Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2025

Tưởng Niệm Hai Bà Trưng

      (Mồng 6 tháng 2 Âm lịch)

Bờ sông Hát muôn trùng gió lộng
Có nghe chăng tiếng vọng thời gian
Nghìn năm mây ngọc rỡ ràng
Nước xanh Lãng Bạc trăng vàng chiếu soi

Buổi nô lệ dưới thời Đông Hán
Đất Giao Châu tiếng oán lòa mây
Máu tuôn lênh láng đêm ngày
Trắng xương núi thẳm, vàng thây biển ngoài

Thế giặc mạnh như loài quỷ dữ
Lòng nữ nhi hai chữ Trung Trinh
Quyết đem chí lớn đáp đền
Thù nhà, nợ nước vẹn tuyền cả hai

Chống bạo ngược, cờ bay phấp phới
Tuốt gươm thiêng sáng chói cầm tay
Lên voi chỉ hướng ải ngoài
Hai Bà ra trận, đông đoài giặc tan

Trang sử mới huy hoàng vừa mở
Dựng cơ đồ một thuở Mê Linh
Khăn tang chưa ráo lệ tình
Đã nghe vó ngựa ngoài Kinh dập dồn

Giặc lại đến rửa hờn trận trước
Ỷ thế đông như nước tràn bờ
Hai Bà lực yếu thế cô
Sông ngăn phía trước, bụi mờ tuyến sau

Quyết không để sa vào tay giặc
Giòng nước sâu gieo ngọc vùi thân
Đang cơn khuynh quốc vong thành
Chết vinh quang, chỉ một lần ấy thôi

Gương tiết liệt muôn đời chiếu sáng
Chí quật cường tỏa rạng năm châu
Khí thiêng kết tụ nhiệm mầu
Long lanh Lưỡng Ngọc nằm sâu đáy hồ

Quang Hà

Noi Gương Trng Nữ Vương


Tưởng niệm Trưng Nữ Vương (06/02 Âm Lịch)

Uy dũng hào hùng Trưng Nữ Vương.
Anh thư quật khởi chí can trường.
Kiêu hùng xua đuổi quân Đông Hán.
Bất khuất không hàng giặc bắc phương.

Thống trị đọa đầy gieo huyết lệ.
Diệt tan xâm lược cứu quê hương.
Muôn dân thoát cảnh đời trâu ngựa.
Hậu thế ngàn năm tỏa sáng gương.

Lâm Hoài Vũ
(Trích thi tập Giấc Mơ Hoa)
+++
Ngàn năm nô, hận giặc Tàu
Thù nhà nợ nước nỗi đau ngập lòng
Chị em rửa mối thù chồng
Trưng Vương khởi nghĩa triều Đông Định tàn.
***
Cảm Tác:

Tưởng Niệm Trưng Vương

Tình thần nhị tướng chốn quan san.
Khởi nghĩa Trưng Vương chiến tích vang.
Diệt Hán hung tàn gìn Tổ quốc.
Tiêu triều bạo ngược giữ Giang san.

Thù nhà rửa sạch xong oan ức.
Nợ nước ơn đền trả hận mang.
Tưởng niệm anh hùng gương liệt nữ.
Tháng hai ngày sáu sử ghi trang.*

Tuyến Lê.


(*) Ngày lễ hai bà Trưng mủng 6-2 Âm lịch.


Ân Tình - Nguyễn Văn Diệm - Trần Đại Bản - Ngọc Quy


Sáng Tác: Nguyễn Văn Diệm & Trần Đại Bản
Trình Bày: Ngọc Quy
Thực Hiện: Ban Tran4325

Mẫu Nghi Thiên Hạ


Phụ nữ ngày nay giỏi quá thôi
Học lên tiến sĩ rạng danh đời
Chức trọng quyền cao sang vượt bực
Nhà to cửa rộng đẹp siêu vời

Gia phong phụ mẫu theo nền nếp
Xã tắc thần dân hợp vị ngôi
Xứng đáng vinh danh cho hậu thế
Hết lòng trân quí tấm gương soi.

(Đáp ứng Mốt Rởm A Còng @ /KPM_8/3/25)

CN-HNT 
Mar.8.25
***
(Nhân ngày 8/3)

Phụ nữ trẻ giờ khiếp quá thôi!
Tóc nâu,má phấn,mắt xanh ngời.
Học đòi áo trễ , khoe bầu ngực,
Ham chuộng quần đùi, nhếch khóe môi.

Ý hợp tâm đầu, quy nhóm đứng
Lòng ưa dạ thích, kết bè ngồi.
Lược, gương,son phấn ngừa thai thuốc,
Dè bỉu,hờn ghen kẻ xét soi!


8/3/2018_8/3/2025

Kính Lúp (KPM)

Nội Tướng

(Thơ vui mừng ngày Phụ Nữ 8 tháng 3)

Phụ nữ thời nay quá giỏi giang
Tài năng văn võ kém chi nam
Lừng danh bốn cõi gương oanh liệt
Lưu tiếng ngàn thu dấu vẻ vang

Nếp sống gia đình xưa vẫn trọng
Mô hình xã hội mới luôn mang
Ra tay gánh vác nhiều công việc
Há chẳng lên ngôi chủ thế gian ?

CN-HNT, 
 Mar.7.2023

Chuyện Tình Mình


Em yêu ơi! Hãy nghe anh kể lại
Chuyện tình mình muôn thuở vẫn không quên
Nhớ ngày xưa hoa nắng trải bên thềm
Em vẫn ngủ mà quên đi cuộc hẹn.

Rồi em đến như thuyền tình cặp bến
Ngồi bên em anh nói chuyện ngày sau
Mới quen em mà tim đã dạt dào
Như sóng biển lâng lâng người lính trẻ.

Em lộng lẫy dịu hiền như tiên nữ
Mái tóc dài che lấp má hây hây
Mắt mơ huyền làm rung động ngất ngây
Đôi môi thắm như anh đào chớm nở.

Sau những buổi hẹn hò như mở ngõ
Mình yêu nhau thề trọn kiếp không phai
Dìu nhau đi trên khắp nẻo đường dài
Sống hạnh phúc dù chông gai bão tố.

Cuộc đổi đời làm chim xa lìa tổ
Bốn năm dài lặng lẽ sống cô đơn
Ôm tủi hờn nơi nước độc rừng thiêng
Cố nhẫn nhục mới mong ngày xum họp.

Em ở nhà lao động nhiều khó nhọc
Để nuôi con và nuôi cả chồng tù
Tương lai chỉ là bóng tối âm u
Như địa ngục phủ đầy trên dương thế.

Ngày trở về tưởng rằng trên đất Mẹ
Vẫn còn có chỗ để được dung thân
Nào ngờ đâu kinh tế mới giết dần
Kiếp người sống không bằng thân trâu ngựa.

Anh vượt biên ra đi tìm đất hứa
Dù biết rằng mạng sống quá mong manh
Thượng Đế thương ban cho cuộc hải trình
Được đến bến bình an trên đất mới.

Mình yêu nhau có làm chi nên tội
Mấy năm dài ngăn cách sống đôi nơi
Một mình anh cô độc ở phương trời
Em đơn lẻ nơi quê nhà diệu vợi.

Hai lần ly xa chan hòa nước mắt
Những tưởng rằng vĩnh viễn chẳng gặp nhau
Thượng Đế thương ban cho phép nhiệm mầu
Nơi xứ lạ mừng vui ngày đoàn tụ.

Trong cuộc đời ly hương nhiều gian khổ
Kiếp lưu vong phải nhẫn nhục trăm bề
Nặng ân tình em giữ trọn phu thê
Anh hạnh phúc bên vợ hiền tuyệt diệu.

Hôm nay lễ TÌNH YÊU như huyền thoại
Bẩy mấy tuổi đời bên vợ bên con
Viết bài thơ tặng người vợ sắt son
Niềm chung thủy muôn đời anh ghi nhớ.

Lâm Hoài Vũ

Dòng Suối Đêm

 

Ta còn một nửa vầng trăng
Người đầy nắng sáng mênh mang mặt trời
Thù lao sao nỡ lại đòi
Còn gì để trả cho người. Hỡi ôi!
Thôi thì trả nốt khung trời
Nửa vầng trăng, nửa cuộc đời âm u
Bên người. Có lẽ vào thu
Bên ta dáng hạ ngồi ru sao buồn
Trần gian chảy xuống hai nguồn
Dòng dương hệ, dòng sao cuồng chảy xuôi
Trả người dòng suối đêm tôi
Bọt sao từng chiếc nổi trôi lưu đày
Tôi ngồi soi lại hình hài
Mắt sâu theo nước đêm dài ra khơi
Nửa vầng trăng trả mất rồi
Chỉ còn con suối cuộc đời tối đen

Hoài Tử


漁家傲 - 李清照 Ngư Gia Ngạo – Lý Thanh Chiếu


漁家傲 - 李清照  Ngư Gia Ngạo – Lý Thanh Chiếu

天接雲濤連曉霧。 Thiên tiếp vân đào liên hiểu vụ.
星河欲轉千帆舞。 Tinh hà dục chuyển thiên phàm vũ.
仿佛夢魂歸帝所。 Phảng phất mộng hồn quy đế sở.
聞天語。 Văn thiên ngữ.
殷勤問我歸何處。 Ân cần vấn ngã quy hà xứ.

我報路長嗟日暮。 Ngã báo lộ trường ta nhật mộ.
學詩謾有驚人句。 Học thi mạn hữu kinh nhân cú.
九萬里風鵬正舉。 Cửu vạn lý phong bằng chính cử.
風休住。 Phong hưu trú.
蓬舟吹取三山去。 Bồng châu xuy thủ tam sơn khứ.

Chú Thích

1 Ngư gia ngạo 漁家傲: tên từ bài, tên khác là “Ngư ca tử 渔歌子”, “Ngư phụ từ 渔父詞”, gồm 62 chữ, đoạn trước và đoạn sau đều có 5 câu, 5 trắc vận. Cách luật:

X X X X B X T vận
X B X T X B T vận
X T X B B T T vận
B X T vận
X X X X B B T vận

X T X B B T T vận
X B X X B B T vận
X T X B B X T vận
X X T vận
X B X T B B T vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; vận: vần
2 Vân đào 雲濤: mây cuồn cuộn như sóng.
3 Hiểu vụ 曉霧: sương sớm.
4 Tinh hà 星河: ngân hà銀河.
5 Chuyển 轉: xoay chuyển. Bản khác chép “Thự 曙: ánh sáng sớm, rạng đông”.
6 Mộng hồn 夢魂: linh hồn. Người xưa cho rằng trong lúc ngủ, linh hồn có thể ly khai thân thể, cho nên gọi là mộng hồn.
7 Đế sở 帝所: nơi thượng đế ở.
8 Thiên ngữ 天語: lời nói của thượng đế.
9 Ân cần 殷勤: rất quan tâm tới.
10 Lộ trường ta nhật mộ 路長嗟日暮: đường còn xa, than rằng ngày đã tối, mượn ý của Khuất Nguyên trong bài phú “Ly tao 離騷”: “Lộ mạn mạn kỳ tu viễn 路曼曼其修遠: đường dần dài xa” và “Nhật hốt hốt kỳ tương mộ 日忽忽其將暮: ngày bất chợt sắp tối”.
11 Ta 嗟: than thở.
12 Mạn hữu 謾有: chỉ có, lại có.
13 Kinh nhân cú 驚人句: câu thơ làm người đọc kinh ngạc.
14 Cửu vạn lý phong bằng 九萬里風鵬: Sách Trang Tử chương Tiêu Dao Du (莊子·逍遙遊) nói chim: “Bằng 鵬” cưỡi gió bay trên độ cao chín vạn dặm. Chim bằng là con chim trong truyền thuyết thần thoại.
15 Hưu 休: đừng, chớ. Trú (trụ) 住: thôi, ngừng.
16 Bồng châu 蓬舟: con thuyền xoay chuyển trong gió như cỏ bồng.
17 Xuy thủ 吹取: thổi được.
18 Tam sơn 三山: 3 ngọn núi ở Bột Hải 渤海 do người tiên ở là Bồng lai 蓬萊 (còn gọi là Bồng Hồ 蓬壺), Phương trượng 方丈 và Doanh châu 瀛洲.

Dịch Nghĩa

Bài từ theo điệu Ngư gia ngạo của Lý Thanh Chiếu.
Trời bao la như nối với sông nước. Sương sớm bao trùm cả tầng mây.
Dải ngân hà xoay chuyển, tinh tú vô số như hằng ngàn cánh buồm đang múa may lướt sóng.
Mộng hồn của tôi phảng phất như về đến Thiên đình.
Tôi nghe tiếng Thượng đế nói, ân cần hỏi tôi đi đâu?
Tôi trả lời rằng: đường còn xa mà phải than rằng ngày đã tối (Tôi còn nhiều việc phải làm nhưng tiếc thay tuổi đã già rồi)
Học làm thơ, được những câu người đời khen ngợi (cũng chỉ là vô bổ).
Chín vạn dặm trời gió, chim bằng chính bay cao,
Xin gió hãy đừng ngưng thổi.
Hãy thổi cái thuyền bồng bềnh của tôi đến ba đảo Bồng lai.

Phỏng Dịch

1 Ngư Gia Ngạo - Giấc Mơ Tiên Cảnh

Sương sớm sóng mây trời tiếp nối.
Ngân hà muốn chuyển ngàn buồm trổi.
Hồn mộng về trời như phất phới.
Nghe trời nói.
Ân cần hỏi tớ về đâu đấy?

Tôi đáp đường xa than sắp tối.
Học thơ vô bổ người khen ngợi.
Chín vạn dặm chim bằng gió nổi.
Gió cứ thổi.
Núi tiên hãy thổi thuyền tôi tới.


2 Giấc Mơ Tiên Cảnh

Sóng mây trời tiếp sương mai,
Tinh hà xoay chuyển múa may ngàn buồm.
Về trời phảng phất mộng hồn,
Nghe Trời cất tiếng ôn tồn hỏi han.
Về đâu? Bẩm báo ngài rằng:

Đường xa trời tối than van mấy lời.
Học thi có tiếng trên đời,
Cũng là vô bổ kinh người khen hay.
Chín vạn dặm gió chim bay,
Gió ơi cứ thổi lắc lay con thuyền.
Hãy thổi ta tới cõi tiên.

HHD 
12-2021
***
1- Ngư gia ngạo

Sương sớm liền sóng mây, trời nối
Múa ngàn buồm, tinh tú chuyển đổi.
Hồn tôi thấp thoáng thiên đình cõi
Nghe trời nói
Ngươi về đâu? ân cần han hỏi.

Than thở rằng đường xa, ngày tối
Học thơ, làm chỉ vài câu trội
Chín vạn dặm cánh bằng bay nổi
Gió luôn thổi
Đưa thuyền cỏ đến nơi ba núi

2- Bồng Lai

Trời nối liền sóng mây-sương tụ
Múa ngàn thuyền, tinh tú chuyển xoay
Thiên đình phảng phất hồn này
Ân cần trời hỏi: về đây, chốn nhà?

Than thở rằng đường xa trời tối
Học làm thơ, câu trội vài ba
Chim bằng vạn dặm cánh xòa
Gió luôn, thuyền cỏ đến ba đảo Bồng!

Lộc Bắc
Feb25


Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Mùa Thu Trong Đôi Mắt



Đôi mắt ấy màu thu rất lạ
Dâng sầu lên nhuộm lá vàng khô
Mùa rơi rụng lấp mồ dĩ vãng
Trở nồng nàn hong dáng thu xưa

Thu chợt tới thu vừa chợt tới
Ngời lung linh ngàn ánh sao đêm
Rèm mi buông giấu niềm sâu kín
Lời tình riêng gõ cửa tâm hồn

Trộm ánh mắt nghe lòng chuyển kiếp
Tái sinh đời biên biếc mắt nai
Tiếng lẻ loi khóc những đêm dài
Xin lần nữa trang đài mộng mị

Thu còn đó nẻo về tình ý
Lá vàng rơi vướng nợ thi nhân
Hồ thu xưa gợn sóng bâng khuâng
Là người hỡi tim lần sống lại


Kim Phượng 

Thơ Tranh: Tiếng Ru

 

Thơ:Hàn Thiên Lương
Thơ Tranh: Tố Lang 

Anh Ơi Anh Ở Đâu

(Thương yêu tặng chị Hồng Thủy)

Cà phê thơm ngát sao buồn quá
Từng giọt nhỏ xuống sao buồn tênh
Nhớ anh, nhớ lắm, sao mà nhớ
Lẻ loi chiếc bóng xót xa mình!

