TA đó chính là Phật Tánh 佛性, là Chân Tâm 真心 để giải thoát cho tất cả mọi loài khỏi trầm luân trong bể khổ của cái Thiên Hạ Ta-Bà nầy ! Chính cái Phật Tánh đó là Thiên Hạ độc tôn, chớ không phải Đức Như Lai tự cho mình là độc tôn trong Thiên Hạ.
Trong quyển tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của Kim Dung là " Thiên Long Bát Bộ " có một nhân vật nữ theo Đạo Gia là Thiên Sơn Đồng Mỗ, nhưng lại tu tập môn võ công của Phật Gia là " Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn Công " rất lợi hại, bà ta cầm đầu và khống chế cả 81 Động và 72 Đảo võ lâm bàng môn tả đạo đều phải nghe theo lệnh của bà ta răm rắp .
Còn Thiên Hạ của Đạo Giáo 道教 ( Lão Giáo ) là Cỏi Hồng Trần 紅塵, nơi bụi bặm mịt mù mà con người chỉ là những cái hình chiếu từ cuộc sống thực tế ở trên trời, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong Cung Oán Ngâm Khúc là:
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm!
nên con người phải biết tu tập theo đạo pháp để trở về với cuộc sống thực ở trên trời, tức là thành Tiên để về nơi Thượng Giới!
Thiên Hạ của ngày nay là Năm Châu Bốn Bể, là bề mặt của qủa địa cầu nầy, là cả thế giới như bài học thuộc lòng ngày xưa của lớp Đồng Ấu :
... Người bốn giống: đen, vàng, đỏ, trắng,
Trời bốn phương: nam, bắc, đông, tây.
Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?!
Thiên 天 là Trời, khi nào thì ta thấy được trời : Ban Ngày, nên Thiên 天 là Ban Ngày, như Tam Thiên Tam Dạ 三天三夜 là Ba ngày ba đêm. Thiên còn có nghĩa là Ngày, nên Kim Thiên 今天 là ngày hôm nay; Khi trời sáng trở lại là ngày hôm sau, nên Minh Thiên 明天 là ngày mai...
Thiên còn có nghĩa là Thời Tiết, Mùa Màng, như : Thiên Vũ 天雨 là Trời mưa, nhưng Vũ Thiên 雨天 là Mùa Mưa. Tương tự, Thiên Tình 天晴 là Trời nắng, Tình Thiên 晴天 là Mùa nắng. Như thời tiết ở Miền Nam nước ta, mỗi năm chỉ có 2 mùa Mưa và Nắng, theo như câu nói:
Tứ thời vô xuân hạ, 四時無春夏,
Nhất vũ tiện thành thu. 一雨便成秋。
Có nghĩa :
Bốn mùa không có xuân hạ gì cả, hễ...
Mưa xuống một cái thì thành mùa thu ngay!
Thiên còn là cái gì cao quý nhất, cần thiết nhất, như câu nói trong sách Hán Thư 漢書 : Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên 王者以民為天,而民以食為天. Có nghĩa : " Bậc vương giả lấy dân làm cao nhất, còn dân thì lấy cái ăn làm cao nhất."
Ý nói : Vua thì coi dân là cần thiết nhất, vì không có dân thì làm vua với ai đây ? Còn dân thì coi cái ăn là cần thiết nhất, vì không có cái ăn thì làm sao mà sống ?! Câu nói nầy thường hay bị nói sai thành : Dân dĩ thực vi TIÊN 民以食為先, có nghĩa : Dân thì lấy cái ăn làm trước hết. Sai mà không Sai, chỉ là một cách nói khác đi mà thôi, nhưng ý của chữ TIÊN 先 không mạnh bằng ý của chữ THIÊN 天 là Cao nhất, là Cần thiết nhất.
Thiên 天 là Trời, Thăng Thiên 升天 là Lên trời, Phi Thiên 飛天 là Bay lên trời, còn Quy Thiên 歸天 là Về trời, là chết. Nhưng không phải ai chết cũng được về trời, vì trời chỉ có 9 tầng mà thôi, ta hay nghe nói Cửu Trùng Thiên 九重天, còn địa ngục thì có tới 18 tầng lận, gấp đôi số tầng của trời. Điều nầy cho thấy là ở trên đời người xấu nhiều gấp đôi người tốt, nên Địa Ngục phải xây 18 tầng mới đủ chỗ chứa !
