Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Sài Gòn Mùa Thương Cũ - Sáng tác Nguyễn Thanh Cảnh - Ca sĩ Quang Minh


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh 
Ca Sĩ: Quang Minh

Sài Gòn Có Mưa


Sài Gòn có mưa! Sài Gòn có mưa
Hỏi người nơi ấy đã quên chưa
Chiều hẹn hò bâng khuâng lá đổ
Hàng cây xanh rét mướt đợi chờ

Quán nhỏ nơi con đường thân quen
Quen như chiều thành phố lên đèn
Bước chân người tìm nhau gặp gỡ
Ngày cuối tuần rộn rã nên thơ

Hai ly cà phê đá đậm màu
Tiếng nhạc vàng “Đường về canh thâu …”
Dịu dàng như niềm thương nỗi nhớ
Của những ngày qua không gặp nhau

Tuổi trẻ tương lai nhiều mộng ước
Chuyện ngày mai tươi đẹp lung linh
Chưa biết buồn vì đời xa cách
Chưa biết đau sỏi đá gập ghềnh

Từng giọt mưa êm như tiếng ca
Quán vắng thưa người, còn đôi ta
Sài Gòn dù mưa hay nắng cháy
Vẫn là tình yêu quá thiết tha

Chiều dần tàn, cơn mưa chưa dứt
Hai người, chỉ một áo mưa che
Nhường qua nhường lại, thôi cùng ướt
(Đêm về tôi cảm, người biết chưa?!)

Chia tay, hẹn gặp nhau tuần tới
Sài Gòn đỏng đảnh thật dễ thương
(Cũng giống như tôi- người thường nói)
Chỉ một cơn mưa làm vấn vương!!

Edmonton, tháng 5/2022
Kim Loan

Đền Em


Đền em cả tuổi xuân thì
Đến em dãy lụa Tây Thi tím vàng
Đền em đường nắng thênh thang
Đền em bóng nhỏ hai hàng me xanh
Đền em sương khói xây thành
Đền em tà áo thiên thanh mượt mà
Đền em cao vút giọng ca
Đền em hồ mắt ngọc ngà lung linh
Đền em tiên nữ đa tình
Đền em bằng tiếng kêu mình yêu thương
Đền em nhạc tỏa giáo đường
Đền em ngọt mật trầm hương khuê phòng
Đền em cung bậc chờ mong
Đền em một mảnh trời hồng đam mê
Đền em quên cả lối về
Đền em cả ánh trăng thề sao khuya.

Toronto 21/5/2022
Nguyên Trần

Spring Rain (Sara Teasdale)- Mưa Xuân (Tâm Minh Ngô Tằng Giao)

 

Spring Rain

I thought I had forgotten,
But it all came back again
To-night with the first spring thunder
In a rush of rain.
I remembered a darkened doorway
Where we stood while the storm swept by,
Thunder gripping the earth
And lightning scrawled on the sky.
The passing motor busses swayed,
For the street was a river of rain,
Lashed into little golden waves
In the lamp light's stain.
With the wild spring rain and thunder
My heart was wild and gay;
Your eyes said more to me that night
Than your lips would ever say...
I thought I had forgotten,
But it all came back again
To-night with the first spring thunder
In a rush of rain.

Sara Teasdale 
(1884-1933)
***
Dịch Thơ:

Mưa Xuân

Tưởng chừng em đã quên rồi,
Nào ngờ kỷ niệm giăng trời về đây
Vang theo tiếng sấm đêm nay
Trong cơn mưa vội một ngày đầu xuân.
Nhớ xưa hiên tối dừng chân
Nép nhau tránh bão thét gầm thổi ngang,
Địa cầu sấm nổ rền vang
Ngoằn ngoèo tia chớp xé toang bầu trời.
Phố phường ngập nước mưa rơi,
Dòng xe qua lại chơi vơi, chòng chành.
Mặt đường sóng nước long lanh,
Đèn khuya vàng vọt rọi quanh một vùng.
Mưa xuân reo sấm không trung
Lòng em cuồng nhiệt tưng bừng lửa yêu;
Môi chàng từng thốt đã nhiều
Mắt chàng đêm đó muôn điều nói thêm...
Tưởng chừng em đã lãng quên,
Nào ngờ kỷ niệm êm đềm về đây
Vang theo tiếng sấm đêm nay
Trong cơn mưa vội một ngày đầu xuân.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao


Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại “Đỗ Thu Nương Thi” 讀池州杜員外杜秋娘詩 - Trương Hỗ (Trung Đường)


Trương Hỗ 張祜 (khoảng 785-849) tự Thừa Cát 承吉, người Thanh Hà (nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), nổi tiếng về thể cung từ, thơ có 10 quyển.

Nguyên tác Dịch âm

讀池州杜員外杜秋娘詩 Độc Trì Châu Đỗ viên ngoại “Đỗ Thu Nương thi”

年少多情杜牧之 Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi,
風流仍作杜秋詩 Phong lưu nhưng tác “Đỗ Thu thi”.
可知不是長門閉 Khả tri bất thị Trường Môn bế,
也得相如第一詞 Dã đắc Tương Như đệ nhất từ.

Chú giải

Đỗ viên ngoại tức Đỗ Mục, thi nhân nổi tiếng đa tình thời Vãn Đường. Đỗ Thu Nương là giai nhân nổi tiếng thời Trung Đường, mười lăm tuổi đã về làm vợ lẽ Lý Kỳ đang giữ chức Tiết độ sứ Trấn Hải. Về sau Lý Kỳ làm phản, bị giết, vua Mục Tông tiếc bà có tài làm thơ, cho vào kinh dạy học một thời gian rồi thả về dân dã. Đỗ Mục thấy bà già nua sống trong cảnh nghèo túng, cảm thương viết một bài thơ về tình cảnh của bà.

長門 Trường Môn: cung Trường Môn: nơi trú ngụ của những cung nữ không được vua Hán sủng ái.
相如 Tương Như: Tư mã Tương Như, danh sĩ viết phú hay nhất triều Hán.

Dịch nghĩa

Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” của viên ngoại họ Đỗ ở Trì Châu

Chàng Đỗ Mục trẻ tuổi giàu tình cảm,
(Đa tình) Hào hoa lại viết bài về Đỗ Thu Nương.
Mới thấy nếu (Trần A Kiều) không bị bỏ phế trong cung Trường Môn*,
Thì Tư Mã Tương Như đã không viết được một bài phú tuyệt hay.

Dịch thơ

Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” của viên ngoại họ Đỗ ở Trì Châu

Chàng trẻ đa tình Đỗ Mục ơi,
Hào hoa đã vịnh Đỗ Thu chơi.
Nếu Trần chẳng bị giam cung cấm,
Chửa chắc Tương Như giỏi nhất đời.

Lời bàn 

Đỗ viên ngoại tức Đỗ Mục, thi sĩ trẻ nổi tiếng đa tình thời Vãn Đường.
Đỗ Thu Nương là một giai nhân nổi tiếng thơ hay thời Trung Đường, năm mười lăm tuổi về làm vợ lẻ Lý Kỳ đang giữ chức Tiết độ sứ Trấn Hải. Về sau Lý Kỳ làm phản, bị giết, vua Mục Tông thấy bà có tài làm thơ, cho vào kinh dạy học một thời gian rồi thả về dân dã. (Bài thơ nổi tiếng nhất của Đỗ Thu Nương là Kim Lũ Y).

Trong bài này Trương Hỗ khen tài làm thơ của Đỗ Mục: Đỗ Mục thấy Đỗ Thu Nương già nua sống trong cảnh nghèo túng, cảm thương viết một bài thơ về tình cảnh của bà. Bài thơ này bất hủ ở chỗ nó có một văn phong vui nhộn kín đáo, gợi nhớ tài làm thơ của Đỗ Thu Nương lúc còn trẻ.

 Con Cò
***
Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Họ Đỗ Ở Trì Châu

Chàng trai Đỗ Mục lắm tơ vương,
Đã viết thơ tình xót Đỗ Nương.
Nếu chẳng thấy Trường Môn bỏ phế,
Tương Như sao nhất "phú" thi trường.

Mỹ Ngọc 
Jan.16/2022.
***
***
Đọc Thơ Đỗ Thu Nương

Chàng tuổi trẻ hào hoa phong nhã
Cảm thương người thất sủng vịnh thơ
Nếu nàng chẳng bị đày cung cấm
Lời gấm hoa biết có bao giờ?

Yên Nhiên

***
Đọc Thơ Đỗ Thu Nương Của Đỗ Mục


Đỗ Mục đa tình tuổi mộng mơ
Phong lưu lại viết Đỗ Thu thơ
Ví như chẳng có Trường Môn khép
Chưa chắc Tương Như giỏi nhất từ!

Lộc Bắc
Jan22
***
Bài Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại “Đỗ Thu Nương Thi” của Trương Hỗ.

Đây là một bài thơ ngắn của Trương Hỗ, không có nhiều chữ khó.
Đỗ viên ngoại, tức Đỗ Mục, tự Mục Chi, là một trong những thần tượng của BS. Đỗ Thu là Đỗ Thu Nương, ÔC đã giải thích cả rồi.

-Nhưng: là nhưng như tiếng Việt, là như cũ, lại còn, vẫn.
-Khả: là có thể, và nhiều nghĩa nữa, như hợp, thích nghi, đáng, thật là, tốt, ước chừng…
-Thị: là, đúng, chính.
-Trường Môn, là nơi ở của các cung nữ đời Hán bị thất sủng, một loại lãnh cung, nơi Trần A Kiều bị Hán Vũ Đế nhốt. A Kiểu nhờ Tư Mã Tương Như làm bài Trường Môn Phú dâng vua, Vũ Đế cảm động, lại sủng ái nàng thêm mấy năm. Bài phú này nổi tiếng là một tuyệt tác.

Trương Hỗ không phải là thi sĩ nổi tiếng, trong Thi Viện đăng 32 bài thơ nhưng trong các cuốn Đường Thi của BS thì không thấy. Có điều chắc chắn là Trương và Đỗ là đôi bạn rất thân, vì Đỗ có đến 3 bài nhắc tới Trương, và bài thơ này của Trương lại nhắc tới Đỗ. Bài này thật ra, đâu có gì xuất sắc, ÔC đưa lên diễn đàn vì nó dính tới bài Kim Lũ Y của Đỗ Thu Nương thôi.

Bài thơ của Trương chủ ý là khen bạn: Mục Chi trẻ tuổi, đa tình, phong lưu, mà lại làm thơ về Đỗ Thu Nương. Nếu không cảm thông hoàn cảnh của Đỗ Thu Nương thì sao làm được bài thơ hay, cũng như Tư Mã Tương Như, nếu A Kiều không bị thất sủng, đẩy vào cung Trường Môn thì sao mà làm được bài phú nổi tiếng như vậy. Chỉ tiếc là Trương nhắc tới việc đọc Đỗ Thu Thi mà không ai biết bài thơ đó như thế nào?