Còn đâu những sáng anh đợi chờ
Vẫn nhìn âu yếm như ngày thơ
Món ăn soạn sẵn nơi bàn nhỏ
Bên nhau đầm ấm đẹp như mơ!

Chúng mình đang sống quá êm đềm
Sao anh đành bỏ lại mình em?
Ra vào ngẩn ngơ, mình với bóng
Thực, huyễn chập chờn trong bóng đêm

Chẳng phải tại anh, chẳng tại em
Lòng em đau xót trái tim mềm
Bắt đền anh đó, đền anh đó
Lệ nào đang làm cay mắt thêm

Vô tình khi anh lái xe đi
Mình vẫy chào nhau như mọi khi
Nào ngờ là chuyến đi vĩnh viễn
Cái hẹn thường niên thành biệt ly!

Em mất anh rồi, nhà vắng tanh
Ra vào tìm mãi bóng hình anh
Hơn sáu chục năm như mộng ảo
Buốt nhói tim em, sao anh đành?

Anh ơi, anh ơi…
Anh bỏ em thật rồi sao anh!!

Đỗ Dung

Lệ Châu



Đã mấy xuân rồi, hả bể dâu?
Những hình bóng cũ nay về đâu?
Có ai đốt lại lò hương ấy
Mà nhớ vô cùng, hỡi Lệ-Châu!

Ta nhớ em như nhớ tháng Ba*:
Ngày giờ có đó, nghĩ không ra!
Chính ta chẳng hiểu mơ hay tỉnh;
Ta ở đây mà nhớ chính ta!

Ta nhớ ta là một tiếng im,
Con thuyền không bến, máu không tim,
Không hoa cho một làn hương quyện,
Không tổ nương nhờ một cánh chim!

Ta có đầu ta – một thánh-thư:

Biết đường, đâu ngại ngã ba, tư!
Lòng ta có lửa mà không bếp,
Như thiếu trùng-dương cho hải-ngư!

Thiếu một thần-giao, một cảm-thông;
Đời không tri-kỷ, không tâm-đồng;
Bơ-vơ như trận kình+nghê-chiến:
Biển cả tung-hoành một lão-ông!

Rồi bỗng đâu đây giữa gió khơi
Có em bỗng gọi, có ta "ơi!"
Thuyền như nhắm bến, chim tìm tổ,
Đêm muốn hừng đông, hận muốn vơi ...

Em đến – gần mà như muôn trùng,
Không tên, không lấy cả hình-dung...
Nhưng em đã đến, bằng xương thịt,
Đã sưởi lòng ta ... ấm lạ-lùng!

Em có là tiên... hay là... ma
Thì em cũng đã có yêu ta!
Tình em là một nguồn thi-hứng:
Bút rỉ mười năm... lại nở hoa!

Em đã theo ta mỗi bước chân,
Hòa trong hơi thở, nhập trong gân!
Có em là bạn... nên từ đó
Ta có niềm vui tự bản-thân...

Nhưng, bỗng tư bề nổi bão đêm:
Kình-ngư còn lại bộ xương lem!
Đất thành hoang đảo! dân thành rợ!
Ngư-phủ vào tù, lạc dấu em..

Nỗi nước khôn khuây, lại nỗi nhà,
Nỗi mình khắc-khoải một mình ta!
Bao nhiêu kỷ-niệm vào tro bụi
Như những kê vàng, quá-khứ xa ...

Ôi! Những ngày xanh, những ước mơ
Tan như ảo-ảnh mống trời mưa!
Thời-gian liệm lấp vào quên-lãng
Những mộng vàng son hóa mộng hờ!

Rồi có hôm nào như hôm nay:

Gió nào gợn sóng, lá nào bay ...
Cho ta gợi lại trong tâm-tưởng
Một thoáng ân-tình, thoáng rượu say ...

Thanh Thanh

Trại Kho Đạn (Đà Nẵng), 1980-81
(*) 29/03/1975: Đà Nẵng (thủ-phủ Miền Trung) thất-thủ.


Tiếng Đêm Mưa



Lặng ngồi trong bóng đêm 
Nghe tiếng mưa bên thềm 
Gió rít như hờn dỗi 
Khiến lòng khó dịu êm 
Im lìm căn gác nhỏ 
Luyến tiếc vành môi mềm 
Vương vấn lòng như muốn 
Thêm 

Quên Đi
***
Cảm Tác:

Mỏi Mòn

Thổn thức tựa rèm thưa
Sương đêm lạnh thấm vừa
Thời gian chừng lắng đọng
Giọt buồn hay tiếng mưa
Bao năm chừ vẫn đợi
Biền biệt hỡi người xưa
Mòn mỏi mong tin nhạn
Chưa


Kim Phượng
***
Vương

Bóng  ai trong gió sương
Đơn độc bước bên đường
Khắc khoải sầu cô quạnh
Tim lòng đầy ắp thương
Trăng nghe lời tâm sự?
Đang lặng lẽ canh trường
Nhung nhớ xưa còn mãi...
Vương!

Kim Oanh


Vì Sao – Một Khúc Nhạc Của Ký Ức Và Tình Yêu


Sáng Tác: 
Thơ: Phạm Phan Lang
Nhạc:Nguyễn Tâm Hàn
Trình Bày: Hương Giang

Hôm nay, một ngày đẹp trời ở Hawaii. Từ khung cửa kính, tôi lặng ngắm vịnh Kaneohe xanh biếc, nơi những đám mây lững lờ phản chiếu trên mặt nước lung linh như một bức tranh huyền ảo. Trong không gian yên bình ấy, những giai điệu xưa vang lên, mang theo bao ký ức ùa về. Bất chợt, nhạc phẩm Vì Sao do nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn phổ từ thơ của tôi, với giọng ca đầy cảm xúc của Hương Giang, vang lên, khiến lòng tôi nghẹn ngào xúc động.

Ngược dòng thời gian, khoảng mười năm trước, vào dịp giỗ 30 năm của người chồng vắn số, tôi đã viết hai bài thơ Vì Sao và Mộng Tưởng để tưởng nhớ anh – một người đã ra đi quá sớm nhưng tình yêu và ký ức về anh vẫn mãi khắc sâu trong tim. Trong những dòng thơ ấy là nỗi nhớ khôn nguôi, là những câu hỏi không lời đáp, là niềm tiếc thương day dứt theo năm tháng.

Sau đó, tôi đã chia sẻ những bài thơ cùng hình ảnh buổi giỗ đến một số người bạn Hải Quân cùng khóa 14 với chồng. Không ngờ, trong số đó, nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn đã đón nhận những vầng thơ ấy bằng cả trái tim. Anh kể lại rằng, khi đọc thơ, anh xúc động đến mức không sao chợp mắt. Suốt đêm hôm ấy, anh lặng lẽ chắp nối những cảm xúc của hai bài thơ, để rồi từ đó, Vì Sao ra đời – một bản nhạc trầm buồn nhưng tha thiết, như một lời tự sự từ sâu thẳm tâm hồn.

Hôm nay, giữa khung cảnh thanh bình của biển trời Hawaii, khi giai điệu ấy vang lên một lần nữa, tôi như thấy mình quay về những năm tháng cũ. Nỗi nhớ vẫn vẹn nguyên, tình yêu vẫn đong đầy, và câu hỏi "Vì sao?" vẫn mãi ngân vang trong lòng.

Xin được chia sẻ cùng mọi người nhạc phẩm Vì Sao cùng hai bài thơ đã khơi nguồn cảm xúc cho ca khúc này.

Vì Sao

Ba mươi năm rồi sao?
Nghe như mới hôm nào
Một buổi mai nắng nhạt
Sóng nộ cuồng vì sao?

Anh đi rồi thật sao?
Thời gian trôi như vèo
Sao lòng còn sầu nhớ
Vẫn thẫn thờ vì sao?

Vắng anh, đời lao đao
Môi nhạt, má bớt đào
Miệng cười, mắt rưng lệ
Lòng hỏi lòng, vì sao?

Anh về trong chiêm bao
Nhìn em như thuở nào
Vòng tay ôm thắm thiết
Tỉnh mộng hỏi, vì sao?

Ba mươi năm rồi sao?
Nỗi nhớ vẫn dạt dào
Vẫn thương về người cũ
Xin đừng hỏi, vì sao?
***
Mộng Tưởng

Anh đi, đi mãi không về
Phòng khuê lẻ bóng, não nề thâu canh
Trăng khuya rọi bóng bên mành
Lung linh trên gối, tưởng anh nằm kề

Mùi hương ngày cũ chợt về
Vòng tay ôm bóng, cơn mê vội tàn
Ngẩn ngơ giấc mộng bẽ bàng
Ôm hồn cứ tưởng như chàng còn đây...

Lời Cuối

Thời gian có thể trôi đi, nhưng có những nỗi nhớ chẳng bao giờ nhạt phai. Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn đã thổi hồn vào thơ, để những cảm xúc này trở thành giai điệu, lan tỏa đến những tâm hồn đồng điệu. Và cảm ơn những ai đã lắng nghe, đã cùng tôi chia sẻ những phút giây hoài niệm này.

Kính chúc an lành và hạnh phúc.

Phạm Phan Lang


Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

Chiều Nào Em Đến Thăm - Nhạc: Hoàng Khai Nhan - Ngọc Mỹ & Ái My Duet


Nhạc: Hoàng Khai Nhan 
Ngọc Mỹ & Ái My Duet


Hương Viễn Phương

 

Mây viễn phương,
Ta cũng viễn phương
Ngược xuôi muôn dặm, cuộc tình trường
cánh chim bạt gió muôn phương đến
Tiếng hót say cùng mộng khói sương

Ta có đôi vai vầng Nhật Nguyệt
Đêm về ta có vạn vì sao
Mặc cho năm tháng bao xuôi ngược
Lòng vẫn xanh cùng đỉnh núi cao

Thế sự xem chừng cuộc tỉnh say
Nhục vinh,
Thôi chuyện thế gian này
Ta theo muôn dặm tình hoa cỏ,
Cho núi rừng hương mộng nước mây.

Ta quẩy lên vai túi vải đời
Cho tình viễn xứ đẹp dòng trôi
Biết rằng; đời lắm trò dâu bể!
Vẫn bốn mùa hương với đất trời.

New Orleans, 22/2/2025
Mặc Phương Tử.

Dễ Thương


Nắng buổi sáng đã rất vàng anh ạ!

Mưa buổi trưa rồi sẽ ướt chân em
Trăng, sao tối biết có về không nhỉ,
Và cơn gió có chuyền hương thơm ngát?

Mưa xuân ủ đủ cỏ vừa xanh mướt
Trắng, hồng, vàng… hoa nở rộ khắp nơi
Hương lâng lâng cho em thấy yêu đời
Anh!
Anh hỡi!
Xuân tưng bừng nguồn sống!

Như âm nhạc, tình tưng bừng tiếng vọng
Mình thương nhau, bao bối rối, thẹn thùng
Tình trong veo nên lời nói ngại ngùng
Ươm mơ mộng mà ướp thơm tình cảm.

Cùng tâm niệm, sẽ như hình với bóng
Vỗ về nhau lời an ủi mạch nha
Mỗi mệnh đề đều mượt tựa cánh hoa
Ta đón nhận, nâng niu điều hạnh phúc!

Điều kiều diễm từ muôn năm sáng chói
Đường thênh thang luôn ấm lửa ái tình
Có chim muông hót ngọt Đoá Hồng Xinh
Lời tình tự Suối nỉ non Vách Đá.

Anh hỏi nhỏ:
-Thương không?
Em khẻ: -Dạ!
Và hương hoa lan tỏa khắp quanh mình
Cùng thì thầm chuyện cổ tích thời bình
Gió rất lạ và môi hôn… e ấp.

Á Nghi
27.5.2008

Dấu Yêu

 

Dấu yêu,
Em hãy mở kho thơ ra,
Xem xem, còn bài nào sót lại,
Cho em đọc, vào giờ cà phê mỗi sáng mai,
Nếu không còn, là anh có lỗi.
Hãy tha thứ cho anh.

Dấu yêu,
Em hãy mở lòng em ra,
Xem xem, có lòng anh trong đó,
Để sưởi ấm lòng nhau, đêm đông.
Nếu không, anh là người thiếu bổn phận.
Hãy tha thứ cho anh.

Dấu yêu,
Em hãy mở ngỏ trái tim em ra,
Xem xem, trong đó, trái tim anh có còn hiện hữu,
Nếu có hoặc không, điều này chưa biết ai có lỗi,
Hãy tha thứ cho nhau.

Dấu yêu,
Em hãy ngó xuống vườn địa đàng,
Xem xem, cỏ hoa còn tươi vui, mượt mà, óng ả,
Giếng nước có trong trẻo, lịm ngọt,
Hương có thơm mùi dạ lý, dạ hương,
Để đêm đêm, anh gục đầu, chết khỏe.

Dấu yêu,
Phải chăng em là bùa mê, để anh vướng vào,
Phải chăng em là thuốc tiên, để anh say mê,
Phải chăng em là hố thẳm, để anh chôn đời,
Bất sá là gì đi nữa,
Em, canh bạc đời, anh chơi hết số phận.

Lê mai Lĩnh.

Ngày Xưa


Một lần gửi điện thư cho hai bạn Jack Palance và Ngô Thế Vinh,tôi cao hứng hỏi có muốn tôi viết chơi một bài cho đặc san YK68 hay không,dè đâu hai ông ấy vồ ngay lấy,thành ra mình tự mua dây buộc cổ. Nghĩ mãi, chưa biết viết gì ,đành ghi lại một số kỷ niệm của " những ngày xưa thân ái"

Tôi đậu PCB năm1961,hạng 52,sau Đỗ Văn Hiếu, nên năm thứ nhất YK,thuộc groupe F,Hiếu là chef
Lần đầu tiên đi thực tập,tụi tôi được chia tới Bệnh Viện Nguyễn Văn Học, khu nội thương
Lúc đó,thầy Rivoalen là lớn nhất,bên dưới có hai anh Nguyễn Thế Minh và Trần Lữ Y phụ tá.Ngày đầu, cả bọn đều sợ hãi,tới rất sớm đứng chờ,chưa biết mặt ngang mũi dọc các thầy ra sao.Chợt có chiếc xe DS19 đậu xịch trước cửa,một ông bệ vệ bước xuống,trông rất oai phong,cả bọn tưởng là ông thầy,sắp sửa khúm núm chào,nhìn ngực áo choàng,thấy tòn teng 1 ngôi sao,bèn cười sặc lên.Thì ra đó là anh Lê Lữ,tuy cùng lớp,nhưng hơn chúng tôi mười mấy tuổi .Anh đã đỗ PCB từ lâu,qua Tây học thứ khác,nay trở về,theo lại ngành y.Anh là tay ăn chơi lão luyện, toàn đầu độc đám đàn em ngây thơ,hồi đó tụi tôi gọi anh là Le Lưỡi.

Các bạn còn nhớ,cụ RI to lớn,dềnh dàng,rất thương học trò,nhưng lâu lâu mình mới gặp,hàng ngày chỉ có các anh Minh và Lư Y.Anh Minh ăn mặc chải chuốt,ống nghe quàng cổ,marteau a reflexe dắt ở tạp dề quấn trước bụng,ăn nói nhỏ nhẹ,lịch sự.Anh Lữ Y thì ngược lại,quần áo xốc xếch,ăn to,nói lớn và hay văng tục.Nhưng các bạn cũng như tôi,ai cũng phải công nhận hai anh là những bực thầy,bực đàn
anh khả kính và khả ái,riêng tôi,còn rất nhiều kỷ niệm với hai anh,vì anh Minh định cư ở Montreal,và anh Lư Y cũng qua đây sau một thời gian ở Pháp.
Buồn thay,những vị tôi vừa nhắc tới đều đã ra người thiên cổ.Gần 60 năm rồi còn gì.Ngày đó,miệng còn hôi sữa,bây giờ tóc bạc như sương.