Về từ Cửu Trùng Thiên 九重天, ngoài nghĩa là 9 tầng trời ra, Cửu Trùng Thiên còn được dùng để chỉ ông vua thời phong kiến ngày xưa, như 2 câu thơ mở đầu trong bài thơ Tả Thuyên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương 左遷至藍關示侄孫湘 của Hàn Dũ đời Đường :
Nhất phong triêu tấu Cửu Trùng Thiên, 一封朝奏九重天,
Tịch biếm Triều Dương lộ bát thiên. 夕貶潮陽路八千 .
Có nghĩa :
Buổi sáng trình lên nhà vua một phong tấu sớ,
Buổi chiều bị đày đi Triều Dương xa tám ngàn dặm đường.
Cửu Trùng Thiên 九重天 là Vua, còn được gọi là Đấng Cửu Trùng, hay Cửu Trùng mà trong tiếng Nôm ta gọi là Chín Tầng, như câu thơ trong đoạn mở đầu của Chinh Phụ Ngâm do Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm :
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
CHÍN TẦNG gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Thiên còn là Thiên Thời 天時, ngoài nghĩa chỉ Thời tiết mùa màng ra, Thiên Thời còn có nghĩa là Thời Cơ của Trời, là cái cơ trời vận hành đến một lúc nào đó, như Thúy Vân đã phân bua:
Cơ Trời dâu bễ đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình!
Ta thường nghe câu nói trong sách Mạnh Tử là "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa 天時不如地利,地利不如人和". Có nghĩa : Thời cơ của trời không bằng lợi thế của đất, cái lợi thế của đất không bằng cái hòa đồng hòa hợp của con người. Ví dụ như :
Fifa World-cup 2018 kỳ rồi tổ chức ở Russia, nên đội bóng Nga có lợi thế về THIÊN THỜI là đã quen với thời tiết giá lạnh của xứ mình; ĐỊA LỢI vì được đá ở sân nhà; NHÂN HÒA vì có cổ động viên đông nhất so với các đội bóng khác. Nên đội Nga đã thắng đậm ngay trận đầu 5-0 trước Saudi Arabia và đi một lèo đến Tứ Kết, trở thành 8 đội bóng mạnh nhất hành tinh!
Thiên thời 天時, Địa lợi 地利, Nhân hòa 人和 còn được nói thành Thiên Tường 天祥, Địa Nghi 地宜, Nhân Thuận 人顺. Có nghĩa :
* Thiên Tường 天祥 : là cái Điềm lành của trời, là cái mặt tốt về thời cơ, thời vận, là Thiên Thời đó.
* Địa Nghi 地宜 : là cái Tiện nghi của đất, của cái nơi mà ta định làm hay cái chỗ mà sự việc xảy ra, là Địa Lợi đó.
* Nhân Thuận 人顺 : là Nhân sự được suông sẻ, mọi người đều đồng ý, không ai chống đối, là Nhân Hòa đó.
Nhưng đối với bà con lối xóm ở quê tôi thì THIÊN TƯỜNG là " Thương Tiền ", từ dùng để chỉ những người keo kiệt hà tiện mà tham lam chỉ biết có TIỀN, cả câu như thế nầy :
" Thiên tường tác biệt hựu thu sương ".
Có nghĩa là : " Thương tiền, Tiếc bạc lại Thương xu ".
Có một câu chuyện vui kể rằng : Có ông trưởng giả nhà quê nọ mời bạn ăn mừng thọ lục tuần. Thiệp mời có kèm theo môt câu như thế nầy : Sách có câu chữ rằng " Xuân đình hiền tạ tống mặt khơi ". Câu sách đó có nghĩa là : " Xin đừng hà tiện tới mặt không !".
Cái Thời Cơ của Trời, chính là cái Thiên Lý đã được đề cập ở phần đầu bài viết nầy, nói lên cái lý lẽ công bằng tự nhiên của Trời, như câu :
Tử sinh hữu mệnh, 死生有命,
Phú quý tại thiên. 富貴在天.
Có nghĩa :
Chết sống đều có số mạng,
Giàu sang là do trời ban.
... và không phải ai cũng được trời ban, phải đúng với cái lẽ trời thì mới được, như trong Minh Tâm Bửu Giám ghi lại câu nói nổi tiếng của Khổng Minh Gia Cát Lượng là :
Mưu sự tại nhân, 謀事在人,
Thành sự tại thiên. 成事在天,
Nhân nguyện như thử như thử, 人願如此,如此,
Thiên lý vị nhiên vị nhiên ! 天理未然,未然!
