Năm 2007, lần đầu trở lại Vĩnh Long trong một đêm tối, sau hai mươi chín năm xa cách. Trời đã về khuya, không mịt mù sương, nhưng hăng hắc mùi khói. Chiếc xe thuê, bảy chỗ ngồi, đang đi vào ngã rẽ, vòng quanh bồn binh Nguyễn Huệ, cạnh bến xe đò ngày trước. Cô em dâu ngồi bên cạnh, liếng thoắng, chỉ chỗ này, trỏ chỗ kia, nhưng cảnh vật mơ hồ, xa lạ quá. Tôi như… Mường Mán trở về thành phố.
Theo hướng ngón tay, tôi xoay qua, quay lại và chỉ biết lắc đầu, lẫn xót xa, không nhận ra đâu là đâu. Một nơi chốn đã quá quen thuộc, nay bỗng chốc xa lạ, trên chính quê hương mình. Xe tiếp tục lăn bánh, lao lách giữa dòng người trong đêm, hướng về Cầu Lầu.
- Cầu Lầu nè, chị nhận ra chưa?
Tôi mỉm cười thay câu trả lời. Có lẽ, cần im lặng định thần. Xe vào Văn Thánh, con đường thời học sinh, ngày hai buổi đi về, nay đã thay tên, đổi họ. Đến nơi, xe ngừng hẳn trước nhà. Nhanh quá! Chả bù ngày xưa ấy, với chiếc xe đạp cà tàng, sút dây sên hoài, đạp hụt hơi mà đường về nhà vẫn xa lắc xa lơ. Ngỡ ngàng bước ra khỏi xe, cũng khoảng sân này, nhưng không là sân của mấy mươi năm trước, đầy Hoa Mười Giờ. Cũng căn nhà này, nhưng khác năm xưa. Bây giờ, nhà lớn, cao hơn với tường vôi trắng thay vách gỗ xám. Về lại đây… thoạt nhìn lại cảnh cũ, chợt nuối tiếc. Về! Để thật sự biết mình đã mất đi ít nhiều, những vàng son hồi ức, hụt hẫng hình ảnh thời thơ dại cũ, trong căn nhà hoàn toàn thay đổi.
Qua một đêm trằn trọc, lạ chỗ nằm, hồi tưởng lẫn lộn buồn vui với tiếc nuối hoang mang. Người trong nhà còn yên giấc, tôi lần bước lên sân thượng. Trên mảnh sân cao, bày cảnh tượng một khu vườn nhỏ, với cây ăn trái, Cóc trồng trong chậu, thân thấp, oằn trái. Những chậu Bông Giấy, một loại hoa ba tôi rất ưa thích. Hoa còn đây mà Người đã miên viễn. Hai gốc mai, đầy nụ, chuẩn bị khoe sắc trong những ngày tới. Vài cây cau kiểng, đâm chồi non mướt. Tất cả, đang trở mình, hòa lòng cùng niềm vui đón Tết của nhân loại. Nhìn xa khoảng bao lơn, trời còn sớm, không sương, lãng đãng một màn khói xám xịt, làn khói không biết phát xuất từ đâu và định hướng sẽ bay về đâu. Trời dần sáng, sắp vào xuân, mà ngọn gió chướng ở phương nào quá xa xôi... Không gió mát, vẫn cảm thấy thoải mái, có lẽ nỗi vui mừng được quây quần bên các cháu, với người thân. Và nhất là được đơn độc đứng trên sân thượng thả hồn lãng đãng…nhen nhúm ý thơ.
Nắng ban mai tỏ rõ, tôi theo các em thăm lại chợ Vĩnh Long. Bây giờ tiếng gọi “Nhà lồng chợ”, đã trôi vào dĩ vãng, không nghe ai nhắc đến. Nơi này lớn, lạ hơn xưa, muôn kẻ bán, vạn người mua. Trên con đường Gia Long ngày trước, nối dài ra tận Cầu Tàu, chỉ cần bày một vài món, lấn ra con lộ một chút, chợ dài thêm. Chợ nhóm từ sáng sớm, kéo dài đến chiều, luôn cả buổi tối, nên chẳng biết lúc nào gọi là ”tan chợ”. Trọn buổi sáng, có lẽ đi ngắm hơn là mua sắm. Mua chỉ là một ít…xoài sống, bưởi, mít, sầu riêng…ăn cho “đã”. Và tôi trở về nhà, trong nắng nóng, gắt, hâm hấp da thịt.