Bệnh viện Chợ Rẫy,vì có nhiều ngành chuyên khoa,lại gần nhà,nên tôi đi thực tập ở đây nhiều lần.Khu nội thương,với các thầy Bùi Quốc Hương,Nguyễn Ngọc Huy,Lê Xuân Chất,Phạm Tấn Tước.Tôi nhớ ngày đó học thầy thì ít học đàn anh thì nhiều vì thoải mái,có gì thắc mắc là hỏi tới nơi tới chốn. Các anh Trịnh Nghĩa Trinh,Lê Công Phước,Tôn Thất Lan vv đã dậy tôi rất nhiều.Hồi tôi học,còn thầy Caubet,dậy về bệnh tim,thường bắt chước tiếng tim đập "pùm...hờ,pùm ...hờ"cho sinh viên dễ nhớ. Các vị Thầy đều đã qua đời,hai anh Trinh và Lan,tôi không biết tin,chí có anh Phước ở Úc là tôi được gặp lại cách đây vài năm,khi anh qua chơi Montreal. Các bạn còn nhớ,ngày xưa,biệt danh của anh là Phước lãi.
Khu ngoại khoa hồi đó có các thầy Trần Quang Đệ và Đặng văn Chiếu.Vì tôi thuộc
loại nhí,nên không được trực tiếp thụ giáo,chỉ theo các anh Đinh Viết Hằng,Trần Văn Khánh,chị Bội Ngọc và cũng học lỏm được khá nhiều,nên lên năm thứ 5,thứ 6, cũng mổ lia chia,cùng với Hoàng Bá Ươc Doanh.
Nhưng điều tôi nhớ nhất ở Chợ Rẫy,không phải chuyện học hành,mà là chuyện cờ bạc! Phòng trực của sinh viên là căn lầu gần cửa ra vào,nơi thường xuyên có sòng bài cào do Nhân già(Nguyễn khắc Nhân) làm cái,Văn lõ(Lê Tiến Văn) làm hồ lỳ.Nhà con thì đông lắm,Lương Bảo Hoa,Dương Thế Oanh,Hà Mạnh Tuấn,Đỗ văn Hội, Lê Tất Cương,Đỗ hữu Tước vvv,và cả tôi nữa.Thời đó vừa sau đảo chánh,BS Trang Đăc Hiếu la giám đốc bệnh viện,đã gọi cảnh sát tới hốt cả bọn lên xe cây,coi rất thê thảm.May nhờ Nguyễn An,em tướng Nguyễn Ngọc Loan,lúc đó là tư lệnh cánh sát,xin giùm,mọi người mới được thả về.Sòng bài bị dẹp được ít lâu,rồi lại sôi nổi y chang như cũ.

Bệnh viện Hồng Bàng chuyên chữa bệnh phổi,đại đa số là lao,tới thời kỳ nặng nhất.Hai ông thầy,thời tôi học là Pierre Hautier và Lê Quốc Hanh.Anh Hanh thì hiền lành,coi học trò như em,lúc nào cũng nhỏ nhẹ,giảng dậy tận tình.Ông Hautier rất hung ác,mỗi buổi sáng họp để sinh viên trình bệnh,bao giờ cũng có màn xé observation,làm nạn nhân bị xỉ nhục trước mặt bạn bè. Có lần,Nguyễn Huy Lục đã nổi nóng,mắng ông ta một trận đích đáng,làm anh Hanh phai giảng hoà,và từ đó,Hautier mất hẳn tật xấu đó.Ông Hautier này còn một tật nữa là hay vỗ mông cô Minh,y tá.Bây giờ mà làm vậy thì bị thưa ra toà về tội sách nhiễu tình dục .Sau này tôi còn nghe nói,ông Hautier là gián điệp của Nga,chả hiểu có đúng không.Ở đây trực gác rất nhàn,lâu lâu bị gọi đi khám một vài người bệnh bị hemoptysie,thì
theo cẩm nang của đàn anh,cho glace a succer,vitamine K,coramine,chẳng có gì hiệu quả để cấp cứu. Một đôi khi phải đi chứng tử.Phòng trực ở đây vắng vẻ,hay có rắn,từng dưới là chỗ nhốt mấy con vật làm thí nghiệm,ban đêm tối om,rất đáng sợ.Vào 2 năm cuối,tôi thường đến Hồng Bàng,nhờ anh Hanh làm giùm mấy cái bronchographie lipiodolee cho mấy em nhỏ bị bronchiectasies để làm luận án do chị Thoa đỡ đầu.Ở đây còn có một anh nội trú,chắc gốc trường Việt lại thích nói tiếng Tây,có lần khen xe mới của Hautier:"C'est un beau voiture"làm Vũ Thiện Đạm và tôi,tuy dân Chu Văn An cũng phải nhìn nhau cười tủm tỉm.


Bệnh viện Bình Dân: Tôi không bao giờ đi thực tập ngoại khoa ở đây,nhưng nhiều bạn của tôi được đào tạo ở lò này,ăn dầm nằm dề toi ngày như Nghiêm Đạo Đại, Nguyễn Gia Khánh,Nguyễn Phúc Bình...Hồi mấy năm đầu,ai cũng phải qua đây, học về ORL,Dermato,stomato vv.Đi với anh Ký,học được nhiều,nhưng lúc nào cũng ớn khi phải chữa sinusite cho bệnh nhân bằng cách đâm một cái trocart
dài cả tấc vào lỗ mũi,giờ nghĩ lại vẫn còn rợn tóc gáy.Khu ngoài da của thầy Út thì nhẹ nhàng hơn,chỉ đứng ngồi lố nhố sau lưng thầy,để nghe thầy vừa lắc lắc cái đầu vừa phán: Eczema,crete de coq,Hansen... Ở đây,số ghế có hạn nên ai tới sớm thì được ngồi,đến sau phải đứng .Tôi nhớ có lần,bạn thân của tôi là Trần Mộng Lâm tới sớm đang ngồi rung đùi,thì bị chị Vũ Lan Anh,tới sau,ỷ mình là
đàn bà lại lớn tuổi,kéo bật ra,dành chỗ .Lâm tuy nhịn,nhưng lẩm bấm cho chị nghe thấy:Già,Xấu,Khó tính.(Sau này,gặp nhau ở Montreal,chị cười :bây giờ già, xấu nhưng hết khó tính rồi.)Các bạn còn nhớ ngày đó,thầy Út có cái mũi đỏ,không biết tại sao.Một buổi sáng,anh em thấy một bạn cùng lớp say xưa nói chuyện với thầy về xứ Ấn độ và thủ tướng NEHRU,mặt cười cười rất đểu.Về sau mọi người
mới hiểu là hắn chơi chữ,tên của thủ tướng,đọc lên đồng âm với nez rouge.
Hồi đó Trần Mộng Lâm và tôi còn thực tập một tháng bên khu Nha khoa để làm quen với mấy cô,trong đó có con gái cưng của thầy Trịnh văn Tuất.Thầy hay gọi cô:Khanh ơi,và tụi tôi cũng giả bộ gọi theo nên thường bị nguýt đổ đình,đổ chùa.(Thuỵ Khanh bây giờ ở Paris,Thầy Tuất đã qua đời )

 

Bệnh viện Từ Dũ: Trong hai năm đầu,ai cũng phải qua đây để làm 20 cas đỡ đẻ. Cứ ngồi ở phòng sanh mà chờ,khi nào được giao cho một bà là phải hầu từ đầu tới cuối,thay quần áo,rửa ráy,cạo lông,nắn bụng,nghe tim thai nhi,lâu lâu làm TV để xem độ nở của cổ tử cung.Nếu đẻ con dạ thì khá,rất mau,nếu đẻ con so thì chờ dài cổ.Anh nào được mấy cô nữ hộ sinh có cảm tình,giúp đỡ thì khỏe, làm mình ên thì vất vả lắm.Mấy cô này,đeo masque,chỉ thấy hai con mắt,coi bộ cô nào cũng đẹp.Tới giờ,tôi vẫn chưa hiểu,tại sao hồi đó tụi tôi đỡ đẻ mà không được mang găng tay,chỉ rửa theo đúng phương pháp sát trùng.
Hồi đó thầy Trần Đình Đệ còn làm giám đốc,mỗi lần thầy đi khám bệnh là rồng rắn một hàng dài,giảng sư,nội,ngoại trú,nữ hộ sinh, đám sinh viên 1,2 sao ở tít đằng xa, thấy mặt thầy còn không rõ...Hồi đó,Phật giáo đang biểu tình chống cụ Diệm,rất lộn xộn,đứng trên lầu Từ Dũ coi ngon lành mà không nguy hiểm .Khi tôi lên lớp lớn,đi lại bệnh viện này, thầy Đệ đã xuất ngoại,thì thực tập với các anh Nguyễn văn Hồng,Hoàng Ngọc Minh,Hồ Trung Dung, Vũ Thiện Phương,chị Bích Tuyết .Đi theo anh Phương,chị Tuyết thì vui,theo anh Hồng, anh Minh thì hơi khổ.Tôi còn nhớ,anh Minh hay kiểm soát bonnet,anh Hồng để ý áo choàng,mũ đội không ngay,áo hơi dơ là bị mắng túi bụi.Nhưng cũng học được
nhiều,sau này,ra ngoại quốc phải thị lại,môn sản phụ khoa của VN lúc nào cũng khá.Một chi tiết vui mà tôi còn nhớ,là lần đầu tiên trình diện anh Phương,anh trợn mắt nhìn Vũ Thiện Đạm,làm bạn ta hơi teo,sau mới biết,chàng trùng tên với thân phụ của anh.Anh Phương chỉ cho tụi tôi cách khám màng trinh,làm cả bọn đều lé mắt, mặt đỏ ké, đầu óc lùng bùng.


Bệnh viện Nhi Đồng: Bệnh viện này có Ngoại và Nội khoa. Ngoại khoa do thầy Trần Ngọc Ninh phụ trách,phụ tá bởi anh Trần Xuân Ninh,tụi mình thường gọi là Ninh cha và Ninh con.Tôi nhớ mài mại là ai cũng phải bắt buộc đi khu giải phẫu tiểu nhi 1,2 tháng.Đi với thầy Ninh ai cũng sợ,vì bị truy bài.Thầy hỏi tới cùng,đến lúc bí là bị nhiếc,bị chê,làm nạn nhân cảm thấy nhục nhã.Khi bị phụ mổ,dù chỉ làm 2e aide,ai thầy cũng chê là hậu đậu.Theo Thầy,bệnh đậu mùa ngày xưa rất nặng,chín phần chết,một phần sống,ai qua khỏi thì mặt rỗ,và trong một thời gian dài,rất yếu,tay chân run rẩy,làm cái gì cũng hỏng.Thật ra thì đám học trò đâu có tệ,sau này có rất nhiều người là giải phẫu gia nổi tiếng thế giới .Có lần thầy giảng về gẫy xương chân,nói miên man rồi nhảy qua hội họa,khen một họa sĩ ,vẽ về chiến tranh,không có bom đạn gì hết ,chỉ có mấy đôi chân,rồi thầy kết luận"En temps de guerre,on est jambes" chạy chậm thì chết. Tôi chỉ nhớ câu này,chả biết gẫy xương chân ra sao.Phải công nhận,thầy Ninh có kiến thức rất rộng về Y khoa,và nhiều thứ khác,nhưng về phương pháp giảng huấn thì phải nói theo kiểu Tây là "laisse à désirer".

Khu Nội khoa ở đây, có các thầy Phan Đình Tuân(kiêm Giám đốc)Phạm Gia Cẩn, Vũ Thị Thoa, Trịnh Thị Minh Hà v..v..Có một thời gian ngắn, Vũ thiện Đạm và tôi theo chị Hà, lúc đó vừa du học ở Canada về, chị rất thuộc bài, vui vẻ,thích đi ăn uống với tụi tôi ở quán Trung Thành, gần cầu Bình Lợi. Chị Thoa thì khỏi nói, chị là thầy ruột , đỡ đầu luận án của tôi, đã được nhắc nhiều trên TSYS. Những kỷ niệm mà tôi muốn nhắc ở đây là mấy chuyện vui trong sinh hoạt thường xuyên của tụi mình khi đi thực tập ở Nhi Đồng. Phòng trực của sinh viên ở tầng trệt,từ cổng đi vào khá xa, phòng nữ trước ,phòng nam ở tận trong cùng. Đồ ăn của sinh viên rất ngon, vì được thầy Tuân đích thân kiểm soát. Khi có bệnh, thay vì gọi điện thoại, thì có bà y công đi dép lẹp xẹp tới cửa phòng, rồi kêu "Ông Nội,Ông Ngoại,lầu 2B,3B,2A v..v.." dính ai nấy đi. Mọi người làm việc đàng hoàng, nhưng có hai tệ nạn:

-Đánh bạc: Ở Chợ Rẫy thì Bài Cào, ở đây thì Xì phé. Cỡ gần trưa, khi công việc đã vãn là gầy sòng, sát phạt cũng dữ lắm. Có lần,anh em đang say sưa tố thì thầy Tuân tơi, cả bọn phóng qua cửa sổ chạy như vịt.(Phòng trực chỉ có một cửa). Thầy không bắt được ai,liền tịch thu mấy xâu chìa khoá xe, thành ra tội nhân phải lên văn phòng trình diện, khúm na khúm núm,mặt đỏ ké, xin lại chìa khoá. Cũng may, thầy
Tuân rất hiền, chỉ mắng qua loa, không phạt kỷ luật, trừ điểm gì hết.

-Vấn đề vệ sinh: Chả hiểu sao,phòng trực không có phòng vệ sinh tại chỗ,mà ở rất xa, nên cả bọn đều tiểu vào cái bồn rửa mặt, lẽ dĩ nhiên không ai còn dùng nó để rửa mặt nữa. Bồn này quá cao, phải đứng lên cái ghế mới...hành nghề được. Có lần, Văn lõ đang tiểu thì thầy Tuân(lại thầy) vi hành qua bắt gặp:Thầy chắp tay sau lưng, hỏi: Ê,cậu làm gì đó? Văn,mặt đỏ như gà chọi, mà đang tiểu, đâu có thắng lại được, vẫn phải tiếp tục xả hết bầu tâm sự.
Các bạn nào học YKSG mà không biết mấy chuyện này thì lạ lắm, trừ các chị, vì ở phòng trực khác, và tôi tự hỏi, mấy bà giải quyết vấn đề ra sao?

Hơn nửa thế kỷ đã qua,chúng ta đều già hết rồi,mặt đứa nào cũng "hằn lên nỗi đau", những ai còn khỏe mạnh đều mong gặp lại nhau, nhắc kỷ niệm xưa, vui cười như thời còn trẻ. Tôi mượn 4 câu trong bài thơ 8 câu của Vi Ứng Vật,rất thích hợp với hoàn cảnh của tụi mình trong lần hội ngộ năm nay:

Phù vân nhất biệt hậu,
Lưu thủy thập niên gian,
Hoan tiếu tình như cựu
Tiêu sơ mấn dĩ ban.

Viết tới đây thì tôi bắt đầu lúng túng, vì không thuộc loại"mắc dịch"thấy thơ là dịch
vừa nhanh, vừa hay. Hai câu đầu,dịch coi bộ được lắm,sát nghĩa và có vần điệu:

Từ ngày mây nổi, chia tay,
Nước trôi thấm thoắt, đã đầy mười năm..
Hai câu sau cũng ngon :
Vui cười , tình vẫn như xưa,
Ngậm ngùi vì mái tóc thưa ngả mầu.

Vấn đề là, câu 2 và câu 3 lạc vần, mà tôi chưa tìm được chữ gì thay cho chữ năm mà có vần ưa. Thôi thì cứ để vậy, biết đâu mấy sư huynh của tôi như Hoàng Xuân Thảo,Nguyễn Đương Tịnh,Nguyễn văn Bảo, vô tình đọc được mà ra tay nghĩa hiệp, "Gà"giùm.

Bát Sách, Nguyễn Thanh Bình.

Viết thêm:Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi dịch lại hai câu đầu cho đúng vần:

Kể từ mây nổi,xa nhau,
Mười năm nước chảy,dãi dầu nắng mưa.
Vui cười, tình vẫn như xưa,
Ngậm ngùi vì mái tóc thưa ngả mầu.

Dãi dầu nắng mưa được thêm vào, vì mình hiểu ngầm là 10 năm xa bạn bè, xa quê hương, tha phương cầu thực, thì chắc phải vất vả, đau khổ, không xa với ngụ ý của tác giả.

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2025

Mùa Chay Thánh



Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tâm Thành Mùa Chay


Bụi tro một kiếp trần ai

Lòng thành bên Chúa mùa Chay trở về

Bụi tro một kiếp nāo nề

Thiết tha Chúa gọi tâm mê lắng  dần

Mùa Chay cứ đến bao lần

Hãm mình tĩnh lặng  ân cần Chúa soi

Giúp con đừng xét nét đời

Quỳ bên chân Chúa sáng ngời tâm yêu

Cả trời sống đạo sớm chiều 

Câu kính thành khẩn mọi điều an nhiên 


Kìm Oanh 

Mùa Chay 2025

Đêm Đông


Rừng lóng lánh tuyết bay bay huyền ảo
Trăng pha lê ngây ngất giấc chiêm bao.
Bên bếp lửa bập bùng mang hương ấm,
Làm sao em thấu cảm nỗi đau thầm!