Xin nói thêm là trong Thi Viện, chữ Phong Lưu ở câu 2 được dịch là “giầu tiền” thì sai bét. Phong Lưu, là phong cách sống của một người thông minh, có trí tuệ, nhưng lãng mạn, nặng về tình cảm. Thì đúng là phong cách của Đỗ Mục. Chắc ông làm thơ về Đỗ Thu Nương vì thương cảm hoàn cảnh của vị nữ lưu tiền bối lại cùng họ với mình.

Chắc quý vị đã biết, Đỗ Mục là tác giả bài A Phòng Cung Phú, cũng nổi tiếng không kém gì bài Trường Môn Phú. A Phòng là tên một cung điện tráng lệ do Tần Thủy Hoàng dựng lên để tưởng niệm người thiếp yêu của mình là nàng A Phòng: nàng đã tự tử vì không can được Thuỷ Hoàng diệt 6 nước.

Đọc Bài “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Trì Châu Họ Đỗ.

Tuổi trẻ đa tình Đỗ Mục Chi,
Phong lưu lại viết Đỗ Thu thi,
Trường Môn nếu chẳng giam người đẹp,
Sao phú Tương Như ít kẻ bì.

Bát Sách.
***
Nguyên tác: Phiên âm:

讀池州杜員外杜秋娘詩 Độc Trì Châu Đỗ Viên Ngoại

張祜 Đỗ Thu Nương Thi - Trương Hỗ

年少多情杜牧之 Niên thiếu đa tình Đỗ Mục chi
風流仍作杜秋詩 Phong lưu nhưng tác Đỗ Thu thi
可知不是長門閉 Khả tri bất thị Trường Môn bế
也得相如第一詞 Dã đắc Tương Như đệ nhất từ

Bài thơ Độc Trì Châu… không mấy phổ thông, chỉ xuất hiện trong 2 sách. Lần đầu trong Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁 với tựa đề Độc Đỗ Viên Ngoại Thu Nương Thi 读杜员外秋娘诗.Và mới nhất đăng trong Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 với tựa có 10 chữ thay vì 7.


Ghi chú:

Trì Châu: tên một huyện thời Đường, nay là thành phố Trì Châu, An Huy trên bờ Nam sông Trưng Giang

Trương Hỗ (782? -852) theo Đường Thi Đại Từ Điển Tu Đính Bổn 唐诗大辞典 修订本 quê quán Nam Dương (nay là Hà Nam), tuổi già cư trú ở Đan Dương (nay là Giang Tô). Nhiều năm lưu lạc giang hồ, không làm quan dù nhiều lần được tiến cử, mặc quần áo vải suốt đời. Ông để lại khoảng 155 bài thơ trong Toàn Đường Thi.

Đỗ Viên Ngoại là Đỗ Mục (803-852), theo Hoàng Hạc Lâu Chí-Nhân Vật Thiên 黄鹤楼志-人物篇, thi nhân đa tình thời Đường, tự Mục Chi. Người Kinh Triệu Vạn Niên (nay là Tây An, Thiểm Tây), cháu trai của Tể tướng và sử gia Đỗ Hữu. Đậu tiến sĩ năm Văn Tông Đại Hòa thứ hai (828), từng là giám sát ngự sử, đảm nhiệm thứ sử châu Hoàng, Trì, Hòa, Hồ, làm quan đến Trung Thư xá nhân. Những năm cuối đời sống ở biệt thự Nam Phàn Xuyên ở thành Trường An, nên người ta gọi là Đỗ Phàn Xuyên.

Đỗ Thu (791-?): theo Tư Trì Thông Giám 资治通鉴, đời sau nhiều người gọi là Đỗ Thu Nương, là người Kim Lăng đời Đường. Năm 15 tuổi, cô làm thiếp của Lý Ký. Năm Nguyên Hòa thứ hai (807), Lý Ký chính thức khởi binh tạo phản. Sau khi Lý Ký thất bại, Đỗ Thu được đưa vào cung và được Đường Hiến Tông sủng hạnh. Năm Nguyên Hòa thứ 15 (820) Đường Mục Tông lên ngôi, bổ nhiệm bà làm Phó Mỗ (thầy dạy học) cho con trai Lý Thấu. Sau đó Lý Thấu bị phế mất ngôi vị Chương vương, Đỗ Thu được cho về quê sống như dân dã.

Khi Đỗ Mục đi ngang qua Kim Lăng, thấy tình cảnh bà vừa nghèo vừa già (thời Đường 40 tuổi đã coi là già), nên làm bài Đỗ Thu Nương Thi 杜秋娘诗, kể lại thân thế của bà. Toàn bộ bài thơ có 112 câu, mỗi câu 5 chữ, có thể chia làm hai phần: phần 1 viết về cuộc đời Đỗ Thu, lấy tường thuật làm chủ yếu. Phần này miêu tả những thăng trầm của thế gian, của cuộc sống vô thường, khắc họa hình tượng sống động và cuộc đời gập ghềnh của nhân vật. Phần thứ hai, tập trung viết về cảm thán của nhà thơ Đỗ Thu.

Bài Đỗ Thu Nương Thi không phải là bài thơ của Đỗ Thu Nương và không có liên quan đến bài Kim Lũ Y. Bài Đỗ Thu Nương Thi do Đỗ Mục viết có một đoạn chú thích: "Khuyến quân mạc tích kim lũ y, Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì, Hoa khai kham chiết trực tu chiết, Mạc đãi vô hoa không chiết chi”. mà không nói bài thất ngôn tứ tuyệt là do ai sáng tác, nên có người cho là của Đỗ Mục, nhưng cũng có nhiều người cho là tác phẩm của Đỗ Thu Nương.

Trường Môn: tên cung điện nhà Hán, nơi cho các cung tần phi nữ (kể cả hoàng hậu) sinh sống khi không còn được sủng ái, ở đây nhắc đến điển tích hoàng hậu Trần A Kiều

Tương Như: Tức Tư Mã Tưong Như, người có tài làm thơ phú đời Hán. Khi hoàng hậu Trần A Kiều bị thất sủng ở cung Trường Môn, bà có sai người đem 10 cân vàng nhờ Tương Như làm cho bài phú tả nỗi lòng buồn thảm và tuyệt vọng trong thâm cung. Nghe bài hát Hán Vũ Đế trở lại yêu thương A Kiều.

Dịch nghĩa:

Đọc “Thơ Đỗ Thu Nương” Của Viên Ngoại Họ Đỗ Ở Trì Châu

Chàng Đỗ Mục Chi trẻ tuổi đa tình,
Hào hoa phóng khoáng làm bài thơ về Đỗ Thu Nương.
Mới thấy nếu Trần A Kiều không bị biếm trong cung Trường Môn,
Thì Tư Mã Tương Như đã không viết được một bài phú hay tuyệt vời.

Trương Hỗ là tiền bối lớn hơn Đỗ Mục 21 tuổi. Trong bài thơ ông nói Đỗ Mục trẻ tuổi đa tình. Nhưng ông khen Đỗ Mục viết bài Đỗ Thu Nương Thi không phải do đa tình mà do tánh hào hoa phóng khoáng. Ông còn khen bài thơ khi so sánh Đỗ Thu Nương Thi với bài Trường Môn Oán của Tư Mã Tương Như.

Dịch thơ:

Đọc Bài Thơ Về Đỗ Thu Nương
Đỗ Mục đa tình lắm mộng mơ,
Phong lưu ông viết Đỗ Thu thơ.
Giả thử A Kiều không bị biếm,
Tuyệt phú Tương Như sao có cơ?

On Reading the Du Qiuniang Poem by Du Mu by Zhang Hu

Du Mu 杜牧 was young and affectionate,
With an open mind he wrote the poem about Du Qiuniang 杜秋娘.
One can see that, if Chen Ajiao 陳阿嬌 were not banned to the Chang Men Palace,
There would be no most famous song Cheng Men Yuan by Xiang Ru.

 Phí Minh Tâm

Sợi Vắn, Sợi Dài


Nàng cầu cứu Đào:
-Tuần sau Đào rảnh, dẫn tui đi xỏ lỗ tai nghe.
-Ủa, chớ hồi giờ bồ hổng biết mùi bông tai là gì hả? Mất nửa đời người. Sao tự nhiên hứng bất tử, đòi đâm tóc, đâm tai vậy?
-Tới hôm nay, tui vẫn cảm thấy đời đẹp như mơ, dù tai tui không lủng chỗ nào. Mà tại chàng nhắc lui, nhắc tới là phải xâu lỗ tai, để mang cặp bông tai kim cương quà cưới của má chàng. Anh rất hãnh diện về món quà này. Nghe nói 5 ca-rathì phải.

Bên kia đầu dây, có tiếng kéo ghế rột rột:
-Bồ chờ, chờ chút xíu. Tui ngồi xuống, lấy hơi, tui sắp sửa đứng tim vì... ganh với bồ đó. Bồ có chắc chắn, bồ nghe rõ không? Bồ có biết 5 ca-ra là bao nhiêu không?
Nàng cười khì khì:
-Ờ, tui nghe anh nói nhiều lần. Nhưng tui không nhớ rõ.
Nàng chợt nhớ đơn vị đo lường của “ta”. Hình như là lạng, phân, chỉ gì đó, bèn chỉnh lại:
-Nếu không phải 5 ca-ra, vậy thì 5 phân.
Tiếng Đào cười ré làm nàng giật mình. Đào vừa nói, vừa cố dằn lại trận cười:
-Thôi, thôi... đúng là con gà mờ. Hột xoàn to bây nhiêu bồ mang ở tai, chắc tai bồ bữa trước, bữa sau thành tai… Phật. Tui cho bồ hai cái túi ny-lông của siêu thị, mỗi túi bồ đựng một hột.

Đào hức hức:
-Bồ... bồ đi tìm cây thước, coi thử 5 phân là bao nhiêu. Chết, chết, tui cười sắp đứt ruột. Bồ hỏi lại ổng có phải 5 ly hay không? Mà nhớ nhen! Khoan kể cho ai nghe cái tài sản vĩ đại bồ sắp có.
Nàng tẽn tò:
-Ừ, hình như 5 ly. Mà, mà bộ như vậy là nhiều lắm hả?
Đào bớt cười, lên giọng đàn chị:

-Chơ sao. Đưa vàng bạc châu báu cho mấy người như bồ, phí của trời. Ừa, được rồi, thứ Bảy này tui dẫn bồ đi.
Nàng vẫn băn khoăn:
-Đào biết chỗ nào làm đàng hoàng, hợp vệ sinh không?
Nàng nhớ, hồi nhỏ nhìn thấy những trẻ em cùng lứa mang bông tai, nàng thường cành nanh. Sau này, Ba nàng kể rằng, sở dĩ Ba không cho con gái xỏ lỗ tai, vì đã thấy trường hợp nhiễm trùng rất nặng. Đào trấn an:
-Bồ yên tâm. Xứ sở này làm gì cũng ngon lành. Tiếc là vành tai tui có hạn. Chớ không, tui đi xỏ vài chục lỗ rồi.
Đào cười hích hích:
-Được mang cái hột “xàn” bự như dzậy, phải cắt nửa lỗ tai, tui cũng chịu.
Đào hạ giọng:
-Ê bồ, mấy thằng em của ảnh, ván đã đóng... thùng chưa? Hay là bồ với tui làm chị em... cột chèo với nhau đi.