Về đây, sống lại hình ảnh một thời, nhưng quên hẳn thói quen mấy mươi năm trước, khi nhìn thấy ai cũng ngủ trưa. Lòng quạnh vắng, một mình bước ra thềm cũ, không còn là nơi các chị em ngồi đón gió chiều, ngắm thiên hạ qua lại. Thay vào nơi đó, những cây cảnh mùa xuân, Mai vàng, Mai chiếu thủy, Vạn Thọ bày dọc theo sân. Giây phút chạnh lòng...Hoa xuân bày trên thềm cũ, thay cho người cũ đã xa tít mù. Ngay lúc này, nhìn vị trí những chậu hoa, lại lẫn lộn nhớ chỗ ngồi của các chị em lúc nhỏ. Một mình nghĩ vẩn vơ, về đây, trên thềm xưa, nhìn những chậu hoa đẹp, tươi, nhưng mất háo hức sẽ đi cùng khắp trong lần trở lại quê nhà này. Vậy là mình đã đơn độc suy tư hết cả buổi trưa!
Tối đến, cùng các em ghé quán cà phê, dọc bờ sông Tiền. Khó tưởng nỗi, một nơi vật lộn với cuộc sống từng bữa, nhưng đêm về đèn giăng giăng, người như hội. Sau tuần cà phê.
- Em dắt chị đi chợ Tết nghe! Chưa biết có đồng ý không, cô em dâu đã nắm tay kéo đi. Những căn nhà cũ, nằm dọc bờ sông không còn, chỉ toàn hoa là hoa, rực rỡ như đua sắc cùng hoa đời hàm tiếu, cảnh tượng dễ làm rung động lòng người.
Người cận bên hoa vóc lụa là
Nép mình bẽn lẽn dáng trêu hoa
Nhún nhường đua sắc khoe hàm tiếu
Trên bến đò chiều xuân vấn vương
Thong thả, lần bước vào Chợ Hoa. Trăm hoa, sắc thắm đua chen, hòa lẫn đủ loại, khiến người thưởng lãm ngẩn ngơ, thầm thán phục tạo hóa. Nhưng nổi bật nhất là Lan. Lan đặt trên mặt đất hoặc treo lơ lửng, rất nhiều loại chưa hề thấy bao giờ. Lạ thật! Đang ngắm hoa sao lòng đa đa đoan tính toán, nào phân bón, vật dụng lẫn công chăm sóc, so ra giá bán quá rẻ. Và hiển hiện những giọt mồ hôi lấm tấm, còn, đang đọng trên những cành lá, cánh hoa.
Còn đang thương vay, chân vấp phải đá, chợt nhận ra thềm hoa lỏm chỏm.
- Sao họ chọn nơi sỏi đá thế này để làm Chợ Hoa Ngày Tết? Tôi hỏi.
- Chị không biết đây là đâu sao? Cô em dâu hỏi nhỏ.
- Đây là đâu vậy Thủy?
Thủy hỏi lại giọng đầy trêu cợt, rồi chậm rãi cho biết...
- Trường Nguyễn Trường Tộ của chị nè, chị không nhớ ra sao?