Có nghĩa:
Mưu tính công việc là ở người, còn...
Thành công hay thất bại là do trời,
Người muốn như thế nầy, như thế nầy đây, nhưng...
Cái lẽ trời cho biết là còn chưa được, còn chưa được !
Gia Cát Khổng Minh là người giỏi cả binh thư thao lược, trên thông thiên văn dưới thông địa lý, mang chí lớn muốn khôi phục lại nhà Hán, lập rất nhiều công lớn trong việc giúp Lưu Bị tam phân thiên hạ, lập nên nhà Thục Hán, nhưng lục xuất Kỳ Sơn đều thất bại, cuối cùng đành ôm hận mà chết với câu than bất hủ là " Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên " như đã nêu trên.
Con người khi còn nằm trong bụng mẹ, chưa được sanh ra, chưa thấy trời, thì gọi là Tiên Thiên 先天. Được sanh ra rồi, mở mắt đã thấy trời rồi, thì gọi là Hậu Thiên 後天. Hằng ngày phải đầu tắt mặt tối đội trời để làm việc kiếm sống, thì gọi là Thiên Thiên 天天. Vui vẻ trong cuộc sống thì gọi là Lạc Thiên 樂天. Buồn thảm trong cuộc sống thì gọi là Bi Thiên 悲天. Khi nhắm mắt xuôi tay rồi thì gọi là Quy Thiên 歸天. Tuổi thọ và những năm tháng mà ta có được gọi là Thiên Niên 天年.
Mong rằng tất cả đều quy thiên 歸天 trong cái tâm tình lạc thiên 樂天 để đều được vui hưởng những thiên niên 天年 tuyệt vời có được trong cuộc sống !
Đỗ Chiêu Đức
Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024
Anh Đi Trong Phố Đêm - Thơ: Trần Văn Khang - Nhạc: Thomas Lương - Ca Sĩ: Lương Quân
Nhạc: Thomas Lương
Ca Sĩ: Lương Quân
Bàn Tay Mẹ (Huỳnh Văn Hạng)- My Mom's Hands(Thanh Thanh)
Bàn Tay Mẹ
Ôi thần tiên đôi bàn tay Mẹ
Đôi bàn tay tắm mát tuổi thơ
Tay nâng bầu sữa cho con bú
Tay dắt con qua những dại khờ
Nhịp võng tay đưa, chiều nóng nực
Chăn khuya tay đắp dỗ cơn mơ
Tay ấp ôm con ngày trở gió
Tay ru khẽ quạt, giọng ầu ơ
Tay Mẹ dìu con từng bước một
Đôi chân vụng dại thuở ban sơ
Tay Mẹ nâng con vào tuổi lớn
Xa con vài bữa Mẹ trông chờ
Con ngã bao lần, đau tuổi Mẹ
Tháng ngày khổ nhọc với con thơ
Mẹ chỉ đôi tay, nhưng tất cả
Niềm yêu trải rộng mãi vô bờ…
Mẹ ơi, dưới bóng đôi tay Mẹ
Cuộc sống con là những giấc mơ.
Huỳnh Văn Hạng
***
Bài Dịch:
My Mom’s Hands
Oh, my mother’s hands were so fairy:
They cool showered my childhood – how merry!
They held her breast to breastfeed me in purity.
Her hands lead me through my age of immaturity.
Her hands swung the hammock in hot afternoons,
And blanketed me in deep nights in dream tunes.
Her hands hugged me on each windy day.
Her hands fanned me, she hummed in her way.
My mother’s hands lead me step by step,
My clumsy feet in the beginning like a prep.
My mother’s hands lifted me into adulthood.
A few days away from me, awaiting she stood.
How many times have I fallen, hurt her heart!
She spent hard days with her son at life’s start.
My mother has only two hands, but they are all.
My love for her spreads endlessly to enthrall.
Mom, with the rare care of your fairy hands,
My existence is nice dreams in Heaven’s plans.
Translation by Thanh Thanh
Văn Thi Hữu Thành Kính Chia Buồn Cùng Gia Đình Chị Tưởng Dung Và Tang Quyến
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Xin chia buồn cùng Tường Dung và gia đình.