Nàng đã xỏ tai và ngoan ngoãn để chàng xỏ mũi dắt nàng lên xe hoa. Nàng đưa tay rờ rờ tai. Vậy mà “hạ tầng cơ sở” để mang bông tai đã hơn 20 tuổi. Đào không thành chị em bạn dâu với nàng. Tai nàng vẫn không thay đổi diện tích so với ngày chưa mang bông tai. Món quà cưới nàng đeo trong ngày vu quy của nàng, rồi cất kỹ trong tủ. Chỉ khi nhà chồng có tiệc tùng, cưới hỏi, nàng mới đem vòng nhẫn lấp lánh tròng lên đầu cổ như đồng phục của gia đình. Nàng đùa với Đào, người sang làm kim cương sáng thêm, còn người như nàng, chỉ làm hột xoàn thành hột xoàng thôi. Đào cười rúc rích:
-Ừa, biết rồi. Chỉ tình cho không, biếu không, đã đủ cho bồ hát inh ỏi rằng, cuộc tình quá lớn, ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá.

 
Chàng yêu nàng say đắm, với những si mê khôn nguôi như buông vào tim/ Trong đáy tim anh yêu em... Nàng yêu chàng bằng trọn trái tim sôi nổi của tuổi đôi mươi. Yêu chàng, nàng yêu cả đường đi, yêu cả tông chi họ hàng của chàng. Nàng muốn nói với chàng, Your love's put me at the top of the world. Tình yêu tròn trịa như trái mù u.
Nàng phơi phới chân sáo. Nàng đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn. Bỗng, nàng vấp, chúi nhủi. Chân ướt, chân ráo về nhà chồng, cô em chồng nghinh đón bằng câu nói đùa: “Thời buổi này, chỉ cần thảy ra mấy hột xoàn, con gái theo rần rần.” Nàng sụt sùi:
-Đào coi, tình yêu tui trân quý biết bao nhiêu, mà trở thành vật chất, trần tục như vậy.
Đào ào ào:
-Ui, đúng là giặc bên Ngô không bằng mấy mụ cô bên chồng. Kệ mấy mụ. Bồ đâu thèm mấy cái hột đó. Bồ trả quách lại cho mấy con cà chớn đi.
-Thôi, làm vậy coi sao được. Tội anh đứng giữa, anh khổ tâm lắm.

Nàng làm bánh nậm mời nhà chồng. Vài tuần sau, cô em chàng gọi điện thoại rủ vợ chồng nàng đến cơm chiều. Cô em đãi món bánh nậm. Cô em nhận xét, miền Trung khô cằn, nghèo nàn. Cái gì cũng thiếu, chỉ có lá chuối là thừa. Bởi thế, cô em “hoàn thiện” món bánh nậm theo kiểu đồng bằng phì nhiêu của miền Nam. Cô em lấy bột gạo, pha chung với nước cốt dừa vào khuôn bánh tròn, phía trên cô em xếp kín những con tôm to (cô gọi là tép). Thuở ấy, tôm tép đắt gấp năm, gấp mười thịt bò. Đây thực là món ăn cực kỳ xa xỉ. Nàng thấy buồn cười. Vừa buồn, vừa cười. Nàng cười trong trí, đấy là bánh đúc, loại bánh người xưa bảo muốn no nên ăn, chứ không phải bánh nậm thanh cảnh. Nàng buồn ra mặt. Chắc người ta “mát mẻ” theo kiểu bề trên: “Chuột sa chĩnh gạo, sướng nhé!” Chàng tương kế tựu kế, cố làm đẹp lòng đôi bên. Chàng nấu những món ăn gia đình chàng thích, dán nhãn made by “my house”. Rốt cuộc, phản tác dụng. Các em của chàng biết tẩy, đâm ra bực chàng, gầm gừ: “Ổng đúng là làm chuyện ruồi bu. Mắc mớ gì phải hầu bả tới bến dzậy!”.

Những khi gia đình chàng bàn về hột trong, hột đục, vàng núi, vàng non, nàng ngồi ngậm tăm, im phăng phắc. Chàng trách, nàng không hòa đồng. Nàng đành chịu, không thể tham gia câu chuyện, vì nàng thiếu kiến thức về nữ trang. Khi anh chị em nàng chuyện trò, chàng bỏ đi. Nàng rủ ngồi chơi, chàng giận dỗi: “Ba cái chuyện thơ văn, anh biết gì mà nói”. Tự lúc nào nàng chẳng rõ, trái mù u đã chuyển thành trái ấu. Nàng săm soi, tránh những góc cạnh, để đỡ trầy sướt.

Nàng đọc cuốn sách về đàn ông, đàn bà. Tác giả không phải bà con họ hàng gì với nàng. Cũng chẳng hàng xóm láng giềng. Ông John Gray ở tít tận lục địa khác. Mà sao câu chuyện ông ấy kể, giống hệt cảnh hai vợ chồng nàng đi dự đám cưới hôm nào. Tháng Mười, trời tối thật nhanh. Chàng làm tài xế, nàng làm “lơ” xe. Công việc tuy chia rạch ròi, nhưng chàng chạy theo ý chàng, chứ không theo “tư vấn” của nàng. Nàng đoán, chàng đã rời xa lộ hơi sớm. Nhìn những tên đường, địa danh hoàn toàn không giống bảng hướng dẫn đường đi. Nàng dè dặt góp ý:
-Hay mình chạy trở ngược ra xa lộ đi anh.
Chàng nhíu mày:
-Em thì chuyện gì cũng rành, cũng giỏi.

Chàng vẫn tiếp tục rẽ trái, rẽ phải quanh quẩn trong phố, chứ không hề có ý định quay ra xa lộ. Thuở ấy, vợ chồng nàng chưa biết đến phát minh navigation. Đi đâu cũng dùng bản đồ bằng giấy, ngang dọc mỗi bề một mét. Càng lúc, những con đường chàng chạy chẳng ăn nhập gì với bản đồ trên tay nàng. Nàng đề nghị tạt vào cây xăng hỏi đường. Chàng gắt:
-Không chuyện gì phải ghé hỏi cho rắc rối. Đi một hồi phải đến.
-Tất nhiên mình sẽ đến. Nhưng lúc nào? Người ta tan tiệc, mình đến làm gì nữa. Tới trễ quá coi cũng kỳ.
Chàng cáu kỉnh:
-Đi ăn cưới. Chớ có phải trình diện hãng mà phải đúng giờ từng giây, từng phút.
Nàng băn khoăn:
-Đằng nào mình cũng trễ ít nhất là một tiếng đồng hồ.
-Nếu em biết đường, em chạy đi. Còn không, làm ơn để yên cho anh lái, cứ lải nhải, nhức đầu lắm.
Nàng nghẹn cổ, nhìn chăm chăm lòng đường. Nàng nhủ lòng, sẽ chẳng bao giờ góp ý, thêm lời, khi ngồi chung xe với chàng.

Vợ chồng người bạn đến chơi. Chồng Bắc, vợ Nam. Đến cửa, chưa thấy người, đã nghe giọng cô bạn líu lo:
-Bữa nay em đặc biệt làm mắm chưng cho anh nè. Em phải chờ chồng em ra khỏi nhà, em mới nấu. Tại ảnh dân Bắc kỳ, không ngửi được mùi mắm chưng.
Chàng coi bộ cảm động dữ:
-Trời, hàng độc, hàng hiếm à nhen. Anh phải cất kỹ, ăn từ từ.
Cô bạn quay qua nàng:
-Chị người Trung, chắc đâu biết mấy món miền Nam hả?
Cô bạn chẳng nhìn xem nàng gục hay lắc, nghiêng nghiêng đầu phía chàng, huyên thuyên:
-Chỉ có người Nam tụi mình mới hạp nhau thôi hén anh.

Anh bạn Bắc kỳ và nàng ngồi lạc lõng nghe hai người “Nam kỳ tụi mình” rôm rả chuyện trò. “Sầu riêng ngon hết xẩy. Chỉ dân sành ăn mới biết thưởng thức. Chời chời, mắm dà rau, ngon bá cháy hén... ” Anh Bắc kỳ lững thững ra vườn hút thuốc. Nàng thấy mình thừa thãi trong buổi mạn đàm của “đồng hương”, lẳng lặng xuống bếp dọn dẹp.

Một người quen sơ gửi gắm chàng sứ mệnh đặc biệt: Bán giùm chiếc xe cũ của đứa con gái riêng của chị ấy. Cả cuối tuần, chàng hì hục đại trùng tu chiếc xe, o bế không thua gì xe của chàng. Có người gọi đến hỏi tình trạng chiếc xe, chàng thao thao:
-Xe của con gái tôi ấy mà. Nó chạy đàng hoàng lắm. Tôi để ý dầu nhớt đều đặn. Ông yên tâm, xe còn ngon...
Người ta đến coi xe, chàng lăng xăng tựa như ông bán hàng chuyên nghiệp. Chờ chàng hớn hở tường thuật với chị ấy xong, rằng xe bán được giá. Nàng sa sầm mặt, dấm dẳng:
- Mình đâu có đứa con gái nào. Sao anh phải đặt chuyện bùm xùm như vậy?
Chàng xù lên:
-Em sao hẹp hòi. Người ta nhờ nói như vậy, cho dễ bán. Có mất mát gì đâu. Giúp bạn bè được chừng nào, hay chừng ấy.
Nàng mím môi:
-Nhưng đó đâu phải sự thật. Làm vậy là sai nguyên tắc.
Chàng gạt ngang:
-Em lúc nào cũng đúng, lúc nào cũng có lý. Vừa lòng chưa!
Chàng hầm hầm đi ra xe. Nàng thấy ngón tay mình run run khi bấm số gọi Đào. Đào tức tối:
-Thiệt tình. Hổng chừng ít bữa bả nhờ chồng bồ bán xe của bả, biểu ổng nói là xe của vợ ổng, chắc ổng cũng nhận lời. Tui thả tay luôn.
Những cuộc điện đàm với Đào là những dịp cho nàng kể lể, xả giận. Nàng mừng rỡ:
-Đào gọi qua, coi như tui thoát.
-Thoát gì? Khỏi rửa chén hả?
-Không, rửa chén tui đâu ngán. Mà từ chiều giờ, nghe trọn top hit ca sĩ ruột của ông chồng là mệt ngang xương.
-Nè, cho bồ hay. Xã xệ bồ chắc cũng đau mình, nhức mẩy, khi nghe ông ca sĩ luật sư kể lể… nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.
-Cám ơn Đào nhắc chừng. Tui để ý. Hồi nào anh có nhà, tui không nghe nhạc xưa nữa. Mà Đào ơi, sao tui không ưa nổi mặt má bầu của nường ca sĩ.