Màu hạnh phúc mong manh như nắng lụa
Mảng thời gian cũng tựa chiếc bóng qua.
Thế kỷ mới thêm chuỗi đời đói khổ
Mùa thu đi bỏ lại mấy cành khô!
 
Đêm gió tuyết từng nẻo về buốt giá
Đường Paris góc tối cảnh không nhà
Kẻ khốn khó, người giàu cùng chung lối,
Vỉa hè khuya nương tạm bước đơn côi.

Đời say tỉnh, được thua đều sống vội
Sacré cœur tuyết phủ trắng ngọn đồi.
Vẳng trong gió lời kinh cầu xa thẳm
Mảnh bom rơi đêm sa mạc mù tăm

Miền đất thánh rực hận thù vết đạn
Súng rền vang bầy se sẻ tan đàn!
Ôi chiến tích, tình yêu và bóng tối
Đời như thơ, cũng là áng phù vân

Hai tay hứng những chùm hoa tuyết đọng
Bông hoa trời một thoáng vẫn hư không!

Đỗ Bình


Tương Tư


(Tranh: Họa Sĩ Đặng Can)

Xướng:


Tương Tư

Tương tư ngập tỏa chin tầng mây,
Gởi vềbên đó, nhớta đây.
Ôm chân giól oạn, buồn ngây ngất,
Dỏi bóng trăng rơi, dạ ngất ngây.

Ai biết tương tư sần vạn kiếp,
Lòng hoài thươngnhớ, thuở nào khuây.
Làm sao diển tả tình yêu ấy,
Một bóng thâu canh, lệ vơi đầy.

Tô Đình Đài
***
Họa:

Hành Tinh Và Vệ Tinh


Anh là gió và em là mây
Gió cuốn em đi khắp đó đây
Lang thang trong khoảng không vô tận
Ngào ngạt bên mình hương ngất ngây

Trái đất, nguyệt cầu luôn sát cánh

Hạnh phúc, tình yêu mãi chẳng khuây
Nếu một ngày mai trời đất sập
Lòng ta đau đớn lệ đong đầy.

CN-HNT,

Feb.23.2019 )



Cao Giá


Ông khách Mỹ của Thảo và cũng là người khách cuối cùng trong ngày vừa bước ra khỏi tiệm nails là các bạn xúm vào hỏi:
– Ê, Thảo tính “cưa” ông Jack hả? tao thấy mỗi lần ông đến làm nails mày tưng tiu o bế hai bàn tay của ông hơi lâu. Đã điều tra lý lịch tài sản sự nghiệp chàng chưa?
– Tao vẫn muốn Thảo lấy Tony Phạm cơ, anh ta yêu Thảo quá trời, cùng là người Việt, cùng nghề nails, cùng ly dị dễ cảm thông nhau. Hơn nữa chúng ta đều biết Tony hiền và chăm chỉ làm việc, có nhà to, có vốn liếng dành dụm.
Thảo giãy nảy lên:
– Để tui yên nha mấy bà, tui chọn ai mai mốt mấy bà sẽ có thiệp mời đám cưới biết liền.

Tony Phạm trước kia từng làm nails trong tiệm này, sau chủ nhân mở thêm tiệm thứ hai và “điều” vài thợ tay nghề giỏi sang làm bên tiệm mới trong đó có Tony Phạm, Tony luôn săn đón Thảo, chăm sóc Thảo. Cả tiệm từ chủ tới thợ đều biết Tony yêu Thảo, thế mà Thảo vẫn tỉnh bơ.
Tuy trả lời các bạn thế nhưng trong lòng Thảo đã biết mình sẽ chọn ai rồi, Tony có giỏi tay nghề, có giàu cỡ nào cũng là thợ nails như nàng mà thôi, không… xứng với nàng, Thảo từng là vợ yêu của một kỹ sư dù đã ly dị, còn ông Jack sau những lần vừa làm nails vừa nhỏ to chuyện trò với nhau ông Jack kể ông là giám đốc một công ty lớn. Thành công, giàu có Jack đã nghỉ hưu sớm khi tuổi mới xấp xỉ 50, hiện sống an nhàn trong một trang trại rộng lớn hàng trăm acre là điều ông mơ ước từ bấy lâu nay. Một chức vụ giám đốc, một trang trại rộng lớn đủ nói lên sự danh giá bề thế rồi. Người chồng cũ, họ hàng bên chồng và cả bên gia đình nàng sẽ sáng mắt ra, không có chồng kỹ sư này nàng vẫn lấy được chồng khác ngon lành chẳng thua kém chi.
Là một cô gái xinh đẹp sang Mỹ cùng mẹ và hai em theo diện đoàn tụ gia đình do người anh bảo lãnh, Thảo luôn tự hào và mộng mơ một tấm chồng tầm cao mới xứng với mình. Nàng học nghề nails và đi làm được 2 năm thì có người bà con giới thiệu nàng với Hưng kỹ sư làm việc cho một hãng máy bay đúng như là mơ. Hưng hơn nàng một con giáp, chàng hiền lành ít giao tiếp, 35 tuổi vẫn chưa lập gia đình cho nên khi thấy Thảo chăm chỉ đi làm giúp đỡ mẹ nuôi hai em Hưng vừa ý lắm, chàng nghĩ nàng sẽ là một người vợ hiền. Thế là cuộc hôn nhân tiến hành nhanh chóng và vui vẻ đôi bên.

Thảo lấy chồng kỹ sư đẹp trai dễ dàng quá, cho rằng ở Mỹ thiếu con gái Việt Nam hèn chi nhiều ông Việt kiều phải về Việt Nam lấy vợ, nàng càng tự kiêu vào nhan sắc của mình và đánh giá thấp đàn ông ở Mỹ.
Hai vợ chồng đã có một đứa con trai 6 tuổi, được chồng yêu thương chiều chuộng nhưng Thảo vẫn cao giá coi như anh lấy được cô vợ trẻ đẹp như nàng là may mắn tu mấy kiếp dễ dầu gì được, nàng luôn lấn lướt chỉ huy chồng khiến anh chàng vốn hiền lành chỉ biết chiều vợ và làm vui lòng vợ cho yên nhà yên cửa. Đã nhiều lần Thảo giận hờn làm mình làm mẩy xách đồ rời khỏi nhà ra hotel ở chỉ vì giận chồng sau những bất đồng nho nhỏ, mỗi lần thế Hưng lại phải đi tìm vợ và… xin lỗi thì nàng mới chịu về nhà dù lỗi chàng bé xíu, lỗi vợ thì to đùng. Cứ thế, được đằng chân lân đằng đầu, lần này trận cãi vã to tiếng hơn, Thảo hỗn hào chửi đến cha mẹ Hưng nên chàng không giữ được bình tĩnh đã tát Thảo một cái đau điếng. Lần đầu tiên bị chồng đối xử nặng tay Thảo giận dữ bỏ đi ngay, mặc cho chồng con ở nhà muốn ra sao thì ra.

Hưng lại tìm đến hotel gặp vợ và xin lỗi nhưng Thảo vẫn làm cao không thèm về nhà như mọi lần chứng tỏ nàng còn giận chồng lắm, nàng chỉ…lỡ miệng chửi cha mẹ chồng vài câu mà chồng dám tát nàng, coi nàng chẳng ra gì!
Hưng gọi phone Thảo cũng không thèm trả lời.
Hưng không còn cha mẹ, hai bà cô bà dì của Hưng từng chứng kiến cảnh vợ Hưng đỏng đảnh bỏ đi, họ ngứa mắt với cô cháu dâu quá quắt này lắm, lần này thấy lâu quá không về các bà xúm vào khuyên Hưng không thèm năn nỉ thêm nữa để dạy cô một bài học.
Một tháng trôi qua chàng cũng chán nản và mệt mỏi vì không biết thêm tin tức gì của vợ, vừa chăm lo cho con vừa đi làm. Hai cha con cũng quen dần cảnh “gà trống nuôi con”.

Thảo hành hạ thế tưởng Hưng sẽ đau buồn và hối hận lắm, chàng yêu vợ và yêu con biết bao, nàng đinh ninh chồng sẽ đến hotel 5 lần 7 lượt năn nỉ nàng mới tha tội cho, vậy mà anh ta không đến. Cuối cùng nàng đành trở về nhưng… với tờ đơn ly dị cho chồng sẽ hết hồn đau điếng. Thêm một lần nữa Thảo ngạc nhiên và thất vọng, chồng bình thản và nghiêm chỉnh nói:
– Anh không muốn ly dị, chỉ mong em thay đổi tính nết đừng trẻ con mãi thế. Anh cho em một tháng để em suy nghĩ kỹ trước khi quyết định ly dị.
Nàng tự ái gầm lên:
– Ngay bây giờ hay một tháng sau một năm sau tôi vẫn giữ nguyên ý định này. Tôi muốn ly dị.
Thảo đã được ly dị… ngoài ý muốn, nàng đã lỡ cao giá nên không thể nhún nhường chịu thua chồng. Thảo chưng hửng và cay đắng nhận trợ cấp nuôi con từ Hưng.
Hai năm sau Hưng lập gia đình với một cô kỹ sư mới vào làm cùng hãng với Hưng, họ đã có con gái đầu lòng, gia đình hạnh phúc, còn Thảo mong mau chóng kiếm được người chồng sáng giá để… trả thù chồng mà chưa xong. Mẹ nàng đay nghiến:
– Tao đã nói mày lấy được thằng chồng như Hưng là phước ba đời mà không biết giữ còn đành hanh đòi ly dị. Nó kỹ sư lấy vợ đâu chẳng được, còn mày trẻ đẹp cũng có thời, dễ gì kiếm ra thằng chồng kỹ sư hiền lành thương yêu vợ con như nó. Già néo đứt dây sáng mắt ra chưa..

-oOo-

Thảo đã đánh tiếng để Tony Phạm và cả tiệm nails biết nàng sẽ kết hôn với ông Jack một ngày không xa sau khi nàng đã được Jack thân ái đưa về thăm trang trại khang trang với ngôi biệt thự có những lối đi lát gạch, có hoa thơm cỏ lạ đẹp xinh bên rặng cây cao xanh mát, sau biệt thự có hồ bơi, có sân chơi bóng rổ, có vườn hoa ghế đá như công viên… nàng không đủ sức và thời gian để đi hết trang trại. Tổng quát cả trang trại là một phong cảnh hữu tình, một tài sản lớn.
Thảo đã mấy lần khéo léo nhắc ông Jack tiến tới hôn nhân, lần nào Jack cũng mỉm cười gật gù thay cho lời hứa hẹn.
Thế rồi đột nhiên Jack vắng bóng không đến tiệm làm nails như thường lệ mỗi 2 tuần nữa. Sau hai tháng chảnh chọe chờ đợi Thảo đành nuốt giận hờn gọi phone cho Jack thì số phone đã không còn sử dụng. Bạn bè sốt ruột như Thảo, họ chân tình có, tò mò có, bảo Thảo phải gặp Jack xem chuyện gì xảy ra cho ông ta?

Trang trại cách tiệm nails chỉ một giờ xe, Thảo lái xe đến trang trại tìm Jack, có thể Jack bận rộn chuyện gì đó, hay Jack đang âm thầm lo chuyện cưới hỏi Thảo và cho nàng một bất ngờ lớn?.
Cổng trang trại không khóa, nàng lái xe vào tận bên trong đến trước cửa biệt thự. Nàng vừa bước ra khỏi xe thì một quý bà trông dáng vẻ sang trọng đẹp đẽ từ trong đi ra ngạc nhiên hỏi Thảo:
– Chào cô, cô đến đây có chuyện gì?
– Tôi tìm chủ nhân trang trại này.
– Tôi xin giới thiệu, vợ chồng tôi là chủ nhân.
Thảo ngạc nhiên:
– Bà là vợ của Jack?
– Ồ không, chồng tôi là Randy Gary. Jack là quản gia thân tín của chúng tôi bấy lâu, anh ta đã trông coi trang trại này. Vợ chồng tôi mới ở nước ngoài trở về Mỹ mấy tháng nay.
Thảo choáng váng cố gắng hỏi tiếp:
– Có phải là Jack từng làm giám đốc một công ty cơ khí kỹ nghệ lớn ở thành phố này?
Thiếu phụ xinh đẹp có vẻ hiểu ra câu chuyện, bà mỉm cười:
– Chắc là Jack đùa cô cho vui thôi, anh ta vốn lém lỉnh và thích đùa. Chồng tôi là giám đốc công ty đó và đã nghỉ hưu.
Thảo thiểu não hỏi:
– Thế bây giờ Jack ở đâu hả bà?
– Jack đã xin nghỉ việc và về quê ở Wyoming.
-oOo-
Không hiểu sao Thảo vẫn còn đủ sức, còn đủ tỉnh táo mà lái xe về nhà an toàn trong nỗi thất vọng và đau đớn. Lần này Thảo lại là kẻ thua cuộc. Nàng sẽ ăn nói với mọi người thế nào khi bị Jack bỏ rơi sau một trò đùa cợt.
Giá mà Thảo quyết định lấy Tony Phạm thì chắc giờ đây đã xong đám cưới rồi, đâu có cảnh bẽ bàng này. Tony Phạm hiện đang có người yêu, họ sắp làm đám cưới, là một cô thợ nails mới đến làm cùng tiệm. Đúng như mẹ nàng đã nói đàn ông lấy đâu chẳng được vợ.
Thảo suy sụp tinh thần, nàng đã từng cao giá bỏ qua những tình yêu chân thật của Hưng và của Tony Phạm. Giờ đây họ mới chính là người cao giá, nàng không thể nào với tới…

Nguyễn Thị Thanh Dương

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2025

Gửi Về Anh - Đỗ Thu - Trần Văn Phú & Kim Oanh ( Canada)


Sáng Tác: Đỗ Thu
Trình Bày: Trần Phú & Kim Oanh Canada
Thực Hiện: KOPHUNG

Vuốt Mặt Thời Gian


Nỗi Mình Ngơ Ngẩn, Nỗi Kia sao?

Giọt đắng cà phê để thấm vào
Khiếm dạ tròn xoay rồi lấn cấn
Làm tâm luồn cuộn đến xôn xao
Cuộc tình vụt mất do sai hướng
Cảnh huống tàn bay bởi thoái trào
Hứng ánh vàng tan, che mắt lệ
Thuyền xưa rời bến, dạt phương nao?

Thái Huy

Tôi Nợ Em


Tôi nợ tình em thời nữ sinh
Nợ thời áo trắng gái đoan trinh
Nợ em nụ tím cài trên tóc
Nở cả trời thơ những đoạn tình.

Nợ em thuở ấy còn trong trắng
Cả nét ngây thơ chiếm cõi hồn
Nợ trái tim hồng hay loạn nhịp
Nợ tình chiếm hết cõi lòng son.

Tôi nợ tình em cả giấc mơ
Nợ thời con gái cả hồn thơ
Ngôn tình hoa bướm đầy trang giấy
Nắn nót thêu hoa những đợi chờ.

Tế Luân


Chữ Tình


Thiệp hồng người đã gửi đi
Nụ tình héo úa còn gì nữa đây?
Làm sao quên được những ngày
Đồi thông Đà Lạt sát vai ấm lời.

Đinh ninh ước hẹn dưới trời
Chừng như núi đá vững đời ba sinh!
Hoá ra đó chỉ chữ tình
Nhẹ như cánh gió lục bình trôi sông !

Dại gì khắc dạ ghi lòng
Bỏ bao ngày tháng phải mong phải chờ!
Người xa trong cõi mịt mờ
Tội gì không bỏ! chọn tơ lụa vàng!

Pháo hồng tiễn bước sang ngang
Đâu đây giọt lệ lỡ làng rưng rưng!

Hàn Thiên Lương

1-3-2025


Sinh Tố K2 Cực Kỳ Quan Trọng - BS Phạm Hiếu Liêm


Để phòng ngừa và chữa trị nhiều chứng bệnh của người già

Từ hậu bán thế kỷ thứ 20 đến nay, tuổi thọ của con người đã tăng vọt, trung bình bây giờ là trên 80 tuổi. Với tuổi thọ gia tăng, các thứ bệnh như Ba Cao (Cao Mỡ, Cao Máu, Cao Đường loại 2), bệnh Suy Thận Mãn Tính, bệnh Tim Mạch, bệnh Xốp Xương và các bệnh Ung Thư cũng tăng theo.