Nguyện cầu hương linh Bác gái sớm được an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.
Cám ơn chị Thêm đã cho tin.
PLang
***
Lan xin thành thật chia buồng cùng anh chị và gia quyến
Nguyện xin Hương Linh Bác sớm được yên nghỉ cõi Vĩnh Hằng
Thái Lan
***.
Xin thành kính chia buồn với chị Tưởng Dung về sự mất mát to lớn này trong ngày Tạ Ơn. Nguyện hương linh bác gái sớm về cõi an lạc ạ.
Hthuy Cana
***
Phương Hoa thành thật chia buồn cùng Tưởng Dung
Bác đã ra đi về miền cực lạc, như vậy cũng là đã an nhàn cho bác rồi, mong Tưởng Dung cũng đừng buồn nhé!
Kính cầu nguyện cho hương linh bác sớm Được siêu thăng.
P. Hoa
***
Thành kính phân ưu với Tưởng Dung và tang quyến. Nguyện cầu hương linh bác gái sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
Phương Lan
***
Thành thật chia buồn với Tưởng Dung và tang quyến.
Cầu nguyện cho hương linh Bác Gái sớm vãng sanh Miền Lạc Cảnh
Sương Lam
***
Thanh chia b uồn cùng Tưởng Dung và gia đình.
Nguyện cầu hương linh bác ngàn Thu yên nghỉ !!!!
Nguyễn Thị Thanh Dương
***
Thành kính chia buồn cùng Tưởng Dung và gia đình.
Xin góp lời cầu nguyện cho Hương Linh Bác Gái sớm được Siêu Thăng Miền Cực Lạc
Ngọc Hà
***
Chị Tưởng Dung kính mến.
Em thành kính chia buồn cùng chị và gia đình trong nỗi niềm mất mát lớn lao này.
Kính đồng hành và hiệp lời cầu nguyện cho Hương Linh Bác Gái được an nghỉ thảnh thơi nơi Miền Cực Lạc.
Thành Kính Hiệp Nguyện
Kim Oanh
***
Kính góp lời cầu nguyện hương linh bà Đặng thị Ánh pháp danh Ngọc Thuần sớm được siêu sanh tịnh độ.
Kính chia buồn cùng chị Tưởng Dung và tang quyến
Minh Thúy
***
Em xin chưa buồn cùng chị Tưởng Dung và gia đình về sự ra d của người mẹ thân yêu! Xin góp lời cầu nguyện hương linh bác siêu thăng tịnh dô.
Thu Hương
***
Được tin trễ bác Đặng Thị Ánh, mẹ chị Tưởng Dung đã mất. Xin thành kính chia buồn cùng chị và gia quyến.
Dương Vũ
Dương
“Tự Sự Cà Kê” Tôi Đi Nhổ Răng Khôn
Tôi may mắn được trời thương, ban cho đôi hàm răng rất đều và khỏe. Nên từ nhỏ tôi đã thích nhai những loại thức ăn nào mà cứng cứng, giòn giòn, như sườn non, tai heo, đầu cá, cua rang… Tôi hoàn toàn không thích ăn những thức ăn mềm nhão. Mẹ thường nói tôi có sở thích ăn uống giống hệt ba tôi ngày trước. Dù ba mất khi tôi mới vừa tròn năm tuổi nhưng mẹ nhắc về ba hầu như mọi lúc mọi ngày, làm cho tôi cứ nhớ về ba mỗi khi được ăn món ăn nào yêu thích.
Về ăn vặt thì tôi khoái xiết mía, nhai ổi chua, xoài xanh, trái sung non, hay trái chùm ruột. Những buổi trưa hè, tôi thường rủ cô em Bích Vân con ông cậu ruột ra vườn nhà ngoại trèo lên cây ổi hoặc cây xoài mang theo gói muối ớt rồi hái xoài non ổi già cùng ngồi nhai mê mẩn. Chúng tôi thích nhất là nhai mía. Khi ruộng mía trước nhà cây bắt đầu có nhiều đốt, hai đứa thường mang theo hai tàu lá chuối to vẹt những đám lá mía đan nhau chằng chịt, mặc kệ bầy chim mía túa ra bay lên ào ào, chúng tôi chui vào giữa đám mía rậm rì tước lá khô bỏ xuống làm nệm rồi trải tàu chuối lên. Bẻ những cây mía nào có đốt dài nhất, thân trắng hồng, chúng tôi ngồi xiết và nhai rau ráu. Lớn lên rồi tôi và em mỗi đứa mỗi nơi nhưng những kỷ niệm thời con nít vẫn còn ở mãi trong tôi.