Đào cười rúc rích:
-Má bầu nhìn lâu muốn chửi hả? Sướng chưa? Tui nói giùm điều bồ nghĩ trong đầu.
-Trời đất. Tui không có ý định chửi ai. Nhưng thấy mặt ca sĩ, nghe cổ ca, là tui muốn bịnh.
Đào cười lớn:
-Ê, bồ có biết tại sao bồ ghét cô ca sĩ không?
Nàng chưa kịp trả lời. Tiếng Đào gọn lỏn:
-Tại bồ ghen.
Đào không thấy nàng trề môi, nhưng nghe rõ giọng nàng xuội lơ:
-Còn lâu hà.
Nàng nghĩ, nếu có hiện tượng ghen, không chừng là dấu hiệu tốt.
Đào chép miệng:
-Nhiều người tưởng tui già kén kẹn hom. Đâu phải vậy. Tui cười nói rân ran, chớ nhiều khi một mình, cô đơn dễ sợ. Con cá trong lờ khóc đỏ lơ con mắt, con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.
Nàng cười buồn, nhái theo một chuyện diễu, chia sẻ nỗi niềm của bạn:
-Tui hiểu rõ nỗi cô đơn của Đào lắm. Tại tui lập gia đình mấy chục năm rồi.


Chàng nàng chuẩn bị đến nhà bạn chơi chiều thứ Bảy. Sắp sửa ra cửa, chàng dừng lại, cúi cúi nhìn sàn nhà. Chàng treo chìa khóa xe lên móc. Chàng quày quả vào bếp lấy cuộn băng keo, cắt một đoạn. Chàng lồm cồm bò dọc hành lang, dùng miếng băng keo gom mấy sợi tóc rụng trên sàn. Những sợi tóc dài của nàng, chứ không phải sợi tóc ngắn của chàng.

Vài chục năm trước, thuở yêu thương ngập lòng, nàng đặt mua tận bên Mỹ tập nhạc Ngàn Lời Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Nàng nắn nót viết tặng chàng “... và xe tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...”
Chuyện ngày ấy chúng mình giờ đây tưởng như chuyện thần thoại, chuyện cổ tích. Chàng vẫn lom khom quanh bàn computer của nàng. Nàng sốt ruột:
-Mình đi kẻo trễ anh ơi. Tối về em sẽ thanh trừng, nhất định không sót sợi nào.
Giọng chàng khó chịu:
-Đi chơi mà sao phải Stress dữ vậy.
Tự lúc nào, chuyện tóc tai của nàng trở thành đề tài “nhạy cảm” giữa vợ chồng nàng. Biết tính chàng “xung khắc” những sợi tóc rụng vô tổ chức của mình, nàng để ý dọn phòng tắm kỹ càng, không để sót tàn dư. Nàng tìm nhiều biện pháp ngăn chận sự ra đi thiếu trật tự của lũ tóc. Nàng đổi các loại dầu gội, uống nước hạt chia, bôi dầu dừa... Ai mách mẹo gì, nàng cũng thử. Đôi khi bắt gặp những sợi tóc tội nghiệp của nàng trên xa-lông, chàng lẩm bẩm:
-Tóc em sao mà rụng tối ngày sáng đêm.
Nàng đùa:
-Anh đổi cho em đi. Tóc anh tha hồ rụng. Bao nhiêu em cũng dọn. Miễn tóc em đầy đủ, đâu yên đó, là em mừng.

Trong chương trình nhạc Văn Phụng, ca sĩ Châu Hà, với mái tóc ngắn, bà bảo: “Suối Tóc ngày xưa là nguồn cảm hứng để ông viết nhạc tặng bà, bây giờ đã thành suối cạn.” Dẫu suối cạn, nhạc sĩ Văn Phụng bên phím đàn cùng ca sĩ Châu Hà vẫn đong yêu thương đầy từng chữ, từng nốt nhạc của bài hát... trong ý thơ, cung đàn và suối tóc mơ... Đấy là bức tranh hạnh phúc thật đẹp, nàng ngắm hoài không chán. Thuở xem chương trình này, nàng vẫn còn liễu xanh xanh lả lơi. Nàng không hề mơ chàng viết nhạc, viết thơ tặng nàng. Nàng chỉ ước ao, ngày nào khi suối cạn, nàng vẫn còn nhận được ánh mắt đằm thắm của chàng, dẫu hấp háy qua làn kính lão.

Bỗng dưng, nàng nghe tiếng thở dài nhè nhẹ của mình. Tóc ơi, sợi vắn, sợi dài. Chẳng nhẽ phải lấy nhau chẳng đặng, mới được thương hoài ngàn năm hay sao?


Hoàng Quân
Trích lời ca trong các nhạc phẩm:
Em Là Tất Cả, nhạc ngoại quốc (You're My Everything by Santa Esmeralda), lời Việt Duy Quang
Top of the World by the Carpenters
Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài của nhạc sĩ Phạm Duy
Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, thơ của thi sĩ Nguyên Sa
Ngày Đó Chúng Mình của nhạc sĩ Phạm Duy
Suối Tóc của nhạc sĩ Văn Phụng
Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài của nhạc sĩ Phạm Duy Vắn.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Hoa Vàng Dấu Mơ - Lời: Phương Hoa-Nhạc: Trần Đại Bản- Ca Sĩ: Diệu Hiền


Lời: Phương Hoa
Nhạc: Trần Đại Bản
Ca Sĩ: Diệu Hiền

Vườn Nay Đã Mở

 

Muôn phương Thơ Thẩn lại về đây
Dị thảo kỳ hoa tất trổ đầy
Với sắc anh em cùng cộng hưởng
Còn hương bạn hữu hiệp chung lây…
Không cho mất nhịp cung dàn dạo
Mà kết thêm vòng cánh én bay
Tạo sự thân thương trong mọi dịp
Muôn phương Thơ Thẩn lại về đây.

Thái Huy 

Nợ Đời


Sáu chục, xưa nay một cuộc đời
Sống thừa bốn chục nữa như chơi
Cao niên mỏi gối nghe hiu quạnh
Tóc bạc da mồi thấy tả tơi
Danh lợi bất cần, thân tự tại
Tiền tài chẳng đủ nợ nhiều nơi
Nhà, xe tài sản không mong giữ
Nhắm mắt xuôi tay đổ lệ vơi...

Mai Xuân Thanh

Thơ Cứ Làm

  

Thơ Xướng:

Thơ Cứ Làm


Mặc ai thi sĩ với thi nhân
Hay dở mình đây cũng chả cần
Hữu ý hữu tình đem thố lộ
Dụng câu dụng chữ chớ phân vân
Phải gìn luật định cho nghiêm chỉnh
Cứ thả lòng ra chẳng ngại ngần
Đừng sợ người chê thơ cóc nhái
Đa năng ắt sẽ tiến lên dần.

Quên Đi
***
Thơ Họa

Chữ Nở Hoa



Xin thưa mặc khách đón tao nhân
Hội ngộ tri âm tha thiết cần
Ngôn ngữ văn chương thường lộng gió
Tài danh thi phú vốn phù vân
Vườn thơ tằm nhả tơ êm ái
Biển chữ lời dâng sóng sáng ngần
Tình nghĩa chất đầy khoang mộ điệu
Muôn câu hoa gấm ngát hương dần ...

Cao Mỵ Nhân
***
Làm Trai


Làm trai thích khoát áo chinh nhân
Địa vị ,công danh tớ cóc cần
Súng đạn giao tình không quản ngại
Ba lô kết bạn chẳng ngừ ngần
Xem thời chinh chiến như sương khói
Nghĩ thuở đao binh tựa cẩu vân
Há sợ quân thù ngoài mặt trận
Huy chương cứ thế …sẽ leo dần

songquang
***
Duyên Thơ


Thơ thẩn Vườn thơ ngộ cố nhân
Dang tay dìu dắt thật ân cần
Dăm câu đề xướng tình con chữ
Đáp họa đôi dòng ý áng vân
Niêm luật khắt khe càng sắc sảo
Hồn thơ thuần khiết đến trong ngần
Khổ công tôi luyện qua ngòi bút
Ngày một ngày hai ắt tiến dần.

Kim Phượng

Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 代答閨夢還 - Trương Nhược Hư

 

代答閨夢還     Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn

關塞年華早, Quan tái niên hoa tảo,
樓臺別望違。 Lâu đài biệt vọng vi.
試衫著煖氣, Thí sam chước noãn khí,
開鏡覓春暉。 Khai kính mịch xuân huy.
燕入窺羅幕, Yến nhập khuy la mạc,
蜂來上畫衣。 Phong lai thướng họa y.
情催桃李豔, Tình thôi đào lý diễm,
心寄管弦飛。 Tâm ký quản huyền phi.
妝洗朝相待, Trang tẩy triêu tương đãi,
風花暝不歸。 Phong hoa minh bất quy.
夢魂何處入, Mộng hồn hà xứ nhập,
寂寂掩重扉。 Tịch tịch yễm trùng phi.
張若虛             Trương Nhược Hư

* Chú thích:
- Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 代答閨夢還 : Đáp thay người chốn khuê phòng mộng ngày trở lại của chồng (đang trấn thủ ở biên ải xa xôi).
- Quan Tái 關塞 : Quan ải nơi vùng biên tái xa xôi.
- Vọng Vi 望違 : là Nhìn đến mút tầm mắt, nhìn đến không còn nhìn thấy nữa.
- Thí Sam 試衫 : là Thử chiếc áo lót mới (thử yếm mới).
- Khai Kính 開鏡 : là Mở gương trang điểm ra.
- La Mạc 羅幕 : là Màn, rèm bằng lụa là. Màn là.
- Họa Y 畫衣 : là Áo có vẽ vời hoa văn, là Áo có thêu hoa đẹp đẽ.
- Quản Huyền Phi 管弦飛 : Bay theo tiếng tơ trúc, bay theo tiếng nhạc.
- Triêu Tương Đãi 朝相待 : là Đợi chờ nhau mỗi buổi sáng.
- Minh Bất Quy 暝不歸 : là Đến trời tối vẫn không thấy ai về.
- Tịch Tịch 寂寂 : là Vẻ vắng lặng buồn bã.
- Trùng Phi 重扉 : là Hai lớp cửa, cửa ngoài và cửa trong.