Y học tiến bộ mang đến các thuốc công hiệu giúp bệnh nhân sống lâu hơn như Statin cho Cao Mỡ, thuốc chống Angiotensin cho Cao Máu, thuốc Metformin cho Cao Đường loại 2 v.v.. Tuy nhiên, các chứng Ba Cao về lâu về dài vẫn gây suy thận mãn tính khiến một số không ít bệnh nhân phải cần đến giải phẫu ghép thận hay lọc máu (dialysis) để sống còn. Bất kể điều trị tinh vi và cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên về thận đến đâu, nhiều bệnh nhân vẫn bị bệnh mạch vành tim sau khi đã lọc máu hay ghép thận vài năm mà nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ.

Trong khi đó, các bà sau tuổi tắt kinh bắt đầu mất dần calcium trong người đưa đến chứng xốp xương. Dùng hoóc môn estrogen có thể làm chậm sự lão hóa ấy nhưng có thể tăng nguy cơ bị ung thư vú. Quý bà được bác sĩ khuyên uống thêm calcium và sinh tố D để làm chậm sự tiến triển của xốp xương. Nhưng uống nhiều calcium là một con dao hai lưỡi: ngoài việc gây sạn thận, quá nhiều calcium khiến thành mạch máu bị đóng vôi gây bệnh tim mạch và tăng tử vong, trước đây tưởng chỉ gặp ở đàn ông uống calcium, nhưng gần đây cho thấy phụ nữ cũng bị như vậy.

May thay, trong những năm gần đây khảo cứu cho thấy một loại sinh tố K, gọi là K2, có thể giúp phòng ngừa và chữa việc Calcium đi nhầm chỗ, đóng trên thành mạch máu gây tắc nghẽn, thay vì đóng lên xương giúp xương bớt xốp loãng.

Sinh Tố K2 là gì ? Nguồn ở đâu?

Từ lâu, chúng ta đã biết sinh tố K đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu và đông máu. Thật ra có hai loại sinh tố K: sinh tố K1 (Phylloquinone) chiếm 90% thành phần, là loại cần thiết cho máu đông, có nhiều trong các loại rau xanh như rau dền; 10% còn lại là sinh tố K2 (Menaquinone) đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển calcium từ máu đến đúng mục tiêu ở xương và răng thay vì phân phối bừa bãi khắp nơi gây nên các chứng bệnh đề cập trong phần dẫn đầu của bài này. Sinh tố K2 tổng hợp một số ít từ vi trùng trong ruột nhưng đa số đến từ thịt, sữa, lòng đỏ trứng gà, bơ và phó mát. Vì sinh tố K hòa tan trong mỡ, sữa và phó mát bị lấy mất mỡ sẽ không còn sinh tố K2. Hai thực phẩm có nhiều sinh tố K2 nhất là gan bò và món đậu nành lên men của người Nhật gọi là Natto. Sinh tố K2 có side chain isoprenoid từ MK-4 (chuỗi ngắn) đến MK-14 (chuỗi dài). Chuỗi trung bình MK-7 là loại thông dụng nhất vì dễ được hấp thụ qua đường ruột.


Trong các xứ kỹ nghệ, lượng sinh tố K2 từ thực phẩm chế biến ngày càng giảm thiểu bắt đầu từ thập niên 1950; và cho đến nay hầu như 100% người Mỹ không ăn đủ sinh tố K2 (cần tối thiểu khoảng 32mcg mỗi ngày). Những người Nhật có ăn đều món natto là nhóm dân duy nhất không thiếu K2 và họ sống lâu hơn, mạnh khỏe hơn với ít chứng bệnh lão suy hơn người Âu Mỹ.

Tác dụng của sinh tố K2:

Trên xương, sinh tố K2 tác động chất osteocalcin từ tế bào tạo xương osteoblast giúp điều động calcium kết với khoáng hydroxyapatite khiến xương thêm chắc và cứng, ngừa được xốp xương ở tuổi già.

Trong mạch máu, sinh tố K2 có tác dụng vào chất đạm trên thành mạch máu Matrix GLA Protein (MGP), chống lại sự kết tụ của chất vôi trong mạch máu gây bệnh xơ cứng làm nghẽn tuần hoàn máu, đồng thời chống lại kết tụ calcium trong các mô mềm.

Chúng ta có thể ví sinh tố K2 như cảnh sát lưu thông, giúp vận chuyển calcium trong máu đến đúng chỗ ở xương và răng thay vì đi lạc vào thành mạch máu và các mô mềm. Nhờ vậy mà răng và nướu răng cũng tốt hơn với sinh tố K2.


Bệnh nhân suy thận mãn tính uống sinh tố K2 phụ gia mỗi ngày được giảm cả suy thận lẫn bệnh tim mạch có lẽ do tuần hoàn máu đến thận tốt hơn; tác động của MGP khiến máu lưu thông đến da tốt giúp giảm các biến chứng ngoài da của người bệnh thận. Bệnh nhân tim mạch dùng K2 phụ gia sau hai năm thì lượng calcium đóng trong thành mạch máu cũng thuyên giảm đáng kể.
Ngoài ra, sinh tố K2 còn có thể chống viêm, chống kháng insulin, và, mặc dù chưa có kết quả lâm sàng, trên lý thuyết có thể giúp ngừa và chữa Tiểu Đường loại 2.


Gần đây nhất, sinh tố K2 cho thấy khả năng chống ung thư, nhất là ung thư gan, một chứng bệnh không hiếm trên người già gốc Việt. Sinh tố K2 trên lý thuyết có tiềm năng kết hợp với hệ vi sinh vật ở ruột giúp ngừa các bệnh thoái hóa não bộ như Parkinson và Alzheimer nữa.




Cách giản tiện nhất ở Mỹ để bảo đảm có đủ sinh tố K2 mỗi ngày là uống một viên từ 50mcg (micrograms) đến 100mcg Vitamin K2 MK-7 mỗi ngày, được bán trên thị trường mà không cần toa bác sĩ.

Sinh tố K2 cùng với sinh tố D3 là hai phụ gia không thể thiếu để bảo đảm sức khỏe cho tuổi già. Nên bắt đầu dùng từ tuổi 50 trở lên (tuổi trung bình của phụ nữ tắt kinh). Các bệnh nhân bị xốp xương, bị bệnh tim mạch hay suy thận mãn tính nên uống sinh tố K2 ít nhất 100 mcg mỗi ngày để trị bệnh thay vì chỉ ngừa bệnh. Sinh tố K2 không làm giảm ảnh hưởng của thuốc chống đông máu trên các cụ có bệnh tim hay nghẽn mạch máu não.
Trong những năm tới, chúng ta sẽ biết nhiều hơn về các lợi ích khác của sinh tố K2 trong tuổi già.

BS Phạm Hiếu Liêm
Liem H. Pham, MD Former Jackson T. Stephens Professor and Vice-Chairman of the Donald W. Reynolds Department of Geriatrics, UAMS Richard

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2025

Cà Phê Yêu Thương - Minh Thúy Thành Nội


Thơ & Trình Bày: Minh Thúy Thành Nội

Một Mùa Xuân

Không biết xuân nầy ta ở đâu
Mà sao cây lá lại nhạt màu
Chung quanh tuyết đổ và sương trắng
Chẳng bóng người qua lạnh chiếc cầu!

Bạn cũ ngày xuân đà vắng biệt
Ngậm ngùi độc ẩm chén chờ mong
Thao thức bao đêm nhiều luyến tiếc
Xuân đến mà sao xót cả lòng?

Ta ước ngày mai được trở về
Lòng ta thao thức trọn tình quê
Nay còn lưu lạc phương trời lạ
Xuân lạnh ngàn hoa rụng tứ bề!

Mong lắm một mùa xuân hội ngộ
Vang khúc hùng ca buổi dựng cờ
Ấy chính mùa xuân,- xuân vạn thuở
Ai người vong quốc lại không mơ !?

Hàn Thiên Lương


Hương Thầm

 

Soi nghiêng níu chút trăng vàng,
Mượn câu thơ vụn, ý tràn nến trông.
Trời xuân len lén hương lồng,
Trầm rung nốt nhạc, gõ mong gót hài.
Vô thường đượm đóa tháng Hai,
Gió mùa về với đêm dài tinh khôi.
Chân tìm chạm nhịp bồi hồi,
Tình riêng đối bóng, trong tôi hương thầm.

Kim Phượng
***
Phóng Tác:

Hương Thầm

Chút trăng vàng soi nghiêng cố níu
Vụn câu thơ tràn ý nến hồng
Xuân thiên nhẹ tỏa hương lòng
Trầm nghe nốt nhạc, nhẹ trông gót hài
Đóa tháng Hai, vô thường xinh đẹp
Gió mùa về khép nép tinh khôi
Tìm nhau tim đập bồi hồi
Gương vàng đối bóng, hồn tôi hương thầm!

Lộc Bắc


Tố Trung Tỉnh Lệnh 訴衷情令 – Lý Thanh Chiếu


Bài Tống Từ Chú Giải

夜來沉醉卸妝遲。 Dạ lai trầm túy tá trang trì.
梅萼插殘枝。 Mai ngạc sáp tàn chi.
酒醒薰破春睡, Tửu tinh huân phá xuân thụy,
夢斷不成歸。 Mộng đoạn bất thành quy.

人悄悄, Nhân thiểu thiểu,
月依依。 Nguyệt y y.
翠簾垂。 Thúy liêm thùy.
更挼殘蕊, Cánh noa tàn nhụy,
更捻餘香, Cánh niệm dư hương,
更得些時。 Cánh đắc ta thì.

Chú Thích

1 Tố trung tình lệnh 訴衷情: tên từ điệu. Tổng cộng có 44 chữ, 2 đoạn, mỗi đoạn có 3 bình vận. Cách luật:

X B X T T B B vận
X X X X B vận
X B X X X X cú
X T T B B vận

B T T cú
T B B vận
T B B vận
X B X T cú
X X X X cú
X T B B vận

B: bình thanh; T: trắc thanh; X: bất luận; cú: hết câu; vận: vần

2 Dạ lai 夜來: đêm đến.
3 Trầm túy 沉醉: say mèm.
4 Tá trang 卸妝: rửa bỏ lớp phấn hóa trang trên mặt. Tháo cởi những trang sức trên tóc, tai, cổ v.v…
5 Ngạc 萼: lá đài của bông hoa. Mai ngạc 梅萼: lá đài của hoa mai. Trong bài này chữ mai ngạc được mượn để chỉ hoa mai.
6 Sáp 插: cắm.
7 Tinh (vần bằng) 醒: tỉnh rượu.
8 Huân 薰: hương thơm (của hoa cỏ).
9 Mộng viễn夢斷: mộng bị gián đoạn. Bản khác chép “Mộng viễn 夢遠”: giấc mộng đến nơi xa.
10 Quy 歸: về.
11 Thiểu thiểu 悄悄: yên tĩnh không tiếng động.
12 Y y 依依: lưu luyến không muốn dứt.
13 Thúy liêm 翠簾: rèm thúy, rèm trang sức sang trọng.
14 Cánh 更: lại, lại nữa.
15 noa挼: vò nát, mân mê. Bản khác chép “Na 挪”: xoa xát.
16 Nẫm (niệm, niệp) 捻: xoắn vặn.
17 Đắc 得: cần có, cần được.
18 Ta 些: một ít, một số. Bản khác chép “Thử此”: này, đây, thử thì: lúc này.

Dịch Nghĩa

Bài từ theo điệu Tố trung tình của Lý Thanh Chiếu.
Tối đến say mèm, chậm cởi bỏ hóa trang, trang sức,
Bông hoa mai cắm trên tóc đã tàn.
Tỉnh rượu, mùi hoa thơm khuấy phá giấc ngủ đêm xuân.
Giấc mộng bị gián đoạn làm mình không mộng về được (quê hương).

Không gian yên lặng không tiếng người,
Ánh trăng mơ màng làm lòng người quyến luyến,
Bức rèm phỉ thúy rủ xuống.
Lại mân mê (hoặc vò nát) nhụy hoa mai tàn,
Lại xoa xát bông hoa để ngửi mùi hương thơm còn sót lại.
Lại có được ít thời gian này (chờ sáng).

Phỏng Dịch

1 Tố Trung Tình - Tỉnh Giấc Mộng Xuân

Đêm qua say khướt chậm cởi trang.
Đóa mai cắm cành tàn.
Giấc xuân hương phá rượu tỉnh,
Mộng đứt mất về làng.

Người lặng lẽ,
Trăng mơ màng.
Rủ rèm sang.
Lại vò nhụy héo,
Lại ngửi hương thừa,
Lại có thời gian.


2 Tỉnh Giấc Mộng Xuân

Tối đến say mèm nằm ngủ vùi,
Nữ trang chậm cởi phấn không chùi.
Mai tàn cài tóc, mùi hương cỏ,
Rượu tỉnh đêm xuân phá giấc côi.

Mộng về quê cũ đã không thành,
Lặng lẽ mơ màng ánh nguyệt thanh.
Màn thả vò tan hoa nhụy nát,
Dư hương khuây khỏa lúc tàn canh.

HHD 10-2019
***
1 - Tố Trung Tình Lệnh

Đêm về khướt, chậm xóa điểm trang
Mai trên tóc đã tàn
Hương phá giấc xuân, tỉnh rượu
Mộng đứt, chẳng về làng

Người lặng lẽ
Trăng mơ màng
Rủ biếc màn
Lại vò nát nhụy
Lại vắt hương thừa
Lại chút thời gian


2 - Khi Tỉnh Rượu

Đêm về khướt, điểm trang chậm xóa
Mai cài đầu vàng úa héo tàn
Tỉnh say, hương phá giấc tan
Tiếc thay mộng đứt, về làng đứt theo

Người lặng lẽ trăng treo song cửa
Rủ màn xanh vây bủa phòng thư
Vò nát nhụy, vắt hương dư
Thời gian còn chút, tương tư ngập tràn!


Lộc Bắc

Feb25

Khi Rừng Chưa Thay Lá


Đã vào cuối mùa đông mà trời vẫn còn lạnh lắm. Gió có hôm trừ 40, 50 và thời tiết xuống trừ 9, 10 độ F. Mà 30 độ C thì nước đã thành nước đá rồi. Nên phải biết cái lạnh đến dường nào. Với chúng tôi thì không có gì lạ và thắc mắc, bởi đó là thời tiết hết sức bình thường vào mùa lạnh ở vùng thành phố Gió Chicago.

Gia đình chúng tôi thường hạn chế đi đó đi đây nhiều trong mùa đông giá buốt lạnh lùng, ngoài hai buổi đi làm, đi chợ và đưa rước các con đi học. Đồ ăn có thể giữ lâu ngày bán ở các tiệm Tàu, hoặc tiệm Việt Nam thì chúng tôi đã mua trữ từ cuối mùa thu. Thí dụ như là: gạo, tôm khô, lạp xưởng, thịt chà bông, tương, chao, khô... Còn thịt thà tôm cá tươi hoặc đông lạnh mua ở tiệm Mỹ thì lúc nào cũng có tươi, ngon, đôi khi hạ giá còn rẻ hơn ở các tiệm của người Á Đông nhiều.

Và cứ chiều thứ sáu thì tâm hồn những công nhân lao động như chúng tôi vui vẻ phơi phới. Đi làm về tấm ngân phiếu (check) còn ấm túi, ghé qua chợ mua sắm thịt thà, rau cải, trái cây về chất đầy tủ lạnh để chuẩn bị cho tuần tới. Và nhứt là tối thứ sáu cả gia đình từ lớn đến mấy đứa nhỏ tha hồ thức khuya xem phim, chơi gem (game), nghe nhạc, đọc sách, báo... Bởi mai còn là ngày cuối tuần đó mà.

Trên bàn viết cái điện thoại vô duyên, vô hồn nằm đó lạnh lùng bỗng lanh lảnh reo vang từng hồi. Vì cả nhà đang mê mẩn tâm hồn xem phim "Anh Hùng Xạ Điêu" tới hồi hấp dẫn. Mai Xuân Phong (không thấy đường) đang ngồi trên lưng Quách Tỉnh đánh chưởng với mấy ông thầy chùa thúi và Hoàng Vương Khang (Thái Tử Nước Kim, nhưng lại con người nước Tàu) Vì bọn nầy đã đốt lửa un khói ở ngoài miệng hang bay vào cố tính làm cho hai người họ (Quách Tỉnh và Mai Xuân Phong) chết ngộp...
Phu quân tôi và mấy đứa nhỏ đang nín thở chăm chú nhìn lên màn ảnh. Chẳng ai chịu đến giở điện thoại để nghe. "Làm lớn phải làm láo" Tôi phóng nhanh đến chụp ống nghe. Liếc đồng hồ, tôi thấy đã 12 giờ khuya rồi. Thiệt bực mình, không biết có chuyện gì, ai mà lại gọi trễ như vậy?