Nằm mơ cũng không ngờ! Mình đang trở lại khung trời ngày cũ, nơi bước chân đầu đi vào cuộc đời, mà nào có hay. Khẽ ngồi xuống, lượm một viên đá. Cầm trên tay, một cảm giác yêu thương, trìu mến lẫn ngậm ngùi, chua xót, xâm chiếm, xoáy sâu tâm hồn. Đúng là có mơ cũng không ngờ! Tôi không cần nhìn kỹ để đoan chắc, viên sỏi này là một phần nhỏ... nền đá, tường vôi hay mái ngói của trường. Thật sự không cần. Càng biết càng đau. Mới ngày nào, lần đầu nhìn ngôi trường, nơi dòng sông Tiền ôm trọn…
Dòng sông nước chảy lững lờ
Mái chèo khua đẩy đôi bờ nhớ thương
Cổng trường, nơi các chàng nam sinh ngổ ngáo, tinh nghịch, tụ họp, người một câu nói vào, kẻ một lời thốt ra, khiến nữ sinh bẽn lẽn, ngập ngừng, nhưng các chàng không giấu nỗi vấn vương…
Nguyễn Trường Tộ quyện ngát hương
Bởi tà áo trắng người thương ra vào
Đâu là Văn phòng, nơi tôi dựng chiếc xe đạp mini, rồi bước vào chọn vài viên phấn màu. Đâu là lớp 11A? Nơi nào là 11B? Tôi mờ mịt không nhớ ra. Kể từ giây phút đó, còn tâm trí đâu để chọn lựa chậu hoa nào nữa. Ra về, tôi không một lần trở lại Chợ Hoa. Tôi không muốn trở lại để tự hỏi mình. Những người của năm cũ giờ phương nào và thềm xưa có nao lòng, khi những bước chân người trên thềm cũ, không là bước vui chân sáo của tuổi học trò, chỉ là bước đi thong thả hay vội vã của người xem, bon chen của người đến chọn hoa đẹp, giá rẻ. Thềm cũ ơi, có ngậm ngùi chào đón hoa xuân? Năm nay 2013, theo hình ảnh gửi từ Việt Nam sang, Chợ Hoa đã dời đi nơi khác và thềm cũ một lần nữa chồng chất cây kiểng dành cho Năm Mới.
Hoa Xuân bên thềm cũ!
Thềm cũ trước sân nhà, với hồi ức nụ cười, niềm vui của các chị em. Ngồi cạnh bên hoa, sao thấy mây trôi lờ lững và lòng cô quạnh hờ hững cuộc vui. Lòng người viễn xứ, có chút xót xa khi trở về thăm. Buồn!
Thềm cũ của ngôi trường Nguyễn Trường Tộ, năm 2007, tan hoang, sỏi đá. Bấy giờ, dù đầy hoa, sặc sỡ, nhưng tôi không còn háo hức "quê hương thu nhỏ, để người viễn xứ mang cho vừa"* Rồi mai đây, tha phương nơi đất khách, những ước mơ, bao hình bóng xưa đã nhòa phai và ngày trở về quê cũ… Một ngày nào đó, nếu có thể, tôi sẽ không mơ ước gì hơn là tìm gặp và được một lần tay bắt mặt mừng, những Người của Nguyễn Trường Tộ một thời. Và được nói rằng...gì...thì gì... bến đổ Nguyễn Trường Tộ không còn nữa. Những “con đò” thầy cô giáo cũ không còn đưa “khách” học trò sang sông. Nhưng lòng đò, lòng khách mãi trĩu nặng thâm tình.
Mái trường xưa đã mất, vẫn còn đây nước sông Tiền với gió lùa hiu hắt, với lục bình nổi trôi. Vẫn còn đây cội me già, chôn chân nhìn sóng vỗ xa bờ, còn đứng ngóng bóng đò xưa, nhìn người qua lại.
Và dù thời gian chầm chậm lướt mau, phút ly biệt tránh sao cảnh thảm sầu, nhưng dầu gì dẫu gì hãy…Gìn Giữ ngôi trường Nguyễn Trường Tộ. Chiếc nôi thời thơ dại đó, đã một thời ôm tròn kỷ niệm của thầy cô, của học trò đất Vĩnh chân quê.
Muôn đời hề chẳng phôi pha!
Kim Phượng
Xuân Quý Tỵ 2013
* Nhạc Nguyễn Đình Toàn
** Cám ơn anh Phú đã chụp những bức ảnh trên