* Nghĩa bài thơ:
Đáp Thay Người Chốn Khuê Phòng Mộng Ngày Trở Lại

Tuổi chàng còn rất trẻ đã phải đi trấn thủ nơi biên ải xa xôi; còn nàng thiếu phụ đứng trên lầu cao đưa tiễn chồng cứ trông theo đến khi không còn thấy bóng dáng của chàng nữa mới thôi. Mặc chiếc yếm mới may vào mới cảm giác được cái ấm áp của mùa xuân, Mở hộp gương lược ra trang điểm lại dung nhan để tìm lại chút ánh xuân đang trở lại. Những con chim én từ xa bay về dường như cũng đang nhìn vào bức rèm là và những con ong bay vo ve như muốn tìm đậu trên những đóa hoa thêu trên áo. Tình xuân phơi phới khiến cho hoa đào hoa lý cũng đua nhau khoe đẹp mà nở rộ cả ra rồi, và lòng của thiếp cũng nương theo tiếng tơ tiếng trúc du dương mà bay bổng đi tìm chàng. Mỗi buổi sáng thiếp đều trang điểm thật đẹp để đợi chàng về, để rồi chiều nào cũng thất vọng với gió cuốn hoa tàn vì không có người trở lại. Đêm càng về khuya thiếp càng không biết phải chìm vào giấc mơ nào để có thể gặp nhau, đành buồn bã lặng lẽ trong cô đơn mà đóng sầm mấy lớp cửa lại !...

Đọc bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến bài thơ trường thiên "Chinh Phụ Ngâm Khúc" mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm qua tác phẩm bằng Hán Văn của Đặng Trần Côn, với các câu như:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
... và khi tiễn đưa nhau thì :
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
hay như :
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục, oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

rồi thì...
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.  ​

​cuối cùng:
​Sum vầy mấy lúc tình cờ,
​Chẳng qua trên gối một giờ mộng Xuân.


Nói chung, đây là một bài thơ thuộc "Cung Thể Thi", mang phong thái của thơ Tề Lương, có xuất xứ và nguồn gốc từ Nhạc Phủ của thời Nam Triều của đời Lương Giản Đế, chủ yếu là ca ngợi tình yêu nam nữ, nhất là giới nữ bị bạc đãi bỏ bê là nguồn gốc của dòng thơ Khuê Oán, Cung Oán kéo dài suốt dòng lịch sử của các triều đại sau nầy.

* Diễn Nôm:
Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 

Chàng tuổi trẻ ra miền biên tái,
Trên lầu cao thiếp mãi trông theo.
Yếm đào hơi ấm nắng vèo,
Mở song đón ánh xuân reo chan hòa.

Én lượn song màn là ríu rít,
Ong tìm hương lẫn đóa hoa thêu.
Ngát hương đào lý nở đều,
Gởi lòng theo tiếng tiêu thiều bay xa.

Sáng điểm trang trông xa mòn mõi,
Chiều ủ ê lủi thủi hoa sầu.
Mộng hồn đêm biết về đâu?
Thẫn thờ khép kín cổng dâu mấy lần!

(Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm)

Toàn bài thơ không có sử dụng một từ OÁN nào cả, nhưng cái OÁN tự nó toát lên và dàn trải suốt toàn bài thơ với mùa xuân, với chim én, với ong bướm cỏ hoa, với ánh nắng chan hòa, với gió xuân nồng ấm... nhưng trên lầu cao nàng thiếu phụ vò võ có một mình, nhớ đến chồng đang ở tận miền biên ải xa xôi không biết ngày nào mới trở lại. Nàng điểm trang để đợi chờ trong thất vọng, rồi cô đơn lặng lẽ khép kín cửa nhà và khép kín cả phòng the. Thế mới hay, nếu không có tình yêu thì dù cho mùa xuân có ấm áp, có đẹp đẽ, có nên thơ đến đâu cũng trở nên vô nghĩa ... và càng làm cho cái oán vút cao hơn mà thôi.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Các Bài Dịch:

Nói Thay Khuê Đợi Mộng Về 

1-
Tuổi trẻ ngoài biên ải
Lầu cao ngút mắt theo
Ấm nồng mang yếm mới
Mở kính kiếm xuân chiều

Én lượn bên màn lụa
Ong về đậu áo thêu
Gợn tình đào lý thắm
Lòng gởi sáo đàn reo

Trang điểm sáng trông đợi
Gió hoa chẳng viếng chiều
Nơi nao hồn mộng đến?
Lẳng lặng khép màn treo!


2-
Chàng ra biên ải tuổi xuân
Lầu cao mút mắt tần ngần ngó trông
Áo xiêm mặc thử còn nồng
Điểm trang soi kính ước mong xuân về

Xập xòe én liệng màn the
Ong đi tìm phấn cận kề áo hoa
Khơi tình đào lý nở ra
Lòng theo đàn sáo la đà trời không

Tinh sương trang điểm chờ mong
Gió hoa chẳng đến chiều trông lại chiều
Biết đâu hồn mộng phiêu diêu?
Thôi đành lẳng lặng màn treo khép hờ!

Lộc Bắc
Sept21
***
Đáp Thay Khuê Mộng Hoàn

Chàng đi trấn thủ xa xôi
Khuê phòng thiếp mãi trông vời tài trai
Mặc vào chiếc yếm mới may
Lược gương trang điểm xuân lai ấm nồng

Xuyên rèm én liệng trời không
Đóa hoa thêu áo bướm ong lượn lờ
Lý Đào khoe sắc mộng mơ
Tiếng lòng riêng gởi bụi mờ người xa

Sớm mai nhan sắc mượt mà
Chiều mong ngóng đợi cánh hoa phai mầu
Nửa khuya vào mộng tìm nhau
Sao tàn lặng lẽ cửa sau khép hờ! 

Kim Oanh

Tình Cha

 


Thơ & Trình Bày: Ý Nga

Đi Thăm New Orleans, Louisiana


Vào cuối tháng 4 nhân con đi công tác ở New Orleans, tôi đi theo. Lúc ấy tuy mùa Xuân nhưng vùng Fairfax, Virginia còn lạnh, ra khỏi nhà phải mặc áo khoác, khăn quàng. Tuy nhiên hoa Xuân như đổ quyên (azalea) rực rỡ đó đây, hoa dogwood hồng, trắng còn đầy cành. Các loại hoa khác như hoa đào đã tàn, hoa hồng mới có nụ.Có hôm trời nắng rất đẹp nhưng có hôm trời âm u, mưa. Cũng không có gì phàn nàn, mưa cho cây tươi tốt, cho cỏ thêm xanh. Vã lại người ta nói’’ mưa tháng 4 để có hoa đẹp tháng 5”. Virginia còn lạnh nhưng khí tượng cho biết New Orleans, Louisiana ấm áp, thời tiết tốt lắm.

Từ Virginia đến New Orleans bay độ hơn 2 tiếng. Nơi thuê xe gần phi trường, họ giao cho chiếc xe 4 chỗ ngồi. Xăng ở New Orleans $3, 79 trong khi Virginia $4,44.

Đại Cương:


New Orleans là thành phố lớn, đông dân nhất tiểu bang Louisiana,nằm gần sông Mississippi gồm nhiều sắc tộc, đa văn hóa: Pháp, Mỹ, Đức, Ý, người Phi Châu, Viêt Nam, Mễ… Vì nhiều sắc dân nên có nhiều lễ hội, dân tộc nào cũng muốn giữ gìn nguồn gốc văn hóa của đất nước mình. Lễ hội được nhiều nơi trên thế giới biết tiếng như Mardi Gras tổ chức hàng năm với y phục đặc biệt cầu kỳ, nhiều màu sắc vui mắt. Ngoài ra có ngày Tết các dân tộc khác nhau: Tết ta, Tết tây, Tết, Mễ. lễ hội âm nhạc, ẩm thực, thê thao… Lễ hội Jazz Fest ở New Orleans đông đảo người tham dự. Khu French Quarter, nhà thờ thánh

Louis (St Louis Cathedral) thường có đông du khách và người địa phương thăm viếng. Hồ lớn Pontchartrain với cây cầu dài 24 dặm, nghĩa địa nhà giàu cũng đặc biệt hấp dẫn du khách. Ngoài ra còn có các đồn điền lớn ngoại ô thành phố… Đại học Tulane New Orleans rộng lớn khang trang, là 1 trong 50 Đại học nổi tiếng Hoa kỳ, có nhiều giáo sư giỏi, gồm nhiều phân khoa: kiến trúc, luật, y, kinh doanh …
Ngành du lịch mang lợi tức đáng kể cho New Orleans

Du Ngoan:


Sau khi nhận phòng khách sạn và nghỉ ngơi, buổi chiều các con đưa tôi đi lòng vòng các nơi gần khách sạn. Chúng tôi đến thị trấn (downtown) thấy các cao ốc xinh đẹp cao nghều mấy chục tầng và cầu vượt vòng vèo.Khách sạn The Ritz- Carlton 18 tầng với các gian hàng bán quà lưu niệm, cafe, thư viện ở tầng hai…Nơi nào cũng rộng, từ gian hàng nọ đến gian hàng kia mênh mông, sáng rở, hàng hóa xinh đẹp, bày biện hấp dẫn. Khách có thể bị lạc dễ dàng vì cùng một tầng có nhiều thang máy. Nếu đi nhầm, thang máy sẽ không đưa đến nơi mình muốn đến.

Xe chạy ngang qua khu nhà người có lợi tức thấp. Là nhà riêng nhưng bé nhỏ, sân đầy cỏ dại, thấy những thanh niên, các người già da màu ngồi trước nhà hút thuốc, uống bia nhìn người qua lại. Khi đến khu Garden District thấy các biệt thự xinh đẹp cây cỏ xanh tươi,hoa rực rỡ trong sân,hàng rào sắt bao quanh.Dọc theo lề đường rộng rãi khu vực này có hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi cho bóng mát. Trận bão Katrina năm 2005 không làm hư hại nhà và các cây cổ thụ vùng này chăng.

Xe cũng chạy ngang qua trường Đại học Tulane. Các con cho biết trường tốt nhưng học phí đắt, gần 70.000 mỹ kim một năm. Tuy nhiên trường cũng cho học bổng toàn phần hay bán phần cho sinh viên nghèo, học giỏi.

Business District:

Khi chúng tôi đến khu buôn bán thành phố đã lên đèn sáng rực rỡ. Đường nhiều xe quá, nhích nhích từ chút nhất là khu French Quarter. Người đi bộ cũng đông. Các tiệm buôn vui mắt với hàng hóa và khách ra vào. Nhiều quán rượu, nhà hàng ăn uống có nhạc jazz. Tuy đậu xe trả tiền nhưng đến muộn hết chỗ đành phải quay về tìm nơi ăn tối. Đến tiệm Hải Sản đường Metairie, thấy nhiều người xếp hàng. Cô tiếp tân cho biết phải chờ khoảng 1 tiếng mới có chỗ bèn đi nơi khác. Crawfish ở New Orleans to gấp 3 lần crawfish ở Virginia, cua cũng to.