Lên mười mấy tuổi tôi bắt đầu mọc hai cái răng khôn hàm trên. Tôi bị nóng sốt và bỏ ăn vì rất đau khi hai cái mầm trăng trắng vẹt nướu đội da nhu nhú chui ra. Mẹ vỗ về, nói răng khôn mọc lên là để giúp con…khôn ra, nên tôi cũng vững lòng ráng mà chịu đựng.
“Khôn hơn” hay không thì tôi không cảm nhận được, chỉ biết lớn lên rồi lập gia đình thì cái sở thích “nhai gặm” của tôi bị chàng người dưng khác họ chế nhạo dài dài. Ai khôn thì gặm xương, mình dại mình ăn thịt; ai thích nhai da sần sật, mình ăn nạc cho mềm; ai thích nhăm đầu cá đầy xương, ta dzớt cái mình thịt ngọt lịm ngon ơ; hoặc, ai muốn nhai phần lòng trắng trứng kệ ai, tớ nhâm nhi lòng đỏ béo bổ ngọt ngào trong miệng… là những câu chàng thường chọc ghẹo tôi trong các bữa ăn. Tóm lại, món cứng không có chàng, món nhão không có tôi. Nhưng cũng nhờ thế mà đến bữa ăn tôi chỉ cần làm mỗi một món chính thì có đủ “món ruột” cho cả hai người, không ai phải nhường, nhịn ăn hay “giành” ăn với ai cả.
Ở Mỹ, mấy năm nay sau khi về nghỉ hưu, hai chúng tôi đều tập thiền, và thay đổi thức ăn hàng ngày bằng cách ăn toàn rau củ chứ không ăn thịt cá nữa. Vẫn bổn cũ soạn lại: Tôi thích nhai các loại hạt cho giòn giòn thơm thơm béo béo, thì chàng thích uống sữa các loại hạt, nốc một hơi là xong, hơi đâu ngồi nhơi nhai cả buổi; tôi thích nhai kẹo dừa trộn đậu phụng ngọt dẻo quánh thơm lừng, thì người ta chặt béng trái dừa một phát, úp ngược vào miệng uống ừng ực xong khà khà ra vẻ vô cùng khoái chí; hoặc là, tôi chỉ rửa trái cây rồi cắn nhai luôn cả vỏ, thì chàng bỏ vào máy xay nhuyễn và uống ngay phát một.
Nhưng không hiểu sao chàng lại là người thăm viếng nha sĩ nhiều hơn tôi...đi chợ. Khi thì nhổ cái răng này, lúc lại thay, làm giả, cái răng khác, và bị “chuyện răng cỏ” làm phiền liên chi tù tì. Về phần tôi, vì có vài lần đi “clean” răng tôi bị những chuyên viên non tay nghề làm khuyết hết mấy góc của những chiếc răng bên trong, nên tôi tìm mua một bộ dụng cụ “clean” răng bằng “inox” về tự làm sạch răng mình hàng ngày, đánh răng hai lần kết hợp dùng chỉ nha khoa, nên tôi chưa hề bị sâu răng. Chỉ thỉnh thoảng mỗi một hay hai năm tôi mới viếng nha sĩ một lần nhờ họ làm “cleaning only”. Tuy vậy, mỗi lần tôi tới thăm, các nha sĩ đều khen tôi “take good care” chúng.
Nhưng không phải như thế thì răng của tôi hoàn toàn “ngon lành” đâu. Vì cái sở thích nhai nhiều, nhai không mệt mỏi những thức ăn cứng nên mấy cái răng cấm hàm dưới đã bị mòn đi, ngắn dần, ngắn dần theo năm tháng. Sợ chúng bị mòn “sát sọ” sẽ không còn nhai được, tôi đi nha sĩ nhờ bọc bạch kim (Crown) hai cái răng cấm hai bên hàm dưới, để cho chắc... ăn.