- Hello, hello...
Tiếng nói của đàn ông lạ bên kia đầu điện thoại:
- Thưa, có phải nhà của chị DTDB không?
- Dạ phải, tôi DB đây. Xin lỗi vị nào bên kia đầu dây vậy?
Giọng vui vẻ của người đàn ông:
- Tôi B H T ở Úc đây chị ơi. Xin lỗi chắc bên đó khuya rồi hả chị?
Thì ra đây là anh bạn đồng môn thường thư từ bằng E-mail, chớ chưa bao giờ gọi điện thoại viễn liên. Tôi vui vẻ:
- Dạ chào anh Trạng. Không sao đâu, vì sự chênh lệch giờ giấc của hai nước xa quá là xa mà anh. Gọi điện thoại viễn liên tốn kém lắm. Anh gác máy đi, có số điện thoại của anh đây. Tôi sẽ gọi lại cho anh liền...
Bên kia đầu dây giọng cười hề hề:
- Nhằm nhò gì chị ơi, nói đi, ai gọi cũng vậy mà, chị đừng có gọi đi gọi lại mắc công lắm...
Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh của chúng tôi là thế đó! Hệch hạc, hề hà có sao nói vậy. Không trau chuốt, khách sáo, màu mè.
Tôi trả lời:
- Thôi cũng được. Vậy hôm nay anh gọi cho tôi chắc có chuyện gì quan trọng hả anh Trạng?
- Không hẳn đúng như vậy. Chủ yếu là gọi thăm anh chị cùng gia đình và hỏi lại anh chị có sẵn sàng lên đường qua đây chưa?
Tôi cười khẳng định:
- Thưa anh, chúng tôi đã chuẩn bị xong rồi, chờ đến ngày là đi ngay. Không có gì thay đổi cả anh ơi. Anh chị và các cháu khỏe chớ?
- Khỏe, bà xã tôi đang trông chị qua đó…

Tôi cảm thấy nôn nao trong lòng muốn gặp ngay vợ chồng người bạn hiếu khách, tốt bụng nầy mà chưa lần nào gặp mặt. Anh Trạng hỏi như vậy không phải là không có nguyên nhân. Bởi chiến sự của thế giới đang sụt sôi. Chiến tranh có thể xảy ra ở các nước bất cứ lúc nào. Mỹ đang đánh Iraq. Bịnh SARS đang hoành hành các nước, nhứt là ở Châu Á. Làm cho dân tình thế giới bàng hoàng sợ hãi.

Bạn bè và thân nhân thật lòng lo ngại cho chuyến đi xa nầy của chúng tôi. Các con tôi sợ cha mẹ tiếc tiền nên đề nghị:
- Ba má bỏ giấy máy bay đi, chúng con sẽ trả liền lại cho. Tình hình các nơi không được tốt, rủi kẹt lại ở nước nào đó thì khổ lắm. Thôi ba má đừng đi nghen…
Em gái tôi ở tiểu bang xa, cũng điện thoại khuyên:
- Tình hình chiến sự không biết sẽ đi về đâu? Anh chị nên hủy bỏ chuyến viễn du nầy đi. Có tiền thì lúc nào đi du lịch không được? Nghe nói chánh phủ Mỹ cũng khuyên, nếu không cần thiết thì không nên đi xa trong những ngày tháng nầy... Đang lúc hỗn độn, rối ren, anh chị đi như vậy thấy có đáng ngại lắm không?
Những người bạn thân biết chuyện cũng bảo:
- Nghe nói ông bà định đi xa hả, bộ hai người có học gồng sao? Nên gọi hãng máy bay dời lại dịp khác đi. Đang lúc nầy mà đi xa, thì ông bà có thấy là mạo hiểm lắm không?
Lòng tôi cũng nao núng trước những lời khuyên lơn, nhắc nhở… Tôi bàn với phu quân tôi:
- Sao ba sắp nhỏ, con cái, em út, bạn bè... thật lòng khuyên chúng ta không nên đi trong lúc nầy. Như vậy anh nghĩ thế nào? Có nên hủy bỏ chuyến đi không?
Phu Quân tôi trầm ngâm một hồi, bảo:- Em có sợ không? Đi thì đi chớ ngại gì? Con người đều có số cả. Ngọc Hoàng mà giũ sổ rồi thì ở đâu cũng không sao tránh khỏi…
Trong gia đình bé nhỏ của chúng tôi, thường thì tôi là xếp. Bởi các con tôi (trai cũng như gái) muốn mua sắm thứ gì, muốn xin cái gì cũng đều hỏi mẹ. Có hỏi ba chúng, thì ông cười hì hì bảo với đám nhỏ rằng:
- Các con hỏi mẹ trước, mẹ là xếp của mình...
Có lẽ ông nói vậy cho vợ mát lòng mát dạ. Chớ thật ra những chuyện lớn nhỏ trong gia đình, quyền quyết định tối hậu vẫn là của phu quân tôi.

Vạn dặm đường xa! Tôi mơ màng nghĩ phải ở thời xưa thật là xưa, Tề Thiên Đại Thánh chỉ cần nhún mình một cái, từ Mỹ sang Úc chỉ trong chớp mắt thì tới ngay thôi. Nhưng ở thế gian, trên một nước hiện đại ngày nay, chúng tôi đi từ phi trường O'hare (Chicago) đến Phi trường Los Angeles hết 4 giờ 15 phút. Đến sân máy bay Quốc Tế ngồi chờ đợi mất 2 giờ. Máy bay cất cánh 11giờ 30 phút đêm, chở chúng tôi và hành khách chung chuyến bay trên dưới khoảng 500 người, một lèo bay đến Úc. Bay không ngừng nghỉ, không ghé bất cứ một nước thứ ba nơi nào mà cũng phải mất hết 15 giờ. Eo ơi! Thiệt là ê ẩm cả tứ chi cho bộ xương già của tôi!


Đón chúng tôi tại phi trường Melbourne có vợ chồng anh Bùi Hữu Trạng, anh Huy, Anh Huỳnh Ngọc Minh (Dallas TX), Anh Dương Quốc Hồng (ba anh đồng môn, còn chị Bùi Hữu Trạng và anh Dương Quốc Hồng không phải đồng môn của tôi). Nhưng anh Hồng là bạn của chúng tôi từ mấy mươi năm trước ở cố hương.

Sau khi nhận đồ gởi theo trong chuyến đi. Ra đến bãi đậu xe ở phi trường mới hơn 9 giờ sáng. Hàng quán chưa nơi nào mở cửa. Anh Hồng gọi điện thoại về nhà và đưa chúng tôi về thăm chị Hồng cùng các cháu.
Anh chị Hồng đãi chúng tôi bữa ăn nhẹ điểm tâm. Sau đó chúng tôi từ giã anh chị Hồng về nhà anh Trạng để chuẩn bị cho buổi tiếp người phương xa do các anh chị đồng môn ở Melbourne đón tiếp anh Huỳnh Ngọc Minh và vợ chồng tôi ngay chiều tối hôm đó.
Anh Bùi Hữu Trạng trong ban tổ chức buổi tiếp tân đêm nay có nhã ý mời anh chị Hồng cùng các cháu đến tham dự. Vì anh Trạng biết anh chị Hồng là bạn lâu đời của chúng tôi.

Khi bắt đầu khai mạc buổi tiếp tân thì anh Hồng điện thoại cho biết không đến được vì trời mưa và rất bận rộn thu xếp mọi thứ để sáng hôm sau sang du lịch ở Mỹ. Đã hơn ba mươi mấy năm gặp lại, anh Hồng chúng tôi chỉ gặp nhau khoảng hai giờ đồng hồ thôi. Tôi cảm thấy buồn buồn vì không biết đến bao giờ chúng tôi mới gặp lại nữa? Và không ai có thể chắc chắn có còn gặp lại nữa không? Mọi sự việc trên thế gian nầy có thể thay đổi theo cái tích tắc của kim đồng hồ! Làm sao biết trước được chuyện của ngày mai! Vâng, không ai có thể ngờ và biết trước được!

Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh chị Bùi Hữu Trạng. Nhưng tôi cảm thấy quen quen nhứt là chị Trạng, như tôi đã gặp ở đâu rồi?
Tươi cười tôi hỏi chị Bùi Hữu Trạng:
Thấy chị Trạng quen mặt quá. Không biết chúng mình đã gặp đâu rồi phải không?
Chị Trạng vui vẻ trả lời:
- Mình tên là Ngọc Anh, mình thấy chị cũng quen lắm. Ngày xưa chị
Diễm có học trường nữ Trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho không vậy?
Tôi cười vui:
- Dạ không, tôi học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ...
Thế là trên đường đi, mấy ông thì nói chuyện với mấy ông, còn tôi và chị Ngọc Anh tía lia kể cho nhau nghe từ thời còn Trung học đến lập gia đình, rồi đi làm việc. Và cuộc sống hiện tại của hai gia đình chúng tôi ở hai xứ tạm dung…
Tôi nói tiếp:
- Mình học xong cấp 3 trường nữ Trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Rồi đi học y tá và khi ra trường về làm ở Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Mỹ Tho. Còn chị thì sao chị Ngọc Anh?
Miệng chị Anh cười tươi tắn, để lộ hàm răng trắng đều, bảo:
- Mình hả? Học Sư phạm Cần Thơ. Ra trường dạy học ở đó rồi có chồng, mọc gốc mọc rễ bên Cần Thơ luôn. Làm việc ở Mỹ Tho, bồ ở đâu?

Chỉ chừng đó thôi, chúng tôi thấy như quen nhau từ lâu lắm rồi. Xưng hô với nhau loạn xạ lúc thì bồ, lúc thì mình, lúc bạn, lúc thì tui... Hai phương trời cách biệt nầy, nhưng có lẽ cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng, cùng nỗi buồn của người xa xứ. Chúng tôi lại cỡ tuổi nhau, học hành ngang nhau, cùng ở vùng Châu Thổ và nhứt là tấm chân tình của chị. Nên chúng tôi rất nhanh và dễ dàng hòa hợp ở mọi câu chuyện.

Chị Ngọc Anh nước da ngâm ngâm, dáng dấp người mảnh mai, tóc dài, tánh tình hòa nhã, ăn nói nhỏ nhẹ, mềm mỏng, cười hi hí và hay nói tếu (tếu ngầm). Rất dễ thương. Còn tôi thì “mình hạc xương cối đạp” giọng nói rôn rổn, cười rang rảng… khi nào hợp ý thì tôi cười ha hả thả cửa, cười hết ga… Mà có lần ông thầy bói tướng mù ở góc phố, nghe tôi cười đã nói trước mặt ba má tôi rằng:

Giọng cười hào sảng nầy mà thanh niên nào có thì chắc chắn sẽ được quyền cao chức trọng hiển vinh một đời! Còn ở phụ nữ thì lỗi số! Cho nên phái nữ mà có giọng cười nầy thì không lết bằng mo, bò bằng mủng thì cũng nghèo xác nghèo xơ, nghèo không gạo nấu, nghèo không trấu mà un...

Tôi ứa gan, và nguýt xéo ông thầy bói. Ba tôi với ánh mắt nghiêm khắc nhìn con! Còn má tôi quét cặp mắt trách móc vì đã bao lần cảnh cáo cô con gái cưng của bà phải sửa lại tiếng nói, giọng cười cho mềm mỏng dễ thương… Nhưng tôi quên thì chẳng bao giờ nhớ, bởi "Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh" tôi bèn bắt chước trổ giọng Trung mà than rằng: "Ui chao, tui phải làm răng bây chừ?" Nhưng tội nghiệp cho ông thầy bói nầy. Đã không tự bói cho mình, hôm nay chắc ông hết thời rồi, nên mới dám chê bổn cô nương thậm tệ như vậy! Và từ đó về sau, ông thầy bói tướng mù ít khi đi qua con đường trước cửa nhà tôi. Bởi có một chiều đẹp nắng! Chị ba tôi và tôi lén ăn cắp cái mu rùa và manh đệm rách của ông ngồi coi bói, thảy xuống sông cho nước cuốn trôi đi! Đã mấy mươi năm rồi, bây giờ chợt nhớ lại tôi bật cười thành tiếng, khiến chị Ngọc Anh ngạc nhiên nhìn tôi lấy làm lạ.

Tôi lờ đi, cười cởi mở trả lời chị
- Tôi ở chợ Thạnh Trị (chợ Lò Heo), đường Trần Quốc Tuấn. Còn Mỹ Tho chị ở đâu, đường nào vậy chị Ngọc Anh?
Chị Ngọc anh mắt ngời sáng, tươi vui:
- Mình ở trong cư xá nằm phía sau Ty Điền Địa. Chị có biết chỗ đó không? Ba mình là ông... làm trong Ty Điền Địa mấy chục năm lận.
Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng: gặp lại đồng hương, ở cùng phố:
- A, vậy là mình biết ba của chị. Thỉnh thoảng bác có ghé qua khám bịnh. Thì ra mình là láng giềng với nhau. Nếu chị ở trong cư xá Ty Điền Địa đến chợ Thạnh Trị phải đi vòng ra cửa chánh thì đi bộ hơi xa. Nhưng nếu chị chun hàng rào đi tắt ra chợ thì rất gần. Nếu chun hàng rào ra chợ thì bắt buộc chị phải đi ngang qua nhà mình vì chỉ có một con hẻm duy nhứt đó. Nhà mình cách cư xá chỉ có mấy căn nhà và cái hàng rào kẽm gai thôi.
Chị Ngọc Anh vui vẻ, cười nói:
- Đúng rồi, sáng sáng mình thường bưng rổ ra mua xôi mua bắp ở chợ cho mấy đứa em. Bữa nào trễ mình thường hay chun lỗ chó rồi đi qua ngang nhà chị. Mình nhớ nhà ai trong xóm đó có nuôi mấy con chó hết sức dữ dằn. Mỗi lần đi qua nó chỉ sủa thôi mà mình vẫn sợ gần chết...

Về đến nhà chị Trạng, chúng tôi tắm rửa thay đồ cho tỉnh táo. Còn anh Trạng thì chạy đi chợ mua thịt thà để chị Ngọc Anh ra tay nấu nướng cho buổi cơm trưa khoản đãi cho anh Huỳnh Ngọc Minh và vợ chồng tôi.
Thời gian xáo trộn, bên Úc đi trước Mỹ mười mấy giờ. Vùng tôi đang ở Chicago (Mỹ) chênh lệch giờ vùng anh chi Trạng ở Úc là 17 giờ. Mắt tôi thì mở thao láo nhưng trong óc cảm thấy cứng như cục đá, và lơ tơ mơ chẳng tỉnh táo chút nào cả.

Chị Ngọc Anh cười bảo chúng tôi:

Anh Minh, và anh chị Diễm hãy vào nằm nhắm mắt dưỡng thần đi. Đừng có ngại, chúng tôi biết đường sá xa xôi và giờ giấc chênh lệch quá. Quý vị rất mệt mỏi, cứ nghỉ ngơi, chừng nào anh Trạng về, nấu nướng xong, chúng tôi sẽ gọi quý vị. Hãy tự nhiên, đừng ngại chi cả nghen.
Chỉ chờ có thế, tôi chùi lên giường không biết trời trăng mây nước chi hết. Khi giật mình tôi nghe tiếng gáy khò khè của ông xã tôi. Rồi ông cũng trở mình thức giấc. Tôi chìm trong giấc ngủ say được hơn hai giờ thôi, mà tỉnh táo chi "lọa!" Bởi giờ giấc không quen nên khó có được giấc ngủ dài.
Ở nhà tắm bước ra, tôi thấy phu quân tôi áo quần tươm tất và ngồi trên ghế dựa ở phòng khách tự bao giờ. Ông nhìn tôi cười cười, và thuận tay chỉ:
- Kìa, xem kìa, món ruột của em đó.