Oak Alley Plantation


Hôm sau chúng tôi đi thăm đồn điền Oak Alley nằm gần sông Mississippi cách khách sạn khoảng hơn 2 giờ lái xe. Đứng từ cổng đồn điền thấy tàu chạy trên sông. Chúng tôi đến khoảng 10 giờ nhưng bãi đậu xe gần đầy, xe nhà, xe bus, xe van…Xe chạy gần đến đồn điền thấy đồng cỏ xanh mênh mông và những bò đang gặm cỏ. Không thấy con ngựa nào cả? Cũng có vài nhà nhỏ như nông trại trên cánh đồng gần đường cái. Gần đến đồn điền có ngôi nhà cổ kính rất to, đẹp với hai hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi trồng dọc hai bên lối đi vào ngôi nhà. Nhà bán vé nhỏ, xinh xắn nằm gần cổng. Nơi đây họ trồng hoa kiểng tươi tốt, có bàn ghế ngồi giải lao dưới tàng cây bóng mát. Tôi đến nhà bán vé lấy mấy tờ quảng cáo nhưng không vào bên trong đồn điền. Phòng bán vé cho biết phải đi bộ nhiều, khá xa. Theo tài liệu phòng bán vé chủ nhân trang trại và gia đình cư ngụ nơi” nhà to” với trang trí của họ cách đây cả 100 năm được gọi là “ big house”. Các bàn ghế giường ngủ, chăn nệm các nhà giàu thời xưa, gồm cả, dụng cụ nhà bếp …


Ngày trước các ông chủ trồng mía làm đường, trồng bông vải,chăn nuôi gia súc, gia cầm nên cần nhiều công nhân. Ngoài ra còn có vườn hoa phía Đông và phía Tây, cây trái cần chăm sóc, (Tây viên, Động viên : West and East garden) Các nhà nhỏ là nơi công nhân, các người giúp việc đồn điền nghỉ ngơi, ăn, ở. Phần lớn người giúp việc là người da màu. Họ được trả tự do sau nội chiến Nam-Bắc.


Ngày nay người ta ép mía bằng máy. Tôi chẳng thấy ruộng mía nên không biết người ta còn trồng mía không. Nếu mua vé đi tua sẽ có thuyết trình viên thuyết minh rõ ràng chi tiết hơn nhưng với 2 đầu gối bị mổ, tôi ngại đi bộ xa. Buổi chiều nhà thơ M G và con gái đến đón tôi đi thưởng thức Cafe Du Monde và bánh beignets. Đây là chi nhánh. Tiệm chính ở French Quarter chờ lâu lắm mới có bàn. Nơi đây cũng đông nhưng không phải xếp hàng. Bánh Beignets ngon thật. Tôi có thưởng thức bánh Beignets vài nơi khác nhưng bánh New Orleans ngon nhất, theo tôi. M G cho biết bánh nên dùng khi còn nóng. Một ly cafe sữa nóng, 1 dĩa bánh beignets là no rồi, đâu muốn dùng thêm món chi khác. Lúc về nhà thơ còn tặng hộp Cafe du Monde nhãn xanh. Cafe Du Monde nhãn vàng có nhiều nơi bán nhưng chẳng mấy tiêm bán Cafe Du Monde nhãn xanh. Khách sạn nơi tôi ở có bán nhưng giá 20$ 50/ hộp, mắc gấp 3 lần tiệm Cafe Du Monde.

French Quarter:

  
Hôm sau chúng tôi đến French Quarter vào buổi sáng khoảng 9g30 và tìm được chỗ đậu xe. Các tiệm buôn đã mở cửa và thiên hạ đã xếp hàng dọc dài lề đường nơi tiệm Cafe Du Monde, chờ đợi từ 20 đến 40 phút mới có chỗ ngồi. Đi ngang quầy “To Go”, mua cafe, bánh mang về nhà, người đứng đợi cũng đông. Hai nhân viên đứng trao hàng, nhận tiền bận bịu tíu tít. Thiên hạ xếp hàng để vào bên trong thưởng thức cafe nhiều lắm. Cái hàng dài ngoằn. M. G. dặn tôi là đừng ra Cafe du Monde ở French Quarter vì người xấu lợi dụng sắp hàng đông đúc móc túi, rọc ví… Tiêm Cafe Du Monde chính rộng lớn hơn chi nhánh, nằm gần sông Mississippi. Đứng ở tiêm thấy tàu chạy dưới sông. Cùng một dãy với tiệm cafe có những tiệm bán quần áo trẻ con người lớn, tiệm bán toàn cà vạt, đủ màu, đủ kiểu, tiêm bán y phục phụ nữ…, giá tiền đắt hơn Virginia. Tiệm bánh ngọt và cafe, trà, quà lưu niệm rất đông khách. Lề đường rộng, nhiều bộ hành. Các chiếc xe bus to hop-on, hop-off với các hình ảnh trang trí vui mắt, chở đầy khách chạy qua lại chầm chậm trên các đường chính.


Chúng tôi đi bộ quãng ngắn đến Jackson Square thấy nhà thờ Thánh Louis (St Louis Cathedral). Nơi đây kẻ qua người, đông đảo, nhộn nhịp. Con đường trước nhà thờ có hàng dài xe ngựa đậu chờ đón khách... Xe bus 2 tầng với các hình vẽ vui , xe ngựa sơn xanh đỏ chở hành khách thăm viếng các nơi trong thành phố..Các lề đường chung quanh nhà thờ và khu French Quarter rất đông người bộ. Họ xem các họa sĩ bày bán các bức tranh treo đầy kín trên tường rào nhà thờ. Có nghệ sĩ ngồi vẽ và có người ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ chân dung. Phong cảnh nơi đây rất giống khu Montmartre Paris, Pháp. Có nghệ sĩ đường phố trình diễn âm nhạc. Cậu bé da màu chừng 15, 16 tuổi, đánh trống tài tình, nhiều người bỏ tiền vào cái nón trước mặt cậu. Nhà thờ St Louis to, đẹp và giữa sân, chung quanh bức tượng người ta trồng nhiều hoa hồng đang nở rộ.


Chúng tôi đi ngược lại đến cuối đường, nơi có tượng Jeanne d’Arc đươc nước Pháp tặng cho tiểu bang Louisiana. Đối diện với Joan of Arc monument có tiêm Cafe cũng đông khách nhưng không ai phải xếp hàng.

Xe chay ngang khu nghĩa địa nhà giàu có tường rào, có cổng. Một người mặc sắc phục đứng ở cổng, nhiều người xếp hàng nhưng không ai vào bên trong, chưa tới giờ thăm viếng? Khi xe chạy đến gần nơi trình diễn nhạc Jazz thấy người ta sắp hàng thật đông, cái hàng dài ngoằn để mua vé nghe nhạc. Thật tình tôi chưa bao giờ thấy người ta sắp hàng dài như thế, dài gấp mấy lần ở Café Du Monde. Nhớ khi ăn tối chiều hôm qua gặp một trung niên Việt Nam. Anh cho biết anh ở Cali đến New Orleans xem trình diễn nhạc jazz. Vì là mùa Jazz Festival phải đến sớm mới mua được vé.


Hồ Pontchartrain (Pontchartrain Lake):

Vào xế chiều chúng tôi đi xem mặt trời lặn ở Hồ Pontchartrain. Hồ Pontchartrain ở New Orleans rộng nhất trong các hồ Hoa Kỳ với diện tích 630 dặm vuông, hình bầu dục (oval). Từ Nam đến Bắc dài 39km, từ Đông sang Tây 64km, sâu từ 3,7mét đến 4,3 mét. Gọi là hồ nhưng mênh mông chẳng thấy bờ bến. Mặt hồ phẳng lặng, nước xanh xanh. Người ta câu cá, xem chim, cò quanh hồ, thả thuyền buồm hay giải trí với bạn hữu trong những cái yacht sang trọng có đàn hát, ẩm thực… Cây cầu dài 24 dặm dài nối liền hai bờ Nam và Bắc. Cầu có thu tiền tô (bridge toll). Trên cầu mỗi dặm có ghi số thứ tự: số 1 đến số 24… Là người lái xe cũ tôi nghĩ các số nơi các cây cột thật ích lợi. Thí dụ xe bị trục trặc cần xe tow họ sẽ biết xe hư đang ở cột số mấy trên cầu, tiện lợi quá. Bên kia cầu là ngoại ô nhưng cũng có khu buôn bán, cây xăng, nhà thuốc, tiệm thực phẩm, nhà hàng ăn uống và đường xe chạy rộng rãi, sạch sẽ.

Nhà khu gần cầu khang trang xinh xắn, cây lá xanh tươi, trông thanh bình no ấm. Có lẽ nhà, tiêm buôn được tái thiết sau bão Katrina tàn phá năm 2005 nên không thấy vết tích hư hại do trận bão lớn năm xưa. Mặt trời xuống thấp dần, vàng rực góc trời Tây, phản chiếu ánh nắng chiều trên mặt nước xanh rất đẹp và từ từ biến mất nơi chân trời xa.

Thưa quý độc giả tôi ghi lại những gì nghe thấy trong chuyến đi ngắn ngày như “ mù sờ voi” , dĩ nhiên còn nhiều thiếu sót.Tuy nhiên càng đi nhiều nơi tôi càng ngưỡng mộ sự văn minh hiện đại, các bộ óc siêu việt người Hoa Kỳ. Họ thay tim, đổi thận, làm chân giả, cất nhà trên núi cao, xây cầu trên vịnh (bay), trên hồ sâu, xẻ núi làm đường hầm xe chạy… nghe như chuyện hoang đường nhưng có thật. Ngoài ra họ có lòng nhân hậu,phóng thích nô lệ, cưu mang những người không cùng tiếng nói màu da, cho nhà ở, tạo cơ hội học hành, tìm việc làm…

Tôi cầu mong mọi người trên thế giới trong đó có đồng bào tôi đều an lành khỏe mạnh, có công việc làm ăn tử tế, không còn chiến tranh, hết dịch cúm Covid, trẻ em đến trường. Ai cũng sống binh an trong yêu thương.

Thương người và được người thương…
Ngoc Hạnh

Câu Chuyện Quả Trứng Của Christophe Colomb & Những Chuyện Khác

  

1/- Câu Chuyện Quả Trứng Của Christophe Colomb

Bây giờ là tháng 4, 1493.