Riêng hai cái răng khôn hàm trên của tôi chúng trở nên “quá khôn” nên nhân lúc răng cấm hàm dưới bị ngắn đi không có đủ độ dài để chống đỡ, hai tên đó tha hồ tiếp tục mọc dài thêm, rồi dài thêm xuống bên dưới, đến độ chúng vượt cách xa những cái răng hàng xóm hàm trên đến cả nửa phân tây (0.5cm)
Đến khi hai cái răng khôn mọc quá dài, thì nha sĩ gia đình khuyên tôi phải đi nhổ bỏ. Nếu để chúng mọc tiếp thì khi nhai sẽ bị đập vào cái răng cấm đã bọc ở hàm dưới và làm hư cái răng này. Nghe kêu đi nhổ răng khôn là tôi… phát hoảng.
Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành.
Nhưng rồi “nước chảy đá mòn”. Tuy lâu lâu tôi mới đi nha sĩ một lần - tôi thử đi vài nha sĩ khác nhau xem họ nói sao - nhưng lần nào tôi cũng bị các ngài hối thúc đi nhổ hai cái “của nợ” ấy thì mới an toàn cho hai cái răng cấm đã bọc bạch kim nơi hàm dưới. Tôi bắt đầu nao núng, nghĩ đến chuyện kiếm một nha sĩ. Vì sợ sẽ không còn được nhai những món yêu thích như trước, nên cuối cùng tôi làm hẹn một nha sĩ chuyên môn về nhổ răng. Sau khi vị này chụp X-ray xem hình xong thì ông chỉ cho tôi coi và nói:
“Xem này, răng bà còn quá tốt, cả hai hàm chân răng thật dài, chắc chắn, nên sẽ rất khó nhổ. Bây giờ tôi gửi bà đến một vị chuyên môn về Giải Phẩu Răng Hàm Mặt để ông ấy giúp bà”. Rồi ông giới thiệu tôi tới người có chuyên môn (Dental specialist) là BS Nha Khoa “Khoa Phẫu Thuật Răng Hàm Mặt” là Dr. Will Osibin ở Alameda. Tôi về nhà lên Google tìm và thấy vị này được rất nhiều người đăng lời khen và toàn bộ khách hàng đều chấm 5 sao. Tôi liền gọi làm hẹn.
Ngày đến gặp Dr. Will Osibin, tôi cho ông biết răng của tôi nào giờ không hề hấn gì cả, không bị đau, không bị sâu, cầm lắc mạnh cỡ nào cũng chẳng chút lung lay, hà cớ chi mấy ông nha sĩ gia đình cứ hối thúc tôi phải bỏ chúng đi. Thú thật, tôi thật lòng không muốn nhổ chút nào, tôi nói.
Thấy vẻ mặt rất nghiêm trọng và lo lắng của tôi, Dr. Will Osibin giải thích, “Bà yên tâm, đây là một cuộc Tiểu phẩu có gây mê. Bà sẽ được cho ngủ một chút xíu khi thức dậy là mọi thứ sẽ ổn thôi.” Ông khám kỹ càng xong hẹn ngày làm phẫu thuật, rồi bắt tay cười tươi khi tiễn tôi ra về.
Vì quá “chết nhác” gần đến ngày hẹn thì tôi gọi hủy. Nhưng hủy rồi tôi cũng đâu có được an tâm. Một tháng trời suy nghĩ nát óc, kiếm đủ lý do để không làm hẹn lại mà không thuyết phục được chính mình. Một chị bạn nghe chuyện thì mắng, “Sao một người mạnh mẽ dạn dĩ như bồ bữa nay lại là con...”chicken” vậy hả?
Rồi thì tôi cũng gọi làm hẹn lần nữa. Và càng gần đến ngày hẹn tôi lại càng hồi hộp, lo âu đến không ngủ được, những giờ thiền buông xả cũng chẳng giúp được tôi. “To be or not to be” Câu độc thoại của Hoàng tử Đan Mạch Hamlet trong Shakespeare cứ vang lên trong đầu tôi. Nhổ hay không nhổ. Nhổ thì sợ, mà không nhổ thì… cũng sợ, sợ nếu sau này tuổi già thêm chồng chất, sức khỏe kém đi thì việc nhổ răng lại càng nguy hơn. Chưa kể là ông BS chuyên gia giỏi có tiếng này sẽ giận vì tôi hủy hẹn đến hai lần nên không thèm nhận nữa. Thôi thì “một liều ba bảy cũng liều” tôi cương quyết bỏ cái ý muốn hủy hẹn - phải hủy trước 24 giờ nếu không sẽ bị phạt khá tiền - và thế là không thể “chạy đâu cho thoát” nên sáng hôm sau tôi đánh liều đi thẳng một mạch tới chỗ Trung tâm Nha Khoa của Dr. Will Osibin.