Trên bàn một dĩa lớn đầy những miếng mãng cầu dai trắng ngần (mãng cầu dai ở đây trái to và dài như mãng cầu xiêm ở bên quê nhà) hột đen huyền chứng tỏ mãng cầu để già lắm hoặc chín cây mới hái. Chẳng e dè, tôi chộp ngay một miếng ăn liền. Ôi, mùi vị thơm tho ngọt ngào từ từ đi vào vị giác tôi. Rồi tôi lại ăn miếng thứ hai, miếng thứ ba, ăn không ngừng...
Ông xã tôi khều nhẹ, nhắc nhở:
- Còn phần anh Minh nữa đó.
Tôi cười mỉm chi cọp chẳng nói gì. Anh Minh ở phòng bước ra, gọn ghẽ trong bộ đồ mới thay. Áo trắng tay ngắn, quần xanh dương sậm, chỉnh tề như thuở còn là nam sinh Phan Thanh Giản. Anh cười chào chúng tôi:
- Chào anh chị Diễm, sao hai ông bà thức sớm vậy? Không ngủ thêm chút nữa?
Ông xã tôi cười:
- Chào anh Minh. Anh ngủ có ngon không? Chúng tôi chỉ thức sớm hơn anh một chút thôi.
Tôi lớn tiếng mời:
- Anh Minh ăn mãng cầu dai đi. Mãng cầu tươi và và ngọt lắm. Của chủ nhà đãi đó, chớ không phải của tui đâu nghen…
Anh Minh vui vẻ:
- Chị ăn đi. Ở đây trái cây ngon lắm, vì họ trồng trong nội địa. Năm nào tôi cũng qua Úc, vì dòng họ tôi sống rải rác một vài tiểu bang. Chị mà đến Sydney thì còn nhiều thứ trái cây ngon khác nữa.
Tôi mở to mắt ngạc nhiên. Vì trong lòng tôi cứ tưởng các loại trái câyÁ Châu từ Thái Lan, Tàu, hay các nước khác được nhập vào nước Úc.
Tôi mở cờ trong bụng rồi nhoẻn miệng cười tươi như hoa, mạnh miệng hỏi thêm lần nữa:
-Anh Minh, bộ anh không ăn mãng cầu hả?
Anh Minh cười:
- Không, chị ăn đi…
Tôi lật đật bưng dĩa mãng cầu lên, vừa cười vừa nói:
- Vậy thì tui không khách sáo đâu đó nghen anh Minh.

Ngoài hiên nhà tiếng chim kêu ríu rít. Lá xanh cành nặng hoa, nặng trái. Trên nền trời ngọc thạch rải rác từng cụm mây trắng mỏng thong dong từ tốn nhè nhẹ bay theo hướng gió. Vì Úc châu đã vào chánh mùa xuân. Trong buổi ăn trưa của chúng tôi ngồi quanh bàn gồm có anh chị Trạng, hai cặp vợ chồng hai cô con gái cùng cậu con trai còn độc thân của anh chị, anh Minh và vợ chồng tôi. Trên bàn có nhiều món ăn do anh chị Bùi Hữu Trạng làm hỏa đầu quân.
Anh Trạng mời mọc:
- Mời quý vị ăn thử món thịt con kangaroo. Đến Úc mà không ăn mónnầy thì thật là thiếu sót, coi như chưa đến Úc. Hôm nay chúng tôi cố tình mua món nầy để đãi quý vị đó.

Anh Minh cười khiêm nhường:
- Cảm ơn chú thiếm Trạng nhiệt tình với chúng tôi quá. Mong có dịp được tiếp đón chú thiếm ở Mỹ. Nhất là ở Dallas vùng tôi đang cư ngụ.
Ông xã tôi tiếp lời anh Minh:
- Phải đó, anh chị sắp xếp Mỹ du một chuyến đi. Nếu đến vùng giá băng Chicago thì ở nhà chúng tôi. Để chúng tôi có dịp được tiếp đón anh chị.
Chị Ngọc Anh và hai cô con gái để thịt kangaroo lên bếp điện nướng ngay trên bàn ăn. Thịt xèo xèo trên bếp nóng. Mùi thịt ướp gia vị tỏi, hành... bay lừng theo làn khói tỏa thơm phưng phức. Chị Trạng gắp miếng thịt vừa chín để vào dĩa tôi, mời:
- Thử đi chị Diễm, xem vừa ăn không, nếu lạt thì có nước chấm đây.
Thịt bò, thịt heo, thịt dê, thịt thỏ... Nhiều thứ thịt đã được ăn qua, tôi chưa thấy thịt nào đậm đà, ngọt, mềm như thịt kangaroo. Cộng vào tài ướp thịt của chị Trạng nên món thịt nướng kangaroo quả thật là tuyệt quá đi! Tôi và chị Anh vừa ăn vừa nói về các món ăn khác với hai cô con gái và hai chàng rể trẻ của chị. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc về một vài địa danh ở quê nhà với bao niềm thân thương luyến nhớ…
Còn mấy ông thì nhấp nháp đôi chai bia. Không ai uống thả ga vì còn phải để dành bụng chiều nay uống ở nhà hàng. Tôi đang ăn ngon trớn, không biết đã đến miếng thứ mấy thịt nướng của con kangaroo? Bỗng dưng tôi khựng lại, dội ngược bởi hình ảnh con kangaroo nhảy nhảy rồi dừng lại ngồi bên kia bờ suối. Trong túi trước bụng của nó có hai ba con nhỏ. Cả mẹ lẫn con mắt mở to ngơ ngác hiền lành nhìn tôi mà năm rồi tôi đã gặp trong lần viếng thăm vườn bách thú!

Chiều hôm nay mưa rơi tầm tả! Ngồi trên xe nhìn mưa rơi qua làn kiếng trong, tôi nhớ đến năm Đệ nhị, nhớ con nhỏ bạn mắc toi Lê Thị Huỳnh Hương của tôi bị bồ lỡ hẹn vì trời mưa. Nhỏ chờ hoài mà chàng không đến, về khóc râm rức với tôi. Xúc cảnh sinh tình của bạn, tôi viết tặng nó bài thơ trong đó có mấy câu trên. Giờ đây, nơi phương trời xứ lạ, nơi tôi tạm cư và những nơi tôi đã được đi qua: Mỹ, Âu, Úc, Á... Tôi cố tình tìm kiếm người bạn đồng môn Đoàn Thị Điểm ngày xưa nhưng vẫn bóng chim tăm cá!

“...Chiều thứ bảy mưa rơi anh không đến,
Băng đá kia trơ trẻn đợi chờ ai?
Nơi công viên không buồn đó gót hài
Ai đưa về, ai vẫy tay lưu luyến?
………………………………..”

Buổi tiếp đón đồng môn có mười bàn và mỗi bàn trên dưới khoảng mười người. Sau phần nói về ý nghĩa buổi họp mặt hôm nay là phần giới thiệu thầy cô, bạn đồng môn. Ở Mỹ qua. Đêm nay còn có anh chị Châu Minh Hoàng ở San Jose (miền Bắc California ở Mỹ) anh Minh ở Texas và vợ chồng tôi, còn lại là thầy cô và các đồng môn ở địa phương.
Trong buổi dạ tiệc có phần văn nghệ bỏ túi. Tôi biết được ngoài công việc điều khiển chương trình khéo léo cho buổi tiếp tân đêm nay, anh Việt (em trai của anh Bùi Hữu Trạng) còn là người hát hay, đờn giỏi và nhứt là ngâm thơ tao đàn thật tuyệt!
Phần văn nghệ vui nhộn và hấp dẫn vô cùng với những giọng hát hay không bằng hay hát của trai thanh gái tú của dâu, rể (già) cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm ở miền Nam nước Việt năm xưa, đang lưu lạc tạm cư ở địa phương nầy.
Dưới chân đồi nhìn lên, ngôi nhà ngói đỏ kiến trúc theo lối của người Á Đông. Tôi hỏi chị Ngọc Anh:
- Kiến trúc sư nước nào vẽ họa đồ cất ngôi nhà nầy vậy?
- Mình không biết chính xác. Ngôi nhà nầy mình mua lại của một gia đình người Nhật.
Tôi nói tiếp:
- Mái nhà lợp bằng ngói âm dương màu đỏ. Cất theo triền đồi, cao, trung và thấp. Có sân trước, vườn sau... Ngôi nhà kiến trúc xinh xắn, đẹp, hợp với phong cảnh đồi cây xanh lá, suối nước róc rách. Ông bà thật khéo chọn vị trí khung cảnh ngôi nhà ở nơi rất thi vị nầy. Và chị Anh biết không? Sáng nay thức dậy vừa bước ra cửa, tôi bỗng nghe ai chào "hello! hello!...", tôi tưởng mấy người đi bộ ngang qua chào. Một hồi lại nghe nữa, thì ra hai con két của anh chị nuôi trong chuồng đặt bên hàng giậu gần cửa sổ.

Sáng hôm đó, cháu Thiện, trưởng nam anh chị Trạng chở đến nhà anh chị Huy để rước hai ông bà cùng chuyến du ngoạn với anh chị Trạng, anh Minh và chúng tôi. Anh chị Trạng đã cụ bị những thức ăn, nước uống, những thứ cần thiết cho chuyến đi chơi này từ ngày hôm qua. Chị Huy cũng mang theo nào táo, cam, nho, bánh ngọt... Anh Trạng ngồi trước xem bản đồ để chỉ đường cho tài xế. Phu quân tôi và anh Minh thì nhắm mắt để đó như đang ngủ, nhưng chúng tôi nói chuyện gì hợp gu thì hai ông góp ý ngay.
Anh Huy người cao lớn, ít nói, hay cười hì hì khi ai kể chuyện gì anh thích. Chị Điệp bà xã anh Huy người Bạc Liêu, xinh đẹp, vui vẻ, thật tình. Ba mụ đàn bà chúng tôi thì lúc nào cũng có chuyện để nói. Sau khi kể chuyện gia đình con cái học hành, thì đến những chuyện trên trời dưới đất hồi lúc còn đi học, rồi những chuyện mới xảy ra... Chúng tôi trào lòng theo từng câu chuyện vui buồn, tiếu lâm lẫn lộn.

Tôi bạo miệng hỏi:
- Anh Huy à, anh ngày xưa ở Cần Thơ. Còn chị Điệp thì ở Bạc Liêu làm sao anh gặp mà cưới chị vậy?
Nghe nhắc đến chuyện tình từ thuở đôi mươi của mình, anh Huy mừng quá tỉnh ngủ ngay:
- Ngày xưa tôi đi lính ở Bạc Liêu.
Chị Anh xen vào góp chuyện:
- Như vậy chưa đủ, anh phải kể nguyên nhân nào và hoàn cảnh nào hai người quen nhau?
Tôi cười phụ họa:
- Đúng rồi đó, chị Điệp tài như vậy, đẹp như vậy, thì cớ làm sao? Tình tiết nào? Mà anh rù quến được người ta vậy "hè"?

Chị Điệp là cô giáo dạy chữ Việt, người Tàu lai, chân thật, dễ thương. Chị cười ngất bảo:
- Hai chị biết không? Ngày xưa tôi ghét ổng hết chỗ nói, ổng dê sao mà dê đạo lộ, dê quá chời hà!
Anh Minh (bạn học rất thân từ nhỏ với anh Huy) và ông xã tôi cười ngất, nói:
- Chết mầy rồi Huy ơi, vậy mà thuở đó mầy giấu tao há...
Anh Huy làm bộ không nghe, miệng cười chúm chím, mắt hướng ra cửa sổ xe nhìn trời hiu quạnh! Tôi và chị Anh cười ha hả, tấn công:
- Sao chị Điệp, chị ghét cay ghét đắng ảnh mà sao lại ưng ảnh vậy?
- Ờ, sao vậy chị Điệp?

Chị Điệp cười vui:
- Thì có gì đâu, ngày nào mình đi học ngang qua nhà ổng ở trọ thì ổng ra đứng ngó…
Anh Huy lật đật xen vào:
- Còn thiếu, đi theo sau lưng nữa! Mấy năm trời mới làm quen được với bả. Bả khó khăn vô cùng! Theo bả riết rồi bả chịu không nổi, bả bực mình bảo đừng theo bả nữa để bả theo tui để trả thù...
Tôi và chị Anh cười muốn vỡ kiếng xe. Tôi chêm tiếp:
- Nghe thiên hạ đồn rằng: Giờ ra nước ngoài, và dạo nầy anh Huy hay đi chùa lắm phải không?
Anh Huy mở to mắt chưng hửng, hỏi:
- Sao chị biết?
- Nồi ơi, anh quên sao, ông xã tôi tên Biết, thì làm sao tôi không biết?

Chị Ngọc Anh cười lớn rồi hỏi:
- Anh vào chùa để tắm mát tâm linh phải không?
Anh Huy nhướng nhướng mắt về phía vợ, cười mím chi cọp:
- Tại bà Điệp nhà tôi hiền lành và tốt bụng quá, khi chết bả sẽ được lên sống ở đất Phật. Tôi bây giờ lo đi làm công quả cho chùa, tu tâm dưỡng tánh để sau nầy cũng được lên ở chung với bả.

Ba mụ đàn bà chúng tôi ngồi băng trên, ba ông đàn ông ngồi băng dưới. Chị Điệp đưa tay quơ quơ xuống phía dưới, với đánh chồng mình. Mắt chị trợn to và miệng chị vừa cười vừa nói lớn:
- Không à! Không được à! Mấy chục năm nay đủ rồi, tôi không cho ông theo tôi nữa đâu nghe...
Ai nấy cười no bụng. Chúng tôi quên mất thời gian đã đi bao lâu và bao xa rồi. Dọc theo đường chúng tôi đi rừng xanh thăm thẳm xe vẫn tiến đều trên con đường nhỏ đưa vào vùng quê thưa nhà, xa chợ… Càng đi xa, cảnh vật hai bên đường càng vắng vẻ, và cây cối càng sầm uất hơn.

Trong lòng áy náy lo sợ, tôi khều bà Anh kề tai nói nhỏ: "Sao đường vắng vẻ quá? Có đi lạc không?". Chị Anh mau miệng hỏi con:
- Sao đi lâu quá rồi mà chưa tới vậy con? Bộ lạc rồi hả?
Cháu Thiện trả lời:
- Ba xem bảng đồ, ba bảo chạy đâu thì con chạy theo đó theo ý ba. Chỗ chúng ta đi thăm hôm nay, con chưa đến lần nào...
Chị Anh lo ngại hỏi chồng:
- Bộ lạc đường rồi sao mà đi hoài không tới vậy ông?
Anh Trạng cười tồ tồ:
- Lạc đâu mà lạc, phải nói là đi sai đường chớ đừng có nói đi lạc đường. "Đường nào cũng đến thành La Mã" sai đường thiệt, nhưng yên tâm đi, sắp tới rồi.


Chúng tôi dừng xe lại đi thăm mười hai ngọn núi mọc lên từ bãi biển, mà dân địa phương đặt tên là "Twelve Apostles" Người ta đồn rằng nơi đây rất linh thiêng, ai có lòng thành cầu gì sẽ được nấy...
Chúng tôi được đưa đi thăm vài di tích lịch sử khác. Khi về đến nhà anh chị Lâm Hữu Lộc đã hơn 9 giờ tối. Mâm bàn đã sẵn sàng chờ chúng tôi vào tiệc.
Nơi đây tôi gặp anh chị Thể, anh chị Việt, anh Phúc... Đã rửa mặt mấy lần mà đầu óc tôi chìm trong giấc ngủ, trong khi hai con mắt vẫn mở trừng trừng. Ăn xong chén cháo bào ngư (nước Úc là nơi sản xuất bào ngư tươi ngon có tiếng), tôi như uống được thuốc khỏe. Cơn buồn ngủ biến mất, tươi tỉnh và bắt đầu góp chuyện với các chị chung bàn.

Vừa ăn xong ở nhà anh chị Lộc thì chúng tôi sang nhà anh chị Đức gần 11 giờ khuya. Ôi, cơn ngủ lại quay quắc trở về với tôi. Ngồi nghe Karaoke trong giấc ngủ chập chờn. Anh Đức có giọng hát chẳng kém ca sĩ Duy Trác chút nào. Anh là người hát liên tục mấy bài trong đêm tiếp tân. Anh và các anh chị đồng môn khác cùng chúng tôi lên hát bản "Anh Đi Chiến Dịch" mà không ai thuộc lời ca. Đến gần 12 giờ hai vợ chồng Bác sĩ Dung đến thăm, sau khi phu quân BS Dung hát hai bài thì từ giã ra về vì bận việc nhà. Tôi giựt mình ngơ ngác khi tiếng vỗ tay rầm rộ và mọi người đang ôm bụng cười bò lăn sau khi chị Ngọc Anh đơn ca bản "Khi Rừng Chưa Thay Lá".
Tôi khều chị Châu Minh Hoàng hỏi nhỏ:
- Làm gì mà mấy anh chị cười vui quá vậy?
Chị Châu Minh Hoàng hỏi lại:
- Chị không nghe chị Ngọc Anh hát sao?
- Không! Tôi ngủ nên có nghe gì đâu?!
- Thế là chị mất dịp thưởng thức một bài hát hay.
Trước khi rời nhà anh chị Đức, chúng tôi còn ăn mỗi người một tô cháo nấu với tôm mực tươi thật ấm lòng.