Christophe Colomb đang ăn tối với những quý ông người Tây Ban Nha sau khi ông khám phá ra Thế Giới Mới; bỗng một người trong bọn họ tuyên bố:
- "Cho dù tướng công không khám phá ra Thế Giới Mới, thì ở đây, xứ sở Tây Ban Nha này, là một đất nước sở hữu vô số người tài trí tinh thông trong ngành Vũ trụ học và Văn học, cũng sẽ có một người có một ý niệm tương tự và cũng sẽ đạt được cùng một kết quả như thế.
Dù lòng tự kiêu bị xúc phạm, Christophe Colomb chưa vội trả lời.
Ông cho gọi người mang đến cho ông một quả trứng.
Ông đặt quả trứng xuống bàn và nói:
- " Thưa quý ông, tôi dám đánh cuộc rằng quý ông không thể nào để quả trứng này đứng vững, như tôi sẽ làm mà không cần sự trợ giúp nào cả.
Tất nhiên là mọi người đều cố gắng để cho quả trứng đúng vững ở phía đầu to của trứng...nhưng vô hiệu.
-"Không thể nào được", họ nói.
- "Không được ư?"
Thế là Christophe Colomb cầm quả trứng, vỗ nhẹ vào phần dưới của nó, và đã đặt được quả trứng đứng vững nhờ chỗ lõm vừa được tạo ra.
-"Ồ, đương nhiên rồi, ai ai cũng đều có thể làm như thế khi đập vào bên dưới quả trứng" các thực khách trả lời.
- "Mọi người ai cũng có thể làm được, nhưng từ nãy giờ không có ai làm cả. Thế thì việc khám phá ra Thế giới Mới của tôi cũng thế thôi:
Mọi người ai cũng có thể làm được, nhưng không một ai đã nghĩ ra điều đó.

Giai thoại này minh chứng một điều: Cho dù chúng ta có khả năng thực hiện những điều vĩ đại, nhưng rất ít người trong chúng ta có ý nghĩ sẽ xử dụng tài năng của chúng ta để THỰC HIỆN những sự việc vĩ đại.

Còn bạn của tôi thì sao, bạn sẽ thực hiện điều gì hệ trọng, bạn sẽ mưu việc gì đại sự nào?

Khuyết Danh- tháilan dịch
***
 

2/- Hoa Hồng

Thật là một điều điên rồ khi bạn thù ghét tất cả những hoa hồng chỉ vì một cái gai đâm vào tay, từ bỏ tất cả những giấc mơ bởi vì một điều mơ ước đã không trở thành hiện thực, ngừng hẳn những nổ lực bởi vì ta đã thất bại.
Thật dại dột khi ta lên án toàn bộ những tình bằng hữu chỉ vì ta đã bị phản bội một lần, không còn tin tưởng vào tình yêu chỉ vì một lần ta bị tình phụ, phải từ bỏ tất cả những cơ hội được hạnh phúc chỉ vì có một việc đã đi sai hướng.
Bạn hãy nhớ rằng lúc nào cũng có một cơ hội khác, một người bạn khác, một tình yêu khác, một động lực vừa được nảy sinh .
Đối với bất kỳ đoạn kết nào, luôn luôn có một điểm khởi đầu hoàn toàn mới lạ.

Cậu Hoàng Con - Le Pêtit Prince - St Exupery 

***

3/- Những Điều Không Nói Ra Sẽ Làm Hại Ta

Bạn có biết những điều không nói ra sẽ đi về đâu không?
Điều gì bạn muốn làm nhưng đã không thực hiện sẽ đi đâu?
Những cảm giác bạn tự kềm chế sẽ trôi đi đâu?
Ta mong muốn biết bao những việc này sẽ đi vào lãng quên, nhưng bạn biết không, những điều không nói ra sẽ chất chứa trong chúng ta và làm cho tâm hồn ta tràn đầy tiếng kêu thầm lặng. Những điều không thổ lộ biến thành nỗi trăn trở, thành nỗi đau đớn.
Những điều không nói ra biến thành nỗi luyến tiếc, thành giờ khắc lặng trôi. Những điều không nói ra trở thành bổn phận, thành nợ ơn. Những lời nói không được thốt lên sẽ chuyển biến thành sự tước đoạt, thành nỗi buồn đau, thành sự bất bình.
Những điều không nói ra sẽ không tự nó biến mất, mà trái lại giết hại chính ta..

Nguồn: lesmotspositifs- Nữ Lan dịch

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Đêm Tái Ngộ - Viễn Châu - Kim Trúc


Sáng Tác: Viễn Châu
Trình Bày: Kim Trúc

Nha Trang Phố Biển

Phố biển Nha Trang thật tuyệt vời!
Danh lam thắng cảnh giống Thiên Thai 
Tháp Bà cổ kính trầm thanh tịnh 
Xóm Bóng mơ màng đẹp biển khơi 
Cầu Đá lả lơi dừa đón hẹn
Bình Ba thơ mộng cát khoe mời 
Long Sơn tác phẩm nơi trân thế 
Du khách như quên lãng sự đời 

Lâm Hoài Vũ


Mừng Tuổi Lá Vàng

 

Tôi chúc mừng tôi tuổi lá rơi
Hồn thơ riêng phận ý riêng lời
Câu trao câu gửi lung linh mộng
Xin tạ ơn đời cuộc sống vui

Tôi chúc mừng tôi tuổi cuối chiều
Ngược xuôi ngang dọc chuyện thương yêu
Ân tình chiu chắt câu thơ mọn
Hoa nở cuối mùa hoa chắt chiu

Tôi chúc mừng tôi tuổi lá vàng
Đường đời vẫn bước bước thênh thang
Gặp bao giông bão sương cùng gió
Lòng vẫn lòng thơ áo vẻ vang

Tôi chúc mừng tôi thơ vẫn hồng
Trọn tình vẹn nghĩa bước đi chung
Câu thơ con chữ đầy hương sắc
Vẫn ước ao tình mãi mãi trong

Tôi chúc mừng tôi hết tuổi buồn
Đời còn dài ngắn mối tình con
Tôi trao tặng cả người yêu dấu
Có trái tim hồng dạ sắt son

Tôi chúc mừng tôi còn cõi thơ
Còn tình bằng hữu đẹp như mơ
Còn em ngày tháng cho thương nhớ
Cùng một dòng thơ ước trọn mùa.

SN 03/08/2022
Hoa Văn

Thiên Thu Tuế Dẫn 千秋歲引– Vương An Thạch



千秋歲引 - 王安石 Thiên Thu Tuế Dẫn – Vương An Thạch

秋景                        Thu Cảnh

別館寒砧,            Biệt quán hàn châm,
孤城畫角。            Cô thành họa giác.
一派秋聲入寥廓。Nhất phái thu thanh nhập liêu khuếch.
東歸燕從海上去,Đông quy yến tùng hải thượng khứ,
南來雁向沙頭落。Nam lai nhạn hướng sa đầu lạc.
楚颱風,                Sở đài phong,
庾庚樓月,            Dữu lâu nguyệt,
宛如昨。                Uyển như tạc.

無奈被些名利縛。Vô nại bị ta danh lợi phược (phọc).
無奈被他情擔閣。Vô nại bị tha tình đam các.
可惜風流總閒卻。Khả tích phong lưu tổng nhàn khước.
當初謾留華表語,Đương sơ mạn lưu hoa biểu ngữ,
而今誤我秦樓約。Nhi kim ngộ ngã tần lâu ước.
夢闌時,                Mộng lan thời,
酒醒後,                Tửu tỉnh hậu,
思量著。               Tư lương trước.

Chú Thích

1- Thiên thu tuế dẫn 千秋歲引: tên từ bài, là một biến thể của “Thiên thu tuế千秋歲”. Bài này gồm 82 chữ, đoạn trước có 4 trắc vận, đoạn sau có 5 trắc vận.

X T X B cú
B B T T vận
T T B B T B T vận
B B T X X X T cú
X B T T B B T vận
X X X cú
X X X cú
X X T vận

X T X B B T T vận
X T X B B X T vận
X X B X X B T vận
X B X X B X T cú
B B T T B B T vận
X X X cú
X X X cú
B B T vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2- Biệt quán別館: quán trọ.
3- Châm 砧: cái chầy bằng đá dùng để đập vào y phục khi giặt.
4- Họa giác畫角: cái tù và dùng trong quân đội, được chạm trổ vẽ hình.
5- Nhất phái 一派: tiếng dùng để đếm nhóm thuộc về cảnh sắc.
6- Liêu quách 寥廓: rộng rãi trống vắng, ở đây chỉ thiên không.
7- Sa đầu 沙頭: bãi cát.
8- Sở đài phong 楚颱風: gió mạnh trên Lan Đài 蘭臺 của Sở Tương Vương楚襄王. Theo bài “Phong phú 風賦” của Tống Ngọc 宋玉đời chiến quốc, Sở Vương 楚王đi chơi ở Lan Đài thì gặp một ngọn gió mạnh thổi tới. Vua lấy vạt áo che gió và nói “trận gió này sảng khoái quá!”. (Đoạn này muốn nói sự ung dung nhàn nhã đi chơi ngắm cảnh).
9- Dữu lâu 庾樓: tên căn lầu do Dữu Lượng 庾亮đời Tấn 晉xây cất lúc trấn thủ Giang Châu 江州. Em gái của Dữu Lượng là Dữu Văn Quân 庾文君hoàng hậu, vợ của Tấn Minh Đế Tư Mã Thiệu晉明帝司馬紹.
10- Dữu lâu nguyệt 庾樓月: trăng trên lầu của Dữu Lượng (Dữu Lượng và tùy tùng lên căn lầu phía nam xem trăng, hoan thưởng trăng thanh gió mát).
11- Uyển 宛: giống như, phảng phất như.
12- Vô nại 無奈 = vô khả nại hà無可奈何: không làm sao được, không làm cách nào được, không còn cách nào.
13- Ta 些: những cái, chỉ một số nhiều hơn 1.
14- Phược (phọc) 縛: trói.
15- Tha tình他情: ám chỉ ân tình của nhà vua.
16- Đam các擔閣 = đam các 耽搁: làm trì trệ công việc.
17- Phong lưu 風流: phong nhã sái thoát, không bị bó buộc.
18- Nhàn khước 閒卻 = không nhàn空閒: nhàn hạ. Trong bài này có nghĩa là bị bỏ xó không dùng đến
19- Mạn lưu漫留 = mạn lưu謾留: uổng phí.
20- Hoa biểu 華表: còn gọi là hoa biểu trụ 華表柱là một cây cột xây trước cung điện nhà vua. Vào thời vua Nghiêu 堯nó được gọi là “Phỉ báng mộc 誹謗木”, cột gỗ để người dân viết ý kiến vào đấy cho nhà vua xem. Về sau nó đã biến thành cây cột trang hoàng.
21- Hoa biểu ngữ 華表語: chỉ tấu chương dâng lời khuyên can lên hoàng thượng.
22- Tần lâu秦樓: lầu của nhà họ Tần, thường được mượn để chỉ nơi ở của phụ nữ. Tần lâu ước秦樓約: ước hội với người yêu. (Tần穆: xin tìm xem điển tích về nàng Tần Lộng Ngọc 穆弄玉 mà tôi đã nói rõ trong bài từ “Ức Tần Nga” của Lý Bạch thì sẽ rõ hơn).
23- Mộng lan夢闌: mộng tàn, hết mộng, mộng tỉnh.
24- Tư lương 思量: suy tư, suy nghĩ. Ta quen đọc là tư lượng.
25- Trước著: biểu thị động tác đang tiến hành.