Phải công nhận đây đúng là cuộc tiểu phẫẩu của một chuyên gia có chuyên môn cao. Phòng phẫu thuật riêng biệt, với dụng cụ tiệt trùng bày la liệt trên tủ, bảo quản trong bao bì cẩn thận. Đội ngũ phụ tá BS ai nấy ăn vận đề huề trang phục bảo hộ, với găng tay mũ mão dành cho phẫu thuật. Tôi hơi an tâm, nằm thả lỏng lấy hơi hít thở thiền để giúp tăng thêm sức mạnh.
Nhưng khi người y tá đưa tôi cái kính bảo vệ mắt và cột tay trái tôi vào thành ghế, tôi bắt đầu... run. Thấy Will Osibin sắp quay đi lấy gì đó tôi dùng bàn tay còn lại kéo tay áo ông, giật giật:
- Bác sĩ ơi! Cho tôi hỏi một câu!
Ông dừng lại:
- Mấy câu cũng được hết! Bà hỏi đi.
“Nhưng bác sĩ đừng có giận nha!” Tôi kỳ kèo.
Dr. Will Osibin lắc đầu cười, nụ cười nói lên cái vẻ tội nghiệp tôi:
- Không sao đâu! Tôi hứa. Bà có quyền được hỏi bất cứ câu nào bà muốn.
Giọng run run, tôi nói chậm từng lời:
- Tôi nghe người ta nói, nhổ răng khôn đôi khi có thể bị chạm vào dây thần kinh não bộ khiến cho người ta hóa rồ, hay là quên hết mọi thứ. Tôi là người thích viết văn và làm thơ, cho nên tôi rất sợ bị quên hết sách vở của tôi và không còn viết lách gì được nữa thì tôi … tiêu tùng, thà không nhổ răng còn hơn! Bác sĩ làm ơn giúp tôi nhổ răng cho nhẹ nhàng, kỹ càng một chút nha!
Nghe tới đây ông ấy bật cười và nhìn chăm chăm vào mặt tôi. Xém chút nữa là tôi lấy tay che cái “khuôn mặt mốc” không chút điểm trang của mình. Tôi thường ngày mỗi khi đi đâu hay bị chàng của tôi mắng, “Già mà còn xí xọn”, vì tôi bắt anh ta chờ đợi cho đến khi làm xong các “thủ tục mặt mũi” rồi tôi mới chịu ra khỏi cửa. Đây là lần đầu tôi ra ngoài mà không có chút gì bôi lên để che chắn “những con đường, những ngõ ngách thời gian” đã vẽ ngoằn ngoèo trên khuôn mặt. Tôi chỉ thoa một chút kem dưỡng da Collagen, vì trong giấy tờ y tá dặn không được điểm trang và đeo nữ trang gì cả. Chắc mình nom xấu xí ghê lắm, tôi nghĩ thầm. Dù ông Will Osibin này chỉ bằng cỡ tuổi con trai tôi, tôi cũng không muốn ông cười “bà già trầu xấu xí” mà bày đặt nói chuyện văn chương.
Nhưng không. Ông ấy không hề chế nhạo.
- Bà viết và làm thơ về chủ để gì vậy? Viết tiếng Anh?
Ông hỏi với giọng nhẹ nhàng và ánh mắt đầy thân thiện, quý mến.
- Chuyện tình, và chuyện … thiên hạ sự thường ngày trong xã hội - Tôi trả lời - Hầu hết là tôi viết tiếng Việt, nhưng cũng có viết chút chút tiếng Anh, như thơ và truyện ngắn.
Dr. Will Osibin gật đầu cười rồi vỗ vai tôi, tròn mắt trầm trồ nói một hơi:
- Wow! Viết chuyện tình ư? Good job! Yên chí nha! Rồi bà vẫn sáng tác bình thường, có lẽ viết hay hơn nữa là khác, vì không còn bị mấy cái răng khôn làm phiền, chứ không phải là “hết khôn” đâu! Ha ha ha. Bà chỉ quên hết… chuyện hôm nay, vì bà sẽ không bị đau, và cũng sẽ không bị “mát dây” gì cả! - Ông giải thích - Những lời đồn đoán đó là nói về những ca đại phẫu hay mỗ não nguy hiểm mà thôi!”