Sáng hôm sau, anh Bùi Hữu Trạng chở chúng tôi đi thăm đại sư huynh Nguyễn Thành Các (sư huynh Thành Các là bào đệ của Nguyễn Thành Lễ, sơn mài Thành Lễ nổi tiếng của Việt Nam). Đại sư huynh Các lớn tuổi, nên tay chân hơi yếu nhưng mặt mày hồng hào, trí nhớ minh mẫn. Huynh nói với tôi: "Đặc san trường mình năm rồi ở Mỹ, Cảm ơn Diễm Buồn có nhã ý viết bài thơ tặng huynh".
Ngoài việc gặp gỡ các đồng môn sống ở địa phương, chúng tôi đến thăm Nhạc sĩ Văn Giảng - Thông Đạt. Ông là tác giả những bài hùng ca được hát trong các quân trường miền Nam Việt Nam thời Cộng Hòa. Ông cũng là tác giả bản nhạc bất hủ "Ai Về Sông Tương" Và tôi rất hân hạnh được ông phổ nhạc 24 bài thơ của mình.

Chúng tôi đáp chuyến bay đêm đến Brisbane 11 giờ đêm. Tại phi trường có anh Thiệt và hai nàng Tiên là Thủy Tiên và Trúc Tiên (ái nữ anh Thiệt) ra đón đưa chúng tôi về nhà anh chị Hạnh (gia đình vợ chồng người em gái ruột của chị Ngọc Anh).
Khoảng thời gian ở đây, chúng tôi được anh chị Hạnh tiếp đãi nồng hậu như người thân trong gia đình. Chị Hạnh đưa chúng tôi thăm vườn ổi, rẫy, vườn trồng rau cải và những loại trái cây khác. Trong dịp chị Hạnh đi mua hàng về bán. Bởi chị có mấy cửa hàng thực phẩm Việt Nam, bán cho đồng hương, Phi, Tàu, Đại Hàn...
Chúng tôi đi chợ trái cây, thấy có chợ bán toàn là chuối già xanh vỏ. Mà dân địa phương nhất là những người da đen mua rất nhiều, chở cả xe như xe ba bánh. Tôi hơi lấy làm lạ? Chị Hạnh cho biết, có một số dân ngoài đảo ăn chuối như chúng ta ăn cơm.
Lâu lắm rồi, từ rời quê hương đến nay, tôi chưa được ăn nhiều thứ rau, bánh, trái… chỉ ở quê nhà mới có. Bên vùng chúng tôi tạm cư Chicago thuộc tiểu bang Illinois (Mỹ) cũng chưa thấy bán, dù có cũng không được tươi ngon, mùi vị lại khác nhiều.


Một hôm, tôi và chị Anh vào tiệm mua đồ. Mắt tôi sáng rỡ nhìn chằm chặp dĩa bánh tráng ướt ngọt nhưn dừa đậu xanh có rắc muối mè bên ngoài. Tôi chợt cảm thấy lòng sủng buồn nhớ ngay đến bà ngoại đến má tôi. Vào những ngày cận Tết tráng bánh tráng, thế nào cũng có một thau dừa rám nạo và đậu xanh cà bỏ vỏ nấu chín để làm nhưn cho bánh tráng ngọt ướt. Trưa nắng mà ăn cái bánh ướt, uống nước trái dừa xiêm thì tuyệt vời, không mơ bánh Tây, bánh Mỹ, bánh Tàu… nào nữa cả!
Chị Anh mua hai dĩa bánh tráng ướt. Bụng không đói nhưng tôi lại muốn mở ra ăn liền. Thuận tay, tôi chộp hai lon nước dừa sô-da trên kệ kế bên. Trả tiền xong tôi và chị Ngọc Anh tình tang ra xề ngồi nơi cột đèn vừa ăn, vừa nói cười vui vẻ mà quên thiên hạ sự! Chúng tôi chẳng buồn để ý chút nào đến cảnh vật chung quanh! Khi ăn xong, đứng dậy tôi mới phát hiện hai đứa đang ngồi giữa sân chợ. Bao quanh là hàng quán của người Việt… và người trong hàng quán đang đổ xô mắt nhìn về phía chúng tôi! Có lẽ họ vừa lấy làm lạ, vừa ngạc nhiên bởi hai mụ lạ mặt nầy tóc đã hoa râm mà ngồi dưới cột đèn ăn uống nói cười rổn rảng không ý tứ chi cả? Chúng tôi hơi ngượng, nhìn nhau cười cầu tài.

Tôi nói:
- Chị có thấy tụi mình kỳ quá không? Họ đang nhìn và cười đó.
Chị Hạnh cũng cười:
- Nhầm nhò gì, họ cười thì đưa mười cái răng.
Tôi bật cười thành tiếng, cùng chị rời chỗ. Vừa đi tôi vừa bào chữa:
- Mình không ở đây! Ngày mai chúng mình rời chốn nầy ai còn thấy bọn mình nữa đâu mà sợ đúng không! Chị có hai cô gái gả chồng rồi, mình có một đứa cũng gả xong, thì ngại chi ảnh hưởng của mẹ mà chúng ế chồng… chị Anh nhỉ?
Chị Anh biểu đồng tình:
- Chị hay lắm! Sự thật thì nó đúng như vậy!
Hai đứa chúng tôi vui vẻ đi dưới nắng mai hồng, trong khung cảnh an bình tự do của bầu trời Úc Châu. Chúng tôi qua từng cửa hàng, từng chợ bán trái cây sầm uất của khu chợ đông người Á Đông nhứt là người Việt Nam.

Chiều hôm đó, chúng tôi được chị Hạnh chở đến nhà bác Tám mua rau càng cua về trộn giấm để ăn với thịt bò. Mua bông điên điển, bông so đũa để mai nấu canh chua với cá duồng.
Vợ chồng bác Tám vui vẻ tiếp đãi chúng tôi nơi bàn gỗ tạp ở hậu viện nhà, với ly sữa đậu nành ướp lạnh và dĩa khoai lang dương ngọc trồng ở vườn nhà. Bác gái là người đàn bà hoạt bát, lanh lợi.
Bác vui vẻ hỏi tôi:
- Cô Diễm về Việt Nam mấy lần rồi?
Tôi cười buồn trả lời:
- Dạ thưa bác, cháu chưa về lần nào hết.

Bác trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên, sửng sốt! Tôi không thấy lạ cho lắm, vì cử chỉ nầy đây tôi đã gặp nhiều lần rồi. Đa số những người Việt trốn chạy khỏi nước để tị nạn Cộng Sản làm thân chùm gởi nơi xứ người bằng mọi hình thức... Nay họ trở về quê hương như một phong trào, như một cái "mốt thời đại". Họ lấy làm sung sướng, hãnh diện, tự hào và say sưa khi kể cho mọi người nghe khoản chi tiêu vung vít tiền bạc như bươm bướm bay của họ trong thời gian du lịch ở Việt Nam, như là đãi tiệc người thân, bạn bè, tặng quà, xây nhà, làm từ thiện, bao xe đi thăm thắng cảnh, đi phòng trà, vũ trường v.v.... Thậm chí có người còn mướn thâu phim đem về để có tiệc tùng trong nhà, hay khách đến thăm thì lấy ra chiếu lại cho mọi người cùng thưởng thức thời gian về thăm cố hương…

Bác Tám qua giây phút vẫn còn ngạc nhiên, hỏi tôi:
- Trời đất! Cô ở Mỹ bao lâu rồi mà chưa về lần nào hết vậy?
- Dạ thưa bác, cháu ở Mỹ tròm trèm 24 năm.
Vẫn với thái độ ngạc nhiên không ngờ, bác lại hỏi:
- Tại sao cô không về? Việt Nam bây giờ họ làm cầu, cất nhà cửa, đẹp, và vui lắm cô ơi! Bộ cô không nhớ quê hương mình sao?
Tôi hỏi lại bác:
- Gia đình, dòng họ bác được bác giúp đỡ, cháu biết họ khá lắm phải không? Còn những người hàng xóm của bác, không có thân nhân ở nước ngoài thì thế nào, họ ra sao thưa bác?
Bác chân thật trả lời, chẳng chút đắn đo:
- Ờ, thì những gia đình nào có thân nhân là Việt kiều, được giúp đỡ thì sung sướng lắm rồi. Còn dân trong làng xã thì nghèo khổ lắm cô ơi! Tôi nghĩ ở Việt Nam mà không được Việt Kiều tiếp tay thì sẽ chết khô! Mấy thằng cha giặc đó nghen, chỉ giỏi tài ăn hối lộ và nói láo thôi cô à. Cô nên về một chuyến cho biết...

Tôi cười lạt! Lòng thốn đau, vì trước ngày sang Úc, tôi được thư cô cháu gái có đoạn kể lại nỗi khốn khó tột cùng của những gia đình tôi được quen biết trong làng. Tôi cảm thấy ngậm ngùi nhớ về thuở ngày xưa, vùng quê Nam nổi tiếng nước ngọt cây lành, ruộng vườn, lúa thóc, cá tôm phong phú, dân sống an lành tươm tất. Đó cũng là nơi tôi chôn nhau cắt rún, và sống suốt thời tuổi thơ đề huề với gia đình vào hai thời Cộng Hòa… trước ngày giặc Cộng tràn vào cưỡng chiếm. Ngay sau khi miền Nam rơi vào tay giặc, chúng đã cày tan nát đất nước mến yêu cả rồi! Còn đâu thanh cảnh, an bình của ngày xưa nữa mà về? Có còn chăng chỉ trong hồi tưởng dấu yêu của người xa xứ mà thôi!

Chúng tôi được chị Hạnh hướng dẫn đi tàu trên sông ngắm thành phố Brisbane. Chúng tôi đi dự tiệc nhà chị Thu gặp rất đông thầy cô và bạn bè từ các nơi trên nước Úc đổ về để dự đại hội đêm mai.
Chúng tôi đi thăm biển Queensland. Một vùng biển có khí hậu ôn hòa, thời tiết ấm mát quanh năm. Bờ biển Queensland của Úc Châu nổi tiếng đẹp nhất nhì thế giới. Nhìn ra biển nước trong, xanh biếc, sóng vỗ chập chùng từng đợt, từng đợt… nối tiếp nhau muôn đời không dứt... Tôi cảm thấy lòng mình nao nao và buồn da diết chợt đến đã đưa tôi về các vùng biển: Nha Trang, Vũng Tàu, biển Rạch Giá, Hà Tiên, Hòn Chông, Hòn Trẹm... của quê hương! Ôi, nhớ ơi là nhớ!

Buổi đại hội cựu học sinh Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Úc Châu năm 2003 được tổ chức trong nhà hàng khang trang thanh lịch. Có khoảng trên dưới 20 bàn. Ban tổ chức tháo vác nhiệt tình điều động buổi đại hội thành công mỹ mãn nhờ sự tiếp tay của con gái con rể và con trai con dâu của hai trường từ tiếp tân, ẩm thực đến văn nghệ.
Nhứt là phần văn nghệ của đại hội năm nay đã tắm mát hồn tôi trong những bài ca quê hương qua những giọng ca trầm ấm của các anh các chị. Trong buổi đại hội nầy tôi quen được thêm các sư huynh, sư muội, sư đệ đồng môn nhỏ tuổi học trước và sau tôi. Quen được anh Phước, anh Trị, anh Quang, anh Huỳnh Anh, anh Quới, chị Châu, Sơn, Vân... Quen được các đại sư huynh Huỳnh Khương Lạc đã học xong và ra trường Phan Thanh Giản khi tôi chưa chào đời.
Buổi tiệc tàn, chúng tôi bịn rịn chia tay như thuở nào trước sân trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm mà trong tôi còn bùi ngùi âm vang câu hát "Mỗi năm đến hè lòng mang mát buồn...chín mươi ngày qua chứa chan tình thương..." Brisban đêm nay trăng không tròn, ánh trăng vẫn cao ngạo lộng lẫy trải dài trên cỏ cây hoa lá. Cơn gió đêm vùn vụt lồng lộng vào cửa sổ xe. Anh Trạng làm tài xế, phu quân tôi ngồi cạnh xem bản đồ để chỉ đường khi cần thiết. Nhưng ông xã tôi cứ chỉ lộn chiều hoài vì ở Úc cũng như nước Anh, Hồng Kông... tài xế lái xe bên đường trái. Anh Minh, chị Ngọc Anh và tôi yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ của mình.

Bỗng chị Ngọc Anh hỏi tôi:
- Bộ ngủ rồi hả bà Diễm?
Tôi cười nhẹ trả lời chị và hát nho nhỏ vì lòng tôi hãy còn vương vướng nỗi buồn không tên:
- Ngủ đâu mà ngủ! Chỉ nghe buồn vì ngày mai phải từ giã chốn nầy, giã từ các đồng môn và anh chị. "Mai anh đi rồi, làm sao tôi ngăn được, thà vui đi cho hết đêm nay...”
Có lẽ vì sợ tôi buồn thêm, chị Ngọc Anh cười đánh trống lãng:
- Mấy ông tổ chức hôm nay theo lẽ phải hỏi các phái đoàn ở xa tới có muốn trình diễn văn nghệ thì mời người ta lên. Như vậy mới vui, biết đâu những người nầy có những màn trình diễn vui tươi, trẻ trung để thay đổi bầu không khí? Chị thấy có đúng không?
Tôi ngồi thẳng lưng lên, chồm tới trước, biểu đồng tình:
- Ờ há, như vậy mới vui chớ. Rồi chị sẽ hát bài "Khi Rừng Chưa Thay Lá" cho cả hội trường cười no bụng chơi phải không? Mà chị Anh nè, bài đó hát sao? Tôi chưa được nghe. Tối hôm ở nhà anh chị Đức lúc chị hát thì tôi đang ngủ gục nên chẳng nghe gì ráo. Thức dậy là bị giật mình vì tiếng cười rộ và vỗ tay của mọi người thôi.
Chị Anh mau mắn, trả lời và cất giọng ngân nga trong trẻo hát theo điệu bài "Khi Rừng Chưa Thay Lá":
- Vậy hả? Thì nghe đây: "Khi anh ra đi... rừng em chưa thay lá... Ngày anh về... rừng em lá sum sê... Và bây giờ... rừng em lá xác xơ..."

Thật, khi tiếng hát chị vừa dứt thì một tay tôi bụm miệng, một tay tôi ôm bụng cười muốn nghẹt thở!
Bỗng anh Trạng cằn nhằn:
- Thôi từ rày sắp tới bà đừng có hát bài nầy nữa đi. Bộ hết bài để bà hát rồi sao? Cứ đem bài đó ra hát hoài, nghe kỳ cục quá!
Chị Ngọc Anh cười ngất tỉnh bơ, trả lời:
- Xời ơi, tầm bậy không hà! Tại mấy ông mấy bà nghĩ sa đà rồi cười ầm ầm lên, chớ ai có hát gì bậy bạ đâu mà ông càm ràm. Chị thấy có phải không chị Diễm?
Tôi gật gật đầu, cố đè nén cái miệng mình đừng phát ra tiếng cười, nhưng lòng vẫn còn sôi sụt!

Thời gian như thoi đưa. Tôi trở về Mỹ với nếp sống thường nhật. "Mỗi ngày như mọi ngày" với ngần ấy sinh hoạt của kẻ tha phương. Nơi thừa vật chất, nhưng luôn có khoảng trống len lỏi nỗi ai oán nhớ thương héo hắt trong tâm hồn, từ ngày tôi đào thoát khỏi quê hương, đến sống trên mảnh đất tạm dung tự do nầy. Và từ đó mỗi lần bất chợt nhớ đến chuyến đi Châu Úc vừa qua. Mà những hình ảnh, những tình cảm ấm nồng thân thiết, chân thật đong đầy của thầy cô, của các bạn đồng môn... đã dành cho chúng tôi.
Tôi cũng không làm sao quên được bài "Khi Rừng Chưa Thay Lá" của chị Ngọc Anh (đổi lời) cất giọng hát vang vang, trong khoảng thơi gian chúng tôi viếng thăm nước Úc… Những lời hát đó, âm thanh đó, cảnh sắc đó… đã khiến tôi bật cười thành tiếng khi nhớ đến dù trong lúc tâm tư tôi có muộn phiền.


Trích trong tuyển tập truyện ngắn
“Những Chặng Đường Tôi Đã Đi Qua”

Phát hành năm

Dư Thị Diễm Buồn