Dịch Nghĩa
Cảnh thu


Tiếng chầy giặt y phục truyền đến quán trọ,
Tiếng tù và từ thành quách cô đơn.
Một nhóm âm thanh của mùa thu đi vào khoảng trời không bao la.
Chim yến đi về phương đông, từ mặt biển bay đi,
Chim nhạn đến phương nam, bay xuống đậu ở bãi cát.
(Nơi đây đã từng có chuyện) vua Sở đi chơi ở Lan đài bị gió thu thổi mạnh,
(Nơi đây đã từng có chuyện) quan Dữu Lượng và tùy tùng ngắm trăng ở nam lâu.
(Chuyện xẩy ra) phảng phất như mới ngày hôm qua.
(Thực là) không còn cách nào khác mà tôi bị danh lợi ràng buộc.
(Thực là) không làm sao được mà tôi bị ân tình (của nhà vua) làm trì trệ (cuộc sống riêng tư).
Đáng tiếc những cái phong lưu sái thoát (của đời tôi) đều bị bỏ xó.
Lúc trước, uổng phí (sau khi công danh thành toại) việc dâng biểu xin thoái hưu. (ý nói việc đáng lẽ phải làm mà không làm).
Mà nay đã lỡ mất cuộc hẹn ước của tôi với mỹ nhân nơi Tần lâu. (Tác giả tỏ ý chán ngán công việc chính trị, đã làm lỡ mất cuộc đời riêng tư của mình).
Lúc tỉnh mộng,
Sau khi tỉnh rượu,
Tôi suy nghĩ kỹ (những việc này).

Phỏng Dịch
Thu Cảnh

Lành lạnh chầy khua vang quán trọ,
Cô thành vẳng vọng tiếng tù và.
Thu thanh dìu dặt khung trời vắng,
Phơ phất tịch dương khóm cúc hoa.

Én về đông hải vội bay ngang,
Đàn nhạn xuôi nam xuống bãi hoang.
Hứng gió xem trăng đời lắm kẻ,
Tưởng như còn đó những ngày vàng.

Lợi lộc công danh trói buộc ta,
Quân vương tình cảm khó lià xa.
Cuộc đời phong nhã chìm trong xó,
Uổng phí tấu chương, năm tháng qua.

Ngày nay sai lỡ ước Tần lâu,
Giấc mộng, cơn say đã bấy lâu.
Tỉnh rượu tàn mơ giây phút ấy,
Suy tư lẽ sống cuộc đời sâu.


HHD
10-2020
***
Bản Dịch
Cảnh thu


1-

Quán trọ chày vang
Thành cô sừng rúc
Một loại tiếng thu lan cùng khắp
Đông hướng, yến bay ra biển rộng
Nam về, nhạn đậu trên bãi cát
Gió Sở đài
Trăng lầu Dữu
Còn vương vất.
Vô phương, ta lợi danh trói buộc
Vô phương, bị ân tình tan tác
Đáng tiếc phong lưu thảy bỏ mất
Lúc trước biểu về hưu bỏ phí
Nay, ta lỡ lầu Tần hẹn ước
Lúc mộng tan
Sau tỉnh rượu
Nghĩ suy được.


2-

Quán trọ tiếng chày vang
Thành cô tù và rúc
Tiêng thu lan cùng khắp
Đông hướng yến biển khơi
Nam về nhạn bờ cát
Trăng lầu Dữu, gió Sở đài
Còn vương vất mãi như ngày hôm qua!
Vô phương cách, lợi danh trói buộc
Cũng vô phương, trì trệ tình ai
Phong lưu đáng tiếc phí hoài
Khi xưa bỏ uổng hưu ngay đến lần
Nay, ta lỡ lầu Tần hẹn ước
Sau mộng tan, say dứt; nghĩ suy!


Lộc Bắc

Bài Ca Mùa Xuân



Vạn vật bừng lên biết nói cười 
Người người vui vẻ đón xuân tươi 
Núi non kẻ lại vành môi thắm 
Sóng nước lung linh ánh mặt trời

Dư lệ hôm nao không còn nữa 
Thiên thần về ngự, bé rong chơi
Đường đi hoa nở khoe nhan sắc 
Cải lão hoàn đồng đâu cũng vui 

Thông đàn hoà nhạc, chim ca hát 
Với cánh mây bay tít tận trời 
Ta khẽ thì thầm: Cảm ơn Chúa,
Cảm ơn Phật độ đến muôn loài
.
Thư Khanh
" Cao Nguyên Tình Xanh "
Seattle- Bên bến sông Fremont 2022


Mời Thưởng Thức Thơ Nhạc


Thưa quý Anh Chị

Xin mời các anh chị thưởng thức bài thơ Hoa Xuân Vô Thường của GS Lê Đình Thông. Anh Thông là một người đa tài, ngoài nghề chuyên môn dạy học môn Công Pháp Quốc Tế, anh còn là người rất uyên bác về khoa học và văn học, làm thơ, viết nhiều tiểu luận về nhận định văn học. Nhưng cộng đồng hải ngoại biết đến anh nhiều qua nhiều năm trả lời trên các đài phát thanh quốc tế như VOA, RFI… về luật pháp và những tình hình chịnh trị thế giới, trong có Việt Nam. Xin nói thêm: Cũng như các vị khác: GS Nguyễn Văn Ái, GS Lê Đình Thông, GS Trần Văn Cảnh, BS Nguyễn Bá Hậu… là những khuôn mặt tích cực trong Cộng Đồng Công Giáo ở Paris.

Nhận được bài thơ hay, tôi xin chuyển đến các anh chị cùng thưởng thức. Bài thơ Hoa Xuân Vô Thường mang tính tâm linh, dịch lý, bắt nguồn từ triết lý cổ đại của Trung Hoa. Thuyết Ngũ Hành Âm Dương tương sinh tương khắc được giáo sư Lê Đình Thông đưa vào thơ, muợn cánh hoa gồm hình tướng là sắc và vô tướng là hương để diễn tả kiếp nhân sinh. Nhà thơ kết luận 2 câu thơ ở đoạn cuối có câu : Lưu thủy hành vân: (nước chảy mây trôi ), đây là một thể điệu của cải Lương. Cung Oán: cũng là thể điệu cải Lương (Tứ Đại Oán). Ở trên đời cho dù đóa hoa có hương sắc nhưng rồi cũng tàn phai nên nhà thơ dùng chữ cung oán thật tuyệt! Ngoài ra bài thơ còn đượm thắm chất triết lý Phật giáo: Vô thường.

Trong một buổi sinh hoạt văn học ở Paris do nhà thơ Cung Chi, Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách tổ chức ở giáo xứ Paris, hôm đó có 3 tác giả được giới thiệu về Tác Phẩm và Con Người: GS Nguyễn Văn Ái do GS Lê Đình Thông giới thiệu, GS Minh Châu Thái Hạc Oanh do GS Tạ Thanh Minh Khánh giới thiệu và BS Nguyễn Bá Hậu do tôi giới thiệu.

Xin mời các anh chị thưởng thức bài thơ Nợ tình của nhà thơ Vân Uyên GSBS Nguyễn Văn Ái. Đây là bài thơ tâm linh vì mang tính thần học. Bài thơ Tình tuyệt thật vời đối với tình nghĩa vợ chồng, nhưng Tình ở đây còn là Tình Trời. Nhà thơ tự hỏi:"Tình duyên vợ chồng ở dương thế rất đằm thắm, nhưng khi lìa cõi đời, hồn ở cõi thiên đàng có tái hợp, còn là vợ chồng? Nhà thơ Vân Uyên diễn tả nếp sống đạo nội tâm qua những vần thơ, không những trong những bài thuần túy tôn giáo: Cây Thập Tự, Tấm Mồ Không, Người Là Ai, Tình Ta Với Tình, Thiên Chi Đạo, Sách Khải Huyền, nhưng cả trong những bài thơ tả cảnh hay tả tình đời.

Thơ là lời của Người, mà Tình là của Trời, làm liên tưởng tới ‘Ngôi Lời’ nói lên bằng lời của loài người tình yêu thầm kín của Trời ‘Thiên Chúa – Tình Yêu’.
Viết một bài thơ hay đã khó, viết một bài thơ vừa thấm nhuần lẽ đạo, vừa thật là thơ lại còn khó hơn nhiều. Những bài thơ như vậy nâng tâm hồn lên những tầng trời thăm thẳm nghĩa yêu. Đây mới thật là những bài Thơ Tình, vì nói về Tình viết chữ hoa (Tình Đời, Tình Đạo, Tình Người, Tình Trời ). Nhưng tất cả sẽ chỉ là ảo ảnh, là huyền bí, là dấu hỏi,
"Tình Trời duyên Tội lẽ u minh"
Bài: Nợ Tình)

Tôi đã phổ bài này để tặng sinh nhật cuối cùng thứ 95 của nhà thơ vân Uyên, tôi đã đàn và hát cho ông nghe, ông rất hài lòng. Mười ngày sau ông mất! Mãi đến 7 năm sau tôi mới tìm một chất giọng phù hợp với ca khúc, do nhạc sĩ Liên Bình Định giới thiệu. Đó là Ca sĩ Diệu Hiền một giáo sư thanh nhạc, cô trình bày cùng với sự hòa âm phối khí của nhạc sĩ Duy Hoàng. Tôi mới ca khúc và bài thơ cùa giáo sư Lê Đình Thông nên chuyển đến các anh chị mời thưởng thức.
Kính qúy Anh Chị và gia đình luôn bình an và nhiều sức khỏe.

Thân mến

Hoa Xuân Vô Thường

Bên thân cây già nua đã tróc vỏ
Có bông hoa năm cánh trắng ngũ hành
Cây bách niên vươn trời xanh sáng tỏ
Nụ hoa thơm theo gió sẽ phai tàn.

Hoa vô thường năm cánh chóng phôi pha
Cuộc nhân sinh : kim, mộc sẽ mau qua
Rồi nối tiếp tam hành : thủy, hỏa, thổ
Như cuốn trôi theo ghềnh thác cõi xa.

Lúc sinh ra, hành ‘kim’’ trụ nhân sinh
Tiếp theo ‘‘mộc’’, chiếc thuyền nan trôi dạt
Trên sông nước, thủy triều đầy nước mắt
Hóa hư vô, lửa thiêu đốt thân mình.

Hành thứ năm,‘‘thổ’’: cát bụi chung thân
Về lòng đất, chìm sâu trong tĩnh lặng
Kiếp vô thường, như lưu thủy hành vân
Là cung oán theo loài hoa sắc trắng.
(Lê Đình Thông)


Đỗ Bình