Vừa nói Will vừa lấy sợi dây thun trên cái bàn nhỏ người y tá đẩy tới cột vào cánh tay phải tôi, rồi ông đích thân cúi xuống cầm kim cho thuốc mê vào mạch máu. Xong xuôi ông đứng lên, nheo một bên mắt và vẫy vẫy mấy ngón tay trước mặt tôi cùng với nụ cười…
- Hey! Wake up, lady! Này! Thức dậy đi bà ơi!
Tôi nghe tiếng cô y tá gọi nên mở mắt ra.
- Thức dậy và về nhà viết chuyện tình đi!
Tiếng Dr. Will Osibin tiếp theo, và mấy người y tá rộ lên cười phụ họa. Tôi nhìn quanh, ngạc nhiên lắp bắp:
- Sao… sao… tôi phải về? Bác sĩ không chịu nhổ răng cho tôi… hay sao? Tôi nhớ BS Will mới nói chuyện với tôi rõ ràng... sao... giờ lại cho về chứ?
Tiếng cười vui càng rộn lên hơn nữa.
- Xong hết rồi! Bà có cảm thấy đau không? - Cô y tá hỏi.
- Trời đất! - Tôi kêu lên. - Xong rồi sao? Tôi không hay biết gì cả! Ôi bác sĩ ơi! Ông quá giỏi, quá tuyệt vời! Tôi không hề có cảm giác đau đớn gì hết! Thậm chí không biết là mình đang bị nhổ răng!
Và tôi nói lia lịa vì mừng:
- Cảm ơn! Cảm ơn bác sĩ, và mọi người đã giúp tôi!
Mà đúng thế. Tôi không hề có một chút cảm giác đau đớn nào từ lúc nhổ răng cho đến khi về nhà, cũng không hề bị chảy chút máu, cứ như chưa từng bị nhổ răng. Hai giờ sau y tá chỗ Trung Tâm gọi và hỏi thăm mọi thứ có ổn hay không. Họ quả thật rất chu đáo. Tôi chỉ làm theo lời cô y tá dặn, là nghỉ ngơi không vận động mạnh, nhưng tôi đã không cần đụng đến viên thuốc giảm đau nào Dr. Will Osibin cho.
Ngay hôm sau, khi nhận được bản thăm dò từ tin nhắn của văn phòng Trung Tâm hỏi về kết quả lần thăm viếng với Dr. Will Osibin, tôi viết liền một mạch những lời khen “có cánh” để cảm ơn Will Osibin-người Bác sĩ đại tài lại rất có tâm.
Bây giờ ngồi viết chuyện này tôi nhớ lại lời Dr. Will Osibin khi tôi chào từ giã, “Tôi phải khen bà đã giữ gìn quá tốt hai hàm răng. Đến giờ này chúng vẫn còn nguyên vẹn và rất tốt, tôi không tìm thấy có vấn đề gì, nên bà sẽ còn hưởng lợi từ chúng dài dài. Hãy tiếp tục như thế!”
Tóm lại, từ kinh nghiệm bản thân, tôi rút ra những điều này, xin chia sẻ cùng các bạn:
. Nếu muốn ít bị đi thăm Nha sĩ, thì nên giữ gìn răng mình cho thật tốt.
. Nếu chúng ta tập cho con cháu thói quen đánh răng ngày 2 lần ngay từ nhỏ và dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, nhất là khi chúng thay răng xong đủ cứng cáp, thì khi lớn lên, và có thể cả đời, răng của chúng sẽ không bao giờ bị …sâu gặm.
. Nếu cần nhờ đến Nha sĩ, nên tìm hiểu kỹ càng, tìm người giỏi có tay nghề cao, được công chúng đánh giá tốt, thì mọi việc sẽ an toàn. Tác giả từng bị người clean răng không chuyên nghiệp làm khuyết sâu một góc của hai chiếc răng cấm. Đó là lý do mà phải tìm cách tự clean cho mình, và về sau tâm trạng quá lo lắng khi đi gặp nha sĩ.
. Nếu thấy cần thiết, hãy mạnh dạn quyết định đi gặp Nha sĩ nhờ giải quyết vấn đề, đừng để những lo âu hành hạ tâm trí mình như tác giả, đã phải mất hết mấy năm trời mới quyết định việc đi nhổ răng khôn.
Phương Hoa
NOV 18/2024
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)